Nhạc cách mạng - một dòng ca bất tận



 Nhiều năm gần đây, ca khúc cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng, những bài hát mà công chúng thường gọi một cách trìu mến là "nhạc đỏ" đã trở lại mạnh mẽ, hòa nhập rộng rãi hơn bao giờ hết vào nhịp sống đời thường. Không chỉ lớp người cao tuổi, những bậc lão thành từng đi qua thời thanh niên sôi nổi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất non sông đất nước, mà cả giới trẻ, thế hệ 7X, 8X..., cũng hào hứng đón nhận những giai điệu hào sảng, ân tình.

Sức sống bền bỉ của dòng nhạc đỏ thường trực trong tâm khảm nhân dân, và ngọn lửa cách mạng sục sôi từ những bài hát tràn trề nhiệt huyết ấy luôn được thắp lên trong mỗi con tim chan chứa yêu thương.

Di chứng của cơn tai biến khiến nhạc sĩ Văn An, hơn 10 năm nay dịch chuyển khó nhọc trong không gian nhỏ bé của căn hộ tầng 3 luôn phải che chắn bớt gió và ánh sáng ở khu tập thể Nam Ðồng vốn lúc nào cũng đông đúc, ồn ã. Phát âm còn ngọng nghịu, không thể sổn sảng như thuở tráng niên, nhưng ông vẫn hào hứng và linh hoạt đến không ngờ khi hồi ức về khoảnh khắc hy hữu, cảm hứng đẩy đưa viết nên ca khúc Lá cờ Ðảng. Mấy thập niên qua, Lá cờ Ðảng vẫn là một trong những bài hát viết về Ðảng hay nhất, chân thành nhất, được phổ biến rộng rãi nhất. Năm 1975, tâm thế của muôn triệu người dân Việt lâng lâng, tràn trề hạnh phúc trong giây phút miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Nhạc sĩ Văn An, khi ấy đã thành danh qua các ca khúc nổi tiếng: Ðường lên Tây Bắc, Ðôi dép Bác Hồ, cũng không thể ngồi yên. Với những trải nghiệm của một người từng đi qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là người lính trực tiếp cầm súng, nhạc sĩ Văn An, như hàng triệu đồng bào mình, sắt son một niềm tin vào Ðảng, tin vào sự nghiệp cách mạng mà cả dân tộc đang tiếp bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Ðảng: 'Ðất nước 4000 năm ôi tự hào biết mấy, Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái, Còn gì đẹp hơn, còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm, Ðảng ta đó hân hoan một niềm tin'... Cảm xúc trào dâng, niềm tin tưởng, lạc quan tươi rói ngập tràn trong bài hát thật chân thành. Lá cờ Ðảng ra đời, lập tức được người nghe nồng nhiệt hưởng ứng: 'Trong đêm đen, lá cờ của Ðảng rạng soi đường đấu tranh, Dưới bóng cờ lòng tràn niềm tin chân lý sáng trong tim. Với dân giữ vẹn tròn chữ hiếu, với Ðảng vẹn tròn lòng tin yêu, cờ Ðảng giục ta đi tới, đắp xây non sông đẹp tươi'... Lá cờ, một hình ảnh cụ thể nhưng có sức khái quát cao, như sự soi đường, dẫn lối đúng đắn cho đất nước, cho dân tộc hơn 80 năm qua. Nhiều người cũng lấy tư tưởng 'Với dân giữ vẹn tròn chữ hiếu, với Ðảng vẹn tròn lòng tin yêu' làm định hướng cho cuộc đời mình: Ðảng luôn giữ tròn 'chữ hiếu' với dân và dân mãi mãi tin yêu vào Ðảng.

Nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đã viết hàng loạt ca khúc về Ðảng, về Bác Hồ với sự hồn hậu, nhiệt thành nhất của những trái tim nghệ sĩ vô tư, không sắc màu vụ lợi. Niềm tin nội tại trong mỗi con người khiến những bài hát mang âm hưởng anh hùng ca trở nên thanh thoát, mềm mại, sâu lắng cả về ca từ lẫn giai điệu. Giá trị nghệ thuật của những bài hát được xác định, khiến chúng có sức lan tỏa mạnh mẽ theo cả độ dài năm tháng và chiều sâu lòng người. Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Biết ơn Hồ Chủ tịch được các nhạc sĩ Văn Cao, Ðỗ Nhuận viết ra từ hơn nửa thế kỷ trước, vẫn giữ vững vị thế trang trọng trong đời sống âm nhạc hôm nay. Ðảng là cuộc sống của tôi, một trong những tác phẩm hay nhất làm nên tài năng nhạc sĩ Nguyễn Ðức Toàn, giúp ông giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, được nhiều ca sĩ mà tuổi đời còn ít hơn cả tuổi bài hát lựa chọn biểu diễn: 'Ðảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo Người. Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió. Ðảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, giữa biển khơi biết đâu là bờ...', những ca từ chân phương, mộc mạc vẫn thấm vào thẳm sâu  tâm hồn mỗi người.

Ca khúc cách mạng đã phát triển rực rỡ nhất trong hơn 20 năm đấu tranh thống nhất đất nước. Mỗi bài hát của các nhạc sĩ Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Phan Huỳnh Ðiểu, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Vũ Trọng Hối, Xuân Hồng, Huy Thục, Doãn Nho, Trần Chung, Xuân Giao, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Hà... là tiếng kèn xung trận, là lời thề sắt son trước sau như một của hai miền Bắc, Nam gửi đến cho nhau. Các bài hát cất lên giữa các cung đường Trường Sơn huyền thoại, giữa những mâm pháo phòng không ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, dưới lòng địa đạo Vĩnh Linh... đã nhân lên sức mạnh kết đoàn, làm vững hơn bước chân của những người lính, và đắp bồi thêm niềm tin chiến thắng ở những người đang ngóng đợi nơi hậu phương.

Ở thời đỉnh cao sự nghiệp, bằng giọng ca âm vực rộng, vạm vỡ, NSND Quý Dương trình bày không biết bao nhiêu lần bài hát Ðảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Thời gian qua đi, khi Quý Dương đã có tuổi, ông lại truyền thụ cảm xúc của mình cho học trò, những ca sĩ sở hữu chất giọng tuyệt đẹp như Ðăng Dương, Trọng Tấn... Nhạc sĩ viết bằng cả trái tim, các ca sĩ cũng hát bằng nguyên vẹn con tim căng đầy sức trẻ, vì thế, sức sống của những ca khúc viết về Ðảng, về Bác Hồ được tiếp nối, gắn kết từ thế hệ này sang thế hệ khác, luôn song hành cùng muôn triệu người dân Việt Nam.

Dòng nhạc cách mạng không hề bị khuất lấp giữa bộn bề của cuộc sống đương thời, mà trái lại, luôn rạo rực, luôn được công chúng trẻ đón nhận. Các bài hát một thời đạn bom rực lửa vẫn mang vẹn nguyên sức hấp dẫn, lôi cuốn lòng người. Công chúng trẻ hôm nay, bằng trách nhiệm công dân và sự nhiệt thành hiếm có, bằng tình yêu với dòng nhạc cách mạng, tiếp tục quảng bá, lan truyền để những ca khúc bất hủ đi xa hơn. Nhiều bạn trẻ, tinh thông in-tơ-nét, lập ra các trang web, mở ra các diễn đàn trên mạng giới thiệu các bài hát đã đi qua bề dày năm tháng. Và cũng không ít người trẻ đó đã kỳ công tìm đến các trung tâm lưu trữ của Ðài Tiếng nói Việt Nam, tìm lại bằng được những bản thu âm cũ  của những giọng hát vàng danh tiếng để giới thiệu với người hâm mộ và cùng mường tượng lại một thời hào hùng của dân tộc. Những giọng hát một thời vang bóng như Khánh Vân với Bài ca hy vọng của Văn Ký, Quốc Hương chắp cánh cho Tình ca của Hoàng Việt, Thương Huyền làm sang cho Trăng sáng đôi miền của Văn Chung, Trần Khánh đi cùng Tôi là người thợ lò của Hoàng Vân...

Thanh Duyên, người mở đầu topic về 'nhạc đỏ' trên diễn đàn bằng tâm sự chân tình: 'Lúc trước, tôi cũng như bao người khác chạy theo trào lưu nghe nhạc trẻ với hip-hop, rock, rap... Một lần, tình cờ nghe bài 'Lời Bác dặn trước lúc đi xa' do Thu Hiền hát, thật sự  tôi đã nghẹn ngào. Ðó là bài hát giúp tôi trở lại với âm nhạc Việt Nam... Những ca khúc 'Giải phóng miền Nam', 'Cô gái vót chông'...khơi gợi trong tôi cảm xúc dâng trào, hiểu thêm về lịch sử đánh giặc của cha ông ta'. Nhiều bạn yêu nhạc khác cũng đã chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc thiêng liêng về dòng nhạc này. Bạn Nguyễn Tuấn Dũng: 'Tôi yêu nhạc nhưng gần đây như bị mất phương hướng vì sự 'náo loạn' của nhạc trẻ. Tình cờ một người bạn mách, dòng nhạc cách mạng sẽ cho anh thấy nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Tôi đã cất công và giờ đây tôi tự tìm được nguồn sống cho mình. Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng những bài hát ấy vẫn nguyên giá trị. Tình yêu quê hương đất nước, ý chí vươn lên từ gian khổ nhọc nhằn, tình yêu đôi lứa thật đẹp và trong sáng. Tôi yêu cuộc sống và cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa biết bao'.

Không chỉ những người con trên quê hương Việt Nam mà cả những tâm hồn Việt xa xứ cũng tìm thấy sự ấm áp, vững tin trong những ca khúc thể loại này. Bạn yêu nhạc có nick Motthoi68 xúc động kể: 'Nhạc đỏ thấm vào hồn tôi từ những năm 1971-1972, khi đường phố châu Âu bừng khí thế, những thanh niên Pháp, Ðức, Ý... xuống đường  biểu tình chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nắm chặt tay nhau, hô lớn: 'Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!', để chống lại dùi cui, vũ khí đàn áp của cảnh sát. Trong một cuộc biểu tình ở Tây Ðức, kết thúc bằng một đêm không ngủ, chúng tôi bỗng được nghe đâu đó vang lên những lời nhạc cách mạng thật hào hùng, dạt dào: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Việt Nam trên đường chúng ta đi, Vàm Cỏ Ðông... Tôi yêu và trân trọng dòng nhạc đỏ! Tôi muốn truyền lại cả tấm tình và những xúc động của tôi cho các con tôi. Dòng nhạc đỏ là âm thanh quê hương tôi, đánh dấu một thời tuyệt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bài hát trong đám cưới của vợ chồng tôi cách đây gần 40 năm không phải là Ave Maria mà là Câu hò bên bờ Hiền Lương...'.

Dòng chảy của các ca khúc cách mạng chưa một giây phút nào ngưng đọng, thế hệ kế bước thế hệ, các nhạc sĩ, ca sĩ đều xác định bổn phận và trách nhiệm của mình với Ðảng, Bác Hồ, với đất nước và nhân dân. Cảm hứng bất tận về Ðảng, Bác Hồ, về cuộc đấu tranh thần thánh giành tự do của đất nước là ngọn nguồn cho mọi sáng tạo. Những ca sĩ mà tên tuổi đã đi cùng lịch sử dòng nhạc cách mạng, như Quý Dương, Trần Hiếu, Trung Kiên, Thanh Huyền, Trần Khánh, Quốc Hương, Tường Vy, Vũ Dậu, Thúy Hà, Diệu Thúy, Doãn Tần, Lê Dung, Bích Việt, Tiến Thành, Kim Nhớ, Hữu Nội, Thanh Hoa, Thu Hiền, Quang Thọ..., cách này hay cách khác đều sống mãi trong tâm tưởng người yêu nhạc. 'Lớp cha trước, lớp con sau', tre già măng mọc, một lớp ca sĩ thế hệ 7X, 8X, những người hầu như chỉ biết đến chiến tranh qua ký ức của cha mẹ, qua sách báo, phim ảnh, lại đã tiếp nhận dòng nhạc đỏ, dòng nhạc cách mạng với tâm thức mới mẻ, tâm thức của những con người thuộc về thế hệ Ú. Ðăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, 'tam ca nhạc đỏ' rất được yêu mến, hay Lan Anh, Anh Thơ, Tân Nhàn, Mỹ Linh..., bằng tuổi trẻ của mình, đang tiếp lửa vào những bài hát Cách mạng, những dấu ấn để đời như Ðường chúng ta đi, Tình ca, Xa khơi, Ðất nước nơi đầu sóng..., để những ca khúc nhạc đỏ sẽ mãi mãi còn xanh, mãi mãi làm nên tình yêu và nỗi nhớ của muôn triệu người Việt Nam.

Nhạc sĩ PHAN HUỲNH ÐIỂU: 'Có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây có quá ít sáng tác cho thể loại cách mạng, nhưng thực tế không phải vậy. Các nhạc sĩ của dòng nhạc này vẫn sáng tác và các tác phẩm vẫn thu hút đông đảo người nghe ở mọi lứa tuổi. Ðối với tôi, nhạc truyền thống, nhạc đỏ vẫn luôn tồn tại và có sức sống mãnh liệt trong mọi thời đại'.

Nhạc sĩ NGUYỄN NHẤT HUY: 'Với thế mạnh về ca từ và ý nghĩa nội dung của bài hát mà nhạc đỏ tuy không thường xuyên xuất hiện vẫn luôn giữ được chỗ đứng trong trái tim người yêu thích. Sức sống của nó không bày ra trước mắt mọi người nhưng là mạch ngầm sâu lắng và mãnh liệt'.

Ca sĩ CẨM LY: 'Khi một ca khúc truyền thống được cất lên, chất lửa trong nó thật thu hút, không chỉ đối với ca sĩ mà còn đối với người nghe. Có những bài hát không đợi đến dịp lễ đặc biệt, mà hát lúc nào cũng được, ca ngợi quê hương thì đâu cần phải 'mùa màng'. Trường hợp của riêng tôi, khi đi hát ở tụ điểm, sân khấu, hoặc phòng trà, quán bar, tôi cũng thường được khán giả yêu cầu hát một số ca khúc truyền thống và được ủng hộ nồng nhiệt'.

PHAN THANH PHONG
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn