Làng nghề gốm cổ truyền Bàu Trúc và vấn đề xây dựng điểm đến du lịch
Phan Quốc Anh[1]
Tóm tắt: Văn
hoá Chăm luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hoá. Những ai nghiên cứu về văn
hoá Chăm mà chưa đến làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc coi như chưa hiểu về văn hoá
Chăm. Cách đây hơn 10 năm, chỉ có các nhà nghiên cứu dân tộc học, các thầy
giáo, sinh viên các trường Mỹ thuật tìm đến Bàu Trúc để tìm hiểu, sưu tầm tư
liệu và nghiên cứu. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của tỉnh
Ninh Thuận, thôn Bàu Trúc đang được đầu tư xây dựng điểm đến trong các tuor du
lịch.
Từ khóa: Làng
nghề, nghề truyền thống, gốm Bàu Trúc, Văn hóa Chăm,
1. Vài nét về làng nghề gốm
Bàu Trúc
1.1. Làng nghề cổ truyền và
sản phẩm gốm tiêu dùng
Cũng như các làng Chăm khác trong khu vực, quá trình hình thành và phát triển của thôn Bàu Trúc cũng đã trải
qua những bước thăng trầm của lịch sử. Người Chăm thôn
Bàu Trúc thuộc cả hai dòng Chăm núi (atâu cơk) và Chăm biển (atâu tathik) mà hiện nay còn phân biệt biểu hiện rõ nét trong các
tục tế, thực hành các nghi lễ, nhất là các lễ RiJa. Người Chăm Bàu Trúc tự
nhận là cư dân bản địa ở vùng châu thổ Panduranga cổ xưa, định cư ở đồng bằng làm lúa nước. Trước kia, người Chăm thường
lấy tên của các gò ruộng đặt tên cho paley (làng)
của mình. Chẳng hạn như làng Hữu Đức (Ninh Phước - Ninh Thuận) có địa danh gốc
theo tiếng Chăm là “Paley Hamu Taran” có nghĩa là “làng ở vùng đồng bằng lớn”
(Paley – Làng, Hamu – Ruộng, Taran – Đồng bằng); Làng Như Ngọc (Ninh Phước -
Ninh Thuận) có địa danh gốc là “Paley Tadra” có nghĩa là “làng ở vùng ven núi”
… Làng Bàu Trúc cũng được đặt tên trong trường
hợp như vậy. Người Chăm Bàu Trúc tự nhận là con cháu của Pô
Klong Chang – một quan cận thần của vua Chăm Pô Klong Giarai (1151-1205). Họ
còn kể răng chính Pô Klong Chang đã giúp dân Bàu Trúc thoát khỏi cảnh lầm than
đói khổ, đưa dân làng đến định cư ở cánh đồng “Hamu Trok” và dạy dân đào đất
sét làm gốm. Do đó người dân nơi đây coi Pô Klong Chang là tổ sư của nghề gốm
và lập hẳn một đền để thờ ngài. Từ đó cứ “mẹ truyền con nối”, nghề gốm Báu Trúc
còn bảo lưu truyền thống đến ngày nay[2]. Tuy nhiên đây chỉ là truyền
thuyết, vì trong thực tế, nghề làm gốm cổ truyền của người Chăm có từ sau công
nguyên, trong khi Po Klong Chang là nhân vật của thời Po Klongirai, thế kỷ thứ
XII.
Theo các cụ già kể lại, “Palei Hamu
Trok” trước kia ở tại một cánh đồng ruộng trũng gần làng Bàu Trúc bây giờ.
Nhưng vào năm 1964 (năm Giáp
Thìn) một trận lũ lụt lớn xảy ra ở Phan Rang cuốn trôi tất cả nhà cửa, trâu bò…
Người dân Bàu Trúc lại dời làng “Palei Hamu
Trok” đến định cư tại một gò đất cao, cạnh một bàu nước gọi là Bàu Trúc ngày
nay. Đã từ rất
lâu, người ta vẫn gọi theo cách gọi dân gian để chỉ làng gốm cồ truyền của người Chăm
là thôn Bàu Trúc. Trong thực tế địa
danh Bàu Trúc chưa
từng được dùng để ghi vào giấy tờ
hành chính nhà nước.
Tên hành chính của làng Bàu Trúc này chính thức là thôn Vĩnh
Thuận có từ thời Minh Mạng. Từ đó đến nay thôn Vĩnh
Thuận có nhiều biến đổi trong việc phân chia trực thuộc địa giới hành chính, có
lúc thuộc phủ, đạo, huyện, thị trấn…Từ thời Minh Mạng cho đến năm 1954, thôn Vĩnh Thuận có lúc thuộc phủ Bình Thuận, Phủ Ninh
Thuận, đạo Phan Rang…Từ 1954 – 1975, thời Mỹ - Ngụy nền hành chính có sự thay
đổi thì thôn Vĩnh Thuận lại thuộc xã Phước Hậu (Phước Hữu), quận An Phước, tỉnh
Ninh Thuận. Từ năm 2000 đến nay, làng Bàu Trúc được quy hoạch thành các khu phố thuộc thị trấn Phước Dân. Nhưng người dân ở Ninh Thuận
vẫn gọi là thôn (hay làng Bàu Trúc), người Chăm thì vẫn gọi là Palei Hamu
Trok hoặc Palei ngak
gok (làng làm
gốm) và người Bàu Trúc vẫn bảo
lưu nguyên vẹn nghề gốm cổ truyền từ ngàn
xưa – được các
nhà nghiên cứu cho là làng gốm cổ
xưa nhất Đông Nam Á.
Về mặt khoa học, chưa có đầy
đủ chứng cứ để khẳng định nghề làm gốm của người Bàu Trúc có tự năm nào. Các
nhà khoa học chỉ dựa vào phương pháp làm gốm từ nhào đất, nặn gốm cho đến việc
nung gốm quá thủ công, công cụ quá thô sơ, khó có thể tìm thấy một làng làm gốm
nào ở Đông Nam Á thủ công hơn ở làng Bàu Trúc. Có lẽ vì vậy nên người ta xếp
nghề làm gốm ở thôn Bàu Trúc vào loại cổ nhất Đông Nam Á chăng?
Làng gốm Bầu Trúc nằm trong vùng lòng chảo
được bao quanh bởi những dãy núi nên mùa mưa thường gây ra lũ lụt và phù sa bồi
tụ lâu năm tạo thành các lớp đất sâu ở triền sông Quao. Chính nơi đây đã hình
thành các mỏ đất sét mịn màng, có độ dẻo cao. Bên dưới lòng sông Quao lại có
những dải cát trắng hạt nhỏ - những nguyên liệu cần thiết để tạo thành gốm Bầu
Trúc mà không nơi nào có được. Loại đất sét này khi nung rất dẻo và bền. Người Chăm khai thác nguyên liệu ở cánh đồng đất sét, đây là khu
ruộng gò có diện tích khoảng 20 ha nằm ngay triền sông, cách làng khoảng 4 km.
Vào mùa khô, bề mặt ruộng nứt nẻ như lưới nhện. Sau khi cào đi phần đất mặt
thường pha lẫn rễ lúa, cỏ dại, sẽ lấy phần thứ hai (độ dày từ 20 - 40 cm) là
phần tinh của đất sét. Phần sâu hơn, đất dính bùn non, cũng không làm gốm được.
Đất chuyển về tiếp tục được phơi nắng để thật khô (3, 4 ngày) đem xếp cất để sử
dụng dần. Cùng với việc chọn đất và chọn cát. Cát lấy từ triền sông (thường là
sau mùa lũ) hạt cát nhỏ, mịn, đều nhau, màu vàng nhạt, không pha tạp chất. Người Chăm dùng
chân để đạp, nhào trộn đất cho thật mịn, sau đó đặt trên một cái lu hay cái
chậu gốm lộn ngược để làm đe rồi thực hiện động tác nặn sản phẩm gốm. Hầu hết
thợ gốm là phụ nữ. Vì không có bàn xoay nên người thợ gốm phải tự mình xoay
vòng tròn theo chiều kim đồng hồ để vuốt cho sản phẩm có độ tròn. Người thợ
dùng một cái vòng để gọt cho sản phẩm dày hay mỏng đều. Các hoa văn trên sản
phẩm gốm được các nghệ nhân sử dụng đa phần là các loại que, cây, răng lược, quả
dại, hoa dại, vỏ sò, vỏ ốc có các hình đều nhau tạo nên những hoa văn hình học
v.v…do không có bàn xoay nên độ tròn đều và tính mỹ thuật hoàn toàn phụ thuộc
vào tài năng, tâm hồn của nghệ nhân khi nặn gốm. Để làm tăng độ láng, người
Chăm không sử dụng men mà dùng vải nhúng nước để chà láng. Vì nung lộ thiên
bằng rơm, bằng củi trên một bãi trống, phụ thuộc vào độ nóng, độ gió và chiều
gió nên sản phẩm khi nung xong có độ chín không đều, chỗ đen đậm, chỗ vàng. Tất
cả tính nghệ thuật thủ công ấy đã tạo nên những sản phẩm gốm có tính độc bản
cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Bằng kỹ thuật thủ công hoàn toàn, gốm Bầu
Trúc được ngợi ca như một sản phẩm ''ấm bàn tay con người nhất''. Và đó chính là yếu
tố quan trọng nhất để nghề làm gốm của người Chăm nổi tiếng, và là cái đáng bảo
tồn nhất.
Biết bao
năm tồn tại, sản phẩm làng gốm của người
Chăm Bàu Trúc chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng. Có thể chia các sản phẩm gốm tiêu dùng theo các loại như sau: Loại nồi lớn: loại này có kích thước lớn dùng để nấu ăn cho
nhiều người, đáy tròn, miệng hẹp khum thấp, thân tròn và phình rộng; Loại nồi niêu nhỏ: dùng nấu nướng
hàng ngày, miệng rộng loe hoặc hơi loe, cổ ngắn, thân hơi phình rộng ở giữa và
đáy tròn; Loại lu,
thạp, khương: thường là các đồ đựng có kích thước lớn, đáy hơi tròn, miệng đứng
hoặc khum, cổ đứng vai xuôi và thân tròn; Loại nồi thấp (chõ), ấm nấu nước, lò (than, củi): loại này
có quai, chân đế, miệng khum rộng đáy hơi bằng. Các loại gốm gia dụng như lu, thạp, nồi, niêu, trả, siêu nấu thuốc nam, bếp lò, chậu, khuôn đúc bánh căn, bánh xèo v.v…để cung cấp cho cộng đồng các dân tộc quanh vùng, kể
các một số tỉnh Tây Nguyên. Với sản phẩm thủ công, độ nung thấp nên độ cứng bền
của sản phẩm không cao. Hàng tiêu dùng nhôm, nhựa ngày càng nhiều chủng loại
nên đồ gốm tiêu dùng ngày càng khó tiêu thụ. Đa số các hộ làm gốm đều nghèo.
Nghề gốm dần trở thành nghề phụ. Người dân Bàu Trúc phải đi sản xuất nông
nghiệp như trồng lúa, chăn nuôi gia súc.
1.2. Bước phát triển làng nghề gốm mỹ nghệ
Hoạ sĩ
Đàng Năng Thọ là người con Chăm của thôn Bàu Trúc được đào tạo tại Trường Đại
học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những người đầu tiên sử dụng
chất liệu đất nung gốm để làm các tác phẩm mỹ thuật như tháp Chàm, các loại tượng
Chăm. Các tác phẩm tranh và tượng màu đất nung của anh đã đạt nhiều giải thưởng
mỹ thuật quốc gia và quốc tế. Triển lãm của anh tại Hà Nội đã gây sự chú ý
trong giới mỹ thuật và anh đã được mời tham dự triển lãm tại Ấn Độ. Hàng năm, các
giảng viên, sinh viên mỗi kỳ lễ hội Ka tê lại về Ninh Thuận tìm hiểu về mỹ
thuật cổ truyền Chăm và vào năm 1999, họa sĩ Sỹ Hoàng đã trau chuốt phần thiết kế mẫu mã
hướng đến tính trang trí, mỹ thuật, thể nghiệm đính cườm, buộc lụa, và ông đã
dấn thêm một bước khá táo bạo - mở cuộc triển lãm hơn 800 sản phẩm gốm Chăm có
tên “Điểm của một thời” năm 2001 tại TP Hồ
Chí Minh. Cuộc triển lãm tạo được tiếng vang lớn, sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm
trang trí của bàu Trúc đã ra đời từ đó và ngày càng phát triển. Làng nghề gốm Bàu Trúc từ đây đã thêm một nghề mới - nghề thủ công mỹ
nghệ gốm. Các loại tượng Chăm, bình hoa, bình phong thuỷ, đèn trang trí ngoài
trời v.v…được sáng tác ngày càng nhiều. Một số doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ
nghệ ra đời và đã có những chuyến hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Hợp tác xã gốm
Bàu Trúc được thành lập. Thương hiệu “Gốm Bàu Trúc” được xây dựng. Nhà nước đầu
tư xây dựng Nhà trưng bày và tạo nhiều cơ chế chính sách để phát triển nghề làm
gốm. Hàng năm nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm tham gia
các hội chợ thương mại, hội chợ termar, hội chợ du lịch. Sản phẩm gốm mỹ nghệ
ngày càng được ưa chuộng và sức tiêu thụ ngày càng tăng. Tuy nhiên, với một mặt
hàng dễ vỡ, đòi hỏi rất công phu khi vận chuyển, mặc dù mẫu mã ngày càng được
cải tiến, một số sản phẩm được thu nhỏ, được làm chắc chắn hơn, bền đẹp hơn
nhưng việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn hơn so với các sản phẩm nhẹ, dễ vận
chuyển như sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề Mỹ Nghiệp.
2.
Những quan điểm về bảo tồn và phát triển.
Về lĩnh vực kinh tế, với mong muốn
tạo điều kiện để bà con phát triển có thu nhập ngày càng cao bằng nghề làm gốm,
các nhà quản lý ở Ninh Thuận như ngành nông nghiệp, ngành công thương, ngành
khoa học và công nghệ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều phương án, đề
án như đưa công cụ máy móc hiện đại vào các cung đoạn sản xuất gốm. Lò nung gốm
đã được xây dựng, thậm chí đã trình đề án xây dựng xưởng sản xuất gốm bằng công
nghệ mới. Tuy nhiên, về lĩnh vực văn hoá, với trách nhiệm bảo tồn nghề truyền
thống, chúng tôi không đồng tình với quan điểm hiện đại hoá nghề làm gốm cổ
truyền Bàu Trúc. Bởi lẽ, nghề gốm Bàu Trúc nổi tiếng bởi phương pháp thủ công,
thô sơ, bởi tính độc bản của sản phẩm gốm và gần đây là những sản phẩm gốm mỹ
nghệ. Mỗi sản phẩm gốm đều chứa đựng tâm hồn, tình cảm và sự sáng tạo của nghệ
nhân nặn gốm. Sản phẩm gốm tiêu dùng ngày càng ít người sử dụng và rất khó tiêu
thụ, khó có thể cạnh tranh với các mặt hàng gốm sứ công nghiệp. Theo chúng tôi,
nên bảo tồn phương pháp thủ công từ hàng nghìn năm trước mà cho đến nay, người
dân Chăm Bàu Trúc vẫn còn lưu giữ được. Giá trị của làng nghề gốm cổ truyền Bàu
Trúc nằm ở yếu tố văn hoá là chính và trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn.
Sản phẩm gốm hiện nay tiêu thụ được chủ yếu là các tác phẩm mỹ thuật với chất
liệu là đất nung. Còn nếu đưa công nghệ hiện đại vào thay thế phương pháp thủ
công, hãy xây dựng nhà máy gốm sứ công nghiệp ở một nơi khác bên ngoài làng
nghề Bàu Trúc.
Trong nhiều năm qua, quan điểm giữa
bảo tồn, phát huy, phát triển làng nghề gốm của các nhà quản lý kinh tế và các
nhà quản lý văn hoá chưa gặp nhau. Cũng rất may mắn là Bộ Văn hoá – Thông tin
trước đây, hiện nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Chương trình mục
tiêu quốc gia về bảo tồn làng cổ. Ngành văn hoá Ninh Thuận đã đưa làng nghề gốm
Bàu Trúc vào danh mục làng cổ để bảo tồn. Đặc biệt, năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch đã đưa “Nghệ thuật làm gốm của làng Bàu Trúc, huyện Ninh Phước,
tỉnh Ninh Thuận” vào 1 trong 12 di sản cần lập hồ sơ để đệ trình Unessco công
nhận là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Việc lập hồ sơ đang
trong giai đoạn mở đầu. Để được công nhận là di sản văn hoá của nhân loại,
trước hết phải lập hồ sơ để được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt.
Thấy được giá trị của làng nghề làm
gốm cổ truyền của người Chăm thôn Bàu Trúc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Ninh Thuận đã đưa thôn Bàu Trúc vào đề án xây dựng điểm đến du lịch, xây dựng
mô hình du lịch homestay ở đây. Nhà trưng bày, trình diễn làm gốm được xây
dựng. Hợp tác xã gốm Bàu Trúc được hình thành, thương hiệu gốm Bàu Trúc đã được
Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Năm 2012, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh
Thuận đã đầu tư xây dựng đội văn nghệ dân gian Chăm thôn Bàu Trúc với sự tham
gia của các nghệ nhân Chăm trong thôn để phục vụ du khách. Khách du lịch đến
thôn Bàu Trúc ngày càng nhiều.
3.
Một số đề xuất về bảo tồn và phát triển nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc
Với một di sản độc đáo được bảo tồn
hàng nghìn năm, nghề gốm cổ truyền Bàu Trúc ngày càng được nhiều người biết
đến. Sau khi đưa làng nghề vào tuor du lịch, khách du lịch trong và ngoài nước
đến với Bàu Trúc ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để đạt các tiêu chí điểm đến du
lịch, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để
văn hoá và kinh tế đồng hành cùng phát triển. Hiện nay, chính quyền địa phương
cũng như người dân chưa xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển. Cần có một
đề án cụ thể với sự tham gia của các ngành để tổ chức thực hiện.
Về mặt kinh tế, cần đầu tư cải tiến
mẫu mã sản phẩm và nghiên cứu thị trường hướng đến khách hàng. Sản phẩm gốm
phục vụ khách du lịch cần phải đa dạng. Sản phẩm gốm phải được kết hợp giữa
tiêu dùng và mỹ nghệ. Các hoa văn trên sản phẩm phải mang tính đặc trưng hoa
văn Chăm gắn với tín ngưỡng Chăm như hình thần Shiva, tín ngưỡng phồn thực, âm
dương v.v…Tâm lý khách du lịch mua sắm là những vật lưu niệm gọn nhẹ, có hộp
bảo quản, dễ mang theo và đặc biệt là phải có tên thương hiệu. Chúng ta đã có
thương hiệu “Gốm Bàu Trúc” được công nhận, nhưng hiện nay chưa ai đề chữ “Gốm
Bàu Trúc” lên sản phẩm gốm.
Về lĩnh vực văn hoá, với sự chủ trì
của Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam và Cục Di sản văn hoá, cần khẩn trương xây
dựng hồ sơ di sản “Nghệ thuật làm gốm cổ truyền của người Chăm Bàu Trúc” để
công nhận là di sản văn hoá đặc biệt trước khi đệ trình lên Unessco công nhận
là di sản văn hoá của nhân loại. Đây là một yếu tố rất quan trọng không chỉ với
ý nghĩa bảo tồn di sản mà còn là điều kiện tốt nhất để phát triển du lịch.
Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với chính quyền địa phương để
xây dựng đầy đủ các tiêu chí điểm đến du lịch. Nhà nước cần đầu tư xây dựng một
mô hình khuôn viên nhà ở cổ truyền của người Chăm, đồng thời cũng là nhà nghỉ
qua đêm cho khách du lịch trong mô hình homestay. Cần đầu tư duy trì hoạt động
của đội văn nghệ dân gian Chăm tại chỗ, với mô hình gọn nhẹ, vừa biểu diễn văn
nghệ, vừa hướng dẫn cho khách du lịch tham gia chơi nhạc cụ Chăm, hát dân ca
Chăm, múa quạt truyền thống Chăm, cùng thao tác nặn sản phẩm gốm Chăm v.v…Công
tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch cần được chú trọng.
Với một di sản quý báu như nghệ
thuật làm gốm Chăm của thôn Bàu Trúc, nếu có sự đầu tư đúng hướng của nhà nước
và quan trọng hơn là ý thức tự quản, tự vươn lên của người dân, chắc chắn làng
nghề gốm Bàu Trúc sẽ phát triển, nghề làm gốm truyền thống được bảo tồn, kinh
tế, xã hội sẽ ngày càng phát triển.
[1] TS. Giám đốc Sở Văn hoá,
Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS tỉnh Ninh
Thuận.
[2] Theo truyền thuyết, ông tổ nghề gốm Bầu Trúc
là Po Klaung Chan, người bạn chí cốt của Vua Po Klaung Garai từ thời niên
thiếu. Po Klaung Garai lúc sinh thời mình đầy ghẻ lác, đi ở đợ chăn trâu. Một
hôm đàn trâu bị lạc, Po Klaung Garai đi tìm thì gặp Po Klaung Chan, hai người
kết thân với nhau. Lúc bấy giờ, Po Klaung Garai quyết định bỏ đàn trâu, trốn
chủ và cả hai rủ nhau đi buôn trầu. Trên đường đi, khi đến hòn đá chẻ thuộc
làng Chung Mỹ ngày nay, Po Klaung Garai cảm thấy đau nhức toàn thân, không thể
đi tiếp. Po Klaung Chan thương bạn nhưng không biết phải làm gì, đành bỏ bạn ở
lại rồi chạy về nhà báo tin cho cha mẹ bạn biết. Đến chiều tối, khi Po Klaung
Chan cùng gia đình Po Klaung Garai trở lại thì thấy một con rồng đang liếm toàn
thân Po Klaung Garai. Và mầu nhiệm thay, ghẻ lác trên người Po Klaung Garai
biến mất, ông trở thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú... Khi trở thành vua
xứ Pandarang, nhớ đến tình bạn cao đẹp ngày xưa, Po Klaung Garai mời Po Klaung
Chan về triều phong chức tước, nhưng Po Klaung Chan từ chối. Ông trở về quê,
tập họp dân làng dạy nghề gốm. Nhớ công ơn to lớn của bậc tiền hiền, dân làng
lập đền thờ Po Klaung Chan ngay tại làng cũ Hamu Crok, tôn vinh ông là Thần
làng và tổ sư nghề gốm. Từ bao đời nay, hằng năm người Chăm Bầu Trúc đều tổ
chức 4 lễ cúng tế trang trọng thần Po Klaung Chan vào 4 thời điểm khác nhau.