LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG GỐM BÀU TRÚC
Tư liệu của Phan Quốc Anh
Thôn Bàu Trúc trong quá trình hình thành và phát
triển cũng đa dạng phức tạp như bao làng Chăm khác ở Ninh thuận. Người Chăm bàu
Trúc thuộc dòng Chăm vùng núi và biển mà hiện nay họ còn biểu hiện rõ nét trong
tục cúng tế tổ tiên dòng núi (atâu cơk) và dòng biển (atâu tathik). Họ còn tự
nhận là cư dân bản địa ở vùng châu thổ Panduranga- Champa cổ xưa, định
cư ở đồng bằng làm lúa nước. Làng Chăm thường lấy tên của các gò ruộng đặt tên
cho làng (paley) của mình. Chẳng hạn như làng Hữu Đức (Ninh Phước - Ninh Thuận)
có địa danh gốc theo tiếng Chăm là “Paley Hamu Taran” có nghĩa là “làng ở vùng
đồng bằng lớn” (Paley – Làng, Hamu – Ruộng, Taran – Đồng bằng); Làng Như Ngọc
(Ninh Phước - Ninh Thuận) có địa danh gốc là “Paley Tadra” có nghĩa là “làng ở
vùng ven núi” … Làng Bàu Trúc cũng đời trong trường hợp như vậy.
Hiện nay người Chăm Bàu Trúc tự nhận là con cháu của
Pô Klong Chang – một quan cận thần của vua Chăm Pô Klong Giarai (1151-1205). Họ
còn kể răng chính Pô Klong Chang đã giúp dân Bàu Trúc thoát khỏi cảnh lầm than
đói khổ, đưa dân làng đến định cư ở cánh đồng “Hamu Trok” và dạy dân đào đất
sét làm gốm. Do đó người dân nơi đây coi Pô Klong Chang là tổ sư của nghề gốm
và lập hẳn một đền để thờ ngài. Từ đó cứ “mẹ truyền con nối”, nghề gốm Báu Trúc
còn bảo lưu truyền thống đến ngày nay.
“Paley Hamu Trok” định cư tại
một cánh đồng ruộng trũng chưa lâu thì vào năm 1964 (năm Giáp Thìn) một trận lũ
lụt lớn xảy ra ở Phan Rang cuốn trôi tất cả nhà cửa, trâu bò… Người dân Bàu
Trúc lại dời làng lên một cánh đồng ruộng trũng “Paley Hamu Trok” đến định cư
thành một làng mới tại một gò đất cao, cạnh một bàu nước gọi là Bàu Trúc ngày
nay. Thế nhưng địa danh Bàu Trúc chưa được dùng để ghi vào giấy tờ hành chính
nhà nước mà nó chỉ là tên gọi dân gian của người Việt để chỉ làng gốm người
Chăm Ninh Thuận. Tên hành chính của làng Bàu Trúc chính thức là Vĩnh Thuận bắt
đầu từ thời Minh Mạng. Từ đó đến nay thôn Vĩnh Thuận có nhiều biến đổi trong
việc phân chia trực thuộc địa giới hành chính, có lúc thuộc phủ, đạo, huyện,
thị trấn… Từ thời Minh Mạng tính đến 1954 (chấm dứt thời Pháp thuộc) thì thôn
Vĩnh Thuận có lúc thuộc phủ Bình Thuận, Phủ Ninh Thuận, đạo Phan Rang…Từ 1954 –
1975, thời Mỹ - Ngụy nền hành chính có sự thay đổi thì thôn Vĩnh Thuận lại
thuộc xã Phước Hậu (Phước Hữu), quận An Phước, tỉnh Ninh Thuận. Từ năm 2000 đến nay, làng
Bàu Trúc được quy hoạch thành khu phố thuộc thị trấn Phước Dân, nhưng người Bàu
Trúc vẫn còn bảo lưu nguyên vẹn nghề gốm cổ
truyền từ ngàn xưa - làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á.
Hiện nay mặc dù làng gốm Chăm Bàu Trúc – Ninh Thuận đã trải qua một
quá trình biến đổi lịch sử, bị sự tác động bởi thiên nhiên và con người nhưng
trong tâm thức của người Chăm vẫn giữ nguyên địa danh truyền thống và họ vẫn tự
gọi thôn, làng của họ là “Paley Hamu Trok” hoặc “Paley ngak gok” (Làng làm
gốm). Trước đây sản phẩm làng gốm chủ yếu vẫn là sản phẩm gốm gia dụng (lu,
thạp, siêu thuốc, bếp lò, chậu, khuôn bánh… ); nhưng kể từ năm 1999, tôn trọng phương thức sản xuất cũ
của gốm Bàu Trúc (kỹ thuật không bàn xoay, nung lộ thiên, dùng nguyên liệu cát,
đất sét và nước ở địa phương) họa sĩ tài ba Sỹ Hoàng đã trau chuốt phần thiết
kế mẫu mã hướng đến tính trang trí, mỹ thuật, thể nghiệm đính cườm, buộc lụa,
và ông đã dấn thêm một bước khá táo bạo - mở cuộc triển lãm hơn 800 sản phẩm gốm Chăm có tên
“Điểm của một thời” (2001) tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc triển lãm tạo được tiếng
vang lớn, bộ mặt Bàu Trúc đã thay đổi, sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm trang trí của
bàu Trúc đã ra đời từ đó và phát triển đến ngày nay.
Phan Quốc Anh