http://www.ninhthuantourist.com
VÀI NÉT VỀ TẾT
CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÍA NAM.
Phan Quốc Anh
Ngày xưa, mỗi dân tộc trên thế giới đều có tết năm mới của riêng mình. Tuỳ theo phong tục tập quán, điều kiện địa lý, điều kiện lịch sử văn hoá cổ truyền mà mỗi dân tộc tổ chức đón tết khác nhau về hình thức, nội dung và cả thời điểm đón tết. Người châu Âu đón tết theo dương lịch, người Việt ta thường gọi là “tết tây”. Đa số các dân tộc phương Đông đón tết theo âm lịch (tết ta). Ngoài ra, một số dân tộc thiểu số, nhất là ở các tỉnh phía nam Việt Nam lại đón tết ở những thời điểm khác với người Kinh. Vì sao vậy?
Cũng như người Kinh, các dân tộc ở phía nam Việt Nam đều là cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, sống phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, khí hậu và những điều kiện tự nhiên khác. Do nhận thức và trình độ khám phá, chinh phục tự nhiên còn hạn chế, con người luôn sợ hãi thiên nhiên, nhìn đâu cũng thấy thần, hình thành nên tín ngưỡng vạn vật hữu linh và phát triển thành tín ngưỡng đa thần. Để cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, con người làm các nghi lễ cầu cúng thần linh. Từ những lễ thức cúng bái được gọi là phần “Lễ”, dần dần con người đưa thêm vào phần “Hội” để dân làng vui chơi nhảy múa, hát giao duyên, diễn xướng dân gian vào các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa hoặc mừng vui vì được mùa. Những nghi lễ ấy dần dần trở thành lễ hội truyền thống. Hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều có lễ hội truyền thống được hình thành từ thời kỳ văn hoá nguyên thuỷ và duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Thời điểm diễn ra lễ hội thường phụ thuộc vào các chu kỳ thời tiết trong năm. Trong một năm, thời điểm giao mùa quan trọng nhất như mùa đông sang mùa xuân, mùa mưa sang mùa khô được tổ chức lễ hội lớn nhất để “tống cựu nghênh tân” và dần dần trở thành ngày tết đón năm mới.
Các dân tộc ở Việt Nam đều đón tết vào năm mới âm lịch được tính theo chu kỳ vận động giữa mặt trăng với trái đất. Nhưng thời điểm đón năm mới của các dân tộc ở các tỉnh phía nam có khác bởi khí hậu ở hai miền nam - bắc Việt Nam khác nhau. Trong khi ở miền Bắc có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt thì ở miền Nam, sự biểu hiện của khí hậu bốn mùa không rõ rệt mà chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Trong khi ở miền Bắc, tết được đánh dấu ở mốc chuyển từ mùa đông lạnh giá sang mùa xuân ấm áp thì ở miền Nam, dấu ấn là sự chuyển từ mùa khô hạn, nóng bức sang mùa mưa mát mẻ và bắt đầu một mùa vụ mới. Người nông dân trồng lúa nước rất cần mưa, nhất là ở miền Nam trung bộ luôn khô hạn và nắng cháy, ít mưa. Vì vậy, thời điểm này, hầu hết các dân tộc phía nam đều có các lễ hội cầu mưa, thể hiện rõ nhất và còn lưu giữ đến ngày nay là tiểu lễ phồn thực để cầu mưa trong lễ hội RiJa nưgar (lễ tống ôn) của người Chăm hay lễ “ăn đầu lúa” của người Raglai vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, tết năm mới Bun Pi May “hốt nậm” (té nước - một hình thức cầu mưa) của các bộ tộc Lào v.v...Vào thời điểm này cũng diễn ra những lễ hội Chon chnam thmay của người Khơme, tết năm mới cổ truyền Soong Kran của người Thái Lan, tết Thagyamin của người Myanma, và xa hơn nữa là tết Hô li của người Ấn Độ. Những lễ hội này xưa kia chính là tết đón năm mới của một số dân tộc các tỉnh phía nam nói trên. Tuy nhiên, ngày nay một số dân tộc không gọi đó là tết của mình nữa mà biến thái thành những lễ hội cộng đồng như người Chăm hay Raglai. Người Chăm coi lễ hội Katê như là tết nhưng đó không phải là “tết đón năm mới” theo đúng nghĩa “tống cựu nghinh tân” vì tết Ka tê diễn ra vào giữa năm theo chính lịch của người Chăm (1-7 Chăm lịch), nếu để đón năm mới theo lịch Chăm thì tết năm mới của người Chăm phải là lễ hội RiJa nưgar vào đầu năm theo Chăm lịch. Một dân tộc phía nam Tây Nguyên là người Raglai, có dân số gần 80 ngàn người, đứng thứ 12 về số dân trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, cho đến hôm nay không còn nhớ tết năm mới của mình nữa và đã từ lâu không đón tết. Trong lúc chờ đợi các cơ quan chức năng nghiên cứu để khôi phục lại tết cổ truyền của người Raglai, năm 2001, Tỉnh Uỷ Ninh Thuận ra chỉ thị về việc tổ chức cho bà con Raglai đón tết nguyên đán cùng với người Kinh. Nếu theo các tiêu chí về dân tộc học, tết năm mới của người Raglai phải là lễ ăn đầu lúa, trùng với tết năm mới của người Chăm và các dân tộc khác ở phía nam. Nhưng đã từ rất lâu, lễ ăn đầu lúa chỉ được tổ chức theo gia đình, tộc họ. Để nghiên cứu và khôi phục lại tết cho người Raglai là một chuyện không đơn giản.
Ngoài những điều kiện thời tiết khí hậu của các tỉnh phía Nam, các dân tộc phía nam còn chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, trong đó có lịch pháp. Các dân tộc này đều chịu ảnh hưởng của lịch Saka, và tết năm mới của các dân tộc phía nam Việt Nam trùng với tết Hôli của người Ấn Độ. Vì vậy, hầu như các dân tộc đều có thời điểm lễ hội mang tính chất đón năm mới trùng nhau, vào khoảng tháng tư dương lịch. Đây là thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa ở các tỉnh phía nam.
Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, được hình thành từ sắc thái văn hóa của 54 dân tộc anh em, ngoài việc tổ chức cho nhân dân các dân tộc cả nước đón năm mới vào dịp tết nguyên đán, cần nghiên cứu và khôi phục một số lễ hội cổ truyền có tính chất “tết” đón năm mới của các dân tộc, góp phần bảo lưu nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc
4/1/2003.
PQA
VÀI NÉT VỀ TẾT
CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÍA NAM.
Phan Quốc Anh
Ngày xưa, mỗi dân tộc trên thế giới đều có tết năm mới của riêng mình. Tuỳ theo phong tục tập quán, điều kiện địa lý, điều kiện lịch sử văn hoá cổ truyền mà mỗi dân tộc tổ chức đón tết khác nhau về hình thức, nội dung và cả thời điểm đón tết. Người châu Âu đón tết theo dương lịch, người Việt ta thường gọi là “tết tây”. Đa số các dân tộc phương Đông đón tết theo âm lịch (tết ta). Ngoài ra, một số dân tộc thiểu số, nhất là ở các tỉnh phía nam Việt Nam lại đón tết ở những thời điểm khác với người Kinh. Vì sao vậy?
Cũng như người Kinh, các dân tộc ở phía nam Việt Nam đều là cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, sống phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, khí hậu và những điều kiện tự nhiên khác. Do nhận thức và trình độ khám phá, chinh phục tự nhiên còn hạn chế, con người luôn sợ hãi thiên nhiên, nhìn đâu cũng thấy thần, hình thành nên tín ngưỡng vạn vật hữu linh và phát triển thành tín ngưỡng đa thần. Để cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, con người làm các nghi lễ cầu cúng thần linh. Từ những lễ thức cúng bái được gọi là phần “Lễ”, dần dần con người đưa thêm vào phần “Hội” để dân làng vui chơi nhảy múa, hát giao duyên, diễn xướng dân gian vào các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa hoặc mừng vui vì được mùa. Những nghi lễ ấy dần dần trở thành lễ hội truyền thống. Hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều có lễ hội truyền thống được hình thành từ thời kỳ văn hoá nguyên thuỷ và duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Thời điểm diễn ra lễ hội thường phụ thuộc vào các chu kỳ thời tiết trong năm. Trong một năm, thời điểm giao mùa quan trọng nhất như mùa đông sang mùa xuân, mùa mưa sang mùa khô được tổ chức lễ hội lớn nhất để “tống cựu nghênh tân” và dần dần trở thành ngày tết đón năm mới.
Các dân tộc ở Việt Nam đều đón tết vào năm mới âm lịch được tính theo chu kỳ vận động giữa mặt trăng với trái đất. Nhưng thời điểm đón năm mới của các dân tộc ở các tỉnh phía nam có khác bởi khí hậu ở hai miền nam - bắc Việt Nam khác nhau. Trong khi ở miền Bắc có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông rõ rệt thì ở miền Nam, sự biểu hiện của khí hậu bốn mùa không rõ rệt mà chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Trong khi ở miền Bắc, tết được đánh dấu ở mốc chuyển từ mùa đông lạnh giá sang mùa xuân ấm áp thì ở miền Nam, dấu ấn là sự chuyển từ mùa khô hạn, nóng bức sang mùa mưa mát mẻ và bắt đầu một mùa vụ mới. Người nông dân trồng lúa nước rất cần mưa, nhất là ở miền Nam trung bộ luôn khô hạn và nắng cháy, ít mưa. Vì vậy, thời điểm này, hầu hết các dân tộc phía nam đều có các lễ hội cầu mưa, thể hiện rõ nhất và còn lưu giữ đến ngày nay là tiểu lễ phồn thực để cầu mưa trong lễ hội RiJa nưgar (lễ tống ôn) của người Chăm hay lễ “ăn đầu lúa” của người Raglai vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, tết năm mới Bun Pi May “hốt nậm” (té nước - một hình thức cầu mưa) của các bộ tộc Lào v.v...Vào thời điểm này cũng diễn ra những lễ hội Chon chnam thmay của người Khơme, tết năm mới cổ truyền Soong Kran của người Thái Lan, tết Thagyamin của người Myanma, và xa hơn nữa là tết Hô li của người Ấn Độ. Những lễ hội này xưa kia chính là tết đón năm mới của một số dân tộc các tỉnh phía nam nói trên. Tuy nhiên, ngày nay một số dân tộc không gọi đó là tết của mình nữa mà biến thái thành những lễ hội cộng đồng như người Chăm hay Raglai. Người Chăm coi lễ hội Katê như là tết nhưng đó không phải là “tết đón năm mới” theo đúng nghĩa “tống cựu nghinh tân” vì tết Ka tê diễn ra vào giữa năm theo chính lịch của người Chăm (1-7 Chăm lịch), nếu để đón năm mới theo lịch Chăm thì tết năm mới của người Chăm phải là lễ hội RiJa nưgar vào đầu năm theo Chăm lịch. Một dân tộc phía nam Tây Nguyên là người Raglai, có dân số gần 80 ngàn người, đứng thứ 12 về số dân trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, cho đến hôm nay không còn nhớ tết năm mới của mình nữa và đã từ lâu không đón tết. Trong lúc chờ đợi các cơ quan chức năng nghiên cứu để khôi phục lại tết cổ truyền của người Raglai, năm 2001, Tỉnh Uỷ Ninh Thuận ra chỉ thị về việc tổ chức cho bà con Raglai đón tết nguyên đán cùng với người Kinh. Nếu theo các tiêu chí về dân tộc học, tết năm mới của người Raglai phải là lễ ăn đầu lúa, trùng với tết năm mới của người Chăm và các dân tộc khác ở phía nam. Nhưng đã từ rất lâu, lễ ăn đầu lúa chỉ được tổ chức theo gia đình, tộc họ. Để nghiên cứu và khôi phục lại tết cho người Raglai là một chuyện không đơn giản.
Ngoài những điều kiện thời tiết khí hậu của các tỉnh phía Nam, các dân tộc phía nam còn chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, trong đó có lịch pháp. Các dân tộc này đều chịu ảnh hưởng của lịch Saka, và tết năm mới của các dân tộc phía nam Việt Nam trùng với tết Hôli của người Ấn Độ. Vì vậy, hầu như các dân tộc đều có thời điểm lễ hội mang tính chất đón năm mới trùng nhau, vào khoảng tháng tư dương lịch. Đây là thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa ở các tỉnh phía nam.
Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, được hình thành từ sắc thái văn hóa của 54 dân tộc anh em, ngoài việc tổ chức cho nhân dân các dân tộc cả nước đón năm mới vào dịp tết nguyên đán, cần nghiên cứu và khôi phục một số lễ hội cổ truyền có tính chất “tết” đón năm mới của các dân tộc, góp phần bảo lưu nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc
4/1/2003.
PQA
Tags:
Báo chí