VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM TỔ CHỨC KHAI GIẢNG LỚP NGHIÊN CỨU SINH ĐẦU TIÊN KHU VỰC PHÍA NAM


Ngày 12 tháng 4 năm 2024, Tại Phân Viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai giảng cho 19 NCS thuộc khóa 27-28 của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Đây là khoá nghiên cứu sinh (NCS) đầu tiên của Viện được tổ chức đào tạo ở cơ sở Phân viện Viện VHNTQGVN tại Thành phố Hồ Chí Minh.



Tại buổi lễ khai giảng, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VHNTQGVN cho biết những năm gần đây, số lượng NCS của Viện đào tạo tại khu vực phía Nam có xu hướng tăng nhanh. Viện chúng tôi nhận thấy nhu cầu nhân lực văn hoá nghệ thuật của các tỉnh phía Nam sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tiếp theo bởi tiềm năng phát triển văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo là rất lớn. Vì vậy, Viện sẽ tập trung hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam đào tạo tiến sỹ ngành văn hoá nghệ thuật; liên kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong nước như Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Kiến trúc, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG TP.HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Hội Mỹ thuật TP.HCM… tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ các ngành Quản lý văn hóa, Văn hóa học, Lý luận và lịch sử mỹ thuật, Lý luận và lịch sử sân khấu. Việc hợp tác đào tạo này sẽ giúp phát huy thế mạnh của Viện đồng thời khắc phục mặt hạn chế trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nghiên cứu các vấn đề văn hoá, nghệ thuật đặc thù của khu vực; giúp NCS thực hiện tốt đề tài nghiên cứu của mình theo hướng bám sát thực tiễn.

Là cơ quan nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ của Bộ VHTT&DL về ngành Văn hóa và Nghệ thuật, có bề dầy lịch sử hình thành và phát triển hơn 50 năm, tính đến tháng 4 năm 2024, Viện VHNTQGVN đã đào tạo được 280 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ các ngành Văn hóa học, Văn hóa dân gian, Quản lý văn hóa, Lý luận và lịch sử mỹ thuật, Lý luận và lịch sử sân khấu; trong đó có 269 NCS đã được cấp bằng tiến sỹ và gần 90 NCS đang theo học chương trình của Viện. Viện đang có một đội ngũ thầy cô giáo là các giảng viên, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Viện vừa có các cán bộ nghiên cứu, giảng viên cộng tác viên công tác tại các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế tham gia công tác đào tạo tiến sỹ.

Ngoài ra, về cơ sở vật chất, Viện đã trang bị đồng bộ hệ thống giảng đường, phòng học trực tuyến, phòng hội thảo, phòng thử nghiệm nghệ thuật biểu diễn, trung tâm dữ liệu di sản văn hoá với hệ thống ngân hàng số về di sản văn hoá lớn nhất cả nước, Trung tâm Thông tin - Thư viện có thư viện điện tử kết nối mạng lưới thư viện quốc gia và nhiều đầu sách quý.

Tham gia học tập và nghiên cứu tại Viện VHNTQGVN, các NCS sẽ có cơ hội được tham gia các hoạt động nghiên cứu gắn với các phòng ban, trung tâm chuyên môn; được tham gia các hội thảo khoa học quốc tế và hội thảo trong nước, được tham gia các đề tài, nhiệm vụ KHCN quốc gia, chương trình, dự án nghiên cứu của Viện. Hằng năm, Viện đều tuyển chọn các công trình nghiên cứu của các cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu sinh để xuất bản và công bố dưới dạng sách, kỷ yếu, bài tạp chí trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Viện còn có tạp chí mang tên Tạp chí Văn hoá học nằm trong Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Tất cả những điều này nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các NCS học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành những chuyên gia, cán bộ nòng cốt trong lĩnh vực hoạt động của mình và ngành văn hoá nghệ thuật, là nguồn nhân lực chất lượng cao, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.



Tiến sĩ Mai Thị Thùy Hương - Phó viện trưởng công bố quyết định danh sách trúng tuyển lớp nghiên cứu sinh phía nam.




Đại diện NCS phát biểu tại lễ khai giang




văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn