GIÁ TRỊ CỦA LỄ HỘI VÍA BÀ TRONG ĐỜI SỐNG
VĂN HÓA CƯ DÂN HÊN NAY
( TẠI
XÃ LONG THƯỢNG – HUYỆN CẦN GIUỘC – TỈNH LONG AN)
Tóm
tắt: Lễ hội Vía Bà là lễ hội truyền thống
của Nam Bộ nói chung và của người dân ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long
An nói riêng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và là
nơi lưu lại những giá trị tinh thần vô giá mà lễ hội lưu giữ truyền lại cho thế
hệ sau. Qua
nghiên cứu, tìm hiểu và phỏng vấn trực tiếp những người tham gia vào hoạt động Lễ
hội Vía Bà, bài viết nêu lên những giá trị của Lễ hội Vía Bà trong đời sống dân
cư tại xã Long Thượng – huyện Cần Giuộc – tỉnh Long An như: Giá trị về giáo dục;
giá trị cố kết cộng đồng; giá trị tâm linh và giá trị vui chơi giải trí.
Từ
khóa:
Lễ hội Vía Bà; giá trị giáo dục; giá trị cố kết cộng đồng; giá trị tín ngưỡng;
giá trị vui chơi giải trí.
1.
Đặt
vấn đề
Lễ
hội là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và mang đậm bản sắc dân tộc,
là tài sản văn hóa vô giá, là nơi lưu giữ những truyền thống văn hóa của các
dân tộc. Giá trị, ý nghĩa thật sự của lễ hội không chỉ nằm ở chỗ thu hút nhiều
người tham dự mà còn bao hàm cả việc đã để lại những gì trong lòng người tham dự.
Cùng với thời gian, lễ hội Vía Bà, Ngũ Hành, Long Thượng vốn mang trong mình những
giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời. Đến nay, nó vẫn tồn tại trong đời
sống của cộng đồng người dân nơi đây như một minh chứng về sự trường tồn của một
giá trị văn hóa tốt đẹp.
Lễ hội Vía Bà, Ngũ Hành, Long Thượng diễn ra từ 18 đến 21 tháng giêng
hàng năm, với nhiều nghi lễ trong đó có hai nghi lễ quan trong là lễ Túc Yết và
lễ Đoàn Cả để tế thần và tạ ơn thần đã thần phò trợ cho mưa thuận gió hòa, mùa
màng tốt tươi. Qua đó cho thấy truyền thống uống nước nhớ nguồn, niềm tin, sự
kính cẩn của người dân với Bà Ngũ Hành – vị thần bảo trợ cuộc sống hàng ngày
của họ.
Trong
bối cảnh công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, sự hiện
diện của lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long Thượng chính là tài sản văn hóa quý giá đã
và đang tác động đến nhiều phương diện trong đời sống của người dân, không chỉ
đáp ứng nhu cầu của con người trong xã hội cổ truyền mà cả trong xã hội hiện đại.
Có được điều đó là do lễ hội vía Bà mang trong mình những giá trị sau:
2.
Những
giá trị của Lễ hội Vía Bà
2.1.
Giá trị văn hóa
Trong lễ hội Vía Bà, ngoài các nghi thức cúng tế là các hình thức
hát tuồng, bóng rỗi và chặp Địa – Nàng. Đây là hình thức diễn xướng gắn với
nghi lễ cúng miếu, nơi thờ nữ thần bảo hộ cho cộng đồng, vừa phục vụ lễ thức
tôn nghiêm của cộng đồng đồng thời thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân nơi
đây. Từ nội dung của vở tuồng hát, hát chặp trong diễn xướng cũng mang ý nghĩa
giáo dục con người điều hay lẽ phải, tránh cái xấu, cái ác. Các động tác trong
múa bóng với nguyên tắc giữ thăng bằng, chân và thân mình thường nhún lên xuống
theo trục thẳng đứng của cơ thể, mặt luôn hướng về bàn thờ thể hiện rõ nhận
thức của người dân trong nghi lễ với Bà, đó là sự tôn nghiêm kính trọng bằng
cách trình diễn và dâng lễ vật chủ yếu trên phần đầu. Bóng rỗi vừa mang hình
thức nghi lễ, vừa thỏa mãn nhu cầu cần thiết trong đời sống tâm linh của người
dân, mong muốn được che chở, nương tựa vào Bà. Nó mang trong mình những giá trị
nghệ thuật làm cho đời sống tinh thần của con người phong phú, giúp con người
hướng thiện.
Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng có vị trí quan trọng trong đời
sống cư dân nơi đây. Đó là nơi dung hòa các tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân
trên cùng địa bàn sinh sống, là nơi thể hiện tinh thần tương thân tương ái,
đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau. Đồng thời đây là nét đẹp, giá trị nhân văn
cần được giữ gìn và phát huy cho các thế hệ sau noi theo.
Lễ
hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, lễ hội
không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc mà còn là môi trường bảo
tồn, làm giàu và phát huy nền văn hóa dân tộc ấy. giá trị tâm linh, cố kết cộng
đồng thì giáo dục đạo đức truyền thống cũng là một giá trị tốt đẹp của lễ hội
vía Bà.
Dân tộc ta vốn có đạo lý “uống nước nhớ
nguồn” răn dạy con người “ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn những người đã tạo
dựng nên những gì chúng ta có được như ngày nay. Những gì chúng ta có được ngày
nay không phải tự nhiên sẵn có mà do ông cha ta đã mất bao nhiêu công sức và có
cả xương máu để xây dựng và giữ gìn. Lễ hội là môi trường rất tốt để giáo dục
truyền thống quý báu của dân tộc cho thế hệ sau.
Miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng được xây dựng
và phát triển gắn với công đức Bà Ngũ Hành – vị thần phù hộ cho mưa thuận gió
hòa, mùa màng tốt tươi, vị thần bảo hộ cho cuộc sống hàng ngày của người dân
Long Thượng. Bên cạnh đó, miếu còn thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, những người
có công trong khai hoang lập ấp, những vị anh hùng nghĩa sỹ đã hy sinh bảo vệ
vùng đất Long Thượng. Do đó, lễ hội vía Bà Ngũ Hành được tổ chức không chỉ tưởng
nhớ, tạ ơn công đức của Bà Ngũ Hành mà còn tưởng nhớ công ơn của những anh hùng
có công với dân, với nước như tổng binh Nguyễn Hữu Tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ
hội Vía Bà Ngũ Hành một mặt thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cố kết, vui chơi, giải
trí của người dân, mặc khác qua các hoạt động đó thể hiện truyền thống uống nước
nhớ nguồn của nhân dân ta được bảo lưu trong các hoạt động của lễ hội mà ở đây
là các nghi thức cúng tế và các hình thức diễn xướng diễn ra trong lễ vía Bà.
Chính lễ hội đã tuyên truyền, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ về
cội nguồn dân tộc, khắc ghi công ơn của những vị thần linh, tiền nhân đã có
công tạo dựng nên cuộc sống ngày hôm nay. Lễ hội không chỉ người lớn tuổi tham
gia mà còn có một bộ phận không nhỏ lớp
trẻ cũng náo nức tham gia, không chỉ đến thắp nhang cầu nguyện, vui chơi mà còn
góp một phần công sức của mình phục vụ từ dọn dẹp cảnh quan, giữ trật tự, phục
vụ tiếp đãi quan khách. Bản thân bộ phận lớp trẻ này đã được giáo dục, truyền dạy
về sự che chở linh thiêng của Bà Ngũ Hành từ ông bà, cha mẹ nên trong thâm tâm
các em cũng tin tưởng vào sự linh ứng của Bà. Không thể phủ nhận một điều là
ngày nay cùng với sự phát triển tiến bộ của xã hội, thế hệ trẻ được tiếp xúc với
thành tựu khoa học kỹ thuật, đã được học hành tới nơi tới chốn, trình độ học vấn
càng được nâng cao nhưng bộ phận lớp trẻ ở Long Thượng vẫn tham gia lễ hội với
thái độ kính cẩn, trang nghiêm, với sự thành tâm chớ không có một sự đùa giỡn
hay thái độ bất tin, bất kính nào với Bà Ngũ Hành. Từ niềm kính cẩn đó, hình
thành thái độ trật tự, lịch sự trong ứng xử, giao tiếp và không có bất cứ một
hành động thái độ nào quậy phá, gây rối vì sợ gặp phải sự quở phạt của Bà Ngũ
Hành.
Khi
trao đổi một nhóm các em là học sinh cấp 3 trường Trung học phổ thông Long Thượng,
được biết, năm nào các em cũng đi lễ Vía Bà. Dù các em không biết nguồn gốc vì
sao miếu thờ Bà Ngũ Hành, không biết ngôi miếu có từ khi nào nhưng qua lời dạy
của ông bà, cha mẹ mà các em biết được ngôi miếu và Bà Ngũ Hành rất linh
thiêng. Các em đến trước tiên là thắp nhang cầu nguyện cúng bái cho Bà, sau đó
là xem các trò diễn, hát rỗi diễn ra trong lễ hội. Và dù là thế hệ trẻ tiếp xúc
với các loại hình nghệ thuật hiện đại nhưng các em vẫn rất hào hứng với các
hình thức hát bóng rỗi, xiếc tạp kỹ và hát bội diễn ra trong lễ hội, và cảm thấy
lạ lẫm với hình thức diễn xướng dân gian này, từ đó tò mò muốn xem và tìm hiểu
loại hình nghệ thuật truyền thống này.
H: chú thấy việc tổ chức lễ hội này có ý nghĩa không?
Đ: việc tổ chức lễ hội này rất tốt, rất ý nghĩa. Là dịp
mọi người cùng về đây, tưởng nhớ công ơn của Bà, qua đó còn giáo dục được thế hệ
trẻ uống nước nhớ nguồn. Con thấy lớp trẻ đi dự lễ đông không, tụi nó đi dự rất
nghiêm túc, chú đi lễ nhiều rồi, không thấy tình gây rối, quậy phá làm mất an
ninh trật tự gì cả.
(Phỏng vấn cô L,
50 tuổi, Long Thượng, Cần Giuộc, Long An)
Như
vậy, chức năng giáo dục trao truyền văn hóa là một chức năng không thể thiếu
trong bất cứ một lễ hội nào và lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long Thượng cũng không
ngoại lệ. Lễ hội Vía Bà với những nghi lễ được lưu giữ qua bao thế hệ, được thực
hiện một cách bài bản, nghiêm túc, minh chứng cho sự kính cẩn biết ơn, uống nước
nhớ nguồn của thế hệ ngày nay đối với công lao, ơn đức của những vị thần thánh,
những vị anh hùng có công bảo bọc, xây dựng và bảo vệ cuộc sống của mình. Chúng
ta cần lưu giữ, bảo vệ và phát triển giá trị truyền thống tốt đẹp này để tiếp tục
giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay tôn trọng và gìn giữ tài sản tinh thần vô giá
mà ông cha ta để lại. Chính những giá trị đó điều chỉnh hành vi, răn dạy con
người sống tốt hơn, cùng nhau xây dựng một cuộc sống trong mối quan hệ gắn kết
vươn tới giá trị tốt đẹp – giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống.
2.2.
Giá trị cố kết cộng đồng
Như
vậy, gắn liền với sự biến đổi của đất nước, gắn liền với những chặng đường lịch
sử, Lễ hội Vía Bà có thể được xem như một bảo tàng sống động, phong phú về đời
sống văn hóa – tinh thần của dân tộc. Mặc dù, lễ hội bao giờ cũng hướng đến đối
tượng thiên liêng mà người dân suy tôn, là các nhiên thần hay nhân thần, nhưng
xét cho cùng cội rễ, đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp của những
bậc khai cơ lập nghiệp, tạo cuộc sống yên vui tốt đẹp cho người dân nơi đây.
Lễ
hội Vía Bà cũng là dịp để mọi tầng lớp nhân dân, mọi nghề, mọi giới ở địa
phương hay cũng như những người từ phương xa đến Vía Bà giao lưu, cộng cảm, xây
dựng tinh thần cố kết cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước.
Tín
ngưỡng dân gian tồn tại, phát triển trở thành nhu cầu tự nguyện của cộng đồng,
việc thực hiện các nghi lễ cúng tế tạ ơn các vị thần phù hộ cho họ có cuộc sống
bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt tạo nên sự tương tác giữa các cộng
đồng. Chính sự cố kết cộng đồng giúp cho con người có tinh thần đoàn kết, tương
thân tương ái, giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Người dân Nam Bộ nói chung và Long Thượng
nói riêng vốn có truyền thống đoàn kết tốt đẹp.
Tinh thần đoàn kết đó xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước, trong điều kiện sản
xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, tưới tiêu nên việc trị thủy luôn được
đặt ra. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, việc trồng chung một giống lúa và
xuống giống cùng lúc trên cùng cánh đồng giúp hạn chế sâu bệnh đồng thời giúp
người nông dân có thể giao lưu, trao đổi công với nhau; đồng thời sử dụng chung
nguồn nước tưới là rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Để làm được tất cả
điều trên đòi hỏi người dân trong vùng phải có sự gắn kết với nhau.
Miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng là nơi sinh hoạt tín
ngưỡng, là nơi thờ tự những vị thần bảo hộ cho cuộc sống hàng ngày của người
dân không chỉ riêng người dân xã Long Thượng mà còn cho cả người dân trong
vùng. Vào ngày vía Bà, tất cả mọi người đều tham gia một cách nhiệt tình và
trên tinh thần tự nguyện. Dù lễ hội được tổ chức lớn hay nhỏ, vẫn là sinh hoạt
văn hóa tập thể, là công việc của cả cộng đồng, nên để tổ chức lễ hội thành công không thể thiếu
sự tham gia của cộng đồng từ việc chuẩn bị tài chính, nhân lực đến việc thực hiện
các nghi thức cúng tế, các hình thức vui chơi giải trí. Cũng như những lễ hội
truyền thống khác, lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long Thượng đã tạo nên sự cố kết cộng
đồng, đoàn kết dân cư nơi đây.
Qua
hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh chung, người dân cảm thấy thân ái nhau
hơn. Giá trị cố kết cộng đồng lễ hội vía Bà thể hiện qua việc những người tổ chức
lễ hội cùng ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc xây dựng kế hoạch tổ chức như thế
nào để vừa lưu giữ nét truyền thống, đảm bảo tính trang nghiêm vừa đáp ứng nhu
cầu tín ngưỡng, giải trí của người dân. Cụ thể, hàng năm trước khi lễ hội diễn
ra, Ban Hội hương và Ban Quản lý di tích miếu Bà Ngũ Hành đều có cuộc họp để
bàn về cách thức tổ chức lễ hội, thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng
ban phục vụ lễ. Tinh thần đoàn kết cùng nhau chia sẻ, gánh vác công việc phục vụ
lễ hội của người dân còn được thể hiện rất rõ trong quá trình chuẩn bị và tổ chức
lễ hội.
Như
đã trình bày ở phần trước, để phục vụ lễ hội thì Ban Hội hương miếu đã họp và
phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban: ban hậu cần, ban tiếp tân, ban phát lộc
và phân công người giữ an ninh trật tự cho lễ hội. Sau khi họp phân công nhiệm
vụ cụ thể, mỗi người tùy theo chức trách, công việc được phân công, tự giác bắt
tay vào thực hiện nhiệm vụ của mình giúp Ban Hội hương và chính quyền địa
phương chuẩn bị tổ chức lễ hội thật chu đáo từ công tác dọn dẹp đến công tác phục
vụ trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Thực tế cho thấy, dù tham gia lễ hội với
vai trò tổ chức hay khách hành hương thì mỗi người đều ý thức được vị trí của
mình trong tổ chức, trong cộng đồng, từ đó luôn nêu cao tinh thần tự giác, góp
phần điều chỉnh hành vi của cá nhân sao cho phù hợp với hoàn cảnh.
Tính
cố kết cộng đồng ở lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long Thượng còn được thể hiện qua việc
các thành viên trong cộng đồng đều dựa trên quan hệ bình đẳng, tự nguyện, không
tranh giành chức tước cũng như quyền lợi. Các chức Chánh Bái, Bồi bái, Đông hiến,
Tây hiến đều được lựa chọn trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và theo những tiêu chuẩn
quy định. Mọi người dân khi tham dự lễ hội vía Bà Ngũ Hành đều có chung một
lòng hướng thiện, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm, hòa thuận và vì
nhu cầu vui chơi giải trí. Vì thế mà khi đứng trước Bà Ngũ Hành, mọi người đều
mong cho cuộc sống bình an, mạnh khỏe, gia đình gặp nhiều may mắn, xóm làng
bình yên. Sau cúng tế Bà, ai cũng vui vẻ nhận phần lộc được ban. Đó là những vật
phẩm mà khách hành hương dâng cúng, họ cùng ngồi ăn uống cộng cảm do miếu thiết
đãi từ đó tạo thêm sự cố kết cộng đồng không chỉ người dân trong vùng mà cố kết
cả khách hành hương ở nơi khác về dự lễ.
H: Miếu Bà được
xây dựng khi nào? Từ khi xây dựng đến nay sửa chữa bao nhiêu lần? Ban Hội hương
có tài liệu lịch sử nào về miếu Bà không?
Đ: Theo ông bà kể
lại, miếu được xây dựng cách đây rất lâu rồi cùng với khi quá trình khẩn hoang
lập làng. Ở miền tây mình, làng nào, xã nào cũng có một ngôi đình miếu hết. Đến
nay, thì miếu đã qua vài lần trùng tu, sửa chữa, Ban hội hương không có tài liệu
lịch sử nào về nguồn gốc của miếu, chỉ có báo cáo di tích kiến trúc nghệ thuật
Miếu Bà Ngũ Hành của Bảo tàng Long An thôi.
H: con thấy miếu
ngoài thờ Bà Ngũ Hành còn thờ các vị thần khác như Lê Sơn Thánh Mẫu, Quan Công,
Quan Âm, Tiền hiền, Hậu hiền. Vì sao có sự phối tự này vậy chú?
Đ: sự phối tự thờ
này có từ xưa rồi, vì người dân ở đây luôn tin tưởng tất cả các vị thần linh,
những người che chở cho cuộc sống hàng ngày của mình. Như Bà Lê Sơn Thánh Mẫu
được thờ như người mẹ sanh mẹ độ phù hộ cho mình sức khỏe, may mắn; Quan Công
là thần của người Hoa, giống như tín ngưỡng của người Hoa, ở đây thờ Ông cũng cầu
mong phù hộ cho sức khỏe, lành mạnh, công việc làm ăn được thuận lợi; còn các vị
Tiền hiền, Hậu hiền là để tưởng nhớ công ơn những người khai hoang lập ấp, xây
dựng và bảo vệ mảnh đất Long Thượng này. Hơn nữa, nó còn tạo thêm sự cố kết cộng đồng không chỉ người dân trong
vùng mà cố kết cả khách hành hương ở nơi khác về dự lễ.
(Phỏng vấn ông
NVC, Phó Hội trưởng Ban hội hương miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng)
Như vậy, tính cộng đồng và cố kết cộng đồng
là một nét giá trị tiêu biểu trong lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng. Tất cả mọi
người ai cũng đảm nhận công việc khác nhau nhưng đều có chung tình cảm, mục
đích là cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà đều ấm no hạnh
phúc, họ xem đó cũng là công việc của gia đình. Vì vậy, có những người dù không
trực tiếp tham gia phục vụ lễ hội, họ đóng góp bằng vật chất với hình thức cúng
vườn bằng tiền hay cúng gạo và những vật phẩm khác phục vụ cho công tác nấu ăn
thiết đãi khách hành hương về dự lễ. Chính điều này càng thắt chặt thêm mối
quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, sự liên kết, dân chủ, bình đẳng và
sức mạnh cố kết cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long
Thượng nói riêng và lễ hội truyền thống của dân tộc nói chung. Ở lễ hội, cá
nhân dường như bị xóa nhòa giữa cộng đồng mà thay vào đó là tinh thần hòa nhập,
hành động vì cộng đồng,
2.3.Giá
trị về tâm linh
Trong đời sống tâm linh của
con người ở Việt Nam đều tồn tại hình thức tín ngưỡng. Trước tiên dễ nhận thấy
nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình, đến thờ cúng Thành
hoàng ở các làng xã hay thờ cúng các vị anh hùng có công với dân, với nước.
Chính vì thế họ cần một chỗ dựa vượt qua những thử thách để sinh tồn, họ đoàn kết
gắn bó với nhau, tìm kiếm sự che chở từ thần linh, những người được họ sùng
bái, tôn thờ vì đã mang lại cuộc sống ấm no cho họ.
Trong các vị nữ thần, Bà
Ngũ Hành Nương Nương tuy không có thần tích nhưng lại được thờ khắp nơi ở Nam Bộ.
Người ta thờ Bà cầu mong phù hộ cho sức khỏe, làm ăn được thuận lợi, cầu may mắn,
tránh khỏi rủi ro, hoạn nạn.
Trong
lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long Thượng, ngoài sự giao lưu giữa tín ngưỡng thờ Bà với
Phật giáo và Cao Đài, còn thấy có sự giao lưu với các đình thần, miếu khác
trong vùng. Vào ngày vía, tất cả các đình, miếu trong xã đều cử đại diện hương
chức đến thắp hương cúng Bà. Người dân Long Thượng không chỉ có niềm tin vào sự
che chở Phật, của Thánh Thần, của Thần hoàng ở đình mà còn tin vào cả sự che chở
của Bà trong cuộc sống hàng ngày.
Trong tâm thức của người dân Long Thượng luôn có một niềm
tin vững chắc vào Bà Ngũ Hành – người phù hộ, bảo bọc của trong cuộc sống hàng
ngày của mình.
H: cô có tin vào sự linh thiêng, phù hộ của Bà không?
Đ: tin chớ, rất tin. Bà là Mẹ phù hộ cho cuộc sống ở
đây ai cũng tin vậy hết.
H: cô đi lễ cầu mong điều gì?
Đ: cô đi với phật tử khác trong chùa Vạn Đức, trước hết
là cầu siêu cầu cho bá tánh dân an, cầu mong Bà phù hộ cho mùa màng được thuận
lợi. Sau đó, cầu mong cho gia đình cô sức khỏe, làm ăn được may mắn, con cháu
trong nhà đều thành đạt, hạnh phúc.
(Phỏng vấn bà BTP, 55 tuổi, Long
Thượng, Cần Giuộc, Long An)
H: Bà ở đây rất linh thiêng hả chú?
Đ: ừ, rất linh thiêng. Tin vào sự che chở, phù hộ của
Bà nên năm nào chú và tất cả con cháu trong nhà đều đi cúng Bà hết.
H: chú có thể kể con nghe một sự việc về sự linh
thiêng của Bà không?
Đ: ừ, câu chuyện này do ông ngoại chú kể lại, ông ngoại
nói hồi chống Mỹ, có một quả bom rơi ngay miếu của Bà, nhưng bom không nổ, người
dân ở đây tin là do có Bà che chở nên bom mới không nổ.
(Phỏng
vấn chú Ba H, 54 tuổi, Long Thượng, Cần
Giuộc, Long An)
Không
chỉ riêng người dân Long Thượng mà còn có người dân ở những địa phương khác,
cũng đều tin vào sự linh thiêng, che chở của Bà. Vào ngày diễn ra lễ hội, họ đều
đến thắp nhang tạ ơn và cầu mong Bà phù hộ cho cuộc sống hàng ngày của mình. Điều
này có thể minh chứng qua số lượng khách hành hương ở các huyện, tỉnh thành
khác về dự lễ vía Bà tăng lên theo từng năm và chính quyền địa phương đã quyết
định kéo dài thời gian tổ chức để người dân về dự lễ.
Như
vậy, cho thấy chính trong quá trình sống cộng cư đã tạo nên sự giao lưu, ảnh hưởng
qua lại giữa các dân tộc, giữa các tín ngưỡng, tôn giáo trong cùng khu vực cư trú
và đây là điều tất yếu đã xảy ra. Trong tín ngưỡng, sự giao lưu văn hóa này thể
hiện ở rất nhiều lĩnh vực, từ cách thờ cúng đến kiến trúc, các nghi thức cúng tế,
đến cả những người dân dự lễ. Miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng với cách thờ tự, mô
típ trang trí kiến trúc, nghi lễ cúng tế đã minh chứng sự giao lưu văn hóa, mối
quan hệ khắn khít và đa tín ngưỡng của người dân Long Thượng nói riêng và của
Nam Bộ nói chung. Họ tin vào tất cả thần thánh, niềm tin chính là chỗ dựa tâm
lý, sự củng cố tinh thần giúp họ vượt qua rủi ro, hoạn nạn, khó khăn trong cuộc
sống thường nhật.
Đối với người dân Long Thượng, miếu bà Ngũ Hành là một
ngôi miếu hết sức linh thiêng. Theo lời kể của các vị cao niên và cũng là hương
chức đình Long Thượng: Vào thời kháng chiến chống Pháp, một tiểu
đội của ta đánh Tây vì vũ khí không bằng nên họ rút về. Và trên đường rút về mệt
lã đã vào miếu tá túc nghỉ chân. Trong lúc nghĩ dưỡng sức, tiểu đội có hai đồng
chí nhặt được chai rượu, vì trời lúc đó lạnh nên đã lén ra xa đồng đội uống say
và ngủ mê. Khi đang nằm nghỉ chân, chỉ huy mơ thấy Bà về bảo đưa đồng đội đi
ngay vì quân Pháp sắp đến. Vị này tỉnh dậy và kêu đồng đội rời khỏi miếu nhưng
còn hai đồng chí trốn uống rượu say nằm ở phía sau miếu không trốn đi được nên
đã bị Pháp bắt và sau đó xử chém trước miếu Bà, tại khu vực chợ Long Thượng. Thấy
linh nghiệm, sau đó vị chỉ huy đã trở lại lạy tạ ơn Bà và kể lại chuyện đã xảy
ra, từ đó người dân nơi đây càng tin tưởng vào sự linh ứng và che chở của Bà.
Đến
thời chống Mỹ, không có đạn pháo nào rơi ở Long Thượng cũng như không có đấu
súng nào xảy ra ở đây (theo lời kể của chú Lê Vĩnh Trường, hương chức đình Long
Thượng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Hay như lời nhà sư
Thích Minh Thắng - sư trụ trì chùa Vạn Đức, người đã sống ở Long Thượng từ nhỏ
cho biết ông cũng tin vào sự linh thiêng che chở của Bà, trong thời chiến tranh
loạn lạc, bom đạn có rơi ở đâu chớ không rơi vào Long Thượng, và nhờ sự che chở
của Bà mà Long Thượng còn tồn tại qua chiến tranh và phát triển đến bây giờ
(Thích Minh Thắng – sư trụ trì chùa Vạn Đức, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh
Long An).
Chính
vì sự linh thiêng đó mà người dân càng đặt lòng tin vào sự phù hộ, che chở của
Bà. Người đến dự lễ Vía Bà có cả già trẻ, trai gái và đủ mọi thành phần xã hội,
đó là những em học sinh, những người nông dân, công nhân và những người kinh
doanh buôn bán. Tất cả họ đến đây đều với một lòng thành tâm kính cẩn. Họ không
chỉ gởi đến Bà lời cầu xin phù hộ và giúp đỡ vượt qua những khó khăn để thực hiện
được những ước mơ, hoài bảo, khát vọng trong cuộc sống mà còn là lời cầu mong
tha thứ cho những việc làm sai trái với lương tâm mà mình đã trót làm để tìm thấy
sự an yên trong tâm hồn.
Cuộc
sống chúng ta luôn tìm ẩn nhiều khó khăn, bất trắc, cho nên người dân cần một
chỗ dựa tinh thần để có thể yên tâm sống và lao động sản xuất. Xã hội ngày càng
phát triển, con người bằng sự nổ lực, sự hiểu biết của bản thân đã có thể gặt
hái được những thành tựu nhất định nhưng họ vẫn tin có lực lượng siêu nhiên là
thần linh giúp đỡ. Điều đó cho thấy, việc ổn định tâm lý, tinh thần con người
trong cuộc sống rất quan trọng và sẽ rất khó thực hiện nếu không có những sinh
hoạt tâm linh như lễ hội.
Lễ
hội Vía Bà Ngũ Hành mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống mà tất cả người dân trong vùng không phân biệt
giới tính, tuổi tác, tôn giáo đều tham gia. Bà Bùi Thị Phướng, 54 tuổi, nhà ở
Long Thượng, một tín đồ Phật giáo, dù theo đạo Phật nhưng hàng năm vẫn đi lễ
vía Bà vì tin vào sự linh thiêng của Bà. Là thành viên trong Ban hộ niệm chùa Vạn
Đức, đến với lễ vía Bà Ngũ Hành, trước hết bà Phước cùng Ban hộ niệm thực hành
nghi lễ Cầu An cầu cho bá tánh dân an, nhà nhà no ấm, sau đó là cầu mong Bà Ngũ
Hành phù hộ cho gia đình sức khỏe, làm ăn thuận lợi, con cháu thành đạt. Cũng
theo bà Phước, người dân dù theo hay không theo tôn giáo nào, dù đạo hay đời…
ai cũng mong muốn cuộc sống của mình luôn gặp nhiều may mắn, gia đình bình an,
mọi điều được thuận lợi. Do đó, lễ hội vía Bà ở đây như là chiếc cầu nối, là dịp
để con người giải bày và gởi gắm những ước vọng đó đến Bà Ngũ Hành cầu mong sự
phù hộ.
Đến
với lễ hội Vía Bà không chỉ có người lớn tuổi mà còn có một bộ phận không nhỏ lớp
trẻ, đó là những em học sinh, sinh viên sinh sống trong vùng hay ở những vùng lận
cận cũng đến tham dự lễ hội Vía Bà Ngũ Hành. Lớp trẻ đến đây không chỉ để xem lễ
hội mà còn đến để cầu xin Bà phù hộ sức khỏe cho ông bà, cha mẹ, công việc làm
ăn trong gia đình được thuận lợi và việc học hành của mình đạt kết quả tốt.
Em
Trần MT, học sinh trường Trung học phổ thông Long Thượng cho biết, em biết đến
lễ hội vía Bà qua lời dạy của ba mẹ, lúc nhỏ em thường theo ba mẹ đến miếu thắp
hương cầu mong Bà phù hộ cho em thông minh, sáng suốt, có sức khỏe và học tập
thật tốt. Cứ như vậy, mỗi năm em đều đến tham dự lễ hội vía Bà. Em còn cho biết,
không chỉ vào dịp lễ mà ngày thường em cũng hay đến miếu để thắp hương cúng Bà
cầu mong phù hộ cho gia đình em được sức khỏe, may mắn. Em Ngô Duy, nhà ở quận
8, thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên năm cuối trường Đại học Luật cũng theo gia
đình đến cúng Bà Ngũ Hành từ rất sớm. Em cho biết, gia đình dù sống ở Sài Gòn
nhưng ba mẹ là người quê gốc ở Cần Đước, Long An. Là một sinh viên, thế hệ trẻ
nhưng mỗi năm em đều cùng ba mẹ về cúng Bà vào dịp lễ để cầu mong Bà phù hộ cho
gia đình sức khỏe, kinh tế được phát triển và em thì học hành tiến tới, đạt được
nhiều thành quả tốt đẹp.
Tín
ngưỡng dân gian không chỉ là nơi con người gởi gắm niềm tin mà còn thể hiện
khát vọng sống của các tầng lớp nhân dân. Mọi người không phân biệt giới tính,
tuổi tác, nghề nghiệp, ai cũng có quyền xin Bà che chở, phù hộ cho cuộc sống của
mình. Miếu Bà Ngũ Hành và lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long Thượng tồn tại đến ngày
nay là nơi thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân như một sự bảo trợ
bình an cho cuộc sống hàng ngày. Họ có niềm tin vào sự linh thiêng của Bà và
chính niềm tin đó đã giúp họ có lấy lại cân bằng trong cuộc sống, niềm tin đó
chính là sức mạnh, động lực giúp cho họ vượt qua những khó khăn, rủi ro, thử
thách để vươn lên xây dựng tương lai tốt đẹp.
2.4.
Giá trị vui chơi giải trí
Ngoài
giá trị giáo dục; giá trị cố kết cộng đồng; giá trị tâm linh thì Lễ hội Vía Bà
còn mang đến một giá trị cũng không kém phần quan trọng là giá trị về Vui chơi
giải trí. Trong cuộc sống hàng ngày, ngoài đời sống vật chất thì thỏa mãn đời sống
tinh thần là nhu cầu tất yếu của con người. Đời sống tinh thần chiếm một vị trí
vô cùng quan trọng, chi phối tất cả các hoạt động của con người. Một lẽ tất
nhiên là không phải mọi nhu cầu của con người đều được đáp ứng, sẽ có những nhu
cầu được đáp ứng bằng sự cố gắng, nổ lực của bản thân nhưng cũng có những nhu cầu
mãi chỉ là ước mong, khát vọng mà thôi. Do đó, tín ngưỡng lễ hội xuất hiện nhằm
đáp ứng nhu cầu không thể thực hiện được để con người lấy lại cân bằng và có động
lực trong cuộc sống.
Lễ
hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng được tổ chức tứ ngày 18 đến 21 tháng giêng hàng
năm. Đây là thời gian mùa xuân, mùa màng đã thu hoạch xong, hơn nữa người người
còn trong không khí đón chào năm mới nên vào ngày lễ này mọi người nô nức kéo
nhau đi. Lễ là những nghi thức cúng tế được tiến hành một cách nghiêm túc cùng
với các lễ vật để dâng lên thần linh, nhằm ý nghĩa tôn kính, tạ ơn và cầu mong
thần linh bảo trợ cho cuộc sống hàng ngày ấm no, bình yên. Hội là tụ tập nhiều
người trong một cộng đồng để thực hiện những sinh hoạt tập thể như: trò trơi,
trò diễn, diễn xướng mang tính vui nhộn, hài hước vừa có ý nghĩa phục vụ cho thần
linh về dự lễ vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân sau thời
gian lao động vất vả.
H: các em có hay đi dự lễ không?
Đ: dạ có, tụi em đi lễ vía Bà, đi cúng đình và đi chùa
nữa.
H: miếu, đình là nơi thờ thần, còn chùa là nơi thờ Phật,
các em có biết khác nhau này không?
Đ: dạ có chị, ở nhà ba mẹ vẫn hay nói. Em đi cúng ở miếu,
đình, chùa trước hết là cầu mong tất cả thần linh, Phật phù hộ cho gia đình em
được sức khỏe, may mắn, sau đó được đến đây đi chơi cùng bạn bè trong nhóm.
(Phỏng vấn nhóm học sinh trường
Trung học phổ thông Long Thượng, Cần Giuộc, Long An)
Không
giống với những lễ hội khác, phần hội trong lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng
không tổ chức chơi những trò chơi dân gian truyền thống mà thay vào đó là hình
thức diễn xướng bóng rỗi. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian do
các ông bóng, bà bóng thực hiện, họ cất lên những lời hát mang tính chầu mời,
thờ cúng, xưng tụng và tạ ơn thần linh. Trong lễ Vía Bà, trước hết các cô bóng
sẽ đại diện cho miếu hát múa mâm vàng dâng
cúng, mời Bà về chứng lễ; đồng thời mời chư vị thần thánh các nơi cùng về dự lễ
vía Bà và phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh
phúc. Sau đó, các cô bóng sẽ theo yêu cầu của khách hành hương hát múa dâng cho
Bà những mâm vàng, mâm bạc cũng với mục đích tạ ơn và cầu mong bà phù hộ cho
gia đình sức khỏe, làm ăn thuận lợi, cuộc sống được sung túc. Xen kẽ giữa đó là
các tiếc mục xiếc tạp kỹ thu hút rất nhiều người xem, những hoạt động hát bóng
rỗi và xiếc tạp kỹ này diễn ra trong những ngày lễ vừa mang nghi thức cúng tế vừa
mang tính giải trí phục vụ cho người dân. Bên cạnh đó, trong lễ hội vía Bà hàng
năm đều có tiết mục hát bội và vì miếu thờ Bà nên thường chọn vở tuồng hát ca
ngợi những nữ tướng có công giúp vua, giúp dân, giúp nước như Ngọc Kỳ Lân hay vở
Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, đây đều là những vở tuồng ca ngợi người con gái
trung với nước, có hiếu với cha mẹ và thủy chung với chồng. Vở diễn vừa ca ngợi
công đức vừa phục vụ giả trí cho người dân đồng thời giáo dục con người sống
trung can, hiếu nghĩa, thủy chung.
Vui
chơi giải trí sau những ngày làm việc vất vả là nhu cầu tất yếu của con người.
Thực tế có rất nhiều hình thức vui chơi giải trí nhưng chỉ có trong lễ hội thì
hoạt động đó mới thật sự có nhiều ý nghĩa. Đến với lễ hội vía Bà, mọi người được
trở về với cội nguồn của dân tộc, vừa được đắm mình trong truyền thống đạo lý uống
nước nhớ nguồn qua các nghi lễ vừa được vui chơi giải trí qua các hình thức diễn
xướng diễn ra trong lễ hội. Các hình thức diễn xướng này không chỉ đơn thuần
đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân mà thông qua đó giáo dục nhân cách sống
cho con người. Sau khi thưởng thức nghi thức hát bóng rỗi, múa dâng mâm, hát bội
và xem xiếc tạp kỹ thì mọi người cảm thấy sảng khoái tinh thần, có niềm tin sẽ
được Bà che chở và như được tiếp thêm sức mạnh từ sự phù hộ của Bà để họ sẵn
sàng đương đầu với những khó khăn, rủi ro, thách thức có thể xảy đến với họ
trong cuộc sống.
3. Kết luận
Lễ
hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng tồn tại đến ngày nay là một minh chứng cho sức
sống trường tồn của lễ hội đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân
nơi đây. Có thể thấy rằng một khi con người còn ngưỡng mộ thế lực siêu nhiên,
khi xã hội vẫn còn đề cao tinh thần uống nước nhớ nguồn, hướng về nguồn cội,
khi tinh thần đoàn kết vẫn còn nguyên vẹn giá trị thì khi đó lễ hội vẫn còn chiếm
một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống con người hôm nay và mai sau.
Lễ
hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng mang trong mình những giá trị văn hóa tốt đẹp
có vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của con người nơi đây. Miếu Bà Ngũ
Hành là nơi sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của người dân Long Thượng, nơi người
dân gởi gắm những tâm tư, nguyện vọng, ước mong của mình đến đấng linh thiêng cầu
mong chở che. Lễ hội vía Bà được tổ chức tại miếu vào tháng giêng hàng năm cũng
chiếm vai trò không kém phần quan trọng và có những giá trị nhất định trong đời
sống của người dân. Ngoài giá trị tâm linh là dịp con người thể hiện sự biết
ơn, tạ ơn công đức của Bà Ngũ Hành đã phù hộ cho cuộc sống của họ một năm qua
và cầu mong Bà tiếp tục phù hộ cho cuộc sống sắp tới thì đây còn là nơi con người
gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cùng nhau cầu nguyện cho mong ước chung quốc thái dân
an, mùa màng tốt tươi. Lễ hội vía Bà không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn
là nơi thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thông qua các hình thức
diễn xướng hát bóng rỗi, xiếc tạp kỹ và hát bội. Tất cả các hoạt động của lễ hội
vía Bà Ngũ Hành Long Thượng đều có ý nghĩa quan trọng góp phần gìn giữ, giáo dục,
lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ sau biết tiếp tục
kế thừa phát huy những giá trị tốt đẹp mà ông cha để lại.
Tài liệu tham khảo
1.
Nguyễn Chí Bền (1999), Văn
hóa dân gian Việt Nam những suy nghĩ, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
2.
Bảo tàng Long An (1997), Di tích kiến trúc nghệ thuật Miếu Bà Ngũ
Hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
3.
Bảo tàng Long An (2009), Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài di sản văn
hóa phi vật thể lễ hội vía Bà Ngũ Hành Long Thượng.
4.
Nguyễn Xuân Hồng (2014), Lễ
hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long vấn đề bảo tồn và
phát huy, Nxb. Văn hóa thông tin.
5.
Hội văn nghệ dân gian tỉnh Long An (2004), Đại lễ Kỳ Yên đình thần Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ).
6.
Hội khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh (2007), Nam Bộ đất và người (tập IV), Nxb. Trẻ.
7.
Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (1993), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb. Khoa học
xã hội.
8.
Đinh Gia Khánh (1989), Trên
đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
9.
Vũ Ngọc Khánh (2011), Văn hóa làng ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin.
10. Lê Hồng Lý (2008), Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ
hội tín ngưỡng, Nxb. Văn hóa thông tin và viện văn hóa.
11. Trần Hồng Liên (2005), Nam Bộ dân tộc và tôn giáo, Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội.
12. Nguyễn Thanh Lợi (2014),
Tín ngưỡng dân gian những góc nhìn,
Nxb. Thời đại.
13. Sơn Nam (1970), Đồng bằng sông Cửu Long hay văn minh miệt
vườn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Sơn Nam (2009), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam,
Nxb. Trẻ.
15. Thạch Phương, Lưu Quang
Tuyến (1989), Địa chí Long An, Nxb.
Long An và Khoa học xã hội.
16. Thạch Phương, Hồ Lê,
Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (2014), Văn
hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
17. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
18. Ngô Đức Thịnh (2014), Tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
19. Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam,
Nxb Trẻ.
20. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn
hóa, Nxb Văn hóa thông tin.
21. Ủy ban nhân dân huyện
Cần Giuộc (2015), Báo
cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cần Giuộc đến năm 2020,
tầm nhìn đến năm 2030.
22. Ủy ban nhân dân xã Long Thượng (2015), Báo cáo kết quả xây dựng xã văn hóa xã Long
Thượng giai đoạn 2012 – 2014.