TÌM HIỂU VỀ HỌ CỦA NGƯỜI CHĂM


Chế Vỹ Tân
Có nhiều người Chăm tự đặt câu hỏi: Người Chăm trước đây có HỌ không?
Theo tôi biết thì người Chăm không có họ theo kiểu người Kinh như: Trần, Phạm, Lê, Nguyễn… Người Chăm chỉ có chữ Ja hay chữ Mưng hoặc Mư trước tên mình để phân biệt nam nữ mà thôi. Ví dụ: Ja Plôi, Ja Ka (đối với nam), Mư Eh Va, Mưng Thang Ôn (đối với nữ), giống như từ Văn hay Thị trong cụm từ chỉ họ và tên người Kinh.

Qua nghiên cứu lịch sử Champa, ta chỉ thấy những ông vua hoặc người trong hoàng tộc mới có họ: Ôn, Trà, Ma, Chế(1). Nhưng ngày nay tất cả người Chăm đều có họ như: Đàng, Quảng, Báo, Tài, Sử, Thông, Quách, Lượng, Phú…
Thế thì người Chăm mang HỌ mới này từ bao giờ?

Có lẽ là từ thời vua Minh Mạng (lên ngôi 1820, mất 1840). Sau khi xứ Panduranga mất, Minh Mạng lại nghĩ đến vấn đề cai trị và quản lí nhân dân xứ này, và buộc họ phải mang một trong những HỌ mà nhà vua đề nghị. Mục đích của việc làm này là để dễ kiểm tra, kiểm soát về mặt an ninh chính trị.
Còn về họ NGUYỄN mà một số người Chăm đang mang hôm nay (như Nguyễn Văn Tỷ, Nguyễn Hữu Nhậm, Nguyễn Thìn, Nguyễn Thị Điển…) thì có nguồn gốc khá đặc biệt: Những người Chăm xưa kia đã từng phục vụ và có công với triều đình nhà Nguyễn thì nhà vua ban cho ân sủng được mang họ Nguyễn (họ của vua).

Tại làng Chăm Phước Nhơn thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, đa số những người mang họ Nguyễn đều có gốc gác từ vị quan phụ trách thu mua kỳ nam (cốt lõi của gỗ trầm hương) tại phủ Bình Thuận (tức tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bây giờ). Người Chăm thường gọi vị quan này là PÔ GAHLƠV (tức quan Kì Nam), tên thật là TÀI THANH CÂY, người gốc An Nhơn, tổng Lương Tri, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận sau này, dời cư về làng Phước Nhơn (cùng tổng) vào khoảng năm 1900, là năm mà chính ông ta thành lập ra làng mới này. Do có công hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc với triều đình mới được đổi họ thành NGUYỄN THANH CÂY. Và từ đó, các con cháu của vị quan này đều mang họ Nguyễn. Bà NGUYỄN THỊ THỀM ở Phan Rí cũng có gốc nguồn tương tự như thế.

Còn HỌ thật của người Chăm hiểu theo nghĩa “tộc họ” thì như thế nào? Người Chăm phân biệt rất rõ ràng là HỌ ghi trong giấy khai sinh là họ có tính cách hành chính, còn tộc họ thì theo nhánh bên mẹ (mẫu hệ). Bản thân tôi, với họ tên khai sinh là Nguyễn Văn Tỷ, nhưng không phải thuộc tộc họ Nguyễn như người Kinh mà lại thuộc tộc họ Po Dăm nghĩa là tộc họ theo phía mẹ. Tất cả người cùng tộc họ Po Dăm dù trải qua hàng chục thế hệ cũng không được lấy nhau - hiểu như họ nội bên người Kinh. Vì thế, khi dựng vợ gả chồng với những người làng xa, người Chăm thường tìm hiểu trước tiên là “bên đó” thuộc họ tộc nào? Những tộc họ này thường mang tên một vị Thần, yang mà người trong tộc họ phải phụng thờ, và họ tin tưởng một cách tuyệt đối là chính vị thần, yang này đích thực cai quản tộc họ và ban phước lành cho tất cả mọi người trong tộc họ
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn