Một vài đặc điểm cơ bản của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử
thống nhất và đoàn kết của cộng đồng dân tộc, giữa các tôn giáo và tín ngưỡng bản
địa với các tôn giáo du nhập từ bên ngoài. Ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Công
nguyên, sự du nhập của Phật giáo vào vùng kinh đô Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc
Ninh ngày nay), đã nhanh chóng hoà nhập với tín ngưỡng và văn hoá bản địa, trở
thành một bộ phận tất yếu trong đời sống tâm linh của người Việt cổ. Ở Miền
Nam, Phật Giáo Nam Tông đã bắt đầu hình thành và phát triển ở thời kỳ Vương quốc
Phù Nam (thế kỷ I-VII), tiếp sau đó ảnh hưởng sâu đậm trong cộng đồng dân tộc
Khmer Nam Bộ vào thế kỷ XIII và XIV. Vào đầu thế kỷ thứ X, Nho giáo bắt đầu du
nhập vào Việt Nam qua sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Phật giáo phục hưng và
trở thành hệ tư tưởng chính thống của triều đại Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV) và chiếm
vị trí chủ đạo trong đời sống tâm linh của người dân thời kỳ này.
Tuy nhiên, kể từ thời Hậu Lê (thế kỷ VI) trở đi, Nho giáo đã
trở thành hệ tư tưởng chính trị - đạo đức chính thống và là một trong những tôn
giáo chính trong xã hội phong kiến Việt Nam. Theo những bước chân của các giáo
sĩ truyền giáo Tây Âu, Công giáo đã được đưa vào Việt Nam từ thế kỷ XVI và sau
đó phát triển mạnh ở triều Nguyễn và thời Pháp thuộc. Cuối thế kỷ XIX, đầu XX,
đạo Tin lành bắt đầu du nhập vào Việt Nam do các nhà truyền giáo đến từ Bắc Mỹ.
Trong nửa đầu và cuối thế kỷ XX là sự phát triển mạnh mẽ của các tôn giáo bản địa,
đáng lưu ý là Phật giáo Hoà Hảo, đạo Cao Đài, Tứ Ân Hiếu Nghĩa... Cùng với những
tín ngưỡng bản địa đã hình thành từ lịch sử ngàn năm của dân tộc, như tín ngưỡng
thờ cúng tổ tiên, các tôn giáo ngoại sinh và nội sinh đã làm phong phú và là bộ
phận không thể thiếu đươc trong đời sống tâm linh và tinh thần của cộng đồng
các dân tộc Việt Nam.
Theo thống kê, ở nước ta có khoảng 24 triệu tín đồ tôn giáo,
chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Trong đó, chủ yếu là tín đồ Phật giáo (hơn 11
triệu người), Công giáo (gần 7 triệu người), Tin Lành (hơn 1 triệu người), Cao
Đài (2,4 triệu người), Phật giáo Hòa Hảo (1,5 triệu người), Tịnh độ Cư sĩ Phật
hội Việt Nam (hơn 1 triệu người); còn lại là tín đồ các tôn giáo khác, chiếm gần
nửa triệu người. Số lượng chức sắc, nhà tu hành khá đông, khoảng 83 nghìn người;
ngoài ra còn có 250 nghìn chức việc trông coi việc đạo ở khoảng 25 nghìn cơ sở
thờ tự. Ngoài ra, ước tính hiện nay, 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng,
tôn giáo. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có
khoảng 8.000 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách
mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào và 40 lễ hội
khác.
Với sự đa dạng
các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nói trên, người ta thường ví Việt Nam như bảo
tàng tôn giáo của thế giới. Về khía cạnh văn hoá, sự đa dạng các loại hình tín
ngưỡng, tôn giáo đã góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú và đặc sắc.
Các tín ngưỡng, tôn giáo dù có nguồn gốc khác nhau, phương châm hành đạo không
giống nhau nhưng không vì thế mà có sự xung đột, phá hoại lẫn nhau để phát triển
riêng mình, ngược lại trong quan hệ, họ luôn có sự gắn kết, giao lưu và tìm hiểu
về nhau để cùng truyền đạt những tinh hoa của từng tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là
nét đẹp rất riêng của các tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận
biết được một vài đặc điểm cơ bản của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như sau:
Một là, các tín ngưỡng, tôn giáo có sự dung
hợp, đan xen và hòa đồng, không kỳ thị, tranh chấp và xung đột. Các tín ngưỡng
truyền thống phản ánh đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, sự khoan dung, độ
lượng, nhân ái của người Việt Nam và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những
yếu tố để người Việt Nam dễ hòa đồng với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Trong nhiều cộng đồng dân cư có sự xen kẽ giữa người có tôn giáo và người không
có tôn giáo. Ở nhiều nơi, trong cùng một làng, xã, có nhóm tín đồ của tôn giáo
này sống đan xen với nhóm tín đồ của tôn giáo khác hoặc với những người không
theo tôn giáo, và họ sống hòa hợp với nhau trên nền tảng làng, xóm, dòng họ.
Hai là, các tôn giáo ở Việt Nam chủ yếu thờ
Thượng đế và linh nhân là người nước ngoài. Các nghiên cứu về lịch sử tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam cho thấy, tư tưởng tôn giáo có từ người Việt cổ, thể hiện
trực quan qua các hình tượng chim Lạc và con Rồng. Hệ thống giáo lý của các tôn
giáo nội sinh (Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam,...)
hầu hết đều sao chép hoặc chịu ảnh hưởng từ các tôn giáo có trước.
Ba là, mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những
nét văn hóa riêng biệt nhưng đều hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, chịu ảnh hưởng của
truyền thống dân tộc, góp phần tạo nên những nét đẹp trong nền văn hóa đa dạng,
phong phú về bản sắc của dân tộc. Thực tế, mỗi tôn giáo đều mang trong nó một
hay nhiều tín ngưỡng; các tín ngưỡng này đã có sự giao thoa với văn hóa Việt
Nam. Qua hàng trăm năm tồn tại, phát triển, văn hóa tín ngưỡng ngoại nhập dần
được Việt hóa và trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam (dù không thuần nhất).
Bốn là, trong lịch sử cận, hiện đại của dân
tộc, các thế lực thực dân, đế quốc, phản động luôn tìm mọi cách lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo và các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để xâm lược,
đô hộ nước ta, hoặc gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,
phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn sử dụng,
lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo như một thứ vũ khí nhằm thực hiện chiến lược
"diễn biến hòa bình", phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với chiêu bài "tự do tôn giáo", "nhân
quyền", chúng xuyên tạc, bóp méo đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, âm mưu tạo ra lực lượng và xây dựng ngọn cờ
trong tôn giáo hòng lật đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.