TRIẾT LÝ NHÂN SINH
CỦA ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ
Tóm tắt:
Đờn
ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật điển hình của miền sông nước Nam bộ
nói riêng và Việt Nam nói chung, có ý nghĩa sâu sắc trong hoạt động văn hóa của
cộng đồng dân cư Nam bộ. Hiện nay, trong điều kiện phát triển của kinh tế thị
trường cũng như quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa đã làm cho giá trị văn
hóa dân tộc bị biến chất và đang có nguy cơ mai một trong đó có đờn ca tài tử
Nam bộ. Triết lý nhân sinh trong đờn ca tài tử Nam bộ có giá trị cao trong bảo
tồn và phát huy những ý nghĩa nhân văn của loại hình đặc sắc này trong hoạt động
văn hóa nghệ thuật của người dân Nam bộ dưới tác động của tiến trình hội nhập
quốc tế.
1. Vài nét về đờn ca tài tử Nam bộ
Các
thế hệ người Việt ở vùng đất Nam bộ đều có nguồn gốc từ miền Bắc và miền Trung,
trong quá trình khai hoang mở cõi đã mang những giá trị văn hóa từ phong tục, tập
quán, tín ngưỡng cho đến các loại hình văn nghệ dân gian. Qua bao thế hệ, người
dân Nam bộ đã kế thừa, phát triển giá trị văn hóa dân tộc và sáng tạo thêm giá
trị văn hóa mới dựa vào điều kiện môi trường tự nhiên của vùng đất mới, trong
đó có đờn ca tài tử.
Đờn
ca tài tử Nam bộ được hình thành từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là sự kết hợp
độc đáo các dòng nhạc dân tộc như dân ca Nam bộ, nhạc lễ Nam bộ, nhạc cung đình
Huế và nhạc sân khấu hát bội Nam bộ và được hình thành từ các nhạc sĩ, nhạc
quan của triều đình nhà Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã mang theo
truyền thống ca Huế sau đó họ tiếp thêm ca Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng
Nam) và khi vào Nam dựa vào điều kiện tự nhiên mới những nhạc sĩ, nhạc quan của
triều đình nhà Nguyễn đã kết hợp âm hưởng nhạc Nam bộ với nhạc Huế để sáng tác
ra các bài tài tử đầu tiên và mở các lớp dạy đời khắp các tỉnh ở hai miền Đông
và Nam bộ. lúc bấy giờ có các nhạc sư tiêu biểu như sau: Nguyễn Quang Đại (tức
Ba Đợi) (1880) ở Long An, Trần Quang Diệm (1857-1927) ở Mỹ Tho, Lê Bình An (1862-1924)
ở Bạc Liêu đã có nhiều năm nghiên cứu, chỉnh sửa các bản đờn cổ, sáng tác các bản
mới rồi tập hợp lại thành các ban, nhóm đờn ca tài tử ở cả hai miền Đông, Tây
Nam bộ hình thành nên dòng nhạc đờn ca tài tử.
Bản
tài tử có rất nhiều nhưng tiêu biểu đại diện cho các làn hơi, Bắc, Hạ, Nam, Oán
là hai mươi bài bản tổ gồm: ba Nam (Nam ai, Nam xuân, Đảo ngũ cung), sáu Bắc
(Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Cổ bản trường, Xuân tình chấn,
Tây thi trường), bảy Bài (Xàng Xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long ngâm, Long
đăng, Vạn giá, Tiểu khúc), bốn Oán (Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng
hoàng).
2. Những triết lý nhân sinh trong đờn ca tài tử Nam bộ
Nội
dung của các bản đờn ca tài tử chịu ảnh hưởng từ Nho giáo, điều này được thể hiện
ở nguồn gốc đờn ca tài tử là nhạc lễ. Nhạc lễ là mượn âm thanh để diễn tả quá
trình giáo dục đạo đức: ngũ âm hợp với ngũ hành, ngũ luân và ngũ thường. Vì thế,
nội dung của các bản đờn ca tài tử Nam bộ không chỉ có tính chất giải trí mà
còn chứa đựng những triết lý sâu sắc có giá trị đạo đức, tình cảm mang ý nghĩa
giáo dục cao phản ánh những giá trị đời sống hiện thực của người dân Nam bộ góp
phần giáo dục đạo đức, lối sống của con người theo các giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Qua
nghiên cứu một số bản đờn ca tài tử trong nhóm hai mươi bài bản tổ và một số bản
khác cho thấy, trong từng nội dung của các bản đờn ca tài tử Nam bộ là những
giá trị triết lí nhân sinh cao cả nhưng gần gũi gắn liền với cuộc sống của người
dân Nam bộ. Những triết lí nhân sinh ấy được thể hiện cụ thể như sau:
Một là,
triết lí nhân sinh trong tình cảm bạn bè.
Trong
quan hệ với bạn bè người dân Nam bộ luôn đề cao chữ tín cũng như cái tình và
cái nghĩa, họ xem đó là thứ tình cảm thiêng liêng gắn bó keo sơn, đồng sinh cộng
tử luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong cơn hoạn nạn: “Dấn mình vô chốn chông gai/ Kề lưng cõng bạn ra ngoài thoát thân”.
Và tình bạn của người dân Nam bộ là không phân biệt giai cấp sang hèn, qua khảo
sát lời trong bài Phú lục chấn 34 câu với tựa đề “Bá Nha Tử Kỳ” của soạn giả Cao Hoài Sang chúng ta thấy được những
giá trị triết lý nhân sinh trong tình cảm bạn bè của người dân Nam bộ, đó là sự
thiêng liêng trong quan hệ bằng hữu: “Từ
xưa đấng tài (ba) trong thiên hạ (- -)/ Há không (người) áo vải xuất (thân)”.
Người dân Nam bộ luôn tôn trọng tình cảm bạn bè bởi “Gẫm trong (đời) mấy mặt tri (âm)/ Để kết (bạn) đồng tâm (- -)/Vui thưởng
(cảnh) gió mặt trăng (thanh)”…
Hai là,
triết lý nhân sinh trong quan hệ vợ chồng,
tình yêu đôi lứa.
Cũng
như bao thế hệ người Việt Nam người dân Nam bộ luôn coi trọng tình cảm vợ chồng,
cũng như tình yêu lứa đôi họ xem đó là tình cảm thiêng liêng cao quý. Trong
tình cảm vợ chồng không chỉ có tình yêu mà có tình nghĩa, “Tào khang chi thê bất khả hạ đàng”. Tình cảm vợ chồng, tình yêu lứa
đôi còn là cái thủy chung son sắt, những triết lí nhân sinh sâu sắc trong tình
cảm vợ chồng được thể hiện rất rõ trong lời của bài Bình bán chấn 44 câu với tựa
đề “Nguyệt Nga họa tượng Vân Tiên” của
soạn giả Cao Hoài Sang. Ở đó chúng ta thấy được sự thủy chung son sắc của người
vợ thủ tiết chờ chồng, “(- -) Vọng (bàn)/
Nguyện (- -) với thần (linh)/Chứng cho (lòng) sắt đinh (- -)”, Hay là, “Thiếp thệ (- -) với lòng (- -)/Thủy chung
(- -) tròn nghĩa (bạn). Hoặc “Thiếp giữ (cho) đến cùng (- -)/ Sống thác (cùng)
có nhau (- -)”. Trong bài Xuân tình chấn với tựa đề “Kiều vãn Trọng hiên” của
soạn giả Nguyễn Văn Thinh có nội dung thể hiện cái đẹp, cái cao cả trong tình
yêu lứa đôi, “Chứng có vầng (trăng) giữa
trời vằng vặc (- -)/Trăm năm nguyền (tạc) chữ đồng đến (xương)”. Hay là
trong bài Nam xuân, tựa đề “Tích Thúy Kiều” của soạn giả Phan Phúc Quân có câu
rằng “Thiếp (nguyện) một lòng / Trọn (niềm)
cùng lang quân (- -)”…
Ba là, triết lý nhân sinh trong tính cách của người
dân Nam bộ.
Yếu
tố môi trường đã quy định nên tính cách của người dân Nam bộ, đó là tính phóng
khoáng, tính bao dung và tính trọng nghĩa. Những tính cách này không chỉ được
thể hiện trong đời sống sinh hoạt của họ mà còn được nêu lên trong những lời ca
của những bản đàn ca tài tử, trong bài Phú lục chấn với tựa đề “Bá Nha Tử Kỳ” sẽ thấy ở đó những người
dân Nam bộ phóng khoáng, hài hòa, chân chất, hiếu khách, không màn danh lợi vui
thú điền viên, chỉ “Bầu nước (- -) với giỏ
cơm (- -)” mà vẫn “vui thường (cảnh) gió mát trăng (thanh)”. Hoặc trong Cổ
bản văn tựa đề là “Ngư ông” cũng đã thể hiện được triết lí nhân sinh trong tính
cách của con người Nam bộ, ở đó chúng ta bắt gặp hình ảnh những con người Nam bộ
giản dị mà gần gũi, đầy sự phóng khoáng, thanh cao, trọng nghĩa trọng tình, “Mặc dầu dãi (nắng) dầm sương (- -)/Mà lòng
(- -) đượm khói tình (vương)” Hay là “Thú
(vui) trên sông (vị)/ Năm tháng (- -) sống thảng (nhiên). Dù (là) trải gió dầm
(sương)/ Nhưng một (niềm) trắng trong (- -)”.
Bốn là, triết lý nhân sinh trong tình yêu quê hương
đất nước
Tình
yêu quê hương, tình yêu đất nước là những tình cảm cao quý thiêng liêng nó gắn
liền với máu thịt của người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói
riêng. Cũng như bao thế hệ con dân đất Việt, người dân Nam bộ luôn hướng về nguồn
cội về quê hương “Non xanh nước (biếc) một
bầu (- - )/Gợi niềm (riêng) chạnh nhớ cố (hương)”. (Bài Lưu thủy trường).
tình yêu quê hương đất nước còn thể hiện qua chiến đấu hy sinh để giành lại độc
lập tự do cho dân tộc, điều này thể hiện rõ ở trong bài Cổ ở bản 34, tựa đề Vui
kháng chiến của soạn giả Thanh Hiền: “Dạn
sa bom dội, anh vui chiến đấu trong tiếng cười”, “công dồn giết giặc, súng chắc
trong tay”…
Qua
việc nghiên cứu một số bài bản của đờn ca tài tử Nam bộ chúng ta đã thấy được
giá trị sâu sắc trong triết lý nhân sinh qua đời sống hiện thực Nam bộ.
3. Phát triển Đờn ca tài tử Nam bộ trong thời kỳ hội nhập
Theo
GS Trần Văn Khê, một “cây đa, cây đề” về nghiên cứu và giảng dạy về Đờn ca tài
tử cho biết “Để bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử, điều quan trọng nhất là đừng
để loại hình nghệ thuật này bị biến chất; việc thương mại hóa loại hình nghệ
thuật này trong đời sống kinh tế sẽ làm mất đi nét đặc trưng của nghệ thuật độc
đáo này”. Việc bảo tồn Đờn ca tài tử phải song song với việc phát triển sao cho
phù hợp với từng thời kỳ, từng thời đại nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn của
dân tộc từ bao đời nay. Phát triển Đờn ca tài tử trên sân khấu cũng là cách để
người dân hiểu hơn về nghệ thuật này.
Sinh
viên sau khi tốt nghiệp loại hình này thường trở về các tỉnh làm việc. Có em vẫn
theo nghề và làm việc tại trung tâm văn hóa tỉnh, nhưng vì đoàn hát không có
nên các em phải đi hát ở các quán để mưu sinh, thậm chí bỏ nghề vì không có chỗ
để hoạt động nghệ thuật. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù hoạt động Đờn ca
tài tử vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng vẫn còn thiếu sân chơi cho người mộ
điệu. Nhiều hoạt động, chương trình liên hoan, các cuộc thi Đờn ca tài tử vẫn
còn mang hơi hướng phong trào và bệnh thành tích, chưa tạo được niềm tin yêu
sâu sắc với đông đảo công chúng yêu bộ môn nghệ thuật này.
Người
chơi phải tinh tế và sâu sắc để khi khán giả nghe tiếng đàn bầu, đàn kìm, nhưng
sâu trong tâm hồn vẫn nhớ về nguồn cội. Đối với người quản lý câu lạc bộ phải
thật sự quan tâm và hiểu về Đờn ca tài tử. Mỗi câu lạc bộ phải có tập huấn giảng
dạy tổ chức lớp học. Để bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật này, cần phải gắn
kết các câu lạc bộ và trường lớp, cũng như có một bộ tiêu chuẩn để chọn lọc những
nghệ nhân Đờn ca tài tử thật sự có tài, có tâm.
Kết luận
Đờn
ca tài tử Nam Bộ là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị nhân văn cao cả,
nội dung của Đờn ca tài tử Nam bộ không chỉ mang tính giải trí mà còn mang tính
giáo dục cao đối với thế hệ người dân Nam bộ ở đó chứa nhiều triết lý nhân sinh
sâu sắc mà gần gũi với cuộc sống đời thường.
Tài liệu tham khảo
1.
Võ Trường Kỳ (2013), Đờn ca tài tử Nam bộ, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội
2.
Trần Ngọc Thêm (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ, Nxb. Văn hóa – văn
nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
3.
GS.TS Trần Ngọc Khê, Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Tây Nam bộ, https://tuoitre.vn/don-ca-tai-tu-trong-khong-gian-van-hoa-nam-bo-118696.htm
truy cập ngày 25/1/2022