Lễ bỏ mả (Ngăk Yang Padih Atâu) là lễ truyền thống lớn
nhất của tộc người Raglai ở Ninh Thuận, nhưng diễn ra mang tính quy mô cộng
đồng - dòng họ, mang tính đặc thù và có phần hội tương đối rõ nét thì chỉ có ở
xã Phước Chiến huyện Ninh Hải. Mùa lễ bỏ mả những năm gần đây ở Phước Chiến
chúng tôi có dịp tiếp cận, khảo sát và xin giới thiệu cùng bạn đọc tham khảo về
lễ bỏ mả của gia đình bà Katơr Thị Tém.
1. Địa danh và lịch sử:
Phước Chiến là xã Anh hùng trong kháng chiến cống Mỹ cứu
nước thuộc huyện Anh hùng Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận. Cách đường quốc lộ 1A
khoảng 15 km về phía Tây là nơi tiếp giáp với huyện Khánh Sơn và Cam Ranh thuộc
tỉnh Khánh Hòa.Toàn xã có 4 thôn, gần 750 hộ gia đình, đa số là đồng bào Raglai
sống bằng nghề nương rẫy, chỉ có vài chục hộ người Kinh lên đây làm ăn, buôn
bán.
Hầu hết các hộ ở đây đều là những gia đình có công với cách
mạng. Đặc biệt mẹ Bo Bo Thị Nía ở thôn Tập Lá có công rất lớn trong việc che
chở, nuôi dấu cán bộ, đã từng hy sinh con gái trong một trận càn để giữ bí mật
cho dân làng và cán bộ. Hình ảnh người mẹ ép vào ngực mình để con ngạt thở mà
chết được người đời kính nể và ca tụng (kể cả lên sân khấu). Con của mẹ có ông
Bo Bo Hướng (sinh năm 1954)- cũng được Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam
Việt Nam tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẽ vang, được Nhà nước tặng thưởng
Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Sau giải phóng Miền Nam ông Hướng chuyển
ngành và làm giáo viên trường tiểu học xã Phước Chiến, mất tháng 4 năm 2000,
hưởng dương 46 tuổi. Họ hàng hai bên cùng với chính quyền địa phương tổ chức
đám chôn đúng theo phong tục truyền thống của người Raglai. Gần một năm sau, vợ
ông - bà Katơr Thị Tém cùng họ hàng và chính quyền làm lễ bỏ mả.
2. Luật tục trong lễ bỏ mả:
Đối với tộc người Raglai, lễ bỏ mả là một nghi thức lễ
diễn tả mối quan hệ tình cảm giữa người sống với người đã khuất mang tính đặc
thù riêng của từng dòng họ. Tổ chức lễ bỏ mả là sự chăm lo lần cuối cùng đối
với người đã chết trước khi về với tổ tiên, ông bà và núi rừng vĩnh cữu. Không
còn nghi lễ cúng giỗ kỵ hàng năm như người Kinh, không còn cúng họ (Kút) như
người Chăm.... Tang lễ của người Raglai tương tự như một số tộc người ở Tây
Nguyên. Có thể nói rằng tốn kém một lần để người sống và người chết đều bình ổn
về mặt tâm linh.
Điều kiện để tổ chức lễ
bỏ mả:
- Có tiến hành đám chôn theo nghi lễ truyền thống:
Theo phong tục, người chết phải được chôn hòm (khoét rỗng
như thuyền độc mộc có nắp) thường làm bằng cây xoài rừng. Sau khi chôn 3 ngày
đêm và những lúc tết lễ cũng có người trong gia đình cho ma ăn, đốt lửa cho ma
ấm. Trong gia đình thường lui tới thăm ma cho đến khi làm lễ bỏ mả mới thôi (khi
chết thường gọi là ma, làm đám gọi là hoặc mả)
Khi người chết
thầy làm đám ma lấy vòng kim loại làm một chiếc nhẫn (kará mưta) cột vào chiếc
gậy (găy toa) được gọi là cây gậy thần (găy toa- kará mưta)- cây gậy nhẫn- cây
dẫn mả- cây đũa mả... Nếu có người tới thăm đám chết, ông thầy nhúng chiếc nhẫn
vào một tô nước trong và nói với ma rằng: ông chỉ sống đến đây thôi chứ không
có ai hại ông chết cả.
Chiếc gậy thần được cất trên mái nhà Muôn (nhà tục) về
hướng Đông, khi làm lễ bỏ mả, chủ nhà lấy xuống giao cho thấy lễ chính giữ để
làm đám bỏ mả cho ma. Chiếc gậy mang ý nghĩa: dẫn đường cho ma đi, dẫn đường
cho ma về, chỉ đồ lễ cho ma ăn, uống và nhận những vật dụng mà người sống chia
cho ma về với tổ tiên ông bà.
- Khi dòng họ, gia đình, người thân cảm thấy hết hoặc vơi
đi nỗi buồn đối với người đã chết.
- Thời gian người chết đã chôn được một năm trở lên.
- Diễn ra trong mùa lễ bỏ mả truyền thống của tộc người
Raglai (từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 3 năm sau), thuộc vào mùa khô-
mùa rảnh rỗi.
- Gia đình có đủ điều kiện về kinh tế, được dòng họ bàn
bạc, thống nhất ấn định thời gian tổ chức lễ.
- Do dòng họ đó được phép
làm đám bỏ mả nào (lớn, vừa hoặc nhỏ).
Phân loại các lễ bỏ mả
của người Raglai:
- Đám bỏ mả lớn:
thể hiện một đám lớn nhất thiết buộc phải có: trâu 01 con, heo 04 con, nhà mồ
16 cột (nếu 02 con trâu thì 08 con heo và nhà mồ phải có 32 cột), 01 cái Kago,
vài chục ché rượu cần và 03 thầy đứng lễ.
- Đám vừa: không nhất thiết phải mổ trâu, ít nhất có 02
con heo, chục con gà, nhà mồ 08 cột, không làm Kago, chục ché rượu cần và 03
thầy đứng lễ.
- Đám nhỏ: mổ vài con heo, chục con gà, vài ché rượu cần
nhà mồ 04 cột, không có Kago nhưng cũng có 03 thầy đứng lễ.
Tại Phước Chiến các lễ bỏ
mả đều được sự hỗ trợ và tác động của UBND và UBMT TQ xã và tiến hành đúng theo
phong tục tập quán của tộc người Raglai về con người, các đội mả la và tinh
thần cộng đồng.
3. Thứ tự hành lễ:
Lễ bỏ mả mà chúng tôi giới thiệu sau đây là đám lớn, diễn
ra trong 9 ngày (từ 22/2 đến 3/3/2001) do gia đình bà Katơr Thị Tém cùng hai
dòng họ, chính quyền và cộng đồng người Raglai ở Phước Chiến tổ chức.
Ngày thứ nhất -Họp bàn và thông báo với ông bà tổ tiên tại nhà (22/2/2001):
Cúng báo cáo với tổ tiên
ông bà về việc tổ chức lễ bỏ mả cho ma Bo Bo Hướng. Lễ vật gồm có: gà, rượu cần
và hoa qủa. Tiến hành lễ vào 18 giờ 30 đến 21 giờ.
1/ Họp bàn giải quyết về kinh tế:
Thành phần tham dự có: họp họ hàng hai bên (họ nhà vợ- nữ
và họ Mả- nam) để giải quyết về kinh tế- việc làm ăn của Mả khi còn sống có sự
tham dự của đại diện chính quyền thôn Động Thông và xã Phước Chiến. Một cuộc
trao đổi bàn bạc hết sức dân chủ, thấu tình đạt lý mang sắc thái riêng của tộc
người Raglai. Cuộc trao đổi nêu lên các vấn đề: Khi đi lấy vợ Mả mang theo vật
dụng, của cải gì; khi sống làm ra được bao nhiêu kể cả các khoảng trợ cấp, hỗ
trợ của các cơ quan nhà nước và khi chết thì phân chia ra sao cho trọn nghĩa
vẹn tình.
Sau khi bàn bạc đưa ra nhiều giải pháp và đi đến thống
nhất:giữa gia đình hai bên và ý kiến của chính quyền đi đến thống nhất:
- Một số vật dụng khi đi lấy vợ thì đem cho Mả về với ông
bà, tổ tiên chứ họ nhà nam không mang về như : dao, rựa, cuốc, ché rượu, xoong
nồi, chén bát....
- Của cải làm ra và các khoản trợ cấp, hỗ trợ của một số
cơ quan nhà nước trước hết là chi phí cho việc tổ chức lễ bỏ mả; phần còn lại
như: nhà cửa, máy móc thiết bị gia đình đã mua sắm được thì để lại cho vợ và
con cháu của Mả; ngoài ra có một chút tài sản chia cho họ của Mả (nam) gọi là
làm kỷ niệm như: một con bò, hoặc một con trâu mới lớn (cao 1 thước)....
2/ Họp bàn về phong tục làm đám:
Thành phần tham dự như
trên và có mời thêm một số thầy đứng lễ làm đám chôn Ma trước đây.
- Như các điều kiện tổ chức đám bỏ mả nêu trên và theo
truyền thống thì dòng họ của hai bên đều
không được phép làm đám bỏ mả lớn, còn các điều kiện khác đều có đủ. Nếu làm
đám lớn thì ông bà và Ma sẽ phạt, mức nặng là 1 con heo, 6 con gà và rượu.
Chính vì thế bên họ nam không bắt buộc phải làm, mà làm
cũng được, nhưng họ nữ lại muốn làm đám lớn cho Ma. Sau đó cuộc họp thống nhất
là phải thầy Bầu dầu hỏi Ma và tổ tiên, ông bà xem phạt bao nhiêu?
Gia đình bày mâm lễ mời thầy đến cúng. Sau khi khấn váy
nghi lễ xong, thầy nói rằng: Ông bà và Ma mừng lắm khi thấy con cháu ăn nên làm
ra do vậy chấp nhận cho làm đám lớn nhưng phải chịu phạt 3 chén trầu.
Thầy Bầu dầu cùng gia đình đặt 3 chén trầu và 1 chén trầm
hương khấn vái tại nhà ngôi nhỏ mà trước đây ông Hướng chết quàn thi thể (nhà
Muôn). Thống nhất ngày hôm sau dựng nhà mả cho Ma và các nghi lễ một đám bỏ mả
lớn.
Ngày thứ hai - Dựng nhà mả và thông báo cho bà con, dòng họ gần xa
biết ngày tổ chức lễ bỏ mả (23/2/2001):
1/ Giải quyết và thống nhất về nghi lễ:
- Gia đình chuẩn bị một chén trầu, chén lửa, 1 chai rượu
và đưa cây gậy dẫn mả cho ông thầy chính trước đây làm đã làm đám ma. Hai họ nam,
nữ trịnh trọng nhờ các thầy làm lễ cho Ma.
Sau khi khấn vái
xong, nếu chấp nhận thầy chính trong đám ma trước đây sẽ tiếp tục làm đám bỏ
mả, nếu không thì giao lại cây gậy cho gia đình.
Theo phong tục, gia đình lại đưa cây gậy cho ông thầy cũ
làm đám ma và nhờ làm tiếp. Nếu không nhận làm thì ông thầy cũ làm đám ma cũng
nhận cây gậy nhưng trao nó lại cho ông thầy mới. Đến đây, gia đình hai họ, chính quyền và các chức sắc
tín ngưỡng thống nhất và tôn thầy chính trong lễ bỏ mả này. Họ nam và họ nữ chỉ
định thêm một người làm thầy phụ giúp thầy chính (3 thầy lễ).
Sau khi được tôn làm thầy chính, ông ta nhận cây gậy rồi
nói những lời rất chân tình và cảm động. Hứa sẽ làm tròn phận thầy của mình cho
Ma vui, cho gia đình được toại nguyện với người đã khuất. Trong rạp lễ có nhiều
người khóc vì những lời hứa của thầy chính, tiếng khóc như chính thức báo hiệu
trong thôn có lễ bỏ mả!
Tại rạp lễ các thầy cùng với gia đình làm lễ báo cáo với
tổ tiên ông bà để đi làm nhà mới (nhà mả) cho Ma. Gia đình đã chuẩn bị một mâm
cơm, rượu để đến nghĩa địa làm lễ dựng nhà mới cho Ma. Từ đây trở đi, tất cả
các vấn đề liên quan đến nghi lễ đều do thầy chính quyết định.
2/ Dựng nhà mả:
Nghĩa địa nằm về hướng Tây của thôn Động Thông, cách nơi
ở khoảng 1 km. Các thầy cùng hai dòng họ sau 20 phút đi bộ thì đến nơi. Mỗi
người mang một thứ, dụng cụ vật liệu để dựng nhà mả.
Tất cả tập trung xung quanh ngôi mộ. Nam giới dọn dẹp vệ
sinh xung quanh, các thầy bày ra mâm lễ, nữ giới những người thân của Ma bắt
đầu khóc. Các thầy làm lễ báo cho Ma biết việc tổ chức lễ xong, mỗi người một
điếu thuốc một chén rượu và một miếng trầu cho Ma hưởng. Một số lễ vật cúng cho
Ma được mọi người bỏ vào một các gùi lớn treo trên cây gần bên nhà mả.
Cho Ma ăn uống xong, mọi người xúm lại khiêng nhà mả cũ đi
sang nơi khác, bắt đầu dựng nhà mới cho Ma. Người ta dựng 4 cột ở 4 góc trước
theo một hình vuông mỗi cạnh 2,2m, rồi tiếp đến các cột còn lại. Tổng cộng 16
cột với diện tích 4,4 m2. Sau khi dựng các cột xong, người ta san phẳng nền mả
(san ngực mả) rồi mới làm phần mái nhà mả. Mái nhà mả làm bằng cây lồ ô, có 2
cây đỡ mái bằng gỗ. Lợp bằng 3 tấm tranh lá được đan dài vừa đủ che kín, không
dột mưa nắng. Sau khi lợp xong mái nhà mả, người ta rải cỏ tranh xuống nền mả
(đã san phẳng) như kiểu làm nền nhà. Các thầy bày lễ cúng, xem như đã dựng xong
nhà mới cho Ma và hẹn ngày lên trang trí cho đẹp. Cũng như lúc ban đầu, một số
lễ vật cúng cho Ma được mọi người bỏ vào một các gùi lớn treo trên cây gần bên
nhà mả.
Dựng xong lễ tất cả cùng về nhà, tại rạp lễ chính, gia
đình bày 1 ché rượu cần để cúng báo với ông bà tổ tiên việc dựng nhà mả đã
xong. Sau đó mời bà con họ hàng hai bên và chính quyền bàn bạc thống nhất việc
tổ chức lễ bỏ mả. Định ngày làm đám bỏ mả (Ngăk Yang Padih Atâu) như sau:
- Ngày tập trung
họ hàng gần xa và cúng rạp lễ (27/2/2001).
- Ngày cúng mời mả về và cho mả ăn (28/2/2001).
- Ngày cúng kago, đưa kago đến nhà mả và làm đám lớn
(1/3/2001).
Trong khi đó thầy cúng (Bầu dầu) dọn ra một mâm lễ gồm 1
chai rượu trắng, 1 chén gạo, 1 cái thúng, 1 nồi đồng và 1 chiếc gùi. Ngay tại
rạp lễ thầy cúng xé đôi những chiếc lá xếp lại và bỏ vào thúng, gùi, nồi đồng
để xin các vị thần linh điều may mắn cho gia đình hai bên tổ chức lễ bỏ mả. Từ
đây gia đình lo chuẩn bị lễ vật; rượu để mời khách, bà con gần xa trong và
ngoài khu vực đến ngày chính thức làm đám lớn (1/3/2001) đến dự cùng gia đình.
Gia đình mượn người trang trí nhà mả, trang trí kago cho thật đẹp theo phong
tục truyền thống của dân tộc mình.
Mỗi lần đi mời
người đến dự, mời thầy đến giúp gia đình mang theo 1/4 lít rượu; mời người đến
giúp việc thì 1/2 lít. Khinh hay trọng tùy thuộc vào chất lượng rượu của gia
đình mời, đôi khi rượu không ngon người được mời không đến dự hoặc không đến
giúp gia đình. Nhiều người nói: rượu ngon
người ta đi nhanh hơn.
Ngày thứ ba - Trang trí Kago (24 và 25/2/2001):
Được làm từ một thân cây có thớ thịt mềm, đường kính từ
0,7 đến 1m do những nghệ nhân giỏi điêu khắc trong nhiều ngày liền. Sau khi làm
xong, các nghệ nhân tổ chức lễ và trang trí lại cho đẹp. Lễ vật có 1 con gà luộc, 1
chai rượu và hoa qủa do nghệ nhân chính
đứng lễ.
Kago là vật biểu tượng tâm linh cao nhất trong lễ bỏ mả
của tộc người Raglai. Nhìn tổng thể kago biểu hiện như một con thuyền, trên đó
được chạm khắc, vẽ bằng bột màu: mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, các cặp rồng
cách điệu, muông thú; cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt, nhà cửa, ruộng vườn;
diễn tả tính khí của người đã chết, ước muốn của người sống cho người chết một
cuộc sống với thế giới bên kia sung túc và đầy đủ. Sau 2 ngày trang trí kago xong,
đặt nơi rạp lễ để rước Ma về giới thiệu, tế lễ và sẽ được đặt trên nóc nhà mả.
Ngày thứ tư - Trang trí nhà mả (25/2/2001)
Nhà mả được trang trí trên các đầu cột, băng, kèo và các
xà của nhà mả. Vẽ bằng bột màu cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt nhưng đơn
giản hơn so với kago. Trước khi vẽ các nghệ nhân bày ra chai rượu, ít trầu cau,
thuốc lá rồi cầu xin những điều tốt lành cho mọi người. Nhà mả được trang trí
thêm trong đêm đưa kago lên đặt trên nhà mả.
Ngày thứ năm - Tập trung họ hàng và cúng rạp lễ (27/2/2001):
Như đã hẹn và mời trong ngày dựng nhà mả, buổi chiều họ
hàng hai bên tập trung đông đủ tại rạp lễ. Các thầy bày mâm lễ cúng rạp tức là
nơi sẽ mời Mả về dự. Lễ vật gồm có 1 con gà, 1 ché rượu cần và một ít hoa qủa.
Họ hàng, bà con xa gần lâu ngày gặp nhau, trao đổi chuyện trò đến khuya mới
nghỉ. Trong đám bỏ mả lớn của tộc người Raglai thường dựng trước cả tuần lễ các
rạp: rạp lễ chính, rạp chứa rượu cần, rạp dựng thịt, rạp chứa lương thực và rạp
bếp.
Ngày thứ sáu -Cúng mời Mả về ăn và xem kago (28/2/2001):
Từ sáng sớm, gia đình
chuẩn bị một mâm lễ gồm rượu, hoa qủa để
lên rước Mả về ăn. Đoàn rước chủ yếu là người thân của hai họ và do 3 thầy đứng lễ.
Sau khi làm lễ tại nhà mả
xong. Các thầy lễ mời Mả về rạp lễ uống rượu, ăn cơm và xem kago.
Tại rạp lễ, đã tập trung
họ hàng và các đội mả la. Các thầy lễ cúng 3 ché rượu cần cho Mả. Cứ mỗi tuần
rượu mỗi thầy một chén đổ vào 1 cái mo nang (xếp như con thuyền), tiếp theo
trong họ hàng hai bên mỗi người một chén cúng cho Mả. Trong khi đó, đội mả la
đánh các điệu nhạc buồn theo phong tục, những người thân thuộc khóc theo các
điệu nhạc này.
Sau 2 tuần mời Mả uống
rượu cần, 3 thầy lễ làm lễ mổ trâu và tiếp tục cúng rượu cần tuần thứ 3 cho Mả.
Lần thứ 3 có thêm các lễ vật sống như: 1 trứng vịt, 1 chén gạo, 1 nải chuối có
trùm khăn lên trên.
Chuẩn bị các lễ vật xong,
các thấy lễ cúng cơm buổi tối cho Mả, gồm có: thịt trâu, thịt heo, cơm, bánh,
hoa qủa, rượu cần; tất cả đều làm thành 3 mâm. Những lễ vật cúng được cắt, bẻ
nhỏ ra và bỏ vào cái mo nang cho Mả.
Riêng trong nhà ở các
thầy cũng cúng 3 lần xen kẻ với nơi rạp lễ, dành cho tổ tiên, với 1 mâm lễ gồm: 1 con gà, 1 thố
rượu cần, 2 chén cơm, 1 nải chuối, thịt heo 1 khổ nhỏ. Lễ cúng mời Mả ăn diễn
ra liên tục cho đến nửa đêm mới xong.
Ngày thứ bảy - Cúng đưa Kago và dẫn mả vềû (01/3/2001):
Tại rạp lễ, múa quanh ka
go thầy lễ chính cầm gậy chỉ những lễ vật cho
Mả hưởng. Múa hát có đội mả la phụ họa, sau 3 tuần rượu
cơm, đến 1giờ sáng đưa kago và dẫn Mả lên nhà mả đem theo mo nang đựng đồ cúng
cho Mả.
- Đoàn rước kago đến nơi,
vừa đi vừa múa lễ và đánh mả la 3 vòng
xung quanh nhà mả. Sau đó đặt kago lên trên nóc nhà mả, các nghệ nhân trang trí
16 cột nhà mả bằng giấy màu ngũ sắc. Các thầy lễ cúng cho mả ăn và báo cáo với
các vị thần linh từ 2 giờ cho đến 10 giờ trong
và ngoài nhà mả. Các thầy lễ trồng cây ăn trái xung quanh nhà mả, tung hạt
giống (ngô) lên trên nóc nhà mả theo 4
hướng. Trong khi tung hạt giống lên, 4 phụ nữ thân thuộc trong gia đình
dùng tấm chăn hứng. Được một ít hạt giống này đem về nhà trồng trỉa lấy may.
Trong mỗi nghi thức lễ đều có đội mả la múa đánh những điệu phù hợp.
- Dẫn Mả về lại rạp lễ:
Đoàn rước mang về một mâm lễ, thầy lễ chính cầm gậy dẫn đường, đoàn đánh mả la
vừa đi vừa đánh hai bên cùng rất đông bà con dòng họ của gia đình hai họ.
- Từ nhà mả trở về rạp
lễ, đén đoạn nưa đường, gia đình bày một mâm lễ để đón đoàn dẫn Mả về rạp lễ.
Tiếp tục cúng lễ cho mả ăn với 3 tuần cơm, rượu suốt đêm. Những đồ cúng được
các thầy và người thân cho Mả ăn thì bỏ vào một sọt tre lớn. Cũng trong suốt
đêm này, gia đình chiêu đãi khách khứa,
bạn bè gần xa và diễn ra lễ hội vui chơi mang tính cộng đồng người Raglai cho
đến 6 giờ sáng hôm sau.
Ngoài những người thân
quen với hai họ, nam nữ thanh niên Raglai từ các vùng trong tỉnh Ninh Thuận, Bình
Thuận, Khánh Hòa biết tin cũng tụ họp về
đây vui chơi. Họ đến rạp lễ uống rượu cần, đánh mả la múa hát rồi lại tản ra
các ngã đường trong thôn tiếp tục ăn nhậu nhảy theo các điệu nhạc disco, rap
sôi động. Tờ mờ sáng thì ai về nhà nấy.
Ngày thứ tám -Đưa mả đi và tạ lễ 3 thầy cúng (2/3/2001):
Bắt đầu từ buổi trưa, các
thầy lễ cúng 3 tuần cơm rượu, cho Mả ăn tiếp tục bỏ vào một chiếc sọt tre lớn.
Ngoài ra còn một mâm có chén trầu, tiền, gà heo, trâu, khi cúng xong cũng cho
vào sọt lớn.
Chiều chập choảng tối, tổ
chức rướ Mả đi. Hai thanh niên khỏe khiêng sọt tre lớn đựng thức ăn đã cúng cho
Mả qua các cuộc lễ, trên có cắm hương đi lên nhà mả cùng đi có các thầy, gia
đình hai họ và bà con trong thôn. Theo quan niệm của người Raglai thì lúc này
mả cùng theo luôn về với ông bà tô tiên và núi rừng không còn quay lại với gia
đình nữa.
Đến nửa đường thầy lễ
chính bẻ đôi cây gậy bỏ luôn vào sọt tre, chỉ có một số người khiêng lên nhà mả
và treo lên cây cạnh nhà mả, số còn lại vội vã về nhà. Đoàn người về gần vào nhà
có người giả làm chó sửa như xua đuổi để ma không về nữa. Người sống cũng như
người đã chết đã toại nguyện về mặt tâm linh. Kết thúc lễ bỏ mả. Gia đình hai
bên tổ chức ăn uống vui vẽ suốt đêm.
Cũng trong đêm gia đình dọn ra một mâm cơm rượu để tạ lễ
3 thầy cúng (chủ yếu là thầy chính). Sau khi ăn uống xong, thầy chính nhận một
ít tiền thức ăn gọi là lấy thảo.
Ngày thứ chín - Chiêu đãi những người giúp việc cho gia đình
(3/3/2001)
Gia đình tổ chức thiết đãi lớn cho những người giúp dựng
các rạp, nấu nướng, lên rừng chặt cây. Đây cũng là bữa cơm thân mật giữa hai họ
trò chuyện vui nhộn và để tổng kết việc tổ chức lễ trong những ngày qua.
4. Một số nhận định, đáng giá ban đầu về lễ bỏ mả ở Phước
Chiến trong những năm gần đây:
-Biểu đạt tình cảm sâu sắc mối quan hệ giữa con người với
con người, giữa con người với thiên nhiên.
-Trình diễn bản sắc của một tộc người gắn bó đoàn kết
cộng đồng.
-Biểu hiện một phần văn nghệ, văn hóa dân gian tương đối
đặc sắc.
-Đang trên đà mai một dần, cần có chính sách định hướng để
nó trở về với nguồn cội. Việc xây dựng kiên cố các nhà mả hiện nay đang có
nhiều tranh cãi, trong khi đó thực chất của nó vẫn là " Lễ bỏ mả". Có
phần lai căng văn hóa trong từng lớp thanh niên đến dự lễ, nhất là việc ăn nhậu
trong các hàng quán và nhãy múa các điệu nhạc ngoại sôi động.
-Là một lễ hội trong số ít lễ hội truyền thống của người
Raglai còn tồn tại và chỉ được cô động ở
Phước Chiến mà thôi, cần được bảo lưu
gìn giữ và có một đề tài nghiên cứu kỹ về lể bỏ mả này của tộc người Raglai.
** * **