SỰ GẮN KẾT GIỮA VĂN HÓA VỚI THỂ THAO VÀ DU LỊCH


 

SỰ GẮN KẾT GIỮA VĂN HÓA VỚI THỂ THAO VÀ DU LỊCH

 

Phan Quốc Anh

GĐ Sở VHTT& DL tỉnh Ninh Thuận

2011. 

Cho đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao Nhà nước lại đem nhập ba ngành “Văn hóa” vào với “Thể thao” và “Du lịch”. Không ít người vẫn quan niệm văn hóa là văn nghệ, là nghệ thuật, là “đờn ca sáo thổi”, là “cờ đèn kèn trống”, là “đinh dây hồ giấy”; thể dục thể thao là hoạt động cơ bắp thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người, còn du lịch đơn thuần là ngành kinh tế, gắn với lợi nhuận. Nhiều người theo thói quen, đến nay vẫn giới thiệu nhầm là “Sở Văn hóa thông tin” hoặc “Sở Văn hóa thông tin và du lịch”. Thực ra, Văn hóa và Thể thao với Du lịch tuy ba mà một, luôn phải gắn kết với nhau, tương hỗ lẫn nhau, đồng hành cùng phát triển.



1. Mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch

Tại sao khi xã hội loài người càng phát triển, nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng? Tại sao ở các nước phát triển, người ta đi làm cả năm, dành dụm tiền để có một chuyến đi du lịch? Mục đích đi du lịch chính là để khám phá những cái khác lạ với cái mình có. Cái khác lạ đó chính là bản sắc văn hóa. Họ đi khám phá, nâng cao sự hiểu biết về những vùng văn hóa khác họ. Văn hóa ở đây ta hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả địa văn hóa như địa hình, địa mạo, thời tiết, khí hậu, danh lam thắng cảnh, bao gồm cả việc khám phá, tìm hiểu con người, cộng đồng người nơi xứ lạ, tìm hiểu các loại di tích, khám phá và tham gia vào lễ hội, tìm hiểu những nét sinh hoạt văn hóa, ngôn ngữ, ứng xử văn hóa của những người nơi họ đến, khám phá, thưởng thức ẩm thực, chụp ảnh, quay phim cảnh vật nơi mình đến để làm kỷ niệm. Bên cạnh đó, tâm lý du khách là thích mua sắm, chủ yếu là mua những vật kỷ niệm của nơi họ đến, mua sắm cho mình và mua quà cho người thân. Vì vậy du lịch luôn gắn với các sản phẩm đặc thù có gắn tên của một vùng đất, có thể là đặc sản địa phương, có thể là sản phẩm làng nghề, các món ăn truyền thống. Như vậy, để thu hút khách du lịch, phải có một văn hóa khác lạ, độc đáo và hấp dẫn. Đảng và Nhà nước ta đã định hướng xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta hiểu chữ “tiên tiến” ở đây là khoa học và hiện đại, là văn minh, chữ “đậm đà bản sắc” ở đây là sự riêng có, sự khác biệt. Văn hóa “tiên tiến” có mối quan hệ hữu cơ với văn hóa “đậm đà bản sắc”. Cùng với sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta xây dựng một nền văn hóa tiên tiến. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta bắt chước hoặc theo một mô hình hiện đại của một nước phát triển nào đó mà phải trên cơ sở của nền văn hóa “đậm đà bản sắc” của mình để tạo dựng nên một nền văn hóa “tiên tiến” nhưng vẫn có bản sắc riêng. Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc định hướng xây dựng và phát triển đất nước, và càng có ý nghĩa đối với việc phát triển du lịch. Văn hóa càng có sự khác biệt, có bản sắc riêng, càng hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, đối với đa số khách du lịch, cơ sở hạ tầng, giao thông, khách sạn, dịch vụ, tiện nghi hiện đại cũng là một vấn đề quan trọng.

Ninh Thuận của chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế hấp dẫn khách du lịch. Lợi thế về giao thông: Nằm trên quốc lộ IA, có các trục giao thông quốc gia nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và vào nam ra bắc, chỉ cách sân bay và cảng Cam Ranh 60 km, Ninh Thuận rất có lợi thế về giao thông cả về đường bộ, đường không và đường biển.

Lợi thế về điều kiện tự nhiên: Ninh Thuận tuy không lớn nhưng có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển du lịch. Đó là biển và rừng cùng với sự hoang sơ của nó. Theo lý thuyết du lịch hiện đại, chính sự hoang sơ là cái đáng quý nhất trong phát triển du lịch, nói cách khác là khi xây dựng các cơ sở du lịch, nhất thiết phải giữ được vẻ hoang sơ và vùng sinh thái vốn có của tự nhiên. Các nhà nghiên cứu kinh tế đều cho rằng, những quốc gia hay những địa phương có biển đều có chỉ số lợi thế trong sự phát triển. Hơn 100 km bờ biển có những dãy núi cao lan ngang ra tận mép biển tạo nên những bờ bãi, vũng, vịnh với cát trắng, biển xanh làm cho Ninh Thuận được xếp vào loại có bờ biển đẹp, vịnh Vĩnh Hy được xếp là một trong tám vịnh đẹp nhất của Việt Nam. Do chưa có con đường ven biển nên Ninh Thuận là địa phương phát triển cơ sở hạ tầng du lịch biển vào loại chậm nhất nước. Nhưng khi nghe tin Ninh Thuận đã tiến hành xây dựng con đường ven biển, các nhà đầu tư đã đổ về Ninh Thuận và đang diễn ra quá trình cạnh tranh được đầu tư các dự án du lịch ven biển. Từ một vị thế kêu gọi đầu tư, Ninh Thuận đã và đang trở thành vị thế lựa chọn nhà đầu tư. Một lợi thế nữa là đa phần bờ biển của Ninh Thuận còn hoang sơ, trong khi đó hoang sơ lại chính là thứ mà khách du lịch thời hiện đại cần tìm đến vì nó gắn với sinh thái, các nhà quản lý du lịch phải yêu cầu tuân thủ nguyên tắc là phải giữ được vẻ hoang sơ, xây dựng cơ sở hạ tầng phải gắn với bảo tồn đa dạng sinh học mới có thể nhắm đến nhu cầu du lịch thời hiện đại. Một điểm cực kỳ quan trọng nữa mà các nhà đầu tư du lịch rất cần nhưng không phải ai cũng biết, đó là vùng biển Ninh Thuận không bao giờ có bão – điều đáng sợ nhất của các nhà đầu tư du lịch ven biển. Đây là thế mạnh, là sự khác biệt của vùng biển Ninh Thuận so với tất cả các vùng biển trong cũng như ngoài nước mà chúng ta cần tuyên truyền, quảng bá.

Lợi thế về văn hóa: Trong số những người làm du lịch, không phải ai cũng có thể hiểu được giá trị văn hóa đem lại cho du lịch. Có thể vì những yếu tố văn hóa không trực tiếp đưa đến lợi nhuận ngay tức thì nhưng chính văn hóa là sự hấp dẫn khách đến và níu kéo khách ở lại đến nhiều lần. Nhiều người hiểu rằng văn hóa Chăm, Raglai, các di tích, danh thắng là đặc sản văn hóa của Ninh Thuận, nhưng ở đâu? Đặc sắc ở điểm nào? Làm sao biến nó trở thành sản phẩm du lịch thì nhiều người còn đang mơ hồ đâu đó. Lợi thế về sự phát triển: Thời gian gần đây, Ninh Thuận được chú ý bởi được tư vấn nước ngoài xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đang quyết tâm nâng cao chỉ số cạnh tranh và có nhiều tư duy mới, cách làm mới trong việc kêu gọi đầu tư. Mặc dù còn đang trong giai đoạn nghe ngóng, quan sát, thăm dò, nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư còn chậm tiến độ nhưng thời gian gần đây đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận ký kết, thậm chí đã xuất hiện các yếu tố cạnh tranh trong đầu tư.

Ninh Thuận đã được Nhà nước chọn làm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Không ít người nghĩ rằng nhà máy điện hạt nhân sẽ làm hạn chế phát triển du lịch nhưng hoàn toàn ngược lại. Bản thân điện hạt nhân là thân thiện với môi trường, là loại năng lượng sạch. Tôi đã có dịp đến thăm một số nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, bên cạnh khu nhà máy điện hạt nhân vẫn là những địa điểm du lịch biển, vẫn là những bãi tắm cộng đồng cho du khách, bản thân nhà máy điện hạt nhân cũng chính là một địa điểm tham quan hấp dẫn. Bên cạnh đó, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ có nhiều dự án công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch phục vụ cho các dự án này cũng là một vấn đề mà ngành du lịch tỉnh nhà cũng phải chú ý và chuẩn bị để đón đầu.

2. Mối quan hệ của thể thao với văn hóa và du lịch

Không phải tự nhiên mà các nước cạnh tranh nhau để được đăng cai các giải thể thao quốc tế, nhất là môn thể thao “vua”. Nhiều khi một môn thể thao thế mạnh trong một giai đoạn nào đó lại chính là sự tạo dựng thương hiệu cho một quốc gia. Nói đến bóng đá người ta nói ngay đến Braxin, Argentina, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, nói đến bóng bàn không thể không nhắc tới Trung Quốc, nói đến môn cầu lông phải nói đến Indonesia và Malaysia v.v…Khi được quyền đăng cai một giải thể thao, bên cạnh việc cần xây dựng cơ sở hạ tầng để đủ điều kiện tổ chức giải và phát triển thể thao lâu dài cho chính đất nước họ, còn một lý do rất quan trọng là vì sự phát triển du lịch. Thành tích thể thao chính là sự quảng bá du lịch hữu hiệu nhất. Khi được đăng cai một giải thể thao quốc tế, biết bao nhiêu lượt du khách sẽ tìm đến, họ sẽ biết đến thành phố đó, đến đất nước đó nhiều hơn và nếu văn hóa ở đó hấp dẫn, họ sẽ quay lại. Ngày nay, các dịch vụ du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các trò chơi liên quan đến thể dục thể thao, giải trí tại các điểm du lịch ngày càng hấp dẫn du khách như lướt ván, đua thuyền, thả dù, lặn biển, bóng đá, bóng chuyền bãi biển, đua mô tô trên cát, leo núi, đánh golf v.v…

Ninh Thuận của chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển các môn thể thao liên quan đến du lịch. Bờ biển của Ninh Thuận có rất nhiều vũng, vịnh, bãi cát, núi đá ven biển là những điểm tuyệt vời cho các môn thể thao du lịch. Tới đây, khi có con đường ven biển, những vũng, vịnh đó sẽ được khai thác du lịch. Ở các vũng, vịnh như Vĩnh Hy, bãi Thùng, bãi Ba Điền, bãi Chà Là, Bình Tiên, Mũi Dinh, Cà Nà có thể tổ chức các môn như lướt ván, đua thuyền, thả dù, lặn biển. Trên các bãi cát ven biển cần đầu tư thêm hạ tầng và dịch vụ để phát triển môn bóng đá, bóng chuyền bãi biển, đua mô tô trên cát ở Nam Cương v.v…Tiềm năng sẵn có, nhưng do tỉnh ta còn chậm phát triển, dân số không nhiều, cơ sở hạ tầng chưa đủ để tổ chức các giải thể thao lớn. Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã cố gắng tổ chức một số giải thể thao hấp dẫn cho quốc gia như bóng chuyền bãi biển, đua mô tô trên cát nhưng chưa thật sự tạo được tiếng vang. Vì vậy, để thể thao thật sự góp sức cho du lịch phát triển, cần nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng cho tốt để có thể tổ chức đăng cai được các giải thể thao không chỉ quốc gia mà có thể là các giải thể thao quốc tế.

3. Gắn kết văn hóa với du lịch và thể thao để phát triển

Tỉnh ta đã xác định 4 ngành kinh tế trụ cột và 2 ngành kinh tế phụ trợ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ngành du lịch là ngành kinh tế trụ cột, đứng thứ hai sau ngành năng lượng. Vì vậy, cần có một quy hoạch chiến lược bài bản, bền vững cho phát triển du lịch, không những cho nhiều năm sau mà cho cả nhiều thế hệ sau. Phát triển du lịch phải đồng bộ với việc xây dựng và phát triển văn hóa mang đậm bản sắc riêng của Ninh Thuận, góp phần xây dựng thương hiệu “Ninh Thuận”, song hành cùng với việc gìn giữ môi trường sinh thái và môi trường văn hóa, song hành cùng với phát triển thể dục, thể thao. So với các tỉnh trong khu vực, chúng ta có điểm xuất phát chậm hơn, thậm chí còn bị gọi là ga “xép” so với các địa phương trên. Nhưng đi sau lại có lợi thế là được rút kinh nghiệm, có thể tránh được những hạn chế của những nơi đi trước, và đặc biệt là phải gắn kết được mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa, thể thao với du lịch. Năm mới 2011 đã đến, chúng ta hy vọng và cùng chung tay xây dựng sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

Phan Rang – Tháp Chàm ngày 01/01/2011

 

 

 

 

 

 

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn