THỰC TRẠNG BẢO TỒN TÀI LIỆU LÁ BUÔNG CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

Đồng bào Khmer Nam bộ là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng là một dân tộc có một nền văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản địa và tôn giáo. Từ trước lúc có sự du nhập của Bà-la-môn giáo (hay còn được gọi là Hin-đu giáo) và Phật giáo thì văn hóa Khmer đã sớm được hình thành và phát triển. Một số tín ngưỡng bản địa lâu đời như tục thờ cúng Neak-tà, thờ cúng A-rak, thờ cúng cây cối, sông núi,… đã được hình thành trong tâm linh của người Khmer và luôn hiện hữu đến ngày hôm nay. 
Học viên lớp Cao học Trà Vinh đi thực tế ở Bảo tàng Khơ mer

VĂN HÓA HỌC trân trọng giới thiệu bài tiểu luận kết thúc môn QLVH của học viên lớp cao học Đại học Trà Vinh - một nhà sư còn rất trẻ - Kim Chane Tha.
Tiểu luận của một môn với 2 tín chỉ, học viên Kim Chane Tha đã viết khá cẩn thận, có nhiều tư liệu quý và với góc nhìn của một nhà tu hành, tuy còn nhiều vấn đề về học thuật và lỗi trình bày một bài khoa học, nhưng VANHOAHOC đánh giá cao bài tiểu luận này.
TIỂU LUẬN KẾT THÚC MÔN QUẢN LÝ VĂN HÓA 
“Tài liệu lá buông của người Khmer Nam bộ - Thực trạng và bảo tồn”
Học viên Kim Chane Tha, lớp Cao học Đại học Trà Vinh


MỤC LỤC



LỜI MỞ ĐẦU

           Từ xa xưa, khi con người chưa thật sự phát triển, mối quan hệ của con người được giữ thông qua tiếng nói và đó là phương tiện giao tiếp chủ yếu của loài người. Tất cả các loại kinh nghiệm, hiểu biết nói chung lại là tri thức được người ta trao truyền thông qua hình thức nói chuyện và nhớ lại, chẳng liên quan gì đến việc ghi chép cả. Thế nhưng, sau một khoảng thời gian sinh sống trên trái đất này, con người xét thấy vốn hiểu biết của mình đã phát triển lên một bậc cao mới và không thể trao truyền cho nhau được hết chỉ thông qua hình thức nói và nhớ. Vậy là sự xuất hiện của chữ viết cũng dần dần hiện hữu, các loại hình thể được cho là chữ viết sơ khai của loài người là chữ tượng hình, đơn giản như người ta muốn diễn đạt con chim chỉ cần vẽ một con chim, người khác sẽ hiểu ý mình. Dần dần sự phát triển cũng đạt trình độ cao hơn, con người tại các địa phương khác nhau đã tạo ra chữ viết không tượng hình nữa mà là tượng âm, quy các phụ âm, nguyên âm và ghép nó lại thành chữ viết. Người Ấn Độ đã sáng tạo ra chữ Phạn để ghi chép lại hiểu biết, đầu tiên họ thường khắc trên đá, trên tre, trúc. Đối với người Khmer cũng vậy, chữ viết đã xuất hiện sau khi có tiếng nói, các ký tự chữ viết được người ta ghi lại trên các bia đá trước khi có giấy, đặc biệt trong chiều dài phát triển của lịch sử người Khmer đã sáng tạo ra một loại  lá cây có thể viết và lưu lại chữ viết, đó chính là lá buông. Lá buông có hình dạng khá giống với lá thốt nốt, người Khmer dùng lá đã phơi khô để khắc chữ bằng cái bút sắt nhọn. Do hình dạng lá dài nên loại tài liệu này thuộc loại tài liệu dài ngang ra và đến bây giờ người Khmer không sử dụng lá buông để ghi chép tài liệu nữa mà sang dùng giấy để ghi chép, lưu lại tài liệu. Tuy nó không được phổ biến trong việc sử dụng nhưng đó là một bước ngoặt phát triển trong lịch sử văn hóa của người Khmer. Và tuy các sách hiện nay đã sao chép, xuất bản thành những tài liệu hiện hành nhưng cũng còn rất nhiều tri thức, hiểu biết của người Khmer xưa để lại chưa được phơi bày ra công chúng. Do đó, việc quản lý nhằm bảo tồn loại tài liệu quý này rất cần thiết và cấp bách hơn cả là việc tìm ra người biết đọc và hiểu ý nghĩa của loại tài liệu này được đặt lên hàng đầu, vì số người thông thạo đọc ra và hiểu ý nghĩa không còn nhiều, vì thế đào tạo thế hệ tìm hiểu và nghiên cứu loại tài liệu trên lá buông cũng là việc nên thực hiện. Mặt khác, khắc chữ trên lá buông có thể nói rằng đấy là một nghệ thuật, không phải người biết viết chữ trên giấy đều biết khắc chữ lên lá buông, do đó việc phát triển số nghệ nhân khắc chữ trên lá buông cũng là việc cần cân nhắc đến trong lĩnh vực quản lý văn hóa. Với bài viết ngắn mang chủ đề: “Tài liệu lá buông của người Khmer Nam bộ - Thực trạng và bảo tồn”, sẽ đóng góp một phần nào đó trong việc nghiên cứu thực trạng việc giữ gìn và hướng phát triển nhằm bảo tồn loại tài liệu quý giá này của người Khmer Nam bộ.


PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: VÀI NÉT VỀ TÀI LIỆU LÁ BUÔNG CỦA NGƯỜI KHMER

1.1. Thời gian xuất hiện tài liệu lá buông

Lá buông được cho là cổ nhất tại Nam bộ của Việt Nam được xác định thuộc nguồn tài liệu tại chùa Khmer ở tỉnh An Giang và nghệ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer An Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc giaTheo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, tài liệu lá Buông là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá Buông của người dân tộc Khmer (gọi là Satra), được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo hệ thống ký tự chữ viết Khmer vì Pali không có chữ viết. Có một số ý kiến cho rằng, tài liệu khắc trên lá buông xuất hiện từ thế kỷ XIX dựa trên các bản tài liệu còn sót lại, nhưng lại có ý kiến của một số chuyên gia ngôn ngữ Khmer cho rằng nó xuất hiện sớm hơn thế kỷ XIX, có thể rơi vào khoảng thế kỷ IX. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai không nhận được ý kiến đồng tình, do thiếu sự xác minh từ nguồn tài liệu viết bằng chữ Khmer trên loại tài liệu này, do họ cho ra một số giải thích liên quan đến việc người Miến Điện đã qua vay mượn kinh sách Phật giáo của người Khmer và ghi chép tài liệu trên lá buông.
Như vậy, dù theo hướng nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể xác định được thời gian xuất hiện loại tài liệu trên lá buông là từ rất sớm, nó có thể xuất hiện sau thời kỳ con người ghi chép tài liệu trên đá. Các tảng đá lớn với việc ghi chép lại mấu chốt của lịch sử vẫn được tìm thấy ở trên vùng đất Nam bộ, Việt Nam với niên đại xuất hiện của nó khoảng từ thế kỷ VII-VIII, như bia đá được tìm thấy tại chùa Som Bua (thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) có khắc chữ Khmer cổ với niên đại được xác định vào khoảng thế kỷ VII-VIII. Thời gian sau, có thể do sự bất tiện trong việc vận chuyển tài liệu khắc trên đá nên người Khmer đã chuyển sang loại hình ghi chép khác với vật liệu nhẹ hơn và họ đã tìm ra một loại lá vừa có thể ghi chép lại được tài lại vừa thuận tiện cất giữ, vận chuyển đó là lá buông. Và có thể xác định được việc sử dụng đá ghi chép có thể xuất hiện vào trước thế kỷ VII-VIII và nó đã thịnh hành trong thời gian khá dài, trong suốt khoảng thời gian thịnh vượng của Đế chế Angkor (thời gian này Nam bộ vẫn nằm trong phần lãnh thổ của Chân Lạp), thời gian vào thế kỷ XIX là thời điểm xuất hiện loại văn thư lá buông cũng có thể tương đối chính xác và nó vẫn có thể nằm trong khoảng thời gian trước đó 2 đến 3 thế kỷ. Việc xác định niên đại cũng rất cần thiết, tuy nhiên nghệ thuật viết chữ trên lá buông cũng cần phải

nhắc đến vì nó thể hiện sự tinh tế và nét độc đáo.

Hình 1.1. Một bộ Kinh lá Buông của người Khmer
(Ảnh Chane Tha)
  

1.2. Cách viết chữ trên lá buông

Nghệ thuật chạm khắc trên lá Buông rất đặc biệt, trong đó nguyên liệu lá được chọn ngay từ khi lá Buông còn là búp trên cây và được ghép vào khung cây để lá phát triển theo ý muốn, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 3 - 5 tháng, sau đó mới cắt xuống, mang phơi khô và sử dụng. Muốn viết chữ trên lá Buông phải sử dụng mũi bút bằng sắt. Sau khi viết xong, dùng vải thấm than trộn với dầu thông và nhúng qua dầu lửa để quét lên chữ khắc. Nét độc đáo của tài liệu này là nhờ vào độ dai của lá, kết hợp với sự khéo léo, tỷ mỉ, công phu của người viết, nên thể hiện được trên cả hai mặt của lá Buông.
Việc ghi chép chữ trên lá buông là một kỳ công, hiện nay tại Nam bộ chỉ duy nhất Hòa thượng Chau Ty (chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) am hiểu cách viết chữ trên loại lá này. Hòa thượng cho biết, chép chữ trên lá buông là cả một sự kỳ công. Đầu tiên là việc chuẩn bị lá, không phải tấm lá buông nào cũng có thể dùng để viết kinh được, bởi lá cây buông - một loại cây gần giống cây thốt nốt - thường có màu xanh nâu, không thuận tiện cho việc ghi chép. Thế nên, lá được chọn để chép kinh phải là loại lá còn non mới trồi ra khỏi thân. Những chiếc lá này được che chắn cẩn thận và chờ cho tới lúc lá bắt đầu già. Sau khi chặt xuống, lá buông được bào nhẵn, ngâm trong một số loại dung dịch nhựa cây để lá không bị héo, không bị ẩm mốc và tăng độ bền. Quá trình chép kinh cũng vô cùng gian nan. Theo Hòa thượng, ghi chữ trên lá không đơn giản như viết trên giấy, mà phải dùng một loại bút chuyên dụng. Loại bút này người Khmer gọi là “đéc-cha”, loại bút gỗ có gắn mẩu thép (hoặc sắt) nhọn như lưỡi kim ở đầu để khắc chữ xuống thân lá. Khi khắc phải luôn đều tay để
nét chữ không nông, không sâu, đều đặn và thẳng hàng. 

Hình 1.2. Hòa thượng Chau Ty đang hướng dẫn học trò hoàn thành bộ kinh sau khi đã khắc chữ xong
(Ảnh của TTXVN)
 




Sau khi viết theo kiểu khắc họa này xong, người ta phải dùng loại bột lấy từ một loại cây cũng thường xuất hiện vùng Bảy Núi để bôi lên lá. Sau đó, bột này sẽ ngấm vào lá buông, hiện lên những chữ viết như chúng ta thấy. Để hoàn thành một bộ kinh lá, người ta thường mất cả năm. Do việc viết kinh lá yêu cầu tính tỷ mỉ cao độ và kỹ thuật rất khó nên hiện nay ở Việt Nam, chỉ còn mỗi Hòa thượng Chau Ty là người duy nhất có thể viết được. Tuy nhiên, theo Hòa thượng, đây không phải là điều đáng hãnh diện, mà thực chất là một nỗi lo âu. Hòa thượng vẫn canh cánh trong lòng việc tìm người có thể kế thừa ngài viết kinh lá, như ngài đã kế thừa 8 vị tiền nhân trước đây.

1.3. Hệ thống chữ viết và ngữ pháp

          1.3.1. Hệ thống chữ viết


ក្ក   ខ្ខ   គ្គ   ឃ្ឃ   ង្ង
ច្ច   ឆ្ឆ   ជ្ជ   ឈ្ឈ  ញ្ញ
ដ្ដ   ឋ្ឋ   ឌ្ឌ   ឍ្ឍ   ណ្ណ
ត្ត   ថ្ថ   ទ្ទ   ធ្ធ      ន្ន
ប្ប  ផ្ផ  ព្ព    ភ្ភ      ម្ម
យ្យ   រ្រ   ល្ល   វ្វ 
ស្ស   ហ្ហ     អ្អ

           Mẫu tự của chữ Khmer được viết trên tài liệu lá buông cũng giống các mẫu tự Khmer đang sử dụng hiện nay, nhưng nó khác về nét chữ. Phụ âm cũng gồm 33 ký tự, nguyên âm 21 ký tự, nguyên âm độc lập 15 ký tự.

Hình 1.3. Bảng phụ âm sử dụng trong tài liệu lá buông (trái) và bảng phụ âm sử dụng hiện nay (phải)
(Ảnh Sưu tầm)
 



          

          1.3.2. Ngữ pháp

           Ngữ pháp được sử dụng trong thời kỳ này không đồng nhất, do việc sử dụng ở các địa phương không giống nhau và chưa có Từ điển tiếng Khmer thống nhất. Cách viết được xác định theo yếu tố đọc là chính, có nghĩa là viết thế nào cũng được miễn có thể đọc ra chữ. Tuy nhiên các bài kinh thuộc tiếng Pali lại được khắc chính xác theo khuôn khổ ngữ pháp Pali, do ngữ pháp Pali đã được thống nhất trong cách sử dụng.
           Cách ghép phụ âm trong tiếng Khmer thường không viết rời như hiện nay, trong tiếng Khmer có cả chân và thân phụ âm, có nhiều từ phải có phụ âm chính ghép với nguyên âm và một phụ âm phía sau nữa, hiện nay người ta viết rời các phụ âm cuối để dễ ghép vần, còn trong tài liệu lá buông lại viết chân thế cho phụ âm cuối. Cách viết này đã dẫn đến khó khăn trong việc đọc chữ, vả lại chữ Khmer mỗi một từ thường viết liền nhau không cách như trong tiếng Việt nên rất khó đọc. Hiện tại, số người đọc được tài liệu trên lá buông không còn nhiều, một phần là do cách ghép từ thời kỳ này khác hẳn so với bây giờ.
Ví dụ:
Từ trong tài liệu lá buông
Từ sử dụng hiện nay
Phiên âm
ហើ្យ
Mẫu tự cuối ្យ là chân của
ហើយ
Hiện nay, người ta không sử dụng từ trong tài liệu lá buông nữa vì nó sai ngữ pháp hiện tại
(Phụ âm) ho + (nguyên âm) ơ + (phụ âm) dô =
Hơi



CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VIỆC SỬ DỤNG VÀ GIỮ GÌN TÀI LIỆU LÁ BUÔNG HIỆN NAY

2.1. Thực trạng sử dụng tài liệu lá buông hiện nay

Nội dung được chạm khắc trên lá Buông là tài liệu quí, chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, Kinh thuyết pháp, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ, kinh đức Phật Thích Ca, Tam Tạng Kinh...
           Tài liệu lá buông hiện nay không được sử dụng rộng rãi trong việc học tập và nghiên cứu kinh pháp của Đức Phật. Cũng là điều hiển nhiên khi các loại tài liệu sách vở được xuất bản phong phú, mẫu chữ dễ đọc thay thế cho loại tài liệu này.
           Nhưng một số tài liệu vẫn chưa được ghi chép lại và in ra thành sách, trong số đó là các bài thuốc dân gian được lưu truyền lại hoặc là các bài kinh kệ thuộc lĩnh vực hành thiền (ngồi thiền hay vô thiếp) của người Phật tử Khmer, do tính chất đặc thù là các loại tài liệu trên chỉ dành cho các bậc thầy được các tổ sư trước truyền lại nên tài liệu được cất giữ cẩn thận và không được đưa ra ngoài sử dụng rộng rãi.
           Trong dịp lễ hội Chol-Chnam-Thmây, sư sãi một số chùa vẫn sử dụng các bộ kinh kể về 10 tiền kiếp của đức Phật để thuyết giảng (bằng cách đọc lại kinh lá buông) cho Phật tử nghe hàng năm. Đó là trở thành một phong tục trong lễ tết của người Khmer Nam bộ. Cách thuyết giảng này được sử dụng từ rất lâu, trong thời kỳ trước các giảng sư không được thuyết pháp Phật bằng miệng không mà phải sử dụng Satra lá Buông để đọc giảng vì người dân tin rằng đó là lời dạy của đức Phật, riêng khẩu ngôn từ miệng người thường nói ra chẳng phải chân pháp đích thực.

2.2. Thực trạng việc giữ gìn tài liệu lá buông

           Các chùa vẫn giữ lại các tài liệu lá Buông còn sót lại, một số chùa hoàn toàn không giữ được cuốn nào. Trong thời kỳ chiến tranh, có những chùa phải chịu thiệt hại do địch đánh bom tàn phá, các tài liệu trong chùa hầu như bị mất hết, không những thế các công trình cũng bị phá hoại nặng nề. Đối với những chùa có văn thư lá Buông thường được trụ trì chùa cất giữ cẩn thận, có tủ, kệ để đựng, các vị sư sãi giữ lại không phải để học tập mà để con cháu biết đến loại kinh thư cổ của dân tộc. Một số tài liệu cũng được cất giữ tại nhà người dân nhưng xú hướng các trụ trị chùa sẽ xin thu lại và cất giữ trong chùa. Một số rất ít tài liệu được cất giữ như tài sản riêng của cá nhân, đó là các cuốn nói về bài thuốc dân gian, gia truyền hoặc là các bài kinh, chú của các thầy tu thiền.

2.3. Thực trạng viết chữ trên lá buông

           Hiện nay, không còn nghệ nhân khắc chữ trên lá buông, vì rất nhiều nguyên do khác nhau, trong đó thực trạng không được độc giả đón nhận là chủ yếu. Thời kỳ xã hội phát triển, không những kỹ thuật in ấn phát triển mà đến các tài liệu online trên các trang website cũng phát triển. Muốn đọc tài liệu chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm trong thời gian ngắn cũng có thể thấy. Tại An Giang, còn duy nhất một địa điểm tìm thấy nghệ nhân khắc chữ trên lá Buông là hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Sóc Soài, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Hiện hòa thượng đã bước sang tuổi xế chiều và ngài đang hướng dẫn một số học trò trong địa bàn tỉnh An Giang để có thể nối nghiệp khắc chữ trên lá Buông, một loại hình ấn bản và vừa là nghệ thuật đang trên đà mai một dần.
           Các tỉnh khác có đông người Khmer sinh sống vẫn không tìm thấy nghệ nhân nào giữ lại nghề này, mặc dù các kinh sách được tìm thấy rất nhiều nơi, nhưng chủ yếu họ thực hiện việc cất giữ, bảo quản chứ không hề nghĩ đến chuyện sẽ khắc chữ trên lá buông. Qua đây có thể thấy vấn đề cần giải quyết cấp thiết nhất vẫn là việc đào tạo nghệ nhân có thể khắc được chữ trên lá Buông.

2.4. Thực trạng của nguồn lá buông hiện nay

          Cây buông có hình dáng giống như cây cọ và cây thốt nốt, trước đây mọc rất nhiều ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên. Để có lá buông ghi chép, công đoạn đầu tiên là các nghệ nhân tìm chọn những búp lá buông non to bản đều, rồi bó cột lại không cho xòe ra tiếp xúc với ánh sáng mặt  trời mà phát triển thêm, làm cho lá non mềm, giữ được màu trắng ngà như giấy. Bó cột khoảng 2 – 3 tháng thì chặt búp non đem về dùng 1 miếng gỗ có kích thước khoảng 6 cm x 60 cm kẹp vào, rồi cắt theo cỡ tấm ván, sau đó đem phơi khô, rất bền, không bị mối mọt ăn. Khi ghi chép, phải chọn người có hoa tay viết chữ đẹp, dùng que sắt viết chữ lên lá, mỗi lá chỉ viết được 5 hàng, người viết giỏi, thật chăm chút tỷ mẩn mỗi ngày cũng chỉ viết được 1 lá, mỗi bộ sách có hàng trăm lá buông.
           Không những khan hiếm về nghệ nhân khắc chữ trên lá buông mà cây buông cũng dần mất đi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, do nguồn lá buông không phải nguồn nguyên liệu chính trong kỹ thuật in ấn kinh sách mà thay vào đó là các loại nguyên liệu khác, đặc biệt là giấy. Thứ hai, do ý thức của người dân quan tâm nhiều đến các loại cây trồng có giá trị kinh tế.

           Cây buông không được trồng thêm ở Nam bộ, không những vậy nó còn bị chặt phá do không có giá trị kinh tế, người dân thay thế bởi nhiều loại cây trồng khác mang lại lợi nhuận kinh tế hơn.

Hình 2.1. Cây buông
(Ảnh Sưu tầm)
 



2.5. Chủ thể quản lý và khách thể quản lý

           Về chủ thể quản lý là cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa, trong đó có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh cần lập ra các đề án nhằm đưa ra giải pháp bảo tồn cũng như phục hồi lại công đoạn khắc chạm chữ trên lá buông. Ngoài ra, cần sự phối hợp thực hiện của Phòng Văn hóa, Thông tin các huyện và cấp cơ sở là cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn,tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách lĩnh vực văn hóa để phát triển những cái đang có tiềm năng như tài liệu lá buông.
           Khách thể quản lý của vấn đề đang nêu là các nghệ nhân khắc chạm chữ trên tài liệu lá buông và những tài liệu đang được lưu trữ trong chùa Phật giáo Nam tông Khmer, quan trọng hơn nữa các tri thức có trong tài liệu ấy.
           Vì thế cần phải có hướng bảo tồn các tài liệu lá buông hiện có, nghiên cứu tri thức được lưu giữ trong đó và phải tính đến vấn đề phục hồi nghề chạm khắc chữ trên lá buông trong tình hình nghệ nhân trong lĩnh vực này dần mất đi.
          


CHƯƠNG 3: HƯỚNG BẢO TỒN TÀI LIỆU LÁ BUÔNG VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH KHẮC CHẠM CHỮ TRÊN LÁ BUÔNG CỦA NGƯỜI KHMER HIỆN NAY

3.1. Tính cấp thiết của việc bảo tồn

3.1.1. Là di sản vật thể và phi vật thể của văn hóa Khmer

           Các cuốn kinh sách Phật giáo, Thơ giáo huấn, Tri thức dân gian của người Khmer đều được lưu giữ trên các cuốn Satra lá Buông trước khi nó được truyền tải đến nguyên liệu giấy in. Hiện nay, các loại kinh sách lá buông vẫn được cất giữ cẩn thận và nó được quý như một loại báu vật của chùa, không vị trụ trì nào không quan tâm đến nguồn tài liệu này.

           Do vậy, có thể nói rằng tài liệu lá Buông là một loại di sản văn hóa vật thể của người Khmer Nam bộ, nó cần được bảo vệ, bảo lưu một cách hợp lý. Riêng nguồn dữ liệu thuộc về tri thức dân gian, các bài thuốc cổ, các loại kinh cổ, lời giáo huấn thông qua câu tục ngữ, thành ngữ, các loại cuốn sách nói về ngữ pháp Pali, kinh pháp Phật giáo,… đều là những di sản văn hóa phi vật thể cần được nghiên cứu, bảo lưu và truyền bá rộng rãi, không những trong cộng đồng Khmer mà có thể truyền bá đến công chúng có mối quan tâm.

Hình 3.1. Lưu giữ tài liệu lá Buông tại chùa Xvay Tôn (An Giang)
(Ảnh Sưu tầm)
          

          3.1.2. Độc đáo trong kỹ thuật khắc chữ trên lá buông


            Để có một bộ lá buông khắc chép kinh, trước tiên người ta phải tìm đến nguồn nguyên liệu này. Công đoạn đầu tiên là các nghệ nhân tìm chọn những búp lá buông non to bản đều, rồi bó cột lại không cho xòe ra tiếp xúc với ánh sáng mặt  trời mà phát triển thêm, làm cho lá non mềm, giữ được màu trắng ngà như giấy. Bó cột khoảng 2 - 3 tháng thì chặt búp non đem về dùng 1 miếng gỗ có kích thước khoảng 6 cm x 60 cm kẹp vào, rồi cắt theo cỡ tấm ván, sau đó đem phơi khô, rất bền, không bị mối mọt ăn. Khi ghi chép, phải chọn người có hoa tay viết chữ đẹp, dùng que sắt viết chữ lên lá, mỗi lá chỉ viết được 5 hàng, người viết giỏi, thật chăm chút tỷ mẩn mỗi ngày cũng chỉ viết được 1 lá, mỗi bộ sách có hàng trăm lá buông.

Hình 3.2. Hòa thượng Chau Ty (An Giang) đang khắc chữ trên
 lá buông (Ảnh Sưu tầm)
 


          Về kỹ thuật khắc chạm chữ trên lá buông là một nghệ thuật, có thể ví người khắc chữ như một nghệ sĩ, vì họ phải thật sự khéo léo, tỉ mĩ và đều tay. Nhưng yếu tố quan trọng nhất, được đặt lên hàng đầu là người khắc chữ phải hiểu biết nét chữ, chữ viết không được lệch khỏi giới hạn và phải thẳng hàng. Một cây viết có ngòi nhưng không phải ngòi viết ra mực mà lại là ngòi bằng sắt nhọn, người viết dùng ngòi nhọn này chạm từ từ lên tấm lá buông đã phơi khô và cắt ngay ngắn, chạm vừa phải để ra hình thù của nét chữ, nếu chạm quá nhẹ sẽ không cho ra chữ rõ nét, còn nếu chạm quá mạnh có thể làm thủng lá buông. Vì thế, việc khắc chạm chữ lên lá buông là một động tác của nghệ thuật, sự tác động nhịp nhàng giữa tay cạm bút và lá buông. Bởi nhiều yếu tố đòi hỏi kỹ thuật quá cao cũng là một nguyên nhân làm cho số nghệ nhân chạm khắc chữ trên loại lá này dần khan hiếm đi.
Sau khi viết xong dùng nước than gỗ, hoặc nước trái cau non lau sạch, chữ viết sẽ hiện lên rõ nét và càng để lâu mặt lá càng bóng, chữ viết càng trở nên lấp lánh. Mỗi bộ sách lá là cả một công trình rất công phu và luôn được bọc trong vải cẩn thận, cất giữ nơi cao ráo, thoáng mát. Bộ sách dầy hay mỏng tùy thuộc vào nội dung kinh, hoặc cốt truyện, nhưng trung bình mỗi bộ nặng khoảng 1 kg lá buông.

          3.1.3. Lưu giữ tài liệu cổ

           Như đã trình bày một vài ý ở phần trước, một số tài liệu chưa được in ra thành sách thế hệ mới nhất là các bài thuốc dân gian, cách hành lễ trong tục đi thiếp (ngồi thiền). Các bài thuốc cổ được các tổ sư truyền lại cho các đời học trò và cứ theo cách truyền nối này đã dần trở thành tập tục của giới y thuật cổ truyền Khmer. Như vậy rất nhiều bài thuốc dân gian vẫn chưa được nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra thành tài liệu sách giấy để học tập. Do vậy, điều cần thiết nhất hiện nay là tìm tòi, phát hiện những tài liệu quý giá đó và đưa nó vào sách giấy để truyền bá rộng rãi hơn.
           Riêng cách hành thiền cũng vậy, mỗi thầy chỉ dẫn là một cách thức hành lễ khác nhau, những cái khác thường cũng được ghi trong tài liệu lá buông và truyền theo cách truyền nối của giới y thuật Khmer đã nêu. Do đó, việc chúng ta phát hiện ra các tài liệu đó cũng là một bước khám phá mới để hiểu thêm tập tục hành thiền (vô thiếp) của người Khmer xưa và nay như thế nào. Cần nhắc đến rằng, hành thiền là một phương thức tu tập của giới đệ tử Phật môn chủ yếu dùng tâm để định ra những thứ có sẵn trong cuộc sống này, những điều tưởng chừng như bình thương nhưng lại được khai sáng thông qua hình thức hành thiền.

3.1.4. Nghệ nhân dần khan hiếm

Nỗi âu lo của Hòa thượng Chau Ty là điều hoàn toàn có cơ sở. Bởi hiện nay, theo Hòa thượng, giới trẻ Khmer nói chung không còn nhiều người thực tâm chú trọng đến lời dạy của Phật. Ngay cả lớp trẻ tu học ở chùa cũng không đủ tâm và tài, nhất là lòng kiên nhẫn để học cách viết kinh lá. Hơn nữa, việc cây buông dần biến mất khỏi vùng Bảy Núi cũng là nguyên nhân lớn khiến cho việc viết kinh lá càng trở nên khó khăn hơn.Được biết, hiện nay tại vùng Bảy Núi chỉ còn khoảng hơn 100 bộ kinh lá nằm rải rác tại một số ngôi chùa lớn của người Khmer thuộc thị trấn Tri Tôn, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, An Giang). Những bộ kinh này có tuổi đời khoảng 120 năm trở lại, tuy nhiên hầu hết đang bị hư hỏng bởi lá buông không thể tồn tại mãi với thời gian.
Do đó, việc tìm ra thế hệ trẻ nối nghiệp khắc chạm chữ trên lá buông là điều cần được giải quyết. Đó không phải vấn đề của một cá nhân hay của cộng đồng Khmer mà mối quan tâm của cả xã hội, nhất là các cấp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần tìm ra hướng bảo tồn cả tài liệu lá buông có sẵn và phải có đề án nhằm phục hồi nghệ nhân biết khắc chạm chữ trên lá buông.

3.2. Giải pháp bảo tồn tài liệu lá buông

3.2.1. Chụp hình lưu lại trong dữ liệu máy tính

           Có một cách lưu lại tài liệu, dữ liệu trên lá buông theo công nghệ hiện đại là chụp scan lại tất cả các tài liệu hiện đang được lưu giữ tại các chùa trong Nam bộ. Việc này cần thực hiện đồng bộ để thu lại được nhiều nguồn tài liệu khác nhau, sau đó lưu vào các đĩa cứng hay lưu trên các trang website để vừa có thể truyền bá trên mạng internet. Các tài liệu sau khi được lưu lại, cần có một nhóm chuyên gia đọc và phân tích các nguồn tài liệu để phân chúng thành các loại khác nhau như kinh phật, thơ ca, lời giáo huấn của cổ nhân, các bài thuốc dân gian,…Nếu thực hiện thành công các công đoạn trên chúng ta có thể vẽ nên một bức tranh văn hóa của dân tộc Khmer thời kỳ trước.

          3.2.2. Mở lớp đào tạo nghệ nhân khắc chữ và dạy đọc chữ lá buông

          Đã có nhu cầu cần bảo tồn nghệ nhân khắc chạm chữ trên lá buông, kết hợp điều kiện đủ từ phía nhà nước để mở các khóa đào tạo nghệ nhân trên lĩnh vực này. Nhưng vấn đề nói tưởng chừng như đơn giản, tuy nhiên vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nào được áp dụng trên phương diện đã nêu cả. Do vậy, trước mắt cần phải có một tổ chức lập đề án chương trình đào tạo nghệ nhân chạm khắc chữ trên lá buông và phụ trách quản lý thực hiện đề án này. Một tổ chức có đủ tư cách pháp nhân và quyền hạn là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp tỉnh, trước nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cần chủ trương lập đề án đào tạo này, bởi vì tại An Giang đã có sẵn nghệ nhân biết khắc chạm chữ trên lá buông là hòa thượng Chau Ty, mặt khắc Tri thức và kỹ thuật khắc chữ trên lá Buông của người Khmer An Giang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, vì thế có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đề án có thể đưa vào thực nghiệm tại địa phương này.

           Ngoài ra, cũng có một đơn vị cấp Học viện cũng có mong muốn mở các khóa học đào tạo nghệ nhân khắc chữ trên lá buông là Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có trụ sở tại Thành phố Cần Thơ. Trong một lần chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện với hòa thượng Đào Như[1] và thượng tọa Trần Sone[2], hai vị sư sãi nằm trong Ban điều hành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer cho biết, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đang chuẩn bị xây dựng chương trình dạy môn đọc và khắc chữ trên lá buông trong tương lai với mong muốn phục hồi lại nghệ thuật khắc chữ và cũng như đào tạo thêm thế hệ sư sãi có thể đọc mẫu tự Khmer cổ nhằm mục đích phục vụ việc nghiên cứu sâu rộng các tài liệu cổ, đặc biệt các tài liệu được ghi chép trên lá buông tại các chùa trên địa bàn Nam bộ. Chương trình đào tạo cũng như việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu lá buông và thầy truyền dạy đang được thực hiện bởi nhiều nhóm đối tượng, kể cả Ban điều hành Học viện và các vị sư sãi Nam tông Khmer.
           Song song việc truyền dạy kỹ thuật khắc chạm trên lá buông, cần phải tính đến việc giảng dạy đọc chữ trên tài liệu lá buông cổ. Nếu đọc được tài liệu được ghi chép trên lá buông có thể thu lại rất nhiều vốn tri thức của người Khmer, nhằm nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn các đặc trưng văn hóa Khmer thời kỳ trước.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


I. Tài liệu sách
1.   Phan An (2009), Dân tộc Khmer Nam Bộ, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2.  Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khơ Me Nam Bộ (Những vấn đề nhìn lại), NXB Tôn giáo Hà Nội.
II. Tài liệu văn bản pháp luật nhà nước

3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), số 03-NQ/TW, ngày 16 tháng 7 năm 1998, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI.
III. Trang website





[1] Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Thành phố Cần Thơ

[2] Thạc sĩ, Hội phó Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Thành phố Cần Thơ, Thành viên Ban điều hành và là giảng viên Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Thành phố Cần Thơ
văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn