“Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai (qua nghiên cứu trường hợp ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận)”.

Luận văn thạc sỹ, Tác giả Nguyễn Văn Linh, Hướng dẫn: PGS.TS Phan Quốc Anh. 2015

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Dân tộc Raglai là một dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người Raglai sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng và đông nhất ở các huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, chiếm khoảng 50% dân số. Là một dân tộc thiểu số nhưng người Raglai đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính bản địa đặc trưng của cư dân nông nghiệp nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Có thể nói, văn hóa Raglai như một bông hoa lạ nhưng cũng đầy màu sắc, ngát hương thơm của núi rừng Nam Trung bộ. Nền văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng, độc đáo của văn hóa Việt Nam.


Trải qua quá trình lịch sử, văn hóa của người Raglai chịu ảnh hưởng khá nhiều văn hóa của các dân tộc cận cư, cộng cư như Việt, Chăm, Churu... nhưng văn hóa Raglai vẫn mang nhiều sắc thái riêng biệt, độc đáo, đa dạng của văn hóa tộc người và văn hóa vùng cao miền núi phía Tây Nam Trung bộ. Đặc biệt, người Raglai vẫn bảo lưu được một nền văn hóa cổ truyền với những lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống của người Raglai phần lớn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu và đều liên quan đến nghi lễ nông nghiệp. Tiêu biểu như lễ cúng rẫy đầu năm, lễ xin tỉa lúa, lễ cúng lúa ra đòng đòng, lễ rước lúa mẹ và lễ ăn lúa mới.
Từ căn bản tín ngưỡng đối với hồn lúa, đối với lúa mẹ trong mối tương quan đến việc thờ thần núi, thần rừng, thờ tổ tiên ông bà đã hình thành nên một hệ thống lễ nghi mà chúng ta gọi là lễ nghi nông nghiệp. Trong số các nghi lễ nông nghiệp kể trên, đáng chú ý là lễ hội Ăn đầu lúa được tổ chức 5 hay 7 năm một lần. Đây là lễ hội quan trọng của người Raglai. Lễ hội được tiến hành sau khi thu hoạch, sau mùa vụ, trong lúc nông nhàn, lúc thời tiết bước vào tiết xuân. Phần lễ diễn ra chặt chẽ, trang nghiêm, thể hiện sự thành kính của con người đối với trời đất, thần linh, tổ tiên. Phần hội diễn ra sôi nổi, hội tụ các loại hình văn hóa, nghệ thuật, mang đậm tính truyền thống và tính sinh hoạt cộng đồng. Lễ hội Ăn đầu lúa có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Raglai. Đã có một số bài viết và công trình nghiên cứu lễ hội Ăn đầu lúa một cách chung chung xét trên ba phương diện: nội dung, hình thức, tiến trình…, nhưng chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu lễ hội Ăn đầu lúa của tộc người Raglai ở một địa phương cụ thể. Việc người Raglai tin tưởng rằng lúa có hồn và việc thờ lúa mẹ nói chung thống nhất nhau giữa các vùng nhưng sự thể hiện niềm tin này dưới hình thức lễ nghi nông nghiệp có thể có sự khác nhau đôi chút giữa các địa phương và các dòng họ. Để đi sâu tìm hiểu vấn này, chúng tôi chọn đề tài “Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai (qua nghiên cứu trường hợp ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận)”.
Hơn nữa, tác giả luận văn đã công tác lâu năm trong ngành văn hóa ở Ninh Thuận, nhận ra những giá trị văn hóa của văn hóa Raglai. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tộc người thiểu số này ở Ninh Thuận là cần thiết và cấp bách. Việc quan tâm nghiên cứu lễ hội Ăn đầu lúa một cách khoa học nhằm phát huy tính nhân văn của lễ hội và văn hóa Raglai, đồng thời cũng từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ít nhiều còn xuất hiện trong đời sống tộc người Raglai. Qua đây, chúng tôi cũng muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho tỉnh nhà trong lĩnh vực khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Raglai ở Ninh Thuận.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Dân tộc Raglai sinh sống ở sườn đông cuối dãy Trường Sơn, thuộc những vùng núi cao các tỉnh cực Nam Trung bộ nên điều kiện giao thông đi lại khá khó khăn. Chính vì vậy, so với các tộc người khác, văn hóa Raglai ít được các nhà khoa học quan tâm đầu tư nghiên cứu. Ở Nam Trung bộ, trong khi các nhà khoa học tập trung nghiên cứu văn hóa Chăm, có cả một Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm với hàng nghìn công trình nghiên cứu đã công bố thì ngược lại, văn hóa Raglai vẫn còn như một khu rừng nguyên sinh ít người đặt chân tới, chưa có nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu xứng đáng với tầm vóc mà cộng đồng người Raglai cũng như khoa học nghiên cứu văn hóa tộc người đòi hỏi.
Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai. Những công trình mang tính nhận diên, giới thiệu khái quát theo góc nhìn dân tộc học như: Công trình Người Raglai ở Việt Nam của Nguyễn Tuấn Triết, Nxb Khoa học xã hội, xuất bản năm 1991 [58]; công trình Tìm hiểu phong tục Việt Nam, nếp cũ, tết, lễ, hội hè của Toan Ánh, Nxb Thanh niên, xuất bản năm 1992 [3]; công trình Văn hóa và xã hội người Raglai Việt Nam của Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ, Nxb Khoa học xã hội, xuất bản năm 1998 [7].
Những công trình mang tính chất nhận diện, giới thiệu khái quát các lĩnh vực chung liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của dân tộc Raglai như: Công trình Luật tục Raglai của Nguyễn Thế Sang, Nxb Văn hóa dân tộc,  xuất bản năm 2005 [41] là cuốn sách song ngữ Việt – Raglai, đã khái quát chung nhất về luật tục, quy ước hương ước ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa xã hội của người Raglai. “Đời sống tâm linh của tộc người Raglai được phản ánh rõ nét trong nghi lễ cầu cúng qua vòng đời người và vòng đời cây lúa, tác động chi phối phong tục tập quán, những điều kiêng cữ, cấm kỵ và nhất là trong luật tục – tức chi phối trực tiếp đến mọi hoạt động của con người” [41, tr. 11].
 Công trình Yếu tố biển trầm tích trong văn hóa Raglai của Trầm Kiêm Hoàng (chủ biên), Chamaliaq Riya Tiẻng, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, xuất bản năm 2012 [21], giới thiệu khái quát về văn hóa ẩm thực trong lễ hội truyền thống như lễ vật dâng cúng thần linh, từ đó làm rõ thêm về nguồn gốc, bản chất và nội dung của việc thờ cúng thần linh trong tín ngưỡng – tôn giáo, trong đời sống tâm linh và trong lễ hội dân gian của người Raglai.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên có những công trình nghiên cứu như: Trang phục cổ truyền Raglai, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, xuất bản năm 2001 [26], khái quát chung về vấn đề địa lý, dân cư, điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội và trang phục truyền thống, hiện đại của người Raglai hiện nay.
Công trình Pô anai tang di tích, lễ hội của người Raglai, Nxb Dân trí, xuất bản năm 2010 [27], ở công trình này, tác giả Nguyễn Hải Liên đã cho ta cái nhìn khá đầy đủ về lễ hội dân gian của người Raglai mà trực tiếp là người Raglai ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc người Raglai và tộc người Chăm. Tuy nhiên, công trình này cũng chưa đề cập sâu về vể hội Ăn đầu lúa của người Raglai.
Công trình Văn hóa gia tộc Raglai góc nhìn từ nghệ nhân, Nxb Khoa học xã hội, xuất bản năm 2011 [31], tìm hiểu năm gia tộc tiêu biểu của người Raglai ở Ninh Thuận, công trình này chủ yếu ghi nhận về vấn đề văn hóa tâm linh, văn hóa sinh hoạt, văn hóa sản xuất, văn hóa xã hội và một số gia tộc tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa.
Công trình Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai cực Nam Trung bộ của Nguyễn Hải Liên và Hoài Sơn, Nxb Thế giới, xuất bản năm 2010 [29], đề cập sâu đến các loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai, giới thiệu sơ bộ về một số lời văn cúng tế trong lễ hội Ăn đầu lúa.
Công trình Hát kể truyện cổ Raglai của Nguyễn Hải Liên và Sử Văn Ngọc, Nxb Đại học Quốc gia, xuất bản năm 2010 [30], giới thiệu khái quát về âm nhạc, trang phục, lễ hội, văn chương truyền miệng, đặc biệt giới thiệu khá đầy đủ hai truyện hát – kể về tình yêu đôi lứa, về ước vọng làm giàu, từ nghiệp trao đổi, bán buôn, về cái thiện và cái ác đan xen của một thời đầy rẫy bùa ngải và phép thuật của người Raglai sinh sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.
Cuốn Văn hóa Raglai những sắc màu của Lê Ngọc Luyến, Xí nghiệp in Phan Rang, xuất bản năm 2005 [34], cho thấy những phát hiện mới về di sản văn hóa của người Raglai và những giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa.
Công trình Văn hóa Raglai những gì còn lại của Phan Quốc Anh, Nxb Văn hóa dân tộc, xuất bản năm 2007 [2], là công trình khoa học mang tính chất điều tra, thống kê và có đi sâu vào một số lĩnh vực trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai thuộc phạm vi tỉnh Ninh Thuận, tuy có nêu về lễ hội Ăn đầu lúa nhưng mới ở mức độ giới thiệu khái quát.
Công trình Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm – Raglai Ninh Thuận của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu, Thập Liên Trưởng, Phạm Văn Thành, Nxb Nông nghiệp, xuất bản năm 2010 [55] đã đi sâu và tập trung nghiên cứu về lễ nghi nông nghiệp thuần túy của tộc người Chăm và Raglai ở Ninh Thuận. Cuốn sách tuy có đề cập đến lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai nhưng cũng mới chỉ nêu khái quát.
Ngoài ra có một số bài viết đăng trên các tạp chí khoa học giới thiệu đến lễ ăn đầu lúa, ăn mừng lúa mới. Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về lễ hội Raglai chỉ dừng lại ở những mức độ mưu tả, ghi chép, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu về lễ hội Ăn đầu lúa.
Tuy vậy, những công trình và tài liệu của người đi trước là tư liệu tham khảo để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu đề tài lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai với một cái nhìn sâu sắc, toàn diện và đầy đủ hơn.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu sâu về quan niệm tín ngưỡng, nhân sinh quan thế giới quan, qua đó hiểu thêm về phong tục tập quán, đời sống vật chất tinh thần của người Raglai.
Đề tài hướng đến mục đích nghiên cứu sâu lễ hội Ăn đầu lúa, qua đó xác định những giá trị văn hóa nhân văn, vai trò, vị trí của lễ hội trong đời sống tâm linh của người Raglai.
Qua nghiên cứu lễ hội Ăn đầu lúa tác giả luận văn cũng cố gắng tìm ra nguy cơ mai một của bản sắc dân tộc của người Raglai, từ đó đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để có các phương pháp bảo tồn tốt hơn các giá trị văn hóa của một tộc người chưa thật sự được nhiều ngành, nhiều cấp quan tâm đến.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến đề tài.
Khảo sát, thống kê, tổng hợp, so sánh, phân tích và lý giải những vấn đề trong lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai qua góc nhìn văn hóa học.
4. Phạm vi đối tượng nghiên cứu
4.1. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là vùng đồng bào Raglai cư trú ở Ninh Thuận. Trong đó phạm vi nghiên cứu chính là nghiên cứu trường hợp lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở palei Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Tà Nôi là palei Raglai khá hẻo lánh, giao thông đi lại còn khó khăn, cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống và vẫn còn tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa theo định kỳ nên chúng tôi lựa chọn palei Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận để nghiên cứu đề tài này.
4.2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính là lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở palei Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và một số palei Raglai ở 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là những huyện có đông người Raglai cư trú.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu đề tài này, tác giả luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành trong văn hóa học, trong đó phương pháp nghiên cứu văn hóa học là trọng tâm. Ngoài ra có sử dụng phương pháp hỗ trợ như dân tộc học, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng.
Tác giả luận văn sử dụng phưng pháp điền dã, ghi chép, phỏng vấn sâu, thu thập tư liệu tại chỗ và sưu tầm các tư liệu thành văn liên quan đến đề tài. Sau đó sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt trong lễ hội Ăn đầu lúa ở các vùng khác nhau trong cộng đồng dân tộc Raglai ở Ninh Thuận.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Thông qua thực hiện đề tài, tác giả luận văn mong muốn tìm hiểu sâu về lễ hội Ăn đầu lúa, hy vọng bổ sung một số tư liệu điền dã vào kho tàng tư liệu khoa học văn hóa Raglai. Qua đề tài, tác giả luận văn cố gắng tìm các luận cứ, luận chứng để chứng minh và khẳng định vai trò các giá trị văn hóa, nhân văn của lễ hội Ăn đầu lúa trong hệ thống lễ hội của người Raglai.
Thông qua việc sử dụng phương pháp nghiên cứu văn hóa học, tác giả luận văn mong muốn tìm hiểu, bước đầu giải mã những sự vật, hiện tượng diễn ra trong lễ hội Ăn đầu lúa, cũng như quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan của người Raglai.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu (9 trang), phần Kết luận ( 5 trang), Chú thích (…trang), Tài liệu tham khảo (…trang), phần Phụ lục (…trang), luận văn chính gồm ba chương sau:
Chương 1: Tổng quan đề tài nghiên cứu
1.1. Cơ sở lý luận về lễ hội
1.2. Khái quát về Ninh Thuận
1.3. Khái quát về dân tộc Raglai
Tiểu kết chương 1
Chương 2: Diễn trình lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai palei Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận
2.1. Khái quát về lễ hội của người Raglai
2.2. Khái quát palei Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận
2.3. Diễn trình lễ hội Ăn đầu lúa
2.4. Một vài so sánh với lễ hội Ăn đầu lúa trong địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Tiểu kết chương 2
Chương 3: Bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa dân tộc Raglai
3.1. Những giá trị văn hóa trong lễ hội Ăn đầu lúa của dân tộc Raglai
3.2. Những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa của dân tộc Raglai
3.3. Những định hướng, giải pháp và khuyến nghị để bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai tỉnh Ninh Thuận.
Tiểu kết chương 3




CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1.1. Cơ sở lý luận về lễ hội
1.1.1. Khái niệm lễ hội và tín ngưỡng dân gian
1.1.1.1. Khái niệm về “lễ”
Trong tiếng Hán - Việt, Lễ chính là những khuôn mẫu của người xưa đã quy định; các phép tắc buộc phải tôn trọng, tuân theo trong các mối quan hệ xã hội. Đó chính là rường mối, cơ tầng, nền tảng của mọi mối quan hệ giữa người với người trong bất kỳ một xã hội nào.
Theo quan niệm của người xưa, Lễ được coi là những phép tắc theo khuôn mẫu đã được hình thành và củng cố theo thời gian, được quy định một cách chặt chẽ từ “quan - hôn - tang - tế” đến đi đứng, nói năng, cư xử hàng ngày của mọi người dân. Đây là những quy định, lễ nghi, phép tắc buộc mỗi con người phải tuân theo trong các mối quan hệ ứng xử trong xã hội. Dưới thời phong kiến, các nhà Nho quan niệm rằng: Lễ nghĩa thiên chi tự. Theo họ, Lễ vốn là trật tự, là chữ đã định sẵn của Trời, cần phải có và không thể đảo ngược. Cuộc sống xã hội của con người cần có lễ để phân biệt, giữ gìn tôn ty trật tự trong mối quan hệ đa chiều luôn diễn ra trong đời sống xã hội. Lễ được coi là cơ sở của một xã hội có tổ chức và đã phát triển đến trình độ nào đó. Đối với mỗi người, lễ thể hiện sự tôn kính, thái độ ứng xử của con người đối với đồng loại. Lễ nhằm phòng ngừa những hành vi và tình cảm không chính đáng. Lễ không chỉ quy định chi tiết về thái độ, cử chỉ bên ngoài mà còn tạo điều kiện hình thành một trạng thái tinh thần tương ứng trong mỗi con người. Lễ cũng đồng thời trở thành phương tiện để tự sửa mình, điều chỉnh mình cho đúng mực, hoàn thiện hơn. Những biểu hiện của lễ bao giờ cũng tương xứng với tuổi tác, vị thế và vai trò, điều kiện của cá nhân nào đó trong các mối quan hệ gia đình và xã hội của con người đó.
Trong “Từ điển hội lễ Việt Nam” của Bùi Thiết, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội (2000) thì “Lễ được hiểu là các hoạt động đã đạt đến trình độ lễ nghi” [51, tr. 5].
Tác giả Dương Văn Sáu trong cuốn “Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch”, cho rằng:
Nghi lễ là những ứng xử của các tầng lớp nhân dân dành cho thần, hướng về thần trong mối quan hệ “Người - Thần” vốn luôn tồn tại trong tâm thức và hành động của mọi người, mọi thời đại. Nghi lễ còn là hình thức, biện pháp tiến hành trong các hoạt động xã hội của con người nhằm đối ứng và tương thích với đối tượng thờ cúng, với vị thế xã hội, môi trường sống của những người tổ chức tiến hành hoạt động nghi lễ [44, tr. 27].
GS.TS Ngô Đức Thịnh, cho rằng:
Lễ là một hiện tượng tổng thể, không phải là thực thể chia đôi (phần lễ và phần hội) một cách tách biệt như một số học giả đã quan niệm mà nó được hình thành trên cơ sở một cốt lõi nghi lễ tín ngưỡng nào đó (thường là tôn thờ một vị thần linh lịch sử hay một vị thần linh nghề nghiệp nào đó) rồi từ đó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng sinh hoạt văn hóa, phái sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội. Cho nên trong lễ hội, phần lễ là phần gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phái sinh tích hợp [54, tr. 303].
Như vậy, với những cách định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu rằng Lễ là những nghi thức tiến hành theo những quy tắc, luật tục nhất định mang tính biểu trưng để đánh dấu, kỷ niệm một sự kiện, nhân vật nào đó nhằm mục đích cảm tạ, tôn vinh, ước nguyện về sự kiện, nhân vật đó với mong muốn nhận được sự may mắn tốt lành, nhận được sự giúp đỡ từ những đối tượng siêu hình mà người ta thờ cúng.
1.1.1.2. Khái niệm về “hội”
Trong tiếng Việt, Hội là danh từ để chỉ sự tập hợp một số cá nhân vào trong một tổ chức nào đó, tồn tại trong một không gian và thời gian cụ thể. Tác giả Bùi Thiết cho rằng: “Hội là các hoạt động lễ nghi đã phát triển đến mức cao hơn, có các hoạt động văn hóa truyền thống” [51, tr. 5].
Hội chỉ sự liên kết giữa các cá nhân, tổ chức có chung mục đích hoặc các mục đích gần giống nhau. Hội còn được coi là cuộc vui tổ chức cho đông đảo người đến dự theo phong tục tập quán, hay phong trào, trào lưu ở một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển xã hội. Hội bao giờ cũng mang tính chất công cộng cả về tư cách tổ chức lẫn mục đích cần đạt được của những người tổ chức và tham dự.
Hội là sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, sự bình yên cho từng cá nhân, hạnh phúc cho từng gia đình, sự vững mạnh cho từng dòng họ, sự sinh sôi nảy nở của gia súc, sự bội thu của mùa màng mà từ bao đời nay quy tụ niềm mơ ước chung vào bốn chữ “nhân khang, vật thịnh”.
Hội là tập hợp những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của một cộng đồng dân cư nhất định; là cuộc vui tổ chức cho đông đảo người dự theo phong tục truyền thống hoặc nhân những dịp đặc biệt. Những hoạt động diễn ra trong hội phản ánh điều kiện, khả năng và trình độ phát triển của địa phương, đất nước ở vào thời điểm diễn ra các sự kiện đó.
1.1.1.3. Khái niệm Lễ hội
Trong những năm vừa qua, đồng thời với việc nghiên cứu về lễ hội thì các quan niệm về lễ hội cũng được quan tâm nhất định. Tuy nhiên qua nhiều công trình nghiên cứu về lễ hội, việc bàn đến khái niệm lễ hội không nhiều. Lễ hội là một khái niệm được tiếp cận trên những góc độ khác nhau.
Tác giả Bùi Thiết, cho rằng: “Hội lễ là cách gọi cô đọng nhằm để chỉ toàn bộ các hoạt động tinh thần và ứng xử, phản ánh những tập tục, vật hiến tế, lễ nghi dâng cúng, những hội hè đình đám của một cộng đồng làng xã nhất định” [51, tr. 5].
GS.TS Ngô Đức Thịnh, cho rằng:
Lễ là một hiện tượng tổng thể, không phải là thực thể chia đôi (phần lễ và phần hội) một cách tách biệt như một số học giả đã quan niệm mà nó được hình thành trên cơ sở một cốt lõi nghi lễ tín ngưỡng nào đó (thường là tôn thờ một vị thần linh lịch sử hay một vị thần linh nghề nghiệp nào đó) rồi từ đó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng sinh hoạt văn hóa, phái sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội. Cho nên trong lễ hội, phần lễ là phần gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phái sinh tích hợp [53, tr. 303].
Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa dân gian nguyên hợp mang tính cộng đồng cao của các tầng lớp nhân dân, diễn ra trong những chu kỳ về không gian và thời gian nhất định để tiến hành những nghi thức mang tính biểu trưng về sự kiện nhân vật được thờ cúng. Những hoạt động này nhằm để tỏ rõ những ước vọng của con người, để vui chơi giải trí trong cộng đồng. Lễ hội là những hoạt động, những sinh hoạt văn hóa mà ở đó có sự gắn kết không thể tách rời của cả nội dung và hình thức của hai thành tố cơ bản là lễ và hội. Từ tình hình trên, chúng ta có thể nhận thấy một cách khái quát rằng: Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng diễn ra trên địa bàn dân cư trong thời gian và không gian xác định; nhằm nhắc lại một sự kiện, nhân vật lịch sử hay huyền thoại; đồng thời là dịp để biểu hiện cách ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên, thần thánh và con người trong xã hội.
Cuối cùng, người viết đồng ý với kết luận của GS.TS Trần Ngọc Thêm, ông cho rằng:
Lễ hội là hệ thống phân bố theo không gian: vào mùa xuân và mùa thu, khi công việc đồng án rảnh rỗi nhất, lễ hội diễn ra liên tiếp hết chỗ này đến chỗ khác, mỗi vùng có lễ hội riêng của mình. Lễ hội có phần lễ và phần hội: Phần lễ mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin thần linh bảo trợ cho cuộc sống của mình. Phần hội gồm các trò vui chơi giải trí hết sức phong phú. Xét về nguồn gốc, phần lớn các trò chơi này đều xuất phát từ những ước vọng thiêng liêng của con người nông nghiệp [49, tr. 303].
Như vậy, lễ hội là hoạt động của một tập thể người liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Lễ hội bao gồm hai thành tố là lễ và hội kết hợp giữa tín ngưỡng và vui chơi, giữa con người và thần linh, giữa thế giới âm và dương để thông qua đó con người có thể bày tỏ niềm mong ước của mình vào các vị thần linh. Đồng thời, thỏa mãn khát vọng trở về cội nguồn và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh cũng như nhu cầu giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
1.1.1.4. Khái niệm về tín ngưỡng dân gian
Có nhiều khái niệm về tín ngưỡng dân gian mà đến nay chưa thống nhất. Có người cho rằng: Tín ngưỡng là niềm tin vào cõi thiêng, thuộc về đời sống tinh thần của con người, tín ngưỡng hình thành trên cơ sở sự ngưỡng vọng vào “cái thiêng” đó. GS.TS Ngô Đức Thịnh, cho rằng:
Tín ngưỡng là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào những cái “siêu nhiên” hay gọi là “cái thiêng” cái đối lập với cái “trần tục”, cái hiện hữu mà con người có thể sờ mó, quan sát được. Niềm tin vào “cái thiêng” thuộc về bản chất con người, nó ra đời và tồn tại, phát triển cùng với con người và loài người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng giống như đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm [54, tr. 207].
Và theo tác giả Trần Bình Minh, cho rằng:
Tín ngưỡng dân gian là những hình thái tôn giáo sơ khai, chúng được hình thành trên cơ sở những tâm cách nguyên thủy (primitive mentality) để nhận thức hiện thực và tác động đến hiện thực bằng các kỷ xảo (các biện pháp ma thuật của thuyết hồn linh). Tín ngưỡng “dân gian” ở đây nhằm phân biệt với tín ngưỡng, tôn giáo chính thống của những xã hội đã có nhà nước (trước khi có nhà nước, chưa có sự phân biệt giữa văn hóa dân gian và văn hóa nhà nước, chưa có sự phân biệt giữa tín ngưỡng dân gian và tôn giáo chính thống [35, tr.23].



1.1.2. Phân loại Lễ hội
GS.TS Ngô Đức Thịnh, cho rằng:
Từ nhiều năm nay, giới nghiên cứu về lễ hội nước ta, từ nhiều góc độ khác nhau, cố gắng đưa ra một cách phân loại lễ hội sao cho thỏa đáng nhất. Trước hết người ta căn cứ vào nội dung phản ánh của lễ hội để chia đây là lễ hội nông nghiệp, kia là lễ hội anh hùng lịch sử, còn kia nữa là lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng... Căn cứ vào phạm vi to nhỏ để phân đâu là hội làng, hội vùng và hội của cả nước...; rồi lại căn cứ vào thời gian mở hội để chia ra lễ hội mùa xuân, lễ hội mùa thu, hay nơi tổ chức ở chùa, đền hay đình... Cách phân chia nào cũng có mặt hợp lý, nhưng cũng đều không tránh được những chồng chéo, bất hợp lý của nó [53, tr. 303].
Như vậy, việc phân loại lễ hội tùy thuộc vào cách tiếp cận và tiêu chí đưa ra của mỗi nhà nghiên cứu. Chúng tôi, phân chia theo nội dung phản ánh của lễ hội: Lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo và lễ hội vòng đời.
Lễ hội nông nghiệp: Lễ hội nông nghiệp có liên quan đến các nghi thức cầu cúng, tế lễ trong đó có sử dụng các nghi thức để cầu mùa, cầu mưa, cầu tạnh, tạ ơn. Nội dung và hình thức của nó chứa đựng những yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến diện mạo đời sống của cư dân nông nghiệp, nhằm phản ánh cuộc sống của nhà nông trong quá trình làm ăn, sinh hoạt, cải tạo tự nhiên, xây dựng bản làng. Lễ hội nông nghiệp rất phong phú đa dạng và được mở theo mùa, theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp, theo thời vụ làm ăn của từng địa phương mà chủ yếu là vào cuối vụ thu hoạch. Lễ hội nông nghiệp được bắt nguồn từ nông nghiệp và phục vụ mục đích nông nghiệp nên trong tâm thức của người nông dân mở hội cũng là một công việc cần thiết và quan trọng như bất kỳ khâu sản xuất nào trong quá trình làm ăn. Các nghi lễ diễn ra với mong muốn cầu mong tổ tiên và các lực lượng siêu nhiên trợ giúp cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, âm dương tương hợp, tạ ơn thần thánh, trời đất, tổ tiên mang lại mùa màng phong đăng, sau đó là những vui chơi, giao tiếp tận hưởng những ân đức mà trời đất, thần thánh mang lại.
Lễ hội theo tôn giáo: Lễ hội tôn giáo là những lễ hội gắn liền với các cộng đồng tín đồ tôn giáo, như: lễ Giáng sinh (25/12) còn gọi là lễ Noel; lễ hội của Phật giáo có Lễ Đản sinh (15/4 âm lịch), lễ Vu Lan (15/7 âm lịch); lễ kỷ niệm khai sáng Phật giáo Hòa Hảo; lễ hội của Phật giáo Cao đài. Đồng thời nhân đấy có thể là dịp hội hè, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của quần chúng nhân dân sở tại. Hoặc, đó là các lễ hội mang màu sắc đặc thù của phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng riêng thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số. Như vậy, lễ hội theo tín ngưỡng tôn giáo là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân.
Lễ hội vòng đời: Có hai lễ hội chủ yếu mà các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường tổ chức là lễ hôi vòng đời cây lúa và lễ hội vòng đời người. Những nghi lễ liên quan đến vòng đời cây lúa và vòng đời người của các dân tộc đều có mục đích, ý nghĩa giống nhau, thể hiện giá trị văn hóa nhân văn của con người với con người, con người với tự nhiên và xã hội.
Như vậy, có thể thấy việc phân loại lễ hội còn nhiều ý kiến khác nhau nên việc phân loại lễ hội trên đây cũng chỉ mang tính tương đối. Nhưng dù sao việc phân loại lễ hội sẽ giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu đánh giá về nội dung lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai. Từ đó tìm ra những yếu tố tích cực và cả những yếu tố lỗi thời, lạc hậu để đưa ra những biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.
Qua phân tích, tìm hiểu các khái niệm và phân loại lễ hội, cho thấy lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai là lễ hội nông nghiệp. Tuy không theo chu kỳ một năm một lần nhưng vì nhiều lý do, có thể là lý do kinh tế nên từ chỗ làm lễ một năm một lần, nay rút gọn 5 đến 7 năm một lần. Hiện tượng này cũng như lễ chém trâu ở núi đá trắng của người Chăm ở vùng Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
1.2. Khái quát về Ninh Thuận
Ninh Thuận là một tỉnh của cực Nam Trung Bộ, một vùng thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhưng có bức tranh văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc và mang tính đặc thù.
Từ năm 1693, Ninh Thuận là một Phủ của Bình Thuận gồm hai huyện: Yên Phước và Tuy Phong, ranh giới từ Vĩnh Xương (Khánh Hòa) đến Hòa Đa (Bình Thuận). Năm 1832 Ninh Thuận vẫn là Phủ thuộc Bình Thuận và cũng chỉ có hai huyện: Tuy Phước và An Phước. Đến năm 1914 phần đất có người Việt và người Chăm nhập vào tỉnh Khánh Hòa, phần đất có người thiểu số thuộc tỉnh Bình Thuận. Năm 1922 lại tách phần đất có người Việt, người Chăm thành lập lại tỉnh Phan Rang, gồm: Phủ Ninh Thuận và Phủ An Phước” [60, tr. 5].
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tỉnh Ninh Thuận được chia làm ba huyện: Ninh Hải Hạ, Ninh Hải Thượng và Ninh Sơn. Năm 1946 tại Ninh Thuận thành lập 06 khu hành chính. Năm 1948, vùng Sáu (Cam Ranh) được giao về Khánh Hòa và sát nhập các vùng lại thành lập các huyện Thuận Nam, Thuận Phước và huyện An Phước. Sau năm 1975 Ninh Thuận được sát nhập với Tuyên Đức, Lâm Đồng thành tỉnh Thuận Lâm. Đầu năm 1976 Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy nhập thành tỉnh Thuận Hải. Tháng 4 năm 1992 Thuận Hải lại tách ra làm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận [47, tr. 429].
Ngày nay, Ninh Thuận có 06 huyện và 01 thành phố. Gồm huyện Bác Ái; Ninh Hải; Ninh Phước; Ninh Sơn; Thuận Bắc; Thuận Nam và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; với 402 thôn – khu phố; 65 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh 596.048 người” [10]. Ninh thuận tuy là một tỉnh nhỏ mới được chia tách, nhưng lại có nét riêng biệt khá đặc thù về môi trường tự nhiên sinh thái, về xã hội nhân văn.
1.2.1. Điều kiện tự nhiên
Ninh Thuận là một tỉnh miền Nam Trung Bộ, nằm ở giữa vĩ tuyến 11o 18 và 120 02, giữa kinh tuyến 1080 35 và 109015; phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, Nam giáp tỉnh Bình Thuận, Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp Lâm Đồng. Ba mặt: Bắc, Tây, Nam và một nửa phía Đông bị núi bao bọc, chỉ có một phần phía Đông còn lại hướng mặt ra biển Đông.
Khí hậu ở Ninh Thuận khắc nghiệt, có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau. Ở đây rất ít mưa, chỉ mưa khoảng trên dưới 60 ngày trong phạm vi thời gian 3 tháng trên một năm. Do đó, trữ lượng mưa trung bình hàng năm rất thấp, chỉ có khoảng 600 mm trên một năm. Mặc dù mưa ít nhưng lại thường xuyên gây ra lũ lụt. Ngược lại mùa khô rất nóng kéo dài đến 9 tháng. Nhiệt độ trung bình từ 29 - 330c; độ ẩm 80,3%. Hàng năm mùa khô thường có gió, từ trung tuần tháng 4 dương lịch đến trung tuần tháng 10 năm sau.
Theo nhiều nguồn tư liệu, vùng đất Ninh Thuận được hình thành là kết quả của sự hoạt động kiến tạo địa chất cách đây khoảng 230 triệu năm. Cho đến nay do phải chịu nhiều sự biến đổi về hình thể và sự tác động của địa động, núi lửa nên đã hình thành địa hình Ninh Thuận đa dạng bao gồm: Núi - Đồng bằng - Sông và Biển. Vì vậy, Ninh Thuận có môi trường sinh thái đa dạng, nhưng khắc nghiệt, không thuận lợi cho người dân trong tỉnh hoạt động kinh tế và tạo cho Ninh Thuận có nét văn hóa đặc thù riêng biệt.
Đứng ở Phan Rang - Tháp Chàm nhìn ra thì chúng ta sẽ thấy hệ thống núi non phía Bắc tạo hình lòng máng mà hai bờ máng là dãy núi Đá Mài, núi Kiền Kiền. Phía Tây có núi cao ở các đèo Ngoạn Mục như núi: Gia Rich cao 1720m, núi Hòn Chàm, núi Ka mau…chạy dọc theo biên giới Lâm Đồng và Ninh Thuận. Về phía Đông, giáp biển là Quần Sơn mà chu vi giới hạn là Cam Ranh. Đây là ngọn Quần Sơn dày đặc, núi này nối tiếp núi kia. Như vậy địa thế Ninh Thuận gần như núi bao bọc ở bốn bề xung quanh tạo thành thế lòng máng, cho nên sức gió và các ngọn núi này đã ảnh hưởng đến khí hậu khô, nắng, nóng và ít mưa ở vùng này như hiện nay.
Địa hình thế núi như vậy đã hình thành nên nhiều sông ngòi ở Ninh Thuận và nước mưa từ sườn núi bao quanh chảy dồn xuống thành khe suối, chảy vào rốn thành những lòng chảo ở giữa, tạo nên nhiều sông rạch như: sông Dinh, sông Cái, sông Ma Lâm, sông Quao, sông Lu và hàng ngàn con suối khác chằng chịt như lòng bàn tay xòe ngón chảy về đồng bằng như suối Ma Ty, suối Tía, suối Than, suối Trại Thịt, suối Yahac, suối Dầu, suối Me,… Trong đó chỉ có con sông lớn nhất là sông Dinh, dài khoảng 100 km bắt đầu từ các dãy núi cao ở Tây Bắc với nguồn chính là sông Tô Hạp (ở Khánh Hòa) rồi chảy qua nhiều khe núi và cuối cùng tạo thành nhiều cửa sông đổ ra biển Đông.
Đồng bằng ở Ninh Thuận hầu như nằm ở những chân núi Lâm Viên - Lâm Đồng, núi Cà Đú,... Đồng bằng ở đây được phù sa bồi tụ, một phần là nước mưa xâm thực mạnh vào các sườn núi tạo nên các làng và những dòng sông lớn mang theo phù sa lấp đầy vùng vịnh. Phần khác do vùng này là một lòng chảo, có núi bao bọc cho nên mặt nước ở đồng bằng yên lặng, tuy có phù sa nhưng không màu mỡ. Qua thời gian lâu dài, phù sa đọng lại thành nhiều lớp, lấp đầy vùng vịnh và tạo nên đồng bằng như ngày nay. Do khí hậu khô, nóng nên đồng bằng thường hạn, thiếu nước, đất đai cằn cỗi, rất khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác nơi đây không đáng kể, còn lại phải bỏ hoang vì khô hạn. Diện tích thường xuyên đưa vào canh tác bị hạn chế, còn phần lớn đất đai bỏ hoang vì khô hạn. Cho nên, người dân Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất nông nghiệp ,chăn nuôi.
Biển Ninh Thuận dài 105 km, được giới hạn bắt đầu từ mũi Cà Tiên (Cam Ranh) ở phía Bắc kéo dài đến tận Lạc Nghiệp, Cà Ná huyện Thuận Nam giáp với Bình Thuận về phía Nam. Bờ biển Ninh Thuận cao và dốc, có những bãi cát đẹp, mịn màng như bãi biển Ninh Chử, bãi cát Nam Cương, nhưng cũng có bãi cát lô nhô nằm sát chân núi như bãi biển Cà Ná. Các bãi biển lại nằm sát với cửa sông cho nên rất thuận tiện cho việc tìm nước ngọt. Ngoài những bãi biển đẹp và các cửa sông nước ngọt, biển Ninh Thuận còn có những hòn đảo xếp thẳng hàng, làm bình phong cho bờ phía trong, đó là đảo Hòn Trứng, Hòn Chụt, Hòn Tý, Hòn Sam, Hòn Đỏ. Tuy vậy, đây chỉ là những hòn đảo nhỏ nằm trong diện tích biển rộng, nên mặt biển ở đây trống trải, cộng với vách núi bao quanh chắn gió làm cho bờ biển Ninh Thuận không có gió bão như ở nơi khác. Nói chung môi trường tự nhiên ở Ninh Thuận cũng mang những đặc điểm chung như môi trường Miền Trung Việt Nam. Điều kiện môi trường tự nhiên ấy đã tác động và hình thành nên sắc thái riêng biệt của người Raglai.
1.2.2. Điều kiện xã hội
Ninh Thuận tuy là một tỉnh nhỏ, mới được chia tách từ năm 1992, nhưngtới 27 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đoàn kết, hòa thuận, cùng nhau phát triển. Trong đó có 2 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ dân số cao là dân tộc Chăm 12%, dân tộc Raglai 9%, còn lại các dân tộc thiểu số khác có số lượng rất ít. Từ sau khi đất nước chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nhất là những năm gần đây có sự đầu tư của Nhà nước, đời sống nhân dân đã phát triển rõ rệt. Cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, 100% các làng đều đã có điện, có nước sạch nông thôn, hệ thống thủy lợi, đường giao thông đã hoàn chỉnh, toàn bộ các làng đã phủ sóng phát thanh truyền hình và các xã đều có trường học, trạm y tế. Ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay không còn nhà tranh tạm bợ mà đã có nhà xây kiên cố, đa số các gia đình đã có xe máy, ti vi. Một số gia đình khá giả có tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, trang trí nội thất khá hiện đại. Đội ngũ trí thức người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đông đảo.
Người Việt sống ở Ninh Thuận bằng hai nghề chính là nông nghiệp và ngư nghiệp. Người Việt từ lâu sống ở đồng bằng, làm nghề trồng lúa nước, một số vùng trồng nho, trồng tỏi, chăn cừu, bò, dê…Nhiều vùng ven biển, người Việt phát triển kinh tế từ nghề đi biển, chế biến thủy hải sản. Nhìn chung kinh tế vùng nông thôn của người Việt cũng còn một số khó khăn, phụ thuộc vào thời tiết, một phần cũng do công tác thủy lợi chưa hoàn thiện và đầy đủ.
Người Chăm chiếm đến 50% dân số Chăm ở Việt Nam. Sống ở đồng bằng, sống bằng việc làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước, bên cạnh đó đã phát triển cơ cấu công nông nghiệp, trồng nho, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi. Người Chăm ở Ninh Thuận còn lưu giữ được hai làng nghề nổi tiếng là làng gốm Bầu Trúc và làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và đang lưu giữ những giá trị truyền thống lâu đời nhất của người Chăm ở Việt Nam.
Người Raglai sống ở miền núi, trồng lúa rẫy, bắp, đậu và chăn nuôi bò, cừu, dê. Trước đây người Raglai sống luân canh, du cư trên các rẻo núi cao, những năm ngần đây tỉnh Ninh Thuận đã có kế hoạch đầu tư và phát triển, định canh, định cư cho đồng bào. Tuy nhiên, do điều kiện canh tác ở miền núi khô hạn, nên mặc dù cơ sở hạ tầng đã và đang được hoàn thiện, nhưng đồng bào Raglai vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi sau khi đã được định cư, do thiếu đất sản xuất và chưa quen canh tác lúa nước nên bà con Raglai lại bỏ về núi đốt nương làm rẫy.
1.3. Khái quát về dân tộc Raglai
Raglai là một trong năm tộc người thuộc ngữ hệ Malayo – Polinésien (Nam đảo) ở Việt Nam. Tên tộc người này được các tài liệu phiên âm và dùng các ký tự khác nhau như: Raglai, Radlai, Oranglai, Roglai, Rắclây” [2, tr. 19]. Vì là một thành phần dân tộc trong khối các dân tộc Malayo – Polinésien ở Việt Nam nên người Raglai có mối quan hệ gần gũi về ngôn ngữ, văn hóa với các dân tộc trong khối đó, như Chăm, Êđê, Churu... Địa bàn cư trú lại gần gũi, tiếp giáp, có chỗ đan xen nên giữa người Raglai và các dân tộc đó luôn có quan hệ trên nhiều lĩnh vực sinh hoạt kinh tế, văn hóa – xã hội.
Người Raglai lại chưa có chữ viết nên tư liệu thành văn cổ không có. Những tài liệu nghiên cứu về văn hóa Raglai của các nhà khoa học trong và ngoài nước rất ít, có thể nói là ít nhất trong năm tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Malayo – Polinésien ở Việt Nam [2, tr. 20]
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất nguồn gốc tộc người của các cư dân thuộc nhóm ngữ hệ Malayo – Polinésien ở Việt Nam (Chăm, Raglai, Churu, Êđê, Gia rai). Có hai luận thuyết đáng chú ý. Một luận thuyết cho rằng các tộc người này đều có nguồn gốc hải đảo Đông Nam Á (những giả thuyết này dùng những căn cứ như: hình thuyến trên kagor nhà mồ trong lễ bỏ mả, lễ ăn trâu và một số tư liệu chứng minh họ có nguồn gốc văn hóa biển).
Tác giả Phan Quốc Anh trong công trình Văn hóa Raglai những gì còn lại, cho rằng:
Các nhà khoa học Nga cũng cho rằng các dân tộc Nam đảo di cư từ các đảo vùng biển nam Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Luận thuyết thứ hai cho rằng các dân tộc đều di cư theo đường bộ từ nam Trung Quốc, qua Việt Nam, Lào rồi từ đó di cư ra hải đảo. Gần đây, có ý kiến cho rằng, do trước đây các đảo Đông Nam Á đều dính” với đất liền, các dân tộc Đông Nam Á đều ở đất liền. Qua quá trình tạo sơn, các hải đạo “tách” ra, trôi xa dần đất liền. Một bộ phận dân cư “trôi” theo, trở thành các dân cư hải đảo ngày nay [2, tr. 21].
Quá trình hình thành tộc người của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinésien ở Việt Nam vẫn mới chỉ dùng lại ở một vài giả thuyết. Nhưng rõ ràng, các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ này chắc chắn phải có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển. Trong mối quan hệ với người Churu: người Raglai ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều cho rằng, trước kia người Raglai chỉ cư trú ở vùng phía Tây nam Khánh Hòa, sau đó di cư dần về phía nam. Địa bàn ngày nay người Raglai đang sinh sống ở Ninh Thuận và Bình Thuận là địa bàn cư trú trước đây của người Churu. Vì vậy, giữa văn hóa của người Raglai và người Churu có nhiều nét tương đồng.
Mối quan hệ với người Chăm: hiện nay đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ Chăm – Raglai nhưng có hai quan điểm đáng chú ý. Một là quan điểm của Nguyễn Tuấn Triết trong công trình Người Raglai ở Việt Nam, theo đó, người Raglai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi, cùng nhóm ngữ hệ, nhưng phát triển độc lập với nhau” [59, tr. 28]. Hai là quan điểm của nhóm tác giả trong công trình Văn hóa Raglai những gì còn lại, cho rằng người Raglai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi nhất, gắn bó hữu cơ, lâu dài, toàn diện, ở vị trí tiếp nối và có quan hệ hai chiều. Người Raglai là một tộc người trong thành phần cư dân Chăm Pa cổ đại [2, tr. 23].
Các tác giả của công trình này đã chứng minh luận điểm của mình bằng khối lượng các tư liệu văn hóa truyền thống như tục ngữ, thơ ca, phong tục tập quán, lễ hội, ngôn ngữ, nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi và các loại hình khác.
1.3.1. Dân số, địa bàn cư trú
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Cục Thống kê Ninh Thuận năm 2009, người Raglai ở Việt Nam hiện có 122.245 người, cư trú ở các tỉnh Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng), trong đó, Ninh Thuận có số dân là 58.911 người. Người Raglai mang đầy đủ trên mình những yếu tố văn hóa truyền thống của các dân tộc trong nhóm ngữ hệ Nam Đảo ở Việt Nam. Địa bàn rừng núi – nơi người Raglai sinh sống chính là vùng kháng chiến (khu VI) của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ở địa bàn cực nam Trung bộ.
Trước đây địa bàn cư trú của tộc người Raglai chủ yếu tập trung ở vùng rừng núi và thung lũng ở độ cao trên dưới 500 mét so với mặt nước biển. Do bối cảnh lịch sử thường xuyên xảy ra nhiều sự biến đổi, địa bàn khu vực cư trú của toàn bộ cộng đồng Raglai ngày nay không được đồng nhất mà thường mang tính đặc thù riêng cho từng khu vực địa phương khác nhau. Vì căn cứ vào điều kiện địa lý môi trường và xã hội, một số nhà nghiên cứu như: V.Cobbey, J.L.Shrock, và L.Lee đã chia tộc người Raglai làm hai nhóm Raglai Bắc và Raglai Nam. Nhóm Raglai Bắc cư trú tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây tỉnh Khánh Hòa và trải dài xuống vùng núi phía Bắc tỉnh Ninh Thuận và Đông bắc tỉnh Lâm Đồng. Còn nhóm Raglai Nam phân bố dọc theo phía Đông bắc và Tây bắc tỉnh Ninh Thuận và kéo dài xuống phía Tây và Tây nam tỉnh Bình Thuận (giáp ranh phía Đông tỉnh Lâm Đồng). Với địa bàn cư trú như vậy, tộc người Raglai đã trở thành tộc người cư trú ở vùng đệm tiếp giáp với tộc người Êđê ở phía Bắc; tộc người Churu ở phía Tây; tộc người K’ho ở phía Tây Nam; và tộc người Chăm ở phía Đông. Do đó, nền văn hóa của tộc người Raglai chịu sự tác động bởi quá trình đan xen văn hóa với các tộc người Êđê, Churu, K’ho và Chăm. Mặc dù vậy, tộc người Raglai vẫn lưu giữ được những sắc thái văn hóa truyền thống của tộc người mình.
Raglai là tên gọi của tộc người đã được chính thức đưa vào danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam do Tổng cục Thống kê của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố vào ngày 02 tháng 3 năm 1978. Mặc dù, tộc người Raglai là tộc người bản địa sinh tụ ở khu vực này lâu đời, nhưng do bối cảnh lịch sử diễn biến phức tạp trong suốt thời kỳ chiến tranh đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ổn định của một palei. Trước năm 1975, tộc người Raglai tập trung sinh sống chủ yếu ở khu vực giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Trong thời kỳ này thuộc tổng Trà Dương, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận, gồm bốn palei: palei Njak, palei La-a, palei Ra-On, palei Tah No. Đến năm 1959, do chính sách dồn dân lập ấp, bốn palei dồn về tập trung ở khu vực Ma Nới, huyện Ninh Phước, quận Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do chính sách định canh cho những tộc người du canh – du cư, trung tâm xã Phước Hà được thành lập và di cư một phần tộc người Raglai đến định cư, nhưng ban đầu chính quyền gặp rất nhiều khó khăn vì một số palei Raglai vẫn định cư tại chỗ cũ (cách nơi cư trú hiện nay khoảng 60 km). Đến năm 1976, toàn bộ palei Raglai này đến định cư ở xã Phước Hà dọc lưu vực kraong Tak Njat (Sông Tân Giang). Toàn bộ đất đai do Nhà nước cung cấp và hướng dẫn làm ruộng nước do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thuận Hải (hiện nay bao gồm tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận) đảm trách về phần kỹ thuật. Khi định cư chưa được bao lâu, vào năm 1978 đã xảy ra một trận dịch bệnh gây nhiều tử vong, nên một số palei buộc phải dời về nơi ở cũ để tránh bệnh dịch. Đến năm 1980, chính quyền buộc phải di dời một số palei Raglai tránh dịch bệnh về định cư ở nơi mới gần kraong Tak Njat (Sông Tân Giang). Đến những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ XX, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống Hồ Tân Giang nhằm điều tiết hệ thống tưới tiêu cho cánh đồng khao khát được khoát trên mình thảm xanh của đồng lúa. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng tộc người Raglai định cư lâu dài và khai thác trên cánh đồng màu mỡ này.
1.3.2. Điều kiện kinh tế
Suốt chiều dài phát triển lịch sử, tổ tiên dân tôc Raglai đã tích lũy những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp nương rẫy. Do địa hình cư trú là vùng núi cao, giao thông hiểm trở, nên các bản làng của người Raglai đã trở thành căn cứ địa của cách mạng qua hai cuộc kháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Nguồn lương thực và thực phẩm chính của người Raglai dựa hoàn toàn vào sản xuất nương rẫy và một ít ruộng nước, bắp, lúa là lương thực chính, sau đó bo bo, cao lương, các loại khoai, đậu đỗ cùng nhiều loại rau quả khác. Ngoài rẫy nương, việc khai thác sản vật từ rừng núi, trong đó có các loài chim thú thông qua việc dọn ranh đặt bẫy và săn bắn cũng là nguồn cung cấp quan trọng. Mãi đến vài thập niên trở lại đây người Raglai vẫn còn duy trì phương thức canh tác nguyên thủy là phát rừng - đốt rẫy - chọc lỗ - trỉa giống, săn bắt và đào củ, hái rau quả trong rừng.
Người Raglai có nhiều vật nuôi, thường là trâu, bò, heo, dê, gà, vịt để làm thực phẩm và lễ vật trong các nghi lễ hoặc của cải để trao đổi, bồi thường,…Con chó vừa để giữ nhà và giúp người đi săn. Người Raglai cũng nuôi mèo, ngựa. Xuất phát từ nền kinh tế sản xuất tự túc, các nghề thủ công như đan lát, gốm, dệt, ren, làm giấy phất diều đã hình thành nhưng chậm phát triển, chưa thành hàng hóa, chỉ đủ bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống cộng đồng. Về sau, có lẽ do điều kiện giao lưu thuận lợi hơn, các thương lái” người Chăm và người Việt mang hàng hóa có chất lượng cao hơn len lỏi vào từng làng từng nhà đã góp phần hạn chế sự phát triển, thậm chí làm tê liệt nghề thủ công truyền thống vốn non yếu của người Raglai.
Năm 1976, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách cho dời các bản làng trên căn cứ về định cư ở vùng bán sơn nguyên, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thông qua chương trình 135 - 134 để làm thay đổi bộ mặt nông thôn của đồng bào cả vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng.
Do các yếu tố trên, tộc người Raglai từ cuộc sống sản xuất nông nghiệp nương rẫy lạc hậu, ở nhà tạm bợ, đã dần có nếp sống văn minh. Ngoài chương trình 135 - 134, Đảng và Nhà nước còn quan tâm đầu tư xây dựng các hồ chứa nước với mục đích vừa chống lũ vừa điều tiết nước tưới tiêu cho vùng đất canh tác, từng bước đáp ứng nhu cầu mà người Raglai đã mơ ước từ lâu. Ngoài ra, dân tộc Raglai còn được tiếp nhận những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại. Sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới hóa (máy cày, máy tuốt), xịt thuốc diệt cỏ, sâu rầy, bón phân, nên cây trồng có năng suất cao.
Bằng những chương trình kinh tế xã hội cụ thể và thiết thực nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, cuộc sống của đồng bào đã được cải thiện rất nhiều. Các ngành y tế, giáo dục, điện, giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông và các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hoạt động văn hóa, thông tin đã hoàn thành mạng lưới tỏa đến các xã, các cụm dân cư vùng sâu, vùng xa. Cùng với các chương trình kinh tế - xã hội được chính quyền các cấp đầu tư xây dựng trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào Raglai từng bước được nâng cao, tạo nên sự đổi thay hết sức căn bản và lớn lao.
1.3.3. Đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, cho đến nay họ vẫn duy trì tuy đã có sự thay đổi theo môi trường xã hội mới. Con gái cưới chồng về nhà mình với quan niệm “Chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ nhưng quyền quyết định những công việc lớn lao vẫn thuộc về người vợ và ông cậu bên vợ. Con gái sinh ra mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Quyền thừa kế tài sản chỉ thuộc về con gái, đặc biệt là người con gái út.
Người Raglai có một kho tàng văn chương truyền miệng vô cùng phong phú, trong đó có những thần thoại, sự tích, truyện kể, những thiên akhàt jucar trường ca, sử thi phản ánh thời kỳ lịch sử xa xăm, thời sáng thế, buổi bình minh lịch sử tộc người. Có nền âm nhạc dân gian phong phú, độc đáo. Cổ nhất là đá kêu, những thanh đàn đá tiền sử được dựng thành dàn trên rẫy, thông qua một hệ thống truyền lực tự động bằng mây tre gỗ. Kế đến là chiêng cồng, mã la, được người xưa chế tác bằng thủ công. Đây là báu vật xếp hàng đầu trong báu vật truyền đời của tổ tiên dòng họ.
Dân ca của dân tộc Raglai phong phú về làn điệu, có các làn điệu chính cổ truyền, một số làn điệu đã được cách tân phát triển thành làn điệu mới. Các điệu hò, ru con, ru em, đồng dao, lời văn cầu cúng trong các nghi lễ… Các làn điệu dân ca nhằm chuyển tải tình cảm, giao lưu đối đáp trong lao động sản xuất sinh hoạt thường ngày, trong các lễ hội.
Tộc người Raglai là một trong những cư nông nghiệp bản địa ở cực Nam Trung bộ. Đã từ lâu tộc người Raglai sinh tụ giữa bốn bề rừng núi cheo leo và hiểm trở, dọc dãy Trường sơn Đông. Họ cho rằng các thế lực siêu nhiên có tác động rất lớn đến cuộc sống của họ, điều đó xuất phát từ nhận thức thế giới tự nhiên còn hạn chế. Họ tin những gì hiện hữu trước mắt của mình đều có linh hồn và tin vào những vị thần. Họ tin rằng có thần Núi, thần Rừng, thần Nước, thần Đất, thần Nhà, thần Sấm, thần Sét,… Với họ, thần Núi và linh hồn người quá cố (atuw) là hai vị thần quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Họ quan niệm, ngọn núi cao nhất trong khu vực cư trú là nơi thần linh ngự trị và cũng là thế giới tổ tiên. Cây cột giữa nhà là cột thông linh giữa Yang với các thành viên trong nhà, là nơi trú ngự của các vị thần. Những vị thần này tuy không có một chân dung cụ thể, rõ nét nhưng theo quan niệm của con người thì khả năng trừng phạt hay giúp đỡ đối với họ rất lớn.
Dù cận cư và cả xen cư với người Chăm từ trước và người Kinh vài thế kỷ lại đây, người Raglai vẫn kiên trì tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Yàc Dlòc Yàc Ala - Yang trên cao Yang dưới thấp là cách nói thể hiện thế giới thần linh siêu hình, siêu nhân hiện diện khắp nơi. Cùng với tín ngưỡng đa thần là ý niệm về sự tái sinh - hóa kiếp, đầu thai liên quan đến mọi hoạt động trong cuộc sống của mỗi con người.
Đời sống tâm linh của người Raglai được phản ánh rõ nét trong nghi lễ nông nghiệp và nghi lễ vòng đời con người. Điều đó tác động chi phối phong tục tập quán, những điều kiêng cữ, cấm kị nhất là trong luật tục và chi phối đến mọi hoạt động của con người. Đời sống tâm linh trên cơ sở tín ngưỡng đa thần đã giúp tộc người Raglai dù cùng nguồn gốc và suốt bao thế kỷ cận cư, xen cư với người Chăm, người Kinh vẫn không ảnh hưởng bởi tôn giáo ngoại lai. Những đặc điểm về văn hóa, tín ngưỡng này được biểu hiện trong lễ hội Ăn đầu lúa. Từ đó chúng ta có thể khẳng định lễ hội Ăn đầu lúa nằm trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp của người Raglai.
Tiểu kết chương 1
Lễ hội là một hoạt động của một cộng đồng người liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm hai thành tố Lễ và Hội. Việc phân loại lễ hội còn có nhiều ý kiến khác nhau. Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai nằm trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp.
Ninh Thuận là một vùng văn hóa có nhiều điểm đặc thù về điều kiện tự nhiên như địa lý, khí hậu đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận, những điều kiện về xã hội nhân văn như lịch sử hình thành, quá trình vận động, tiếp biến và hòa nhập văn hóa giữa các yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại lai. Mặc dù trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nhưng cộng đồng các dân tộc Chăm, Raglai, Churu, K’ho,...đã và đang sinh sống tại Ninh Thuận vẫn giữ được những giá trị văn hóa mang sắc thái riêng, đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dân tộc Raglai sinh sống đông nhất là ở Ninh Thuận (khoảng gần 50%). Mặc dù sinh sống cận cư với dân tộc Chăm, K’ho, Churu và người Việt nhưng dân tộc Raglai vẫn không bị ảnh hưởng bởi tôn giáo ngoại lai, vẫn bảo lưu tín ngưỡng đa thần, là một dân tộc cư trú nơi núi cao phía tây các tỉnh Cực Nam Trung bộ, người Raglai mang trên mình đầy đủ các yếu tố văn hóa trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, trong đó duy trì hệ thống lễ hội. Lễ hội Ăn đầu lúa nằm trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phong phú.
CHƯƠNG 2
DIỄN TRÌNH LỄ HỘI ĂN ĐẦU LÚA
CỦA NGƯỜI RAGLAI
2.1. Khái quát về lễ hội của người Raglai
Dân tộc Raglai mang trên mình đầy đủ những tín ngưỡng đa phiếm của cư dân Nam Đảo ở Việt Nam nói riêng và cư dân nông nghiệp Đông Nam Á nói chung [2, tr. 299]. Khác với người Chăm - một tộc người được coi là người anh em gần gũi nhất - người Raglai trong lịch sử chưa tiếp nhận những tôn giáo lớn trên thế giới (chỉ mới gần đây có một số hộ theo Tin Lành). Vì vậy, tín ngưỡng tôn giáo của người Raglai mang hình thức tôn giáo sơ khai, chi phối khá đậm nét trong đời sống tinh thần, thể hiện trong hệ thống nghi lễ nông nghiệp và những nghi lễ vòng đời.
2.1.1. Nghi lễ nông nghiệp
Kinh tế nông nghiệp của người Raglai gắn liền với đất đai, núi rừng, sông suối và quan niệm vạn vật hữu linh nên hoạt động kinh tế của con người không tránh khỏi sự giám sát của thần linh. Chặt cây rừng, đào con mương, làm đất để gieo trồng đến chọn đất để sản xuất,... đều phải thực hành các nghi lễ cúng tế thần linh. Từ đó, họ có những nghi lễ cụ thể như là:
2.1.1.1. Nghi lễ trong thời kỳ làm đất
Lễ chọn đất: Người Raglai gọi là Ngap ya lakuw tanah, công việc đi chọn đất để làm rẫy diễn ra vào buổi sáng sớm hoặc chiều tà, người đàn ông chủ nhà đến khu rừng dự định chọn đất, mang theo lễ vật gồm: hai quả trứng gà luộc, một trai rượu trắng, năm miếng trầu quệt vôi với năm miếng cau. Lễ vật được đặt trên tàu lá chuối theo chiều song song với ngọn núi cao nhất trong vùng, người đàn ông hướng về ngọn núi rót rượu vào chén, miệng khấn vái thần đất, thần núi, thần rừng,…sau đó chặt một nhánh cây rồi cầm vẩy qua vẩy lại (làm phép), đào một lỗ nhỏ (cạnh nơi đặt lễ cúng) và bỏ vào đó những hạt gạo được đếm cẩn thận. Sáng hôm sau người đàn ông ra kiểm tra những hạt gạo nếu còn nguyên có nghĩa là thổ thần đã chấp nhận, nếu mất nhiều là thổ thần không chấp nhận. Trong trường hợp trên đường đi chọn đất mà gặp con rắn nằm chặn ngang đường thì lập tức trở về nhà chờ ngày mai mới đi.
Lễ phát dọn rẫy: Người Raglai gọi là Ngap ya lakuw tanah jah, la-aoa, sau khi đã chọn được đất, người Raglai tổ chức cúng xin phát dọn. Với quan niệm cây cối đều có linh hồn, chặt phá cây sẽ làm cho thần linh nổi giận. Lễ cúng được tiến hành vào buổi sáng tại rẫy. Lễ vật cúng và địa điểm cúng của một số palei cũng không giống nhau. Ở các palei của xã Ma Nới chỉ có hai quả trứng luộc, rượu, trầu cau. Có nơi cúng một đến hai con gà luộc, như: palei Hành Rạc xã Phước Bình, palei Ma Oai, Đá Liệt, Cầu Đá huyện Thuận Bắc. Có nơi cúng bằng cả con heo, có nơi cúng con dê, có nơi như palei Rồ Ôn xã Phước Hà cúng phong phú hơn, gồm hai con gà luộc, nải chuối, bánh tét, xôi, nổ, trứng, rượu, trầu cau. Địa điểm cúng các palei ở xã Ma Nới hầu như cúng tại rẫy. Các palei thuộc huyện Bác Ái, huyện Thuận Bắc sau khi cúng ở rẫy vào buổi sáng, buổi chiều cúng tại nhà hoặc cúng tại nhà trưởng tộc (sa mul).
Lễ đốt nỏ: Người Raglai gọi là ngap ya lakuw cuh apuh, lễ này ít địa phương thực hiện, bởi theo họ đã được thực hiện ở lễ phát dọn rẫy. Hiện nay, chỉ có palei Giá xã Phước Hà, palei Suối Vang palei Xóm Đèn xã Công Hải vẫn còn thực hiện nghi lễ này bởi họ quan niệm vạn vật đều có linh hồn nên khi đốt cây  sẽ bị đau, hồn bay phách lạc, vì vậy phải làm lễ cúng để khỏi bị tai họa do những oan hồn của cây rừng mang đến. Lễ vật cúng gồm một con gà luộc, rượu cần một ché, trầu cau và được tiến hành tại rẫy trước khi châm lửa đốt.
Lễ xuống cày: Lễ này một số palei không còn thực hiện, bởi họ đã cúng chung với lễ phát dọn rẫy, vùng cao không sử dụng cày đất mà họ chỉ dùng tanuar hay anik đầu nhọn chọc xuống đất tạo thành lỗ và tra hạt xuống. Còn ở palei Trà Nô xã Phước Hà, xóm Bằng xã Bắc Sơn canh tác lúa dưới đồng bằng vì thế họ có tổ chức lễ cúng xuống cày.
2.1.1.2. Nghi lễ trong thời kỳ gieo trồng
Lễ nghi trong thời kỳ gieo trồng được gọi là Ngap yak lakuw pala. Với mục đích cầu xin thần linh cho lúa, ngô, khoai, đậu,... được tươi tốt, chim muông, sâu bọ không phá hoại, hứa hẹn một mùa bội thu. Riêng người Raglai ở các palei thuộc xã Ma Nới có tổ chức lễ cúng rước Lúa mẹ lên rẫy trồng tỉa trên khoảng đất tốt nhất gọi là đất trồng lúa thần” (Tanah ngap paday yak) và sau này người ta tuốt lúa này để làm lễ cúng. Lễ vật cúng cũng không thống nhất. Ở palei Hà Dài xã Ma Nới, Suối Giếng xã Công Hải người Raglai cúng bằng hai quả trứng luộc, một ché rượu cần, trầu cau và một nải chuối, ở palei Ma Rớ xã Phước Thành còn có thêm một tô gạo trắng và một tô bắp hoặc củ sắn,... là những nông sản được thu hoạch từ vụ mùa năm trước. Lễ cúng được thực hiện với mục đích xin xuống giống cây trồng (palaik pajaih), cầu xin thần linh cho mưa thuận, gió hòa để cho cây trồng được nẩy mầm và mọc lên tươi tốt. Địa điểm tiến hành lễ thì lại khá thống nhất, đều được tiến hành trong rẫy vào ban ngày.
2.1.1.3. Nghi lễ trong thời kỳ chăm sóc và bảo vệ
Lễ cúng đập cầu mưa, người Raglai gọi là Ngap ya li banek-lakuw hujak. Nước là yếu tố quan trọng của hoạt động nông nghiệp, với đặc điểm khí hậu ở Ninh Thuận thiếu mưa, thừa nắng, khô hạn kéo dài quanh năm, hoạt động nông nghiệp của người Raglai phần nhiều tập trung ở rừng và triền núi, vì thế nên không có hệ thống thủy lợi tưới tiêu mà chủ yếu dực vào thiên nhiên - nước mưa. Khi gặp hạn hán kéo dài, không có nước tưới, họ nghĩ rằng trong quá trình canh tác, có người nào đó đã xúc phạm đến thần trời”, “thần đất”, xúc phạm đến hồn lúa... hay một làng nào đó bị uế tạp do loạn luân (Agam)... vì thế mà bị ông trời trừng phạt. Chính vì vậy, người Raglai phải cúng để xin cho mưa thuận gió hòa. Nhưng việc cúng đập – cầu mưa của người Raglai cũng có sự khác biệt giữa các palei. Có một số palei như Ma Hoa, Tà Lú của xã Phước Đại thực hiện nghi lễ cúng với chu kỳ là mười năm; vật cúng gồm: một con trâu, mười ché rượu cần, mười con gà luộc, hai con vịt luộc, chuối, cơm, có nơi còn thêm một cặp rùa, nước dừa. palei Do, palei Ú ở xã Ma Nới có thêm năm đòn bánh tét, palei Xóm Đèn xã Bắc Sơn còn có chiếc bè làm bằng bẹ chuối trên đó có năm hình nhân, một con voi và một con trâu làm bằng bột gạo. Địa điểm tổ chức cũng không thống nhất, có khi tổ chức ngay trên con đập như ở palei Xóm Đèn xã Bắc Sơn, palei Đầu Suối xã Phước Chiến, riêng ở palei Đá Liệt, Cầu Đá xã Phước Kháng, palei Mai Hoa xã Phước Đại lại tổ chức cúng trên khoảng đất trống trong palei.
Lễ cúng đuổi muông thú: Người Raglai gọi là Ngap ya pakah cip takuh, lễ này hiện chỉ còn palei Bạc Rây xã Phước Bình, palei Tà Lú xã Phước Đại. Ở palei Gia Rót xã Ma Nới thỉnh thoảng mới tổ chức. Lễ vật có khi là một con heo luộc, một đến sáu con gà luộc, một ché rượu cần, sáu chén cơm, một hoặc hai nải chuối. Ở palei Gia Rót xã Ma Nới lễ vật đơn giản hơn gồm: một con gà luộc, hai chén cơm, hai ché rượu cần, hai quả trứng luộc và trầu cau.
Lễ cúng lúa, bắp làm đòng: Người Raglai gọi bằng hai cách là Ndok tian paday tangey hay Puei tangey paday. Người Raglai tin rằng lúa và bắp cũng như người con gái sắp đến thời kỳ sinh nở cần có sự trợ giúp của các đấng vô hình. Vì vậy phải cúng lễ vật để được phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Vật cúng chủ yếu là gà luộc từ một đến ba con, riêng ở palei Trà Nô xã Phước Hà và palei Tà Nôi xã Ma Nới hiến tế bằng dê luộc, cơm, rượu, trứng và trầu cau. Địa điểm làm lễ hầu như ở trong rẫy, riêng có palei thuộc xã Ma Nới thì tổ chức tại nhà trưởng tộc.
2.1.1.4. Nghi lễ trong thời kỳ thu hoạch
Lễ cúng thổ thần: Người Raglai gọi là Ngak yak po bhum, lễ này hiện nay chỉ còn bốn palei tổ chức đó là: palei Do, Hà Dài xã Ma Nới, palei Tà Dương xã Phước Thái và palei Mỹ Hiệp xã Mỹ Sơn [55, tr. 251].
Lễ cúng gọi hồn lúa: Người Raglai gọi là Ngak ya iéw be ngak padai, lễ này được tổ chức khá phổ biến ở các palei của người Raglai sau thời kỳ thu hoạch. Địa điểm tiến hành lễ thường được tổ chức tại nhà hoặc nhà trưởng tộc, trong thời gian một ngày, một đêm. Theo tập tục của người Raglai ở một số nơi, nhà nào đã cúng lễ này rồi thì không cúng Ăn cơm mới (Mbak bu baruw). Bởi đây là loại hình tiểu lễ của lễ cúng lớn ăn cơm mới. Nhưng cũng có một số palei vừa cúng gọi hồn lúa vừa cúng ăn cơm mới như ở palei Tà Lú xã Phước Đại, palei Suối Lở, xã Phước Thắng và palei Trà Nô, xã Phước Hà. Lễ vật thường là: gà luộc từ một đến hai con (có nơi cúng heo), rượu cần, cơm, trứng và trầu cau. Người Raglai tổ chức cúng gọi hồn lúa nhằm cảm tạ thần Núi, thần Rừng, Thổ thần và Atuw Muk Kei đã ban cho gió thuận mưa hòa, mùa màng tươi tốt và để cho hồn lúa ở mãi với gia đình, dòng tộc của họ, để cho con cháu làm nhiều lúa, bắp, cuộc sống ấm no.
Lễ cúng ăn cơm mới: Người Raglai gọi bằng nhiều cách, có nơi gọi là Ngap ya mbak bu baruw hay Mbang padai mada (ăn lúa non), có nơi gọi là Ngap ya Muk kei (lễ cúng Tổ tiên). Lễ vật khá thống nhất, gồm: gà luộc, rượu cần, cơm, cốm mới, củ hành ta, con cua đồng và trầu cau. Riêng ở palei Xóm Bằng, xã Bắc Sơn lễ vật có thêm bảy con gà luộc (Tổ tiên 3 con, Thổ thần 2 con, Bà Chúa xứ 2 con), chè, xôi, bánh trái. Địa điểm tổ chức lễ có khác nhau, palei Ú xã Ma Nới tổ chức cúng ở trong nhà và trên rẫy, có thêm cây nêu như tộc người Churu, còn palei Tà Dương, xã Phước Thái lại tổ chức trong nhà và không có cây nêu. Xóm Đèn, xã Công Hải thỉnh thoảng mới tổ chức. Xóm Bằng, xã Bắc Sơn không gọi là cúng ăn cơm mới mà gọi là cúng Tổ tiên. Riêng các palei của huyện Bác Ái đã bỏ hẳn lễ này [55, tr. 256]. Đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Raglai, với mục đích dâng cúng lúa mới cho tổ tiên và các thần linh, rước lúa mẹ về nhà và cầu xin ông bà, tổ tiên, các vị thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.
2.1.2. Nghi lễ vòng đời
Người Raglai từ lúc sinh ra đến lúc mất đi trải qua nhiều nghi lễ quan trọng của cuộc đời, như: lễ sinh đẻ, khi lớn lên họ làm lễ trưởng thành, rồi lễ cưới và cuối cùng là lễ tang ma. Trong các nghi lễ liên quan đến vòng đời, đáng chú ý nhất là lễ hội bỏ mả.
2.1.2.1. Lễ sinh đẻ
Người Raglai sinh sống chủ yếu ở khu vực miền núi, giao thông đi lại khó khăn, họ không có thói quen sinh đẻ ở cơ sở y tế. Họ quan niệm sinh đẻ là “xú uế” nên không cho người đẻ ở trong nhà mà phải sinh đẻ ở ngoài. Mỗi khi gia đình có sản phụ chuẩn bị sinh nở, họ dựng một cái chòi tạm ở cách nhà khoảng vài chục mét để sản phụ sinh. Vì không sinh đẻ ở cơ sở y tế nên không có y, bác sĩ đỡ đẻ mà họ có bà đỡ - bà mụ (mũq buai). Sinh đẻ xong, bà mụ cắt rốn cho đứa trẻ bằng mảnh cây lồ ô và cho bà mẹ uống một loại nước được nấu từ loại cây rừng. Loại nước này có tác dụng như một loại thuốc kháng sinh, diệt vi trùng, giúp cho sản phụ mau lành và nhanh khỏe mạnh.
Sau một đến hai ngày, bà mẹ đưa đứa trẻ ra suối tắm. Đây cũng là lúc gia đình tổ chức lễ cúng mụ (ngăk buai). Lễ vật gồm một ché rượu cần, một con gà, nến sáp ong và trầu cau. Với ý nghĩa nhằm tạ ơn thần linh đã cho sinh đẻ thuận lợi, mừng cho đứa trẻ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Sau lễ cúng này sản phụ và đứa trẻ mới được trở về nhà.
Khi đứa trẻ được một tháng tuổi thì tổ chức lễ cúng tạ ơn bà mụ và cúng trình tổ tiên (ngăk bbuai ngăk grang). Lễ vật là hai ché rượu cần và hai con gà. Lễ này do bà mụ và gia đình cúng, với hàm ý tạ ơn thần linh đã cho bà đỡ đẻ được “mẹ tròn con vuông”, đồng thời thay mặt gia đình, cúng khấn báo với tổ tiên có một thành viên mới. Lễ này cũng được kết hợp với lễ đặt tên cho trẻ.
Khi đứa trẻ được ba tháng tuổi bắt đầu làm lễ đeo còng (buh akok). Lễ này thường được thực hiện cho những đứa trẻ khó nuôi. Nhằm mục đích cầu thần linh cho gia đình nuôi đứa trẻ được thuận lợi, cầu tổ tiên ông bà (muk kay) phù hộ cho đứa tre hay ăn chóng lớn, khoẻ mạnh, không bị bệnh tật hành hạ và lớn lên có sức mạnh.
2.1.2.2. Lễ trưởng thành
Theo tài liệu và những công trình nghiên cứu trước cho thấy, người Raglai không có lễ trưởng thành. Mà khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, người ta làm lễ cúng giải tội và những đứa trẻ khó nuôi thì người ta làm lễ tháo còng.
Khi đứa trẻ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, người ta làm lễ giải tội. Người Raglai quan niệm rằng, khi đến tuổi trưởng thành, đã thành một con người và đủ khả năng phạm tội với thần linh. Vì vậy, lễ này mang ý nghĩa giải tội với thần linh. Lễ vật thường là gà luộc hoặc thịt heo luộc, rượu cần, trầu cau, được dọn thành hai mâm, một mâm để cúng giải tội và một mâm để cúng mừng đứa trẻ đã trưởng thành.
Khi đứa trẻ khoảng mười tám tuổi, người Raglai làm lễ tháo còng (toh akok) với những đứa trẻ khó nuôi. Lễ vật gồm hai con gà luộc, hai ché rượu cần, cơm, canh, chuối, bánh trái (bánh tét). Lễ nhằm mục đích để ông thầy cúng cúng trả lại đứa trẻ cho cha mẹ khi đã lớn khôn. Người Raglai tin rằng, nếu không làm lễ tháo còng, coi như gia đình và con người đó còn nợ thần linh, sẽ phải chịu thần linh đày đoạ, hay ốm đau, bệnh tật và không may mắn. vậy, gia đình phải cúng tạ thần linh và thầy cúng. Đứa trẻ phải coi ông thầy cúng như cha mẹ đỡ đầu. Khi ông thầy ôm đau phải lo chữa chạy. Khi ông thầy chết phải lo ma chay, phải nghĩa vụ như đứa con của ông thầy [2, tr. 328].
2.1.2.3. Lễ cưới
Người Raglai theo phong tục chế độ mẫu hệ. Con trai chủ động đi hỏi vợ, con gái “bắt” chồng về nhà mình. Trước khi làm lễ cưới phải có lễ hỏi nao tanhia. Người Raglai không quan trọng ngày tốt - xấu trong việc làm lễ đi hỏi vợ, chỉ căn cứ vào điều kiện thuận lợi. Sau khi hai họ bàn bạc xong, thống nhất ngày giờ đi làm lễ hỏi. Nhà trai tổ chức đoàn đi làm lễ hỏi thường là bảy người, cậu hoặc chú bác, chàng rể và một người em gái của chàng rể mang lễ vật: trầu, cau hala panang và các tặng vật cho dâu. Thông thương gồm: một bộ trang phục nữ truyền thống; còng, kiểng, xâu chuỗi, nhẫn, bông tai. Lễ thường được tổ chức vào buổi tối ở họ nhà gái.
Lễ cưới: Tùy theo từng vùng lễ cưới được gọi là bbăk abu hay huăk abu. Theo phong tục, nhà trai đưa chàng rể về nhà gái, khi đưa phải có người hướng dẫn gọi là ông Sanươk. Ông Sanươk đi đầu, tay cầm cây giáo, kế tiếp đến chàng rể tay cầm ná, vai mang ống tên. Em gái vai mang gùi, trong gùi có con dao và các lễ vật để tặng cho gia đình nhà gái. Kế tiếp là ông cậu hoặc chú bác tay cũng cầm cây giáo. Lễ vật trong lễ cưới gồm: cơm, canh, thịt gà, thịt heo, rượu cần tất cả lễ vật được bày trên lá chuối. Ông chủ lễ nhà gái dùng hai cây giáo, cắm vào hai quả cau, cầm ba con dao khấn tổ tiên, đưa qua đưa lại ba lần. Cúng xong, mâm lễ vật được đặt vào bệ ở góc nhà. Thủ tục cúng thần linh trong lễ cưới đến đây coi như đã xong. Gia chủ dọn cơm đãi hai họ và bà con láng giềng đến chúc mừng. Sáng hôm sau cô dâu, chú rể về nhà cha mẹ chồng. Chú rể cũng mang trên vai cây ná, ống tên. Cô dâu mang gùi đựng một đùi heo, một ché rượu cần và một ít gạo. Theo phong tục, đây là quà tặng cha mẹ chồng. Nhà trai cũng làm heo, gà cúng để trình báo tổ tiên. Báo cáo với tổ tiên là con trai đã đi lấy vợ và theo vợ.
Sáng hôm sau, chú rể theo vợ về luôn bên nhà vợ. Ba ngày sau, cha mẹ nhà gái cùng con rể đi thăm sui gia (thông gia bên chồng). Họ mang bánh tét, trái cây, các loại hoa màu, vải v.v... gọi là quà biếu sui gia nhà trai. Nhà trai cũng đáp lễ bằng tặng phẩm cho cô dâu.
2.1.2.4. Lễ tang ma (padhi atơu)
Tang ma là lễ nghi rất phức tạp và tốn kém nhất trong các lễ nghi vòng đời của tộc người Raglai. Nhưng chính nghi lễ tang ma là nơi chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của họ. “Theo quan niệm của người Raglai, sau khi qua đời, nếu không làm đám tang thì hồn người quá cố sẽ mãi là con ma đói lang thang dễ bị qu dữ xúi giục về ám hại các thành viên trong dòng tộc [2, tr. 335]. Do vậy, khi ngưi thân qua đi, dù nghèo khó đến đâu họ cũng clàm đám tang một cách trọn vẹn cho người chết, để cho hồn ma có cơm ăn áo mặc về xứ sở ông bà tô tiên. Đó là quan niệm của tộc ngưi Raglai nói riêng, và các dân tộc sống dãy Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung.
Lễ tang của người Raglai phản ánh nhân sinh quan và thế giới quan của dân tộc Raglai. Quan niệm của người Raglai về cõi chết và đất sống rất khác với nhiều dân tộc khác.
Đối với người Raglai cổ, thế giới là mặt đất trải ra không có giới hạn. Trên mặt đất có đất, đá, cỏ cây, sông suối, muông thú, con người. Tất cả núi, suối, đất đá, cây... ở trên mặt đất đều có thần. Con người gồm người lương thiện và kẻ độc ác. Thế giới vô hình có quỷ và ma cùng tồn tại trên mặt đất với con người. Người Raglai không có khái niệm về thiên đàng, địa ngục hay niết bàn, âm phủ. Lễ hội bỏ mả trong lễ tang của người Raglai phản ánh chân thực tính cộng đồng và triết lý về sự khai sinh từ cái đã mất đi [28, tr. 13-14].
2.2. Khái quát palei Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận
Palei Tà Nôi được sáp nhập từ hai vùng căn cứ cách mạng là Kamau và Tà Nôi thuộc xã Ma Nới, huyện Anh Dũng, tỉnh Ninh Thuận. Nơi palei Tà Nôi tọa lạc bây giờ không có một văn bản nào và dòng họ nào của người Raglai ghi lại. Chỉ biết rằng trước khi có palei Tà Nôi, vùng đất này là một vùng rừng, có nhiều cây rừng to, chỉ có một số ít diện tích đất do người dân ở Tà Nôi phát rừng làm rẫy nằm ven con suối Tà Nôi [45, tr. 3].
Những năm tháng xa xưa thời phong kiến, người dân sống trong cảnh rất cực khổ và đói nghèo, còn bị bọn Thầy Đội, Đầu Lớn, Tổng Lý bóc lột. Người dân ở đây luôn đoàn kết một lòng tạo nên đặc điểm riêng về tính chất và hành động với lòng yêu nước, thương nòi”[45, tr. 5]. Đến thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, địch dùng chiến dịch dồn dân lập ấp nhưng dân làng vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Vào những năm 1959 – 1960, bỏ làng cũ chạy lên núi cao theo cách mạng lập vùng căn cứ, tiếp tục ổn định cuộc sống, phát rẫy làm nương, có lương thực nuôi du kích, để bảo vệ khu căn cứ, sáng tạo các loại vũ khí thô sơ như: chông, nỏ tên, bẫy cung, hầm chông, bẫy đá,... “Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, mặc dù nhà của, nương rẫy, kho tàng bị giặc phá, đốt cháy thành tro, hoa màu ở trên rẫy cũng bị chất độc hóa học tàn phá. Nhưng dân làng vẫn không ai chịu đầu hàng theo giặc, quyết tâm chiến đấu đến cùng, quyết giữ nương rẫy, núi rừng” [45, tr. 7].
Khí hậu thất thường, thay đổi không theo mùa vụ, mùa mưa nước đổ về thành lũ đi lại rất khó khăn, hoạt động nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp bằng hình thức quảng canh, một số ít vẫn còn duy trì hình thức sản xuất theo lối du canh nên hầu hêt các diện tích gò, đồi, người dân vẫn sử dụng phương thức gieo trồng thô sơ (chọt lỗ) để gieo trồng. Phần lớn diện tích nông nghiệp là đất do người dân tự khai phá, phân tán nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào nước trời, mặt khác lại bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa bão thất thường vào những tháng cuối năm, nắng hạn kéo dài vào mùa khô, bên cạnh đó, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế do đó năng suất và sản lượng đều thấp hơn so với các địa phương khác trên địa bàn xã, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của nhân dân trong thôn.
Ngày nay, palei Tà Nôi được định cư nằm dọc theo hai con suối nước, một là suối Tà Nôi từ chân núi Ma Rông chảy xuống, hai là từ núi Ông bà (gọi là suối Kamau) chảy xuống. Hai con suối giáp nhau tại vũng Ra Tiếp gọi là suối Tà Nôi ngày nay. Chỉ có một con đường duy nhất từ trung tâm xã vào Tà Nôi và ngược lại. Đường đi lại rất khó khăn, vào mùa mưa không phương tiện giao thông nào qua lại được. Mùa khô xe máy đi lại được nhưng cũng rất vất vả, còn ô tô không đi được (xem ảnh số 1 và số 4 phụ lục 2).
Palei Tà Nôi có diện tích tự nhiên khoảng 1500 ha, diện tích canh tác 85,5 ha, cách trung tâm xã Ma Nới 09 km về phía Tây Nam. Hướng Đông giáp palei Gia Rót, hướng Tây Bắc giáp xã Tà Năng huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, hướng Nam giáp huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dân số 633 khẩu, 130 hộ, có 6 tộc họ (Bồ Ale, Tà Nôi, Kamau, Kaho, Vari Nhông và Pa Lay). 100% dân tộc Raglai không theo tôn giáo nào cả, chỉ thờ cúng ông bà, tổ tiên và theo chế độ mẫu hệ. Những năm gần đây, được sự đầu tư đầu tư của nhà nước, nhìn chung đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Raglai palei Tà Nôi đã được thay đổi, đường giao thông đi lại dẽ dàng hơn trước, có trường học và trạm y tế khang trang, trẻ em suy dinh dưỡng đã được giảm, không còn trường hợp trẻ em đi học và ngồi nhầm lớp, đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ khá tăng dần, nhiều hộ gia đình có xe máy, 100% gia đình đều có ti vi, trình độ dân trí nâng lên rõ rệt.
2.3. Diễn trình của lễ hội Ăn đầu lúa
Người Raglai có 2 lễ hội lớn: Lễ hội Bỏ mả và lễ hội Ăn đầu lúa. Hai lễ hội này đều có sự chuẩn bị khá chu đáo, có đủ điều kiện kinh tế mới tiến hành tổ chức.
2.3.1. Công tác chuẩn bị
Trước thời gian tổ chức lễ hội khoảng vài tháng, những người lớn tuổi có uy tín trong tộc họ, họ nhắm khả năng kinh tế của các gia đình trong tộc họ đủ điều kiện tổ chức lễ hội trong năm nay, sau đó cùng kiến nghị với tộc trưởng về vấn đề tổ chức lễ hội. Tộc trưởng phải đồng ý mới được bàn đến các bước tiếp theo. Nhưng trong những trường hợp này đa phần là tộc trưởng đồng ý theo đề nghị của những người có uy tín trong tộc họ. Sau đó tộc trưởng mời đại diện các gia đình trong tộc họ về nhà sàn của tộc họ bàn bạc và xin ý kiến của các thành viên trong tộc họ về việc dự kiến tổ chức lễ hội. Tất cả các gia đình đã thống nhất trong năm tổ chức lễ hội và đồng ý đóng góp sản vật. Gần đến ngày tổ chức (khoảng một tháng trước) tộc họ tổ chức họp để phân công công việc cho mọi người. Đàn ông được chia nhau đi tìm bắt cho bằng được con Anu, phụ trách dọn dẹp nhà cửa (nhà sàn của tộc họ - nơi tổ chức lễ hội), đón tiếp khách mời và lên rừng tìm cây tre, gỗ, lồ ô mang về nhà sàn để dựng một cái nhà sàn tạm gần bên nhà sàn chính. Nhà sàn này dùng để chứa đựng thực phẩm đồ ăn, thức uống như rau, bí, lúa, gạo, rượu cần,... trong những ngày tổ chức lễ hội, sau lễ hội nhà sàn tạm này sẽ được giỡ bỏ.
Phụ nữ lên rẫy, lên rừng tìm kiếm rau, củ, quả về làm đồ ăn, làm rượu cần; phụ trách công việc nội trợ, ngâm lúa, giã lúa làm hạt nổ,... Trước ngày diễn ra lễ hội, những thực phẩm thiết yếu này phải được tập trung đầy đủ ở nhà sàn tạm.
2.3.1.1. Thời gian tổ chức lễ hội
Lễ hội Ăn đầu lúa được tổ chức vào sau Tết Nguyên đán của người Việt (khoảng từ mùng 5 đến 30 tháng 1 âm lịch), trong ba ngày, ba đêm và thường là 5 năm tổ chức một lần. Đây là thời điểm nông nhàn, khi tiếng sấm vang lên với quan niệm là bắt đầu khai thông đất trời, âm dương giao hòa, mùa màng đã thu hoạch xong, lúa, bắp đã về đậu trong nhà (theo cách nói của người Raglai, tức là khi lúa bắp đã được đưa lên nhà sàn - kho), cũng là lúc mọi gia đình đã tổ chức xong lễ ăn lúa mới, là thời gian người Raglai lên rừng săn bắt, hái lượm về làm lễ vật cúng ăn đầu lúa và chuẩn bị bước vào chu kỳ sản xuất mới.
2.3.1.2. Địa điểm tổ chức lễ hội
Phần lễ được tổ chức ở 3 địa điểm: Trong rừng – nơi chặt cây để làm cây “nêu”; sân trước nhà sàn của tộc họ - nơi hiến tế lễ vật và trong nhà sàn của tộc họ. Phần hội chỉ diễn ra trong khôn viên nhà sàn. Nhà sàn của tộc họ là nơi chỉ để tế lễ thần linh, cầu cúng ông bà, tổ tiên và là nơi cất giữ những vật báu của dòng tộc gồm: xâu chuỗi hạt cườm, nhẫn, còng, kiềng, ghè, ché, nhạc cụ truyền thống mã la, trống, chiêng, lục lạc, khèn bầu,... Nhà sàn cũng là nơi thanh niên nam – nữ rủ nhau ngủ thảo sau những lần trong palei có tổ chức lễ hội. Người Raglai gọi là nhà sàn của tộc họ – nhà sàn thiêng.
2.3.1.3. Chủ lễ
Trong các nghi lễ, vai trò của thầy cúng là vô cùng quan trọng, là người dẫn dắt, điều hành mọi hoạt động của lễ hội. Thầy cúng lễ có khi là tộc trưởng, có khi không, nhưng thầy cúng lễ bắt buộc phải là đàn ông. Trường hợp tộc trưởng là phụ nữ thì trong tộc họ phải có đàn ông là thầy cúng lễ. Theo ông Vari Nhông Bông (cán bộ văn hóa - xã hội, xã Ma Nới), cho biết: Ngày xưa tộc trưởng đều là nữ. Nhưng ngày nay, chế độ mẫu hệ đã phai nhạt nên tộc trưởng không phân biệt đàn ông hay đàn bà. Tộc trưởng là người do hội nghị tộc họ bầu ra. Tộc trưởng không nhất thiết phải là người cao tuổi hay có thứ bậc cao. Theo tiêu chí chọn tộc trưởng của người Raglai xã Ma Nới, tộc trưởng phải là người có uy tín trong tộc họ, trong cộng đồng người Raglai, là người nhanh nhẹn, hoạt bát, biết ăn nói, giao tiếp với mọi người, biết giải quyết những khó khăn, xích mích của tộc họ, gia đình không có người vi phạm hương ước quy ước của thôn.
2.3.1.4. Lễ vật dâng cúng
Lễ vật dâng cúng, gồm: rượu cần, heo, gà, trứng, gạo, lúa, bắp, muối, chuối, trầu cau,...là những sản vật do các gia đình làm và chăn nuôi được, không phải mua. Ở các xã thuộc huyện Ninh Sơn trong đó có palei Tà Nôi không quy định số lượng lễ vật dâng cúng phải bao nhiêu con gà, bao nhiêu ché rượu, bao nhiêu chén cơm,... chỉ biết có nhiều đơm cúng nhiều, có ít đơm cúng ít cốt lõi là lòng thành của con người với thần linh, với ông bà, tổ tiên.
Người Raglai ở xã Ma Nới không dùng hương / nhang như người Việt hay trầm hương như người Chăm và người Raglai ở những xã thuộc huyện Ninh Phước và Thuận Nam mà họ dùng mủ thúm. Theo lời kể của các cụ lớn tuổi, ngày xưa người Raglai ở đây thường dùng trấu cám bỏ vào tô lửa than để đốt mỗi khi cúng lễ. Sau này người ta dùng mủ cây thúm. Cây thúm là loại cây thân mộc lớn, mọc ở trong rừng, người ta dùng dao băm những vết vào gốc cây cho mủ chảy ra và đông lại, mủ màu đen giống như nhựa đường, khi bỏ vào tô lửa than sẽ có khói và mùi thơm rất đặc biệt (xem ảnh số 9, phụ lục 2).
2.3.2. Phần “lễ”
Theo quan niệm của người Raglai, dù ở đâu và lúc nào cũng có những vị thần giám sát cuộc sống của họ, hoặc ban phúc, hoặc tai họa. Trong sản xuất cũng như trong cuộc sống, người ta cầu tới rất nhiều vị thần: Thần núi, thần rừng, thần suối, thần sấm, thần cây,... Đó là cơ sở xuất phát, đồng thời cũng là biểu hiện của tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Từ những quan niệm đó, khi đụng tới bất cứ việc gì, vật gì, người Raglai cũng làm các nghi lễ cầu cúng, xin phép thần linh và phù hộ mọi việc thành công. Trong lễ hội Ăn đầu lúa, người Raglai thực hiện các nghi lễ như: Nghi lễ chặt cây làm cây nêu, nghi lễ trình báo ông bà tổ tiên, nghi lễ xin sử dụng nhạc cụ, nghi lễ tra nước vào ché rượu cần, nghi lễ đeo chuỗi hạt cườm vào ché rượu cần, nghi lễ giải thoát cho con vật hiến tế, nghi lễ cầu hồn lúa hồn bắp và nghi lễ tiễn đưa ông bà tổ tiên.
2.3.2.1. Nghi lễ chặt cây làm cây nêu
Ngày thứ nhất, khoảng 7 giờ sáng, với sự phân công của tộc trưởng, thanh niên trai tráng khoảng 5 - 7 người vào trong khu rừng chọn cây để làm cây nêu. Cây được chọn làm cây nêu phải thẳng đứng, to đều, khỏe mạnh, không có nhiều nhánh, không bị sâu, xước, mối mọt. Sau khi đã chọn được cây ưng ý, người ta bày lễ vật trên những tàu lá chuối gần gốc cây để tiến hành nghi lễ.
Lễ vật được dâng cúng trong nghi lễ gồm: gà mái luộc, cơm, rượu cần, trầu cau và một tô lửa than mủ thúm. Lễ vật được bài trí xong, thầy cúng ngồi đối diện, mặt quay về hướng Nam, chắp tay trước trán khấn:
Nnnnnnnnn
Lời dịch sang tiếng Việt (Người dịch: Mấu Bích Phanh):
Hỡi các ngài ngự trị trên cao, dưới đất. Hôm nay là ngày, tháng, năm, tộc họ... chúng con đem lễ vật gà mái luộc nguyên con, cơm, rượu cần, trầu cau dâng cúng, tấu trình Thần Rừng, Thần Núi, Thần Thổ địa, xin các thần cho tộc họ chúng con được chặt cây này mang về làm phong tục ăn đầu lúa. Tộc họ chúng con cúi xin các thần linh thương cảm, không trách phạt để chúng con có sức khỏe làm rẫy nuôi con cháu. Hơ... hơ... hơ... Hơ...hơ...hơ...Hơ... hơ... hơ...
Trong lúc thầy cúng làm lễ, mọi người ngồi quây quần xung quanh, tay chắp trước trán, đợi cho tô lửa than mủ thúm hết khói (khoảng 30 phút) mới được đứng dậy chặt cây. Cây được tỉa cành, đẽo vỏ. Nhưng theo phong tục ở đây, vỏ cây chỉ được đẽo một nửa và giữ lại một nửa, không được đẽo hết. Theo ông Kamau Chiến, thầy cúng của tộc họ Kamau ở thôn Tà Nôi cho biết: Cây làm cây nêu chỉ đẽo một nửa vỏ, để lại núi rừng một nửa rồi mang về nhà sàn mới được đẽo hết. Điều đó, thể hiện lòng tôn trọng thần linh, nếu không thần linh sẽ trách phạt tộc họ. Cây có vỏ cũng như người có da. Người Raglai quan niệm vạn vật hữu linh, đâu đâu cũng có thần linh ngự trị, nên khi chặt một cây là làm kinh địa đến thần linh. Cây cối cũng giống như con người, khi chặt cây là làm chết đi một sinh vật cho nên phải cúng tế thần linh, phải xin phép thổ địa trước mới được tiến hành làm.
Cây được chọn mang về nhà sàn của tộc họ, mọi người đục đẽo, trang trí cây nêu (xem ảnh số 5, phụ lục 2). Cây nêu là một khối vuông nhỏ dần lên từ gốc, cao khoảng 3,5m, được đẽo, vẽ bằng các màu đen, đỏ, vàng, trắng với các hình trái mây, cổ chim cu, ông sao,... ở gần đỉnh thân trụ được đục xuyên thủng để đưa vào hai đoạn tre đặc nằm ngang như những cánh tay giang ra. Cây ngang ở trên ngắn hơn cây ngang ở dưới khoảng cách chừng 60cm. Hai cành tre như hai cần câu, dài khoảng 3m được buộc các sợi dây trang trí bằng các vòng tre nối nhau như mắt xích từ trên cao xuống tận mặt đất. Trên những sợi dây có cắm nhiều hoa ngũ sắc, ở tận cùng của những sợi dây được cột những hình con diều, con ó đan bằng nan tre, sơn vẽ nhiều màu (xem ảnh số 17 và 18, phụ lục 2).
Cây nêu đã được trang trí hoàn chỉnh, người ta buộc treo cây nêu lên trên cửa chính nhà sàn tộc họ đợi đến sáng mai làm nghi lễ mới được dựng nêu. Người Raglai ở đây quan niệm, cây nêu phải được giữ ở vị trí trang trọng, nếu để dưới đất có người bước qua là xui xẻo, là thần linh không chấp nhận, là làm hỏng việc lớn của tộc họ. Vì vậy, cây nêu phải được để ở vị trí cao, vị trí mà mọi người đều phải chui qua.
2.3.2.2. Nghi lễ trình báo ông bà, tổ tiên
Nghi lễ trình báo ông bà, tổ tiên được coi là nghi lễ quan trọng nên tất cả mọi người trong tộc họ dù ở gần hay ở xa đều có mặt trong nghi lễ này. Mỗi người mỗi việc, người thì trang trí cây nêu, người giã lúa rang hạt nổ, người nấu ăn, người chuẩn bị lễ vật dâng cúng.
Bên trong nhà sàn, người ta dựng một bàn thờ tạm để tổ chức nghi lễ. Nghi lễ diễn ra khoảng từ 9 giờ đến 10 giờ, ngày thứ nhất.
Lễ vật dâng cúng được bày trong 2 mâm: một mâm cúng Pô Yang (thần thánh), một mâm cúng ông bà, tổ tiên. Mỗi mâm đều có: gà mái luộc (nguyên con), cơm, rượu cần, tô hạt lúa và hạt bắp khô, trầu cau, hạt nổ, chuối và tô lửa than mủ thúm. Theo phong tục, gà cúng lễ ở đây không chọn màu lông (lông trắng cúng Yang, đen cúng đất, cúng ma như các palei Raglai huyện Bác Ái và huyện Thuận Bắc) nhưng phải là gà mái, không dùng gà trống như người Việt, với dụng ý cầu mong mọi sự sinh sôi, nẩy nở. Cơm cúng đều được đơm cao ngọn để tỏ lòng hiếu thảo với bề trên, bề trên không quở trách cháu con dè xẻm, tính toán thiệt hơn.
Bước vào nghi lễ, thầy cúng và mọi người trong tộc họ, toàn là phụ nữ, không có đàn ông, mỗi gia đình đều có một người đại diện, ngồi trước bàn thờ lễ vật, tay chắp trước trán cầu khấn, với nội dung:
Huray ni anưq ticho... ngăq yak Bbâk akoq padai. Da – a Pô Sak, Pô Muq – Kay trôi mai si anưq ticho. Ngăq yak huray ni, malap ni tha manuq, tha kaloh dapai, hula, pinăng... Da – a Pô Yang, Mli, Pô Mdi, Pô Mlăq, Pô Bajiơng tanah riya, Pô Bajiơng anưq adăm, Kay Du kuơih proq, Kay Dai pôla rơq... trôi mai.
Mưng lakau anưq ticho kajăp karô khô krưng, mưng anưq, mưng ticho. Mưng almo, mưng kubao, mưng manuih, mưng urak, mưng thak (sak), mưng danok, mưng gok, mưng kal, toh siăp, toh suan...
Lời dịch tiếng Việt (người dịch: Nguyễn Hải Liên)
Bữa nay con cháu làm lễ cúng Ăn đầu lúa. Xin thỉnh mời thần thánh trong nhà, tổ tiên ông bà xuống với cháu con. Cúng hôm nay có gà, rượu, cơm, trầu cau... Xin mời thần Pô Yang, Mờ - Li, thần Mờ - Tì, thần Mờ - Lá, vị thần sinh ra đất đai, sinh ra con cháu gái trai, Ông Tài trồng lúa trồng cây, Ông Tù đào mương đắp đập... xin mời về hết.
Cầu xin cho con cháu mạnh giỏi, cứng chắc, cầu cho con, cho cháu, cầu cho bò, cho trâu, cầu cho con người, mọi nhà, cầu cho nhà cửa, chỗ ngồi, chiêng nồi, của cải ông bà để lại nguyên vẹn, tốt đẹp vô con người.
Nghi lễ với mục đích trình báo cho tổ tiên, ông bà biết, năm nay con cháu tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa của tộc họ, cháu con mời thần thánh, tổ tiên, ông bà về hưởng lễ vật và phù hộ cho cho cháu con những điều thuận lành. Mọi người đều thành kính và tin sau nghi lễ cầu xin này, tất cả những gì bệnh tật ốm đau, nghèo khó thiếu thốn,... sẽ sớm tan biến và những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người trong tộc họ.
2.3.2.3. Nghi lễ xin sử dụng nhạc cụ
Trong mọi nghi thức cúng tế, người Raglai đều sử dụng nhạc cụ truyền thống như: Mã la, Kèn bầu, Đàn Chapi, Chiêng, Trống,... Cũng như các dân tộc thiểu số ở miền Trung – Tây Nguyên, đa phần các nhạc cụ của người Raglai đều là những vật thiêng, đều có linh hồn. Đặc biệt là mã la, một loại nhạc cụ gõ bằng đồng mang tính đặc trưng của các dân tộc nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Theo quan niệm của người Raglai, mỗi chiếc mã la là một vị thần, chỉ có âm thanh của mã la là có thể thay tiếng nói con người để giao tiếp với thần linh. Vì vậy, mã la không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã hội, văn hóa tâm linh và là một trong những nhạc cụ thiêng. Vì tính chất thiêng nên người Raglai để nhạc cụ ở nơi trang trọng trong nhà sàn tộc họ, thường để gần bàn thờ ông bà, tổ tiên. Theo phong tục của người Raglai, mỗi khi cần dùng các nhạc cụ đó đều phải cúng xin ông bà, tổ tiên mới được lấy ra sử dụng. Bởi theo tâm linh của họ, mã la là một loại di sản thiêng liêng của ông bà để lại.
Khoảng gần 14 giờ chiều ngày lễ thứ nhất, tại bàn thờ tổ tiên ông bà, người ta chuẩn bị lễ vật dâng cúng, gồm: gà mái luộc, cơm, canh, thịt heo luộc, tô hạt lúa và bắp khô, rượu cần, chuối, trầu cau và tô lửa than mủ thúm. Thầy cúng tay chắp trước trán, khấn mời các thần linh, linh hồn ông bà, tổ tiên hưởng thụ lễ vật, cho con cháu được dùng nhạc cụ truyền thống trong những ngày diễn ra lễ hội.
Lời khấn có nội dung:
Hjhjjjjjjjjjjjj
Hjjjjjjjjjjjjjjjjj
Lời dịch tiếng Việt (người dịch: Nguyễn Hải Liên)
Tôi tớ tổ chức lễ theo phong tục của người Raglai, tôi tớ xin đốt khói thưa,  dâng cúng lễ vật gồm thịt gà, thịt heo, cơm, canh, rượu cần, trầu cau. Các vị tổ phụ thường đào mỏ, lọc đồng làm ra mã la, làm chiêng, đánh nơi này vang xuyên qua rừng núi, thấu đến người Chu – Ru, người Kơ – Ho, thấu đến bên Tàu, bên Nam Dương, thấu đến thần Mặt trời. Xin mời tổ phụ hãy xuống bàn lễ, ăn lễ vật Ăn đầu lúa và cho mọi điều may mắn, cho tôi tớ được lấy nhạc cụ này ra sử dụng. Kính lại tổ phụ.
Thầy cúng cúng xong mới được lấy nhạc cụ xuống lau chùi, chỉnh sửa, đến chiều tối (sau bữa cơm tối) mới được sử dụng trong phần hội. Kết thức nghi lễ, mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, đón, tiếp khách và chuẩn bị tham gia phần hội cùng mọi người trong palei.
2.3.2.4. Nghi lễ tra nước vào ché rượu cần
Rượu cần là đặc sản của người Raglai. Rượu cần không thể thiếu trong ẩm thực đời thường, đặc biệt trong lễ hội. Để có ché rượu làm lễ, người Raglai có nghi lễ xin tra nước vào ché. Nghi lễ được tổ chức bên trong nhà sàn, thời gian gần 1 giờ đồng hồ, vào buổi sáng sớm của ngày lễ thứ 2. Từ sáng, các gia đình tập trung ở khu vực nhà sàn, ai vào việc nấy. Trong nhà sàn, nơi bàn thờ tổ tiên, ông bà, thầy cúng bày biện lễ vật, gồm: gà mái luộc, thịt heo luộc, cơm, chuối, trầu cau, hạt nổ, rượu cần (ché rượu cần lớn), tô hạt lúa và bắp khô, tô nước lã, tô lửa than mủ thúm.
Lời khấn có nội dung:
Huray ni anưq ticho... ngăq yak Bbâk akoq padai. Da – a Pô Sak, Pô Muq – Kay trôi mai si anưq ticho. Anưq lakau tuq ia dapai kaloh. Ngăq yak huray ni, malap ni tha manuq, tha kaloh dapai, hula, pinăng... Da – a Pô Yang, Mli, Pô Mdi, Pô Mlăq, Pô Bajiơng tanah riya, Pô Bajiơng anưq adăm, Kay Du kuơih proq, Kay Dai pôla rơq... trôi mai.
Mưng lakau anưq ticho kajăp karô khô krưng, mưng anưq, mưng ticho. Mưng almo, mưng kubao, mưng manuih, mưng urak, mưng thak (sak), mưng danok, mưng gok, mưng kal, toh siăp, toh suan...
Lời dịch tiếng Việt (người dịch: Nguyễn Hải Liên)
Bữa nay con cháu làm lễ cúng Ăn đầu lúa. Xin thỉnh mời thần thánh trong nhà, tổ tiên ông bà xuống với cháu con. Chúng con xin được tra nước vô ché rượu cúng. Cúng hôm nay có gà, rượu, cơm, trầu cau... Xin mời thần Pô Yang, Mờ - Li, thần Mờ - Tì, thần Mờ - Lá, vị thần sinh ra đất đai, sinh ra con cháu gái trai, Ông Tài trồng lúa trồng cây, Ông Tù đào mương đắp đập... xin mời về hết.
Cầu xin cho con cháu mạnh giỏi, cứng chắc, cầu cho con, cho cháu, cầu cho bò, cho trâu, cầu cho con người, mọi nhà, cầu cho nhà cửa, chỗ ngồi, chiêng nồi, của cải ông bà để lại nguyên vẹn, tốt đẹp vô con người.
Đọc lời khấn xong (3 lần), thầy cúng cầm tô nước lã xông trên khói tô lửa than mủ thúm rồi tra tô nước vào ché rượu cần, để một lúc cho nước ngấm, rút nước cốt ra tô, để lên bàn thờ. Mọi người xung quanh chắp tay lạy, đội múa lễ (nữ múa phải là người của tộc họ, không phân biệt già hay trẻ) múa theo tiếng hòa nhạc của mã la, kèn bầu, chiêng, trống. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên có sử dụng múa lễ và nhạc cụ. Buổi lễ kết thúc, mọi người nghỉ ngơi truyện trò uống nước, ăn hạt nổ, uống rượu cần, khoảng tiếng đồng hồ sau lại bắt đầu vào nghi lễ khác.
2.3.2.5. Nghi lễ đeo chuỗi hạt cườm vào ché rượu cần
Đồ trang sức của người Raglai truyền thống không thể thiếu chuỗi hạt cườm. Đó là những hạt gom nhặt trong rừng, cũng có thể làm bằng hạt bo bo, hoặc các loại hạt nhiều màu do trao đổi buôn bán mà có.
Nghi lễ được tổ chức bên trong nhà sàn (nơi đặt bàn thổ tổ tiên, ông bà), thời gian làm lễ gần một giờ đồng hồ, khoảng 9 – 10 giờ của ngày lễ thứ hai.
Lễ vật dâng cúng được bày trong 2 mâm, mỗi mâm gồm: gà mái luộc, cua núi, cá suối, cơm, rượu cần, hạt nổ, chuối, trầu cau, tô hạt lúa và hạt bắp khô, tô lửa than mủ thúm.
Một mâm lễ để cúng ông bà, tổ tiên của tộc họ. Một mâm cúng những người trong gia tộc chẳng may bị chết vì tai nạn, chết đường, chết núi, không được nằm trên tay của người thân (gọi là chết không lành).
Lời khấn có nội dung:
Lakau bray Pô thau malap ni, huray ni Huray Tamư, anưq ticho ngăq yak Bbâk akoq padai, Da- a Pô yak prok nhưk tuq ia dapai, matai manuq, mưh anhuq, kurah, anưq ticho ngăq huday...
Bray Pô thau huray ni, malap ni Huray Tamư”anưq ticho ngăq yak Bbâk akoq padai, di dapai tha bok, manuq tha dray, lithay limư salao, Da – a Pô bbâk manuq, djuh dapai, bbâk lithay, ariăk chơq, ikaq pơ...
Mưng muq mưng Kay cheh dray, Muq – Kay cheh piok
Mưng miq, mưng wa, mưng aday, mưng sa-ai
Mưng lamo, mưng kubao, mưng manuq, mưng pabe truh siăp kajăp karô.
Lời dịch tiếng Việt (người dịch: Nguyễn Hải Liên)
Xin báo cho ông bà biết, ngày nay, đêm nay là ngày vô, con cháu làm lễ Ăn đầu lúa, xin thỉnh mời thần chủ, tổ tiên ông bà rót rượu, giết gà, cầm chuỗi hạt cườm, nhẫn đeo tay lên trước, con cháu làm theo sau...
Xin báo cho ông bà biết, hôm nay, đêm nay là “Ngày Vô”, cháu con làm lễ Ăn đầu lúa, rượu cần một ché, gà cúng một con, năm chén cơm cao ngọn, xin mời bề trên ăn gà, uống rượu, ăn cơm, ăn cua núi, cá núi...
Cầu xin tổ tiên của cải để lại
Cầu xin ông bà gìn giữ cho đời sau
Cầu cho từ trẻ tới già, cầu cho từ em tới anh, mong cho bò, trâu, gà, dê mọi điều tốt đẹp mạnh khỏe vô người.
Thầy cúng đọc lời khấn xong (3 lần), tay cầm chuỗi hạt cườm xông khói trên tô lửa than mủ thúm rồi quàng vào cổ ché rượu cần. Đội múa lễ, đội nhạc vẫn tiếp tục trình diễn.
Chuỗi hạt cườm quàng vào cổ ché rượu cần mang ý nghĩa tôn vinh người Mẹ đầu tiên của gia tộc được biểu thị bằng chuỗi hạt cườm, biểu hiện chế độ mẫu hệ, là bà mẹ tổ tông ngồi tiếp khách và nhìn con cháu làm lễ. Cũng vì thế, lễ vật dâng cúng lại có cua núi và cá suối. Người Raglai ở đây cho rằng, người Mẹ là người đã dạy con cháu bắt cá, bắt cua nên trong lễ này bắt buộc phải có cua núi và cá suối. Trong các nghi lễ, cúng xong, lễ vật đều được dọn đi. Nhưng trong nghi lễ này, ché rượu được để nguyên vị trí đó đến ngày cuối cùng mới được đem ra mời khách mà phải là khách quý của tộc họ mới được mời uống.
2.3.2.6. Nghi lễ giải thoát cho con vật hiến tế
Thời gian diễn ra nghi lễ giải thoát cho con vật hiến tế khoảng một giờ đồng hồ, sau bữa cơm trưa (khoảng từ 13 giờ đến 14 giờ, ngày lễ thứ 2). Địa điểm làm nghi lễ ở sân trước nhà sàn. Con vật hiến tế là một con heo đen còn sống (khoảng 40 - 50 kg), một con anu (khoảng hơn 1 kg).
Heo và anu trước khi đem tế sống phải tắm rửa sạch sẽ rồi được cột vào gốc cây nêu (cây nêu đã được dựng từ sáng ngày thứ hai).
Anu, người Raglai gọi là heo của Yang, người Việt gọi là con cúi lúi / chuột núi. Con anu hình dáng như con chuột cống ở hang bên bờ suối, ăn măng, rễ cây nên rất béo, thịt rất ngon, nhất là bộ lòng. Người Raglai ở palei Tà Nôi và palei Ya Rót, xã Ma Nới khi làm lễ hội Ăn đầu lúa bắt buộc phải có con anu, không có con anu phải thay thế bằng con trâu. Kinh tế người Raglai khó khăn nên chuẩn bị trâu để làm lễ thì vô cùng khó khăn.
Lễ vật đơn giản hơn các nghi lễ khác, chỉ có tô nước lã, gạo, muối hạt, hạt nổ, tô rượu cần, chuối, trầu cau và tô lửa than mủ thúm. Tất cả bày trong mâm và đặt trên dàn giá (dàn giá được làm bằng tre tạm thời, chỉ để làm dàn cúng cho nghi lễ này và nghi lễ cầu hồn lúa, hồn bắp) cách cây nêu khoảng 3m. Đứng xung quanh cây nêu và 2 con vật hiến tế là tốp múa, đội nhạc. Thầy cúng ngồi dưới mâm lễ khấn giải thoát cho hai con vật bốn chân được hiến tế thần linh và trình báo với tổ tiên về lễ vật chính sẽ dâng hiến hôm nay.
Lời khấn có nội dung:
Huray ni, malap ni anưq ticho Da – a Pô trôi mai tuh ia dapai, matai pabui, anu, bray Da – a Pô yak prôk nhưk tuq ia dapai yak kayau thum, mưng jư sanet cheh bray muq – kay cheq piok. Pô thiq dilau, anưq tiche thiq huday. 
Wơi Pô... Anưq ticho lakau kajăp karo khô knưng mưng tit thiăq prôk truh mada, kayoa hanoah.
Lời dịch tiếng Việt (người dịch: Nguyễn Hải Liên)
Sáng nay, chiều nay cháu con xin mời Ông -  Bà về ăn lễ, giết heo, anu, xin báo cho thần chủ, tổ tiên ông bà được biết chúng con dựng cây nêu theo tổ tiên, ông – bà từ ngàn xưa để lại. Xin bề trên cắt trước con cháu mới giám cắt sau.
Hỡi thánh thần, ông bà... Con cháu cầu xin bình an, mạnh khỏe từ trẻ tới già, làm ăn giàu có, của cải tạo ra.
Thầy cúng miệng khấn, tay vẩy nước, vẩy gạo, muối vào con heo và con anu. Tốp múa có 4 nữ, 4 nam, tốp hòa nhạc (không phân biệt nam hay nữ). Nhạc cụ cho phần lễ này chỉ sử dụng: 1 kèn bầu, 1 trống lớn, 3 chiêng có núm và 4 mã la. Trống lớn và chiêng núm chỉ có ở Ma Nới mới sử dụng, ở các palei Raglai thuộc huyện khác trong tỉnh Ninh Thuận không sử dụng.
Bài nhạc lễ có tên da a po yang trôt mai (mời thần thánh tổ tiên) và bài da a poo yac prôc nhưc (mời thần chủ). Tốp nhạc trong lúc hòa tấu không di chuyển mà đứng yên một chỗ. Tốp múa, múa xung quanh cây nêu và con vật hiến tế, mỗi lần múa họ phải đi bốn vòng xuôi, bốn vòng ngược kim đồng hồ rồi ra ngoài thay chỗ cho tốp khác vào múa tám vòng như thế. Nhạc lễ lúc này không bao giờ dứt trong 64 vòng múa với tiếng hò hét phấn khích của những người xung quanh.
Hòa cùng lời nhạc, điệu múa, những tiếng vỗ tay và những tiếng hò hét của mọi người. Heo và anu được cắt cổ, thầy cúng lấy tiết bôi vào chân cây nêu và các tua bông của cây nêu với mục đích giữ lúa. Sau đó, heo và anu được đem đi làm thịt, chế biến các món ăn. Các món ăn được chế biến từ con anu được coi là đặc sản của người Raglai. Nhưng trong lễ hiến sinh để tế thần lúa thì anu luộc nguyên con.
Nghi lễ này xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Raglai. Người Raglai tin rằng không chỉ con người mà ngay cả các loài động vật đều có linh hồn. Linh hồn tuy không nhìn thấy nhưng đều có khả năng trừng phạt hay giúp đỡ con người. Nghi lễ giải thoát cho con vật hiến tế mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Nghi lễ ngày thứ hai vừa kết thúc cũng là lúc bà con trong palei tổ chức hát hò, nhảy múa, kể truyện, chơi các trò chơi dân gian truyền thống, uống rượu cần đến khuya.
2.3.2.7. Nghi lễ cầu hồn lúa, hồn bắp
Đã bao đời nay, người Raglai dựa vào nông nghiệp mà sống, chủ yếu là phát rẫy trồng lúa, trồng bắp. Nông nghiệp vốn là truyền thống của các dân tộc Đông Nam Á từ bao đời nay, lúa, bắp, ngoai, mì,... chính là những cây lương thực gắn chặt với đời sống, sự no đủ, sung túc cũng như sự vất vả gian truân của họ. Với cư dân ở đây, từ đời qua đời khác, họ luôn mơ ước, khát khao vươn tới sự no đủ. Vì thế bà con ở các vùng cao rất quý trọng cây lúa. Khi mùa mưa đến lúa được mời xuống từ nhà sàn, lúa được gieo cẩn thận trên nương trên rẫy, đến khi hạt lúa chín vàng lại được bà con mang về nhà với những nghi lễ trang trọng. Với cư dân nông nghiệp ở đây họ biết chắt chiu từng hạt lúa, hạt bắp, họ đã khó nhọc bỏ ra để rồi được hưởng lợi. Vì vậy, những nghi thức thần thánh hóa hạt lúa cũng được dựng lên, rồi thần lúa mà người Raglai coi là Yang xuất hiện, để rồi từ thói quen gieo trồng rồi biết quý trọng công sức lao động ấy, cộng đồng dân tộc cư dân miền núi nói chung, người Raglai xã Ma Nới nói riêng đã hình thành nên một phong tục đẹp đó là nghi lễ cầu hồn lúa, hồn bắp.
Nghi lễ tiến hành vào khoảng thời gian từ 7 giờ đến 8 giờ sáng của ngày cuối cùng. Địa điểm tổ chức tại sân nhà sàn (chỗ dựng cây nêu).
Lễ vật gồm có: hạt nổ, hạt bắp, hạt lúa đều được đựng trong nia, tô nước lã, chùm bông lúa (lúa khô) và tô lửa than mủ thúm. Bước vào nghi lễ, thầy cúng ngồi xuống sân trước bàn lễ, tay chắp trước trán, miệng đọc lời khấn có nội dung:
Rù ru rù ru... ơi kumay padai siăp se... kayau selapăt, săt si manhi, nao sah urak huh hang, mai sak dray rôk ia palea, tadha ia ka kôl, juh yơ limo, jo yơ plăk, cheh anưq yơ moa, ba anưq yơ hutap. Mai sak danok, gok likal, Po jôi kađa, atoq chengoa, po jôi hoaih!
Lời dịch tiếng Việt (người dịch: Nguyễn Hải Liên)
Rù ru rù ru... ơi con gái lúa đẹp giáng hình tươi tốt, sinh sôi nẩy nở giống nòi, tới nhà người ta thì nóng bức hừng hực, về nhà mình thì mát như mưa phùn, như mù sương, sinh con như ổ mối, dẫn con đi như đàn kiến tổ, cây xanh tốt như bụi sả, hạt chắc đen như lông bò, hãy về ngồi trong nhà ta, đừng sợ cối chày, sàng sảy... con gái!
Thầy cúng miệng đọc lời khấn, tay cầm chùm bông lúa nhúng vào tô nước lã, nâng niu vuốt ve từ gốc tới ngọn, thầy hơ những chùm lúa vào tô lửa than mủ thúm, vuốt ve cho bông lúa khô, rồi lại nhúng nước. Thầy cúng tiếp tục đi xung quanh cây nêu, tay cầm một cái cây vừa đi vừa làm động tác như người nông dân chọt lỗ gieo hạt trên rẫy rồi dùng hạt bắp, hạt lúa ở trong nia tra vào lỗ. Cứ như vậy cho đến khi lúa, bắp trong nia không còn hạt nào mới thôi. Trên nền nhạc hòa tấu của nhạc cụ mã la, kèn bầu, chiêng là đội múa các cô, các chị của tộc họ đang say mê nhảy múa. Những động tác múa như tái hiện một khung cảnh lao động của bà con trên rẫy của mình.
Người Raglai quan niệm rằng, lúa có hồn và việc tôn thờ hồn lúa trú ngụ tại gùi đựng lúa mẹ (cũng là gùi đựng lúa giống) với nhiều kiêng kỵ và có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tinh thần của họ. Việc tin tưởng rằng lúa có hồn và việc cầu hồn lúa mẹ nói chung thống nhất nhau giữa các vùng của người Raglai nhưng sự thể hiện niềm tin này dưới hình thức các lễ nghi nông nghiệp có thể có khác nhau đôi chút giữa các địa phương.
Nghi lễ cúng cầu hồn lúa, hồn bắp hay còn gọi là gọi hồn lúa, hồn bắp với mục đích cầu mong lúa, bắp luôn ở bên họ và không bao giờ bị chết. Người Raglai ở đây gọi lúa là con Gái, bắp là con Trai. Lúa, bắp lớn lên phải chịu trên nắng, dưới nước, trên cối, dưới chày để nuôi sống con người. Đây cũng là nghi lễ khá phổ biến ở các palei Raglai. Ở các palei Raglai thuộc huyện Ninh Phước còn có nghi lễ rước hồn lúa, hồn bắp từ rẫy về nhà rất độc đáo. Kết thúc nghi lễ, mọi người nghỉ ngơi chuẩn bị cho nghi lễ tiếp theo.
2.3.2.8. Nghi lễ tiễn đưa ông bà, tổ tiên
Đây cũng là nghi lễ cuối cùng của lễ hội được tổ chức ngay bàn thờ ông bà tổ tiên, bên trong nhà sàn. Thời gian tiến hành khoảng 10 giờ đến 11 giờ.
Lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên, gồm: thịt heo, thịt gà, cơm, canh, gạo, muối hạt, lúa, bắp, rượu cần, chuối, trầu cau, hạt nổ và tô lửa than mủ thúm.
Nghi lễ này, về đối tượng tham gia cũng giống như nghi lễ trình báo ông bà tổ tiên ở ngày đầu tiên. Cũng tại bàn thờ ông bà tổ tiên này, chủ lễ là thầy cúng cùng tất cả đại diện chủ gia đình của toàn thể tộc họ, tay chắp trước trán, ngồi sau lưng thầy cúng. Thầy cúng khấn với nội dung:
Ngngmbm
bmmbvmjgkjg
Lời dịch tiếng Viết (người dịch: Mấu Thị Bích Phanh)
Hôm nay là ngày thứ ba của lễ hội Ăn đầu lúa, theo phong tục của người Raglai cháu con ở gần, ở xa đều hội tụ ở đây. Tôi tớ xin dâng cúng tổ tiên thịt gà, thịt heo, cơm, canh, rượu cần, trầu cau,... Ông bà, tổ tiên ăn của lễ, khẩn cầu bề trên ban phúc cho toàn gia tộc, ban phát lộc cho con cháu, cho lũ con cháu đi rừng chân cứng như sắt, mình chắc như đồng, đuổi được thú dữ, lúa, ngô, khoai, mì về đậu đầy nhà, vật nuôi đầy sân đầy chuồng, cháu con bình an, khỏe mạnh.
Trong tất cả các nghi lễ từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, mỗi nghi lễ thầy cúng đều đọc lời khấn 3 lần. Trước cửa nhà sàn có đội múa và 2 đội nhạc đang biểu diễn thực hành nghi lễ. Động tác múa cũng đơn giản, chỉ đi theo vòng tròn, quay mặt vào nhau, bốn vòng bên phải, bốn vòng bên trái, hai tay đưa lên cao, sang trái, sang phải theo nhịp nhún của bước chân. Nhạc cụ được sử dụng cho tất cả các nghi lễ chỉ có 2 bộ. Bộ thứ nhất có ba loại nhạc cụ: Kèn bầu sarakel, 3 chiếc chiêng được treo trong khung dàn tre và một chiếc trống lớn. Bộ thứ hai là bộ mã la bốn chiếc do bốn người thay nhau hòa tấu. Bộ mã la đánh thì bộ chiêng nghỉ ngơi và ngược lại.
Có 3 bài nhạc hòa tấu trong nghi lễ này, bài Da – a Pô trôt mai (thỉnh mời thần thánh tổ tiên), bài Da – a Pô yak prôk nhưk (mời thần chủ cúng lễ) và bài Tamaya Dăm Dara (trai gái múa mừng).
Nghi lễ có mục đích thỉnh mời thánh thần, ông bà tổ tiên trở về với thế giới bên kia, cháu con đã tổ chức xong lễ hội và bước vào mùa vụ mới, bước vào một năm mới có nhiều sức khỏe, mọi người làm ăn khấm khá, có điều kiện kinh tế để tổ chức lễ hội vào mùa sau.
2.3.3. Phần “hội”
Cũng như các dân tộc khác. Người Raglai coi phần lễ là chính, phần hội là phụ. Thậm chí một số nghi lễ không có phần hội. Ngày nay, do phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh nên phần hội ngày càng được tổ chức lớn hơn. Người Raglai quan niệm, phần hội là phần mừng” cho kết quả của phần lễ. Phần hội trong các nghi lễ của người Raglai thể hiện rõ nét nhất là trong lễ bỏ mả. Sau khi lễ bỏ mả xong, người Raglai coi như đã tiễn được ma về thế giới bên kia, ma không còn luẩn quẩn trong palei, trong rừng nữa nên tổ chức múa hát mừng. Phần hội trong lễ Ăn đầu lúa không được coi trọng như phần hội của lễ bỏ mả. Nhiều ý kiến cho rằng phần hội trong lễ Ăn đầu lúa hay lễ mừng lúa mới” mới phát sinh mạnh sau này, từ khi phong trào văn hóa nghệ thuật phát triển.
Phần hội diễn ra khoảng từ 19 giờ đến 22 giờ trong 3 tối và một buổi chiều của ngày cuối cùng. Phần hội, được hòa tấu nhạc cụ truyền thống dân tộc, múa, hát, kể truyện, chơi các trò chơi dân gian,... nhưng tiêu biểu, hào hứng và phổ biến nhất vẫn là các tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống.
Để hiểu rõ hơn về nhạc cụ truyền thống của người Raglai, chúng tôi giới thiệu khái quát về những loại nhạc cụ được sử dụng trong lễ hội Ăn đầu lúa” này, như sau:
Kèn bầu (Sarakel) được làm từ quả bầu núi, để khô, khoét ruột và cây nứa nhỏ. Kèn bầu có 6 ống dài, ngắn khác nhau cắm vào trái bầu, trên 4 ống, dưới 2 ống. Mỗi ống đều có lưỡi gà bằng lá đồng mỏng ở bên trong. Cuống của trái là nơi hút và thổi hơi, các ngón tay điều chỉnh âm ở các lỗ của cây nứa. Kèn bầu là loại nhạc cụ có bài bản, có tiết tấu, thường dùng trong lễ hội, trong sinh hoạt vui chơi, giải trí (xem ảnh số 10, phụ lục 2).
Trống lớn (Saggơr Kayau) được làm bằng thân cây gỗ, hình tròn, đục rỗng, hai đầu bịt da trâu hoặc da bò. Trống thường làm nhiệm vụ giữ nhịp khi hòa tấu cùng kèn bầu và chiêng núm (Chiek klâu) trong lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở Ma Nới.
Chiêng núm (Chiek klâu) là loại nhạc cụ làm bằng đồng, có núm, dùng dùi bọc vải đánh vào núm. Người Raglai không dùng chiêng núm lẻ một chiếc mà dùng cả bộ ba chiếc, từ lớn đến nhỏ, có âm từ cao đến thấp, sử dụng hòa tấu cùng với kèn bầu và trống lớn, chỉ dùng trong lễ hội cúng cầu mưa, cúng Thành Hoàng, cúng Ăn đầu lúa. Không bao giờ đem chiêng ra đánh chơi (xem ảnh số 7, phụ lục 2). Chiêng núm ba chiếc chỉ do một người đánh. Bộ nhạc cụ hòa tấu của chiêng núm, trống lớn và kèn bầu có bài bản cụ thể như: Tapuq (chữ nghĩa), Patao mai peq pô bia lang chao (vua đến hoàng hậu trải chiếu), Bônrôn chip chuh (chim đen), Tililit (chê bai),...
Mã la (Chhar) được làm bằng đồng (xem ảnh số 14 và 15, phụ lục 2). Khi sử dụng, một tay đánh vào mặt trước, một tay giữ và điều chỉnh âm ở mặt sau. Một bộ mã la là đại diện các thành viên trong gia đình mẫu hệ. Chiếc thứ nhất gọi là Ina (mẹ), chiếc thứ hai gọi là Ana Kachoah (con cả), chiếc thứ ba gọi là Ana Khrăq (con giữa) và chiếc thứ tư gọi là Ana Tuluih (con út). Khi sử dụng, đều phải có 4 chiếc hòa tấu cùng nhau, với các bài như: Katrao kaku (chim cu gù), Bađih (chim rù rì), Nao apoq – Hama (đi rẫy – đi ruộng), Baggâup Chhoh Ia (cùng nhau đi rẫy), Paggop Ggâup (sum họp), Chip Sraih (chim xanh), Aluih Ggâup (âu yếm nhau), Hray Koq Padai (hội đầu lúa),...
Đàn Chapi (Koq Tlơr) được làm bằng ống tre có 12 dây, 6 phím bao quanh ống tre, tiết tấu, âm thanh giống mã la nhưng nhỏ hơn, chỉ một người sử dụng, không hòa tấu với loại nhạc cụ nào cả. Phần hội này đàn chapi có nhiệm vụ đánh để mời khách vào nhà, mời khách tham gia nhảy múa với mọi người, đệm nhạc cho các bài hát vào ban đêm (xem ảnh số 11, phụ lục 2).
Sau bữa cơm tối, mặt trời đã khuất sau ngọn núi, tiếng mã la cất lên vang vọng khắp núi rừng, bà con palei trên, xóm dưới rủ nhau tới cùng tham gia. Bắt đầu là những chàng trai của tộc họ vừa đánh trống, đánh chiêng, vừa nhảy múa đi vòng quanh sân nhà sàn, mọi người đứng quây quần xung quanh vừa xem, vừa uống rượu cần. Đây là một ngày hội sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cả cộng đồng dân tộc Raglai, không khí vui chơi hồn nhiên, sống động của cả một tập thể đông vui, nhộn nhịp. Người ta đánh mã la, đánh chiêng, múa theo nhịp chiêng, hát những làn điệu dân ca không chỉ nhằm chuyển tải tình cảm, giao lưu đối đáp trong lao động sản xuất sinh hoạt thường ngày. Cứ như vậy nhóm múa, nhóm nhạc nào mệt thì ra nghỉ ngơi uống rượu cần, nhóm khác lại vào thay. Đây thực sự là một buổi diễn xướng, ca múa nhạc sôi nổi, hào hứng, náo nhiệt nhưng lại không mang tính chất biểu diễn cho khán giả xem mà chủ yếu mang tính chất vui chơi với nhau là chính, không còn vẻ gì là huyền bí nghiêm trang của các nghi lễ.
Ngày hội Ăn đầu lúa do tộc họ đứng ra tổ chức nhưng nó được coi như một ngày hội lớn của cả palei, của cả đồng bào Raglai sinh sống trong khu vực lân cận. Trong đêm hội, ngoài việc hòa tấu các loại nhạc, múa hát, còn là nơi bà con xóm giềng gặp gỡ thăm hỏi nhau, là nơi gặp mặt làm quen và hẹn hò của các chàng trai, cô gái Raglai. Cuộc vui cứ thế kéo dài đến đêm, ai về nhà được thì về, ai ngủ lại thì lăn ra nhà sàn ngủ. Ngày xưa, trong các lễ hội lớn, sau đêm hội còn có tục ngủ thảo của các đôi nam - nữ (xem thêm phụ lục 1, trang ......).
Phần Hội còn là những hoạt động “mừng vui” thông thường khi phần lễ đã kết thúc chọn vẹn. Trong lễ bỏ mả của người Raglai, sau phần Lễ tiễn đưa “ma” về thế giới bên kia một cách thành công, mọi người tổ chức phần Hội hát mừng, múa mừng rộn rã, với quan niệm linh hồn người chết đã được giải thoát khỏi cõi đời người. Trong lễ nhập cút của người Chăm, sau khi hoàn tất phần lễ, bà bóng Muk Pa Chơw múa mừng, rồi đến phần âm nhạc rộn rã, mọi người dự lễ đều múa mừng.
Buổi chiều ngày cuối cùng của phần hội cũng là ngày mà cả palei, khách mời, bà con các dân tộc lân cận đến dự hội đều được tộc họ mở tiệc chiêu đãi, với các món ăn truyền thống như thịt heo nướng xiên, cơm lam và rượu cần. Trong nhà sàn, tiệc rượu liên hoan không ngớt, tiếng nói cười vui vẻ; ngoài sân diễn ra các trò chơi dân gian rất đặc trưng của người Raglai như thi đẩy gậy, thi đi cà kheo giữa các chàng trai, cô gái của các tộc họ trong palei. Mọi người đứng xung quanh reo hò, cổ vũ, ai thắng thì được khen ngợi, được tộc trưởng mời uống bát rượu cần, ngược lại ai thua thì bị chế giễu. Cuộc thi tài gợi lên một không khí khỏe khoắn, náo nhiệt, lôi cuốn mọi người.
Trong môi trường sinh hoạt văn hóa của ngày hội, dù là dưới danh nghĩa phạm vi tổ chức của một tộc họ, nhưng sự lan tỏa rộng lớn đến cả cộng đồng dân tộc, những hoạt động vui chơi diễn ra một cách tự nhiên, đáp ứng được những nhu cầu vui chơi, giải trí của cả cộng đồng người Raglai ở trong khu vực.
2.4. Một vài so sánh lễ hội Ăn đầu lúa trong địa bàn tỉnh Ninh Thuận
2.4.1. Về sự tương đồng
Lễ hội Ăn đầu lúa đều được người Raglai ở các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận tổ chức vào thời điểm sau Tết Nguyên đán của người Việt (khoảng từ mùng 5 đến 30 tháng 1 âm lịch), chu kỳ thường là 5 đến 7 năm tổ chức một lần, tùy vào điều kiện kinh tế của các gia đình trong tộc họ. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, với mục đích tạ ơn thần linh, tạ ơn ông bà tổ tiên, tiễn năm cũ, đón mừng năm mới, cầu mong sức khỏe, cầu cho hồn lúa hồn bắp về đậu đầy nhà, cầu cho vật nuôi sinh sôi đầy chuồng. Lễ hội cũng là dịp những người thân trong tộc họ, ai đi theo vợ, bắt chồng, dù ở gần hay ở xa đều về ngôi nhà sàn chung họp mặt, là dịp các gia đình trong tộc họ dãi bày tâm sự cùng nhau hoặc giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn trong tộc họ nếu có.
Mọi công việc chuẩn bị đều bắt đầu từ vài tháng trước. Việc đóng góp về vật chất của các gia đình trong tộc họ được phân công cụ thể cho các thành viên. Nam giới lên núi tìm cây, lá về dựng một cái nhà tạm ở nơi tổ chức lễ hội; nữ giới phụ trách công việc nội trợ, giã lúa, rang hạt nổ, chuẩn bị lễ vật... Các nghi thức, lời khấn tương đối đồng nhất với nhau. Vùng đồng bào Raglai trong tỉnh Ninh Thuận đều thực hiện 5 nghi lễ giống nhau (nghi lễ trình báo ông bà tổ tiên; nghi lễ đeo chuỗi hạt cườm vào ché rượu; nghi lễ giải thoát con vật hiến tế; nghi lễ cầu hồn lúa hồn bắp và nghi lễ tiễn ông bà tổ tiên). Phần hội diễn ra trong thời gian tương đối giống nhau, đa số là hòa tấu nhạc cụ truyền thống, múa hát, một số nơi còn tổ chức trò chơi dân gian.
2.4.2. Về sự khác biệt
Vùng đồng bào Raglai thuộc 2 huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa không có nghi lễ chặt cây làm cây nêu, không có nghi lễ xin sử dụng nhạc cụ nhưng lại có nghi lễ xin chuyển cây nêu ra rẫy, có nghi lễ gieo trồng ở rẫy và nghi lễ trả ơn thần Kamau một nhân vật anh hùng trong sử thi Kei Kamau cũng là tên gọn núi lớn ở Tà Nôi. Nhạc cụ được sử dụng là bộ mã la đôi và mã la 6 chiếc, không sử dụng bộ chiêng 3, có bộ lục lạc giống bộ lục lạc của người Chăm, trang phục của thầy cúng lễ đầu có đội khăn của người Chăm. Một phần là do đồng bào Raglai đang sống cận canh, cận cư với người Chăm nên ảnh hướng văn hóa của người Chăm là điều tất yếu.
Chủ lễ là 2 thầy cúng (ông Du là hiện thân cho Bắp – con trai và ông Dai là hiện thân cho Lúa – con gái).
Lễ vật không có con anu. Heo được hiến tế tại rẫy, có khi ngoài đồng ruộng, không làm ở sân nhà sàn, heo không cắt tiết mà phải đập đầu cho chết rồi mổ thịt.
Lễ hội có dựng 2 cây nêu. Một cây dựng ở khu vực nhà sàn chính. Cây nêu này được đục dẽo trang trí kỹ lưỡng. Một cây được chặt ở khu rừng, để nguyên cành lá và trồng ngay tại rẫy để làm lễ tế heo. Heo tế được đập đầu rồi mổ thịt ngay tại cây nêu này.
Các palei ở huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam không sử dụng mủ thúm làm hương liệu trong các nghi lễ mà họ dùng trầm hương, giống như người Chăm.
Tiểu kết chương 2
Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, đâu đâu cũng có thần, người Raglai cũng như các dân tộc ở sườn đông dãy Trường Sơn đều có sự tương đồng về hệ thống lễ nghi nông nghiệp, nghi lễ vòng đời. Từ nghi lễ trong thời kỳ làm đất, đến nghi lễ ăn mừng lúa mới đều được tổ chức như một quy tắc bắt buộc. Nghi lễ vòng đời người cũng vậy, từ lúc con người chào đời đến khi con người lìa khỏi trần thế đều có các nghi lễ quan trọng như nghi lễ sinh đẻ, nghi lễ trưởng thành, nghi lễ cưới hỏi và nghi lễ tang ma và đến lễ hội bỏ mả. Đây là những nghi lễ quan trọng, đặc trưng của người Raglai.
Từ những quan niệm đó, khi đụng tới bất cứ việc gì, vật gì, người Raglai cũng làm các nghi lễ cầu cúng, xin phép thần linh và phù hộ mọi việc thành công. Trong lễ hội Ăn đầu lúa, người Raglai thực hiện các nghi lễ như: nghi lễ chặt cây làm cây nêu, nghi lễ trình báo ông bà tổ tiên, nghi lễ xin sử dụng nhạc cụ, nghi lễ tra nước vào ché rượu cần, nghi lễ đeo chuỗi hạt cườm vào ché rượu cần, nghi lễ giải thoát cho con vật hiến tế, nghi lễ cầu hồn lúa hồn bắp và nghi lễ tiễn đưa ông bà tổ tiên.
Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai là của tộc họ đứng ra tổ chức, diễn ra trong không gian và thời gian được xác định, nhằm cảm tạ, cầu xin và tôn kính các thần linh, tưởng nhớ tổ tiên ông bà, thể hiện phương cách ứng xử của con người với thiên nhiên và xã hội. Lễ hội là bức tranh sinh động, tổng thể nhất về những sắc thái văn hóa bao hàm nhiều giá trị khác nhau. Đó là âm thanh của nhạc cụ mã la, chiêng, kèn bàu, đàn chapi,... các thành viên được thể hiện tài năng và sức sáng tạo, những điệu múa dân gian mang tính khỏe khoắn, hồn nhiên, đơn giản đã tạo nên sự gắn kết các cá nhân lại với nhau. Lễ vật dâng cúng là những sản vật rất gần gũi do chính họ làm ra, nuôi được, trồng được, săn bắt được. Lời khấn trong các nghi lễ rất mập mạp, chất phát, không hoa mỹ, mang ý nghĩa cầu nối, đối thoại giữa con người với thần linh. Lời văn khấn phán ánh mong muốn của con người đến với những điều tốt đẹp, hướng đến sự tin tưởng lạc quan hơn, tích cực hơn về cuộc sống hiện tại của mình.
Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở các palei thuộc tỉnh Ninh Thuận có sự khác nhau về một vài nghi lễ, lễ vật dâng cúng và phần hội. Là do sống cận cư và xen cư với các dân tộc khác nên có sư giao lưu tiếp biến văn hóa với nhau. Nhưng cũng tương đối thống nhất với nhau về lời văn khấn, đối tượng thờ cúng và đặc biệt là sự có mặt đầy đủ của toàn thể thành viên trong tộc họ trong nghi lễ cúng mời ông bà, tổ tiên về ăn lễ và nghi lễ tiễn đưa ông bà tổ tiên điều đó cho thấy người Raglai khẳng định lễ hội Ăn đầu lúa là Tết năm mới của người Raglai là có cơ sở. Tuy nhiên để kết luận vấn đề này, cần phải có sự nghiên cứu sâu và được các nhà khoa học công nhận.
CHƯƠNG 3
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY  LỄ HỘI ĂN ĐẦU LÚA
DÂN TỘC RAGLAI PALEI TÀ NÔI, XÃ MA NỚI, HUYỆN NINH SƠN, TỈNH NINH THUẬN
(Chú xem phần đỏ này bỏ được không?)
3.1. Những giá trị văn hóa trong lễ hội Ăn đầu lúa của dân tộc Raglai
Cộng đồng dân tộc Raglai với sắc thái văn hóa riêng, đặc sắc đã đóng góp vào sự phong phú đa dạng của nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Tuy là một dân tộc sống ở Nam Trung bộ, cùng nhóm ngôn ngữ với người Chăm và có mối quan hệ anh em khăng khít với người Chăm, nhưng người Raglai không tiếp nhận tôn giáo nào vẫn là dân tộc bản địa nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, giữ truyền thống văn hóa bản địa từ ngàn xưa của tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Đây là một giá trị mang tính bản địa.
3.1.1. Giá trị văn hóa nhân văn
3.1.1.1. Giá trị văn hóa
Trong quá trình phát triển của xã hội, sự hội nhập kinh tế, giao lưu tiếp biến văn hóa như hiện nay, các nền văn hóa cổ truyền của dân tộc nhanh chóng bị biến đổi và rất dễ bị hòa lẫn vào nhau. Điều đó dẫn đến một nguy cơ làm mất đi giá trị văn hóa bản địa hay nghèo đi nền văn hóa vốn có của dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ thể hiện sức sống tinh thần mạnh mẽ của một dân tộc, gọi là giá trị bản địa và chính nó làm nên bản sắc của tộc người. Những giá trị ấy ẩn chứa trong mọi sinh hoạt đời sống của người dân, đặc biệt là trong các nghi lễ. Lễ hội Ăn đầu lúa nằm trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp của người Raglai có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần, chứa đựng những nét tín ngưỡng dân gian sơ khai, tồn tại từ đời này đến đời khác và cho đến ngày hôm nay.
Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở palei Tà Nôi không bị chi phối, ảnh hưởng yếu tố văn hóa như dân tộc Chăm ở các xã thuộc huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận, cũng không bị ảnh hưởng yếu tố ngoại lai hay dị bản mà vẫn giữ được nguyên bản của lễ hội. Nguyên nhân có lẽ cũng bắt nguồn từ không gian sinh sống của người dân palei Tà Nôi. Người Raglai ở palei Tà Nôi có địa bàn cư trú thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi hẻo lánh, đường xá đi lại rất khó khăn, cách xa trung tâm hành chính của xã Ma Nới nên ít điều kiện giao lưu, tiếp xúc với những văn hóa dân tộc anh em khác. Vì thế, các loại hình văn hóa, nghệ thuật nói chung, lễ hội Ăn đầu lúa nói riêng còn giữ được nguyên bản, mang tính bản địa sâu sắc mà không nơi nào trong tỉnh có được.
Hệ thống lễ vật mang yếu tố truyền thống dân gian luôn có mặt trong các nghi lễ, như: trầu cau, rượu, trứng, gà, cơm,... Chức sắc - thầy cúng hành lễ cũng là những thầy chủ lễ dân gian (nam giới) thuộc tín ngưỡng dân gian, hệ thống thần linh được mời về trong các nghi lễ của lễ hội Ăn đầu lúa, bao gồm những vị nhiên thần mà cư dân nông nghiệp vốn tôn thờ từ xa xưa như: thần Núi, thần Sông, thần Suối, thần Cây, thần Rừng, thần Đất, thần Đá, thần Nước, thần Lửa,... và ông bà tổ tiên cũng thuộc tín ngưỡng dân gian vì người Raglai ở đây không có sự chi phối của tôn giáo.
Tuy nhiên, người Raglai ở địa bàn các xã thuộc hai huyện Thuận Nam và Ninh Phước khi tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa, họ có thỉnh mời cả những vị thần của người Chăm như Pô Inâ Nâgar và một số vị thần khác, chứng tỏ người Raglai ở đây sống cận canh cận cư với người Chăm nên có sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc. Một số lời khấn hay lễ vật cũng có điểm tương đồng, thậm chí họ còn sử dụng cả giọng nói của người Chăm như đoạn đối thoại giữa hai thầy cúng trong nghi lễ rước hồn lúa từ rẫy về nhà hay sử dụng một số y trang của người Chăm.
Đối với người Raglai, những ngày diễn ra lễ hội Ăn đầu lúa là những ngày tết. Nó giống như tết Katê của người Chăm và tết Nguyên Đán của người Việt. Có sự so sánh như vậy vì bản thân lễ Ăn đầu lúa có nhiều tiêu chí giống tết của các dân tộc khác. Thứ nhất là thời gian diễn ra lễ hội, người Raglai thường tổ chức vào cuối năm với ý nghĩa tiễn năm cũ, đón năm mới. Thứ hai, thành phần tham gia lễ hội là tất cả những người thân trong tộc họ, ai đi lấy vợ, bắt chồng, dù ở gần ở xa đều kéo về đoàn tụ, gặp gỡ nhau. Thứ ba là giá trị nhân văn có trong lễ hội. Đây là  dịp con cháu mời tổ tiên, ông bà về ăn lễ, sum vầy cùng con cháu rồi sau ba ngày lễ hội lại cúng tiễn (đưa) tổ tiên, ông bà. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài không khí hội hè bên cạnh các nghi lễ mang tính phong tục truyền thống, những ngày này thực sự mang đậm tính chất tết của một dân tộc bao trùm lên mọi sinh hoạt đời sống của họ. Người ta chúc tụng nhau những điều tốt đẹp và thiết đãi ăn uống, vui chơi sau khi thực hành các nghi lễ, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và các vị thần khác, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.
3.1.1.2. Giá trị nghệ thuật
Lễ hội Ăn đầu lúa là lễ hội nông nghiệp, là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần, có lịch sử lâu đời và mang tính dân tộc sâu sắc, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh, củng cố ý thức cộng đồng. Lễ hội Ăn đầu lúa chứa đựng và phản ánh nhiều mặt của cuộc sống, lao động thường ngày, là chỗ dựa tinh thần của dân tộc Raglai để mỗi người Raglai hướng về tổ tông, dòng tộc, về thế giới tâm linh. Người Raglai quan niệm vạn vật hữu linh, đâu đâu cũng có thần linh, thần linh ngự trị trong tất cả mọi cây trồng, vật nuôi. Hình thức, nội dung và lời khấn cúng lễ trước khi chặt cây để làm cây nêu có giá trị vô cùng to lớn, hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở con cháu không chặt phá rừng bừa bãi, có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, răn dạy cháu con ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc Raglai nói riêng, văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam nói chung.
Người Raglai theo tín ngưỡng đa thần – tin tưởng vào các thế lực siêu nhiên có khả năng gây tai họa cho con người, thông qua lễ hội và thực hiện những kiêng kỵ nhằm tránh xúc phạm đến các thế lực siêu nhiên ấy. Chính những điều này đã hình thành một tầng lớp thầy cúng được gọi là Pajau. Trước những khó khăn, những tai nạn thường xảy ra trong đời sống như trên rẫy cũng như lúc hành nghề ngoài rừng, người Raglai tự cảm thấy mình là một sinh linh rất bé nhỏ, yếu đuối, bơ vơ lạc lõng trong một vũ trụ bao la đầy hiểm nghèo mà sức người không thể chống chọi nổi. Người Raglai còn cho rằng những khó khăn của đời sống, những tai nạn nghề nghiệp cho đến những bệnh tật, chết chóc đều do người khuất mặt, qủy thần phá phách hoặc trừng phạt. Những khi cây lúa của họ ở ruộng, ở trên rẫy đã gần được thu hoạch, người ta dùng tay tuốt những hạt lúa ở đầu bông lúa mang về phơi khô, cất giữ trong nhà, chờ đến khi tổ chức lễ hội ăn đầu lúa họ đem ra ngâm nước, rang khô rồi giã làm hạt nổ. Hạt nổ là lễ vật cúng lễ đặc biệt quan trong không thể thiếu, là móm ăn của tất cả mọi người tham gia lễ hội kể cả khách đến dự lễ hội trong suốt thời gian diễn ra phần hội. Và cái tên lễ hội ăn đầu lúa có ý nghĩa từ đó.
Văn hóa của người Raglai thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp trọng tĩnh. Cũng như các dân tộc Tây Nguyên, văn hóa Raglai định hình trong không gian văn hóa Đông Nam Á và gần như giữ nguyên vẹn đặc trưng văn hóa của khu vực. Tư tưởng triết học âm dương ảnh hưởng đậm nét trong vũ trụ luận, trong tư duy và lối sống của người Raglai. Sự đối lập của âm dương ở đây chính là sự đối lập của môi trường tự nhiên rừng - biển.
Về bản chất văn hóa Raglai là văn hóa rừng, văn hóa thực vật, do vậy ít biểu hiện thành các dạng vật thể có quy mô lớn, bền chắc, chủ yếu chỉ bằng tre gỗ, quy mô nhỏ (nhà sàn rất đơn giản, không đồ sộ, bề thế như nhà dài của các dân tộc ở Tây Nguyên). Sự kỳ vĩ của văn hóa Raglai biểu hiện chủ yếu ở văn hóa phi vật thể mà rõ rệt nhất là ở hệ thống các lễ hội, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, sử thi, truyện cổ tích, câu đố, thành ngữ, tục ngữ,… Các loại nhạc cụ vừa hòa tấu, vừa tham gia trợ giúp cho phần hát và múa trong lễ hội, tạo hiệu quả chung về nghệ thuật và tính thiêng. Có thể nói, lễ hội ăn đầu lúa chính là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng Raglai luôn bền chặt. Lễ hội cũng là nơi đào tạo lớp nghệ nhân mới, quan trọng hơn nữa nó là cái nôi hàm chứa, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian. Sau phần lễ là đến phần hội, bao giờ cũng vậy, khi men rượu cần đã ngấm là “bùng phát” tất cả các loại hình văn nghệ dân gian của các thành viên trong gia tộc, dòng họ. Họ diễn tấu, thi tài đánh mã la, thổi kèn, nhảy múa diễn ra rất sôi nổi.
3.1.2. Giá trị xã hội và đạo đức
3.1.2.1. Giá trị xã hội
Lễ hội Ăn đầu lúa cũng như các các lễ hội khác, chứa đựng trong nó nhiều giá trị, trong đó có giá trị về xã hội nhân văn sâu sắc. Xuất phát từ ý thức đối nhân xử thế giữa người với người, giữa người với môi trường tự nhiên, giữa người sống với người chết bằng những sợi dây vô hình và những niềm tin thể hiện trong các nghi lễ của người Raglai. Trong lễ hội Ăn đầu lúa, người Raglai tổ chức dâng cúng lễ vật, thỉnh mời ông bà tổ tiên, mời các nhiên thần một cách trang trọng. Trong cuộc sống của mình, người Raglai đều duy trì mối quan hệ với người đã khuất cho dù ông bà đã trở về với cõi vĩnh hằng, đã làm lễ bỏ mả thì họ vẫn tin rằng ông bà tổ tiên vẫn luôn hiện diện, theo dõi và phù hộ độ trì cho họ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa còn tùy thuộc vào kinh tế của các gia đình trong tộc họ. Tộc họ nào kinh tế khá giả thì làm lớn, tộc họ khó khăn thì làm nhỏ. Nhưng dù lớn, dù nhỏ cũng phải đủ lễ vật dâng cúng, không được thiếu thứ gì, chỉ là mời khách ít hay nhiều mà thôi.
Lễ hội Ăn đầu lúa tuy là lễ hội nông nghiệp nhưng không được tổ chức hàng năm theo chu kỳ của cây trồng mà phải 5 năm hoặc 7 năm mới tổ chức một lần. Theo giải thích của những người Raglai lớn tuổi, tộc trưởng và các thầy cúng lễ, họ cho rằng: Hàng năm các gia đình người Raglai đều làm lễ “ăn lúa mới”, còn lễ hội ăn đầu lúa là lễ hội lớn, tốn kém nhiều lương thực nên phải 5 năm mới tổ chức được. Với điều kiện cuộc sống của người Raglai ở thôn quê, núi rừng, vùng sâu hẻo lánh, quanh năm hạn hán hoành hành, được mùa thì ít mất mùa thì nhiều, với bao âu lo, vất vả bươn trải trong cuộc sống như vậy thì việc tổ chức được lễ hội ăn đầu lúa kéo dài trong 3 ngày 3 đêm, ăn uống cho cả hàng trăm người của tộc họ, khách mời và bà con trong làng trên, xóm dưới như hiện nay thì là điều quá khó khăn.
Tuy không tổ chức hàng năm nhưng lễ hội đã hình thành nên sợi dây gắn kết cộng đồng bền chặt, củng cố tình làng nghĩa xóm, đồng thời cũng là nơi mọi người duy trì, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán của ông bà tổ tiên để lại.
Người Raglai luôn có thái độ ứng xử rất nhân văn đối với mội trường tự nhiên. Xuất phát từ niền tin ngây thơ nguyên thủy, họ sợ làm đau từng ngọn cây, hòn đất, họ gìn giữ sự trong lành, thuần khiết của từng con sông, con suối, cánh rừng, vì sợ làm ô uế thì thần linh quở phạt, gây tai ương cho người hoặc sẽ làm mất đi tính thiêng. Mà đã mất đi tính thiêng thì thần linh sẽ không ngự trị để phù hộ, độ trì cho con người nữa. Từ đó, họ có ý thức cao trong việc bảo vệ mội trường sinh thái, trong đó đặc biệt là bảo vệ môi trường đất, môi trường nước và vấn đề bảo vệ rừng. Họ có ý thức bảo vệ rừng vì họ cho rằng rừng là nơi dưỡng nuôi nguồn nước, mặc dù họ không xuất phát từ cơ sở kiến thức khoa học nào cả. Niềm tin vào vạn vật hữu linh khiến họ sợ sự quở phạt của thần linh, điều này không hoàn toàn mang ý nghĩa mê tín mà còn có ý nghĩa răn đe, nhắc nhở họ làm điều tốt, không làm điều có hại, đồng thời để củng cố niềm tin, để họ có được cân bằng về mặt tâm lý theo một cách suy nghĩ nào đó.
Lễ hội có các nghi lễ khác nhau, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Con vật hiến tế (heo, anu), trước khi hóa kiếp, người Raglai luôn thể hiện thái độ trân trọng bằng cách đọc lời tế giải thoát cho con vật, làm lễ tẩy uế cho nó, thậm chí bái lạy và xin con vật đừng oán trách con người vì phải làm thịt chúng để dâng cúng thần linh.
Người Raglai rất quý trọng và mến khách, tộc họ nào làm lễ hội ăn đầu lúa mà được đông đảo bà con xóm làng, nhân dân ở gần, ở xa đến tham dự đông là họ rất mừng, không sợ tốn kém mà vô cùng nhiệt tình tiếp đón khách, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, thành phần hay lứa tuổi. Lễ vật dâng cúng đều được chia cho mọi người có mặt trong lễ hội chỉ trừ rượu cần là không cho trẻ em hưởng mà thôi.
Người Raglai xưa nay không bị chi phối bởi các tôn giáo nhưng tính cộng đồng gắn kết tộc người đang bị phân hóa mạnh mẽ trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại ngày nay. Thông qua lễ hội này, đã củng cố, duy trì mối quan hệ cố kết cộng đồng bền chặt trong phạm vi làng xã, khu vực và tộc họ; nhắc nhở họ gìn giữ truyền thống, tập tục của ông bà. Đồng thời, lễ hội còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, tổ tiên, báo hiếu cha mẹ và còn biểu hiện tình làng nghĩa xóm, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên được truyền lại từ đời này sang đời khác và bảo tồn cho đến ngày nay.
3.1.2.2. Giá trị đạo đức
Giá trị đạo đức tồn tại như một hằng số văn hóa trong văn hóa dân gian Raglai, đó là bản tính, đặc tính, những phẩm chất tốt đẹp như sự chân thành, trung thực, chất phát, hiếu khách, sống nghĩa tình, cần cù, chịu khó. Những đức tính đó được bộc lộ khá đậm nét trong lễ hội ăn đầu lúa. Mỗi khi tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa, các thành viên của tộc họ dù ở gần hay ở xa đều trở về, được chắp tay trước bàn thờ tổ tiên ông bà, được cầu khấn những nguyện vọng của mình trước tổ tiên ông bà, được xum họp cùng những người thân của mình, được cùng nhau ăn uống, nhảy múa đó là niềm tự hào, phấn khởi của mỗi con người Raglai.
Trong lễ hội Ăn đầu lúa, người Raglai rất đề cao khách mời, chuẩn bị đủ thứ như thịt heo, gà, rượu cần để mời khách, không sợ tốn kém, khách càng tới đông chủ nhà càng mừng, hy vọng càng nhiều vào một năm mới, mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Qua lễ hội Ăn đầu lúa là dịp người Raglai thắt chặt tình cảm gia đình, tộc họ, tộc người. Giáo dục thế hệ sau biết hướng về cội nguồn; sống trọng tình trọng nghĩa; biết trân trọng, bảo vệ những gì thuộc về thiên nhiên, đất trời ban tặng cho con người. Lễ hội Ăn đầu lúa đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ gìn phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc. Lễ hội vừa lưu giữ, vừa truyền dạy văn hóa tộc người cho các thế hệ.
3.2. Những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa của dân tộc Raglai
3.2.1. Sự mai một, biến đổi các giá trị văn hóa trong lễ hội
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề cần thiết và quan trọng. Bởi văn hóa và kinh tế có quan hệ gắn bó hữu cơ, là mục tiêu động lực của nhau. Xây dựng và phát huy văn hóa lành mạnh nhằm thúc đẩy văn hóa phát triển mạnh và vững chắc. Như vậy, đối với đồng bào Raglai ở Ninh Thuận việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là điều cần thiết. Có như thế dân tộc Raglai mới khẳng định được mình. Tuy nhiên bảo tồn không phải giữ nguyên cái cũ hay cố tình phục hồi lại những giá trị đã lỗi thời, lạc hậu mà cần phải chủ động tiếp thu cái mới, có kế hoạch nghiên cứu cái cũ và nâng lên tầm cao để phù hợp với thực tế trên cơ sở bản sắc truyền thống. Có như thế bản sắc văn hóa truyền thống không bị mai một mà phát triển liên tục, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Cùng với sự phát triển kinh tế đã kéo theo sự phá vỡ tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào, tạo nên một nền văn hóa mới lai căng, pha trộn. Một số lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng ít được bà con quan tâm (các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp). Sự linh thiêng của những khu rừng cấm, dòng sông, con suối để hạn chế sự phá hoại của con người đối với môi trường sinh thái đã phai nhạt dẫn đến việc tôn thờ thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối không còn được như trước. Trước đây, đồng bào dân tộc Raglai không dám chặt phá những khu rừng cấm hay làm ô uế những dòng sông, con suối vì sợ bị trừng phạt, đồng bào muốn làm nhà chỉ chặt những cây gỗ tạp, khi phát rừng làm rẫy, chỉ phá những khu rừng nghèo kiệt. Ngày nay, những điều cấm kỵ đó đang bị xem nhẹ. Nhiều thanh thiếu niên do ảnh hưởng của môi trường sống, nhất là việc mọc lên các quán ăn uống, nhậu nhẹt, chiếu phim, cùng sự xuất hiện của một số công nhân từ các nơi tại các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng mà ngay chính quyền địa phương cũng không quản lý nổi đã tạo nên sự xáo trộn và phức tạp trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Mối quan hệ nam nữ không lành mạnh trong phong tục ngủ thảo phần nào để lại những hậu quả xấu và ảnh hưởng không tốt trong mối quan hệ giữa các tộc họ, các gia đình với nhau.
Cuộc sống văn hóa của người Raglai hôm nay đã có nhiều thay đổi. Cùng với sự phát triển về kinh tế, nhận thức xã hội, trình độ dân trí được nâng cao, đặc biệt là mối quan hệ với người Việt cùng với dân tộc anh em, nhu cầu đời sống văn hóa của người Raglai có bước phát triển, đã xóa bớt sự lạc hậu tối tăm. Trước hết là dung lượng thông tin ở vùng Raglai được mở rộng, phương tiện truyền thanh đại chúng được Nhà nước ưu tiên đầu tư, từ đó người Raglai đã biết đến thế giới bên ngoài nhiều hơn. Nếu trước đây người Raglai dường như bị đóng kín trong núi rừng hẻo lánh, thì nay người Raglai đã dần dần tiếp cận với thế giới bên ngoài qua nhiều cách, trong đó quan trọng là phương tiện truyền thông đại chúng. Cũng qua những kênh thông tin này, người Raglai được tiếp xúc với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật của các dân tộc anh em trong nước và văn hóa của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Những quan hệ tiếp xúc với bên ngoài và qua những lần liên hoan văn hóa văn nghệ dân tộc Raglai do các tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên tổ chức đã tác động đến cuộc sống văn hóa cũng như nhiều mặt khác của đời sống người Raglai với các dân tộc khác. Những điều này cũng được thể hiện rõ trong lễ hội ăn đầu lúa. Ngày nay là đa số các thanh thiếu niên không mặn mà với những bài hát, những điệu múa hay hòa tấu nhạc cụ truyền thống của dân tộc, mà thay vào đó là mở máy hát karaoke nhạc nước ngoài, nhảy múa theo phong cách hiện đại, không mặc trang phục truyền thống của người Raglai (vùng đồng bào Raglai sống cận canh, cận cư với người Chăm có mặc trang phục của người Chăm, vùng thuộc xã Ma Nới thì mặc trang phục của người Raglai một số ít mặc theo kiểu người Kinh). Văn hóa của người Raglai hôm nay là sự đan xen những nếp sống truyền thống và những nét văn hóa của một xã hội hiện đại.
3.2.2. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, giao lưu văn hóa mạnh mẽ, các nền văn hóa đang xích lại gần nhau nên tốc độ giao thoa, đan xen, hỗn dung văn hóa đang tăng nhanh chóng. Những giá trị văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Raglai có nguy cơ mai một. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy vẫn đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nguồn tư liệu sưu tầm được vẫn chưa có điều kiện nghiên cứu, biên dịch và xuất bản hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Một số nghi lễ của người Raglai đã được phục dựng nhưng khó có điều kiện tổ chức thường xuyên. Nhiều tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của bà con Raglai có nguy cơ bị tan rã, khó tồn tại. Các thế hệ nghệ nhân chưa có chính sách ưu đãi và ứng xử phù hợp. Công việc sưu tầm, nghiên cứu mang tính lẻ tẻ, chưa trở thành một chương trình hành động lớn mang tính hệ thống, đồng bộ, sự chỉ đạo tập trung nhằm tổng hợp, phân tích một cách khoa học để có kế hoạch khai thác và phát triển; đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm để bảo tồn hiện nay còn hạn chế về chuyên môn, địa bàn cư trú của người Raglai đa số là ở vùng miền núi đi lại quá khó khăn; tiếng nói và chữ viết ngày càng ít được sử dụng, không gian văn hóa có nhiều biến đổi do điều kiện sống và tâm lý người Raglai hiện nay theo nhu cầu kinh tế. Điều đó dễ dẫn đến sự mất mát giá trị văn hóa của lễ hội, có tác động tiêu cực đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong điều kiện hiện nay. Và đặc biệt là, đội ngũ làm công tác văn hóa ở cấp huyện và cấp xã nếu có chuyên môn nghiệp vụ thì lại yếu về sử dụng tiếng dân tộc và ngược lại, điều đó cũng gây những hạn chế nhất định cho công tác sưu tầm, nghiên cứu để bảo tồn, phát huy.
Sự biến dạng của môi trường sinh thái và môi trường nhân văn diễn ra như một quy luật tất yếu, chứa đựng trong nó cả những yếu tố tích cực lẫn các mặt tiêu cực, có ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xây dựng đời sống kinh tế xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của người Raglai. Thực trạng đó càng diễn ra phức tạp trong thời điểm Việt Nam đã và đang có những cải cách hành chính và cung cách điều hành, quản lý văn hóa, xã hội, nhằm hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Trước những biến đổi, người Raglai không tránh khỏi sự hoang mang, nghi ngờ và chối bỏ các giá trị truyền thống để nhanh chóng hội nhập với cái hiện đại, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Hiện tượng một số người bán nhà sàn để xây nhà gạch, một số thanh niên thích tổ chức đám cưới theo kiểu người Kinh, không thích mặc trang phục của dân tộc mình, một số ít phụ huynh không thích cho con mình học tiếng dân tộc. Các giá trị nhân văn trong lễ hội dân gian truyền thống chưa được quan tâm, các nhà quản lý xã hội, ngành văn hóa các cấp cần nâng cao nhận thức cho phù hợp, xem xét lại các giá trị truyền thống, khẳng định các giá trị tốt đẹp, từng bước cải cách các giá trị đó cho phù hợp với thời đại mới, với phương thức sinh hoạt mới, khắc phục loại bỏ các nhân tố lạc hậu, mê tín dị đoan, đồng thời bổ sung dần những nhân tố mới đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người Raglai.
3.3. Những định hướng, giải pháp và khuyến nghị để bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai tỉnh Ninh Thuận
3.3.1. Những định hướng
Chỉ thị số 27 – CT/TW ngày 12/01/1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 14/1998/CT – TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã dẫn đến việc ra đời Thông tư số 04/1998/TT – BVHTT của Bộ Văn hóa – Thông tin về việc hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nghị quyết 33 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IX (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên tinh thần Nghị quyết 33, hàng loạt các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân đã ra đời. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tiến hành đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể, nhờ đó, huy động sự quan tâm của cộng đồng đối với các sinh hoạt văn hóa phi vật thể (trong đó có lễ hội).
Trong thời gian qua, với chính sách dân tộc và chủ trương bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã trở thành một định hướng chung, trong đó thể hiện sự tôn trọng, tính độc lập khác biệt mang tính độc đáo của mỗi dân tộc, trong một nền văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận đã có những quan tâm đầu tư cho công việc điều tra, kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống dân tộc Raglai và cũng đã thu được một số kết quả nhất định. Riêng về vấn đề sưu tầm, nghiên cứu, tỉnh có một cơ quan chuyên môn là Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, hàng năm cơ quan này đều tiến hành kế hoạch điền dã và sưu tầm thu thập các tư liệu về văn hóa truyền thống Chăm và Raglai trong đó có nghi lễ nông nghiệp dân tộc Raglai. Bên cạnh đó Trung tâm còn làm chức năng đào tạo, nhằm truyền thụ, lưu giữ những giá trị văn hóa còn tồn tại hiếm hoi trong các nghệ nhân cao tuổi, mà một khi họ mất đi rồi thì những vốn quý tinh hoa ấy cũng mất đi theo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về sử dụng nhạc cụ, các nghề truyền thống dân tộc Raglai cho đồng bào Raglai trong tỉnh.
Để bảo tồn và phát huy những giá trị mang tính bản sắc dân tộc, thổi cho nó một hơi thở mới trong đời sống hiện nay, không thể không kể đến những con người, những cán bộ nhiệt tình tâm huyết làm công tác nghiên cứu, sưu tầm và đưa những tác phẩm mới đến với công chúng trong cả nước. Những công trình lớn, nhỏ cung cấp nguồn tư liệu quý giá cần thiết cho công việc tập hợp, phân tích, nghiên cứu… những việc làm đó thể hiện sự quan tâm và cố gắng nỗ lực từ nhiều phía gồm UBND tỉnh; ngành Văn hóa; Ban Dân tộc; đội ngũ cán bộ nghiên cứu; các nghệ nhân dân gian Raglai trên cả tỉnh có tâm huyết.
Sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị trong lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai, chúng ta cần củng cố lòng tin và niềm tự hào của người Raglai, đặc biệt trong thế hệ trẻ, về các giá trị văn hóa tốt đẹp, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chính sách về văn hóa – xã hội của Đảng và Chính phủ. Việc giáo dục lòng tin và niềm tự hào về các giá trị tốt đẹp, trong đó có lễ hội vừa góp phần nhân lên sức mạnh nội lực của dân tộc, vừa là lá chắn để ngăn ngừa những mặt tiêu cực có thể xẩy ra trong quá trình hiện đại hóa như hiện nay. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, những sự đầu tư đúng hướng vào việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể này, bằng các cuộc tổ chức liên hoan giao lưu văn hóa Raglai và nhất là bằng sự nỗ lực của các nghệ nhân dân gian truyền dạy cho thế hệ trẻ người Raglai sẽ có những đóng góp xứng đáng hơn nữa vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
3.3.2. Một số giải pháp
Từ những định hướng trên đây, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm, thực hiện một số giải pháp sau đây:
3.3.2.1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu rõ những giá trị văn hóa của lễ hội
Chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa những giá trị văn hóa của lễ hội, hiểu được thế nào là thuần phong mỹ tục, là truyền thống; giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân phòng ngừa những hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu. Từ đó, người dân mới trân trọng và có ý thức gìn giữ, phát huy vốn văn hóa tinh hoa đó trong đời sống cộng đồng dân tộc.
Vận động bà con từ bỏ tập quán du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy; thực hiện tốt công tác định cư, định canh phù hợp với tập quán của đồng bào trong quá trình phát triển. Đồng thời vận động bà con quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của cộng đồng, phấn đấu tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.
Nâng cao vai trò quản lý, định hướng của nhà nước, gắn hoạt động của lễ hội trong công tác, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong đó cần chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống” tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống tinh thần của người Raglai. Có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân tiêu biểu, coi các nghệ nhân đó là “những báu vật nhân văn sống”. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong nước, vừa đáp ứng yêu cầu của UNESCO đối với các nước thành viên trong việc ứng xử với các thế hệ nghệ nhân.
3.3.2.2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lễ hội
Tăng cường quản lý Nhà nước đối với lễ hội bằng cách hoàn thiện các thể chế luật pháp, chính sách chúng ta mới có thể có những chế tài phù hợp, không gây tranh cãi để xử lý các vi phạm và tôn vinh những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Các cơ quan chức năng cần sâu sát và nâng cao năng lực chuyên môn, nắm rõ và triệt để chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng để định hướng cho hoạt động của nhân dân trong việc tổ chức lễ hội, nhất là với một lễ hội rất dân gian, không có bài bản lại đang phát triển mạnh mẽ theo những xu hướng mới như lễ hội này.
3.3.2.3. Xây dựng chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội
Nhà nước, mà trực tiếp là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm tạo điều kiện cho các nghệ nhân, những người cao tuổi có cơ hội để truyền lại những tri thức của mình cho lớp hậu thế và cả cộng đồng. Những năm gần đây, Nhà nước đã dành kinh phí (thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia) để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong đó có hoạt động lễ hội nhưng thực chất việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể trong đó có lễ hội so với đầu tư kinh phí bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể chưa có sự tương xứng. Mặt khác, chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội hiện nay mới chủ yếu tập trung kinh phí cho việc bảo tồn, gồm sưu tầm tư liệu, quay phim lễ hội để lưu giữ băng đĩa CD Room, chụp ảnh hay ghi chép bằng văn bản. Việc phát huy một cách cụ thể các giá trị của lễ hội như thế nào thì chưa được thực thi. Tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc trong phạm vi địa bàn từ cấp xã đến cấp tỉnh, mỗi dân tộc không chỉ có cái hay, cái đẹp của dân tộc mình, mà còn hiểu cái hay, cái đẹp của các dân tộc anh em. Thông qua các buổi giao lưu, biểu diễn văn hóa văn nghệ, tham dự các lễ hội nhằm hiểu nhau và học tập lẫn nhau.
3.3.2.4. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý văn hóa các cấp, nhất là ở cơ sở
Cán bộ văn hóa các cấp, nhất là ở cơ sở có vai trò trong việc quản lý, tổ chức lễ hội. Đội ngũ cán bộ này lại có quan hệ trực tiếp gắn bó với đồng bào dân tộc Raglai nên họ cũng chính là người kịp thời nhất trong việc phát hiện, uốn nắn những lệch lạc trong lễ hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng cán bộ được đào tạo có am hiểu về lĩnh vực này không nhiều. Đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở lại không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi qua các kỳ bầu cử HĐND.
Tóm lại, có thể có rất nhiều giải pháp nhưng có thể xem những giải pháp trên đây là cơ bản. Để lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở Ninh Thuận hoạt động theo hướng tiến bộ, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
3.3.3. Một số khuyến nghị
Để bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai, chúng ta cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của ngành văn hóa, đặc biệt là những cán bộ là người dân tộc Raglai, nhằm góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Đồng thời, phải có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho người Raglai tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chất lượng để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao thể chất và thể trạng của người Raglai. Đầu tư kinh phí xây dựng các công trình văn hóa phục vụ cho việc sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và có chính sách ưu tiên trong công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ người dân tộc Raglai trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Cần có sự tham gia của các cơ quan ban ngành hữu quan để sưu tầm, nghiên cứu về lễ hội ăn đầu lúa để hiểu sâu hơn, thấy được cái hay, cái đẹp của lễ hội, nắm bắt thực trạng của lễ hội, điểm mạnh, điểm yếu của lễ hội ở từng địa phương nhờ đó có kế hoạch quản lý, định hướng khôi phục lễ hội theo hướng tích cực. Giới thiệu lễ hội này rộng rãi hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên đồng bào Raglai hiểu, trân trọng những giá trị tinh thần vô giá mà mình đã có, gìn giữ nó trong niềm tự hào chính đáng, tránh sự mặc cảm, tự ty cho rằng dân tộc thiểu số cái gì cũng là lạc hậu. Cần giúp bà con hiểu để biết gạt bỏ cái gì và phát huy cái gì. Có như vậy, lễ hội Ăn đầu lúa mới thực sự trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Raglai.
Tiểu kết chương 3
Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, gắn liền với đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt lao động, sinh hoạt văn hóa của người Raglai. Với đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng, những giá trị văn hóa của lễ hội Ăn đầu lúa đã và đang được các nhà nghiên cứu khoa học, các nghệ nhân dân gian chú ý, nghiên cứu, sưu tầm. Tiêu biểu như đề tài Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam của nhóm tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện và Nguyễn Văn Huệ; đề tài Văn hóa Raglai những gì còn lại của Phan Quốc Anh; đề tài Hai dị bản lễ hội truyền thông cổ kính – độc đáo của Nguyễn Hải Liên và nhiều đề tài của các nhà nghiên cứu khoa học khác có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Raglai nói chung, lễ hội Ăn đầu lúa nói riêng và đưa những giá trị văn hóa ấy vào cuộc sống hàng ngày để nó trở thành đời sống tinh thần thường nhật của người Raglai. 
Về căn bản lễ hội Ăn đầu lúa vẫn giữ được các yếu tố văn hóa dân gian, đó là tâm linh, tín ngưỡng về các vị thần được thờ luôn được duy trì trong cộng đồng người Raglai. Mặc dù nhận thức của người Raglai trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, xã hội hiện đại xuất hiện những hình thức hoạt động văn hóa mới nhưng người Raglai ở Ninh Thuận vẫn tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa.
Qua tổng hợp, phân tích và so sánh, có thể thấy lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai là văn hóa phi vật thể quý báu. Vì vậy, việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa nhằm đưa nó trở về đời sống và có thể sống là cái đích sau cùng chứ không chỉ lưu giữ, bảo lưu trong nhà bảo tàng và trong sách vở. Muốn làm được việc đó, cần có sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự đầu tư thích đáng về kinh phí, về thiết chế và cơ chế. Có như vậy, kho tàng văn hóa Raglai nói chung lễ hội Ăn đầu lúa nói riêng mới có thể ngày càng phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.









KẾT LUẬN
Dân tộc Raglai là một dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Người Raglai sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng và đông nhất ở các huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, chiếm gần 50% dân số. Là một dân tộc thiểu số nhưng người Raglai đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính bản địa đặc trưng của cư dân nông nghiệp nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á.
1. Lễ hội là một hoạt động của một cộng đồng người liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm hai thành tố Lễ và Hội. Việc phân loại lễ hội còn có nhiều ý kiến khác nhau. Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai nằm trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp.
Ninh Thuận, là một vùng văn hóa có nhiều điểm đặc thù về địa lý, khí hậu, là địa bàn có đồng bào dân tộc Raglai sinh sống đông nhất nước. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đến quá trình vận động, tiếp biến và hòa nhập văn hóa giữa các yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại lai nhưng dân tộc Raglai vẫn không bị ảnh hưởng bởi tôn giáo ngoại lai, vẫn kiên trì tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh và tạo dựng cho mình một nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc mang tính bản địa đặc trưng của cư dân nông nghiệp miền núi. Sự phong phú, đa dạng, đặc trưng ấy được thể hiện trong hệ thống các lễ hội dân gian, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, sử thi, truyện cổ tích, câu đố, thành ngữ, tục ngữ,…Lễ hội Ăn đầu lúa chính là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng, là nơi đào tạo lớp nghệ nhân mới, quan trọng hơn nữa nó là cái nôi hàm chứa, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian.
2. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, đâu đâu cũng có thần, người Raglai cũng như các dân tộc ở sườn đông dãy Trường Sơn đều có sự tương đồng về hệ thống lễ nghi nông nghiệp, nghi lễ vòng đời. Từ những quan niệm đó, khi đụng tới bất cứ việc gì, vật gì, người Raglai cũng làm các nghi lễ cầu cúng, xin phép thần linh và phù hộ mọi việc thành công.
Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở Ninh Thuận nói chung, ở palei Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn nói riêng là lễ hội nông nghiệp mang tín ngưỡng dân gian, được tổ chức vào sau Tết Nguyên đán của người Việt (khoảng từ mùng 5 – 30/1 âm lịch), do tộc họ đứng ra tổ chức, trong thời gian 3 ngày, 3 đêm, theo chu kỳ 5 năm hoặc 7 năm tổ chức một lần. 5 đến 7 năm là do điều kiện kinh tế của bà con trong tộc họ còn khó khăn, quanh năm hạn hán hoành hành, được mùa thì ít, mất mùa thì nhiều, một năm 12 tháng thì có 4 đến 5 tháng nhà nước phải trợ cấp gạo cho bà con nên không có điều kiện tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa. Chính vì vậy mà đa số các tộc họ đều phải để đến 5 năm có khi là 7 năm mới tổ chức lễ hội, nhưng tộc họ nào có điều kiện kinh tế khá giả thì tổ chức bất cứ năm nào không nhất thiết phải là 5 năm hoặc 7 năm.
Lễ hội là bức tranh sinh động, tổng thể nhất về những sắc thái văn hóa bao hàm nhiều giá trị khác nhau. Đến với lễ hội Ăn đầu lúa, các thành viên được thể hiện tài năng và sức sáng tạo, những điệu múa dân gian mang tính khỏe khoắn, hồn nhiên, đơn giản đã tạo nên sự gắn kết các cá nhân lại với nhau. Lễ vật dâng cúng là những sản vật rất gần gũi do chính họ làm ra, nuôi được, trồng được, săn bắt được. Lời khấn trong các nghi lễ rất mập mạp, chất phát, không hoa mỹ, mang ý nghĩa cầu nối, đối thoại giữa con người với thần linh. Lời văn khấn phán ánh mong muốn của con người đến với những điều tốt đẹp, hướng đến sự tin tưởng lạc quan hơn, tích cực hơn về cuộc sống hiện tại của mình.
Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai ở các palei thuộc tỉnh Ninh Thuận có sự khác nhau về một vài nghi lễ, lễ vật dâng cúng và phần hội. Là do sống cận cư và xen cư với các dân tộc khác nên có sư giao lưu tiếp biến văn hóa với nhau. Nhưng cũng tương đối thống nhất với nhau về lời văn khấn, đối tượng thờ cúng và đặc biệt là sự có mặt đầy đủ của toàn thể thành viên trong tộc họ trong nghi lễ cúng mời ông bà, tổ tiên về ăn lễ và nghi lễ tiễn đưa ông bà tổ tiên điều đó cho thấy người Raglai khẳng định lễ hội Ăn đầu lúa là Tết năm mới của người Raglai là có cơ sở. Tuy nhiên để kết luận vấn đề này, cần phải có sự nghiên cứu sâu và được các nhà khoa học công nhận.
3. Lễ hội chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, gắn liền với đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt văn hóa của người Raglai. Về căn bản lễ hội Ăn đầu lúa vẫn giữ được các yếu tố văn hóa dân gian, đó là tâm linh, tín ngưỡng về các vị thần được thờ luôn được duy trì trong cộng đồng người Raglai. Mặc dù nhận thức của người Raglai trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, xã hội hiện đại xuất hiện những hình thức hoạt động văn hóa mới nhưng người Raglai ở Ninh Thuận vẫn tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa khi điều kiện kinh tế cho phép.
Qua tổng hợp, phân tích và so sánh, có thể thấy lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai là văn hóa phi vật thể quý báu. Vì vậy, việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy lễ hội Ăn đầu lúa nhằm đưa nó trở về đời sống và có thể sống là cái đích sau cùng chứ không chỉ lưu giữ, bảo lưu trong nhà bảo tàng và trong sách vở.
Chỉ có lễ hội Ăn đầu lúa mới hội tụ khá đầy đủ các thành viên trong tộc họ, dù ở xa hay ở gần khi tộc họ tổ chức lễ hội đều phải trở về cùng nhau làm lễ để tấu trình tổ tiên ông bà, tạo một sự gắn kết khăng khít giữa các thành viên trong tộc họ và toàn cộng đồng với nhau. Những cuộc hội tụ ấy sẽ có tác dụng làm cho những thành viên trong tộc họ và cộng đồng dân tộc Raglai gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn, lễ hội cũng là nơi giao lưu văn hóa văn nghệ, thỏa sức chơi các trò chơi dân gian của đồng bào Raglai. Đến với lễ hội Ăn đầu lúa người ta cảm nhận được những giá trị vật chất và tinh thần của cộng đồng, đồng thời được soi mình trong cái cộng đồng đầy yêu thương và tự hào ấy. Truyền thống đạo đức và bản sắc dân tộc đựợc bộc lộ trong lễ hội.
Hình thức, nội dung và lời khấn, trước khi chặt cây để làm cây nêu có giá trị vô cùng to lớn, hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở con cháu không chặt phá rừng bừa bãi, có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, răn dạy cháu con ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc Raglai nói riêng, văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam nói chung.
4. Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai là kết quả của một quá trình lâu dài được cộng đồng dày công thiết lập, có lịch sử lâu đời và mang tính dân tộc sâu sắc, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh, củng cố ý thức cộng đồng. Thể hiện được ước vọng ngàn đời của người Raglai về đạo lý làm người, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn tổ tiên, ông bà, nhằm cảm tạ, cầu xin và tôn kính các vị thần linh, thể hiện phương cách ứng xử của con người với thiên nhiên, xã hội.
Cuộc sống của đồng bào Raglai không phải lúc nào cũng là ngày hội, mà cả năm, với bao ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, cuộc sống nơi núi rừng vốn tĩnh lặng ấy, bỗng vang lên tiếng mã la, rộn ràng tiếng hát, mọi người được thể hiện lòng ham muốn, niềm đam mê văn hóa, nghệ thuật mỗi khi trong palei có tộc họ tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa. Họ bước theo nhau thành những vòng tròn lớn. Đó là vòng tròn của tinh thần đoàn kết gia đình, tộc họ. Tất cả đều sôi nổi, hào hứng, vui tươi, lành mạnh.
Trong quá trình thực hiện luận văn này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và những người am hiểu về lễ hội, nhưng do điều kiện và khả năng còn hạn chế nên việc thực hiện luận văn này cũng gặp không ít khó khăn, như: địa bàn cư trú của palei Tà Nôi gần như biệt lập với các địa bàn khu vực khác, đường xá đi lại vô cùng khó khăn phải trải qua 5 khúc suối mới đến được, phương tiện ô tô không qua được, vào mùa mưa lũ về không có một phương tiện nào qua lại được; từ năm 2002 đến nay chưa có tộc họ nào tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa nên không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với lễ hội. Chúng tôi đã cố gắng trình bày một số kết quả đã thu nhận được trong quá trình điền dã và tìm hiểu lễ hội ăn đầu lúa của người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Những vấn đề này mới chỉ là ý kiến ban đầu, nếu có điều kiện tiếp tục thực hiện đề tài này chúng tôi sẽ tìm hiểu trên nhiều bình diện và sâu sắc hơn./.








TÀI LIỆU THAM KHO
[1]       Phan An (chủ biên) (1994), Những vấn đề dân tộc, tôn giáo ở miền Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
[2]       Phan Quốc Anh (2007), Văn hóa Raglai những gì còn lại, Nxb Văn hóa dân  tộc, Hà Nội.
[3]       Toan Ánh (1992), Tìm hiểu phong tục Việt Nam, nếp cũ, tết, lễ, hội hè, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[4]       Toan Ánh (2000), Nếp cũ – tín ngưỡng Việt Nam, nếp cũ, tết, lễ, hội hè, tái bản, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[5]       Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận (2014), Báo cáo về tình hình dân tộc tỉnh Ninh Thuận, số 554/BC-BDT, Ninh Thuận.
[6]       Nguyễn Chí Bền (1999), Văn hóa dân gian Việt Nam những suy nghĩ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[7]       Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ (1998), Văn hóa và xã hội người Raglai Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
[8]       Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, tái bản, Nxb Đồng Tháp.
[9]       Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[10]  Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận (2009), Kết quả điều tra dân số và nhà ở tỉnh Ninh Thuận.
[11]  Phan Hữu Dật (1998), Một số vấn đề về dân tộc học ở Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
[12]  Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện (1997), Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[13]  Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện (1997) Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[14]  Nguyễn Đăng Duy (2004), Nhận diện văn hóa các dân tộc thiểu số Việt nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[15]  Lê Duy Đại (2007) Lễ ăn lúa mới của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[16]  Vũ Cao Đàm (1999), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
[17]  Bùi Minh Đạo (1999), Một số vấn đề cơ bản của trồng trọt ở các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên, Tạp chí Dân tộc học số 1.
[18]  Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên) (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[19]  Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Mạc Đường (nhóm cb) (2001), Lịch sử Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[20]  Lê Như Hoa (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[21]  Trần Kiêm Hoàng (chủ biên) (2012), Chamaliaq Riya Tiẻnq, Yếu tố biển trần tích trong văn hóa Raglai, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
[22]  Phạm Quỳnh Hương (2000), Tạp chí Dân tộc học số 4.
[23]  Nguyễn Quang Khải (2001) Tập tục và kiêng kỵ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[24]  Đinh Gia Khánh (1989), Văn hóa dân gian - Những lĩnh vực nghiên cứu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[25]  Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (1993), Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[26]  Hải Liên (2001), Trang phục cổ truyền Raglai, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
[27]  Hải Liên (2010), Pô anai tang di tích, lễ hội của người Raglai, Nxb Dân trí, Hà Nội.
[28]  Hải Liên (2010), Lễ tang của người Raglai cực Nam trung Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[29]  Hải Liên, Hoài Sơn (2010), Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai cực Nam Trung bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[30]  Hải Liên, Sử Văn Ngọc (2010), Hát kể truyện cổ Raglai, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
[31]  Hải Liên (2011), Văn hóa gia tộc Raglai góc nhìn từ nghệ nhân, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[32]  Hải Liên (2014), Hai dị bản lễ hội truyền thống cổ kính – độc đáo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[33]  Thu Linh (1982), Hội - Một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, (2), Hà Nội.
[34]  Lê Ngọc Luyến (2005), Văn hóa Raglai những sắc màu, Nxb Xí nghiệp in Phan Rang, Ninh Thuận.
[35]  Trần Bình Minh (2000), Những tương đồng giữa các lễ hội cổ truyền Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[36]  Phạm Quang Nghị (2005), Bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[37]  Nguyễn Tri Nguyên (2004), “Bản chất đặc trưng tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền Việt Nam”, Tạp chí Di sản Văn hóa.   
[38]  Phan Đăng Nhật, Nguyễn Thế Sang (2012), Luật tục Chăm và luật tục Raglai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[39]  Nhiều tác giả (1999), Các dân tộc ít người ở Việt Nam, các tỉnh phía Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[40]  Nhiều tác giả (1999), Tín ngưỡng và mê tín, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[41]  Nguyễn Thế Sang (2005), Luật tục Raglai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[42]  Nguyễn Thế Sang (2010), Luật tục và công cuộc phát triển kinh tế xã hội Raglai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[43]  Nguyễn Thế Sang (2012), Akhàt jucar Raglai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[44]  Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
[45]  Sở Văn hóa – Thông tin (2004), Khảo tả lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận.
[46]  Chu Thái Sơn (chủ biên) và nhóm nhiều tác giả (2005), Người Raglai, Nxb Trẻ.
[47]  Lê Bá Thảo (1998), Việt Nam – lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[48]  Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
[49]  Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp, Hà Nội.
[50]  Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.
[51]  Bùi Thiết (2000), Từ điển hội lễ Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
[52]  Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (1993), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
[53]  Ngô Đức Thịnh (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
[54]  Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2004), Tín ngưỡng và văn hóa sinh hoạt cộng đồng, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
[55]  Nguyễn Thị Thu, Thập Liên Trưởng, Phạm Văn Thành (2010), Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm – Raglai Ninh Thuận, Nxb Nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh.
[56]  Chamaliaq Riya Tiẻnq, Trần Kiêm Hoàng (2010), Cơi masrĩh và mỏq vila akhàt jucar Raglai, Nxb KHXH, Hà Nội.
[57]  Chamaliaq Riya Tiẻnq, Trần Kiêm Hoàng (2012), Các làn điệu dân ca Raglai, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[58]  Nguyễn Tuấn Triết (1991), Người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
[59]  Nguyễn Đình Tư (1971), Non nước Ninh Thuận, Nxb sống mới, Sài Gòn.
[60]  Viện Dân tộc học (1983), Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[61]  Viện Văn hóa dân gian (1992), Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[62]  Lê Trung Vũ, Nguyễn Hồng Dương, Lê Hồng Lý, Lưu Kiếm Khanh (1999), Nghi lễ vòng đời, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[63]  Trần Quốc Vượng (1999), Việt Nam cái nhìn Địa – Văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.














PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1
BẢNG CÂU HỎI THỰC HIỆN LUẬN VĂN
Lễ hội Ăn đầu lúa của người Raglai (qua nghiên cứu trường hợp
ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận)

1. Lễ hội Ăn đầu lúa tổ chức vào thời điểm nào?
¨ Trước Tết Nguyên đán (tháng 11-12 âm lịch)
¨ Sau Tết Nguyên đán (tháng 1-2 âm lịch)
¨ Không biết
2. Lễ hội Ăn đầu lúa diễn ra trong thời gian bao lâu?
¨ 2 ngày, 2 đêm
¨ 3 ngày, 3 đêm
¨ 4 ngày, 4 đêm và nhiều hơn
¨ Không biết
3. Thời gian tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa trong 3 ngày 3 đêm có dài không?
¨ Quá dài
¨ Không dài
¨ Vừa
4. Mấy năm tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa một lần?
¨ 1 hoặc 2 năm
¨ 3 hoặc 4 năm
¨ 5 đến 7 năm
¨ Không biết
5. Việc chưa thường xuyên tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa là do:
¨ Chính quyền địa phương không cho phép
¨ Không đủ điều kiện kinh tế
¨ Quy định của tộc họ
6. Trong palei tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa, cô, chú, anh, chị có xem hoặc tham gia không?
¨
¨ Không
7. Cô, chú, anh, chị có mong muốn tộc họ mình tổ chức lễ hội Ăn đầu lúa thường xuyên không?
¨
¨ Không
8. Cô, chú, anh, chị có biết bao nhiêu nghi lễ trong lễ hội Ăn đầu lúa không?
¨
¨ Không
9. Lễ vật hiến tế phải có anu, không có anu phải có trâu, có đúng không?
¨ Đúng
¨ Không
¨ Không biết
10. Cô, chú, anh, chị có biết tại sao phải làm lễ hội Ăn đầu lúa không?
¨
¨ Không
11. Cô, chú, anh, chị có biết cúng lễ không?
¨
¨ Không
12. Cô, chú, anh, chị có tin vào sự linh thiêng của thần linh, ông bà tổ tiên không?
¨
¨ Không
13. Cô, chú, anh, chị có biết sử dụng nhạc cụ truyền thống mã la, kèn bầu, chiêng, đàn chapi, các nhạc cụ khác và hát, múa không?
¨
¨ Không
14. Theo cô, chú, anh, chị lễ hội Ăn đầu lúa có phải là:
¨ Dịp gia đình dòng tộc và xóm giềng gặp gỡ nhau
¨ Dịp vui chơi, giải trí
15. Theo cô, chú, anh, chị lễ hội Ăn đầu lúa có phải là Tết của người Raglai không?
¨ Đúng
¨ Không đúng
¨ Không biết
16. Sau lễ hội Ăn đầu lúa, thanh niên nam – nữ có duy trì phong tục ngủ thảo không?
¨
¨ Không
CÂU HỎI PHỎNG VẤN SÂU
1. Phỏng vấn ông Tà Yên Hiu, già làng ở palei Tà Nôi (xem ảnh số 24, phụ lục 2), về tục ngủ thảo trước đây của người Raglai:
Ông Tà Yên Hiu cho biết: Lễ hội Ăn đầu lúa vừa kết thúc, tiếng mã la bắt đầu ngừng vang, những thanh niên Raglai lần lượt tìm cho mình một chàng trai, cô gái rồi cùng nhau về một mái nhà sàn. Trong đêm tối họ nằm bên nhau trò chuyện, vui đùa, trao gửi những lời yêu thương, tỏ tình, bắt đầu tìm hiểu về nhau. Nếu sau đêm ngủ thảo cả chàng trai và cô gái đều không ưng, họ sẽ không tìm đến nhau nữa. Những đêm hội khác lại diễn ra, họ lại bắt đầu tìm cho mình những người khác để cùng ngủ thảo, tâm tình và trò chuyện.
Ngủ thảo là ngủ chung với nhau để tỏ tình, để hiểu nhau, rồi yêu nhau, mức độ ngủ thảo theo luật chỉ đến độ ngủ chung, trò chuyện thâu đêm. Nếu cặp đôi nào đi quá giới hạn thì phải chấp nhận tổ chức đám cưới ngay sau đó và chàng trai bị phạt vạ bằng một con bò, một con heo và gà cho cả làng. Già làng sẽ cho làm mâm cỗ chuộc lỗi với thần linh và thông báo đến mọi người trong làng cùng biết về vi phạm của chàng trai và bắt buộc phải cưới cô gái mà mình đã quan hệ.
Người Raglai quan niệm thần linh (yàng) có quyền lực siêu nhiên, có mặt ở khắp nơi mọi chốn. Mọi việc con người làm trong cuộc sống luôn được yàng giám sát nên trong quan niệm ngày xưa, tình dục mang tính thiêng nên luôn được tôn trọng. Trong luật tục Raglai ngày xưa có quy định những việc như quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoại tình, ăn cắp vặt và làm bất cứ điều xấu, điều khuất tất đều sẽ bị yang biết và sẽ gieo tai họa như hạn hán, lũ quét, mất mùa, ốm đau dịch bệnh không chỉ cho người vi phạm mà cho cả làng, cả xã, cả cộng đồng người Raglai.
Do đó, người Raglai luôn có lối sống hiền hòa, chân chất và ngay thẳng, không dám làm bất cứ điều gì xấu. Niềm tin, tín ngưỡng tâm linh trong văn hóa truyền thống các dân tộc được thể hiện cả trong luật tục, nhờ đó mà xã hội được ổn định, không có tai tệ nạn xã hội. Đáng buồn là những năm sau này, những yếu tố niềm tin ấy đang bị mai một nhanh chóng,
2. Phỏng vấn ông Kamau Chiến, tộc trưởng – thầy cúng lễ ở palei Tà Nôi (xem ảnh số 26, phụ lục 2), về sự khác nhau và giống nhau giữa lễ “Ăn đầu lúa” và lễ “Mừng lúa mới”
Ông Kamau Chiến cho biết: Ngày xưa, lễ hội Ăn đầu lúa cũng được tổ chức một năm một lần nhưng về sau, do tốn kém trong lúc quá khó khăn về kinh tế nên mới để vài năm mới tổ chức một lần. Ngày nay, có nơi 5 năm, có nơi 7 năm mới tổ chức một lần, tùy vào điều kiện kinh tế của từng tộc họ. Có tộc họ làm ăn khấm khá, được mùa thì có khi 2 năm, 3 năm họ tổ chức.
Lễ hội Ăn đầu lúa do tộc họ cùng nhau đứng ra tổ chức, tốn kém hơn nhiều, thời gian tổ chức thường vào tháng ba dương lịch và được tổ chức trong ba ngày, ba đêm. Ngày xưa, có thể đây là tết năm mới của người Raglai. Còn Lễ “ăn mừng lúa mới” là lễ do gia đình tổ chức, diễn ra một ngày một đêm, thường vào tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, mỗi năm tổ chức một lần. Lời khấn, lễ vật cũng tương đối giống lễ hội Ăn đầu lúa nhưng quy mô nhỏ hơn, lễ vật ít hơn và ít tốn kém hơn, thời gian tổ chức ít hơn nên các nghi lễ cũng ít hơn. Có nghi lễ cúng mời tổ tiên, ông bà về ăn lễ, nhưng không nhất thiết phải có đủ con cháu tụ họp. Cũng có nghi lễ tra nước vào ché rượu cần; nghi lễ cầu hồn lúa, hồn bắp và nghi lễ tiễn đưa tổ tiên ông bà. Khách được mời chỉ có bà con dòng tộc và người quen của chủ nhà, không mời rộng rãi như lễ hội Ăn đầu lúa.
Lê hội Ăn đầu lúa được tổ chức ở 3 địa điểm: Trong rừng – nơi chặt cây để làm cây “nêu”, tại sân trước nhà sàn của tộc họ - nơi hiến tế lễ vật và trong nhà sàn của tộc họ. Lễ vật bắt buộc phải có con anu, heo được tế sống. Phần hội diễn ra trong khôn viên nhà sàn. Sau lễ là đến phần hội, hội vừa kết thúc mọi người ra về cũng là lúc những đôi thanh niên nam, nữ cùng nhau về mái nhà sàn ngủ thao để tâm sự tìm hiểu nhau.
Ăn lúa mới chỉ diễn ra ở một địa điểm, không có nghi lễ hiến tế anu và heo, phần hội cũng không được vui vẻ, nhộn nhịp, thường chỉ có hòa tấu mã la, kèn bầu và múa. Do phạm vi tổ chức nhỏ hơn lễ hội Ăn đầu lúa, nên số người nhất là thanh niên nam, nữ tới tham gia chơi hội cũng ít hơn, ngủ thảo cũng ít hơn. Ý nghĩa của lễ ăn lúa mới là nhằm trả ơn ông bà tổ tiên, trả ơn nắng, mưa, sương, gió,... các đấng bề trên đã phù hộ, độ trì cho con người có cơm ăn, áo mặc, có sức khỏe để làm ăn.
3. Phỏng vấn ông Bồ Ale Khe, tộc trưởng – thầy cúng lễ ở palei Tà Nôi (xem ảnh số 20, phụ lục 2) về tên gọi và ý nghĩa của lễ hội “Ăn đầu lúa”
Ông Bồ Ale Khe cho rằng:
Người Raglai ở xã Ma Nới chủ yếu canh tác lúa khô, đến thời điểm thu hoạch, người ta chọn trong khu rẫy những bông lúa đẹp nhất, to và chắc hạt nhất. Sau đó, người ta chỉ tuốt những hạt lúa ở đầu bông lúa đó, bỏ vào gùi, mang về nhà, một ít phơi khô để làm lúa giống cho vụ mùa sau, một ít không phơi mà treo trên giàn bếp để dành đến khi làm lễ hội Ăn đầu lúa mới đem ra ngâm nước, rang khô và giã làm hạt nổ. Hạt nổ vừa là sản vật dâng cúng ông bà tổ tiên, thần thánh vừa là món ăn dân giã, đặc sản dùng để đãi khách cùng rượu cần, thịt heo đồng bào trong những ngày diễn ra lễ hội Ăn đầu lúa. Cái tên “ăn đầu lúa” có ý nghĩa như vây.
4. Phỏng vấn ông Vari Nhông Bông, cán bộ văn hóa xã Ma Nới (xem ảnh số 22, phụ lục 2), lễ hội Ăn đầu lúa có phải là “tết” năm mới của người Raglai không?
Ông cho biết: Đối với người Raglai, những ngày diễn ra lễ hội Ăn đầu lúa là những ngày tết. Giống như tết Katê của người Chăm và tết Nguyên Đán của người Việt. Có sự so sánh như vậy vì bản thân lễ Ăn đầu lúa có nhiều tiêu chí giống tết của các dân tộc khác. Thứ nhất, thời gian diễn ra lễ hội, người Raglai thường tổ chức vào lúc chuyển mùa, thường là vào tháng ba dương lịch với ý nghĩa tiễn năm cũ, đón năm mới. Thứ hai, thành phần tham gia lễ hội là tất cả những người thân trong tộc họ, ai đi lấy vợ, bắt chồng, dù ở gần ở xa đều kéo về đoàn tụ, gặp gỡ nhau. Thứ ba, giá trị nhân văn có trong lễ hội. Thứ tư, là dịp con cháu mời tổ tiên, ông bà về ăn lễ, sum vầy cùng con cháu rồi sau ba ngày lễ hội lại cúng tiễn đưa tổ tiên, ông bà.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài không khí hội hè bên cạnh các nghi lễ mang tính phong tục truyền thống, những ngày này thực sự mang đậm tính chất tết của một dân tộc bao trùm lên mọi sinh hoạt đời sống của họ. Người ta chúc tụng nhau những điều tốt đẹp và thiết đãi ăn uống, vui chơi sau khi thực hành các nghi lễ, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và các vị thần khác, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Với những tiêu chí đó, chúng tôi cho rằng lễ hội Ăn đầu lúa là cái Tết của người Raglai.

PHỤ LỤC 2
Bản đồ và hình ảnh (10 trang)

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn