Lễ hội Bhiêc Têng-Ping của người Cơ Tu

 



Hằng năm, ở vùng miền núi cao trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi có số đông đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống, giữa tiết xuân, đất trời rực rỡ... người Cơ tu rộn rã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng giữa thiên nhiên bao la xanh thẳm, nơi núi rừng đại ngàn. Cồng chiêng nổi lên, núi rừng vào hội, họ mê say với lễ hội, cầu cúng để mong được một năm an lành, hạnh phúc, mùa màng bội thu... trong đó lễ hội Bhiêc Têng-Ping là một trong những nghi lễ trong chu kỳ vòng đời của họ và sẽ ấm mãi trong tình thương yêu đùm bọc của cộng đồng người Cơ tu trên núi rừng đại ngàn này.

Được biết, trong cộng đồng người Cơ tu hiện nay có hơn 23 dòng họ như: ALăng, PơLoong, ARất, ATing, RơRâm, AVô, B’hnướch, PơRiu, Pugol, Cơlâu... Mỗi dòng họ đều có nguồn gốc riêng, kèm theo sự tích dân gian gắn liền với hệ, động thực vật, con suối, con sông... và kèm theo những kiêng cữ, những điều cấm kỵ nhất định.

 Ngoài tín ngưỡng về nguồn gốc dòng họ, người Cơ tu còn có quan niệm vạn vật hữu linh, tức trong các vật đó đều có thần (Abhuyh). Người và vật khi chết đi sẽ biến thành ma quỷ. Có hai vị thần, theo quan niệm của người Cơ tu, hằng ngày họ phải thường xuyên đối mặt, là thần Mặt trời (Abhuyh-Plêếng) và thần Đất (Abhuyh-Catiếc). Sự sống, cái chết, đói nghèo, no đủ, bệnh tật... phần lớn phụ thuộc vào hai vị thần lớn đó. Vì thế mà những gì đồng bào không giải thích được đều quy do hai thần trên và ma quỷ gây ra.

 Trong quan niệm của người Cơ tu, có hai loại Abhuyh: Abhuyh liêm (tạm dịch là ma tốt), Abhuyh mốp (ma xấu). Họ cho rằng, người chết đi sẽ biến thành ma đi lang thang khắp nơi. Ma xấu là ma của những người chết do hổ vồ, rắn cắn, gấu xé, cây đè... Theo phong tục, tập quán của người Cơ tu, những người chết như thế đều không được chôn ở nghĩa địa chung của làng mà phải chôn ở nơi rất xa làng và nương rẫy. Lúc đem đi chôn không được đánh chiêng, trống, trẻ em, phụ nữ không được nhìn vào và cũng không được đi theo đám tang.

 Sau 1 đến 2 năm, gia đình có người chết sẽ làm lễ Bhiêc Têng-Ping, Têng có nghĩa là làm, Ping là mồ. Cho nên, Bhiêc Têng-Ping theo họ có nghĩa là lễ bỏ mả. Để làm lễ bỏ mả, gia đình có người chết đó phải chuẩn bị nào là rượu ngon, cá thịt khô, gà, lợn... Tuỳ ở kinh tế mỗi gia đình mà lễ bỏ mả lớn hay nhỏ. Nhỏ thì có heo, gà... lớn thì làm trâu và tổ chức đâm trâu. Trong chu kỳ đời người, Bhiêc Têng-Ping là mệt nghi lễ không thể thiếu, đây là yếu tố mang tín ngưỡng dân gian quan hệ giữa người sống và người chết, lễ hội Bhiêc Têng-Ping thường diễn ra như sau:

 Nghi lễ tiến hành khi lúa đã thu hoạch xong và đem cất hết vào kho (Crơ-lăng). Sau khi đã chuẩn bị xong nhà mồ. Trong trang trí nhà mồ, ngoài điêu khắc hình tượng con trâu ra, còn có tượng người đàn bà Cơ tu múa Da-Dá (Pal đit Da-Dá), người đàn ông thổi khèn, đánh trống (păn rui tung-tung), người ngồi hút thuốc với tẩu trên miệng biểu tượng cho chủ làng (ta co vel/vil), các hoa văn khác như mặt trời (pơ panh), mặt trăng (cơ xe), lá Atút... cũng được thể hiện, các thức ăn, rượu... đã sẵn sàng, gia đình có người chết đi thăm bà con, họ hàng thân thuộc, bạn bè, sui gia để thông báo về ngày tổ chức lễ Bhiêc Têng - Ping. Họ hàng, bà con, dâu, rể... thường mang góp gà, rượu, gạo nếp... để giúp gia chủ. Tất cả đều hướng về ngày hội Bhiêc Têng-Ping. Chủ nhà đi đến khu nghĩa địa của làng và tiến hành làm lễ thử đất (Xo-ca-tiếc) bằng một quả trứng gà để xin thần linh cho làm nhà mồ và được đem tới nghĩa địa của làng. Ngày xưa, lễ Bhiêc Têng-Ping thường diễn ra từ 5 đến 6 ngày đêm liên tục.

 Khi mọi việc chuẩn bị xong, nhà mồ được dựng lên, cùng lúc trâu cũng được đem cột vào cột. Cột đâm trâu (Xơ-nur) cho lễ này thường đơn giản, họ chỉ đem thân cây to chôn xuống đất ở sân buộc trâu, lấy những thanh tre vót nhiều tua (Zi-nơr) tạo nên biểu tượng hình bông lúa treo lơ lửng ở đầu cột đâm trâu, trâu cũng được đem cột ở cây nêu, để chuẩn bị cho lễ đâm trâu vào sáng hôm sau. Đêm hôm đó, mọi người tập trung ở sân trồng cây nêu cùng nhau nhảy múa quanh cột trâu. Phụ nữ múa Da-Dá (múa nữ), đàn ông đánh trống, cồng chiêng và múa Tung-Tung (múa nam) theo nhịp điệu của trống, cồng chiêng núi rừng vào hội.

 Việc đưa quan tài và nhà mồ được tiến hành từ sáng sớm và quan tài, nhà mồ thường được họ xếp theo trục Bắc Nam. Tại lễ này, những người già (Taco bươi hay Taco vel) am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc Cơ tu đọc các bài cúng để “nói chuyện” với các ma, với các thần trên trời, dưới đất, ở suối, ở sông... Sau đó tiến hành đâm trâu và tổ chức đãi khách ăn uống. Mọi người mời nhau trong no, say và quên đi bớt sự nhọc nhằn của ngày thường, thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ ở nhau.

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày nay không gian lễ Bhiêc Têng-Ping, có phần khép lại trong quy mô của một dòng họ người Cơ tu nhiều hơn so với một gia đình. Sự tốn kém của gia đình đã giảm đi nhiều hơn, nhưng trình tự tổ chức lễ Bhiêc Têng-Ping cơ bản vẫn được đảm bảo. Lễ Bhiêc Têng-Ping không chỉ là công việc của một gia đình mà còn là của dòng họ và cả cộng đồng, nó trở thành một lễ hội vui trong đời sống của người Cơ tu.

 Đời sống của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Cơ tu có nhiều nghi lễ đều mang đậm tính cầu mùa. Lễ hội Bhiêc Têng-Ping của người Cơ tu không chỉ là nghi lễ cầu mùa cho làng bản, cho gia đình người chết mà còn giảm bớt sự tức giận của thần linh, giải toả mọi tâm lý sợ hãi, ám ảnh của cái chết, mang lại sự an bình trong cuộc sống của mọi nhà, mọi gia đình và cộng đồng. Lễ Bhiêc Têng-Ping là một trong những nghi lễ trong chu kỳ vòng đời của người Cơ tu, đây là một lễ thức đặc biệt quan trọng, có thể giúp chúng ta hiểu một phần nào về nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ tu trên vùng Trường Sơn đại ngàn.

 Cho đến nay, lễ Bhiêc Têng-Ping vẫn còn trường tồn mãi trong cuộc sống của người Cơ tu trên vùng Trường Sơn đại ngàn, là nét văn hoá cổ truyền, độc đáo được người Cơ tu bảo tồn lâu đời với nhiều yếu tố mang đậm nét đặc trưng văn hoá, giải toả tâm lý đối với người đang sống... Nghi lễ Bhiêc Têng-Ping của người Cơ tu bên cạnh việc chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá vật chất lẫn tinh thần, còn là trách nhiệm và nghĩa vụ, tình cảm của người sống đối với người chết, nhằm giải thoát linh hồn, giảm bớt sự sợ hải của người sống trước thế lực siêu nhiên... Nghi lễ Bhiêc Têng-Ping còn là sự kết nối không gian tâm linh giữa cõi chết và cõi sống, tạo nên mối quan hệ giữa người và người, giữa người và cộng đồng dân tộc Cơ tu.

Theo Nguyễn Văn Sơn - trang tin UBDT



văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn