Phan Quốc Anh
Bài báo đăng trên Báo Văn hóa năm 1998.
Dân tộc Chăm có làng nghề gốm cổ nổi tiếng là làng Chăm
Vĩnh thuận hay còn gọi là làng Bầu Trúc. Làng gốm nổi tiếng không phải về sản
xuất kinh doanh giỏi mà bởi những yếu tố
văn hóa truyền thống lâu đời. Trong khi từ thời văn hóa Đông Sơn, người Việt đã
biết làm gốm bằng bàn xoay thì ở làng Bầu Trúc hôm nay, người Chăm vẫn còn đi
vòng quanh bàn làm gốm cố định để nặn và vẽ các hoa văn một cách rất thủ công.
Theo các nhà khoa học, đây là một trong 2 làng nghề làm gốm tối cổ còn lại ở
Đông Nam Á.
Chúng ta đều biết, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy đồ gốm Chămpa
khắp mọi nơi, từ suốt dải miền Trung cho đến một số vùng ở đồng bằng Bắc bộ.
Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của đồ gốm Chăm pa thời xa xưa. Các nhà
nghiên cứu văn hóa Chăm pa đều luôn quan tâm đến làng nghề cổ này, nơi đây
chẳng có ai tuyên truyền mời gọi nhưng thường xuyên vẫn có khách du lịch các
nước đến tham quan và đề nghị được xem sự biểu diễn điệu nghệ của các thợ thủ
công làng gốm Bầu Trúc.
Ông Đàng Phán, trưởng ban quản lý thôn cho biết, hiện nay
cả làng Bầu Trúc có khoảng 80% hộ làm nghề gốm, sản lượng 604.800 sản phẩm/năm.
Tổng thu nhập từ nghề gốm không cao, khoảng 6 đến 10 triệu đồng/năm/hộ nhưng so
với làm nông nghiệp như trồng lúa, trồng nho thì làm gốm vẫn có thu nhập cao
hơn và ổn định hơn. Sản phẩm gốm chủ yếu là lu, khạp, chậu, lò than, lò làm
bánh…dùng trong đời sống sinh hoạt ở nông thôn, làm chậu trồng cây cảnh ở thành
thị, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh Tây
nguyên. Nhưng ngày nay, do đồ nhôm nhựa phát triển nên mức tiêu thụ có bị ảnh
hưởng, ít người muốn đầu tư lớn vào sản xuất gốm.
Vừa qua, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chọn
xã Phước Dân, huyện Ninh Phước làm 1 trong 12 xã điểm của toàn quốc xây dựng mô
hình nông thôn mới- mô hình nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Làng gốm Bầu Trúc nằm trong xã Phước Dân. Trong dự án qui hoạch, có mục nói về
vấn đề làng nghề gốm Bầu Trúc với định hướng nhà nước và nhân dân cùng đầu tư
xây dựng nhà xưởng gốm sứ hiện đại trên diện tích 4.000m2 tại khu vực trung tâm làng Vĩnh thuận, đầu tư
cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, cử người đi học nghề mới tại
các cơ sở gốm sứ ở Đồng Nai và dần dần chuyển sang làm đồ gốm sứ công nghiệp.
Như vậy, thực hiện dự án này đồng nghĩa với việc xóa bỏ làng nghề gốm truyền
thống của người Chăm đã từng tồn tại hàng vài nghìn năm nay, hình thành tổ hợp
sản xuất gốm sứ hiện đại. Thiết nghĩ, để tổ chức một xí nghiệp gốm sứ hiện đại,
có thể làm ở bất cứ đâu ở bên bờ sông Quao, huyện Ninh Phước, nơi có nguồn đất
sét làm nguyên liệu gốm sứ, không nhất thiết làm tại làng nghề gốm cổ Bầu Trúc.
Hơn nữa, tuy đồ gốm thủ công sản xuất cầm chừng, nhưng vẫn là nguồn thu chủ yếu
(cao hơn trồng lúa) của người Chăm Bầu Trúc. Những ngày vừa qua, nhân chuyến
khảo sát, điền dã nghiên cứu văn hóa Chăm tại Bầu Trúc, chúng tôi thấy đa số
các gia đình người Chăm Bầu Trúc vẫn sống được bằng nghề làm gốm thủ công. Liệu
khi xây dựng một xí nghiệp làm gốm sứ hiện đại ở Bầu Trúc, liệu có khả năng
cạnh tranh thị trường với các xí nghiệp
làm gốm vốn đã nổi tiếng.