I. Thực trạng tình hình nghệ thuật biểu diễn trong những
năm qua.
1. Những thành tựu đạt được.
1.1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã tiến hành
công cuộc đổi mới, mở cửa, xóa bỏ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, thu
được nhiều thành tựu quan trọng, làm thay đổi bộ mặt xã hội. Đời sống văn hóa
và tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao một bước, trong đó có phần đóng
góp không nhỏ của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp từ trung ương đến địa
phương.
Đến nay trên
61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã có đoàn nghệ thuật hoặc nhà hát của riêng
mình với đủ các loại hình ca, múa, nhạc, dân ca, chèo tuồng, cải lương, kịch
nói, xiếc, rối, giao hưởng, nhạc vũ kịch… tạo nên bức tranh toàn cảnh của nghệ thuật
biểu diễn Việt nam phong phú, đa dạng và giàu bản sắc.
Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều đoàn nghệ thuật hơn cả. Thủ đô Hà
Nội có 7 đoàn trực thuộc Sở văn hóa thông tin Hà Nội quản lý. Ngoài ra còn có
20 đoàn Trung ương và của các ngành, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Ở
Thành phố Hồ Chí Minh có 12 đoàn trực thuộc Sở Văn hóa thành phố. Ở các địa
phưong cũng có một số tỉnh, thành phố còn tồn tại 4,5 đoàn như Hải Phòng, Thái
Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Hiện nay, cả
nước có 134 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhà nước của các ngành, các địa
phương và lực lượng vũ trang, bao gồm:
62 đoàn ca múa nhạc, ca múa nhạc tổng hợp, nhạc vũ kịch,
ca múa kịch, ca múa dân gian Chăm, dù kê Khơ me, dân ca kịch.
- 13 đơn vị kịch
nói.
- 17 đơn vị
nghệ thuật chèo.
- 23 đơn vị
nghệ thuật cải lương.
- 4 đơn vị
múa rối.
- 6 đơn vị
nghệ thuật tuồng.
- 4 đơn vị
nghệ thuật xiếc.
- 5 đơn vị
dân ca kịch.
1.2. Trong
những năm qua, nhà nước đã ban hành khá nhiều văn bản pháp qui về quản lý nghệ
thuật biểu diễn như chế độ nhuận bút, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với
ngành xiếc, độc hại trong ngành văn hóa nghệ thuật, chế độ bồi dưỡng luyện tập,
bồi dưỡng biểu diễn, phụ cấp thanh sắc .v.v…
1.3. Hiện
nay cả nước có trên 4000 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên. Trong đó có 130 nghệ
sĩ nhân dân, 1013 nghệ sĩ ưu tú ở các
đoàn nghệ thuật từ trung ương đến địa phương. Các đoàn đã hoàn thành tốt các
nhiệm vụ chính trị của mình, biểu diễn phục vụ khắp nơi trên mọi miền đất nước,
từ thành phố đến các vùng sâu vùng xa, nơi biên cương hải đảo. Góp phần không
nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng ý thức thẩm mỹ lành mạnh cho
nhân dân trong viện hưởng thụ nghệ thuật. Nhiều đơn vị nghệ thuật đã hoạt động
tích cực, năng động sáng tạo, hoàn thành các kế hoạch chỉ tiêu biểu diễn, đồng
thời luôn bám sát những định hướng nghệ thuật , biết vận dụng linh hoạt những
yếu tố và những điều kiện thuận lợi và những khó khăn trong cơ chế thị trường
để hoạt động. Đáp ứng nhu cầu đòi hỏi thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của
công chúng.
Trong điều
kiện khắc nghiệt của cơ chế thị trường, sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn vẫn được
sự quan tâm và phát triển phù hợp với cơ chế mới, đóng góp tích cực vào việc
xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Mặt tích cực của cơ chế
thị trường là phát huy óc sáng tạo, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế xã hội, tạo
thêm nhiều giá trị mới, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, các đoàn nghệ
thuật phát huy tính chủ động sáng tạo, vừa biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính
trị, vừa tăng doanh thu để bù đắp chi phí. Nhiều đoàn nghệ thuật có điều kiện
đi biểu diễn giao lưu với các nước trên thế giới, giới thiệu văn hóa dân tộc
Việt Nam với các nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới.
1.4. Để thích ứng với những điều kiện khắc nghiệt của cơ
chế thị trường, các đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật ở các tỉnh
phía nam đã cố gắng tìm cho mình những cách đi thích hợp, từng bước vượt qua
những khó khăn để tồn tại và phát triển. Nhiều địa phương được Tỉnh ủy, UBND,
Sở Văn hóa Thông tin quan tâm, chỉ đạo về phương hướng, tạo điều kiện thuận lợi
về cơ sở vật chất và tinh thần. Nhờ vậy, có một số đoàn có trụ sở khang trang,
có trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, có sàn tập, có sân khấu biểu
diễn,diễn viên có nơi ở. Nhiều địa phương ưu tiên kinh phí cho hoạt động nghệ
thuật, có đoàn hàng năm được cấp 600 đên 700 triệu đồng. Tuy nhiên số này rất
ít, phần đông các đoàn nghệ thuật địa phương hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Nhìn chung,
ở nơi nào được sự quan tâm của địa phương, cấp đầy đủ kinh phí, đoàn nghệ thuật
ở đó luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chính trị, thu hút được nhân tài và
do vậy, biểu diễn doanh thu cũng thuận lợi hơn.
1.5. Để
không bị phụ thuộc vào “bầu sô”, vào “sao”, nhiều địa phương đã dùng hình thức
“bao cấp khán giả”. Trong giai đoạn hiện nay, đây là một phương thức thích hợp.
Dẫu không phải là một hình thức lâu dài, song trước mắt cách làm này có điều
kiện để đưa được các tác phẩm có giá trị
nghệ thuật và có định hướng tới đông đảo quần chúng nhân dân, tới các đối tượng
có nhu cầu về hưởng thụ nghệ thuật, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng
căn cứ kháng chiến, vừa vun đắp lòng yêu nghề, đạo đức và trách nhiệm của người
nghệ sĩ biểu diễn mà còn chứng tỏ tình cảm biết ơn là việc làm đền ơn đáp nghĩa
của chúng ta đối với các chiến sĩ, đồng bào đã gian khổ, hy sinh trong kháng
chiến.
2. Mặt hạn chế.
Bên cạnh
những thành tựu đạt được, trong điều kiện kinh tế thị trường, nghệ thuật biểu
diễn cũng có nhiều hạn chế.
2.1. Về cơ
chế quản lý:
Cục Nghệ
thuật biểu diễn là cơ quan quản lý hành chính trực tiếp các đơn vị nghệ thuật
của trung ương và quản lý về nghiệp vụ đối với các đoàn nghệ thuật địa phương
nhưng còn chậm tham mưu để ban hành những văn bản pháp qui về quản lý nghệ
thuật biểu diễn. Kinh phí hoạt động của các Đoàn Nghệ thuật các ngành, các địa
phương hoàn toàn do tỉnh, ngành quyết định, không có một định mức chung, dẫn
đến tình trạng "Đoàn giàu, Đoàn
nghèo", bất bình đẳng về thu nhập cũng như chính sách chế độ đối với
diễn viên. Có những đoàn được đầu tư lớn nên có cơ sở vật chất hiện đại, nghệ
sĩ, diễn viên có đời sốâng đảm bảo. Ngược lại, không ít đoàn “nghèo”, trụ sở rách nát, xe cộ, trang
thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Diễn viên không có nhà ở hoặc ở tạm bợ, dột nát.
Mặc dù trong
những năm qua, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp qui nhưng cho đến nay
vẫn còn rất thiếu, nhiều văn bản đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với giai
đoạn hiện nay nhưng chưa kịp sửa đổi, bổ sung. Chế độ nhuận bút đối với các tác
phẩm nghệ thuật theo Thông tư số 28/ TT-LB ngày 16/4/1990 đã quá lạc hậu nên
không ai áp dụng. Hầu hết các Đoàn phải tự ký hợp đồng thỏa thuận với các tác
giả về tác phẩm, không có một khung thống nhất về giá cả hợp đồng. Một tiết mục
múa, một kịch bản cho một vở diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể được ký từ 5 -
10 triệu đồng, nhưng cũng có những nơi, một ca khúc, một bản nhạc, một tiết mục
múa chỉ được chi hai, ba trăm ngàn đồng. Qui chế về cấp thẻ hành nghề cho diễn
viên tuy mới ra cũng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Chế độ bồi dưỡng đêm diễn
cho cán bộ diễn viên còn nhiều điểm bất hợp lý.
2.2. Về con
người:
2.2.1. Cán
bộ lãnh đạo các đoàn nghệ thuật hầu hết trưởng thành từ diễn viên lên nên có
nhiều kinh nghiệm về chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, năng động trong
công tác đối nội, đối ngoại, biết chăm lo cho sự phát triển nghệ thuật của đơn
vị mình, hiểu, đồng cảm và thương yêu cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, là đồng
nghiệp của mình. Có tinh thần trách nhiệm, chịu đựng mọi sự vất vả và gian khổ
để ứng phó với sự phức tạp của môi trường văn nghệ sĩ, những khó khăn của cơ
chế thị trường và những cơ chế, chế độ chính sách của nhà nước chưa đáp ứng đầy
đủ cho hoạt động nghệ thuật.
Nhưng đa số
các đồng chí lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là cán bộ cấp trưởng đều
chưa được đào tạo chính qui về công tác quản lý hành chính nhà nước nên không
tránh khỏi có nhiều lúng túng trong công tác quản lý mọi hoạt động của một đơn
vị hành chính sự nghiệp nhà nước. Dẫn đến tình trạng một số cán bộ vi phạm về
nguyên tắc tài chính, nguyên tắc hành chính nhà nước.
2.2.2. Đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật là hai chức
năng có vị trí quan trọng, tác động rất trực tiếp đến thành quả của chương
trình biểu diễn. Kịch bản trung bình, nhưng có đạo diễn giỏi thì có thể đưa vở
diễn lên một tầm cao mới, hoặc ngược lại, có kịch bản hay nhưng đạo diễn tồi
thì vở diễn không thể hay được. Hiện nay, tình trạng nhiều đơn vị nghệ thuật
trong toàn quốc không có chức danh đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật là phổ biến. Số đạo diễn có tên tuổi ngày
càng hiếm. Các đoàn lại thường chỉ mời các đạo diễn có tên tuổi đến dựng chương
trình, một mặt, trong các kỳ hội diễn, ban giám khảo lại hay chấm “tên” tác
giả, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật có tên
tuổi, vì vậy, các đạo diễn trẻ, mới vào nghề khó lòng kiếm đất dụng võ. Tình trạng
đạo diễn giỏi, chuyên sâu cho từng loại hình nghệ thuật sân khấu như tuồng,
chèo, cải lương… gần như không có. Phần lớn các đạo diễn học nghề kịch nói là
chính, nên khi sang đạo diễn cho kịch hát chất lượng không cao. Hiện nay các
trường nghệ thuật chuyên ngành chưa có khoa đào tạo cán bộ chỉ đạo nghệ thuật,
mà chủ yếu là các nhạc sĩ, biên đạo múa, đạo diễn sân khấu có tuổi nghề cao rồi
tự phong cho mình chức danh chỉ đạo nghệ thuật.
2.2.3. Ở các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên có một
môi trường đặc thù. Nghệ sĩ là những người có trái tim nhạy cảm, đa sầu, đa
cảm; luôn luôn tìm tòi, sáng tạo cái mới, hay mộng mơ, bay bổng và cũng rất dễ
tổn thương; Họ thích tự do, sống phóng khoáng, và mỗi người lại có con mắt đánh
giá nghệ thuật khác nhau. Đó cũng là một trong những lý do làm cho văn nghệ sĩ
bị khoác lên mình những điều tiếng như: “xướng
ca vô loài”,”mấy đời con hát thương nhau”.
Số đông nghệ sĩ, diễn viên có độ tuổi từ 40 trở lên được
đào tạo khá chính qui, có năng lực chuyên môn tốt, có bề dày hoạt động, vẫn giữ
được lòng yêu nghề và bền bỉ trong chuyên môn, song trong số họ không ít người
đã xa rời sàn diễn để làm nghề khác hoặc ở lại đơn vị làm lãnh đạo, làm nhiệm
vụ đào tạo cho lớp trẻ. Một số không được sử dụng chuyên môn thường xuyên nên khả
năng bị mòn mỏi, một số người đã nghỉ hưu để nhường cho lớp trẻ thay thế. Tuy
nhiên, hiện vẫn còn một số diễn viên lớn tuổi vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu, vẫn ở
lại chờ chế độ. Số này làm cản trở không ít đến sự phát triển của lớp trẻ.
Số diễn viên
trẻ hiện nay, hầu hết được đào tạo chính qui từ nhà trường nghệ thuật. Một số
diễn viên trẻ có tài hoặc có khả năng tương đối khá lại hay tính toán nên làm
việc ở đâu để có được nhiều quyền lợi đãi ngộ, hay được đi nước ngoài, thu nhập
cao. Trong số đó, một số ít người có tài, mới ra nghề đã được nhiều nơi mời đi
diễn, trả cát xê cao. Từ đó nảy sinh sự tính toán nặng nề về tiền bạc và danh
vọng quá sớm, số này không muốn bị trói chân ở một đơn vị nghệ thuật nào. Bởi
vì chúng ta vẫn còn tạo cho chỗ đứng để họ được nổi tiếng. Cho nên họ đòi hỏi
đủ mọi thứ dẫn đến kiêu ngạo, bất chấp cả sự điều động của tổ chức, biểu hiện
cao nhất là bỏ biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong số này có người đã trở nên hư
hỏng, mất phẩm chất, thậm chí còn bê tha ảnh hưởng đến danh tiếng người nghệ
sĩ. Một số ca sĩ gần đây lên tiếng trên báo chí nhân có chủ trương xã hội hóa
một số hoạt động nghệ thuật, đã cho rằng: Đoàn nọ, nhà hát kia không tạo cho họ
phát triển tài năng để phục vụ xã hội, từ khi ra khỏi biên chế thì họ mới có
được tên tuổi. Số này còn mong Nhà nước có biện pháp quảøn lý hoạt động để họ
sẵn sàng đóng góp phần thu nhập từ biểu diễn cho xã hội… Điều đó có thể đúng
một phần, nhưng chỉ là sự ngụy biện của những cá nhân coi thường tổ chức.
- Có nhiều
trường hợp một số ca sĩ, một số ca khúc được "lăng xê" nhờ các chương
trình " Làn sóng xanh" nhờ một số hãng băng đĩa ca nhạc và đặc biệt
là các ông "bầu" thông qua một số chương trình ca nhạc đẩy lên thành
một số "sao". Theo những nhà chuyên môn, các ngôi sao ca nhạc của
chúng ta hiện nay, ngoài một số ca sĩ
được học hành bài bản ở nhạc viện, còn lại đa số các "sao"
trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng, không có khái niệm về kỹ thuật
thanh nhạc, mà chủ yếu dựa vào chất giọng bẩm sinh. Trong khi trình độ thưởng
thức của chúng ta còn hạn chế, hầu hết chưa có tai âm nhạc, nhiều người đi
"xem" ca nhạc chứ không phải đi "nghe" ca nhạc. Trong các
cuộc thi ca nhạc quốc tế, hầu hết các "sao" không được học âm nhạc
đều bị loại ngay ở vòng đầu. Có những đêm ca nhạc giao hưởng thính phòng tại
nhà hát lớn Hà Nội, người xem đa số là khách mời, ngoài một số nhà chuyên môn
âm nhạc lắng nghe, số còn lại hoặc ngủ hoặc tìm cách " chuồn về sớm. Đơn
giản là họ không hiểu vì không được trang bị kiến thức âm nhạc cơ bản. Đây là
một vấn đề mà nhà nước ta cần quan tâm. Đối với một xã hội công nghiệp hóa,
việc phổ cập âm nhạc phải đi đôi với phổ cập kiến thức phổ thông. Việc dạy âm
nhạc, hội họa trong nhà trường phổ thông của chúng ta càn rất lạc hậu. Cả nước
chỉ có một trường cao đẳng sư phạm nhạc họa, không thể cung cấp đủ giáo viên
nhạc họa cho hàng triệu học sinh phổ thông hiện nay.
- Tình
trạng rất nhiều đơn vị nghệ thuật không có diễn viên “ngôi sao” sáng giá nên
ảnh hưởng khá rõ đến uy tín hoặc kết quả doanh thu của đoàn. Do đó các đoàn
phải đi “thuê” diễn viên ngôi sao tham gia chương trình nghệ thuật của mình với
giá thù lao qúa cao, tạo ra sự bất bình, bất mãn của những diễn viên không kém
phân tài sắc trong đơn vị nhưng lại phải thành ca sĩ hát "lót" ( hát
chờ "sao" chạy sô nơi khác tới), gây bao sự khó khăn cho lãnh đạo
đoàn, nhà hát.
- Trước
tình hình khó khăn trong việc tạo nguồn lớp diễn viên tài năng để kế cận cho
các đơn vị thì lại gặp phải khó khăn khác, đó là chế độ, đời sống của các diễn
viên bậc đàn anh, đàn chị còn quá thiếu thốn, nghèo nàn. Do đó nhiều bậc cha mẹ
không muốn cho con cái vào văn công, mà tìm cho con cái một con đường khác
tương kai sáng sủa hơn, bổng lộc nhiều hơn.
- Một
tình hình đáng buồn nữa là: nhìn vào các Đoàn nghệ thuật, kể cả các đơn vị nghệ
thuật Trung ương, hàng ngày ít thấy không khí luyện tập chuyên môn hăng say, tự
giác, kỷ luật và có chất lượng như vài ba thập kỷ trước đây. Hầu hết diễn viên
tập tành trễ nải, đến muộn về sớm và họ biểu diễn như thợ vậy, họ không thiết
tha phấn đấu để trở thành diễn viên xuất sắc. Có người còn mong càng được nghỉ
diễn càng tốt, không được phân vai cũng không sao. Đó là một thực trạng tuy
không phổ biến, song cũng rất lưu tâm để có biện pháp khắc phục.
2.2.4.Về
kinh phí hoạt động:
Đây là vấn đề hết sức quan trọng và bức bối, là mối lo
lắng của nhiều đơn vị nghệ thuật. Đặc biệt là sự tồn tại và phát triển của các
đơn vị nghệ thật dân tộc truyền thống về lâu dài cần được Nhà nước bao cấp để
hoạt động và còn bao cấp cho cả công chúng thưởng thức nghệ thuật thì mới giữ
gìn và phát triển được.
Về
kinh phí hoạt động nghệ thuật, cơ sở vật chất đời sống cán bộ, diễn viên, nhìn
chung có rất nhiều khó khăn và có những sự chênh lệch, khác nhau giữa các đơn
vị, giữa các địa phương, giữa các loại hình nghệ thuật có hoặc không có doanh
thu. Chúng tôi thấy rằng, trong những năm qua để giải quyết tháo gỡ những khó
khăn về kinh phí cho các đơn vị hoạt động đã phụ thuộc vào một số yếu tố sau
đây:
- Sự
quan tâm chỉ đạo, đầu tư ngân sách của lãnh đạo địa phương cho nghệ thuật, đặc
biệt vai trò của các đồng chí Gíam đốc Sở Văn hóa Thông tin, của Phó Chủ tịch
phụ trách văn xã tỉnh, thành phố, của Giám đốc Sở Tài chính, nhưng quan trọng
hơn cả là sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy.
- Sự
phụ thuộc vào nguồn ngân sách của mỗi địa phương phân bổ cho ngành văn hóa thông
tin, ngành lại phân bổ cho nghệ thuật. Được bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào sự
đầu trung ương trọng tâm cho mục tiêu nào.
- Sự
phụ thuộc (một phần) ở các Giám đốc hoặc Trưởng Đoàn có sự năng động, có mối
quan hệ tốt và có uy tín để thuyết phục lãnh đạo các cấp trên.
- Nhìn
chung việc cấp phát kinh phí cho hoạt động nghệ thuật còn chậm và không đủ. Có
địa phương nhiều Đoàn Nghệ thuật, việc cấp kinh phí còn theo kiểu bình quân chủ
nghĩa, hoặc chỉ cấp một phần kinh phí, còn lại đơn vị phải lo thu bù chi.
2.2.5. Sau
khi sắp xếp lại các Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp đã nảy sinh một số vấn đề ở
một số địa phương. Nhiều sân khấu ca nhạc trở thành tụ điểm kinh doanh nghệ
thuật biểu diễn. Trình trạng chạy “sô”, “bầu sô”â diễn biến rất phức tạp. Nhiều
Đoàn quảng cáo diễn viên và chương trình sai so với đăng ký. Hiện tượng
"ngôi sao" tự phong và bệnh sùng bái ngôi sao của công chúng nhất là
ở các địa phương tỉnh lẻ ngày một tăng. Nhiều ngôi sao tự phong rất kêu và rất
sáo rỗng như: " Ngôi sao nhạc rốc Châu Á"; "Nữ hoàng nhạc
nhẹ"; "thần đồng ca nhạc": Danh hài số một"v.v…Nhiều chương
trình được quảng cáo rất kêu như" Đêm đầy sao"; "Đại nhạc
hội"; Những ngôi sao Ngọc" (tập trung những ca sĩ có tên đệm là
Ngọc"… Nhiều Đoàn tự hình thành do một bầu sô đứng ra chiêu mộ diễn viên.
Trong một đêm diễn ca múa nhạc - tạp kỹ
tại Rạp 16/4 thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, một ngôi sao cải
lương Thành phố Hồ Chí Minh nhận "bầu sô" 15 triệu đồng, trong khi
các ca sĩ thường chỉ được bồi dưỡng từ 10 - 30 nghìn đồng (diễn viên chính 30
nghìn đồng, diễn viên chính thứ là 20 nghìn đồng, Trưởng Đoàn và diễn viên phụ
10 nghìn đồng, theo Quyết định 174/1999/QĐ-TTg ngày 23/8/1999 của Thủ tướng
Chính phủ về chế độ phụ cấp thanh sắc và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn
nghệ thuật ngành Văn hóa Thông tin).
Hiện tượng
một "bầu sô" đứng ra tập hợp các nghệ sĩ lại, thành lập một Đoàn và
thường lấy tên là Ca múa nhạc tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Ai thích bài gì hát bài
ấy, thích diễn tiết mục hài nào cũng được, thiếu sự luyện tập, phối hợp xuyên
suốt chương trình, các ca sĩ cứ xếp hàng lên hát, hát xong nhận tiền rồi về.
Nhiều trường hợp ca sĩ chỉ nhấp miệng theo băng, đĩa đã thu sẵn.
II- Đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước
về nghệ thuật biểu diễn:
Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ VIII đã vạch ra đường lối, từ nay đến năm 2020 đất nước ta
bước vào một thời kỳ mới – thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đát nước, thực
hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên
chủ nghĩa xã hội. Đó là một mục tiêu chiến lược lớn mà toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta phải thực hiện. Với tinh thần đó, ngành biểu diễn nghệ thuật cả
nước quyết tâm phấn đấu theo mục tiêu: “Phấn
đấu xây dựng nền nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, chất lượng cao, tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc cho thế kỷ 21”.
Để thực hiện
được nhiệm vụ lớn lao, nặng nề và vinh quang đó, ngành nghệ thuật biểu diễn
dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền các tỉnh,
thành phố; Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin chúng ta cần thực
hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Nhà nước
phải quản lý và chỉ đạo xây dựng nội dung các chương trình tiết mục nghệ thuật,
các vở diễn sân khấu của toàn ngành để thực hiện đúng mục tiêu, định hướng mà
Đại hội Đảng lần thứ VIII đã đề ra là:” …
Phải xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây
dựng con người Việt Nam về Trung ương tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối
sống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội… Tiếp thu
tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam.
Đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng
sùng ngoại, lai căng, mất gốc, khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, coi thường
giá trị nhân văn …”
2. Xây dựng
đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên có đủ tiêu chuẩn đức và tài để phấn đấu góp
phần vào sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, có chất lượng cao, đáp
ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng Việt Nam
trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nghiêm khắc chống lối làm ăn dễ
dãi, tùy tiện trong lao động nghệ thuật từ khâu luyện tập kỹ thuật và hoạt động
biểu diễn phục vụ xã hội.
3. Mỗi đơn
vị nghệ thuật từ địa phương đến Trung ương phải đặc biệt quan tâm và có kế hoạch
bồi dưỡng, giáo dục, quản lý tốt đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên theo những
tiêu chuẩn, qui chế và qui định của Bộ Văn hóa Thông tin, luôn luôn chăm lo đời
sống vật chất tinh thần, giúp anh chị yên tâm, yêu quí nghề nghiệp và có đủ
điều kiện hoạt động lâu dài.
4. Tăng
cường công tác đào tạo đối với cán bộ lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật về mọi mặt
để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng quản lý đơn vị, năng động, sáng tạo
trong mọi hoạt động lãnh đạo đơn vị để đạt hiệu quả cao nhất trong nhiệm vụ biểu
diễn phục vụ xã hội, chống tư tưởng ỷ lại ở sự bao cấp của Nhà nước, nhanh
chóng đưa mọi hoạt động của đơn vị thích nghi với nhưng hoàn cảnh mới, điều
kiện mới của cơ chế thị trường, nhưng không đi lệch định hướng nghệ thuật của
đơn vị đã được lãnh đạo cấp trên xác định.
5. Chú trọng
và tăng cường công tác ổn định tổ chức, bộ máy hoạt động trong các đơn vị nghệ
thuật nhằm hỗ trợ cho nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật đạt được những yêu cầu,
nhiệm vụ đã nêu trên.
6. Đẩy mạnh
công tác đào tạo các lớp cán bộ, diễn viên trẻ có trình độ chuyên môn vững
vàng, có đạo đức phẩm chất tốt làm nguồn bổ sung thay thế cho lớn nghệ sĩ, diễn
viên đã có tuổi của các đơn vị nghệ thuật. Đồng thời quan tâm đến công việc đào
tạo lại cho số cán bộ, diễn viên công tác lâu năm còn khả năng cống hiến tiếp
tục về chuyên môn hoặc có điều kiện làm công việc khác phục vụ cho nghệ thuật.
Đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng và đào tạo các tài năng trẻ xuất sắc trong
các loại hình nghệ thuật để mỗi đơn vị tiến tới đều có thể có những nghệ sĩ tiêu
biểu, xuất sắc và trở thành những ngôi sao nghệ thuật của từng đơn vị.
7. Thực hiện
nghiêm chỉnh các văn bản, nghị quyết, quyết định và các chế độ, chính sách của
Nhà nước, của Bộ văn hóa Thông tin ban hành đối với lĩnh vực hoạt động biểu
diễn nghệ thuật. Trước mắt, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 90/CP ngày
28/3/1997 của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa từng bước một số lĩnh vực hoạt
động văn hóa - nghệ thuật, trong đó nhiệm vụ qui hoạch lại một số các đơn vị
nghệ thuật trong toàn quốc nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả biểu diễn phục vụ xã
hội.
Nhà nước mà
cụ thể là Bộ VHTT tăng cường quản lý vĩ mô đối với nghệ thuật biểu diễn. Tăng
cường điều tiết, định hướng về nghệ thuật, bảo đảm tính Đảng, tính dân tộc,
tính nhân dân, tính nghệ thuật cho nền nghệ thuật dân tộc hiện đại. Tăng cường
học hỏi, chắt lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới để làm giàu thêm bản sắc nghệ
thuật Việt Nam. Tháng 7 năm 1998, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ V đã đề
ra Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc". Nghị quyết đã đúc kết những thành tựu đạt được
của văn hóa nghệ thuật trong những năm đổi mới, đồng thời cũng nêu lên những
hạn chế tồn tại. Nghị quyết đã mở ra những giải pháp, biện pháp để thực hiện
mục tiêu cơ bản là " Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Nghị quyết cũng đã đề ra biện pháp xây
dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa.
8.Cần đẩy
nhanh việc hoàn thiện cơ chế chính sách
Các cơ quan
chức năng của Bộ VHTT như Cục Nghệ thuật Biểu diễn, các Vụ Tài chính - kế
hoạch, tổ chức soạn thảo các văn bản pháp quy để trình Chính phủ. Những dự thảo
đó cần lấy ý kiến tham khảo, đóng góp của các đơn vị nghệ thuật và các cơ quan
chủ quản để sát với thực tế. các cơ quan chức năng của Bộ VHTT phải xây dựng
hoàn thiện các chính sách chế độ như chế độ nhuận bút, bồi dưỡng luyện tập,
biểu diễn, chế độ thanh sắc cho phù hợp với tình hình hiện nay; chế độ hưu trí,
nghỉ việc đối với các diễn viên không có khả năng biểu diễn. Có chính sách đáp
ứng yêu cầu lực lượng diễn viên dôi dư trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị
nghệ thuật… tránh tình trạng tùy tiện sử dụng kinh phí và diễn viên như hiện
nay. Trước mắt cần gấp rút ban hành qui chế về tổ chức và hoạt động cho các
đoàn nghệ thuật tư nhân, tập thể, gia đinh, các nhóm, băng nhạc tự hình thành.
Về xây dựng,
ban hành luật pháp Nghị quyết chỉ rõ: "Xây
dựng các luật, pháp luật, các văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động trên
lĩnh vực văn hóa. Bổ sung những luật đã ban hành cho phù hợp với tình hình mới…
Bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới các quy chế, quy định về giải thưởng,
tặng thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…"
Về xây dựng, ban hành các chính sách, Nghị quyết nêu: "Chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm
gắn văn hóa với các hoạt động kinh doanh, khai thác tiềm năng kinh tế, tài
chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư
tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Thực hiện cơ chế
mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự
nghiệpn của các đơn vị văn hóa nghệ thuật. Cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng
đối với biểu diễn nghệ thuật, đưa văn hóa lên miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng
xa."
Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động
viên sức người, sức của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng
và phát triển văn hóa. Chính sách này được tiến hành đồng thời với việc nâng
cao vai trò trách nhiệm của Nhà nước. Các cơ quan chủ quản về văn hóa của Nhà
nước phải làm tốt chức năng quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động xã
hội về văn hóa. Thực hiện đúng theo định hướng về xã hội hóa công tác văn hóa.
Thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng về cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp, tạo
nên động lực, phát huy tiềm năng sáng tạo, tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới,
làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Cần thực
hiện tinh giản, sắp xếp lại các Đoàn Nghệ thuật, được ngân sách Nhà nước tài
trợ theo hướng: ở Trung ương tập trung xây dựng các Đoàn Nghệ thuật tiêu biểu,
ở địa phương chỉ duy trì những đơn vị tiêu biểu cho truyền thống nghệ thuật địa
phương.
Sắp xếp lại
các Đoàn Nghệ thuật, Nhà hát ở Trung ương, các thành phố trực thuộc Trung ương
một cách hợp lý. Mỗi tỉnh (thành phố trực thuộc tỉnh) chỉ nên có một Đoàn Nghệ
thuật truyền thống. Nhà nước bao cấp một phần kinh phí. Thiết lập xây dựng cơ
chế chính sách bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy tài
năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Cho phép một số Đoàn Nghệ thuật mang
tính gia đình, tư nhân hoặc tập thể được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật có
sự quản lý của Nhà nước về nội dung và chất lượng nghệ thuật.
Nghị quyết
Đại hội Đảng toàn quốc đã chỉ rõ định hướng phát triển cơ chế hàng hóa nhiều
thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với văn hóa nghệ thuật, việc quản lý vĩ mô là
không thể thiếu. Nhà nước quản lý là người điều khiển cho nghệ thuật biểu diễn
đi đúng định hướng của Đảng mà cơ bản là: "Xây dựng một nền văn hóa tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Cái khó ở đây là làm sao cho vừa bảo đảm
đúng định hướng về văn hóa văn nghệ của Đảng, vừa đảm bảo phù hợp với cơ chế
thị trường, giảm sự bao cấp tràn lan cho các Đoàn Nghệ thuật.
Trong tình
hình hiện nay, các Đoàn nghệ thuật chưa có khả năng tự trang trải, tự hạch toán
kinh doanh mà vẫn là đơn vị sự nghiệp có thu, có nghĩa là vẫn phải tiếp tục bao
cấp một phần lớn kinh phí hoạt động. Nhưng khi đã giảm số Đoàn văn công Nhà
nước theo tinh thần Nghị định 90/CP thì sẽ giảm được một khoản chi rất lớn. Để
giảm kinh phí bao cấp, đồng thời nâng cao được chất lượng nghệ thuật, phương án
tinh giảm số lượng các Đoàn Nghệ thuật, tinh giảm bộ máy trong mỗi Đoàn một
cách hợp lý là phương án đúng đắn nhất. Đồng thời thực hiện phưong châm"
bao cấp khán giả ở vùng sâu. vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến và ở một số địa
bàn chiến lược về văn hóa.
Ở Trung
ương, nên thành lập mới, đổi mới các Nhà hát chuyên ngành để vừa có chức năng,
nghiên cứu nâng cao loại hình nghệ thuật của mình như Nhà hát Tuồng, Nhà hát Chèo,
Nhà hát Giao hưởng hợp xướng, Nhà hát Nhạc vũ kịch, Nhà hát ca múa nhạc dân
tộc, Đoàn Xiếc, balê… Trong mỗi Nhà hát nên có các Đoàn nhỏ gọn nhẹ nhưng chất
lượng nhệ thuật phải có nghệ thuật tầm cỡ đỉnh cao bác học để phục vụ đối
ngoại, phục vụ nhân dân khắp mọi miền cả nước, và mang tính chất nghệ thuật
"mẫu", hướng dẫn chất lượng nghệ thuật cho cả nước, thực hiện tốt
chức năng giáo dục thẩm mỹ cho công chúng.
Các Đoàn
Nghệ thuật nói trên hoạt động theo đơn vị sự nghiệp. Nhà nước cấp kinh phí hoạt
động, những khoản thu được nhập vào ngân sách và chi theo chế độ chung thống
nhất. Để khuyến khích tăng nguồn thu, có thể quy định trích tỷ lệ nhất định từ
nguồn thu cón thưởng cho cán bộ diễn viên.
Do đã được
Nhà nước cấp kinh phí, các Đoàn phải có tỷ lệ buổi biểu diễn phục vụ nhân dân
các vùng sâu, vùng xa, hải đảo theo quy định của cơ quan chủ quản, chương trình
kịch nhạc phải theo định hướng nghệ thuật xã hội chủ nghĩa trên cơ sở, chất
liệu là văn hóa dân gian truyền thống dân tộc, có tỷ lệ nhất định các loại hình
văn hóa nước ngoài có chọn lọc. Diễn viên được bao cấp đêm diễn, Nhà nước có
thể giao nhiệm vụ cho Đoàn đi biểu diễn cả những vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo, góp phần điều tiết mức hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn - thành thị,
đồng bằng - miền núi, dân tộc góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực
hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước.
III. Kết luận:
Đảng ta ngay
từ khi thành lập đã rất quan tâm đến văn hóa văn nghệ, năm 1942 chúng ta đã có
"Đề cương Văn hóa". Các quyết định của Đảng qua từng thời kỳ đều rất
quan tâm đến văn hóa. Các thế hệ văn nghệ sĩ lớp lớp trưởng thành. Nhiều anh
chị en văn nghệ sĩ đã "thành
danh" nổi tiếng trong và ngoài nước. Biết bao anh chị em, đồng chí đã anh
dũng hy sinh khi đang biểu diễn phục vụ ngoài mặt trận. Những năm chiến tranh
phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", những tác phẩm văn học nghệ
thuật, những lời ca tiếng hát đã thôi thúc lòng yêu nước, lòng quả cảm của toàn
quân toàn dân ta trong các cuộc chiến tranh thần kỳ. Đã bao con tim, bao bước
chân chiến sĩ đã từng đập nhịp với những bài ca kháng chiến. Phong trào văn hóa
văn nghệ trong hòa bình đã góp phần không nhỏ vào động lực xây dựng quê hương
đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Bác Hồ kính yêu của
chúng ta đã dạy: "Văn hóa văn nghệ
cũng là một mặt trận, anh chị em văn
nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Ngày nay trong công cuộc đổi
mới, xây dựng CNH-HĐH, vai trò to lớn của văn hóa văn nghệ càng được khẳng
định, chúng ta sẽ tự đánh mất mình nếu không giữ gìn được bản sắc văn hóa dân
tộc.
Trong điều
kiện xây dựng nền kinh tế thị trường, một bài toán đặt ra là làm thế nào để xây
dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong cơ chế thị trường. Nghệ
thuật biểu diễn, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ chiến lược về văn hóa,
một ngành tập trung hầu hết các tầng lớp văn nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn cần
được sự quan tâm, tạo điều kiện để phát triển và có sự quản lý của Nhà nước.
Phan Quốc Anh
thực hiện