VĂN HỌC DÂN GIAN CHĂM

Trường Đại học Văn hóa Tp HCM (HMUC)
Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số
Bài tiểu luận kết thúc môn Văn hóa Chăm; Sinh viên: Võ Thị Mộng Hân; Lớp VHDTTS k8 - 2019
GV: PGS.TS Phan Quốc Anh
Lời mở đầu
Khi bắt đầu nghĩ về nội dung trình bày cho bài thi kết thúc học phần này tôi nhớ đến một câu thơ của Nhà thơ người Chăm là Inrasara, ông viết: “Không ai có thể hát thay chúng ta” và “Không có ai/  tim dễ cháy hơn trái tim chúng ta”. Tôi luôn có một niềm say mê với văn học. Đặc biệt là văn học dân gian của các dân tộc thiểu số vùng Nam Bộ. Một phần bởi tôi sinh ra trên mảnh đất Nam Bộ và cũng vì thế những chất văn học dân gian đó gần gũi với tôi hơn cả.

"Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác".
Tôi vẫn quan niệm muốn hiểu tìm hiểu về văn hóa của một dân tộc thì trước hết phải hiểu ngôn ngữ của dân tộc đó. Đó là một trong những phương tiện đồng cảm tốt hơn cả. Ludwig Wittgenstein có viết câu: “The limits of my language mean the limits of my world” tức nghĩa là sự giới hạn của bản thân về ngôn ngữ chính là giới hạn của tôi về thế giới này. Thật vậy, trong giới hạn thời gian và vốn kiến thức còn hạn hẹp của mình cộng thêm sự hạn chế về ngôn ngữ Chăm nên người viết chỉ có thể làm công việc tìm hiểu, sưu tầm và viết như một nội dung tổng quan những tài liệu liên quan đến đề tài “Văn học dân gian Chăm”. Và đó cũng là lý do tiêu đề là bài thi kết thúc học phần chứ không phải là một bài tiểu luận. Qua bài tổng hợp này người viết không hy vọng gì ngoài việc có thể tự trau dồi thêm kiến thức cho bản thân và thêm một lần được hiểu sâu thêm về vốn văn học của một dân tộc trong tổng thể 54 dân tộc. Thấy được sự giống, sự khác nhau của văn học dân gian ở dân tộc Chăm và dân tộc Kinh hay những dân tộc Khmer, Ê Đê,…như thế nào.

Lời mở đầu
Mục lục
Chương I. Tổng quan về người Chăm
1.1. Lịch sử tộc người
1.2. Dân số và phân bố dân cư
1.3. Văn hóa – Xã hội
Chương II. Vài nét về văn học dân gian Chăm
2.1.Truyện cổ
2.2. Truyện thần thoại
2.3. Sử thi Chăm
2.4. Thể loại văn vần
2.4.1. Trường ca
2.4.2. Ca dao
2.4.3. Đồng dao
2.4.4. Tục ngữ
2.4.5. Câu đố
Chương III. Kết luận chung
Tài liệu tham khảo
Chương I. Tổng quan về người Chăm
1.1. Lịch sử tộc người
Tên gọi khác: Chàm, Chiêm, ChămPa, Hời,…Người Chăm có các nhóm địa phương: Chăm Hroi, Chăm Awal, Chăm Châu Ðốc,…Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá ấn Ðộ. Ngay từ những thế kỉ thứ XVII, người Chăm đã từng xây dựng nên vương quốc Chăm pa. Hiện tại cư dân gồm có hai bộ phận chính: Bộ phận cư trú ở Ninh Thuận và Bình Thuận chủ yếu theo đạo Bà la môn (một bộ phận nhỏ người Chăm ở đây theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bà ni). Bộ phận cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh Châu Ðốc,Tây Ninh, An Giang, Ðồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới.

1.2. Dân số và phân bố dân cư

Dân số: 161.729 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009). Hiện sinh sống ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Tp.HCM,…

1.3. Văn hóa – Xã hội

Cư dân Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận theo Bà la môn và Hồi giáo bản địa hoá, trong khi người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ theo tôn giáo Islam. Ngôn ngữ họ sử dụng thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Người Chăm đã có chữ viết từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đây là thứ chữ vay mượn từ Nam Ấn, qua nhiều biến thể, trở thành akhar thrah và được lưu truyền đến ngày nay.

Hoạt động sản xuất: người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước, giỏi làm thuỷ lợi và làm vườn trồng cây ăn trái. Bên cạnh việc làm ruộng nước vẫn tồn tại loại hình ruộng khô một vụ trên sườn núi. Bộ phận người Chăm ở Nam Bộ lại sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dệt thủ công và buôn bán nhỏ, nghề nông chỉ là thứ yếu. Nghề thủ công phát triển ở vùng Chăm nổi tiếng là dệt lụa tơ tằm và nghề gốm nặn tay, nung trên các lò lộ thiên. Việc buôn bán với các dân tộc láng giềng đã xuất hiện từ xưa. Vùng duyên hải miền Trung đã từng là nơi hoạt động của những đội hải thuyền nổi tiếng trong lịch sử.

Quan hệ xã hội: Gia đình người Chăm mang truyền thống mẫu hệ, mặc dù xã hội Chăm trước đây là xã hội đẳng cấp, phong kiến. ở những vùng theo Hồi giáo Islam, tuy gia đình đã chuyển sang phụ hệ, vai trò nam giới được đề cao, nhưng những tập quán mẫu hệ vẫn tồn tại khá đậm nét trong quan hệ gia đình, dòng họ với việc thờ cúng tổ tiên. Cư dân Chăm vốn được phân thành hai thị tộc: Cau và Dừa như hai hệ dòng Niee và Mlô ở dân tộc £ đê. Về sau thị tộc Cau biến thành tầng lớp của những người bình dân, trong khi thị tộc Dừa trở thành tầng lớp của quý tộc và tăng lữ. Dưới thị tộc là các dòng họ theo huyết hệ mẹ, đứng đầu là một người đàn bà thuộc dòng con út. Mỗi dòng họ lại có nhiều chi họ. Xã hội cổ truyền Chăm được phân thành các đẳng cấp như xã hội ấn Ðộ cổ đại. Họ có những vùng cư trú riêng và có những ngăn cách rõ rệt: không được thiết lập quan hệ hôn nhân, không sống cùng một xóm, không ăn cùng một mâm...

Chương II. Vài nét về văn học dân gian Chăm

Đa phần văn học dân gian Chăm thuộc vào thế kỷ 17 đến thế kỷ thứ 18. Sự khác biệt của môi trường địa lý cộng với sự khác biệt về phong tục tập quán, tôn giáo dẫn đến những khác biệt quan trọng về nhiều phương diện của sinh hoạt xã hội, văn học - nghệ thuật. Đó là trở ngại đầu tiên của người viết trong công tác sưu tầm vốn văn học dân gian từ đồng bào Chăm Nam bộ. Nhưng chung lại, những tác giả sưu tầm đều mong muốn khẳng định những điều: Lịch sử dân tộc Chăm trải qua 3 bước phát triển: Nước Lâm Ấp hình thành nhằm đấu tranh chóng nền đô hộ Hán – Đường khôi phục nền đọc lập Âu Lạc mà đương thời người Lâm Ấp là một thành viên; Khi nền đô hộ Hán Đường đã chấm dứt, người Việt đã giành được độc lập hình thành nước Đại Việt thì Chiêm Thành và Đại Việt thành hai quốc gia trung cổ lân cận. Các tập đoàn thống trị các vương quốc trung cổ trên thế giới đều xảy ra đụng độ và hội nhập theo qui luật lịch sử. Đại Việt và Chiêm Thành cũng không thoát ra được qui luật chung đó. Có lúc tưởng chừng như Chiêm Thành chiếm được Đại Việt. Nhưng cuối cùng Chiêm Thành thất bại và người Chăm hội nhập vào đại gia đình Việt Nam; Người Chăm cùng chung số phận với người Việt và các dân tộc anh em khác. Cùng chung bị các thế lực phương Tây nô dịch; cùng nhau thắng lợi thành lập Nhà nước CHXHCN Việt Nam với 54 dân tộc như hiện nay.

2.1.Truyện cổ

Truyện cổ Chăm được chia thành: truyện cổ tích thế sự, truyện cổ tích thần kỳ, truyền thuyết lịch sử. Trong đó truyện cổ tích thần kỳ là truyện chiếm số lượng nhiều hơn cả phản ánh những vấn đề xã hội, giải thích những phong tục tập quán,…và mang đậm những “dấu ấn của cảm quan thần thoại”. Nội dung của những câu truyện cổ tích thần kỳ thường mang sự lên án những gì độc ác, tham lam và ca ngợi những người hiền, chân thành, khó khăn, ca ngợi lòng nhân ái. Đó là nội dung tạo thế đối lập rất rõ ràng giữa những điều thiện – ác, tốt – xấu, dối trá – chân thành, hay tham lam và nhân ái và về những nhân vật mồ côi, xấu xí,…Cái phi thường được sử dụng để diệt trừ đi những cái ác, khắc phục thiên nhiên chung quanh, người tốt luôn được bù đắp bởi những phép màu, bởi những sự giúp đỡ của một siêu năng lực bên ngoài.

Đối với truyện cổ tích thần kỳ còn được kể lại với nội dung của trường ca Dewa Mưnô, Umưrup,..Đối với truyện cổ tích thế sự phản ánh chủ yếu những gì trong đời sống thực của con người cộng kèm những yếu tố hoang đường. Những chủ đề xoay chung quanh những tình huống trong cuộc sống và chủ đề về tình yêu được thể hiện với số lượng nhiều hơn cả. Tiếp theo là những câu truyện về nhân tình thế thái, về những sự gian hoạt của những kẻ tham lam. Truyện thế sự mô tả những ngang trái trong tình yêu do những ngăn cản về tính môn đăng hộ đối (xuất phát từ sự phân biệt đẳng cấp, tôn giáo). Và với nội dung đó cũng là nội dung cốt lõi trong văn học dân gian về phần truyện cổ tích thế sự của người Chăm. “Trong truyện cổ tích thế sự Chăm, phản ánh những thói tham lam, gian trá bị lên án gắt gao và tác giả dân gian với xu hướng hoàn thiện xã hội, nên đôi khi còn phải nhờ đến pháp thuật kỳ diệu của thần thánh,…Một số truyện tiêu biểu: Sự tích gà gáy sáng: kể chuyện bắn 11 mặt trời và con gà trống gọi mặt trời. Trong truyện này có Pô Kuk prahimưk, chúa tể thượng giới, Pô Kuk cho thánh Jibrahimưk cùng các cị thánh xuống trần. Chúa của qủy Satang là Mưnưmas Sibai Kayông lấy trộm nỏ thần và tên vàng của Pô Kuk bắn tan 11 mặt trời và 11 mặt trăng. Pô Kuk truyền cho thánh Jibrael bảo gà trống gọi mặt trời mặt trăng ra. Các tên thánh thần mang màu sắc Islam giáo. Không có dấu ấn về Bà la môn giáo; Truyện bắn mặt trời mang dáng dấp Hậu Nghệ bắn mặt trời trong thần thoại Trung Quốc và một thần thoại gà gọi mặt trời của Việt Nam; Sự tích con bìm bịp: đề cập đến Tiên Phật; Sự tích con bò thần Kapin: kể chuyện con bò thần giúp em. Đó là con Nandin của Shiva đã Chăm hóa; Cu Cai – Ma Rút: kể mối tình của công chúa Ma Rút với chàng trai nông dân nghèo Cu Cai. Truyện có mnag màu sắc của Bà la môn giáo: sự phân biệt đẳng cấp cấm thông hôn; Bảy chàng trai khỏe: kể chuyện về 7 chàng trai có các biệt tài khác nhau cùng nha hợp sức lại giết giết yêu tinh 3 đầu 6 tay, 12 mắt và ăn thịt con người,…;Chàng Rít: kể về chàng mồ côi tên Rít với một con bò vàng. Con bò vàng biến thành tiên nữ và kết hôn với Rít; Kén rể: nói về những người nhà giàu kén rể. Mô típ cũng tương tự như mô típ kén rể của người Kinh.

2.2. Truyện thần thoại

Truyện thần thoại mang tính chất khai sáng, giải thích sự xuất hiện của những gì trong vũ trụ, thế giới loài người và tìm về nguồn gốc của vạn vật trong đó có nguồn gốc của dân tộc mình. Đó là những quan niệm dân gian rất cổ xưa về mặt trời, mặt trăng hay các hiện tượng bên ngoài tự nhiên.

Thần thoại về nữ thần Pô Inư Nưgar hay Pô Nưgar, người được xem là bà Tổ Mẫu hay Tổ sư của nghề làm nông, làm gốm truyền thống của người Chăm. Và trong trường hợp những người không có con cái cũng có thể xin giúp đỡ từ nữ thần Pô Inư Nưgar. Thần thoại về vị thần Pô Inư Nưgar sau khi có đạo Hồi vào thì thần thoại có sự biến đổi và có mặt trong “Sáng thế ký” của giáo lý Đạo Bà ni. Theo truyền thuyết trên thì vũ trụ trải qua tất cả 4 giai đoạn và lần thứ 4 thì vị thần của Đại nữ thần Át – Mư – Hô – Cát sai con gái của mình là Pô Inư Nưgar sáng tạo ra muôn vật, muôn loài và xuống trần gian để thành lập nên đất nước Chăm. “Theo dòng phát triển của lịch sử, với sự du nhập của tôn giáo và những quan niệm về thế giới của các tôn giáo từ trong giáo lý, các thần thoại của người Chăm cũng được biến đổi hoặc các nội dung được thâu tóm vào hệ thống thế giới quan của tôn giáo và nhằm giải thích vũ trụ”. “Ở Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, các thần thoại Hồi giáo được lưu truyền và có phần lấn át những thần thoại trong hệ thống văn học dân gian của người Chăm”

2.3. Sử thi Chăm

Sử thi hoặc anh hùng ca (epic, épopée, narôdnưi êpôx, chanson de geste…) là những giá trị văn hoá có tầm thế giới. Các dân tộc nói chung đều có sử thi. Nhưng vì nhiều yếu tố lịch sử nên sử thi thường bị thất lạc. Người Chăm, cũng như nhiều dân tộc anh em khác, có một kho tàng sử thi phong phú.
Dewa Mưno
Dewa Mưno là một tác phẩm thơ ca cổ được nhân dân Chăm rất yêu quý và trân trọng. “Mọi người còn nhớ có thời kỳ, người ta không ngập ngừng khi trả giá một xe bò lúa cho việc ghi chép để có một bản akayet Dewa Mưno”. Và họ cất vào nơi cao quý nhất là trên xà nhà của vựa thóc.  “Tráng ca Dewa Mưno được truyền bá thực rộng rãi trong nhân dân Chăm. Người ta hãnh diện về nó, xem nó như là Truyện Kiều của dân tộc Việt. Và cũng như người Việt với Truyện Kiều, người Chăm say Dewa Mưno, nói Dewa Mưno, phân tích Dewa Mưno và ngâm nó với một giọng ngâm đặc chất Dewa Mưno. Người Chăm cho rằng đây không phải là sáng tác của người trần mắt thịt, mà là một tặng phẩm của thần thánh ban cho”. Tác phẩm Dewa Mưno lấy nhân vật anh hùng Dewa Mưno làm trung tâm để phản ánh sự vận động của lịch sử dân tộc. cũng như nhiều sử thi khác của thế giới và nước ta (Iliat, Kalêvala, Đăm Xăn, Đăm Di,…), sử thi Dewa Mưno lấy việc cướp vợ và giành lại vợ làm một tuyến tình tiết xuyên suốt tác phẩm. Qua tuyến tình tiết này, đề tài chiến tranh được phát triển vô cùng mạnh mẽ, sôi động và phong phú. Chiến tranh có mục đích gần và mục đích xa. Mục đích gần là giành lại cô gái đẹp, nhưng mục đích sâu xa hơn là khuất phục các thủ lĩnh quân sự (thường được gọi là vua hay pataw) để xoá bỏ tình trạng phân tranh, thống nhất lãnh thổ, tập trung quyền lực vào một thủ lĩnh có tài năng và uy tín nhất, nhằm đem lại cuộc sống yên vui, hoà bình cho toàn dân tộc.
Dewa Mưno cũng như các sử thi khác, phản ảnh các mặt trong cuộc sống của cộng đồng. Người ta nói rằng “sử thi là bộ bách khoa thư đầy đủ nhất của các dân tộc thời cổ đại”. Đặc biệt Dewa Mưno là một thánh thư về đạo đức, luân lý của người Chăm như: lòng hy sinh, vị tha, vua cha chịu chết cho con cháu và đất nước bình an; tình bạn, tình huynh đệ vào sinh ra tử của hai anh em Dewa Mưno và Ưngkar Dewa; lòng trung thành tuyệt đối và sự biết ơn sâu xa của Jin Sanggi; tình nghĩa thuỷ chung của công chúa Ratna v.v…Nếu không có những con người với phẩm chất cao quý và kiên định phi thường ấy thì người đại diện cho chính nghĩa và tài năng là Dewa Mưno làm sao mà thắng được ác quỷ đại gian hùng?
Trong cuộc chiến đấu ác liệt giữa cái xấu và cái tốt, cuối cùng cái tốt chiến thắng. Đây cũng là một nét tâm lý, ước nguyện của dân tộc Chăm. Nhưng nhân vật phản diện Samưlaik không bị thất bại đến độ quá bi đát, mà vẫn được thượng đế cho cưới cái bóng của Ratna. Tinh thần nhân đạo của nhân dân Chăm thể hiện ở sự kết thúc khoan hoà này. Xét về mặt nghệ thuật phản ánh, Dewa Mưno chan hoà tính kỳ vỹ, hào hùng. Các anh hùng và đối thủ của họ pháp thuật siêu cường.
Trong phạm vi thẩm mỹ cần bàn đến hình thức diễn đạt và diễn xướng. Ngôn ngữ của Dewa Mưno không phải văn xuôi như cổ tích, truyện cười, mà là thơ ariya có vần có nhịp điệu. Với gần 1000 dòng thơ, Dewa Mưno không phải chỉ ghi trên lá buông hoặc trên giấy mà chủ yếu là để hát ngâm “một giọng ngâm đặc chất Dewa Mưno”.
Diễn đạt bằng thơ ca và diễn xướng bằng hát-kể cũng là một đặc điểm phổ biến của sử thi thế giới và nước ta. Trong đó còn có thể kể đến tiêu biểu như sử thi của dân tộc Ê Đê. Môi trường sáng tạo, sinh tồn và lưu truyền Dewa Mưno là môi trường văn hoá dân gian. Mặc dầu có chữ viết để ghi chép thì Dewa Mưno vẫn thuộc phạm trù văn hoá dân gian. Chúng tôi không bao giờ quan niệm văn hoá dân gian kém sang trọng thua văn học bác học.
Tất cả những đặc điểm về nội dung, hình thức và môi trường văn hoá trên đây của Dewa Mưno chính là đặc điểm của sử thi. Vậy chúng ta có thể xác định Dewa Mưno là một sử thi Chăm đặc sắc. Chúng ta đồng ý với G. Moussay: “Người ta coi Dewa Mưno là một sử thi dân gian thực sự” .Nếu như theo khung phân loại sử thi thành các tiểu loại sử thi sáng tạo thế giới tiêu biểu như Đẻ đất đẻ nước, Ăm ệt luông và sử thi thiết chế xã hội, tiêu biểu như Đăm Săn, Đăm Di, Xing Nhã,… thì Dewa Mưno có thể xếp vào tiểu loại sử thi thiết chế xã hội.
Intra Patra
Cùng với Dewa Mưno, Inra Patra cũng là một trong ba tác phẩm, được gọi là akayet, rất nổi tiếng ở vùng Chăm. “Akayet Inra Patra là một sử thi rất nổi tiếng ở vùng Chăm, nếu người ta xem xét số lượng các văn bản của nó được giữ gìn ở người Chăm hiện đang sinh sống ở Trung bộ Việt Nam và lưu giữ ở các thư viện Pháp và Mỹ… Sử thi này được thể hiện như một câu chuyện theo kiểu Ấn Độ mà hầu hết các chi tiết đều mang tính chất Chăm”
Sử thi Inra Patra được viết bằng thơ, dành cho hát, thường là trong không khí trầm tĩnh của ban đêm để người nghe dễ thâm nhập. Sử thi được cấu tạo bởi những khổ thơ (kaneng ariya) móc xích vào nhau; mỗi khổ thơ gồm 14 nhịp chia cho 3 câu. Các câu thơ (kaneng pandit) độ dài không đều nhau: câu thứ nhất 6 nhịp, câu thứ 2, 4 nhịp và câu thứ 3 cũng 4 nhịp. ví dụ:
“Sa phun / kuyau / balinga / di / krưh / tanran
(Một cây / gỗ / mọc / ở / giữa / đồng bằng
siam / phun / siam /dhan
(tốt / cây / tốt / cành)
bingu / mang bboh /oh/ meda
(hoa/ đơm nở / không / tốt lắm)”
Mỗi câu thơ có một vần ở âm tiết cuối. Câu thứ nhất và câu thứ 2 chung một vần, câu thứ 3 mở ra một vần mới lặp lại câu đầu của khổ thơ tiếp theo. Ví dụ:
“Sa phun kuyau balinga di krưh tanran
(Một cây gỗ mọc ở giữa đồng bằng
siam phun siam dhan
(tốt cây tốt cành)
bingu mang bauh oh mada
(hoa đơm nở không tốt lắm)
Bimong Kubami sibican drưksa
(Tháp Kubami vắng bước chân)
hwơc abih khaul ita
(sợ hết bóng người trần)
sibơr mưng siam tơl hadei
(làm sao có điều tốt lành mai sau)”
 Với những đặc điểm về nội dung, nghệ thuật thơ ca và diễn xướng trên đây, Intra Patra là một sử thi đích thực.
Pram Dit-Pram Lak và truyện Dạ Thoa Vương.
Pram Dit -Pram Lak được người Chăm gọi là dalikal truyện cổ tích. Truyện được diễn đạt bằng văn xuôi và kể xuôi, không hát.
Truyện Dạ Thoa Vương hay Truyện Chiêm Thành dầu quá sơ lược, chính là hình bóng thu nhỏ của sử thi Ramayana, được chuyển vào Việt nam và ghi lại bằng Hán-Nôm, vào khoảng thế kỷ 15 16. Con đường giao lưu rất có thể qua sử thi cổ tích hoá Pram Dit-Pram Lak.
Tóm lại, cho đến nay, di sản sử thi Chăm được xác định rõ gồm Dewa Mưno, Inra Patra, Pram Dit-Pram Lak là sử thi chuyển thành cổ tích Riêng Um Mưrup Qua các sử thi trên, chúng tôi nhận thấy sử thi Chăm, trước hết chứa đựng các đặc điểm chung của sử thi.
Cụ thể là sử thi Chăm lấy đề tài chiến tranh làm trung tâm, bằng chiến tranh, nhân vật anh hùng trung tâm thực hiện nhiệm vụ trực tiếp vượt thử thách hoặc đánh bại kẻ thù để thu phục người đẹp. Đồng thời người anh hùng cũng qua đó, bằng chiến tranh để thu phục các lực lượng phân tranh đem lại hoà bình thống nhất cho đất nước và ấm no cho toàn dân.
Đặc điểm thẩm mỹ cơ bản là tính kỳ vỹ hào hùng, các nhân vật anh hùng mà nổi bật là nhân vật chính diện số một có tài năng xuất chúng, pháp thuật cao cường siêu việt, bách chiến bách thắng. Đó là hính ảnh lý tưởng và ước mơ, là kết quả, đồng thời là sự phản ánh chủ nghĩa anh hùng của dân tộc thời đại sử thi.
Sử thi Chăm chủ yếu được diễn đạt bằng văn vần và diễn xướng bằng hát-kể. Đây cũng là đặc điểm chung của sử thi các dân tộc Việt Nam như sử thi Thái, Mường, Êđê, Bana, Raglai, Jrai, Mnông, Xơđăng, Xơtiêng,… Riêng Pram Dit-Pram Lak là trường hợp cá biệt vì đây là sử thi đã cổ tích hoá.
Ngoài những đặc điểm chung nói trên, sử thi Chăm, trong bối cảnh sử thi Việt Nam, nổi rõ tinh chất luân lý đạo đức. Đó là lòng hy sinh, tinh thần vị tha, cao thượng, khoan hoà, tinh thần nhường nhịn, kể cả đối tượng khó nhường nhịn là tình yêu. Cội nguồn của đặc điểm này là thực tế của dân tộc. ở người Chăm việc giáo huấn đạo lý thành một nhiệm vụ phổ biến. Đồng bào đã có một hệ thống thơ ca giáo huấn như Arya Patauw Adat Kamei, Arya Muk Thruh Palei, Arya Patauw Adat Likei. Chúng có ảnh hưởng sâu sắc trong tiềm thức dân tộc và tất nhiên, thấm đượm vào sử thi.
Cho đến nay công việc sưu tầm nghiên cứu sử thi cho phép khẳng định dân tộc Chăm đã sáng tạo và bảo toàn những sử thi có giá trị cao, Dewa Mưno, Inra Patra và Pram Dit-Pram Lak. Chúng phản ánh chân thực lịch sử, tâm hồn, đạo lý, truyền thống anh hùng của dân tộc. Nhưng đây là sử thi đựơc tiếp nhận từ bên ngoài theo phương thức thường thấy ở nhiều nền văn hoá là tiếp biến văn hoá (acculturation).

2.4. Thể loại văn vần

Những sáng tác dân gian Chăm thuộc thể loại văn vần có tục ngữ, ca dao, những truyện thơ như Dewa Mưnô, Chăm – Bini,…), câu đố chiếm số lượng lớn và phản ánh những nét sinh hoạt trong lao động sản xuất, kinh nghiệp sản xuất và phản ánh một thế giới quan, nhân sinh quan.

2.4.1. Trường ca

Ariya là một loại hình ngâm và kể chuyện. Bốn trường ca xuất hiện vào khoản thế kỷ thứ 17 bao gồm:
Ariya Xah Pakei: về tình yêu một chiều của nàng Mưh Rat theo đuổi hoàng tử (hay quan lớn) Xah Pakei. Đây có thể là chuyện con gái bắt chồng nhưng không được chàng trai chấp nhận vì khác biệt đẳng cấp; Ariya cam – bini: truyện này nói đến đạo Bà ni và mâu thuẫn Bà ni/ Bà la môn trong hôn nhân. Trong một dị bản khác là Ariya – Cam thì là cuộc tình của nam Bini với nữ Cam. Họ ở hai làng bên nhau nhưng bị phản đối hành hạn vì khác tôn giáo. Hỏa thiêu cô gái, chàng trai đã nhảy vào chết heo và ném Ariya mà mình đã sáng tác cho đám đông; Ariya glơng anak: đây là tập thơ tiên đoán. Tác phẩm ra đời ngày thứ sáu mồng mười. Đây là bói toán; Ariya Ppo Parơng: đây là một bài thơ ký sự ghi lại cuộc du khảo tìm bia ký Chăm với 7 trí thức Chăm do quan lớn người Pháp (Ppo Parơng) tổ chức. Bài thơ này của người cầm đầu 7 người Chăm – ông Hơp Ai viết. (Trong đó, Hơp Ai là một người Hữu Đức – Palei Hamu Taran xã Phước Hữu huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Tác phẩm được viết vào năm 1885. Cuộc hành trình khởi sự vào ngày 21 tháng 1 năm Ccon Gà theo loich của người Chăm tức có nghĩa là tháng 3 dương lịch. Lúc này tác giả độ 26 – 30 tuổi. Ông là trưởng nhóm 7 người. Có Ja – aik Ppo làng Trì Đức, viên thư ký Jadhar Wa ở Phan Rí; giữ thủ quỹ là Dah Kauk, Jathauw, Jamul Cowk làng Như Ngọc, Jathơng Ong làng Chất Thường đều là người làng Phan Rang. Cuộc hành trình này xuất phát đi từ Phan Rang đi Nha Trang – Khánh Hòa – Phú Yên – Bình Định – An Khê – Quảng Ngãi – Quảng Nam – Huế - Hải Phòng – Sài Gòn và về lại Phan Rang nhưng nội dung của bài du khảo kê đến Java, Mã Lai…
Phú Trạm dịch:
“Chú “bien” Jadhar War ở Phan Rí
Bác “Subon” Dak Kauk buồn cho Jathauw say sưa
Jaaih Pro xóm Trì Đức con nhà lành
Jamun Cowk con dân làng Như Ngọc
Jathơng Ong ở Chất thường vặt vãnh bệnh đau
Klum Jiep đi xa lại nhớ quê
Riêng tôi mãi lo nên thân hình rầy rạc”
Phú Trạm cho Ppo Pa rơng là Aymonier. Trong bài thơ chỉ viết Ppo Parưng nghĩa là quan lớn Pháp chứ không chỉ rõ quan Pháp là ai. Tôi cho là không phải Aymonier. Tám người Chăm là tín đồ Thiên chúa giáo. Trong bài thơ đã có nói đến đi đạo, Ppo yang amư là Đức Chúa Cha. Cả đoàn là 8 người chứ không phải 7 người. Đoàn du khảo gặp lúc Tôn Thất Thuyết cần vương nên đó là năm 1885. Cuộc du khảo của L.Finot và quan hệ ba La Jonquière bắt đầu tuwf 16 tháng 10 năm 1899 kết thúc 18 tháng 1 năm 1990 là cuộc du khảo sớm nhất mà tôi biết. du khảo năm 1885 tôi chưa thấy ở đâu. Đây là một phát hiện có giá trị.
  

2.4.2. Ca dao

Về nhiều mặt, đồng dao và ca dao Chăm rất gần gũi với nhau. Sự khác biệt giữa hai thể loại trong văn học dân gian Chăm thể hiện chủ yếu ở “đối tượng phục vụ” tức là ở “vai trò chức năng” (8). Sự khác biệt giữa loại này chi phối các đặc điểm riêng, các chi tiết của đồng dao trong mối tương quan với ca dao Chăm.
Trong thực tế của Folklore Chăm, sự phân biệt giữa thể loại này và thể loại khác chỉ có tính cách tương đối. Nhiều khi ở một bài sự ca, một bài về lịch sử, ta cũng bắt gặp những đoạn phản ánh tâm tình của con người (nhân vật trong bài sử ca hay tác giả của nó), tức là những đoạn ca dao trữ tình. Gặp trường hợp như vậy ta cũng có thể tách riêng những đoạn ấy xếp chung vào thể loại ca dao, nếu chung giúp ta hiểu rõ thêm một vài đặc trưng của ca dao Chăm, hiểu rõ thêm tâm tư của người Chăm.
        Quả vậy, còn gì tha thiết hơn lời tâm tình của người con trai bỏ làng xóm ra đi đến một phương trời xa lạ để chiến đấu mà lòng không lúc nào không nghĩ tưởng đến bè bạn, họ hàng, quê hương:
                “Ciim đơm di dhan kluw pluh
                Ciim nau mưsuh klak dhan mưjwa
                Băm con chim đậu trên cành
                Chim đi chiến đấu bỏ cành vắng hoan.”
        Chàng trai ra đi trong đói khát:
                “Thei thuw ka tian kuw lipa
                Nhjơm par di ia mưng thuw ka tian
                Lòng ta ai có thấu chăng
                Bèo dưới sông mới hiểu tâm tình này.”
Và khi ngoảnh nhìn lại, không gian ở quê hương chỉ toàn là một vùng mây mù, không thấy đâu là cửa nhà, đâu là làng xóm:
                “Cơk glaung glai cơng mưng nak
                Kuw maung mai wơk o bboh dhan phun
                Núi cao rừng lá che ngang
                Ngoái nhìn nào thấy bóng làng ta đâu”.
Chúng ta biết rằng, trong suốt quá trình tồn tại của hai tôn giáo này, cuộc tình của những đôi tình nhân giữa Chăm – Bàni luôn xảy ra và lúc nào cũng kết thúc bằng một bi kịch. Do đó, một quan niệm như thế là lành mạnh cần được dưỡng nuôi. Thế nhưng, cũng có khi, chỉ bởi một tư duy lệch lạc, tiếng nói đã trở nên lạc điệu và vô tình đầu độc không khí trong sạch của tình làng xóm, nghĩa đồng bào. Vì ai cũng hiểu, con dông (ajah) – theo quan niệm tín ngưỡng dân gian Chăm Bàni – là loài bò sát xấu xa – trong lúc ấy người Chăm jat (Chăm Bàlamôn) chỉ coi thịt con vật này như là một món ăn như những món ăn thôn thường khác. Quan niệm sống khác nhau giữa hai dân tộc, hay ở đây, giữa hai tôn giáo là một chuyện bình thường. Nhưng khi có người (rất ít thôi) cất tiếng hát:
                “Cam cauh ajah cauh klau
                Ajah đwơc nau Cam cabak tada
                Cam cauh ajah cauh klơy
                Lingik lac lơy rabbah lo di klaung”.
Cũng giống như Folklore của nhiều dân tộc khác, ca dao thường quay trở lại với chủ đề muôn thuở của nó: tình yêu lứa đôi. Và ở đây, luôn luôn là những cuộc tình ngang trái. Có lẽ vì hoàn cảnh xã hội đặc thù của dân tộc Chăm, mà khi đụng chạm đến vấn đề này, văn chương Chăm luôn bị bao trùm bởi một màu sắc ảm đạm của nỗi đau khổ. Trong cả ba bản trường ca trữ tình nổi tiếng của văn chương cổ điển Chăm (Ariya Bini – Cam, Ariya Cam – Bini, Ariya Xah Pakei), nỗi nhọc nhằn, sự chia li và nước mắt luôn có mặt. Và kết thúc mãi mãi là một kết thúc trong tuyệt vọng. Cho dù những sự hy sinh không bao giờ thiếu vắng:
                “Hajan juk cik khan đung
                Đa ka rabbung nhjơp bauh hajan
                Hajan mai kuw mưk đwơn kah
                Đa ka taprah gauk cei rabbung”.
Và ngày nay, trong gần 100 đơn vị ca dao dân ca sưu tầm được, chỉ còn lưu lại những sầu ca trầm buồn. Những bài sầu ca ấy lại chỉ được phổ vào một thể thơ duy nhất gọi là ariya.
        Ariya là thể lục bát gieo vần lưng (chữ thứ sáu của câu lục hiệp vần với chữ thứ tư của câu bát) và được gieo cả vần bằng lẫn vần trắc:
                “Ni ariya ai wak (trắc)
                Twơk ba tabiak / piơh ka ra pơng (bằng)
                Mưyut drơh yuw ni ơy halơng
                Kuw ngap blauh padơng / dom ayamưn”
                                                                (Ariya Cam – Bini)
Nhưng khác với Akayet (sử thi) và các Ariya (trường ca) thuộc dòng văn chương bác học như: Dewa Mưno, Inra Patra, Glơng Anak … các trường ca trữ tình và nhất là ca dao Chăm, trong lối gieo vần, có lối tính âm khác hẳn. Chúng tôi tạm đặt tên cho nó là thể thơ ariya Chăm đếm âm tiết.
Cả những hình ảnh thường được bắt gặp trong ca dao dân ca Chăm cũng khiến cho người nghe cảm giác buồn mênh mang, u uẩn. Đó là hình ảnh cành tre vắng bóng chim, thân phận của một con cua gẫy càng, cảnh rừng núi mịt mù đầy dọa nạt, những trận đòn roi, những tiếng sấm trưa, những cơn mưa chiều, những lời than vãn, những tiếng thở dài…
Những tiếng than vãn ấy, một khi đã phổ vào những làn điệu dân ca Chăm, đã tạo thành những tiếng hát khi trầm buồn, khi ai oán lâm li, khi thiết tha thơ mộng vang lên trong những đêm trăng sao và để lại trong chúng ta những dư âm không bao giờ muốn dứt.
Nếu muốn hiểu tâm trạng của một dân tộc trong một giai đoạn của lịch sử nào đó thì hãy xét đến nền âm nhạc của nó, thì ca dao là những lời thơ dân gian gắn bó chặt chẽ với dân ca, nên trong ý nghĩa đó, chúng ta cũng có thể nói ca dao Chăm chính là một phần hữu cơ của tâm hồn dân tộc Chăm. 

2.4.3. Đồng dao

Đồng dao Chăm là những bài thơ có vần điệu được trẻ con Chăm hát truyền khẩu cho nhau qua nhiều thế hệ. Đồng dao Chăm hẳn có một số lượng tương đối lớn, nhưng hôm nay trong tay người viết mới tập hợp được khoảng 30 bài và những bài này cũng được ghi lại qua ký ức của các cụ già Chăm; còn trẻ con Chăm bây giờ không còn biết đến đồng dao Chăm nữa.
Với một số lượng ít ỏi như thế, chắc chắn những dẫn chứng minh họa của bài viết sẽ không thể phong phú. Tuy nhiên chúng tôi vẫn không nề hà công việc ghi nhận để giới thiệu rộng rãi với độc giả. Bởi vì chúng tôi nghĩ, phải có một khởi đầu, để từ đó tạo tiền đề cho sự bổ cứu và hoàn chỉnh sau này. Vả chăng, có lẽ ta cũng không nên bỏ sót các viên ngọc quý dù số lượng của chúng đang còn rất khiêm tốn.
Về nội dung, vì các hiện tượng tự nhiên và xã hội được phản ánh trong đồng dao Chăm qua con mắt ngây thơ của trẻ con nên nhiều bài chỉ là những vần thơ mộc mạc, bình dị và chỉ để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của đám trẻ. Trong số này, bài Japlwai là tiêu biểu:
                “Japlwai lwai ia – Mưja hwa gaiy
                Pan di laiy – Cabauh di gơng
                Ong Tam Xơng – Anak amaik Japlwai”.
Đôi khi những bài hát trẻ con này cũng phản ánh được những nét sinh hoạt của xã hội Chăm. Ngoài những nếp sống sinh hoạt phong tục tập quán được diễn tả sắc nét trong bài Ciim dak – Ciim din, đồng dao Chăm còn mô tả được vài nét tiêu biểu cảnh sống của làng quê Chăm.
                Và vì đồng dao Chăm trong một số trường hợp còn phản ánh những mảnh vụn của sinh hoạt xã hội nên nhờ đó chúng ta lại có thể thoáng thấy một số nét tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử nhất định ẩn chứa trong nó. Về khía cạnh này, bài đồng dao Jalauw Jalai là điển hình. Có thể nói Jalauw Jalai bao hàm được khá nhiều đặc điểm của một bài đồng dao. Bên cạnh việc phản ánh nếp sinh hoạt (làm ruộng, hái trái rừng, đánh bắt cá…), nó còn họa được một số nét về một giai đoạn lịch sử của dân tộc Chăm. Đó có thể là thời kỳ mà tộc người Chăm đang trong giai đoạn vượt qua cuộc sống du canh:
                “Lak bauh tak lac lak bauh tan
                Hái trái mằng tăng, hái trái mằng tăng”.
Để tìm đến sự ổn định của cuộc sống nông nghiệp của thời kỳ định canh định cư:
                “Amư hư mai bơk ia di kraung
                Cha mầy về đắp đập, khai mương”.
Để cũng có thể là thời mà dân Chăm phải vượt qua mọi trở ngại để lập quốc và dựng kinh đô đầu tiên:
                “Jalan nau bal, đik cơk Kraung Dung
                Đường đi kinh thành, leo núi Sông Dung”.
Suốt bài đồng dao, từ nau bal (đi kinh đô) được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mặc dù không ám chỉ kinh đô nào nhưng nó chứng tỏ tộc người Chăm đang phấn đấu gian khổ trong một cuộc hành trình dài để vượt qua giai đoạn bán khai đến một xã hội văn minh có tổ chức.
Đôi khi, thật bất ngờ, đồng dao Chăm còn ghi lại được dấu vết của một nhân sinh quan thuần phác nhưng ý nhị. Chúng ta hãy theo dõi bọn trẻ con đang đi tìm nguyên nhân của sự ốm rạc của thân Cò trong bài Cò ốm (Kauk Liwang). Nhưng nguyên nhân nối tiếp nhau, nguyên nhân này dẫn tới nguyên nhân khác để cuối cùng không một nguyên nhân nào đứng vững cả. Hay nói cách khác, chỉ còn lại một nguyên động lực duy nhất: Ông trời. Cho nên, hành động (nguyên nhân) của các hữu thể (con tôm, ngọn cỏ, con trâu, cái cọc..) được nêu lên trong bài ca để xuất phát từ một yếu tố tất định: Tạo hóa. Do đó chúng đã không phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Thật ngây ngô và đáng yêu biết bao! Ngày nay ta có thể phê phán quan điểm định mệnh này. Ta cũng có thể cho rằng đó là cách nhìn thiếu khoa học về quan hệ nhân quả. Và chúng ta cũng không vội gán cho nó một ý nghĩa triết lý cao siêu nào đó. Tuy nhiên, chúng tôi thiển nghĩ phải chăng các bài đồng dao loại này cũng có phần nói lên một quan niệm, một kiểu lý giải sự vật thường có ở người Chăm mà người lớn muốn truyền dạy cho trẻ thơ?
Về nghệ thuật, lối gieo vần ở đồng dao Chăm phần nhiều đều sử dụng vần liền rồi mới đến vần nối. Có đôi bài, cả hai lối gieo vần được áp dụng có kết hợp cả vần lưng. Cái đặc sắc của đồng dao Chăm còn thể hiện rõ nét cách sử dụng từ ngữ giản dị hay việc vận dụng những của hình ảnh gần gũi cuộc sống thường ngày vào trong sáng tác. Từ những hiện tượng trong thiên nhiên: con chim xanh, cá lòng tong, mặt trăng, trái nhãn, con chó… đến những hình ảnh sinh hoạt xã hội: làm rẫy, bắt cá, lội nước, gặt lúa, đi bói… và tên của các “nhân vật” trong đồng dao cũng được cụ thể hóa và đơn giản hóa một cách rất ngây ngô. Chúng không phải là tên riêng của một ai nhưng có thể là tên tất cả của mọi người – một điển hình của loại người hay so đo và đố kị. Đồng dao Chăm sử dụng ngôn từ mang tính biểu tượng cao là vậy.

2.4.4. Tục ngữ

Xét về nguồn gốc, tục ngữ là câu nói cửa miệng của quần chúng nhân dân, xuất hiện từ lâu đời và được lưu truyền đến ngày nay. Tuy thế, cũng có một số câu tục ngữ Chăm có nguồn gốc từ văn học thành văn. Những câu thơ sâu sắc trong các thi phẩm cổ như: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Dauh Tơy lơy…đều đã tục ngữ hóa và được quần chúng Chăm sử dụng một cách rộng rãi. Mặc dù đại bộ phận tục ngữ Chăm có xuất xứ từ xa xưa, nhưng không phải vì thế mà khả năng sáng tạo tục ngữ của quần chúng Chăm không còn tồn tại nữa ở thời cận đại và hiện đại. Nếu ở thời thực dân – phong kiến, người Chăm có câu:
                “Gơp ngap kwan, patian hu si nhơ
                Bà con làm quan, họ hàng được nhờ.
                Dauk tatơk akauk ciew”
Thì dưới chế độ cũ, chúng ta cũng thấy xuất hiện nhiều câu tục ngữ tiêu biểu: “Nau ikak nau kaiy, mưtai yer laiy tuh thraiy ka gơp”, “Ngap bruk sang, dwah war sang amaik”. Và hẳn nhiên, trong những thập kỷ gần đây, khi văn hóa Chăm đã hòa nhập vào nền văn hóa chung của Việt Nam; và nhất là khi đã có sự chung sống hài hòa giữa hai dân tộc Kinh – Chăm thì sự vay mượn tục ngữ từ người Kinh của người Chăm (vay mượn nguyên văn hay chuyển dịch) là một điều tất yếu.
Có thể nói, tục ngữ Chăm là cả một túi khôn của dân tộc Chăm được cô đúc lại, cả một kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất và đấu tranh, những bài học về tâm lý và giáo dục. Bên cạnh đó, tục ngữ Chăm còn phản ánh được thực tại xã hội, lịch sử Chăm, đồng thời nói lên được phần nào mơ ước chung của cả một dân tộc. Tục ngữ Chăm như là một tấm gương phản chiếu toàn bộ sinh hoạt xã hội Chăm, một kho tàng quý giá thâu tóm mọi tri kiến về nhiều lãnh vực của xã hội. Nhờ vậy mà những con người lao động bình dân có thể rút ra từ trong đó những bài học kinh nghiệm hết sức thiết thực giúp cho họ nhận thức, hành xử và lao động. Để cho mọi người dễ nhớ và dễ áp dụng, tục ngữ Chăm được thể hiện với những ngôn từ và nghệ thuật khá đặc sắc. Nhìn chung, một câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Người Chăm sử dụng những hình ảnh hay hiện tượng khá gần gũi và cụ thể để nói lên những ý niệm trừu tượng và mang tính khái quát lớn hơn.

2.4.5. Câu đố       

Cùng có cấu trúc như tục ngữ, cùng xuất hiện và tồn tại song song với tục ngữ, nhưng câu đố Chăm đã bị mai một đi rất nhiều và rất nhanh. Khoảng 80 đơn vị được giới thiệu ở đây cũng đủ nói lên tình trạng thê thảm này. Bởi sự không cân đối của câu đố so với tục ngữ, thành ngữ Chăm, nên chúng tôi muốn coi đây như là phần phụ lục cần thiết cho tập sách nhỏ này. Nhưng dù sao cũng cần có sự phân tích sơ bộ cấu trúc của nó.
Về nội dung, đối tượng đề cập của câu đố Chăm đều xoay xung quanh những sự vật cụ thể, gần gũi với quần chúng bình dân. Những công cụ sản xuất như cây cuốc, cái cày… hay những vật dụng được dùng trong sinh hoạt hàng ngày như: chiếc đũa, cây kim, cái nồi…; những dụng cụ dùng trong sinh hoạt tinh thần: trống baranưng, cây nến… và cả những hiện tượng tự nhiên xung quanh: cái gai, cái nấm, mặt trăng, biển, trái dưa, cây chuối, con dê, con tôm… cũng có mặt trong câu đố. Câu đố Chăm còn sử dụng đến cả những sinh hoạt xã hội, những hoạt động con người như: cán bông, hỉ mũi, ăn cơm… để làm đối tượng đố; và đôi khi câu đố còn đề cập đến cả những nhân vật lịch sử hay nhân vật trong truyện cổ tích, truyền thuyết: Po Bin Swơr, Po Rome, Po Klaung Girai…
Nhưng khác với tục ngữ, câu đố diễn tả sự vật hay con người bằng cách nói trại đi, bắt đối tượng được hỏi phải vận dụng óc suy luận, trí phán đoán để lý giải nó. Nét đặc trưng luôn là điểm cốt tủy của vấn đề. Nhưng đôi lúc “chất keo” kết dính giữa câu đố và vật đố lại không đủ độ dính cần thiết nên có vài trường hợp trùng lặp xảy ra. Như chỉ có một câu đố mà có hai hay ba cách giải thích khác nhau. Câu: “Talei nau kabaw dauk/ Dây đi, trâu ở lại”.
Sự vật được đem ra đố ở đây có thể là cây dưa, dây bí… và tất cả loại dây có trái khác, người ta có thể trả lời thế nào cũng được, vì không có sự khác biệt đáng kể nào ở những nét đặc trưng giữa chúng ứng với sự vật mà câu đố này muốn ám chỉ. Hiện tượng ngược lại cũng có thể xảy ra. Như chỉ một vật đố mà lại có nhiều câu đố khác nhau. Ví dụ “mặt trăng” có hai câu đố: “O hu kơh blauh hadah/ Không ai khêu mà sáng/ Ala o thei patauk, ngauk o thei twơr/ Phía dưới chẳng ai chống, bên trên chẳng ai treo”. Nhưng đấy chỉ là những trường hợp rất hãn hữu. Nhìn chung, câu đố Chăm luôn miêu tả được những nét tiêu biểu nhất của sự vật để người được hỏi không thể nhầm lẫn, và từ đó có thể lý giải một cách xác đáng.
Có những câu đố trong đó chỉ nêu lên những nét tiêu biểu của sự vật tĩnh: “Sa bbaik gơng, sa tapei gak, ngap jiơng sang/ Một cái cột, một tấm tranh, làm thành nhà”. Hay đôi khi người ta còn tìm thấy câu đố Chăm có dạng đố bằng cách chơi chữ: “Dwa bblang, kluw bauh/ Hai sân, ba trái”. Và vì câu đố đề cập đến mọi khía cạnh của cuộc sống nên cả yếu tố tục cũng được vận dụng đưa vào. Thế nhưng, khi một câu đố Chăm yếu tố tục, ngoài tác dụng gây cười (như câu đố về động tác giã trầu chẳng hạn), nó còn có tác dụng phê phán. Một ông quan huyện hống hách thường cưỡi ngựa cái (để cho nó còn đẻ!) đi ngoài đường bị mang ra làm trò cười với câu đố: “Dwa gah akauk, nơm gah takai, klai krưh ka-ing, ting di tauk”. Hình ảnh thanh niên nông thôn be bét rượu chè cũng trở thành đề tài được khai thác sâu sắc với câu đố: “Sa drei kabaw mưtai, rituh urang mưtai twei/ Một con trâu chết, trăm kẻ chết theo”.

Chương III. Kết luận chung

Banlzac đã từng nói: “Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại” và cũng có câu : “Thành thị cũng có kẻ rồ/ Thôn quê cũng có sinh đồ trạng nguyên” và văn học dân gian cho ta thấy rõ mức độ phát triển của một dân tộc theo chiều hướng đời sống văn hóa xã hội bởi yếu tố chữ viết trong văn học viết giai đoạn sau mà văn học dân gian chính là một nền tảng không thể phủ nhận luôn có mặt trong một nền văn học viết.
Những nhà sưu tầm giá trị văn học dân gian Chăm viết rằng: tục ngữ – ca dao Chăm là tiếng nói chân chất nhưng không kém phần sâu sắc của quần chúng nhân dân Chăm trong suốt quá trình hành lịch của dân tộc được cô đúc lại. Nếu ca dao – dân ca là tiếng hát của con tim mơ mộng thì tục ngữ – câu đố là tiếng nói của lý trí thực tiễn. Tiếng nói ấy đã bao quát được cả một vốn phong phú kinh nghiệm sống và chiến đấu, lao động và học hỏi đồng thời một phần nào khái quát được những nét đặc thù trong sinh hoạt của cộng đồng xã hội Chăm. Tiếng nói ấy, qua một thời gian dài, đã làm giàu cho ngôn ngữ Chăm và tô điểm cho văn chương Chăm không phải là ít.
 Bên cạnh đó, văn học dân gian còn đóng góp một phần quan trọng trong việc làm trong sáng lý trí chúng ta và nhất là làm cho đời sống tình cảm của chúng ta ngày càng thêm phong phú và tốt đẹp. Câu đố Chăm cũng có một lối miêu tả ngắn gọn và cô đọng như tục ngữ. Và cũng như tục ngữ Chăm, nó chạm đến rất nhiều khía cạnh của cuộc sống nhân dân Chăm. Câu đố được người Chăm vận dụng ở khá nhiều hoàn cảnh và tình huống khác nhau. Họ có thể dùng câu đố để xét óc phán đoán của trẻ con. Người con gái Chăm cũng có thể thử trí thông minh, tài suy luận của các chàng trai Chăm trong các dịp họp mặt đông đảo bằng cách đưa ra những câu đố thích hợp. Và câu đố nhiều khi được kết hợp với dân nhạc để tạo thành những bài hát đố (adauh pađau) rất đặc sắc. 
Vốn tục ngữ – ca dao Chăm và người sử dụng chúng ở bốn khu vực trong vùng Chăm Đông (Phan Rang, Tuy Phong, Phan Rí, Ma Lâm), càng vào trong càng giảm đi đáng kể. Khả năng hiểu và sử dụng tục ngữ, thành ngữ ở tuổi trẻ Chăm biểu lộ sự yếu kém thấy rõ so với tuổi già. Và ngay trong thế hệ các cụ lớn tuổi, trong thời gian gần đây, tục ngữ – ca dao ít được dùng xen kẽ trong lời nói như là một lối tô điểm cho ý tưởng của các cụ hơn.
Nhưng có lẽ những tiếng nói này ngày càng bị rơi rụng theo thời gian, và hôm nay đang trở thành một thứ của hiếm. Ngày nay, các cụ Chăm không còn thường dẫn tục ngữ, thành ngữ (pađit bauh kadha) để răn dạy con cái hoặc điểm tô cho lời nói hay ý tưởng mình như thời xưa nữa. Và trong thế hệ trẻ thời đại, nhạc rap, nhạc pop… đã lấn át hẳn những lời dân ca dân dã mang ý nghĩa giáo dục, răn dạy đạo lý làm người.
Người viết có trình bày những giá trị và những vấn đề còn tồn tại chung quanh việc giữ gìn các giá trị văn hóa về văn học dân gian của người Chăm nhưng đó không phải để đưa ra những giải pháp mà là một cách hiểu. Và người viết quan niệm những giá trị văn hóa phải được chính cộng đồng chấp nhận và những giá trị đó chúng ta sưu tầm giữ lại là một việc nhưng những thực hành văn hóa, những giá trị đó có sống được hay không là dựa vào trong chính mỗi cộng đồng. Không có một chủ thể bên ngoài nào có thể thay đổi hay đòi hỏi sự thay đổi.




Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Duy Hinh (2013), Người Chăm xưa và nay, NXB Văn hóa – Thông tin
2. Bình Nguyên Lộc (19710), Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, NXB Bách Việt
3. Phan Văn Dốp, Vương Hoàng Trù (2011), Người Chăm ở Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa – Văn nghệ
4. Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, NXB Mũi Cà Mau,
5. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp (1991), Văn hóa Chăm, NXB Khoa học xã hội
6. Ngô Văn Doanh (1994), Văn hóa Champa, NXB Văn hóa – Thông tin
7. Nguyễn Văn Luận (1974), Người Chàm Hồi giáo ở miền Tây;
8. Phú Văn Hẳn (Chủ biên) (2005), Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm Thành phố Hồ Chí Minh,
9. Inrasara (2006), Trường ca Chăm, NXB Văn nghệ

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn