CHỈ THỊ 121 ngày 12/5/1982 VỀ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO CHĂM

 



CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 121-CT

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO CHĂM

Ngày 26 tháng 10 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 121-CT/TƯ về công tác đối với đồng bào Chăm. Để thi hành Chỉ thị này, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Uỷ ban nhân dân các địa phương có đồng bào Chăm cư trú và các Bộ, các ngành ở Trung ương có liên quan, trong phạm vi chức năng của mình tập trung thực hiện một số công tác trước mắt sau đây:

a) Về tuyên truyền giáo dục:

1. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc (kể cả người Việt) học tập chính sách dân tộc của Đảng. Trong học tập, có liên hệ kiểm điểm sâu sắc cả về nhận thức và việc làm để phát huy những mặt tốt, khắc phục những suy nghĩ và việc làm sai trái có hại đến khối đoàn kết dân tộc. Từ nay cấm dùng các tên gọi có hàm ý miệt thị như gọi người Chăm là Hời, gọi người Việt là Duôn.

2. Phát triển mạng lưới thông tin tuyên truyền tới tận thôn ấp Chăm như loa phát thanh, nhà thông tin, v.v... có hoạt động thường xuyên, có nội dung phong phú, sinh động , có hình thức thích hợp với đồng bào để phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nếp sống mới, con người mới.

3. Tổ chức cho cán bộ và quần chúng nòng cốt dân tộc Chăm đi tham quan thủ đô, các di tích lịch sử chung và những điển hình sản xuất tốt; khuyến khích và giúp đỡ quan hệ trao đổi lành mạnh về các mặt giữa các địa phương, các vùng tôn giáo khác nhau trong nội bộ dân tộc Chăm.

b) Về tổ chức và đời sống:

1. Đối với nông dân: Giải quyết tốt vấn đề ruộng đất, ở những nơi bình quân ruộng đất của đồng bào Chăm còn thấp như ở An Giang thì tích cực vận động đồng bào chuyển đi xây dựng vùng kinh tế mới. Địa phương có đồng bào chuyển đi và địa phương nhận đồng bào đến đều phải thực hiện đầy đủ mọi chính sách của Chính phủ đã ban hành. Đối với khu kinh tế mới Vĩnh Hạnh ở An Giang, cần giúp đỡ đồng bào xây dựng lại nhà cửa và quy hoạch lại nơi ở, xây dựng các công trình phúc lợi riêng cho khu vực này như trường học, nhà trẻ, cửa hàng, trạm y tế, v.v... củng cố đường giao thông đảm bảo cho việc đi lại được thuận tiện. Đối với các vụ tranh chấp ruộng đất, đối với các vụ tranh chấp ruộng đất, đối với ruộng chùa, ruộng cút (ruộng có nhà để hài cốt người chết) ruộng dành cho thờ cúng tổ tiên, phải thông qua bàn bạc dân chủ mà điều chỉnh cho hợp lý hợp tình trên cơ sở chính sách ruộng đất của Chính phủ. Nơi nào nhân dân có yêu cầu giúp đỡ sản xuất, chính quyền các cấp phải xem xét nghiên cứu giải quyết nhanh chóng. Các địa phương cần khuyến khích, giúp đỡ khôi phục và phát triển các nghề cổ truyền của đồng bào như trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đánh cá, chăn nuôi gia súc, v.v... bằng cả hình thức kinh tế tập thể và hình thức kinh tế gia đình; chú ý hướng dẫn đồng bào về cách làm ăn có lợi như thâm canh, tăng vụ, trồng cây ăn quả quanh nhà, xây dựng vườn rau, ao cá v.v... để cải thiện đời sống.

2. Đối với đồng bào Chăm ở các thành phố, thị trấn chưa có việc làm hoặc chưa có nghề nghiệp chính đáng cần thu hút đồng bào vào các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và có chính sách cụ thể để khuyến khích họ lao động sản xuất.

c) Về văn hoá, giáo dục, y tế:

1. Về văn hoá:

- Các địa phương phải bảo vệ giữ gìn tất cả các Tháp Chăm. Đối với những tháp tiêu biểu như Tháp Pô Klông-Garai ở Thuận Hải, cần tiếp tục tu bổ và xây dựng thành nơi thắng cảnh;

- Ngành văn hoá cần tiếp tục sưu tầm các di tích văn hoá của dân tộc Chăm. Đối với các di sản văn hoá quý còn nằm rải rác trong nhân dân thì tích cực vận động đồng bào tập hợp lại để giữ gìn, bảo quản cho tốt và xây dựng thành bảo tàng văn hoá dân tộc;

- Nơi có đồng bào Chăm cần tổ chức lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp trong đoàn văn công tỉnh để làm nòng cốt phát triển phong trào văn nghệ quần chúng của dân tộc Chăm.

2. Về giáo dục:

- Đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào theo đạo Hồi giáo Yslam, có kế hoạch cụ thể phát triển số học sinh Chăm ở các cấp học, tạo mọi điều kiện để thiếu niên, thanh niên Chăm đi học được dễ dàng, nhất là đối với học sinh các lớp trên;

- Đối với chữ viết của dân tộc Chăm, phải phân biệt chữ của dân tộc với chữ của tôn giáo, ở những nơi nhân dân có yêu cầu thì thực hiện việc dạy xen kẽ chữ dân tộc với chữ phổ thông theo tinh thần Quyết định số 53-CP ngày 22-2-1980 của Hội đồng Chính phủ.

3. Về y tế:

- Phát động và tổ chức phong trào vệ sinh phòng bệnh thường xuyên, có nề nếp.

- Tích cực đào tạo y tá và nữ hộ sinh người Chăm, đặt các cơ sở phát thuốc và điều trị, các nhà đỡ đẻ ngay tại các ấp Chăm;

- Có chính sách khuyến khích việc khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn dược liệu tại chỗ, các môn thuốc gia truyền của đồng bào.

d) Về an ninh quốc phòng và trật tự xã hội

- Tổ chức cho đông đảo nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sử dụng lực lượng thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự ngay ở địa phương (huyện hoặc tỉnh);

- Có thái độ hết sức khoan hồng đối với những người lầm đường lạc lối nghe theo địch (trốn đi nước ngoài, tham gia tổ chức Fulrô, xin đổi quốc tịch, v.v...), xử lý có lý có tình đối với tài sản của những người Chăm di tản trái phép;

- Những trường hợp va chạm trong quan hệ dân tộc phải được giải quyết công bằng, theo đường lối quần chúng. Nghiêm cấm mọi hành vi mệnh lệnh thô bạo, gò ép, phân biệt đối xử giữa người Việt và người Chăm.

đ) Về củng cố chính quyền và đào tạo cán bộ

- Bảo đảm quyền của đồng bào Chăm tham gia công việc chính quyền, bầu cử, ứng cử vào Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp; ở những xã và huyện dân số Chăm chiếm từ một phần ba (1/3) trở lên cần có người Chăm tham gia vào Uỷ ban nhân dân. Ở những nơi có đông đồng bào Chăm phải có cán bộ người Chăm giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cơ sở.

- Cần coi việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ Chăm là một nhiệm vụ cấp bách. Mỗi cấp, mỗi ngành đều phải có quy hoạch, có kế hoạch và biện pháp tích cực, thiết thực để bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Chăm cho ngành mình, cấp mình.

Đặc biệt quan tâm đến vùng Chăm Hồi giáo Yslam.

- Các cơ quan giáo dục và tổ chức phải giúp Uỷ ban nhân dân nắm cụ thể số học sinh đã học hết phổ thông cơ sở và trung học (kể cả học sinh dưới chế độ cũ) để có kế hoạch sử dụng và đào tạo cán bộ.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh có đồng bào Chăm có trách nhiệm chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện các công tác chính trên đây. Đối với một số vấn đề ngoài quyền hạn và khả năng của địa phương thì tỉnh làm việc với các cơ quan quản lý ngành có liên quan ở Trung ương, nếu có vấn đề chưa giải quyết được thì kiến nghị với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Uỷ ban nhân dân Dân tộc của Chính phủ giúp Hội đồng Bộ trưởng theo dõi kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này, hàng quý tổng hợp tình hình báo cáo lên Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn