Phan Quốc Anh - NGHI LỄ VÒNG ĐỜI CỦA NGƯỜI CHĂM BÀ LA MÔN

  

 

Lời nói đầu
 
Người Chăm là một trong 54 tộc người anh em của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đã từng có một nền văn minh phát triển. Trong bức tranh tổng thể của nền văn hóa Việt Nam, văn hóa Chăm đã có những đóng góp, làm nên sự đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất.
Ngoài di sản văn hóa vật thể với rất nhiều di tích phong phú rải rác khắp miền Trung, người Chăm còn đang lưu giữ một kho tàng văn hóa phi vật thể quý báu, trong đó, nổi lên là hệ thống nghi lễ phong phú mà nghi lễ vòng đời chiếm một vị trí quan trọng.
Người Chăm ở Việt Nam có số dân khoảng 130 nghìn người. Căn cứ vào địa bàn cư trú và tôn giáo, chúng tôi chia thành 3 nhóm sau: nhóm cộng đồng Chăm H’roi ở Bình Định, Phú Yên (không theo tôn giáo nào) có khoảng 21.000 người; nhóm cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận (Chăm Bàlamôn - Ahiêr, Bàni - Awal) có khoảng 87.000 người; nhóm cộng đồng Chăm ở Nam Bộ (Chăm Islam) có khoảng 24.000 người, cư trú tập trung đông nhất ở Châu Đốc - An Giang, ở thành phố Hồ Chí Minh và rải rác ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… Người Chăm sinh sống đông nhất và lâu đời nhất ở Ninh Thuận (trên 60.000 người).
Từ trước tới nay, giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đều gọi cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận có nguồn gốc theo Bàlamôn giáo là người Chăm Bàlamôn. Trong suốt quá trình dài công tác ở Bình Thuận và Ninh Thuận, gần gũi với đồng bào Chăm, chúng tôi thấy người Chăm (theo Bàlamôn) không tự gọi mình là Chăm Bàlamôn mà tự gọi là Chăm Ahiêr và người Chăm Bàni (người Chăm theo đạo Hồi giáo bản địa hóa) là Awal. Theo chúng tôi, nếu đã gọi người Chăm theo Hồi giáo bị bản địa hóa là Bàni, có nghĩa là Hồi giáo du nhập vào trong cộng đồng người Chăm từ sau thế kỷ X, đã biến thành một thứ tôn giáo địa phương thì phải gọi người Chăm theo đạo Bàlamôn là “Chăm Ahiêr” mới đúng, bởi qua tư liệu công trình này có thể thấy, đạo Bàlamôn có nguồn gốc Ấn Độ đã thực sự trở thành một thứ tôn giáo địa phương. Sakaya (Văn Món), một tác giả người Chăm, trong công trình Lễ hội người Chăm1 cũng gọi người Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo là Chăm Ahiêr và người Chăm ảnh hưởng Hồi giáo là Chăm Awal (trừ cộng đồng người Chăm theo Islam). Trong lời giới thiệu cho cuốn sách nói trên của Sakaya, PGS. TSKH Phan Đăng Nhật cũng đồng ý với cách gọi này. Bởi những lẽ đó, trong công trình này, chúng tôi xin được gọi cộng đồng người Chăm chịu ảnh hưởng của Bàlamôn giáo là người Chăm Ahiêr.
Người Chăm cũng như các dân tộc ở Đông Nam Á, đều có nền văn hóa bản địa chung của cư dân nông nghiệp lúa nước. Trải qua những giai đoạn lịch sử đầy biến động thăng trầm, văn hóa của người Chăm Ahiêr biến đổi đồng hành cùng diễn trình vận động trong không gian, qua thời gian của sự tiếp biến, loại trừ đa nguồn văn hóa, sự giao thoa, hòa nhập, giữa những yếu tố văn hóa nội sinh và ngoại sinh, tạo nên một sắc thái văn hóa Việt Nam ngày nay. Tuy đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm, nhưng cho đến nay, văn hóa Chăm đầy bí ẩn (nhất là mảng văn hóa phi vật thể), luôn có sức hấp dẫn các nhà nghiên cứu khoa học xã hội.
Để có hiểu biết về một tộc người, trước hết cần tìm hiểu chiều sâu đời sống tâm linh, tư tưởng của họ. Nghiên cứu nghi lễ vòng đời là một hướng tiếp cận trực tiếp vào cốt lõi của đời sống tâm linh, niềm tin tín ngưỡng. Tín ngưỡng được thể hiện qua hệ thống nghi lễ, trong đó, nghi lễ vòng đời người là một mắt xích quan trọng. Thông qua những nghi lễ của các giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời một con người, có thể tìm hiểu thế giới quan, nhân sinh quan, phong tục tập quán, tâm hồn, tình cảm của tộc người cần nghiên cứu.
Nghi lễ vòng đời người là một môi trường khá bền vững trong việc bảo lưu vốn văn hóa truyền thống. Bởi chính trong những nghi lễ ấy chứa đựng mọi yếu tố của bản sắc văn hóa: từ không gian (chiều rộng) đến thời gian (chiều dài) của văn hóa, từ văn hóa cá nhân đến văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, nó chứa đựng đời sống tâm linh, tâm hồn tình cảm của một tộc người. Những nghi lễ vòng đời người như là những sợi dây vô hình xâu chuỗi, vừa gắn kết, vừa trói buộc các cá nhân với cộng đồng, giữa thế giới những người đang sống với nhau và với những người đã chết. Muốn hay không muốn, cuộc đời mỗi con người đều phải gắn kết với cộng đồng nào đó và phải trải qua những nghi lễ vòng đời người. Chính vì vậy, nghi lễ vòng đời người là một môi trường tốt nhất để bảo tồn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.
