Tóm Tắt:
Chèo là loại hình nghệ
thuật có từ xa xưa trong nền văn hoá Việt Nam. Đây cũng là một nét tiêu biểu
trong văn hoá ứng xử của dân tộc. Tìm hiểu giá trị của sân khấu chèo cho chúng
ta hiểu về một góc của nền văn hoá dân tộc đồng thời từ đó tìm hướng đi để gìn
giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống trong thời đại
công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước ta hiện nay và mãi về sau.
1. Sự
hình thành
Từ
bao đời nay hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật
quen thuộc của người dân Việt Nam, nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi
cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian
dân tộc chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết
hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp
vô cùng độc đáo. Vùng trung châu và đồng bằng Bắc bộ là cái nôi của chèo, từ
cái nôi ấy sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nghệ thuật chèo ngày càng phát
triển và khẳng định được tầm quan trọng trong nền văn hóa dân gian dân tộc.
Có
thể nói nghệ thuật chèo mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, chèo sử dụng ngôn ngữ
đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự trữ tình. Ðặc biệt
hơn là tính tổng hợp của sân khấu chèo từ bản trò, đến đề tài nhân vật với sự
"pha âm cách điệu" giữa âm nhạc, hát và múa.
Sân
khấu chèo xưa ra đời từ các làng chèo với các múa hội hát. Cứ mỗi độ xuân sang
người muôn nơi lại bồi hồi bởi sự thúc giục của trống chèo và những lời ca tiếng
hát của nghệ nhân làng chèo. Người xưa có câu "nhất cử động giai điểm
vũ" điều đó biểu hiện nét đặc trưng của nghệ thuật chèo là "tính
múa", những diễn xuất tinh tế của nghệ nhân chèo đều ở điểm này mà ra. Với
đôi bàn tay khéo léo từng cử chỉ, động tác đã toát lên cái "thần" của
nhân vật, qua đó thấy được thành công của người diễn. Từ mùa xuân rồi tới mùa
thu trong các hội hè đình đám ở khắp vùng đồng bằng Bắc bộ không khi nào thiếu
vắng tiếng hát chèo.
Cũng
chính vì thế mà chèo mang tính quần chúng và được gọi là loại hình sân khấu của
hội hè. Công chúng đam mê chèo bởi khi đến với sân khấu chèo có thể tận hưởng
niềm vui từ những tiếng cười châm biếm đả kích sắc và tinh tế. Trong mỗi vở diễn,
mỗi tình tiết, mỗi lớp nhân vật của chèo đều có cái hài xen kẽ với cái bi, người
xem bao giờ cũng coi trọng những yếu tố đó.
Người
xưa thường nói "có tích mới nên trò" điều đó khẳng định tích chuyện
là linh hồn của vở diễn. Cũng chính vì vậy mà chèo được đánh giá là loại hình
sân khấu kịch hát kể chuyện dân tộc. Ðiều này đã làm nên đặc điểm cơ bản của
nghệ thuật chèo cổ.
Không
những thế chèo còn thuộc loại sân khấu ước lệ cách điệu, sự khoa trương- tô
phóng có tính chọn lọc đã làm nổi bật hơn những góc cạnh đặc trưng của nghệ thuật
chèo- những mảng chèo đặc sắc được ra đời từ nhân tố đó. ở thời nào nghệ thuật
đều chứng tỏ những nét tương đồng với lối sống của xã hội thời đó. Thời xưa
chèo mang đậm dấu vết của những điệu múa dân gian, hàng loạt lễ tiết của phần
cúng tế trong các hội làng ở miền bắc Việt Nam. Trong con đường phát triển của
nghệ thuật chèo có hình thức tương hợp song song với sự phát triển và sáng tạo.
Cá nhân các nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu... đã đóng góp một phần vô cùng quan
trọng trong bước đường hoàn thiện thể loại kịch hát dân tộc có tính bác học.
Chèo hiện đại (chèo cải biên) đã khẳng định được vị thế của mình với những vở
diễn và hình tượng con người mới nhờ sự bảo tồn và phát huy truyền thống của
nghệ thuật chèo cổ, xứng đáng tiêu biểu cho nghệ thuật sân khấu dân tộc. Trải
qua biết bao thế hệ, đến hôm nay những người con đất Việt - cả những người đang
sống trên đất nước Việt Nam và những kiều bào ở xa tổ quốc, luôn coi nghệ thuật
chèo là một "viên ngọc long lanh sắc màu" trong kho tàng văn hoá nghệ
thuật dân gian dân tộc.
Nguồn
gốc và thời điểm hình thành chèo Việt Nam có cả một kho tàng sân khấu cổ truyền
gồm nhiều kịch chủng như: múa rối, tuồng, chèo; mà mỗi loại lại có những đặc điểm
nghệ thuật độc đáo, sinh sắc, không thể lẫn lộn. Nẩy sinh và lớn lên trong xã hội
nông nghiệp lạc hậu, chúng tiến triển tương ứng với trình độ và nhu cầu nhiều mặt
của mỗi thời kỳ lịch sử, mặc nhiên trong những món ăn tinh thần không thể thiếu
của đông đảo con dân đất Việt, trong đó sân khấu chèo giữ một vị trí hết sức
quan trọng.
2. Giá
Trị Nghệ Thuật.
Giá
trị lịch sử Chèo là một bộ môn nghệ thuật được hình thành từ rất lâu đời. Điều
đó được chứng minh trong các chứng tích cổ còn lưu giữ lại được ghi khắc trong
sử sách, bi ký qua các đời Ðinh, Tiền Lê, Lý đến cuối Trần. Lịch sử Việt Nam
cho biết trong các thời đại Đinh Tiên Hoàng, thời nhà Tiền Lê, Lý, Trần đã có
những hoạt động nghệ thuật dân gian như nhảy, múa, ca hát, bơi thuyền… chèo có
thể là một bộ phận nghệ thuật ca múa song song với các môn ca múa khác với những
“nghệ sĩ dân gian” tụ họp lại thành phường hội do những yêu cầu nghiệp vụ.
Qua
các triều đại, Chèo ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Chèo không chỉ phát
triển và thịnh hành trong cung đình mà nó còn ăn sâu vào phong tục, nghi lễ của
con người trong đời sống hàng ngày. Nghệ thuật sân khấu chèo đã trải qua một
quá trình lịch sử lâu dài từ khoảng thế kỉ thứ 10 tới nay đã đi sâu vào xã hội
Việt Nam. Bởi trong chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt
Nam: lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào
dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc thân yêu . Cũng chính
vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ các thể loại văn học:
trữ tình lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn (giảng kinh truyện,
khuyên đạo đức)… hơn hẳn các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, quan họ… Cùng
những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Chèo đã tự mình vận động và phát triển
phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển nội
tâm của con người cá thể, và mỗi ngày một thêm hoàn chỉnh về giai điệu, nhuần
nhuyễn tinh vi về lời hát, lời thơ, đã trở thành một một bộ phận văn học vô
cùng quý báu của dân tộc.
Chèo
là món ăn tinh thần đã xâm nhập sâu rộng vào trong đời sống văn hóa tinh thần của
dân tộc ta. Chèo không những mang đến sự yêu thích cho người dân mà đến thần
linh cũng thích. Ở những lễ hội tại những đình, miếu, đền trong không khí linh
thiêng, thâm nghiêm, các vị thần thưởng thức những làn điệu chèo trong sự tôn
kính của các con dân. Ngay trong đời thường nhật mỗi khi có dịp vui, như dịp
khao làng, khao thọ, khao được thăng chức, khao thi đỗ thì người ta cũng vời những
nghệ sĩ chèo. Hay đơn giản là trong những lúc nhàn rỗi, hay đang lao động mệt mỏi
người ta cũng cất lên những làn điệu chèo để xua đi những sự mệt mỏi. Cũng khi
có chuyện buồn thì những lời ca tiếng hát, vần thơ để sẻ chia tâm sự, để hoà
mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm. Chèo thực sự đã đồng hành
cùng tâm hồn và văn hóa của người Việt. Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của lịch
sử chèo ngày càng hoàn thiện và chiếm phần quan trọng trong đời sống văn hóa
tinh thần của người Việt.
3. Giá
Trị Hiện Thực.
Chèo
là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian, ra đời và phát triển găn với
sinh hoạt văn hóa của con người. Cũng chính vì vậy mà trong chèo phản ánh một
giá trị hiện thực sâu sắc. Chèo là tấm gương phản ánh xã hội ta ngày trước, xã
hội Việt Nam thời phong kiến, trong chèo đã vạch rõ hiện thực sâu sắc nhất của
xã hội đó là mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân, giữa chính quyền và nhân dân,
luôn đứng về phía nhân dân, những người nghèo khổ, vạch trần những mặt trái của
bọn thống trị.
Với
cách sắp sếp lớp lang với những nhân vật sống, với những điệu múa lời ca, dưới
ánh sáng tập trung của hình thức sân khấu, chèo đã làm cho nội dung nhân đạo chủ
nghĩa của các truyện kia thể hiện rõ rệt trước mắt ta.
Chèo có những vai chín và vai lệch. Vai chín
là những nhân vật tích cực, thường là những người nghèo khổ hoặc ở vào một địa
vị bị áp bức. Vai lệch tức là những nhân vật tiêu cực, thường là những người
nghèo khổ hoặc ở vào một địa vị bị áp bức. Chèo quan niệm người nghèo khổ,người
lương thiện là những người có phẩm chất tốt nhưng lại hay gặp chông gai ở một
xã hội đầy bất công.Tuy vậy, dù gian nan, họ vẫn giữ chí khí kiên quyết, lương
tâm trong sạch, còn những tên độc ác bất nhân đều bị trừng trị. Lòng yêu thương
con người, đề cao phẩm chất con người được thể hiện rõ trong chèo.
Tinh
thần nhân đạo chủ nghĩa còn rõ rệt ở chỗ chèo chú ý nêu rõ sự cao quý ở những
con người mà giai cấp phong kiến coi là thấp hèn. Trong chèo người phụ nữ được
nâng lên địa vị cao quí mà ý thức hệ phong kiến không bao giờ công nhận. Người
phụ nữ trong các vở chèo chính là người phụ nữ lao động Việt Nam. Đề cao phụ nữ
là một mặt quan trọng của tinh thần nhân đạo chủ nghĩa trong chèo. Nếu như trên
sân khấu bao giờ ít nhiều cũng có tính cách điệu, thì sân khấu chèo đã có nhiều
tính chất cách điệu. Tác giả cũng như diễn viên lựa chọn trong hiện thực những
cái gì bản chất nhất, tước bỏ đi những gì không tiêu biểu, và phóng đại, nhấn mạnh
những gì tiêu biểu nhất.
Chèo cũng như các thể loại khác có ý nghĩa đấu
tranh giai cấp rõ rệt: chèo đã dùng lợi khí trào phúng để đả kích bọn cường hào
ác bá; chèo sử dụng mọi khả năng khêu gợi tiếng cười để đấu tranh… Nhân dân có dịp
ngàn ngón tay cùng trỏ, ngàn con mắt cùng nhìn, ngàn tiếng cười cùng vang lên
khoái chí để khinh miệt những cái chướng tai gai mắt của bọn thống trị mà chèo
đưa lên sân khấu như tấm bia chịu nhiều mũi tên bắn vào. Chèo là một ngành nghệ
thuật do quần chúng sáng tạo ra, cải tiến dần theo nhu cầu của quần chúng. Vì vậy
chèo mang tính dân tộc và nhân dân sâu sắc.
Vẻ
đẹp của chèo là vẻ đẹp của âm thanh chau chuốt, nuột nà mà người diễn trao cho
người nghe, vẻ đẹp của những điệu múa dân tộc uyển chuyển của những chiếc quạt
mà người nghệ sĩ biểu diễn. Chính vì vậy chèo là một di sản văn hóa phi vật thể
và truyền khẩu của dân tộc Việt Nam, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa
nghệ thuật của dân tộc cũng như những giá trị về nghệ thuật, giá trị về lịch sử,
giá trị hiện thực của chèo, tất cả đều nhằm khẳng định rằng đây là một di sản
văn hóa quí báu mà ông cha ta đã để lại cần phải được các thế hệ mai sau tiếp tục
giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Để có thể tiếp nối cha ông gìn giữ loại hình nghệ
thuật này, các thế hệ sau cần phải có những biện pháp cụ thể để có thể phát huy
truyền thống dân tộc. Và khai thác nghệ thuật chèo một cách hiệu quả trong phát
triển du lịch cũng là một biện pháp quan trọng góp phần bảo tồn và giới thiệu
sâu rộng hơn nữa loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc này đến với công chúng
trong và ngoài nước.
4. Khó
Khăn Của Nghệ Thuật Truyền Thống.
Nghệ
thuật truyền thống đang phải đối mặt trước những khó khăn nhất định khi thị hiếu
của người xem đang có nhiều sự lựa chọn và thu hút bởi những loại giải trí mới,
đa dạng. Trong đó, Chèo dường như là môn nghệ thuật khá xa lạ với giới trẻ hiện
đại.
Trước
tình trạng các nhà hát hay đoàn chèo bị thu hẹp về quy mô hay nhiều nghệ sĩ khó
bám trụ được với nghề, thậm chí là bỏ nghề, NSƯT Phú Kiên - Trưởng
đoàn Nhà hát Chèo Việt Nam - người đã gắn bó 31 năm với bộ môn nghệ thuật này từng
cho biết, sự khó khăn và bấp bênh về nghề đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống
khiến cho rất nhiều nghệ sĩ giỏi buộc phải làm đơn xin nghỉ việc, xếp lại một
góc đam mê và lựa chọn cho mình một lối rẽ khác.
Đặc
biệt, năm 2020 được xem là một năm “khó chồng khó” bởi dịch bệnh và thiên tai,
mọi hoạt động giải trí buộc phải đóng cửa tạm nghỉ. Trao đổi với báo Lao Động,
NSƯT Thu Huyền - Phó GĐ Nhà hát Chèo Hà Nội cho hay, COVID-19 gây ảnh hưởng đến
mọi lĩnh vực và nghệ thuật Chèo không nằm ngoài sức ảnh hưởng đó. Đáng lẽ, mùa
xuân là thời điểm để nghệ thuật sân khấu được thể hiện nhiều nhất, thì lại rơi
đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát. Khó khăn thêm chồng chất nhiều hơn khi
phải đối mặt với mọi vấn đề, đặc biệt là về kinh phí. Nhiều nhà hát tư nhân xã
hội hóa thậm chí đã phải đóng cửa không thể hoạt động.
Bên
cạnh những khó khăn thấy trước mắt, một trong những vấn đề lớn đặt ra cho nghệ
thuật chèo là hướng đi nào để duy trì, phát triển một loại hình nghệ thuật truyền
thống bởi thực trạng Chèo từ lâu đã không còn đủ sức hấp dẫn đối với khán giả,
nhất là đối với giới trẻ. Lý do một phần cũng vì các tác phẩm kinh điển diễn lại
quá nhiều, sự sáng tạo trong những kịch bản mới còn ít, nội dung chưa đủ sức
hút kéo khán giả đến thưởng thức.
Đặc
biệt là sân khấu chèo thiếu đi một đội ngũ sáng tác chất lượng, dẫn tới kịch bản
chèo không còn mang dấu ấn truyền thống mà trong đó, nhiều vở chèo cải biên quá
đà nên khó chạm vào trái tim người xem, nhất là đối tượng khán giả của bộ môn
Chèo đa phần đều là người cao tuổi.
Theo
nhận định của NSƯT Thu Huyền, đây có lẽ cũng là một thách thức nữa của nghệ thuật
chèo nhưng không phải vì thế mà những nghệ sĩ còn dành nhiều tình yêu cho bộ
môn này lại từ bỏ. “Càng không có khán giả chúng ta lại phải càng tìm cách để
đưa họ trở lại và đến gần hơn với Chèo. Luôn đặt chất lượng tác phẩm nghệ thuật
lên hàng đầu, và khi khán giả được thỏa mãn thì chắc chắn sẽ lại tìm đến và lan
tỏa đến cộng đồng” - NSƯT Thu Huyền nói.
5. Hướng
Đi Và Các Sự Đổi Mới Để Bảo Tồn.
Trước
thực trạng thiếu vắng khán giả của sân khấu chèo truyền thống, việc hướng chèo
khai thác những đề tài hiện đại là bước đi đúng đắn của những người hoạt động
trong lĩnh vực chèo. Tuy nhiên, chèo hiện đại đang ở đâu trong lòng công chúng,
chèo hiện đại đã làm được gì và chưa làm được gì cho cuộc sống đương đại là một
câu hỏi không dễ trả lời.
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng, trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu
thẩm mỹ của công chúng khác xa trước đây, và công chúng khó tính khi lựa chọn
tác phẩm để tiếp nhận... Chính vì vậy, để chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công
chúng là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi người nghệ sỹ phải tìm tòi,
sáng tạo để tìm ra sự phá cách mang tính đột phá trong nghệ thuật, qua đó tạo dựng
những tác phẩm chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng.
Nhà
nghiên cứu Hồ Ngọc thừa nhận, chèo hiện đại cũng như các hình thức sân khấu
khác, hiện đang sống trong một môi trường nhiều hạn chế cả về mặt kinh tế,
chính trị và xã hội. Muốn phản ánh được các đề tài hiện đại nóng bỏng, với những
chủ đề sâu sắc, với những hình tượng nghệ thuật lay động lòng người như một số
vở chèo cổ cha ông ta đã làm được trước đây, hoàn toàn không phải là chuyện đơn
giản. Nhà nghiên cứu Hồ Ngọc đánh giá, những năm qua, nghệ thuật chèo mới chỉ
phản ánh hiện thực thời sự theo kiểu “sát sườn”, có thể gọi đó là một thứ “hiện
thực bò sát”, thiếu hẳn sự bay bổng của trí tưởng tượng sáng tạo, không có tầm
khái quát, nên chưa hấp dẫn được công chúng.
Theo
NSƯT Quốc Trượng (Phó giám đốc nhà hát chèo Quân đội), để hấp dẫn khán giả,
không những cần đề tài mới, mà người nghệ sĩ phải “phả” hơi thở cuộc sống vào
hát chèo. Tuy nhiên chỉ nên đặt lời mới, phát triển lời mới trên lòng bản cổ
như “Luyện năm cung”, “Hệ thống đường trường”, “Thức cẩm hồi vân”… chứ không nên
sáng tác làn điệu mới vì như vậy sẽ mất chất dân tộc, không còn là hát chèo
truyền thống mà thành kịch nói...
Đạo
diễn Lê Huệ cũng cho rằng, để làm được một vở chèo với đề tài hiện đại mà vẫn
là “chèo” rất khó, đòi hỏi từ khâu viết kịch bản đến cách dàn dựng và toàn bộ
êkíp phải đồng tâm, đồng lòng, cùng chí hướng, công phu, mọi thành viên theo đuổi
đến cùng, chứ không đơn giản như cách làm thông thường, tác giả viết kịch bản
xong chuyển cho đạo diễn muốn làm thế nào thì làm, nhất là với lối làm “chạy
sô” khá phổ biến hiện nay của các đạo diễn, thì chắc chắn sẽ “gieo vừng ra
ngô”.
Nghệ
thuật chèo với đề tài hiện đại vẫn luôn là mối quan tâm không chỉ của riêng
“làng chèo” - mà còn của cả giới sân khấu và các cơ quan quản lý nhà nước. Để bảo
tồn và phát triển chèo, cần phải có sự chung tay, chung sức của cả xã hội, từ sự
hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, đến sự nỗ lực của người quản lý, của mỗi nghệ
sĩ. Nhưng “cải biên, cải tiến, phát triển, cách tân” như thế nào để khi đưa đề
tài hiện đại vào chèo vẫn giữ được cốt cách và những nét đẹp truyền thống độc
đáo của nó, vẫn là một câu hỏi chưa dễ trả lời, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả
các nghệ sĩ sân khấu, trên bước đường suy ngẫm, tìm tòi, khám phá và sáng tạo…
NSND
Quốc Trượng - GĐ Nhà hát Chèo Quân đội từng chia sẻ với báo giới rằng, để thu
hút và giữ chân khán giả rất cần những tác phẩm chất lượng, bám sát vào thực tế
đời sống hiện nay. Đồng thời cần có sự sáng tạo mới mẻ nhưng không mất đi bản sắc.
Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ, tìm kiếm và đào tạo những gương mặt mới thông
qua các cuộc thi để tiếp tục cống hiến cho bộ môn Chèo cũng cần được chú trọng.
Mới
đây, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020” (diễn ra từ ngày 4 đến
12.11) được tổ chức tại Hà Nam với 63 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị đăng ký
tham gia. BTC kỳ vọng, cuộc thi sẽ ươm mầm thêm nhiều tài năng và tiếp thêm đam
mê cho mỗi thí sinh.
Bên
cạnh đó, một việc làm hết sức quan trọng là đưa nghệ thuật Chèo vào các trường
học. Đối với các bậc tiểu học nên hướng sự tập trung vào các vở chèo mang tính
vui nhộn, huyền thoại để phù hợp với lứa tuổi học sinh như “Thạch Sanh”, “Cây
tre trăm đốt”, “Lọ Lem”… còn với các cấp học khác sẽ là các vở chèo mang thông
điệp nhân văn, ý nghĩa đến gần hơn với tâm tư suy nghĩ của các em học sinh ở lứa
tuổi mới lớn. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, trò chuyện cùng các nghệ sĩ, nhà
nghiên cứu xoay quanh nghệ thuật Chèo khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu giúp các em
học sinh yêu thích, gắn bó hơn với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Tài Liệu Tham Khảo :
1. https://laodong.vn