Nâng cao hiệu quả chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
PHẦN I. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đài Truyền hình Thành
phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng -
Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, phát sóng buổi đầu tiên lúc 19 giờ
ngày 1 tháng 5 năm 1975. Ngày 02 tháng 7 năm 1976, Sài Gòn chính thức được đổi
tên thành TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình SGGP cũng được đổi thành Đài
Truyền hình TP.HCM, viết tắt là HTV.
Trải qua 46 năm hình
thành và phát triển, HTV có một vị trí rất quan trọng trong hệ thống Đài Truyền
hình Việt Nam, là Đài Truyền hình lớn thứ hai cả nước với lượng khán giả đông
đảo. HTV không chỉ phủ sóng ở Tp HCM mà cả nước mà cả quốc tế, góp phần không
nhỏ trong việc đưa các chương trình nghệ thuật đến với khán thính giả, trong đó
có chương trình chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng đã đi suốt chiều
dài lịch sử Cách Mạng Việt Nam.
Cũng như hệ thống Đài
Truyền hình cả nước, HTV là một loại hình báo chí quan trọng trong việc tuyên
truyền và cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, kịp
thời chuyển tải thông tin về đời sống kinh tế, văn hóa, xã
hội đến với người dân. Ngày 02 tháng 02 năm 2007, Uỷ ban nhân dân Tp HCM đã ban hành Quyết định về ban hành quy chế tổ chức và
hoạt động của Đài Truyền hình Tp HCM, trong đó có ghi:
“Đài Truyền hình thành
phố Hồ Chí Minh là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền thành phố đồng
thời là tiếng nói của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đài Truyền hình thành phố
Hồ Chí Minh chịu sự lãnh đạo của Thành ủy và sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của
Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ
theo ngành của Bộ Văn hóa - Thông tin và Đài Truyền hình Việt Nam” [72].
Cơ cấu tổ chức bộ máy
của HTV gồm có 10 phòng ban hành chính trực thuộc, 10 Ban chuyên môn và 4 đơn
vị sự nghiệp trực thuộc. Ban Ca nhạc nằm trong số 10 Ban chuyên môn. Số lượng
biên chế của Ban năm 2022 là 22 người, trong đó có 01 Trưởng ban, 01 Phó ban,
chủ nhiệm chương trình, kế toán, thư ký. Về cán bộ chuyên môn có 15 biên tập
viên được chia làm 4 tổ: tổ dân tộc, tổ giao hưởng thính phòng, tổ tuyên truyền
(chịu trách nhiệm mảng ca nhạc truyền thống) và tổ nhạc nhẹ. Đội ngũ đạo diễn,
quay phim sử dụng đội ngũ của Trung tâm Sản xuất chương trình chung của Đài.
Nội dung chương trình ca
nhạc truyền thống cách mạng do tổ Tuyên truyền chịu trách nhiệm. Căn cứ vào kế
hoạch nhiệm vụ chung của Đài, hàng năm Ban xây dựng kế hoạch hoạt động cho các
tổ để trình lãnh đạo Đài phê duyệt. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ chính trị
được giao, tổ tuyên truyền chịu trách nhiệm xây dựng nội dung cho các loại hình
chương trình ca nhạc. Cũng như các hoạt động của các Ban chuyên đề khác, chương
trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên sóng truyền hình có vai trò quan
trọng trong việc định hướng tư tưởng chính trị xã hội, thẩm mỹ nghệ thuật cho
công chúng nói chung và khán giả truyền hình nói riêng. Trong đó, nhiệm vụ quan
trọng nhất là xác định được vai trò, chức năng của ca nhạc truyền thống trong
hoạt động âm nhạc chung của Đài. Vì vậy, việc lựa chọn tác phẩm, công việc đạo
diễn, biên tập, sản xuất và phát sóng chương trình có chất lượng nghệ thuật
cao, có sức hấp dẫn và cạnh tranh với các thể loại âm nhạc khác như âm nhạc
thính phòng, nhạc nhẹ.
Ca nhạc truyền thống
cách mạng Việt Nam là những tác phẩm âm nhạc, phần lớn là ca khúc, được hình
thành trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ca
nhạc truyền thống cách mạng
thể hiện ý chí quật cường của dân tộc, chứa đựng tình yêu tha thiết với quê
hương đất nước đã đóng góp một phần sức mạnh, cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ
thêm niềm lạc quan tin tưởng vào sự chiến thắng của dân tộc. Khi đất nước đang
trong chiến tranh, những ca khúc như: Em
vẫn đợi anh về (Hoàng Hiệp); Tình em
(Huy Du - Ngọc Sơn); Lá xanh (Hoàng
Việt); Hãy cho tôi lên đường (Hoàng
Hiệp); Đường chúng ta đi (Huy Du); Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy
Thục)... là những tấm lòng thủy chung của người yêu nơi quê nhà, là những khúc
tráng ca mang tính hiệu triệu, kêu gọi, khơi dậy ý thức tự tôn dân tộc. Những
ca khúc ấy luôn là động lực to lớn, là sức mạnh lay động đến muôn triệu trái
tim, là những “Tiếng hát át tiếng bom”
cổ vũ động viên những người chiến sĩ trên mặt trận. Trong đời sống hiện đại, đã
xuất hiện rất nhiều trào lưu âm nhạc, nhưng ca khúc cách mạng vẫn chiếm một vị
trí vô cùng quan trọng trong thưởng thức âm nhạc của quần chúng nhân dân.
Gần trọn thời gian của thế
kỷ 20, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, dân tộc ta đã lập nên bao
kỳ tích trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội
chủ nghĩa. Trong những năm tháng hào hùng ấy, dòng ca khúc cách mạng ra đời góp
phần to lớn vào việc động viên, thúc giục nhân dân và tuổi trẻ cả nước vượt qua
muôn vàn gian khó, hy sinh để làm nên một Việt Nam anh hùng. Trong cuộc kháng
chiến chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, cùng với những chiến sĩ cầm
súng trực tiếp chiến đấu, đã có hàng trăm nhạc sĩ, ca sĩ đã có mặt trên tuyến
đầu của mặt trận, viết nên những ca khúc về đề tài chiến tranh cách mạng. Những
ca khúc ấy vừa chứa đựng tâm hồn khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ trong chiến
tranh, vừa mang tính hào hùng của một dân tộc anh hùng. Nhiều ca khúc như lời
hiệu triệu toàn dân đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược, thúc giục bước chân của
người chiến sĩ, ca ngợi những chiến công của những anh bộ đội Cụ Hồ, gắn liền
với những trận chiến cam go, quyết liệt cùng những tên làng, tên suối, tên sông,
từ Điện Biên oai hùng đến dãy Trường Sơn hùng vĩ…tất cả đã vào trong những tác
phẩm âm nhạc, góp phần tạo nên chiến thắng của một dân tộc anh hùng, thời đại
anh hùng. Nhưng, chiến tranh đã lùi xa, thời kỳ hòa bình với công cuộc xây dựng
đất nước với cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn, giao lưu, hội nhập ngày càng sâu
rộng, những ca khúc cách mạng ngày càng phải nhường chỗ cho các loại hình ca
nhạc mới. Yếu tố ngoại sinh trong âm nhạc ngày càng lấn át yếu tố nội sinh.
Cùng với sự biến đổi thị hiếu nghe, xem ca nhạc của khán giả, tỷ lệ chương
trình ca nhạc truyền thống cách mạng ngày
càng giảm sút ở các cơ quan truyền thông đại chúng, trong đó có các chương
trình ca nhạc trên sóng truyền hình.
Ngày nay, đất nước ta
đang trong thời kỳ xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập của thời
đại công nghệ 4.0, tốc độ hội nhập, hòa nhập rất nhanh, Tp HCM lại là một thành
phố năng động nhất cả nước. Vì vậy, thị hiếu khán giả về các loại hình ca nhạc
ngày càng thay đổi rất nhanh. Tỷ lệ khán giả lựa chọn các loại hình âm nhạc
cũng thay đổi theo chiều hướng trẻ hóa, hiện đại hóa, mảng ca nhạc truyền thống
cách mạng ngày càng kén khán giả, lớp trẻ ngày càng thích cập nhật những loại
hình âm nhạc mới như nhạc trẻ, pop, rock, rap v.v… Việc duy trì, phát triển
chương trình ca nhạc truyền thống trên cả nước gặp nhiều khó khăn.
Là một người có thâm
niên công tác trong Ban Ca nhạc HTV, được tiếp nhận những kiến thức về Quản lý
văn hóa, nghệ thuật, tôi trăn trở với vấn đề duy trì và phát triển chương trình
ca nhạc truyền thống cách mạng nói chung, trong hoạt động sản xuất và phát sóng
chương trình ca nhạc của HTV nói riêng. Vì vậy, tôi chọn đề tài “Nâng cao hiệu quả chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh” làm luận
văn tốt nghiệp.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Mục
tiêu chung
Luận văn hướng tới mục
tiêu nâng cao nhận thức và hiệu quả công việc của những người quản lý, chỉ đạo,
tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình
ca nhạc truyền thống cách mạng trên HTV, nhắm tới mục tiêu để khán giả quan
tâm nhiều hơn đến loại hình âm nhạc truyền thống cách mạng – một loại hình âm
nhạc chứa đựng nhiều giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc trong chiến tranh
giải phóng – hiện nay đang ngày càng bị giảm sút.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Làm rõ cơ sở lý luận về quản lý văn
hóa nghệ thuật, cơ sở lý luận về ca nhạc cách mạng truyền thống, đánh giá được
thực trạng vai trò của chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trong lĩnh
vực tuyên truyền về truyền thống anh hùng của dân tộc trong chiến tranh giải
phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Trên cơ sở phân tích thực trạng công
tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng và phát sóng các chương trình liên quan đến ca
nhạc truyền thống cách mạng, đánh giá được những thành tựu, hạn chế, tìm ra
nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề từ đó đi tìm những giải pháp nâng cao hiệu
quả quản lý hoạt động ca nhạc của HTV nói chung, của lĩnh vực ca nhạc truyền
thống cách mạng nói riêng trong giai đoạn xây dựng văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
3. Tổng quan và tình
hình nghiên cứu
3.1 Nhóm công trình
nghiên cứu liên quan đến cơ sở lý luận quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật,
quản lý hoạt động báo chí, quản lý các chương trình ca nhạc truyền thống trên
sóng truyền hình
Về quản lý văn hóa, những năm gần đây, có nhiều công trình về chủ đề
quản lý văn hóa ở Việt Nam trong thời kỳ mới. Công trình của tác giả Phan Hồng
Giang - Bùi Hoài Sơn (2015) “Quản lý văn hóa ở Việt Nam trong tiến
trình đổi mới và hội nhập quốc tế”
[24] đã giới thiệu những quan điểm chung về quản lý văn hoá trong bối
cảnh công cuộc đổi mới đang được đẩy mạnh toàn diện ở nước ta và hội nhập quốc
tế, giới thiệu kinh nghiệm quản lý văn hóa của một số quốc gia trên thế giới,
đánh giá thực trạng quản lý văn hóa ở Việt Nam từ khi bắt đầu tiến trình đổi
mới (1986) đến nay, đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng
cao hiệu quả quản lý văn hóa trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Công
trình này rất có ý nghĩa đối với những luận văn mã ngành quản lý văn hóa trong
quá trình hội nhập hiện nay. Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ít nhiều có
tác động biến đổi tư duy của người quản lý lĩnh vực phát thanh truyền hình cũng
như của khán thính giả đối với ca nhạc truyền thống cách mạng.
Năm 2013, tác giả Lê Duy Bắc có xuất
bản “Giáo trình Lý luận văn hóa và phát triển”, đã đưa ra những cơ sở lý luận
về văn hóa và phát triển trong giai đoạn đổi mới, theo đó:
“Xã hội Việt Nam đang chuyển mình trong quá trình đổi mới
với những thể nghiệm trực tiếp của việc chuyển đổi từ nền kinh tế quan liêu bao
cấp sang nền kinh tế thị trường. Bước chuyển đó làm rung chuyển không ít những
quan niệm và giá trị truyền thống, làm phát sinh những quan niệm và giá trị
chưa hề có” [8.tr.12].
Trong quá trình đổi mới và phát
triển, lĩnh vực quản lý các hoạt động nghệ thuật trên sóng truyền hình đòi hỏi
nhà quản lý phải có cơ sở lý luận và nắm vững các quan điểm của Đảng về văn hóa
văn nghệ, trong đó có lĩnh vực ca nhạc truyền thống cách mạng. Đây là một công
trình mà học viên sẽ khảo cứu để vận dụng đúng lý luận văn hóa trong thời kỳ
đất nước phát triển.
Truyền hình là một loại hình báo
chí. Liên quan đến hoạt động quản lý báo chí có rất nhiều công trình. Tác giả
Tạ Ngọc Tấn trong cuốn “Truyền thông đại chúng” [64], đã giới thiệu cơ sở lý
luận về báo chí, phát thanh truyền hình. Trong chương 5, tác giả đã khái quát
lịch sử hình thành và phát triển của thể loại báo hình, giới thiệu về kỹ thuật
sản xuất các chương trình truyền hình với quy trình, các hạng mục công việc và
yêu cầu tương ứng của nó ở từng thể loại chương trình,về những đặc điểm của
truyền thông đại chúng, lợi thế và những điểm cần lưu ý truyền thông trên sóng
truyền hình. Đây là một công trình giúp ích nhiều cho học viên trong quá trình
thực hiện đề tài liên quan đến truyền thông ca nhạc truyền thống cách mạng trên
Đài Truyền hình Tp HCM.
Những năm gần đây, xuất hiện nhiều
luận văn cao học viết về đề tài phát thanh truyền hình như luận văn của Tạ Văn
Dương (2012), Tổ chức sản xuất chương
trình chuyên đề ở Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, (Khảo sát Đài
Phát thanh Truyền hình Bắc Giang và Bắc Ninh), Học viện Báo chí Tuyên truyền
[20]; Vũ Thanh Hường (2003), Tổ chức sản
xuất các chương trình trò chơi truyền hình (Khảo sát trên VTV3, Đài THVN từ
1996 - 2003) Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn [30];
Nguyễn Đức Dũng (2013), Tổ chức sản xuất
ký sự truyền hình ở các đài Phát thanh và Truyền hình miền Đông Nam Bộ
(Khảo sát từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013), Học viện Báo chí Tuyên truyền
[19]. Những luận văn trên mặc dù viết về các chương trình phát thanh và truyền
hình, nhưng chủ yếu theo mã ngành quản lý báo chí. Cho đến nay chưa có luận văn
về quản lý hoạt động tổ chức sản xuất chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng trên đài phát thanh truyền hình theo mã ngành quản lý văn hóa. Tuy nhiên,
những luận văn kể trên cũng là những tư liệu quý để chúng tôi vận dụng trong
luận văn của mình.
Cuốn sách “Sản xuất chương trình
truyền hình” của tác giả Trần Bảo Khánh (xuất bản năm 2003) có đề cập “quá trình
chuyển tác phẩm báo chí dưới dạng thể loại đến với công chúng phụ thuộc hai yếu
tố: khả năng xây dựng kế hoạch từ việc tổng hợp tình hình (tương đương với tổ chức sắn xuất (TCSX) và khả năng của lực
lượng trong sáng tạo và sản xuất” [34]. Với tầm quan trọng đó, công tác TCSX
chương trình đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Trong quá trình
khảo sát, tích lũy tư liệu để thực hiện đề tài luận văn này, tôi nhận thấy đã
có một số công trình đề cập đến công tác TCSX chương trình với góc độ và mức độ
khác nhau. Trong chương 2 cuốn sách này, tác giả Trần Bảo Khánh đã đi sâu vào
các kỹ năng sản xuất chương trình. Ở đây, tác giả chia các chương trình truyền
hình thành hai nhóm theo phương thức phát sóng: trực tiếp và qua băng từ, từ
đây, các bước tiến hành sản xuất chương trình được hướng dẫn tương đối chi tiết
(Trần Bảo Khánh 2003).
3.2. Nhóm công trình
nghiên cứu liên quan liên quan đến thể loại ca nhạc truyền thống cách mạng
Luận văn “Nâng cao hiệu quả chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh” thuộc mã
ngành quản lý văn hóa, cụ thể là quản lý một loại hình âm nhạc là ca nhạc
truyền thống cách mạng được sản xuất và phát sóng truyền hình. Vì vậy, chúng
tôi tham khảo những công trình liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển
loại hình ca nhạc này. Cuốn “Giáo trình lịch sử âm nhạc Việt Nam” (Nguyễn Thị
Mỹ Liêm - chủ biên, 2019) [37] là một công trình có nhiều tư liệu về lý luận và
lịch sử âm nhạc Việt Nam. Công trình có 287 trang, gồm 4 chương. Đây là giáo
trình phục vụ cho chương trình đào tạo sư pham âm nhạc ở bậc đại học, cung cấp
cho sinh viên những kiến thức hệ thống, những vấn đề chung và cốt lõi về âm
nhạc Việt Nam qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Chương 4 của công trình là
“Âm nhạc Việt Nam thể kỷ XX” có nhiều tư liệu liên quan đến đề tài. Chúng tôi
sẽ kế thừa một số tư liệu của công trình này cho luận văn của mình.
Bài viết “Bàn về ca khúc cách
mạng hiện nay: Sức hấp dẫn của nhạc đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình San đăng ngày
16/8/2021 trên Website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam [62] có đề cập đến quá trình ra
đời một số ca khúc truyền thống cách mạng tiêu biểu. Tác giả cũng lý giải tại sao
dòng nhạc cách mạng (nhạc đỏ) lại có sức cuốn hút mạnh mẽ đến mọi tầng lớp
khán, thính giả. Trong đó, đáng chú ý là nhạc sĩ Nguyễn Đình San cho rằng, các
tác giả viết các ca khúc cách mạng là những người đã trải qua kháng chiến với
bao gian nan vất vả, hiểm nguy và viết bằng cảm xúc chân thành nhất, có “hồn”
nhất, nhiều tác giả biết vận dụng âm hưởng dân ca Việt Nam để đưa vào tác phẩm
của mình nên dễ đi vào lòng khán, thính giả. Tác giả viết “Về phần âm nhạc, hầu hết những ca khúc nhạc
đỏ đều bám sâu vào mảnh đất âm nhạc cổ truyền với những chất liệu dân ca phong
phú, thấm đẫm hồn dân tộc nên rất dễ đi vào lòng người. Bàn tay tài năng của
người sáng tác đã nhào nặn nên những tác phẩm có chất liệu dân gian nhưng lại
được hiện đại hóa, tạo nên nhiều màu sắc phong phú trong các ca khúc nên đã hấp
dẫn người nghe”.
Nguyễn Đăng Nghị (2009) có luận án
Tiến sĩ Văn hóa học “Những đặc trưng ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930
- 1975” [50]. Luận án có 196 trang chính văn, được chia làm 3 chương. Chương 1:
“Quá trình hình thành và phát triển của ca khúc cách mạng Việt Nam từ 1930 đến
1975”; Chương 2: “Nhận diện một số đặc trưng của ca khúc cách mạng Việt Nam”;
Chương 3: “Những giá trị của ca khúc cách mạng Việt Nam”. Tác giả luận án nhận
định “Cho đến nay, dù đất nước không còn chiến tranh, nhưng âm hưởng của ca
khúc cách mạng Việt Nam vẫn đồng hành cùng nhân dân ta bước vào giai đoạn mới,
và âm hưởng ấy không hề giảm đi giá trị vốn có của nó” (Nguyễn Đăng Nghị -
2009); Nhìn chung, luận án đi sâu phân tích những đặc trưng ca khúc cách mạng
Việt Nam giai đoạn 1930 – 1975 theo mã ngành văn hóa học nên chúng tôi chỉ kế
thừa một số tư liệu khái quát về sự hình thành của dòng nhạc cách mạng Việt Nam
giai đoạn 1930 – 1975 mà thôi. Đối với mã ngành quản lý văn hóa, dòng ca khúc
cách mạng chỉ là một đối tượng quản lý. Luận văn này không đi sâu vào âm nhạc
học và phân tích các tác phẩm âm nhạc truyền thống cách mạng.
Tác giả Tú Ngọc (1975), “Những bước
đi, thành tựu của âm nhạc 30 năm qua (1945 – 1975) và những triển vọng của nó”
đăng trên tạp chí Nghệ thuật số 6/1975 [52]. Tác giả chia âm nhạc Việt Nam từ
năm 1945 đến 1975 thành 3 thời kỳ: 1945 – 1954, 1954 – 1964, 1964 – 1975. Trên
cơ sở ấy, tác giả minh chứng được bước song hành của ca khúc đối với cách mạng
Việt Nam. Bên cạnh đó, trong từng thời kỳ, cũng có những hiện tượng mới của âm
nhạc xuất hiện. Bài viết mang tính tổng kết, đánh giá những thành tựu của âm
nhạc cách mạng, cũng phần nào lý giải được những nguyên nhân chủ quan, khách
quan tác động tạo nên thành tựu đó.
Hợp tuyển nghiên cứu lý
luận phê bình Âm Nhạc Việt Nam thế kỷ 20 (2003) của nhóm biên soạn gồm Giáo sư
Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Nhật Thăng, Phó giáo sư
Dương viết Á, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, nhà phê bình lý luận âm
nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Nguyệt Ánh - Hoàng Trường, cũng là công trình
đồ sộ bộ có tính tư liệu âm nhạc học cao. Đặc biệt ở tập 5A, phần nhạc hát do
Nguyễn Thị Minh Châu biên soạn cho thấy tác giả về âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX
trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn phong trào ca nhạc, chất lượng ca khúc
chương trình ca nhạc thị hiếu và phê bình âm nhạc. Nhìn chung ở công trình khá
đồ sộ này, các tác giả chủ yếu đề cập đến vấn đề phân tích âm nhạc theo hướng
âm nhạc học. Tuy nhiên, công trình cũng là tư liệu quý để trình bày phần cơ sở
lý luận về ca nhạc truyền thống cách mạng.
Âm nhạc Việt Nam giai
đoạn 1945-1975 đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm âm nhạc với đề tài chiến tranh
cách mạng. Âm nhạc như người bạn đồng hành trong cuộc chiến đấu dành độc lập
của bộ đội và quân dân ta. Là niềm vui, là niềm tin và được cụ thể hóa bằng
những giai điệu hào hùng, đã tiếp thêm lửa cho hàng triệu chiến sĩ lên đường
giải phóng quê hương. Giai đoạn này không có nhiều tài liệu chuyên sâu về lý
luận phê bình âm nhạc, chỉ có các công trình sưu tầm, biên tập thành những
tuyển tập ca khúc cách mạng. Trong đó có những công trình tiêu biểu như:
- Ban Tư tưởng văn hóa
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2000) 100
Ca khúc chào thế kỷ. Nxb Thanh Niên [5]. Với 100 ca khúc chọn lọc, công
trình dày 268 trang. Mở đầu là ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của tác giả
Đinh Nhu (1930) và ca khúc thứ 100 là “Mẹ Việt Nam Anh hùng” của An Thuyên
(1995). Đây là công trình do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và Trung ương Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh phối hợp sưu tầm, chọn lọc để các cấp bộ Đoàn, đoàn viên thanh
niên cả nước bình chọn 21 ca khúc cách mạng tiêu biểu. Trong lời nói đầu tập ca
khúc cũng đã ghi rõ “…Hướng vào mục tiêu là cung cấp tư liệu để phục vụ cho một
chủ trương của Trung ương Đoàn…có tính chất định hướng, giới thiệu cho các cấp
bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên tham khảo và bình chọn”[5].
Nhạc sĩ Trương Quang Lục
– tuyển chọn (2005) Những bài ca không quên, Nhà xuất bản trẻ, Tập I và II. Tập
I, nhạc sĩ Trương Quang Lục tuyển chọn 108 ca khúc của các giai đoạn kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là sự lựa chọn mang tính chủ quan
của tác giả (vì số lượng ca khúc cách mạng rất nhiều), chủ yếu là những ca khúc
thường xuyên được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và sau này là cả ở Đài Tiếng
nói Việt Nam….
Nhiều tác giả (2004) Nổi trống lên, rừng núi ơi! Nhà xuất bản
Thanh niên [43] là một tuyển tập tập hợp 77 ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ
mang âm hưởng dân tộc miền núi. Những ca khúc trong tuyển tập này là những hình
ảnh sông, suối trong vắt, thuần khiết với những tên làng, bản mường, buôn sóc
từ Việt Bắc, qua dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Nhiều tác giả (2004), Tuyển chọn ca khúc Bài ca người lính,
Nxb Hà Nội [42]. Đây là tập hợp 180 ca khúc viết về người lính bộ đội Cụ Hồ do
nhạc sĩ Văn Tiến tuyển chọn. Mở đầu là ca khúc Tiến Quân ca của nhạc sĩ Văn Cao
và kết thúc là ca khúc Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà. Đây là tư
liệu tốt để Ban Ca nhạc HTV tuyển chọn đưa vào các chương trình với đề tài Bài
ca người lính.
Nhiều tác giả (2006),
Tuyển tập 101 ca khúc đi cùng năm tháng, Bài ca không quên, Nxb Văn hóa Thông
tin. Đây là một tập hợp các ca khúc đúng như tên gọi của nó là “đi cùng năm tháng”, “bài ca không quên”, là những ca khúc đã
ăn sâu từng giai điệu, ca từ và cả tên các ca sĩ thể hiện trong tâm hồn người
dân Việt “Có một bài ca không bao giờ quên và có nhiều bài ca không thể nào
quên. Cũng như chúng ta không thể nào quên những năm tháng gian khó những oai
hùng của dân tộc. Xin được hát mãi những bài ca không quên” (lời tựa tập ca
khúc).
Nguyễn Thụy Kha (2017) Thế kỷ âm nhạc Việt Nam, một thời đạn bom
Nxb Văn học [32]. Đây là một công trình
đồ sộ với 706 trang. Công trình mang tính ghi chép tổng hợp. Tác giả chia ra
nhiều thời kỳ khác nhau theo diễn trình lịch sử ra đời của các tác phẩm âm nhạc
Việt Nam cả thế kỷ, từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến thời hòa bình. Tác giả
cũng đi sâu phân tích từng tác giả, tác phẩm, viết theo hướng văn học.
Nguyễn Thụy Kha (2017), Thế kỷ âm nhạc Việt Nam, một thời hòa bình,
Nxb Văn học [33]. Công trình này như là tập 2, là sự nối tiếp của công trình
Thế kỷ âm nhạc Việt Nam, một thời đạn bom. Công trình có 619 trang, viết theo
lối ghi chép của văn học. Tác giả liệt kê hầu hết các thế hệ nhạc sĩ và các tác
phẩm của họ một cách rất chi tiết và giàu cảm xúc.
Dù không phải là một
công trình khoa học nhưng 2 công trình đồ sộ của Nguyễn Thụy Kha là kho tư liệu
quý về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh (1930 – 1975 - một thời đạn
bom) và từ năm 1975 đến năm 2017 (một thời hòa bình).
Phạm Minh Tuấn (2013) Bài ca không quên, Nhà xuất bản Văn hóa
– Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh [58].
Đây là tuyển tập 108 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Mở đầu với ca khúc Qua
sông và kết thúc bằng ca khúc Bông Sen. Cuộc đời Phạm Minh Tuấn gắn với cuộc
đấu tranh chống Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc, những ca khúc cách mạng của
ông ra đời trong mưa bom bão đạn và ông là người nhạc sĩ được đánh giá là sung
sức trong sáng tác về đề tài cách mạng với những ca khúc để đời về hình ảnh của
anh lính giải phóng, cô giao liên, chiến sĩ công binh, chị em dân quân, những
con người hết sức bình dị nhưng có sức mạng của “đại bàng tung cánh”. “Người
sáng tác như người leo núi, có lúc bồng bềnh trên mây gió, cũng có lúc ngỡ mình
ở vực thẳm. Nếu có nghị lực người leo núi có thể đạt tới đích…người leo núi
Phạm Minh Tuấn không ngừng ước vọng về một đỉnh cao trong lẽ sống cũng như
trong sáng tạo…”. Đó là nhận xét của Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thị
Minh Châu (Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam).
Ngoài ra, còn rất nhiều
tuyển tập các ca khúc truyền thống cách mạng, là cẩm nang của những người lãnh
đạo, quản lý, của đạo diễn, ê kíp sản xuất trong Ban Ca nhạc HTV lựa chọn và
xây dựng các chương trình phát sóng. Đó là các tuyển tập: Tuyển tập các Ca
khúc cách mạng (2002), xây dựng và chiến đấu bảo vệ tổ quốc, Tổ Quốc - Việt Nam
Quê Hương Tôi, Nxb Âm nhạc; 100 Ca khúc tiền
chiến và tình khúc vượt thời gian (tuyển tập các ca khúc cách mạng, xây dựng tổ
quốc Việt Nam Quê hương tôi, Nxb Thời đại; Nhiều tác giả: Tuyển tập tình ca quê hương –
Việt Nam quê hương tôi, Nxb Thời đại; Tuyển Tập Các Ca
Khúc Cách Mạng Hào Hùng Bảo Vệ Tổ Quốc - Màu Hoa Đỏ, Nxb Âm nhạc v.v…
Trong dòng chảy của ca
khúc truyền thống cách mạng Việt Nam, có môt dòng ca khúc đã đi sâu vào trái
tim, khối óc của con người Việt Nam, đó là những ca khúc viết về Bác Hồ kính
yêu, về người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà mỗi khi nghe hát
về người, mỗi con người Việt Nam không thể không bồi hồi, xúc động.
Nhiều tác giả (2010), Tập ca khúc Hồ Chí Minh Tên người sáng mãi,
Nxb Văn hóa thông tin [47]. Đây là tuyển tập 79 ca khúc chọn lọc viết về đề tài
Bác Hồ. Mở đầu là ca khúc “Ai yêu các nhi đồng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca
khúc thứ 79 là ca khúc “Viếng Lăng Bác” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (lời thơ Viễn
Phương). Đây là tập ca khúc gối đầu giường của những người công tác tại Ban Ca
nhạc HTV, là cẩm nang để trong các đạo diễn cân nhắc đưa vào chương trình nào?
Đưa vào thời điểm nào, tổ chức sản xuất chương trình ra sao để thể hiện lòng
kính yêu đối với vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.
3.3. Tư liệu liên quan đến hoạt động của Đài Truyền hình Tp HCM (HTV)
Tư liệu liên quan đến hoạt động của HTV rất ít, vì đây là một đơn
vị sự nghiệp hoạt động trên lĩnh vực truyền thông, chủ yếu là các văn bản pháp
quy về quản lý nhà nước. Năm 2021, tác giả Nguyễn Hồng Phượng có luận văn thạc
sĩ “Hoạt
động tổ chức sản xuất các chương trình chuyên đề văn hóa của Đài truyền hình
TP.HCM” [60]. Đây là một luận văn mới, nội dung tập trung chủ yếu vào việc
tổ chức sản xuất các chương trình chuyên đề văn hóa, một nội dung khá rộng, ít
đề cập đến nội dung chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng. Tuy nhiên,
chúng tôi cũng kế thừa một số tư liệu viết về lịch sử hình thành và phát triển
của HTV.
Để thực hiện
nội dung quản lý nhà nước trong việc tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình
ca nhạc truyền thống, chúng tôi sưu tầm các văn bản quản lý nhà nước liên quan
đến HTV trong quá trình hình thành và phát triển các chương trình truyền hình,
trong đó có chương trình ca nhạc cách mạng. Đó là các văn bản thành lập Đài
Truyền hình Tp HCM, quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các phòng,
ban, tổ nội dung chuyên đề. Nội dung cụ thể sẽ được trình bày trong nội dung cơ
sở thực tiễn ở chương I.
4. Đối tượng và phạm vi
nghiên cứu
4.1. Đối
tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của
luận văn là công tác tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng tại HTV.
Đối tượng khảo sát: Đối tượng khảo sát của đề tài là những người
liên quan đến quản lý hoạt động tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình ca
nhạc, gồm:
- Cán bộ quản lý các cấp
(những người có quyền lực chỉ đạo, quản lý liên quan đến các chương trình
truyền hình). Trong luận văn này, chúng tôi đã khảo sát, phỏng vấn 01 lãnh đạo
Sở VHTT và 01 cán bộ quản lý văn hóa thuộc Sở VHTT Tp HCM (xin không công khai
danh tính), 01 nguyên lãnh đạo HTV, 01 đang là lãnh đạo HTV (đồng ý cho công
khai danh tính đưa vào luận văn).
- Những người tổ chức
chương trình ca nhạc truyền thống: tác giả kịch bản, biên tập, đạo diễn, quay
phim, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, các nhóm ca nhạc, vũ đoàn. Trong luận
văn này, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn các nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ hòa âm
phối khí, ca sĩ, đạo diễn nổi tiếng và họ đều đồng ý cho công khai danh tính
phỏng vấn đưa vào luận văn.
- Khảo sát một số nhóm
khán giả xem chương trình ca nhạc của HTV Chúng tôi tiến hành phỏng vấn đối
tượng khán giả trẻ và đối tương khán giả lớn tuổi. Những người được phỏng vấn
đều đồng ý cho phép tác giả luận văn công khai danh tính đưa vào luận văn.
4.2. Phạm
vi nghiên cứu
4.2.1. Phạm vi không gian nghiên cứu
- Không gian nghiên cứu:
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV). Trọng tâm là các cấp quản lý, Ban
Ca nhạc và các phòng ban liên quan đến sản xuất, phát sóng các chương trình ca
nhạc.
- Không gian các địa bàn
có khán giả xem chương trình ca nhạc của HTV: Trọng tâm là khán, thính giả ở Tp
HCM và có khảo sát một số vùng phủ sóng của HTV.
4.2.2. Phạm vi thời gian nghiên cứu
Thời gian nghiên cứu
theo lịch đại về ca khúc cách mạng truyền thống: Ca nhạc truyền thống cách mạng
được định hình và phát triển từ khi thành lập HTV. Tuy nhiên, những tác phẩm ca
nhạc truyền thống cách mạng gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống
Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nên trong luận văn này, chúng tôi tập
trung vào những ca khúc cách mạng được hình thành từ năm 1945 đến nay.
Thời gian khảo sát định
lượng và định tính liên quan đến quản lý hoạt động sản xuất và phát sóng chương
trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên HTV trong 5 năm (2017 – 2022).
5. Lý thuyết nghiên cứu
Đề tài luận văn này tập
trung nghiên cứu về một thể loại hoạt động âm nhạc truyền thống cách mạng có
định hướng chính trị, liên quan đến công chúng là khán thính giả của HTV, có
lượng khán giả trong và ngoài nước khá lớn nên học viên vận dụng những quan
điểm, đường lối, chính sách, định hướng của Đảng và trách nhiệm của các cấp
quản lý nhà nước làm cơ sở lý thuyết nghiên cứu chính.
Về
lý thuyết quản lý:
Đối với đề tài thuộc mã ngành quản lý văn hóa, việc áp dụng các lý thuyết quản
lý từ những thế kỷ trước như lý thuyết quản lý hành chính của Henry Fayol dường
như không phù hợp với những đề tài nghiên cứu thời hiện đại trong hoàn cảnh
kinh tế - văn hóa – xã hội Việt Nam, nhất là đối với đề tài xây dựng một chương
trình ca nhạc cụ thể.
Vì vậy, trong
đề tài này, học viên vận dụng các quan
điểm, đường lối chủ trương của Đảng và các văn bản chỉ đạo của nhà nước về
văn hóa và quản lý hoạt động văn hóa. Gần đây, Nghị quyết 33 Hội nghị BCH Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2014) đã tiếp tục nêu lên 5 quan điểm của Đảng
ta về văn hóa, trong đó chú trọng việc xây
dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đề tài này được thực hiện bằng những quan điểm xây dựng văn hóa con người Việt
Nam. Việc xây dựng chương trình ca nhạc, trong đó có dòng nhạc cách mạng làm
sao để vừa đảm bảo định hướng của Đảng về văn hóa văn nghệ, vừa phải đáp ứng
nhu cầu thực tế của khán giả xem đài, đó cũng là sự góp phần xây dựng văn hóa,
con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong chương 3, chúng tôi đã chọn lọc đưa
những quan điểm chính vào trong việc đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sản
xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng.
6. Câu hỏi nghiên cứu và
giả thuyết nghiên cứu
6.1. Câu
hỏi nghiên cứu
Câu hỏi 1: Chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng là gì? Cơ sở nào để
phân loại chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng? Quan điểm, vai trò, vị
trí của chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trong định hướng sản xuất,
phát sóng các chương trình văn nghệ trên đài Truyền hình Tp HCM như thế nào?
Câu hỏi 2: Công tác sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng trên HTV đã được thực hiện như thế nào qua các giai đoạn lịch sử từ
ngày thành lập và 5 năm trở lại đây?
Câu hỏi 3: Những giải pháp nào để duy trì và phát triển chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng trên sóng truyền hình HTV, đáp ứng nhu cầu của công cuộc
xây dựng, bảo vệ đất nước và đáp ứng nhu cầu khán giả, thính giả của HTV?
6.2. Giả
thuyết nghiên cứu
Giả thuyết thứ nhất: Chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng
chứa đựng những quan điểm của Đảng về văn hóa văn nghệ, có giá trị giáo dục chủ
nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng của cha ông trong lịch sử dựng nước và
giữ nước của dân tộc.
Giả thuyết thứ hai: Từ ngày thành lập đến nay, HTV luôn coi trọng
và qua từng giai đoạn lịch sử luôn dành một tỷ lệ thời lượng thích đáng cho
chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên sóng của HTV. Tuy nhiên, những
năm gần đây, tỷ lệ thời lượng dành cho chương trình này có nhiều biến động. Tỷ
lệ khán giả thưởng thức các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng có xu
hướng giảm.
Giả thuyết thứ ba: Trên cơ sở các quan điểm của Đảng và Nhà nước
về văn hóa trong giai đoạn hiện nay, có thể đưa ra được một số giải pháp để duy
trì và phát triển chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên sóng HTV,
vừa giữ vững định hướng của Đảng về xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng
nhu cầu phát triển bền vững đất nước, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức với chất
lượng nghệ thuật ngày càng cao của khán giả HTV.
7. Phương pháp nghiên
cứu
7.1. Phương
pháp luận
Để thực hiện nội dung luận văn này, học viên
sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu văn hóa như nghệ thuật
học, âm nhạc học, xã hội học, phương pháp quản lý nhà nước về báo chí và văn
hóa, trong đó lấy phương pháp quản lý
văn hóa nghệ thuật là trung tâm, sử dụng cơ sở lý luận về văn hóa về quản
lý văn hóa, vận dụng các quan điểm của Đảng và Nhà nước về văn hóa trong quá
trình phát triển cách mạng Việt Nam.
7.2. Phương
pháp nghiên cứu
Sưu tầm tài liệu thứ cấp: Học viên sưu tầm các tài liệu đã
công bố liên quan đến lịch sử lý luận phê bình âm nhạc và những công trình, bài
viết về dòng ca khúc cách mạng truyền thống để làm nguồn tài liệu tham khảo cho
đề tài. Là nhạc sĩ công tác lâu năm ở HTV, học viên có điều kiện sưu tầm các
tài liệu liên quan đến đối tượng và địa bàn nghiên cứu là HTV, Ban Văn nghệ,
Ban Ca nhạc HTV và các văn bản pháp quy đến công tác tổ chức, quản lý việc xây
dựng kịch bản, sản xuất và phát sóng các chương trình nghệ thuật nói chung,
chương trình ca khúc truyền thống cách mạng nói riêng trên sóng của Đài HTV
trong suốt quá trình từ khi thành lập đến nay.
Học viên sử dụng phương pháp định tính bằng những phỏng vấn các đối tượng nghiên cứu
như đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa Thể thao, đại diện lãnh đạo
Đài HTV và các ban chuyên môn, cán bộ là đạo diễn, nhạc sĩ, ca sĩ biên tập
viên, cán bộ kỹ thuật trong các ê kíp sản xuất và phát sóng các chương trình
văn hóa, nghệ thuật của HTV, Hội Âm nhạc Tp HCM, khán giả HTV với những độ tuổi
khác nhau.
Ngoài ra, học viên có sử dụng phương pháp thống
kê, tổng hợp, phân tích, đánh giá các số liệu thu thập được làm căn cứ khoa học
và cơ sở thực tiễn cho nội dung các luận cứ mà tác giả nêu ra trong nội dung đề
tài, giúp công trình nghiên cứu có hàm lượng số liệu sát với thực tế của chương
trình trong 5 năm trở lại đây.
8. Ý nghĩa khoa học và thực
tiễn
8.1. Ý
nghĩa khoa học
Hệ thống hóa cơ sở lý luận trong công tác quản lý hoạt động
nghệ thuật, trong đó có chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng được sản
xuất và phát sóng trên Đài Truyền hình HTV, nơi có lượng khán giả đông đảo và
ảnh hưởng lớn đến nhận thức quan điểm về tinh thần, khí phách anh hùng trong
chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc, luôn khơi dậy lòng yêu nước qua các
giai đoạn lịch sử, định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho khán giả thưởng thức các loại
hình nghệ thuật nói chung, nghệ thuật ca nhạc trên sóng HTV nói riêng.
8.2. Ý
nghĩa thực tiễn
Đánh giá được hiệu quả
của công tác hoạt động tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình ca nhạc, trong
đó có chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng của HTV, từ đó đưa ra những
kết quả đạt được và những hạn chế, nguyên nhân khách quan và chủ quan của
những thành tựu và hạn chế.
Từ kết quả nghiên cứu,
luận văn đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị để nâng cao hiệu quả trong
hoạt động sản xuất, phát sóng dòng nhạc Cách mạng trên HTV trong tình hình
hiện nay.
9. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết
luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Luận văn gồm có 03 chương, cụ thể như
sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn
Chương 1 của luận văn
làm rõ cơ sở lý luận, hệ thống khái niệm công cụ liên quan đến đề tài, những
văn bản quản lý về xây dựng các chương trình ca nhạc trên truyền hình, chủ thể
và khách thể quản lý các chương trình truyền hình. Làm rõ cơ sở lý luận về âm
nhạc, khái quát về sự hình thành các chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng trên truyền hình, làm rõ cơ sở thực tiễn, địa bàn và đối tượng nghiên cứu,
cơ sở, nơi sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc của HTV.
Chương 2. Thực trạng về tổ chức hoạt động các chương trình ca nhạc
trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
Chương 2 của luận văn
làm rõ thực trạng quá trình tổ chức xây dựng chương trình, quy trình sản xuất,
phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên sóng HTV qua các
giai đoạn lịch sử từ khi thành lập đến nay,(tập trung khảo sát định tính và
định lượng giai đoạn 2017 – 2022). Đánh giá những thành tựu, những hạn chế và
nguyên nhân trong việc sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng.
Chương 3. Xu hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản
xuất, phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng tại Đài Truyền hình
Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự báo xu hướng biến đổi
nhu cầu của công chúng trong việc thưởng thức chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng, đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả trong việc sản xuất và
phát sóng HTV với mục đích định hướng thẩm mỹ âm nhạc gắn với lòng yêu quê
hương đất nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ tổ quốc, xây dựng quê
hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
PHẦN II. NỘI DUNG
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1.
Một số khái niệm liên quan đến đề tài
Để thực hiện đề tài
“Nâng cao hiệu quả chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng của Đài Truyền
hình Thành phố Hồ Chí Minh”, cần có bộ công cụ khái niệm liên quan. Chương
trình ca nhạc truyền thống cách mạng là một nội dung trong tổng thể chương
trình phát sóng của HTV, liên quan đến các khái niệm văn hóa nghệ thuật, văn
học nghệ thuật, âm nhạc, ca nhạc truyền thống cách mạng, khái niệm về truyền
hình, chương trình truyền hình và công tác quản lý công việc sản xuất, phát
sóng các chương trình truyền hình.
1.1.1.1. Khái niệm văn hóa nghệ thuật, văn học nghệ thuật
Trong
từ điển triết học do nhà xuất bản Chính trị Mát-xcơ-va ấn hành năm 1972 có nêu
định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất tinh thần, được
nhân loại sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn lịch sử - xã hội; các
giá trị nói lên trình độ phát triển của lịch sử loài người” (dẫn theo Phan Quốc
Anh 2020, Bài giảng Quản lý hoạt động nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa, Tp
HCM) [3].
Văn
hóa và con người là hai khái niệm không tách rời nhau, chúng có mối quan hệ
tương tác mật thiết với nhau. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, văn hóa
được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội, trong
quá trình lao động con người không ngừng sáng tạo làm cho văn hóa phát triển.
Con người sáng tạo ra văn hóa nhưng cũng chính văn hóa lại tham gia vào việc
tạo nên con người. Văn hóa bổ sung liên tục những nhu cầu, năng lực tinh thần
của con người, hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, tạo nên những chuẩn
mực và điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong mối quan hệ xã hội.
Văn
hóa nghệ thuật là một mảng của văn hóa. Ở Việt Nam,
thường có những khái niệm như văn hóa nghệ thuật, văn học nghệ thuật. Có thể
hiểu văn học nghệ thuật có phạm trù hẹp hơn văn hóa nghệ thuật. Văn hóa nghệ thuật là từ được ghép bởi
hai phạm trù văn hóa và phạm trù nghệ thuật. Khái niệm văn hóa theo nghĩa
rộng như khái niệm văn hóa bao gồm “tất cả các giá trị vật chất và tinh thần do
con người sáng tạo ra”. Khái niệm “nghệ thuật” (art) được hiểu với nhiều nghĩa
khác nhau và được thay đổi theo thời gian. Nghĩa đầu tiên (cho đến thế kỷ
XVII), nghệ thuật được dùng để chỉ bất kỳ “kỹ năng”, “kỹ xảo”, sự “khéo léo”,
sự “thông thạo” nào đó đạt đến trình độ cao, được coi là một “nghệ thuật”. Ngày
nay “nghệ thuật” với nghĩa này vẫn được dùng. Ví dụ, người ta vẫn hay nói “nghệ
thuật nấu ăn”, “nghệ thuật diễn thuyết”, “nghệ thuật kể chuyện”, nghệ thuật
giao tiếp, ứng xử, nghệ thuật sống, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật dân gian,
nghệ thuật đương đại v.v…
Văn học nghệ thuật
được hiểu là bảy nàng tiên nghệ thuật bao gồm: nghệ thuật văn chương, tạo hình
(mỹ thuật, hội họa, điêu khắc), âm nhạc, múa, sân khấu, kiến trúc và nghệ thuật
điện ảnh. Các nhà nghiên cứu đã phân loại nghệ thuật thành các loại hình như
thị giác, nghệ thuật không gian, nghệ thuật thời gian, hay tổng hợp cả không
gian và thời gian. Nhóm nghệ thuật không
gian gồm: Hội họa, điêu khắc,
kiến trúc (nhìn). Nhóm nghệ thuật thời
gian gồm: thi ca, âm nhạc (đọc,
nghe). Nghệ thuật tổng hợp (thời
gian - không gian): sân khấu. Những người hoạt động nghệ thuật đều tham gia vào
các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trong Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật.
Âm nhạc là một trong các ngành nghệ thuật trong các loại hình nghệ thuật (Phan Quốc Anh (2020), Bài giảng môn Quản lý
hoạt động nghệ thuật). Luận văn này viết về đề tài ca nhạc, nên chúng tôi
đi vào tìm hiểu khái niệm về nghệ thuật âm nhạc.
1.1.1.2. Khái niệm âm nhạc, âm nhạc
truyền thống, ca khúc, ca khúc truyền thống cách mạng
Âm nhạc là một trong những
loại hình nằm trong 7 loại hình nghệ thuật cơ bản. Âm nhạc là một bộ môn nghệ
thuật dùng âm thanh để diễn đạt cảm
xúc của người hát hoặc người nghe. Các yếu tố chính của nó là cao độ (điều
chỉnh giai điệu), nhịp điệu (và các khái niệm liên quan của nó: nhịp độ, tốc
độ), âm điệu, và những phẩm chất âm thanh của âm sắc và kết cấu bản nhạc. Là âm
thanh thanh nhạc (giọng người) hoặc công cụ âm thanh (hoặc cả hai) kết hợp theo
cách như vậy để tạo ra vẻ đẹp của hình thức, sự hài hòa và biểu hiện cảm xúc
[3]. “Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật, đã
từng và sẽ mãi tồn tại cùng đời sống văn hóa của con người. Có lẽ ngọn nguồn
của âm nhạc là ngôn ngữ, nên nó cố nhiều khả năng trong việc bộc lộ, biểu hiện
những cung bậc tình cảm của con người trước cuộc sống” [49, tr.34].
Âm nhạc truyền thống hiện nay có nhiều cách
hiểu khác nhau. Theo Nguyễn Thị Mỹ Liêm “Âm nhạc truyền thống là toàn bộ di sản
Âm Nhạc của các dân tộc Việt Nam Nam được ghi chép bảo tồn và kế thừa đến ngày
nay” [37, tr.44]. Tuy nhiên, trong âm nhạc truyền thống có truyền thống xa
xưa (âm nhạc dân gian, dân tộc) và truyền thống mới được hình thành. Hiện nay ở
Việt Nam có khái niệm truyền thống cách mạng, truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ,
truyền thống ngành…Khái niệm truyền thống theo cách hiểu này cũng là những gì
đã diễn ra trong quá khứ nhưng chưa lâu. Vì vậy, khái niệm ca nhạc truyền thống cách mạng là những tác phẩm ra đời từ khi có
cách mạng Việt Nam đến nay.
Ca nhạc truyền thống cách mạng: Ca nhạc bao gồm ca và nhạc. Âm nhạc có nhiều
loại hình như nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc không lời, ca khúc. Trong luận
văn này, chúng tôi tập trung giới hạn vào loại hình ca khúc truyền thống cách mạng. Yếu tố truyền thống cách mạng được
giới hạn thời gian từ khi bắt đầu có cách mạng Việt Nam với sự ra đời của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Những ca khúc truyền thống cách mạng trong luận văn này là
những ca khúc ra đời từ khi có Đảng, ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía
bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho đến
ngày nay. Ca khúc truyền thống cách mạng còn được gọi là “nhạc đỏ”, nhạc trữ
tình cách mạng. Đối lập với khái niệm ca khúc truyền thống cách mạng là “nhạc
vàng”, nhạc ủy mị.
Việc sản xuất chương
trình ca nhạc truyền thống cách mạng đều liên quan đến nghệ thuật biểu diễn và
biểu diễn nghệ thuật. Chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng có thể được
quay ngoại cảnh, quay tại phim trường nhưng chủ yếu các chương trình được tổ
chức trên các sân khấu biểu diễn nên bị chi phối bởi các quy định về nghệ thuật
biểu diễn.
1.1.1.3. Khái niệm nghệ thuật biểu diễn
Nghệ thuật là sản phẩm hoạt động
sáng tạo của con người, gắn liền tâm tư tình cảm của con người và đáp ứng nhu
cầu khát vọng của con người đạt tới Chân – Thiện – Mỹ. Nghệ thuật biểu diễn là
một trong những hình thái cao nhất biểu hiện mối quan hệ thẩm mỹ của con người
với hiện thực, là mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả. Nghệ sĩ đi vào cuộc
sống để nhận thức, khám phá thẩm mỹ của hiện thực, còn khán giả đến với nghệ
thuật biểu diễn để nhận thức, khám phá thẩm mỹ trong tác phẩm. Đối với phương
tiện truyền hình là loại hình vừa nghe, vừa nhìn, mối quan hệ giữa người biểu
diễn (nghệ sĩ) trên màn ảnh với khán, thính giả nghe và xem gắn bó mật thiết
với nhau. Ê kíp sản xuất chương trình phải thường xuyên nghiên cứu thị hiếu
khán thính giả xem truyền hình đề xây dựng chương trình, đáp ứng nhu cầu số
đông công chúng. Tuy nhiên, đạo diễn chương trình lại cũng có thể định hướng
khán thính giả xem và nghe đài. Vai trò định hướng thẩm mĩ của phương tiện nghe
nhìn đối với nghệ thuật biểu diễn là rất quan trọng.
Tác giả Lê Ngọc Canh cho rằng:
Nghệ thuật biểu diễn bao hàm những
loại hình nghệ thuật có chung tính chất, đặc điểm, môi trường, không gian, thời
gian trình diễn với sự sáng tạo của nhiều thế hệ trong tiến trình lịch sử hình
thành, phát triển văn hóa của các tộc
người, của xã hội trong mọi thời đại,
thông qua các loại hình nghệ thuật biểu diễn như ca, múa, nhạc, tuồng chèo,
diễn xướng... Chúng chuyển động trong mọi không
gian, thời gian trình diễn khác
nhau. Sự chuyển động trình diễn ấy do các nghệ nhân, các nghệ sỹ thực hiện
thông qua âm thanh, hình thể, điệu bộ, hình dáng của cơ thể con người và cảm xúc, tâm hồn.
Những nghệ nhân, nghệ sĩ ấy lại tái tạo, bổ sung và hoàn thiện những bài bản đã
có, đã tồn tại trong đời sống văn hóa cộng đồng.” [11, tr 193 – 194].
Đối với Đài Truyền hình, nghệ thuật
biểu diễn là hoạt động sản xuất các tiết mục nghệ thuật và phát lên sóng truyền
hình. Chương trình nghệ thuật đó đến với công chúng xem đài qua sự trình diễn
của diễn viên, nghệ sĩ, thể hiện hình tượng nghệ thuật, phản ánh mọi mặt của
cuộc sống, thể hiện dưới dạng các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, ca, múa, nhạc
nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, nâng cao dân trí, thẩm mỹ
đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
1.1.1.4. Khái niệm truyền hình, chương trình truyền hình, sản xuất
chương trình truyền hình, chương trình ca nhạc, khán giả truyền hình
Truyền hình: (Television)
là từ ghép, trong tiếng La Tinh: “tele” có nghĩa là “xa” còn “vision” là
“nhìn”, như vậy sự kết hợp của nó cho thấy nghĩa: nhìn từ xa. Truyền hình ra
đời đánh dấu mốc quan trọng khi mong muốn nhìn được “từ xa” của con người trở
thành hiện thực. Trên phương diện kỹ thuật thì truyền hình là quá trình biến
đổi từ năng lượng ánh sáng tác động qua ống kính máy thu hình thành năng lượng
điện, nguồn tín hiệu điện tử được phát sóng truyền đến máy thu hình và lại biến
đổi thành năng lượng ánh sáng tác động vào thị giác, người xem nhận được hình
ảnh thông qua màn hình.
Chương
trình truyền hình:
Truyền hình là loại hình truyền thông mà thông điệp được truyền trong không
gian tích hợp cả hình ảnh và âm thanh tạo cho người xem cảm giác sống động của
hiện thực cuộc sống[1].
Chương trình truyền hình là nội dung thông tin được tổ chức ổn định theo chu kỳ
thời gian. Chương trình truyền hình là khái niệm mang tính tương đối có thể
hiểu trên 2 phương diện: Chương trình tổng thể và chương trình bộ phận. Chương
trình tổng thể là toàn bộ nội dung phát sóng của một đài truyền hình, một kênh
truyền hình phát sóng trong một ngày, một tuần. Chương trình bộ phận là các
chương trình riêng được sản xuất (tương đối” độc lập để đưa vào khung chương
trình phát sóng chung của một đài truyền hình. Ví dụ “Chương trình thời sự”,
chương trình “Chào buổi sáng”, chương trình “Gõ cửa ngày mới”, các chương trình
nghệ thuật. Một đặc trưng của truyền hình là đảm bảo tính định kỳ. Các chương trình truyền hình phải đảm bảo cập nhật
thông tin liên tục, các chương trình truyền hình được thiết kế và sản xuất phải
đảm bảo tính định kỳ. Tính định kỳ đảm bảo dòng chảy thông tin thời sự của báo
chí, cập nhật thường xuyên những vấn đề công chúng quan tâm. Tính định kỳ với
truyền hình giúp khán giả định hình và ghi nhớ thời gian xem chương trình. Việc
quảng cáo lịch phát sóng các chương trình truyền hình giúp người xem có thêm cơ
hội lựa chọn và chờ đón thông tin. Ngày nay việc lựa chọn kênh và chương trinh
yêu thích đã thành thói quen khi người xem truyền hình cầm vào chiếc điều khiển
ti vi. Nhờ thiết bị kỹ thuật hiện đại, ngày nay khán giả lựa chọn và xem chương
trình chủ động hơn.
Chương
trình truyền hình theo các chuyên đề: Trong cơ cấu chương trình của một Đài truyền hình được
thiết lập bởi nhiều thể loại, tùy thuộc vào quy mô tổ chức, phạm vi phủ sóng,
yêu cầu nhiệm vụ được giao. Dù nhiều hay ít đầu chương trình thì cấu tạo cơ bản
về nội dung của một Đài truyền hình ở Việt Nam đều phải đáp ứng 2 mảng chương
trình chính: Chương trình chính luận, chương trình giải trí. Chương trình chính luận chủ yếu lấy nền
tảng là chương trình tin tức thời sự. Chương trình tin tức thời sự có nội dung
phản ánh đầy đủ hoạt động chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa xã hội và một
phần tin tức thời sự quốc tế. Và để mở rộng triển khai thêm những nội dung quan
trọng mà bản tin thời sự không đủ thời gian phân tích thì các Đài truyền hình
phải triển khai thêm các thể loại chương trình chính luận khác như: Tọa đàm,
giao lưu, phỏng vấn, phóng sự, phim tài liệu...Chương trình giải trí thì đa dạng hơn, thời lượng phát sóng dành
cho các chương trình cũng dài hơn. Trong đó, nội dung chủ yếu là phim truyện,
ca nhạc, thể dục thể thao...Tuy nhiên, ngày nay, khi nhu cầu thưởng thức chương
trình của khán giả đòi hỏi cao hơn, nhiệm vụ chính trị của các Đài truyền hình
nhiều hơn, từ đó xuất hiện các chương trình hỗn hợp, vừa mang tính chính luận,
vừa giải trí. Đó cũng là cơ sở cho sự xuất hiện của các chương trình truyền
hình chuyên đề. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có một khái niệm cụ thể
về “Chương trình truyền hình chuyên đề” thuộc về lý thuyết, tuy nhiên từ thực
tiễn hoạt động của các Đài truyền hình, những người làm công tác báo chí đã tự
rút ra một khái niệm cho các chương trình truyền hình chuyên đề.
Tổ chức sản xuất chương trình truyền hình là một quy trình điều
phối và phối hợp các bộ phận cần thiết bao gồm: biên tập, đạo diễn, quay phim,
dựng phim, kiểm duyệt và phát sóng. Mỗi bộ phận tùy theo quy mô của chương
trình mà huy động lực lượng công tác, hỗ trợ...
Nhân sự sản xuất các chương trình ca nhạc truyền hình: Đối với việc sản xuất
chương trình ca nhạc truyền hình, những người tham gia sản xuất chương trình
phải có chuyên môn sâu về âm nhạc, vì đây là chương trình có tính chuyên nghiệp
cao. Nhân sự sản xuất chương trình ca nhạc là một nhóm người cùng tham gia và
có cùng mục đích sáng tạo, trách nhiệm và quyền lợi đối với các tác phẩm truyền
hình, bao gồm 2 bộ phận:
(i) Bộ phận sáng tạo là
những người phụ trách về nội dung bao gồm Biên tập, đạo diễn dàn dựng, trợ lý
đạo diễn, quay phim và dựng phim.
(ii)
Bộ phận kĩ thuật là những người hỗ trợ thực hiện yêu cầu của nhóm sáng tạo bao
gồm đạo diễn hình ảnh, kĩ thuật hình ảnh, kĩ thuật âm thanh, ánh sáng.
Khán giả truyền hình là những người xem và nghe các chương trình
được Đài truyền hình phát sóng theo định kỳ. Khác với các chương trình nghệ
thuật biểu diễn trực tiếp trên sân khấu với hệ thống đèn, loa hoành tráng. Khán
giả truyền hình có thể xem bất cứ ở đâu, có thể xem hoặc có thể nghe qua màn
ảnh nhỏ. Khán giả những chương trình ca nhạc trên truyền hình cũng có thị hiếu
khác nhau, thích các loại hình ca nhạc khác nhau tùy theo phân tầng xã hội như
lứa tuổi, sở thích, ngành nghề, địa bàn cư trú và khả năng cảm thụ âm nhạc. Mỗi
thể loại âm nhạc lại có đối tượng khán giả riêng. Có đối tượng khán giả thích
các dòng nhạc dân gian, dân ca các vùng miền, có đối tượng thích nhạc trẻ, nhạc
nước ngoài, có đối tượng thích nghe dòng nhạc thính phòng, có đối tượng khán
giả thích dòng nhạc bolero, trữ tình, đối tượng khán giả thích nghe nhạc truyền
thống cách mạng. Những đối tượng khán giả này cũng bị thay đổi theo thời gian.
Nếu như trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, tỷ lệ đối tượng khán giả thích
nghe dòng nhạc truyền thống cách mạng là đông đảo thì ngày nay, tỷ lệ này đang
giảm dần.
1.1.2. Cơ sở lý luận về quản lý và quản lý hoạt động văn
hóa
1.1.2.1. Quản lý
“Quản lý là một thuật ngữ có nhiều khái niệm
khác nhau và tùy theo chủ thể, đối tượng quản lý, nội dung quản lý để hình
thành nên khái niệm. Ở Việt Nam, thuật ngữ Quản lý thường được ghép với đối
tượng quản lý: Quản lý tài chính, quản lý tổ dân phố, quản lý chợ, quản lý hành
chính, quản lý nhà nước, quản lý hành chính nhà nước, quản lý ngành, lĩnh vực.
Quản lý văn hóa là một trong những khái niệm quản lý ngành, lĩnh vực” [3] (Phan
Quốc Anh, 2020, Tập bài giảng Quản lý hoạt động nghệ thuật).
Theo
quan điểm của Fayol: “Quản lý là một hoạt động mà mọi tổ chức (gia đình, doanh
nghiệp, chính phủ) đều có, nó gồm năm yếu tố tạo thành là: kế hoạch, tổ chức,
chỉ đạo, điều chỉnh và kiểm soát. Quản lý chính là thực hiện kế hoạch, tổ chức,
chỉ đạo điều chỉnh và kiểm soát ấy” [dẫn theo 24]. Ở đây, thuật ngữ quản lý nghiêng về hoạt động
của chủ thể quản lý.
Quản
lý “là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể lên khách thể nhằm đạt
được mục tiêu định trước” [27].
Theo
quan điểm của V.L.Lênin: “Chúng ta phải hiểu rằng muốn quản lý tốt mà chỉ
thuyết phục không thôi thì chưa đủ, còn cần phải biết tổ chức về mặt thực tiễn
nữa”[4]. Quan điểm này của V.L.Lê nin nghiêng về phương thức quản lý.
Kế thừa những định nghĩa
đã có trước đó về quản lý, tác giả Mai Văn Khuê cũng đưa ra khái niệm hướng về
hoạt động giữa chủ thể và đối tượng quản lý: “Quản lý là hoạt động nhằm tác
động một cách có tổ chức của chủ thể vào một đối tượng nhất định để điều chỉnh
các quá trình xã hội và các hành vi của con người, nhằm duy trì tính ổn định và
sự phát triển của đối tượng theo mục tiêu đã định” [35].
Từ
những nhận định phổ biến nhất, hiểu biết chung về quản lý là thông qua các hoạt
động có ý thức của chủ thể quản lý tác động đến đối tượng quản lý nhằm định
hướng, lập kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện, kiểm soát, điều chỉnh, đánh
giá kết quả thực hiện của một tổ chức, một cộng đồng nhằm đảm bảo hoạt động một
cách liên tục đạt được các mục tiêu đề ra. Trong bất kỳ xã hội nào, quản lý
cũng là một yếu tố hết sức quan trọng, không thể thiếu trong đời sống. Xã hội
càng tiên tiến thì chức năng của quản lý càng lớn và nhiệm vụ của quản lý càng
phức tạp cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội với chủ thể
quản lý là Nhà nước, chủ thể được sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh
khách thể là các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người.
Về
cơ sở lý luận về quản lý nói chung đã có nhiều người đưa ra những khái niệm
khác nhau. Tuy vậy, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực hoạt động khác nhau lại có những
khái niệm khác nhau. Ở đây, chúng tôi tiếp tục đi tìm những khái niệm liên quan
đến quản lý lĩnh vực văn hóa.
1.1.2.2. Quản lý văn hóa
Hoạt
động văn hóa là một bộ phận của hoạt động xã hội, nếu diễn đạt bằng thuật ngữ
kinh tế học thì đó là quá trình sản xuất (sáng tạo), bảo quản, phân phối và
tiêu dùng các sản phẩm văn hóa do quá khứ để lại và đương thời tạo ra[2]. Hoạt động văn hóa được phổ biến ở các dạng sau: Hoạt động
sáng tác biểu diễn văn nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống; Hoạt động
khai trí – giáo dục nhằm nâng cao kiến thức cho mọi người: dạy học, thuyết
trình, tọa đàm…; Hoạt động lưu giữ sản phẩm văn hóa: bảo tàng, lưu giữ, triễn
lãm, sưu tập; Hoạt động tiêu dùng sản phẩm văn hóa: đọc sách, báo, nghe âm
nhạc, xem nghệ thuật, triễn lãm, tham quan, du lịch…; Hoạt động lễ hội, tín
ngưỡng, xây dựng phong tục, nếp sống, gia đình văn hóa; Hoạt động thể dục thể
thao, vui chơi giải trí.
Các sản phẩm
văn hóa muốn đến được với công chúng cần phải có “trạm trung chuyển” (Hoàng Vinh - 1999, tập bài giảng)
đó chính là các thiết chế văn hóa như: Trường học, thư viện, nhà văn hóa, rạp
chiếu phim, bảo tàng, nhà thiếu nhi, sân vận động, công viên văn hóa... Chất
lượng đời sống văn hóa của con người và cộng đồng được đánh giá dựa trên kết
quả đáp ứng nhu cầu thông qua hoạt động văn hóa [73].
1.1.2.3. Quản lý nhà nước về văn hóa
Quản lý nhà nước, theo nghĩa rộng
được hiểu là hoạt động tổ chức, điều hành của cả bộ máy nhà nước, bao hàm cả sự
tác động, tổ chức của quyền lực nhà nước trên các phương diện lập pháp, hành
pháp và tư pháp. Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước chủ yếu là quá trình tổ chức,
điều hành hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với các quá trình xã hội và
hành vi hoạt động của con người theo pháp luật, nhằm đạt được những mục tiêu,
yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp còn đồng
nghĩa với khái niệm quản lý hành chính nhà nước.
Quản
lý nhà nước về văn hóa là phạm trù quản lý ngành, lĩnh vực. Tên gọi Quản lý
ngành, lĩnh vực được sử dụng trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng các lớp quản lý
nhà nước như lớp đào tạo các cấp từ chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên
cao cấp trong Học viện Hành chính Quốc gia. Khái niệm quản lý nhà nước ngành, lĩnh
vực trong khối hành pháp như Quản lý ngành y tế, quản lý ngành giáo dục, quản
lý tài nguyên, môi trường, khoáng sản v.v… Trong các Sở trực thuộc Ủy ban nhân
dân đều có các phòng quản lý các ngành, lĩnh vực. Đối với ngành văn hóa có các
phòng Quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý di sản văn hóa…Tóm lại, quản lý nhà
nước về văn hóa là chủ thể quản lý sử dụng các văn bản pháp quy của nhà nước
làm công cụ quản lý. Còn khái niệm quản lý văn hóa, bên cạnh sự quản lý nhà
nước còn có sự tham gia quản lý của các tầng lớp nhân dân trong quan điểm: “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” [3].
Nghị
quyết Trung ương V về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản
sắc dân tộc đã chỉ ra: “củng cố, hoàn thiện các thể chế văn hóa, đảm bảo tăng
cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước, vai trò
làm chủ của nhân dân và lực lượng những người hoạt động văn hóa, tạo nhiều sản
phẩm và sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng theo định hướng XHCN” [24]. Theo Phan Hồng Giang và
Bùi Hoài Sơn: “Quản lý văn hoá là sự tác động chủ quan bằng nhiều hình thức,
phương pháp của chủ thể quản lý (cáccơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, các cơ
cấu dân sự, các cá nhân được traoquyền và trách nhiệm quản lý) đối với khách
thể (là mọi thành tố tham gia và làm nên đời sống văn hoá) nhằm đạt được mục
tiêu mong muốn (bản thân vănhoá là nền tảng tinh thần xã hội, nâng cao vị thế
quốc gia, cải thiệt chất lượngcuộc sống của người dân…)” [24] Cũng theo Phan
Hồng Giang, văn hóa gồm ba yếu tố cấu thành là: (i) giá trị vật
thể, (ii) phi vật thể (iii) những hoạt động văn hóa. Vì vậy, quản lý Nhà nước
về văn hóa chính là quá trình quản lý ba yếu tố trên, thông qua việc thực thi
công tác quản lý của bộ máy nhà nước từ Trung ương tới địa phương bằng các chủ
trương, chính sách, biện pháp và thực thi pháp luật tác động một cách hệ thống
có mục đích. Nhằm định hướng hoạt động của các tổ chức trong xã hội, phát huy
khả năng sáng tạo, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và nâng cao các giá
trị văn hóa cội nguồn, mang đến tính ổn định xã hội trong quá trình đi lên của
đất nước. Vì vậy, trong quản lý Nhà nước về văn hóa ngoài việc am hiểu những
kiến thức văn hóa thì phải có trình độ, kỹ năng và nắm vững những quy định
trong quản lý Nhà nước về văn hóa.
Văn
hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội, là thứ hàng hóa đặc biệt, không thể tính
toán, đo lường giá trị. Vì vậy trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa muốn
chặt chẽ, có hiệu quả phải có những quan điểm, định hướng chiến lược phát triển
cho các hoạt động văn hóa, xác lập nội dung và phương thức quản lý, có cơ sở
khoa học thực tiễn. Ở nước ta, công tác quản lý văn hóa được xác định “giữ vững
nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân tham gia vào quản lý nhà
nước – dân chủ hóa công tác quản lý; tập trung dân chủ; quản lý theo ngành kết
hợp với quản lý theo lãnh thổ và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa”[4].
Trong quá trình hội nhập phát triển kinh tế - xã hội, đời
sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhu cầu văn hóa của người
dân cũng từ đó mà đa dạng và phong phú hơn. Bên cạnh đó là việc xuất hiện nhiều
hơn những sản phẩm văn hóa mới độc đáo, hấp dẫn. Do đó công tác quản lý phải
đòi hỏi đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của người dân. Quản lý hoạt động văn
hóa cần phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch có lộ trình, xây dựng hành lang pháp
lý thông qua các văn bản pháp luật, cơ chế quản lý, các chính sách khuyến khích
sáng tạo, chính sách kinh tế, chính sách xã hội hóa các hoạt động trong văn
hóa, huy động mọi nguồn lực từ xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
chặt chẽ từ khâu sản xuất, phân phối đến lưu thông sản phẩm văn hóa, có các
biện pháp khen thưởng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, làm tốt công tác
tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ thị hiếu của người dân, xây dựng môi
trường văn hóa lành mạnh và đặc biệt chăm lo đến nguồn lực con người quản lý,
đào tạo cán bộ quản lý văn hóa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Trong
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) của Đảng đã xác định những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu nhằm "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” [6]. Quản lý văn hóa trong cơ chế
thị trường là những vấn đề mới mẻ trong khi nước ta đang từng bước hình thành
một thị trường văn hóa, đòi hỏi cần có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước,
bảo đảm đúng định hướng và phát huy vai trò tích cực của cơ chế thị trường và
đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tránh được sự lấn át của những mặt trái của kinh tế thị
trường như: Thương mại hóa các giá trị đạo đức và đời sống tinh thần; cạnh
tranh cao có thể dẫn đến độc quyền; không quan tâm tới các dịch vụ văn hóa công
ít có lợi nhuận... Để hình
thành và phát triển một thị trường văn hóa phải có những đổi mới trong định
hướng văn hóa về nội dung và phương thức quản lý văn hóa. Những đổi mới đó nhằm
tạo hành lang pháp lý, tạo các cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường văn hóa
được rộng mở, các nguồn lực được khai thông, các tiềm năng văn hóa được phát
hiện, có cơ hội phát triển.
Văn
hóa thuộc về nhân dân, mọi người dân đều có quyền được hưởng thụ văn hóa và có
nghĩa vụ đóng góp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và có trách
nhiệm cùng nhà nước quản lý văn hóa. Trong quá trình quản lý văn hóa, ngoài
việc Nhà nước quản lý ra, cần khuyến khích các hình thức tự quản của nhân dân,
đảm bảo được tính đa dạng của văn hóa và đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân.
Nhằm tạo ra phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời phát huy
hoạt động xã hội hóa trong văn hóa, nâng cao vai trò của các Hội, Đoàn thể quần
chúng, hiệp hội nghề nghiệp trong bảo vệ, phát triển và tạo môi trường văn hóa
lành mạnh.
1.1.2.4. Quản lý hoạt động nghệ thuật biểu
diễn
Chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng là một loại hình nghệ thuật biểu diễn được dàn dựng, sản xuất ở những
môi trường cảnh quay khác nhau và được phát sóng trên màn ảnh nhỏ. Vì vậy,
chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng cũng phải chịu sự quản lý bằng các
văn bản quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn.
Nghệ thuật biểu diễn bao gồm nhiều
loại hình nghệ thuật khác nhau vì vậy đến nay chưa có một khái niệm đầy đủ,
chính xác. Mỗi khái niệm đưa ra chỉ bao hàm được một khía cạnh nào đó. Tác giả
Đình Quang quan niệm rằng: “nghệ thuật biểu diễn là nghệ thuật
tổng hợp, là một công trình tập thể. Tổng hợp vì nó bao gồm cả giá trị văn học,
hội họa, âm nhạc, vũ đạo; thể hiện ra
trong lời ca, nhạc nền, điệu bộ, dáng múa, phục trang, ánh sáng của tập thể vì đây là công sức góp lại
của nhiều người, từ đạo diễn, tác giả,
diễn viên đến nhạc sĩ...[68]. Tác giả Trần Trí Trắc thì cho rằng: “nghệ thuật
biểu diễn là sự thể hiện sáng tạo của nghệ sỹ trước khán giả, là tiếng nói từ
trái tim đến trái tim, từ tình cảm đến với tình cảm và trở thành một bảo tàng
sống của dân tộc”. Trong hệ thống văn bản luật của nhà nước cũng nêu rõ biểu
diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là hoạt động đưa chương
trình, tiết mục, vở diễn đến với công chúng qua sự trình diễn của diễn viên
chuyên nghiệp, thể hiện hình tượng nghệ thuật, phản ánh cuộc sống thông qua tác phẩm sân khấu, ca,
múa, nhạc... [dẫn theo 66]
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn là
hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm
thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương
tiện kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành
bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật dựa trên những quy luật
khách quan. “Quản lý là sự chỉ đạo, điều khiển một hệ thống, một quá trình căn
cứ vào các quy luật, định luật, nguyên tắc tương ứng để cho hệ thống, quá trình
vận động theo ý muốn của người quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra” [3].
Như vậy, quản lý nhà nước đối với
hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng không nằm ngoài các khái niệm nêu trên.
Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật là “một quá trình đi từ chỗ nắm được,
nắm đúng cái hiện có; thấy được, thấy đúng cái cần có và biết tìm mọi biện pháp
khả thi, tối ưu để đưa từ cái hiện có lên cái cần có” [3]. Quản lý nhà nước đối
với hoạt động biểu diễn nghệ thuật là tổng lực của nhà nước trong các phạm vi,
nhằm tác động phù hợp với quy luật phát
triển ngành nghệ thuật biểu diễn trong những nhiệm vụ, mục đích cụ thể.
Quản lý các chương trình ca nhạc
trên sóng truyền hình là quản lý quá trình sản xuất, nội dung chương trình,
tiết mục, các thể loại ca khúc từ khâu biên kịch, đạo diễn, lời thoại, bản
nhạc, lời ca đến nội dung phát sóng, nghiên cứu đối tượng khán giả xem đài mà
chương trình hướng tới, mục đích phục vụ của chương trình. Mục đích cao nhất
của chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng là hướng đến giáo dục truyền
thống cách mạng hào hùng của các thế hệ cha ông qua hai cuộc kháng chiến trường
kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những thế lực ngoại xâm khác. Bên cạnh
chức năng giải trí, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, chương trình ca
nhạc truyền thống cách mạng luôn mang bên mình chức năng giáo dục truyền thống,
hướng đến thế hệ trẻ trong thời đại ngày nay đang dần chuyển đổi thị hiếu sang
môi trường âm nhạc của thời đại công nghệ 4.0.
1.1.3.
Những văn bản pháp quy về quản lý liên quan đến đề tài
Để thực hiện đề tài này,
học viên đi tìm những vấn đề pháp lý liên quan. Đó chính là các văn bản quy
phạm pháp luật, là công cụ quản lý. Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan
bao gồm:
(i) HTV là cơ quan báo
chí của Thành phố Hồ Chí Minh nên các hoạt động phải tuân thủ các luật, văn bản
dưới luật liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động truyền thông bao gồm Luật
Báo chí, Luật An Ninh mạng. Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo v.v…Những văn bản
quản lý của cấp trên bao gồm các văn bản của Thành ủy, UBND Thành phố, Ban
Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố. Các văn bản pháp
quy liên quan đến quản lý hoạt động truyền hình, hoạt động tổ chức sản xuất và
phát sóng định kỳ và chuyên đề.
(ii) Lĩnh vực ca nhạc truyền hình liên quan
đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn nên bị chi phối bởi các văn bản pháp quy về
nghệ thuật biểu diễn. Đó là các văn bản của Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Các văn bản quy định các lĩnh vực
hoạt động nghệ thuật của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL.
Hoạt động
NTBD được xác định là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, có tác động, ảnh hưởng
trực tiếp tới quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của nhân dân đã được ghi nhận
tại Điều 41 và Điều 60 của Hiến pháp năm 2013.
Liên quan
trực tiếp đến QLNN về BDNT, một số văn bản đã được ban hành, sửa đổi trong giai
đoạn này bao gồm:
Nghị định số
79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình
diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm,
ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;
Thông tư số
03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 01 năm 2013 của quy định chi tiết thi hành một
số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Bộ VHTTDL.
Nghị định số
15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 79
Thông tư số
01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định
chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số
15/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL ngày 19
tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Chỉ thị số
65/CT-BVHTTDL về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình
diễn thời trang được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành ngày 16/04/2012. Chỉ thị
đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc quản lý chặt chẽ hoạt động BDNT. Tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các hoạt động BDNT.
Nghị định
158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể
thao, du lịch và quảng cáo.
Nghị định số
28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử
phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số
158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Nghị định số
131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, có hiệu lực thi hành từ
ngày 05 tháng 5 năm 2017.
Nghị định số
144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chính thức có hiệu
lực từ 01/2/2021. Đây là Nghị định mới nhất về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Những văn bản pháp quy quy định về nghệ thuật biểu diễn trước Nghị định này đều
hết hiệu lực.
1.2. Tổng quan về Đài
Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
1.2.1. Khái quát lịch
sử hình thành và phát triển của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
1.2.1.1.
Giai đoạn từ 1975 đến 1986
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí
Minh (tiếng Anh: Ho Chi Minh City
Television, viết tắt: HTV) là đài truyền hình trực thuộc Ủy ban nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đài truyền hình đầu tiên ở Việt Nam. Đài Truyền
hình Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng -
Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, phát sóng buổi đầu tiên lúc 19 giờ
ngày 1 tháng 5 năm 1975. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Sài Gòn chính thức được đổi
tên thành TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình SGGP cũng được đổi thành Đài Truyền
hình TP.HCM (HTV). Với vai trò là đài khu vực Nam Bộ trực thuộc Ủy ban Phát
thanh – Truyền hình Việt Nam, HTV đã giúp đỡ cho các đài phía Nam (cũng là các
chi nhánh của Đài trước 1975) khôi phục lại cơ sở vật chất hoặc xây dựng thêm.
Nhân sự của Đài truyền hình TP.HCM lúc bấy giờ lên đến hơn 1000 người bao gồm 2
lực lượng: cán bộ lãnh đạo quản lý, phóng viên do miền Bắc chi viện và đội ngũ
kĩ thuật thuộc chế độ Sài Gòn cũ. Số lượng phòng ban lúc bấy giờ còn hạn chế,
chỉ có Phòng chuyên mục, Phòng văn nghệ và Ban tin tức. Trong đó, phòng chuyên
mục bao gồm các chương trình thuộc nội dung khoa giáo, thiếu nhi.
1.2.1.2.
Giai đoạn 1986 đến nay
Năm 1987 là dấu mốc quan trọng đối
với HTV khi Đài được chuyển giao về UBND TP.HCM. Với chủ trương mở cửa, UBND
TP.HCM đã tạo đà cho sự tăng tốc phát triển của HTV. Bên cạnh Kênh HTV 9 đang
phát sóng, HTV bắt đầu phát thử nghiệm Kênh 7 (nay là HTV7). Chỉ sau một thời
gian ngắn, Kênh 7 đã lên sóng chính thức với chức năng là kênh Dịch vụ - Thông
tin - Rao vặt. Sự ra đời của Kênh 7 đánh dấu lần đầu tiên từ năm 1975, quảng
cáo xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình và cũng là lần đầu tiên một đài
truyền hình của Việt Nam phát 2 kênh có nội dung độc lập. Cùng lúc đó, Trung
tâm Dịch vụ Truyền hình được thành lập, phụ trách việc quảng cáo và mua, bán
bản quyền các chương trình của Đài. HTV bắt đầu có nguồn thu từ đó. Trong giai
đoạn này, số lượng chương trình bắt đầu tăng lên nhanh chóng để phục vụ phát
sóng cho 2 kênh HTV7 và HTV9. Nội dung chương trình cũng phong phú, đa dạng hơn
nhằm phục vụ chủ trương mở cửa, đổi mới của UBND TP.HCM, nhiều thể loại chương
trình mới ra đời nhằm phục vụ công tác tuyên truyền và tạo thêm cơ hội hợp tác
của HTV với các đơn vị bên ngoài. Không nằm ngoài xu thế phát triển đó, lãnh
đạo Đài quyết định tách Phòng chuyên mục thành 3 Phòng ban nhằm chuyên trách
những nội dung cụ thể hơn: Ban Khoa giáo, Ban chuyên đề và Ban thiếu nhi. Trong
đó, Ban chuyên đề là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện những chương trình “kiểu
mới”, vừa tuyên truyền, vừa mang tính nghệ thuật giải trí để làm mới mẻ hơn cho
HTV trước cơ hội mở cửa, đổi mới.
Năm 1989, HTV bắt đầu thực hiện việc
"xã hội hóa" bằng việc kêu gọi tài trợ cho Cuộc đua xe đạp tranh Cúp
Truyền hình TP.HCM. Từ thành công đó, HTV tiếp tục kêu gọi tài trợ cho cuộc thi
“Tiếng hát Truyền hình” năm 1991, các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa -
nhà tình thương và nhiều chương trình truyền hình khác. Một trong những sự kiện
đáng lưu ý là năm 2000, HTV đưa kỹ thuật trường quay ảo vào sử dụng đầu tiên
tại Việt Nam. Tiếp đến, để chứng minh sự tiên phong trong việc chuyển đổi kỹ
thuật ghi hình và phát sóng từ analog sang kỹ thuật số, đầu tháng 9 năm 2003,
Đài phát thử nghiệm DVB-T trên kênh 30 UHF, phát kênh HTV7, HTV9 và một số kênh
khác.
Năm 2005, sự kiện SEA Games 23 tại
Philippines đánh dấu việc HTV là đài truyền hình Việt Nam đầu tiên thực hiện
cầu truyền hình trực tiếp từ nước ngoài. Đón đầu xu hướng mới của công nghệ
truyền hình trực tiếp, Ban chuyên đề đã được Ban Tổng Giám đốc HTV giao nhiệm
vụ thực hiện một loạt cầu truyền hình trực tiếp liên quan đến những vấn đề mà toàn
xã hội đang sôi sục. Nổi bật là các vấn đề Biển Đông: Cầu truyền hình với các
đảo Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo & Phú Quốc (2009), Trường Sa Lớn (17 tháng 10
năm 2009), Song Tử Tây (29 tháng 6 năm 2013, nhà giàn DK1 và tàu HQ 996 (23
tháng 3 năm 2014). Đó là những lần khán giả được xem trực tiếp hình ảnh từ các
vùng biển - đảo tiền tiêu với quy mô lớn mà lúc đó chưa đài truyền hình nào
khác làm được. Ngoài chủ đề biển - đảo, các chương trình cầu truyền hình về
biên giới trên đất liền cũng được thực hiện hoành tráng, điển hình là chương
trình “Âm vang biên giới” giữa Lai Châu, Kon Tum, An Giang và TP.HCM ngày 14
tháng 12 năm 2013...Vào năm 2015, hàng loạt gameshow và chương trình giải trí
bắt đầu xuất hiện. Phần lớn các chương trình tập trung vào đối tượng khán giả
trẻ, cách dẫn năng động và tươi mới, khác hẳn phong cách các thế hệ HTV trước
đây.
HTV hiện đang là Tập đoàn truyền
thông đa phương tiện chủ lực, quan trọng hàng đầu trong hệ thống truyền hình
Việt Nam và dẫn đầu về lượng người xem ở khu vực phía Nam. Với rất nhiều thành
công và những bước phát triển nhảy vọt, HTV đã trở thành một đài truyền hình có
tầm ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực, phục vụ cho nhu cầu
thông tin trong nước và đối ngoại. Hiện nay, đài có 2 kênh quảng bá là HTV7, HTV9
và 16 kênh trả tiền là HTV1, HTV2, HTV3, HTV Key, HTV Thể Thao, HTV Co.op và
các kênh truyền hình thuộc hệ thống của HTVC. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, với
sự bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn trên không gian mạng, vị thế của
Truyền hình nói chung, của HTV nói riêng, bắt đầu gặp nhiều khó khăn.
Từ khi thành lập đến nay, trụ sở HTV
ở số 14 Đinh Tiên Hoàng F. Bến Nghé, Q1, TP HCM
1.2.2 Khái quát về tổ chức bộ máy, nhân sự, chức năng, nhiệm vụ của Đài Truyền
hình Thành phố Hồ Chí Minh
Đến năm 2022, HTV có 804 cán bộ, công nhân viên chức và người lao
động. Có 404 biên chế và 400 lao động hợp đồng. Ban Tổng giám đốc gồm
04 người gồm 1 Tổng Giám đốc và 3 Phó Tổng Giám đốc. Có 05 Trung tâm và 19
phòng, Ban chuyên trách và chuyên môn.
Các Ban chuyên môn, (có con dấu riêng) gồm
có Ban Chương trình; Trung tâm Tin tức; Ban Chuyên đề; Ban Văn nghệ; Ban Khoa
giáo; Ban Thể dục thể thao; Ban Ca nhạc; Ban Thiếu nhi; Trung tâm Sản xuất
chương trình; Ban Quản lý kỹ thuật.
Các đơn vị không có con dấu, không
có tài khoản
gồm có: Ban Tổ chức - Đào tạo; Văn phòng; Ban Tài chính; Ban Kế hoạch - Dự án;
Ban Bảo vệ; Ban Biên tập các chương trình nước ngoài; Ban Tư liệu; Ban Khai
thác phim truyền hình; Ban Kỹ thuật Cơ điện lạnh; Trung tâm Truyền dẫn phát
sóng.
Các đơn vị sự nghiệp
trực thuộc Đài là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo chi phí hoạt động, có tư
cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Ngân hàng, Kho bạc
Nhà nước, gồm có: Trung tâm Dịch vụ truyền hình;Trung tâm Truyền hình Cáp; Hãng
phim Truyền hình; Tạp chí Truyền hình. Ngoài ra, HTV còn có Văn phòng đại
diện Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tại thành phố Hà Nội.
Ban
Giám đốc HTV có 4 người, 1 Tổng giám đốc và 3 phó Tổng giám đốc. Trong đó, Tổng
Giám đốc trực tiếp phụ trách các phòng ban sau: Văn phòng, Phòng Tổ chức đào
tạo, Trung tâm tin tức, Ban Tài chính, Ban Kế hoạch dự án, Ban Chương trình,
Trung tâm Dịch vụ.
1 Phó Tổng Giám đốc phụ
trách các đơn vị: Ban Chuyên đề, Ban Khoa giáo, Ban Thể dục thể thao, Hãng phim
TFS, Ban Cáp số, Ban Khai thác phim truyện
1 Phó Tổng Giám đốc phụ
trách các đơn vị: Ban Quản lý kỹ thuật, Trung tâm sản xuất chương trình, Ban Cơ
điện, Trung tâm truyền dẫn phát sóng, Trung tâm phát hình, Công ty TMS.
1 Phó Tổng Giám đốc phụ
trách các đơn vị: Ban Ca nhạc, Ban Thiếu nhi, Ban Thiếu nhi, Ban Tư liệu.
1.2.3.
Khái quát về sự hình thành và phát triển của Ban Ca nhạc Đài Truyền hình Thành
phố Hồ Chí Minh
Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Sài Gòn
chính thức được đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Sài Gòn giải
phóng cũng được đổi thành Đài Truyền hình TP.HCM (HTV). Giai đoạn này, thời
gian phát sóng trong ngày rất ít, hầu như chỉ phát vào buổi tối và lúc này mới
chỉ phát hình đen trắng. Một tuần chỉ có một đến hai buổi phát chương trình ca
nhạc. Nhiệm vụ sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc là Phòng Văn nghệ.
Phòng Văn nghệ được giao tổng hợp nhiều chức năng sản xuất và phát sóng các
chương trình nghệ thuật như sân khấu, văn nghệ thiếu nhi, cải lương và ca nhạc.
Chương trình ca nhạc lúc này được chia hai mảng là nghệ thuật chuyên nghiệp và
nghệ thuật quần chúng, cả nhiệm vụ xây dựng chương trình phát trên sóng FM gồm
tin tức thời sự và các chương trình ca nhạc và chủ yếu là ca khúc truyền thống
cách mạng. Nhờ tuyển dụng được nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi, các chương trình
ca khúc truyền thống cách mạng đã được làm mới lại từ hòa âm cũng như tuyển các
ca sĩ mới để thể hiện có chất lượng tốt hơn. Năm 1977 Đài truyền hình thành lập
một Đoàn Ca nhạc HTV chuyên đi diễn phục vụ đồng bào gần xa và các chương trình
ca nhạc lúc này chủ yếu vẫn là ca khúc truyền thống cách mạng.
Đầu năm
1990, HTV tách Phòng Văn nghệ thành hai ban là Ban Ca Nhạc và Ban Văn Nghệ.
Chức năng và hoạt động mỗi Ban khác nhau do nhu cầu thưởng thức giải trí của
khán giả ngày càng tăng nên cần tăng thời lượng sản xuất, tăng nội dung và phát
sóng nhiều hơn.
Ban Văn nghệ có chức năng sản xuất
các chương trình sân khấu như kịch dài, kịch ngắn, các trích đoạn cải lương,
đờn ca tài tử, tuồng, chèo và đặc biệt là thể loại kịch “Trong nhà ngoài phố”;
“Chuông vàng vọng cổ”; “Vầng trăng cổ nhạc”.
Khi Ban ca
nhạc được thành lập 1990, Ban Ca nhạc có một trưởng ban và hai phó ban. Trưởng
Ban (Nhạc sĩ Nguyễn Nam); Phó Ban (Nhac sĩ Trần Hữu Bích, nhạc sĩ Kiều Tấn).
Sau đó Kiều Tấn chuyển qua Ban Văn Nghệ, nhạc sĩ Phan Hồng Sơn lên Phó Ban. Sau
một thời gian, nhạc sĩ Trần Hữu Bích về hưu, nhạc sĩ Thập Nhất lên Phó Ban (tư liệu phỏng vấn BTV Lê Thị Thu Yến, Bảng
phỏng vấn số 2 phụ lục).
Ban
có 01 kế toán, 02 chủ nhiệm chương trình, 01 thư ký và đội ngũ biên tập khoảng trên 15 người. Thời
hoàng kim của HTV, từ năm 1995 đến năm 2016, Ban ca nhạc đã tuyển dụng, tăng
đội ngũ biên tập, đạo diễn, nhạc sĩ lên khoảng trên dưới 30 người. Nhưng từ năm
2017 tới nay, khi vị thế của các Đài Truyền hình đi xuống, nhường chỗ cho các
loại hình mạng xã hội, số lượng thành viên của ban đã giảm xuống 1/2, chủ yếu
giảm ở bộ phận biên tập, đạo diễn, nhạc sĩ, quay phim trực tiếp sản xuất chương
trình.
Ban Ca Nhạc có chức năng nhiệm vụ là
Ban biên tập, sản xuất các chương trình ca nhạc phát trên sóng HTV. Ban Ca Nhạc
được Ban Tổng Giám Đốc giao cho nhiệm vụ thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến
các yêu cầu sinh hoạt chính trị của Thành Ủy, Ủy ban Nhân Dân Thành phố giao
cho Đài Truyền hình. Thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa
nghệ thuật âm nhạc của công chúng xem đài, qua đó định hướng, giáo dục, nâng
cao giá trị thẩm mỹ nghệ thuật theo đường lối văn hóa nghệ thuật mà Đảng đã chỉ
ra: Xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhiệm vụ chủ yếu của Ban Ca nhạc là
sản xuất, thu hình và phát sóng các chương trình chuyên về âm nhạc được chia
thành nhiều dòng nhạc như dòng ca khúc truyền thống cách mạng, dòng âm nhạc
giao hưởng thính phòng và hợp xướng, âm nhạc dân gian, nhạc nước ngoài, nhạc
trẻ. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, dòng ca khúc truyền thống cách mạng vẫn được
lãnh đạo HTV quan tâm, ưu tiên để phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện chính
trị xã hội và đáp ứng số đông khán giả yêu thích dòng nhạc truyền thống cách
mạng.
Khi Ban Ca nhạc HTV được thành lập,
bắt đầu xuất hiện những chương trình thu hút khán thính giả như chương trình “Quà tặng trái tim”, “Giai điệu tình yêu”; “Nhịp cầu âm nhạc”; “Liên hoan Tiếng hát truyền hình”; “Thay lời muốn nói”; “Tiếng
hát mãi xanh”; “Hát về thời hoa đỏ”
... và ngoài ra còn hàng trăm chương trình nhỏ lẻ hàng năm phục vụ cho việc
thưởng thức, định hướng thị hiếu thẩm mĩ âm nhạc cho khán giả không chỉ mang
tính giải trí mà còn mang tính giáo dục. Giai đoạn từ năm 1995 trở đi, khi đất
nước bước vào giai đoạn hội nhập, dòng ca khúc truyền thống cách mạng vẫn là
chủ đạo nhưng đã được thêm vào các màu sắc âm nhạc hiện đại khác du nhập từ
nhiều luồng khác nhau trên thế giới. Đa phần lớp khán thính giả trẻ bắt đầu
thay đổi thị hiếu thưởng thức nghệ thuật, dòng phim, ca nhạc từ nhiều nước bắt
đầu chảy vào Việt Nam, lớp trẻ bắt đầu thích phim cũng như ca nhạc Hàn Quốc,
Hồng Công, Nhật Bản, các nước Châu Âu, Mỹ. Một số chương trình ca nhạc nước
ngoài bắt đầu chiếm lĩnh thị trường âm nhạc. Các nhạc sĩ sáng tác cũng thay đổi
phong cách, các nhạc sĩ phối khí bắt đầu từ bỏ lối hòa âm cổ điển truyền thống
trước đây, thay vào đó là hòa âm với các tiết điệu sôi động như Disco (thập
niên 80, 90), Cha cha cha, Rumba, Rock và về sau là Rap.
Bắt đầu vào những năm 2010 - 2015. Nhà
nước bắt đầu thay đổi các cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp. HTV
cũng được giao cơ chế tự chủ về tài chính. Ban Tổng Giám đốc và nhiều nhân sự
cấp Phòng ban được thay đổi và quan trọng là phải thay đổi tư duy về tự chủ, tự
trang trải kinh phí. HTV7 được tách ra thành kênh giải trí tổng hợp và HTV9 là
kênh chính luận. Kênh HTV7 được giao nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hóa, tăng nguồn
thu từ các nhà tài trợ, phải dành sóng giờ vàng cho các game show (sản xuất,
phát sóng các chương trình từ nguồn tài trợ). Lúc này việc sản xuất phát sóng
các chương trình từ kinh phí của nhà nước được quản lý chặt chẽ. Cũng giai đoạn
này, hạ tầng truyền thông internet, mạng xã hội phát triển mạnh, khán thính giả
bắt đầu tiếp cận với các hệ thống thông tin giải trí trên mạng xã hội nhiều
hơn, tỷ lệ người xem truyền hình nói chung, HTV nói riêng bắt đầu giảm sút. Đặc
biệt, với thời đại công nghệ kỹ thuật số ra đời, thế hệ trẻ tiếp cận nhanh hơn,
nhạy bén hơn nên khán thính giả của dòng nhạc truyền thống cách mạng ngày càng
giảm sút.
Năm
2017 là dấu mốc quan
trọng đối với HTV trong việc phục hồi thị phần và lấy lại vị trí dẫn đầu ở khu
vực phía Nam. Ban ca nhạc cũng phải thay đổi hoàn toàn về nhân sự và tư duy sản
xuất, phát sóng, nội dung các chương trình để bắt kịp với xu thế thay đổi thị
hiếu ca nhạc của khán giả xem đài. Từ yêu cầu thay đổi để phát triển đó, đòi
hỏi phải có đội ngũ nhân sự bắt kịp với thời đại, với nhịp sống mới. Một số
Biên tập viên lớn tuổi với lối tư duy truyền thống không bắt kịp thời đại nên
xuất hiện tình trạng xin thôi việc, nhường chỗ cho lớp trẻ. Tuy nhiên, có lẽ
cũng vì thế mà nội dung các chương trình ca nhạc cũng bị thay đổi. Các chương
trình ca nhạc truyền thống cách mạng đang dần nhường sân chơi cho các loại hình
ca nhạc của thời hiện đại.
Tiểu kết chương 1
Để thực hiện đề tài,
chương 1 đã làm rõ cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu.
Chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng liên quan đến cơ sở lý luận, hệ
thống khái niệm về văn hóa, văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc
và các loại hình cũng như chủ đề các chương trình ca nhạc, trong đó tập trung
vào chủ đề ca nhạc truyền thống cách mạng. Chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng như một pho lịch sử bằng âm nhạc từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt
Nam năm 1930, qua các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,
giai đoạn chiến tranh biên giới phía nam và phía bắc và cả trong thời kỳ xây
dựng đất nước, những ca khúc cách mạng có vai trò cực kỳ to lớn trong công tác
tuyên truyền, như những nhịp khúc quân hành cỗ vũ người chiến sĩ quên mình để
giành lấy độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc và động viên nhân dân đoàn
kết trong công cuộc xây dựng đất nước.
Đề tài mang mã ngành quản
lý văn hóa nên trong phần cơ sở lý luận cũng cần làm rõ các khái niệm liên quan
đến quản lý, quản lý văn hóa, quản lý nhà nước về văn hóa. HTV là đơn vị sự
nghiệp trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh nên chủ thể quản lý chính là UBND
thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, quản lý về nội dung của Thành
ủy, Ban Tuyên Giáo Thành ủy, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Thành phố. Đối
tượng quản lý về chất lượng và hiệu quả của chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng là những người sản xuất chương trình bao gồm lãnh đạo các phòng, ban,
đội ngũ thực hiện các cung đoạn sản xuất chương trình như đạo diễn, biên tập
viên, nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công và đội ngũ kỹ thuật viên.
Trải qua chặng đường dài lịch sử, bộ
máy tổ chức nhân sự của Đài cũng đã có nhiều thay đổi. Chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng được giao cho Ban Ca nhạc, được thành lập từ năm 1990.
Từ năm 2017 đến nay, về tổ chức bộ máy có nhiều thay đổi, chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng có chiều hướng giảm sút. Nội dung này sẽ được trình bày
ở chương 2
Chương 2. THỰC TRẠNG VỀ
HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ PHÁT SÓNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ca nhạc truyền thống
cách mạng là nội dung chính trong hoạt động sản xuất và phát sóng HTV, là đối
tượng nghiên cứu của đề tài. Mặc dù thời gian nghiên cứu của đề tài chỉ từ khi
thành lập HTV (1975), nhưng nội dung chương trình ca nhạc truyền thống là bao
gồm hết các ca khúc truyền thống cách mạng từ ngày thành lập Đảng đến nay. Vì
vậy, trước khi đi vào nghiên cứu thực trạng hoạt động sản xuất và phát sóng
chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng, cũng cần khái quát về quá trình
hình thành và phát triển của loại hình ca nhạc này.
2.1. Lịch sử hình thành
và phát triển dòng ca nhạc truyền thống cách mạng.
2.1.1. Khái
quát sự hình thành và phát triển loại hình ca nhạc truyền thống cách mạng giai
đoạn 1930 – 1945
Trong thực tế, ca khúc cách mạng
Việt Nam được hình thành và phát triển từ khi có phong trào yêu nước do giai
cấp vô sản lãnh đạo. Chặng đường lịch sử 15 năm với bao biến cố của lịch sử
cách mạng vẻ vang đã trở thành động lực thúc đẩy các nhạc sĩ viết hàng trăm bài
ca cách mạng đầy niềm tin và khát vọng. Chúng ta có thể “thấy rõ nội dung yêu
nước của dòng ca khúc này, không khác biệt với nội dung yêu nước của dòng ca
khúc yêu nước tiến bộ (chúng tôi gọi là ca khúc ngưỡng vọng lịch sử) nhưng nó
đặt ra ở một bình diện rộng hơn và cao hơn” [50, tr.22].
2.1.2.
Khái quát quá trình phát triển ca nhạc truyền thống cách mạng giai đoạn
1945 - 1954
Trong thời kì này, mọi hoạt động văn
hóa văn nghệ đều hướng tới phương châm: tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến
thắng. Năm 1951, trong thư gửi các họa sỹ nhân triển lãm hội họa, Hồ Chủ tịch
đã khẳng định: Văn hóa cũng là một mặt
trận, và xác định rõ vị trí của họ chính là người chiến sĩ trên mặt trận văn
hóa nghệ thuật ấy. 11:30 trưa ngày 7 tháng 9 năm 1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức ra
đời. Chủ đề, đề tài của ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954
ngày càng rõ nét. Xin đưa ra một số ca khúc tiêu biểu của giai đoạn này: Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh), Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam (Đỗ
Minh). Ca ngợi Hồ Chủ Tịch (Lưu Hữu
Phước và Nguyễn Đình Thi). Hình ảnh người Công nhân, nông dân xuất hiện trong
các ca khúc như Công nhân Việt Nam,
(Văn Cao). Hình ảnh của người dân Nam bộ một lòng theo Đảng, theo Bác, đứng dậy
kháng chiến thể hiện rõ qua các ca khúc như Nam
Bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Đoàn
du kích (Lưu Hữu Phước)...Những ca khúc không thể nào quên như Lên ngàn (Hoàng Việt), Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh), Ngày mùa (Văn Cao)…; Người dân thành
thị cũng tham gia đánh giặc (Người Hà Nội
- Nguyễn Đình Thi). Hình ảnh Anh bộ đội cụ Hồ được thể hiện qua các ca khúc
như: Không quân Việt Nam (Văn Cao), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí - Nguyễn
Bính), Vì nhân dân quên mình (Doãn
Quang Khải); Chiến sỹ Sông Lô (Nguyễn
Đình Phúc), Sông Lô (Văn Cao), Du kích Sông Thao (Đỗ Nhuận).
2.1.3.
Khái quát quá trình phát triển ca nhạc truyền thống cách mạng giai đoạn
1954 - 1975
Giai
đoạn Từ 1954 đến 1975
là giai đoạn ca khúc truyền thống cách mạng Việt Nam có sự phát triển vượt bậc.
Sau Hiệp định Giơnevơ chia hai miền Nam Bắc, với hai chế độ chính trị khác
nhau.
Dòng ca khúc cách mạng lúc này có
nhiệm vụ phản ánh nhiều mặt đời sống sản xuất, chiến đấu của nhân dân ta ở hai
miền Nam - Bắc. Đề tài ca ngợi Đảng được sáng tác ở cấp độ rộng hơn, thoáng đạt
và tươi trẻ hơn trong các ca khúc như: Đảng
đã cho ta cả mùa xuân (Phạm Tuyên), Lá
cờ Đảng (Văn An), Đảng là cuộc sống
của tôi (Nguyễn Đức Toàn)...
Những ca khúc cách mạng từ 1954 đến
1975 đã thể hiện hình ảnh vị Lãnh tụ kính yêu với những ca khúc tuyệt vời như Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài
Tuệ), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người
(Trần Kiết Tường), Người là niềm tin tất
thắng (Chu Minh), Bác đang cùng chúng
cháu hành quân (Huy Thục) v.v..
Chân dung anh bộ đội cụ Hồ vẫn thật
thà, giản dị, chất phác, vẫn hát vang điệp khúc “đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”, nhưng giai đoạn lịch sử 1954
-1975, hình ảnh đó là sự tiếp nối những gì tốt đẹp ở tầm cao hơn, trí tuệ hơn,
và chính quy hơn. Trong khói lửa của chiến tranh, bộ đội ta đã trưởng thành và
có đầy đủ các quân, binh chủng. Điều ấy được thể hiện qua các ca khúc: Bài hát người lái xe (Nguyễn Đức Toàn), Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân đại
thắng, Người chiến sĩ ấy (Hoàng
Vân), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta
đi (Thanh Phúc - Hải Hồ), Bước chân
trên giải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối - Tào Mạt)…Đặc điểm ở chặng đường này
là, tấm gương của các anh hùng liệt sĩ như Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi,
Võ Thị Sáu... được nhiều nhạc sĩ đưa vào ca khúc với mức độ dày hơn. Đặc biệt,
nếu đứng dưới góc độ tình cảm mà xem xét thì “trong những bài hát dành cho đơn
ca này, chúng ta thường thấy đề cập tới tình cảm Bắc - Nam” [50, tr.26], mà
điển hình là Tình ca (Hoàng Việt), Trăng sáng đôi miền (An Chung), Câu hò bên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp -
Đằng Giao), Nhớ về quê mẹ (Vân
Đông)...
Các nhạc sĩ ra trận, nơi tuyến đầu
tổ quốc đã phản ánh trực tiếp những diễn biến của cách mạng thông qua hình
tượng ca khúc. Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, (Huỳnh Minh Siêng); Hành quân đêm, Xuân chiến khu, Bài ca may
áo, Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng); Mỗi bước ta đi, (Thuận Yến); Hành
khúc giải phóng, (Lưu Nguyễn - Long Hưng); Qua sông (Phạm Minh Tuấn);
Rừng xanh vang tiếng ta lư (Phương Nam); Cùng Hành quân giữa mùa xuân (Cẩm La)...
Trong giai đoạn kháng chiến chống
Mĩ, ca khúc cách mạng Việt Nam vừa nối tiếp dòng chảy của chặng đường trước,
vừa vươn tới tầm cao, hoàn hảo hơn cả về số lượng và chất lượng nghệ thuật. Đối
tượng phản ánh trong ca khúc ngày càng đa dạng và rộng lớn hơn.
2.1.4. Khái quát ca
nhạc truyền thống cách mạng từ năm 1975 đến nay
Trưa 30/4/1975, khi các
đoàn quân giải phóng ở khắp các ngả tiến về Sài Gòn thì loa phát thanh của
chính quyền Sài Gòn lần đầu tiên vang lên tiếng nhạc hùng tráng bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu
Phước. Sau đó là lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn
Minh. Người đầu tiên hát Tiến về Sài
Gòn là nghệ sĩ Quang Hưng (1934 – 2014), vào thời khắc thiêng liêng
của ngày 30/4 của 47 năm về trước. Cố nghệ sĩ Quang Hưng sinh thời từng chia
sẻ: "Có thể nói trong đời tôi, kể từ giây phút tôi cất tiếng hát Tiến về Sài Gòn thì bài hát này đã
là định mệnh thiêng liêng. Cho đến khi nghe giọng hát của mình trên sóng phát
thanh, tôi đã reo lên: Toàn thắng rồi!. Được nghe giọng hát của chính mình,
niềm vui trong tôi cứ lớn dần, khó tả lắm. Bài hát này tôi hát bằng tất cả tấm
lòng hướng về miền Nam yêu dấu" [82].
Ngay trong không khí
tưng bừng của ngày Đại thắng, nhiều ca khúc ra đời đã kịp thời phản ánh thời
khắc thiêng liêng của tổ quốc, những ca khúc đầy khí thế hào hùng đã ra đời
như: Như có Bác trong ngày vui đại thắng
(Phạm Tuyên); Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà); Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn
Văn Thương)…
Giai đoạn từ 1975 đến 1986 là giai đoạn ra đời nhiều ca khúc ca ngợi cuộc
sống mới của một đất nước sau chiến tranh. Sau năm 1975, thống nhất đất nước,
đất nước ta bước vào giai đoạn dựng xây đất nước. Giai đoạn này chúng ta trải
qua muôn vàn khó khăn, vừa bị bao vây cấm vận, vừa duy trì quá lâu cơ chế bao
cấp. Hoạt động nghệ thuật giai đoạn này
tập trung vào phản ánh công cuộc xây dựng với các trào lưu xây dựng kinh tế
mới. Những ca khúc truyền thống ra đời kịp thời động viên các lực lượng lao
động trên mọi lĩnh vực, nhất là lực lượng đoàn Thanh niên. Hàng loạt ca khúc
truyền thống ra đời giai đoạn này được khán giả yêu thích như: Thanh niên xung phong (Phan Huỳnh Điểu); Như
khúc tình ca (Nguyễn Ngọc Thiện); Em
ở nông trường em ra biên giới (Trịnh Công Sơn); Giai đoạn này khá nhiều ca
khúc ca ngợi quê hương đất nước được khán giả yêu mến như: Đất nước (Phạm Minh Tuấn); Hát
về cây lúa hôm nay (Hoàng Vân) Một
đời người một rừng cây (Trần Long Ẩn); Đất
Phương Nam (Lư Nhất Vũ); Mùa xuân
trên thành phố Hồ Chí Minh ( Xuân Hồng).
Giai đoạn này nhiều ca khúc truyền thống cách mạng phản
ánh đặc trưng anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong thời kỳ chiến biên giới
Tây Nam và biên giới phía Bắc. Hàng loạt ca khúc ra đời hừng hực khí thế tiến
công, ca ngợi những chiến sĩ nơi tuyến đầu tổ quốc ở biên giới phía Bắc như: Những bước chân trên miền biên giới
(Hồ Bắc); Bài ca biên giới (Xuân Giao); Những
dôi mắt mang hình viên đạn (Trần Tiến) …và những ca khúc viết về chiến
tranh biên giới Tây Nam như - Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara (Minh Quang); Điệp khúc tình yêu (Trần Tiến); Cô gái thông đường biên giới Tây nam; Gửi lại em
(Vũ Hoàng); Ngày mai anh lên đường
(Thanh Trúc - Lê Giang).
Trong giai đoạn này, cùng với việc phong tặng danh hiệu Mẹ
Việt Nam Anh hùng qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước, rất
nhiều ca khúc viết về người mẹ Việt Nam anh hùng ra đời như các ca khúc: Người mẹ Bàn cờ (Trần Long Ẩn – Nguyễn
Kim Ngân); Hát về mẹ Việt nam anh hùng
(An Thuyên); Người mẹ của tôi (Xuân
Hồng); Huyền thoại mẹ (Trịnh Công
Sơn); Hãy yên lòng mẹ ơi (Lư Nhất
Vũ).
Đề tài về Bác Hồ trong các giai đoạn lúc nào cũng là cảm
xúc của các nhạc sĩ sáng tác, nhất là trong phong trào học tập và làm theo đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những ca khúc hát về Bác luôn được khán giả đón nhận
với lòng thành kính: Cảm xúc trên bến Nhà
Rồng (Tôn Thất Lập); Nguồn Sáng Dẫn
Đường (Ca Lê Thuần); Theo dấu chân
xưa (Nguyễn Ngọc Thiện); Đêm đêm con
vẫn gọi Bác (Phan Huỳnh Điểu); Ngày
ấy Người đi dặm dài thế kỷ (Chu Minh)
Ca khúc cách mạng Việt Nam kể từ khi hình thành đến nay đã
có bề dày lịch sử đồng hành cùng với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt chặng
đường lịch sử ấy, ca khúc truyền thống cách mạng Việt Nam với hàng nghìn bài
hát đã như là một pho sử bằng âm nhạc, trong mỗi chặng đường lịch sử, dòng ca
khúc ấy đã động viên, thôi thúc người chiến sĩ ra trận bằng nhịp hành khúc, ca
ngợi chiến công vẻ vang trong các cuộc chiến tranh cũng như sản xuất. xây dựng
đất nước. Những ca khúc truyền thống cách mạng ấy được truyền tải đến mọi tầng
lớp nhân dân thông qua hệ thống phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa
phương, trong đó có Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
2.2. Công tác sản xuất
và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên Đài Truyền hình
Thành phố Hồ Chí Minh
2.2.1.
Công tác sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng của
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến năm 1986
Với thắng lợi lịch sử của cuộc tổng
tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt
của Đảng Lao động Việt Nam, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước. Cách mạng nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới: “Từ nay, cả nước
ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình,
độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, kỷ nguyên dân tộc ta hoàn toàn làm chủ
vận mệnh của mình, xây dựng cho mình và cho muôn đời con cháu mai sau một cuộc
sống no ấm, hạnh phúc”[83].
Theo chỉ đạo của các cấp ủy thành
phố Tp HCM, các công tác văn hóa, thông tin, thể dục thể thao cần được đẩy mạnh
với nhiều hình thức phong phú, đồng thời nâng cao chất lượng nhằm phục vụ đông
đảo quần chúng, phát huy tác dụng giáo dục tư tưởng, phục vụ tốt phong trào lao
động sản xuất và các sự kiện lớn trong năm 1976 và những năm tiếp theo.
Ngày 30/4/1975, khi
quân giải phóng tiếp quản trọn vẹn Đài Truyền hình Sài Gòn, trên tinh thần có
gì dùng đó, tận dụng những thiết bị có sẵn của chính quyền Sài Gòn để sớm ổn
định sinh hoạt vùng mới giải phóng. Buổi phát sóng đầu
tiên vào tối ngày 1/5/1975 cũng là do các anh chị em đang làm việc tại Đài
Truyền hình Sài Gòn cùng đoàn quân tiếp quản thực hiện và chỉ đổi tên thành
“Đài Truyền hình Giải phóng” với nội dung chương trình cách mạng.
Nguồn nhân lực giai
đoạn này từ bốn nguồn chính gồm các cán bộ từ chiến khu (R) về, những nhân viên
và kỹ thuật viên thu dung từ chế độ cũ, các cán bộ học từ các nước XHCH về và
nguồn cán bộ là tăng cường từ miền Bắc. Thời gian này Đài chỉ phát có một
kênh là kênh 9. Thời gian phát sóng chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ, từ 18g tới 21g.
Chương trình bắt đầu bằng chương trình “Những bông hoa nhỏ” (thiếu nhi), thời
sự với các bản tin hàng ngày, sau đó sẽ là chương trình chiếu phim hay sân khấu
(ca nhạc, kịch, cải lương), và chỉ phát màu đen trắng.
Cũng như tình hình
chung của xã hội bao cấp, trong giai đoạn này, Đài phải hoạt động
trong sự thiếu hụt kinh phí triền miên, Trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu (quay
bằng phim nhựa và phải tráng rọi rồi dựng bằng cách cắt ghép) Chưa có máy vi tính để đánh chữ mà phải viết
tay các bảng chữ từ openning cho tới ending và máy quay trực tiếp lên màn ảnh
truyền hình. Biên chế Đài có lúc lên đến hơn 1.000 người nhưng lao động thực tế
lại thiếu trầm trọng, chính sách tiền lương bất cập, chế độ thù lao -
nhuận bút lạc hậu...
Mặc dù gặp nhiều khó
khăn, nhưng giai đoạn này Ban Văn nghệ[3] với
những người nhiệt huyết đã sản xuất các chương trình ca nhạc mang đậm dấu ấn
truyền thống cách mạng. Chương
trình ca nhạc phát trên sóng FM của HTV được phát trung bình 60 phút/ngày theo
chủ đề truyền thống cách mạng do các biên tập viên là: Nhạc sĩ Triều Dâng, nhạc
sĩ Vũ Lê Phú, nhạc sĩ Trần Quang Huy … Nhạc sĩ Triều Dâng đã từ các chương
trình của mình mà tạo nên các ca sĩ nhạc
trẻ nổi tiếng lúc bấy giờ là Sĩ Thanh, Ngọc Lan, Nhật Tài, Thu Cúc, Cẩm Vân,
Mai Ly, Bảo Yến, Nhã Phương… Trong giai đoạn này có chương trình cũng được khán
giả quan tâm là “Ca nhạc theo yêu cầu” do BTV Bích Thủy chọn phát lại các bài
hát từ các chương trình ca nhạc đã phát sóng. Ca khúc “Bài ca không quên”, “Khát
vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, “Màu
hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến, “Tình
đất đỏ miền đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn và rất nhiều ca khúc về hình ảnh
anh Bộ đội cụ Hồ, về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như “Đưởng chúng ta đi” (Huy Du, Thơ Xuân Sách), “Người chiến sĩ ấy” (Hoàng Vân), Đất nước trọn niềm
vui
(Hoàng Hà); Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao
giờ (Nguyễn Văn Thương)…
những ca khúc về Trường Sơn: “Gặp
nhau trên đỉnh Trường Sơn” (Hoàng Hà); “Trên
đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du); “Chiếc
gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên)…những ca khúc viết về cuộc kháng chiến chống
Mỹ… là những ca khúc được khán giả yêu cầu nhiều nhất (BBPV số 02, BTV Lê Thị Hoàng Yến).
Bên cạnh các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng chuyên nghiệp, HTV cũng có những chương trình Văn nghệ
quần chúng với chủ đề ca khúc cách mạng. Chương trình này được các BTV Bích
Thủy, Công Minh và một số nhạc sĩ khác lựa chọn, xây dựng, sản xuất và phát
sóng.
Năm 1981, Đoàn Ca nhạc Truyền hình
Tp.HCM được thành lập, trực thuộc Ban Văn nghệ. Trưởng đoàn là nhạc sĩ Hoàng
Mãnh; Chỉ đạo nghệ thuật: nhạc sĩ Thanh Tùng. Các thành viên của Đoàn gồm:
Guitar: Mạnh Trinh; guitar bass: Lý Được; Trống: Hồng Hải; Piano: Hoàng Mãnh;
Organ: Sỹ Đan; Violon: Chí Tài; Việt Anh; Trần Hữu Bích, anh Thưởng v.v…Có thể
nói, giai đoạn từ 1981 đến 1997, Đoàn Ca nhạc HTV có tác dụng rất lớn trong
việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca khúc cách mạng truyền thống.
“Giai đoạn này, hầu hết các đạo diễn, nhạc sĩ, BTV đều có kiến thức sâu rộng về
dòng nhạc truyền thống cách mạng – có thể nói là hàng trăm ca khúc truyền thống
cách mạng đã nằm lòng nên khi thực hiên chương trình rất thuận lợi”. (Trích Phụ lục BBPV số 01, nhạc sĩ Trần Hữu
Bích).
2.2.2.
Công tác sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng của
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1986 đến nay
Đại hội Đảng Toàn quốc
lần thứ VI (1986) đánh dấu thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới, trước hết là đổi
mới tư duy kinh tế. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng bắt đầu sang trang
mới. Tuy nhiên, tình hình kinh tế lúc này vẫn còn dấu tích nặng nề của thời kỳ
bao cấp gặp rất nhiều khó khăn. Đài HTV có nhiều đổi mới nhưng do điều kiện khó
khăn khách quan nên chưa chuyển biến được nhiều. Tuy vậy, HTV đã bắt đầu bước
vào thời kỳ xã hội hóa hoạt động truyền hình.
2.2.2.1. Giai đoạn 1986 -
1996: Giai đoạn này thành
phần cơ cấu tổ chức các phòng ban vẫn giữ nguyên, chỉ thành lập thêm Trung tâm
dịch vụ Truyền hình và cùng với chủ trương mở cửa, UBND TP.HCM đã tạo đà cho sự
đi lên của Truyền hình TP.HCM. Sự ra đời của Kênh 7 (1/1/1987) đánh dấu lần đầu
tiên từ năm 1975, quảng cáo xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình và cũng là
lần đầu tiên một đài truyền hình của Việt Nam phát 2 kênh có nội dung độc lập.
Cùng lúc đó, Trung tâm Dịch vụ Truyền hình được thành lập, phụ trách việc quảng
cáo và mua, bán bản quyền các chương trình của HTV, bắt đầu có nguồn thu để
phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn từ 01/01/1986- 31/12/1989, thời lượng phát
sóng của HTV cũng mới chỉ từ 18h00 – 24h00.
Từ ngày 24/8/1987, HTV bắt đầu phát hình
màu. Năm 1987, Chương trình ca nhạc trên sóng FM được gọi tên là “Chương trình
Tin tức, Ca nhạc và Báo giờ” do nhạc sĩ Vĩnh Lai làm Trưởng Đài. Các chương
trình cố định trước đây vẫn tiếp tục thực hiện, nhưng đã có thêm chương trình
“Đờn ca tài tử” do nhạc sĩ Kiều Tấn làm biên tập viên. Giai đoạn này chương
trình ca nhạc do BTV Kim Hà và sau đó là Hiền Phương thực hiện (Trích Phụ lục BBPV số 02, BTV Lê Thị Hoàng
Yến).
Năm 1989, HTV bắt đầu
thực hiện việc "xã hội hóa" bằng việc kêu gọi tài trợ cho “Cuộc đua
xe đạp Cúp Truyền hình Tp HCM”. Từ thành công đó, HTV tiếp tục kêu gọi tài trợ cho
cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình” bắt
đầu từ năm 1991 kéo dài mãi đến năm 2015 mới kết thúc.
Cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình” là chương trình
thu hút lượng người tham gia cũng như lượng khán giả đông kỷ lục. Đây
là cuộc thi lúc đầu có mục địch là tìm ra những tài năng ca hát để giới thiệu
trên sóng truyền hình đầu tiên của cả nước. Với nhu
cầu tìm kiếm những tài năng âm nhạc trẻ, HTV đã tổ chức cuộc thi này với tên
gọi ban đầu là “Tiếng hát Truyền hình
Thành phố Hồ Chí Minh” (1991-2005) Sau đó đổi tên thành “Ngôi Sao Tiếng hát Truyền
hình” (2006-2012). Mục đích của cuộc thi rất lớn lao và ý nghĩa, nhằm tuyển
chọn các giọng ca triển vọng cho màn ảnh nhỏ và phong trào ca hát trên cả nước.
Đây là cuộc thi được HTV tổ chức đầu tiên trong cả nước, Cuộc thi đã thành công
vượt ngoài mong đợi với số lượng cũng như chất lượng các thí sinh mùa sau tăng
hơn mùa trước, có mùa hơn cả ngàn thí sinh khắp các vùng miền tham gia. Chương
trình được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV với gần 10 buổi phát sóng từ 90
đến 100 phút). Thể loại ca khúc được Ban Tổ chức quy định rất rõ ở các vòng thi
bắt buộc vòng những bài hát về Bác Hồ, vòng ca khúc truyền thống cách mạng,
vòng nhạc trẻ và vòng dân ca Việt Nam. Nhiều ca sĩ trẻ đã đạt giải và sau trở
thành những ngôi sao ca nhạc như Như Quỳnh, Như Hảo,
Thu Minh, Thanh Thúy
(Giải nhất năm 1994)[4], Đức Tuấn, Đàm Vĩnh Hưng Đàm Vĩnh Hưng (Giải tư
năm 1998), Thanh Ngọc, Đoan Trang, Nam Khánh, Huỳnh
Lợi, Đông Quân, Đông Đào, Phương Trinh Jolli, Yến Vy, Hồ Bích Ngọc, Thanh Ngọc,
Khánh Ngọc...Đây là cuộc thi nổi tiếng và gắn với thương hiệu HTV. Các
ca sĩ tiếng hát truyền hình đã cho ra đời Câu lạc bộ “tiếng hát truyền hình” và
tổ chức đi phục vụ công nhân, sinh viên, bộ đội ngay tại địa bàn, cơ sở.
Theo nhạc sĩ Trần Hữu
Bích, một trong những dấu ấn quan trọng của Tiếng hát Truyền hình là giới thiệu cho thị trường âm nhạc
nhiều giọng ca chất lượng. Tuy hiện nay cuộc thi không được tổ chức nữa nhưng
nó đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về những bài hát, về tình người, tính nhân
văn. (Phụ lục BBPV số 01, Ns Trần Hữu
Bích).
Còn với ca sĩ Đức Tuấn
là người theo sát cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Anh cho biết ngay từ mùa đầu
tiên, dù lúc đó chỉ mới 11 tuổi nhưng bản thân đã yêu thích và bắt đầu theo dõi
cuộc thi này. Đây cũng mùa duy nhất có Giải đặc biệt dành cho ca sĩ Lê Lâm
Quỳnh Như (danh ca Như Quỳnh), 3 Giải nhất (Đông Đào, Cam Thơ, Khánh Duy). Đức
Tuấn không bỏ sót mùa thi nào và anh gần như thuộc hết tên từng người đoạt giải
trong suốt 10 năm đầu. Đến năm 2000, Đức Tuấn lúc đó 20 tuổi, đang là sinh viên
của trường Đại học Ngoại thương đã giành giải nhất và theo anh, đó là bước đệm
quan trọng nhất trong cuộc đời của ca sĩ [84].
Chương trình “Nhịp Cầu Âm Nhạc” được thực hiện từ năm 1999 đến năm 2016 với thời lượng phát hình
là 100 phút) - một trong những điểm
nhấn khác ở mảng ca nhạc của HTV- được trực tiếp truyền hình mỗi tháng một số,
lúc đầu tại nhà hát Bến thành sau đó về nhà hát của HTV. Theo thời gian, chương
trình đã thật sự trở nên một người bạn âm nhạc thân thiết của khán giả HTV với
3 chuyên mục không thể thiếu vắng trong chương trình: chuyên mục “Kết nối” gồm những ca khúc do khán giả
yêu cầu. Chuyên mục “Ấn tượng” giới
thiệu ca sĩ hay nhạc sĩ đã thật sự gây ấn tượng sâu đậm đối với công chúng;
chuyên mục “Thông điệp” qua
từng tác phẩm đã chuyển tải đến khán giả những thông điệp tràn đầy tính nhân
văn như: yêu đời, yêu quê hương, chung tay xây dựng thành phố, nỗ lực vượt khó,
cố gắng phấn đấu để vươn tới ước mơ, đạt được khát vọng đời mình.v.v… Chương trình Nhịp cầu âm nhạc đã 3
lần giành giải thưởng Mai Vàng (Cuộc bình chọn hàng năm của độc giả báo Người
Lao Động dành cho các chương trình Văn hóa nghệ thuật) vào các năm 2001, 2002,
2003 [21].
Đến năm 1990, tập thể
lãnh đạo HTV đã mạnh dạn thử nghiệm ứng dụng các chế độ nhằm kích thích tăng
năng suất, điều tiết lao động, giảm biên chế, thí điểm xây dựng chế độ thù lao
nhuận bút mới, triệt tiêu dần chế độ bình quân chủ nghĩa, đồng thời tập hợp được
đông đảo lực lượng cộng tác viên có tay nghề cao. Chất lượng chuyên môn từ đó
cũng ngày càng được nâng lên.
Năm 1991, Truyền hình TP.HCM mới
chính thức thành lập Hãng phim Truyền hình TFS, đưa việc sản xuất phim truyện và
phim tài liệu qua một giai đoạn mới.
Về kỹ thuật truyền hình, năm 1993,
HTV bắt đầu sử dụng kỹ thuật phông xanh để tạo hiệu ứng cảnh nền thay cho phông
nền vải trong các chương trình tin tức hoặc khi phát thanh viên giới thiệu
chương trình. Cùng thời điểm, dự án "Làm tin không giấy" bắt đầu được
tiến hành, đưa Truyền hình TP.HCM trở thành
đơn vị đầu tiên sử dụng máy nhắc chữ tại Việt Nam. Lúc này, thời lượng phát
sóng đã được tăng lên. Thời lượng phát sóng của HTV
từ 01/01/1990- 31/12/1994 từ 06h00 –
12h00, từ 17h00- 24h00
2.2.2.2. Giai đoạn 1997 – 2007
Năm 1997 là năm HTV thể hiện sự chuyển
mình mạnh mẽ nhất, từ việc đưa ra biểu trưng HTV đầu tiên đến việc tăng thời
lượng phát sóng lên 18 giờ/ngày cho cả hai kênh HTV7 và HTV9, đánh dấu thời điểm lần đầu tiên
người Việt Nam được xem truyền hình quảng bá từ sáng sớm đến đêm khuya thay vì
chỉ từ buổi chiều như trước đó. Cũng từ năm 1997, HTV đưa 2 kênh HTV7 và HTV9 lên vệ tinh Thaicom để phục vụ
mở rộng vùng phủ sóng mặt đất tại hơn 40 trạm trên toàn quốc và 2 trạm tại
Viêng Chăn & Champasak, Lào, đánh dấu Đài Truyền hình đầu tiên của Việt Nam
có 2 kênh quảng bá được đưa lên vệ tinh cùng lúc. Năm 1999, HTV đưa vào vận hành hệ thống
phát Betacam tự động cho hai kênh HTV7, HTV9. Đó là hệ thống phát hình hiện đại
nhất trên thế giới lúc bấy giờ mà HTV là đơn vị duy nhất tại Việt
Nam sở hữu cho đến khi truyền hình Việt
Nam chấm dứt sử dụng băng Betacam. Hệ thống vận hành với một cánh
tay robot được lập trình sẵn, tự động quét mã vạch trên băng
hình và bỏ vào khay phát đúng giờ. Việc này đã giúp các kỹ thuật viên giảm bớt áp lực sai sót, đặc biệt ở HTV7 khi kênh này có các chương
trình quảng cáo dày đặc và phải chuyển băng liên tục.
Đầu những năm 2000, HTV có bước
chuyển mạnh mẽ. Chương trình “Giai Điệu Tình Yêu” (2001-2004), Đây là một trong những sân khấu góp phần cho thế hệ ca sĩ
mới trưởng thành, khá nhiều gương mặt nay đã có chỗ đứng vững trong làng âm
nhạc. Đời sống âm nhạc hôm nay cần phải được hà hơi tiếp sức thêm nhiều nhân
vật mới, bài hát mới để vượt qua những hạn chế và duy trì nhịp độ sôi động.
Nngười xem quen với gương mặt như Châu Gia Kiệt, Nguyên Hưng, nhóm GMC, AXN,
Nhóm MTV, nhóm HAT… chương trình thu hút được lượng khán giả theo dõi khổng lồ,
lấn át cả chương trình Làn sóng Xanh - chương trình truyền thanh vốn chỉ thực
hiện những album theo kiểu tổng hợp từ nhiều ca sĩ. Chưa dừng lại ở đó, sau mỗi
đêm “Giai điệu tình yêu” lên sóng,
thị trường băng đĩa lại tràn ngập đĩa lậu ghi lại những phần trình diễn của các
ca sĩ Việt nhưng vẫn liên tục rơi vào tình trạng cháy hàng. Đỉnh điểm, HTV còn
phải cho phát hành riêng album tập hợp những bản hit trong chương trình hay VCD
những màn biểu diễn của Mỹ Tâm trên sân khấu.... mới đáp ứng được đủ nhu cầu
của hàng ngàn khán giả.
Chương trình ca nhạc “Thay lời muốn nói” (2000 – 2022). Đây là chương trình theo dạng giao lưu của công chúng xem
đài gởi thư về Ban biên tập theo những tiêu đề đặt ra hàng tháng theo tiêu chí
tạo dựng một chương trình mang ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống như: Tình yêu
Quê hương, Đất nước, tình yêu con người, cộng đồng, yêu cha kính mẹ, hạnh phúc
gia đình,… Chương trình được trực tiếp truyền hình vào Chủ Nhật thứ hai trong
tháng, trước đây phát trên sóng HTV9, từ năm 2011 đổi sang phát sóng trên HTV7.
Chương trình này cũng được đông đảo khán giả đón xem, giao lưu. Tính trung bình
trong một lần tổ chức thực hiện (trong 1 tháng) có khoảng 3.000 ý kiến, thư
gởi, lời thổ lộ, tâm tình, lời giao lưu, kể chuyện sự kiện của mỗi con người
trong công chúng đến chương trình. Hầu hết đây là sinh hoạt nhân văn có ý nghĩa
rất lớn trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đài Truyền Hình nói chung và
Ban Ca Nhạc nói riêng. Chương trình “Thay lời muốn nói” đã 2 lần đoạt giải Mai
Vàng, đó là các năm 2006 và 2007.
Đây là chương trình
truyền hình trực tiếp mỗi tháng một số, thời lượng 100 phút. Chương trình do
BTV Quỳnh Hương thực hiện dựa trên những câu chuyện của khán giả gửi về theo
từng chủ đề được công bố trước. Sau quá trình chọn lọc và biên tập, chương
trình sẽ chọn những bài hát phù hợp với nội dung từng bức thư và xâu chuỗi các
tâm sự thành một mạch thống nhất, xuyên suốt. Đối tượng khán giả chính của trong thời gian đầu chủ yếu ở độ tuổi trung
và cao niên và đa số là những ca khúc truyền thống cách mạng. Sau thời gian
phát triển và khẳng định vị trí trong lòng khán giả, “Thay lời muốn nói” trở thành một chương trình có đối tượng đa dạng, từ trẻ cho đến
lứa tuổi “hoàng hôn”. Ngoài ra, chương trình ngày càng nhận được nhiều cánh thư
chia sẻ từ các anh khán giả nam – đối tượng được xem là kiệm lời và ít khi chịu
bày tỏ. So với thời gian đầu, phạm vi khán giả chỉ gói gọn trong khu vực TP.HCM
và các tỉnh lận cận, thì đến nay, chương trình đã có mạng lưới khán giả phủ
khắp toàn quốc và vươn xa ra thế giới.
Chương trình “Quà
tặng Trái Tim” (2002-2006 - 100 phút phát sóng) truyền hình trực tiếp mỗi
tháng một số tại sân khấu ca nhạc Lan Anh với hơn 1000 khán giả tại chỗ và đông
đảo khán giả truyền hình. Chương trình theo nhiều chủ đề khác nhau gồm những ca
khúc tượng trưng cho các món quà tinh thần của chương trình mang nội dung vui tươi,
hạnh phúc, trẻ trung để trao tặng cho quý khán giả yêu âm nhạc của HTV, chương
trình đặc biệt không sử dụng các bài hát có nội dung bi quan, hay mang tính
tiêu cực.
2.2.2.3. Giai đoạn 2008 đến nay
Đây là thời kỳ phát
triển mạnh của tất cả các Ban của HTV như Ban Khoa giáo, Văn nghệ, Chuyên đề,
Thể thao, Phim TFS, Trung tâm tin tức và đặc biệt là Ban ca nhạc với hàng loạt
các chương trình với mức độ đầu tư chuyên nghiệp nhất cả nước và thu hút lượng
khán giả đón xem rất lớn. Có
thể coi đây là khoảng thời gian mà dòng ca khúc truyền thống Cách mạng được Ban
tuyên giáo Thành ủy quan tâm chỉ đạo và được HTV đầu tư mọi nguồn lực để sản
xuất đáp ứng yêu cầu tuyên truyền và khơi gợi, giáo dục thế hệ trẻ ngày nay về
một “thời hoa đỏ” của cha ông đã ngã xuống cho độc lập tự do nước nhà.
Chương trình “Tiếng
Ca Học Đường” (2007-2012) là một chương trình để lại nhiều ấn tượng cho
khán giả truyền hình HTV. Với mục đích là phát hiện những tài năng trẻ có mơ ước bước vào
con đường ca hát chuyên nghiệp, “Tiếng ca
học đường” là một sân chơi để các bạn học sinh thể hiện phong cách âm nhạc
riêng của mình. Đó không chỉ đơn thuần là một cuộc trình diễn về giọng hát mà
còn là nơi để các bạn học sinh thể hiện được cá tính của bản thân. Cuộc thi có format tương tự như Chương trình “Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình” nhưng
phạm vi thí sinh hẹp, chỉ dành cho các bạn từ 13 đến 19 tuổi đang là học sinh,
sinh viên, nhằm phát hiện những tài năng trẻ có mơ ước bước vào con đường ca
hát chuyên nghiệp. Cũng từ cuộc thi này, nhiều thí sinh đạt giải cao đã đi vào
con đường ca hát chuyên nghiệp như Khởi My, Lê Thái Sơn, Đinh Mạnh Ninh, Tùng Lâm, Vũ Cát Tường, Bảo Anh, Tiêu Châu Như Quỳnh, Văn Mai Hương, Bùi Anh Tuấn, Quốc Thiên Bạch, Bạch Công Khanh v.v…
Chương trình “Hát Về
Thời Hoa Đỏ” (2012-2016) là tên gọi của cuộc thi hát dành cho các bạn trẻ yêu thích
dòng nhạc truyền thống cách mạng do Đài truyền hình TP.HCM và Nhà Văn hóa Thanh
niên phối hợp tổ chức. Cuộc thi đã thu hút được đông đảo lượt thí sinh dự thi
và đã tìm kiếm được nhiều giọng ca hay, phù hợp với dòng nhạc truyền thống cách
mạng như: Bùi Caroon, Nhất Phương, Kim Anh, Ngọc Quỳnh, Tánh Linh, Thiên Phú,
Nguyễn Hân, Đức Huy… Nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi gợi
tình yêu quê hương đất nước trong thanh niên công nhân, học sinh, sinh viên
thông qua những ca khúc truyền thống cách mạng hào hùng và những bài hát ca
ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tuổi trẻ thành phố năng động sáng tạo, sẵn
sàng cống hiến sức trẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình “Tiếng
Hát Mãi Xanh” (2013- 2020) Với thông điệp “Hát cho thỏa đam mê - Hát cho đời xanh
mãi”, cuộc thi Tiếng hát mãi xanh là sân chơi âm nhạc dành cho lứa tuổi trung
và cao niên trên toàn quốc. Được truyền hình trực tiếp 8 số trong vòng 2 tháng
với 3 vòng thi. Bất chấp tuổi tác, các thí sinh mái tóc hoa râm nô nức đi thi khiến
không ít người thán phục vì sự trẻ trung, yêu đời của họ. Không chỉ là ca hát,
những thí sinh đặc biệt này còn minh chứng cho một sự thật thú vị: Không bao
giờ là quá muộn khi thực hiện ước mơ, miễn bạn… còn đủ sức khỏe. Chương trình
được đông đảo khán giả truyền hình ca nước háo hức đón xem....Số thí sinh đang
ký dự thi rất đông trung bình 500 tới 700 thí sinh mỗi mùa thi. Nhiều thí sinh
đã đạt quán quân các năm như Nguyễn Thị Hồng Vân (2016);…
Bên cạnh việc sử dụng các tác phẩm
truyền thông cách mạng đã có, HTV còn tổ chức các cuộc vận động sáng tác nhằm có thêm nhiều bài hát để phục vụ
nhu cầu thưởng thức nơi công chúng, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác
tuyên truyền, Ban ca nhạc đã phối hợp với Hội Âm Nhạc TP.HCM tổ chức nhiều cuộc
vận động sáng tác bài hát được đông đảo các Nhạc sĩ chuyên và không chuyên tham gia với chất lượng được
đánh giá cao:
- Cuộc vận động sáng tác bài hát về
Hồ Chí Minh có 375 bài tham gia.
- Cuộc vận động sáng tác bài hát về
đề tài: “Việt Nam quê hương tôi” có 783 bài hát.
- Cuộc vận động sáng tác ca khúc:
“HTV - Thành phố tình ca “ (trong 5 năm có 200 bài tham gia).
- Cuộc vận động sáng tác bài hát:
“Tiếng hát ước mơ” (có 200 bài tham gia).
Nhiều bài hát của các cuộc vận động
này trở thành những ca khúc được công chúng đón nhận, phổ biến rộng rãi, sử
dụng lại trong các sinh hoạt âm nhạc khác tại TP.HCM cũng như trên toàn quốc
như: “Ngôi sao niềm tin, Ngôi sao Hồ Chí
Minh” (Hình Phước Liên); “Người từ
phương xa về” (Trần Long Ẩn); “Tháng
năm nhớ Bác” (Thanh Bình)
Những chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng được Ban Ca nhạc là đơn vị chủ công, phối hợp với các đơn vị
như Trung tâm Sản xuất chương trình, Ban Tư liệu, Ban Văn nghệ, Ban chương
trình vv... sản xuất và phát sóng liên tục. Thời điểm này Ban Ca nhạc với lực
lượng khá hùng hậu với 20 biên tập viên và chia làm các mảng nội dung như nhạc
tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, nhạc giao hưởng thính phòng,
nhạc dân tộc, nhạc trẻ, múa và cầu truyền hình trực tiếp. Bộ máy tổ chức của HTV được tổ chức lại
gồm Ban Tổng giám đốc 04 người, 1 hãng phim, 5 trung tâm và 19 phòng ban
chức năng và rất nhiều các phòng và đơn vị trực thuộc. Giai đoạn này bắt đầu có nhiều đổi mới về kết cấu và nội
dung chương trình trên các kênh HTV. Hàng loạt game show và chương trình ăn khách xuất hiện dày đặc
trên sóng HTV. Phần lớn các chương trình tập trung vào đối tượng khán giả trẻ,
cách dẫn năng động và tươi mới, khác hẳn phong cách các thế hệ HTV trước đây.
Các
chương trình trực tiếp truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị:
Hầu như tháng nào, Ban Ca Nhạc cũng
có một chương trình trực tiếp truyền hình nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân
tộc, của Tổ Quốc, các ngày truyền thống cách mạng được kỷ niệm long trọng. Các
đợt sinh hoạt chính trị được sự phân công, chỉ đạo của Thành Ủy, Ủy Ban Nhân
Dân TP.HCM. Đây là các chương trình gây được nhiều ấn tượng, hiệu quả tuyên
truyền được đánh giá là có chất lượng cả về nội dung cũng như hình thức nghệ
thuật thể hiện, đó là các chương trình như: “Nhật ký người anh hùng” (Nội dung chương trình về cuốn nhật ký của
anh hùng Lê Anh Xuân), “Mãi mãi vững niềm tin” (Nội dung chương trình về kỷ
niệm ngày thành lập Đảng CSVN), “Tình Bác sáng đời ta” (Nội dung chương trình
về kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh). Đặc biệt, trong gần 40 năm
qua, trong các đợt sinh hoạt chính trị lớn của cả nước nói chung, Tp.HCM nói
riêng như các đợt chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn Quốc của Đảng CSVN, các đợt lễ
lớn chào mừng Giải phóng Miền Nam thống nhất Đất Nước, Ban Ca Nhạc đều tổ chức
thực hiện các chương trình lớn, trực tiếp truyền hình có chất lượng cao, có tầm
quy mô chương trình mang tính Quốc Gia, đạt được nhiệm vụ cổ động, tuyên truyền
trong các đợt sinh hoạt chính trị lớn đó.
Một loạt các chương trình được phối
hợp chung với các Ban khác như Chuyên đề, Trung tâm tin tức, Khoa giáo: “Hát về biển đảo Tố Quốc”, “Hát với Trường Sa thân yêu”, “Linh Thiêng Phú Quốc”, “50 năm sự kiện Đi-ô-xin tại Việt Nam”, “50 năm ngày truyền thống Đường Hồ Chí Minh
trên biển”, “Mùa xuân với vùng cao Hà
Giang”… đã gây được tiếng vang lớn, được đánh giá là các chương trình trọng
điểm có hiệu quả cao và được nhiều bằng khen của Ủy Ban Nhân dân TP.HCM cũng
như của các tỉnh bạn khen tặng cho các ê kíp tổ chức thực hiện các chương trình
này.
Các
chương trình truyền hình HTV tham gia dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc:
Hằng năm, Ban Ca nhạc đều xây dựng,
thực hiện các chương trình ca nhạc tham gia dự thi Liên hoan truyền hình Toàn
Quốc dưới dạng phim ca nhạc. Trung bình mỗi năm có 2 phim tham gia và trung
bình mỗi năm đều đạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc là đơn vị sản xuất các
chương trình ca nhạc đạt được nhiều huy chương nhất tại các cuộc liên hoan
truyền hình Toàn Quốc, đó là các chương trình như: “Lời ru phía đại ngàn”, “Khát vọng tuổi trẻ”, “Nỗi đau còn đó”, “Mãi mãi
một mùa xuân”, “Tiếng hát Chăm bên bờ sông Sài Gòn”,…
2.3. Đánh giá hoạt động
chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên sóng Đài Truyền hình Thành phố
Hồ Chí Minh
2.3.1.
Những thành tựu và nguyên nhân
Từ ngày thành lập đến
nay, bên cạnh các nội dung thông tin tuyên truyền về chính trị, kinh tế, xã
hội, lãnh đạo HTV qua các thời kỳ luôn chú trọng đến các chương trình văn hóa,
giải trí, các chương trình nghệ thuật, trong đó có ca nhạc. Tỷ lệ dòng nhạc
cách mạng luôn chiếm vị trí cao nhất trong các chương trình ca múa nhạc trên
sóng truyền hình. Để đánh giá một cách khách quan, đầy đủ nhất về những thành
tựu và hạn chế trong công tác sản xuất, phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng, cần đánh giá qua các thời kỳ khác nhau. Bởi vì ở mỗi
giai đoạn, điều kiện kinh tế, xã hội, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và
năng lực tổ chức sản xuất và phát sóng khác nhau. Sự thay đổi thị hiếu khán giả
và thay đổi thế hệ đội ngũ làm truyền hình cũng như đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ cũng
ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất, phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng.
2.3.1.1. Đánh giá hoạt động giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986
Trong giai đoạn 10 năm
đầu hoạt động của HTV, đây là thời kỳ cả đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh sự bủa vây cấm vận của các nước lớn, chúng ta lại duy trì nền kinh tế
kế hoạch hóa quan liêu, bao cấp trong một thời gian dài. Đến năm 1979 lại diễn
ra cuộc chiến tranh biên giới tây nam và biên giới phía bắc. Giai đoạn này về
công nghệ, kỹ thuật truyền hình còn nhiều lạc hậu, thời lượng phát sóng ít.
Nhưng đây lại là giai đoạn khí thế của tinh thần cách mạng tiến công lên rất
cao, nhất là sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước lại đối đầu với chiến
tranh biên giới. Lúc này ca khúc truyền thống cách mạng chiếm ưu thế tuyệt đối
trên sóng phát thanh, truyền hình cả nước nói chung, của Đài HTV nói riêng. Vì
vậy, giai đoạn 1975 – 1986 là giai đoạn hoàng kim của dòng nhạc truyền thống
cách mạng. Những ca khúc viết về chiến tranh biên giới luôn vang lên trên sóng
phát thanh – truyền hình với khí thế sục sôi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc
chiến đấu mới”. Hàng loạt ca khúc ra đời như: “Ngày mai anh lên đường” (Thanh Trúc – Lê Giang), “Đôi mắt mang hình viên đạn” (Trần Tiến),
“Biên giới trong trái tim ta”, “Lời tạm
biệt trước lúc lên đường”, “Chiều biên giới” (Nhạc Trần Chung. Thơ Lò Ngân
Sủn), “Nơi đảo xa” (Thế Song); “Hoa sim biên giới” (Minh Quang)…Những ca
khúc về chiến tranh biên giới Tây nam như: “Người
lính tình nguyện và điệu múa Apsara” (Minh Quang) “Điệp khúc tình yêu” (Trần Tiến); “Gởi Lại Em” (Vũ Hoàng); “Cô
gái thông đường biên giới Tây nam” (Nguyễn Nam); “Biên giới trong trái tim ta” (Nguyễn Văn Sanh) “Lời tạm biệt trước lúc lên đường” (Vũ Trọng Hối)…
Bên cạnh những ca khúc
về chủ đề chiến tranh biên giới, một số ca khúc cách mạng ra đời sau năm 1975
cũng được HTV chuyển tải liên tục trên sóng truyền hình.
Thành tựu cơ bản nhất
của công tác tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng giai đoạn từ 1975 đến 1986 là hiệu quả truyên truyền nhiệm vụ chính trị,
đặc biệt là nâng cao khí thế cách mạng tiến công trong khi đất nước đang bị đe
dọa bới các thế lực bành trướng và sự bao vây, cấm vận của đế quốc Mỹ, sự xuyên
tạc lịch sử về 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chiến tranh tư tưởng
từ các thế lực thù địch, chống phá cách mạng nước ta. Sóng truyền hình HTV với
các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng đã nâng cao ý thức tự hào dân
tộc, làm lu mờ dòng nhạc “vàng” luôn tìm cách trỗi dậy trong cuộc sống của một
bộ phận tiếc nuối chế độ cũ.
Để thực hiện việc đánh giá những
thành tựu, học viên đã tiến hành phỏng vấn nhạc sĩ NQV, Chủ tịch Hội Âm nhạc Tp
HCM, người có nhiều đóng góp cho dòng nhạc cách mạng. Nhạc sĩ cho rằng: “Các
chương trình trong giai đoạn này có tính phù hợp, hấp dẫn người xem, đầu tư
nghiêm túc về mặt hòa âm, dàn dựng và hình ảnh tuy yếu tố kỹ thuật chưa hiện
đại nhưng khi xem chương trình đã truyền được thông điệp tích cực, chạm đến cảm
xúc của người xem, nó như nhắc lại những bản hùng ca đầy tự hào của tinh thần
đoàn kết chống giặc ngoại xâm, những vẻ đẹp của quê hương đất nước vẫn luôn
thanh bình, tình yêu con người thủy chung một lòng trong lửa khói, trong bom
đạn... Những chương trình này đã gợi nhắc lại một thời oai hùng của thế hệ đã
đi qua và “truyền lửa” cho thế hệ sau, góp phần giáo dục lòng tự hào yêu nước
của thế hệ trẻ thời bấy giờ”. (Trích Phụ
lục BBPV số 01)
2.3.1.2. Đánh giá hoạt động giai đoạn từ năm 1986 đến nay
Sau Đại hội Đảng Toàn
quốc lần thứ VI, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Từ năm 1986 đến nay là
thời gian gần 40 năm đổi mới, có thể chia thành những giai đoạn khác nhau do
điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau (1986 – 1996); (1997 – 2007); (2008 đến nay).
Giai đoạn 1986 - 1996: Đây là giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới. Với
chủ trương đa dạng hóa thành phần kinh tế, bắt đầu manh nha hình thức xã hội
hóa hoạt động phát thanh truyền hình. Việc thành lập Trung tâm dịch vụ truyền
hình mở ra thêm các dịch vụ hoạt động có thu như dịch vụ quảng cáo. Đặc biệt,
sự ra đời của kênh 7 đánh dấu bước chuyển biến trong việc sản xuất và phát sóng
các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng, xuất hiện nhiều chương trình
có giá trị như “Tiếng hát truyền hình”
(1991), Trong các tiết mục dự thi đa số là các ca khúc cách mạng truyền thống.
Giai đoạn 1997 – 2007: Giai đoạn này HTV tiếp tục khẳng định thế mạnh
của mình trong việc duy trì sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng. Nổi bật là chương trình “Nhịp cầu âm nhạc” (1999). Theo nhạc sĩ Trần Hữu Bích, “tỷ lệ ca
khúc cách mạng chiếm đa số trong việc sản xuất và phát sóng hàng ngày trên sóng
HTV, giai đoạn này, đa số khán giả vẫn yêu thích và “thuộc” rất nhiều ca khúc
“đi cùng năm tháng” được sáng tác trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống
Mỹ” (Trích Phụ lục BBPV số 01, Ns Trần
Hữu Bích).
Vào đầu những năm 1990,
HTV đã chuyển mình từng bước sau mỗi thời điểm hoàn thiện thêm chất lượng lên
sóng từ khâu biên tập nội dung đến khâu thể hiện hình ảnh và dựng phim. Những
chương trình ca nhạc thời gian đầu chỉ có các gương mặt ca sĩ đã quá quen thuộc
với khán giả cả nước, theo thời gian đã dần dần có thêm những gương mặt mới. Để
có được những sự thay đổi ban đầu và làm tăng thêm sức hấp dẫn cho màn ảnh nhỏ
HTV, các thế hệ lãnh đạo Đài và các nhạc sĩ sáng tác kiêm biên tập viên lão
thành đã quyết định có thêm những hướng đi mới. Tuy nhiên tiêu chí của Đài vẫn
là ưu tiên mảng tuyên truyền và ưu tiên sản xuất các chương trình ca khúc
truyền thống cách mạng, nhất là vào các dịp lễ lớn. (Trích Phụ Lục BBPV số 02, BTV Lê Thị Hoàng Yến)
Trong quá trình thực hiện đề tài,
học viên đã may mắn được phỏng vấn trực tiếp chị Diệp Bửu Chi, một người đang
là lãnh đạo HTV rất tâm huyết với các chương trình ca nhạc. Chị cho biết là chị
về HTV từ năm 1997, trải qua các vị trí: biên tập viên, phó trưởng đơn vị,
trưởng đơn vị rồi hiện nay là Phó Tổng giám đốc phụ trách trực tiếp mảng nghệ
thuật, tôi nhận thấy việc tổ chức hoạt động các chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng trên sóng HTV từ năm 1997 đến nay đạt được rất nhiều thành tựu.
Chị đánh giá những thành tựu sau:
- Tổ chức xây dựng được nhiều các
chương trình ca nhạc truyền thống mang thương hiệu HTV
- Tổ chức phối hợp với các đơn vị
trong và ngoài Đài HTV quảng bá tuyên truyền những chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng.
- Trong một giai đoạn nhất định sau
những năm giải phóng 1975, các chương trình ca nhạc truyền thống dần thay thế
các loại hình âm nhạc trước năm 1975, góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc của
khán giả truyền hình sau 1975 là những ca khúc truyền thống cách mạng có giá
trị nghệ thuật cao và tính thẩm mỹ lành mạnh, góp phần tạo khí thế tiến công
cách mạng cả trong quá trình xây dựng đất nước (Trích Phụ lục BBPV số 04, Diệp Bửu Chi).
Giai đoạn 2008 đến nay: Sau năm 2007, hệ thống phát thanh truyền hình
trong cả nước có bước phát triển mạnh mẽ cả về công nghệ truyền hình và năng
lực của cán bộ, nhân viên làm công tác truyền hình. HTV cũng hình thành nhiều
phòng ban mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các dơn vị trực thuộc như
Ban Khoa giáo, Ban Văn Nghệ, Ban Chuyên đề, Thể thao, hãng phim TFS, Trung tâm
tin tức và đặc biệt là Ban Ca nhạc. Nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức với
tính chuyên nghiệp cao hơn, công tác đạo diễn, biên tập và sản xuất có chất
lượng hình ảnh và âm thanh được nâng cấp. Nhiều chương trình có hiệu quả cao
như “Tiếng ca học đường”, “Hát về thời hoa đỏ”; “Tiếng hát mãi xanh”.
Theo báo cáo của Ban Ca
nhạc HTV những năm gần đây đều đánh giá các chương trình ca nhạc như sau:
-
Các chương trình ca nhạc đều được xây dựng đúng tiêu chí (nội dung
tuyên truyền, nhiều đối tượng, kênh phát sóng) có chọn lọc, phục vụ nhu cầu
tuyên truyền chung theo định hướng là giải trí kết hợp giáo dục.
-
Các
mảng nội dung đều hướng tới chân, thiện, mỹ lồng ghép nội dung tuyên truyền
chính trị, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc... cho nhiều
đối tượng khán giả xem đài.
-
Các
chương trình luôn phong phú được chăm chút về nội dung và nghệ thuật; đầu tư
hình thức thể hiện; bắt kịp với nhu cầu giải trí, hơi thở hiện đại của nhiều
đối tượng khán giả.
-
Các
chương trình xã hội hóa: nội dung đúng định hướng, tiêu chí và yêu cầu phát
sóng, hiệu quả tốt. Đa số các chương trình được đầu tư, quan tâm đến chất
lượng, thị hiếu khán giả. Đạt lượng khán giả xem khá cao. (trích báo cáo của Ban Ca nhạc từ năm 2018 đến nay, phụ lục số 08)…
Tóm lại, từ khi thành
lập đến nay, HTV luôn có sự phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất, trang
thiết bị, công nghệ. Qua các thời kỳ, HTV luôn tăng dần số lượng, nội dung và
chất lượng sản xuất, phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng
đảm báo đúng định hướng chỉ đạo của Thành ủy. Tuy nhiên, những năm gần đây, số
lượng khán giả yêu thích các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng đang
có xu hướng giảm mà chúng tôi sẽ trình bày trong phần hạn chế.
Nguyên nhân của các thành tựu:
Để có được những thành
tựu nổi bật trong việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng trên đài HTV, nhờ những nguyên nhân sau đây
(i). Sự quan tâm chỉ đạo
thường xuyên của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố, sự kết hợp
và hỗ trợ của các Ban, Ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao, Mặt trận tổ
quốc và các đoàn thể Chính trị xã hội trong việc triển khai các Nghị quyết của
Đảng về văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, định hướng về sản xuất và phát sóng
chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng là một nhiệm vụ phải thực hiện
thường xuyên, liên tục và với yêu cầu có tính hiệu quả tuyên truyền cao, có
chất lượng cao.
(ii) Từ sự quan tâm của
Thành ủy, UBND thành phố nên HTV luôn được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị, nguồn kinh phí và nguồn nhân lực, cho cơ chế xã hội hóa thông
thoáng. So với các Đài truyền hình các địa phương của cả nước, HTV là đơn vị
được đầu tư mạnh nhất, nhiều kênh nhất, diện phủ sóng rộng nhất và xây dựng
được thương hiệu của mình qua các chương trình truyền hình nói chung, chương
trình ca nhạc truyền thống cách mạng nói riêng.
Cơ sở vật chất hiện nay
của HTV là tòa nhà 14 tầng ngay trung tâm thành phố, một nhà hát với 500 ghế
sang trọng, hiện đại về sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Nguồn lực khoa học công
nghệ được lãnh đạo HTV quan tâm đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị ngang tầm
với các đài truyền hình trong khu vực với hơn 10 phim trường thu hình hiện đại,
Cromakey, Màn hình Led, 3D Mapping, đèn chiếu
Gobo, trang thiết bị sản xuất chuẩn hình ảnh 4K, full HD, Phim trường ngoại cảnh HTV Hòa Phú, Củ Chi có diện tích 49,5ha, có
thể nói HTV là một đài truyền hình hiện đại trong giai đoạn công nghệ 4.0.
Về nguồn lực tài chính:
Giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2017, HTV tạo được nguồn thu rất lớn. Nguồn nhân
lực với việc tuyển biên tập viên hàng năm nên HTV luôn có lực lượng biên tập
viên, đạo diễn, quay phim, kỹ thuật viên, âm thanh, ánh sáng, họa sĩ thiết kế,
vẽ đồ họa... được đào tạo chính quy ở các trường Đại học lớn uy tín trên phạm
vi cả nước.
(iii). Sự ổn định chính
trị, phát triển kinh tế xã hội của Tp HCM, một thành phố đi đầu trong cả nước
về thu ngân sách, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố phát
triển nhanh. Tp HCM là nơi thu hút nguồn nhân lực về lực lượng văn nghệ sĩ,
trong đó có các nhạc sĩ, biên đạo, BTV có trình độ và đặc biệt đây là nguồn
nhân lực gắn bó với dòng ca nhạc truyền thống cách mạng. Lãnh đạo Ban Ca nhạc
HTV qua các thời kỳ đều là những nhạc sĩ nổi tiếng và có tâm huyết trong công
tác sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng.
2.3.2.
Một số hạn chế, nguyên nhân
Bên cạnh những thành tựu
là cơ bản, việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng cũng có những hạn chế nhất định. Những hạn chế đó luôn gắn chặt với
nguyên nhân nên chúng tôi gộp luôn hạn chế nằm trong các nguyên nhân.
(i) Giảm sút về số lượng, chất lượng chương trình. Trong công việc sản
xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch
sử, phụ thuộc vào thời lượng phát sóng, chất lượng trang thiết bị kỹ thuật và
công nghệ sản xuất và phát sóng. Giai đoạn 10 năm đầu, từ 1975 đến 1986, thời
lượng phát sóng ít, số lượng chương trình ca nhạc phát sóng trên truyền hình ít
và chỉ phát sóng vào buổi tối nên sức lan tỏa không cao. Chất lượng hình ảnh
đen trắng và chất lượng âm thành rất thấp. Tuy nhiên, giai đoạn này, tỷ lệ các
ca khúc cách mạng lại chiểm tỷ lệ rất cao và thị hiếu khán giả yêu thích dòng
ca khúc cách mạng truyền thống rất cao.
(ii) Giảm sút giờ phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng:
Từ 2010 tới nay khung giờ phát sóng
các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng không còn nằm trong khung giờ
đẹp của cả hai kênh HTV7 và HTV9 (khoảng
18h cho tới 21h) nên lượng khán giả không tập trung xem được ngoài các chương
trình truyền hình trực tiếp.
(iii) Về trang thiết bị: Dù trang thiết bị (phim trường. âm
thanh, ánh sáng) càng về sau càng đạt chuẩn với chất lượng cao nhưng một số anh
em quay phim, kỹ thuật, kỹ xảo, đạo diễn vẫn tư duy sản xuất theo lối mòn nên
chất lượng hình ảnh vẫn chưa đáp ứng thị hiếu khán giả thời hiện tại.
(iv) Về chất lượng các chương trình âm nhạc
từ hòa âm, phối khí, phòng thu, các công việc như mix, master tuy có cải thiện
nhưng so với mặt bằng của thị trường âm nhạc Việt Nam nói riêng, quốc tế nói
chung vẫn còn thấp. Nguyên nhân là kinh phí đầu tư sản xuất phụ thuộc vào định
mức chi của tài vụ. Những năm gần đây, việc bỏ dàn nhạc với những nhạc sĩ, nhạc
sĩ có tay nghề cao, tập trung hòa âm phối khi và thu thanh theo dạng scanser
chất lượng âm thanh lại càng giảm, càng khó cạnh tranh với thị trường hòa âm, phối
khí và phòng thu ngoài thị trường.
(v). Thực trạng nguồn nhân lực chuyên môn làm công tác âm nhạc ngày càng
giảm cả về số lượng và chất lượng. Trước năm 2018, HTV có trên 1200 người. Đến
năm HTV chỉ còn 804 cán bộ, công nhân viên chức và
người lao động. Có 404 biên chế và 400 lao động hợp đồng. Ban Tổng giám đốc gồm
04 người gồm 1 Tổng Giám đốc và 3 Phó Tổng Giám đốc. Có 05 Trung tâm và 19 phòng, Ban chuyên trách và chuyên
môn.
Một số anh chị chuyên làm biên tập,
viết kịch bản có nhiều kinh nghiệm, có hiểu biết sâu sắc về mảng khúc cách
mạng, cả cuộc đời gắn với “những ca khúc đi cùng năm tháng” đã ở trong dòng
máu, trong nhịp đập trái tim hiện nay đã nghỉ hưu hay chuyển công tác, còn lại
các các biên tập viên trẻ, tuy được đào tạo bài bản hơn về chuyên môn âm nhạc,
biên tập, đạo diễn, dàn dựng nhưng lại không gắn với dòng nhạc truyền thống,
sinh ra và lớn lên sau thời kỳ đổi mởi, ít hiểu biết về chiến tranh, về các
cuộc kháng chiến trong gian khó và hiểm nguy của cha ông, lớn lên khi đất nước
đã hòa nhập, hội nhập với nhiều dòng nhạc trẻ của thế giới nên không mặn mòi
trong công việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng. Một số nhân sự thiếu hiểu biết về lịch sử, ít am hiểu về mảng ca
khúc “truyền thống cách mạng” nên chưa đủ tầm biên tập, sản xuất các chương
trình theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục truyền
thống cách mạng.
Về cán bộ chuyên môn: Điều đáng lưu
ý là HTV trước đây rất nhiều nhạc sĩ, nhạc công, biên tập âm nhạc nổi tiếng
hiện nay đều đã nghỉ hưu như nhạc sĩ Trần Hữu Bích và cố nhạc sĩ Thập Nhất
(nguyên Phó Ban Ca nhạc HTV), cố nhạc sĩ Nguyễn Nam và cố nhạc sĩ Phan Hồng Sơn
(nguyên Trưởng Ban ca nhạc HTV) đều đã nghỉ hưu hoặc đã mất. Bản thân học viên
là nhạc sĩ của HTV cũng đã xin chuyển công tác. Hiện nay, HTV không còn nhạc sĩ
nào. HTV phải hợp đồng với các nhạc sĩ bên ngoài. Đây là một hạn chế nhất định
trong việc thực thi nhiệm vụ sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng. Dù sao, những nhạc sĩ như Trần Hữu Bích, Nguyễn Nam,
Thập Nhất, Phan Hồng Sơn ở Ban Ca nhạc HTV trước đây là những người gắn bó cả
cuộc đời với việc sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng nên HTV có nhiều thuận lợi hơn. Biên tập viên, đạo diễn dù có chuyên môn
cao, nhưng vẫn cần có sự hợp tác của các nhạc sĩ am hiểu về ca nhạc truyền
thống cách mạng sẽ thuận lợi hơn.
(vi) Về kinh phí. HTV là một đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong
lĩnh vực truyền thông. Đã từ lâu HTV thực hiện tự chủ hoàn toàn vì có nguồn thu
rất cao. Để thực hiện
luận văn, học viên (vốn là cán bộ của HTV) đi tìm hiểu và xin số liệu kinh phí
thu chi của HTV nhưng rất khó khăn vì đây là số liệu được bảo mật và nhạy cảm.
Nhưng trong thực tế, tình hình nguồn thu ngày càng giảm sút. Thời hoàng kim
(giai đoạn 2010 đến khoảng 2017) HTV thu trên dưới 2000 tỷ VND, nhưng từ giai
đoạn từ năm 2018 đến nay, mức thu ngày càng giảm. Năm 2022 chỉ còn thu được
khoảng trên 700 tỷ. Với tình hình thu như vậy, lãnh đạo HTV buộc phải giảm chi
trên tất cả mọi lĩnh vực, từ chi thường xuyên đến chi tổ chức sản xuất và phát
sóng các chương trình, trong đó có các chương trình liên quan đến ca nhạc
truyền thống cách mạng.
Nguyên nhân của việc giảm thu gắn
với các nguyên nhân giảm sút lượng khán giả xem truyền hình như đã phân tích ở
mục 3.1. Xu hướng biến đổi thị hiếu khán giả xem truyền hình. Từ năm 2018 đến nay, với nhiều nguyên nhân như việc phát
triển mạnh các phương tiện nghe nhìn trên mạng Internet, các kênh truyền hình
trả tiền phát triển mạnh, đặc biệt là từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021, tình
hình covid diễn biến phức tạp, nhiều văn bản chỉ đạo thắt chặt thu chi nên HTV
nói chung, Ban Ca nhạc nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn thu từ các nhà
tài trợ giảm rõ rệt, lượng khán giả truyền hình giảm sút mạnh. Tuy vậy, với sự
chỉ đạo sát sao của Thành ủy và UBND Tp HCM, chương trình ca nhạc, trong đó có
ca nhạc truyền thống cách mạng vẫn được sản xuất và phát sóng. Về cơ bản vẫn
đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chính trị trong các ngày lễ lớn và các sự kiện văn hóa
do thành phố tổ chức. Theo báo cáo của Ban Ca nhạc HTV hàng năm từ năm 2018 đến
nay, có thể thấy số lượng chương trình, thời gian phát sóng ngày càng giảm sút.
BẢNG BIỂU SỐ LƯỢNG
CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC HTV 5 NĂM 2018 – 2022.
Năm |
Số liệu
chương trình |
Số
chương trình phát lần đầu |
Số
chương trình phát lại |
Ghi
chú |
2018 |
1286 |
520 |
887 |
|
2019 |
1280 |
426 |
854 |
|
2020 |
1.225 |
459 |
766 |
|
2021 |
1297 |
497 |
800 |
|
2022 |
983 |
453 |
530 |
|
(Nguồn: Báo cáo của Ban
Ca nhạc HTV hàng năm)
Theo tư liệu các bảng phỏng vấn, một
đồng chí lãnh đạo HTV, cho rằng: “Việc tổ chức hoạt động các chương trình ca
nhạc truyền thống trên sóng HTV giai đoạn từ những năm 2018 trở về sau đặc biệt
là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động mạnh mẽ vào ngành giải trí
nên gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi lãnh đạo Đài phải có nhiều thay đổi. Trước
hết là cùng nhau suy nghĩ, tìm ra những biện pháp, đòi hỏi phù hợp với thời đại
chuyển đổi số, thay đổi hình thức thể hiện mới có thể tiếp cận được đông đảo
khán giả trẻ với thị hiếu thưởng thức ngày một đòi hỏi cao hơn về chất lượng và
thay đổi thể loại, không chỉ trên màn ảnh truyền hình mà phát triển ở các trang
mạng xã hội” (trích BBPV phụ lục số 03,
pv lãnh đạo HTV)
2.3.3.
Đánh giá chung
Với mỗi giai đoạn hình thành và phát triển của mình, HTV
luôn gắn với sự phát triển của thành phố lớn nhất nước. HTV là tờ báo hình uy
tín, hấp dẫn và gần gũi với bạn xem Đài. Thuận lợi với HTV là đài truyền hình
duy nhất sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, và được sự quan tâm, chỉ đạo
và tạo mọi điều kiện của Thành phố để HTV phát triển như hôm nay, bên cạnh đó
phải kể tới tình cảm của khán giả truyền hình trên cả nước đón xem các kênh
truyền hình của HTV. Các chương trình HTV luôn bắt kịp hơi thở của thời đại,
luôn đi trước cả nước trong việc bắt kịp thị hiếu của khán giả.
Gần năm mươi năm hoạt động sản xuất và phát sóng các
chương trình ca khúc truyền thống cách mạng, HTV đã đóng góp một phần không nhỏ
trong việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội trong đấu tranh tư tưởng, vào
công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả tinh
thần yêu nước, ý chí kiên cường của các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc. Cũng nhờ các chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng đã để lại những giá trị mang tính nhân văn, tính thẩm mỹ âm nhạc, vừa mang
giá trị truyền thống âm nhạc dân tộc, vừa tiếp thu có chọn lọc các cung bậc âm
nhạc tây phương để làm nâng cao tính nghệ thuật của dòng ca khúc cách mạng Việt
Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Những chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng được sản xuất và phát sóng trên HTV đặc biệt có giá trị đối với
đội ngũ ca sĩ. Đây không chỉ là sân chơi rất bổ ích, còn là nơi đào tạo và giới
thiệu, là điểm xuất phát trong việc hình thành tên tuổi của hàng trăm ca sĩ
hàng đầu của thành phố nói riêng, của Việt Nam nói chung. Ca sĩ Võ Hạ Trâm cho
biết: “Là một ca sĩ trưởng thành từ cái nôi HTV với chương trình “Ngôi sao
tiếng hát truyền hình” mình đã có nhiều cơ hội để tỏa sáng và cũng nhiều niềm
vui khi được hát những ca khúc truyền thống Cách mạng. Đây là những chương
trình giúp cho mình có nhiều giá trị về nghề nghiệp, kinh nghiệm hơn trong công
việc ca hát và giảng dạy của mình. Mỗi chương trình đều có những giai đoạn phát
triển rất nhanh, mạnh đối với khán giả, là bệ phóng cho rất nhiều tên tuổi như
chị Thu Minh, chị Thanh Thúy, anh Đàm Vĩnh Hưng và bản thân tôi” (Trích Phụ lục BBPV số 7, ca sĩ Võ Hạ Trâm).
Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, xu thế thời đại đang thay
đổi mạnh mẽ làm thay đổi thị hiếu khán giả. Lượng người xem truyền hình ngày
càng giảm sút nên các nhà tài trợ thấy hiệu quả quảng cáo trên truyền hình
không cao, chuyển sang quảng cáo trên các nền tàng mạng xã hội nên việc tạo
nguồn thu ngày càng khó khăn. Cơ chế quản lý thu chi ngân sách nhà nước ngày
càng bị thắt chặt, thực hiện chủ trương của phong trào chống tham ô, tham
nhũng, tiêu cực đang gắt gao nên ít nhiều hạn chế đến sự “dám nghĩ, dám làm,
dám bung ra” trong công tác sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc nói
chung, chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng nói riêng.
Với nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm sút khán giả xem truyền
hình nói chung, chương trình của HTV nói riêng, chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng có xu hướng giảm, thị hiếu khán giả trẻ yêu thích những dòng nhạc
trẻ và khám phá tài nguyên âm nhạc phong phú trên các trang mạng xã hội và màn
hình smartphone đã lấn sân màn ảnh truyền hình. Đây là một trở ngại lớn cho
việc duy trì công tác sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng trên sóng HTV nói riêng, hệ thống truyền hình cả nước nói
chung.
Tiểu kết chương 2
Ca khúc truyền thống
cách mạng là di sản văn hóa lớn của sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, được
hình thành trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh
biên giới phía bắc và biên giới Tây Nam, cả những ca khúc hình thành trong quá
trình xây dựng cuộc sống mới. Ca khúc truyền thống cách mạng có vai trò rất lớn
trong công tác tuyên truyền và giáo dục cả về tính Chính trị, xã hội, nghệ
thuật. Vì vậy, việc thường xuyên xây dựng các chương trình phát thanh truyền
hình các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng là một trong những nhiệm
vụ trọng tâm của HTV.
Trải qua 47 năm lịch sử
với từng giai đoạn hoàn cảnh lịch sử khác nhau, thực trạng về điều kiện kinh tế
- xã hội khác nhau, nhưng HTV luôn bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành
phố HCM trong việc định hướng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Chương trình ca
nhạc truyền thống cách mạng thường xuyên được giao cho các Ban tổ chức sản xuất
và phát sóng. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, HTV luôn được đầu tư phát triển đi
lên cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và kinh phí sản xuất các
chương trình. Đã có những giai đoạn truyền hình lên ngôi, HTV phát triển mạnh
mẽ nhất trong số các Đài truyền hình địa phương, phạm vi phủ sóng không chỉ ở
Tp HCM mà lan tỏa ra toàn quốc và quốc tế. Trong thời kỳ phát triển rực rỡ, HTV
đã có nhiều chương trình ca nhạc mang tầm cỡ quốc tế với lượng khán giả và tỷ
lệ các khúc cách mạng cao kỷ lục. Những thành tựu HTV trong việc sản xuất và
phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng là rất lớn. Tuy nhiên
cũng còn nhiều hạn chế bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân khách quan
là thời đại 5 năm trở lại đây, sự phát triển như vũ bão của các phương tiện
truyền thông qua mạng Internet. Màn ảnh truyền hình dần dần nhường chỗ cho màn
hình smartphone, các đề tài ca nhạc cũng ngày càng đa dạng, chiếm lĩnh và lấn sân
dòng ca khúc cách mạng truyền thống….
Chương 3. XU HƯỚNG, GIẢI
PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT, PHÁT
SÓNG CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG TẠI ĐÀI TRUYỀN HÌNH THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH
3.1. Xu hướng biến đổi
thị hiếu khán giả xem truyền hình
3.1.1. Xu
hướng biến đổi thị hiếu khán giả về các chương trình truyền hình trong thời đại
internet
Trong thời đại Internet, hàng loạt hình thức giải trí, truyền
thông mạng ra đời. Khoảng 10 năm trở lại đây, khán giả đang dần quay lưng với
các chương trình truyền hình truyền thống, tìm đến những hình thức khác của
mạng internet. Thực tế, giới trẻ giờ đây ngày càng ít khi xem truyền hình trên
ti vi. Đa số người được hỏi đều cho rằng, trong gia đình chỉ còn những người
lớn tuổi xem tivi với các chương trình truyền hình truyền thống, còn lại những
người trẻ tuổi liên tục dán mắt vào điện thoại thông minh.
Tỷ lệ người xem truyền hình thời gian gần đây giảm không phải
chỉ vì chất lượng, nội dung chương trình mà do có sự cạnh tranh của các nền
tảng truyền thông mới như Facebook, YouTube, OTT, Tiktok. Thói quen của người
dùng thay đổi nhanh chóng. Người dùng thích xem các nội dung theo sở thích cá
nhân, tự do lựa chọn hình thức xem và nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, không chờ đến
khung giờ để xem chương trình như trên truyền hình như giai đoạn trước. Do đặc
thù của thời đại công nghiệp 4.0, thời gian là vàng bạc, tiết tấu công nghiệp
không có thời gian để xem truyền hình, thời đại của thiết bị di động, cầm tay
gọn nhẹ, người dùng sẽ thích xem các video ngắn, hoặc xem video theo chiều
đứng. Các hãng lớn trên thế giới như Netflix đo đạc mọi yếu tố từ cách sử dụng
của người dùng nhằm tối ưu hoá và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Các chuyên
gia có những phần mềm thu thập, đánh giá người dùng thường xuyên nhấn vào khu
vực nào trên màn hình để tập trung các phím bấm tại đó, hoặc đo lường sự yêu
thích của các nội dung để đề xuất nội dung theo hướng cá nhân hoá.
Theo GlobalWebIndex, tính đến hết nửa đầu năm 2020,
có đến 97,6% người dùng internet trong độ tuổi từ 16 đến 64 tại Việt Nam sở hữu
điện thoại di động. Tỷ lệ sở hữu máy tình bàn giảm còn 68,6% và máy tính bảng
giảm từ 33,9% xuống còn 27,9%. Việt Nam là một quốc gia ưu tiên cho điện thoại
di động, nhờ giá cả phù hợp và nhiều lựa chọn. Hiện nay, nhiều thành phố
lớn của Việt Nam đã phủ sóng free wifi nên thiết bị di động dễ tiếp cận các
chương trình ca nhạc. Với việc tiếp cận internet vô cùng dễ dàng ở mọi nơi, mọi
lúc như hiện nay, tỷ lệ người sử dụng internet tương tác với video và âm thanh
kỹ thuật số ngày càng lớn so với truyền hình truyền thống và đài phát thanh.
Khoảng 85,1% người dùng internet trong độ tuổi từ 16
đến 64 tuổi đã xem truyền hình qua internet (live TV). Thời gian xem truyền
hình trung bình tăng lên 1 giờ 26 phút (1:26) mỗi ngày nhưng có đến 75,4% số
người được hỏi đã xem chương trình truyền hình thông qua các dịch vụ xem theo
yêu cầu (VOD) như Netflix. Các hãng điện thoại di động đua nhau mở các
dịch vụ truyền hình kỹ thuật số, có thể xem trên Tivi, có thể xem trên điện
thoại di động với giá cả rất cạnh tranh.
Nửa đầu năm 2020, có 62,3% người dùng internet được thăm dò đã sử dụng VOD để
xem truyền hình, phim và các nội dung video khác.
Tổng cộng khoảng 93,5% số người được hỏi cũng đã nghe nội dung âm
thanh kỹ thuật số (như âm nhạc, podcast hoặc sách nói) trong năm 2021 - một
bước tăng trưởng nhảy vọt đến 15,5% so với năm 2020. Nghe nhạc trực tuyến
chiếm trung bình 1 giờ 4 phút mỗi ngày. Tỷ lệ người nghe radio qua sóng
đài phát thanh là tương đối tốt; 49,5% người dùng, với thời lượng trung
bình khoảng 34 phút mỗi, chỉ khoảng một nửa so với âm thanh kỹ thuật số.
Theo
lý thuyết Nhu cầu của Maslov, trong 5 thang bậc nhu cầu của con người, nhu cầu
hưởng thụ đời sống tinh thần, trong đó có âm nhạc là nhu cầu bậc cao. Những nhu cầu này bao
gồm nhiều nhân tố tinh thần như sự đòi hỏi công bằng, an tâm, an toàn, vui
vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh với một cá nhân v.v.
Trong giai đoạn đất nước ta đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhu cầu đời sống
tinh thần nói chung, nhu cầu thưởng thức âm nhạc nói chung đang có sự thay đổi
mạnh mẽ. Không
đứng ngoài xu thế chung, thị trường nghe - nhìn Việt Nam có những thay đổi lớn.
Nhu cầu xem truyền hình có sự dịch chuyển từ các thiết bị nghe nhìn truyền
thống sang các nền tảng sử dụng internet.
Kéo theo sự giảm sút của khán giả xem truyền hình, các loại hình
dịch vụ quảng cáo truyền hình của Trung tâm dịch vụ truyền hình cũng giảm sút
mạnh. Doanh thu từ dịch vụ quảng cáo giảm ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ tiêu
xã hội hóa. Không chỉ giảm sút các chương trình truyền hình ca nhạc, các
gameshow cũng giảm, các nhà tài trợ cho rằng sự giảm sút lượng khán giả truyền
hình làm giảm hiệu quả quảng cáo nên không còn mặn mà với việc tài trợ các
chương trình truyền hình như trước đây. Theo các nhà quản lý truyền hình, “với
các cơ chế quản lý tài chính ngày càng chặt chẽ, thêm vào đó giảm nguồn thu từ
các nhà tài trợ, dịch vụ quảng cáo, hoạt động sản xuất và phát sóng các chương
trình giải trí ngày càng khó khăn, nhất là các chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng” (Trích Phụ lục BBVP số
03, Diệp Bửu Chi).
Xu thế thay đổi hành vi của người dùng trên truyền hình tương tác: Xu thế hiện nay, khán giả không có nhiều
thời gian để ngồi trước màn hình Tivi và phải trải nghiệm các chương trình đôi
khi không mong muốn bởi khung phát sóng cố định. Đôi khi, nội dung độc quyền,
hấp dẫn là yếu tố duy nhất níu kéo người xem vẫn ngồi xem Tivi trong thời đại
phát triển internet bùng nổ như hiện nay. Phương thức xem truyền hình theo cách
truyền thống đang dần được thay thế, người dùng chọn lọc nội dung chất lượng,
sự tiện dụng đối với thời gian, tiện ích mang lại nhiều hơn trước kia. Truyền
hình tương tác trở thành khái niệm được xem là xu hướng của truyền hình hiện
đại. Thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp nhận nội dung của người dùng theo cách
thụ động, một chiều từ kênh phát truyền thống. Ở kỷ nguyên của truyền hình tương tác, người dùng có thể
chủ động xem bất cứ nội dung nào mình mong muốn, không giới hạn thời gian đóng
khung theo lịch phát sóng. Truyền hình tương tác còn cho phép người dùng dễ
dàng tương tác với chính chương trình mình đang xem như lựa chọn góc máy quay,
giao tiếp với MC hay lựa chọn đáp án của một chương trình gameshow trực tiếp…
Chính sự mới lạ này đã đặt lên vai những người làm truyền hình một thử thách
nặng nề khi phải thay đổi không ngừng, cập nhật liên tục các xu hướng công nghệ
thế giới, thậm chí là phá vỡ các khuôn khổ nhất định, truyền thống. Tại triển
lãm quốc tế về công nghệ truyền hình mới đây, các chuyên gia khẳng định, truyền
hình tương tác trên nền tảng công nghệ số, hay các thiết bị thông minh kết nối
Internet sẽ là xu hướng phát triển của truyền hình hiện đại trong thời gian
tới. Để có một mô hình sản xuất bền vững, ngoài ý tưởng chương trình thì yếu tố
kỹ thuật, tốc độ đường truyền cũng rất quan trọng. Tại Việt Nam, VTV, FPT,
VTVcab, các Đài Truyền hình địa phương và một số công ty truyền thông tư nhân
đã cho ra mắt nhiều dịch vụ truyền hình tương tác trong một vài năm qua. Tuy
nhiên về tính năng, các ứng dụng của các đơn vị này cung cấp chủ yếu tập trung
xử lý linh hoạt việc lựa chọn nội dung xem, focus vào một số thông tin được mặc
định sẵn trên hệ thống mang tính thử nghiệm, …. và mới đây nhất đã bắt đầu tích
hợp việc tìm kiếm thông tin bằng giọng nói. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ
thống các box được thường xuyên cập nhật, các đơn vị truyền thông này sẽ giúp
khán giả Việt Nam được tiếp cận dần đến với hình thức xem, lựa chọn chương
trình mới.
Ở Việt Nam số người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng
rất nhanh. Đây cũng là cơ hội để truyền hình tương tác phát triển. Nhiều kênh
truyền hình trong nước đã chọn truyền hình tương tác trở thành chiến lược phát
triển thương hiệu và là cơ sở để giành thị phần khán giả. Sự bùng nổ này tạo
nên những chương trình truyền hình chất lượng với nội dung được mở rộng trên cả
các chương trình khoa học giáo dục, các chương trình trò chơi giải trí.
Từ những xu thế trên, những người làm truyền hình, trong đó có HTV
cũng đã và đang đi tìm những hướng đi mới để làm chậm lại quá trình giảm sút
khán giả, nhất là các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng.
3.1.2. Xu hướng biến đổi thị hiếu khán giả thành phố Thành phố Hồ
Chí Minh về chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng trên sóng của Đài
Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
Như trên đã phân tích
nguyên nhân về sự giảm sút lượng khán giả xem tivi với các chương trinh truyền
hình truyền thống. Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong bức tranh
chung của xu thế giảm sút khán giả xem các chương trình truyền hình nói chung,
chương trình giải trí, ca nhạc nói riêng.
Đối với những người yêu âm nhạc ở Tp.HCM, cũng trong bức tranh
chung, do có nhiều phương tiện gọn nhẹ để thưởng thức nên các “món ăn âm nhạc”
cũng dễ thay đổi. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Nam, một nhạc sĩ hòa âm, phối khí của
HTV cho biết: “Hiện nay công nghệ thông tin phát triển mạnh nên nhu cầu nghe
nhạc dể dàng và đơn giản, chỉ cần một chiếc smartphone, ipad. ipod… là có thể
nghe đủ thể loại bằng vài thao tác. (Trích
Phụ lục BBPV số 9, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Nam). Khi được hỏi lý do nào để
xuất hiện sự giảm sút khán thính giả đối với dòng nhạc cách mạng, nhạc sĩ
Nguyễn Trọng Nam cho rằng: “Âm nhạc có nhiều thể loại, lúc thịnh lúc suy là
theo quy luật tự nhiên. Âm nhạc chính thống luôn có chỗ đứng của nó. Ca nhạc
truyền thống cách mạng cũng đòi hỏi phải có chất lượng nghệ thuật ngày càng cao
hơn. Có những bài ca đi cùng năm tháng thì cũng có những bài ca không đi cùng
năm tháng, không tồn tại được lâu vì đơn giản là nó không phải là bài hát hay.
Khi dân trí phát triển thì tự nhiên người ta sẽ tìm đến cái hay cái đẹp và loại
dần đi những cái dở, cái chưa hay” (Trích
Phụ lục BBPV số 9 , Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Nam).
Theo cán bộ của phòng Quản lý nghệ thuật tại Sở VHTT Tp HCM,”những
năm gần đây, hầu hết các sân khấu ca nhạc ngoài trời đã phải đóng cửa vì không
có khán giả. Sân khấu ca nhạc Lan Anh, Trống Đồng… hiện nay không còn hoạt
động” (Trích phụ lục BBPV số 11). Các
ca sĩ ngày nay chủ yếu đi hát ở các phòng trà. Các Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc
hầu hết không còn hoạt động biểu diễn có thu nữa mà chuyển sang biểu diễn phục
vụ nhiệm vụ chính trị là chính. Nghệ sĩ, ca sĩ thuộc dòng ca nhạc thính phòng,
hát nhạc truyền thống chủ yếu tham gia biểu diễn ở các hoạt động sự kiện. Bởi
các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm đa số là hát nhạc
truyền thống cách mạng. Theo báo cáo của HTV từ năm 2018 đến nay, hàng năm vẫn
có từ 20 đến 30 chương trình ca nhạc do Sở VHTT Tp HCM tổ chức [21].
Tuy nhiên, theo một số khán giả được hỏi về thị hiếu xem và nghe
ca nhạc đều cho rằng bức tranh thị trường ca nhạc trên sân khấu trực tiếp và
trên sóng truyền hình không đến nỗi bi quan. Các sân khấu ca nhạc trong nhà
cũng như ngoài trời vẫn rất đông khán giả. Nhiều chương trình ca nhạc truyền
hình, nhất là chương trình truyền hình trực tiếp các chương trình ca nhạc vẫn
có tỷ lệ người xem rất cao. Theo ý kiến của một khán giả trả lời phỏng vấn:
“Khán giả ngày nay có trình độ thưởng thức âm nhạc ngày càng cao, bên cạnh nội
dung chương trình phải hấp dẫn, cần được đầu tư về chất lượng âm nhạc như nghệ
thuật hòa âm, phối khí, chất lượng âm thanh, ánh sáng ngày càng phải có tính
chuyên nghiệp cao. Hiện nay, nhiều chương trình ca nhạc, nhất là những chương
trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, do kinh phí thấp nên chưa được đầu tư từ khâu
sản xuất đến phát sóng nên chất lượng không cao, đó cũng là một trong những
nguyên nhân giảm tỷ lệ khán giả xem các chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng trên HTV” (trích Phụ lục BBPV số 12,
khán giả trẻ).
3.2. Những thuận lợi và khó khăn
thách thức trong hoạt động sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng
Sự tồn tại và phát triển của HTV nói
chung, của các chương trình ca nhạc của HTV nói riêng không thể tách rời khỏi
hệ thống môi trường kinh tế – văn hóa – xã hội của Tp.HCM. Vì vậy, sự biến
chuyển của các thành tố môi trường này sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không
ít thách thức trong việc duy trì và phát triển chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng.
3.2.1.
Thuận lợi
Về
kinh tế: Tp.HCM có
quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam với 239.623 doanh nghiệp đang hoạt động . Trong quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế – xã
hội Tp.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, Tp.HCM từng bước được xây dựng trở
thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của
Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, kinh tế dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất
trong cơ cấu ngành. Đến năm 2030, Tp.HCM là thành phố dịch vụ, có thị
trường phát triển văn học nghệ thuật đứng đầu cả nước, phát triển mạnh các
ngành văn hóa giải trí. Khi kinh tế Tp.HCM phát triển toàn diện và mạnh mẽ,
nhiều tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực NTBD, vui chơi giải trí, các tổ
chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp lĩnh vực VH – NT ra đời. Đó là cơ hội để
nguồn nhân lực, tài lực phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, trong đó có
nghệ thuật âm nhạc của Tp HCM, là thành phố luôn dẫn đầu cả nước về tốc độ phát
triển kinh tế và văn hóa. HTV là một cơ quan báo chí luôn năng động và sáng
tạo, các chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng như đã phân tích ở chương II luận văn này đã trở thành thương
hiệu. Với chủ trương xây dựng không gian văn hóa Tp HCM và các văn bản chỉ đạo
thực hiện các Nghị quyết về văn hóa thường xuyên, liên tục của Thành ủy về về
công tác văn hóa nghệ thuật, sự quản lý của Sở VH - TT và Sở TT&TT, môi
trường phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hiện nay của Tp HCM đang là cơ hội
tốt cho định hướng duy trì và phát triển các chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng.
Về
văn hóa: Tp.HCM với
tổng dân số 9,0386 triệu người, là địa phương có mạng lưới thiết chế văn hóa
khá hoàn thiện, đa cấp không chỉ thiết chế của Tp mà có các thiết chế của Trung
ương như VTV9, các Trường đào tạo văn học nghệ thuật, các Đoàn Nghệ thuật như
Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 v.v… Tp.HCM cũng là địa phương có lực lượng nhạc sĩ,
ca sĩ, nhạc công của các loại hình ca nhạc đông đảo nhất ở phía Nam. Nguồn nhân
lực này bao gồm nhiều thế hệ, trong đó nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng của nhiều
thế hệ sáng tác và biểu diễn dòng ca nhạc cách mạng truyền thống. Đây là điều
kiện quan trọng để duy trì và phát triển các chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng. Theo tư liệu phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm
nhạc Tp HCM, hiện nay ở Tp HCM có….hội viên hội âm nhạc, đa số hội viên đều
được đào tạo bài bản về nhạc thính phòng và am hiểu sâu sắc về dòng nhạc truyền
thống cách mạng, trong đó có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng qua các thời kỳ, cũng là
những tác giả của các ca khúc truyền thống cách mạng như Trần Long Ẩn, Phạm
Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hiên, Tôn Thất Lập, Đinh Trung Cẩn v.v…(Trích phụ lục BBPV số 4)
Về
môi trường duy trì và phát triển ca nhạc truyền thống cách mạng: Tp HCM là nơi tập trung nhiều đoàn
nghệ thuật ca múa nhạc TW và địa phương. Chủ lực thể hiện các chương trình ca
nhạc truyền thống cách mạng là các Đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc công lập như
Đoàn Văn công Quân khu 7, Đoàn Nghệ thuật Bông Sen, Trung tâm Ca nhạc nhẹ Tp.
Cùng với HTV, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tp HCM cũng là nơi thường
xuyên tổ chức sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng. Một môi trường thường xuyên vang lên những ca khúc cách mạng truyền thống
là các chương trình sự kiện do Sở VHTT Tp HCM thực hiện. Hàng trăm sự kiện
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được tổ chức quanh năm hầu hết trong chương
trình đa số là những ca khúc truyền thống cách mạng. Đây là “bầu sữa” quý giá
của các đơn vị hoạt động truyền thông, trong đó có HTV. Theo báo cáo hàng năm
của Ban Ca nhạc HTV, hiện nay, các bài hát cách mạng truyền thống nhiều nhất là
trong các chương trình truyền hình trực tiếp các sự kiện chính trị, các ngày lễ
lớn trong năm [21].
3.2.2
Khó khăn, thách thức
Bên cạnh những cơ hội xuất phát từ
những thuận lợi, việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng của HTV cũng đang đối diện với những thách thức, khó khăn không
nhỏ:
-
Thách thức trong biến đổi thị hiếu thưởng thức nghệ thuật ca nhạc: Sự chuyển giao thế hệ công chúng,
khán, thính giả đang phân hóa ngày càng sâu sắc, thay đổi rất nhanh, rất mạnh
thị hiếu thưởng thức nghệ thuậ, nhất là lớp trẻ. Các làn sóng nhạc Pop, Rock,
Jazz, Blues, R&B/Soul, Hip hop, nhạc đồng quê, Folk đương đại, nhạc dance,
các loại hình âm nhạc đến từ các vùng miền trên thế giới: Mỹ Latinh, Caribe,
Brasil, Châu Phi, Châu Á v.v…được lan truyền trên mạng xã hội với sức hấp dẫn
cao, được quảng cáo mau lẹ trên các nền tảng mạng xã hội đang thu hút thế hệ
trẻ.
-
Thách thức trong biến đổi thị trường ca nhạc: Những năm gần đây, những sân khấu ca nhạc nổi tiếng một
thời như Nhà hát Lan Anh, Sân khấu ca nhạc Trống đồng…dần dần biến mất, nhường
chỗ cho các loại hình ca nhạc phòng trà. Đối tượng đến các sân khấu ca nhạc
phòng trà khá đa dạng, nhưng nơi đây không phải là nơi các ca sĩ thể hiện các
bài ca cách mạng truyền thống mà chủ yếu là ca nhạc thị trường. Trước năm 2018,
HTV là một địa chỉ thu hút các nhạc sĩ, ca sĩ để xây dựng các chương trình ca
nhạc truyền thống cách mạng, nhưng ngày nay, tỷ lệ sản xuất các chương trình
này của HTV ngày càng giảm với nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu nhất là
không có nguồn kinh phí. Các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng phát
sóng trên HTV những năm gần đây chủ yếu là tổ chức truyền hình trực tiếp các
chương trình sự kiện chính trị xã hội do Sở VHTT tổ chức.
-
Thách thức về cạnh tranh
So với nhiều loại hình
báo chí khác, truyền hình có nhiều lợi thế trong chuyển tải thông tin thông qua
hình ảnh và âm thanh chân thực, sinh động. Chính khả năng “trăm nghe không bằng
một thấy” mà truyền hình hấp dẫn công chúng. Tuy nhiên, để sản xuất một
sản phẩm truyền hình, kỹ thuật và quy trình tác nghiệp luôn phức tạp với nhiều
công đoạn, điều này khiến cho những người làm truyền hình luôn phải cố gắng
nhiều hơn so với các loại hình khác. Không chỉ lo cạnh tranh khán giả với
các loại hình báo chí khác, truyền hình còn bị áp lực bởi sự canh tranh gay gắt
với thông tin của mạng xã hội. Thực tế hiện nay, một bộ phận giới trẻ thích tiếp
cận thông tin từ Youtube và Facebook hơn từ truyền hình. Và hiện những lớp dạy
sản xuất những sản phẩm online được mở ra ngày càng nhiều. Từ những lớp học
chính quy cũng như lớp học chuyền kinh nghiệm cho nhau đã đào tạo ra nhiều
những “nhà truyền thông” với những sản phẩm đa dạng. Những sản phẩm này nhiều
khi chưa biết đúng sai thế nào đã đến với công chúng nhanh chóng và thậm chí
được đông đảo công chúng đón đợi, bình phẩm.
Với gần 50 năm ra đời
và phát triển, HTV đã có bước tiến dài, đã tạo được niềm tin và sự yêu mến
trong không ít khán giả. Nhưng chính sự tin cậy, yêu mến đó lại là một áp lực
lớn đối với nhà đài. Bởi, chính sự tin cậy, yêu mến của khán giả, của đồng nghiệp
đã khiến những người làm truyền hình, khiến nhà đài phải luôn nỗ lực để chương
trình hôm nay tốt hơn, hay hơn, không lặp lại phong cách của chương trình ngày
hôm qua.
Thách thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ
Ngày
nay, công nghệ ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Nó
hiện diện trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Với truyền hình, công nghệ là yếu tố
sống còn. Từ khâu tiền kỳ (ghi hình), đến khâu hậu kỳ (dựng, phát sóng) đều cần
tới công nghệ. Nhờ có công nghệ hiện đại, những sản phẩm truyền hình được
hoàn thành nhanh gọn, chất lượng hoàn hảo hơn.
Hiện nay, Internet và công nghệ đã, đang làm thay đổi căn bản lĩnh vực
truyền hình truyền thống. Công nghệ Internet tốc độ cao 3G, 4G-LTE và không xa
là 5G; eSIM, có khả năng kết nối mọi thiết bị, mọi lúc mọi nơi; trí tuệ nhân
tạo AI, thực tế ảo AR, thực tế tăng cường VR và Machine Learning/Deep Learning
là những công nghệ tác động mạnh mẽ tới ngành công nghiệp truyền hình trong
thời gian tới. Các ứng dụng OTT như Netflix, YouTube, HBO Now, YOUKU… là “cơn
ác mộng” của truyền hình truyền thống với nền tảng kỹ thuật số toàn cầu. AI/AI
bots đang làm thay đổi cách tiếp cận và phân phối nội dung đến khán giả. Những
công nghệ và phương thức tác nghiệp đi sau đang áp đảo thế hệ đi trước. Vì vậy,
nếu truyền hình không thay đổi tư duy sẽ đánh mất khán giả và giảm sức hấp dẫn
trong mắt các nhà quảng cáo.
Trong
thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược. Công
nghệ không chỉ giúp ích cho truyền hình mà cũng giúp các loại hình báo chí -
truyền thông khác và mạng xã hội phát triển. Công nghệ phát triển, các thiết bị
sản xuất chương trình ngày càng rẻ và tiện dụng. Không chỉ có nhà đài độc quyền
mua sắm được thiết bị sản xuất phát sóng mà các cơ quan báo chí khác, các nhà
truyền thông trên mạng xã hội cũng có thể mua sắm thiết bị và tham gia sản xuất
nội dung. Việc sản xuất một sản phẩm truyền hình rẻ và đơn giản hơn nhiều so
với trước. Thậm chí, một phóng viên, một người yêu thích truyền hình cũng có
thể sản xuất một sản phẩm truyền hình với chất lượng kỹ thuật tương đối chỉ với
một chiếc điện thoại thông minh.
-
Thách thức về cơ chế tài chính, nguồn lực kinh phí và đầu tư trang thiết bị: Nguồn kinh phí hoạt động của HTV
gồm nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách và nguồn kinh phí xã hội hóa (thu từ
Trung tâm dịch vụ truyền hình).
Về nguồn kinh phí từ ngân sách ngày
càng khó khăn khi thực hiện NĐ 60 CP về Quy định tài chính đối với đơn vị sự
nghiệp công lập [13]. Việc đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại ngày càng
khó khăn, hơn nữa, việc quản lý thu, chi, phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngày
càng chặt chẽ nên cũng như các đơn vị sự nghiệp khác, HTV gặp rất nhiều khó
khăn. Một số cán bộ chịu trách nhiệm chính ít nhiều ngại làm chương trình mới,
xuất hiện “an phận thủ thường”, trách nhiệm quản lý có tư tưởng “đảm bảo hệ số
an toàn”, phần nào đó triệt tiêu sự năng động sáng tạo, không “dám nghĩ, dám
làm”
Về nguồn kinh phí xã hội hóa: Như ở
chương 2 đã phân tích thực trạng, tỷ lệ khán, thính giả xem truyền hình nói
chung, xem HTV ngày càng giảm sút nên hiệu quả quảng cáo không cao, không còn
hấp dẫn các nhà tài trợ. Các doanh nghiệp chuyển dần quảng cáo từ truyền hình
sang các nền tảng mạng xã hội. Những “mạnh thường quân” của các chương trình ca
nhạc, các gameshow dần quay lưng, vì vậy, các chương trình văn học nghệ thuật,
giải trí của HTV cũng ngày càng giảm sút. Xuất hiện tình trạng ngại tăng nguồn
thu vì quản lý thu chi từ nguồn xã hội hóa cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Những
người làm quản lý e ngại, có tư tưởng có kinh phí đến đâu, làm đến đó. Năng
động. sáng tạo trong việc “chạy” tài trợ, được cho cái chung nhưng không đảm
bảo “an toàn” cho cá nhân người chịu trách nhiệm. Đây là tình trạng phổ biến
không riêng gì ở HTV mà ở hầu hết các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước kết
hợp với nguồn thu từ xã hội hóa, sau khi ngày càng nhiều vụ án phòng chống tham
nhũng tiêu cực liên quan đến trách nhiệm của người quản lý.
3.3. Một số giải pháp,
khuyến nghị về việc sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng trên sóng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh
3.3.1.
Giải pháp nâng cao nhận thức, quan điểm về ca nhạc truyền thống cách mạng
Đảng ta đã có nhiều Nghị
quyết, Chỉ thị về định hướng xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn
hiện nay. Nghị quyết 33, Hội nghị BCH TW lần thứ IX đã chỉ rõ các quan điểm về
“xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất
nước”; Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã giao cho Tp HCM xây dựng không gian văn
hóa. Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -
2025 đã xác định phương hướng: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một
không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp
của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh
thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố
mang tên Bác”. Xây dựng “Không gian văn hóa” là xây dựng cả văn
hóa vật thể và phi vật thể, trên cơ sở gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân
tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, từ đó, củng cố
các giá trị văn hóa của Thành phố, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo
điều kiện cho người dân phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống
lành mạnh. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho công cuộc, xây dựng
và phát triển Thành phố. Việc kết hợp xây dựng không gian văn hóa Tp HCM với
xây dựng văn hóa con người Tp HCM quyện với nhau. Trong văn hóa con người cần
hội đủ nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố nhận thức về văn hóa nghệ thuật,
trong đó có nghệ thuật âm nhạc.
Tuy nhiên, để các quan
điểm về văn hóa văn nghệ của Đảng đi vào cuộc sống, cần có công tác tuyên
truyền. Nhiệm vụ này trước hết là của hệ thống thông tin đại chúng, trong đó có
Đài Truyền hình. HTV là một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Tp.HCM, có
vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, định hướng khán thính giả xem đài,
bên cạnh tiếp thu các dòng âm nhạc tinh hoa của thế giới, vẫn phải duy trì và
phát triển nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những tác phẩm âm nhạc
cách mạng được hình thành từ ngày thành lập Đảng năm 1930 đến nay đã gần một
thế kỷ, đã trở thành truyền thống, là một trong bức tranh bản sắc văn hóa dân
tộc Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện
nay, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quốc tế có nhiều diễn biến
phức tạp. Cuộc đấu tranh tư tưởng, nhận thức, quan điểm về văn hóa văn nghệ
đang diễn ra hàng ngày, thể hiện ở sự biến đổi nhu cầu sáng tạo và thưởng thức,
sự cạnh tranh giữa các thể loại âm nhạc, nới rộng khoảng cách giữa các thế hệ
không chỉ ở khán thính giả mà ngay trong đội ngũ sáng tác, biểu diễn âm nhạc.
Có ý kiến cho rằng: “Lớp trẻ hiện nay có xu hướng tìm tòi, khám phá cái lạ, cái
mới của thế giới trong âm nhạc. Họ tìm đến những thể loại mà họ cho là phù hợp
với họ như các loại hình nhạc IDM, ráp…có hiện tượng một bộ phận lớp trẻ không
còn mặn mà với dòng nhạc thính phòng, nhạc truyền thống, trong đó có nhạc
truyền thống cách mạng” (Trích Phụ lục BBPV số … NS NQV). Qua khảo sát, nắm bắt
sự thay đổi các quan điểm về văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, có thể
thấy câu nói: “Văn học nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên
mặt trận ấy”[5].
Như vậy, các cơ quan
thông tấn báo chí, trong đó có HTV và trước hết là những nhạc sĩ, đạo diễn,
biên tập viên, người sản xuất chương trình ca nhạc phải là những “chiến sĩ”
thực thụ, có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức
bằng cách duy trì và phát triển các chương trình ca nhạc mang những yếu tố
truyền thống cách mạng.
Tuy nhiên, trên đây chỉ
là một giải pháp để kéo một bộ phận khán giả đang thay đổi thị hiếu, khi tỷ lệ
công chúng đến với các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng có chiều
hướng giảm sút. Giải pháp nâng cao nhận thức về âm nhạc truyền thống cách mạng
không có nghĩa là có tư tưởng bảo thủ, hoài cổ, kìm nén sự phát triển của các
loại hình âm nhạc khác, nhất là những tác phẩm âm nhạc quốc tế có tính nghệ
thuật, tính thẩm mỹ cao, được coi là tinh hoa văn hóa của nhân loại.
3.3.2.
Giải pháp đầu tư kinh phí, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ
Giải pháp về đầu tư kinh phí: Như ở chương 2 đã trình bày về thực trạng kinh
phí hoạt động của HTV. Là một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về tài
chính. Nguồn thu của HTV đang giảm sút rõ rệt hàng năm. Thời hoàng kim (giai đoạn 2010 đến
khoảng 2017) HTV thu trên dưới 2000 tỷ VND, nhưng từ giai đoạn từ năm 2018 đến
nay, mức thu ngày càng giảm. Năm 2022 chỉ còn thu được khoảng trên 700 tỷ. Với
tình hình thu như vậy, lãnh đạo HTV buộc phải giảm chi trên tất cả mọi lĩnh
vực, từ chi thường xuyên đến chi tổ chức sản xuất và phát sóng các chương
trình. Thực tế là chương trình nào cũng quan trọng và cũng có nhu cầu tăng kinh
phí từ đầu tư trang thiết bị, đối mới công nghệ đến sản xuất và phát sóng các
chương trình. Vì vậy, nguồn lực đầu tư sản xuất và phát sóng các chương trình
ca nhạc truyền thống cách mạng phụ thuộc vào dự toán kế hoạch kinh phí của các
phòng, ban liên quan và quan trọng nhất là chủ trương của lãnh đạo Đài. Trong
khi các chương trình gameshow với các format mua của bản quyền của nước ngoài
dễ vận động tài trợ kinh phí xã hội hóa hơn các chương trình ca nhạc truyền
thống cách mạng. Vì vậy, về cơ bản, lãnh đạo HTV cần quan tâm, dành một nguồn
kinh phí xứng đáng cho việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng, đó là trách nhiệm xuất phát từ quan điểm của Đảng về
văn hóa văn nghệ.
Giải pháp mua sắm trang thiết bị và công nghệ truyền hình: Trong thời đại ngày
nay, trang thiết bị công nghệ truyền hình thay đổi nhanh như vũ bão và giá cả
công nghệ lên đời công nghệ luôn đắt đỏ. Với thách thức cạnh tranh thông tin
ngày càng khốc liệt, đòi hỏi phải theo đuổi và thậm chí phải đi trước các cơ
quan truyền thông khác. Đây cũng là một giải pháp đòi hỏi sự “tốn kém” bắt buộc
đối với các Đài PTTH để duy trì và cạnh tranh chất lượng hình ảnh và âm thanh
trên màn hình.
3.3.3.
Giải pháp nâng cao chất lượng, thời lượng âm nhạc
Giải
pháp nâng cao chất lượng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng: Việc sản xuất và phát sóng chương
trình truyền hình ngày càng đòi hỏi kỹ thuật công nghệ mới nhất ở tất cả các
khâu từ máy quay phim, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo dựng hình để chất
lượng hình ảnh và âm thanh ngày càng theo kịp với công nghệ kỹ thuật số của thế
giới. Theo ca sĩ Tạ Minh Tâm, người thường xuyên đồng hành với các chương trình
ca nhạc truyền thống cách mạng: “Ngày nay, các chương trình ca nhạc đòi hỏi
chất lượng âm thanh ngày càng cao, kỹ thuật kỹ xảo hiện đại. Lớp trẻ hiện nay
luôn tìm đến những chương trình có chất lượng hòa âm phối khí, kỹ thuật phòng
thu cao, nhưng đòi hỏi chất lượng âm thanh cao cho một bản thu là rất tốn kém,
hầu hết các ca sĩ ngôi sao hiện nay đang có sự cạnh tranh rất mạnh về chất
lượng hòa âm phối khí và phòng thu” (trích
BBPV số 14). Nhạc sĩ Đinh Quang Minh cho rằng: “Hiện nay có sự cạnh tranh
rất gắt gao giữa các phòng thu. Ở Tp HCM đã xuất hiện những phòng thu có mức
đầu tư kinh phí rất khủng về máy móc, trang thiết bị, micro với hàng chục, hàng
trăm tỷ đồng”. (trích BBPV số 10).
Hiện nay, các Đài Truyền hình không chỉ phát sóng trên truyền hình, sau khi
phát sóng, các chương trình, tiết mục đã được chuyển file và đưa lên các nền
tảng mạng xã hội và tìm kiếm nguồn thu từ các nền tảng mạng xã hội này. Tuy
nhiên, những chương trình này chưa đủ sức cạnh tranh với các tiết mục của các
tổ chức, cá nhân bên ngoài thị trường đầu tư xây dựng. Ngày nay, khán giả, nhất
là lớp trẻ, rất quan tâm đến chất lượng tác phẩm của từng chương trình trên
truyền hình cũng như trên các nền tảng mạng kỹ thuật số. Để có được những tiết
mục ca nhạc hàng triệu lượt view, lượt like, bên cạnh chất lượng sáng tác tác
phẩm, các ca sĩ phải đầu tư một nguồn kinh phí không nhỏ vào chất lượng âm
thanh và hình ảnh của tiết mục. Một vấn đề mâu thuẫn nảy sinh là, sức đầu tư
vào các tác phẩm ca nhạc truyền thống cách mạng thường rất thấp vì chủ yếu là
kinh phí của Đài, còn nhạc trẻ hầu hết được các nhạc sĩ, ca sĩ tự đầu tư kinh
phí hòa âm phối khí, phòng thu chất lượng cao nên sức hấp dẫn luôn vượt trội.
Vì vậy, để các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng có chất lượng bản
phối, chất lượng thu âm tốt, các nhà quản lý cần phải đầu tư kinh phí tương
đương với chất lượng các tiết mục ca nhạc thị trường.
Một giải pháp cũng không kém phần
quan trọng là sáng tạo format chương trình mang bản sắc Việt Nam. Format chương
trình truyền hình[6] nước
ngoài đang thắng thế ở các đài truyền hình ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Tuy
nhiên, việc quá lạm dụng format nước ngoài không phải là hướng đi bền vững
của truyền hình thực tế và kinh phí mua các format chương trình đó rất tốn kém.
Thêm vào đó, việc sử dụng ồ ạt các format
nước ngoài truyền hình sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý, hành động của đối tượng khán giả tiếp nhận vì sự khác
biệt về văn hóa, ứng xử của người Việt không giống với ý tưởng được xây dựng
từ một nền văn hóa khác. Do vậy, các đài truyền hình, các nhà sản xuất
trong nước cần phải nỗ lực tìm kiếm, xây dựng những format mang thương hiệu
Việt với những ý tưởng độc đáo, hấp dẫn. Đổi mới nội dung và tìm kiếm hình
thức thể hiện mới phù hợp với thời đại và mang bản sắc văn hóa Việt là một
trong những yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của các chương trình
truyền hình.
Giải
pháp về thời lượng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng: Thời lượng chương trình là một yếu
tố khá quan trọng đối với các chương trình truyền hình. Giải pháp về thời lượng
chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng phụ thuộc vào vai trò của nhà quản
lý, ở đây là lãnh đạo HTV. Như ở chương 2, phần thực trạng đã trình bày. 5 năm
trở lại đây, thời lượng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng giảm sút rõ
rệt xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên quan trọng
nhất là không đủ nguồn kinh phí sản xuất và phát sóng. Hiện nay, số lượng
chương trình ca nhạc do HTV sản xuất ngày càng giảm, chủ yếu tận dụng các
chương trình ca nhạc cách mạng do các đơn vị nghệ thuật, các đơn vị tổ chức sự
kiện biểu diễn và HTV truyền hình trực tiếp hoặc tiếp sóng. Vì vậy, việc tăng
thời lượng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng là bất khả thi. Nhưng
trong giai đoạn hiện nay, việc duy trì làm sao để không giảm thời lượng đã là
một việc khó, đòi hỏi vai trò của nhà quản lý.
3.3.4.
Giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực
Nguồn
nhân lực là yếu tố quan trọng đầu tiên trong mọi lĩnh vực quản lý và tổ chức
thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Trong điều kiện đổi mới về cơ chế quản lý,
tăng cường tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 60 của
Chính phủ về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đòi hỏi giảm
biên chế, định biên cũng là một vấn đề cần tập trung giải quyết. Qua khảo sát
tình hình hoạt động sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng 5 năm trờ lại đây, có thể thấy mức độ giảm sút hoạt động các lĩnh vực
trong truyền hình nói chung, của HTV nói riêng là khá nhanh. Bên cạnh nguyên
nhân thiếu hụt nguồn kinh phí, còn một nguyên nhân cũng quan trọng hàng đầu là
nguồn nhân lực. 5 năm trở về trước, trong HTV có nhiều nhạc sĩ tên tuổi và có
thâm niên nghề nghiệp cao nhưng đều đã nghỉ hưu. Hiện nay HTV không còn nhạc sĩ
nào. Mỗi lần xây dựng, sản xuất chương trình đều phải thuê mướn các nhạc sĩ,
đạo diễn, biên đạo theo cơ chế mới ít nhiều cũng gặp khó khăn nhất định. Nguồn
nhân lực chủ yếu hiện nay của HTV trong việc sản xuất chương trình là đạo diễn,
biên tập viên là biên chế của nhà Đài, còn cán bộ chuyên môn âm nhạc, nhạc
công, ca sĩ đều phải hợp đồng với bên ngoài. Vì vậy, việc củng cố nguồn nhân
lực, tăng cường công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ có chuyên môn âm nhạc, tăng
cường tập huấn nguồn nhân lực có yếu tố quyết định trong việc nâng cao hiệu quả
sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng.
3.3.5.
Giải pháp tăng cường vai trò quản lý về ca nhạc ở HTV
Đất nước ta từ năm 1986
đến nay đã gần 40 năm đổi mới theo chủ trương vận hành kinh tế xã hội theo cơ
chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Bản thân thị trường luôn vận hành
theo các quy luật vốn có khách quan và nhờ đó động viên được các nguồn lực xã
hội. Tuy nhiên, nếu để thị trường vận hành thiếu vai trò quản lý của nhà nước
sẽ sa vào tình trạng hỗn loạn và có những khiếm khuyết cố hữu, thiếu sự kiểm
soát và mất phương hướng, làm giảm đi vai trò của văn hóa với chức năng giáo
dục tính thẩm mỹ, xây dựng xã hội lành mạnh với chất lượng sáng tạo và hưởng
thụ văn hóa ngày càng được nâng lên. Với chủ trương xã hội hóa văn hóa, xóa dần
tình trạng bao cấp và xây dựng kinh tế trong văn hóa nên chúng ta đã huy động
được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt
động nghệ thuật ca nhạc. Tuy nhiên, trong thực tế là với nhiều nguyên nhân,
trong quá trình hòa nhập, hội nhập và thay đổi thế hệ, nhiều loại hình nghệ
thuật truyền thống dân tộc, trong đó có nghệ thuật ca nhạc truyền thống cách
mạng đang bị giảm sút khán giả như đã trình bày ở cuối chương 2 luận văn này.
Đảng ra chủ trương “xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà
nước”, vậy đối với thị trường âm nhạc, cũng rất cần bàn tay điều tiết của chủ
thể quản lý. Vấn đề là trách nhiệm thuộc về ai? Cần phải nâng cao hiệu quả quản
lý như thế nào?
HTV là một cơ quan báo
chí, là một đơn vị sự nghiệp chịu sự lãnh đạo định hướng của Thành ủy, Ban
Tuyên giáo Thành ủy Tp HCM, chịu sự quản lý nhà nước của UBND Tp HCM, trực tiếp
là Sở Thông tin Truyền thông Tp HCM. Cũng như các đơn vị báo chí trực thuộc Tp
HCM, lãnh đạo HTV hàng tuần dự họp giao ban công tác Tuyên giáo và nhận được sự
chỉ đạo định hướng tuyên truyền, sản xuất và phát sóng trên các kênh truyền
hình của mình. Quy trình làm việc được thực hiện một cách chặt chẽ theo kế
hoạch đã được phê duyệt. Hiện nay, chịu trách nhiệm chính về sản xuất và phát
sóng các chương trình ca nhạc là Ban Văn nghệ và Ban Ca nhạc. HTV là một đơn vị
sự nghiệp, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Thông tin va Truyền thông. Nhưng
trong một đơn vị sự nghiệp, ở đây là HTV, Ban Tổng Giám đốc Đài vừa là người
chịu sự quản lý (khách thể quản lý) đối với cấp trên, nhưng đối với cấp dưới là
các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc HTV là nhà quản lý với tư cách là chủ thể
quản lý. Với trách nhiệm của mình, Ban Tổng Giám Đốc đài có vai trò xây dựng và
triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ sau khi được cấp trên phê duyệt. Ở
chiều ngược lại, các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc HTV thực hiện chức năng
nhiệm vụ của mình là xây dựng kế hoạch sản xuất và phát sóng. Ban Ca nhạc là
đơn vị tham mưu kế hoạch và chịu trách nhiệm trước Ban Tổng Giám đốc về kế
hoạch, nội dung các chương trình ca nhạc của mình. Quy trình hoạt động đã được
hình thành nhiều năm, nhưng trong tình hình hiện nay, với việc xây dựng cơ chế
tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định “cơ chế tự chủ tài
chính của đơn vị sự nghiệp công lập”, HTV cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
3.3.6. Mở
rộng quan hệ hợp tác
Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, đơn vị văn hóa nghệ
thuật.
Trong thời đại ngày nay,
đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ trong môi trường
cạnh tranh khốc liệt đang gặp rất nhiều khó khăn với những thách thức và cơ hội
đan xen, việc mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa HTV với các đơn vị trong và
ngoài ngành truyền hình là rất quan trọng. Bên cạnh việc tạo mối quan hệ giữa
HTV với VTV, các Đài Truyền hình kỹ thuật số
để trao đổi, hợp tác sản xuất các chương trình, việc mở rộng mối quan hệ
với các Trường Văn hóa nghệ thuật Trung ương và địa phương, với các đơn vị nghệ
thuật Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và đặc biệt là các đơn vị nghệ
thuật trực thuộc Sở VHTT Tp HCM là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, việc sản xuất
chương trình của HTV ngày càng thu hẹp nên việc tận dụng các chương trình có
sẵn của các đơn vị nghệ thuật là vô cùng quan trọng. Những năm gần đây, nguồn
lực không cho phép mở rộng chương trình tự sản xuất, việc tiếp sóng, truyền
hình trực tiếp hoặc tận dụng các tiết mục ca nhạc truyền thống cách mạng của
các Đoàn Nghệ thuật như Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Đoàn Ca múa Bông Sen, Nhà
hát Nhạc vũ kịch Tp HCM, Trung tâm Văn hóa Tp và các đơn vị nghệ thuật khác
chính là cơ sở để HTV phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là chấp hành đầy đủ các văn bản pháp luật về
bản quyền phổ biến tác phẩm âm nhạc, bản quyền về hòa âm, phối khí và kinh phí
cho các đơn vị nghệ thuật cần có sự bàn bạc, thống nhất để đảm bảo quyền lợi
cho các bên.
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế trong
việc sản xuất, phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng cũng
là một giải pháp không thể thiếu. Hiện nay, khán giả của HTV không chỉ trong
phạm vi trong Tp HCM, trong nước mà có
đông đảo khán giả ngoài nước, những nơi mà HTV phủ sóng qua vệ tinh. Trong hợp
tác quốc tế, cần tuân thủ chỉ đạo của Thành ủy về công tác đối ngoại. Trong
lĩnh vực truyền hình, cần tăng cường hợp tác, trao đổi về chuyên môn, công
nghiệp văn hóa, trao đổi phát sóng các chương trình ca nhạc và từ đó lan tỏa
được các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng Việt Nam ra với bạn bè thế
giới. Tổ chức hội thảo quốc tế về giá trị vĩnh hằng, giá trị truyền thống cách
mạng Việt Nam qua những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, một trong những
sức mạnh truyền thống thể hiện lòng yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc Việt
Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước.
3.4. Một số khuyến nghị
3.4.1. Đối
với các cấp lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh
Chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng giữ vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện
các chức năng nhiệm vụ tuyên truyền của một cơ quan báo chí của Tp HCM như HTV.
Từ trước đến nay, các cấp lãnh đạo Thành ủy, UBND Tp HCM là cơ quan lãnh đạo
trực tiếp của HTV, thường xuyên chỉ đạo qua các cuộc họp giao ban Ban Tuyên
giáo Thành ủy. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, với sự giảm sút khán giả xem
truyền hình, khó khăn về việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng, đề nghị Thành ủy, UBND Tp HCM cần tăng cường chỉ đạo và
tạo điều kiện để HTV đủ điều kiện duy trì, phát huy việc sản xuất và phát sóng
các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng, góp phần định hướng thẩm mỹ âm
nhạc cách mạng cho khán, thính giả xem Đài.
3.4.2.
Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hồ
Chí Minh
Đài HTV và Sở Văn hóa,
Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đều là đơn vị trực thuộc UBND Tp HCM, bên cạnh
vai trò quản lý nhà nước về tất cả các lĩnh vực văn hóa trên địa bàn, Sở VHTT
còn là cơ quan chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật thuộc sở như Trung tâm Ca nhạc
nhẹ, Đoàn Nghệ thuật Bông Sen và các Nhà hát nghệ thuật truyền thống, các đơn
vị nghệ thuật Trung ương đóng trên địa bàn như Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Đây
là nguồn chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng rất lớn, rất phong phú để
HTV phối hợp sản xuất và phát sóng. Như ở trên đã trình bày về nguồn lực tài
chính để HTV tự sản xuất chương trình và nguồn nhân lực của HTV đang ngày càng
khó khăn (HTV không còn lực lượng nhạc sĩ, không còn dàn nhạc và các nhạc công
như thời hoàng kim). Vì vậy, các chương trình ca nhạc do các đơn vị nghệ thuật
của Sở VHTT, của các Đoàn Nghệ thuật Trung ương
xây dựng là kho báu, là nguồn lực chương trình để HTV phát sóng (trực
tiếp hoặc phát lại). Sự phối hợp giữa Sở VHTT Tp HCM, các đơn vị nghệ thuật
công lập và ngoài công lập và HTV từ trước đến nay đã rất gắn bó và hiệu quả.
Tuy nhiên, có thể nâng cấp sự phối hợp lên một tầm cao mới, nhất là phối hợp
trong việc sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng.
3.4.3.
Đối với lãnh đạo Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Ban chuyên môn.
Trong điều kiện hiện
nay, HTV bên cạnh những thuận lợi, cơ hội cũng rất nhiều khó khăn thách thức
đan xen như đã trình bày ở trên, với cương vị là một học viên Cao học Quản lý
văn hóa và là một cựu nhạc sĩ đã từng nhiều năm công tác ở HTV, bản thân luôn
tâm huyết với chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng, luôn trăn trở làm
thế nào để duy trì và phát triển chương trình ca nhạc vừa có ý nghĩa chính trị,
vừa là món ăn tinh thần bổ ích của khán giả truyền hình. Vì vậy, bản thân muốn
khuyến nghị với lãnh đạo HVT, lãnh đạo các Ban Chuyên môn liên quan đến sản
xuất và phát sóng các chương trình truyền hình, cần đánh giá lại thời lượng,
chất lượng, tỷ lệ khán giả yêu mến và tâm huyết với các chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng – đang có chiều hướng giảm sút nhanh – để có kế hoạch,
định hướng, trước mắt là duy trì, giảm tốc độ giảm sút các chương trình mang ý
nghĩa cực kỳ quan trọng là chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng, chương
trình mà các bậc cha chú, đàn anh thời hoàng kim đã làm nên thương hiệu của
HTV.
Tiểu kết chương 3
Trong giai đoạn hiện
nay, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, các lĩnh vực truyền thông đa phương
tiện phát triển nhanh, mạnh như vũ bão ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực ca nhạc
truyền hình. Các phương tiện nghe nhìn ngày càng thuận lợi đối với khán giả.
Khán giả xem truyền hình ngày càng giảm sút mà tập trung vào màn hình
smartphone với nhiều nội dung vừa có tính cập nhật nhanh vừa có chất lượng hình
ảnh, âm thanh ngày càng cao. Bên cạnh đó, xu thế tiếp nhận các dòng nhạc quốc
tế ngày càng phong phú, đa dạng tạo nên những thách thức không nhỏ trong việc
duy trì và phát triển các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng.
Tuy nhiên, ca nhạc
truyền thống cách mạng là di sản âm nhạc của “Một thời hoa đỏ”, “Một thời đạn
bom, một thời hòa bình” của gần một thế kỷ qua, những giá trị giáo dục của dòng
nhạc này mãi trường tồn, mãi “đi cùng năm tháng”, mãi là “Bài ca không quên”
với cả dân tộc. Với những quan điểm của Đảng về văn hóa, HTV cần có những giải
pháp để duy trì và phát triển dòng nhạc truyền thống cách mạng. Đó là những giải
pháp về nâng cao nhận thức, giải pháp về cơ chế đầu tư tài chính, trang thiết
bị sản xuất và phát sóng, giải pháp về nâng cao chất lượng âm thanh, hình ảnh,
kịch bản, đạo diễn để chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng luôn hấp dẫn
khán giả truyền hình trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào.
KẾT LUẬN
1. Chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng được tổ chức sản xuất và phát sóng trên Đài Truyền hình
Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) liên quan đến cơ sở lý luận, hệ thống khái niệm về
văn hóa, văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc và các loại hình
cũng như chủ đề các chương trình ca nhạc, trong đó tập trung vào chủ đề ca nhạc
truyền thống cách mạng. Chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng như một pho
lịch sử bằng âm nhạc từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, qua các
thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giai đoạn chiến tranh
biên giới phía nam và phía bắc và cả trong thời kỳ xây dựng đất nước, những ca
khúc cách mạng có vai trò cực kỳ to lớn trong công tác tuyên truyền, như những
nhịp khúc quân hành cỗ vũ người chiến sĩ quên mình để giành lấy độc lập tự do
cho đất nước, cho dân tộc và động viên nhân dân đoàn kết trong công cuộc xây
dựng đất nước.
Luận văn mang mã ngành
quản lý văn hóa nên cũng cần làm rõ các khái niệm liên quan đến quản lý, quản
lý văn hóa, quản lý nhà nước về văn hóa. HTV là đơn vị sự nghiệp công hoạt động
trong lĩnh vực báo chí trực thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh nên chủ thể quản
lý chính là UBND thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, quản lý về
nội dung của Thành ủy, Ban Tuyên Giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông,
phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và các sở ngành liên quan ở Tp HCM. Đối tượng
quản lý về chất lượng và hiệu quả của chương trình ca nhạc truyền thống cách
mạng là những người sản xuất chương trình bao gồm lãnh đạo các phòng, ban, đội
ngũ thực hiện các cung đoạn sản xuất chương trình như đạo diễn, biên tập viên,
nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công và đội ngũ kỹ thuật viên.
Trải qua chặng đường dài lịch sử, bộ
máy tổ chức nhân sự của Đài cũng đã có nhiều thay đổi. Chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng được giao cho Ban Ca nhạc, được thành lập từ năm 1990.
Từ năm 2017 đến nay, về tổ chức bộ máy có nhiều thay đổi, chương trình ca nhạc
truyền thống cách mạng có chiều hướng giảm sút.
2. Ca khúc truyền thống
cách mạng là di sản văn hóa lớn của sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, được
hình thành trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh
biên giới phía bắc và biên giới Tây Nam, cả những ca khúc hình thành trong quá
trình xây dựng cuộc sống mới. Ca khúc truyền thống cách mạng có vai trò rất lớn
trong công tác tuyên truyền và giáo dục cả về tính Chính trị, xã hội, nghệ
thuật. Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Tp HCM, việc thường xuyên xây dựng
các chương trình phát thanh truyền hình các chương trình ca nhạc truyền thống
cách mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của HTV.
Trải qua 47 năm lịch sử
với từng giai đoạn hoàn cảnh lịch sử khác nhau, thực trạng về điều kiện kinh tế
- xã hội khác nhau, nhưng HTV luôn bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành
phố HCM trong việc định hướng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Chương trình ca
nhạc truyền thống cách mạng thường xuyên được giao cho các Ban tổ chức sản xuất
và phát sóng. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, HTV luôn được đầu tư phát triển đi
lên cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và kinh phí sản xuất các
chương trình. Đã có những giai đoạn truyền hình lên ngôi, HTV phát triển mạnh
mẽ nhất trong số các Đài truyền hình địa phương, phạm vi phủ sóng không chỉ ở
Tp HCM mà lan tỏa ra toàn quốc và quốc tế. Trong thời kỳ phát triển rực rỡ, HTV
đã có nhiều chương trình ca nhạc mang tầm cỡ quốc tế với lượng khán giả và tỷ
lệ các khúc cách mạng cao kỷ lục với những chương trình nổi bật như: Hát về
thời hoa đỏ, Bài ca không quên, tiếng hát mãi xanh v.v... Những thành tựu HTV
trong việc sản xuất và phát sóng chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng là
rất lớn. Tuy nhiên cũng còn nhiều hạn chế bởi những nguyên nhân chủ quan và
khách quan.
Nguyên nhân khách quan
là thời đại 5 năm trở lại đây, sự phát triển như vũ bão của các phương tiện
truyền thông qua mạng Internet. Màn ảnh truyền hình dần dần nhường chỗ cho màn
hình smartphone, các đề tài ca nhạc cũng ngày càng đa dạng, chiếm lĩnh và lấn
sân dòng ca khúc cách mạng truyền thống….
3. Trong giai đoạn hiện nay, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, các
lĩnh vực truyền thông đa phương tiện phát triển nhanh, mạnh như vũ bão ảnh
hưởng không nhỏ đến lĩnh vực sản xuất và phát sóng các chương trình ca nhạc
truyền hình. Các phương tiện nghe nhìn ngày càng thuận lợi đối với khán giả.
Khán giả xem truyền hình ngày càng giảm sút mà tập trung vào màn hình
smartphone với nhiều nội dung vừa có tính cập nhật nhanh vừa có chất lượng hình
ảnh, âm thanh ngày càng cao. Bên cạnh đó, xu thế tiếp nhận các dòng nhạc quốc
tế ngày càng phong phú, đa dạng tạo nên những thách thức không nhỏ trong việc
duy trì và phát triển các chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng.
Tuy nhiên, ca nhạc
truyền thống cách mạng là di sản âm nhạc của “Một thời hoa đỏ”, “Một thời đạn
bom, một thời hòa bình” của gần một thế kỷ, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ khốc liệt, những giá trị giáo dục của dòng nhạc này mãi trường
tồn, mãi “đi cùng năm tháng”, mãi là “Bài ca không quên” với cả dân tộc. Với
những quan điểm của Đảng về văn hóa, HTV cần có những giải pháp để duy trì và
phát triển dòng nhạc truyền thống cách mạng. Đó là những giải pháp về nâng cao
nhận thức, giải pháp về cơ chế đầu tư tài chính, trang thiết bị sản xuất và
phát sóng, giải pháp về nâng cao chất lượng âm thanh, hình ảnh, kịch bản, đạo
diễn để chương trình ca nhạc truyền thống cách mạng luôn hấp dẫn khán giả
truyền hình trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào.
4. Trong phạm vi một
luận văn cao học, với sự trăn trở của một người đã từng gắn bó hơn nửa cuộc đời
với công việc sáng tác, hòa âm phối khí trong việc sản xuất và phát sóng các
chương trình ca nhạc trên HTV, sau khi nghiên cứu với góc độ quản lý văn hóa,
học viên cũng mạnh dạn đưa ra một số đề xuất khuyến nghị với mong muốn, khát
khao cháy bỏng để không quên đi “những bài ca không thể nào quên”, để thế hệ
sau còn nhớ đến hàng nghìn ca khúc đã được sáng tác trong thời đại Hồ Chí Minh
tiếp tục được duy trì và phát sóng trên sóng Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí
Minh cho khán, thính giả trong và ngoài nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A. Xô-Khor (1978) Vũ Tự
Lân dịch, Vai trò giáo dục của âm nhạc,
Nxb Văn hóa
2. Dương Viết Á (2005) Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa (tập 1,2), Nxb Âm nhạc, Hà nội
3. Phan Quốc Anh (2019), Tập bài giảng Quản lý hoạt động nghệ thuật,
Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh
4. Phan Quốc Anh (2018), Tập bài giảng Đường lối văn hóa văn nghệ của
Đảng, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Ban Tư tưởng văn hóa
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2000) 100
Ca khúc chào thế kỷ. Nxb Thanh Niên.
6. Ban Chấp hành Trung ương (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW
Hội nghị lần thứ chín BCH TƯ Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa,
con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nxb CTQG.
7. Nguyễn Bách (2011), Thuật ngữ âm nhạc, Nxb Thanh Niên.
8. Lê Duy Bắc (2013), Giáo trình học phần Lý luận văn hóa và phát
triển, Viên Văn hóa và Phát triển.
9. Nguyễn Duy Bắc (T.c)
(2001), Về lãnh đạo, quản lý văn học,
nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
10. Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết số 23-NQ/TƯ
ngày 16/06/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục phát triển văn hóa nghệ thuật
trong thời kỳ mới.
11. Lê Ngọc Canh (2010), “Nghệ thuật biểu diễn
truyền thống trong thế giới hội nhập”, trong Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa trong thế giới hội nhập, Nxb.
Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
12. Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp nghiên cứu khoa học Văn hóa Nghệ thuật, Nxb. Khoa học
Xã hội. Hà Nội
13. Chính phủ (2021) Nghị định số 60/NĐ-CP Ngày
21/6/2021 Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
14. Chính phủ (2009), Nghị định số 73/1999/NĐ-CP
ngày 19/8/2009 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các
hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
15. Chính phủ (2020), Nghị định số 79/2012/NĐ-CP
ngày 05/10/2020 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời
trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca
múa nhạc, sân khấu
16. Chính phủ (2020), Nghị định 144/2020/NĐ-CP
Ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Điều 4, Khoản 1.
17. Chính phủ (2021) Nghị
định 38/2021/NĐ-CP 29/3/2021 xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
18. Đào Ngọc Dung (2006), Phân tích ca khúc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
19. Nguyễn Đức Dũng (2013), Tổ chức sản xuất ký sự truyền hình ở các đài Phát thanh và Truyền hình
miền Đông Nam Bộ (Khảo sát từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013), Luận văn cao
học, Học viện Báo chí Tuyên truyền
20. Tạ Văn Dương (2012), Tổ chức sản xuất chương trình chuyên đề ở
Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, (Khảo sát Đài Phát thanh Truyền
hình Bắc Giang và Bắc Ninh), Luận văn Cao học. Học viện Báo chí Tuyên truyền.
21. Đài Truyền hình Thành
phố Hồ Chí Minh (2018, 2019, 2020, 2021, 2022) Báo cáo Tổng kết năm 2018, 2019,
2020, 2021, 2022.
22. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII.
Nxb Chính trị quốc gia.
23. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính
trị quốc gia, H.
24. Phan Hồng Giang - Bùi
Hoài Sơn (2015), Quản lý văn hóa ở Việt
Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội.
25. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Trung ương (2009), Văn học nghệ thuật
trong cơ chế thị trường và hội nhập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội.
26. Lương Thị Hòa (2022) Quản lý nhà nước đối với nghệ thuật biểu diễn hiện nay, Luận án
tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật, Hà nội.
27. Học viện Hành chính
Quốc gia (2009), Giáo trình quản lý học
đại cương, Nxb KH&KT, Hà Nội
28. Lan Hương (biên dịch),
(2002), Các thể loại âm nhạc, Nxb Văn
hóa Thông tin.
29. Đặng Thị Thu Hương
(2009), Phát thanh trong cuộc cạnh tranh
truyền thông đại chúng, Đề tài cấp Đại học, Đại học Quốc gia, Hà Nội
30. Vũ Thanh Hường (2003), Tổ chức sản xuất các chương trình trò chơi
truyền hình (Khảo sát trên VTV3, Đài THVN từ 1996 - 2003) Khoa Báo chí,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
31. Lê Đỗ Quỳnh Hương (2014) Truyền hình thực tế âm nhạc tại Việt Nam hiện nay dưới góc độ giáo dục
thẩm mỹ. Luận văn cao học, Nhạc viện Tp HCM.
32. Nguyễn Thụy Kha (2017) Thế kỷ âm nhạc Việt Nam- Một thời đạn bom. Nxb
Văn học.
33. Nguyễn Thụy Kha (2017) Thế kỷ âm nhạc Việt Nam- Một thời hòa bình. Nxb Văn học.
34. Trần Bảo Khánh (2003), Sản xuất chương trình truyền hình, NXB
Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
35. Mai Văn Khuê (2003): Lý luận quản lý nhà nước. Nxb. Hà Nội. Tr.68
36. Nguyễn Phúc Linh (2002), Âm nhạc dân gian truyền thống và đời sống của nó trong xã hội đương đại,
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
37. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, (chủ
biên), Lâm Trúc Quyên – Chủ biên (2019), Giáo
trình lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà nội.
38. Michael Gesber (2008), Để trở thành nhà quản lý hiệu quả, Khánh Chi dịch, Nxb. Lao động Xã
hội, Hà Nội.
39. Nhiều tác giả (1997) Hồi ức 50 năm âm nhạc cách mạng miền Nam, Nxb Văn nghệ
40. Nhiều tác giả (1997) "Tính chiến đấu và tính nghệ thuật trong ca khúc cách mạng của
nhạc sĩ Lưu Hữu Phước”, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
41. Nhiều tác giả (2003) Giáo Trình Lý Luận Văn Hóa Và Đường Lối Văn
Hóa Của Đảng Cộng Sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội
42. Nhiều tác giả (2004), Tuyển chọn ca khúc Bài ca người lính, Nxb Hà Nội.
43. Nhiều tác giả (2004), Nổi trống lên, rừng núi ơi! Nhà xuất bản Thanh niên.
44. Nhiều tác giả (2010) Kỷ yếu khoa học: Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống, Đại
học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.
45. Nhiều tác giả (2010), Tổng tập âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc.
46. Nhiều tác giả (2010), Quan điểm văn hóa, nghệ thuật cũng là một
mặt trận của Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay,
Nxb Văn nghệ.
47. Nhiều tác giả (2010), Tập ca khúc Hồ Chí Minh Tên người sáng mãi, Nxb Văn hóa thông tin.
48. Tú Ngọc (1975), “Những bước đi, thành tựu của
âm nhạc 30 năm qua (1945 – 1975) và những triển vọng của nó” Tạp chí Nghệ thuật
số 6/1975
49. Nguyễn Đăng Nghị (2009) “Những đặc trưng ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 - 1975”,
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
50. Nguyễn Đăng Nghị (2005),
“Âm nhạc Việt Nam thời kỳ đổi mới, thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 5-2005).
51. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức, thể loại âm nhạc, Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
52. Tú Ngọc (Chủ biên),
(2000), Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
53. Nhiều tác giả (2006) Âm nhạc Việt Nam - Tác giả Tác phẩm (tập 1,2,3,4,5,6). Viện Âm nhạc,
Hà Nội.
54. Nguyễn Thị Nhung (2006), Âm nhạc Việt Nam - tác giả tác phẩm, Viện Âm nhạc, H.
55. Nguyễn Thị Tuyết Nhung
(2011), Hiệu quả kinh tế và xã hội của
họat động xã hội hóa sản xuất chương trình ở Đài Truyền hình Việt Nam. Luận
văn Thạc sĩ, khoa Báo chí và Truyền thông (ĐHKHXH và NV)
56. Nguyễn Thị Như Nhường (2008), Ca khúc trong đời sống âm nhạc ở Thành phố
Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến nay, Luận văn cao học âm nhạc, Nhạc viện Tp
HCM.
57. Nguyễn Văn Tình (2009), Chính sách văn hóa trên thế giới và việc hoàn thiện chính sách văn hóa
ở Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.
58. Phạm Minh Tuấn (2013) Bài ca không quên, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí
Minh.
59. Phạm Tuyên (1982), Các bạn trẻ đến với âm nhạc, Nxb Thanh niên
60. Nguyễn Hồng Phượng (2021), Hoạt động tổ chức sản xuất chương trình
chuyên đề về văn hóa của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn
thạc sĩ, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
61. Trần Quang (2005), Các thể lọai báo chí chính luận, NXB Đại
học Quốc gia, Hà Nội
62. Nguyễn Đình San (2021), Sức hấp dẫn của nhạc
đỏ, Website của Hội Nhạc
sĩ Việt Nam, truy cập ngày 20/9/2022
63. Dương Xuân Sơn (2009), Giáo trình báo chí truyền hình, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội
64. Tạ Ngọc Tấn (2001), Truyền thông đại chúng, NXB Chính trị Quốc Gia
65. Trần Quốc Vượng (1995), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
66. Phạm Phương Thùy (2014), “Quản lý nhà nước đối
với hoạt động nghệ thuật biểu diễn” Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 361, tháng
7-2014
67. Bùi Quang Thắng (2005), Văn hóa học nghệ thuật, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội
68. Đình Quang (1962) Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn, Nxb VHTT, Hà Nội
69. Tô Ngọc Thanh (chủ biên, 2003), Hợp tuyển
nghiên cứu lý luận phê bình Âm Nhạc Việt Nam thế kỷ 20, Nxb Âm nhạc.
70. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb.
Thành phố Hồ Chí Minh.
71. Ủy ban quốc gia về Thập
kỷ quốc tế phát triển văn hóa (1992), Thập
kỷ thế giới phát triển văn hóa. Bộ văn hóa, Thông tin và thể thao, Hà Nội
72. Uỷ ban nhân dân Tp HCM, Quyết định về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Đài Truyền hình
Tp HCM, ngày 02 tháng 02 năm 2007.
73. Hoàng Vinh, Tập bài giảng lý luận văn hóa, Đại học
Văn hóa Hà Nội.
74. Tô Vũ (2002)
Âm nhạc Việt Nam truyền thống & hiện đại, Nxb VHDT
75. Vũ Văn Phúc, Nguyễn Duy
Hùng (2012), Phát triển nguồn nhân lực
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nxb
chính trị Quốc gia.
Tài liệu tiếng nước
ngoài
76. Joseph Kristine (1994)
The enjoyment of music , Mayfield
77. Nhac Viet The Journal of
Vietnamese music. Proceedings of the conference on tradition versus
modernization Hanoi-Vietnam. Vol.3 num.1 & 2
78. Archibald T.Davison and Willi Apel (1966)
Historical Anthology of Music, Harvard University Press
79. https://hoctruyenhinh.wordpress.com/b-tai-lieu/truy cập ngày 27/9/2022
80. http://www.hoinhacsi.vn/ban-ve-ca-khuc-cach-mang-hien-nay-suc-hap-dan-cua-nhac-do (Nguyễn Đình San, Đăng ngày 16/08/2021) Truy cập ngày 02/01/2023
81. Thư viện Pháp luật.
Quyết định số 1909/QĐ TTg ngày 12/11/2021 vê việc phê duyệt chiến lược phát
triển văn hóa đến năm 2030. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-1909-QD-TTg-2021-phe-duyet-Chien-luoc-phat-trien-van-hoa-den-2030-494295.aspx. Truy cập ngày 14/2/2023
83. (Văn kiện Quốc Hội toàn
tập tập IV (1971-1976) https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=1185 Truy cập ngày 20/7/2022
84. https://www.htv.com.vn/duc-tuan-cuoc-thi-tieng-hat-truyen-hinh-la-buoc-dem-quan-trong-trong-su-nghiep, truy cập ngày 12/7/2022
85. Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh,
ngày, ngày 15-2-2021, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tim-hieu-ve-khong-gian-van-hoa-va-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-1491874710, truy cập ngày 12/11/2022
[1]
Website https://hoctruyenhinh.wordpress.com/b-tai-lieu/truy
cập ngày 27/9/2022
[2]
Hoàng Vinh, Tập bài giảng lý luận văn
hóa, Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Ban Văn nghệ lúc đó do Nhạc sĩ Bửu Huyền làm Trưởng Ban; phó ban
là ông Hoàng Điền và Nguyễn Nguyên Bảy. Ban Văn nghệ gồm có 4 mảng: Sân khấu,
Ca nhạc, Thiếu Nhi và Phòng Phát Thanh FM.
[4] Ca sĩ Thanh Thúy hiện nay đang là Phó GĐ Sở VHTT Tp HCM
[5] Lời của Chủ tịch
Hồ Chí Minh trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa, đăng trên
Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952, trong bối cảnh toàn dân đang thực hiện
đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược.
[6] Format chương trình, hay
còn gọi kịch bản chương trình, là một văn bản ghi lại chi tiết tất cả các yếu tố làm nên một
chương trình bao gồm thể loại, hình thức, nội dung, thời lượng, khách mời,
người dẫn chương trình. Chẳng hạn các chương trình Got talent, The Voi v.v…