QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
1. Khái quát cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Điều 1 Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật”.
Theo Nghị định này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về các lĩnh vực mà hoạt động của nó diễn ra trên phạm vi rộng, với tính chất đa ngành, trong đó có ngành nghệ thuật biểu diễn. Dưới sự quản lý điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 12 nhà hát và các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ, trong đó có Nhà hát nghệ thuật sân khấu truyền thống là Nhà hát Chèo Việt Nam.
Cục Nghệ thuật biểu diễn là cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn...; được Bộ trưởng giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước.
2. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật
* Về công tác xây dựng thể chế, chính sách, văn bản pháp quy:
Nhằm chỉ đạo, định hướng hoạt động phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước một cách có hiệu quả, trong những năm qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, dịch vụ văn hoá: Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá cộng đồng; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng bá; Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý hoạt động và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý hành chính nhà nước:
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Nghị định số 21/2015/NĐ-CP Ngày 14/02/2015, quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và ban hành nhiều Quy chế, Chiến lược, Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn như: Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn việt namViệt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến năm 2020; Đề án Dàn dựng 100 tác phẩm sân khấu nổi tiếng của Việt Nam và thế giới; Đề án Tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2008- 2020...
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý hành chính nhà nước đã tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của cả nước, trong đó có nghệ thuật sân khấu truyền thống phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
* Về tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý
- Quản lý nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống, phân cấp, trao quyền chủ động cho các đơn vị nghệ thuật. Các Nhà hát được chủ động tìm tòi, lựa chọn nội dung kịch bản văn học hay, phù hợp với thế mạnh của đơn vị mình, tự chủ động dàn dựng. Khi dàn dựng hoàn chỉnh thành tác phẩm, Hội đồng nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn) duyệt về nội dung và cấp phép biểu diễn.
- Cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong công tác quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phát triển đúng với đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta, vừa phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển đất nước.
Vai trò quản lý cũng thể hiện trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong toàn quốc kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, tiêu cực, những chương trình biểu diễn nghệ thuật kém chất lượng hoặc vi phạm Quy chế tổ chức biểu diễn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, hay những sản phẩm văn hoá phản động từ nước ngoài tràn vào nhằm bôi nhọ, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta.
- Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất: Công tác phân bổ ngân sách sự nghiệp cho hoạt động của các nhà hát, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất được chú trọng theo hướng đầu tư trọng điểm, có chiều sâu, tiếp cận kỹ thuật và công nghệ hiện đại của thế giới để từng bước góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống của nước nhà.
- Về công tác xã hội hoá : Chủ trương và chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa đã được Đảng và Nhà nước ta đề ra trong Nghị quyết của các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng như Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII. Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã cụ thể hóa thành Nghị quyết và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá; Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, mới nhất là Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/5/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao trong tình hình mới.
Tất cả các hoạt động trên đều thể hiện sự nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước thúc đẩy các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhằm đến mục tiêu cao cả là phát triển sự nghiệp biểu diễn, trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống đạt được bước tiến mới, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
2. Những vấn đề lý luận về quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống
1.2.1. Tính đặc thù của hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống
Công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất cần thiết phải trân trọng những nét đặc thù của loại hình hoạt động này.
Biểu diễn nghệ thuật là loại lao động đặc thù, đó là sự sáng tạo ra những giá trị văn hoá tinh thần. Đây là một quá trình sản xuất tinh thần đặc biệt, nên không thể tuân thủ máy móc theo quy trình sản xuất sản phẩm vật chất. Giá trị của những sản phẩm do lao động sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân... (có thể do tập thể hoặc cá nhân) không thể lượng hoá được nhưng lại có tác động đến tinh thần của toàn xã hội. Đồng thời, hiệu quả của nó là rất lớn, không những hiệu quả về tinh thần, mà còn mang lại hiệu quả về vật chất cho xã hội. Vì vậy, trong công tác quản lý, nếu áp đặt những chính sách, cơ chế không phù hợp với hoạt động Biểu diễn nghệ thuật sẽ dẫn tới hạn chế tính năng động, sáng tạo của nghệ sĩ cũng như nhu cầu hưởng thụ của quảng đại quần chúng.
Theo GS. TS Trần Ngọc Thêm trong cuốn Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam [57] thì sân khấu truyền thống vừa là loại hình nghệ thuật, vừa là một thực thể văn hoá, một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa, cho nên nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng và văn hoá nói chung còn hướng tới hai chức năng khác nữa là chức năng đảm bảo tính kế tục lịch sử và chức năng định hướng, đánh giá, xác định chuẩn mực, điều chỉnh cách ứng xử của con người.
Về hình thức biểu hiện, nghệ thuật sân khấu là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp. Nó là tổng hoà của các loại hình nghệ thuật: Từ văn học đến âm nhạc, mỹ thuật, ca, múa, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên và nghệ thuật đạo diễn... Tuy nhiên, so với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật sân khấu Chèo, Tuồng có những nét đặc thù cơ bản, khác hẳn với các loại hình khác mà thiếu những đặc thù ấy, Tuồng, Chèo không còn là Tuồng, Chèo.
Với tính chất là một kịch chủng, sân khấu Tuồng, Chèo truyền thống cũng thể hiện cuộc sống bằng hành động sân khấu. Nhưng không phải là hành động dưới dạng tự nhiên, gần với cuộc sống thường ngày mà dưới dạng hát, múa, nói và động tác đã được âm nhạc hoá, vũ đạo hoá... Hành động này được tiết tấu hoá, không theo nhịp điệu tự nhiên. Nó được cách điệu hoá với những ước lệ đa dạng phong phú. Hành động được diễn ra trong một không gian, thời gian ước lệ, giả định. Nó tả ý mà không tả thực. Cùng với hành động hoá trang, phục trang... cũng được cách điệu, ước lệ theo một cách tương ứng. Tái hiện hành động con người theo biện pháp phân loại (vai mẫu) với những trình thức, mô hình biểu diễn nhất định.
Chính nhờ những đặc thù này, sân khấu truyền thống Chèo, Tuồng đã đạt được một giá trị nổi bật so với loại hình nghệ thuật sân khấu khác như kịch nói tả thực.
Từ những đặc thù nêu trên đã đặt ra nhiều yêu cầu cho công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống, cần biết trân trọng, ưu ái, động viên, khích lệ sự đam mê của người nghệ sĩ, những người sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Nếu có thái độ đúng đắn sẽ tạo tinh thần thoải mái, không khí nghệ thuật rộng mở để các nghệ sĩ có cảm hứng sáng tạo, thăng hoa trong nghệ thuật. Đồng thời, trong chỉ đạo quản lý không nên máy móc tính toán, hoạch toán cung - cầu bởi hiệu quả của sự sáng tạo giá trị tinh thần không thể dùng phương pháp tính toán cụ thể. Cũng vì thế không nên dập khuôn công thức cho việc tạo kế hoạch hoạt động, định mức đầu tư, phân bổ kinh phí cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật Sân khấu truyền thống.
Mặt khác, do tính cách điệu, ước lệ cao trong Chèo, Tuồng mà người xem muốn thưởng thức đầy đủ cũng cần phải làm quen với những ước lệ đó. Đặc điểm này đòi hỏi nhà quản lý cần hiểu rõ để có những biện pháp khuyến khích nâng cao khả năng thưởng thức nghệ thuật sân khấu truyền thống trong công chúng, từ đó đưa khán giả trong thời kỳ hội nhập ngày càng đến gần gũi hơn với nghệ thuật sân khấu truyền thống.
1.2.2. Vai trò của quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Trải qua một thời kỳ dài trong cơ chế tập trung, bao cấp, thời kỳ mà toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm văn hóa từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng đến quản lý đều do nhà nước thực hiện. Công tác quản lý còn mang tính áp đặt, thụ động, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nhu cầu đa dạng hóa văn hóa, các hoạt động văn hóa ít quan tâm đến hiệu quả xã hội và kinh tế, hạn chế tính sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đánh dấu bước chuyển hướng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ từng bước cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội. Công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm gần đây đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng phát triển và đổi mới rõ rệt. Những nhân tố đó đã tác động rất lớn tới những chuyển động, thay đổi của đời sống văn hóa xã hội trong đó có nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống. Nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống ngày càng đáp ứng kịp thời, linh hoạt các thị hiếu, nhu cầu khác nhau của công chúng. Các loại hình biểu diễn trở nên sinh động, phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại, hấp dẫn về nội dung … tạo nên sinh khí và sắc thái mới cho đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Hiện nay, trên cả nước có tổng số 133 đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp, trong đó có 12 đơn vị nghệ thuật trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, 106 đơn vị nghệ thuật địa phương do các tỉnh, thành phố quản lý và 15 đoàn nghệ thuật do các Bộ khác quản lý.
Trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, nghệ thuật Chèo có Nhà hát Chèo Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, còn lại 10 nhà hát Chèo, 4 đoàn Chèo và 3 đội Chèo thuộc đoàn nghệ thuật tổng hợp phân bổ tập trung ở các tỉnh phía Bắc.
Công tác quản lý về hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống đóng vai trò rất quan trọng. Vai trò đó được thể hiện ở những điểm sau:
Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống góp phần tạo nên sự ổn định chính trị của đất nước qua việc thanh tra, kiểm tra, kiểm duyệt nội dung và hình thức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, từ đó ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống đem lại sự ổn định chính trị là tiền đề cho sự phát triển của hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung. Sự ổn định xã hội sẽ thu hút được các nhà đầu tư, mở mang sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cộng đồng.
Quản lý không những không gây khó khăn mà còn tạo lập sân chơi bình đẳng cho các chủ thể sáng tạo tham gia hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ thể sáng tạo và người tiêu dùng sản phẩm đó.
Quản lý góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Đất nước Việt Nam với hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc là một nền nghệ thuật biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất. Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống chính là giữ gìn, bảo vệ nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống trước những tác động xấu của môi trường bên ngoài, vừa chọn lọc, tiếp thu một cách có sáng tạo những tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của thế giới phù hợp, để nuôi dưỡng và phát triển những giá trị tinh hoa văn hoá dân tộc, nhằm xây dựng một nền sân khấu Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
1.2.3. Nguyên tắc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng có những nguyên tắc quản lý để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng cũng như bảo tồn, kế thừa, phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hoá với thế giới. Những nguyên tắc cơ bản đó là:
- Nguyên tắc cơ bản mà mọi lĩnh vực quản lý cần phải tuân thủ đó là nguyên tắc tính Đảng. Trong quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật cần nắm vững định hướng chính trị của Đảng. Đặc biệt hơn nữa chức năng của nghệ thuật biểu diễn là giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, nâng cao dân trí, thẩm mỹ cho nhân dân thì việc nắm vững đường lối chỉ đạo của Đảng để đưa vào tác phẩm là rất cần thiết. Bên cạnh đó nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng để quản lý và phát triển nghệ thuật biểu diễn theo đúng định hướng cũng là vấn đề quan trọng.
Để thực hiện được nguyên tắc này rất cần thiết phải định hướng chính trị của Đảng về đường lối văn hoá, học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá cho các cán bộ quản lý, những người trực tiếp tham gia sáng tạo các giá trị nghệ thuật, sau đó là tuyên truyền giáo dục cho quần chúng nhân dân.
- Phát huy vai trò quản lý của nhà nước kết hợp với quyền làm chủ của nhân dân.
Bản chất của nhà nước được xác định với tư cách là chủ thể quản lý. Đó là sự tất yếu để đảm bảo lãnh đạo có kế hoạch tập trung, tránh tình trạng tự phát, vô trách nhiệm trong các hoạt động của đời sống xã hội, phát huy được khả năng sáng tạo và tham gia vào các hoạt động quản lý của nhân dân. Vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống được thể hiện cụ thể trên nhiều phương diện như: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ... để đảm bảo cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống đạt hiệu quả. Theo định hướng chỉ đạo của Đảng, nhà nước cần xây dựng kế hoạch, đảm bảo nguồn nhân lực, vật lực, tài chính cho sự phát triển Nghệ thuật biểu diễn đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các đơn vị nghệ thuật tuân thủ theo sự chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, trực tiếp quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của chính đơn vị mình.
Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ là một cơ chế quản lý hợp quy luật trong điều kiện xây dựng xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự quản lý của nhà nước cần phải phát huy có hiệu lực sự tự quản của nhân dân đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới đòi hỏi yêu cầu đưa văn hoá vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò của văn hoá trong sự phát triển của xã hội thì vai trò tự quản của nhân dân là rất quan trọng. Chính vì vậy cần song song tồn tại hai chế độ bao cấp và không bao cấp đối với hoạt động Biểu diễn nghệ thuật đã được nhà nước cho phép. Cần nhận thức rõ để điều tiết các đơn vị nghệ thuật của nhà nước hoạt động gắn liền với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
1.2.4. Nội dung quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một dạng hoạt động trong các hoạt động văn hoá nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của con người trong đời sống xã hội. Muốn cho văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng phục vụ xã hội một cách hiệu quả, phát huy được hết tác dụng của mình thì công tác quản lý phải đảm bảo điều kiện cần thiết cho lĩnh vực này hoạt động đúng tính chất, vừa đảm bảo nâng cao khả năng cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật của công chúng... Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, xây dựng một xã hội vừa có đời sống vật chất đầy đủ, vừa có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú là mục tiêu mà Đảng và nhà nước ta đã đề ra.
Muốn được như vậy, công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất cần thiết đảm bảo những nội dung sau:
Xây dựng một cơ chế, chính sách, chế tài ổn định, phù hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Quản lý trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội là tác động có định hướng, có mục đích đến các hoạt động văn hoá, phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển văn hoá tinh thần, ở đó nhà nước là chủ thể duy nhất có nghĩa vụ định hướng, chỉ đạo, điều khiển mọi hoạt động văn hoá theo một con đường đã định.
Định hướng giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cho công chúng xuất phát từ mục tiêu thoả mãn nhu cầu tinh thần cũng như hình thành nhu cầu tinh thần của khán giả.
Mở rộng giao lưu quốc tế về văn hoá, chống sự xâm nhập của các loại văn hoá phẩm độc hại, lai căng.
Tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi thông qua hệ thống các văn bản pháp quy, quy định, những biện pháp tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn phương pháp chuyên môn cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn.
Lập kế hoạch, điều hành, kiểm tra mọi hoạt động theo một quy trình thống nhất nhằm đạt mục tiêu phát triển nghệ thuật biểu diễn.
Phát huy tính năng động chủ động, tạo điều kiện và thúc đẩy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ. Tạo nên mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng không những nhằm mục đích giới thiệu nghệ thuật đến công chúng mà còn là cơ hội phát triển nghệ thuật.
Nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và khuyến khích, giúp đỡ họ được tham gia sáng tạo nghệ thuật nhằm thoả mãn nhu cầu của đông đảo công chúng. Phát huy mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn.
Trên đây là một số nội dung cơ bản trong lý luận về quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung, đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng ở nước ta hiện nay. Nhận thức, vận dụng đúng đắn về lý luận, kết hợp hài hoà với thực tiễn hoạt động của công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn sẽ giúp cho hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật phát triển đúng hướng, thực hiện tốt chức năng của nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống trong giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Không những thế, còn góp phần vào sự ổn định chính trị, tư tưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn hội nhập quốc tế.