Luận văn thạc sỹ mỹ thuật, tác giả: Bùi Thị Tịnh, HDKH. Phan Quốc Anh, Trường Đại học Mỹ Thuật Tp HCM.
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Quần thể
kiến trúc đền tháp Chăm ở Bình Định là một phần di sản văn hoá trong tổng thể
văn hóa Chăm ở khu vực miền Trung nước ta từ thế kỉ XI đến thế kỷ XIV. Đây là
nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật tạo hình độc đáo, đặc sắc, những tác phẩm
tượng tròn, phù điêu gắn với chức năng trang trí cho kiến trúc đền tháp Chăm.
Khi nhắc
đến giá trị mỹ thuật đền tháp Chăm, các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc và
điêu khắc có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Các tác phẩm điêu
khắc không những làm đẹp cho các công trình kiến trúc mà còn làm rõ công năng
sử dụng của các công trình đó. Nhìn một cách bao quát từ những gì còn lại của
mỹ thuật đền tháp Chăm, ta thấy rõ nghệ thuật điêu khắc có mặt hầu hết ở các
cụm đền tháp trên đất Bình Định. Từ cửa, nóc, mái đến thân tháp, đế tháp. Qua
nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cho thấy kỹ thuật chạm khắc của những nghệ
nhân Chăm thời ấy thật điêu luyện và có óc thẩm mỹ tinh tế. Trên bình diện nghệ
thuật, những gì mà các nghệ nhân Chăm để lại đã phản ảnh rõ truyền thống, mỹ
cảm tạo hình rất riêng của người Chăm từ những thế kỷ XI - XIV. Đây là sự nối
tiếp một cách nhuần nhuyễn các phong cách có trước đó và cả những nhảy vọt
trong suốt năm thế kỷ vùng đất này là kinh đô Vijaya xưa. Nghệ thuật kiến trúc
- điêu khắc đền tháp Chăm Bình Định đã trở thành một trong bảy phong cách của
nghệ thuật trang trí đền tháp Chăm. Nó phản ảnh những giá trị biểu cảm và nội
dung của các công trình kiến trúc, phản ảnh xu hướng thẩm mỹ, những sắc thái
văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhiều thời đại Chămpa ở Bình Định. Hơn nữa, nó
có tác động với thời đại sau đó (phong cách YangMun) mà ta còn thấy rõ nét của
nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc đền tháp Chăm ở Bình Định.
Trước yêu
cầu nghiên cứu mỹ thuật Chăm nói chung và nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc Chăm
ở Bình Định nói riêng ngày càng được mở rộng cả trong và ngoài nước, nhu cầu nghiên cứu về các hình thức và giá trị biểu
hiện của kiến trúc - điêu khắc ngày càng trở nên cấp bách. Trước sự đòi hỏi
chính xác về mặt kỹ thuật, nghệ thuật trong việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp
các hạng mục công trình đền tháp được công nhận là di sản văn hóa quốc gia, cần
nghiên cứu, xác định lại các đặc trưng cơ bản về nghệ thuật kiến trúc và điêu
khắc một cách chính xác và khoa học. Những vấn đề nêu trên đã ngày càng trở nên
cấp thiết trong hoạt động nghiên cứu mỹ thuật đền tháp Chăm ở Bình Định nói
riêng và đền tháp Chăm ở Việt Nam nói chung. Là một người đam mê nghệ thuật
kiến trúc và điêu khắc Chăm, học viên được sống và dạy tại trường Văn hóa Nghệ
thuật Bình Định, trung tâm của một thời Vijaya đã từng phát triển rực rỡ, hàng
ngày được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp vừa huyền bí về những giá trị phi vật thể
chứa đựng trong đó, vừa hiện thực bởi những giá trị vật thể của những phế tích
đang ngày càng mai một. Vì những lẽ đó, học
viên chọn đề tài “Nghệ thuật kiến trúc -
điêu khắc trang trí đền tháp Chămpa ở Bình Định” làm luận văn tốt nghiệp
cao học.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Trên góc
độ biểu hiện, nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc trang trí đền tháp Chăm là một
nghệ thuật có cơ sở tồn tại khá lâu. Việc nghiên cứu, ghi chép lại đã có trước
thế kỷ XIX với những tác phẩm như: “Dư địa chí”; “Ô
châu cận lục”; “Phủ biên tạp lục”; “Thiên Nam tứ hạ lộ chi đồ”; “Lịch triều
hiến chương loại chí”; “Đại nam nhất thống chí”; “Đồ Bàn thành ký”; “Lê Quý Dật
chí”. Những tác phẩm ấy mới chỉ ghi chép đôi dòng sơ lược đôi nét văn hóa Chăm
trong bức tranh tổng thể các di tích Chăm khi gia nhập vào dòng chảy văn hóa
Việt Nam trong lịch sử [41, tr. 16]. Từ cuối thế kỷ XIX đã có nhiều người quan
tâm tìm hiểu về văn hóa Chăm nói chung và những di sản vật thể Chăm nói riêng.
Công trình nghiên cứu đầu tiên là của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Tuy nhiên,
trong thời gian này, những người nghiên cứu di vật Chăm chủ yếu là những sĩ
quan quân đội, chủ đồn điền, công chức…“Họ
đã lấy đi hàng trăm bức phù điêu, tượng tròn… mang về Đà Nẵng hay về Pháp”
[20, tr. 27]. Tiếp theo đó, các nhà nghiên cứu văn hóa Pháp đã được giao nhiệm
vụ thực hiện việc tìm hiểu cội nguồn nền văn hóa Chăm. Trên thực tế các nhà
nghiên cứu giai đoạn này tham gia nghiên cứu văn hóa Chăm trên nhiều lĩnh vực
như: Ch. Lemire với “Các đền đài Chàm ở
Bình Định” [6]; Jeanne Leuba với “Một
vương quốc đã bị diệt vong - người Chàm
và nghệ thuật Chàm [24]; J. Boisselier với “Nghệ
thuật tạc tượng của nước Chămpa” [25] ;
Maspéro. G. L. với “ Vương quốc Chămpa” [30]... Đặc biệt, nổi bật nhất trong lĩnh
vực kiến trúc là học giả H. Parmentier mà cuốn sách “Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ” [23] của ông là một
công trình đồ sộ, có giá trị khoa học cao về các công trình kiến trúc, cho đến
nay vẫn được xem là kim chỉ nam cho những ai muốn nghiên cứu về nền kiến trúc
này.
Ở trong nước, những năm trước 1975
đã có nhiều học giả chuyên nghiên cứu văn hóa Chăm như Dorohiem - Dohamide với Dân tộc Chàm lược sử (1965) [18]; Quách
Tấn với Nước non Bình Định (1970)
[46]; Nghiêm Thẩm với “Tôn giáo của người
Chăm ở Việt Nam” [47]; “Những di tích
Chiêm Thành ở Bình Định của Lê Quang Ngọc” (1962); “Di tích Chiêm Thành tại
Bình Định” của Trị Thiên và Trần Nhân Thân (1970) [41, tr.15] ...
Đặc biệt sau năm 1975, văn hóa Chăm
lại là một đề tài được các nhà khoa học quan tâm trở lại, cùng với các công
trình của Viện Đông Nam Á như: Viện Đông Nam Á – Ngô Văn Doanh (1994) với Tháp cổ
Champa sự thật và huyền thoại [57]; Ủy ban Khoa học xã hội – Viện Đông Nam
Á (1988) với Điêu khắc Chăm [55];
Phan Quốc Anh với Nghi lễ vòng đời của
người Chăm Ahier ở Ninh Thuận [2]; Văn Món với Một loại hình tín
ngưỡng dân gian Chàm độc đáo [31];
Huỳnh Thị Được với Điêu khắc Chăm và thần
thoại Ấn Độ [21]...
Những năm gần đây việc nghiên cứu
nghệ thuật Chăm đã phát triển mạnh với sự xuất hiện hàng loạt các sách, bài báo
trong các tạp chí chuyên đề liên quan đến nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc
Chăm của các tác giả như Ngô Văn Doanh, Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp,
Lê Đình Phụng, Phan Quốc Anh, Đinh Bá Hòa, Văn Món, Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn
Phương Kỳ, Trần Bá Việt, Phú Văn Hẳn, Bá Trung Phụ, Thành Phần....Nhiều kết quả
nghiên cứu đã được ứng dụng trong giảng dạy, sáng tác của các họa sĩ và ít
nhiều có ý nghĩa với việc phục chế một số công trình, tác phẩm điêu khắc Chăm.
Cho đến nay, việc nghiên cứu trực tiếp nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Chăm đã
được đặt ra cùng với yêu cầu nghiên cứu ngày càng sâu rộng về mỹ thuật Chăm nói
chung và mỹ thuật Chăm ở Bình Định nói riêng, nhằm khắc phục những khoảng trống
trong nghiên cứu nghệ thuật tạo hình Chămpa đã tồn tại lâu nay.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích
nghiên cứu của luận văn là xác định các giá trị nghệ thuật của các tác phẩm
tiêu biểu, đặc điểm tạo hình và ý nghĩa biểu hiện của nghệ thuật kiến trúc -
điêu khắc trang trí, tính khác biệt trong thể hiện, tạo hình trang trí trên các
đền tháp Chăm ở Bình Định; Tìm ra các mô típ trang trí khác lạ, cái riêng so
với mỹ thuật những giai đoạn trước nó. Từ đó xác định tính khoa học, tìm ra
những giá trị văn hóa trong nghệ thuật tạo hình của kiến trúc - điêu khắc trang
trí đền tháp Chăm ở Bình Định.
Luận văn
còn nhằm mục đích xác định những thuộc tính tôn giáo với sự chế ngự và sự chi
phối các biểu hiện tâm linh, tín ngưỡng, sáng tạo nghệ thuật đã tạo ra những
tính chất thẩm mỹ độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc trang
trí đền tháp Chăm Bình Định; Góp thêm tư liệu và những luận điểm khoa học có
tính hữu ích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật
Chăm.
4. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi
nghiên cứu tập trung là những công trình kiến trúc đền tháp Chăm ở Bình Định
như các tháp Bình Lâm, Bánh Ít, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Dương Long, Tháp
Đôi, ngoài ra có nghiên cứu so sánh với các khu đền tháp Chăm từ Quảng Nam đến
Bình Thuận. Các tác phẩm điêu khắc Chăm thuộc phong cách Bình Định hiện đang
lưu giữ tại bảo tàng Tổng hợp Bình Định và một vài tác phẩm điêu khắc Chăm Bình
Định hiện đang có mặt tại các bảo tàng trong nước. Ngoài ra, các tác phẩm điêu
khắc Chăm của các địa phương khác chỉ để so sánh nhằm mục đích làm rõ hơn giá
trị nghệ thuật của các tác phẩm điêu khắc của Chăm Bình Định.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực
hiện luận văn này, tác giả sử dụng phương pháp mỹ thuật học là phương pháp chủ
đạo cùng một số phương pháp liên ngành, phương pháp nghiên cứu văn bản, tổng
hợp nhằm phân tích, chắt lọc thông tin tư liệu về lịch sử liên quan đến nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm đã có để đưa ra những vấn đề trọng tâm cần
đối chiếu, so sánh và rút ra nhận định khoa học. Từ đó quy nạp các cấu trúc
ngôn ngữ trang trí tạo hình và rút ra những đánh giá khái quát, tổng hợp và
những nhận định của mình.
Khảo sát
nghiên cứu thực địa các công trình kiến trúc Chăm Bình Định, hệ thống đề tài
điêu khắc và mô típ trang trí, rút ra ý nghĩa biểu hiện, chắt lọc tính tạo hình
trong nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc trang trí đền tháp Chăm Bình Định.
Khai
thác, sưu tầm tư liệu ở sách báo tại các thư viện Tổng hợp Bình Định, thư viện
trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, thư viện tổng hợp thành phố Hồ
Chí Minh và một số tủ sách tư gia của các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ
thuật Chăm ở Bình Định và các tỉnh khác.
6. Đóng góp của luận văn
Thông
qua điền dã, thu thập tư liệu, tác giả luận văn mong muốn bổ sung thêm vào kho
tàng tư liệu, tạo lập hệ thống tư liệu liên quan đến các mô típ trang trí, tìm
ra các giá trị của nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc trên các đền tháp Chăm,
trình bày và lý giải một số luận điểm về nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc đền
tháp Chăm ở Bình Định.
Khẳng
định những phẩm chất, thuộc tính nghệ thuật độc đáo và giá trị nghệ thuật của
kiến trúc, đề tài điêu khắc, các mô típ trang
trí đền tháp Chăm. Góp thêm tư liệu
và thông tin khoa học trong việc nghiên cứu những giá trị văn hóa của
người Chăm ở Bình Định.
Tìm ra
những hạn chế và đóng góp cơ sở nghệ thuật học, khoa học trong việc trùng tu
các di tích kiến trúc, phục chế các tác phẩm điêu khắc Chăm ở Bình Định nói
riêng và đền tháp Chăm ở Việt Nam nói chung.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu (6 trang), phần Kết
luận (6 trang), luận văn có 4 chương như sau:
Chương I: KHÁI QUÁT VỀ LỊCH SỬ VĂN HOÁ, NGHỆ
THUẬT
KIẾN TRÚC - ĐIÊU KHẮC TRANG TRÍ CHĂM Ở BÌNH ĐỊNH (17 trang, 8 - 24).
Chương II: CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CHĂM TIÊU BIỂU Ở BÌNH ĐỊNH (31
trang, 25 - 55).
Chương III: CÁC TÁC PHẨM ĐIÊU
KHẮC CHĂM TIÊU BIỂU Ở BÌNH ĐỊNH (27 trang, 56 - 82).
Chương IV: BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG NGHỆ THUẬT
KIẾN TRÚC - ĐIÊU KHẮC TRANG TRÍ ĐỀN THÁP CHĂM Ở BÌNH ĐỊNH (26 trang, 83 - 113).
Ngoài ra, ở cuối Luận văn có 72 danh mục Tài liệu tham
khảo (7 trang), phần Phụ lục có 79 Hình ảnh minh họa (32 trang).
CHƯƠNG I
TỔNG
QUAN VỀ LỊCH SỬ VĂN HOÁ,
NGHỆ
THUẬT KIẾN TRÚC - ĐIÊU KHẮC CHĂM Ở BÌNH ĐỊNH
1.1. Sơ lược về tỉnh Bình Định
1.1.1. Điều kiện tự nhiên
“Một miền núi già bị chia cắt dữ
dội” [68], đó là lời
nhận xét khá tiêu biểu của một nhà địa lý học về điều kiện tự nhiên của dải đất
miền Trung Nam nhỏ hẹp này. Nhưng, cũng như các tỉnh dọc miền duyên hải miền
Trung, Bình Định đã thực sự dựa hẳn lưng vào sự “chia cắt dữ dội” đó để tạo cho mình một sức sống chan hòa với
thiên nhiên và một đời sống gắn bó với sự thăng trầm của lịch sử.
Là miền đất nằm trên đường uốn vươn ra biển, Bình Định nằm ở vị trí giữa vĩ
tuyến 13 độ 30’ đến 14 độ 42’ vĩ Bắc và từ 105 độ 35’ đến 109 độ 18’ kinh Đông
của địa cầu (Hình 1.1).
Nhìn tổng quan, địa bàn tỉnh Bình Định nằm gọn trong một thung lũng lớn
khép kín bởi núi và biển. Từ bờ biển Đông đến vùng cực Tây, nơi tiếp giáp với
tỉnh Gia Lai, chiều rộng của dải đất Bình Định trung bình chỉ có 55km. Phía Bắc
giáp Quảng Ngãi với đèo Bình Đê làm ranh giới. Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên. Do
ảnh hưởng của rìa phía Đông cao nguyên Kon Tum, nên địa hình toàn tỉnh có xu
hướng nghiêng từ Tây sang Đông.
Bờ biển Bình Định kéo dài trên một trăm cây số từ cửa Kim Bồng đến chân núi
Cù Mông, với nhiều bãi biển, mũi, tất cả tạo thành một bức trường thành phong
phú về diện mạo, điểm xuyết cho thiên nhiên nơi đây thành những bức tranh “sơn, thủy, thảo, mộc” hữu tình.
Với địa hình và khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, thảm thực vật Bình Định
phát triển khá phong phú với cây nhiệt đới phát triển quanh năm. Trong lòng đất lưu trữ nhiều khoáng sản có giá trị, đặc biệt là
đất sét với trữ lượng khoảng 11,5 m3 sét đỏ, 2,5 triệu m3 cao lin. Đây là nguồn
nhiên liệu phong phú cho việc xây dựng và phát triển ngành thủ công nghiệp. Đặc
biệt là các loại đá granit, nguồn nguyên liệu chính cho ngành điêu khắc, và
cũng là chất liệu chủ yếu của điêu khắc một thời vang bóng của dân tộc Chăm qua
suốt năm thế kỷ tồn tại trên mảnh đất này.
Với sự ưu đãi của tạo hóa ấy, trong lịch sử phát triển của mình, dân tộc
Chăm đã chọn nơi đây làm kinh đô Vijaya của mình trong suốt năm thế kỷ (XI -
XV), nâng vùng đất này lên thành một nơi phát triển về kinh tế - chính trị - xã
hội, đóng góp một phần quan trọng vào
nền văn hóa của dân tộc.
1.1.2. Điều kiện xã
hội
1.1.2.1. Sơ lược về lịch sử
Là vùng đất của người Chămpa cổ tiếp nối theo sau người Sa Huỳnh, dưới lòng đất Bình Định, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàng loạt
các di chỉ văn hóa khác nhau của thời kỳ tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh và sau Sa Huỳnh. Phạm Đức Mạnh
cho rằng: “Văn hóa Sa Huỳnh nằm vào giai
đoạn từ sơ kỳ đồng đến sơ kỳ đồ sắt, địa phương Quảng Ngãi, Bình Định có các di
chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh phân bổ dày đặc nhất…” [29, tr.37].
Sau
một thời gian dài Chămpa về với Đại Việt dưới thời Lê, bức tranh cư dân Bình
Định đã có nhiều sự thay đổi. Diện mạo cư dân Bình Định được định hình rõ nét
sau khoảng 130 năm kể từ cột mốc lịch sử 1471. Lúc này, người Chăm vẫn tiếp tục
là chủ nhân của vùng đất cũ và một cộng đồng nhỏ dân tộc Chăm chuyển lên sinh
sống ở miền núi Vân Canh. Trong khi đó, miền đồng bằng ven biển là nơi dừng
chân của các cuộc “Nam tiến” của dân tộc Kinh qua các đợt di dân công khai,
liên tiếp từ phía Bắc vào từ thời Lê cho đến thời Nguyễn. Với sự trù phú nơi
đây, những người con nước Việt dần ổn định cuộc sống trên vùng đất với nhiều ưu
đãi của tạo hóa.
Hiện
nay, mọi dân tộc có mặt trên đất Bình Định đều cộng cư hòa bình trên mảnh đất
này. Người Chăm H’Roi có khoảng 5000 người sống tập trung ở vùng núi Vân Canh. Với
bản sắc văn hóa của mình, người Chăm ở Bình Định đã và đang góp một tiếng nói
riêng của mình trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nằm chung trong truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, nhân dân Bình
Định đã cùng chung vai sát cánh với nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập
dân tộc. Hai dân tộc Chămpa và Đại Việt đã cùng kề vai sát cánh bên nhau chống
lại quân xâm lược Nguyên – Mông cuối thế kỷ XIII. Tiếp đó
là giai đoạn lịch sử đầy phức tạp của thế kỷ XV trong mối quan hệ Chămpa - Đại
Việt thời Lê, để rồi năm 1471, Vijaya của Chămpa trở thành một bộ phận của nước
Đại Việt. Diện mạo Bình Định dần dần hiện lên hoàn thiện hơn qua các thời đại
lịch sử sau này.
Bên cạnh những yếu tố tích cực mà các chúa Nguyễn mang lại cho phủ Quy
Nhơn, thì sự phân hóa giàu nghèo và sự bất công trong xã hội ngày một rõ dần để
rồi bùng nổ những cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ hà khắc đương thời. Chúng ta
không quên một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc khi người anh hùng áo
vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ đánh tan năm vạn quân Xiêm ở phía Nam và hai mươi chín
vạn quân Thanh ở phương Bắc, đem lại nền độc lập tự chủ của dân tộc sau hơn hai
thế kỷ đắm chìm trong nạn cát cứ và nội chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn.
Là một vùng văn hóa phức hợp, Bình Định
không chỉ là một vùng đất của người Chăm xưa mà còn là kinh đô Vijaya của người
Chăm trong suốt năm thế kỷ (thế kỷ XI-XV). Trong suốt những thế kỷ đó, người
Chăm đã để lại vùng đất này một nền văn hóa vật thể với các loại hình phong phú
và đa dạng về chủng loại, tinh xảo về kỹ thuật, thể hiện rõ nét nhất qua bảy
cụm kiến trúc đền tháp và nhiều phế tích đền tháp.
1.2. Vài nét về lịch sử văn hóa Chăm ở
Bình Định
1.2.1.
Người Chăm và văn hóa Chăm
1.2.1.1. Nguồn gốc tộc
người
Theo Nguyễn Đình
Khoa, vào thiên niên kỷ II trước Công nguyên “…tổ tiên người Chăm đến duyên hải Việt Nam và để lại dấu tích trong các di
chỉ thuộc phức hệ văn hóa Sa Huỳnh” [26, tr.153]. Theo Lịch sử Việt Nam,
thì “Người Chăm đã bị Nam Á hóa ngay từ
lúc sinh tụ tại địa bàn cổ xưa nhất của họ” [22, tr.76]. Trần Quốc Vượng
cho rằng: “Người Chăm là một tộc người
thuộc chủng Nam Á. Ngôn ngữ của họ thuộc ngữ hệ Malai – Polined” [58, tr.
149].
Trong
bài viết “Nguồn gốc người H’Rê” [33,
tr.107], Nguyễn Xuân Nhân cho biết,
người Chăm có xuất xứ từ người nguyên thủy ở Đông Nam Á từ thời Đồ đá sơ kỳ (30
– 50 vạn năm trước đây). Trải qua nhiều quá trình hợp chủng và phân ly trong
lịch sử đến thời kỳ Đồ đá mới (5000 năm trước đây) người Indonésien sinh sống ở
Nam Đông Dương tách ra thành hai quốc gia, trong đó có Lâm Ấp – Chămpa kể từ
sau công nguyên. Dư Địa chí Bình Định khẳng định:“Cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo hiện có mặt trên vùng đất Bình Định là cư
dân Chăm” [53, tr.182].
1.2.1.2.
Vài nét về kinh tế - văn hóa Chăm ở Bình Định
Đời
sống kinh tế dân tộc Chăm dưới thời Vijaya khá phát triển. Nông nghiệp là ưu
tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định cho kinh tế của Chămpa.
Học giả Jeanne Leuba nhận xét về con người Chăm thời Vijaya: “họ đã được tạo hóa phú cho cái tài về nông
nghiệp, và tài năng này đã giúp họ làm được nhiều điều kỳ diệu...” [24, tr.34
]. Vijaya đã từng làm nên cuộc cách mạng xanh
khi đưa sản vật lúa dài ngày thành ngắn ngày mà dân ta vẫn quen gọi là lúa
Chiêm. Loại lúa này trong lịch sử đã được các sử sách cổ minh chứng là đã có mặt
trên đất Trung Hoa. Trong giai đoạn này, thủy lợi được chú trọng như làm đập
nước, đào kênh mương, khai khẩn ruộng hoang để phát triển nông nghiệp là một sự
kiện nông nghiệp nổi bật của vương triều Vijaya những năm 1220 – 1252. Điều đó
đã nói lên được nhu cầu thực tế của xã hội lúc bấy giờ.
Bên
cạnh nghề trồng lúa, nghề đánh bắt hải sản cũng thu được kết quả tốt. Odoric de
Pordenone- một nhà du lịch nước ngoài đã đến đây vào thế kỷ XIV đã ghi lại
rằng: “...Vương quốc tên là Chămpa là một
xứ sở rất đẹp vì ở đây có đủ mọi điều kiện sinh sống...Ở nước này, người ta gặp
một điều rất là kỳ lạ, vì mọi loài cá trên biển đều đến đây, tựa như người ta
không thấy gì trên biển ngoài cá cả...” [24, tr.31]. Bên cạnh đó, sản vật
địa phương lại vô cùng phong phú. Ngũ đại
sử ký chép “...(Nước ấy) có thủy tỷ
(?), sơn dương. Thú và chim lạ có tê, ngưu, công (q. 74, 16b) [37, tr.140]. Các tài liệu trên tuy không thực
sự kể hết những sản vật quý có trên đất Chămpa nhưng cũng một phần khẳng định
sự phong phú về các loại sản vật của đất nước này từ giai đoạn trước đến giai
đoạn Vijaya.
Là
quốc gia biển lại có điều kiện địa lý nằm ở vị trí “ngã tư đường”, nên Chămpa có một nền văn hóa biển phát triển. Vì
vậy, Chămpa được nhiều người gọi là Vương quốc biển. Vào khoảng thế kỷ VIII – XIV, biển Đông ở miền Trung nước ta được bản đồ A Rập - Ba Tư trong ghi dấu
là biển Chămpa.
Trong
bài "Có một nền văn hóa cảng thị
miền Trung", giáo sư Trần Quốc
Vượng đã chỉ ra các mối quan hệ và giao lưu văn hoá thời sơ kỳ kim khí ở ven
biển miền Trung. Từ thời cổ đại đã bước đầu hình thành các bến chợ ven sông,
ven biển và sau này trở thành những cảng lớn, trong đó Quy Nhơn là một trong
những cảng sầm uất của khu vực miền Trung [1, tr.46].
Theo
sử sách Trung Quốc, cảng thị Thi Nại, còn được gọi là “Chiêm Thành cảng” đã có trước thời kinh đô Chămpa được chuyển về
Vijaya. Từ khi thành Đồ Bàn được chọn làm kinh đô, cảng thị Thi Nại đã phát
triển mạnh mẽ và trở thành cảng thị quan trọng nhất trong quân sự cũng như
trong sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội lúc bấy giờ.
Về
phương diện ngôn ngữ, theo Dorohiem, Dohamide: “người Chàm có những liên hệ mật thiết với sắc dân Atjeh thuộc miền Bắc
Sumatra (Indonesia) và được sắp vào nhóm Malayo – Polyne’sien tức cùng nhóm với
một số dân tộc Cao Nguyên miền Nam“ [18, tr.7 - 8].
Có
thể nói, chữ viết của dân tộc Chăm đã có tự lâu đời. Ngay từ khi mới lập quốc
vào cuối thế kỷ II, người dân Lâm Ấp bắt đầu tiếp xúc với người Ấn Độ, với văn
hóa Ấn Độ. Trong quá trình tiếp xúc ấy, người Lâm Ấp đã học chữ Phạn (Sanskrits)
mà tấm bia Võ Cạnh (Nha Trang) là một minh chứng. Đến giai đoạn Vijaya, chữ
Chăm đã có nhiều thay đổi và có tự dạng đơn giản, mộc mạc hơn so với các giai
đoạn trước.
Cũng
như các dân tộc Đông Nam Á khác, người Chăm xa xưa có tín ngưỡng đa thần. Về
sau, người Chăm tiếp nhận văn hóa từ Ấn Độ khi tiếp nhận các tôn giáo khác nhau
như Phật giáo Đại thừa, Bà La Môn giáo và về sau, tiếp nhận thêm Hồi giáo.. Khi tiếp nhận các tôn giáo, các triều đại với các
giai đoạn lịch sử khác nhau, người Chăm xưa tiếp nhận nhiều giáo phái khác nhau
nên thờ phụng các vị thần khác nhau. Từ đó hình thành nên các ý tưởng sáng tạo
trong nghệ thuật điêu khắc khác nhau của từng giai đoạn lịch sử. Những biểu hiện rõ nét nhất là việc thờ phụng các vị
thần trong tôn giáo. Trong khi người Ấn Độ cổ tôn thờ thần Sáng tạo Brahma
trong Tam vị nhất linh thì thần Hủy diệt Shiva lại được xem là quốc giáo ở
vương quốc Chămpa. Bên cạnh đó, thần Visnu và Brahma cũng được xem trọng. Ngoài
ra, các vị thần thứ yếu cũng được thờ phụng ở Chămpa. Phật giáo Đại Thừa cũng
có vai trò nhất định ở người Chăm qua nhiều thời kỳ.
Không
kỳ thị tôn giáo là đặc điểm chung của các quốc gia cổ đại nằm trong khu vực
Đông Nam Á. Vương quốc Chămpa cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tôn giáo Chămpa
là sự hỗn dung các tôn giáo, giáo phái Ấn Độ. PGS.TS Ngô Văn Doanh nhận xét:
“...Văn hoá truyền thống Chămpa tiếp
nhận từ đức hiếu sinh, từ bi của Phật giáo, tình thương của Visnu giáo và cả
tính hung bạo quyền lực của Siva giáo.... Đặc biệt, Siva giáo luôn chiếm vị trí
độc tôn trong đời sống tôn giáo các triều đại Vua Chúa Chămpa.. ” [ 2, tr.312].
Nhiều nhà khoa học đã nhận định, tư
tưởng triết lý trong tín ngưỡng về đời sống tâm linh là cái tồn tại lâu bền
nhất. Điều đó vô cùng chính xác đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người
Chăm. Đối với người Chăm, tôn giáo có một giá trị vững bền và chi phối mọi hoạt
động về chính trị - xã hội, văn hóa - nghệ thuật và đời sống con người. Mặc dù
trải qua nhiều thời kỳ đứt gãy văn hóa, tư tưởng Ấn Độ giáo vẫn ngự trị trong
đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm. Bên cạnh đó, người Chăm vẫn duy
trì chế độ mẫu hệ như phần lớn các dân tộc Nam Đảo. Họ thờ cúng thần linh với
nhiều loại thần (yang) chung ở ba cõi
như thần trời, thần núi, thần nước, thần thổ địa... Mặc dù tên gọi một vài thần có sự thay đổi nhưng về cơ bản, trong quan
niệm thần linh, các vị thần ấy vẫn hiện diện trong tâm khảm người Chăm và chi
phối đời sống tâm linh của một dân tộc có nền văn hóa nông nghiệp lúa nước và
lúa rẫy với tín ngưỡng đa thần....
Suốt chiều dài lịch sử, từ khi mới
lập quốc cho đến hết triều đại Vijaya, người Chăm đã tự nguyện tiếp nhận các
tôn giáo lớn của Ấn Độ và Hồi giáo Ảrập. Nhưng ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đời
sống chính trị, văn hóa, xã hội Chămpa thời Vijaya vẫn là Ấn Độ giáo. Tác giả
người Chăm - Sakaya, trong Văn hóa Chăm
nghiên cứu và phê bình đã nhận định:
“tín ngưỡng tôn giáo Chăm ảnh hưởng Ấn Độ giáo là chính xác hơn cái mà chúng ta
nói bấy lâu nay là ảnh hưởng Bà La Môn và Phật giáo. Vì Ấn Độ giáo cũng là tôn
giáo dung hòa giữa Bà La Môn và Phật giáo” [42, tr.241]. Trong suốt những
thế kỷ tồn tại vương triều Vijaya, tôn giáo và tín ngưỡng của người Chăm không
có nhiều thay đổi. Bằng chứng là thông qua nền văn hóa vật thể Chămpa hiện còn
tồn tại trên đất Bình Định như các đền tháp cùng với nghệ thuật điêu khắc trên
đá, đất nung, gốm... đã cho ta những minh chứng hùng hồn về tôn giáo của dân
tộc Chăm dưới thời Vijaya, họ thờ thần Shiva
hoặc thờ chung cả ba vị Brahma - Visnu - Shiva
trong cùng một cụm đền tháp.
1.2.2.
Sơ lược về vùng đất Vijaya
Chămpa
được hình thành từ nhiều tiểu vương quốc phân bố dọc miền Trung Việt Nam. Trong
thời gian trị vì dưới vương triều Trà Kiệu – Đồng Dương, đất nước Chămpa thường
được chia làm ba quận: Vijaya ở giữa, Amaravarti ở phía Bắc, Panduranga ở phía
Nam. Địa chí Bình Định cho rằng, Vijaya chỉ là một châu nhỏ trong ba mươi tám
châu của vương quốc Chămpa. Bình Định hôm nay chính là kinh đô Vijaya xưa, nơi
lưu trữ những dấu tích của một thời trị vì của các vị vua Chăm suốt 5 thế kỉ (Hình
1.2).
Vijaya
được xác định xây dựng ở cuối thế kỷ X. Theo Địa chí Bình Định, từ quản lý nhà
nước, tôn giáo, thuế khóa và các hành chính khác mặc dù có những hoạt động
riêng nhưng vẫn nằm dưới sự điều hành chung của Nhà nước trung ương. Nhưng đến
thời vua Ngô Nhật Hoan, từ một châu trong bốn châu lớn của vương quốc, Vijaya
đã trở thành kinh đô của Chămpa.
Việc
chuyển đô từ Sinhapura về Vijaya cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI là để thích ứng
với hoàn cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ. Với điều kiện địa lý nằm giữa hai
miền bắc và nam đất nước, với tầm nhìn chiến lược về chính trị - xã hội, vương
triều Chăm thời bấy giờ đã thấy được tầm quan trọng trong việc dời đô về miền
trung - vùng đất Vijaya như một điều kiện tất yếu để thuận lợi hơn trong việc
quản lý và bảo vệ cả hai miền nam bắc.
Theo
các tư liệu hiện nay của Việt Nam, thành Vijaya được gọi tên là thành Chà Bàn,
thành Đồ Bàn, thành Trà Bàn hay thành Xà Bàn. Ngoài ra, cũng như một số thành
cổ Chăm hiện còn trên đất miền Trung, thành cổ Vijaya được dân gian quen gọi là
thành Lồi. Dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc, Vijaya còn được gọi là thành Phật
Thệ như trong tác phẩm Lý Thường Kiệt
của Hoàng Xuân Hãn, thành Đại Châu trong Cuộc
kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Phạm
Thị Tâm. Vijaya trong thư tịch cổ được thống nhất miêu tả là một tòa thành có
mặt bằng hình vuông, có bốn cửa mở ra bốn hướng và được xây bằng chất liệu
gạch. Vào thời huy hoàng nhất, Vijaya là một tòa thành lộng lẫy. Sau sự kiện
1471, Vijaya dần đi vào quên lãng. Qua bao binh đao khói lửa của chiến tranh,
nhiều khu điện, đền đài đã bị phá hủy, nhưng đến thế kỉ XVIII, Phan Huy Chú
trong Lịch Triều hiến chương loại chí, Vijaya vẫn để lại dấu tích “Trong Phủ có thành Đồ Bàn, là nơi xưa
kia vua nước Chiêm ở đó, lộng lẫy kiên cố, nay dấu cũ hãy còn, thành này nằm
trên sông Phú Đa” [8, tr.138]. Trải qua năm tháng, cùng với sự bào mòn của thời gian, sự khắc nghiệt của
khí hậu, thành Vijaya đã bị hư hại khá
nhiều. Thêm vào đó, khi dấy quân khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đã nhiều lần
đắp thêm, mở mang để xây dựng căn cứ quân sự nên
hình hài cũ của Vijaya đã không còn nguyên vẹn.
Trải qua năm thế kỷ bị lãng quên, đế thành Vijaya nay chỉ
còn là phế tích. Theo sử cũ thành Vijaya vốn là một khu vực có nhiều tháp,
nhưng hiện còn tương đối nguyên vẹn chỉ có một ngôi tháp tên gọi Cánh Tiên. Tuy
chỉ còn là phế tích, nhưng những di vật còn sót lại đã minh chứng cho một vương
triều vàng son đã từng phát triển rực rỡ trong một giai đoạn lịch sử trên dưới
năm thế kỷ của triều đại Vijaya.
Sau
khi chuyển đô về Vijaya, toàn cõi vương quốc Chămpa đã quy về một mối, việc này
đã được Lương Ninh nhận định: “Sự thống
nhất của vương quốc Chămpa được thực hiện cao hơn các giai đoạn trước” [37,
tr.106]. Dựa trên cơ sở quyền lực của vương triều Vijaya được tăng cường hơn
trước, thể hiện qua việc kinh đô từ Sinhapura được dời về Vijaya, qua sự kết
hợp được cả hai bộ tộc Cau ở phía Bắc và bộ tộc Dừa ở phía Nam dưới triều vua
Harivarman IV (1074 - 1081). Theo Maspéro. G. L, hai thị tộc Cau và Dừa vì
tranh giành ưu thế nên đánh nhau liên
miên hàng mấy trăm năm, nhưng rốt cục lại kết thúc bằng cách gả con cho nhau và
trở nên thân hữu [2, tr.74]. Theo đó cho thấy, việc thống nhất đất nước trong
hòa bình dưới thời Vijaya dựa trên những truyền thuyết mang tính tâm linh của
hai dân tộc có tính bền chặt và là một chiến lược chính trị quan trọng của
vương triều Chămpa.
Tuy
vậy, chiến lược thống nhất đất nước ấy vẫn gặp rất nhiều khó khăn do sự phân
biệt dòng họ trong quan hệ huyết tộc, điều đó dẫn đến việc mất đoàn kết dân tộc
và khiến cho đất nước càng thêm rối ren và yếu ớt mỗi khi có sự biến động về
chính trị hoặc biến động xã hội. Sự phản ứng trước việc Vijaya là vương triều
mới của cả hai miền Nam và Bắc diễn ra khá mạnh mẽ với năm lần nổi dậy vào
những năm 1050, 1145, 1166, 1170 và 1190 của miền Nam Chămpa. Nó cho thấy hướng
ly khai, muốn tách riêng lãnh thổ của thị tộc miền Nam đối với việc thống nhất
hai miền của triều đại Vijaya. Qua đó cho thấy sự bất ổn trong một vương quốc được
thành lập từ nhiều tiểu vương quốc.
Bên
cạnh đó, đối với hai miền Nam, Bắc Chăm đã có bề dày lịch sử, thì việc vương
triều Vijaya phải đứng làm trung gian giữa hai miền nam bắc đã làm cho đất nước
gặp nhiều khó khăn trong việc đoàn kết nội bộ để chống với thù trong, giặc
ngoài. “Kết cục là Chămpa luôn có hiềm
khích, xung đột, vừa bị động, vừa chủ động gây chiến với cả Campuchia và Đại
Việt” [37, tr.107]. Cuộc chiến
tranh kéo dài gần một trăm năm giữa Campuchia và Chămpa (khoảng 1113 - 1220) là
kết quả của những xung đột gây nên những tổn thất nặng nề cho cả hai dân tộc.
Cuộc chiến đó đã để lại những dấu tích văn hóa vật chất trên đất Campuchia và
những tiếp biến văn hóa Khmer trên các đền tháp Vijaya.
1.2.3.
Quá trình hình thành đền tháp Chăm
Bà La Môn giáo rất coi trọng việc tế lễ, việc này đã được có tự lâu đời,
như Doãn Chính đã nhận định: “…Ở thời kỳ
Veda, việc tế tự rất được chú trọng vì
người ta tin rằng bằng những hình thức tế lễ, con người có thể thông đạt được
với thần linh” [7, tr.62]. Từ đó dẫn đến việc xây dựng những đền tháp phục
vụ cho tôn giáo của mình.
Cũng
như Bà La Môn trên mảnh đất sản sinh ra nó, Bà La Môn của người Chăm cũng xây
dựng đền đài để thờ cúng các vị thần. Khi tiếp nhận giáo lý Bà La Môn của Ấn Độ
với hình tượng ngọn núi Mêru là trung tâm của vũ trụ, người Chăm đã tìm thấy
được sự tương đồng trong tâm thức của mình về ngọn núi thiêng và hình tượng
ngọn núi Mêru trong Bà La Môn giáo, như Trần Ngọc Thêm đã nhận xét: “Tuy hình núi có nguồn gốc từ dãy Mêru
truyền thuyết của Ấn Độ, nhưng với người dân Chăm, chúng lại là biểu tượng cho
thiên nhiên miền Trung trùng điệp núi non” [48, tr.230]. Vì vậy, khi xây
dựng những đền tháp, người Chăm đồng thời đưa nó lên đồi cao vừa xây dựng nơi
thờ phụng các vị thần thành hình ảnh của một ngọn núi Mêru thu nhỏ. Sự kết hợp
giữa biểu tượng tôn giáo ngoại nhập và tín ngưỡng bản địa đã tạo cho Chămpa một
loại hình nghệ thuật tôn giáo đặc sắc, vừa có nét khác biệt so với các nước
trong khu vực vừa mang nét điển hình của những nước có nền văn minh nông nghiệp
Đông Nam Á, như lời nhận xét của PGS Cao Xuân Phổ:
“Núi thiêng đã tàng ẩn trong tâm
thức người Chăm xưa để rồi khi tiếp nhận Ấn Độ giáo với hình tượng núi Mê ru là
trung tâm vũ trụ, họ đã kết hợp tín ngưỡng Ấn Độ giáo với tín ngưỡng bản địa để
tạo nên những kiệt tác kiến trúc và điêu khắc thật độc đáo, kỳ diệu, có nét
chung với nhiều tộc người khác ở Đông Nam Á đã tiếp thu Ấn Độ giáo, song cũng
có nét khác biệt” [59, tr.38].
Theo TS. Phan Quốc Anh, vào khoảng thế kỷ IX, “xương cốt của vua chúa được chôn trong
tháp” [2, tr.316], vì vậy đền tháp không chỉ là nơi thờ thần linh mà còn là
nơi thờ vua - thần.
Từ khi dời đô về Vijaya, mỗi khi có điều kiện, người Chăm lại xây tháp.
Trong suốt trên dưới năm thế kỷ tồn tại, trên đất Vijaya đã xuất hiện dày đặc
các cụm đền tháp. Biểu hiện rõ nét là bảy cụm đền tháp hiện còn trên đất Bình
Định và hàng chục phế tháp xuất hiện khi đậm đặc như khu phế tích gò Thập Tháp,
khi rải rác như phế tích Tháp Mắm mà những tác phẩm điêu khắc còn lại khá nhiều
và điển hình cho một phong cách điêu khắc – phong cách Tháp Mắm và rất nhiều
phế tích khác hiện đang được nghiên cứu khai thác trên đất Bình Định (Hình 1.3).
1.3. Tổng quan về đền tháp Chăm ở Bình
Định
1.3.1.
Kiến trúc
Trong
suốt những thế kỷ tồn tại của vương triều Vijaya, với tư cách là trung tâm kinh
tế - chính trị - xã hội của đất nước Chămpa, nơi đây còn là trung tâm tôn giáo
của cả nước. Vì vậy, đền tháp Bà La Môn được xây dựng khá nhiều trên mảnh đất
này. Về thời điểm xây dựng các tháp ở Bình Định, trong bài Nghệ thuật Chăm,
Nguyễn Tiến Cảnh nhận định: “Những ngôi
tháp thuộc phong cách mới, phong cách Bình Định, được xây dựng trong hoàn cảnh
của những năm tháng hòa bình ngắn ngủi xen giữa vương triều Vijaya với người
Khmer kéo dài trong suốt hai thế kỷ XII – XIII” [4, tr.13].
Về
đặc điểm của đền tháp Chăm Vijaya, Lê Đình Phụng đã nhận xét như sau: “tháp Chămpa ở Bình Định, được xây dựng theo
mẫu số chung của kiến trúc tháp Chămpa trong lịch sử. Tháp được xây dựng trong
giai đoạn này có nhiều ảnh hưởng trực tiếp của nghệ thuật kiến trúc tháp giai
đoạn trước nó – phong cách Mỹ Sơn A1” [41, tr.343].
Theo
các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nghệ thuật Chăm ở Bình Định được định
hình là một phong cách riêng. Tuy nhiên, có sự khác nhau đôi chút bởi mỗi một
nhà nghiên cứu dựa vào một tiêu chí riêng khi định hình các phong cách.
Đầu
thế kỷ XX, dựa vào các đặc điểm kiến trúc và trang trí kiến trúc, H. Parmentier
cho rằng những kiến trúc Chăm này thuộc thời kỳ sau thế kỷ X, có đủ hai loại
hình nghệ thuật: nghệ thuật cổ điển và nghệ thuật phái sinh. Ông nhận định “ngôi
tháp Bình Lâm thực sự thuộc nền nghệ thuật cổ điển… Tháp Dương Long, Tháp Đôi
thuộc nghệ thuật phái sinh” [41, tr.298]. Ph. Stern căn cứ vào hoa văn
trang trí, chia nghệ thuật Chăm thành bảy phong cách trong đó phong cách Bình
Định là phong cách thứ sáu [41]. Hơn hai thập kỷ sau, J. Boisselier sắp xếp
nghệ thuật Chăm thành tám phong cách, trong đó các tháp ở Bình Định được J. Boisselier
gọi là Tháp Mẫm. Trong đó ông không hoàn toàn bác bỏ cái gọi là phong cách Bình
Định của P. Stern; J.Boisselier gọi phong cách Tháp Mẫm là phong cách Bình
Định.
Dựa
vào điều tra, khảo sát và kế thừa thành tựu nghiên cứu các thế hệ đi trước, nhà
khảo cổ học Lê Đình Phụng đã xác định cụ thể phong cách và niên đại của 13 tháp
Chăm Bình Định theo năm tháng lịch sử
như sau: Tháp Bình Lâm là tháp có mặt sớm nhất ở Bình Định, kế thừa theo
phong cách Mỹ Sơn A1 thuộc thế kỷ XI; tháp Bánh Ít được xây dựng vào thế kỷ
XII, bước đầu có tiếng nói riêng của phong cách Bình Định và có sự tiếp biến
nghệ thuật Khmer; tháp Đôi mang đầy đủ các yếu tố của đặc trưng phong cách kiến
trúc tháp Bình Định, niên đại được xác định cuối thế kỷ XII; tháp Dương Long
được xác định niên đại đầu thế kỷ XIII,
“hai khu tháp (tháp Đôi, Dương Long) được xây dựng dưới sự chỉ đạo của người
Khmer cho nên dấu ấn để lại ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer rõ nét” [41,
tr.308]. Các tháp còn lại là Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện “được coi là những tháp mang đặc trưng điển hình của phong cách Bình
Định” [41, tr.308] được xác định niên đại cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV.
Trong khi đó, Trần Kỳ Phương đã chia đền tháp vùng Vijaya làm hai nhóm: “Nhóm
nằm trong truyền thống Chămpa: Tháp Bạc, Bình Lâm (TK. 11), Thốc Lốc, Cánh Tiên, Thủ Thiện (TK. 12
-13) và nhóm chịu ảnh hưởng nghệ thuật Khmer: Dương Long, Hưng Thạnh
(TK. 12 - 13)” [64]. Như vậy, xuyên suốt
trong thời kỳ lịch sử phát triển trên đất Bình Định, các đền tháp Chăm vẫn được
xây dựng trong một khung niên đại từ sau khi định hình kinh đô Vijaya cho đến
khi lùi dần về phía nam, từ nửa đầu thế kỷ XI cho đến đầu thế kỷ XIV, bắt đầu
từ tháp Bình Lâm, Bánh Ít, tháp Hưng Thạnh, tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên,
tháp Thủ Thiện, và cuối cùng là tháp Phú Lốc.
Ngay
từ khi H. Parmentier khảo sát dấu tích đền tháp ở Bình Định đã thấy rằng “Sau khối phía Bắc lại ít thấy vết tích
Chàm, trừ thung lũng Bồng Sơn có một số
khá lớn dấu vết kiến trúc, song tất cả đã bị hủy hoại hoàn toàn…” [23,
tr.28]. Như vậy, mật độ phân bổ đền tháp Chămpa chỉ xuất hiện ở các huyện An
Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn.
Có
thể nhận thấy, nếu lấy tháp Cánh Tiên làm vị trí trung tâm thì các tháp án ngữ
các mặt như Phú Lốc, Bánh Ít, Dương Long, Thủ Thiện đều được xây dựng trên đồi
cao. Trong khi đó, nếu lấy tháp Hưng Thạnh làm một điểm quan trọng trong cảng
thị Thi Nại ở phương Nam thì tháp Bình Lâm được xem là vị trí tiền tiêu về
phương Bắc. Hai tháp này đều được xây trên đất gò, gần như bằng phẳng so với
mặt đất. Cảng Thi Nại trong lịch sử Chăm từng là cảng thị lớn và là cảng quân
sự quan trọng của kinh thành Vijaya. Vì thế cả tháp Bình Lâm và tháp Hưng Thạnh
đều có vị trí quan trọng trong việc phòng thủ kinh thành.
Nằm
trong tổng thể chung của kiến trúc đền tháp Chăm, các đền tháp Chăm Vijaya cũng
được xây dựng theo quy định của tôn giáo, mỗi công trình kiến trúc đền tháp
Chăm được xem là một tượng đài của tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm, “tuy quy mô kích thước không thật đồ sộ song
vẫn hùng vĩ và có tính hoành tráng, gợi không khí trang nghiêm” [28, tr.151].
Bố cục
các đền tháp Chăm Vijaya là những tổng thể hoàn chỉnh phản ánh vũ trụ quan Ấn
Độ. Theo đó, vũ trụ có hình vuông, chung quanh có núi và đại dương bao bọc,
chính giữa là một trục xuyên đến mặt trời. Đền tháp Chăm Vijaya thể hiện rõ vũ
trụ quan này. Các đền tháp Chăm Vijaya đều có bố cục theo một đường trục chạy
giữa, như cụm đền tháp Dương Long hay tháp Hưng Thạnh. Hướng chính là hướng
Đông - hướng của thần linh, của sự phồn thực. Không như các nhóm tháp ở Mỹ Sơn thường
quay về phía tây, nhóm Pô Dam quay về phía tây nam do bị hạn chế bởi địa hình,
các tháp Chăm Bình Định được vương triều Vijaya lựa chọn kỹ lưỡng những thế
núi, thế sông hoàn toàn phù hợp với vũ trụ quan Ấn Độ.
Hệ
thống đền tháp ở Bình Định đã được H. Parmentier nhận xét: “ở đây có một số kiến trúc của nghệ thuật vào
loại bề thế nhất …” [23, tr.28]. Trong số 60 công trình kiến trúc nằm rải
rác khắp miền Trung và khu vực Tây Nguyên (không kể Mỹ Sơn), thì Bình Định là
nơi tập trung nhiều nhất về số lượng và quy mô đền tháp. Hiện tại nơi đây còn
bảy cụm đền tháp còn tương đối nguyên vẹn (Hình 1.4) với mười ba kiến trúc và
hàng chục phế tháp khác. Ngoài ra, đây còn là nơi tập trung đầy đủ ba loại nhóm
kiến trúc trong tổng thể đền tháp Chăm, đó là loại kiến trúc một tháp như: Bình
Lâm, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện; loại ba tháp như Dương Long, Hưng Thạnh;
loại gồm nhiều tháp như Bánh Ít. Có thể nói Bình Định là nơi tập trung đa dạng
nhất các loại hình kiến trúc tháp Chăm.
Với
tính chất đa dạng của các loại nhóm kiến trúc đồng nghĩa với việc đa dạng trong
chức năng thờ cúng của tháp. Loại một tháp và cụm tháp có trung tâm là nơi thờ
phụng duy nhất thần Shiva. Loại ba tháp thờ cả tam vị nhất linh. Thông qua tư
liệu bia ký, chúng ta biết rằng, “các vua
chúa Chămpa luôn cúng tế đền tháp sau những lần vua đăng quang, thắng trận và
được mùa. Hình thức cúng tế đền tháp có quy mô được triều đình, hoàng gia tổ
chức. Tu sĩ đại tài (thường là người nước ngoài) được vua chúa mời đến phục vụ
nghi lễ trên tháp gọi là “Tôi tớ của thần linh” [42, tr.283].
Trong
khi đền tháp Chăm Mỹ Sơn được dựng xây trong khu vực lòng chảo thì các tháp
Chăm Bình Định phần lớn được đưa lên gò, đồi cao, với công năng nhằm đáp ứng
nhu cầu tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng của dân cư Chăm, như Ch. Lemire đã nhận
xét: “Các đền đài đều dùng vào mục đích
tôn giáo và chính trị” [5, tr.33]. Vì vậy, việc xây dựng đền tháp trên gò,
đồi nhằm thỏa mãn giáo lý là biểu tượng núi Mêru – nơi cư ngụ của thần linh.
Theo đó, gò đất hoặc đồi cao là biểu tượng của rùa – hóa thân của thần Visnu
đội núi Mêru nổi lên khuấy biển sữa trong sử thi Ấn Độ. Ngoài ra, nó còn cho
thấy tính chất uy nghi, tôn nghiêm của đền tháp bởi vị trí đặt trên cao có thể
nhìn thấy từ xa, án ngữ cả một vùng rộng lớn.
Về
chất liệu xây dựng có sự khác biệt so với giai đoạn trước, đó là sự kết hợp
giữa chất liệu truyền thống và chất liệu đá. Đặc điểm này do sự ảnh hưởng của
văn hóa Khmer trong suốt một thời gian dài Chămpa bị Khmer xâm lược.
1.3.2.
Điêu khắc
Điêu
khắc là thành phần không thể thiếu trong kiến trúc tôn giáo Chămpa. Điêu khắc
không chỉ làm đẹp cho các công trình kiến trúc và làm rõ hơn chức năng tôn giáo
mà đền tháp đó thờ cúng. Các tác phẩm điêu khắc thường sử dụng chất liệu có sẵn
ở địa phương như đá sa thạch với nhiều màu sắc như xám, xanh, hồng, đen, đá và
gạch nung. Tùy theo từng thời kỳ lịch sử mà việc lựa chọn chất liệu điêu khắc
có sự thay đổi. Kết hợp với chất liệu gạch truyền thống, chất liệu đá đã góp
phần mang lại vẻ đẹp, sự hoành tráng, hùng vĩ cho các công trình kiến trúc (Hình
1.5).
Ngoài
ra, các tác phẩm điêu khắc tại Bình Định còn là một yếu tố quan trọng mang lại
cho kiến trúc một phong cách riêng: phong cánh Tháp Mắm (hay còn gọi là Tháp
Mẫm), được các nhà khoa học trong và ngoài nước nhận định là một trong những
phong cách lớn của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Có được phong cách riêng này là
nhờ vào nhiều yếu tố, như lời J. Boisselier đã nhận định:
“Đối với lịch sử thì bên cạnh tính thống
nhất của dân tộc Chăm tạo nên tiếng nói chung trong truyền thống nghệ thuật
điêu khắc thì tính địa phương cũng mang đến trong điêu khắc những phong cách
đặc thù mang tính cục bộ địa phương” [25, tr.161].
Nằm trong truyền thống mỹ cảm của dân
tộc, điêu khắc Chăm Vijaya mang một nội dung tôn giáo, thần thoại Ấn Độ, nhưng
bên cạnh đó còn có ý nghĩa như là tâm tư, khát vọng của con người Chăm,
như Huỳnh Thị Được đã nhận định:
“… Hầu hết các tác phẩm điêu khắc Chăm
gắn liền với tín ngưỡng, có chủ đề và nguồn cảm hứng sáng tác từ các thần thoại Ấn Độ. Đằng sau
những phù điêu, ở giữa những bức tượng ấy là cả một không gian huyền thoại,
phản ánh những tư duy trừu tượng, ngây thơ, lãng mạn của con người khi lý giải
về những điều kỳ diệu của vũ trụ…” [21, tr.3].
Điêu
khắc Chăm tại Bình Định cũng không ngoài những nội dung đó. Tất cả đều được
nhân cách hóa, hình tượng hóa để rồi trở thành những hình tượng mang tính thẩm
mỹ cao như Gahasima, Sư Tử, Macala, Ganesa, Rắn... Ngay cả hình tượng các vị
thần cũng được hóa thân với nhiều tay, nhiều đầu để thể hiện tính thần thoại,
tính thần linh; Nhưng đôi khi các con vật thần lại được thể hiện rất thực, rất
gần gũi với đời sống con người như hình tượng bò Nandi, khỉ, voi…
Điêu
khắc Chăm Bình Định được chia làm hai loại chính, đó là tượng tròn và phù điêu
trang trí và với ngôn ngữ tạo hình có phần khác biệt so với các giai đoạn trước.
1.3.2.1. Tượng tròn
Điểm
khác biệt lớn nhất của điêu khắc Chăm Bình Định với các giai đoạn trước đó
chính là các tượng tròn thể hiện thần linh nay đều chuyển hướng thành phù điêu
nổi cao. Vì vậy, ở giai đoạn này, tượng tròn với nội dung thần – người rất hiếm
gặp. Chủ đạo trong tượng tròn vẫn là các con vật linh như bò thần Nandi, voi
thần, thần hộ pháp và bệ thờ linga – yoni. Các vật thần thường được đặt trước
cửa đền tháp mang chức năng trang trí là chủ yếu, linga – yoni được đặt giữa
lòng tháp với chức năng thờ cúng và đặt trên đỉnh tháp theo chức năng trang trí
kiến trúc. Điêu khắc thường được tạc với kích thước lớn, mang tính chất gợi khối hơn là tả thực.
1.3.2.2. Phù điêu
Mảng
phù điêu chia làm hai loại, một loại là phù điêu nổi cao có nội dung là thần
linh vừa mang chức năng trang trí vừa mang chức năng tôn giáo, hay nói đúng hơn
là làm rõ hơn nội dung thờ cúng, như thần Shiva, các shakti của Shiva và các con
vật thần như sư tử, Garuda…; Loại thứ hai là những phù điêu chỉ mang chức năng
trang trí kiến trúc như voi, khỉ, tu sĩ, vũ nữ…dùng để trang trí chân đế tháp,
cột tháp, góc tháp, diềm tường, diềm mái…được tạo tác bằng chất liệu đá là chủ
yếu.
Tiểu kết
Bình
Định là vùng đất Vijaya xưa, là là tiểu vương quốc vùng miền Trung của Chămpa
xưa, có nền văn hóa Chăm nối tiếp văn hóa Sa Huỳnh. Nơi đây có điều kiện tự
nhiên sinh thái và xã hội nhân văn khá đặc thù. Trải qua năm thế kỷ, dân tộc
Chăm đã tạo cho mình một nền văn hóa vừa mang đặc điểm chung của dân tộc vừa có
những nét riêng biệt. Đời sống kinh tế của cư dân Chăm Vijaya nơi đây khá phát
triển, nhất là nông nghiệp. Bên cạnh đó vẫn phát triển các ngành thủ công và
đặc biệt là nghề đi biển. Cũng như các dân tộc Đông Nam Á, người Chăm mang trên
mình tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước. Mặc dù bị chi phối bởi sự du nhập văn hóa
Ấn Độ đồng hành cùng các tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ, người Chăm vẫn giữ được
những yếu tố văn hóa bản địa. Đồng thời, trong suốt giai đoạn lịch sử lúc
thăng, lúc trầm, lúc thịnh, lúc suy, người Chăm Vijaya vẫn chọn tôn giáo Bà La
Môn làm tôn giáo chính của mình. Trong đó nổi trội nhất là Shiva giáo. Đồng
thời, cùng với việc tiếp biến văn hóa các quốc gia láng giềng trong lịch
sử như Đại Việt thời Lý – Trần, đặc biệt
là văn hóa Khmer, đã tạo cho văn hóa Chăm thời kỳ Vijaya một bản sắc riêng
trong dòng chảy văn hóa Chămpa.
Giá
trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần đó của người Chăm Vijaya đã được thể hiện rõ
nét qua nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc đền tháp còn lại trên đất Bình Định
ngày nay.
CHƯƠNG II
CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CHĂM TIÊU BIỂU
Ở
BÌNH ĐỊNH
2.1. Kiến
trúc từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII
2.1.1. Tháp Bình Lâm (giữa thế kỷ XI)
Tháp Bình Lâm nằm trong khu vực thành Bình Lâm xưa, nơi được xem là kinh đô
đầu tiên của vương quốc Vijaya khi mới chuyển đô từ miền Bắc vào. Tháp được xem
là tháp xưa nhất trong những tháp Chăm có mặt trên đất Bình Định, có “khả năng tháp được xây dựng dưới vương triều
Harivarman IV vào cuối thế kỷ XI ” [40, tr.157]. Mặc dù thế kỷ XI được xem
là một thế kỷ đầy biến động nhưng dưới thời vua Harivarman IV (1074 – 1081), xã
hội Chămpa lại có xu hướng ổn định và phát triển khá mạnh mẽ. Vì vậy có thể
thấy, tháp Bình Lâm được xây dựng trong thời điểm đất nước đang thịnh trị, cho
thấy vua khá quan tâm đến đời sống tâm linh của thần dân của mình.
Tháp
Bình Lâm hiện thuộc thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Trong sách
Đại Nam nhất thống chí, tháp Bình Lâm được gọi là tháp Thanh Trúc: “Tháp Thanh Trúc ở thôn Bình Lâm” [41,
tr.58]. Vì tháp thuộc làng Bình Lâm nên được dân gian gọi theo tên của làng.
Trong bảy phong cách nghệ thuật kiến trúc, tháp Bình Lâm được nhà nghiên
cứu người Pháp P. Stern xếp vào giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình
Định (khoảng giữ thế kỷ XI). Vì vậy, khi so sánh với các tháp khác có mặt trên
đất Bình Định, tháp Bình Lâm có một vị trí khác biệt từ không gian thể hiện cho
đến các yếu tố trang trí.
Nếu như phần lớn tháp Chăm ở Bình Định đều được xây trên các đỉnh đồi cao
thì tháp Bình Lâm lại tọa lạc trên một vùng đất khá bằng phẳng của cánh đồng
Bình Lâm, ẩn mình sau những rặng tre làng, chung quanh có nhà dân bao bọc. Vì
thế, tháp Bình Lâm không có cái thế hùng vỹ, hoàng tráng như phần lớp các tháp
Chăm ở Bình Định nhưng lại vô cùng thơ mộng và bình yên khi hòa mình cùng với
thiên nhiên và con người. Không như các tháp như Cánh Tiên, Bánh Ít hay Phú Lốc
nhìn từ xa đã thấy, tháp Bình Lâm hiện lên với toàn bộ vẻ đẹp của nó khi khoảng
cách chỉ còn khoảng 200 mét (Hình 2.1).
Đầu thế kỷ XX, khi khảo sát di tích tháp Bình Lâm, Parmentier đã ghi nhận
về kiến trúc tháp vẫn còn khá nguyên vẹn với các loại hình trang trí phong phú
trên diềm, ngạch, lá nhĩ, bộ chân…trên tất cả các tầng của tháp. Đến nay, tháp
Bình Lâm hiện đã hoang phế nhiều, hầu như các trang trí trên vòm cửa, thân hay
đế tháp đã bị thời gian bào mòn và con người phá hoại. Các tháp góc đã mất,
đỉnh tháp cũng không còn. Toàn bộ tháp hiện giống như một cây gạch khổng lồ
vươn lên mây trời với một màu vàng ấm áp và bình dị của chất liệu gạch. Lòng
tháp hẹp in sẫm màu nhang khói. Hiện tại chùa Thiên Trúc nằm kế bên tháp con
lưu giữ một linga và một tượng hộ pháp được coi có xuất xứ từ tháp Bình Lâm. Vì
vậy có thể hiểu, tháp Bình Lâm xưa thờ thần Shiva qua ngẫu tượng linga (Hình 2.2).
Với góc nhìn cận cảnh, ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của tháp
Bình Lâm. Chiều cao toàn bộ tháp hiện nay còn 19,78m. Đế tháp được xây bề thế
với chín cột giả ốp vào mỗi mặt cho ta cảm giác nhẹ nhàng và tăng thêm phần
duyên dáng cho đế tháp (Hình 2.3).
Thân tháp có dạng hình trụ khối chữ nhật đứng. Tỷ lệ giữa các thành phần
kiến trúc tương đối hợp lý, nhất là phần thân. Nó không để lại một ấn tượng
nặng nề như tháp Hòa Lai, hay Đồng Dương, không quá ngạo nghễ, phô trương như
phần lớn các tháp khác trên đất Bình Định, cũng không quá cao như tháp Khương
Mỹ. Tỷ lệ của phần thân tháp so với các tầng phía trên của tháp Bình Lâm vừa
phải, nhẹ nhàng. Hai tháp phía trên thu
nhỏ dần đều đặn, tương đối hài hòa so với phần thân phía dưới, tạo một
ấn tượng êm ả, bình yên trong thị giác người chiêm ngưỡng.
Tháp có bốn cửa, trong đó cửa hướng Đông đi vào lòng tháp, phần vòm đã sụp
lở hoàn toàn. Tuy đã mất đi rất nhiều chi tiết trang trí nhưng không vì thế
tháp Bình Lâm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Yếu tố trang trí mang lại vẻ đẹp cho
tháp Bình Lâm cũng như các tháp Chăm khác đó chính là các cửa giả (Hình 2.4). Vẫn theo lối cấu trúc truyền thống, nhưng mỗi cửa giả
của tháp Bình Lâm là một cấu trúc gồm ba thân kế tiếp nhau to dần từ ngoài vào
trong, gồm hai cột ốp bên dưới và vòm cửa bên trên. Cả ba thân được đặt trên
cùng một nền vuông phía dưới được trang trí với những hình sư tử, hoa lá và
hình áp cánh sen. Đỉnh các cột ốp nhô dần ra, loe đều đỡ lấy diềm mái. Đường
diềm trên mái tháp được trang trí đẹp với các phù điêu tràng hoa trên
đỉnh cột với lối chạm khắc khá công phu trên từng chi
tiết nhỏ, uốn lượn thành hình chữ U, làm thành một đường diềm liên hoàn quanh
phần trên thân tháp (Hình 2.5).
Thân ngoài cùng gồm hai trụ dô ra, đỡ lấy vòm cửa có hình chữ U lộn ngược (Hình 2.6). Trên đỉnh vòm cửa trang trí một hình lá nhọn đầu tương
đối lớn, tạo cảm giác vòm cửa như một hình mũi giáo vút lên cao. Hai đầu chữ U
vút lên những hình ngọn lửa nhọn đầu và hai chân cửa vòm là hai đầu Macara há
rộng mồm, phun vòi ra ngoài. Mô tip cửa vòm với Macara rất phổ biến trong nghệ
thuật cổ Inđônêxia cho thấy ở đây có một sự tiếp biến trong văn hóa Đông Nam Á.
Phía trong vòm cửa hình chữ U lộn ngược là một ô khám có tượng người ngồi trên
đài sen được chạm khắc trục tiếp lên gạch. Tuy không xác định rõ là vị thần nào
do đã bị mòn khá nhiều chi tiết nhưng cũng có thể nhận thấy tổng thể vị thần
đang ngồi trên tòa sen. Ph. Stern khi nghiên cứu vòm cửa tháp Bình Lâm đã nhận
định: “...ở Bình Lâm bên trên loại cửa vòm loại Mỹ Sơn A1 là một kiến trúc nhỏ
giống như Mỹ Sơn A1” [41, tr.343]. Điều đó cho thấy vòm cửa Bình Lâm vẫn cho
mang hơi hướng của phong cách Mỹ Sơn A1.
Thân thứ hai gồm hai hai trụ hai bên và cửa vòm lớn phía trên. Khác với vòm
cửa ngoài cùng tạo hình thành ô khám, phần vòm của thân giữa được tạo hình
giống như một ngôi tháp nhiều tầng với các họa tiết trang trí vô cùng sinh động
như tiên nữ, voi, gajasima, sư tử…Thân trong cùng nhỏ nhất, lộ ra như mép ngoài
của thân giữa, nhưng trải dài theo mép của vòm cửa hình mũi giáo của thân này
là hình gajasima và hình một vị thần ngồi trên đài sen ở trên cùng. Điều đặc biệt
ở đây là mười hình gajasima được thể hiện nằm chồng lên nhau, ngẩng đầu ra
ngoài, trông rất kỳ thú.
Toàn bộ cửa giả ba lớp này chiếm mảng trung tâm khá lớn của mỗi mặt tường,
đỉnh của vòm cửa cao gần chạm đến hết chiều cao tầng một. Nhịp điệu của các vòm của giả như vút cao hơn nhờ vào
sự nối tiếp bởi những cửa giả của các tầng trên, tạo cảm giác bay bổng trong
không gian. Do các tầng trên được thu nhỏ nên các cửa giả trở thành các ô khám
với cấu trúc ba thân. So với vòm cửa giả của phần thân, vòm của các ô khám được
thể hiện bởi hai đầu Macara ở thân trước, còn thân sau thu nhỏ lại, như là một
sự tỏa rộng ra của thân trước. Trong lòng mỗi vòm được trang trí bởi một hình
người ngồi trên tòa sen, và một hình người đang đứng giữa khoảng cách của hai
trụ.
Vẻ đẹp của tháp Bình Lâm còn thể hiện qua các cột ốp và các khung giữa các
cột ốp cũng như các gờ sâu bao quanh các khung trang trí tạo cho bề mặt tường
thoát được vẻ đơn điệu khi bề mặt các cột ốp không được trang trí bởi những họa
tiết, hoa văn như các tháp thuộc phong cách Mỹ Sơn A1. Không chỉ vậy, hệ thống
cột ốp hình cánh sen và các đường gờ đã tạo cho tháp một vẻ đẹp trang nhã và
duyên dáng (Hình 2.7). Nếu so sánh với các tháp Chăm thế kỷ X
(phong cách Mỹ Sơn A1), có thể thấy tháp Bình Lâm thiếu đi các hoa văn trang
trí phủ kín bề mặt cột ốp, thiếu đi các hình người trong các ô khám, làm cho
tháp Bình Lâm mất đi vẻ đẹp duyên dáng vốn có của phong cách Mỹ Sơn A1, nhưng
thay vào đó, hệ thống cột kép có đường gờ, rãnh lại làm tăng thêm sự khỏe mạnh
cho các thành phần kiến trúc. Không chỉ vậy, nó còn góp phần nêu bật được hình
tượng điêu khắc trong các vòm cửa giả.
Nếu
người Việt xây tháp Bình Sơn sau đó mới gắn các mảng trang trí vào thì ngược
lại người Chăm lại cho chạm khắc trực tiếp lên gạch, vì vậy nó tạo thành một
mạch liên hoàn không có chỗ đứt gãy, kết nối. Về vấn đề này, Lưu Trần Tiêu đã
nhận xét: “…người Chàm đã đục đẽo, chạm
khắc hoa văn trực tiếp lên mặt tường gạch, chính chất liệu gạch đặc biệt đã
biến mặt tường các tháp Chàm thành một chất liệu điêu khắc lý tưởng không thua
kém gì đá cát mà người Khmer thường sử dụng trong điêu khắc” [51,
tr.125]; (Hình 2.8).
Với
lối xây xếp theo kỹ thuật mài chập, không thấy mạch vữa khiến cho cả tòa tháp
như một cây gạch khổng lồ vươn lên vàng rực giữa bầu trời xanh êm ả, mang vẻ
đẹp dung dị, gần gũi với con người. Không những vậy, với hệ thống trang trí được
chạm khắc một cách tinh tế về đường nét, hoàn thiện về tổng thể, tháp Bình Lâm
còn được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là ngôi tháp đẹp nhất trong hệ thống
tháp hiện còn trên đất Bình Định. Một bài báo đã nhận xét: “Bình Lâm mang vẻ đẹp phảng phất tinh thần cổ điển: hoàn thiện và trọn
vẹn trong toàn thể cũng như trong từng chi tiết nhỏ” [63]. Điều
đó cho thấy tháp Bình Lâm có một vẻ đẹp hoàn mỹ, mang giá trị nghệ thuật cao
không thua kém bất kỳ một công trình kiến trúc tôn giáo Chăm nào có mặt trước
và đồng thời với nó.
2.1.2.
Tháp Bánh Ít (thế kỷ XII)
Đi trên đường quốc lộ 1A, đoạn đường từ cầu Bà Di (huyện Tuy Phước) đi ra
hướng Bắc, ta có thể thấy cụm đền tháp Bánh Ít ngạo nghễ vươn mình trên quả đồi
ven đường lộ. Bởi trông từ xa bốn tháp
giống hình bốn chiếc bánh ít lá gai lột trần đơm trên mâm nên người dân địa
phương gọi là tháp Bánh Ít. Ngoài ra tháp còn có tên là tháp Thị Thiện. Theo
Đại Nam nhất thống chí, phần cổ tích có ghi: “Tháp Thị Thiện có bốn cái ở trên
núi đất chỗ giáp giới bốn thôn Đại Lộc, Hoàng Kim, Vạn Bảo và Phong
Niên” [41, tr.65]. Tuy vậy, tên gọi tháp Bánh Ít vẫn thường được dùng nhiều
hơn cả.
Tháp Bánh Ít thuộc địa bàn xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Với những yếu tố
trang trí kiến trúc trong dòng chảy của nghệ thuật kiến trúc Chăm, cụm tháp
Bánh Ít được Ph. Stern coi là ngôi tháp cuối cùng của phong cách chuyển tiếp và
được xác định “được xây dựng dưới vương
triều Harivarman V (1113 – 1139 )” [40, tr.186]. Thế kỷ XII là một thế kỷ
không ổn định của dân tộc Chăm, nhưng khi có điều kiện, các công trình kiến
trúc tôn giáo vẫn tiếp tục được xây dựng ở cả thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng kinh
đô hiện tại – đất Vijaya, trong đó có tháp Bánh Ít. Theo Lê Đình Phụng, “tháp trung tâm thờ ngẫu tượng linga – yoni
đức bằng đồng, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Guymes – Pháp” [65].
Tháp Bánh Ít thuộc loại hình kiến trúc nhiều tháp trong đó có một tháp
chính và ba công trình phụ trợ (Hình 2.9). Từ
dưới đi lên theo hướng Đông, ta bắt gặp tháp Cổng ở mặt bằng lớp sân thứ nhất,
lên đến lớp thứ hai ta bắt gặp tháp Đông – Nam và lớp cao nhất, rộng nhất gồm
có hai công trình kiến trúc: tháp Nam và tháp trung tâm. Từ vị trí đỉnh đồi có
thể nhìn bao quát cả một vùng không gian rộng lớn. Phía Tây – giáp đường quốc
lộ. Phía Bắc xa tít là một tháp Chăm nữa – tháp Phú Lốc. Phía Đông - Nam – một chi phái của sông Côn xanh
mướt, hiền hòa mềm mại ôm lấy chân đồi. Có thể thấy, trong các tháp hiện còn trên
đất Bình Định, tháp Bánh Ít có một không gian khá đặc biệt, vừa mang vẻ thực
tại, sống động của cuộc sống đương thời,
vừa mang vẻ u linh, hoài niệm về dĩ vãng một thời vang bóng. Có thể thấy, “Lên Bánh Ít, người xem có thể thưởng ngoạn
những vẻ đẹp đa dạng và phong phú, có thể thỏa mãn nhiều cảm xúc thẩm mỹ khác
nhau” [14, tr.176].
Tháp trung tâm Bánh Ít (Hình 2.10) là một công trình được đặt ở vị trí cao nhất với số đo
chiều cao là 29,6m, bình đồ hình vuông. Cấu trúc tháp được chia làm ba phần:
Phần chân đế được trang trí bởi những phù điêu áp hình cánh sen nhọn đầu
làm bước khởi điểm cho thân tháp vút lên cao (Hình 2.11).
Tuy đế tháp được xây kiên cố nhưng nhờ có phần trang trí nên trông giống một
đài sen đỡ lấy phần thân tháp, tựa hồ đế
tháp như một bệ yoni hình cánh sen và phần thân tháp là một linga khổng lồ.
Thân tháp là một khối chữ nhật đứng. Mặt chính hướng Đông là vòm cửa dẫn
vào bên trong của tháp (Hình 2.12). Hai bên vòm cửa gồm
hai trụ đỡ lấy vòm cửa ba lớp hình mũi lao nhô lên phía trên, lớp sau thu nhỏ
hơn lớp trước vươn ra vòm cửa với hình trang trí là một diềm hoa văn xoắn đăng
đối nhau qua trục của vòm cửa. Ba mặt Bắc - Tây - Nam là hệ thống cửa giả với
hai cột đăng đối đỡ lấy mái vòm bên trên có hình mũi lao ba lớp vươn lên tạo
thành khám nhỏ. Hình thức trang trí vòm cửa giả cũng như vòm cửa chính. Ở giữa
được trang trí bằng một mặt Kala với đôi mắt lồi mở to trông hung dữ, hàm răng
nhe nanh nhọn hoắc, lởm chởm. Trong khung cửa giả được trang trí bằng hình ảnh
tu sĩ đang chắp tay nguyện cầu một cách cung kính. Điều khác biệt ở đây là
trong khi thân hình tu sĩ được tạc bằng chất liệu gạch nhưng phần đầu lại được
sử dụng chất liệu đá. Cánh thể hiện khung cửa giả này giống với tháp Mỹ Sơn C1.
Tuy chất liệu và đề tài chạm khắc tu sĩ đều giống nhau nhưng cách biểu hiện có
phần đơn giản, cách diễn tả khối dứt khoát, mạnh khỏe, thô cứng hơn. Hệ thống
cột ốp tường gồm năm cột kép. Giữa hai cột có đường rãnh ở giữa tạo khoảng cách
giữa hai cột. Cột góc nhô mình ra khỏi
thân tháp tạo nên sự vững bền cho công trình kiến trúc, phần đỉnh cột loe dần
ra đỡ lấy bộ mái được trang trí bằng hoa văn xoắn.
Bộ diềm mái có kết cấu nhiều lớp, lớp dưới cùng được trang trí bằng hoa văn
tràng hoa treo kết dải uốn lượn mềm mại vây quanh diềm tháp (Hình 2.13). Hình thức trang trí này có điểm tương đồng với trang
trí diềm mái tháp Bình Lâm. Tuy nhiên, ở tháp trung tâm Bánh Ít có sự kết hợp
với chất liệu đá ở nửa phần trên và chất liệu gạch ở nửa phần dưới tạo nên phần
diềm với màu sắc lạ nhưng lại gắn kết hài hòa với chất liệu gạch của tháp. Càng
lên cao các lớp diềm mái càng thu nhỏ dần tạo cho nó một cái nhìn nhẹ nhàng,
thanh thoát.
Mái tháp gồm có ba tầng còn khá nguyên vẹn, mỗi tầng có bốn tháp góc và một
lá nhĩ nhô ra khỏi phần mái tháp. Phần lớn các tháp góc đã qua tu sửa, chỉ còn
tháp Đông Bắc của tầng hai là còn khá nguyên vẹn với hoa lửa trang trí góc (Hình 2.14). Lá nhĩ tầng một ở mặt Đông với ba lớp vòm, hoa lửa
trang trí vòm đã được tu sửa nhưng vẫn giữ được tinh thần chung của tháp. Bên
trong lá nhĩ có phù điêu đã bị hư hỏng nhưng vẫn thấy phù điêu hình ảnh bò
Nandi, lá nhĩ mặt Bắc là hình tượng Kala đang ngoác miệng với hàm ranh hung dữ,
mặt Nam là hình tượng của Sư tử. Theo H. Parmentier, “Tháp trung tâm thuộc loại giản lược, hình thù trông giống như tất cả mọi nhóm thuộc hệ thống gờ lượn”
[41, tr.67].
Tháp Nam Bánh Ít là
một công trình kiến trúc vô cùng độc đáp không chỉ của nghệ thuật đền tháp
Vijaya mà còn của cả hệ thống đền tháp Chămpa nói chung (Hình 2.15). Theo các nhà nghiên cứu, tháp Nam là một công trình có
chức năng là tháp Bà Hỏa nơi gây lửa thiêng trong các kỳ tế lễ trong Ấn Độ
giáo. Bình đồ tháp có hình chữ nhật và có tới ba cửa mở ra ba hướng Đông – Bắc – Nam. Kích thước cao 10,1m. Lòng
tháp là hai phòng thông với nhau.
Đế tháp cao vừa phải với những lớp gạch xây nhô ra dần tạo nên thế vững
chãi cho tháp được trang trí bởi một diềm tường thể hiện hình ảnh con người
đang đứng, chân xoãi ra, bụng quấn Sămpốt có đuôi khố được uốn nhọn thành hình
tam giác hất sang một bên, hai tay giang rộng đưa lên cao, như muốn nhấc bổng
cả khối tháp lên cao hơn nữa (Hình 2.16).
Không như các tháp điển hình có thân là hình chữ nhật đứng, thân tháp Nam
là một khối hình trụ nằm ngang với sáu cột ốp nhô ra khỏi thân tháp. Phần thân
được chia ra làm hai phần rõ rệt: phần dưới to, trên nhỏ (Hình 2.17). Cột được xoi
rãnh dọc nên khi nhìn lướt qua, trong mỗi cột như là hai cột kép. Giữa hai trụ
là một khoảng rộng vừa phải được trang trí bởi những hoa văn ô trám uốn cong
mềm mại chạy dọc theo thân. Trong mỗi ô trám là những hoa văn xoắn kết theo
tính chất trang trí đăng đối. Hình thức trang trí hoa văn xoắn này có điểm
tương đồng với trang trí trên tháp Mỹ Sơn A1 (Hình 2.18).
Kết thúc phần thân tháp là một đường diềm có hình thức trang trí nhắc lại
nhắc lại với những mặt Kala hung dữ nhìn trực diện (Hình 2.19). Bên trên là hệ thống cột dọc bảy chiếc chạy dọc theo
thân nhưng được thu nhỏ dần, các cột
được đặt so le so với hệ thống cột ốp bên dưới thân tháp tạo nên nhịp điệu hài
hòa, khiến cho công trình kiến trúc thêm phần đẹp mắt, gây hiệu ứng thẩm mỹ
cao:“Phần trang trí của tháp Nam, ở diềm
mái, thay vì các hình vũ nữ, hình khắc trang trí lại thể hiện một đàn hươu mười
ba con với dáng vẻ rát khác nhau trông rất tinh nghịch và sống động” [44,
tr.25].
Bộ mái tháp cong cong hình yên ngựa, lõm phần trung tâm nhưng vút cao hai
đầu, được trang trí bởi những nhiều lớp hoa văn xoắn nhô cao, hai đầu uốn cong,
đối xứng tạo thành khám nhỏ. Bốn mặt mái tháp kết hợp với nhau hợp lí tạo cảm
giác nhẹ nhàng, bay bổng, cho ta liên tưởng đến những mái nhà sàn trên mặt
trống Đồng Đông Sơn, đây phải chăng là sự trở về với nguồn cội của cư dân với
nền văn minh nông nghiệp?
Với kỹ thuật xây dựng cao, thống nhất, chất liệu gạch thuần nhất nên tháp
có một màu đỏ rực nổi bật lộng lẫy giữa nền trời xanh, kết hợp với nhận thức
thẩm mỹ tinh tế, tháp Nam được xem là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng sống động
và thực sự hoàn chỉnh, như lời học giả Ngô Văn Doanh nhận xét:
“Sang ngôi tháp mái cong hình
yên ngựa…, người xem như thấy một thiên cung huyền ảo…. Mái tháp cong cong hình
yên ngựa lại như xòe cánh bay. Trên mặt tường của kiến trúc, người nghệ sĩ
Chămpa xưa đã tô điểm bằng những băng,
những ô hình hoa lá. Tất cả tạo cho ngôi tháp
mái cong này vẻ diễm lệ, thơ mộng hiếm thấy ”
[57, tr.94].
Loại hình mái cong hình yên ngựa này trước đây đã được xây dựng tại Mỹ Sơn
B5, rồi Mỹ Sơn E7, C3. Sau tháp Bánh Ít, loại hình này còn xuất hiện tại tháp
Po Klong Glai (Ninh Thuận). Tuy có cùng hình thức, nhưng tháp Nam Bánh Ít có
kích cỡ lớn hơn đôi chút, tương đối còn nguyên vẹn đồng thời được đặt chung
trong tổng thể cụm bốn đền tháp trong một không gian rộng lớn đã tạo được một
cảm giác vô cùng thích thú khi cùng lúc được chiêm ngưỡng những công trình kiến
trúc có cách biểu hiện hoàn toàn khác nhau, nhất là khi đứng trước tháp Nam
Bánh Ít, tạo cho nó một vẻ đẹp riêng mà các cụm đền tháp địa phương khác không
thể có được.
Tháp Tây Nam nằm
ở phía tây nam tháp chính. Tháp có chiều cao 12,77m, bình đồ hình vuông và có bốn cửa mở ra bốn hướng (Hình 2.20).
Phần đế tháp tương đối thấp so với hai tháp kể trên, được xây bằng chất
liệu đá ong kè vững chắc. Thân tháp hình chữ nhật đứng vươn cao. Cả bốn cửa đều
có kết cấu hai cột kép loe dần trên đỉnh, đỡ lấy vòm cửa bên trên có hình mũi
lao hai lớp. Hệ thống cột ốp tường gồm năm chiếc, kể cả cột góc. Vòm cửa và các
cột ốp đều để trơn không trang trí. Khoảng giữa các cột ốp là hệ thống các
đường xoi rãnh chạy dọc theo thân.
Bộ mái tháp Tây - Nam cũng là một hình tượng khá đặc biệt trong nghệ thuật
kiến trúc Chăm nói chung và kiến trúc Vijaya nói riêng với ba tầng. Càng lên
cao mái được thu nhỏ lại, tạo cho thị giác một cái nhìn dễ chịu, thuận mắt (Hình 2.21). Tầng dưới cùng là hình ảnh của thân tháp được thu nhỏ
với ba cột ốp tường, bốn cột góc nhô ra nhiều hơn để đỡ lấy bộ diềm nền mái.
Thân của hai tầng còn lại đều không có hệ thống cửa giả mà là hệ thống năm cột
ốp tường, đỡ lấy phần diềm nhiều lớp nhô dần ra, trên mỗi cột có trang trí bằng
hình tượng hồ lô thắt eo ở giữa trông vô cùng duyên dáng và uyển chuyển trong một
khoảng thân đầy những nét thẳng của cột của những đường gờ, làm mềm đi sự khô
cứng của những đường thẳng bao quanh nó, tạo cái nhìn vừa lạ lẫm, vừa thân
quen. Mỗi mặt tầng có năm hồ lô. Tầng hai hoàn toàn giống tầng một nhưng thấp
nhỏ hơn, đồng thời số lượng hồ lô chỉ còn bốn với tỉ lệ thu nhỏ hơn so với tầng
trên. Hình ảnh hồ lô ở hai tầng được sắp xếp so le tạo cho tháp có vẻ đẹp hài hòa, cân đối, mang lại
giá trị cho nghệ thuật thị giác, như nhận xét của Ngô Văn Doanh: “Những hình quả bầu lọ trên các tầng với các
khối cong nhịp nhàng đã che khuất và làm mềm đi những đường nét kỉ hà cứng cỏi,
khô khan, và nhờ vậy mà cả tòa kiến trúc dịu hơn, có nhịp điệu hơn” [57,
tr.94]. Hình ảnh những chiếc hồ lô trang trí trên các tầng mái là một điểm khác
lạ trong nghệ thuật trang trí kiến trúc đền tháp Chămpa. Ở biểu tượng này, ta
như bắt gặp nét thân quen của kiến trúc cung đình thời Nguyễn sau này, khi mà
những bình hồ lô được đặt trên nóc mái công trình, như hút hết những linh diệu
của đất trời về trong một biểu tượng nhỏ. Nó cho thấy sự tương đồng trong quan
niệm vũ trụ quan của giữa hai quốc gia
có chung nền văn hóa nông nghiệp.
Trên
cùng là mái tháp với hình chóp nhọn tạo nhịp điệu cao vút lên tới không gian
bao la của mây trời. Tuy tháp Tây – Nam thiếu hẳn các chi tiết điêu khắc trang
trí nhưng không vì thế mà mất đi vẻ đẹp của nó. Ở tháp Tây – Nam, giá trị nghệ
thuật của nó đã được các nhà nghiên cứu công nhận “được tạo nên bởi hình khối hài hòa, hòa quyện cùng màu tháp gạch đỏ
làm nên vẻ đẹp quyến rũ riêng” [4, tr.80].
Tháp Cổng nằm
trên cùng một lớp với tháp Tây – Nam, theo hướng đông của tháp chính có chiều
cao 13m (Hình 2.22). Bình đồ tháp hình vuông. Đế tháp có
dạng khối vuông cao vừa phải, được trang trí bằng những ụ trơn đã qua tu bổ vây
quanh đế tháp. Có thể thấy đặc điểm này gần giống với tháp Cánh Tiên. Tuy
nhiên, trong khi những ụ tháp Cánh Tiên là hình tượng lá đề với ba lớp tháp thu
nhỏ thì ở tháp cổng lại trở thành những ụ trơn không trang trí.
Thân tháp là một khối chữ nhật đứng, có hai cửa mở đối xứng nhau theo hướng
Đông – Tây. Hai cửa còn lại là cửa giả.
Từ cửa tháp cổng lên cửa tháp trung tâm là một trục thẳng chính Đông (Hình 2.23). Cửa có kết cấu bởi hai lớp cột đăng đối nhau qua hai
bên, trên đầu cột loe dần đỡ lấy vòm cửa hình mũi lao nhọn hai lớp kép. Hệ
thống năm cột ốp tường với độ nhô ra không lớn lắm, giữa các cột được xoi chỉ
rãnh chạy theo chiều dọc thân tháp.
Diềm mái được thể hiện khá đơn giản với các lớp gạch xây không có hoa văn
trang trí như các tháp chính hay tháp nam. Tuy nhiên, theo Lê Đình Phụng: “Căn
cứ vào dấu vết đoạn còn lại cho thấy dải diềm mái xưa được trang trí mặt Kala
liên kết thành băng vây quanh phủ kín diềm mái” [41, tr.82]. Mái tháp có
hai tầng, bốn mặt tháp có cửa giả với hai trụ kép hai bên và vòm hình mũi lao
nhọn. Cùng với sự thu nhỏ của hệ thống mái tháp là sự thu nhỏ tỉ lệ của các cột
ốp để phù hợp với kích thước chung. Trên cùng là chóp tháp đã được phục chế,
tuy không hoàn toàn giống nguyên trạng nhưng phần nào tạo cho tháp dáng vẻ
thanh thoát, nhẹ nhàng.
So với ba công trình kiến trúc trước, tháp cổng có vẻ khô khan, cứng cỏi
bởi thiếu vắng các hoa văn trang trí, nhưng bù lại, nó có vẻ nghiêm nghị cần
thiết cho một công trình kiến trúc tôn giáo. Không những thế, nó còn góp phần
tạo nên sự phong phú cho quần thể kiến trúc tháp Bánh Ít.
Nhìn tổng thể, cụm đền tháp Bánh Ít đa dạng về kiểu dáng, mang lại nhiều
cung bậc cảm xúc cho người chiêm ngưỡng:
“Ngôi tháp chính uy nghi;
ngôi tháp nam mái cong hình yên ngựa thơ mộng; tháp đông – nam ( tháp tây – nam
– theo tác giả bài viết ) gây cho người xem một ấn tượng rộn ràng cởi mở; tòa
tháp cổng đĩnh đạc, trầm tư…, ở Bánh Ít vừa có cái trang nhã thanh tú
lại vừa có chất cường tráng oai nghiêm” [57, tr.95].
Mặc dù bốn ngôi tháp Bánh Ít mỗi tháp mỗi vẻ khác nhau nhưng lại mang một
nét chung thống nhất, đó là sự khởi đầu cho một phong cách mới, phong cách kiến
trúc Bình Định. Điều đó biểu hiện rõ nét qua không gian bao la của đền tháp và
những yếu tố mới xuất hiện trong kiến trúc, dẫu vẫn mang trên mình những yếu tố
của phong cách Mỹ Sơn trong những đường nét thanh tú và những dải hoa văn, sự
khỏe khoắn của đường nét, sự đường bệ
của hình khối đã mang lại cho tháp Bánh Ít một sức sống mới, mà từ đây các nhà
nghiên cứu đã bắt đầu định hình một phong cách mới cho cả một thời đại kéo dài
suốt năm thế kỷ trên mảnh đất này.
2.1.3. Tháp Đôi (thế kỷ XII)
Trong tổng thể 13 đền tháp Chămpa hiện còn trên đất Bình Định, chỉ có hai
tháp được xây dựng trên đất bằng bình địa, đó là tháp Bình Lâm và tháp Đôi.
Cùng với tháp Bình Lâm phía Đông Bắc, tháp Đôi trấn giữ phía Đông Nam cảng Thi
Nại. Vì vậy, nó có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa - chính
trị, tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm xưa.
Tháp Đôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh. Sách Đại Nam nhất thống chí có
chép: “Tháp Đôi ở thôn Hưng Thạnh, huyện
Tuy Phước” [41, tr.124], nhưng
do đặc thù chỉ có hai tháp nên dân gian vẫn quen gọi là tháp Đôi, nay thuộc địa
bàn thành phố Quy Nhơn. Quách Tấn có ghi chép rằng: “Mang tên là tháp Đôi là vì tháp có hai ngọn đứng song song trên khoảnh
đất liền” [46, tr.223]. Theo Lê Đình Phụng, “Tháp có lẽ được xây dựng dưới thời trị
vì của vua Jaya Indravatman (năm 1167 - 1192)”
[40, tr.202].
Tháp Đôi gồm có hai công trình kiến trúc nằm trên một trục thẳng. Tên gọi
của từng công trình kiến trúc theo hướng của tháp, vì vậy gọi là tháp Bắc và
tháp Nam. Cả hai công trình kiến trúc tương đối giống nhau về hình dáng, chỉ
khác nhau đôi chút về kích thước và một vài hình thức trang trí có sự khác
nhau. Cả hai đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống Chămpa, thân
tháp có hình khối lập phương và phần mái tháp là bốn mặt cong nhỏ dần tạo thành
phần mái (Hình 2.24).
Tháp Bắc có
chiều cao là 22,57m, bình đồ tháp hình vuông, cấu trúc tháp chia làm ba phần rõ
rệt (Hình 2.25).
Phần đế tháp được xây cao vững chãi. Chân đế tháp được ốp bằng đá tảng lớn,
gồm sáu tầng có hình dáng eo thắt ở giữa tạo nên hình dáng như một bệ sen khổng
lồ với hai lớp cánh sen tỏa ngược chiều nhau (Hình 2.26).
Trong số những tảng đá lớn có một số được phục chế nhưng vẫn còn thấy rõ phần
đá nguyên bản của công trình kiến trúc cũ. Không những vậy, đế tháp ở mặt Bắc
còn để lại dấu tích mô tip trang trí hình ngọn lửa dày đặc ở lớp đá thứ hai,
thứ tư; đoạn eo thắt còn thấy rõ hình ảnh Macara hai tay vươn cao, một tay cầm
vũ khí như cái chùy (Hình 2.27). Không hiểu
sao, trong công trình “Di tích văn hóa
Chămpa ở Bình Định”, Lê Đình Phụng lại viết:“Phần đế tháp cao xây gạch vững chãi, có khả năng chân đế tháp trước
đây được ốp đá nhưng nay không còn” [41, tr.132].
Thân
tháp hình khối lập phương, cửa chính mở về hướng đông, ba cửa giả còn lại đăng
đối qua thân tháp. Bậc cấp gồm chín bậc cao dẫn đường đi vào lòng tháp. Lanh tô
và trụ cửa được kết cấu bằng đá. Vòm cửa đã bị hư hại hoàn toàn. Cũng như các
cột ốp tường của các tháp thuộc phong cách Bình Định, năm cột ốp của tháp Bắc
để trơn bản, không hoa văn trang trí. Nếu các đền tháp Chămpa Vijaya ở thế kỷ
XIII có hệ thống cột ốp cao vút, mạnh khỏe thì hệ thống cột ốp tháp Đôi lại khá
thấp, to bè. Một phần do chiều cao tháp không cao lắm, một phần do đế tháp đã
chiếm khoảng 1/6 chiều cao của tháp, vì vậy tạo cho phần thân có cái nhìn thấp
lùn; lại nằm ở vị thế đất bằng nên không có vẻ hoành tráng, hùng vĩ như các
tháp Cánh Tiên hay Phước Lộc. Bù lại, tháp Đôi lại có vẻ khiêm nhường, lặng lẽ
cần thiết của một công trình kiến trúc tôn giáo. Cả bốn mặt thân tháp đều thiếu
các hình thức trang trí trên các cột ốp và trong các khoảng trống. Đây cũng là
đặc điểm chung của các tháp mang phong cách Bình Định.
Ba mặt thân còn lại của tháp Bắc có kết cấu hoàn toàn giống nhau. Giữa thân
tháp là hệ thống cửa giả gồm bốn lớp kép loe dần ra đỡ lấy vòm cửa. Có thể thấy
đặc điểm này là tiền đề cho tháp Dương Long sau này với đặc điểm phần thân tháp
nhô ra tạo thành cột cốp cửa giả. Nhưng nếu như phần thân ở tháp Dương Long nhô
dần ra với ba lớp tạo cho thân tháp gần giống với khối trụ tròn thì ở tháp Đôi,
các cộp ốp cửa giả cũng nhô dần ra khá rộng, tuy không làm cho cấu trúc của
tháp thay đổi nhiều nhưng qua đó cho thấy có sự tương đồng giữa hai tháp xây
cách xa nhau đến hơn cả thế kỷ. Vòm cửa giả bốn lớp đặt trên cột ốp, lớp trong
lớn hơn lớp ngoài, mặt trước các lớp vòm cửa được trang trí bởi hình ngọn lửa
ken đặc chồng xếp từng lớp lên nhau vươn lên tiếp giáp đến phần diềm mái (Hình 2.28). Không như mô tip hoa lửa trang trí các đền tháp của
các thế kỷ sau này được tạc bằng chất liệu đá có gắn chốt và trang trí hai bên
mép của vòm cửa, mô tip hoa lửa của tháp Đôi được chạm khắc trực tiếp lên bề
mặt trước của vòm cửa. Đây được xem là hình thức đặc biệt trong nghệ thuật
trang trí kiến trúc Chăm nói chung và cuả kiến trúc Chăm Vijaya nói riêng. Nó
cho thấy một tâm lý bất an trong tâm tư của người Chăm Vijaya trước bao bể dâu
của thời cuộc, sự lung lay của vương triều hay cuộc chiến tàn khốc với người
Khmer (Hình 2.29).
Nhìn sang mỹ thuật Đại Việt thời Trần, ta thấy có điểm tương đồng khi tính
chất trang trí ken đặc những hoa lửa trên vòm tháp Đôi và những hoa văn dày đặc
trên các mô tip trang trí như tiên nữ dâng hoa ở chùa Thái Lạc. Nhưng nếu tính
chất chạm khắc trang trí thời Trần Đại Việt là chạm lộng trên chất liệu gỗ thì
người Chăm Vijaya chạm trực tiếp trên gạch ở tháp Đôi, tuy không tạo nên không
gian huyền ảo như Đại Việt nhưng chính nhờ đặc điểm hoa lửa xếp dày đặc lên
nhau tạo nên cảm giác có nhiều tầng lớp không gian trong sự cô đặc của chất
liệu gạch. Hoa lửa tháp Đôi không chỉ thể hiện tính chất đề cao vai trò của
thần Lửa Agni trong tôn giáo Bà La Môn của người Chăm: “Agni là ngọn lửa thiêng bốc lên như để cầu nguyện trời ; là làn
chớp trên không trung, là nguồn sống nóng hổi, là tinh thần của thế giới”
[60, tr.44], mà còn thể hiện tính phồn thực, biểu hiện ở hoa lửa trùng trùng
lớp lớp, cho ta cảm nhận được sự sinh sôi nảy nở trong quan niệm về tín ngưỡng
phồn thực của cư dân có nền văn minh lúa nước của người Chăm Vijaya.
Diềm mái gồm nhiều lớp lô xô với bốn góc là hình ảnh bốn con vật linh
Garuda khổng lồ đang xòe đôi cánh rộng như đỡ lấy phần mái tháp, tạo cảm giác
nhẹ nhàng làm cho mái tháp đỡ nặng nề hơn (Hình 2.30). Có
thể thấy trong hệ thống đền tháp Chăm ở Bình Định, hình ảnh chim thần Garuda
trang trí điểm góc ở tháp Đôi mang lại một cảm giác mới lạ trong nghệ thuật
trang trí kiến trúc Chămpa: “Bốn góc diềm
mái đều được gắn tượng chim thần Garuda xòe cánh bay lên tạo cảm giác bớt nặng
nề cho toàn bộ bảy tầng mái” [44, tr.88]. Theo nghiên cứu của các nhà
Chămpa học: “những hình chim thần Garuda
bằng đá với hai tay đưa cao, trang trí các tháp góc là những sản phẩm chịu ảnh
hưởng mạnh của nghệ thuật Khmer thê kỷ XII - XIII” [57, tr.129].
Mái
tháp hình hộp gồm sáu tầng (Hình 2.31) được ngăn cách
bởi những đường diềm trang trí, lá nhĩ phù điêu người và động vật như khỉ, voi,
rắn rất sinh động và vui mắt.
Tháp Nam có
kích thước nhỏ hơn tháp Bắc đôi chút. Về mặt thẩm mỹ cũng kém hơn do trang trí
trên tháp đã hư hại nhiều (Hình 2.32). Phần đế tháp
đã được tôn tạo lại bằng chất liệu gạch mới, tuy chưa hẳn đúng với gạch Chăm
nhưng đã cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các nghệ nhân người Việt, bởi phần
được tu sửa khá hài hòa với phần thân tháp bên trên. Theo Ngô Văn Doanh: “một vài tảng đá còn nằm tại chỗ đã chứng tỏ
xưa kia ngôi tháp nam cũng có hệ thống chân tường bằng đá như ngôi tháp phía
bắc” [57, tr.131]. Điều này cho thấy, có thể chân tháp và toàn bộ hệ thống
trang trí trên tháp có khả năng phong phú như tháp Bắc, và vì vậy trước đây
tháp Nam có thể cũng mang một vẻ đẹp thẩm mỹ không thua kém gì tháp Bắc.
Kết cấu của phần thân tháp Nam hoàn toàn giống tháp Bắc từ hướng cửa chính
cho đến kết cấu cột ốp tường, cửa giả và các vòm cửa bên trên. Các diềm trang
trí mái tháp đã mất, chỉ còn sót lại hai diềm trang trí bằng đá với hình ảnh
đàn hươu nằm trong mô tip hình tròn được kết nối với nhau bằng những hạt cườm,
một họa tiết trang trí thông dụng trong nghệ thuật tạo hình thời Vijaya (Hình 2.33). Diềm thứ hai là hình ảnh các vũ nữ trong các tư thế
đang múa với hình điểm góc là mặt Kala. Tuy chỉ còn sót lại hai diềm trang trí
nhưng cũng minh chứng được tháp Nam từng có hệ thống trang trí phong phú, thể
hiện đời sống hiện thực của người Chăm thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật điêu
khắc.
Cả hai tháp Bắc và Nam đều có lòng tháp hẹp in dấu đen sẫm vì khói hương
trầm. Hiện trong lòng tháp Bắc hiện nay đã được đặt một bệ linga – yoni phiên
bản bằng đá được chạm khắc tỉ mỉ, công phu với những đường diềm họa tiết hoa lửa dày đặc và đường diềm cánh
sen kết dải. Dù không là nguyên bản nhưng dẫu sao linga – yoni tháp Bắc cũng
trả lại được “cái hồn” thiêng liêng
cho đền tháp, nâng cao giá trị của nghệ thuật kiến trúc tháp Đôi.
Có thể thấy, tháp Đôi là một trường hợp đặc biệt trong nghệ thuật kiến trúc
Chăm Vijaya nói riêng và của Chămpa nói chung, thể hiện ở phần thân là kiến
trúc điển hình Chămpa nhưng những hình trang trí áp đá trên đế tháp và bộ
mái lại ảnh hưởng rõ nét của kiến trúc
Khmer thời Angco Vát (thế kỷ XIII), như Lê Đình Phụng đã nhận định:
“Kiến trúc tháp Đôi là một
công trình kiến trúc khá độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chămpa…Bộ mái
tháp hình khối hộp nhiều tầng đồ sộ bên trên gợi lên rất rõ nét các kiến trúc
phần trên của kiến trúc Khmer trong phong cách AngKoVát. Đây là ngọn tháp rõ
ràng ảnh hưởng của Khmer” [40, tr.201].
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, kế hoạch xây dựng tháp Đôi
ban đầu gồm ba cái, tương tự như ba tháp ở Dương Long nhưng do nhiều lý do nên
tháp Đôi chỉ còn có hai tháp như hiện tại. Tuy nhiên, không vì thế mà tháp Đôi
mất đi giá trị nghệ thuật của nó. Hình ảnh hai ngọn tháp như quấn quýt lấy nhau
trong sự yên bình của khu vực, bên lề nhịp sống sôi động của thành phố lại là
một hình ảnh đẹp, gợi nhớ đến một thời oanh liệt của một triều đại huy hoàng xa
xưa.
2.2. Kiến trúc thế kỷ XIII
2.2.1. Tháp Dương Long (thế kỷ XIII)
Cách
thành phố Quy Nhơn gần ba mươi cây số về phía Tây, men theo bờ Bắc sông Côn ta bắt gặp cụm tháp Dương Long,
cánh bờ sông khoảng một cây số, thuộc thôn Vân Tường, xã Bình An, huyện Tây
Sơn.
Cụm
tháp Dương Long gồm ba tháp đứng thẳng hàng theo trục bắc nam, cửa chính hướng
về phía Đông, cùng tọa lạc trên một khoảng đất rộng. Nếu so với tháp Phú Lốc
thì gò đất mà tháp Dương Long đang ngự trên đó không cao bằng, hầu như chỉ là
một gò đất thấp. Theo Lê Đình Phụng: “Niên
đại của tháp được dựng vào đầu thế kỷ XIII dưới triều đại vua Dhanapatirgama
(năm 1203 - 1220) khi vùng đất Champa dưới sự quản lý của người Khmer”[40,
tr.216].
Cùng
với Chiên Đàn, Khương Mỹ (Quảng Nam ),
cụm tháp Dương Long ở Bình Định là cụm tháp gồm bộ ba tháp song hành theo trục
Bắc Nam
(Hình 2.34). Vì vậy, mỗi tháp được thờ một trong ba vị nhất linh:
tháp Bắc thờ thần Brahma, tháp Nam
thờ thần Visnu và tháp Giữa thờ thần Shiva. Điều đó cho thấy vị trí và tầm quan
trọng của cả ba vị thần trong tôn giáo Bà La Môn của người Chăm thời kỳ đó. Cả
ba cụm kiến trúc này đều có bình đồ đế tháp hình vuông song do kết cấu thân
tháp Dương Long xây giật gồm ba lớp kép nhô dần ra, kết hợp với cấu tạo của các
bộ phận bên trên mái tháp nên nhìn từ xa, tháp Dương Long như có kiểu thức hình
trụ, tạo cho hình dáng tháp có một cái nhìn đặc biệt, giống như ba chiếc Linga
khổng lồ đỏ rực giữa nền trời xanh. Đặc điểm này có nét tương đồng với kiến
trúc Prasat của Khmer, như Parmentier đã ghi nhận: “đây là kiểu hoàn toàn Cao Miên và cũng chính là nguyên tắc xây dựng
phần lớn các Prasat” [41, tr.107]. Điều
này cũng cho thấy sự thay đổi trong kiến trúc tháp Chăm theo xu hướng của Khmer,
không chỉ trong kết cấu mà còn là trong chất liệu hay các mô tip trang trí trên
tháp.
Cả
ba tháp đều có hình dáng giống nhau, chỉ có chiều cao tháp Giữa là cao hơn đôi
chút. Tháp Bắc và tháp Nam
có chiều cao gần như bằng nhau: 36m, nhỉnh hơn đôi chút so với tháp Giữa: 39m.
Đặc biệt, chiều cao của tháp Giữa được xem là kiến trúc gạch cao nhất Đông Nam
Á. Điều đó khẳng định vai trò của thần Shiva trong tam vị nhất linh.
Tháp
có kết cấu bởi hai chất liệu chính: gạch và đá. Gạch là chất liệu chủ yếu làm nên
cơ sở nền móng bên trong của tháp, đá sử dụng trong các vị trí chịu lực và
trang trí tháp.
Tháp Giữa: Phần đế tháp là một sự
kết hợp tuyệt vời giữa chất liệu gạch của phần chân tháp với phần trang trí bên
ngoài bằng chất liệu đá. Có thể nói, những diềm trang trí chân tháp Dương Long
là một sự tổng hòa của các hoa văn, họa tiết có từ thiên nhiên như cánh sen
cách điệu cao và những ô hình học, hoa văn hình ngọn lửa, rắn naga, đặc biệt là
hình ảnh diềm chân đế với những bầu vú được diễn tả tròn trịa, mịn màng, mơn
man căng tròn như thực (Hình 2.35). Đây là một loại hình
độc đáo, không chỉ không có trong các tháp Chăm ở Bình Định mà chưa hề có ở tất
cả các tháp Chăm khác trên dải đất miền Trung. Có thể nói, không riêng gì ở
Bình Định, mà hầu hết các tháp Chăm trên dải đất miền Trung không có một tháp
nào có loại hình trang trí đế tháp tương tự thế. Điều đó cho thấy sự thay đổi
trong tư tưởng thẩm mỹ của người Chăm thời kỳ Vijaya.
Thân
tháp có hình khối trụ vuông đứng, cửa chính nhìn ra hướng Đông. Giống như tháp
Đôi, lanh tô và trụ cửa chính được làm từ đá xanh. Hệ thống cửa giả đăng đối
qua thân tháp hầu hết đã bị tróc lở nhiều. Vòm cửa giả Nam và Bắc gần như còn nguyên, được
làm từ các phiến đá xanh ghép lại thành hình cung nhọn gồm hai lớp nhô ra khỏi
thân tháp. Một khám nhỏ được trang trí bằng hình ảnh rắn uốn lượn mềm mại,
trong khám có thể hiện một vị thần. Đỉnh vòm được trang trí bằng mặt Kala trông
khá hung dữ.
Hệ
thống cột với bảy chiếc nhô ra khỏi thân tháp, làm biến đổi hình ảnh của tháp
từ bình đồ vuông thành thân tháp có khối trụ. Đây cũng là điểm nổi bật của nghệ
thuật kiến trúc riêng biệt của tháp Dương Long so với tháp Khương Mỹ và Chiên
Đàn.
Bộ
mái tháp bắt đầu từ phần diềm mái gồm bốn tầng ngăn cách nhau bởi một diềm
trang trí bằng đá, càng lên cao các tầng thu nhỏ dần. Các diềm được trang trí
bằng hình ảnh các động vật như khỉ, voi, macara, sư tử, kala: “những hình ảnh ở đây được thể hiện khá sống
động, thanh tú, chạm khắc tỉ mỉ, đường nét mềm dẻo nhịp nhàng trông sinh động
như sống” [41, tr.121]; (Hình 2.36). Do sự thay đổi của hệ
thống cột nhô ra dần nên bộ mái tháp có dạng gần như hình tròn. Kết thúc đỉnh
tháp là một đóa sen lớn.
Về
nghệ thuật điêu khắc trên tháp Giữa ,
Ch. Lemire đã
nhận xét như sau: “Tháp lớn nhất được xây
bằng gạch đỏ nhưng nó được trang trí rất nhiều các tượng hoặc phù điêu bằng đá
sa thạch…gây ấn tượng hư ảo” [6, tr.6]. Ông đã nhận định rằng, giữa nghệ
thuật tạo hình tháp Dương Long và Ăngco có sự tương đồng. Về yếu tố này, Trần Bá Việt đã nhận xét:
“Chúng ta
có thể thấy dấu ấn của nền văn hóa Khmer trên các tháp ở Bình Định như
Dương Long... Việc sử dụng đá trang trí
và một phần kết cấu, các trang trí trên kiến trúc...cho thấy, ở Chămpa
có sự hòa quyện giữa những yếu tố kỹ thuật, nghệ thuật tạo hình truyền thống
với những thủ pháp trang trí và sử dụng vật liệu của Khmer làm cho các đền tháp
có sắc thái mới nhưng không lạc lõng, xa lạ với kiến trúc Chămpa đã có trước đó”
[59, tr.283].
Tháp
Nam
và tháp Bắc có hình dáng và kết cấu giống tháp trung tâm nhưng nhỉnh hơn đôi
chút. Chân tháp Bắc và Nam
đã mất hẳn loại hình trang trí. Điểm đặc biệt nhất của tháp Bắc và cũng là điều
mang lại giá trị nghệ thuật cao nhất cho tháp Dương Long chính là vòm cửa giả
mặt Nam
tháp Bắc (Hình
2.37).
Cửa
giả gồm có ba lớp vòm chồng lên nhau, được đặt trên hai trụ cửa và lanh tô bằng
đá tảng. Vòm thứ nhất là hình ảnh của mặt Kala nhe hàm răng với hai răng nanh
nhọn hoắc (Hình
2.38). Từ miệng Kala nhả ra hai con rắn ba đầu lớn,
thân uốn mềm mại chĩa ra ngoài thành hình chữ U lộn ngược. Hình chữ U này có
hình dáng tương tự như vòm cửa giả hình chữ U trên tháp Bình Lâm, tuy vòm cửa
tháp Bình Lâm hoàn toàn được chạm trên chất liệu gạch và vòm cửa trên tháp
Dương Long được sử dụng bằng chất liệu đá xanh và cách nhau hơn hai thế kỷ
nhưng ta vẫn nhận thấy có điểm tương đồng trong ngôn ngữ nghệ thuật. Trên mặt
Kala và hai bên thân rắn được trang trí bằng nhiều chấm cườm nhỏ, hàm được cách
điệu bằng những đường khắc vạch và hoa lửa trang trí trên phần vòm nhọn như lá
nhĩ.
Vòm
thứ hai khởi đầu bằng một băng ngang đã bị vòm cửa thứ nhất che khuất phần
giữa, chỉ còn thấy rõ hai đầu với bốn diềm trang trí bằng hình ảnh hoa lửa,
kala, tu sĩ và macara. Hình điểm góc là rắn Naga ba đầu được tô điểm thêm bởi
những hoa lửa bao quanh.
Vòm
thứ ba khởi đầu bằng hai diềm hoa lửa và hoa cúc. Hình ảnh chủ đạo của vòm cửa
trên cùng này là hình hai con rắn uốn cong mình thành hình lá đề với cái đầu
ngóc trên đỉnh và chĩa ra phía ngoài, được tô điểm bởi những hoa lửa viền quanh
thân ngoài của rắn. Trên thân rắn được khắc vạch những nét cong tạo nên lớp da
rắn mang tính hiện thực. Bên trong lá đề, hình trang trí đã bị phạt mất không
còn nguyên vẹn.
Tất cả những
chi tiết trang trí trên ba vòm cửa giả như hoa lửa, hạt cườm, nét khắc vạch hay
những nét cong đều là những họa tiết điển hình cho phong cách Tháp Mắm, không
chỉ có mặt trên vòm cửa tháp Dương Long mà có mặt hầu hết trên các cấu kiện
kiến trúc có các phù điêu trang trí. Ngoài ra, có thể nhận thấy, hình tượng rắn
ba đầu, năm đầu là khá phổ biến trong trang trí kiến trúc tháp Dương Long. Nó
cho thấy sự ảnh hưởng đậm nét của nghệ thuật Ăngco trên bình diện các tháp
Dương Long của Chămpa trong thế kỷ XIII.
Theo Lê Đình
Phụng, tháp Dương Long được thể hiện thành công nhất trong sự kết hợp giữa kiến
trúc tháp Chăm với kiến trúc Prasat (Khmer). Theo đó, bình đồ kiến trúc đế tháp
hình vuông theo kiến trúc Chăm thân tháp bình đồ đa cạnh theo kiến trúc Prasat
Khmer, mái tháp thu tròn nhiều tầng thu nhỏ dần lên theo bộ mái kiến trúc
Khmer. Cửa giả khung đá độ nhô ít, theo truyền thống kiến trúc Khmer. Các họa
tiết trang trí trên tháp cũng cho thấy sự kết hợp hài hòa trong điêu khắc trang
trí ở kiến trúc này. “Có thể nói, đây là
sự kết hợp hài hòa về kiến trúc và điêu khắc của hai nền văn hóa trên công
trình kiến trúc này, trong đó văn hóa Chăm chiếm vị trí nổi trội” [65].
2.2.2.
Tháp Cánh Tiên (thế kỷ XIII)
Khi
xây dựng Vijaya thành kinh đô của vương quốc, người Chăm đã xây tháp Cánh Tiên
làm trung tâm hành lễ tôn giáo. Điều đó cho thấy, tháp Cánh Tiên có một vị thế
đặc biệt so với các tháp Chăm khác trên đất Vijaya.
Về
ngôi tháp Cánh Tiên, sách Đại Nam
nhất thống chí đã ghi chép: “Nam An cổ tháp ở thôn Nam An, huyên Tường Vân, trong
thành Đồ Bàn, tục hô là tháp Cánh Tiên” [41,
tr.83]. Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi khảo sát tháp, ngoài tên tháp Cánh
Tiên, Parmentier còn gọi tên là tháp Đồng: “trong
thành còn vết tích một con đường dường như nối liền giữa mặt đông đến một quả
đồi trung tâm, nơi có ngọn tháp Đồng” [57, tr.78]. Trong một bản đồ Việt cổ thế kỷ 15 hoặc 16, H. Parmentier còn đọc
được những dòng chú thích sau “trong
thành Đồ Bàn vẫn còn thấy những vết tích của ngọn tháp, song đã hoàn toàn bị
hủy hoại, chỉ còn lại mười hai tầng, người ta gọi là tháp Con Gái ” [57,
tr.78]. Như vậy, cả ba tên gọi ấy thực ra chỉ là một tháp nằm giữa trung tâm
thành Đồ Bàn, đó chính là tháp Cánh Tiên, như tên mà nhân dân quanh vùng thường
gọi.
Tháp
Cánh Tiên tọa lạc trên một gò đất, thuộc địa phận thôn Bả Canh, xã Nhơn Hậu,
huyện An Nhơn, thuộc loại kiến trúc chỉ có một tháp - một loại hình kiến trúc
hiếm gặp trong lịch sử kiến trúc tháp Chămpa nhưng không vì vậy mà hình dáng,
cấu trúc tháp lại quá khác biệt so với các tháp vuông nhiều tầng xây bằng gạch
vào loại lớn của Champa. Niên đại của tháp vào những thập kỷ nửa đầu của thế kỷ
XIII dưới vương triều Jaya Paramecvaravarman II (năm 1220 – 1225).
Không
như tháp Bình Lâm yên bình trong thôn xóm, tháp Cánh Tiên hùng vỹ vươn lên trên
nền trời xanh (Hình 2.39). Toàn bộ sân có dạng hình chữ thập,
có lẽ đã bị tróc lở nhiều nên ngày nay được lát lại toàn bộ mới bằng gạch và đá
tổ ong màu vàng gạch nên màu sắc tươi mới. Vì vậy, nó thiếu đi cái vẻ thâm u,
rêu phong cổ kính mà ta hay bắt gặp ở những công trình kiến trúc cổ. Toàn bộ
tháp cao 25,46m, bình đồ hình vuông, được chia làm ba phần: đế, thân và các
tháp góc.
Phần
đế rộng không trang trí, được tôn tạo bằng loại gạch chuyên dụng cho các đền
tháp Chăm với kích thước bằng gạch của người Chăm xưa, trông tương đối vững
chắc nhưng lại thiếu đi sự hòa hợp với nghệ thuật kiến trúc bên trên. Nếu đế
tháp Đôi được xây thắt ở đoạn giữa tạo cảm giác duyên dáng thì đế tháp Cánh
Tiên lại được xây thẳng cho ta một cảm giác mạnh khỏe. Phần đế kết thúc bằng
một đường diềm để trơn bao quanh chân tháp. Theo Lê Đình Phụng:“có thể trước kia đế tháp được ốp đá có khắc
tạc trang trí, mà mảnh phù điêu tìm thấy ở Bình Định trước kia H. Parmentier có
nhắc tới” [41, tr.87].
Thân
tháp có hình chữ nhật đứng, có cửa chính mở ra hướng Đông như phần lớn các tháp
Chăm Vijaya khác. Từ cửa, qua năm bậc tam cấp để đi vào lòng tháp. Không gian
của lòng tháp hẹp, nhưng lại cao vút lên tới đỉnh, thông ra ngoài bầu trời qua
một ô tò vò, như cửa thông gió. Khi Lê Đình Phụng đến khảo sát tháp Cánh Tiên
năm 2002, vòm cửa chính đã bị hư hại nhiều, “chỉ
còn lại dấu vết vòm cửa trên tường tháp với hình cung nhọn” [41, tr.87]. Ngày nay, phần cửa vòm đã được xây
mới, tạo được sự thống nhất trên tinh thần của kiến trúc cổ. Cửa chính được kết
cấu bởi hai cột kép đối xứng, chân cột thuộc loại gờ lượn đơn giản, bên trên đỡ
một vòm cửa hình lá đề (Hình 2.40).
Mỗi
mặt thân tháp có bốn hình lá đề trang trí ngay từ phần trên chân tháp. Mỗi lá
đề là hình ảnh ngọn tháp thu nhỏ, tầng dưới cùng có ba tháp, tầng thứ hai có
hai tháp và tầng trên cùng có một tháp (Hình 2.41).
Tất cả các hình lá đề của ba mặt Đông, Bắc ,
Nam đều được
làm lại mới dựa trên hình lá đề nguyên bản của mặt Tây. Tuy chất liệu đá mỗi
thời một khác, nhưng vẫn thể hiện được tinh thần chung của người Chăm cổ.
Hệ
thống cửa giả đăng đối qua thân tháp hầu hết đã bị hư hại. Các cột ốp chạy dọc
theo thân tháp không trang trí, phần trên loe dần ra đỡ lấy diềm mái. Giữa ba
cột ốp là các khoảng trống được sắp xếp với những đường gờ song song làm mềm đi
các đường thẳng của cột, cũng như giảm đi phần thô cứng của các khung trơn.
Điều đặc biệt nhất của ngôi tháp này chính là ở đặc điểm các cột góc có kết cấu
bằng chất liệu đá tím và duy nhất được chạm khắc diềm hoa văn với hình ngọn lửa
đối xứng nhau trong một mô tip đường lượn sóng (Hình 2.42).
Đó là sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu gạch quen thuộc với một chất liệu mới – đá, cho thấy tài năng
xây dựng cũng như cho thấy trình độ nghệ thuật cao trong kiến trúc.
Bộ
mái tháp gồm ba tầng còn khá nguyên vẹn. Cả ba tầng có mô tip giống nhau về
kiểu dáng nhưng các tầng trên thu nhỏ dần với tỷ lệ hợp lý, mang lại một cái
nhìn hài hòa, thuận mắt. Mỗi tầng có bốn tháp góc được thể hiện giống nhau, chỉ
khác đôi chút về kết cấu cũng như số lượng hoa lửa trang trí. Tầng một có chín
mảng gờ bao quanh tháp góc với chín hoa lửa được xếp đăng đối nhau được gắn với
một đường gờ bao. Tầng thứ hai gồm có bảy đường gờ có bảy hoa lửa trang trí,
tầng thứ ba có ba đường gờ nhưng chỉ trang trí có một hoa lửa mà thôi (Hình 2.43). Theo bản thân người viết bài, có lẽ tầng ba cũng có
đến ba hoa lửa, bởi theo kết cấu thống nhất của hai tầng dưới, mỗi tầng có bao
nhiêu đường gờ bao thì có bấy nhiêu hoa lửa. Không hiểu tại sao trong quá trình
tôn tạo, tầng thứ ba chỉ còn một hoa lửa mà thôi. Những con số lẻ trong quá
trình xây dựng của người Chăm cho thấy quan niệm của người Chăm cũng như của
người phương Đông nói chung: hoa lửa (3,5,7,9,11), cột ốp (5), bậc cấp (9,5),
tháp góc (3 tầng)…
Nếu
các hoa lửa tháp Đôi được khắc tạc trực tiếp trên gạch của vòm cửa giả thì ở
tháp Cánh Tiên, các hoa lửa đều được làm bằng chất liệu đá gắn vào đường gờ
bao. Nhìn sơ lược sẽ thấy, các hoa lửa hoàn toàn giống nhau về hình dáng, kích
thước. Nhưng khi nhìn kỹ có thể thấy có nhau đôi chút về mô tip bên trong hoa
lửa (Hình 2.44). Nếu lấy lá nhĩ làm trung tâm, các hoa lửa đối xứng
nhau thành từng cặp, hai hoa lửa phía trong cùng của tháp góc giống nhau và hai
hoa lửa bên ngoài cũng là một cặp giống nhau hoàn toàn về chi tiết. Nó cho thấy
có sự lựa chọn chặt chẽ, phá vỡ được sự nhàm chán của kiểu thức lặp lại, tạo
được sự phong phú trong trang trí.
Hệ
thống lá nhĩ được sắp xếp trên cùng một trục dọc của cửa chính Đông hay các cửa
giả của ba mặt còn lại, càng cao càng thu nhỏ dần. Mỗi lá nhĩ được đặt trên hai
trụ đối xứng nhau. Lá nhĩ thứ nhất có khám gồm ba lớp kép, tiếp nối phía sau được trang trí bởi ba lớp hoa lửa
được sắp xếp đối xứng qua trục lá nhĩ, mỗi
bên có mười một hoa lửa. Lá nhĩ thứ hai
chỉ có một khám được viền quanh khá chắc khỏe, phía sau trang trí chín
hoa lửa, lá nhĩ thứ ba chỉ còn lại khám với ba lớp và mất luôn phần hoa lửa.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, do tầng thứ ba được tôn tạo lại nên có thể trước
đây, lá nhĩ thứ ba này cũng có trang trí các hoa lửa. Nếu các hoa lửa của tháp
góc sử dụng chất liệu đá thì hoa lửa trang trí lá nhĩ lại sử dụng chất liệu
gạch truyền thống, ăn nhịp với kết cấu lá nhĩ bên trong.
Không
ở đâu trên các tháp Chăm, việc trang trí cho đền tháp bằng các hoa lửa lại
phong phú, dày đặc như tháp Cánh Tiên. Ví như tháp Pô Klong Galai (thế kỷ XIII
- XIV) của Ninh Thuận, là tháp có cùng thời với các tháp Chăm ở Bình Định,
nhưng số lượng hoa lửa trên các tháp góc rất ít, hầu như chỉ mang tính tượng
trưng. Nhưng với tháp Cánh Tiên, với một số lượng hoa lửa khá lớn như vậy cho
thấy cư dân Chăm trên đất này khá tôn sùng thần lửa. Theo Bà La Môn giáo, hoa
lửa tượng trưng và là hình thức phi ngẫu tượng của thần Lửa Agni. Vì vậy, việc
tháp Cánh Tiên được trang trí bằng vô số hoa lửa như vậy thể hiện lòng thành
kính của các tín đồ Vijaya đối với tôn giáo mà họ đang thờ cúng.
Tháp
Cánh Tiên được xác định “là một trong
những ngôi tháp tiêu biểu cho phong cách kiến trúc tháp Bình Định (thế kỷ XII)”
[14, tr.174]. Dựa vào vị trí trung tâm của thành Đồ Bàn cũng như tính độc lập
của tháp và dấu tích của các phế tháp quanh khu vực này cho thấy, tháp Cánh
Tiên có một vị trí thiêng liêng của kinh đô Đồ Bàn. Và vì vậy, tháp Cánh Tiên
có thể ví như tầm quan trọng của đền núi Bayon của kinh thành Ăngco Thom của Ăngco
cùng thời với Vijaya. Với những ảnh hưởng của kiến trúc Khmer trên các bộ phận
kiến trúc tháp Cánh Tiên như việc sử dụng chất liệu đá trong trang trí kiến
trúc cho thấy khả năng ảnh hưởng rất lớn của kết cấu kinh thành Ăngco Thom đối
với kinh thành Vijaya nói chung và tháp Cánh Tiên nói riêng.
2.2.3. Tháp Thủ Thiện (thế kỷ
XIII)
Cùng với tháp Dương Long bên kia bờ bắc, tháp Thủ Thiện được xây dựng bên
bờ nam sông Côn, cách bờ sông khoảng một cây số. Tháp thuộc địa phận làng Thủ
Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tọa lạc trên một gò đất không cao lắm, nổi
bật lên giữa màu xanh của ruộng nương, làng xóm. Xưa kia tháp còn được gọi tên
là tháp Thủ Hương theo tên gọi của làng. Đại Nam nhất thống chí có chép: “Thủ Hương cổ tháp ở thôn Thủ Hương, huyện
Tường Vân” [41, tr.107]. Sau này khi làng thay đổi tên gọi là Thủ Thiện,
thì tên tháp cũng được đổi cùng.
Trong Nước non Bình Định, Quách
Tấn có ghi chép rằng: “Tháp đứng một
mình. Trên đỉnh có một cây da cổ thụ, cành lá sum suê, đứng lắc la lắc lẻo, làm
cho cảnh tháp trông vừa cổ kính vừa tân kỳ” [46, tr.224]. Về niên đại của
tháp, theo Lê Đình Phụng: “Tháp được xây
dựng vào giữa thế kỷ XIII dưới vương triều Jaya Paramecvaratman II (năm 1220 -
1252) sau thời điểm xây dựng tháp Cánh Tiên không xa” [40, tr.223]. Từ sau
thập kỷ thứ ba của thế kỷ XIII, đất nước Chămpa đã đi vào ổn định, điều kiện kinh tế và giao lưu văn hóa
phát triển, tạo sức bật cho nghệ thuật
kiến trúc tôn giáo. Tháp Thủ Thiện được xây dựng trong thời gian này để
phục vụ cho nhu cầu tôn giáo của dân tộc.
Tháp
Thủ Thiện có chiều cao 18,62m, có cấu trúc ba phần rõ rệt. Bình đồ đế tháp hình
vuông. Phần đế được xây bằng chất liệu gạch thắt eo ở giữa trông giống bệ sen
đỡ lấy thân tháp, mang vẻ đẹp thanh thoát (Hình 2.45).
Phần thân tháp là điển hình của nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chăm ở Bình
Định với phần thân tháp là hình khối chữ nhật đứng, cửa chính mở ra ở hướng
Đông, ba mặt còn lại là hệ thống cửa giả. Kết cấu cột ốp tường để trơn không
trang trí gồm năm chiếc. Các đầu cột loe dần mạnh khỏe đỡ lấy diềm mái tháp.
Giữa các cột ốp là các gờ nổi chạy vòng quanh phần thân còn lại (Hình 2.46).
Bộ diềm mái là tập hợp nhiều lớp xô lô rộng ra dần đỡ lấy mái tháp. Khác
với diềm các tháp như tháp Đôi, Bánh Ít, Dương Long, diềm mái Thủ Thiện để trơn
không trang trí với những đường gờ nổi trơn chạy bao quanh mái tháp (Hình 2.47).
Mái tháp gồm có ba tầng (Hình 2.48). Tháp góc là
hình ảnh của tháp chính được thu nhỏ theo một tỷ lệ hợp lý, càng lên cao tháp
góc càng nhỏ dần tạo được tầm nhìn cân đối, thuận mắt, hút tầm nhìn thị giác
lên đến không gian bao la của đất trời. Trên mỗi tháp góc có hệ thống cửa giả
với vòm cửa nhiều lớp, tạo nên những khám nhỏ có hình trang trí, vòm cửa được
trang trí mô tip hoa lửa vút lên cao, đối xứng nhau qua hai bên vòm tháp. Tầng
một tháp góc Thủ Thiện hiện còn hai tháp, trên mỗi tháp có mười một tầng, tầng
hai còn hai tháp nhỏ, trên mỗi tháp có chín tầng. Một điều dễ nhận thấy, cũng
như một số dân tộc phương Đông, con số lẻ là số thiêng được người Chăm sử dụng
thường xuyên trong xây dựng kiến trúc cũng như trong các hiện tượng văn hóa.
Có thể nói, những đặc điểm kiến trúc của tháp Thủ Thiện là mang tính chất
chung của kiến trúc đền tháp phong cách Bình Định, nhất là sự thiếu vắng những
mô tip trang trí trên cột ốp, thân tháp cũng như trên bộ diềm, mái. Tuy không
có được vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại như các tháp Mỹ Sơn A1, nhưng ngược lại tháp
Thủ Thiện lại mang vẻ đẹp mạnh khỏe của hình khối, đường bệ của cột và sự hoành
tráng chung trong không gian lộng gió của thiên nhiên mây trời. Lê Đình Phụng
nhận xét:“Tháp được các nhà nghiên cứu
xếp nằm trong phong cách kiến trúc Bình Định với điển hình là bộ phận kiến trúc
tháp góc trang trí tầng mái đạt đến đỉnh cao định hình trong nghệ thuật kiến
trúc tháp Chămpa [40, tr.223]. Tuy hiện trạng hiện nay tháp Thủ Thiện thiếu
vắng các phù điêu trang trí đền tháp, nhưng Ch. Lemire, từ cuối thế kỷ XIX đã
nhận thấy nơi đây là một đền tháp có khối lượng phù điêu đá chạm khắc đẹp:
“ Các phiến đá sa thạch, có
chạm khắc,… một người ngồi xổm…, một cái vòm có chạm 12 hình người đang cầu
nguyện…. Chiếc vòm này được đặt trên một cái bệ bằng đá sa thạch và hai đầu của
nó là hai cái đầu rồng, miệng mở rộng, giữa các hàm răng có một người phụ nữ
nằm. Tôi đã cứu được hai tượng thần Brahma khỏi bị hủy hoại” [5,
tr.38].
Vào đầu thế kỷ XX, H. Parmentier trong khi khảo sát tháp Thủ Thiện đã cho
biết trong tháp còn có nhiều phù điêu trang trí góc tháp như Macara, hình người
và một vài phù điêu trang trí khác “Macara
đồ sộ, trông đẹp, từ mỗi con thoát ra một hình người nhỏ” [41, tr. 97]. Về
nghệ thuật tạo hình kiến trúc, trong “Bình
Định danh thắng và di tích” có nhận định rằng: “Nếu như các tháp khác, sự cầu kỳ, tinh tế làm nên vẻ đẹp thì ở tháp
Thủ Thiện, sự giản lược trang trí tạo nên vẻ đẹp trang nhã, thanh thoát” [44,
tr.81].
Hiện nay tại phòng triển lãm Pháp Guimes, có trưng bày một phù điêu tu sĩ
đá có xuất xứ từ tháp Thủ Thiện, nghệ thuật tạo hình đồng nhất với phù điêu
thần Shiva Giang Hải (Bình Định), vì vậy có thể thấy chức năng thờ cúng của
tháp Thủ Thiện là thờ Shiva thuộc giai đoạn cuối của phong cách Bình Định. Điều
đó cho thấy tư tưởng thẩm mỹ đồng nhất của người Chăm Vijaya trong xây dựng
kiến trúc tôn giáo Bà La Môn.
2.2.4. Tháp Phú Lốc (thế kỷ XIII)
Từ quốc lộ 1A hướng Bắc vào Nam, qua khỏi địa phận huyện Phù Cát ta sẽ bắt
gặp tháp Phú Lốc đầu tiên trong tổng số những tháp Chăm trên đất Bịnh Định.
Tháp Phú Lốc thuộc địa phận thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn
ngày nay. Trước đây, một nửa vùng đất này thuộc huyện Phù Cát, vì vậy Đại Nam
nhất thống chí ghi chép: “Tháp Phú Lốc ở
trên núi đất chỗ giáp giới hai thôn Phú
Thành và Châu Thành, huyện Phù Cát” [46, tr.36]. Có thể nói, trong các tháp
Chăm ở Bình Định, tháp Phú Lốc được đặt trên một quả đồi cao nhất, lại ở vị thế
gần sát đường quốc lộ nên dù đi đường bộ hay đường sắt ta cũng đều có thể chiêm
ngưỡng vẻ đẹp từ xa của tháp Phú Lốc. “Đây
có thể coi là một trong những kiến trúc điển hình của phong cách nghệ thuật
kiến trúc tháp Bình Định. Tháp có niên đại vào cuối thế kỷ XIII, dưới vương
triều Indravarman IV (1265 - 1285)” [40, tr.225].
Ngoài tên gọi Phú Lốc, trong dân gian vẫn quen gọi tháp là Phốc Lốc, Thốc
Lốc, Phước Lộc, tháp Cao Miên. Nhưng tên gọi Phú Lốc là phổ biến hơn cả (Hình 2.49).
Quách
Tấn, vào những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi đến viếng Phú Lốc,
nhìn cảnh quan đã cảm tác rằng: “tháp
đứng chon von trên ngọn thổ sơn tròn trịa, không cây cối, ở giữa cánh đồng lúa
mênh mông…tháp trông ngạo nghễ nhưng đượm sắc buồn, buồn vì quá đìu hiu quạnh
quẽ” [46, tr.221]. Có thể nói, từ đó đến nay, cảnh sắc tháp Phú Lốc vẫn
vậy.
Tháp
Phú Lốc hiện vẫn còn mang vẻ nguyên sơ từ không gian quanh tháp. Tháp được đặt
trên quả đồi được xẻ thành hai bậc rộng lớn, từ bậc thứ nhất bắt đầu có bậc tam
cấp đi lên tháp. Đứng từ bậc thứ nhất, nhìn lên tháp, vẻ thâm nghiêm u tịch của
tháp hiện ra trong một không gian trống trải. Dõi mắt nhìn xuống chân đồi, thấy
cả một vùng không gian rộng lớn. Lên đến bậc trên cùng, nhìn xa hơn về phía
Đông Nam, tháp Cánh Tiên - huyện An Nhơn đang ẩn mình trong màu xanh bàng bạc
của mây trời. Những hôm nắng đẹp còn thấy phía sau xa thấp thoáng bóng hình của
hai khu tháp thuộc huyện Tây Sơn - Dương Long và Thủ Thiện. Chếch qua hướng
Nam, thấy tháp Chính của khu đền tháp Bánh Ít thuộc huyện Tuy Phước.
Mới
nhìn thoáng qua dường như tháp chỉ có hai phần, bởi bình đồ đế tháp chỉ rộng
hơn đôi chút so với bình đồ phần thân tháp. Mặt khác, đế tháp đã bị hư hại gần
hết, chỉ còn trơ ra phần sườn. hiện được tu bổ lại bằng gạch mới không trang
trí nên nó trông có vẻ như là một phần của thân tháp. Lê Đình Phụng cho biết: “trước kia đế tháp được ốp dải trang trí áp
bằng đá với những lá nhĩ nhọn xung quanh vươn lên làm nền cho thân tháp”
[41, tr.93]. Tỷ lệ chiều cao phần đế
tháp so với phần thân tương đối nhỏ so với tỉ lệ đó của tháp Cánh Tiên. Vì vậy,
tháp có vẻ bình thường, nhưng chính nhờ vị trí đặt trên quả đồi khá cao, lại
được xẻ hai bậc, đứng ở bậc một nhìn lên, tháp Phú Lốc trông ngạo nghễ, vững
vàng không kém. Phần trên cùng của đế tháp kết thúc bằng một đoạn được xây giật
cấp nhỏ dần cho đến khi bằng phần thân tháp.
Phần
thân tháp bắt đầu từ cửa chính hướng Đông đã bị hư hại khá nhiều, chỉ để lại
dấu vết của vòm cửa hình mũi lao nhô lên được đặt trên một trụ cửa giả đối xứng hai bên thân tháp. Vết sụp lở của
vòm cửa vẫn như còn dấu tích của một hình áp trang trí có hình lá nhĩ, như Lê
Đình Phụng đã nhận xét: “Dấu vết trên
thân tháp để lại cho biết, trước kia trang trí vòm cửa là một lá nhĩ có kích thước lớn” [41, tr.93]. Bên trong
tháp không còn gì, ngoại trừ màu đen xỉn của sự ám khói lâu ngày của lửa, trông
càng có vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Các cửa giả các mặt đã đổ nát, có kết cấu và
trang trí hoàn toàn giống nhau, phần lớn đã bị hư hại đã nhiều. Riêng mặt Bắc
còn lại hệ thống ba vòm cửa hình mũi giáo nhô ra so với phần thân, càng lên cao
vòm cửa càng thu nhỏ dần, vút cao lên gần sát với bộ diềm mái (Hình 2.50). Vòm cửa bên trên là hình ảnh của vòm dưới được thu nhỏ
với tỷ lệ hợp lý và có các mô tip trang trí giống nhau mang lại vẻ cân đối cho
các vòm, tạo được cái nhìn thuận mắt. Mỗi vòm cửa gồm ba lớp kép xếp trong nhỏ,
ngoài rộng ra dần. Vòm thứ nhất và vòm thứ hai
đã mất hết các họa tiết trang trí, riêng vòm ba vẫn còn lại hệ thống các
mô tip trang trí hoa lửa hai bên vòm. Lớp vòm kép thứ hai, thứ ba phía bên
ngoài được trang trí bằng các hoa lửa, riêng lớp vòm thứ nhất để trơn. Ở gần
sát đỉnh vòm một vẫn còn dấu vết của lỗ mộng, mà theo Parmentier chắc chắn ở đây được gắn hình
áp đá: “nhiều lỗ mộng ở các góc mặt Bắc
là những bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của hình trang trí kia” [41, tr.91].
Mỗi
mặt thân tháp có hai cột góc hòa nhịp cùng ba cột ốp giả tạo thành một hệ thống
năm cột ốp mang lại vẻ chắc chắn, vững vàng cho tháp. Tuy nhiên, chỉ riêng mặt
Đông là thấy đầy đủ cả năm cột, còn ba mặt còn lại hệ thống vòm cửa giả đã che
lấp gần hết cột trung tâm. Các cột ốp để trơn không trang trí, các cột lẻ có tiết
diện rộng hơn các cột chẵn đôi chút. Theo H. Parmentier, “trước kia hình như có những hình áp bằng đá ” [41, tr.91]. Xen giữa
năm cột ốp là ba khung dọc không trang trí họa tiết, hoa văn mà chỉ có các
đường chỉ chạy dọc viền theo khung làm giảm đi độ thô cứng, nhàm chán của phần
thân không trang trí. Đầu các cột loe dần ra đỡ lấy bộ diềm mái. Qua lần khảo
sát mới đây của người viết bài, các cột góc của tháp Phú Lốc được xây hoàn toàn
bằng chất liệu gạch, phần thân cột phía trên chưa hư hại đã cho thấy phần gạch
nguyên bản của người Chăm, chưa qua tu sửa. Không hiểu sao, trong tác phẩm “Di tích văn hóa Champa ở Bình Định”, tác
giả Lê Đình Phụng lại cho rằng:“Các cột
góc tháp được xây bằng chất liệu đá khối
tạo nên” [41, tr.93]. Ông còn khẳng định điều này khi so sánh với cột góc
của tháp Cánh Tiên (cũng được xây bằng chất liệu đá): “Khác với tháp Cánh Tiên, các cột góc ở đây đá để trơn không trang trí”
[41, tr.93]; (Hình 2.51).
Phần
mái tháp như các tháp thuộc phong cách Bình Định gồm ba tầng, bắt đầu bằng bộ
diềm trơn không trang trí, được xây bằng chất liệu đá như một đường viền khung
thân tháp tạo sự vững chắc cho phần mái. Hiện trạng ngày nay các tháp góc đã
mất hết, vì vậy, tổng thể phần mái tháp như một cái ụ khổng lồ ụp lên thân tháp
(Hình
2.52).
Khi
đến đây khảo sát tháp vào đầu thế kỷ XX, H. Parmentier đã tìm thấy một mảnh vỡ
vốn có hình tròn và trang trí lá sen rộng:“Hình
dáng này dường như có thể giả thiết được là một Linga thờ thần” [41,tr.91].
Vì vậy, chức năng của tháp Phú Lốc có thể thờ thần Shiva.
Cuối
thế kỷ XIX, Ch. Lemire đã đến Phú Lốc, ông viết: “Ở tháp Vàng đó là những người đầu voi đội vương miện, một tay cầm vương
trượng, tay kia đỡ vòi voi. Con voi trong các nghi thức tôn giáo là biểu tượng
của trí thông minh và sức mạnh tối cao” [41, tr.90]. Đây có lẽ là một tác
phẩm điêu khắc được trang trí trên tháp. Điều đó cho thấy tháp Phú Lốc trước
đây cũng được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc đá, nhưng nay đã mất. Đã
hơn một thế kỷ trôi qua kể từ ngày Ch. Lemire đặt chân đến đây, tháp Phú Lốc
hiện nay đã hư hại nhiều, không còn một tác phẩm điêu khắc trang trí kiến trúc.
Họa hoằn chỉ còn lại một số mô típ hình ngọn lửa trang trí lá nhĩ của vòm cửa (Hình 2.53), vì thế vẻ đẹp kiến trúc của tháp Phú Lốc đã giảm đi
rất nhiều. Nhưng, không vì thế mà tháp Phú Lốc mất hết giá trị nghệ thuật. Bởi
vẻ đẹp của tháp còn thể hiện qua sự đường bệ của khối hình, sự chắc khỏe của hệ
thống các cột ốp và tỉ lệ hợp lý giữa các thành phần cấu trúc. Trong một không
gian rộng lớn và một độ cao 76m so với mực nước biển, tháp Phú Lốc mang một vẻ
đẹp hoành tráng, hùng vĩ mà các tháp Chăm khác không thể có được, và “là một trong những kiến trúc kiểu đền – núi
gây ấn tượng mạnh mẽ nhất” [14, tr.173] của hệ thống đền tháp Chămpa.
Tiểu kết
Với
gần năm thế kỷ tồn tại trên đất Vijya, người Chăm đã để lại trên đất Bình Định 13 công trình kiến trúc vừa mang đậm tính tôn giáo Bà La Môn
vừa đậm chất bản địa, đồng thời biểu hiện sâu sắc tính thời đại của cư dân Chăm
trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Những công trình kiến trúc
đền tháp Chăm ở Bình Định vừa mang những nét chung trong tổng thể nghệ thuật
kiến trúc của người Chăm xưa, vừa mang những nét riêng có của các đền tháp vùng
Vijaya. Các công trình đền tháp Chăm ở Bình Định được xây dựng nhằm đáp ứng nhu
cầu đời sống tâm linh của các tầng lớp tăng lữ Bà La Môn, vua chúa, giới quý
tộc, vừa là những công trình có nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến
trúc và điêu khắc gạch vào loại bậc nhất của Đông Nam Á và thế giới.
Bắt đầu với tháp Bình Lâm (giữa thế kỷ XI) với sự kế thừa của phong cách Mỹ
Sơn A1 trong những họa tiết trang trí hoa văn kết dải và chất liệu thuần gạch
mang lại một vẻ đẹp bình dị và ấm áp.
Tháp Bánh Ít (thế kỷ XII) là cụm
tháp thứ hai có mặt trên đất Bình Định và là cụm tháp thuộc loại có nhiều tháp
duy nhất có mặt trên đất Bình Định, với sự xuất hiện những yếu tố mới trong
việc kết hợp chất liệu gạch và đá trong trang trí kiến trúc. Trong khi tháp
Trung tâm là một tháp theo hệ thống gờ lượn điển hình, thì tháp Nam là hình ảnh
của sự trở về với cội nguồn của cư dân nông nghiệp trong hình ảnh mái tháp cong
hình yên ngựa; tháp Tây – Nam là hình ảnh độc đáo trong kiến trúc Chăm Vijaya
với hình tượng hồ lô đặt trên mái tháp gây cho người xem một ấn tượng cởi mở,
rộn ràng. Tháp cổng giản lược với hai cổng hướng lên tháp trung tâm với vẻ đẹp đĩnh đạc, trầm tư.
Hai tháp Dương Long (thế kỷ XIII) và tháp Đôi (thế kỷ XII) có sự xuất hiện
sự tiếp biến của văn hóa Khmer qua các cấu kiện kiến trúc. Cùng với những tác
phẩm trang trí kiến trúc bằng chất liệu đá, nội dung thể hiện hoa lá, động vật
và cả con người đem đến một cảm giác mới lạ nhưng lại gần gũi với đời sống con
người. Với những biến thể trong kết cấu của vòm mái, của phần thân tháp, hai
cụm tháp Dương Long, tháp Đôi trở thành những công trình kiến trúc độc đáo
trong nghệ thuật kiến trúc Chămpa.
Tháp Cánh Tiên, tháp Thủ Thiện, tháp
Phú Lốc (thế kỷ XIII) là những tháp điển hình cho phong cách Bình Định với đặc
điểm thiếu hẳn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc. Trong khi tháp Cánh Tiên
sử dụng đá trong cột ốp góc và được trang trí bằng diềm hoa văn hình ngọn lửa
mang lại vẻ đẹp duyên dáng thì những đường gờ trên các cột ốp tháp Thủ Thiện,
Phú Lốc mang lại vẻ đẹp mạnh khỏe.
Ngoại trừ hai tháp Bình Lâm và tháp
Đôi mang một vẻ đẹp yên bình, những tháp còn lại trên đất Vijaya đều mang lại
một ấn tượng hoành tráng từ xa từ không gian môi cảnh của những đỉnh đồi. Tất
cả thể hiện một vẻ đẹp khỏe khoắn, bay bổng. Qua đó thể hiện một đời sống tôn
giáo, tâm linh mạnh mẽ của người Chăm dưới thời Vijaya và thể hiện một
nền nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch đạt đến đỉnh cao, độc đáo, duy nhất,
góp phần vào nền nghệ thuật kiến trúc tôn giáo vang bóng một thời của người
Chăm, để lại cho chúng ta kho tàng di sản văn hóa vật thể phong phú, đa dạng.
CHƯƠNG III
CÁC TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC CHĂM TIÊU BIỂU
Ở BÌNH ĐỊNH
3.1. Đề tài thần linh
3.1.1. Thần
Braham Dương Long (Hình 3.1)
Nguyên nghĩa
theo từ gốc, Brahma có nghĩa là linh hồn. Trong Bà La Môn giáo, Brahma là vị
thần Sáng tạo, đứng đầu trong Tam vị nhất linh. Brahma được sinh ra từ một bông
sen mọc từ rốn thần Visnu: “Brahma là vị
thần sáng tạo tối cao, là thực thể ý thức đầu tiên trong vũ trụ, người tự mình
lớn lên từ Quả Trứng Vàng huyền bí đầu tiên” [21, tr.53].
Khi Bà La Môn
du nhập vào Chămpa, ban đầu Tam vị nhất linh đều được coi trọng như nhau. Sau
một thời gian tôn giáo ngoại lai này hòa mình trong tín ngưỡng bản địa Chămpa,
người Chăm đã chọn vị thần Shiva làm vị thần chủ, Brahma chỉ còn là vị thần thứ
yếu. Tuy nhiên, trong quá trình thờ cúng, người Chăm vẫn tôn thờ thần Brahma.
Điển hình như cụm tháp Dương Long.
Phù điêu
Brahma hiện đang đặt tại bảo tàng Tổng hợp Bình Định có xuất xứ từ tháp Dương
Long và được xác định trong khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, kích thước có
chiều cao 1,3m, rộng 0,85m. Thần được thể hiện trong tư thế đứng nhón trên đầu
ngón chân. Ba khuôn mặt vuông vức trông phương phi, chỉ riêng khuôn mặt ở giữa
thể hiện chính diện, hai khuôn mặt còn lại được nhìn nghiêng trong tư thế
thẳng. Khuôn mặt phụ bên trái được thể hiện nghiêng 4/5, mặt bên phải hẹp hơn
một chút. Điều khác biệt của phù điêu Brahma này so với một số phù điêu khác
được tìm thấy trên đất Bình Định là cả ba khuôn mặt đều được thể hiện không có
lỗ tai. Trong nghệ thuật Ấn Độ:“ Braham
được biểu thị bốn khuôn mặt, mỗi khuôn mặt nhìn về một hướng. Bốn khuôn mặt này
cũng tượng trưng cho bốn pho kinh Veda hoặc là những bộ thánh ca thiêng
liêng...” [21, tr.53]. Đối với phù điêu Brahma ở Tây Sơn chỉ thấy có ba đầu
vì đầu còn lại nằm ở phần khuất của tấm lá nhĩ.
Thần đội một
cái mũ có hình dáng như một chiếc lá sen gồm hai lớp có mũi nhọn hướng lên trên.
Trán nở rộng, có đường viền quanh trán do vành mũ mang lại. Dưới đôi cung mày
cong là đôi mắt dài, mở lim dim. Sống mũi khá cao, cánh mũi hẹp, miệng rộng như
đang tươi cười. Một chiếc vòng được đeo trên cổ thả dài xuống ngực có hình dạng
gồm hai chuỗi hạt cườm và lá đề kết dải.
Thân hình thần
được thể hiện săn chắc với đôi vai vuông vức, ngực nở rộng, eo nhỏ. Hai bắp tay
xuôi theo thân người, cánh tay chắp trước ngực, bàn tay phải đưa lên cao trong
khi bàn tay trái lại đổi ngược chiều trở xuống như ấn quyết của Phật. Sáu cánh
tay phụ cầm trên tay mỗi vật tượng trưng như: búp sen, vòng nhỏ, chùy, dao
ngắn... Trên mỗi bắp tay và cánh tay đều đeo trang sức. Mình trần, quanh bụng
quấn sămpốt có ba lớp, lớp thứ nhất là một đường viền trơn, lớp thứ hai gồm
những cánh sen kết dải và lớp thứ ba một băng vải để trơn như lớp thứ nhất
nhưng bản lớn hơn. Một tà sămpốt gồm nhiều nếp xếp vào nhau buông rủ dài xuống
tận ngón chân. Hai chân đứng trong tư thế khuỳnh gối, bàn chân trái nhón trên
ngón chân cái, riêng bàn chân phải bị mất. Phần lá nhĩ phía sau của thần được
trang trí bởi những hình ngọn lửa phủ kín khoảng trống còn lại tạo cho bố cục
phù điêu thêm chặt chẽ.
Trong nghệ
thuật điêu khắc Chămpa, Brahma được tạo hình dưới dạng phù điêu hiện còn khá
nhiều. Riêng hai tác phẩm có nội dung diễn kể ngày Đản sinh thần Brahma của Mỹ
Sơn và Phú Thọ thì hầu hết Brahma được miêu tả dưới dạng chân dung đơn lẻ như
Brahma Chánh Lộ, Brahma Chiên Đàn và cả Brahma Dương Long. Cùng được tạo hình
trong lá nhĩ, nhưng trong khi thần Brahma Chánh Lộ và Brahma Chiên Đàn được tạo
tác trong tư thể thiền định, thì Brahma Dương Long đang đứng trong tư thế động
nhón gót chân, là một tư thế trong vũ đạo Ấn Độ. Nếu Brahma Chánh Lộ ngồi tĩnh
tại trên một cái đế, hai tay đặt lên hai đùi, hai chân xếp bằng thì sáu tay phụ
phía sau cuả thần Brahma Dương Long xòe ra như một búp sen đang nở. Nghệ thuật
tạo hình Brahma Dương Long hoàn thiện hơn so với Brahma Chánh Lộ và Brahma
Chiên Đàn thể hiện qua từng chi tiết. Có thể thấy, nếu thần Brahma Chánh Lộ đội
độc mỗi chiếc mũ bao trùm lên cả ba đầu mà không có chi tiết trang trí, thì với
cách thể hiện chi tiết từng chiếc mũ của thần Brahma Dương Long cho thấy, có sự
nghiên cứu, diễn tả tương đối kỹ lưỡng, lột tả được nội dung tôn giáo. Có thể
thấy, cách diễn tả mũ của thần Brahma Dương Long là sự tiếp nối của phong cách
Chiên Đàn, chỉ khác ở chi tiết là trong khi mũ thần Brahma Chiên Đàn có ba lớp
cánh lá sen thì ở mũ thần Brahma Dương Long chỉ còn lại hai lớp. Với cách thể
hiện sáu cánh tay phụ của thần Brahma Dương Long cầm vật dụng của thần cho ta
điểm nhận biết cụ thể, dễ dàng hơn về thần, ngay cả khi thần Brahma không cưỡi
ngỗng Hamsa. Brahma Dương Long được nghệ nhân Chăm Bình Định không dừng lại ở
mức độ gợi khối hình mà diễn tả với tỷ lệ khá cân đối, chuẩn mực hơn qua chi
tiết vai vuông, ngực nở, eo nhỏ rất nam tính. Trong khi đó, hai phù điêu Brahma
còn lại chỉ diễn tả gợi lên khối, hình cơ thể. Brahma Chánh Lộ được diễn tả với
cái bụng tương đối lớn, tròn như chiếc trống, Sămpốt chỉ là một mảnh vải vắt
qua phần hông. Brahma Chiên Đàn lại được diễn tả khá đơn giản, khối thô, nếu
không nói là khá sơ sài. Giá trị nghệ thuật thể hiện rõ nét qua không gian đồng
hiện ba khuôn mặt, tám cánh tay để miêu tả đầy đủ tất cả những yếu tố của thần
Brahma. Không những vậy, giá trị của nghệ thuật tạo hình thần Brahma Dương Long
còn được thể hiện qua hình dáng, tư thế múa sinh động, trong đôi bàn tay đang
thể hiện một điệu múa và nhất là trong nụ cười mỉm nơi khóe môi. Là vị thần
trong tam vị nhất linh, qua cách thể hiện của nghệ nhân Chăm Bình Định, hình
ảnh thần Brahma hiện lên không quá xa lạ với con người mà gần gũi, thân quen,
như đang mỉm cười, nói chuyện cùng với các tín đồ. Có thể thấy, nghệ thuật điêu
khắc tôn giáo Chăm thời Vijaya đã có những bước tiến mới, những thay đổi trong
tư tưởng thẩm mỹ để có cách tạo hình riêng biệt. Nó tạo nên một phong cách
riêng mà các nhà nghiên cứu đã đặt tên một phong cách - phong cách Tháp Mắm.
3.1.2. Thần
Sarasvati Châu Thành (Hình 3.2)
Trong thần
thoại Ấn Độ cổ đại - Sarasvati là dòng sông, đặc biệt trong tâm thức người Arya
thời Veda. Không những vậy, Sarasvati còn là nữ thần của dòng sông đó:“Sarasvati là dòng sông thánh chảy từ núi
tuyết đến vùng ngày nay gọi là Patiala... đổ vào Ấn Độ Dương ” [21, tr.96]. Ngoài ra, “Sarasvati tao nhã
trở thành nữ thần của văn học, thơ ca và âm nhạc” [21, tr.96], là hiện thân của vị thần bảo vệ cho
các nghệ sỹ từ ca hát cho đến thơ ca, và là hiện thân của lời nói linh thiêng.
Đến thời kỳ sau Veda, Sarasvati trở thành nữ thần của lời hay, ý đẹp và hiện
thân của trí tuệ, bảo hộ cho khoa học, nghệ thuật. Sarasvati vừa là con gái và
là vợ của thần Brahma.
Với chất liệu
sa thạch màu đen xanh, phù điêu nữ thần Sarasvati hiện đang trưng bày tại Bảo
tàng tổng hợp Bình Định có kích thước không lớn lắm: cao 0,80m, rộng đáy 0,50m,
và dày 0,35m. Phù điêu Sarasvati được xem là tác phẩm được chạm khắc đầy đủ đến
từng chi tiết nhỏ và còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ở phù điêu này, nữ thần
Sarasvati được thể hiện có ba đầu, bốn tay, đang ngồi xếp bằng trên đài trong
tư thế virasana (theo tiếng Sankrit)
hay còn gọi là tư thế “anh hùng” với
cẳng chân và bàn chân phải đặt nằm lên trên cẳng và bàn chân trái. Hai đầu hai
bên và hai tay phụ phía sau hai tay chính được thể hiện một cách tinh tế khiến
người xem cảm thấy như nhìn thấy một điệu múa Chăm cổ gồm ba người nhưng chỉ
thấy đầu và tay của người đứng sau mặc dù đó thực chất là biểu tượng của một
nhân vật. Hình ảnh bốn cánh tay mang tính nhịp điệu và huyền ảo. Hai cánh tay
chính phía dưới hơi khuỳnh ra rồi cùng gập khuỷu và cùng hướng hai bàn tay về
phía trước ngực nâng một chiếc bình đựng nước. Hai cánh tay phụ phía trên giơ
mạnh rồi gập khuỷu vào thành một góc gần vuông, bàn tay phải cầm tràng hạt còn
tay trái cầm hoa sen. Trong khi hai cánh tay chính chụm thấp vào ở trọng tâm
thì hai cánh tay phụ lại nâng cao lên hai phía. Cả bốn tay tạo nên một nhịp
điệu vừa tĩnh tại lại vừa sống động. Ở tác phẩm này vừa mang tính hiện thực
trong vẻ đẹp thuần khiết của thiếu nữ vừa mang tính thần thoại trong yếu tố
nhiều tay mang những biểu trưng của thần. Hai yếu tố kết hợp với nhau tạo thành
bố cục hài hòa và chặt chẽ.
Tư thế vừa
động vừa tĩnh của nữ thần với hai chân bành ra trong tư thế ngồi tạo cảm giác
cân bằng và tĩnh tại. Trong khi đó, thân mình và đầu của nữ thần Sarasvati lại
uốn gập với động tác khá mạnh: bụng nghiêng về bên trái còn phần ngực và đầu
(kể cả hai đầu phụ) lại gập nghiêng về bên phải. Tất cả tạo cho bức phù điêu
một cảm giác cân đối, hài hòa, trong động có tĩnh và trong tĩnh có động. Học
giả Ngô Văn Doanh nhận định: “...Tư thế
tam đoạn (tribhanga) đầy tính triết lý về sự hài hòa động và tĩnh của nghệ
thuật tạo hình truyền thống của Ấn Độ trong hình ảnh nữ thần Châu Thành...” [12,
tr.18].
Trong nghệ
thuật điêu khắc Chămpa, hầu hết phù điêu thần Sarasvati đều được trang trí trán
cửa, điều đó nói lên tính chất thờ cúng của đền tháp đó. Tuy nhiên, cách thể
hiện có phần khác nhau tạo nên sự phong phú cho hình tượng nữ thần. Trong tổng
thể bốn bức phù điêu đề cập đến nữ thần Sarasvati thì tác phẩm Sarasvati Châu
Thành của Bình Định được đánh giá là hoàn hảo nhất. Điểm khác biệt rõ nét nhất
là trong khi những lá nhĩ Sarasvati ở Xuân Mỹ, Chánh Lộ và Thu Bồn được thể hiện
nữ thần ngồi hoặc đứng bên con ngỗng Hamsa thì Nữ thần Sarasvati của Bình Định
lại được thể hiện ngồi trên tòa sen và có tới bốn tay. Cho đến thời điểm này,
trong số những phù điêu nữ thần Sarasvati được tìm thấy trên đất Chăm xưa thì
Sarasvati Châu Thành được xem là đầu tiên và là duy nhất được thể hiện ngồi
trên đài sen. Điều đó mang lại cho Sarasvati Châu Thành một giá trị nghệ thuật
độc đáo và riêng biệt.
Ngoài ra, những
chi tiết khác cũng tạo nên sự khác biệt giữa nữ thần Saravatis Châu Thành và
các tác phẩm Saravatis khác. Trong khi tác phẩm Sarasvati Xuân Mỹ (đá cát, thế
kỷ XII, Bình Định) được thể hiện trong tư thế ngồi thiền tọa, hai tay đặt lên
gối; Sarasvati Chánh Lộ trong tư thế đứng khuỳnh chân, hai tay đặt lên hông thì
Sarasvati Châu Thành lại ngồi trong tư thế anh
hùng. Qua đó cho thấy nữ thần Sarasvati Châu Thành mang một vẻ đẹp tràn đầy
sinh lực trong thế ngồi vừa tĩnh tại và
vừa sống động. Điều đó cho thấy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân Chăm Vijaya.
Trang phục nữ
thần Sarasvati mang đặc trưng của phong cách Chánh Lộ và đầu phong cách Tháp
Mắm. Những đặc điểm như cái vạt túi tròn đầu buông ra phía trước của chiếc quần
cộc của nữ thần gần giống với cái vạt của tu sĩ cầm tràng hạt được phát hiện năm 1901 tại Bình Định, được
giới nghiên cứu xếp vào giai đoạn đầu của phong cách Tháp Mắm (cuối thế kỷ XI –
đầu thế kỷ XII), với ký hiệu : 44.13. Chiếc vạt túi thứ hai của nữ thần lại
giống với vạt túi của một tu sĩ khác cũng thuộc phong cách Tháp Mắm mang ký
hiệu 44. 256, hiện cả hai tượng tu sĩ này đang được trưng bày tại Bảo tàng
Chămpa Đà Nẵng.
Trong khi đó,
một tác phẩm khác - thể hiện thần Brahma thuộc phong cách Chiên Đàn (thế kỷ X –XI) hiện được trưng bày
tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam có nội dung thể hiện hoàn toàn giống như
Sarasvati Châu Thành - Bình Định, rõ nét qua hình tượng ba đầu, bốn tay và các
biểu trưng đi kèm. Không chỉ vậy, hai tác phẩm này còn giống qua cách thể hiện
ngồi xếp bằng trong tư thế anh hùng
trên tòa sen trong tư thế hơi nghiêng người và đầu về bên trái, cũng trang phục
quần cộc có ba lớp và chiếc vạt trước bụng rộng, tròn đầu có có nếp viền rộng
bao quanh cùng đồ đội với họa tiết cánh sen và cùng ngồi trên tòa sen có một
lớp cánh lớn.
Điểm khác biệt
lớn nhất có thể thấy qua hình thức thể hiện của hai bức phù điêu này là ở chỗ,
trong khi phù điêu Chiên Đàn diễn tả Brahma dưới hình thức là nam thần thì phù
điêu Châu Thành lại diễn tả Brahma dưới dạng shakti của thần - đó là nữ thần
Sarasvati. Điều đó cho thấy, mặc dù người Chăm thời kỳ này vẫn lấy Bà La Môn
làm tôn giáo chính nhưng sự quay trở lại với tín ngưỡng thờ Mẹ trong tâm thức
người Chăm đã bộc lộ rõ nét qua hình ảnh thần Brahma trong hình thức là nữ thần
Sarasvati. Đây là tác phẩm được xem là bản sao của nam thần Brahma nhất. Tuy có
cùng nội dung phản ảnh nhưng có thể thấy, phù điêu Sarasvati Châu Thành - Bình
Định được khắc tạc khá chi tiết, cụ thể và tinh tế hơn nhiều so với Brahma của
phong cách Chiên Đàn.
Dưới
bàn tay tài hoa của nghệ nhân Chăm Bình Định, tác phẩm Sarasvati hiện lên với
vẻ đẹp thuần khiết, căng đầy sức sống trong hình ảnh đôi vú căng tròn và lấp
lánh da thịt mịn màng. Học giả Ngô Văn Doanh nhận định:
“...Với tất cả những nét đẹp nghệ thuật riêng và những
cách thể hiện hình tượng cũng rất riêng, tác phẩm điêu khắc...ở Châu Thành đã
xuất hiện trong trong nền nghệ thuật cổ Chămpa không chỉ như một kiệt tác điêu
khắc mà còn như một tác phẩm độc nhất vô nhị thể hiện nữ thần Sarasvati giống với thần Brahma nhất...góp thêm một
bằng chứng về việc thờ Brahma nói chung và thờ Sarasvati nói riêng trong đời
sống tôn giáo của vương quốc cổ Chămpa...” [12, tr.23].
Không những
vậy, với cách tạo khối tròn đầy, đặc tả đường nét mềm mại và cách nhấn mạnh các
chi tiết rất đặc trưng của phong cách Bình Định - phù điêu Sarasvati Châu Thành
đã lột tả được vẻ đẹp đặc trưng của điêu khắc Chăm Bình Định và được xem là một
tác phẩm điêu khắc đẹp trong phong cách Tháp Mắm.
3.1.3. Shiva
Hải Giang – thần Shiva (Hình 3.3)
Trong tôn giáo
Ấn Độ, Shiva là một trong tam vị nhất linh và được thể hiện dưới nhiều hình thức.
Khi Chămpa tiếp nhận tôn giáo Ấn Độ đã bản địa hóa, tạo nên hình tượng Shiva
trong hình ảnh của một vị vua, thường là những vị vua có công với nước.
Tượng đá Hải
Giang được tìm thấy vào giữa năm 1987 tại một ngôi chùa Việt - chùa Phật Lồi
tọa lạc tại thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải thuộc thành phố Quy Nhơn, được gọi dưới
tên là tu sĩ Hải Giang, thuộc loại tượng chân dung. Trong bài báo “Pho tượng mới phát hiện ở Bình Định và vấn
đề tượng chân dung trong nghệ thuật Chăm”, nhóm nghiên cứu đã nhận định: “Tượng Nhân Hải là tượng chân dung cổ nhất
của nghệ thuật Chămpa hiện được biết đến” [11, tr.229]. Mười bảy năm sau,
PGS – TS Ngô Văn Doanh khẳng định: “Tượng
đá ở Hải Giang là tượng thần Shiva được thể hiện dưới hình dạng một hiền triết
(rishi) rất tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa” [10, tr.61]. Pho
tượng có chiều cao 0,76m, rộng 0,46m thể hiện một người đàn ông ngồi trầm tư,
mắt nhìn thẳng ra phía trước. Hai chân xếp bằng và vắt chéo qua nhau. Hai cánh
tay xếp dọc theo thân, cánh tay trái buông thõng, đặt trên đùi, lòng bàn tay để
ngửa; tay phải nâng lên ngang ngực, trong tay cầm tràng hạt dài buông thòng
xuống bàn chân trái. Bộ râu dài che lấp cổ, vuốt nhọn như hình đầu bút lông
trên khuôn mặt hình bầu dục. Đôi mắt lim dim, kéo xếch về phía đuôi mắt dưới
đôi lông mày cách xa nhau trông thanh tú. Miệng được thể hiện vừa đủ rộng với
môi trên bị che khuất bởi bộ ria mép lớn trong khi môi dưới dày, nổi rõ. Tai
đeo một đôi khuyên hình tròn có hình kép. Người đàn ông đội một cái mũ cao có
hình trụ với ba vạch ngang nằm giữa. Một chữ Phạn khá lớn được trang trí ở
chính giữa phía dưới mũ mà theo PGS – TS Ngô Văn Doanh: “...chữ khắc trên mũ của pho
tượng đá chùa Phật Lồi là chữ “Om” (nghĩa là tôn kính)...” [10, tr.61]. Chữ Om này từ xa xưa đã là một trong
những biểu tượng của thần Shiva. Theo quan niệm của người Chăm chữ Om được thể
hiện bằng hình tượng Omkar, thể hiện “quan niệm vũ trụ quan của người Chăm” [2,
tr.78]. Theo đó, biểu tượng của chữ Om được xem là vị thần tổ đầy quyền uy, là
đấng toàn năng lưỡng tính âm dương: “Âm
dương giao hòa thì vũ trụ được tạo dựng, muôn vật hóa sinh” [2, tr.78].
Thần Shiva
trong thần thoại Ấn Độ thường được thể hiện trên trán có hình mặt trăng và có
con mắt thứ ba nằm giữa trán. Ở tác phẩm điêu khắc này, hình mặt trăng được thay
bằng chữ “Om” và con mắt thứ ba được
thay thế bởi hình tượng ba vạch ngang. Đối với người Chămpa, con số ba là biểu
tượng thiêng liêng của đất. Đây là nét khác biệt mang tính bản địa các nghệ
nhân Chăm Bình Định. Trong khi những tượng thần Shiva của nghệ thuật điêu khắc
Chăm cổ nói chung thường dựa vào yếu tố “mặt
trăng”, “con mắt thứ ba” để nhận biết thần Shiva thì với cách thể hiện độc
đáo này, thần Shiva Giang Hải có thể được xem là độc nhất vô nhị trong nghệ
thuật điêu khắc Chăm nói chung và điêu khắc Chăm Bình Định nói riêng. Qua biểu
tượng trên trán thần Shiva đã cho chúng ta thấy rõ tín ngưỡng của người Chăm
thông qua hình ảnh của vị thần tối cao của Bà La Môn. Qua đó cho ta ta hiểu
thêm một phần về sự biến đổi Bà La Môn Ấn Độ trong tâm thức của người Chăm và
trở thành tôn giáo Bà La Môn mang tính bản địa rõ nét.
Trang phục của
thần Shiva được thể hiện tương đối đơn giản. Áo là một mảnh vải vắt chéo từ
trên vai trái qua ngực trái và vùng bụng phải. Hai bắp tay có đeo vòng có mũi
nhọn hướng lên trên, vòng đeo được trang trí bằng những hạt ngọc tròn xâu thành
chuỗi. Một thắt lưng to bản vắt ngang bụng với khóa lớn hình vuông, trên đó
được trang trí bởi một hàng các ô vuông hoa bốn cánh. Từ thắt lưng trở xuống,
các chi tiết như tay, chân được diễn tả khá đơn giản. Đường nét và hình khối
được phác sơ sài, có cảm giác như pho tượng vẫn đang còn trong giai đoạn chưa
hoàn tất. Tuy nhiên, chính vì điều đó đã đưa tầm mắt của ta nhìn ở phần trên
của tượng, nhất là phần khuôn mặt, tạo cho pho tượng có chính – phụ khá rõ
ràng, giúp thị giác người xem thỏa mãn với nghệ thuật biểu hiện của tác phẩm.
Mặt lưng của
pho tượng được gắn vào một cái bệ có hình “lá nhĩ”. Nhờ có các họa tiết trang
trí và được khắc chữ Chăm cổ hoặc chữ Sankrit trên tấm lá nhĩ cho ta đặc điểm
nhận biết tượng Shiva Giang Hải có chức năng thờ cúng chứ không phải dùng để
gắn vào mặt của bức tường nào đó với chức năng trang trí cho đền tháp. Khi so
sánh các đặc điểm “mũ đội đầu hình trụ,
có râu nhọn ở cằm và có ria mép, cách tạo hình nhấn mạnh nửa phần trên của
tượng, ngồi tựa lưng vào một cái bệ hình chữ U lộn ngược” [10, tr.62], có
thể thấy Shiva Giang Hải thuộc về “phong
cách Muộn” với những đặc điểm chung thống nhất như trên, đồng nhất với việc
Shiva Giang Hải là một vị nhân - thần. Những đặc điểm trên cũng cho ta thấy
Shiva Giang Hải giống một hiền triết hoặc một thầy tu trong Ấn Độ giáo. Bên
cạnh cách thể hiện vừa mang những đặc điểm chung đó, Shiva Giang Hải còn được
thể hiện với chuỗi hạt cầm tay và sợi dây được xem là biểu trưng của các vị
thầy tu Bàlamôn. Qua các yếu tố đó, Shiva Giang Hải được xem là “tượng một vị vua Chăm có gốc gác Bàlamôn” [10,
tr.62]. Không những vậy, trong tư thế
trầm tư, thần Shiva ở đây còn được biết đến cụ thể dưới cái tên Shiva Mahayogi.
Theo Ngô Văn
Doanh, khi so sánh Shiva Mahayogi Giang Hải với thần Shiva trong nghệ thuật
điêu khắc cổ Khmer thì có những nét tạo hình tương đồng với những đặc điểm.
Trong bức phù điêu lớn ở gian góc Tây –
Nam của đền Angco Vat (thế kỷ XII). Theo đó, thần Shiva được thể hiện giống
Shiva Mahayogi Giang Hải ở đặc điểm: được đặt trên một chiếc bệ cao, với bộ râu
dài, nhọn, và bộ ria mép lớn, tay phải cầm chuỗi tràng hạt dài đưa lên ngang
ngực, còn bàn tay dưới đặt ngửa trước bụng. Thần Shiva trên trán cổng (gopura)
phía Tây đền Thomannon được tạo hình giống Shiva Mahayogi Giang Hải ở đặc điểm
được thể hiện có bộ râu lớn, nhọn đầu và khá dài và đang ngồi trầm tư trên một
cái bệ cao. Còn rất nhiều hình tượng thần Shiva khác của phong cách Angco Vat được
thể hiện tương tự Shiva Mahayogi Giang Hải. Điều đó cho thấy, có sự tiếp biến
giữa nghệ thuật điêu khắc Khmer và Chăm Bình Định.
Không giống
như nhiều phù điêu thần Shiva thuộc phong cách Angco Vat được thể hiện có nội
dung cụ thể trong thần thoại Ấn Độ với mục đích trang trí cho đền Angco Vat,
thần Shiva Giang Hải được thể hiện độc lập dưới dạng tượng tròn với chức năng
thờ cúng, đó là điểm khắc biệt và là nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc thần
Shiva Chăm Bình Định. Không những thế, tượng Shiva Giang Hải còn được xem pho
tượng đầu tiên mở đầu cho một loạt tượng Shiva được thể hiện dưới dạng nhân –
thần thuộc “phong cách Muộn” – phong cách “YangMun”.
3.1.4. Nữ
thần Mahisha – Mardini Núi Cấm ((Hình 3.4)
Trong thần
thoại Ấn Độ, Mahisha – Mardini là một con quỷ giả dạng thành con trâu, là một
tên khác của Kali – Durga. Mahisha – Mardini là chị của Krishna, vợ của Shiva
và là một trong số ba vị thần được sinh ra để trừ tất cả các loài quỷ đe dọa
thế gian. Cũng có sách khác cho rằng Mahisha – Mardini là tên khác của Durga vì
đã giết quỷ Mardini. Bà được sinh ra bởi sự kết hợp sức mạnh, năng lượng của
nhiều vị thần khác nên đã có được tất cả các yếu tố tinh tế tuyệt vời của các
vị thần. Với các vũ khí mà các vị thần ban cho, nữ thần Mahisha – Mardini cưỡi
con sư tử và giết được Mahishasura.
Phù điêu nữ
thần Mahisha – Mardini của Bình Định được tìm thấy đồi Núi Cấm thuộc huyện Tây
Sơn được tạo hình trong một bố cục có hình lá nhĩ, được xem là một trong những
phù điêu trán cửa lớn nhất Chămpa, cao 1,20m. Không chỉ vậy, phù điêu Mahisha –
Mardini Núi Cấm còn được xem là thể hiện đặc sắc nhất hình tượng nữ thần Uma
dưới dạng Mahisha – Mardini.
Khuôn mặt nữ
thần Mahisha – Mardini được thể hiện khá thanh tú và nghiêm nghị, khuôn mặt nở
nhẹ nụ cười, “đường nét khắc tạc thể hiện
hài hòa, quý phái” [41, tr.195]. Với
mười tay vươn lên như một búp sen nở, phủ kín nửa phần trên của lá nhĩ.
Các cánh tay đều cầm vũ khí – biểu trưng của thần Uma hay Durga. Được thể hiện
trong một tư thế cân bằng và vững chãi
với hai chân chùng xuống, hai đầu gối bành ra hai bên. Phần mông cùng phần thân
dưới vặn nghiêng qua trái, từ ngực trở lên theo hướng thẳng đứng. Dưới bàn tay
tài nghệ của nghệ nhân Chăm xưa, đôi bầu vú của nữ thần được thể hiện nở nang,
đầy sức sống và mang tính phồn thực. Bàn tay trái chính đưa lên ngang vai rồi
gập xuống vuông góc tại khuỷu, bàn tay chống lên hông. Bàn tay phải cầm vũ khí,
giơ lên song song với đùi phải. Trong khi bảy cánh tay phụ cùng nâng lên như
một búp sen đang nở thì cánh tay phụ thứ nhất bên trái lại cúi gập. Xét về mặt
mỹ thuật, nếu các đôi tay đối xứng nhau từng đôi một sẽ dễ dàng tạo nên một
tổng thể hài hòa. Tuy nhiên, do bố cục bên trái không còn diện tích nên người
nghệ sỹ Chăm sáng tạo nên một cách thể hiện chi tiết cánh tay khác lạ, không phá
vỡ tổng thể mà trái lại tạo nên một tổng thể hài hòa.
Trong khi ở
nghệ thuật Ấn Độ, nữ thần Mahisha - Mardini trong hang ở Udayagira thế kỷ IV
thuộc phong cách Gupta, Mahisha - Mardini phong cách Pallava thế kỷ VII, hay
Mahisha - Mardini thế kỷ XIII của nghệ thuật Singasari (Indonexia) thường được
thể hiện cụ thể trong trận đánh, nghĩa là cùng với con quỷ đầu trâu Mahisha hay
ngồi trên sư tử xông trận thì lá nhĩ nữ thần Mahisha - Mardini Núi Cấm lại thể
hiện đang đạp lên hai con Macara - đây là một tác phẩm độc nhất vô nhị trong
nghệ thuật thể hiện thần Mahisha – Mardini.
Ở nghệ
thuật điêu khắc cổ Chămpa, trong khi lá nhĩ Chiên Đàn thể hiện Mahisha -
Mardini dưới dạng Durga sáu tay và múa đạp trên con trâu nằm ở bên dưới (hiện ở Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng với
ký hiệu: 16.1). So với Durga Mỹ Sơn E4 (Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ký
hiệu: 16.2), Mahisha - Mardini Núi Cấm được tạo hình với cánh tay chống hông và
tư thế múa đầy mạnh mẽ và vững chãi. Trong nghệ thuật Chămpa, nghệ thuật Ấn Độ
hay nghệ thuật Đông Nam Á, Mahisha - Mardini thường được thể hiện trong trận
đấu tiêu diệt quỷ đầu trâu với các vũ khí chính cầm trong tay. Chính vì vậy,
Mahisha - Mardini thường được thể hiện cùng con trâu đang bị mình tiêu diệt.
Với cách thể hiện đang đạp trên lưng thủy quái Macara, có thể nói, Mahisha -
Mardini Núi Cấm là hình tượng độc nhất vô nhị trong nghệ thuật thể hiện nữ thần
Mahisha – Mardini.
Với bố cục
hình lá nhĩ, phù điêu Mahisha - Mardini Núi Cấm được trang trí trán cửa. Vị trí
trên cao làm cho hình tượng Mahisha - Mardini mang một vẻ đẹp thánh thần và vô cùng hoành tráng. Lê Đình
Phụng đã nhận xét: “Đây là một tác phẩm
điêu khắc đẹp, tư thế sống động, hình khối gọn khỏe, tỷ lệ cân đối, chạm khắc
tỉ mỉ trau chuốt có giá trị nghệ thuật
cao, mang nhiều yếu tố mỹ thuật truyền thống trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa”
[41, tr.196].
3.1.5. Thần
Tài lộc Kubera thành Chas (Hình 3.5)
Kubera trong
thần thoại Ấn Độ là vị thần tu hành đắc đạo:“Vì
thần Kubera thực hành khổ hạnh nghiêm nhặt nên được thần Brahma ban cho ân huệ
là sẽ được bất tử, là thần của cải tài lộc, chủ nhân của cỗ xe puspaka” [21.46].
Kubera còn là thần chủ của những Gandhavars. Trong đạo Hindu, Kubera là vị thần
phương hướng, án ngữ phía Bắc và cai quản núi Kailasa. Vì là thần Tài lộc, nên
Kubera được xem là thần giữ của cho thần Indra. Không chỉ là vị thần của linh
hồn, Kubera còn hiện thân của thần chết.
Kubera được
tìm thấy ở thành Chas thuộc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn năm 1990. Hiện phù điêu
được đặt trang trọng ngay chính giữa gian phòng bảo tàng hiện vật Chăm thuộc
Bảo tàng tổng hợp Bình Định. Được tạc bằng đá sa thạch xanh xám, thần Kubera có
chiều cao 0,64m, rộng 0,37m, được thể hiện dưới dạng phù điêu tượng tròn bán
thân. Toàn bộ phù điêu được đặt trên một bệ đá hình chữ nhật không trang trí.
Cách diễn tả nét chi tiết trên khuôn mặt thể hiện nhân chủng Chăm khá rõ. Phần
từ trán trở lên đã bị vỡ, khuôn mặt bầu bĩnh hình bầu dục với đôi mắt lớn, mở
to. Hai lỗ tai có dái tai dài gần chạm vai, tiếc rằng phần hoa tai đã bị biến
dạng do bị vỡ nên không thấy gì. Mũi bị vạt mất một phần nhưng cũng thấy rõ
cánh mũi to và dày. Môi dưới dày, hai khóe miệng nhếch cao thể hiện một nụ cười
viên mãn. Dù chỉ được thể hiện bán thân nhưng cũng nhận thấy rõ thần Kubera
không mặt áo thể hiện qua đôi vai để trần tròn trịa. Đôi bầu vú căng mọng, tròn
đầy mang một sức sống mãnh liệt.
Trên cổ
thần đeo một cái kiềng không nhìn thấy rõ phần mặt tượng. Qua cách tạo hình đó
cho thấy có sự khác biệt so với những trang sức tượng thần phong cách Bình
Định. Trong khi đồ đeo cổ của các vị thần khác là những vòng cườm được kết từ
những hạt nhỏ được thể hiện từ 2 – 3 lớp thì chiếc kiềng trên cổ thần Kubera
chỉ có một cái và thể hiện chất kim loại rõ nét.
Thần Kubera
trong Hindu giáo là một nam thần với thân hình mập mạp và xấu xí, tính tình khó
chịu. Trong khi đó, Kubera Chăm Bình Định được thể hiện dưới dạng một nữ thần
với khuôn mặt đôn hậu, mang một vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết. Trong tâm thức
của người Chăm Bình Định, Kubera là một vị thần mang lại phồn thịnh cho mọi người.
Không những vậy, nếu Kubera trong Hindu giáo được xem là thần chết thì Kubera
Chăm Bình Định được thể hiện một cách tươi mát, sinh động, là sự sinh sôi nảy
nở, là sự sống luôn bắt đầu mà không có sự kết thúc.
Trong nghệ
thuật điêu khắc cổ Chămpa, thần Kubera thường được thể hiện dưới dạng phù điêu
toàn thân, với hình dáng to béo và thường gắn với vật cưỡi là Yaksa trong khi
Kubera Bình Định được thể hiện dưới dạng bán thân, nét mặt tươi tắn với nụ cười
hạnh phúc trên khóe môi. Phù điêu Kubera hiện đang đặt tại Bảo tàng Chăm Đà
Nẵng với ký hiệu: 4.5, được thể hiện đang ngồi trên lưng Yaksa. Trong khi đó,
thần Kubera được đặt tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam - thành phố Hồ Chí Minh, lại
được thể hiện dưới dạng thần phương hướng ngồi trên đế, mặt trước thể hiện
Yaksa đang bay. Như vậy, khi so sánh với những vị thần Kubera Chăm hiện đã được
tìm thấy, thần Kubera Chăm Bình Định có cách tạo hình khá đặc sắc, riêng biệt
mà không trùng lắp với các vị thần Kubera khác cho thấy sự thay đổi trong tư
tưởng thẩm mỹ của người Chăm. Sự thể hiện Kubera dưới dạng nữ thần cho thấy chế
độ mẫu hệ không chỉ tồn tại trong tín ngưỡng dân gian Chăm mà còn thấy rõ trong
hệ tư tưởng của tầng lớp trên. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa giáo lý Bà La Môn
và tín ngưỡng bản địa của người Chăm.
3.1.6. Tu sĩ Dương Long (Hình 3.6)
Trong Ấn Độ giáo cũng như Bà La Môn giáo Chămpa, tầng lớp Tu sĩ là tầng lớp
được coi trọng trong xã hội. Hình ảnh tu sĩ được chạm khắc khá phổ biến trong
các nghệ thuật điêu khắc Chăm. Đa phần
hình ảnh tu sĩ được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như đứng cầu
nguyện, nằm suy tư, ngồi thiền...
Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm tại Bình Định, tượng tu sĩ được tìm thấy
khá nhiều, hình thức thể hiện khá phong phú trong hai tư thế ngồi và nằm là chủ
yếu. Tu sĩ Bình Định được lưu giữ trong các bảo tàng nhà nước, tư nhân khá
nhiều như tu sĩ Tháp Mắm, Tu sĩ Bà La Môn trang trí góc tháp Dương Long, tu sĩ
Bình Định. Tại bảo tàng tổng hợp Bình Định hiện đang trưng bày một tượng tu sĩ
còn nguyên vẹn có xuất xứ từ tháp Dương Long (Tây Sơn). Như đa phần các tác
phẩm điêu khắc ở tháp Dương Long, phù điêu Tu sĩ được thể hiện bằng đá, được
tạo hình dưới hình thức phù điêu được đặt trong một bố cục lá nhĩ dựa trên một
chiếc đế. Toàn bộ phần lá nhĩ bị bẻ một góc vuông 90 độ để phù hợp với chức
năng trang trí góc tháp, có kích thước cao 1,2m, dài cạnh 0,45m. Nhìn tổng thể,
tu sĩ có tỉ lệ không cân đối với cái đầu khá lớn, chiếm tỉ lệ khoảng 1/3 chiều
cao con người. Đầu đội một cái mũ lớn với ba cánh sen chồng lên nhau từ nhỏ đến
lớn. Các chi tiết mắt, mũi miệng... tương đối mờ không được sắc nét. Tuy nhiên
vẫn nhìn thấy được đôi tai to kéo dài từ khoảng mắt đến cằm; đôi mắt mở lớn;
cánh mũi to bè và cái miệng rộng; môi dày, tất cả các chi tiết thể hiện nhân
chủng Chăm khá rõ. Phần thân người tương đối ngắn, to bè. Đôi tay với các ngón
đan xen, nắm chặt lấy nhau chắp trước ngực như đang nguyện cầu. Một cái sămpốt
đơn giản quấn ngang bụng với hai lớp không chi tiết trang trí. Chân đứng thẳng
với hai bàn chân xoay ngón cái đối diện nhau. Nhìn chung, tu sĩ được thể hiện
khá đơn giản, khô cứng, tỉ lệ chưa hợp lý và thiếu thần sắc. Phía sau tu sĩ
được trang trí bằng nhiều lớp hoa văn có nội dung khác nhau. Bắt đầu từ sau mũ
tu sĩ có một lớp hoa văn hình ngọn lửa bốc lên. Lớp tiếp theo thể hiện hình
những chấm hạt cườm, cong tròn cho ta cảm giác như thân của rắn Sesa. Tiếp theo
là một lớp hoa văn hình ngọn lửa nhỏ và kết thúc bằng một đường được trang trí
lá đề có ba lớp bên trong khá lớn, với những cánh lá nhọn lên phía trên, tạo
cảm giác hướng thiên. Chính nhờ có phần trang trí phía sau tạo nên một bố cục
chặt chẽ cho phù điêu Tu sĩ.
Trong bộ sưu tập điêu khắc Chăm do Viện Đông Nam Á làm chủ biên có giới
thiệu một phù điêu tu sĩ Dương Long. Khi so sánh hai bức tu sĩ có cùng xuất xứ
này, ta vẫn thấy rõ hình ảnh tu sĩ này được chú trọng đến từng chi tiết của
trang phục, trong khi đó tu sĩ tại bảo tàng Tổng hợp Bình Định lại được thể
hiện khá sơ sài. Điều đó cho thấy người nghệ nhân Chăm hầu như không mấy chú
trọng đến cách thể hiện tu sĩ nhưng lại trang trí khá chi tiết phần phía sau
cho thấy hình tượng tu sĩ chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ tác phẩm mang chức năng trang trí góc tháp. Hay nói
cách khác, kết hợp với các họa tiết hoa lửa xung quanh, tu sĩ tạo thành một đồ
án trang trí đẹp, đem đến sự khác lạ so với hình tượng tu sĩ được trang trí các
góc tháp Mỹ Sơn. Sự kết hợp đó còn cho ta biết tín ngưỡng tôn thờ thần lửa được
đề cao trong đời sống tâm linh của người Chăm Vijaya bên cạnh những thần linh
được thờ trong lòng tháp.
3.1.7. Apsara tháp Bánh Ít (Hình 3.7)
Trong thần thoại Ấn Độ, Apsara là thiên thần của sông suối. Tuy nhiên, có
nhiều huyền thoại được thêu dệt quanh Apsara. Có người gọi họ là Urvasi – người
được sinh ra từ bắp vế thần Naranarayana, nhưng số khác cho rằng họ là những vị
thần tình yêu bé nhỏ. Apsara cũng là những người vợ của những vị á thần ở trên
trời. Có người còn cho rằng khi những anh hùng thua trận, thần Indra đã phái họ
- với tư cách là tiên – cho những người anh hùng đó.
Hình ảnh Apsara được thể hiện khá nhiều trong nghệ thuật điêu khắc Angco và
Chămpa. Giai đoạn Vijaya, Apsara còn lại không nhiều, không được thể hiện độc
lập như phong cách Trà Kiệu mà chủ yếu là phù điêu đá trên diềm tường ở tháp
Bánh Ít và tháp Đôi.
Hiện nay, tại bảo tàng Đà Nẵng có lưu giữ một tác phẩm phù điêu vũ nữ
Apsara có xuất xứ từ tháp Bánh Ít mang ký hiệu [45.5]; kích thước: cao 0,83m,
rộng 0,9m; thuộc thế kỷ XI. Tác phẩm là một đoạn ngắn của dải diềm tường bị
ngắt ra thành một đoạn có ba vũ nữ đang múa trong tư thế quỳ khác nhau. Từng
chi tiết trên các vũ nữ tưởng chừng như giống nhau, song nhìn kỹ ta thấy người
nghệ nhân Chăm đã thể hiện có sự khác biệt. Chiếc khăn quấn đầu của ba vũ
nữ có phần đuôi được nâng cao dần, kể từ
người thứ nhất bên trái qua, tạo nên nhịp điệu chuyển động trong phần trên của
tác phẩm. Đây là hình thức nghệ thuật có tính kế thừa từ kiểu búi tóc với một
búi tròn ở phía sau thuộc phong cách Trà Kiệu. Ba khuôn ngực để trần, nhưng mỗi
người một vẻ. Mỗi vũ nữ được diễn tả ở một chiếc sămpốt quấn ngang hông cũng
được thể hiện khác nhau tạo cho đôi chân lộ ra khỏi sămpốt trông thật đáng yêu,
sinh động dù cùng trong một động tác. Có lẽ gây được sự chú ý của thị giác
người xem nhiều nhất đó là động tác của đôi tay vũ nữ. Sự chuyển động của đôi
tay của ba vũ nữ cho ta một cảm giác như là một động tác dây chuyền. Từ hai bàn
tay để xuôi theo vai của vũ nữ thứ nhất đến một tay đưa ngang vai của vũ nữ thứ
hai để rồi vũ nữ thứ ba tay còn lại nâng lên tiếp ngang ngực. Phải chăng đây là
một điệu múa mang tính liên hoàn thường thấy trong nghệ thuật múa Chăm. Phù
điêu vũ nữ tuy chỉ còn một đoạn ngắn nhưng cho ta sự liên tưởng đến những phần
mất còn lại, chính nhờ vào biểu hiện của đôi bàn tay nhịp nhàng cho ta nghĩ đến
một điệu múa thống nhất trong cùng một kiểu thức. Ngắm nhìn phù điêu vũ nữ tháp
Bánh Ít, ta như nghe thoang thoảng đâu đây âm thanh của kèn Saranai, tiếng
trống baranưng trong các ngày tế lễ, hội hè của người Chăm. Vẻ đẹp của vũ nữ
tháp Bánh Ít tuy không có vẻ kiều diễm, nuột nà của vũ nữ Trà Kiệu nhưng có cái
chất trữ tình, vẻ đầy đặn, chín chắn mang đầy chất phồn thực của thiếu nữ Chăm.
Trong hình tượng nghệ thuật tạo hình của đôi bàn tay còn có chất âm nhạc Chămpa
là một hình tượng giàu tính nghệ thuật, qua đó thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo
mang đậm chất Chăm.
3.2. Đề tài thú linh
3.2.1. Bò Nandi Bình Nghi (Hình 3.8)
Bò là con vật cưỡi trung thành của thần Shiva, thường được gọi tên là Nandi
hoặc Nandin. Nandi rất được tôn sùng ở Chămpa, trong nghệ thuật điêu khắc Chăm,
bò Nandi thường được diễn tả dưới hình thức phù điêu khi gắn liền với hình ảnh
thần Shiva, hoặc hình thức tượng tròn khi chức năng của nó là trang trí cho đền
tháp và thường được đặt trước cửa tháp.
Ở Bình Định cho đến nay, phù điêu Bò thần Nandi kết hợp với hình tượng thần
Shiva hầu như chưa được tìm thấy. Tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, phòng hiện
vật Chămpa có trưng bày một tượng bò dưới dạng tượng tròn được tìm thấy tại
Bình Nghi – Tây Sơn, được xác định trong khoảng niên đại thế kỷ XII, có kích
thước: cao 0,48m; dài 0,79m. Không giống như đa phần các con vật trong giai
đoạn Bình Định được diễn tả dưới hình thức trừu tượng, bò Nandi được thể hiện
bằng phong cách tả thực. Được tạo dáng từ chất liệu đá sa thạch - một chất liệu
sẵn có tại địa phương, bò thần Nandin được đặt trên một cái bệ không trang trí.
Bò nằm dáng trầm tư, to lớn bằng kích cỡ con bò thật. Từng chi tiết như mắt,
mũi, mõm, tai, sừng... đều được diễn tả tương đối gần thực tế với cái đầu
nghểnh cao với hai sừng ngắn, mập, hai tai vểnh lên như đang nghe ngóng, đôi
mắt hình hạnh nhân có nhiều mí đẹp đang
mở to. Một khối u nổi cao trên lưng, yếm được thể hiện chi tiết bằng ba vạch
cong gợi khối của yếm. Cổ đeo một vòng lục lạc được kết bởi những hạt tròn lớn.
Với cách tạo tác đơn giản, khối to, khỏe thể hiện một hình tượng bò trong thời
kì trưởng thành đang nằm hiền lành nhưng
cũng đầy uy nghi, vững chãi. Điều đặc biệt là ở giữa trán bò Nandi có một cánh
hoa hình bốn cánh tượng trưng cho urna.
Có thể thấy trong điêu khắc, hình tượng bò Nandi được thể hiện khá đơn giản và
tương đối giống nhau. Bò Nandi Tây Sơn có cách thê hiện hầu như giống Bò Nandin
Mỹ Sơn. Cùng phong cách tả thực, nằm nghếch mõm hiền lành trong tư thế nghỉ
ngơi và có khối u trên vai. Chỉ khác ở một vài chi tiết nhỏ như bốn chân duỗi
của mỗi Nandi có thay đổi đôi chút và vòng lục lạc chỉ có ở Bò thần Trà Kiệu và
Tây Sơn.
Nhìn sang nghệ thuật điêu khắc cung đình thời Trần - Đại Việt, ta như tìm
thấy sự tương đồng giữa hình ảnh bò Nandi đặt trước đền tháp thờ thần Shiva và
hình tượng Hổ đá nằm trước lăng Trần Thủ Độ. Cả hai tượng đều có cách tạo hình
giống nhau, được thể hiện một cách chân thực và hình thức đơn giản hóa, qua đó
biểu hiện sức mạnh tinh thần cũng như sức mạnh tôn giáo. Tượng trưng cho thần
Shiva, bò thần Nandi tuy được thể hiện trong tư thế nghỉ ngơi và hiền lành nhưng
qua đó luôn thể hiện một sức mạnh vô biên của thần Shiva.
Với
nghệ thuật tả thực chân xác, tượng bò Nandi Tây Sơn cho thấy bàn tay điêu luyện
và óc thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân Chăm ở Bình Định trong việc thể hiện
những con vật trong đời thực xuất hiện trong tôn giáo của mình.
3.2.2. Gajasimha tháp Mắm (Hình 3.9)
Trong thần thoại Ấn Độ, Gajasimha là con vật linh bởi nó là con vật lưỡng
thể giữa voi và sư tử. Voi là biểu tượng cho sức mạnh của thần Indra, trong khi
đó sư tử là biểu tượng cho sức mạnh và là hóa thân của thần Visnu. Vì vậy, sự
kết hợp của hai loài thú này mang lại cho Gajasimha một sức mạnh vô song.
Hình tượng Gajasimha trong nghệ thuật điêu khắc Chăm không nhiều, đến nay
chỉ tìm thấy ba tượng tròn. Hiện chỉ có hai Gajasimha thuộc phong cách Chánh Lộ
và phong cách Trà Kiệu. Gajasimha đang đặt tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định là
Gajasimha thứ ba.
Gajasimha Bình Định được tìm thấy năm 2002 tại tháp Mắm, xã Nhơn Thành,
huyện An Nhơn, được xác định niên đại thuộc thế kỷ XIII – XIV. Tượng được tạo
tác bằng chất liệu đá truyền thống và được thể hiện dưới dạng tượng tròn được
cách điệu cao với đầu voi thân sư tử. Tượng được thể hiện trong tư thế đứng
trên bốn chân vững chãi được đặt trên
một chiếc đế trơn không trang trí, vòi đang nghếch cao như đang vươn cao để nắm
một vật gì đó. Tiếc rằng vòi đã bị gãy mất phần trên, hai vòi cũng vậy. Đầu voi
có tỉ lệ tương đối lớn so với phần thân. Đôi mắt mở to với nhiều nếp gấp mí
được cách điệu bằng những nét....Đôi tai nép vào sát hai bên đầu. Từ trán trợt
về sau là bộ lông bờm sư tử dược thể hiện bằng những nét chạm cong mềm mại. Cổ
được khắc ba ngấn và đeo một vòng được trang trí bởi sáu lớp xếp tuần tự cho
đến hết phần ngực, cho ta sự liên tưởng tới cái áo yếm che ngực hơn là vòng lục
lạc đeo cổ, với các hoa văn có từ trong thiên nhiên và trong đời sống hàng ngày
của người Chăm như: hạt cườm, ô trám, lá đề và những nét khắc vạch. Kiểu trang
trí của chiếc áo yếm là đặc trưng cơ bản của điêu khắc phong cách tháp Mắm.
Thân sư tử tương đối ngắn đứng vững trên bốn chân. Chiếc đuôi vắt qua phần lưng
cong mềm mại. Bốn chân to với các ngón có vuốt nhọn của loài sư tử. Các ngón
chân có bốn ngón với ba đốt rõ ràng. Cổ chân đeo vòng lục lạc với ba lớp cườm
xâu thành chuỗi.
Gajasimha ở tháp Mắm là loại tượng mang tính hoành tráng và cách điệu khá
cao. Gajasimha thuộc phong cách Trà Kiệu lại là con vật đầu sư tử mình voi và
chỉ cao có 0,87m. Cả hai con vật đều được trang trí bởi chiếc áo yếm nhưng phần
trang trí của Gajasimha tháp Mắm có thay đổi về chi tiết. Thay vì bốn lớp áo
cuối cùng của Gajasimha Trà Kiệu c-ó cách thể hiện giống nhau thì Gajasimha
tháp Mắm lại có thay đổi chi tiết khiến chiếc áo trông khá sinh động. Qua cách
tạo khối căng tròn thể hiện hình dáng voi to lớn cùng những chi tiết trang trí trông Gajasimha ở Tháp Mắm không chỉ là một
con vật mang tính chất tôn giáo mà trông có vẻ
ngộ nghĩnh, đáng yêu và gần gũi với đời sống con người Chăm thời Vijaya.
3.2.3. Thủy quái Macara Dương Long (Hình 3.10)
Trong thần thoại Ấn Độ, Macara là vật cưỡi của thần biển Varuna cũng là vật
cưỡi của nữ thần sông Hằng Gangadevi. Macara còn là vua của loài rắn nước, sống
ở cõi âm được con người thờ cúng. Trong tâm thức của người Chăm, Macara là con
vật mang nước đến cho ruộng đồng thêm xanh tươi, mùa màng thêm tươi tốt, là con
vật đem lại sự sống, mưa thuận gió hòa. Là loài thủy quái, Macara là sự tổng
hòa những ưu điểm của các con vật sống trong miền nhiệt đới: cá sấu, voi và rắn
trong biểu tượng nước và cầu vồng, trong đó rắn là cầu vồng, voi là sương mù,
mây mưa đem lại hữu ích cho đời sống nông nghiệp của người Chăm. Trong nghệ
thuật điêu khắc Chăm, hình tượng Macara được thể hiện khá phổ biến, phần lớn
thuộc thể loại phù điêu với chức năng trang trí góc tháp hoặc đồ án trang trí
bệ lá nhĩ.
Tại
Bình Định, Macara được tìm thấy khá nhiều và thuộc các phong cách khác nhau.
Macara được tìm thấy ở tháp Dương Long là một tác phẩm điêu khắc điển hình cho
nghệ thuật điêu khắc đá phong cách tháp Mắm được xác định cuối thế kỷ XII đầu
thế kỷ XIII. Kích thước cao: 1,5m, rộng: 1,68m; Hiện Macara Dương Long được đặt
trước sân Bảo tàng tổng hợp Bình Định, thuộc thể loại phù điêu hoành tráng,
được lắp ghép từ ba khối đá lớn, chỉ biểu hiện phần đầu, tiết diện mặt bên được
diễn tả khá chi tiết và đầy đủ, mặt trước chỉ thể hiện một diện nhỏ ít cầu kì
hơn, phù hợp với chức năng trang trí góc tháp.
Mặt
bên Macara cho ta thấy rõ Macara có đôi mắt to tròn, lồi ra ngoài, với hai lớp
tròng ngoài uốn cong ra phía đuôi mắt. Chiếc răng nanh nhọn hoắt hướng thiên
với đôi hàm đang mở lớn. Quanh các diện như trán, cổ, vành miệng cho đến tai...
đều được trang trí bởi những diềm với những họa tiết vạch thẳng song song hay
những hạt cườm kết dải nối tiếp. Một chiếc mào vươn cao từ trán, quay về phía
sau như một quy luật của thiên nhiên. Mô tip trang trí trên mào là những diềm
hoa lửa lớn nhỏ khác nhau đôi chút về cách tạo hình, tạo nên một cột lửa khổng
lồ cháy rực trên đầu Macara. Sự chuyển động của chiều hướng mào cũng như sự
thay đổi chiều hướng các diềm hoa lửa và các tiết diện của các bộ phận còn lại
như mắt, mũi, miệng, tai, trán tạo nên nhịp điệu nhiều chiều, mang lại vẻ sống
động cho Macara. Macara là loài thủy quái biểu hiện cho nước, hoa lửa biểu hiện
cho lửa. Phải chăng đây là sự kết hợp trong quan niệm sống âm – dương, ngũ hành
của những cư dân có nền văn minh lúa nước. Biểu hiện hoa lửa trang trí trên
Macara còn thể hiện tín ngưỡng thờ thần lửa, đề cao thần lửa trong quan niệm
của người Chăm.
Quay
lại với nghệ thuật tạo hình Macara trong điêu khắc Chăm, ta có thể thấy, Macara
Dương Long là một tác phẩm có lối biểu hiện khác lạ, trở thành những đồ án
trang trí đẹp mắt. Theo Phạm Hữu Mý:
“...đề tài về loài quỷ như
Macara...nội dung phản ánh cũng không hoàn toàn liên quan đến thần thoại, tôn
giáo mà nó còn phản ánh một cách gián tiếp những mặt, những khía cạnh khác nhau của cuộc sống xã hội, có thể là
những đại diện cho điều ác, những mặt
trái của cuộc sống” [32, tr.166].
Tuy
nhiên, Macara Dương Long lại là cách thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa trong
tâm thức của người Chăm Vijaya. Về hình thức thể hiện, trong khi các Macara Mỹ
Sơn E1 hay Macara Trà Kiệu được thể hiện đang nhả ra một con dê nhỏ hoặc một
chiếc bình thì Macara Dương Long là hình ảnh độc lập, có bố cục chặt chẽ được
thể hiện với khối hình to lớn mang tính hoành tráng; và những diềm trang trí
chi li, cầu kỳ, dày đặc, chen chúc nhau trong các mảng, khối thể hiện tín
ngưỡng phồn thực sinh sôi nảy nở trong quan niệm sống của người Chăm Vijaya.
Với những mảng hình cong lớn nhỏ đan xen nhau tạo nhịp điệu dồn dập, căng cứng
trong tác phẩm, những mảng hình được trang trí chi li, cầu kỳ như một lo sợ về
khoảng trống trong Macara Dương Long và
rất nhiều phù điêu động vật khác cho thấy một tâm lý bất an của người dân Chăm
trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Macara Dương Long không chỉ mang giá trị nghệ thuật cao mà còn là hình
ảnh điển hình cho phong cách điêu khắc Chăm ở Bình Định – phong cách Tháp Mắm. “Đây là hiện tượng giao lưu văn hóa đa
tuyến của phong cách điêu khắc Bình Định, giữa văn hóa Chămpa với Khmer, Champa
và Đại Việt” [68].
3.2.4. Rắn Naga Dương Long (Hình 3.11)
Trong thần thoại Ấn Độ, rắn là loài vật thiêng, thông minh, là con của Kadu
và Kasyapa. Rắn cũng là con vật gần gũi với cuộc sống, lao động hàng ngày đối
với một đất nước nông nghiệp trong vùng có khí hậu nhiệt đới như Chămpa, vừa là
con vật giúp ích cho mùa màng vừa là con vật thiêng trong tâm thức của người
Chăm. Vì vậy, họ thờ thần rắn trong quan niệm về tín ngưỡng đa thần. Một điều
dễ nhận thấy là hình tượng Rắn trong điêu khắc Chăm thời kỳ Vijaya thường được
gọi dưới tên là Naga chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Khmer. Do hoàn cảnh lịch sử
Chămpa từng bị Khmer xâm chiếm trong khoảng thế kỷ XII – XIII. Người Khmer vốn
có tín ngưỡng bản địa thờ rắn, nên theo Nguyễn Thanh Quang: “có lẽ hình tượng này (rắn Naga) vốn đã hiện
diện trong văn hóa Khmer trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ” [66].
Hình tượng rắn Naga trong nghệ thuật Khmer thường được trang trí cung điện
và các đền thờ, và rắn Naga canh giữ ở những nơi thiêng liêng đó. Chúng xuất
hiện ở rầm cầu thang, trên các lối đi hoặc trên các tháp mái với mục đích xua
đuổi tà ma. Không chỉ vậy, “chúng còn
tượng trưng cho sự phồn thực và là loài vật có khả năng bảo vệ mọi nguồn nước
các công trình thủy nông của người Khmer cổ ” [66].
Với những điểm tương đồng trong văn hóa nông nghiệp, hình tượng Rắn Naga đã
được người Chăm tiếp nhận một cách tự nhiên như trên đất Khmer. Phần lớn hình
ảnh rắn trong nghệ thuật điêu khắc Chăm đều được diễn tả dưới hình thức tả
thực, mang vẻ hung dữ trong yếu tố tự nhiên điển hình như rắn thuộc phong cách
Khương Mỹ hoặc Trà Kiệu. Ở Bình Định, hình ảnh rắn thường được cách điệu cao,
phù hợp với chức năng trang trí góc tháp, với nhiều hình thức khác nhau, nhưng nổi bật nhất là
rắn ba đầu, năm đầu, bảy đầu được tìm thấy tại các tháp Đôi, tháp Dương Long và
tạo một vài phế tích tháp khác. Đôi khi hình ảnh rắn thần kết hợp với Macara,
Kala tạo thành những đồ án trang trí đẹp, mang tính huyền thoại, thần linh nhiều
hơn là chất hiện thực. Phần lớn rắn Naga đều được xác định thuộc phong cách
Tháp Mắm.
Rắn Naga sinh ra từ Macara có xuất xứ tại tháp Dương Long hiện đặt tại sân
trước bảo tàng Tổng hợp Bình Định là loại hình phù điêu có kích thước lớn (cao
1,36m, rộng1,28m). Phù điêu Rắn Naga được xác định niên đại cuối thế kỷ XII đầu
thế kỷ XIII, chạm khắc bằng chất liệu đá xám. Với chức năng trang trí góc nên
Naga được chú trọng diễn tả hình rắn lớn đầu tiên nằm ngay bộ phận góc tháp.
Đầu Macara há miệng, nhe nanh hung dữ đang nhả ra ba đầu rắn. Không diễn tả
mang tính hiện thực như các rắn Trà Kiệu, Naga ba đầu được sinh ra từ đầu
Macara là một sự kết hợp các con vật vừa có trong thực tiễn cuộc sống và trong
huyền thoại; Vì vậy, hình thức thể hiện mang tính cách điệu cao, thể hiện qua
từng chi tiết trên cơ thể. Bộ da của rắn được cách điệu thành những văn sóng
nước uốn lượn nhịp nhàng, vừa thể hiện cấu tạo của lớp da rắn vừa thể hiện sóng
nước – biểu hiện môi trường sống của rắn. Thân rắn ngẩng cao, uốn theo nhịp
hình chữ S mềm mại; đầu ngóc lên theo nhịp điệu của tự nhiên. Mắt lồi mở to với
mi mắt kéo dài về phía đuôi mắt với hai lớp
được cách điệu thành những đường diềm khắc vạch song song nối liền mào
lửa. Những diềm chấm cườm tròn kết dải theo thể thức nhắc lại chạy uốn lượn
theo những khối cong tạo nên khối hình đầu rắn. Trên cùng là những diềm hoa lửa
nối tiếp những diềm cườm được sắp xếp
trong những mảng, khối lớn, nhỏ tạo nên sự phong phú trong hình mảng.
Rắn
Naga sinh ra từ Macara có bố cục chặt chẽ thể hiện từ mảng khối lớn nhỏ xen kẽ,
mảng chính – phụ rõ ràng. Sự nhịp nhàng thể hiện qua nhịp điệu uốn cong của
thân rắn và sự chuyển động của các đường diềm diễn tả trên các bộ phận như mắt,
mào, đầu rắn. Sự phong phú của họa tiết trang trí không chỉ thể hiện ở số lượng
và nội dung họa tiết mà còn thể hiện ở sự thay đổi tiết tấu trên từng họa tiết,
như họa tiết chấm cườm tròn trên đầu Macara và đầu Naga chuyển thành họa tiết
mây trời dưới mắt Macara, họa tiết nét sổ thẳng ở hàm Macara và trên mào Naga
chuyển hóa thành những nét thẳng có móc trên đầu Macara... , cũng như đạt đến
sự hài hòa giữa nét cong mềm mại của vảy
và nét sổ thẳng của diềm trên mí mắt, trêm vòm miệng của Macara.
Có thể nói, với óc thẩm mỹ tinh tế của mình, những nghệ nhân Chăm Vijaya đã
diễn tả hình ảnh một con vật bình thường trong cuộc sống hàng ngày thành một
biểu tượng của sức mạnh thiên nhiên bằng nghệ thuật cách điệu cao, chặt chẽ về
bố cục; uốn lượn về nhịp điệu, tiết tấu; phong phú trong nội dung họa tiết.
Hình ảnh rắn là vô cùng quen thuộc đối với đời sống sinh hoạt của cư dân nông
nghiệp, thông qua bàn tay điêu luyện và óc sáng tạo của người Chăm Vijaya, Rắn Naga
sinh ra từ Macara trở thành một biểu tượng huyền thoại và vô cùng thiêng liêng
trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của những tín đồ Chăm Vijaya.
Như vậy, những con vật trong điêu khắc Chăm Vijaya đều được người nghệ nhân
nâng lên thành những con vật huyền thoại, như Sư tử, Macara, rắn, Voi. Ngô Văn
Doanh đã nhận xét:
“Hầu như tất cả các con vật đều được
thể hiện phóng đại cách điệu hay kết hợp
để thành những con vật mang tính huyền thoại nhiều hơn là hiện thực. Chính xu
hướng hoang đường hóa đã biến nhiều con vật như sư tử, rồng, macara, chim thần
Garuda thành những đồ án trang trí kiến trúc đẹp. Và ngược lại, nhiều khi,
những con vật tưởng chừng như hung dữ, thông qua cách hoang đường hóa, đã trở
thành những con vật thật ngộ nghĩnh và đáng yêu” [14, tr.314].
Bên cạnh đó, hình tượng rắn Naga đã cho ta thấy được quá trình giao lưu và
tiếp biến giữa nghệ thuật Chămpa Vijaya và nghệ thuật Khmer.
3.3. Đề tài Linga-Yoni (Hình 3.12)
Từ ngàn xưa, người Chăm cũng những dân tộc Đông Nam Á có nền văn minh lúa
nước đều có tục thờ đá như một tín ngưỡng đa thần. “Thờ sinh thực
khí là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, càng nông nghiệp điển hình bao nhiêu
thì tín ngưỡng này càng mạnh bấy nhiêu” [48, tr.232]. Khi Bà La Môn giáo du nhập vào Chămpa,
người Chămpa đã thờ Shiva dưới dạng của linga, tức khía cạnh phồn thực của
Shiva giáo. “Bởi vì linga tương đồng với
tục thờ Đá về cả hình thức cả nội dung. Shiva chỉ còn là hình thức, nội dung là
phồn thực, là sức mạnh phồn thực” [56, tr.168]. Như vậy, kết hợp với yếu tố
tín ngưỡng thờ Đá của mình, người Chăm thờ Shiva dưới hình thức ngẫu tượng
linga chứ không thờ dưới hình thức tượng Shiva với cây tầm sét vừa biểu thị
chiến tranh, vừa biểu thị sự phá hoại. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, “hình ảnh trừu tượng sẽ biểu thị tốt hơn sự
vô hình của thần thánh, tức là năng lực biến thành muôn hình vạn trạng và vào
được tất cả mọi nơi. Bức tượng không cần mắt, không cần chân vì thần có thể
nhìn thấy và di chuyển mà không cần những thứ đó...” [21, tr.121]. Vì vậy,
linga không chỉ biểu thị ý nghĩa tôn giáo của thần Shiva mà trở thành một biểu
tượng với tư cách là tín ngưỡng bản địa của người Chăm.
Linga của người Chăm thường được kết hợp với bệ yoni bên dưới tạo thành một
cặp, thể hiện quan niệm âm dương và tín ngưỡng phồn thực trong triết lý sống
của người Chăm. Đó là yếu tố bản địa đậm nét của người Chăm trong việc tiếp
nhận một tôn giáo ngoại lai, tạo nên một tôn giáo riêng cho dân tộc. “...Linga và yoni trở thành những biểu
trưng cho nguyên tắc sinh sản hơn là cặp vợ chồng Shiva và Parvati...” [21,
tr. 121].
Linga – yoni thường được đặt bên
trong đền tháp để thờ cúng với tư cách là tính lực của thần Shiva, nhưng đôi
khi lại được đặt trên đỉnh tháp với chức năng trang trí kiến trúc, và cũng
chính những đền tháp có linga trang trí đỉnh tháp lại thể hiện tính chất Shiva
giáo. Những tượng tròn linga yoni đều được chế tác từ đá sa thạch với nhiều
kích cỡ và phong phú về kiểu dáng. Linga -yoni ở Bình Định hiện còn khá nhiều,
phong phú về kiểu dáng cũng như nghệ thuật chạm khắc.
Linga
- yoni đặt tại bảo tàng Tổng hợp Bình Định là loại có hai phần rõ rệt, với chất
liệu đá sa thạch vàng, được tìm thấy tại Tây Sơn. Kích thước cao: 0,7m, đường
kính: 0,47m. Phần trên là một khối trụ chóp nhọn đầu, chia ra làm nhiều cạnh,
chiếm tỉ lệ khoảng 2/3 tổng chiều cao toàn bộ linga. Chân linga là hình tượng
những cánh sen trang trí kết hợp những hạt tròn bó quanh đế.
Phần yoni bên dưới là khối vuông, cao: 0,35m, rộng: 1,02m. Phần bệ được
chạm khắc tám cánh sen đang nở rộ, cánh hướng thiên chiếm 1/3 chiều cao còn
lại. Tại bốn góc đế, cánh sen được bẻ góc cho phù hợp với chức năng trang trí.
Có thể thấy bệ yoni đã được biến thể thành một bệ sen tám cánh hướng lên trời cao.
Kết hợp với linga mang đặc tính dương, bệ linga – yoni như nối liền mạch sống
âm dương, biểu hiện tính phồn thực trong tín ngưỡng Chămpa. Nghệ thuật tạo hình
khá đơn giản, ít chi tiết trang trí nhưng lại mang trong mình một ý nghĩa tôn
giáo, ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.
Nghệ thuật tạo hình của bộ linga – yoni bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực
của con người Chăm, thể hiện qua các mô tip trang trí mang dấu ấn của thiên
nhiên trong các họa tiết hoa sen và họa tiết hoa lửa vút lên cao ghi đậm dấu ấn
tôn thờ thần lửa trong tín ngưỡng đa thần bản địa. Cùng chung dòng nghệ thuật
tạo hình tôn giáo linga – yoni Chăm Vijaya, bệ yoni Tháp Mẫm lại có cách tạo
hình vô cùng độc đáo không chỉ trong nghệ thuật điêu khắc Chăm Vijaya, mà còn
là độc nhất vô nhị trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo Chăm nói chung.
Không như bệ yoni Tây Sơn, bệ yoni ở Tháp Mắm có kích thước cao 0,43m,
đường kính 1,02m thuộc thế kỷ XII (hiện đang đặt tại bảo tàng Chăm Đà Nẵng), (Hình
3.13). Bệ yoni Tháp Mắm có kiểu dáng là một hình khối trụ tròn. Về ngôn ngữ tạo
hình, bệ yoni ở Tháp Mắm mang những đặc điểm khác biệt so với bệ yoni Tây Sơn.
Yoni Tháp Mắm chỉ có một diềm trang trí, tuy đơn giản nhưng mang lại một cảm
xúc thẩm mỹ khiến cho người xem ngưỡng mộ óc thẩm mỹ tinh tế và trình độ tạo tác
tuyệt vời của người nghệ nhân Chăm Vijaya. Những bầu vú nối tiếp nhau, căng
tròn, mịn màng quanh bệ thờ trông vừa táo bạo nhưng cũng vô cùng gợi cảm. Bố
cục diềm bầu vú càng trở nên chặt chẽ hơn khi đường viền trên và dưới được giữ
lại bởi hai dải nét khắc vạch kết song song. Bàn tay diệu kỳ của người nghệ sĩ
Chăm Vijaya cùng với lòng tôn thờ thần Mẹ quê hương xứ sở đã đem lại những cảm
xúc thẩm mỹ cho họ, để rồi tạo nên một tuyệt tác không chỉ cho dân tộc Chăm, mà
còn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp trong nghệ thuật điêu khắc Đông Nam Á.
Những bầu vú tròn trịa, trinh nguyên được các nghệ nhân Chăm Vijaya thổi vào
luồng sinh khí làm cho chúng có diện mạo, sự rung động và trở nên bất tử, thể
hiện một lòng thành kính trước nữ thần Mẹ xứ sở Uroja. Giáo sư Cao Xuân Phổ đã
cho rằng, môtip núm vú của Tháp Mắm là cực kỳ độc đáo: “Người xem tiếp xúc buổi đầu cứ ngỡ ngàng nhìn. Song cái kì thú ở đây
là kiểu thức trang trí kia không gợi một
ý niệm sắc dục. Mà chỉ có sự sống. Một niềm khao khát mãnh liệt cuộc sống. Khao
khát đến cuồng say” [55, tr.213].
Và
cảm xúc đối với linga: “ Cảm xúc này cũng
đến với người xem khi ngắm nhìn các cột linga ở đây...Ở Đông Nam Á này, không
đâu linga được thể hiện đến mức da diết như trên đất Champa cổ” [55, tr.213]
. Điều đó cho thấy giá trị nghệ thuật đặc sắc của yoni cũng như linga phong
cách Tháp Mắm trong dòng chảy của nghệ thuật điêu khắc Chăm cổ.
Tiểu kết
Nghệ thuật điêu khắc Chăm thời kỳ Vijaya vừa mang tính thống nhất trong
dòng chảy của nghệ thuật điêu khắc Chăm nói chung, nhưng cũng mang nhiều điểm
khác biệt tạo nên một phong cách riêng – phong cách Tháp Mắm. Phần lớn các tác
phẩm đều được tạo tác đẹp, mang tính chất gợi khối hơn là tả thực; nội dung thể
hiện các vị thần chuyển từ tượng tròn sang dạng phù điêu nổi cao.
Phù điêu Chăm Vijaya thể hiện tín ngưỡng mẫu hệ trong tôn giáo Bà La Môn,
là sự biến đổi Bà la Môn Ấn Độ thành Bà La Môn Chăm mang tính bản địa rõ nét.
Điển hình là thần Brahma được thể hiện dưới dạng shakti là Sarasvati Châu
Thành, thần Shiva dưới dạng shakti là Mahisha - Mardini và nam thần Kubera
thành Chas được thể hiện dưới dạng nữ với hai bầu vú tràn đầy sức sống.
Trong khi phù điêu Brahma Dương Long được đánh giá hoàn thiện đến từng chi
tiết thì Sarasvati Châu Thành được xem là tác phẩm thể hiện giống thần Braham
nhất trong nghệ thuật tạo hình thần Sarasvati; Mahisha - Mardini Núi Cấm là
hình tượng độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tạo hình điêu khắc Chămpa khi thể
hiện nữ thần đang đạp trên lưng thủy quái Macara. Bên cạnh đó, thần Hải Giang
được xem là tác phẩm mở đầu cho phong cách sau – phong cách YangMun trong ý
nghĩa Nhân – Thần. Apsara tháp Bánh Ít mang một vẻ đẹp trữ tình và giàu chất âm
nhạc, tu sĩ Dương Long trở thành đồ án trang trí kiến trúc.
Tiếp tục theo dòng chảy của nghệ thuật tạo hình trong điêu khắc Chămpa,
những con vật trong hệ điêu khắc Chăm Vijaya mang tính hoang đường, có kích
thước lớn, như: Gajasimha tháp Mắm, Macara Dương Long, Rắn Naga Dương Long,
Garuda tháp Đôi...; với những họa tiết, hoa văn trang trí là những hình ngọn lửa,
hạt cườm kết dải, cánh sen cách điệu, ô hình học.... Thông qua nghệ thuật tạo
hình, những con vật trong điêu khắc Chăm Vijaya trở thành những đồ án trang trí
kiến trúc đẹp, mang nét đặc trưng riêng của nghệ thuật điêu khắc Chăm Vijaya –
phong cách Tháp Mắm, thể hiện quan niệm hài hòa giữa âm – dương và tín ngưỡng
phồn thực của người Chăm trong giai đoạn này. Linga – yoni phong phú và đa dạng
về chủng loại và kích cỡ. Trong đó, bệ yoni tháp Mắm được thể hiện vô cùng độc
đáo, thể hiện sự quay về với tín ngưỡng mẫu hệ trong tôn giáo Chăm Vijaya.
CHƯƠNG IV
BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG NGHỆ
THUẬT KIẾN TRÚC - ĐIÊU KHẮC TRANG TRÍ ĐỀN THÁP CHĂM Ở BÌNH ĐỊNH
4.1. Giá trị văn hóa trong nghệ
thuật kiến trúc – điêu khắc Chăm Vijaya
4.1.1. Giá trị vật chất
Mỗi đền tháp Chămpa là một tượng đài tôn
giáo, là nơi cộng đồng Chăm gửi gắm tâm hồn đến với các vị thần linh. Vì vậy,
đền tháp Chămpa mang một giá trị tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm. Bên cạnh
giá trị tinh thần đó, đền tháp Champa còn để lại một giá trị vật chất to
lớn.
Trải
qua trên mười thế kỷ dựng xây những đền tháp phục vụ cho tôn giáo của mình,
nghệ thuật kiến trúc Chămpa đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và qua nhiều
phong cách nghệ thuật, có kế thừa và có sự biến đổi, thể hiện tư tưởng thẩm mỹ
của thời đại sản sinh ra chúng. Nhưng cái tồn tại mãi mãi và làm nên giá trị
vĩnh hằng của nghệ thuật kiến trúc Chăm chính là ở chỗ chất liệu – nghệ thuật
làm gạch và xây gạch của người Chăm nói chung và Chăm Vijaya nói riêng. Đã có
rất nhiều nhận định khác nhau về vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc Chăm qua các
thời kỳ của các nhà nghiên cứu nhưng hầu như tất cả đều nhất trí về sự tuyệt
vời của chất liệu gạch của người Chăm. Vì vậy, “Chất gạch xốp, dẻo, bền và kỹ thuật xây gạch bằng vữa nhựa thực vật
tựa như dán gạch bằng keo đã làm cho các tháp Chăm trở thành những kiệt tác
nghệ thuật kiến trúc vừa cổ kính trang nghiêm, vừa sinh động và hoành tráng”
[35, tr.30].
Nhiều
nhà khoa học đã nhận định, dẫu các công trình kiến trúc của Đông Nam Á như
AngcoVat hay Angco Thom của Khmer, Borobudu của Indonesia hay các Prasat Ấn Độ
nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ, hoành tráng, nhưng về yếu tố độc đáo thì các công
trình đó không thể so sánh được với các tháp Chăm. Mặc dù chất liệu đá mang vẻ
đẹp của sự hùng vĩ, tuyệt vời vì có độ bền vững cao, lại quy mô nhưng lại mang
vẻ lạnh lùng và xa cách với cuộc sống. Tuy chất liệu gạch khó có thể đạt những
quy mô như thế nhưng gạch lại mang một vẻ đẹp riêng, nồng ấm và bình dị, gần
gũi với đời sống con người. Nhà nghiên cứu phương Đông B. Grolie đã viết:“về cấu trúc, các tháp Chàm đẹp hơn các đền
tháp Khmer”. Lý do để tạo nên vẻ đẹp đó, theo Grolier, chính là: “chắc chắn họ (người Chàm) giữ được ý thức
về chất liệu gạch và biết tôn trọng bản chất của
nó. Nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm cân bằng, có nhịp độ và sáng sủa hơn, nó tạo
cho tháp Chàm một vẻ đẹp không thể bỏ qua” [51, tr.119].
Thực
tế cho thấy, trong khi người Việt xây dựng nhà cửa bằng gạch thì độ bền vững
không cao, chỉ qua 1- 2 thế kỷ, gạch đã mủn, rữa. Trong khi đó, những công
trình kiến trúc Chămpa nói chung hay của Vijaya nói riêng đến nay đã hơn mười
thế kỷ mà vẫn đứng hiên ngang giữa trời, như một sự vĩnh hằng và thách thức với
thời gian. Tuổi thọ của công trình kiến trúc đền tháp Chăm không chỉ thể hiện ở
chất liệu gạch xây mà còn thể hiện qua kỹ thuật với chất kết dính, sự bí ẩn đó
tới nay vẫn làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu. Lâm Tấn Bình, trong “Văn hóa của người Chăm là một phần tinh hoa
của dân tộc”, đã nhận định:
“Từ trước tới nay người ta thường ca ngợi
nhiều nhất, tìm hiểu nhiều nhất đó là các tháp Chăm ngàn năm cổ kính, đó là
những tác phẩm nghệ thuật bậc thầy về kiến trúc, về điêu khắc và tuổi thọ công
trình, biểu tượng cho một nền văn hóa phát triển vô cùng rực rỡ. Bí mật về chất
kết dính làm nên một tháp Chăm đứng vững ngàn năm. Xét trên tất cả các phương
diện về khoa học và giá trị thẩm mỹ, tháp Chăm xứng đáng là một kiệt tác của
văn hóa, một tài sản vô giá, là niềm tự hào của dân tộc”[62].
Giá
trị vật chất của gạch Chăm không chỉ thể hiện qua tuổi thọ công trình mà còn
thể hiện qua nghệ thuật tạo hình. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc bằng gạch
không hề có nét đứt, gãy, hay chắp nối trong quá trình tạo tác. Những nét đục
chi tiết trên phù điêu dây leo, hình tượng cánh sen ở chân tháp Bình Lâm hay
tấm lá nhĩ với các hoa lửa được chạm khắc dày đặc trên tháp Đôi không chỉ thể
hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay nghệ nhân mà còn cho ta thấy một chất
liệu phù hợp cho điêu khắc, “Loại gạch đó
đã đảm bảo cho nhát đục của nhà điêu khắc len lách vào những chi tiết tinh tế
nhất mà gạch vẫn không bị rạn vỡ, hình tượng rất mực trung thành với người sáng
tạo ra nó” [55, tr.195].
Đặc
biệt, ở các tháp Chăm ở Bình Định, ngoài chất liệu xây đền tháp bằng gạch
truyền thống, giai đoạn này đã xuất trình một kỹ thuật xây dựng mới:
“ là sự kết hợp tài tình giữa chất liệu
gạch và đá một cách hài hòa, điêu luyện, mà không một công trình kiến trúc tháp
Chăm nào có được” [39, tr.48]; “Sự
kết hợp tài tình giữa các loại vật liệu truyền thống Chăm (gạch) với vật liệu
mới (đá) ảnh hưởng của kiến trúc Khmer đã tạo nên một thẩm mỹ riêng. Sắc đỏ
nồng ấm của gạch, sự bền vững của đá đã tạo nên gam màu độc đáo, lộng lẫy, sang
trọng, tăng giá trị thẩm mỹ mà vẫn tồn tại ổn định lâu dài trong lịch sử”
[39, tr.48].
Diềm
mái tháp trung tâm Bánh Ít là một điển hình giữa hai chất liệu gạch và đá. Bốn
trụ góc tháp Cánh Tiên được sử dụng đá cát kết tím được chạm khắc trang trí
đẹp, hay phù điêu tháp góc trang trí trên thân tháp Cánh Tiên là sự kết hợp với
phần đá ở phần ngọn tháp mà vẫn giữ được sự hài hòa. Phần lớn trên các cấu kiện
kiến trúc trên cách tháp Dương Long, tháp Đôi không chỉ thể hiện hài hòa mà còn
là một sự kết hợp tuyệt vời trong trang trí kiến trúc. Từ chân đế tháp Đôi biểu
hiện cho tòa sen hay những đường diềm biểu tượng cho yoni của chân tháp Dương
Long, chất liệu đá đã hoàn thành xuất sắc chức năng của bệ đỡ cho tháp và làm
cho tháp trở thành một hình tượng nghệ thuật đẹp. Bốn trụ góc trang trí đường
diềm với những họa tiết dây leo của tháp Cánh Tiên đến những Garuda trên góc
mái tháp Đôi, những diềm động vật hay tu sĩ, vũ nữ trên tháp Dương Long, tháp
Đôi đã giúp cho chất liệu đá không hề phô ra khỏi các thành phần kiến trúc,
trái lại, nó mang đến cho kiến trúc Chăm Vijaya một luồng sinh khí mới, thể
hiện óc thẩm mỹ tinh tế của người Chăm khi khai thác đúng thế mạnh của chất
liệu đá trong chất liệu kiến trúc gạch quen thuộc, mang lại một vẻ đẹp riêng mà
các giai đoạn trước không thể có được. Lê Đình Phụng nhận định:
“Nếu các kiến trúc Khmer giai đoạn này
được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu đá và đá ong, thì người Chăm chỉ khai thác
sử dụng đá ong trong các phần nền của kiến trúc để tạo sự ổn định, bền vững cho
công trình, như các tháp Bánh Ít, Cánh
Tiên, Dương Long” [39, tr.48].
4.1.2.
Giá trị tinh thần
Hầu
hết các đền tháp Chăm Vijaya ở Bình Định được xây trong không gian rộng lớn,
trên những đồi cao hay núi thấp, khác xa với thánh địa Mỹ Sơn được xây trong
khu thung lũng khép kín. Điều đó thể hiện một đời sống văn hóa có phần khác
biệt của người Chăm Vijaya so với các giai đoạn trước, biểu hiện một tâm thức
Núi thiêng mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người Chăm Vijaya.
Theo
các nhà nghiên cứu, do sống trong một điều kiện tự nhiên với một bên là núi cao
hiểm trở và một bên là biển cả mênh mông nên người Chăm Vijaya không chỉ giỏi
cải tạo thiên nhiên để phục vụ nông nghiệp, họ còn là những thủy thủ can
trường. Người Chăm - với đời sống tâm linh mạnh mẽ, khi lênh đênh trên những
đầu sóng ngọn gió, tâm thức họ luôn hướng về những mỏm núi cao trong đất liền,
đó là nơi thiêng liêng, dẫn dắt họ trong đời sống tâm linh. Vì vậy, chính những
ngọn núi, đồi cao là nơi để họ xây dựng những ngọn đền tháp thờ phụng các vị
thần. Các cụm đền tháp ở Vijaya như tháp Phú Lốc, cụm đền tháp Bánh Ít, cụm đền
tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện, tháp Cánh Tiên
và một số cụm phế tháp khác ở Bình Định đều được dựng xây với tâm thức
ấy.
Bên
cạnh đó, người Chăm từ xa xưa đã có tục thờ đá như một tín ngưỡng đa thần. Tục
thờ đá đó được đồng nhất với thần Shiva trong tôn giáo Bà La Môn Ấn Độ thể hiện
qua việc thờ sinh thực khí linga. Như
vậy, linga có mối quan hệ chặt chẽ với Núi thiêng. Tục thờ đá dựng là biểu
tượng cho sức mạnh và uy lực trong đời sống tâm linh của người Chăm. Khi tiếp
nhận Ấn Độ giáo, họ đã chuyển sức mạnh và uy lực của đá, núi đó vào hình tượng
linga, biểu tượng của Shiva, cũng là của Núi thiêng và đã tạo nên hình tượng
linga phong phú về chủng loại và hình dáng. Linga là để đặt trong tháp thờ. Bản
thân ngọn tháp trong tôn giáo Bà La Môn đã là biểu tượng của ngọn núi thiêng
Mêru, bên cạnh đó, “Tháp thờ với các biểu tượng của thần linh (voi, garuda,
sư tử, tu sĩ...) trên thân tháp và hình tượng thần linh trong lá nhĩ (typam)
trên cửa tháp càng có thể được coi là một Mukhalinga khổng lồ, và bản thân ngọn
tháp là một Kosa vậy” [59, tr.39]. Vì vậy, có thể nói, tôn giáo Bà La Môn Chăm cũng chính là sự thể hiện
tâm thức Núi Thiêng có từ lâu đời dưới một biểu tượng của Ấn Độ giáo, đem lại
phồn vinh, hạnh phúc cho vạn vật, vì linga kết hợp với yoni chính là biểu tượng
của sự hòa hợp, sinh sôi, nảy nở.
Linga – yoni của người Chăm còn “mang ý nghĩa phồn thực cổ
xưa” [31,tr. 78]. Phồn thực là tín ngưỡng của cư dân Đông Nam Á. Là một quốc
gia có nền văn minh nông nghiệp, vương quốc Chăm có tín ngưỡng phồn thực như
hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác, biểu hiện ở tục thờ đá. Trong đời sống
hàng ngày, “người Chăm vẫn thường nhặt
những hòn đá cuội về thờ” [56, tr.168]. Vì vậy, trong nghệ thuật điêu khắc
tôn giáo Chăm, đặc tính phồn thực đó được thể hiện qua nhiều hình thức. Hình
thức mang đặc trưng Ấn Độ biểu hiện qua hệ tượng thần bằng ngôn ngữ tạo hình
hiện thực phù điêu nổi cao, và hình thức mang đặc trưng bản địa biểu hiện qua
tượng tròn bằng ngôn ngữ tạo hình trừu tượng, tức là qua hình tượng linga -
biểu tượng của hòn đá cuội trong tín ngưỡng của người Chăm. Nằm trong dòng chảy
chung của dòng nghệ thuật tôn giáo đó, điêu khắc Chăm Vijaya mang những nét đặc
trưng thể hiện tín ngưỡng bản địa và tính lực của thần Shiva của dân tộc, đồng
thời lại có những nét riêng tạo cho nội dung phồn thực trong điêu khắc Vijaya
mang những nét mới.
Sống
trong một điều kiện khác biệt so với các triều đại trước nên cách sống, cách
nghĩ, ngôn ngữ sáng tạo của những nghệ nhân Vijaya cũng khác biệt so với các
giai đoạn trước. Qua bàn tay tinh tế của các nghệ nhân, nghệ thuật điêu khắc
Chăm Vijaya biểu hiện tính phồn thực qua hình ảnh linga - yoni mang đặc trưng riêng của mình, là một biểu
hiện mang tính nghệ thuật cao và đầy
tính nhân văn. Linga kết hợp với yoni dưới hình thức là bệ đầy những vú phụ nữ
căng mọng, đầy gợi cảm biểu hiện cho hình ảnh người mẹ, biểu hiện của thần
Ujora. Điều đó cho thấy linga và ngay
cả thần Chăm cũng nằm trong hệ thống chung chịu sự chi phối của Thần mẹ xứ sở.
Về hình tượng linga kết hợp yoni dưới dạng bầu vú, Văn Món đã có lời nhận định:
“Đó phải
chăng là sự sắp xếp có chủ ý hay sao? Rõ ràng linga mang tính là nam (dương),
sánh với yoni là nữ (âm tính) kết hợp với nhau, tạo nên thế âm - dương nhất
thể, cân bằng ngọn nguồn sinh sôi, tạo hóa. Có gì khác hơn, nếu nó không phải
là một quan niệm tư duy phồn thực ở người Chàm từ thuở xa xưa mà tiền thân của
nó là tín ngưỡng phồn thực” [31, tr.78].
Nó
không chỉ thể hiện phồn thực trong tín ngưỡng bản địa mà còn là một sự kết hợp
tuyệt vời giữa tôn giáo Bà La Môn và tín ngưỡng mẫu hệ lâu đời. Điều đó còn cho
ta thấy, phải là người am hiểu sâu sắc bản chất tôn giáo của mình, hiểu được
những tâm tư, khát vọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng, các
nghệ nhân Chăm Vijaya mới có thể sáng tạo nên một biểu tượng vừa mang tính
triết lý tôn giáo sâu sắc vừa thể hiện được tín ngưỡng bản địa của mình trong
một hình thức cô đọng, khái quát như thế.
Nhìn
sang nghệ thuật điêu khắc Bà La Môn Ấn Độ, đặc tính phồn thực đó được thể hiện qua ngôn ngữ tạo hình hiện thực,
sinh động mang đặc trưng tính dục cao. Vẫn nội dung ấy, các nghệ nhân Chăm
Vijaya đã sử dụng nghệ thuật của mình thông qua ngôn ngữ trừu tượng để thể hiện
sự phồn thực đó, không quá đề cao tính dục một cách lộ liễu như trong nghệ
thuật tạo hình Ấn Độ mà lại mang trong mình một ý nghĩa hết sức thiêng liêng
của sự sống, của sự sinh sôi nảy nở, đầy ắp tình người mà vẫn biểu hiện rõ ý
niệm phồn thực trong tôn giáo. Điều đó cho thấy sự khác biệt trong ngôn ngữ tạo
hình điêu khắc ChămVijaya.
Bên
cạnh đó, tín ngưỡng phồn thực của người Chăm Vijaya không chỉ thể hiện qua nghệ
thuật tạc tượng thần, nó còn biểu hiện rõ nét qua nghệ thuật chạm khắc trang
trí. Những diềm hoa lửa, diềm cánh sen, những hạt cườm kết dải...trùng trùng
lớp lớp, chồng chất lên nhau, hay hình tượng Macara nhả rắn ba đầu, năm đầu,
bảy đầu ...thể hiện một tín ngưỡng sinh tồn, với ước mơ sinh sôi nảy nở, mưa
thuận gió hòa trong đời sống nông nghiệp hay trong cuộc sống thường nhật, như TS
Phan Quốc Anh đã nhận định: “Có thể nói
mỗi bức phù điêu, mỗi nét hoa văn trong nghệ thuật tạo hình Chăm đều ẩn chứa
sâu sắc những quan niệm, tín ngưỡng tôn giáo” [61].
Dẫu
tôn giáo của người Chăm có xuất xứ từ Ấn Độ, nhưng cho dù là một tôn giáo phụ
quyền, xã hội Chăm từ xưa đến nay vẫn duy trì mẫu hệ: “Những ảnh hưởng của Bà La Môn giáo Ấn Độ không hề thay thế nếp tôn
vinh người phụ nữ - người mẹ trong truyền thống văn hoá ngàn đời của người Chăm
và cư dân nông nghiệp Đông Nam Á” [48, tr.237]. Là vương quốc nằm giữa hai
miền nam bắc Chăm, Vijaya vừa mang yếu tố dương tính của Chăm Bắc vừa mang yếu
tố âm tính của Chăm Nam. Nếu như Shiva ở nghệ thuật Chăm Bắc thường được thể
hiện dưới dạng nam thần thì nghệ thuật Chăm Nam lại biểu hiện thần Shiva dưới
hình thức bà mẹ xứ sở mà điển hình là Bà Mẹ Po Nagar. Ở Vijaya, Shiva nam thần
chỉ mới phát hiện một phù điêu Shiva Giang Hải, mà phổ biến nhất đó là các
shakti của Shiva, nghĩa là Shiva trong hình thức tính nữ của thần. Mahisha
-Mardini là shakti của Shiva, vì vậy được thể hiện dưới dạng nữ thần với những
đặc tính nữ rõ nét. Ngoài ra, trong nghệ thuật điêu khắc Chăm Vijaya, không chỉ
có các shakti của Shiva, ngay cả các vị nam thần khác cũng được thể hiện dưới
dạng nữ thần, mà tiêu biểu như phù điêu thần Kubera cũng được nghệ nhân Vijaya
thể hiện dưới dạng nữ thần với đôi bầu vú tròn trịa, tràn đầy sinh lực, hay
Brahma được thể hiện dưới dạng nữ thần Sarasvati. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa
hai yếu tố âm – dương, qua đó cho thấy xu hướng lưỡng hợp – lưỡng phân trong
hình thái quan niệm vũ trụ luận phổ biến không chỉ phổ biến trong cộng đồng các
cư dân nói tiếng Nam Đảo ở Đông Nam Á mà còn của người Chăm xưa.
4.2. Giá trị
nghệ thuật trong kiến trúc – điêu khắc Chăm ở Bình Định
4.2.1.
Không gian, nhịp điệu tạo hình kiến trúc và các giá trị thẩm mỹ
Người
Chăm vốn mang trên mình tín ngưỡng bản địa nông nghiệp Đông Nam Á, khi tiếp
nhận tôn giáo lý Bà La Môn Ấn Độ, họ đã xây dựng những đền đài để thờ cúng thần
linh. Trong không gian tôn giáo đó, họ đã xây dựng những mẫu hình, những kết
cấu mang tính kiến trúc với một vẻ đẹp bình dị mà thiêng liêng, cao cả. Thời
gian trôi đi, kể từ khi lập quốc cho đến khi sáp nhập vào Đại Việt, người Chăm
đã để lại một dấu ấn rõ nét và chân thực về tư duy tạo hình của mình. Ngay từ
thế kỷ VII, những yếu tố tạo hình quý giá đầu tiên đã được thể hiện trên mi cửa
Mỹ Sơn E1 với bức phù điêu có hình một ngôi đền tháp gợi lại cho chúng ta một
ký ức xa xăm về kiến trúc tôn giáo đầu tiên của người Chăm cổ. Những dấu ấn tạo
hình kiến trúc đó bắt đầu rõ nét từ giai đoạn thứ hai, thể hiện ở tháp Đam Rây
Krap Chămpa thế kỷ IX trên đất Khmer với những hàng cột ốp duyên dáng, những
cửa vòm khỏe khoắn và những hình khối chắc nịch của thân tháp. Từ đó đến thời
kỳ Vijaya, kiến trúc tôn giáo Chămpa đã để lại nhiều dấu tích kiến trúc mang
tính nghệ thuật cao. Những khối hình lập thể mạnh mẽ với hệ thống cổ điển của
các tầng nhỏ dần từ tháp Hòa Lai cho đến những mô tip trang trí trên cột ốp của
các tháp Đồng Dương với những hoa lá lượn sóng, những dải trang trí diềm với
tràng hoa đan chéo nhau rộn ràng, xao động lòng người, hay sự trang nhã và
duyên dáng của các cột ốp tường của phong cách Mỹ Sơn A1. Đến thời kỳ Bình
Định, dường như những yếu tố tạo hình ấy đều được kế thừa một cách có chọn lọc,
nhuần nhị, hiệu quả và mang dấu ấn riêng, tạo nên một phong cách nghệ thuật mới
cho kiến trúc tôn giáo của triều đại Vijaya.
Kiến
trúc là nghệ thuật không gian. Hay nói cách khác, không gian là một yếu tố tạo
nên sự thành công hay thất bại của một công trình kiến trúc hay một quần thể
kiến trúc. Trong kiến trúc tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, thì không gian bên
trong và không gian bên ngoài công trình đều là những không gian mở. Với đền
tháp Chăm, không gian được chia làm hai loại rõ rệt với không gian đóng bên
trong lòng tháp và không gian mở của ngoại thất và môi cảnh. Hay nói cách khác,
không gian ngoại thất và không gian môi cảnh của kiến trúc đền tháp Chăm là
không gian mở, với những trang trí trên tháp là yếu tố tạo nên vẻ đẹp cho tháp,
không gian nội thất ít được chú trọng bởi chức năng tôn giáo.
Nội
thất bên trong của đền tháp theo quan niệm của người Chăm là nơi tôn nghiêm, là
nơi ở của các thần, không phải là nơi để tín đồ sinh hoạt tôn giáo. Với mục
đích thiêng liêng ấy, nên không gian bên trong tháp rất tối, hầu như chỉ có ánh
sáng mờ ảo của đèn nến mà không sử dụng ánh sáng chói chang của mặt trời. Trong
không gian “đóng” đó, chỉ đủ chỗ đặt
bệ thờ và một vài khám để đèn, cộng với tỷ lệ giữa phần mái tháp nhiều gấp
nhiều lần thân tháp nên không gian bên trong vừa hẹp lại vừa tối, chỉ leo lét
sáng với đèn nến, tạo nên sự huyền bí, với một cái nhìn hun hút, cao vút lên
tới trời, như có thể thông quan với thần linh qua một không gian hẹp của đỉnh
tháp. Tuy không gian bên trong chỉ dành cho các thầy lễ có chức năng, nhưng với
cái nhìn từ bên ngoài tháp, nơi các tín đồ đang dõi theo từng khoảnh khắc của
buổi lễ qua khung cửa hẹp, thì không gian bé nhỏ đó kết hợp với ánh sáng khi mờ
khi tỏ của đèn nến trong các khám đã tạo được vẻ thần bí cần thiết của tôn
giáo, vì vậy đạt được hiệu quả về sức mạnh tâm linh.
Không
gian bên ngoài như không gian ngoại thất, không gian môi cảnh đều được người
Chăm chú trọng. Nhưng, phải đợi đến thời kỳ Vijaya, không gian môi cảnh mới
thực sự làm cho vương triều đặc biệt
quan tâm đến và là yếu tố hàng đầu, giúp cho đền tháp Chăm thời Vijaya có sự
khác biệt rõ nét nhất so với các vương triều trước đó. Từ không gian ấy, nó
phản ánh được những giá trị nghệ thuật của đền tháp Chăm thời Vijaya. Qua kiến
trúc đền tháp Chăm tại Bình Định, ta cảm nhận được tư tưởng xã hội cũng như tư
tưởng thẩm mỹ của triều đại Vijaya toát lên từ những công trình kiến trúc.
Người
Chăm, với tâm thức núi thiêng đã xây dựng đền đài như hình tượng núi Mêru thu
nhỏ. Không gian môi cảnh của kiến trúc tôn giáo Chăm Vijaya là một khoảng không
gian rộng lớn, đền tháp là biểu tượng thiêng liêng của núi thần. Tâm thức núi
thiêng đó đã có từ các giai đoạn trước trong đời sống tâm linh của người Chăm,
nhưng đến giai đoạn Bình Định, tâm thức ấy càng bộc lộ mạnh mẽ, thể hiện qua
hình tượng đền tháp được xây trên các ngọn đồi cao, tạo nên biểu tượng Rùa đội Núi thiêng. Tuy những huyền
thoại ấy đã có trong thần thoại của Bà La Môn Ấn Độ và trong tâm thức của người
Chăm các giai đoạn trước, nhưng đến thời Vijaya, việc kết hợp ấy mới thực sự
thành công, đẩy nghệ thuật tôn giáo của mình lên một bước mới, vừa mang giáo lý
tôn giáo Bà La Môn, vừa thể hiện rõ tư tưởng thẩm mỹ của mình thông qua ngôn
ngữ nghệ thuật của kiến trúc. Đó quả là một hình tượng nghệ thuật tuyệt vời mà
các giai đoạn trước đó chưa hề có được.
Thực
tế, bản chất ngôn ngữ của kiến trúc là loại hình nghệ thuật không gian. Không
gian là một yếu tố quan trọng để xác định giá trị nghệ thuật của một công trình
kiến trúc. Đó là một trong những đặc trưng chủ yếu nhất của ngôn ngữ kiến trúc.
Thông qua nghệ thuật không gian, kiến trúc Chăm Vijaya đã toát ra được tư tưởng
thẩm mỹ của mình, biểu hiện ở vẻ đẹp hoành tráng, trang nghiêm, hùng vĩ. Đó là
những giá trị hàm chứa yếu tố tâm linh, triết lý và quan niệm về cõi thứ ba của
người Chăm xưa.
Dẫu
có nhiều cách đánh giá khác nhau về không gian kiến trúc thời Vijaya, nhưng một
điều dễ nhận thấy là kiến trúc tôn giáo thời Vijaya đã tiếp thu được truyền
thống mỹ cảm trong tạo dựng không gian kiến trúc với những dấu ấn đậm chất địa
phương, vùng miền Vijaya. Nổi bật trong ứng xử không gian kiến trúc là sự hùng
vĩ, hoành tráng trong thiên nhiên. Từ một cái nhìn (vũ trụ quan) mang tính chất
của tôn giáo Bà La Môn Ấn Độ, kết hợp với tâm thức bản địa, kiến trúc đền tháp
Chăm ở Bình Định có một vẻ đẹp hoành tráng, vươn mình lên trên hết, biểu lộ một
tình cảm không giới hạn với tôn giáo của mình. Đền tháp Chămpa Bình Định - dẫu
vượt lên không gian nhưng không lấn át hết cả không gian mà là một sự hòa hợp
với môi cảnh xung quanh, với ruộng đồng, với sông ngòi quanh tháp. Qua đó chiều
tâm linh của con người Chăm Vijaya được hiện lên chân thực, thiết tha và lấp
lánh bao niềm rung cảm. Kiến trúc tôn giáo Chăm không vì thế mà lấn át thiên
nhiên mà dựa vào thế mạnh của thiên nhiên để thể hiện ý niệm tôn giáo của mình.
Đó là một thái độ, niềm tin đúng đắn tạo cho người Chăm xưa thêm sức mạnh trong
một điều kiện sống với bao khó khăn chồng chất của một xã hội có nhiều biến
động chính trị, tạo nên sức mạnh nội tâm cho con người.
GS.TS
Phạm Đức Dương, trong tác phẩm Văn hóa
Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á đã nhận xét: “Những vương quốc chịu ảnh hưởng Ấn
Độ do “luật thiêng” quy định đều rơi vào tình trạng mất ổn định về chính trị,
các triều đình luôn thôn tính lẫn nhau” [17, tr.237]. Việc đất nước luôn
phải sống trong những biến động chính trị - xã hội và sự thay đổi vương triều
Vijaya ở miền Trung, nên đất nước phải đảm bảo được sự thống nhất hai miền. Một
đất nước được cấu thành từ những mandala
(tiểu quốc) thì tôn giáo chính là sức mạnh gắn kết dân tộc. Tiểu quốc nào khi
có thế mạnh về chính trị để đứng đầu cả vương quốc đều nhận thức rõ sức mạnh
của tôn giáo, dùng sức mạnh tôn giáo để áp chế các tiểu quốc khác. Vì vậy kiến
trúc đền tháp phải phô diễn được sức mạnh của tôn giáo. Tư tưởng xã hội đó đã
thể hiện sâu sắc trong việc đền tháp được xây dựng không chỉ là nơi ngự của các
thần, mà trong không gian cao hơn, rộng lớn hơn của các đền tháp Vijaya, đem
lại giá trị nghệ thuật thị giác một cái nhìn mang tính hoành tráng, tạo một cảm
giác vô cùng trang nghiêm, hùng vĩ và một thái độ kính cẩn nghiêng mình trước
sự trang nghiêm đó. Đó chính là sự thành công và là giá trị đích thực của nghệ
thuật kiến trúc tôn giáo thời Vijaya. Thông qua biểu tượng đền tháp đã chuyển
tải được ý nghĩa, sức mạnh tôn giáo trong tâm linh, tín ngưỡng của con người
trong một thời đại mới. Nhờ có sức mạnh tôn giáo, sức mạnh nội tâm đó mà vương
quốc Vijaya đã đứng vững trong khoảng một thời gian khá dài, ngót nghét hơn năm
thế kỷ và vượt qua được nhiều biến động lịch sử.
Những
công trình kiến trúc tôn giáo Chăm thời Vijaya vươn lên những ngọn đồi cao, ẩn
mình trong mây trời hay một vài công trình kiến trúc hòa mình trong làng xã,
tất cả đều lặng lẽ, rêu phong, khép lòng mình với bao nỗi niềm trăn trở của một
dân tộc trước thời cuộc phức tạp. Niềm tin tôn giáo - đó là sức mạnh để cho dân
tộc gồng mình lên, thể hiện một khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Hệ
thống tư tưởng của người Chăm thời Vijaya được thể hiện khá rõ trong tạo hình
không gian kiến trúc. Sự vận dụng nguyên lý vũ trụ quan của Ấn Độ kết hợp với
thuyết phong thủy, các yếu tố âm dương, ngũ hành của các quốc gia Đông Nam Á đã tác động
đến đời sống thẩm mỹ của kiến trúc Chăm Bình Định, ảnh hưởng đến sự xây dựng,
kết cấu các bộ phận kiến trúc hay bố cục các tác phẩm điêu khắc làm đẹp cho các
công trình kiến trúc.
Người
Chăm Vijaya - trong một không gian địa lý và một lối sống khác đã có những quan
niệm vô cùng thiêng liêng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Chết chỉ là sự
chuyển hóa sự sống từ một không gian này qua một không gian khác, là sự xoay
vần của vũ trụ trong điệu múa của thần Shiva. Họ muốn thông qua thế giới thần
linh để mang lại sự bình an cho cuộc sống hiện tại và bình yên cho kiếp sau. Vì
vậy, việc xây dựng đền tháp coi trọng đến mối quan hệ âm – dương và các yếu tố
tâm linh. Người Chăm xưa cũng như bao dân tộc Đông Nam Á khác cho rằng thế giới
thần linh là biểu tượng cho sức mạnh nội tâm của con người, giúp con người trải
qua những thống khổ của cõi trần.
Hình
tượng tháp Chăm ở Bình Định được đưa lên đồi cao mà biểu tượng của nó chính là
bệ tượng linga – yoni khổng lồ trong một không gian rộng lớn, như cụm ba tháp
Dương Long. Nó cũng đồng nghĩa với thần Shiva với điệu múa vũ trụ như một sự
luân hồi của thế giới. Sau khi thế giới hiện tại - cuộc sống này mất đi thì lại được tạo dựng nên một thế
giới khác, mang vẻ đẹp tươi mới cho một kiếp sống mới, đó là khát vọng sống của
những con người Chăm qua các thời đại. Không như một số đền tháp tại khu thánh
địa Mỹ Sơn phải quay mặt ra hướng khác vì yếu tố địa hình không đảm bảo, các
đền tháp Bình Định thường được sắp xếp theo tầng bậc mô phỏng dạng núi và cổng
tháp đều quay mặt hướng Đông – hướng mặt trời mọc, nơi có nguồn gốc của sự
sống, được xây dựng ở những nơi có địa hình, địa thế thuận lợi với không gian
cảnh quan như núi đồi, sông suối hay ở những vị trí trọng yếu trong mối tương
quan với các vùng đô thị như tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, tháp Bánh Ít, với
cảng thị như tháp Bình Lâm, tháp Hưng Thạnh. Tất cả điều đó cho thấy, việc chọn
thế đất, núi sông đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đã trở thành một nguyên tắc
bất di bất dịch trong xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo Chăm Vijaya.
Như
vậy, rõ ràng là trong nghệ thuật kiến trúc tôn giáo Chămpa, không gian kiến
trúc là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó cho thấy các quan niệm xây dựng kiến
trúc tôn giáo và những tư tưởng xã hội, tư tưởng thẩm mỹ của từng thời đại, đặc
biệt là không gian kiến trúc đền tháp Chăm thời Vijaya. Thông qua ngôn ngữ của
không gian kiến trúc đền tháp thời Vijaya cho thấy một tư tưởng thẩm mỹ hướng
thượng, thể hiện tư tưởng của vương triều Vijaya sử dụng sức mạnh thiêng liêng
của tôn giáo để gắn kết hòa bình giữa các tiểu quốc của vương triều Vijaya.
4.2.2.
Kết cấu, tỷ lệ kiến trúc và yêu cầu trang trí
Kết
cấu, tỷ lệ kiến trúc có một vai trò quan trọng trong xây dựng kiến trúc, dù là
kiến trúc dân sự hay kiến trúc tôn giáo. Trong kiến trúc đền tháp Vijaya, dù là
nơi thờ cúng thần linh nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bóng dáng con người
trong đó, bởi mục đích xây dựng tháp là để phục vụ cho đời sống tinh thần của
chính con người. Vì vậy, nó mang đậm sắc thái tâm
linh, biểu thị cho vẻ đẹp tâm hồn con người trong không gian kiến trúc đó.
Với
mục đích làm nơi thờ phụng các thần linh, nên yếu tố linh thiêng, cao cả là yếu
tố hàng đầu để xây dựng đền tháp, lại thuộc vùng có khí hậu nóng ẩm – mưa nhiều
của miền Trung nên các kiến trúc sư phải nghiên cứu đến các yếu tố tạo hình và
trang trí kiến trúc sao cho thích ứng. Tính tỷ lệ - bố cục các vòm cửa, hay
trang trí các tháp góc, diềm đế tháp, diềm mái tháp – khoảng cách tầm nhìn giữa
kiến trúc và con người, độ lớn nhỏ, tiết diện của các bộ phận kiến trúc mảng
hình, đường nét, hình khối của các mảng trang trí đều phải được giải quyết phù
hợp với chức năng và mục đích sử dụng đền
tháp. Đây là một trong những thành tựu của nghệ thuật kiến trúc đền tháp
Chăm thời Vijaya.
Nếu
không gian bên trong tháp chỉ dành cho thầy lễ thì không gian bên ngoài lại
dành cho các tín đồ hành lễ. Vì vậy, các yếu tố của kết cấu trang trí kiến trúc
bên ngoài lại mang một mục đích khác, vừa mang lại vẻ đẹp kiến trúc vừa thể
hiện được nội dung của tôn giáo. Trong nghệ thuật kiến trúc Chăm, phần lớn các
đền tháp đều được trang trí mặt ngoài của tháp. Nhưng, với nghệ thuật trang trí
kiến trúc hay nói đúng hơn là điêu khắc trang trí kiến trúc đền tháp Vijaya lại
mang những nét đặc thù riêng của mình. Không như cụm đền Angco Vat của Khmer,
những mảng chạm khắc được chia hai mảng rõ rệt: bên ngoài mang nội dung của
cuộc sống trần tục, còn bên trong tháp lại mang nội dung điển tích thánh thần.
Trong khi đó, trang trí bên ngoài các đền tháp Chăm Vijaya đều mang hai nội
dung: hiện thực và thánh thần, tạo được tầm nhìn rộng và đa chiều. Ở tháp Dương
Long, nếu hướng tầm nhìn lên cao, nơi những diềm mái với vô số hình tượng các
con vật như voi, khỉ, sư tử và cả con người vô cùng sống động mang lại cảm giác
gần gũi với đời sống thực tế của con người thì khi tầm nhìn chuyển xuống chân
đế tháp, những diềm đế với những biểu tượng mang tính tư duy về tín ngưỡng phồn
thực thông qua hình ảnh những bầu vú hay những biểu tượng mang tính thần linh
như hoa lửa, rắn... của người Chăm Vijaya. Cũng từ tầm nhìn – hướng nhìn lên
ấy, ta thấy tháp Cánh Tiên là một công trình kiến trúc đặc biệt về tạo hình,
với mô tip những cánh hoa lửa trang trí trên các tháp góc mang lại tính độc đáo
và riêng biệt cho tháp, gợi nên hình ảnh nàng tiên đang bay về trời. Những diềm
mái tháp Đôi với những hình tượng của con người và động vật, vui mắt và sinh
động lạ thường, hay những những quả bầu trên tháp Bánh Ít tạo cảm giác như đã
thâu nhận hết bao nhiêu linh diệu của thiên nhiên, đất trời.
Cấu
trúc của đền tháp Chăm Vijaya còn thể hiện tính hòa điệu của tỷ lệ kết cấu. Các
đền tháp Chăm Bình Định đa phần đạt được sự cân đối giữa phần thân và mái tháp,
hay sự hài hòa giữa phần thân tháp và các trụ ốp cũng như bố cục các tháp góc.
Nếu tỉ lệ giữa phần thân và mái ở tháp Bình Lâm đem đến một cảm giác êm ả, bình
yên; thì ở tháp Phú Lốc, tháp Thủ Thiện, tháp Hưng Thạnh, tỉ lệ đó lại cho một
cảm giác khỏe mạnh và đạt được yếu tố hoành tráng cần thiết cho nội dung tôn
giáo. Các tháp Phú Lốc, Cánh Tiên, Thủ Thiện...đều có tỉ lệ cân đối giữa phần
thân và các trụ ốp, nếu các trụ ốp nhô ra hẳn thân tháp thì phần thân còn lại
được trang trí bằng những đường gờ, rãnh có mục đích giảm đi sự khô cứng, tạo
cảm giác cân bằng. Bên cạnh đó, những vòm cửa hình mũi lao nhô cao, dưới to
trên thu nhỏ dần, kết hợp với những tháp góc thu nhỏ như tháp Chính Bánh Ít,
tháp Cánh Tiên, tháp Hưng Thạnh, hay Thủ Thiện đều đạt được một tầm nhìn rộng,
không bị cản trở mà ngược lại luôn tạo được cảm giác bay bổng, uy nghiêm trong
một không gian rộng lớn. Bộ vòm cửa giả trên tháp Bắc Dương Long là một đại
diện tiêu biểu cho sự hòa điệu của tỉ lệ kết cấu. Với ba lớp có kết cấu dưới to
trên thu nhỏ dần, với sự phong phú trong tạo hình điêu khắc trang trí kiến trúc
và thể hiện một nội dung tôn giáo, tất cả như thu hút tầm nhìn của tín đồ, làm
cho người xem có cảm giác như đi lạc dần
vào thế giới của thần linh, hút hồn mình trong những mộng mị của những câu
chuyện truyền thuyết.
Bên
cạnh đó, sự kết hợp chất liệu trong nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chăm Vijaya
một lần nữa cho thấy sự thành công trong việc xử lý các thành tố cần thiết của
kết cấu kiến trúc. Trong xây dựng kiến trúc, kết cấu thượng tầng thường dùng
chất liệu nhẹ hơn so với kết cấu hạ tầng bên dưới, tạo độ bền vững, chắc khỏe
cho công trình kiến trúc. Điều đó có nghĩa là khi kết hợp hai loại chất liệu đá
và gạch, nếu không xử lí thỏa đáng sẽ mang đến hậu quả lệch lạc, nặng nề. Chất
liệu đá khi được đặt ở những bộ phận trên cao như lanh tô, trụ cửa, diềm mái
thường tạo làm mất đi độ cân bằng của kiến trúc. Tuy nhiên, ở đền tháp Chăm
Vijaya, những yếu tố trang trí trên các bộ phận cột ốp góc tháp Cánh Tiên hay
hình trang trí Garuda điểm góc tháp Hưng Thạnh... đã làm mất đi cảm giác nặng
nề của chất liệu đá, thể hiện được tính hòa điệu trong chất liệu, mang lại một
giá trị nhất định về tạo hình kiến trúc, đem đến sự khỏe mạnh, thống nhất, hài
hòa và bền vững cho công trình. Không những thế, nó còn làm tăng thêm sự uy
nghiêm cho công trình kiến trúc tôn giáo. Đó là một thành công của nghệ thuật
kiến trúc đền tháp Chăm thời Vijaya.
Đối
với những cấu kiện kiến trúc nằm ở vị trí trực diện với tầm nhìn, một khoảng
cách gần và có thể cảm nhận được bằng ngôn ngữ xúc giác thì được thể hiện bằng
thủ pháp hiện thực. Các vũ nữ ở tháp Bánh Ít hay các bầu vú ở chân tháp Dương
Long... đều được thể hiện hiện thực sâu sắc, đem lại những rung động và cảm xúc
thẩm mỹ cho những tín đồ.
Bố
cục không gian, tỷ lệ hình thể, thị giác trong kiến trúc tôn giáo Chăm Vijaya
đều được đặc biệt lưu ý trong mỗi công trình kiến trúc. Tất cả đều hài hòa theo
chức năng của kiến trúc tôn giáo, tạo nên nhịp điệu trong nghệ thuật kiến trúc.
Nhìn chung, các đền tháp Chăm Vijaya ở Bình Định đều chú ý đến các yếu tố về
không gian, tỷ lệ, kết cấu kiến trúc phù hợp với nội dung tôn giáo. Vì vậy, ta
luôn cảm nhận được sự trang nghiêm, hùng vĩ và chiều sâu của tâm linh con người
qua mỗi công trình kiến trúc. Bố cục không gian tháp Phú Lốc hay tỷ lệ hình thể
tháp Bình Lâm cho đến các cấu kiện kiến trúc trên tháp Dương Long, Hưng Thạnh
đều làm nổi bật được nội dung của tôn giáo, mang một vẻ đẹp thần bí nhưng không
quá xa cách với con người, làm cho đời sống tinh thần của con người thêm phần
phong phú và đa dạng.
Rõ
ràng là, kiến trúc Chăm thời Vijaya ẩn chứa sự đa dạng trong thống nhất của
kiến trúc tôn giáo Chăm. Thông qua tạo hình kiến trúc, những hình thể, khối
mảng của kiến trúc tôn giáo Chăm Vijaya có tỉ lệ tương xứng với tầm vóc của mỹ
cảm, tâm thức của người Chăm Vijaya, đó là một hình thức mang tính tâm linh và bản
địa rõ nét. Bởi tư tưởng của vương triều Vijaya
muốn thông qua sức mạnh tôn giáo, tín ngưỡng để giữ vững vương triều.
Đồng thời với việc tiếp thu tinh hoa của các nước lân bang trong chất liệu, một
lần nữa cho thấy sự khẳng định giá trị riêng trong nghệ thuật kiến trúc, mang
lại một vẻ đẹp riêng và mang tiếng nói
nghệ thuật kiến trúc của người Chăm Vijaya.
4.2.3.
Hài hòa chức năng thẩm mỹ và thực dụng trong kiến trúc
Trong
nhiều yếu tố vật chất – thẩm mỹ tạo nên diện mạo của một công trình hay một quần
thể kiến trúc nói chung, người ta không thể không nhắc đến yếu tố tạo hình
trong kiến trúc với những giá trị hài hòa giữa chức năng thẩm mỹ và chức năng
thực dụng.
Trước
hết cần xác định chức năng thực dụng của kiến trúc đền tháp. Là một công trình
kiến trúc đơn thuần, thì sự hài hòa giữa các chức năng được thể hiện ở các kết
cấu công trình và các yếu tố tạo hình, thể hiện tính thẩm mỹ trong sự bền vững của công trình kiến trúc. Mục
đích, chức năng của đền tháp Chăm là nơi thờ cúng, là nơi tiến hành các nghi lễ
Bà La Môn, vì vậy chức năng thực dụng của đền tháp Chăm không chỉ là sự bền
vững của công trình qua kết cấu kiến trúc mà còn thông qua yếu tố tạo hình trên
các cấu kiện kiến trúc để thể hiện nội
dung tôn giáo đó.
Đền
tháp Chămpa là một dạng của kiến trúc tôn giáo thuộc dạng đền – núi, được xây
dựng từ chất liệu chủ yếu là gạch, được xây khá dày với độ rỗng ruột khá nhỏ,
cộng thêm kết cấu của đền tháp chỉ có duy nhất một cửa chính, nên độ bền vững
của công trình chủ yếu nằm ở chính chất liệu xây dựng.
Ý
nghĩa của tôn giáo - hình ảnh thần Shiva, hay ý nghĩa của sự phồn thực – hình
ảnh của linga – yoni vẫn rõ nét qua hình ảnh của ngọn tháp. Có thể nhận thấy
điều đó rõ nét hơn qua hình thức thể hiện kiến trúc tháp Dương Long. Nếu xét về
bình đồ đế tháp, thì ba tháp Dương Long đều có cấu trúc không khác biệt so với
các bình đồ tháp Chăm nói chung. Tuy nhiên, với cách cảm của riêng mình, những
nghệ nhân Chăm Vijaya còn xây dựng kết cấu bộ phận thân tháp có cảm giác khối
trụ, kết hợp với phần mái tháp, ba ngọn tháp Dương Long trở thành ba linga
khổng lồ. Giờ đây, tháp không chỉ là biểu tượng mang nội dung núi thần - nơi
ngự trị của các thần linh nói chung, mà là biểu tượng mang nội dung phồn thực
trong tín ngưỡng bản địa. Trong khi đó, những diềm trang trí chạy quanh thân
tháp với hàng vú phụ nữ căng đầy lại là biểu tượng của yoni. Hình thức kiến
trúc đó, lẽ nào không phải để thể hiện một tư tưởng, một nội dung của tôn giáo
Bà La Môn hay biểu tượng của phồn thực bản địa? Phải nói rằng, hình tượng nghệ
thuật đó phải được chắt lọc một cách có ý thức mang tính sáng tạo cao, là một
sự chắt lọc vô cùng tinh tế và một sự hiểu biết sâu sắc giáo lý tôn giáo của
mình. Sự thay đổi trong tư tưởng thẩm mỹ người Vijaya đã đem đến cho các đền
tháp Chăm một giá trị nghệ thuật đặc sắc. Nghệ nhân Vijaya đã hình tượng hóa
một hình ảnh ngọn tháp không chỉ trở thành biểu tượng của Shiva mà còn là biểu
tượng của sự phồn thực, vừa mang giá trị về tôn giáo vừa mang giá trị nghệ
thuật cao. Qua hình thức đó, hình tượng linga – yoni hùng vĩ hơn, hoành tráng
hơn, vừa đảm bảo nội dung tôn giáo vừa đem đến cho nghệ thuật kiến trúc đền
tháp Chăm Vijaya một giá trị nghệ thuật riêng.
Bên
cạnh những yếu tố kiến trúc, thì điêu khắc với những đặc trưng ngôn ngữ riêng
của mình đã ghi dấu ấn và tạo nên phong cách riêng cho kiến trúc đền tháp Chăm
Vijaya với những tinh hoa được kết hợp điêu luyện, tài tình tạo được sự hài hòa
giữa các chức năng. Sự hài hòa đó có những nét gần gũi với những công trình đạt
được trình độ hài hòa chức năng thẩm mỹ kiến trúc cao trong kiến trúc tôn giáo
châu Á như kiến trúc đền núi Borobudu của Indonesia, kiểu vòm mái thanh thoát
của Parasat Ấn Độ và nhất là âm hưởng của những trang trí đá gợi nhớ đến Angco
Vat của Khmer. Trên góc độ tư tưởng tạo hình kiến trúc, thời Vijaya không khác
là bao so với các thời kỳ trước, như các kiểu thức trang trí trên vòm cửa hay
các diềm trang trí trên mái tháp hoặc chân tháp...Nhưng bên cạnh đó, kiến trúc
đền tháp Vijaya lại có những chuyển biến sâu sắc về nội dung trang trí cũng như
chất liệu kiến trúc và hình thành mối quan hệ đa chức năng của điêu khắc trang
trí kiến trúc đền tháp.
Sự
hài hòa chức năng trong kiến trúc Chăm thời Vijaya trước hết phải nói đến các
yếu tố tạo hình trên các cấu kiện kiến trúc, sự thay đổi trong kết cấu bộ mái
tháp hay các yếu tố trang trí trên thân tháp, trên các diềm mái tháp, đế tháp
hay cột góc với chất liệu phong phú. Sự kết hợp giữa hai chất liệu gạch và đá
với đặc tính biểu hiện trong kiến trúc, các yếu tố ngôn ngữ kiến trúc và ngôn
ngữ tạo hình đan xen vào nhau, tạo nên sự hài hòa giữa các chức năng, hướng tới
sự hoàn hảo, hài hòa của hình khối, đường nét trong kết cấu của kiến trúc, trong đó nổi bật là
phần vòm cửa và mái tháp .
Trong yếu tố hình khối và đường nét
kiến trúc đền tháp Chăm nói chung và Vijaya nói riêng, kết cấu tạo hình vòm cửa
là yếu tố mang lại sự hài hòa giữa các chức năng rõ nét. Vòm cửa là một đặc
trưng của kiến trúc Ấn Độ, xuất phất điểm của nó là kiến trúc hang động. Nằm
trong truyền thống kiến trúc chung của nghệ thuật kiến trúc đền tháp Chămpa; Về
bản chất, vòm cửa của đền tháp Chăm Vijaya là hình cung nhọn, có nét tương đồng
với kết cấu vòm mái Ấn Độ. Nhưng chính yếu tố trang trí của vòm cửa như biến
hình cung nhọn thành hình mũi lao trong hầu hết các vòm đền tháp Vijaya đã đem
lại một cảm giác khác lạ, tạo nên sự phong phú cho vòm cửa. Trước đó, các vòm
cửa trong kiến trúc Hòa Lai, Đồng Dương đã mang đặc điểm ba cung chồng lên
nhau, với những mô tip trang trí cành lá móc câu lượn song song, hình sâu đo
diêm dúa và rậm rịt, hay vòm cửa giả hình cung nhọn với hai đầu vểnh lên ở hai
đầu cột Mỹ Sơn B5 - thuộc phong cách Mỹ Sơn A1. Với những đường cong mềm mại
của vòm kết hợp với phần cột phía dưới, bộ vòm cửa đó đã được đặt trong mối
quan hệ mật thiết với các yếu tố trang trí trên vòm. Với chức năng thực dụng là
thể hiện nội dung tôn giáo trong công trình kiến trúc tôn giáo, các vòm cửa đền
tháp Vijaya đã thực sự là một sự kết hợp tuyệt vời giữa những chức năng thẩm mỹ
và chức năng tôn giáo. Các nghệ nhân Vijaya đã đặc biệt lưu tâm đến hiệu quả
trang trí trên các vòm cửa chính và cửa giả, sự thu hẹp của các vòm cửa bên
trên và cộng với các hình hoa lửa vút lên tạo ấn tượng tích cực của chiều hướng
vút lên cao, bay bổng trong không gian. Ngoài ra, sự thu hẹp các vòm tháp bên trên
là một điều kiện tất yếu để giảm sức nặng của cấu kiện kiến trúc, đồng thời với
việc gia tăng độ chịu lực cho các cấu kiện bên dưới. Với độ cong của vòm, độ
thẳng của cột, tạo nên nhịp điệu nhịp nhàng, ăn nhập vào cấu trúc thân tháp bên
dưới. Sự thẳng tuột, cứng nhắc của các cột vòm được giảm bớt khi kết hợp với
mái vòm cong bên trên, hiệu quả ấy còn thể hiện rõ nét qua motip trang trí hình
ngọn lửa xung quanh vòm cửa và nội dung của những tấm lá nhĩ bên trong vòm
tháp. Nó có sức truyền cảm với không gian môi cảnh quanh tháp, đến thị giác của
những tín đồ đến dự lễ. Những phù điêu trang trí vòm cửa chính như nữ thần Sarasvati
Châu Thành, Mahashima Núi Cấm hay Brahma Dương Long...đều là những phù điêu
mang giá trị nghệ thuật cao trong nghệ thuật điêu khắc Chăm và đều là những tác
phẩm thể hiện nội dung tôn giáo, giúp người xem hiểu được tính chất Shiva giáo
trong các đền tháp Vijaya. Ngoài ra, những mô tip trang trí hình ngọn lửa trên
các vòm cửa của kiến trúc đền tháp Vijaya hay motip kala – macara trên vòm cửa
giả mặt nam tháp Bắc Dương Long đều hàm chứa trong mình một nội dung tôn giáo
Bà La Môn sâu sắc. Vòm cửa đền tháp Vijaya không chỉ thể hiện được nội dung,
tính chất của tôn giáo mà còn tạo được sự hòa hợp giữa các cấu kiện trong công
trình trong sự bảo lưu và kế thừa của kiến trúc các thời kỳ trước.
Đối
với phần thân tháp, điều khác biệt là hình khối thân tháp Chăm Vijaya không
biểu hiện các mô tip trang trí và vô cùng đơn giản cho ta một cảm nhận về sự
mạnh khỏe, gân guốc, đem lại cho ta một cảm nhận lạ lẫm mà gần gũi, thân quen
như với các công trình kiến trúc Chăm trước đó. Về bản chất, những cột ốp tường
chỉ là những cột giả, kết hợp với đầu cột loe dần làm tăng thêm sự bền vững cho công trình,
đồng thời làm cho bề mặt tường bớt đơn
điệu. Phần cột giả nhô ra khởi tường tạo
được khoảng không gian giữa phần thân và cột. Yếu tố đó đã giúp hệ thống cột
giả vươn mình ra khỏi thân tháp, mang đến cảm giác thông thoáng, nhẹ nhàng,
đồng thời giúp cho phần thân tháp chịu lực khá tốt. Dù là để trơn không trang
trí như các cột thuộc các phong cách Mỹ Sơn A1 nhưng chính nhờ yếu tố đó đã tạo
nên sự mạnh khỏe, chắc chắn cho phần thân tháp. Các nghệ nhân Vijaya đặc biệt
quan tâm đến yếu tố tạo hình trên các cột trụ giả bốn góc tháp. Ví như trên
tháp Cánh Tiên, dù vẫn là cột giả nhưng lại được sử dụng với chất liệu đá, tạo
nên sự chắc khỏe của trụ. Với kiểu thức trang trí đường diềm hoa lửa chạy dọc
cột đã làm cho trụ thêm phần duyên dáng, giảm đi chất lạnh lùng của đá, mang
lại một sự hài hòa giữa đặc tính bền chắc của công trình kiến trúc và đặc tính
trang trí với nội dung tôn giáo của mình.
Hình
ảnh các tháp có tháp góc như Bình Lâm, Cánh Tiên, Thủ Thiện, Phú Lốc, Bánh Ít
là sự nhắc lại hình ảnh tháp chính như một sự lặp lại có chủ đích, nhấn mạnh
tầm quan trọng cũng như ý nghĩa tôn giáo. Nghệ thuật thu nhỏ dần của các tháp
bên trên một mặt giảm lực đè trên tháp, tăng độ bền vững cho tháp đồng thời
mang lại cho tháp một cái nhìn về thị giác, cao lớn và hùng vỹ.
Bộ
mái cong hình yên ngựa thơ mộng đã có từ Mỹ Sơn B5, C1 thuộc phong cách Mỹ Sơn
A1 với cấu trúc mô phỏng ngôi nhà dân gian. Đến thời kỳ Vijaya, bộ mái tháp Nhà
Bánh Ít đã có sự bảo lưu và kế thừa trong nghệ thuật kiến trúc. Là tháp phụ
trong quần thể kiến trúc đền tháp, tháp nhà là nơi đề cho các tín đồ chuẩn bị
đồ tế lễ. Vì vậy, phần mái tháp đã huyển hướng từ mái có tháp góc thành mái
cong hình yên ngựa, ghi dấu ấn của sự trở về với nguồn cội. Như ta đã thấy, hầu
hết trong tất cả các tháp hiện còn, bộ mái cong hình yên ngựa ít bị hư hại
nhất, điều đó thể hiện tính bền vững đối với loại mái tháp này. Chức năng thực
dụng của nó đã kết hợp hài hòa với vẻ đẹp thơ mộng của hình ảnh mái cong hình
yên ngựa, cho ta một sự liên tưởng đến ngôi nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn
của Đại Việt.
Trong
sự thống nhất của kiến trúc Chăm nói chung vẫn có những biến thể trong kết cấu
kiến trúc. Điển hình là bộ mái của tháp Hưng Thạnh và tháp Dương Long. Nguyễn
Hồng Kiên, trong bài viết “Đền tháp
Chămpa” đã nhận xét“Kết cấu các tầng
trên thu nhỏ hơn tầng dưới là ảnh hưởng của kiến trúc Nam Ấn. Ngoại lệ ở Bình
Định, Hưng Thạnh, Dương Long là ảnh hưởng của Ấn giáo vùng Bắc Ấn nên có hình
vòm cung, kiểu curvilige” [27, tr.50]. Trong khi bộ mái tháp Dương Long là
sự giật cấp nhỏ dần và biến thể thành hình trụ tròn cho đến đỉnh tháp thì mái
tháp Hưng Thạnh lại là hình hộp bốn mặt thu nhỏ dần. Với ý nghĩa biểu hiện là
một linga – thì mái tháp là hình ảnh tượng trưng cho đỉnh núi Kaisala, nơi cư
ngụ của thần Shiva. Vì vậy, phần mái của hai tháp Dương Long và Hưng Thạnh
không có những tháp góc nhỏ như hầu hết các tháp khác. Một mặt, phần mái có kết
cấu khối chóp trụ của Dương Long và hình khối lớn hình tháp được tạo bởi bốn
mặt cong của Hưng Thạnh mang lại giá trị bền vững cho công trình kiến trúc. Mặt
khác, nó đem lại cho tháp Dương Long và Hưng Thạnh một cái nhìn mới mẻ trong
nghệ thuật thị giác. Những phù điêu trang trí trên mái tháp với sự sống động
trong hình thể, phong phú trong nội dung và kết thúc bằng một bệ sen với khối
hình lớn đã đẩy hình tượng tháp - linga Dương Long thành một mukhalinga khổng
lồ. Trong khi đó tháp Hưng Thạnh với những hình điểm góc mái Garudda bằng chất
liệu đá khổng lồ trên tháp Hưng Thạnh đem lại cho tháp một cảm giác cuốn hút
thị giác người xem.
Tại
các tổ hợp diềm đế tháp, mái tháp trong đền tháp Chăm Vijaya, tính trang trí,
tạo hình dường như chiếm giữ vai trò chủ đạo của mối quan hệ thẩm mỹ và thực
dụng. Hầu hết các đường diềm trang trí mái tháp, đế tháp đều thể hiện với thủ
pháp hiện thực hoặc cách điệu cao và nội dung thần thoại, phù hợp với mục đích tôn
giáo.
Những
kiểu thức diềm đế hoặc diềm mái tháp khác nhau về mặt tạo hình nhưng hoàn toàn
giống nhau ở chức năng chịu lực. Ở mỗi kiểu thức có những nét độc đáo riêng bởi
chất liệu hoặc nội dung trang trí, tạo nên sự phong phú cho nội dung tôn giáo
và một hệ quả nghệ thuật đầy gợi cảm. Tại diềm mái tháp Dương Long, tạo hình
trực tiếp lên chất liệu đá đã tạo ra vẻ đẹp sinh động và mang vẻ đẹp tươi mát
của thiên nhiên, đồng nội trong một công trình tôn giáo. Với đề tài động vật
trong thần thoại Ấn Độ cũng như trong cuộc sống đời thường, toàn bộ diềm mái
tháp mang một sự biểu cảm sâu sắc và thấm đượm tình đồng loại.
Ngược
lại với thủ pháp hiện thực trên diềm mái tháp, diềm đế tháp Dương Long lại là
thủ pháp nhân hóa, cách điệu tiêu biểu
cho yếu tố tạo hình trong hầu hết các tháp Vijaya. Đó là những văn hoa lá hay
biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng được cách điệu cao. Nó vừa mang nội hàm của tôn
giáo vừa làm tăng tính thẩm mỹ cho phần đế tháp vốn cứng nhắc bởi chức năng
chịu lực và chất liệu khô khan của đá.
Do
những quy định chặt chẽ, quy phạm của tôn giáo đối với từng công trình kiến
trúc nên điêu khắc trang trí kiến trúc cũng phải được cân nhắc, xử lý phù hợp
với những nội dung tôn giáo. Các cấu kiện kiến trúc trung tâm như vòm cửa vừa
mang chức năng chịu lực vừa thể hiện nội dung thờ cúng bên trong nên thường thể
hiện qua nội dung là các vị thần, chủ yếu là thần Shiva và các shakti Shiva,
trong khi các cấu kiện mang chức năng chịu lực không nằm ở vị trí trung tâm lại
thể hiện các nội dung thần linh hay các con vật có trong thần thoại Ấn Độ.
Với
những thủ pháp tạo hình đa dạng, nhiều hướng tiếp cận và góc độ biểu hiện thị
giác khác nhau trong việc xử lý hình thức nghệ thuật, kiến trúc đền tháp Chăm
Vijaya đã chứng tỏ chỗ đứng, vị thế của mình trong nền nghệ thuật kiến trúc
Chăm trong sự giao hòa giữa hai chất liệu kiến trúc tưởng chùng như đối lập. Sự
sâu sắc trong việc thể hiện nội hàm tôn giáo thông qua hình thức thể hiện và sự
hài hòa trong chức năng thẩm mỹ và chức năng chịu lực của các cấu kiện đá mang
lại hiệu quả nghệ thuật cao và vô cùng tinh tế.
4.2.4.
Bố cục tạo hình trong điêu khắc
Điêu
khắc là một bộ phận không thể tách rời của kiến trúc tôn giáo Chăm nói chung và
đền tháp Vijaya nói riêng, là tiếng nói thể hiện vẻ đẹp riêng cho công trình
kiến trúc. Sự gắn bó hữu cơ, hài hòa của quan hệ con người – kiến trúc – điêu
khắc được xác định bằng nhiều yếu tố nghệ thuật. Những quy luật tạo hình và
nguyên tắc bố cục hình khối trong điêu khắc đã tác động đến mỹ cảm con người và
phản ánh được giá trị của điêu khắc.
Kiến
trúc đền tháp Chăm Vijaya với mục đích tăng thêm ý nghĩa hùng vỹ, hoành tráng
của tôn giáo đã đưa đến kết cấu xây dựng tháp cao hơn, lớn hơn các tháp thời kỳ
trước đó. Vì vậy, điêu khắc Chăm Vijaya cũng vươn tới sự hoành tráng để phù hợp
với chức năng trang trí kiến trúc, thể hiện qua kích thước các tác phẩm điêu
khắc đồ sộ hơn các giai đoạn trước. Bên cạnh đó, sự biến thể từ tượng tròn
thành phù điêu nổi cao trong bố cục tạo hình các thần linh mang lại một nét
riêng biệt cho nghệ thuật tạo hình điêu khắc Chăm Vijaya.
Xuất
phát từ những yêu cầu thực tiễn của chức năng kiến trúc, điêu khắc đền tháp
Chăm Vijaya thể hiện đồng thời nhiều nguyên tắc bố cục và là một sự vận dụng
vừa hợp lý vừa đa dạng. Điêu khắc Chăm thời kỳ Vijaya đảm bảo các đặc tính trong sự thống nhất của nghệ thuật điêu khắc
trang trí kiến trúc Chăm nói chung vừa thể hiện được những nét riêng của thời
kỳ sản sinh ra chúng.
Trong
nghệ thuật điêu khắc, sự cân xứng tạo cho thị giác một cái nhìn ổn định, bền
vững cho tác phẩm, đó cũng là đặc điểm của nghệ thuật tạo hình điêu khắc Chăm
Vijaya. Bên cạnh đó, tính tạo hình trong điêu khắc Chăm Vijaya còn chịu sự quy định chặt chẽ của chức năng, thẩm mỹ kiến
trúc, nhưng chúng cũng có giá trị độc lập nhất định đối với sự biểu hiện của
công trình kiến trúc. Trên diện rộng, điêu khắc Chăm Vijaya hiện ra với nội
dung tôn giáo và phụ thuộc vào yếu tố kiến trúc. Trong các vòm cửa chính và cửa
giả, các phù điêu mang nội dung thần linh đa phần đều có lối bố cục đăng đối
giả. Phù điêu Brahma với ba đầu đối xứng nhau qua đầu chính giữa. Xét về mặt
mảng khối, có thể hơn thua nhau đôi chút song lại cho một cái nhìn hoàn toàn
cân đối. Sáu cánh tay phụ được sắp xếp đăng đối, tạo nên sự ổn định, trong khi
đó hai tay chính lại có sự thay đổi đôi chút trong tư thế hai bàn tay đang bắt quyết, một tay đưa lên và
tay kia hạ xuống, tuy vậy vẫn thể hiện được cân đối nhịp nhàng trong bố cục
chung. Phù điêu Sarasvati cũng có hình thức tương tự. Với lối bố cục đăng đối
giả trong tổng thể bố cục đăng đối hoàn toàn của tấm lá nhĩ cho ta một cái
nhìn vừa thống nhất về tổng thể vừa đa
dạng trong phong cách biểu hiện của nghệ thuật điêu khắc Vijaya. Bố cục lá nhĩ
trung tâm tháp không còn là ba lớp chồng lên nhau mà tách rời ra. Đồng thời,
mỗi lá nhĩ có bố cục gồm ba lớp kép, trong có lá nhĩ thể hiện nội dung các
thần. Phía sau còn được trang trí bằng ba lớp hoa lửa đối xứng nhau. Bố cục
trong hoa lửa có phần khác biệt do chức năng trang trí: ở tháp góc trung tâm,
hoa lửa là hình tượng Macara phun vòi, một số hoa lửa còn lại thể hiện giống lá
đề với một đường gân lá chạy dọc theo dáng hình của nó.
Bên
cạnh đó, bố cục tạo hình điêu khắc Chăm thường được thể hiện đơn lẻ, chỉ duy
nhất một vị thần. Nếu nghệ thuật điêu khắc Ăngco được diễn tả hoành tráng, với
số lượng nhiều nhân vật cùng trong một bố cục mang nội dung diễn kể thì ngược
lại, điêu khắc Chămpa thường được thể hiện một nhân vật, chủ yếu mang chức năng
làm rõ nội dung tôn giáo của đền tháp. Không chỉ vậy, giai đoạn Bình Định các
vị thần được thể hiện trong lá nhĩ, tạo thành một bố cục độc lập. So với các
giai đoạn trước đó, lá nhĩ là một đặc điểm riêng của điêu khắc Chăm giai đoạn Bình
Định.
Trên
các cấu kiện kiến trúc góc tháp, với chức năng vừa là tháp góc trong ý nghĩa
tôn giáo vừa là góc tháp trong kiến trúc, các phù điêu lại có bố cục đăng đối
tuyệt đối. Kết hợp hình ảnh thú linh hay tu sĩ với các họa tiết hoa lá, sóng
nước, kala, naga hay hình ngọn lửa..., phù điêu thời kì Vijaya có nội dung cụ
thể và trở thành những đồ án trang trí đẹp, mang tính cách điệu cao. Macara
sinh ra Naga ba đầu, năm đầu, mô tip trang trí rắn ba đầu, năm đầu, Kala,
Naga...đều được sử dụng thủ pháp đăng đối tuyệt đối, phù hợp với chức năng
trang trí góc tháp, góc mái tháp. Trang trí góc tháp với hình tượng rắn Naga ba
đầu, năm đầu, bảy đầu đều đăng đối qua trục với đầu ở giữa luôn lớn nhát, làm
trọng tâm giữ thăng bằng cho kiến trúc.
Riêng
đối với các phù điêu mang chức năng trang trí góc, nhưng lại mang yếu tố là bệ
đỡ thì luôn có lối bố cục tạo hình với hai tay đưa song song lên quá đầu như đỡ
một vật gì đó như sư tử, tu sĩ, hay giang đôi cánh lên cao như Garuda Hưng
Thạnh. Tất cả chi tiết, bộ phận của cơ thể đều được sắp xếp đăng đối, phù hợp
với chức năng trang trí các bộ phận đền tháp bằng những đồ án trang trí vô cùng
hợp lý. Đó là sự thành công trong bố cục tạo hình điêu khắc Chăm thời Vijaya.
Hoa
lửa trên các tháp góc Cánh Tiên được sắp xếp đăng đối theo từng cặp qua trục
thân của tháp. Những dải hoa văn trang trí quanh diềm chân tường hay diềm mái
như hoa văn mái tháp, diềm chân tháp Bánh Ít, tháp Đôi, tháp Dương Long hay
tháp Bình Lâm…đều thể hiện bằng hình thức lặp lại, nối tiếp nhau liên tục.
Nhiều diềm trang trí không chỉ thể hiện tính liên tục mà còn thể hiện tính nhịp
điệu trong trang trí. Đó là sự lặp lại của một mô tip trang trí hoặc một bộ
trên chiều dài, chiều cao hoặc trên tường xung quanh tháp. Một số diềm như vũ
nữ (tháp Bánh Ít, tháp Đôi)… hay diềm động vật trên các tháp Dương Long, tháp
Đôi, tháp Bánh Ít tạo nên nhịp điệu uốn lượn, thể hiện qua các tư thế của nhân
vật, trong các động tác tay, chân, đầu…. Hay các con vật được biểu hiện trong
các tư thế khác nhau nhưng lại được lặp lại, vừa đảm bảo được tính liên tục
trong trang trí vừa tạo nên nhịp điệu nhịp nhàng, đỡ nhàm chán.
Bên
cạnh đó, bố cục tạo hình của phù điêu trang trí còn được thể hiện tính hướng
tâm với xu thế tập trung về phía đỉnh trung tâm của tháp. Lá nhĩ thể hiện các
vị thần mang chức năng tôn giáo rõ nét nhất được đặt ở vị trí vòm cửa – trung
tâm tháp cho thấy tầm quan trọng của nó, đồng thời với việc hai bên là những mô
tip tháp nhỏ đối xứng qua lá nhĩ như trên diềm tháp Cánh Tiên. Đặc biệt như
diềm mái tháp Đôi, tính hướng tâm được thể hiện qua hình ảnh phù điêu vị thần
được đặt ở vị trí trung tâm và phù điêu các con vật được sắp xếp đối xứng nhau
qua lá nhĩ, tạo thị giác hướng về chính
giữa tháp, nơi trung tâm hành lễ tôn giáo.
Nhìn
tổng thể ta thấy các mô tip đều mang tính liên tục, tính nhịp điệu, tính hướng
tâm song vì nó được tạo hình thủ công, vì vậy khi quan sát kỹ hơn ta sẽ nhận ra
những hoa văn trang trí, những mô tip động vật, con người này không hoàn toàn
giống nhau. Trong từng mảng khối có khi lớn, khi nhỏ; đường nét thể hiện có lúc
nông, lúc sâu; các chi tiết trang trí có khi lớn hơn hoặc bé hơn đôi chút. Vì
vậy, nó mang tính đơn nhất trong nghệ thuật tạo hình, tạo nên sự hấp dẫn và
mang tính nhân bản trong trang trí kiến trúc. Cũng chính từ các tính chất trên
mà điêu khắc Chămpa Vijaya Bình Định có được sự phong phú và đa dạng trong
thống nhất của điêu khắc Chămpa.
3.3. Thực trạng về di sản các đền tháp
Chăm ở Bình Định
Hiện
nay 13 tháp Chăm hiện còn trên đất Bình Định đã được quan tâm tôn tạo để bảo vệ
lấy di sản độc đáo này, với mục đích phát huy hết giá trị lịch sử cũng như giá
trị về mặt văn hóa – nghệ thuật và tiềm năng du lịch. Với sự cố gắng của Sở Văn
hóa – Thông tin Bình Định cùng với các cơ quan ban ngành, đến nay tất cả các
tháp Chăm trên đất Bình Định đều được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc
– nghệ thuật. Tháng 7 năm 2000, Sở Văn hóa – Thông tin Bình Định kết hợp với
các chuyên gia khảo sát toàn bộ 13 đền tháp và đã có những kế hoạch cụ thể
trong việc tôn tạo, gia cố.
Trong
số các đền tháp, tháp Cánh Tiên đã được gia cường, tu bổ, phần chân tháp được
xây bao đơn giản bằng gạch và vữa xi măng, cửa chính cũng dùng vữa xi măng để
tu bổ. Một số phù điêu trang trí trên tháp tuy đã được phục dựng theo tinh thần
chung của nghệ thuật của người Chăm cổ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn giống hoa văn,
họa tiết cổ qua một số phù điêu như hoa lửa, phù điêu trang trí tháp góc. Tháp Cánh
Tiên được công nhận di tích bởi giá trị nghệ thuật và vai trò quan trọng đối
với thành Đồ Bàn. Trong khi đó, tháp Phú Lốc chỉ được gia cố thêm phần chân
bằng vữa xi măng. Những năm trở lại đây, tháp Bánh Ít đã qua nhiều lần tu bổ,
gia cố nên nhìn chung giữ được tổng thể và đã được công nhận di tích. Nhìn
chung tháp vẫn giữ được tinh thần chung của nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc
Chăm. Tháp Thủ Thiện hiện được tu bổ bằng vữa xi măng và gạch xây kiểu giật
cấp. Tháp Dương Long hiện đang được gia cố, tôn tạo với quy mô lớn. Riêng tháp
Bình Lâm đến nay chưa một lần được trùng tu mặc dù các cơ quan chức năng đã
nhiều lần khảo sát, nhưng chưa có một kế hoạch tu bổ cụ thể. Đặc biệt cụm tháp
Đôi đã được gia cường, trùng tu, bảo vệ với sự chỉ đạo của kiến trúc sư
Kazimiez Kwiakowski (Kazic) – Ba Lan và đã được công nhận di tích lịch sử -
kiến trúc – nghệ thuật.
Với
những yếu tố cả khách quan và chủ quan, nên du khách đến với các đền tháp Chăm
ở Bình Định không nhiều so với tháp Bà – Nha Trang hay cụm đền tháp Po Klong
Galai ở Ninh Thuận. Một mặt nó phản ánh mặt yếu kém của các nhà quản lí văn hóa
trong việc đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo các tháp đồng thời cũng cho ta
thấy rõ việc quảng bá du lịch cho các địa điểm này chưa đạt hiệu quả. Về việc
này, Nguyễn Văn Ngọc đã nhận xét: “Di
tích văn hóa Chăm ở Bình Định ẩn chứa nhiều giá trị hấp dẫn nhưng lượng du
khách đến di tích lại không đáng kể là có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên
nhân bởi không gian tâm linh chưa được chú trọng, quy hoạch tổng thể bảo tồn và
phát huy chưa được xây dựng và từng bước triển khai thực hiện” [36, tr.30].
Tuy
nhiên, một thực trạng hiện nay cho thấy, phần lớn các tháp Chăm trên đất Bình
Định đều trong quá trình bị hủy hoại, xâm thực, xuống cấp.
Loại
hư hại thứ nhất chưa giải quyết được chính là sự ăn mòn vi sinh. Trên vòm cửa
giả tháp Bắc của tháp Đôi đã xuất hiện rõ ăn mòn vi sinh, làm cho gạch bị mủn,
đang dần làm mất đi các hoa lửa trong vòm cửa giả, và đang lây lan qua các tiết
diện khác. Ngoài ra, trên các đền tháp như Bình Lâm, Phú Lốc, Thủ Thiện, các
thành phần chủ yếu như đỉnh tháp và thân tháp hiện có rất nhiều loại thực vật
sống kí sinh nên gây hư hại, phần do rễ cây xuyên, chui vào các khe kẽ làm nứt
khối xây, và hiệu ứng khi rễ cây lớn thì vết nứt rộng ra dần.
Loại
hư hại thứ hai chưa giải quyết được chính là ở chỗ có sự xâm hại của bàn tay
con người, do vô tình hoặc cố tình như: hành động đào gạch chân tháp, cạy phá
các chi tiết trang trí, lấy đi các tác phẩm điêu khắc. Tuy hiện nay tình trạng
đào gạch chân tháp đã chấm dứt nhưng hậu quả của nó để lại là vô cùng nghiêm
trọng. Trong quá trình tôn tạo, do sự nôn nóng và cách làm việc chưa khoa học
nên đã gây ra phản tác dụng, làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của đền tháp. Đặc biệt
là trong việc lựa chọn chất liệu tôn tạo, gia cố không phù hợp với bản chất của
đền tháp. Phần lớn các tháp như Phú Lốc, Cánh Tiên...bị hư hại phần chân, đế
đều được gia cố, tôn tạo bởi chất liệu vữa xi măng, điều đó tạo nên sự khác
biệt quá lớn trong chất liệu của người Chăm cổ, đặc biệt tính thẩm mỹ của các
tháp Chăm đã không còn, các tháp không còn vẻ đẹp ấm áp, bình dị vốn có của
chất liệu gạch mà là một sự chắp vá thiếu khoa học. Không những vậy, với chất
liệu vữa xi măng đã gây ra những kết quả ngược lại, đe dọa đến tuổi thọ của
tháp. Việc xây bao phần đế tháp với vữa xi măng tháp Thủ Thiện đã làm xuất hiện
những vệt ẩm nhìn thấy được trên thân tháp.
3.4. Một số đề xuất kiến nghị
Dựa
trên thực trạng hiện nay của các đền tháp Chămpa ở Bình Định, thì việc trùng
tu, tôn tạo cần dựa trên những bước đi có cơ sở khoa học. Thứ nhất, muốn trùng
tu, tôn tạo, trước hết phải bảo vệ và giữ gìn những gì hiện có, giữ lấy hiện
trạng cao đến mức có thể. Đối với các tháp đã gia cố bằng chất liệu vữa xi
măng, cần phải thay đổi chất liệu phù hợp với chất liệu gạch của người Chăm,
như việc tôn tạo chân tháp Nam của tháp Đôi là một minh chứng cho sự thành công
trong việc sử dụng chất liệu thay thế.
Thứ
hai, việc trùng tu, tôn tạo đòi hỏi phải có sự chuẩn xác và tuân theo quy trình
khoa học, như lời tiến sĩ Hà Văn Phùng đã nói: “phải trùng tu, tôn tạo làm sao để hoàn thiện hơn vẻ đẹp của tháp dựa
trên nền tảng những gì hiện có, chứ không phải tạo ra cái mới tuy cái mới ấy có
thể đẹp hơn nhưng lại không chính xác và hài hòa với quần thể chung của tháp”
[38, tr.18]. Theo ông, lấy việc trùng tu tháp Nhạn ở Phú Yên làm bài học trong
việc trùng tu tháp, sau khi tôn tạo xong mới tiến hành khai quật nên những phù
điêu, tượng tròn tìm thấy được dưới lòng đất không sử dụng được, đành để trong
kho. Để việc trùng tu, tôn tạo sao cho có khoa học cần phải tiến hành khảo cổ
học trước khi trùng tu, tôn tạo. Điều này giúp cho chúng ta hiểu sâu hơn về giá
trị đích thực của đền tháp thông qua các hoa văn, họa tiết, các phù điêu còn
sót lại trong lòng đất. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng chúng trong việc
tôn tạo lại gần đúng với nguyên bản của tháp dựa trên những phù điêu, tượng
tròn đó. Đặc biệt, sự phục dựng lại nên đúng theo cách trang trí của người Chăm
xưa và cần phục dựng đúng với nguyên bản
về họa tiết, hoa văn chứ không dừng lại ở mức độ chỉ giống về mặt hình dáng.
Thứ
ba, trong những yếu tố mang lại giá trị đích thực cho các tháp Chăm ở Bình Định
chính là không gian, môi cảnh xung quanh tháp. Vì vậy, trong quá trình trùng
tu, cần lưu ý đến yếu tố này. Tiến sĩ Hà Văn Phùng đã nhận định: “để làm tăng thêm vẻ đẹp cho tháp thì cần đầu
tư, tôn tạo khuôn viên xung quanh các tháp. Nhưng việc tôn tạo cũng phải hết
sức cẩn thận, phải có quy hoạch cụ thể... nếu không thì sẽ phá vỡ không gian di tích” [38, tr.19].
Một điều
nữa là tuy phần lớn các tháp Chăm ở Bình Định được xác định là thờ bộ ba thần
Shiva – Visnu – Brahma, hoặc chỉ thờ thần Shiva nhưng cũng cần hết sức cẩn thận
khi phục dựng lại những vật thờ trong lòng tháp. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm về
tài liệu, hiện vật là ngẫu tượng gì, phù điêu gì để phục dựng lại đúng những
vật thờ trong tháp. Ngay cả những phù điêu, tượng tròn được khai quật cũng nên
đặt tại tháp để người xem không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp mà còn hiểu
hơn về mặt giá trị tâm linh thông qua những phù điêu, tượng tròn còn sót lại.
Qua đó, khơi gợi cảm xúc của con người, “giúp
họ cảm nhận được cái hồn của tháp”. Có vậy,
việc quảng bá tháp Chăm của chúng ta mới thành công.
Trên
cơ sở các đền tháp Chăm đã được công nhận di tích quốc gia, tiến tới việc hoàn
chỉnh hồ sơ để trình lên Unessco công nhận là Di săn văn hóa nhân loại, cần tập
hợp những nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm trong nước cũng như trong khu vực Đông
Nam Á, Ấn Độ để cùng đánh giá về giá trị của các cụm đền tháp Chăm ở Bình Định,
nhằm tập hợp đầy đủ chứng cứ khoa học về giá trị lịch sử, niên đại cũng như giá
trị nghệ thuật cùng với mối giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực, để
việc công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại của cụm đền tháp Chăm ở Bình
Định được thúc đẩy nhanh chóng hơn và
sớm có kết quả.
Tiểu kết
Nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm ở Bình Định mang trong mình giá trị văn hóa
vật chất qua chất liệu truyền thống: gạch.
Kỹ thuật và những bí quyết xây dựng của người Chăm xưa thể hiện ở sự bền vững
của công trình và trở thành một chất liệu quý cho các tác phẩm điêu khắc. Bên
cạnh đó, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc trên các đền tháp Chăm thời kì
Vijaya còn tiếp nhận thêm chất liệu đá
trong kiến trúc và trang trí kiến trúc. Chất liệu gạch Chăm mang đến một vẻ đẹp
nồng ấm, bình dị, tuy bằng những bí quyết kỹ thuật độc đáo nhưng cũng không
phải là vĩnh hằng như chất liệu bằng đá. Trong khi đó, những kết cấu kiến trúc
và trang trí kiến trúc có sự kết hợp với đá mang lại một vẻ đẹp lộng lẫy, sang
trọng và bền vững.
Đền
tháp Chăm Vijaya Bình Định còn mang lại một giá trị văn hóa tinh thần, thể hiện
tâm thức Núi thiêng và tín ngưỡng phồn thực, là sự kết hợp hoàn hảo giữa niềm tin tôn giáo Bà La Môn với văn hóa mẫu hệ và
tín ngưỡng bản địa lâu đời của người Chăm. Điều đó khẳng định, nền tảng lâu đời
của văn hóa Chăm vẫn là văn hóa bản địa. Văn hóa của các tôn giáo du nhập vào
tuy chiếm vị thế quan trọng trong các thời kỳ của các triều đại Chămpa, nhưng không
thể thay thế, không thể chiếm lĩnh được đời sống tâm linh của đa số người dân
Chăm.
Không
gian – nhịp điệu tạo hình kiến trúc Chăm Vijaya thể hiện một vẻ đẹp hùng vĩ,
thiêng liêng, qua đó biểu hiện một tư tưởng thẩm mỹ hướng thượng, hàm chứa yếu
tố tâm linh, triết lý và quan niệm về cõi thứ ba của người Chăm xưa, dùng sức
mạnh của tôn giáo để gắn kết hòa bình giữa các tiểu quốc của vương triều
Vijaya. Kết cấu, tỉ lệ của kiến trúc và yêu cầu về trang trí kiến trúc trong
nghệ thuật đền tháp Vijaya tạo được tầm nhìn rộng và đa chiều, thể hiện tính
hòa điệu của tỷ lệ kết cấu. Các đền tháp Chăm Vijaya ở Bình Định đều chú ý đến
các yếu tố về không gian, tỷ lệ, kết cấu kiến trúc phù hợp với nội dung tôn
giáo. Với mục đích thờ phụng, cũng là nơi ở của thần linh, đền tháp Chăm Vijaya
không chỉ là biểu tượng mang nội dung núi thần - nơi ngự trị của các thần linh
nói chung, mà là biểu tượng mang nội dung phồn thực trong tín ngưỡng bản địa.
Qua đó thể hiện sự hài hòa giữa chức năng thẩm mỹ và chức năng thực dụng trong
kiến trúc.
Do
tính chất tương ứng với tỉ lệ kết cấu của công trình nên điêu khắc Chăm Vijaya
cũng vươn tới sự hoành tráng. Tính tạo hình trong điêu khắc Chăm Vijaya tuy
chịu sự quy định chặt chẽ của các chức năng, nhưng chúng cũng có giá trị độc
lập nhất định. Các vị thần được thể hiện trong lá nhĩ, tạo thành một bố cục độc
lập, trong khi đó phù điêu thời kì này có nội dung cụ thể và trở thành những đồ
án trang trí đẹp, mang tính cách điệu cao.
Hiện
nay các tháp Chăm trên đất Bình Định đã được công nhận di lích văn hóa cấp quốc
gia nhưng vẫn còn đó những tồn tại chưa giải quyết được. Điều đó thể hiện qua
việc xuống cấp của các công trình kiến trúc. Tuy nhà nước đã có sự đầu tư kinh
phí trùng tu, tôn tạo các đền tháp Chăm thông qua chương trình mục tiêu quốc
gia về văn hóa nhưng do thiếu sự nghiên cứu đầy đủ, thiếu sự chuẩn xác về nghệ
thuật kiến trúc và điêu khắc, kỹ thuật, bí quyết về chất liệu, vật liệu xây
dựng như gạch, đá, chất kết dính nên hiệu quả không được như mong đợi. Việc sửa
chữa, tôn tạo chưa đúng khoa học và việc kết hợp chưa đồng bộ giữa nghệ thuật
và kỹ thuật trong kiến trúc điêu khắc. Vì vậy, trước hết cần phải có những
nghiên cứu nghiêm túc, kết hợp giữa các nhà xây dựng với các nhà mỹ thuật, kết
hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật để đề ra những giải pháp cụ thể, khoa học. Việc
trùng tu, chống xuống cấp di tích, tôn tạo phải có sự chuẩn xác và tuân theo
quy trình khoa học. Trả lại những yếu tố tâm linh, hồn thiêng cho tháp để con
người chiêm ngưỡng. Đồng thời, việc trùng tu, tôn tạo các đền tháp Chăm không
chỉ là bảo vệ di sản văn hóa quốc gia mà còn phải xây dựng ở đó thành những
điểm đến cho du lịch văn hóa.
KẾT LUẬN
1.
Bình Định ngày nay là kinh đô Vijaya của vương quốc Chămpa từ thế kỷ XI –
XV. Nơi đây hội tụ những điều kiện tự nhiên sinh thái và xã hội nhân văn khá
đặc thù. Trải qua năm thế kỷ, dân tộc Chăm đã tạo cho mình một nền văn hóa vừa
mang đặc điểm thống nhất của dân tộc vừa có những nét riêng biệt. Đời sống kinh
tế của cư dân Chăm Vijaya trong khoảng thời gian đó khá phát triển, nhất là
nông nghiệp. Đặc biệt nghề đi biển phát triển mạnh, bên cạnh người Chăm cũng
duy trì các làng nghề thủ công. Cũng như các dân tộc Đông Nam Á, người Chăm
mang trên mình tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước. Là quốc gia chịu sự chi phối
của văn hóa Ấn Độ mạnh mẽ, đặc biệt là trong tôn giáo nhưng người Chăm vẫn giữ
được những yếu tố văn hóa bản địa. Trong suốt giai đoạn có nhiều biến động lịch
sử, người Chăm Vijaya vẫn chọn tôn giáo Bà La Môn làm tôn giáo chính của mình.
Trong đó nổi trội nhất là Shiva giáo. Cùng với việc tiếp biến văn hóa các quốc
gia láng giềng trong lịch sử như Đại
Việt thời Lý – Trần hay tiếp biến với văn hóa Khmer đã tạo cho văn hóa Chăm
thời kỳ Vijaya một bản sắc riêng trong dòng chảy văn hóa Chămpa. Những giá trị
văn hóa đó đã được thể hiện rõ nét qua nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc đền
tháp Chăm Vijaya còn lại trên đất Bình Định ngày nay.
2.
Những công trình kiến trúc Chăm Vijaya – Bình Định là những tượng đài tôn giáo
mang một giá trị nghệ thuật riêng biệt trong dòng chảy khá dài của nghệ thuật
kiến trúc Chăm. Với gần năm thế kỷ tồn tại trên đất Vijya, người Chăm đã để lại
trên đất Bình Định 13 công trình kiến trúc vừa mang đậm tính tôn giáo Bà La Môn
vừa đậm chất bản địa, đồng thời biểu hiện sâu sắc tính thời đại của cư dân Chăm
trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Những công trình kiến trúc đền tháp
Chăm ở Bình Định vừa mang những nét chung trong tổng thể nghệ thuật kiến trúc
của người Chăm xưa, vừa mang những nét riêng có của các đền tháp vùng Vijaya.
Các công trình đền tháp Chăm ở Bình Định được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đời
sống tâm linh của các tầng lớp tăng lữ Bà La Môn, vua chúa, giới quý tộc, vừa
là những công trình có nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và
điêu khắc gạch vào loại bậc nhất của Đông Nam Á và thế giới.
Bắt
đầu với tháp Bình Lâm với sự kế thừa của phong cách Mỹ Sơn A1 trong trang trí
kiến trúc và chất liệu thuần gạch mang lại một vẻ đẹp bình dị và ấm áp. Trong
khi đó, Tháp Bánh Ít là cụm tháp thuộc loại có nhiều tháp duy nhất có mặt trên
đất Bình Định, bắt đầu có sự kết hợp với đá trong trang trí kiến trúc. Tháp vừa
mang đặc điểm điển hình của phong cách đền tháp Bình Định vừa mang những nét
riêng biệt, giúp cho tháp Bánh Ít mang một vẻ đẹp đa dạng và phong phú.
Với
sự tiếp biến của văn hóa Khmer, các đền tháp còn mang những đặc trưng rất riêng
của phong cách Bình Định. Các cụm tháp Đôi, Dương Long đề cao vai trò Shiva
giáo thể hiện qua ba tháp song hành trên cùng một trục. Đồng thời với việc xuất
hiện những cấu kiện kiến trúc, những phù điêu trang trí bằng chất liệu đá, thể
hiện nội dung phong phú của đời sống con người, từ cỏ cây, hoa lá đến động vật
và con người. Với những biến thể trong kết cấu của vòm mái, của phần thân tháp,
hai cụm tháp Dương Long, tháp Đôi trở thành những công trình kiến trúc độc đáo
trong nghệ thuật kiến trúc Chămpa, đem đến những cái nhìn mới lạ trong nghệ
thuật kiến trúc Chăm nói chung và nghệ thuật kiến trúc Chăm Vijaya nói riêng.
Cùng với tháp Bình Lâm, các tháp
Cánh Tiên, Thủ Thiện, Phú Lốc thuộc loại hình đền tháp duy nhất chỉ có một
tháp. Cả ba tháp này được xem là điển hình cho phong cách Bình Định với đặc
điểm thiếu hẳn các mô tip trang trí trên các cấu kiện kiến trúc. Đặc biệt chỉ
có tháp Cánh Tiên sử dụng đá ở cột ốp góc và được trang trí bằng diềm hoa văn
hình ngọn lửa mang lại vẻ đẹp duyên dáng, trong khi đó những đường gờ trên các
cột ốp tháp Thủ Thiện, Phú Lốc mang lại vẻ đẹp mạnh khỏe.
Ngoại trừ hai tháp Bình Lâm và tháp
Đôi, những tháp còn lại trên đất Vijaya đều mang một ấn tượng hoành tráng từ xa
từ không gian môi cảnh trên những đỉnh đồi. Tất cả thể hiện một vẻ đẹp khỏe
khoắn, bay bổng, thể hiện một đời sống tôn giáo, tâm linh, một tâm thức Núi
thiêng mạnh mẽ của người Chăm dưới thời Vijaya.
3. Nghệ thuật điêu khắc Chăm thời kỳ
Vijaya vừa mang tính thống nhất trong dòng chảy của nghệ thuật điêu khắc Chăm nói
chung, nhưng cũng mang nhiều điểm khác biệt tạo của văn hóa bản địa Chăm nên đã
tạo được một phong cách riêng. Đó là phong cách Tháp Mắm. Phù điêu hệ thần được
chuyển thể từ tượng tròn của các giai đoạn trước, các tác phẩm phù điêu phần
lớn có kích thước lớn, phù hợp với mục đích hoành tráng của các công trình kiến
trúc và mang tư tưởng tôn giáo cụ thể. Phần lớn các tác phẩm đều được tạo tác
rất đẹp, được diễn tả chi li, tỉ mỉ trong các chi tiết của mô típ trang trí và
mang tính chất gợi khối hơn là tả thực; thể hiện một tư duy nghệ thuật cao của
các tác giả và nghệ nhân Chăm xưa.
Trong
nội dung biểu hiện tôn giáo Bà La Môn, phù điêu Chăm Vijaya còn biểu hiện tín
ngưỡng mẫu hệ trong dòng chảy văn hóa bản địa từ ngàn đời của cư dân Chăm trong
truyền thống văn hóa của các dân tộc Malayo – Polinésien, đó là sự biến đổi Bà
la Môn Ấn Độ thành Bà La Môn Chăm mang tính bản địa rõ nét. Điển hình là thần
Brahma được thể hiện dưới dạng Shakti là Sarasvati Châu Thành, thần Shiva được
thể hiện dưới hình ảnh nữ thần Mahishasuramardini Núi Cấm, ngay cả nam thần
Kubera cũng được thể hiện dưới dạng nữ với hai bầu vú, tất cả là để thể hiện
đặc tính phồn thực và lưỡng tính trong quan niệm tâm linh, thể hiện rõ nét trên
các tác phẩm điêu khắc Chăm Vijaya.
Nghệ
thuật tạo hình trong điêu khắc Chăm thời Vijaya ở Bình Định được đánh giá cao
trong dòng nghệ thuật Chămpa nói chung. Dưới bàn tay tài hoa, niềm tin và óc
thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân Chăm Vijaya, hình ảnh các vị thần hiện lên
với vẻ đẹp trọn vẹn, hoàn thiện đến từng chi tiết, mang lại giá trị nghệ thuật
cao qua nội dung và hình thức thể hiện. Khi phù điêu Brahma được đánh giá hoàn
thiện đến từng chi tiết, thì Sarasvati Châu Thành được xem là tác phẩm thể hiện
giống thần Braham nhất trong nghệ thuật tạo hình thần Sarasvati; Mahisha -
Mardini Núi Cấm là hình tượng độc nhất vô nhị trong nghệ thuật tạo hình điêu
khắc Chămpa khi thể hiện nữ thần đang đạp trên lưng thủy quái Macara. Bên cạnh
đó, thần Shiva Hải Giang với những đặc điểm mang chất Chăm khá rõ và được xem
là tác phẩm mở đầu cho phong cách sau – phong cách YangMun trong ý nghĩa thờ
Nhân – Thần. Apsara trên tháp Bánh Ít có nhịp điệu mang một vẻ đẹp trữ tình và
giàu chất âm nhạc, tu sĩ Dương Long kết hợp với các diềm trang trí để trở thành
đồ án trang trí kiến trúc khó có cách nào thể hiện đẹp hơn thế.
Thông
qua ngôn ngữ tạo hình riêng, những con vật trong điêu khắc Chăm Vijaya trở
thành những đồ án trang trí kiến trúc đẹp, mang nét đặc trưng riêng của nghệ
thuật điêu khắc Chăm Vijaya – phong cách Tháp Mắm, thể hiện quan niệm hài hòa
giữa âm – dương trong tín ngưỡng phồn thực của người Chăm giai đoạn này. Những
con vật trong hệ thống điêu khắc Chăm Vijaya mang tính hoang đường, có tính
biểu tượng cao, thể hiện bằng kích thước lớn như: Gajasimha tháp Mắm, Macara Dương
Long, Rắn Naga Dương Long, Garuda tháp Đôi...; với những họa tiết, hoa văn
trang trí là những hình ngọn lửa, hạt cườm kết dải, cánh sen cách điệu, ô hình
học....được sắp xếp dày đặc trong những mảng hình, tạo nên sự dồn nén tiết tấu,
nhịp điệu, sự căng cứng trong bố cục; biểu hiện một tâm lý bất an của người
Chăm trước những biến động của lịch sử ở giai đoạn này. Linga – yoni Vijaya
phong phú và đa dạng về cả chủng loại và kích cỡ. Trong đó, bệ yoni tháp Mắm
được thể hiện vô cùng độc đáo, biểu hiện sự quay về với tín ngưỡng mẫu hệ và
những yếu tố văn hóa bản địa trong tôn giáo Chăm Vijaya.
4.
Kiến trúc – điêu khắc Chăm Vijaya – Bình Định mang nhiều giá trị văn hóa tinh
thần và văn hóa vật chất, đồng thời thể hiện những giá trị trong nghệ thuật tạo
hình. Giá trị ấy được biểu hiện qua việc sử dụng chất liệu truyền thống: gạch.
Điều này đã đem lại cho những đền tháp Chăm những giá trị nghệ thuật độc đáo.
Nét tiêu biểu nhất của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm là đạt đến đỉnh
cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch. Dẫu kích thước các công trình
kiến trúc Chăm có thể nhỏ bé hơn so với các công trình kiến trúc ở Campuchia
hay Indonexia, nhưng với những nét độc đáo riêng có, đặc biệt bằng chất liệu
gạch, những công trình kiến trúc đền tháp Vijaya lại mang những giá trị không
hề thua kém, có thể sánh vai với các công trình kiến trúc mang tầm cỡ quốc tế
như Ăng co Vat của Campuchia, Borobudu của Indonesia hay các Prasat Ấn Độ. Nếu
nói về giá trị nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc bằng chất liệu gạch, có thể
nói, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người Chăm là số một.
Bên
cạnh đó, nghệ thuật đền tháp Chăm thời kì Vijaya còn tiếp nhận thêm chất liệu
đá trong kiến trúc và trang trí kiến trúc, vừa tạo nên kết cấu vững chắc trong
kỹ thuật xây dựng, vừa là chất liệu thể hiện nghệ thuật điêu khắc đá. Nếu chất
liệu gạch Chăm mang đến cho các tác phẩm nghệ thuật một vẻ đẹp nồng ấm, bình
dị, thì những kết cấu kiến trúc và trang trí trên gạch có sự kết hợp với chất
liệu đá đã mang lại một vẻ đẹp cứng cáp và bền vững, góp phần cho những công
trình kiến trúc này sống mãi với thời gian.
Để
vừa đáp ứng về mặt nghệ thuật, đền tháp Chăm Vijaya ở Bình Định vừa phải đáp
ứng đầy đủ các yếu tố tôn giáo trên các công trình kiến trúc, đáp ứng tư duy
tâm linh, tuân thủ các giáo lý, giáo luật, các vật thờ và con vật thờ của các
giáo phái Bà La Môn, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người Chăm Vijaya
mà chủ yếu là cho tầng lớp thống trị. Đó là hệ thống chức sắc, tăng lữ, vua
chúa, giới quý tộc. Không những vậy, đúng như quy luật giao lưu, tiếp biến văn
hóa, mặc dù bị chi phối bởi nhu cầu tâm linh của một tôn giáo phụ quyền, du
nhập từ bên ngoài vào, nhưng thật diệu kỳ là các công trình kiến trúc và điêu
khắc tôn giáo của người Chăm Vijaya vẫn không từ bỏ được những yếu tố văn hóa
bản địa, vẫn biểu hiện được tâm thức Núi thiêng và tín ngưỡng phồn thực và thờ
mẫu, là sự kết hợp hoàn hảo giữa tôn giáo Bà La Môn với tín ngưỡng mẫu hệ lâu
đời của người Chăm. Làm cho những công trình kiến trúc và điêu khắc ở đây mang
tính đặc thù riêng có của người Chăm.
Yếu
tố không gian, tỷ lệ, nhịp điệu tạo hình mang lại cho kiến trúc Chăm Vijaya vẻ
đẹp hùng vĩ, thiêng liêng, qua đó biểu hiện một tư tưởng thẩm mỹ hướng thượng,
hàm chứa yếu tố tâm linh, triết lý và quan niệm về cõi thứ ba trong thế giới ba
cõi thiên, địa, nhân của người Chăm, đồng thời dùng sức mạnh của tôn giáo để
gắn kết hòa bình giữa các tiểu quốc của vương triều Vijaya. Yếu tố kết cấu, tỉ
lệ của kiến trúc và yêu cầu về trang trí kiến trúc trong nghệ thuật đền tháp
Vijaya tạo được tầm nhìn rộng và đa chiều, thể hiện tính hòa điệu của tỷ lệ kết
cấu. Các đền tháp Chăm Vijaya ở Bình Định đều chú ý đến các yếu tố về không
gian, luật viễn cận, tỷ lệ, kết cấu kiến trúc phù hợp với nội dung tôn giáo,
vừa tạo nên vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình, vừa đáp ứng tính thiêng. Không gian
trong lòng tháp vừa chật chội, vừa u tối và vút nhọn lên trời cao. Trong lòng
tháp chật chội chỉ để đủ cho các tăng lữ chức sắc vào làm lễ một cách huyền bí.
Với
mục đích thờ phụng, cũng là nơi ở của thần linh, đền tháp Chăm Vijaya không chỉ
là biểu tượng mang nội dung núi - thần, nơi ngự trị của các thần linh nói
chung, mà là biểu tượng mang nội dung phồn thực trong tín ngưỡng bản địa. Qua
đó thể hiện sự hài hòa giữa chức năng thẩm mỹ và chức năng tín ngưỡng trong nghệ
thuật kiến trúc đền tháp Chăm Vijaya.
Tuy
chịu sự quy định chặt chẽ của các chức năng, nhưng điêu khắc Chăm Vijaya cũng
có giá trị độc lập nhất định. Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của chức
năng kiến trúc, điêu khắc đền tháp Chăm Vijaya thể hiện đồng thời nhiều nguyên
tắc bố cục và là một sự vận dụng vừa hợp lý vừa đa dạng, đảm bảo các đặc tính trong sự thống nhất của nghệ thuật điêu khắc
trang trí kiến trúc Chăm nói chung, vừa thể hiện được những nét riêng của thời
kỳ sản sinh ra chúng.
5.
Hiện nay, với thực trạng xuống cấp trầm trọng của các đền tháp Chăm ở Bình
Định, cộng với việc trùng tu, tôn tạo chưa khoa học và sự kết hợp giữa các ban
ngành liên quan chưa có sự đồng bộ nên việc giữ gìn, tôn tạo những giá trị vật
chất cũng như tinh thần và cả những giá trị nghệ thuật của tháp đang là một vấn
đề được đặt ra cấp thiết. Mặc dù cả 13 đền tháp Chăm Vijaya trên đất Bình Định
hiện nay đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia nhưng việc giữ gìn,
tôn tạo và phát huy hết những giá trị văn hóa cũng như giá trị nghệ thuật của
các đền tháp Chăm Vijaya rất cần đến sự quan tâm của các cấp quản lý cũng như
đội ngũ các nhà khoa học chuyên nghiên cứu văn hóa Chăm. Cần phải thực hiện
chương trình tôn tạo, chống xuống cấp di tích đền tháp một cách đồng bộ. Cần
kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực hiện trùng tu và các nhà khoa học bảo tàng,
càng không thể thiếu sự góp sức của các nhà khoa học chuyên ngành kiến trúc và
mỹ thuật, làm sao để hệ thống đền tháp Chăm trên đất Bình Định mãi mãi là những
viên ngọc sáng không chỉ của người Chăm, mà là di sản văn hóa quốc gia và của
cả nhân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Phan Quốc Anh (2001), “Vài nét về văn hóa truyền thống Chăm
(từ góc nhìn văn hóa Đông Nam Á)”, Tạp chí Nghiên
cứu Đông Nam
Á, số 5, tr.27.
2.
Phan Quốc Anh (2006), Nghi
lễ vòng đời của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận, NBX Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
3.
Phan Xuân Biên (1993), “Văn hóa Chăm, những yếu tố bản địa và
bản địa hóa”, Tạp chí Dân tộc học, số
1, tr.7.
4.
Nguyễn Tiến Cảnh (3/2008), “Nghệ thuật
Chăm”, tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật số
1, tr.3.
5.
Ch. Lemire - người dịch: Trương Yến Nhân (1890), Các tháp Chàm tại tỉnh Bình Định, NXB
Thuộc địa, Sài Gòn, Thư viện tỉnh Bình Định.
6.
Ch. Lemire –người dịch: Trương Yến Nhân (1993), “Các đền đài Chàm ở Bình Định”, Tạp chí
Văn hóa Bình Định, đặc san chuyên ngành – Sở văn hóa thông tin Bình Định,
tr.35.
7.
Doãn Chính (1999), Lịch
sử triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
8.
Phan Huy Chú (1972), Lịch
triều hiến chương loại chí Tập 1 Dư địa chí – nhân vật chí (phần phủ Hoài Nhơn),
NXB Sử học, Hà Nội.
9.
Ngô Văn Doanh (1998), Danh
thắng và kiến trúc Đông Nam Á, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
10.
Ngô Văn Doanh (2010), “Pho tượng đá chùa Phật Lồi – tác phẩm
điêu khắc đặc biệt thể hiện thần Shiva của nghệ thuật Chăm”, tạp chí Di sản văn hóa vật thể, số 3 (32),
tr.60.
11.
Ngô Văn Doanh (1994), “Pho tượng mới phát hiện ở Bình Định và
vấn đề tượng chân dung trong nghệ thuật Chăm”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1993, Viện khảo cổ học, NXB
KHXH, Hà Nội.
12.
Ngô Văn Doanh (9/2008), “Hai tác phẩm điêu khắc đá Chămpa ở
Bình Định”, Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật, số 3, tr.17.
13.
Ngô Văn Doanh (2007) “Diện mạo một thời phát triển rực rỡ của
văn hóa Chăm”, Tạp chí Văn hiến Việt Nam,
số 4, tr.20.
14.
Ngô Văn Doanh (2002), Văn
hóa cổ Chămpa, NXB Văn hóa dân tộc, TP Hồ Chí Minh.
15.
Ngô Văn Doanh (2009), Thánh
địa Mỹ Sơn (tái bản lần thứ bảy), NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
16.
Ngô Văn Doanh – Nguyễn Thế Thục (2004), Điêu khắc Chămpa, NXB Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội.
17.
Phạm Đức Dương (2000), Văn
hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
18.
Dorohiem-Dohamide (1965), Dân
tộc Chàm lược sử, In lần thứ nhất, Sài Gòn, Tài liệu lưu trữ tại thư viện
Bình Định.
19.
Phan Văn Dốp (1993), Tôn
giáo của người Chăm ở Việt Nam, Luận án Phó tiến sĩ Khoa học lịch sử, Viện
khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh.
20.
Nguyễn Tiến Đông (1997), “Văn hóa Chăm từ các nhà khảo cổ học
Pháp đến các nhà khảo cổ Việt Nam”, Tạp chí
Văn hóa nghệ thuật, số 11, tr.27.
21.
Huỳnh Thị Được (2004),
Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng.
22.
Hội đồng Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã
hội tại TP Hồ Chí Minh (2008), Lịch sử
Việt Nam - tập 1, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
23.
H. Parmentier - người dịch khuyết danh (1909), Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ,
tư liệu đánh máy, Lưu trữ tại thư viện Ninh Thuận.
24.
Jeanne Leuba-người dịch khuyết danh (1923), Một vương quốc đã bị diệt vong - người Chàm và nghệ thuật Chàm, NXB Quốc
gia về nghệ thuật và lịch sử, Tài
liệu lưu trữ tại thư viện tỉnh Bình Định.
25.
J. Boisselier - người dịch khuyết danh (1963), Nghệ thuật tạc
tượng của nước Chămpa, bản dịch đánh máy, Tư liệu Viện khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh.
26.
Nguyễn Đình Khoa (1983), Nhân
chủng học Đông Nam Á, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
27.
Nguyễn Hồng Kiên (2000), “Đền tháp Chămpa”, Tạp chí Kiến trúc, số 4, tr.50.
28.
Vũ Tam Lang (1999), Kiến
trúc cổ Việt Nam, NXB Xây dựng, Hà Nội.
29.
Phạm Đức Mạnh (1985) “Suy nghĩ về không gian văn hóa của Sa
Huỳnh và về Sa Huỳnh”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1, tr.37.
30.
Maspéro. G. L - bản dịch đánh máy của Đào Từ Khải ( 1928), Vương quốc Chămpa (Le royaume du Champa),
NBX Paris.
31.
Văn Món (1996), “Một loại hình tín
ngưỡng dân gian Chàm độc đáo”, tạp chí Dân tộc học, số 2, tr.71.
32.
Phạm Hữu Mý (1995), Điêu
khắc đá Chămpa, Luận án phó tiến sĩ khoa học lịch sử, Viện khoa học Xã hội
tại TP Hồ Chí Minh.
33.
Nguyễn Xuân Nhân (2011),
“Nguồn gốc người H’Rê”, Tạp chí Văn
nghệ Bình Định, số 85, tr.107.
34.
Nguyễn Xuân Nhân (2007), “Văn hóa cảng thị trên đất Bình
Định”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật Bình Định, số 6, tr.42.
35.
Nhiều tác giả (2009), Người Chăm, NXB Thông tấn, Hà Nội.
36.
Nguyễn Văn Ngọc, (2007), “Vài cảm nhận về bảo tồn và phát huy
giá trị di sản văn hóa Chăm ở Bình Định”, Tạp chí Khoa học và công nghệ, số Xuân Đinh Hợi, tr.30.
37.
Lương Ninh (2006), Vương
quốc Chămpa, NXB ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
38.
Hà Văn Phùng (2007), “Đề cử tháp Chăm Bình Định là di sản văn
hóa thế giới có tính khả thi”, Tạp chí Văn
hiến, số 4, tr.17.
39.
Lê Đình Phụng (2007) “Tháp
Chăm ở Bình Định yếu tố văn hóa nội sinh và ngoại sinh”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 6, tr.46.
40.
Lê Đình Phụng (2005), Tìm
hiểu lịch sử kiến trúc tháp Chămpa, NXB Văn hóa – Thông tin và Viện Văn
hóa, Hà Nội.
41.
Lê Đình Phụng (2002),
Di tích văn hóa Chămpa ở Bình Định, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
42.
Sakaya (2010), Văn hóa
Chăm nghiên cứu và phê bình, NBX Phụ nữ, Hà Nội.
43.
Hà Sơn (2008), Những
nền văn minh thất lạc, NXB Hà Nội, Hà Nội.
44.
Sở Khoa học công nghệ và môi trường - Sở Văn hóa thông tin (2000), Bình Định danh thắng và di tích, NXB
Bình Định, Bình Định.
45.
Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm (1975), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội.
46.
Quách Tấn (1967), Nước
non Bình Định, NXB Nam Cường, Sài Gòn.
47.
Nghiêm Thẩm (1962), “Tôn giáo của người Chàm tại Việt Nam”,
Tạp chí Quê hương, số 4, tr.215.
48.
Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ
sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
49.
Từ Trai - Nguyễn Tạo dịch (1963), Đại Nam nhất thống chí quyển chín Tỉnh Bình Định, Nha văn hóa – Bộ
quốc gia giáo dục ấn hành, Sài Gòn.
50.
Nguyễn Xuân Tiên (2007), “Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đền
tháp Chămpa”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật,
số 5, tr.59.
51.
Lưu Trần Tiêu, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Quốc Hùng (2000), Giữ gìn những kiệt tác kiến trúc trong nền
văn hóa Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
52.
Tylor E. B bản dịch của Huyền Giang (2000), Văn hóa nguyên thủy, NXB Tạp chí Văn hóa
Nghệ thuật, Hà Nội.
53.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (2005), Địa chí Bình Định tập Thiên nhiên dân cư và hành chính, NXB Quy
Nhơn, Bình Định.
54.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (2006), Địa chí Bình Định tập Lịch sử, NXB Đà Nẵng, Bình Định.
55.
Ủy ban Khoa học xã hội – Viện Đông Nam Á (1988), Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội.
56.
Viện khoa học xã hội Việt Nam Viện khảo cổ học Nguyễn Duy
Hinh (1992), Tháp cổ Việt Nam, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
57.
Viện Đông Nam Á – Ngô Văn Doanh (1994), Tháp cổ Chămpa sự thật và huyền thoại, NXB Văn hóa – Thông tin Hà
Nội, Hà Nội.
58.
Trần Quốc Vượng chủ biên (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
59.
Trần Bá Việt chủ biên (2007), Đền tháp Chămpa bí ẩn xây dựng, NXB Xây dựng, Hà Nội.
60.
Will Durant - bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (1992), Lịch sử văn minh Ấn Độ, NXB Trung tâm
thông tin - Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.
Internet
61.
Phan Quốc Anh (2002), Những đặc trưng của lễ hội Kate, website Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Truy cập: 13:58, Thứ ba,
09 Tháng 11 2010, Nguồn: http://www.vanhoanghethuat.org.vn/2002.02/phanquocanh.htm
62.
Lâm Tấn Bình (2009), Văn hóa của người Chăm là một phần tinh hoa
của dân tộc, website inrasara, Truy cập: 13:58, Thứ ba, 09 Tháng 11 2010, Nguồn:http://inrasara.com/2009/12/04/lam-t%E1%BA%A5n-binh-van-hoa-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-cham-la-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-tinh-hoa-van-hoa-dan-t%E1%BB%99c/
63.
Trần Kim (2010), Tháp Chăm-
những viên ngọc lung linh tỏa sáng trên đất võ, website
Thông tin Du lich Việt Nam, Truy cập: 13:58, Thứ ba, 09
Tháng 11 2010, Nguồn: http://www.thongtindulichvietnam.com/Thap-Cham-những-vien-ngọc-lung-linh-tỏa-sang-tren-đất-Vo.html
64.
Trần Phương Kỳ (7/2001), Di sản nghệ thuật Chămpa tại miền Trung – Việt Nam, Tạp chí
Du lịch số
6, Nguồn: danangpt.vnn.vn
65.
Lê Đình Phụng (2007), Giá trị văn hóa của các tháp Chăm Bình Định,
Nguồn: baobinhdinh.com.vn
66.
Nguyễn Thanh Quang (2007), Rắn Naga: Yếu tố văn hóa Khmer trong điêu
khắc Chăm tháp Dương Long, Báo Bình Định, Cập nhật: 9: 51’ 3/4/2007 (GMT + 7), Nguồn: baobinhdinh.com.vn. http://www.baobinhdinh.com.vn/thapcham/2007/4/41337/
67.
Lê Bá Thảo (2009), Trích tài liệu liên quan đến Dãy Trường Sơn từ cuốn Thiên nhiên Việt Nam,
1990, Nguồn: http://www.vacne.org.vn/default.aspx?newsid=513
(Cập nhật ngày: 18/08/2009 21:13:00)
68.
Hồ Thùy Trang (2009), Macara trong điêu khắc Chămpa, Báo Văn
hiến Việt Nam, Nguồn:http://vanhien.vn/doc-theo-dat-nuoc/tu-trong-di-san/300-
Hình ảnh minh họa
69.
Bản
đồ hành chính tỉnh Bình Định (2011), Nguồn:http://www.google.com.vn/search?tbm=isch&hl=vi&source=hp&biw=819&bih=432&q=b%E1%BA%A3n+%C4%91%E1%BB%93+t%E1%BB%89nh+B%C3%8Cnh+%C4%90%E1%BB%8Bnh&gbv=2&oq=b%E1%BA%A3n+%C4%91%E1%BB%93+t%E1%BB%89nh+B%C3%8Cnh+%C4%90%E1%BB%8Bnh&aq=f&aqi=&aql=&gs_sm=e&gs_upl=4422l11391l0l12094l49l17l0l0l0l0l0l0ll0l0
70.
Linh Linh (2011), Kỳ bí tháp Chăm Bình Định, Cập nhật:
05/07/11 | 09:15,
Nguồn:http://www.kienthucgiadinh.com.vn/website/ky_bi_thap_cham_binh_dinh.news
71.
NTO.vn tổng hợp (2007), Tháp Thủ Thiện – Di tích Chăm bị hoang phế
theo năm tháng, Nguồn: http://www.nto.com.vn/?m=kt&idn=2326
72.
Thu Hằng (2011), Tháp Chăm – những viên ngọc lung ling tỏa sáng trên đất võ, Nguồn:http://www.caudulich.com/component/khampha/?khamphaTask=khamphaDetails&catid=659&khamphaId=184
PHẦN PHỤ LỤC