Đồng bào Khmer Nam bộ là một dân tộc thiểu số
trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng là một dân tộc có một nền
văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản địa và tôn giáo. Từ trước lúc có sự du
nhập của Bà-la-môn giáo (hay còn được gọi là Hin-đu giáo) và Phật giáo thì văn
hóa Khmer đã sớm được hình thành và phát triển. Một số tín ngưỡng bản địa lâu đời
như tục thờ cúng Neak-tà, thờ cúng A-rak, thờ cúng cây cối, sông núi,… đã được
hình thành trong tâm linh của người Khmer và luôn hiện hữu đến ngày hôm nay.
Vanhoahocvn trân trọng giới thiệu bài tiểu luận kết thúc môn VH DTTS của học viên lớp cao học Đại học Trà Vinh - một nhà sư còn rất trẻ - Kim Chane Tha.
Tiểu luận của một môn với 2 tín chỉ, học viên Kim Chane Tha đã viết khá cẩn thận, có nhiều tư liệu quý và với góc nhìn của một nhà tu hành, tuy còn nhiều vấn đề về học thuật và lỗi trình bày một bài khoa học, nhưng Vanhoahocvn đánh giá cao bài tiểu luận này.
MỘT SỐ Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG TRONG LỄ HỘI CHOL - CHNAM - THMAY CỦA NGƯỜI KHƠ ME TỈNH TRÀ VINH
Tác giả: Kim Chane Tha, học viên cao học trường Đại học Trà Vinh
LỜI MỞ ĐẦU
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI KHMER TRÀ VINH
VÀ LỀ HỘI CHOL-CHNAM-THMÂY
1.1. Sơ lược tỉnh Trà
Vinh
1.2.
Điều kiện tự nhiên:
1.3. Đặc điểm kinh tế
1.4. Đời sống văn hóa –
xã hội
1.5. Khái quát về tết
Chol-Chnam-Thmây của dân tộc Khmer
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG TRONG LỄ HỘI
CHOL-CHNAM-THMÂY CỦA NGƯỜI KHMER Ở TRÀ VINH
2.1. Bảy nàng Têvôđa của
năm mới và ý nghĩa núi cát được đắp trong lễ hội Chol-Chnam-Thmây
2.2. Ý nghĩa núi cát được đắp trong lễ hội Chol-Chnam-Thmây và lễ tắm Phật sống (cha mẹ, ông bà)
2.2.1. Ý nghĩa núi cát
2.2.2. Lễ tắm Phật sống (cha mẹ, ông bà)
CHƯƠNG 3: GIỮ GÌN VÀ
PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA KHMER TRONG THỜI KÌ HỘI NHẬP
3.1. Nhà chùa với việc
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer trong thời kì hội nhập
3.2. Phật tử với việc
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer trong thời kì hội nhập
3.3. Các cấp chính
quyền với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer trong thời kì hội nhập
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Học viên lớp Cao học - Đại học Trà Vinh đi thực tế ở Bảo Tàng Khmer |
Vanhoahocvn trân trọng giới thiệu bài tiểu luận kết thúc môn VH DTTS của học viên lớp cao học Đại học Trà Vinh - một nhà sư còn rất trẻ - Kim Chane Tha.
Tiểu luận của một môn với 2 tín chỉ, học viên Kim Chane Tha đã viết khá cẩn thận, có nhiều tư liệu quý và với góc nhìn của một nhà tu hành, tuy còn nhiều vấn đề về học thuật và lỗi trình bày một bài khoa học, nhưng Vanhoahocvn đánh giá cao bài tiểu luận này.
MỘT SỐ Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG TRONG LỄ HỘI CHOL - CHNAM - THMAY CỦA NGƯỜI KHƠ ME TỈNH TRÀ VINH
Tác giả: Kim Chane Tha, học viên cao học trường Đại học Trà Vinh
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
Đồng
bào Khmer Nam bộ là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng
thời, cũng là một dân tộc có một nền văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản địa
và tôn giáo. Từ trước lúc có sự du nhập của Bà-la-môn giáo (hay còn được gọi là
Hin-đu giáo) và Phật giáo thì văn hóa Khmer đã sớm được hình thành và phát triển.
Một số tín ngưỡng bản địa lâu đời như tục thờ cúng Neak-tà, thờ cúng A-rak, thờ
cúng cây cối, sông núi,… đã được hình thành trong tâm linh của người Khmer và
luôn hiện hữu đến ngày hôm nay. Từ lúc có mặt tôn giáo được du nhập từ Ấn Độ,
văn hóa Khmer khi tiếp nhận tôn giáo mới, lớp văn hóa bản địa không bị mất đi
mà được dung hợp hài hòa giữa cái mới và cái sẵn có. Những hệ thống giá trị văn
hóa này đã và đang đóng góp rất nhiều làm cơ sở quan trọng cho công cuộc xây dựng
đời sống văn hóa ở cộng đồng phum, sóc Khmer. Trong suốt quá trình phát triển
giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, văn hóa Khmer đã giao hòa, gắn kết với các
nền văn hóa khác, góp phần hình thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng
và đậm đà bản sắc dân tộc.
Dân
tộc Khmer sinh sống tập trung và phân bố rải rác khắp các tỉnh ở Đồng bằng sông
Cửu Long như: Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu,… Đơn vị cư
trú phổ biến của họ đó chính là phum, sóc và mang tính cộng đồng rất sâu sắc. Người
Khmer theo Phật giáo Nam tông có nguồn gốc du nhập từ Sri-lan-ka, tôn giáo này
đã thay thế Bà-la-môn giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Đồng bào
Khmer có rất nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm với những ý nghĩa riêng biệt,
có nguồn gốc từ Phật giáo, từ tín ngưỡng bản địa, còn hình thức tổ chức lại có
dấu ấn của Bà-la-môn giáo. Trong đó, có các lễ hội lớn như: Chol-Chnam-Thmây, Ok-Om-Bok,
Sen Đôn-ta,… Tất cả được biểu hiện một cách rõ ràng, sinh động dưới mái chùa cổ
kính, uy nghiêm với niềm tin tuyệt đối trường tồn của đồng bào Khmer và cũng là
tín đồ Phật giáo. Trong số này phải kể đến lễ hội Chol-Chnam-Thmây vì đó là một
lễ hội mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào
Khmer, thể hiện những khát vọng và tình cảm của con người đối với con người và của
con người đối với thiên nhiên, thần linh. Các hoạt động trong lễ hội
Chol-Chnam-Thmây được hình thành với những ý nghĩa biểu tượng nhất định, tuy thấy
đơn giản, mộc mạc nhưng nó lại là những ẩn số tiềm ẩn bên trong được lớp trí thức
Khmer đúc kết thành bài giảng nhưng là bài giảng tiềm ẩn. Những bí ẩn ấy sẽ được
tác giả trình bày trong bài viết ngắn với tên đề tài là: “Một số ý nghĩa
biểu tượng trong lễ hội Chol-Chnam-Thmây của người Khmer Trà Vinh”. Vấn
đề được xoay quanh tại địa bàn tỉnh Trà Vinh, một trong những tỉnh có số lượng
người Khmer sinh sống. Thông qua bài viết này, tác giả mong muốn sẽ cung cấp
thêm một số ý nghĩa tiềm ẩn trong văn hóa tộc người Khmer, làm nên nét độc đáo
hơn cho nền văn hóa có từ lâu đời và thêm đậm đà bản sắc của một tộc người
trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất.
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI KHMER TRÀ VINH
VÀ LỀ HỘI CHOL-CHNAM-THMÂY
1.1. Sơ lược tỉnh Trà
Vinh
Hiện nay,
tỉnh Trà Vinh là một trong 13 tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm
về phía hạ lưu giữa sông Tiền và sông Hậu, giáp với biển Đông. Nhìn một cách
tổng thể, Trà Vinh có dạng như một hình tứ giác với diện tích đất tự nhiên là
2.288.09 km2 với dân số là 1.012.648 người (số liệu của Cục Thống kê tỉnh Trà
Vinh năm 2011).
Địa giới
hành chính của tỉnh Trà Vinh được phân chia thành 9 đơn vị bao gồm: thành phố Trà
Vinh, thị xã Duyên Hải và 7 huyện (Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu
Ngang, Duyên Hải, Châu Thành). Tỉnh Trà Vinh là địa bàn cộng cư của 3 dân tộc
chính là Kinh, Khmer, Hoa và một số ít các dân tộc khác. Trong đó, người Kinh
có tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu dân số của tỉnh với 684.119 người chiếm 67,5%
dân số của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn là nơi có đồng bào Khmer sinh sống
đông thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước sau tỉnh Sóc Trăng. Đồng
bào Khmer ở Trà Vinh có 320.292 người (chiếm 31,63%). Bên cạnh đó còn có người
Hoa và một số đồng bào khác như Chăm, Dao…có tổng số là 8.237 người chiếm 0,81%
dân số của tỉnh.[1]
1.2.
Điều kiện tự nhiên:
Với diện tích
68,035 km² chủ yếu gồm 3 nhóm đất chính là đất cát giồng, đất phù sa và đất phèn tiềm năng. Tài nguyên thiên nhiên nước
chủ yếu từ nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm khai thác từ sông, hồ kênh, rạch…
tuy nhiên trữ lượng nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất và
sinh hoạt của người dân. Chưa
phát hiện có các loại khoáng sản mà chủ yếu là cát xây dựng ở xã Long Đức với
trữ lượng không lớn, chất lượng thấp và phù thuộc vào dòng chảy của sông Cổ Chiên. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn thành phố Trà Vinh có
nhiều địa điểm du lịch gắn liền với văn hóa dân tộc như khu văn
hóa du lịch Ao Bà Om, Đền thờ Bác Hồ, các di tích cổ đền, chùavà tiềm năng phát triển khu du lịch sinh thái ấp Long
Trị, xã Long Đức.
1.3. Đặc điểm kinh tế
Người Khmer từ rất lâu đời đã là cư dân thành
thạo canh tác nông nghiệp lúa nước mùa vụ. Bộ nông cụ của họ khá hoàn thiện và hiệu
quả, thích ứng với các điều kiện sinh thái đồng bằng Nam Bộ, trong đó có cái phảng
chuyên dùng ở vùng đất phèn, mặn để phát cỏ, cái cù nèo dùng để vơ cỏ, cây nọc
cấy dấu vết của cây gậy chọc lỗ tra hạt xưa, tạo ra lỗ để cắm cây mạ xuống những
chân ruộng nước, đất cứng và cái vòng gặt để gặt lúa. Những dụng cụ nông nghiệp
thủ công trên được con người sử dụng trong một nền công nghiệp lúa nước, giỏi
làm thủy lợi và dùng phân bón. Cùng với lúa nước, người Khmer còn phổ biến trồng
các loại như: đậu, ngô, khoai, rau, hành, ngò, dưa hấu và các loại cây ăn quả
như nhãn, cam, bưởi…Người Khmer còn có nghề đánh cá, dệt chiếu, đan lát, dệt vải,
làm đường thốt nốt và làm đồ gốm. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trong sân vườn,
người Khmer còn chăn nuôi vịt chạy đồng, nuôi hàng ngàn con vịt để lấy trứng và bán thịt. Vùng có nhiều đồng
cỏ thì phổ biến nuôi trâu, bò để bán. Vùng đồng bằng Nam bộ đầy sông, rạch, biển
cả nên người Khmer cũng thành thạo đánh cá trên sông, biển bằng tàu, thuyền
giăng lưới, quăng chài, lờ, đó, xà neng…Người Khmer cũng thành thạo nghề đan
mây tre, tạo thành những đồ đựng, đồ chứa như: các loại giỏ xách, quả, làn đựng
hoa trái, trầu thuốc… đan các dụng cụ đánh bắt cá như: lờ, đó…
Đặc biệt là các hàng dệt vải, lụa, chăn, khăn
tắm, khăn đội đầu… qua bàn tay người phụ nữ Khmer rất được thị trường ưa chuộng.
Họ còn có nghề nhuộm, trái mặc mưa lúc mới già đem giã nhỏ, quấy với nước lạnh
để nhuộm hàng tơ lụa rất tốt, càng ra nắng lại càng ra màu đen bóng. Người
Khmer có truyền thống làm gốm từ lâu đời. Trước đây làm gốm chưa có bàn xoay,
nay đã biết làm gốm có bàn xoay, phổ biến là các loại nồi (cà om), các loại cà
ràng. Nghề làm thợ mộc, thợ nề, làm đường thốt nốt cũng thường thấy ở các phum,
sóc người Khmer cùng với nghề thợ bạc, làm các ô trầu, hộp thuốc, bình vôi, đồ
trang sức cũng khá phát triển. Nói tóm lại, dân tộc Khmer sống chủ yếu bằng nghề
canh tác nông nghiệp lúa nước cùng các nghề phụ như chăn nuôi, trồng màu, làm
các nghề thủ công phục vụ đời sống của cư dân nông nghiệp.
1.4. Đời sống văn hóa –
xã hội
Đơn vị tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ
là Phum và Sóc. Mối quan hệ giữa các thành viên trong phum, sóc thường là bà
con. Đứng đầu mỗi sóc thường là mê sóc. Mê sóc có trách nhiệm quản lý điều hành
mọi hoạt động của sóc theo phong tục cổ truyền đảm bảo trật tự an ninh trong
sóc đoàn kết các thành viên trong sóc, xử lý những bất đồng, tránh chấp giữa
các thành viên và gia đình trong sóc. Trong đó vai trò của nhà chùa cực kỳ quan
trọng, nhà chùa được xem là trung tâm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer.
Ngày nay, phum sóc chịu sự điều hành quản lý của nhà nước thì nhân dân cũng được
hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ công dân theo pháp luật chung. Tuy vậy, vai
trò của sư sãi vẫn giữ vai trò quan trọng và nhà chùa được xem là cầu nối giữa
chính quyền và nhân dân.[2]
Về quan hệ thân tộc, người Khmer hiện nay theo chế độ phụ
hệ, tuy nhiên những tàn dư của chế độ mẫu hệ còn khá đậm nét. Con cái thường lấy
theo họ cha, các họ của người Khmer đang sử dụng hiện nay là Kim, Sơn , Lâm, Thạch,
Danh, Chau, Neang,… do chính quyền phong kiến thời Minh Mạng (1820 – 1840) ban
hành nhằm kiểm soát các cư dân Khmer. Người phụ nữ có vai trò quan trọng trong
gia đình và xã hội, họ đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, quản lí gia
đình, tham gia vào việc đồng án và các hoạt động kinh tế khác.
Về tín ngưỡng,
người Khmer có rất nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian như: Arak, Neak-tà,… Arak
là những người đứng đầu dòng họ, được xem như các nữ thần và có trách nhiệm bảo
hộ cho gia đình dòng họ. Khi có việc quan trọng như ốm đau, bệnh tật, thì người
Khmer thường tổ chức cúng Arak để cầu xin sự giúp đỡ. Có một số lại tổ chức
cúng Arak Vel, vị này được họ tin rằng là vị thần linh bảo hộ mùa màng, thời
gian cúng vào cuối mùa vụ nhằm tạ ơn vị thần này đã xua đuổi những tai hại cho
vụ lúa. Riêng Neak-tà được coi như vị thần bảo hộ phum sóc của người Khmer,
hàng năm người ta điều tổ chức cúng tại các miếu Neak-tà trong phum sóc.
Về tôn
giáo, Phật giáo Nam tông là tôn giáo chính của người Khmer, đa số người Khmer đều
theo đạo Phật. Người Khmer đã tiếp nhận Phật giáo từ rất sớm, vì vậy Phật giáo
đối với họ mang một tình cảm sâu sắc và giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống
và văn hóa của họ. Chùa là những công trình kiến trúc đầy nghệ thuật. Chùa
không chỉ là trung sinh hoạt văn hóa, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của
cộng đồng, trung tâm giáo dục cho con em Khmer, là nơi bảo lưu và phát huy các
giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, là cầu nối gắn kết cộng đồng,…Thanh
niên Khmer khi đến tuổi trưởng thành thường được cha mẹ cho vào chùa tu một thời
gian sau đó mới hoàn tục. Ngoài ra, dấu ấn Bà La Môn giáo còn hiện diện trong
văn hóa người Khmer rất rõ nét, hiện nay người Khmer vẫn thờ các vị thần của Bà
La Môn giáo như: Thần Maha Prum, thần Thêvêđa, thần Prắs In,…
Về phong tục
tập quán, người Khmer có các nghi lễ theo thứ tự vòng đời như: lễ cắt tóc trả
ơn mụ, lễ giáp tuổi, lễ xuất gia đi tu, đám cưới, đám tang, lễ dâng phước và
đám giỗ 100 ngày.
Về lễ hội,
trong một năm người Khmer có rất nhiều lễ hội lớn nhỏ, trong đó gồm có lễ hội
truyền thống và lễ hội tôn giáo. Các lễ hội truyền thống gồm ba lễ hội lớn như:
Sen ĐônTa, Ok-Om-Bok và Chol Chnam Thmay. Các lễ hội của tôn giáo như: Nhập hạ,
Xuất hạ, Dâng Y Kathina, lễ đặt cơm vắt, lễ An vị Phật,…
Về văn học,
người Khmer có một kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú và đa dạng cả về
thể loại văn xuôi lẫn văn vần. Trong thể loại văn xuôi có rất nhiều tác phẩn
văn học dân gian nổi tiếng như: Thmenh Chhây, Chau Chắc Sơ Móc, À Lêu,… Trong
văn vần thì có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ được đúc kết từ kinh nghiệm
trong quá trình lao động sản xuất và trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mang đậm
bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer. Ngoài ra, người Khmer cũng có thể loại văn học
viết rất phát triển, những tác phẩm này chép trên lá buông, thường được gọi là
Satra.
Về nghệ
thuật của người Khmer gồm có nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật tạo hình. Nghệ
thuật biểu diễn của người Khmer gồm âm nhạc, múa và sân khấu chiếm vị trí quan
trọng trong đời sống của người Khmer. Các loại hình nghệ thuật nổi tiếng như: sân
khấu Dù-kê, Dì-kê, các điệu múa Romvong, Lamleo, Saravan,… Nghệ thuật tạo hình
cũng rất phát triển với các thành tựu đáng chú ý như kiến trúc chùa chiền, đắp
tượng Phật, điêu khắc, hội họa,…Nhìn chung, người Khmer Nam Bộ nói chung, người
Khmer Trà Vinh nói riêng là một dân tộc có nền văn hóa rất phong phú và đa dạng
đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong
sự đa dạng.
1.5. Khái quát về tết
Chol-Chnam-Thmây của dân tộc Khmer
Lễ Chol-Chnam-Thmây
có nghĩa là “Vào năm mới”, “Lễ chịu tuổi”,
là lễ tết lớn nhất trong năm của người Khmer được diễn ra vào giữa tháng tư của
dương lịch (khoảng tháng ba theo Âm lịch), tháng này người Khmer gọi là khe chét. Chính vì quy luật thời gian
này mà người Khmer từ xưa đã có câu nói “Khe
Chét chol chnam” có nghĩa là
“Tháng Chét vô năm mới”. Vào dịp này cũng là lúc giao mùa giữa mùa nắng
và mùa mưa ở Nam bộ. Giai đoạn này trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy
sức sống. Sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự
khởi đầu của một năm mới.
Lễ hội “Vào năm mới” của người Khmer thường kéo
dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, mỗi ngày có tên gọi khác nhau.
Ngoài việc thờ phụng Phật, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần tiên
trên trời (Têvôđa) được trời sai xuống để chăm lo cho cuộc sống của người dân trong
năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới để làm thay công việc
này
Cũng như người Việt, mỗi khi vào dịp lễ hội
Chol-Chnam-Thmây cũng là ngày tết của người Khmer, họ thường chuẩn bị thật trang trọng, mọi người ai cũng ăn mặc
đẹp, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới. Mọi nhà đều sửa sang, quét dọn,
trang trí lại, chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ cho những ngày tết. Trước đây
người ta thường giã gạo, chà gạo sẵn để làm bánh. Ngày nay họ chuẩn bị gạo đầy
đủ, cùng các đồ ăn như bánh trái, hoa quả, cá, thịt, rau,…tất cả đều sẵn sàng.
Mọi công việc thường ngày đều dừng lại, mọi người được nghỉ ngơi. Người người
hào hứng chăm lo cho ngày tết. Không khí ngày tết rất nhộn nhịp không chỉ ở mỗi
gia đình mà còn ở trong chùa, vào dịp này các nhà sư rất bận rộn cho việc sửa
sang, quét dọn khuôn viên chùa, trang trí lại chùa để phục vụ cho những ngày tết.
Chol-Chnam-Thmây của người Khmer thường diễn ra trong ba
ngày với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Chol Sang-kran
có nghĩa là “bước đi”. Ngày thứ hai gọi là Vannabath có nghĩa là
“thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lơng-sắc có nghĩa là “tăng
lên”. Trong lễ hội này, có rất nhiều biểu tượng được trí thức Khmer xưa lồng
ghép vào nhằm biểu thị những ý nghĩa nhất định, một phần để con cháu họ suy ngẫm
bài học cho bản thân, mặt khác cũng biểu thị một trình độ hiểu biết của họ. Các
mặt ấy như bảy nàng tiên Têvôđa con của Kabưl Maha Prum, tích truyện nguồn gốc
của lễ Chol-Chnam-Thmây liên quan đến “duyên” (hay còn được hiểu là sự hạnh
phúc) của con người trong ba buổi của ngày.
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG TRONG LỄ HỘI
CHOL-CHNAM-THMÂY CỦA NGƯỜI KHMER Ở TRÀ VINH
2.1. Bảy nàng Têvôđa của
năm mới và ý nghĩa núi cát được đắp trong lễ hội Chol-Chnam-Thmây
Trong văn hóa người Khmer có đề cập đến chư thiên hộ trì
trần thế là bảy nàng tiên con của Kbưl Maha Prum (vị tiên tối cao có quyền quyết
định các vấn đề của thế giới con người). Từng nàng tiên sẽ thay phiên nhau để
cai trị nhằm mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho con người, các nàng làm theo lời
dặn của cha trước khi người cha đã qua đời do sự cá cược với một cậu bé tên
Thom-ma-bal Kôma. Vấn đề cần đề cập tại đây tại sao người ta không cho số nàng
tiên ít hơn bảy hoặc nhiều hơn bảy người, vì sao nhất định phải là bảy người mới
được. Chúng tôi xin đưa ra bảng tên gọi và ngày mà các vị tiên này hạ phàm cai
quản con người trên trần thế:
Thứ
|
Thứ tự trong gia
đình
|
Tên nàng tiên
|
Chủ nhật
|
Con gái cả (lớn)
|
Thun-sa-thê-vi
|
Thứ hai
|
Con gái thứ hai
|
Khô-riêt-ka-thê-vi
|
Thứ ba
|
Con gái thứ ba
|
Riêt-kas-sa-thê-vi
|
Thứ tư
|
Con gái thứ tư
|
Mon-đia-thê-vi
|
Thứ năm
|
Con gái thứ năm
|
Kê-rês-ni-thê-vi
|
Thứ sáu
|
Con gái thứ sáu
|
Kê-mi-ra-thê-vi
|
Thứ bảy
|
Con gái thứ bảy
|
Ma-hô-tha-ria-thê-vi
|
Ngày Chol-Chnam-Thmây sẽ rơi vào ngày 14 tháng tư
dương lịch hàng năm (khoảng 3 đến 4 năm lại rơi vào ngày 13 tháng tư). Các thứ
của ngày năm mới sẽ xoay vòng từ chủ nhật đến thứ bảy. Ví dụ: năm thứ nhất ngay
ngày chủ nhật, năm thứ hai sẽ là ngày thứ hai và cứ lần lượt đến năm thứ bảy là
rơi vào ngày thứ bảy và cứ thế xoay đi xoay lại. Riêng các nàng tiên cũng lần
lượt bắt đầu từ chị cả tức con gái thứ nhất, sang năm là con gái thứ hai, kế tiếp
lần lượt đến kết thúc ngay con gái thứ bảy, rồi lại bắt đầu lại. Năm 2018, ngày
năm mới vào đúng ngày thứ bảy, Têvôđa là con gái thứ bảy có tên là
Ma-hô-tha-ria-thê-vi, sang năm 2019 ngày năm mới sẽ ngay ngày chủ nhật và nàng
tiên con cả của Kbưl Maha Prum tên là Thun-sa-thê-vi hạ phạm trấn giữ trần gian.
Như vậy, nàng tiên là con của Kbưl Maha Prum có số lượng
bảy người trùng với số ngày trong một tuần lễ. Thay vì người Việt bắt đầu vào
ngày thứ hai, thì người Khmer có cách đếm khác là ngày đầu tiên sẽ là ngày chủ
nhật. Do đó có thể thấy người Khmer đã sáng tạo ra bảy nàng tiên với ý nghĩa nhằm
biểu trưng cho các thứ của ngày vào năm mới. Độc đáo hơn nữa, ngày
Chol-Cham-Thmây ngay vào ngày 14 tháng tư dương lịch và lại cứ tiếp tục các thứ
lần lượt từ chủ nhật đến thứ bảy, có thể nói rằng trí tuệ đã tập trung vào điểm
này. Tuy nhiên, người Khmer lại ít người quan tâm đến vấn đề này, vì họ có cuốn
sách Maha Sangkran (được xuất bản hàng năm để nói về các điều tiên tri trong
năm), trong đó có sẵn tên của tiên nữ, ngày vào năm mới nên rất ít số người
nghiên cứu ý nghĩa sâu xa của tri thức Khmer xưa.
2.2. Ý nghĩa núi cát được đắp trong lễ hội Chol-Chnam-Thmây và lễ tắm Phật sống (cha mẹ, ông bà)
2.2.1. Ý nghĩa núi cát
Toàn bộ lễ hội Chol-Chnam-Thmây được diễn ra ba ngày bắt đầu từ 14, 15, 16 tháng 4
dương lịch (hoặc có năm tết Chol-Chnam-Thmây diễn
ra bốn ngày 13, 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch), hoạt động trong bốn
ngày này đều diễn ra tại chùa, các tín đồ mang cơm đến chùa dâng cho các vị sư,
cụ thể như:
Ngày đầu tiên hay
còn gọi là ngày Chol Sang-kran (Ngày rước Đại lịch)
Vào ngày này, mọi người mặc quần áo đẹp, gọn
gàng, đội cỗ lên chùa để chuẩn bị đón Sang-kran Thmay vào giờ tốt đã được chọn
bất kể sáng hay chiều.
Mọi người mang theo lễ vật như nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước Đại
lịch (Moha Sang-kran). Moha Sang-kran đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên
kiệu khiêng đi vòng quanh chánh điện ba vòng trang trọng, vừa là lễ chào mừng
năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu, tùy vào cuộc rước có hoàn thiện
hay không, rồi mới vào chánh điện làm lễ. Sau đó, tất cả mọi người vào lễ Phật,
tụng kinh chúc phúc năm mới.
Trong những ngày đi chùa, ngoài việc cúng thực phẩm, tứ vật dụng đến các
nhà sư, người dân còn dành thời gian để nghe sư thuyết pháp về những câu chuyện
tiền kiếp của đức Phật. Phần khác còn nhờ các vị sư, achar xin sâm nhằm biết được
phần xui xẻo, rủi ro hoặc những điều tốt lành sẽ đến với mình và ngay trong dịp
này các vị sư, achar sẽ cho những lời khuyên răng làm những điều tốt, tránh xa
những điều ác, điều xấu.
Ngày thứ 2 hay còn gọi là ngày Vannabath
Ngày thứ hai mọi người làm lễ dâng cơm và đắp
núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng cho các vị sư sãi trong chùa vào buổi sớm và
trưa. Trước khi thọ thực, các nhà sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người làm ra
vật thực, những người mang vật thực đến cho nhà chùa. Buổi chiều, tổ chức lễ đắp
núi cát (còn gọi là Puôn phnum khsach) để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát
thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm gọi là Mê-rus,
tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, đất trời.
Tục này có dẫn chứng theo tích lâu đời biểu lộ
ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc của con người, đồng thời tục puôn pnom
ksach (đắp núi cát) cũng xuất phát từ ba câu chuyện được kể lại theo lối Phật
giáo với việc gắn nhân vật Bồ tát (người tu hành nhằm mục đích đạt được chính
quả).
Truyện kể
thứ nhất:
Ngày xưa có một vị Bồ tát tên Pa-ri-ka và các thương gia
đã xây núi cát tượng trưng cho ngôi tháp để xá lợi tử các vị Phật trước đó. Họ
đã xây dựng tháp theo kiểu đắp chất cát thành các khối lớn và đem lòng thành
kính như tháp cất giữ xá lợi của Phật. Thế là kiếp sau các thương gia đó được
hoàn kiếp ở cõi an lạc trở thành vị vua và sau cùng là đắc đạo thành Phật.
Truyện kể thứ hai:
Ngày xưa có một người làm nghề săn bắn từ trẻ đến già đã
giết nhiều loại thú nhưng mà dâng cơm cho các vị sư đi khất thực nên ông được một
vị sư hướng dẫn tích phước bằng cách đắp núi cát trong một ngôi chùa gần nơi
ông ở. Về già ông đau yếu luôn bị ám ảnh bởi nghề nghiệp, thấy các bầy thú
hung hăng đến đòi nợ oan nghiệt. Nhờ phước đức đã từng đắp núi cát ông tỉnh táo
bảo với bầy thú rằng cứ đi đếm hết những hạt cát mà ông đã đắp rồi hãy đến đòi
nợ. Bọn thú đồng ý cùng nhau đi đếm cát nhưng không tài nào đếm hết. Chán ngán, chúng kéo nhau đi
và người thợ săn cũng hết bệnh. Từ đó, ông cố gắng tích đức làm việc thiện cho
đến khi chết. Sau khi chết ông được lên cõi tiên.
Truyện kể thứ ba:
Ngày xưa, có một đứa bé suốt ngày cứ ngồi xây núi cát trước
nhà và ngủ lăn trên núi cát. Người ta gọi đứa bé là cậu bé cát. Một hôm có một
vị thần trông thấy, bèn hạ lệnh cho một tiên nữ xuống làm vợ. Một hôm, trong một
quốc gia nọ, có một vị vua băng hà và không có ai tiếp ngôi. Các quan thần ra
sức đi tìm những ai có phước để tiếp ngôi, cuối cùng chọn cậu bé cát. Theo các
sự tích trên mà người Khmer có tục làm lễ xây núi cát mãi đến ngày nay. Việc
xây núi cát này, người ta không chỉ làm
vào dịp năm mới, mà còn làm ở một số lễ hội khác vì tin rằng việc này sẽ giải nạn cho bản
thân. Nhưng hiện giờ ta thấy ở một số chùa, người ta lấy lúa thay thế cho cát vì điều này có ích cho
nhà chùa hơn.
Và hình ảnh hiện nay, được người Khmer nhắc đến trong dịp
đắp núi ngày Chol-Chnam-Thmây có tên tiếng Pali gọi là Colamuni Cetiya
(Chô-la-mu-ni Chet-đi) được người theo đạo Phật hiểu rằng ngôi tháp cất giữ tóc
của Phật Thích Ca tại cõi thiên đàng. Nhưng người ta lại đặt tên gọi khác là
Valuka Cetiya, Valuka có nghĩa là cát, còn Cetiya là tháp, gọi chung lại là núi
cát. Núi cát được đắp xong không phải tự nhiên người ta làm lễ cúng bái hay đốt
nhang đèn mà phải trải qua quá trình làm lễ định danh cho núi cát ấy, vấn đề
này cách làm riêng của vị achar, người trực tiếp hướng dẫn thực hiện nghi lễ
này.
2.2.2. Lễ tắm Phật sống (cha mẹ, ông bà)
Ngày thứ 3 trong lễ Chol-Chnam-Thmây còn gọi
là ngày Lơng-sắc, vào ngày này theo phong tục người Khmer làm lễ tắm tượng Phật,
tắm cho các vị sư cao niên, ngoài ra còn tắm cho ông bà cha mẹ và những cụ già
mà mọi người gọi là Phật sống. Vào buổi
sáng mọi người dâng cơm cho các sư, họ tiếp tục nghe thuyết pháp. Buổi chiều, mọi
người đốt đèn nhang, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật
nhằm tưởng nhớ đến Đức Phật đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước
sang năm mới mọi sự sẽ như ý. Lễ tắm Phật được tổ chức vào khoảng từ 1 đến 2 giờ
chiều, trước khi làm lễ tắm Phật các vị sư sẽ tụng kinh chúc phúc cho tất cả Phật
tử.
Trong ngày năm mới, không phải lúc nào người
Khmer cũng tụ tập trong khuôn viên nhà chùa mà tại các hộ gia đình, đặc biệt
các gia đình dòng họ có các cụ ông, cụ bà lớn tuổi, con cháu xum vầy cùng nhau
đùa vui và quan trong nhất là lễ tắm nước thơm cho các cụ. Trước lúc thực hiện lễ
tắm nước thì những người con, cháu trong gia đình phải làm lễ tạ tội, xin ông
bà, cha mẹ bỏ qua những lỗi lầm do sự bất cẩn mà con cháu đã làm trong năm qua.
Ngoài ra, con cháu cũng nhận được những lời giáo huấn đầy ý nghĩa từ ông bà,
cha mẹ, sự chúc phúc năm mới an khang, dồi dào sức khỏe, luôn luôn hạnh phúc,
nhận được bốn diều lành: sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh.
Hành động trên là một nét đẹp nhân văn sâu sắc,
ý nghĩa cao cả của lễ nhằm giúp con cháu hiểu thêm về ơn nghĩa sinh thành, sự
nuôi dạy của cha mẹ, ông bà có giá trị vô bờ bến, là dịp giúp thế hệ trẻ nuôi
dưỡng sự biết ơn, sự hiếu thảo đối với thế hệ trước và cũng là khoảnh khắc gặp
gỡ đối chuyện, quan tâm, chia sẻ những điều trong cuộc sống của cả gia tộc,
dòng họ.
Không
những biết ơn cha mẹ, ông bà đang sinh sống, người Khmer còn có quan niệm báo
đáp công ơn người đã qua đời thông qua nghi thức cầu siêu. Cầu siêu được gọi là
Phithi Băng Sakol, dành cho linh hồn những người đã qua đời. Lễ này sẽ được tổ
chức tại các tháp trong chùa, các tháp của dòng họ trong phum sóc, các tháp này
là nơi chôn cất hài cốt của ông bà, cha mẹ đã qua đời. Người ta sẽ thỉnh các vị
sư đến từng tháp để làm lễ cầu siêu với tâm niệm hồi hướng công đức cho người
đã chết.
CHƯƠNG 3: GIỮ GÌN VÀ
PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA KHMER TRONG THỜI KÌ HỘI NHẬP
3.1. Nhà chùa với việc
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer trong thời kì hội nhập
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, con người không
khó để nhận ra những sự chuyển biến và thay đổi rõ rệt về chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Là một tộc người có đậm đà bản sắc
dân tộc, nhưng trong xu thế hiện nay bản sắc dân tộc Khmer đang có nguy
cơ bị mất đi bởi sự ảnh hưởng và vay mượn một cách không chọn lọc
từ các nền văn hóa khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần nhìn nhận
vấn đề để đưa ra những giải pháp nhằm mang lại lợi ích thiết thực
về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các lễ hội của
người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer Trà Vinh nói riêng. Vấn đề này là
trách nhiệm của cả nhà chùa, Phật tử và cấp chính quyền.
Trước nhất, nhà chùa cần tạo được niềm tin và
sự thống nhất trong cộng đồng Phật tử. Ở mỗi tổ/vên, chúng ta cần
bầu ra một người có uy tín đứng đầu để dễ dàng trong việc phổ biến
hoặc các công tác liên quan đến lễ hội, chùa chiền.
Thứ hai, trong các lễ hội- nếu có phần hội, thì
nhà chùa nên làm tốt hơn công việc của một trung tâm sinh hoạt văn hóa
cộng đồng. Ở những phần hội mang tính chất văn nghệ – giải trí thì
nhà chùa nên phân công một hoặc vài nhóm người có am hiểu phụ trách
vấn đề này. Trong việc ca hát, chúng ta nên chon lọc trước các bài hát
mang tính chất vui tươi và làm nổi bật được yếu tố văn hóa – cộng
đồng, chúng ta có thể khuyến khích nhiều hơn các bài hát Khmer mang
tính tập thể và vui tươi. Nhà chùa bằng cách nào đó khuyến khích
các bạn trẻ thay thế thể loại nhạc/nhảy trẻ bằng các bài hát Khmer
và sử dụng nhiều hơn các điệu múa truyền thống trong buổi biểu diễn
văn nghệ đó.
Thứ ba, trong phần lễ của các dịp lễ hội, nhà
chùa nên dành thời gian nói về sự tích hay chuyện kể liên quan đến
lễ hội đang diễn ra. Nếu có điều kiện nhà chùa nên kết hợp song ngữ
(Khmer - Việt) để kể, điều này sẽ phổ biến hơn bản sắc văn hóa dân
tộc. Vốn dĩ, đồng bào Phật tử ngoài người Khmer còn có một ít
người Việt, Hoa. Có thể một phần đông cộng đồng Phật tử đi chùa lễ
Phật, tham gia các buổi lễ hội nhưng hoàn toàn không biết về nội dung
và ý nghĩa về buổi lễ đó. Nếu làm tốt công việc phổ biến những
câu chuyện liên quan đến lễ hội, chúng ta sẽ cải thiện được phần nào
nhận thức cũng như sự hiểu biết của đồng bào Phật tử về văn hóa
dân tộc mình.
Thứ tư, nhà chùa nên thành lập một đội văn nghệ
nhằm phục vụ nhu cầu tinh thần - giải trí của Phật tử cũng như làm
cho phần hội thêm phần náo nhiệt. Đầu tiên, nhà chùa nên thành lập
một đội trống chhay dăm để phục những nghi thức trong lễ hội. Kế
đến, nhà chùa sẽ thành lập một nhóm văn nghệ múa - hát Khmer với
thành phần là con em đồng bào Khmer. Nhà chùa sẽ giao trách nhiệm cho
một nhóm hay các nhân nào đó, điều này có thể diễn ra khi sắp có
dịp lễ hội hoặc khóa luyện tập ngắn hạn. Nếu việc này được thực
hiện, chúng ta sẽ hạn chế phần nào việc sử dụng các điệu nhảy
hiện đại không chọn lọc vào các buổi văn nghệ, ngoài ra nó còn mang
tính chất kết nối cộng đồng trong dân tộc và phổ biến bản sắc văn
hóa của dân tộc trong văn nghệ.
Thứ năm, về nghi thức tôn giáo trong các dịp lễ
hội nhà chùa nên giữ lại những đặc trưng vốn có của nó, như nghi
thức trong Ok-Om-Bok hay trong Chol-Chnam-Thmây... Các vật phẩm sử dụng
trong nghi thức tôn giáo chúng ta nên chọn lọc, tránh sự hiểu lầm
trong việc giao lưu văn hóa.
Thứ sáu, vào một vài dịp lễ hội của người
Khmer, nhà chùa có tổ chức trò chơi cho mọi người, nhưng dường như đây
chỉ mang tính chất và đang chịu ảnh hưởng bởi xu thế hiện đại. Do
vậy, chúng ta cần hơn việc tổ chức các trò chơi gắn liền với đặc
trưng văn hóa dân tộc hoặc các trò chơi dân gian đã đang có nguy cơ mất
đi.
Cuối cùng, nhằm đảm bảo tốt vấn đề an ninh cũng
như mang lại sự yên vui cho mọi người dịp lễ hội, nhà chùa nên tạo
sự liên kết với các cấp chính quyền, đặc biệt là bên trật tự an
ninh. Việc xảy ra mâu thuẫn dẫn đến sử dụng vũ lực để giải quyết
mâu thuẫn là điều tất yếu, nhưng nếu có sự hiện diện của cán bộ
sẽ phần nào giúp mọi người an tâm cũng như giải quyết vấn đề kịp
thời, tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.
3.2. Phật tử với việc
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer trong thời kì hội nhập
Chùa đóng vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa
cộng đồng, do vậy bất cứ ai cũng có thể đến chùa. Chính việc đó
nên mọi người hay quan niệm “của chùa là vô tư”, điều này dễ dẫn đến
tình trạng sử dụng các vật dụng của chùa một cách vô ý thức hoặc
xả rác bừa bãi, làm mất vẻ mĩ quan cho chùa.
Trong các dịp lễ hội, phần lớn việc tổ chức lễ
hội do nhà chùa đảm nhận nên vấn đề này chùa không tránh khỏi sự
thiếu thốn. Do vậy, vào các dịp lễ hội, đồng bào Phật tử nên đóng
góp tiền bạc và công sức của mình cho chùa. Điều này không những sẽ
tạo được mối gắn kết giữa những người Phật tử với nhau mà còn mang
lại sự sung túc cho ngôi chùa.
Bản sắc văn hóa được thể hiện ở hầu hết các lĩnh
vực thuộc về văn hóa - tôn giáo dù là gián tiếp hay trực tiếp, do
vậy trong việc dâng cúng vật phẩm cho chùa, Phật tử nên có cái nhìn
rõ ràng hơn về vật phẩm đó. Tránh tình trạng dâng cúng vật phẩm cho
chùa một cách có thành tâm nhưng vô tình đang tôn thờ vật phẩm không
phải đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.
3.3. Các cấp chính
quyền với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Khmer trong thời kì hội nhập
Trước hết, chính quyền nên tạo điều kiện cho nhà
chùa cũng như đồng bào Phật tử tổ chức lễ hội một cách vui tươi.
Vào các dịp lễ hội, chính quyền có thể hỗ trợ một ít kinh phí cho
nhà chùa, nhằm thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với
đồng bào phật tử và các vị chức sắc. Cũng như giúp chùa làm tốt
hơn trách nhiệm của mình.
Trong dịp lễ hội việc xảy ra mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn là điều cần làm,
do vậy chính quyền cần có những biện pháp hợp lí nhằm hỗ trợ nhà
chùa trong các dịp lễ hội trong năm.
KẾT LUẬN
Lễ hội Chol-Chnam-Thmây được xem là một trong ba lễ hội lớn
nhất của đồng bào Khmer. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là
dịp để người dân vui chơi, giải trí sau những ngày lao động cực nhọc với công
việc đồng áng và là dịp để các gia đình sum họp với nhau những ngày tháng xa
quê hương.
Lễ Chol-Chnam-Thmây mang ý
nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, thể hiện những
khát vọng, tâm linh và tình cảm của con người đối với con người, của con người
đối với thiên nhiên và các đấng siêu
nhiên. Lễ hội còn nói lên giá trị đạo đức sâu sắc của con người, là dịp để các
con cháu tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn và báo hiếu đến các ông bà, cha mẹ
thông qua các hành động như tắm nước cho ông bà, cha mẹ, nghi thức đắp núi cát.
Việc tạo nên hình tượng bảy nàng tiên trong lễ hội này cũng cho thấy vốn tri thức
của người Khmer. Tính cộng đồng (tập thể) cũng được thể hiện rất rõ trong lễ hội
Chol-Chnam-Thmây, ngôi chùa là không gian tổ chức cộng đồng của người Khmer, là
nơi diễn ra tất cả các lễ hội dân gian và lễ hội Phật giáo; người Khmer họ rất
đề cao tinh thần tập thể, mọi hoạt động trong lễ hội hay giải quyết vấn đề tôn
giáo đều phải đưa ra tập thể quyết định
và xem xét. Ngoài ra, lễ hội Chol-Chnam-Thmây còn mang tính thời vụ (thời tiết),
bắt đầu vào năm mới cũng trùng với thời gian bắt đầu mùa vụ trồng lúa của bà
con nông dân Khmer, từ đó cho ta thấy văn hóa nông nghiệp đã ảnh hưởng sâu sắc
đến đời sống văn hóa của người Khmer, tất cả các lễ hội và sinh hoạt văn hóa đều
liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ các đặc trưng văn hóa mang
tính cộng đồng, tính giá trị và tính thời vụ đã góp phần tạo nên bản sắc văn
hóa độc đáo trong các lễ hội của người Khmer. Cho nên những yếu tố này được xem
là các yếu tố quan trọng cần phải giữ gìn và tiếp tục phát huy để bản sắc văn
hóa ấy được giữ vững. Góp phần tạo nên nét độc đáo trong bản sắc văn hóa Khmer
Nam Bộ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I.
TÀI LIỆU SÁCH
1.
Phan An, 2009, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb chính trị quốc gia.
2. Trần Văn Bổn, 1999, Một số lễ tục dân gian người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Văn
hóa Dân Tộc.
3. Nguyễn Khắc Cảnh, 1998, Phum, sóc người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Giáo Dục.
4. Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên), 2012, Văn hóa Khmer Nam Bộ Nét đẹp trong bản sắc
văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.
5.
Hà
Lý, 2004, Chùa Khmer Nam Bộ với văn hóa
đương đại, Nxb Văn hóa dân tộc.
6. Huỳnh Thanh Quang, 2011,
Giá trị văn hóa Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb chính trị quốc
gia –sự thật.
7. Văn Bính Trần, 2004, Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ, thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb
Chính trị Quốc gia.
II.
TRANG
WEB
1. http://www.travinh.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c0/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gDIws_QzcPIwP_AFNLA08nI28jd9cAA4MQE_2CbEdFAPBcwPA!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content/PortalTraVinh/tongquantravinhv2/lichsuhinhthanh/ (truy cập 08:42
am, ngày 09/8/2018)
Hình
1: Phục dựng lễ đón nàng tiên giáng trần và rước
Maha Sonkran tại chùa Kosla, huyện Trà Cú, Trà Vinh (Ảnh: Chane Tha)
Hình
2: Hình ảnh đón mừng Chol-Chnam-Thmây, hình ảnh bảy
nàng tiên con Kbưl Maha Prum (Ảnh: Internet)
|
Hình
3: Núi cát được đắp ngày Chol-Chnam-Thmây tại chùa
Kosla,
huyện Trà
Cú, tỉnh Trà Vinh (Ảnh: Chane Tha)
|
Hình 4: Phật tử cúng bái núi cát nhằm xin gặp điều hạnh
phúc
(Ảnh: Chane
Tha)
|
Hình 5: Phật tử làm lễ tắm Phật tại chùa Kosla, huyện Trà
Cú, tỉnh Trà Vinh (Ảnh: Chane Tha)
|
Hình 6: Tắm vị hòa thượng tại chùa Kompong, thành phố Trà
Vinh
(Ảnh: Sang
Somnang)
|
Hình 7: Con cháu làm lễ tạ tội trước khi làm lễ tắm nước
thơm cho ông bà, cha mẹ của dòng họ (Ảnh: Sam Bate)
|
Hình 8: Con cháu tắm nước thơm cho ông bà, cha mẹ
(Ảnh: Sam
Bate)
|
Hình 9: Con cháu làm lễ cầu siêu và tắm cho người thân đã
mất
(Ảnh: Chane
Tha)
|