Sáng ngày 8/7/2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Hồ Phong với đề tài: Phát triển khán giả sân khấu Cải lương tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghiên cứu trường hợp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), chuyên ngành: Quản lý Văn hóa, mã số: 9229042, do TS Lê Thị Thanh Thủy và PGS.TS Phan Quốc Anh hướng dẫn.
Hội đồng bảo vệ luận án.
Sân khấu Cải lương có “nguồn cội” là Đờn ca Tài tử Nam Bộ, ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XX, từng bước thay thế Hát bội, trở thành “món ăn” tinh thần của đại bộ phận công chúng Nam Bộ. Với tư cách là trung tâm của Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) được xem là “thánh địa” cho sân khấu Cải lương phát triển. Tuy nhiên đến năm 2001, các suất diễn Cải lương tại nhiều sân khấu trên địa bàn không còn thu hút đông đảo công chúng. Trước tương lai không mấy tươi sáng trên, để bảo tồn, phát huy sân khấu Cải lương, Ủy ban nhân dân (UBND) Tp.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao (VH & TT), và đặc biệt Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng mới Nhà hát, tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ công chúng, thực hiện chương trình “Sân khấu học đường”, “Sân khấu du lịch”, “Rạp Sáng đèn sân khấu hàng tuần”, “Sân khấu thiếu nhi”; mở các lớp đào tạo diễn viên Cải lương, tổ chức các giải thưởng sân khấu Cải lương như giải Trần Hữu Trang,... Thế nhưng lượng khán giả đến với Nhà hát vẫn rất khiêm tốn. Trước thực trạng đó, với mong muốn tìm ra những giải pháp góp phần giải quyết vấn đề, NCS Nguyễn Hồ Phong đã lựa chọn đề tài Phát triển khán giả sân khấu Cải lương tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghiên cứu trường hợp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) để làm luận án Tiến sĩ, ngành Quản lý văn hóa.
NCS Nguyễn Hồ Phong
Luận án của NCS Nguyễn Hồ Phong phù hợp với nội dung của chuyên ngành Quản lý Văn hóa, là một đề tài mới, trên cơ bản không trùng lặp về tên đề tài và nội dung với các luận án đã bảo vệ và các công trình khoa học đã công bố cho đến thời điểm hiện nay.
Luận án là công trình khoa học thực hiện công phu, nghiêm túc về việc phát triển khán giả sân khấu Cải lương tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghiên cứu trường hợp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).
Luận án đã hệ thống và làm sáng tỏ được một số cơ sở lý luận và thực tiễn giúp cho việc phân tích, đánh giá thực trạng đúng hướng và có căn cứ, tạo được độ tin cậy qua các nhận xét của từng tiểu mục của các chương chính văn; cung cấp được các tư liệu liên quan đến phạm vi nghiên cứu loại hình nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật Cải lương nói riêng ở thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, luận án cũng đã phản ánh được những đánh giá thực tiễn, cập nhật cho một đơn vị hoạt động nghệ thuật Cải lương ở Nam bộ, từ đó có cơ sở để xây dựng mô hình mang tính đại diện cho lộ trình giải quyết những vấn đề liên quan đến việc phát triển khán giả của loại hình nghệ thuật biểu diễn nói chung hiện nay và sân khấu Cải lương tại thành phố Hồ Chí Minh.
Luận án góp phần hiện thực sống hóa và làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn cho phát triển khán giả sân khấu Cải lương. Luận án sẽ bổ sung nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước hay công tác nghiên cứu, giảng dạy cho chuyên ngành Quản lý Văn hóa.
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần xây dựng nền tảng, cơ sở lý luận trong việc phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp hạn chế sự suy giảm, từng bước gia tăng lượng khán giả đến với sân khấu nghệ thuật nói chung và sân khấu Cải lương nói riêng. Từ những kết quả nghiên cứu của luận án làm cơ sở khoa học cho các nhà quản lý, những người làm chính sách có thể điều chỉnh, ban hành các chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, phát huy các loại hình truyền thống của nước ta, làm tư liệu tham khảo mang tính ứng dụng bổ ích cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật, các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật trong quá trình đào tạo.
Hội đồng phản biện, đánh giá luận án
PGS.TS Phan Quốc Anh, người hướng dẫn khoa học
Ngoài phần Mở đầu (08 trang), Kết luận (05 trang), Tài liệu tham khảo (15 trang) và Phụ lục (123 trang), nội dung luận án được chia thành 3 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận về phát triển khán giả cho sân khấu Cải lương (35 trang).
Chương 2: Thực trạng phát triển khán giả ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (60 trang).
Chương 3: Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển khán giả cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (51 trang).
NCS Nguyễn Hồ Phong đã trình bày tóm tắt nội dung luận án trước Hội đồng chấm luận án. Sau khi nghe ý kiến đánh giá, phân tích của các phản biện khoa học, nghe ủy viên thư ký tổng hợp những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng về nội dung luận án, NCS Nguyễn Hồ Phong đã trả lời câu hỏi của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả 100% thành viên có mặt tại Hội đồng đã bỏ phiếu công nhận học vị Tiến sĩ Quản lý Văn hóa cho NCS Nguyễn Hồ Phong./.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô
Tin, ảnh: Lã Lương