HÁT
BÀI CHÒI – MỘT GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT DÂN GIAN Ở HỘI AN – QUẢNG NAM
Huỳnh Trọng Nhật
Tóm tắt: Hát bài chòi truyền thống ở Hội An là hình thức diễn xướng
dân gian mang đậm văn hóa âm nhạc dân gian xứ Quảng, mà ngày nay vẫn còn được
gìn giữ và sinh hoạt rất sôi nổi trên vùng đất thuần hậu này. Đây có thể xem
như hình thức sân khấu âm nhạc lớn ở loại hình âm nhạc dân gian, có giá trị
riêng về mặt âm nhạc nghệ thuật. Hát bài chòi là loại hình sinh hoạt giải trí
bình dân nhưng chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, có vai trò gắn kết cộng đồng,
tạo nên mối quan hệ đồng cảm và đặc biệt là có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ngày
nay, trong thời kỳ hội nhập kinh tế mở cửa, giao lưu văn hóa, hát bài chòi còn
mang trong mình xứ mệnh quảng bá giá trị truyền thống của đất nước để bạn bè,
du khách quốc tế hiểu hơn về nét đẹp riêng của văn hóa, con người và đất nước
Việt Nam
Từ khóa:
Hát bài chòi, giá trị văn hóa, nghệ thuật, dân gian, Hội An, Quảng Nam.
1. Đặt vấn
đề
Hội An là đô
thị cổ của xứ Quảng một thời, nơi đây đã từng là cửa ngõ giao thương buôn bán sầm
uất giữa các nước như: Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc… với người Việt
xưa. Đã từng mang danh như Faifo, Hải Phố, Hoài Phố, đô thị cổ Hội An của tỉnh
Quảng Nam vốn là thành phố cảng lớn của vương quốc ChamPa trên vùng đất
Amavarati từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV. Ngày 4/12/1999 Hội An được UNESCO
công nhận là di sản văn hóa thế giới, nơi đây được ví như bảo tàng sống còn bảo
lưu những giá trị văn hóa cổ xưa như: hệ thống kiến trúc đô thị cổ, chùa chiềng
của người Hoa người Nhật, những giá trị văn hóa tinh thần rất độc đáo còn khá
nguyên vẹn được gìn giữ bền bỉ trong đời sống cộng đồng dân cư nơi đây.
Bài chòi – một
trò chơi giải trí, một yếu tố tinh thần gắn liền trong đời sống cộng đồng, một
giá trị âm nhạc được người dân Hội An gìn giữ, phát huy tích cực và tồn tại cho
đến ngày nay. Hát bài chòi là loại hình diễn xướng dân gian có mặt hầu khắp ở các
tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ (từ Bình Trị Thiên cho đến Ninh Thuận và
Bình Thuận). Khác với các tỉnh khác có loại hình diễn xướng dân gian này, hát
bài chòi ở Hội An – Quảng Nam có những nét riêng, độc đáo, mang đậm yếu tố văn
hóa truyền thống của người dân xứ Quảng.
Cho đến nay,
chưa ai xác định chính xác loại hình diễn xướng dân gian hát bài chòi trên vùng
đất Quảng Nam xuất hiện từ khi nào, đến từ đâu. Nhưng thiết nghĩ, cũng như các
loại hình văn hóa âm nhạc dân gian khác, hát bài chòi cũng không tránh khỏi sự
giao thoa, tiếp biến lẫn nhau giữa các vùng – miền lân cận, nhất là có sự tương
đồng về lối sống văn hóa cộng đồng.
Hát bài chòi
là loại hình văn hóa diễn xướng dân gian, mang đậm chất sân khấu nhỏ đầy tính
ngẫu hứng. Chính vì những yếu tố đó, hát bài chòi ở Hội An cũng đã thể hiện đa
dạng, độc đáo những lối hát, làn điệu, tính chất hài vui nhộn, thâm thúy… trong
cách diễn, cách xướng. Ngày nay, bài chòi đã theo dòng lịch sử phát triển lên
thành sân khấu dân ca kịch bài chòi, điều đó cho thấy trò chơi dân gian này
không chỉ dừng lại ở loại hình diễn xướng dân gian mà đã chuyển lên loại hình
âm nhạc chuyên nghiệp lớn hơn về qui mô, giàu hơn về những giá trị âm nhạc.
Trong phạm vi
bài nghiên cứu, tôi chỉ đi vào mấy vấn đề có trong hát bài chòi truyền thống ở Hội
An – Quảng Nam còn đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Tên gọi và nguồn gốc của hát bài chòi
Tên gọi: Tên “Bài chòi” xuất phát từ hình thức chơi vì
những người chơi bài ngồi trong 8 hay 10 cái chòi chia thành hai hàng đối nhau,
ở một đầu và giữa hai hàng chòi là chòi hiệu. Vật chơi là một bộ bài có 32 thẻ
bài, chia đều cho 10 người, mỗi người 3 quân, còn 2 quân để lại. Người cầm chịch
cuộc chơi cũng có một bộ thẻ bài như vậy đựng trong một ống tre trên một cây nọc
cao vừa đủ để “anh hiệu” không nhìn thấy các quân
bài nhưng đủ để anh rút được nó. Trong số 10 người chơi, ai có quân bài trùng với
tên quân bài “anh hiệu” vừa xướng thì hô to “có đây”, một anh lính lệ chạy lại
và trao cho người đó một lá cờ rồi đổi lấy quân bài.
Nguồn gốc:
Theo truyền thuyết dân gian, qua lời kể của những nghệ nhân thì vào cuối thế kỷ
16 đầu thế kỷ 17, nhiều thú dữ trên rừng thường về phá hoại mùa màng, quấy nhiễu
cuộc sống của dân lành. Để chống lại thú dữ, người dân trong làng đã dựng những
chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai
tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoại hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi
chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta nghĩ ra cách giao lưu với
nhau bằng những câu hát, câu hò. Để phù hợp với hoàn cảnh khi đó, người trên
các chòi đã ngồi trên chòi để hát – hô đối đáp nhau giữa chòi này với chòi
khác. Rồi không chỉ có vậy, người dân còn sáng tạo ra cách ngồi bài tứ sắc
(tương tự như chơi tam cúc ở ngoài Bắc). Hình thức vừa chơi bài, vừa hô hát giữa
các chòi với nhau để giải trí này đã được dân gian gọi là hô bài chòi, khởi nguồn
cho nghệ thuật bài chòi sau này.
2.2. Cách tổ chức, không gian diễn xướng và thời gian diễn xướng
* Cách thức tổ chức
Việc lập chòi để chơi cũng có nhiều
cách và mỗi địa phương tổ chức dựng chòi cũng có ít nhiều khác nhau. Ở Hội An –
Quảng Nam, người ta dựng chòi theo hình chữ nhật. Hai cạnh dài, mỗi bên dựng 4
chòi đối mặt nhau. Chính giữa là một chòi ngắn gọi là chòi trung ương, bên cạnh
là một cái rạp nhỏ phía trong có kê một bộ phản (ván). Bên cạnh bộ phản là hai
trống chầu, trước trống chầu là một cái bảng trên có đặt khay tiền và những lá
cờ hiệu. Chính giữa hình chữ nhật của sân chơi là vị trí của anh Hiệu đứng diễn
xuất, bên cạnh là vị trí của ban nhạc. Sát cạnh anh Hiệu người ta trồng một cây
tre có khoét lỗ hổng hoặc treo vào đó cái ống để đựng thẻ bài.
Chòi được làm bằng tranh, tre, nứa,
lá. Ba mặt sau che kín chỉ còn lại mặt trước. Chòi rộng khoảng 4 đến 5m2,
trong chòi có cái mỏ bằng tre để khi trúng quân bài người chơi gõ vào cái mõ đó
để báo hiệu cho ban tổ chức biết, người chạy cờ đến đưa lá cờ màu vàng.
* Không gian diễn xướng
Hát bài chòi thường được tổ chức trên
một sân rộng ngoài trời. Ở Hội An, sân chơi bài chòi diễn ra hằng đêm giữa lòng
phố cổ, bên cạnh là dòng sông Hoài.
* Thời gian diễn xướng
Hát bài chòi ở Hội An thường được diễn
ra lúc 19h hằng đêm
2.3.
Thể thức cuộc chơi
Khác với lối Hò bài thai (hay Đố thai,
Hô thai) ở Huế, Treo cửu nhơn ở Nam Trung Bộ (là người chơi phải đoán con bài
người hô trong phạm vi ba lần, nếu không đúng người chơi phải thua ba đồng, nếu
đoán trúng người hô phải trả cho người chơi mười đồng… người hô bắt đầu bằng À…
và sau đó là hô một câu lục bát, nội dung chứa đầy yếu tố đánh đố người chơi), ở
hát bài chòi Hội An, trước khi bắt đầu, người chơi phải mua một bản bài có dán
3 lá bài. Riêng người hát – gọi là anh Hiệu, giữ nguyên cả một bộ bài.
Khi mọi người đã yên vị, anh bắt đầu
rút từng lá bài và lên giọng hô. Thế là cuộc chơi bắt đầu. Thí dụ như khi rút
ra lá bài “nhứt trò” (có hình một người học trò) thì anh cất tiếng ngân nga câu
thơ lục bát như sau:
Đi
đâu cắp sách đi hoài
Cử
nhân chẳng thấy, tú tài cũng không
Ai có lá bài này thì đánh vào chiếc mõ
treo trong chòi hoặc hô lên và đưa tấm bản bài lên vẫy vẫy, người đưa cờ đem lá
“nhứt trò” và kèm theo lá cờ nhỏ
màu vàng đến giao cho người có con cờ được hô đó để trở thành một đôi. Chòi nào
có được ba đôi trước thì chòi đó hô to “tới”, lúc đó ván bài được dừng lại và
phát thưởng cho người thắng cuộc
2.4. Bộ bài
Bộ bài để
đánh bài chòi là bộ bài trùng (Quảng Nam) hay bài tới (Thừa Thiên Huế). Bộ bài
này rất gần với bộ bài tổ tôm hoặc bài Tam Cúc miền Bắc. Điều này dễ hiểu vì
trên con đường Nam tiến, cha ông ta đã mang theo cả trò chơi quê cũ nhưng tổ
tôm vốn là trò chơi mang tính bác học, không phù hợp với cuộc sống “đầu sóng ngọn
gió” nơi đất khách quê người. Do đó, nhân dân ta ngày ấy đã dân gian hóa trò
chơi này. Họ đã nghĩ ra một cách chơi đơn giản hơn và họ đã chuyển bộ bài tổ
tôm thành bộ bài trùng, bộ bài tới chơi như bài tam cúc đổi các tên gọi nặng âm
Hán – Việt như Bát Sách, Nhị Sách, Cửu Vạn... thành những tên thuần Việt như
Ông Ầm, Lá Liễu, Ngủ Trưa, Ba Gà... để dễ nhớ, dễ gọi. Với cách gọi thông tục,
với cách chơi đơn giản, trò chơi đã được mọi người hưởng ứng tham gia. Tính chất
phổ thông hóa, bình dân hóa của một trò chơi khiến nó có sức phổ biến rộng rãi
trong quần chúng nhân dân.
Những con bài được in trên loại giấy
gió mỏng, thô và dán lên trên một lớp bìa rồi phủ lên một lớp điệp. Mặt sau con
bài được quét lên một lớp phẩm màu xanh, đỏ để tạo thêm phần hình thức. Sự mộc
mạc, đơn giản của hình thức con bài kéo theo tên gọi của nó cũng có phần dân
dã, gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày nơi “vườn làng xóm ngõ” ấy như: Thằng
Móc, Bảy Sưa, Ngủ Trưa, Ngủ Trợt… Tên gọi những con bài có tính hài hước, châm
biếm, dễ dãi, tinh nghịch, tiếng Nôm pha tiếng Hán, khi gọi thế này khi gọi thế
khác.
2.5. Lời ca
Bài
chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian rất độc đáo. Văn bản
lời ca bài chòi là một loại hình văn học dân gian chủ yếu mang tính diễn đạt.
Do đó, khảo sát bài chòi đứng trên bình diện văn học, chúng ta cần đi sâu
nghiên cứu phần nội dung và đặc điểm thi pháp của lời ca bài chòi
2.5.1. Đặc điểm thi pháp
Lời
ca là yếu tố cơ bản trong dân ca bài chòi. Lúc đầu, lời ca ra đời nhằm đáp ứng
nhu cầu vui chơi giải trí tại chỗ, nâng đỡ trò chơi, tạo sắc thái văn nghệ nhằm
lôi cuốn người mộ điệu. Mặt khác, lời ca được anh (chị) hiệu hát lên cũng tác động
đến người chơi nhằm mục đích gợi nghĩ, gợi tả, dẫn dắt tư duy người chơi hình
dung đến hình ảnh một con bài sắp ra.
Dần
dần, do đời sống phát triển, nhu cầu văn hóa văn nghệ trên vùng đất mới cũng
phát triển. Vì thế, người chơi mong muốn nghe được những lời ca dài hơn, mang ý
nghĩa sâu sắc, phản ánh những vấn đề phong phú, đa dạng hơn của cuộc sống. Những
vấn đề của hiện thực xã hội được đề cập như đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống
lễ giáo phong kiến, phê phán thói hư tật xấu của người đời, đề cao nhân nghĩa.
Đồng thời ca ngợi lao động, ca ngợi tình yêu lứa đôi, ca ngợi quê hương đất nước
đã trở thành đề tài quen thuộc của lời ca bài chòi.
2.5.2. Thể thơ
Thể
lục bát: là thể thơ phổ biến nhất trong lời ca bài chòi, một câu sáu chữ, một
câu tám chữ.
Song
thất lục bát: Theo nhạc sĩ Hoàng Lê “Thơ song thất lục bát rất khó hát bài
chòi”. Khó chứ không phải là không hát được, vì nó luôn bị tình trạng rời rạc,
khó logic của hai câu thất với những thể thơ khác hoặc ghép nối nhiều thể thơ
song thất lục bát lại với nhau trong cấu trúc. Do điệu hát vừa tạo nhịp êm ả ở
hai câu thơ lục bát, bỗng tiếp theo gặp ngay sự thay đổi tiết tấu, cao độ và vị
trí của thanh điệu chủ ở hai câu song thất vì phải theo sự thay đổi của tiết
thơ. Rồi cứ như thế đoạn hát bị lặp lại giống nhau nghe rất nhàm tai.
Các
thể thơ khác: Bên cạnh những thể thơ trên, hát bài chòi còn có thơ năm chữ, bốn
chữ... tuy nhiên những sáng tác cho thể thơ này là không nhiều.
2.6. Làn điệu
Làn
điệu là yếu tố cơ bản trong cấu trúc của chỉnh thể dân ca có tính ổn định và bền
vững, đóng vai trò chủ đạo trong tổ chức, chi phối, điều tiết lời thơ và diễn
xướng. Thuật ngữ làn điệu được sử dụng để nghiên cứu âm nhạc truyền thống nhất
là dân ca.
Đối
với hát bài chòi ở Hội An, những làn điệu được sử dụng như: Cổ bản, Xuân nữ,
nói lối và vay mượn những làn điệu Lý để ghép lời mới có nội dung phù hợp với
quân bài muốn hò.
2.6.1. Làn điệu cổ bản
Trong
hát bài chòi truyền thống ở Hội An, làn điệu Cổ bản được sử dụng khi mới bắt đầu
vào cuộc chơi bài chòi để giới thiệu sơ lược tất cả những con bài có trong bộ
bài, thỉnh thoảng cũng sử dụng chen vào những câu hô với điệu Xuân nữ.
Điệu
Cổ bản được sử dụng không nhiều trong hát bài chòi truyền thống ở Hội An, nhịp
điệu hơi nhanh so với điệu Xuân nữ và các làn điệu Lý. Âm nhạc tươi vui, trong
sáng, tiết tấu đảo phách nhiều, tính chất giai điệu pha chút tinh nghịch, khỏe
khoắn. Pha trộn điệu Cổ bản vào cách xưng hô sẽ làm cho không khí cuộc chơi sôi
nổi hơn, rộn ràng hơn, xóa tan sự nhàm chán của điệu Xuân nữ với mật độ sử dụng
nhiều trong buổi diễn hát chòi.
2.6.2. Điệu Xuân nữ
Làn
điệu Xuân nữ được sử dụng nhiều nhất, và là làn điệu chủ đạo giữ vai trò quan
trọng trong suốt cuộc chơi bài chòi truyền thống ở Hội An – Quảng Nam. Điệu
Xuân nữ thường sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể... trong phần lời
ca, khúc hát dài hay ngắn là tùy vào nội dung lời ca nói về con bài đó, nếu như
kéo dài thì bao gồm nhiều thể thơ nối tiếp nhau cho đến khi điểm thị con bài
đó. Âm nhạc được tiến hành với nhịp độ đều, tốc độ ít biến đổi, giai điệu uyển
chuyển, mềm mại với những âm rung tạo cảm giác rất độc đáo, làm cho người chơi
thấm thía những dòng cảm xúc giai điệu dân gian đến cuối cuộc chơi.
Tiết
tấu đảo phách là yếu tố đặc trưng của điệu Xuân nữ, tạo sự lơ lửng, chêch vênh
trong giai điệu, điều này muốn nói lên yếu tố tinh nghịch, vui tươi của cuộc
chơi mặc dù đây là làn điệu mềm mại, sâu lắng, trữ tình. Điệu Xuân nữ tha thiết,
trữ tình thích hợp với lối tự sự giãi bày tâm trạng, lối đan ghép chất liệu đem
lại giọng điệu mới, tạo nên sự điều hòa tính chất u buồn, mềm mại, bên cạnh
tính chất rắn rỏi, tươi mát.
2.6.3. Thể “Lý” được sử dụng trong
bài chòi Hội An
Cũng
giống như điệu Cổ bản, làn điệu Lý cũng được sử dụng không nhiều trong hát bài chòi
truyền thống ở Hội An. Vai trò của Lý là tô thêm màu sắc của cuộc chơi, cuộc diễn
bài chòi. Lý góp phần tăng thêm yếu tố dân gian trong cuộc sinh hoạt vui chơi cộng
đồng. Khác với làn điệu Xuân nữ, Lý được hát với thể thơ tự do 6, 7, 9 chữ hoặc
nhiều chữ hơn nữa.
Làn
điệu Lý sử dụng trong bài chòi Hội An đôi khi lấy nguyên cả bài Lý nào đó thay
lời mời vào để nói về nội dung bài. Giai điệu của làn điệu Lý mềm mại, uyển
chuyển, man mác nỗi buồn đặc hữu của dân ca liên khu V. Tuy vậy, khi được áp dụng
trong bài chòi nó được nâng lên với nhịp độ nhanh hơn, thể hiện tinh thần vui
chơi, rộn ràng và hòa nhịp chung với nhịp độ cuộc chơi.
2.7. Gía trị nghệ thuật
2.7.1. Gía trị nội dung lời ca
Sinh
hoạt hát bài chòi không những là một hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà
nó còn là một sinh hoạt mang tính giáo dục sâu sắc. Lời ca được viết trong hát
bài chòi như một triết lý chứa một giá trị nhân văn cao cả, nó mang những giá
trị văn hóa tinh thần đầy ý nghĩa, một giáo lý nhân văn sâu sắc mà cần phải bảo
quản, gìn giữ.
*
Tính nhân văn
Thứ
nhất, thông qua nội dung của những câu Thai ta có thể tìm thấy trong đó sự ca
ngợi tình phụ mẫu, tình thầy trò, theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống của
dân tộc.
Thứ
hai, ca ngợi tình cảm phu thê. Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở, nó chiếm một
phần không nhỏ trong tâm hồn của mỗi người. Có khi nó sẽ làm thăng hoa một cảm
xúc và có khi nó để lại một khoảng lặng buồn trong tâm hồn của chúng ta. Trong
bài chòi cũng như thế, những câu hát về tình yêu chiếm vị trí không nhỏ, đặc biệt
là ca ngợi sự thủy chung, gắn bó chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, sự ngang
trái của cuộc đời.
Thứ
ba, ca ngợi những đức tính tốt đẹp của con người đó là lòng hiếu nghĩa, lòng
nhân ái, sự bao dung, chia sẻ, cái tâm trong sáng và những giá trị đạo đức truyền
thống của dân tộc.
Nhìn
chung, trên đây là những điều cơ bản thể hiện tính nhân văn trong bài chòi. Tuy
được thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhiều cung bậc khác nhau nhưng tất cả đã nói
lên được tính nhân văn sâu sắc trong bài chòi. Thế nhưng, để làm nên tính đặc
trưng của bài chòi không chỉ có tính nhân văn mà ta cần phải nói đến tính giáo
dục trong nó.
*
Tính giáo dục
Tính
giáo dục của bài chòi được thể hiện ở nội dung của những câu Thai với nhiều
khía cạnh khác nhau, đó là sự giáo dục về đạo đức, về nhân cách sống, về tình
yêu quê hương đất nước, hướng con người đến với những giá trị, những chuẩn mực
đạo đức cao đẹp hơn.
Thứ
nhất, giáo dục về tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu quê hương đất nước luôn
là nguồn cảm xúc mạnh mẽ nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Ta có thể tìm thấy sự
hiện diện của nó từ trong những câu hát mộc mạc, quê mùa đậm chất dân dã đến những
lời ca mang phong cách đương đại. Đối với bài chòi cũng vậy, tình yêu quê hương
được khắc họa khá sâu sắc trong những câu ca đó là lòng tự hào về quê hương, sự
gửi gắm tình cảm về chốn thôn quê dân dã nơi mình đã chào đời. Đặc biệt đó là
những lời nhắn nhủ, mỗi người phải biết hướng về cội nguồn, về nơi ta sinh ra
và về nơi đã cho ta những điều hạnh phúc trong đời.
Thứ
hai, thông qua việc phê phán những tệ nạn xã hội từ đó hướng con người tránh xa
nó. Đó có thể là phê phán những con người bạc tình vô ơn, hay là phê phán sự vơ
vét, bóc lột của bọn quan lại, cường hào.
Thứ
ba, thông qua việc phê phán những hủ tục lạc hậu để từ đó hướng con người đến một
xã hội văn minh hơn.
Tóm
lại, có những giai điệu lời ca làm ta rung động, có những giai điệu lời ca để lại
một khoảng lặng nào đó trong lòng chúng ta và cũng có những giai điệu lời ca
đem đến cho ta một sự hiểu biết về vùng đất, về con người nơi đó. Bài chòi cũng
vậy, đây là một loại hình đặc trưng của người Nam Trung Bộ nói chung và xứ Quảng
nói riêng. Nội dung của những câu Thai đã cho chúng ta hiểu được tính cách của
con người nơi đây chân chất, ngay thẳng, nhân ái chan hòa.
Chính
bởi đặc trưng trên đã làm nên sự độc đáo trong bài chòi. Có lẽ vì thế mà sau những
giai điệu lời ca ấy đã cho ta một khoảng khắc để trở về với những giá trị truyền
thống của dân tộc. Tuy quê mùa nhưng dễ đi vào lòng người, tuy mộc mạc dân dã
nhưng thấm đượm tính nhân văn. Đến với bài chòi, ta như đến với một phần đời sống
tâm hồn của người dân nơi đây.
2.7.2. Gía trị nghệ thuật âm nhạc
Hát
bài chòi là một phương thức diễn xướng mang tính dân gian cao, với một hệ thống
phong phú các làn điệu được kết hợp đan xen lẫn nhau, đã xây dựng thành một vở
diễn hoàn chỉnh, có giá trị nghệ thuật khá rõ nét. Nói lối xen kẽ trong những lối
hát
Tổng
hợp và gắn kết rất độc đáo các làn điệu, nói lối từ những mảng âm nhạc khác
nhau như các làn điệu có nguồn gốc trong âm nhạc dân gian đã làm cho âm nhạc
hát bài chòi truyền thống ở Hội An – Quảng Nam phong phú và đa dạng hơn
Hát
bài chòi là một nghệ thuật diễn xướng đã nâng tính sôi nổi, hấp dẫn cho một
hình thức nghệ thuật dân gian. Và điêu này chính là diện mạo và đặc tính của
nghệ thuật dân gian, tính “dân gian” được nổi rõ bởi yếu tố trên.
*
So với các địa phương khác có loại hình âm nhạc dân gian hát bài chòi, thì hát
bài chòi ở Hội An có nét riêng, thể hiện đặc trưng về âm nhạc và văn hóa nơi
đây: từ tính dí dỏm, hài hước trong cách diễn xuất cho đến các làn điệu, giai
điệu được sử dụng trong nghệ thuật này.
Nhiều
tác giả đã nói đến cái nôi của hát bài chòi là quê hương Bình Định, điều này
cũng chưa xác định rõ nhưng thiết nghĩ cho dù sinh ra khi nào, ở đâu... loại
hình âm nhạc giải trí này vẫn có một nét riêng khi có mặt trên một địa phương,
hay vùng miền nhất định. Bởi vì, đã nói đến dân gian là phải nói đến tính dị bản,
dị bản sao cho phù hợp với văn hóa vùng miền, ngôn ngữ địa phương, phong tục
nơi đó. Hát bài chòi là loại hình âm nhạc dân gian có tính sáng tạo cao, chính
vì vậy việc biến hóa các giai điệu có cùng tên một giai điệu sao cho mang nét
âm nhạc đặc thù của vùng đất, con người nơi đó là điều không tránh khỏi.
3. Kết luận
Có
vai trò như một phong cách ở loại hình diễn xướng thuộc sân khấu dân gian, hát
bài chòi đã để lại một dấu ấn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật dân gian, góp
phần làm rạng rỡ thêm những mảng khối màu sắc về bức tranh âm nhạc dân gian Việt
Nam, làm cho bức tranh ấy trở nên giàu sức sống, độc đáo, đa dạng và lộng lẫy
hơn.
Ý
nghĩa vui chơi thư giãn là mục đich chính trong màn diễn xướng hát bài chòi,
ngoài ra còn có những vai trò thực tiễn khác mà thời đại ngày nay cần được quan
tâm và phát huy hơn nữa như: cố kết cộng đồng, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phản
ánh đa dạng những nhân tình thế thái trong cuộc sống đời thường.
Chính
vì hát bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, một loại
hình diễn xướng có giá trị đích thực về âm nhạc nên chúng ta cần tôn trọng, gìn
giữ và có những định hướng để phát huy hình thức sinh hoạt văn hóa, giải trí có
ý nghĩa thiết thực và vai trò rộng lớn này.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Lê (2001). Lịch sử ca kịch
và âm nhạc bài chòi. Sở VHTT Bình Định
2. Nguyễn Phước Tương (2004). Hội
An di sản văn hóa thế giới. NXB Văn nghệ.
3. Nguyễn Quang Thắng (2001). Quảng
Nam đất nước và nhân vật I & II. NXB Văn hóa thông tin.
4. Tô Vũ (2002). Âm nhạc Việt Nam
truyền thống và hiện đại. NXB Hà Nội
5. Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh
Rô. Văn hóa xứ Quảng một góc nhìn. NXB Đà Nẵng.
6. Tìm hiểu về hát bài chòi. https://bieudienthuccanh.com/Hoi-an/Tim-hieu-ve-hat-bai-choi?fbclid=IwAR22TUuKoiOvxkFXvMDsK00fJjg8IOK5y_8JJa043LyojiPkCQVKk9bOeWE. Ngày truy cập 20/1/2022.