Tác giả: Phan Quốc Anh. Nxb Khoa học xã hội 2010. Trích dẫn theo đúng quy địnhMỞ ĐẦUĐặt vấn đề: Raglai là một tộc người thiểu số sinh
sống ở sườn đông cuối dãy Trường Sơn các tỉnh cực Nam Trung bộ gồm các tỉnh
Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Người Raglai cư trú đông nhất là
ở tỉnh Ninh Thuận (trên 50%). Địa bàn cư trú của người Raglai là vùng khu VI
anh hùng.
Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người
dân Raglai đã sát cánh cùng các dân tộc anh em tham gia tích cực và có những
đóng góp vô cùng to lớn vào thắng lợi của cả nước. Vùng cư trú của tộc người
Raglai là vùng khô nóng, khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, thừa nắng nên đời sống
kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nếu chỉ nhìn về mặt hình thức từ
trang phục, nhà cửa, nương rẫy, làng bản v.v...rất dễ ngộ nhận rằng văn hóa
truyền thống của tộc người Raglai hoặc nghèo nàn, hoặc đã bị mai một, hòa tan
với văn hóa dân tộc khác quá nhiều, không còn gì để nghiên cứu và không mấy hấp
dẫn các nhà nhân học. Cũng có lẽ vì vậy nên trong hai dân tộc có dân tộc khá
đông ở vùng văn hóa này, văn hóa tộc người Chăm luôn được quan tâm nghiên cứu
với hàng chục nghìn công trình, bài viết, trong khi những công trình, bài viết
về văn hóa Raglai có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng qua thực hiện công trình
này, chúng tôi thấy rằng, về chiều sâu văn hóa, tộc người Raglai đang lưu giữ
những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, là kho tư liệu quý giá trong việc
nghiên cứu văn hóa các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Nam đảo nói riêng và các
tộc người Đông Nam Á nói chung. Có những giá trị văn hóa, về hình thức có thể biến
thiên, nhưng về chiều sâu nội dung tương đối bền vững.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn phát triển hiện nay, quá trình đô thị hoá nhanh với việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, định canh, định cư, quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa v.v… đang đẩy nhanh tiến độ biến đổi toàn diện cả về hình thức lẫn nội dung văn hóa truyền thống. Đối với tộc người Raglai cũng vậy, những giá trị văn hóa được vun đắp từ nghìn đời nay, tưởng chừng như bền vững nhất đang trong giai đoạn có tốc độ mai một nhanh chóng nhất. Trong đó có những giá trị đang dần dần biến mất hẳn, không bao giờ có thể lấy lại được nữa.
Vì vậy, việc điều tra thực trạng các giá trị văn hóa
truyền thống của cộng đồng tộc người Raglai là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi các cơ
quan quản lý phải nắm bắt những số liệu cụ thể về từng lĩnh vực để có chính
sách nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.
Với chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – văn
hóa – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhận thấy,
đồng hành với sự phát triển là sự mai một văn hóa truyền thống. Vì vậy Chính
phủ đã có chương trình “Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc
Việt Nam”. Để triển khai chương trình đó, Bộ VHTT và một số địa phương đã tiến
hành thực hiện các đề tài điều tra thực trạng văn hóa các dân tộc. Ninh Thuận
là tỉnh đa dân tộc, trong đó có 2 dân tộc có số dân đông nhất nước và đang lưu
giữ kho tàng di sản văn hóa phong phú là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Trong
đó, với nhiều nguyên nhân, tốc độ mai một của văn hóa Raglai đang diễn ra rất
nhanh chóng. Vì lẽ đó, việc điều tra, thống kê cái gì đã mất, cái gì còn lại,
còn lại bao nhiêu là việc làm cần thiết và cấp bách.
Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Có thể do tộc người Raglai cư trú ở vùng núi cao, điều
kiện giao thông, đi lại trước đây rất khó khăn nên so với các tộc người khác
nên văn hóa tộc người Raglai ít được các nhà khoa học quan tâm đầu tư nghiên
cứu. Cho đến nay mới chỉ có một số bài viết và một số công trình nghiên cứu về
tộc người Raglai của Mag Mod, Nguyễn Tuấn Triết, Phan An, Phan Xuân Biên, Phan
Văn Dốp v.v…nhưng mới chỉ mang tính chất nhận diện, giới thiệu. Năm 1991,
Nguyễn Tuấn Triết xuất bản cuốn “Người Raglai ở Việt Nam”[1];
Năm 1998, các tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện,
Nguyễn Văn Huệ ở Viện KHXH tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản công trình
“Văn hóa & Xã hội người Raglai ở Việt Nam”[2];
Năm 2001, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên xuất bản cuốn “Trang
phục cổ truyền Raglai”[3];
Năm 2003, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia dưới sự chủ biên của
GS.TS Phan Đăng Nhật đã cho xuất bản công trình Luật tục Chăm và Luật tục
Raglai[4].
Ngoài ra có một số bài viết rải rác đăng trên các tạp chí khoa học. Nhìn chung,
những công trình nghiên cứu về tộc người Raglai chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở
mức độ giới thiệu khái quát các lĩnh vực chung, chưa có những công trình chuyên
sâu và chưa có tính chất điều tra, kiểm kê kho tàng văn hóa phi vật thể dân tộc
Raglai, để từ đó hoạch định kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy kho tàng
văn hóa truyền thống của tộc người này.
Những năm gần đây, trong chương trình sưu tầm, biên dịch
xuất bản sử thi các dân tộc Tây Nguyên, có một số sử thi Raglai đã và đang
chuẩn bị xuất bản. Đây là những tư liệu quý giá để các nhà khoa học ngược dòng
quá khứ đi tìm những nét văn hóa truyền thống của người Raglai. Hy vọng rằng,
hàng nghìn trang sử thi Raglai sắp được biên dịch, xuất bản sẽ là kho tư liệu
về quý giá về văn hóa truyền thống của người Raglai.
Từ lịch sử vấn đề nghiên cứu nêu trên, trong công trình
này một mặt chúng tôi không đề cập đến những lĩnh vực đã có các tác giả nghiên
cứu như: Trang phục truyền thống, luật tục, mặt khác cũng kế thừa có chọn lọc
những thành tựu của những nghiên cứu đã có.
Phương pháp nghiên
cứu
Với tên gọi: “Văn hóa Raglai,
những gì còn lại”, đây là công trình điều tra, kiểm kê, đánh giá một cách toàn
diện về những gì đã có, đang có, đã mất của kho tàng văn hóa truyền thống tộc
người Raglai. Với sự mong muốn đạt kết quả tốt, chúng tôi tập hợp những nhà
nghiên cứu tâm huyết với văn hóa truyền thống tộc người Raglai ở địa phương đi
điền dã, sưu tầm tư liệu như Nguyễn Hải Liên, Đình Hy, Sử Văn Ngọc, Thập Liên
Trưởng, Văn Món, Lê Xuân Lợi, Nguyễn Tuấn Triết, Phú Văn Hẳn. Công trình này sử
dụng phương pháp điền dã,
điều tra, kiểm kê toàn diện ở tất cả 14 xã, 78 thôn có người Raglai sinh sống
trên toàn tỉnh Ninh Thuận , kết hợp với phương pháp thống kê, chuyên khảo, đối
chiếu, so sánh.
Tính chất của công trình này chỉ như là một sụ điều tra,
thống kê kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên phạm vi tỉnh
Ninh Thuận, tỉnh có số người Raglai đang sinh sống đông nhất nước. Bên cạnh đó,
công trình cũng đi sâu một số lĩnh vực trong kho tàng văn hóa truyền thống mà
chưa có công trình nào đề cập đến.
Tính chất của công trình này chỉ như là một sụ điều tra,
thống kê kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên phạm vi tỉnh
Ninh Thuận, tỉnh có số người Raglai đang sinh sống đông nhất nước. Bên cạnh đó,
công trình cũng đi sâu phân tích một số lĩnh vực trong kho tàng văn hóa truyền
thống mà chưa có công trình nào đề cập đến.
Về phiên âm và sử dụng ký tự. Đây là một vấn đề khá phức
tạp vì xưa nay người Raglai chưa có chữ viết. Năm 1996, Hội đồng khoa học tỉnh
Khánh Hòa nghiệm thu đề tài “sưu tầm, nghiên cứu xây dựng chữ viết tiếng
Raglai” do Trần Vũ, Chamaleq Tiếng và Nguyễn Thế Sang thực hiện. Từ năm 2000
đến năm 2004, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã hợp đồng với Viện Ngôn
ngữ học tiến hành công trình khoa học xây dựng chữ viết Raglai và sách dạy chữ
viết Raglai. Tuy nhiên, cả hai công trình đều chưa xây dựng được từ điển Raglai
mà mới chỉ dừng lại ở vài nghìn từ thông dụng. Vì vậy, trong công trình này,
chúng tôi chủ yếu sử dụng ký tự Raglai theo công trình của Viện ngôn ngữ, kết
hợp với một số ký tự của công trình chữ viết Raglai tỉnh Khánh Hòa.
Mục đích công trình
Mục đích của công trình này là tổng điều tra, kiểm kê một
số lĩnh vực di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai ở tỉnh Ninh Thuận,
làm căn cứ khoa học để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn
hóa truyền thống của người Raglai; Xây dựng cơ sở dữ liệu làm căn cứ để các cơ
quan Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chức năng hoạch định kế
hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào Raglai.
Kết quả nghiên cứu là một bản kiểm kê tư liệu thực tế,
đánh giá thực trạng văn hóa truyền thống dân tộc Raglai ở Ninh Thuận, còn gì,
mất gì? xu thế, khả năng triển vọng về số phận các giá trị văn hóa phi vật thể
Raglai trong quá trình hội nhập và đô thị hoá hiện nay. Từ đó có những đề xuất
cho các ngành chức năng kế hoạch nghiên cứu tiếp theo, cần nghiên cứu đề tài
nào trước, đề tài nào sau? Trong thời gian bao lâu?
Nội dung công trình
Nội dung chủ yếu của công trình này là tổng hợp kết quả
điều tra, kiểm kê, thống kê, lên danh mục các loại hình văn hóa truyền thống
của dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tổng hợp, phân loại các nhóm
tư liệu văn hóa truyền thống để từ đó đề xuất kế hoạch cấp bách, ngắn hạn,
trung hạn và dài hạn trong chương trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
của tộc người Raglai, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nghiên cứu, xuất bản và
phổ biến những tư liệu về các lĩnh vực văn hóa truyền thống dân tộc Raglai.
[1] Nguyễn
Tuấn Triết, Người Raglai ở Việt Nam, Nxb KHXH, 1991.
[2] Phan Xuân
Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyên, Nguyễn Văn Huệ, Văn hóa Xã hội
người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1998.
[3] Hải
Liên, Trang phục cổ truyền Raglai, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội, 2001
[4] Luật
tục Chăm và Luật tục Raglai, Nxb Văn hóa
dân tộc, Hà Nội 2003.
Phần thứ nhất
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG RAGLAI
Chương I
NGƯỜI RAGLAI Ở NINH THUẬN
1. Sơ lược về quá
trình tộc người
Raglai là một
trong năm tộc người thuộc ngữ hệ Malayo - Polinésien (Nam đảo) ở Việt Nam. Tên
tộc người này được các tài liệu phiên âm và dùng các ký tự khác nhau như:
Raglai, Radlai, Oranglai, Roglai, Rắclây.v.v… Người Raglai cư trú ở vùng núi
cao, dọc triền đông cuối dãy Trường Sơn ở các tỉnh cực nam Trung bộ. Điều kiện
giao thông, đi lại vùng này rất khó khăn nên văn hóa truyền thống của người
Raglai chưa được nghiên cứu nhiều. Người Raglai lại chưa có chữ viết nên tư
liệu thành văn cổ hầu như không có. Những tài liệu nghiên cứu về văn hóa Raglai
của các nhà khoa học trong và ngoài nước rất ít, có thể nói là ít nhất trong 5
dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinésien ở Việt Nam[1].
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất nguồn gốc
tộc người của các cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinésien ở Việt Nam
(Chăm, Raglai, Chu Ru, Êđê, Giarai). Có hai luận thuyết đáng chú ý. Một luận thuyết
cho rằng các tộc người này đều có nguồn gốc hải đảo Đông Nam Á (những giả thuyết này dùng những căn cứ như:
hình thuyền trên kagor nhà mồ trong lễ bỏ mả, lễ ăn trâu và một số tư liệu
chứng minh họ có nguồn gốc văn hóa biển)[2].
Các nhà khoa học Nga cũng cho rằng các dân tộc Nam đảo di cư từ các đảo vùng
biển nam Trung Quốc xuống Đông Nam Á. Luận thuyết thứ hai cho rằng các dân tộc
đều di cư theo đường bộ từ nam Trung Quốc, qua Việt Nam, Lào rồi từ đó di cư ra
hải đảo. Gần đây, có ý kiến cho rằng, do trước đây các đảo Đông Nam Á đều “dính” với đất liền, các dân tộc Đông Nam
Á đều ở đất liền. Qua quá trình tạo sơn,
các hải đảo “tách” ra, trôi xa dần đất liền. Một bộ phận dân cư “trôi” theo,
trở thành các cư dân hải đảo ngày nay. Tóm lại, lịch sử quá trình tộc người của
các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo - Polinésienở Việt Nam (Chăm, Raglai,
Chu Ru, Ê đê, Giarai) vẫn mới chỉ dừng lại ở một vài giả thuyết. Nhưng rõ ràng,
các dân tộc trong một nhóm ngôn ngữ (có thể không phải cùng một nguồn gốc chủng
tộc) nhưng chắc chắn phải có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau trong lịch
sử tồn tại và phát triển. Điều đó nói lên mối quan hệ giữa người Raglai với
người Chăm, người Churu, Rai, Giarai, Ê đê.
Trong mối quan hệ lịch sử tộc người của người Raglai ở
Ninh Thuận và Bình Thuận, đáng chú ý là mối quan hệ giữa người Raglai với người
Churu và người Chăm.
Mối quan hệ với người Churu: Người Raglai ở Ninh Thuận và
Bình Thuận đều cho rằng, trước kia, người Raglai chỉ cư trú ở vùng phía tây nam
Khánh Hoà, sau đó di cư dần về phía nam. Địa bàn ngày nay người Raglai đang
sinh sống ở Ninh Thuận và Bình thuận là địa bàn cư trú trước đây của người
Churu. Vì vậy, giữa văn hóa người Raglai và người Churu có nhiều nét tương
đồng.
Mối quan hệ với người Chăm: Hiện nay đang tồn tại nhiều ý
kiến khác nhau về mối quan hệ Chăm – Raglai. Trong phần Mở đầu của công trình
“Luật tục Chăm và luật tục Raglai”, nhóm biên soạn cũng đã phân tích khá sâu,
khá dài về các ý kiến khác nhau về mối quan hệ này. Chung quy lại là có hai
quan điểm chính. Một là quan điểm của Nguyễn Tuấn Triết trong công trình người
Raglai ở Việt Nam, theo đó, “Người Raglai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi,
cùng nhóm ngữ hệ, nhưng phát triển độc lập với nhau”[3].
Hai là quan điểm của nhóm tác giả trong công trình “Văn hóa xã hội người Raglai
ở Việt Nam”, cho rằng người Raglai và người Chăm có mối quan hệ gần gũi nhất,
gắn bó hữu cơ, lâu dài, toàn diện, ở vị trí tiếp nối và có quan hệ hai chiều.
Người Raglai là một tộc người trong thành phần cư dân của Chămpa cổ đại...”[4].
Các tác giả của công trình này đã chứng minh luận điểm của mình bằng khối lượng
các tư liệu văn hóa truyền thống như tục ngữ, thơ ca, phong tục tập quán, lễ
hội, ngôn ngữ, nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, các dân tộc trong
cùng nhóm ngữ hệ thường có cùng nguồn gốc tộc người. Thực ra, theo chúng tôi,
ngôn ngữ chỉ là một khía cạnh nhỏ trong nghiên cứu nguồn gốc tộc người. Bởi vì,
ngôn ngữ vẫn là cái có rất muộn trong quá trình hình thành các tộc người. Hai
tộc người sống cận cư, cộng cư sẽ phải ảnh hưởng ngôn ngữ lẫn nhau và thường là
ngôn ngữ tộc người đa số (chủ thể) sẽ là ngôn ngữ được sử dụng nhiều hơn, dần
dần lấn át và làm mất đi ngôn ngữ của dân tộc thiểu số hơn.
Theo một số nhà nghiên cứu, vương quốc và những tiểu quốc
Chăm Pa xưa có những thời kỳ là quốc gia thống nhất đa dân tộc, bao gồm một số
các dân tộc sống ở vùng núi phía tây[5].
Nếu vậy, tất yếu có sự giao lưu, ảnh hưởng văn hoá lẫn nhau. Hơn nữa, giữa
người Chăm và người Raglai vốn là một dân tộc cùng ngữ hệ, có rất nhiều nét
tương đồng về văn hoá, thậm chí về các nguồn gốc của các giả thuyết tô tem giáo
với thị tộc Cau (Pi năng) và thị tộc Dừa (Li - u) của người Chăm liên quan đến
tộc họ còn lưu giữ đến hôm nay ở người Raglai. Hàng năm, vào dịp lễ hội Katê,
người Chăm vẫn mang cờ hoa võng lọng lên vùng rừng núi của người Raglai làm lễ
đón nhận y trang của các vị vua - thần Chăm về các đền tháp Chăm tế lễ. Trong
kho tàng văn hoá dân gian Chăm có nhiều tư liệu nói đến mối quan hệ Chăm -
Raglai, đều cho rằng Chăm với “Raglai là anh em, Raglai là con út của
vua". Người Chăm còn gọi người Raglai là “Chăm núi". Người Chăm và
người Raglai được coi như là anh/chị em của nhau: “Chap sa ai Raglai adơi”
(Chăm là chị, Raglai là em) hay “Chap ai Raglai adơi” (Chăm là anh, Raglai là
em). Người Raglai ở Phước Hà ngày nay vẫn giữ y trang của Pô Inư Nưgar, người
Raglai ở Tà Dương vẫn giữ y trang của Pô Klongirai và cứ mỗi năm đến lễ hội Ka
tê, người Chăm phải cho người lên rước về để làm lễ. Với quan niệm rằng người
Raglai là “em út”, theo chế độ mẫu hệ thì người em út là người thừa kế, nuôi
dưỡng cha mẹ và giữ “chiết a tâu”[6]
của tộc họ, gia đình. Nếu giả thuyết này là đúng (Raglai và Chăm có chung nguồn
gốc tộc người), sẽ phải xem xét lại định hướng nghiên cứu văn hoá cổ đại Chăm
Pa, bởi ngoài giả thuyết là chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh, người Chăm còn có
một bộ phận dân tộc gốc rễ đang lưu giữ lớp văn hoá cổ đại Chăm, không chịu ảnh
hưởng của các tôn giáo Ấn Độ. Phải chăng đó là văn hoá “phi Hoa, phi Ấn” còn
dáng dấp văn hoá nguyên thuỷ mà chúng ta gọi là văn hoá truyền thống của người
Raglai hôm nay?
Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, hiện nay đang tồn tại
hai cách phân vùng văn hóa Raglai như sau:
Cách phân vùng thứ nhất chủ yếu dựa theo địa giới hành
chính: Nhóm Raglai bắc có nhiều nét khác biệt là nhóm Raglai ở hai huyện Khánh
Sơn và Khánh Vĩnh ở tỉnh Khánh Hòa, nhóm Raglai nam là nhóm Raglai còn lại ở
các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận. Đây là cách phân vùng của một số
tác giả nghiên cứu về tộc người Raglai như J. Shrock, V. Cobbey, L. Lee. Mở đầu
là cuốn sách viết về các dân tộc ít người ở miền nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất
bản năm 1966, đã chia tộc người Raglai làm hai nhóm: Raglai bắc và Raglai nam,
nhưng sự phân biệt ấy chỉ có ý nghĩa về mặt địa lý đơn thuần.
Cách phân vùng thứ hai là cách phân vùng theo độ đậm nhạt
của văn hóa truyền thống. Cách phân vùng này lấy Quốc lộ 27 làm ranh giới. Từ
phía bắc quốc lộ 27 trở ra Khánh Hòa là nhóm Raglai bắc bao gồm bà con Raglai ở
2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa và các huyện Thuận Bắc, Bác
Ái ở Ninh Thuận. Từ phía nam Quốc Lộ 27 trở vào đến Bình Thuận là nhóm Raglai nam bao gồm bà con Raglai ở các huyện Ninh
Sơn, Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận, ở huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc của tỉnh
Bình Thuận, một số làng Raglai ở Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng[7].
Theo chúng tôi, cách phân vùng thứ hai là hợp lý hơn cả.
Bởi vì qua quá trình điều tra nghiên cứu cho thấy, văn hoá truyền thống của
người Raglai ở khu vực phía bắc (lấy quốc lộ 27 làm mốc phân chia), so với văn
hoá truyền thống của người Raglai khu vực phía nam, ngoài những nét tương đồng
chung, cũng có những sự biến đổi dẫn đến mức độ đậm nhạt và sự khác biệt tương
đối rõ nét. Tuy nhiên, sự phân chia ấy cũng chỉ là một sự quy ước. Ngay trong
một tiểu vùng, một huyện hay một xã, cũng đã có những nhiều nét tương đồng và
dị biệt về văn hóa truyền thống rồi. Những tương đồng và dị biệt ấy thể hiện từ
ngôn ngữ, các làn điệu dân ca, truyện cổ, sử thi cho đến phong tục tập quán, sự
biến đổi họ, tên v.v…
2. Dân số, địa bàn
cư trú
Dân tộc Raglai cư trú khá tập trung, sinh sống tương đối
độc lập ở các triền núi phía tây thuộc 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận
và ở huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng, trong đó tập trung đông nhất là ở tỉnh Ninh
Thuận (trên 50%). Sự biến đổi qua các đợt điều tra dân số như sau:
Số liệu điều tra dân số năm 1979: 57.484 người
Số liệu điều tra dân số năm 1989: 71.696 người
Số liệu điều tra dân số năm 1995: 72.365 người
Theo số liệu của nhóm tác giả công trình “Văn hóa xã hội
của người Raglai ở Việt Nam” xuất bản năm 1998 thì dân số Raglai có 84.716
người phân bổ như sau:
- Ở Khánh Hoà có 29.750 người ((Khánh Vĩnh 10.190 người,
Khánh Sơn 10.104 người, Cam Ranh 7.381 người, Diên Khánh 1.491 người, Ninh Hoà
690 người).
- Ở Bình Thuận có khoảng 9.560 người, sinh sống ở các
huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình
- Ở Lâm Đồng có gần 1.000 người Raglai, tập trung ở xá
Bảo Thuận, huyện Di linh.
- Ở Ninh Thuận có
44.406 người, trong đó tập trung ở huyện Ninh Sơn (bao gồm cả huyện Bác ái ngày
nay) là 24.574 người, huyện Ninh Hải là 16.215 người.
Kết quả điều tra dân số Raglai do nhóm thực hiện công
trình này năm 2003, ở Ninh Thuận có 50.381 người, cư trú ở 78 thôn trên 24 xã
thuộc 4 huyện trong tỉnh Ninh Thuận, được phân bố như sau:
- Huyện Bác Ái: 17.572 người Raglai, cư trú ở 9 xã, 33
thôn
- Huyện Ninh Sơn:
9.901 người Raglai, cư trú ở 6 xã, 15 thôn
- Huyện Ninh Hải: 18.760 người Raglai, cư trú ở 6 xã, 22
thôn
- Huyện Ninh Phước:
4.148 người, cư trú ở 3 xã, 8 thôn
Toàn tỉnh: 57.442 người. Cụ thể như sau:
Bảng biểu A1. Dân số Raglai toàn tỉnh Ninh Thuận
Bảng biểu A2: Dân số Raglai ở Huyện Bác Ái[8]
Bảng biểu A3: Dân số các thôn Raglai ở Huyện Ninh Sơn
Bảng biểu A4: Dân số Raglai ở Huyện Ninh Hải
Bảng biểu A5: Dân số Raglai ở Huyện Ninh Phước
Như vậy, nếu so sánh với số liệu 44.406 người năm 1995
với số liệu 50.381 người năm 2003, ta thấy qua 8 năm (1995 - 2003), dân số
Raglai ở Ninh Thuận tăng 5.975 người, bằng 13% (trong 8 năm), tỷ lệ tăng dân số
bình quân là 1,6%/năm.
3. Vài nét về văn
hóa truyền thống
Người Raglai mang đầy đủ trên mình những yếu tố văn hoá
truyền thống của các dân tộc trong nhóm ngữ hệ Nam Đảo. Do cư trú trên miền rẻo
cao, giao thông đi lại khó khăn nên văn hoá Raglai chưa được nghiên cứu nhiều,
tư liệu về văn hoá truyền thống rất ít so với các dân tộc cùng ngữ hệ. Cũng bởi
cư trú ở phía đông vùng rừng núi nam dãy Trường Sơn, qua bước đầu tìm hiểu văn
hoá truyền thống, nhất là nghiên cứu kho tàng chuyện cổ, chuyện kể, sử thi, các
phong tục tập quán như lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa, quan niệm về vũ trụ, thần linh,
hệ thống nhạc cụ v.v… chúng tôi thấy có đủ căn cứ để xếp dân tộc Raglai vào khu
vực các dân tộc Nam Tây Nguyên. Bởi từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu văn
hoá Tây Nguyên mới chỉ tập trung nghiên cứu các dân tộc ít người như Ba Na, Ê
Đê, Gia rai v.v…ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Nông.
Là một dân tộc ở miền rừng núi, sống du canh du cư với
nền kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là kinh tế tự cung tự cấp, cũng như các
dân tộc thiểu số vùng cao khác, người Raglai từ bao đời nay đã hình thành nên
cho mình một nền văn hoá riêng gắn với điều kiện môi sinh của cư dân nông
nghiệp nương rẫy Nam Trung Bộ. Nằm trong cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, người
Raglai vẫn mang trên mình những tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước (biểu hiện qua
hệ thống nghi lễ cầu mùa, lễ ăn đầu lúa, lễ mừng lúa mới và các phong tục tập
quán khác) những tàn tích của cư dân hải đảo (như hình kagor trong lễ bỏ mả).
Người Raglai cũng đã giao lưu, tiếp biến văn hoá của các dân tộc khác, đặc biệt
là mối quan hệ tộc người và văn hoá tộc người giữa người Chăm và người Raglai
hiện nay chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.
4. Sự giao lưu,
biến đổi văn hóa
4.1. Sự giao lưu
văn hoá trong thời kỳ chiến tranh cách mạng.
Địa bàn rừng núi nơi người Raglai cư trú chính là chiến
khu kháng chiến (khu VI) của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Dân
tộc Raglai đã từng sản sinh ra những người con anh hùng lực lượng vũ trang như:
Pi Năng Tắc, Pi Năng Thạnh, Chamaleq Châu và hàng chục bà mẹ Việt Nam Anh hùng,
hàng trăm thương binh liệt sỹ đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến. Suốt hai
cuộc kháng chiến trường kỳ, người Raglai đã đồng cam cộng khổ với đội ngũ cán
bộ kháng chiến của Khu VI anh hùng, góp phần to lớn vào sự thành công thắng lợi
giải phóng đất nước. Trong giai đoạn này, văn hoá kháng chiến với phong trào
chống mê tín dị đoan, chống những phong tục cúng kính bị coi là lạc hậu lên
cao, người Raglai cũng đã bỏ đi một số lễ hội và một số phong tục cúng kính.
Lúc bấy giờ, phong trào văn nghệ quần chúng được các đơn vị kháng chiến triển
khai, bên cạnh những tiết mục mang màu sắc văn hoá truyền thống Raglai, xuất
hiện rất nhiều những lời ca điệu múa mang từ những vùng quê xa xôi vào. Cho đến
hôm nay, khi đi sưu tầm văn nghệ dân gian Raglai, chúng tôi vẫn được xem rất
nhiều những điệu múa kháng chiến mang từ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa vào như “Vui
sản xuất”, “Vui mùa gặt”, múa “Gậy tiền” của các dân tộc ít người miền núi phía
bắc, những bài hát như “Đường cày đảm đang”, “Chắc tay súng, vững tay cày” và
một số làm điệu dân ca các dân tộc miền núi phía bắc v.v…đã ăn sâu trong tiềm thức
người Raglai. Bên cạnh đó, hầu hết đồng bào Raglai đã quên trang phục truyền
thống của mình. Trang phục phụ nữ Raglai hiện nay ảnh hưởng của trang phục phụ
nữ Chăm như váy, khăn thổ cẩm. Đối với đàn ông thì mặc trang phục của người
Kinh, quấn khăn Chăm, đa số là trang phục bộ đội cũ. Các cơ quan chức năng như
Sở Văn hóa thông tin, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc
thiểu số mở ra các hội thảo, xây dựng các công trình nghiên cứu trang phục
Raglai và phục hồi một số trang phục nhưng xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều
ý kiến khác nhau.
4.2. Sự giao lưu,
biến đổi trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay
Sau ngày giải phóng, mặc dù Đảng và Nhà nước ta luôn quan
tâm đến chính sách văn hóa dân tộc, nhất là đối với các dân tộc thiểu số vùng sâu,
vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Nhưng cho đến nay, do điều kiện địa lý, khí
hậu khắc nghiệt và với nhiều nguyên nhân khác, đời sống kinh tế, văn hoá, xã
hội của người Raglai vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.
Năm 2005, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Raglai cư trú đã cơ
bản hoàn thiện, 100% các xã có người Raglai sinh sống đã có đầy đủ cơ sở điện,
đường, trường trạm, hầu hết đã phủ sóng phát thanh truyền hình, đã cơ bản hoàn
thành chương trình định canh định cư cho toàn bộ vùng đồng bào Raglai. Nhà nước
và chính quyền địa phương thực hiện rất nhiều những chương trình kinh tế, văn
hoá, xã hội nhằm mục đích đẩy mạnh sự phát triển, đời sống vật chất và tinh
thần của bà con Raglai ngày càng được cải thiện rõ rệt. Huyện mới Bác Ái mới
được tái lập đầu năm 2001, toàn huyện có 9 xã với trên 95% là người dân tộc
Raglai, sống theo từng palơi rải rác dọc theo con đường quốc lộ 27B được xây
dựng. Năm 2005, Nhà nước đầu tư những công trình thủy lợi lớn ở vùng đồng bào
Raglai như công trình hồ thủy lợi Sông Trâu ở xã Phước Chiến, huyện Ninh Hải,
hồ thủy lợi Sông Sắt ở xã Phước Thành, Phước Thắng, huyện Bác Ái với dung tích
hàng trăm triệu m3. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy
mạnh phát triển kinh tế vùng cao Ninh Thuận. Nhưng bên cạnh đó, ở đây cũng đang
diễn ra quá trình đô thị hoá với tốc độ nhanh. Người Raglai nhanh chóng tiếp
thu những yếu tố văn hoá mới đang ồ ạt đến và dần xa rời yếu tố văn hóa cổ
truyền. Những người làm công tác văn hoá cần có nghĩa vụ sưu tầm, nghiên cứu,
bảo tồn, níu kéo lại sự ra đi của những giá trị văn hoá truyền thống quý giá
được hình thành từ ngàn đời nay của người Raglai.
4.3. Nguy cơ mai một văn hoá truyền thống tộc người
Raglai trong quá trình hoà nhập, phát triển
4.3.1. Sự biến đổi
xã hội từ việc thay đổi môi trường sống
Quá trình phát triển, hoà nhập, đô thị hoá đã đưa rất
nhiều những yếu tố, thành tố văn hóa mới vào và trực tiếp làm biến đổi văn hoá
tộc người Raglai. Đó là các yếu tố: chính sách định canh định cư đưa bà con về
các khu “phố núi” với những dãy nhà xây trệt, với cơ sở hạ tầng được xây dựng
hiện đại: điện, nước sạch nông thôn (nước tự chảy), trường học, trạm xá, bưu
điện văn hoá xã, hệ thống truyền thanh, hệ thống nghe nhìn với nhiều chương
trình truyền hình phong phú, trong đó có những chương trình phát thanh truyền
hình bằng tiếng Raglai; đường quốc lộ chạy qua hứa hẹn sự phát triển kinh tế
thương mại và du lịch. Nhiều chương trình kinh tế đã được triển khai, phát sinh
thêm nghề chăn nuôi bò, dê, tập canh tác trên ruộng lúa nước, các chương trình
mục tiêu ưu đãi từ chính sách dân tộc miền núi của Đảng và Nhà nước v.v…
Sau khi định canh định cư, đưa bà con đến khu vực cư trú
và canh tác mới lạ, (từ làng trên núi trở thành làng ven núi), một số palơi
được định cư ở dưới bằng (thành làng đồng bằng) và sản xuất lúa nước, bà con
Raglai hầu hết chưa quen những tập quán và các kỹ thuật thâm canh loại lúa này
nên năng suất không cao. Trung tâm khuyến nông các cấp và các ngành chức năng
đang cố gắng giúp bà con đổi mới phương thức canh tác nhưng đây là một việc
khó. Để thay đổi một tập quán canh tác du canh du cư tồn tại hàng bao đời nay
là cả một việc không đơn giản. Cần có phương pháp tập huấn, tuyên truyền sao
cho dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của bà con.
Những nhân tố trên đây ít nhiều đã thúc đẩy quá trình
biến đổi văn hoá tộc người Raglai trong quá trình hoà nhập, phát triển. Nhưng
bên cạnh đó, nó cũng là những yếu tố làm mai một hoặc biến đổi văn hóa truyền
thống. Chúng ta đều hiểu rằng, mọi xã hội, mọi vùng, mọi dân tộc trên thế giới
đều hướng đến sự phát triển, nâng cao mức sống cho người dân. Nhưng việc bảo
tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc phải đồng hành với sự phát triển mới
là sự phát triển bền vững. Bởi vì, những giá trị văn hóa truyền thống được hình
thành và đúc kết từ bao đời nay, nếu đã ra đi thì không bao giờ có thể lấy lại
được. Ngược lại, nếu những yếu tố văn hóa xưa cũ, không còn phù hợp với thời
đại mà lại níu kéo sự phát triển, cũng cần nghiên cứu, loại bỏ.
4.3.2. Sự biến đổi
cấu trúc xã hội truyền thống
Cấu trúc xã hội truyền thống của người Raglai được hình
thành từ lâu đời. Đó là cấu trúc theo khu vực cư trú cơ sở mà người Raglai gọi
là palơi (buôn, làng), nhỏ hơn là bur, ở đó hiện hữu bền vững những tộc họ gắn
kết với nhau theo chế độ mẫu hệ. Trong mỗi palơi hay bur bao gồm không nhiều
các tộc họ, mỗi tộc họ lại có một câu chuyện cổ về sự tích của dòng họ mình.
Điển hình là các dòng họ: Pi năng (cây cau), Chamaleq hay Mấu (dây máu)
v.v…nhưng tên của người Raglai đa số đã bị Việt hoá. Ví dụ như: Chamaleq Thị
Loan. Pi năng Thị Hoa, Katơr Thân, Bo
Xuân Ngấm, Mấu Thị Bích v.v…
Những năm gần đây, quá trình phát triển, giao lưu đã xuất
hiện nhiều hơn sự kết hôn giữa người Raglai với người các dân tộc khác, kéo
theo sự biến đổi phong tục tập quán của chế độ mẫu hệ truyền thống, biểu hiện
trong những việc như khai sinh, đăng ký họ, tên, vấn đề thừa kế tài sản đất
đai. Đây là một vấn đề nhạy cảm, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu kỹ để xử
lý, vừa phù hợp với pháp luật, vừa phù hợp với luật tục của bà con dân tộc đã
hình thành từ bao đời nay, vốn là một thói quen tiềm ẩn của các gen di truyền
văn hóa.
Với việc tái lập huyện Bác Ái, xây dựng khu huyện lỵ mới,
xây dựng đường quốc lộ đi xuyên qua các palơi Raglai, nhiều dân tộc khác sẽ đến
định cư hai bên đường Quốc lộ. Đặc biệt là tại huyện lỵ Bác Ái đang xây dựng và
các khu trọng điểm kinh tế, du lịch, tất yếu sẽ đẩy nhanh quá trình đô thị hoá,
kèm theo đó là sự biến đổi văn hoá tộc người.
Khác với các dân tộc vùng Tây Nguyên, người Raglai không
có già làng, không có nhà rông để sinh hoạt chung mà trong đó, vai trò già làng
là quan trọng. Người Raglai gắn kết với nhau chủ yếu bằng tộc họ và vai trò
trưởng họ được đề cao. Trưởng họ của người Raglai, do sự chi phối của chế độ
mẫu hệ nên phải là nữ. Người trưởng họ có quyền quyết định những công việc lớn
của dòng họ, quyết định các nghi lễ của dòng họ. Tuy nhiên, trong quá trình đô
thị hoá, vai trò người trưởng họ ngày càng bị lu mờ. Dân làng chủ yếu tập hợp
dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp hành chính và trực tiếp là người trưởng
thôn do dân bầu ra.
Đa số các nghi lễ truyền thống của người Raglai đã và
đang dần mất đi. Cho đến nay, người Raglai không còn có tết năm mới cho riêng
mình, một số người ăn tết theo người Việt. Mặc dù, qua bước đầu nghiên cứu, xưa
kia, người Raglai cũng có lễ hội “ăn lúa mới” là nghi lễ lớn nhất đón năm mới
theo hệ thống lịch lễ hội của các cư dân Đông Nam Á khác. Về tính chất và thời
điểm rất gần với lễ hội đầu năm Rija Nưgar của người Chăm, tết Chon chơ Nam
thmay của người Kh’me, tết của Bunpimay của Lào, lễ Soong Kran của người Thái
Lan, lễ Thagyagin của người Myanma v.v…Những lễ nghi có tính Shaman giáo đang
dần mất đi, chỉ còn một vài gia đình tổ chức các nghi lễ nhỏ trong phạm vi dòng
tộc hay trong nôi bộ một gia đình. Các hình thức shaman trong cúng chữa bệnh đã
gần như mất hẳn trong vùng đồng bào Raglai.
Những nghề thủ công truyền thống xa xưa cũng đang mất dần
trong trí nhớ người Raglai. Ngoài một số thôn duy trì được nghề rèn, còn lại
hầu hết những nghề truyền thống khác đều đã mất. Có hay không nghề dệt vải của
người Raglai. Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Gần đây, trong quá trình thực hiện dự
án điều tra, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên, trong sử thi Udai – Ujai
và Uya – Yuhea của người Raglai có mô tả đến nghề dệt của người Raglai nhưng đó
cũng chưa hẳn là căn cứ để kết luận là người Raglai có nghề dệt hay không? Hoặc
có thể đã tồn tại nghề dệt xa xưa nhưng do không phát triển nên ngày nay đã
mất.
Một mất mát lớn nữa trong quá trình phát triển là, cùng
với chính sách định canh định cư, các làng Raglai cổ không còn tồn tại. Người
Raglai đã dần bỏ nhà sàn đặc trưng của mình và làm những căn nhà ở trệt, lợp
tôn hoặc ngói. Chỉ còn vài chiếc nhà sàn nho nhỏ đựng bắp, lúa, khoai. Nhà sàn
dài đã biến mất.
Tuy nhiên, dù đã và đang quá trình đô thị hoá mãnh liệt,
về hình thức có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng về cơ bản, nội dung các giá trị
văn hoá truyền thống Raglai, nhất là văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại khá bền
vững. Chiếc “bình” có thể đã thay mới, nhưng trong chiếc bình ấy vẫn là rượu
cũ. Rượu cần Raglai vẫn đầy chất men say, đầy hương vị của một tộc người đã âm
thầm vượt qua mọi thử thách để lưu giữ vốn văn hóa truyền thống của mình. Nhưng
rõ ràng, mối đe dọa đến sự tồn vong văn hóa truyền thống tộc người trong giai
đoạn này là có thật.
5. Những giá trị văn hoá cần sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn
và phát huy
5.1. Người Raglai vẫn duy trì được chế độ mẫu hệ. Đây là
một trong những rường cột cơ bản để gìn giữ, níu kéo được văn hoá dân tộc
truyền thống Raglai. Hiện nay, người Raglai vẫn giữ được những phong tục gắn
với chế độ mẫu hệ như trong hôn nhân gia đình (tục cưới chồng, ở rể, con theo
họ mẹ), trong quyền thừa kế (con gái út được quyền thừa kế). Tuy nhiên, luật
hôn nhân gia đình là chung cho cả nước. Vì vậy, có nhiều điểm không phù hợp với
văn hoá các dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc vẫn đang duy trì hoặc vẫn
còn một số tập tục của chế độ mẫu hệ. Đặc biệt, một số nghi lễ truyền thống như
đám cưới, đám tang, lễ bỏ mả sau đám tang vẫn duy trì được những phong tục tập
quán truyền thống.
5.2. Ngôn ngữ Raglai là một trong những rường cột để bảo
tồn văn hóa. Nhờ bảo tồn được ngôn ngữ riêng mà người Raglai đang lưu giữ được
kho tàng truyện cổ dân gian, chuyện kể, sử thi, tục ngữ, thành ngữ, câu đố dân
gian hết sức phong phú và đa dạng. Bộ chữ viết Raglai đang được gấp rút hoàn
thành để đưa vào phổ biến và sử dụng là một trong những biện pháp quan trọng để
bảo tồn văn hóa Raglai.
Nhưng, như chúng tôi đã phân tích và cảnh báo nhiều năm
nay, kho tàng văn hoá truyền thống Raglai đang mất đi từng ngày, đòi hỏi các cơ
quan có trách nhiệm phải có kế hoạch trong chương trình mục tiêu điều tra, sưu
tầm văn hoá phi vật thể cấp bách.
5.3. Kho tàng âm nhạc dân gian, hệ thống các bài hát lễ,
hát cúng mang tính shaman giáo cùng với hệ thống nhạc cụ dân gian, dân tộc
Raglai vẫn còn khá phong phú như mã la, cồng chiêng, đàn đá, các loại khèn bầu,
kèn môi, các loại trống, sáo v.v.. Điều đáng lo ngại là những nghệ nhân sản
xuất và biết sử dụng ngày càng ít đi. Lớp trẻ Raglai đã và đang làm quen với âm
nhạc hiện đại, đặc biệt là tiếp cận rất nhanh với những dòng nhạc có tính chất
kích động, có thể là do tính “lửa Tây Nguyên” còn đọng trong tố chất âm nhạc
Raglai, là gen di truyền âm nhạc trong dòng máu tộc người. Những đêm lễ hội bỏ
mả, thay vì đánh mã la, uống rượu cần thì ngày nay, đa số thanh thiếu niên lại
uống rượu đế, nhảy theo nhạc disco.
5.4. Một yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ gìn sắc
thái văn hoá truyền thống Raglai, đó chính là bản tính, đặc tính, những phẩm
chất tốt đẹp như sự chân thành, trung thực, sống có nghĩa tình, cần cù, chịu
thương chịu khó, sống hết mình, một lòng theo Đảng, theo cách mạng của người
Raglai. Ngoài ra, khi đi điền dã, thực địa, tâm sự với người Raglai, chúng tôi
thấy người Raglai có những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, quan niệm cõi sống,
cõi chết, về hồn vía, hồn linh và có một hệ thống thần linh khá phong phú.
Những giá trị văn hoá phi vật thể ấy khó lòng mờ phai trong đời sống tâm linh
người Raglai, cần có những công trình nghiên cứu đầy đủ và nghiêm túc để có thể
hiểu sâu hơn về một tộc người, làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển
kinh tế - xã hội.
[1] Nhiều tác giả. “Văn hóa & xã hội người Raglai ở Việt
Nam”. Nxb KHXH, 1998, tr. 1.
[2] Trong một lần tiếp xúc với GS Tol Goda - Trường Đại học
Kobe – nhân dịp đến Việt Nam nghiên cứu về sự biến đổi xã hội truyền thống
Raglai ở Ninh Thuận, GS chưa nhất trí với luận cứ nói trên, vì có thể hình
thuyền trên Kagor trên nhà mồ trong lễ bỏ mả có thể chỉ là biểu tượng của mặt
trăng.
[3] Nguyễn
Tuấn Triết: Người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H, 1991, tr
28,29,30,37.
[4] Phan Xuân
Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyên, Nguyễn Văn Huệ, Văn hóa Xã hội
người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1998.
[5] Theo
chúng tôi, đây cũng vẫn chỉ là những giả thiết.
[6] Một loại giỏ được đan bằng mây, nơi cất giữ những đồ quý
giá, gia truyền của gia đình, tộc họ, thường được treo nơi trang trọng.
[7] Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tại
tỉnh Ninh Thuận cũng lấy quốc lộ 27 để phân chia địa giới hành chính các huyện
Bác Ái, Anh Dũng, Bác Ái đông và Bác Ái tây.
[8] Số
liệu trên do nhóm điều tra văn hóa thống kê năm 2003. Đến nay, dân số trên địa
bàn huyện Bác Ái đã biến động nhiều, nhất là sau khi tái lập huyện Bác ái và
hoàn thành con đường quốc lộ 27B. Theo số liệu chúng tôi nắm được, dân số huyện
Bác sí đến tháng 6/2006 đã tăng lên 21.290 người. Số hộ các dân tộc khác lên
trung tâm huyện ngày càng nhiều.
Chương II
VĂN HÓA LÀNG, TỘC HỌ VÀ GIA ĐÌNH
1. Văn hóa làng
Để điều tra,
nghiên cứu về một tộc người, phương pháp thường được áp dụng là nghiên cứu văn
hóa tộc họ, văn hóa gia đình và văn hóa làng (palơi). Đó là mối quan hệ xã hội
được hình thành từ xa xưa và là mối dây liên kết giữa người với người, hình
thành nên phong tục tập quán, lễ hội và các hình thức văn hóa cộng đồng khác.
Do nhiều nguyên nhân, đặc điểm văn hóa palơi của người Raglai ở Ninh Thuận khác
với văn hóa palơi của các dân tộc trong cùng nhóm ngữ hệ, khác với văn hóa
buôn, làng các dân tộc thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Người Raglai không có nhà
rông, nhà gươl mà chỉ có nhà sàn (sàk), người Raglai không có “già làng” mà chỉ
có tộc trưởng. Thay thế cho vai trò “già làng” là những người tộc trưởng (nữ)
có uy tín trong một nhóm cộng đồng dân cư.
Hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều cách phiên âm chữ palơi (làng, buôn) trong
các tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo ở Việt Nam: palây, palei, palay, palơi.
Cách phiên âm chữ này của 2 công trình chữ viết Raglai của Khánh Hòa và Ninh
Thuận đều là Palơi.
Ngày xưa, người Raglai sống du canh, du cư. Để tiện cho
việc canh tác nương rẫy nên rẫy ở đâu, người ở đó. Người Raglai dựng nhà sàn
gần những khu rẫy chính, nhiều khi chỉ vài chục gia đình hình thành nên chòm,
xóm (bur), những bur lớn thì gọi là palơi. Mối quan hệ của các thành viên trong
bur hay palơi chi phối bởi dòng tộc. Từ đây hình thành nên văn hóa cộng đồng
palơi, hình thành nên văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội và kho
tàng văn hóa phi vật thể của cả dân tộc còn tồn tại đến ngày nay.
So với vài
chục năm trước, văn hóa palơi của người Raglai đã có nhiều biến đổi. Hơn nửa
thế kỷ qua, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một số
làng Raglai đã phải trải qua quá trình dồn dân lập ấp, thành lập những khu trù
mật của Mỹ, nguỵ như vùng Tầm Ngân, (huyện Ninh Sơn), Tà Dương (huyện Ninh
Phước), vùng Bà Râu (huyện Ninh Hải). Ở một số vùng, không chịu bị dồn ép, bà
con Raglai đã xé lẻ palơi thành ra nhiều chòm dân cư để thuận lợi cho việc vừa
sản xuất, vừa kháng chiến. Vì vậy, các nhóm cư dân luôn bị biến động, xáo trộn,
làm cho văn hóa palơi của người Raglai cũng chịu nhiều ảnh hưởng, mất dần đi
văn hóa cộng đồng truyền thống.
Những năm
gần đây, quá trình thực hiện chính sách định canh định cư cũng ít nhiều làm ảnh
hưởng đến văn hóa cộng đồng palơi. Sự phân cấp hành chính thôn và xã đã dần
thay thế cho khái niệm văn hóa palơi, bur. Một xã bây giờ có nhiều thôn mới.
Mỗi thôn mới là sự hợp nhất của nhiều “mảnh vỡ” của văn hóa palơi xưa kia, hầu
hết các palơi hay bur đều mang những danh từ chung mới là thôn, xóm như xóm
Mới, xóm Ú, thôn Maty v.v…Ví dụ: palơi Yo biến thành xóm Mới, Patơu Klâu boh
gọi là thôn “Đá ba cái” v.v…
Hiện nay, nếu so sánh một “thôn” mới với một “palơi” xưa
đã có nhiều khác biệt, nhất là với ý nghĩa văn hóa. Từ “palơi” vẫn còn nhưng
không còn mang ý nghĩa là “làng” truyền thống Raglai xưa kia và nó không còn
giữ đúng vị trí là cơ sở trong việc bảo tồn nét văn hóa cộng đồng truyền thống
nữa. Qua quá trình điền dã, nghiên cứu, chúng tôi thấy cơ sở để lưu giữ văn hóa
cộng đồng truyền thống của người Raglai chính là văn hóa dòng họ và chế độ mẫu
hệ. Vì vậy, dù văn hóa “palơi” truyền thống đã có nhiều biến đổi về hình thức,
nhưng trong những thôn mới, sự gắn kết cộng đồng cổ truyền vẫn là văn hóa dòng
họ. Có thể thấy rằng, sự gắn kết cộng đồng thông qua mối quan hệ dòng họ thể
hiện bằng trật tự trên dưới, sự “chỉ huy, phục tùng” của thế hệ trước đối với
thế hệ sau theo các quy định của chế độ mẫu hệ. Những mối quan hệ đó lại được
gắn kết, bổ sung thường xuyên thông qua các hình thức nghi lễ, lễ hội truyền
thống.
Theo sự phân chia hành chính mới năm 2004, toàn tỉnh Ninh
Thuận có 04 huyện, 24 xã, 78 thôn có người Raglai sinh sống. Hầu hết ở các thôn
này là người Raglai, tỷ lệ người Raglai chiếm 98%[1].
Bảng
A6. Số thôn Raglai ở Ninh Thuận (24 xã, 78 thôn)
Đơn
vị tính: Người
Bảng biểu A8: Số thôn huyện Ninh Sơn (6
xã, 15 thôn)
Đơn vị tính: Người
Bảng biểu
A9: Số thôn ở huyện Ninh Hải (6 xã, 22 thôn)
Đơn vị tính:
Người
Bảng biểu A10: Số thôn huyện Ninh Phước (3 xã, 8 thôn)
Đơn vị tính: Người
2. Văn hóa tộc họ
Qua quá trình điền dã ở vùng Ninh Thuận, người Raglai có hai cách gọi “tộc
họ” chủ yếu. Một là pơtìa (pơtian, pơtiắt), có nghĩa là “bụng”, “ruột thịt”.
Hai là “gậu” (gầuq), theo ngôn ngữ Malyo – Polinedi có nghĩa là cùng “một
bụng”, người Chăm gọi là “ghôn, gút”. Người cùng một tộc họ, người Raglai gọi
là “gầup patiat” (họ hàng).
Hiện nay, khi đến vùng đồng bào
Raglai ở Ninh Thuận, chúng tôi gặp nhiều dòng họ có tên gọi khác nhau. Nhiều
nhất là các họ: Pi năng, Chamaleq, Katơr, Pupor, Patau asah, Tạ Yên, Cau, Cao,
Đá mài, Bobo, Mấu, Mạo, Mang v.v…Trong các họ trên, chỉ có các họ Pi năng,
Katơr, Chamaleq, Pupor, Patau asah là những tên gọi dòng họ “gốc” xa xưa của người
Raglai. Còn những họ khác đều bị ảnh hưởng theo sự giải nghĩa của tiếng Việt,
dần dần thành tên gọi chính thức của dòng họ (đăng ký hộ khẩu, khai lí lịch).
Ví dụ: họ Cau là từ Pi năng mà ra vì “cau” là “Pi năng – tiếng Raglai” dịch ra
tiếng Việt, Katơr là “bo bo” (một loại cây lương thực), họ Mấu, họ Mạo là từ
Chamaleq (dây máu - một loại dây rừng có nước đỏ như máu), Pupor có nghĩa là
“tro bếp”, Patau asah có nghĩa là “đá mài” (họ Đá mài), họ Tạ Yên là từ chữ Ta
- ing mà ra v.v…
Tất cả các họ trên đây của người
Raglai đều xuất phát từ những truyền thuyết, ngày nay còn lưu truyền ở tất cả
các vùng đồng bào Raglai ở Nam Trung Bộ.
2.1. Truyền thuyết về nguồn gốc các tộc họ
Truyện kể rằng: Sau một trận lũ lụt khủng khiếp, mọi người đều chết hết,
chỉ còn lại hai anh em nhà nọ nhờ trốn được vào trong một cái trống nên sống
sót. Hai đứa trẻ này được ông Misiriq và bà Pila cứu sống và nuôi dưỡng. Hai
ông bà còn tổ chức lễ cúng hiến tế cầu trời xin cho hai người được lấy nhau.
Con cái họ sinh ra đều mang cùng một họ. Con đàn cháu đống sinh ra ngày một
nhiều và đều cùng mang một họ. Nếu cứ như thế mãi thì người trong cùng một họ
lại lấy nhau. Thần sẽ trừng phạt, gây nắng nóng, khô hạn, mất mùa, dịch bệnh và
đói kém. Sống trong tâm trạng lo lắng đó, ai cũng sợ nhưng không biết làm sao.
Một hôm, nhân vị thần Sấm Sét (Karăm) đi vắng. Do sự tò mò, hai đứa cháu của vị
thần Sấm Sét đã tạo ra dông tố và một trận sấm chớp kinh hoàng. Mọi người hoảng
loạn lo tìm nơi lẩn trốn. Khi thần Sấm Sét trở về liền làm cho trời quang mây
tạnh, tìm mãi không thấy người nào cả, bèn gọi, hỏi mọi người đang trốn ở đâu?
Người thì báo là đang trốn ở trong bếp, người dính đầy tro bếp (Pupor), người
thì báo là chui ở bụi cây dây máu (Chamaleq), người thì báo là trốn dưới gốc
cây cau (Pi năng), người thì trốn trong hốc đá (Patau asah), người thì báo trốn
ở bụi bo bo (Katơr). Thấy vậy, thần Karăm mới phán rằng: Các người chỉ có một
họ, đáng bị trừng phạt. Kể từ nay, ai đã trốn ở nơi nào thì lấy tên ở nơi đó
làm họ của mình. Những người trong cùng một họ từ nay không được lấy nhau nữa,
nếu không sẽ bị trừng phạt nặng nề. Từ đó, con đàn cháu đống của hai anh em
thoát chết trong trận hồng thuỷ kia đã được chia ra nhiều dòng họ. Những người
chui vào tro bếp thì lấy họ Pupor (tro bếp), những người chui trong bụi dây máu
thì lấy họ Chamaleq, những người chui trong bụi bo bo thì lấy họ Katơr, chui
trong hốc đá mài lấy họ Patau asah (đá mài), người trốn ở gốc cây cau mang họ
Pi năng.
Truyền thuyết trên đây hiện còn phổ biến khắp vùng đồng bào Raglai và ai
cũng có thể kể lại được. Hiện nay chỉ có vùng người Raglai ở Khánh Vĩnh và
Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà là còn giữ đúng tên gọi (họ) theo tiếng Raglai, còn ở
vùng Ninh Thuận có xu thế Việt hóa nghĩa của từ “họ”. Đã có những tên gọi dòng
họ được dịch nghĩa ra tiếng Việt như Mấu (Chamaleq - dâu máu , gọi chệch thành
họ Mấu), Cao (Pi năng - cau, gọi chệch thành họ Cao), Bo bo (pupor), Đá mài
(Patau asah), Ia Meo thành Mạo v.v.... Điều khá thú vị là ở vùng người Raglai
Ninh Thuận, vừa tồn tại tên gọi họ theo tiếng Raglai, vừa tồn tại họ theo tiếng
Việt (đồng nghĩa). Ví dụ: vừa có bà Mấu Thị Bích Phanh – nguyên phó chủ tịch
UBND huyện Bác Ái, vừa có anh Chamaleq Tiếp, bí thư huyện uỷ Bác Ái; vừa có anh
Cao Phai, phó chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, vừa có anh hùng LLVT Pi năng Tắc,
Pi năng Thạnh, vừa có anh Katơr Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái, vừa có anh
Bo bo Ngấm, phụ trách làng văn hoá Phước Thành v.v…Có hiện tượng này, vì ở vùng
Khánh Hoà, người Raglai ít có dịp giao lưu với văn hóa người Việt hơn ở vùng Ninh
- Bình Thuận. Có vùng, cả palơi đều bỏ họ cũ, dùng những họ mới như họ Mang, họ
Da.
Ở vùng Ma nới, huyện Ninh Sơn có sự liên quan tên các địa danh với tên các
tộc họ như Uk – Dalâm, Kamau, Ya lũk, Ya Tuk…Năm 2002, khi đi thực hiện công
trình, nhóm nghiên cứu đã được một bà tộc trưởng Paxây Thị Cai (67 tuổi - bị
khiếm thị), ở thôn Uk Dalâm, người đang giữ một tảng quặng sắt – là báu vật của
dòng họ sắt (Paxây) - kể về nguồn gốc của họ Paxây. Người Raglai mang họ Sắt là
do chính tổ tiên của dòng họ đã tìm ra sắt. Ở vùng này, người mang họ sắt
(Paxây) không được lấy người mang họ Patau asah. Theo lời kể của ông Patau asah
Joai thì ngày xưa, xưa lắm rồi, ở một chân núi nọ, có một chàng trai giỏi
giang, may mắn lấy được hai chị em một nhà kia. Hai chị em đều rất xinh đẹp,
nhưng cô em có phần xinh đẹp hơn. Hồi đó người Raglai chưa có họ, chỉ có tên.
Tình cờ trong lúc đào bới ở rẫy, chàng trai nọ lấy được nhiều tảng quặng sắt,
đem về nung thử và nhờ sự tài giỏi, chàng đã làm ra được nhiều công cụ bằng sắt
như dao, rựa, ní, rìu v.v…cho bà con trong vùng sản xuất nương rẫy. Tin đồn bay
xa, nhiều người ở các vùng khác tìm đến, đổi trâu, đổi bò, heo lấy sắt. Trong
số đó có một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú. Chàng trai này phải lòng cô em. Dần
dần hai người có tình ý với nhau và muốn lập gia đình một cách vụng trộm. Một
đêm, không biết cô em vô tình hay cố ý, đã mang theo một tảng đá mài rìu, trốn
đi với chàng trai nọ. Họ về làng của chàng trai, nhưng do bị dân làng phản đối,
họ không được sống ở làng mà phải đưa nhau ra ở một triền núi khác, không được
làng chia rẫy để làm ăn. Nhờ mua được quặng sắt, lại sẵn có tảng đá mài mang
theo, hai người làm ra được nhiều công cụ lao động và khai khẩn rẫy mới. Chẳng
bao lâu, họ trở nên có nhiều lúa bắp. Dân làng tìm đến mua dao, rựa, ní. Họ vui
vẻ giúp đỡ. Thấy hai người ăn ở hiền lành, lại có công với làng nên dân làng
xóa đi những lỗi lầm của họ và cho họ được giao tiếp với bà con trong làng. Ở
làng cũ phía bên kia núi, hai vợ chồng người chị làm ăn cũng phát đạt, họ sinh
con đẻ cái đều đặt cho họ Paxây (sắt) để nhớ ơn các yà (thần linh) đã cho họ
tìm ra sắt. Phía bên này núi, hai vợ chồng người em cũng làm ăn phát đạt, sinh
con cháu đầy đàn. Và để nhớ ngày trốn anh, trốn chị, bỏ làng ra đi có mang theo
tảng đá mài, họ liền lấy Đá mài (Patau Asah) đặt họ cho con cháu. Hai họ ở hai
triền núi ngày càng đông, tuy mang tên gọi họ khác nhau nhưng vì gốc rễ là hai
chị em ruột, vì vậy, cho đến bây giờ, hai họ Paxây và Patau Asah không được lấy
nhau[2].
2.2. Sự phân bố các tộc họ
Qua điều tra, tên gọi tộc họ và sự phân bố tộc họ của người Raglai đã có
biến đổi rất nhiều. Đa phần những họ gốc của còn tập trung chủ yếu ở vùng
Raglai bắc, càng về phía nam, sự biến đổi tộc họ càng rõ nét, thể hiện qua các
bảng thống kê (xin xem các bảng điều tra, thống kê từ B1 đến B8 về sự phân bố
các dòng họ ở các thôn, xã)).
Qua các bảng thống kê về các dòng họ Raglai dưới đây, có thể thấy ở phía
Raglai bắc (huyện Bác Ái và huyện Ninh Hải) tỷ lệ các dòng họ Chamaleq, Pi
năng, Katơr, Patau asah, Pupur rất cao, hầu như làng nào cũng còn những dòng họ
này.
2.2.1. Phân bố tộc họ ở huyện Bác Ái
Qua bảng thống kê B1, dòng họ ở 33 thôn thuộc 9 xã của huyện Bác Ái được
phân bố từ cao xuống thấp như sau:
Họ Chamaleq có ở 30 thôn, 9 xã
Họ Katơr có ở 28 thôn, 9 xã
Họ Pi năng có ở 27 thôn, 9 xã
Họ Pupur có ở 17 thôn, 8 xã
Họ Patau asha có ở 15 thôn, 8 xã
Họ Kaza có ở 9 thôn, 4 xã
Còn lại các họ như Bilao: 5 thôn, 4 xã; Họ Adơk: 3 thôn, 3 xã; Họ Tà yên: 2
thôn, 2 xã; Họ Pulăk và họ Harik, mỗi họ chỉ có ở 1 thôn.
2.2.2 Phân bố tộc họ ở huyện Ninh Sơn
Qua bảng thống kê B2, dòng họ ở 6 xã, 15 thôn huyện Ninh Sơn được phân bố
như sau:
Họ Chamaleq có ở 2 thôn thuộc 1 xã Ma Nới
Họ Katơr có ở 3 thôn thuộc 1 xã Ma Nới
Họ Pi năng có ở 3 thôn thuộc 1 xã Ma nới
Họ Pupur có ở 3 thôn thuộc 1 xã Ma Nới
Họ Patau asha có ở 4 thôn, 3 xã (Ma Nới, Lâm Sơn, Mỹ Sơn
Họ Kaza có ở 1 thôn thuộc xã Ma Nới
Còn lại các họ như Mang có ở 2 thôn thuộc xã Nhơn Sơn, Họ
Kamau, Kaho có ở thôn Kamau (Tànôi) thuộc xã Ma Nới. Ngoài ra ở huyện Ninh Sơn
có các họ rất ít như họ Ia U ở thôn Tầm Ngân xã Lâm Sơn, thôn Trà Giang thuộc
xã Lương Sơn, họ Mahi, Tathia và Pari nhong, Bà râu ở xã Ma Nới. Nhìn chung,
các dòng họ xa xưa của người Raglai tập trung nhiều ở xã Ma Nới. Đây cũng là xã
có các thôn còn lưu giữ được nhiều kho tàng văn hóa truyền thống Raglai.
Bảng B2 - THỐNG KÊ CÁC TỘC HỌ
HUYỆN NINH SƠN
Huyện: Ninh Sơn, 6 xã, 15 thôn
2.2.3 Phân bố tộc họ ở huyện Ninh Hải
Qua bảng thống kê B3, dòng họ ở 6 xã, 22 thôn ở huyện
Ninh Hải được phân bố như sau:
Họ Chamaleq có ở 17 thôn, 5 xã
Họ Pi năng có ở 15 thôn, 5 xã
Họ Katơr có ở 13 thôn, 4 xã
Họ Pupur có ở 7 thôn, 3 xã
Họ Patau asha có ở 13 thôn, 4 xã
Họ Kaza có ở 2 thôn, 2 xã
Một số họ như họ Mang tập trnng ở thôn Xóm Bằng, xã
Phương Hải, họ Tala ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, họ Chơrao ở thôn Ba Râu 1,
Bà Râu 2 xã Lợi Hải, họ Taing (Tà yên) ở thôn Suối Đá, Lợi Hải.
Bảng B3 - THỐNG KÊ CÁC TỘC HỌ HUYỆN NINH HẢI
Huyện: Ninh Hải, 6 xã, 22 thôn
2.2.4 Phân bố tộc họ ở huyện Ninh Phước
Qua bảng thống kê B4, ở huyện Ninh Phước chỉ có 8 thôn
Raglai thuộc 3 xã. Trong đó tập trung dòng họ truyền thống ở xã Phước Hà, chủ
yếu là họ Tà Yên và Chamaleq. Họ Tà Yên ở thôn Là A và Trà Nô, họ Chamaleq ở
thôn Rồ Ôn.
Người Raglai ở xã Phước Sơn chủ yếu mang họ Mang, ở thôn
Tà Dương xã Phước Thái có họ Pimong. Ngoài ra còn có những dòng họ như Bà Râu,
Ba Rắc ở thôn Giá, Ta thia ở thôn Rồ Ôn, họ Trà Văn ở thôn Trà Nô đều ở xã
Phước Hà.
Bảng B4 - THỐNG KÊ CÁC TỘC HỌ
HUYỆN NINH PHƯỚC
Huyện: Ninh Phước, 3 xã, 8 thôn
Qua phân
tích các bảng thống kê các dòng họ Raglai trên toàn tỉnh, có thể thấy: hầu hết
ở 9 xã thuộc huyện Bác ái đều có họ Chamaleq, Pi năng và Katơr. Ngoài 3 dòng họ
trên, dòng họ Patau asah tập trung nhiều ở các thôn Suối Khô, Suối Rớ, Núi Rây
thuộc xã Phước Chính, ở thôn Chà Panh, Tà Lọt thuộc xã Phước Hoà, thôn Suối
Rua, Đá Bàn, Trà Co I, Trà Co II thuộc xã Phước Tiến, thôn Suối Lở, Ma Nai
thuộc xã Phước Thành, thôn Ma Oai, Hala Hạ, xã Phước Thắng và thôn Rã Giữa
thuộc Phước Trung. Dòng họ Pupur tập trung nhiều ở các thôn Bạc Ray I, Bạc Ray
II, Hành Rạc I, Hành Rạc II thuộc xã Phước Bình, ở thôn Suối Rớ, Núi Rây thuộc
xã Phước Chính, thôn Chà Panh, Tà lọt của xã Phước Hoà v.v... Dòng họ Kazá có ở
các thôn Suối Khô, Suối Rớ, Núi Rây của xã Phước Chính, thôn Tà Lú của xã Phước
Đại, thôn Trà Co I, Trà Co II xã Phước Tiến; ở thôn Ma Oai, Hala Hạ xã Phước
Thắng; thôn Tham Dú, xã Phước Trung.
Ở Huyện Ninh Hải, cũng như ở Bác Ái, 5 xã có người Raglai
đều mang 5 dòng họ chính là Chamaleq, Pi năng, Katơr, Patau asah, Pupur (có hầu
hết ở 22 thôn của 5 xã). Ngoài ra còn có một số họ như Kazá ở thôn Đá Liệt, xã
Phước Kháng, thôn Bà Râu I, xã Lợi Hải, họ Ia Mưsik ở thôn Bà Râu I, II và thôn
Ấn Đạt, xã Lợi Hải, họ Ta La ở thôn Kiền Kiền II (xem bảng thống kê B3 và B7).
Ngược lại, ở các xã Raglai nam (huyện Ninh Sơn và huyện
Ninh Phước) tỉ lệ 5 dòng họ chính rất thấp (trừ xã Manới - huyện Ninh Sơn).
Ở huyện Ninh Sơn, họ Chamaleq chủ yếu ở thôn xóm Mới và
thôn Hà Dài, xã Ma Nới; họ Pi năng và Katơr ở thôn Gia Hoa, xóm Mới, Hà Dài, xã
Ma Nới; họ Patau asah ở thôn Tân Bình, thôn Gòn ở xã Lâm Sơn, xóm Ú, Ma Nới và
thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn; họ Mang ở thôn Đắc Nhơn và Lương Cang, xã Nhơn Sơn, họ
PariNhong ở xóm Ú và Kamau, xã Ma nới v.v…
Ở Huyện Ninh Phước, họ Chamaleq chỉ còn ở thôn Rồ Ôn, xã
Phước Hà; họ Patau asah chỉ còn ở thôn Giá, còn lại chủ yếu là họ Tà Yên (Ta
ing) ở các thôn Là A và Trà Nô. Ở xã Phước Sơn và Phước Vinh, người Raglai tập
trung ở các thôn Phước Thiện, Ninh Quý và Liên Sơn và chủ yếu là họ Mang v.v…
Như vậy, càng về phía nam, các dòng họ truyền thống
Raglai càng có chiều hướng biến đổi. Ở hai huyện Ninh Sơn và Ninh Phước, những
dòng họ truyền thống chỉ còn tập trung chủ yếu ở hai xã: xã Ma Nới, huyện Ninh
Sơn và xã Phước Hà, huyện Ninh Phước.
Vấn đề sự biến đổi và phân bố các tộc họ Raglai diễn ra
cùng quá trình di dân (chủ yếu là thiên nam), quá trình dồn dân lập ấp của chế
độ cũ và quá trình kết hôn giữa các vùng, các tộc họ. Sự không thống nhất giữa
các vùng, các dòng họ về việc con lấy họ cha hay họ mẹ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến
sự biến đổi tộc họ người Raglai
3.Văn hóa gia đình
3.1. Cơ cấu gia đình truyền thống
Gia đình là cơ sở, là tế bào trong mọi xã hội. Văn hóa
gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ gìn phong tục tập quán,
truyền thống văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc. Gia đình là nơi vừa lưu
giữ, vừa truyền dạy văn hóa tộc người cho các thế hệ. Các nhà nghiên cứu văn
hóa dân tộc thường lấy văn hóa gia đình làm tâm điểm nghiên cứu, bởi cấu trúc
gia đình, hôn nhân, sự thừa kế, mối quan hệ huyết thống v.v…phản ánh khá đầy đủ
văn hóa tộc người.
Dân tộc Raglai cũng như các dân tộc thiểu số khác, có
những đặc trưng riêng về văn hóa gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công
trình chuyên khảo sâu nào về văn hóa gia đình Raglai, mới chỉ có một vài công
trình nêu khái quát về hôn nhân, gia đình Raglai như TS Nguyễn Tuấn Triết với
công trình “Người Raglai ở Việt Nam”; Tập thể tác giả của Viện Khoa học xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh[3]
(Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ) với
công trình “Văn hóa & Xã hội người Raglai ở Việt Nam”. Trong những công
trình này, các tác giả đã nêu một số nét về vấn đề hôn nhân, gia đình Raglai
nhưng chưa đi sâu nghiên cứu như một công trình khoa học chuyên biệt.
Với một công trình mang tính chất điều tra, thống kê thực
trạng văn hóa truyền thống Raglai, chúng tôi không có tham vọng đi sâu nghiên
cứu về văn hóa gia đình Raglai mà chỉ dừng ở mức độ “điều tra”, phản ánh những
nét chính của văn hóa gia đình, nhằm mục đích gợi mở các vấn đề cần nghiên cứu
sâu hơn về đề tài này.
Bao trùm lên văn hóa gia đình của tộc người Raglai là sự
chi phối của chế độ mẫu hệ. Cũng như các dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ Malayo - Polinésien khác ở Việt Nam, người Raglai duy trì khá bền vững mô
hình gia đình mẫu hệ (đại gia đình và tiểu gia đình)[4].
Đặc điểm này chi phối đậm nét văn hóa gia đình tộc người Raglai từ quy mô, cấu
trúc nhà ở, vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân và gia đình, vấn đề luật
tục, thừa kế v.v…
Với truyền thống sinh sống du canh du cư, các gia đình
Raglai quần tụ trong những palơi ở những triền núi cao (cách 500 - 600m so với
mặt biển), phát nương làm rẫy vài vụ lại chuyển sang nơi khác. Tuy vậy, các
palơi Raglai được xây dựng tương đối ổn định, chỉ có nương rẫy là du canh. Trong
mỗi palơi có một vài tộc họ sinh sống. Có thể phân chia gia đình Raglai làm hai
loại: Gia đình lớn và gia đình nhỏ. Gia đình lớn là gia đình có nhiều thế hệ
cùng sinh sống trong một chiếc nhà sàn dài (Boh sang, Pơh boh). Ở đó, người có
quyền hành quyết định là người phụ nữ lớn tuổi nhất (muk sang, muk akor găup -
trưởng tộc). Theo tư liệu điều tra của chúng tôi, ở tiểu vùng Raglai bắc (phía
bắc đường quốc lộ 27b - thuộc huyện Bác Ái), nhà sàn dài xưa kia không ngăn
thành những buồng riêng mà chỉ có những ranh giới ước lệ. Còn ở phía Raglai nam
(phía nam đường quốc lộ 27, thuộc các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước), còn một số
nhà sàn dài (sang tah) được ngăn thành từng buồng riêng cho từng gia đình nhỏ
(gia đình các chị em gái hay còn gọi là gia đình tế bào, số buồng thể hiện số
gia đình nhỏ, số lượng chị em gái đã xây dựng gia đình). Nhà sàn dài được chia
ra làm nhiều ngăn với nhiều gia đình tế bào cùng sinh sống là mô hình gia đình
truyền thống của các tộc người cùng nhóm ngôn ngữ Nam Đảo hiện đang sinh sống ở
các vùng miền núi các tỉnh miền Trung, Tây nguyên như Gia Rai, Ê đê. Tuy nhiên,
mô hình gia đình lớn của người Raglai không hoàn toàn giống như nhà sàn dài của
người Ê Đê mà từ một nhà sàn nhỏ (pơh sataq), mỗi người con gái khi cưới chồng
về lại “nối” thêm một gian, dần dần, nhà sàn đó cứ dài mãi ra, nhìn ngoài như
một nhà sàn dài nhưng thực chất đó là những nhà sàn nhỏ dính liền nhau của
nhiều hộ gia đình nhỏ trong một gia đình mẫu hệ lớn.
Đa số trong mỗi nhà sàn nhỏ đều có một ngăn dùng để làm
bếp, xung quanh bếp thường có các ché rượu cần, treo các công cụ lao động, săn
bắn như cuốc, vá, ná v.v... Một góc khác được treo các bộ mã la, chiêng, trống,
khèn bầu. Phía trên bếp có một giàn tre, các sản vật thu hoạch được như bắp,
thịt khô đều được treo hoặc để trên đó, với khói và bồ hóng, những sản vật đó
được bảo quản tốt hơn. Trong mỗi gia đình Raglai, những công cụ sản xuất nhỏ
như gùi, ná, vá v.v… được coi là tài sản cá nhân từng gia đình, có trách nhiệm
mua sắm, sử dụng và bảo quản. Còn những đồ vật lớn và có giá trị như ché, chum,
vại, mã la, chiêng, trống v.v…là tài sản chung của các gia đình sống trong nhà
sàn dài đó. Những bộ mã la (thường là 4, 6, 9 hoặc 12 chiếc), trống, chiêng là
những tài sản một mặt có giá trị cao, một mặt theo người Raglai là có chứa đựng
những yếu tố thiêng. Vì vậy, mỗi khi sử dụng đều phải được người có quyền hành
cao nhất (muk sang) đồng ý và phải làm lễ cúng mới được lấy xuống.
Về sản xuất, gia đình lớn thường có chung một khu rẫy
canh tác, trong đó mỗi gia đình nhỏ có một khu đất riêng. Cũng có khi mỗi gia
đình nhỏ (gia đình tế bào) có những rẫy riêng tuỳ theo điều kiện của từng khu
vực rẫy. Ở các rẫy của gia đình nhỏ đều có chòi rẫy (pơh sataq) và các nhà sàn
nhỏ làm kho (sang tông) chứa các sản vật thu hoạch được như lúa, bắp v.v…Qua
khảo sát ở một số gia đình, quan niệm chung, riêng trong các gia đình nhỏ trong
một gia đình lớn không rõ ràng, đa phần là dùng chung, khi hết lúa bắp, những
cặp vợ chồng trong một gia đình có thể lấy lúa bắp của các cặp vợ chồng anh chị
em hay của cha mẹ để ăn một cách tự nhiên.
3.2. Cơ cấu gia
đình hiện nay
Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhất là trong quá
trình định canh định cư, đã thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội
vùng đồng bào Raglai. Nhưng bên cạnh đó, song hành với sự phát triển, những nét
văn hóa gia đình truyền thống cũng ít nhiều bị mai một.
Ngày nay, loại nhà sàn dài đã và đang dần mất đi. Ở các
palơi chỉ còn rải rác những chiếc nhà sàn nhỏ bốn mái, thậm chí rất nhỏ. Hiện
nay, đa số các gia đình Raglai đều đã làm nhà trệt, xây gạch hoặc trát tường
đất, mái lợp tôn hoặc lợp tranh và chia thành các gia đình nhỏ. Đó chính là
nguyên nhân thay đổi về quy mô cơ cấu của văn hóa gia đình Raglai.
Tuy nhiên, dù quy mô cấu trúc có thay đổi, nhưng truyền
thống mẫu hệ và các truyền thống dân tộc, phong tục tập quán trong gia đình
Raglai về cơ bản vẫn giữ được những yếu tố truyền thống. Dù trong gia đình lớn
hay nhỏ, người có quyền quyết định trong việc giải quyết các vấn đề trong gia
đình, thậm chí của tộc họ, vẫn thuộc về người phụ nữ. Trong gia đình, người phụ
nữ lớn tuổi nhất giữ quyền tối cao, thường là bà nội hoặc mẹ (ngoại theo cách
gọi của người Việt), trong một tộc họ, người phụ nữ lớn tuổi nhất và có vai vế
lớn nhất là bà trưởng tộc (Akok găup) có quyền quyết định những công việc chung
của tộc họ và của các chi họ như các nghi lễ truyền thống của dòng họ, thậm chí
những nghi lễ của cộng đồng palơi. Tuy nhiên, do phân công lao động, những công
việc nặng nhọc đều do người đàn ông đảm trách, phụ nữ lo sinh nở và chăm lo giáo
dục con cái, trỉa hạt, nhổ cỏ, chăn nuôi và các công việc bếp núc, nội trợ. Tuy
người phụ nữ có vai trò quyết định trong gia đình, nhưng khi giải quyết các
việc lớn đều hỏi ý kiến của anh cả hoặc em trai của mình mặc dù những người này
có thể đã theo làm rể bên nhà vợ. Vì vậy, mặc dù theo chế độ mẫu hệ, nhưng
những người cậu (anh trai hoặc em trai)[5]
giữ một vai trò quan trọng. Những nghi lễ lớn của tộc họ hoặc của gia đình, mặc
dù do người phụ nữ quyết định, nhưng thường phải do người anh trai cả chỉ huy
và là người nắm rõ các phong tục tập quán, các quy tắc, quy trình của các nghi
thức hành lễ và cũng là người cùng với thầy cúng, có khi là trực tiếp cúng khấn
thần linh trong các nghi lễ.
Trước đây, theo
các tác giả nghiên cứu về tộc người Raglai, người Raglai sống theo cấu trúc gia
đình lớn (nhiều thế hệ và các cặp vợ chồng, con cái cháu chắt đều sống trong
một nhà sàn dài giống như người Giarai và Ê Đê - cùng nhóm ngữ hệ), con cái
sinh ra đều lấy họ mẹ và tuân thủ mọi nguyên tắc của chế độ mẫu hệ. Người con
gái, đa số là con gái út được hưởng quyền thừa kế[6]
3.3. Vấn đề hôn nhân
3.3.1. Một vài quy định trong hôn nhân
Hôn nhân của
người Raglai tuân thủ theo chế độ mẫu hệ và từ xa xưa đã được điều chỉnh bằng
luật tục và tín ngưỡng. Người Raglai cho đến nay vẫn duy trì ngoại hôn theo
dòng họ mẹ. Người cùng huyết thống, tính theo dòng họ mẹ dù xa mấy đời cũng
không được kết hôn. Xã hội Raglai ngày nay vẫn tự giác tuân thủ khá nghiêm ngặt
những quy định từ xa xưa. Những người thuộc một họ hoặc nhánh họ (cùng nhánh họ
Chamaleq hay cùng nhánh họ Pupor, Katơr, Pi năng v.v…) không được lấy nhau. Nếu
lấy thì bị khép vào tội loạn luân, là tội nặng nhất (arih) và phải chịu hình
phạt nghiêm khắc và theo quan niệm của người Raglai, nếu một người trong họ
hoặc trong palơi vị phạm arih, sẽ bị yàng trừng phạt nặng nề, gây nên các tai
họa như hạn hán, mất mùa, dịch bệnh. Muốn tránh bị trừng phạt, gia đình phải
làm một lễ cúng và phải nộp heo trắng hoặc gà trắng. Theo các cụ già kể, trước
kia, nếu ai phạm tội loạn luân, bị phạt úp mặt xuống đá, đánh bằng roi rất nặng
lên mông, lưng, bắp chân trước sự chứng kiến của dân làng. Nếu tái diễn sẽ bị
đuổi khỏi làng. Có vùng, người phạm tội loạn luân, khi bị bắt cả đôi trai gái
phải vào chuồng heo và vục miệng xuống ăn cám heo, vì cho rằng chỉ có loài súc
vật như con heo, con chó mới quan hệ tình dục bừa bãi. Người Raglai rất sợ khi
trong tộc họ hoặc trong palơi có người phạm tội loạn luân, vì sẽ bị yàng trừng
phạt cả cộng đồng.
Tuy luật tục quy định như vậy, nhưng trong thực tế ít có
trường hợp nào xảy ra vì việc duy trì ngoại hôn dòng họ được thực hiện nghiêm
ngặt. Một phần là do giữ gìn thanh danh truyền thống tộc họ, một phần vì sợ bị
thần linh trừng phạt. Khi đi điền dã ở các thôn Ma hoa, Phước Đại, hỏi về việc
người Raglai có hay vi phạm tội loạn luân hay không? Chúng tôi đều được trả lời
là không. Thậm chí việc quan hệ tình dục lung tung của những đôi trai gái khác
dòng họ tiền hôn nhân, khi chưa cưới cũng hiếm xảy ra. Nếu có thì bắt buộc phải
tổ chức lễ cưới và phải nộp phạt để làm lễ cúng. Nét văn hóa phổ biến của các
dân tộc thiểu số miền núi, trong đó có dân tộc Raglai, thường coi tình dục là
cái thiêng, có sự giám sát của thần linh, ai nghe theo lời ma quỷ xúi dục làm
bậy sẽ bị thần linh trừng phạt. Vì vậy, đa phần người Raglai tuân thủ theo
những luật tục bất thành văn đã hình thành từ xa xưa, được lưu truyền từ thế hệ
này qua thế hệ khác. Ở đây, chúng ta thấy sức mạnh của tín ngưỡng, niềm tin vào
sức mạnh của thần linh vô hình đã là sự điều chỉnh có hiệu quả cho sự duy trì đạo
đức xã hội truyền thống của người Raglai, nhiều khi có hiệu quả hơn pháp luật.
Nhưng trong giai đoạn hiện nay, với sự xâm nhập của nhiều luồng văn hóa khác
nhau, những phong tục tập quán truyền thống đó đang dần dần bị mất đi. Quan hệ
tình dục tiền hôn nhân xảy ra ngày càng nhiều và đang phải điều chỉnh bằng pháp
luật hiện hành.
Tuổi hôn nhân của người Raglai khá
sớm là phổ biến. Thường thì người con trai lớn tuổi hơn so với vợ. Con gái
Raglai thường lấy chồng và có con sớm (14 - 15 tuổi). Ngày nay, khi đến vùng
đồng bào Raglai, chúng ta vẫn có thể thấy nhiều em gái tuổi vị thành niên nhưng
đã con bồng con bế. Ở vùng sâu vùng xa, hiện tượng nam nữ thanh niên lấy chồng
sớm vẫn xảy ra, vì vậy không thể đăng ký kết
hôn theo luật định với chính quyền nên rất khó xử lý.
Ngoài ra, đa số các gia đình Raglai đều sinh đông con, do tâm lý truyền
thống xưa kia là sinh ở chòi ngoài rừng, sinh nở sớm khi chưa đủ tuổi thành
niên, chưa đủ sức khoẻ, chưa đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm làm mẹ, kinh tế
khó khăn nên người mẹ không đủ sức khoẻ khi sinh con. Vì vậy, tỷ lệ tử vong khi
sinh nở khá cao, đa số trẻ em suy dinh dưỡng, cộng với tâm lý muốn đông con,
vừa nối dòng dõi, vừa tăng lao động nên sinh nhiều con. Theo kết quả điều tra
của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận năm 2001, Phụ nữ Raglai ở lứa
tuổi 40 trở lên bình quân có 5 đến 7 con, ở tuổi 39 trở xuống bình quân 3 đến 5
con. Tại xã Phước Chính, phụ nữ Raglai trên 45 tuổi bình quân có 6 đến 7 con.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình đã được
triển khai sâu rộng và có hiệu quả, nhưng vùng đồng bào Raglai, tỷ lệ sinh đông
con vẫn cao[7].
Việc tìm hiểu, yêu đương của thanh niên nam nữ
khi đến tuổi thành hôn ngày nay đã khác xưa nhiều. Theo các cụ già, nhất là ở
vùng Raglai Bắc, cách đây vài chục năm (từ những năm của thập kỷ 60, 70) vẫn
còn tục “ngủ thảo”. Thông qua ngủ thảo, các thanh niên nam nữ có dịp tìm hiểu
nhau. Ngày nay, tục ngủ thảo đã mất. Thanh niên nam nữ tìm hiểu yêu đương nhau
thông qua lao động sản xuất, trong các dịp lễ hội hoặc các đêm sinh hoạt văn
nghệ, sinh hoạt đoàn thanh niên v.v…Tuy duy trì chế độ mẫu hệ, nhưng quyền
quyết định đi đến hôn nhân hay không đa phần vẫn là do người con trai chủ động
ngỏ lời. Nếu hai bên tâm đầu ý hợp, sẽ về báo với gia đình cha mẹ hai bên biết.
Quyền quyết định cuối cùng, cho lấy nhau hay không là do cha mẹ hai bên quyết
định. Cha mẹ hai bên sẽ nhờ anh hoặc em trai hỏi các bậc cao niên xem có vi
phạm về các nguyên tắc ngoại hôn dòng họ hay không? Kế đến mới xem xét về các
tiêu chuẩn khác như về ngoại hình, sức khỏe, tính nết v.v…
Từ xa xưa, người
Raglai đã duy trì chế độ một vợ một chồng và được mọi người tuân thủ. Tuy nhiên
vẫn có những trường hợp đa thê (ít có trường hợp đa phu), đa phần là do người
vợ cả không có con hoặc ốm yếu, bệnh tật, tuy nhiên cũng có những trường hợp do
người đàn ông thích lấy hai vợ, cũng có nhiều trường hợp lấy luôn em gái vợ.
3.3.2. Vấn đề ly hôn
Trong xã hội truyền thống, ly hôn trong vùng đồng bào
Raglai rất ít xảy ra. Nếu giữa hai vợ chồng có sự trục trặc, hai gia đình có
thể bàn bạc, tìm cách hoà giải những bất đồng và tìm cách giải quyết. Nếu không
thể hoà giải thì phải nhờ đến sự phân xử của dòng họ và của palơi. Ngày nay,
ngoài sự chi phối của luật tục, các cặp vợ chồng còn phải chịu sự chi phối bởi
luật hôn nhân gia đình của nhà nước. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa, còn nhiều
cặp vợ chồng lấy nhau không đăng ký kết hôn với chính quyền địa phương nên khi
ly hôn, chính quyền điạ phương khó có căn cứ để phân xử. Đa số các cuộc hôn
nhân và ly hôn chịu sự chi phối của luật tục là chủ yếu. Khi phân xử, những
người gây ra nguyên nhân ly hôn phải chịu nộp các lễ vật của làng như mã la,
chiêng, ché và phải bù đắp tiền làm lễ cưới. Con cái đa phần để lại cho người
mẹ theo nguyên tắc của chế độ mẫu hệ. Sau khi li hôn, người con trai trở về nhà
mẹ đẻ, không được mang theo của cải (nếu người chồng là nguyên nhân dẫn đến li
hôn), còn nếu nguyên nhân li hôn là do người vợ, thì người chồng có thể được
phân chia một ít tài sản (ít nhiều do hội đồng palơi quyết định, thường thì
được chia rất ít). Như vậy, luật tục Raglai với chế độ mẫu hệ vô hình chung đã
tự nó bảo vệ người phụ nữ. Tuy nhiên, luật tục lại không quy định người cha sau
khi ly hôn phải có trách nhiệm nuôi con cái cho đến tuổi trưởng thành như luật
hôn nhân gia đình quy định, trong khi đa số người phụ nữ Raglai đều đông con
cái, đây là một gánh nặng cho người phụ nữ.
3.3.3. Vấn đề thừa kế
Theo luật tục của người Raglai, với chế độ mẫu hệ, từ xưa
cho đến nay, quyền thừa kế tài sản gia đình là người con gái út. Tất cả nhà
cửa, tài sản có trong gia đình như sản vật nông nghiệp, công cụ lao động, nương
rẫy v.v… khi cha mẹ chết đi đều trao quyền thừa kế cho người con gái út. Nhưng
trong thực tế, nếu các tiểu gia đình (gia đình các chị em gái) đã ra ở riêng hoặc
còn ở chung trong nhà sàn dài đều được chia của, nhưng những tài sản có giá trị
như nhà cửa, nương rẫy dành cho người con gái út nhiều hơn.
3.3.4. Vấn đề hôn nhân khác dân tộc
Người Raglai xưa
nay duy trì chế độ hôn nhân đồng dân tộc. Do điều kiện sinh sống ở vùng rừng
núi, hiện tượng kết hôn với người khác dân tộc rất ít diễn ra. Nhưng vài chục
năm trở lại đây, nhất là sau khi thành lập mới huyện Bác ái và khi con đường
quốc lộ 27B được mở ra, nhiều hộ dân tộc Kinh, Chăm và các dân tộc khác đã lên định
cư ở vùng Bác ái, Ninh Sơn và đã có nhiều trường hợp người Raglai kết hôn với
người khác dân tộc. Vấn đề khai sinh, con cái mang họ gì đang là một vấn đề gây
lúng túng cho các cấp chính quyền. Người Raglai theo chế độ mẫu hệ nên con cái
khi sinh ra đều lấy họ mẹ. Nhưng chính quyền các cấp thường lúng túng trong
việc này vì vừa phải duy trì theo luật hôn nhân gia đình (con cái sinh ra lấy
họ cha), vừa phải tôn trọng truyền thống văn hóa gia đình, tộc họ của người
Raglai. Vì vậy, hầu hết các cấp chính quyền và các cơ quan thực thi pháp luật
đa số là để bà con tự lựa chọn, có thể lấy họ theo cha hoặc theo mẹ. Qua khảo
sát cho thấy, đa số tâm lý các gia đình lấy người khác dân tộc đều muốn lấy họ
của dân tộc Raglai, và ghi vào hồ sơ khai sinh là dân tộc Raglai, vừa được
hưởng các quyền lợi ưu tiên cho các dân tộc thiểu số, vừa giữ được những yếu tố
văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai.
Quyền thừa kế ở các gia đình kết hôn khác dân tộc đa số
được duy trì theo chế độ mẫu hệ, nhất là những trường hợp kết hôn với người dân
tộc Chăm (một dân tộc theo chế độ mẫu hệ). Tuy nhiên không bắt buộc theo luật
tục bất thành văn như xưa nữa. Quyền quyết định là do cha mẹ, những người chủ
gia đình sẽ quyết đinh phân chia tài sản cho các con.
Qua điều tra khảo sát chúng tôi thấy, một mặt cần duy trì
những nét văn hóa truyền thống thể hiện trong luật tục về hôn nhân gia đình của
người Raglai, mặt khác khi triển khai luật hôn nhân gia đình của nhà nước đến
với vùng đồng bào dân tộc Raglai nói riêng và với vùng đồng bào thiểu số có
truyền thống văn hóa nói chung, cần có sự nghiên cứu và áp dụng sao cho phù
hợp, để vừa duy trì được luật pháp chung cho cả quốc gia, vừa giữ gìn được
phong tục tập quán truyền thống, là một trong những rường cột quan trọng trong
việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong luật tục về hôn nhân
gia đình, nhiều khi là những quy định bất thành văn nhưng lại rất có giá trị để
duy trì sự ổn định và đạo đức xã hội, ví dụ như những quy định xử phạt và quan
niệm về sự trừng phạt của thần linh khi phạm tội loạn luân của dân tộc Raglai.
Nhưng mặt khác, cần phổ biến và thực hiện tốt những quy định về tuổi kết hôn,
thực hiện tốt các chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình bởi vì hiện tượng tảo
hôn và đông con đang còn xảy ra phổ biến ở vùng đồng bào Raglai. Hậu quả của
hiện tượng này dẫn đến việc suy thoái chất lượng dân số vùng Raglai. Đa số trẻ
em bị suy dinh dưỡng, èo ọt, nhiều phụ nữ ngày càng ốm yếu, nhỏ thấp do sinh nở
sớm và nhiều, trong khi điều kiện kinh tế, vật chất, chăm sóc y tế vùng đồng bào
Raglai còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến tệ nạn uống rượu của thanh
niên, thói quen hút thuốc lá của phụ nữ Raglai v.v…tất cả những hạn chế đó dẫn
đến tình trạng suy thoái tộc người, làm giảm nhanh chóng chất lượng dân số cả
về thể lực lẫn trí lực.
Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch
phát triển kinh tế văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi nói chung,
vùng đồng bào Raglai nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tỉnh Ninh Thuận đã
làm được rất nhiều, các mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Raglai đã
được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt là đã xây dựng tương đối hoàn thiện cơ sở hạ
tầng như điện, đường, trường, trạm, phủ sóng phát thanh truyền hình, hệ thống
chăm sóc sức khỏe. Ngành Văn hóa thông tin đã có rất nhiều cố gắng để vừa
nghiên cứu bảo tồn, vừa phát huy bản sắc văn hóa tộc người Raglai. Tuy nhiên,
điều đáng lo ngại là quá trình đô thị hoá ở huyện lỵ Bác ái và các xã dọc hai
bên đường quốc lộ 27B, văn hóa khác đã du nhập vào cộng đồng người Raglai ở đây
rất nhanh, làm thay đổi những sắc thái văn hóa truyền thống. Trong khi đó,
những yếu tố lạc hậu chưa thực sự được loại bỏ hẳn mà đang trỗi dậy như nạn tảo
hôn, đông con vẫn còn tồn tại.
Vì vậy, cần có những chương trình, kế hoạch về kinh tế, y
tế, văn hóa cấp bách để nâng cao nhận thức và đời sống vật chất, tinh thần,
thực hiện tốt các chương trình xoá đói giảm nghèo, nâng cao sức khoẻ, giảm tỷ
lệ tăng dân số, nâng cao chất lượng dân số, tăng thể lực, trí lực cho đồng bào
Raglai.
[1] Khi
chúng tôi hoàn thành công trình nghiên cứu này, sự phân chia hành chính đã có
sự thay đổi qua việc thành lập huyện Thuận Bắc trên cơ sở điều chỉnh địa giới
hành chính huyện Ninh Hải bằng Nghị định số 84/2005/NĐ CP về việc thành lập
huyện Thuận Bắc. Theo đó, khi
thành lập, đơn vị hành chính của huyện Thuận Bắc bao gồm 6 xã: Xã Lợi Hải, xã
Công Hải, xã Phước Chiến, xã Phước Kháng, xã Bắc Sơn và xã Bắc Phong.
[2] Hải Liên, Tập san VNDG, số tháng 6 năm 2003, tr. 32.
[3] Nay là Viện KHXH vùng Nam bộ.
[4] Đại gia đình hay còn gọi là gia đình lớn, bao gồm ít nhất
các thế hệ ông, bà, con và cháu. Trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống.
Tiểu gia đình, còn gọi là gia đình hạt nhân, gia đình tế bào, chỉ có hai vợ
chồng và các con nhỏ.
[5] Ở các tỉnh phía nam, anh trai hay em trai đều gọi là cậu.
[6] Xem Phan Xuân Biên và các tác giả: “Văn hóa & Xã hội
người Raglai ở Việt Nam”, Nxb KHXH 1998, Tr. 166.
[7] Tư liệu đề tài: “Các vấn đề xã hội truyền thống tác động
đến đời sống phụ nữ Raglai tỉnh Ninh Thuận”, Hội LHPNVN tỉnh Ninh Thuận. Phan Rang
2001, Tr. 26
Chương III
LỄ HỘI
Dân tộc Raglai mang trên mình đầy đủ những tín ngưỡng đa
phiếm thần của cư dân Nam Đảo ở Việt Nam nói riêng và cư dân nông nghiệp Đông
Nam Á nói chung. Khác với người Chăm - một tộc người được coi là người anh em
gần gũi nhất - người Raglai trong lịch sử chưa tiếp nhận những tôn giáo lớn
trên thế giới (chỉ mới gần đây có một số hộ theo Tin Lành). Vì vậy, tín ngưỡng
tôn giáo của người Raglai mang hình thức tôn giáo sơ khai, chi phối khá đậm nét
trong đời sống tinh thần, đó là tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thể hiện trong hệ
thống lễ hội, chứa đựng các hình thức shaman giáo.
Cũng như các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo khác,
người Raglai tin và thờ cúng các vị thần như: yang Chứ (thần núi - cách gọi của người Gia rai), trong khi
người Raglai gọi là yang Chơh; yang Ktăn (thần sét); yang Hma (thần ruộng
nương); yang Pên la (thần bến nước); yang Hri (thần lúa). Đặc biệt, người Chăm
cũng như các dân tộc Nam Đảo đều còn thờ vua Pơtao Ia) và vua Pơtao Puih gắn
với truyền thuyết về hai vương quốc Hoả xá và Thuỷ xá. Người Ê đê cũng thờ thần
Mặt trời (yang Hroê), thần Mặt trăng (yang Mlan) v.v…Các vị thần ở ba cõi đều
tồn tại ở các dân tộc Nam Đảo và vẫn tồn tại ở người Chăm tuy tên gọi có khác
đi do sự biến thái của ngôn ngữ.
Trong quan niệm của người
Raglai, có rất nhiều vị thần liên quan đến việc sinh đẻ như: vị thần tổ sanh
phù hộ cho con người sanh đẻ nhiều con cái được gọi là yang Aluah cadoh sai,
viluai cheq, cadoh sai, viluai tavỡm - có nghĩa đen là Giàng Tổ sanh bầu đựng
(hột giống) sai trái, bầu gieo, bầu đựng (hột giống) sai trái, bầu vun gốc.
Cũng vậy, khi định danh Asur vungãq yawa suàt gajìq - Vía thần hồn hơi thở sinh
mạng bản thân người Raglai còn gọi là: Asur gòq lidai - Vía ống bễ lò rèn - một vật thể có hoạt động
tương ứng với hoạt động hô hấp của con người. Để phân biệt vị trí quan trọng
nhiều ít, thấp cao của vungãq - hồn hay yang vungãq - Thần hồn, người Raglai
dùng theo thứ tự con cái trong nhà: yang vungãq cachua - Thần hồn đầu lòng,
yang vungãq khrãh - Thần hồn giữa, yang vungãq tiluiq - Thần hồn út.
Với tín ngưỡng vạn vật
hữu linh, người Raglai coi đâu đâu cũng có thần: thần sông, thần suối, thần
núi, thần cây, thần nhà, thần bếp, thần gió, thần mưa, thần mặt trời, thần ông,
thần bà v.v…Khi con người bị đau bệnh hay mùa màng thất bát đều tin rằng do ma
quỷ làm. Vì vậy nên sinh ra đội ngũ thầy cúng (pajau) làm lễ cầu xin và hiến
tế.
Để thực hiện những nghi lễ cầu cúng, người Raglai phải
mời các thầy cúng (shaman) mà người Raglai gọi là “pajau” (bầu dầu) để làm lễ.
Hiện nay, những người làm nghề này không còn nhiều.
1. Nghi lễ nông
nghiệp
Người Raglai chịu ảnh hưởng của thời
tiết khí hậu của miền Trung - Tây Nguyên với hai mùa mưa nắng rõ rệt. Với một
vùng khí hậu đặc biệt khô nóng như cực nam Trung bộ, các cây trồng phụ thuộc
chủ yếu vào thiên nhiên. Người Raglai cũng có những nghi lễ theo vòng cây trồng
theo chu kỳ thời tiết mùa vụ nương rẫy
1.1. Lễ cúng rẫy
Rẫy có hai loại: rẫy cũ và rẫy mới. Rẫy mới là loại rẫy phát lần đầu. Một
gia đình có thể có nhiều rẫy cũ và có thêm rẫy mới. Phát rẫy là động đến thần
đất (yang Tanawk), thần cây (yang Kayâu), thần đá (yang Patâu). Vì vậy không
thể chặt cây, lăn đá, đào đất, đốt rẫy mà
không xin phép bằng một lễ cúng trước khi phát rẫy.
Lễ phát rẫy: Từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch, trước khi phát rẫy
mới bà con đem ra rẫy một chiếc chiếu bằng tre đan, trải ra đất, đặt lên đó rượu,
trầu, cau, thuốc rê, nước lã, lửa than đựng trên những cái bát bằng đất hoặc
bằng sứ. Trên vành bát đựng trầu cau được dính chặt vào một cây nến bằng sáp
ong (nếu có thêm cơm, thịt gà càng tốt). Đối tượng cúng trong lễ phát rẫy mới
là ông bà tổ tiên, các yang đất, cây, đất, thần giữ rẫy … người cúng là chủ
nhân của rẫy mới. Ở palơi Karauvo và Hulâu Krok, khi phát rẫy phải mời thầy
cúng đất đến cúng tại rẫy. Sau khi ông thầy tỉa củ nghệ xuống đất và khấn xin
xong mới được phát rẫy. Riêng ở palơi Ma Ty, xã Phước Tân và một số palơi
khác, trong lễ cúng này phải cúng gà trắng và gà đen. Gà trắng giành để cúng
thần lớn ở trên trời, gà đen là để cúng thần đất, cúng ma (atơu).
Lễ đốt rẫy, dọn rẫy mới: Phát rẫy xong để
khô, chờ ngày đốt rẫy. Đốt rẫy không phải chọn ngày tốt, xấu mà chỉ cúng tại
rẫy, mong lửa cháy cho trọn vẹn, an toàn, sạch sẽ, không cháy lan qua rẫy khác,
núi khác, đuổi hết rắn rết ra ngoài. Đối tượng thỉnh cầu là thần lửa (po yang
Apui) và thần giữ rẫy.
Lễ cúng này phải có một con gà, hai chén cơm, rượu, nước, trầu, cau,
thuốc, nến, ô lửa. Trong lễ này có làng cúng cả cua núi, cá núi. Sau khi đã dọn
xong rẫy, tối hôm ấy về nhà gia chủ giết một con gà và một ché rượu cúng tại
nhà để cầu ông bà, tổ tiên cho giống nẩy mầm xanh tốt. Khi cúng xong, để lại
một cái đùi của con gà cúng, để lại một bầu rượu để sáng hôm sau đem ra cúng
Yâu yac jư poawk (ngài canh giữ rẫy) xin “tỉa/trỉa phép” và xin cho lúa bắp
nẩy mầm xanh tươi, thú không phá rẫy, kiến mối lánh xa đất này. Sau lễ cúng,
gia chủ dùng ní/xà beng chọc 3 lỗ trỉa lúa, 3 lỗ trỉa bắp (tỉa phép – tượng trưng).
Đợi đến khi tai nghe tiếng ếch “òn”
hát (con ễnh ương kêu), tức là đã có mưa giông đầu mùa, khi đó mới tỉa đại
trà.
Lễ cúng rẫy cũ: Rẫy cũ là rẫy đã sản xuất, đã thu hoạch vài ba vụ. Sau
khi thu hoạch, khoảng tháng 1 đến tháng 3 dương lịch, trước mùa mưa, bà con
phải đi phát quang rẫy, đốt rẫy, dọn rẫy sạch sẽ để tỉa gieo vụ khác. Phát dọn
rẫy cũ không phải cúng. Nhưng trước khi tỉa hạt, nhất là đối với giống mới,
nhất thiết phải cúng cầu cho hạt nảy mầm, mùa vụ tốt tươi.
1.2. Lễ tỉa/trỉa hạt
Với mong ước được mưa thuận gió hoà, mong kiến, mối không hại giống,
mong cho lúa, bắp xanh tươi, gia chủ lại đem lễ vật ra cúng tại rẫy. Lần này
lễ vật long trọng hơn. Gồm có: cơm, gà, bánh tét, chuối, rượu, trầu cau và đặc
biệt là có thêm vài quả trứng luộc với ngụ ý cầu mong cho mọi sự được khai
sinh, nẩy nở, phát triển tốt đẹp. Đối tượng cúng cầu là yang Tanăk (đất), yang
Tangơi (bắp), yang Padai (lúa) yang Huray (mặt trời), Kay Du, Kay Dai (các vị
cai quản muôn loài) …
1.3. Lễ cúng lúa chửa (Ngawk yac buai
padai - cúng bà đỡ)
Tục lệ này hiện nay vẫn còn nhiều làng bảo lưu vì đây là thời điểm quyết
định “có được ăn hay không”? Lúa có ngậm sữa, có hạt hay không? Theo quan niệm
của bà con Raglai, lúa, bắp cũng có yang tổ phụ, sinh ra nữ thần Lúa và nam
thần Bắp được bà con gọi thương, gọi yêu là “ơi con gái, ơi con trai”. Lúa có
đòng tức là thời kỳ sinh nở của yang Padai. Cúng lúa chửa tức là cầu mong cho
“mẹ con” đều khoẻ mạnh và phải nhờ bà đỡ. Vì vậy lễ này là lễ cúng cầu bà đỡ
(ngăk yac buai padai). Lễ cúng gồm có gà, cơm, trứng, nước, rượu, trầu cau …
1.4. Lễ cúng lúa chín
Khi lúa đã chín đều, bà con thường xin bứt trước một vài chén lúa đem về
nhà, rang giã nổ, nấu chén cơm để cúng ông bà, cúng các yang xin được đem hết
lúa trên rẫy về nhà, rồi sau đó mới thu hoạch hết số lúa còn lại.
Khi thu hoạch, có làng kỹ hơn: dùng tay bứt vài gùi lúa đầu tiên. Số lúa
này để lại ở chòi rẫy. Đó là lúa “mẹ” giành để làm giống, tỉa trước. Số còn
lại thu hoạch sau. Khi lúa ở trên rẫy đã thu hoạch hết, lúa “mẹ” mới được đem
về nhà. Lúa “mẹ” được cất kỹ để tỉa trước tiên, sau đó mới tỉa đến lúa “con”.
Lúa để giống không được để trên dàn bếp, không được để “chó nhảy qua, gà nhảy
lại”.
1.5. Lễ hội “ăn lúa mới” (bac padai barâu)
Hiện nay ở một số làng vẫn giữ tục lệ cúng lễ “ăn lúa mới”. Một số làng đã
bỏ hẳn tục “ăn lúa mới” và cũng không còn lễ “ăn đầu lúa” vì có thời kỳ bị coi
là mê tín dị đoan.
Từ xưa, theo tục lệ hàng năm, sau khi đã thu hoạch xong, lúa bắp đã về
“đậu trong nhà” (tức là đã đưa lên chòi lúa), chưa ai được phép ăn lúa, bắp
mới thu hoạch, nếu chưa cúng “ăn lúa mới” hoặc cúng “ăn đầu lúa”.
Gặp lúc đói khó. Nếu muốn ăn bắp trước khi cúng lúa mới, người ta phải đi
cắt cây cỏ may, cột lại thành bó, nhúng nước khấn xin được ăn bắp rồi mới được
lấy bắp ra ăn. Sau đó đi đào củ khoai tím, nướng lên (có nơi luộc chín) ăn
chống đói, chờ làm lễ cúng “ăn lúa mới” rồi mới được ăn đến lúa.
Do điều kiện và thời gian canh tác có khác nhau, thu hoạch khác nhau, nên
hiện nay các làng tổ chức lễ “ăn lúa mới” lệch nhau về thời gian. Đa số làng
thu hoạch xong mùa vụ ở rẫy vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 11 dương lịch.
Tháng 12 đến tháng 1 năm sau mới tổ chức “ăn lúa mới”. Hiện nay cũng có làng
vừa làm rẫy vừa làm ruộng (như Tà Dương - Bà Râu …) nên bà con ăn lúa mới
trùng với tết âm lịch của người Việt.
Mặc dầu cách tổ chức nghi lễ ăn lúa mới ở mỗi làng có khác nhau nhưng nội
dung và mục đích, quan niệm tâm linh của lễ cúng cũng như lễ vật cúng đều cơ
bản giống nhau.
“Ăn lúa mới” là một lễ nghi nông nghiệp nương rẫy hội tụ đủ 3 nội dung cơ
bản giống như ăn tết năm mới của người Việt, người Chăm và các tộc người
khác trên đất nước ta. Bởi vậy người Raglai bảo “ăn lúa mới” tức là cúng năm
mới (ngawk yac thoot barâu). Ba nội dung cơ bản ấy là :
- Đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất trong năm với sự mừng vui, “ơn trả
nghĩa đền”, trước khi hưởng thụ.
- Đây là dịp để bà con trong dòng tộc nội, ngoại ở các nơi đều tụ hội về
gặp mặt, thăm hỏi nhau. Mâu thuẫn trong gia tộc có cũng được hoà giải từ các
cần hút cắm chung trong một ché rượu cần cúng tổ tiên.
- Đây là dịp “ơn trả nghĩa đền” đối với ông bà tổ tiên, đối với đất đai,
nắng, mưa, sương, gió … và các đấng “bề trên” đã được về trong lễ cúng phải
được tiễn đi khi lễ đã kết thúc. Qua 3 nội dung này, chứng minh rằng “ăn lúa
mới” hoặc “ăn đầu lúa” chính là tết của tộc người Raglai.
Để thực hiện được 3 nội dung của lễ hội nêu trên, bà con Raglai không chỉ
có cúng “ăn lúa mới” mà còn có cúng “ăn đầu lúa” nữa.
Từ
tháng ngày đầu tiên, với sự hướng dẫn của vị chủ tế, thường là người trong
gia tộc cử ra, đàn ông lo dọn dẹp nhà cửa, sắp đặt bàn lễ, chọn người tấu mã
la trong lễ … Phụ nữ rang lúa mới, giã cốm, nấu cơm, lặt thái rau quả.
Những lễ vật như rượu cần, gà, cua núi, cá khô, hành củ nguyên cây … đã được
chuẩn bị sẵn sàng trước đó một đêm. Đến gần trưa thì trong nhà đã sắp đặt
xong các bàn lễ theo hướng nam – bắc. Ở Ma Nới, bà con không câu nệ về hướng
đặt bàn thờ như ở Tà Dương (Phước Thái). Gọi là bàn thờ nhưng đúng hơn là
bàn lễ, vì người Raglai không hề có bàn thờ phật, bàn thờ tổ tiên như người
Việt. Bàn lễ đặt ngay trên sạp tre. Nếu nhà trệt không có sạp, bàn lễ được đặt
ở dưới đất, sát vào vách. Bàn thờ chính được đặt ở hướng bắc, bàn lễ phụ đặt
ở hướng nam. Nếu có nhà sàn truyền thống thì bàn lễ bao giờ cũng đặt ở sát chân
cột chính nằm giữa nhà sàn - đường lên xuống của tổ tiên, thần thánh (cột thông
linh) – nơi luôn được đặt ché rượu cần.
Bàn lễ phụ ở hướng nam, là nơi đặt ché rượu cần để làm lễ xin tra nước,
xin cắt cổ gà, trước khi hút rượu cần mang sang bàn lễ chính ở hướng bắc.
Trên cổ ché rượu, người ta quàng một vòng chuỗi cườm hạt lớn. Trước ché rượu
là một mâm lễ, trên đặt một tô lửa than, hai bát nước lã, một tô gạo đầy.
Thành của ô gạo được dính chặt vào một cây nến bằng sáp ong đang cháy.
Sau khi khấn, gà sẽ được đem đến trước bàn thờ hướng nam để cắt cổ/tiết.
Nước sẽ được đổ vào ché trước sự chứng kiến của bề trên. Tiếp đến là lời khấn
cầu nội dung như sau :
“Tôi tớ xin phép bề trên nhớ tới đầu năm, đầu tháng, đầu mưa, đầu gió, xin
cho thân người cứng như đá tảng, đầu cứng như sắt, gia đình sum họp, lên núi
vững, xuống sông chắc, lên rừng cọp beo xa lánh, phát rẫy làm nương chắc rựa,
chắc rìu. Rắn không dám cắn, kiến đỏ, kiến đen không giám đốt, lên núi lên rừng
đi tới nơi, về tới nhà, đi không mệt, về không mỏi, làm rẫy được rẫy, lúa,
bắp, khoai, kê, về đậu đầy nhà. Heo gà đầy chuồng, muốn gì được nấy”. Khấn
xong, hai người trong gia đình đến bên ché rượu, hút rượu cần ra bầu, ra bát,
bưng qua bàn lễ hướng bắc. Thầy tiếp tục khấn:
“… Xin đốt khói thưa, đốt trầm mời các vị thần núi, thần sông, thần ở nơi
đá tầng, nơi rừng già, cây đa lớn, thần một cái răng, một sợi tóc, thần ở 4 phương,
tám hướng, thần bang gò, bứng gốc, thần khuân vác, đốt rẫy... xin bề trên cho
binh tướng tới canh giữ bàn lễ, để khỏi chó chạy qua, gà nhảy lại”.
Bàn lễ hướng bắc đặt sát vách. Trên tường, chính giữa bàn lễ, người ta
dùng 2 sợi dây dài khoảng 0,8 mét giăng ngang. Trên sợi dây ấy, người ta vắt
ngang một bộ áo, váy, khăn của phụ nữ. Ở hai đầu cây được móc vào 2 hạt cườm.
Lễ vật cúng gồm: 1 con gà, 1 ché rượu cần, 5 – 10 bát cơm đơm cao ngọn.
Trên mỗi bát cơm đều có 1 con cua núi và cây hành để nguyên cả củ và lá. Ngoài
ra còn có nhiều chén hạt nổ, gạo, nước lã, trầu cau. Các lễ vật này được sắp
thành 3 mâm theo một hàng dài: mâm để mời các yang, mâm mời ông bà tổ tiên, mâm
dành cho thổ địa.
Sau nhiều lần khấn mời, khấn cầu, đội đánh mã la (một loại chiêng bằng –
nhạc cụ độc đáo của người Raglai, nằm trong nhóm nhạc cụ cồng chiêng Tây
Nguyên) cùng một người đánh trống, ăn mặc chỉnh tề đánh nhạc từ ngoài sân vào
nhà. Đến bên cạnh bàn lễ, đội mã la đánh liên tục 3 bài thỉnh mời Da a po yang (các thần); Da a po yang gru (thần
chủ); Da a po muk - kay (ông bà).
Ba bài mã la kết thúc, thầy cúng khấn phục hồn cho toàn gia tộc. Ông thầy
cúng vốc một nắm gạo, hai bàn tay như ôm lấy ngọn nến, miệng khấn vái, cầu an
linh hồn cho mọi người rồi bỏ gạo lên đầu tộc trưởng để tạ ơn đất. Thầy cúng
tiếp tục hốt gạo, bốc cơm, múc rượu khấn rồi bỏ xuống đất. Tiếp đến là lễ tẩy
uế, tống ôn:
“ … Xin ngài hãy rút hết chông gai, rút hết ốm đau, bệnh tật, đại hoạ. Xin
ban cho sức khoẻ để chạy như chó, cất vó như ngựa, đi không mệt, về không
mỏi, muốn vàng có vàng, muốn bạc có bạc”.
Tiếp theo là lời khấn phục sức:
“Xin được ban nước ngon, nước ngọt, ban sức, ban lực cho con cháu gia
chủ, cho họ sống đến đầu bạc, linh hồn vẫn sáng tỏ mọi đường…”
Tiếp đến là lễ cúng tạ mã la, cúng vị tổ phụ đã làm ra nó. Lễ này do một người
trong gia tộc đã tham gia đánh mã la thực hiện. Tất cả các chiếc mã la đều úp
xuống đất. Sau đó tất cả đều lật ngửa lên. Riêng chiếc mã la Ina mun (mẹ cả) để
ngửa như một cái mâm nhận tất cả lễ vật vào đó: cơm, cua, trứng, hạt nổ, trầu
cau, rượu … Đầu tiên vị đại diện cho gia tộc mời từng vị mã la uống rượu, ăn
trầu. Sau đó mời ăn cơm, ăn hạt nổ, ăn trứng. Kết thúc là mời các mã la uống nước,
ăn trầu, hút thuốc. Tất cả các lễ vật đều được chia đều cho từng vị mã la.
Lời khấn tạ mã la:
“… Tôi tớ xin đốt khói thưa, đốt trầm mời các vị tổ phụ thường đào đồng
làm mã la, làm chiêng. Mã la đánh nơi này kêu vang xuyên qua rừng núi, thấu tới
người Churu, K’ho, thấu đến bên Tàu, thấu tới Yawa, thấu tới thần mặt trời,
thấu tới các tổ phụ thường đánh mã la. Xin mời các tổ phụ hãy xuống bàn lễ, hướng
lễ vật và ban cho mọi điều may mắn từ đây và mai sau …”
Bây giờ người ta gọi vào 2 cháu bé, một trai, một gái, bảo chúng ngồi
xuống, bê trứng ra cho chúng ăn. Sau đó chúng tự bốc cơm, bốc hạt nổ ăn và uống
rượu cần. Các chiếc mã la được lau, dọn sạch sẽ. Người cúng tạ mã la xách
lên chiếc mã la mẹ cả (ina mun) đánh 3 tiếng ngân vang. Rượu cần đã cúng, được
múc ra mời tất cả các thành viên trong gia đình, mỗi người uống một ngụm như
nhận lấy phước lộc của ông bà.
Với giọng hát ru đầy hàm ơn, thầy cúng như vuốt ve ‘con gái” (lúa) “con
trai” (bắp) đã về đậu trong nhà”:
“..ơi … ơi … mẹ ru con gái, ơi lúa, con gái của mẹ ơi … 37 đứa con, ơi con
gái của mẹ!
- Con đã chịu đau dưới cối, chày để nuôi mẹ, nuôi cha,
- Con đã chịu đựng dưới nước để nuôi anh, nuôi em, ơi con gái của mẹ!
“ơi … ơi mẹ ru con trai của mẹ, ơi con trai của mẹ!
ơi … bắp trắng ra trước, con trai đầu của mẹ!
đừng để nước muốn đổ, nồi muốn nghiêng
Hãy đến cùng con cháu chúng ta, ơi bắp trắng, con trai của mẹ!”
Trong khi thầy cúng rung lục lạc, hát ru hồn bắp, lúa, một vị cao niên nhất
của gia tộc đến ngồi bên cạnh thầy cúng, thổi sáo taleăk.
Tối đến, mọi người ăn cơm, nhưng các loại vật cúng vẫn giữ nguyên chỗ cũ,
chưa ai dám động đến. Ban đêm, bà con quanh xóm theo tiếng mã la hội gọi mời
kéo đến mỗi lúc một đông. Họ đến cùng uống rượu cần, cùng hát vui với gia tộc
cho tới sáng.
Sáng hôm sau, con gà luộc hôm qua mới được xé nhỏ ra, đặt lên các mâm lễ,
tiếp tục cúng. Lời khấn sáng nay giống như hôm qua. Chỉ có điều khác là chùm
lục lạc trên tay vị thầy cúng rung lên dữ dội. Ông nghiêng ngả như đang trong
cơn mê, như đang đánh thần (shaman). Ông nhắm nghiền mắt lại một lúc rồi mới
mở ra, tiếp tục vốc gạo muối đưa lên khấn rồi cột chúng vào trong một mảnh vải,
bỏ vào chiết (giỏ). Hạt nổ, thịt gà cũng được làm như vậy. Sau đó, nắp chiết[1]
được đậy lại cẩn thận.
Hành động lễ này ngụ ý cầu cho lương thực, vật nuôi mãi mãi “đậu” trong
nhà không bỏ đi nơi khác.
Bây giờ thầy cúng bỏ hạt nổ thật nhiều vào bát lửa, khói bốc lên nghi ngút,
lan toả khắp nhà, ông vừa khấn vừa đưa tay làm động tác tẩy uế cho cả gia tộc
trước khi nhúm từng nhúm cơm và thịt gà, đút vào miệng cho từng người được hưởng
lộc, hưởng phước bề trên.
Đến đây đội mã la lại hòa tấu bài “tiễn đưa bề trên” vì lễ đã kết thúc.
Tuy lễ đã kết thúc nhưng từ chiều đến tối hôm ấy, trong nhà gia chủ vẫn tấp nập
người vào ra để chia vui với gia chủ bằng rượu cần và lời chúc tụng, hát đối đáp, hát kể
chuyện đời xưa, thổi kèn bầu, đánh mã la bài “ruwơ” (bài mã la nhịp 3/4 thay lời nói giao lưu với nhau).
1.6. Lễ hội “ăn đầu lúa” (bâc akok padai)
Lễ hội “ăn đầu lúa” được tổ chức từ 5 đến 7 năm một lần. Một số làng Raglai
ở phía nam đường quốc lộ 27 gọi “ăn đầu lúa” là lễ “ngăk yac kay du” (lễ
cúng hai vị thần “kay du, kay dai” - là hai vị làm nên lúa, bắp, cây cỏ
…). Vì vậy trong lễ phải có 2 thầy cúng: ông “du”, ông "dai”.
Tuy về thời gian, lễ vật trong “ăn lúa mới” và “ăn đầu lúa” có khác nhau nhưng
nội dung, ý nghĩa gần như nhau.
Trong toàn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay chỉ còn ở palơi Yarot thuộc xã Ma nới,
huyện Ninh Sơn tiến hành lễ hội “ăn đầu lúa” còn đậm phong tục truyền thống hơn
cả. Ở thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Ninh Phước hiện chỉ còn gia tộc bà Tà Yên
Thị Kiên là còn tổ chức 5 – 7 năm một lần.
Để chuẩn bị làm lễ ăn đầu lúa, trước hết phải làm cây nêu. Trụ cây nêu là
một khối vuông nhỏ dần lên từ gốc, cao khoảng 4 mét được đẽo, vẽ bằng các màu
đen, đỏ, vàng, trắng với các hình trái mây, cổ chim cu, ông sao… Ở gần đỉnh
thân trụ, được đục xuyên thủng để đưa vào hai đoạn tre đặc nằm ngang như 4
cánh tay giang ra. Cây ngang ở trên ngắn hơn cây ở dưới, khoảng cách chừng 60
phân. Hai cành tre như 2 cần câu dài hơn 2 mét, gốc được cắm vào trụ ở ngay
vị trí đoạn tre đặc dài, xuyên qua thân trụ, chia góc vuông do thân trụ và đoạn
tre đặc tạo thành ra hai góc 45 độ. Trên 2 cần tre đặc này, người ta vót, vạt
chung quanh từng đoạn, thớ tre mỏng uốn cong, chĩa ra như những mũi tên nối
nhau vươn lên trời cao. Ở hai đầu cần tre dài và các thanh tre nằm ngang,
người ta buộc thõng các sợi dây trang trí bằng các vòng tre nối nhau như mắt
xích từ trên cao xuống tận mặt đất. Trên những sợi dây này, người ta cắm nhiều
hoa ngũ sắc. Ở tận cùng của mỗi sợi dây lại được cột vào những hình con diều,
con ó đan bằng nan tre sơn vẽ nhiều màu.
Nhìn chung hình tượng cây nêu ở mỗi làng có khác nhau một số điểm. Nhưng
tựu trung nó đều là biểu tượng liên hệ giữa đất, trời và con người (cột thông
linh thiên - địa – nhân, ba tầng vũ trụ).
Càng để lâu năm, lễ hội “ăn đầu lúa” càng được làm lớn. Lễ vật phải có heo
hoặc trâu. Tộc họ Ta – ing (Tà Yên) ở palơi Yarot, xã Ma Nới năm nào cúng cũng
tìm bằng được con Anu[2].
Nếu không săn được anu thì phải làm thịt trâu.
Tuy không bận rộn, tốn kém như lễ hội bỏ mả, nhưng lễ hội “ăn đầu lúa”
cũng phải chuẩn bị rất công phu. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 2 đêm hoặc 2 ngày
3 đêm, tùy theo quy mô của nó.
Ngày thứ nhất của lễ “ăn đầu lúa” được tiến hành lúc gần tối. Người ta dọn
lên bàn lễ đặt bên phải cửa ra vào một bát nhỏ đựng hai quả trứng gà luộc, một
chén trầu cau, hai chén hạt nổ. Thầy cúng là người của gia tộc khấn báo cho
các thần/yang và tổ tiên biết gia tộc sẽ tổ chức lễ ăn đầu lúa để trả ơn trên.
trước khi cúng, sau khi khấn, ông thầy cúng ăn (làm phép) hai quả trứng luộc.
Sáng sớm ngày thứ hai, người ta đem con vật tế ra (heo, trâu hoặc anu) cột
ở dưới gốc cây nêu. Đội múa lễ gồm 4 nữ, 4 nam theo nhịp hòa tấu giữa kèn bầu
sarakel, trống lớn và mã la (hoặc chiêng ba) múa quanh cây nêu. Bài nhạc lễ có
tên “da a pô yang trôt mai” (mời thần thánh tổ tiên), và bài “da a poo yac prôc nhưc” (mời thần chủ). Người
ta cắt tiết heo, lấy máu bôi vào chân trụ nêu và các tua bông đang rũ xuống.
Sau đó, heo và anu được mang đi làm thịt, luộc chín.
Tối đến, bên cửa ra vào, người ta đặt một bàn lễ ở trên sạp. Nhà không có
sạp thì trang trí một mâm lễ ở sát tường, đặt ngay ở dưới đất. Mâm lễ ở đây
chỉ có trầu cau, rượu và hạt nổ. Bên trong, nơi rộng hơn, đặt một bàn lễ lớn
hơn, gồm các lễ vật đã được hiến tế tại chân trụ nêu lúc sáng. Heo và anu sau
khi luộc chín, được để nguyên con đặt chính giữa với các tô/bát rượu cần. Đồ
cúng được sắp dọc hai bên mâm. Mỗi bên đặt 25 cái hộp làm bằng bẹ chuối. Trong
mỗi hộp đựng đầy cơm, thịt gà, cua núi. Một bên là mâm của thần thánh. Một bên
là của ông bà và vong linh gia tộc. Đội múa gồm 4 nam, 4 nữ múa quanh mâm lễ
lớn và thầy cúng. Mỗi lần múa họ phải đi 4 vòng xuôi, 4 vòng ngược kim đồng hồ
rồi ra ngoài thay chỗ cho tốp khác vào múa tiếp 8 đợt như thế. Nhạc lễ lúc này
không bao giờ dứt trong 64 vòng múa với tiếng hét phấn kích hô, hô! huơ, huơ!
của mọi người. Đêm đến cuộc vui hội lại kéo dài suốt sáng.
Sáng hôm sau (ngày thứ hai của lễ), mỗi gia đình trong dòng tộc bưng đến
một thau/chậu nhỏ lúa mới. Trên đó, người ta cắm hoa và đặt một chai rượu để
góp vào mâm lễ vật dâng lên bề trên. Mọi người tiến hành rang và giã lúa. Lúc
này con “anu” mới được mang ra đặt vào bàn lễ chính, xung quanh bày các lễ vật
khác như cơm, cua núi, hạt nổ, gạo, rượu, trầu cau…
Thầy cúng bắt đầu cúng buổi sáng, khấn xin cho toàn gia tộc được bình yên
khoẻ mạnh. Trong tiếng rung của dây lục lạc và tiếng sáo taleăk, thầy cúng hát
ru “con trai” (bắp), ru “con gái” (lúa) cầu mong cho các vị thần lúa, bắp luôn
về đậu đầy nhà. Mong cho vật nuôi cây trồng sinh sản đầy đàn; tai hoạ, hoạn nạn
tránh xa. Sau các lễ cầu an, chúc phúc của thầy cúng, lễ đi vào kết thúc. Nhạc
lễ vang lên bài tiễn đưa các thần về trời.
Đây là lúc vui vẻ nhất của mọi người. Bài nhạc “tamây dăm dara” (trai gái
múa mừng) do kèn bầu sarakel làm giai điệu, trống lớn và chiêng đệm tiết tấu
giữ nhịp vang lên rộn rã. Mọi người vừa múa vừa bốc hạt nổ, vừa ăn vừa chuyển
ra ngoài cho người khác cùng ăn. Điệu múa kết thúc, moi người ngồi thành vòng
tròn, mọi người chuyền tay nhau ăn thịt con anu đã được luộc chín. Họ vừa ăn
vừa la hét, cười vui vẻ cho đến khi ăn hết con vật.
Sau lễ cúng, 50 chiếc hộp bằng bẹ chuối kết lại đựng đầy thức ăn được đem
hết ra nhà mồ của gia đình để mời đất và ma nếu có về thăm thì hưởng lộc đầu
năm.
Sau khi phần “lễ” kết thúc là phần “hội” kéo dài thâu đêm. đây chính là lúc
các nghệ nhân có dịp trổ tài, tự bộc lộ mình một cách hồn nhiên nhất bằng những
điệu nhạc, điệu múa trong men say ngây ngất của rượu cần.
Trong lễ hội này, riêng về nhạc cụ sử dụng có khác nhau. Ở xã Ma nới và
làng Takay - Ia thuộc xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận thường dùng
nhạc lễ bằng bộ chiêng 3 chiếc (chiêng có núm) hòa tấu với kèn sarakel và trống
lớn. Các xã khác lại dùng bộ mã la 5 chiếc trở lên để hòa tấu với khèn bầu
sarakel và trống. Nhưng dù là chiêng hay mã la, khi lễ đã kết thúc, tất cả
nhạc cụ vẫn để nguyên tại nhà, ba ngày sau mới được tháo đem ra.
2. Những nghi lễ
vòng đời
2.1.
Nghi lễ sinh đẻ
Khi mang thai, người Raglai kiêng không ăn mít vì mít có
nhiều mủ. Cũng như một số dân tộc Đông Nam Á khác, người
Raglai quan niệm sinh đẻ là “xú uế” nên không cho người đẻ ở nhà. Cách nay
không lâu, người Raglai vẫn giữ tục “đẻ rừng”. Để sinh đẻ, người nhà làm một
cái chòi tạm, xa nhà ở khoảng vài chục mét. Chòi để sinh đẻ được làm thô sơ,
thường có 4 cột, rộng khoảng 4 đến 5m2, che mái và che xung quanh
bằng lá cây rừng hoặc tranh. Bên trong để một sạp tre bằng cây lồ ô, là nơi sản
phụ sinh nở. Trong chòi có một bếp lửa để sản phụ nằm lửa cho ấm và xua đuổi xú
uế, cũng là bếp để nấu nước. Đỡ đẻ là một bà mụ (mũq buai). Trước khi đỡ đẻ, bà
mụ làm một lễ nhỏ để cúng thần. Bà cắt rốn cho đứa trẻ bằng mảnh cây lồ ô.
Nhau/rau được chôn ngay gần chòi đẻ. Theo kinh nghiệm dân gian, bà mẹ mới sinh
được người nhà cho uống một loại nước nấu từ một loại cây rừng “Poh kah”. Loại
nước này có tác dụng như một loại thuốc kháng sinh, diệt vi trùng, giúp cho sản
phụ mau lành và khoẻ mạnh. Sau khi đẻ một đến hai ngày, bà mẹ đưa đứa trẻ ra
suối tắm rồi trở về nhà. Cũng như người Chăm và một số dân tộc khác, với quan
niệm sinh đẻ là xú uế, nên tất cả những gì dùng trong sinh đẻ như chòi đẻ,
chõng lồ ô, sau khi sinh đều phải đốt bỏ.
2.1.1. Lễ cúng mụ (ngăk buai)
Sau khi sinh 3 ngày, gia đình làm một lễ nhỏ gọi là “lễ cúng mụ” để bà mụ
cúng tạ thần linh đã cho sinh đẻ được thuận lợi, mừng mẹ con khoẻ mạnh “mẹ tròn
con vuông” (anak amek kajap karo). Lễ vật gồm 1 ché rượu cần, 1 con gà, 3 bát
rượu cần, trầu, cau, nến sáp ong. Sau lễ cúng này, sản phụ và đứa trẻ mới được
đưa vào nhà. Theo truyền thuyết, việc đỡ đẻ là do con khỉ (kay kra) bày cho con
người, bày cho cách cắt rốn và cho sản phụ uống thuốc nam sau khi sinh, nên khỉ
được coi là ân nhân của tộc người Raglai. Vì vậy, thầy cúng cũng như bà mụ
kiêng không ăn thịt khỉ.
2.1.2. Lễ cúng tạ
ơn bà mụ và cúng trình tổ tiên (ngăk bbuai ngăk grang)[3]
Lễ cúng tạ ơn bà mụ được tổ chức khi đứa trẻ được một
tháng (30 ngày – như lễ đầy tháng). Lễ vật gồm 2 con gà, 2 ché rượu cần. Trong
đó, 1 ché rượu cần và 1 con gà dùng để cúng tạ ơn bà mụ, 1 ché rượu cần và 1
con gà còn lại dùng để cúng khấn trình tổ tiên. Lễ này do bà mụ và chủ gia đình
cúng. Bà mụ cúng tạ ơn thần linh đã cho bà đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”, đồng thời
thay mặt gia đình, cúng khấn báo với tổ tiên rằng từ nay gia đình tộc họ đã
thêm một thành viên mới. Ở vùng Raglai nam, nhà chủ thường biếu bà mụ quà cáp
như áo váy. Bà mụ cũng tặng đứa bé một bộ áo mới. Những người bà con đến dự có
thể tặng quà cho đứa trẻ.
So sánh với nghi lễ sinh đẻ của người Chăm Bàlamôn, chúng
tôi thấy có nhiều nét tương đồng. Người Chăm Bàlamôn cũng có tục cúng tạ ơn bà
mụ và cúng trình tổ tiên (on proh) sau khi sinh được một tháng.
2.1.3. Lễ đeo còng (buh akok)
Người Raglai có tục làm lễ đeo còng vào tay và chân đứa
trẻ. Lễ này thường được thực hiện cho những đứa trẻ khó nuôi. Chủ nhà bán khoán
cho thầy cúng nhờ thần linh bảo hộ. Vì vậy có thể coi đây như tục “bán khoán”
của người Việt. Lễ này do thầy cúng thực hiện, thường diễn ra khi đứa trẻ được
3 tháng tuổi, nhằm mục đích cầu thần linh cho gia đình nuôi đứa trẻ được thuận
lợi. Trong lời khấn, thầy cúng thỉnh mời các vị thần: Pô sun, Pô Ali, thần tổ
tiên ông bà (muk kay) phù hộ cho đứa trẻ mau ăn chóng lớn, khoẻ mạnh “leo núi
vững, xuống sông chắc”, không bị bệnh tật hành hạ mà lớn lên có sức mạnh: “ở
nên nhà, ra nên rẫy” (dok jiơng sang, ang jiơng apuh), lên rừng không gặp thú
dữ, cọp lánh xa, rắn rết lẩn trốn (nao glai rimong pleh yua, ula pleh dăup).
2.1.4. Lễ đặt tên
Lễ đặt tên được kết hợp trong lễ cúng trình tổ tiên.
Người Raglai thường lấy họ mẹ làm họ cho con và kiêng không đặt tên trùng với
tên ông bà tổ tiên, tên của những người trong tộc họ đã qua đời.
2.2. Lễ trưởng
thành
Người Raglai không có lễ trưởng thành the ý nghĩa tôn
giáo. Khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, người ta làm một lễ cúng giải tội. Đối
với những đứa trẻ khó nuôi, người ta làm lễ tháo còng.
2.2.1. Lễ cúng giải tội
Khi làm lễ trưởng thành, phải làm lễ giải tội. Lễ giải
tội dành cho đứa trẻ khi đã được 15, 16 tuổi. Người Raglai quan niệm rằng, khi
đến tuổi trưởng thành, đã thành một con người và đủ khả năng phạm tội với thần
linh. Vì vậy, lễ này mang ý nghĩa giải tội với thần linh. Lễ này do thầy cúng
làm chủ lễ. Đối tượng cầu cúng là các thần: Pô sun, pô ali, mũk bbuai, mũk
grang và thần thổ địa. Lễ vật thường là thịt gà hoặc thịt heo, trầu cau, rượu
v.v…được dọn thành 2 mâm, một mâm để cúng giải tội, tẩy uế, tống tiễn những
điều xấu. Một mâm để cúng mừng đứa trẻ đã trưởng thành.
2.2.2. Lễ tháo còng (toh akok)
Những đứa trẻ khó nuôi, được cha mẹ bán khoán cho ông
thầy và làm lễ đeo còng khi được 3 tháng tuổi. Đến khi 18 tuổi phải làm lễ tháo
còng. Lễ này cũng do thầy cúng làm chủ lễ. Lễ vật gồm một cặp gà, 2 ché rượu
cần, cơm, canh, chuối, bánh trái (bánh tét). Lễ này nhằm mục đích để ông thầy
cúng cúng trả lại đứa trẻ cho cha mẹ khi đã lớn khôn. Nếu không làm lễ tháo
còng, coi như gia đình và con người đó còn nợ thần linh, sẽ phải chịu thần linh
đày đoạ, hay ốm đau, bệnh tật và không may mắn. Vì vậy, gia đình phải cúng tạ
thần linh và thầy cúng. Đứa trẻ phải coi ông thầy cúng như cha mẹ đỡ đầu. Khi
ông thầy ốm đau phải lo chữa chạy. Khi ông thầy chết phải lo ma chay, phải có
nghĩa vụ như đứa con của ông thầy (phong tục này cũng giống như của người Chăm
Bàlamôn).
2.3. Nghi lễ cưới
Người Raglai chịu sự chi phối bởi chế độ mẫu hệ. Con gái
“bắt” chồng về nhà mình. Tuy nhiên, khác với người Chăm còn giữ phong tục theo
đúng chế độ mẫu hệ, nhà gái đi làm lễ hỏi. Đối với người Raglai, con trai lại
chủ động đi hỏi vợ.
2.3.1. Lễ hỏi (nao tanhia)
Thông thường, người Raglai không phải coi
ngày tốt xấu để làm lễ đi hỏi vợ, chỉ căn cứ vào điều kiện thuận lợi. Sau khi 2
bên bàn bạc xong, thống nhất ngày giờ đi làm lễ hỏi. Nhà trai tổ chức đoàn đi
làm lễ hỏi gồm 7 người. Trong đó có 3 người chính: cậu hay chú bác đại diện cho
gia đình nhà trai, chọn người nào ăn nói hoạt bát, am hiểu tập tục. Chàng rể và
một người em gái của chàng rể mang lễ vật: trầu, cau (hala panang) và các tặng
vật cho cô dâu. Thông thường gồm: một bộ trang phục nữ truyền thống; còng,
kiềng, xâu chuổi, nhẫn, bông tai.
Lễ hỏi thường đi vào buổi tối.
Nhà gái cũng có đoàn đại diện đón họ nhà trai
ở trong nhà. Ba nhân vật chính đón nhà trai thường là bác, cậu và mẹ. Cô gái
đứng ở cửa nhà sàn đón đại diện nhà trai.
Họ nhà trai đến đằng hắng 3 tiếng báo hiệu có
khách, rồi hỏi:
- Có ai ở nhà không?
Nhà gái đáp.
- Có! Và hỏi lại:
- Các người là ai? Nếu
khách xa thì về làng, khách họ hàng thì mời lên nhà (găup tah hai gauờp dray,
găup tah nao palay, găup dray da-a tama sak).
Họ nhà trai đáp:
- Chúng tôi là khách
họ hàng.
Nhà gái mời đoàn khách
lên nhà sàn, ngồi theo vị trí chủ - khách, mời uống nước, ăn trầu, cau, hút
thuốc. Hai bên trao đổi những lời bóng gió:
- Nhà trai chúng tôi
có trâu. Nhưng vì thiếu đất, nên đi tìm đất để canh tác.
- Nhà gái, chúng tôi
có thừa đất nhưng thiếu con trâu cày, nên đất để hoang.
Qua một hồi trao đổi,
nói chuyện vui vẻ rồi hai bên cùng thỏa thuận: kẻ có trâu, người có đất cùng
hợp tác với nhau để đưa miếng đất vào sản xuất, tạo sản phẩm cho cộng đồng, rồi
nhà trai mang lễ vật ra đặt trước mặt đại diện nhà gái.
Đại diện nhà gái cũng
mang lễ vật: 1 ché rượu cần, 1 con gà luộc, 1 tô cơm vun cắm 1 cây nến sáp thắp
sáng, 1 bát rượu cần làm lễ trình báo tổ tiên rồi nhận lễ vật nhà trai.
Đại diện nhà gái cũng
tặng cho chàng rễ 1 chiếc còng đeo tay xem như nhà gái đã chấp nhận chàng rễ.
Sau lễ hỏi, nhà gái là bên chủ động tổ chức lễ cưới. Thời gian nhanh hay chậm,
sớm hay muộn tùy theo điều kiện kinh tế gia đình của nhà gái.
2.3.2. Lễ cưới (bbăk abu)
Lễ cưới được người
Raglai (tuỳ theo từng vùng) gọi là “huăk abu” hay “bbăk abu”). Theo tập tục, lễ
cưới phải có 2 con heo (1 lớn, 1 nhỏ), vài chục gà con và một số sản phẩm nông
nghiệp khác. Rượu cần là đặc sản quan trọng không thể thiếu để đãi khách.
Bên nhà trai đưa chàng
rể về nhà gái, khi đưa vào nhà phải có người hướng dẫn, tiếng Raglai gọi là ông
Sanươk. Người này được coi như người cha tinh thần của chú rể.
Ông Sanươk đi đầu, tay
cầm giáo. Chàng rễ đi sau tay cầm ná, vai mang ống tên. Em gái mang gùi đựng
con dao và các lễ vật để tặng cha mẹ cô gái. Ông cậu cũng cầm giáo đi sau.
Bên nhà gái có người
đại diện đón họ nhà trai ở cửa. Qua lời chào hỏi hai bên, nhà gái dắt con heo
lớn đến trình diện nhà trai và bưng bát nước dội lên lưng con heo. Họ nhà trai
xoa lên lưng heo (tỏ ý bằng lòng), sau đó bước qua lưng con heo rồi lên nhà sàn
ngồi theo thứ tự chủ - khách.
Lễ vật nhà trai mang
theo được bày ra trước mặt họ nhà gái. Nhà gái nhận rồi mang cất vào nơi an
toàn và để cho thật chắc chắn. Nếu vô tình để nghiêng hay đổ thì sẽ là điềm xấu
cho việc hôn nhân[4].
Nhà gái mời khách uống nước, hút thuốc và tiến hành lễ trao kỉ vật cho cô dâu
chú rễ.
Nhà trai trao cho cô
dâu vòng đeo tay.
Nhà gái trao cho chú
rễ xâu chuỗi hạt cườm trắng đeo cổ, rồi làm lễ cúng ông bà tổ tiên.
Lễ vật trong lễ cưới
gồm: cơm, canh, thịt gà, thịt heo, rượu cần dọn trên lá chuối. Trong lễ này
đáng chú ý là chủ lễ (nhà gái) dùng 2 cây giáo, cắm vào 2 quả cau, cầm 3 con dao
khấn tổ tiên, đưa qua đưa lại 3 lần. Cúng xong, mâm lễ vật được đặt vào bệ ở
góc nhà. Thủ tục cúng thần linh trong lễ cưới đến đây coi như đã xong. Gia chủ
dọn cơm đãi hai họ và bà con láng giềng đến chúc mừng. Cuộc vui kéo dài suốt
đêm với các điệu múa hòa cùng các điệu mã la, hát các làn điệu dân ca. Trai gái
hát đối đáp, nhảy múa theo các điệu mã la trong men rượu cần ngây ngất.
Sáng hôm sau cô dâu,
chú rể cùng theo họ nhà trai về nhà cha mẹ chồng. Chú rể cũng mang trên vai cây
ná, ống tên (cung tên không những là vũ khí tự vệ, mà còn là công cụ săn bắt
thú rừng của đàn ông tộc người Raglai). Cô dâu mang gùi đựng một đùi heo, một
ché rượu cần và một ít gạo. Theo phong tục, đây là quà tặng cha mẹ chồng (nghĩa
báo hiếu).
Nhà trai cũng làm heo,
gà cúng để trình báo tổ tiên. Báo cáo với tổ tiên là con trai đã đi lấy vợ và
theo vợ. Sau lễ cúng, nhà trai đãi họ nhà gái. Hai họ cùng gởi gắm cô dâu chú
rể. Họ hàng và bà con láng giềng đều chúc phúc cho đôi trẻ hạnh phúc, ăn nên
làm ra, ở nên nhà ra nên rẫy, ăn ở với nhau đến già. Sau đó họ chúc mừng cho cô
dâu chú rể bằng các làn điệu dân ca, hòa tấu mã la, khèn bầu, nhảy múa thâu
đêm.
Sáng hôm sau, chú rễ
theo vợ về ở luôn bên nhà vợ. Từ đây đôi vợ chồng ăn sẽ đời ở kiếp với nhau mãi
mãi, sinh con đàn cháu đống.
Ba ngày sau, cha mẹ
nhà gái cùng con rể đi thăm sui/thông gia (bên chồng). Họ mang bánh tét, trái
cây, các loại hoa màu, vải v.v… gọi là quà biếu sui gia nhà trai. Nhà trai cũng
đáp lễ bằng tặng phẩm cho cô dâu. Tùy theo gia cảnh mà tặng xâu chuỗi, hạt cườm,
vòng đeo tay, kiềng đeo cổ, vải vóc hay trâu, dê v.v…để cho vợ chồng có vốn làm
ăn sau này.
2.4. Nghi lễ tang ma (padhi atơu)
Tang ma là lễ nghi rất
phức tạp và tốn kém nhất trong các lễ nghi vòng đời của tộc người Raglai. Nhưng
chính nghi lễ tang ma là nơi chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, tạo
nên bản sắc văn hóa riêng của họ. Theo quan niệm của người Raglai, sau khi qua
đời, nếu không làm đám tang thì hồn người quá cố sẽ mãi là con ma đói lang
thang dễ bị quỹ dữ xúi giục về ám hại các thành viên trong dòng tộc. Do vậy,
khi người thân qua đời. Dù nghèo khó đến đâu họ cũng cố làm đám tang một cách
trọn vẹn cho người chết, để cho hồn ma có cơm ăn áo mặc về xứ sở ông bà tổ
tiên. Đó là quan niệm của tộc người Raglai nói riêng, và các dân tộc sống ở dãy
Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung.
Qua điền dã nghiên cứu
nghi lễ tang ma ở các vùng cư trú của tộc người Raglai, mặc dù cùng quan niệm
đã trình bày trên nhưng mỗi nơi khác nhau về nghi lễ cũng như biểu tượng nhà
mồ. Để so sánh tìm ra những tương đồng và dị biệt, chúng tôi xin miêu thuật một
số phong tục trong nghi lễ tang ma ở các xã Phước Chiến, Công Hải, Ma Nới,
Phước Hà thuộc tỉnh Ninh Thuận.
+ Tang ma ở xã Phước
Chiến:
Đám tang lớn hay nhỏ,
được căn cứ vào số cột và phong cách trang trí nhà mồ. Nhà mồ của đám tang lớn
làm từ 16 đến 32 cột, nhà 4 mái lợp tranh, trên nóc có Kago trang trí hoa văn,
chim, thú (cọp, rắn, chồn, chim cu…) xung quanh nhà mồ trồng chuối, khóm,
mía…Nhà mồ đám tang nhỏ làm từ 4 - 12 cột, cũng 4 mái lợp tranh, không có kagor.
Thời gian tổ chức đám tang là 3 ngày 2 đêm.
Lễ vật tùy theo điều
kiện kinh tế gia đình. Những gia đình khá giả thì lễ vật có trâu, heo, gà, rượu
cần, bánh tét, chuối…Những gia đình nghèo thì lễ vật có thể chỉ cần heo, gà,
rượu cần, cơm, canh, bánh tét, chuối. Chủ lễ tang phải có 3 thầy cúng gọi là
Yanuk jalat (1 ông thầy cúng chính, 2 ông thầy cúng phụ - còn gọi là “một đầu
và hai chân”. Ông thầy cúng chính cầm gậy thần (agai tuah karah mata) để làm lễ
rước ma về nhà và múa hướng dẫn ma ăn. Hai ông thầy cúng phụ múa tay không.
Ngoài ra, mỗi lần tế ma có đoàn đánh múa mã la. Nơi làm lễ có 2 địa điểm: ngoài
rạp và trong nhà.
Ngoài rạp: có một sạp
dài đựng lễ vật tế (thịt, cơm, canh, bánh chuối…rượu cần) và một giỏ tre đựng
lễ vật sau mỗi lần tế ma, đây là nơi tế chính. Do thầy “yanuk Jalan” làm lễ.
Trong nhà: lễ vật chỉ có một mâm gồm thịt, cơm, canh, bánh,
chuối, rượu cần, và do người nhà tự cúng. Theo thầy cúng chính - ông Patau Asah
Mến ở thôn đầu suối (Halau Kro) - thì lễ vật ở các mâm lễ như sau: mâm lễ vật ở
rạp là đãi họ hàng nhà ma; lễ vật trong giỏ là lương thực cho ma mang theo; mâm
lễ vật trong nhà để cho ma ăn. Quan niệm này giống như lễ tang của người Chăm
Bàlamôn.
Trong lễ “padhi atơu”, mọi người biểu lộ tình cảm bằng các điệu múa mã la như điệu
“toh ia, ruwơ”. Tiếng mã la vừa buồn khóc kể lể vừa vui cười. Điệu khóc kể
lể thể hiện sự thương tiếc người thân. Điệu vui cười là điệu mừng người sống đã
làm xong nghĩa vụ đối với người chết, tiễn đưa trọn vẹn người chết về thế giới
khác.
Lễ buổi sáng kết thúc.
Thầy cúng làm lễ tiễn ma về nhà mồ. Giỏ lễ vật được khiêng đi. Đến nửa đường,
thầy cúng chính liền bẻ cây thần “agai tuah” (cây chỉ đường cho ma
đi) làm đôi đặt vào giỏ, khiêng ra treo ở nhà mồ, xem như đường ai nấy đi.
Tiếng Raglai gọi là “padhi pakloh padhi pateh”. Kể từ đây những người đang sống
không liên quan với ma nữa. Ma đã vĩnh viễn về hẳn thế giới bên kia.
+ Tang ma ở thôn Bà
Râu, xã Lợi Hải:
Ở thôn Bà Râu, nhà mồ
trong lễ bỏ mả được làm rất đơn giản. Nhà mồ chỉ có 4 cột và 4 mái lợp tranh.
Không trang trí hoa văn. Đặc biệt, người Raglai ở Bà Râu dùng gỗ làm hình người
quá cố rồi mặc y phục lên, đeo 1 đĩa đèn (bằng mỡ heo) thắp sáng trước ngực
hình nhân. Dưới chân hình nhân có đào một cái lỗ ở dưới đất để thay cho giỏ
đựng lễ vật làm thức ăn cho ma. Không làm giỏ như ở Phước Chiến.
Lễ vật cúng ở đây cũng
khác. Ngoài lễ vật cúng họ hàng tại nhà mồ, khi rước ma về nhà, gia chủ còn làm
5 mâm gạo, 5 cái nồi, 5 mâm thịt. Theo thầy cúng Pinăng Nghèo, đây là lương
thực để ma ăn trên đường về xứ sở tổ tiên (nagăr mok kay) được mang ra nhà mồ
rồi mang về nhà. Còn giỏ đựng lễ vật cúng mang ra nhà mồ cho ma.
Đám bỏ mả lớn hay nhỏ
của tộc người Raglai ở thôn Bà Râu không căn cứ vào cột hay phong cách trang
trí nhà mồ mà chỉ căn cứ việc tiễn ma.
Đám bỏ mả lớn là đám tiễn ma ra tận nhà mồ.
Đám bỏ mả nhỏ chỉ tiễn ma đi nửa đường rồi quay về ngay. Trong đám tang chỉ còn
một người đàn ông mặc lễ phục Chăm, trên vai vác 2,3 cây gậy buộc xâu thịt heo
lủng lẳng. Một đám thanh niên giả làm chó chạy theo tranh nhau xâu thịt. Một số
khác cầm gậy đuổi. Tạo cảnh hỗn loạn từ nhà mồ về nhà. Theo thầy cúng Pinăng
Nghèo ở thôn Bà Râu, xã Lợi Hải, huyện Ninh Hải thì sự hỗn loạn ấy nhằm để xóa
dấu chân người nhà đã tiễn ma đi, để ma không biết đường về nhà cũ, mà tìm về xứ
sở tổ tiên. (Hiện tượng này phổ biến ở hầu hết các đám tang các tộc người ở
Đông Nam á, như tục quay đầu người chết, không cho ma tìm thấy đường quay lại
quấy rối người sống).
+ Tang ma ở xã Ma Nới:
Nhà mồ ở thôn Yarok,
xã Ma Nới thường có 4 cột, 4 mái, lợp tranh. Chính giữa nóc nhà mồ có miếng ván
tròn vẽ mặt người ôm 2 chiếc sừng trâu, gọi là “yâu”. Trên đỉnh có bầu nước.
Hai đầu sừng trâu có hình chim cu. Cạnh nhà mồ có chuồng gà, chuồng heo nhưng
không có lễ phóng thích gia súc. Theo ông Tà Yên Lức, người chết cũng như người
sống, người chết cũng cần phải chăn nuôi gia súc để ăn nên phải sắm sửa cho họ
(dương sao, âm vậy). Lễ vật cúng và nghi lễ trong lễ bỏ mả ở Ma Nới cũng như
các nơi khác.
+ Tang ma ở xã Phước
Hà:
Tang ma ở thôn Giá, xã
Phước Hà, huyện Ninh Phước có điểm đặc biệt hơn các nơi khác. Khi chôn người
chết, người ta gác đà ngang lót lá ngăn đất không lấp vào thi hài và làm lễ
padhi atâu hai lần. Nhà mồ ở đây được làm một mái theo chiều nam - bắc. Chiều
cao phía đông, thấp phía tây. Vách xung quanh nhà mồ được làm bằng gỗ, có cửa
mở ra phía đông. Nấm mồ được san bằng phẳng. Ở đầu nhà mồ phía nam có chòi nhỏ
lợp tranh, có cây ná gắn mũi tên và một con ngựa bằng làm bằng gỗ. Theo thầy
cúng Bà Râu Do ở thôn Giá thì ở thế giới bên kia cũng có nhiều quĩ dữ, có thể
làm hại ma. Do vậy phải làm chòi trú ẩn và trang bị phương tiện cho ma chống
lại quỹ dữ.
Lễ padhi atâu lần thứ
nhất được tổ chức bảy ngày sau khi chôn (tiếng Raglai gọi là “padhi băk tajuh"). Sau khi chôn 7 ngày, gia đình phải lo làm lễ padhi atau,
thời gian làm lễ chỉ trong một ngày và chỉ do một thầy cúng làm chủ lễ và lễ
diễn ra trong nhà.
Lễ vật gồm: heo, gà,
trứng, cơm, canh và các sản phẩm nương rẩy, bánh tét… lễ tế chính có hai giỏ
đựng lễ vật; thịt heo và cơm, canh và cột ba ống lồ-ô (arok djrao) làm vật đựng
rượu cần và nước sau mỗi lần tế và một mâm lễ vật được bầy cúng trên giường
người chết nằm trước khi chết. Theo thầy cúng Bà Râu Do thì có 2 giỏ lễ vật để:
một giỏ cho họ hàng nhà ma, một giỏ cho ma ăn theo đường về xứ sở tổ tiên.
Riêng mâm lễ vật trên giường để cho ma ăn trong ngày lễ. Lễ cúng tại nhà xong,
người nhà đãi họ hàng, sau đó mang hai giỏ lễ vật ra nhà mồ bày ra để cúng. Khi
cúng xong, mở cửa đưa hai giỏ lễ vật vào bên trong nhà mồ rồi đóng cửa nhà mồ
lại.
Lễ tế lần 2, cũng như
lần 1 nhưng lần này phải có heo, gà lớn hơn. Bà con xa gần tới đông đủ hơn. Đây
là lễ để kết thúc mối quan hệ giữa người sống và ma, tiếng Raglai gọi là “padhi
pakloh padhi patek” (cắt đứt liên hệ giữa người sống và người chết). Theo thầy
cúng Bà Râu Do, khi nào nhà mồ đổ nát và nấm mồ sụp xuống thì biết linh hồn
người chết đã về đến xứ sở tổ tiên. Quan niệm này có nét tương tự người Chăm
Bàlamôn thuộc dòng chôn (Chăm dăn).
Dù khác nhau về phong
cách nhà mồ và nghi lễ, nhưng lễ padhi atau của tộc người Raglai đều cùng chung
quan niệm: lễ padhi atau là nhằm mục đích giải thoát linh hồn người đã chết, có
cơm ăn nước uống, áo mặc trên đường về với ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia,
thể hiện tấm lòng người sống làm tròn nghĩa vụ đối với người chết.
Nhìn chung, các nghi lễ vòng đời của người
Raglai mang đầy đủ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, không chịu ảnh
hưởng của các tôn giáo mà có phần ảnh hưởng của người Chăm và người Việt. Trải
qua những biến thiên trong không gian và qua thời gian, phong tục tập quán nói
chung, nghi lễ vòng đời nói riêng có nhiều sự biến đổi. Đặc biệt trong những
năm gần đây, cùng với sự phát triển, những giá trị quý giá được đúc kết qua
hàng ngàn năm của văn hóa truyền thống của người Raglai đang có sự biến đổi, cần
có gấp rút có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả.
3. Tổng hợp thống kê lễ hội
Qua các bảng tổng hợp điều tra
về lễ hội truyền thống trên, có thể thấy ở các vùng Raglai có tỷ lệ tổ chức lễ
hội khác nhau.
3.1. Huyện Bác Ái
Ở huyện Bác Ái lễ hội còn khá
đậm đặc, vẫn thực hiện đầy đủ các lễ hội nông nghiệp như lễ cúng đầu năm, lễ
cúng trồng lúa bắp, lễ ăn đầu lúa và lễ ăn lúa mới. Các nghi lễ vòng đời như lễ
mừng sinh con, lễ cúng mụ, lễ cưới, lễ cúng tổ tiên vẫn được thực hiện khá đầy
đủ ở đều các thôn.
Lễ mừng sinh con: hiện còn ở
28/33 thôn
Lễ cúng mụ: hiện còn 16/33
thôn
Lễ trưởng thành hiện còn 11/33
thôn gồm thôn Chà Panh, Tà Lọt xã Phước Hòa; Thôn Đá Bàn xã Phước Tiến; thôn Ma
Dú, Ma Nai xã Phước Thành; tất cả các thôn thuộc xã Phước Thắng và Phước Trung.
Lễ cưới truyền thống: hiện vẫn
được tổ chức ở 33/33 thôn
Lễ mừng thọ hiện còn 10/33
thôn gồm thôn Tà Lú, Ma Hoa xã Phước Đại, thôn Chà Panh xã Phước Hòa, thôn Ma
Ty xã Phước Tân, thôn Ma Dú, Ma Rớ xã Phước Thành; thôn Chà Đung, Ma Ty xã
Phước Thắng, Thôn Tham Dú, Rã Giữa, Đồng Dày ở xã Phước Trung; thôn Tân Bình,
thôn Gòn ở xã Lâm Sơn; tất cả các thôn ở xã Ma Nới; thôn Đắc Nhơn, Lương Cang ở
xã Nhơn Sơn.
Lễ cúng tổ tiên hiện còn ở
15/33 thôn gồm các thôn Gia É, xã Phước Bình, thôn Núi Rây xã Phước Chính, thôn
Ma Hoa xã Phước Đại; thôn Chà Panh xã Phước Hòa; thôn Ma Ty xã Phước Tân; thôn
Trà Co xã Phước Tiến, thôn Suối Lở xã Phước Thành, thôn Chà Đung, Ma Ty xã
Phước Thắng, thôn Rã Giữa và Rã trên thuộc xã Phước Trung.
Lễ cúng đầu năm: hiện còn
12/33 thôn duy trì, nhiều nhất là các thôn thuộc xã Phước Bình.
Lễ cúng trình lúa bắp: Hiện
còn 22/33 thôn tổ chức.
Lễ ăn đầu lúa: hiện còn 9/33
thôn tổ chức
Lễ ăn lúa mới: hiện còn 18/33
thôn tổ chức
Cúng chữa bệnh: Mặc dù bị ngăn
cấm nhưng cho đến năm 2003 vẫn còn duy trì ở 12 thôn, trong đó ở xã Phước Đại
có 2/2 thôn, xã Phước Hòa 2/2 thôn, Phước Tân 1/3 thôn; Phước Tiến 3/4 thôn;
Phước Thành 2/5 thôn; Phước Thắng 1/4 thôn.
Theo thống kê hiện ở huyện Bác
Ái còn tới 47 thầy cúng, nhiều nhất là ở các xã Phước Tiến, Phước Đại, Phước
Hòa, Phước Tân, Phước Trung và Phước Thành.
3.2. Huyện Ninh Sơn
Lễ hội truyền thống ở huyện
Ninh Sơn đậm đặc nhất là ở xã Ma Nới. Hầu hết ở 6 thôn thuộc xã Ma Nới đều đang
duy trì đầy đủ các loại lễ hội nông nghiệp và nghi lễ vòng đời người. Trong đó
đậm đặc nhất phải kể đến thôn Gia Rót, thôn Ú, Hà Dài và Tà Nôi.
Qua thống kê ở toàn huyện có 6
xã, 15 thôn cho thấy:
Lễ Mừng sinh con:
Hiện còn tổ
chức ở 11 thôn, 5 xã. Một xã không còn tổ chức là xã Hòa Sơn
Lễ Cúng mụ: Hiện còn tổ chức ở
8 thôn, 2 xã gồm Lâm Sơn, Ma Nới
Lễ Trưởng thành: Hiện còn tổ
chức ở 3 thôn, thuộc 2 xã là thôn Hà Dài, Tà Nôi xã Ma Nới và thôn Lương Cang
xã Nhơn Sơn.
Lễ Cưới truyền thống: còn ở 12
thôn
Lễ Mừng thọ còn ở 9 thôn, 3 xã
Lễ Bỏ mả còn ở 13 thôn
Lễ Cúng tổ tiên còn ở 5 thôn,
2 xã
Lễ Cúng xin trồng lúa bắp còn
ở 3 thôn
Lễ “Ăn đầu lúa” còn ở 4 thôn
thuộc xã Ma Nới
Lễ “Ăn lúa mới” còn ở 4 thôn
đều thuộc xã Ma Nới
Lễ Cầu mưa và lễ cầu an còn ở
4 thôn đều thuộc xã Ma Nới
Cúng chữa bệnh còn ở 9 thôn
với 17 thầy cúng, tập trung chủ yếu ở xã Ma Nới.
3.3. Huyện Ninh Hải
Lễ mừng sinh con hiện còn được tổ chức ở 14 thôn thuộc 4 xã: Phước
Chiến, Lợi Hải, Vĩnh Hải, Phước Kháng.
Lễ Cúng mụ: Không còn thôn nào?
Lễ Trưởng thành: còn ở 11 thôn thuộc 5 xã. Chỉ có thôn Xóm Bằng,
xã Phương Hải là không còn tổ chức.
Lễ Cưới truyền thống: hiện còn được tổ chức ở 18 thôn thuộc 5 xã
Lễ Mừng thọ: còn ở 5 thôn thuộc xã Phước Chiến và Phước Kháng.
Lễ Bỏ mả: hiện còn ở 19 thôn thuộc 5 xã. Đặc biệt, lễ bỏ mả ở xã
Phước Chiến là còn mang đầy đủ các yếu tố truyền thống nhất.
Lễ Cúng tổ tiên còn ở 6 thôn, 3 xã
Lễ Cúng đầu năm còn ở 5 thôn thuộc xã Phước Chiến, Lợi Hải và
Phước Kháng.
Lễ Cúng xin trồng lúa bắp còn ở 2 thôn là Đá Liệt, xã Phước Kháng
và thôn Kiền Kiền 2 thuộc xã Lợi Hải.
Lễ “Ăn đầu lúa”, lễ “Ăn lúa mới”, lễ Cầu an, Cầu mưa chỉ còn ở xã
Phước Chiến.
Cúng chữa bệnh hiện còn ở 15 thôn thuộc 3 xã Phước Kháng, Phước
Chiến, Lợi Hải và còn 36 thầy cúng cũng tâp trung ở 3 xã này.
3.4. Huyện Ninh Phước
Ở huyện Ninh Phước, lễ hội chủ yếu tập trung nhiều nhất ở 4 thôn
thuộc xã Phước Hà.
Lễ Mừng sinh con: Không còn
Lễ cúng mụ: còn ở 5 thôn (4
thôn xã Phước Hà và 1 thôn Tà Dương ở xã Phước Thái.
Lễ trưởng thành: 5 thôn
Lễ Cưới truyền thống: 7 thôn
Lễ Mừng thọ: 5 thôn
Lễ Bỏ mả: 7 thôn
Lễ “Ăn đầu lúa”: 3 thôn
Lễ “Ăn lúa mới” còn 2 thôn, lễ cầu an 1 thôn.
Cúng chữa bệnh còn ở 4 thôn với 18 thầy cúng đều thuộc xã Phước
Hà, trong đó có 1 thầy cúng ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái.
[1] Một loại giỏ đan bằng tre, giống như chiết của người Chăm
[2] Đây là một loại thú rừng có hàm răng nhọn và sắc, thường
bị săn bắt nhiều vì thịt của nó thơm ngon, người Việt thường gọi là con dũi,
lúi cúi, con heo đất. Nhìn bề ngoài giống như con chuột đồng lớn.
[3] Có vùng gọi là bray
bbuai rao tangin bbuai, có nghĩa là tạ ơn bà mụ hay rửa tay bà mụ.
[4] Tư liệu phỏng vấn thầy cúng Katơ Lượng ở thôn
Ma Ty, xã Phước Tân
Chương 4
VĂN HỌC DÂN GIAN
Văn học dân gian là một mảng còn trống trong việc nghiên
cứu văn hóa dân tộc Raglai. Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào
tập hợp một cách đầy đủ về di sản văn học dân gian Raglai. Trong khi đó, kho
tàng di sản phi vật thể truyền miệng này đang mất đi nhanh chóng. Vì vậy, văn
học dân gian Raglai là một lĩnh vực cần cấp bách sưu tầm, biên dịch và xuất
bản. Qua các đợt điều tra, khảo sát gần đây, chúng tôi thấy văn học dân gian
của người Raglai rất phong phú đa dạng cả về nội dung lẫn thể loại. Có thể nói,
các thể loại văn học dân gian đều có ở trong cộng đồng tộc người Raglai. Đó là
chuyện cổ, chuyện thơ, ca dao, dân ca, sử thi, thành ngữ, tục ngữ, câu đố.
Trong đó, đáng chú ý nhất là trữ lượng sử thi khá lớn đã và đang được sưu tầm,
biên dịch và xuất bản.
Các thể loại văn học dân gian Raglai thường được
thể hiện bằng văn vần. Văn vần Raglai vừa gieo ở vần bình lại vừa gieo ở vần
trắc giống như loại văn vần của người Chăm. Ví dụ:
“Apui bbâk sak Lửa ăn nhà
kalak bbâk manuk” Diều
bắt gà
“Lagga lam drây Sức
tàn
lakhuây lam
pran” Lực kiệt
“Da-a kay Rikah , da-a kay Rikao
Da-a kay Kamau - patao tôha”
(Thỉnh
mời ông Ricá, kính mời ông Ricao
Xin mời ông Kamau - vị vua già của rừng núi)
1. Chuyện cổ (tarikal hoặc yulukal)
Trong các
làng Raglai hiện nay, người còn nhớ và kể chuyện cổ/chuyện đời xưa rất ít. Số
nghệ nhân hát kể được chuyện cổ lại càng ít hơn. Đối với các tộc người chưa có
chữ viết để ghi chép bảo lưu, các nghệ nhân chính là cái kho lưu trữ và phổ
biến, truyền lại tất cả các di sản văn hóa phi vật thể của tộc người đó. Trong
giai đoạn hiện nay, với sự giao lưu văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, lớp trẻ không
thật sự mặn mòi với những di sản văn hóa
truyền thống mà bị hấp dẫn bởi những yếu tố văn hóa mới tràn đến. Cứ mỗi một
nghệ nhân biết kể, hát kể chuyện cổ, sử thi qua đời đồng nghĩa với việc họ đang
lặng lẽ mang theo kho tàng văn học dân gian được đúc kết qua hàng nghìn năm văn
hóa của một tộc người.
Trong toàn
tỉnh Ninh Thuận hiện nay, chỉ còn có hai nữ nghệ nhân đã lớn tuổi có thể hát kể
chuyện được trọn vẹn một vài sử thi. Đó là nghệ nhân Tà Yên Thị Mư Roong ở thôn
Là A, xã Phước Hà, huyện Ninh Phước và nghệ nhân Katơ Thị Sính ở thôn Ma ty, xã
Phước Tân, huyện Bác Ái. Trong những năm qua, từ năm 1999 đến năm 2005, những
người tâm huyết với kho tàng văn hóa dân gian Raglai đã tiến hành ghi chép, ghi
âm lại được một số chuyện cổ, sử thi rất có giá trị.
1.1. Chuyện cổ thông qua
hình thức kể (Ikhat
yulukal)
Đây là thể loại chuyện chỉ kể bằng
lời mà không hát. Cũng có thể câu chuyện kể vốn đã là văn vần, vốn là chuyện
thơ, xưa kia là chuyện hát kể, nhưng nay người kể chuyện không hát được nên họ
chỉ kể bằng lời.
Chuyện cổ Raglai khá nhiều. Chuyện dài nhất ghi âm
được trên dưới 2 băng cassette 90 phút (tương ứng với khoảng 3 giờ đồng hồ kể
chuyện). Trong quá trình sưu tầm điền dã, bước đầu nhóm sưu tầm đã ghi âm được
một số chuyện như: Chay Bbơloh (chàng Gáo), Chay Kra (cậu Khỉ), Chay Kra mưk
(Cậu Khỉ vàng), Patao Rang, Patao Klat (Thần Trăn, Thần Rắn), Chay Maja (Cậu
Chồn), Ya Rimoong (ông Cọp), Patao Kiăk (Thần ếch), Kumay dămsa - dara Rôbbăk
(hai chị em Tằm - Xà và Rô - bá), Chay Taleăk (Anh chàng thổi sáo)..v..v...
1.2. Hát kể chuyện cổ,
chuyện thơ, chuyện ngụ ngôn (hari ikhat yulukal)
Là những chuyện cổ được kể bằng lời hát, bao gồm
cả chuyện kể bằng thơ, và hát kể chuyện sử thi. Hiện nay, số chuyện cổ dưới
hình thức hát kể không nhiều, ngoại trừ hát kể chuyện sử thi.
Trong loại hình hát kể chuyện này, số lượng về
chuyện thơ, chuyện ngụ ngôn tương đối nhiều, chiếm tỉ lệ khoảng 80%. Chuyện thơ
ngụ ngôn được hát kể thường lên án, phê phán kẻ lười nhác, độc ác, bênh vực
người lương thiện, nghèo khổ, yếu thế. Tính triết
lý của
chuyện thường là “tham thì thâm, độc ác phải chết, người hiền lành, tài trí đều
là con của trời và cái thiện sẽ thắng”.
Chuyện thơ phản ánh sự vật, hiện
tượng thiên nhiên, đời sống xã hội tộc người Raglai. Hầu hết nội dung các
chuyện đều mang nội dung từ thuở hồng hoang của người Raglai cổ xưa. Với tín
ngưỡng đa phiếm thần, mọi sự vật, hiện tượng đều có linh hồn và số phận.
Từ hòn đá, con dao, cái cây, cái rìu v.v… cái gì
cũng biết tư duy, biết nói và đều có mối quan hệ đến con người. Cái thuở mà
thiên nhiên, con người và mọi sinh vật sống hòa vào nhau, con người là một thực
thể của tự nhiên. Các thần/yàng trên trời là của tự nhiên. Các thần vừa ban cho
người Raglai cái tai để nghe, cái mắt để nhìn, cho cái nhà để ở, cái bắp để ăn,
cho cái suối để uống v.v…Các thần cũng có thể gieo tai ương, tai họa, bệnh tật
cho con người, có thể cướp đi của con người mùa vụ hay sự sống. Mỗi ngọn núi,
mỗi con suối, cái cây, con vật có thể là thần, có thể là ma quỉ. Con người cũng
có thể là thánh nhân mà cũng có thể là ma, quỉ đội lốt người. Cũng như kho tàng
chuyện cổ của các dân tộc khác, nội dung chuyện cổ Raglai đều hướng tới những
giá trị chân, thiện, mỹ, luôn tìm đến chân lý, lẽ phải, có tính giáo dục cao.
Qua quá trình sưu tầm, nhóm khảo sát đã nghi chép
được các chuyện thơ, chuyện ngụ ngôn bằng cách hát kể như: Ja Balut (tên nhân
vật), Toh Lăr (chuyện ngụ ngôn), Chay Gilâu (Cậu Trầm), Bhu (người ma), Chay
Taleăk - Kumay Bhu (Chàng thổi sáo và cô gái ma), Ja Tarahit (tên nhân vật ),
Chay Ta Anrok (Cậu Cóc), Ano Joh Rong (chàng Lưng gù), Anai patik kok dan (Nàng
cò trắng), Anai Jajoai (nàng Chuối), Anai Atuk Ruvuk (nàng Búp măng) Anai Jah
Danăng (Cô tháo phên), Chay Adoa (Chàng ốc) ..v..v...
Trong loại hình hát kể chuyện, số lượng về chuyện
thơ, chuyện ngụ ngôn tương đối nhiều, chiếm tỉ lệ khoảng 80%. Chuyện thơ ngụ
ngôn được hát kể thường lên án, phê phán kẻ lười nhác, độc ác, bênh vực người
lương thiện, nghèo khổ, yếu thế. Tính triết lý của chuyện thường là “tham thì
thâm, độc ác phải chết, người hiền lành, tài trí đều là con của trời và cái
thiện sẽ thắng”.
1.3. Hát kể chuyện sử thi (hari ikhat yulukal)
Sử thi là những chuyện dài được kể bằng lời hát
của nghệ nhân. Cốt chuyện của sử thi thường rất phức tạp. Nhiều tuyến nhân vật
xoay quanh một trục trung tâm là nhân vật anh hùng của cộng đồng. Họ đấu tranh,
sống, chết vì lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển nòi giống, mở
mang vùng lãnh địa. Tất cả những mục đích nói trên đều phải trải qua chiến
tranh để giành lấy. Sử thi được ví như những viên ngọc quí, là báu vật truyền
lại từ muôn đời xưa mà không phải tộc người nào, dân tộc nào cũng có được.
Giá trị đích thực của loại văn chương truyền miệng
này là những gì thuộc về nội dung mà nhờ lời văn, lời hát, giai điệu, giọng hát
của nghệ nhân diễn đạt. Sử thi có thể giúp chúng ta tìm ra được nguồn gốc và
quá trình tộc người, về những cuộc chiến tranh giành giật lấy sự sống, giành
lãnh thổ, giữ gìn tộc người và vì lẽ phải. Sử thi cũng chính là kho tàng văn
hóa dân gian của một tộc người, trong đó có các tư liệu lịch sử, tư liệu về vũ
trụ quan, nhân sinh quan của các thời kỳ tộc người, những tư liệu về đời sống
kinh tế, đời sống xã hội, quan niệm tâm linh từ thuở hồng hoang v.v… Sử thi là
kho tàng di sản chứa đựng bản sắc văn hóa của một tộc người. Kho tàng sử thi mà
chúng tôi sưu tầm được cho thấy người Raglai vốn có một nền văn hóa lâu đời,
chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc.
Đến năm 2005, qua điều tra, sưu tầm, nhóm sưu tầm
đã phát hiện được 15 chuyện cổ có dấu hiệu sử thi. Cùng với chương trình sưu
tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên (do Viện nghiên cứu văn hóa - Viện
Khoa học Xã hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa thông tin tỉnh Ninh
Thuận, nhóm điều tra sử thi của Sở Văn hóa thông tin Ninh Thuận đã tiến hành
sưu tầm, ghi âm 92 băng của các sử thi
sau:
1. Sử thi Sa – Ea: 32 băng, do nghệ nhân Katơ thị
Sính, thôn Maty, xã Phước Tân, huyện Bác Ái hát kể.
2. Sử thi Uya - Yuhea. 22 băng, do nghệ nhân Katơ thị Sính, thôn Maty, xã Phước Tân, huyện
Bác Ái hát kể.
3. Sử thi Anai mưprek. 06 băng, do nghệ nhân Tà Yên Thị Mư Roong, thôn Là A, xã Phước Hà,
huyện Ninh Phước hát kể.
4. Sử thi Jurit Budu. 03 băng, do nghệ nhân Tà Yên Thị Mư Roong, thôn Là A, xã Phước
Hà, huyện Ninh Phước hát kể.
5. Sử thi Kay Kamau. 05 băng, do nghệ nhân, Tà Yên Giao, thôn Là A, xã Phước Hà, huyện
Ninh Phước hát kể.
6. Sử thi Ano Joh Rong: 03 băng, do nghệ nhân Tà Yên Thị Mư Roong, thôn Là A, xã
Phước Hà, huyện Ninh Phước hát kể.
7. Sử thi Ja – Taranhit. 01 băng (60’), do nghệ nhân Ta Yên Thị Siêng, thôn Ú, xã Ma Nới,
huyện Ninh Sơn hát kể.
8. Sử thi Chay Kalang badăt. 06 băng, do nghệ nhân Tà Yên Thị
Mư Roong, thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Ninh Phước hát kể.
9. Sử thi Chay Hađăk. 05 băng, do nghệ nhân Tà Yên Thị Mư Roong,
thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Ninh Phước hát kể.
10. Sử thi Chay Balok Li - U 07 băng,do nghệ nhân Tà Yên Thị
Mư Roong, thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Ninh Phước hát kể.
11. Sử thi Ano
La o patay (chàng đọt chuối)
02 băng, do nghệ nhân Mang Tơ, 64
tuổi, thôn Trà Giang 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn hát kể.
Nhóm thực hiện chương trình sử thi ở Ninh Thuận đã
tiến hành tóm tắt các sử thi, gỡ thử và mời chuyên gia về sử thi tiến hành thẩm
định giá trị và các tiêu chí của 07 cốt truyện đã ghi âm nói trên. GS Phan Đăng
Nhật đã xác định 6/7 cốt chuyện đã ghi âm là sử thi. Ban chỉ đạo chương trình
đã cho tiến hành gỡ băng và dịch nghĩa các sử thi sau:
1. Sử thi Kay Kamau: 01 băng gồm 14 trang bản ngữ,
14 trang tiếng Việt, do ông Nguyễn Hải Liên gỡ băng, dịch nghĩa.
3. Sử thi Uya – Yuhea: (22 băng cassette 90 phút).
4. Sử thi Sa - Ea (khoảng 30 băng), Sử thi này đã
được ông Sử Văn Ngọc gỡ băng, dịch ra khoảng trên 1000 trang (500 trang bản
ngữ, 500 trang tiếng Việt), chuẩn bị xuất bản.
5. Sử thi Jurit Budu (2 băng)
6. Sử thi Anai Mưpreh (5 băng)
Như vậy, thông qua kết quả sưu tầm với kho tàng sử
thi với trữ lượng khá lớn, có thể thấy dân tộc Raglai có một truyền thống văn
hóa lâu đời và độc đáo[1].
2. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố
2.1. Ca dao
Có thể xa xưa, người Raglai đã từng có ca dao,
nhưng hiện nay ở các làng Raglai, người già chỉ còn nhớ được ca dao trong thời
kỳ kháng chiến. Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi chưa tìm ra một người nào
còn nhớ ca dao cổ, dù nhóm sưu tầm đã lặn lội tìm kiếm ở nhiều làng. Chỉ tìm
được những câu ca dao “hiện đại” như:
“Ia chơk kay Kamau đời halay thu
T’rây mu Wa Hồ pato pabiai kadrây piăk”
(Nước suối Kamau không bao gìờ tắt
Cái bụng tin Bác không lúc nào vơi)
“ơh mu matai ôh!”
Bom đạn drây matai
Aday sa-ai drây juây hoaih
Pok kali Mỹ plok
Hatai tiăk drây ôh sa nok”
(Đói
chưa chết
Bom đạn mới chết
Anh em mình không sợ chi hết
Đánh cho
Mỹ chết - Lòng ta mới yên[2])
“Mỹ – Diệm pok mai
Anak Raglai pok wơk”
(Mỹ - Diệm đánh tới đây
Người Raglai đánh nó)
“Hmu Đảng, hmu Bác
Yu yak tơk ti ta nok”
(Có Đảng, có Bác Hồ
Như ở trong nhà có thần linh che chở)
"Anak
Raglai Sa tuk, Sahatai
Kusư ggâup ngăk bbâkõ
Chơk mapuk, pok kali”
(Người Raglai, con, cháu
Cùng một bụng, một gan
Cùng sinh sống làm ăn
Cùng núi thiêng đánh giặc[3])
2.2. Thành ngữ
Tại Phước Hà, nhóm khảo sát sưu tầm được một số tư
liệu thành ngữ như sau:
“Tôkik piyek, anek usar”. Ít giống, lép hạt
“Đơp tôkik, thâu lu”. Nói ít, hiểu nhiều
“Tuk lapa, mata sop” Bụng đói, mắt mờ
“Gadop tupoăk, visăh lok” Khố nối, tuột tới lỗ rốn
“Rôp đơ kapay, drây đơ lamo chơk” Xác như trâu
rừng, thân như bò núi
“Mưng ni
tơk halay Từ đây trở đi
"Rităh juây yu yak” Đậu gì cũng không được cúng
“Apui bbâk sa” Lửa ăn nhà,
“kalak bbâk manuk” diều
bắt gà
“Lagga lam drây, Sức tàn,
lakhuây lam pran” lực kiệt
“Thu ia, hatoa naggar” Nắng
làng, hạn xóm
“Tamu yâk,
ujat halip” Mưa không thuận, gió
chẳng hòa
2.3. Câu đố
So sánh với các loại hình khác, câu đố Raglai là
một loại hình ổn định, tương đối bền vững và phổ biến. Người Raglai từ già,
trẻ, gái, trai Raglai đều còn nhớ. Đây là một loại hình dễ nhớ, dễ thuộc vì các
câu đố ngắn, gọn, ít có dị bản, tương đối bền vững. Lứa tuổi thiếu nhi là đối
tượng học thuộc ở lớp người lớn tuổi và hay sử dụng.
- Pađeăk laggar urak, yơ ia laggar drây
(Nắng ở làng người ta, nước chảy ở làng mình: Trái
me, trái khế)
- Klâu urak u kaku sa urak sudik
(Ba ông chồng mà bồng một vợ: ông táo và cái nồi)
- Kumay dara, bhah dak dok.
(Cô gái chưa chồng, đục hòn đá tảng: đục lỗ đeo
bông tai)
- Dăm wit bok laggar, dăm đhar boh chơk.
(Nối vòng xứ sở, nối cả núi non: đóng khố)
- Sa voh katoaih, đoaih đhar
(Một cái gò mối, ai hối chạy quanh: bắt chí)
- Pôh nhu hea, luai di ala, nhu srik
(Bồng lên khóc tướng, đặt xuống nín thinh: cái mã
la)
- Sa drây ôla, doa boh akok
(Một con rắn, cắn hai đầu: dây trương ná)
- Away matai, ana kheăk luva
(Mẹ chết con giữ hố: cây chuối)
- Chuk au mareăk, doh ggah apuk
(mặc áo đỏ tươi, lên ngồi ở rẫy: trái thơm (dứa)
chín.
- Patâu asah, plăk đhi
(Đá mài mà cài trong hang: cái lưỡi)
- T'rây đik đa, lapa đik groa
(No thì nằm ngửa, đói lại nằm sấp: cái chén ăn
cơm)
- Gru sa
ratuk, yuk manhi oh
(Một trăm cái lục lạc, lúc lắc không tiếng kêu:
buồng cau)
- Đik mơng mul, pat rul tơ la- o
(Lên từ đàng gốc, tụt xuống từ ngọn: Cái ống hút
rượu cần)
- Talơi nao, kubao dok
(Cái dây đi, trâu thì ở lại: Dây và trái bí đỏ)
2.4. Tục ngữ
Tục ngữ của người Raglai giản dị, mộc mạc:
Apui ghu kayua, ke rađeh jangq ghơng kayua ura
tuha
Lửa cháy nhờ cành khô, trẻ con khôn lớn nhờ
người già
Jeq manũih djah jhaq, jeq manũih siàq lageh.
Gần người xấu thì dở, gần người tốt thì hay
Buh tuvơu o payơr thok, buh trok o payơr tangãn
Thấy mía không xỉa dao, thấy cà không xỉa tay.
Kayơu hudiq kayua ugha, ia ghu kayua danơi
Cây sống là nhờ rễ, nước chảy là nhờ nguồn.
Buh ruh o hla, buh luka o khiơq.
Thấy ghẻ cóc không nhại, thấy ghẻ ngứa không
khinh.
Ruvùq palơi ura, ikaq sa palơi drơi
Bão
làng người ta, buộc nhà làng mình
Trong toàn bộ các
loại hình thuộc lĩnh vực văn học dân gian Raglai, loại hình đáng quan tâm và
cần sưu tầm gấp là sử thi và chuyện cổ vì các nghệ nhân còn thuộc và hát kể
chuyện được loại hình này hiện cón rất ít và đều đã lớn tuổi. Đây là những loại
hình chứa đựng nhiều tư liệu về văn hóa cổ truyền nhất của người Raglai mà nếu
chúng mất đi thì vĩnh viễn không bao giờ có thể lấy lại được.
[1] Những sử thi của dân tộc Raglai đã và đang biên dịch,
xuất bản nên trong công trình này, chúng tôi không đề cập sâu.
[2] Tư liệu phỏng vấn thông tín viên Ta - ing Yao (Tà Yên
Giao) - thôn Là A, xã Phước Hà, huyện Ninh Phước.
[3] Tư liệu do ông Ta Yên Hiền - Thông tín viên – thôn Là A,
xã Phước Hà cung cấp
2.1.3.7. Hát mời rượu “Manhi djuk tapai”
9. Chơi u (ma in u)
Chương 5
ÂM NHẠC DÂN GIAN
1. Hệ thống nhạc cụ
Dân tộc Raglai có hệ thống lễ hội phong phú. Có lễ hội là
có âm nhạc. Trong các nghi thức cúng tế, người Raglai đều sử dụng nhạc cụ
truyền thống và các giai điệu âm nhạc dân gian. Cũng như các dân tộc thiểu số
ở miền Trung - Tây Nguyên, đa phần các nhạc cụ của người Raglai đều là những
vật thiêng, đều có linh hồn. Đặc biệt là mã la, một loại nhạc cụ gõ bằng đồng
mang tính đặc trưng của các dân tộc nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng
Tây Nguyên mới được UNESSCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại[1]. Theo quan niệm của người
Raglai, mỗi chiếc mã la là một vị thần, chỉ có âm thanh của mã la là có thể
thay tiếng nói con người để giao tiếp với thần linh. Vì vậy, mã la là một trong
những nhạc cụ thiêng, được để nơi trân trọng trong nhà sàn, mỗi lần lấy xuống
làm lễ đều phải cúng. Ngoài mã la, người Raglai còn nhiều loại nhạc cụ phong
phú khác. Nhóm điền dã đã khảo sát và nhận thấy, hiện người Raglai có những
nhạc cụ sau:
Bộ gõ gồm: Mã - la (char); Trống (saggơr); Chiêng núm (chiek);
Trống đất (saggơr tanah); Chiêng là – a (chiek pa – or); Lục lạc chùm; Đàn đá.
Bộ hơi gồm: Kèn/khèn bầu sarakel và kèn
bầu kupoăt; Kèn sừng (gadet); Sáo 6 lỗ loại lớn (taleăk); Sáo 6 lỗ loại nhỏ
(talakung); Sáo 1 lỗ, có lưỡi gà (kok t’re); Sáo dài (kawau)
Bộ dây gồm: Nhóm bộ dây gảy có: đàn
Chapi; Đàn kéo 1 dây hoặc 2 dây (kanhi); Nhóm bộ dây búng có: Đàn môi búng
a(wach) và đàn môi giật (radik - các loại đàn môi này cũng gần giống với các
loại đàn môi của các dân tộc khác).
1.1.
Bộ gõ
1.1.1. Mã la (char)
Mã la là một loại nhạc cụ gõ
bằng đồng mang tính đặc trưng của các dân tộc nằm trong không gian văn hóa cồng
chiêng Tây Nguyên. Mã la gần giống với chiêng bằng của người Ê Đê, là loại
chiêng không có núm. Nhưng chiêng bằng ở Tây Nguyên sử dụng bằng dùi để gõ, còn
mã la của người Raglai lại dùng nắm tay đánh thẳng vào mặt ngoài của chiêng. Mã
la là một loại nhạc cụ được sắp xếp thành bộ từ 2, 3, 5,7,9 đến 12 chiếc.
Mã la không thể thiếu được trong đời sống văn hóa xã hội, văn hóa tâm linh
của người Raglai. Trong hầu hết các
lễ hội Raglai đều có sử dụng mã la, nhất là trong hai lễ hội tiêu biểu: lễ hội
“ăn đầu lúa” và lễ hội “bỏ mả”.
Trong lễ hội “ăn đầu lúa” ở hầu hết
các làng Raglai nam từ đường QL số 27 trở vào, vì chỉ có mã la bộ 2 chiếc nên
nhạc lễ đều dùng bộ chiêng núm 3 chiếc hòa tấu với kèn bầu Sarakel và trống lớn
(Riêng thôn Tà Dương xã Phước Thái – Ninh Phước dùng bộ mã la 5 chiếc với 4
bài nhạc lễ). Đa số các làng Raglai bắc đều hòa tấu nhạc lễ với các bộ mã la từ
5 chiếc đến 9 chiếc.
Trong lễ hội bỏ mả, mã la đóng vai
trò nhạc lễ. Hiện nay, ở đâu không dùng mã la bộ làm nhạc lễ bỏ mả, nơi ấy
không còn lễ hội bỏ mả nữa, tức là không có Budhi atâu mà chỉ có Bud’hi bilat
(đám cúng mả một tháng rồi bỏ luôn). Hiện nay, bà con Raglai nam không còn tổ
chức lễ bỏ mả theo nghi thức truyền thống.
Đối với người Raglai, mã la là một
loại di sản thiêng liêng của ông bà để lại. Trước khi cúng, phải có lễ cúng
nhỏ để “mời” mã la xuống. Trong khi cúng mã la, phải khấn tạ ơn vị tổ phụ đã
tìm ra quặng để đúc thành mã la. Khi kết thúc phải có lễ cúng tạ mã la và mời
từng “vị” mã la từ mã la “mẹ cả” đến mã la “con gái út” uống rượu, ăn lễ. Người
ta lật ngửa mã la ra đặt trên đất, khấn tạ rồi rót rượu, bỏ thịt, bẻ trứng đã luộc,
bỏ cơm vào từng chiếc mã la mời các vị thần mã la ăn, uống. Sau đó họ cầm chiếc
mã la “mẹ cả” lên đánh một tiếng, trước khi treo cả bộ lên vách để đưa đi hòa
tấu trong lễ hội. Bà con Raglai nói: “Mã la của ông bà để lại, cái bụng vui thì
cái tay phải đánh”. Người Raglai có câu đố: “Pôk tagôh nhu hia, chek trut la
nhu gađăkaa” nghĩa là: “Bồng lên nó khóc, để xuống nín thinh” để chỉ mã la[2].
Mã la không chỉ là loại “tiếng nói” giao tiếp được với thần linh trong các lễ
nghi nông nghiệp, lễ nghi vòng đời và các lễ nghi khác mà còn là người bạn thân
thiết không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng.
Người Raglai có tới trên dưới một
trăm bài nhạc mã la. Nhưng trong đó chỉ có khoảng 5 bài là nhạc lễ. Trong lễ bỏ
mã chỉ dùng một bài duy nhất có tên “Atok Ya” (có làng gọi “Chrok atâu”). Trong
lễ “ăn đầu lúa” chỉ dùng có 3 bài mã la: “Tamaya bâk akok padai” (múa ăn đầu
lúa), “Da a Pô trôt mai” (mời ông bà về), “Da a Pô Yak prôk nhưk” (mời thần
chủ) mà thôi. Gần một trăm bài còn lại đều dùng trong sinh hoạt hội hè. Nội
dung những bài sử dụng trong hội hè chủ yếu là những khúc nhạc vui, chứa đựng
nhiều giá trị tinh thần độc đáo.
Trên địa bàn Ninh Thuận, hầu như làng Raglai nào cũng còn mã la nhưng phân
bố không đều, có làng còn nhiều, có làng còn ít (xem phụ lục). Làng còn nhiều
mã la nhất là làng Kamau, thuộc xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, nơi đang lưu giữ
trên 30 bộ mã la và chiêng núm. Còn hầu hết các làng Raglai Nam từ 6 thôn ở Ma
Nới vào tận thôn Đồng Kho thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận chỉ có các bộ
mã la 4 chiếc và 2 chiếc, có làng có thêm bộ chiêng 3 chiếc (trừ bộ mã la của
gia đình ông Mạo Ngọc Thang từ làng Ia Meo mang về Xóm Mới, thuộc xã Ma Nới có
5 chiếc). Nếu là bộ mã la có 2 chiếc, sẽ mang tên một mã la mẹ (ina), một mã la
con (ana). Nếu bộ mã la có 4 chiếc thì sẽ có tên một mẹ và ba con: Ina (mẹ) ana
kachoăk (con trưởng), ana khrăk (con giữa) và ana tuluih (con út). Ở phía Bắc
đường quốc lộ 27, gồm 9 xã thuộc huyện Bác Ái, hai xã thuộc huyện Ninh Hải,
(nay là huyện Thuận Bắc, trừ thôn Bà Râu 2 thuộc xã Lợi Hải – Khu Tập trung dân
trong thời kỳ Mỹ ngụy) ra đến các xã Raglai thuộc huyện Khánh Sơn (trừ xã Thành
Sơn) tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các bộ mã la đều có 7 đến 9 chiếc (ngày xưa có bộ
12 chiếc, nay không còn). Bộ nào chỉ có 8 chiếc hoặc 6 chiếc tức là đã bị mất
hoặc lạc đi một chiếc.
Đối với các bộ mã la có nhiều chiếc
như thế, tên gọi và vị thứ của từng chiếc mã la có khác vùng Raglai nam: mỗi
bộ có đến 3,4 mẹ và 4,5 con được mang tên: “ina muh” (mẹ cả), “ina dara"
(mẹ thứ hai), “ina ruwơ” (mẹ thứ ba mang tính lý lẽ và hòa giải). “ana kachoăk”
(con cả) “ana lai” (con thứ), “ana năm” (con đứng thứ sáu trong gia đình) “ana
tuluih” (con út). Sở dĩ trong một gia đình mà có đến 3,4 mẹ là có cấu trúc thực
tiễn của các thành viên trong một gia đình Raglai mẫu quyền.
Như đã sơ lược giới thiệu ở trên,
mã la Raglai chỉ “góp tiếng”, “góp lời” của các thành viên trong một gia đình
mẫu hệ với nhau chứ không hòa chung tiếng nói với chiêng núm hoặc cồng như ở
Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên, cồng và chiêng núm thường được hòa tấu chung với
chiêng bằng (không có núm, giống mã la). Cồng và chiêng là nhạc cụ giữ nhịp,
gieo nhịp còn chiêng bằng đi giai điệu. Trong bộ mã la Raglai, vai trò giữ
nhịp, gieo nhịp, mở nhịp phải do mã la mẹ, đứng đầu là mã la “ina mul” (mẹ cả).
Mã la “các con” đóng vai trò đi giai điệu. Ở Tây Nguyên, người Ê Đê cũng hòa
tấu nhiều bài bản với bộ chiêng bằng trên dưới chục chiếc, nhưng hoàn toàn khác
với phong cách cũng như ý nghĩa sử dụng so với bộ mã la của người Raglai.
Mỗi chiếc chiêng bằng của người Ê
Đê đều được định âm tương đối ổn định. Các nghệ nhân lật ngửa chiêng bằng, với
tư thế ngồi biểu diễn (đánh bằng dùi gỗ vào mặt trong của chiêng) như một dàn
nhạc. Ngược lại, mỗi nghệ nhân Raglai đeo mã la vào vai. Khi sử dụng, để khỏi
tuột, nghệ nhân cầm chiếc mã la xoay mấy vòng để dây đeo xoắn lại. Khi hòa tấu,
mã la “mẹ cả” lên tiếng trước rồi thứ tự các mã la “con cả”, “con thứ”, “con
út” hòa theo. Đến khi “cả nhà” đều đã cất tiếng hòa vào nhịp chung, các nghệ
nhân bắt đầu khom lưng về trước để mã la khỏi chạm vào người, vừa dùng nắm đấm
tay phải đánh vào mặt ngoài của mã la vừa đi vừa múa vòng tròn từ phải sang
trái (ngược kim đồng hồ) sau đó lại đi ngược lại. Khác với người Ê Đê, người
Raglai dùng nắm tay đánh vào một điểm cố định ở mặt ngoài mã la (vì thế âm
thanh nghe trầm ấm hơn so với âm thanh sử dụng dùi gõ của người Ê Đê). Tài nghệ
của từng nghệ nhân đánh mã la không phải là nắm tay phải đánh vào mặt ngoài mà
chính ở bàn tay đỡ mặt trong của mã la. Âm sắc, trường độ và cao độ, âm bồi,
âm tắc, vang, trầm, bổng được phát ra đều hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay trái
phía trong mặt úp, vừa đỡ mã la, vừa điểu khiển độ vang, độ ngân của mã la bằng
cách thả hay bịt độ rung của chiếc chiêng đồng.
Trong số 99 bài mã la mà nhóm điền
dã sưu tầm được, người Raglai có 3 bài mã la đáng chú ý. Đó là: Ruwơ, Ruwơ
Poriyu Chrao và Atok Pakrup.
Bộ mã la - biểu
tượng của một gia đình mẫu hệ Raglai[3]
Trong một bộ mã la, từng chiếc mã la đều mang vị thứ quyền lực của một gia
đình mẫu hệ. Chiếc mã la lớn nhất, có tiếng to nhất, có âm trầm nhất là mã la
“Ina mul” (mẹ cả) thể hiện quyền lực cao
nhất trong “gia đình” mẫu hệ. Mã la nhỏ nhất là mã la “ana Tuluih” (con gái út)
có âm thanh nhỏ nhất nhưng lại có âm vực cao nhất và vẫn là đối tượng được lưu
ý nhất.
Tuy trong bộ mã la, ngoài chiếc
“mẹ” và “các con” được hiểu là phái nữ ra, không thấy bóng dáng của người đàn
ông nào cả. Cũng như xã hội mẫu hệ, trong một gia đình, nếu là con trai đi lấy
vợ thì con sẽ lấy họ mẹ, con trai phải ở luôn bên phía vợ. Nếu trong quan hệ vợ
chồng bắt buộc phải chia tay thì người đàn ông phải ra đi tay không và nếu đã
có con thì theo luật tục, con phải theo mẹ . Phụ nữ Raglai và cả gia tộc đều
quý con gái hơn con trai. Có con gái là còn giữ được gốc của dòng tộc. Trong số
các con thì con gái út là được quý hơn cả. Con trai bắt được vợ là con gái út
của một gia đình nào đó (cũng giống như người con gái người Việt lấy được con
trai trưởng người Việt vậy), sẽ có cả nhà ở, có của do cha mẹ vợ để lại và vì
thế của cải, lễ vật mang đến nhà vợ cũng phải nhiều hơn. Sau này con gái út
chính là người được thay thế cho tộc trưởng. Nếu là mẹ đã qua đời thì mọi việc
lễ, đám đều do con gái út chủ trì lo liệu.
Gia đình mẫu hệ Raglai cũng phản
ánh rõ nét qua các “thành viên” trong các bộ mã la. Trong một bộ mã la có nhiều
chiếc, có đến 3,4 mã la “mẹ”: “ina mul”, “ina daza”, “ina ruwơ”. Mã la “mẹ cả”
(ina mul) ở đây, theo giải thích của các nghệ nhân, được hiểu là bà tộc trưởng
đã có chồng và có con, là người có quyền thế cao nhất trong một gia đình. Các
mẹ khác chẳng qua là em ruột của mẹ cả nhưng các con đều phải gọi bằng mẹ. Nếu
chưa có chồng, các em gái của mẹ cả có thể sống trong một nhà với chị của mình.
Người đàn ông Raglai khi lấy vợ phải về sống ở nhà vợ như kiếp “sống nhờ” mà
thôi.
Vì vậy trong “gia đình mã la” mẫu
hệ này ta thấy có ba chiếc mã la đáng chú ý hơn cả. Đó là mã la mẹ cả “ina
mul”, mã la mẹ “ina ruwơ” và mã la con gái út “ana tuluih”. Có thể thấy, cách
đặt tên cho từng chiếc từ lớn đến nhỏ trong một bộ mã la đã thể hiện đầy đủ đặc
trưng xã hội mẫu hệ Raglai. Mệnh lệnh của mã la “mẹ cả” phải được những chiếc
mã la khác nghe và hòa theo. Mã la gieo nhịp đầu tiên bao giờ cũng là chiếc “mẹ
cả”, kế tiếp là các “mã la mẹ” rồi đến các mã la “con gái”. Mã la là tài sản quí
nhất của một gia tộc, do bà tộc trưởng cất giữ.
Trong một “gia đình” như thế cũng có thể các bà mẹ thứ cũng có con. Cho
nên lại có chuyện “mẹ nào, con ấy”. Chính vì thế khi hòa tấu mã la nhiều chiếc
thường có 2 đến 3 tầng âm chồng lên nhau, xen kẽ với nhau tạo thành các bè.
Nếu bộ mã la nào có 9 chiếc, nhất định phải có đến 3 tầng âm. Mỗi tầng âm là
biểu tượng của một “gia đình” nhỏ.
Nếu hòa tấu bài mã la Ruwơ thì
không thể thiếu được chiếc mã la Ruwơ. Trong bộ mã la, mã la “con út” là khó
đánh nhất vì đây là nhạc cụ đánh theo tiết tấu “nhịp ngoại” (xanh cốp), làm cho
bài mã la sinh động hơn lên.
Mỗi bài mã la đều có tên gọi như
Kalak Toăh ia (ó tìm nước), Chip Lugo (chim chuông), Katrao manhi (chim cu gáy)
v…v… Nhìn chung, các bài mã la có giai điệu đơn giản, ngắn gọn và lặp đi lặp
lại nhiều lần, nhưng hàm chứa những nội dung sâu sắc. Nội dung của bài mã la có
thể kể về một bi kịch tình yêu hoặc, về một câu chuyện phê phán thói lười nhác
và đê tiện; hoặc ca ngợi những nhân vật anh hùng v..v…
Mã la là loại nhạc cụ báo hiệu mùa vụ nông lịch
Những làn điệu mã la của người Raglai rất phong phú, sử dụng hình tượng và
âm thanh của các loài vật hoạt động theo mùa. Lên vùng đồng bào Raglai mùa nào
thì được nghe làn điệu mã la mùa ấy, từ những làn điệu đánh dấu từ lúc gieo hạt
cho đến khi thu hoạch và làm lễ “ăn lúa mới” rồi làm lễ bỏ mả. Đó là những bài
mã la như: “Kiăk manhi”; Katrao manhi (chim cu gáy); Amrăh (chim công); Chip
Taléo, Chipteo, ChipPalih; Chalakhôc (dây lồ ồ đuổi chim); Atok Ya (hoặc Chroh
atâu) và bài Ruwơ (những bài mã la thường dùng trong lễ hội bỏ mả).
Mã la - nhạc cụ thay cho lời nói
Âm nhạc không lời nói chung đều là
những âm thanh mang những thông điệp thay cho lời nói. Các điệu mã la cũng vậy,
tiếng mã la có thể kể chuyện, có thể
tâm sự và có thể giao tiếp với thần linh. Hiện nay, có những câu chuyện kể bằng
các điệu mã la như sau:
“Ngày xưa có một đôi trai gái
Raglai yêu nhau. Nhưng vì người già, tộc họ, cha mẹ không cho, họ phải lén lút
tìm đến với nhau và cùng chết để phản kháng luật tục. Họ biến thành đôi chim
Chuông, có làng gọi là chim “gọi bạn”. Loài chim này chỉ kêu, tìm nhau về đêm ở
hai đầu núi. Tiếng kêu của nó như tiếng chuông hồi ba, khắc khoải trong đêm trường.
Không dám gặp nhau ban ngày, sợ thế gian dị nghị, ban đêm chúng mới đi tìm
nhau. Không thấy nhau nên phải kêu lên để nhận ra tiếng của người thương mà tìm đến. ở miền núi, khi
tiết trời tạnh ráo, về đêm thường nghe tiếng chim này – chim “gọi bạn” (Chip
Lugo). Hai con chim gọi bạn bao giờ cũng ở hai đầu núi gọi nhau rồi đi gần lại
với nhau. Nhưng không hiểu vì sao hễ nghe tiếng kêu gần chạm vào nhau thì trời
lại sáng. Tiếng kêu gọi bạn phải ngưng tắt, chờ đến đêm sau lại tiếp tục tìm
nhau. Cuộc tìm nhau này cứ theo năm
tháng mà kéo dài chẳng bao giờ dứt và người Raglai xa đã cho nó “đậu” vào nhạc
cụ mã la, tạo nên bài Chip Lugo. Người đi tìm trầm rất quan tâm đến loài chim
này. Họ lắng nghe về đêm. Hướng nào phát ra tiếng chim gọi bạn, nhất định ở
vùng núi ấy sẽ có nhiều cây Gió và sẽ có trầm”.
Ở làng Là A, xã Phước Hà có một
bài mã la mang tên “Kalak Toăh ia” (tức con ó đi tìm nước). Sự tích bài mã la này như sau:
“Người xưa ở vùng núi Kreh (núi
hòm) núi Ya luk (tên một bạn xấu) kể rằng: Thuở ấy trời hay hạn hán, nắng nóng
kéo dài. Các loài vật thấy rõ nguy cơ nên rủ nhau đi đào giếng, đào mương để
có nước uống, nước tắm trước khi sông, suối dần khô cạn. Gà lười nhác bảo
rằng: Sắp tới trời sẽ mưa, gần gì phải lo xa! ó kênh kiệu hơn: Tao ở trên cao,
tao luôn có nước sạch ở trong các bộng cây, hốc đá. Tao không uống được nước ở
dưới đất bẩn thỉu như chúng mày. Uống nước như chúng mày, tao sẽ đau bụng mà
chết sớm! Tao không cần nước giếng, nước mương của chúng mày!
Trời cứ nắng hạn kéo dài. Các bộng
cây hốc đá chính là nơi khô kiệt nước trước tiên. Trong lúc các loài có nước mương,
nước giếng để uống, để tắm, ó sắp chết khát. Chờ lúc vắng vẻ về đêm, ó đi uống
trộm nước ở dưới mương. Uống xong, ó bị đau bụng, chết tươi như lời đã
nguyền. Từ đó về sau hậu duệ của loài ó không bao giờ dám uống nước dưới đất
nữa. Còn gà vì đã lỡ mồm nên xấu hổ, phải tắm đất. Từ đó con cháu họ nhà gà
không bao giờ tắm bằng nước mà chỉ tắm gội bằng đất”.
Ngày
nay, người Raglai cứ hễ nghe mã la tấu bài “Kalak toăh ia” thì lại nhớ ngay đến
câu chuyện này và tự nhủ: Không được lười nhác, không được làm cao “mà đê
tiện, bia miệng để đời! Atok Ruwơ (Còn gọi Chroh atâu) là tín hiệu mã la báo
tin người chết: Khi trong nhà có người tắt thở, trước khi được thực hiện tiểu
lễ cúng rảy nước cho ma tại nhà, trước khi cho người đi báo với bà con ở xa kịp
về thăm, mã la không bao giờ đánh cả bộ mà chỉ đánh một chiếc mã la Ina Mul (Mẹ
cả).
Đây là tín hiệu báo tin cho người
đang sống ở làng và cả ông bà tổ tiên đã khuất biết: Tại nhà này đã có chết.
Nếu ai vào làng, hoặc người ở làng
nghe mã la cả bộ tấu bài Atok Ya, sẽ biết ngay nhà ai đó, tại làng, đang cúng
mả tại nhà mả hoặc tại rạp mả mới dựng liền cạnh nhà.
Tuy vậy, nét độc đáo nhất vẫn nằm
trong lễ hội bỏ mả. Nhưng ở phần hội vào đêm cuối cùng, sau khi đã tiển ma vĩnh
viễn về với tổ tiên, nhất định ở bất cứ nhà nào, làng nào có làm đám bỏ mả đều
có tiếng mã la Ruwơ “nói chuyện” với nhau.
Ngày xưa, sau lễ bỏ mả, người
Raglai đã có một hình thức “nói chuyện” với nhau giữa hai gia đình đàng trai và
đàng gái (phía chồng, phía vợ) về nội dung lễ bỏ mã đã được làm như thế nào?
Đặc biệt không phải bằng lời nói mà bằng tiếng nhạc mã la Ruwơ. Nếu đánh chơi
với mục đích diễn tấu thi tài thì ai giỏi tay đều có thể vào tấu bài Ruwơ.
Nhưng trong lễ hội bỏ mả thì đây là một bài nhạc mã la rất hệ trọng, được cả
hai phía đàng chồng và đàng vợ đặc biệt quan tâm.
Vào thời điểm này, nếu đàng vợ làm đám cho chồng mà có người ở đàng chồng
(phía người chết) vào cầm chiếc mã la Ruwơ đeo vào vai thì tất cả mọi người đều
để mắt vào người ấy, lắng nhìn, lắng nghe, coi thử có định nói gì, nói hay, nói
dở, nói tốt hay nói xấu? Hầu như đám Bỏ mả nào cũng diễn ra nét sinh hoạt
truyền thống này.
Thay vì có một cuộc họp để rút kinh
nghiệm về việc tổ chức lễ hội, đánh giá về lòng hiếu thảo của các thành viên
trong gia tộc, bài mã la Ruwơ với cách diễn tấu của từng người, nhất là chiếc
Ruwơ sẽ nói lên điều đó. Nếu người đàng trai phật ý với đàng vợ, chiếc mã la
Ruwơ mà đại diện của đàng trai đang tấu sẽ đánh chõi nhịp, phá nhịp nhằm vào
đối tượng chính là chiếc mã la Ina (mẹ). Nếu phiền lòng về con cái của người
mẹ, chiếc Ruwơ sẽ cố tình đánh sai nhịp hoặc đảo nhịp nhằm vào chiếc mã la Ana
(con) không thể nào đánh đúng nhịp được nữa, phải ngừng đánh và bài Ruwơ đang
dang dở. Tình hình trở nên rất căng thẳng. Người bên đàng vợ rất bực tức hoặc
lo lắng, buồn phiền.
Nếu
phản ứng theo chiều êm chuyện, đợi cho chiếc mã la Ruwơ “ngừng nói” một người
có uy tín của đàng gái, bưng tới trước mặt người đã tấu chiếc Ruwơ một bát
rượu cần nước cốt, trân trọng tươi cười, mời uống giải hòa.
Nếu người ấy uống thì nhất định họ
sẽ lại đeo chiếc Ruwơ vào vai và tiếp tục đánh bài Ruwơ còn dở dang cùng với
“thành viên” cũ. Lần này thì khác, tiếng mã la Ruwơ êm dịu và vui vẻ. Bốn hoặc
5 chiếc cùng hòa điệu, hòa nhịp rộn ràng.
Kết quả điều tra về số lượng mã la hiện còn ở vùng đồng bào Raglai cho
thấy: Hiện nay một số vùng bà con vẫn giữ được nhiều bộ mã la (xin xem phần
biểu phụ lục bảng thống kê). Mã la còn nhiều nhất là ở huyện Bác Ái (1.062
chiếc), trong đó ở xã Phước Thắng còn 24 bộ với 222 chiếc, ở Phước Bình còn 35
bộ với 121 chiếc, ở xã Phước Thành còn 26 bộ với 165 chiếc v.v…ở Huyện Ninh
Sơn chủ yếu chỉ còn nhiều ở xã Ma Nới: thôn Gia rót có 12 bộ với 36 chiếc, thôn
Gia Hoa 5bộ, 32 chiếc, thôn Xóm Mới còn 6 bộ, thôn Xóm ú có 5 bộ, thôn Hà Dài
có 5 bộ, thôn Kamau có tới 20 bộ mã la. Các xã còn lại hầu như không còn mã la
như Lương Sơn, Nhơn Sơn, Hòa Sơn. Xã Mỹ Sơn còn 2 bộ, xã Lâm Sơn còn 2 bộ. ở
huyện Ninh Hải, mã la còn nhiều nhất ở xã Phước Chiến còn 25 bộ với 188 chiếc,
xã Phước Kháng có 9 bộ với 68 chiếc, xã Lợi Hải có 10 bộ 71 chiếc. ở huyện
Ninh Phước hiện còn 31 bộ với 190 chiếc mã la, trong đó nhiều nhất là ở xã Phước
Hà 23 bộ, 147 chiếc, ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái còn 7 bộ, 36 chiếc (xin xem
biểu thống kê ở phần phụ lục).
1.1.2. Chiêng
(Jiek)
Khác với mã la (chhar), chiêng có núm và đánh
bằng dùi gỗ bọc vải. Bộ chiêng của người Raglai thường thấy có 3 chiếc: lớn,
trung và nhỏ. Khác với cách treo đánh ở các dân tộc khác, người Raglai treo
chiêng trong một cái khung tre hình chữ nhật có giây chằng phía sau để chiêng
khỏi quay và giữ độ ngân vang. Khung tre được dựng bằng hai cây chống nghiêng
để cho thành đứng của khung với mặt đất có độ nghiêng khoảng 600.
1.1.2.1. Bộ chiêng ba[4]
Chiêng
cũng có mẹ, có con: Chiêng ina (mẹ) – Chiêng ana (con); Chiêng ana tuluih (con
út) do một người đánh bằng hai dùi.
Tuy nhiên, chiêng không bao giờ đánh một mình mà thường đi với rakel
(kèn/khèn bầu) và saggơr (trống). Hiện nay ở các làng Raglai bắc không còn tìm
thấy chiêng, chỉ còn ở các làng ở phía nam và chỉ sử dụng trong lễ cúng. Nhìn
chung, khác với các dân tộc ở Tây Nguyên nhạc cụ chiêng và cồng có núm ít phổ
biến ở vùng đồng bào Raglai.
1.1.2.2. Chiêng lồ – ô (chiek pa – or), đây là một loại nhạc cụ được làm từ ống
cây lồ ô (có nơi gọi là cây là a), đường kính từ 8 đến 10 cm, một đầu để mắt
(tre) bịt kín, một đầu để rỗng. Nghệ nhân biểu diễn cầm 2 tay hai ống, đập dọc
đầu rỗng xuống mặt phẳng (đá hoặc mã la) phát ra tiếng giống như mã la, như kiểu
ống đàn Krong pút đập ngược.
1.1.3. Đá kêu hay là “đàn đá”.
Riêng về “đàn đá”, nhiều nhà văn hoá trong và ngoài nước đã công bố trên
nhiều sách, báo như một phát hiện mới của thế kỷ 20 và coi như đây là một đặc
trưng của nhạc cụ dân tộc Raglai: Đàn đá Khánh Sơn và đàn đá Bác Ái. Hiện nay,
tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về “đàn đá”. Đàn đá có phải là một nhạc cụ
truyền thống của người Raglai không? Trước hết, cần phải xem xuất xứ, nguồn
gốc và công dụng của loại nhạc cụ này.
Ở nam Khánh Hòa, bắc Ninh Thuận có
những dãy núi có những thanh đá có chứa những hợp chất kim loại, khi gõ vào
phát ra âm thanh rất hay. Người Raglai xưa kia đã chọn những thanh đá kêu về
giăng thành hàng ở dưới suối và lợi dụng sức nước bằng đòn bẩy để những thanh
đá con đập vào những thanh đá lớn, phát ra nhiều âm thanh với những cung bậc
khác nhau (dựa vào thang âm khèn bầu), vừa có mục đích tạo nên âm vang núi rừng
với những “bản nhạc” thiên nhiên, vừa có tác dụng đuổi muông thú, giữ rẫy.
Người Raglai gọi những thanh đá đó là “Patâu Tuleng” (đá kêu). Trước đó, người
Raglai chưa biết sử dụng dùi gỗ để gõ, chưa đẽo gọt, sắp xếp những thanh đá
theo thứ tự thang âm trên giàn dây để trở thành “đàn đá” như các “đàn đá”
trong giàn nhạc của các đoàn văn công như bây giờ. Thời Pháp thuộc, một số nhà
nghiên cứu người Pháp đã chọn những thanh đá kêu thành một bộ nhạc cụ mang về
trưng bày ở bảo tàng Viễn đông Bác cổ ở Paris.
Những năm sau giải phóng 1975, Viện
Âm nhạc và múa tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Ninh Thuận, Khánh Hòa sưu tầm và
chọn những thanh đá có cung bậc phù hợp làm ra một số bộ đàn đá và sáng tác một
vài bản nhạc cho loại nhạc cụ mới này. Có thể nói, “Patâu tuleng” xưa kia chưa
phải là một loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai mà chỉ là những thành đá
kêu sử dụng sức nước để đuổi muông thú. Sau này các nhạc sĩ đã chọn ra những
thanh đá kêu ấy để làm nên bộ đàn đá. Nhưng dù sao, đã vài chục năm nay, với
việc phát hiện đàn đá và hệ thống hóa, cải tiến nó thành một loại nhạc cụ “đàn
đá” với đầy đủ thang âm như hiện nay (chủ yếu là do các đoàn văn công chế
tạo). Đã có những bộ đàn đá quý giá như bộ đàn đá ở bảo tàng Viễn đông Bác cổ
(Pháp), ở Bảo tàng Huế, ở các đoàn văn công Khánh Hòa, Bình Thuận và một số
nhóm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh, “Patâu Tuleng” của người Raglai đã trở thành
một “nhạc cụ” độc đáo. Chỉ có điều, nhiều đoàn văn công, nhiều nhóm nhạc đã đi
quá xa đối với việc “cải tiến đàn đá”, dùng công nghệ kỹ thuật cưa, đẽo gọt,
thêm vào những bán cung như nhạc cụ phương tây.
1.1.4. Trống Sakon (còn gọi Saggơr)
Trống của
người Raglai nhỏ hơn trống chầu của người Việt. Thân trống làm bằng gỗ cây
rừng. Đường kính mặt trống khoảng 45 – 50 cm và được làm bằng da trâu. Đai
trống làm bằng dây rừng bện chặt hoặc bằng dây mây rừng quanh thành trống. Đai
trống được đánh thành 4 vòng theo từng cặp, chia tang trống ra làm 3 phần bằng
nhau.
Người Raglai không
bao giờ dùng trống đơn độc. Nó thường đi với chiêng và kèn bầu Sarakel, đi với
đàn mã la để giữ nhịp.
Sakon được đánh
bằng dùi gỗ bịt vải, trong thế mang ở vai nếu đi cùng với mã la hoặc đặt ở dưới
đất nếu đánh cùng chiêng và sarakel.
1.2. Bộ hơi
1.2.1. Các loại
kèn/khèn bầu[5]
Người Raglai
có 2 loại kèn/khèn bầu: kèn bầu Sarakel và ken bầu Kupoách. Hai loại này gần giống nhau.
1.2.1.1. Kèn bầu Sarakel
Vật liệu
quan trọng để làm kèn là quả bầu đắng. Đây là một loại bầu mọc tự nhiên trên
núi, ưu điểm của nó là nhỏ quả, vỏ cứng, không bị mối mọt, thuận lợi cho việc
làm kèn bầu.
Đường kính
nơi lớn nhất của quả bầu cắt ngang từ 11 đến 13cm. Hộp cộng hưởng của kèn chính
là quả bầu đắng đã khoét bỏ ruột, phơi khô. Lỗ thổi ở cuống quả bầu bằng một đường
cắt ngang ngay đầu cuống.
Phần thứ hai
là 6 ống nứa nhỏ, đường kính khoảng 2 cm, dài, ngắn khác nhau. ống dài nhất
khoảng 60 – 65 cm, ngắn nhất 30 cm. Trên mỗi ống, ở phần dưới (phần nằm trong
ruột quả bầu) người ta khoét dạt một lỗ để đặt vào 1 lưỡi gà bằng lá đồng rất
mỏng. Trên mỗi ống được khoét 1 lỗ tạo âm chuẩn cần có. Người ta đặt 6 ống
xuyên quả bầu thành hai hàng: hàng 4 ống và hàng 2 ống. Để gắn chặt các ống vào
quả bầu ở phần trên và đồng thời bịt kín hơi cho hộp cộng hưởng, người ta dùng
sáp ong trét kín chung quang.
Hàng 4 ống
xuyên cạnh cuống bầu. Hàng 2 ống xuyên qua gần đáy bầu. Sáu ống đều có tên và
vị trị trong gia đình như vị thứ trong các bộ mã la. Hàng 4 ống gồm có ống Ina
(mẹ) là ống dài nhất. Nằm cạnh ống Ina (mẹ) là Ana Tuluch (con út) là ống ngắn
nhất, kế con út là Ana lai (con thứ giáp út), ống cao hơn Tuluch một tý, nằm
ngoài cùng ở hàng 4 ống là Ana Kachoăh (con trưởng), ống nằm thấp hơn ống mẹ
một tý.
Ở hàng hai
ống, ống thấp hơn con trưởng (Ka choăh) và cao nhất trong 2 ống là Ana Dara
(con thứ 2 sau con trưởng), đến ống kề bên con thứ hai là Ana Khrăh (con thứ ba
– con giữa).
Cách sử dụng
hơi của kèn bầu là vừa thổi ra, vừa hút vào. Bài bản của kèn bầu đều có phần
giai điệu và bè đệm giống như mã la.
Kèn bầu Sarakel có
bài bản riêng được dùng trong hai trường hợp: thổi trong lễ cúng và thổi trong
sinh hoạt múa vui hoặc giải trí.
Thổi Sarakel trong
lễ cúng có thể đứng ở giữa thổi cho 8 người múa chung quang trong lễ hội “ăn
đầu lúa” như ở làng Yarot (Manới – Ninh Sơn). Kèn bầu Sarakel thường đi với
chiêng ba và trống trong các lễ cúng như
ở Palay Yo (Ninh Thuận), Palay Takay La (Bình Thuận).
1.2.1.2. Kèn bầu Ku Poach
Kèn bầu
Kupoach là một loại nhạc cụ được tạo ra từ vật liệu giống y như kèn bầu
Sarakel. Chỉ khác là kèn này chỉ dùng để đệm giai điệu cho người hát Akhat
Tikal (hát kể chuyện), hát đối đáp nam, nữ, hát ru … ít có tiết tấu. Do chức
năng được quy định như thế nên nghệ nhân chỉ thổi làm nền cho người hát mà
thôi. Khi thổi ít dùng phần bè. Kèn bầu Kupoach được dùng phổ biến trong mọi
sinh hoạt hội, vui chơi mà không bị ràng buộc những điều kiêng kỵ như các nhạc
cụ khác.
1.2.1.3. Kèn Gadẹt
Gadẹt là một
loại nhạc cụ mà ngày nay người Raglai rất ít sử dụng. Tuy nhiên, trong một số
gia đình người ta vẫn còn lưu giữ. Đây là một loại nhạc cụ làm bằng sừng con
sơn dương. Ngày nay, sơn dương ngày càng hiếm, người ta có thể thay thế bằng
sừng trâu tơ. Ngày xưa, người ta phải tìm cho được sừng sơn dương mới làm
Gadẹt. Người ta cắt một đoạn sừng sơn dương dài khoảng 18 cm từ đầu nhọn trở
vào. Ở đầu nhọn cũng cắt thủng để xoi lỗ thông ở phía dưới. Có thể nhìn thấy
ánh sáng từ đầu này sang đầu kia mặc dầu đoạn sừng ấy hơi cong. Ở gần mặt cắt
lớn, người ta khoét một lỗ trống và đặt vào đấy một lưỡi gà. Người cầm đầu
nhọn ở tay phải, đầu lớn phía tay trái, lưỡi gà áp vào miệng, ngón cái tay phải
bịt và mở đầu ống nhỏ. Bàn tay phải bịt hoặc mở ở đầu ống lớn để tạo nhiều âm
khác nhau. Khi sử dụng vừa hút hơi vào và thổi hơi ra tạo nên âm thanh. Đó là
cái khó khi thổi kèn gadẹt, vì phải hút vào khoẻ mới lên tiếng được. Gadẹt là
một loại nhạc cụ giống như tù và, không hoà chung với nhạc cụ khác vì nó không
định âm.
1.2.2. Các loại sáo
1.2.2.1. Sáo Koấk tơre
Đây là một
loại nhạc cụ dễ làm hơn gadẹt nhưng âm thanh gần giống như Gadẹt. Vật liệu làm
sáo Koấk tơre là một ống nứa ngắn từ 18 – 20 cm, hai đầu đều trống để thoát âm.
Đường kính của ống từ 2,5 – 3 cm. Sáo Koấk tơre chỉ dùi một lỗ và khoét một lỗ
hình chữ nhật gần một đầu ống để đặt lưỡi gà bằng dăm tre mỏng. Để giữ chặt
lưỡi gà và chống nứt, người ta bện ngoài đầu ống mấy vòng dây mây vạt mỏng. Khi
thổi Koấk tơre, nghệ nhân ngậm đầu ống có lưỡi gà, bàn tay phải bịt, mở ở đầu
thoát, ngón tay trái bịt mở ở gần đầu thoát để tạo nhiều âm thanh và âm sắc
khác nhau (tương tự như sáo vỗ của người Tây Nguyên). Nếu đứng ở xa nghe, ta có
thể nhầm với tiếng Gadẹt, tuy rằng tiếng Gadẹt vang xa và sinh động hơn. Sáo
Koấk tơre là nhạc cụ dùng để vui giải trí. Trong lễ cúng không bao giờ thấy
Koấk tơre xuất hiện.
1.2.2.2. Sáo Ta leăk
Sáo Ta leăk
làm bằng ống nứa nhỏ, chắc. Đường kính của ống khoảng 2 cm, dài độ 50 cm. Phía
đầu thổi có một lưỡi gà. Trên mặt ống ở gần đầu thoát âm được khoét 3 lỗ. Khi
thổi, nghệ nhân dùng 2 ngón tay trái bịt, mở hai lỗ ở trên, một ngón tay phải
bịt, vuốt lên vuốt xuống trên lỗ thứ 3 đẻ tạo âm rung và âm chảy.
Sáo Ta leăk
chỉ có âm điệu vút lên rồi chảy xuống như một lời khấn chứ không có tiết tấu
rõ ràng. Tại làng Liên Hoa và Apar 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Hoà chúng tôi chỉ
ghi được ba bài có tên: Maniêng, Sapu và Maniêng Krăk Apuấk. Sáo Ta leăk hiện
dùng nhiều ở Yarot Manới, Ninh Sơn.
Ngoài ra,
sáo Ta leăk còn dùng trong lễ cúng ăn đầu lúa. Trường hợp này sáo taléa chỉ
thổi khi thầy cúng rung lục lạc để mời ông bà về dự lễ với gia tộc.
1.2.2.3. Sáo Talakung
Talakung là
một loài sáo nhỏ nhất trong các loại sáo của người Raglai nhưng nó lại có nhiều
bài bản nhất trong các loại sáo. Sáo Talakung có nhiều ở Khánh Sơn, Khánh Hoà,
không tìm thấy ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đây là một loại sáo
thổi dọc. Đầu ống ngậm vào mồm để thổi có một lưỡi gà. Thân ống khoét 6 lỗ cách
đều nhau. khác với sáo Ta leăk và Kawau, Talakung thường thổi cho nam, nữ thanh
niên múa vui hoặc thổi trao tình để trai gái tìm hiểu nhau.
1.2.2.4. Sáo Kawau
Trong các
loại sáo của người Raglai thì Kawau là một loại sáo lớn với chiều dài khoảng 80
cm. Khi thổi nghệ nhân phải kẹp đầu ống thoát âm vào giữa ngón chân cái và ngón
áp cái.
Sáo Kawau
cũng thổi dọc như Talakung và cũng khoét 3 lỗ như Ta leăk. Sáo này chỉ dành
riêng cho các vị thầy cúng trong dịp cầu bắp lúa xuống với gia chủ nào bị mất
mùa. Giai điệu của nó giống như một tiếng thở dài. Đầu câu nhạc bao giờ cũng
vút lên cao rồi đổ xuống như một ngọn nước dốc và lập lại như câu trước. Loại
sáo này dùng để cúng là chính.
1.3. Bộ dây
1.3.1. Bộ “dây
búng”
1.3.1.1. Đàn Awach
Đàn Awach có
hình dáng như một dấu than lớn bằng ngón tay cái. Đàn chia thành hai phần toàn
bằng đồng. Vòng ngoài tạo thành hình dấu than là một sợi đồng khối vuông chỉ
nhỏ bằng mút đũa, nhỏ dần về phía đầu, được uốn cong và khép lại ở đầu nhọn.
Chính giữa, tức là bộ phận thứ hai nằm giữa cái khung trên là một lưỡi gà bằng
đồng, dài hơn khung dấu than chừng 1,2 cm được uốn cong lên 900.
Đây là một
bộ phận quan trọng nhất của đàn Awach. Để giữ chặt gốc của lưỡi gà và gốc của
dây đồng, nơi uốn cong, người ta dùng sáp ong ép chặt chúng lại. Đàn Awach được
bảo vệ bằng một cái ống có nắp đậy. Khi không dùng người ta bỏ awach vào trong
ống, đậy lại để khỏi gãy.
Khi sử dụng
đàn Awach, nghệ nhân dùng môi ngậm đầu đàn, tay phải búng vào đầu cần cong,
đồng thời dùng khẩu hình thay đổi của mồm và hơi hít vào thở ra để tạo âm
thanh, âm sắc của tiếng đàn. Tiếng đàn Awach rất nhỏ, chỉ búng cho riêng mình
và người bạn tâm giao ngồi cạnh nghe. Hiện nay loại đàn này chỉ có ở thôn Là A,
xã Phước Hà.
1.3.1.2. Đàn môi Radik
Đàn được làm
bằng một lá đồng dài chừng 7 – 8 cm, bề ngang 1 cm, giữa lá đồng theo chiều
dài, người ta cắt đứt hẳn hai cạnh dài nhất của tam giác cân, để tạo thành một
cái lưỡi gà mà phần đáy của tam giác cân này vẫn dính vào lá đồng.
Hai đầu của lá đồng
người ta dùi hai lỗ để buộc hai sợi dây vào: bên phải một vòng dây có thể luồn
vào 4 ngón tay. Bên trái là một sợi dây dài chừng 15 cm.
Khi thổi Radik,
nghệ nhân đặt lá đồng nằm ngang vào giữa hai môi, tay phải giật dây chùng,
thẳng để tạo âm. Nhờ hút hơi vào hoặc đẩy hơi ra, lưỡi gà chuyển động thay đổi
cao độ và cường độ. Đàn Radic hiện chỉ còn ở làng Ma Oai (Phước Thắng) và làng
Ma Ti (Phước Tân) thuộc huyện Bác Ái và cũng chỉ còn 2 chiếc.
1.3.2. Bộ dây gảy
1.3.2.1. Đàn Chapi (còn gọi là đàn) Kok tlơr
Ở Khánh Sơn
bà con gọi là đàn Kok tlơr, còn bên Bác Ái (Ninh Thuận) thì gọi là đàn Chapi.
Đây là một loại đàn được làm từ một lóng cây lồ ô, dài chừng 30 – 35 cm, đường
kính từ 7 – 8 cm. Đây cũng là hộp cộng hưởng của đàn. Người ta thường dùng dao
sắc rạch trên ống lồ ô, lẩy lên phần cật thành 12 giây theo từng cặp. Ở hai đầu
mỗi dây đều có hai “con ngựa” để lên giây. Ở giữa ống người ta làm 6 cái phím
bằng tre, chiều dài khoảng 2 cm, chiều ngang bằng chiều rộng của ngón tay út
(khoảng 1,2 cm). Mỗi phím đính vào 2 dây. Phần ống lồ ô dưới mỗi phím người ta
dùi một lỗ nhỏ thông vào hộp cộng hưởng. Để giữ hai đầu dây khỏi bị tước ra,
nghệ nhân làm đàn thường quấn vào hai đầu ống hai, ba đường dây mây vạt mỏng. Ở
gần giữa ống, người ta dùi một hoặc hai lỗ, cắm vào đó một hoặc hai đoạn tre
chéo vót tròn bằng ngón tay, phần dôi ra ngoài chừng 15 cm làm tay cầm khi gảy
đàn.
Khi đàn,
nghệ nhân để hai que chéo hướng xuống đất. Một đầu ống được bịt lại bằng thành
da bụng để tiếng vang ấm và trong. Các ngón tay ôm tròn ống tre trên các phím
mà gảy.
Xét về mặt
cấu trúc âm thanh, đàn Chapi giống như một bộ mã la bằng tre. Chỉ khác là tiếng
nó nhỏ hơn, không vang như mã la và do một người sử dụng. Bài bản của đàn
Chapi cũng trùng với mã la. Được coi như một bộ mã la thu nhỏ và chơi đủ cho
một hai người nghe.
Âm thanh của
đàn Chapi phát ra trong trẻo, nghe thoáng xa xa như tiếng núi rừng ông bà vọng
về. Tuy nhiên, đàn có hạn chế là âm thanh phát ra nhỏ, chỉ phù hợp với không
gian núi rừng yên tĩnh Còn để sử dụng trong ngày hội hay lên sân khấu biểu
diễn, cần có hệ thống phóng đại âm thanh. Trong một lần hiếm hoi về với vùng
Bác Ái, nhạc sĩ Trần Tiến nghe tiếng đàn Chapi Raglai đã sáng tác ca khúc “Giấc
mơ Chapi” khá nổi tiếng.
1.3.2.2. Đàn Ko Tuki - u
Đàn Kok tuki
- u cũng làm bằng ống tre, cách làm tương tự như đàn Chapi. Chỉ khác là ống lồ
ô để làm đàn dài hơn đàn Chapi chừng 20 – 25 cm. Toàn bộ đàn dài khoảng 60 cm,
hai đầu ống lồ ô để mắt, bịt kín.
Khác với đàn
Chapi, đàn Kok tuki - u không có phím. Khi đàn, nghệ nhân dùng các ngón tay
trái và phải búng thẳng vào dây. Khi đánh, đầu dưới của đàn cũng được áp vào
bụng. Trên mặt ống tre chạy dọc theo dây đàn, người ta rạch sâu hai cái rãnh
đối diện nhau thông với bầu cộng hưởng (lòng ống tre).
Đàn Kok tuki
- u rất ít thấy ở các làng Raglai, ngoài ông Chamaléa Tiêng ở Tô Hạp còn giữ
một chiếc và chỉ ghi được một bài duy nhất về cây đàn này.
1.3.2.3. Đàn Chapi Piloai
Đây là một cây đàn
chỉ sưu tầm thấy ở ba cụm bắc huyện Khánh Sơn và làng Ma Nai xã Phước Thành
huyện Ninh Sơn. Ông Chamaléa Lương, chủ nhân của cây đàn cho biết, ông đã bắt
chước cha ông làm nên chiếc đàn này. Cha ông đã dùng hai loại đàn này để đệm
cho người hát Hari, Siri và cũng có bài riêng của nó nữa như bài ru em.
Chapi piloai
tựa như một chiếc đàn bầu bằng cây lồ ô. Để làm đàn, người ta cưa một ống lồ
ồ lớn có hai lóng dài 1,2m. Phía dưới người ta vạt bằng, vừa đặt được đàn dưới đất, vừa làm lỗ thoát âm. Phía trên
chính giữa ống, nghệ nhân rạch sâu một đường rãnh, thông âm với bầu ống. Đàn
cũng có cần, xâu qua một vỏ quả bầu khô làm hộp cộng hưởng. Phía dưới cũng có
trục để mắc dây từ dưới lên cần qua vỏ bầu. Ngày xưa người ta dùng phần cật
của dây mây rừng loại nhỏ, hoặc dây “máu” (chamaleq) đánh săn lại để làm dây
đàn. Nhưng ngày nay, nghệ nhân đã dùng dây thép cứng trong ruột dây điện thoại
để thay thế vì thế tiếng kêu thanh và to hơn. Loại đàn này sưu tầm ở nhà anh
Chamaléa Tiêng, làng Tala (Tô Hạp) huyện Khánh Sơn.
1.3.2.4. Đàn Kanhi
Tuy cùng gọi
là đàn Kanhi, nhưng đàn Kanhi của người Raglai và người Chăm có khác nhau. Đàn
Kanhi của người Chăm là một loại nhạc cụ chỉ dành riêng cho các ông Ka Thành
(chức sắc dân gian Bàla môn) sử dụng mà thôi. Khi lấy ra sử dụng nhất thiết
phải cúng. Hộp cộng hưởng của đàn Kanhi của người Chăm được làm bằng mu rùa,
cần đàn như cần đàn hồ, đàn nhị cắm qua mu rùa. Còn đàn Kanhi của người Raglai
đơn giản hơn, dùng để đệm cho hát dân ca, hát kể chuyện. Nhạc cụ này cũng có
những bài bản riêng.
Vật liệu làm
đàn là một ống tre dài từ 10 – 12 cm trống hai đầu. Cần đàn là một cây gỗ tròn
cắm vào ống tre xuyên từ trên xuống dưới dài 50 – 55 cm. Phía trên cùng của cần
đàn hình khối chữ nhật được đục trống hai chỗ để làm khóa lên dây đàn bằng gỗ.
Mặt phía trước của ống tre được nghệ nhân là một miếng mo cau dày, hình tròn.
Trên mo cau, gần thành ống tre phía dưới, là “con ngựa” để kê dây. Dây đàn làm
bằng các loại dây rất chắc ở rừng như dây máu, dây mây. Tuy nhiên, hiện nay để
kêu to và thanh hơn, người ta dùng dây thép. Về hình thức, đàn Kanhi của người
Raglai giống tựa như đàn hồ tiểu của người Việt.
1.4. Thống kê nhạc cụ truyền thống Raglai
Trong quá
trình điều tra, các nhóm điền dã đã thống kê về số lượng các loại nhạc cụ
truyền thống hiện đang còn ở các làng và trong các gia đình Raglai. Tuy nhiên,
số lượng điều tra, thống kê cũng không thể chính xác được. Kết quả thống kê cho
thấy, điều đáng quý nhất là các nhạc cụ truyền thống nêu trên của người Raglai
còn lại khác nhiều thể loại. Đặc biệt là mã la, nhạc cụ quý báu nhất của người
Raglai vẫn còn khá nhiều. Nguyên nhân có lẽ là nhờ vào quan niệm của người
Raglai, coi mã la ông bà là vật thiêng do tổ tiên để lại để làm các nghi lễ,
phải để ở nơi trang trọng và khi muốn lấy xuống sử dụng phải làm lễ cũng. Tuy
nhiên, những năm gần đây, cùng với hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng ở Tây
Nguyên, nhiều bà con cũng đã đem mã la ra bán hoặc đổi chác.
Theo số
lượng chúng tôi thống kê được qua các bảng dưới đây, số lượng nhạc cụ hiện còn
như sau:
Mã la: còn
220 bộ, 1772 chiếc, nhiều nhất là ở huyện Bác Ái còn 146 bộ, 1062 chiếc; Huyện
Ninh Sơn còn 57 bộ, 175 chiếc; Huyện Ninh Hải còn 48 bộ, 345 chiếc và huyện
Ninh Phước còn 31 bộ, 190 chiếc. Riêng ở xã Ma Nới còn có một bộ chiêng ba.
Khèn bầu:
Còn 70 chiếc, trong đó nhiều nhất là ở huyện Bác Ái với 32 chiếc, huyện Ninh
Sơn 19 chiếc, huyện Ninh Hải: 13 chiếc, Huyện Ninh Phước 06 chiếc.
Trống: Còn
63 chiếc, nhiều nhất là ở huyện Bác Ái 25 chiếc, huyện Ninh Sơn 21 chiếc, huyện
Ninh Hải 08 chiếc, huyện Ninh Phước 09
chiếc.
Còn các loại
nhạc cụ khác, hầu hết đều còn ở các vùng đồng bào Raglai mà chúng tôi không thể
thống kê hết được mà chỉ ghi có hoặc không có.
BẢNG THỐNG KÊ NHẠC CỤ
TRUYỀN THỐNG RAGLAI
Huyện: Bác
Ái.
BẢNG THỐNG KÊ NHẠC CỤ
TRUYỀN THỐNG RAGLAI
Huyện:
Ninh Sơn.
BẢNG THỐNG KÊ NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG RAGLAI
Huyện:
Ninh Hải.
BẢNG THỐNG NHẠC CỤ TRUYỀN
THỐNG RAGLAI
Huyện:
Ninh Phước.
2. Dân ca
Người Raglai có kho tàng dân ca khá
phong phú, nhưng đến nay cũng bị thất truyền nhiều. Dân ca Raglai được sử dụng
để hát trong sinh hoạt lễ hội và sinh hoạt đời thường.
2.1.
Các điệu hát kể chuyện (hari ikhat yulukal)
2.1.1. Điệu
Simoai
Bà con Raglai nam gọi các làn điệu hát kể chuyện
là simoai. Nhưng simoai lại có nhiều làn điệu khác nhau, phụ thuộc vào từng nội
dung của những cốt chuyện khác nhau. Ví dụ: “Simoai Anai patik kok dan”,
“Simoai Ano Joh Rong”, “Simoai Jurit Budu”...v..v...
2.1.2. Điệu Suri (còn gọi là điệu siri)
Cũng như simoai, suri là điệu hát
dùng để hát kể chuyện ở vùng Raglai bắc. Cũng cùng trong vùng Raglai bắc nhưng
ở Thành Sơn (Khánh Sơn, Khánh Hoà), làn điệu dùng để hát kể chuyện được gọi là
Ma nhiêng. Suri và Ma nhiêng cũng có nhiều điệu hát khác nhau, phụ thuộc vào
nội dung của từng chuyện hát kể. Ví dụ: Suri Bhu (bhu có nghĩa là người ma),
Suri Dăm Mưk (tên nhân vật), Suri Sa - ea (tên nhân vật) Ma nhiêng phổ thông,
Ma nhiêng ya lô, Ma nhiêng Rukă, Ma nhiêng Hôli v.v…Các làn điệu hát kể chuyện
cổ Raglai rất đa dạng và phong phú.
2.1.3. Các làn điệu hát tâm tình
2.1.3.1. Điệu
Kathơng
Đây là làn điệu dân ca còn ở vùng
Raglai nam. Hiện người Raglai từ các làng Là - A, Rô - ôk, Yah thuộc huyện Ninh
Phước vào đến Phan Điền, Phan Lâm ở huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận còn đang
lưu truyền, phổ biến. Điệu Kathơng thường được dùng để hát tâm tình, nhắn nhủ,
giãi bày và nó cũng có nhiều giọng điệu khác nhau, tùy thuộc vào từng địa phương.
Các điệu Kathơng đáng chú ý là Kathơng Chơk Wông, Kathơng Rô - ôk, Kathơng Yăh,
Kathơng phổ thông, Kathơng gợi nhớ v.v…
2.1.3.2. Điệu
Hari. Từ Hari
được bà con dùng theo hai nghĩa: Hari ở vị trí động từ (có nghĩa là hát) được
dùng phổ biến trong ngôn ngữ nói hằng ngày. Ví dụ: “kau nao, ha hari” (tao đi,
mày hát). Nhưng Hari còn được dùng ở
vị trí là danh từ, có nghĩa là một làn điệu dân ca mang hình thức hát đối đáp.
Điệu Hari thường được hát hai người cùng giới để giải bày tâm tình, để chúc
tụng lẫn nhau, để tâm sự cùng nhau. Điệu
hát Hari này bao giờ cũng phải được mở lời bên cạnh bầu rượu tâm giao vì khi
nào men tình đã được men rượu mở khóa thì nghệ nhân mới có linh cảm để có khả
năng mà ứng tác được.
Những cặp nghệ nhân thường hát với nhau có thể kể đến:
Nghệ nhân Katơr thị Phôn Hoa và nghệ nhân Tapôh thị Đoàn ở palơi Yarok, xã Ma
Nới Ninh Sơn; Nghệ nhân Tayên Giao và nghệ nhân Tayên Hiền[6]
ở làng Là - A, xã Phước Hà, Ninh Phước ...
2.1.3.3. Điệu
Alơu
Làn điệu Alơu chỉ có ở tiểu vùng
Raglai bắc. Alơu cũng là một làn điệu dân ca trữ tình, da diết yêu thương như
Kathơng, Hari ở vùng Raglai nam nhưng có thể hát một mình, hát riêng cho mình
nghe và cũng có thể hát giao lưu tâm sự giữa 2 người.
2.1.3.4.
Hát Yangsi, Lakau (khấn ca, táng ca)
Đây là những làn điệu độc đáo dùng để
hát trong các lễ cúng và cũng có thể hát tự tình.
Yangsi là một điệu hát trữ tình mênh
mang, du dương. Còn Lakau là từ chung để chỉ cho nhiều điệu hát khấn ca, táng
ca trong các lễ cúng như Budhi atâu (Bỏ mả), Bâk akok padai (ăn đầu lúa) Da-a
Muk kay (cúng tổ tiên, ông bà), ngăk sôm, ngăk chea, yok ia...(lễ cúng thành
hoàng cầu ma, cầu lúa bắp...). Các điệu khấn, điệu hát này không có tên riêng
nhưng hầu hết đều có giai điệu trữ tình, không có tiết tấu qui định.
Hai điệu hát này sưu tầm được ở palơi
Ma Ty, xã Phước Tân do hai nghệ nhân Katơr thị Sính và Chamaleăk Siêu hát. Điệu
hát này trước đây được nghệ nhân Katơr Lượng (nghệ nhân ở làng Maty, nay đã
mất) hát trong các lễ cúng.
2.1.3.5.
Hát Atok, Pato (hát răn dạy, khuyên bảo)
Người Raglai ở làng Kamau (xã Ma Nới)
gọi điệu hát này là Atok. Còn ở làng Ma Nai và các làng khác ở huyện Bác Ái, bà
con gọi điệu này là Pato. Đây là một loại hình hát nói, khi bắt đầu vào bài bao
giờ cũng có 2 tiếng đế “huớ..wậy huớ...wậy..” rồi sau đó mới vào lời hát. Nội dung của lời hát là khuyên
bảo cháu con hãy giữ gìn phẩm cách khi tới đám đông, khi uống rượu, đừng để
rượu uống mình, sinh ra mất trí khôn, nhắc nhở mọi người giữ cái gốc của người
Raglai, đừng quên tổ tiên, quên lễ tục, quên rừng núi ông bà.
Điệu hát này chúng tôi sưu tầm được ở
làng Kamau, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn do nghệ nhân Tapôk Mai hát, ở làng Ma
Nai, xã Phước Thành, huyện Bác ái do cụ Kayăk Rang hát.
2.1.3.6. Manhi lakay kumay (hát đối đáp, giao duyên)
Đây là điệu hát giành cho hai người
con trai và con gái hát đối đáp giao duyên với nhau trong các dịp hội hè. Họ
hát chào hỏi nhau làm quen, mời nhau về nhà dự đám, cùng nhau uống chung một
ché rượu cần. Đây cũng là địp may để tìm hiểu nhau và nếu thuận thì đàng gái sẽ
cậy người đến đàng trai ngỏ ý xin bắt chồng.
Hiện nay ở nhiều làng Raglai vẫn còn
nhiều người biết hát manhi lakay kumay. Nhưng hiện nay, lớp trẻ Raglai ít hát,
ít thuộc. Những bài bản chúng tôi sưu tầm được chủ yếu ở các cụ già.
2.1.3.7. Hát mời rượu “Manhi djuk tapai”
Người Raglai có nhiều làn điệu dân ca
dùng trong sinh hoạt, hội hè. Đáng chú ý là những làn điệu hát mời rượu cần:
“Mọi người từ làng trên xóm dưới
Hôm nay về với ngày làm đám, ngày hội
Cùng nhau uống chén rượu cần
Dâng lễ vật để trên mâm
Như tục lệ ngày xưa ông bà ta cúng
Rồi chúng ta cùng nhau uống rượu này
Uống một chum trong ngày lễ này
Dù chúng ta ở trên núi cao hay đất thấp
Hãy giáp mặt nhau một ché rượu cần
Chúng ta không có nhiều lễ vật dâng
cúng
Chỉ có lòng thành dâng cho người đã
khuất…”
2.1.3.8. Hát Đồng dao
Trẻ em Raglai cũng có những bài đồng
dao của dân tộc mình. So với đồng dao trẻ em các dân tộc khác, đồng dao Raglai
chỉ khác nhau về ngôn ngữ, còn hình thức và nội dung đồng dao có nhiều nét
giống nhau. Chủ yếu là câu 3 từ. Từ đầu của câu dưới ăn vần với từ cuối câu
trên. Nội dung chủ yếu là hát bắt vần cho vui nhằm phục vụ cho các trò chơi trẻ
con chứ không mang ý nghĩa gì cả.
Ta hãy so sánh 2 đoạn đồng dao của trẻ
con giữa hai tộc người Việt và Raglai:
Trẻ con
Việt hát: Trẻ con
Raglai hát:
Đốn cây dừa Kau
nao apuk (ta lên rẫy)
Chừa cây trộng Takuh bbâk prah
(chuột ăn gạo)
Cây lồng ống Mja majan kayâu (chồn leo cây) Cây bí đao Patâu chơk khuăk (núi đá
cháy)
Cây nào cao Pađiăk
di bhang (nắng tháng giêng)
Cây nào thấp Eh
ong pabui (ếch òn một lũ)
Cây nào rập Pagui
ritha (rượt con nai)
[1] Theo chúng tôi, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
không chỉ là 5 tỉnh Tây Nguyên và có cả các dân tộc ở chân dãy Trường Sơn từ
miền Trung trở vào đến Bình Phước, trong đó có văn hóa cồng chiêng của các dân
tộc như Raglai, Churu, Xtiêng v.v…(Tác giả).
[2] Đình Hy, Tạp chí VNDG Ninh Thuận, số tháng 6 năm 2003,
tr. 26.
[3] Phần
này, chúng tôi sử dụng tư liệu đề tài nhánh của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên.
[4] Nhóm điền dã sưu tầm được bộ chiêng 3 này ở nhà ông Mạo
Ngọc Thang, xóm Mới (plei Yo) , xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn
[5] Về hình thức, loại nhạc cụ này gần giống với các loại
khèn của các dân tộc miền núi Tây Bắc – Việt Bắc. Ở Ninh Thuận, người ta hay
gọi là kèn bầu, tiếng Raglai gọi là sarakel.
[6] Nghệ
nhân Ta Yên Hiền đã mất năm 2005
Chương 6
TRÒ CHƠI DÂN GIAN
Người Raglai từ lâu đời sinh sống ở vùng núi cao, sản
xuất kinh tế nương rẫy. Do vậy làng, bản của họ cũng manh mún theo điều kiện
sản xuất nương rẫy. Dân gian Raglai có câu:
Sa chơk sa dray, sa palay sa urak
(Một núi một mình, một làng một người)
Với điều kiện sinh sống ít tập trung nên các trò chơi
cộng đồng cũng ít phát triển. Trò chơi dân gian của người Raglai không nhiều.
Trong quá trình giao lưu, một số trò chơi của người Raglai vừa tiếp nhận vừa
lan tỏa đối với trò chơi dân gian của các dân tộc khác.
1. Chơi đuổi quạ (ma in ti aup ak)
Đối tượng chơi, thiếu niên từ 10 – 12 tuổi. Số lượng người
chơi cố định 5: người.
Dụng cụ: 5 cây gậy, một quả bóng tròn bằng gỗ, to bằng
chén nhỏ, tiếng Raglai gọi boh balong. Tại bãi chơi, họ moi 5 lỗ, 4 lỗ ở 4 góc
hình vuông, mỗi cạnh khoảng 3 – 3,5 m và 1 lỗ ở giữa tiếng Raglai gọi labak
pasăk (lỗ run).
Vào cuộc chơi: có một người giám sát cuộc chơi, người
giám sát tập trung 5 cây gậy của 5 người hô 1, 2, 3 (sa, dua, k’lâu) rồi quăng
5 cây gậy đi, 5 người tranh cây gậy mình; rồi quay lại giành 1 lỗ trong 4 lỗ ở
4 góc; người nào không giành được lỗ sẽ là người lùa quả bóng vào, tiếng
Raglai gọi ma-in tiaup ak (chơi đuổi quạ). Người lùa quả bóng, lùa từ đàng xa
tới, cố lùa cho lọt vào lỗ giữa, 4 người kia dùng gậy đánh quả bóng lia lịa,
người lùa quả bóng phải chống đỡ vất vả (1 chống 4), vừa chống đỡ vừa quan sát
để giành lỗ của đối phương. Nếu giành được lỗ của người nào, thì người đó
sẽ thay anh ta lùa quả bóng. Nếu để cho người lùa quả bóng lọt vào lỗ giữa,
thì người lùa quả bóng tập trung 4 cây gậy người thua quăng đi, để cho họ
giành gậy giành lỗ như lần trước. Nếu trong cuộc chơi người lùa quả bóng
không giành được lỗ, không lùa quả bóng lăn vào lỗ giữa, sẽ là người lùa quả
bóng vất vả suốt cuộc chơi.
2. Trò chơi “gà mẹ chống diều hâu cứu đàn con” (ma nuk amek tran kalak dong anak)
Trò chơi diễn ra trong không gian rộng, đối tượng chơi
là nữ tuổi từ 6 – 12. Số lượng chơi từ 6 – 7 người, có một người làm diều
hâu, số người làm đàn gà cả mẹ lẫn con đều cột khăn ở thắt lưng để làm dây
cho đàn gà con nắm thành dây dài, người làm gà mẹ đứng đầu hàng để chống với
diều hâu.
Người làm diều hâu: luôn hai tay đập lên xuống, như
chim vỗ cánh vờn qua lại chực bắt gà con; người làm gà mẹ, cũng hai tay đập
lên xuống lia lịa (vỗ cánh) chống với diều hâu, luôn mồm kêu giả tiếng gà mẹ
tục tác, đàn gà con cũng giả tiếng gà con kêu chí choé. Nếu gà mẹ để cho diều
hâu bắt được gà con; thì người làm gà mẹ phải làm diều hâu; và người làm
diều hâu sẽ làm gà mẹ bảo vệ đàn gà con. Nếu người làm diều hâu không bắt được
gà con, thì suốt cuộc chơi, sẽ mãi làm diều hâu.
3. Chơi ú tim
(ma in kuk dăup)
Trò chơi diễn ra ở không gian rộng, nơi có địa thế cho
người chơi ẩn nấp. Đối tượng chơi cho cả nam lẫn nữ. Số lượng từ 6 – 10 người,
tuổi từ 9 – 12.
Trò chơi này, có một người giám sát cuộc chơi, nhóm chơi
có một người tìm bắt số người ẩn trốn, trải qua thử thách bằng 3 kí hiệu giơ
tay như sau:
- Tay nắm giơ lên, tượng trưng cái dồ, cái dồ sẽ thắng
vật nhọn, thua chiếc lá (vì chiếc lá bao kín cái dồ).
- Xòe ngón tay giơ lên, tượng trưng cho chiếc lá, thắng
cái dồ, thua vật nhọn, vì vật nhọn có thể đâm thủng chiếc lá.
- Giơ ngón trỏ lên, tượng trưng vật nhọn, thắng chiếc
lá, thua cái dồ.
Khi thông qua điều lệ để phân thua thắng, người giám sát
cuộc chơi phân từng cặp; đứng xoay lưng với nhau rồi hô 1, 2 ( sa dua) cho hai
người giơ tay làm kí hiệu lên. Người thua sẽ đấu với người thua và người
thua sau cũng là người đi tìm bắt các bạn ẩn trốn.
Người tìm bắt bị người giám sát dùng hai bàn tay bịt
mắt cho số người lẩn trốn xong mới tha ra, họ tự đi tìm. Nếu phát hiện bắt được
thì người đó sẽ thay đi tìm bắt; còn người bắt được lại đi trốn. Nếu phát
hiện nhưng để cho họ chạy thoát về nơi chủ trì thì bị bịt mắt để họ đi
trốn, nếu không bắt được người nào, thì
suốt cuộc chơi sẽ mãi là người tìm bắt kẻ lẩn trốn.
4. Cọp bắt dê (ri mok măk pabe)
Đối tượng chơi: cho cả nam lẫn nữ. Số lượng chơi 6 –8
người, tuổi từ 9 – 13, bãi chơi, vẽ vòng tròn rộng có người giám sát cuộc
chơi, nhóm chơi cũng qua thử thách như trò chơi ú tim. Người thua sau làm
cọp. Người làm cọp phải bịt mắt bằng khăn, người làm dê không bịt mắt.
Người làm dê và cọp đều đi 4 chân (cả chân và tay). Đàn
dê không được nhảy ra khỏi lằn mức. Cọp vừa nhảy vừa kêu (pia pỉa), đàn dê
cũng nhớn nhác nhảy kêu (be be). Cọp cứ nhắm tiếng kêu nhảy bổ tới chụp, chụp được
người nào thì người đó phải bịt mắt làm cọp thay và người làm cọp sẽ làm dê.
Nếu không bắt được người nào thì sẽ làm cọp trong suốt cuộc chơi. Theo quy
định người làm dê phải luôn mồm kêu be be. Nếu sợ cọp bắt được mà ít kêu nhảy
ra khỏi vòng tròn người giám sát nhắc nhở nhiều lần mà còn vi phạm sẽ bị bịt
mắt làm cọp thay người đang làm cọp và người làm cọp lại làm dê.
5. Đu dây (dai buai)
Đối tượng chơi: cho cả nam lẫn nữ, tuổi từ 8 – 12. Số lượng
người chơi từ 2 – 3 người trở lên. Nơi chơi dưới bóng cây có cành nhánh xum
xuê, cành có độ cao vừa cột dây đu. Trò chơi đu dây phải nhờ người lớn làm dây
và làm bàn đạp. Dây đu (talay buai) làm bằng dây mây (howay) cột gút vòng tròn
vào cành cây; 2 đầu dây cột vào 2 đầu ván để làm bàn đu thòng xuống, vừa tầm bước
lên, bước xuống. Có thể chơi đu một lần một người hay hai người; tùy theo người
chơi nhiều hay ít, bước đầu họ kéo dây đu lui về sau rồi một chân bước lên
bàn đu, một chân dưới đẩy mạnh tới rồi bước lên bàn đu, hai tay nắm dây đu,
nhún mình cho đu quay vun vút.
6. Thả diều (papăr kalak)
Trò chơi thả diều không những cho đối tượng thanh thiếu
niên, mà cả những người lớn tuổi để tiêu khiển trong lúc nhàn rỗi. Có hai loại
diều cho hai đối tượng chơi.
- Loại diều nhỏ cho đối tượng thanh thiếu niên, khung
diều hình thoi làm bằng nang tre, phần dưới có uốn hình rẻ quạt giống đuôi
chim cắt đang bay; dán giấy mỏng, ở phần đầu gắn một cái sáo gọi awao, có đoạn
dây cột gút vào sóng diều ở giữa để điều chỉnh và cột vào một cuộn dây thả cho
diều bay. Gió vừa diều đứng yên một chỗ. Gió lớn thì thỉnh thoảng chúi xuống, cắt
lên như chim cắt bắt mồi, loại diều này bay không cao như diều lớn. Loại diều
lớn cho đối tượng người lớn tuổi, khung diều bằng nang tre, hình thoi dán
giấy mỏng, thân diều tùy theo sở thích, bề dài từ 0, 85 – 1, 2 m, bề ngang từ
0, 45 – 0, 65 m, cách làm rất công phu phải thực hiện nhiều khâu phức tạp, đòi
hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm đạt đến trình độ kỹ thuật cao như cân đối
đôi cánh và độ dài sóng giữa, kỹ thuật dán giấy và cả giây đuôi. Nếu các bộ
phận căn bản ấy không cân đối thì diều sẽ không bay được như ý.
Ngoài ra họ còn trang trí cho diều thêm sinh động, ở đầu
gắn hai cái sáo, một lớn một nhỏ tiếng Raglai gọi awao amek, awao anak khi bay
có hai âm thanh lớn nhỏ du dương trên không trung, hai góc nhọn của hai cánh
họ cột dây tua bằng vải đủ màu.
Dây đuôi kết bằng lá buông, bề ngang cỡ ngón tay cái; dây
thả diều bằng dây gai. Diều bay cao thấp tùy thuộc vào dây dài hay ngắn. Nếu
dây dài diều bay rất cao, uốn lượn, dây đuôi như rắn đang bò, tiếng Raglai gọi
kalak măk angin ngok (diều bắt được tầng gió trên), diều có thể bay suốt ngày
đêm. Diều và dây được người Raglai ví như vợ chồng haiup si pasak, yơ kalak
si talay (vợ với chồng như diều với dây).
Thú chơi diều còn tồn tại ở thôn Trà Nô xã Phước Hà,
huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.
7.
Thi đẩy cây/gậy (jhul gai)
Đối tượng chơi cho thanh thiếu niên, đồ chơi rất đơn
giản chỉ cây gậy, 2 người nắm 2 đầu, lấy bụng làm điểm tựa rồi dùng lực đẩy,
người nào ngã là thua. Khi đẩy người đứng xem vỗ tay cho cả hai người. Đây
là một trò chơi thể thao vừa dễ chơi và hấp dẫn, có tính thể thao cao. Ngành
thể dục thể thao đã lấy trò chơi này làm một trong những môn thể thao truyền
thống, không chỉ còn dành cho bà con dân tộc mà cả người Kinh, nhất là trong
giao lưu, sinh hoạt đoàn thanh niên.
8. Thi kéo dây (ka tung talay)
Đối tượng chơi cho cả thanh thiếu niên nam nữ. Số lượng
chơi mỗi nhóm từ 7 – 9 người, có một người giám sát cuộc chơi. Bãi chơi được
vẽ đường mức, mỗi nhóm ở mỗi bên, hai tay nắm vào sợi dây chuẩn bị kéo, người
giám sát cuộc chơi hô kéo thì mới được kéo, nhóm nào kéo qua mức mình thì
thắng cuộc.
Đối tượng chơi cho cả nam lẫn nữ tuổi từ 13 – 14. Số lượng
từ 14 – 16 người, chia làm hai nhóm, bãi chơi có đường phân hai khu vực, mỗi
bên một khu vực, có một người giám sát cuộc chơi, cuộc chơi diễn ra như sau:
Mỗi nhóm cử một người u vuợt qua khu vực bạn, khi u chạm
tay vào người nào rồi u qua khu vực mình an toàn thì xem như người vừa chạm
đã chết (matai) loại khỏi vòng chơi. Và chạm được bao nhiêu, người chết bấy
nhiêu. Số người chết sẽ được đưa về khu vực của mình nơi khoảng cách với ranh
giới đã qui định. Người u đã chạm tay vào họ và họ nắm được tay giữ lại cho
đứt hơi ở khu vực của họ xem như người u bị chết và họ giữ luôn ở khu vực của
họ. Đến lượt họ cử một người u qua và tuần tự như thế.
Những người “chết” sẽ được “cứu sống” (để tiếp tục chơi
lại). Nếu phía bạn u qua chạm tay vào số người “chết” rồi quay về an toàn xem
như đã cứu được, nhưng rất khó, họ canh phòng cẩn mật. Nhóm thua là không
còn người nào để cứu. Cuộc chơi thường diễn ra vào buổi chiều lúc nhàn rỗi dưới
tàn cây bóng mát.
Qua khảo sát sưu tầm văn hóa phi vật thể thực địa ở các
vùng cư trú của tộc người Raglai ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước
và Bác Ái cho thấy, trò chơi dân gian của người Raglai còn lại không nhiều.
Ngày nay, thanh thiếu niên Raglai tiếp cận rất nhanh với các trò chơi hiện đại.
10. Trò thi giã gạo, đánh lửa nấu cơm
Đây là mt trò chơi mới xuất hiện muộn, do các cán bộ văn
hóa cơ sở tổ chức. Với trò chơi này, có thể có nhiều đội cùng tham gia, mỗi
đội 2 người gồm một nam, một nữ.
Công cụ chuẩn bị gồm: bùi nhùi và các cây tre để đánh lửa
Nồi để nấu cơm, ba hòn gạch hoặc đá để kê đầu rau, củi,
nước, gạo
11. Thi bắn nỏ/ná
Đây là trò chơi của các dân tộc Tây Nguyên nói chung.
Vùng đồng bào Raglai cư trú xưa kia là chiến khu với nhiều hang động, bẫy đá,
cung tên đánh giặc. Trong quá trình đó, dân quân du kích, thanh niên thường tổ
chức bắn nỏ/ná. Trò chơi này được tổ chức đơn giản, thường lấy nỏ săn bắn hàng
ngày. Nơi tổ chức chơi là một sân bãi rộng, các bia đích thường dựa lưng vào
chân núi và thường dùng các loại bia của quân đội, tính theo điểm 10.
Tùy theo từng loại ná mà người ta quy định cư ly từ nơi
đứng bắn tới đích. Trò thi bắn nỏ có thể tổ chức thi cá nhân, đồng đội nam, nữ.
Ngày nay, trò chơi này đã chính thức trở thành môn thi thể thao của các dân tộc
Tây Nguyên, Nam trung Bộ và nhiều vùng miền trong cả nước.
2. Các món ăn được chế biến từ cá, thịt
3. Chế biến các loại bánh
4.2.1. Làm men rượu cần
5. Chế biến các món ăn dùng trong nghi lễ, cúng tế
Chương IX
NHÀ SÀN VÀ NHÀ MỒ
2. Nhà mồ
Chương 7
VĂN HOÁ ẨM THỰC
Người Raglai cư trú ở vùng miền núi phía tây của tỉnh
Ninh Thuận, vốn có nền kinh tế tự cung tự cấp, sống du canh du cư theo các
triền núi. Các món ăn truyền thống chủ yếu của người Raglai là sản vật nông
nghiệp, săn bắt, hái lượm và chăn nuôi gia cầm.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu của người Raglai
là làm nương rẫy theo phương pháp cổ truyền: đốt rừng làm rẫy, chọc lỗ trỉa hạt
lúa, bo bo, cao lương, kê, bắp, trồng xen canh với các loại hoa màu như rau,
khoai mì, khoai chụp, bầu, bí, dưa gang, đậu và các loại cây ăn trái như mít,
đu đủ, chuối, khóm. Lúa và bắp là 2 cây lương thực chính. Do đặc điểm thổ
nhưỡng và khí hậu khô nóng nên việc trồng lúa rẫy của người Raglai gặp rất
nhiều khó khăn. Bắp dễ trồng và chịu
hạn hơn nên bắp là cây lương thực chính nuôi sống cộng đồng người Raglai.
Ngày xưa, săn bắt thú rừng, chim muông, cá nước ngọt ở
các con suối góp phần đáng kể vào đời sống kinh tế. Người Raglai không kiêng ăn
thịt các loại thú rừng, chỉ có các ông thầy cúng kiêng không ăn thịt khỉ vì
quan niệm khỉ là xú uế. Ngày nay, đa
phần rừng già đã bị tàn phá, thú rừng ngày càng khan hiếm. Đã từ lâu, người
Raglai đã biết chăn nuôi gia cầm lấy thịt để làm thức ăn như heo, trâu, bò, dê,
gà, vịt, ngan v.v...
Hái lượm cũng góp phần tăng thêm sự phong phú trong văn
hóa ẩm thực của người Raglai. Các
loại lá, hạt cây rừng được người Raglai hái lượm như lá bép (djăm biăk), lá ôchao, lá para nhau, lo khăn v.v...những loại hạt như hạt cây săng, cây kluăk, cây kăt, sung, vỏ cây lapá (lapah), các loại khoai rừng (hu buơi kel), khoai từ (hu bơi sămk), củ mài (hu bơi tapung), củ nằn (akok daning), cu do (akok do), củ lakai) v.v… Núi rừng
Bác Ái thực sự là một kho dự trữ lương thực thực phẩm của người dân Raglai,
được thể hiện qua câu tục ngữ:
Djiăm puk kaduk hara (Lá bép đọt sung)
Akok do la o da ning (củ do củ nằn)
Akok lakai wai patay (củ lakai, đọt chuối)
1.
Các món ăn chế biến từ gạo, bắp, khoai, rau quả
1.1.
Chế biến cơm, bắp
Bà con Raglai chủ yếu
trồng lúa rẫy, ở vùng rừng núi nơi đồng bào Raglai canh tác thường khô hạn nên
năng suất lúa rẫy không cao. Hạt gạo từ lúa rẫy thường to và cứng hơn so với
gạo từ lúa nước nên khi nấu cơm, họ phải đổ nhiều nước hơn. Do thường xuyên
thiếu gạo, bà con Raglai thường nấu cơm độn với các loại hạt, củ khác như bắp,
đậu, các loại khoai, mì. Là vùng khó khăn về trồng lúa, nên người Raglai thường
dùng bắp, đậu, khoai để thay cho gạo. Bắp thu hoạch về, tách hạt, giã rồi trộn
với hạt đậu săng, nấu như nấu cơm
hoặc có thể nấu cháo.
1.2.
Chế biến các loại khoai, sắn, củ, quả, hạt
Người Raglai dùng rất
nhiều loại khoai để thay cây lương thực: Khoai mì (hu buơi kayau), khoai chạp
(hu buơi balang), khoai sáp (hu
buơi ra lin), khoai từ, khoai mài (củ
mài). Các loại khoai, sắn được gọt vỏ, cắt thành khúc, đem luộc hoặc giã
nhuyễn làm bánh hoặc nấu cháo hoặc cắt thành từng lát mỏng, phơi khô để ăn lâu
dài, cũng có thể để cả lát khô luộc ăn hoặc giã thành bột làm bánh. Có một đặc
điểm đáng lưu ý là người Raglai thường dùng dao để thái, cắt, gọt ngược tay
giống như người châu Âu.
Người Raglai cũng thường
dùng một số loại khoai rừng có độc tố: Củ Nằn
(akăk da ning), củ Do, củ Lakai, đào lên, gọt vỏ, thái thành lát mỏng, ngâm nước 2,3 ngày, xả
nước nhiều lần để khử bớt chất độc, rửa sạch xong đem luộc ăn hoặc phơi khô cất
ăn dần. Nếu bị ngộ độc, cho uống nước dây máu (Chamalek) để giải độc.
Hạt cây luăk, cây kăt, cây kuh, cây săng, chà lấy hạt, đem giã bỏ lớp vỏ của
hạt, luộc bỏ một nước, luộc lần 2 mới ăn. Có thể ăn ngay hoặc phơi khô nấu với
bắp.
Vỏ cây la pá (lapah), cạo sạch lớp vỏ ngoài, cắt
thành miếng, luộc xả nước rồi luộc lần 2, có thể thái mỏng ăn hoặc băm nhỏ nấu
với bắp.
Quả sung: có thể ăn sống
hoặc băm nhỏ nấu với bắp.
Ngoài ra, người Raglai
còn ăn các loại hoa quả rừng: quả thị (boh
makia), trái da đá (boh djau),
quả xay (boh djuai), mằn tăn (boh tăh), trái nâu (boh jamau)...
Mía lau (tabau krang) là loại mía người Raglai
trồng ở những vạt đất cạnh các bờ suối. Mía lau để ăn cả cây hoặc làm đường
theo phương thức cổ truyền: róc vỏ, dát mỏng nấu cho ra chất đường rồi cô lại
vào chén, dùng để nấu chè như người Chăm.
1.3.
Chế biến các loại canh (ia bai)
Lá bép (Djăm biăk) là một loại lá cây mọc rất nhiều ở vùng rừng núi
Ninh Thuận. Lá bép vừa là một loại lá
dùng để nấu canh, vừa là một loại lá có thể thay cho lương thực, có thể ăn cả
lá non, lá già. Những năm mất mùa, bà con phải lượm cả lá bép rụng, lá bép khô về
nấu ăn thay cơm, thay bắp. Lá bép đã
từng nuôi sống cán bộ, bộ đội, du kích trong thời kỳ kháng chiến. Trong những
năm chiến tranh ác liệt, giai đoạn 1962 - 1968, với sự hướng dẫn của bà con
Raglai, tiểu đoàn 610 anh hùng đã hái lá bép
về ăn và cầm cự với địch và đã chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Lá bép thường được nấu canh với các loại
khoai.
Canh là món thường thấy
trong bữa ăn của người Raglai. Canh được chế biến từ các loại rau, bầu, bí, đu
đủ, mít hoặc ngọn bầu, ngọn bí, sung và các loại lá cây rừng như lá bép (djăm
biăk), lá klăn, lá ô chao, lá paranhau, các loại măng, nấm.
Thông thường có 3 loại
canh:
Canh lỏng (ia bai): Nấu bằng các loại rau, quả, và
để có vị ngọt, bỏ thêm lá hoặc bột lá paranhau.
Lá paranhau vừa ngọt vừa thơm, được
phơi khô giã nhỏ và được coi như một loại bột ngọt.
Canh đặc (ia bai pai): Nấu như canh lỏng nhưng
bỏ thêm bột bắp hoặc gạo, nấu đặc sền sệt, có thể ăn thay cơm, cháo.
Canh chua (ra bai ma sap): Ngâm gạo một đêm, đem
giã với lá bép rồi vo thành viên,
dùng là chuối ủ 3 ngày đêm cho lên men. Loại này có thể xâu thành từng xâu treo
trên giàn bếp, khi dùng giã thành bột cho vào nồi canh tăng thêm chất chua.
Ngoài ra, còn có các
loại canh như lá khoai mì non, lá đu đủ, luộc lên, giã nhuyễn với muối rồi nấu
thành canh.
2. Các món ăn được chế biến từ cá, thịt
2.1.
Các món ăn chế biến từ cá
Vùng đồng bào Raglai
sinh sống chỉ có cá nước ngọt bắt từ suối. Cá được chế biến bằng cách kho, nướng,
nấu canh, làm mắm. Cách làm cá cũng giống như người Chăm: mổ bỏ ruột, rửa sạch
kho với muối ớt hoặc nướng cả con trên bếp than. Nếu để dự trữ, họ phơi khô,
treo lên dàn bếp để nướng hoặc nấu canh ăn dần.
Người Raglai thường săn
bắt nhộng kiến đỏ (Boh hadămtathao) để
nấu cháo hoặc nấu canh. Các loại trăn, rắn, tắc kè, kỳ đà hoặc các loài bò sát
khác thường chế biến bằng cách chặt bỏ đầu, lột da, chặt thành khúc nướng hoặc
băm kho muối ớt hay nấu canh rau. Các loại thú rừng khác cũng được chế biến như
trên.
Các loại mối cánh (kalaup) thường xuất hiện vào mùa mưa ở
các gò mối được rang lên cho rụng cánh rồi kho hoặc nấu canh.
Các loại ếch, ễnh ương,
nhái khi bắt về được mổ bỏ ruột, trụng nước sôi cho sạch nhớt, có thể luộc,
kho, nấu canh hoặc nướng nguyên con. Nếu bắt được nhiều, họ xỏ xâu treo trên
giàn bếp.
2.2.
Các món ăn chế biến từ thịt
Sống ở rừng
núi, xưa kia người Raglai thường săn bắt thú rừng rất giỏi. Những món ăn từ
thịt thú rừng rất ngon.
Con cúi lúi (anu) hình dáng như con chuột cống ở
hang, ăn măng, rễ cây rất béo. Do vậy người Raglai xem như con heo đất, thịt
rất ngon, ăn thịt, ăn cả bộ lòng lẫn phân, cũng như tộc người Chăm ăn thịt con
thỏ cả lòng lẫn phân, do vậy dân gian có câu:
Chăm
bbăng eh ta pai
Raglai
bbăng eh anu
có nghĩa là: người Chăm ăn cứt thỏ, người Raglai ăn cứt
cúi lúi.
Đây là món ăn độc đáo
của 2 tộc người Chăm - Raglai, họ thui con vật rồi cạo sách lông, ngoài thịt
được cắt thành từng miếng lớn hoặc băm nhỏ để kho hay nấu canh, họ nướng cả bộ
lòng (để nguyên cả phân) chấm muối ớt ăn rất thơm. Ngoài thịt, phân con lúi cúi
(anu), theo người Raglai còn là một
loại thuốc chữa nhiều chứng bệnh làm giảm đau nhức mình mẩy, sây sẩm mặt mày...
Có dòng tộc còn dùng con cúi lúi làm vật hiến sinh trong lễ tế thần lúa (bbak padai bu rau). Trong lễ hiến sinh
họ luộc nguyên cả con, sau đó sắt miếng chấm muối ớt. Ở vùng đồng bào Raglai
sinh sống có loại ớt núi rất thơm, trái ớt khi còn xanh thơm hơn khi ớt đã
chín.
- Con mẻn (djuah) làm thịt, lột da, phần da họ
dùng làm mặt trống (sagar), bộ lòng
làm sạch phân chấm muối, nước luộc thịt dùng nấu canh rau. Phần thịt cắt miếng
kho muối ớt hoặc xiên nướng. Nếu có nhiều thịt mẻn, họ xẻ phơi khô để dành ăn
lâu dài. Thịt khô chỉ dùng nấu canh. Cách nấu canh thịt khô của họ khác hơn tộc
người Chăm là không thái nhỏ mà chỉ để nguyên miếng to vào nồi canh, khi chín
họ vớt ra, xé nhỏ giã với muối ớt. Phần xương, đầu họ hầm với bầu, bí hay đu
đủ, còn xương cũng phơi khô để dành ăn lâu dài.
- Nai rừng (ru sa): làm thịt, xẻ da ra từng miếng
thui cho sạch lông, đem phơi khô. Khi ăn luộc nhừ rồi cắt thành miếng nấu canh
với cá khô hoặc muối ớt. Có một cách chế biến khác là xẻ thịt thành những miếng
nhỏ, kho với muối ớt, cũng có thể luộc hoặc nướng. Nước luộc thịt nấu canh,
thịt sắt miếng chấm muối ớt. Nếu nhiều họ phơi khô cả thịt lẫn xương để dành
nấu canh rau hay hầm đu đủ, măng, mít.
- Heo rừng (pa buai glai) có địa phương gọi là ul keh: họ thui nguyên con, cạo sạch
lông, làm sạch bộ lòng rồi luộc, nước luộc để nấu canh (lỏng, đặc, chua) tùy
thích, phần thịt họ xẻ cả da lẫn thịt cắt nhỏ kho muối ớt, phần xương có thể
hầm với đu đủ, mít, bí, bầu. Nếu có nhiều thịt thì đem phơi khô ăn dần. Thịt
heo rừng khô họ thường nấu canh, ăn rất ngon.
Ngày nay, thú rừng ngày
càng trở nên hiếm hoi và việc săn bắt thú rừng đã bị cấm, người Raglai hiện nay
chủ yếu ăn các món ăn từ thịt gia cầm từ chăn nuôi như heo, bò, gà, vịt, ngan
v.v…cách chế
biến ngày nay ảnh hưởng nhiều của người Chăm và người Kinh. Cách chế biến chủ
yếu là nướng nguyên con hoặc làm thịt rồi xiên nướng, luộc chấm muối ớt hoặc
nấu với các loại rau hoặc lá cây như lá đu đủ, lá bép, sả v.v…
Thịt trâu, bò (ku bu ơi, kruk): Cách chế biến chủ yếu
là xiên nướng, luộc, nấu canh hoặc phơi khô ăn dần. Thịt trâu, bò khô nấu canh
rau, món ăn đơn giản nhưng rất ngon, nhất là thịt và da vừa nhai nghe trèo trẹo
mặc dù bụng đói như cào thế mà không dám nuốt, vì sợ trôi mất cái ngon. Ngoài
việc dùng thịt khô ăn với các món cơm, canh, cháo trong các bữa ăn hàng ngày họ
còn dùng thịt chế biến với các loại bánh để ăn xen kẽ.
3. Chế biến các loại bánh
Các loại bánh của người
Raglai chịu ảnh hưởng cách làm bánh của người Chăm và người Kinh.
Bánh tét (pay nung) chủ yếu làm bằng gạo
nếp, khoai mì, cao lương, hạt kê.Gạo nếp trước khi gói phải rửa sạch thường
trộn với đậu đỏ hay đen. Khoai mì tươi bóc vỏ rửa sạch gọt mỏng, giã nhuyễn
cũng trộn với đậu hoặc chuối chín.
Cao lương, hạt kê giã
tróc vỏ rửa sạch. Hai loại nguyên liệu này thường không trộn đậu, vì nó đã có
sẵn màu đen và vàng. Cách gói và nấu cũng dùng lá chuối gói như tộc người
Kinh, Chăm, dùng để cúng, làm quà thăm người thân, sui gia…Cũng có loại bánh gói tương đối
cầu kỳ
Bánh đúc: làm bằng bột mì, nhồi bột bằng nước sôi, nặn mỏng tròn
cỡ miệng chén, sau đó luộc chín vớt ra như bánh đúc, dùng trong bữa ăn.
Bánh nướng bằng ống lồ ồ: cách làm bột như trên, bỏ bột vào ống
tre non hoặc cây lồ ồ bịt kín miệng nướng bằng lửa than hồng, ống tre vàng đều
xem như bánh đã chín, ăn rất ngon và thơm.
Bánh ngọt (pay yamn):
bắp rang giã nhuyễn với chuối chín như bánh chuối, loại bánh này thường chỉ ăn
chơi, xen kẽ vào những lúc nghỉ ngơi.
Bánh tổng hợp (pay poh): gồm
các nguyên liệu: Lá cốc chua (ha la ga
an), trái đậu non (ratak mada),
đu đủ chín (la hong tasak), muối (sara), ớt tươi tất cả đưa vào cối giã
nhuyễn sệt dùng muỗng múc ăn, đủ mùi vị, ăn rất ngon.
4.
Chế biến đồ uống
4.1.
Nước uống: Nước uống cho sinh hoạt hàng ngày của người Raglai thường là nước lạnh,
múc từ suối lên. Khi đau ốm, sinh đẻ họ mới dùng nước sôi. Họ thường dùng lá
cây để nấu nước như lá chaneh, lá dung kra phơi héo sao nước màu vàng
thơm, nhưng chỉ uống với tính cách chữa bệnh, đau nhức...Trước kia, đa phần
người Raglai uống nước lã, lấy từ nguồn suối, ngày nay, với phong trào xây dựng
đời sống văn hóa, các làng văn hóa Raglai đều đã thực hiện ăn chín, uống sôi. Người Raglai hay dùng hạt đậu săng, vừa
để ăn vừa để uống. Đậu săng dễ trồng, có hạt màu đỏ, dùng để nấu nước uống,
cũng có thể dùng nấu cơm trộn với bắp, khoai mì, nước hạt săng đỏ uống rất mát.
4.2.
Chế biến rượu cần (tapai)
Rượu cần là đặc sản của
người Raglai, nam nữ, già trẻ người Raglai, ai ai cũng uống rượu cần. Rượu cần
không thể thiếu trong sinh hoạt ẩm thực đời thường cũng như trong lễ hội của
người Raglai. Rượu cần được chế biến từ các loại bắp, bo bo, cao lương, khoai
mì. Để được ché rượu cần ngon, chất lượng cao thì ngoài yếu tố lương thực, men
và thời gian cũng đóng vai trò quan trọng cho cái ngon hay dở của rượu cần, cụ
thể ngọt, chua, đắng, người uống cảm thấy hấp dẫn hay chịu lấy hậu quả đau đầu.
4.2.1. Làm men rượu cần
Nguyên liệu - tỉ lệ chế
biến như sau:
- Củ riềng (lakuah)
cạo sạch lớp da ngoài sắt mỏng phơi khô giã bột: 1 lon.
- Rễ cây dong rửa sạch, lột vỏ sắt mỏng phơi khô giã bột:
1 lon.
- Ớt hiểm (ớt chỉ thiên) tươi chín: 1/2 lon.
- Rễ cây pateh,
rửa sạch lột vỏ rồi sắt mỏng (vỏ) phơi khô giã bột: 1 lon.
- Rễ cây Janhuk
cách làm như trên: 1 lon.
- Rễ cây rawe
như trên: 1 lon.
- Gạo ngâm một đêm vớt lên giã : 8 lon.
- Ớt chỉ thiên (ớt hiểm)
tươi: 1/2 lon.
Trộn đều những
nguyên liệu trên, đưa vào cối giã chày tay, giã thật nhuyễn vò viên, lớn nhỏ
tùy ý, dùng lá chuối và tranh săng ủ 3 ngày. Nếu cục men lên men, màu trắng đều
mùi thơm (hèm) là men tốt, ngược lại là xấu. Để dùng lâu họ xỏ xâu treo lên
giàn bếp.
4.2.2. Trình tự chế biến rượu cần
Rượu cần chế biến từ bắp, bo bo, cao lương (hejei):
Bắp, bo bo,
cao lương được nấu cả vỏ, khi chín vớt ra nong dàn mỏng đều, khi nguội rắc đều
bột men lên. Nếu là bắp thì lượng men nhiều hơn, ủ bằng là chuối khoảng 12 giờ
đồng hồ. Rửa ché thật sạch, để khô rồi mới cho tất cả hỗn hợp vào, đậy nắp,
trát kín miệng ché bằng tro bếp từ 10 đến 15 ngày là có thể dùng được. Để càng
lâu, rượu tiết ra mật (lek ia la hiềng)
màu cánh kiến đậm rất ngon, 3 loại rượu cần trên chỉ uống 2 nước thôi.
Rượu cần chế
biến từ khoai mì (Sắn - hu bơi
kayau) :
Lột sạch vỏ, nấu chín vớt ra nong tách củ khoai làm hai
xếp đều để nguội rắc bột men đều ủ bằng lá chuối từ 2 - 3 ngày cho mì lên men
đều, mùi hèm lúc này đã có vị ngọt như cơm rượu mới đưa vào ché, đậy nắp trét
kín miệng bằng tro bếp, thời gian ủ rượu như trên (từ 10 - 15 ngày sau).
Thường các vật liệu nói trên đưa vào chỉ bằng 2/3 dung lượng
của ché, khi mang ra dùng đổ nước đầy ché, ngâm từ 2 - 3 giờ mới dùng. Rượu cần
mì nước màu trắng đục, đặc biệt rượu cần khoai
mì uống được nhiều nước (3 - 4 nước) vẫn còn ngon nên được cộng đồng người
Raglai rất ưa thích, nhất là trong lễ hội, đám cưới...
5. Chế biến các món ăn dùng trong nghi lễ, cúng tế
Các món cúng và ăn trong nghi lễ gia tộc như lễ mừng
thọ, lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ bỏ mả:
Lễ vật dâng cúng thông thường phải có bát lửa trầm, rượu
cần, rượu trắng, trầu cau, bát gạo ở giữa có trái trứng gà hoặc trầu têm, các
loại bánh trái và các sản vật nông nghiệp khác.
5.1. Lễ cúng ông bà (Muk - Kei)
được tiến hành từ 3 đến 5 năm một lần để tỏ lòng biết ơn đến ông bà, cha mẹ đã
khuất, cầu mong ông bà phù hộ cho con cháu làm ăn no đủ, tránh được dịch bệnh
và các tai họa.
Lễ vật hiến tế nhất thiết phải có một con heo, sau khi
làm thịt, cạo lông, mổ lấy bộ lòng đem đi luộc, còn cả con để sống đem đặt sấp
lên bàn lễ. Người ta lấy tiết heo bôi đỏ lên đầu, lưng heo.
Nếu trong nhà có người chết mà chưa làm lễ bỏ mả, phải
làm một mâm cho người chết. Mâm đó phải có gà, cơm, rượu, nước, gạo, trứng,
muối v.v…vì người
Raglai quan niệm rằng, người chết khi chưa làm lễ bỏ mả vẫn còn quanh quẩn trong nhà, phải mời ma
cùng ăn, cùng uống. Trong lễ mừng thọ, người Raglai thường thịt rất nhiều gà
con, trong nhà có bao nhiêu người phải làm thịt bấy nhiêu con gà.
5.2. Lễ “ăn lúa
mới”
Người Raglai quan niệm rằng lúa là hiện thân của thần
Yang Sri (thần lúa). Do vậy sau mỗi lần thu hoạch, họ làm lễ tế thần Yang Sri
trong lễ hội “ăn lúa mới” (Bbăkadai birau). Lễ “ăn lúa mới” (Bấc padai barâu) là nghi lễ nông nghiệp
truyền thống của dân tộc Raglai. Lễ này thường diễn ra vào khoảng tháng 3,
tháng 4 dương lịch, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong, khi lúa bắp đã “về đậu
trong nhà” (tức là đã đưa lên nhà sàn làm kho) nhưng chưa ai được phép lấy ra
ăn. Nếu muốn lấy xuống ăn, phải làm lễ cúng để “ăn lúa mới”. Nếu gặp khi nhà
không còn gì để ăn, có thể cắt một bó cỏ may, cột lại thành bó, nhúng vào nước
cúng khấn xin ăn lúa hoặc bắp tạm rồi mới được lấy một ít xuống ăn hoặc đi đào
củ mài, khoai, củ chuối ăn đỡ, chờ khi cúng xong lễ “ăn lúa mới” mới được được
lấy lúa bắp ra khỏi nhà sàn kho.
Lễ ăn đầu lúa vừa
đánh dấu một chu kỳ vòng cây trồng trong một năm, vừa là dịp để người Raglai
đền ơn trả nghĩa đối với các Yang ở ba cõi vũ trụ, với ông bà tổ tiên đã cho
con cháu có thu hoạch lúa bắp. Là một cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, tín ngưỡng
dân gian của người Raglai là tín ngưỡng đa thần. Người Raglai tin rằng có rất
nhiều thần linh ngự ở khắp mọi nơi: thần núi, thần suối, thần sông, thần mặt
trời, thần mưa, thần gió, thần cây cỏ, hồn lúa, hồn bắp v.v…mặc dù các
“yàng” đều vô hình nhưng luôn chi phối cuộc sống hàng ngày của người Raglai,
ban cho mùa màng tươi tốt, cho con người khoẻ mạnh, không ốm đau bệnh tật. Ông
bà
tổ tiên tuy đã tụ tập về thế giới bên kia nhưng luôn phù hộ cho con cháu làm ăn
mùa vụ. Vì vậy, khi thu hoạch lúa bắp, việc đầu tiên là phải làm lễ cúng tạ ơn
thần linh.
Theo chúng tôi,
lễ “ăn lúa mới” trước kia còn có thể là lễ đón năm mới của người Raglai. Nếu
dựa vào thời tiết và tính theo lịch của các cư dân ở phía nam, phần lớn đều
ảnh hưởng lịch saka, lễ ăn lúa mới của người Raglai gần trùng với lễ Rija nưgar
của người Chăm, tết Chon chơ nam thmay của người Khơ me và các tết năm mới của
các cư dân Lào, Thái lan. Vì vậy, lễ ăn lúa mới giữ một vị trí quan trọng trong
đời sống lễ hội của người Raglai.
Các lễ vật dâng cúng và các món ăn trong lễ hội được chế biến từ
những sản vật nông nghiệp. Những lễ vật chính gồm có cây nêu, từ 3 đến 5 ché
rượu cần, nước lã, một gùi lúa, bắp mới thu hoạch, thịt gà cúng để sấp, nếu khá
giả có thể làm thịt trâu hoặc thịt heo, một khay trầu cau, 5 đến 10 bát gạo, ở
giữa bát gạo có để một trái trứng gà, một mâm bánh trái gồm các loại bánh, đu
đủ, chuối và các sản vật khác như bầu bí, các loại khoai, lá bép v.v…Ở xã Ma
Nới, trong lễ ăn đầu lúa thường có con rùa hoặc cua núi. Bàn lễ chính được đặt
quay về hướng Bắc. Bàn lễ phụ quay hướng nam. Một bàn lễ dùng để cúng các thần
trên trời, một bàn để cúng thần thổ địa. Trong lễ nghi cúng tế phải dùng
cơm (la say) canh nấu có thịt, thịt
heo luộc, bánh tét, chuối chín… rượu cần. Theo luật tục của người Raglai, bắt buộc phải
có thịt và rượu: Một con thịt (tapai kalau
Jroirilo sa dray), gà, lúi cúi, heo hay trâu, vật hiến sinh thường cắt bỏ
tiết. Họ quan niệm, tiết là phần của đất đai. Cách làm thịt các con vật cũng như
các tộc người Kinh, Chăm, món ăn chỉ luộc sắt miếng, nấu nhiều loại canh bầu,
bí, đu đủ, mít.
Trong lễ hội của người Raglai, việc ăn chỉ đóng vai trò
phụ, uống rượu cần là chính. Do vậy trong những lễ hội như ăn lúa mới, đám
tang, họ làm ít nhất trên 30 ché rượu cần.
Thầy cúng (Bujau)
chắp tay cúng mời Yang Ngok, Yang Gru (thiên thần) và Yang Chơk (nhiên thần),
Yang Muk - Kei (nhân thần - thần tổ tiên ông bà) về dự lễ ăn lúa mới, mời các
đường thần linh chứng giám cho lễ cắt tiết gà, tra nước vào ché rượu cần, khấn
báo với thần linh rằng gia tộc chọn gà khoẻ mạnh, dâng trầu cau, rượu cần tinh
khiết nhất và những lễ vật khác để các thần linh hưởng thảo, là tấm lòng của
mọi người trong gia tộc đền ơn đáp nghĩa với thần linh.
Ông thầy đốt chén lửa, khấn rằng: “Xin đốt khói hương,
đốt trầm mời các chư vị thần núi, thần rừng, thần nương rẫy, thần đá tảng,
thần có tóc, có răng, thần ngự ở bốn phương tám hướng…xin cho các binh hùng tướng
mạnh về canh giữ bàn lễ vật, sao cho chó khỏi chạy qua, gà nhảy lại…”
6.
Phong cách ăn uống
6.1. Phong cách
ăn uống ở gia đình
Về cách ăn
uống của người Raglai rất bình đẳng. Dù ăn chung cả gia đình nhưng mỗi thành
viên đều được chia thành những khẩu phần riêng như nhau, 1 tô cơm, 1 tô canh,
1 dĩa muối ớt, nếu có cá thịt cũng chia đều, cơm canh ăn hết tự đi lấy ở nồi ăn
chung (giống như người Châu Âu). Khi ăn xong phần ai nấy dọn. Đàn bà (mẹ, chị)
chỉ dọn nồi soong đựng đồ ăn chung.
Nếu có rượu, có thể cắm vòi (juôn) uống trực tiếp hoặc hút ra thố, dùng chén múc uống bao
nhiêu tùy thích, thường họ uống trước khi ăn, chứ không uống rượu cần xen kẽ
(vừa ăn vừa uống) trong bữa ăn như các dân tộc Kinh, Chăm.
Nhìn
chung, các món ăn truyền thống trong bữa cơm gia đình của người Raglai đơn
giản, chủ yếu là cơm, cháo gạo hoặc cháo bắp hầm, người Raglai gọi buriăk. Người Raglai có nhiều loại canh như canh lỏng, canh chua, canh đặc.
Thức ăn phổ biến để ăn với cơm, bắp là cá kho được nướng, nấu canh, làm
mắm. Các loại thịt được chế biến bằng cách kho, nướng, luộc, nấu canh hoặc phơi
khô để dùng nấu canh. Gia vị bao giờ cũng phải có muối ớt, nước chấm bao giờ
cũng phải có muối ớt.
Về đồ uống, rượu
cần là đặc sản duy nhất được tộc người Raglai dùng trong sinh hoạt đời thường,
cúng tế thần linh và lễ hội cộng đồng. Tuy nhiên ngày nay, đã có sự xuất hiện
của các loại rượu cồn, rượu gạo, các loại bia, nước uống có men đem từ dưới
xuôi lên.
6.2. Phong cách ăn uống trong lễ hội
Phong cách
ăn uống trong lễ hội cũng như ở gia đình, mỗi người có khẩu phần như nhau.
Chỉ khác ở chỗ: ở lễ hội có người dọn ăn, sắp xếp chỗ ngồi theo giới tính, già
riêng, trẻ riêng. Trong lễ hội chủ yếu là thức uống được xếp hàng đầu, do vậy
có thành ngữ :
Bbâk chanang la, manlum ra chanang ngok (ăn cơm giường dưới, uống nước ở giường cao).
Ở lễ hội, rượu cần được hút ra thố, uống bằng tô, họ mời
nhau bưng hai tay, người nhận uống cũng đỡ hai tay. Sau đó người uống mời trở
lại cũng động tác trên, từ người này đến người khác. Cuộc uống có thể kéo dài
thâu đêm, cuộc vui, ca múa nhạc thông qua nhạc cụ truyền thống như Mãla (sar), Khèn bầu (Rakel), trống Haggơr)
v.v... kể chuyện cổ tích, hát sử thi (Akhajuca).
Đây là môi trường cho các nghệ nhân sáng tạo ra các điệu múa mã la truyền
thống, là một trong những kho tàng văn hóa dân gian quý báu của người Raglai.
Món ăn thức uống của người Raglai đã phản ánh sâu sắc văn
hóa ẩm thực truyền thống của tộc người sống lâu đời ở vùng cao. Trong 2 cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Raglai sống chung với cán bộ cách
mạng đến từ khắp mọi miền của đất nước và đã có quá trình giao lưu văn hóa,
trong đó có văn hóa ẩm thực và đã có ảnh hưởng lớn từ cách nấu nướng, chế biến
món ăn của người Việt, người Chăm.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
(30/4/1975), được Đảng và Nhà nước quan tâm, đưa đồng bào Raglai từ các vùng
núi cao xuống vùng bán sơn nguyên, để có điều kiện củng cố văn hóa, kinh tế xã
hội đã có những chuyển biến tích cực, đường sá được mở mang thông suốt, họ đã
biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp trồng lúa nước, đã kéo theo việc
phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, heo, gà, vịt v.v...đời sống đổi mới, món ăn
thức uống của họ cũng dần dần khác xưa (cơm, canh có cá, thịt xào, nước mắm,
bột ngọt...). Tuy nhiên, Những năm sau này, người Chăm và người Kinh mang rượu
gạo và thuốc lá lên bán ở vùng đồng bào Raglai, đàn ông Raglai nhanh chóng tiếp
nhận và ngày nay, đa phần đàn ông Raglai uống rượu, đàn bà hút thuốc lá.
Người Raglai ở Ninh Thuận có một vốn văn hóa dân gian,
truyền thống đặc sắc, trong đó có văn hóa ẩm thực. Lễ vật cúng tế cũng như các
món ăn truyền thống của người Raglai có nhiều nét riêng, chứa đựng những quan
niệm về vũ trụ, nhân sinh của một tộc người sinh sống ở vùng miền núi cực nam
Trung Bộ dựa trên cơ sở điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, các sản vật
nông nghiệp và mối quan hệ giao lưu văn hóa. Các món ăn truyền thống của người
Raglai ở Ninh Thuận cũng là một nét đẹp văn hóa nhưng ngày nay đang nhanh chóng
bị mai một, thất truyền, ngày càng chịu ảnh hưởng văn hóa ẩm thực văn hóa của
các dân tộc khác như Kinh, Chăm. Văn hóa ẩm thực của người Raglai cần được
nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, phát triển, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa
trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Chương VIII
TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG
Từ những năm chín mươi của thế kỷ
thứ XX, văn hoá Raglai đã được một số nhà nghiên cứu sưu tầm, xuất bản một số
công trình, trong đó có đề cập về trang phục Raglai. Trong công trình "Người
Raglai ở Việt Nam" của tác giả Nguyễn Tuấn Triết do NXB - KHXH in năm
1991, dày 150 trang khổ 19 x 13 chỉ có một trang nói về trang phục Raglai, có
thể tóm lược như sách đã viết: "Trang phục của người Raglai rất ít và
rất giản đơn … đến nay chỉ biết đến một kiểu áo cổ truyền của người Raglai, đó
là chiếc áo kiểu chui đầu khi mặc, dùng chung cho cả nam giới và nữ giới
…".
Công
trình "Văn hoá và xã hội người Raglai ở Việt Nam" xuất bản năm 1998
của tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyên và Nguyễn Văn
Huệ là một tác phẩm dày công sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá - xã hội Raglai.
Sách dày 346 trang, khổ giấy 24 x 16, không kể 15 trang ảnh. Tuy vậy về đề tài
trang phục Raglai, tác giả cũng rất khiêm tốn và thận trọng: "… cho đến
nay, qua nhiều biến đổi, việc xác định và miêu tả một cách đầy đủ các loại y
phục truyền thống của người Raglai thật khó khăn…". Như vậy, cho đến nay
trang phục cổ truyền Raglai vẫn còn là một mảng trống trong các tác phẩm giới
thiệu về văn hoá Raglai.
Theo
chúng tôi, cũng như các dân tộc thiểu số ở miền núi khác, xa xưa người Raglai
cũng sử dụng các loại vỏ cây để che thân. Sau này, khi có nghề dệt vải, mới
xuất hiện trang phục. Vì khi nói
đến trang phục thì chúng ta phải nói đến nghề dệt. Nhưng
qua quá trình dài khảo sát điền dã, thu thập tư liệu, chúng tôi chưa tìm ra
nghề dệt truyền thống của người Raglai.
Theo lời kể của nghệ nhân Pi Năng
Bẫy - Bạc Rây II - Phước Bình - Bác ái kể rằng: ngày xưa người Raglai thường
dùng vỏ cây làm áo, váy che thân. Các
loại vỏ cây thường dùng làm váy áo như vỏ cây sung (phun hara), cây sộp
(Jakhoh), cây dứa đất. Vỏ cây này phải tìm ở cây mọc lâu năm, thân cây to
khoảng một người ôm, họ lột da cây ấy đem về dập cho tơi, ngâm nước, giặt sạch, phơi khô rồi mổ ra ba
lỗ, một lỗ chui đầu 2 lỗ còn lại là xỏ
đôi tay (xem ảnh). Tuỳ theo loại áo, váy, khố có kích thước phù hợp với từng
người mà họ xẻ vỏ cây ra và kết nối những bộ phận lại với nhau bằng dây rừng.
Sau này khi giao lưu với các dân tộc khác,
trong đó có người Chăm, đã đem vải dệt lên trao đổi thì y phục của họ có thay
đổi. Đàn bà mặc áo dài (Au loah, Au Kuang), đàn ông ở trần đóng khố. áo Kuang
(Au loah) của phụ nữ Raglai mặc giống áo dài Chăm. Người Chăm cũng gọi áo dài
của họ là “Au loanh” hoặc áo “Kuak kuang”. Đây là loại áo “3 lỗ mặc chui đầu”
được may ghép làm nhiều mảnh vải nhiều
màu khác nhau và chỉ may dài gần đến đầu gối. Vì thời xưa khổ vải hẹp,
vải khan hiếm nên họ may lắp ghép như thế. Người Chăm cũng vậy, mới trước
giải phóng năm 1975 thôi, phụ nữ Chăm có tuổi cũng mặc áo như người Raglai gọi
là áo “Au Loah, Au kuak kuang” (3 lỗ mặc
chui đầu), tay bó sát, may chỉ qua đầu gối và được lắp ghép nhiều màu
khác nhau. Sau này khi khung dệt cải tiến, vải công nghiệp ra đời, khổ vải rộng
thì áo dài Chăm được may cùng màu, kéo dài đến
qua đầu gối; còn người Raglai ở vùng núi vẫn giữ nguyên như áo dài Chăm
xưa cho đến ngày nay. Nói chung áo dài người Raglai và Chăm đều cùng nguồn gốc với nhau, những nhà khoa học thường
gọi áo kiểu này là “áo 3 lỗ chui đầu” (Phôncho) có cùng nguồn gốc Mã Lai - Đa Đảo (Malayo- Polinesien).
Ngày xưa người Raglai còn dùng da thú rừng như da
con nai, con đỏ, con trâu và dùng dây
mây để cột quai làm dép. Dép này dùng không phổ biến chỉ dùng cho người già lớn
tuổi, trẻ em khi đi vào đường rừng nguy
hiểm, chông gai ...
Về trang sức: người phụ nữ thường
dùng cây lồ ô, xương thú để chế tác (cưa từng khúc nhỏ) để làm hoa tai đeo;
còn đàn ông đeo răng thú…(Phăng Thị Ca - Bạc Rây)
Theo
ông Nguyễn Hải Liên, Đình Hy và Văn Món thì thực trạng về trang phục hiện nay
của dân tộc Raglai như sau:
1. Trang phục truyền thống nữ giới
Trang
phục truyền thống Raglai chủ yếu chỉ còn trang phục nữ, nhưng cũng không phổ
biến nhiều. ở 2 xã Phước Hoà thuộc huyện Bác ái và xã Ma Nới thuộc huyện Ninh
Sơn, phụ nữ thời nay đều mặc một loại áo giống nhau. Đó là loại áo bà ba cổ
tròn, một màu (xanh hoặc tím, vàng …). Đa số mặc áo màu đen, không có hoa văn.
Một số cụ bà ở Yarot mặc váy thổ cẩm màu xanh Chăm, có nhiều đường trang trí
chạy ngang thân váy, mua của người Churu. Vài người khác mua thổ cẩm tấm của
người Chăm làm váy. Đặc biệt các bà, các chị ở thôn Chàpanh Phước Hoà đeo rất
nhiều chuỗi cườm nhiều màu: xanh, trắng, đỏ, đen. Có 2 loại chuỗi cườm đó là
chuỗi cườm bện và chuỗi cườm rời.
Càng về
phía nam (từ thôn Tà Dương xã Phước Thái đến Trà Nô xã Phước Hà vào đến xã
Phan Điền, Phan Lâm thuộc huyện Bắc Bình, xã Đồng Kho thuộc huyện Tánh Linh
tỉnh Bình Thuận) y phục của nam, nữ Raglai càng giống hệt người Chăm.
Năm
1995, Sở Văn hoá thông tin tỉnh mở một đợt điền dã, sưu tầm văn hoá Raglai,
đồng chí Đình Hy, cán bộ của Sở VHTT đã lầni đầu tiên phát hiện được một chiếc
áo phụ nữ Raglai hai màu đen - trắng, tay áo có khoang trắng, đen và một tua
talayni (tua dính vào kiềng bỏ thõng ra sau lưng) ở xã Phước Thành, huyện Bác
ái.
Năm 1997 tại
Khánh Hoà, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sang đã hoàn thành một tập ghi chép điền
dã về trang phục cổ truyền Raglai của tỉnh Khánh Hoà, căn cứ chủ yếu trên ký ức
của người già huyện Khánh Sơn. Năm 1996, ông Nguyễn Hải Liên cùng một số cán bộ
khác của ngành Văn hoá thông tin Ninh Thuận, một số Hội viên Hội VNDG đã tập
trung nghiên cứu đề tài “sưu tầm nghiên cứu trang phục cổ truyền Raglai”. Năm
2000, Sở Văn hoá thông tin và Hội VNDG tỉnh đã tổ chức Hội thảo về trang phục
truyền thống Raglai trong Liên hoan trang phục và nhạc cụ Raglai tổ chức tại
huyện Bác ái. Tháng 10 năm 2000 tập kỷ yếu toạ đàm về trang phục cổ truyền
Raglai của Hội VNDG tỉnh đã được in và phổ biến. Tháng 3 năm 2002, cuốn sách
"Trang phục cổ truyền Raglai" tác giả Nguyễn Hải Liên đã được Hội
VNDG Việt Nam tài trợ xuất bản. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Raglai sưu tầm
được chủ yếu ở các địa phương: Ma Ti (Phước Tân), Manai (Phước Thành) suối Rớ,
(Phước Chính), Bàrâu (Lợi Hải), xóm Mới (làng Yo – Manới), gồm có các loại trang
phục sau:
1.1. Trang phục áo và váy
1.1.1. Áo quang (au kuang) và váy (kacreh)
Những
bộ trang phục phụ nữ Raglai mặc loại áo váy này chúng tôi tìm gặp trong năm
1998 - 1999 ở Ninh Thuận, những phụ nữ này đều nói đây là "áo của ông
bà". Tên gọi của áo, theo các cụ là au kuang (áo quang). Đây là loại áo
ngắn, vạt dài quá rốn, che cạp váy màu nâu đỏ.
Mô hình
của au kuang: là loại áo chui đầu cổ tròn hoặc vuông có xẻ 1 đường ngắn xuống
ngực để chui đầu qua được dễ dàng. Thân áo chia làm hai phần, phần trên, từ
giữa ngực đến cổ là màu trắng hoặc màu nhạt (vàng nhạt, hồng nhạt, xanh nhạt…)
từ ngực trở xuống lai áo là màu đen hoặc màu đậm (xám, xanh đậm, nâu…). Hai bên
hông có bạ thêm 2 miếng vải cùng màu với phần thân trên, mang hình thang cân,
làm cho hông áo hơi xoè ra khi mặc. Hai ống tay may hơi chật, có 3 khoang màu
từ dưới lên: đen (hoặc màu đậm) trắng (hoặc màu nhạt) đen. Cổ áo hình tròn
hoặc vuông thường được viền 1 đường vải màu chừng 2 cm, có những hạt lấm tấm
đen như hình cổ chim cu (katrao). Váy bằng vải màu đen hoặc màu đậm, cùng màu
với phần dưới của thân áo. Có 2 loại váy: váy tấm (bằng vải một khổ vải, rộng
từ 1 m, dài từ 1,5 m trở lên)
Người
mặc dùng tấm vải quàng qua bụng, so hai mí vải bằng nhau, gấp lại ở eo hông,
phần vải thừa được kéo qua trước bụng, dắt mí vào lưng, dùng dây lưng cột
quanh bụng giữ cho váy không tuột.
Váy
thùng: là loại váy đã may thành ống, có sẵn dây lưng bằng vải hoặc bằng dây
thun, khi mặc chỉ việc tròng từ chân lên đến bụng. Cạp váy bị lai áo quang che
khuất.
Cả tộc
họ Katơr ở làng Mati - Phước Tân các cụ, các chị thường trang trí gấu váy từ 3
- 5 đường màu: xanh, đỏ, trắng. ở 2 làng khác là Manai Phước Thành và Bàrâu Lợi
Hải thì trên áo quang và váy không hề có hoa văn trang trí.
Trong
tất cả các chiếc áo au kuang (áoquang) mà chúng tôi đã thấy thì phần lớn chiếm
80 % màu trắng hoặc màu nhạt luôn ở thân trên của áo (từ ngực trở lên) màu đen
hoặc màu đậm ở phần thân dưới. Đó là các chiếc áo quang của bà tộc trưởng
Katơr Lapia 90 tuổi (còn gọi là bà Katơr Thị Cuống) và con cháu của bà ở làng
Mati xã Phước Tân huyện Bác ái và au kuang của các bà, các chị ở làng Bà Râu,
xã Lợi Hải, huyện Ninh Hải.
Tuy
nhiên, au quang của cụ Chamaleak Thị Xếp ở làng Manai xã Phước Thành và của chị
Barâu Thị Tơ ở làng Yo xã Manới, Ninh Sơn thì bố trí màu ngược lại[1]
Qua ảnh
chụp trang phục cổ truyền được đường truyền tại làng Barâu và Mati. Hai làng
cách nhau 70 cây số theo đường bộ, khoảng 30 km đường chim bay nhưng kiểu cách
màu sắc (kể cả bố trí màu) cơ bản giống nhau: au kuang có hai màu đen và trắng
(hoặc đậm và nhạt). Màu đen được bố trí ở phần váy và thân dưới của áo quang,
ống tay áo hơi chật, có 3 khoang màu: đen, trắng, đen (từ dưới lên). Cổ áo
hình tròn hoặc vuông có đường viền khoảng 2 cm.
Gấu váy
cổ truyền của phụ nữ ở thôn Mati hầu hết đều có các đường trang trí hình học,
thành giải màu giăng ngang. Cổ áo, trên đường viền có tô điểm nhiều hạt lấm tấm
như hình cổ chim cu cườm (kat'rao) trên nền vải nâu - đỏ. ở thôn Bàrâu (Lợi
Hải) hầu hết mặc áo quang với váy trơn, không có hoa văn, họa tiết gì.
1.1.2. Trang phục áo lóa quang (au loăh kuang)
áo loá
quang là loại áo dài xuống dưới gối nhưng vẫn có 2 màu cơ bản là đen, trắng
(hoặc đậm - nhạt) như áo quang. ống tay áo loăh kuang cũng hợi chật và cũng có
3 khoang màu như au kuang. Tuy nhiên khi mặc au loăh kuang thì váy có thể là
một màu khác phù hợp với áo, không bắt buộc phải cùng màu với phần thân dưới
của áo. áo dài phổ biến của phụ nữ Chăm trong đời sống thường ngày và nhất là
trong lễ hội cũng gọi là áo loăh (áo loá). Một số các bà, các chị người Chăm
cũng mặc au loăh kuang nhưng ống tay áo không có khoang. ở một số làng Raglai
hiện nay, áo loá (áo dài một màu) vẫn được các bà, các chị dùng trong các lễ,
đám cùng với bông tai có tua màu đỏ. Tất nhiên trong trường hợp này khó ai có
thể phân biệt được đó là phụ nữ Raglai hay phụ nữ Chăm, phụ nữ Việt. Nhưng với
au loăh kuang thì giữa phụ nữ Chăm hay phụ nữ Raglai còn khác nhau ở chỗ: áo
loá quang của phụ nữ Chăm cũng có 2 màu nhưng may như áo vá quàng của phụ nữ
Việt, không khu biệt 2 màu trên, dưới rõ ràng như áo loá quang của phụ nữ
Raglai. áo loá quang (au loăh kuang) của phụ nữ Raglai, chính là hình ảnh của
au kuang mà phần thân dưới của áo (từ vú trở xuống) được kéo dài thêm ra xuống
dưới gối.
Ngày
nay khi có lễ hội hoặc tiếp khách, các bà, các chị Raglai mới mặc auloăh kuang.
Tuy nhiên loại này hiện hữu ít hơn nhiều so với au loăh.
Mặc với
au loăh kuang là váy tấm hoặc váy thùng bằng vải màu (trừ màu đỏ và màu trắng).
Hầu hết phụ nữ Raglai đều đeo bông tai hình nấm có tua đỏ và chuỗi hạt cườm màu
xanh, đỏ, tím, vàng … các cụ bà thường chít khăn màu, dài, vắt hai mối sang hai
bên mang tai (nh cụ bà Lapia). Riêng phụ nữ Raglai ở làng Barâu, mới đây lại
chùm khăn kín tai gần giống như khăn mỏ quạ. Mặc với au loăh kuang, các vòng
cổ (kieefng) và vòng tay, hiện nay chỉ còn vài cụ già sử dụng, nếu còn giữ
được. Các chị còn trẻ và thiếu nữ không thấy ai dùng. Đặc biệt vòng cổ chân và
lục lạc đã biến mất, không thấy ai dùng nữa. Thi thoảng còn thấy một vài em bé
mới biết đi còn được đeo vòng cổ chân.
1.1.3. Trang phục nữ cách tân
Đối tượng
sử dụng trang phục cổ truyền được cách tân là các chị còn trẻ tuổi đang là cán
bộ, giáo viên địa phương. Những người này có ý thức bảo lưu trang phục cổ
truyền và cũng muốn tô điểm cho y phục dân tộc được đẹp và sáng hơn. Căn cứ vào
mô hình của au kuang và au kuang kéo dài (tức loăh kuang Raglai), các chị đã
sáng tạo ra một loại au loăh kuang Raglai mới phù hợp với tuổi trẻ, sáng và đẹp
hơn. Hầu như sự cải tiến này chỉ dành riêng cho au loăh kuang, còn au kuang
tuy đã phát triển nhiều về số lượng áo và người mặc (khoảng 15 bộ còn lại ở 5
làng năm 1999 lên trên 30 bộ cuối năm 2001) sau 2 lần tổ chức liên hoan
"Trang phục cổ truyền và VNDG Raglai) nhng mô hình gốc vẫn giữ nguyên,
chỉ có sự thay đổi ít nhiều về độ đậm nhạt và cách bố trí những mảng màu trên
áo loá quang.
1.2. Đồ trang sức
1.2.1. Tua tulami - talamô
Trong
toàn bộ trang phục cổ truyền của phụ nữ Raglai ngoài áo quang thì tua talami -
talamô và dây thắt lưng là những đồ trang sức rất độc đáo và đẹp. Tua talami -
talamô là tua trang trí ở đàng lưng, được móc vào kiềng và nằm ngoài áo quang.
Talami
là một chùm từ 2 - 4, sáu dây vải đỏ, trắng hoặc các màu khác, được móc một đầu
vào kiềng, thả xuống lưng, nhưng trên từng dây không có hoa văn gì. Talami có
thể đeo riêng hoặc đeo chung với talamô. Talamô là một chùm gồm 3 dây vải hình
thoi (trắng hoặc màu, nổi lên trên nền vải của áo quang). Trên các "hình
thoi" ấy đều được thêu hoa văn hình ông sao, bó lúa, núi, nớc …ở cổ, các
bà, các chị thường đeo thêm một sợi dây vải màu đỏ, xâu nhiều đồng xu thời
trước và các khoen kim loại bằng đồng, bằng nhôm, sắt
+ Dây thắt lưng, bông tai, khăn bịt đầu.
Thắt lưng
là một sợi dây vải, ở giữa có đính thông một mảng vải hình tam giác, góc tù
chúc xuống đất, thòi xuống, lệch về một bên, dưới lai áo kuang chừng 6 phân.
Mảnh vải hình tam giác này màu nhạt, cùng màu với phần thân trên của áo quang.
Đặc biệt nó chỉ dùng với áo quang (au kuang).
Hầu hết
phụ nữ Raglai ở các làng đều đeo bông tai hình nấm có đính thòng xuống, tòng
teng dưới dái tai 2 chùm tua màu đỏ dài 12 - 14 cm được gấp đôi. Đầu gấp lại
được buộc chỉ màu vàng nhiều vòng hoặc được bó lại bằng một lá đồng dát mỏng,
bề ngang 1 cm, đầu trên cũng là nơi buộc vào bông tai hình nấm ở phía sau tai.
Ngày nay, để tiện hơn, có người dùng giấy có keo, dai, màu vàng óng ánh ở các
tiệm bán đồ phụ tùng xe máy để trang trí ở đầu trên của chùm tua đỏ.
Theo
lời cụ Lapia 90 tuổi và cụ Kayak Rang 92 tuổi kể lại thì ngày xưa phụ nữ
Raglai không đeo bông tai loại này. Cụ bảo rằng mẹ và bà của cụ ngày xưa đeo
bông tai gần như cái lưỡi câu (2 đầu đều uốn cong như chữ S) bên dưới đeo
lủng lẳng xương, răng của con voi, heo rừng … được mài nhỏ bằng ngón tay cái,
hình túi mật. Bông tai có tua đỏ bây giờ không phải của người Raglai mà ảnh
hưởng của phụ nữ Chăm, do người Chăm mang đến bán, đổi chác bán cùng với các
loại thổ cẩm, váy áo may sẵn …Đây là điều khẳng định của cụ Lapia 90 tuổi, cụ
Chamaleak Thị Xếp 95 tuổi, cụ Kayak Rang 92 tuổi ở làng Mati và Manai và nhiều
cụ ông, cụ bà khác. Tuy vậy được hỏi một số đông các bà, các chị ở làng từ 60
tuổi trở xuống họ đều nói đó là bông tai của người Raglai.
1.2.2. Kiềng cổ, vòng tay, chuỗi hạt cườm, yếm
Về đồ
trang sức, ngoài bông tai, khăn bịt đầu ra, phụ nữ Raglai còn đeo kiềng đồng,
vòng tay bằng đồng, nhẫn bằng đồng hoặc bằng bạc và các chuỗi hạt cườm.
Cũng
như bông tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn đều mua hoặc có sự can thiệp của thợ nữ
trang làm giúp các chốt khoá, mở vặn bằng tay. Ngày nay, thay thế các hạt màu
gom nhặt ở trong rừng, bà con tạo ra các chuỗi hạt cườm bện, chuỗi cườm rời đều
bằng hạt nhựa nhỏ đủ màu bán ở các chợ hoặc mua lại các chuỗi hạt cườm do phụ
nữ Chăm làm sẵn đem bán tận các làng Raglai.
Phụ nữ
Raglai cũng có người mặc yếm (jêm). Nhưng yếm chỉ dành riêng cho các bà các
chị đã có con. Có khi, nếu ở trong nhà, chỉ mặc yếm mà không mặc áo. Thiếu nữ,
số chưa có chồng, không thấy ai mặc yếm. Yếm của phụ nữ thường là yếm màu
xanh, màu nâu, màu nghệ. Yếm mặc trong au kuang hoặc loăh kuang, che ngực ở chỗ
đường xẻ xuống cổ áo.
2. Trang phục nam
giới
Ngày
nay đến các làng Raglai quả thật khó mấy ai bắt gặp dù chỉ một người Raglai ăn
mặc trang phục cổ truyền của họ, thậm chí trong cả những dịp lễ hội truyền
thống.
Ngày
nay, trong lễ hội cũng như ngày thường, hầu hết đàn ông Raglai đều ăn mặc âu
phục hoặc quần áo cũ của bộ đội, đội nón cối hoặc nón vải có lưỡi trai.
Đàn ông
có tuổi là dân thường, hay mặc áo quần bà ba màu đen, hoặc quần áo âu đã cũ với
áo bà ba đen, hoặc ngược lại. Các cụ ông thường chít khăn màu ngà hoặc màu
nâu, màu xanh đen.
Đặc
biệt đối với lớp thanh niên Raglai ngày nay, rất chuộng áo quần âu may sẵn:
quần bò, quần nhiều túi, áo giả da, áo thun có hình người hoặc chữ nước ngoài.
Trong nhiều dịp lễ hội bỏ mả diễn ra ở làng Động Thông thuộc xã Phước Chiến
huyện Ninh Hải, năm 1998 - 1999, với y phục như đã nói trên, các bạn thanh,
thiếu niên Raglai có đến hàng ngàn người từ các làng rất xa kéo về đây để gặp
gỡ nhau, uống rượu và nhảy nhạc trẻ.
Trang phục truyền thống của nam
giới Raglai ngày nay hầu như đã mất, có gì họ mặc nấy, giống đàn ông người
Việt.
Chương IX
NHÀ SÀN VÀ NHÀ MỒ
1.
Nhà sàn
Tộc
người Raglai khi xưa có truyền thống sống du canh du cư. Trong một đời người,
cả làng di chuyển chỗ ở nhiều lần, kéo theo việc thường xuyên phải làm lại nhà
ở. Vì vậy, nhà ở truyền thống của người Raglai chỉ mang tính tạm thời. Về sau,
người Raglai chuyển dần sang định cư ở dưới chân các chân núi và phát hoang,
đốt rừng làm rẫy theo hình thức luân canh ở các triền núi xung quanh nơi cư
trú, hình thành nên những palơi có tính cố định hơn. Nhà ở vì vậy cũng được làm
chắc chắn hơn. Ngoài chức năng để ở, tránh mưa tránh nắng, tránh thú dữ, nhà
sàn của người Raglai còn là nơi diễn ra các nghi lễ truyền thống, nơi bà con
trong palơi quây quần lại uống rượu cần, đánh mã la, múa hát, vui chơi, hát kể
sử thi. Ngoài những ý nghĩ đó, việc xem ngôi nhà là biểu tượng của một cộng
đồng, là nơi phô trương sức mạnh giá trị vật chất, nơi hội tụ những tinh hoa
nghệ thuật kiến trúc không được người Raglai đặt lên hàng đầu. Thế nên, nếu như
người kinh có ngôi nhà chung là “Đình”, các dân tộc ở Tây Nguyên có ngôi nhà
chung là “Nhà rông”, “Nhà Guơl” thì người Raglai không có những ngôi nhà chung
cho cả làng. Vì vậy, nhà ở cổ truyền của người Raglai ở Ninh Thuận có phần đơn
giản hơn, nhỏ hơn, có tính chất “tạm” hơn so với nhà ở của một số dân tộc miền
núi khác.
Do nhà ở được làm đơn
giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao nên người Raglai không có thợ làm nhà mang
tính chuyên nghiệp. Kinh nghiệm làm nhà chủ yếu do lớp người đi trước truyền
lại. Hầu hết đàn ông Raglai khi lớn lên đều biết làm nhà. Thời điểm làm nhà
trong một đời người thường là lúc trai gái trưởng thành kết hôn lập thêm gia
đình mới. Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, khi lấy vợ, con trai về ở bên nhà
con gái. Vì vậy số lượng thành viên trong gia đình mẫu hệ ngày càng tăng lên.
Nhu cầu làm một ngôi nhà cho vợ chồng mới được hình thành. Vì thế, xưa kia
người Raglai cũng giống như một số dân tộc thiểu số ở miền núi khác, thường làm
nối thêm các gian nhà sàn cho dài ra gọi là nhà sàn dài. Ngày nay, những ngôi
nhà sàn dài cổ truyền gần như đã mất đi. Cứ mổi khi có người con gái cưới chồng
về, họ lại làm thêm một ngôi nhà sàn mới độc lập, gần nhà sàn của cha mẹ.
Người Raglai làm nhà
không phải chọn ngày lành tháng tốt, thường vào thời điểm nhàn rỗi khi nương
rẫy đã thu hoạch xong (khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch).
Nhà ở cổ truyền của
người Raglai Ninh Thuận là ngôi nhà sàn (Sàc), người địa phương còn gọi là Sàc
pop có nghĩa là ngôi nhà cao. Người già ở xã Phước Đại (Bác Ái) kể rằng, khi xưa
người Raglai sinh sống ở các sườn núi, tính mạng của họ luôn bị thú dữ rình
rập, nên nhà ở không cần to lắm, nhưng lại cần có chiều cao để tránh thú dữ.
Nhà sàn truyền thống của người Raglai có kết cấu khá vững chắc. Vùng Raglai bắc
vẫn còn những ngôi nhà sàn mà đường kính cột chính bằng hai đến ba gang tay,
cao hơn 4 m.
Sau ngày giải phóng
(1975), người Raglai xuống núi sống định canh định cư thành từng thôn. Ngôi
nhà sàn vẫn giữ được nét nguyên thuỷ ban đầu, nhưng hiểm hoạ thú dữ không còn,
nên nhà ở không còn cao như trước nữa. Những năm gần đây, nhà trệt đã dần dần
thay thế nhà sàn, nhà sàn truyền thống ngày càng ít đi. Đặc biệt, gần đây,
chương trình 134 của Chính phủ đã giúp cho bà con xóa nhà dột nát, thay thế vào
đó là những căn nhà trệt, xây bằng gạch, mái lợp tôn. Đến nay, lên vùng đồng
bào Raglai khó lòng tìm lại được những ngôi nhà sàn đúng nghĩa là nhà sàn cổ
truyền.
Tuy vậy, rải rác ở một
vài nơi cũng có những ngôi nhà sàn được xem là cổ truyền như ngôi nhà sàn của
gia đình ông Đá Mài Kiên ở thôn Ó, xã Ma Nới và những ngôi nhà sàn ở làng văn
hoá thôn Tà Lú, thôn Ma Hoa xã Phước Đại. Những ngôi nhà sàn này có phong cách
kiến trúc khác nhau, được xem là tiêu biểu cho hai loại nhà sàn của người
Raglai ở Ninh Thuận.
Tuy có kiến trúc khác
nhau, nhưng về kỹ thuật thì tương tự như nhau và đều được dựng lên bởi các công
cụ thô sơ như: rìu, dao cắm, rựa, ní (xà beng). Rìu dùng để đẽo, rựa. Dao dùng
để chặt, chẻ. Ní dùng để đào lỗ. Người Raglai không có bộ đồ nghề mộc, không
biết sử dụng kỹ thuật ráp mộng như nhiều dân tộc khác. Kỹ thuật chủ yếu là sử
dụng ngoàm tự nhiên (chạc đôi, chạc ba) của cây gỗ và dùng dây rừng buộc liên
kết các loại rui mè, kèo, cột. Độ dài, rộng của nhà, kèo, cột, rui mè
v.v...được đo bằng phương pháp dân gian. Độ dài một sải tay gọi là tupaq, từ
đầu ngón tay giữa cho cuối ngón tay gập lại gọi là johyuluket, nửa sải tay (từ
giữa ngực cho đến ngón tay giữa dang ra) gọi là yađag, từ đầu ngón tay dang ra
cho đến hai bên kia gọi là luiq dray, chiều dài cánh tay với bàn tay nắm lại
gọi là lugsahwa, gang tay gọi là chagap), chiều rộng bàn tay gọi là sapah. Cách
tính kích thước như vậy ít nhiều còn mang tính chất ước lệ. Để cho các kích
thược có độ dài tương ứng với nhau, buộc phải sử dụng gang tay, sải tay của một
người.
Khung nhà sàn thường
được làm bằng gỗ. Mái lợp bằng cỏ tranh (rala). Sàn nhà lát bằng cây lồ ô
(prao) đập dập.Vách thưng bằng cây lồ ô đan lóng mốt hoặc lóng đôi. Phần sàn
nhà và sàn sân/hiên cũng được làm bằng cây lồ ô đập dập trải úp lên các khung
gỗ chắc chắn. Lồ ô dùng để làm sàn phải chọn những cây to, già. Riêng phần sàn
làm “sân” trước cửa nhà làm được làm khá rộng, từ sân đất, có cầu thang lên
sàn/sân vào đến cửa chính nhà sàn rộng khoảng 3 m, chiều dài chạy suốt hiên mặt
trước nhà (dài từ 3 đến 5 m, sân nhà sàn rộng khoảng từ 15 đến 20 m2,
đủ để tổ chức các lễ cúng kính có đội mã la diễn tấu. Trong khu đất ở của một
gia đình, nhà dài được gọi là cuơq prõng (cơ ngơi to) và chung quanh là hệ
thống những nhà sàn nhỏ làm kho để cất/chứa nông sản. Có nhà sàn đựng lúa (chu
padai – kho lúa) và có nhà sàn đựng bắp (chu gilo – kho bắp). Những nhà sàn này
thường được làm nhỏ, tùy theo sản lượng lúa bắp của từng gia đình.
Các khu nhà ở của người
Raglai thường được làm dưới sườn đồi, gần dòng suối và thường làm cách xa nhau.
Là vùng hay bị lũ nên bà con Raglai thường chọn khu đất cao. Xung quanh nhà ở
thường có hàng rào chắc chắn để ngăn trâu bò và thú dữ. Xưa kia, các hộ gia
đình Raglai đều có máng nước làm bằng nửa cây lồ ô dẫn nước từ nơi đầu suối về
nhà để sinh hoạt. Ngày nay, các công trình nước tự chảy đã thay cho hệ thống
máng nước truyền thống này. Nhưng máng cây lồ ô dẫn nước từ suối về vẫn còn
trong tập quán dựng nhà mồ cho người chết. Khi làm các nhà mồ, người ta vẫn làm
các máng nước giả về cho ma.
Khi làm nhà, người
Raglai không phải lựa chọn theo một hướng nhất định như người Chăm hay một số
dân tộc khác mà tuỳ thuộc vào địa hình nơi xây cất.
Vật liệu làm nhà gồm gỗ,
lồ ô, cỏ tranh, dây rừng. Đây là những loại vật liệu có sẵn trong rừng, gần với
nơi cư trú của họ. Để chuẩn bị làm nhà, việc đầu tiên là lên rừng khai thác
vật liệu. Gỗ để làm cột phải là loại gỗ không bị mối mọt, khi chôn xuống đất
khó bị mục như cây căm xe hoặc gõ, sao. Gỗ lấy làm cột thường được chọn loại
cây có chạc đôi, chạc ba tự nhiên để tiện cho việc gác các thanh dầm sàn. Các cột
đều được dùng rìu đẽo tròn theo kiểu “thượng thu hạ thách” (trên nhỏ dưới to).
Gỗ làm các thanh dầm, xà là loại gỗ thẳng, dài, đẽo tròn đều, có kích thước nhỏ
hơn so với cột. Phải chọn những cây lồ ô già, cứng, thẳng, dài để làm rui, mè,
đan làm vách, làm sàn. Cây lồ ô to dùng để lát sàn, thưng vách, cây nhỏ dùng để
làm rui, mè. Cỏ tranh phải chọn loại tốt, không non, không già, cao trên 1m,
phơi khô, dùng cây kẹp thành từng tấm dài khoảng 2 – 3 m. Dây buộc chủ yếu là
dây máu - một loại dây rừng chắc và dai hoặc dây mây hay lạt tre. Khi đã chuẩn
bị xong các loại nguyên vật liệu, người nhà nhờ thanh niên trai tráng trong
palơi đến dựng nhà.
1.1.
Loại nhà sàn 4 mái
Loại nhà 4 mái phổ biến
ở những xã nằm về phía Raglai bắc. Nhà có kích thước nhỏ. Chiều rộng chỉ khoảng
3 m đến 4 m. Chiều dài khoảng 4,5 m đến 5 m. Chiều cao từ nền đất đến mặt sàn
khoảng 2 m. Chiều cao từ mặt sàn đến nóc 2,6 m. Nhà chỉ có một cửa ở chính giữa
vách trước. Chiều rộng của cửa khoảng 0,60 m, chiều cao khoảng 1,50m. Ba vách
còn lại đều có cửa sổ hình vuông, kích thước khoảng 40 cm x 40 cm. Ở một số
vùng, người ta mở thêm cửa phụ ở vách hông bên trái. Phía trước cửa chính
thường có mặt sàn làm sân phơi sản vật ban ngày và là nơi nghỉ ngơi, hóng mát
cuối chiều.
Có điều đáng lưu ý là, nếu
như bộ khung nhà của nhiều tộc người khác được hình thành bởi sự liên kết giữa
các bộ vì kèo, thì bộ khung dạng nhà sàn Raglai được hình thành giữa các bộ vì
cột (bộ vì không có kèo) về cách thức bố trí các hàng cột cũng có phần khác
biệt.
Trên mặt bằng tổng thể,
toàn bộ ngôi nhà có 7 cột, sắp xếp theo hình lục giác, các cột này chia làm 3
dãy bởi 3 thanh dầm sàn dọc có chiều dài bằng nhau. Dãy thứ nhất và dãy thứ 3
có 2 cột, dãy thứ hai có 3 cột, trong đó cột giữa cao đến tận nóc, hai cột hai
bên cao đến dầm sàn và làm tác dụng chống đỡ mặt sàn mà thôi. Mặc dù vị trí các
cột sắp xếp theo hình lục giác, nhưng lại nâng đỡ mặt sàn hình chữ nhật.
Để hình thành bộ khung
nhà dạng này, việc đầu tiên là người ta đào lỗ sâu khoảng 0,50 m theo hình lục
giác, rồi chôn cứng các cột. Khi các cột đã được chôn cứng mới gác các thanh
dầm sàn dọc (ba thanh) và dầm sàn ngang (hai thanh). Đến đây mặt sàn đã được
hình thành. Khi làm xong sàn nhà, những người làm nhà đứng trên mặt sàn gác nốt
hai thanh xà dọc lên 4 đầu của cột xung quanh và hai thanh xà ngang lên 4 đầu
của 2 thanh xà dọc rồi dùng dây thắt chặt. Để hình thành bộ mái của loại nhà
không có kèo này, người ta gắn một cây đòn dong ngắn (khoảng 1 m) lên trên đỉnh
cột giữa, dạng chữ “T”. Ở hai đầu cây đòn dông có 6 con xuyên toả đều ra xung
quanh và gác lên các thanh xà ngang và xà dọc, tạo nên ngôi nhà có 4 mái gần
bằng nhau. Bộ rui là những cây lồ ô nhỏ (đường kính khoảng 5 cm), các đầu rui
đều được khoét lỗ rồi dùng dây xâu lại thành từng tấm, kiểu đuôi én. Khoảng
cách giữa các rui ở phía trên khoảng 5 cm. Khoảng cách của các đầu rui ở phía
dưới khoảng 15 cm. Cứ mỗi tấm rui như vậy tương ứng với một mái của nhà.
Như vậy, trên thực tế
toàn bộ ngôi nhà có 5 cột chính (4 cột xung quanh và 01 cột chính giữa), hai
cột còn lại chỉ có tác dụng đỡ dầm sàn mà thôi. Cột chính của nhà sàn được
người Raglai coi là cột thông linh với thần linh, các nghi lễ cúng kính đều
được tổ chức xung quanh cây cột chính này. Về mặt bằng sinh hoạt, nhà ở cổ
truyền dạng nhà này không phân vách, việc phân mặt bằng sinh hoạt chỉ mang tính
chất ước lệ. Có thể chia làm 2 khu vực chính: khu vực phía trên (nửa nhà phía
sau khu vực phía dưới - nửa nhà phía trước). Người Raglai không lập bàn thờ,
nhưng trong tâm thức của họ thì các vị thần vẫn chi phối cuộc sống hàng ngày.
Đối với họ, khu vực trên là khu vực ngự trị của thần linh nên rất quan trọng,
thường được dùng để mã la, ché…là những tài sản được coi là thiêng và quí giá.
Khu vực dưới là khu vực sinh hoạt hàng ngày.
Từ ngoài vào, bếp nấu
đặt bên phải vách trước dùng để nấu nướng và giữ lửa. Bếp là một hình vuông
đóng khung bằng gỗ, mỗi chiều dài khoảng 0,80 m đặt ở trên sàn nhà. Bốn cạnh có
vách ngăn bằng khung gỗ cao khoảng 5 đến 7 cm rồi đổ một lớp đất lên ô gỗ đó để
làm nền bếp (tấm chịu nhiệt). Chính giữa bếp đặt 3 hòn đá làm kiềng (đầu rau).
Phía trên bếp là chạn/giàn (para) treo lên kèo nhà để đồ dùng sinh hoạt: rổ,
rá, nia, gùi … Xung quanh bếp là nơi để xoong, nồi, chén, bát. Các vách liếp
quanh bếp là nơi treo ná (cung tên), dao, rựa và để các ché rượu cần. Giữa sàn
nhà là nơi ăn uống. Các thành viên trong gia đình đều ngủ trên sàn nhà theo thứ
tự cha mẹ rồi đến con cái. Nếu trong nhà có khách thì con trai ngủ với con
trai, con gái ngủ với con gái. Phía trên trần nhà người ta gác các cây sào để
treo ít chùm bắp (ngô), một ít chùm lúa, bo bo để tiện lấy sử dụng. Lương thực
dự trữ lâu dài thì để ở nhà sàn kho.
1.2.
Loại nhà sàn 2 mái
Loại nhà này phổ biến ở
vùng Raglai nam, có kích thước lớn hơn so với loại 4 mái. Thông thường chiều
rộng khoảng từ 5 – 6 m, chiều dài khoảng 10 – 12 m. Nhà dựng ở các triền núi có
độ dốc thoai thoải. Để xử lý mặt bằng, buộc độ cao sàn nhà chênh lệch nhau, có
những ngôi nhà độ cao của mặt bằng phía trước cách mặt đất 1 m, nhưng độ cao
của mặt bằng phía sau cách mặt đất lên đến 1,60 m. Loại nhà sàn 2 mái có 2 cửa
ở hai đầu vách phía trước. Chiều rộng mỗi cửa khoảng 0,60 m, chiều cao khoảng
1,60 m. Cầu thang là một cây gỗ to đẽo các nấc thang. Mặc dù chiều cao từ mặt
sàn đến nóc khá cao, khoảng 2,8 – 3,5 m, nhưng mái dốc nên vách thấp khoảng
1,55 – 1,60 m.
Khung nhà được kết cấu
bởi các bộ vì kèo và các bộ vì cột. Mỗi bộ vì kèo có 3 cột, trong đó cột giữa
cao đến tận nóc. Ở đầu 3 cột có ngoàm đỡ một cặp kèo đơn. Nối liền 3 cột là một
thanh quá giang ở phía trên và một thanh dầm ngang sàn ở phía dưới, tạo thành
bộ vì kèo dạng chữ thập. Toàn bộ ngôi nhà chỉ có 2 bộ vì kèo và 3 – 4 bộ vì cột
tùy theo chiều dài của ngôi nhà, được bố trí như sau: 2 bộ vì kèo đặt ở 2 đầu,
các bộ vì cột đặt ở giữa. Liên kết các bộ vì kèo và vì cột lại với nhau bằng
các thanh xuyên dọc và các dầm sàn dọc.
Về mặt bằng sinh hoạt
của nhà sàn loại 2 mái đã có những bước chuyển biến so với loại nhà 4 mái. Các
thành viên trong gia đình vẫn ngủ trên mặt sàn theo thứ tự bắt đầu từ cha mẹ
rồi đến con cái. Nhưng đã có vách ngăn buồng để của cải như: mãla, ché, chiêng,
các loại đồ tự khí … và một chạn/giàn lớn (được treo từ các vì kèo xuống) ở
trên trần nhà để cất giữ lương thực. Buồng nằm về phía phải của sàn nhà, được
ngăn bằng một vách liếp lửng đan bằng cây lồ ô. Chiều dài buồng khoảng bằng 1/3
chiều rộng của sàn nhà. Chiều rộng của buồng gần bằng một gian nhà. Phía trước
buồng là bếp. Bếp cũng được làm như bếp dạng nhà 4 mái. Hiện nay, những ngôi
nhà 2 mái không dùng để ở mà chuyển sang làm nơi tổ chức các lễ cúng của dòng
họ. Vì vậy, vách ở giữa phía sau được gắn thêm một bàn nhỏ (giơ) làm bằng cây
lồ ô, có chiều rộng khoảng 0,50 m, chiều dài khoảng 0,60 m. Bàn này dùng để các
lễ vật phục vụ cho các nghi lễ.
Ngày nay, nhà sàn đang
dần dần biến mất, nhường chỗ cho nhà trệt lợp tôn. Nhưng trong các ngôi nhà
trệt ấy, người ta vẫn gác những cây gỗ ngang cao khoảng 50 cm và dùng cây lồ ô
đập giập rải lên làm sàn, vừa là nơi sinh hoạt, ăn uống, vừa là gường ngủ. Loại
nửa sàn nửa gường này không phải mất tiền mua, vừa dễ làm, vừa bền chắc, nằm
lại rất mát và đêm đêm lại nhớ về ngôi nhà sàn truyền thống.
1.3.
Các nghi lễ kiêng kỵ liên quan đến các ngôi nhà
1.3.1. Lễ chặt cây
Người Raglai tin vào tín
ngưỡng vạn vật hữu linh. Các khu rừng, con suối, ngọn núi đều có hồn linh ngự
trị nên khi vào rừng chặt cây làm nhà người ta phải làm lễ cúng thần (yàng) để
cầu thần giúp đỡ khỏi bị tai nạn như cây ngã đè, hoặc rìu chặt vào chân tay(4).
Nghi lễ này cũng đơn giản với lễ vật là rượu và trầu.
1.3.2. Lễ chọn đất
Khi nguyên vật liệu
chuẩn bị xong, gia chủ làm lễ chọn đất làm nhà. Đất tốt là những nền đất khô
ráo, thoáng đãng và gần nguồn nước. Khi xưa, để chọn được đất tốt gia chủ phải
mời thầy tìm giúp. Khi làm lễ chọn đất, ông thầy cùng gia chủ đến miếng đất dự
định cất nhà làm một lễ cúng thần đất. Sau khi cúng bái, cầu xin các thần, ông
thầy lấy một nắm gạo khoảng 5 – 7 hạt
rải trên nền đất và lấy chén ăn cơm úp lại, mọi người trở về nghỉ ngơi. Nếu đêm
ấy, gia chủ ngủ không bị mộng mị họ sẽ trở lại xem gạo vào sáng hôm sau. Khi mở
chén những hạt gạo còn nguyên khô ráo, đấy là dấu hiệu đất tốt có thể làm nhà
được. Còn nếu nắm gạo bị kiến, mối tha đi hoặc không còn nữa là điềm xấu, phải
chọn mảnh đất khác. Khi đã chọn được đất tốt, gia chủ làm thịt 1 con gà, mở một
ché rượu để tạ ơn thần linh và trả ơn cho thầy.
1.3.3. Lễ dọn vào nhà
Khi nhà làm xong, chủ
nhà làm lễ dọn vào nhà mới. Lễ vật thường là gà, rượu, trầu cau. Nhà nào khá
giả thì làm thịt heo, trước là cúng thần sau là mời mọi người trong làng đến
chung vui.
Người đầu tiên chính
thức vào nhà mới phải là bà chủ nhà. Khi bước lên cầu thang vào nhà mới, bà chủ
đi trước, sau đó mới đến người chồng của bà chủ nhà rồi lần lượt mọi thành
viên trong nhà đi vào. Khi vào nhà, bà chủ nhà nhóm lửa đun nước luộc gà. Ông
chồng mở rượu cúng thần, cầu khấn mọi người bình an, mạnh khoẻ và may mắn trong
ngôi nhà mới. Ở Ma Nới, trong lễ dọn nhà mới, gia chủ còn cầu nguyện tổ tiên,
“nhờ ông bà” cho làm nhà mới. Nay nhà mới đã làm xong, xin “ông bà” phù hộ làm
rẫy đầy bắp, đầy lúa, có nhiều trâu bò, heo gà, của cải vào nhiều trong nhà. Từ
nay không còn nợ nần, thiếu ăn[1].
Ngoài các nghi lễ còn có
các hình thức kiêng kỵ như: không dắt dao, rựa lên vách nhà mới, không kê cây
lên cầu thang để chặt, chẻ, đẽo. Khi vào rừng chặt cây làm nhà không lấy cây
gãy ngọn. Quá trình sinh sống trong ngôi nhà, nếu gia đình nào ốm đau, bệnh
tật, hoặc có người sinh đẻ thì chủ nhà thường treo trước cửa một cành cây để
báo hiệu với khách nhà đang còn kiêng kỵ để mọi người biết mà không vào nhà.
Có hai dạng nhà tiêu
biểu cho hai khu vực cư trú của người Raglai. Nếu như nhà sàn truyền thống ở
khu vực phía tây bắc không có kèo, hạn chế chiều cao lẫn chiều rộng thì nhà ở
khu vực phía tây nam đã có sự phát triển về chiều cao lẫn chiều rộng. Nhà sàn ở
khu vực phía Raglai phía tây bắc có 4 mái, không có kèo, trong khi nhà ở khu
vực phía tây nam có 2 mái và sử dụng các bộ vì kèo. Nhà ở khu vực tây bắc tuy
nhỏ và đơn giản nhưng nó có những đặc trưng riêng mà ít thấy ở nhiều dạng nhà
khác, đó là các cột bố trí theo hình lục giác, bộ mái được hình thành bởi các
con xiên xuất phát từ hai đầu của cây đòn dong rồi toả đều xuống các thanh xà
ngang, dọc. Bộ mái không được hình thành từ các cặp kèo như ở các dạng nhà
khác.
Cả hai loại nhà ở hai
khu vực đều có vách rất thấp. Ngay như ngôi nhà ở Ma Nới có chiều cao từ mặt
sàn đến nóc khoảng 3 m, nhưng vách cao chỉ khoảng 1,60 m. vì thế ở khu vực phía
tây bắc khi lợp nhà người ta chỉ cần đứng trên mặt sàn là thực hiện được, chứ
không cần phải ngồi lên trên mái để lợp.
Nhìn chung, kiến trúc
nhà sàn cổ truyền của người Raglai Ninh Thuận khá đơn giản, quy mô nhỏ. Mặc dù
theo những người lớn tuổi, thì cách nay hơn thế kỷ, người Raglai sống ở những
ngôi nhà sàn dài (săkatah), sàn cách mặt đất 1,5 – 2 m và chiều dài của nhà
trên dưới 20 m, chiều ngang 4,5 – 5 m trong mỗi khu nhà cư trú từ 6 – 10 hộ,
có những nhà lên đến 20 hộ. Ngày nay ngôi nhà sàn dài không còn nữa. Khi người
Raglai ngày nay có xu thế ở nhà trệt, thì ngôi nhà sàn truyền thống chỉ còn
được dùng làm nơi tổ chức các nghi lễ của những người trong dòng tộc. Để bảo
tồn hình ảnh những ngôi nhà sàn truyền thống của tộc người Raglai, các ngành
chức năng cần xây dựng tại các palơi vùng đồng bào Raglai những nhà sinh hoạt
văn hóa cộng đồng với hình thức nhà sàn truyền thống. Tiếc rằng những khu tái
định cư khi xây dựng hồ thủy lợi Sông Sắt cho đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái và
hồ thủy lợi Sông Trâu ở huyện Thuận Bắc đã xây dựng theo lối kiến trúc hiện
đại. Khu tái định cư mới của đồng bào Raglai ở hai huyện này mặc dù khá khang
trang, hiện đại với hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông, chợ, điện nước khá đầy
đủ nhưng lại làm mất đi những yếu tố văn hóa ở truyền thống của dân tộc Raglai.
2. Nhà mồ
Cũng như một số dân tộc
Tây Nguyên, người Raglai không cho rằng chết là hết mà sự chết chỉ là sự chuyển
đổi trạng thái của sự sống một con người. Người Raglai quan niệm rằng, mỗi con
người (mnui) đều có 3 hồn (bingã) gồm hồn trên (bingã cachoa); hồn giữa (bingã
khrah) và hồn dưới (bingã talúi). Khi chết thì người chết sẽ thành ma (atơu) và
ma sẽ ra đi vĩnh viễn về thế giới bên kia hay nơi cư ngụ của ông bà tổ tiên (mu
kei) khi người sống làm lễ bỏ mả (pơthi) cho người thân đã chết. Ngày làm lễ bỏ
mả, ông thầy cúng làm một lễ để cho hồn (bingã) về nhập hay đầu thai vào một
trong những người phụ nữ trong dòng họ. Khi làm lễ bỏ mả (ngăk pơthi), ông thầy
cúng đọc lời cúng có câu: “xin cúng cho ông bà mong hồn sống sẽ ra lại và sống
trở lại”. Sau lễ bỏ mả, người Raglai thông qua ông thầy cúng có thể biết hồn
của tổ tiên đã nhập vào người phụ nữ nào trong dòng họ của mình. Khi biết điều
này, người trong họ phải làm một lễ cúng mà người Raglai gọi là Po ina bra
padai, có nghĩa là “ông bà gạo thóc”. Như vậy, khi làm xong lễ bỏ mả, người
chết sẽ tái sinh trở lại thành một người khác sau một thời gian ngắn trú ngụ
tại khu nghĩa địa. Trong thời gian làm lễ pơthi atơu, khi hồn ở lại để làm lễ
tái sinh thì ma (atơu) sẽ vĩnh viễn ra đi về với tổ tiên. Bởi vậy, một trong
những lễ thức chính của lễ bỏ mả là lễ thức tiễn đưa ma về với tổ tiên.
Người Raglai tin rằng,
chết là sự ra đi của phần thể xác, còn linh hồn chuyển sang sống ở một trạng
thái khác, vẫn còn ràng buộc với người sống, cho đến khi làm lễ bỏ mả (pathi
atâu) thì sự ràng buộc đó mới thực sự cắt đứt, hồn ma mới siêu thoát. Cũng qua
lễ bỏ mả, người sống mới thực sự làm tròn nghĩa vụ với người đã chết.
Lễ bỏ mả là lễ
lớn nhất, quy mô nhất so với các nghi lễ khác của người Raglai. Để tiến hành lễ
bỏ mả, việc đầu tiên là gia chủ làm nhà mồ cho người chết (săkatâu).
2.1. Các loại nhà mồ
Khi làm lễ bỏ
mả, người Raglai làm cho người chết một cái nhà mồ. Nhưng không phải nhà mồ nào
cũng giống nhau mà tùy theo tập tục, tùy số lượng con vật được giết cúng mà nhà
mả được dựng khác nhau. Phân biệt sự khác nhau, lớn bé của nhà mồ là số cột nhà
mồ được dựng lên. Loài nhà mồ của người Raglai ở phía bắc tỉnh Ninh Thuận có
chiều dài khoảng 2,5 m, chiều rộng 2 m, chiều cao từ mặt đất lên đến nóc khoảng
2,6 m. Sườn nhà làm bằng gỗ, mái nhà tròn, làm lên phía trên, dạng hình mai
rùa. Nhà không thưng vách, phân thành từng loại: 4 cột, 8 cột, 12 cộ, 16 cột,
24 cột, 32 cột … Cột đẽo tròn, nhẵn đường kính khoảng 18 cm. Người Raglai lấy
số lượng các cột nhà mồ để quy định qui mô lớn nhỏ của nghi lễ, theo đó loại
nhà mồ nào càng nhiều cột thì nghi lễ càng được tổ chức lớn thì 16 cột trở lên.
Người già kể lại, khi xưa có những ngôi nhà mồ lên đến 36 cột, nhưng ngày nay
không thấy
Nhìn chung, nhà
mồ của người Raglai là một kiến trúc đơn sơ được làm bằng gỗ, tre nứa, lá. Bộ
khung nhà được hình thành bởi các cột và các thanh xà ngang, dọc bằng kỹ thuật
mộng trơn. Để hình thành ngôi nhà dạng này, việc đầu tiên là chôn đều các cột
theo hình chữ nhật, sau đó gắn các thanh xà ngang, dọc vào các mộng trơn ở đầu
các cột. Khi khung nhà được hình thành, dùng cây lồ ô uốn cong gắn đầu vào các
cột tạo nên bộ mái dạng mai rùa như đã trình bày. Tuy nhà mồ được làm khá đơn
giản. Nhưng những hình trang trí, chạm khắc trên các bộ phận kiến trúc lại có
thể giúp chúng ta nhận biết được thế giới quan cũng như quan điểm thẩm mĩ của
người Raglai. Nhà mồ được trang trí khá công phu. Các cột dán giấy màu (đỏ,
xanh), theo kiểu: cứ 1 khoang giấy đỏ đến 1 khoang giấy xanh. Có những ngôi nhà
mồ cột ở phía đầu người chết đẽo hình quả bầu, gùi, ché. Trên các thanh xà
ngang, xà dọc, vẽ hình các ngôi nhà sàn, chim, thú v.v...với nét vẽ cứng, có
phần ngẫu hứng, không theo một mô típ nhất định. Những hình vẽ, hoa văn cho
chúng ta hình dung ra ngôi nhà (sah), đám mây (hoal), cây dừa (la u), mặt trời
(harei), thửa ruộng (hu ma), người (mnui), chim cu (chim katơrau). Cho đến nay,
chưa có nhà nghiên cứu nào giải mã những hoa văn đó.
Loại nhà mồ của người Raglai ở khu vực phía tây nam Ninh Thuận có khác
Về kích thước, tương đương với loại nhà mồ ở khu vực phía tây bắc, nhưng về
kiến trúc thì đã có phần thay đổi. Nhà có 4 mái, mái lợp cỏ tranh, sau này có
những gia đình sử dụng tôn để lợp, xung quanh thưng vách bằng cây lồ ô đạp
dẹp đan lóng mốt, lóng đôi hoặc bằng
ván. Nhà có một cửa nhỏ hướng về phía tây (phía đầu người chết).
Toàn bộ khung
nhà có 4 cột chính, có những nhà còn gắn thêm 4 cột hiên. Các cột liên kết với
nhau bởi hai thanh xuyên dọc và hai thanh xuyên ngang bằng kỹ thuật mộng trơn.
Để hình thành mái, một thanh xuyên dọc nằm giữa trần nhà gắn vuông góc với hai
thanh xuyên ngang, chính giữa xuyên ngang gắn thêm hai cột trốn, đầu 2 cột đỡ 2
đòn dong toả ra xung quanh và gắn đuôi vào 4 đầu cột tạo nên ngôi nhà 4 mái. Về
trang trí, nhà mồ ở khu vực phía tây nam trang trí đơn giản hơn nhà mồ ở khu
vực phía tây bắc. Các cột, xà không được trang trí. Phần trang trí trên nhà mồ
chỉ có một cái “dâu” (vùng tây bắc gọi là kago) gắn trên nóc nhà mồ và 4 cây
gockalau cắm ở 4 góc nền nhà. “Dâu” làm bằng gỗ, dài khoảng 0,50 m, cao khoảng
0,50 m, dày khoảng 0,10 m. có thẻ chia “dâu” thành 3 phần: phần chính giữa dạng
hình bầu dục, phía trên gắn một quả bầu. Hai phần 2 bên dạng sừng trâu ôm lấy
hình bầu dục ở giữa. Hai mặt “dâu” trang trí hình mặt trời, mặt trăng, sao.
Gokalau là một
khúc gỗ vuông, dài khoảng 0,60 m, trên khúc gỗ đẽo hình chiếc bàn, quả bầu, đầu
gokalau buộc một dải vải trắng.
Người địa phương
giải thích “dâu” là biểu tượng nhà mới của ma, làm nhà mồ là phải có ‘dâu” và
gokalau. Nếu không có “dâu” và gokalau sẽ bị ma quấy nhiễu[2].
Người Raglai ở
khu vực phía tây nam tỉnh Ninh Thuận cho rằng, người chết khi sang thế giới bên
kia có thể bị ma qủy quấy nhiễu. Để tránh hiểm hoạ này, trước nhà mồ người ta
làm thêm một chòi (tôk) và một con ngựa cho người chết. Nếu người chết bị ma
quỉ đuổi thì leo lên chòi và nhảy lên lưng ngựa để chạy trốn4. Chòi
và ngựa là một bó cỏ tranh nhỏ, cột túm, cắm lên đầu một cành cây, mang tính
chất biểu trưng.
2.2. Kagor nhà
mồ
Gây ấn tượng
nhất, đẹp nhất và có ý nghĩa văn hóa nhất vẫn là chiếc thuyền (kago) trang trí
trên nóc nhà mồ, người Raglai không giải thích được ý nghĩa của từ “kago”,
nhưng ai cũng khẳng định rằng “kago” là biểu tượng ngôi nhà mới của ma. Kagor
là hình chiếc thuyền được đặt lên nóc nhà mồ. Trong tín ngưỡng và quan niệm vũ
trụ của người Raglai, hình thuyền kagor trên nóc nhà mồ có ý nghĩa quan trọng
trong đời sống tâm linh, những lễ thức rước kago, cho kago ăn, lễ thức dựng
kago cho chúng ta nhận biết điều đó.
Kago ở khu vực
xã Phước Chiến (huyện Ninh Hải) có dạng hình thuyền, sơn phết rực rỡ, có nhà
nghiên cứu cho rằng, đây là chiếc thuyền rồng[3]
chở linh hồn người chết. Kago tạc từ một khối gỗ lớn, lắp ghép, trang trí rất
tinh tế các hình người, núi, mặt trời, mặt trăng, sao, nhà, chim … xung quanh
kago gắn 8 gác gỗ, hình cánh cung. Ở đầu các gác gỗ gắn hình chim bồ câu, chim
công. Tám gác gỗ này như 8 cánh tay nâng đỡ chiếc thuyền chở linh hồn người
chết. Phía trên kago có 3 ngôi nhà làm phỏng theo dạng nhà sàn truyền thống của
người Raglai[4],
ngôi nhà giữa cao, to hơn so với 2 ngôi nhà hai bên là ngôi nhà ở, 2 ngôi nhà
hai bên là nhà bếp và nhà kho. Nối liền 3 ngôi nhà này lại là 2 chiếc cầu, trên
cầu bố trí tượng người đàn ông tay cầm cây “chà gạc” đang chuẩn bị đi rẫy và
tượng người đàn bà đang giã gạo. Trên nóc 3 ngôi nhà đều gắn 3 thanh kiếm có
khắc hình mặt trăng, mặt trời, vì sao và các cặp rồng, rồng sóc như muốn phô
trương sức mạnh của vũ trụ. Có ý kiến cho rằng, ngôi nhà trên kago là nơi ở
của ma (pợ atơu), những hình người bên trong ngôi nhà đó là tổ tiên (mnui matai
atơu – những người chết trước ma). Vì vậy, theo PGS.TS Ngô Văn Doanh, chiếc thuyền
ở nhà mồ chính là con thuyền đưa linh – một nghệ thuật khá phổ biến trong tín
ngưỡng của nhiều dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Kago ở khu vực
xã Phước Thành (Bác Ái) đã có những thay đổi so với kago ở khu vực xã Phước
Chiến. Hình dạng kago tựa một cánh ná (cung). Một con rồng to, dài nằm dọc từ
bên này sang bên kia, tựa như dây ná. Lưng rồng chở 3 ngôi nhà nhỏ, tạc từ
một khối gỗ nguyên. Trong lòng ngôi nhà chính giữa bố trí một tượng người. Nóc
3 ngôi nhà là các gác gỗ gắn các con chim bồ câu, chính giữa gác gỗ là các
thanh gỗ cao vút.
Kago ở khu vực
xã Phước Đại (Bác Ái) lại được mô phỏng từ một cặp sừng trâu. Giữa 2 sừng trâu
gắn một quả bầu, trên cuống quả bầu là một thanh kiếm.
Từ những hình vẽ, các ngôi nhà, tượng
người, chim, trang trí trên kago, chúng ta thấy rằng, người Raglai muốn tái tạo
cuộc sống cho người chết, để người chết sang thế giới bên kia vẫn có nhà, trâu,
rẫy…để tiếp tục sinh sống. Như vậy, ngôi nhà mồ và chiếc kago trên nhà mồ của
người Raglai có ý nghĩa tâm linh hết sức sâu sắc, ở đó hội tụ những tinh hoa
của nghệ thuật truyền thống của tộc người này.
3. Các nghi lễ
tín ngưỡng liên quan đến nhà mồ
3.1. Lễ mở cửa
mả
Lễ này mang ý
nghĩa mời hồn ma từ nhà mồ về nhà dự lễ bỏ mả với gia đình. Vì thế, lễ mở cửa
mả là một trong những bước của lễ bỏ mả.
Nghi lễ được
diễn ra vào khoảng 14 giờ ngày thứ nhất của lễ bỏ mả. Để thực hiện nghi lễ này,
gia chủ chuẩn bị một mâm lễ gồm: 3 đĩa trầu, 2 chai rượu, cây kaităk[5]
(cây vía).
Lễ vật chuẩn bị
xong, thầy lễ đặt mâm lễ trước nhà mồ rồi chấp tay khấn hồn ma và tổ tiên ma về
nhà vui chơi, ăn uống chứng kiến các lễ vật: gà, rượu, heo, trâu … mà gia đình
đã chuẩn bị đầy đủ để làm “bỏ mả” cho hồn ma. Nghi lễ cử hành xong, thầy lễ
cũng những người thân tộc rước hồn ma về nhà.
3.2. Lễ mừng nhà
mồ mới
Khi nhà mồ làm
xong là làm lễ mừng nhà mồ mới cho hồn ma. Nghi lễ này diễn ra vào khoảng thời
gian từ 3 giờ đến 7 giờ ngày thứ hai của lễ bỏ mả.
3.3. Lễ bàn giao
kago
Kago làm xong được đặt trong rạp lễ. Để chuyển kago từ
rạp lễ ra gắn trên nóc nhà mồ, thì người ta làm nghi lễ bàn giao kago với ý
nghĩa báo tin cho hồn ma biết chuẩn bị rước kago ra nhà mồ.
Lễ vật gồm 3
mâm, mỗi mâm có: 1 thố rượu cần, 1 tô gạo. Những mâm lễ này được đặt lên bàn lễ
ở trong rạp lễ. Thầy lễ ngồi trước mâm lễ khấn dâng gạo, dâng rượu cho hồn ma.
Sau những lần khấn, thầy lễ đứng dậy làm động tác múa dâng gạo, dâng rượu, múa
cầm cây katoăk chỉ vào lễ vật, chỉ vào kago, rồi chỉ ra đường đến nhà mồ. Động
tác múa xoay người qua trái, lại xoay người qua phải, toàn thân hơi nghiêng về
phía trước mắt hướng vào mâm lễ, nhìn chung động tác múa lễ giống như múa chèo
thuyền[6].
Kết thúc đợt múa
lễ lần thứ 3, cả đoàn cùng đi đến nhà mồ, theo thứ tự từ trước ra sau: thầy lễ,
đoàn mã la, đoàn người khiêng kago, sau cùng là bà con thân tộc.
Kago gắn xong,
người ta làm một chiếc “cha cung”[7]
(bàn thờ) trong cha cung bày các lễ vật: 1 bát gạo, phía trên bát gạo là một
quả trứng, 1 xị rượu, bánh tét. Đồng thời với việc làm cha cung, thì một số
người dùng giấy màu dán lên cột nhà mồ.
Khi mọi việc
hoàn tất, thầy lễ gồm 3 người: 1 chánh lễ (yanuhchala) và 2 phụ lễ (akak,
takal) ngồi trước mâm lễ gồm có gà và một ché cơm khấn báo tin cho hồn ma biết
lễ mừng nhà mồ mới với các nghi lễ mời hồn ma uống, mời hồn ma ăn, trồng cây
quanh nhà mồ bắt đầu.
Hòa trong lời
khấn của thầy lễ là âm thanh trầm buồn vang lên từ chiếc mã la, tiếng khóc kể
lể, thương tiếc của người thân. Nghi lễ kết thúc bằng việc thầy lễ lấy một ít
cơm, một ít thịt bỏ vào giữa nhà mồ, với ý nghĩa chia phần thức ăn cho hồn ma.
3.4. Lễ mời hồn ma uống
Lễ vật gồm 3 mâm, mỗi mâm có 3 thố rượu cần, 3 chai rượu
đế. Lễ vật chuẩn bị xong, ông thầy ngồi trước mâm lễ, tay cầm chén rượu đưa
ngang mắt, khấn mời hồn ma uống, sau đó thầy đổ chén rượu vào cột giữa của nhà
mồ.
3.5. Lễ mời hồn ma ăn
Lễ vật gồm 3 mâm, mỗi mâm có: gà, bánh tét, chuối, thịt
trâu, bắp hầm, bánh tráng, canh thịt, rượu. Theo sự giải thích của thầy lễ thì
mâm giữa dành cho người chết. Kế tiếp 3 mâm lễ gồm 3 thố rượu cần, 1 chai rượu,
1 chén than để đốt trầm, 1 thau cơm thập cẩm (bà srâu)[8],
1 thau đựng gạo và trầu.
Lễ vật bày xong, thầy lễ đốt trầm, khấn dâng gạo, dâng
thức ăn cho hồn ma. Cứ qua một lần khấn, thầy lễ lại lấy một ít rượu, một ít
gạo bỏ vào nhà mồ cho hồn ma ăn. Tiếp đến thầy lễ đứng dậy làm động tác dâng
múa gạo, vừa múa vừa cầm cây katoăk chỉ vào những lễ vật. Sau múa lễ thầy ngồi
xuống khấn để cho bà con thân tộc lấy thức ăn bỏ vào nhà mồ cho hồn ma.
3.6. Nghi lễ trồng cây xung quanh nhà mồ
Lễ vật gồm 3 mâm, mỗi mâm có 1 bát bắp, 1 thố rượu cần, 3
chai rượu.
Ba thầy lễ ngồi trước mâm lễ khấn dâng rượu, khấn dâng
gạo, khấn cầm cây katoăk chỉ vào các lễ vật, sau đó thầy lễ đứng dậy làm động
tác múa 3 vòng quanh nhà mồ.
Vòng 1: chánh lễ vừa múa vừa cầm cây katoăk chỉ lên nóc
nhà mồ, phụ lễ theo sau cầm bát nước đổ lên mái nhà mồ với ý nghĩa chữa cháy
cho nhà mồ khi bị hoả hoạn.
Vòng 2: chánh lễ vừa múa vừa cầm cây katoăk chỉ vào 4 góc
nhà mồ, phụ lễ theo sau đào lỗ trồng cây (chuối, mía, da …) ở 4 góc nhà mồ với
ý nghĩa trồng vườn cho hồn ma.
Vòng 3: chánh lễ vừa múa vừa cầm cây katoăk chỉ lên chiếc
kago ở trên nóc nhà mồ, phụ lễ theo sau cầm tô bắp rải lên chiếc kago ở trên
nóc nhà mồ, với ý nghĩa ban thức ăn cho chim.
Sau nghi lễ trồng cây, mọi người làm lễ rước hồn ma về
lại nhà gia chủ để cùng tham gia nghi lễ bỏ mả với họ hàng thân tộc. Tại rạp lễ
các nghi lễ mời hồn ma ăn, mời hồn ma uống vẫn được tiếp tục cho đến khoảng 15
giờ ngày thứ 3 thì kết thúc. Lúc đó, anh (em) chết rồi anh lấy vợ (chồng) khác,
tắm nước khác, đừng có kêu tôi nữa[9].
Cũng từ đó mọi ràng buộc giữa người sống và người chết được cắt đứt vĩnh viễn.
[1] Ghi theo lời kể của Tà yên An,
thôn Gia Rót, xã Ma Nới – Ninh Sơn.
[2] Ghi theo lời kể của Tà yên An, thôn Gia Rót, xã Ma Nới –
Ninh Sơn.
[3] Ngô Văn Doanh, tạp chí VNDT và miền núi số 12 (44) tr.3.2000.
[4] Ghi theo lời
kể của Chamaléq Báng, thôn Động Thông, xã Phước Chiếc, huyện Ninh Hải.
[5] Kai toăk, là
một thanh tre dài khoảng 1 m, chính giữa gắn một nhẫn đồng, biểu tượng linh hồn
người chết.
[6] Trần Quân,
“Về lễ bỏ mả của người Raglai Ninh Thuận”, Tạp chí văn hoá nghệ thuật số 9 năm
201 tr. 29.
[7]
Cha cung là nơi hồn
ma ẩn ngụ, làm từ 2 thanh tre vót mỏng uốn hình vòng cung, phía trên vòng cung
phủ một chiếc khăn.
[8] Bà srâu:
thau cơm mời hồn ma trong các nghi lễ gồm: cơm, mía, chuối sống cắt lát, thịt,
khoai mì (sắn) trộn lẫn với nhau
[9] Ghi theo lời kể của Tà yên An,
thôn Gia Rót, xã Ma Nới – Ninh Sơn.
Chương X
NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN
THỐNG
Nền kinh tế tự cung, tự cấp và sinh sống rải
rác ở các triền núi đòi hỏi người Raglai phải tự tạo ra vật dụng phục vụ lao
động sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm đời sống cho mình. Từ đó hình thành những
nghề thủ công truyền thống.
Người Raglai có các nghề thủ
công như nghề đan lát mây tre, làm nhà sàn, nghề làm gốm, làm nghề rèn, làm
trang phục, nghề làm giấy, chế biến đồ ăn thức uống v.v…Nguồn nguyên liệu cho
nghề thủ công là những sản vật của rừng núi, nơi họ cư trú. Sản phẩm làm ra
chủ yếu là công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống. Nhìn chung,
nghề thủ công của người Raglai chủ yếu ở trong các gia đình, mang tính lao động
cá nhân, phân tán, chưa tập trung thành một làng nghề mang tính sản xuất hàng
hóa, chỉ sản xuất vật dụng trong ngày nông nhàn, trình độ kĩ thuật chế tác mang
tính thủ công, thô sơ.
1.
Nghề đan lát
Rừng Ninh Thuận
có nhiều lâm sản quý như gỗ hương, gõ đỏ, bằng lăng, dầu, sao, sến, các loại
tre, nứa, lồ ô, le và các loại dây rừng. Đây là những nguyên liệu chính để dựng
nhà sàn, chuồng trại, chế tác công cụ sinh hoạt, công cụ sản xuất, săn bắt, vũ
khí.
Các loại tre, nứa, lồ ô là những vật liệu
quan trọng, ngoài công dụng làm nhà, làm chuồng heo, gà, làm công cụ sản xuất
như cán rìu, len (cuốc), xà gạt, gậy chọt lỗ, làm dụng cụ săn bắt như cung
tên (ná/nỏ), chông tre, chế tác ra các nhạc cụ như khèn, các loại đàn, sáo
v.v…Ngoài ra, tre, nứa còn là vật liệu để phát triển nghề đan lát như gùi,
thúng, mủng, sàng, nia, phên, dậu, cót.
Tre, nứa để làm nhà phải chọn những cây già,
cứng. Thời điểm chặt cây phải chọn ngày lành tháng tốt, thường vào những ngày
cuối trăng (trăng già) vì người Raglai quan niệm thời điểm này tre nứa đã già,
có độ bền. Người Raglai kiêng kị chặt cây ở những ngày trăng non vì cho rằng
cây còn non. Họ chọn loại tre đặc (krưm dal) để làm cán len, cán rìu, gậy chọc
lỗ, xà gạt... Đối với đồ dùng sinh hoạt trong nhà để gùi, thúng, mũng, nong,
nia...có thể làm bằng cây lồ ô, nứa. Tre, nứa hay lồ ô đem về được chẻ, phơi
khô, sau đó róc lấy phần vỏ. Dây rừng lấy về đem ngâm nước từ 1- 3 ngày sau đó
mới sử dụng. Sản phẩm làm xong thường được treo ở nhà bếp, hong khói bếp từ 1-
3 tháng hoặc 1 năm (để càng lâu càng tốt) để chống mối mọt, tạo độ dẻo, bền.
Đan gùi, nong, nia, nhất là gùi (yok) đòi hỏi
nghệ nhân phải có tay nghề cao. Khác với các loại gùi có hình khối chữ nhật phổ
biến ở các dân tộc Tây Nguyên, gùi của người Raglai có hình bầu tròn ở phần
thân. Gùi có nhiều kích thước khác nhau. Loại gùi lớn của người Raglai có kích thước trung bình,
cao khoảng 60 cm, miệng tròn có đường kính 40 cm và phình ra ở phần bụng và
nhỏ dần xuống phần đáy. Đáy gùi thường nhỏ, xòe ra thành bốn gốc (đường
chéo 25 cm). Gùi có 4 chân trụ bằng gỗ
và 2 thanh tre lớn vắt chéo ngang làm giá đỡ cho toàn bộ tải trọng của gùi, có
2 dây đeo chịu lực làm bằng dây mây dẻo và bền.
Để hoàn chỉnh một cái gùi phải cần thời gian
gần một tháng. Vật liệu (tre nứa, dây lạt) được chẻ nhỏ, đều, phơi khô mới đan.
Gùi có 3 bộ phận: Miệng, thân và đáy gùi. Phần đáy được làm trước. Kích thước
đáy quyết định kích thước gùi to hay nhỏ, cao hay thấp. Sau khi hoàn tất phần
đáy, người ta đan từ đáy gùi lên thân gùi (bụng gùi) rồi đến miệng gùi. Miệng
gùi được làm bằng các loại cây dẻo, cứng, quấn bằng dây mây chắc chắn.
Gùi của người Raglai hình dáng đơn giản, đa
số không trang trí hoa văn. Nếu có thì chủ yếu là hoa văn hình tám cánh, hình
sao (tượng trưng mặt trời), hình tam giác (hình núi), hình sóng nước, hình
chữ thập, dấu nhân...nối đuôi nhau. Sau khi hoàn chỉnh, gùi cũng được treo lên
giàn bếp hong khói từ 1- 3 tháng
mới sử dụng.
Trong các nghề đan lát của người Raglai, nghề
đan gùi tương đối phổ biến. Đây là vật gắn bó với lao động sản xuất hàng ngày,
phương tiện cân đong trong trao đổi, cất giữ các sản vật nông nghiệp và vật
dụng trong gia đình. Nghề đan gùi thể hiện sự khéo tay và quan niệm thẩm mỹ của
người Raglai. Bên cạnh ngôi nhà sàn, gùi
đã trở thành biểu tượng văn hóa gắn liền với cuộc sống du canh, du cư từ bao
đời nay. Ngày nay, mặc dù đã có nhiều vật dụng bằng nhôm, nhựa từ dưới xuôi đưa
lên, nhưng người Raglai vẫn giữ được thói quen đeo gùi đi làm rẫy, nhờ vậy nghề
đan gùi vẫn tồn tại. Gần đây, xuất hiện một số gia đình ven được quốc lộ 27B
đan những chiếc gùi nhỏ, xinh để bán cho khách thập phương.
2.
Nghề làm gốm
Theo bà Pi Năng
Thị Ia, 65 tuổi ở Gia ế - Phước Bình, xưa kia ở làng nào cũng có người Raglai
biết làm đồ gốm để phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Sản phẩm gốm thường có kích
thước nhỏ như nồi, trả (gok) để nấu ăn. Sau này người ta thấy người Raglai sử
dụng phổ biến các loại ché lớn nhỏ để làm và đựng rượu cần. Nhưng những ché
rượu này chủ yếu người Raglai mua của những người ở dưới bằng (dưới xuôi) đưa
lên.
Ngày nay hầu hết ở các làng Raglai không ai
còn làm nghề gốm nữa và dấu tích của
nghề gốm cũng đã mất đi, chỉ còn lại trong trí nhớ của người già. May mắn một
lần chúng tôi đến vùng Khánh Sơn - Khánh Hòa, bắt gặp một loại gốm Raglai cổ
còn sót lại. Đây là một loại đồ nấu (gok - nồi) có kích thước cao khoảng 30
cm, miệng rộng 10cm, độ phình ở thân nồi 20 cm; gốm có đáy tròn miệng loe. Theo
lời kể, cũng như xem xét những đồ gốm còn sót lại, có thể thấy đồ gốm của
người Raglai làm bằng đất sét núi có lẫn sỏi, độ dẻo không cao, độ nung thấp.
Gốm này được làm không có bàn xoay hay bàn cố định, chỉ lấy hòn đá có mặt phẳng
làm đòn kê để nặn gốm và sau đó nung ngoài trời bằng củi khô. Do vậy sản phẩm
gốm còn rất thô sơ. Cách làm gốm của người Raglai có nét gần gũi với cách làm
gốm của người Churu.
Hiện nay hầu hết làng Raglai không ai còn làm
nghề gốm nữa mà đồ dùng chủ yếu của họ đã được thay thế bằng những đồ gốm
Chăm, đồ dùng bằng nhôm, nhựa từ dưới bằng mang lên thông qua mua bán, trao
đổi.
3.
Nghề làm trang phục
Qua điều tra, khảo sát, chúng tôi thấy hiện
nay người Raglai không còn nghề dệt. Chỉ có tư liệu truyền miệng thể hiện
trong sử thi Udai - Ujai của người Raglai do Nguyễn Thế Sang sưu tầm ở Khánh
Hoà và nhóm sưu tầm sử thi Raglai ở Ninh Thuận.
Ngày xưa người Raglai thường dùng vỏ cây làm
áo, váy. Các loại vỏ cây thường dùng là vỏ cây sung (phun hara), cây sộp
(Jakhoh), cây dứa đất. Để làm y phục, cần phải lấy ở những cây mọc lâu năm, bóc
vỏ đem về đập tơi, ngâm nước một thời gian, đem phơi khô rồi mổ ra ba lỗ, một
lỗ chui đầu 2 lỗ còn lại là xỏ đôi tay. Tuỳ theo loại áo, váy, khố có kích
thước phù hợp với từng người mà họ đo, cắt vỏ cây thành những mảnh và “khâu”
những bộ phận lại với nhau bằng dây rừng.
Sau
này người Chăm, người Kinh đem vải vóc lên trao đổi, nên trang phục Raglai chịu
ảnh hưởng của người Chăm, người Kinh. Vì vậy, nghề dệt và làm trang phục của
người Raglai không mấy phát triển.
Ngày xưa người Raglai dùng da thú rừng như
da con nai, con đỏ, con trâu và dùng dây mây để cột quai làm dép. Dép này chỉ
dùng cho người già lớn tuổi hoặc những người đi rừng.
Về trang sức: người phụ nữ thường dùng cây lồ
ô, xương thú để chế tác (cưa từng khúc nhỏ) để làm hoa tai đeo; còn đàn ông
đeo các loại răng thú.
4.
Nghề rèn
Hầu hết ở vùng
đồng bào Raglai, làng nào cũng có hộ làm nghề rèn. Có làng từ 2 đến 3 hộ làm
nghề rèn như làng Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bác ái. Theo lời ông Chamaleq
Tiếp, 65 tuổi ở thông Ma oai, xã Phước Thắng -
vừa là chủ lò rèn, vừa là thợ cả.
Nghề rèn của ông là do đời cha ông truyền lại. Sản phẩm rèn của ông tuy làm
bằng phương pháp thủ công nhưng sắc sảo. Hiện tại lò rèn của ông có 3 người con
trai của ông đang vừa làm vừa học nghề, chuẩn bị nối nghiệp cha.
Nghề rèn của người Raglai chỉ làm lúc nông
nhàn, khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 âm
lịch. Khi mùa rẫy kết thúc, chuẩn bị cho mùa vụ mới thì nghề rèn bắt đầu hoạt
động. Người Raglai có câu thành ngữ :
Bilan dwa pok san ôn băng
Bilan klow ngak patia jak glai pala tangơi
Tháng giêng đánh mã la mừng mùa
Tháng ba rèn rựa phát rẫy trồng bắp[1]
Lò rèn (kiam patia)
của người Raglai được cấu tạo đơn giản: chỉ bằng 2 ống hơi và một bếp lửa. Hai
ống hơi thổi lửa cao khoảng 1m làm bằng ống tre hoặc ống gỗ, sau này được làm
bằng ống đồng. Ở bên trong hai ống hơi có hai cây thụt gió (paphuh) được
làm bằng gỗ hoặc tre và có cột một chùm
lông gà hoặc cây ngọn đót ở hai đầu để tạo hơi. Ở hai chân ống hơi nối hai cây
lồ ô nằm ngang thông với bếp lửa để cung
cấp hơi thổi lửa, tăng nhiệt độ cần thiết để nung đỏ bễ rèn. Nguyên vật liệu để
rèn chủ yếu là sắt thép vụn mua từ các nơi trong vùng, các loại sắt vụn còn sót
lại sau chiến tranh như ống đạn, miểng bom, xác máy bay. Sản phẩm rèn chủ yếu
là công cụ sản xuất như: rìu, rựa, xà gạt, gậy chọt lỗ, liềm, dao, mác,cung
tên, len (cuốc nhỏ)...Trong đó rìu rựa, xà gạt là công cụ sản xuất chủ lực
chiếm số lượng cao. Các dụng cụ này đều có kích thước nhỏ, chỉ thích hợp
với nông nghiệp nương rẫy và khai thác
tài nguyên rừng ven chân núi trong nền kinh tế sơ khai chưa phát triển, chủ
yếu là phục vụ cho gia đình và tộc họ láng giếng và một số ít (không đáng kể)
dùng trao đổi với nhau trong làng.
Ngày
nay người Raglai vẫn còn duy trì nghề rèn ở trong từng làng. Nghề rèn trở thành
tiêu chuẩn của người đàn ông trong xã hội. Đã là người đàn ông Raglai thì phải
biết làm dao làm rựa, chặt cây, phát rẫy. Muốn vậy họ phải tích luỹ kinh
nghiệm, nắm kĩ thuật rèn truyền thống của cha ông.
5.
Nghề làm giấy
Theo ông Katơ Cường, 50 tuổi ở thôn Đá Liệt,
xã Phước Kháng, huyện Ninh Hải kể lại rằng: xưa kia người Raglai ở một số thôn
biết làm giấy như ở thôn Đá Liệt, Là A, Ma Nới.... Nghệ nhân làm giấy nổi
tiếng trong vùng được nhiều người biết đến là bà Mai Thị Hắc ở thôn Đá Liệt
(đã mất năm 1978). Trước năm 1975 người Raglai vẫn còn làm giấy để viết truyền
đơn phục vụ kháng chiến.
Qui trình làm giấy của người Raglai khá phức
tạp, từ khâu chuẩn bị đến khâu hoàn thành sản phẩm gồm nhiều công đoạn.
Khung làm giấy hình vuông, làm bằng cây
Sahnai. Khung giấy này có nhiều kích thước khác nhau, có thể to nhỏ tùy theo
kích cỡ giấy định làm. Trên mặt khung được căng một tấm vải trắng, mỏng.
Nguyên liệu làm giấy khai thác từ nguồn tài
nguyên rừng - một loại vỏ cây gọi là cây Bunuk (hay còn gọi là cây bồ đề) hoặc
cây tukkhoah (cây gió). Thời điểm chặt cây làm giấy là vào khoảng tháng 12 dương
lịch đến tháng 4 năm sau. Đây là mùa khô vừa dứt cơn mưa, thời điểm thích hợp
cho việc làm giấy.
Qui trình chế biến nguyên liệu: vỏ cây được
bóc, dùng cây xà gặt băm nhỏ bỏ vào cối giả rồi bỏ vào nồi nấu. Người nấu bột
giấy phải túc trực sao cho vừa đủ độ nhuyễn thành bột đến độ mịn nhất định thì
ngừng lửa, để cho nguội dần rồi múc ra đổ lên khung làm giấy. Nếu bột giấy chưa
làm liền có thể vo cục phơi khô, khi làm giấy thì nấu lại.
Chế biến giấy: bột giấy được ra nấu tơi ra, rồi múc đổ lên trên
mặt vải khung giấy. Dùng chiếc đũa tre dài để trải bột giấy ra thành một lớp
mỏng trên mặt vải, đưa khung bột giấy đã đổ này đặt trên mặt nước suối để căn
độ dày mỏng của giấy. Cuối cùng nhấc khung giấy lên thật đều tay mang đi phơi
đến khi khô thành giấy.
Sản
phẩm giấy của người Raglai xưa kia thường được dùng làm diều bay (trong tục
cúng diều) hoặc làm dùng thay cho vải che thân. Có thể Raglai là tộc người
chuyên sản xuất giấy cho người Chăm, vì hai tộc người có mối quan hệ mật thiết
với nhau trong lịch sử. Từ xa xưa người Chăm đã có chữ viết, nhu cầu sử dụng
giấy rất cao nhưng đến nay chưa ai tìm được kĩ thuật làm giấy của người Chăm
mà ngược lại, người ta lại tìm được nghề làm giấy ở người Raglai.
Có thể những năm sau này, do các loại giấy
xuất hiện nhiều và giá rẻ nên người Raglai đã từ bỏ nghề làm giấy truyền thống.
Nghề thủ công truyền thống của người Raglai
như nghề đan lát, nghề gốm, may trang phục, chế biến thức ăn, nghề rèn và nghề
làm giấy còn ở trình độ thấp. Các nghề thủ công này đã phản ánh
khá trung thực trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội người Raglai
xa xưa với một nền kinh tế tự cung tự cấp. Vì nghề thủ công chưa phát triển
nên trong thời gian dài ở vùng Raglai rất khan hiếm hàng hóa. Các mặt hàng thủ
công chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc
sống, bảo đảm đời sống hàng ngày của
người Raglai vẫn còn ở dạng thức sơ khai.
Vì ngành nghề thủ công còn nghèo
nàn, sản phẩm thủ công chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của cuộc
sống, nên trong quá trình giao lưu, trao đổi, buôn bán cạnh tranh với
các mặt hàng của các tộc người khác quanh vùng như người Chăm, Kinh thì nghề
thủ công của người Raglai dần dần bị biến mất như nghề gốm, nghề làm y phục,
nghề làm giấy, mà nhường chỗ cho mặt
hàng nổi tiếng của người Chăm như đồ gốm, vải ... Hiện nay, người Raglai chỉ
còn lưu giữ khá phổ biến là nghề đan lát với các sản phẩm như gùi, thúng,
mủng, nong, nia, các loại giỏ tre và cung tên ...Trong tương lai, nhà nước nên
qui hoạch phát triển làng nghề Raglai như làng đan lát mây, tre...Làm được
điều này là vừa tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cuộc sống cộng đồng người
Raglai, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch đang phát triển. Sản phẩm mây,
tre hi vọng sẽ đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình Raglai, giúp họ tạo
công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo,
đồng thời thiết thực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa người Raglai trong
công cuộc đổi mới.
[1] Xem: Hải Liên "Trang phục cổ truyền Raglai" do
Hội VNDG Việt Nam xuất bản tháng 3/2002.
Chương XI
VĂN HOÁ GIÁO DỤC
Chương XI
VĂN HOÁ GIÁO DỤC
So với mặt bằng chung về giáo dục giữa các vùng, giữa các dân tộc, tình
hình văn hoá giáo dục của người Raglai chưa phát triển mạnh. Trước năm 1975,
vấn đề giáo dục đối với các dân tộc thiểu số nói chung và đối với dân tộc
Raglai nói riêng không hề được quan tâm. Những cán bộ người Raglai có học vấn
chủ yếu là những người đi tập kết ra Bắc và được đào tạo. Trải qua 2 cuộc kháng
chiến trường kỳ, vùng đồng bào Raglai cư trú là chiến khu cách mạng. Đồng bào
Raglai tham gia kháng chiến và có nhiều đóng góp to lớn, nhưng không có điều
kiện để học tập. Điều kiện kinh tế xã hội vùng đồng bào Raglai chưa phát triển,
trước giải phóng đa số còn sống du canh, du cư với nền kinh tế tự cung tự cấp,
Vì vậy, mặt bằng dân trí còn thấp.
Từ sau năm 1975, với chính sách của Đảng và Nhà nước
đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, vấn đề giáo dục của dân tộc Raglai mới
được quan tâm, phát triển.. Với điểm xuất phát thấp, sự phát triển giáo dục
vùng đồng bào Raglai tuy chưa thật mạnh, nhưng có thể thấy tỷ lệ học sinh trong
độ tuổi đến lớp ngày càng tăng, mặt bằng dân trí của người Raglai tăng lên rõ
rệt. Tuy nhiên, so với các dân tộc khác và trong điều kiện phát triển hiện nay,
vấn đề giáo dục, nâng cao mặt bằng dân trí ở vùng đồng bào Raglai chưa theo kịp
với đòi hỏi của sự phát triển.
Năm 2004, Học sinh trong độ tuổi đang đi học tiểu
học đạt tỉ lệ 80%, ở cấp THCS đạt tỉ lệ là 60%. Nhưng ở cấp học THPT chỉ đạt
40%. Sau chương trình phổ thông, số học sinh thi đậu tốt nghiệp THCS, THPT được
cử tuyển vào các trường dạy Nghề, Cao Đẳng, Đại học. Tuy chỉ có một số rất ít,
nhưng như vậy chúng ta cũng có thể khẳng định được, người Raglai đã có nhiều
quan tâm đến trình độ giáo dục và đào tạo đối với con em mình. Từ sự hiểu biết,
học chữ. Họ biết cách cải tạo cuộc sống, giảm sự đói nghèo.
Hiện nay, có một số người dân tộc Raglai nhưng có
trình độ học vấn cao, trở thành những đồng chí lãnh đạo chủ chốt như: Đồng chí
Chamaleq Điêu – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, đồng chí
Chamaleq Bốc - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Cao Phai, Trưởng ban
dân tộc tỉnh, một số đồng chí lãnh đạo cấp huyện như: Chamaleq Tiếp, Chamaleq
Phôi, Mấu Thị Bích Phanh, Pi Năng Thị Thuỷ v.v....
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, vấn đề giáo dục,
nâng cao trình độ học vấn của người Raglai còn phát triển chậm. Đảng và Nhà
nước ta đã có nhiều chính sách về văn hoá giáo dục đối với đồng bào các dân tộc
thiểu số. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và ngành giáo dục tỉnh Ninh Thuận trong những năm
qua đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh tốc độ giáo dục, nâng cao trình độ học
vấn cho đồng bào Raglai và bước đầu đã có những kết quả tốt đẹp.
Qua kết quả điều tra về xã hội hóa giáo dục của
những năm qua, chúng ta có thể thấy được mặt bằng dân trí của người Raglai đã
có nhiều khởi sắc, tiến bộ rõ rệt. Mặc dù sự duy trì sĩ số vẫn còn theo hình
tháp của từng cấp học. Nhưng so với điểm xuất phát, đó vẫn là một tín hiệu
mừng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa xã hội, đối với người đồng bào
dân tộc Raglai.
1. Học
sinh trong độ tuổi học cấp I
Tính đến cuối năm 2004, tổng số học sinh trong độ
tuổi đang theo học tại các trường tiểu học là 6.804 em/ toàn tỉnh. Đạt chỉ tiêu
là 80% so với tổng số học sinh đầu năm là 8.430 em. Với tỉ lệ các em theo học ở
các trường tiểu học cao hơn nhiều so với những năm trước đây. Cho chúng ta thấy
mật độ dân trí trong cộng đồng người Raglai có tiến bộ rất lớn. Điều khách quan
ở đây là phần lớn nhờ vào sự tác động lớn lao của các sở, ban ngành trong công
tác giáo dục và đa những chủ trương, chính sách lớn về các vùng sâu, vùng xa
có dân tộc thiểu số sinh sống. Nhưng không phải không còn nhiều trở ngại và khó
khăn trong việc duy trì sĩ số ở các trường thuộc những xã vùng sâu như: Phước
Bình (Bác ái), Tà Nôi (Ma Nới)…Càng lên những lớp học cao hơn thì sĩ số học sinh
cứ ngày một giảm dần. Thực trạng trên do những nguyên nhân sau: Thứ nhất, là do
điều kiện gia đình, cha mẹ chỉ quanh năm làm rẫy, trên núi, việc dạy dỗ các em
bị hạn chế, do cha mẹ không biết chữ. Và tình trạng đầu năm sĩ số đông nhưng
cuối năm thì thưa dần, các em học sinh lớp 1 người Raglai, làm quen với tiếng
kinh đã khó, mà còn phải đánh vần, tập chép còn khó hơn. Chính vì vậy công việc
của người hướng dẫn, dạy dỗ cũng gặp nhiều trở ngại và khó khăn lớn. Sự bất
đồng ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập quán, lối sống, sẽ khiến cho các em học
sinh bị gò bó, khó chịu khi phải tập đánh vần, làm toán, viết chính tả…Một điều
nữa dễ thấy hơn trong thực trạng: Địa hình các lớp học vùng sâu, mùa nắng thì
con số còn đông nhưng mùa mưa thì lớp không có học sinh, do đường sá đi lại
khó khăn, trở ngại. Việc tới tận nhà vận động các em ra lớp của đội ngũ giáo
viên liên tục diễn ra nhưng hiệu quả trở lại lớp của các em không cao. Một điều
không xa lạ như ở Lô 20 xã Hòa Sơn - Ninh Sơn, tình trạng thiếu trường học và
thiếu học sinh đã dẫn tới việc duy trì lớp ghép của tiểu học vẫn còn, là một
tiêu biểu.
Giữa các huyện có người Raglai sinh sống có sự chênh
lệch khá cao về tỉ lệ các em đang theo học. Bác Ái là nơi tập trung nhiều nhất
đồng bào Raglai, nhưng nhìn vào bảng thống kê ta lại thấy tỉ lệ học sinh ở Ninh
Sơn lại đi học cao hơn (12%). Vậy điều trước mắt hiện nay, trong công tác giáo
dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc duy trì sĩ số là quan trọng nhất,
rồi mới tới chất lượng dạy và học.
Việc đề cao công tác xã hội hóa giáo dục đối với các
huyện có người dân tộc thiểu số sinh sống luôn luôn cấp bách và là vấn đề quan
tâm hàng đầu của mọi cấp, mọi ngành. Ngoài việc xây dựng đội ngũ giáo viên lành
nghề, nhiệt tình, bám sát đồng bào, điều đáng quan tâm nữa là phải có chủ
trương và sự chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ các cấp, chính quyền địa phương như
ủy ban nhân dân các cấp (huyện, xã), trưởng thôn, trưởng bản, Các ban vận động xây dựng thôn văn hoá, Mặt trận, các Đoàn thể chính trị, xã hội (Đoàn thanh niên, phụ nữ, Hội nông
dân v.v…) phải
trực tiếp vận động bà con tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, đưa ánh
sáng tri thức về với nhân dân theo Chủ trương, đường lối, Nghị quyết, chính
sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục, tới năm 2010 thì các huyện, thị phải thực
hiện công tác xóa mù, PCGD cho toàn bộ các em học sinh trong độ tuổi đi học.
Vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền, vận động để cán bộ, nhân dân, nhất là
các bậc cha mẹ nhận thức được tầm quan trọng của tri thức. Có tri thức thì mới
có thể xây dựng được cuộc sống mới, từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn
lạc hậu, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Từ nhận thức đó mới có thể xây dựng
được tinh thần tự giác vượt khó học tập.
2. Học
sinh trong độ tuổi học cấp II
Tỉ lệ học sinh đi học cấp II là rất thấp, ảnh hưởng
lớn nhất là việc duy trì sĩ số ở độ tuổi cấp THCS này. Thực tế cho thấy: Học
sinh trong độ tuổi cấp hai, các em đã lớn, thường giúp cha mẹ lên rẫy hay
trông em, vào rừng…mặt khác một số em khi học ở cấp hai thì có em đã lớn tuổi,
mặc cảm, lo chuyện gia đình, có em đã tới tuổi hôn nhân. Vì vậy, tình trạng các
em học sinh bỏ học giữa chừng thường xuyên xảy ra. Ngay như ở Ma Nới có học
sinh mới lớp 7 phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình buộc phải về “bắt” chồng.
Đối với học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu như Bác ái và vùng xa như Ninh
Hải, việc học của các em chỉ ở trên lớp, không có khái niệm học ở nhà, thực tế
khách quan cho thấy: Có em phải lưu ban nhiều năm liền, thấy ngại với bạn bè,
nên nghỉ học, là chuyện thường xảy ra và làm giảm sĩ số so với đầu năm. Việc
duy trì sĩ số đối với học sinh cấp II ở vùng đồng bào Raglai là vấn đề nan
giải, chưa nói đến chất lượng tiếp thu kiến thức của các em ở trên lớp. Chỉ
mới nhìn vào hình thức thực tế: Việc đi học đều đặn, đúng giờ của các em là một
điều rất khó, dẫn tới chất lượng đào tạo giảm thiểu.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế độ, ưu tiên đã đưa
về cho các trường học thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Cấp sách vở,
giấy bút…, không phải đóng tiền học phí, tiền xây dựng hàng năm. Nhưng tình
trạng học sinh vẫn thiếu dần trên lớp khiến cho các nhà chức năng cũng rất khó
xử, không kể chỉ riêng người đứng lớp. Chỉ tiêu đưa ra đầu năm chỉ còn khoảng
65% trong huyện Bác ái, và huyện Ninh Hải chỉ còn khoảng 47% so với đầu năm.
Từ thực trạng và qua so sánh giữa các huyện trong
tỉnh. Đây là vấn đề không đơn giản như chúng ta thường nghĩ và không thể quy
trách nhiệm cho riêng một mình nhà trường hay người giảng dạy. Vấn đề nổi cộm
là chỉ có làm công tác xã hội hóa giáo dục thật tốt thì mới tuyên truyền sâu
rộng trong tầng lớp nhân dân. Thúc đẩy các ban ngành, đoàn thể của địa phương
cùng bắt tay vào công tác giáo dục đào tạo con em mình đến lớp đầy đủ, chuyên
cần. Đội ngũ già làng, trưởng thôn rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận
động đưa học sinh trở lại lớp. Bởi vì họ sát dân, có uy tín trong dân. Học
sinh đến lớp đầy đủ thì trách nhiệm của người đứng lớp sẽ cao hơn, đạt kết quả
hơn.
Việc học sinh không đến lớp học và tình trạng học
sinh vẫn không đủ như chỉ tiêu đưa ra đầu năm, có thể một phần nói đến công
tác xã hội hóa giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số còn khó khăn, nhiều
trở ngại. Cần có nhiều biện pháp hơn nữa kết hợp giữa địa phương và nhà trường
trong công tác tuyên truyền, giáo dục để khắc phục tình trạng thừa giáo viên mà
thiếu học sinh như hiện nay.
3. Học
sinh trong độ tuổi học cấp III
Từ những con số thống kê được cho ta thấy tình hình
học sinh đang theo học ở cấp THPT rất thấp với nhiều nguyên nhân chủ quan và
khách quan:
+ Tỉ lệ học
sinh tốt nghiệp THCS hàng năm không quá 20 em. Hết cấp hai, các em phải nghỉ ở
nhà để lo chuyện gia đình, chuyện hôn nhân, làm ăn xa. Hầu hết các em tốt
nghiệp cấp hai xong là nghỉ luôn ở nhà, việc đi học cấp III rất trở ngại với
các gia đình người Raglai. Điều kiện kinh tế, giao thông, hoàn cảnh gia đình,
sự nhận thức về tri thức, bằng cấp đối với họ không quan trọng.
+ Tình trạng học nửa chừng và thôi không đến lớp còn
phụ thuộc vào sự kiên nhẫn của các em, trường học cấp III thường cách xa nhà,
gia đình, chi tiêu trong khi xa nhà cũng là vấn đề trở ngại với các em. Mặc dù
mọi khoản chi phí đều đã được ưu tiên, song dù sao những sự ưu tiên ấy cũng
chỉ có giới hạn. Bản thân học sinh và gia đình phải có quyết tâm thì mới theo
học được.
Từ thực trạng trên, chúng ta có thể thấy mặt bằng
dân trí của người Raglai càng lên cao thì có nhiều hạn chế hơn, thu hẹp lại.
Nhìn tổng thể, chúng ta thấy công tác xã hội hóa
giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều trở ngại, các ngành
chức năng còn gặp nhiều bất cập, khi công tác vận động tỉ lệ học sinh trong độ
tuổi theo học đầy đủ, đều đặn ở các cấp học là điều nan giải. Riêng sĩ số học
sinh ở cấp THPT thiếu trầm trọng, hầu hết các em học sinh trong độ tuổi này đều
đã giúp cha mẹ những công việc nặng, thành lập gia đình riêng. Hoặc đi làm ăn ở
nơi xa. Vì vậy, tỉ lệ học sinh trong độ tuổi theo học ở cấp này là rất thấp.
Đây là vấn đề cần đợc các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để đem lại quyền lợi
cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
4. Học
sinh trong độ tuổi các trường Dân tộc nội trú
Mặc dù học trong các trường DTNT các em học sinh được
hưởng chế độ ưu tiên rất nhiều như: cấp sách, vở, quần áo, ăn uống, ở nội
trú, tiền học bổng hàng tháng, song tỉ lệ học sinh cũng không cao. Có em bỏ học
giữa chừng, thôi học từ lần đầu tiên khi có chỉ tiêu đến từng thôn.
Với chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh là đẩy nhanh
tốc độ phát triển dân trí, giáo dục vùng đồng bào Raglai, hiện nay, chế độ ưu
tiên về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiều, bên cạnh đó việc nâng cao
dân trí cho đồng bào Raglai trong tỉnh cũng ngày một có hiệu quả cao hơn nhiều
năm trước. Nhưng nhìn chung thì tỉ lệ học sinh đến trường vẫn chưa cao. Vấn đề
này các cấp, ngành ở từng địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa tới quyền
lợi của các em, phải chọn lọc những giáo viên có nhiều tâm huyết, lăn lộn với
nghề, đến từng gia đình để vận động các em ra lớp ở tất cả các cấp học. Làm sao
để đẩy nhanh tốc độ phát triển giáo dục vùng đồng bào Raglai
5. Sinh
viên bậc học Trung học Chuyên nghiệp
Việc đào tạo con em người Raglai tại các trường dạy
nghề trong diện cử tuyển hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng đi học
thấp. Có em học ra trường không xin được việc làm, có em theo học giữa chừng
học không nổi và đành bỏ dở.
Nhìn vào bảng
thống kê, khi so sánh chúng ta thấy số lượng người Raglai tại các trường
chuyên nghiệp là rất thấp. Tình trạng đó do nhiều nguyên nhân: Cái trước tiên
là do trình độ học vấn, nhiều người không học hết cấp hai, không tốt nghiệp cấp phổ thông, không có phông kiến
thức nền nên không tiếp thu nổi. Mặt khác là do điều kiện kinh tế gia đình eo
hẹp, việc học ngày một khó về dung lượng kiến thức. Khó khăn này khiến việc
trụ lại trong các trường chuyên nghiệp của các em không có hiệu quả.
6. Sinh
viên bậc học Cao đẳng
Tình hình người Raglai trong độ tuổi theo học ở
trường Cao đẳng trong toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có 01 trường hợp tại địa bàn
huyện Ninh Hải, thuộc diện cử tuyển, hưởng chế độ ưu tiên của Nhà nước. Vì
vậy cần có nhiều đổi mới hơn nữa về đào tạo cao đẳng trong tình hình học vấn
của người Raglai hiện nay. Một điều đặt ra trong mọi cấp mọi ngành, khi đưa
chỉ tiêu về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm khi chế độ cử tuyển về
tỉnh Ninh Thuận là 15 chỉ tiêu, nhưng số đồng bào Chăm vẫn vợt trội hơn nhiều
so với người Raglai. Đó cũng là một thiệt thòi rất lớn trong công tác đổi mới
giáo dục ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
7. Sinh
viên bậc học Đại học
So với nhiều năm trước đây, tỉ lệ học sinh được
tuyển vào các trường đại học đối với đồng bào Raglai là thấp hơn nhiều. Con số
thống kê cho thấy huyện có số sinh viên trong diện cử tuyển cao hơn các huyện
khác là huyện Bác ái
Từ thực trạng này, các ngành các cấp phải đề ra các
biện pháp cấp bách hơn nữa để làm sao càng ngày càng phải có số sinh viên
Raglai được vào Đại học.
8. Đội
ngũ giáo viên
Đa số giáo viên ở vùng đồng bào Raglai là người
Kinh, khó khăn đầu tiên là sự bất đồng về ngôn ngữ, lối sống, một cái khó khăn
dễ nhận thấy là nhiều giáo viên trẻ mới ra trường, tâm nguyện còn rất lớn, có
sự nhiệt tình, năng nổ, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng
dạy. Ra trường phải phân công lên vùng sâu, vùng xa. Gặp nhiều thiếu thốn về
vật chất, lẫn tinh thần. Việc dạy dỗ các em học sinh người Raglai ở cấp Tiểu
học có nhiều hạn chế. Họ rất dễ gần với đồng bào, với các em học sinh. Nhưng để
gắn kết lâu dài với nơi này thì họ phải suy nghĩ. Và như vậy, mỗi năm sau thời
hạn quy định. Đồng bào, các em lại phải làm quen với thầy cô mới, một cách thức
giảng dạy khác. Tuy đã có nhiều chế độ ưu tiên, ưu đãi cho giáo viên vùng sâu
vùng xa nên có nhiều người xung phong. Nhưng vẫn còn rất nhiều thiệt thòi đối
với các giáo viên giảng dạy ở Phước Bình, Bố Lang, Tà Nôi, Ya Hoa…là những nơi
rất hẻo lánh, giao thông đi lại rất khó khăn, đời sống tinh thần hạn chế. Luơng
tuy có cao hơn so với giáo viên ở đồng bằng, nhưng chi tiêu hàng ngày gặp nhiều
trở ngại, thiếu nước, thiếu rau, đồ ăn, quãng đường đi lại về thăm nhà ở đồng
bằng rất khó khăn, tốn kém. Nhìn tổng thể mức sống của những giáo viên vùng
đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều trở ngại hơn so với những giáo viên ở các
vùng đồng bằng, mà hệ số lương thấp.
Nhìn chung, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương
chính sách để phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, Tỉnh uỷ, Hội
đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có nhiều quyết định, chỉ thị đến các cấp
uỷ đảng, chính quyền để thực hiện. Ngành Giáo dục Ninh Thuận đã có nhiều biện
pháp để trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương đó. Tuy nhiên, có thể
thấy rằng, với một điểm xuất phát về dân trí còn thấp, nhận thức về sự cần
thiết về tri thức chưa cao, công tác tuyên truyền vận động của các ngành các
cấp chưa thực sự triệt để, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn
nên hiệu quả của việc triển khai các chương trình chưa thật sự cao.
Nếu so sánh tình hình học vấn, giáo dục giữa các dân
tộc thiểu số ở tỉnh Ninh Thuận, có thể thấy sự chênh lệch rất lớn. Tỷ lệ học
sinh phổ thông so với dân số Raglai là rất thấp. ở Bác ái tổng số học sinh
Raglai ở cấp I chỉ có 2.649 và ở Ninh Phước tổng số học sinh là 6.548 em. Tỷ lệ
học sinh càng thấp đối với các cấp học cao (hình tháp). Hàng năm, các trường
Đại học đều thông báo chỉ tiêu cử tuyển nhưng rất khó tìm một học sinh người
Raglai tốt nghiệp PTTH. Vì vậy, Ngành giáo dục các cấp phải tăng cường hơn nữa,
nhiệt tâm hơn nữa đối với nền giáo dục đối với con em người dân tộc Raglai, một
dân tộc đã có nhiều đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự
phát triển Kinh tế – Văn hoá - Xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Tình
hình kinh tế xã hội vùng đồng bào Raglai còn phát triển chậm, khí hậu khắc
nghiệt, điểm xuất phát thấp. Mặc dù trong nhiều năm qua, Tỉnh Ninh Thuận đã
thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở hạ tầng như điện đường trường trạm vùng đồng
bào Raglai, nhưng để phát triển, việc đầu tiên là phải nâng cao trình độ dân
trí, giáo dục là quốc sách, đầu tư cho giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Để
kinh tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào Raglai phát triển, phải tập trung đầu tư
cho giáo dục, nhất là thế hệ trẻ.
Để thực hiện thắng lợi, hiệu quả các chỉ tiêu, kế
hoạch về giáo dục vùng đồng bào Raglai, cần thực hiện tốt những vấn đề sau:
+ Tăng cường thực hiện các chế độ ưu tiên về điểm
thi trong các kỳ thi, chế độ cử tuyển theo công văn số 8558/QĐ - Về việc thực
hiện chế độ cử tuyển năm 2000 ngày 14/9/2000, của Bộ GD & ĐT đối với vùng
đồng bào Raglai.
+ Thực hiện đầy đủ các chế độ miễn giảm học phí,
tiền xây dựng, vận động các ban ngành, các doanh nghiệp hỗ trợ việc chu cấp
sách vở, xây dựng trường lớp, tăng cường việc tuyển chọn con em người dân tộc
thiểu số vào các trường Dân tộc nội trú. Tiến hành xây dựng thêm các trường dân
tộc nội trú, phân đấu hết 2005, mỗi huyện có một trường cấp II Dân tộc nội trú.
Hiện nay huyện Ninh Phước chưa có trường Dân tộc nội trú.
+ Tăng cường điều động đội ngũ Cán bộ khoa học kỹ
thuật về các vùng đồng bào Raglai. Có những chính sách cụ thể để mở các lớp
riêng để đào tạo ngôn ngữ Raglai cho người Kinh công tác ở vùng dân tộc Raglai,
tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở là người dân tộc Raglai.
+ Có kế hoạch cụ thể đối với các học sinh Raglai
đang theo học ở các trường dân tộc nội trú, tạo nguồn đều đặn thường xuyên cung
cấp cho các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dự bị Đại học
hàng năm
+ Thực hiện tốt QĐ số 27/ CP ngày 13/2003, Ưu tiên vốn
đầu tư cho việc xây dựng trường lớp, cung cấp thiết bị trường học, đào tạo
giáo viên, đảm bảo yêu cầu phát triển giáo dục cho con em đồng bào dân tộc
thiểu số. Đảng uỷ, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi, tăng cường
công tác tuyên truyền, vận động đồng bào khuyến khích con em đi học.
+ Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với miền núi có
biện pháp cụ thể trong khoản thời gian đến năm 2010 phải căn bản giải quyết
xong nạn mù chữ cho các đối tượng từ 35 tuổi và thanh thiếu niên dân tộc
Raglai.
+ Tạo điều kiện về kinh phí đi lại cho các học viên
tại các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về thăm gia đình
trong các dịp lễ tết và được hưởng học bổng 1,5 lần mức quy định chung.
+ Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ của
năm 2005 Hợp nhất và triển khai chương trình 135 từ năm 1998 đến nay.
XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ CƠ SỞ
Chương XII
XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ CƠ SỞ
Từ những năm đầu
thập kỷ 90 (Thế kỷ XX) cho đến nay, các tỉnh, thành phố trong cả nước đều triển
khai phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở (làng, thôn, khu phố, bản,
ấp, soóc, buôn…) văn hóa. Trong đó lấy văn hóa vừa làm động lực thúc đẩy, vừa
làm mục tiêu phấn đấu nhằm đạt được các mục tiêu như: ổn định, phát triển kinh
tế và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở cơ sở, góp phần thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội ở địa phương.
Năm 1995, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam (UBTWMTTQVN) triển khai Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc
sống mới ở khu dân cư", mục tiêu là xây dựng các Khu dân cư Tiên tiến và
Khu dân cư Xuất sắc. Cuộc vận động này được tiến hành đồng thời về mặt thời
gian, địa điểm, nội dung và đối tượng cùng với công tác xây dựng thôn, khu phố
văn hóa mà Ngành VHTT triển khai thực hiện.
Tiếp theo (1996-1998), là các phong trào: Xây dựng
xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội; Xây dựng nông thôn mới; Xây dựng
cơ quan, đơn vị văn hóa; xây dựng Gia đình văn hóa, Gia đình kiểu mẫu, Gia đình
Nông dân văn hóa, người tốt việc tốt, đền ơn đáp nghĩa… đã tạo nên khí thế thi
đua sôi nổi, thu nhiều kết quả ở cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu
số.
Ngày 16/7/1998,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa
VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc
dân tộc. Nghị quyết đã nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải
pháp lớn, trong đó có giải pháp: "Phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa, huy động mọi nguồn lực nhân dân và cả hệ thống chính
trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã
hội tích cực tham gia phong trào". Nghị quyết cũng nêu rõ: Phong trào bao
gồm các phong trào hiện có như: Người tốt việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Xóa
đói giảm nghèo, Xây dựng Gia đình văn hóa, Làng, xã, phường văn hóa, Toàn dân
đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư... Toàn bộ các phong trào ấy đều
hướng vào cuộc thi đua yêu nước: "Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa ở khu dân cư" là một trong năm cuộc vận động lớn của Phong
trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Tư tưởng chỉ đạo
của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân
cư" là kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của các cuộc vận động, các
phong trào thi đua yêu nước của nhân dân; thực hiện mở rộng và nâng cao hiệu
quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" theo
Nghị quyết TW 5 (khóa VIII). Bắt đầu từ giữa năm 2003, UBMTTQVN tỉnh và Ngành
VHTT phối hợp triển khai thực hiện. Thực chất Cuộc vận động "Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" là xây dựng đời sống văn hóa ở
cơ sở, trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển phong trào ở vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong phạm vi chương này, chúng tôi sử dụng
những phương pháp sau:
- Phương pháp phân tích đánh giá thực trạng về mặt
cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn những vấn đề liên quan đến Cuộc vận động:
"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" vùng đồng
bào Raglai tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra dùng phương pháp thống kê tổng hợp.
- Phạm vi và đối tượng nghiên cứu: Công tác tổ chức
chỉ đạo và cơ sở triển khai triển khai Cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" vùng đồng bào Raglai tỉnh Ninh
Thuận.
- Giới hạn về mặt thời gian: từ cuối năm 2002 đến
hết năm 2004. Trong đó tập trung đánh giá thực trạng Cuộc vận động: "Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" chủ yếu hai năm 2003
và 2004 tại vùng đồng bào Raglai.
Ngày 04/4/2003, Bộ VHTT và UBTWMTTQVN đã ra Thông
báo Số: 18 /TB-BVHTT- MTTQ về Kết quả Hội nghị liên tịch giữa Bộ Văn hóa Thông
tin và Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN về Phong trào "Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Nội dung Thông báo số 18 nêu rõ về
việc thực hiện Thông báo số 12/TB-VPCP ngày 10 tháng 2 năm 2003 về kết luận của
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính Phủ
với Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN, ngày 27/3/2003 tại Hà Nội. Hội
nghị khẳng định Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
ở khu dân cư" là thực hiện nội dung Phong trào"Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII)
ở địa bàn khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, khu phố...)
Thực hiện Quyết định 135/1998 QĐ -TTg, kế hoạch
1504/1998/KH của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về chương trình phát triển
kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu vùng xa; Chỉ thị
39/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 04/1999/QĐ-BVHTT của Bộ Văn
hóa Thông tin về việc đẩy mạnh công tác VHTT ở vùng dân tộc thiểu số... Hàng
năm, Ngành VHTT tỉnh Ninh Thuận đều xây dựng kế hoạch công tác VHTT miền núi,
vùng dân tộc ít người. Đặc biệt là sự phối hợp với các cấp các ngành về phát
triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng dân tộc Raglai đã đưa công tác VHTT
nhiều chuyển biến khởi sắc.
1. Tình
hình triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hoá vùng đồng bào Raglai
Người Raglai sống tương đối độc lập theo từng thôn ở
vùng miền núi, giao thông đi lại khó khăn. Kinh tế chủ yếu làm nương rẫy, phụ
thuộc vào thiên nhiên và trước đây thường có lối sống du canh, du cư.
Về văn hóa truyền thống có thể xếp vào vùng văn hóa
các dân tộc Nam Tây Nguyên, nhưng lại có sự giao thoa, ảnh hưởng với văn hóa
Chăm. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tại Ninh
Thuận, dân tộc Raglai đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước. Trong 18 xã đặc biệt khó khăn với phần đông là đồng bào
Raglai thì đã có 13 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang Nhân dân.
Sau năm 1975, đồng bào Raglai đều xuống núi định cư
theo các thôn, nhưng canh tác nương rẫy vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh
tế. Từ việc thay đổi môi trường sống, sự giao lưu văn hóa đã dẫn đến sự biến
đổi về văn hóa, về cấu trúc xã hội và một số lĩnh vực khác.
Vùng đồng bào Ralai đa số người dân sống bằng nương
rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên, thường xuyên hứng chịu nhiều trận lũ lụt và hạn
hán gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo đói trước năm 2000 còn cao
trên 15% ở nhiều thôn tại hầu hết các huyện: Bác ái, Ninh Hải, Ninh Phước và
Ninh Sơn.
Về hoạt động văn hóa ở cơ sở, hàng loại các thiết
chế văn hóa bị xuống cấp, Ngành VHTT mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao
đời sống văn hóa cho nhân dân nhưng so với nhu cầu vẫn chưa đáng kể. Công tác
xây dựng đời sống văn hóa chỉ mới thực hiện theo chiều từ trên xuống, các thiết
chế văn hóa ở cơ sở cũng chưa tìm ra phương thức hoạt động phù hợp.
Hoạt động về y tế, vệ sinh môi trường và kế hoạch
hóa gia đình (KHHGĐ) cũng có nhiều vấn đề bức xúc. Mỗi xã phường đều có trạm y
tế nhưng còn thiếu thốn về thiết bị, cơ sở vật chất và con người phục vụ.
Trong bối cảnh chung đó Ngành VHTT đã sớm nhìn nhận
ra tầm quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa và giữa năm 1992, đã
đề xuất và tiến hành công tác xây dựng thôn, khu phố văn hóa với nội dung mang
tính toàn diện. Trong đó ưu tiên về xây dựng mô hình điểm tại các thôn đồng bào
Raglai tại các xã Phước Chiến, Phước Chính, Phước Thắng, Phước Đại, Ma
Nới….Trong giai đoạn 2001 – 2004, ngành văn hoá thông tin đã tổ chức triển khai
Cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Trong những năm qua, cuộc vận động đã có sự kế thừa
từ công tác xây dựng thôn, khu phố văn hóa; xây dựng khu dân cư tiên tiến; đã
làm thay đổi đáng kể trên nhiều lĩnh vực đời sống văn hóa-xã hội của tỉnh nhà,
tất cả đều hướng tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ
và văn minh.
Nhằm hạn chế những vướng mắc tồn tại trong qúa trình
triển khai thực hiện, do vậy từ cuối năm 2002 đến nay, Ủy ban Mặt trận và Sở
Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp và tìm ra giải pháp thích hợp có
hiệu quả hơn cho Cuộc vận động, góp phần đáng kể cho việc đẩy mạnh, nâng cao
hiệu quả cho Phong trào.
2. Kết
quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa
Dựa trên cơ sở 4 nội dung của Cuộc vận động tại Ninh
Thuận đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với nội dung của Quy chế công nhận (kèm
theo Quyết định số 01/2002 của Bộ VHTT), chúng tôi tạm thời đánh giá thực trạng
công tác xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào Raglai trong những năm qua như
sau:
1.1.
Xây dựng đời sống kinh tế vật chất
Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong Cuộc vận
động. Từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cơ sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh
đó các cơ sở đã xây dựng được phong trào giúp nhau làm kinh tế, giúp nhau làm
nhà ở, tương trợ lẫn nhau … Kết quả cho thấy thật đáng phấn khởi. Vùng đồng bào
Raglai đã có nhiều hộ khá - giàu như ở: Rã Giữa, Động Thông, Xóm Mới, Phước
Chính, Ma Oai, Tà Lú ….
Từ chỗ ổn định đời sống kinh tế, tăng thêm nguồn thu
nhập nhân dân các khu dân cư từng bước cải thiện nơi ăn chốn ở, mua sắm thêm
các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, phương tiện đi lại …. Xóm làng đều có sự đổi
thay tiến bộ, người dân được ăn no hơn, ngon hơn, mặc ấm hơn, đẹp hơn…
Tuy nhiên, hoạt động về kinh tế tại các cơ sở hiện
nay vẫn còn có những mặt khó khăn hạn chế nhất định. Xuất phát từ nền tảng kinh tế thấp, chậm phát triển, lại
bị kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến đời sống của bà con nhân dân ở các
vùng dân cư. Điều kiện tự nhiên không được thuận lợi, thường xuyên có lũ lụt
trong mấy năm gần đây, mặt khác giá cả nông sản không ổn định cũng gây thiệt
hại lớn về kinh tế cho bà con nông dân.
Vùng miền núi chuyên làm nương rẫy, mùa màng thất thường, chăn nuôi chưa phát
triển, thu nhập thấp nên nghèo đói vẫn đeo bám dai dẳng với nhiều hộ gia đình
vùng đồng bào Raglai. Công tác xóa đói giảm nghèo ở cơ sở vẫn còn bất cập.
1.2.
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần
Nâng cao dân trí học vấn và xóa mù chữ được triển
khai với những chương trình: tăng cường đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng
dạy, đào tạo giáo viên tại chỗ… ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người; xây
dựng cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị giảng dạy; phát động phong trào xóa mù chữ,
phổ cập giáo dục tiểu học… đã làm cho các thôn, khu phố văn hóa chuyển biến rõ
rệt, tiêu biểu như: Cầu Gãy, Phước Chính, Ma Oai, … Đến nay trên 95% số xã có
đồng bào Rag lai đã đạt chuẩn quốc gia về công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo
dục tiểu học.
Nâng cao dân trí là một khái niệm bao hàm về nâng
cao nhận thức, ý thức, quan niệm, ứng xử văn hóa… cho người dân. Tinh thần giúp
đỡ lẫn nhau, ý thức tự giác tham gia Cuộc vận động của người dân ngày càng cao
là kết quả từ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Tiêu biểu nhất trong
phong trào nâng cao dân trí, xã hội hóa các hoạt động VHTT có các cơ sở như:
Hậu Sanh có hủ gạo tình thương giúp đỡ người neo đơn tàn tật, quyên góp hảo tâm
qua các đêm văn nghệ gây quỹ xây dựng hội trường, giúp người gặp khó khăn;
Nhiều thôn có phong trào giúp nhau làm nhà ở, đồi công sản xuất, giúp nhau vốn
làm ăn trong các đoàn thể; Xóm Mới, Ma Oai, Ya Rót có các phong trào giúp nhau
làm nhà ở, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng cảnh quan môi trường và
đường liên thôn, khu sinh hoạt văn nghệ thể thao; Phước Chính có phong trào vệ
sinh thôn xóm định kỳ, cấm hẳn việc mua, bán, uống rượu trắng, duy trì sinh
hoạt chính trị trong những ngày lễ lớn... Cầu Gãy, và nhiều khu dân cư khác...
đã phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị nhà nước trong các hoạt động văn nghệ- thể
thao, trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, nhất là hoạt
động của tổ chức Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân và thanh niên sinh viên
trong các dịp tết, lễ hội của địa phương...
Về chỉ tiêu xây dựng Gia đình văn hóa được coi là
tiêu chuẩn bắt buộc để xây dựng và công nhận danh hiệu thôn, khu phố văn hóa.
Hàng năm các cơ sở đều tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá công tác này và đề
nghị công nhận danh hiệu GĐVH. Các cơ sở đều được hướng dẫn củng cố, xây dựng
đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền, các môn thể thao dân gian, khôi phục,
sưu tầm các trò chơi, lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc… vừa
chào mừng ngày lễ phát động vừa để duy trì và phát triển các loại hình VHTT-TT
về sau. Số gia đình văn hóa đạt cao tại các thôn của huyện Ninh Hải như: Động
Thông 120/203 hộ, Đầu Suối 138/183 hộ, Suối Giếng 275/341 hộ; Cà Rom 76/114 hộ;
Bà Râu 1: 203/370 hộ; Bà Râu 2: 201/373 hộ; Suối Đá 196/247 hộ… các huyện Bác
ái, Ninh Sơn và Ninh Phước cũng đạt tỷ lệ trẹn 50%.
Công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương chính
sách của Đảng và Nhà nước đều được chú trọng thông qua hệ thống truyền thanh ở
cơ sở, qua các chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân, hội họp nhân dân, chiếu
phim, hội thi, hội diễn. Đã làm cho mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân tăng lên
nhiều lần so với trước khi tổ chức phát động xây dựng. Bên cạnh đó nhiều cơ sở
đã xây dựng được phòng đọc sách, báo (từ 120 đến 2.000 bản) kết hợp với hoạt
động của Bưu điện văn hóa xã đã phục vụ tốt nhân dân và thường xuyên được sự
quan tâm của thư viện Tỉnh, Huyện.
Hoạt động VHTT- TT trong những năm gần đây ở cấp
tỉnh cũng như huyện, thị không thể thiếu sự tham gia nồng cốt của các thôn, khu
phố văn hóa, Khu dân cư tiên tiến. Đó là: Liên hoan văn nghệ dân gian và trang
phục thiếu nhi các dân tộc miền núi tỉnh Ninh Thuận lần thứ I -2001, Ngày hội
văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Ninh Thuận lần thứ II- 2003; Liên hoan đưa thông tin về cơ sở
lần VI-2003; Ngày hội thể thao dân tộc Raglai lần thứ III năm 2004…
Hạn chế cơ bản về mặt dân trí ở một số địa bàn dân
cư trong tỉnh còn thấp, nhận thức về Cuộc vận động của một số cơ sở, cán bộ và
nhân dân chưa cao nên kết qủa thu được từ
các cơ sở không đồng đều như dự kiến. Sự trông chờ ỷ lại nhà nước đã làm
cho nhiều cơ sở sau triển khai có phần lắng xuống.
Không ít cán bộ, đảng viên có trình độ học vấn cao
nhưng nhận thức đối với các cuộc vận động ở nơi cư trú lại thấp. Còn quan liêu,
hời hợt không muốn tham gia đóng góp, thậm chí không tham gia sinh hoạt với bà
con nhân dân.
Hoạt động VHTT- TT có những hạn chế vì thiếu kinh
phí tổ chức, các hoạt động mang tính chất hưởng ứng phong trào là chủ yếu,
nhiều cơ sở chưa duy trì thường xuyên. Tình hình bảo quản và sử dụng trang
thiết bị VHTT ở một số cơ sở chưa tốt, hư hỏng nhưng không vận động kinh phí từ
nhân dân để tự sửa chữa.
1.3.
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng môi trường, cảnh quan văn hóa
ý thức phòng bệnh, chữa bệnh, ăn ở hợp vệ sinh của
người dân được nâng cao kể từ khi triển khai Cuộc vận động. Đây là sự chuyển
biến rất lớn ở vùng miền núi, dân tộc ít người. Các cơ sở hàng tháng đều tổng
dọn vệ sinh toàn làng, khu phố từ 1-2
lần. Chú trọng nhiều hơn đến công tác xây dựng cảnh quan môi trường: giải tỏa
các điểm gây ô nhiễm, nâng cấp đường sá, trồng cây xanh... Việc thực hiện dân
số KHHGĐ không còn xa lạ đối với đồng bào Raglai. Tại các khu dân cư miền núi
đã giảm 90-100% bệnh sốt rét, các loại bệnh tật khác đều giảm, sức khỏe cộng
đồng đã có sự tăng lên.
Chăn nuôi thả rong trong khu dân cư ảnh hưởng đến
môi trường cảnh quan vẫn chưa được khắc phục tại một số làng Raglai. Công tác
vận động nhân dân giảm uống rượu để dành thời gian lao động và nâng cao sức
khoẻ chưa được đẩy mạnh. Nhiều hộ gia đình vùng Raglai còn sinh con đông.
1.4.
Phát huy dân chủ, tôn trọng pháp luật xây dựng quốc phòng toàn dân, tích cực
phòng chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra; Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tại các cơ sở đều củng cố lại
đội dân phòng, lực lượng dân quân tự vệ, tổ hòa giải, tổ tự quản…. Vận động
quần chúng tham gia phong trào bảo vệ Tổ quốc, an ninh thôn xóm, tự hòa giải
các mâu thuẫn nội bộ, qua đó mà khối đoàn kết cộng đồng ngày càng bền chặt.
Thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự tại các thôn,
khu phố văn hóa, khu dân cư tiên tiến luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Gần đây các
làng dân tộc Chăm, Raglai có nhiều thanh niên tình nguyện tham gia nghĩa vụ
quân sự. Tình quân dân càng gắn bó hơn, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trên các lĩnh
vực văn hóa- xã hội. Đặc biệt là bộ đội Biên phòng: Đồn 404, 408, 416, Tiểu
đoàn 610 Anh hùng, Lữ đoàn đặc công 126 (Đoàn 5) … đối với các cơ sở trong tỉnh
trong đợt lũ lụt tháng 11 năm 2003. Nhờ xây dựng mô hình “Tổ nhân dân tự quản”
trong khu dân cư nên có điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, tình nghĩa
xóm làng càng thêm gắn bó. Nhờ đó mà các mâu thuẫn đều được Tổ tự quản đứng ra
hòa giải. Cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của từng hộ
dân, qua đó có động viên giúp đỡ kịp thời.
Công tác phòng chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội,
gìn giữ trật tự an toàn xã hội thu được nhiều kết quả. Đặc biệt các vụ uống
rượu say gây rối đã giảm hẳn, tệ cờ bạc, tệ số đề, mại dâm, ma túy hầu như
không xảy ra ở vùng đồng bào Raglai. Việc ma chay, hiếu hỷ, lễ nghi, lễ hội …
bước đầu đều do Ban phong tục của các cơ sở điều hành theo nếp sống văn hóa
mới, giảm nhẹ sự rườm rà tốn kém cho nhân dân. Mỗi Khu dân cư đều xây dựng Qui
ước văn hóa, đảm bảo cho người dân sống và làm việc theo pháp luật của Nhà
nước, phát huy dân chủ tôn trọng pháp luật, xây dựng quốc phòng toàn dân, phòng
chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự xóm làng.
Tuy vậy, tình trạng uống rượu cồn tuy có giảm nhưng
vẫn còn nhiều tại các khu dân cư trong tỉnh, nhất là vùng miền núi, vùng sâu,
vùng xa. Việc xây dựng quy ước văn hóa đã tiến hành trước khi tổ chức triển
khai Cuộc vận động nhưng phần lớn chưa thực hiện tốt. Mặt khác tiếp tục triển
khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và xây dựng quy ước, hương ước làng,
bản, thôn, ấp hiện nay thực sự chồng lên nhau nên người dân khó chấp thuận và
thực hiện.
Thực tế hai năm (2001 và 2002), Cuộc Vận động chưa
thực sự triển khai rộng khắp trong toàn địa bàn khu dân cư, do vậy các số liệu
thống kê không đầy đủ và theo chuyên ngành phụ trách riêng về công tác xây dựng
thôn, khu phố văn hóa và Cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc
sống mới ở khu dân cư". Riêng năm 2003 và 2004, số liệu thống kê Cuộc vận
động toàn tỉnh như sau:
- Đã xây dựng 39/77 thôn văn hóa dân tộc Raglai;
Hàng năm, phục vụ văn hóa văn nghệ 85/80 buổi/năm cho các xã miền núi với lực
lượng chính là Đội Thông tin Văn nghệ miền núi và Đội Thông tin lưu động của
các huyện, thị; Hoàn thành 100% đầu tư, phục vụ sách báo cho các xã miền núi
theo chỉ tiêu đề ra là 720 sách báo; tạp chí cho 25 điểm Bưu điện văn hóa xã;
luân chuyển 100 đầu sách báo cho mỗi thôn văn hóa miền núi/năm; 20 sách thiếu
nhi cho mỗi đợt Đội Thông tin Văn nghệ miền núi Tỉnh đi phục vụ miền núi; Tổ
chức nhiều đợt đi sưu tầm văn hóa Raglai; Hoàn thành đề án trưng bày hiện vật
Nhà truyền thống Bác ái; Phục vụ 270/266 buổi chiếu phim/năm tại các xã miền
núi, trong đó đã lồng tiếng Raglai 7/7 phim trong một năm; Xây dựng và củng cố
18 đội văn nghệ của thôn văn hóa tại 18 xã đặc biệt khó khăn.
- Ký kết liên tịch với Sở Thể dục- Thể thao, để chú
trọng phát triển phong trào cho các xã miền núi; Ký kết liên tịch với UBMTTQVN
Tỉnh triển khai Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
ở khu dân cư "; Ký kết liên tịch với các ngành: Sở Giáo dục, Y tế, Công
an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Liên đoàn Lao động tỉnh
trong công tác xây dựng đời sống văn hóa.
- Tổ chức lớp truyền dạy văn nghệ dân gian cho thiếu
nhi Raglai; Tập huấn học tập và quán triệt Nghị quyết TW5 cho đội ngũ VHTT các
xã miền núi trong tỉnh và hàng năm tổ chức 1 lớp tập huấn cho cán bộ VHTT xã,
phường, các tổ công tác dân vận thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng trong tỉnh...
- Tổ chức liên hoan văn hóa văn nghệ các dân tộc
thiểu số tỉnh Ninh Thuận. Đặc biệt là đã tổ chức có hiệu quả ngày hội Việt Nam
hóa Thể thao dân tộc Raglai toàn tỉnh lần thứ III- 2004.
Bên cạnh đó còn hạn chế tồn tại như sau: Mặt bằng
dân trí chưa cao trong nhân dân vùng dân tộc thiểu số; Đội ngũ làm công tác
VHTT miền núi còn kiêm nhiệm và hạn chế về mặt chuyên môn; Đời sống kinh tế của
đồng bào còn thấp so với các vùng dân cư khác trong tỉnh; Cơ sở vật chất phục
vụ công tác VHTT miền núi còn thiếu thốn, hạn hẹp; Sự tác động của nền kinh tế
thị trường đã làm mai một không ít vốn văn hóa truyền thống và tôn giáo của
đồng bào Raglai.
THỐNG KÊ GIA ĐÌNH VĂN HÓA RAGLAI NĂM 2003 - 2004
Những kết quả trên đều được xuất phát từ sự ủng hộ
nhiệt tình và tham gia tích cực của cán bộ và nhân dân ở cơ sở, đã tạo ra bước
chuyển biến mới cho nhiều vùng dân cư trong tỉnh. Mặt khác, trên các lĩnh vực
của đời sống xã hội sự tham gia của các cấp, các ban ngành đã tạo điều kiện
thuận lợi cho các cơ sở thực hiện tốt các nội dung trong Cuộc vận động. Sự kế
thừa của công tác xây dựng thôn, khu phố văn hóa và Cuộc vận động Toàn dân đoàn
kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư đã làm cho đời sống văn hóa ở cơ sở
chuyển biến về nhiều mặt. Tuy nhiên, nếu so sánh số liệu với các tỉnh thành
trong cả nước thì Ninh Thuận còn thấp.
Trong những năm qua khí hậu thời tiết thất thường,
diễn ra nhiều trận lũ lụt lớn. Nương rẫy vùng cao thất thu, đời sống người dân
rất khó khăn.
Kinh tế đi lên từ nền kinh tế thấp, nghèo nàn, không
có ngành kinh tế nào phát triển mang tính đột phá, chủ đạo. Công nghiệp, nông
nghiệp, ngư nghiệp phát triển ở mức trung bình.
Lịch sử, tôn giáo, dân tộc và văn hóa truyền thống
Ninh Thuận khá phong phú và đa dạng, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu
mang tính ứng dụng thực sự cho Cuộc vận động. Do vậy khi triển khai thực hiện
chưa sát với thực tế của các vùng đồng bào Raglai trong tỉnh.
Nhận thức và quan niệm về Cuộc vận động và Phong
trào của các Ban Chỉ đạo và cán bộ ở cơ sở chưa thống nhất cao. Do đó tại nhiều
địa phương, tuy có triển khai vận động nhân dân thực hiện nhưng lại không tổ
chức sơ kết đánh giá, không nhân rộng điển hình. Trong những năm qua, do thiếu
kinh phí nên không tổ chức sơ kết, đánh giá, không tiến hành bình xét công nhận
Gia đình văn hóa. ý thức cộng đồng trách nhiệm của các cấp các ban ngành chưa
cao. Sự tự thân vận động của nhân dân chưa phổ biến và thực hiện quy ước văn
hóa ở cơ sở chưa hiệu qủa.
Nội dung xây dựng mang tính toàn diện, nhưng sự
thống nhất giữa các cuộc vận động chưa cao, gây ra phiền phức cho cơ sở khi
thực hiện. Giữa nội dung triển khai và tiêu chí công nhận có khi không thống
nhất, có sự thay đổi thường xuyên từ Trung ương đến các ngành chủ quản của
tỉnh. Nhiều cuộc vận động, phong trào phối hợp chưa hiệu qủa, chồng chéo và dồn
nén xuống cơ sở.
Kết qủa trên là sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương,
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận thể hiện qua các nghị quyết, chỉ
thị và cơ chế tài chính cho Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa". Sớm có chủ trương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp
đó Bộ VHTT có nhiều văn bản chỉ đạo và nhất là khi Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII)
ra đời càng khẳng định tính đúng đắn về vị trí và tầm quan trọng của Phong trào
và Cuộc vận động. Mặc dù chưa thống nhất cao về nội dung và phương pháp triển
khai nhưng giữa Ngành VHTT và Ủy ban MTTQ các cấp đã sớm ban hành các văn bản
mang tính pháp quy và các tài liệu hướng dẫn cho Cuộc vận động.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo các cấp đông nhưng chưa mạnh,
hoạt động chưa đều tay thiếu những chương trình cụ thể, thiếu kiểm tra đôn đốc.
Thay đổi thường xuyên, hướng dẫn triển khai chủ yếu bằng văn bản hành chính.
Nhiều cơ sở Đảng chưa phát huy vai trò lãnh đạo của mình trong Cuộc vận động.
Bộ máy điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các
cấp được củng cố và hoạt động điều hành tốt. Những nơi nào mà cấp ủy, chính quyền
địa phương và các đoàn thể quan tâm thì ở đó mang hiệu quả cao cho Cuộc vận
động. Đa số các Ban vận động đều làm tốt chức năng của mình ở địa phương, nhưng
đều là những thành viên kiêm nhiệm, làm việc với lòng nhiệt tình là chính mà
không có chế độ thù lao.
Công tác thi đua, khen thưởng động viên Phong trào
và Cuộc vận động chưa kịp thời, triển khai chậm và rời rạc.
Mặc dù việc học tập kinh nghiệm từ tỉnh thành trong
những năm qua ít được quan tâm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng
đời sống văn hóa cơ sở hàng năm có tổ chức nhưng phần lớn bị xáo trộn và chuyển
công tác khác, nhưng nhìn đội ngũ trực tiếp với cuộc vận động đều yêu ngành,
yêu nghề, chịu khó về cơ sở.
Tuy vậy, các cấp chưa có cán bộ chuyên trách với
Cuộc vận động, đội ngũ làm công tác xây dựng đời sống văn hóa vừa thiếu lại vừa
yếu, ít được qua đào tạo và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Mặt khác kinh tế
thị trường tác động mạnh đến các vùng dân cư, bên cạnh những mặt tích cực còn
kéo theo những tiêu cực trong đời sống xã hội.
Cuộc vận động đã được các cấp, các ngành quan tâm và
cộng đồng trách nhiệm. Một số cuộc vận động, phong trào mang tính xã hội hóa
cao ở cơ sở cũng tác động tích cực đến cuộc vận động. Mặt khác, Ủy ban MTTQ và
Sở VHTT cũng đã liên tịch, phối hợp với: Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Thể dục
Thể thao, Y tế, Công an, Bộ chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng trong công tác
xây dựng đời sống văn hóa đã tác động to lớn đối với Cuộc vận động trong năm
qua mang lại hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội cho nhân dân
trong tỉnh.
Song trong quá trình chỉ đạo, phối hợp thực hiện vẫn
còn hạn chế và lúng túng; ít phát huy sức mạnh tổng hợp, tính tự quản và chủ
động sáng tạo của cơ sở chưa cao, nên chưa huy động được các nguồn lực trong
nhân dân.
Yếu tố thành công trong Cuộc vận động chính là sự tự
quản lý, điều hành của nhân dân địa phương dưới sự hướng dẫn của Nhà nước, tức
là Cuộc vận động này phải nghiêng về phía nguồn lực nội sinh của từng khu dân
cư; là trí tuệ sáng tạo của cộng đồng và di sản văn hóa cộng đồng, trong đó vai
trò cá nhân có một ý nghĩa quan trọng. Thực tế cho thấy nơi nào có sự tự thân
vận động cao, cán bộ có trình độ, năng lực, đạo đức tốt thì nơi đó Cuộc vận
động phát triển và việc vận động nhân dân mang nhiều hiệu qủa to lớn.
4. Giải
pháp, kiến nghị
4.1. Nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động trước hết cần phải
tiếp tục thống nhất nội dung Cuộc vận động cho phù hợp với Quy chế Công nhận thôn, khu phố văn hóa do Bộ VHTT
ban hành và Thông báo số 18 Liên tịch giữa UBTƯMTTQVN và Bộ VHTT. Cụ thể nội
dung Cuộc vận động phải xây dựng trên 4 vấn đề chính sau:
* Xây dựng đời sống kinh tế vật chất;
* Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần;
* Xây dựng môi trường, cảnh quan văn hóa;
* Chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính
sách phát luật của Nhà nước và thực hiện nghĩa vụ công dân;
- Xây dựng gia đình cần phải thống nhất trong các
cuộc vận động khác của Phong trào là cùng tên gọi và cùng nội dung xây dựng Gia
đình văn hóa. Có như vậy mới tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cuộc
vận động. Bởi vì xây dựng gia đình văn hóa như là chiếc cầu nối và mối quan hệ
ràng buộc giữa các cuộc vận động trong
Phong trào chung. Nội dung xây dựng Gia đình văn hóa cơ bản là:
* Đời sống kinh tế, vật chất ổn định và phát triển.
* Đời sống văn hóa, tinh thần phong phú và lành
mạnh.
* Gia đình hòa thuận, hạnh phúc và tiến bộ:
* Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đoàn kết và tương
trợ cộng đồng:
- Triển khai Cuộc vận động dựa trên một quy trình
thống nhất như sau:
* Bước 1: Tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng
nhân dân.
* Bước 2: Kiện toàn và củng cố Ban chỉ đạo Phong
trào cấp xã phường và thành lập Ban vận động Cuộc vận động ở tất cả các thôn,
khu phố.
* Bước 3: Tổ chức khảo sát thống kê tình hình kinh
tế- xã hội, viết báo cáo về lịch sử và tình hình kinh tế- văn hoá- xã hội của
thôn, khu phố.
* Bước 4: Lập và thông qua nhân dân Đề án triển khai
Cuộc vận động.
* Bước 5: Lập và thông qua nhân dân hương ước,
quy ước văn hóa.
* Bước 6: Tổ chức cho nhân dân đăng ký thực hiện 4
Nội dung Gia đình văn hóa và 4 Nội dung Cuộc vận động.
* Bước 7: Tổ chức Lễ triển khai Cuộc vận động.
* Bước 8: Tổ chức sơ kết Cuộc vận động hàng năm.
* Bước 9: Tổ chức tổng kết Cuộc vận động, xem xét và
đề nghị các cấp công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; Khu dân cư tiên tiến,
Thôn-Khu phố văn hóa.
- Tăng cường công tác thi đua khen thưởng, khuyến
khích động viên nhân dân ở cơ sở cùng với công tác tuyên truyền vận động các
tầng lớp nhân dân tích cực tham gia Cuộc vận động.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết,
tổng kết đúc rút kinh nghiệm, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận
động.
- Tăng cường hơn nữa công tác vận động nhân dân xây
dựng và thực hiện Quy ước văn hóa cộng đồng ở khu dân cư.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp triển khai thực
hiện trên tinh thần trách nhiệm của các cấp, ban ngành trong tỉnh đối với Cuộc
vận động.
- Tăng thêm nguồn lực, kinh phí hoạt động cho Cuộc
vận động.
Hướng cơ bản để triển khai Cuộc vận động là bám sát
Kế hoạch số 1545/KH của Ban chỉ đạo Phong trào Tỉnh và Quy trình như đã nêu
trên. Về thời gian và công việc chính tóm tắt hàng quý trong một năm trong Cuộc
vận động như sau:
- Quý I tổ chức, triển khai.
- Quý II đôn đốc, thực hiện.
- Quý III kiểm tra, giám sát.
- Quý IV đánh giá, sơ kết.
Trong quý IV hàng năm phải tổ chức đồng loạt ở cơ sở
Ngày hội đoàn kết dân tộc (18/11). Riêng quý IV năm 2005, tổ chức hội nghị đánh
giá 5 năm triển khai Cuộc vận động. Chỉ tiêu đến hết năm 2005, toàn tỉnh có 95%
cơ sở triển khai Cuộc vận động. Trong đó có 60% đạt Khu dân cư Tiên tiến; 120
cơ sở phát động xây dựng thôn, khu phố văn hóa và có 30 được công nhận danh
hiệu Thôn, khu phố văn hóa cấp huyện, thị, 40 cấp tỉnh. Trong chỉ tiêu trên 20%
phải đạt được tại vùng đồng bào Raglai.
Sau hơn 12 năm triển khai xây dựng đời sống văn hóa,
tỉnh Ninh Thuận đặc biệt chú trọng và ưu tiên đến vùng đồng bào Raglai. Một số
thôn văn hóa dân tộc Raglai đã tự xây dựng thiết chế văn hóa của mình và bước
đầu hoạt động có hiệu quả. Đó là mô hình hoạt động của một cụm nhà sàn truyền
thống của các thôn: Xóm Mới, Ya Rót; Suối Rua; Bố Lang; Ma Oai… Qua đó chúng
tôi thấy rằng: để phát huy bản sắc văn hóa, khắc phục những hạn chế trong công
tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã
dẫn đến sự cần thiết phải có mô hình thiết chế cụm nhà sàn văn hóa tại các thôn
(paley) người Raglai. (Xem phần phụ lục)
Kinh tế có tốc độ phát triển cao nhưng vẫn thuộc một
trong những tỉnh nghèo, do đi lên từ nền kinh tế thấp, văn hóa chưa thực sự làm
động lực thúc đẩy cho kinh tế phát triển. Khó khăn lớn nhất là đời sống kinh
tế, mặt bằng dân trí của nhân dân chưa cao, còn chênh lệch giữa các vùng dân
cư. Kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ làm cho nhiều ngành không bắt kịp guồng
máy chung của xã hội. Các loại hình văn hóa đa dạng đua chen xâm nhập, cho nên
một bộ phận không nhỏ trong nhân dân chạy theo lợi nhuận bất chấp tác hại của
văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng đến luân thường đạo lý truyền thống. Chính vì vậy
mà sau khi vừa chia tách tỉnh (1992), Ngành Văn hóa Thông tin (VHTT) Ninh Thuận
đã chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó lấy văn hóa
vừa làm động lực thúc đẩy, vừa làm mục tiêu phấn đấu nhằm đạt được các mục tiêu
như: ổn định, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho
nhân dân ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội ở địa
phương. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được Ngành VHTT quan tâm đặc biệt là
công tác xây dựng thôn, khu phố văn hóa. Hiện nay, công tác xây dựng thôn, khu
phố văn hóa đang tiếp tục tiến hành và thống nhất cùng với Cuộc vận động:
"Toàn dân đoàn kết xây dựng cuốc sống mới ở khu dân cư" thành Cuộc
vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
- UBMTTQVN và Bộ VHTT nên thống nhất toàn quốc giữa
nội dung Cuộc vận động và Quy chế công nhận các danh hiệu trong Cuộc vận động.
- Ủy ban nhân dân tỉnh cần ban hành một chính sách
đầu tư thích đáng, thống nhất và thuận lợi cho Cuộc vận động.
- UBMTTQVN và Sở VHTT nên tổ chức tham quan thực tế,
học tập kinh nghiệm của các tỉnh thành trong cả nước về Cuộc vận động.
- Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào nên phát hành tờ
tin, tập san định kỳ để phản ánh kịp
thời các cuộc vận động trong Phong trào.
- Các cấp, các ngành cần có biện pháp mạnh để loại
trừ các điểm kinh doanh nhà hàng, karaoke, dịch vụ ăn uống không lành mạnh tại
các khu dân cư.
- Thành lập Tổ công tác gồm 3 người (biên chế ngành
VHTT) để giúp Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Phong trào nói chung và Cuộc vận động
nói riêng.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một công
tác trọng tâm của ngành VHTT, xuất phát từ trong thời kỳ kháng chiến chống thực
dân Pháp và do Bác Hồ khởi xứng chỉ đạo. Trong tác phẩm "Đời sống
mới" ấn hành năm 1947, Người chỉ rõ mục đích của việc xây dựng đời sống
mới là "làm thế nào để cho đời sống của nhân dân ta vật chất được đầy đủ
hơn, tinh thần được vui mạnh hơn". Theo Người, xây dựng đời sống văn hóa
mới "vừa là việc riêng của từng người, vừa là việc chung của từng nhóm
người, của toàn xã hội". Những tư tưởng quý báu đó được Đảng ta tiếp thu,
nâng cao trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nền văn hóa đất nước.
Từ những phong trào đơn lẻ của các tỉnh phía Bắc đã
lan rộng khắp toàn quốc về công tác xây dựng làng (thôn, khu phố, bản, ấp,
soóc, buôn…) văn hóa, đã làm cho đời sống văn hóa- xã hội tại nhiều địa phương
có những bước chuyển biến mới khởi sắc trong thời kỳ đổi mới. Các phong trào,
các cuộc vận động khác tiếp tục ra đời và phát triển trong phong trào chung:
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" theo tinh
thần của Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII). Qua nhiều lần thống nhất tên gọi,
nội dung, phương pháp chỉ đạo, Cuộc vận động đã được triển khai trên địa bàn
tỉnh Ninh Thuận từ cuối năm 2001. Bước đầu có hiệu quả trên sự kế thừa và phát
triển của nhiều cuộc vận động trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở,
nhất là trong năm 2003 và 2004.
Những vấn đề đã trình trong đề tài này chủ yếu là
nhằm làm rõ mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò và phạm vi hoạt động của Cuộc
vận động, qua đó nêu và phân tích các khái niệm, quan điểm về mặt lý luận để so
sánh, đánh giá kết quả đạt được và đối chiếu với các cuộc vận động khác trong
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Thực tiễn 3
năm triển khai Cuộc vận động ở vùng đồng bào Raglai cho thấy những ưu điểm cũng
như một số vấn đề còn hạn chế của nó. Kết quả và nguyên nhân dẫn đến thực trạng
hiện nay của Cuộc vận động đang có xu hướng phát triển và được phần lớn nhân
dân ở cơ sở ủng hộ. Các hướng giải pháp, hướng triển khai và một số kiến nghị
với các cấp các ngành đối với Cuộc vận động này được trình bày trên cơ sở lý
luận và thực tiễn ở Ninh Thuận. Hy vọng, được sự quan tâm của các cấp các ngành
và những người tham gia triển khai Cuộc vận động để đưa Cuộc vận động này ngày
càng có hiệu quả cao hơn.
KẾT
LUẬN
Phần thứ ba
KẾT
LUẬN
1. Tộc người Raglai đang lưu giữ một
kho tàng văn hóa truyền thống có giá trị đặc sắc.
Thời
điểm mà chúng tôi thực hiện công trình điều tra, thống kê này là từ năm 2003
đến 2004, đây là thời điểm quá muộn để thống kê văn hóa một tộc người. Chắc
chắn rằng chỉ trong vài chục năm trở lại đây, văn hóa truyền thống của tộc
người Raglai đã mất đi nhiều. Các nghệ nhân cứ lần lượt ra đi mang theo kho tư
liệu sống quý giá mà hình như, đây là những thế hệ nghệ nhân cuối cùng. Trong
thời đại phát triển ngày nay, liệu thế hệ trẻ có chịu ngồi học thuộc từng câu
hát sử thi đêm này qua đêm khác, thàng này qua tháng khác, năm này qua năm
khác. Nhưng dù sao, có còn hơn không. Hãy xem xét thực trạng, kiểm kê, đánh giá
những gì còn lại của văn hóa truyền thống Raglai để tìm ra định hướng, bảo tồn
và phát huy.
Qua điều tra, thống kê ở 78 thôn, 24 xã vùng đồng bào Raglai cư trú cho
thấy, tộc người Raglai đang lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống rất đa
dạng, phong phú, đặc sắc, có giá trị đóng góp to lớn vào sự thống nhất trong đa
dạng của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là hệ thống văn hóa vật thể và
phi vật thể. Tuy nhiên, với hai loại hình văn hóa này, những gì còn lại của kho
tàng văn hóa truyền thống Raglai nghiêng về mảng văn hóa phi vật thể nhiều hơn.
1.1.
Văn hóa vật thể
Với truyền thống du canh du cư, những công
trình văn hóa vật thể của tộc người Raglai không có/còn nhiều. Chủ yếu là các công
cụ lao động, sinh hoạt, nhạc cụ truyền thống, nhà sàn, những hiện vật trong nhà
bảo tàng, nhà truyền thống. Nhờ có nghề rèn, người Raglai tự làm ra công cụ lao
động nông nghiệp bằng kim loại như rìu, rựa, dao để chặt cây làm nhà ở, phát
rẫy, ní để chọc lỗ trỉa hạt. Nhờ có nghề đan lát nên người Raglai tự làm ra
gùi, mủng, nia và các vật dụng khác. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ,
người Raglai đã sáng tạo ra bẫy đá, làm bàn chông, ná/nỏ để tiêu diệt địch.
Bẫy đá Pi Năng Tắc là một quần thể di tích chiến tranh vô giá của đồng
bào Raglai nói riêng và của cả nước nói chung. Di tích này đã được Bộ VHTT xếp
hạng di tích quốc gia từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được trùng tu tôn tạo.
Các nhà quản lý cần có kế hoạch lập dự án bảo tồn, tôn tạo và giới thiệu, quảng
bá về khu di tích lịch sử quý giá này.
Do điều kiện sống du canh du cư lâu đời, người Raglai không làm những
ngôi nhà làng kiên cố như các dân tộc ở Tây Nguyên. Nhà sàn truyền thống của
người Raglai có phần đơn giản, không sử dụng kỹ thuật cao. Nhà sàn dài truyền
thống của người Raglai hầu như không còn, chỉ còn lại một số nhà sàn 4 mái và 2
mái nhưng cũng không cao lớn và kiên cố.
Sự giàu có về văn hóa vật thể của tộc người Raglai phải kể đến nhạc cụ.
Theo thống kê của công trình này, có thể thấy trong 78 palơi ở 24 xã Raglai, ở
palơi nào cũng có hệ thống nhạc cụ truyền thống (xin xem các biểu thống kê nhạc
cụ ở chương V, trang...). Nhiều nhất phải nói đến Mã la, một loại nhạc cụ gõ
bằng đồng mang tính chất cồng chiêng Tây Nguyên. Trong 78 thôn còn 220 bộ với
1772 chiếc. Chỉ tính riêng ở huyện Bác Ái đã có 146 bộ, 1062 chiếc. Nếu đem
chia cho 9 xã, 36 thôn thì bình quân mỗi xã còn 4 bộ mã la với 32 chiếc. Một
con số không nhỏ. Nhưng, điều đáng ngại là hiện nay, số người yêu thích, học để
sử dụng mã la không nhiều. Số lượng khèn bầu, sáo, đàn Chapi và một số nhạc cụ
khác ngày càng ít. Cả 78 thôn hiện chỉ còn 70 chiếc khèn bầu, 63 chiếc trống,
do ít người biết làm và khó tìm ra được quả bầu đắng để làm khèn. Đây là số
lượng nhạc cụ đáng báo động, cần có biện pháp khôi phục nghề làm nhạc cụ và
truyền dạy cách sử dụng. Lễ hội ngày càng ít được tổ chức, dẫn đến việc những
nhạc cụ dùng trong lễ cũng bị quên lãng.
Về trang phục truyền thống cũng là vấn đề cần đươc quan tâm. Trước hết
là vấn đề nhận thức. Hiện có quan điểm cho rằng, trang phục truyền thống của
người Raglai đã mất, mặc dù các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã cất công sưu
tầm, tổ chức hội thảo, phổ biến trong đồng bào Raglai một số mẫu trang phục cổ
truyền, nhưng số lượng người may và mặc nó rất ít, chỉ có một số cán bộ và một
số chị em (nhờ có sự chỉ đạo) mặc trong các ngày lễ, ngày hội. Hiện nay, các
nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về trang phục nam giới Raglai truyền thống.
1.2.
Văn hóa phi vật thể
Văn hóa vật thể, nếu không được làm bằng các loại vật liệu bền vững thì
sẽ dễ dàng mất đi, còn văn hóa phi vật thể sẽ tồn tại lâu bền hơn. Những kỳ
quan thế giới vườn treo Babilon, ngọn Hải đăng Alecxandria v.v...đã mất từ lâu,
nhưng những huyền thoại về nó thì vẫn sẽ còn mãi mãi. Vì văn hóa vật thể bao
giờ cũng chứa đựng trong nó những giá trị văn hóa phi vật thể.
Văn hóa vật thể đa phần thể hiện mặt hình thức. Khi đến với tộc người
Raglai, nếu chỉ nhìn hình thức bề ngoài, sẽ dễ dàng ngộ nhận rằng văn hóa của
tộc người này đã bị mai một nhiều, không còn cái gì của riêng nữa. Thế nhưng,
khi đi sâu vào nghiên cứu mới thấy sự đa dạng, phong phú, đặc sắc văn hóa của
tộc người này, thể hiện đậm nhất trong kho tàng văn học dân gian như sử thi,
trường ca, chuyện cổ, thành ngữ, tục ngữ, câu đố v.v...trong kho tàng âm nhạc
dân gian như các làn điệu dân ca, dân vũ v.v...trong kho tàng lễ hội, văn hóa
ẩm thực, trò chơi dân gian v.v...mà công trình này đã điều tra, thống kê được.
2.
Đánh giá thực trạng văn hóa Raglai
Qua những số liệu điều
tra về văn hóa truyền thống, có thể thấy dân tộc Raglai ở Ninh Thuận đang lưu
giữ một kho tàng văn hoá phi vật thể đồ sộ, phong phu và có giá trị truyền
thống đặc sắc. Những giá trị văn hoá ấy được hình thành và được chau chuốt, mài
dũa thành những viên ngọc văn hoá dân gian qua hàng nghìn năm. Thế nhưng, những
viên ngọc sáng ấy đang dần dần mất đi theo năm tháng. Vấn đề là sau khi thực
hiện công trình này, các nhà quản lý, các nhà khoa học cần có những biện pháp
như thế nào để cấp bách bảo tồn, phát huy vốn văn hoá truyền thống độc đáo và
phong phú này.
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật,
giao lưu văn hóa mạnh mẽ, các nền văn hóa đang xích lại gần nhau nên tốc độ
giao thoa, đan xen, hỗn dung văn hóa đang tăng nhanh chóng. Những giá trị văn
hóa cổ truyền của các dân tộc đang có nguy cơ mai một. Trong xu thế
phát triển hiện nay, mặc dù vùng đồng bào Raglai phát triển còn chậm so với một
số vùng khác, nhưng những giá trị văn hoá truyền thống đang mất đi nhanh chóng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một, mất mát này. Trước hết là ý thức của
chính những người dân Raglai. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vùng đồng
bào Raglai ở Ninh Thuận đang đổi thay từng ngày. Chính sách định canh định cư,
phát triển hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm và sự phát triển ồ ạt
của các phương tiện thông tin đại chúng như phủ sóng truyền hình, phát thanh,
các dịch vụ văn hoá như phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, karaoke và
nhiều loại hình hoạt động thông tin, văn hoá văn nghệ hấp dẫn v.v…đang đến rất
nhanh với đồng bào. Lớp trẻ Raglai tiếp thu những luồng văn hoá mới rất nhanh:
từ trang phục, lối sống, thẩm mỹ nghệ thuật hiện đại v.v…đã và đang làm cho lớp
trẻ ngày càng xa dần với văn hoá truyền thống. Cộng thêm nhận thức về văn hoá
truyền thống dân tộc của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nhiều cấp độ chưa
đúng, thậm chí coi các lễ hội dân gian, coi một số hoạt động tâm linh mang tính
tín ngưỡng của người Raglai là mê tín, dị đoan, cần phải loại bỏ. Đi một vòng
từ Bác ái qua Ninh Sơn, Ninh Hải, vào Ninh Phước, có thể thấy văn hoá dân gian
truyền thống Raglai đang mất đi từng ngày, sự coi trọng về văn hoá truyền
thống, dân gian Raglai chỉ còn chủ yếu ở lớp người lớn tuổi. Những giá trị văn
hoá truyền thống, kho tàng văn hoá dân gian như chuyện cổ, sử thi, nghệ nhân
biết làm và sử dụng các nhạc cụ truyền thống ngày càng ít và tập trung ở một số
nghệ nhân lớn tuổi. Lớp nghệ nhân biết nhiều về kho tàng văn hoá dân gian đang
từng ngày âm thầm mang theo những kho tàng văn hoá dân gian ra đi mãi mãi. Nếu
không nhanh chóng có các biện pháp nghiên cứu, bảo tồn kho tàng văn hoá truyền
thống của dân tộc Raglai thì chỉ trong một vài năm tới, chúng ta sẽ chẳng còn
gì để mà nghiên cứu về vốn văn hoá truyền thống dân tộc Raglai nữa.
2.
Một số kiến nghị, giải pháp bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc
Raglai tỉnh Ninh Thuận
2.1. Những
định hướng cơ bản
Với đường lối chủ trơng của Đảng về văn hóa dân tộc, các cấp uỷ Đảng
và chính quyền địa phương đã và đang quan tâm đến công tác nghiên cứu văn hóa
Raglai, báo cáo của Tỉnh uỷ Ninh Thuận chỉ rõ: “Cần phải quan tâm nghiên cứu,
chắt lọc tinh hoa văn hóa để phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Chăm,
Raglai, tạo điều kiện để làm sao giúp đỡ bà con khắc phục gánh nặng về những hủ
tục lạc hậu đang làm cản trở bước phát triển của đồng bào trong sự nghiệp xây
dựng Công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà”.
Văn hóa truyền thống Raglai từ xưa đến nay ít thu hút giới nghiên cứu
trong và ngoài nước. Giai đoạn sau năm 1975, tuy văn hóa Raglai bước đầu đã được
nghiên cứu, nhưng hầu hết các công trình nghiên cứu thường chỉ dừng lại ở
tính khái quát, ít có công trình nào đi sâu nghiên cứu những vấn đề cụ thể. Đọc
danh mục công trình, bài viết nghiên cứu về văn hoá Raglai xưa nay, chúng tôi
thấy có sự trùng lặp khá nhiều, có những bài viết chồng chéo, đó là chưa kể
đến có những bài viết chép qua chép lại trên tư liệu đã thành văn. Những vấn
đề nóng hổi của thực trạng đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng người Raglai
ở Ninh Thuận ít được chú ý. Một số đề tài có tính chuyên sâu nhưng lại manh
mún, thiếu những chương trình nghiên cứu có kế hoạch. Đó là những hạn chế cơ
bản của công tác nghiên cứu văn hóa Raglai, ảnh hởng không nhỏ đến việc bảo
tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Vì vậy, trong định hướng cơ bản, cần có
một chương trình kế hoạch ở tầm quốc gia để bảo lưu những giá trị văn hóa
Raglai một cách có hiệu quả, tránh sự manh mún, tự phát như thời gian qua.
2.2. Về
nghiên cứu khoa học
Từ thực trạng trên đây, chúng tôi xin nêu lên một số giải pháp sưu tầm,
nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống như sau:
Trước hết, sau khi hoàn chỉnh công trình này, cần có chương trình kế
hoạch nghiên cứu các đề tài cụ thể về văn hoá tộc người Raglai. Tiến hành đồng
thời chương trình mục tiêu “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
phi vật thể và xây dựng ngân hàng dữ liệu văn hóa các dân tộc Raglai” của Bộ
Văn hoá thông tin. Những công trình cần đi sâu nghiên cứu cấp bách gồm:
+ Nghiên cứu và quay phim khoa học trong chương trình Bảo lưu văn hoá
phi vật thể của Bộ văn hoá thông tin:
- Các lễ hội truyền thống: Các nghi lễ nông nghiệp như: Lễ ăn đầu lúa,
lễ mừng lúa mới, lễ xuống giống v.v…các nghi lễ vòng đời: sinh đẻ, cưới
xin, mừng thọ và tang ma (Đã thực hiện phim khoa học “Lễ bỏ mả dân tộc Raglai”
ở Phước Chiến.
- Hình thành các Công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian Raglai bào
gồm: hệ thống nhạc cụ, cách làm, tính năng nhạc cụ; kí âm hệ thống các điệu mã
la và các nhạc cụ khác, các làn điệu dân ca, dân vũ, các làn điệu hát ru, hát
đối đáp v.v…
- Tập trung sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch và xuất bản, phổ biến lại
vùng đồng bào Raglai về các tác phẩm văn học dân gian Raglai như: Truyện cổ
Raglai, những chuyện cổ về sự tích các dòng họ Raglai, thơ ca, câu đố, thành
ngữ Raglai v.v…
- Tiếp tục phối hợp với Viện nghiên cứu Văn hoá khẩn trương hoàn chỉnh
dự án điều tra, sưu tầm, biên dich và xuất bản sử thi Raglai
- Công trình nghiên cứu về nghề truyền thống, trang phục, nhà ở cổ
truyền Raglai.
2.3. Về đầu
tư các hoạt động văn hoá truyền thống
- Xây dựng nhà Bảo tàng Raglai. Dân tộc Raglai cư trú ở 4 tỉnh Khánh
Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng, trong đó đông nhất là ở Ninh Thuận (50
nghìn người trên tổng số 80 nghìn người Raglai), vùng đồng bào Raglai là vùng
căn cứ cách mạng, tên mỗi ngọn núi, hang đá, dòng suối đều gắn với những trận
đánh lịch sử như bẫy đá Pi Năng Tắc, núi Tà Nang, hang 403, suối Rớ v.v…Vì vậy, cần thiết phải đầu tư xây dựng
Bảo tàng dân tộc Raglai trên cơ sở của Nhà truyền thống Bác ái. Nhà Bảo tàng
Raglai này sẽ là bảo tàng chung cho cả cộng đồng người Raglai ở Việt Nam, đây
sẽ là bảo tàng tổng hợp, vừa là bảo tàng cách mạng, kháng chiến, vừa là bảo
tàng văn hoá truyền thống Raglai. Nơi đây sẽ lưu giữ những hiện vật kháng chiến
và di sản văn hoá vật thể truyền thống Raglai.
- Tiếp tục duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống Raglai
- Vận động bà con phục chế và làm mới các nhà sàn truyền thống. Khi
tiến hành xây dựng các khu định canh mới, cần xây dựng theo mẫu nhà sàn Raglai
(Như khu tái định cư cho vùng đồng bào dân tộc cho công trình thuỷ điện Sơn
La).
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá,
tăng cường xây dựng các thiết chế văn hoá vùng đồng bào Raglai, phấn đấu đến
năm 2007, mỗi làng văn hoá có một tụ điểm sinh hoạt văn hoá. Trong các tiêu chí
xây dựng làng văn hoá phải có tiêu chí sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống:
sử dụng các nhạc cụ truyền thống, hát những bài dân ca, hát ru, sử dụng các
trang phục truyền thống trong các dịp lễ hội
Tổ chức tốt các ngày Hội văn hoá dân tộc Raglai 2 năm một lần trên cơ
sở phát huy các sắc thái văn hoá truyền thống. Ngành văn hoá thông tin có kế
hoạch để đặt hàng sản xuất những bộ mã la mới (ở Quảng Nam) để trang bị lại
nhạc cụ cho các làng văn hóa[1].
Hội Văn nghệ dân gian thường xuyên phối hợp với ngành văn hoá thông tin tổ chức
các lớp truyền dạy văn hoá dân gian cho lớp trẻ, đặc biệt là cho thiếu nhi
Raglai.
1. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phan An (chủ biên) (1994), Những vấn đề dân tộc, tôn giáo ở miền Nam,
Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
- Toan Ánh (1992), Tìm hiểu phong tục Việt Nam, nếp cũ, tết, lễ, hội hè,
tái bản, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
- Ban Dân tộc miền núi tỉnh Ninh Thuận, (1999), Báo cáo về tình hình dân
tộc miền núi tỉnh Ninh Thuận, số 208/BC – DTMN, Ninh Thuận.
- Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ
(1998), Văn hoá & Xã hội người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã
hội.
- Boulbet, J. (1999), Xứ người Mạ lãnh thổ của thần linh - nưggar Maá,
Nggar Yang, bản dịch của Đỗ Văn Anh, Nxb Đồng Nai.
- Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận (2002), Niên giám thống kê, Phan Rang -
Tháp Chàm, Ninh Thuận.
- Nguyễn Từ Chi, (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb
Văn hóa Thông tin - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.
- Phan Hữu Dật (1998), Một số vấn đề về dân tộc học ở Việt Nam, Nxb Đại
học Quốc gia, Hà Nội.
- Phan Hữu Dật, Ngô Đức Thịnh, Lê
Ngọc Thắng, Nguyễn Xuân Độ (1998) Sắc thái văn hóa địa phương và tộc người
trong chiến lược phát triển đất nước. Nxb KHXH, Hà Nội.
- Ngô Văn Doanh (1995), Lễ hội bỏ mả Bắc Tây Nguyên, Nxb VHDT, Hà Nội.
- Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện (1997), Phong tục các dân tộc Đông Nam
Á, nxb VHDT, Hà Nội.
- Ngô Văn Doanh (2002), “Nghi lễ tang ma của các dân tộc Tây Nguyên”,
Tài liệu đánh máy, chưa xuất bản.
- Vũ Cao Đàm (1999), Phơng pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb Khoa học
và kỹ thuật, Hà Nội.
- Đảng Cộng Sản Việt Nam (1991),
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
- Đảng Cộng Sản Việt Nam (1998),
Văn kiện hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương khóa VIII, Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội.
- Đảng Cộng Sản Việt Nam (2001),
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Sự thật, Hà Nội.
- Nguyễn
Khoa Điềm (chủ biên), (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Mạc Đường (chủ biên), (1985),
Những vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lâm Đồng.
- Sigmund Freud (1997), Vật tổ và
cấm kỵ, bản dịch của Đoàn Văn Chúc, Trung tâm VHDT Thành phố Hồ Chí Minh.
- Lê Sĩ Giáo chủ biên (1995), Dân
tộc học đại cương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Lê Như Hoa (chủ biên) (2001),
Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Đỗ Huy (chủ biên) - Nguyễn Văn Huyên - Trường Lu (1996), Văn hóa mới
Việt Nam - sự thống nhất mà đa dạng, Nxb KHXH, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Huyên (1995), Góp
phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập I và II, Nxb KHXH, Hà Nội.
- Nguyễn Quang Khải (2001), Tập tục và kiêng kỵ,
Nxb VHDT, Hà Nội.
- Phan Khoang (1970), Việt sử xứ
đàng Trong, Khai trí xuất bản, Sài Gòn.
- Vũ Lợi (1992), “Phong tục cưới xin ở các dân tộc Malayo Polynesien Trường
Sơn - Tây Nguyên”, Tạp chí Dân tộc học, số 3.
- Hải Liên (2001), Trang phục cổ
truyền Raglai, Nxb Đại học quốc gia.
- Nhiều tác giả (1978), Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam,
tập tư liệu của Viện KHXH tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhiều tác giả (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam, các tỉnh phía
Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
- Nhiều tác giả (1999), Tín ngưỡng và mê tín, Cục Văn hóa thông tin cơ
sở và Nxb Thanh niên, Hà Nội.
- Tổng cụ thống kê (2001), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 1999 -
Kết quả điều tra toàn bộ, Nxb Thống Kê, Hà Nội.
- Nguyễn Đình Tư (1971), Non nước Ninh Thuận,
Sống Mới xuất bản, Sài Gòn.
- Tylor. E.B. (2001), Văn hóa nguyên thủy, bản dịch của Huyền Giang, Tạp
chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản, Hà Nội.
- Lê Bá Thảo
(1998), Việt Nam - lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Ngô Đức Thịnh (chủ biên),
(1993), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
- Nguyễn Tuấn Triết (1991) Người
Raglai ở Việt Nam
- Uỷ ban KHXH Việt Nam - Viện Dân
tộc học (1984), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb
KHXH, Hà Nội.
- Lê Trung Vũ, Nguyễn Hồng Dương,
Lê Hồng Lý, Lưu Kiếm Khanh (1999), Nghi lễ vòng đời, Tái bản, Nxb VHDT, Hà
Nội.
[1] Từ trước tới nay, trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
đời sống văn hóa cơ sở, nhiều nơi trang bị những nhạc cụ hiện đại như organ,
trống điện tử cho các làng văn hóa dân tộc thiểu số, vừa lãng phí vừa kém hiệu
quả, phản tác dụng trong việc bảo lưu văn hóa dân tộc.
Tags:
Văn Hóa Raglai