Tuyển tập ca khúc Phạm Minh Tuấn: Bài ca không quên (1)




 Trích Lời giới thiệu trong Tuyển tập ca khúc: Phạm Minh Tuấn và những bài ca không quên

Đời tựa như dòng sông có khi vơi khi đầy
Đời là những tiếng khóc tiếng cười buồn vui
…Đời tựa như vầng trăng có khi trong khi đục
Đời là những khúc hát ấm nồng tình yêu.
(Tình khúc thiên thu -
 Phạm Minh Tuấn)

Có những được - mất trong cuộc đời riêng đã hòa quện với niềm vui nỗi đau chung để làm nên những khúc hát ấm nồng tình người tình đất nước. Có những bài ca vừa sâu nặng một ký ức bi hùng, vừa bừng sáng niềm tin khát vọng không chỉ của thế hệ từng làm nên lịch sử trong chiến tranh chống Mỹ. Có những vui buồn không của riêng ai đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hát lên với cả lòng mình, hát cho quê hương, cho đồng đội và những người thân yêu của đời ông.

Dựa trên những đổi thay về đề tài và bút pháp âm nhạc, trên sự chuyển biến từ sáng tác bản năng đến chuyên nghiệp, có thể chia sáng tác của Phạm Minh Tuấn thành hai giai đoạn: chiến tranh và hòa bình. Song, nếu với cái nhìn tổng quát về nội dung tư tưởng, thì xuyên suốt cả hai giai đoạn sáng tác của Phạm Minh Tuấn vẫn vang lên một “âm hình chủ đạo”, đó là chủ đề công dân.

Chủ đề này được bắt đầu từ hình ảnh người lính trong chiến tranh. Chiến tranh là bối cảnh tàn khốc, với xác rơi trên đường lầy, tiếng súng bom như xé trời mây, tiếng thét la rung chuyển ngàn cây2. Giữa sấm chớp ầm ầm bão thét gió gầm, giữa núi cao cheo leo suối sâu hiểm nghèo, người lính vẫn lội suối leo ghềnh, vượt dốc băng đèo, gội nắng dầm mưa, đội bom lướt pháo3 . Đời lính là đầu trần chân đất xông pha, áo sờn vết đạn xuyên qua, là mưa bom cày nát vòm trời, pháo nổ lắc lư cánh võng, là cơm muối rau rừng gạo hẩm cầm hơi, là cặp mắt quầng sâu vạn ngày tập kích4 . Đã là lính thì kể chi bom đạn tính gì tháng năm, anh vẫn đi chiến dịch bốn mùa trăng nở, em vẫn tóc gài hoa đỏ đi về hướng bom rơi.

Từ đâu mà những công dân còn quá trẻ tuổi đời lại có được nghị lực phi thường đến thế? Vì sao mà anh lính giải phóng, cô gái giao liên, chiến sĩ công binh, chị em dân quân - những con người hết sức bình dị kia lại có được sức mạnh của “đại bàng tung cánh"5? Còn có cách lý giải nào khác ngoài tình yêu đất nước, tình yêu đồng đội - một tình cảm ăn sâu trong tiềm thức mỗi công dân, đến lúc cần có thể được cộng hưởng, được nhân lên gấp bội vì sự sinh tồn của cả cộng đồng, vì số phận chung của một dân tộc.

Chiến tranh đã đẩy những phận đời riêng vào hoàn cảnh chung. Nhân vật chính trong ca khúc thời chiến của Phạm Minh Tuấn thường là số đông: ta, chúng ta, chúng em, chị em, các anh… Ngay cả các đại từ nhân xưng số ít - em, anh, chị, mẹ - vẫn là đại diện của số đông và thuộc về số đông. Có lẽ vì vậy mà Phạm Minh Tuấn rất yêu thích hò, những “hò khoan, hò dô” như kết nối người người thành một khối thống nhất. Tiếng hò cất lên từ Qua sông đã khởi xướng cho hàng loạt hò sông nước, hò làm đường trong ca khúc Phạm Minh Tuấn. Câu hò nối tiếp câu hò, từ “hò khoan” chúng em khua mái chèo đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo, “hò khoan” vượt đồng tràm chuyển gạo ra tiền phương, rồi “hò ơ” em buông tay chèo tiếp đạn tải lương, vượt sông qua bờ tiễn bước quân đi, đến “hò dô” chúng ta đào đường dưới trời đêm mờ sương, “hò dô” mắc chiếc cầu dây trên dòng thác lũ, và “hò ơ” ta mở tuyến đường vô Nam 6...

Hình ảnh người phụ nữ thời chiến tranh - đối tượng giành được bao tình cảm trìu mến của tác giả, đã làm đầy đặn hơn những biểu hiện về trách nhiệm công dân: người mẹ lòng quyết chẳng lay trước mọi tra tấn hung tàn, người vợ đảm đang gửi trọn niềm tin yêu cho chồng nơi hỏa tuyến, người đàn bà một đời khổ đau sinh con dưới gầm cầu đã “từ trong bóng tối bước qua đầu thù”, chị du kích gác núi đội mưa bom vẫn ung dung như mây trời lộng nắng, cô tự vệ vừa tròn đôi mươi mười tám phơi phới bay trên đường phố Sài Gòn ngập khói lửa, cô gái còn ở tuổi hồn nhiên với trang sách tiếng đàn đã vững vàng “đi về phương có giặc”7 ...

Cuộc sống đã đổi thay trong hòa bình, cùng với nó đã nảy sinh không ít suy tư trăn trở. Cũng từ đây, chủ đề công dân ở Phạm Minh Tuấn được phát triển qua những khía cạnh mới.

Đất nước hòa trong hình tượng mẹ - người mẹ Việt Nam với tấm lòng mênh mông như biển cả, tần tảo nuôi đàn con thơ như biển nuôi người, người mẹ bạc tóc thời gian dõi theo bước con, “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về mình mẹ lặng im”8 . Đất nước thời bình vẫn đậm bóng hình người lính và chiến sĩ thanh niên xung phong: anh lính ngoài đảo xa mang theo mình chiếc ba lô, một cây súng và cả tấm lòng của mẹ, chiến sĩ nơi biên cương lúc nào cũng giữ trọn niềm tin “chúng mình vẫn say đắm yêu nhau, chúng mình vẫn chung thủy chờ nhau”, cô thanh niên xung phong mang trong lòng trái tim thành phố đến những miền xa xôi nhiều gian khổ, anh cựu chiến binh chỉ còn một cánh tay với chiếc áo sờn vai đứng trên giảng đường9 . Đất nước còn là khuôn mặt rạng rỡ của những người lao động vô danh: anh dân chài miền duyên hải vung tay căng lưới nối trời với biển, cô gái hái chè trên cao nguyên đất đỏ môi nở một nụ hoa tươi, anh công nhân cảng Sài Gòn vào ca ba với tiếng ca thắm thiết yêu đời 10...

Đất nước hôm nay không tiếng súng vẫn vang vọng dư âm của một thời bom đạn. Chiến tranh đã qua đi mà lòng người chưa êm ả, vẫn nhớ tháng ngày gót mòn hành quân hối hả, rau rừng ngọt bát canh suông, nhớ cái thuở mơ tiếng chim ca giữa hai trận càn, làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya11 . Quá khứ làm nên chiều sâu cuộc sống, quá khứ đem lại nụ cười hôm nay. Dù chỉ một khoảnh khắc lãnh đạm với quá khứ - “nhớ rồi quên, quên nhớ nhớ quên”, cũng đủ khiến nhân vật “tôi” trong giây phút bình yên phải ray rứt tự vấn lòng mình: “Sao tôi quên...”12  - sao nỡ quên những người đã ngã xuống, sao có thể quên những khúc ca bi tráng năm nào. Chính ở đây, với cách thể hiện lắng sâu tính tự sự và đằm thắm tình người, chủ đề công dân không nhạt nhòa trong nội dung ngợi ca chung chung, mà hơn bao giờ hết lại có một sức thuyết phục ghê gớm, khó phai.
Nặng lòng với quá khứ không phải để buồn đau tiếc nuối, mà để giữ cho cái tâm của ta luôn xứng với những gì tốt đẹp đã qua. Một quan niệm sống lạc quan và tích cực, như một thứ ánh sáng dẫn đường chỉ lối, cứ lấp lánh trong lời ca câu hát: sống có trách nhiệm với đời, với chính bản thân mình, với quá khứ, hiện tại và tương lai, sống không là cỏ dại hoang vu, mà luôn khát vọng vươn cao vươn xa như đời núi, đời sông, đời biển cả 13.

Từ nhân sinh quan sống trên đời phải có ích cho đời, Phạm Minh Tuấn đến với tình yêu cũng bằng tấm lòng rộng mở, hướng thiện. Tình yêu của ông không yếu đuối, luôn trong sáng, và ông vẫn cứ trung thành với những cảm xúc cao đẹp, kể cả trong thời kỳ sân khấu ca nhạc bị ô nhiễm bởi cái mode khóc than cho tình dối gian. Cuộc đời dẫu còn gian khổ, tình yêu dù có cách trở, vẫn thấy một Phạm Minh Tuấn bao dung sẵn lòng làm “lối nhỏ để em bước vào đời”, vẫn có một Phạm Minh Tuấn chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào tấm lòng chung thủy sắt son, biết đợi chờ nhau bởi một lẽ giản dị “đất nước ta ngàn năm vẫn vậy”14 .

Tính thời sự luôn gắn liền với chủ đề công dân. Với Phạm Minh Tuấn, tính thời sự không đồng nghĩa với “tính thời vụ”, và bài hát đáp ứng thời sự không có nghĩa là chỉ để hát hôm nay rồi mai quên. “Đơn đặt hàng” đem lại cơ hội thích hợp, nó có thể đóng vai trò một “cú hích”, một cái cớ gợi ý cho nghệ sĩ nói lên lòng mình. Không chỉ khéo vận dụng cái công thức “nghệ thuật với chính trị là một”, Phạm Minh Tuấn còn sớm ngộ ra một chân lý trong sáng tác chuyên nghiệp: “Nghệ thuật là sự thể hiện cái riêng”15 . Ông luôn có ý thức kiếm tìm cho từng ca khúc những nét riêng để tạo nên một phong cách cho mình và cố gắng không lặp lại chính mình. Cùng một chất trữ tình mà mỗi bài mỗi vẻ, sâu lắng tự sự hoặc bay bổng nhẹ nhàng, hồn nhiên bình dị hoặc đằm thắm thiết tha, sôi nổi khỏe khoắn hoặc kịch tính mạnh mẽ.

Một lần nhìn lại chặng đường sáng tác âm nhạc đã qua, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn từng so sánh một cách hình ảnh: “Người sáng tác như người leo núi, có lúc bồng bềnh trên mây gió, cũng có lúc ngỡ mình ở vực thẳm. Nếu có nghị lực người leo núi có thể đạt tới đích. Còn ở lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, dù tin rằng không bao giờ đạt đến đỉnh nhưng họ vẫn cố leo. Tôi cũng vậy”16 . Nén chặt trong hành trang của mình là trên 40 năm bền bỉ lao động nghệ thuật cùng với những rung động chân thành với cuộc đời, “người leo núi” Phạm Minh Tuấn không ngừng ước vọng về một đỉnh cao trong lẽ sống cũng như trong sáng tạo. Lẽ sống của người sáng tạo âm nhạc đã được ông gửi vào trong một câu hát:

“Mai ngày ta khuất sẽ dâng người tình khúc thiên thu” 17.

NTMC

Lời tựa trong Tuyển tập ca khúc Phạm Minh Tuấn: Bài ca không quên:

Đã từ lâu tôi có ý định tuyển chọn, chỉnh lý và ấn hành “Tuyển tập ca khúc Phạm Minh Tuấn”.

Trước tiên, kính dâng hương hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tri ân những người thương yêu trong gia đình, anh em, bạn bè, đồng đội. Đặc biệt nhiều nhà thơ, đạo diễn đã có những ý tưởng đẹp mà tôi đã gởi gắm tình cảm của mình vào từng giai điệu.

Âm nhạc là tiếng gọi của trái tim, ngôn ngữ của tình cảm được bắt nguồn từ cuộc sống. Âm nhạc không thể nhìn thấy hình dáng, sắc màu nhưng rất hồn nhiên “neo đậu” vào tâm hồn mỗi chúng ta từ lúc nào không rõ.

Hy vọng những âm thanh trong Tuyên tập ca khúc này đến với các bạn như lời tâm tình trong những lúc buồn vui, trong những thăng trầm của cuộc đời.

 

Phạm Minh Tuấn

_____________________________________________________

Nxb Văn hóa nghệ thuật, TPHCM, 2013.
Xông lên trả thù cho Tây Nguyên. 
Toàn bộ tên bài hát trong các chú thích ở bài viết này đều là của nhạc sĩ Phạm Minh tuấn
Đập tan kế hoạch Staley, Đường ta đi, Đi diệt Mỹ, Đêm rừng.
Cuộc đời và tiếng hát, Em đi về hướng bom rơi 
(phỏng thơ: Diệp Minh Tuyền), Gởi anh giải phóng Trị Thiên, Đêm rừng.
Cầu dây.
Qua sông, Chuyển gạo, Hát về Mỹ Tho, Giọng hò trên sông Ba Lai, Hò đào đường, Cầu dây, Mở đường.
Giọng hò trên sông Ba Lai, Lá thư đảm đang, Tiếng hát dưới gầm cầu 
(thơ: Viễn Phương), Người gác núi, Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (phỏng thơ: Lê Anh Xuân), Em đi về hướng bom rơi (phỏng thơ: Diệp Minh Tuyền).
Biển gọi, Bài ca không quên, Đất nước (thơ: Tạ Hữu Yên).
Đảo xa, Tình yêu, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ 
(phỏng thơ: Nguyễn Nhật Ánh), Hát về người lính ấy.
10 Duyên hải biển quê tôi, Ơi em cô gái hái chè, Ngày mới trên cảng Sài Gòn.
11 Bài ca không quên, Số phận, Phía sau nụ cười 
(phỏng thơ: Sao Vàng).
12 Khoảng xa 
(phỏng thơ: Hùng Anh), Bài ca không quên.
13 Tình khúc thiên thu, Khát vọng 
(phỏng thơ: Đặng Viết Lợi).
14 Lối nhỏ vào đời, Tình yêu.
15 
Phạm Minh Tuấn (trả lời phỏng vấn của Bạch Liên): Nghệ thuật là sự thể hiện cái riêng. Báo Thanh niên, số 113(726), 14/5/1995.
16 
Phạm Minh Tuấn (trả lời phỏng vấn của Bạch Liên): Nghệ thuật là sự thể hiện cái riêng. Báo Thanh niên, số 113(726), 14/5/1995.
17 Tình khúc thiên thu.

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn