Làng gốm Bầu Trúc


Ponukan
Giới thiệu chung: Làng Bầu Trúc là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á. Đây là một làng nhỏ có hơn 400 hộ. Báo Ninh Thuận đã từng viết về Bầu Trúc: “nằm ngay ở trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa huyện Ninh Phước, nhưng ít ai ngờ rằng, Bầu Trúc lại nghèo đến thế, cả làng có đến 50% số hộ nghèo”. Gốm Bầu Trúc cũng không vượt lên được trong nền kinh tế thị trường. Bầu Trúc trong tình trạng giống như Phù Lãng là hoạt động cầm chừng, nhiều người phải bỏ nghề. Và đương nhiên, khi lâm vào tình trạng mất nghề thì cái nghèo, cái đói là điều không tránh khỏi.


Nguyên nhân tàn lụi của các làng gốm thì đã rõ, đó là trong thời đại ngày nay các kỹ thuật tiên tiến đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp thích ứng với cuộc sống mới. Sự cạnh tranh của hàng công nghiệp sản xuất dây chuyền có kỹ thuật tiên tiến, mẫu mã đẹp và luôn thay đổi, giá thành lại rẻ, đã đẩy các làng nghề đến nguy cơ thất nghiệp. Một nguyên nhân khác khiến các lò gốm nghèo ngày càng xơ xác, đó là chi phí sản xuất tăng, tiền đầu tư lớn mà giá thành phẩm rẻ. Một thợ gốm Bầu Trúc cho biết: nếu như năm 1986, một xe đất sét ở Bầu Trúc là 10.000 đồng, một xe bò củi là 50.000 đồng, thuê người phụ việc 3000 đồng/công thì bây giờ, một xe đất lên đến 40.000 đồng, một xe bò củi 150.000 đồng, thuê nhân công 14-15.000 đồng. Trong khi đó, một cái lu năm 1986 bán được 7.000 đồng (tương đương 7kg gạo) thì bây giờ cũng chỉ bán được 10.000 đồng, quy ra gạo chưa đầy 3 kg. Tiền đầu tư cho một lò gốm chừng 7-8 triệu đồng, nếu thuận lợi, mỗi lò cũng chỉ lãi được chừng 1-1,5 triệu đồng (mà phải mất mấy tháng), nếu gặp rủi ro lò vỡ, gốm hỏng thì chỉ còn nước bỏ nghề.

Xin nhắc lại lời tiến sỹ Nguyễn Văn Huy trong buổi khai mạc triển lãm: “Các sản phẩm đất nung hay sành của những người thợ gốm từ lâu đã trở thành những thành yếu tố quan trọng trong văn hóa vật chất và tâm linh ở nhiều vùng của đất nước. Những kinh nghiệm về nghề gốm truyền thống với việc lựa chọn nguyên liệu, tạo dáng, tạo màu sắc sản phẩm hay nung gốm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, là những di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc…”.
Vâng, như vậy, việc các làng gốm cổ mất đi không chỉ là nỗi đau, nỗi lo lắng của riêng người thợ gốm, mà còn là nỗi đau chung của tất cả chúng ta về những di sản văn hóa bị mai một. Chúng ta không nên hô hào suông là phải bảo tồn này nọ, bởi vì với người thợ thủ công ít vốn, thiếu tri thức đổi mới công nghệ và kỹ thuật thì làm sao đủ sức bảo tồn. Nhà nước phải có chính sách ưu đãi vay vốn, đầu tư để giúp người thợ gốm đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm truyền thống này sống mãi, để người thợ gốm có thể làm giàu được bằng nghề của mình.
Truyền thuyết: Theo truyền thuyết, ông tổ nghề gốm Bầu Trúc là Po Klaung Chan, người bạn chí cốt của Vua Po Klaung Garai từ thời niên thiếu. Po Klaung Garai lúc sinh thời mình đầy ghẻ lác, đi ở đợ chăn trâu. Một hôm đàn trâu bị lạc, Po Klaung Garai đi tìm thì gặp Po Klaung Chan, hai người kết thân với nhau. Lúc bấy giờ, Po Klaung Garai quyết định bỏ đàn trâu, trốn chủ và cả hai rủ nhau đi buôn trầu. Trên đường đi, khi đến hòn đá chẻ thuộc làng Chung Mỹ ngày nay, Po Klaung Garai cảm thấy đau nhức toàn thân, không thể đi tiếp. Po Klaung Chan thương bạn nhưng không biết phải làm gì, đành bỏ bạn ở lại rồi chạy về nhà báo tin cho cha mẹ bạn biết. Đến chiều tối, khi Po Klaung Chan cùng gia đình Po Klaung Garai trở lại thì thấy một con rồng đang liếm toàn thân Po Klaung Garai. Và mầu nhiệm thay, ghẻ lác trên người Po Klaung Garai biến mất, ông trở thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú... Khi trở thành vua xứ Pandarang, nhớ đến tình bạn cao đẹp ngày xưa, Po Klaung Garai mời Po Klaung Chan về triều phong chức tước, nhưng Po Klaung Chan từ chối. Ông trở về quê, tập họp dân làng dạy nghề gốm. Nhớ công ơn to lớn của bậc tiền hiền, dân làng lập đền thờ Po Klaung Chan ngay tại làng cũ Hamu Crok, tôn vinh ông là Thần làng và tổ sư nghề gốm. Từ bao đời nay, hằng năm người Chăm Bầu Trúc đều tổ chức 4 lễ cúng tế trang trọng thần Po Klaung Chan vào 4 thời điểm khác nhau.
Dị bản: Chuyện xưa kể rằng, cách nay gần một thiên niên kỷ, trên vùng đất đầy nắng và gió cát có một cậu bé mục đồng nghèo khó tên là Po Klaung Garai ngày ngày đi chăn trâu thuê cho chủ. Nghèo khó khiến cho cậu mình mẩy đầy ghẻ lác, phong hủi, da dẻ xù xì, xấu xí. Ngày nọ, một con trâu trong đàn bị lạc. Cậu hơ hải đi tìm. Trên đường, cậu gặp Po Klaung Chan, hai người kết nghĩa bạn bè. Tìm trâu không thấy, họ quyết định cùng trốn đi buôn trâu. Đến vùng Bầu Trúc (Palei Hamu Crauk - nay là thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) - vùng đất như chiếc lòng chảo nằm giữa núi và biển thì Po Klaung Garai quỵ ngã. Po Klaung Chan hối hả đặt bạn nằm nghỉ, còn mình đi tìm người cứu. Đoàn người cùng Po Klaung Chan quay lại thì thấy một cảnh tượng vô cùng kỳ lạ: Một con rồng đang liếm trên thân thể Po Klaung Garai. Rồng liếm đến đâu, ghẻ lác biến mất. Po Klaung Garai trở thành chàng trai tuấn tú, tinh anh khác người. Po Klaung Garai lên làm vua, mời Po Klaung Chan làm cận thần, nhưng Po Klaung Chan từ chối. Ông ở lại vùng đất có phù sa bồi tụ tạo nên hầm vàng (mỏ đất sét), hầm bạc (dải cát ven sông vào mùa nước cạn dòng, cát trắng mịn màng). Ông dạy người dân lấy những báu vật của thiên nhiên là đất sét và cát làm thành lu, khạp, chõ, nồi, niêu, trã... Dân làng Bầu Trúc tôn ông là sư tổ của nghề gốm và lập đền thờ cho đến ngày nay. Hàng năm, dân làng dâng vật cúng cầu xin tổ nghiệp ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ngành nghề phát đạt, nhân khang vật thịnh.

Vị trí: Nằm ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), nằm cách thị xã Phan Rang -Tháp Chàm 10km về hướng Nam, làng gốm Bầu Trúc được thị trường biết đến bởi những nét độc đáo cổ truyền, nghệ thuật chế tác gốm đặc trưng của đồng bào Chăm Ninh Thuận.
Vật liệu: Làng gốm Bầu Trúc nằm trong vùng lòng chảo được bao quanh bởi những dãy núi nên mùa mưa thường gây ra lũ lụt và phù sa bồi tụ lâu năm tạo thành các lớp đất sâu ở triền sông Quao. Chính nơi đây đã hình thành các mỏ đất sét mịn màng, có độ dẻo cao. Bên dưới lòng sông Quao lại có những dải cát trắng hạt nhỏ - những nguyên liệu cần thiết để tạo thành gốm Bầu Trúc mà không nơi nào có được. Loại đất sét này khi nung rất dẻo và bền.
Muốn có đất làm, họ phải khai thác ở cánh đồng đất sét, đây là khu ruộng gò có diện tích khoảng 20 ha nằm ngay triền sông, cách làng khoảng 4 km. Vào mùa khô, bề mặt ruộng nứt nẻ như lưới nhện. Sau khi cào đi phần đất mặt thường pha lẫn rễ lúa, cỏ dại, sẽ lấy phần thứ hai (độ dày từ 20 - 40 cm) là phần tinh của đất sét. Phần sâu hơn, đất dính bùn non, cũng không làm gốm được. Đất chuyển về tiếp tục được phơi nắng để thật khô (3, 4 ngày) đem xếp cất để sử dụng dần. Cùng với việc chọn đất và chọn cát. Cát lấy từ triền sông (thường là sau mùa lũ) hạt cát nhỏ, mịn, đều nhau, màu vàng nhạt, không pha tạp chất.
Kỹ thuật chế tác: Ngày nay, những làng nghề gốm khác đã đổi sang dùng bàn xoay như một công cụ làm gốm thiết yếu, thì trái lại, các nghệ nhân Chăm vẫn dựa vào đôi bàn tay đôi tay khéo léo để tạo nên một sản phẩm gốm. Người nghệ nhân dùng một cái đe (không phải vòng xoay), đi vòng quanh,  đồng thời sử dụng bàn dập vỗ cho thành gốm thêm chắc... Sự lao động vất vả, cho năng suất thấp nhưng lại vô tình tạo được tính tạo hình đẹp khiến sản phẩm gốm đạt đến tính độc đáo: Không một sản phẩm nào giống hệt một sản phẩm nào. Bằng kỹ thuật thủ công hoàn toàn, gốm Bầu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm ''ấm bàn tay con người nhất''.
Nếu như gốm Phù Lãng và Mường Chanh sử dụng đất sét là nguyên liệu chủ yếu thì ở gốm Bầu Trúc, sét lại được pha với cát. Cát làm cho thân gốm Bầu Trúc không được mịn màng, tăng trọng lượng song lại cũng chính nhờ cát mà xương gốm trở nên bền chắc hơn và độ chịu nhiệt cao. Cũng vì tính dẫn nhiệt cao này mà nhà sưu tầm văn hoá dân gian Phan Ngọc Khuê đã dùng chữ: ''đất thở được'' như một lời dành tặng riêng cho sản phẩm gốm sét pha cát Bầu Trúc.
Lượng cát được trộn vào vật liệu còn phụ thuộc vào công dụng và kích thước của từng loại gốm. Lu đựng nước được làm ở Bầu Trúc luôn được người dân ở những vùng khô và nắng ưa chuộng bởi vì nhiệt độ của nước trong lu luôn luôn thấp hơn so với bên ngoài nên nước bao giờ cũng mát hơn.
Đặc điểm trang trí: Các hoa văn trang trí trên gốm Bầu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng.
Phân loại gốm: Theo kiểu dáng và chức năng sử dụng có thể chia gốm Bầu Trúc thành 4 loại:
1. Loại nồi lớn: loại này có kích thước lớn dùng để nấu ăn cho nhiều người, đáy tròn, miệng hẹp khum thấp, thân tròn và phình rộng.
2. Loại nồi niêu nhỏ, trã: dùng nấu nướng hàng ngày, miệng rộng loe hoặc hơi loe, cổ ngắn, thân hơi phình rộng ở giữa và đáy tròn.
3. Loại lu, thạp, khương: thường là các đồ đựng có kích thước lớn, đáy hơi tròn, miệng đứng hoặc khum, cổ đứng vai xuôi và thân tròn.
4. Loại nồi thấp (chõ), ấm nấu nước, lò (than, củi): loại này có quai, chân đế, miệng khum rộng đáy hơi bằng.
Các công đoạn làm gốm:

Khi bắt đầu chuẩn bị làm gốm, người ta sẽ ước tính lượng đất đủ để làm trong ngày và đem ngâm đất đã phơi vào hố đất đào sẵn. (Theo kinh nghiệm dân gian, đất ngâm bằng đồ nhựa, nhôm không dẻo được như ý muốn). Đất ngâm qua 12 tiếng sẽ vớt ra để trộn với cát (tỉ lệ 2 thúng đất, 1 thúng cát). Lúc này, người phụ nữ dùng chân đạp, phải mất cả giờ đồng hồ đất và cát mới trộn nhuyễn vào nhau. Tiếp đó, họ phải quây lại, ủ thêm một giờ nữa mới đem nhào lại bằng tay.
Để tạo độ bóng, họ lại dùng vòng quơ (khúc mây cuốn tròn, đường kính 20 cm) chà quanh sản phẩm. Cuối cùng là nhúng vải trong nước miết đi dấu tích của vân tay và vòng quơ, tạo nên lớp nhũ bóng của đất sét phủ ngoài sản phẩm. Đây là kỹ thuật để chống việc thấm nước khi sử dụng.
Chuẩn bị đất làm gốm:
Đất sét được lấy từ ruộng, đập thành những cục nhỏ, phơi khô, loại bỏ những tạp chất rồi ngâm nước trong cái hố đất đã đào sẵn. Cát cũng được sàn lọc kỹ và lượng cát pha cũng phải tuỳ thuộc vào hình dạng và kích thước của sản phẩm gốm định làm.
Đầu tiên dùng chân để nhồi đất và cát mịn, sau đó cuộn thành từng lọn hình trụ và được phủ kín bằng tấm vải để ủ qua đêm.
Người thợ gốm còn phải nhồi và lăn lại đất bằng tay nhiều lần, rồi vo tròn thành các cục đặt lên hòn kê để nặn thành sản phẩm.
Tạo dáng gốm:
- Tạo dáng cơ bản: Tạo dáng gốm cơ bản ban đầu, sau đó nối những “lọn đất” vào miệng gốm, dùng “vòng quơ” chải quanh thanh gốm.
- Chà láng gốm: dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay chà láng thân gốm và tạo hình miệng.
- Trang trí hoa văn: Dùng que cây, vỏ sò, hoa thực vật... để tạo hoa văn trên gốm. Hoa văn chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn thực vật, vỏ sò... họ còn dùng màu thực vật để nhuộm áo gốm.
- Hoàn chỉnh sản phẩm: Gốm nặn đem phơi nơi râm mát, hơi khô dùng “vòng quơ ” nhỏ để cạo mỏng thân và nông đáy gốm.
Tạo hình xong sẽ vào công đoạn trang trí. Đây là lúc người làm gốm trang trí cho gốm bằng những hình vẽ, dấu rạch, khắc chủ yếu là hoa lá, cỏ cây (hoa văn gốm Bầu Trúc đặc biệt không có hình động vật). Dụng cụ cũng chỉ là những vỏ sò được nhặt từ biển, những que tre trồng trong làng. Rồi họ tiếp tục phơi trong mát, phơi ngoài nắng, tu sửa hoàn chỉnh để chuyển sang giai đoạn cuối cùng: nung gốm.
Cộng đoạn nung:
Trước khi nung phải phơi khô một ngày.
Buổi chiều, khi trời êm và gió nhẹ thường là lúc bắt đầu đốt lò nung gốm. Gốm nung lộ thiên cho nên hoàn toàn phụ thuộc vào tiết trời. Đầu tiên, củi được xếp ngang dọc thành nền, rồi sắp gốm từ giữa ra ngoài, chồng úp lên nhau tạo cho gốm thành một khối tròn. Phủ lên gốm là rơm rạ, trấu, dùng cây đập nhẹ lên lớp rơm phủ để tạo độ xốp. Muốn giữ nhiệt độ đều đặn và ổn định, hướng đốt lò phải ngược chiều gió để lửa không cháy nhanh quá. Khoảng 2-3 tiếng đồng hồ khi củi trong lò cháy hết, gốm có màu chín hồng thì lò nung đạt yêu cầu. Người ta phải đợi đến khi gốm nguội hẳn mới đưa ra khỏi lò nung.

Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ từ 500 - 600 độ C, vật liệu dùng để nung gốm là củi, phân trâu bò khô, rơm rạ, trấu... Củi được xếp thành hình chữ nhật (4mx3m) dày khoảng 0,2m-0,3m và trên đó người ta xếp úp 2-3 lớp gốm, phía dưới xếp những sản phẩm lớn. Tiếp đó toàn bộ phủ một lớp rơm rạ dày khoảng 0,2m và trên là một lớp trấu mỏng. Sau khi nung, sản phẩm được lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bầu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang theo vẻ "lung linh của nền văn hóa Champa".
Sử dụng kỹ thuật "nung 2 lần lửa" để tạo sắc đen cho sản phẩm (thay vì sắc đỏ truyền thống)...
Du lịch: Đến tham quan làng gốm Bầu Trúc, khách du lịch có thể cùng làm gốm với các nghệ nhân, tự tay tạo nên những sản phẩm đơn sơ, mộc mạc và tha hồ chọn lựa những sản phẩm gốm với giá bán từ vài ngàn đến vài triệu đồng. Tham quan các phòng trưng bày sản phẩm, du khách còn có thể khám phá nhiều điều kỳ diệu ở làng gốm Bầu Trúc này.

   Tại làng gốm Bầu Trúc, nằm ở trung tâm thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) du khách tự tay nhồi đất, nắn các hình gốm tùy thích từ đất sét đặc biệt ở làng gốm này và tha hồ lựa chọn những sản phẩm gốm Bầu Trúc có giá từ vài ngàn đến vài triệu đồng.
        



x
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn