GIỚI TRẺ ĐỐI VỚI DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH
ĐẶNG THÙY LINH
Sinh viên Trường Đại học
Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh
Việt Nam là một quốc gia có nền văn
hóa lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc, điều đó được thể hiện qua lịch sử phát
triển của đất nước, tín ngưỡng, tôn giáo, trang phục, ẩm thực,… và có cả âm nhạc.
Thật vậy, âm nhạc Việt Nam có một bề dày lịch sử lâu dài gắn với quá trình hình
thành và phát triển của dân tộc, từ các loại hình âm nhạc cổ truyền như hát xẩm, chèo, ca trù, hò, cải lương, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca,...đến các dòng nhạc cách mạng thời chiến rồi
nhạc tân thời và bây giờ là dòng nhạc trẻ với nhiều thể loại. Trong âm nhạc cổ
truyền thì dân ca là một trong các thể loai âm nhạc cổ truyền lâu đời nhất, được
lưu truyền nhiều trong dân gian. Dân ca có nhiều làn điệu từ khắp các miền cộng
đồng người, thể hiện qua có nhạc hoặc không có nhạc của các dân tộc Việt Nam, do chính người dân lao động tự sáng tác theo tập
quán, phong tục. Các làn điệu dân ca thể hiện phong cách bình dân, sát với cuộc
sống lao động mọi người. Các dịp biểu diễn thường là lễ hội, hát làng nghề, thường
ngày cũng được hát lên trong lao động để động viên nhau, hay trong tình yêu đôi
lứa, trong tình cảm giữa người và người. Tuy nhiên mỗi tỉnh thành của Việt Nam
lại có âm giọng và ca từ khác nhau nên dân ca cũng có thể phân theo tỉnh nhưng
gọi chung theo miền cho dễ vì nó cũng có tính chung của miền như miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Trong đó ở miền Bắc Việt Nam có
một làn điệu dân ca rất nổi tiếng và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể đó là dân ca quan họ Bắc Ninh.
Dân ca quan họ Bắc Ninh
là thể loại âm nhạc tiêu biểu ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh Bắc được nhiều
người ở nhiều nơi, nhiều vùng biết đến, yêu thích, thích nghe và thích hát
theo. Tuy nhiên hiện nay thì lượng người quan tâm và thích nghe dân ca quan họ
ngày càng ít dần và đa số tập trung ở những người trung niên, lớn tuổi. Giới trẻ
hiện nay rất ít bạn trẻ biết đến và thích nghe quan họ, đa số họ thích nghe các
dòng nhạc trẻ, các thể loại nhạc pop, rap, rock… Nên với đề tài “ Giới trẻ đối
với dân ca quan họ Bắc Ninh” tôi sẽ tìm hiểu về các đặc trưng văn hóa dân ca
quan họ Bắc Ninh, cảm nhận của giới trẻ về dòng nhạc này và từ đó đề xuất các
giải pháp để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đến với dân ca quan họ.
1. Đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh
1.1 Nguồn gốc của dân ca quan họ Bắc Ninh
Theo định
nghĩa của Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thì “quan họ (tên gọi đầy
đủ: quan họ Bắc Ninh) là tên gọi lối hát trữ tình đối đáp nam nữ nhân danh việc
kết nghĩa giữa hai hoặc ba làng. Lối hát này phổ biến ở 49 làng thuộc tỉnh Bắc
Ninh. Những người tham gia hát gọi là “liền anh, liền chị”, có phân thứ bậc
“anh Hai, anh Ba...” và “chị Hai, chị Ba...”. Họ họp thành nhóm gọi là “Nhóm quan
họ”. Nhóm quan họ nam gồm các liền anh, nhóm quan họ nữ gồm các liền chị. Nhóm quan
họ nam làng này hát với nhóm quan họ nữ làng kia. Khi hát, một đôi nam hát với
một đôi nữ. Trong mỗi đôi, một người hát chính một người hát phụ. Việc hát thi,
lấy đối giọng làm tiêu chuẩn đánh giá hơn thua. Một cuộc hát quan họ gồm ba phần
lớn: hát các giọng lề lối (có khoảng mười bài); hát các giọng vặt (có khoảng
trên hai trăm bài); hát các giọng giã bạn (có khoảng năm bài)”. Theo thời gian làn điệu dân ca này ăn sâu vào đời sống người
dân và nhanh chóng lan tỏa ra cả khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện nay có thể
nói cùng với chèo thì quan họ Bắc Ninh là
dòng nhạc dân ca được xứ Bắc yêu thích bậc nhất.
Về
nguồn gốc và thời gian hình thành của dân ca quan họ Bắc Ninh hiện nay vẫn chưa
ai biết rõ làng quan họ này ra đời từ
khi nào. Có rất nhiều ý kiến, truyền thuyết chứng minh về thời gian hình thành,
nguồn gốc của dân ca quan họ Bắc Ninh, sau đây tôi xin đưa ra một số truyền
thuyết:
Trong
dân gian tương truyền rằng Vua Bà là con gái vua Hùng. Tuy đã đến tuổi thành
gia lập thất nhưng bà đã xin phép vua cha đi chu du thiên hạ. Khi vừa ra khỏi
thành, một cơn mưa lớn ập đến cuốn theo bà và các tì nữ đến ấp Viêm Trang (nay
là thôn Viêm Xá). Bà quyết định ở lại mảnh đất này, dạy cho dân làng khai khẩn
đất hoang, dạy họ làm ăn canh tác, dạy cách tập tục trong cuộc sống, dựng làng
lập ấp, giúp nhân dân có cuộc sống vừa sung túc ấm no, vừa có kỷ cương nề nếp.
Và đặc biệt, bà đã dạy cho người dân ca hát. Sau này nhân dân rất sùng bái bà,
tin rằng những lời hát quan họ đem lại may mắn trong cuộc sống, vì vậy có câu
ca dao: "Xưa nay nam, nữ, trẻ,
già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh”. Người dân đã lập đình thờ
tôn bà làm Thủy tổ quan họ tại làng Viêm Xá (nay là làng Diềm Xá, Bắc Ninh).
Tuy chỉ là thần tích được lưu truyền trong dân gian, nhưng từ đó chúng ta cũng
có thể thấy được nguồn gốc của quan họ được sinh ra ở Bắc Ninh nhờ công một vị
thần mẫu, tại một địa danh xác định là làng Diềm Xá.
Còn
trong cuốn "Dân
ca Quan họ Bắc Ninh” của nhóm tác giả Lưu Hữu Phước, Nguyễn
Văn Phú, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc xuất bản năm 1962 đã sưu tầm rất nhiều truyền
thuyết về nguồn gốc của quan họ, trong đó có một truyền thuyết hay được nhắc đến
là: "Ông Tập ở Viêm Xá (hay còn gọi
là Diềm Xá, nay thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết: Cách
nay 12 đời có hai người làm quan thị vệ trong triều, một người quê ở Diềm (làng
Diềm Xá hay còn gọi là thôn Viêm Xá), một người quê ở Bịu (làng Bịu Sim, nay là
làng Hoài Thị, xã Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh). Hồi còn quan hai người có chơi
với nhau, đến khi về hưu thì giao ước kết bạn đi lại, nếu ở làng ai có vui như
cưới xin, khao lão thì mời cả hai họ về dự. Thời đó nhân dân vẫn có hát đúm,
nhưng từ khi hai họ này kết bạn thì người ta đem những câu hát đúm vào để ca
hát trong những ngày vui đó. Từ đó lưu truyền tục lệ này. Cứ hội Diềm tháng 8,
hội Bịu tháng 1, người ta lại tụ họp, ngồi chung quanh một ngọn đèn lớn để ca
hát và quan họ do đó sinh tên (hai họ nhà quan hát với nhau) và từ đấy gọi
‘quan họ’ thay thế cho hát đúm.”
Tuy
có rất nhiều nhận định, ý kiến dù chưa xác định rõ ràng nguồn gốc, nhưng dân ca
quan họ vẫn là một thể loại âm nhạc truyền thống lâu đời ở miền Bắc, được nhiều
người yêu thích và là di sản phi văn hóa của dân tộc cần được bảo tồn và phát
huy.
1.2 Các đặc
điểm văn hóa của dân ca quan họ
Về
mặt làn điệu, dân ca quan họ được xem là một loại dân ca có giai điệu phong phú
nhất trong kho tàng các loại dân ca Việt Nam. Nội dung của các làn điệu
quan họ không trực tiếp khai thác các chủ đề về chiến tranh, chính trị, các vấn
đề xã hội, các truyền thuyết, hình mẫu con người,… mà tập trung đi sâu đề cao
các chủ đề tình yêu và cuộc sống dựa trên các điển cố (những tích truyện xưa
thường về các tấm gương anh hùng, đạo đức, hiếu thảo,…), các đức tính tốt đẹp tự
nhiên của con người bằng một góc nhìn mới mẻ, nhân văn hơn. Các chủ đề về hình ảnh
đẹp, có hậu, hình ảnh người mẹ mẫu mực thời phong kiến, lòng tận tụy trung
thành,… cũng được quan họ khai thác một cách triệt để, trở thành những lời răn
dạy con người các đức tính tốt đẹp và cách sống.
Trong
khi các loại hình dân ca khác đều được đệm nhạc bằng sáo, đàn tranh, đàn nguyệt,
trống, chiêng,… thì quan họ gốc lại hoàn toàn không có nhạc đệm. Từ đó người ca
quan họ có thể phô diễn được chất giọng và kỹ thuật hát phức tạp của mình. Tuy
nhiên, quan họ ngày nay đã sử dụng nhạc đệm, đây cũng là bước phát triển tất yếu
thuận theo sự thay đổi của thời cuộc.
Quan họ thể hiện tình cảm da diết của người
hát nên thường có nhiều nốt luyến láy. Kỹ thuật hát quan họ là nốt nào cũng có
luyến láy, rền vòng, rung nảy, nhấn nhá, hát ngắt, hát rớt,… Ngày trước người
ta sáng tác quan họ rất tự do, nhưng ngày nay để dễ phổ cập và lưu truyền nên
được đưa về nhịp 2/4. Nghệ nhân quan họ phải có giọng ca "vang - rền - nền
- nảy”, nhiều câu luyến láy đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc phức tạp.
Những người ca
quan họ được gọi là các liền anh, liền chị hoặc anh hai, chị hai. Nếu hát theo
nhóm (khoảng 3 - 5 người) sẽ phân theo cấp bậc mà gọi lần lượt là anh - chị ba,
anh - chị tư, anh - chị năm,… Trong một làng, người ca quan họ thường kết
thành bọn (nhóm người hát quan họ). Thường có bọn quan họ nam, bọn quan họ nữ,
bọn quan họ xóm, bọn quan họ đoàn (ví dụ: bọn đoàn quan họ Bắc Ninh,…). Mỗi
làng quan họ phải có ít nhất một bọn quan họ nam và một bọn quan họ nữ. Thường
có tục kết nghĩa với bọn quan họ khác, thường là khác làng, khác xã. Khi đã kết
bọn, các liền anh, liền chị của 2 bên không được có quan hệ yêu đương nam nữ và
kết hôn với nhau do quan niệm rằng họ như anh chị em trong nhà. Thường chỉ có 2
bọn quan họ đã kết nghĩa mới ca đối đáp với nhau.
Về cách truyền dạy
quan họ, những người chơi quan họ sau khi tập hợp lại thành bọn sẽ được người lớp
trước hướng dẫn, truyền dạy cho không chỉ kỹ thuật ca mà còn có cả các quy định
về chơi quan họ. Sau khi thuộc khoảng 150 bài ca, người mới sẽ được tập ca đối
đáp, trải qua quá trình luyện tập lâu dài, đến khi biết ăn mặc, nói năng thanh
lịch trong giao tiếp sẽ được đi hát hội (hát quan họ ở lễ hội). Đến khi
"biết ca đủ lối, đủ câu”, họ chính thức được công nhận là những liền anh,
liền chị, góp mặt vào hội những người ca quan họ truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác.
Trước
kia ca quan họ, chơi quan họ hoàn toàn không có khán giả, chỉ có bọn quan họ hát
đối đáp với nhau, thưởng thức giọng ca của nhau. Theo sự biến thiên của thời
gian, xu hướng của xã hội hiện đại nên quan họ cũng dần được mở rộng biểu diễn
phục vụ cho công chúng. Quan họ không chỉ là hát đối đáp bày tỏ tình cảm giữa
nam và nữ nữa, mà còn có sự giao lưu giữa người hát và thính giả.
Trang
phục quan họ cũng phải có quy định chuẩn cho liền anh liền chị. Các liền anh
thường mặc áo dài 5 thân (5 vạt áo thể hiện cho gia đình gồm cha mẹ hai bên và
1 thân con nhỏ nhất nằm bên trong đại diện cho mình), cổ đứng, có họa tiết lá
sen, tà áo được may viền, gấu to, dài quá đầu gối, áo ngoài thường màu đen. Họ
mặc quần dài màu trắng, ống rộng dài tới mắt cá chân. Ngày trước nam thường
nuôi tóc dài, nên được búi tó ở sau đầu và dùng khăn nhiễu (là khăn đội đầu
truyền thống của Việt Nam) để vấn. Sau này nam để tóc ngắn, nên chỉ cần đội
khăn xếp (khăn đội đầu truyền thống của Việt Nam). Ngoài ra các liền anh còn có
thêm nón chóp (nón lá có hình chóp nhọn) có quai lụa, ngày nay đa phần các liền
anh dùng ô màu đen, cán ô uốn cong. Các liền chị mặc bên trong là chiếc yếm thắm,
bên ngoài là áo cánh màu trắng, mặc thêm 3 áo dài 5 thân có màu sắc nền nã như
màu nâu già, nâu nhạt, màu cánh sen, màu thiên thanh,…, đầu chít khăn mỏ quạ, đội
nón quai thao (hay còn được gọi là nón ba tầm, có hình dạng như tai nấm, đỉnh
phẳng, đường kính khoảng 70 - 80cm) và thắt lưng đeo dây xà tích (một loại
trang sức đeo vào eo).
2. Cảm nhận của giới trẻ về dân ca quan họ Bắc Ninh.
Trong thời đại giao lưu, hội nhập và
phát triển như hiện nay, thì nền âm nhạc Việt Nam cũng có sự thay đổi, phát triển,
đa dạng nhiều thể loại âm nhạc cho người nghe lựa chọn. Và xu hướng âm nhạc hiện
nay của đa số giới trẻ Việt Nam là thích nghe các thể loại nhạc trẻ trung, sôi
động như các bài hát nhạc trẻ, nhạc rap, nhạc Kpop, nhạc US UK… Nên các dòng nhạc
cổ truyền trong đó có dân ca quan họ Bắc Ninh ngày càng phai nhạt, lãng quên
trong giới trẻ. Tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến các bạn sinh viên năm
4 của trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm ba miền là miền Bắc,
miền Trung, miền Nam và có cả Tây Nguyên về cảm nhận của họ đối với dân ca quan
họ Bắc Ninh. Qua cuộc khảo sát tôi thu thập được các thông tin sau: Đa số các bạn
sinh viên đều biết đến dân ca quan họ Bắc Ninh và cũng từng nghe qua, tuy nhiên
theo cảm nhận của đa số các bạn sinh viên miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên
thì dân ca quan họ Bắc Ninh giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, nhẹ nhàng và ca từ
cũng mộc mạc nhưng khó nghe, khó hiểu và nhạc hơi buồn, khó tiếp cận và không hợp
với “gu” âm nhạc của các bạn sinh viên nên họ chỉ biết đến và nghe qua thử chứ
không yêu thích. Còn các bạn sinh viên miền Bắc thì nhiều bạn lúc đầu không
thích nghe nhưng lâu dần nghe ông bà, cô chú trong nhà hát thì cũng thấy hay,
ca từ ý nghĩa và yêu thích hát theo. Từ cuộc phỏng vấn mức độ mờ nhạt của dân
quan họ Bắc Ninh trong giới trẻ hiện nay, về nguyên nhân thì có rất nhiều, xuất
phát từ cả chính trong dân ca quan họ cũng như từ người nghe là các bạn trẻ. Bởi
đối với các bạn trẻ Việt Nam hiện nay thì từ nhỏ các bạn đã tiếp xúc với các
dòng nhạc trẻ vui tươi, sôi động, ca từ dễ nghe dễ nhớ và dễ thuộc, dễ hát
theo. Và trong thời đại phát triển hiện nay thì các dòng nhạc đó ngày càng phát
triển mạnh và trở thành trào lưu, xu hướng nên được các bạn trẻ quan tâm, yêu
thích. Còn về dân ca quan họ Bắc Ninh thì theo cảm nhận của cá nhân tôi và nhiều
bạn trẻ khác thì dòng này khá “kén” cả người nghe lẫn người hát. Không phải ai
cũng nghe và hiểu hết ý nghĩa ca từ, thưởng thức được cái hay, cái đẹp của bài
dân ca và cũng không phải ai cũng có thể hát theo được.
3. Giải
pháp thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với dân ca quan họ Bắc Ninh.
Dân ca quan họ Bắc Ninh vinh dự được UNESCO
công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 30 tháng 9 năm 2009 và năm 2016, có 67 làng quan họ được đưa vào danh sách bảo tồn và
phát triển di sản văn hóa, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. So với
dân ca quan họ truyền thống ngày xưa thì hiện nay quan họ đã có rất nhiều thay
đổi để phù hợp với xu hướng phát triển như có sử dụng nhạc đệm, hát giao lưu với
khán giả…Ở Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay có mở nhiều lớp truyền dạy quan họ
cho thế hệ trẻ, những bạn trẻ yêu thích và có khả năng, chất giọng tốt sẽ lập
thành bọn và được người
lớp trước hướng dẫn, truyền dạy cho chỉ kỹ thuật ca và cả các quy định về chơi
quan họ, nhằm bảo tồn dân ca quan họ qua các thế hệ. Để giới
thiệu quan họ Bắc Ninh đến nhiều hơn với khán giả trong và ngoài nước thì hiện
nay các làng dân ca quan họ còn kết hợp với tour du lịch để quảng bá, giới thiệu
dân ca quan họ đến với du khách, nhất là du khách quốc tế. Đặc biệt là để phù hợp hơn với xu hướng phát
triển hiện nay thì dân ca quan họ còn giới thiệu sản phẩm ở các hình thức như
đĩa CD, VCD, DVD, sách… xây dựng đoàn dân ca quan họ, nhà hát dân ca quan họ Bắc
Ninh và tổ chức các hội thảo về bảo tồn và phát triển dân ca quan họ, giới thiệu
dân ca quan họ đến với mọi người dân qua đài phát thanh… Đó là những biện pháp
hiện nay đang được thực hiện để bảo tồn và phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh.
Các giải pháp này cũng góp một
phần vào việc thu hút sự quan tâm của giới trẻ với dân ca quan họ nhưng không
nhiều, hiệu quả chưa cao. Tôi thấy một vấn đề đặt ra hiện nay giữa dân ca quan
họ và giới trẻ đó là hiện nay của các bạn trẻ thích những dòng nhạc bắt kịp với
xu hướng âm nhạc thế giới, vui tươi, trẻ trung, sôi nổi, dễ thuộc và dễ hát
theo… Nhưng nếu dân ca quan họ Bắc Ninh nếu muốn phù hợp với xu hướng âm nhạc
hiện nay thì phải biến đổi ca từ, giai điệu, tiết tấu… như vậy nó không còn
đúng bản chất, ý nghĩa của dân ca quan họ. Nhưng nếu quan họ không có thay đổi,
không có nét mới mẻ thì sự không tạo được sự thu hút của giới trẻ. Để giải quyết
vấn đề này tôi xin phép được đưa ra một số giải pháp đó là đưa dân ca quan họ
vào dạy học cho các cấp tiểu học và trung học, bởi vì tôi thấy nếu được tiếp
xúc với dân ca quan họ từ nhỏ, được nghe thường xuyên lâu dần các bạn trẻ sẽ hiểu
được ý nghĩa, thấm được cái hay và lâu dần sẽ thích thú, yêu thích dòng nhạc
này. Tổ chức các chương trình giao lưu, tọa đàm với các bạn trẻ, giới thiệu dân
ca tới các trường đại học để qua đó hiểu hơn cảm nhận của các bạn trẻ, các bạn
sinh viên về dân ca quan họ và cũng có thể giúp dân ca quan họ tiếp cận gần hơn
các bạn trẻ giúp các bạn biết đến, hiểu hơn và yêu thích dân ca quan họ. Phổ biến
các tác phẩm quan họ qua các kênh phương tiện mà giới trẻ hay truy cập như
youtube, facebook, zing mp3…
Đó là những giải pháp giúp bảo tồn
và phát triển quan họ, giúp quan họ không chỉ được yêu thích ở những người lớn
tuổi mà có cả giới trẻ, qua đó giúp lưu truyền và gìn giữ loại hình âm nhạc quý
giá này của dân tộc. Hi vọng trong thời gian tới tỉnh Bắc Ninh sẽ kết hợp với
các các đoàn dân ca quan họ, nhà hát quan họ để có nhiều hướng đi mới giúp quan
họ ngày càng gần hơn với mọi người đặc biệt là giới trẻ, giúp các bạn trẻ biết,
hiểu hơn và ưu thích loại hình âm nhạc này.
Tài liệu tham khảo:
1. http://dsvh.gov.vn/dan-ca-quan-ho-bac-ninh-482
3. http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?ItemID=19465
Hình ảnh minh họa: