Đội tuyển Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Cuộc thi "Đội quân văn hóa" tại Army Games 2021 - Nguồn: qdnd.vn
Hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình, biên tập viên ở các trung tâm xuất bản, báo chí, phòng văn hóa, văn nghệ, các tạp chí thông tin lý luận, nghiệp vụ quân sự; những người sáng tác, sáng tạo, biểu diễn các loại hình nghệ thuật như: ca, múa, nhạc, kịch, sân khấu, hội họa. Đây là lực lượng nòng cốt của “Binh chủng văn hóa nghệ thuật”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (1), góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu cao, xây dựng bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ về mọi mặt, phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn quân có hơn 5.000 văn nghệ sĩ được biên chế ở các cơ quan, đơn vị văn hóa nghệ thuật, 100% văn nghệ sĩ là đảng viên, trong đó, nhiều đồng chí là nhà giáo ưu tú, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, được tặng nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước… Tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị (BLCT) kiên định vững vàng, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp, phong phú và lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ; lên án, phê phán, đẩy lùi cái xấu, những hiện tượng tiêu cực trong Quân đội và xã hội; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm có trên 98% văn nghệ sĩ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong quân đội còn có hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ; nội dung, phương thức nâng cao BLCT chậm được đổi mới; sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ có lúc, có nơi chưa hiệu quả… Số ít văn nghệ sĩ còn thiếu tích cực trong tự tu dưỡng, tự rèn luyện; một số văn nghệ sĩ chưa có BLCT vững vàng, dao động trước khó khăn, gian khổ...
Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu cao đối với nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội. Mặt khác, các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Tệ nạn xã hội, mặt trái cơ chế thị trường và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên tác động không nhỏ đến nhận thức, lập trường tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội.
Để nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần quán triệt, tổ chức thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng nhằm nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong quân đội
Nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều lực lượng; trong đó nhận thức đúng, tinh thần trách nhiệm cao của các tổ chức, lực lượng, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp là yếu tố cơ bản, điều kiện có ý nghĩa quan trọng đầu tiên. Các tổ chức, lực lượng cần được nghiên cứu, học tập, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Đảng về văn hóa nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ… để hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ văn nghệ sĩ; nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của BLCT, nâng cao BLCT; sự cần thiết nâng cao BLCT; thực trạng BLCT; những thuận lợi, khó khăn; nội dung, phương thức, yêu cầu và những giải pháp nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội giai đoạn hiện nay.
Cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp phải kết hợp nhiều hình thức, biện pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng như: thông qua phát động thi đua; công tác tuyên truyền, cổ động; tọa đàm, mạn đàm, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ; sinh hoạt tự phê bình và phê bình; hoạt động thực tiễn sáng tác, biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật; cử đi học, đi thực tập, thực tế; kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, đánh giá, xếp loại chất lượng và khen thưởng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng.
Hai là, xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội
Xác định đúng nội dung; vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ là việc lựa chọn nội dung phù hợp; chủ động tổ chức thực hiện và kết hợp sáng tạo các hình thức, biện pháp nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ, qua đó nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường sự ổn định về tâm lý, nâng cao ý chí quyết tâm, ý thức trách nhiệm của văn nghệ sĩ, giúp họ luôn vững vàng về BLCT, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ cần có sự kế thừa, phát triển, bổ sung những nội dung, phương thức mới trên cơ sở sự vận động, phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm sát với chức trách, nhiệm vụ của văn nghệ sĩ. Nhấn mạnh vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm” (2).
Về nội dung nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ, các cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của các cấp ủy đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị về Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Chỉ thị số 355-CT/QUTW ngày 20-4-2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 87 ngày 8-7-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Về phương thức nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ, các tổ chức, lực lượng tiếp tục tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức, bản lĩnh, kỹ năng xử lý các vấn đề xã hội cho đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là khả năng xử lý, giải quyết những vấn đề tâm lý, áp lực trong cuộc sống, công tác; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm văn nghệ sĩ có hành vi vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng trong quản lý văn nghệ sĩ, rà soát nắm chắc chất lượng văn nghệ sĩ và các mối quan hệ của văn nghệ sĩ. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa giao nhiệm vụ để thử thách với tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ văn nghệ sĩ; nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, tuyển chọn đầu vào gắn với thực hiện tốt công tác đào tạo văn nghệ sĩ; thực hiện có hiệu quả phương pháp giáo dục thuyết phục và phương pháp nêu gương; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cơ quan, đơn vị, các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân. Gắn trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các tổ chức trong công tác giáo dục, quản lý văn nghệ sĩ, không để bị động bất ngờ. Xử lý liên đới trách nhiệm của chỉ huy khi cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc vi phạm của văn nghệ sĩ.
Ba là, xây dựng môi trường lành mạnh gắn với việc đưa đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội vào những điều kiện hoạt động có nhiều khó khăn, thử thách để rèn luyện, nâng cao BLCT
Với tư cách là một bộ phận cấu thành phẩm chất chính trị của người quân nhân cách mạng, BLCT không phải là yếu tố sẵn có ở mỗi văn nghệ sĩ. Lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, BLCT của cán bộ, chiến sĩ phải được tôi luyện qua thực tiễn chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ. BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, phát triển, hoàn thiện song song với quá trình tu dưỡng, học tập, rèn luyện, công tác của từng cá nhân. Do đó, những điều kiện hoạt động có nhiều khó khăn, thử thách sẽ là cơ hội để đội ngũ văn nghệ sĩ rèn luyện, nâng cao BLCT, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Để giải pháp này được thực hiện có hiệu quả, cần triển khai một số nội dung, biện pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, ý nghĩa của môi trường văn hóa quân sự và việc rèn luyện văn nghệ sĩ trong khó khăn, thử thách nhằm nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội.
Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và quần chúng gắn với phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ tốt.
Thứ ba, phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa tại các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.
Thứ năm, coi trọng rèn luyện văn nghệ sĩ qua thực tiễn hoạt động sáng tạo nghệ thuật; thường xuyên đưa văn nghệ sĩ vào môi trường có nhiều khó khăn, thử thách để rèn luyện, nâng cao BLCT.
Đội ngũ văn nghệ sĩ đa dạng về chuyên ngành đào tạo, tuổi quân, tuổi đời, tuổi nghề, sự chênh lệch về trình độ chuyên môn và thu nhập khác nhau; hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ vừa là loại hình lao động nghệ thuật sáng tạo, vừa là hình thức lao động nghệ thuật dày công khổ luyện, rất vất vả, với sự hao tổn rất lớn về thể lực và trí lực. Song, họ thường lúng túng khi giải quyết các tình huống nảy sinh trong thực tiễn hoạt động quân sự; dễ có biểu hiện nóng vội, thiếu quyết tâm trước những khó khăn, thử thách trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, đội ngũ văn nghệ sĩ sinh ra và lớn lên trong thời bình, có điều kiện học tập thuận lợi, được đào tạo cơ bản, tuy nhiên họ chưa được tôi luyện trong tình huống ác liệt, gian khổ, hy sinh nên tinh thần quyết tâm có thời điểm chưa cao, tâm lý và BLCT chưa thực sự vững vàng; nhất là khi đối diện với các tác động mặt trái cơ chế thị trường và những yêu cầu cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vì thế, nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ cần thông qua hoạt động thực tiễn sáng tạo nghệ thuật với những hình thức cụ thể, phù hợp nhằm giúp văn nghệ sĩ tự học tập, tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện phẩm chất, năng lực của mình. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quan tâm giao nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng văn nghệ sĩ để họ có cơ hội khẳng định bản thân, rèn luyện BLCT, ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở phương châm: hướng về đơn vị cơ sở, các cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ đi thực tế, nghiên cứu thực tế ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đây là cơ hội để văn nghệ sĩ trải nghiệm, “va đập”, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sáng tạo nghệ thuật, đồng thời không ngừng nâng cao BLCT của văn nghệ sĩ. Song song với đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong toàn quân nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để văn nghệ sĩ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng nhằm nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội
Đây là một trong những giải pháp thể hiện sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong Quân đội nhằm nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ. Mặt khác, nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội là trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng. Do đó, cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của cơ quan chức năng cấp trên trong nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đồng thời, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân đối với nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Năm là, phát huy vai trò tích cực, chủ động của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao BLCT
BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ chỉ có thể được nâng cao trên cơ sở kết quả quá trình giáo dục, rèn luyện và tự bồi dưỡng, tự rèn luyện. Bên cạnh những tác động mang tính khách quan thì sự nỗ lực, tích cực, chủ động của đội ngũ văn nghệ sĩ có ý nghĩa quyết định nhất đến nâng cao BLCT. Do vậy, yêu cầu đặt ra, đó là: đội ngũ văn nghệ sĩ cần nghiêm túc đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế về BLCT của mình, từ đó xây dựng động cơ đúng đắn, ý chí quyết tâm cao trong tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao BLCT; xây dựng kế hoạch, lựa chọn và quyết tâm thực hiện nghiêm túc các nội dung, biện pháp tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nhằm nâng cao BLCT; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao BLCT, kịp thời điều chỉnh kế hoạch sát với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ; phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao BLCT của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Sáu là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội
Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp, trực tiếp là chính ủy, chính trị viên (người đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị) ở các cơ quan, đơn vị quản lý văn nghệ sĩ cần đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ văn nghệ sĩ. Trên cơ sở bảo đảm chế độ, chính sách của Quân đội nói chung, cơ quan chức năng, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng quy chế, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ văn nghệ sĩ; có nhiều biện pháp nhằm thu hút, bồi dưỡng, đào tạo, cử đi học đối với những tài năng trẻ; đồng thời, khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Thực hiện tốt biện pháp này sẽ góp phần động viên, cổ vũ, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ, đồng thời, giúp cho họ yên tâm gắn bó với nghề, xác định tốt trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
________________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 246.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.111.
NGUYỄN THÀNH VINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022