Tiểu luận Việt Nam học: NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

 




* Tóm tắt: Nhắc đến các loại hình sân khấu, không thể không nghĩ tới Đờn ca tài tử Nam Bộ. Mang trong mình những đặc trưng riêng nên loại hình nghệ thuật truyền thống này thu hút được một lượng lớn khán giả trong và ngoài nước. Từ khái niệm, nguồn gốc, đặc điểm đến những giá trị khiến cho lớp trẻ hiện nay càng thêm hiểu, yêu mến, trân trọng giữ gìn nét nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Từ những giá trị đó tiến hành đưa Đờn ca tài tử vào phát triển du lịch.

1. Mở đầu

Âm nhạc là một nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người. Bằng ngôn ngữ đặc thù của mình: Giai điệu, nhịp điệu, tính chất chặt chẽ về tiết tấu, sự hài hòa về âm thanh đã giúp mang lại cảm xúc êm dịu, thoải mái, tạo sự phấn khởi trong tinh thần, giúp con người sống thân thiện, hòa nhã, giáo dục con người sống tốt hơn. Trong vô vàn loại hình nghệ thuật, âm nhạc không thể không nhắc đến Đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ, từ những ngày đầu mở đất, là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam. Nghệ thuật đờn ca tài tử là một viên ngọc cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh văn hoá truyền thống của vùng Nam Bộ nói riêng, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung.

Hiện nay ở Việt Nam có rất ít đề tài nghiên cứu chuyên sâu về loại hình nghệ thật đờn ca tài tử Nam Bộ mặc dù ở nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có các đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt định kỳ mỗi tuần, mỗi tháng. Đề tài nghiên cứu sẽ cung cấp một phần tài liệu cho việc nghiên cứu về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ giúp thế hệ trẻ thêm yêu mến, trân trọng, giữ gìn văn hóa của dân tộc. Cùng với đó là việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đờn ca tài tử phục vụ cho việc phát triển du lịch, thúc đẩy nền kinh tế của Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Tìm hiểu một cách sâu hơn có thể thấy, nghệ thuật Đờn ca tài tử không chỉ được người Việt Nam yêu mến mà cả những người nước ngoài tại các nước trên thế giới từ lâu đã biết đến và quý trọng vốn nghệ thuật vừa bình dân vừa cao quý này. Còn hiện tại, Đờn ca tài tử vẫn là loại hình nghệ thuật dân tộc được nhiều du khách nước ngoài chọn khám phá, thưởng thức khi đến Việt Nam. Bản thân tôi không phải là một người con sinh ra và lớn lên tại vùng đất Nam Bộ, nhưng lại bị ấn tượng bởi những bản Nam Ai, câu hò, điệu lý hết sức mộc mạc nhưng lại không kém phần cao quý. Đó cũng là lý do khiến tôi chọn đề tài: “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ gắn với phát triển du lịch”.

2. Nội dung

2.1. Cơ sở lý luận

Đờn ca tài tử Nam Bộ là dòng nhạc dân gian, cổ xưa của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn. Hiện nó tác động tới 21 tỉnh thành phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta, nổi bật nhất đó là Đờn ca tài tử Bạc Liêu. Đờn ca tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam Bộ, vừa mang tính bác học, vừa dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization), một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư. Du lịch có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế nhưng nó cũng có vai trò trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, môi trường và con người. Việc phát triển du lịch trong một điểm đến phụ thuộc vào cả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và các tài nguyên hữu hình, vô hình khác. Sự phát triển không cân đối, tự phát sẽ dẫn đến cạn kiệt các loại tài nguyên, dẫn đến số lượng du khách giảm dần, chất lượng cuộc sống của cư dân cũng giảm sút theo. Xu hướng hiện nay đối với ngành ngành du lịch hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và bảo vệ đặc điểm văn hóa xã hội của quốc gia. Phát triển du lịch ngoài việc gia tăng cơ hội để du khách được đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các sản phẩm dịch vụ chất lượng từ nguồn lực các bên liên quan đưa vào điểm đến, ngành du lịch còn cần bảo vệ giá trị văn hóa và hệ thống giá trị truyền thống vô cùng quý giá của các cộng đồng cư dân ở địa phương, quốc gia.

2.2. Nguồn gốc và đặc điểm của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

2.2.1. Nguồn gốc

          Trước đây đã lâu, trong giới đàn ca tài tử và trong dân gian có ba cách gọi khác nhau: Ca nhạc tài tử, Đàn ca tài tử, Đờn ca tài tử. Tên gọi “ca nhạc tài tử”, “đàn ca tài tử” còn mang hơi hướng tân nhạc, chỉ có “đờn ca tài tử” thể hiện được tính dân gian và tính đặc thù của vùng đất Nam Bộ, nhưng chỉ gọi “đờn ca tài tử” không là chưa đủ nghĩa, vì Đờn ca tài tử của vùng nào chưa được đề cập tới. Qua một thời gian khá dài, các nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã nhiều năm tranh luận với nhau thông qua diễn đàn báo chí, các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm… ở các cấp, cuối cùng đã thống nhất tên gọi là “Đờn ca tài tử Nam Bộ”.

          Từ trước đến nay có một số nhà nghiên cứu đã nghiên cứu loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhất là tìm tư liệu để chứng minh ai là người có công đã sáng tác ra dòng nhạc tài tử Nam Bộ, nhưng vẫn chưa có kết luận nào đáng tin cậy, kể cả các cuộc hội thảo về nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (ba Đợi) với nhạc lễ, nhạc tài tử Nam Bộ do Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Long An tổ chức vào tháng 3 năm 1996. Theo như phủ tự họ Nguyễn Nhữ thì ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) thuộc dòng dõi họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế ngày nay. Ông sinh năm Mậu Ngọ 1858, ông là quan nhạc của triều đình thời Nguyễn, được triều đình trọng dụng dưới thời Tự Đức (1848 – 1883) và Hàm Nghi (1844 – 1885). Sau biến cố Kinh đô Huế thất thủ năm 1885 của triều đình Hàm Nghi, ông Nguyễn Quang Đại cùng nhiều quan lại, dân lính triều đình chạy về phương Nam lánh nạn, với vốn ca nhạc Huế sẵn có ông đã cải biên một số bài bản trở thành đặc trưng âm nhạc Nam Bộ và tạo nên phong trào Đờn ca tài tử Nam Bộ ở miền Đông do ông đứng đầu, nhóm miền Tây (Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho) do ông Trần Quang Quờn đứng đầu, nhóm Bạc Liêu, Rạch Giá do ông Lê Tài Khị (1862 – 1924) quê ở Bạc Liêu đứng đầu và ông được tôn là hậu tổ nhạc Khị.

Sau nhiều năm, ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), Trần Quang Quờn, nhạc Khị và nhiều nghệ nhân khác ở Nam Bộ đã cải biên, sáng tạo bổ sung một số bài bài từ điệu thức Bắc, Nam. Đặc biệt điệu thức Oán Chánh, Oán Phụ là hoàn toàn do những người sống ở vùng đất Nam Bộ sáng tạo nên. Tất cả các bài bản được cải biên, sáng tạo bổ sung đều thể hiện được tính đặc trưng Nam Bộ. Trong hàng trăm bài bản của dòng nhạc tài tử Nam Bộ, có một số bài bải do các nghệ sĩ, nghệ nhân Nam Bộ sáng tạo nên. Qua đó cũng khẳng định rằng dòng nhạc tài tử Nam Bộ và phong trào Đờn ca tài tử Nam Bộ là do nhiều bậc nghệ nhân, nhạc sĩ và nhiều lớp người sống trên vùng đất Nam Bộ và lợi thế về nền tảng âm nhạc dân ca Nam Bộ, về thiên nhiên… từ đó sáng tạo nên. Từ nhạc cung đình Huế lan tỏa vào, trên cơ sở đó các nghệ nhân, nhạc sĩ cải biên thêm thành nhạc tài tử Nam Bộ. Đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX (khoảng năm 1885).

2.2.2. Đặc điểm

          Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia Đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Các bài bản của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Các bài bản này được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cô và đặc biệt là từ 20 bài gốc cho 4 điệu, gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia li). Nhạc cụ được sử dụng trong đờn ca tài tử khá phong phú, bao gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan,… Từ khoảng năm 1930 thì có thêm đàn ghita phím lõm, violin, ghita Hawaii (đàn hạ uy cầm). Người thực hành Đờn ca tài tử gồm người dạy đàn (thầy Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi các nhạc cụ, người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới, người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến,…; người Đờn (Danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca là người thể hiện các bài bản bằng lời.

Đờn ca tài tử cũng bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật. Nhờ đó mà nó gây được xúc cảm, nó dân giã và gần gũi. Để tạo nên những bản đờn ca hay, cuốn hút lòng người cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả đờn và ca. Tiếng đờn cất lên, tiếng ca vang vọng khắp sông nước như nói hộ tiếng lòng của người dân miền Tây Nam Bộ. Ở đó có niềm vui, có nỗi buồn, có hạnh phúc và cả sự chia ly. Người dân Nam Bộ đi đâu cũng tự hào về tài sản tinh thần chung là Đờn ca tài tử của miền sông nước quê mình. Ngồi quây quần, nghe bạn ca – đờn, ai cũng có thể gật gù theo tiếng song loan gõ nhịp, thưởng thức cung bậc bổng trầm, cảm câu ca, chữ nhạc và đánh giá tổng hòa bằng lời xuýt xoa: “mùi quá”, “đã quá” hoặc cười xòa khi người thể hiện bị lỡ nhịp. Không khó để người ta có thể thưởng thức được những điệu đờn ca tài tử khi đến với miền Tây sông nước. Đến đây, đi ở ngoài đường, thỉnh thoảng ta vẫn có thể nghe một câu vọng cổ vang vọng đâu đó, ngồi trên sông cũng có thể nghe vài điệu đờn ca vọng lại từ xa. Vào những đêm trăng sáng, ở các miệt vườn, các bến tàu, bến thuyền, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những đội diễn đờn ca tài tử của người dân miền Tây. Nó giống như một nét văn hóa đặc trưng, một nếp sinh hoạt thường ngày của con người miền sông nước vậy. Đối với họ, đó là một lối sống. Có thể nói, đối với người dân miền Tây, tình yêu với bộ môn nghệ thuật này đã thấm vào máu thịt của họ.

2.3. Giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

          Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật vừa có tính bình dân, lại vừa mang tính chất bác học. Bình dân là ai cũng có thể tham gia vào hoạt động đờn ca, có thể biểu diễn trong khả năng và thị hiếu thẩm mỹ của mình. Tính chất bác học của Đờn ca tài tử chính là sự quy củ, yêu cầu khắt khe, lớp lang chặt chẽ, có lý thuyết, có thực hành, thể hiện qua 20 bài bản Tổ do những nghệ nhân tài hoa trước đây dày công sáng tạo. Dù đã trải qua biết bao thay đổi về điều kiện xã hội, kinh tế,…nhưng loại hình nghệ thuật này vẫn giữ nguyên những giá trị của mình trong dòng chảy thăng trầm của dân tộc.

          So với các loại hình nghệ thuật khác như: Ca trù, Quan họ, Nhã nhạc cung đình Huế thì Đờn ca tài tử Nam Bộ có bề dày về thời gian khá ít. Tuy nhiên, Đờn ca tài tử Nam Bộ lại đáp ứng khá đầy đủ các tiêu chuẩn về xét công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể theo định nghĩa “Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”. Đờn ca tài tử Nam Bộ còn có giá trị lịch sử quan trọng khi bản thân sự ra đời của nó là một trong những minh chứng bằng nghệ thuật những biến đổi quan trọng trong lịch sử dân tộc. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của nó gắn chặt với sự thay đổi, biến động của triều đại phong kiến nhà Nguyễn hay sự giao thoa nghệ thuật – âm nhạc Bắc – Nam; Đông – Tây: trong nước và quốc tế…

          Cho tới nay, Đờn ca tài tử vẫn tồn tại ở các tỉnh Nam Bộ như một nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người dân. Nhiều bài bản của nó vẫn được truyền dạy ở các trường nghệ thuật, các lớp dạy tư của nghệ nhân, nghệ sĩ cả ba miền đất nước cũng như ở nước ngoài. Giới trẻ vẫn có những người theo học loại hình nghệ thuật tinh xảo này. Nhạc sư danh tiếng Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục tiếp nhận và trao truyền không mệt mỏi vốn cổ nhạc quý giá này cho học trò khắp bốn phương. Nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu sâu sắc về cổ nhạc Nam Bộ. Bên cạnh họ còn nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân tài năng và các nhà nghiên cứu trẻ thuộc những thế hệ kế tiếp nhau cùng tiếp bước... Đờn ca tài tử thực sự là một hiện tượng lớn của âm nhạc Việt Nam trong thời cận – hiện đại. Ở đó không chỉ có sự kế thừa, gìn giữ trong tinh thần tự tin, tự hào với di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, mà còn có sự tiếp nối và phát triển với sức năng động lớn lao – không ngừng đổi mới, tiếp thu và dân tộc hóa những yếu tố mới để thích ứng với thời đại. Đó không chỉ là một sản phẩm của văn hóa và con người Việt Nam, mà còn là một mẫu mực điển hình của sức sống Việt Nam trong thời cận – hiện đại, một tấm gương sáng cho muôn đời sau – không chỉ với giới nhạc cổ truyền mà cả giới nhạc mới trong việc kế thừa, bảo tồn và phát triển để thích ứng với thời đại mới.

          Đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời, tồn tại, biến đổi và phát triển ở vùng đất Nam Bộ mang âm hưởng cuộc sống của người dân Nam Bộ. Đó cũng là minh chứng rõ nét cho đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ khá phong phú và luôn tiếp thu những tinh hoa trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc cũng như sự giao thoa của âm nhạc hiện đại phương Tây. Nam Bộ, vùng đất mới, vùng đất của sự giao thoa lịch sử - văn hóa – kinh tế - xã hội là môi trường thuận lợi cho đờn ca tài tử Nam Bộ tồn tại và phát triển. Nghệ thuật phát triển và hội nhập của Đờn ca tài tử Nam Bộ cho thấy Nam Bộ là mảnh đất lành, cũng là điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển thuận lợi.

2.4. Đờn ca tài từ Nam Bộ trong phát triển du lịch

          Việc khai thác Đờn ca tài tử vào hoạt động du lịch là một xu thế tất yếu của thời đại nhưng vấn đề là đưa di sản văn hóa này vào hoạt động du lịch như thế nào để có thể thực sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong hoạt động du lịch. Ngành du lịch tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá rộng rãi với nhiều du khách trong và ngoài nước về các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có các nghệ nhân Đờn ca tài tử; kích thích thêm sự phát triển của việc học tập, kế thừa bảo tồn các loại hình nghệ thuật.

          Ngày 30/12/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định số 2473/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Chiến lược đề ra với những nội dung chủ yếu quan điểm, mục tiêu, giải pháp và chương trình hành động cụ thể. Quan điểm của ngành là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm; phát triển song song du lịch nội địa và du lịch quốc tế, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tập chung huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển du lịch. Mục tiêu tổng quát của ngành du lịch là đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

          Trong “Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” nhấn mạnh quan điểm “đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả nước, nâng cao vị thế ngành du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế  về vị trí, tài nguyên của Vùng”. Cùng với mục tiêu phát triển du lịch “dựa trên thế mạnh của từng khu vực, từng địa bàn trong Vùng, tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo điểm đến đặc trưng khu vực, mở ra khả năng kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng, liên quốc gia, tạo hiệu quả kinh tế cao từ du lịch, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch trong Vùng, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án về du lịch có quy mô và chất lượng quốc tế”.

Bên cạnh đó, trong buổi lễ đón nhận bằng công nhận đờn ca tài tử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO trao cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã công bố “Chương trình hành động Quốc gia về bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong giai đoạn 2014 - 2020”, bao gồm 7 nội dung cơ bản. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn... để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các “bài Tổ”, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong cuộc sống đương đại. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức thường xuyên và định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tới công chúng. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các nghệ nhân đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc. Tạo mọi điều kiện để nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ có nhiều cơ hội giao lưu, trình diễn ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ ở các địa phương; định kỳ 3 năm một lần tổ chức Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc. Trong đó, chương trình nhấn mạnh: “Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các nghệ nhân đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử”.

3. Kết luận

          Tổ chức UNESCO đã vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Nam Bộ, của người Việt Nam chúng ta mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng của kho tàng văn hóa thế giới. Đó còn là một minh chứng cho sự phát triển và hội nhập vào dòng chảy văn minh thế giới của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đây bạn bè quốc tế có thể hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam hiền hòa, thân thiện luôn luôn sẵn sàng chào đón mọi người khắp nơi trên thế giới đến để giao lưu và học hỏi. Ngoài ra, việc khai thác giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào các chương trình du lịch sẽ góp phần quảng bá hình ảnh dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Trong tương lai không xa du lịch Việt Nam sẽ được đông đảo bạn bè Thế giới biết đến nhờ những giá trị đặc sắc của các loại hình nghệ thuật dân tộc mà tiêu biểu là nghệ thuật Đờn ca tài tử.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mỹ Hạnh, Vị trí cho Đờn ca tài tử trong du lịch. An Giang Online. Ngày 08/08/2017. Truy cập từ: https://baoangiang.com.vn/vi-tri-cho-don-ca-tai-tu-trong-du-lich-a134885.html. [Ngày truy cập: 24/01/2022].

2. Bảo tồn và phát huy di sản thế giới Đờn ca tài tử Nam Bộ. Special.vietnamplus.vn. Truy cập từ: https://special.vietnamplus.vn/2020/08/24/doncataitu/?amp&fbclid=IwAR26vETIggU-sS99JQWcRVC82QogeZFr90HwbdA6mPE3OEgqEy_piH_Xxo8. [Ngày truy cập: 25/01/2022].

3. Hà Thái, Giải pháp đưa Đờn ca tài tử đến với du khách và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào Đờn ca tài tử. Tổng cục du lịch Viện  nghiên cứu phát triển du lịch ITDR. Ngày 11/03/2019. Truy cập tại: http://itdr.org.vn/giai-phap-dua-don-ca-tai-tu-den-voi-du-khach-va-phat-trien-san-pham-du-lich-dac-thu-dua-vao-don-ca-tai-tu/. [Ngày truy cập: 25/01/2022].

4. Phan Thùy Linh, Đờn ca tài tử Nam Bộ, nét đẹp văn hóa miền sông nước. Hương sắc miền Tây. Ngày 06/09/2019. Truy cập tại: https://huongsacmientay.com/don-ca-tai-tu-nam-bo-net-dep-van-mien-song-nuoc/#ftoc-heading-2. [Ngày truy cập: 24/01/2022].

5. Phan Võ Thu Tâm (2015). Khai thác các giá trị văn hóa nghệ thuật của đờn ca tài tử Nam Bộ - Việt Nam phục vụ phát triển du lịch. Luận văn thạc sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam.

6. Đờn ca tài tử là gì? Ông tổ và thuyết minh về đờn ca tài tử. Lạc Việt Audio. Truy cập từ: https://amthanhthudo.com/don-ca-tai-tu-la-gi.html. [Ngày truy cập: 24/01/2020].

 

 


văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn