Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Raglai ở huyện Bác Ái trong giai đoạn hiện nay dưới góc nhìn quản lý văn hóa - PGS.TS Phan Quốc Anh

 

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Raglai ở huyện Bác Ái

trong giai đoạn hiện nay dưới góc nhìn quản lý văn hóa

PGS.TS Phan Quốc Anh.


Tóm tắt

Người Raglai là 1 trong 5 dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ Malayo – Polinesien ở Việt Nam. Nếu nhìn bề ngoài, sẽ rất dễ ngộ nhận về một dân tộc sống ở phía tây của các tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ. Sự ngộ nhận ở đây dễ thấy là do một vùng đất miền núi nghèo nàn. Đã khô hạn thì rừng khô cỏ cháy, đã mưa lũ thì lũ quét sạch cả rừng cây, bãi đá. Nhưng không, người Raglai cư trú ở một vùng khí hậu khắc nghiệt nhưng tự ngàn xưa đã vun đắp cho mình một di sản văn hóa hữu thể và vô thể vô cùng phong phú. Đó là các áng sử thi, tục ngữ, truyện cổ, luật tục, kho tàng ca dao, dân ca, dân vũ với một di sản văn nghệ dân gian thật đáng nể. Huyện Bác ái là chiến khu VI anh hùng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Trước khi tái lập huyện năm 2001, huyện Bác Ái có tới 95% là người Raglai sinh sống. Họ là chủ nhân của một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc. Hai mươi năm tái lập huyện, những nhà quản lý đã làm được những gì trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của người Raglai?

Từ khóa: Văn hóa Raglai, di sản, phát triển bền vững.


1. Lời mở

Dân tộc Raglai ở Ninh Thuận có số dân gần 60.000 người, chiếm 48,2% tổng số người Raglai ở Việt Nam. Trong 5 dân tộc thuộc nhóm ngữ hệ Malayo – Polinesien ở Việt Nam, người Raglai sống ở miền núi phía Tây các tỉnh Cực Nam Trung bộ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và mang đậm nét văn hóa núi rừng Tây Nguyên. Sắc thái văn hóa rừng núi và tín ngưỡng bản địa thể hiện đầy đủ trong văn hóa vật thể và phi vật thể lâu đời và phong phú của dân tộc này. Nếu với ánh nhìn đơn giản bề ngoài, sẽ có nhiều người ngộ nhận, cho rằng vùng đồng bào Raglai cư trú có đời sống vật chất khó khăn, văn hóa Raglai nghèo nàn, hầu hết đã mai một, thôi thì hãy tập trung phát triển kinh tế cho bà con là chính. Đó là những suy nghĩ sai lầm. Bởi các công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai gần đây cho thấy người Raglai có di sản văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể cực kỳ giàu có, phong phú và rất đậm chiều sâu. Người Raglai có ngôn ngữ riêng, có kho tàng hệ thống sử thi phong phú, có hệ thống nhạc cụ truyền thống đặc sắc, nhất là hệ thống mã la  (tuy không được xếp trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên do ranh giới hành chính) rất độc đáo, kho tàng hát kể, dân ca, dân vũ đặc sắc, hệ thống lễ hội phong phú gồm hệ thống lễ nghi nông nghiệp như lễ ăn mừng lúa mới, lễ đền ơn đáp nghĩa, những nghi lễ liên quan đến rẫy, làm đất, trỉa hạt, cúng hồn lúa; hệ thống nghi lễ vòng đời có lễ cưới truyền thống, đặc biệt là lễ bỏ mả, cùng với một số dân tộc vùng Tây Nguyên, là một trong những nghi lễ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc duy trì tín ngưỡng bản địa khi chưa theo tôn giáo nào.

Cùng với quá trình phát triển, với một huyện nghèo như Bác Ái (1 trong 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30 a của Chính phủ), từ những ngày đầu tái lập huyện, các ngành các cấp chủ yếu tập trung phát triển kinh tế, lo cái ăn cho no bụng, lo cái mặc cho kín cái mình, lo chỗ ở che nắng che mưa. Hệ thống chính trị, chính quyền các cấp lo xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đáp ứng tối thiểu cho cuộc sống của cả một vùng đồng bào Raglai được gọi là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đặc biệt khó khăn của Thuận Hải xưa và Ninh Thuận sau này; Với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về bảo tồn văn hóa dân tộc, bên cạnh phát triển kinh tế, văn hóa Raglai cũng được nghiên cứu, tìm các phương thức để bảo tồn và phát huy. Tuy vậy, sự mai một của các giá trị văn hóa truyền thống đang diễn ra rất nhanh. Vấn đề làm thế nào để níu kéo sự mất mát, mai một của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn phát triển hiện nay đang là vấn đề nóng hiện nay, trong đó có văn hóa Raglai.

Bác Ái là huyện được tái lập vào năm 2001. Đây là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Lúc mới thành lập, huyện có đến 95% là người dân tộc Raglai, đến năm 2019 con số này là trên dưới 87%. Số lượng người Raglai ở huyện Bác Ái chiếm hơn 50% số người Raglai trên toàn tỉnh. Trong giới nghiên cứu văn hóa, Bác Ái được xếp vào khu vực Raglai bắc, vùng có nhiều nét tương đồng với văn hóa Raglai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và là vùng đang lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Raglai.

2. Những thành tựu trong sưu tầm nghiên cứu bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống Raglai.

2.1. Về nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc Raglai

So với các dân tộc khác, văn hóa người Raglai ít được quan tâm nghiên cứu hơn nhiều. Những năm sau 1975, nhất là những năm ở thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, văn hóa Raglai mới bắt đầu được quan tâm nghiên cứu cả ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy vậy, số lượng đầu sách đã xuất bản về dân tộc Raglai vẫn rất ít. Nếu so với các công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm được tính bng số hàng nghìn thì các công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai chỉ là hàng chục. Các Sở Khoa học và Công nghệ 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận cũng đã triển khai một số đề tài về văn hóa dân tộc Raglai nhưng sau khi nghiệm thu, hiệu quả ứng dụng thấp, tác dụng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống Raglai chưa cao.

Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai. Những công trình mang tính nhận din, giới thiệu khái quát theo góc nhìn dân tộc học như: Công trình Người Raglai ở Việt Nam của Nguyễn Tuấn Triết[1]; công trình Văn hóa và xã hội người Raglai Việt Nam của Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ[2].

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên có những công trình nghiên cứu như: Trang phục cổ truyền Raglai[3] đã khái quát chung về kết quả nghiên cứu về trang phục truyền thống của người Raglai. Công trình Pô anai tang di tích, lễ hội của người Raglai[4] ở công trình này, tác giả Nguyễn Hải Liên đã cho ta cái nhìn khá đầy đủ về lễ hội dân gian của người Raglai. Ngoài ra, tác giả Nguyễn Hải Liên với sự cộng tác của nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Sử Văn Ngọc và nhạc sỹ Hoài Sơn còn xuất bản một số công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai có giá trị như Hát kể Truyện cổ Raglai[5]; Văn hóa gia tộc Raglai góc nhìn từ nghệ nhân[6]; Công trình Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai cực Nam Trung bộ[7] đề cập sâu đến các loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai.

Cuốn Văn hóa Raglai những sắc màu của Lê Ngọc Luyến[8] cho thấy những phát hiện mới về di sản văn hóa của người Raglai và những giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa Raglai đầu những năm 2000.

Công trình Văn hóa Raglai những gì còn lại của Phan Quốc Anh, Nxb Văn hóa dân tộc, xuất bản năm 2007[9] (năm 2010, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia đã tái bản) là công trình khoa học khá đồ sộ. Đây là một công trình có tính chất điều tra, tổng hợp và phân tích các giá trị văn hóa truyền thống của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Raglai ở Ninh Thuận; Công trình Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm – Raglai Ninh Thuận[10] của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Văn hóa Chăm đã đi sâu và tập trung nghiên cứu về lễ nghi nông nghiệp thuần túy của tộc người Chăm và Raglai ở Ninh Thuận.

Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận trong những năm qua cũng đã tổ chức thực hiện nhiều đề tài về văn hóa Raglai, đáng kể là công trình nghiên cứu, hình thành bộ chữ Raglai do Viện Ngôn ngữ Việt Nam thực hiện;

Trong những năm từ 2005 đến 2007, Viện Nghiên cứu văn hóa Dân gian (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa) đã triển khai chương trình “Sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi các dân tộc Tây Nguyên”, trong đó đã tiến hành sưu tầm được 15 trường ca, hát kể của người Raglai. Hội đồng thẩm định sử thi quốc gia đã thẩm định và công nhận người Raglai có 7 sử thi trong số 15 bản trường ca sưu tầm được.

Những năm gần đây, xuất hiện một số luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ nghiên cứu về văn hóa Raglai như luận văn tiến sĩ

 thạc sỹ: “Lễ hội Ăn Đầu Lúa của người Raglai” của Nguyễn Văn Linh; Luận văn thạc sỹ : “Truyền thống và biến đổi trong văn hóa gia đình của người Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận” của Trương Công Huân”; Luận văn thạc sỹ: “Lễ cưới của người Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận – truyền thống và biến đổi” của Phạm Văn Thành; Luận văn thạc sỹ: “Lễ bỏ mả của tộc người Raglai (Trường hợp nghiên cứu tại xã Phước Chiến huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận)”v.v…Hiện nay, NCS Nguyễn Trần Bảo Trinh đang thực hiện luận án tiến sĩ với đề tài “Văn hóa ứng xử của người Raglai” v.v…

2.2. Về công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc.

2.2.1. Xây dựng các thiết chế và tổ chức hoạt động văn hóa

Nhà Truyền thống Bác Ái là một thiết chế văn hóa được nhà nước đầu tư xây dựng tại Trung tâm huyện Bác Ái. Đây là một mô hình “bảo tàng” cho một vùng chiến khu khu VI Anh hùng để gìn giữ di sản văn hóa và thực hiện chức năng giáo dục truyền thống anh hùng của người Raglai trong 2 cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Nhà Truyền thống được xây dựng trong điều kiện hết sức khó khăn của những ngày đầu tái lập huyện Bác Ái. Điều kiện kinh phí thiếu thốn, giao thông đi lại rất khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cán bộ, công chức viên chức Sở VHTT và Bảo tàng tỉnh, Nhà Truyền thống Bác Ái đã được hoàn thành, trở thành điểm đến của giáo dục truyền thống, thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả huyện, là nơi tổ chức các ngày hội văn hóa Raglai hàng năm của tỉnh.

Đối với các thiết chế văn hóa cơ sở. Vùng đồng bào Raglai trước đây chủ yếu sống du canh, du cư. Người Raglai giữ được nhà sàn truyền thống cho đến những năm đầu của thế kỷ 21. Nhưng nhà sàn để ở cũng như nhà sàn làm kho ở rẫy chủ yếu làm bằng tre nứa tạm bợ nên rất mau hỏng. Ngày nay, bà con đã bỏ nhà sàn, xây dựng nhà ở mới theo lối hiện đại, tường xây, mái lợp tôn. Người Raglai xưa không có nhà sinh hoạt cộng đồng như nhà rông, nhà dài của các dân tộc Tây nguyên. Vì vậy, khi Nhà nước ban hành các tiêu chí về xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào Raglai gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, cùng với sự nỗ lực chung, đến nay toàn huyện Bác Ái đã có những số liệu về thiết chế văn hóa khá tích cực. Đã có 05 xã có nhà văn hóa – thể thao xã để làm trụ sở làm việc. Hiện còn 04 xã chưa có nhà văn hóa và sử dụng hội trường của xã làm trụ sở hoạt động; Có 28/38 thôn có Nhà văn hóa, có 02 sân vận động, 02 xã có sân khấu ngoài trời; 8/9 xã có  đài truyền thanh; 38/38 thôn đều có sân chơi bóng chuyền, tuy ở một số thôn còn tận dụng sân phơi nông sản để làm sân bóng chuyền. Đối với vùng đồng bào Raglai với xuất phát điểm của thiết chế, cơ sở văn hóa, thể thao gần như bằng không, đến nay đã có được hệ thống thiết chế như vậy là rất đáng mừng. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn phải nỗ lực rất nhiều..

 2.2.2. Về tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ dân gian.

Từ khi tái lập huyện, trong suốt 20 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VHTTDL và UBND huyện Bác Ái đã tổ chức nhiều hình thức để tôn vinh văn hóa văn nghệ dân gian của dân tộc Raglai. Hai năm một lần, Sở VHTTDL tổ chức Ngày hội Văn hóa Raglai toàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2013, Sở VHTTDL với sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL đã tổ chức Ngày hội Văn hóa Raglai Toàn quốc lần thứ I tại trung tâm huyện Bác Ái đã gây tiếng vang lớn về việc phương thức tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc trong toàn quốc. Rất tiếc là cho đến nay, đã 8 năm trôi qua nhưng chưa thấy tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai toàn quốc lần thứ II.

Được sự chỉ đạo của Sở VHTTDL tỉnh, Phòng VH&TT huyện đã tham mưu tổ chức triển khai tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” kết hợp với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ năm 2010, kinh phí mua sắm nhạc cụ điện tử được chuyển sang mua sắm nhạc cụ dân tộc như mã la, khèn bầu, đàn Chapi. Đến năm 2019, toàn huyện đã xây dựng được 37/38 thôn có đội văn nghệ dân gian, có đội hát múa mã la; 24/38 thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 77%, cơ quan đạt chuẩn văn hóa đạt 95%. Hội Văn nghệ dân gian tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền dạy sử dụng các loại nhạc cụ cho lớp trẻ. Phân công một số nghệ nhân về thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải truyền dạy lại các làn điệu mã la để xây dựng đội văn nghệ Raglai thôn Cầu Gãy để vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa phục vụ du lịch.

3. Một số vấn đề cần quan tâm và định hướng trong việc bảo tồn văn hóa Raglai ở huyện Bác Ái.

3.1. Vấn đề nhận thức về vai trò công tác bảo tồn văn hóa truyền thống

Trong xu thế chung của thời đại hội nhập văn hóa và hầu hết mọi nơi đều lo phát triển đời sống vật chất, văn hóa truyền thống các dân tộc đang mai một nhanh chóng. Vấn đề nhận thức về bảo tồn văn hóa phải được quán triệt và nâng cao từ trong hệ thống chính trị đến từng người dân. Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác, cấp này cấp khác trong hệ thống chính trị, dù nhiều hay ít vẫn coi trọng phát triển kinh tế hơn văn hóa, trong khi sự mai một văn hóa truyền thống đang ở tốc độ báo động. Việc triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa như Nghị Quyết TW 5 (khóa VII) và Nghị quyết 33 – Hội nghị BCH TW lần thứ 9 (Khóa XI) nhiều nơi thực hiện chưa triệt để, thậm chí, một số cán bộ trong hệ thống chính trị hiểu chưa thấu đáo về vai trò, mục đích và phương thức bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, coi trọng phát triển kinh tế hơn văn hóa, thậm chí khi phê duyệt những khoản chi cho hoạt động văn hóa thấy tốn kém nên rất khó khăn, vô hình trung đã góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình mai một văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai ở Ninh Thuận cũng nằm trong dòng chảy này. Vì vậy, việc đầu tiên trong nhiệm vụ bảo tồn văn hóa dân tộc là nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, trước hết là cán bộ văn hóa các cấp.

2.1. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học

Bên cạnh các đề tài về phát triển kinh tế, công tác nghiên cứu khoa học về các đề tài xã hội nhân văn vùng dân tộc Raglai vẫn còn nhiều điểm trống. Những đề tài đã nghiên cứu khi đã nghiệm thu chưa được đưa vào ứng dụng một cách có hiệu quả trong đời sống. Nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học này chủ yếu từ Sở Khoa học và Công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cần ưu tiên đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Raglai như Văn hóa văn nghệ dân gian, Lễ hội truyền thống, văn hóa cá nhân, văn hóa cộng đồng, quá trình biến đổi văn hóa của người Raglai. Nghiên cứu ứng dụng đưa bộ chữ viết Raglai vào cấp tiểu học vùng đồng bào Raglai. Triển khai trùng tu và xây dựng quần thể di tích cấp Quốc gia Bẫy đá Pi năng Tắc thành điểm đến du lịch loại hình “di tích lịch sử văn hóa”, nâng cấp Nhà Truyền thống Bác Ái thành Bảo tàng Raglai chung cho cộng đồng người Raglai 4 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận, hình thành điểm đến du lịch về lịch sử văn hóa của cộng đồng Raglai toàn quốc.

3.2. Về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

Do điều kiện đời sống vật chất còn nhiều khó khăn của một huyện nghèo, điểm xuất phát về các thiết chế văn hóa cơ sở gần như bằng không, việc thực hiện các chỉ tiêu về văn hóa xã hội rất khó khăn. Vì vậy, ngoài chính sách đối với huyện 30a, hiện nay Bác Ái rất khó để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cũng như các chỉ tiêu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vì vậy cần kêu gọi các thành phần kinh tế đóng góp để xây dựng ở mỗi thôn Raglai một nhà sàn kiên cố (mô hình nhà sàn truyền thống nhưng được xây dựng bằng vật liệu kiên cố), vừa bảo tồn nhà ở truyền thống, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, đồng thời cũng đảm bảo được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thiết chế văn hóa đó cần được ghi danh của những doanh nhân, doanh nghiệp đã tài trợ kinh phí để xây dựng. Trước mắt, có thể xây dựng ở 9 xã các mô hình nhà sàn văn hóa, kế đến là những thôn theo lộ trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.

Đối với Sở VHTTDL, cần tiếp tục thực hiện các chương trình bảo tồn văn hóa Raglai và trang bị lại hệ thống nhạc cụ dân tộc như Mã la, Cheng, Khèn bầu, đàn Chapi, trống đất và thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn các cấp để tạo môi trường kích thích thế hệ trẻ tập luyện nhạc cụ dân tộc và hát dân ca dân tộc mình. Nên có chương trình đưa văn nghệ dân gian Raglai vào trường học ở cấp tiểu học vùng đồng bào Raglai ở các tỉnh có người Raglai sinh sống.

Sở VHTT&DL có thể đề xuất lên Bộ VHTTDL, UBND tỉnh phối hợp với các địa phương có người Raglai sinh sống nâng cấp Nhà Truyền thống Bác Ái thành “Bảo Tàng dân tộc Raglai” chung các địa phương, kết hợp xây dựng thành một “Trung tâm Văn hóa Raglai” không chỉ là địa chỉ về nguồn của thanh niên mà là điểm đến du lịch hấp dẫn.

3.2. Tăng cường tổ chức các hoạt động Ngày hội Văn hóa Raglai cấp tỉnh và cấp Quốc gia.

Ngày hội Văn hóa Raglai cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia là dịp để bà con Raglai sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, là dịp để tôn vinh, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình. Những năm gần đây, hoạt động này có chiều hướng giảm sút. Cần tiếp tục duy trì Ngày hội văn hóa Raglai 2 năm/lần luân phiên các huyện đăng cai. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, nên tổ chức Ngày hội Văn hóa Dân tộc Raglai toàn quốc lần thứ II (Có thể do các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận luân phiên đăng cai – như ngày hội Văn hóa Chăm toàn quốc 3 năm một lần đã được tổ chức thực hiện từ năm 2012).

3.3. Kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch.

Hiện nay, ở Ninh Thuận chủ yếu phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển, du lịch sinh thái vùng miền núi Ninh Thuận chưa phát triển. Vùng miền núi Ninh Thuận, trong đó có Bác Ái có nhiều điểm đến du lịch sinh thái và du lịch văn hóa nhưng chưa được đầu tư xứng tầm nên chưa hút khách du lịch. Hiện nay, điều kiện giao thông đã phát triển, huyện Bác Ái cần xây dựng phát triển du lịch gắn với văn hóa. Những sắc màu văn hóa Raglai với những vũ điệu mã la, khèn bầu sẽ là những sản phẩm văn hóa đặc sắc trong phát triển du lịch. Nâng cấp Nhà Truyền thống Bác Ái, xây dựng điểm đến Bẫy Đá Pi Năng Tắc, du lịch sinh thái Thác Cha pơr, xây dựng một khu làng cổ Raglai kết hợp với Bảo tàng văn hóa Raglai v.v… sẽ là những sản phẩm thu hút khách du lịch đến với Bác Ái.

4. Thay lời kết

Sự kiện tái lập huyện Bác Ái cách đây 20 năm là điều kiện tốt để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào Raglai, một dân tộc thiểu số miền núi vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Bác Ái đã và đang trên con đường phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, một trong những yếu tố để phát triển bền vững là phải bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc. Nói cách khác, nếu kinh tế phát triển, đời sống vật chất của bà con được nâng lên nhưng những yếu tố văn hóa truyền thống của người Raglai bị mai một là phát triển “chưa bền vững” trong nhiệm vụ “xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đó là nhiệm vụ của mỗi người trong hệ thống chính trị và của mỗi người dân của huyện Bác Ái.

 

 



[1]Nguyễn Tuấn Triết (1991), Người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ (1998), Văn hóa và xã hội người Raglai Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Hải Liên (2001), Trang phục cổ truyền Raglai, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

[4] Hải Liên (2010), Pô anai tang di tích, lễ hội của người Raglai, Nxb Dân trí, Hà Nội.

[5] Hải Liên, Sử Văn Ngọc (2010), Hát kể truyện cổ Raglai, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

[6] Hải Liên (2011), Văn hóa gia tộc Raglai góc nhìn từ nghệ nhân, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[7] Nguyễn Hải Liên và Hoài Sơn (2010), Nxb Thế giới;

[8] Lê Ngọc Luyến (2005), Văn hóa Raglai những sắc màu, Nxb Xí nghiệp in Phan Rang, Ninh Thuận.

[9] Phan Quốc Anh (2007), Văn hóa Raglai những gì còn lại, Nxb Văn hóa dân  tộc, Hà Nội.

[10] Nguyễn Thị Thu, Thập Liên Trưởng, Phạm Văn Thành (2010), Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn