LẠI
BÀN VỀ KHÁI NIỆM VĂN HOÁ
PGS.TS.
Phan Quốc Anh
Bàn về khái niệm văn hóa là vấn đề không mới. Đã có hàng trăm
bài viết, công trình nghiên cứu luận bàn về khái niệm hay định nghĩa về văn
hoá, nhưng cho đến nay, giới nghiên cứu khoa học, giảng dạy về văn hoá trong
nước cũng như trên thế giới vẫn chưa thống nhất được một khái niệm chung nhất.
Thậm chí từng nhà khoa học, tác giả của từng cuốn sách nghiên cứu các lĩnh vực về
văn hoá, mỗi giảng viên lại tự đặt ra một khái niệm riêng cho mình để nghiên
cứu và giảng dạy, mỗi thể chế chính trị, mỗi quốc gia, mỗi ngành khoa học xã
hội nhân văn lại có một khái niệm về văn hoá riêng biệt. Khi bắt đầu một đề
tài, một luận văn hay một luận án nghiên cứu liên quan đến mã ngành văn hóa,
mỗi tác giả đều phải có phần mở đầu là cơ sở lý luận, lý thuyết và phương pháp
luận, bộ công cụ nghiên cứu, trong đó phải đưa ra khái niệm về văn hóa cho đề
tài. Tình trạng phổ biến hiện này là các tác giả thường sao chép lẫn nhau một
cách máy móc và không kết nối được bộ công cụ khái niệm ấy cho việc nghiên cứu nội
dung đề tài. Nhiều trường hợp đưa ra những khái niệm về văn hóa nói chung,
không gắn với nội dung đề tài hoặc có gắn nhưng không phù hợp.
Nhiều nhà khoa học đã thống kê các
khái niệm văn hoá và có thể tìm thấy hàng vài trăm khái niệm và đi đến kết luận
rằng khái niệm về văn hoá được dùng rất tuỳ tiện. Vào năm 1952, hai nhà nhân
học người Mỹ là A. Kroeber và C. Kluckhohn đã viết một cuốn sách chuyên bàn về
các định nghĩa văn hóa nhan đề: Văn hóa - tổng luận phê phán các quan niệm
và định nghĩa (Culture: a critical review of concepts and definitions)[1],
trong đó đã dẫn ra và phân tích 164 định nghĩa về văn hóa. Tại Hội nghị về văn
hoá UNESCO năm 1982, người ta cũng đã đưa ra hơn 200 định nghĩa về văn hoá. Càng
ngày, số lượng khái niệm về văn hoá ngày càng tăng thêm, khó lòng mà thống kê
hết được. Tại sao vậy? Phải chăng văn hoá là một cái gì đó quá phức tạp mà loài
người (chủ thể của văn hoá) không thể tìm ra được một khái niệm chung nhất?
Trong cuộc sống đời thường ở Việt Nam
hiện nay, đa số từ cán bộ công chức, viên chức cho đến người dân hiểu văn hóa
theo nghĩa hẹp như: “văn hóa giao tiếp ứng xử” (cậu ấy, cô ấy sống “có văn hóa”);
“văn hóa văn nghệ”; học vấn (bằng cấp, học rộng, biết nhiều) v.v… Các nhà
nghiên cứu thì gắn văn hóa với lĩnh vực mình nghiên cứu: Văn hóa Chính trị, Văn
hóa Tôn giáo, Văn hóa dân gian, Xã hội học văn hóa…
Vì vậy, khi đặt vấn đề về khái niệm
văn hóa, cần phân biệt khái niệm văn hoá theo nghĩa rộng và văn hóa theo nghĩa
hẹp.
1. Văn hóa theo nghĩa
rộng.
Văn hoá theo nghĩa rộng nhất là những khái niệm văn hoá bao
gồm tất cả những sản phẩm vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra và mang tính giá
trị. Theo khái niệm này, có thể thấy văn hoá bao gồm tất cả vật chất và
tinh thần, cả kinh tế lẫn văn hóa xã hội, kể cả sản phẩm của tự nhiên. Một số
khái niệm dù không theo nghĩa rộng như khái niệm trên nhưng vẫn theo nghĩa rộng
kiểu như: Văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, văn hoá là tất cả đời sống tinh
thần của con người v.v…
Đa số các nhà nghiên cứu, giảng dạy về văn hoá ở Việt Nam là
những người được đào tạo trong khối các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Vì
vậy, khái niệm được sử dụng nhiều nhất và gây ảnh hưởng nhiều nhất ở Việt Nam
là khái niệm văn hoá của Liên Xô (cũ).
“Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần, được
nhân loại sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn lịch sử - xã hội; Các
giá trị ấy nói lên trình độ phát triển của lịch sử loài người”[2].
Trong cuốn “Cơ sở văn hoá Việt Nam”, GS.Viện sĩ. TSKH Trần Ngọc Thêm đưa
ra khái niệm: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và
tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn,
trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội”[3] (Trần
Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr.10)
Năm 1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Vì
lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát
minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học,
nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương
thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là
sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài
người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự
sinh tồn"[4].
Ở khái niệm trên, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nêu lên một số những sản phẩm do con người sáng tạo ra, trong đó có văn hoá vật thể (những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở…); có
văn hoá phi vật thể (ngôn ngữ, đạo
đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật). Chữ “giá trị” được ẩn
dưới câu “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống…nhu cầu đời sống và
đòi hỏi của sự sinh tồn”. Những sản phẩm do con người phát minh ra mà Chủ tịch
Hồ Chí Minh liệt kê nêu trên phải là những sản phẩm nhằm phục vụ cho con người,
có nghĩa là chứa đựng những giá trị.
Trên đây là những khái niệm văn hoá theo nghĩa rộng và mang tính triết
học, có phần nghiêng về hoạt động sáng tạo trong lịch sử xã hội loài người,
thiên về tính giá trị, được hình thành trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê nin. Theo
đó, văn hoá được hình thành từ khi con người biết tư duy và bắt đầu sáng tạo
(có nghĩa là văn hoá hình thành cùng với sự hình thành loài người theo thuyết
tiến hóa của Đac Uyn). Văn hoá là tất thảy những sản phẩm vật chất (văn hoá vật
thể) và tinh thần (văn hoá phi vật thể) do con người sáng tạo ra trong quá khứ,
hiện tại. cả hai khái niệm nêu trên đều gắn với chữ “giá trị”. Có nghĩa rằng,
không phải
tất cả những sản phẩm con người sáng tạo ra đều là văn hoá mà chỉ những sản
phẩm có chứa đựng giá trị (là cái có ích cho con người).
Trong Hội
nghị liên Chính phủ về các chính sách văn hoá họp năm 1970 tại Venise, ông Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO
đưa ra khái niệm: "Đối với một số người, văn hóa chỉ bao gồm những kiệt tác tuyệt
vời trong các lĩnh vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, văn hóa
bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản
phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và
lao động. (Tạp chí "Người đưa tin UNESCO", số 11-1989, tr.
5). Đây là khái niệm được đưa ra trong
bối cảnh thế giới còn có sự phân biệt văn hoá dân tộc lớn, dân tộc nhỏ, văn hoá
dân tộc này cao, dân tộc kia thấp, văn hoá dân tộc này văn minh, văn hoá dân
tộc kia lạc hậu. Khái niệm nêu trên có ý nghĩa chính trị rất lớn về việc khẳng
định mỗi dân tộc có bản sắc riêng. Quan điểm này càng được khẳng định tại Tại
Hội nghị quốc tế về văn hóa ở Mêhicô để bắt đầu thập kỷ văn hoá UNESCO. Hội
nghị này có hơn một nghìn đại biểu đại diện cho hơn một trăm quốc gia tham gia
từ ngày 26/7 đến 6/8 năm 1982, người ta đã đưa ra trên 200 định nghĩa. Cuối
cùng Hội nghị chấp nhận một định nghĩa như sau:
“Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét
riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách
của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật
và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống
các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng”.
Khái niệm trên cũng nói đến văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần,
vừa nói đến hệ giá trị và đặc biệt là
nêu lên “những nét riêng biệt về văn hoá của một xã hội hay một nhóm người
trong xã hội”. Như vậy, khái niệm trên cũng là khái niệm văn hoá theo nghĩa
rộng, kèm theo đó là quan điểm công nhận mỗi dân tộc dù lớn hay nhỏ đều có bản
sắc văn hoá riêng biệt.
Các khái niệm theo nghĩa rộng đều nói đến tính giá trị của những
sản phẩm do con người sáng tạo ra. Như vậy, nếu tiếp cận từ góc
độ khác, cũng là những sản phẩm do con người làm ra (sáng tạo ra) nhưng không
mang tính giá trị thì không phải là văn hoá. Chẳng hạn như bom hạt nhân, vũ khí
sinh học, heroin, chất độc – là sản phẩm do con người sáng tạo ra - nhưng nó
được sáng tạo ra để hủy diệt loài người, có tính phản giá trị, không những
không đem lại lợi ích cho con người. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, thành tựu
của bom hạt nhân hay công nghệ sinh học nếu sử dụng đúng mục đích của nó cũng
có thể mang tính giá trị. Giả sử như dùng bom hạt nhân để phá hủy một thiên
thạch đang bay vào trái đất, sử dụng công nghệ sinh học để chống lại các dịch
bệnh nguy hiểm cho loài người v.v...
Ngược lại, có những sản phẩm không phải do con người sáng tạo ra những
vẫn được coi là “văn hóa”. Đó là những sản phẩm của tự nhiên như danh lam thắng
cảnh đẹp của thế giới, của Việt Nam như vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng
v.v… tuy không phải do con người làm ra nhưng con người tìm ra ở đó những giá
trị và thưởng thức được vẻ đẹp của nó. Ở đây, sự thưởng thức được coi là một quá
trình sáng tạo của con người. Con người tìm ra được những “giá trị” từ những
sản phẩm thiên tạo.
Từ việc phân tích những khái niệm trên, có thể thấy khái niệm văn hóa
theo nghĩa rộng xoay quanh 3 thuật ngữ:
- Sản phẩm (bao gồm vật chất và tinh thần – vật thể, phi vật thể)
- Sáng tạo (con người)
- Giá trị (sản phẩm chứa đựng giá trị).
SÁNG TẠO SẢN PHẨM GIÁ TRỊ
2. Khái niệm văn
hóa theo nghĩa hẹp
Những khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng là những khái niệm
bắt đầu bằng thuật ngữ “Văn hóa là…”. Còn những khái niệm văn hóa được hiểu
theo nghĩa hẹp là những khái niệm khi thuật ngữ “văn hóa” không đứng một mình
mà được ghép với các từ khác nhưng thuật ngữ “văn hoá” vẫn chiếm vị trí chính
yếu trong khái niệm đó. Ví dụ khái niệm “văn hoá nghệ thuật” hay “văn học nghệ
thuật” là khái niệm văn hoá gắn với việc sáng tạo, hưởng thụ và phê bình các
chuyên ngành văn hoá nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh v.v…;
Khái niệm “văn hoá tư tưởng” là khái niệm gắn với thể chế chính trị và công tác
lý luận; Khái niệm “văn hoá giao tiếp” nói đến mối quan hệ ứng xử giữa người
với người; Khái niệm “sử văn hoá” nói đến quá trình hình thành và phát triển
của một nền văn hoá theo trục thời gian và trong không gian; Khái niệm “địa văn
hoá” nói đến điều kiện địa lý khí hậu trong một không gian nhất định ảnh hưởng
đến một nền văn hoá nào đó v.v…
Nghị quyết 33 của Hội nghị BCH TW lần thứ IX (2014) “Xây dựng
và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
đất nước”. Ở đây, Nghị quyết đưa ra khái niệm “văn hóa con người” và mục đích
xây dựng “văn hóa con người” là: “Chăm
lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng
tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo
chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt
Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân
tộc”. Con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là khách thể của văn hóa.
Mục đích cuối cùng của sự lao động sáng tạo của con người là để con người ngày
càng có chất lượng sống tốt hơn.
Tìm hiểu các khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng, nghĩa hẹp rất
quan trọng trong việc đào tạo các chuyên ngành văn hóa, trong việc phân mã
ngành văn hóa học. Ví dụ mã ngành văn hóa học khác với mã ngành âm nhạc học, mỹ
thuật học. Nhưng văn hóa học có thể có những đề tài mã ngành văn hóa học gắn
với các chuyên ngành sâu như văn hóa âm nhạc, lý luận và lịch sử mỹ thuật, văn
hóa mỹ thuật (không đi sâu vào một chuyên ngành cụ thể, chuyên sâu về âm nhạc,
mỹ thuật, nhưng có thể đi sâu nghiên cứu các chuyên ngành này từ góc độ văn
hóa). Ngày nay, một số chuyên ngành nghiên cứu khoa học xã hội mới như Nhân
học, Văn hóa học, Quản lý văn hóa. Chuyên ngành Văn hoá học như là một ngành
khoa học tổng hợp bởi tính chất liên ngành của nó, thể hiện đầy đủ bản chất vừa
phong phú, vừa phức tạp của văn hoá. Mặc dù là một khoa học liên ngành nhưng
khi nghiên cứu, tuỳ theo từng đối tượng, phạm vi nghiên cứu để nhà nghiên cứu định
ra một hoặc hai ngành trung tâm. Ví dụ như nghiên cứu về lễ hội thì phải lấy
ngành văn hoá dân gian làm trung tâm, nghiên cứu về đời sống tâm linh của người
Kh’me thì phải lấy ngành văn hoá tôn giáo làm trung tâm, nghiên cứu về lý luận
văn hoá thì phải lấy văn hoá chính trị làm trung tâm v.v… chuyên ngành Quản lý
văn hóa là một mã ngành mới trong đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành
văn hóa. Chuyên ngành này thường hay nhầm lẫn với chuyên ngành Quản lý hành
chính nhà nước về văn hóa, ranh giới phân biệt rất mong manh vì cùng đề cập đến
chủ thể, khách thể, công cụ và phương thức quản lý nói chung và quản lý văn hóa
nói riêng. Nhiều người hiện nay vẫn chưa phân biệt giữa “Quản lý văn hóa” và “Quản
lý Nhà nước về văn hóa”. Việc này đòi hỏi các nhà nghiên cứu cần biên soạn
những giáo trình có cơ sở lý luận chặt chẽ để tạo điều kiện dạy và học chuyên
ngành Quản lý văn hóa tốt hơn.
3. Thay lời kết
Mặc dù khoa học nghiên cứu văn hoá đã
hình thành từ vài trăm năm nay và ngày càng phát triển, nhưng cho đến nay vẫn
chưa có một khái niệm văn hoá chung nhất, được thống nhất cao nhất. Tổ chức cao
nhất về văn hoá của nhân loại là UNESCO đã nhiều lần đưa ra những khái niệm về
văn hoá (như khái niệm năm 1982) nhưng cũng chưa phải là khái niệm được toàn
thế giới chấp nhận. Với tính chất vừa phong phú, vừa phức tạp của văn hoá, để
tìm ra một khái niệm văn hoá chung cho tất cả các nhà nghiên cứu khoa học văn
hoá là điều khó có thể có được. Khái niệm về văn hoá của Liên Xô (cũ) được ghi
trong Từ
điển triết học - Nxb Chính trị Matxcova – 1972, với sự phân tích ở trên, có lẽ
đây là một trong những khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, để khái niệm vừa có
tính kế thừa, vừa có tính khái quát cao hơn nữa, theo quan điểm cá nhân tôi, có
thể đi đến một khái niệm rộng nhất: “Văn hoá là toàn bộ những sản phẩm
do con người sáng tạo ra có tính giá trị”. Việc đưa những
khái niệm “giá trị vật chất và tinh thần” trong khái niệm của Liên Xô cũng như
của GS Trần Ngọc Thêm là sự phân chia theo cấu trúc của văn hoá (văn hoá vật
chất, văn hoá tinh thần, văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể), vì vậy, có thể
“rút gọn” thành “những sản phẩm do con người sáng tạo ra” là đủ. Khái
niệm theo nghĩa rộng của văn hóa khi thuật ngữ “văn hóa” đứng một mình với mệnh
đề đầu tiên “văn hóa là…”. Còn khái niệm văn hóa theo nghĩa hẹp khi thuật ngữ
“văn hóa” được gắn với một thuật ngữ về lĩnh vực nào đó.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ, quan điểm của một cá nhân về vấn đề
khái niệm văn hoá. Một vấn đề đã bàn luận từ hàng trăm năm nay nhưng vẫn sẽ
tiếp tục bàn cãi. Bài viết này chỉ mong giúp đỡ một phần nào cho các sinh viên,
học viên trong lĩnh vực văn hóa vận dụng khi phần cơ sở lý luận về văn hóa. Tác
giả rất mong bạn đọc gần xa, các nhà nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động văn hoá
tham gia góp ý và cùng bàn bạc.
[1]https://books.google.com.vn/books?id=2MMIAQAAIAAJ&q=Culture:+a+critical+review+of+concepts+and+definitions+1952&dq=Culture:+a+critical+review+of+concepts+and+definitions+1952&hl=en&sa=X&ved=0ahUKEwjW7Imcx9_nAhUSyDgGHdIyBrIQ6AEILzAB
[2] (Từ điển
triết học - Nxb Chính trị Matxcova - 1972).
[3] (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr.10)
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập. - NXB Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 431.