XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

http://www.ninhthuantourist.com
Vài suy nghĩ về xã hội hóa các hoạt động văn hóa

Phan Quốc Anh 

Đồng hành với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa là việc từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp trong các lĩnh vực hoạt động sự nghiệp có tính dịch vụ xã hội như văn hóa, y tế, thể dục thể thao. Mươi năm trở lại đây, thuật ngữ xã hội hóa xuất hiện nhiều trong đời sống chính trị, xã hội ở nước ta. Từ năm 1997, Chính phủ ra Nghị quyết 90/CP và năm 1999 ra Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đ
ối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, y tế, thể dục thể thao.

Qua gần 10 năm thực hiện, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở Ninh Thuận đạt được những thành công nhất định. Nhiều dịch vụ văn hóa (nhất là khu vực dễ thu lợi nhuận) đã tự nó chuyển từ khu vực công lập ra ngoài công lập như: dịch vụ trang trí kẻ vẽ, quảng cáo, nhà sách, kinh doanh văn hóa phẩm, cà phê, bar ca nhạc, hát cho nhau nghe, dịch vụ in ấn, karaoke, internet, nhiếp ảnh, quay phim, dịch vụ cưới, tổ chức biểu diễn, nhóm nhạc v.v…Đặc biệt, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm đã vận động nhân dân tự tổ chức phát động phong trào xây dựng khu phố văn hóa không chờ đợi vào sự đầu tư của nhà nước. Trong năm 2006, toàn thị xã Phan Rang – Tháp Chàm đã có 25 cơ sở tự đứng ra làm lễ phát động khu phố văn hóa.
Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân, công tác xã hội hóa cả nước nói chung, ở tỉnh ta nói riêng vẫn chậm so với yêu cầu của lộ trình phát triển, nhất là trong lĩnh vực văn hóa – thông tin, trong đó có nguyên nhân nhận thức, quan điểm về xã hội hóa. Để thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao”, cần có nhận thức đúng về xã hội hóa, trước hết là cán bộ, viên chức trong ngành Văn hóa thông tin.
Xã hội hóa là gì? Xã hội hóa là làm cho một hoạt động xã hội nào đó (y tế, văn hóa, thể dục thể thao v.v…) lan tỏa khắp các thành phần xã hội, làm cho các thành viên trong xã hội tham gia vào hoạt động đó, huy động được mọi tiềm năng trí tuệ và vật chất của toàn xã hội đầu tư vào hoạt động đó và được hưởng lợi bằng chính sự tham gia của mình.
Xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin là nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo ngày càng cao của nhân dân, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập của đất nước. 
XHH văn hóa nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu, định hướng của Đảng về văn hóa. Vì vậy, nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế và tăng cường quản lý văn hóa bằng cách hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng nguồn lực đầu tư, tăng cường lực đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên, chương trình quốc gia về phát triển văn hóa, ưu tiên vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn.
Hiện vẫn còn những nhận thức chưa đúng về xã hội hóa. Có nhiều người cho rằng, xã hội hóa nhằm mục đích giảm nhẹ ngân sách đầu tư từ nhà nước, thậm chí nhiều đơn vị chủ quản yêu cầu các đơn vị sự nghiệp phải bằng cách nào đó tăng nguồn thu cho ngân sách ngay sau khi thực hiện xã hội hóa. Đây là một vấn đề nhận thức cần phải làm rõ, vì nếu không nhận thức đúng, rất dễ biến xã hội hóa thành thương mại hóa hoặc tư nhân hóa.
Việc tăng nguồn thu ở các đơn vị hoạt động sự nghiệp là đúng chủ trương của xã hội hóa, nhưng đây chỉ là một yếu tố phụ. Đồng ý rằng mục đich xã hội hóa là để xóa bỏ triệt để cơ chế quan liêu bao cấp, nhưng không có nghĩa vì mục đích ấy mà giảm chi ngân sách đầu tư cho các sự nghiệp văn hóa - xã hội mà ngược lại, nhà nước phải tăng cường đầu tư ngân sách đồng hành với quá trình xã hội hóa. Vấn đề là ở chỗ, đầu tư vào đâu cho có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu, có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược. Ví dụ, nhà nước cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thiết chế văn hóa các cấp, trong đó ưu tiên cho cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất ban đầu như hệ thống âm thanh ánh sáng, phương tiện chuyên chở, đầu tư bằng cơ chế đặt như xây dựng chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị và đảm bảo định hướng về văn hóa nghệ thuật cho các Đoàn nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa – thông tin các cấp, Đội Thông tin lưu động, chiếu bóng, sách và tài liệu tuyên truyền v.v…cho cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Còn lại những hoạt động, dịch vụ nào có tính chất xã hội và có nguồn thu nên từng bước chuyển ra khu vực ngoài công lập (tùy theo tỷ lệ hoạt động có thu để chuyển hẳn hoặc chuyển một phần) như các hoạt động dịch vụ biểu diễn ca nhạc nhẹ, cà phê, bar ca nhạc, dịch vụ đám cưới, các hoạt động đội nhóm, câu lạc bộ sở thích, các dịch vụ tham quan di tích, danh thắng v.v…Bên cạnh đó, có một số lĩnh vực hoạt động văn hóa thông tin mang tính chất phục vụ xã hội vì mục tiên phát triển, nhà nước đứng ra tổ chức phục vụ, không lấy lợi nhuận làm mục đích, phần thu chỉ mang tính chất lệ phí như các hoạt động thư viện, bảo tàng, nghiên cứu khoa học xã hội. Một số hoạt động hoàn toàn sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước như sách báo tuyên truyền, thông tin, chiếu bóng lưu động.
Các đơn vị sự nghiệp văn hóa thông tin cần từng bước chuyển đổi sang cơ chế cung ứng dịch vụ công ích có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức, quản lý và hoạch toán chi phí, cân đối thu chi theo Nghị định 43/NĐ-CP/2006. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các đơn vị là sắp xếp và củng cố tổ chức theo hướng hợp lý, năng động, hiệu quả, xóa bỏ bao cấp. Tuy nhiên, sắp xếp, củng cố tổ chức phải có bước đi thận trọng, hợp tình, hợp lý. 
Một vấn đề không kém phần quan trọng là trong quá trình phát triển xã hội hóa phải đi đôi với việc tăng cường quản lý Nhà nước, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa để đẩy mạnh cho phát triển Văn hóa thông tin đúng định hướng của Đảng. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển một số hoạt động từ cơ chế bao cấp sang hoạt động có thu. Khi tổ chức hoạt động có thu trong các đơn vị sự nghiệp công, nhà nước đã quy định về thu chi tài chính từ nguồn thu theo Nghị định 10/2003/NĐ – CP và gần đây nhất là Nghị định 43/2006/NĐ – CP ngày 25/4/2006 “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”; Vì vậy, các đơn vị sự nghiệp công cần thận trọng trong việc thực hiện xã hội hóa, luôn phải bám sát Đề án Xã hội hóa của ngành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đồng thời phải cân nhắc khi tổ chức những hoạt động có thu. Một mặt phải tăng cường tổ chức hoạt động có thu, mở cửa, mời gọi một số hoạt động cho các thành phần kinh tế khác tham gia nhưng mặt khác không vì nguồn thu mà xa rời tôn chỉ mục đích, định hướng văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Xã hội hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng Công nghiệp hóa – hiện đại hóa và trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế, nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO, một mặt ta chủ trương tiến hành xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, một mặt vẫn phải đảm bảo các quy định của sân chơi quốc tế. Xã hội hóa là một trong những bước đi quan trọng trong quá trình này. Vì vậy, ngành Văn hóa thông tin cần phải thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, xã hội hóa hoạt động văn hóa cần có bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng, miền; Trước mắt cần chú trọng phát triển mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa tại đô thị Phan Rang – Tháp Chàm và các thị tứ, thị trấn trong tỉnh. Đây là những nơi có thế mạnh về các nguồn lực, trong đó có nguồn lực về kinh tế. Còn đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cần có những bước đi chậm hơn, trước hết phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa, từ đó mới tăng cường vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa.


văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn