LỄ HỘI ĂN LÚA MỚI VÀ
TẾT NĂM MỚI
CỦA NGƯỜI RAGLAI
Phan Quốc Anh
Trải qua quá trình lịch sử, văn
hóa của người Raglai chịu ảnh hưởng khá nhiều văn hóa của các dân tộc cận cư,
cộng cư như Việt, Chăm, Chu ru… Trước đây, một số nhà nghiên cứu văn hóa Raglai
nhận định rằng, văn hóa cổ truyền Raglai đã mất mát nhiều và chịu ảnh hưởng nặng
của văn hóa của người Việt, người Chăm, nhất là hình thức thể hiện như trang
phục, nhà cửa, công cụ lao động, nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực… Qua một
thời gian khá dài nghiên cứu văn hóa Raglai, chúng tôi nhận thấy người Raglai
vẫn bảo lưu được một nền văn hóa cổ truyền phong phú, đa dạng, nhất là mảng văn
hóa phi vật thể, như hệ thống lễ hội và kho tàng sử thi.
Tuy nhiên, đã từ lâu, người Raglai
không biết tết năm mới của dân tộc mình vào thời điểm nào. Trong hai
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ, gian khổ, vùng đồng bào
Raglai sinh sống trở thành chiến khu, người Raglai đã nuôi giấu cán bộ và trực
tiếp tham gia đánh giặc, góp phần không nhỏ vào thành công của cách mạng. Cũng
trong giai đoạn này, người Raglai tiếp nhận văn hóa Việt đến từ nhiều vùng miền
trong cả nước. Trong môi trường văn hóa kháng chiến, một số đồng bào Raglai đã
cùng đón tết năm mới với người Việt, mặc trang phục Việt, ảnh hưởng dân ca, dân
vũ của nhiều dân tộc phía Bắc (1). Đã từ rất lâu, người Raglai không có tết năm
mới của riêng mình mà chỉ tổ chức một số lễ hội cổ truyền. Trước tình hình
ấy, vào năm 2001, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã có văn bản chỉ đạo cho các cấp chính
quyền vùng đồng bào Raglai tổ chức cho bà con Raglai đón năm mới cùng với tết
năm mới của người Việt.
Với góc độ nghiên cứu khoa học văn
hóa, chúng tôi thấy một vấn đề đặt ra là cần phải đi tìm và khôi phục lại tết
năm mới cổ truyền của người Raglai.
Cũng như các dân tộc có nền văn
minh nông nghiệp khác, tết năm mới hay lễ hội đầu năm đều có nguồn gốc từ các
lễ nghi nông nghiệp. Người Raglai xưa nay vẫn duy trì hệ thống nghi lễ nông
nghiệp, nghi lễ vòng đời khá phong phú.
Người Raglai cũng như các dân tộc
Malayo - Pôlinésien khác ở Việt Nam, chịu ảnh hưởng của thời tiết khí hậu của
miền Trung - Tây Nguyên với 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Với vùng khí hậu khô nóng
như Ninh Thuận, các cây trồng phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên. Để trồng lúa
và các loại hoa màu khác, người Raglai có các nghi lễ liên quan đến đất đai,
nương rẫy như lễ cúng rẫy cũ, lễ phát rẫy, lễ đốt rẫy, dọn rẫy mới (du canh).
Người Raglai cũng có những nghi lễ theo chu kỳ cây lúa như: lễ tỉa hạt, lễ cúng
lúa chửa (cúng bà đỡ), lễ cúng lúa chín, lễ hội ăn lúa mới, lễ hội ăn
đầu lúa.
Trong các nghi lễ nông nghiệp của
người Raglai, đáng chú ý là lễ hội ăn lúa mới và lễ hội ăn đầu lúa.
Nhưng trong hai lễ ấy, lễ hội ăn đầu lúa không được tổ chức định kỳ hàng
năm mà ba hay bảy năm mới làm một lần. Vì vậy, chúng tôi chỉ tập trung xem xét
các thành tố của lễ hội ăn lúa mới.
Để xác định một lễ hội mang tính
chất tết năm mới hay không, chúng tôi dựa vào các đặc trưng dân gian của
lễ hội là: thời gian, không gian, tính cộng đồng, tính nguyên hợp của lễ hội.
1. Thời gian lễ hội
Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 3,
tháng 4 dương lịch, khi tiếng sấm vang lên với quan niệm là bắt đầu khai thông
đất trời, âm dương giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc là người Raglai lại tổ
chức làm lễ ăn lúa mới. Lúc này, mùa màng đã thu hoạch xong, lúa, bắp đã
về đậu trong nhà (theo cách nói của người Raglai, tức là khi lúa bắp đã
được đưa lên nhà sàn kho) nhưng chưa ai được phép lấy ra ăn (2). Muốn lấy lúa,
bắp ra ăn, phải làm lễ cúng ăn lúa mới. Trường hợp lúa, bắp đã đưa vào
kho nhưng chưa cúng, không còn gì để ăn, chủ nhà có thể cắt cây cỏ may, cột lại
thành bó, nhúng vào nước cúng khấn xin ăn lúa hoặc bắp tạm rồi mới được lấy một
ít xuống ăn. Nhiều gia đình Raglai sợ các yàng trừng phạt, sẽ bị rắn rết
cắn, hổ ăn thịt hoặc ốm đau, bệnh tật nên chưa cúng là chưa dám lấy lúa bắp ra
ăn. Họ đành đi đào củ mài, khoai mì, củ chuối ăn qua ngày, chờ khi nào cúng
xong lễ ăn lúa mới mới lấy lúa bắp ra khỏi kho. Đây cũng là thời gian
nông nhàn, người Raglai lên rừng săn bắt hái lượm về làm lễ vật và chuẩn bị
bước vào chu kỳ sản xuất mới.
Lễ hội ăn lúa mới kéo dài
trong hai ngày một đêm. Ngày làm lễ do thầy cúng chọn.
Thời gian là một trong những đặc
điểm quan trọng để xác định tết hay không phải là tết. Người Việt
thường nói: năm hết tết đến nhằm tống cựu nghênh tân. Đối với cư dân nông
nghiệp lúa nước Đông Nam Á thì tết còn là thời điểm chuyển mùa. Đất nước ta
trải dài theo trục Bắc - Nam, khí hậu chia làm hai miền rõ rệt. Tết năm mới của
người Việt ở phía Bắc là thời tiết chuyển từ mùa đông giá lạnh sang mùa xuân ấm
áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở. Đối với vùng đất phía Nam khu vực
Đông Dương, các dân tộc bản địa xưa kia như Chăm, Khơme, Thái, Lào, thời điểm
chuyển mùa là chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Năm mới là sự tống ôn, tống tiễn
mùa khô hạn nắng cháy đi và đón năm mới với mùa mưa mát mẻ tới. Dân tộc Raglai
là dân tộc gần gũi nhất với người Chăm, ảnh hưởng văn hóa Chăm, trong đó có
lịch pháp. Theo lịch của người Chăm, một năm cũng có 12 tháng và tháng tính
theo mặt trăng, năm tính theo các vì sao. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh,
người Chăm và các dân tộc Nam Đông Dương tiếp nhận lịch theo hệ thống lịch Saka
của Ấn Độ. Lễ hội Rija Nưgar đầu năm của người Chăm vào tháng 1 lịch Chăm,
khoảng tháng 4 dương lịch (3). Về thời tiết thì lúc này sao Rua (sao Tua rua)
xuất hiện, là lúc kết thúc mùa khô và bắt đầu mùa mưa ở vùng miền Trung Việt
Nam. Như vậy lễ hội Rija Nưgar của người Chăm gần như trùng với các tết của các
cư dân Đông Nam Á có ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ như tết năm mới cổ truyền Soông
Kran của người Thái ở Thái Lan, tết năm mới Bun pi may của Lào, tết năm mới
Chol Chnam Thmây của người Khơme và tết Thagyamin của người Myanma. Những lễ
hội này đều có những nghi lễ cầu mưa hoặc té nước (4). Lễ hội ăn lúa mới
của người Raglai cũng rơi vào thời điểm này (5).
Như vậy, nếu căn cứ theo thời
gian, nông lịch ứng với vũ trụ như mặt trăng, mặt trời, các vì sao và căn cứ
vào sự chuyển mùa ở vùng Nam Trung Bộ là chuyển từ mùa khô sang mùa mưa thì lễ
hội ăn lúa mới rõ ràng là lễ hội chuyển mùa. Đây là căn cứ quan trọng để
giải thích vì sao lễ hội ăn lúa mới trùng với tết đón năm mới của các cư
dân Đông Nam Á, và chính là tết năm mới của người Raglai.
2. Không gian, tính cộng đồng của
lễ hội
Vùng đồng bào Raglai không có già
làng như các dân tộc Tây Nguyên, vai trò quyết định các việc lớn của cộng đồng
là bà trưởng tộc. Tuy nhiên, cũng như dân tộc Chăm, tuy theo chế độ mẫu hệ, vai
trò của người phụ nữ là rất lớn, nhưng việc tổ chức nghi thức cúng lễ là đàn
ông, phụ nữ chỉ đóng vai trò chỉ đạo và nội trợ. Địa điểm thực hành các nghi lễ
cúng thường là tại nhà sàn thiêng của dòng tộc. Đây là nơi chỉ để tế lễ thần
linh, không có người ở, nơi cất giữ những vật báu của dòng tộc gồm chiết đựng y
trang, xâu chuỗi hạt cườm, nhẫn, còng, kiềng, ghè, ché, nhạc cụ truyền thống
như mã la, trống, chiêng, lục lạc, khèn bầu…
Theo các cụ già Raglai kể lại, cách
đây mấy chục năm, lễ ăn lúa mới được tổ chức lớn hơn ngày nay nhiều. Tất
cả các dòng tộc đều tổ chức và coi lễ ăn lúa mới là lễ hội đầu năm,
tương tự như lễ hội Rija Nưgar của người Chăm. Mặc dù mọi người không đến từng
nhà chúc tụng nhau, nhưng tất cả lời chúc tụng đều đã thể hiện trong lời cầu
khấn của ông thầy cúng trong nghi lễ ăn lúa mới:
“Tôi tớ xin phép bề trên nhớ tới
đầu năm, đầu tháng, đầu mưa, đầu gió, xin cho thân người cứng như đá tảng,
đầu cứng như sắt, gia đình sum họp, lên núi vững, xuống sông chắc, lên rừng cọp
beo xa lánh, phát rẫy làm nương chắc rựa, chắc rìu. Rắn không dám cắn, kiến
đỏ, kiến đen không dám đốt, lên núi lên rừng đi tới nơi, về tới nhà, đi không
mệt, về không mỏi, làm rẫy được rẫy, lúa, bắp, khoai, kê, về đậu đầy nhà. Heo
gà đầy chuồng, muốn gì được nấy”.
Trong lễ tẩy uế, tống ôn:
“ … Xin ngài hãy rút hết chông
gai, rút hết ốm đau, bệnh tật, đại họa. Xin ban cho sức khỏe để chạy như chó,
cất vó như ngựa, đi không mệt, về không mỏi, muốn vàng có vàng, muốn bạc có bạc”.
Như vậy, lễ ăn lúa mới được
tổ chức theo từng dòng tộc ở tất cả các vùng đồng bào Raglai sinh sống với sự
tham gia của tất cả già, trẻ, gái, trai. Yếu tố này khẳng định không gian rộng
lớn và tính cộng đồng cao của lễ hội.
3. Phần lễ và phần hội
Phần lễ và phần hội cũng là một
đặc trưng nguyên hợp của lễ hội, là một trong những tiêu chí để xem xét lễ hội
đó có phải là tết năm mới hay không?
Phần lễ
Là cư dân nông nghiệp Đông Nam Á,
tín ngưỡng dân gian của người Raglai là tín ngưỡng đa thần. Người Raglai tin
rằng có rất nhiều thần linh ngự ở khắp mọi nơi: thần núi, thần suối, thần sông,
thần mặt trời, thần mưa, thần gió, thần cây cỏ, hồn lúa, hồn bắp… mặc dù các yàng
đều vô hình nhưng luôn chi phối cuộc sống hàng ngày của người Raglai, ban cho
mùa màng tươi tốt, cho con người khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật. Ông bà tổ
tiên tuy đã tụ tập về thế giới bên kia nhưng luôn phù hộ cho con cháu làm ăn.
Vì vậy, khi thu hoạch lúa bắp, việc đầu tiên là phải làm lễ cúng tạ ơn thần
linh.
Mục đích chính của lễ hội ăn
lúa mới là lễ chuyển mùa, tống tiễn mùa khô, cầu mưa, cầu nước cho vụ mùa
tươi tốt. Lễ còn là sự đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất trong năm với sự
mừng vui, ơn trả nghĩa đền đối với tổ tiên, đối với các yàng đã nhớ lời
cầu khẩn trong lễ cúng năm trước mà ban cho được mùa, trước khi hưởng thụ
thành quả lao động. Theo chu kỳ, lễ lại nhằm mục đích tạ ơn các yàng của
mùa vụ cũ và cầu khấn tốt đẹp hơn cho vụ mùa tới. Lễ hội còn là dịp để bà con
trong dòng tộc nội, ngoại ở các nơi tụ hội về gặp mặt, thăm hỏi nhau. Mâu thuẫn
trong gia tộc nếu có cũng được hòa giải từ các cần hút cắm chung trong một ché
rượu cần cúng tổ tiên.
Chủ lễ của người Raglai là các
thầy cúng (Pujau). Xưa kia, làng nào cũng có thầy cúng. Những năm sau 1975, với
việc hạn chế cúng lễ, cho đó là mê tín dị đoan, nhiều thầy cúng được vận động
bỏ nghề. Điều đáng nói là sau mấy chục năm vận động, hình thức, quy mô các lễ
hội có giảm, nhưng niềm tin của bà con Raglai vào thần linh (yàng) vẫn
không thay đổi. Vì vậy họ vẫn duy trì các lễ nghi nông nghiệp truyền thống. Chỉ
có lễ cúng chữa bệnh là giảm hẳn, thỉnh thoảng mới có thầy cúng hành nghề một
cách lén lút. Để làm thầy cúng phải học thuộc các bài khấn, tế truyền miệng và
các nghi thức, động tác cúng.
Sau khi thầy cúng chọn ngày, những
người lớn tuổi trong làng và các trưởng tộc phân công các công việc cho dân
làng. Đàn ông lo dọn dẹp nhà cửa, làm cây nêu, sắp đặt bàn lễ, chọn người vào
đội đánh mã la (một loại chiêng bằng), mỗi đội từ 7, 9 đến 12 người đánh nhạc
lễ… Phụ nữ làm công việc nội trợ, chuẩn bị lễ vật như rang lúa mới, giã cốm,
nấu cơm, nhặt thái rau quả.
Những lễ vật như rượu cần, gà,
cua núi, cá khô, hành củ… chuẩn bị sẵn sàng trước đó một đêm. Bàn lễ chính được
đặt ở hướng Bắc, bàn lễ phụ đặt ở hướng Nam và bao giờ cũng đặt ở sát chân cột
chính nằm giữa nhà sàn - đường lên xuống của tổ tiên, thần thánh - nơi luôn được
đặt ché rượu cần. Trong lễ hội của người Raglai, việc ăn chỉ đóng vai trò phụ,
uống rượu cần là chính, do vậy ở các lễ hội như lễ ăn lúa mới, đám tang,
lễ bỏ mả họ làm ít nhất trên 30 ché rượu cần.
Lễ cúng thường được bắt đầu vào
khoảng 13 giờ.
Lễ thức đầu tiên là lễ đổ nước
vào ché rượu cần. Ông thầy cúng ngồi xếp bằng trước bàn lễ phụ ở hướng Nam,
trên đó đặt ché rượu cần. Khấn xong, ông chủ lễ hút rượu cần mang sang bàn lễ
chính ở hướng Bắc. Trên cổ ché rượu, người ta quàng một chuỗi vòng cườm, hạt
lớn. Trước ché rượu là một mâm lễ, trên đặt một bát lửa than, hai bát nước
lã, một mủng gạo đầy. Trên thành mủng gạo cắm một cây nến bằng sáp ong đang
cháy. Tiếp theo, ông khấn xin cắt tiết gà. Ông chắp hai tay lên đầu khấn báo,
khấn mời yang Ngok, yang Gru (thiên thần) yang Cơk (thiên thần) yang muk kay
(nhân thần) về dự lễ ăn lúa mới của gia tộc, mời bề trên chứng giám cho lễ cắt
tiết gà, đổ nước vào ché rượu cần. Khấn rằng: “Gà khỏe mạnh, rượu cần tinh
khiết không phải là cặn bã... lễ vật này là để nghĩa đền, ơn trả đối với bề
trên”.
Sau khi khấn, gà sẽ đem đến trước
bàn thờ hướng Nam cắt tiết, nước sẽ được đổ vào ché. Khấn xong, hai người trong
gia đình đến bên ché rượu, hút rượu cần ra bầu, ra bát, bưng qua bàn lễ hướng
Bắc.
Sau đó là đến lễ cúng chính. Bàn
lễ hướng Bắc đặt sát vách. Trên tường, chính giữa bàn lễ, người ta dùng 2 sợi
dây cột đầu một đoạn dài khoảng 0,8 mét hoặc đóng dính giăng ngang 1 sợi dây.
Trên đó người ta treo một bộ áo, váy, khăn của phụ nữ, ở hai đầu dây được móc
vào 2 hạt cườm. Lễ vật trong lễ cúng chính gồm: 1 con gà, 1 ché rượu cần, 5
bát cơm cao ngọn. Trên mỗi bát cơm đều có 1 con cua núi và 1 củ hành để nguyên
cả lá. Ngoài ra còn có nhiều chén hạt nổ, gạo, nước lã, trầu cau. Các lễ vật
này được sắp thành 3 mâm theo hàng dài: mâm của các yàng, mâm của ông
bà, mâm dành cho thổ địa.
Nội dung lời khấn trong lễ này là
mời các thần tạo dựng đất trời, mưa gió, cây cối, con người và muôn vật, mời
thần linh ông bà tổ tiên, linh hồn những người đã khuất về hưởng thảo lễ vật,
về ăn lúa mới và cầu xin các thần linh ban cho sự sinh sôi nảy nở cho
con người, vật nuôi và cây trồng.
Sau đó là phần lễ cúng thần lúa,
bắp. Người Raglai quan niệm lúa và bắp cũng có hồn. Lúa là hồn con gái, bắp là
hồn con trai và phải làm các nghi lễ cúng. Trong phần lễ này có các bài hát
khấn ru hồn lúa, hồn bắp. Khi cúng xong, thầy cúng làm lễ chúc phúc cho các
thành viên trong tộc họ.
Phần hội
Sau khi các thầy cúng làm xong các
nghi lễ cúng kính, đội mã la bắt đầu múa vòng tròn và đánh trống, chiêng và mã
la. Dẫn đầu là người đánh trống lớn, ăn mặc chỉnh tề từ ngoài sân đi vào nhà,
theo sau là 7 nhạc công mã la (bộ mã la Raglai được coi như một gia đình mẫu
hệ, mã la mẹ và các mã la con gái: mã la con cả, mã la con giữa, mã la con thứ,
mã la con út). Họ vừa nhảy múa vừa đánh hàng trăm điệu mã la. Mọi người mời
nhau uống rượu cần trong không khí vui vẻ. Nhiều thanh niên mang theo các nhạc
cụ của mình như kèn môi, khèn bầu, đàn chapi và tâm sự với nhau bằng các âm
thanh nhạc cụ và các làn điệu hát giao duyên rất phong phú như các điệu: manhi,
hari, sari, mayeng, kathơng, doh dăm da ra… Mọi người uống rượu cần, đánh mã
la, nhảy múa suốt đêm...
Qua phân tích các đặc trưng dân
gian, nguyên hợp và các yếu tố về thời gian, không gian của lễ hội ăn lúa
mới, chúng tôi cho rằng lễ hội này chính là tết năm mới xưa kia của
tộc người Raglai. Rất cần có các công trình nghiên cứu sâu hơn về lễ hội này và
đi đến kết luận cuối cùng. Nếu đúng lễ hội ăn lúa mới thực sự là tết
năm mới, thì cần có kế hoạch khôi phục lại đầy đủ các yếu tố gốc của lễ hội
và tạo điều kiện cho bà con Raglai tổ chức tết năm mới riêng cho mình
(tương tự như lễ hội Ka tê của dân tộc Chăm) nhằm góp phần bảo tồn sắc thái văn
hóa truyền thống của dân tộc Raglai, phát huy tính đa dạng trong nền văn hóa
Việt Nam thống nhất.
P.Q.A
_______________
1. Trong quá trình đi sưu tầm dân ca Raglai, chúng tôi đã sưu tầm
được một số bài dân ca hát bằng tiếng Raglai nhưng giai điệu là dân ca các dân
tộc thiểu số miền núi phía Bắc; có cả những điệu múa như múa sanh tiền.
2. Người Raglai có hai loại nhà sàn, nhà sàn lớn để ở, nhà sàn làm
kho chứa lúa bắp có kích thước nhỏ hơn, chủ yếu để ngăn không cho thú dữ ăn lúa
bắp.
3. Xem Phan Quốc Anh, Tết của người Chăm, Tạp chí Văn hóa -
Nghệ thuật, số 01 (223), 2003.
4. Theo sự phân tích này thì tết của người Chăm là lễ hội Rija
Nưgar chứ không phải là lễ hội Katê. Nhưng ngày nay, người Chăm coi Katê là
“tết” lớn nhất trong năm.
5. Lễ ăn lúa mới cũng có sự chênh lệch chút ít thời gian so
với lễ hội Rija Nưgar của người Chăm nhưng đó là điều không thể tránh khỏi vì
người Raglai chưa có chữ viết, chưa có lịch pháp thành văn như người Chăm. Ngày
tháng làm lễ chủ yếu dựa vào thời tiết, mùa vụ và cách tính của thầy cúng.
Tags:
Bài viết khoa học