Nhưng, trong giai đoạn hòa nhập, phát triển hiện nay, cũng như các dân tộc khác, nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr đang nhanh chóng bị biến đổi, cần cấp thiết nghiên cứu và bảo tồn.
Là một người đã hơn 20 năm làm công tác văn hóa ở Thuận Hải trước đây và Ninh Thuận sau này, tác giả công trình hàng ngày gắn bó với người Chăm và cũng rất buồn khi thấy những giá trị văn hóa Chăm đang mai một nhanh chóng. Đề tài này vừa là một công trình đóng góp về mặt khoa học văn hóa, vừa bổ ích cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm ở Ninh Thuận, nơi văn hóa cổ truyền Chăm còn đậm đặc nhất. Với tình cảm và tâm huyết của mình, nhận thấy mảng đề tài nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr còn bỏ ngỏ và đầy sức hấp dẫn, chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài này để nghiên cứu.  Qua đó, chúng tôi mong muốn thu thập, ghi chép lại những tư liệu khoa học mới, bổ sung thêm một phần vào kho tàng tư liệu khoa học về văn hóa Chăm, góp phần để cho các dân tộc khác, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý hiểu biết thêm về người Chăm và văn hóa Chăm.
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sự đa dạng văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc đang được đề cao. Văn hóa và biểu hiện văn hóa của mỗi tộc người ngày càng được nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn với một sự tôn trọng, bình đẳng và bằng những phương pháp tân tiến, hiện đại. Trong công trình này, chúng tôi vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành trong văn hóa học: điền dã dân tộc học, nghiên cứu văn hóa dân gian, lịch sử địa lý, tôn giáo v.v… Từ những tư liệu thu thập được, chúng tôi dùng phương pháp so sánh, quy nạp, đối chiếu, phân tích để bước đầu bóc tách các lớp văn hóa, giải mã một số hiện tượng, đưa ra những phát hiện mới và những nhận định mới của mình về văn hóa truyền thống Chăm thông qua các luận điểm khoa học. Thông qua sự so sánh, công trình bước đầu xác định mối quan hệ lịch sử văn hóa giữa người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận với người Chăm Awal (Bàni), người Chăm Islam, với các dân tộc cũng ngữ hệ Malayo - Polinésien ở Ninh Thuận và trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với người Việt và một số dân tộc cộng cư, cận cư khác.
Với kết quả nghiên cứu của mình, chúng tôi mong muốn đóng góp những căn cứ khoa học, tham mưu cho các nhà quản lý hoạch định những chủ trương, chính sách, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xây dựng kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy sắc thái văn hóa truyền thống của người Chăm.
Để hoàn thành công trình này, chúng tôi xin cám ơn sự giúp đỡ về chuyên môn, sự động viên khích lệ của các nhà khoa học: PGS. TS. Nguyễn Chí Bền, PGS. TS. Ngô Văn Doanh, GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS. Trần Quốc Vượng, GS. TS. Ngô Đức Thịnh và các nhà khoa học văn hóa dân gian khác. Đặc biệt, tác giả xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara, người đã hiệu đính phần ký tự Chăm cho công trình này, xin tỏ lòng biết ơn đến các nhân sĩ, trí thức, các nghệ nhân dân gian Chăm: ông Quảng Văn Đại, ông Lâm Gia Tịnh, TS. Thành Phần, ông Lại Xuân Điểm, ông Sử Văn Ngọc, ông Trương Văn Món và các vị chức sắc, cả sư dân tộc Chăm đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá để chúng tôi hoàn thành công trình này.
Nghiên cứu văn hóa Chăm nói chung và nghi lễ vòng đời của người Chăm Bàlamôn nói riêng là một việc khó. Tuy có những thuận lợi nhất định, nhưng chúng tôi cũng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế về thời gian, trình độ nên công trình khó tránh khỏi những thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo của các nhà khoa học và bạn đọc gần xa./.
Phan Rang, ngày 10 - 8 - 2004
Tác giả Phan Quốc Anh


1 Sakaya, Lễ hội người Chăm, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2003, tr. 25.

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn