Tăng trách nhiệm của địa phương trong quản lý nghệ thuật biểu diễn

 

Tăng trách nhiệm của địa phương trong quản lý nghệ thuật biểu diễn

26/03/2021 | 08:33

Sáng 25/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020, của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Tăng trách nhiệm của địa phương

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021, thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật; trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP.

Nghị định được xây dựng nhằm định hướng phát triển nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước.

Tăng trách nhiệm của địa phương trong quản lý nghệ thuật biểu diễn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020, của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật

Nghị định số 144 thể hiện sự thống nhất với hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn và tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu của nền văn hóa nước nhà.

Nghị định gồm 5 chương, 31 điều. Trong đó có một số điểm mới như: Quy định phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu thì sẽ do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý.

Ví dụ việc cấp phép biểu diễn được phân cấp cho các địa phương trong lĩnh vực quản lý biểu diễn nghệ thuật, cụ thể là tăng tính chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, các đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở địa phương nào thì cần có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đó.

Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm chấp thuận văn bản biểu diễn trong khuôn khổ hợp tác quốc tế ở Trung ương, UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về sự kiện diễn ra trên địa bàn.

Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong thời hạn 5 ngày làm việc, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lí do. Đối với quy định thi người đẹp, người mẫu thì UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi là đơn vị quyết định văn bản chấp thuận tổ chức. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm đảm bảo hoạt động tổ chức cuộc thi theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam…

Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, là thành viên Ban soạn thảo Nghị định cho biết, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP gồm 5 chương, 31 điều, kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại các văn bản trước đây; điều chỉnh nội dung phù hợp tình hình thực tế; thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Tăng trách nhiệm của địa phương trong quản lý nghệ thuật biểu diễn - Ảnh 2.

Việc phân cấp quản lý biểu diễn nghệ thuật theo địa bàn và vấn đề hậu kiểm.

Tăng cường hậu kiểm

Tại hội nghị, các đại biểu thuộc các cơ quan quản lý văn hóa địa phương, đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức nghệ thuật khu vực miền Bắc đã được phổ biến các nội dung Nghị định, các điểm mới, giải đáp thắc mắc và kiến nghị, đề xuất để thực hiện hiệu quả Nghị định.

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề phân cấp quản lý biểu diễn nghệ thuật theo địa bàn và vấn đề hậu kiểm.

Theo Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Văn Trực, việc phân cấp quản lý theo địa bàn sẽ giúp các địa phương quản lý sát nội dung chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở địa phương, từ đó xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện, tăng quyền lợi và tăng trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các địa phương phải nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn cấp thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương phải tích cực hơn nữa trong công tác hậu kiểm để xử lý các vấn đề vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn...

Theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ưu điểm của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP là phân cấp quản lý nghệ thuật đối với các tỉnh, địa phương. Các đoàn nghệ thuật của Trung ương không có thay đổi nhiều bởi hàng năm kế hoạch của nhà hát đều phải có trước. Sau đó mới được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) duyệt nội dung. Nghị định này góp phần thay đổi các thủ tục hành chính, các địa phương sẽ giám sát được chất lượng nội dung nghệ thuật của các đơn vị, đặc biệt là các chương trình của tư nhân, doanh nghiệp, công ty sẽ được quản lý chặt hơn về mặt nội dung. Trước đây, dồn hết về Cục Nghệ thuật Biểu diễn thì bất cập trong quản lý và điều quan trọng là không trực tiếp giám sát chất lượng các chương trình.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình đã đưa ra một ví dụ thực tế mà Sở VHTTDL Hà Giang đang gặp vướng mắc. Đó là, đã có nhiều chương trình nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân khi đã được thẩm định và thu phí nội dung ở một tỉnh A và tiếp tục muốn đến Hà Giang biểu diễn thì có phải đóng phí, thẩm định tiếp nữa hay không? Mặc dù hiện nay, với việc tiếp nhận này thì Hà Giang sẽ không thu phí nữa. Tuy nhiên, với những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì chương trình biểu diễn đúng với nội dung đã được cấp phép, nhưng đã có không ít đơn vị, tổ chức cá nhân ngoài công lập cũng đưa ra chương trình đã được cấp phép nhưng khi biểu diễn lại “treo đầu dê bán thịt chó”. Điều này khiến người dân rất bức xúc và việc xử lý như thế nào đối với những trường hợp vi phạm này như thế nào? Vì vậy, Sở VHTTDL Hà Giang đề nghị Bộ VHTTDL nên có hướng dẫn cụ thể hơn cho các tỉnh. Đồng thời cân nhắc lĩnh vực nào phân cấp, ủy quyền cho Sở, cho huyện.

TS. Hoàng Minh Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật là phải thực hiện đúng với nội dung đã thông báo, nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định tại Nghị định số 144 và nếu làm sai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được xây dựng đạt mục đích định hướng phát triển nghệ thuật, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Nghị định đã thống nhất hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn và tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu.

Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NĐ-CP khu vực miền Trung tại Đà Nẵng vào ngày 7/4 và khu vực miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9/4.
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn