Julian Haynes Steward, sinh ngày 31 tháng 01 năm 1902 tại
Washington, Mỹ, là Nhà nghiên cứu văn hóa
người Mỹ, nổi tiếng với thuyết Tiến hóa đa hệ (Multilinear evolutionism) và là
người đặt nền móng cho Sinh tháu học Văn hóa (Cultutal ecology) cũng như cho lý
thuyết về sự biến đổi văn hóa (culture change).
Julian
Haynes Steward, sinh ngày 31 tháng 01 năm 1902 tại Washington, Mỹ, là Nhà nghiên cứu văn
hóa người Mỹ, nổi tiếng với thuyết Tiến hóa đa hệ (Multilinear evolutionism) và
là người đặt nền móng cho Sinh thái học văn hóa (Cultural ecology) cũng như cho
lý thuyết về sự biến đổi văn hóa (culture change)
Sau khi
nhận học vị tiến sĩ, J. Steward thành lập khoa nhân loại học tại Đại học
Michigan nhưng tại đây ông lại mâu thuẫn với Leslie White về thuyết tiến hóa và
chuyển qua Đại học Utah. Trong thời gian này, ông tiến hành nhiều đợt điền dã
khảo cổ ở California, Nevada, Idaho và Oregon. Trong nghiên cứu của mình, ông
đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ tương tác giữa con người, môi trường, kỹ
thuật, cấu trúc xã hội cũng như cách thức tổ chức công việc – hướng nghiên cứu
A. Kroeber cho là “kỳ cục” nhưng độc đáo và có tính đổi mới. Từ năm 1935, J.
Steward xuất bản nhiều công trình có giá trị, trong đó có công trình Các nhóm chính trị xã hội thổ dân vùng thung lũng-cao
nguyên (Basin-Plateau Aboriginal Sociopolitical Groups), xuất
bản năm 1938, thể hiện khá đầy đủ lý thuyết về sinh thái học văn hóa, đánh dấu
bước chuyển biến mới của nền nhân loại học Mỹ.
Năm
1946 J. Steward chuyển đến Đại học Columbia – trung tâm của nền nhân loại học
Mỹ. Tại đây ông đào tạo được nhiều học trò nổi tiếng như Sidney Mintz, Eric
Wolf, Roy Rappaport, Stanley Diamond, Robert Manners, Morton Fried, Robert F.
Murphy… Năm 1952 J. Steward nhận lời làm giáo sư Đại học Illinois và giảng dạy
tại đây cho đến khi về hưu năm 1968. Trong thời gian này ông tiến hành nghiên
cứu so sánh về sự hiện đại hóa của mười một xã hội thuộc thế giới thứ ba và
xuất bản bộ sách ba tập Sự chuyển đổi đương đại trong các xã hội cổ truyền (Contemporary
Change in Traditional Societies).
Về mặt
học thuật, mặc dù từng học A. Kroeber nhưng J. Steward lại thuộc trường phái phê
phán phương pháp thực chứng cá biệt của chủ nghĩa lịch sử vốn được F. Boas đặt
nền móng và A. Kroeber phát triển; là người theo thuyết tiến hóa nhưng đối lập
với L. White.
Khác
với quan điểm thực chứng cá biệt, J. Steward quan tâm đến những đặc tính chung
của các nền văn hóa cách xa nhau về địa lý. Về tiến hóa luận, ông phê phán
thuyết tiến hóa đơn hệ của Morgan và thuyết tiến hóa chung của L. White. Theo
ông, mỗi nền văn hóa có cách tiến hóa khác nhau tùy thuộc vào những điều kiện
đặc thù của nền văn hóa đó. Để chứng minh điều này, ông tiến hành nghiên cứu so
sánh các cách tiến hóa của nhiều nền văn hóa qua phân tích quá trình phát triển
lịch sử của mỗi nền văn hóa. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của môi
trường trong sự biến đổi mang tính tiến hóa của văn hóa. Ông gọi nghiên cứu của
mình là sinh thái học văn hóa (cultural ecology) và nghiên cứu văn hóa theo lập
trường của tiến hóa đa hệ. Năm 1955, J. Steward xuất bản công trình Lý thuyết về biến đổi văn hóa – Phương pháp luận về tiến
hóa đa hệ (Theory of Cuture Change – The Methodology of
Multilinear Evolution)
Phương
pháp của sinh thái học văn hóa hướng đến việc làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa
và môi trường từ quan điểm coi con người là thể tồn tại thích ứng với môi
trường thông qua văn hóa, đến lượt mình, văn hóa chịu ảnh tác động lớn của các
loại tài nguyên môi trường do con người sử dụng. Trong công trình của mình, J.
Steward nêu ra ba bước đối với nghiên cứu sinh thái học văn hóa:
1.
Chứng minh được các kỹ thuật và phương pháp được dùng để khai thác môi trường
và sống trong môi trường đó.
2. Xem
xét những mô thức ứng xử văn hóa của con người liên quan đến việc sử dụng môi
trường.
3. Đánh
giá sức tác động của những mô thức kể trên đối với các bình diện khác của văn
hóa.
J.
Steward cũng quan tâm đến việc lý giải sự giống nhau giữa các nền văn hóa trong
những khu vực khác nhau. Theo ông, những khu vực khác nhau nhưng có môi trường
giống nhau và phương pháp khai thác môi trường giống nhau dễ dẫn đến có những
nền văn hóa giống nhau. Ông đặt tên cho lý thuyết của mình là “Tiến hóa đa hệ”
theo cơ sở của lập luận trên. J. Steward cũng phân tích những đặc tính chung có
tính quy luật về biến đổi văn hóa theo sự chuyển đổi của thời đại từ “canh tác
sơ kỳ” đến “thời đại hình thành” rồi “thời đại khai hoa”…
Thuyết
tiến hóa đa hệ của J. Steward thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn đối lập với thuyết
Tiến hóa chung của L. White, nhưng thực ra có không ít điểm tương đồng, đó là
cùng tiếp nhận quan điểm về tiến hóa, cùng đặc biệt coi trọng kỹ thuật, xem đó
như là chìa khóa để hiểu tính đa dạng của văn hóa và tổ chức xã hội.
Thuyết
Tiến hóa đa hệ của J. Steward là sự bổ sung cần thiết cho quan điểm tiến hóa
văn hóa, trong đó những quan điểm và phương pháp nghiên cứu về sinh thái văn
hóa, về những đặc điểm có tính quy luật của biến đổi văn hóa thực sự có đóng
góp lớn cho ngành nhân loại học văn hóa.
J.
Steward mất năm 1972.
Các
công trình chính:
- Lý thuyết về biến đổi văn hóa: Phương pháp luận về tiến
hóa đa hệ (The Theory of Cultural Change: The Methodology of
Multilinear Evolution), University of Illinois Press, Urbana,
1955.
- “Khái niệm và phương pháp của sinh thái học văn hóa”
(The
Concept and Method of Cultural Ecology), trong Nghiên cứu về Nhân loại học (Readings in Anthropology), Crowell, New
York, 1959.
- “Sinh thái học văn hóa” (Cultural
Ecology) trong Bách khoa thư quốc tế về khoa học xã
hội, tập 4 (International Encyclopedia of the Social Sciences,
vol. 4) , Macmillan, New York, 1968.
- Tiến hóa và sinh thái học: Các tiểu luận
về sự chuyển đổi xã hội (Evolution and Ecology: Essays on Social Transformation),University
of Illinois Press, Urbana, 1977.
LÝ
THUYẾT SINH THÁI VĂN HÓA (Cultural ecology)
Lý
thuyết sinh thái văn hóa hay còn gọi là thuyết tiến hóa đa tuyến, gắn với tên
tuổi của Julian Steward (1902- 1972). Quan điểm chính của trường
phái này là quan tâm đến tương quan giữa văn hóa với môi trường, là quá trình
mà con người thích nghi với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội xung quanh
nó. Điều dễ dàng nhận thấy trong xã hội càng thô sơ thì quá trình sinh tồn của
con người càng phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và ngược lại khi trình độ khoa học
của một xã hội càng phát triển thì con người càng ít phụ thuộc vào tự nhiên
hơn. Trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên, con người có những nhận
thức hợp lý, qua đó con người quyết định phương thức sản xuất, lựa chọn hình
thức cư trú, hành vi ứng xử với thế giới tự nhiên. Và, quá trình thích nghi để
sinh tồn đó con người đã có những trải nghiệm, sáng tạo văn hóa cũng
như kỹ năng dựa vào tâm lý và bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những thành tựu
văn hóa có được qua thích nghi với môi trường sinh thái đã hình thành nên những
sắc thái văn hóa đặc trưng. Sự giống nhau giữa các nền văn hóa là do chúng đều
được xây dựng và phát triển trong cùng một bối cảnh tự nhiên giống nhau ở nhiều
vùng địa lý khác nhau trên thế giới, hình thành các đáp ứng văn hóa giống nhau
đối với môi trường tương ứng với nó.
Học viên có thể sử dụng Lý thuyết sinh thái văn hóa trong quá
trình tìm hiểu sự thích nghi của cộng đồng dân cư với môi trường sinh thái ở
địa bàn không gian nghiên cứu.
Tags:
Lý thuyết nghiên cứu