1. Vài nét về thực trạng đào tạo và nhu cầu sử dụng cử nhân văn hoá và văn hoá học.
Suốt chiều dài lịch sử, công tác đào tạo cử nhân của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội và Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cán bộ trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội, đặc biệt là cung cấp một lực lượng cán bộ, viên chức đông đảo cho ngành Văn hoá, Thông tin trước đây (nay là Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Thế mạnh của trường là đào tạo nghiệp vụ, quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá. Nhiều cử nhân tốt nghiệp các trường Đại học Văn hoá đã trưởng thành, trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý giỏi từ bộ ngành trung ương đến lãnh đạo các địa phương, một số không nhỏ trở thành các nhà khoa học, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học, nghệ sỹ thành danh. Nguồn nhân lực được đào tạo tại trường Đại học Văn hoá là lực lượng nòng cốt trong việc đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hoá vào cuộc sống. Đó là thành tích to lớn đáng ghi nhận của các trường đào tạo cán bộ văn hoá, trong đó có ngành văn hoá học.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta đang biến đổi rất nhanh. Văn bản pháp quy, cơ chế quản lý nhà nước về văn hoá thay đổi liên tục trong khi chương trình đào tạo, giáo trình giáo án các môn nhiều khi không theo kịp sự đổi mới ấy. Thậm chí một số giáo án, giáo trình, phương pháp giảng dạy, tư tưởng chỉ đạo các lĩnh vực về văn hoá chỉ còn phù hợp với tình hình của thời kỳ trước đổi mới nhưng nay vẫn còn được sử dụng, rất nhiều môn học còn mang tính lý thuyết, thậm chí giáo điều, thiếu tính ứng dụng. Những hạn chế đó để lại những hệ luỵ không nhỏ khi sinh viên nhận công tác ở các cơ quan, đơn vị liên quan đến văn hoá. Hầu hết sau khi được tuyển dụng, phải mất một thời gian khá dài vừa đọc, vừa học hỏi, các em mới làm quen và tiếp cận được với công việc, nhất là trong lĩnh vực quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá. Đó là chưa nói đến việc nhiều em khi tham gia thi tuyển công chức hoặc xét tuyển viên chức không đạt yêu cầu. Nhiều người thi đậu, được tuyển dụng nhưng đến khi giao việc lại rất lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu? Kiến thức học ở trường đại học ứng dụng vào công việc cụ thể không được bao nhiêu. Đáng buồn là đội ngũ công chức, viên chức trong ngành văn hoá hiện nay khá đông, có bằng cấp đầy đủ nhưng người thực sự làm được việc không nhiều. Những người tuy không làm được việc nhưng theo Luật Công chức, viên chức không biết chuyển họ đi đâu, và cũng không thể cho nghỉ việc một cách tuỳ tiện được vì họ đã được tuyển dụng, có danh sách tận ngoài Bộ Nội vụ (nếu là công chức), trong khi nhà nước chủ trương giao khoán kinh phí gắn với biên chế nhưng lại không giao cho người đứng đầu đơn vị cái quyền tuyển dụng hoặc cho nghỉ việc. Từ đó, cần nghĩ đến chất lượng đào tạo các chuyên ngành, làm sao sau khi ra trường, các em phải ứng dụng kiến thức đã học vào công việc được ngay, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
2. Về đào tạo cử nhân ngành văn hoá học.
Qua tham khảo thông tin về chương trình đào tạo của Khoa Văn hoá học của trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, với thực tế của người đã từng làm lãnh đạo của một ngành Văn hoá ở địa phương, đã từng tuyển dụng và sử dụng nhiều cử nhân văn hoá và văn hoá học tốt nghiệp tại trường, tôi xin góp một vài ý như sau:
2.1. Về mục tiêu đào tạo
Trong mục tiêu đào tạo của khoa có ghi “không đào tạo nhân lực làm công tác nghiên cứu”. Mục tiêu này có gì đó không đúng vì tên của ngành là văn hoá học - là một chuyên ngành đào tạo nghiên cứu khoa học văn hoá, có tính bao quát rộng, có tính chất liên ngành, nghiên cứu tất cả những gì liên quan đến văn hoá, trong đó có quản lý văn hoá, văn học nghệ thuật, văn hoá dân gian, nghiên cứu văn hoá v.v… Nhiều người cho rằng, với tính chất học thuật của ngành, bến đỗ của các cử nhân ngành văn hoá học là các Viện nghiên cứu liên quan đến văn hoá, về đó để thực hiện các đề tài nghiên cứu. Nhưng theo tôi, không phải hoàn toàn như vậy. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của các ngành, các địa phương, các ngành, các cấp hoạt động trong lĩnh vực văn hoá hiện nay rất cần các bộ làm công tác nghiên cứu, nắm bắt được những vấn đề liên quan đến văn hoá để tham mưu cho công tác quản lý, điều hành. Vấn đề là năng lực nghiên cứu của cán bộ đó như thế nào? Có bao quát được các lĩnh vực của ngành hay không? Điều đó liên quan đến chương trình đào tạo cử nhân văn hoá học ở trường đại học.
Về những yêu cầu cơ bản của đào tạo là sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được trang bị khá đầy đủ kiến thức đại cương về văn hoá cả lý thuyết cũng như thực tiễn. Ngoài kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành mình được đào tạo là nghiên cứu khoa học văn hoá, sinh viên văn hoá học còn phải được trang bị đầy đủ khả năng tư duy, khả năng viết, khả năng nói, trình độ tin học, ngoại ngữ để có đủ bản lĩnh, tự tin khi vào đời. Như vậy mới có thể đáp ứng được công việc ngay khi được tuyển dụng.
2.2. Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
Việc gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có một vai trò rất quan trọng. Nếu không có chương trình đào tạo có tính ứng dụng, gắn với thực tiễn và nhu cầu nguồn nhân lực, sẽ không giải quyết được đầu ra cho các cử nhân, khi các cử nhân nặng lý thuyết, xa thực tiễn, dẫn đến việc bỏ ngành nghề mình đã học, đi làm các công việc khác. Vì vậy cần có sự gặp nhau giữa cơ sở đào tạo và nơi có nhu cầu tuyển dụng. Bến đỗ lý tưởng nhất của một cử nhân văn hoá học, ngoài các Viện nghiên cứu văn hoá – xã hội là các địa chỉ: cơ quan Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch (phòng nghiệp vụ văn hoá, phòng nghiệp vụ du lịch, văn phòng Sở), các đơn vị trực thuộc Sở hoặc các phòng, Trung tâm văn hoá các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, các đơn vị trong hệ thống chính trị, đảng, đoàn thể như Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Văn hoá xã hội Hội đồng nhân dân, phòng văn xã Uỷ ban nhân dân, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Ban Dân tộc, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp. Tuy nhiên, trong các đề án quy hoạch vị trí việc làm của các địa phương hiện nay đang xây dựng không ghi rõ vị trí việc làm cho chuyên ngành cụ thể nên việc các em tốt nghiệp khoa văn hoá học rất khó tìm việc làm. Còn đối với các doanh nghiệp, cử nhân văn hoá học chỉ đến được với các doanh nghiệp văn hoá hoặc các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến văn hoá như các công ty tổ chức sự kiện, các công ty du lịch v.v…
Từ việc nghiên cứu nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, địa chỉ đầu ra cho các cử nhân văn hoá học để hoạch định chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng.
3. Về chương trình đào tạo của khoa Văn hoá học
3.1. Kiến thức giáo dục đại cương
3.1.1. Lý luận chính trị
Đây là lĩnh vực bắt buộc đối với giáo dục đại học. Tuy nhiên cần đổi mới chương trình và nội dung giảng dạy gắn với thực tiễn, sao cho vừa phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng, vừa đáp ứng được nhu cầu công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay, tránh giáo điều, xa thực tế.
3.1.2. Khoa học xã hội, nhân văn
Đề nghị đưa môn “Soạn thảo văn bản” vào môn học bắt buộc vì qua thực tiễn, các cử nhân tốt nghiệp đại học văn hoá nói chung, khoa văn hoá học nói riêng, khi về các cơ quan, tổ chức, đơn vị rất yếu trong khâu soạn thảo văn bản. Đây cũng là nguyên nhân khi các em thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức thường mất điểm. Nên đổi tên môn từ “Kỹ thuật soạn thảo văn bản” thành môn “Soạn thảo văn bản”, bao gồm cả nội dung và thể thức văn bản theo quy định.
Đề nghị bổ sung môn: “Lịch sử ngành văn hoá học” và môn “Kinh tế, chính trị thế giới” vào chương trình để sinh viên có tầm nhìn rộng hơn.
3.1. 3. Khoa học tự nhiên và công nghệ tin học
Đề nghị bổ sung môn “Tin học ứng dụng”. Lý do là hiện nay chúng ta đang xây dựng chính phủ điện tử. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, tin học ứng dụng là điều kiện không thể thiếu trong tuyển dụng công chức, viên chức, chuyên viên, nhân viên trong cũng như ngoài nhà nước. Trong thực tế, nhiều cử nhân, thậm chí thạc sỹ khi vào các cơ quan, đơn vị rất yếu về công nghệ thông tin, không đáp ứng được nhu cầu thực thi nhiệm vụ.
3.1.4. Giáo dục thể chất và an ninh quốc phòng
3.2: Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
3.2.1. Kiến thức cơ sở ngành (19 tín chỉ)
Đề nghị bổ sung môn “Các văn bản pháp quy về quản lý văn hoá” vào những môn kiến thức cơ sở ngành hoặc kiến thức ngành (môn này có trong mục các học phần học thay thế làm khoá luận). Đây là môn nặng về chuyên ngành quản lý văn hoá. Tuy nhiên, đối với một cử nhân văn hoá học, cũng cần nắm vững những kiến thức về các văn bản từ các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư liên quan đến quản lý văn hoá như Luật Quảng cáo, Luật Điện ảnh, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hoá, Quy chế nghệ thuật biểu diễn v.v.. Thiết nghĩ, đây là kiến thức bắt buộc phải có đối với cử nhân văn hoá nói chung, trong đó có cử nhân văn hoá học. Đây là kiến thức phải thường xuyên cập nhật vì các văn bản pháp quy của nhà nước thường thay đổi, bổ sung. Nếu sinh viên tốt nghiệp nắm vững những kiến thức pháp luật về văn hoá sẽ dễ xin được việc ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, kể cả trong và ngoài nhà nước, sẽ không lúng túng khi thực thi nhiệm vụ ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào.
Đề nghị nghiên cứu, bổ sung môn “Nghệ thuật diễn thuyết” vào chương trình vì trong thực tiễn, nhiều người có kiến thức nhưng không biết diễn thuyết, trình bày trước đám đông. Đây là một hạn chế rất lớn của các cử nhân ngành xã hội và nhân văn. Trong thực tế, cuộc sống và làm việc mọi nơi, mọi lúc luôn luôn đòi hỏi nhiệm vụ trình bày một cách mạch lạc, hấp dẫn, thu hút người nghe, nhất là đối với ngành văn hoá.
3.2.2. Kiến thức ngành (24 tín chỉ)
Mặc dù đã có môn “Các vùng văn hoá Việt Nam” nhưng đây mới chỉ là đại cương về văn hoá các vùng và các dân tộc cư trú trên các vùng, chưa có kiến thức chuyên sâu về các dân tộc thiểu số. Vì vậy đề nghị bổ sung môn các môn “Văn hoá các dân tộc thiểu số” (theo hình thức môn tự chọn) theo các nhóm dân tộc thiểu số tiêu biểu (có thể phân theo đặc trưng tộc người, vùng văn hoá hoặc nhóm ngôn ngữ tộc người): Văn hoá Tày Nùng, Văn hoá Mông – Dao, Văn hoá Mường, Văn hoá các dân tộc Ê Đê, Văn hoá Bana, Văn hoá Chăm, Văn hoá Môn - Kh’me, văn hoá các dân tộc thiểu số Tây Bắc, Tây Nguyên v.v... Các sinh viên tự chọn văn hoá các dân tộc trên địa bàn mình đang cư trú. Những kiến thức này sẽ giúp các em rất nhiều khi trở về địa phương có kiến thức nền về văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn công tác.
3.2.3. Kiến thức chuyên ngành (33 tín chỉ)
Đề nghị bổ sung các môn liên quan đến nghệ thuật như: kiến thức cơ bản về âm nhạc, múa, tạo hình (không đi sâu vào chuyên ngành như các trường nghệ thuật mà có kiến thức khái quát và lịch sử hình thành, phát triển của nó). Đây là những kiến thức quan trọng đối với cán bộ nghiên cứu vì văn hoá luôn gắn với nghệ thuật. Thật buồn khi trong nền giáo dục chung của cả nước, người có bằng cấp cao về văn hoá nhưng hầu như không có kiến thức nền về các ngành nghệ thuật, thậm chí không biết đến các thiên tài nổi tiếng về các ngành nghệ thuật của thế giới.
Về các môn tự chọn: Đề nghị đưa môn xây dựng và quản lý dự án văn hoá và môn tổ chức sự kiện (bao gồm cả xây dựng và dàn dựng kịch bản) thành những môn bắt buộc. Trong thực tế, đây là những kiến thức có tính ứng dụng cao, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan đơn vị văn hoá.
3.2.4. Thực tập và làm khoá luận hoặc học thay thế: 14 tín chỉ
Cần đổi mới hình thức và nội dung thực tập của sinh viên. Xưa nay, thực tập của sinh viên chưa được coi trọng. Nhiều sinh viên đến cơ quan đơn vị thực tập nặng tính hình thức, chưa gắn với thực tiễn công việc. Lãnh đạo các đơn vị có sinh viên đến thực tập cũng không quan tâm đến hiệu quả thực tập vì không có gì ràng buộc cả. Lãnh đạo đơn vị cũng không tiếc gì chữ ký công nhận kết quả thực tập của sinh viên. Vì vậy, đa số thời gian thực tập của sinh viên là có “tập” nhưng không “thực”.
Để chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao, đề nghị tăng thời gian thực tập tại các cơ quan văn hoá khác nhau như cơ quan hành chính (Bộ, Sở VHTTDL), các đơn vị sự nghiệp như Viện nghiên cứu, Bảo tàng, Ban Quản lý các di tích, các đơn vị nghệ thuật, Trung tâm Văn hoá, tổ chức các hoạt động sự kiện v.v…Đây là thời gian quan trọng để sinh viên tiếp xúc với các loại hình đơn vị văn hoá để học gắn với hỏi, hiểu, hành, để tránh đi cái tiếng sinh viên ra trường nặng lý thuyết, khi sáp vào thực tiễn công việc lại rất lúng túng. Đồng thời cần có cơ chế ràng buộc giữa sinh viên thực tập và đơn vị nơi sinh viên đến thực tập.
4. Một số kiến nghị
Định hướng ứng dụng trong việc đào tạo cử nhân ngành văn hoá nói chung và cử nhân ngành văn hoá học nói riêng là một chủ trương đúng và rất cần thiết. Đây là một bước đi theo quy luật cung cầu trong giáo dục đại học. Để định hướng đào tạo này đi vào thực tiễn, xin có một số kiến nghị sau:
4.1. Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh cần có các đề tài nghiên cứu, khảo sát, điều tra xã hội học về đầu ra hàng năm của sinh viên. Từ đó xác lập mối quan hệ và tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề với nhiều đối tượng khác nhau là các cơ quan, ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp – là nơi giải quyết đầu ra cho sinh viên khi ra trường.
4.2. Đối với các địa phương, Sở Nội vụ tham mưu về tuyển dụng công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Hiện nay, Sở Nội vụ là cơ quan chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng đề án vị trí việc làm của tất cả các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận, đoàn thể các cấp. Nên chăng có các cuộc làm việc giữa lãnh đạo nhà trường với Sở Nội vụ các địa phương các tỉnh phía Nam để thống nhất một số vị trí việc làm phải đảm bảo tiêu chuẩn là cử nhân văn hoá. Nếu không thể trực tiếp làm việc được với các địa phương, có thể gửi văn bản đề nghị quan tâm, đưa vào các đề án vị trí việc làm của hệ thống chính trị cần tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là cử nhân văn hoá.
4.3. Đối với Khoa Văn hoá học
Từ kết quả khảo sát việc đầu ra của các sinh viên ngành văn hoá học sau khi ra trường để bổ sung, điều chỉnh nội dung các học phần trong chương trình đào tạo. Để có hiệu quả theo định hướng ứng dụng, cần tăng thời gian thực tập, thực hành ở nhiều loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác nhau, để sinh viên tiếp xúc và làm quen với thực tế công việc, áp dụng được những kiến thức đã và đang được học ở nhà trường vào thực tiễn.
Với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân ngành văn hoá học, việc bổ sung định hướng ứng dụng vào chương trình đào tạo hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của thầy cô là làm sao học trò của mình ra trường có việc làm, nơi tiếp nhận nguồn lực cũng hài lòng với chất lượng của các cử nhân khi tiếp nhận công việc và giải toả bớt nỗi lo ngày đêm của sinh viên là việc làm sau khi tốt nghiệp.
TS. Phan Quoc Anh
Tags:
Báo chí