Tiểu luận BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỀN NGHỆ THUẬT MÚA RỐI NƯỚC TẠI PHƯỜNG RỐI NƯỚC LÀNG NGUYỄN, TỈNH THÁI BÌNH







Trong nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam múa rối nước là bộ môn nghệ thuật độc đáo sử dụng mặt nước để làm nơi hoạt động cho các nhân vật. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng hiếm thấy trên thế giới và nó chính là đặc sản văn hóa hiếm có của Việt Nam. Nghệ thuật rối nước là một đặc sản văn hoá bản địa dân tộc Việt, phát triển ở hầu hết các làng xã quanh kinh thành Thăng Long và phần lớn các phường rối ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật múa rối nước từ bao đời đã biểu hiện sức sống và bản sắc của loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống ở miền quê lúa Thái Bình.

 Văn hóa và văn minh lúa nước được cấu thành từ nhiều yếu tố, nhưng loại hình nghệ thuật múa rối nước ở Thái Bình cũng đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc của nền văn hóa, văn minh đó. Thái Bình được biết đến với nhiều di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật hát chèo với nhiều tác phẩm đặc sắc cho nền văn hóa Việt Nam, và là một trong những cái nôi sản sinh ra nghệ thuật múa rối nước độc đáo.

 Phường rối nước làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là một trong số ít những phường rối còn tồn tại đến ngày nay và ngày càng phát triển với nhiều nét đặc sắc và điển hình. Có thể nói múa rối nước nói chung và múa rối nước ở Thái Bình nói riêng là nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy thì sẽ có giá trị rất lớn về văn hóa nghệ thuật thu hút khán giả và khách du lịch.Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước trong quá trình hội nhập thì chúng ta cần phải có những giải pháp khoa học thực tế và mang tính thiết thực để nghệ thuật múa rối nước không bị mất đi và ngày càng phát triển.


II. Nội dung

1.Cơ sở lý luận

1.1.Bảo tồn và phát triển  là gì?

Bảo tồn tức là các hành động nhằm bảo vệ, gìn giữ, bảo lưu lại sự tồn tại của các sự vật, hiện tượng, gìn giữ chúng để tồn tại cùng với thời gian.

Theo Từ điển Tiếng Việt “phát triển” được hiểu là quá trình vận động, tiến triển theo hướng tăng lên, ví dụ phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, phát triển xã hội.

1.2.Khái niệm nghệ thuật múa rối nước ?

Theo nhà nghiên cứu Tô Sanh thì khái niệm về Múa rối như sau: “ Múa rối là loại hình nghệ thuật sân khấu có khản năng truyền cảm một cách cao độ, là sự phối hợp tài tình giữa kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình với kỹ thuật và nghệ thuật điều khiển, lấy con rối làm phương tiện chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ thể hiện mọi mặt phong phú của chí tưởng tượng loài người của hiện thực khách quan. Nó có khản năng tập trung hòa hợp nhiều hình thức nghệ thuật, không gian và thời gian kể cả các loại hình sân khấu khác. Nó phục vụ mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thiếu nhi. Nhân vật rối làm trung tâm. Người diễn viên điều khiển thường giấu kín, sân khấu của nó và bản thân nó cần phù hợp với kích thước với tính chất của người và rối, chứ không phải cơ bản do hóa trang người thật hoặc máy móc quyết định.”

Múa rối là nghệ thuật dùng con rối để làm trò và đóng kịch trên sân khấu và nó bắt nguồn từ trò chơi trong dân gian trong sinh hoạt và cuộc sống của con người. Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam bao gồm : múa rối cạn và múa rối nước.

 Múa rối nước (hình thức dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước) được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam, một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống lâu đời ở vùng châu thổ sông Hồng thường diễn ra trong các dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết.

2. Đặc điểm của nghệ thuật múa rối nước ở làng Nguyễn, tỉnh Thái Bình

2.1.Lịch sử hình thành.

Phường rối nước Nguyên Xá là một trong những cái nôi của múa rối nước Việt Nam ra đời cách đây khoảng 700 năm. Trải qua nhiều thế kỷ, sân khấu rối nước Nguyên Xá chỉ giới hạn trong làng quê của mình với những tích trò phục lễ hội và tín ngưỡng như: : Lễ tế trâu của đình Thượng, đình Đoài; lễ cầu mát của chùa Quỳnh, chùa Trại; đôi khi họ phục vụ cả những buổi mừng thọ, đám cưới, khánh thành công trình…Do còn hạn chế về khán giả và nội dung đã có thời rối nước làng Nguyễn không còn kinh phí hoạt động, dần bị mai một. Nhưng may sao 1954 Bác Hồ về thăm và ra chỉ thị khôi phục phường rối nước. Và ngay sau đó, Nhà hát Múa rối nước Trung ương cử người về học 15 trò hay nhất của làng để tổ chức thành những chương trình biểu diễn lớn. Từ đây, lịch sử múa rối nước Nguyên Xá bước sang một trang mới.

2.2. Các thức hoạt động của nghệ thuật múa rối nước.

Nghệ thuật trò rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường là dùng mặt nước làm sân khấu gọi là nhà rối hay thủy đình, phía sau có phông che được gọi là tấm y môn tạo sân khấu biểu diễn múa rối nước y như ban thờ lớn ở Đình, Chùa của người Việt, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã... trên sân khấu là những con rối được làm bằng gỗ biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, tiếng pháo hỗ trợ.

Con rối làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thì thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, có tính hài và tính tượng trưng cao. Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.

Máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển trong múa rối nước tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật trò rối nước.

Máy điều khiển rối nước thì được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây cả hai đều có nhiệm vụ làm di chuyển quân rối và tạo ra hành động cho nhân vật. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều điều kỳ lạ, bất ngờ và hứng thú. Buồng trò rối nước là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam.

Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt... hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò. Buồng trò, sân khấu được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã...Buổi diễn rất nhộn nhịp với lời ca, tiếng trống, mò, tù và, chen tiếng pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ từ dưới nước lên, trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo. Buồng trò rối nước làng Nguyễn xưa không làm theo kiểu cố định như buồng trò của chùa Thầy (Hà Tây) hay một số nơi khác, mà làm theo kiểu lưu động, lắp buộc, tháo dỡ dễ dàng, khung bằng tre gỗ, vách bằng phên, vải, mái bằng cót vẽ giả ngói.

Quan trọng hơn vẫn là cách làm quân rối, bởi sự phát triển của nghệ thuật múa rối không tách rời khỏi việc sáng tạo và cải tiến quân rối. Quân rối càng hoàn hảo càng đẹp thì càng giúp cho kỹ xảo của người điều khiển nâng cao và khả năng diễn đạt phong phú và đặc sắc hơn. Quân rối Nguyễn xưa do các nghệ nhân tài hoa của làng làm ra nổi tiếng là đẹp, hay, có sơn son thiếp vàng, ít thấm nước, xuống nước là bóng lên. Làng rối Nguyễn hiện nay còn hàng trăm quân rối, nhưng trong đó chỉ có 2 quân Tiên và Tễu là được tạo trước 1945, cũng là quân Tễu đẹp nhất của sân khấu rối nước và của ngành rối nước truyền thống Việt Nam.

Nghệ thuật rối nước làng Nguyễn vốn xuất thân từ những trò không lời, thu hút người xem bằng sự kỳ diệu do tài năng của các nghệ nhân tạo hình, nghệ nhân điều khiển tạo nên, còn lời văn và âm nhạc là mới tham gia vào giai đoạn sau này. Một nét điển hình của rối nước làng Nguyễn là những lời giáo Tễu, đó là những bài văn vần phục vụ kịp thời các dịp biểu diễn ở trong làng, mang tính chất thời sự sâu sắc. Ví như nhân dịp làng có tranh chức lý trưởng, nhân dịp tế xuân của họ Nguyễn Huy, nhân hội chùa Quỳnh,…

Âm nhạc không chỉ giữ tiết tấu cho diễn xuất, khuấy động không khí biểu diễn mà nó còn truyền đạt, lay động và thu hút người xem bởi những nội dung, tư tưởng, tình cảm nhất định. Nghệ thuật rối nước làng Nguyễn do được sinh ra trên cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, vì thế các nghệ nhân múa rối ở đây đã biết tận dụng triệt để âm nhạc của chèo.

 Một đặc điểm nổi bật nhất trong tổ chức phường hội rối Nguyễn là tính chất "bí truyền". Việc giữ miếng, giữ nghề can hệ trực tiếp đến danh dự và sự sống còn của phường rối. Bởi vì, ngày xưa có tục lệ thi đấu, hội thi được tổ chức rất long trọng và điều đó làm cho các phường hội rối ráo riết tăng cường sự chuẩn bị của mình. Từng phường rối, lần nào cũng cố tìm ra những trò mới, hay, khéo, lạ để thu hút được sự chú ý của người xem. Để giữ bí mật nghề nghiệp, phường chỉ kết nạp con em trong nhà hoặc người cùng làng, và chỉ tiếp nhận đàn ông, không tiếp nhận phụ nữ vì sợ họ đem bí mật của phường về nhà chồng. Người xin gia nhập phải ăn mặc chỉnh tề, mang cơi trầu, chai rượu đến lễ tổ và trình phường, nguyện làm phường lớn mạnh, nếu để lộ nghề sẽ chết "một đời cha, ba đời con". Đứng đầu phường rối là các ông Trùm, lo toan và quản lý mọi việc. Làng Nguyễn có những ông Trùm nổi tiếng như ông Lý Mục, ông Tổng Quỳnh, ông Phó Thiếu… Ông Lý Mục là người làm ra trò "Rồng phun nước trên cao", trò "Chú Tễu"; ông Tổng Quỳnh chế ra trò "Múa bát tiên" …

 Người xem bị cuốn hút không chỉ bởi những hình ảnh trên sân khấu mà còn bởi những âm thanh rộn rã của tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng sáo (trong các tiết mục bật cờ, múa lân, múa tứ linh...). Những làn điệu, khúc nhạc chèo khi vui tươi rộn rã (trong các tiết mục xẩm xoan, tứ quý, lưu thuỷ, sắp qua cầu, sắp cổ phong...), khi ngân nga da diết (như các điệu vỉa, ngâm sổng...). Có người từng nhận xét: Đi xem biểu diễn rối nước ở phường Nguyễn cứ như đi xem chèo, chỉ có khác ở chèo là người thật, còn rối nước là người giả. Điều đó càng khẳng định vai trò của âm nhạc rất quan trọng trong sự thành công của nghệ thuật rối nước nơi đây.

3. Những khó khăn thách thức đối với nghệt thuật múa rối nước hiện nay

Trước nhiều biến động mới của tình hình hiện nay dịch Covid-19 đã khiến cho ngành múa rối đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng nhu cầu vừa bảo tồn vừa phát triển.

Dù cho có nhiều đổi mới khai thác kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật xong múa rối Việt Nam vẫn chưa thật sự phát triển và rơi vào tình trạng báo động. Múa rối nước vẫn chỉ lặp lại các trò: đánh cá, chăn vịt, úp lơm, đua thuyền, chọi trâu,…hay Phùng Hưng đánh hổ, Lê Lơi trả gươm,…Trước kia thì còn lưu giữ được hàng trăm tích trò rối nước nhưng đến nay thì chỉ còn hơn mười tích trò được bảo lưu và được các nhà hát phường rối biểu diễn. Yếu tố quyết định thành bại của một tiết mục rối là khâu chế tạo bộ máy điều khiển nhưng mà những nghệ nhân cao niên hay những người lớn tuổi trong nghề từ bỏ nghề thì những bí mật chế tác cũng theo đó thất truyền. Vì thế mà cả một gia sản khổng lồ những tích trò truyền thống dần dà biến mất và khó có cơ sở để phục dựng lại. Tích trò đã đơn điệu, lại thêm một số đơn vị múa rối mải mê chạy theo lợi nhuận, sáng tạo những tiết mục dễ dãi, hàng loạt để phục vụ du lịch, cho nên chất lượng nghệ thuật của nhiều tiết mục rối cũng đang nhạt dần.

Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng về nhân lực khi số lượng nghệ sĩ múa rối nước chỉ khoảng 100 người, một con số khá ít để vực lại cả một nền nghệ thuật nước nhà. Khác với nhiều nước có nghệ thuật múa rối phát triển thì Việt Nam có rất ít những trung tâm cơ sở đào tạo dạy nghề về chuyên ngành nghệ thuật cũng như những tác giả chuyên nghiệp sáng tác kịch bản rối, số lượng nghệ sĩ tạo hình cũng chỉ vài người. Còn  có những đơn vị múa rối khi biểu diễn còn phải đi thuê diễn viên và dàn nhạc của đơn vị khác để hậu thuẫn. Bởi thế, chất lượng nghệ thuật múa rối của nước ta vẫn chỉ dừng lại ở mức lửng lơ, chưa đến "độ" là vì vậy.

Múa rối nước Việt Nam đang có xu hướng hiện đại hóa và đang mờ dần bản sắc do những tác động từ cơ chế thị trường trong khi không có sự quản lý và định hướng rõ ràng  Múa rối nước đang còn tồn tại tự do, tùy tiện mạnh ai nấy làm. Còn rất nhiều trò diễn cổ chưa được khai thác và phát huy. Tồn tại mâu thuẫn giữa người làm múa rối nước hiện đại với những nghệ nhân ở quê. Và coi múa rối nước nông thôn chỉ nên diễn ở ao làng như ngày xưa . Ngược lại, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc người nông dân có quyền ngồi trên ghế gỗ hoặc trên bậc xi măng trước mặt hồ rộng để xem múa rối nước, vì khi cuộc sống thay đổi thì người dân không thể ngồi trên bãi cỏ để xem như xưa được nữa. Thật ra vấn đề đáng quan tâm ở đây không phải là diễn ở sân khấu dân gian (ao làng) hay sân khấu thủy đình hiện đại mà quan trọng hơn hết là nội dung của tiết mục và hình thức biểu diễn (có còn là múa rối nước dân gian truyền thống không?).

Một số vấn đề liên quan đến công chúng. Vốn dĩ múa rối nước cũng như các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung không được đông đảo công chúng Việt Nam ngày nay mặn mà lắm vì không thay đổi trò diễn và không nâng cao hình thức thẩm mỹ của con rối hay nghệ thuật biểu diễn,… Thêm vào đó, vấn đề tuyên truyền, giáo dục quan niệm thẩm mỹ dân tộc cho công chúng về múa rối nước cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm cho người ta thấy hết cái hay, cái đẹp của nó.  

4. Một số giải pháp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước hiện nay

Giải pháp đầu tiên chính là sưu tầm lại các trò diễn rối nước. Một giải pháp cũng hết sức đáng lưu tâm, đó là việc thành lập hội múa rối nước vì lâu nay chúng ta mới có hội sân khấu là hội nghề nghiệp chung của nhiều bộ môn sân khấu kết hợp lại. Đây sẽ là một hội chuyên ngành, hội nghề nghiệp những người hoạt động múa rối nước, là chỗ dựa tinh thần để họ hành nghề trong sự thống nhất và có điều kiện phát triển khả năng truyền dạy kinh nghiệm cho các thế hệ sau. Khi đã có hội, hoạt động múa rối nước dân gian ở các địa phương, trong đó thì sẽ không bị phân tán, không bị cô lập mà sẽ tập trung hơn. Đời sống của người làm nghề sẽ được đảm bảo.

Bên cạnh đó, công việc đặt ra cấp bách là phục hồi những trò diễn độc đáo do các nghệ nhân nhiều thế hệ sáng tạo ra. Đây là vấn đề nan giải nhưng không phải không làm được. Khó khăn trong việc tập trung khai thác, phục hồi vốn cổ của cha ông trước hết là do múa rối nước tồn tại ở nhiều làng quê, phân tán trên một diện rộng khắp đồng bằng Bắc Bộ. Thêm vào đó, đến nay số nghệ nhân múa rối thực thụ còn lại rất ít. Đa số nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, bỏ nghề lâu nên vốn cũ được bảo lưu trong họ còn lại rất ít, tản mạn và không chính xác. Vì thế, việc này cần có sự đầu tư gấp, cần có kế hoạch khai thác chặt chẽ, và phải triển khai nhanh chóng nếu không sẽ quá muộn.

.Đứng trước tình trạng phát triển mỏng manh, thiếu liên kết giữa các đơn vị, phường rối trên cả nước và sự báo động về nhân lực, đã đến lúc cần phải nghiêm túc hoạch định lại các chính sách, biện pháp để tìm lại diện mạo và phát triển nghệ thuật múa rối lên những tầm cao mới, nhất là khi múa rối nước Việt Nam đang được xây dựng đề án trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Điều này hoàn toàn có cơ sở để triển khai bởi múa rối có nhiều lợi thế để phát triển. Hơn nữa, đây là loại hình nghệ thuật có thể đi vào xã hội đương đại và có tương lai phát triển vì có thể diễn không nói, diễn bằng động tác cho nên không gặp khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, đối tượng phục vụ lại đa dạng, nhất là múa rối nước đang được xem là đặc sản nghệ thuật, một sản phẩm du lịch mang về nguồn thu đáng kể. Múa rối không sợ thiếu "đất" để phát triển, vấn đề cốt yếu đặt ra là làm thế nào để nghệ thuật múa rối đi theo đúng định hướng phát triển chuyên nghiệp".

Đưa ra đề án về xây dựng chính sách, chế độ để các nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động bằng nghề và đã trình Chính phủ phê duyệt, nhưng hiện tại, các phường rối và đơn vị múa rối chuyên nghiệp cũng như không chuyên gặp không ít khó khăn, vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy lo, thiếu liên kết, thiếu sự trao đổi, tổng kết kinh nghiệm. Điều này cho thấy, cần phải có quy hoạch bài bản để đầu tư cho nghệ thuật múa rối phát triển, có chế độ chính sách phù hợp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ múa rối có thể sống bằng nghề, đồng thời tăng cường tổ chức các liên hoan nghệ thuật múa rối trong nước và quốc tế. Tiến hành đào tạo chuyên nghiệp về múa rối với các chuyên ngành đào tạo: diễn viên, biên kịch và đạo diễn múa rối, tạo hình con rối và kỹ thuật sân khấu; tổ chức biểu diễn và cả marketing. Đây đều là những biện pháp mà muốn thực hiện, đòi hỏi phải có sự giúp sức của Nhà nước, sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ... và cả sự giúp đỡ của các "Mạnh Thường Quân".

Đổi lại, sự phát triển của xã hội cũng đòi hỏi các đơn vị múa rối phải tự đổi mới mình, tập trung đầu tư, dàn dựng các tiết mục, vở diễn có chất lượng. Tất nhiên, mọi sáng tạo đều phải xuất phát trên nguyên tắc kế thừa, phát huy những giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật múa rối truyền thống, sao cho những tác phẩm múa rối vừa có hơi thở nhịp sống đương đại và giàu giá trị nhân văn, vừa thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc.

 

III.Kết luận

Cùng với việc khai thác, phục hồi, múa rối nước cũng cần được đẩy mạnh xây dựng những tác phẩm mới. Hai quá trình này nên tiến hành song song, đồng thời vì nếu chỉ khoanh việc múa rối nước trong 16 trò diễn quen thuộc thì đến lúc nào đó tất yếu sẽ gây sự nhàm chán từ cả phía người xem lẫn người tổ chức. Làm mới nghệ thuật múa rối nước đòi hỏi một tinh thần sáng tạo nghiêm túc, kiên trì. Mới nhưng không làm mất đi cái bản sắc, cái đặc trưng riêng của nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Múa rối nước không những là một bộ môn nghệ thuật mang tính tập thể cao mà còn thể hiện cái độc đáo riêng mang bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay trước xu thế hội nhập, múa rối nước rất cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, cả vật chất lẫn tinh thần để bảo tồn và phát triển. Có như vậy, múa rối nước mới thực sự xứng đáng là một loại hình nghệ thuật đặc sắc có tuổi đời hàng ngàn năm nhưng vẫn có sức sống vững bền trong thời kỳ hội nhập. Rối nước làng Nguyễn chính là sự kết tinh sáng tạo, trí thông minh, tài khéo léo của người dân nơi đây qua bao đời tạo nên. Rối nước làng Nguyễn vốn bình dị như hạt lúa củ khoai, ăn sâu bám chắc vào mảnh đất dân gian, gắn bó chặt chẽ với truyền thống hội hè, đình đám, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, rối nước làng Nguyễn vẫn trường tồn với thời gian. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh nhằm giữ gìn nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự yêu nghề của những người dân nơi đây, hy vọng nghệ thuật rối nước sẽ ngày càng phát triển.

 


IV. Tài liệu tham khảo

https://hoanhap.vn/chi-tiet/lang-nguyen--nguyen-xa--dong-hung--thai-binh---cai-noi-cua-mua-roi-nuoc-viet-nam-18585.html?fbclid=IwAR1n4HqnJM3gSo8--0UBWmqp-CmbgZHTqCYVYRL_-kUBJwUDYh5faBEwWw4

http://nhahatmuaroivietnam.vn/vi/bao-ton-va-phat-trien-nghe-thuat-roi-nuoc-trong-thoi-ky-hoi-nhap

    https://nhandan.vn/vanhoa/nghe-thuat-mua-roi-viet-nam-va-khoang-trong-    can-lap-199425

 

 

 

 

 




văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn