Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có
truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng
đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống
kinh tế và tâm linh của mình.
Tín ngưỡng dân gian: Với quan niệm cho rằng bất cứ vật gì
cũng có linh hồn, nên người xưa đã thờ rất nhiều thần linh, đặc biệt là những sự
vật có liên quan đến nông nghiệp như trời, trăng, đất, rừng, sông, núi… để được
phù hộ. Đối với các dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có hình thái tín ngưỡng riêng
của mình. Tuy nhiên, đặc trưng nhất là các hình thái tín ngưỡng nguyên thủy và
tín ngưỡng dân gian ngày nay còn lưu giữ được trong các nhóm dân tộc như nhóm
Tày-Thái, nhóm Hmông-Dao; nhóm Hoa-Sán Dìu-Ngái; nhóm Chăm-Ê đê-Gia Rai; nhóm
Môn-Khơ me.
Bên cạnh đó, một phong tục, tập
quán lâu đời phổ biến nhất của người Việt và một số dân tộc thiểu số khác là việc
thờ cúng tổ tiên và cúng giỗ những người đã mất. Ở các gia đình người Việt, nhà
nào cũng có bàn thờ tổ tiên và việc cúng giỗ, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền
nhân rất được coi trọng. Bên cạnh việc cúng giỗ tổ tiên ở từng gia đình, dòng họ,
nhiều làng ở Việt Nam có đình thờ thành hoàng. Tục thờ thành hoàng và ngôi đình
làng là đặc điểm độc đáo của làng quê Việt Nam. Thần thành hoàng được thờ trong
các đình làng có thể là các vị thần linh hoặc là những nhân vật kiệt xuất có
nhiều công lao to lớn như những ông tổ làng nghề hoặc anh hùng dân tộc có công
"khai công lập quốc", chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, người Việt còn
thờ các dạng thần như thần bếp, thần thổ công…
Tôn giáo:
Ở Việt Nam có mặt hầu hết các tôn
giáo lớn với đông đảo tín đồ, chức sắc, nhà tu hành của Phật giáo, Công giáo,
Tin Lành, Hồi giáo hay một số tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo.
Phật giáo: Có hai phái: Đại thừa và Tiểu thừa. Phái Đại thừa
du nhập vào Việt Nam thế kỷ thứ II trước Công nguyên; Phái Tiểu thừa du nhập
vào Việt Nam thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Từ thế kỷ thứ X, Phật giáo phát triển
nhanh chóng, được coi là quốc đạo và đạt đỉnh cao ở thời Lý-Trần. Phật giáo hiện
nay ở Việt Nam có khoảng 10 triệu tín đồ, với 20.000 chùa thờ Phật, hơn 38.000
tăng ni; nhiều trung tâm đào tạo các chức sắc tôn giáo.
Công giáo: được các giáo sỹ Phương Tây truyền vào Việt Nam từ
thế kỷ XV. Thiên chúa giáo đầu tiên được phổ biến trong các cư dân ven biển
Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… sau đó đi vào các vùng châu
thổ sông Hồng và các thành phố; hiện nay có khoảng 6 triệu tín đồ, 6.000 nhà thờ;
15.000 chức sắc.
Tin Lành: du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tuy
nhiên, tới năm 1920 đạo Tin Lành mới bắt đầu được truyền giáo tại khắp các vùng
của Việt Nam và hiện có khoảng 1 triệu tín đồ, 500 nhà thờ Tin Lành.
Đạo Hồi: truyền vào Việt Nam qua cộng đồng người Chăm vào thế kỷ
X-XI. Hiện nay Đạo Hồi ở Việt Nam có khoảng 100 nhà thờ Hồi giáo, 70.000 tín đồ,
700 vị chức sắc tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Tây Ninh, Đồng
Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Có hai khối người Chăm theo Hồi giáo: Hồi giáo
chính thống bao gồm những người Chăm theo Hồi giáo ở Châu Đốc, thành phố Hồ Chí
Minh, Tây Ninh, Đồng Nai; Hồi giáo không chính thống (hay còn gọi là Chăm Bà
Ni) gồm những người Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận.
Đạo Cao Đài: Là một tôn giáo bản địa, sáng lập năm 1926 tại Tây
Ninh. Đạo Cao Đài tôn thờ ba đấng tối cao Đức Phật, Chúa Giê-xu và Đức Cao Đài.
Hiện nay có khoảng 2,3 triệu tín đồ, 7.100 chức sắc, 6.000 đền thờ, trung tâm
là tỉnh Tây Ninh.
Đạo Hòa Hảo: còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, là một tôn giáo bản
địa, được sáng lập năm 1939 tại làng Hòa Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Đạo
Hòa Hảo tập hợp nhiều tín đồ ở miền Tây Nam Bộ, số tín đồ vào khoảng 1,2 triệu
người.
Quyền tự do tín ngưỡng và tự do
không tín ngưỡng của công dân Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và được bảo
đảm trên thực tế. Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam, điều 70 ghi rõ:
"Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một
tôn giáo nào; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của
các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do
tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật
và chính sách của Nhà nước".
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
của người dân được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác. Pháp lệnh Tín
ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ 15/11/2004, đã thể chế hóa đường lối, chủ
trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm cho
công dân thực hiện quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi công dân - không
phân biệt có hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo - đều bình đẳng trước pháp luật;
có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; được bày tỏ đức tin tôn giáo của
mình; được thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức
sinh hoạt phục vụ lễ nghi tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo. Các tổ
chức tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của cơ sở tín ngưỡng tôn giáo
như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, điện, đền, trụ sở của tổ chức tôn
giáo, trường lớp tôn giáo, kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng của tín ngưỡng, tôn
giáo. Ngày 1/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ_CP để hướng dẫn
một số điều trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Đối với đạo Tin lành, Thủ tướng
Chính phủ đã ra Chỉ thị 01/2005/CT-TTg ngày 4/2/2005 về một số công tác đối với
đạo Tin lành nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các tín đồ, chức sắc đạo Tin
lành.
Tham gia vào các sinh hoạt tôn
giáo ở Việt Nam có khoảng 20 triệu người, gần 62.500 chức sắc, nhà tu hành và
22.354 cơ sở thờ tự tôn giáo; các cơ sở đào tạo tôn giáo được mở rộng. Hiện
nay, tại Việt Nam có 10 trường Đại học Tôn giáo, 3 Học viện Phật giáo, 6 Đại Chủng
viện Thiên chúa giáo, 1 Viện Thánh kinh thần học của Tổng liên hội Hội Thánh
Tin Lành Việt Nam, 40 trường đào tạo các giáo chức tôn giáo ở các cấp độ khác
nhau, các ấn phẩm tôn giáo, nhất là kinh sách được xuất bản theo yêu cầu của
các tôn giáo.
Tín đồ tôn giáo hoàn toàn tự do
trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo
của mình. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được tự do trong việc thực hành
các hoạt động tôn giáo theo giáo luật. Việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển
chức sắc được thực hiện theo quy định của giáo hội. Các tổ chức tôn giáo đã được
công nhận tư cách pháp nhân trong những năm qua đều có sự phát triển về số lượng
cơ sở giáo hội, về tín đồ, chức sắc nhà tu hành, về việc xây dựng mới hoặc tu bổ
các cơ sở thờ tự, bảo đảm kinh sách, các hoạt động tôn giáo theo hiến chương,
điều lệ và giáo lý, giáo luật. Các chức sắc, nhà tu hành được tham gia học tập,
đào tạo ở trong nước và nước ngoài hoặc tham gia các sinh hoạt tôn giáo ở nước
ngoài. Nhiều tổ chức tôn giáo nước ngoài đã vào giao lưu với các tổ chức tôn
giáo Việt Nam.
Theo Website ĐSQ VN tại Rumani