Ngày hội VHTTDL Chăm

Ngày hội VHTTDL Chăm

Phỏng vấn ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận về Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm: “Ngày hội sẽ là Cơ hội thu hút khách du lịch tìm hiểu văn hóa Chăm”.

“Văn hóa Chăm: Bảo tồn, phát huy và hội nhập” là chủ đề của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm, Ninh Thuận năm 2012. TS Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hoá thể thao du lịch Ninh Thuận khẳng định ngày hội này là cơ hội để thu hút khách du lịch tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Chăm.

P.V: Ông có thể cho biết việc Ninh thuận đăng cai tổ chức sự kiện “Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận năm 2012” đã có ý nghĩa như thế nào đối với người dân địa phương?
TS Phan Quốc Anh: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm, Ninh Thuận thực sự là một cơ hội quí giá để đẩy mạnh công tác bảo tồn các giá trị văn hóa Chăm tại Ninh Thuận nói riêng và cộng đồng dân tộc Chăm sống trên cả nước nói chung. Đây còn là dịp để quảng bá, giới thiệu và tôn vinh sắc thái văn hóa Chăm. Sau ngày hội, các địa phương có người Chăm sinh sống sẽ tiếp tục khai thác, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Chăm, sáng tạo nhiều tiết mục văn nghệ sử dụng yếu tố văn hóa dân gian Chăm và duy trì, khôi phục các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội Ka tê. Có thể nói đây là cách tốt nhất để bảo tồn có hiệu quả văn hóa Chăm.
Ngày hội năm nay diễn ra đúng dịp Lễ Katê của đồng bào dân tộc Chăm, đặc biệt lễ khai mạc được tổ chức ngay đêm giao thừa (theo lịch Chăm) nên dự kiến sẽ thu hút đông đảo đồng bào, khách du lịch tham dự. Trong dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng hợp tác với các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng trong việc tiếp đón các đoàn khách, xây dựng những tour du lịch với các điểm đến là Tháp Po Klongirai, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp…
PV: Hướng tới việc tổ chức sự kiện này, tỉnh Ninh Thuận đã chuẩn bị những gì để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân địa phưong nói riêng và khách du lịch khắp nơi có được một mùa lễ hội ý nghĩa, thưa ông?
TS Phan Quốc Anh: Cho đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội đã được hoàn tất đúng tiến độ, đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật (địa điểm, an ninh, âm thanh, ánh sáng,..) cho hoạt động diễn ra trong ngày hội. Khu vực Tháp Pô Klongirai, nơi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc cũng như các dịa điểm khác cũng đã được chỉnh trang, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Các cơ sở kinh doanh du lịch (lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, khu, điểm du lịch, lữ hành…) tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ; huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch, có các tổ y tế túc trực phục vụ khách và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm …sẵn sàng đón các đoàn khách Trung ương và các tỉnh về dự.
Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức các tour du lịch, quảng bá và xúc tiến du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm; đưa khách đi thăm quan các làng nghề, danh thắng, di tích lịch sử khi có yêu cầu của khách và Ban Tổ chức.
Sở VHTTDL Ninh Thuận khuyến khích các xã, phường, thị trấn tích cực tham gia các hoạt động của Ngày hội và giữ gìn an ninh trật tự ở từng cơ sở của địa phương mình; tổ chức tổng vệ sinh đường phố, đảm bảo xanh, sạch, đẹp và đảm bảo về mỹ quan đô thị.
P.V: Thưa ông, một trong những mục tiêu mà tỉnh hướng tới khi tổ chức ngày hội văn hoá Chăm Ninh Thuận là thu hút khách du lịch nhiều hơn. Vậy, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã làm gì để có sự hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch?
TS Phan Quốc Anh: Cũng như các dân tộc khác thì văn hóa Chăm có sức hút mãnh liệt với khách du lịch vì có những nét đặc sắc riêng. Trên cơ sở những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm như: đền tháp, cộng đồng người Chăm, nghệ thuật diễn xướng dân gian, làng nghề gốm cổ truyền Bầu Trúc, hay làng nghề thổ cẩm Mỹ Nghiệp, chúng tôi đang xây dựng các điểm đến du lịch. Hiện nay khách du lịch đã biết đến du lịch Ninh Thuận. Sau Năm du lịch quốc gia 2011, khách du lịch đến Ninh Thuận tăng đột biến.
Ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận 
Nguồn: internet

Hiện nay phát triển du lịch đã đồng hành cùng văn hóa cho nên trong sự điều hành vừa bảo tồn vừa phát huy văn hóa dân tộc. Trong phát huy cần gắn kết giữa văn hoá với phát triển du lịch, xây dựng các điểm đến hấp dẫn, xây dựng các đội văn nghệ dân gian của người Chăm phục vụ khách du lịch, hay để khách du lịch đến các làng nghề cùng thao tác làm nghề nặn gốm, dệt, tham gia đánh trống ginăng, thổi kèn saranai. Đó là những định hướng mà ngành du lịch sẽ làm sao cho văn hóa Chăm vừa bảo tồn, vừa được phát huy.
Bên cạnh Những cảnh đẹp được thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Thuận, nơi đây còn có cả một quần thể về kiến trúc và các lễ hội văn hoá Chăm phong phú, tồn tại nhiều công trình kiến trúc Chăm còn nguyên vẹn và gắn với lễ hội của người Chăm. Tuy nhiên, đến nay nhiều tiềm năng vẫn còn ở dạng “nguyên thô”, chưa có điều kiện để phát triển kinh tế du lịch.
Trong những năm tới, du lịch Ninh Thuận sẽ phát triển theo 3 hướng: đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng các dịch vụ du lịch có tính chất khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có sự hấp dẫn. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương như: sản phẩm từ nho, thịt cừu, táo, hành tỏi, các sản phẩm làng nghề truyền thống…; phát triển các loại hình du lịch tích hợp, du lịch cao cấp như xây dựng sân golf, khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao, hình thành các khu du lịch biển và dịch vụ cao cấp để thu hút tầng lớp khách có thu nhập cao, xây dựng các khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, khai thác lợi thế về nắng và gió, bãi biển, bãi cát để phát triển các môn thể thao kết hợp du lịch trên mặt biển, dưới mặt biển, trên cát, trên bãi biển...Trong tương lai không xa, du lịch Ninh Thuận sẽ có cơ hội để cất cánh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững.       
 PV: Xin cảm ơn ông.
Hồng Trang (thực hiện)Hongtrang_bbd@yahoo.com
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn