Phạm Bá Thủy
Hồi cuối năm 1959, Liên Xô đã phải đối mặt với một trận dịch còn tồi tệ hơn cả Covid-19 hiện nay. Ngày đó, từ Ấn Độ đầy nắng, một chiếc máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Vnukovo của Matxcơva. Trong số gần trăm hành khách của chuyến bay này nghệ sĩ nổi tiếng trong những năm đó Alexei Kokorekin. Trong khi chờ kiểm tra hộ chiếu và làm thủ tục hải quan, anh ta có ho húng hắng, nhưng hầu như chẳng ai để ý, vì ho vào tháng 12 lạnh giá ở Matxcơva là chuyện quá thường tình. Nhưng đó lại chính là khởi đầu một sự kiện kinh hoàng – một vụ việc được giấu kín trong các tài liệu lưu trữ cẩn mật về việc thủ đô của Liên Xô đột nhiên gặp phải nguy cơ bị đe dọa chết chóc hàng loạt do hậu quả của một dịch bệnh khủng khiếp - bệnh đậu mùa.
Trận dịch khởi phát bởi một người đến từ Ấn Độ. Và mối nguy hiểm tăng rất nhanh, gần như theo cấp số nhân. Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất là tất cả hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay có mặt Kokorekin. Tiếp đến là tất cả những người mà anh gặp đầu tiên khi về đến Matxcơva: vợ, con gái, bạn bè, rồi các bác sĩ và bệnh nhân ở bệnh viện Botkin, nơi anh phải nhập viện điều trị sau khi các triệu chứng bất ngờ trở nặng (xin gọi tắt họ là F1). Và rồi tiếp đến là tất cả những người mà những người này có tiếp xúc, liên hệ trực tiếp (F2). Từ số người F2 này, về mặt lý thuyết, số lượng người có khả năng bị lây nhiễm tăng lên đến vô cùng (F3, F4, F5… cho đến Fn). Như vậy, chỉ trong đôi ngày, toàn bộ thành phố Matxcơva 7 triệu dân đã phải đối mặt với một nguy hiểm chết người do Kokorekin mang tới – bệnh đậu mùa, lúc đó cũng vừa khởi phát ở New Delhi, Ấn Độ.
Tình hình trở nên nguy cấp đến nỗi Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) đã phải xắn tay vào cuộc. Cơ quan tình báo Liên Xô đã tổ chức tìm kiếm trên quy mô lớn tất cả những người từng tiếp xúc với Kokorekin. Qua chiến dịch này, nhiều chi tiết… tế nhị và bí mật trong cuộc sống cá nhân của Kokorekin đã được phát hiện. Nhân viên an ninh đã lần ra cô tình nhân của Kokorekin và được biết về những món quà mà anh ta mang về từ Ấn Độ tặng cô. Người phụ nữ này đã ký gửi những món quà ấy vào cửa hàng mua bán đồ cũ. Vấn đề ở chỗ những món quà này có thể mang virus từ Ấn Độ. Như vậy, nghững người mua, người bán, người vận chuyển ở cửa hàng này đều có thể bị nhiễm virus từ những món hàng ấy và lây nhiễm bắc cầu cho người thân, bạn bè của mình… Các y bác sĩ và những bệnh nhân ở bệnh viện Botkin, nơi Kokorekin điều trị nhưng không qua khỏi và đã qua đời tại đấy được chữa trị tăng cường. Qua thẩm vấn nhân viên bệnh viện, các nhà điều tra dịch tễ học được biết, trong thời gian Kokorekin nằm viện, bạn bè đã đến thăm anh ta rất nhiều, và vì họ đều là những người nổi tiếng nên hầu như chẳng coi các cảnh báo của các y bác sĩ, y tá ra gì, cừ ngồi đầy trong phòng bệnh, bất chấp các quy tắc vệ sinh phòng bệnh. Và một người trong số họ - nghệ sĩ Suryaninov, người từng ghé vai khiêng quan tài của Kokorekin trên đường đến nơi an nghỉ cuối cùng, ngay sau đó đã lâm bệnh và rồi qua đời. Vợ của anh cũng bị lây bệnh từ chồng, nhưng đã may mắn được chữa khỏi. Lưỡi hái tử thần mang tên đậu mùa treo lơ lửng trên toàn thành phố...
Toàn bộ thành phố Matxcơva ngay lập tức bị cách ly. Máy bay, xe lửa, xe buýt liên tỉnh... đều phải dừng hoạt động. Một thủ đô tráng lệ của thế kỷ 20 bỗng chốc trở nên điêu tàn hiu hắt chẳng khác gì một thành phố châu Âu thời Trung cổ đang trải qua thời điểm hoành hành của trận dịch “Cái chết đen”! Hàng trăm trường hợp mắc bệnh ở mức độ nguy kịch. 11 nghìn người phải cách ly tập trung. Một không khí u ám nặng nề bao trùm lên toàn thành phố.
Các đại sứ quán, các trụ sở ngoại giao đoàn ở Matxcơva đều được bảo vệ nghiêm ngặt; ngay cả việc cung ứng thực phẩm cho các cơ quan này cũng được kiểm tra phòng dịch lỹ lưỡng. Các loại hồ sơ, thư tín ra vào cũng thế - tất cả đều phải được sát trùng, khử khuẩn.
Chính quyền Matxcơva ra lệnh hủy bỏ tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi. Oái oăm thay, có một chuyến bay từ Matxcơva đi London của một hãng hàng không Anh đã cất cánh chỉ vài phút trước khi lệnh cấm được ban bố (thời ấy, các chuyến bay quốc tế rất thưa thớt). Ngay lập tức, hai chiếc tiêm kích của quân đội Liên Xô được cử lên “cản đầu” và kèm chiếc chiếc máy bay thương mại chở khách này quay trở lại sân bay Matxcơva. Lúc đầu, các phi công và hành khách của chuyến bay này vô cùng tức giận khi bị “kè cổ” trở lại nơi xuất phát, nhưng sau khi được biết mục đích của việc làm nói trên, họ đã rất cảm kích trước nghĩa cử của phía Liên Xô.
Chính quyền Matxcơva cũng đã đưa ra quyết định khẩn cấp: tiêm chủng cho tất cả mọi cư dân trong thành phố (kể cả người nước ngoài đang có mặt ở Matxcơva). Nhưng một lượng lớn vắc-xin lại đang được tồn trữ trong kho chứa chủ lực ở vùng Viễn Đông, mà ở đó thời tiết đang rất tồi tệ, những chiếc máy bay có nhiệm vụ chở vắc-xin về thủ đô không thể cất cánh. Matxcơva đành huy động tất cả lượng vắc xin ít ỏi của mình và các địa phương lân cận. Thủ đô hoàn toàn tê liệt, cách ly toàn diện với thế giới bên ngoài. Nhưng cuối cùng thì lô vắc-xin đầu tiên cũng đã được đưa đến thủ đô.
Chỉ sau vài ngày, tất cả 7 triệu dân Matxcơva đã được tiêm phòng, với tốc độ 1,5 triệu người mỗi ngày.
Đến cuối tháng 1, công việc tiêm phòng cho tất cả 4 triệu cư dân của của toàn vùng ngoại thành Matxcơva củng đã được hoàn tất. Trong toàn bộ lịch sử thế giới, đây là sự kiện tiêm chủng lớn nhất về quy mô, ngắn nhất về thời gian và đặc biệt là hoàn toàn bí mật.
Toàn bộ số ca tử vong trong sự kiện này ở Matxcơva chỉ có 6 người. Một kết quả dập dịch đáng kinh ngạc!
Dù xét trên góc độ nào đi nữa những con số như vậy cũng không thể không khiến người ta nghĩ về tính ưu việt của đời sống Xô viết - ít nhất là trong khi diễn ra dịch bệnh và những tình huống khẩn cấp. Một đặc điểm khác của lối sống này là sự vắng mặt hoàn toàn của tình trạng hoảng loạn: KGB đã ngăn chặn những tin đồn nhỏ nhất, và toàn bộ hồ sơ về việc thủ đô Matxcơva suốt 1 tháng liền sống dưới thanh gươm Damocles của ngày tận thế, đã được giấu kín an toàn trong kho lưu trữ dưới con dấu "tuyệt mật". Và để không ai, không gì có thể gợi nhớ về điều này, ngay cả các nhân vật chính là các bác sĩ và tất cả các nhà khoa học đã có công lớn trong công tác dập dịch ở sự kiện này đều không được trao tặng bất cứ phần thưởng hay huân huy chương.
Tags:
Báo chí