http://www.ninhthuantourist.com
DU LỊCH NINH THUẬN- TIẾM NĂNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG MỐI LIÊN KẾT VÙNG
(Bài tham luận của tỉnh Ninh Thuận phục vụ Hội thảo khoa học: “Phát triển sản phẩm du lịch vùng Duyên hải miền Trung” tại Đà Nẵng - 2012)
Phan Quốc Anh - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận
Kính thưa các qúy vị đại biểu!
Miền Trung có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm của cả nước, được đánh giá là vùng có tiềm năng to lớn, nhất là về du lịch chưa được khai thác. Tuy nhiên, khu vực này vẫn được coi là chậm phát triển và chưa bắt kịp với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam trong những năm gần đây... Với bờ biển dài và nhiều bãi biển đẹp, là nơi tập trung nhiều di sản thế giới, các giá trị về sinh thái, văn hóa, lịch sử cách mạng... du lịch là lĩnh vực mà khu vực này có lợi thế phát triển để tạo ra giá trị và là động lực phát triển các tỉnh khu vực miền Trung, đặc biệt là tại các tỉnh như Ninh Thuận, nơi có tiềm năng phát triển các lĩnh vực này nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Hiện nay, khu vực miền Trung cũng đã được nhìn nhận và được sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ với những cam kết cụ thể nhằm tạo bức phá cho phát triển của Vùng, nhất là đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối vùng, cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của vùng, sẽ giúp các tỉnh khu vực miền Trung phát huy tiềm năng lợi thế của mình và có đóng góp tương xứng cho sự phát triển chung của cả nước.
Với lợi thế nằm trong tam giác du lịch trọng điểm Đà Lạt - Nha Trang và Mũi Né- là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận có một số giá trị độc đáo và nhiều tiềm năng để có thể đóng vai trò quan trọng trong kinh tế du lịch của vùng như:
+ Với bờ biển dài 105 km chưa được khai thác, nhiều vũng, vịnh đẹp thích hợp cho du thuyền và các môn thể thao dưới nước như khu Bình Tiên, Vĩnh Hy ...
+ Các sản phẩm du lịch địa phương độc đáo và các di sản văn hóa riêng biệt, với lịch sử lâu đời như trồng và sản xuất rượu vang; các di sản văn hóa Chăm còn nguyên sơ và độc đáo.
Theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 do Tư vấn nước ngoài Monitor giúp xây dựng, du lịch được xác định là một trong 6 trụ cột quan trọng của nền kinh tế Ninh Thuận trong tương lai, phát triển toàn diện để khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch.
Hiện tại, doanh thu về du lịch của tam giác du lịch trọng điểm Phan Rang-Đà Lạt- Nha trang (trong phạm vi bán kính 120 km tính từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) khoảng 500 triệu USD, trong đó Ninh Thuận chỉ chiếm tỷ lệ còn thấp (khoảng 2%) chưa tương xứng với tiềm năng của mình. Toàn tỉnh hiện có trên 60 cơ sở lưu trú, với gần 1.700 phòng, trong đó trên 30% số phòng đạt chuẩn 3 sao; các chỉ tiêu chủ yếu về lượng khách và thu nhập mà ngành du lịch đạt được so với một số tỉnh lân cận có du lịch phát triển trong vùng vẫn còn có khoảng cách khá xa, tỷ trọng trong cơ cấu GDP toàn tỉnh còn thấp, dịch vụ du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực chưa tương xứng với vai trò, vị trí và nhiệm vụ của một ngành kinh tế quan trọng.
Những năm gần đây, thông qua tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng …hoạt động du lịch của tỉnh đã có bước khởi sắc, số lượng du khách tăng lên đáng kể, đặc biệt lượng khách đi theo tua cố định từ thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ chiếm trên 60%; đã có nhiều dự án về du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp chứng nhận đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó có 22 dự án du lịch cao cấp, tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, tập trung phát triển ở dải ven biển của tỉnh, đây là những tiền đề quan trọng, động lực mới để đẩy mạnh việc phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Trong tương lai, Ninh Thuận mong muốn hợp tác với các tỉnh trong vùng trong kết nối các sản phẩm du lịch để phấn đấu nổi lên như một đối tác bình đẳng trong chuỗi giá trị của vùng. Việc này sẽ đạt được thông qua việc nắm lấy cơ hội, kết hợp giữa việc phát triển cơ sở hạ tầng kết nối vùng (như sân bay Cam Ranh, cảng Cam Ranh) và khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh riêng có của tỉnh để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách tham gia vào chuổi giá trị du lịch của vùng, đó là:
1. Phát triển các loại hình du lịch liên quan đến thưởng thức rượu nho và các sản phẩm từ nho;
2. Du lịch di sản văn hoá với nét đặc sắc của văn hoá Chăm và các làng nghề truyền thống.
3. Du lịch sinh thái với thương hiệu là trung tâm “du lịch xanh” của cả nước. Hình thành các tour du lịch sinh thái và các khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp thân thiện với môi trường.
4. Khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió để phát triển du lịch thể thao với các dịch vụ trên không và dưới nước như: kéo dù, bơi lội dưới nước ngắm rạng san hô, đua mô tô trên cát.
5. Du lịch cao cấp với lợi thế là có bãi biển đẹp, còn nguyên sơ, có các sản phẩm đặc thù phù hợp cho chăm sóc sức khỏe, spa; gắn với các câu lạc bộ Golf, du thuyền...
Để tạo động lực phát triển du lịch một cách bền vững và tận dụng tối đa lợi thế kết nối vùng, tỉnh Ninh Thuận đang thuê Tập đoàn ARUP của Anh-là tập đoàn hàng đầu của thế giới về quy hoạch, để lập quy hoạch du lịch vùng ven biển của tỉnh, gắn chiến lược kinh tế của Monitor theo hướng giữ gìn và gia tăng giá trị của đất trong quá trình phát triển. Định hướng quy hoạch không gian theo hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển năng lượng và du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và dành quỹ đất tương xứng để phát triển du lịch tại khu vực tiềm năng; đồng thời đẩy nhanh đầu tư cải thiện mạnh mẽ điều kiện hạ tầng giao thông, tạo kết nối cao giữa các khu du lịch với các trục quốc lộ, nhất là hoàn thành đưa vào hoạt động tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná dài 116 km (dự kiến hoàn thành trong năm 2014), đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang, kết nối các khu du lịch biển với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (điều này có nghĩa các khu vực phát triển du lịch tập trung của tỉnh Ninh Thuận sẽ có thể đi đến trong vòng 30 phút từ sân bay quốc tế Cam Ranh), sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận trong thời gian đến.
Để phát triển du lịch Ninh Thuận gắn với thương hiệu du lịch của vùng, bên cạnh các nổ lực của mình, tỉnh Ninh Thuận cho rằng Hội thảo lần này là cơ hội quý giá để lãnh đạo các địa phương trong vùng cùng nhau thảo luận xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh vùng, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, thương hiệu cho du lịch của khu vực Miền Trung, trong đó tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, nhất là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, gắn với tham quan thắng cảnh biển và sản phẩm du lịch thể thao biển và sinh thái biển. Phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá gắn với di sản, lễ hội, du lịch làng nghề, nhất là văn hóa biển và văn hóa Chăm; có chiến lược liên kết giữa các địa phương trong công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức các tua du lịch mang thương hiệu vùng; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch của vùng...
Chúng tôi tin tưởng rằng với các tiềm năng về du lịch của tỉnh cùng với việc tăng cường hợp tác, tận dụng thương hiệu du lịch và hạ tầng của vùng, Ninh Thuận sẽ tạo ra nền tảng cho phát triển du lịch của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Tags:
Báo chí