Tác giả: Phan Quốc Anh Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội - 2010Bán quyền thuộc về tác giả Phan Quốc Anh. Khi trích dẫn cần dẫn nguồn.
Raglai là một tộc người thiểu số sinh
sống ở sườn đông cuối dãy Trường Sơn các tỉnh cực Nam Trung bộ gồm các tỉnh
Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Người Raglai cư trú đông nhất là
ở tỉnh Ninh Thuận (trên 50%). Địa bàn cư trú của người Raglai là vùng khu VI
anh hùng. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người
dân Raglai đã sát cánh cùng các dân tộc anh em tham gia tích cực và có những
đóng góp vô cùng to lớn vào thắng lợi của cả nước. Vùng cư trú của tộc người
Raglai là vùng khô nóng, khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, thừa nắng nên đời sống
kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nếu chỉ nhìn về mặt hình thức từ
trang phục, nhà cửa, nương rẫy, làng bản v.v...rất dễ ngộ nhận rằng văn hóa
truyền thống của tộc người Raglai hoặc nghèo nàn, hoặc đã bị mai một, hòa tan
với văn hóa dân tộc khác quá nhiều, không còn gì để nghiên cứu và không mấy hấp
dẫn các nhà nhân học. Cũng có lẽ vì vậy nên trong hai dân tộc có dân tộc khá
đông ở vùng văn hóa này, văn hóa tộc người Chăm luôn được quan tâm nghiên cứu
với hàng chục nghìn công trình, bài viết, trong khi những công trình, bài viết
về văn hóa Raglai có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng qua thực hiện công trình
này, chúng tôi thấy rằng, về chiều sâu văn hóa, tộc người Raglai đang lưu giữ
những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, là kho tư liệu quý giá trong việc
nghiên cứu văn hóa các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Nam đảo nói riêng và các
tộc người Đông Nam Á nói chung. Có những giá trị văn hóa, về hình thức có thể
biến thiên, nhưng về chiều sâu nội dung tương đối bền vững.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn
phát triển hiện nay, quá trình đô thị hoá nhanh với việc xây dựng các công
trình giao thông, thủy lợi, định canh, định cư, quá trình giao lưu, hội nhập
văn hóa v.v… đang đẩy nhanh tiến độ biến đổi toàn diện cả về hình thức lẫn nội
dung văn hóa truyền thống. Đối với tộc người Raglai cũng vậy, những giá trị văn
hóa được vun đắp từ nghìn đời nay, tưởng chừng như bền vững nhất đang trong giai
đoạn có tốc độ mai một nhanh chóng nhất. Trong đó có những giá trị đang dần dần
biến mất hẳn, không bao giờ có thể lấy lại được nữa.
Vì vậy, việc điều tra thực trạng các giá trị văn hóa
truyền thống của cộng đồng tộc người Raglai là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi các cơ
quan quản lý phải nắm bắt những số liệu cụ thể về từng lĩnh vực để có chính
sách nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.
Với chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – văn
hóa – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhận
thấy, đồng hành với sự phát triển là sự mai một văn hóa truyền thống. Vì vậy
Chính phủ đã có chương trình “Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể các dân
tộc Việt Nam”. Để triển khai chương trình đó, Bộ VHTT và một số địa phương đã
tiến hành thực hiện các đề tài điều tra thực trạng văn hóa các dân tộc. Ninh
Thuận là tỉnh đa dân tộc, trong đó có 2 dân tộc có số dân đông nhất nước và
đang lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú là dân tộc Chăm và dân tộc
Raglai. Trong đó, với nhiều nguyên nhân, tốc độ mai một của văn hóa Raglai đang
diễn ra rất nhanh chóng. Vì lẽ đó, việc điều tra, thống kê cái gì đã mất, cái
gì còn lại, còn lại bao nhiêu là việc làm cần thiết và cấp bách.
Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Có thể do tộc người Raglai cư trú ở vùng núi cao, điều
kiện giao thông, đi lại trước đây rất khó khăn nên so với các tộc người khác
nên văn hóa tộc người Raglai ít được các nhà khoa học quan tâm đầu tư nghiên
cứu. Cho đến nay mới chỉ có một số bài viết và một số công trình nghiên cứu về
tộc người Raglai của Mag Mod, Nguyễn Tuấn Triết, Phan An, Phan Xuân Biên, Phan
Văn Dốp v.v…nhưng mới chỉ mang tính chất nhận diện, giới thiệu. Năm 1991,
Nguyễn Tuấn Triết xuất bản cuốn “Người Raglai ở Việt Nam”[1];
Năm 1998, các tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện,
Nguyễn Văn Huệ ở Viện KHXH tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản công trình
“Văn hóa & Xã hội người Raglai ở Việt Nam”[2];
Năm 2001, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên xuất bản cuốn “Trang
phục cổ truyền Raglai”[3];
Năm 2003, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia dưới sự chủ biên của
GS.TS Phan Đăng Nhật đã cho xuất bản công trình Luật tục Chăm và Luật tục
Raglai[4].
Ngoài ra có một số bài viết rải rác đăng trên các tạp chí khoa học. Nhìn chung,
những công trình nghiên cứu về tộc người Raglai chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở
mức độ giới thiệu khái quát các lĩnh vực chung, chưa có những công trình chuyên
sâu và chưa có tính chất điều tra, kiểm kê kho tàng văn hóa phi vật thể dân tộc
Raglai, để từ đó hoạch định kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy kho tàng
văn hóa truyền thống của tộc người này.
Những năm gần đây, trong chương trình sưu tầm, biên dịch
xuất bản sử thi các dân tộc Tây Nguyên, có một số sử thi Raglai đã và đang
chuẩn bị xuất bản. Đây là những tư liệu quý giá để các nhà khoa học ngược dòng
quá khứ đi tìm những nét văn hóa truyền thống của người Raglai. Hy vọng rằng,
hàng nghìn trang sử thi Raglai sắp được biên dịch, xuất bản sẽ là kho tư liệu
về quý giá về văn hóa truyền thống của người Raglai.
Từ lịch sử vấn đề nghiên cứu nêu trên, trong công trình
này một mặt chúng tôi không đề cập đến những lĩnh vực đã có các tác giả nghiên
cứu như: Trang phục truyền thống, luật tục, mặt khác cũng kế thừa có chọn lọc
những thành tựu của những nghiên cứu đã có.
Phương pháp nghiên
cứu
Với tên gọi: “Văn hóa Raglai,
những gì còn lại”, đây là công trình điều tra, kiểm kê, đánh giá một cách toàn
diện về những gì đã có, đang có, đã mất của kho tàng văn hóa truyền thống tộc
người Raglai. Với sự mong muốn đạt kết quả tốt, chúng tôi tập hợp những nhà
nghiên cứu tâm huyết với văn hóa truyền thống tộc người Raglai ở địa phương đi
điền dã, sưu tầm tư liệu như Nguyễn Hải Liên, Đình Hy, Sử Văn Ngọc, Thập Liên
Trưởng, Văn Món, Lê Xuân Lợi, Nguyễn Tuấn Triết, Phú Văn Hẳn. Công trình này sử
dụng phương pháp điền dã,
điều tra, kiểm kê toàn diện ở tất cả 14 xã, 78 thôn có người Raglai sinh sống
trên toàn tỉnh Ninh Thuận , kết hợp với phương pháp thống kê, chuyên khảo, đối
chiếu, so sánh.
Tính chất của công trình này chỉ như là một sụ điều tra,
thống kê kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên phạm vi tỉnh
Ninh Thuận, tỉnh có số người Raglai đang sinh sống đông nhất nước. Bên cạnh đó,
công trình cũng đi sâu một số lĩnh vực trong kho tàng văn hóa truyền thống mà
chưa có công trình nào đề cập đến.
Tính chất của công trình này chỉ như là một sụ điều tra,
thống kê kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên phạm vi tỉnh
Ninh Thuận, tỉnh có số người Raglai đang sinh sống đông nhất nước. Bên cạnh đó,
công trình cũng đi sâu phân tích một số lĩnh vực trong kho tàng văn hóa truyền
thống mà chưa có công trình nào đề cập đến.
Về phiên âm và sử dụng ký tự. Đây là một vấn đề khá phức
tạp vì xưa nay người Raglai chưa có chữ viết. Năm 1996, Hội đồng khoa học tỉnh
Khánh Hòa nghiệm thu đề tài “sưu tầm, nghiên cứu xây dựng chữ viết tiếng
Raglai” do Trần Vũ, Chamaleq Tiếng và Nguyễn Thế Sang thực hiện. Từ năm 2000
đến năm 2004, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã hợp đồng với Viện Ngôn
ngữ học tiến hành công trình khoa học xây dựng chữ viết Raglai và sách dạy chữ
viết Raglai. Tuy nhiên, cả hai công trình đều chưa xây dựng được từ điển Raglai
mà mới chỉ dừng lại ở vài nghìn từ thông dụng. Vì vậy, trong công trình này,
chúng tôi chủ yếu sử dụng ký tự Raglai theo công trình của Viện ngôn ngữ, kết
hợp với một số ký tự của công trình chữ viết Raglai tỉnh Khánh Hòa.
Mục đích công trình
Mục đích của công trình này là tổng điều tra, kiểm kê một
số lĩnh vực di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai ở tỉnh Ninh Thuận,
làm căn cứ khoa học để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn
hóa truyền thống của người Raglai; Xây dựng cơ sở dữ liệu làm căn cứ để các cơ
quan Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chức năng hoạch định kế
hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào Raglai.
Kết quả nghiên cứu là một bản kiểm kê tư liệu thực tế,
đánh giá thực trạng văn hóa truyền thống dân tộc Raglai ở Ninh Thuận, còn gì,
mất gì? xu thế, khả năng triển vọng về số phận các giá trị văn hóa phi vật thể
Raglai trong quá trình hội nhập và đô thị hoá hiện nay. Từ đó có những đề xuất
cho các ngành chức năng kế hoạch nghiên cứu tiếp theo, cần nghiên cứu đề tài
nào trước, đề tài nào sau? Trong thời gian bao lâu?
Nội dung công trình
Nội dung chủ yếu của công trình này là tổng hợp kết quả
điều tra, kiểm kê, thống kê, lên danh mục các loại hình văn hóa truyền thống
của dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tổng hợp, phân loại các nhóm
tư liệu văn hóa truyền thống để từ đó đề xuất kế hoạch cấp bách, ngắn hạn,
trung hạn và dài hạn trong chương trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
của tộc người Raglai, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nghiên cứu, xuất bản và
phổ biến những tư liệu về các lĩnh vực văn hóa truyền thống dân tộc Raglai.
Công trình này gồm...chương...
[2] Phan Xuân
Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyên, Nguyễn Văn Huệ, Văn hóa Xã hội
người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1998.
[3] Hải
Liên, Trang phục cổ truyền Raglai, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội, 2001
Phần thứ nhất
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG RAGLAI
Chương I
NGƯỜI RAGLAI Ở NINH THUẬN
1. Sơ lược về quá
trình tộc người
Raglai là một
trong năm tộc người thuộc ngữ hệ Malayo - Polinésien (Nam đảo) ở Việt Nam. Tên
tộc người này được các tài liệu phiên âm và dùng các ký tự khác nhau như:
Raglai, Radlai, Oranglai, Roglai, Rắclây.v.v… Người Raglai cư trú ở vùng núi
cao, dọc triền đông cuối dãy Trường Sơn ở các tỉnh cực nam Trung bộ. Điều kiện
giao thông, đi lại vùng này rất khó khăn nên văn hóa truyền thống của người
Raglai chưa được nghiên cứu nhiều. Người Raglai lại chưa có chữ viết nên tư
liệu thành văn cổ hầu như không có. Những tài liệu nghiên cứu về văn hóa Raglai
của các nhà khoa học trong và ngoài nước rất ít, có thể nói là ít nhất trong 5
dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinésien ở Việt Nam[1].
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất nguồn gốc
tộc người của các cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinésien ở Việt Nam
(Chăm, Raglai, Chu Ru, Êđê, Giarai). Có hai luận thuyết đáng chú ý. Một luận
thuyết cho rằng các tộc người này đều có nguồn gốc hải đảo Đông Nam Á (những giả thuyết này dùng những căn cứ như:
hình thuyền trên kagor nhà mồ trong lễ bỏ mả, lễ ăn trâu và một số tư liệu
chứng minh họ có nguồn gốc văn hóa biển)[2]. Các nhà khoa học Nga cũng cho rằng các dân tộc Nam đảo
di cư từ các đảo vùng biển nam Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Luận thuyết thứ hai
cho rằng các dân tộc đều di cư theo đường bộ từ nam Trung Quốc, qua Việt Nam,
Lào rồi từ đó di cư ra hải đảo. Gần đây, có ý kiến cho rằng, do trước đây các
đảo Đông Nam Á đều “dính” với đất liền,
các dân tộc Đông Nam Á đều ở đất liền.
Qua quá trình tạo sơn, các hải đảo “tách” ra, trôi xa dần đất liền. Một bộ phận
dân cư “trôi” theo, trở thành các cư dân hải đảo ngày nay. Tóm lại, lịch sử quá
trình tộc người của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo - Polinésienở Việt
Nam (Chăm, Raglai, Chu Ru, Ê đê, Giarai) vẫn mới chỉ dừng lại ở một vài giả
thuyết. Nhưng rõ ràng, các dân tộc trong một nhóm ngôn ngữ (có thể không phải
cùng một nguồn gốc chủng tộc) nhưng chắc chắn phải có mối quan hệ gắn bó mật
thiết với nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển. Điều đó nói lên mối quan hệ
giữa người Raglai với người Chăm, người Churu, Rai, Giarai, Ê đê.
Trong mối quan hệ lịch sử tộc người của người Raglai ở
Ninh Thuận và Bình Thuận, đáng chú ý là mối quan hệ giữa người Raglai với người
Churu và người Chăm.
Mối quan hệ với người Churu: Người Raglai ở Ninh Thuận và
Bình Thuận đều cho rằng, trước kia, người Raglai chỉ cư trú ở vùng phía tây nam
Khánh Hoà, sau đó di cư dần về phía nam. Địa bàn ngày nay người Raglai đang
sinh sống ở Ninh Thuận và Bình thuận là địa bàn cư trú trước đây của người
Churu. Vì vậy, giữa văn hóa người Raglai và người Churu có nhiều nét tương
đồng.
Mối quan hệ với người Chăm: Hiện nay đang tồn tại nhiều ý
kiến khác nhau về mối quan hệ Chăm – Raglai. Trong phần Mở đầu của công trình
“Luật tục Chăm và luật tục Raglai”, nhóm biên soạn cũng đã phân tích khá sâu,
khá dài về các ý kiến khác nhau về mối quan hệ này. Chung quy lại là có hai
quan điểm chính. Một là quan điểm của Nguyễn Tuấn Triết trong công trình người
Raglai ở Việt Nam, theo đó, “Người Raglai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi,
cùng nhóm ngữ hệ, nhưng phát triển độc lập với nhau”[3]. Hai là quan điểm của nhóm tác giả trong công trình “Văn
hóa xã hội người Raglai ở Việt Nam”, cho rằng người Raglai và người Chăm có mối
quan hệ gần gũi nhất, gắn bó hữu cơ, lâu dài, toàn diện, ở vị trí tiếp nối và
có quan hệ hai chiều. Người Raglai là một tộc người trong thành phần cư dân của
Chămpa cổ đại...”[4]. Các tác giả của công trình này đã chứng minh luận điểm
của mình bằng khối lượng các tư liệu văn hóa truyền thống như tục ngữ, thơ ca,
phong tục tập quán, lễ hội, ngôn ngữ, nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, các dân tộc trong
cùng nhóm ngữ hệ thường có cùng nguồn gốc tộc người. Thực ra, theo chúng tôi,
ngôn ngữ chỉ là một khía cạnh nhỏ trong nghiên cứu nguồn gốc tộc người. Bởi vì,
ngôn ngữ vẫn là cái có rất muộn trong quá trình hình thành các tộc người. Hai
tộc người sống cận cư, cộng cư sẽ phải ảnh hưởng ngôn ngữ lẫn nhau và thường là
ngôn ngữ tộc người đa số (chủ thể) sẽ là ngôn ngữ được sử dụng nhiều hơn, dần
dần lấn át và làm mất đi ngôn ngữ của dân tộc thiểu số hơn.
Theo một số nhà nghiên cứu, vương quốc và những tiểu quốc
Chăm Pa xưa có những thời kỳ là quốc gia thống nhất đa dân tộc, bao gồm một số
các dân tộc sống ở vùng núi phía tây[5]. Nếu vậy, tất yếu có sự giao lưu, ảnh hưởng văn hoá lẫn
nhau. Hơn nữa, giữa người Chăm và người Raglai vốn là một dân tộc cùng ngữ hệ,
có rất nhiều nét tương đồng về văn hoá, thậm chí về các nguồn gốc của các giả
thuyết tô tem giáo với thị tộc Cau (Pi năng) và thị tộc Dừa (Li - u) của người
Chăm liên quan đến tộc họ còn lưu giữ đến hôm nay ở người Raglai. Hàng năm, vào
dịp lễ hội Katê, người Chăm vẫn mang cờ hoa võng lọng lên vùng rừng núi của
người Raglai làm lễ đón nhận y trang của các vị vua - thần Chăm về các đền tháp
Chăm tế lễ. Trong kho tàng văn hoá dân gian Chăm có nhiều tư liệu nói đến mối
quan hệ Chăm - Raglai, đều cho rằng Chăm với “Raglai là anh em, Raglai là con
út của vua". Người Chăm còn gọi người Raglai là “Chăm núi". Người
Chăm và người Raglai được coi như là anh/chị em của nhau: “Chap sa ai Raglai
adơi” (Chăm là chị, Raglai là em) hay “Chap ai Raglai adơi” (Chăm là anh,
Raglai là em). Người Raglai ở Phước Hà ngày nay vẫn giữ y trang của Pô Inư
Nưgar, người Raglai ở Tà Dương vẫn giữ y trang của Pô Klongirai và cứ mỗi năm
đến lễ hội Ka tê, người Chăm phải cho người lên rước về để làm lễ. Với quan
niệm rằng người Raglai là “em út”, theo chế độ mẫu hệ thì người em út là người
thừa kế, nuôi dưỡng cha mẹ và giữ “chiết a tâu”[6] của tộc họ, gia đình. Nếu giả thuyết này là đúng (Raglai
và Chăm có chung nguồn gốc tộc người), sẽ phải xem xét lại định hướng nghiên
cứu văn hoá cổ đại Chăm Pa, bởi ngoài giả thuyết là chủ nhân của văn hoá Sa
Huỳnh, người Chăm còn có một bộ phận dân tộc gốc rễ đang lưu giữ lớp văn hoá cổ
đại Chăm, không chịu ảnh hưởng của các tôn giáo Ấn Độ. Phải chăng đó là văn hoá
“phi Hoa, phi Ấn” còn dáng dấp văn hoá nguyên thuỷ mà chúng ta gọi là văn hoá
truyền thống của người Raglai hôm nay?
Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, hiện nay đang tồn tại
hai cách phân vùng văn hóa Raglai như sau:
Cách phân vùng thứ nhất chủ yếu dựa theo địa giới hành
chính: Nhóm Raglai bắc có nhiều nét khác biệt là nhóm Raglai ở hai huyện Khánh
Sơn và Khánh Vĩnh ở tỉnh Khánh Hòa, nhóm Raglai nam là nhóm Raglai còn lại ở
các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận. Đây là cách phân vùng của một số
tác giả nghiên cứu về tộc người Raglai như J. Shrock, V. Cobbey, L. Lee. Mở đầu
là cuốn sách viết về các dân tộc ít người ở miền nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất
bản năm 1966, đã chia tộc người Raglai làm hai nhóm: Raglai bắc và Raglai nam,
nhưng sự phân biệt ấy chỉ có ý nghĩa về mặt địa lý đơn thuần.
Cách phân vùng thứ hai là cách phân vùng theo độ đậm nhạt
của văn hóa truyền thống. Cách phân vùng này lấy Quốc lộ 27 làm ranh giới. Từ
phía bắc quốc lộ 27 trở ra Khánh Hòa là nhóm Raglai bắc bao gồm bà con Raglai ở
2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa và các huyện Thuận Bắc, Bác
Ái ở Ninh Thuận. Từ phía nam Quốc Lộ 27 trở vào đến Bình Thuận là nhóm Raglai nam bao gồm bà con Raglai ở các huyện Ninh
Sơn, Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận, ở huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc của tỉnh
Bình Thuận, một số làng Raglai ở Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng[7].
Theo chúng tôi, cách phân vùng thứ hai là hợp lý hơn cả.
Bởi vì qua quá trình điều tra nghiên cứu cho thấy, văn hoá truyền thống của
người Raglai ở khu vực phía bắc (lấy quốc lộ 27 làm mốc phân chia), so với văn
hoá truyền thống của người Raglai khu vực phía nam, ngoài những nét tương đồng
chung, cũng có những sự biến đổi dẫn đến mức độ đậm nhạt và sự khác biệt tương
đối rõ nét. Tuy nhiên, sự phân chia ấy cũng chỉ là một sự quy ước. Ngay trong
một tiểu vùng, một huyện hay một xã, cũng đã có những nhiều nét tương đồng và
dị biệt về văn hóa truyền thống rồi. Những tương đồng và dị biệt ấy thể hiện từ
ngôn ngữ, các làn điệu dân ca, truyện cổ, sử thi cho đến phong tục tập quán, sự
biến đổi họ, tên v.v…
2. Dân số, địa bàn
cư trú
Dân tộc Raglai cư trú khá tập trung, sinh sống tương đối
độc lập ở các triền núi phía tây thuộc 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận
và ở huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng, trong đó tập trung đông nhất là ở tỉnh Ninh
Thuận (trên 50%). Sự biến đổi qua các đợt điều tra dân số như sau:
Số liệu điều tra dân số năm 1979: 57.484 người
Số liệu điều tra dân số năm 1989: 71.696 người
Số liệu điều tra dân số năm 1995: 72.365 người
Theo số liệu của nhóm tác giả công trình “Văn hóa xã hội
của người Raglai ở Việt Nam” xuất bản năm 1998 thì dân số Raglai có 84.716
người phân bổ như sau:
- Ở Khánh Hoà có 29.750 người ((Khánh Vĩnh 10.190 người,
Khánh Sơn 10.104 người, Cam Ranh 7.381 người, Diên Khánh 1.491 người, Ninh Hoà
690 người).
- Ở Bình Thuận có khoảng 9.560 người, sinh sống ở các
huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình
- Ở Lâm Đồng có gần 1.000 người Raglai, tập trung ở xá
Bảo Thuận, huyện Di linh.
- Ở Ninh Thuận có
44.406 người, trong đó tập trung ở huyện Ninh Sơn (bao gồm cả huyện Bác ái ngày
nay) là 24.574 người, huyện Ninh Hải là 16.215 người.
Kết quả điều tra dân số Raglai do nhóm thực hiện công
trình này năm 2003, ở Ninh Thuận có 50.381 người, cư trú ở 78 thôn trên 24 xã
thuộc 4 huyện trong tỉnh Ninh Thuận, được phân bố như sau:
- Huyện Bác Ái: 17.572 người Raglai, cư trú ở 9 xã, 33
thôn
- Huyện Ninh Sơn:
9.901 người Raglai, cư trú ở 6 xã, 15 thôn
- Huyện Ninh Hải: 18.760 người Raglai, cư trú ở 6 xã, 22
thôn
- Huyện Ninh Phước:
4.148 người, cư trú ở 3 xã, 8 thôn
Toàn tỉnh: 57.442 người. Cụ thể như sau:
Bảng biểu A1. Dân số Raglai toàn tỉnh Ninh Thuận
TT
|
Huyện
|
Số xã
|
Số thôn
|
Số khẩu
|
Số hộ
|
Số hộ kinh
|
Tỷ lệ hộ Raglai
|
01
|
Bác
Ái
|
09
|
33
|
18.918
|
3.445
|
63
|
96,5%
|
02
|
Ninh Sơn
|
06
|
15
|
11.334
|
1.880
|
46
|
96,6%
|
03
|
Ninh Hải
|
06
|
22
|
22.674
|
3.924
|
218
|
98,26%
|
04
|
Ninh Phước
|
03
|
08
|
4.516
|
670
|
0
|
100%
|
Tổng cộng
|
24
|
78
|
57.442
|
9.919
|
327
|
97,8%
|
Số
TT
|
Xã
|
Số
thôn
|
Số khẩu
|
Số hộ
|
Số hộ kinh
|
Tỷ lệ
Raglai
|
|
01
|
Phước Bình
|
06
|
2.809
|
649
|
9
|
84,1%
|
|
02
|
Phước
Chính
|
03
|
1.151
|
212
|
0
|
100%
|
|
03
|
Phước Đại
|
02
|
2.484
|
371
|
20
|
95%
|
|
04
|
Phước Hòa
|
02
|
1.015
|
182
|
0
|
100%
|
|
05
|
Phước Tân
|
03
|
1.875
|
372
|
0
|
100%
|
|
06
|
Phước Tiến
|
04
|
2.611
|
539
|
54
|
90,1%
|
|
07
|
Phước
Thành
|
05
|
2.304
|
334
|
0
|
100%
|
|
08
|
Phước
Thắng
|
04
|
2.897
|
492
|
0
|
100%
|
|
09
|
Phước
Trung
|
04
|
1.772
|
294
|
0
|
100%
|
|
Tổng cộng
|
33
|
18.918
|
3.445
|
63
|
96,5%
|
Bảng biểu A3: Dân số các thôn Raglai ở Huyện Ninh Sơn
Số
TT
|
Xã
|
Số thôn
|
Số khẩu
|
Số hộ
|
Số hộ Kinh
|
Tỷ lệ Raglai
|
|
1
|
Lương Sơn
|
01
|
800
|
213
|
0
|
100%
|
|
2
|
Nhơn Sơn
|
02
|
449
|
48
|
0
|
100%
|
|
3
|
Mỹ Sơn
|
02
|
2.194
|
326
|
21
|
93,6%
|
|
4
|
Hòa Sơn
|
01
|
195
|
39
|
0
|
100%
|
|
5
|
Lâm Sơn
|
03
|
4.477
|
628
|
25
|
96%
|
|
6
|
Ma Nới
|
06
|
3.219
|
626
|
0
|
100%
|
|
Tổng cộng:
|
15
|
11.334
|
1.880
|
46
|
98,26%
|
Bảng biểu A4: Dân số Raglai ở Huyện Ninh Hải
TT
|
Xã
|
Số thôn
|
Số khẩu
|
Số
hộ
|
Số hộ kinh
|
Tỷ lệ Raglai
|
|
1
|
Phước
Chiến
|
05
|
3.847
|
727
|
0
|
100%
|
|
2
|
Phương Hải
|
01
|
2.252
|
376
|
0
|
100%
|
|
3
|
Lợi Hải
|
05
|
8.813
|
1.445
|
112
|
91,4%
|
|
4
|
Công Hải
|
04
|
5.332
|
915
|
106
|
88,4%
|
|
5
|
Phước Kháng
|
05
|
1.965
|
365
|
0
|
100%
|
|
6
|
Vĩnh Hải
|
02
|
465
|
96
|
0
|
100%
|
|
Tổng cộng
|
22
|
22.674
|
3.924
|
218
|
96,6%
|
Bảng biểu A5: Dân
số Raglai ở Huyện Ninh Phước
TT
|
Xã
|
Số thôn
|
Số khẩu
|
Số hộ
|
Số hộ Kinh
|
Tỷ lệ Raglai
|
|
1
|
Phước Sơn
|
03
|
1.515
|
268
|
0
|
100%
|
|
2
|
Phước Thái
|
01
|
523
|
91
|
0
|
100%
|
|
3
|
Phước Hà
|
04
|
2.478
|
402
|
0
|
100%
|
|
Tổng cộng:
|
08
|
4.516
|
771
|
0
|
100%
|
Như vậy, nếu so sánh với số liệu 44.406 người năm 1995
với số liệu 50.381 người năm 2003, ta thấy qua 8 năm (1995 - 2003), dân số
Raglai ở Ninh Thuận tăng 5.975 người, bằng 13% (trong 8 năm), tỷ lệ tăng dân số
bình quân là 1,6%/năm.
3. Vài nét về văn
hóa truyền thống
Người Raglai mang đầy đủ trên mình những yếu tố văn hoá
truyền thống của các dân tộc trong nhóm ngữ hệ Nam Đảo. Do cư trú trên miền rẻo
cao, giao thông đi lại khó khăn nên văn hoá Raglai chưa được nghiên cứu nhiều,
tư liệu về văn hoá truyền thống rất ít so với các dân tộc cùng ngữ hệ. Cũng bởi
cư trú ở phía đông vùng rừng núi nam dãy Trường Sơn, qua bước đầu tìm hiểu văn
hoá truyền thống, nhất là nghiên cứu kho tàng chuyện cổ, chuyện kể, sử thi, các
phong tục tập quán như lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa, quan niệm về vũ trụ, thần linh,
hệ thống nhạc cụ v.v… chúng tôi thấy có đủ căn cứ để xếp dân tộc Raglai vào khu
vực các dân tộc Nam Tây Nguyên. Bởi từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu văn
hoá Tây Nguyên mới chỉ tập trung nghiên cứu các dân tộc ít người như Ba Na, Ê
Đê, Gia rai v.v…ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Nông.
Là một dân tộc ở miền rừng núi, sống du canh du cư với
nền kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là kinh tế tự cung tự cấp, cũng như các
dân tộc thiểu số vùng cao khác, người Raglai từ bao đời nay đã hình thành nên
cho mình một nền văn hoá riêng gắn với điều kiện môi sinh của cư dân nông
nghiệp nương rẫy Nam Trung Bộ. Nằm trong cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, người
Raglai vẫn mang trên mình những tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước (biểu hiện qua
hệ thống nghi lễ cầu mùa, lễ ăn đầu lúa, lễ mừng lúa mới và các phong tục tập
quán khác) những tàn tích của cư dân hải đảo (như hình kagor trong lễ bỏ mả).
Người Raglai cũng đã giao lưu, tiếp biến văn hoá của các dân tộc khác, đặc biệt
là mối quan hệ tộc người và văn hoá tộc người giữa người Chăm và người Raglai
hiện nay chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.
4. Sự giao lưu,
biến đổi văn hóa
4.1. Sự giao lưu
văn hoá trong thời kỳ chiến tranh cách mạng.
Địa bàn rừng núi nơi người Raglai cư trú chính là chiến
khu kháng chiến (khu VI) của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Dân
tộc Raglai đã từng sản sinh ra những người con anh hùng lực lượng vũ trang như:
Pi Năng Tắc, Pi Năng Thạnh, Chamaleq Châu và hàng chục bà mẹ Việt Nam Anh hùng,
hàng trăm thương binh liệt sỹ đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến. Suốt hai
cuộc kháng chiến trường kỳ, người Raglai đã đồng cam cộng khổ với đội ngũ cán
bộ kháng chiến của Khu VI anh hùng, góp phần to lớn vào sự thành công thắng lợi
giải phóng đất nước. Trong giai đoạn này, văn hoá kháng chiến với phong trào
chống mê tín dị đoan, chống những phong tục cúng kính bị coi là lạc hậu lên
cao, người Raglai cũng đã bỏ đi một số lễ hội và một số phong tục cúng kính.
Lúc bấy giờ, phong trào văn nghệ quần chúng được các đơn vị kháng chiến triển
khai, bên cạnh những tiết mục mang màu sắc văn hoá truyền thống Raglai, xuất
hiện rất nhiều những lời ca điệu múa mang từ những vùng quê xa xôi vào. Cho đến
hôm nay, khi đi sưu tầm văn nghệ dân gian Raglai, chúng tôi vẫn được xem rất
nhiều những điệu múa kháng chiến mang từ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa vào như “Vui
sản xuất”, “Vui mùa gặt”, múa “Gậy tiền” của các dân tộc ít người miền núi phía
bắc, những bài hát như “Đường cày đảm đang”, “Chắc tay súng, vững tay cày” và
một số làm điệu dân ca các dân tộc miền núi phía bắc v.v…đã ăn sâu trong tiềm thức
người Raglai. Bên cạnh đó, hầu hết đồng bào Raglai đã quên trang phục truyền
thống của mình. Trang phục phụ nữ Raglai hiện nay ảnh hưởng của trang phục phụ
nữ Chăm như váy, khăn thổ cẩm. Đối với đàn ông thì mặc trang phục của người
Kinh, quấn khăn Chăm, đa số là trang phục bộ đội cũ. Các cơ quan chức năng như
Sở Văn hóa thông tin, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc
thiểu số mở ra các hội thảo, xây dựng các công trình nghiên cứu trang phục
Raglai và phục hồi một số trang phục nhưng xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều
ý kiến khác nhau.
4.2. Sự giao lưu,
biến đổi trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay
Sau ngày giải phóng, mặc dù Đảng và Nhà nước ta luôn quan
tâm đến chính sách văn hóa dân tộc, nhất là đối với các dân tộc thiểu số vùng sâu,
vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Nhưng cho đến nay, do điều kiện địa lý, khí
hậu khắc nghiệt và với nhiều nguyên nhân khác, đời sống kinh tế, văn hoá, xã
hội của người Raglai vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.
Năm 2005, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Raglai cư trú đã cơ
bản hoàn thiện, 100% các xã có người Raglai sinh sống đã có đầy đủ cơ sở điện,
đường, trường trạm, hầu hết đã phủ sóng phát thanh truyền hình, đã cơ bản hoàn
thành chương trình định canh định cư cho toàn bộ vùng đồng bào Raglai. Nhà nước
và chính quyền địa phương thực hiện rất nhiều những chương trình kinh tế, văn
hoá, xã hội nhằm mục đích đẩy mạnh sự phát triển, đời sống vật chất và tinh
thần của bà con Raglai ngày càng được cải thiện rõ rệt. Huyện mới Bác Ái mới
được tái lập đầu năm 2001, toàn huyện có 9 xã với trên 95% là người dân tộc
Raglai, sống theo từng palơi rải rác dọc theo con đường quốc lộ 27B được xây
dựng. Năm 2005, Nhà nước đầu tư những công trình thủy lợi lớn ở vùng đồng bào
Raglai như công trình hồ thủy lợi Sông Trâu ở xã Phước Chiến, huyện Ninh Hải,
hồ thủy lợi Sông Sắt ở xã Phước Thành, Phước Thắng, huyện Bác Ái với dung tích
hàng trăm triệu m3. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy
mạnh phát triển kinh tế vùng cao Ninh Thuận. Nhưng bên cạnh đó, ở đây cũng đang
diễn ra quá trình đô thị hoá với tốc độ nhanh. Người Raglai nhanh chóng tiếp
thu những yếu tố văn hoá mới đang ồ ạt đến và dần xa rời yếu tố văn hóa cổ
truyền. Những người làm công tác văn hoá cần có nghĩa vụ sưu tầm, nghiên cứu,
bảo tồn, níu kéo lại sự ra đi của những giá trị văn hoá truyền thống quý giá
được hình thành từ ngàn đời nay của người Raglai.
4.3. Nguy cơ mai một văn hoá truyền thống tộc người
Raglai trong quá trình hoà nhập, phát triển
4.3.1. Sự biến đổi
xã hội từ việc thay đổi môi trường sống
Quá trình phát triển, hoà nhập, đô thị hoá đã đưa rất
nhiều những yếu tố, thành tố văn hóa mới vào và trực tiếp làm biến đổi văn hoá
tộc người Raglai. Đó là các yếu tố: chính sách định canh định cư đưa bà con về
các khu “phố núi” với những dãy nhà xây trệt, với cơ sở hạ tầng được xây dựng
hiện đại: điện, nước sạch nông thôn (nước tự chảy), trường học, trạm xá, bưu
điện văn hoá xã, hệ thống truyền thanh, hệ thống nghe nhìn với nhiều chương
trình truyền hình phong phú, trong đó có những chương trình phát thanh truyền
hình bằng tiếng Raglai; đường quốc lộ chạy qua hứa hẹn sự phát triển kinh tế
thương mại và du lịch. Nhiều chương trình kinh tế đã được triển khai, phát sinh
thêm nghề chăn nuôi bò, dê, tập canh tác trên ruộng lúa nước, các chương trình
mục tiêu ưu đãi từ chính sách dân tộc miền núi của Đảng và Nhà nước v.v…
Sau khi định canh định cư, đưa bà con đến khu vực cư trú
và canh tác mới lạ, (từ làng trên núi trở thành làng ven núi), một số palơi
được định cư ở dưới bằng (thành làng đồng bằng) và sản xuất lúa nước, bà con
Raglai hầu hết chưa quen những tập quán và các kỹ thuật thâm canh loại lúa này
nên năng suất không cao. Trung tâm khuyến nông các cấp và các ngành chức năng
đang cố gắng giúp bà con đổi mới phương thức canh tác nhưng đây là một việc
khó. Để thay đổi một tập quán canh tác du canh du cư tồn tại hàng bao đời nay
là cả một việc không đơn giản. Cần có phương pháp tập huấn, tuyên truyền sao
cho dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của bà con.
Những nhân tố trên đây ít nhiều đã thúc đẩy quá trình
biến đổi văn hoá tộc người Raglai trong quá trình hoà nhập, phát triển. Nhưng
bên cạnh đó, nó cũng là những yếu tố làm mai một hoặc biến đổi văn hóa truyền
thống. Chúng ta đều hiểu rằng, mọi xã hội, mọi vùng, mọi dân tộc trên thế giới
đều hướng đến sự phát triển, nâng cao mức sống cho người dân. Nhưng việc bảo
tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc phải đồng hành với sự phát triển mới
là sự phát triển bền vững. Bởi vì, những giá trị văn hóa truyền thống được hình
thành và đúc kết từ bao đời nay, nếu đã ra đi thì không bao giờ có thể lấy lại
được. Ngược lại, nếu những yếu tố văn hóa xưa cũ, không còn phù hợp với thời
đại mà lại níu kéo sự phát triển, cũng cần nghiên cứu, loại bỏ.
4.3.2. Sự biến đổi
cấu trúc xã hội truyền thống
Cấu trúc xã hội truyền thống của người Raglai được hình
thành từ lâu đời. Đó là cấu trúc theo khu vực cư trú cơ sở mà người Raglai gọi
là palơi (buôn, làng), nhỏ hơn là bur, ở đó hiện hữu bền vững những tộc họ gắn
kết với nhau theo chế độ mẫu hệ. Trong mỗi palơi hay bur bao gồm không nhiều
các tộc họ, mỗi tộc họ lại có một câu chuyện cổ về sự tích của dòng họ mình.
Điển hình là các dòng họ: Pi năng (cây cau), Chamaleq hay Mấu (dây máu)
v.v…nhưng tên của người Raglai đa số đã bị Việt hoá. Ví dụ như: Chamaleq Thị
Loan. Pi năng Thị Hoa, Katơr Thân, Bo
Xuân Ngấm, Mấu Thị Bích v.v…
Những năm gần đây, quá trình phát triển, giao lưu đã xuất
hiện nhiều hơn sự kết hôn giữa người Raglai với người các dân tộc khác, kéo
theo sự biến đổi phong tục tập quán của chế độ mẫu hệ truyền thống, biểu hiện
trong những việc như khai sinh, đăng ký họ, tên, vấn đề thừa kế tài sản đất
đai. Đây là một vấn đề nhạy cảm, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu kỹ để xử
lý, vừa phù hợp với pháp luật, vừa phù hợp với luật tục của bà con dân tộc đã
hình thành từ bao đời nay, vốn là một thói quen tiềm ẩn của các gen di truyền
văn hóa.
Với việc tái lập huyện Bác Ái, xây dựng khu huyện lỵ mới,
xây dựng đường quốc lộ đi xuyên qua các palơi Raglai, nhiều dân tộc khác sẽ đến
định cư hai bên đường Quốc lộ. Đặc biệt là tại huyện lỵ Bác Ái đang xây dựng và
các khu trọng điểm kinh tế, du lịch, tất yếu sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hoá,
kèm theo đó là sự biến đổi văn hoá tộc người.
Khác với các dân tộc vùng Tây Nguyên, người Raglai không
có già làng, không có nhà rông để sinh hoạt chung mà trong đó, vai trò già làng
là quan trọng. Người Raglai gắn kết với nhau chủ yếu bằng tộc họ và vai trò
trưởng họ được đề cao. Trưởng họ của người Raglai, do sự chi phối của chế độ
mẫu hệ nên phải là nữ. Người trưởng họ có quyền quyết định những công việc lớn
của dòng họ, quyết định các nghi lễ của dòng họ. Tuy nhiên, trong quá trình đô
thị hoá, vai trò người trưởng họ ngày càng bị lu mờ. Dân làng chủ yếu tập hợp
dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp hành chính và trực tiếp là người trưởng
thôn do dân bầu ra.
Đa số các nghi lễ truyền thống của người Raglai đã và
đang dần mất đi. Cho đến nay, người Raglai không còn có tết năm mới cho riêng
mình, một số người ăn tết theo người Việt. Mặc dù, qua bước đầu nghiên cứu, xưa
kia, người Raglai cũng có lễ hội “ăn lúa mới” là nghi lễ lớn nhất đón năm mới
theo hệ thống lịch lễ hội của các cư dân Đông Nam Á khác. Về tính chất và thời
điểm rất gần với lễ hội đầu năm Rija Nưgar của người Chăm, tết Chon chơ Nam
thmay của người Kh’me, tết của Bunpimay của Lào, lễ Soong Kran của người Thái
Lan, lễ Thagyagin của người Myanma v.v…Những lễ nghi có tính Shaman giáo đang
dần mất đi, chỉ còn một vài gia đình tổ chức các nghi lễ nhỏ trong phạm vi dòng
tộc hay trong nôi bộ một gia đình. Các hình thức shaman trong cúng chữa bệnh đã
gần như mất hẳn trong vùng đồng bào Raglai.
Những nghề thủ công truyền thống xa xưa cũng đang mất dần
trong trí nhớ người Raglai. Ngoài một số thôn duy trì được nghề rèn, còn lại
hầu hết những nghề truyền thống khác đều đã mất. Có hay không nghề dệt vải của
người Raglai. Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Gần đây, trong quá trình thực hiện dự
án điều tra, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên, trong sử thi Udai – Ujai
và Uya – Yuhea của người Raglai có mô tả đến nghề dệt của người Raglai nhưng đó
cũng chưa hẳn là căn cứ để kết luận là người Raglai có nghề dệt hay không? Hoặc
có thể đã tồn tại nghề dệt xa xưa nhưng do không phát triển nên ngày nay đã
mất.
Một mất mát lớn nữa trong quá trình phát triển là, cùng
với chính sách định canh định cư, các làng Raglai cổ không còn tồn tại. Người
Raglai đã dần bỏ nhà sàn đặc trưng của mình và làm những căn nhà ở trệt, lợp
tôn hoặc ngói. Chỉ còn vài chiếc nhà sàn nho nhỏ đựng bắp, lúa, khoai. Nhà sàn
dài đã biến mất.
Tuy nhiên, dù đã và đang quá trình đô thị hoá mãnh liệt,
về hình thức có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng về cơ bản, nội dung các giá trị
văn hoá truyền thống Raglai, nhất là văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại khá bền
vững. Chiếc “bình” có thể đã thay mới, nhưng trong chiếc bình ấy vẫn là rượu
cũ. Rượu cần Raglai vẫn đầy chất men say, đầy hương vị của một tộc người đã âm
thầm vượt qua mọi thử thách để lưu giữ vốn văn hóa truyền thống của mình. Nhưng
rõ ràng, mối đe dọa đến sự tồn vong văn hóa truyền thống tộc người trong giai
đoạn này là có thật.
5. Những giá trị văn hoá cần sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn
và phát huy
5.1. Người Raglai vẫn duy trì được chế độ mẫu hệ. Đây là
một trong những rường cột cơ bản để gìn giữ, níu kéo được văn hoá dân tộc
truyền thống Raglai. Hiện nay, người Raglai vẫn giữ được những phong tục gắn
với chế độ mẫu hệ như trong hôn nhân gia đình (tục cưới chồng, ở rể, con theo
họ mẹ), trong quyền thừa kế (con gái út được quyền thừa kế). Tuy nhiên, luật
hôn nhân gia đình là chung cho cả nước. Vì vậy, có nhiều điểm không phù hợp với
văn hoá các dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc vẫn đang duy trì hoặc vẫn
còn một số tập tục của chế độ mẫu hệ. Đặc biệt, một số nghi lễ truyền thống như
đám cưới, đám tang, lễ bỏ mả sau đám tang vẫn duy trì được những phong tục tập
quán truyền thống.
5.2. Ngôn ngữ Raglai là một trong những rường cột để bảo
tồn văn hóa. Nhờ bảo tồn được ngôn ngữ riêng mà người Raglai đang lưu giữ được
kho tàng truyện cổ dân gian, chuyện kể, sử thi, tục ngữ, thành ngữ, câu đố dân
gian hết sức phong phú và đa dạng. Bộ chữ viết Raglai đang được gấp rút hoàn
thành để đưa vào phổ biến và sử dụng là một trong những biện pháp quan trọng để
bảo tồn văn hóa Raglai.
Nhưng, như chúng tôi đã phân tích và cảnh báo nhiều năm
nay, kho tàng văn hoá truyền thống Raglai đang mất đi từng ngày, đòi hỏi các cơ
quan có trách nhiệm phải có kế hoạch trong chương trình mục tiêu điều tra, sưu
tầm văn hoá phi vật thể cấp bách.
5.3. Kho tàng âm nhạc dân gian, hệ thống các bài hát lễ,
hát cúng mang tính shaman giáo cùng với hệ thống nhạc cụ dân gian, dân tộc
Raglai vẫn còn khá phong phú như mã la, cồng chiêng, đàn đá, các loại khèn bầu,
kèn môi, các loại trống, sáo v.v.. Điều đáng lo ngại là những nghệ nhân sản
xuất và biết sử dụng ngày càng ít đi. Lớp trẻ Raglai đã và đang làm quen với âm
nhạc hiện đại, đặc biệt là tiếp cận rất nhanh với những dòng nhạc có tính chất
kích động, có thể là do tính “lửa Tây Nguyên” còn đọng trong tố chất âm nhạc
Raglai, là gen di truyền âm nhạc trong dòng máu tộc người. Những đêm lễ hội bỏ
mả, thay vì đánh mã la, uống rượu cần thì ngày nay, đa số thanh thiếu niên lại
uống rượu đế, nhảy theo nhạc disco.
5.4. Một yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ gìn sắc
thái văn hoá truyền thống Raglai, đó chính là bản tính, đặc tính, những phẩm
chất tốt đẹp như sự chân thành, trung thực, sống có nghĩa tình, cần cù, chịu
thương chịu khó, sống hết mình, một lòng theo Đảng, theo cách mạng của người
Raglai. Ngoài ra, khi đi điền dã, thực địa, tâm sự với người Raglai, chúng tôi
thấy người Raglai có những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, quan niệm cõi sống,
cõi chết, về hồn vía, hồn linh và có một hệ thống thần linh khá phong phú.
Những giá trị văn hoá phi vật thể ấy khó lòng mờ phai trong đời sống tâm linh
người Raglai, cần có những công trình nghiên cứu đầy đủ và nghiêm túc để có thể
hiểu sâu hơn về một tộc người, làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển
kinh tế - xã hội.
[2] Trong một lần tiếp xúc với GS Tol Goda - Trường Đại học
Kobe – nhân dịp đến Việt Nam nghiên cứu về sự biến đổi xã hội truyền thống
Raglai ở Ninh Thuận, GS chưa nhất trí với luận cứ nói trên, vì có thể hình
thuyền trên Kagor trên nhà mồ trong lễ bỏ mả có thể chỉ là biểu tượng của mặt
trăng.
[4] Phan Xuân
Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyên, Nguyễn Văn Huệ, Văn hóa Xã hội
người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1998.
[6] Một loại giỏ được đan bằng mây, nơi cất giữ những đồ quý
giá, gia truyền của gia đình, tộc họ, thường được treo nơi trang trọng.
[8] Số
liệu trên do nhóm điều tra văn hóa thống kê năm 2003. Đến nay, dân số trên địa
bàn huyện Bác Ái đã biến động nhiều, nhất là sau khi tái lập huyện Bác ái và
hoàn thành con đường quốc lộ 27B. Theo số liệu chúng tôi nắm được, dân số huyện
Bác sí đến tháng 6/2006 đã tăng lên 21.290 người. Số hộ các dân tộc khác lên
trung tâm huyện ngày càng nhiều.