VIỆN
HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VÙNG NAM BỘ
TÀI LIỆU HỘI THẢO
40 NĂM KHOA HỌC XÃ
HỘI NAM BỘ
(1975 - 2015)
TẬP 1
Tiểu ban 1. |
Những vấn đề cơ
bản về lý luận và nghiên cứu thực tiễn Khoa học xã hội vùng Nam Bộ |
Tiểu ban 2. |
Những vấn đề về
Triết học - Chính trị học - Kinh tế - Xã hội
và Môi trường |
(LƯU HÀNH NỘI BỘ)
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 19/9/2015
HỘI THẢO “40 NĂM KHOA HỌC XÃ HỘI NAM BỘ (1975-2015)” |
|||
Ban Tổ chức |
|||
|
TS. Võ Công Nguyện PGS.TS. Lê Thanh Sang PGS.TS. Bùi Chí Hoàng TS. Phú Văn Hẳn ThS. Cao Phương Thảo ThS. Từ Thị Phi Điệp |
Trưởng ban Phó Trưởng ban thường trực Ủy viên Ủy viên Ủy viên Ủy viên |
|
Ban Thư ký |
|||
|
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy TS. Trần Phương Nguyên ThS. Nguyễn Thị Trúc Bạch ThS. Trịnh Thị Lệ Hà ThS. Nguyễn Thị Thịnh ThS. Nguyễn Thị Bảo Hà CN. Trần Thị Hiển |
Trưởng ban Phó Trưởng ban Ủy viên Ủy viên Ủy viên Ủy viên Ủy viên |
|
MỤC LỤC
NHỚ MÃI MƯỜI THÀNH TỰU KHOA HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN
XÃ HỘI VỚI ĐƯỜNG LỐI CHÍNH SÁCH VỀ VÙNG NAM BỘ
ĐÓNG GÓP CỦA VIỆN KHOA
HỌC XÃ HỘI VÙNG NAM BỘ TRONG NGHIÊN CỨU PHÂN TẦNG XÃ HỘI
XÃ HỘI HỌC ĐÔ THỊ: KIÊN
TRÌ MỔ XẺ NHỮNG CHỦ ĐỀ HÓC BÚA
40 NĂM NGHIÊN CỨU DÂN TỘC
KHMER NAM BỘ Ở VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VÙNG NAM BỘ
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN
VỮNG VÙNG TÂY NAM BỘ: THỰC TRẠNG, CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP
XÃ HỘI HỌC THEO HƯỚNG HIỆN TƯỢNG HỌC: TỪ A.
SCHÜTZ ĐẾN P. BERGER VÀ T. LUCKMANN
PGS.TS.
Huỳnh Thị Gấm và ThS. Võ Hữu Ngọc
NHỮNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ
TÔN GIÁO VÙNG CHÂU THỔ SÔNG CỬU LONG NAM BỘ
NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP BÁCH CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN Ở ĐỒNG
BẰNG SÔNG CỬU LONG
MÂU THUẪN DÂN TỘC Ở
VÙNG TÂY NAM BỘ HIỆN NAY DƯỚI SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
“DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” MỘT
VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM NGHIÊN CỨU DƯỚI GÓC ĐỘ KHOA HỌC XÃ HỘI
VẤN ĐỀ XÂY DỰNG CHÍNH
SÁCH VĂN HÓA ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO KHMER VÙNG TÂY NAM BỘ HIỆN NAY
TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU
VỀ XÃ HỘI DÂN SỰ TẠI VIỆT NAM
TÂY NAM BỘ TRƯỚC SỰ TÁC
ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
HỖ TRỢ TẠI VIỆT NAM: HIỆN TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG
ThS.
Lê Diễm Thu và ThS. Nguyễn Thị Vân
ĐÔ THỊ HÓA VÀ HỆ THỐNG ĐƯỜNG THỦY NỘI THÀNH: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (Trường
hợp điển hình: kênh Tàu Hủ-Bến Nghé và Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí
Minh)
ThS. Võ Dao Chi và Trần Quang Đạo
LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM
HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN THƯ
MỤC TẠI THƯ VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRỰC THUỘC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VÙNG NAM BỘ: 40 NĂM
NHÌN LẠI (1976-2015)
TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA
NGUYỄN AN NINH
PGS.
TS. Đinh Ngọc Thạch và TS. Đỗ Hương Giang
QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU KINH TẾ ĐỒNG NAI THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG
XANH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
PGS.TS.
Lê Thanh Sang và ThS. Nguyễn Ngọc Toại
XUẤT KHẨU LÚA GẠO TẠI MỘT
SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á TRONG 25 NĂM QUA
TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT VỚI
HIỆU QUẢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ ĐỜI SỐNG KINH TẾ XÃ HỘI NÔNG THÔN TÂY NAM BỘ
HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT VÀ
VẤN ĐỀ LIÊN KẾT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI NUÔI TÔM TỈNH BẾN TRE
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
CHO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
TỈNH BÌNH DƯƠNG TRONG THỜI KÌ HỘI NHẬP
TỔNG QUAN TRÁCH NHIỆM
XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP
TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TẠI ĐỒNG
BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
TẦNG LỚP TRUNG LƯU Ở
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: CƠ CẤU VÀ ĐẶC ĐIỂM NHÂN KHẨU
GS.TS.
Bùi Thế Cường, Phạm Thị Dung và Tô Đức Tú
NẾP SỐNG ĐÔ THỊ Ở THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH - GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC
PGS.
TS. Trần Thị Kim Xuyến và ThS. Phạm Thị Thùy Trang
MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG
ĐẾN CƠ CẤU XÃ HỘI CÔNG NHÂN TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI
SẢN XUẤT LÚA VỤ BA Ở TỈNH
AN GIANG – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NHÂN VĂN
TS.
Ngô Quang Láng và Đặng Thị Kim Tuyến
ĐO LƯỜNG NGHÈO ĐA CHIỀU
Ở TRẺ EM VIỆT NAM
VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN
DÂN TỘC NGƯỜI KHMER Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA ĐỊNH LƯỢNG
TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI
KHÍ HẬU ĐẾN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG PHÁT TRIỂN
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ
TRUYỀN THÔNG TẠI CÁC CỘNG ĐỒNG VEN BIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Nghiên cứu
tại xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển,
tỉnh Cà Mau)
BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI VÀ
GIỚI VỀ CƠ HỘI GIÁO DỤC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG
TRONG GIA ĐÌNH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – TỪ GÓC NHÌN GIỚI
QUYỀN LỰC VỢ CHỒNG TRONG GIA ĐÌNH Ở AN GIANG
NHẬN DIỆN NHÓM NAM ĐỒNG
TÍNH Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: MỘT TIẾP CẬN NHÂN HỌC
NHỚ MÃI MƯỜI
THÀNH TỰU KHOA HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VỚI ĐƯỜNG LỐI CHÍNH SÁCH VỀ
VÙNG NAM BỘ
GS. Nguyễn Công Bình
Nguyên Viện trưởng
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Tổng biên tập đầu
tiên Tạp chí Khoa học xã hội
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, 40
năm với những Bản Tổng kết 10 năm, 20 năm, 30 năm, với hàng trăm công trình được
xuất bản, hàng trăm hội thảo khoa học, hàng ngàn bài nghiên cứu đăng trong 25
năm Tạp chí Khoa học xã hội, hàng vạn dữ liệu được tích lũy là một gia tài đồ sộ
thiết thân cho hôm nay, cho cả ngày mai vì Nam Bộ.
Là một người nghiên cứu 25 năm tại Viện,
tâm trí tôi mãi in sâu 10 thành tựu khoa học (10, con số có hàm nghĩa số nhiều),
gồm nhiều công trình, nhiều hoạt động khoa học có giá trị thiết thực của một Viện
đa ngành Khoa học xã hội phục vụ “Phát triển xã hội” với “Đường lối chính sách”
trên “Vùng đất Nam Bộ”.
1. Hội nghị khoa học về 600 năm Nguyễn
Trãi, người anh hùng dân tộc đánh thắng quân Minh xâm lược, được Viện tổ chức (1980)([1])
vào
lúc chiến tranh Biên giới phía Tây Nam, chiến tranh Biên giới phía Bắc đang quyết
liệt. 44 bản báo cáo khoa học của Viện có tác động tích cực tới một cuộc Hội thảo
khoa học lớn hơn, cũng về 600 năm Nguyễn Trãi, họp tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội,
có đông học giả trong nước ngoài nước, dưới sự chủ trì của Đại tướng Võ Nguyên
Giáp và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng.
2. Thực hiện Chương trình ĐBSCL, Viện tổ chức Hội nghị
khoa học và thực tiễn về ĐBSCL lần thứ nhất (1981) với 80 báo cáo khoa học của
học giả trong Nam ngoài Bắc, có đủ các tỉnh thành Nam Bộ, dưới sự chủ trì của
GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam([2]).
Hội nghị này diễn ra đồng thời với Hội nghị về Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ
thuật, cũng tại TPHCM, do Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước điều khiển để thực
hiện NQ148 của Chính phủ “Phát triển ĐBSCL”.
Hồi đó, Viện cũng đi vào Chương trình
TPHCM, bắt đầu điều tra nghiên cứu hai Quận ở Trung tâm Thành phố là Q.11 và
Q.1([3])
có các Bí thư Quận ủy hai Quận này hợp tác, hỗ trợ.
Bước đầu thực hiện Chương trình ĐBSCL
và chương trình TPHCM, Viện đã gặt hái được mấy thành quả đáng khích lệ.
Thứ nhất, tất cả các Ban trong Viện,
nghiên cứu từ hiện đại đến cổ đại đều đi về vùng Nam Bộ trong tư thế một Viện Khoa
học xã hội đa ngành, để nhận diện vùng đất Nam Bộ, cùng nhau thực hiện Chương
trình “vùng”, có “mục tiêu”, trước mắt là khảo sát nghiên cứu “Hiện trạng Nam Bộ”.
Chương trình Vùng có mục tiêu của Viện lại phù hợp với Lãnh đạo các tỉnh thành Nam
Bộ đang háo hức muốn nhìn thấy hiện trạng địa phương mình dưới góc độ khoa học.
Họ tìm đến Viện Khoa học xã hội dưới hình thức hợp tác, tài trợ, ký kết hợp đồng
để cùng nhận biết những vấn đề do cuộc sống đang đặt ra cho nhà khoa học và nhà
quản lý xã hội.
Thứ hai, các ngành khoa học lịch sử
đi sâu vào cỗi rễ của hiện trạng, tìm trong lịch sử hình thành Nam Bộ, vùng đất
ruột thịt của cả nước, thấy một xã hội Nam Bộ đa tộc người, đa tôn giáo đã cùng
nhau hội nhập thống nhất vào Cộng đồng dân tộc VN, một Nam Bộ nhạy bén với thị
trường trong một cơ cấu kinh tế 3 chân vạc có Miền Tây lúa gạo, Miền Đông
nguyên liệu với Trung tâm công thương nghiệp toàn vùng là TP Sài Gòn, tóm lại
thấy một Nam Bộ đầy tiềm năng phát triển và sức bật rất lớn([4]).
Thứ ba, khi các dữ liệu khoa học về quá
khứ được kết nối với hiện tại, nó mở rộng tầm nhìn khoa học có tính lịch sử và
tính hệ thống về xã hội Nam Bộ, giúp khoa học xã hội thiết thực phục vụ đường lối
chính sách của Đảng, trước mắt là NQ số 37(4 – 1981) của Bộ Chính trị về chính
sách khoa học, NQ số 148(4 – 1981) của Chính phủ “Phát triển ĐBSCL”, NQ số 01(9
– 1982) của Bộ Chính trị về TPHCM. Hồi đó cấp trên lập Tổ Nghiên cứu Chiến lược
Nam Bộ do UV Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực
HĐBT Võ Văn Kiệt là Tổ trưởng, với các Nhóm trưởng gồm Phó Chủ tịch UBND TPHCM
(Lê Văn Triết), Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu (Nguyễn Văn Dỹ), Viện trưởng
Viện Khoa học xã hội TPHCM (Nguyễn Công Bình), Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM
(Đặng Hữu Ngọc). Nghiên cứu Chiến lược Nam Bộ đóng góp vào việc Trung ương xác
lập “Vùng Động lực kinh tế phía Nam” rồi “Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Như vậy, mấy năm đầu thành lập Viện,
bằng chính các Chương trình đa ngành và thực tiễn nghiên cứu của mình, Viện đã
tìm thấy mục tiêu phục vụ của Viện KHXH đa ngành là “Phát triển xã hội” với “Đường
lối chính sách” của Đảng về “Vùng đất Nam Bộ”.
3. Cuộc Điều tra Kinh tế
- Xã hội 1000 hộ nông dân tại 10 xã, 6 tỉnh ĐBSCL (1984) đánh dấu lần đầu tiên
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ
thuật trong một Chương trình Quốc gia, là Chương trình Điều tra cơ bản và tổng
hợp ĐBSCL, Mã số 60.02 (Giai đoạn 1984 – 1986) và Mã số 60B (Giai đoạn 1986 –
1988). Tham gia 60.02 và 60B, Viện đạt được 3 kết quả khoa học thiết thực hơn,
tiến bộ hơn.
Thứ nhất, tính “liên ngành” trong
Chương trình “Vùng” của Viện Khoa học xã hội đa ngành hiện ra rõ trong cơ chế
phát huy lợi thế của chuyên ngành được hợp lại bằng cách tập trung những cán bộ
giỏi chuyên ngành để cùng nhau phát hiện ra những vấn đề khoa học đang đặt ra
cho phát triển xã hội theo đường lối chính sách của Đảng ở Vùng Nam Bộ. Trong
60.02, 60B, lực lượng trụ cột của Xã hội học, Kinh tế học, Dân tộc học, Sử học,
Ngôn ngữ học, Văn học điều tra định lượng định tính ĐBSCL theo các đề tài Dân
cư và lao động, Cơ cấu sản xuất, Phân phối lưu thông, Hệ sinh thái và hệ tộc
người, Đời sống vật chất và văn hóa ở ĐBSCL([5]).
Thứ hai, từ sự “liên ngành” của những
cán bộ “gạo cội” của Viện Khoa học xã hội đa ngành (như Đỗ Thái Đồng, Nguyễn Quang
Vinh, Lê Minh Ngọc, Trần Anh Tuấn, Trần Du Lịch, Trần Xuân Kiêm, Phan An, Mạc
Đường… ) họ phát hiện ra “Tầng lớp Trung nông Nam Bộ”, một tầng lớp xã hội gồm
những hộ nông dân có đủ ruộng đất, nông cụ, máy móc, năng lực lao động kỹ thuật,
sản xuất hàng hóa, đang đóng vai trò “Trung nông hóa” nông thôn nông nghiệp
ĐBSCL. Phát hiện khoa học này đúng vào lúc Đảng đang chuẩn bị Đại hội Đổi mới
(1986). Tôi nhớ như in, Đc Tư Ánh Trần Bạch Đằng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung
ương Cục đã “mượn nóng” những kết quả 60.02, 60B, những đề tài về “Người trung
nông” và “Động thái giai cấp” ở ĐBSCL([6])
chuyển ngay cho Đc Mười Cúc Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy, người đã thay mặt
Trung ương Cục ký Quyết định thành lập Viện KHXH (12/9/1975) và là vị Tổng Bí
thư tương lai đang sửa soạn đường lối Đổi mới trình Đại hội VI (1986).
Thứ ba, thành quả 60.02, 60B lại là
“vốn bắc cầu” cho Viện tham gia vào một Chương trình cấp Nhà nước lớn hơn –
Chương trình Quy hoạch tổng thể ĐBSCL, Mã số VIE87/031([7]),
do Chính phủ hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển LHQ UNDP,
UBQT sông Mê Kông, giao cho Công ty Nghiên cứu Hà Lan NEDECO phối hợp với các Tổ
nghiên cứu của các Bộ các Ngành thực hiện, trong đó có Tổ nghiên cứu Kinh tế -
Xã hội của ngành KHXH VN. Tổ Kinh tế – Xã hội lại vận dụng “liên ngành” làm cuộc
Điều tra Kinh tế – Xã hội – Nông Nghiệp, điều tra định lượng định tính 640 hộ
nông dân, 350 phụ nữ trên địa bàn 16 xã ở các vùng sinh thái khác nhau của các
tỉnh ĐBSCL([8]).
Bản Phúc trình Phân tích cuộc Điều
tra thuộc VIE87031, tiếp tục 60.02, 60B, không có gì đảo ngược, nhưng nội dung
thì sâu sắc hơn, với Kết luận: Kinh tế ĐBSCL là nền kinh tế nông nghiệp, 84%
dân số ở nông thôn, 85% dân cư làm nông nghiệp, 5% làm tiểu thủ công nghiệp,
dân số đã “bùng nổ”([9]),
diện tích đất canh tác/đầu người và sản lượng lương thực/đầu người bị giảm sút
đáng lo ngại, đặc biệt hơn, trong cái biển HTX đang “làm chủ tập thể XHCN” thì
năng suất lao động của xã viên đã “giảm tận đáy”, nhưng sự thật trong cái ruột
của HTX thì “nông hộ vẫn là đơn vị sản xuất cơ bản”, là “đơn vị tự chủ trong sản
xuất kinh doanh”, là “động lực cho nền sản xuất hàng hóa có hình thái tiểu
nông”. Kết luận có tính khám phá đó đã thành căn cứ khoa học vững chắc để hiểu
tại sao những đường lối lớn của Đảng như NQ số 10(4 – 1988) của Bộ Chính trị về
“khoán hộ”, NQ Hội nghị BCH TW 6 khóa VI (3 – 1989) đưa ra “các chính sách mới
nhằm giải phóng mọi lực lượng sản xuất để phát triển nền sản xuất hàng hóa nhiều
thành phần thực hiện Chương trình 3 mục tiêu về lương thực thực phẩm, hàng tiêu
dùng, hàng xuất khẩu”([10])
đã đi thẳng vào đời sống xã hội, tạo dựng làn sóng xã hội như những trận mưa
rào trong cơn đại hạn, khiến ĐBSCL chuyển mình lớn bỗng lên như người khổng lồ,
trở thành “Vùng trọng điểm số 1 về lương thực thực phẩm của cả nước”, xuất khẩu
gạo tăng vọt (từ 1990), vô hiệu hóa chính sách của Mỹ cấm vận Việt Nam, khiến
cuộc sống mới ở khắp thành thị và nông thôn, trong Nam ngoài Bắc bừng lên mãnh
liệt theo đà phát triển của công cuộc Đổi mới.
Trong quá trình làm 60.02, 60B, VIE87/031,
Viện cũng cho ra mắt mấy công trình mang tính tổng hợp: “Văn hóa và cư dân
ĐBSCL”, Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (Toyota Foundation tài trợ,
NXB KHXH, HN 1990), “Miền Nam trong sự nghiệp Đổi mới của cả nước”, Nguyễn Công
Bình, Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Thái Đồng và nhiều tác giả (NXB KHXH, HN 1990).
4. “Xuất phát điểm của Miền Nam tiến
lên CNXH” (Mã số A.202), “Cơ cấu xã hội và chính sách xã hội ở TP HCM” (Mã số
A.404), “Vấn đề dân tộc ở Nam Bộ” (Mã số A.406) là những đề tài nhánh Viện KHXH
vùng Nam Bộ tham gia Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước do UBKHXH VN
chủ trì, tên gọi “Những vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước
ta” (Mã số A, thực hiện từ cuối những năm 80). Lúc này, Viện KHXH vùng Nam Bộ
đã qua 60.02, 60B, VIE87/031 tỏ ra có lực, có kinh nghiệm nên đã “hoàn thành
nhiệm vụ” với Chương trình A của Viện cấp trên. Một số công trình đã được hoàn
tất. “ĐBSCL nghiên cứu phát triển”, Nguyễn Công Bình, Đỗ Thái Đồng, Nguyễn
Quang Vinh, Nguyễn Quới. (NXB KHXH, HN 1990). “Đặc điểm xuất phát của Miền Tây Nam
Bộ đi vào Đổi mới, phát triển, nhìn từ góc độ lịch sử”, Nguyễn Công Bình (Ban
Chủ nhiệm Chương trình KX.01 xuất bản, HN 1995). “Quan hệ giữa tăng trưởng kinh
tế và các mục tiêu xã hội”, Đỗ Thái Đồng (Chương trình KX.01). “Lựa chọn chính
sách đối với trí thức”, Đỗ Thái Đồng (Chương trình KX.04).
Một công trình tham gia KX.01 đậm
tính thời sự “Người Việt Nam ở nước ngoài” của Trần Trọng Đăng Đàn (NXB Chính
trì Quốc gia, 1997) khi trước sau 1975 có 3 triệu người Việt Nam di tản, những
tưởng là một áp lực đối với Việt Nam sau chiến tranh, nhưng nhờ đường lối đại
đoàn kết dân tộc, chính sách ngoại giao đa dạng hóa đa phương hóa, khiến người
Việt Nam ở nước ngoài lại dần trở thành một động lực mới cho Việt Nam hội nhập
vào khu vực và thế giới, qua đó “Người Việt Nam ở nước ngoài” của Trần Trọng
Đăng Đàn càng được nhiều người ở gần, ở xa tìm nghiên cứu.
5. “Vấn đề giảm nghèo
trong quá trình đô thị hóa ở TPHCM” (1997) là đề tài do Viện trưởng PGS.TS. Mạc
Đường làm Chủ nhiệm, đi vào “một đối tượng nghiên cứu liên ngành của các Khoa học
xã hội và Nhân văn”([11]).
Những người nghiên cứu coi “đói, nghèo” là một vấn đề xã hội, họ chọn mẫu điều
tra xã hội từ Phường Cầu Kho, Phường Bình Trị Đông của TPHCM để nhận diện
“nghèo tuyệt đối, nghèo tương đối”, với nhãn quan rằng xã hội với người nghèo
không phải là “cho con cá” mà là “đưa cần câu” để người nghèo có “vốn xã hội” tự
vượt nghèo.
Đề tài giảm nghèo có sự hợp tác quốc
tế với Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ (SSRC), được Ford Foundation tài trợ, đi
vào một vấn đề xã hội nóng bỏng ở TPHCM, nơi xuất phát “Phong trào xóa đói giảm
nghèo” của cả nước, để phục vụ “Chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm
nghèo 1998 - 2000” của Chính phủ, để đi tìm lời giải khoa học cho một vấn đề xã
hội đang nan giải của thế giới, rằng bằng “xóa đói giảm nghèo” Việt Nam thực hiện
“Phát triển xã hội” và bắt đầu đã có hiệu quả, như UNDP nhận định: “Tốc độ giảm
nghèo đói ở Việt Nam là một tốc độ cao nhất ghi nhận được trên thế giới”([12]).
6. “Văn hóa Óc Eo, những khám phá mới”
(NXB KHXH, HN 1995), Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải thuật lại tường tận
một thành tựu khảo cổ nổi bật nhất của Trung tâm Khảo cổ học của Viện, hơn nữa
cũng là của cả nước. Từ thăm dò lòng đất, đi tìm phế tích, soi rọi những nền
văn minh cổ xưa, các nhà khảo cổ đã làm “sống lại” nền văn minh Óc Eo rực rỡ,
không chỉ ở một di chỉ Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang) mà họ còn dựng lại được cả một
“bản đồ” di tích Óc Eo trải khắp vùng Nam Bộ. Hồi đó, GS Phạm Huy Thông, Viện
trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam thường qua lại Hà Nội – TPHCM đem đến sự hỗ trợ
của giới khảo cổ học cả nước cho khảo cổ học Miền Nam. GS.VS. Nguyễn Khánh
Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam cũng về tận Long Xuyên, An
Giang dự Hội nghị “Thông báo văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở ĐBSCL” (1983).
Thành tựu khoa học về văn hóa Óc Eo
làm cho dân tộc VN ta ngày nay được chiêm ngưỡng một nền văn hóa cổ lẫy lừng
trên vùng đất phía cực Nam Tổ quốc, được nhìn thấy sự “lụi tàn” nhanh của nền
văn hóa Óc Eo, sự “biến mất” của xã hội Óc Eo, tạo thành một “đứt gãy” văn hóa ở
miền đất này kéo dài suốt 10 thế kỷ (từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 17) cho đến khi nền
nông nghiệp lúa nước Việt Nam ngự trị được trên vùng đất Óc Eo xưa còn đang
mông mênh, hoang vắng, lạ lẫm, đầy cỏ dại, rừng cây, dã thú, đất đai tràn ngập
mặn, phèn, chua. Sự thắng lợi huy hoàng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước
Việt Nam ở Miền Tây Nam Bộ ghi dấu một biến đổi lịch sử của nước Việt Nam đã thống
nhất từ Mục Nam quan đến Mũi Cà mau. Từ đó, khi Miền Tây Nam Bộ sắp tới được
hoàn thành CNH HĐH nông thôn nông nghiệp, nước VN sẽ lại ghi tiếp một biến đổi
lịch sử: Từ nền văn minh nông nghiệp chuyển thành nền văn minh công nghiệp hiện
đại.
7. Hội thảo khoa học “Cần thơ, Lịch sử
và phát triển” (6-2000)[13]
đánh dấu một “Chuỗi” hội thảo khoa học của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ kết
hợp với các tỉnh thành Nam Bộ. Chuỗi Hội thảo khoa học này cũng còn do Nguyên
Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, vốn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, gợi ý cho các tỉnh
thành Nam Bộ cùng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tập hợp trí thức khoa học tự
nhiên, khoa học kỹ thuật cùng khoa học xã hội góp vào Đổi mới Nam Bộ.
Trước và sau “Cần thơ, Lịch sử và
phát triển” (1-2000) là “Kinh tế Vĩnh Long bước vào năm đầu Thế kỷ 21”
(11-2000), “Kinh tế Vĩnh Tế” An Giang (10-1999), “ Quy hoạch Gò Tháp Mười” Đồng
Tháp (7-1999), Kinh tế - Xã hội An Giang, Kinh tế - Xã hội Kiên Giang, Giai cấp
công nhân Đồng Nai (2002). Và lớn nhất là Hội thảo Khoa học do Ban chỉ đạo Miền
Tây, Tỉnh ủy, UBND Cần Thơ kết hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức
năm 2004, ra 4 tập Thông báo khoa học về Tự nhiên, Kinh tế, Xã hội, Văn hóa
theo chủ đề “Vì sự phát triển ĐBSCL”[14].
Chuỗi Hội thảo khoa học Viện Khoa học
xã hội vùng Nam Bộ kết hợp với các tỉnh thành Nam Bộ chứng minh rằng Viện luôn
gắn kết đa ngành của Viện mình với Phát triển thực tiễn Nam Bộ, đáp ứng một nhu
cầu có thực và ngày càng lớn: phát triển toàn diện vùng đất Nam Bộ đồng thời
cũng phải phát triển hệ thống khoa học liên ngành ở vùng này.
8.“Địa chí Long An”[15]
của Thạch Phương được Tỉnh Long An xuất bản năm 1989, có vai trò như một “cú
hích” cho nhiều tỉnh thành Nam Bộ “xăm sắn” làm Địa chí tỉnh mình: Bến Tre, Tiền
Giang, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Sông Bé, Bình Dương,
Tây Ninh… Dạng công trình khoa học này “khó” trong bút pháp “miêu tả” (miêu tả,
chứ không lập luận logic). Và “khó hơn” trong miêu tả mối quan hệ “Đất và Người”,
tức là miêu tả sự quyện chặt vào nhau giữa hệ thống sinh thái tự nhiên và hệ thống
sinh thái nhân văn rất đa dạng, biên đổi thường xuyên ở từng tỉnh cũng như toàn
vùng Nam Bộ. “Đất” Nam Bộ có biển bao 3 mặt, có sông lớn nhất Đông Nam Á, có
núi rừng, hải đảo, có đất ngọt, mặn, phèn, chua, thay đổi từng ngày trước hết
theo nước triều lên xuống. “Người” Nam Bộ đa tộc người, đa tôn giáo, văn hóa đa
dạng, thay đổi theo lịch sử xã hội và thiên nhiên. Người dân các tỉnh muốn hiểu
“đất và người” tỉnh mình hôm qua để điều chỉnh, cân bằng, đổi mới “đất và người”
hôm nay vì cuộc sống tốt đẹp của họ. Địa chí một tỉnh là kết quả sự vận dụng,
phối hợp nhiều ngành khoa học sát sao với “đất và người” tại ngay địa bàn tỉnh
đó, là việc làm vượt lên trên sức của một nhà khoa học chuyên ngành.
Thạch Phương đã biết cách nối dài bàn
tay khối óc để “nằm lòng” “đất và người” Long An, hái trọn trái ngọt ngay trên
đất Long An. Tôi còn nhớ, Ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính) Bí thư Tỉnh ủy Long
An, một tỉnh dậy sóng Đổi mới “giá, lương, tiền”, trong buổi ra mắt Địa chí
Long An đã dí dỏm khen tác giả Thạch Phương: “Ổng là nhà trí thức mà lội ruộng
Long An còn giỏi hơn cả chúng tôi”. Tôi ngắm nghía Địa chí của Thạch Phương
thán phục người “Anh trai làng” Văn [16]
mà luyện võ “liên ngành” xông pha nơi trận địa Địa chí.
9. Viện không có Trung tâm Từ điển học
ngành ngôn ngữ học, nhưng đã cho ra mắt những Từ điển quý, đáp ứng yêu cầu của
rất đông độc giả.
“Từ điển Hồ Chí Minh sơ giản”[17],
Chủ biên Tôn nữ Quỳnh Trân, một Đảng viên từng hoạt động bí mật tại nội thành
Sài Gòn trước 1975, ra Từ điển Hồ Chí Minh để bày tỏ tấm lòng mình với Người
Anh hùng Giải phóng dân tộc, Chiến sĩ Hòa bình, Nhà Văn hóa Thế giới đúng vào dịp
kỷ niệm 100 năm sinh nhật Người. Từ điển Hồ Chí Minh đáp ứng lòng khát khao vô
hạn của đồng bào Sài Gòn đã bao năm chờ đợi “Giải phóng Miền Nam Bác sẽ vô
thăm”. Từ điển Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu năm 1990 lại được tái bản năm 2000.
Từ điển “Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí
Minh”[18]
hoàn thành vào dịp Kỷ niệm 300 năm Thành phố Sài Gòn. Với 1.100 trang, 1.100 mục
từ Từ điển giới thiệu với Người Sài Gòn Lịch sử, Sự kiện, Nhân vật, Địa danh,
Đường phố, Kinh tế, Văn hóa, Tác phẩm, Báo chí – Xuất bản giúp Người Sài Gòn biết
những điều thiết thân với cuộc sống hôm nay và nhận ra Sài Gòn trong lòng nó
xuyên suốt 300 năm “Sài Gòn vì cả nước, cả nước vì Sài Gòn”.
“Từ điển Annam – Lusitan – Latinh”,
thường gọi là Từ điển Việt – Bồ - La, dịch từ Dictionnarium Annamiticum –
Lusitanum – Latinum của Alexandre De Rhodes, xuất bản lần đầu ở Rome năm 1651,
dịch giả Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt, Viện Khoa học xã hội tại
TPHCM xuất bản năm 1991. Với 9.000 từ mục từ Việt, hơn một vạn từ Việt khác dẫn
ra để diễn nghĩa các mục từ Việt, người đọc sẽ hiểu được ngữ nghĩa mục từ Việt,
qua đó hiểu được sắc thái văn hóa VN hồi thế kỷ 17. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cuốn
Từ điển quý này là sự kết nối thành công trong khoa học giữa Viện Khoa học xã hội
tại TPHCM với giới trí thức cao cấp Thiên chúa giáo. Vào lúc các học giả uyên
bác Thiên chúa giáo làm Từ điển Việt – Bồ – La thì Viện ta và các Lm Phan Khắc
Từ, Lm Thiện Cẩm, Lm Trương Bá Cần, GS Lý Chánh Trung, có sự tham dự của GS. Phạm
Như Cương, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, cùng nhau tổ chức Hội thảo
khoa học bàn về “Lịch sử Đạo Thiên chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam”[19]
ngày 11-12/03/1988 nhân những người Việt Nam được Giáo hội Thiên chúa giáo
phong Thánh. Lúc đó, trong thâm tâm tôi hiểu rằng nền Khoa học xã hội Việt Nam đã
lên ngôi trở thành khoa học của mọi tầng lớp trí thức Việt Nam trên Miền Đất
Phương Nam.
10. Tôi dành điểm 10 ca ngợi Trung
tâm đào tạo trên Đại học của Viện. Sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho
phép thành lập Trung tâm (1985), Viện huy động lực lượng cốt cán, mời thêm nhà
khoa học bên ngoài, mở các ngành đào tạo Sử học, Dân tộc học, Khảo cổ học, Ngôn
ngữ học. Nghiên cứu khoa học phải gắn với đào tạo trên Đại học để có lớp nghiên
cứu viên kế cận, để có những người kế cận giỏi. GS Trần Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: chỉ có 20%
người mới tuyển trở thành người nghiên cứu khá – giỏi. Đào tạo là truyền bá tri
thức. Tri thức là của cải của người sở hữu nó, là thứ hàng hóa đặc biệt, cho đi
không mất, còn được giàu thêm, càng giàu tri thức càng có giá trên thị trường
chất xám. Nhưng nếu không bồi dưỡng cho tri thức giàu thêm, nó nghèo đi, lạc hậu,
mất giá. Vì vậy đời sống đích thực của Trung tâm đào tạo trên đại học không chỉ nhắm vào những tấm bằng Tiến sĩ Thạc sĩ mà phải
có những Người Trò giỏi, muốn thế phải có những Người Thầy giỏi. Sau tiếng trống
khai trường, âm thanh cuộc sống của Trung tâm vang xa, Trung tâm với những bước
đi khỏe khoắn, đúng quỹ đạo: qua những Lễ trao bằng, Thầy và Trò ngày càng giỏi
hơn.
Tôi có ấn tượng rất đẹp với những cán
bộ của Viện vừa là nhà giáo, vừa là nhà quản lý, mà vẫn là những nhà khoa học
có tên tuổi. PGS.TS. Mạc Đường, người Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm đào tạo,
nhà Dân tộc học đầu ngành. PGS. Lê Xuân Diệm, Phó Viện trưởng, nhà khảo cổ học
đầu ngành ở miền Nam. Các PGS. Hùynh Lứa, PGS. Cao Xuân Hạo, PGS. Hồ Lê, PGS.TS.
Tôn Nữ
Quỳnh Trân là những nhà khoa học đã cống hiến hết mình cho Trung tâm đào
tạo, cũng là những “Chim đầu đàn” trong khoa học của Viện.
Tôi cảm phục nhiều Tân Tiến sĩ của
Trung tâm, do tài năng và ý chí phấn đấu của họ, đã rất thành đạt, được xã hội
trọng thị, cấp trên giao trọng trách quản lý. Tiến sĩ Trần Thị Nhung được bổ
nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lịch sử, nay là Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa
học xã hội. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh của TPHCM.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quy, Phó Viện trưởng Viện khoa học giáo dục. Tiến sĩ Bùi Chí
Hoàng được phong Phó Giáo sư, làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội. Tiến sĩ
Phú Văn Hẳn, người dân tộc Chăm vừa được bổ nhiệm Phó Viện trưởng. Đặc biệt có
hai ông bà luật sư cùng rủ nhau “cắp sách” đến Trung tâm, cùng đoạt học vị cao,
cùng tỏa sáng trong giới Luật sư: Tiến sĩ Luật sư Phan Đăng Thanh và Thạc sĩ Luật
sư Trương Thị Hòa.
Đặc biệt hơn, có những Tiến sĩ kỳ cựu,
đã được Đảng và Nhà nước giao trách nhiệm đứng đầu lãnh đạo Viện nghiên cứu,
trường Đại học trên địa bàn Thành phố. Tiến sĩ Võ Công Nguyện, Viện trưởng Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ[20].
PGS.TS. Phan Xuân Biên, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, Ủy
viên thường vụ Thành ủy TPHCM. Tiến sĩ Võ Văn Sen được cử đi du học tại một trường
Đại học danh giá nhất Hoa Kỳ - Đại học Harvard và trở thành PGS.TS., Hiệu trưởng
trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM.
Mười thành tựu khoa học nói trên, tất
nhiên không phải là tất cả, vẫn là những vầng hào quang lấp lánh từ một Viện Khoa
học xã hội đa ngành, đã 40 năm biết tạo ra cơ chế quy tụ được lực lượng khoa học
từ bên trong, kết nối được các lực lượng ở bên ngoài để sáng tạo những giá trị
khoa học, chứng minh vai trò của nền Khoa học xã hội Việt Nam nhắm vào hai mục
tiêu liền nhau là “Phát triển xã hội” với “Đường lối Đổi mới” trên “Vùng Đất Nam
Bộ”.
Đi tìm nguồn gốc 10 thành tựu ấy, chắc
chắn phải tìm từ nhiều Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Viện Hàn lâm Khoa
học xã hội Việt Nam, từ nhiều Chương trình khoa học của Viện trong nhiều thập kỷ
qua. Riêng tôi là một người nghiên cứu tại Viện, tôi luôn tâm niệm một câu, xem
như kim chỉ Nam cho hành động khoa học, như cẩm nang cho phát triển, đó là “Xuất
phát từ thực tiễn Nam Bộ, trở về phát triển thực tiễn Nam Bộ”.
Câu đó tôi nghĩ là: Nắm vững đường lối
chính sách, nhưng không nhắm thuyết minh đường lối chính sách, mà phải từ thực
tiễn Nam Bộ, sáng tạo luận cứ khoa học làm sáng tỏ đường lối chính sách. Ví
như, phải có chứng minh bằng khoa học, làm rõ chân lí “Nam Bộ là máu của máu Việt
Nam, là thịt của thịt Việt Nam” (Lời Bác Hồ), làm rõ chủ trương “Sài Gòn cùng cả
nước, vì cả nước” (Chủ trương của Thành ủy Sài Gòn 1975), làm rõ đường lối “cả
nước dồn sức cho ĐBSCL, ĐBSCL dồn sức cho cả nước” (Đường lối CNH, HĐH ĐBSCL).
Câu đó là: Vận dụng phép biện chứng của
chủ nghĩa duy vật, nhưng không rập khuôn câu chữ của sách kinh điển, mà phải
đào sâu mối quan hệ biện chứng thực sự có trong thực tiễn đối tượng, từ đó có
sang tạo ra lý luận phù hợp với thực tiễn đối tượng, góp vào bậc thang nhận thức
của xã hội.
Là: Tuân thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của
Viện cấp trên, nhưng chủ động, sáng tạo nghiên cứu từ chính địa bàn mình được
giao phó để có sản phẩm có giá trị vừa thể hiện sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp
trên, vừa góp vào thành tựu chung của toàn ngành Khoa học xã hội.
Là: Từ một Viện đa ngành được trao,
biết tìm ra cơ chế để nhiều chuyên ngành hợp thành nội lực liên ngành, biến nó
thành thứ vũ khí hiện đại, tập hợp được một đội quân thiện chiến về trí tuệ, biết
hợp đồng chiến đấu trên một trận địa tiền phương là Nam Bộ, giành nhiều chiến
công khoa học, tăng giá trị Viện đa ngành Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Tôi đã tìm thấy sợi chỉ đỏ “Từ thực
tiễn trở về thực tiễn” xuyên suốt 10 thành tựu khoa học vừa kể.
Từ khi thành lập Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam, vị thế của Viện Khoa học xã hội ở TPHCM được thay đổi. Lãnh đạo
Viện Hàn lâm không chỉ củng cố bức tường thành Khoa học xã hội do ba chục Viện
chuyên ngành ở Trung ương trấn giữ làm chỗ dựa vững chắc cho Viện chúng ta ở TPHCM,
mà còn chỉ đạo cho Viện ta giữ vững Viện đa ngành, tập trung vào vùng Nam Bộ, cất
đi cho Viện danh hiệu “Viện phát triển bền vững”, trở về Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ. Thêm nữa cho xây dựng Trụ sở mới, cử Viện trưởng mới cho Viện.
Phải chăng đây là cơ hội mới cho Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát triển? Tuy nhiên, Nam Bộ sau 30 năm Đổi mới đã
thay da đổi thịt rất nhiều và đang thay đổi mạnh trong Đổi mới – Phát triển – Hội
nhập – Biến đổi khí hậu toàn cầu. Vậy cơ hội cũng là thách thức, thách thức là
phải có những công trình khoa học mới có giá trị, thiết thực cống hiến vào Nam
Bộ trong thời kỳ đất nước đang hội nhập sâu, đổi mới toàn diện.
Chúng tôi chúc Lãnh đạo Viện từ Lễ Kỷ
niệm năm thứ 40 ngày thành lập Viện, sẽ đúc kết được tri thức, kinh nghiệm tích
lũy 40 năm qua, tạo thành vốn liếng mới, động lực mới để Viện chúng ta mạnh bước
trên chặng đường mới, phục vụ “Phát triển xã hội” với “ Đường lối chính sách”
trên vùng đất “đắc địa” cho Khoa học xã hội là Vùng Đất Nam Bộ.
Tham luận này là của một người già kể
lại những niềm vui khoa học của Viện, cũng là lời Tri ân Viện – Ngôi nhà đã cho
tôi một đời sống khoa học trong suốt 25 năm – một phần tư thế kỷ.
TRẢI NGHIỆM VÀ TẦM
NHÌN
PGS.TS. Mạc
Đường
Nguyên Viện trưởng
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Sau 30 năm công
tác (1975-2005) tại Viện Khoa học xã hội Nam Bộ trước khi hưu trí, tác giả đã
lưu lại năm ấn tượng tâm đắc nhất. Đó là không khí sinh hoạt khoa học, chương
trình liên ngành khoa học có mục tiêu, học ngoại ngữ và quan hệ quốc tế, điểm
bung ra rất sớm một số vấn đề khoa học xã hội, nghĩa tình và tầm nhìn. Từ trải nghiệm 30 năm công tác tại Viện,
tác giả cảm nhận một thực tiễn năm điều cần phải làm ngay trong tương lai, bắt
đầu từ năm 2016. Đó là xác định nhiệm vụ trụ cột, nhận thức đúng chùm quan hệ
thực tiễn, tìm kiếm kiến thức mới, tập hợp nhóm nghiên cứu viên cốt cán tự quản,
thực hiện công trình tư liệu cơ bản về sự kiện đổi mới ở Nam Bộ (1986-2016). Trải
nghiệm càng nhiều, càng có tầm nhìn thoáng rộng.
Trải nghiệm của một viện nghiên cứu khoa học là quá
trình hoạt động của nó trong thực tiễn nhiều năm. Sự trải nghiệm ấy đã để lại
trong tôi những ấn tượng sâu sắc đa chiều qua 30 năm (1975-2005) công tác ở Viện
Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam
Bộ.
Điểm bắt đầu của tôi với Nam Bộ kể từ ngày 19/5/1975 với
quyết định số 64/KHXH-QĐ của GS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã
hội Việt Nam “điều động Thư Ký khoa học
Viện Dân tộc học Mạc Đường đi nhận công tác tại Trung ương Cục miền Nam”.
Trước khi lên máy bay quân sự AN 24 cùng đoàn 6 người vào ngày 25/5/1975 bay
vào Nam[21],
GS. Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học xã hội đã có một buồi sáng căn
dặn đoàn. Tôi nhớ được 3 ý chính: một là
các anh đại diện cho giới khoa học xã hội miền bắc Xã hội chủ nghĩa, đừng làm xấu
danh cho anh em ngoài này; hai là phải
bám thực tế Nam Bộ mà nghiên cứu; ba là phải
dựa vào lãnh đạo địa phương và trí thức tại chỗ để xây dựng các chương trình
nghiên cứu. Ba chính kiến này, tôi luôn luôn ghi tâm, nhớ kỹ khi làm một việc
gì cho Viện trong 30 năm trải nghiệm ấy.
Điểm kết thúc của tác giả là ba ngày tham gia hội thảo
quốc tế về xã hội học do Viện Xã hội học của anh Tương Lai tổ chức ở một khách
sạn tại Non Nước (Đà Nẵng) vào ngày 11/01/2005. Tại đây, tôi với anh Tương
Lai đã đàm thoại sôi nổi về vai trò của
xã hội học, đã gửi gắm một cán bộ trẻ trực tiếp cho một giáo sư xã hội học Mỹ ở
đại học Washington đào tạo cho ngành xã hội học miền Nam. Cũng tại khách sạn
Non Nước này, tác giả đã viết thư xin từ nhiệm Viện trưởng lần thứ 2 với lý do
thực lòng là muốn dành thời gian cuối đời cho việc nghiên cứu khoa học, tán
thành việc cấp trên đề cử một cán bộ kế nhiệm thay thế. Và tác giả vô cùng vui
mừng khi biết bức thư từ nhiệm đã được đọc trong một buổi họp toàn Viện trong
buổi lễ chính thức chuyển giao lãnh đạo, mặc dù tác giả đã vắng mặt vì không mua được vé máy bay trở về Thành phố Hồ
Chí Minh để tham dự.
1. NHỮNG TÂM ĐẮC TRONG 30 NĂM TRẢI NGHIỆM
Trong thực tế
hoạt động, Viện Khoa học xã hội miền Nam sau năm 1975 đã có mặt tại tất
cả các tỉnh miền Nam từ Bình Trị Thiên cho đến Cà Mau. Nhưng công tác tập trung
nhất là ở Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Tuy vậy, về mặt giấy tờ
và nguyên tắc hành chánh, đây chỉ là một Viện nghiên cứu của B2. Về sau này, có
đồng chí đã tiếp cận với nguyên tắc trên để tự hạn chế tầm phát triển của Viện
và tự bó tay mình trước nhu cầu của xã hội đang đặt ra cho Viện. Trong 30 năm
công tác của Viện, cá nhân tác giả còn đọng lại những tâm đắc sau đây:
1.1. Không khí
sinh hoạt khoa học sôi nồi và hào hứng
Trong 20 năm sau ngày thành lập Viện năm 1975, Viện đã
tập hợp được nhiền nguồn trí thức khác nhau. Công tác tổ chức đã liên hệ với hội
trí thức yêu nước thành phố để thu nhận các trí thức khoa học xã hội tại chỗ.
Nhiều trí thức trẻ học ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Cần Thơ và ở các nước Mỹ, Nhật,
Philippine, Pháp, Bỉ, trong đó có các vị sư, linh mục, thầy giảng Tin lành đã
trở thành những cán bộ, những cộng tác viên thường xuyên của Viện. Họ tham gia
sinh hoạt khoa học tích cực ở các Ban Khoa học trong Viện. Song, số cán bộ khoa
học và quản lý của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ở Hà Nội và số cán bộ từ
Trung ương Cục miền Nam cử vào công tác tại Viện chiếm số đông. Sau chiến tranh
kết thúc, đời sống vật chất rất khó khăn, có lúc cực kỳ khó khăn, nhưng các lực
lượng cán bộ và cộng tác viên đều rất hào hứng tham gia các buổi sinh hoạt khoa
học thường kỳ tại các Ban chuyên môn. Ai ai cũng muốn vươn lên nắm lấy khoa học
mác-xít để phát triển tri thức bản thân và đóng góp nghiên cứu khoa học cho xã
hội.
Trong
thời
gian này, Viện còn được Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Trung ương Cục miền
Nam giao cho việc tổ chức lớp học kiến thức Mác-Lênin do Ủy ban Khoa học xã hội
Việt Nam chủ trì cho hơn 100 trí thức và cán bộ cao cấp của chính quyền cũ,
trong đó có cả phó thủ tưởng, các bộ trưởng, thứ trưởng chế độ cũ đã làm tăng
thêm sự hào hứng khoa học và uy tín của Viện trong toàn miền Nam. Địa chỉ 49
Nguyễn Thị Minh Khai một thời đã được biết đến như là một tụ điểm của giới trí
thức cao cấp 2 miền Bắc-Nam hàng tuần gặp nhau 2 lần cùng nhau học tập và nâng
cao tầm nhận thức về các lĩnh vực khoa học xã hội. Thêm vào đó, cấp trên đã bố
trí một ê kíp lãnh đạo Viện có uy tín cao trong xã hội. Đó là GS. Ca Văn Thỉnh,
GS. Phạm Thiều, nhà triết học Vũ Khiêu, nhà văn hóa học Hồ Tôn Trinh, nhà kinh
tế học Lâm Quang Huyên, nhà sử học Phan Gia Bền. Tên tuổi họ được giới trí thức
khoa học xã hội Sài Gòn lúc bấy giờ rất ngưỡng mộ. Uy tín của Viện càng được
ghi nhận rộng rãi ở Sài Gòn- Chợ Lớn khi Ủy Ban Quân quản giao cho GS. Ca Văn
Thỉnh và GS. Phạm Thiều đứng ra chủ trỉ
cuộc họp mặt trí thức tiêu biểu đa ngành nhân dịp ngày 02/9/1975 tại biệt thự Nguyễn Cao Thăng nổi danh sang
trọng nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Được Trung ương Cục miền Nam phân công, một
nhóm công tác của Viện đã tham gia đi phổ biến Nghị quyết 16 của Trung ương Cục
cho trí thức ở Đại học Cần thơ, Đại học Đà Lạt và trí thức Chăm ở Thuận Hải. Đồng
thời, đi khảo sát và có kế hoạch đề xuất tiếp quản kho Châu bản triều Nguyễn,
thư viện tại biệt điện Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt, Trung tâm văn hóa Chăm ở Thuận Hải,
kho tư liệu của chùa Khmer Kleng ở thị xã Sóc Trăng. Theo đề nghị của Trung ương
Cục, Viện đã cử một nhóm cán bộ dân tộc học về tỉnh Hậu Giang đi sâu nghiên cứu
các hậu quả và nguyên nhân của các “biến
động xã hội” trong nông thôn Khmer, lúc đó được gọi là các vụ “bạo loạn” ở
vùng Khmer Nam Bộ trong các năm 1976-1978. Cán bộ của Viện đã tham gia xây dựng
và giảng dạy ở khoa Lịch Sử, trường Đại
học Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh vừa mới được tái lập sau năm 1975. Cán bộ của
Viện còn tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội trí thức yêu nước, tham
gia thành lập Hội Khoa học lịch Sử, Hội Dân tộc học Thành phố Hồ Chí Minh.
1.2. Xây dựng và tham gia các chương trình liên ngành
khoa học có mục tiêu
Xây dựng và tham gia các chương trình liên ngành khoa
học có mục tiêu càng nâng cao uy tín của Viện trong không gian Nam Bộ, thu hút
tri thức sách vở đi vào thực tiễn cuộc sống và đã sản xuất ra được nhiều công
trình nghiên cứu cụ thể (bài luận văn, kỷ yếu, sách xuất bản). Đó là những
chương trình sau đây :
a) Chương trình điều tra nghiên cứu về chủ nghĩa thực
dân mới: Đây là chương trình nghiên cứu khoa học xã hội của Ban Bí thư Trung ương
Đảng giao cho Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện từ năm 1970 với sự chủ
trì của Viện Triết học, Viện Sử học và Viện Văn học. Sau năm 1975, tiếp tục thực
hiện ở miền Nam Việt Nam với sự tham gia của Ban Triết học, Ban Kinh tế học,
Ban Dân tộc học, Ban Sử học của Viện Khoa học xã hội miền Nam. Mục tiêu chính là nghiên cứu các tác động
của các chính sách kinh tế-xã hội do chủ nghĩa thực dân mới thực hiện ở miền
Nam như là một di chứng (after effect) cản trở cho sự phát triển của chính quyền
cách mạng sau năm 1945.
b) Chương trình điều tra
cơ bản Đồng bằng sông Cửu Long (mã số 6002) với sự tham gia của các Ban Kinh tế,
Dân tộc học, Triết học, Sử học, Văn học, Ngôn ngữ học, Thư viện học. Mục tiêu chính là miêu tả, đánh giá tiềm
năng và thực trạng kinh tế, xã hội và văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau
năm 1975 cho đến năm 1985.
c) Xây dựng 4 chương trình liên ngành có mục tiêu: Chương
trình Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình
Tây Nguyên và Chương trình cực Nam Trung Bộ với mục tiêu chính là liên kết địa phương, phát hiện cộng tác viên, miêu tả
và đánh giá tiềm năng và thực trạng kinh tế-xã hội và văn hóa của vùng.
d) Chương trình nghiên cứu xã hội người Hoa ở Thành phố
Hồ Chí Minh sau năm 1975 phối hợp cùng Ban Dân vận Thành Ủy nhằm mục đích khẳng
định vai trò của nhân dân người Hoa trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước và trong
xây dựng kinh tế-văn hóa trong thời hòa bình, cùng thành phố xây dựng chính
sách dân tộc đối người Hoa có quốc tịch Việt Nam.
e) Chương trình xóa đói nghèo đô thị là chương trình đột
phá điều tra nghiên cứu người nghèo ở
thành phố do Viện chủ trì (thực hiện gợi ý của Bí thư Thành Ủy Mai Chí Thọ) trong
lúc Thành phố và cả nước nghiên cứu đói nghèo ở nông thôn nhằm mục tiêu xác định
đặc điểm nghèo đô thị khác với nghèo nông thôn để thực thi một chính sách phù hợp.
g) Chương trình nghiên cứu đô thị hóa ở khu vực Đông
Nam Á và các mô hình đô thị hóa ở Việt Nam với mục đích góp phần phát triển nhận
thức về quy hoạch đô thị ở Thành Phố Hồ Chí Minh.
h) Phát triển thông tin và thư viện học với biên soạn
một bộ thư mục cơ bản dùng cho mọi thời gian như thư mục Đồng bằng sông Cửu
Long và các thư mục chuyên đề về người Hoa, Khmer Nam Bộ và người Chăm.
i) Cùng với các địa phương biên soạn nhiều bộ địa
phương chí như Long An địa chí, Bến Tre địa chí, Tây Ninh địa Chí, cùng với Hội
đồng Khoa học xã hội Thành phố biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam vào thập niên 80,
tham gia Hội đồng nghiên cứu Nam Kỳ khởi nghĩa của Ban Tuyên giáo Thành Ủy,
tham gia và biên soạn chuyên đề trong Hội đồng quốc gia nghiên cứu Lịch sử Nam
Bộ Kháng chiến do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm chủ nhiệm, tham gia hội đồng quy
hoạch đô thị thành phố Hồ Chí Minh,…
k) Chương trình điều tra nghiên cứu văn hóa Óc Eo,
phương ngữ Nam Bộ, văn học dân gian Nam Bộ, văn học đô thị Nam Bộ, ngôn ngữ dân
tộc thiểu số miền Nam với mục đích xác định giá trị văn hóa Nam Bộ trong nền
văn hóa Việt Nam đương đại là những chương trình nghiên cứu được nhiều cơ quan
và địa phương Nam Bộ sử dụng và hoan nghênh.
1.3. Phong trào học tập, quan hệ quốc tế và đào tạo
nguồn nhân lực khoa học xã hội
Trong 20 năm đầu sau giải phóng, không khí học tập và
ý nguyện “mở” trong đào tạo nguồn nhân lực và quan hệ quốc tế đã trở thành một
xu hướng mới trong sự nghiệp phát triển Viện. Đó là các phong trào :
a) Học ngoại ngữ và hợp tác quốc tế - một nét đặc thù
đầy kịch tính của Viện Khoa học xã hội trong những năm 1977 cho đến năm 1998.
Trong thời gian 3 năm đầu (1976-1979), Viện đã khai giảng các lớp ngoại ngữ Nga
Văn, Pháp văn và Anh Văn. Nhiều cán bộ trong Viện và cộng tác viên thường xuyên
ngoài Viện được tham gia học tập. Các buổi học được duy trì đều đặn, nhưng việc
học này trái với nguyên tắc tổ chức và vi phạm quy định tài chính, một số học
viên chạy ra nước ngoài. Vì vậy, các lớp ngoại ngữ chỉ tồn tại được 2 năm là phải
giải thể. Một số học viên lại tụ tập trong các Ban chuyên môn để tự giúp nhau học
ngoại ngữ, nhưng cũng không tồn tại được lâu. Sang thập kỷ 80 và 90, thông qua
Phòng quan hệ đối ngoại, Viện tổ chức được lớp Anh ngữ do tổ chức từ thiện đạo
Mormon bang Utah (Hoa Kỳ) giúp đỡ toàn bộ, kể cả chi phí ăn ở của giáo viên tại
Thành phố Hồ Chí Minh. Lớp học tồn tại trong nhiều cách nghĩ khác nhau nên đã
chấm dứt hoạt động sau hơn một năm hoạt động có kết quả. Thời gian này, chỉ có
Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước duy nhất tự
mở lớp tiếng Anh do người Mỹ giảng dạy
và là cơ quan nghiên cứu khoa học nhà nước được Toyota Foundation và Quỹ Ford
tài trợ nghiên cứu và phát triển theo thời gian tài khóa 2 năm/lần.
Viện được tiếp tục giao lưu với các nhà khoa học Liên
Xô, CHDC Đức, Bungari, Pháp, Nhật đến làm việc. Phần lớn, khách quốc tế là những
chuyên gia khách mời của các Viện trong Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ở Hà Nội.
Nhưng từ năm 1900 trở đi, Viện đã có những chương trình hợp tác dài ngày riêng
với tổ chức Toyota Foundation, Ford Foundation, trường Đại học Hoa Kỳ Minosota,
Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ và Đại học Walonggong (Australia). Tại Viện đã
có nhiều cuộc hội thảo quốc tế song phương với Nhật bản,Thái Lan, Namur (Bỉ),
Viện Viễn đông bác cổ (Pháp), Đại học Hong Kong và đoàn nghiên cứu làng Khánh Hậu
của GS. Sukarai (Đại học Tokyo)… Những chương trình này đáng lý ra phải được
phát triển mạnh hơn, nhưng đã ngày càng yếu dần và kết thúc.
b) Từ bồi dưỡng kiến thức khoa học xã hội sau đại học
đến chính thức trở thành một trung tâm đào tạo sau đại học về khoa học xã hội đầu
tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ nguyện vọng của nhiều người và đã được trải nghiệm
qua chế độ “ghi danh” để tự nâng cao
kiên thức bản thân của công dân, được Ban Tuyên huấn Thành Ủy và Thứ trưởng Bộ
Giáo dục Vũ Ngọc Hải ủng hộ, khuyến khích, Viện đã mở ra lớp bồi dưỡng kiến thức
khoa học xã hội với trình độ sau đại học để làm nhiệm vụ “phổ biến kiến thức khoa học xã hội cách mạng” và “xây dựng nguồn nhân lực
khoa học xã hội cách mạng”. Viện đã mời GS. Trần Văn Giàu giảng về lịch sử
tư tưởng ở Việt Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà giảng về lịch sử chiến tranh Việt
Nam, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng giảng về lịch sử Nam Bộ Kháng chiến, nhà
nghiên cứu Trần Giang giảng về Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhà giáo Lê Văn Sáu giảng về
sử học, nhà nghiên cứu Vũ Khiêu giảng về triết học và mỹ học, nhà nghiên cứu Hồ
Tôn Trinh và nhà nghiên cứu Hoàng Như Mai giảng về văn học và ký hiệu học, nhà
nghiên cứu kinh tế Lâm Quang Huyên giảng về kinh tế nông nghiệp và nhiều nhà
khoa học khác tham gia thuyết trình. Hàng trăm học viên từ các cơ quan thành phố,
quận huyện, các tỉnh quanh Sài Gòn đều có người tự nguyện đến tham gia học tập,
có người từ Huế và Cần Thơ hàng tháng đến học một lần. Một số ít là người làm
vườn, chủ nhiệm hợp tác xã, đạp xe xích lô (2 người) vốn có trình độ đại học dưới
chế độ cũ nay muốn được nâng cao trí thức khoa học xã hội cách mạng. Mọi công
dân muốn hiểu biết về khoa học xã hội cách mạng đều tự do đến ghi danh học tại
Viện Khoa học Xã hội thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Đó là một thời “nhộn nhip nhất” trong tâm thức của nhiều
cán bộ của Viện hiện còn.
c) Ngày 05/4/1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ
Nguyên Giáp đã ký quyết định số 127/CT giao cho Viện nhiệm vụ đào tạo cán bộ
sau đại học. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Viện là một trong 2 cơ sở (trường Đại học
Kinh tế) được công nhận đào tạo khoa học xã hội ở miền Nam sớm nhất. Trong hệ
thống các Viện của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Thành Phố Hồ Chí Minh
cũng là 1 trong 2 cơ sở (Viện Luật học) được công nhận cơ sở đào tạo nghiên cứu
sinh đầu tiên. Trong 10 năm đầu (1985-1995), Viện Khoa học xã hội tại Thành phố
Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nghiên cứu sinh về khoa học xã hội, nhất là
trên các lĩnh vực dân tộc học, sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ học có tiếng vang
trong dư luận trí thức ở các tỉnh Nam Bộ lúc bấy giờ.
1.4. Những nét đặc thù
trải nghiệm của 40 năm phát triển
Trong khi cả nước và tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có
các ngành Xã hội học, giáo trình Phụ nữ học, Dân tộc học nghiên cứu đô thị, Dân
tộc học nghiên cứu tôn giáo và Tôn giáo học, nghiên cứu nghèo đô thị, nghiên cứu
Đông Nam Á và đô thị hóa Đông Nam Á, nghiên cứu văn hóa cổ Óc Eo và văn hóa cổ
sông Đồng Nai thì tại Viện Khoa học
xã hội, các nghành nghiên cứu nói trên đã sớm hình thành, hoạt động mạnh mẽ và
đạt được nhiều thành tích cụ thể. Có thể nói, Viện Khoa học xã hội tại Thành phố
Hồ Chí Minh là điểm góp phần gợi mở cho sự “bung
ra” các hướng nghiên cứu mới nói trên trong khoa học xã hội Việt Nam sau
năm 1975.
1.5. Nghĩa tình và tầm nhìn cơ bản
Không khí nghĩa tình bao trùm lên cuộc sống toàn Viện,
khiến tình cảm gắn bó nhau thêm đậm đà. Trong những lúc khó khăn nhất, Viện đã
xông xáo đi đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mua gạo, thực phẩm đem về cho
bộ phận hành chánh chia đều cho mọi người. Chiều thứ bảy hàng tuần, cán bộ đến
Viện để được nhận “đầu tôm, đầu cá” xuất khẩu của xí nghiệp Cầu Tre “ưu tiên” cải
thiện bữa ăn cho cán bộ Viện. Việc lo giỗ kỵ cụ Viện trưởng hàng năm, việc thăm
mộ cụ Phạm Thiều vào dịp cuối
năm, thăm viếng các cán bộ kế toán quá cố, việc ghi nhớ các cán bộ đã qua đời
luôn được ghi lòng, việc lập xí nghiệp đời sống để cải thiện đều được toàn thể
cán bộ tham gia tích cực. Viện là một cộng đồng cán bộ và nhân viên có tình
thân hữu và nhân văn khá đậm đà.
Một trong những nhân tố để phát triển Viện là phải có
tầm nhìn cơ bản đúng về con người nghiên cứu khoa học xã hội. Phải cổ vũ lòng
quí trọng nghề nghiệp nhau, không nên quan niệm khoa học này là “mũi nhọn”, khoa học khác là “mũi tà” để bên trọng, bên nhẹ mà tất cả
các ngành phải là mũi nhọn trên mỗi lãnh vực khoa học chuyên ngành để thực hiện
liên ngành giải quyết một mục tiêu nghiên cứu cụ thể đã quy định. Chuyên ngành sâu để thực hiện liên ngành là
bước đi phát triển nhanh của một Viện nghiên cứu. Mặt khác, sống và làm việc
với nhau trong cộng đồng không chỉ có sinh hoạt khoa học mà phải chú trọng lợi
ích của cán bộ, đoàn kết nhau, tôn trọng nhau, giúp nhau tận tình. Viện là một tổ chức phát triển khoa học xã hội
trong bầu không khí của tình nhân văn thân hữu được xem là trung tâm.
2. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY CHO TƯƠNG LAI PHÁT TRIỂN CỦA
VIỆN
Nói về trải nghiệm trong quá khứ, ắt phải nghĩ đến cần
phải làm gì cho tương lai? Để
phát triển và phát triển bền vững, trước mắt, Viện nên vận hành tư duy khoa học
theo 5 hướng sau đây:
Một là, cần xác định sâu sắc nhiệm vụ trụ cột của Viện
là nghiên cứu cơ bản về vùng Nam Bộ trong
bối cảnh lịch sử đương đại, nhất là những biến đổi xã hội (social change) toàn
cảnh của tiến trình đổi mới từ năm 1986 đến năm 2016.
Hai là, phải xác định mối quan hệ của Viện với các địa
phương vùng Nam Bộ như là một thực thể bắt buộc. Về chuyên môn và quản lý, Viện
chịu sự điều hành trực tiếp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (từ Hà nội).
Nhưng về mặt không gian lịch sử-kinh tế-xã hội vùng Nam Bộ, Viện không gắn kết chặt chẽ với Thành phố Hồ
Chí Minh, các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ thì Viện sẽ bị rơi vào thế khu
biệt và kém tác dụng thực tiễn.
Ba là, tìm kiếm những kiến thức mới từ nước ngoài để
phát triển khoa học là rất cần thiết và quan trọng. Nhưng cần thiết và quan trọng
hơn là biết tổng kết lý luận từ thực tiễn và trải nghiệm Việt Nam, từ thực tiễn
xây dựng Viện 40 năm qua.
Bốn là, tuyển lựa một số cán bộ (đương chức trong Viện)
và cộng tác viên (ngoài Viện, kể cả cán bộ hưu trí của Viện) có tầm say mê và
có năng lực cống hiến cho khoa học xã hội thành một “nhóm nghiên cứu” hạt nhân tự quản làm điểm tựa cho sự phát triển bền
vững của Viện.
Năm là, cần
đầu tư ngay cho một công trình tư liệu cơ bản có chủ đề “Nam Bộ - những sự kiện đổi mới (1986-2016)”, sản phẩm sách xuất bản vào tháng 9/2017, trước lễ khai mạc APEC Việt
Nam vào tháng 11/2017. Công trình do Viện chủ trì và liên kết với các Sở Khoa học
và Môi trường các tỉnh Nam Bộ cùng thực hiện./.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 7 năm 2015
ĐÓNG GÓP CỦA VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VÙNG NAM BỘ TRONG NGHIÊN CỨU
PHÂN TẦNG XÃ HỘI
GS.TS. Bùi Thế Cường
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Cơ cấu xã hội/
phân tầng xã hội ở Nam Bộ là một trong những hướng nghiên cứu đáng chú ý của Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Bài viết điểm những công trình do các nhà nghiên cứu
của Viện tiến hành điều tra và phân tích về cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội ở Nam
Bộ trong 40 năm qua. Bài viết nêu lên sáu đặc điểm chính trong đóng góp của Viện
đối với hướng nghiên cứu này[22].
1. MỞ ĐẦU
Cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội ở Việt Nam là một hướng
nghiên cứu lớn. Tổng quan bước đầu của tôi cho thấy một tăng trưởng mạnh về số
lượng qua thời gian (Biểu đồ 1) và chỉ ra ba địa chỉ chủ yếu mà người ta không
thể bỏ qua khi xem xét tình hình nghiên cứu cơ cấu/ phân tầng xã hội ở Việt
Nam. Đó là Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê; cụm các cơ quan nghiên cứu
của Đảng mà nòng cốt là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; và Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó chủ yếu là Viện Xã hội học và Viện Khoa
học xã hội vùng Nam Bộ (Bùi Thế Cường, 2014). Bài viết này nói đến nghiên cứu
cơ cấu/ phân tầng xã hội do các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam
Bộ thực hiện.
Cần nói thêm, nghiên cứu ở Việt Nam thường sử dụng hai
thuật ngữ “cơ cấu xã hội” và “phân tầng xã hội” chuyển đổi cho nhau, mặc dù thuật
ngữ đầu hàm nghĩa rộng hơn (chẳng hạn trong một số công trình, thuật ngữ ấy bao
hàm cả cơ cấu nhân khẩu). Vì vậy, trong bài này tôi đề cập cả những bài viết sử
dụng thuật ngữ “cơ cấu xã hội” nhưng hàm nghĩa phân tầng xã hội, và tôi sử dụng
cả hai thuật ngữ này theo cách có thể chuyển đổi cho nhau. Trình bày của tôi sẽ
đi theo thời gian, tạm chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 15 năm.
2. TỪ 1975
ĐẾN CUỐI THẬP NIÊN 1980
Cuối thập niên 1970 và trong thập niên 1980, Viện Khoa
học xã hội tại TPHCM[23]
đã tiến hành một số chương trình nghiên cứu dài hạn và quy mô về cơ cấu xã hội ở
Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và Nam Bộ nói chung.
Về ấn phẩm, ta thấy có Phan An với bài Vấn đề trung nông Khơ-Me ở Đồng bằng sông Cửu
Long (1978), Trần Hữu Quang Nhận
diện cơ cấu giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (1982), Lê
Minh Ngọc Về tầng lớp
trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long (1984), Đỗ
Thái Đồng Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự
phát triển ở một xã nông thôn Nam Bộ (Điều tra xã hội học tại xã Hiếu Nghĩa,
huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long) (1989).
Biểu đồ 1. Số ấn phẩm (bài tạp chí khoa học và sách) về
nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam từ thập niên 1980 đến gần đây
Nguồn: Tác giả thu thập, số liệu chưa đầy đủ.
Biểu đồ 2. Số ấn phẩm (bài tạp chí khoa học và sách) về
nghiên cứu phân tầng xã hội ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, 1975-2015
Nguồn: Tác giả thu thập, số liệu chưa đầy đủ.
3. THẬP NIÊN 1990 ĐẾN GIỮA THẬP NIÊN 2000
Vào năm 1990, Lê
Minh Ngọc có bài viết không xuất bản chính thức Chuyển biến cơ cấu giai cấp xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đỗ
Thái Đồng có bài nghiên cứu Cơ cấu xã hội-văn hóa ở miền Nam nhìn theo mục tiêu phát triển
của cả nước (1991) và Con đường từ kinh tế tiểu nông đến kinh tế hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long (1995). Nguyễn
Quang Vinh xuất bản năm 1992 bài Đổi
mới kinh tế và tính năng động của toàn bộ cơ cấu xã hội. Năm 1995, Nguyễn Công Bình công bố
ấn phẩm Cơ cấu xã hội, sự phân tầng xã hội và chính sách xã hội ở nông thôn Nam
Bộ.
Cuối thập niên 1990 và nửa đầu thập niên
2000, phối hợp với Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ và dựa trên tài trợ của Quỹ
Ford, Viện Khoa học xã hội tại
TPHCM
tiến hành Dự án Vấn đề giảm nghèo trong
quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này thực hiện khảo sát
định lượng hộ gia đình với cỡ mẫu 1.050 hộ gia đình tại ba xã phường thuộc
TPHCM. Một số nhà nghiên cứu của Viện dựa trên bộ dữ liệu của Dự án để phân
tích về những khía cạnh liên quan đến phân tầng xã hội (Nguyễn Thế Nghĩa và cộng
sự, 2001, 2005. Mạc Đường, 2004).
Năm 2001, có bài của Lê Thanh Sang và
Quách Thu Cúc Việc làm và cơ hội thăng tiến
cho người lao động (2001), bài của Phạm Ngọc Đỉnh Niềm tin về sự thăng tiến vượt nghèo (2001). Năm 2005 có bài của
Nguyễn Thu Sa Chênh lệch về thu nhập và sự thăng
tiến của các tầng lớp dân cư (Qua nghiên cứu tại ba cộng đồng ở Thành phố Hồ
Chí Minh) (2005), bài
của Văn Thị Ngọc Lan Phân
tầng xã hội - một hiện thực trong nền kinh tế thị trường (Qua nghiên cứu một số
xã ở tỉnh Long An)
(2005), bài của Văn Ngọc Lan và Trần Đan Tâm Mạng lưới xã hội và cơ hội thăng tiến trong đời sống dân cư đô thị
(2005).
Cũng
trong nửa đầu thập niên 2000, Nguyễn Công Bình chủ trì Đề tài Nghiên cứu
phân tích đánh giá thực trạng sự phân tầng xã hội trong phát triển kinh tế thị
trường ở tỉnh Vĩnh Long dưới danh
nghĩa Đại học Cửu Long (Nguyễn Công Bình 2002).
Năm 2004, Đỗ Thái Đồng có
báo cáo Vấn đề trung lưu
hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và dự báo xu thế biến đổi.
Đây là một công trình của Trung tâm Khoa học xã hội
và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh với tài trợ của Sở Khoa học và công nghệ
TPHCM.
4. NỬA CUỐI THẬP
NIÊN 2000 ĐẾN NAY
Từ nửa sau thập niên 2000, Viện Khoa học
xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục chú trọng
xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và tri thức phục vụ chiến lược nghiên cứu của
Viện về cơ cấu xã hội/phân tầng xã hội. Điều này thực hiện qua hai hướng. Hướng
thứ nhất thu thập tài liệu và làm tổng quan nghiên cứu. Hướng này đã xây dựng Bộ
thư mục về phân tầng xã hội gồm 381 đầu tài liệu và Bộ thư mục về các tầng lớp
trung lưu gồm 171 đầu tài liệu (Trần Hữu Quang, 2010).
Hướng thứ hai tiến hành những khảo sát định lượng quy
mô và đại diện cho vùng Nam Bộ về cơ cấu xã hội. Viện Khoa học xã hội vùng Nam
Bộ thực hiện ba khảo sát định lượng lớn về cơ cấu xã hội, phúc lợi và lối sống,
đại diện cho Đồng bằng sông Cửu Long (2008), TPHCM (2010) và Đông Nam Bộ
(2010). Khảo sát năm 2008 ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Chương trình Những vấn đề cơ bản trong sự phát triển của
vùng Tây Nam Bộ (CT06-22) (Bùi Thế Cường, 2011b. Lê Thanh Sang, 2009). Khảo
sát năm 2010 ở TPHCM thuộc Đề tài Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc
lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (Bùi Thế Cường,
2013a). Khảo sát năm 2010 ở Đông Nam Bộ thuộc Chương trình Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ giai đoạn
2011-2020 (CT09-22) (Bùi Thế Cường, 2011c. Lê Thanh Sang, 2011). Ba
khảo sát theo tiểu vùng nêu trên hợp thành một bộ số liệu thống nhất cho vùng Nam
Bộ gồm 3.060 hộ gia đình sống tại 90 xã phường thị trấn. Thủ tục chọn mẫu đại
diện cho toàn vùng Nam Bộ. Bảng hỏi gồm hơn 40 câu hỏi tổng hợp (khoảng 200 câu
hỏi chi tiết), bao quát sáu lĩnh vực chủ chốt liên quan đến cơ cấu xã hội, phúc
lợi và văn hóa của hộ gia đình. Cũng năm 2010, Viện còn tiến hành một nghiên cứu
tương tự ở Vĩnh Long (Bùi Thế Cường, 2011a).
Kết quả của các khảo sát định lượng ấy được một số nhà
nghiên cứu trong Viện công bố liên tục trong mấy năm qua. Đó là: Bùi Thế Cường,
Trần Đan Tâm và Lê Thanh Sang (Điều kiện
sống, sử dụng thời gian rỗi, và cảm nhận của người dân về cuộc sống qua một khảo
sát định lượng ở miền Tây Nam Bộ, 2009); Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang (Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng
xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008, 2010);
Bùi Thế Cường, Lê Thanh Sang và Trần Đan Tâm (Thành phố sống tốt nhìn từ hộ gia đình ở Thành phố
Hồ Chí Minh, 2010); Lê Thanh Sang (Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến
đo lường thực nghiệm, 2010); Lê Thanh Sang và Bùi Thế Cường (Phân bố chuyển dịch đất nông nghiệp của hộ
gia đình ở Tây Nam Bộ, 2010); Trần Đan Tâm (Chọn mẫu cho 3 cuộc khảo sát “Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội”
tại vùng Nam Bộ, 2010); Lê Thế Vững (Sự
chuyển đổi việc làm của cư dân Tây Nam Bộ trong 5 năm trở lại đây, 2010);
Bùi Thế Cường (Một số nét về điều kiện sống
của người dân Thành phố Hồ Chí Minh qua cuộc khảo sát xã hội năm 2010, 2012a. Đi
tìm một cách quan trắc biến đổi xã hội phục vụ quản lý phát triển,
2012b. Quan trắc cơ cấu giai tầng xã hội để phục vụ quản lý phát triển,
2012c); Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu (Cơ cấu phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ trong tầm nhìn so sánh với Thành
phố Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ, 2013); Bui The Cuong (Social Stratification in the Southeast Region of
Vietnam,
2015).
Gần
đây nhất là một số bài về phân tầng xã hội đã hoặc sắp xuất bản trên Tạp chí
Khoa học xã hội TPHCM (Đỗ Thiên Kính, 2015: Xu
hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
trong thời kỳ đổi mới), Tạp chí Xã hội học (Bùi Thế Cường, 2015: Nông
dân trong cấu trúc phân tầng xã hội), Tạp chí Nghiên cứu phát triển TPHCM (Bùi Thế Cường, Phạm Thị Dung, Tô Đức Tú, 2015:
Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí
Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu). Đây là những sản phẩm đầu tiên của vòng
khảo sát lặp lại mà Viện thực hiện năm 2014-2015 nhờ vào đề tài cấp Nhà nước
KX.02.20/11-15 và đề tài do TPHCM tài trợ.
Tiếp nối chương trình khảo sát định lượng nói trên,
trong hai năm 2011-2012, Viện triển khai Chương trình Nghiên
cứu Nam Bộ 2011-2012 (CT11-22) mà một trọng tâm của chương trình là tìm hiểu
động thái của cơ cấu xã hội và văn hóa ở cấp vi mô (gia đình và cộng đồng ở Nam
Bộ). Đây là kiểu nghiên cứu cộng đồng mà địa điểm nghiên cứu được chọn từ
những địa bàn đã rơi vào danh mục của ba khảo sát định lượng nói trên (Bùi Thế Cường,
2013b).
Chương
trình có ba đề tài phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu chuyển động của cơ cấu xã hội
vi mô. Đó là đề tài Cộng đồng
xã ấp trong sự phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ (2011-2020) (Chủ nhiệm
đề tài: Trần Thị Nhung). Sản phẩm công bố của đề tài gồm Cộng đồng ở
nông thôn Đông Nam Bộ và chương trình xây dựng nông thôn mới (Trường hợp xã
Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) (Trần Thị Nhung,
2012) và Những đặc trưng trong quá trình phát triển của các cộng đồng xã ấp Đông Nam
Bộ từ giữa thế kỷ XX đến nay (Trần Thị Nhung, 2014).
Phan Văn Dốp triển khai đề tài thứ hai tương tự cho Đồng bằng sông Cửu Long: Cộng đồng xã ấp trong sự phát triển bền vững
vùng Tây Nam Bộ (2011-2020). Trần Hữu Quang phụ trách đề tài thứ ba Một số đặc trưng về
định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai
đoạn 2011-2020. Sản
phẩm công bố của đề tài gồm bài của Nguyễn Nghị năm 2012 (Doanh nghiệp và nông
dân ở Đồng bằng sông Cửu Long); bài của Trần Hữu
Quang năm 2012 (Nông hộ và ruộng đất: Những chuyển động và thách thức (qua
khảo sát tại hai xã nông nghiệp ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)) và
năm 2013 (Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến
trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020); bài của Phan Thanh Lời và
Vũ Ngọc Xuân Ánh năm 2013 (Cơ cấu nghề nghiệp và xu hướng chuyển đổi việc làm
của cư dân nông thôn Nam Bộ).
5. ĐÓNG GÓP
Phần trên liệt kê theo thời gian những đề tài và công
trình chủ yếu mà các nhà nghiên cứu ở Viện thực hiện và công bố từ cuối thập
niên 1970. Câu hỏi đặt ra là: những nghiên cứu ấy đóng góp như thế nào về lý
thuyết và thực nghiệm? Trả lời câu hỏi này cần một tổng quan nghiên cứu dài.
Xem xét sơ bộ, theo tôi, có thể nói đến sáu đặc điểm sau đây.
5.1. Đóng vai trò chủ chốt và liên tục trong nghiên cứu
phân tầng xã hội ở Nam Bộ
Người ta có thể nói, ở mức độ nhất định, về một hướng
nghiên cứu cơ cấu xã hội/phân tầng xã hội ở vùng Nam Bộ và TPHCM do các nhà
nghiên cứu làm việc ở TPHCM thực hiện. Truyền thống này bắt đầu từ thập niên 1980,
có một số nghiên cứu trong thập niên 1990 và 2000, và có những bước phát triển
mới trong thập niên 2010[24].
Trong truyền thống này, ngay từ cuối thập niên 1970 đầu
thập niên 1980, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đóng vai trò quan trọng và
tương đối liên tục theo thời gian. Từ 2006 đến nay, Viện Khoa học xã hội vùng Nam
Bộ cố gắng tiếp tục truyền thống nghiên cứu cơ cấu xã hội/phân tầng xã hội dựa
trên thực nghiệm mà Viện đã khởi đầu.
5.2. Quan tâm từ sớm, lâu dài và khá liên tục
Ưu điểm này nói lên nghe đơn giản, nhưng thực tế không
dễ dàng. Trước hết, xin nói về tình hình chung. Như tôi đã đề cập trong một số
hội thảo, nghiên cứu thực nghiệm về phân tầng xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá
manh mún (một “văn hóa” phổ biến trong bất kỳ việc gì ở Việt Nam). Từ đầu thập
niên 1990 Nhà nước tăng cường đầu tư mạnh cho khoa học xã hội. Các đề tài cấp
Nhà nước tập hợp trong những chương trình (dưới mã số KHXH và KX) suốt từ đầu
thập niên 1990 đến nay là rất đồ sộ về quy mô (số lượng đề tài, mức kinh phí).
Song, xét về mặt “quan trắc cấu trúc xã hội một cách có hệ thống”, chúng được
“thiết kế” thiếu tầm nhìn hệ thống trong từng chu kỳ cũng như thiếu tầm nhìn về
tính liên tục giữa các chu kỳ (theo chu kỳ kế hoạch 5 năm). Kết quả là cho đến
nay, với lịch sử các KX đã trôi qua gần 30 năm, hầu như khu vực các chương
trình KX không để lại được bộ dữ liệu cơ cấu xã hội có tính hệ thống nào (có thể
so sánh với các bộ số liệu VLSS và VHLSS mà Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống
kê đã làm suốt từ đầu thập niên 1990 đến nay). Tính hệ thống thể hiện ở chỗ vừa
có được một tập hợp các chỉ số xã hội cơ bản phản ánh trạng thái xã hội tại mỗi
thời điểm, vừa có được tập hợp các chỉ số xã hội cơ bản này qua thời gian, để
so sánh biến đổi xã hội trong dài hạn. Đây là điều thực sự đáng tiếc, vì lãng
phí thời gian, nhân sự và kinh phí là quá lớn (Bùi Thế Cường, 2012b, 2012c,
2014).
Từ nhận định trên, khi chịu trách nhiệm thiết kế chiến
lược nghiên cứu cho Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ giai đoạn 2006-2015, tôi
đã cố gắng tránh nhược điểm ấy trong chừng mực có thể. Khi tiến hành khảo sát
xã hội định lượng, dù kinh phí rất hạn chế, Viện vẫn cố đảm bảo tính đại diện
cho cả vùng Nam Bộ, cũng như cho ba tiểu vùng (Đông Nam Bộ, TPHCM, Tây Nam Bộ).
Đây là điều mà rất nhiều đề tài có khảo sát xã hội định lượng ở Việt Nam tìm
cách né tránh (có thể do không muốn tốn kém kinh phí đã cho hoặc do chưa hiểu
biết đầy đủ tầm quan trọng của yếu tố chọn mẫu). Điều này khiến hạ thấp tiêu
chuẩn tính đại diện của đề tài. Viện cũng theo đuổi tầm nhìn có hệ thống theo
thời gian, bằng cách tìm nguồn tài trợ để nghiên cứu lặp lại (longitudinal
survey). Nhìn trở lại quá trình nghiên cứu ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ,
ta thấy Viện đã sớm quan tâm đến vấn đề này, và cố gắng theo đuổi nó tương đối
liên tục.
5.3. Tinh thần xã hội học thực nghiệm
Khác với nhiều ấn phẩm ở Hà Nội thời kỳ cuối thập niên
1970 và thập niên 1980, Viện Khoa học xã hội tại TPHCM vào cùng thời kỳ lịch sử
ấy có vẻ đã thể hiện nhiều hơn tinh thần xã hội học thực nghiệm, cố gắng phát
hiện vấn đề từ trong thực tiễn, ít bị chi phối bởi những giáo điều. Những
nghiên cứu của Lê Minh Ngọc, Đỗ Thái Đồng và Trần Hữu Quang phản ánh tinh thần
trên. Trong bối cảnh ráo riết thúc đẩy chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa nông
nghiệp như là một “lập trường” không được phép hoài nghi và không gian thảo luận
chật hẹp của khoa học xã hội ở Việt Nam giai đoạn ấy, những bài nghiên cứu khẳng
định vai trò của trung nông Đồng bằng sông Cửu Long quả có thể nói là đột phá
dũng cảm, đáng chú ý cả về học thuật lẫn chính trị.
Vào năm 2010, Trần Văn Tư, một nhà quản lý ở tỉnh Hậu
Giang thập niên 1980 đã hồi tưởng đóng góp của Viện thời kỳ ấy. Theo Ông kể,
cho đến giữa thập niên 1980 huyện Thốt Nốt tỉnh Hậu Giang vẫn gặp rất nhiều khó
khăn trong việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng lúa. “Nguyên nhân trong thời
kỳ đó là do quản lý không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, do đó không phát huy
được nguồn lực cơ cấu xã hội; lực lượng động lực của nền kinh tế là tầng lớp trung nông và tiểu chủ, không
được phát huy lại bị kiềm chế”. Năm 1986, huyện Thốt Nốt kết hợp với Viện Khoa
học xã hội tại TPHCM làm Đề tài Quản lý để
phát triển huyện Thốt Nốt nhằm nghiên cứu vai trò của tập đoàn sản xuất và
kinh tế nông hộ. Đề tài đi đến kết luận “nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của
huyện Thốt Nốt không phải là tập đoàn sản xuất mà là kinh tế nông hộ; nông hộ
là đơn vị kinh tế cơ bản ở nông thôn”. Dựa trên kết quả đó, huyện đã xây dựng
mô hình ứng dụng triển khai Đề tài vào thực tế, đạt kết quả tốt. Huyện Thốt Nốt
đã có báo cáo mô hình gửi về Ban Nông nghiệp Trung ương tham dự vào quá trình
chuẩn bị Nghị quyết 10 Bộ Chính trị Đổi mới
quản lý kinh tế nông nghiệp ra đời năm 1988 (Trần Văn Tư, 2010, trang
140-141).
5.4. Tiếp cận thực nghiệm có hệ thống
Những trình bày ở trên về hoạt động nghiên cứu cơ cấu/
phân tầng xã hội ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thời kỳ sau 2006 đến nay
cho thấy trong 10 năm qua Viện chú trọng nghiên cứu thực nghiệm một cách hệ thống
hơn. Điều này thể hiện ở thiết kế chọn mẫu, tầm nhìn khảo sát lặp lại, và ở sự
kết hợp khảo sát cấp độ vĩ mô-vi mô. Việc chọn mẫu cho ba khảo sát ở ba tiểu
vùng Tây Nam Bộ (2008), TPHCM và Đông Nam Bộ (2010) đều đảm bảo tính đại diện
khá cao cho cả ba khu vực, mặc dù cỡ mẫu nhỏ. Năm 2015, Viện đang tiến hành khảo
sát lặp lại cho Đông Nam Bộ và TPHCM. Chương trình Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012 thực hiện năm 2011-2012 là sự bổ sung
tiếp cận định tính và vi mô cho tiếp cận định lượng và vĩ mô trước đó.
5.5. Đóng góp vào Nghiên cứu Sài Gòn-TPHCM
TPHCM là một đô thị lớn có truyền thống nghiên cứu, bảo
trợ và tài trợ cho khoa học xã hội. Qua thời gian, người ta có thể nói đến
nghiên cứu Sài Gòn-TPHCM như là một lĩnh vực nghiên cứu khu vực học (area
studies), tương tự Hà Nội học, Nghiên cứu Tây Nguyên, Nghiên cứu Đồng bằng sông
Cửu Long. Về mặt này, từ cuối thập niên 1970, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
là một trong những cơ quan nghiên cứu chủ chốt có đóng góp đáng kể vào Nghiên cứu
Sài Gòn-TPHCM. Câu hỏi là, Viện có những hoạt động gì trong nghiên cứu cơ cấu/
phân tầng xã hội ở TPHCM?
Về khảo sát định lượng hộ gia đình, thời gian qua một
số cơ quan nghiên cứu của TPHCM đã thực hiện những công trình quan trọng. Trong
thời kỳ 1995-2000, Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thực
hiện hai khảo sát định lượng nghiên cứu mức sống hộ gia đình (Nguyễn Thị Cành,
2005).
Khoảng 10 năm sau, TPHCM tiếp tục quan tâm đến kiểu nghiên cứu này. Do đó, ta
thấy có Đề tài của Lê Văn Thành Mức sống
kết hợp với môi trường sống của các hộ gia đình TPHCM với cỡ mẫu 600 hộ gia
đình (Lê Văn Thành, 2012). Nguyễn Văn Xê chủ trì Đề tài Thực trạng hộ cận nghèo, hộ khá và các giải pháp tăng hộ khá Thành phố
Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 (2013). Năm 2013, Nguyễn Thị Hậu thực hiện
khảo sát xã hội định lượng hộ gia đình với chủ đề Điều tra chất lượng cuộc sống của cư dân Thành phố
năm 2013 với cỡ mẫu 1.800 hộ gia đình và 1.800 cá nhân (Nguyễn
Thị Hậu, 2014).
Đối với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, liệt kê ở phần
trên cho thấy phần nào diện mạo đề tài và ấn phẩm của Viện về phân tầng xã hội ở
TPHCM trong thời gian 1990-2005. Và từ 2006 đến nay có vài nỗ lực mới. Năm
2006, Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM kết hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
và Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức Hội thảo Sự thống nhất và mâu thuẫn về lợi ích giữa các
nhóm, giai tầng xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay: Thực trạng và giải
pháp (8/12/2006), đánh dấu một giai đoạn quan tâm mới đối
với phân tầng xã hội ở TPHCM trong 10 năm gần đây (Viện Nghiên cứu xã hội
TPHCM, 2006). Năm 2010, Viện tiến hành Đề tài Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh
hiện nay với cỡ mẫu 1.080 hộ gia đình (Bùi Thế Cường, 2013).
Cũng cần nhắc đến một số luận văn thạc sĩ do các nhà
nghiên cứu của Viện thực hiện hoặc hướng dẫn thực hiện. Đó là luận văn thạc sĩ
của Phan Thị Thùy Trâm Vấn đề phân tầng
xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân
văn TPHCM, 2007); luận văn thạc sĩ của Ngô Văn Huấn Một số đặc điểm trong đời sống hộ gia đình ở Quận
Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay qua một cuộc khảo sát định lượng (Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã
hội Việt Nam, 2013); luận văn thạc sĩ của Tô Đức Tú Lối sống của các giai tầng trung lưu hiện
nay (Nghiên cứu trường hợp Thành
phố Hồ Chí Minh) (Học
viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2015); và luận
văn thạc sĩ của Phạm Thị Dung Chăm sóc sức
khỏe ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh (Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội
Việt Nam, 2015, đang thực hiện).
5.6. Là một trọng điểm có dấu
ấn trong chiến lược nghiên cứu chung của Viện
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ là một phân viện đa
ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện có nhiều mũi nhọn nghiên
cứu như khảo cổ học, sử học, dân tộc học. Nghiên cứu xã hội học nói chung,
trong đó có nghiên cứu phân tầng xã hội, là một phần then chốt trong các chương
trình nghiên cứu liên ngành của Viện suốt 40 năm qua.
6. TRỞ NGẠI ĐỂ TIẾP NỐI
Sẽ có nhiều trở ngại, nếu
ai đó muốn duy trì và phát huy sự quan tâm tương đối liên tục của Viện đối với
những hướng nghiên cứu có bề dày thời gian, trong đó có nghiên cứu phân tầng xã
hội. Trở ngại đến từ hai phía: bên trong và bên ngoài Viện.
Trở ngại bên trong là sự yếu
kém về mặt định chế trong loại hình tổ chức cơ quan nghiên cứu được áp đặt từ
trên xuống đối với các cơ quan nghiên cứu, một trở ngại đã kéo dài tới hơn nửa
thế kỷ. Cách tổ chức lâu nay khiến mọi đơn vị nghiên cứu và đào tạo công lập đều
ở tình trạng “suy nhược cơ thể mãn tính”, khiến cho phải rất khó khăn mới có thể
làm được điều gì đó mang tính dài hạn và/ hoặc đột phá.
Trở ngại bên ngoài liên
quan đến những khó khăn vô cùng lớn trong việc tìm được tài trợ từ các cơ quan
Nhà nước và các hội đồng xem xét đề cương cũng như nghiệm thu đề tài. Kinh nghiệm
cá nhân tôi cho thấy luôn là một thách thức rất lớn trong việc tìm kiếm sự hiểu
biết và chia sẻ ý tưởng với các nhà nghiên cứu và quản lý khoa học cao cấp, những
người có quyền lực trong việc chính thức hóa danh mục đề tài, xét cấp kinh phí
và nghiệm thu đề tài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bui, Cuong The. 2015. Social
Stratification in the Southeast Region of Vietnam. IAS Working Paper
Series. No. 16. Universiti Brunei Darussalam Institute of Asian Studies.
2. Bùi Thế Cường. 2010. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam
hiện nay. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
3. Bùi Thế Cường. 2011a. Báo cáo Tổng hợp Đề tài “Điều tra cơ bản về cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc
lợi con người ở tỉnh Vĩnh Long”. Vĩnh Long: Viện Phát triển
Bền vững vùng Nam Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long.
4. Bùi Thế Cường. 2011b. Những vấn đề cơ bản trong sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ. Báo
cáo Tổng hợp Chương trình cấp Bộ CT06-22. Viện
Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
5. Bùi Thế Cường. 2011c. Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ giai đoạn
2011-2020. Báo cáo Tổng hợp Chương trình cấp Bộ CT09-22. Viện Phát triển bền
vững vùng Nam Bộ.
6. Bùi Thế Cường. 2012a.
Một số nét về điều kiện sống của người
dân Thành phố Hồ Chí Minh qua cuộc khảo sát xã hội năm 2010. Trong: Tạp chí Nghiên cứu phát triển. Viện nghiên
cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Số 2/2012. Trang 44-54.
7. Bùi Thế Cường. 2012b.
Đi tìm một cách quan trắc biến đổi xã hội
phục vụ quản lý phát triển. Trong: Kỷ yếu Hội thảo “Khoa học xã hội và phát triển bền vững
Đông Nam Bộ 2012” do Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và Ủy ban Nhân
dân tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức ngày 12-13/7/2012 tại Thành phố Biên Hòa.
8. Bùi Thế Cường. 2012c.
Quan trắc cơ cấu giai tầng xã hội để phục
vụ quản lý phát triển. Trong: Kỷ yếu Hội thảo “Khoa học và công nghệ với sự phát
triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Khoa học và công nghệ
và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức ngày 9/8/2012 tại Hậu Giang.
9. Bùi Thế Cường. 2013a. Báo cáo Tổng hợp Đề tài “Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc
lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”.
TPHCM: Viện Khoa học
xã hội vùng Nam Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
10. Bùi Thế Cường. 2013b. Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012. Báo cáo Tổng hợp Chương trình cấp Bộ CT11-22. Viện
Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
11. Bùi Thế Cường 2014. Đề tài KX.02.20/11-15: Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước.
Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý
phát triển xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”
(KX.02.20/11-15).
12. Bùi Thế
Cường. 2015. Nông dân trong cấu trúc phân
tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 2(130)/2015. Trang 20-31.
13. Bùi Thế Cường, Lê Thanh
Sang. 2010.
Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng
xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 3(139). Trang
35-47.
14. Bùi Thế Cường, Lê Thanh
Sang và Trần Đan Tâm. 2010. Thành
phố sống tốt nhìn từ hộ gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà nội, tỉnh Thừa
Thiên-Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. 2010. Kỷ
yếu Hội thảo khoa học “Phát triển đô thị bền vững” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí
Minh ngày 17-18/5/2010. TPHCM. Trang 361-366.
15. Bùi Thế Cường, Phạm Thị
Dung, Tô Đức Tú. 2015. Tầng
lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu. Chuyên
đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát
triển xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”
(KX.02.20/11-15).
16. Bùi Thế Cường, Trần Đan
Tâm, Lê Thanh Sang. 2009. Điều
kiện sống, sử dụng thời gian rỗi, và cảm nhận của người dân về cuộc sống qua một
khảo sát định lượng ở miền Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 8(132). Trang
11-17.
17. Đỗ Thái Đồng. 1989. Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự phát triển ở
một xã nông thôn Nam Bộ (Điều tra xã hội học tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng
Liêm, tỉnh Cửu Long). Tạp chí
Xã hội học. Số 3(27). Trang 49-59.
18. Đỗ Thái Đồng. 1991. Cơ cấu xã hội-văn hóa ở miền Nam nhìn theo mục
tiêu phát triển của cả nước. Tạp
chí Xã hội học. Số 1(33). Trang 10-14.
19. Đỗ Thái Đồng. 1995. Con đường từ kinh tế tiểu nông
đến kinh tế
hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Xã hội
học. Số 1(49). Trang 17-26.
20. Đỗ Thái Đồng. 2004. Vấn đề trung lưu hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và
dự báo xu thế biến đổi. Phúc trình tổng hợp Đề tài. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí
Minh. TPHCM: Sở Khoa học và công nghệ TPHCM.
21. Đỗ Thiên Kính. 2015. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong: Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM. Số
4(200). Trang 29-40.
22. Lê Minh Ngọc. 1984. Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu
Long. Tạp chí Xã hội học. Số 2(6). Trang 25-31.
23. Lê Minh Ngọc. 1990. Chuyển biến cơ cấu giai cấp xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
TPHCM: Viện Khoa học xã hội (Lưu trữ tại Thư viện Viện Xã hội học: TL2012).
24. Lê Thanh Sang. 2009. Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ “Cơ cấu xã hội, văn hóa
và phúc lợi xã hội vùng Tây Nam Bộ”. TPHCM: Viện Phát triển
Bền vững vùng Nam Bộ.
25. Lê Thanh Sang. 2010. Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến đo lường thực nghiệm.
Trong: Tạp chí Khoa học xã hội.
Số
2(138). Trang 31-40.
26. Lê Thanh Sang. 2011. Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ “Một số vấn đề cơ bản về phát triển xã hội và quản lý xã hội
nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ”. TPHCM: Viện Phát triển
Bền vững vùng Nam Bộ.
27. Lê Thanh Sang và Bùi Thế
Cường. 2010.
Phân bố chuyển dịch đất nông nghiệp của hộ
gia đình ở Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa
học xã hội. Số 4(140). Trang 24-32.
28. Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu. 2013. Cơ cấu phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ trong
tầm nhìn so sánh với Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ. Trong: Tạp chí Khoa học xã hội. Số 2(174). Trang
20-32.
29. Lê Thanh Sang và Quách Thu Cúc. 2001. Việc làm và cơ hội thăng tiến cho người lao
động. Trong: Nguyễn Thế
Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2001. Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. Trang 581-612.
30. Lê Thế Vững. 2010. Sự chuyển đổi việc làm của cư dân Tây Nam Bộ trong 5 năm trở lại đây.
Trong: Tạp chí Khoa học xã hội.
Số
11+12(147+148). Trang 67-72.
31. Mạc Đường. 2004. Nghèo đô thị và cuộc chiến chống đói nghèo ở
Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
32. Ngô Văn Huấn. 2013. Một số đặc điểm trong đời sống hộ gia đình ở
Quận Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay qua một cuộc khảo sát định lượng.
Luận văn thạc sĩ xã hội học. Hà Nội: Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa
học xã hội Việt Nam.
33. Nguyễn Công Bình. 1993.
Cơ cấu xã hội, sự phân tầng xã hội và
chính sách xã hội ở nông thôn Nam Bộ. Tạp chí Xã hội học. Số 4(44). Trang
24-33.
34. Nguyễn Công Bình. 2002.
Nghiên cứu phân tích đánh giá thực trạng
sự phân tầng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường ở tỉnh Vĩnh Long. Sở
Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Vĩnh Long và Trường Đại học Dân lập Cửu
Long. Báo cáo đề tài.
35. Nguyễn Công Bình. 2008. Đời sống xã hội ở vùng Nam Bộ. TPHCM: Đại học Quốc gia TPHCM.
36. Nguyễn Nghị. 2012. Doanh
nghiệp và nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học xã hội
TPHCM. Số 10(170)/2012. Trang 9-21.
37. Nguyễn Quang Vinh. 1992. Đổi mới kinh tế và tính năng động của toàn bộ
cơ cấu xã hội. Trong: Những vấn đề xã
hội học ở miền Nam. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. Trang 20-28.
38. Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc
Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2001. Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
39. Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc
Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2005. Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực
tiễn. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
40. Nguyễn Thị Cành. 2005. Đặc điểm và các động thái phân hóa giàu
nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh qua 5 năm (1995-2000) từ kết quả điều tra của
Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường,
Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2005. Đô
thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực tiễn.
Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. Trang 765-798.
41. Nguyễn
Thu Sa. 2005. Chênh lệch về thu nhập và
sự thăng tiến của các tầng lớp dân cư (Qua nghiên cứu tại ba cộng đồng ở Thành
phố Hồ Chí Minh). Trong: Nguyễn Thế
Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2005. Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực
tiễn. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. Trang: 799-834.
42. Phạm Ngọc Đỉnh. 2001. Niềm tin về sự thăng tiến vượt nghèo. Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng
Chủ biên). 2001. Vấn đề giảm nghèo trong
quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
Trang 467-475.
43. Phạm Thị Dung. 2015. Chăm sóc sức khỏe ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ xã hội học. Hà Nội: Học viện Khoa
học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Đang thực hiện).
44. Phan An. 1978. Vấn đề trung nông Khơ-Me ở Đồng bằng sông Cửu
Long. Trong: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM Ban Dân tộc học. 1978. Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam.
TPHCM: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM Ban Dân tộc học. (Thư Viện Khoa học xã hội.
Vv2562).
45. Phan Thanh Lời và Vũ Ngọc
Xuân Ánh. 2013. Cơ cấu nghề nghiệp và xu
hướng chuyển đổi việc làm của cư dân nông thôn Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội
TPHCM. Số 10(182)/2013. Trang 19-33.
46. Phan Thị Thùy Trâm. 2007. Vấn đề phân tầng xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc
sĩ. TPHCM: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
47. Phan Xuân Biên. 2001. Động thái kinh tế-xã hội ở Đồng bằng sông Cửu
Long trong thập niên cuối thế kỷ XX. Tạp chí Xã hội học. Số
3(75)/2001. Trang 3-8.
48. Tô Đức Tú. 2015. Lối sống của các giai tầng trung lưu hiện nay
(Nghiên cứu trường hợp Thành
phố Hồ Chí Minh). Luận
văn thạc sĩ xã hội học. Hà Nội: Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam.
49. Trần Đan Tâm. 2010.
Chọn mẫu cho 3 cuộc khảo sát “Cơ cấu xã hội,
văn hóa và phúc lợi xã hội” tại vùng Nam Bộ. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 7(143). Trang
83-91.
50. Trần Hữu Quang. 1982. Nhận diện cơ cấu giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.
Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Số 4. Trang 31-38.
51. Trần Hữu Quang. 2009. Hệ thống phúc lợi xã hội ở Thành phố Hồ Chí
Minh với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. TPHCM: Viện nghiên cứu phát
triển TPHCM.
52. Trần Hữu Quang. 2010. Cơ sở dữ liệu, thông tin và tri thức phục vụ
chiến lược nghiên cứu 2006-2010 của Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
TPHCM: Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Báo cáo Đề tài cấp Viện 2009.
53.
Trần Hữu Quang. 2012. Nông hộ và ruộng đất: Những chuyển động và thách thức
(qua khảo sát tại hai xã nông nghiệp ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM. Số 09(169)/2012. Trang 44-60.
54.
Trần Hữu Quang. 2013. Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam
Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020. Báo cáo Đề tài
cấp Bộ. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
55. Trần Thị Nhung. 2012. Cộng đồng ở nông thôn Đông Nam Bộ và chương
trình xây dựng nông thôn mới (Trường hợp xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng
Tàu). Tạp
chí Khoa học xã hội TPHCM. Số 12(172)/2012. Trang 16-23.
56. Trần Thị Nhung. 2014. Những đặc trưng trong quá trình phát triển của
các cộng đồng xã ấp Đông Nam Bộ từ giữa thế kỷ XX đến nay. Tạp chí Khoa học xã hội
TPHCM. Số 10(194)/2014. Trang 58-68.
57. Trần Văn Tư. 2010. Nhớ về một đóng góp của Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh
25 năm trước. Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM. Số 11+12(147+148)/2010. Trang 140-141.
58. Văn Ngọc
Lan và Trần Đan Tâm. 2005. Mạng lưới xã
hội và cơ hội thăng tiến trong đời sống dân cư đô thị. Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng
Chủ biên). 2005. Đô thị hóa và vấn đề giảm
nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Nxb Khoa học xã
hội. Trang 1.095-1.138.
59. Văn Thị Ngọc Lan. 2005. Phân tầng xã hội - một hiện thực trong nền kinh tế thị trường (Qua
nghiên cứu một số xã ở tỉnh Long An). Tạp chí Khoa học xã hội. Số 5/2005.
Trang 46-53.
60. Viện Khoa học xã hội tại
TPHCM Ban Dân tộc học. 1978. Những vấn đề
dân tộc học ở miền Nam. TPHCM: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM Ban Dân tộc học.
(Thư Viện Khoa học xã hội. Vv2562).
61. Viện Nghiên cứu xã hội
TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Báo Sài Gòn giải phóng. 2006. Sự thống nhất và mâu thuẫn về lợi ích giữa
các nhóm, giai tầng xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay: Thực trạng và giải
pháp. Hội thảo khoa học ngày 8/12/2006 tại Viện nghiên cứu xã hội TPHCM.
TPHCM.
XÃ HỘI
HỌC ĐÔ THỊ: KIÊN TRÌ MỔ XẺ NHỮNG CHỦ ĐỀ HÓC BÚA
NCVCC. Nguyễn Quang Vinh
Nguyên Giám đốc
Trung tâm Xã hội học và Phát triển,
Nguyên Phó Viện
trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Trong những ngày mừng tuổi 40 của Viện, là một người
đã cùng đồng nghiệp đóng góp về học thuật và tổ chức cho Viện suốt 40 năm qua,
tôi muốn có đôi dòng để nói về một vài khía cạnh học thuật thú vị của tổ chức
khoa học này. Chắc chắn tôi sẽ thất bại nếu định làm một tổng quan đích thực về
thành tựu khoa học, dù chỉ là của một trong nhiều ngành học của Viện là Xã hội
học, hay thậm chí chỉ là một chuyên ngành hẹp là xã hội học đô thị mà thôi. Cuối
cùng, tôi chỉ xin phép được viết ít dòng bút
ký học thuật – một thứ bút ký do tôi chế tạo ra theo cách riêng – để chia sẻ
với đồng nghiệp và bạn đọc về những trăn trở của nhóm các nhà xã hội học nhiều
thế hệ tại Viện này trong cuộc kiên trì mổ
xẻ những chủ đề hóc búa của xã hội học đô thị suốt bốn thập kỷ qua.[25]
1. NHƯ LÀ CÁI DUYÊN Ở NHỮNG KHÚC QUANH CỦA LỊCH SỬ
Lịch sử học thuật
thế giới từng ghi nhận sự ra đời của Xã hội học như một đáp ứng của con người
trước những tra vấn chưa có lời đáp về những xáo động xã hội dữ dội trước cuộc
bùng nổ của cách mạng công nghiệp, trong đó có sự nẩy nở nhanh chóng của đô thị
như một kiểu tổ chức không gian-xã hội mới, một nguyên lý phân công lao động kiểu
mới, một lối sống kỳ lạ làm kinh ngạc cả chính những người trong cuộc. Không phải
ngẫu nhiên mà xã hội học đô thị đã ra đời trong cơn tăng trưởng “như sấm ran chớp
giật” của các thành thị hiện đại ở châu Âu và châu Mỹ, địa bàn mà các nhà xã hội
học đô thị coi như là một phòng thí nghiệm tự nhiên khổng lồ cho sự hình thành
các tiếp cận xã hội học đô thị.
Nếu như lịch sử
cho thấy xã hội học hoặc các chuyên ngành quan trọng của xã hội học thường nẩy
nở trong những khúc quanh quan trọng
của mỗi quốc gia hữu quan, thì hình như điều này cũng có phần đúng với trường hợp
của Việt Nam ta.Tự nhiên, thấy trong lòng cảm động, khi nghĩ rằng, chính Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chúng ta (với tên ban đầu là Viện Khoa học xã hội
Miền Nam, và trong thời gian rất dài tiếp theo là Viện Khoa học xã hội tại
thành phố Hồ Chí Minh) đã là cái nôi
đón nhận sự ra đời của Ban Xã hội học vào năm 1976-1977 như là tổ chức nghiên cứu xã hội học đầu tiên của
Việt Nam trong bước ngoặt lớn của thời cuộc[26]
(tổ chức này liên tục tồn tại như là một thành tố cơ hữu của Viện – cho tới thời
điểm này mang tên Trung tâm Xã hội học). Xem ra, xã hội học đã tìm thấy cái duyên cho sự nẩy nở khiêm nhường của
mình trong cái khúc quanh to lớn này của lịch sử. Bây giờ thì, thật là hạnh
phúc, đội ngũ trùng trùng của xã hội học trong toàn quốc đã lớn nhanh, với nhiều
thành tựu học thuật đáng nể.
Trong ngày vui
này, tôi sẽ xin kể lại dưới đây vài câu chuyện các nhà xã hội học trong Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã đào xới vào một số chủ đề thú vị nhưng hóc búa của
xã hội học đô thị như thế nào khi đối
diện với thành phố Hồ Chí Minh đang tái cấu trúc để lớn lên. Từ góc độ những
nghiên cứu thực nghiệm tại một trong những thành phố lớn nhất, thiết nghĩ những
công trình này của Viện chúng ta có thể góp phần làm sáng tỏ thêm bức tranh có
tính vĩ mô hơn về “các khuôn mẫu đô thị hóa, sự tăng trưởng đô thị và các cấu
trúc đô thị Việt Nam”, như nhà xã hội học Lê Thanh Sang đã có đề cập trong một
cuốn sách của ông (Lê Thanh Sang, 2008, tr. 396).
2. ĐI TÌM “CÁI GIÁ PHẢI TRẢ VỀ MẶT XÃ HỘI” CHO MỘT
GƯƠNG MẶT THÀNH PHỐ SÁNG TƯƠI HƠN
2.1. Cải tạo và chỉnh
trang khu vực nội thành của thành phố Hồ Chí Minh chẳng những là một thách thức
lớn cho các nhà quản lý mà còn là một chủ đề quan trọng của xã hội học đô thị,
thể hiện trong nhiều đề tài nghiên cứu nói tiếp nhau, liên quan đến khía cạnh
xã hội của tiến trình giải tỏa, tái định cư người dân trong những dự án lớn
(như giải tỏa nhà lụp xụp ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, giải tỏa để xây dựng đường
lớn Khánh Hội Quận 4), và một số dự án nhỏ, nơi sự tham gia chủ động của người
dân thể hiện rõ nét hơn[27].
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện những “cái giá phải trả về mặt xã hội” mà người
dân chịu tác động trực tiếp phải gánh chịu nhưng
lại thường bị che khuất đi sau những lóe sáng của bộ mặt đô thị mới được chỉnh
trang. Trong câu chuyện này, nghiên cứu của chúng tôi phát hiện - với bằng chứng
tin cậy - rằng “nhóm xã hội bị tổn thương nhiều nhất chính là những người nghèo
nhất” (Nguyễn Quang Vinh, 2001, tr.30-39). Muốn có một tổ chức vật thể thích hợp
cho tăng trưởng kinh tế, dường như phải có một cuộc đánh đổi có hàm chứa cả những
tổn thất xót xa. Cuộc dỡ bỏ các khu nhà lụp xụp và đưa dân vào những khu tái định
cư,thực chất là một cuộc dỡ bỏ những mối
quan hệ kinh tế, xã hội và cộng đồng chằng chịt gắn với sinh kế lâu đời của người
dân. Trong khi đó, có rất ít dự báo và giải pháp khả thi cho phép tái tạo lại
nơi ở, việc làm, các mạng lưới xã hội đã bị co hẹp hoặc phá hủy trong cải tạo-chỉnh
trang. Chỉ lấy một vài thí dụ nhỏ: trong dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, việc đưa người
dân các khu nhà lụp xụp lên ở chung cư tuy có đạt một số cải thiện rõ rệt về độ
thoáng mát, độ chiếu sáng, độ ổn định của cấp điện, cấp nước, nhưng hàng loạt vấn
đề xã hội cũng đã xuất hiện mà chỉ người dân phải loay hoay tự tháo gỡ lấy mà
thôi:
+ Trên đường lên chung cư, một số thành
viên hộ gia đình đã phải miễn cưỡng ra đi tìm thêm nơi cư trú khác, vì căn hộ
chung cư không thể chứa hết.
+ Có căn hộ mới, nhưng có đến 27% chủ
nhân căn hộ rơi vào nợ nần; một số phải sớm sang lại căn hộ để ra đi lần nữa.
+ Nhóm “lên chung cư” gặp nhiều bất lợi về
việc làm và các điều kiện tạo thu nhập khác (nhất là trong số người vốn buôn
thúng bán bưng và làm thuê cho tư nhân. Số người thất nghiệp tăng từ 4,6% lên
8,6% tổng số nhân khẩu được khảo sát).
+ Sự thiệt thòi của phụ nữ trong tuổi lao
động (lên chung cư) biểu hiện rõ rệt: tỷ lệ thất nghiệp trong số phụ nữ này lên
đến mức báo động: 14,3% (dù không tính vào đây số phụ nữ làm nội trợ đích thực).
Đấy là chưa kể số
hộ nhận tiền đền bù nhưng không lên chung cư, nhiều hộ phiêu bạt khắp nơi,
trong đó có không ít người phải thuê nhà lụp xụp ngay trong những khu ven kênh
chưa kịp giải tỏa để cư trú.
Đối với dự án chỉnh
trang bên quận 4, Lê Thanh Sang lúc ấy đã viết và gửi cho tôi những dòng sau về
tình trạng một số không nhỏ những hộ nghèo được đền bù bằng đất: “…Có một dòng
chảy lớn hơn đã cuốn phăng nhiều gia đình được đền đất ra khỏi nơi được bố trí
cho họ. (…) Đa số những người bán đất là do nợ nần chồng chất từ trước nên
không đủ sức cất nhà. Việc bán đất giúp họ mua lại một căn nhà, miếng đất nhỏ ở
nơi khác, còn thừa thì để trả nợ hoặc làm vốn. Cũng có một số hộ đã xây nhà bằng
một phần vốn vay, khi không có khả năng trả nổi số vốn và lãi này đã phải bán lại
căn nhà mình, rốt cuộc họ cũng chẳng còn gì. (…) Cơ cấu dân cư tại khu vực tái
định cư đã có sự thay đổi rất lớn, theo hướng bổ sung những hộ trung bình và
khá giả.”[28]
Tôi tự hỏi, những nỗ lực lo đền đất cho nhóm người bị bứng ra khỏi nơi ở cũ dù
xuất phát từ ý định rất tốt đẹp, nhưng đã tỏ ra không mấy thành công (khiến một
bộ phận của đối tượng này lại phải “ra đi” một lần nữa), để lại một phần không
nhỏ khu đất gọi là “tái định cư dân nghèo” cho những người khá giả hơn. Phải
chăng ở đây đã có hơi hướng của hiện tượng “trưởng giả hóa” (gentrification) mà
xã hội học đô thị từng cảnh báo?
2.2. Trong khi đó
thì “những dự án cải tạo chỉnh trang và tái định cư nhỏ lại tỏ ra linh hoạt
hơn”, có nhiều dư địa cho sự tham dự nhiều hơn của các đối tượng dân cư chịu
tác động (Văn Thị Ngọc Lan và những người khác, 2003, tr. 22-30). Trong khuôn
khổ dự án phường Bình Trưng Đông, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, một khu vực 11
ha trước đây bị người dân tự phát lấn chiếm đã được thu hồi cho những chương
trình khác của thành phố. Một quần cư mới (trên địa bàn gọn ghẽ 1 ha) đã hình
thành dành cho những hộ tái định cư tự xây nhà trên lô đất 100m2 được
nhà nước cho thuê. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường sá, cống
rãnh, thu gom rác vv… đã được thiết lập dần dần với sự hợp tác giữa chính quyền
địa phương, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi-chính phủ quốc tế cũng như các
hộ dân hữu quan. Trần Đan Tâm nhận xét: “Trong dự án này, hiệu ứng loại trừ đã được giảm thiểu; hiện tượng cư trú tách biệt (giữa nhóm giàu và nhóm nghèo) không thấy
xuất hiện”[29].
Dù sao thì vẫn
đang tồn tại rất nhiều khúc mắc trong quá trình cải tạo-chỉnh trang đô thị. Vào
năm 2001, bản thân chúng tôi đã nêu lên bảy khuyến nghị cho việc tháo gỡ những
khúc mắc này, mà ý tưởng xuyên suốt là các dự án đừng chỉ chăm chăm luận chứng
cho những cấu trúc vật thể, mà hãy “thực hiện nghiêm chỉnh, thấu đáo những luận chứng xã hội cho các dự án cải tạo
chỉnh trang nội thành”, để giảm cái giá hữu hình và vô hình mà người dân chịu
tác động phải chi trả vượt sức của họ (Nguyễn Quang Vinh, 2009, tr.29-30).
2.3. Chủ đề cải tạo-chỉnh
trang đô thị của thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học
nước ngoài, và chúng ta đã gây dựng được một mạng lưới hợp tác quốc tế phong
phú để cùng nghiên cứu và quảng bá thành tựu nghiên cứu sang nhiều nước khác.
Chúng ta đã tham gia AURN (Mạng lưới nghiên cứu đô thị châu Á); đã hợp tác song
phương, đa phương về chủ đề cải tạo chỉnh trang này với các nhà khoa học
Canada, Pháp, Indonesia, Trung Quốc…; đã tổ chức ngay tại Viện Khoa học xã hội
hai cuộc Hội thảo và Tọa đàm quốc tế vào các năm 1996 và 2003; nhiều bài viết về khắc phục hậu quả
của đô thị hóa cưỡng bức (do Mỹ thực hiện trước năm 1975), thận trọng và sáng tạo
trong cải tạo-chỉnh trang đô thị đã được in trong các cuốn sách, kỷ yếu xuất bản
tại Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Pháp…
3. BƯỚC CHUYỂN TIẾP CỦA NHÀ Ở ĐÔ THỊ TỪ NGUYÊN LÝ BAO CẤP SANG ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG
3.1. Có một đôi lần, chúng tôi đã nói với các bạn trẻ
đang dợm bước vào nghề xã hội học rằng: “Này, nhà ở đô thị không phải chỉ là
cái nhà trong thành phố đâu nhé! Có lẽ phải nhìn cái khái niệm ấy như là tiêu
điểm của hàng chùm những mối quan hệ con
người trong phân tầng xã hội, trong cuộc đấu tranh để tìm không gian sống,
trong lối sống thị dân, cũng như sự tương tác của con người dưới ảnh hưởng của
các quan hệ pháp lý và quản trị lĩnh vực quần cư con người.” Rõ ràng là sự đổi
mới lĩnh vực nhà ở đô thị với sự giã từ nguyên lý bao cấp và hướng vào định hướng
thị trường đã mang ý nghĩa giải phóng
mạnh mẽ: hàng loạt tiềm năng xã hội đang ngủ yên đã thức dậy và làm nên kỳ tích
– ít nhất là căn cứ trên những khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng
10 năm trước đổi mới, khu vực tư nhân (chủ yếu là nhà dân tự xây) chỉ xây dựng
được 140.000 m2 sàn ở; trong khi đó, sau đổi mới, với chính sách cởi
mở hơn, chỉ trong vòng có ba năm (từ 1991 đến 1993), khu vực tư nhân (bao gồm
khá nhiều công ty xây dựng tư nhân vừa mọc lên và các hộ gia đình) đã xây dựng
được 1.805.062 m2 sàn ở, gấp 13 lần diện tích sàn do tư nhân xây
trong 10 năm thời chưa đổi mới. Điều thú vị là trong thời kỳ đổi mới, nhà nước
vẫn duy trì nhịp độ xây dựng nhà ở khá cao, để cung ứng một lượng đầu vào đáng
kể cho thị trường nhà ở và cho chính sách cải tạo-chỉnh trang đô thị. Các tầng
lớp xã hội đô thị đang tìm thấy nhiều khả năng lựa chọn hơn để thỏa mãn nhu cầu
nhà ở của mình.
3.2. Song, tình trạng phân hóa xã hội giữa các giai tầng
trong đô thị lại đặt ra những thách thức mới cho việc xử lý quan hệ cung-cầu
nhà ở đô thị. Người nghèo đô thị sẽ bấu
víu vào đâu để có chỗ ở cho mình? Cơn xây cất như vũ bão có dành phần diện tích
sàn nào cho người nghèo hay không? Và bằng cách nào? Các nghiên cứu xã hội học
đô thị của chúng tôi đã dành nhiều tâm sức cho nghiên cứu nhà ở của người nghèo
đô thị, làm rõ những động lực và sáng tạo của các hộ nghèo đô thị trong cuộc kiếm
tìm nhà ở, và nhất là nghị lực không ngừng hoàn thiện căn nhà còn ngổn ngang của
minh, với sự trợ lực của cộng đồng và nhà nước. Cũng nên lưu ý rằng kiểu “nhà ở
bình dân” (popular housing) của người nghèo đô thị có một phần lớn trùng chập với
khu vực nhà ở lấn chiếm, bất quy tắc. Một cuộc điều tra xã hội học với 700 hộ
dân nghèo thành phố Hồ Chí Minh đã được tiến hành trong năm 1994 chỉ riêng về vấn
đề nhà ở và môi trường sống của người nghèo đô thị, đã giúp khai phá ra được
chí ít là một số đầu mối của sự tiến hóa các quần cư của dân nghèo đô thị, sức
sống của những nỗ lực tự cải thiện không ngừng nhà ở của các hộ nghèo và các cộng
đồng dân nghèo, với sự tiếp sức (chứ không phải bao cấp) của nhà nước.(Trịnh
Duy Luân, Nguyễn Quang Vinh, 1998, tr.235-254). Chúng tôi - Lưu Phương Thảo,
Nguyễn Vi Nhuận và tôi - vô cùng ấn tượng với cảnh, ở “Xóm Ma” người ta bắt đầu
chỉ bằng một túp lều trên một nghĩa trang chưa giải tỏa hết. Chỉ sau vài năm, từ
nền của những túp lều đã nhô lên được những căn nhà, tuy còn thô sơ, thậm chí
có căn nhà nghèo còn “ôm” nấm mộ trên mảnh đất mua bằng “giấy tay” từ những tay
giang hồ có số má (Nguyễn Quang Vinh, Michael Leaf, 1996, tr. 41-42).Nhưng dù
sao cũng đã là một cái nhà rồi. Phương Thảo còn chụp được cả một số tấm ảnh thực
địa “độc quyền” của cô nữa. Có nhà còn lát gạch hoa (gạch bông) nữa chứ! Tôi
khen sao mà sang quá vậy, thì bà con cho hay: Có gì đâu, đấy là gạch hoa lượm
được từ “xà bần” những nhà của người khá giả phá đi để xây nhà to hơn, kiên cố
hơn. Khéo cắt gọt, ráp nối, rồi cũng có sàn nhà gạch bông mát mẻ, chứ bộ! Tôi chợt
nghĩ đến những bảng thống kê ngũ phân vị khô khan về phân tầng mức sống cư dân.
Ở xóm nghèo này cũng có một bảng biểu phân tầng khác, do cuộc sống phác vẽ nên,
rất bất ngờ, từ một sàn “gạch bông trong căn nhà nghèo trên nền nghĩa trang
cũ…(Nguyễn Quang Vinh, Michael Leaf, 1996). Khi tôi kể chuyện từ lều tiến lên
thành nhà cho một chuyên gia đô thị học nước ngoài, thì anh cười rất tươi và
nói rằng: “Hay quá! Tiếng Anh của chúng tôi có hai từ nói về cái nhà, một là house, và hai là housing. Housing cũng có thể hiểu là cái nhà hay là “một tiến trình
nhà”. Cái nhà ở xóm nghèo của ông Vinh là “tiến trình nhà” đấy! Đối với người
nghèo,“tiến trình nhà” mới là chuyện sống còn, phải không, ông?”
Bây giờ thì người ta nói nhiều đến cái gọi là “nghèo
đa chiều” và thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có những triển khai bài bản theo
hướng giảm nghèo đa chiều này. Song, từ 20 năm trước, Viện chúng ta đã từng chủ
động đào xới, phân tích vào một chiều kích rất quan trọng của nghèo đa chiều
trong đô thị.
Những khảo sát muộn hơn về nhà ở đô thị trong khuôn khổ
hai cuộc điều tra chọn mẫu lặp lại ở ba cộng đồng trong thành phố các năm 1998
và 2001 (Chương trình nghiên cứu Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa tại
thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy thêm là ở khu vực tiếp nhận ồ ạt di dân từ nông
thôn tới, tình hình nhà ở bị suy giảm rõ rệt, trong khi ở những khu vực đô thị ổn
định hơn thì nỗ lực cải thiện điều kiện nhà ở của các hộ gia đình có thể được
ghi nhận là khá tích cực ở tất cả các tầng của ngũ phân vị (Trần Thái Ngọc Thành,
2005, tr.584-599).
4. KHÁM PHÁ NHỮNG MÔ THỨC CHUYỂN ĐỔI XÃ HỘI TRONG VÙNG
“THÀNH PHỐ VƯƠN VAI”
Trong xã hội học đô thị có khái niệm cuộc vươn vai của đô thị (urban sprawl).
Quá trình đô thị hóa đưa thành phố Hồ Chí Minh mở rộng tấm dệt đô thị ra vùng ven
và một số huyện ngoại thành. Một phần lớn (và có nơi là hầu hết) ruộng đất nông
nghiệp truyền thống đã bị thay đổi công năng, thay đổi chủ sở hữu, di chuyển dần
vào khu vực công nghiệp và dịch vụ. Nhiều người không còn làm nông và nếu có
còn làm thì cũng không thể làm như cũ nữa. Thanh niên vùng ven và ngoại thành
trăn trở thích nghi với nếp sống công nghiệp trong xí nghiệp, để rồi thừa nhận
là “món này khó nuốt”! Một cuộc chuyển đổi chưa từng có cả cấu trúc kinh tế, cơ
cấu xã hội – nhất là cơ cấu xã hội nghề nghiệp - đã diễn ra có phần nhanh chóng
và đột ngột Những chuyển đổi trong văn hóa và lối sống đang âm thầm diễn ra
trong từng gia đình, trong từng tâm hồn con người. Xã hội học đô thị của Viện
chúng ta đã nhập cuộc khá sớm vào tiến trình đổi thay có tính cách mạng này và
đi dần đến chỗ phát hiện các mô thức
khác nhau của sự chuyển đổi xã hội trong vùng “đô thị vươn vai”.
Một số khám phá sơ bộ đã thu được từ một đề tài tiến
hành trong ba năm (1996-1998) Những biến
đổi xã hội ở vùng ven đô thành phố Hồ Chí Minh dưới áp lực đô thị hóa do
Nguyễn Vi Nhuận làm chủ nhiệm, với sự cộng tác của Văn Thị Ngọc Lan, Ngô Thị
Kim Dung, Lưu Phương Thảo,Trần Đan Tâm và Trần Hồng Vân. Đô thị hóa là một quá
trình tất yếu, song bức tranh chuyển đổi hàng ngày vẫn mang một vẻ khá lạ
lùng.Bán đất để xây khu công nghiệp thì tiền nhiều, điều kiện sinh hoạt thấy được
cải thiện rõ rệt ở hầu hết các hộ trong vùng. Song, tình trạng không còn (hoặc
chỉ còn rất ít) tư liệu sản xuất truyền thống là ruộng đất đã gây nên một sự
xáo động đi tìm những việc làm mới để duy trì đầu vào cho ngân sách gia đình bằng
những kênh tạo thu nhập rất mới từ hoạt động phi nông nghiệp (chủ yếu là dịch vụ,
buôn bán nhỏ và làm công nhân công nghiệp), nhưng chỗ đứng mới cũng còn khá bấp
bênh. Riêng việc đi làm công nhân công nghiệp thì thanh niên nông dân gặp “hai
rào cản lớn là học vấn thấp và chưa qua đào tạo tay nghề”. Hiện tượng thất nghiệp
trá hình có chiều hướng tăng lên. Ngoài ra, một số nét tiến bộ văn hóa được ghi
nhận, trong khi những xáo trộn trong quan niệm giá trị cũng le lói xuất hiện,
cùng với cả một số biểu hiện “đầu Ngô mình Sở” do bối rối trong tiếp nhận và
chuyển hóa những giá trị văn hóa đô thị đích thực vào đời sống nông thôn (Trần
Đan Tâm, Nguyễn Vi Nhuận, 2000, tr.71-79).
Bước tiến vượt bậc trong một nghiên cứu về sự vươn vai
của đô thị hơn 10 năm sau do Văn Thị Ngọc Lan thực hiện trong luận văn tiến sĩ
của chị năm 2007 đã cho phép làm hiện hình lên được ba mô thức chuyển đổi đời sống xã hội nông thôn khác nhau trong đô thị
hóa, khiến vượt qua được những bức tranh còn có phần hơi quá tổng quát trước
đó. Có ba yếu tố chính tác động đến việc phân hóa các kiểu thức chuyển đổi đời
sống xã hội, đó là: sự mở rộng lãnh thổ khu vực nội thành; sự nở rộ các khu
công nghiệp; sự di chuyển dân cư từ các vùng nông thôn trong nước tới và sự dịch
cư từ nội thành ra ngoại ô.
Mô thức biến đổi ở
các cộng đồng trong khu vực nới rộng địa giới nội thành,
thay đổi đột ngột vị thế hành chính, cho thấy có những cải thiện rõ rệt về cơ sở
hạ tầng và nhà ở, song chuyển đổi việc làm của cư dân gặp khó khăn hơn nhiều so
với khu vực có xuất hiện khu công nghiệp. Việc tái định cư hàng loạt hộ dân để
xây dựng các cơ sở hành chính và khu dân cư mới tạo ra nguy cơ làm phân rã các
quan hệ cộng đồng truyền thống; một bộ phân dân cư phải tìm đường ra đi làm
nông nghiệp ở vùng khác của ngoại thành hoặc ở các tỉnh lân cận.
Mô thức biến đổi ở
các cộng đồng có xuất hiện khu công nghiệp và đón nhận dòng di dân đông đảo
đến làm công nhân công nghiệp cho thấy việc đa dạng hóa cơ cấu việc làm (kể cả
việc làm trong xí nghiệp hiện đại) tỏ ra mạnh mẽ và thuận lợi hơn so với hai mô
thức còn lại. Tuy nhiên, việc thay đổi lớn cơ cấu dân cư do di dân chuyển đến
đã làm cho các yếu tố cộng đồng cổ truyền ở đây có xu hướng bị phá vỡ nhanh.
Mô thức biến đổi cộng
đồng thôn xã dưới tác động của phát triển công nghiệp tại các quận kế bên (và một
số cơ sở công nghiệp nhỏ ngay trong xã) cho thấy nhóm cư dân làm
nông nghiệp chưa chịu áp lực lớn, vì ruộng đất còn nhiều; thanh niên trong xã
tìm thấy các việc làm và nguồn thu nhập đa dạng hơn; họ có xu hướng ly nông
nhưng không ly hương; điều kiện sống nói chung của cộng đồng được cải thiện tốt;
có hy vọng về việc các yếu tố đô thị sẽ được chín muồi với tốc độ hợp lý hơn.
(Văn Thị Ngọc Lan, 2007).
Nhìn chung lại, những nỗ lực của nhánh nghiên cứu xã hội
học đô thị thực ra cũng chỉ đem đến một ít đóng góp khiêm tốn trong sự nghiệp
phát triển học thuật đa ngành và liên ngành to lớn của Viện suốt 40 năm qua. Nhắc
lại một vài ấn tượng trong bài viết này, tôi chỉ mong cho các bạn trẻ trong nghề
xã hội học của tôi sẽ làm được nhiều lần hơn thế nữa, trước một vùng đất Nam Bộ
với bao chủ đề xã hội phong phú đang mời gọi./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1.
Lê
Thanh Sang, 2008, Đô thị hóa và cấu trúc
đô thị Việt Nam trước và sau Đổi mới 1979-1989 và 1989-1999, Hà Nội, Nhà xuất
bản Khoa học xã hội.
2.
Nguyễn
Quang Vinh, 2001, Một vấn đề xã hội học
hàng đầu của việc cải tạo-chỉnh trang đô thị: giảm tổn thương cho nhóm dân cư
nghèo nhất, Tạp chí Xã hội học, số 1, tr. 30-39.
3.
Nguyễn
Quang Vinh, Michael Leaf, 1996, City life
in the Village of Ghosts: A case study of popular housing in HoChiMinh City,
Vietnam, Habitat International, Vol. 20, No 2. Bản dịch sang tiếng Việt: Đời sống đô thị ở Xóm Ma: Một điển cứu về
nhà ở bình dân ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, in trong cuốn Nguyễn
Quang Vinh, 2009, Đi tìm sức sống các
quan hệ xã hội, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr. 32-63.
4.
Trần
Đan Tâm và Nguyễn Vi Nhuận, 2000, Những
biến đổi ở vùng ven đô thành phố Hồ Chí Minh dưới áp lực đô thị hóa, Tạp
chí Xã hội học, số 1, tr. 71-79.
5.
Trần
Thái Ngọc Thành, 2005, Các nhân tố ảnh hưởng
đến việc cải thiện nhà ở của người dân thành phố Hồ Chí Minh, in trong cuốn
Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh đồng chủ biên, Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở thành phố
Hồ Chí Minh – Lý luận và thực tiễn, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội,
tr. 567-607.
6.
Trịnh
Duy Luân, Nguyễn Quang Vinh, 1998, Tác động
kinh tế-xã hội của Đổi mới trên lĩnh vực nhà ở đô thị, Hà Nội, Nhà xuất bản
Khoa học xã hội.
7.
Văn
Thị Ngọc Lan, Nguyễn Quang Vinh, Trần Đan Tâm, Trần Thái Ngọc Thành, 2003, Khảo sát xã hội học một dự án tái định cư nhỏ
tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Tọa đàm
khoa học “Vai trò của các dự án tái định cư nhỏ trong quá trình cải tạo-chỉnh
trang và phát triển đô thị”, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xã hội học và Hiệp
hội các thành phố đang chuyển tiếp (VeT), tr. 22-30. Bài này cũng được đăng
trên Tạp chí Khoa học xã hội, số 5 (63), tr. 59-78.
8.
Văn
Thị Ngọc Lan, 2007, Cộng đồng dân cư ngoại
thành thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hóa, Luận án Tiến sĩ xã
hội học.
40 NĂM NGHIÊN CỨU DÂN TỘC KHMER NAM BỘ Ở VIỆN KHOA
HỌC XÃ HỘI VÙNG NAM BỘ
PGS.TS. Phan An
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
1. Ngay từ ban đầu, trong cơ cấu tổ chức nghiên cứu
khoa học của Viện Khoa học xã hội miền Nam - Tiền thân của Viện Khoa học Xã hội
vùng Nam Bộ ngày nay, có Ban Dân tộc học. Ban Dân tộc học được giao nhiệm vụ
nghiên cứu các dân tộc từ vĩ tuyến 17 trở vào, tức khu vực được gọi là miền Nam.
Ban Dân tộc học, sau thời gian sắp xếp, một số cán bộ Ban Tôn giáo chuyển sang
Ban Dân tộc học và hình thành trung tâm nghiên cứu Dân tộc học và tôn giáo. Nội
dung nghiên cứu Dân tộc học về người Khmer ở Nam Bộ được đảm nhiệm bởi một số
cán bộ nghiên cứu của Ban Dân tộc học. Trong thời gian ban đầu Ban Dân tộc học,
cùng với việc nghiên cứu dân tộc học người Khmer Nam Bộ, còn có việc nghiên cứu
người Chăm, và các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên.
Người Khmer ở Nam Bộ là một dân tộc ít người trong cộng
đồng các dân tộc Việt Nam. Nam Bộ là địa bàn cư trú của người Khmer, đặc biệt ở
khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nơi có mật độ dân số người Khmer khá cao, và cư
trú xen kẽ với người Việt, Chăm, Hoa,... Trong công cuộc khai mở và bảo vệ vùng
đất Nam Bộ, người Khmer đã có những đóng góp quan trọng. Cùng với người Việt,
Hoa và các dân tộc cộng cư, người Khmer đã có sự giao lưu văn hóa, và góp vào tạo
một diện mạo riêng cho lịch sử và văn hóa vùng Nam Bộ. Sau tháng 4/1975, khi miền
Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, người Khmer Nam Bộ lại cùng các
dân tộc anh em bước vào một giai đoạn lịch sử mới, xây dựng xã hội xã hội chủ
nghĩa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước
Vì vậy, việc nghiên cứu dân tộc học về người Khmer Nam
Bộ đã được Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Ban (sau này là Trung tâm Dân tộc
học có sự quan tâm và thực hiện với trách nhiệm của một viện nghiên cứu vùng).
Nghiên cứu dân tộc học người Khmer Nam Bộ nhằm góp vào việc hiểu biết lịch sử
và văn hóa của dân tộc Khmer, cũng như quá trình phát triển của tộc người Khmer
Nam Bộ. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học đó, các cơ quan lãnh đạo của
Đảng và Nhà nước tham khảo trong việc đề ra đường lối chính sách dân tộc, tôn
giáo nói chung và những chính sách cụ thể đối với dân tộc Khmer Nam Bộ nói
riêng.
2. Vạn sự khởi đầu nan! Công việc nghiên cứu dân tộc học
về người Khmer Nam Bộ của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, ban đầu gặp không
ít khó khăn và trở ngại. Trước hết là đội ngũ các nhà khoa học, trong đó có các
nhà dân tộc học của Việt còn rất ít ỏi, các nhà nghiên cứu về người Khmer ở miền
Nam vào thời điểm năm 1975 và trước đó cũng rất ít. Nguồn cán bộ nghiên cứu
khoa học của Viện được tập hợp từ nhiều nơi, và cán bộ nghiên cứu của Ban Dân tộc
học nghiên cứu về người Khmer Nam Bộ cũng vậy. Một số các nhà Dân tộc học từ miền
Bắc vào như anh Mạc Đường, Nguyện Hữu Thâu, Phan Lạc Tuyên,... một số các anh từ
chiến khu trở về như các anh Phan Xuân Biên, Nguyễn Văn Diệu, Phan An,... các
anh chị ở Sài Gòn như anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Khắc Tùng,... và về sau một hai
năm là các anh chị vừa tốt nghiệp ở Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh như
chị Phan Thị Yến Tuyết, anh Văn Công Chì, anh Đinh Văn Liên,... Nhìn chung,
ngoài một số nhà dân tộc có kinh nghiệm, còn phần nhiều là những cán bộ trẻ,
chưa có nhiều hiểu biết, và kinh nghiệm nghiên cứu Dân tộc học người Khmer Nam
Bộ.
Khó khăn thứ hai, đó là nguồn tư liệu về người Khmer,
cho đến thời điểm 1975, còn quá ít, đặc biệt là người Khmer Nam Bộ Việt Nam. Có
lẽ, ngoài tập sách “Người Việt gốc Miên” của Lê Hương và một vài luận văn Đốc sự
của Học viện Hành chính Quốc gia (chính quyền Việt Nam Cộng Hòa) hầu như không
có mấy tác giả người Việt đề cập đến người Khmer Nam Bộ. Các tác giả nước
ngoài, ngoài một số ít bài nghiên cứu của các tác giả người Pháp về người Khmer
Nam Bộ mà họ gọi là “Người Campuchia ở Nam Kỳ” (Cambodgienesde Cochinchine) chỉ
có chương “Người Khmer” trong sách “Các nhóm thiểu số ở Việt Nam Cộng Hòa”
(minority groups in the Republic of Viet Nam) của Bộ Quân lực Hoa Kỳ xuất bản
năm 1966. Vì vậy việc kế thừa các nguồn tư liệu về dân tộc Khmer ở Nam Bộ không
nhiều. So với một số dân tộc ở Việt Nam, cho đến thời điểm năm 1975, nguồn tư
liệu thư tịch người Khmer ở Nam Bộ còn rất hiếm hoi. Các tác giả nước ngoài,
chú trọng nghiên cứu về Campuchia và người Khmer ở Campuchia là chính.
3. Để khắc phục những khó khăn ban đầu ấy, Viện Khoa học
Xã hội miền Nam chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên
cứu dân tộc học người Khmer Nam Bộ trong việc trang bị kiến thức dân tộc học về
lý thuyết cũng như thực tiễn. Trước hết, trong nhiều năm đầu sau khi thành lập
viện, Ban Dân tộc học tổ chức nhiều đợt khảo sát vùng cư trú của dân tộc Khmer ở
nhiều tỉnh Nam Bộ, mà tập trung là các tỉnh có đông người Khmer cư trú ở đồng bằng
sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang,...
Phải nói rằng, việc thực hiện những cuộc khảo sát điều
tra điền dã dân tộc học ở vùng Khmer Nam Bộ trong những năm đầu thành lập Viện
là một cố gắng rất lớn của Ban lãnh đạo Viện và của các nhà dân tộc học đang
công tác tại Viện. Đó là những năm tháng khó khăn, đất nước vừa ra khỏi cuộc
chiến tranh, nhiều thiếu thốn trong cuộc sống của người dân và cả những nhà
khoa học, một cơ chế bao cấp trong hoạt động hành chánh và nghiên cứu khoa học.
Những người đi khảo sát điền dã dân tộc học chúng tôi, còn phải đối mặt với
nguy cơ của một số phần tử phản động chống đối nhà nước. Có lần vào cuối năm
1976, khi anh Mạc Đường và tôi cùng anh em ở Ban Dân tộc học đến nghiên cứu người
Khmer ở huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, thì hôm trước đó trụ sở ủy ban huyện bị
một số phần tử phản động tấn công, vết đạn còn in trên tường ủy ban huyện! Tuy
nhiên, vượt qua những khó khăn và nguy hiểm, chúng tôi vẫn tiếp xúc với bà con
Khmer, cùng ăn, ở và sống với bà con ngay tại phum sóc trong nhiều ngày.
Kết quả của nhiều đợt điều tra khảo sát thực địa vùng
nông thôn Khmer ở Nam Bộ, không chỉ giúp các nhà dân tộc học thu thập được nhiều
tư liệu thực tế, các ghi chép điền dã dân tộc học người Khmer, mà còn hiểu hơn
những tâm tư tình cảm của bà con dân tộc Khmer, yêu quý hơn văn hóa của dân tộc
Khmer Nam Bộ. Những tư liệu khảo sát điền dã của các cán bộ Ban Dân tộc học thu
thập trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, khá phong phú và có nhiều giá
trị khoa học, có thêm những cái mới so với trước đó. Chẳng hạn các tư liệu về tổ
chức xã hội truyền thống của người Khmer về phum, sóc, dòng họ của người Khmer Nam
Bộ có nhiều nét khác với người Khmer ở Campuchia. Những tư liệu về tín ngưỡng,
tôn giáo của người Khmer Nam Bộ cũng có nét riêng so với các nhóm tộc người
Khmer ở các quốc gia Đông Nam Á cùng ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ... Với những tư liệu
điều tra điền dã này, các cán bộ Ban Dân tộc học đã có thêm những cơ sở khoa học
để nghiên cứu dân tộc học người Khmer Nam Bộ. Trong nhiều năm sau đó, các cán bộ
của Ban Dân tộc học đã công bố các tư liệu và những kết quả nghiên cứu thực địa
rộng rãi. Bây giờ sau 40 năm nhìn lại, những cố gắng khảo sát thực địa với các
tư liệu thu thập ban đầu ấy, mới thấy hết những đóng góp quan trọng của Viện
Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ trong việc nghiên cứu người Khmer ở Nam Bộ.
4. Bài viết này không phải là một tổng kết 40 năm hoạt
động nghiên cứu dân tộc học người Khmer Nam Bộ của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam
Bộ. Tôi chỉ là người trong cuộc và chỉ ghi lại ít nhiều công việc nghiên cứu
dân tộc người Khmer ở Viện, mà tôi có điều may mắn tham gia. Kết hợp giữa việc
đi khảo sát thực tế, công tác đào tạo chuyên môn cho các cán bộ Ban Dân tộc học
được chú trọng. Việc nâng cao kiến thức chuyên môn, chủ yếu Viện khuyến khích
cán bộ khoa học tự học và tổ chức các khóa học bồi dưỡng lý thuyết nghiên cứu,
các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học. Với tinh thần ham hiểu biết, say mê khoa học,
nhiều cán bộ của Ban Dân tộc sau thời gian công tác đã học thêm ngoại ngữ,
chuyên môn và tiến tới làm luận án bảo vệ học vị thạc sĩ, phó tiến sĩ ngay tại
cơ sở đào tạo của Viện. Cho đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Ban Dân tộc học
đã có khoảng 10 tiến sĩ, 3 Phó giáo sư. Với đội ngũ các nhà khoa học, Ban Dân tộc
học (về sau là Trung tâm Dân tộc và Tôn giáo) đã trở thành một trong những cơ sở
nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ chủ chốt ở miền Nam cũng như cả nước.
Hoạt động nghiên cứu Khmer Nam Bộ diễn ra trên nhiều
lĩnh vực lịch sử, văn hóa, các chính sách của các chính quyền đối với người Khmer
Nam Bộ. Đặc biệt, trong thời gian đầu thành lập Viện, việc nghiên cứu những hậu
quả của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn được chú
trọng, nhằm đáp ứng cho những vấn đề thời sự ở miền Nam vừa được giải phóng. Những
bài viết về hậu quả của chủ nghĩa thực dân cũ và mới đối với người Khmer đã được
đăng tải rộng rãi trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo chuyên ngành. Có thể xem
đây là một đóng góp của kết quả nghiên cứu người Khmer Nam Bộ của Viện Khoa học
Xã hội vùng Nam Bộ về mặt lý luận cũng như thực tiễn.
Hoạt động nghiên cứu dân tộc người Khmer Nam Bộ, còn
đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho một số trường đại học, cao đẳng trung cấp ở Nam Bộ
có liên quan đến văn hóa, lịch sử dân tộc Khmer Nam Bộ như khoa sử Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí
Minh, Đại học Đà Lạt,... Một số ban ngành của Đảng, cơ quan nhà nước ở trung
ương và địa phương cũng đã tìm đến Ban Dân tộc học để trao đổi, hợp tác nghiên
cứu về các vấn đề dân tộc tôn giáo nói chung và về dân tộc Khmer nói riêng. Một
số trường đại học và viện nghiên cứu ở nước ngoài, như trường đại học Sukutoku ở
Tokyo, trường đại học Kobe (Nhật Bản), Viện nghiên cứu “Nhà châu Á” (Pháp),...
cũng đã tìm kiếm sự hợp tác với Ban dân tộc để nghiên cứu về dân tộc Khmer Nam
Bộ. Có thể nói, sau một thời gian phấn đấu, các hoạt động nghiên cứu dân tộc học
người Khmer Nam Bộ của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã xây dựng được đội
ngũ các nhà khoa học về Khmer Nam Bộ có uy tín, đáp ứng yêu cầu khoa học và thực
tiễn ở miền Nam và cả nước trong suốt thời gian dài.
5. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu về dân tộc Khmer Nam
Bộ đã được nhiều cơ quan khoa học bao gồm nhiều trường đại học, các viện, trung
tâm,... quan tâm nghiên cứu và nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn
hóa, ngôn ngữ, chính sách,... Các công trình nghiên cứu như sách, tạp chí, kỷ yếu
hội thảo, luận án, luận văn thạc sĩ,... liên quan đến kết quả nghiên cứu dân tộc
Khmer Nam Bộ đã được công bố rộng rãi. Đó là điều đáng mừng đối với hoạt động
nghiên cứu khoa học về người Khmer Nam Bộ, và cũng là điều đáng mừng đối với Viện
Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, một cơ quan nghiên cứu khoa học đã có những đóng
góp tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu này. Theo tôi, nhân 40 năm kỷ niệm ngày
thành lập Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cần có sự khẳng định những đóng góp
của Viện trong hoạt động nghiên cứu dân tộc Khmer Nam Bộ.
- Ban Dân tộc học của Viện Khoa học Xã hội miền Nam là
một tổ chức nghiên cứu dân tộc học người Khmer Nam Bộ đầu tiên ở miền Nam từ
sau năm 1975. Trong quá trình hoạt động Khoa học, Ban quy tụ được đội ngũ những
chuyên gia dân tộc học Khmer Nam Bộ, để nơi đây trở thành một trung tâm nghiên
cứu Khmer Nam Bộ hàng đầu ở phía Nam và rộng hơn là cả nước. Về sau, nhiều cán
bộ khoa học nghiên cứu dân tộc học Khmer chuyển sang một số cơ quan, trường học
và đã có những đóng góp khoa học quan trọng.
- Những kết quả nghiên cứu khoa học về người Khmer Nam
Bộ do các nhà nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ thực hiện
từ sau năm 1975 đến nay có thể nói là khá to lớn và là những đóng góp khoa học
cũng như thực tiễn quan trọng. Rất tiếc, khi thực hiện bài viết này, tôi không
có điều kiện để thống kê và sưu tầm những công trình nghiên cứu khoa học về người
Khmer Nam Bộ của Viện, những có thể nói số lượng không dưới 100 bài viết, sách,
luận văn, luận án, đề tài các cấp,... được công bố trong thời gian trước năm
2000. Số lượng các công trình này cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số các công
trình nghiên cứu Khmer Nam Bộ của các nhà khoa học trong cả nước. Một số các
công trình nghiên cứu người Khmer Nam Bộ của các tác giả trong Viện cũng đã được
công bố ở nước ngoài như Nhật, Philippine, Ấn Độ,...
Hoạt động nghiên cứu khoa học về người Khmer Nam Bộ hiện
nay đang tiếp tục với nhiều kết quả mới, nghiên cứu người Khmer Nam Bộ góp vào
việc phát triển dân tộc Khmer và vùng đất Nam Bộ. Chính với nhận thức quan trọng
đó, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ từ khi mới thành lập đã chú trọng đề tài
nghiên cứu khoa học dân tộc học dân tộc Khmer Nam Bộ. Mặc dù với nhiều khó khăn
ban đầu, và những kết quả khiêm tốn nhưng những thành tựu đạt được đã góp phần
đặt được cơ sở cho hoạt động nghiên cứu dân tộc học Khmer Nam Bộ sau năm 1975.
Đó là một thành tựu đáng ghi nhận và tự hào trong hoạt động khoa học của Viện
Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ trong suốt 40 năm qua.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cán
bộ công chức Viện KHXH tại TPHCM (1975-2000), NXB KHXH, 2000.
2. Thư
mục 10 năm hoạt động khoa học của Viện KHXH tại TPHCM (Tài liệu lưu hành nội bộ).
3. Thư
viện khoa học xã hội - Thư mục ĐBSCL - Tư liệu in roneo 1981.
4. Trung
tâm nghiên cứu Dân tộc học và tôn giáo - Hai mươi năm nghiên cứu dân tộc học và
tôn giáo (1975 - 1995) (Tư liệu lưu hành nội bộ - TPHCM 1995).
5. Viện
KHXH tại TPHCM 25 năm xây dựng và phát triển - NXB KHXH 2000.
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY
NAM BỘ: THỰC TRẠNG, CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP
PGS.TS. Lê
Thanh Sang
Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Bài viết phân tích thực trạng liên kết phát triển vùng Tây Nam
Bộ, các nhân tố ảnh hưởng, và đề xuất
các giải pháp chính sách. Kết quả
nghiên cứu cho thấy nguồn lực hạn chế của các chủ thể
liên kết, tính chất tập trung và chuyên môn hoá chức năng thấp, thiếu môi trường vật chất để tổ chức sản xuất qui mô lớn
nhằm thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể, và các chính sách trên thực tế đang
khuyến khích các lợi ích cục bộ địa phương hơn lợi ích toàn vùng là những nhân
tố chính dẫn đến mức độ liên kết yếu và thiếu bền vững hiện nay. Các giải
pháp chính sách không chỉ là xây dựng hệ
thống cơ chế-chính sách liên kết vùng và đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất-giao
thông, mà còn phải gia tăng các nguồn lực vật chất của
chủ thể đồng thời với thúc đẩy các động lực liên kết
vùng của các chủ thể này.
1. GIỚI THIỆU
Liên kết vùng để nâng
cao tính hiệu quả và bền vững là một thách thức đang nổi lên trong quá trình
phát triển ở Tây Nam Bộ (TNB). Nhận thức được tầm quan trọng của
liên kết phát triển vùng, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách thúc đẩy
quá trình này. Tuy nhiên, việc cụ
thể hóa các quan điểm liên kết phát triển và triển khai trên thực tế còn nhiều
hạn chế. Mặc dù lãnh đạo địa phương và các nhà nghiên cứu nhận thức rõ về những
yếu kém trong liên kết phát triển hiện nay, về nhu cầu thúc đẩy liên kết giữa
các lĩnh vực, các chủ thể, các bộ phận cấu thành trong không gian vùng như một
hệ thống, nhưng các hướng dẫn liên kết phát triển vẫn còn sơ lược và rời rạc, mới
dừng lại ở mức độ ý tưởng, chứ chưa được hướng dẫn dựa trên các bằng chứng thực
nghiệm đầy đủ. Nhiều đề xuất về liên kết phát triển còn thiên về tư biện hơn là
dựa trên các cơ sở khoa học vững chắc. Ngoài một số nguyên nhân trực tiếp rõ ràng gây ách tắc trong liên kết phát
triển như cơ sở hạ tầng yếu kém, các lợi ích cục bộ, thiếu các thể chế và cơ chế
điều phối hiệu quả ở cấp vùng dễ được thừa nhận, nhiều vấn đề quan trọng khác
và các nhân tố ẩn bên dưới chưa được chỉ ra, trong đó có các vấn đề định hướng
qui hoạch, phân bổ ngân sách địa phương, và các nhân tố văn hóa, xã hội trong
liên kết phát triển.
Bài viết trình bày thực
trạng liên kết vùng TNB, các nhân tố ảnh hưởng và các kiến nghị chính sách rút
ra từ kết quả nghiên cứu của dự án “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát triển bền vững
vùng Tây Nam Bộ” (2012-2014) trên cơ sở phân tích các cơ sở dữ liệu: (1)
Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, (2) Điều tra toàn bộ doanh nghiệp TNB
2006-2010; (3) Điều tra mẫu 500 doanh nghiệp, 120 hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh,
và 150 cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học, hội nghề nghiệp… tại 5 tỉnh/thành
phố là Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, và Trà Vinh; (4) Nghiên cứu trường
hợp tại 4 xã về 4 mô hình sản xuất và tiêu thụ 4 loại sản phẩm chủ lực của vùng
là lúa gạo (Kiên Giang), tôm (Cà Mau), cá da trơn (An Giang), và trái cây (Cần
Thơ); (5) Phỏng vấn sâu 10% số doanh nghiệp, hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh, và
các cơ quan, tổ chức được điều tra định lượng; và (6) Toạ đàm, hội thảo khoa học
với các cán bộ quản lý địa phương và các nhà khoa học trong và ngoài vùng. Các
phương pháp thống kê được sử dụng chủ yếu gồm: so sánh các tỷ lệ theo không
gian và theo thời gian, so sánh các trung bình tổng thể, phân tích hệ thống
thông tin địa lý, phân tích nhân tố, và phân tích. Các phát hiện và kiến nghị
chính sách được trình bày trong bài viết do vậy là các kết quả dựa trên bằng chứng[30].
2. THỰC TRẠNG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN VÙNG TÂY
NAM BỘ VÀ CÁC
NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG
TNB gồm 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, có đường biên giới với Campuchia, bờ
biển dài, tiếp giáp với Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). TNB có
nhiều sông lớn và địa hình bằng phẳng nên việc giao thương nội vùng, ngoại vùng
không chỉ bằng đường bộ mà đường sông và đường biển là một lợi thế lớn. Tuy
nhiên, do địa hình thấp, nhiều kênh rạch và địa chất yếu nên cơ sở hạ tầng ở
TNB còn yếu kém và là một trong những trở ngại chính cho liên kết nội vùng cũng
như ngoại vùng, làm giảm năng lực cạnh tranh của vùng trong bối cảnh liên kết
và hội nhập để phát triển ngày càng trở nên bức bách. Có thể rút ra một số nhận
định chính về liên kết phát triển vùng TNB sau đây.
2.1. Điều kiện sinh thái tự nhiên của TNB tạo ra lợi thế so sánh vùng trong sản xuất nông thuỷ sản nhưng lợi thế so sánh giữa các địa phương trong vùng là không lớn để tạo ra nhu cầu liên kết nội vùng cao
Môi trường sinh thái tự nhiên đã mang lại cho TNB các
điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản. Trải qua nhiều thế kỷ
khai phá, TNB đã trở thành một vùng đồng bằng phì nhiêu với cơ cấu sản xuất
nông nghiệp và phân bố dân cư phù hợp với các ưu thế này. Một số khu vực thuận
lợi hơn cho một số lĩnh vực, nhưng nhiều khu vực khác cũng có thể sản xuất các
loại sản phẩm nông nghiệp trên, ít nhất là để phục vụ cho phần lớn nhu cầu của
chính hộ nông dân và tại địa phương đó. Điều này cũng hàm ý rằng nhu cầu trao đổi
hàng hoá nông thuỷ sản giữa các địa phương trong vùng là không lớn và các sản
phẩm nông nghiệp chủ lực được sản xuất tập trung của vùng là để hướng đến các
thị trường bên ngoài. Các liên kết không gian nội vùng do vậy sẽ cần dựa nhiều
hơn vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và phân phối các sản phẩm
ngoài nông nghiệp của vùng.
2.2.
Chất lượng nguồn nhân lực thấp,
các liên kết
nội vùng không đủ sức
thu hút lao động
nội vùng, dẫn đến
liên kết trong lĩnh vực dân số-lao động chủ yếu
là giữa các tỉnh TNB
với TPHCM và Đông Nam Bộ
Dân
số là một khía cạnh quan trọng của liên kết phát triển trên cả khía cạnh dân số
là nguồn tiêu thụ các loại sản phẩm, dịch vụ của liên kết và là một thành tố của
nguồn lực liên kết - nguồn nhân lực. Mặc dù quá trình chuyển dịch dân số-lao động
chịu tác động của nhiều nhân tố, nhưng quan trọng nhất là các nhân tố kinh tế.
Các liên kết phát triển nói chung và liên kết kinh tế nói riêng đã tạo ra sự
chuyển dịch của các thị trường lao động, việc làm, thu nhập, tái phân phối thu
nhập, chi tiêu, đầu tư, và các chuyển giao kỹ thuật, mạng lưới xã hội… Sự phân
bố và chuyển dịch lao động trong vùng và
ngoài vùng phản ảnh các yếu tố liên kết phát triển của vùng.
Quá
trình chuyển dịch dân số nội vùng, từ các vùng khác đến TNB hay từ TNB đi nơi
khác làm tăng, giảm quy mô nguồn cung lao động trên thị trường lao động của
vùng, dẫn đến những biến động thiếu, thừa lao động mang tính cục bộ, tạm thời
hoặc lâu dài. Những năm gần đây, tình trạng thiếu lao động trẻ ở nông thôn TNB
vào vụ mùa không còn là chuyện bất thường. Tuy nhiên, trên tổng thể hiện nay
cũng như lâu dài, tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp sẽ ngày càng tăng
trong khi các hoạt động kinh tế của khu vực thành thị trong vùng không đủ sức để
thu hút bộ phận lao động này; các động thái dân số và khuôn mẫu di cư ở TNB
trong thời gian qua phản ảnh rất rõ nét đặc điểm liên kết phát triển của vùng.
Sự hạn chế về nguồn lực của
các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo trong vùng đã gia tăng nhu cầu
việc làm không được đáp ứng của lực lượng lao động trẻ nhưng trình độ học vấn
thấp, chưa qua đào tạo và họ phải di chuyển đến TPHCM và các vùng khác để tìm
kiếm việc làm. Các dòng di cư với qui mô lớn và đang tăng lên phản ảnh các hạn
chế trong liên kết phát triển của vùng và cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn
vào TPHCM.
2.3. TNB đã hình thành các cộng đồng đô thị và nông thôn tập trung, với cơ sở vật chất và nền sản xuất hàng hoá nhằm phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng nhưng các chủ thế có nguồn lực hạn chế, mức độ tập trung và
chuyên môn hoá chức năng thấp nên thiếu khả năng và nhu cầu liên kết phát triển vùng mang tính bền vững
Quá trình phát triển
TNB đã hình thành mạng lưới các đô thị của vùng, đóng vai trò
như những trung tâm phân phối hàng hoá, những trung tâm vận chuyển hàng hoá, và
những trung tâm sản xuất công nghiệp, dịch vụ, với hệ thống thứ bậc và chức
năng được chuyên môn hoá ở các trình độ khác nhau.
Ngoài thành phố Cần Thơ, các thành phố của các tỉnh cũng là những trung tâm liên kết chính của vùng,
trong đó có một số thành phố có vai trò lớn hơn như Mỹ Tho, Cà Mau, Long Xuyên,
Rạch Gía. Các thị trấn huyện và các thị tứ là những trung tâm liên kết có vị
trí thấp hơn trong hệ thống thứ bậc. Tuy nhiên, ngoài chức năng là trung tâm
hành chính, các đô thị trong vùng cho đến nay chủ yếu đóng vai trò là trung tâm
phân phối hàng hoá và giao thông vận tải, trong khi vai trò sản xuất công nghiệp
và dịch vụ hỗ trợ còn rất khiêm tốn.
Liên kết với TPHCM là liên kết
quan trọng nhất của tất cả các địa phương trong vùng. Các liên kết chủ yếu là
theo chiều dọc: TPHCM-Thành phố tỉnh lỵ-Thị trấn huyện lỵ-Thị tứ xã, trong khi
các liên kết theo chiều ngang giữa các địa phương với nhau yếu hơn nhiều. Như vậy,
các đô thị chính là các điểm liên kết tập trung và mạng lưới đô thị chính là mạng
lưới liên kết tập trung xét về mặt không gian. Nếu xem mỗi đô thị như một chủ
thể liên kết thì các nguồn lực và mức độ chuyên môn hoá chức năng của các chủ
thể này còn thấp, kể cả thành phố Cần Thơ, và do vậy, chưa tạo ra được nhu cầu
và khả năng liên kết cao và bền vững giữa các đô thị trong vùng, trong khi hầu
hết các đô thị của vùng đều liên kết nhưng trong vị thế phụ thuộc với TPHCM.
Từ quan điểm lợi thế so sánh, có
thể nói TNB đã phát huy đến mức tối
đa các lợi thế ưu trội so với các vùng khác trong cả nước và các khu vực khác
trên thế giới về sản xuất lúa gạo,
cá da trơn, tôm, và trái cây với các mức độ khác nhau về năng suất và chất lượng[31] dựa vào điều kiện tự nhiên thuận
lợi và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của nông dân. Mặc dù một số tiểu
vùng đã được chuyên môn hoá sâu hơn đối với một số ngành, nhưng sự khác biệt giữa
các tiểu vùng là không đủ lớn để tạo ra tính chuyên môn hoá cao và rất dễ bị
phá vỡ bởi tác động của giá cả thị trường
nếu người sản xuất có thể tìm thấy lợi thế so sánh tương đối dù không có lợi thế
so sánh tuyệt đối.
Xét trên toàn vùng như một tổng thể,
TNB có điều kiện để tạo ra một số nhóm sản phẩm nông nghiệp tập trung trên qui
mô lớn hướng đến các thị trường xuất
khẩu, nhưng các lợi thế so sánh này không bền vững, thậm chí còn không phát huy
được lợi thế nếu không giải quyết bài toán thị trường đầu ra và rất dễ bị các
khu vực khác vượt qua nếu không xây dựng các lợi thế cạnh tranh của vùng.
Từ quan điểm nguồn lực và lợi
thế cạnh tranh, liên kết vùng TNB dựa trên các chủ thể chính là vài chục ngàn
doanh nghiệp tư nhân, cùng với hàng triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và hộ
sản xuất nông nghiệp có nguồn lực rất hạn chế và mức độ chuyên
môn hoá thấp nên nhu cầu và khả năng liên kết phát triển cũng hạn chế.
Số lượng doanh nghiệp ở TNB rất ít so với qui mô dân số
của vùng. Tổng số doanh nghiệp của 13 tỉnh TNB chỉ nhiều hơn chút ít so với 5 tỉnh
Đông Nam Bộ và bằng 1/4 so với TPHCM. Hơn nữa, tuyệt đại đa số doanh nghiệp ở
TNB là doanh nghiệp dân doanh với qui mô nhỏ và siêu nhỏ. Tính chung, qui mô
lao động bình quân doanh nghiệp ở TNB chỉ bằng 2/5 so với 5 tỉnh Đông Nam Bộ
trong khi mức vốn bình quân doanh nghiệp chỉ bằng 1/3 so với 5 tỉnh Đông Nam Bộ
và 1/2 so với TPHCM. Nhìn chung, mức độ tập trung và chuyên môn hoá theo ngành
của các địa phương và các thành phố trong vùng còn thấp, chưa tạo ra sự khác biệt
rõ rệt. Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy
tính chất chuyên môn hoá của một số địa phương được củng cố nhưng mức độ chuyên
môn hoá vẫn còn thấp.
Tỷ trọng doanh nghiệp của vùng hoạt động trong lĩnh vực
thương mại dịch vụ (chủ yếu là bán lẻ và dịch vụ nhỏ) rất cao, tiếp đến là lĩnh
vực xây dựng (chủ yếu là xây dựng dân dụng), trong khi các lĩnh vực chế biến chế
tác, logistic và nông ngư nghiệp chưa tương xứng với vị thế vùng trọng điểm
nông nghiệp, và các ngành dịch vụ hiện đại còn rất non yếu. Doanh nghiệp trong các ngành
thương mại, dịch vụ nhỏ và xây dựng dân
dụng chiếm tỷ
trọng rất cao vì vốn đầu tư thấp, không cần
lao động kỹ thuật cao và thu hồi vốn nhanh hơn là các ngành sản xuất.
Ngành công nghiệp chế biến chưa đa dạng và chưa được chuyên môn sâu mặc dù
một số địa phương có tập trung cao hơn đối với một số lĩnh vực. Long An tập
trung nhiều hơn các ngành công nghiệp may mặc, điện tử, xây dựng dựa vào tác động
lan toả của TPHCM; Cần Thơ tập trung cao hơn một số ngành dù chiếm tỷ trọng thấp
trong toàn ngành kinh tế nhưng quan trọng như giáo dục-đào tạo, tài chính-ngân
hàng, du lịch, dịch vụ hành chính công; Vĩnh Long tập trung nhiều hơn về dịch vụ
vận tải; Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau tập trung nhiều hơn các ngành chế biến thuỷ
sản,... nhưng chưa tạo ra sự khác biệt đáng kể so với các địa phương khác trong
vùng.
Trừ lợi thế về sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp của TNB còn kém
phát triển, công nghiệp chế biến chế tác chủ yếu dừng lại ở mức độ sơ chế
hoặc một số công đoạn chế biến, chế tác tạo ra giá trị gia tăng thấp, nên chủ yếu
vẫn là thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp từ TPHCM và các nước khác
như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,... thay vì là sản xuất để tự tiêu dùng hoặc xuất khẩu. Trên toàn vùng, chưa
có trung tâm phát triển nào định hình được các tổ hợp công nghiệp (industrial cluster) được chuyên môn hoá chức năng cao nếu xét
theo các tiêu chuẩn về lợi thế cạnh tranh là tập trung theo các chuỗi giá trị sản phẩm (value chains) hoàn chỉnh hoặc tập trung theo một số công đoạn có
giá trị gia tăng cao, khó thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu (outsoucing).
Thiếu các ngành công nghiệp hỗ
trợ (complement industries) nên dù có xây dựng nhiều khu công nghiệp thì vẫn chỉ
mới dừng lại ở mức độ gia công dựa trên lao động giá rẻ để xuất khẩu, giá trị
gia tăng thấp, và không có sự liên kết cung ứng các yếu tố đầu vào và tiêu thụ
các yếu tố đầu ra với các ngành công nghiệp. Sự yếu kém của khu vực thành thị
và các ngành công nghiệp đã không thúc đẩy các liên kết toàn diện và tương hỗ
giữa nông thôn-thành thị trong vùng.
Về nguồn lực của doanh nghiệp, các chỉ báo chủ yếu về
nguồn lực của doanh nghiệp như qui mô lao động, vốn, doanh thu cho thấy nguồn lực
rất hạn chế của chủ thể liên kết chính này. Hầu hết doanh nghiệp ở TNB là nhỏ
và siêu nhỏ và thuộc khu vực dân doanh. Khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực quốc
doanh ở TNB rất mờ nhạt so với Đông Nam Bộ và TPHCM, ít có vai trò kích hoạt sự
lan toả sang các khu vực kinh tế khác thông qua liên kết với các ngành công
nghiệp hỗ trợ tại địa phương. Trừ một số nhỏ doanh nghiệp quốc doanh lớn như
nhà máy điện, khí, đạm và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tập trung ở một số khu
công nghiệp, doanh nghiệp dân doanh chiếm tỷ trọng áp đảo.
Chuyên môn hoá chức năng là điều kiện
cơ bản nhất để hình thành quá trình trao đổi, hợp tác, và liên kết giữa các chủ
thể trong và ngoài vùng. Xét trên nhiều phương diện, mức độ chuyên môn hoá chức năng thấp ở cả các lĩnh vực phát
triển và các không gian phát triển là nhân tố quan trọng nhất đang hạn chế liên
kết phát triển vùng. Về nguồn lực và lợi thế cạnh tranh, các chủ thể có nhiều nguồn lực,
đặc biệt là các nguồn lực độc nhất, khó bắt chước, khó thay thế, sẽ tạo ra nhiều
lợi thế cạnh tranh và do vậy có nhu cầu và khả năng xây dựng các hoạt động liên
kết. Tuy nhiên, các nguồn lực vật chất, nhân lực và tổ chức của các chủ thể
liên kết chính là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, và hộ sản xuất nông
nghiệp đều rất hạn chế. Nguồn lực nhỏ bé
của các chủ thể liên kết là nhân
tố cơ bản đang hạn chế nhu cầu và khả năng liên kết phát triển vùng, và không tạo ra các liên kết mang tính bền vững.
Với nguồn lực hạn chế, các doanh nghiệp ít có nhu cầu
và khả năng triển khai các hoạt động liên kết mang tính cơ bản như đầu tư vào
vùng nguyên liệu, kho bãi, nhà máy chế biến và xây dựng thương hiệu. So sánh
giai đoạn 2006-2010, số lượng và nguồn lực doanh nghiệp trong vùng tăng lên dù
tương đối thấp.
Trong các hoạt động của doanh nghiệp, một số lĩnh vực
liên kết với các đối tác thuộc ngành khác rất hạn chế, đặc biệt là liên kết với
các cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực R&D và với các doanh nghiệp cung ứng
dịch vụ, các cơ quan quản lý trong quảng cáo, tiếp thị, tiếp cận chính sách. Chất
lượng nguồn nhân lực thấp không thể tạo dựng nên những doanh nghiệp có qui mô
nhỏ nhưng sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Trong hoạt động xuất khẩu,
nguồn lực của hầu hết doanh nghiệp là quá nhỏ trong cạnh tranh quốc tế, họ
không đủ khả năng đầu tư vào các công nghệ cao, phương tiện dự trữ, bảo quản sản
phẩm, vùng nguyên liệu chiến lược, nhằm tạo ra các thương hiệu nổi tiếng, có thể
giữ vững và mở rộng thị trường bền vững, thông qua đó duy trì và phát triển các
liên kết chiến lược với các chủ thể đầu vào và các chủ thể đầu ra.
Thay vì vậy, họ chỉ áp dụng chiến thuật đối phó với
tình thế trước mắt là mua đi bán lại hưởng chênh lệch mà không đầu tư dài hạn.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không đầu tư vào các kho dự trữ lúa,
không đầu tư cho vùng nguyên liệu, và không chú ý xây dựng thương hiệu gạo. Sau
35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp vẫn không tạo
ra các thương hiệu mạnh nào về các loại gạo. Ngành logistic của vùng còn yếu,
chỉ mới dừng lại ở các dịch vụ vận tải hàng hoá, trong khi các dịch vụ logistic
tổng hợp bao gồm cả kho bãi, bốc dỡ, giao nhận hiện đại – khâu quan trọng trong
liên kết phát triển vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu.
Về không gian liên kết, các phân tích về liên kết đầu
vào và đầu ra của doanh nghiệp cho thấy một mạng lưới giao dịch dày đặc của các
chủ thể liên kết đã được hình thành ở các cấp giao dịch khác nhau, trong đó nổi
bật vai trò của TPHCM, các thành phố của tỉnh và một mức độ thấp hơn là các thị
trấn trong huyện. Hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu nhập hoặc xuất khẩu trực
tiếp đều thông qua các cảng của TPHCM. Tuy nhiên, Cần Thơ chưa có vai trò quan
trọng với vị thế là thành phố trung tâm của vùng trong các giao dịch trên, trừ
khi các giao dịch này trong phạm vi thành phố này.
Trong giao dịch giữa các chủ thể, khu vực dân doanh
đóng vai trò chủ yếu. Ngoài các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp,
các giao dịch giữa doanh nghiệp với các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng khá phổ
biến. Các cơ sở sản xuất kinh doanh này đóng vai trò vừa là người cung ứng một
số yếu tố đầu vào và tiêu thụ một số sản phẩm đầu ra. Các giao dịch trực tiếp
giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất ít hơn và với hợp tác xã gần như không đáng kể.
Như vậy, mặc dù mật độ giao dịch dày đặc, hầu hết các chủ thể giao dịch có nguồn
lực rất nhỏ.
2.4. Đối
với các hộ sản
xuất, liên kết sản
xuất giữa các hộ với
nhau và với
doanh nghiệp
còn rời rạc là do nguồn lực
yếu nhưng quan trọng nhất là không có môi trường vật
chất cần thiết để
tổ chức sản
xuất hợp tác tên qui mô lớn và thiếu người quản
lý, điều hành có năng lực
Các nghiên cứu trường hợp về sản xuất-tiêu thụ lúa gạo,
cá, tôm, trái cây cho thấy rất rõ những hạn chế trong liên kết phát triển do hạn
chế về nguồn lực. Sản xuất nông nghiệp dựa trên hàng triệu hộ sản xuất trên qui
mô nhỏ, phân tán đã không thể tạo ra sự tập trung trên qui mô lớn, được tổ chức
sản xuất tốt và đồng bộ về phẩm chất. Thiếu vốn dẫn đến tình trạng phụ thuộc của
hộ sản xuất nông nghiệp vào các cơ sở cung ứng vật tư công nghiệp và các thương
lái, doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông nghiệp, làm cho hộ sản xuất trở nên quá
yếu thế và bất lợi trong liên kết. Hơn nữa, sự phụ thuộc quá lớn (nhưng bất khả
kháng) vào các cơ sở cung ứng đầu vào và thương lái trong tiêu thụ sản phẩm đã
tăng số lượng và tầng nấc các đầu mối trong chuỗi sản xuất, làm tăng giá thành
sản phẩm, giảm lợi nhuận, và mất lợi thế cạnh tranh. Hoàn toàn phụ thuộc cả đầu
vào lẫn đầu ra, các hộ sản xuất nông nghiệp cá thể không có tiếng nói trong
thương lượng. Muốn có vị thế ngang bằng với các chủ thể khác và tăng năng lực cạnh
tranh, việc tham gia vào hợp tác xã của các hộ nông dân là một giải pháp cơ bản,
nhưng cho đến nay rất ít hợp tác xã hoạt động hiệu quả và mang lại lợi ích thiết
thực cho hộ nông dân. Các mô hình liên kết như “cánh đồng lớn” vẫn chưa thể
hình thành trên phạm vi rộng vì chưa đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, về năng lực
quản lý hợp tác xã của những người đứng đầu, chưa thu hút sự tham gia liên kết
của doanh nghiệp[32]
và chưa tạo được lòng tin của người dân đối với sự thành công của các mô hình
này. Cho đến nay, các mô hình tổ chức sản xuất tập trung chỉ
mới được triển khai có tính chất thí điểm và nhiều mô hình hợp tác chưa mang lại
hiệu quả thiết thực.
2.5. Vai trò của
các cơ quan quản
lý nhà nước
và các tổ
chức hỗ trợ
còn mờ nhạt trong điều phối
qui hoạch vùng, điều chỉnh
thị trường, và hỗ trợ
doanh nghiệp
mở rộng thị trường
xuất khẩu
Trong liên kết phát triển, vai trò của Nhà nước rất
quan trọng nhưng năng lực qui hoạch và thực hiện qui hoạch, quản lý qui hoạch
và tuân thủ qui hoạch, sự phối hợp giữa các ngành, các khu vực… của các địa
phương trong vùng còn hạn chế. Nguồn ngân sách hạn chế và hiệu quả đầu tư công
chưa cao làm cho nhiều địa phương không thể hiện đúng với vị thế cần có của
mình. Cụ thể, Cần Thơ được xác định là thành phố trung tâm của vùng, được qui
hoạch rất nhiều chức năng quan trọng nhưng mang tính kỳ vọng nhiều hơn là dựa
trên cơ sở thực tế và Cần Thơ chưa đáp ứng các điều kiện vật chất cần thiết, nhất
là nguồn vốn để phát triển.
Mặc dù các chính sách hiện nay
rất khuyến khích liên kết vùng, cách qui hoạch, đầu tư và quản lý qui hoạch, đầu
tư hiện nay quá tập trung vào cấp tỉnh, chưa đặt đúng
mức tầm quan trọng của qui hoạch vùng, dẫn đến tình trạng chỉ quan tâm trước hết
đến lợi ích cục bộ, trước mắt của địa phương mình, ngành mình, không tuân thủ qui hoạch vùng và lợi ích tối cao của
vùng nhưng thiếu biện pháp chế tài. Hơn nữa, chính sách hiện nay chưa tạo ra động
lực đáng kể để thành phần kinh tế tư bản (doanh nghiệp) đầu tư vào các lĩnh vực
kinh doanh nông nghiệp để tạo ra các chủ thể liên kết có nguồn lực lớn hơn
trong lĩnh vực này. Lý do quan trọng nhất chính là các cơ sở hạ tầng nông thôn
còn rất yếu kém, không thuận lợi cho các nhà đầu tư. Mặc dù Chương trình mục
tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã cải thiện đáng kể các cơ sở hạ tầng
nông thôn, đặc biệt là đường bộ và thuỷ lợi, nhưng chỉ mới đáp ứng phần nhỏ mục
tiêu vận tải hàng hoá, chưa tính đến các điều kiện cần thiết khác để doanh nghiệp
có thể hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, đầu tư vào nông nghiệp còn liên quan đến một
loại tư liệu sản xuất đặc biệt là đất đai tập trung với qui mô đủ lớn, trong
khi thị trường đất đai ở nông thôn hầu như ở được khai thác và phân bố nhỏ lẻ,
phân tán trong các hộ nông dân, với rất ít giao dịch.
Vấn đề lớn nhất hiện nay trong
liên kết phát triển hiện nay ở vùng TNB là thị trường tiêu thụ các sản phẩm xuất
khẩu chủ lực như gạo, tôm, cá, trái cây. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về các
doanh nghiệp xuất khẩu vì họ chưa có khả năng tạo dựng được các thị trường xuất
khẩu ổn định và chủ động. Tuy nhiên, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và tổ
chức hỗ trợ cũng chưa có những đóng góp tích cực và có ý nghĩa vào vấn đề này với
trách nhiệm Nhà nước là nhà bảo trợ ngày càng trở nên quan trọng trong quá
trình thâm nhập vào thị trường thế giới.
Một chủ thể có vai trò thúc đẩy và hỗ trợ liên kết là cơ
quan đào tạo, nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ của vùng cũng rất hạn
chế. Trừ một số lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường ở một số trung tâm sản xuất
tri thức như Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện cây ăn trái… có thế mạnh,
nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong vùng chưa có đóng góp nổi bật trong đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao và trong các lĩnh vực quan trọng khác như khoa học
xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong những lĩnh vực chuyên ngành do
thiếu lực lượng chuyên gia. Hơn nữa, sự gắn kết giữa chủ đề nghiên cứu với chuyển
giao kết quả nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và hộ sản xuất vẫn
còn khoảng cách lớn. Ngay cả nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực chăn nuôi đều phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu
là từ Trung Quốc.
2.6. Cơ sở hạ
tầng dù đang được cải
thiện rõ rệt, vẫn
còn chưa đáp ứng
yêu cầu liên kết phát triển, đặc biệt là ở
khu vực nông thôn
TNB đã hình thành một hệ thống giao thông tương đối
hoàn chỉnh cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không, nhưng giao thông
liên vùng, giao thông vận tải vẫn chưa trở thành điểm mạnh của vùng. Đường bộ
còn hẹp và các cầu trên đường còn yếu đã hạn chế hoạt động của các xe tải trọng
lớn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, giảm lợi
thế cạnh tranh của vùng. Quốc lộ 1 A đoạn Cần Thơ - Cà Mau được xem là xương sống
của giao thông TNB nhưng cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu của các loại xe
container. Doanh nghiệp ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, vựa tôm xuất khẩu
hàng trăm tấn mỗi năm nhưng phải chia nhỏ hàng hóa qua nhiều phương tiện để
chuyên chở về TPHCM xuất khẩu, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển.
Đường thủy là thế mạnh của TNB
nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Tuy luồng tuyến trong vùng dày đặc nhưng không
đồng cấp, nhất là về độ sâu; một số cầu cũ có chiều rộng khoang thông thuyền,
tĩnh không hạn chế. Tuyến huyết mạch từ TPHCM đi các địa phương TNB phải qua
kênh Chợ Gạo. Tuy cầu Chợ Gạo được xây mới có tĩnh không và khoang thông thuyền
rộng nhưng luồng vẫn còn hẹp. Trong khi đó, mật độ, lưu lượng phương tiện đi lại
thông qua kênh này lớn hơn 346.000 lượt/năm. Cả vùng TNB có 2.510 cảng, bến thủy
nội địa nhưng trang thiết bị bốc xếp hàng hóa chưa được hiện đại hóa, chưa đồng
bộ, kể cả đối với cảng bốc xếp container, phần lớn các bến còn bốc xếp theo lối
thủ công. Luồng cho tàu biển tải trọng lớn còn ách tắc, thường
bị bồi lấp, phải nạo vét thường xuyên, mà cảng Cái Cui là một điển hình.
Theo báo cáo của VCCI Cần Thơ (2012), hiện 70% hàng
hóa xuất khẩu của TNB phải trung chuyển lên các cảng của TPHCM đã làm phát sinh
chi phí, giảm lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, hàng năm còn một lượng lớn nguyên
liệu, nhiên liệu nhập khẩu vào vùng phải qua các cảng trung gian ngoài vùng.
Chưa khai thông luồng cho tàu trọng tải lớn vào cảng Cái Cui nói riêng và cụm cảng
TNB nói chung là một trở ngại lớn cho nền kinh tế của vùng.
Cơ sở hạ tầng là điều kiện then chốt để thúc đẩy các hoạt động liên
kết và mặc dù đã được cải thiện rõ rệt, chất lượng của cơ sở hạ tầng vẫn chưa
đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng, đặc biệt là tính kết nối và tính đồng bộ giữa các lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường bộ trong vùng chưa đáp ứng các
phương tiện vận tải bằng container. Công suất vận chuyển giữa cầu và đường chưa
tương thích. Hệ thống đường bộ nông thôn chỉ mới đáp ứng nhu cầu giao thông và
vận tải nhẹ. Giao thông thuỷ chưa phát huy lợi thế vì thiếu các cảng được trang
bị phù hợp về phương tiện bốc dỡ, kho bãi, đặc biệt là cảng dành cho tàu tải trọng
lớn để giảm bớt sự phụ thuộc vào TPHCM. Hơn nữa, chưa có sự kết nối thuận lợi
giữa các mạng lưới giao thông đường bộ với giao thông đường thuỷ tạo thành những
trung tâm kết nối giúp giảm chi phí vận chuyển – một trong những yếu tố đang
làm giảm lợi thế cạnh tranh của vùng. Xoá bỏ các “điểm nghẽn” của mạch máu vận
tải, kết nối, và nâng cấp các cơ sở hạ tầng để đảm bảo tính đồng bộ là một vấn
đề cấp bách đối với liên kết vùng hiện nay.
Dựa trên các bằng chứng rút ra từ cuộc nghiên cứu về
liên kết phát triển vùng và các nhân tố ảnh hưởng, chúng tôi đề xuất các quan điểm
và giải pháp chính sách đối với việc thúc đẩy các liên kết phát triển vùng TNB
theo hướng bền vững như sau.
3. QUAN ĐIẾM VỀ LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY
NAM BỘ
3.1. Quan điểm tiếp cận toàn diện và đồng bộ trong
liên kết phát triển bền vững vùng
Liên kết phát triển bền vững vùng TNB là vấn
đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể, và nhiều nhân tố, có tính cấu
trúc và hệ thống; do đó cần phải dựa trên quan điểm tiếp cận toàn diện và đồng
bộ để đảm bảo tính hiệu quả của các giải pháp chính sách.
3.2. Quan điểm nâng cao năng lực điều phối của các thể
chế trong liên kết phát triển bền vững vùng
Liên kết phát triển vùng TNB hiện nay chịu
nhiều tác động tiêu cực và rủi ro của thị trường (bên cạnh các tác động tích cực),
trong khi vai trò điều tiết, hỗ trợ thị trường của Nhà nước trong liên kết phát
triển vùng còn mờ nhạt và yếu kém. Do vậy, nâng cao năng lực điều phối của các
thể chế trong liên kết phát triển vùng là một ưu tiên.
3.3. Quan điểm ưu tiên cao nhất cho lợi ích toàn vùng
trong liên kết phát triển bền vững vùng
Liên kết phát triển vùng TNB hiện nay bị
phi phối bởi lợi ích cục bộ của các địa phương, các chủ thể có quyền lực chi phối,
gây trở ngại cho các quá trình liên kết vùng. Do vậy, các giải pháp chính sách
cần đảm bảo ưu tiên cao nhất cho lợi ích toàn vùng, loại bỏ các lợi ích cục bộ
gây tổn hại lợi ích chung của vùng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong qui hoạch
vùng và ngành, cung cấp các nguồn lực để thực hiện qui hoạch, giám sát qui hoạch,
và tuân thủ kỷ luật qui hoạch. Quan điểm này cũng đòi hỏi năng lực cao của các
cơ quan qui hoạch và quản lý qui hoạch trong liên kết phát triển vùng.
3.4. Quan điểm kết hợp giữa tập trung cải thiện trước
hết các khâu yếu nhất hiện nay với từng bước nâng cao năng lực của các chủ thể
trong liên kết phát triển bền vững vùng
Khâu yếu nhất hiện nay trong liên kết phát
triển vùng TNB là thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu đối với
các sản phẩm chủ lực của vùng, nhưng xét đến cùng thì trở ngại lớn nhất của
liên kết phát triển bền vững vùng chính là nguồn lực hạn chế của chủ thể liên kết,
bao gồm các hộ sản xuất, các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, và các cơ quan
quản lý nhà nước. Do vậy, các giải pháp chính sách đối với liên kết phát triển
bền vững vùng cần tập trung cải thiện trước hết các khâu yếu nhất hiện nay để
khai thông ách tắc nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng, nhưng đồng thời
phải nâng cao năng lực của các chủ thể liên kết trong dài hạn nhằm tăng lợi thế
cạnh tranh và tính bền vững trong liên kết phát triển vùng.
3.5. Quan điểm tập trung hoá và chuyên môn hoá chức
năng của các đô thị trung tâm trong vùng nhằm tạo ra nhu cầu và khả năng liên kết
nội vùng, thúc đẩy liên kết ngoại vùng theo hướng bền vững
Xét trên tổng thể, các lợi thế so sánh
vùng là sản xuất nông thuỷ sản đã phát huy ở mức cao nhưng lợi thế cạnh tranh của
vùng còn thấp. Hơn nữa, lợi thế so sánh giữa các địa phương trong vùng cũng thấp
do khá tương đồng về điều kiện tự nhiên và cơ sở vật chất kỹ thuật, sự phân
công lao động xã hội trên cơ sở tập trung hoá và chuyên môn hoá chức năng giữa
các địa phương là chưa đủ sâu, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau và ít có cơ sở khách
quan để liên kết. Do vậy, quá trình tập trung hoá và chuyên môn hoá chức năng của
các đô thị chính trong vùng sẽ kích hoạt các nhu cầu và khả năng liên kết phát
triển của các trung tâm này trong mạng lưới liên kết đô thị nội vùng và ngoại
vùng.
3.6. Quan điểm chọn lọc các ngành công nghiệp phải phục
vụ cho việc nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông thuỷ sản chủ lực
của vùng trên cơ sở tối đa hoá các lợi thế so sánh của vùng theo hướng bền vững.
Cho đến nay, lợi thế cạnh tranh của các sản
phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng còn thấp là do thiếu các ngành công nghiệp chế
biến-chế tác và công nghiệp hỗ trợ phù hợp và có năng lực. Chiến lược công nghiệp
hoá vùng do vậy cần phải tập trung vào các nganh công nghiệp giúp nâng cao giá
trị gia tăng của các sản phẩm là thế mạnh của vùng, nhằm tối đa hoá các lợi thế
so sánh và lợi thế cạnh tranh của vùng như là kết quả của liên kết ngành bền vững.
4. GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN
VỮNG VÙNG TÂY NAM BỘ
4.1. Tiếp tục đầu tư các lĩnh
vực cơ sở hạ tầng của vùng, đặc biệt quan tâm đến tính đồng bộ và tính kết nối
của mạng lưới, để xoá bỏ các “nút thắt”, các “điểm nghẽn” của mạch máu lưu
thông và mở rộng các mối liên kết phát triển vùng
Thực tế đã khẳng định cơ sở hạ
tầng là điều kiện tiên quyết và cơ bản của liên kết phát triển vùng dựa trên
các tác động lan toả và giảm chi phí giao dịch trong liên kết. Do vậy, cần tiếp
tục dành các ưu tiên cho việc hoàn thiện các trục giao thông đường bộ, giao
thông đường thuỷ chính, các điểm trung chuyển để làm thông suốt các mạch máu vận
tải hàng hoá kết nối các không gian phát triển trong và ngoài vùng.
Tuy nhiên, để phát huy cao nhất
hiệu quả đầu tư của các dự án cơ sở hạ tầng, cần loại bỏ ngay những “điểm nghẽn”
trong vận tải hàng hoá trên cơ sở giải quyết tính đồng bộ giữa cầu và đường, giữa
đường với bến cảng, phương tiện vận chuyển, bốc dỡ, kho bãi, sự kết nối giữa
giao thông thành thị với giao thông nông thôn, giữa giao thông đường bộ và giao
thông đường thuỷ. Các yếu tố này sẽ gắn kết các khu vực nông thôn kém phát triển
vào các trung tâm thành thị phát triển của vùng và các hệ thống liên kết rộng lớn
hơn. Hệ thống giao thông đường bộ và đường thuỷ cần đáp ứng mục tiêu chính yếu
là vận tải hàng hoá (chứ không chỉ là phục vụ giao thông, nhất là ở khu vực
nông thôn hiện nay) với các phương tiện vận tải, bốc dỡ, kho bãi tiện ích nhằm
tăng tính cạnh tranh của vùng.
4.2. Phát huy tối đa các lợi
thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của các địa phương trong hệ thống phân công
lao động xã hội cấp vùng nhằm tạo ra trình độ chuyên môn hoá chức năng ngày
càng cao giữa các địa phương và các đô thị trong hệ thống thứ bậc đô thị của
vùng và giữa các khu vực trong vùng – điều kiện cơ bản để các liên kết phát triển
vùng mang tính bền vững
Hiện nay, mức độ chuyên môn
hoá chức năng của các địa phương trong vùng là rất thấp, kể cả thành phố Cần
Thơ, mặc dù một số nơi có trội hơn đối với một số chức năng nhất định. Đây là một
yếu tố cơ bản làm hạn chế khả năng liên kết giữa các địa phương trong vùng.
Nâng cao trình độ chuyên môn hoá chức năng giữa các địa phương trong vùng
(không chỉ trong sản xuất nông thuỷ sản mà quan trọng hơn là các chức năng
ngoài sản xuất nông thuỷ sản) là một vấn đề cơ bản để thúc đẩy liên kết bền vững.
Doanh nghiệp của vùng hiện nay
tập trung chủ yếu tại các thành phố dọc Quốc lộ 1A từ TPHCM đến Cần Thơ, dọc
sông Hậu và một vài trung tâm khác của vùng. Đây cũng là những trung tâm liên kết
chính của vùng. Tuy nhiên, các thành phố này đóng vai trò chủ yếu là trung tâm
phân phối hàng hoá, giao thông liên lạc, và một số ngành công nghiệp chưa được
chuyên môn hoá sâu trong một hệ thống thứ bậc đô thị của vùng. Do vậy, cần tập
trung các nguồn lực nhiều hơn cho Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng
để tạo ra sự kết nối và tác động lan toả đối với các cấp đô thị thấp hơn dựa
trên một số lợi thế vượt trội của thành phố này. Một số địa phương có thể tiếp
nhận các tác động lan toả từ TPHCM như Long An, Tiền Giang cần được chuyên môn
hoá sâu hơn các ngành công nghiệp gắn nhiều hơn với thị trường này, nhưng cơ cấu
công nghiệp ở các địa phương như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau cần gắn chặt với
các sản phẩm nông nghiệp ưu thế của mình. Một vấn đề khác nữa là số lượng doanh
nghiệp của vùng còn nhỏ và phân bố một cách rời rạc, hoặc có tập trung vào các
khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì hầu hết các doanh nghiệp ở đây cũng chỉ là
những cá thể rời rạc, tách rời, chứ không phải có các mối quan hệ hữu cơ như những
mắc xích sản xuất trong các tổ hợp công nghiệp (industrial clusters), nơi mà đầu
ra của doanh nghiệp này, ngành này là đầu vào của doanh nghiệp khác, ngành khác
hoặc tập trung vào một số công đoạn trong chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm. Các
chính sách công nghiệp hoá và liên kết vùng cần hướng đến mục tiêu này. Các
trung tâm phát triển và kết nối giao thông có nhiều lợi thế để phát triển các tổ
hợp công nghiệp này.
Đầu tư có chọn lọc vào một số ngành công nghiệp chế biến-chế
tác và công nghiệp hỗ trợ trong việc cung ứng các yếu tố đầu vào (như lai tạo
giống, thức ăn công nghiệp, bảo vệ thực vật theo hướng bảo vệ môi trường,...),
trong quá trình sản xuất (cơ khí chế tạo máy, công nghệ sản xuất sạch, xanh,…),
trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch, vận tải và kho bãi, tiếp cận thị trường,
xây dựng thương hiệu… để giảm chi phí, tăng năng suất, và tăng giá trị gia tăng
của các ngành hàng nông thuỷ sản chủ lực – nhằm phát huy các lợi thế so sánh và
lợi thế cạnh tranh của vùng.
4.3. Tăng cường cách tiếp cận
vùng về qui hoạch, đầu tư và quản lý qui hoạch, đầu tư phát triển theo không
gian vùng thay vì quá tập trung vào cấp tỉnh hiện nay
Cho đến nay, mặc dù Chính phủ
và các cơ quan chức năng đã ban hành các qui hoạch không gian vùng trên nhiều
lĩnh vực nhưng tính tuân thủ chưa cao, nhất là liên quan đến sản xuất nông thuỷ
sản, thường bị phá vỡ do các lợi ích cục bộ của địa phương và do các tác động
nhất thời của giá cả thị trường. Tuân thủ nghiêm kỷ luật qui hoạch vùng, đặt ưu
tiên cao nhất cho qui hoạch vùng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các tỉnh,
trong đó qui hoạch sử dụng đất và sử dụng nước là quan trọng nhất. Bất kỳ qui
hoạch nào của tỉnh cũng không được phá vỡ hoặc tác động bất lợi đến việc thực
hiện qui hoạch vùng. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đê bao, thuỷ lợi có
tác động liên đới các tỉnh khác đều phải được phê duyệt ở cấp vùng, tránh tình
trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay làm cho không gian liên kết bị chia cắt. Ví dụ, tỉnh Sóc Trăng muốn làm thủy
lợi để trồng lúa, nhưng Bạc Liêu liền kề bên lại muốn đưa nước mặn vào để nuôi
tôm; các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp muốn xây
đê bao để mở rộng diện tích vụ 3 trong khi các tỉnh ở các tỉnh cuối nguồn bị xâm nhập mặn,v.v… là những quan hệ lợi
ích phải được giải quyết trên quan điểm toàn vùng.
Do vậy, cần xây dựng cơ chế phối
hợp có tính pháp lệnh đối với các dự án có tác động đến toàn vùng chứ không phải
chỉ là tham vấn với các địa phương liên quan như hiện nay. Điều này cũng đòi hỏi
công tác qui hoạch phải được chỉ huy bởi cơ quan trung ương có thẩm quyền với sự
tham gia của các địa phương trong vùng.
Về mặt thể chế, không cần thiết
phải thành lập một cơ quan hành chính cấp vùng mà chỉ xác định rõ các chức năng
qui hoạch, đầu tư và quản lý qui hoạch, đầu tư theo không gian vùng của một hội
đồng tư vấn trong Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ hiện nay do Phó Thủ tướng đứng đầu và
sự tham gia của các tỉnh trong vùng. Những qui hoạch phát triển vùng được phê
duyệt sẽ là cơ sở qui hoạch phát triển tỉnh. Ngân sách cấp phát cho đầu tư công
dựa trên tính tuân thủ qui hoạch vùng là một công cụ mạnh để buộc các địa
phương chấp hành kỷ luật qui hoạch.
4.4. Phát triển nguồn lực của
các chủ thể liên kết để nâng cao lợi thế cạnh tranh của các chủ thể này và lợi
thế cạnh tranh của vùng
Đối với các hộ sản xuất, không
thể xây dựng các liên kết phát triển bền vững nếu dựa trên hàng triệu chủ thể sản
xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, và rời rạc và thiếu hụt các môi trường vật chất
thích hợp để tổ chức sản xuất tập thể. Do vậy, cần phải nâng cao nguồn lực của
các thủ thể liên kết này thông qua các giải pháp cơ bản sau: (1) Đầu tư đồng bộ
vào các cơ sở hạ tầng sản xuất chung (kênh mương thuỷ lợi, đường vận chuyển, cải
tạo nền đất bằng phẳng, tưới tiêu bằng máy bơm điện công suất lớn…) và chuyển
giao tri thức. Chỉ dựa trên cơ sở vật chất phù hợp mới có thể thu hút nông dân
tham gia các mô hình “cánh đồng lớn” vì lúc đó mới có thể giảm chi phí, tăng
năng suất, chất lượng và do đó tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân. Các lợi ích
rõ rệt sẽ thu hút nông dân tham gia, và bước tiếp theo là các doanh nghiệp. Hợp
tác xã (hoặc bước đầu là đại diện của các nhóm hộ nông dân) với tư cách là một
chủ thể liên kết sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong thương lượng với các chủ thể
khác, tạo điều kiện cho các hợp đồng liên kết mang tính bền vững. Chừng nào
chưa tạo ra các môi trường vật chất cần thiết trên, các liên kết giữa các hộ
nông dân cá thể chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi. (2) Đầu tạo đội ngũ
lãnh đạo các hợp tác xã vì đây là một trong các khâu yếu nhất hiện nay. Cùng với
cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại, mạng lưới giao thông thông suốt, và môi trường
cạnh tranh công bằng, các chủ thể sẽ thấy lợi ích để liên kết lại với nhau và
thúc đẩy quá trình liên kết phát triển bền vững vùng.
Doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể trung tâm trong
liên kết phát triển vùng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong vùng là nhỏ và
siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, kể cả trong các ngành nông-ngư nghiệp, chế
biến-chế tác, và vận tải-kho bãi. Hơn nữa, doanh nghiệp chưa có động lực đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn cũng như thiếu khả năng thâm nhập và mở rộng thị trường
nước ngoài. Các yếu tố này hạn chế vai trò liên kết phát triển bền vững vùng của
doanh nghiệp. Để nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong liên kết phát triển, cần
tập trung cải thiện: (1) Có chính sách hỗ trợ đồng thời ràng buộc mạnh mẽ các
doanh nghiệp xuất khẩu nông thuỷ sản phải gắn với chuỗi sản xuất-tiêu thụ trên
cơ sở có vùng nguyên liệu ổn định, có công nghệ dự trữ, bảo quản, chế biến, xây
dựng thương hiệu. (2) Có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt
là vai trò của các Bộ, Đại sứ quán, trong việc tiếp cận chủ động và mở rộng các
thị trường quốc tế đối với các sản phẩm chủ lực của vùng.
Sự đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ
chức hỗ trợ cho đến nay tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, trong khi nhiều
lĩnh vực liên kết chỉ mới dừng lại ở các ý tưởng chỉ đạo chung, chưa hiệu quả
trong quản lý điều hành và điều chỉnh các tác động tiêu cực và rủi ro của thị
trường tiêu thụ nông thuỷ sản. Để nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà
nước và tổ chức hỗ trợ trong liên kết phát triển vùng, cần tập trung cải thiện:
(1) Chất lượng qui hoạch và năng lực điều hành qui hoạch vùng, ngành trên cơ sở
đặt lợi ích toàn vùng là tối thượng. Gắn chặt việc tuân thủ qui hoạch với các
nguồn lực được cấp cho các địa phương. Xem kỷ luật tài chính là biện pháp chủ yếu
để buộc các địa phương tuân thủ qui hoạch. (2) Năng lực hỗ trợ doanh nghiệp
trong việc tìm kiếm thị trường nước ngoài. (3) Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin
kinh tế, thông tin chính sách, ngân hàng
dữ liệu và đảm bảo khả năng tiếp cận cho các chủ thể kinh tế vốn đang rất yếu
kém hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê
Thanh Sang. 2015. Báo cáo tổng hợp Dự án Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát
triển bền vững vùng Tây Nam
Bộ, 2012-2014.
2. TCTK.
2010. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà
ở 2009. Nxb Thống kê. Hà Nội.
3. TCTK.
2012. Niên giám thống kê toàn quốc 2012.
Nxb Thống kê. Hà Nội.
4. VCCI.
2012. Kết quả khảo sát doanh nghiệp về
môi trường đầu tư 2011. http://www.pcivietnam.org/reports.php?report_type=2&year_report=all.
XÃ HỘI HỌC THEO HƯỚNG HIỆN TƯỢNG HỌC:
TỪ A. SCHÜTZ ĐẾN P. BERGER VÀ T. LUCKMANN
PGS.TS. Trần Hữu Quang
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Hiện
tượng học là môn triết học nghiên cứu về các bản chất, nhưng nó đặt các bản chất vào trở
lại trong sự hiện hữu. Đối với khoa học xã hội, A. Schütz đã có công nối kết lối tiếp cận hiện tượng học của E. Husserl với lối tiếp cận xã hội học thông hiểu của Max Weber, và ông cho rằng các ngành khoa học xã hội cần coi lối tiếp cận hiện tượng học như một tiền đề nền tảng cho các công cuộc nghiên cứu của mình. Công trình xã hội học nổi tiếng của P. Berger và T.
Luckmann, cuốn Sự kiến tạo xã hội về
thực tại, là một nỗ lực đi theo hướng này.
Hiện tượng học là một trào lưu triết học ra đời vào
đầu thế kỷ 20 với
Edmund Husserl. Chống lại quan điểm thực chứng,
hiện tượng học là một dự
án khoa học giúp nhà nghiên cứu mô tả được một cách căn bản những hiện tượng vốn tự trình hiện ra trước ý
thức của con người, và mục tiêu của nó là đi đến chỗ hiểu được bản chất của các hiện tượng – “bản chất” ở đây không
phải là những phẩm chất bí ẩn nằm trong các “hiện tượng”, mà là hình thái ý thể (ideal
form, tức là ý niệm nằm trong đầu con người) về cái đang hiện diện trong đời sống hiện thực
(Macey, 2001: 298 ; Akoun, Ansart, 1999: 397). Đây là một
phương pháp nhằm
khảo cứu một cách có hệ
thống về ý thức. Theo Husserl, kinh nghiệm của con người chúng ta về thế giới được cấu
tạo trong ý thức và bởi ý thức. Để truy nguyên tiến trình cấu tạo
này, chúng ta phải gác lại tất cả những gì chúng ta biết về thế giới, và đặt
ra câu hỏi là kiến thức nảy sinh như thế nào, hay bằng những tiến trình nào (Scott,
Marshall, 2009: 562).
Trong bài này, vì có liên quan tới triết học hiện tượng học nên trước hết
chúng tôi sẽ trình bầy khái lược về
tư tưởng hiện tượng học và phương pháp qui giản
hiện tượng học của Husserl, sau đó là quan niệm của Alfred Schütz về việc áp dụng phương pháp hiện tượng
học vào các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là ngành xã hội học, và cuối cùng là lối tiếp cận
hiện tượng học của công trình nổi tiếng
của Peter Berger và Thomas Luckmann – cuốn
Sự kiến tạo xã hội về thực tại (1966).
1. HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA EDMUND HUSSERL
Tư tưởng hiện tượng học của nhà triết học người Đức
Edmund Husserl (1859-1938) sẽ được
chúng tôi trình bầy chủ yếu thông qua cách diễn giải của nhà triết học và xã hội học người Áo Alfred Schütz (1899-1959)
và nhà triết học người Việt Trần Đức Thảo (1917-1993).
Theo
Schütz, mục tiêu nghiên cứu của Husserl là tìm ra “những tiền đề mặc định mà mọi ngành khoa học về thế giới các sự vật tự nhiên và xã hội,
kể cả triết học, đều dựa trên đó”. Vẫn theo lời Schütz,
Husserl xác
tín rằng “không có ngành khoa học được gọi là nghiêm ngặt nào, vốn sử dụng
ngôn ngữ toán học một cách có hiệu quả, có thể dẫn đến được sự thông hiểu
về các kinh nghiệm của chúng ta về
thế giới”, bởi lẽ “mọi ngành khoa học thực nghiệm đều coi thế giới là đã có sẵn đó [pre-given] ; nhưng chính chúng và các công cụ của chúng lại là
những yếu tố của thế giới này”. Vì thế, chỉ khi nào có được một sự “hoài
nghi triết học” đối với những tiền đề mặc định của mọi tư duy của chúng ta, kể
cả tư duy khoa học lẫn phi khoa học, thì lúc ấy mới có thể bảo đảm được một sự
“chính xác” không chỉ của nỗ lực tư duy
triết học mà của cả mọi ngành
khoa học có liên quan trực tiếp hay gián tiếp
tới các kinh nghiệm của con người
chúng ta về thế giới (Schütz, 1945: 100-101).
Triết gia người Pháp René
Descartes (1596-1650) đã có công đặt
nền
móng cho thái độ hoài nghi khoa học với câu nổi tiếng “cogito,
ergo sum”, “tôi suy tưởng, vậy là có tôi”,
nhằm đạt đến sự chắc chắn bất khả hoài nghi để làm nền tảng
cho mọi tư
duy của
chúng ta. Nhưng Husserl cho rằng lối phân tích của Descartes chưa đủ triệt để, bởi
vì, theo lời diễn giải của Trần Đức Thảo, “Descartes vẫn
còn dừng lại ở
bình diện hữu thể” (plan de l’être), và “sự
đối lập giữa
cái đáng ngờ với cái chắc chắn [vẫn còn] nằm trong sự hồn nhiên
thuộc về thái độ tự nhiên”.[33] Lối lập luận
của Descartes chưa vượt qua bình diện thái
độ tự nhiên vì
“cái tôi suy tưởng” (cogito)
của ông không đi đến sự hiện hữu siêu nghiệm, nhưng lại rơi trở lại
vào sự hiện hữu tự nhiên : sum res cogitans – cái tôi chỉ hiện hữu (sum)
như một sự vật biết suy tưởng (res
cogitans), tức là vẫn còn nằm trong trật tự của những sự vật “tự nó”,
chứ không phải là một cái tôi hiện hữu “đối với tôi” (Trần Đức Thảo, 1951: 59-60).
Theo Husserl, “điểm yếu của Descartes là không xuất phát từ những khó khăn của lý thuyết về nhận thức”, không đặt ra câu hỏi “làm
thế nào cái tự nó [en soi] có thể trở thành cái đối với tôi [pour moi] ?” (Trần Đức Thảo, 1951: 59-60). Xuất phát từ vấn đề nhận thức này, Husserl muốn đẩy đến cùng phương pháp hoài
nghi triết học của Descartes. “Cái
tôi suy tưởng” của Husserl không còn bận tâm về sự đối lập trần thế
giữa cái đáng ngờ với cái chắc chắn, không cố đạt đến một sự chắc chắn (trên
bình diện trần thế), mà trái lại, nỗ lực tìm ra chính ý nghĩa của mọi sự chắc chắn. Theo Husserl, “cái
tôi suy tưởng”
có thể giúp chúng ta khám phá ra ý thức, không phải như một sự vật
của thế giới tự nhiên, mà là ý thức về một cái gì đó, một
ý thức có ý
hướng tính (intentionality).
“Đây là
một lãnh vực tuyệt đối độc đáo, nằm ngoài mọi sự hiện hữu
trần thế” (Trần Đức Thảo, 1951: 60-61).
Husserl đã kế thừa tư tưởng về “ý hướng tính” từ người
thầy của mình là nhà triết học
và tâm lý học người Đức Franz Brentano (1838-1917). Brentano cho rằng bất cứ kinh
nghiệm nào mà chúng ta nghĩ
tới trong dòng suy nghĩ của mình đều luôn
luôn qui về một đối vật đã được trải nghiệm. Theo cách diễn giải
của Schütz, “mọi tư duy đều là tư duy về, mọi nỗi sợ hãi đều là nỗi sợ
hãi trước, mọi hồi ức đều là hồi ức về, đối vật được tư duy, bị sợ
hãi, được hồi ức”. Tính chất
có-ý-hướng của ý thức chính là điểm mà Husserl nhấn mạnh để làm cho “cái
tôi suy tưởng” có thể vượt qua được tình trạng nội tại tính tự nhiên của cái ego (cái tôi) của Descartes (Schütz,
1945: 103).
Trần Đức Thảo kể lại rằng thực ra ngay từ năm 1898, Husserl đã khám phá ra “sự giao hỗ phổ
quát” (corrélation universelle) giữa chủ thể với
khách thể – một khám
phá đầy chấn động khiến ông “bị lay chuyển”. “Giao hỗ phổ quát” có nghĩa là chủ thể và khách thể không tách rời nhau ; nhưng
đây không phải là mối liên hệ giữa hai thực thể tồn tại biệt lập nhau, mà là “một mối liên hệ mang tính bản chất, vốn được qui định bởi những định luật tiên
thiên mà nếu không có chúng thì [chúng ta] không thể hình dung được cả ý thức lẫn thế giới”. Vẫn theo lời Trần Đức Thảo,
“giả thuyết về một cái tự nó cũng phi lý y như giả thuyết về một ý thức không tri giác ngay chính thế giới” (Trần Đức Thảo, 1951: 40-41).
Husserl cho rằng có sự giao hỗ tiên nghiệm giữa ý thức với khách thể tính (objectivity), hay nói chính xác hơn, giữa noema với noesis,
giữa đối vật được-hướng-đến (intended object) với hành vi hướng-đến-đối-vật
(intending act). Một đối vật được-tri-giác (perceived object)
luôn luôn tự trình hiện ra dưới một sắc thái đặc thù trước người tri giác (perceiver)
(Moran,
Cohen, 2012: 74). Theo Husserl, nếu thái độ tự nhiên nhìn một cách hồn
nhiên về đối vật như cái gì đơn giản tự nó tồn tại, thì phương pháp qui giản hiện tượng học có thể giúp chúng
ta vượt qua thái độ hồn nhiên ấy, để hiểu rằng đối vật là cái có mối liên hệ
giao hỗ với một phương thức lãnh hội đặc thù của ý thức con người
(Moran, Cohen,
2012: 75).
Khi nói đến tính chất có-ý-hướng của những suy nghĩ của chúng ta, người ta có thể phân biệt rõ rệt giữa hành
vi tư duy, sợ hãi, hồi ức, với những đối vật được tư duy, bị sợ hãi,
được hồi ức. Nói cách khác, người ta có thể nhận diện ra một cái tôi đang suy
nghĩ về thế giới. Trần Đức Thảo giải thích như sau : “Mọi ý thức đều là ý thức về một cái gì đó, nhưng ý thức về đối vật, xét tự nó, luôn luôn là, và
đã là, ý thức về chính mình : chính điều này mới xác định nó đúng là ý thức” (Trần
Đức Thảo, 1951: 72). Đây chính là điểm khởi sự của phương pháp hiện tượng học : nhằm mục tiêu đưa ra
ánh sáng lãnh vực thuần túy của ý thức, hay chủ thể tính siêu nghiệm.
Nhà triết học người Pháp Maurice
Merleau-Ponty (1908-1961) đã mô tả hiện tượng học của Husserl một cách cô đọng
như sau : “Hiện tượng học, đó là môn nghiên cứu về các bản chất (...). Nhưng hiện tượng
học, đó cũng là một môn triết học đặt các bản chất vào
trở lại trong sự hiện hữu, và nó cho rằng chúng ta không thể
hiểu được con người và thế giới nếu không khởi sự từ ‘kiện tính’ [facticité] của chúng. Như vậy, nó là một môn triết
học về một thế giới luôn luôn ‘đã có sẵn đó’ [déjà-là], có trước mọi sự phản tư, một thế giới mà chúng ta cần tìm lại trong sự hồn nhiên của sự tiếp xúc tiền phán đoán ấy,[34] xét như một thế giới đời sống mà chúng ta sẽ mô tả kinh nghiệm [về thế giới
này] đúng y như nó tự trình hiện, mà không hề viện đến những nguồn gốc sinh
thành về mặt xã hội hay về mặt tâm lý, và cũng không hề đưa ra bất cứ cách giải
thích nhân quả nào.”[35]
2. PHƯƠNG PHÁP QUY GIẢN HIỆN TƯỢNG
HỌC
Husserl đã đề ra phương pháp mà ông gọi là êpôkhê
hiện tượng học (êpôkhê là một từ Hy Lạp cổ, có nghĩa là “ngưng
treo lại”, suspension), hay sự qui giản hiện tượng học siêu nghiệm.
Phương pháp này được tiến hành bằng cách “ngưng
treo” một cách chủ ý và có hệ thống mọi sự phán đoán có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Vay mượn từ thuật ngữ toán học, ông nói đây
là việc “đưa thế giới vào trong những dấu ngoặc đơn” (putting the
world in brackets). Đây là một cách thức đẩy đến cùng
thái độ hoài nghi triết học của Descartes, nhằm vượt qua “thái độ tự nhiên” của con người đang sống bên trong thế giới mà anh ta từng chấp nhận như chuyện đương nhiên (Schütz,
1945: 104).
Lấy một thí dụ hết sức giản lược
mà Schütz đã nêu : tôi nhìn thấy cái ghế trước mặt tôi. Tri giác của tôi về cái
ghế chứng thực cho niềm tin của tôi vào sự tồn tại của cái ghế – đó là một thái độ tự nhiên. Nhưng bây giờ tôi tiến hành việc qui giản siêu nghiệm: tôi kìm lại niềm tin của tôi về sự tồn tại của cái ghế (tức
là đưa niềm tin này vào trong dấu ngoặc đơn); như vậy, cái ghế mà tôi tri giác
vẫn còn nằm ngoài dấu ngoặc đơn, nhưng điều không thể nghi ngờ là sự tri giác của
tôi về cái ghế là một yếu tố nằm trong tâm trí của tôi. Nói khác đi, tôi không
còn quan tâm là cái ghế ấy có thực sự là một đồ vật đang tồn tại trong ngoại giới
hay không. Điều còn được giữ lại sau thao tác “qui giản” không phải là bản thân “cái ghế” vật thể hữu hình mà tôi nhìn thấy, mà
là đối vật mà sự tri giác của tôi có ý hướng nhắm đến, đó là “cái ghế như tôi đã thấy”, đó là hiện tượng “cái ghế như nó xuất hiện
trước mắt tôi”. Như vậy, toàn bộ thế giới
bên ngoài vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trong phạm vi đã được qui giản, nhưng các đối vật nằm trong ý hướng tính của tôi (intentional
objects) không còn là những đồ vật (things) với tư cách là những đồ vật tồn tại trong thế giới bên ngoài, mà
là những hiện tượng (phenomena) xét
như là những cái xuất hiện trước
mắt tôi (Schütz, 1945: 106). Theo Husserl, thao tác qui giản giúp chúng ta đi tới được
“hiện tượng thuần túy”, khác về căn bản so với “hiện tượng tâm lý”
(Trần Đức Thảo, 1951: 54).[36]
Khi áp dụng phương pháp hiện tượng
học, những cái mà chúng ta cần đưa vào dấu ngoặc đơn không chỉ là sự tồn tại của ngoại giới, mà kể cả niềm tin của chúng ta
vào sự hiệu lực của các nhận định của chúng ta về thế giới ấy, tức là bao gồm
không chỉ kiến thức thông thường của chúng ta về thế giới, mà cả các mệnh đề của
tất cả các ngành khoa học có liên quan đến thế giới, cả khoa học tự nhiên lẫn
khoa học xã hội. Và ngay cả tôi, với tư cách là một đơn vị tâm sinh lý của thế
giới này, cũng cần được đưa vào dấu ngoặc đơn (Schütz,
1945: 105).
Schütz giải thích như sau: “Cái còn lại sau khi tiến hành việc qui giản siêu nghiệm ấy không là gì khác hơn là một vũ trụ của đời sống ý thức của
chúng ta, dòng suy nghĩ trong sự trọn vẹn của nó, với tất cả các hoạt động của
nó và với tất cả những sự suy tưởng và những kinh nghiệm của nó”. Ở đây, cần nhắc lại rằng mọi sự suy nghĩ của chúng ta đều luôn luôn là
suy nghĩ về những điều gì đó. Vì thế, đến lúc này, nhờ sự qui giản, “ý hướng tính của sự suy nghĩ của chúng ta trở nên thuần khiết và hữu
hình”. Vì đã vượt ra khỏi thái độ tự nhiên, nên bây giờ chúng ta có thể yên
tâm khảo sát lãnh vực thuần túy của đời sống ý thức mà mọi niềm tin của
chúng ta trong thế giới thông thường đều đặt nền tảng trên đó (Schütz,
1945: 105-106).
Trong vũ trụ chủ thể tính siêu
nghiệm ấy (tức đã được qui giản), trên nguyên tắc, tôi có
thể truy tìm về lịch sử trầm tích (sedimentation) của mọi kinh nghiệm mà
tôi tìm thấy trong đời sống ý thức, và nhờ đó tôi có thể trở về “kinh nghiệm
nguyên thủy” (originary experience) của thế giới-đời sống.[37] Nhưng thế giới-đời sống này không phải là một thế giới riêng tư của tôi, mà bao gồm cả tha
nhân, những người cũng có chủ thể tính của họ. Do đó, cái thế giới-đời sống ý
thức thuần túy mà tôi trải nghiệm (sau khi qui giản) chính là một thế giới liên chủ thể, và điều này có nghĩa đây là
một thế giới mà ai cũng có thể tiếp cận được (Schütz, 1940: 123).
Sau quá trình phân tích, chúng
ta có thể đi từ lãnh vực đã được qui giản tiên nghiệm để trở lại với lãnh vực trần thế, nhằm kiểm tra lại coi những
khám phá của chúng ta trong
lãnh vực đã được qui giản ấy có đứng vững hay không
trong thế giới đời sống trần thế (Schütz, 1945: 104).
3. QUAN NIỆM CỦA ALFRED SCHÜTZ
Thực ra, Husserl chỉ
nghiên cứu phương pháp hiện tượng học trên bình diện triết học, chứ không trực tiếp bàn về những hệ luận cụ thể của phương pháp này đối với các ngành khoa học xã hội. A. Schütz
là
người đầu tiên
khai triển những ý tưởng nhằm đưa phương pháp hiện tượng học của Husserl vào nhãn quan nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội (Schütz,
1940: 133-134), nhất là qua công trình Sự kiến tạo ý nghĩa của thế giới xã hội (1932).[38] Theo Schütz, do các ngành khoa học xã hội đều có liên quan về nguyên tắc tới các hiện tượng liên chủ thể của đời sống trần thế (Schütz,
1940: 132), nên các ngành
này cần đặt nền tảng tư duy của mình, không
phải trên môn “hiện tượng học siêu nghiệm” của Husserl, mà là dựa trên “môn hiện tượng học cấu tạo [constitutive phenomenology] về thái độ tự nhiên” (Schütz, 1959: 149). Quan niệm này của Schütz không khác so với Husserl về lối tiếp cận, mà chỉ khác về cấp độ phân tích.
Theo Schütz, đóng góp
quan trọng
của Husserl cho
các ngành khoa học xã hội chính là nằm
trong “sự phong phú của những sự phân
tích của ông liên quan
đến những vấn đề của Lebenswelt [thế giới-đời sống], nhằm đi đến chỗ khai triển
một môn nhân học triết học” (Schütz,
1959: 149).
Đối
với Schütz, mối quan hệ giữa nhà khoa học xã hội với đối tượng của mình hoàn toàn không giống như mối quan hệ giữa nhà khoa học tự nhiên với đối tượng của ông ta (Schütz,
1954: 65), vì thế giới xã hội là thế giới đã được lý giải bởi những con người bình thường, và các sự kiện của thế giới ấy cần được lý giải bởi các nhà khoa học xã hội. Chính vì thế
mà Schütz cho rằng đặc trưng này của thực tại xã hội đặt ra cho nhà khoa học xã hội vấn đề quan trọng nhất của mình : đó là làm
sao kiến tạo được những cách giải thích khách quan về một thực tại chủ quan.
Trong
cuốn sách vừa nêu trên, Schütz nhấn mạnh rằng công lao lớn nhất của nhà xã hội học Đức Max
Weber (1864-1920) chính là lời tiếp cận
“xã hội học thông hiểu” (verstehende Soziologie) của ông, vì nó đã đề xướng
những nguyên tắc của một phương pháp có mục tiêu là giải thích mọi hiện tượng xã hội xét trong mối liên hệ với ý nghĩa của hành động. Tuy nhiên, Schütz cho rằng lối tiếp cận của Weber tuy hết sức xác đáng nhưng những khái niệm như “ý nghĩa” (Sinn) hay sự “thông hiểu” (Verstehen) của Weber
còn khá mơ hồ.
Trong công trình Kinh tế và xã hội
(1922), Weber định
nghĩa xã hội học là “một môn khoa học tìm cách thông
hiểu bằng cách lý giải [deutend verstehen] hành động xã hội nhằm nhờ
đó đi đến chỗ giải thích về mặt nhân quả sự diễn tiến của hành động này và
các tác động của nó” (Weber,
1964: 88). Weber
coi sự “thông hiểu” như một thao tác mang tính chất chủ quan, bởi lẽ mục tiêu của nó là tìm cách hiểu được ý nghĩa của hành động. Nhưng chính vì thế mà không ít tác giả
xã hội học đã phê phán là phương pháp của Weber
mang nặng tính chất chủ quan, bởi lẽ nó không phân
biệt rạch ròi giữa ý nghĩa mà tác nhân nhắm đến khi hành động, với ý nghĩa của hành động này mà một
nhà quan sát ở bên ngoài có thể gán cho.
Vì
thế, Schütz cho rằng cần đặt lại nền tảng
cho lối tiếp cận
“xã hội học thông hiểu” của Weber
trên cơ sở của
phương pháp hiện tượng học của Husserl. Schütz cho rằng để truy tìm ra nguồn gốc của ý nghĩa của hành động, chúng ta cần
trở về với “dòng chảy của ý
thức” (Walsh,
1967: xxiii).
Schütz viết : “Ở đấy và chỉ ở đấy, trong tầng sâu nhất của kinh nghiệm mà sự phản
tư có thể với tới, [chúng ta] mới có thể tìm ra được nguồn gốc tối hậu của hiện tượng ‘ý nghĩa’ (Sinn) và hiện tượng ‘thông hiểu’
(Verstehen)” (Schütz, 1967: 12). G. Walsh diễn giải ý tưởng của Schütz như sau :
khi các kinh nghiệm đang diễn ra, chúng không xuất hiện trước chúng ta như những thực thể biệt lập và rõ rệt ; nhưng khi chúng lùi vào quá khứ, tức khi chúng đã “trôi
qua”, chúng ta mới có thể quay lại nhìn chúng ở một góc độ khác, và mới nghĩ về chúng, phản tư về chúng, nhận diện chúng. Một khi kinh nghiệm đã
được nắm bắt dưới “chùm ánh sáng” phát ra từ cái tôi, lúc ấy nó mới được tách ra khỏi dòng chảy thời gian và trở thành một thực thể riêng biệt một cách sáng sủa và rõ rệt. Chính vào
lúc ấy và nhờ vào hành động hướng-về ấy (turning-toward, Zuwendung) mà
kinh nghiệm mới đạt được ý nghĩa. Có thể ví quá trình gán ý nghĩa này giống
như việc đưa một mẫu sinh vật ép vào hai miếng kính mỏng để đưa vào quan sát dưới
kính hiển vi. Nếu mẫu sinh vật này mất đi sự sống vì bị ép vào giữa hai miếng
kính, thì trong hành động hướng-về vừa nêu trên, kinh nghiệm cũng mất đi phần nào tính chất cụ thể và sống động của nó (Walsh, 1967: xxiii-xxiv).
Phần
lớn các kinh nghiệm của chúng ta đều
có thể được gán ý nghĩa bằng
cách hồi cố (in retrospect). Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể gán ý nghĩa cho những kinh nghiệm
tương lai bằng cách dự kiến (prospectively). Theo Schütz, hành động (action, tiếng Đức là Handeln) là ứng xử nhằm đạt được
một mục tiêu đã-định trong tương lai. Nhưng điều được coi là đã-định
này tất yếu phải có một yếu tố của quá khứ. Do vậy,
mục tiêu của hành động phải có một yếu
tố của tương lai và một yếu tố của quá khứ. Schütz đã mượn một thuật ngữ của môn ngữ pháp để nói về
điều này : chúng ta thường
hình dung mục tiêu của hành động “ở thì tương lai hoàn thành” (future perfect
tense). Nghĩa là mục tiêu được hình dung là sẽ đạt được, cho dù nó còn đang ở dạng dự kiến. Lấy một thí dụ : ta đi ra khỏi nhà để đến
thăm một người bạn ; chuyến thăm này được hình dung là sẽ hoàn tất, cho dù ta còn đang đi trên đường
đến nhà người bạn. Chuyến thăm được-hình-dung này được Schütz gọi là “hành vi”
(act, Handlung) (Walsh, 1967: xxiv).
Schütz
phân biệt giữa hành động đang-diễn-ra (action, Handeln) với hành vi ở-thì-tương-lai-hoàn-thành
(act, Handlung), và ông gọi hành vi này là “dự phóng”
(project, Entwurf) của hành động. Như vậy,
dự phóng này chính là một “phức hợp ý nghĩa” hay một “khung ý nghĩa” (context
of meaning, Sinnzusammenhang) mà trong đó bất cứ giai đoạn nào của hành động đang-diễn-ra cũng thấy được ý nghĩa của mình (Walsh, 1967: xxiv).
Schütz
còn phân biệt giữa “động
cơ nhắm-đến” (in-order-to motive, Um-zu-Motiv) với “động cơ bởi-vì” (because-motive,
Weil-Motiv). Nếu động cơ nhắm-đến là loại động cơ hướng đến “thì tương lai hoàn thành”, thì động cơ bởi-vì là loại
động cơ xuất phát từ “thì quá khứ hoàn thành” (pluperfect tense).
Lấy thí dụ : nếu tôi mở chiếc
dù ra khi trời bắt đầu đổ mưa, thì “động
cơ bởi-vì” là do kiến thức của tôi mách bảo rằng mưa sẽ làm ướt
quần áo ; còn “động cơ nhắm-đến” là để giữ cho mình được khô ráo. Theo G.
Walsh, sự phân biệt hai loại động cơ này của Schütz đặc biệt đáng chú
ý vì nó có thể đem lại lời giải cho cuộc tranh luận
trong giới khoa học xã hội liên quan tới
vấn đề tất định
luận và vấn đề tự do ý chí khi đề cập tới bản chất của hành động con người (Walsh,
1967: xxiv-xxv).
Nếu
Weber quan niệm rằng thế giới xã hội chỉ có thể được hiểu một cách đúng đắn khi dựa trên khái niệm “hành động xã hội”,
thì dưới quan điểm hiện tượng học về thế giới xã hội, Schütz đi xa hơn bằng cách định nghĩa “hành động xã hội” là một hành động
mà động cơ nhắm-đến bao hàm một sự qui chiếu nào đó đến dòng chảy ý thức của người khác. Động cơ của hành động có thể chỉ đơn thuần là
quan sát người khác, hoặc hiểu người khác, hoặc cũng có thể là tác động đến người khác. Trong trường hợp có sự tương giao lẫn nhau giữa các hành
động xã hội, thì đấy chính là quan hệ xã hội. Theo Schütz, có ba loại quan hệ xã hội cơ bản : (a) loại quan hệ
mà trong đó hai người chỉ quan sát lẫn nhau ; (b) loại quan hệ mà trong đó
người thứ nhất tác động đến người thứ hai trong khi người
này chỉ quan sát người thứ nhất ; và (c) loại quan hệ mà
trong đó cả hai người đều tác động lẫn nhau. Tuy nhiên, còn có thêm một trường hợp thứ tư, trong đó người này quan sát người kia mà không hề
tìm cách tác động vào
người kia, và người kia hoàn toàn không biết gì về người thứ nhất (Walsh,
1967: xxvi-xxvii).
Từ
sự phân loại trên, Schütz cho rằng trong thế giới xã hội rộng lớn vốn bao gồm rất nhiều
chiều kích phức tạp, có hai loại thực tại xã hội : loại mà
ta trải nghiệm trực tiếp,
và loại nằm bên ngoài đường chân trời của kinh nghiệm trực tiếp. Thực tại xã hội mà ta trải nghiệm trực tiếp
(Schütz gọi là Umwelt) bao gồm “những
người đồng sự” (consociates) mà tôi trực tiếp tiếp xúc và tương giao
trong đời sống thường nhật. Những người mà tôi không tiếp xúc trực tiếp bao gồm
ba loại. Trước hết là thế giới những người chỉ sống cùng thời với tôi mà thôi (contemporaries),
tức tôi không trực tiếp gặp họ (Schütz gọi là Mitwelt), sau đó là thế giới các tiền nhân của tôi (Vorwelt),
và cuối cùng là thế giới những người hậu thế của tôi (Folgewelt). “Những
người cùng thời” khác với hai loại còn lại ở chỗ trên nguyên tắc họ có thể trở
thành “những người đồng sự” của tôi (Walsh, 1967: xxvii).
Trong
thế giới thực tại xã hội mà tôi trải nghiệm trực tiếp,
tôi vừa có thể quan sát “những người đồng sự”, vừa có những mối tương giao trực
tiếp với họ. Thế nhưng kiến thức của tôi về những người cùng thời, những tiền
nhân và những người hậu thế đều chỉ mang tính chất gián tiếp. Đối với “những
người cùng thời”, do không tiếp xúc trực diện nên chúng ta chỉ có thể hiểu họ từ
xa, bằng cách suy diễn, và chúng ta thường xếp họ vào một kiểu/điển hình (type)
nào đó. Khi lý giải ứng xử của “những người cùng thời”, chúng ta thường qui về
những “điển hình ý thể” (ideal types) – hoặc là điển hình hành động, hoặc là điển hình con người. Như vậy, theo Schütz (về điểm này, ông quan niệm hoàn toàn
khác so với Weber), việc sử dụng các điển hình ý thể không diễn ra khi chúng ta chuyển từ
sự quan sát tiền khoa học sang sự quan sát khoa học, mà diễn ra ngay khi chúng
ta chuyển từ kinh nghiệm xã hội trực tiếp sang kinh nghiệm xã hội gián
tiếp (Walsh,
1967: xxviii).
Cuối
cùng chúng ta đi đến câu hỏi mấu chốt : vậy thì khoa học xã hội là gì ? Schütz đưa
ra câu trả lời như sau : khoa học xã hội là một khung ý nghĩa
khách quan được xây dựng từ, và qui chiếu về,
những khung ý nghĩa chủ quan (Schütz,
1967: 223-224). Và công cụ nền tảng của khoa học xã hội, đúng như Weber đã đề xướng, chính là điển hình ý thể. Mặc dù điển hình ý thể đã có mặt trong mọi trường hợp thông hiểu gián tiếp về tha nhân trong đời sống thường nhật, nhưng theo Schütz, nó có một chức năng đặc biệt quan trọng
trong các ngành khoa học xã hội (Walsh,
1967: xxviii-xxix).
Schütz đã đề ra nguyên tắc mà ông cho là quan trọng nhất đối với một nhà nghiên cứu
khoa học xã hội. Mặc dù nhà nghiên cứu
ý thức rằng mình phải xác lập thái độ của một người quan sát vô tư
đối với thế giới-đời sống, nhưng anh ta khó lòng mà rời bỏ hoàn toàn sự quan
tâm và lợi ích thực tiễn của mình trong thế giới-đời sống này, và vì thế anh ta
vẫn là trung tâm, vẫn còn đứng ở “điểm số không” (null
point). “Việc thay đổi đầu óc của mình để quan
sát thế giới-đời sống này một cách khoa học đòi hỏi [nhà nghiên cứu]
phải dứt khoát không còn đặt bản thân mình và hoàn cảnh lợi ích của mình ở vị trí trung tâm của thế giới này nữa, mà phải lấy một điểm số không khác để định hướng [việc khảo
sát] các hiện tượng của thế giới-đời
sống. Điểm số không này nằm
ở đâu, và làm sao để cấu tạo nó
thành một điển hình (con người kinh tế, chủ thể pháp lý, v.v.) tùy thuộc vào
hoàn cảnh-vấn đề cá biệt mà nhà khoa học đã chọn” (Schütz,
1940: 137). Schütz giải thích thêm như sau : “Chẳng hạn, nhà khoa học xã hội
không khảo
sát hành động cụ thể (Handeln) của con người, như anh và tôi và mọi người trong đời sống thường nhật của chúng ta, với tất cả những sự hy vọng và sự sợ hãi, sự sai lầm và sự thù ghét, những niềm hạnh phúc và những nỗi khổ đau của chúng ta. Anh ta chỉ phân tích một số tập hợp hành vi nhất định (Handlungsabläufe)
như những điển hình [types], với những mối liên hệ phương tiện-mục đích của chúng và những chuỗi động cơ của chúng ; và anh ta xây dựng (hiển nhiên là theo những định luật cấu trúc nhất định) những điển hình nhân cách ý thể thích
đáng [pertinent ideal personality types] mà dựa vào đó anh ta sẽ xếp
loại bộ phận của thế giới xã
hội mà anh ta đã chọn làm khách
thể nghiên cứu khoa học của mình” (Schütz,
1940: 138).
Theo
Schütz, nếu kiến thức theo lý lẽ thông thường của con người trong đời sống
thường nhật là những “công
trình kiến tạo ở cấp độ thứ nhất”, thì nhà khoa học xã hội cần phải dựa trên đấy để dựng lên những “công trình kiến tạo ở cấp
độ thứ hai”,
tức là những khái niệm và những hệ thống lý thuyết
được dùng để lý giải các kiến thức của người bình thường.
“Những công trình kiến tạo về những công trình kiến tạo” này (constructs of
the constructs) – tức là những công trình kiến tạo khoa
học – chính là “những
công trình kiến tạo mang
tính chất điển hình ý thể khách quan” (objective ideal typical constructs), và phải được tiến hành theo những
qui tắc và thủ tục khoa học giống như bất cứ ngành khoa học thường nghiệm nào. Và
để làm được như vậy, theo Schütz, cách tốt nhất là phải đi theo phương pháp hiện tượng học (Schütz,
1954: 62-66).
Chính
vì thế mà chúng ta có thể coi công trình của Schütz như một nỗ lực xây dựng cây cầu nối giữa hiện tượng học của Husserl với xã hội học của Weber, và mở ra một lối tiếp cận
nghiên cứu xã hội học theo hướng hiện tượng học.
4. XÃ HỘI HỌC HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA P. BERGER VÀ T. LUCKMANN
Vào năm 1966, hai nhà xã hội học Mỹ gốc Áo là Peter Berger
(1929-) và Thomas Luckmann (1927-) đã xuất bản cuốn xã hội học nổi tiếng
là Sự kiến tạo xã hội về thực tại.[39] Cả hai đều cùng dạy tại trường đại học New School for Social
Research ở New York, cùng chịu ảnh hưởng của xu hướng hiện
tượng học của A. Schütz (bản thân Luckmann từng là học trò của Schütz), và đều cảm
thấy thất vọng trước tình hình các lý thuyết xã hội ở Mỹ trong thập niên 1960, nhất là trước sự thống trị của lý thuyết chức năng luận cấu trúc của nhà xã hội học Mỹ Talcott Parsons (1902-1979). Trong công trình vừa nêu, hai tác giả đã
sử dụng phương pháp hiện tượng học theo đường hướng của A. Schütz để phân tích tiến trình kiến tạo thực tại đời sống xã hội, nhằm thiết lập những nền tảng
của bộ môn xã hội học về
nhận thức – bộ môn mà hai tác giả coi là quan trọng nhất
trong lãnh vực xã hội học.
Cuốn sách này bao gồm các phần sau đây : nhập đề (vấn đề của môn xã hội học nhận thức), phần 1 (những nền tảng của
sự nhận thức trong đời sống thường nhật), phần 2 (xã hội xét như là thực tại
khách quan, trong đó bao gồm mục định chế hóa và mục chính đáng hóa), phần 3
(xã hội xét như là thực tại chủ quan, trong đó bao gồm những mục như nội tâm
hóa, xã hội hóa, và sự hình thành
của căn cước [identity]), và phần kết luận (xã hội học nhận thức và lý
thuyết xã hội học) (xem thêm Trần Hữu Quang, 2015).
Berger và Luckmann đã giải
thích diễn trình của cuốn sách như
sau : phần 1 là phần “dẫn luận triết học vào luận đề cốt tủy”
của công trình này
“dưới dạng một
sự phân tích hiện tượng học về
thực tại của đời sống thường nhật”,
trong đó “một số vấn đề sẽ được xem xét trong các dấu ngoặc đơn hiện tượng học”.
Sau đó, những vấn đề ấy “sẽ được đề cập trở lại ở phần 2 bằng cách loại bỏ những
dấu ngoặc đơn ấy và chú tâm tới nguồn gốc sinh thành thường nghiệm của chúng”,
và cuối cùng “lại
tiếp tục được đề cập một lần nữa ở phần 3 trên bình diện ý thức chủ quan”. Phần 2 trình bầy quan niệm của hai tác giả về bộ môn xã hội học nhận thức ; còn phần 3 thì
“ứng dụng quan niệm này
vào bình diện
ý thức chủ quan, và từ đó xây dựng một chiếc cầu lý thuyết nối đến các vấn đề của ngành tâm lý học xã hội”
(Berger, Luckmann, 1971: 7-8).
Như vậy,
trước khi bước vào phần trình bầy những luận điểm then chốt của cuốn sách ở phần 2 và phần 3, hai
tác giả đã áp dụng phương pháp hiện tượng học ở phần 1 mà hai ông gọi là “một
phương pháp thuần túy mô tả”, nhằm đi tìm “những nền tảng của kiến thức trong đời sống thường nhật”. Theo hai ông, phương pháp này “mang tính chất ‘thường nghiệm’ chứ
không mang tính chất ‘khoa học’ – như chúng ta thường hiểu về bản chất của các
ngành khoa học thực nghiệm” (Berger, Luckmann, 1971:
34). Nội dung phần 1 thực ra chưa phải
là việc phân tích xã hội học thực thụ, mà chỉ mang tính chất “tiền xã hội học”, vì đây là phần “dẫn
luận triết học” để chuẩn bị những tiền đề nền tảng cần thiết cho việc phân tích xã hội học về sau.
Đây chính là phần mà hai tác giả nói là mình chịu ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng của A.
Schütz.
Trong phần
1, ở mục
1, hai tác giả mô tả hiện
tượng học về đời sống thường nhật,
bằng cách
phân tích
các kinh nghiệm chủ quan của
người bình thường
trong đời sống thường nhật, cách
thức mà ý thức con người lãnh hội thực tại của đời sống thường
nhật trong bối cảnh của
một thế giới liên chủ thể. Sau đó, ở mục 2, hai tác giả cho thấy chính là trong cấu trúc của
ý thức con người mà chúng ta nhận diện ra được bốn chiều kích của thực tại xã hội (Martuccelli,
2012: 23-24) :
kinh nghiệm trực tiếp
về tha nhân trong tình huống gặp gỡ trực diện (giáp mặt) với “những người đồng sự” ; kinh nghiệm
gián tiếp với “những người
cùng thời”, nhất là thông
qua sự “điển hình hóa” khi nhìn về tha nhân ; và
xét về mặt thời gian, kinh nghiệm về tha nhân trong thế giới “các tiền
nhân” và
trong thế giới “những người hậu thế”. Và cuối cùng, mục 3
mô tả ngôn ngữ xét như là hệ thống
tín hiệu quan trọng nhất của xã hội loài người, vì nó là một phương tiện
khách thể hóa giúp con người hình thành nên “kho kiến thức” chung trong đời sống xã hội.
Berger và
Luckmann nhấn mạnh rằng khi phân tích hiện tượng học, điều
quan trọng
luôn luôn
cần lưu tâm là
“tránh đưa ra bất cứ giả thuyết nhân quả hay giả thuyết sinh thành
nào, cũng như tránh những lời khẳng định về vị thế bản thể luận [ontological status] của các hiện tượng được phân tích”
(Berger, Luckmann, 1971: 34). Theo hai tác giả,
nhà xã hội
học không có thẩm quyền để trả lời những câu hỏi liên quan
tới bản thể luận và nhận thức luận của các hiện tượng xã hội, vốn là những lãnh vực thuộc ngành triết học. Hai tác giả viết tiếp
như sau : “Lý lẽ thông thường có vô số những cách diễn giải tiền-khoa-học
hoặc có-vẻ-như-khoa-học
về thực tại thường nhật mà nó coi là điều đương nhiên. Nếu chúng ta phải mô tả
thực tại hiểu theo lý lẽ thông thường, chúng ta buộc phải qui chiếu đến những cách lý giải ấy, cũng
như chúng ta buộc phải xét đến tính
chất được-coi-như-đương-nhiên của thực tại này – nhưng chúng ta sẽ làm điều này bên trong những
dấu ngoặc đơn hiện tượng học” (Berger, Luckmann,
1971: 34).
Cuốn sách này của Berger
và Luckmann có
thể được coi là một công
trình xã hội học hiện tượng
học. Lối tiếp cận này có một số nét tương đồng với trường phái tương tác biểu tượng
(symbolic interactionism) và
trường phái phương pháp luận thường nhân (ethnomethodology), chẳng hạn cả ba lối tiếp cận này đều nhấn mạnh đến vai trò chủ động của các tác nhân trong các hoàn cảnh xã hội, đều chú trọng tới đời sống thường nhật, và nhất
là đều hết sức chú ý tới những ý
nghĩa mà các tác nhân cùng chia sẻ trong việc duy trì đời sống xã hội. Tuy nhiên,
lối tiếp cận xã hội học hiện tượng
học của Berger và Luckmann khác biệt rõ rệt về nhiều mặt so với cả hai trường phái ấy (Martuccelli, 2012: 21).
Theo
Martuccelli, phái tương tác biểu tượng chú trọng chiều kích liên chủ thể tính
hơn là chiều kích chủ thể tính, và đây chính là điểm khác biệt căn bản so với lối
tiếp cận xã hội học hiện tượng học của Berger và Luckmann. Phái tương tác biểu
tượng ưu tiên chú ý tới thế giới xã hội để hiểu về kinh nghiệm của cá nhân, còn
Berger và Luckmann thì chú tâm trước tiên tới thực tại chủ quan, mặc dù hai tác
giả này cũng đã dựa khá nhiều vào một số ý tưởng của George H. Mead.
Còn trường phái phương pháp luận thường nhân
tuy cũng đi theo hướng hiện
tượng học (của chính Husserl
hơn là của Schütz), nhưng
đã khai triển nhiều kỹ thuật khảo sát thực nghiệm (như phân tích hội thoại, phân tích văn bản...), trong khi lối tiếp cận hiện tượng học của Berger và Luckmann thì chú trọng đến sự tư biện duy lý và triết
học nhiều hơn. Theo Martuccelli, các nhà phương pháp luận thường nhân
thường tập trung vào những kết
quả đã-được-khách-thể-hóa của chủ thể tính của con người (tức những gì
có thể khảo sát một cách thực nghiệm), còn các nhà xã hội học hiện tượng học thì coi ý thức của con người mới là đối tượng nghiên cứu chính của mình (Martuccelli, 2012: 22-23).
Điểm
độc đáo của lối tiếp cận hiện tượng học của Berger và Luckmann là mang một nhãn quan xã hội học vừa vi mô, vừa vĩ mô. Công trình phân tích của hai tác giả này chủ yếu
xuất phát từ những nền tảng vận hành của ý thức, hơn là từ sức mạnh chi phối của
các cấu trúc xã hội đối với hành động của cá nhân. Tuy vậy, họ vẫn “có công đề cập tới
chiều kích cấu trúc và chiều kích xã hội học vĩ mô, nhưng họ làm điều này theo
một ngả đường cá biệt – [đó là] thông qua một sự trở đi trở lại liên tục giữa những ý nghĩa mà mọi người
cùng chia sẻ với những chiều kích đặc thù của ý thức con người” (Martuccelli, 2012: 24), nhằm từ đó lý giải sự sinh thành cũng như sự
vận hành của các định chế xã hội nói riêng và thế giới xã hội nói chung.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, lối tiếp cận hiện tượng học của Husserl có vẻ như
không thu hút sự quan tâm của giới xã hội học, và phải chờ đến Alfred Schütz
thì người ta mới nhìn thấy hấp lực của lối tiếp cận này. Đối với ngành xã hội học, hiện tượng học là một cuộc “cách
mạng” vì lối tiếp cận này
trước hết mong muốn trở về với tầm quan trọng của đời sống thường
nhật, đúng y như nó là, với tất cả những sức sống sôi sục và tuôn trào của nó (Akoun, Ansart, 1999: 397).
Trong lãnh vực xã hội học, phương pháp hiện tượng học được áp dụng tương
đối thịnh hành kể từ cuối thập niên 1960, khi
mà nhiều lý thuyết xã hội học chính thống sau Thế chiến thứ hai đã bị hoài nghi
và bác bỏ. Ảnh hưởng của hiện tượng học diễn ra rõ rệt nhất nơi công trình của Berger và
Luckmann, cũng như nơi trường phái phương pháp luận thường nhân và trường
phái tương tác biểu tượng. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy xuất hiện một trường
phái hiện tượng học riêng biệt trong giới xã hội học trên thế giới (Scott,
Marshall, 2009: 562). Tuy nhiên, lối tiếp cận hiện tượng học, nhất là theo
nhãn quan của A. Schütz, vẫn không ngừng ghi lại dấu ấn
trong nhiều công trình khoa học xã hội khác, chứ không
chỉ riêng trong lãnh vực xã hội
học.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Akoun, André et Pierre Ansart (Dir.). 1999. Dictionnaire
de sociologie. Paris, Le Robert, Seuil.
2. Berger, Peter L., and Thomas Luckmann. 1971. The Social
Construction of Reality. A Treatise in the Sociology of Knowledge (1966).
Harmondsworth, Penguin Books.
3. Macey, David. 2001. The Penguin Dictionary of Critical
Theory. (paperback) London, Penguin Books.
4. Martuccelli, Danilo. 2012. “Une sociologie phénoménologique
quarante-cinq ans après”, in P. Berger et T. Luckmann. La construction
sociale de la réalité. trad. Pierre Taminiaux. Paris, Armand Colin,
2012, pp. 3-36.
5. Moran,
Dermot, and Joseph Cohen. 2012. The Husserl Dictionary. London,
Bloomsbury Publishing, Continuum Books.
6. Schütz,
Alfred. 1940. “Phenomenology
and the Social Sciences”, in Alfred Schütz, Collected Papers I, Martinus Nijhoff, 1962, pp. 118-139.
7. Schütz,
Alfred. 1945. “Some
Leading Concepts of Phenomenology”,
in Alfred Schütz, Collected
Papers I, Martinus Nijhoff, 1962,
pp. 99-117.
8. Schütz,
Alfred. 1954. “Concept
and Theory Formation in the Social Sciences”, in
Alfred Schütz, Collected Papers I, Martinus Nijhoff, 1962, pp. 48-66.
9. Schütz,
Alfred. 1959. “Husserl’s
Importance for the Social Sciences”, in Alfred Schütz, Collected
Papers I, Martinus Nijhoff, 1962,
pp. 140-149
10. Schütz,
Alfred. 1962. Collected Papers I. The Problem of Social Reality.
The Hague, Martinus Nijhoff.
11. Schütz, Alfred. 1967. The
Phenomenology of the Social World (1932). trans. George Walsh and Frederick
Lehnert, with
an introduction by George Walsh. Evanston (Illinois), Northwestern University Press.
12. Scott,
John, and Gordon Marshall (Eds.). 2009. A Dictionary of Sociology. 3rd
edition revised, Oxford, Oxford University Press.
13. Trần
Đức Thảo. 1951. Phénoménologie et matérialisme dialectique. Paris, Éd.
Minh Tân.
14. Trần Hữu Quang. 2015. “Sự biện chứng của xã hội theo P.
Berger và T. Luckmann và trào lưu kiến tạo luận xã hội”. Tạp chí Khoa học
xã hội (TP. HCM), số 6 (202).
15. Walsh,
George. 1967. “Introduction”, in Alfred Schütz, The Phenomenology of the Social
World. Evanston (Illinois), Northwestern University
Press, pp. xv-xxix.
16. Weber,
Max. 1964. The Theory of Social and
Economic Organization (1922). trans. A. M. Henderson and Talcott Parsons,
edited with an introduction
by Talcott Parsons, New York, The Free Press.
NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO
KHMER Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - TÌNH HÌNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU
PGS.TS. Huỳnh Thị Gấm và ThS. Võ Hữu Ngọc
Khoa Tư tưởng Hồ
Chí Minh - Học viện Chính trị khu vực II
Bộ môn Khoa học
Chính trị -Xã hội - Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III
Đồng bào Khmer là
cộng đồng dân tộc thiểu số có số lượng
đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vai trò và đóng góp quan trọng
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Do những nét đặc thù trong
lịch sử hình thành và phát triển, vùng đồng bào Khmer có những đặc điểm riêng về
kinh tế, văn hóa, xã hội lại thêm những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực
thù nghịch nên tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, đe dọa đến sự ổn định lâu dài và
phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Những vấn đề khoa
học xã hội và nhân văn trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã thật sự thu hút sự
quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả. Nhiều công trình nghiên cứu về đồng bào
Khmer đã được công bố, dưới những hình thức khác nhau như: sách, đề tài khoa học,
luận án, luận văn, đề án, bài viết khoa học…
Thông qua việc tập
hợp và hệ thống hóa, khái quát hóa khối lượng lớn những công trình nghiên cứu về
những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL, bài
viết sẽ trình bày thực trạng nghiên cứu về những vấn đề này trong thời gian
qua, trên cơ sở đó, có những nhận định và đề xuất những định hướng nghiên cứu
trong thời gian tới.
1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC XÃ HỘI
VÀ NHÂN VĂN TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO KHMER Ở ĐBSCL
Dưới thời Pháp thuộc,
một số công trình nghiên cứu về đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã được các học giả Pháp
công bố, tiêu biểu như: “Les Cambodgiens de Conchinchine” (Người Campuchia ở
Nam Kỳ) của Barrault (1927), trong Extrême
- Asie: Revue Indochinoise (Viễn Á: Tạp chí Đông Dương); “La minorité
Cambodgiens de Conchinchine” (Nhóm thiểu số người Campuchia ở Nam Kỳ) của Louis
Malleret (1946), trong Bulletin
de l'Ecole française d'Extrême-Orient (Tạp san Trường Viễn Đông Bác Cổ). Những công trình này đã nghiên cứu
về nguồn gốc của đồng bào Khmer, sự di chuyển của đồng bào Khmer từ Campuchia
sang định cư, khai khẩn vùng ĐBSCL, một số khía cạnh liên quan đến tổ chức xã hội,
hôn nhân, gia đình trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL.
Dưới thời chính
quyền Sài Gòn, việc nghiên cứu về đồng bào Khmer ở ĐBSCL
cũng được chú ý. Những công trình nghiên cứu sơ lược về đồng bào Khmer ở ĐBSCL
đã được công bố ở miền Nam, tiêu biểu như: Việt
sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang (1967), Nxb. Khai Trí, đã nghiên cứu về
quá trình mở mang, khai khẩn xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, quá trình tham gia
khai khẩn, xây dựng xóm làng, phum sóc của đồng bào Kinh, Khmer, Hoa; Người Việt gốc miên của Lê Hương (1969),
Nxb. Khai Trí, đã nghiên cứu về lịch sử, dân số, đời sống kinh tế - xã hội,
sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng đồng bào Khmer. Bên cạnh đó,
còn có một số công trình nghiên cứu về đời sống, vai trò của đồng bào Khmer,
chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với đồng bào Khmer, tiêu biểu như: Nếp sống và vai trò người Miên trong cộng đồng
quốc gia của Danh La (1972), Luận văn đốc học hành chính; Người Việt gốc Miên và chính sách phát triển
của Chính phủ II cộng hòa của Chương Kosâl (1973), Luận văn đốc học hành
chính.
Từ sau ngày miền
Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước,
những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL tiếp
tục được đầu tư nghiên cứu. Số lượng công trình nghiên cứu về đồng bào Khmer ở
ĐBSCL được công bố ngày càng nhiều, bao gồm những công trình mang tính tổng
quát chung và mang tính chuyên đề.
Những công trình mang tính khái quát chung đã nghiên cứu khá toàn diện về vùng đồng bào
Khmer ở ĐBSCL, tiêu biểu như: “Một số vấn đề kinh tế - xã hội của vùng nông
thôn Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long” của Phan An, trong Một số vấn đề khoa học xã hội về đồng bằng sông Cửu Long của Viện
Khoa học Xã hội (1982), Nxb. Khoa học Xã hội và Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long của Viện Khoa học Xã hội
(1991), Nxb. Khoa học Xã hội, đã nghiên cứu về vấn đề ruộng đất, giai cấp, hoạt
động kinh tế, tổ chức xã hội truyền thống trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL;
“Khái quát về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long” của Thạch Voi, trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ
của Viện Văn hóa (1988), Nxb. Tổng hợp Hậu Giang và Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long của Viện Văn hóa
(1993), Nxb. Văn hóa Dân tộc, đã nghiên cứu về sự hình thành tộc người, đặc điểm
cư trú, hoạt động kinh tế, hình thái xã hội, văn hóa trong vùng đồng bào Khmer ở
ĐBSCL; “Khái quát về người Khơme tỉnh Cửu Long” của Văn Xuân Chí (1990), trong Người Khmer Cửu Long, Nxb. Sở Văn hóa -
Thông tin Cửu Long, đã nghiên cứu về địa lý tự nhiên, dân cư, sinh hoạt kinh tế,
văn hóa vật chất, xã hội trong vùng đồng bào Khmer ở Cửu Long; Thực trạng kinh tế - xã hội và giải pháp giảm
nghèo ở người Khmer tỉnh Sóc Trăng của Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp (2001),
Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã nghiên cứu về thực trạng phát
triển kinh tế - xã hội, sự phân hóa giàu nghèo trong vùng đồng bào Khmer ở Sóc
Trăng; Vài nét về người Khmer Nam Bộ
của Nguyễn Mạnh Cường (2002), Nxb. Khoa học Xã hội, đã nghiên cứu về lịch sử
hình thành vùng đồng bằng Nam Bộ, hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa
trong vùng đồng bào Khmer Nam Bộ; Người
Khmer ở Kiên Giang của Đoàn Thanh Nô (2002), Nxb. Văn hóa Dân tộc, đã
nghiên cứu về sự hình thành cộng đồng dân cư, văn hóa vật thể và phi vật thể
trong vùng đồng bào Khmer ở Kiên Giang; “Văn hóa dân gian người Khmer Nam Bộ từ
góc nhìn dân tộc học” của Đào Huy Quyền (2002), trong Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng của Viện Khoa học Xã hội,
Nxb. Khoa học Xã hội, đã nghiên cứu về âm nhạc, sân khấu truyền thống trong
vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL; Dân tộc
Khmer Nam Bộ của Phan An (2009), Nxb. Chính trị Quốc gia, đã nghiên cứu về
văn hóa, tôn giáo, cơ chế quản lý xã hội truyền thống, sự tương thích của thiết
chế chính trị xã hội truyền thống, sự phát triển của đời sống chính trị, kinh tế,
xã hội trong vùng đồng bào Khmer ở Nam Bộ; Văn
hóa Khmer Nam Bộ - Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam của Phạm Thị
Phương Hạnh chủ biên (2011), Nxb. Chính trị Quốc gia, đã nghiên cứu về tín ngưỡng
- tôn giáo, lễ hội, văn hóa - nghệ thuật, phong tục - tập quán, ngành, nghề
truyền thống trong vùng đồng bào Khmer ở Nam Bộ; Giá trị văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long của Huỳnh Thanh
Giang (2011), Nxb. Chính trị Quốc gia, đã nghiên cứu về giá trị văn hóa, thực
trạng, phương hướng, giải pháp phát huy giá trị văn hóa trong vùng đồng bào
Khmer ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, những công trình mang tính chuyên đề về lịch
sử hình thành, kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu văn hóa, ảnh hưởng của văn
hóa đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình lãnh đạo thực hiện chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào Khmer, những
vấn đề cấp bách trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã được nghiên cứu và công bố.
Vấn đề lịch sử
hình thành cộng đồng Khmer ở ĐBSCL đã được đề cập trong một
số công trình tiêu biểu như: Vấn đề nguồn
gốc và sự hình thành cộng đồng người Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của
Nguyễn Khắc Cảnh (1996), Đề tài nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu về địa lý
môi sinh, sự hình thành cộng đồng dân cư, loại hình cư trú trong vùng đồng bào
Khmer ở ĐBSCL; “Vấn đề nguồn gốc tộc người và sự hình thành loại hình Khmer” của
Nguyễn Khắc Cảnh (2011), trong Hội thảo
khoa học Cộng đồng dân tộc Khmer trong quá trình phát triển và hội nhập, đã
nghiên cứu về nguồn gốc tộc người, sự hình thành loại hình Khmer, quá trình tập
hợp tộc người trong vùng đồng bào Khmer; Quan
hệ tộc người của người Khmer ở hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia (khu vực
Tây Nam Bộ) của Nguyễn Thuận Quý (2015), Luận án Tiến sĩ, đã nghiên cứu về
quan hệ tộc người của đồng bào Khmer ở khu vực biên giới Tây Nam Bộ trên các
lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa thông qua các trục quan hệ như: với quốc gia
dân tộc Việt Nam, với tộc người cận cư, với người đồng tộc (trong khu vực và
xuyên biên giới).
Vấn đề kinh tế
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã được nhiều tác giả thể
hiện trong một số công trình của mình như: Vấn
đề ruộng đất và thực trạng phát triển kinh tế của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng
của Thành Phần (2003), Đề tài nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu về vấn đề ruộng
đất, tư liệu sản xuất, thực trạng phát triển kinh tế, đời sống xã hội trong
vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng; “Vài nét về thực trạng kinh tế và đời sống vật
chất của người Khmer tỉnh Sóc Trăng” của Phạm Thị Tuyết Nhung, Đinh Thị Lệ Hằng
(2003), trong Phát triển giáo dục vùng
dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã
nghiên cứu về đời sống vật chất, những thách thức đối với sự phát triển kinh tế
trong vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng; “Về mô hình kinh tế phát triển bền vững ở
người Khmer Nam Bộ” của Nguyễn Mạnh Cường (2004), trong Tạp chí Dân tộc học, đã nghiên cứu về đời sống kinh tế, mô hình
kinh tế phát triển bền vững trong vùng đồng bào Khmer ở Nam Bộ; Vấn đề tranh chấp đất đai sản xuất của đồng
bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long: 1986 - 2006 của Trần Đăng Kế (2007),
Luận văn Thạc sĩ, đã nghiên cứu về tình hình sử dụng, tranh chấp đất đai sản xuất
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL; “Bất ổn sinh kế và di cư lao động của người
Khmer” của Nguyễn Thị Phương Lan (2011), trong Hội thảo khoa học Cộng đồng dân tộc Khmer trong quá trình phát triển và
hội nhập, đã nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế, sinh kế, di cư
lao động trong vùng đồng bào Khmer.
Vấn đề xã hội
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã được trình bày trong
nhiều công trình tiêu biểu: Phum sóc
Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long của Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Nxb. Giáo dục,
đã nghiên cứu về cấu trúc, chức năng của phum sóc trong vùng đồng bào Khmer ở
ĐBSCL trên một số khía cạnh như: quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, gia
đình, quan hệ gia đình trong phum, sự phân hóa xã hội, bộ máy quản lý, cơ chế vận
hành của sóc, các nghi lễ sinh hoạt cộng đồng, ý thức cộng đồng sóc của cư dân;
Hôn nhân và gia đình của người Khmer ở đồng
bằng sông Cửu Long của Đặng Thị Kim Oanh (2007), Luận án Tiến sĩ, đã nghiên
cứu về những biến đổi của hôn nhân và gia đình trong vùng đồng bào Khmer ở
ĐBSCL trong mối tương tác với những biến đổi kinh tế - xã hội và quá trình giao
lưu, tiếp biến văn hóa; Vai trò phụ nữ
Khmer nghèo trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội trong điều kiện kinh tế
thị trường huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng của Trần Thị Thuận Hải (2009), Luận
văn Thạc sĩ, đã nghiên cứu về thực trạng và nguyên nhân nghèo của phụ nữ Khmer,
mức độ tham gia, sự chuyển biến về vị trí, vai trò của phụ nữ Khmer trong quá
trình chuyển đổi kinh tế; Văn hóa quản lý xã hội ở cộng đồng người
Khmer tỉnh Kiên Giang của Nguyễn Lâm Thảo Linh (2009), Luận văn Thạc sĩ, đã
nghiên cứu về văn hóa quản lý xã hội truyền thống và hiện đại trong vùng đồng
bào Khmer ở Kiên Giang; “Văn hóa phum sóc trong đời sống tinh thần của người
Khmer Nam Bộ” của Trần Văn Ánh
(2011), trong Hội thảo khoa học Cộng đồng
dân tộc Khmer trong quá trình phát triển và hội nhập, đã nghiên cứu về văn
hóa phum sóc, vai trò của văn hóa phum sóc đối với đời sống tinh thần, định hướng
phát huy giá trị văn hóa phum sóc trong vùng đồng bào Khmer ở Nam Bộ; Đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người
Khmer ở Kiên Giang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Huỳnh
Thị Hồng Nương (2011), Luận văn Thạc sĩ, đã nghiên cứu về đời sống văn hóa tinh
thần, tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với đời sống văn
hóa tinh thần trong vùng đồng bào Khmer ở Kiên Giang; Văn hóa cư trú của người Khmer Nam Bộ (trường hợp Thành phố Trà Vinh) của
Nguyễn Thanh Đệ (2014), Luận văn Thạc sĩ, đã nghiên cứu về văn hóa cư trú truyền
thống, sự biến đổi trong văn hóa cư trú của đồng bào Khmer trong quá trình cộng
cư ở Trà Vinh; “Giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí đối với đồng bào Khmer
Tây Nam Bộ” của Bùi Thị Ngọc Lan (2014), trong Tạp chí Lịch sử Đảng, đã nghiên cứu về những yếu tố tác động đến
giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng
giáo dục và đào tạo trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL; Hệ thống xã hội tộc người của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long
của Bùi Thị Hồng Loan (2014), Luận án Tiến sĩ, đã nghiên cứu về hệ thống xã hội
tộc người, xã hội truyền thống, mối quan hệ trong hệ thống xã hội tộc người
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL; Văn
hóa phum sóc - Truyền thống và biến đổi (qua
trường hợp xã Long Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) của Nguyễn Thị Tuyết
Nhung (2014), Luận văn Thạc sĩ, đã nghiên cứu về văn hóa phum sóc truyền thống
và hiện đại trong vùng đồng bào Khmer ở xã Long Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh
Long;
Vấn đề văn hóa
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã được nhiều tác giả đề
cập, tiêu biểu như các công trình: “Văn hóa nghệ thuật truyền thống của người
Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long” của Ros Kulap (1984), trong Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long,
Nxb. Viện Văn hóa, đã nghiên cứu về ngôi chùa Khmer, những hình thức văn nghệ
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL; Tìm hiểu
vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ của Viện Văn hóa (1988), Nxb. Tổng hợp Hậu
Giang, đã nghiên cứu về phong tục lễ nghi, văn học dân gian, nghệ thuật tạo
hình, mô típ Réahu, giàn nhạc ngũ âm, múa truyền thống, sân khấu truyền thống
trong vùng đồng bào Khmer ở Nam Bộ; Văn
hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long của Viện Văn hóa (1993), Nxb.
Văn hóa Dân tộc, đã nghiên cứu về tín ngưỡng - tôn giáo, lễ hội, phong tục tập
quán, văn học, nghệ thuật âm nhạc và biểu diễn, nghệ thuật tạo hình trong vùng
đồng bào Khmer ở ĐBSCL; Một số lễ tục dân
gian người Khmer đồng bằng sông Cửu Long của Trần Văn Bổn (1999), Nxb. Văn
hóa Dân tộc, đã nghiên cứu về tín ngưỡng - tôn giáo, lễ hội, phong tục - tập
quán, văn học, nghệ thuật trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL; “Phật giáo trong
người Khmer Sóc Trăng - Thực trạng và giải pháp” của Trần Hồng Liên (2002),
trong Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc
Trăng của Viện Khoa học Xã hội, Nxb. Khoa học Xã hội, đã nghiên cứu về Phật
giáo trong vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng trên một số khía cạnh như: chùa chiền,
sư sãi, sinh hoạt nghi lễ; “Nghệ thuật múa truyền thống của dân tộc Khmer ở Sóc
Trăng” của Trần Thị Bạch Linh, Cao Thị Hồng Loan (2003), trong Phát triển giáo dục vùng dân tộc Khmer Nam Bộ,
Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã nghiên cứu về thực trạng và giải
pháp phát triển nghệ thuật múa truyền thống trong vùng đồng bào Khmer ở Sóc
Trăng; Phật giáo Khơme Nam Bộ - Những vấn
đề nhìn lại của Nguyễn Mạnh Cường (2008), Nxb. Tôn giáo, đã nghiên cứu về
Phật giáo Nam tông, ngôi chùa Khmer trong đời sống tâm linh, đại lễ và nghi thức
tụng niệm, giải pháp cho sự phát triển bền vững của Phật giáo trong vùng đồng
bào Khmer ở Nam Bộ; Sự du nhập và ảnh hưởng
của đạo Tin lành trong đời sống văn hóa của người Khmer ở Trà Vinh của Nguyễn
Thị Thanh Trang (2014), Luận văn Thạc sĩ, đã nghiên cứu về quá trình du nhập, tổ
chức tôn giáo, ảnh hưởng của đạo Tin Lành đối với đời sống văn hóa trong vùng đồng
bào Khmer ở Trà Vinh.
Sự ảnh hưởng của
văn hóa đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL
đã được đề cập trong một số tác phẩm tiêu biểu như: “Vai trò của nhà chùa Khmer
trong việc phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc tỉnh Sóc Trăng 10 năm qua
(1992 - 2001)” của Dương Nhơn (2003), trong Phát
triển giáo dục vùng dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ
Chí Minh, đã nghiên cứu về vai trò của nhà chùa Khmer trong việc phát triển
giáo dục trong vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng trên một số lĩnh vực như: xây dựng,
tu sửa và bảo quản trường học, vận động trẻ em Khmer đi học, tổ chức dạy và học
tiếng Khmer ở các trường phổ thông vùng dân tộc và ở các chùa, tham gia kiến
nghị thành lập Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng; Tác động của phong tục tập quán đến phát triển
kinh tế - xã hội cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng của Trần Thanh Bé
(2007), Đề tài nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu về tác động của yếu tố phong
tục tập quán đến phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer ở Sóc
Trăng, thông
qua một số khía cạnh như: quan niệm về sản xuất và cuộc sống, chi phí
nông hộ trong hoạt động sản xuất, chi tiêu và lễ hội, hoạt động chuyển giao
khoa học kỹ thuật, tiếp cận với nguồn vốn, khả năng thích ứng trước những thay
đổi về thị trường, kỹ thuật trong sản xuất, tính cộng đồng trong sản xuất và đời
sống, yếu tố giới trong đời sống; Những đặc
điểm văn hóa xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển của người Khmer trong bối cảnh
hội nhập của Ngô Văn Lệ, trong Hội thảo
khoa học Cộng đồng dân tộc Khmer trong quá trình phát triển và hội nhập
(2011), đã nghiên cứu về ảnh hưởng của những đặc điểm văn hóa xã hội đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập của vùng đồng bào Khmer, đặc biệt
là vấn đề lịch sử hình thành, đời sống kinh tế, tôn giáo; Văn hóa Khmer và sự phát triển kinh tế du lịch văn hóa của Trịnh
Công Lý, trong Hội thảo khoa học Cộng đồng
dân tộc Khmer trong quá trình phát triển và hội nhập (2011), đã nghiên cứu
về đặc trưng văn hóa của vùng đồng bào Khmer, nhấn mạnh yêu cầu phát triển loại
hình du lịch văn hóa dựa trên giá trị văn hóa Khmer; Vai trò của sư sãi Khmer trong việc phát triển giáo dục và văn hóa dân
tộc của Tạ Phia Rinh, trong Hội thảo
khoa học Cộng đồng dân tộc Khmer trong quá trình phát triển và hội nhập
(2011), đã nghiên cứu về vai trò của Phật giáo, chùa chiền, sư sãi trong việc
phát triển giáo dục và văn hóa dân tộc trong vùng đồng bào Khmer; Vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước
trong đời sống của cộng đồng người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay của Vưu
Thị Tuyết Sương (2013), Luận văn Thạc sĩ, đã nghiên cứu về vai trò, thực trạng
hoạt động của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước đối với đời sống xã hội trong vùng đồng
bào Khmer ở Sóc Trăng.
Mối quan hệ giữa đồng
bào Khmer với các dân tộc ở ĐBSCL đã được ctác giả thể hiện
trong một số công trình nổi bật: “Giao lưu văn hóa giữa các dân tộc ở đồng bằng
sông Cửu Long” của Đinh Văn Liên (1984), trong Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Viện Văn hóa;
“Văn hóa Khmer trong quá trình giao lưu và phát triển ở đồng bằng sông Cửu
Long” của Đinh Văn Liên (1988), trong Tìm
hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang; “Truyền thống
đoàn kết Việt - Khơme trong chiến đấu và xây dựng” của Phan Thị Yến Tuyết
(1990), trong Người Khmer Cửu Long,
Nxb. Sở Văn hóa - Thông tin Cửu Long;
Giao lưu phát triển văn hóa giữa các dân tộc Việt - Khmer - Hoa ở đồng bằng
sông Cửu Long của Nguyễn Duy Tiến (2003), Luận văn Thạc sĩ; “Người Khmer và
những tương đồng trong văn hóa các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long” của Nguyễn
Thanh Luân, Võ Thị Mỹ (2011), trong Hội
thảo khoa học Cộng đồng dân tộc Khmer trong quá trình phát triển và hội nhập;
Mối quan hệ giữa hôn nhân người Chăm và
người Khmer ở Trà Vinh của Lâm Quang Vinh (2011), trong Hội thảo khoa học Cộng đồng dân tộc Khmer
trong quá trình phát triển và hội nhập. Những công trình này đã nghiên cứu
về mối quan hệ, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa đồng bào Khmer với
các dân tộc ở ĐBSCL trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sự lãnh đạo thực
hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào
Khmer ở ĐBSCL cũng
đã được đề cập trong một số công trình tiêu biểu như: Quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với
đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long của Nguyễn Thanh Thủy (2001), Luận
án Tiến sĩ; Quá trình thực hiện chính
sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước trong cộng đồng người Khmer tại Đồng
bằng sông Cửu Long (1992 - 2002) của Nguyễn Hoàng Sơn (2007), Luận án Tiến
sĩ; Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lãnh đạo quá
trình thực hiện chính sách dân tộc đối với người Khmer của Lê Thị Út Thanh
(2008), Luận văn Thạc sĩ; Đảng bộ tỉnh
Vĩnh Long lãnh đạo thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào
Khmer (1992 - 2012) của Võ Hữu Ngọc
(2012), Luận văn Thạc sĩ; Đảng bộ tỉnh
Trà Vinh lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer từ 1992 đến
2012 của Nguyễn Thị Diễm My (2013), Luận văn Thạc sĩ; Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng
bào Khmer (1992 - 2012) của Lê Thị
Thúy Liễu (2014), Luận văn Thạc sĩ. Những công trình này đã nghiên cứu về chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào Khmer, quá
trình lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc, chính sách xóa đói giảm nghèo
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL và một số địa phương như: Sóc Trăng, Vĩnh
Long, Trà Vinh.
Những vấn đề cấp bách trong vùng đồng bào Khmer ở
ĐBSCL đã được đề cập trong một số công trình tiêu biểu như: Luận cứ khoa học cho việc xác định chính
sách đối với cộng đồng người Khmer và người Hoa ở Việt Nam của Phan Xuân
Biên (1995), Đề tài nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu về sự phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội, những vấn đề cấp bách trong vùng đồng bào Khmer như: sở hữu ruộng
đất, phân hóa giàu nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mối quan hệ giữa phát triển
kinh tế và văn hóa, xã hội; Một số vấn đề
cấp bách ở vùng người Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Đông Nam Bộ hiện nay
của Nguyễn Văn Diệu (2001), Đề tài nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu về đời sống
của hộ nông dân Khmer không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, tình hình tranh chấp
ruộng đất trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL, nhất là ở các huyện biên giới với
Campuchia; Phát triển đời sống tinh thần
của đồng bào dân tộc Khmer miền Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay của
Nguyễn Thanh Nam (2001), Luận án Tiến sĩ, đã nghiên cứu về đặc thù, xu hướng biến
đổi của đời sống tinh thần trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL; Một số giải pháp nâng cao đời sống cho đồng
bào dân tộc Khmer ở miền Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay của Lê Tăng
(2003), Đề tài nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu về những khó khăn, thách thức
trong vùng đồng bào Khmer ở Nam Bộ, đặc biệt là vấn đề nghèo đói, trình độ học
vấn; Một số vấn đề cấp bách đặt ra trong
quá trình đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đi lên công nghiệp hóa, hiện
đại hóa của Võ Văn Sen (2006), Đề tài nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu về
những vấn đề cấp bách trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL trong quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa như: ruộng đất, nghèo đói, quan hệ tộc người. Từ đó,
những công trình này đã đề ra những phương hướng và giải pháp nhằm giải quyết
những vấn đề cấp bách, góp phần đảm bảo sự ổn định lâu dài và phát triển bền vững
trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL.
2. NHẬN XÉT VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ
KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO KHMER Ở ĐBSCL
Thứ nhất, vài nhận
xét về tình hình nghiên cứu: Trên cơ sở tập hợp, hệ
thống hóa và khái quát hóa khối lượng lớn những công trình nghiên cứu về những
vấn đề khoa học xã hội và nhân văn trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL, có thể
rút ra một số nhận xét cơ bản:
Đồng bào Khmer là một dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc
ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, đồng bào
Khmer có khoảng 1.260.640 người, chiếm 1,5% tổng số dân số cả nước, sinh sống
chủ yếu ở vùng ĐBSCL, với khoảng 1.183.476 người, chiếm 93,9% tổng dân số đồng
bào Khmer trong cả nước. ĐBSCL là vùng mà đồng bào Khmer sinh sống tập trung nhất
và thể hiện rõ nét nhất những đặc trưng của đồng bào Khmer. Vì vậy, phần lớn những
công trình nghiên cứu về đồng bào Khmer trong thời gian qua đều tập trung vào
vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL.
Từ sau thế kỷ XX, những vấn đề khoa học xã hội và nhân
văn trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả.
Theo thời gian, số lượng những công trình nghiên cứu về đồng bào Khmer ở ĐBSCL
không ngừng tăng lên. Đặc biệt, từ sau năm 1975, với sự phát triển của các
ngành khoa học xã hội và nhân văn, những công trình nghiên cứu về đồng bào
Khmer ở ĐBSCL có sự chuyển biến rõ rệt về số lượng và độ chuyên sâu. Bên cạnh
những công trình mang tính khái quát chung, còn có những công trình mang tính
chuyên đề về những lĩnh vực, những mặt cụ thể trong vùng đồng bào Khmer ở
ĐBSCL.
Những công trình nghiên cứu được công bố trong thời
gian qua đã đề cập khá toàn diện các lĩnh vực cụ thể vùng đồng bào Khmer ở
ĐBSCL. Tuy nhiên, mức độ tập trung nghiên cứu về từng lĩnh vực cụ thể trong
vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL không đồng đều nhau. Trong đó, vấn đề văn hóa - xã
hội trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL được quan tâm nhiều hơn vấn đề kinh tế
- xã hội. Việc tập trung nghiên cứu về vấn đề văn hóa - xã hội trong vùng đồng
bào Khmer ở ĐBSCL là rất cần thiết, khi mà nhiệm vụ bảo tồn và phát triển
văn hoá dân tộc trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên,
vấn đề văn hóa - xã hội thường có mối quan hệ mật thiết với các vấn đề kinh tế
- xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu về vấn đề kinh tế - xã hội trong vùng đồng
bào Khmer ở ĐBSCL không thể bị xem nhẹ.
Thứ hai, định hướng nghiên cứu: Từ việc khảo sát, khái quát những công trình nghiên cứu về những
vấn đề khoa học xã hội và nhân văn trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL, có thể
chú trọng một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới như sau:
Một là,
cần thiết tiếp tục nghiên cứu về nội dung và sự chuyển biến của những vấn đề cơ
bản trên lĩnh vực kinh tế trong vùng
đồng bào Khmer ở ĐBSCL như qua nhiều thời kỳ. Đó là sự phát triển lực lượng sản
với các yếu tố cơ bản như lực lượng lao động, tư liệu sản xuất, khoa học - công
nghệ; là sự biến đổi của quan hệ sản xuất, bao gồm quan hệ sở hữu tư liệu sản
xuất, quan hệ tổ chức quản lý sản xuất, quan hệ phân phối sản phẩm; là cơ cấu
kinh tế với nhiều bộ phận như cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: việc xây dựng và phát triển nguồn
nhân lực, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, việc khôi phục và
phát triển các làng nghề truyền thống trong vùng đồng bào Khmer, sự chênh lệch
giàu - nghèo trong đồng bào Khmer và giữa đồng bào Khmer với các dân tộc khác ở
ĐBSCL.
Hai là,
cần tập tiếp tục nghiên cứu về nội dung và sự chuyển biến của những vấn đề trọng
tâm trên lĩnh vực xã hội trong vùng đồng
bào Khmer ở ĐBSCL như: tổ chức xã hội (gia đình, dòng họ, phum sóc), cơ cấu xã
hội (cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã hội - dân số, cơ cấu xã hội - dân cư,
cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, cơ cấu xã hội - tôn giáo), đời sống xã hội (đời sống
vật chất, đời sống tinh thần). Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: sự biến
đổi và vai trò của các thiết chế xã hội truyền thống, sự phân hóa giai tầng, sự
di cư lao động, sự biến đổi của đời sống tinh thần trước sự xuất hiện các tôn
giáo mới trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL.
Ba là,
cần tiếp tục nghiên cứu về nội dung và sự chuyển biến của lĩnh vực văn hóa trong
vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL, mà trọng tâm là: hoạt động sản xuất, nhà ở, ẩm thực,
trang phục, tín ngưỡng - tôn giáo, lễ hội, phong tục tập quán, văn học, nghệ
thuật. Trong đó nên tập trung vào một số vấn đề như: việc bảo tồn và phát huy
giá trị văn hóa Khmer trong bối cảnh hội nhập, việc phát huy vai trò của chùa
Khmer, sư sãi Khmer đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự xuất hiện các
tôn giáo mới và những ảnh hưởng của nó trong vùng đồng bào Khmer ở ĐBSCL.
Đó là khái quát những nét cơ bản về tình hình nghiên cứu
và nhận định những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn trong vùng đồng bào Khmer
ở ĐBSCL. Cùng với những định hướng trên, có thể còn nhiều nội dung đa dạng,
phong phú khác liên quan đến đồng bào Khmer vùng này cần tiếp tục nghiên cứu một
cách toàn diện và sâu sắc hơn nữa./
NHỮNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO VÙNG CHÂU THỔ SÔNG CỬU LONG NAM
BỘ
TSKH. Thái Văn Chải
Vùng Châu thổ sông
Cửu Long, Nam Bộ là một địa bàn kinh tế trọng điểm gồm có hơn 22 % dân số và 12
% diện tích lãnh thổ cả nước là vùng phát triển nhất về nông nghiệp. Miền Châu
thổ này còn có nhiều năng lực tiềm tàng về nhiều lĩnh vực khác. Đó là nguyên
nhân mà nơi đây đã tậphợp nhiều dân tộc đến sinh sống như dân tộc Kinh, Khmer,
Hoa, Chăm.... Sau đó không lâu các tôn giáo, đạo giáo cũng dần dần xuất hiện.Rồi
lần hồi lời thuyết giảng tiêm nhiễm vào khối óc trái tim hòa quyện vào tâm hồn
của các dân tộc. Từ đó những người hiền lành chất phác chưa phân biệt chính tà,
chỉ nghe nói đến thiên nhân, thánh hiền thì hè nhau tin theo. Nhưng ngày nay
các dân tộc trong vùng đã có học lực các bậc trên đại học, đã có kiến thức phân
định mọi khía cạnh của xã hội nhân văn
đúng sai như thế nào. Chúng ta có thể tin tưởng ở tinh thần nhận định và thái độ
sống chung với một vùng đa dân tộc đa tôn giáo và đạo giáo thuộc văn minh cổ đại thần kỳ này
như thế nào nó là quyền của chúng ta. Có thể qua đó giúp cho chúng ta một bài học
thực tế để có cơ sở dần dần chính ta sẽ quyết định tin theo hay không tin đạo
nào mà xưa nay gia đình và bản thân ta theo, đồng thời cũng giúp ta ý thức được
tu theo tôn giáo có lợi gì ? không tu theo sẽ có hại gì ? Hay có kết quả ngược
lại. Hiện tại điều này đang là một vấn đề có liên quan mật thiết với cuộc sống
của một số dân tộc và các tôn giáo trong
vùng:
1. DÂN TỘC KINH
1.1. Thực trạng của đồng bào Kinh bởi thuộc thành phần đa
số, cho nên sự có mặt của đồng bào có thể nói ở khắp mọi nơi tại địa bàn với số
lượng trội hơn các dân tộc. Tất nhiên, thành phần xã hội cũng đa dạng : sĩ,
nông, công thương vẫn là người Việt đông
đứng đầu so với các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm.... Vì lẽ đó mà khi bàn về lĩnh vực
kinh tế, giáo dục, đối với dân tộc Kinh cũng có thành phần giàu nghèo và trí
ngu nhiều hơn cả 3 dân tộc trên. Chúng ta chỉ tính từ sau ngày giải phóng, dân
chúng vừa vui đón nhận không khí độc lập tự do thì cũng là lúc đời ông bà[40] đã nghèo còn ít chữ nghĩa cũng vừa từ giã con cháu ra về
với cõi vĩnh hằng. Thành phần giàu thì thất thế đi xa bỏ xứ,dân nghèo đời cha mẹ
vì chiến tranh khốc liệt không được học hành bao nhiêu, ở nông thôn người Việt
nghèo chỉ có trình độ học vấn đến hết sơ cấp là nhiều. Ngoài ra, còn có hàng
triệu người không có chữ nghĩa hay chỉ biết đọc biết viết mà thôi. Bây giờ đến
thời đại của con cháu, phải nói đây là thời đại vàng son của tuổi trẻ con cháu
Bác Hồ. Bởi ngày nay ở khắp xã ấp đều có nhiều trường cấp I , cấp II, các xã lớn
có đến trường cấp III. Các cháu khắp nơi tha hồ đi học, các cháu rất vui vì lớp
học gần nhà, đường xá cầu cống đã được Đảng Nhà nước nâng cấp cao ráo tiện nghi
sạch đẹp. Thật là lý tưởng về vấn đề học vấn cho trẻ em ở nông thôn. Nhưng về
khía cạnh kinh tế khi đi sâu vào nội tình của từng gia đình cá thể chúng ta mục
kích cảnh tượng đau buồn, vì chiến tranh quá dài gia cảnh cha mẹ còn nghèo, chỉ có ngôi nhà bằng tre lá
che nắng, che mưa, không có đất ruộng để canh tác, phải mướn vài ba công đất ruộng
của bậc trung nông khác dư thừa làm ba vụ/ năm, lấy lúa ăn còn dư bán để tiêu xài trong năm, cho nên không có đủ tiền
mua sách vở và đóng học phí cho con đi học. Các con nhìn thấy cảnh ngộ khó khăn
của gia đình nên đành phải bỏ học, với lứa tuổi 15 - 17, một số đi lên thành phố
hay đâu đó tìm việc làm hoặc nghỉ học một vài năm, con gái lại sớm lấy chồng, rồi
sinh con. Hiện tại là thế hệ con đang ăn bám bên ngoại hay bên nội kha khá nhờ
sau 40 nămêm giặc để sống và cho con đi học. Vợ chồng làm mướn làm thuê tại xã ấp
hay một trong hai người phải đi lên thành phố hoặc xuất ngoại các nước lân cận
tìm việc làm kiếm tiền gửi về nuôi vợ hay chồng con. Đây là tình cảnh thực tế của
dân tộc đa số trong vùng. Vấn đề đặt ra ở đây là chính quyền địa phương cần đẩy
mạnh hơn chính sách nâng đỡ một phần cho dân tộc đa số nghèo, vì họ giàu có thì
vùng Châu thổ sông Cửu Long mới mạnh. Dù muốn dù không thì thành phần dân tộc
đa số cũng đứng đầu tất cả các ngành nghề, không thì ta đã bỏ quên tiềm năng về
nguồn nội lực lao động thuộc thành phần đa số tại chỗ của địa phương, có thể là
một thiếu sót to lớn cần tiến hành ngay khi còn chưa muộn.
1.2. Về vấn đề tôn giáo đối với dân tộc kinh do có tư
cách là một dân tộc đa số trong vùng, cũng là thành phần thuộc nhiều tôn giáo
và đạo giáo hơn các dân tộc khác có thể là một trong năm tôn giáo sau : Phật
giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo. Cũng vì theo nhiều tôn
giáo cho nên tư tưởng của đồng bào Kinh về mặt tâm linh cũng bị triết lý các
tôn giáo chi phối, theo giáo điều mà họ thực hành. Điều này thực tế đã đưa đến
cho dân tộc takhía cạnh nào đó mất đi sự đoàn kết toàn diện. Đây là một vấn đề
mâu thuẫn vừa tiềm ẩn, vừa công khai trong cộng đồng người Việt đa số ở vùng
Châu thổ, Nam Bộ.
1.2.1. Thực trạng và xu hướng phát triển tôn giáo trong
vùng. Đối với tình trạng “Phật giáo Việt Nam ở đây có sự phát triển hơn xưa nhiều,
vì có được một danh xưng thống nhất các
giáo phái chung cả Nam Tông và Bắc Tông kể cả giáo phái Khất sĩ là một thành tựu
to lớn. Tất cả các chùa, tịnh xá Phật giáo Việt Nam nhỏ lớn khắp xã , ấp , huyện , tỉnh trong
vùng đều thống nhất mang tên chung là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và hiệu
chùa thuộc ấp xã gì đó chung một hệ thống. Các tăng ni nếu đông về số lượng thì
cũng có một xu hướng đào tạo mới theo chương
trình Phật học, phần cổ ngữ Pali, Sanskrit và kinh điển thuộc giáo phái Nam Tông. Hệ thống giáo dục Phật học
cũng có trình độ từ thấp đến cao, từ sơ cấp lên cao học. Điều này các tu sĩ nơi
xa xôi hẻo lánh trong một ngôi chùa tổ, các chú tiểu của các vị sư tổ xưa,nay
là vị trụ trì ngày ngày chỉ làm một việc là giữ chùa, quét lá đa, đêm công phu
là nhiệm vụ của một tu sĩ sống qua ngày để phục vụ nghi lễ cho bổn đạo xã ấp địa
phương mà thôi. Bây giờ nhờ có ánh sáng
hành đạo và truyền đạo của nhiều tu sĩ có học thức trung ương, với hàng loạt những
kinh tam tạng và kinh điển của các học giả có học vị tiến sĩ cao học đã góp phần
rất lớn cho các tu sĩ tu theo lối xưa ở
vùng Châu thổ Nam Bộ có một xu thế phát triển văn minh, tiến bộ hơn.
1.2.2. Giáo phái Khất sĩ : Tăng ni của giáo phái này cũng
thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam . Đây là một giáo phái do sư tổ Minh Đăng Quang sáng lập vào khoảng
năm 1957. Các tăng ni giáo phái này truyền đạo trong vùng đồng bằng sông Cửu
Long và thu hút được khá đông người Việt Nam là Phật tử các phái cũ tu theo. Với
hình thức tu và hành đạo như hiện nay, Khất sĩ có thể xích lại gần giáo
phái Phật giáo Bắc Tông. Nếu được vậy
thì sự tiến bộ của giáo phái Khất Sĩ sẽ nhanh chóng tiến bộ hơn. Đây là một
giáo phái Phật giáo do người Việt Nam sáng lập, nguồn gốc là từ vương quốc
Campuchia. Nhưng với lịch sử hành đạo và truyền đạo hơn nửa thế kỷ nay chứng
minh cho thấy là một giáo phái chủ trương tu tịnh, chấp hành kỷ cương luật pháp
quốc gia, không có vấn đề gì phải bình luận.
1.2.3. Giáo phái Phật giáo nguyên thủy do Đức Phật Thích
Ca (Sakya)tên Siddhartha (Tất Đạt Đa) sáng lập trước công nguyên 500 năm, tại xứ
Magadha, Ấn Độ, còn gọi Nam tông (Theravada) Việt Nam do các vị sư tổ Hộ tông,
Bửu Chơn du nhập từ Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào về phổ biến ở Việt Nam
từ năm 1957. Các tín đồ của giáo phái này đều phải giữ ngũ giới suốt đời sau khi qui y Tam bảo.
Các tu sĩ căn cứ theo luật Tạng tiếng Pali, tỳ khưu xuất gia phải theo nghi lễ
tụng bằng tiếng Pali, tại một nơi có kiết giới (Sima) tụng bằng tiếng Pali. Thầy
tế độ phải là một vị tỳ khưu cao niên hạ cùng phái, có giới đức trong sạch, có
21 vị tỳ khưu chứng minh cùng phái và có giới đức trong sạch thì mới thành tựu
và phải giữ 227 giới cấm, phải hành lễ Phát lồ tháng hai lần, nguyện sống bằng
tam y và quả bát suốt đời, không được có của riêng. Tất cả nghi thức cho buổi lễ
phải tụng niệm bằng những bài kinh mẫu của giáo phái bằng tiếng Pali. Các tu sĩ
do buộc phải đi trì bình khất thực ai bố thí món ăn gì họ có, các tu sĩ đều có
thể đem về dùng, cho nên không chấp chay mặn, tăng chúng này có thể hòa hợp
tăng sự với các giáo phái Thevavada Khmer và tất cả các tăng sĩ Theravada của
các nước trong khu vực và thế giới. Là một giáo phái tu hành chân chính, chấp
hành luật pháp quốc gia, không làm chánh trị, không giữ khí giới giết người. Phật
tử tu theo giáo phái này trong vùng cũng là người Việt Nam.
Vì sự ổn định bền vững “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” nên
được góp ý cần có hình thức “Giáo hội tăng già Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam”
xưa bên cạnh và giao cho Giáo hội này quản lý tăng sĩ của mình về phương diện hệ
phái có liên quan đến giới luật của Phật Giáo Nam Tông. Hay nên có hình thức quản
lý giới luật chư tăng như hệ phái Theravada Khmer. Kiểm soát hành vi tu hành.
Giáo phái Phật giáo Nguyên thủy phải chịu trách nhiệm về sự an toàn giới luật,
có điều vi phạm không thể tha thứ. Tăng phải giải quyết. Luật Phật rất khótrong
sự hành đạo và truyền đạo, về sự an toàn hệ thống chùa và tín đồ, về phương
pháp truyền đạo đúng theo chơn truyền của Phật Giáo Nam Tông, không bị lệch lạc
trước sự chứng kiến của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Nếu giải quyết qua loa ắt
sẽ gặp hậu quả khôn lường về sự mất đoàn kết nội bộ và uy tín của cả một giáo
phái trong và ngoài nước. Đây là một mâu thuẩn tiềm ẩn của phái, Phật Giáo Nam
Tông với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, cần có sự giải quyết minh bạch, vì Phật đạo
Việt Nam trường tồn.
1.2.4. Giáo phái Phật giáo Hòa Hảo, nếu ta nhận định theo
lịch sử thì nó chỉ là một số người theo đạo Phật hoạt động ở một địa danh của
xã Hòa Hảo cũng như ta nói Phật giáo Sài Gòn, Phật giáo Huế, Phật giáo Hà Nộiv.v.
. mà thôi. Đạo giáo này do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập năm 1939 tại xã Hòa Hảo,
huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Giáo phái Hòa Hảo lấy pháp môn tịnh độ làm căn bản
(pháp môn này trước hết ở Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Dương rồi Việt Nam). Theo lời
Huỳnh Phú Sổ thì toàn thể tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là hàng tại gia cư sĩ học Phật
và tu nhân.
- Người tu theo Phật giáo Hòa Hảo không thờ hình tượng Đức
Phật mà chỉ thờ trần điều hay trần màu đà. Vì là di tích (di vật) của Đức Thầy
Tây An để lại.
- Người tu ăn chay 4 ngày trong tháng : 14, 15, 29, 30
hay 29, 1. Thường để tóc, không bắt buộc phải mặc y phục màu đà. Niệm hồng danh
Đức Phật Thích Ca, niệm tưởng đến Đức Phật Adiđà, Quan Thế Âm Bồ Tát gần với Phật
giáo phái Bắc Tông.
- Giáo lý : bao gồm 84 ngàn pháp môn như phái Phật Giáo Bắc,
Nam Tông. Phương pháp truyền đạo và hành đạo có rất nhiều điểm dị đồng với các
giáo phái chính thống. Nhưng do một phái
Phật giáo chỉ có thành phần cư sĩ. Cho nên ta chỉ hiểu đây là một thành phần người Việt Nam tu theo đạo Phật, nhưng có những
hình thức hành đạo và truyền đạo dị biệt, không có vấn đề gì trọng đại để quan
tâm nhiều. Nếu người Phật tử Phật giáo Hòa Hảo tu ăn chay niệm Phật thì chánh
quyền cũng áp dụng chánh sách tôn giáo đối với họ như các giáo phái Phật giáo
khác là vì mục đích tốt đạo đẹp đời. Đây cũng là đạo giáo của người Việt Nam
vùng Châu thổ sông Cửu Long, Nam Bộ.
1.2.5. Đạo Cao Đài: Cao Đài giáo là một đạo học thu hút một
số khá đôngngười Việt tin theo tín ngưỡng này. Đạo thành lập vào năm 1926 với vị
giáo chủ là ông Lê Văn Trung, Lê Tấn
Phong chức sắc 28 vị và 248 tín đồ tại Chùa Từ Lâm Tự gần tỉnh lị Tây Ninh.[41]
- Giáo lý Cao Đài : Có bổn phận đối với mình, với xã hội
và đối với nhân sinh.
- Triết lý : bỏ danh vọng , tiền tài, bỏ ham muốn vật chất.
- Tín đồ thờ con mắt tối cao, Đức Phật và Đức Chúa Giêsu.
- Đạo Cao Đài : Tin ở nghiệp báo và thuyết luân hồi của
Phật giáo.
- Chấp nhận thuyết ăn chay (thượng thừa ăn chay mấy ngày,
hạ thừa ăn nhị chay tháng 6 ngày hay thập
chay 10 ngày tháng).
- Thực trạng của đạo giáo Cao Đài đã bành trướng cho người
Việt hầu như khắp các tỉnh ở vùng Châu thổ sông Cửu Long Nam Bộ. Và chỉ có hình
thức tu tại gia không có hình thức tăng tướng. Cuộc sống bình thường như người
thế tục trong xã hội. Vì vậy, người tín đồ đạo Cao Đài thực hành theo tôn chỉ,
mục đích của mình thì chánh quyền cũng áp dụng chính sách tôn giáo đối với giới
Cao Đài như các tôn giáo khác là vì sự tốt đạo đẹp đời, không có vấn đề gì mâu
thuẫn phải chú ý.
1.2.6. Hai tôn giáo khác trong vùng là đạo Thiên Chúa và
đạo Tin Lành : Những đạo giáo này cũng đã thu hút khá nhiều người Việt Nam
trong vùng Châu thổsông Cửu Long Nam Bộ :a) Thiên Chúa Giáo : đạo thờ Đức Chúa
Trời và nhận quyền lực của giáo hội [42]về sự xuất hiện của đạo Thiên Chúa rõ nhất là từ thời
Pháp thuộc.Đối với phương pháp hành đạo và truyền đạo trong vùng không khác
nhau với các nhà thờ tại TP. Hồ Chí Minh. - Xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo
kinh luật. - Cơ sở giảng đạo.- Cơ sở in ấn (xưa).Đạo Thiên Chúa có hình thức tu
Nam có Giáo sĩ, Nữ có Nữ tu. Bộ phận Tu sĩ và Nữ tu rất qui mô và rộng lớn. đặc
biệt về tổ chức cuộc sống của Giáo sĩ đạo Thiên Chúa sang, lịch sự, ngược lại tổ
chức các bậc Tu sĩ Phật giáo thì đơn sơ và đạm bạc. b) đối với đạo Tin Lành là
tôn giáo giảng đạo theo giáo lý của Chúa Giê-su chứ không theo tổ chức của Giáo
Hội La Mã. Đạo du nhập vào Việt Nam năm 1911[43]. Đạo Tin Lành chỉ mới bành trướng đến một số tỉnh trong
vùng là : Cần Thơ, Bến Tre, Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh, sự dị biệt giữa 2
giáo phái :
- Đạo Tin Lành không
thờ hình tượng như đạo Thiên Chúa mà chỉ đặt trịnh trọng một Thánh giá
trong nhà thờ mà thôi.
- Mục sư không mặc áo dài Lễ mà chỉ mặc thường phục
Veston đến hành lễ.
- Con chiên đạo Tin Lành xưng tội trực tiếp với Đức Chúa
Trời chứ không có sự chứng kiến của Mục
sư như Thiên Chúa giáo.
- Mục sư đạo Tin Lành có thể lập gia đình nhưng đối với vị
cố đạo, giáo sĩ Thiên Chúa thì bị cấm kỵ.
- Cơ sở truyền đạo của Thiên Chúa giáo có khắp nơi, rất tiện nghi đầy đủ và rất
khang trang hơn các Tôn giáo. Nhưng trong vùng Châu thổsông Cửu Long Nam Bộ đạo
Tin Lành còn thiếu nhiều cơ sở truyền đạo
theo sự mong muốn và thố lộ của lãnh đạo tôn giáo này. Để truyền giáo sâu rộng
đến từng người dân họ cần tổ chức nhóm cầu nguyện, nhưng chỉ được phép cầu nguyện
ở gia đình, tức lễ thức kiểu này chỉ tổ chức cầu nguyện cho các thành viên
trong gia đình chứ không có người ngoài. Điều này đôi khi, người ta vẫn tổ chức
được như : lấy danh nghĩa là lễ thức cầu nguyện chỉ tổ chức cho các thành viên
trong gia đình, nhưng nhân dịp này gia
đình mời bạn bè đến tham dự cầu nguyện hộ. Đây là một trong những phương pháp
phát triển đạo Tin Lành trong vùng. Vì nhà thờ thường ở cách xa gia đình,
nên một số con chiên không thể đến nhà
thờ làm lễ được. Những điểm gia đình cầu
nguyện nếu đối với những người có đức tin sâu xa, những nơi như vậy có thể sẽ
biến dạng thành nhà thờ không khó và sẽ
mở mang rộng khắp vùng không lâu (Hiện tại Hội Thánh của đạo tổ chức truyền đạo
có cải thiện hơn nhiều).
2. DÂN TỘC KHMER
Theo tổng điều tra dân số năm 1999 tại Châu thổsông Cửu
Long (CTSCL) và ở rãi rác các nơi tại Việt Nam có 1.055.174 người, chiếm 1,4 %
tổng số dân trong cả nước. Nguồn tài liệu hổ trợ cho đề tài dân tộc và tôn giáo
Khmer này là các báo chí tiếng dân tộc Khmer, kinh điển Phật giáo Khmer, điền
dã và qua kiến thức tổng hợp về dân tộc tôn giáo do tác giả đã là người đồng
hương sống xen kẽ với dân tộc Khmer từ tấm bé... chúng ta cần chú ý khi tìm hiểu
nhiều về vấn đề dân tộc Khmer thì phải vận dụng vốn tri thức sâu rộng mới thấu
triệt được chính xác sự việc. Người Khmer ở CTSCL Nam Bộ là một đối tượng có một
nền văn hóa, văn minh riêng, có chữ viết lâu đời, có kho tàng văn học dân tộc
tích trữ ở khắp các chùa chiền (440 chùa) dùng để giáo dục cộng đồng người
Khmer một nếp sống văn hóa riêng, trong đó có phần giáo lý căn bản của Đạo Phật.
2.1. Về dân tộc và tôn giáo Khmer
Tình hình kinh tế đồng bào Khmer CTSCL Nam Bộ hiện nay
qua những tài liệu thu thập được[44]. Các thông tin trên cho biết về kinh tế xã hội người
Khmer khái quát đã biến đổi gần như toàn diện theo chiều hướng đi lên. Cụ thể đồng
bào Khmer trong vùng hiện nay đã xóa được hoàn toàn nạn đói, đã vượt khó giảm
nghèo, một số không nhỏ đã trở nên giàu có do tiếp nhận các chính sách dân tộc
và chương trình 135 của Nhà nước. Nhất là chính sách cho vay ưu đãi đã thay đổi
tình thế cả một dân tộc. Tuy nhiên tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn. Vì thế, vấn đề đặt
ra là cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình giảm nghèo đối với cộng đồng người
Khmer.
2.2. Hiện trạng đối với sự hoạt động tôn giáo, theo bản
chất của dân tộc Khmer, hể mỗi khi kinh tế gia đình phát triển, xã hội an bình
thì những nhu cầu về vật chất cho đời và đạo cũng tăng cường cao hơn. Như chúng
ta đã biết nhiều vấn đề phức tạp có liên quan với phong tục tập quán, lễ hội của
dân tộc và Phật giáo (Theravada) Khmer phần nhiều đã không còn khu biệt nhau nữa,
chùa Phật cũng là nhà. Cho nên nhu cầu về mặt tinh thần [45]cũng biến chuyển nhiều hơn, cao hơn. Vì nó vừa đáp ứng
cho tâm linh vừa bồi đắp thêm cho phong hóa cổ truyền của cộng đồng dân tộc.
Theo nhận định của giới trí thức người Khmer giáo lý chơn chính của Phật giáo
Khmer không mang tính dị đoan mê tín mà có thể vì điều nào đó quá thăm sâu khó
hiểu, thì tất cả đều có thể được bình giảng rõ ràng nếu cần. Duy có những tập tục
lạc hậu, như tin tưởng ở thần linh yêu quái, sùng bái Á Rặc, Nak Ta, cúng tế Ma
lai, lên đồng lên cốt, là điều cấm kỵ đối với người Phật tử Khmer. Các sư sãi
có bổn phận hướng dẫn bổn đạo của mình lánh xa những điều mê tín dị đoan đó. Một
hoạt động của Phật giáo Khmer khi kinh tế dân tộc phát triển, các tập tục Phật
giáo càng tăng cường về quy mô và hình thức tổ chức. Vì là niềm vui của đồng
bào Khmer xưa nay. Chúng ta không cần nhận thức quanh co về tôn giáo đối với
dân tộc Khmer e bị lệch lạc. Ở vùng CTSCL ai cũng biết Phật giáo đối với dân tộc
Khmer như máu với thịt. Chùa Phật là ngôi nhà thứ hai của họ, vì là nơi thiêng
liêng, nơi đây cuộc sống vui buồn của gia đình đều có liên quan, là trung tâm
trau dồi văn hóa cũng nơi này. Sau hết nó cũng là từ đường, nơi gửi gắm xương
tàn ông bà cha mẹ của họ. cho nên tỉ lệ 100% người Khmer đều đi chùa địa phương
của mình vì nó phù hợpvới lòng tin bất biến của họ.
2.3. Mối quan hệ của dân tộc và tôn giáo Khmer vùng CTSCL
Nam Bộ với các tổ chức Phật giáo yêu nước các tỉnh và TP.Hồ Chí Minh với danh
nghĩa là đại diện của “Giáo hội Phật Giáo Nam Tông” (Theravada) Khmer thống nhất
về mặt hành chính với “Giáo hội Phật Giáo Việt Nam” thuộc Bắc Tông và các giáo
phái khác.
Như thế là một thành công đáng mừng. Tuy nhiên, hai giáo
phái Phật giáo Nam Tông Khmer và Giáo phái Nam Tông (nguyên thủy) Việt Nam có sự
mâu thuẩn tiềm ẩn không thể thống nhất về mặt hành đạo với phái bắc Tông. Cụ thể
là vì hai giáo phái này khác nhau : Không công nhận lối thi hành luật Phật của
nhau là chính. Không đồng tình với lối hành lễ dùng trống, chuông, mõ, không
hòa hợp với lối thọ thực chay mặn. nên hai giáo phái Nam và Bắc tông không thể
hành tăng sự chung với nhau mà chỉ hành tăng sự chung với tăng sĩ cùng giáo
phái như giáo phái Nam Tông (nguyên thủy) Việt Nam và Nam Tông các nước mà thôi[46].
2.4. Do nhu cầu của dân tộc và sư sãi Khmer vùng CTSCL Nam
Bộ về các loại ấn phẩm thuộc văn hóa và Phật giáo bằng tiếng Khmer gốc ở Phnom
Pênh, Campuchia (xưa), cho nên có mối quan hệ thường xuyên giữa người Khmer Nam
Bộ và Campuchia. Điều này cũng có tiền lệ từ trước chiến tranh ở Đông Dương là
việc bình thường xưa nay. Mặt khác, về dân tộc và Phật giáo Khmer CTSCL Nam Bộ
như đã nói các nghi lễ Phật giáo cũng là những tập tục của dân tộc Khmer cho
nên không có sức hấp dẫn nhiều đối với dân tộc Kinh và một số dân tộc khác. Đồng
bào Khmer chỉ lo vun đắp cho sự phát triển Phật giáo của riêng cộng đồng Khmer
mà thôi, cho nên gần như không nghĩ đến sự có thêm tín đồ là các dân tộc khác,
đó cũng là điều đặc biệt tránh được sự tranh chấp giới tuyến của các tôn giáo
và dân tộc khác trong vùng.
3. DÂN TỘC CHĂM
Theo tổng điều tra dân số và nhà ởcủa người Chăm Nam Bộ
năm 1999 có 24857 người, riêng ở tỉnh An Giang có 12.435 người, số còn lại là ở
TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh và Đồng Nai. Người Chăm ở Nam Bộ hầu hết
theo đạo Hồi. Ở CTSCL Nam Bộ người Chăm Hồi giáo sống quây quần gần những thánh
đường của đạo. Có nơi họ sống tập trung, có địa bàn họ sống phân tán cả ở nông
thôn và thành thị, nên các hoạt động kinh tế rất đa dạng, các ngành nghề cũng
khác nhau, như buôn bán, sản xuất thủ công, dệt chăn, dệt vải, thêu khăn, đan
lưới, làm nông nghiệp, đánh bắt cá, công nhân cao su, công nhân viên chức ở
vùng đô thị. Vào năm 1999 một hợp tác xã dệt thêu tại Châu Giang (Tân Châu - An
Giang) đã hình thành. Hiện nay đời sống kinh tế của người Chăm Nam Bộ đã từng
bước ổn định. Đời sống kinh tế gia đình của một số hộ đã khá hơn trước.
3.1. Về tôn giáo
Thực tế người Chăm ở Việt Nam mang hai tôn giáo: Đối với
người Chăm ở Trung phần Việt Nam thì phần lớn dân tộc còn theo đạo Bà La Môn Ấn
Độ. Một phần dân tộc Chăm ở đây và người Chăm ở Miền Nam thì theo đạo Hồi. Người
Chăm theo đạo Hồi rất tích cực trong vấn đề La Tinh hóa tiếng Chăm vì nó phù hợp
với phương pháp phiên âm hay phiên tự với chữ Jawi hay chữ Ả Rập gần gũi với
Kinh Koran của đạo Hồi.
Riêng đa số người Chăm ở Trung phần thì đã có chữ viết
sao phỏng từ chữ viết Brahmi (Phạn) của Ấn
Độ. Họ cũng có những bộ tự điển song ngữ Pháp - Chăm do A. Cabaton và
E.Aymonier xuất bản năm 1906. Đến năm 1971
G Moussay in ra cuốn tự điển Chăm - Việt - Pháp. Đồng thời còn có các loại
sách nghiên cứu về văn hóa lịch sử Chăm sâu xa hơn loại ngôn ngữ này có quan hệ
với hai cổ ngữ Sanskrit Pali và đã vay mượn rất nhiều hai cổ ngữ này. Đó là chưa kể đến hàng trăm
bia kí (là hàng trăm tác phẩm) bằng tiếng Sanskrit, Pali và tiếng Chăm cổ hầu
như còn nguyên vẹn chữ cổ khắc trên bia đá, trên thần tượng, trên các kim loại
quý (vàng, bạc). Hiện cũng có các tác phẩm phiên âm và phiên dịch ra các ngôn
ngữ Pháp, Hindi, Anh ViệtNgữ. Ngoài ra, người Chăm ở Thuận Hải còn ảnh hưởng
sâu đậm Bà La Môn giáo và Phật giáo Ấn Độ[47].
3.2. Cho nên trong dân tộc Chăm cũng có hai xu hướng phát
triển mâu thuẩn nhau. Người Chăm Bà La Môn đang tổ chức nghiên cứu văn hóa lịch
sử và ngôn ngữ cổ và muốn duy trì chữ viết xưa của Thuận Hải. Người Chăm Hồi giáo CTSCL Nam Bộ có xu hướng la tinh hóa
và cần có một loại chữ viết khác cho người Chăm. Điều này mới nhen nhúm ý đồ thực
hiện khi chúng tôi đi công tác ở Châu Giang, Châu Phong, Châu Đốc (1999), nhưng
chưa có đủ chuyên gia về ngành ngôn ngữ học người dân tộc Chăm đứng ra thực hiện
công việc lớn lao này. Vả lại, hai cộng đồng người Chăm một ở Miền Trung, bộ phận
khác ở Nam Bộ cho nên vấn đề có lẽ mâu thuẫn vẫn còn tiềm ẩn chưa có sự thế gì
xảy ra.
3.3. Đó là vấn đề nội bộ dân tộc Chăm còn về tôn giáo thì
chỉ có đạo Hồi người Chăm ở trong vùng CTSCL Nam Bộ. Như chúng ta biết đạo giáo
này có liên quan mật thiết với Hồi giáo ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và
thế giới. Tôn chỉ mục đích, chúng ta có thể biết sơ lược qua 5 điều giáo lý căn
bản của đạo Hồi[48] là : 1) Tín đồ chỉ
nhìn nhận có một thượng đế duy nhất là Allah và Đức Mohammed , 2) Mỗi ngày cầu nguyện
5 lần hướng về phía Mecca, giờ giấc : sáng , trưa, tối, 3) Ép xác một tháng
Ramadan (không ăn chay), 4) Phải bố thí
tiền của cho người nghèo (tiền Zakat), 5) Nếu có thể người Hồi giáo phải đi
hành hương tại Mecca ít nhất một lần trong đời (người được đi gọi là Hadji).
Ngoài ra, còn có nhiều hình thức cấm kỵ linh tinh khác. Đó là một số hình thức
hành đạo của người Hồi giáo. Vấn đề truyền đạo trước hết là họ đã có xây dựng
nhiều thánh đường ở trung ương và địa phương. Về sự bành trướng thì trước hết do
kế hoạch của tổ chức tôn giáo. Ngoài ra, cá nhân thì nơi nào có tín đồ ngoan đạo
dân dần tập hợp được một số theo đạo, họ dựa vào lý do đi thánh đường xa, nên họ
cần có thánh đường, thế rồi nơi nào đó sẽ mọc lên và sẽ có nhiều cơ sở thánh đường
nữa liên tiếp mọc lên vì nhu cầu của dân tộc. Đối với chính quyền
thì có thể khó hiểu hết được về nội tình về mục đích yêu cầu của một tôn giáo
mà chỉ áp dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước mà giúp đỡ công
dân ở từng địa phương sống tốt đạo đẹp đời.
4.
DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO NGƯỜI HOA
4.1.
Về dân tộc
Hiện
nay người Hoa ở Việt Nam khoảng 1 triệu người, chiếm 1,5% dân số cả nước, 80%
trong số họ tập trung ở miền Nam. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh có gần nửa triệu người
Hoa, số còn lại chủ yếu là định cư ở các đô thị thuộc Châu thổ sông Cửu Long Nam
Bộ và các tỉnh lỵ giáp với Trung Quốc : Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 5 ngàn người
Hoa giảm từ con số 34 ngàn cách đây hơn một thập kỷ. Phần lớn người Hoa ở Việt
Nam là người Quảng Đông. Trước năm 1975 người Quảng Đông chiếm 60%, chủ yếu là
thương gia và công nhân kỹ thuật lành nghề. Người Triều Châu chiếm 20% , phần lớn
làm nông nghiệp, buôn bán và công nhân khuân vác ở các kho tàng bến bãi. Người
Phúc Kiến chỉ có 7%, nhưng họ chủ yếu là các nhà nông nghiệp vận tải đường biển.
Người Hải Nam chiếm 7% chủ yếu là người lao động, công nhân ở các đồn điền, trồng
hồ tiêu và thợ hớt tóc. Người Hải Khẩu
6% chủ yếu buôn bán lẻ, làm thuê, làm mướn[49].
Do
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đề ra (1986) đã dần dần làm khởi sắc
trở lại các hoạt động kinh doanh của người Hoa. Hiện nay họ đã trở lại phần lớn
những hoạt động mà họ tham gia trước 1975. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia
cho đến nay người Hoa chỉ mới đưa ra khoảng 15% vốn sẵn có của mình để kinh
doanh.
4.2.
Về tín ngưỡng tôn giáo
Người
Hoa ở vùng CTSCL Nam Bộ mỗi gia đình đều có thờ Quan Công hay thờ Phật. Dưới thấp
đều có thờ Thần tài, hương đèn hoa quả thắp sáng chưng cúng thường xuyên . Người
Hoa sau giải phóng có nơi họ sống tập trung có địa bàn, họ sống phân tán cả ở
nông thôn và thành thị, sống xen kẽ với người Việt, có hộ nay đã trở thành người
Việt, nói tiếng Việt, không còn gốc tích Trung Hoa nữa. Những thành phần này đã
lâu đời sống trên lãnh thổ Việt Nam, nên đã đồng hóa thành công dân Việt Nam.
Cho nên họ cũng đi chùa lễ Phật như người Kinh. Họ cũng ăn chay, mai táng có mời
thầy cúng đến làm lễ tụng niệm khi đám tang còn quàn tại gia. Ngoài ra, họ vẫn
còn khấn vái tại các chùa Ông Bổn của người Tàu xa xưa ở xã, huyện hay ở tỉnh lỵ.
Vấn đề lễ nghi tập tục cúng bái của người Hoa rất mê tín phức tạp. Mỗi ngày lễ
của họ dù là chùa Phật hay miếu Thần đều khói hương nghi ngút. Bông hoa lễ vật
đầy mâm, đầy bàn thờ, trông rất bí ẩn và thiêng liêng. Hầu hết người Hoa đi
chùa với một tâm trạng sùng kính đến Phật Trời, thần thánh cầu mong được an
lành hạnh phúc và phát tài, phát lộc. Rồi
vui vẻ ra về như người đã làm xong nhiệm vụ thiêng liêng cho bản thân và gia
đình. Phận sự của ban tổ chức lễ ở các chùa Ông Bổn cũng rất hài lòng thọ nhận
những lễ vật của tín thí quen thuộc trong hội và lo dọn dẹp, bảo quản những vật
dụng của chùa kỹ lưỡng để sử dụng tốt cho các lễ hội khác. Đây là lối tín ngưỡng
đặc thù của người Hoa ở địa phương không có ảnh hưởng đến quyền lợi của các tôn
giáo khác. Cho nên tôn giáo người Hoa không có vấn đề gì phức tạp như các tôn
giáo lớn trên.
KẾT
LUẬN
Dân
tộc và tôn giáo là hai vấn đề lớn vùng Châu thổ sông Cửu Long, Nam Bộ. Trước
đây đối với dân tộc địa phương là nguồn cội mang tính khá phức tạp bao nhiêu
thì các tôn giáo ở đây cũng là nền móng xuất phát nhiều vấn đề không kém phần
phiền toái bấy nhiêu: Từng giai đoạn lịch sử khi thì vấn đề dân tộc, lúc thì
tôn giáo bị thế lực của giặc gây ra chiến tranh, lợi dụng tôn giáo buộc hành động
lệch lạc tôn chỉ mục đích của đạo chơn chính, khiến cho nhân dân không hiểu khó
lường. Nhưng thực tế thì đại bộ phận đồng bào đa số được xác nhận là nòng cốt của
cách mạng, lắm khi lãnh đạo chưa nghĩ tới. Riêng về Phật giáo thì có vấn đề phức
tạp cá biệt, phái thì cho là phải canh cãi vì đã lỗi thời, phái thì bảo cần giữ
nguyên cựu điển của Phật. Từ đó mà các dân tộc có cùng một tôn giáo như đạo Phật
thì đã có mâu thuẫn nhau về thể thức hành đạo, nên chia ra làm nhiều phái Nam
Tông, Bắc Tông, Khất Sĩ, Hòa Hảo. Thậm chí cùng dân tộc Việt Nam với nhau cũng
có phương pháp hành đạo dị biệt nhau, chủ yếu là vấn đề luật lệ Phật. Đức Phật
không còn chỉ có phàm tăng phức tạp nên không ai có thể đứng ra giải quyết. Điều
này buộc chánh quyền địa phương cần am hiểu thực hư như thế nào để thông cảm với
các giáo phái của đạo Phật như mình là người đứng trong cuộc để là bậc ngồi
trên có sự sáng suốt nhận định đúng sai hầu giải tỏa mối rối tơ vò ấy một cách
chính xác hơn, trong mọi sự việc không chênh lệch. Điều này cũng báo hiệu cho
các bậc lãnh đạo địa phương các cấp cần thiết phải biết từng tôn chỉ mục đích của
các giáo phái để nhắc nhở những ai cố ý hay vô tình hành đạo và truyền đạo lệch
lạc lời thánh hiền, lỗi đạo với bề trên, có hại cho bản thân và xã hội mà bản
thân chẳng biết. Đây cũng là phương pháp lãnh đạo sống chung với tôn giáo.
Lại
nữa đối với dân tộc thì bộ phận ít người nhờ được Nhà nước nâng đỡ mọi mặt, đời
sống kinh tế phần đông đã có cuộc sống ổn định, văn hóa phát triển đi lên. Cho
nên tinh thần đa số đồng bào đề cao đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và
coi nước CHXHCN Việt Nam là Tổ quốc mến yêu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Điều này làm cho các nhà khoa học vui mừng luôn cùng với Chính phủ xung phong với
mọi mặt trận chiến đấu vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cá biệt vùng
CTSCL Nam Bộ và cả nước.
Đối
với các tôn giáo, đạo giáo, hiện tại cũng có một xu hướng phát triển thuận lợi,
mọi kế hoạch phát triển kinh tế văn hóa xã hội đều có đưa ra bàn luận với các
nhà khoa học và thông báo cho các tôn giáo và đồng bào các dân tộc địa phương biết
để cùng nhau hiệp lực giải quyết vì sự nghiệp chung của đất nước. Tuy nhiên, mọi
vấn đề về dân tộc và tôn giáo dù lớn hay nhỏ đều mang tính chất nhạy cảm, đều
có thể có liên quan đến trách nhiệm của nhau. Đôi khi một việc rất nhỏ đối với
tôn giáo nhưng nó lại rất lớn đối với nhà cầm quyền. Vì nó có thể ảnh hưởng
không tốt đối với xã hội. Ví dụ : a) Vấn đề xin xăm bói quẻ lần tay, đốt vàng
mã, thờ thần tượng, trong chùa khiến cho quần chúng chìm đắm trong mê tín dị
đoan. b) Việc lén lút làm chánh trị chống đối quốc gia, phỉ báng quốc tế ảnh hưởng
đối với uy tín dân tộc, thì đồng bào nên tránh. c) Nếu thuyết giáo lời Phật cứu
độ người tu giác ngộ, thì thành phần tệ nạn xã hội cũng có thể ngã lòng qua lời
từ bi của Đức Phật, củacác giảng sư các tôn phái qua lời huyền diệu của các đấng
cứu nhân độ thế. d) Vấn đề trẻ em nghèo bỏ học hàng loạt, kịp thời giúp sức.
Thế
là làm sao để có được lý tưởng mong muốn này, có lẽ chỉ còn trông đợi trước hết
là chính quyền, nhất là cho vị đại biểu Quốc hội, cần làm việc khẩn trương hơn,
cố gắng quan sát xem địa bàn của ông bà nghị sĩ có bao nhiêu học sinh các cấp,
nghèo thật sự không có tiền đóng học phí phải bỏ học, cha mẹ anh chịcác em phải
đi làm mướn làm thuê hay sớm lập gia đình nuôi con, rồi tiếp tục trở thành những
gia đình thiếu học ở địa phương. Việc làm này bất chấp các em thuộc dân tộc tôn
giáo nào. Khi các em có học thức vững vàng rồi thì những nhà trí thức tương lai
này sẽ nhìn thấy việc nước là việc hệ trọng đối với đời người của toàn dân tộc,
còn việc tôn giáo là việc phụ thuộc của cha mẹ ông bà, khi cần việc gì ta tích
cực ra tay giúp đỡ để tinh thần và vật chất trong gia đình được cân bằng giải
quyết cuộc sống khoa học hơn.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ LIÊN KẾT
KINH TẾ VÙNG Ở NAM BỘ - NHÌN TỪ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Trần
Hữu Hiệp
Vụ
trưởng Vụ Kinh tế - BCĐ Tây Nam Bộ
Việc tăng cường liên kết kinh tế
vùng, chủ động hội nhập quốc tế, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị
chia cắt theo địa giới hành chính tỉnh; liên kết để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, tạo ra năng lực cạnh tranh tốt hơn từng địa
phương và vùng ĐBSCL là yêu cầu khách quan.
Liên tục trong các văn kiện Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X và XI đều có nội dung “phát triển vùng, lãnh
thổ”. Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đưa
ra vấn đề “phát triển kinh tế vùng, liên vùng”, xác định nhiệm vụ “sớm xây dựng
và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng” thành nội dung quan trọng trong
việc “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh CNH, HĐH đất
nước”[50].
Đặc biệt, điều 52 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận “Thúc đẩy liên kết kinh tế vùng”.
Đây là là khung pháp lý cao nhất cho đến nay về vấn đề này, rất cần được cụ thể
hóa bằng cơ chế pháp lý cụ thể trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kiểm nghiệm và
phát triển lý luận về phát triển vùng, liên kết vùng.
Tham luận này trình bày phương pháp
tiếp cận, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, nhận diện thực trạng cơ chế,
chính sách và yêu cầu tăng cường liên kết vùng; đề xuất nội dung trọng tâm cần
liên kết, giải pháp thực hiện và một số khuyến nghị cải cách thể chế, chính
sách hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và trù phú vùng ĐBSCL nói riêng và
các vùng trên cả nước nói chung.
1.
ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết phát triển kinh tế vùng:
Đã
có nhiều nghiên cứu lý thuyết của các tác giả trong và ngoài nước về đề tài
phát triển vùng và liên kết kinh tế vùng. Michael E. Porter với 3 quyển sách tiêu biểu: “Chiến
lược cạnh tranh” (competitive
strategy), “Lợi thế cạnh
tranh” (competitive
advantage) và “Lợi thế cạnh tranh quốc gia” (competitive advantage of nations).
Tác giả đã có những phân tích sâu sắc có thể tham khảo cho vấn đề phát triển
kinh tế vùng, tận dụng lợi thế cạnh tranh. Quan điểm cực tăng trưởng của
Gustav Ranis, Trauss, Hall thì lưu ý tính chất tăng trưởng kinh tế của các
vùng có lợi thế so sánh, tập trung các ngành
kinh tế mũi nhọn và các ngành bổ trợ, các hoạt động dịch vụ phục vụ cho phát triển
vùng. Từ đó, chỉ ra các điểm đột phá phát triển và tạo nên các tác động lan tỏa trong
phát triển vùng. Một số nhìn nhận vùng thiên về cấu trúc kinh tế, có tính đến các yếu tố địa chính trị, các nhóm xã hội, thể chế vận hành vùng, hình thành nên quan niệm về
“vùng kinh tế”.
Tài liệu tham khảo phục
vụ nghiên cứu các văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, NXB CTQG
– Sự thật, Hà Nội, 2011 tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia và vùng lãnh
thổ về phát triển bền vững các vùng kinh tế và kinh tế vùng như Trung Quốc, Hàn
Quốc, Nhật, Pháp, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Đài Loan … cho thấy vai trò của
kinh tế vùng, vùng kinh tế trọng điểm và một số vấn đề về liên kết vùng. Các
nghiên cứu trong nước có liên quan của TS. Nguyễn Văn Huân[51], TS. Vũ Thành Tự Anh[52], TS. Đinh Sơn Hùng[53], các bài viết và tham luận của các
nhà khoa học: GS.TS. Nguyễn Quang Thái[54],
PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh[55],
PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh[56]
và
một số nhà nghiên cứu khác đã tập trung phân tích một số vấn đề từ lý luận đến
thực tiễn về chính sách vùng của Việt Nam, liên kết để tăng cường năng lực
cạnh tranh, phát triển bền vững; liên kết kinh tế giữa vùng ĐBSCL và TP HCM, hoặc
nghiên cứu về cơ chế liên kết các chuỗi giá trị nông sản chủ lực vùng ĐBSCL là
lúa gạo, trái cây, thủy sản.
Từ
các công trình nghiên cứu trên và thực tiễn phát triển vùng ở Việt Nam nói
chung, ĐBSCL nói riêng, cho thấy:
Thứ nhất, các nghiên cứu đều thống nhất về sự
cần thiết và khẳng định, liên kết phát triển kinh tế vùng là một yêu cầu khách
quan, cần được thúc đẩy phát triển để tạo động lực phát triển vùng, địa phương
và quốc gia.
Thứ hai, liên kết vùng rất cần cơ chế pháp lý
từ Trung ương để hỗ trợ phát triển vùng và liên kết vùng của các địa phương; cần
nghiên cứu cải cách thể chế, hình thành tổ chức bộ máy có thực quyền chỉ đạo,
điều phối liên kết vùng, đảm nhiệm chức năng “quản trị vùng”.
Thứ ba, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi
mới kinh tế theo hướng tăng cường liên kết vùng với đổi mới chính trị theo hướng
cải cách thể chế, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Thứ tư, bên cạnh việc liện kết Nhà nước (các
Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hành chính nhà
nước), cần liên kết thị trường (doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể kinh
doanh) theo các chuỗi giá trị sản phẩm.
1.2.
Đổi mới thể chế thúc đẩy liên kết vùng
1.2.1.
Một số văn bản theo hướng liên kết phát triển vùng
Việt
Nam được chia thành 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc tổ chức
chính quyền, phân bổ nguồn lực đầu tư, ngân sách … được thực hiện theo các cấp
hành chính đó. Cấp tỉnh ngày càng được trao quyền nhiều hơn, đã giúp chính quyền
địa phương chủ động, sáng tạo hơn trong việc ra quyết định. Song, nó cũng tạo
ra sự phân mảnh, chia cắt “không gian kinh tế vùng”, cần xem xét đến một “thiết
chế vùng” phù hợp. Nhận ra vấn đề này, các văn kiện của Đảng và văn bản chính
sách của Nhà nước ở cấp độ khác nhau có đề cập về “phát triển vùng lãnh thổ” và
“liên kết vùng”:
Cương
lĩnh Đại hội Đảng XI (năm 2011) nêu định hướng lớn về phát triển vùng: “Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền;
thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện
phát triển các vùng có nhiều khó khăn”. Chiến lược phát triển KT-XH 2011-
2020 cũng có những nội dung định hướng phát triển vùng và liên kết vùng.
Trong
quy hoạch và đầu tư đã có sự tiếp cận và thực hiện theo vùng. Cụ thể ở ĐBSCL đã
có Qui hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng (1998 và 2012) và các qui hoạch
ngành xây dựng, giao thông, điện, đất đai, nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản …
vùng ĐBSCL. Với sự trợ giúp chủ Chính phủ Hà Lan, một kế hoạch dài hạn trăm năm
– Kế hoạch phát triển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng
(MDP) đã được hoàn thành[57].
Hộp 1: “Liên kết phát triển vùng”được ghi nhận trong văn
kiện của Đảng và Hiến pháp · Liên tục trong
các văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X, XI đều có nội dung “phát triển vùng, lãnh thổ”. · Cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm
2011) nêu định hướng lớn về phát triển Vùng: “Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển
nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các
vùng có nhiều khó khăn”. · Chiến lược phát
triển KT-XH 2011- 2020: - Rà soát, điều
chỉnh, bổ sung quy hoạch và có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả
nước cùng phát triển, phát huy lợi thế của từng vùng, tạo sự liên kết giữa các vùng. - Cơ cấu lại nền
kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các
vùng. Phân bố công nghiệp hợp lý trên toàn lãnh thổ, bảo đảm phát triển cân đối
và hiệu quả giữa các vùng. Thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng. - Tạo điều kiện
phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vùng
biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền
Trung. - Hình thành và
phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng có ý nghĩa
đối với cả nước và liên kết trong khu vực… · Điều 52 Hiến
pháp năm 2013: “Thúc đẩy liên kết kinh tế vùng” |
1.2.2. Bước đầu hình thành tổ chức “Chỉ đạo
vùng”
Từ
sau năm 1975 đến trước giai đoạn Đổi mới (1996), vấn đề “phân vùng kinh tế,
phát triển kinh tế vùng” đã được đặt ra và triển khai thực hiện. Hệ thống cơ
quan chức năng với tên gọi Ban phân vùng kinh tế cũng được thành lập từ Trung
ương (nằm trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước) đến các tỉnh trong vùng để thực hiện
nhiệm vụ này, nhưng sau đó bị giải thể. Mãi đến năm 2002, một thiết chế “Ban Chỉ
đạo vùng” là Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mới được thành lập theo Quyết định số
56-QĐ/TW ngày 09-12-2002 của Bộ Chính trị.
Tiếp theo là Quy định số 89-QĐ/TW ngày 03/10/2007 của Bộ Chính trị về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy, địa bàn hoạt động, quan hệ công
tác, chế độ, chính sách cán bộ của các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam
Bộ” và Quy định số 96-QĐ/TW ngày 28/5/2012 của Bộ Chính trị về chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của các ban chỉ đạo Tây Bắc,
Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Theo đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là cơ quan trực thuộc Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ
đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất
cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc
phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị; liên kết vùng, ứng
phó biến đổi khí hậu; tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị,
Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của
Ban Chỉ đạo.
Theo
quy định hiện hành, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc,
Tây Nguyên chỉ thực hiện chức năng chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, kiểm tra, đôn đốc
… chứ chưa được trao quyền lực trong việc ra quyết định. Thời gian
qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tích cực triển khai các hoạt động theo chức
năng, nhiệm vụ; đặc biệt là phát triển kinh tế vùng, đầu mối phối hợp các lực
lượng triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế,
chính sách như cơ chế, chính sách liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực
vùng (lúa gạo, thuỷ sản, trái cây); cơ chế, chính sách phát triển giao thông,
thuỷ lợi, giáo dục – đào tạo, nguồn nhân lực, phát triển Phú Quốc, ứng phó biến
đổi khí hậu, nước biển dâng thông qua nhiều hoạt động liên kết như Diễn đàn hợp
tác kinh tế ĐBSCL tổ chức hàng năm, chương trình xúc tiến đầu tư, thúc đẩy việc
liên kết các chuỗi giá trị lúa gạo, thủy sản, trái cây; vận động an sinh xã hội;
qui chế phối hợp về quốc phòng – an ninh, thông tin tuyên truyền … Tuy nhiên,
hoạt động thực tiễn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần hoàn thiện, đặc biệt là cần
có cơ chế pháp lí về liên kết vùng hiệu quả, thiết thực và hình thành tổ chức
có thực quyên điều phối liên kết vùng .
Hộp 2: Một số hoạt động liên kết vùng ĐBSCL · Diễn đàn Hợp tác
kinh tế ĐBSCL (MDEC) tổ chức luân phiên hàng năm theo Quyết định số
388/QĐ-TTg ngày 25.3.2010 của Thủ tướng Chính phủ: “MDEC là hoạt động liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa
các địa phương trong vùng; hợp tác và liên kết giữa vùng với các bộ, ngành; với
các địa phương ở trong nước; các tổ chức quốc tế và các nước, nhằm đẩy mạnh
phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn
của ĐBSCL. · Chương trình hợp tác toàn diện được ký kết
ngày 19.6.2009 giữa giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TPHCM. Các chương
trình hợp tác toàn diện được ký kết, thực hiện giữa UBND TP HCM và 13 tỉnh,
thành Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành trong vùng với nhau. · Chương trình hợp
tác song phương và theo cụm ngành giữa các tỉnh thành với nhau và với TP HCM:
công thương[58], nông nghiệp, du lịch[59], khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo[60] … |
Trong vùng ĐBSCL còn có
Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL bao gồm 4 địa phương: TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên
Giang và Cà Mau và đã hình thành “Ban Chỉ đạo điều phối”. Tuy nhiên, “tổ chức”
này hoạt động mờ nhạt do cơ chế kiêm nhiệm, “hợp – tan”, chỉ duy trì một bộ phận
giúp việc nằm trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg
ngày 18 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức Điều
phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày
28 tháng 09 năm 2004, thì Ban Chỉ đạo này có chức năng tổ chức điều phối phát
triển các vùng kinh tế trọng điểm, phối hợp các hoạt động phát triển giữa các
ngành, các địa phương nhằm tạo ra sự thống nhất và đồng bộ trong triển khai đầu
tư để đạt hiệu quả.
1.3.
Định vị vùng và những bất cập trong liên kết phát triển kinh tế vùng cần cải
cách thể chế
Việt
Nam hiện có 6 Vùng địa lý kinh tế[61]. Bên cạnh đó còn có 4 vùng kinh tế trọng điểm (phía
Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL).
Hộp
3: “Một trong những nguyên nhân là động lực
mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy
phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà
tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải
đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” –
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng – Thông điệp đầu năm 2014. |
Việc
hình thành các vùng kinh tế, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm đã đóng
góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung cả nước, tạo điều kiện cho các
vùng cùng phát triển, đồng thời tạo liên kết giữa nội vùng và các vùng; đóng
góp trong việc qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, qui hoạch ngành: xây dựng,
giao thông, thuỷ lợi … vào sự phát triển chung cho vùng. Tuy nhiên, việc phân
vùng kinh tế hiện nay, với tính chất “tương đối” (một số phân chia khác thành 7, 8 vùng),
còn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm:
1.3.1.
Chưa rõ khái niệm vùng, phân vùng nhập nhằng (vùng nằm trong vùng): Khái niệm
và cách phân vùng kinh tế ở nước ta chưa thống nhất, còn mang tính tương đối,
chủ yếu phục vụ yêu cầu chỉ đạo, định hướng chính sách và có ý nghĩa thống kê;
việc phân vùng còn trùng lắp về địa bàn như trường hợp của 2 tỉnh Long An và Tiền
Giang vừa nằm trong vùng ĐBSCL vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
1.3.2.
Chưa rõ chủ thể cấp vùng, nguồn lực đầu tư cho vùng: Thể chế hiện hành xác định
rõ cấp Trung ương (Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương …) và cấp địa phương (tỉnh,
huyện, xã); nhưng chưa rõ “chủ thể” cấp vùng. Quy hoạch vùng được phê duyệt,
nhưng “chủ thể vùng” không rõ và thực tế là không có, không kèm theo cấp quản
lý quy hoạch tương ứng; việc tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra ... mờ nhạt.
Các vùng nói chung và ĐBSCL nói riêng không phải là 1 cấp hành chính, việc phân
bổ ngân sách, nguồn lực đầu tư cho vùng hoàn toàn do Trung ương đảm nhiệm. Theo
Luật Ngân sách hiện hành và các qui định về lập kế hoạch ngân sách hàng năm,
vùng không phải là cấp ngân sách; việc đầu tư cho vùng phụ thuộc vào sự đầu tư
của Trung ương và các tỉnh, thành (chủ yếu là để phát triển địa phương, qua đó
đóng góp cho vùng).
1.3.3.
Tổ chức quản trị vùng và cơ chế phối hợp vùng, liên vùng còn nhiều hạn chế: tổ
chức quản trị là một trong 3 yếu tố quan trọng phát triển vùng (chính sách
vùng, công cụ - nguồn lực tài chính và tổ chức). Để phát triển kinh tế vùng,
Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành và hình thành hệ thống chủ
trương, định hướng và chính sách phát triển vùng ĐBSCL qua việc ban hành các
Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch phát triển và qui hoạch vùng.
Nhưng việc tổ chức thực hiện nó hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan Trung ương
và địa phương. Những hoạt động tích cực gần đây của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng
chỉ là sự phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các Bộ, ngành và địa
phương trong 3 lĩnh vực đột phá của vùng như phát triển: giao thông, thủy lợi,
giáo dục – đào tạo và dạy nghề, cụm tuyến dân cư vượt lũ, các công trình trọng
điểm trên địa bàn vùng ... Do đó, việc hình thành một tổ chức chỉ đạo, quản lý
điều hành cấp vùng đang là vấn đề cần được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung trên
cơ sở hoàn thiện một số mô hình hiện hữu như Ban Chỉ đạo điều phối vùng kinh tế
trọng điểm vùng ĐBSCL, một số hoạt động của BCĐ Tây Nam Bộ. Hoạt động của tổ chức
này nên hướng vào việc điều phối, tập hợp được các dự án đang rải rác ở các Bộ,
ngành, địa phương, có chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả các dự án cấp vùng.
1.3.4.
Thiếu cơ sở dữ liệu vùng: Mặc dù có “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội
vùng” và các quy hoạch chuyên ngành: giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy sản
..., nhưng vùng không phải là cấp quản lý hành chính, hệ thống thống kê theo
vùng “được chăng hay chớ”, không hoàn chỉnh, khó khăn cho việc theo dõi, đánh
giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch kế hoạch theo vùng.
1.3.5.
Sự cạnh tranh giữa các tỉnh có thể phá vỡ qui hoạch vùng: Việt Nam đang đẩy
nhanh quá trình phi tập trung hóa, theo đó, chính quyền cấp tỉnh được “chuyển
giao quyền” và có quyền chủ động hơn về qui hoạch và phân bổ các nguồn lực đầu
tư trong phạm vi địa phương mình. Các tỉnh thường quan tâm đến 2 vấn đề: Một là, các nguồn lực (chủ yếu là phân bổ
vốn đầu tư ngân sách từ Trung ương) được chuyển giao hơn là bản chất chính sách
và cơ cấu kinh tế vùng. Hai là, làm
thế nào để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư bằng cơ chế chính sách của địa
phương. Kết quả là, nhiều tỉnh “chạy đua khuyến khích” làm nảy sinh những câu
chuyện tương tự như “ưu đãi đầu tư vượt rào” hay tỉnh nào cũng “đãi ngộ, thu
hút nguồn nhân lực” dẫn đến việc đãi ngộ không còn ý nghĩa đặc thù, nó cũng giống
như tình trạng tất cả đều có “quyền ưu tiên” nên dẫn đến “không ai có quyền ưu
tiên cả”. Trong khi đó, hiện chưa có một cơ chế hành chính theo vùng nào chịu
trách nhiệm điều phối sự phát triển vùng và quá trình “chuyển giao quyền” từ
các Bộ, ngành Trung ương nhiều hơn cho các tỉnh (thẩm quyền quyết định, cấp
phép đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách ...). Một chính sách điều phối vùng (sát
hợp hơn chính sách quốc gia) là cần thiết để điều phối vùng trong những tình trạng
tương tự.
2.
MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH, CẢI CÁCH THỂ CHẾ THÚC ĐẨY LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ
VÙNG
2.1.
Gợi ý chính sách liên kết vùng ở Việt Nam
2.1.1. Liên kết vùng trong bối cảnh hội nhập
quốc tế và khu vực: Các động thái và
xu thế phát triển của quốc tế và khu vực đang diễn ra nhanh, mạnh với nhiều tuyến
đan xen nhau. Sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, yêu cầu
tái cấu trúc nền kinh tế và thể chế kinh tế toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến
mọi quốc gia, khu vực; trong đó yêu cầu về phát triển bền vững dựa trên công
nghệ cao, xanh và sạch trở thành chiều hướng phổ biến, xuyên suốt. Theo lộ
trình cam kết, đến 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập,
nhiều hiệp định thương mại, đầu tư, kinh tế đa phương và song phương mà Việt
Nam đã tham gia ký kết như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh kinh tế
Á – Âu, … cũng như tích cực chuẩn bị như hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP) đang đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh. Liên kết
vùng ở Việt Nam phải quán triệt sâu sắc bối cảnh này.
2.1.2.
Liên kết vùng thời gian tới phải vượt qua các thách thức và các điểm nghẽn tăng
trưởng. Theo đó, cần điều chỉnh lại quy
hoạch vùng, cần có những nghiên cứu cơ bản về vùng và xây dựng cơ sở dữ liệu
khoa học vùng (tài nguyên đất, nước, rừng, biển …) để làm nền tảng phân tiểu
vùng và liên kết vùng, kết nối không gian phát triển và sản xuất, từ kết nối sản
xuất đến tiêu thụ; kết nối thị trường, doanh nghiệp. Sự kết nối thể chế và phối
hợp chính sách mang tính “pháp định hoá”, tạo ra hiệu lực chỉ huy thống nhất cấp
vùng, mang ý nghĩa quyết định. Các địa phương trong vùng phải có sự đồng thuận
về tư duy, tầm nhìn và quy hoạch phát triển vùng và xác định rõ lợi ích của
vùng là tiền đề, điều kiện thực hiện các lợi ích của địa phương mình.
2.1.3.
Thúc đẩy cải cách thể chế vùng: “liên kết kinh tế vùng” đã được
xác định trong Hiến pháp. Tăng cường liên kết vùng là vô cùng cần thiết, là cơ
sở để tạo ra “cốt” vật chất và con người cho xây dựng nông thôn mới. Song, liên
kết kinh tế vùng cần một cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn là sự “khuyến
khích”. Một “Chiếc áo pháp lý” tương xứng cho liên kết kinh tế vùng là cực kỳ
quan trọng. Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều phối cấp
vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng. Trước mắt cần
nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối Vùng kinh tế
trọng điểm để thử nghiệm cho liên kết kinh tế vùng Tây Nam Bộ, hình thành Ban
Chỉ đạo phát triển vùng trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động của Ban
Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm, diễn đàn MDEC... thời
gian qua.
3.
NỘI DUNG TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT KINH TẾ VÙNG ĐBSCL,
ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI
Trên
cơ sở kết quả quá trình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL thời gian qua và yêu cầu
sắp tới, có thể xác định một số sản phẩm mũi nhọn, tạo điều kiện hình thành và
phát triển một số cụm liên kết ngành (cluster) tiềm năng của Vùng ĐBSCL, đó là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản.
3.1. Liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ
lúa gạo, hình
thành và phát triển cụm kinh tế ngành “Cluster lúa gạo”
Trong khi người
nông dân ĐBSCL là tác giả của “công trình” đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất
khẩu gạo, thì đời sống của họ lại luôn bị đe dọa bởi những yếu tố bất ổn định
như giá cả, thời tiết, dịch bệnh,… Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên
là:
Vấn
đề “an ninh lương thực” chưa được lý giải một cách thấu đáo, chưa có chính sách
ưu đãi phù hợp làm ảnh hưởng đến lợi ích của người trồng lúa phục vụ cho mục
tiêu quan trọng này. Chưa có sự phân biệt giữa người sản xuất lúa gạo cho mục
tiêu an ninh lương thực - những chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ an ninh lương thực
quốc gia, góp phần quan trọng cho an ninh lương thực thế giới - với người sản
xuất lúa gạo cho mục tiêu thương mại đã dẫn đến việc Nhà nước không đủ khả năng
bao cấp cho toàn bộ nông dân sản xuất lúa, đời sống của người sản xuất lúa gạo
luôn thấp hơn những người nông dân khác trong Vùng. Hiện tượng “được mùa mất
giá” liên tục diễn ra, khâu trung gian kết nối giữa người sản xuất lúa gạo và
thị trường tiêu thụ (cả nội địa lẫn xuất khẩu) đều còn tồn tại quá nhiều vấn đề,
nên thiệt hại trong việc kinh doanh lúa gạo luôn trút lên vai người nông dân.
Việc bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và thương hiệu gạo còn nhiều hạn chế, đặc
biệt là khâu xay xát và lưu trữ gạo trước khi đưa ra thị trường.
Để
lúa gạo có thể trở thành sản phẩm hạt nhân trong một Cụm liên kết, ngoài các mục
tiêu, giải pháp được nêu trong dự án Phát
triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL, cần lưu ý các vấn đề sau:
Mục
tiêu xuất khẩu gạo chỉ có ý nghĩa khi đời sống của người nông dân sản xuất gạo
được cải thiện và Nhà nước không phải hỗ trợ nhiều hơn nông dân ở những ngành
khác. Cần hỗ trợ nghiên cứu một số giống lúa mới, đảm bảo quản lý chất lượng giống
lúa theo hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường, ổn định chất lượng và giá trị
của sản phẩm gạo. Hỗ trợ nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch và chuyển giao công
nghệ, tín dụng với cơ chế thông thoáng hơn cho người nông dân. Các chính sách
tín dụng ngân hàng cần công bố rõ ràng khoản tín dụng ưu đãi, lộ trình ít nhất
là 5 năm. Cần có chương trình cấp vùng gắn với chương trình quốc gia, không thể
tự các địa phương “mạnh ai nấy làm” để cải thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản
xuất lúa; đổi mới cơ chế quản lý xuất khẩu gạo.
3.2. Liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ
cây ăn quả, hình
thành và phát triển cụm kinh tế ngành “Cluster trái cây”
ĐBSCL
là vùng có truyền thống trồng cây ăn trái và diện tích, sản lượng lớn hất nước
với diện tích khoảng 300.000 ha, chiếm 38% và sản lượng chiếm 70%. Tuy nhiên,
còn nhiều tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả (CAQ), như:
Tuy
có nhiều nỗ lực, nhưng việc xây dựng vùng chuyên canh chưa tạo ra nhiều hiệu quả.
Quy mô nhà vườn nhỏ và trồng tạp, hình thức tổ chức sản xuất chưa phù hợp dẫn đến
hiệu quả kinh tế chưa cao. Giống và quản lý giống CAQ còn nhiều bất cập. Sản xuất
CAQ chưa được các nhà vườn thật sự quan tâm theo hướng chất lượng, vệ sinh, an
toàn thực phẩm và quy trình GAP chưa bền vững. Trái cây chưa hấp dẫn người tiêu dùng nội địa và nước ngoài, do
năng suất, chất lượng kém, công nghệ sản xuất và chế biến, đóng gói còn lạc hậu,
dẫn tới giá thành cao nên rất khó cạnh tranh. Thất thoát sau thu hoạch còn khá
lớn, công nghệ đóng gói, chế biến chưa phát triển và lạc hậu so với nhiều đối
tác cạnh tranh trong khu vực. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém làm tăng chi phí sản xuất,
lưu thông sản phẩm nông nghiệp. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp, nông thôn còn nhiều
yếu kém, bất cập. Sự liên kết giữa những người sản xuất với nhau, giữa người sản
xuất và nhà phân phối giữa các địa phương có vùng chuyên canh CAQ còn rất lỏng
lẻo.
3.3. Liên kết vùng phát triển và tiêu thụ thủy sản, hình
thành và phát triển cụm kinh tế ngành “Cluster thủy sản”
Mặc dù ĐBSCL là
vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước với diện tích chiếm 70%, 58% sản lượng, riêng tôm chiếm 80% và
đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Song, việc phát triển nuôi trồng, khai
thác thuỷ hải sản một cách tự phát quá nóng, thiếu đồng bộ; đầu tư cho phát triển
còn thấp, chậm; cơ sở hạ tầng yếu kém, rõ nhất là ngành nuôi tôm, cá tra
ĐBSCL.... Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành cụm liên kết thủy sản,
cần chú ý một số vấn đề sau:
Đảm bảo giống: việc cung ứng giống tôm và cá trong
Vùng vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ; chưa có sự liên kết mật thiết
giữa các đơn vị cung ứng giống với các đơn vị nuôi thủy sản. Dịch bệnh: vẫn luôn là nguy cơ lớn đối với
tất cả các đơn vị nuôi trồng thủy sản, do giống chưa được đảm bảo, sự lan truyền
của dịch bệnh còn do việc đầu tư sản xuất cũng như hệ thống thủy lợi phục vụ thủy
sản chưa được chú ý đúng mức. Giá cả bất ổn
định: giá đầu vào lẫn đầu ra đều biến động lớn trong những năm gần đây theo
hướng gây thiệt hại cho người sản xuất. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế như
hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các chế tài bằng thuế
chống bán phá giá phi lý của một số quốc gia đã gây thiệt hại chủ yếu cho người
nuôi. Chế biến: mặc dù đã hình thành
các cụm nhà máy chế biến ở Sóc Trăng, Cà Mau, Hâu Giang, An Giang và Cần Thơ…
nhưng vấn đề nổi lên thời gian qua là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã ảnh
hưởng tiêu cực đến thương hiệu của thủy sản Việt Nam.
4.
KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ
4.1. Việc
thúc đẩy liên kết kinh tế vùng đã được xác định trong Hiến pháp, tăng cường
liên kết vùng ĐBSCL trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá
trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL
là vô cùng cần thiết, là cơ sở để tạo ra “cốt” vật chất và con người cho xây dựng
nông thôn mới. Song, liên kết kinh tế vùng ĐBSCL cần một cơ chế pháp lý rõ ràng
và mạnh mẽ hơn là sự “khuyến khích”. Một “Chiếc áo pháp lý” tương xứng cho liên
kết kinh tế vùng là cực kỳ quan trọng. Thể chế “phát triển kinh tế vùng” và “điều
phối liên kết vùng” được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng lần XII sắp tới cần
được thảo luận, làm rõ để sớm đi vào cuộc sống bằng cơ chế pháp lý cụ thể, phục
vụ đắc lực cho việc đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông
thôn mới. Vấn đề đổi mới thể chế mới này, có thể chọn ĐBSCL làm thí điểm thực
hiện, đến giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII tổng kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm, nếu thành công, thì nhân rộng. Cần xem đây là vấn đề cụ thể thực hiện đột
phá chiến lược “cải cách thể chế”.
4.2. Cần
tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị, điều phối cấp vùng phù hợp, đủ
sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng. Trước mắt cần nghiên cứu, hoàn
thiện mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối Vùng kinh tế trọng điểm để thử
nghiệm cho liên kết kinh tế vùng ĐBSCL, hình thành Ban Chỉ đạo phát triển vùng
trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thời
gian qua.
4.3. Đề
nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm
mũi nhọn của vùng ĐBSCL, tập trung hoàn thiện CSHT kinh tế, khai thông các kênh
tín dụng (vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn doanh nghiệp tham gia và vốn tín dụng
ngân hàng) và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm mũi nhọn và đẩy
mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016-2020.
4.4. Tăng
cường hơn nữa các hình thức liên kết, hợp tác theo nhu cầu và thực chất hơn các
hình thức ký kết hợp tác kinh tế giữa chính quyền các tỉnh, thành trong vùng với
nhau và với TP HCM thời gian quan chủ yếu mang tính cam kết, còn nặng hình thức
và theo phong trào.
Thành
tựu của 30 năm đổi mới đất nước, trong đó có đổi mới thể chế đã tạo “kinh tế thị
trường định hướng XHCN”. Thực tiễn ở vùng ĐBSCL cho thấy, chủ trương, chính
sách công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông
thôn mới là hoàn toàn đúng đắn. Cần tiếp tục tổng kết thực tiễn để phát triển
lý luận của Đảng về đường lối CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng
nông thôn mới; đặt biệt, cần rút ra bài học từ thực tiễn để xây dựng cơ chế
pháp lý về liên kết vùng, điều phối liên kết vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn
với xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò của nông thôn trong mối quan hệ với
khu vực độ thị, vai trò của nông nghiệp trong mối quan hệ với công nghiệp và dịch
vụ.
Vấn
đề liên kết phát triển kinh tế vùng chịu sự tác động của thể chế hiện tại và
đang đòi hỏi cải cách thể chế. Bên cạnh thành tựu, thực trạng kinh tế có nhiều
mặt yếu kém, mất cân đối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và nguy cơ. Cải cách thể chế
chính là tiềm năng lớn để có thể khai thác nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và
năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vùng ĐBSCL. Khó khăn đang nằm ở quyết tâm
chính trị thực hiện các cải cách thể chế cần thiết. Thực tiễn từ vùng trọng điểm
nông nghiệp quốc gia và địa bàn nông thôn rộng lớn như ĐBSCl cho thấy, việc đẩy
mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới cần thiết phải xây
dựng và hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết vùng trong nông nghiệp, nông
thôn.
1. TS. Vũ Thành Tự
Anh (2008), Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh, Nghiên
cứu chính sách vùng của Việt Nam, 2008.
2.
Nhóm nghiên cứu Fulbrigh, TS. Vũ Thành Tự Anh và cộng sự (2011), ĐBSCL liên
kết để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, Báo cáo tại Hội
thảo khoa học “Xây dựng cơ chế liên kết vùng ĐBSCL”, MDEC – Cà Mau 2011 do BCĐ
Tây Nam Bộ chủ trì.
3. Nhóm nghiên cứu
JICA và MPI (2015), Phối hợp liên tỉnh
trong phát triển vùng ở Việt Nam, Hội thảo nhóm chuyên gia ĐBSCL, TP. HCM,
ngày 13/01/2015.
4.
Francisco Amador, Đỗ Văn Xê, Mai Văn Nam, Phan Đình Khôi (2006), Sách: Cơ sở cho phát triển nông thôn theo vùng khu
vực ĐBSCL, Việt Nam, NXB Nông nghiệp.
5. Sách: Tài liệu tham khảo phục vụ
nghiên cứu các văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng – Kinh nghiệm của một số quốc gia và vùng lãnh
thổ về quản lý và phát triển đất nước, NXB CT QG – Sự thật, Hà Nội, 2011.
6.
TS. Nguyễn Văn Huân (2012), Viện Kinh tế Việt Nam, Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn, Kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế Mùa
Thu, Vũng Tàu, 28-29/9/2012.
7. TS. Đinh Sơn Hùng và cộng sự
(2011), Cơ chế liên kết kinh tế giữa vùng ĐBSCL và TP HCM – thực trạng và giải
pháp, báo cáo tại Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế liên kết vùng ĐBSCL”,
MDEC – Cà Mau 2011 do BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì.
8.
Trần Thị Thu Hương (2014), Chính sách
phát triển vùng: những bất cập và một số giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu kinh
tế số 6 (433) tháng 6-2014;
9. Lê Viết Thái (2009), Trưởng ban Thể
chế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Báo cáo đề dẫn Hội thảo quốc tế Phát triển kinh tế vùng.
10.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2013), Đề án chính sách phát triển vùng ở Việt Nam, Hà Nội, tháng 11-2013.
11. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế
Trung ương (2011), Báo cáo
khảo sát liên kết giữa các địa phương trong phát triển vùng ở CHLB Đức.
12. Ban Kinh tế
Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trường ĐH Cần Thơ (2014), Kỷ yếu hội thảo
khoa học “Liên kết vùng ĐBSCL trong tái
cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, Cần Thơ, ngày 17 tháng 10 năm
2014.
13. GS. Verman, TS. Martijin và nhóm
chuyên gia Hà Lan (2013), Kế hoạch đồng bằng
sông Cửu Long (MDP) – Tầm nhìn dài hạn cho một khu vực đồng bằng an toàn,
trù phú và bền vững.
14.
PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh (2012), Viện trưởng Viện NC-PT ĐBSCL, Cơ chế, chính
sách liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản phẩm chủ lực (lúa gạo, cây ăn quả, thuỷ
sản), tham luận Hội thảo Rà soát cơ chế, chính sách nông nghiệp, nông thôn,
MDEC – Tiền Giang năm 2012.
15. Trần Hữu
Hiệp (2013), sách: Phát triển kinh tế
vùng ĐBSCL – thực trạng và giải pháp, NXB Chính trị Quốc gia.
16. Trần Hữu
Hiệp (2014, đồng tác giả), Kinh tế đồng bằng
sông Cửu Long (2001-2011), NXB ĐH Cần Thơ.
17. Trần Hữu
Hiệp (2014, đồng tác giả), Phát triển bền vững vùng ĐBSCL – Những vấn đề
lý luận và thực tiễn, NXB. ĐHQG TPHCM, 2014.
18. Trần Hữu
Hiệp (2013), “Giải pháp khai thác tiềm
năng kinh tế - xã hội các tỉnh ĐBSCL theo hướng liên kết vùng”, tham luận Kỷ
yếu hội thảo khoa học, NXB ĐH Cần Thơ.
19. Trần Hữu
Hiệp (2011), Liên kết vùng đồng bằng
sông Cửu Long – Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững,
Hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải
pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn”, Cần Thơ, Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBNF TP. Cần Thơ, báo Sài Gòn
Giải phóng, Cần Thơ, 2011.
20. Trần Hữu Hiệp (2011), Tìm hướng liên kết thực chất cho vùng đồng
bằng sông Cửu Long, Tạp chí Đầu tư nước ngoài, ngày 26/4/2011.
NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP
BÁCH CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
ThS. Võ Thành Hùng
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ
Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ, một địa chỉ tin cậy suốt 40
năm qua đã đồng hành cùng các tỉnh, thành ĐBSCL trưởng thành và phát triển tạo
ra “Thương hiệu” chất lượng, hiệu quả của một viện nghiên cứu, mang tầm chiến
lược với đội ngũ cán bộ vừa dầy dạn kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững
vàng, có hàm lượng chất xám cao.
Những năm qua Viện
KHXHVNB và các đơn vị trực thuộc Viện đã giúp đào tạo cho ĐBSCL một lực lượng
cán bộ có trình độ sau đại học rải đều ở các tỉnh, thành trong vùng, tuy chưa
nhiều nhưng nếu được tổ chức lại một cách chặt chẽ, đây sẽ là một lực lượng
tin cậy tham gia cùng Viện và các cơ quan nghiên cứu khác tại thành phố Hồ Chí
Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Chính trị Khu vực IV tại Cần Thơ và cả
nước sẽ triển khai nhiều công trình nghiên cứu có hiệu quả ở từng tỉnh/thành
trong vùng và toàn vùng. Cuốn hút các tỉnh/thành, tư vấn sâu cho tỉnh/thành là
việc làm rất cần thiết vì nhiều tỉnh/thành còn rất lúng túng, trong công tác
nầy. Sự lúng túng đó thấy rất rõ ở nhiều mức độ khác nhau trong việc tổ chức và
triển khai các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa
phương ở nhiều phương diện…
Vì vậy, từ diễn đàn cuộc hội thảo nầy đề nghị Viện KHXHVNB
tại Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là cơ quan có chức năng nghiên cứu và tổ
chức các hoạt động trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn Vùng Nam Bộ cần có
một kế hoạch mang tính chiến lược, gắn kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với
các tỉnh, thành ĐBSCL một cách có hệ thống căn cơ, dài hơi 5 năm, 10 năm, mang
tính thiết thực, hiệu quả cao trong hoạt động khoa học xã hội ở Nam Bộ./.
Đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng chiến lược quan trọng, là trọng điểm kinh
tế, ngày càng có vai trò ngày to lớn trong sự phát triển đi lên của đất nớc
ta. Với diện tích trên 39.000 km2 đất liền và 360.000 km2
thềm lục địa tạo cho vùng đất nầy một tiềm năng to lớn cho Tổ quốc. Những mỏ
dầu chúng ta đang khai thác phiá Nam và Bắc Côn Đảo, phiá Tây Nam cũng có trữ lượng
khí khoảng 123 - 124 tỷ m2. Đây còn là một vùng ngư trường rộng lớn
phục vụ cho đánh bắt thuỷ sản với trên 100 hòn đảo, trong đó 40 đảo có dân với
3 huyện đảo (Côn Đảo, Phú Quốc và Kiên Hải). Ngoài nguồn lợi thuỷ sản to lớn,
vùng này còn có một diện tích nuôi trồng thuỷ sản rộng lớn nhất nước ta. Đây
còn là vùng có tiềm năng du lịch, là đường hàng hải quan trọng khi kênh đào Kra
của Thái Lan hoàn thành.
ĐBSCL là vựa
lúa và cá của Việt Nam, với 48% diện tích gieo trồng, 50% sản lượng thóc và
chiếm 92% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm 50% sản lượng tôm cá; trong đó,
đánh bắt chiếm 44%, nuôi trồng chiếm 65% và xuất khẩu thuỷ sản chiếm 60% của cả
nớc.. Là một địa bàn tiếp giáp với ASEAN, cùng vùng biển hướng ra ASEAN. Là
vùng đất rất sớm có quan hệ giao thương với nhiều nước trên thế giới. So cả nước
mức tăng trưởng GDP của ĐBSCL hiện nay đứng thứ hai sau Đông Nam Bộ. Giá trị
sản xuất nông nghiệp đạt 17,2 triệu đồng/ha (bình quân cả nước 12 triệu/ha).
Là vùng sản xuất phát triển nhanh và rất năng động ở tất cả các lĩnh vực công
nghiệp, dịch vụ, mở rộng đô thị, nhà ở, điện, trường học và kết cấu hạ tầng
giao thông với lượng xe lưu thông trên 45.000 lượt xe/ngày.
Hướng phát triển vùng ĐBSCL đã được
Trung ương và Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu trong những năm tới phải đạt GDP
bình quân đầu người từ 1,3 - 1,5 mức trung bình cả nước. Hình thành một vùng
sản xuất nông - ngư nghiệp hiện đại, sản phẩm có chất lượng và giá trị cao,
giữ mức xuất khẩu gạo 3 triệu tấn/năm; công nghiệp phải đạt tốc độ phát triển
14 - 16%/năm; hình thành hai khu công nghiệp khí điện đạm ở Cà Mau và Trà Nóc
(Cần Thơ). Tiếp tục phát triển Quốc lộ IA tới Cà Mau, mở tuyến đường cao tốc
Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và tuyến đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh -
Mỹ Tho. Đồng thời, mở thêm tuyến đường 60 dọc theo bờ biển phiá Đông và tuyến
đường phía Tây. Bán đảo Cà Mau đến 2015 sẽ có 3 tuyến đường giao thông đưa
vào hoạt động. Sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), Phú Quốc trở thành sân bay quốc tế và
nâng cấp một số sân bay khác như Cà Mau và Côn Đảo. Cầu Cần Thơ được xây
dựng, cùng hệ thống cầu cống rải khắp vùng như: Cầu Rạch Miễu (Bến Tre), Cổ
Chiên (Trà Vinh), Vàm Cống (An Giang), Năm Căn. Hướng tới chuẩn bị khởi công
Cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng)...sẽ tạo thế lien hoàn cho cả Vùng. Việc lựa chọn
phương án đầu tư cho ĐBSCL một cảng biển lớn tại Cần Thơ hoặc tại ĐBSCL cũng
đang dần được hình thành để trực tiếp giao lưu mở rộng hợp tác với các nước
trong khu vực. Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ thành đại học quốc gia, thành
lập Đại học Y Dược Cần Thơ và một loạt các trường Đại học của các tỉnh trong
vùng như: Đại học Kỹ thuật Công nghệ (Cần Thơ); Đại học Nam Cần Thơ, Đại học
Tây Đô (Cần Thơ); Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang); Đại học Kiến Trúc (Chi
nhánh Cần Thơ), Đại học Bình Dương (phân hiệu Cà Mau), Đại học Thuỷ sản ở Kiên
Giang, trường Đại học Xây Dựng (Vĩnh Long), củng cố đại học An Giang và đại học
dân lập Vĩnh Long. Như vậy, tính đến tháng 6/2015, toàn vùng có 43 trường
ĐH, CĐ (trong đó có 17 trường đại học, 26 trường cao đẳng) và 30 trường TCCN.
Quy mô sinh viên hệ chính quy trong các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn các tỉnh
thuộc vùng ĐBSCL gồm: 229.783 sinh viên, học sinh (ĐH: 145.582; CĐ: 46.631;
TCCN: 37.570) đang theo học trên địa bàn vùng. Quy mô đào tạo sau đại học là
5.222 học viên (bao gồm 508 NCS và 4914 học viên cao học).
Thành phố Cần Thơ lên thành phố đô thị
loại I trực thuộc Trung ương, một số tỉnh cũng đã và đang tiếp tục tiến hành
quy hoạch phát triển các thị xã phấn đấu trở thành thành phố loại ba vào năm
2015. Nâng cấp một số huyện trở thành Thị xã, mở ra nhiều cụm phát triển kinh
tế - xã hội của các tỉnh/thành trong vùng.
Triển vọng phát triển của ĐBSCL nhìn
chung là rất thuận lợi; những năm tới tốc độ tăng trưởng sẽ rất cao do được
sự tập trung đầu tư của Chính phủ và sự nỗ lực phấn đấu rất cao của nhân dân
vùng nầy. Để đạt mục tiêu đó, ĐBSCL không chỉ có thuận lợi mà cũng đang đứng
trước những thử thách, khó khăn đòi hỏi nhiều ngành khoa học phải tích cực
tham gia; trong đó, vai trò của KHXH & NV có vị trí rất quan trọng. Trước
tình hình đó, tôi nhận thức rằng, việc tổ chức một cuộc hội thảo về “40 năm khoa học xã hội Nam Bộ (1975-2015)” của Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ,
tại Thành phố Hồ Chí Minh là một sự cần thiết. Trên tinh thần ấy tôi xin mạnh
dạn tham gia tham luận nầy.
Kính thưa
các đồng chí!
Khó khăn lớn
nhất cho ĐBSCL hiện nay là trình độ dân trí, nguồn nhân lực vẫn còn quá thấp so
với nhu cầu phát triển; cơ sở hạ tầng yếu kém và các vấn đề xã hội như sự phân
hóa giàu nghèo, vấn đề dân tộc, tôn giáo do lịch sử để lại cộng với mặt trái
của cơ chế thị trường tác động làm cho tình hình phức tạp thêm. Sự quan tâm
của chúng ta là làm sao đầu tư nghiên cứu tìm giải pháp phát triển các hoạt
động nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH và NV ở các tỉnh ĐBSCL những năm tới có
hiệu quả hơn. Bởi chúng ta đã thấy rất rõ, các lĩnh vực nầy chưa phát triển
tương xứng với yêu cầu chung của vùng. Chính sự chậm trễ lĩnh vực nầy trong
những năm qua đã và đang làm cho ĐBSCL có nhiều khiếm khuyết trong quá trình
phát triển, có những mặt gây ra hậu quả mà chúng ta chưa thể lường hết được.
Ví dụ như vấn đề dân trí; nguồn nhân lực phục vụ cho CNH - HĐH nông nghiệp
nông thôn, nông dân. Chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi tại sao, nguyên nhân nào,
ĐBSCL trong lịch sử phát triển và cả hiện tại là một vùng kinh tế rất năng động
những mặt bằng dân trí, phát triển nguồn nhân lực có thể nói là khó khăn và
chậm nhất so với cả nước?. Vấn đề khai thác tài nguyên nói chung, đặc biệt
ngành thuỷ sản sản nói riêng gắn với bảo vệ môi trường bền vững là những vấn
đề hết sức phức tạp hiện nay, tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, chỉ lo thu
lợi nhuận trước mắt, thiếu dung dưỡng nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trờng
là biểu hiện rất nguy hiểm, nhất là cho các tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ
sản lớn hiện nay. Tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ ven biển tiếp tục
bị huỷ hoại nghiêm trọng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với thay đổi cơ cấu
cây trồng vật nuôi, tình trạng sang bán,
cầm cố đất đai dẫn đến phân hoá giàu nghèo ngày càng mạnh ở nông thôn, người
giàu thì giàu rất nhanh nhưng tỷ lệ không nhiều, ngời nghèo thiếu cơ hội vươn
lên ngày càng tăng mặc dù nhà nước đã đưa vào đây một lượng tiền của không
nhỏ nhưng họ vẫn chưa vươn lên được?. Những tác động cơ chế thị trường
ngày càng nghiệt ngã vào nông dân, nông thôn, nhất là vùng dân tộc là những vấn
đề hết sức bức xúc hiện nay ở mỗi địa phương. Việc đầu tư các nhà máy, xí nghiệp,
khu công nghiệp vào ĐBSCL để phát triển là hoàn toàn đúng đắn, nhưng chưa đi
song hành với việc gìn giữ, bảo vệ môi trường (ô nhiễm không khí, nước thải
công nghiệp?); Vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc trưng, đặc sắc dân tộc
ở những khu vực này cũng dần mai một, mất đi, nếu chúng ta không có những giải
pháp kịp thời sẽ có tội với thế con, cháu của chúng ta, nếu ta để nền văn hóa
đặc trưng Nam Bộ rơi vào sự quên lãng.
Những vấn đề
phát triển bền vững của Du lịch vùng ĐBSCL, sao cho đạt hiệu quả của ngành công
nghiệp không khói, nhưng phải đi đôi với sự phát triển bền vững, với nguyên
tắc: Xanh - Sạch - Văn minh. Không vì lợi nhuận trước mắt mà làm vẩn đục môi
trường, làm mất đi cảnh quan sông nước, văn hóa miệt vườn mà thiên nhiên đã ưu
đãi cho ĐBSCL. Cũng rất cần những nhà hoạch định chiến lược về Du lịch cho
ĐBSCL, nổi lên một số vấn đề: Liên kết du lịch giữa các tỉnh/thành và toàn
vùng, giữa Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ, với các vùng, miền khác trong cả nước.
Vấn đề khai thác hoạt động Du lịch trên sông MêKông dài ngày, hướng cho khách
du lịch hòa nhập với cuộc sống đời thường của nhân dân bên dòng sông này cùng
với việc nghỉ dưỡng. Là những công trình nghiên cứu mang tính chất toàn Vùng
như: Tổng tập Văn nghệ Dân gian Vùng Tây Nam Bộ (nhiều tập), Tổng tập Văn học –
Nghệ thuật, Nhiếp ảnh, Hội họa...
Đó còn là những vấn đề xã hội & nhân văn
phải đi trước, dự báo tình hình khi vào thập kỷ tới và những năm sau đó ĐBSCL
bị ảnh hưởng nặng nề của sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng từ 20 - 30% tổng
diện tích toàn vùng.
Có thể nói
tình trạng phân hoá giàu nghèo ở một số tỉnh ĐBSCL nói chung, các tỉnh có đông
người Khmer có tốc độ mạnh mẽ nhất. Khoảng cách đời sống giữa thành thị và
nông thôn, giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn và tốc độ nhanh hơn,
làm cho tình hình nông thôn chứa đựng nhiều vấn đề xã hội hết sức phức tạp: Nạn
ma tuý, mại dâm, băng nhóm tội phạm đã len lõi về đến vùng nông thôn xa xôi,
hẻo lánh. Ma tuý cũng đã vào trong trường học vùng sâu, vùng dân tộc mà nơi ấy
lâu nay ta nghĩ rằng không thể xâm nhập và có được. Vấn đề hiếp dâm trẻ em,
tình trạng bạo lực trong gia đình, sự tha hoá về đạo đức lối sống theo kiểu
thực dụng, học theo mạng Intenet…tai nạn giao thong nông thôn, bạo lực học
đường đang có nguy cơ ngày càng phổ biến hơn. Vấn đề văn hoá đạo đức, xây dựng
năm đức tính của người Việt Nam theo Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) tuy
thu được nhiều kết quả nhưng cũng chứa đựng những tiêu cực mới mà chúng ta
chưa ai kịp thời nghiên cứu, tổng kết, đánh giá hết được. Tình trạng đó, không
những đã xảy ra và có ảnh hưởng trực tiếp đến từng cộng đồng dân cư và xã hội
nông thôn mà nó đang diễn ra ngay trong một số không ít cán bộ trong bộ máy
công quyền. Sự hạn chế, yếu kém về công tác tổ chức cán bộ, sự nể nang né tránh
những vấn đề phức tạp trong công tác đấu tranh xây dựng, ý thức và tinh thần
phục vụ, càng xuống cơ sở càng có thêm nhiều phức tạp mới nảy sinh. Vấn đề xây
dựng, nâng cao năng lực và hiệu quả tổ chức và triển khai các nhiệm vụ kinh tế
- xã hội của chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên ở
cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH -
HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay là
những vấn đề hết sức khó khăn ở nhiều địa phương trong vùng.
Vấn đề
nghiên cứu phát triển toàn diện cho vùng dân tộc Khmer về kinh tế và văn hoá mà
lịch sử để lại cho họ nhiều khó khăn trong phát triển và hội nhập, trong đó
ĐBSCL nói chung và 9 tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là: Trà
Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang
và Thành phố Cần Thơ là các tỉnh, thành
điển hình. Vấn đề biên giới, biển - đảo tác động từ bên ngoài vào (sự kiện dàn
khoan HD 981 của Trung Quốc) cũng gây cho ta thêm những khó khăn mới. Đặc biệt
trong thời gian gần đây tình hình Biển Đông ngày càng “nóng”: Biên giới Tây
Nam, ở ĐBSCL có 4 tỉnh ráp đường biên giới trên bộ, nhất là các tỉnh có đông ngời
Khmer sinh sống phải đương đầu với sự chống phá quyết liệt của các tổ chức
chính trị phản động Khmer Crôm từ nhiều phía, nhất là từ Campuchia, chúng
truyền truyền kích động đòi “trả” đất cho ngời Khmer Crôm, gây rối ở một số
cột mốc vùng biên giới (cột mốc 203, 204 tại Mộc Hóa, tỉnh Long An; một số trên
đường biên huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Cùng với vấn đề Tây Bắc, Tây
Nguyên, địa chính trị ở ĐBSCL trở thành một khu vực đang nóng dần, các thế lực
thù địch đang khuyếch trương truyên truyền chủ nghĩa ly khai, tự trị với người
Khmer vùng Tây Nam Bộ, mức độ ngày càng nguy hiểm. Điều đáng lo ngại nữa là tình hình diễn ra
ngày càng phức tạp của các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc đã và đang xảy
ra chứa đựng những tiềm ẩn chính trị do các thế lực thù địch đang tập trung
chống phá ta một cách quyết liệt như việc một số người dân Khmer bỏ đạo Phật
Nam tông truyền thống của dân tộc mình đi theo những đạo mới, lạ như: đạo Tin
lành, Ki Tô giáo - Như vậy, cùng với sự phát triển của đạo
Tin lành, Ki Tô giáo… là sự thay đổi lối sống, tâm lý, tình cảm, sự phân giới về
xã hội, văn hoá, tín ngưỡng dân tộc. Nó cũng tạo nên sự
chia rẽ trong nội bộ gia đình, dòng họ, lưu tồn định kiến hoài nghi, làm giảm
sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và nghiêm trọng hơn là
các tín đồ Tin lành Khmer dễ bị các phần tử xấu lôi kéo làm những việc xấu...
Đây quả thật là những thách đố đối với chúng ta.
Việc tổ chức nghiên cứu một cách toàn diện vấn đề dân
tộc và tôn giáo trên nhiều góc độ tác động, đặc biệt trên bình diện an ninh và
quốc phòng nhằm giử ổn định chính trị, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại có hiệu quả
mọi âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch cũng là một trong những bức xúc
hiện nay. Nhiều vấn đề cần có sự đánh giá chung vừa đảm bảo tính thuyết phục dựa
trên những luận cứ khoa học, vừa phải đảm bảo sự phát triển ổn định cho ĐBSCL,
nhất là các tỉnh có đông người Khmer sinh sống.
Tất cả những
vấn đề trên, lĩnh vực KHXH & NV, chúng ta có trách niệm phải làm rõ chúng. Đối với ĐBSCL từ khi có Nghị quyết
Trung ương II (khoá VIII); Nghị quyết XI của Đảng, các Đảng bộ tỉnh/thành
trong vùng đã quan tâm chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu
khoa học vào phát triển sản xuất, đời sống; trong đó công tác nghiên cứu khoa
học xã hội và nhân văn từng bước được khơi luồng, các đề tài triển khai
nghiên cứu ở một số lĩnh vực như lịch sử truyền thống, xây dựng Đảng, cải cách
hành chánh, nghiên cứu văn hóa các dân tộc anh em... bước đầu đã thu được một
số kết quả. Nhưng nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn
của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL so với yêu cầu thì chưa đáp ứng cho việc tổng kết, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra
phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng. Nhiều loại đề tài rất cần
thiết nhưng chưa được triển khai nghiên cứu. Hạn chế đó của ĐBSCL thực tế là
một trở lực khá lớn để triển khai thực hiện thắng lợi bền vững mục tiêu CNH -
HĐH nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trong vùng.
Nhiều năm
qua, cùng với các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ và các Viện,
Trường thuộc Trung ương và khu vực, mỗi tỉnh trong vùng đều có sự cố gắng bằng
sức vóc của mình tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, hoạt động nghiên cứu thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn chiếm
một vị trí đáng kể, có đầu tư và đạt kết quả như tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh
Long, Bến Tre, TP Cần Thơ và Hậu Giang...
Song, số công trình còn rất khiêm tốn và có những hạn chế nhất định.
Việc triển khai kết quả nghiên cứu nói chung, lĩnh vực KHXH & NV nói riêng
đưa vào ứng dụng rất nhiều khó khăn, hạn chế; trong lúc, nhu cầu ở mỗi địa phương
cụ thể hết sức bức bách để phục vụ cho phát triển bền vững nhưng chưa được
triển khai hoặc triển khai thực hiện một cách chậm chạp, thiếu tính hệ thống,
tính khoa học. Từ cách làm đó, vị thế KHXH & NV cũng hạn chế rất nhiều,
nhiều địa phương rất lúng túng, ít quan tâm.
Khó khăn hạn
chế dễ nhận thấy trước hết là từng địa phương riêng lẻ không đủ nhân lực và
nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học xã hội và nhân văn. Thiếu hẳn sự
kết hợp giửa các trung tâm khoa học, các nhà khoa học; hay nói cách khác hơn,
là các trung tâm khoa học cũng chưa với tới hoặc có với tới nhưng chưa gắn kết chặt với các địa phương, nhằm lôi
kéo, cuốn hút các địa phương tham gia phát triển nghiên cứu trên lĩnh vực nầy.
Đây là một hạn chế rất lớn cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chúng ta.
Chúng tôi
đánh giá rất cao vai trò của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tại Thành phố Hồ
Chí Minh, một địa chỉ quen thuộc và tin cậy suốt 40 năm qua đã đồng hành cùng
các tỉnh, thành ĐBSCL với một chặng đường chưa phải là dài, cũng không quá
ngắn; đã trưởng thành và tạo ra “Thương hiệu” chất lượng, hiệu quả của một viện
nghiên cứu, mang tầm chiến lược với đội ngũ cán bộ vừa dầy dạn kinh nghiệm, có
bản lĩnh chính trị vững vàng, có hàm lượng chất xám cao. Cụ thể những hoạt động
của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thông qua các đơn vị nghiên cứu và phục vụ
nghiên cứu của Viện như: (Triết học và Chính trị học, Kinh tế học, Xã hội học,
Văn học, Ngôn ngữ học, Dân tộc học, Nghiên cứu Tôn giáo, Sử học, Khảo cổ học,
Nghiên cứu môi trường, Nghiên cứu giới và gia đình và tư vấn phát triển; và
những Tạp chí như: Khoa học xã hội, Thư viện KHXH, phòng chức năng: Hành chính
- Tổng hợp, Tổ chức cán bộ; Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế) đã đoàn kết,
thống nhất tạo sức mạnh tổng hợp của toàn Viện tạo thành một cơ quan nghiên
cứu, đào tạo có chất lượng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua Viện
KHXHVNB và các đơn vị trực thuộc Viện đã giúp đào tạo cho ĐBSCL một lực lượng
cán bộ có trình độ sau đại học rải đều ở các tỉnh, thành trong vùng, tuy chưa
nhiều nhưng nếu được tổ chức lại một cách chặt chẽ, đây sẽ là một lực lượng
tin cậy tham gia cùng Viện và các cơ quan nghiên cứu khác tại thành phố Hồ Chí
Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Chính trị Khu vực IV tại Cần Thơ và cả
nước sẽ triển khai nhiều công trình nghiên cứu có hiệu quả ở từng tỉnh/thành
trong vùng. Bởi, dù cơ quan nào đến ĐBSCL nghiên cứu, dù đề tài thuộc cấp nào
quản lý thì trước hết kết quả nghiên cứu đó là phục vụ trực tiếp cho ĐBSCL.
Cuốn hút các tỉnh/thành, tư vấn sâu cho tỉnh/thành là việc làm rất cần thiết
vì nhiều tỉnh/thành còn rất lúng túng trong công tác nầy. Sự lúng túng đó thấy
rất rõ ở nhiều mức độ khác nhau trong việc tổ chức và triển khai các kế hoạch,
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
Vì vậy, từ
diễn đàn cuộc hội thảo nầy, tôi mạnh dạn đề nghị Viện KHXH tại Thành phố Hồ Chí
Minh với tư cách là cơ quan có chức năng nghiên cứu và tổ chức các hoạt động
trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn Vùng Nam Bộ cần có một kế hoạch mang
tính chiến lược, gắn kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với các tỉnh, thành
ĐBSCL một cách có hệ thống căn cơ, dài hơi 5 năm, 10 năm, mang tính thiết thực,
hiệu quả cao trong hoạt động khoa học xã hội ở Nam Bộ.
Tới đây nên
chăng chúng ta đề xuất với Đảng, Nhà nước thành lập: Viện Bảo tàng về “Cây lúa
nước ĐBSCL - Việt Nam” tại Khu Hòa An - Đại học Cần Thơ để tri ân và quảng bá
những người nông dân và cây lúa nước Việt Nam đã nuôi chúng ta mọi thế hệ đã
qua, hôm nay và cả mai sau; tri ân những đóng góp làm giầu cho đất nước, cả dân
tộc này đã và đang đi lên bằng cây lúa nước. Thành lập Bảo tàng Văn hóa Óc Eo
hay xây dựng Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (trình
UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới) nên tập trung lại một mối vì số cổ vật Óc Eo được
bảo tàng các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ sưu tập và trưng bày rải
rác, do mạnh ai nấy làm nên không đồng bộ, chưa toàn diện và thiếu tính nhất
quán. Đó là chưa kể những món quý giá còn đang nằm trong dân... Thành lập Trung tâm nghiên cứu Khmer - Tây Nam Bộ đặt tại
Cần Thơ. Tập trung đầu tư cho Khoa Cao đẳng Nghệ thuật Khmer nằm trong Trường
Đại học Trà Vinh đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật là con em dân tộc
Khmer cho cả vùng. Đầu tư, nâng cấp Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Ô Môn
- Tp Cần Thơ xứng tầm khu vực và quốc tế, đào tạo các bậc tăng ni, sư sãi
Khmer./
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TÍNH
CÁCH ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN CHÂU THỔ SÔNG CỬU LONG QUA MỘT SỐ TÁC GIẢ TRONG
VÀ NGOÀI NƯỚC KỂ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX TỚI NAY
Nguyễn Nghị
Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
Tìm hiểu qua con người và một số điều kiện tự nhiên,
chính trị và xã hội đã góp phần tạo nên một nền nông nghiệp mới và một tầng lớp
nông dân mới, chủ nhân của nền nông nghiệp mới này, tại châu thổ sông Cửu Long,
qua một số tác giả trong và ngoài nước kể từ đầu thế kỷ XX tới nay.
1. MỞ ĐẦU
Có thể nói, tính cách
ứng xử của một con người, của một tập thể hay tầng lớp xã hội, tại một nơi nhất
định, trong những điều kiện nhân sinh nhất định, là kết tinh của một truyền thống
gồm những kinh nghiệm, những chọn lựa, những phản ứng được truyền lại từ đời
này sang đời khác. Dĩ nhiên, không phải là sự kết tinh máy móc, cũng không phải
là những truyền thống được duy trì nguyên xi, loại bỏ tự do và mọi sáng kiến của
con người. Nhà sử học Lê Thành Khôi khẳng định : “Lịch sử con người luôn chịu ảnh hưởng bởi nơi họ sinh sống, vị trí của
họ trong thế giới, tính chất của đất đai và môi trường khí hậu […]. Nhưng thật
sai lầm nếu rút ra những kết luận có tính chất địa chính từ tầm quan trọng của
môi trường thiên nhiên…Cũng một địa điểm có thể tạo ra nhiều khả năng và các dân cư trên cùng một lãnh thổ lại phản
ứng khác nhau : người Chăm và người Việt nối tiếp nhau định cư trên bờ biển miền
Trung Việt Nam, cùng làm nghề trồng lúa, nhưng người Chăm trở nên giàu có nhờ nền
thương mại quốc tế và cướp biển trong khi người Việt hầu như không hề biết đến
những hoại động này”. Và tác giả kết
luận : “Sự khác biệt giữa những giải pháp
được các nhóm người chọn lựa trước thách thức của môi trường cho thấy tầm quan
trọng của cơ cấu kinh tế và ý thức hệ” (Lê Thành Khôi, 2014, trg. 15).
Việt Nam hiện nay có
hai vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm là : Châu thổ sông Hồng và châu thổ
sông Cửu Long, thường được ví như hai cái thúng thóc ở hai đầu của một chiếc
đòn gánh là dải đất hẹp nằm giữa biển và dặng núi của miền Trung Việt Nam.
Nhưng cái thực tại, được gợi lên qua hình ảnh mang màu sắc thôn dã này, chỉ được
hình thành vào đầu thế kỷ XIX, khi họ Nguyễn sáp nhập miền Nam hay xứ Đàng
Trong với Đàng Ngoài làm thành một nước Việt Nam trải dài từ ải Nam Quan đến
mũi Cà Mâu, có thể đã che dấu dưới cái vẻ thơ mộng của nó, một thực tế đáng được quan tâm tìm hiểu, đó là sự
khác biệt của hai nền nông nghiệp tại hai đầu của một đất nước có chiều dài hơn
hai ngàn cây số và có một khoảng cách lịch sử cũng cả trên ngàn năm.
Sự khác biệt này được
các nhà nghiên cứu về nền nông nghiệp Việt Nam ghi nhận và tìm cách giải thích.
Li Tana, trong luận án về kinh tế-xã hội xứ Đàng Trong trong hai thế kỷ đầu
hình thành và phát triển, XVII và XVIII, sau khi theo dõi tiến trình ra đời của
một xứ Đàng Trong của những người Việt Nam xuất phát từ châu thổ sông Hồng, đã
nói đến “một cách thức khác là người Việt Nam”, -cũng có thể được đổi thành “một
cách thức khác là người nông dân Việt Nam”,- sau khi cho thấy các chúa Nguyễn
và người nông dân theo họ đã “thích nghi
và sáng tạo” thế nào với những điều kiện mới trong cuộc Nam tiến của họ (Li
Tana, 2013, trg. 248).
Nguyễn Thanh Nhã, tác
giả của một công trình nghiên cứu cũng về kinh tế của hai thế kỷ XVII và XVIII,
tại hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, tìm cách giải thích sự khác biệt giữa hai
nền sản xuất nông nghiệp tại phía Bắc và phía Nam, cho rằng sự khác biệt “có nguyên nhân từ điều kiện lịch sử. Trong
khi châu thổ phía Bắc, được canh tác qua nhiều thế kỷ, từ rất sớm đã phải đứng
trước nguy cơ của nạn nhân mãn, thì phía Nam, vùng mới chinh phục được, lại
không cảm thấy lo lắng khi đứng trước vấn đề lương thực. Bởi vậy, Đàng Ngoài hầu
như chỉ tập trung vào việc trồng cây lương thực, trong khi nền sản xuất nông
nghiệp của Đàng Trong lại đa dạng với các loại cây công nghiệp và phục vụ xuất
khẩu vốn chiếm một phần quan trọng” (Nguyễn Thanh Nhã, 2013, trg. 92).
Bài viết này cố gắng
tìm hiểu buổi đầu hình thành nền nông nghiệp được gọi là mới này tại đồng đằng
sông Cửu Long và một số đặc điểm tính cách ứng xử của người nông dân, chủ nhân
của nền nông nghiệp này qua một số tác giả trong và ngoài nước kể từ đầu thế kỷ
XX tới nay.
2. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CHÂU THỔ SÔNG CỬU LONG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Châu thổ sông Cửu
Long của người Việt Nam xuất hiện khá muộn so với châu thổ sông Hồng. Đây là chặng
cuối cùng và là kết quả của cuộc Nam tiến diễn ra dưới thời các chúa Nguyễn, đẩy người Việt Nam lần lượt làm chủ các vùng đất từ đèo Cù Mông vào đầu
thế kỷ XVII đến tận Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu vào đầu thế kỷ XVIII, và cuối
cùng, vùng Tầm Phong Lan bao gồm lãnh thổ nay là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang,
Vĩnh Long, Cần Thơ... vào năm 1757. Nhà
nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, khi đề cập đến lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ
Lục Tỉnh, đã đặt việc người Việt Nam bắt đầu khẩn hoang vùng châu thổ này, sớm
lắm là vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII (Nguyễn Đình Đầu, 1999, trg. 27
và tiếp theo). Và theo một số tác giả, việc khai thác vùng đất mới này đã bắt
đầu trong những điều kiện chính trị-xã hội và thiên nhiên được nhìn nhận là hết
sức thuận lợi.
2.1. Điều kiện chính
trị và xã hội
2.1.1. Tính cách cuộc
Nam tiến thời các chúa Nguyễn
Theo tác giả của Lịch sử xứ Đàng Trong, Li Tana, thì
cuộc Nam tiến, do họ Nguyễn tiến hành, đã không diễn ra như một cuộc chiến tranh
cướp người như thời Tiền Lê, hay để bình định một vùng biên giới bị nước láng
giềng phía nam quấy nhiễu như thời Hậu Lê, mà là một tiến trình đi xuống phía
Nam để xây dựng một “chốn dung
thân”, một vùng đất sống và tồn tại, đồng
thời lập căn cứ vững mạnh để đương đầu với một xứ Đàng Ngoài có một lịch sử lâu
đời và hiện đang được đặt dưới quyền chúa Trịnh, mạnh hơn mình từ ba đến bốn
lần, cả về mặt tài chính lẫn quân sự (Li Tana, 2013, trg. 15).
Những con
người tham gia và đóng vai trò thiết yếu
trong cuộc Nam tiến lần này, khởi đầu, chủ yếu là
những người chạy trốn, đại thể, vì lý do chính trị (họ Nguyễn), kinh tế (người
gốc Thanh Hóa và Nghệ An vốn
là những vùng đất dễ bị tổn thương nhất khi có tai ương, mất mùa dẫn đến đói
kém) (Li Tana, 2013, trg. 33), các lưu dân, tù binh bị bắt trong các trận chiến
với Đàng Ngoài, các kẻ không có đất sống tại các làng mạc ở châu thổ sông Hồng...nghĩa
là gồm những con người, đa số, chẳng có gì để cầm chân họ tại những nơi họ sinh sống, những người có
chung một thái độ là sẵn sàng bỏ lại phía sau những gì không còn mấy thích hợp
cho việc xây dựng “xứ” của họ tại vùng đất mới và trong những điều kiện lịch sử
văn hóa mới, đồng thời sẵn sàng hơn trong việc hội nhập và sáng tạo trong môi
trường sống này.
2.1.2.
Tình trạng chiến tranh và chuẩn bị chiến tranh làm cho thái độ của họ thêm dứt
khoát
Tình hình chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, giữa Đàng Trong và Tây
Sơn kéo dài gần suốt hai thế kỷ khiến Đàng Trong phải luôn ở trong tư thế sẵn
sàng. Một trăm năm hưu chiến, nhưng cũng chưa đủ “hưu” để tự cho phép mình lơi
là, mất cảnh giác hay buông lỏng vì đây là thời kỳ không có chiến tranh nhưng
chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chiến tranh dẫn đến một
“chế độ” nặng mầu sắc quân sự hơn là dân sự. Quan võ ưu tiên hơn quan văn, được
đào tạo và thi cử chủ yếu trên học thuyết Nho giáo, vốn thích hợp với một chế độ ổn định, mọi sự đã vào nề nếp.
Trong khi đó, chế độ, hay quan hệ nhà binh dễ nảy sinh tinh thần đồng đội. Nguyễn
Hoàng khởi đầu đã lôi kéo những người cùng quê Thanh Hóa và Nghệ An. Tình đồng
hương dễ nảy sinh thành đồng chí, rồi đồng đội theo tinh thần “năm anh em trên
một chiếc xe tăng”. Khi người ta lâm vào thế
bí, nhất là khi phải bảo tồn sự sống còn của mình trong cái thế một chọi bốn
như cái thế của Đàng Trong vào lúc mới hình thành trước Đàng Ngoài, người ta phải
gồng mình lên để đối phó với thời thế, do đó, cũng dễ phát sinh ra sáng kiến.
Việc buộc phải gỡ cái thế bí này cũng làm cho người ta dễ dàng vượt qua những
trở ngại ý thức hệ, xã hội…nhiều khi chỉ là một thứ trang trí chẳng mấy cần thiết
cho sự sống còn của con người vào một lúc nào đó, để chỉ nhắm tới cái duy nhất
cần thiết. Đào Duy Từ, thuộc lớp người bị khinh chê và kỳ thị vào một thời bình
thường, đã được trọng dụng ở đây, và đã
có thể phát huy các khả năng của mình để có những đóng góp to lớn trong việc
xây dựng hệ thống tường lũy phòng thủ hữu hiệu của Đàng Trong trước sự tấn công
của Đàng Ngoài. Lũy Đồng Hới đã là đề tài của một công trình nghiên cứu công
phu về lịch sử thời này của một ‘nhà Việt Nam học’ nổi tiếng, Léopold Cadière[62].
2.1.3. Một tiến trình hội nhập
và sáng tạo
Tiến xuống phía Nam,
di dân người Việt đã bước vào một môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế, tự
nhiên,... hoàn toàn khác, với những cư dân khác, và do đó, bị đặt trước những
thách thức mới và sự sống còn của họ tùy thuộc vào cách thức giải quyết các
thách thức này. Các chúa Nguyễn cùng với những người theo họ, đã chọn giải pháp
hội nhập và giải pháp này đã giúp những con người đã tình nguyện hay bó buộc phải
« bỏ lại khá xa ở phía sau cái quá khứ mới đây của họ trong khuôn mẫu Nho
giáo của nhà Lê để trở lại gần với gốc Đông Nam Á của họ hơn » và, qua đó,
«tạo ra được một cách thức khác làm người Việt Nam... . Nhiều đức tính của
người phía Nam, như óc tò mò và cởi mở đối với những cái mới, với những tư tưởng
mới, tính hồn nhiên và khoáng đạt hơn, thái độ không mấy dễ dàng để mình bị
ràng buộc bởi lịch sử và truyền thống, tất cả có thể đã do hai thế kỷ
này », như tác giả công trình nghiên cứu sự hình thành xứ Đàng Trong của
người Việt Nam khẳng định trong phần kết luận của công trình nghiên cứu của
mình (Li Tana, 2013, trg., 248).
Trước hết, họ Nguyễn thấy cần phải gột bỏ cái mặc cảm về
một thế đứng "phản loạn" hay "bất trung" theo chuẩn mực đạo
đức Nho giáo. Và việc các chúa Nguyễn thay thể Nho giáo bằng Phật giáo đã cho
họ một “ý thức về tự do và lòng dũng cảm cần thiết để chọn làm điều có thể làm
được, mà không mấy băn khoăn tự hỏi điều đó có phù hợp với tiêu chuẩn Nho giáo
hay không” (Li Tana, 2013, trg. 246).
Vẫn theo tác giả Li Tana lập luận : trên đường xuôi xuống
phía Nam, “đất đai tương đối nhiều nên
việc di chuyển trở thành bình thường đối với các gia đình hay dòng họ người
Việt. Đôi khi cả một làng đã dời tới một địa điểm khác. Được thiết lập trên một
cơ sở như vậy, mối quan hệ với đất đai khó có thể là mối quan hệ khắng khít và
cố định. Tính cách di động này lại xung khắc trực tiếp với tính cách ưu tiên
của tập thể -một khái niệm cơ bản của Khổng giáo về đời sống cộng đồng, nhấn
mạnh đến hiện hữu của nhóm hơn là tầm quan trọng của cá nhân. Cá nhân chỉ đáng
kể trong mới quan hệ cố định ở bên trong cộng đồng. Nói cách khác, một cá nhân
không thực sự là một nhân vị nếu cá nhân đó không thuộc về một nhóm xã hội như làng chẳng hạn.
Trớ trêu thay, chính những người này lại tạo nên dòng chảy của những di dân
người Việt xuống phía nam” (Li Tana, 2013, trg. 226).
Các nhà truyền giáo người châu Âu, khi tới hoạt động tại Nam
Bộ, cũng đã lưu ý tới tính cách di động của người nông dân tại đây, đặc biệt,
vì cái nét đặc sắc này của họ đã tạo nên không ít vất vả cho các nhà truyền
giáo : “người Việt ở đây sống trong một tình trạng biến động liên
tục, thay đổi nơi ăn chốn ở với bất cứ lý do gì…”[63]
Bỏ Nho giáo với tính
cách ý thức hệ cổ vũ cho nông nghiệp mà khinh rẻ thương nghiệp. Các chúa Nguyễn
hiểu rằng không thể chỉ dùng nông nghiệp, nhất là vào buổi đầu, để phát triển sức
mạnh đủ để chống lại Đàng Ngòai, dù sao cũng đã quá quen thuộc với nông nghiệp,
vì đã có cả ngàn năm thực hành, và dầu gì thì cũng là nền tảng cung cấp tài chính
và nguồn vật chất cho cuộc chiến của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Cuộc Nam tiến, trước
tiên, đã biến một vùng đất khó khăn, từng được sử dụng làm nơi lưu đầy các tội
phạm, những thành phần bất hảo, một địa ngục (Li Tana, 2013, trg 29), thành
vùng đất của những con người tự do. Tới
Champa, họ Nguyễn đã không chỉ biến nơi đây thành vùng đất của mình mà còn “chiếm”
luôn cả cách làm ăn của người Chăm nổi tiếng là mạnh về biển. Các chúa Nguyễn bắt
đầu mở ra con đường buôn bán qua đường biển, không phải bằng những tầu bè vượt
đại dương để đi buôn đường xa, mà là làm một thứ trạm trung chuyển hàng hóa đến
và đi từ biển. Thu phục các dân tộc ít người ở cao nguyên Trung bộ, tiếp nhận
các nhóm người Hoa Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài “trên 3.000 người với hơn
50 chiến thuyền” (1679) (NĐĐ, 1999, trg. 41), góp phần thiết lập những Mỹ Tho đại
phố, Nông Nại đại phố lôi cuốn khá đông người Nhật Bổn, Tây Dương, Đồ Bà đến
buôn bán sầm uất”[64], và cuối cùng là người Khmer tại châu thổ sông Cửu
Long..., tạo nên một không gian mở cho người nông dân của một nền nông nghiệp mới tại châu thổ sông
Cửu Long của người Việt Nam : Một miền Tây Nam Bộ, chặng cuối của cuộc Nam tiến,
“đa dạng về mặt dân tộc (người Khmer, người
Hoa và người Việt Nam đã xây dựng quan hệ trên những cơ sở và những phương thức
nhất định) và một đặc điểm kinh tế - xã hội khác với phần còn lại của nước Việt
Nam” (P. Brocheux, 1971, trg. 1).
Những chặng đường hội
nhập và thích nghi của cuộc Nam tiến như thế đã tạo nên một lớp người cởi mở
hơn, tự do hơn trong chọn lựa khi họ bước vào chặng cuối cùng của tiến trình dựng
nước này là châu thổ sông Cửu Long. Taylor tả Nguyễn Hoàng như sau: “Ông đã dám
liều mình mang tiếng là kẻ làm phản bởi vì ông đã tìm ra một nơi người ta không
đặt nặng vấn đề này”[65].
Một
thế giới rộng lớn hơn cũng góp phần không nhỏ, nếu không nói là chủ yếu, cho
người ta một ý thức lớn hơn về tự do –tự do chọn nơi họ ưa thích và cách sống họ
muốn” (Li Tana, 2013, trg. 227).
2.2.
Điều kiện thiên nhiên thuận lợi
Thực vậy, ở chặng cuối
của cuộc Nam Tiến do các chúa Nguyễn lãnh đạo, những người đi tìm một “chốn
dung thân” đã gặp được châu thổ sông Cửu Long hay sông Mêkông[66] với một diện tích canh tác ngày càng được mở rộng, đặc
biệt, qua việc đào các con kinh tháo nước và dẫn nước. Con sông này ăn thông với
các sông Vàm Cỏ và Đồng Nai, Sông Bé và sông Sàigòn và với một hệ thống chằng
chịt các sông đào như sông Thoại Hà, được đào vào năm 1817, nối Hậu Giang với Rạch
Giá, sông An Thông, sông Bảo Định (Vũng Gù trên sông Vàm Cỏ) ở Định Tường thông
với sông Mỹ Tho (tức sông Tiền), Kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên, đầu thế
kỷ XIX và cùng với vô số kinh, rạch ngang, dọc được đào vào thời Pháp thuộc để khai thác đất đai đã tạo nên một
châu thổ rộng lớn lý tưởng để phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Một đồng bằng
lớn nhất Việt Nam, có thể là gấp ba lần châu thổ sông Hồng, với diện tích gần
40.000km2 (12, 23% diện tích của cả nước) và với số dân thưa thớt, mặt khác, ở
đây, hầu như không có núi đồi, từng là rào cản người nông dân châu thổ sông Hồng
vươn ra khỏi ranh giới của những đồng bằng chật hẹp vì sợ rừng thiêng, nước độc.
Đất nông nghiệp vào đầu thiên niên kỷ III chiếm khoảng 2, 7 triệu ha và cũng là
phần lớn diện tích đất phù sa do các con sông này tạo nên.
Sự hiện diện của một
số diện tích lớn và thích hợp cho việc làm nông nghiệp vào một thời kỳ nông cụ
hầu như không được cải tiến, giống vẫn y nguyên như cũ, và chưa được sự hỗ trợ
của công nghiệp, do đó, chủ yếu còn mang tính cách quảng canh, tăng sản phẩm bằng
tăng diện tích trồng trọt, quả là điều kiện hết sức quan trọng trong việc tạo
nên bộ mặt khác của nông nghiệp tại vùng đất mới này.
2.2.1. Quyền tư hữu đất nông nghiệp
Nhưng sự hiện diện của một diện tích đất đai mênh mông có thể được khai
thác thành đồng ruộng này thực ra mới chỉ là điểm khởi đầu và giá trị của nó, lớn
hay nhỏ, còn tùy thuộc vào cách thức khai phá và làm chủ diện tích này. Có thể
trích dẫn ở đây một đoạn tác giả Luro, nhân viết về thủ tục lập làng mới và sở
hữu tư nhân trên ruộng đất Nam Bộ xưa, nhận định : ‘Thế là một làng mới được thành lập, đất đai được chia cho các gia đình
trong cộng đồng xã thôn. Mỗi gia đình chiếm lấy phần đất mà mình có khả năng
khai thác, cũng từ đó quyền sở hữu tư nhân của các nông dân được thiết lập. Để
đổi lấy thuế trả cho sư trị an mà sở hữu chủ được hưởng, Nhà nước bảo đảm cho
cá nhân được quyền sử dụng một mảnh đất vô giá trị, mà khởi đầu chẳng có lợi
ích gì khác ngoài lợi ích tự nhiên nhưng không gắn liền với đất đai, tự nó
không sản sinh ra mùa màng gặt hái. Cái mảng lợi ích tự nhiên đó không lợi ích
gì cho ai, từ nguyên thủy không có giá trị, song với nỗ lực cần lao và trí tuệ
của con người, mảnh đất ngày càng có giá trị nhờ hoa màu ngày càng tăng do dự
canh tác, vì thế mảnh đất ấy có thể trao đổi, mua đi bán lại. Vậy thì cái giá
trị chỉ do cá nhân con người tạo nên bằng lao động và cố gắng của mình, cái giá
trị trao đổi ấy trước đây không hề có, nay phải thuộc về chính người tạo ra nó,
chứ không thể ai khác được”[67].
Nhu cầu cấp bách của các chúa Nguyễn lúc này không
phải là tạo phương tiện để từng người nông dân có thể sống và tồn tại như ở
châu thổ sông Hồng với số công điền ngày càng ít ỏi theo sự gia tăng của dân số,
được phân bố theo định kỳ, theo các nguyên tắc đạo đức của Nho giáo vốn đã bị bỏ
sang một bên trong quá trình tiến xuống phía nam. Nhu cầu lúc này của các chúa
Nguyễn là gầy dựng một “vương quốc” nông nghiệp,-và thương nghiệp,- giàu mạnh để
có thể tồn tại trong cái thế phải đương đầu với Đàng Ngoài. Và các chúa Nguyễn sẵn sàng áp dụng những chính sách phù hợp
với các điều kiện thiên nhiên để đẩy mọi người dân tích cực tham gia công cuộc
khẩn hoang và phát triển nông nghiệp nhằm đáp ứng mục tiêu đeo đuổi trên đây.
2.2.2.
Quân đội mở đồn điền
Trước
hết, quân đội của các chúa Nguyễn, ngoài việc bảo vệ vùng đất chinh phục được,
còn phải tham gia vào công việc khẩn hoang và khai thác nông nghiệp, tạo nên những
đồn điền cung cấp lương thực cho quân đội. Mặt khác, việc thiết lập các đồn điền
cũng là cách để bảo vệ những phần đất mình đã có được trong quá trình Nam tiến.
2.2.3.
Chính quyền tạo quỹ đất công
Chính
quyền cũng không thể không đóng một vai trò tích cực và hữu hiệu trong việc
khai thác đất đai tại vùng đất phía nam này. Quan chức đứng ra chiêu mộ nhân
công, gồm những người trốn chạy khỏi vương quốc Đàng Ngoài, tù binh, thường phạm,
người lang thang, kẻ phiêu bạt… đi tới các vùng khẩn hoang, và tại đây, họ bị đặt
dưới chế độ lao động bắt buộc, dưới sự chỉ đạo của các viên chức chuyên
trách...
Số đất đai được khai
thác bằng hai cách trên đây trở thành quan điền thổ. Nhưng nhà nước chỉ giữ lại một phần cho nhu cầu
của quân đội và Kho tàng nhà nước.
2.2.4. Thu hút người
dân bằng quyền tư hữu đất đai
Nguyễn Hoàng, và các
người kế vị, đã áp dụng chính sách định cư cấp tốc vùng đất mới, phần lớn, dựa
trên các thành phần từ bên ngoài và một chính sách đất đai hoàn toàn có lợi cho
người nông dân : Đất do chính họ khai khẩn được sẽ là của riêng họ. Những người,
như thành viên của gia đình đang cầm quyền, quan chức, kẻ phiêu lưu, muốn khai
thác đất hoang tự sức riêng của mình, sẽ được hưởng những lợi ích tài chính (như miễn
thuế, cho tới năm 1669, nhiều nơi không hề biết thuế là gì) (Li Tana, 2013,
trg. 33) và danh vọng (được ban chức tước),
và các sự dễ dãi trong việc chiêu mộ lao động nông nghiệp trong số những người
không được vào sổ tại các vùng đông dân hay các tù binh phía Bắc… Những người
này còn được quân đội của nhà nước yểm trợ
khi gặp khó khăn hay tranh chấp.
Việc khẩn hoang và
khai thác của tư nhân, trong các điều kiện này, có thể diễn ra trên quy mô lớn
hay nhỏ, tùy theo khả năng của mỗi người. Việc khai thác các vùng đất mới này
ngay từ buổi đầu đã không đòi người ta phai bỏ ra quá nhiều công sức. “Trên các loại ruộng sâu này [ruộng miền
Tây], việc khai hoang không quá vất vả và kỳ công. Mỗi nông dân chăm chỉ làm hằng
năm phá hoang thêm được hai hay ba mẫu là thường. Ngay vụ đầu cũng đã có ăn,
còn từ năm thứ ba thì đất thuần thuộc sẽ cho năng suất cao” (Nguyễn Đình Đầu,
1992, trg. 64). Sự phát triển của các cơ sở nông nghiệp tư nhân nằm trong chính
sách mềm dẻo về khai thác đất đai vốn được xem là một phương tiện có hiệu lực của
việc bành trướng lãnh thổ. Điều kiện đất đai của người nông dân châu thổ sông Cửu
Long quả là một thách thức lớn đối với sức lực và khả năng của con người :
không gì cản trở mức độ làm chủ đất mà chỉ có sức lực của họ kềm hãm họ mà
thôi.
Và
châu thổ sông Mêkông sẽ sớm có vai trò là lối thoát cho tính năng động này của
dân số và quy trình chiếm cứ này sẽ được áp dụng suốt trong thế kỷ XVIII tại
các vùng lãnh thổ chinh phục được của người Cao Mên[68].
Để đẩy mạnh hơn nữa
công việc khẩn hoang vùng đất mới, chính quyền chúa Nguyễn còn “cho chiêu mộ những
người dân có vật lực từ các xứ Quảng Nam, phủ Điện Bàn, phủ Quảng Ngãi và phủ
Qui Nhơn thiên cư vào ở đất Đồng Nai thuộc phủ Gia Định”[69]. Và những người này đã sớm trở thành những con người
giàu có nhờ khẩn hoang và làm chủ đất bằng những “vật lực” họ mang theo tại
vùng đất mới. “Những người di cư mới
(...) ra sức chặt phá cây cối, cắt cỏ rậm và mở mang đất đai thành những vùng đất
bằng phẳng, thổ địa phì nhiêu. Nhà Nguyễn lại cho dân tự tiện chiếm đất mở vườn
trồng cây và xây dựng nhà cửa. Lại cho họ thu nhận những con trai, con gái người
dân tộc thiểu số từ trên đầu nguồn xuống, để mua làm đầy tớ đứa ở. Nhờ vậy mà
Gia Định có rất nhiều lúa thóc. Những người giàu có ở các địa phương, nơi thì
có bốn năm mươi nhà, nơi thì có hai ba mươi nhà, mỗi nhà có hạng đầy tớ làm ruộng
hoặc đến năm sáu mươi người. Mỗi gia đình có thể nuôi hơn ba bốn trăm con bò,
cày bừa, trồng trọt, cây dắm, gặt hái, bận rộn suốt ngày, không lúc nào nghỉ
ngơi”[70].
2.2.5. Kết quả của
chính sách tư hữu hóa
Nhà nghiên cứu địa bạ
Nguyễn Đình Đầu, trong công trình nghiên cứu của ông, đã đưa ra một số liệu về
tình hình phân bố ruộng đất ở Nam Bộ vào năm 1836, tức khi bắt đầu có chính
sách mới về tư hữu đất đai tại Nam Bộ : tư điền thổ chiếm tỷ lệ 92,16%; loại ruộng
đất trong địa bạ ghi là công điền công thổ chỉ chiếm tỷ lệ 3,50%. Tác giả kết
luận : “Qua nghiên cứu Địa Bạ Lục Tỉnh, -vùng đất mới được khẩn hoang lập ấp,-
ta thấy số ruộng tư điền chiếm tới 9/10 tổng số ruộng thực canh. Yves Henry,
trong Économie agricole de l’Indochine,
[Kính tế nông nghiệp ở Đông Dương], xuất bản năm 1930, đưa ra số liệu điều tra
cho biết công điền công thổ ở Nam Bộ là 3%, trong khi ở Trung bộ là 25% và Bắc
bộ 21%” (Nguyễn Đình Đầu, 1999, tr. 11). Nhưng phải hiểu công điền, công thổ ở
đây là đất của làng, để dùng vào việc tài trợ cho các chi tiêu của làng. Thời
thuộc Pháp, tuy cho quyền tư hữu đất đai được tự do phát triển, vẫn đòi hỏi phải
dành một số diện tích cho làng làm công thổ, công điền thuộc loại này.
Như
vậy, chế độ tư điền chiếm ưu thế, có thể nói, gần như “tuyệt đối” tại châu thổ
sông Cửu Long. Đây cũng là chế độ đất đai của châu thổ sông Cửu Long trong suốt
thời kỳ tồn tại của “xứ Đàng Trong” và cả mấy thập niên sau khi sáp nhập làm một
với xứ Đàng Ngoài, trừ một số khoảng thời gian “cải tạo” ngắn ngủi diễn ra
trong thời nhà Nguyễn, từ 1836 cho tới khi Pháp tới. Dưới chế độ thực dân Pháp,
quyền tư hữu này đã trở thành gần như tuyệt đối.
3. MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP MỚI
3.1. Từ một nền nông
nghiệp thực phẩm
Tại
một châu thổ đất rộng, người thưa, với chính sách tôn trọng quyền tư hữu đất
đai của nhà cầm quyền, trong một xã hội không bị trói buộc bởi một ý thức hệ
“trọng nông” và coi thường thương nghiệp, người nông dân tại châu thổ sông Cửu
Long đã có thể tạo nên được một nền nông nghiệp mới, có thể nói là khác, với nền
nông nghiệp thực phẩm vốn quen thuộc với người nông dân tại châu thổ sông Hồng.
Châu
thổ sông Hồng vốn là vùng đất hẹp, người đông, với lịch sử khai thác dày cả
ngàn năm, nỗi bận tâm hầu như có tính quyết định mọi chọn lựa trong việc làm ăn
của người nông dân tại đây là làm sao để có đủ cái ăn cho mình và gia đình để tồn
tại. Nỗi bận tâm này nảy sinh từ tình trạng thường xuyên phải sống trong tình
trạng mấp mé với nạn đói kém. Theo một số tác giả nghiên cứu về các nền nông
nghiệp trên thế giới, tình hình này khá quen thuộc và đã được khái quát hóa bằng
một hình ảnh được Tawney dùng để mô tả “vị thế của dân chúng nông thôn” như
“tình trạng của một người thường xuyên ở trong vùng nước ngập tới tận cổ, chỉ một
cơn sóng nhỏ là đã có thể làm cho anh ta chết ngạt”. Tác giả James Scott đã mượn hình ảnh này để
giải thích nỗi lo âu của người nông dân trong nền nông nghiệp truyền thống
trước tình hình chỉ một sơ xẩy nhỏ cũng đủ để đẩy anh ta và gia đình vào cảnh
đói kém do đó, đã tác động thế nào trên quan điểm và phản ứng chính trị cũng
như chọn lựa trong công việc làm ăn của người nông dân này (James C. Scott,
1975, trg. vii).
Pierre
Gourou, tác giả của công trình nghiên cứu có tựa đề Người Nông Dân Châu Thổ Bắc Kỳ, đã dùng con số để cụ thể hóa tình
hình này của người nông dân tại đồng bằng sống Hồng : “Thường thường nông dân chỉ có trong tay số lương thực chỉ đủ dùng trong
vài tuần và thậm chí trong vài ngày thôi; họ chẳng có tiền có gạo để đối phó hữu
hiệu với tình trạng hết lương thực. Để tồn tại được đến vụ thu hoạch lúa hoặc một
số cây lương thực nào đó, thì họ phải vay nợ. Thông thường họ giải quyết vấn đề
này bằng cách chịu đựng những thiếu thốn ngặt nghèo; chỉ ăn một bữa một ngày, gồm
vài củ khoai lang luộc hoặc cháo tấm nấu với rau cỏ thành một thứ chất lỏng chẳng
ngon lành gì, nhưng đánh lừa được dạ dầy. Khó mà lập ra được bảng thống kê về
những thiếu thốn đó, nhưng chắc chắn tình trạng thiếu ăn đó là rất phổ biến. Nỗi
cơ cực thực sự, và ngay cả nạn đói kém là những hiện tượng đã trở thành phổ biến
[...]. Có thể coi như chắc chắn là người nông dân sống ở giới hạn của đói kém
và nghèo khổ” (P. Gourou, 2003, trg. 520-521).
Theo
Nguyễn Thanh Nhã, vấn đề thiếu hụt lương thực tại châu thổ sông Hồng đã trở nên
đặc biệt nguy kịch vào cuối thế kỷ XVII : “Sự
thiếu hụt mỗi năm mỗi trầm trọng để rồi cuối cùng trở thành một căn bệnh kinh
niên. Khi ấy chỉ cần một tai ương bất ngờ (bão, lụt, hạn hán, sâu rầy tàn phá…)
là nạn khan hiếm tiềm tàng biến thành nạn đói kém tàn bạo. Hai thập niên cuối của
thế kỷ XVII và suốt cả thế kỷ XVIII, trong Cương Mục, đã được đánh dấu bằng những
nạn đói ngày càng dư dội. Khoảng cách giữa các vụ đói kém càng ngày càng hẹp lại
để trở thành gần như hàng năm vào một số thời bộ. Các trận đói thường kéo dài
hai hay ba năm liên tiếp, và thường bắt đầu từ một vùng bị thiên tai rồi lan
sang các vùng kế cận. Những trận đói hoành hành chủ yếu tại các đồng bằng dễ bị
tổn thương theo truyền thống như bốn tỉnh quá đông dân cư hay như vùng Thanh
Nghệ khô cằn, nhưng các vùng Trung du và Thượng du cũng không tránh khỏi các hậu
quả trực tiếp” (Nguyễn Thanh Nhã, ).
Tình trạng này đã tạo
nên nơi người nông dân một số những cách ứng xử đặc biệt : sợ bất trắc, rủi ro, chấp nhận làm thành viên
của những ngôi làng khép kín với lũy tre bảo vệ để bảo đảm có được số công điền
ngày càng nhỏ đi trước đà gia tăng của dân số, một nền đạo đức ngày càng không
còn đủ khả năng để bao bọc người dân làng mà họ có được từ tổ chức làng xã tồn
tại từ bao đời nay.
3.2. Tới một nền nông
nghiệp tham gia nền kinh tế bao quát và gắn
với thương mại
Trái
lại, trên một diện tích rộng lớn và với một chính sách của các chúa Nguyễn dành
cho người nông dân quyền sử dụng số diện tích đất mình khẩn hoang được theo khả
năng và sức lực của mỗi người, và với những điều kiện thiên nhiên thuận lợi như
thấy trên đây, người nông dân tại châu thổ sông Cửu Long đã được giải thoát khỏi
nỗi bận tâm về số lương thực tối thiểu cần thiết cho bản thân và cho các thành
viên trong gia đình để có thể tính tới việc, nói như Mendras, “sản xuất cho người
khác”, dĩ nhiên, không phải theo một nguyên tắc “đạo đức” nào đó của Nho giáo,
mà là theo sự vận hành của nền kinh tế bao quát và rộng lớn hơn mà những điều
kiện mới này đem lại. Tác giả này còn cho thấy rõ sự khác biệt giữa hai nền sản
xuất nông nghiệp này : “Lao động để nuôi
sống mình : mọi lý thuyết về kinh tế nông dân chỉ là giải thích cái công thức ngắn gọn này. Về điểm
này, kinh tế nông dân chẳng khác kinh tế nguyên thủy. Nhưng người nông dân cũng
sản xuất cho một thị trường bao quát (englobant), và điều này khiến người nông
dân khác với “người nguyên thủy”, khi người nông dân không bị đóng khung trong
một nền nông nghiệp “tuân thủ cái logique của nền sản xuất tự nuôi sống mình
(autosubsistance)” (Mendras, 1976,
trg., 40). Cái mới, cái khác ở đây, như vậy, đã được xem như một bước phát triển
của nông nghiệp.
“Sản xuất cho người khác”, hay cho xã hội,
trong thực tế, cũng có nghĩa là giải thoát chính mình và xã hội nông thôn khỏi
nỗi bận tâm về lương thực thực phẩm tối thiểu, để nghĩ tới việc thay đổi và đa
dạng hóa cái ăn của mình. Người nông dân
tại vùng đất mới này xem ra “không còn bằng
lòng với cái tối thiểu, mà còn muốn thay đổi và đa dạng hóa cái ăn của mình
(…). Mỗi nơi đều có thể tạo cho mình một tên tuổi từ các sản phẩm đặc biệt mình
sản xuất, do việc chuyên biệt hóa các sản phẩm : dưa, bí Bà Rịa; ngô và khoai
lang Biên Hòa; đậu Gia Định; xoài Bình Định; tiêu Hà Tiên; mía Bình Thuận và Quảng
Nam; măng cụt Vĩnh Long và Biên Hòa…” (Nguyễn Thanh Nhã, 2013, trg., 97).
Một chính sách tư hữu
đất đai được sử dụng như đòn bẩy để tăng tốc độ khẩn hoang trên một diện tích
mênh mông đã tạo ảnh hưởng rộng lớn trên nền sản xuất nông nghiệp phục vụ nền
kinh tế bao quát. Cái thị trường bao quát vận hành qua trao đổi, qua quy luật của
cung cầu không thể không tác động trên chọn lựa của người nông dân trong hoạt động
sản xuất.
Người nông dân ở đây
không còn bị câu thúc dành trọn thời gian cho việc trồng trọt mà vẫn có thể tìm
ra đủ số lương thực cần thiết cho bản thân họ và gia đình họ, có thể nói một
cách dễ dàng, tại chợ hay cửa hàng, để có thể an tâm hơn dành trọn sức lực và
thời gian cho các hoạt động kinh tế khác, thích hợp với khả năng và những điều
kiện của riêng mỗi người, chẳng hạn, thay vì làm ruộng, thì đánh bắt cá trên
sông rạch hay ven biển. Thực tế, sinh hoạt kinh tế này đã được người dân tại
châu thổ sông Cửu Long thực hiện rất sớm, không chỉ với mục đích có thêm thực
phẩn cho bữa ăn hằng ngày, mà như một nghề tham gia thị trường lương thực thực
phẩm. Nguyễn Thanh Nhã ghi nhận : “...tại miền Hậu Giang, nơi sông ngòi chằng
chịt, việc đánh bắt cá nước ngọt lại là một nghề được chuyên biệt hóa. Ở đây,
việc đánh bắt cá là nghề đem lại lợi lớn nên thuế vụ cũng đã sớm ra tay can thiệp”
(Nguyễn Thanh Nhã, trg., 2013, 163-4).
3.3. Thị trường lúa gạo
Nhiều tác giả khẳng định,
lúa gạo được sản xuất tại đây không chỉ có tính cách lương thực mà còn là hàng
hóa. Một bức tranh vẽ lên giấc mơ, đã trở thành hiện thực, của nền nông nghiệp
tại vùng đất mới này : “Cảng mở cửa cho mọi
người dân các nước. Rồi rừng sẽ được triệt hạ một cách thông minh, đất sẽ được
vỡ và lúa được gieo, kênh từ sông ngòi tưới đẫm đồng ruộng, và mùa màng phong
phú sẽ cung cấp trước hết cho các nhà trồng trọt lương thực, kế đó, hàng hóa
cho một nền thương mại sầm uất”[71].
Thực vậy, vào nửa cuối
thế kỷ XVIII, nền sản xuất nông nghiệp ở đây đã mang tính chất sản xuất hàng hóa, hay nói một cách
chính xác hơn, đã vượt khỏi cái tình trạng sản xuất để tiêu thụ mà còn để trao
đổi, tức nhằm đáp ứng một thị trường nông sản trong nước và tại Đông Nam Á và
Đông Á. Thực thì tại Việt Nam, từ thời rất xa xưa, đâu đâu người dân cũng đã trồng
lúa. Nhưng sản xuất lúa gạo làm hàng hóa trao đổi thì có thể nói, chỉ bắt đầu
khi người Việt tới khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long này. Và cũng có thể
nói, người nông dân tại ĐBSCL đã thực hiện được một bước phát triển mới, ít nhiều
mang tính ‘cách mạng’ trong nền nông nghiệp của Việt Nam.
Thị trường lúa gạo của
ĐBSCL đã không ngừng được mở rộng. Trong những năm áp cuộc nổi dậy của Tây Sơn,
hàng năm triều đình chúa Nguyễn huy động trên 340 chiếc thuyền để chở thóc gạo
từ ĐBSCL tới các tỉnh miền trung ngày nay và tới kinh đô. Cuộc nổi dậy của Tây
Sơn vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XVIII, cắt đứt đường chuyên chở thóc gạo ra
phía bắc, đã như phần nào giải phóng mặt hàng này để tung vào thị trường ven biển
và Đông Nam Á, khiến cho nền thương mại trong vùng ĐBSCL càng thêm sầm uất (xem
Li Tana, trg)
Thị trường lúa gạo
này của ĐBSCL tiếp tục được mở rộng hơn nữa từ sau khi Pháp chiếm Sàigòn vào giữa
thế kỷ XIX. “Chiếm Sàigòn ngày 18/2/1859
thì ngay ngày 23/2/1859, Pháp đã ra lệnh giảm 50% thuế quan cho thuyền bè nước
ngoài ra vào tự do buôn bán. Chính sách đó đã khơi nguồn cho sản xuất và xuất cảng
lúa gạo tăng vọt lên vì đã tìm được một thị trường tiêu thụ ổn định”[72].
Nhưng vào buổi đầu
này, thương mại không thể phát triển nếu không có sẵn một hệ thống giao thông
có thể đáp ứng nhu cầu phát triển, không chỉ về số lượng và tính đa dạng của sản
phẩm, mà còn cả về không gian và thị trường.
3.4. Giao thông đường
thủy thuận lợi
Trước khi đường bộ hình thành, châu thổ sông Cửu Long đã có cả một hệ
thống giao thông đường thủy thuận lợi. Mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dầy đặc, có thể gây trở ngại cho việc đi lại
giữa xóm này với xóm nọ, thậm chí giữa nhà này với nhà nọ, nhưng lại cũng là những
huyết mạch giao thông giữa người nông dân với chợ búa, hay đưa thương lái len lỏi
qua các ngõ ngách tới với những người nông dân sinh sống tại những nơi heo hút
nhất, góp phần rất lớn cho nền nông nghiệp gắn với thương mại trong miền, trong
vùng, và trong việc khai thác nông nghiệp tại ĐBSCL, và ngược lại, giúp người
nông dân tại châu thổ sông Cửu Long có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua
hàng hóa. Hệ thống sông ngòi, kinh, rạch này là những con đường vận chuyển hàng
hóa tới các chợ trên sông hay đất liền, tới các hải càng để xuất ra ngoài. Lê
Quý Đôn mô tả một cách ngắn gọn nhưng thật sống động thực tế của một vùng đất sản
xuất rộng lớn, một thị trường phong phú và một hệ thống giao thông tiện lợi
:
“Bình thời
lúa chỉ bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng bắc, lụa lãnh, trừu đoạn, áo quần tốt đẹp,ít
có vải bô. Đất ấy nhiều ngòi lách, đường nước như mắc cửi, không tiện đổ bộ.
Người buôn có chở thuyền lớn thì tất đèo theo thuyền nhỏ để thông đi các kinh.
Từ cửa biển đến đầu nguồn đi mất sáu, bẩy ngày, hết thảy là đồng ruộng, nhìn
bát ngát, ruộng phẳng như thế đấy, rất hợp trồng lúa, lúa nếp, tẻ, gạo đều trắng
dẻo...”[73]
Điều cũng đáng nói ở
đây là người nông dân Bắc bộ tới đồng bằng Nam Bộ đã gặp thấy ở đây cả một màng
lưới thương mại đường thủy và ven biển, và do đó, trở thành những nông dân mở,
một mắt xích của một nền kinh tế bao quát không chỉ gói gọn trong nông nghiệp,
mà trong cả lĩnh vực trao đổi hàng hóa. Điều kiện này sẽ còn được mở rộng hơn nữa
khi họ gặp được Thời của thị trường quốc tế mở rộng.
Tiến xuống phía nam,
với hệ thống sông ngòi dầy đặc và mạng lưới thương mại lâu đời tại đây, người
nông dân châu thổ sông Cửu Long mang tính cách Đông Nam Á hơn, thương mại hơn.
Điều này có nghĩa là người nông dân châu thổ sông Cửu Long, qua thích nghi với một môi trường tự nhiên hoàn toàn mở khiến họ
có những đặc điểm khác với những người nông dân sinh sống lâu đời trong một hệ
thống làng khép kín của châu thổ sông Hồng, vốn “phân biệt rạch ròi giữa người làng và người ngoài làng, đến độ “chợ thường
phải họp ở ngoài làng để tránh việc người lạ xuất hiện trong làng...” P.
Gourou, 2003, trg., 508).
Châu thổ sông Cửu
Long đã sớm không còn là một vùng đồng quê êm đềm chỉ biêt có làm ruộng mà đã
trở thành nơi xen lẫn nông nghiệp với thương mại. Lê Quý Đôn mô tả trong Phủ
Biên Tạp lục : “Người ta vào Gia Định mua
thóc gạo…Đến nơi, người ta đã trông thấy thuyền buồm, thuyền mành đậu xúm xít kề
nhau, tấp nập”. Và những trung tâm buôn bán lớn đã sớm mọc lên, từ thế kỷ
XVIII, tại ĐBSCL như Sàigòn, Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên, chợ Lương Phú
(Định Tường), chợ Hưng Lợi, Chợ Long Hồ, chợ Sa Đéc…Quang cảnh chung của các
trung tâm này là “Đường xá ngang dọc như
chữ điền, phố xá liên tiếp sát mái nhau, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến
neo đậu, xà lan liên tiếp nhau, người Việt, người Tầu, người Cao Mên, người Bồ
Đào đều theo chủng loại cư trú, bầy bán trăm thức hàng hóa tốt đẹp” (Lê Quí
Đôn)
Dĩ nhiên, thóc gạo
không phải là mặt hàng duy nhất của ĐBSCL. Ngoài thóc gạo còn có tiêu (Hà Tiên), cau (Vĩnh Long, Định Tường) “nhất
thóc, nhì cau” được bán chủ yếu cho khách hàng người Tầu. Được biết, phương tiện
để vận chuyển hàng hóa trong các thế kỷ đầu dĩ nhiên là thuyền, bè và trong
vùng ĐBSCL có nhiều loại ghe, bè, có loại ghe để chở gạo, ghe để chở cá, ghe chở
củi, nhưng trong việc buôn bán với Campuchia có loại ghe lớn hơn hay bè. Theo
nhà văn Sơn Nam thì địa danh Cái Bè được dùng để chỉ nơi ghe bè dừng “chân”
trên sông Tiền trong đoạn được buôn bán với Campuchia và ĐBSCL, và cũng là nơi
lấy hàng cau khô vốn được sản xuất nhiều trong vùng này. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp
cho thị trường trong nước và ngoài nước 1,5 tấn trái cây.
“Ở một vùng nông nghiệp mới khai phá nhưng đã sớm có nhiều nông sản hàng
hóa, [các thương nhân người Hoa] đóng vai trò người thu mua nông sản của nông
dân và bán cho nông dân những hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống hàng
ngày”[74]. Các thương nhân người Hoa này, vốn có truyền thống
thương mại lâu đời, và qua hai đợt di dân lớn tới vùng ĐBSCL lập nghiệp nên đã
chiếm một tỷ lệ khá lớn trong số dân cư tại đây. Nhưng nền thương mại này không
chỉ nằm trong tay người Hoa. Càng ngày càng có đông đảo người Việt tham gia vào
việc buôn bán đến độ đã có thể làm thành một lớp người mới trong xã hội được gọi
là “lái”, “các lái,” từ thời Tây Sơn, tức vào những thập niên cuối của thế kỷ
XVIII (Li Tana, trg. ).
Qua việc buôn bán
này, người nông dân Nam Bộ đã có thể tiếp xúc được rộng rãi với các ngành tiểu
công nghiệp và công nghiệp. Các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp này, như vải vóc,
lụa là và các đồ dùng hàng ngày khác không do bàn tay họ làm ra vào những lúc rỗi
rãi với công việc đồng áng mà là do người khác, ở một vùng đất khác, có thể là
rất xa, chế tạo ra, đã đưa người nông dân Nam Bộ đi vào trong một nền kinh tế rộng
lớn hơn, không chỉ về không gian, -vượt khỏi làng, vùng, thậm chí cả miền và quốc
gia...- mà cả về mặt chủng loại hàng hóa.
Vế phương diện lịch sử,
đặc điểm quan trọng nhất của các mạng lưới thương mại giữa Đàng Trong với các
nước Đông Nam Á khác là ở chỗ đây là những quan hệ hai chiều : “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều người
Việt Nam đã bắt đầu ra ngoài buôn bán với sự khuyến khích của nhà nước trong
khi các vương quốc kế cận có thể buôn bán với một nước Việt Nam mà không cần phải
che giấu các quan hệ thương mại của họ dưới nhãn hiệu ‘triều cống” cho hoàng đế”
(Li Tana, 2013, trg. 129).
3.5.
Mở rộng thị trường lao động
Nền nông nghiệp gắn với
thương mại được hỗ trợ bởi hệ thống sông ngòi này đã tạo nên một thị trường lao
động đa dạng : nông nghiệp, buôn bán, chuyên chở, khuôn vác...giúp người nông
dân có nhiều chọn lựa hơn trong hoạt động kinh tế của mình.
Với cuộc sống do nền
nông nghiệp mới này đem lại, người nông dân có cơ hội bước ra khỏi cái tập thể
để thực thi cái cá thể. Một đặc điểm của người nông dân châu thổ sông Cửu Long
đã trở nên khá rõ nét. Trong phần nói về hoạt động của Đảng Cộng sản tại Nam Bộ
trong thời thuộc Pháp, Popkin có viết một đoạn như sau trong đó có phần trích dẫn
Lancaster[75]:
“Mặc dù gặt hái được thành quả cuối cùng tại nhiều làng, lãnh đạo Cộng sản
toàn quốc, hầu hết đến từ miền Trung hay miền Bắc, đều gặp tại Nam Bộ những vấn
đề họ không thấy ở các nơi khác. Việc chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1949 than phiền
về sự thất bại trong việc loại trừ chủ nghĩa cá nhân tại Nam Bộ cho thấy “chủ
nghĩa cá nhân” và khuynh hướng thị trường vẫn còn nơi người nông dân” (Popkin,
1979, trg. 240).
4. LÀNG MỞ
Người nông dân của nền
nông nghiệp mới tại châu thổ sông Cửu Long tiếp tục sống thành làng. Họ Nguyễn đã phái Nguyễn Hữu Cảnh tới vùng đất
mới để “đặt ra phường ấp xã thôn, chia cắt địa phận”, được tổ chức theo quy
cách và truyền thống chung của Việt Nam (NĐĐ, 1999,trg. 59).
Nhưng người nông dân
tại châu thổ sông Cửu Long vẫn tiếp tục sống trong một không gian mở, nhà này
cách nhà nọ một khoảng cách mênh mông, không có ranh giời để cầm chân họ, ít là
so với không gian làng mạc và xã hội Đàng Ngoài. Không gian rộng lớn này, trong
tiềm tàng, họ có thể làm chủ được tạo nên nơi họ một thế tự do hơn đối với các
quy định như có người trong số họ đã từng phải trải qua khi họ còn ở làng cũ,
nơi đất chật người đông, hoàn toàn ngược lại với Đàng Trong. Sang những thập
niên đầu của thế kỷ XX, người nông dân tại tỉnh Rạch Giá vẫn còn có thể khẩn
hoang và làm chủ đất khẩn hoang bao nhiêu mình muốn, mà chỉ bị hạn chế bởi
chính sức lực và khả năng của mỗi người.
Nhưng
tình trạng này đã không kéo dài mãi mãi. Số đất có thể khai thách được đã bắt đầu
trở nên khan hiếm, từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, dưới thời thuộc Pháp.
Vào thời này, thị trường lúa gạo ngày càng được mở rộng, không phải chỉ trong
nước và trong vùng đông Nam Á mà trên thế giới. Việc sản xuất vào thời này vẫn
chủ yếu dựa trên diện tích đất canh tác. Nông cụ, giống, phân bón không thay đổi
bao nhiêu. Nông dân không còn dễ dàng và tự do như xưa. Mặt khác, các địa chủ
ngày càng nhiều. Họ cần các bàn tay lao động nên đã có biện pháp ngăn cản người
nông dân thoát thân chạy trốn khỏi thân phận của một tá điền không gặp may mắn,
vào các vùng sâu vùng xa.
Về thể chế, làng ở Nam
Bộ không phải là những ngôi làng khép kín với lũy tre xanh để phân biệt trong
và ngoài làng. Quyền tư hữu đất đai đã giải thoát người nông dân châu thổ sông
Cửu Long khỏi sự ràng buộc với chệ độ công điền và chế độ phân bố đất đai theo
định kỳ, vốn là những đặc điểm nổi trội của các làng tại châu thổ sông Hồng. Mặt
khác, không bị lệ thuộc vào cộng đồng làng để giải quyết vấn đề thủy lợi.
Samuel L. Popkin cho rằng dòng sông Cửu Long hiền hòa, lượng nước mưa dồi dào
và nguồn đất canh tác rộng lớn của châu thổ khiến người dân ở đây không phải bận
tâm đối phó với việc quân phân điền thổ, đắp đê ngăn lũ hay việc tranh giành
nguồn nước giữa người cùng một làng, giữa các làng với nhau vốn không xa lạ với
người dân châu thổ sông Hồng (Samuel L. Popkin, 1979, trg. 172-173).
Popkin gọi đây là những
ngôi làng mở, “những ngôi làng ở đó các cá nhân chịu trách nhiệm đóng thuế, ranh giới
không rõ ràng giữa làng và thế giới bên ngoài, hầu như không có hạn chế trong
việc làm chủ đất đai, khái niệm về người làng không rõ ràng, và ở đó có quyền
tư hữu đất đai” (Popkin, 1979, trg. 1-2).
Hickey
lưu ý : “Với ngôi làng mới (ở phía Nam) được thiết lập bởi những người thuộc
giai tầng thấp thay vì bởi bậc vị vọng trong xã hội cổ truyền, một số tri thức
bí truyền liên quan đến lối sống cũ không thể không mất đi. Tuy nhiên, cũng
theo lý lẽ đó, những người khai hoang này ít bị ràng buộc bởi những gò bó của một
địa vị xã hội cao và những quy định trong cách ứng xử của xã hội cũ, nên được tự
do phát huy sáng kiến, một đặc điểm thiết yếu của việc thích nghi đầy hiệu quả
của họ khi họ liên tục tiến xuống phía nam”[76].
Tuy
là làng mở, nhưng làng ở Nam Bộ cũng khá khép kín trước thế lực ngoại lai như nền
cai trị thực dân Pháp muốn áp đặt trên Nam Bộ sau khi xâm chiếm vùng đất này.
Khi Pháp tới, Nam Bộ đã bị thuộc địa hóa sớm hơn và bị Pháp cai trị theo pháp
luật và nền hành chính của Pháp trực tiếp hơn hai miền Bắc, Trung bộ. Nhưng nền
cai trị của Pháp cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn đi sâu vào làng Nam Bộ. Một
trong những lý do một số tác giả đưa ra là vì Pháp không tìm ra những yêu tố
trong tổ chức của làng để làm một thứ như nội ứng. Nam Bộ có một số lượng đất lớn
chưa được khai thác, mặt khác, không có công điền, và không phải cùng nhau đối
phó với việc dẫn nước hay chống lũ lụt tạo nên sự khác biệt của các chính sách
địa phương và phương thức sản xuất địa phương, do đó cũng là nguyên nhân của sự
khác biệt trong cách thức ứng phó của tầng lớp địa chủ chống lại thực dân Pháp,
trong mâu thuẫn bên trong hàng ngũ các địa chủ, trong việc người nông dân sát
cánh với địa chủ chống lại các người bên ngoài, và các động cơ liên minh với
các thành viên của guồng máy chống lại các dân làng khác (Popkin,139).
Và về điểm này, làng Nam
Bộ không khác với làng ở Bắc và Trung bộ. Paul Mus, khi nói về sự thất bại của
thực dân Pháp trong việc làm chủ vùng nông thôn tại Bắc và Trung kỳ, đã nêu câu
hỏi : Vậy cái gì ở đồng ruộng của Việt nam kháng cự lại chúng ta dù không còn tập
trung hành chính và kỹ nghệ ? Người Việt có thể chấp nhận chúng ta trong tại
đồng ruộng với cơ cấu truyền thống, nhưng lại không chấp nhận trao đồng ruộng,
vùng quê này cho chúng ta. Chúng ta thuộc về nền văn minh thành thị, có quan niệm
thành thị về quốc gia (Paul Mus, 1952, trg. 14).
Popkin nhận xét : “Mặc
dù có mặt một cách hùng hậu tại Nam Bộ, người
Pháp vẫn không thành công hơn các nơi khác trong việc đưa việc quản trị
làng theo chính sách của họ. Họ đã nỗ lực cải cách việc quản lý làng vào các
năm 1904 và 1927, nhưng tất cả những gì họ làm được chỉ là thay đổi danh hiệu
cho các chức việc nhỏ của làng. Vào năm 1904, họ đã tước đi mất của các kỳ mục mọi quyền hành và phận sự chính thức, nhưng
khác với Bắc bộ hay Trung bộ, không tạo nên một sự bùng nổ nào và các đương sự cũng
không có phản đối nào để đòi lại quyền hành đã mất, là bởi vì như chúng ta đã
thấy, những người này đã có những mối quan tâm khác và tổng quát hơn trong việc
cai trị làng” (Popkin, trg. 181). Tác giả kết luận, tại Nam Bộ, các hương chức
làng cũng có đủ sáng kiến để có biện pháp chống lại sự xâm nhập của nền cai trị
của Pháp như ở Bắc và Trung bộ từng đưa các tá điền thậm chí cả trẻ con vào tổ
chức hương chức (Popkin,1979,
trg175).
5. KẾT LUẬN
Sau khi nhìn lại lịch
sử Đàng Trong từ khi được thành lập tới lúc kết thúc, tác giả Li Tana đã viết
trong phần kết luận của luận án của mình : “Đàng Trong ra đời trong nội chiến,
biến mất trong nội chiến, nhưng Đàng Trong lại đã định hình lại Việt Nam trong
mọi quy mô có thể” (Li Tana, 2013, trg. 250).
Một câu có thể tóm tắt
sự hình thành, phát triển và vai trò của châu thổ sông Cửu Long như kết tinh của
các điều kiện chính trị-xã hội và thiên nhiên thuận lợi, nếu không nói là ưu
đãi của xứ Đàng Trong, trước khi bước vào thời kỳ thống nhất Việt Nam như một yếu
tố mới của nền nông nghiệp Việt Nam. Người ta nói đến một thời kỳ tiền tư bản
chủ nghĩa (NĐĐ, 1999, trg.74).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ALFRED SCHREINER, Les
Institutions Annamites en Basse-Cochinchine avant la conquête francaise. T. I,
Claude & Cie, Saigon, 1900.
2. HENRY MENDRAS, Sociétés
paysannes, ArmandColin, Paris, 1976.
3. JAMES
C. SCOTT, The Moral Economy of the
Peasant - Rebellion and Subsistence in Southeast Asia, New Haven and
London, Yale University Press, 1976.
4. LÊ THÀNH KHÔI, Lịch
sử Việt Nam, Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn
Nghị, xb. Nhã Nam – Thế giới, 2014.
5. LI TANA, Xứ Đàng
Trong, Lịch sử - Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18 (Nguyên tác : Nguyen
Cochinchina : South Vietnam in 17th and 18th centuries), Nxb Trẻ, 2013.
6. NGUYỄN THANH NHÃ, Bức tranh kinh tế Việt Nam, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2013.
7. NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU, Chế
độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh,
Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, in lần hai, có sửa chữa, 1999.
8. P. BROCHEUX, Đại điền
chủ và tá điền ở miền Tây Nam Bộ dưới thời thuộc địa, in trong tạp chí
Revue Historique, số 499, 7/9/1971, trg. 59-76, P.U.F, người dịch : Đỗ Thiện,
Nguyễn Khắc Đạm hiệu đính.
9. PAUL MUS, Viêt Nam,
Sociologie d’une guerre, Paris, Ed. du Seuil, 1952.
10. PIERRE GOUROU, Người
Nông Dân Châu Thổ Bắc Kỳ (Nguyên tác: Les
paysans du delta tonkinois – Études de géographie humaine), Nxb. Trẻ, TP.
HCM, 2003.
11. ROBERT
L. SANSOM, The Economics of Insurgency in
the Mekong Delta of Vietnam, The M.I.T Press, Cambridge, Massachusetts, and
London, England, 1970.
12. SAMUEL
L. POPKIN, The Rational Peasant (The
Political Economy of Rural Society in Vietnam), University of California Press,
1979.
13. YVES HENRY, Économie
agricole de l’Indochine, Hanoi, 1932.
MÂU THUẪN DÂN TỘC Ở VÙNG TÂY NAM BỘ HIỆN NAY DƯỚI SỰ TÁC ĐỘNG
CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
TS. Đặng Phú Thâu
Học viện Chính trị khu vực IV
Mâu thuẫn dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ trong quá trình thực hiện CNH, HĐH
nói chung, trong đó có mâu thuẫn giữa dân tộc Kinh và dân tộc Khmer là mâu thuẫn
không đối kháng, nó tồn tại cùng quá trình phát triển Khu vực Tây Nam Bộ. Phát
triển xã hội bắt nguồn từ những mâu thuẫn. Ổn định là điều kiện của sự phát triển
và phát triển để đảm bảo cho sự ổn định bền vững. Để ổn định và phát triển cần
phải có sự đồng thuận cao trong đời sống xã hội; phải giải quyết tốt nhiều mâu
thuẫn, đặc biệt là những mâu thuẫn mang tính dân tộc và giải quyết phải trên
tinh thần: phù hợp với yêu cầu của quy luật khách quan; đảm bảo đầy đủ bản chất nhân văn và tiến bộ của một nền
chính trị trọng pháp, trọng dân; được chỉ đạo và thực thi bằng những giải pháp
chính trị thực sự khoa học...
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập, Tây Nam Bộ vừa có sự
chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc ngày càng lớn, vừa có những hạn chế nhất
định trong quá trình tổ chức và quản lý xã hội. Mặt khác, các thế lực bên ngoài
bằng nhiều thủ đoạn kích động chia rẻ dân tộc. Mâu thuẫn dân tộc ở Tây Nam Bộ
nhìn chung tuy chưa bùng phát thành nhiều điểm nóng như Tây Bắc, Tây Nguyên,
nhưng đã hình thành những điểm phức tạp.
Tây Nam Bộ trong xu thế hội nhập hiện nay, bên cạnh những
thành tựu to lớn là không ít những vấn đề vướng mắc đã và đang tạo ra nhiều yếu
tố dẫn đến mâu thuẫn xã hội, trong đó có những yếu tố có khả năng tạo ra mâu
thuẫn liên quan đến các cộng đồng dân tộc ít người. Trong khi đó, các Cấp ủy Đảng
và Chính quyền nhà nước địa phương đang còn không ít lúng túng, thậm chí bế tắc
trong việc giải quyết các vấn đề này.
Do vậy, việc nghiên cứu và giải quyết mâu thuẫn dân tộc
dưới góc
nhìn triết học - chính trị ở
vùng đất giàu tiềm năng và lắm phức tạp này đã trở thành vấn đề quan trọng hàng
đầu trong chiến lược phát triển đất nước trước xu thế hội nhập hiện nay. Bởi lẽ, nó vừa góp phần thực hiện
tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo tiền đề chính trị, xã hội bền
vững cho hội nhập và phát triển, đồng thời nó cũng vừa góp phần tìm ra lời giải
cho bài toán hóc búa hiện nay: giải quyết tốt mâu thuẫn dân tộc hoặc những yếu
tố tạo nên mâu thuẫn dân tộc dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.
1. KHÁI LƯỢC VỀ TÂY NAM BỘ
Tây Nam Bộ, vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống với dân số 17.325.167 người, vùng đất có những nét đặc thù về kinh tế, chính trị, xã hội
so với các vùng khác của đất nước: Thứ nhất,
đây là vùng cực Nam của Tổ quốc, có biên giới trên bộ giáp với Campuchia, có
lãnh hải giáp với các nước trong khu vực Nam Á. Thứ hai, cư dân là một cộng đồng nhiều dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa,
Chăm…), đa tôn giáo (Phật giáo Bắc Tông, Phật giáo Nam Tông, Phật giáo Hòa Hảo,
Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, đạo Cao Đài…). Thứ ba, là vùng đất có lịch sử khá đặc biệt về văn hóa - xã hội…
Trong số các dân
tộc sống ở vùng Tây Nam
Bộ, ngoài người Kinh, người Khmer chiếm tỉ lệ cao nhất. Theo số liệu điều tra biến động dân số,
ngày 01/4/2011: đồng bào Khmer có
1.201.691 (chiếm tỷ lệ là 6,93%), tổng số người Chăm là 14.982 (chiếm tỷ lệ là
0,09%). Đây là hai dân tộc có những đặc điểm riêng, ngôn ngữ (tiếng nói,
chữ viết) riêng, có bản sắc văn hóa riêng, sinh kế cũng rất phong phú, đa dạng.
Song, do những điều kiện khách quan và chủ quan nên đời sống kinh tế - xã hội của
người Khmer và Chăm thường không ổn định.
Ở
vùng Tây Nam Bộ, tình trạng số hộ nghèo là người dân tộc Khmer, Chăm do không
có đất và thiếu đất, không có vốn và thiếu vốn sản xuất là khá phổ biến. Mặt
khác, trình độ dân trí và tay nghề thấp, chủ yếu là lao động giản đơn, chưa qua
đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế. Điều này khiến
cho tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào hai dân tộc này còn cao. Theo số liệu Báo cáo của
Vụ Tôn giáo - Dân tộc thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tính đến 02/2011: số hộ
nghèo là người Khmer là 72.084 chiếm 18,39% và số hộ nghèo người Chăm là 251
chiếm 0,77% tổng số hộ nghèo toàn vùng
[2, 12].
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ
trương, chính sách, giải pháp xóa đói, giảm nghèo đối với vùng Tây Nam Bộ nói
chung, và đồng bào dân tộc Khmer, Chăm nói riêng. Công tác xóa đói, giảm nghèo
đã thu được những kết quả quan trọng, tạo được sự
chuyển biến tích cực về nhiều mặt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải
quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ
người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo đạt được những thành tựu đáng kể. Về kết cấu hạ
tầng giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, chuyển
giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn...được các cấp ủy Đảng và
chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm, tích cực triển khai tổ chức thực
hiện. Các cơ chế, chính sách, dự án được phối hợp lồng ghép tạo động lực thúc đẩy
việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo đạt kết quả đáng kể; từng bước
nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào Chăm, Khmer, giảm tỷ lệ hộ
nghèo, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, kết quả
xóa đói, giảm nghèo nói chung và đối với đồng bào dân tộc Khmer, Chăm ở khu vực
Tây Nam Bộ nói riêng chưa bền vững; tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh nghèo hàng
năm còn cao; chênh lệch giàu nghèo giữa hai dân tộc này với đồng bào các dân tộc
khác trong vùng chưa được thu hẹp đáng kể. Riêng vấn đề tôn giáo, trước đây,
người Khmer chủ yếu theo Phật giáo Nam tông; hiện nay, ở khu vực Tây Nam Bộ,
người Khmer là tín đồ đạo Công giáo là 2850 và là tín đồ đạo Tin lành lên đến
2740. Thực tế, vấn đề xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer, Chăm
không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, xã hội sâu sắc [2, 15].
2. NHẬN DIỆN MÂU THUẪN DÂN TỘC Ở VÙNG TÂY NAM BỘ HIỆN
NAY
2.1. Một số khái niệm
2.1.1.
Khái niệm mâu thuẫn
Thuật ngữ mâu thuẫn
(contradiction trong tiếng Anh, tiếng Pháp hay trong tiếng Nga) vốn có nghĩa là lời nói trái ngược nhau. Từ contradiction gồm 2 từ gốc: diction (lời nói) và contra (tiếp đầu ngữ chỉ khuynh hướng
trái ngược, chống đối). Từ trong tiếng Nga cũng có kết cấu tương tự như vậy.
Từ
mâu thuẫn
trong tiếng Hán Việt được minh họa bằng câu chuyện ngụ ngôn khá dí dỏm. Một người
thợ rèn đi bán rao hai loại binh khí: mâu
là cái kích để đâm; thuẫn là cái khiên để đỡ. Điều khá lý thú là thuật ngữ mâu thuẫn trong tiếng Hán
có thể được hiểu như là mâu thuẫn
khách quan (mâu thuẫn biện chứng) giữa đâm và đỡ, giữa tác động và phản tác động.
Một cách khái quát nhất, có thể
hiểu: mâu thuẫn là quá trình thống nhất và đấu tranh giữa các
yếu tố trong bản thân sự vật, hiện tượng hay giữa các sự vật, hiện tượng với
nhau. Nói cách khác, mâu
thuẫn là sự tác động giữa các sự vật, hiện tượng hay các mặt đối lập bên trong
sự vật, hiện tượng theo hai xu hướng khác nhau: thống nhất và đấu tranh.
2.1.2. Khái niệm mâu thuẫn dân tộc
Mâu thuẫn
dân tộc và mâu thuẫn xã hội nói chung là vấn đề thường trực, phổ biến. Nó tồn tại
ngấm ngầm hoặc bộc phát sôi nổi hoặc hợp tác, hòa hoãn, liên kết tạm thời. Do
nhu cầu, lợi ích, do quyết tâm giành và giữ lấy địa vị trong quan hệ sản xuất
xã hội, trong quyền lực; hoặc do nỗ lực bảo vệ những giá
trị hay đấu tranh vì những giá trị; do những khác biệt về lý tưởng, niền tin,
tín ngưỡng…giữa các cộng đồng dân tộc luôn tiềm ẩn những xu hướng, hành vi đối lập.
Mâu thuẫn dân tộc còn được hiểu là sự phủ định lẫn nhau của các hệ
giá trị; sự va chạm, tranh chấp, đụng độ về các
lợi ích kinh tế và địa vị xã hội giữa các
cộng đồng dân tộc. Bởi lẽ, phát triển xã hội nói chung là một quá trình
biến đổi không ngừng, trong đó luôn có sự hình thành và tích lũy những yếu tố
khác biệt tiềm ẩn lâu dài hay tức thời và bức xúc.
Cũng
trên tinh thần khái quát nhất, mâu thuẫn dân tộc có thể được hiểu: là mâu thuẫn xã hội mà trong đó chủ thể của
nó là các cộng đồng dân tộc, tộc người hoặc các quốc gia dân tộc.
Mâu thuẫn
dân tộc mà tác giả sử dụng trong bài viết này được hiểu trong giới hạn: mâu
thuẫn giữa dân tộc Kinh và dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, trong quá trình
CNH, HĐH những năm gần đây.
2.2.
Mâu thẫn dân tộc vùng Tây Nam Bộ hiện nay
2.2.1. Mâu
thuẫn về lợi ích giữa dân tộc Khmer với dân tộc Kinh ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay
Mâu thuẫn này được biểu hiện thành các quan hệ về vấn
đề lãnh thổ, địa bàn cư trú và đất đai canh tác; quan hệ về văn hóa; quan hệ về
tôn giáo tín ngưỡng. Về tính chất, nó diễn ra rất đa dạng, phức tạp trên nhiều
lĩnh vực khác nhau.
Sở dĩ có
một bộ phận người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay còn mang tâm lý và nhận thức
như trên, suy cho cùng là do một nguyên nhân có tính tổng hợp bao gồn các thành
tố: thứ nhất, do sự lệ thuộc rất
nhiều vào tự nhiên, địa lý về văn hóa, tâm lý, tập quán,… vô cùng đa dạng và
lạc hậu đã có từ rất lâu đời. Đặc biệt là do những biến động lịch sử phức tạp
cộng với sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội trong quá trình thực
hiện CNH, HĐH; thứ hai, do sự lạc hậu
rất xa về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; do các địa phương vùng dân tộc đồng
bào dân tộc Khmer vẫn còn ít nhiều phương thức sản xuất rất lỗi thời: chủ yếu
là trồng trọt và chăn nuôi, mang tính tự cấp tực túc; thứ ba, do mức thụ hưởng ăn hóa của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng
sâu, vùng xa còn rất thấp, cơ hội được hưởng lợi từ quá trình CNH, HĐH chưa
nhiều; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng nông thôn, thành thị,
giữa dân tộc Khmer và dân tộc Kinh, Hoa còn xa; thứ tư, do hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều địa phương có đông đồng
bào dân tộc Khmer còn yếu, kém hiệu lực, không sát dân, không tập hợp được đồng
bào; trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế; nhận thức, quán triệt về vấn đề
dân tộc, chính sách dân tộc và công tác dân vận chưa sâu sắc, chưa toàn diện; ở
một số nơi vùng dân tộc Khmer tôn giáo phát triển không bình thường, trái pháp
luật, có nơi đồng bào bị kẻ xấu lợi dụng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân
tộc,…
2.2.2. Mâu
thuẫn về vị thế kinh tế - xã hội giữa dân tộc Khmer với dân tộc Kinh ở vùng Tây
Nam Bộ hiện nay
Mâu thuẫn về vị thế
kinh tế - xã hội giữa dân tộc Khmer với dân tộc Kinh ở vùng Tây Nam Bộ hiện
nay suy cho cùng là một tất yếu khách quan, bị chi phối bởi quy luật phát triển
không đồng đều, do nhiều yếu tố khách quan quy định. Chẳng hạn như điều kiện tự
nhiên, địa bàn cư trú, tương quan dân số,…
Lao động của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ hầu hết là
lao động nông nghiệp, chất lượng thấp, hiếm có cơ hội tăng thu nhập, vẫn là một
trong hai mặt đối lập của mâu thuẫn về vị thế kinh tế - xã hội giữa hai dân tộc
Kinh và Khmer hiện nay.
2.2.3. Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội ở vùng Tây Nam Bộ với những bất cập về cơ chế, chính sách và năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý công tác dân tộc ở địa phương
Mâu thuẫn
giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nguyên tắc về
bình đẳng, đoàn kết dân tộc, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển với những bất cập về cơ chế, chính sách, bất
cập về năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác dân tộc trong tổ
chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là tình trạng
khá phổ biến trong quá trình thực hiện CNH, HĐH ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay.
2.2.4. Mâu
thuẫn giữa một bộ phận người dân trong cộng đồng dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ
với chính quyền nhà nước địa phương
Đây là mâu thuẫn mang tính tổng hợp, tích tụ nhiều yếu
tố mâu thuẫn trong một khoảng thời gian nhất định cộng với những tác động xấu từ
bên ngoài, làm cho tâm trạng bức xúc lâu ngày của đồng bào dân tộc trở thành
mâu thuẫn gay gắt, bộc phát thành xung đột.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện CNH, HĐH ở
vùng Tây Nam Bộ, lợi ích, quyền dân chủ của đồng bào dân tộc Khmer bị vi phạm.
Bên cạnh đó, còn một bộ phận người Khmer có nhận thức không đúng về nguồn gốc lịch
sử của vùng đất Tây Nam Bộ, về bản chất của các vấn đề diễn ra trong quá khứ có
liên quan đến những thiệt thòi, khó khăn trong đời sống hiện tại của họ chưa được
giải tỏa một cách thuyết phục; vị thế
kinh tế - xã hội của họ chưa được cải thiện, quan tâm đáng kể; đội ngũ
cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở, địa phương chưa thực
sự tiêu biểu, gương mẫu, chưa thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Đảng và
Nhà nước… đã hình thành, tích tụ và nẩy sinh mâu thuẫn giữa một bộ phận người
Khmer với chính quyền nhà nước ở địa phương; mâu thuẫn xã hội dễ nẩy sinh yếu tố
chính trị bên trong nó, nhất là khi có sự tác động xấu từ bên ngoài của các thế
lực thù địch.
2.3. Đặc điểm, nguyên nhân của mâu thuẫn dân tộc ở
vùng Tây Nam Bộ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
2.3.1.
Đặc điểm của mâu thuẫn dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa
Mâu thuẫn giữa dân tộc Khmer và dân tộc Kinh ở vùng
Tây Nam Bộ trong quá trình thực hiện CNH, HĐH ở Việt Nam hiện nay có một số nét đặc
thù như: (1), vừa có chứa đựng những yếu tố bất đồng hoặc đối lập về văn hóa, tâm lý,
tính cách, phong tục… vừa có chứa đựng những yếu tố, nội dung do sự tác động từ
các thế lực bên ngoài. (2), còn mang nặng những mặc cảm, định kiến về các
quan hệ trong lịch sử hoặc sự hận thù trong quá khứ giữa dân tộc Khmer với dân
tộc Kinh, nhất là lịch sử về lãnh thổ, biên giới, v.v… (3), trong mâu thuẫn
giữa dân tộc Khmer và dân tộc Kinh ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay, các chủ thể tham
gia mâu thuẫn
vừa là chủ thể trực tiếp, vừa là chủ thể gián tiếp.
Tóm lại, thuẫn giữa dân tộc Khmer và dân tộc Kinh ở
vùng Tây Nam Bộ trong quá trình CNH, HĐH hiện nay là quan hệ dân tộc mang nhiều nét đặc thù,
đa dạng và phức tạp, vứa có yếu tố chung vừa có yếu tố đơn nhất. Tuy nhiên, xét
một cách tổng thể, mâu thuẫn giữa dân tộc Khmer và dân tộc Kinh ở vùng
Tây Nam Bộ hiện
nay là mâu
thuẫn không mang tính chất đối kháng, vì tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân
tộc Việt Nam đều có chung lợi ích căn bản; mâu thuẫn diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, cục bộ và là các dạng mâu thuẫn
mà nội dung của nó được tích tụ ngấm ngầm, dai dẳng từ khá lâu.
2.3.2.
Nguyên nhân của mâu thuẫn dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ trong quá trình thực hiện
công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Mâu thuẫn
dân tộc giữa Kinh và Khmer trong quá trình thực hiện CNH, HĐH ở vùng Tây Nam Bộ
hiện nay có một số nguyên nhân chính:
Trước nhất, có thể thấy, nguyên nhân cơ bản có
tính tổng hợp của mâu
thuẫn dân tộc giữa Kinh và Khmer ở vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ CNH, HĐH là
do sự bất bình đẳng về lợi ích, về vị
thế kinh tế - xã hội, và sự bất bình đẳng trong phân bổ các giá trị xã hội,
dẫn đến đối lập nhau về các giá trị.
Thứ hai, nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn dân tộc giữa
Kinh và Khmer ở vùng Tây Nam Bộ trong quá trình CNH, HĐH là do nhận thức
của hai dân tộc này không giống nhau, về những vấn đề của lịch sử, quá khứ lẫn
những vấn đề hợp tác, tương trợ trong thực tại, dẫn đến sự thiếu hiểu biết lẫn
nhau, thiếu sáng suốt trong các quan hệ và tương tác lẫn nhau như: chủ quan, bảo
thủ, cục bộ, mất niềm tin lẫn nhau trong nhận thức và hành động;…
Thứ ba, nguyên nhân trực tiếp của
mâu thuẫn dân tộc
giữa Kinh và Khmer ở vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ CNH, HĐH là do trình
độ quản lý xã hội bất cập của đội ngũ những người cầm quyền, đặc biệt là những
chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội không tạo được những điều kiện cần thiết để đảm
bảo công bằng tối thiếu giữa các cộng đồng dân tộc; không tạo được các điều kiện tối ưu cho sự tồn tại và phát
triển cân đối, đồng đều. Sự bất cập, sai
lầm trong đường lối, chính sách của nhà nước có thể đưa mâu thuẫn dân tộc ở đây
từ chỗ không đối kháng đến những xung đột gay gắt.
Thứ tư, mâu thuẫn dân tộc giữa Kinh và Khmer ở vùng Tây Nam
Bộ trong quá trình thực hiện CNH, HĐH còn bắt nguồn từ sự
tác động của các thế lực từ bên ngoài.
Tóm
lại, đời sống xã hội là một lĩnh vực vô cùng đa dạng, phức tạp, cho nên việc
xác định đặc điểm và chỉ ra những nguyên nhân của mâu thuẫn dân tộc là điều kiện
quan trọng để nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ dân tộc.
3. TÁC
ĐỘNG CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẾN MÂU THUẪN DÂN TỘC Ở VÙNG TÂY NAM BỘ
HIỆN NAY
3.1. Tác
động tích cực của quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến mâu
thuẫn dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ
Quá trình
thực hiện CNH, HĐH ở Việt Nam nói chung và ở vùng Tây Nam Bộ nói riêng trong
thời gian vừa qua đã đạt được những thành tựu rất to lớn trong tất cả lĩnh vực
đời sống xã hội. Những thành tựu đó đã góp phần đáng kể cho quá trình giải
quyết mâu thuẫn
dân tộc giữa Kinh và Khmer ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay một cách các căn
bản trên nhiều phương diện, cụ thể như:
Thứ nhất, quá trình thực hiện CNH, HĐH trong
những năm gần đây làm giảm bớt đáng kể mâu thuẫn trong quan hệ lợi ích giữa dân
tộc Kinh và dân
tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay.
Điều đó
được biểu hiện: (1) về lợi ích trong lĩnh vực địa bàn cư trú và đất đai canh tác,
thực tiễn cho thấy, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã
góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện đồng bào dân tộc giữ được đất ở,
đất canh tác của mình. (2) về lợi ích trong lĩnh vực văn hóa, quá trình thực
hiện CNH, HĐH đã tạo cơ hội cho đồng bào Khmer tích cực chọn lọc, phục hồi, bảo
tồn, kế thừa và phát huy được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. (3) về lợi
ích trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, thành
quả của quá trình CNH, HĐH đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cho đồng bào các
dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ tự khẳng mình một cách dứt khoát hơn, tin vào
chính khả năng của mình hơn là trông chờ, mong đợi xa xuôi, ảo tưởng vào những
thế lực vô hình qua tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ hai,
quá trình thực hiện CNH, HĐH đã góp phần giải tỏa mâu thuẫn, xung đột giữa một
bộ phận người dân trong cộng đồng dân tộc Khmer với chính quyền nhà nước ở địa
phương.
Mâu
thuẫn giữa một bộ phận người dân trong cộng đồng dân tộc Khmer với chính quyền
nhà nước ở địa phương đã có sự cải thiện rất nhiều do quá trình thực hiện CNH,
HĐH mang lại: (1), đời sống vật chất và
tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được cải thiện. (2), hệ thống chính trị ở nông thôn vùng Tây Nam Bộ
được củng cố, dân chủ cơ sở được phát huy, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ
lãnh đạo, quản lý ở địa phương từng bước được nâng cao, mối quan hệ giữa đồng
bào với cán bộ và chính quyền địa phương ngày càng tốt đẹp hơn. (3), quá
trình thực hiện CNH, HĐH vừa qua ở các vùng đồng bào dân tộc Khmer đã góp phần: làm cho tiếng nói và vị thế kinh tế
- xã hội của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khẳng định, cải thiện hơn.
Thứ ba, quá trình thực hiện CNH, HĐH trong
những năm gần đây đã và đang làm giảm bớt mâu thuẫn xuất phát từ những mặc cảm,
nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng các dân tộc ít người ở vùng Tây Nam Bộ. Thông
qua quan điểm, chủ trương của Đảng ta về dân tộc và chính sách dân tộc có thể
thấy khá rõ nét: các dân tộc thiểu số nói chung và ở vùng Tây Nam Bộ nói riêng
là đối tượng chính được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được tạo điều
kiện thuận lợi nhất để phát triển.
Kết quả
mang lại của quá trình thực hiện CNH, HĐH trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã
hội được điểm qua một cách khái quát như trên, cho dù mới chỉ là những kết quả
bước đầu và còn rất khiêm nhường, song chính kết quả đó, ít nhất cũng tạo ra
được một sự chia sẻ và đồng thuận của cư dân nông thôn nói chung và đồng bào
dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ nói riêng, góp phần làm giảm đi tính sâu sắc
trong mâu thuẫn dân tộc giữa giữa người Kinh và đồng bào Khmer ở vùng Tây Nam
Bộ hiện nay.
3.2. Tác
động tiêu cực của quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến mâu
thuẫn giữa dân tộc Kinh và đồng bào Khmer ở vùng Tây Nam Bộ
Quá trình
thực hiện CNH, HĐH trong thời gian qua, bên cạnh những tác động tích cực to
lớn, còn có những tác động tiêu cực đối với mâu thuẫn giữa dân tộc Kinh và dân
tộc Khmer ờ vùng Tây Nam Bộ:
Thứ nhất, quá trình thực hiện CNH, HĐH làm gay
gắt thêm những mâu thuẫn sẵn có hoặc làm nẩy sinh một số mâu thuẫn mới về lợi
ích. Nó trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn hại đến môi trường sống, quyền và lợi
ích chính đáng của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, từ thu nhập đến
nhu cầu học tập, sức khỏe, tuổi thọ… Nước ta có 90 triệu dân nhưng đứng vị trí
127 trên thế giới về chỉ số phát triển con người. Chỉ số phát triển con người
quá thấp, đương nhiên nhóm thấp nhất, đông nhất vẫn là nông dân và đồng bào dân
tộc ít người.
Tình
trạng đất đai của nông dân và đồng bào dân tộc Khmer nhiều nơi ở vùng Tây Nam
Bộ bị quy hoạch, thu hồi và đền bù với một giá không đáng kể so với giá sau khi
chuyển mục đích sử dụng. Sự thu hẹp ngày càng nhanh, sự mất đi ngày càng nhiều
vùng đất màu mỡ do rất nhiều dự án, khu công nghiêp đều chọn đúng vào những khu
vực “bờ xôi ruộng mật” của những vùng nông nghiệp trù phú. Nhiều khu công
nghiệp, dự án sử dụng đất nông nghiệp không hiệu quả, đồng bào dân tộc Khmer
mất đất sản xuất mà cũng chưa thể “trở thành” công nhân (do không đủ trình độ
và tay nghề), trong khi họ vẫn phải ăn, mặc, thậm chí nhu cầu còn cao hơn trước.
Tính hiệu quả của những khu công nghiệp, nhiều nơi không hiệu quả, khiến cho
CNH, HĐH cản trở, phá hỏng đời sống vùng nông thôn, nông dân và đồng bào Khmer
ở vùng Tây Nam Bộ. Theo sau quá trình thực hiện CNH, HĐH là tình trạng tàn phá
rừng tràn lan, khai thác tài nguyên bừa bãi không ngừng tiếp diễn; môi trường
sống đang tiếp tục bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những hậu quả của tình trạng đó vừa
làm cho sản lượng lương thực suy giảm do đất đai bị ô nhiễm ngày càng trầm
trọng, vừa gây nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của nông dân và đồng bào dân tộc ít
người.
Thực
trạng trên, có thể nói, đó là một số trong rất những nguyên nhân cơ bản làm gay
gắt thêm những mâu thuẫn sẵn có hoặc làm nẩy sinh một số mâu thuẫn mới về lợi
ích giữa dân tộc Kinh và dân tộc Khmer trong quá trình thực hiện CNH, HĐH ở
vùng Tây Nam Bộ hiện nay.
Thứ hai, quá
trình thực hiện CNH, HĐH làm cho đồng dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ bị tổn
thương, thêm mặc cảm. Họ cảm thấy sự công bằng trong các quan hệ kinh tế - xã hội
giữa dân tộc Khmer và dân tộc Kinh đang bị mất đi dần. Thương nghiệp giữa nông
thôn và đô thị còn không ít bất công. Nông dân bị các doanh nghiệp và tư thương
bóc lột. Chiến lược phát triển thương nghiệp của Nhà nước là xây dựng chế độ
nông nghiệp hợp đồng nhằm bảo vệ cho người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế,
do nhiều nguyên nhân, chiến lược này đã làm cho nông dân phụ thuộc ngày càng
nhiều vào doanh nghiệp, trở thành người làm công cho doanh nghiệp, dẫn đến sự độc
quyền của doanh nghiệp (vì giá cả do doanh nghiệp quyết định, nông dân không có
quyền mặc cả trên thị trường…).
Ai cũng
biết, giá năng lượng và lương thực tăng không phải vì thiếu hụt mà chính là do
các công ty đầu cơ; không ít lần giá năng lượng, vật tư, hàng hóa, lương thực
trong nước tăng rất mạnh lúc giá thế giới tăng, nhưng những lúc giá thế giới
giảm thì giá trong nước lại giảm rất chậm, do các doanh nghiệp đầu cơ… sự bất
công đó gây tổn thương và làm cho người tiêu dùng, nông dân, nhất là đồng bào
dân tộc không tránh khỏi thất vọng và tâm trạng: họ luôn là “công dân thứ hai”,
luôn là nạn nhân của mọi biến đổi, toan tính của các thành phần xã hội khác,…
rất bất lợi cho quan hệ đoàn kết.
Đối với
dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, nếu ấn tượng về thực trạng đó đó không được
sớm giải tỏa một cách thỏa đáng cộng với nhiều tác động khác, họ sẽ dễ dàng tự
thấy mình là mặt đối lập thứ hai trong mối quan hệ với dân tộc Kinh, dân tộc đa
số, đang chiếm giữ địa vị kinh tế - xã hội cao nhất trong cộng đồng các dân tộc
ở vùng Tây Nam Bộ.
Thứ ba, như
đã trình bày (ở phần trên): quá trình thực hiện CNH, HĐH vừa qua ở các vùng đồng
bào dân tộc Khmer đã góp phần: làm cho
tiếng nói và địa vị kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khẳng
định, cải thiện hơn; giải tỏa nhiều tâm trạng, mặc cảm và những bức xúc của đồng
bào về lợi ích thiết thực như cái ăn, cái ở, được học hành, đi lại; … Tuy
nhiên, thành quá đáng trân trọng ấy không phải đến với tất cả các bộ phận cư
dân trong cộng đồng dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, mà còn một số địa phương
vùng đồng bào Khmer chưa thụ hưởng được thành quả ấy. Cá biệt vẫn còn tình trạng:
khoảng cách khá xa về địa vị kinh tế - xã hội của hai dân tộc Kinh và Khmer
chưa được rút ngắn đáng kể. Đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ đang sống
với vị thế rất khiêm nhường. Họ chưa thực sự được xem là chủ thể chính của nông
thôn, luôn ở thế bị động và phải chịu nhiều sức ép trong xã hội: sự chèn ép của
lãnh đạo địa phương, sức ép của doanh nghiệp, của thị trường… ; tiếng nói và
quyền năng của họ còn hạn chế, nhiều chính sách chưa quan tâm đến người họ…
Chính vì vậy họ chưa thể bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như của gia đình và
cộng đồng mình.
Nghèo của
dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ là một thách thức dai dẳng. Họ không chỉ nghèo
về thu nhập, mà còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện sống, về tiếp cận các
phúc lợi xã hội khác. Theo PGS, TSKH Bùi Quang Dũng - Viện Xã hội học, chi
tiêu cho hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, giải trí và quan hệ xã hội giữa
nhóm giàu và nhóm nghèo ở nước ta cách biệt tới 53,6 lần (nhóm nghèo đa số là
nông dân và các dân tộc ít người).
Thực
trạng trên đã làm sâu sắc thêm ít nhất một khía cạnh, mức độ nào đó của mâu
thuẫn dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.
Thứ tư, quá trình thực hiện CNH, HĐH tạo ra
mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với những bất
cập về cơ chế, chính sách, phẩm chất và
năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vùng Tây Nam Bộ.
Bất cập về cơ chế,
chính sách. Do cơ chế đầu tư dàn đều từ các dự án
kinh tế đến các dự án thể thao và dịch vụ cho nhiều địa phương ở vùng Tây Nam Bộ
làm cho người dân bị mất đất mà không được đền bù thỏa đáng do đủ cơ chế, chính
sách. Đi kèm theo đó là sự thiếu minh bạch, nạn tiêu cực, bất công... Tệ trạng
này không chỉ là kiểu phát triển “ảo” thiếu bền vững, không đáp ứng được yêu cầu
phát triển của địa phương mà còn làm xấu đi mối quan hệ giữa nông dân, dân tộc
Khmer (là những người mất đất) với nhà đầu tư, với giới doanh nghiệp và cả với
chính quyền địa phương. Thực trạng đã qua ở vùng Tây Nam Bộ có nhiều vi phạm
nghiêm trọng về môi trường và quản lý môi trường mà chính quyền, các cơ quan quản
lý chức năng không có đủ cơ chế để xử lý, răn đe hoặc có cơ chế nhưng chưa đủ
hiệu lực, hiệu quả; việc thực hiện chế tài chế tài đối với những đơn vị vi phạm
cũng chưa triệt để.
Bất cập về lãnh đạo, quản lý. Thực tế hiện nay, hệ thống chính trị
cơ sở nhiều nơi ở vùng Tây Nam Bộ còn yếu, kém hiệu lực, không sát dân, không
tập hợp được đồng bào dân tộc Khmer. Nguồn lực đã có hạn, mà việc thực hiện
chính sách đối với đồng bào lại khá phân tán. Theo một thống kê, có đến hàng
chục các quy định hỗ trợ đối với nông dân và đồng bào dân tộc Khmer theo các
lĩnh vực khác nhau như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng kết cấu hạ
tầng nông thôn; đào tạo, dạy nghề,... Các chương trình hỗ trợ này do nhiều
ngành khác nhau quản lý, nhưng sự phối hợp tại địa phương còn hạn chế và thiếu
sự tham gia ý kiến, giám sát của người dân.
Quá trình
thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn chưa gắn với việc thực hiện Chương
trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, triển khai chưa đồng bộ, rộng khắp và
chưa mang lại lợi ích thiết thực; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục
chính trị tư tưởng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy
đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về các tiêu chí, yêu cầu và nội dung
xây dựng nông thôn mới hiện nay; ở một số nơi vùng dân tộc Khmer, tôn giáo phát
triển không bình thường, trái pháp luật. Có nơi đồng bào bị kẻ xấu lợi dụng,
gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Bất cập về con người, thực hiện. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng
dân tộc khu vực Tây Nam Bộ hiện nay thiếu về số lượng, yếu về năng lực, nhận
thức; quán triệt về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, về công tác dân vận
chưa sâu sắc, chưa toàn diện. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách
của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc Khmer còn hạn chế, yếu
kém; công tác phát triển Đảng chậm. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng,
đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu,
tham nhũng, lãng phí
nhiều nơi ở vùng Tây Nam Bộ đang diễn ra nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin
của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Thứ năm,
quá trình thực hiện CNH, HĐH đã tạo ra sự bức xúc của một bộ phận người dân
trong cộng đồng dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ. Không ít trường hợp, lợi ích chính đáng của đồng bào
dân tộc Khmer chưa được coi trọng, thậm chí nhiều nơi lợi ích đó còn bị vi phạm
nghiêm trọng; vị thế kinh tế - xã hội của cộng đồng dân tộc Khmer nói chung
ngày càng bi sa sút; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở
cơ sở, địa phương ngày càng bị tha hóa, tham nhũng, ức hiếp người dân, các cơ
chế, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa được thực hiện tốt,… dẫn đến mâu thuẫn
giữa một bộ phận người dân trong cộng đồng tộc Khmer với chính quyền nhà nước ở
một số địa phương được hình thành hoặc ngày càng xấu đi. Mâu thuẫn xã hội trở
thành mâu thuẫn chính trị - xã hội, nhất là khi có sự tác động của nhiều thế lực
từ bên ngoài.
Tóm lại,
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc Khmer và những bất cập về cơ
chế, chính sách, phẩm chất và năng lực
của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở vùng Tây Nam Bộ là hai mặt của quá
trình phát triển. Những thách thức, khó khăn vừa nêu trên sẽ sớm được khắc phục
nếu quá trình thực hiện CNH, HĐN có những chuyển biến ích cực hơn.
4.
KẾT LUẬN
Có thể nói, mâu thuẫn giữa các cộng
đồng dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc là một hình thái khá phổ biến và
mang tính đặc thù của mâu thuẫn xã hội nói chung. Đó là quá trình phát triển biện
chứng giữa hai nỗ lực: nỗ lực phá vỡ quan hệ cân bằng cũ đã và đang bộc lộ nhiều
bất cập và nỗ lực tạo dựng quan hệ cân bằng mới phù hợp với quy luật khách quan
về quyền lực, địa vị, lợi ích của hai hay nhiều lực lượng dân tộc trong cộng đồng
quốc gia đa dân tộc có sự chênh nhau về nhiều mặt.
Sự phát triển xã hội bắt nguồn từ
những mâu thuẫn. Do vậy, cần ghi nhận chức năng tích cực của mâu thuẫn dân tộc ở
đây. Mâu thuẫn dân tộc không chỉ đóng vai trò kích thích, làm động lực cho những
biến đổi và phát triển xã hội, mà còn là một quá trình tương tác xã hội để hình
thành sự cân bằng cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mâu thuẫn dân tộc cũng có
thể mang đến những hậu quả tiêu cực nếu nó không được giải quyết tốt, hoặc bị
chi phối bởi những hoạt động chủ quan trái với quy luật phát triển khách quan,
tự nhiên.
Với thái độ khoa học, với tinh thần
cách mạng sáng tạo, chính quyền nhà nước, giới lãnh đạo chính trị, các nhà khoa
học nói chung đã có những đánh giá xác đáng về nguy cơ mâu thuẫn dân tộc phát
triển thành điểm nóng chính trị - xã hội ở vùng Tây Nam Bộ, nhất là trong tiến
trình đẩy mạnh CNH, HĐH; đã có những kinh nghiệm lớn về vấn đề mâu thuẫn dân tộc
nói chung cả về mặt lý luận cũng như về thực tiễn. Đó không chỉ là những tổng kết
quý báu và bổ ích cho thực tiễn quản lý xã hội mà còn cho cả khoa học Chính trị
và Triết học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo số 04-BC/DTTG, ngày 09/02/2011 của Vụ Dân tộc
- Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).
2.
PGS-TSKH Bùi Quang Dũng (2013), Một số vấn
đề về đời sống văn hóa xã hội nông thôn VN hiện nay, Bài tham luận phát
biêu tại Hội thảo“Chân dung người nông
dân Việt Nam trong thời kỳ CNH- HĐH và hội nhập” Viện Chính sách và Chiến
lược phát triển nông thôn - Ipsard (Bộ NNPTNT) và Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm
KHXH VN) phối hợp, tổ chức tại Hà Nội ngày 5.12. 2014.
3.
PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà (2010), Mâu thuẫn giữa người và người: Một số nội dung
cơ bản, Tạp chí Triết học, số…, 2010. http://www.chungta.com.vn/nd/tu-lieu-tra
cuu/mau_thuan_giua_nguoi_voi_nguoi/default.aspx
4.
PGS. TS. Phan Xuân Sơn (chủ biên), Các
chuyên đề bài giảng Chính trị học (dành cho cao học chuyên Chính trị học), Tập
II, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010.
5. Thủ
tướng chính phủ (2013), Quyết định số
449/2003/QĐ-TTg về " về phê
duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 ".
6. Từ điển Bách khoa triết học
(&UROCOỘCKUŨ 3H^KnonedunecKuũ cnoeapb), Nxb Bách khoa Xôviết, Matxcơva, 1983.
7. TS. Đặng Phú Thâu, Mâu thuẫn dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng
Tây Nam Bộ, Luận án tiến sĩ triết học, Hà nội - 2014.
“DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” MỘT VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM NGHIÊN CỨU DƯỚI GÓC
ĐỘ KHOA HỌC XÃ HỘI
ThS. Hồ Hoàng Luân
Trong những năm gần
đây, chúng ta thường nghe nói đến thuật ngữ “Diễn biến hòa bình”; âm mưu, chiến
lược “Diễn biến hòa bình”. Vậy “Diễn biến hòa bình” là gì? Nó là một trạng thái
xã hội hay là một quan điểm, học thuyết về xã hội? Và vấn đề này ít nhiều thu
hút sự quan tâm của giới chính trị và các nhà khoa học. Trong bài tham luận
này, cho phép tôi trình bày một vài suy nghĩ của mình về “Diễn biến hòa bình” với
mong muốn góp phần luận giải một số vấn đề cần quan tâm nghiên cứu.
1. MỘT SỐ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÓ LIÊN QUAN ĐẾN “DIỄN BIẾN
HÒA BÌNH”
Qua những nghiên cứu gần đây cho thấy “diễn biến hòa
bình” thực chất là một cụm từ để chỉ một hệ thống các quan điểm, học thuyết của
một số tác gia phương Tây được giới chính trị tư sản sử dụng nhằm mục đích chống
lại các nước có bất đồng về chế độ chính trị mà không cần đến chiến tranh bằng
vũ khí, trong đó tiêu biểu là một số lý thuyết, học thuyết sau:
1.1. Từ học thuyết “Chiến thắng không cần chiến tranh”
đến lý thuyết “Vòng xoắn im lặng”
Cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu chính thống nào đề
cập đến sự hình thành, phát triển những quan điểm, lý thuyết về “diễn biến hòa
bình”; song những nghiên cứu bước đầu cho thấy đã có nhiều chính trị gia, nhà
xã hội học như G. Kainan, R. Nixon, Elizabeth Noelle Neumann đề cập, như:
* Học thuyết “Chiến
thắng không cần chiến tranh”của Richard Nixon:
không ít người cho rằng đây là một học thuyết của Richard Nixon, được ông ta
dày công nghiên cứu từ sau khi bị bãi nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ vào năm
1974. “Chiến thắng không cần chiến tranh” là một học thuyết tương đối hoàn chỉnh
và mang tính hệ thống cao nhằm đi đến xóa bỏ thể chế chính trị ở các nước xã hội
chủ nghĩa. Trong học thuyết này, R. Nixon đưa ra 5 luận điểm (và cũng là 5 bước)
để tấn công và chiến thắng các nước có chế độ cộng sản, tựu trung như sau:
1- Đa nguyên hóa về
chính trị: thực hiện các chiêu bài dân chủ, xây dựng
các ngọn cờ để từng bước xác lập “đa nguyên về chính trị”, “đa đảng đối lập” đi
đến lật đỗ chế độ xã hội chủ nghĩa
2- Tư nhân hóa về
kinh tế: đề cao vai trò kinh tế tư nhân, phủ nhận thành quả của
kinh tế kế hoạch, xem kinh tế thị thị trường tự do là đòn bẩy của sự phát triển
kinh tế, xã hội; thúc đẩy quá trình tư bản hóa nền kinh tế xã hội
3-Tự do hóa về tư
tưởng: hô hào, tuyên truyền việc tư do ngôn luận, tự do tưởng
theo khuynh hướng tư sản; kích động các cơ quan ngôn luận lên tiếng, xuyên tạc,
đi đến phủ nhận hệ tư tưởng Mac - Lênin, phủ nhận những thành tựu xây dựng chủ
nghĩa xã hội đo Đảng Cộng sản khởi xướng và lãnh đạo
4-Tự tư hóa về đạo
đức:
tuyên truyền, đề cao các giá trị đạo đức phương Tây, từ đó làm cho một bộ phận
thanh niên ngộ nhận, đòi xem xét lại những giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống,
đạo đức xã hội chủ nghĩa; tiến đến xem xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò lịch sử
của Đảng Cộng sản
5-Tây phương hóa
xã hội: bằng nhiều con đường khác nhau để hàng hóa các nước
tư bản nhập khẩu tràn lan vào các nước xã hội chủ nghĩa; từ đó làm cho một bộ
phận dân chúng ảo tưởng về một xã hội vật chất phồn vinh, thịnh vượng ở phương
Tây, làm xuất hiện ngày càng nhiều tư tưởng hướng về xã hội tư bản chủ nghĩa.
Học thuyết này sau đó lan rộng ở các nước phương Tây
và với sự nỗ lực của các chính trị gia tư sản, đã làm cho hệ thống xã hội chủ
nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ vào năm 1991.
* Lý thuyết “vòng xoắn im lặng”
của Noelle-Neumann: lý
thuyết vòng xoắn im lặng xuất hiện ở Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 1984, thông
qua tác phẩm nổi tiếng của Elizabeth Noelle - Neumann “Vòng xoắn im lặng: dư luận xã hội - làn da của chúng ta”.
Lý thuyết vòng xoắn im lặng đưa ra một mô hình như
sau: mỗi cá nhân có một cơ quan Cận thống
kê (quasistatistical ogan), hay tạm gọi là Giác quan thứ sáu, cơ quan này cho phép cá nhân “linh cảm” hay “đọc”
được các luồng dư luận xã hội đang phổ biến. Kế đến, các cá nhân sợ bị cô lập
dù biết rõ ý kiến, thái độ như thế nào sẽ bị cô lập. Cuối cùng, nỗi sợ hãi bị
cô lập khiến cho các cá nhân không dám thể hiện những ý kiến riêng biệt. Hiện
tượng “vòng xoáy im lặng” khá phổ biến trong các cơ quan, tổ chức mà nơi đó thường
xảy ra tình trạng lãnh đạo thiếu dân chủ, dẫn đến xuất hiện “nỗi sợ hãi bị xã hội
cô lập”. Từ đó, dần hình thành những nhóm, bộ phận công chúng có ý kiến trái
chiều, bất đồng chính kiến. Đây chính là một trong những cơ sở để các thế lực
thù địch lợi dụng và tập hợp lực lượng.
1.2. Một số quan điểm, lý thuyết khác liên quan
Có thể nói từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, và nhất
là thời kỳ “Chiến tranh lạnh” xuất hiện ngày càng nhiều các lý thuyết ít nhiều mang màu sắc “diễn biến hòa
bình” hoặc bị lợi dụng làm công cụ cho âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”
như:
- Trường phái Hovland và những nghiên cứu
về tuyên truyền: năm 1953, Hovland và nhóm của ông cũng tiến
hành nghiên cứu tác động của truyền thông 2 phía (two-sided) và truyền thông một
phía (one-sided), theo đó truyền thông hai phía có hiệu quả thuyết phục cao hơn
ở nhóm có trình độ học vấn cao.
- Thuyết “thủ
lĩnh dư luận” (Opinion leader): thuyết này chứng minh rằng việc hình thành
các ý kiến xã hội không chịu ảnh hưởng một cách trực tiếp từ truyền thông đại
chúng mà bị ảnh hưởng qua những cá nhân với tư cách như là những thủ lĩnh ý kiến.
- Quan điểm của J.
Habermas: Ông là người phát triển khái niệm lĩnh vực công cộng
(public spheres). Habermas thừa nhận rằng chủ thể của công luận được hình thành
từ những người có thể tập hợp các ý kiến tại các cuộc hội họp, biểu tình hoặc
trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ đó, ông cho rằng công luận liên
quan trực tiếp đến khái niệm chính trị, pháp luật và công luận mang tính giai cấp
sâu sắc. Theo Habermas, nếu như công luận là sự phán xét mang tính chất đánh
giá của công chúng thì trước hết nó bảo vệ sự thống trị của giai cấp, bào chữa
cho pháp luật và chính trị của giai cấp cũng như bảo vệ cho sự tồn tại của giai
cấp đó.
Từ những nghiên cứu
trên cho thấy “diễn biến hòa bình” thực chất là hệ thống các học thuyết được
nhiều học giả, nhà chính trị phương Tây nghiên cứu và ứng dụng một cách thành
công trên bình diện thế giới.
Vậy chúng ta nhìn nhận
vấn đề này như thế nào? Yêu cầu đối với các nhà khoa học, chính trị học trong
việc nghiên cứu, luận giải để hình thành những quan điểm, lý thuyết nhằm phòng
chống lại sự công phá của “diễn biến hòa bình”?
2.
TÁC ĐỘNG CỦA ÂM MƯU “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
2.1. Những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch
nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong thời gian gần đây
Trong thời gian qua,
các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ngấm ngầm hoặc công khai tiến
hành một số hoạt động để
thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” và một trong những âm mưu, thủ đoạn thường hay sử dụng là:
- Sử dụng các phương tiện truyền thông: để tuyên truyền xuyên tạc nhằm phá hoại những thành tựu
dân chủ, nhân quyền và thành tựu về công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo; đề
cao tư nhân hóa, khai thác triệt để các tiêu cực, tham nhũng của xã hội, các ý
kiến khác nhau trong Đảng để gây chia rẽ nội bộ. Mặt khác, bọn chúng còn khai
thác những chứng cứ, sự kiện có thật để kết luận theo quan điểm sai trái nhằm
làm cho một bộ phận dân chúng mà nhất là thế hệ trẻ bị ngộ nhận và hoài nghi về
lịch sử.
Trên lĩnh vực truyền
thông, báo chí, xuất bản; lợi dụng
các phương tiện thông tin đại chúng (internet, truyền hình, truyền thanh, viễn
thông quốc tế) cũng như chính sách mở cửa hội nhập; các lực lượng thù địch bằng
nhiều con đường đã chuyển tải ồ ạt vào nước ta các sản phẩm văn hóa có nội dung
phản động, đồi trụy, bạo lực, mê tín dị đoan… gieo rắc nọc độc trong xã hội, nhất
là trong giới trẻ. Đáng chú ý Hoa Kỳ có ý đồ tác động vào cơ quan báo chí của
ta thông qua việc mời một số lãnh đạo các báo, đài sang Mỹ tham quan, học tập;
đề nghị phối hợp đào tạo kỹ năng cho phóng viên, mời phóng viên dự hội thảo báo
chí quốc tế ở nước ngoài.
- Tổ chức xúi giục, kích động: những phần tử thoái hóa, biến chất, những bọn cơ hội
chính trị công khai lợi dụng những vấn đề nhạy cảm về chính trị, về dân tộc và
tôn giáo, tổ chức khiếu kiện tập thể hoặc lén lút tổ chức rải truyền đơn đòi
xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên, đa đảng nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng,
vai trò lãnh đạo của Đảng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa của nhân dân ta.
Hàng loạt các vụ khiếu
kiện đông người trong những năm gần đây liên quan đến vấn đề đất đai của người
dân ở các tỉnh kéo về thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có những hoạt động cho thấy
có dấu hiệu kích động, xúi giục của phần tử phản động cấu kết với các thế lực xấu
ở nước ngoài như hô khẩu hiệu, trương biểu ngữ, tổ chức tuần hành trên một số
tuyến đường, khu vực trung tâm Thành phố.
- Lợi dụng các
hoạt động đối ngoại,
giao lưu văn hóa, giáo dục, khoa học: một số cơ quan ngoại giao thường trú trong lãnh thổ Việt
Nam mà nhất là tổ chức NGO đã gia tăng hoạt động nhằm gây ảnh hưởng về văn hóa,
giáo dục, khoa học, lối sống Mỹ và phương Tây vào thanh niên, thành lập các
dự án khảo sát hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật
nhằm vận động NGO tổ chức giao lưu văn học nghệ thuật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam;
tuyển chọn văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác tại Mỹ; tổ chức biểu diễn giao
lưu âm nhạc…
Trên lĩnh vực giáo dục, chủ trương tác động vào lĩnh vực giáo dục,
đào tạo cán bộ như đẩy mạnh việc tổ chức thông tin tuyên truyền về chính sách
du học tại Mỹ. Thông qua các chương trình đào tạo, cấp học bổng như Fulbrigh,
quỹ Ford, tổ chức World Vision Inter để gây ảnh hưởng và trao học bổng cho nhiều
sinh viên học sinh, nhất là cho sinh viên dân tộc ít người; thậm chí Phòng
Thông tin Hoa Kỳ còn ngang ngược đề nghị đưa môn Hoa Kỳ học vào giảng dạy tại một
số trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Đối với đội ngũ cán bộ tương lai,
các tổ chức của Mỹ thực hiện việc duy trì quan hệ với cán bộ đã từng du học tại
Mỹ, Trung tâm thông tin Hoa Kỳ thường xuyên cung cấp các bản tin tóm tắt từ báo
cáo, tạp chí của Mỹ cho những người từng du học tại Mỹ.
Ngoài ra, Tổng Lãnh sự
quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tăng cường tiếp xúc với các cơ
quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể và một số ban ngành với thái độ thân
thiện để tìm hiểu, tác động vào nội bộ ta một cách công khai. Khi tiếp xúc, tổng
Lãnh sự quán Mỹ đặt ra nhiều vấn đề như: vai trò lãnh đạo của Đảng đối với
chính quyền, chính sách của Việt Nam đối với Mỹ, kinh tế tư nhân, vấn đề cổ phần
hóa, vấn đề tôn giáo, dân tộc v.v… Trong đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam
vào danh sách “các quốc gia đặc biệt quan tâm về tôn giáo”, Hạ viện Hoa Kỳ
thông qua Nghị quyết về “tự do tôn giáo ở Việt Nam”, một số bang và thành phố ở
Mỹ treo cờ 3 sọc, ủng hộ bọn phản động người Việt ở Mỹ và các nước tăng cường
các hoạt động chống phá ta.
- Lợi dụng các vấn đề liên quan đến tôn giáo: các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng triệt để tôn
giáo và một bộ phận chức sắc tôn giáo có định kiến với Nhà nước ta để tăng cường
hoạt động chống phá. Trong thời gian qua, các tôn giáo đều đẩy mạnh hoạt động
xây dựng cơ sở vật chất, củng cố tổ chức, truyền bá giáo lý, phát triển tín đồ
mà điển hình như:
Đạo Tin Lành tăng cường
hoạt động mạnh trong sinh viên, học sinh, trong những vùng dân cư còn khó khăn
về đời sống vật chất, dân trí thấp. Thông qua các phương tiện internet và tài
liệu, một số phần tử xấu trong đạo Tin lành đã gửi thư hoặc gửi email đến sinh
viên mời tham gia tôn giáo, lôi kéo đi sinh hoạt, nghe truyền đạo mà đối tượng
chủ yếu là sinh viên thuộc khối ngành khoa học xã hội, sư phạm, khối ngành văn
hóa; lập nhóm sinh viên tôn giáo. Thông qua các hoạt động tài trợ học bổng, lôi
kéo sinh viên tán phát tài liệu phản động, tác động vào lối sống, đạo đức của
thanh niên.
Ngoài ra, Tin lành, Thiên Chúa giáo cùng các nhóm phản động trong Phật giáo,
Cao Đài, Hoà Hảo (như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Ban Bảo vệ tự do tín ngưỡng Cao Đài,
nhóm Quảng Độ, Không Tánh, Lê Quang Liêm…) đã tổ chức nhiều hoạt động truyền đạo
trái phép, vận động tu sĩ, giáo dân khiếu kiện đòi lại các cơ sở đã hiến cho
Nhà nước; đòi cho thương binh chế độ cũ được nước ngoài trợ cấp hoặc tỵ nạn.
Một số chức sắc trong
tôn giáo phản đối Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta vì cho rằng
Pháp lệnh đó hạn chế hoạt động của tôn giáo. Các đối tượng chống đối bên trong
và ngoài nước tổ chức biên soạn một số ấn phẩm “chui”, xây dựng các blog, đưa
lên internet nhằm xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước ta nhất là về vấn
đề “tự do tôn giáo”. Chúng gửi tài liệu đến một số cơ quan, đơn vị, trường học,
báo chí, nói ta đàn áp đạo tôn giáo; đăng tải nhiều thông bạch của Huyền Quang,
Thích Quảng Độ vu cáo Nhà nước ta chia rẽ Phật giáo; xâm phạm các hoạt động tự
do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm nhân quyền.
Một trong những hoạt
động đó là lợi dụng, khai thác những vấn đề còn bất đồng giữa Nhà nước và tôn
giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước ta mà điển hình như vụ
tranh chấp cơ sở số 42 Phố Nhà Chung xảy ra ở Giáo xứ Thái Hà - Hà Nội Hà Nội
vào năm 2008. Xung quanh vụ việc này, trong cuộc họp với UBND Thành phố Hà Nội
ngày 20/9/2008, Tổng Giám mục Hà Nội - Giuse Ngô Quang Kiệt đã có bài phát biểu
nhằm thanh minh và cổ vũ những sai phạm của một số linh mục, giáo dân ở Giáo xứ
Thái Hà. Ngay sau đó
hàng loạt các nhà thờ, xứ đạo ở trong nước và thành phố Hồ Chí Minh đã có những hoạt động hưởng ứng như phát tán tài liệu, kêu gọi ủng hộ; thậm chí tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế
(Quận 3) còn tổ chức lễ cầu nguyện với sự tham gia của hơn 3.000 giáo dân và
giao lưu trực tuyến với Linh mục Vũ Khởi Phụng - Chánh xứ của Giáo xứ Thái Hà, kết hợp đốt nến, minh họa
hình ảnh
cho rằng Nhà nước ta đàn áp tôn giáo.
Ngoài ra, còn nhiều vụ
việc khác bị lợi dụng như: hoạt động của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (năm 2006), việc đưa di hài cốt Hộ pháp Phạm Công Tắc về an táng tại
Việt Nam (năm
2007), Đại lễ Phật đản quốc tế (VESAK) vào năm 2008.v.v…
2.2.
Nhận định, đánh giá sự tác động của “Diễn biến hòa bình” đối với đời sống xã hội
Từ thực trạng trên
“Diễn biến hòa bình” đã tác động, làm nảy sinh những hệ lụy nhiều mặt đối với đời
sống xã hội như:
- Trong hoạt động kinh tế: mặc dù đất nước ta đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế
cao, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước
ngoài, làm tăng GDP, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước song cũng đã xuất hiện
tình trạng một bộ phận cán bộ công chức đề cao vai trò kinh tế tư nhân mà mất cảnh
giác, xem nhẹ vấn đề an ninh quốc phòng.
- Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: trong một bộ phận văn nghệ sỹ và công chúng trẻ đã có những
biểu hiện thờ ơ, lạnh nhạt và lệch lạc về thưởng thức các giá trị văn hóa; hiện
tượng ăn chơi, đua đòi, chạy theo lối sống thực dụng, xem các văn hóa phẩm độc
hại là chuyện bình thường. Từ đó ý thức về bản sắc dân tộc, truyền thống bị xem
nhẹ.
- Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được
ngăn chặn; tham nhũng, tiêu cực chưa được đẩy lùi; tính chiến đấu của không ít
cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng giảm sút, tác động mạnh đến lòng tin của
nhân dân.
Một bộ phận khác lơ là, mất cảnh giác, xuất hiện tình
trạng thông tin không chính thức rồi rỉ tai, bình luận, suy diễn, tán phát tài
liệu gây bất lợi cho chế độ; cá biệt không ít trường hợp nhận xét, phê phán cá
nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một cách phiến diện, vô tình phục vụ
cho ý đồ tuyên truyền của kẻ địch.
3. MỘT SỐ YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP VỀ KHOA HỌC XÃ HỘI
Chiến lược “Diễn biến hòa bình” là tập hợp một hệ thống
các quan điểm, học thuyết khoa học được các chính trị gia lỗi lạc nghiên cứu và
ứng dụng hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ những luận giải và đánh
giá về sự tác động của nó trong đời sống xã hội cho thấy “Diễn biến hòa bình”
là một vấn đề quan trọng, cần phải nghiên cứu đánh giá một cách nghiêm túc dưới
góc độ khoa học đồng thời đề xuất những giải pháp mang tính khả thi để nhằm
phòng chống những tác hại do âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” gây ra.
Thứ nhất,
phải đặt vấn đề “diễn biến hòa bình” trong khung cảnh khoa học xã hội, không
nên né tranh mà phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, mang tính hệ thống, toàn
diện.
Các tác giả của chiến lược “diễn biến hòa bình” là những
học giả tên tuổi; những quan điểm, học thuyết của họ mang tính khoa học cao; do
vậy, cần phải huy động trí tuệ của các nhà khoa học, chính trị gia, tổ chức
nghiên cứu, hội thảo để từ đó đưa ra những luận giải mang tính khoa học về “diễn
biến hòa bình” và sự tác hại của
nó đối với đời sống kinh tế, xã hội và chính trị.
Thứ hai,
trên cơ sở những nghiên cứu và thông qua những khảo sát thực tế, từng bước xây
dựng một một lý thuyết (hay học thuyết) để đấu tranh phản bác lại những quan điểm,
học thuyết về “diễn biến hòa bình”; trước mắt là nên hình thành khung lý thuyết
hoặc những luận chứng khoa học cơ bản phục vụ cho việc phòng, chống âm mưu, hoạt
động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ ba,
chiến lược “diễn biến hòa bình” là những bước đi, lộ trình bài bản, cho nên việc
phòng chống nó đòi hỏi phải có một công cụ tương đối hoàn chỉnh. Bên cạnh công
tác tuyên truyền, chúng ta cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, khảo sát ở một số
ngành, lĩnh vực khác như tôn giáo, dân tộc, kết hợp tiến hành điều tra xã hội học… Từ đó phân tích, tổng hợp, đánh giá để tìm ra những giải
pháp phòng, chống hữu hiệu.
Thứ tư, bên
cạnh việc phòng chống phải tăng cường phát triển kinh tế, đẩy nhanh những tiến
bộ về khoa học kỹ thuật và giáo dục, làm cho người dân được tiếp cận với những
phương tiện, công cụ thông tin hiện đại, khoa học; từ đó giúp cho họ nâng cao
tính đề kháng, nhận biết những mặt trái của “diễn biến hòa bình” cũng như những
âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Thứ năm,
tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử một cách nghiêm túc và khoa học. Đối với
những vấn đề lịch sử còn chưa rõ ràng thì phải có những hội thảo chuyên ngành để
làm rõ tính xác thực của lịch sử, tránh gây hoài nghi, mơ hồ trong một bộ phận
thanh thiếu niên.
Thứ sáu, đầu tư cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và truyền
thông. Nâng cao tính chiến đấu của báo chí, thực hiện thông tin đầy đủ, kịp thời,
rộng rãi các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng
và Nhà nước để góp phần hiểu rõ về âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực
thù địch. Trên cơ sở đó, phát động phong trào đấu tranh phản bác các luận điệu
sai trái của kẻ địch trên internet và báo điện tử; kết hợp sử dụng đồng bộ các
phương tiện, công cụ truyền thông khác
như phát thanh, truyền hình, báo cáo viên, tuyên truyền viên, chiếu phim tư liệu…
để phòng, chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm làm cho cán bộ, nhân dân mà nhất là các
tín đồ tôn giáo hiểu biết và chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách về tôn
giáo của Nhà nước ta. Tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại về tôn giáo,
hướng dẫn các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối
ngoại của Đảng, Nhà nước, làm cho thế giới có thông tin và hiểu đúng về tình
hình hoạt động tôn giáo, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Tạo ra quan
hệ giao lưu hội nhập quốc tế về tôn giáo góp phần hạn chế việc lợi dụng tôn
giáo, xuyên tạc tình hình tôn giáo để phục vụ cho âm mưu “diễn biến
hòa bình” ở nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tư tưởng - Văn
hoá Trung ương (1999), Nghiên cứu sử dụng
và định hướng Dư luận xã hội, Hà Nội.
2. Ban Tư tưởng - Văn
hoá Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (1995), Mấy
vấn đề về nghiên cứu dư luận xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Therese L. Baker
(1998), Thực hành nghiên cứu xã hội,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Bùi Thế Cường
(2002), Chính sách xã hội và công tác xã
hội ở Việt nam thập niên 90, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt
Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm
Ban Chấp hành Trung ương Khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Đảng Cộng sản Việt
Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. J.H. Fichter
(1973), Xã hội học (người dịch: Trần
Văn Đính), Nxb Hiện Đại, Sài Gòn.
8. Mai Văn Hai
(2005), Xã hội học văn hóa, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
9. Lương Khắc Hiếu
(1999), Dư luận xã hội trong sự nghiệp đổi
mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. Walter Lippman (1997), Public Opinion, Free Press, (bản điện tử,
http:// xroads.virginia.edu/~Hyper/Lippman/header.html)
11. Hồ Hoàng Luân
(2008), “Góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới
góc độ nghiên cứu xã hội”, Thông tin khoa
học quân sự Quân khu 7, 59 ( 12 ), tr. 45 - 48.
12. Phạm Văn Quyết,
Nguyễn Quý Thanh (2001), Phương pháp
nghiên cứu xã hội học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
13. Nguyễn Đình Tấn
(2005), Xã hội học, Nxb Lý luận Chính
trị, Hà Nội.
14. Nguyễn Quý Thanh
(2006), Xã hội học về dư luận xã hội,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
15. Thành ủy thành phố
Hồ Chí Minh (05-10-2010), Báo cáo chính
trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố
Hồ Chí Minh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015)
VẤN ĐỀ XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH VĂN HÓA ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO KHMER VÙNG
TÂY NAM BỘ HIỆN NAY
Phạm Ngọc Hòa
Học viện Chính trị
khu vực IV
Tây
Nam Bộ là một vùng thiên nhiên đa dạng, một đồng bằng trù phú, rộng lớn nhất ở
Việt Nam. Nơi đây, trong quá khứ lịch sử, với không gian xã hội luôn thoáng mở,
đã thu hút nhiều cộng đồng đến đây lập nghiệp, trong đó có cộng đồng dân tộc
Khmer. Bài viết nêu ra
quá trình hình thành cộng đồng người Khmer vùng Tây Nam Bộ, cũng như đưa ra một số nhận định về quá trình xây
dựng chính sách văn hóa đối với đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ hiện nay.
Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long)
bao gồm 13 tỉnh, thành: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu
Giang, Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành
phố Cần Thơ. Là một vùng thiên nhiên đa dạng, một đồng bằng trù phú, rộng lớn
nhất ở Việt Nam. Nơi đây, trong quá khứ lịch sử, với không gian xã hội luôn
thoáng mở, đã thu hút nhiều cộng đồng đến đây lập nghiệp, và đã từng là địa bàn
hội tụ, hòa nhập nhiều nền văn hóa Đông – Tây, kim cổ[77].
Tây Nam Bộ có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, với hơn 18 triệu dân sinh sống,
chiếm 19,8% dân số cả nước. Cùng
với các dân tộc khác, cộng đồng người Khmer ở Tây Nam Bộ có khoảng 1.201.691 người, chiếm tỷ lệ 10,66 % so với dân số chung của 9 tỉnh,
thành phố và chiếm tỷ lệ 6,93% so với dân số 13 tỉnh, thành phố. Đồng bào Khmer vùng
Tây Nam Bộ tập
trung đông ở các tỉnh như: Sóc Trăng 397.014 người, Trà Vinh có 318.288 người,
Kiên Giang 213.310 người, An Giang 91.018 người. Do có sự cộng cư
của nhiều dân tộc anh em đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa cho vùng đất này.
Trong đó, đồng bào Khmer có tỷ lệ dân số đứng thứ hai sau người Kinh, do đó, việc
nghiên cứu quá trình xây dựng chính sách văn hóa đối với đồng bào Khmer vùng
Tây Nam Bộ đang đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết.
1. QUÁ
TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER VÙNG TÂY NAM BỘ
Người Khmer có mặt ở vùng đất
Tây Nam Bộ từ rất sớm. Thời sơ sử của người Khmer ở Tây Nam Bộ vẫn
chưa được làm sáng tỏ lắm, do thiếu sự sưu tầm nghiên cứu và thiếu nhiều cứ liệu,
nhưng dẫu sao người ta cũng có thể hiểu được sự tồn tại của người Khmer Tây Nam
Bộ đã từng sống ở đây lâu đời, qua các hiện vật khảo cổ đã khai quật được ở Óc
Eo và rải rác ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện
ngôi đền cổ ở ấp Lưu Cừ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; ngôi
chùa cổ ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, Cầu Kè, Trà Vinh; Linh Sơn Tự ở xã Vọng Thê
có tượng Siva bằng đá cao 5m và hai bia có chữ viết bằng ngôn ngữ Khmer có niên
đại khoảng 1.800 năm. Các hiện vật phát hiện được ở các nơi trên bao gồm nhiều
dạng và được làm bằng sắt, đồng, đồng đen, đất sét, xương thú hoặc đá như: búa,
đục, bàn nạo, dao, đá mài, khuôn đúc, lưỡi hái, con thoi, vòng đeo tai, đồ
trang sức, mũi tên, lưỡi câu, kim, chuỗi, miễng nồi, hủ, chén có hoa văn trang
trí... Do tìm thấy những hiện vật ấy, cho nên người ta có cơ sở để nhận định về
đời sống của người Khmer thời sơ sử, là sống định cư thành từng chòm xóm rải
rác trên khắp vùng đất Tây Nam Bộ.
Có thể nói vùng đồng bằng Tây Nam Bộ xưa kia, có nhiều
kênh rạch, cù lao, rừng rậm với muỗi mòng, kiến, mọt, rắn rết, đỉa, vắt tha hồ
sinh sôi nảy nở[78]...
Trước khi người Việt và người Hoa đến khai thác, nơi đây vẫn còn là một vùng
thiên nhiên hoang sơ đầy bí ẩn, với các bộ tộc người Khmer sống rải rác tự cung
tự cấp trên những giồng đất cao bên cạnh các ngôi chùa. Khi người Việt và người
Hoa đến, cùng với người Khmer bản địa là những người đầu tiên khẩn hoang rừng rậm,
đào kênh thoát nước, vượt qua thử thách khắc nghiệt đẩy lùi thiên nhiên hoang
dã, đối phó với thú dữ, dịch bệnh... Đây là
quá trình mở rộng đất đai, xây dựng thôn ấp, phân chia địa phận và phân chiếm
ruộng đất. Chính quá trình lao động chinh phục thiên nhiên đã tạo ra sự đồng cảm
gắn bó giữa bốn tộc người Việt, Khmer, Chăm và Hoa với nhau, hình thành một
tình cảm ruột thịt, tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc
sống.
Khi nghiên cứu về vùng môi sinh của các cư dân ở
vùng Tây Nam Bộ, các nhà nghiên cứu đã chia vùng Tây Nam Bộ thành 3 vùng môi
sinh: vùng nội địa, vùng ven biển và vùng đồi núi Tây Nam. Thứ nhất, Vùng nội địa chính là vùng cư trú và khai phá đầu tiên của
những lớp cư dân Khmer di cư đến đồng bằng sông Cửu Long vào trước thế kỷ XVII,
tức là trước khi có sự xuất hiện của các lớp cư dân người Việt[79]. Những
làng Khmer ở vùng nội địa thường xây dựng trên những giồng đất mà độ cao cách mặt
đất ruộng không quá 5 mét. Trong thời gian đầu, khi khai phá ruộng lúa và lập
nên những xóm làng đầu tiên gọi là Phum. Các phum phát triển và trở thành những
Sóc. Thứ hai, vùng ven biển của người
Khmer chủ yếu là những nhóm nông dân có đời sống thấp nhất ở vùng Tây Nam Bộ.
Vùng ven biển bao gồm vùng Trà Cú (Trà Vinh), vòng qua Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà
Mau. Thứ ba, Vùng đồi núi Tây Nam bao
gồm vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Bảy Núi và các vùng dân cư dọc biên giới nước
bạn Campuchia thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Tại đây, các Phum, Sóc của
người Khmer được xây dựng trên những sườn đồi núi. Lịch sử tổ chức vùng đồi núi
Tây Nam có độ dày thời gian ít hơn vùng Khmer nội địa và vùng Khmer ven biển. Họ
là những di dân từ đất nước Campuchia đã đến sinh sống ở vùng này.
Qua nghiên cứu cũng cho thấy, lịch sử hình thành người
Khmer Tây Nam Bộ và người Khmer ở Campuchia là hai tộc người hoàn toàn khác
nhau. Tiến sĩ Lý Theam Têng, nhà sử học và văn hóa Campuchia đã khẳng định điều
đó trong quyển “Văn minh Ăngkor” xuất bản lần đầu ở Phnôm Pênh (Campuchia) vào
năm 1960, và in lại lần thứ hai vào năm 1969 dưới triều đại vua Norodom
Sihanuh. Theo sách đã dẫn thì tộc người Văhnum, Phnom hoặc Bnam (người Khmer
Tây Nam Bộ) lập ra quốc gia Núi (Phù Nam) ở đồng bằng sông Mê Kông vào những
năm 40 sau Công nguyên. Còn tộc người Khmer ở Campuchia thì lập quốc ở địa bàn
Trung Hạ Lào (Chân Lạp) cũng có cùng niên đại tương đương. Vì vậy, cả hai tộc
người này không có quan hệ huyết thống, không có cùng chung bộ tộc.
Sự phân biệt trên đây rất có ý nghĩa về mặt lý luận và
thực tiễn đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ. Vì, từ thế kỷ VII đến nay, Chân Lạp
đã chiếm đoạt toàn bộ mọi thành quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà
Vương quốc Phù Nam đã dày công xây dựng trong vòng 7 thế kỷ trước đó. Chính họ
đã đồng hóa tộc người Văhnum - chủ thể của quốc gia Phù Nam, bắt phải xưng danh
là Khmer. Cho đến bây giờ, người Khmer Tây Nam Bộ thuộc dòng dõi của tộc người
Văhnum cũng không nhận biết dân tộc mình như thế nào? Tổ tiên của mình là ai? Cứ
ngỡ rằng ông bà cha mẹ, tổ tiên mình là gốc người Khmer Campuchia, nên mình phải
gắn bó với “quê cha đất tổ”. Trong
khi đó, thái độ của một số người Khmer ở Campuchia, từ dân thường cho đến các
quan lại trong giới cầm quyền của các thời đại, kể cả vua chúa đều có định kiến,
miệt thị và xem người Khmer Tây Nam Bộ là
người “đầu gành cuối bãi, đầu Việt đít Khmer”. Vì vậy, việc nhận thức đúng sẽ
giúp cho đồng bào Khmer hiểu được cội nguồn của mình, tránh được sự ngộ nhận về
đất nước Campuchia - cho đó là Tổ quốc của mình, từ đó mà thắt chặt hơn nữa mối
tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhờ nhận thức được lịch sử hình thành dân tộc, cho
nên, dù có khác nhau về điều kiện địa lý, lịch sử và nguồn gốc chủng tộc, nhưng
bốn dân tộc anh em Việt, Khmer, Hoa và Chăm cùng cộng cư trên vùng đất này đều
có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chung sức khai phá, xây
dựng và bảo vệ quê hương. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ý thức dân tộc,
tinh thần yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng quê hương
ngày càng được củng cố và thắt chặt hơn nữa. Trong quá trình phát triển, cộng đồng
bốn dân tộc anh em, từ mối quan hệ láng giềng, hữu nghị đến mối quan hệ hôn
nhân đã hun đúc nên tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc nhau trong cơn hoạn
nạn, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, tôn trọng nhau về sinh hoạt, phong tục
tập quán và tín ngưỡng. Trải qua quá trình định cư trên vùng đất Tây Nam Bộ,
cùng chung sống với người Việt, người Chăm và người Hoa, cộng đồng người Khmer
đã có một truyền thống lịch sử hết sức phong phú, góp phần to lớn vào việc khai
phá và bảo vệ vùng đất này.
2. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG
CHÍNH SÁCH VĂN HÓA ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO KHMER VÙNG TÂY NAM BỘ
Văn hóa của mỗi dân tộc
đều có đặc trưng và những phong cách riêng để thể hiện đời sống xã hội, phong tục
tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học nghệ thuật… của dân tộc mình. Ở nước ta
hiện nay có 54 dân tộc với nhiều loại hình văn hóa đặc thù, tất cả đã cùng hòa
nguyện với nhau để kết tinh thành một nền văn hóa chung, đó là văn hóa của đại
gia đình dân tộc Việt Nam. Cũng như các dân tộc khác, trong những năm qua, nhờ
sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên đến nay, đời sống văn hóa của đồng bào
Khmer vùng Tây Nam Bộ có những chuyển biến tích cực, cả văn hóa vật thể và phi
vật thể, cả hoạt động văn hóa chuyên nghiệp và văn hóa nghiệp dư, cả loại hình
nghệ thuật mới được sáng tạo và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Hoạt động văn
hóa chiếm vị trí quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội. Hầu như bất cứ
người Khmer nào cũng đều thông thạo một loại hình nghệ thuật, hiểu biết về các
ngày lễ hội trong năm[80], văn hóa của họ là văn hóa của cư dân Phật giáo Nam tông
Tiểu thừa. Do có những đặc điểm văn hóa đặc sắc, nên từ lâu văn hóa của người
Khmer đã trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn đối với nhiều nhà khoa học,
cũng như du khách muốn khám phá vùng đất này.
Qua khảo sát thực tế
trong năm 2014, cho thấy các
địa phương đã xây dựng chính sách văn hóa đối với đồng bào Khmer có thể kể đến là:
Một là, đã thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa: Để
nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer về chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước,
các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện phong trào
toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa, nhờ vậy, nên tỷ lệ phum, sóc, hộ gia đình, chùa Khmer đạt chuẩn văn
hóa ngày càng nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Các loại hình sinh hoạt
văn hóa, các giá trị truyền thống mang bản sắc dân tộc của đồng bào Khmer tiếp
tục được bảo tồn và phát triển. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, thì chính bản
thân đồng bào và sư sãi Khmer đã nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc, cần cù sáng tạo làm phong phú thêm vốn văn hóa, nghệ thuật truyền
thống dân tộc mình[81]. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào, được thể hiện
qua sự duy tu, bảo tồn các ngôi chùa, bởi vì đối với người Khmer, ngôi chùa như
một đại gia đình của họ. Mở mắt ra chào đời đã thấy ngôi chùa cong vút niềm tự
hào và khi nhắm mắt xuôi tay họ cũng mong muốn được gửi hồn nơi cửa Phật. Đến
chùa họ không những vui với lễ hội mà còn để học văn hóa, học làm người. Do đời
sống của đồng bào dân tộc Khmer luôn gắn liền với ngôi chùa nên vai trò tuyên
truyền của các nhà sư trong thực hiện các chính sách là rất quan trọng.
Hai là, số lượng, chất lượng và nội dung văn hóa thông
tin ngày càng được nâng cao:
Bên cạnh đời sống vật chất, các hoạt động văn hóa tinh thần cũng được các địa
phương trong vùng quan tâm đầu tư, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng
có sử dụng tiếng Khmer đã được tăng cường về số lượng, thời lượng và chất lượng.
Qua khảo sát cho thấy, các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ có các đài phát chương
trình tiếng Khmer như: Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Thành phố Cần Thơ
(VTV Cần Thơ), Cơ quan Thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại Cần Thơ (VOV Cần
Thơ) đã tăng thời lượng các chương trình truyền hình, phát thanh bằng tiếng
Khmer. Ngoài các đài ở Trung ương, thì các đài truyền hình ở các địa phương
như: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… đều có chương trình phát thanh,
truyền hình bằng tiếng Khmer. Song song đó, để giúp cho đồng bào Khmer cập nhật
kiến thức và tin tức hàng ngày, cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa
thông tin của đồng bào, các địa phương cũng quan tâm đầu tư báo giấy, báo điện
tử, các cổng thông tin điện tử bằng ngôn ngữ tiếng Khmer với chất lượng, nội
dung và hình thức khá phong phú (Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang) đã góp phần rất lớn
trong việc phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước.
Ba là, khuyến khích thực hiện đa dạng các lễ hội văn
hóa: Các hoạt động văn
hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho đồng bào Khmer cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền ở
các địa phương quan tâm thực hiện. Hằng năm, các địa phương luôn tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho đồng
bào Khmer tổ chức lễ, tết theo phong tục cổ truyền, các lễ này có thể tổ chức định
kỳ và không định kỳ hằng năm, có thể khái quát một số lễ hội như:
Các lễ tổ chức định kỳ như:(1) -
Lễ cầu an: Trước tết Choolchnămthmây,
người Khmer tổ chức lễ cầu an mừng được mùa, đồng thời cầu cho phum, sóc được
bình an, vui vẻ. Lễ được tổ chức giữa phum có cây cổ thụ hoặc ở ngoài đồng ruộng.
Ban đêm mời sư sãi tụng kinh, thuyết pháp; mời các đoàn hát đến biểu diễn giúp
vui. Sáng và trưa dâng cơm đến sư sãi để cầu an, sau đó đãi khách là kết thúc.
(2) - Lễ mừng năm mới (Choolchnămthmây): Được tổ chức
khoảng giữa tháng 4 dương lịch. Kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4
ngày, tên gọi mỗi ngày tết cũng khác nhau. Ngày đầu tiên có tên gọi là Moha
Songkran (Choolchnămthmây), ngày thứ hai có tên Wanabat (Wonbơf), ngày thứ ba
có tên Tngai Laeung Saka (Lơm săk), nếu năm nhuận cũng có tên là: wonbơf. Trong
dịp tết, mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khỏe, phát đạt
và cùng nhau tham gia các trò vui chơi. Thời gian có khi kéo dài hơn tuần mới
trở lại cuộc sống thường nhật. (3) - Lễ
cúng ông bà (Đônta): Đây là lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ
đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước
cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng
đồng. Lễ hội được tổ chức trong suốt ba ngày, hàng năm, từ ngày 29 tháng tám đến
mùng 1 tháng chín âm lịch. Trong ba ngày Đônta có nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phong
tục, tập quán diễn ra đan xen với nhau. (4) - Lễ hội cúng Trăng (Okombok): Đây là lễ hội tưng bừng nhất
và được chờ đợi nhiều nhất trong năm. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem
như một vị thần điều tiết mùa màng, giúp họ làm ăn khá giả trong năm nên trong
ngày này mọi nhà đều tham gia lễ Cúng Trăng. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào dịp
rằm tháng 10 âm lịch. Thường được tổ chức tại sân chùa của mỗi phum, sóc.
Các nghi lễ không định kỳ: (1) - Lễ khánh thành: Trong
phum, sóc hoặc trong chùa, mỗi khi có công trình công cộng xây dựng xong, sư
sãi và Phật tử tổ chức lễ khánh thành
đưa vào sử dụng. Lễ
được tổ chức từ 1 đến 3 ngày tùy theo công trình lớn hay nhỏ. Vào ngày cuối,
Trưởng ban quản trị chùa công bố tiền hỷ cúng sau đó đãi khách và kết thúc lễ.
(2) - Lễ lên nhà mới: Sau khi xây cất xong nhà mới. Trong dịp
này người Khmer mời các vị sư sãi tụng kinh cầu an, chúc phúc, đãi tiệc bạn bè,
bà con chòm xóm đến chúc mừng ngôi nhà mới, tiệc
xong là kết thúc buổi
lễ. Lễ này chỉ tổ chức trong vòng một đêm và một ngày. Ngoài các nghi lễ trên,
trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ còn có các lễ theo
dòng đời người như: Lễ giáp tuổi, Lễ thành hôn, Lễ chúc thọ.v.v.
Như vậy, có thể thấy trong một
năm đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ có rất nhiều lễ hội khác nhau, các lễ hội
này đều thể hiện tính văn hóa đa dạng của đồng bào Khmer. Thời gian tổ chức lễ
hội diễn ra vào tất cả các tháng trong năm, với địa điểm tổ chức có khi là ở
chùa, ở phum, sóc và ngay cả tại nhà. Các lễ hội này đã thu hút đông đảo bà
con, sư sãi đến tham gia và cúng dường. Việc tổ chức lễ hội góp phần đáng kể vào việc bảo tồn tồn và phát huy bản sắc
văn hóa cho đồng bào Khmer.
Ngoài các hoạt động lễ
hội, thì các hoạt động văn hóa nghệ
thuật ở phum, sóc, hội thi văn nghệ quần chúng cũng được các tỉnh, thành vùng
Tây Nam Bộ quan tâm tổ chức, đặc biệt là “Ngày hội văn hóa, thể thao Khmer Nam
Bộ” đã được tổ chức lần lượt ở một số tỉnh trong vùng, với các loại hình như:
văn nghệ, triển lãm, ẩm thực, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian,... đã thu
hút đông đảo đồng bào Khmer tham gia. Có thể nói, từng loại hình nghệ thuật đã
phản ánh được những góc độ nhất định về tâm tư, tình cảm, phong tục tập quán của
người Khmer trong nhiều thế kỷ[82]. Để bảo tồn bản sắc văn hóa
dân tộc cho đồng bào Khmer, nhất là trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, có thể
kể đến tỉnh An Giang, khi địa phương này hằng năm đều tổ chức “lễ hội đua bò Bảy
Núi”, hay tỉnh Sóc Trăng lần đầu đã tổ chức thành công “Festival đua ghe Ngo”,
hay sự hoạt động có hiệu quả của Đoàn nghệ thuật “Ánh Bình Minh” ở Trà Vinh, đã
phục vụ tốt nhu cầu văn nghệ cho đồng bào Khmer trong vùng.
Bốn là, đã xây dựng mối
quan hệ đoàn kết với các tỉnh ở biên giới Campuchia: Đối với các tỉnh có biên giới
giáp với Cam-pu-chia (Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp) các
cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực
hiện tốt công tác xây dựng điểm sáng văn hóa nơi biên giới và tạo mối quan hệ hữu
nghị với chính quyền huyện, xã láng giềng của nước bạn Cam-pu-chia. Để tạo nên sự đoàn kết gắn
bó giữa hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia, các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn
đã tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các xã, huyện có chung đường
biên giới, chẳng hạn xã Mỹ Quý Tây và xã Som
Rông tổ chức cuộc thi “Phụ nữ biên giới duyên dáng”. Từ cuộc thi đáng yêu này,
hai tỉnh Long An và Svây riêng (Cam-pu-chia) đã
lựa chọn xã Mỹ Quý Tây và xã Som Rông là cặp kết nghĩa thí điểm trước khi nhân
rộng tại 10 tỉnh có đường biên giới giáp Cam-pu-chia, góp
phần làm cho tình đoàn kết, hữu nghị của đồng bào hai nước thêm gắn bó, bền chặt.
3. KẾT
LUẬN
Qua thực tế khảo sát ở các địa phương về quá trình xây
dựng chính sách văn hóa đối với đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ có thể thấy, để
phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào Khmer, đáp ứng yêu
cầu phát triển du lịch của vùng thì đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của tất cả các thành tố
trong hệ thống chính trị. Thực tiễn đã chứng minh, mỗi giai đoạn lịch sử khác
nhau, thì chính sách văn hóa đối với đồng bào Khmer đều có những nội dung, yêu
cầu khác nhau, khi chính sách phù hợp với thực tế, được đồng bào hưởng ứng thực hiện, thì hiệu quả
chính sách sẽ càng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Nguyễn
Thị Ánh – Nguyễn Thị Nghĩa (2014), Xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào Khmer
Tây Nam Bộ, Tạp chí Lý luận chính trị,
Số 7/2014, tr.68-69.
2.
Ban
Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm thông tin Sài Gòn (2005), Tây Nam Bộ tiến vào thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3.
Trần
Văn Bính (2004), Văn hóa các dân tộc Tây Nam
Bộ - Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4.
Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường
(1990), Văn hóa cư dân đồng bằng sông Cửu
Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5.
Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên) (2013), Văn hóa Khmer Nam Bộ - Nét đẹp trong bản sắc
văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6.
Trần
Hữu Hợp (2012), Cộng đồng người Việt công
giáo đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Tôn giáo.
7.
Sơn Nam (1997), Cá
tính miền Nam, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
8.
Trần
Văn Tư (2007), Đồng bằng sông Cửu Long
trên đường phát triển: Tiềm năng và Lợi thế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
TỔNG QUAN CÁC
NGHIÊN CỨU VỀ XÃ HỘI DÂN SỰ TẠI VIỆT NAM
ThS. Phan Thị Thùy
Trâm
Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Hiện
nay nghiên cứu
về xã hội dân sự có các
khuynh hướng tiếp cận khác nhau: chính trị học, triết học, luật học, xã hội học... Sự đa dạng từ các tiếp
cận này đã đem lại cho chủ đề nghiên cứu đa chiều góp
phần sâu sắc về lý
luận và thực tiễn. Về thực tiễn, nó là cơ sở khoa học vững chắc cho hoạt động
xây dựng và đổi mới bộ máy nhà nước hiện đang còn nhiều vấn đề có
thể thích ứng với những điều kiện
và phương thức sinh hoạt xã hội đã và đang có nhiều biến chuyển lớn. Về lý luận,
các thành tựu nghiên cứu này có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, xây dựng
và phổ biến các lý thuyết khoa học
về xã hội dân sự nhằm góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học
phát triển ở Việt Nam.
1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ
XÃ HỘI DÂN SỰ TẠI VIỆT NAM
Xã hội dân sự là vấn đề
được đề cập rất khá nhiều trong văn liệu ở nước ngoài. Song, ở Việt Nam vấn đề
này mới được quan tâm nghiên cứu chỉ trong khoảng một thập niên trở lại đây. Hiện
nay, thuật ngữ “xã hội dân sự” có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất.
Đã có ý kiến tranh luận về việc ở Việt Nam có hay không xã hội dân sự, hay xã hội
dân sự chỉ mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam. Vì vậy, việc nhìn lại và đánh giá
những kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực xã hội dân sự đã được công bố là có ý
nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn, góp phần củng cố các thành tựu đổi mới ở nước
ta.
Về lịch sử hình thành có
thể xem khái niệm xã hội dân sự (civil society) được bắt nguồn từ tư tưởng của
các nhà triết học Hy Lạp, La Mã từ thời cổ đại, và trở nên tương đối thịnh hành
vào thời Khai sáng (thế kỷ thứ XIX). Và từ những năm 1970-1980 nó xuất hiện một
cách mạnh mẽ trong quá trình biến đổi dân chủ ở một số nước Châu Âu và sau đó
lan rộng sang các lục địa khác. Và vì vậy, khái niệm xã hội dân sự được hiểu
nhiều cách rất khác nhau trong lịch sử tư tưởng thế giới, cũng như trong đời sống
xã hội. Những năm gần đây, khái niệm về xã hội dân sự được giới khoa học quan
tâm mạnh dạn nghiên cứu các vấn đề xã hội dân sự mới nổi lên ở Việt Nam một
cách sâu rộng, và cũng là mục tiêu trong “Đề án nghiên cứu khoa học xã hội, tổng
kết thực tiễn, xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương chính sách của Đảng
và Nhà nước” do Thủ tướng chính phủ xét duyệt và ban hành ngày 24 tháng 7 năm
2007 có đưa ra nghiên cứu định hướng nghiên cứu quan trọng về xã hội dân sự.
Trong thời gian qua, đặc biệt từ năm
2007 đến nay, tình hình nghiên cứu xã hội dân sự được chú trọng
nghiên cứu nhiều. Nội dung
nghiên cứu có liên quan đến xã hội dân sự thì rất nhiều, nó luôn gắn với khái
niệm kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, và dân chủ…
Có quan niệm xem xã hội dân sự như xã hội công dân: bao gồm tất cả các hoạt động
có tính cách tổ chức, vượt lên trên phạm vi cá nhân hoặc gia đình nhưng không nằm
trong hệ thống của chính quyền, có lúc được hiểu như là bao gồm tất cả các tổ
chức kinh doanh… Hoặc có quan niệm xem xã hội dân sự là đối tác bình đẳng của
nhà nước chứ không phải là phụ thuộc vào nhà nước. Về thực chất là tạo điều kiện
để người dân được tham gia vào việc hoạch định, thực hiện chính sách và giám
sát nhà nước, thực hiện phản biện xã hội đối với Nhà nước… Và trong công trình “Hướng đến một
khái niệm xã hội học về xã hội dân sự” của Trần
Hữu Quang, 2008, tác giả phân tích các cách hiểu khái niệm
về xã hội dân sự một cách rõ ràng hơn và dự báo sáu khuynh hướng xã hội dân sự đang diễn ra ở nước ta là: 1. Xã hội dân sự là một xã hội có những chuẩn mực tốt và ở
trình độ cao cần đạt tới; 2.
Xã hội dân sự được hiểu như là các hiệp hội và các tổ chức
xã hội;
3. Xem xã hội dân sự như là diễn
đàn, trao đổi thông tin mang tính phản biện, giám sát…; 4. Xem xã hội dân sự như là đối tác của nhà nước, nhờ vậy nhà nước mới phát
triển; 5. Xem xã hội dân sự là lĩnh vực thứ ba sau nhà nước và gia đình;
6. Xem xã hội dân sự có mối liên hệ
chặt chẽ giữa nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường.
Vì vậy, tìm hiểu những nội hàm cơ bản của nó từ khi hình thành và phát triển
trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay là một vấn đề hết sức cần thiết. Và
vấn đề xã hội dân sự được nghiên cứu ở nhiều
hướng tiếp cận khác nhau như: triết học, chính trị học, luật học; xã hội học. Các hướng tiếp cận nghiên cứu này đều có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn.
Và có thể nói ở hai hướng nghiên cứu này có những đóng góp đáng kể về mặt lý luận trong giai
đoạn hiện nay.
2.
HƯỚNG TIẾP CẬN TRIẾT HỌC, CHÍNH TRỊ HỌC, LUẬT HỌC
Hướng
tiếp cân này nhấn mạnh tới bản chất
“công dân” của nó: xã hội dân sự bao gồm các tổ chức dân sự - những tổ chức bảo
vệ quyền lợi của người dân và đảm bảo sự tham chính của họ, về nhà nước pháp
quyền, kinh tế thị trường, luật học,… Tiêu biểu có các công trình, bài viết
như: "Tìm hiểu về Nhà nước pháp quyền"
của Đào Trí Úc chủ biên, 1992; "Một
số suy nghĩ về vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta" của Nguyễn
Duy Quý, 1992; "Một số vấn đề về xã hội
công dân" của Đỗ Trung Hiếu,
2002; "Từ những đặc điểm của thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa hiện nay" của Hoàng Chí Bảo, 2002; "Một số vấn đề về nhà nước pháp quyền ở nước ta" của Nguyễn Văn Hiên, 2004; “Triết học chính trị của Montesquieu với việc xây dựng
nhà nước pháp quyền Việt Nam” của Lê Tuấn Huy, 2006; “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của Trần Hậu Thành, 2005… Tiếp cận ở phương diện triết học chính trị có bài nghiên cứu “Xã hội dân sự: Từ kinh điển Mác – Lênin đến
thực tiễn Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Thanh Tuấn, 2007… cho người đọc nắm được cơ sở lý luận trong việc vận dụng
nghiên cứu quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lê-nin về xã hội dân sự, có
tác dụng thiết thực đối với việc mô tả hiện trạng các tổ chức xã hội hiện nay ở
Việt Nam và cũng là xây dựng cơ sở lý luận nhằm giải đáp những vấn đề thực tiễn
xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay.
Theo tác giả ở Việt Nam thuật ngữ “xã hội dân sự” có xuất xứ từ kinh điển
Mác - Lênin. Trong các tác phẩm của K.Marx (1818-1883) và F.Engels (1820-1895)
thuật ngữ được dịch từ tiếng Đức, được hiểu là “xã hội dân sự” và có chỗ là “xã
hội thị dân”. Quan niệm như vậy có căn nguyên lịch sử. Cũng các nghiên cứu của các nhà triết học chính trị khác, tác giả
tiếp cận tư tưởng về xã hội dân sự từ tác phẩm Chính trị của Aristotle (384-322 Tr.CN), nhưng việc định nghĩa khái niệm này, có lẽ được thực hiện
lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XVIII, khi người ta chú thích cho cuốn sách “Kinh tế
chính trị” của ông. Đến năm 1767, nhà triết học Scotland Adam Feguson (1723-1816) lần đầu
tiên trực tiếp bàn về chủ đề xã hội dân sự trong Chuyên khảo về lịch sử xã hội dân sự, xuất bản tại Edinburgh. Từ đó có nhiều cách thức tiếp cận
về xã hội dân sự. K.Marx và nhà triết
học Đức thế kỷ thứ XIX F.Engels, bàn về xã hội dân sự trong những tác phẩm thuộc
thời kỳ đầu hình thành chủ nghĩa Mác, cụ thể là trong các tác phẩm phê phán chủ
nghĩa duy tâm của Hegel và các quan niệm duy tâm của nhà triết học Đức
Proudhon... về nhà nước, pháp luật, sở hữu. Sau này, các ông ít dùng và đi đến
chỗ không sử dụng khái niệm này.
Tác giả còn cho rằng kế thừa tư tưởng của K.Marx và F.Engels, V.I.Lênin
(1870-1924), mặc dù không sử dụng thuật ngữ xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền.
Nhưng V.I.Lê-nin cũng cho rằng, việc giải phóng nhân loại
cuối cùng, sẽ thủ tiêu những khác biệt giai cấp, và tiếp đó là bãi bỏ việc phân
chia giữa xã hội dân sự và nhà nước trong “xã hội loài người, hay loài người xã
hội hóa”, để tạo nên sự thống nhất giữa tồn tại pháp nhân và tồn tại tư nhân của
con người, nhằm phát triển toàn diện con người thông qua các cộng đồng lao động
tự do. Như vậy xã hội dân sự phát triển thì con người trong xã hội mới phát triển
toàn diện hơn. Và cái mới của tác giả nữa là đã phân tích các luận điểm của Hồ Chí Minh có
liên quan đến vấn đề xã hội dân sự. Như các quan điểm của Hồ Chí Minh về “Nước
lấy dân làm gốc”, “Nhà nước dân chủ”, “Trăm điều phải lấy thần linh pháp quyền”,
“Dân có quyền kiểm soát, giám sát và bãi miễn đại biểu Quốc hội”, “Đảng gắn bó
máu thịt với nhân dân” và là một bộ phận của xã hội, đại đoàn kết toàn dân
v.v... phản ánh nội dung cơ bản mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội
dân sự. Tuy nhiên về nguồn gốc lịch sử hình thành khái niệm tác giả chỉ mới nêu
trong một vài tác phẩm của A.Feguson, A.Smith, K.Marx, Engels, Lê-nin và Hồ Chí
Minh chứ chưa đi sâu phân tích các quan điểm và sự hình thành của xã hội dân sự.
Bài viết “Kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta” (Trần Ngọc
Hiên, 2008). Tác giả phân tích cơ sở kinh tế - xã hội hình thành mối quan hệ giữa
kinh tế thị trường với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Khác với các nền
kinh tế trước đó, kinh tế thị trường hình thành từ quá trình xã hội hóa lao động
và sản xuất gồm ba đặc trưng: Tính hiệu quả xã hội thể hiện năng suất cao và
rút ngắn thời gian lao động, là điều kiện cho con người và xã hội phát triển
ngày càng đầy đủ về mặt thể chất lẫn tinh thần; phân công lao động xã hội tiến
triển theo mỗi bước tiến bộ và cách mạng khoa học kỹ thuật từ đó nảy sinh những
người lao động vì lợi ích của họ mà liên kết, hợp tác với nhau. Do đó, các tổ
chức xã hội, các tổ chức nghề nghiệp ra đời ngày càng tăng; tính chất cạnh
tranh để tồn tại đòi hỏi sự điều chỉnh của xã hội. Tức là khi kinh tế thị trường
phát triển hơn thì các quan hệ lợi ích, quan hệ xã hội, chính trị phức tạp đòi
hỏi phải có nhà nước can thiệp. Từ cơ sở đó, tác giả đã phân tích so sánh nền
kinh tế nước ta từ trước đổi mới đến khi chuyển sang nền kinh tế thị trường làm
thay đổi căn bản về kinh tế, xã hội, chính trị. Vì vậy, xây dựng hệ thống thể
chế kinh tế thị trường - nhà nước pháp quyền
- xã hội dân sự theo định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề tất yếu, tuy
nhiên cần vận dụng sáng tạo để quản lý xã hội theo luật pháp, thúc đẩy quá
trình dân làm chủ và bình đẳng giữa các tổ chức trong xã hội dân sự.
Bài viết “Xã hội dân sự Trung Quốc:
cơ sở hình thành và môi trường chính sách” (Phùng Thị Huệ và Phạm Ngọc Thạch,
2007). Cho thấy sự gia tăng và ảnh hưởng của “Cuộc cách mạng hiệp hội toàn cầu”
đã ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, xã hội dân sự Trung Quốc dần hình thành
và có triển vọng trong tương lai. Xã hội dân sự ở Trung Quốc đang dần có một
vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, và cũng là một vấn đề thu hút giới học
thuật nước này quan tâm.
Sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự tại Trung Quốc có những
nguyên nhân trực tiếp thay đổi bên trong từ các phương diện kinh tế, chính trị
và xã hội của Trung Quốc. Phương diện kinh tế: cắt giảm vai trò quản lý vi mô,
chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường; tính hiệu quả của
lao động. Phương diện chính trị: cải cách thể chế chính trị, pháp lý căn bản để
công dân có quyền tự do lập hội, nhà nước giảm dần chức năng kinh tế và xã hội,
tăng cường chức năng quản lý hành chính. Phương diện xã hội: kinh tế thị trường
phát triển; quá trình đô thị hóa, cơ cấu xã hội cũng chịu ảnh hưởng. Trên cơ sở
đó các tác giả đã phân tích sự xuất hiện các tổ chức xã hội dân sự cùng với việc
phát triển chính sách không rõ ràng đối với các tổ chức này từ giai đoạn
1978-1989 đó là việc nới lỏng cho các hoạt động của các tổ chức công dân không
cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể với các vấn đề của chúng. Giai đoạn 2 từ
năm 1989-nay, nhiều quy định pháp luật ban hành hình thành một hệ thống khung
pháp lý để điều chỉnh các tổ chức xã hội dân sự. Chính sách này có tác dụng
tích cực với sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự: tạo cơ sở pháp lý cho
các tổ chức cá nhân, đặc biệt là các tổ chức có quy mô nhỏ; ngăn chặn các hành
vi phi pháp không phù hợp của các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời cũng tạo ra
sự bảo hộ pháp lý nhất định chống lại sự lạm dụng của chính phủ đối với các tổ
chức này. Tuy nhiên sự bất cập của chính sách đối với xã hội dân sự là việc
đăng ký hoạt động hạn chế ở cơ quan chủ quản là đơn vị đúng ra đỡ đầu và chịu
trách nhiệm về tổ chức đó; hệ thống văn bản hành pháp, không phải luật do Đại hội
đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành. Tóm lại, những thay đổi kinh tế, xã hội,
chính trị và nhu cầu của người dân đã tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển
của xã hội dân sự Trung Quốc. Tuy nhiên môi trường chính sách cho xã hội dân sự
tại Trung Quốc chưa thật sự thuận lợi. Mặc dù tác động của xã hội dân sự tới
nhà nước và xã hội vẫn còn tương đối hạn chế, nhưng rõ ràng vai trò của các tổ
chức xã hội dân sự trong đời sống chính trị, xã hội của Trung Quốc đang ngày
càng gia tăng.
Bài nghiên cứu “Một số vấn đề lý luận
về xã hội dân sự” (Võ Khánh Vinh, 2008), được xem như là một công trình nghiên cứu về xã hội dân
sự đáng quan tâm, đầy đủ tính lý luận và thực tiễn về giá trị xã hội, vai trò,
tính chất, và đặc điểm của xã hội dân sự mang lại ý nghĩa sâu sắc trong việc
nghiên cứu xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay. Theo tác giả để nghiên cứu về xã
hội dân sự cần phải có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện, rộng hơn, đầy đủ hơn,
phù hợp hơn đến xã hội dân sự cần phải nghiên cứu trên ba phương diện: Xã hội
dân sự là một hệ thống các quan hệ xã hội và thiết chế (định chế) xã hội nhiều
mức độ không phụ thuộc vào Nhà nước và có khả năng hợp tác và tác động đến Nhà
nước, đến kinh tế thị trường; Xã hội dân sự là nguồn lực, là lĩnh vực đời sống
vật chất, xã hội, văn hóa, tinh thần và chính trị của con người; Xã hội dân sự
là tổng thể, hệ thống các thiết chế xã hội phi nhà nước đa dạng, phong phú ở
nhiều mức độ.
Như vậy, có thể hiểu xã hội dân sự là một hệ thống các quan hệ và thiết chế
xã hội đa dạng, phong phú ở nhiều mức độ có mối liên hệ lẫn nhau không thông
qua (không phụ thuộc vào) Nhà nước của các cá nhân tự do và có toàn quyền tồn tại
và hoạt động trong điều kiện nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền. [Võ Khánh Vinh, 2008, tr.23]
Công trình “Quan hệ giữa nhà nước và
xã hội dân sự Việt Nam lịch sử và hiện tại” (Lê Văn Quang và Văn Đức Thanh,
2003), là công trình nghiên cứu sâu về vai trò của xã hội dân sự trong đời sống
chính trị xã hội từ lịch sử đến hiện tại. Đây là một công trình khá hay trong
việc tìm hiểu về lịch sử hình thành xã hội dân sự của Việt Nam đã có mầm mống
thời kỳ dựng nước đến nay. Theo tác giả, mọi sự nghiên cứu về lĩnh vực xã hội
không bao giờ tách khỏi dòng chảy của lịch sử. Trên cơ sở phương pháp luận biện
chứng duy vật, tác giả xem xét sự vật trong tính lịch sử cụ thể, trong tính hệ
thống với cấu trúc nhiều thành tố, và sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp,
đối chiếu. Chính vì vậy, việc lược khảo tiến trình thực hiện các chức năng xã hội-chính
trị và xã hội-dân sự của các kiểu nhà nước trong lịch sử để có cái nhìn khái
quát về các chức năng ấy theo tiêu chí của nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ
giữa nhà nước với xã hội dân sự. Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn lịch sử,
lúc đó mới có thể khẳng định nguyên tắc thống nhất các chức năng xã hội-chính
trị và xã hội-dân sự của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quan hệ với
xã hội ở nước ta. Đất nước Việt Nam theo dòng chảy của lịch sử từ thời các vua
Hùng dựng nước đến sự xuất hiện nhà nước Văn Lang, từ sự hình thành và phát triển
của các triều đại phong kiến Đại Việt, đến sự khai sinh nhà nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa và sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam của dân, do dân, vì dân ngày nay là một dòng chảy lịch sử liên tục. Các loại
hình nhà nước và xã hội dân sự đó không chỉ khác nhau về hình thức mà còn khác
nhau về nội dung bản chất, về cấp độ hoàn thiện trong toàn bộ tiến trình phát
triển của đời sống xã hội Việt Nam, song đó là tiến trình phát triển của sự kế
thừa hợp quy luật. Việt Nam có truyền thống luôn giữ vững và bảo đảm vị trí,
vai trò của một Nhà nước mạnh đồng thời duy trì sự tự quản của làng xã. Ngày
nay cần phải phát huy truyền thống này, để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình củng cố nhà nước và hệ thống pháp luật,
sự thống nhất các chức năng xã hội-chính trị và xã hội-dân sự của Nhà nước xã hội
chủ nghĩa biểu hiện tập trung ở chỗ: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật
trên cơ sở mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong
mọi phương diện của đời sống xã hội, đặc biệt là dân chủ trực tiếp. Đặc trưng
cơ bản của sự điều tiết xã hội bằng pháp luật là tính cưỡng chế cao, đó là
phương thức rất quan trọng để giữ vững định hướng chính trị, bảo đảm môi trường
chính trị ổn định cho các quan hệ dân sự, góp phần rất quan trọng trong việc
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước
ta.
Bài nghiên
cứu tiêu biểu cuối cùng chúng tôi chọn
giới thiệu trong chủ đề này là “Xã hội
dân sự là gì và không là gì” (Larry Diamond do Lâm Yến, Khải Minh dịch đăng trên Tạp
chí Kinh tế số 2, 2006). Đây là một công trình tổng hợp các khái niệm dựa trên các báo cáo hội thảo
liên quan đến xã hội dân sự các nước trên thế giới, do đó đã cung cấp cho người
đọc những thông tin tổng thể hiện nay về khái niệm xã hội dân sự và tính chuẩn
xác của nó trong việc hiểu khái niệm về xã hội dân sự, cùng với các chức năng
dân chủ của xã hội dân sự gắn liền với nhà nước pháp quyền. Trong phạm vi mối
quan hệ với nhà nước, nhằm củng cố dân chủ, xã hội dân sự có những chức năng cơ
bản như sau: (1) Xã hội dân sự cung cấp cơ sở cho việc giới hạn quyền lực nhà
nước bởi xã hội. (2) Khuyến khích tham gia chính trị. (3) Tạo điều kiện cho sự
hình thành và phát triển sự khoan dung, ôn hòa, nhượng bộ và tôn trọng quan điểm
khác biệt. (4) Tạo kênh nhằm tập hợp, biểu đạt và đại diện lợi ích bên ngoài
các đảng phái chính trị. (5) Xã hội dân sự đa nguyên, sinh động làm dịu bớt những
xung đột chính trị gay gắt, tạo những “lát cắt” mới ngang qua các lằn ranh giai
cấp, tôn giáo…(6) Giám sát bầu cử nhưng mang tính chất phi đảng phái. (7) Lan
truyền thông tin nhanh chóng và rộng rãi giúp dân sự nhận biết và theo đuổi các
lợi ích. (8) Cải cách kinh tế sâu rộng cần có sự ủng hộ trên cơ sở được thông
tin đầy đủ. Với nội dung này, xã hội dân sự có tác động tích cực vì nó có chức
năng thông tin và phổ biến các tư tưởng cải cách mới. (9) Sự đa dạng của các tổ
chức trong xã hội dân sự giúp tuyển lựa và đào tạo lãnh tụ chính trị đa tiềm
năng. (10) Đây là chức năng xuất phát từ sự thành công của những chức năng trên.
Chức năng này nâng cao hiệu quả của nhà nước, tính tích cực của dân sự và tạo sức
mạnh tổng hợp để phát triển bền vững.
Đặc biệt ở công trình này tác giả đã đi sâu phân tích sự phát triển xã hội
dân sự toàn cầu cũng cần có những chức năng khác như: giáo dục hành vi tập thể;
tạo cơ chế phản ánh lợi ích, có tiếng nói; tạo cơ chế tranh luận rộng rãi; nâng
cao tính minh bạch của sự quản trị toàn cầu; nâng cao trách nhiệm công; xã hội
dân sự toàn cầu có thể nâng cao dân chủ trong các quốc gia. Như vậy, vai trò cơ
bản của xã hội dân sự trong mối quan hệ với nhà nước tập trung trong quá trình
thúc đẩy dân chủ hóa.
Bên cạnh những giá trị tác động tích cực như trên, xã hội dân sự cũng có những
tác động tiêu cực khi những điều kiện cho một xã hội dân sự không được thỏa
mãn. Ví dụ, khả năng độc lập của xã hội dân sự, đặc biệt trong điều kiện mức
độ độc lập với nhà nước quá thấp; không có khả năng tự chủ về tài chính;
xu hướng cực đoan, bạo lực trong các tổ chức của xã hội dân sự; mức độ thể chế
hóa thấp và “quá hiếu động”…
Xuất phát từ quan điểm thực tế, bàn về xã hội dân sự hiện nay có một vấn đề
gây tranh cãi khá nhiều là tính chất mối quan hệ giữa xã hội dân sự với nhà nước.
Nhiều quan điểm đặt ra rằng xã hội dân sự đối lập với nhà nước trong khi có
quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa xã hội dân sự và nhà nước phải mang tính
hòa thuận. Thực ra, việc xã hội dân sự đối lập hay đồng thuận với nhà nước tùy
theo từng điều kiện kinh tế, lịch sử, văn hóa… nhất định. Ví dụ, trong một xã hội
mà ở đó nhà nước bao trùm và không chế mọi mặt đời sống xã hội, xã hội dân sự
non trẻ và bị nhà nước kìm hãm, chúng ta khó có thể thấy sự hợp tác hòa thuận,
bình đẳng ở đây. Ngược lại, trong xã hội khác, nhà nước dân chủ, xã hội dân sự
lành mạnh, việc đối đầu giữa xã hội dân sự và nhà nước là không thể và không cần
thiết. Về mặt truyền thống chính trị - pháp lý, một nhà nước vốn có thái độ “ác
cảm” với xã hội dân sự và xã hội dân sự đang hình thành mang truyền thống phản
kháng với nhà nước, mối quan hệ bình đẳng, hòa thuận hợp tác khó có thể tồn tại.
3.
HƯỚNG TIẾP CẬN XÃ HỘI HỌC
Hướng
này xã hội dân sự được nhấn mạnh ở bản
chất “trung gian” của nó: khu vực trung gian giữa nhà nước và thị trường. Có
các công trình tiêu biểu “Vị trí, vai trò
các hiệp hội quần chúng ở nước ta” của
Nguyễn Khắc Mai, 1996; “Xã hội dân sự: khái niệm và các vấn đề”của Bùi Quang Dũng, 2007; “Vai trò của xã hội dân sự trong quản lý môi trường đô thị” của
René Parenteau và Nguyễn Quốc Thông, 2006;
“Tính đặc thù của xã hội dân sự các tổ nhóm thuộc hội nông dân Việt Nam” của Chu Dũng; “Xã
hội dân sự đang hình thành một cách tự phát và góp phần xây dựng đất nước từ
góc độ xã hội” của Nguyễn Thị Oanh… được phát biểu trong hội nghị đề tài cấp
bộ 2008. Toàn bộ các công trình ở hướng nghiên cứu này mang tính thực tiễn nhiều
hơn và có những luận cứ số liệu cụ thể. Từ các kết quả điều tra các tác giả đã
phân tích đưa ra những phương hướng, giải pháp đổi mới đời sống kinh tế - xã hội
một cách phù hợp.
Ở góc độ này công trình “Vai trò của
xã hội dân sự trong quản lý môi trường đô thị” (René Parenteau và Nguyễn Quốc
Thông, 2006), xuất phát từ lý thuyết được xây dựng theo khái niệm điều hành.
Thuật ngữ điều hành chỉ một bối cảnh chính trị xã hội trong đó có mối quan hệ
giữa chính quyền và xã hội dân sự, theo quan điểm tăng cường năng lực của địa
phương để thực hiện phân cấp quản lý. Xã hội dân sự bao gồm khu vực tư nhân,
nhưng trong chiến lược chính trị hiện nay, chủ yếu là các tổ chức cộng đồng ở
cơ sở. Bắt nguồn từ lý thuyết trên công trình đã làm rõ khái niệm xã hội dân sự
và quá trình phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam trong lĩnh vực quản lý môi
trường đô thị qua các thời kỳ từ Trung đại đến sau 1986 nhằm phát huy vai trò của
xã hội dân sự Việt Nam trong quản lý môi trường đô thị thông qua các hồ sơ môi
trường cụ thể, để đánh giá thống nhất và bất đồng giữa các tổ chức cơ sở xã hội
của Việt Nam (UBND, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức quần chúng) và các cơ quan mà
chúng ta thường gọi là tổ chức phi chính phủ. Các hồ sơ này minh họa cho ba loại
hoạt động của xã hội dân sự tham gia hoạt động quản lý môi truờng đô thị: lập kế
hoạch và quản lý môi trường đô thị, cung cấp các dịch vụ môi trường đô thị và
quản lý các xung đột trong giải quyết vấn đề môi trường.
Công trình “Các tổ chức xã hội Việt
Nam: một nghiên cứu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” (Bùi Thế Cường, Nguyễn Quang Vinh, 2001), đã định nghĩa các tổ chức xã hội là những tổ chức không
phải nhà nước và không định hướng vào lợi nhuận hay kinh tế. Các tổ chức xã hội
được phân thành 3 nhóm: “Đoàn thể quần chúng”, “Hội nghề nghiệp”, “Tổ chức định
hướng lĩnh vực”. Trong quá trình khảo sát so với Hội nghề nghiệp ở Hồ Chí Minh
thì Hội nghề nghiệp Hà Nội ít chịu sự giám sát và chỉ đạo của cơ quan chủ quản
nhưng cơ quan chính quyền thì không ủng hộ một số kế hoạch của họ. Về vấn đề quan
hệ các cơ quan chính quyền với các tỉnh lân cận thì các tổ chức xã hội ở Hồ Chí
Minh chỉ có 5% quan hệ với cấp địa phương, trong khi đó các tổ chức xã hội ở hà
Nội thì có đến 50,4% quan hệ cấp toàn quốc gia. Về vai trò của các công tác xã
hội thì cơ bản ở Hồ Chí Minh và Hà Nội xem như là người phối hợp; người thực hiện; người
trung gian; mạng lưới; đối tác; và riêng ở Hà Nội thêm một vai trò nữa là sự
cách tân, đổi mới (tìm thêm các biện pháp khác thay thế giải quyết vấn đề)… Và
một vấn đề nữa là các tổ chức xã hội ở Hà Nội tham gia việc hình thành và thực
hiện chính sách nhiều hơn Hồ Chí Minh, trong khi đó các tổ chức xã hội ở Hồ Chí
Minh chỉ tham gia các tổ chức định hướng lĩnh vực nhỏ trong đời sống xã hội.
Trong quá trình nghiên cứu, các tác
giả đã nghiên cứu trường hợp cụ thể các tổ chức xã hội đang diễn ra ở Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh cho thấy dù ở nhóm nào thì nhà nước cũng tạo điều kiện để
các nhóm tổ chức xã hội góp phần phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa hiện
nay ở Việt Nam Và với quan niệm như trên nhóm tác giả gần như đã vẽ lên được một
mảng bức tranh về xã hội dân sự thích ứng với những biến đổi xã hội hiện nay ở
Việt Nam dù các tác giả không sử dụng trực tiếp khái niệm hoặc tên gọi là tổ chức
xã hội dân sự.
Công trình nghiên cứu “Khoả lấp sự
khác biệt: xã hội dân sự mới nổi lên tại Việt Nam (CSI-SNV-UNDP do Irene
Norlund chủ biên, 2007). Là báo cáo tổng kết hoạt động của một dự án khá lớn nhằm
tìm hiểu hiện trạng của xã hội dân sự ở Việt Nam, đánh giá các điểm mạnh và yếu
của xã hội dân sự và đề ra một số lĩnh vực ưu tiên cho chính sách và hành động.
Công trình nghiên cứu đánh giá bốn bình diện quan trọng của xã hội dân sự nhằm
tạo ra một viễn cảnh rộng rãi và rõ ràng về xã hội dân sự: cấu trúc của và
trong nội bộ xã hội dân sự (như số lượng hội viên, mức độ đóng góp và tình nguyện,
số lượng và đặc điểm của các tổ chức chủ quản và cơ sở hạ tầng, nguồn tài chính
và nhân lực của xã hội dân sự); môi trường kinh tế - xã hội đối với xã hội dân
sự, môi trường bên ngoài mà trong đó xã hội dân sự tồn tại và hoạt động (như
khuôn khổ pháp luật, chính trị, văn hóa và kinh tế, mối quan hệ giữa xã hội dân
sự và Nhà nước cũng như khu vực tư nhân); các giá trị của xã hội dân sự, Các
giá trị được thực hiện và thúc đẩy bên trong diễn đàn xã hội dân sự (như tính
dân chủ, khoan dung, hoặc bảo vệ môi trường); tác động của các hoạt động do các
thành viên Xã hội dân sự thực hiện (như tác động chính sách nhà nước, quyền của
con người, thỏa mãn các nhu cầu xã hội).
Đây là một công trình đánh giá ban đầu về xã hội dân sự tại Việt Nam, xã hội
dân sự ở Việt Nam là một khái niệm khá mới mẻ và khái niệm này còn mang tính
tiêu cực, có tính chất “nhạy cảm”, không nên và không được bàn luận một cách
quá cởi mở. Tuy nhiên, khi Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế và bắt đầu tham
gia vào quá trình hội nhập, sự hình thành và những ảnh hưởng của xã hội dân sự
quốc gia và quốc tế đã ngày càng rõ nét hơn. Ví dụ, các NGO quốc tế hoạt động tại
Việt Nam tăng từ 30 trong những năm 90 đến 400 năm 1999 và 540 đến giữa năm
2000. Các tổ chức này đã đóng góp nhất định cho sự phát triển bền vững của Việt
Nam và có sự hỗ trợ nhất định cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước. Cho đến
nay, xã hội dân sự Việt Nam về cơ cấu được đánh giá là khá đa dạng và sự tham
gia rất rộng lớn. Tuy nhiên, Báo cáo này cũng đánh giá chung là: “xã hội dân sự
tại Việt Nam được coi là ở cấp độ trung bình thấp” và “thấp nhất ở lĩnh vực tác
động” tức là những tác động trong đời sống của xã hội dân sự ở Việt
Nam còn rất thấp. Đây chỉ là những đánh giá ban đầu về xã hội dân sự
nhưng nó lại là một trong những đánh giá đầu tiên được quan tâm thực hiện ở Việt
Nam. Dự án này không chỉ có ý nghĩa nghiên cứu để thúc đẩy hành động thực tiễn
mà còn đóng góp vào việc thúc đẩy nghiên cứu lý thuyết về xã hội dân sự, thực
nghiệm mô hình đo lường sức sống của xã hội dân sự qua một hệ thống chỉ tiêu,
có thể so sánh quốc tế. Tuy nhiên, một cách khái quát là xã hội dân sự Việt Nam
phát triển khá mạnh theo chiều rộng, đặc biệt từ khi nước ta tiến hành đổi mới,
song về chiều sâu, nhất là việc tham gia vào hoạch định và thực hiện, giám sát
việc thực hiện các chính sách còn hạn chế.
4. KẾT LUẬN
Qua việc tìm hiểu những công trình nghiên cứu về xã hội dân sự ở Việt Nam
chúng tôi nhận thấy tình hình nghiên cứu xã hội dân sự ở Việt Nam đã đạt được
những thành tựu nhất định về lý luận, góp phần nâng cao nhận thức chính trị của
xã hội và xác lập những cơ sở lý luận cho hoạt động đổi mới Việt Nam nói chung
và đổi mới chính trị nói riêng.
Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X
của Đảng phản ánh nhận thức lý luận của chúng ta về xã hội dân sự còn bất cập,
yếu kém. Vì thế cần tiếp tục nhận thức về khái niệm, đặc điểm, vai trò của xã hội
dân sự trong mối quan hệ với gia đình, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
- Nhận thức lại, vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác
về xã hội dân sự, có chú ý kế thừa tư tưởng truyền thống dân tộc về tự quản và
tham khảo quan điểm tiến bộ của nhân loại, về xã hội dân sự.
- Nhận thức vận dụng, phát triển sáng tạo kinh nghiệm và không lặp lại bài
học thất bại khi xây dựng xã hội dân sự của một số nước trong quá trình chuyển
sang kinh tế thị trường.
Sự đa dạng cách tiếp cận này đã đem lại cho chủ đề nghiên cứu đa chiều, góp
phần làm sâu sắc hơn những nội dung của nó. Kết quả này, theo chúng tôi, có ích
lợi trên hai phương diện cả về mặt thực tiễn và mặt lý luận. Về mặt thực tiễn,
nó sẽ là cơ sở khoa học vững chắc cho hoạt động xây dựng và đổi mới bộ máy nhà
nước hiện đang còn nhiều bất cập của chúng ta để nó có thể thích ứng với những
điều điện và phương thức sinh hoạt xã hội đã và đang có nhiều biến chuyển lớn.
Về mặt lý luận, các thành tựu nghiên cứu này có vai trò quan trọng trong việc
giới thiệu, xây dựng và phổ biến các lý thuyết khoa học nhằm góp phần nâng cao
chất lượng nghiên cứu khoa học phát triển ở Việt Nam nói chung.
Mặc dù các công trình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến xã hội dân sự
của các tác giả Việt Nam đã phân tích rõ lĩnh vực nghiên cứu về xã hội dân sự ở
nhiều khía cạnh, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học, xã hội học, pháp luật,
sử học… nhưng chưa nổi bật do các công trình chủ yếu luận giải hiện trạng, chứ
chưa đi sâu vào nội dung nghiên cứu chuyên biệt của của xã hội dân sự.
Vậy, vấn đề này rất cần thiết và rất quan trọng trong việc nghiên cứu xã hội
dân sự ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Không có xã hội dân sự phát triển,
chúng ta sẽ khó lòng thực hiện và phát huy dân chủ của người dân trực tiếp và từ
dưới lên theo đường hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trên đây chỉ mới điểm qua một số công trình nghiên cứu về
xã hội dân sự, sẽ
là dịp tốt để mở rộng, hệ thống hóa đào sâu và đánh giá đầy đủ hơn về nguồn văn
liệu quan trọng này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thế Cường, Nguyễn Quang Vinh, (2001), Các tổ chức
xã hội Việt Nam: Một nghiên cứu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả ban
đầu của một khảo sát xã hội,
Viện Xã hội học, Hà Nội.
2. Larry Diamond, (2007), Xã hội dân
sự là gì và không là gì. (Lâm Yến, Khải Minh dịch từ Nguồn: Larry Diamond and
Marc F. Platter: “The Global Resurgence of Democracy”; Second Edition (The John
Hopkins University Press, 1996).
3. Trần Ngọc Hiên, (2008), Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta, Tạp
chí Cộng sản, [Số 5 (787)], tr 50-55.
4. Phùng Thị Huệ và Đinh Ngọc Thạch, (2007). Xã hội dân sự
Trung Quốc: cơ sở hình thành và môi trường chính sách, Tạp chí triết học, [Số 7(194)], tr 25-36.
5. Irene Norlund, Đặng Ngọc Dinh và đồng
sự, (2007), Khoả lấp sự khác biệt: xã hội dân sự mới nổi lên tại Việt Nam. http://www.civicus.org/new/media/CSI_Vietnam_report%20.pdf (20/11/2007).
6. René Parenteau,
Nguyễn Quốc Thông, (2006), Vai trò của xã
hội công dân trong quản lý môi trường đô thị. In trong cuốn Đô thị Việt Nam trong thời kỳ quá độ,
Nguyễn Thị Thiềng (chủ biên). Hà Nội: Nxb.Thế giới. IMV, PADDI.
7. Trần Hữu Quang, (2008), Hướng đến một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự. Một phần trong đề tài nghiên cứu cấp bộ "Tính phổ biến và tính đặc thù của xã hội dân sự" của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam do Bùi Quang Dũng làm chủ nhiệm.
8. Lê Văn Quang, Văn Đức Thanh, (2003), Quan hệ giữa Nhà nước
và xã hội dân sự Việt Nam – Lịch sử và hiện tại. Hà Nội:
Nxb. Chính trị Quốc gia.
9. Võ Khánh Vinh, (2008), Một
số vấn đề lý luận về xã hội dân sự. Tạp chí Khoa học xã hội,
[Số 04 (116)], tr 25-35.
TÂY NAM BỘ TRƯỚC SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ GIẢI PHÁP
ỨNG PHÓ
ThS. Dương Thị Ngọc Thu
Học viện Chính trị
khu vực IV
Tây Nam Bộ (đồng bằng
sông Cửu Long) là vùng đất trù phú, là vựa lúa của cả nước. Hàng năm nơi đây
đóng góp 27% GDP, 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy
sản của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này đang bị ảnh hưởng mạnh do thay đổi bất
thường của các điều kiện khí hậu tự nhiên như: hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn,
xói lở bờ biển, nước biển dâng và những tác động khác của biến đổi khí hậu
(BĐKH) đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân nơi đây. Trước
tình hình đó việc nâng cao ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai các biện
pháp ứng phó tại vùng này là vấn đề cấp thiết cần sự vào cuộc của các cấp bộ,
ngành và chính quyền địa phương.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tây Nam Bộ gồm 12 tỉnh, thành và một thành phố trực
thuộc Trung ương. Diện tích đất tự nhiên gần 4 triệu ha. Môi trường tự nhiên ở
khu vực này phong phú và đa dạng, có đồng bằng, có núi, có rừng, có biển, có đảo,
có nhiều sông lớn với hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên nguồn lực dồi dào về
lương thực và thực phẩm. Trung bình mỗi năm nơi đây làm ra hơn 90% lượng gạo xuất
khẩu, 65% lượng thủy sản và 75% lượng trái cây của cả nước.[83]
Nhưng hiện nay vùng này đang chịu sự tác động của biến đổi khí hậu làm suy giảm
và đe dọa đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và nuôi trồng thủy hải sản,
đến cơ sở hạ tầng, đường xá, công trình công cộng, đến sinh kế và đời sống của
người dân,…
Theo kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường
(MONRE) năm 2012, đến cuối thế kỉ XXI, khi mực nước biển có thể dâng cao thêm từ
75cm đến 100cm, ước tính khoảng 40% diện tích trồng trọt của Tây Nam Bộ, 70% diện
tích đất trồng lúa của vùng bị ngập mặn, tương ứng khoảng 2 triệu ha trồng lúa,
nhiều tỉnh thành sẽ bị ngập chìm trong nước biển như Bến Tre (trên 50% diện
tích), Long An gần (50%) Trà Vinh (46%), Sóc Trăng (44%), Vĩnh Long (40%)… và
khoảng 35 % tổng số dân của vùng bị tác động bởi ngập lụt thường xuyên gây ảnh
hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Như vậy, Tây Nam Bộ là
trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu bởi vì đồng bằng này có nhiều yếu tố dễ
bị tổn thương. Do đó bảo vệ Tây Nam Bộ chính là bảo vệ vựa lúa lớn của cả nước
nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Vì vậy, cần huy động cả nội lực và
ngoại lực để ứng phó là quan điểm nhất quán.
2. NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA VÙNG TÂY NAM
BỘ
Tây Nam Bộ là một vùng châu thổ có địa hình thấp và phẳng
– cao độ trung bình với mực nước biển chỉ vào khoảng 1,0 – 1,8m. Vì thế, vùng
này được xem là một trong những điểm nóng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Những
tác động của biến đổi khí hậu ngày càng được biểu hiện rõ nét như: nhiệt độ
thay đổi thất thường không diễn ra theo bất kỳ quy luật nhất định, có xu hướng
khắc nghiệt hơn như “nóng thì càng nóng hơn và lạnh thì càng lạnh hơn”. Mùa lũ
cũng trễ hơn so với trước, đỉnh lũ thường xuất hiện muộn. Tình trạng mưa kéo
dài, lũ về đạt đỉnh muộn thường trùng vào lúc triều cường hàng tháng khiến cho
vùng hạ lưu nhiều nơi bị ngập. Số lần lũ xuất hiện ngày càng nhiều, biến động về
lũ ngày càng lớn hơn. Trong 50 năm qua, trung bình mỗi năm nước biển dâng lên
3mm. Những năm gần đây mùa mưu đến muộn hơn (bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5)
khoảng 10-15 ngày và kết thúc sớm hơn (cuối tháng 10). Tình hình thời tiết ngày
càng diễn biến phức tạp. Các đợt nắng nóng, các đợt rét, lốc xoáy có sự thay đổi
và tăng lên đã tác động ngày càng rõ rệt đến sản xuất và đời sống của người dân
trong vùng. Nắng nóng gay gắt trong mùa khô, mùa mưa có lượng mưa tương đối nhiều,
thường xuyên xảy ra lốc xoáy, giông, sét, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và ảnh
hưởng lớn hơn. Sự xâm thực, xói mòn bờ biển, bờ sông xảy ra với số lần, số địa
điểm ngày càng nhiều hơn, cường độ ngày càng cao khiến biển lấn sâu vào đất liền
đến vài trăm mét mỗi lần như: Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau,…
Về triều cường và xâm nhập mặn: ngành khí tượng thủy
văn các tỉnh Tây Nam Bộ cho biết: trong các đợt triều cường từ cuối năm 2008 đến
đầu năm 2009 đã làm cho vùng ngoài đê bao 8 tỉnh, thành vùng lũ gồm: An Giang,
Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ bị ngập.
Ngoài ra, triều cường làm nuớc sông dâng cao đã làm đã làm hàng trăm km đường
nông thôn bị ngập sâu từ 10-30 cm, hàng trăm nhà dân chưa kịp tôn nền cũng bị
ngập. Nước ngập xảy ra trong mùa khô gây trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt của
người dân ngoài vùng đê bao. Viện khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, vào các
tháng mùa khô, nước mặn từ 6 cửa sông hệ thống sông Mê kông xâm nhập vào nội địa
vùng ĐBSCL tới 70 km. Kiên Giang và Cà Mau được đánh giá là một trong những tỉnh
chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 80% diện tích Cà Mau có nguy cơ chìm trong nước,
toàn tỉnh có gần 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, tuyến đê biển
bị xuống cấp gây nên tình trạng xâm mặn nghiêm trọng. Kiên Giang là tỉnh nằm cuối
nguồn của sông Mê Kông, nơi đổ nước ra biển nhưng là đầu nguồn của triều biển
Tây (Vịnh Thái Lan) nên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là hiện
tượng nước biển dâng, lũ lụt hàng năm. Nếu nước biển dâng khoảng 85 - 105 cm
thì phần lớn tỉnh Kiên Giang sẽ chìm trong nước.[84]
Trên địa bà Cà Mau, nước mặn từ sông Ông Đốc đã xâm nhập sâu 65 km. Nước mặn từ
sông Cái Lớn cũng xâm nhập sâu 65 km đến xã Vị Thanh. Gần đây sự xâm nhập mặn
vào các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ đã gây thiệt hại cho sản xuất và
đời sống của người dân nơi đây. Đặc biệt là tỉnh Hậu Giang theo nhận định của
Chi cục Thủy lợi của tỉnh, tháng 7 năm 2015 lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua,
mặc dù vào giữa mùa mưa nhưng địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lại bị ảnh
hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn.[85]
Trong vài chục năm tới khi nước biển dâng cao, Tây Nam
Bộ sẽ phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và tình trạng ngập lũ hạ lưu
sông Mê kông với quy mô lớn. Nơi đây là vựa lúa lớn của cả nước có thế mạnh về
nuôi trồng thủy sản nên lĩnh vực này sẽ chịu tác động mạnh khi quá trình xâm nhập
mặn làm thay đổi môi trường đất và nguồn nước. Hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng
sẽ chịu tác động xấu do nước biển dâng cao.
Hình 1. Chuỗi
nguyên nhân – hậu quả của biến đổi khí hậu vùng Tây Nam Bộ
Nguồn: Diễn đàn bảo tồn Thiên nhiên và văn hóa vì sự
phát triển Bền vững vùng Tây Nam Bộ lần thứ 6
3. TÁC ĐỘNG (ẢNH HƯỞNG) CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở TÂY NAM
BỘ
- Tác động đến
nông nghiệp
Nông nghiệp là lợi thế phát triển của vùng Tây Nam Bộ
với 3 sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Thế nhưng, nông nghiệp
của vùng đang đứng trước nhiều khó khăn và thử thách do những tác động của
BĐKH. Theo những nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhiều tổ chức trong và
ngoài nước, hiện tượng BĐKH sẽ ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn và sẽ tác động
tiêu cực hơn đến nông nghiệp vùng này trong tương lại. Diện tích canh tác nông
nghiệp như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp. Năng suất
và sản lượng nông phẩm sẽ bị suy giảm. Điều này có thể đe dọa đến an ninh lương
thực quốc gia và lương thực xuất khẩu.
Sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng
có vị trí rất quan trọng của các tỉnh trong vùng. Dựa theo bản đồ ngập của tỉnh
Cà Mau thì hiện nay có đến 89.031,47 ha/169.019 ha đất nông nghiệp trên toàn tỉnh
bị ngập chiếm 52,67% đất nông nghiệp bị ngập. Theo kịch bản B2 đến năm 2020, diện
tích ngập chiếm đến 65,02%. Diện tích này tiếp tục gia tăng cho đến năm 2050,
chiếm 72,54% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời gian ngập lụt
có xu hướng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ như khu vực vùng trũng tứ
giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười sẽ giảm năng suất đáng kể vì không còn vụ 3.
Giá trị nông sản thu hoạch và lợi nhuận sẽ bị giảm sút. Diện tích đất nông nghiệp
bị ngập lụt tiếp tục gia tăng. Theo kịch bản nước biển dâng 1m, diện tích ngập
của vùng lên đến 0,5-1 triệu ha, trong đó có những khu vực ngập lụt gieo trồng
2-3 vụ/năm.
Bảng 1. Tổng hợp diện tích đất bị ngập tại khu vực
ĐBSCL
Tỉnh/thành |
Tổng diện tích (km2) |
Diện tích bị ngập |
% Diện tích bị ngập |
Bến
Tre |
2.257 |
1.131 |
50,1 |
Long
An |
4.433 |
2.169 |
49,4 |
Trà
Vinh |
2.234 |
1.021 |
45,7 |
Sóc
Trăng |
3.259 |
1.425 |
43,7 |
Vĩnh
Long |
1.508 |
606 |
39,7 |
Bạc Liêu |
2.475 |
962 |
38,9 |
Tiền
Giang |
2.397 |
783 |
32,7 |
Kiên
Giang |
6.224 |
1.757 |
28,2 |
Cần
Thơ |
3.062 |
758 |
24,7 |
Tổng
cộng |
27.854 |
10.612 |
41,288 |
Nguồn: Giáo dục
với ứng phó biến đổi khí hậu, năm 2013
Một số khu vực trồng lúa truyền thống ở các vùng ven
biển, vùng, vùng cửa sông sẽ giảm sút sản lượng do ngập mặn, triều cường xâm nhập
sâu, hạn hán vào cuối mùa khô vì phụ thuộc vào điều kiện cấp và thoát nước cho
sản xuất. Theo tính toán sơ bộ cho thấy, sản lượng lương thực của vùng sẽ giảm
khoảng 3,6 - 5,7 triệu tấn lương thực nếu diện tích lúa canh tác giảm 0,5 - 1
triệu ha theo kịch bản nước biển dâng 1m.[86]
Điều này cũng xảy ra tương tự đối với nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và
nước ngọt.
Theo các chuyên gia dự báo về mức độ ảnh hưởng của
BĐKH trong tương lai, nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C sẽ làm giảm 10% năng suất
lúa, giảm 5 - 20% năng suất các loại cây họ đậu. Còn nếu nước biển dâng cao
thêm 1 m thì sẽ có 70% diện tích lúa ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, tức là sẽ mất đi khoảng
1,5 - 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước biển.
Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán làm tăng áp lực dịch hại
trên cây trồng; mật số sâu bệnh tăng cao, thậm chí có thể phát sinh một số loại
sâu bệnh mới gây hại trong sản xuất cũng như trong quá trình bảo quản, sơ chế.
Các tỉnh ven biển như: Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là những tỉnh chịu
tác động lớn nhất của BĐKH.
+ Tác động đến
ngành trồng trọt
Theo xu thế BĐKH như hiện nay, khi nhiệt độ tăng, mưa
lớn sẽ tạo nên môi trường nóng ẩm, đây là điều kiện thích hợp cho rầy nâu, rầy
lưng trắng phát triển. Sự gia tăng nhiệt độ và lượng mưa cũng chính là điều kiện
thuận lợi để dịch bệnh phát triển và xuất hiện nhiều chủng loại gây hại rất khó
lường. Bên cạnh đó, còn phát sinh một số chủng loại sâu mới trên cây trồng gây
hại cho sản xuất và bảo quản nông sản, thực phẩm. Ngoài ra sự phát triển và
tăng trưởng các sinh vật gây hại dẫn đến nguy cơ lan rộng thành dịch gây hại lớn.
Tiêu biểu như tình hình dịch rầy nâu, vàng lùn, vàng xoắn lá làm ảnh hưởng đến
khả năng thâm canh tăng vụ và làm giảm sản lượng cây trồng tại nhiều địa
phương. Tình hình sâu bệnh sẽ làm cho chi phí tăng cao và giảm thu nhập của người
nông dân, gây ảnh hưởng đến quá trình quá trình phát triển kinh tế - xã hội của
cả vùng.
Theo báo cáo của các tỉnh, khảo sát mực nước biển của
ngành chức năng cho thấy triều cường trong các năm từ năm 2007 đến 2010 thường
đều tăng lên. Sự xâm nhập mặn cũng tác động không nhỏ đến năng xuất cây trồng.
Ví dụ như Tỉnh Hậu Giang của tháng 8 năm 2015 hiện nay, nhiều loại cây trồng
như: cam, quýt, bưởi, chôm chôm hư hại rất nhiều.
+ Tác động đến
ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản
Ngành nuôi trồng thủy sản phát triển của vùng Tây Nam
Bộ bao gồm: nuôi thủy sản nước lợ mặn, nuôi thủy sản nước ngọt. Trong thời gian
qua do những yếu tố bất thường của thời tiết, chủ yếu là thời tiết nắng nóng
kéo dài, diễn biến thời tiết bất thường làm biến động các yếu tố môi trường gây
ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, thiệt hại đến ngành nuôi trồng tại một số tỉnh
thuộc ĐBSCL trong thời gian qua cũng rất lớn. Trước diễn biến của BĐKH trong thời
gian tới, đặc biệt là sự gia tăng nhiệt độ và biến đổi lượng mưa sẽ tác động rất
lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Hiện nay, do ảnh hưởng bởi hiện tượng biến đổi khí hậu,
hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng sâu sắc nên nhiều diện tích đất nông
nghiệp của người dân đã được thay thế dần bằng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Diện tích này càng được mở rộng, khi người dân chủ động dẫn nước mặn vào để
nuôi trồng. Theo thống kê ở tỉnh Cà Mau cho thấy, nếu năm 1996 diện tích nuôi
trồng thủy sản là 155.062 ha thì đến năm 2000 tăng lên 204.381 ha, tiếp tục
tăng 2010 là 296.300 ha (trong đó có 268.208 ha nuôi nước mặn, lợ và 28.092 ha
nuôi nước ngọt). Trong đó ở Bến Tre năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản tăng
lên 13,23 km2 và đến năm 2050 sẽ đạt mức 25,69 km2. Ngoài
ra sự gia tăng độ mặn trong các nguồn nước sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quá
trình nuôi thủy sản nước ngọt ở nhiều địa phương khác trong vùng[87].
Bảng 2. Dự báo diện
tích đầm tôm là đối tượng tác động của việc độ mặn tăng lên mức cao nhất trong
mùa khô theo kịch bản nước biển dâng 50cm
Tỉnh |
Sự tăng nước mặn,
ppt |
Tổng |
|||||
<0 |
0-1 |
1-2 |
2-3 |
3-4 |
4-8 |
||
Bạc Liêu |
20.720 |
48.041 |
14.451 |
16.563 |
6.189 |
2.041 |
107.978 |
Bến Tre |
11.806 |
30.027 |
|
|
|
|
41.833 |
Cà Mau |
109.420 |
34.739 |
1.607 |
1.972 |
2.588 |
15.821 |
166.147 |
Kiên Giang |
27.059 |
|
|
|
747 |
1.776 |
29.583 |
Sóc Trăng |
2.652 |
14.613 |
4.300 |
|
|
|
31.565 |
Tiền Giang |
2.559 |
1.201 |
|
|
|
|
3.760 |
Trà Vinh |
12.848 |
17.837 |
|
|
|
|
30.685 |
Vĩnh Long |
25 |
124 |
|
|
|
|
148 |
Tổng các tỉnh |
187.089 |
146.581 |
30.358 |
18.536 |
9.524 |
19.612 |
411.699 |
Nguồn: Trung tâm
Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng – MCD, năm 2007
Nước biển dâng làm cho chế độ thủy lý, thủy hóa thay đổi.
Kết quả làm thay đổi về cấu trúc và thành phần dẫn đến trữ lượng giảm súc. Hệ
sinh thái rừng ngập mặn ven biển của các địa phương ven biển có thể bị xáo trộn,
ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của một số loài thủy sản. Nước biển dâng
cũng làm thay đổi sự bồi tụ của các bãi triều làm tác động loài hai mảnh võ và
các loài thủy sản khác. Sự gia tăng nhiệt độ bề mặt nước biển dẫn đến giảm lượng
dưỡng chất trong nước, giảm kích thước ấu trùng dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng
và sản lượng các loài nhuyễn thể.
+ Tác động đến
công nghiệp
Đối với ngành công nghiệp, ngập lụt và nước biển dâng
gây nguy cơ ngập các khu công nghiệp làm hư hỏng hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra,
BĐKH còn gây thiếu nguồn nguyên liệu và thiếu nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất,
trong đó tác động chủ yếu đến các ngành chủ lực như: chế biến thủy hải sản, khí
điện đạm… Chính vì vậy, sự giảm súc sản lượng các loài thủy sản sẽ ảnh hưởng rất
lớn đến giá trị sản xuất của ngành. Tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất
ở nhiều địa phương trong những năm gần đây là nguyên nhân khiến các nhà máy chế
biến sản xuất cầm chừng, gây thiệt hại rất lớn đối với ngành công nghiệp thủy sản
tại các địa phương trong vùng.
+ Tác động đến cơ
sở hạ tầng, đường xá, công trình công cộng
Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến quy hoạch, cơ sở hạ
tầng, giao thông, chống ngập, thoát nước, cấp nước, xây dựng…Vài năm trở lại
đây, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL rất đáng lo ngại. Sạt lở không chỉ diễn ra trong
mùa lũ, mùa mưa bão mà còn ngay trong mùa khô, ở ven bờ biển, trên những con
sông chính và cả kênh rạch. Đối với một số cung đường ven biển hoặc hoặc phân bố
dọc theo lưu vực các sông, tình trạnh sạt lỡ, khoét mòn khi lũ về sẽ làm cho
các tuyến đường này xuống cấp nhanh hơn.
Triều cường và xâm nhập mặn sâu: Ngành Khí tượng thủy
văn các tỉnh ĐBSCL cho biết: trong các đợt triều cường từ cuối năm 2008 đến đầu
năm 2009 đã làm cho vùng ngoài đê bao 8 tỉnh, thành vùng lũ gồm: An Giang, Kiên
Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ bị ngập.
Ngoài ra, triều cường làm nước sông dâng cao đã làm hàng trăm km đường nông
thôn bị ngập sâu từ 10 - 30 cm, hàng trăm nhà dân chưa kịp đôn nền cũng bị ngập.
Nước ngập xảy ra trong mùa khô gây trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt của người
dân sống ngoài vùng đê bao. Hệ thống đường xá, công trình công cộng sẽ giảm tuổi
thọ hoặc xuống cấp nhanh hoặc hư hỏng nặng nếu chìm ngập trong nước. Hiện tượng
xuất hiện các hố tử thần ngày càng nhiều trên các tuyến đường thường bị ngập.
Khi đường bị ngập và hư hỏng thì thời gian vận chuyển và lưu thông sẽ bị kéo
dài.
+ Tác động đến xã hội do
vấn đề nghèo đói, di dân và an ninh xã hội
Tác động
của BĐKH làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
dẫn đến suy giảm diện tích thiếu lương thực. Ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế
của người dân nơi đây. Hạ tầng kỹ thuật dân dụng bị thiệt hại, rừng bị cạn
kiệt, mất nguồn tài nguyên nước ngọt. Vùng ven biển các tỉnh gặp nhiều khó
khăn, đời sống của người dân ngày càng khắc nghiệt hơn. Cuộc sống của nông dân
trong vùng bị bấp bênh vì phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài ra sự gia tăng
các hiện tượng thiên tai làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Thực tế cho thấy thiệt hại về người và của do các cơn bão gây ra là rất lớn. Tiêu
biểu như cơn bão Lida (năm 1997) là cơn bão gây ra hậu quả năng nề cho các tỉnh
của vùng, nhất là đối với tỉnh Cà Mau. Trong cơn bão này tỉnh Cà Mau có128
người thiệt mạng, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích, 134.538 hộ bị ảnh
hưởng bởi bão, 890 tàu đánh cá bị hư hỏng, với tổng số thiệt hại hơn 2.700 tỷ
đồng.
Nhiều quy
hoạch phát triển của tỉnh cũng sẽ bị phá vỡ. Điều này kéo theo sự bất hợp lý,
môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự và gây khó khăn trong việc quy hoạch sắp
xếp lại các khu dân cư nhằm khắc phục hậu quả của khu vực thiên tai gây ra.
Dự kiến
sẽ có dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng
nề do BĐKH và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây như Châu
Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho,... Việc chuyển cư này sẽ khiến cho
các kế hoạch quy hoạch đô thị có nguy cơ phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử
thách, môi trường đô thị bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.[88]
Các hiện tượng thiên tai, sạt lỡ đất, nước biển dâng làm
thiệt hại nhà cửa, ảnh hưởng đến việc sản xuất, đời sống của người dân khó
khăn, gia tăng tình trạng đói nghèo, gây ngập lụt và gây hư hỏng cơ sở vật chất
của trường học… làm gián đoạn thời gian đến trường của các em, dẫn đến tỷ lệ
các em đến trường có nguy cơ giảm. Ngoài ra suy dinh dưỡng và bệnh tật hay việc
thay đổi nơi sống và di cư cũng làm giảm khả năng đến trường, học tập của các
em.
+ Tác động đến sức khỏe của cộng đồng
Biến đổi
khí hậu làm cho lượng mưa tăng lên cùng với hiện tượng nước biển dâng cao điều
đó tạo điều kiện sinh sôi cho các loại vi khuẩn và gây ra các bệnh thường gặp
cho người dân trong vùng và khu vực lân cận như tiêu chảy, đường hô hấp, bệnh
sốt, bệnh da liễu… Khí hậu nóng ẩm, cường độ bức xạ mặt trời lớn, biến đổi thời
tiết mạnh mẽ là nguyên nhân gây bệnh như cảm nóng, say nắng, suy nhược cơ thể…
Tăng nguy cơ mắc bệnh đối với người già, những người mắc bệnh tim mạch, một số
bệnh thần kinh do thời tiết nóng, ẩm gây ra. Lũ lụt làm tăng hiện tượng ngập
úng, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, ruồi sinh sản và gia tăng một số bệnh
nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết… và các bệnh đường ruột. Ngược lại, hạn
hán làm thiếu nước sạch cho sinh hoạt, hạn chế vệ sinh và hạn chế khả năng rửa
trôi chất bẩn làm sạch tự nhiên của môi trường, là điều kiện thuận lợi cho các
bệnh dịch dễ phát triển, trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi khi thiếu
nước sạch. Tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan hầu hết đều gây bất lợi cho
sức khỏe của con người.
ĐBSCL đã
có nhiều kinh nghiệm thích nghi và đối phó với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,
đất chua phèn. Tuy nhiên, hiểu biết về biến đổi khí hậu đối với họ vẫn còn khá
mới mẽ và họ chưa có kế hoạch cụ thể trước mắt hoặc dài hạn cho việc ứng phó
này. Với tổng số người được điều tra và tham gia thảo luận nhóm ở cộng đồng
liên quan đến tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu trong 3 năm (2011,2012
và 2013) là hơn 400 người, kết quả cho thấy nhóm đối tượng bị nhiều tổn thương
nhất được các thảo luận nhóm thống nhất sắp xếp (cho cả vùng đô thị và nông
thôn). Người nghèo; trẻ con; người già; người khuyết tật; phụ nữ đơn thân;
người dân tộc thiểu số.
Theo
người dân, thời tiết bất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây bệnh tật và ảnh
hưởng đến cuộc sống của họ, điều này được thể hiện như sau:
Bảng 3. Năm loại bệnh tật thường gặp theo tỷ lệ (%)
điều tra người dân vùng nông thôn Tây Nam Bộ
TT |
Loại bệnh |
Nhóm thường gặp |
Nguyên nhân |
Tỷ lệ |
1 |
Cảm, ho, sốt |
Trẻ em, phụ nữ lớn tuổi |
Mưa – nắng thất thường |
63 |
2 |
Tiêu chảy |
Hầu hết mọi lứa tuổi |
Ăn uống không vệ sinh |
52 |
3 |
Phụ khoa |
Hầu hết phụ nữ |
Điều kiện sống thiếu vệ
sinh |
47 |
4 |
Da liễu |
Trẻ em, người tiếp xúc
với nước |
Ngập úng, nước ô nhiễm |
36 |
5 |
Nhứt mỏi |
Người già, người lao
động |
Chuyển mùa, mưa thất
thường |
28 |
Nguồn: Số liệu
điều tra và thảo luận nhóm về tác động biến đổi khí hậu ở các tỉnh Trà Vinh,
Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp)
Hiện nay, cùng với chiến lược ứng phó BĐKH chung cho
vùng ĐBSCL, việc đầu tư cho các tỉnh trọng điểm cũng đang được thực hiện. Theo
đó, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, Trung ương
đã bố trí kinh phí để Kiên Giang và Cà Mau đánh giá tác động của BĐKH đến từng
lĩnh vực, từng khu vực trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp ứng phó với
BĐKH cho giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn sau 2015; ban hành Kế hoạch hành động
ứng phó với BĐKH của từng địa phương. Dự án “Xây dựng công trình cống sông
Kiên, thành phố Rạch Giá” thuộc tỉnh Kiên Giang và dự án “Xây dựng và nâng cấp
đê biển Tây” thuộc tỉnh Cà Mau được bố trí vốn từ chương trình Hỗ trợ ứng phó với
BĐKH. Từ năm 2013 – 2015, dự án của Kiên Giang được bố trí 170 tỷ đồng, dự án của
Cà Mau được bố trí 150,8 tỷ đồng. Cùng với đó, ĐBSCL cũng có 17 dự án ưu tiên cấp
bách về BĐKH do Thủ tướng phê duyệt đang được thực hiện.
4. CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO ỨNG PHÓ
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở KHU VỰC TÂY NAM BỘ
Theo IPCC thì giảm nhẹ biến đổi
khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu đều là những hợp phần của Chính sách
ứng phó với biến đổi khí hậu:
Ứng phó BĐKH =
Thích ứng + Giảm nhẹ
Biến đổi khí hậu Tác động Ứng phó Giảm nhẹ Thích ứng
Biến đổi khí hậu gây ra những hậu
quả nặng nề tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền trong cả nước
trong đó có khu vực Tây Nam Bộ. Để giảm nhẹ các thiệt hại nặng nề do biến đổi
khí hậu gây ra chúng ta cần phải áp dụng tổng hợp các biện pháp hướng tới sống
chung với biến đổi khí hậu, chỉ có thể làm nhẹ và nổ lực thích ứng với chúng.
Vì vậy, hướng đi chính hiện nay là nghiên cứu áp dụng các biện pháp phù hợp với
tình hình và khả năng thích ứng để giảm được sự rủi ro, tổn thương do biến đổi
khí hậu làm ảnh
hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân ở khu vực nơi đây.
Thứ
nhất, nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và thích ứng với
biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng
Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận
thức của cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo và toàn thể người dân về hiện tượng
biến đổi khí hậu, các tác động của biến đổi khí hậu về phòng chống thiên tai và
bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với
biến đổi khí hậu và ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường trong nhân dân. Trước
mắt tập trung vào sự hình thành ý thức và nâng cao nhận thức mà bắt đầu từ các
em học sinh. Bên cạnh đó, lồng ghép các kiến thức về biến đổi khí hậu vào các
chương trình giáo dục trong các trường
học. Ngoài ra, hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí
hậu cho các huyện, xã và ấp của vùng.
Thứ
hai, tăng cường năng lực quản lý thiên tai
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ
đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm
nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên
tai trong các lĩnh vực cho cán bộ quản lý, cán bộ thủy tượng thủy văn của các
tỉnh thành. Thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng
đồng và lồng ghép vào các hoạt động chào mừng nhân các ngày lễ, ngày kĩ niệm…
Tăng cường năng lực đối phó nhằm giảm rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu
đối với cuộc sống của người dân trong vùng.
Thứ
ba, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ trong dự báo thời tiết và ứng dụng
công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản
Sử dụng công nghệ mới hiện đại,
phù hợp với điều kiện của vùng, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất giống,
nuôi trồng thủy sản nhằm ứng dụng, chuyển giao nhanh nhất các thành tựu khoa
học vào sản xuất. Tăng cường hệ thống, trang thiết bị dự báo thời tiết, thiên
tai (bảo, áp thấp nhiệt đới…) cho vùng. Ngoài việc trang bị thiết bị và cơ sở
vật chất hiện đại thì cần phối hợp với các vùng trong cả nước để cùng ứng phó
với những tác động của biến đổi khí hậu.
Thứ
tư, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục môi trường,
tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về biến đổi khí hậu
Tuyên truyền, phổ biến cho các
cán bộ quản lý và cộng đồng dân cư trong tỉnh biết về những tác động của biến
đổi khí hậu đến các ngành các lĩnh vực, đến cộng đồng dân cư xã hội; những giải
pháp ứng phó kịp thời khi gặp sự cố. Các cơ quan báo chí cũng cần tăng thêm
dung lượng thông tin về hậu quả biến đổi khí hậu nhằm hướng người dân biết tôn
trọng và bảo vệ môi trường và thiên nhiên trong thời kỳ biến đổi khí hậu như
hiện nay. Cần tổ chức các buổi lễ diễu hành tuyên truyền về ứng phó với BĐKH.
Ngoài ra, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu[89] cần có nhiều hoạt động để tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của Chương
trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH tới đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt
là tới các nhà quản lý, hoạch định chính sách.
Thứ
năm, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ
lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng
Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh
giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và khả năng sụt lún của vùng trong bối cảnh
biến đổi khí hậu. Xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu và nước biển
dâng cho vùng. Xác định các kịch bản phát triển cho khu vực Tây Nam Bộ trên cơ
sở các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng, nâng cấp, gia cố
các đoạn đê sông, đê biển xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản
của người dân trong vùng. Xây dựng các hồ nước ngọt, phục vụ sản xuất và sinh
hoạt của người dân trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng. Hoàn thiện
hệ thống quản lý, điều hành công trình thủy lợi, dẫn nước ngọt cung cấp cho
vùng mặn. Cần thiết lập quy chế gắn kết giữa các tỉnh trong vùng về triển khai
thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là điều tiết sử dụng nước và
chống ngập cho toàn vùng.
Thứ
sáu, cải tạo và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt đê biển
Xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng
cá, bến cá khu neo đậu tàu thuyền, cơ sở bảo quản chế biến sản phẩm để ứng phó
với tình trạng nước biển dâng. Nâng cấp đê sông, đê biển, hệ thống ngăn mặn,
phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống
sạt lở bờ biển, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2, bảo vệ và phục hồi hệ
sinh thái ven biển. Bên cạnh đó nâng cấp đường giao thông để tránh úng ngập.
Nâng cấp các công trình tiêu thoát nước tại các khu vực có nguy cơ úng ngập cao
để đảm bảo tiêu thoát nước nhanh sau khi mưa, phòng chống ngập úng gây thiệt
hại cho nông nghiệp. Nâng cấp một số công trình công cộng (như trường học, nhà
ủy ban,…) để có thể sử dụng làm nơi sơ tán khi thiên tai bão, lụt xảy ra.
Thứ bảy, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với môi
trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu
Cần tập trung vào tính phát huy
sáng tạo của người dân trong vận hành hệ thống canh tác cũng như trong việc lựa
chọn các giống trong trồng trọt và chăn nuôi. Tích cực chọn tạo các giống lúa
chịu mặn, năng suất cao và thích nghi tốt với biến đổi khí hậu; bố trí cây
trồng, con giống, vật nuôi phù hợp với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia
tăng như hiện nay. Bên cạnh đó, bố trí lại mùa vụ để tránh sự xâm nhập mặn.
Ngoài ra ngăn chặn nạo vét kênh mương để
giữ nuớc ngọt cho việc tưới tiêu. Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi nội đồng ở
các tỉnh của khu vực Tây Nam Bộ cho hợp lý để tiết kiệm nước ngọt. Nghiên cứu
các loại giống chịu mặn và xây dựng mô hình sản xuất mới để người dân có thể
thích nghi với việc xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu như hiện nay.
Thứ
tám, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng
phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường
Tăng cường thực hiện các điều ước
quốc tế về BĐKH và tài nguyên, môi trường mà Việt Nam là thành viên, trước hết
là Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Công ước của
Liên Hợp Quốc về chống suy thoái đất và sa mạc hóa (UNCCD); tích cực tham gia
diễn đàn khu vực và toàn cầu như ASEM, APEC, ASEAN,…[90]. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, triển khai và dự báo các
biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng. Xác định nguồn
lực từ hợp tác quốc tế hỗ trợ không nhỏ cho công cuộc ứng phó với BĐKH, Bộ tài
nguyên và môi trường đã chủ động, tích cực làm việc với các nhà tài trợ quốc
tế, trọng tâm là Ngân hàng thế giới (WB) trong việc hỗ trợ tài chính, công nghệ
góp phần ứng phó hiệu quả với các tác động của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng
ở Tây Nam Bộ như hiện nay.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ
tài nguyên và môi trường (2012), Kịch bản
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội.
2.
DRAGON-SRD-AFAP, (2013), Tổng hợp một số
hoạt động ứng phó Biến đổi Khí hậu ở vùng ĐBSCL.
3. Đại
học Cần Thơ (2010), Tổng hợp một số hoạt
động và mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
4. Đề án 1677 (2014), Các chuyên đề đặc thù và bổ trợ - Chương trình cao cấp lí luận chính trị-Hành
chính, Học viện Chính trị khu vực IV.
5. Lê Anh Tuấn (2009) Tác động của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái và phát triển nông thôn
vùng đồng bằng sông Cửu Long, Diễn đàn dự trữ sinh quyển và phát triển nông
thôn bền vững ở ĐBSCL, Cần Thơ.
6. Lê
Anh Tuấn, Chu Thanh Hoài, Fiona Miller, and Bach Tan Sinh (2008). Floos and
Salinity Mângement in the Mekong Delta, Việt Nam. In: Challenges to sustainable Development in the Mekong Delta: Regional and
National Policy Issues and Research Needs, TT.Be, B.T.sinh and Fiona M.
(Eds) The Sustainable Mekong Research Network (Sumernet)’s
publication, Stockholm, Sweden.
7. Quyết
định số 158/2008/QĐ-TTg, ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
8. Viện Quy hoạch
Thủy lợi miền Nam (2008), Báo cáo về ảnh
hưởng của nước biển dâng đến ngập lụt và xâm nhập mặn đối với ĐBSCL, TP.HCM.
9. Viện Xã hội học
Việt Nam, Báo cáo đánh giá tác động xã hội (SIA) cho Dự án quản lý thủy lợi phục
vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL.
10.http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10008&cn_id=704042
11.http://www.baomoi.com/Ung-pho-bien-doi-khi-hau-o-dong-bang-song-Cuu-Long/45/16394438.epi
12.http://www.vietnamplus.vn/ung-pho-bien-doi-khi-hau-o-dbscl-can-som-co-mot-nhac-truong/305914.vnp
13.http://iasvn.org/homepage/Ung-pho-bien-doi-khi-hau-o-dong-bang-song-Cuu-Long-6651.html
14. http://baotintuc.vn/kinh-te/ung-pho-bien-doi-khi-hau-o-dong-bang-song-cuu-long-20150414231407772.htm
16.
http://tnmt.yenbai.gov.vn/index.php/vi/news/Khi-tuong-Thuy-van/Cuc-Khi-tuong-thuy-van-va-Bien-doi-khi-hau-Day-manh-tuyen-truyen-ve-bien-doi-khi-hau-7864/
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TẠI VIỆT NAM: HIỆN TRẠNG VÀ TRIỂN
VỌNG
ThS. Lê Diễm Thu và ThS. Nguyễn Thị Vân
Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Công
nghiệp hỗ trợ được coi là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia, song tại
Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm
năng kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, ngành công
nghiệp hỗ trợ đã và đang được Chính phủ, các cấp, các ngành, quan tâm đầu tư
phát triển. Với tầm quan trọng đó, bài viết phân tích vai trò của ngành công
nghiệp hỗ trợ đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích
hiện trạng phát triển, những thuận lợi và khó khăn, bài viết đề xuất một số giải
pháp góp phần đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
1. MỞ ĐẦU
Thuật ngữ công nghiệp hỗ
trợ (Supporting Industries: SI) bắt đầu xuất hiện từ Nhật Bản giữa
thập kỷ 1980, do
việc
tăng giá của đồng yên so với đồng đô la sau khi hiệp định Plaza ra đời tháng 9
năm 1985, đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản. Do vậy, các doanh nghiệp phải chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp sang các nước có nguồn lao động giá rẻ
hơn. Tuy nhiên, ngành
công nghiệp này lại chưa phát triển tại các nước đang
phát triển nên doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu linh phụ kiện từ các nhà cung cấp Nhật Bản. Chính vì vậy, Nhật Bản đã đầu tư trực tiếp vào các nước ASEAN (Thailand, Malaysia, Philippin và Indonesia) nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và
chủ yếu phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản
xuất những vật dụng như nguyên liệu thô, công cụ máy móc, phụ tùng và linh kiện lắp ráp (gồm ô tô, điện, điện tử)…. Sau thập kỷ 1990, SI được phát triển mạnh ở
các nước Đông Á.
Thuật ngữ SI được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia
trên thế giới, bao gồm các nước
phát triển và đang phát triển. Theo
lý thuyết kinh tế của Junichi
Mori (tr.7, 2005), SI được định nghĩa là các ngành sản xuất hàng hoá cung cấp các yếu tố đầu vào (manufactured inputs) của quá trình
sản xuất công nghiệp; ngoài ra, còn bao gồm các sản phẩm, hàng hóa trung gian (intermediate goods) và sản phẩm, hàng hóa phục vụ quá
trình sản xuất (capital goods). Tại Việt Nam, khái niệm SI được
sử dụng chính thức năm 2004, nhưng SI chỉ được định nghĩa rõ nhất thông qua Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách phát triển ngành SI: “SI là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng,
linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho các ngành sản xuất, lắp ráp các sản
phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất và sản phẩm tiêu dùng”.
Tuỳ theo hoàn cảnh, mục
đích sử dụng và sự phát triển của mỗi
quốc gia, SI có những
định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, SI có chung những đặc điểm sau:
-
Mối quan hệ giữa con người và máy móc
trong môi trường làm việc đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao và có trình độ nhất định.
-
Dây
chuyền tổ chức sản xuất có tính phối hợp, thống nhất và tính hợp tác cao giữa
các doanh nghiệp đầu tư và doanh nghiệp hỗ trợ.
-
Gắn
kết với ngành công nghiệp hoặc sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao.
-
Qui
mô hoạt động trong các ngành công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với
trình độ chuyên môn hoá cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc đổi mới sản xuất,
đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
2. VAI
TRÒ CỦA CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM
Sự phát triển của ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào bối cảnh và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế (Christosphe &
cộng sự, 2011). Nói cách khác, vai trò của
SI cũng sẽ thay đổi để phù hợp với nền kinh tế toàn cầu. Li (1997) and Ohno (2006) cho rằng công nghiệp hoá của một quốc gia là một sản phẩm của quá trình hiện đại hoá
trình độ sản xuất và cấu trúc ngành từ thấp đến cao.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nền công nghiệp sản xuất giản đơn
sang nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp
nước ngoài để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Phát triển công nghiệp hỗ trợ không những là động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước, là nền tảng cho việc phát triển bền vững các ngành công
nghiệp chủ lực của Việt Nam mà còn có những vai trò chủ yếu sau:
Một là, khai thác tối
đa các nguồn lực trong nước, giảm xuất khẩu các sản
phẩm thô và nhập khẩu nguyên phụ liệu tạo nên lợi thế cạnh tranh
của sản phẩm: Công nghiệp hỗ trợ phát triển tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp
trong nước chủ
động
tham gia vào chuỗi cấu trúc sản xuất từ gia công đến lắp ráp và phân
phối sản
phẩm theo
hướng nội địa hoá nhằm giảm nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu và tiến tới
thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu. Nâng
cao sức cạnh
trạnh của sản phẩm thể hiện bởi chất lượng, giá thành, chi
phí sản xuất, vệ sinh môi trường và thời hạn
giao hàng của doanh nghiệp,... Việc chủ động nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ
giảm nhập siêu, hạ giá thành sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao trong xuất
khẩu.
Hai là, công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Phát triển SI sẽ giúp các
doanh nghiệp lựa chọn cho mình theo hướng sản xuất chuyên môn hóa dựa theo lợi
thế và năng lực của từng doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và
nhỏ. SI bao trùm số lượng lớn các ngành công nghiệp khác nên
ngành này đang thu hút một số lượng lớn lao động đáng kể, cung cấp các chi
tiết, thiết bị, linh kiện để lắp ráp sản phẩm chính. Các công đoạn đó thường do
doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện, vì
vậy, SI phát triển là nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và
nhỏ nội địa phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn khẳng định mình đòi
hỏi phải có sự chuẩn bị đầu tư nhân lực, vật lực, … đáp ứng được yêu cầu hội
nhập kinh tế quốc tế.
Ba là,
SI tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đón nhận chuyển giao
công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất: Các công ty nước ngoài mà chủ yếu là các
tập đoàn đa quốc gia khi lựa chọn địa điểm đầu tư, họ không chỉ xét đến lợi thế
về nhân công mà còn tính đến các lợi thế so sánh khác về đầu tư sản xuất như
linh kiện, phụ tùng, dịch vụ sản xuất,… những yếu tố giúp họ cạnh tranh được về
giá và chất lượng sản phẩm. Vì vậy SI phát triển sẽ thu hút được các công ty
nước ngoài, tạo mối liên kết chặt chẽ trong
sản xuất và
kinh doanh giữa các doanh nghịêp lớn và doanh
nghiệp nhỏ,
doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư
trực tiếp nước ngoài trong việc tham gia vào mạng lưới chuyển giao công nghệ, nâng
cao trình độ công
nghệ sản
xuất và
kỹ năng quản lý.
Bốn là, SI phát triển sẽ tạo
thêm việc làm và thu nhập
cho người lao
động: ngành SI phát triển sẽ thu hút
nhiều lao động vào làm
việc trong các doanh nghiệp, khai thác lợi thế sẵn có của các địa phương, góp
phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và mức sống của người lao động.
Năm là, SI làm tăng tính chủ động
cho sự phát triển kinh tế của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài: SI
được coi là ngành xương sống của công nghiệp quốc gia, Nếu SI trong
nước không phát triển thì các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp sẽ phải lệ
thuộc vào nước ngoài đặc biệt nếu có sự biến động về quan hệ kinh tế, chính
trị,... nền kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng lớn, rủi ro cao. Vì vậy, ngành
SI có năng lực cạnh tranh tốt sẽ đảm bảo cho các sản phẩm công nghiệp có tính
cạnh tranh cao, giảm sự lệ thuộc từ bên ngoài góp phần ổn định và phát triển
kinh tế của đất nước.
3. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
HỖ TRỢ TẠI VIỆT NAM
Nhận thức được vai trò quan trọng
của việc phát triển SI, thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản
nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Quyết định số
34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai
đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương),
Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách
phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ,... Trong những năm gần đây, Việt
Nam đã có nhiều cố gắng khuyến khích, đầu tư, phát triển các doanh nghiệp hỗ
trợ, bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định.
Bảng 1. Số lượng
doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng
Năm |
2005 (1) |
2011 |
2012 |
2013* (2) |
SS (2)/(1) (lần) |
TTBQ (%/năm) 2005-2013 |
1. Tổng số doanh nghiệp công nghiệp |
25.874 |
54.341 |
56.177 |
58.013 |
2,24 |
10,6% |
2. Tổng số doanh nghiệp sản xuất linh kiện,
phụ tùng |
542 |
1123 |
1253 |
1383 |
2,55 |
12,42% |
- Linh kiện phụ tùng kim loại |
304 |
552 |
604 |
656 |
2,16 |
10,09% |
- Linh kiện điện- điện tử |
125 |
322 |
369 |
416 |
3,33 |
16,22% |
- Linh kiện
nhựa- cao su |
113 |
249 |
280 |
311 |
2,75 |
13,49% |
Tỷ lệ tổng số
doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng so với tổng số doanh nghiệp công
nghiệp (%) |
2,09 |
2,07 |
2,23 |
2,38 |
|
|
* Dự kiến; SS: So
sánh; TTBQ: Tăng trưởng bình quân
Nguồn: Báo cáo của Bộ Công thương trình thủ tướng
Chính phủ về dự thảo nghị định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, 2013.
Số liệu bảng 1 cho thấy, trong gần
10 năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp tăng dần qua các năm.
Năm 2005, cả nước có 25.874 doanh nghiệp công nghiệp, đến năm 2013 có 58.013
doanh nghiệp, tăng 2,24 lần so với năm 2005. Sản xuất linh kiện, phụ tùng là
một trong những ngành quan trọng của công nghiệp hỗ trợ. Cùng với sự gia tăng
của các doanh nghiệp công nghiệp, số lượng các doanh nghiệp sản xuất linh kiện,
phụ tùng của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng tăng dần qua các năm. Năm 2005 chỉ
có 542 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, đến năm 2013 số lượng các
doanh nghiệp này là 1.383 doanh nghiệp, tăng 2,55 lần so với năm 2005. Số lượng
doanh nghiệp sản xuất phụ tùng kim loại từ 304 doanh nghiệp năm 2005 tăng lên 656
doanh nghiệp vào năm 2013 (tăng 2,16 lần); số lượng doanh
nghiệp sản
xuất linh
kiện điện - điện tử có sự gia tăng cao nhất, với 125 doanh
nghiệp năm 2005 tăng lên 416 doanh nghiệp năm 2013 (tăng 3,33 lần);
doanh nghiệp lắp ráp linh kiện nhựa-cao su với số lượng năm 2005 là 113 doanh
nghiệp, năm 2013 đã tăng lên 311 doanh
nghiệp (tăng 2,75 lần. Tăng trưởng bình quân về số lượng của các doanh nghiệp
công nghiệp trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2013 đạt 10,6%, của các doanh
nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng đạt 12,42%. Đây là mức tăng trưởng khá về
số lượng các doanh nghiệp công nghiệp cũng như doanh nghiệp sản xuất linh kiện,
phụ tùng.
Mặc dù trong những năm gần đây, số
lượng các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng đã gia tăng mạnh mẽ, song
vẫn chiểm tỷ lệ rất nhỏ so với các doanh nghiệp công nghiệp. Số liệu bảng 1 cho
thấy, năm 2005 tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng chiếm 2,09% so
với tổng số doanh nghiệp công nghiệp, đến năm 2013, tỷ lệ này đạt 2,38%. Điều
đó cho thấy khả năng đáp ứng số lượng linh kiện, phụ tùng phục vụ cho các doanh
nghiệp công nghiệp chiếm tỷ trọng không đáng kể so với nhu cầu của các doanh
nghiệp. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới kim ngạch nhập khẩu sản
phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam luôn ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ tới sự
phát triển công nghiệp cũng như nền kinh tế của đất nước.
Hiện nay, ngoại trừ ngành sản xuất xe máy được coi là ngành có công
nghiệp hỗ trợ cao nhất với tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp
ráp tại Việt Nam chiếm 85-90%, các ngành còn lại tỷ lệ này rất thấp (xem bảng
2). Nghiên cứu của Phạm Tất Thắng (2013) cho thấy: trong ngành sản xuất xe máy, hầu hết
các linh kiện của xe số, kể cả linh kiện động cơ, đều đã được sản xuất trong
nước. Các sản phẩm chính trong xe máy hầu hết đã được sản xuất với số lượng
lớn, đạt tiêu chuẩn của các nhà lắp ráp và tạo thành hệ thống cung ứng khá hiệu
quả. Mặc dù vậy, nhiều linh kiện, chi tiết quan trọng với giá trị cao vẫn do
các nhà cung ứng FDI thực hiện, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho
các ngành khác như điện tử, ô-tô còn yếu kém.
Những ngành được
đánh giá là mạnh với kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD như: giày da, may mặc,
điện tử... song do nguồn "đầu vào" vẫn phải phụ thuộc rất nhiều từ
nhập khẩu nên giá trị gia tăng mới không cao. Nghiên cứu của Hà Nguyễn (Theo
baodautu.vn, 16/9/2014) cho
thấy: tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may hiện chỉ là 35-40%; giày dép
là 30%; còn điện tử là 30%. Con số này ở Trung Quốc, Thái Lan là 50-60%... Và
không chỉ là tỷ lệ nội địa hóa thấp, mà là những doanh nghiệp cung ứng nguyên
phụ liệu cho sản xuất cũng phần đông là doanh nghiệp FDI, do chính các nhà sản
xuất lớn thu hút đầu tư sang Việt Nam. Hệ quả tất yếu là, giá trị gia tăng mà
Việt Nam thu về thấp.
Bảng 2. Tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp tại Việt
Nam
năm 2013
Lĩnh vực hạ nguồn |
Tỷ lệ % cung ứng trong nước |
Xe máy |
85-90% |
Ô tô |
15-40% |
Sản xuất thiết bị đồng bộ |
20% |
Sản xuất máy nông nghiệp, máy động lực |
40-60% |
Sản xuất máy công nghiệp |
40% |
Công nghiệp công nghệ cao |
10% |
Nguồn: Báo cáo của Bộ Công thương trình thủ tướng
Chính phủ về dự thảo nghị định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, 2013.
Theo Bộ
Công thương (2013), các sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ phần lớn do doanh nghiệp nhà nước sản xuất và cung cấp theo mô hình tích
hợp theo chiều dọc. Một sản phẩm từ khâu thiết kế đến chế tạo linh kiện, lắp ráp và phân phối
sản phẩm chỉ thực hiện trong một doanh nghiệp nên có chất lượng thấp, giá thành
cao, chủ yếu do công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh kém, thiếu nhân công có
tay nghề cao, kỹ năng quản lý kém... nên các sản phẩm đa số chỉ tiêu thụ được ở
thị trường trong nước. Số liệu bảng 3 cho thấy, tỷ lệ sử dụng linh kiện
điện – điện tử nội địa của các nhà lắp ráp ở Việt Nam đối với ngành điện tử gia dụng chiếm 30-35%; điện tử tin học, viễn thông
chiếm 15%, lĩnh vực công nghệ cao và điện tử gia dụng chỉ đáp ứng được 5%, ngoại trừ lĩnh vực ô tô-xe máy chiếm 40%. Chính vì vậy, khả năng cạnh
tranh các sản phẩm trên thị trường quốc tế thấp, và đó là một trở ngại lớn đối với
các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Bảng 3. Tỷ lệ sử dụng linh kiện
điện-điện tử nội địa của các nhà lắp ráp ở Việt Nam năm 2013
Lĩnh vực hạ nguồn |
Tỷ lệ % cung ứng trong nước |
Điện tử gia dụng |
30-35% |
Điện tử tin học, viễn thông |
15% |
Điện tử chuyên dụng |
5% |
Ô tô- xe máy |
40% |
Công nghiệp công nghệ cao |
5% |
Nguồn: Báo cáo của Bộ Công thương trình thủ tướng
Chính phủ về dự thảo nghị định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, 2013.
Theo (Nguyễn
Đình Luận, 2014), ngành SI hiện lệ thuộc gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập
khẩu. Rất nhiều lĩnh vực công nghiệp đặt ra mục tiêu, kế hoạch nâng cao tỷ lệ
nội địa hóa cùng với đó là các chính sách ưu đãi được triển khai mạnh mẽ nhưng
hầu như chưa có lĩnh vực nào đạt kết quả như mong muốn. Thực trạng này là do có
quá ít doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ, nếu có thì chủ yếu tham
gia khâu đóng gói, bao bì. Hiện tại, phần lớn các nhà cung cấp linh kiện phụ
tùng cho các công ty nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài. Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các doanh nghiệp
trong và ngoài nước còn khá lớn. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước có quy mô
nhỏ và vừa nên khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng kém. Trong khi đó, các
doanh nghiệp nhà nước trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn duy trì phong cách làm
ăn tự cung tự cấp, thiếu tính liên kết đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên
hiệu quả đem lại không cao.
Số liệu bảng 4 cho thấy, hiện nay
Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ở mức rất
cao. Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là 53,14 tỷ USD,
năm 2014 đã tăng lên với 67,6 tỷ USD, trong đó cao nhất là mặt hàng đòi hỏi
công nghệ, kỹ thuật cao như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, năm 2013
kim ngạch nhập khẩu là 17,69 tỷ USD, năm 2014 là 23,9 tỷ USD.
Bảng 4. Kim ngạch nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ năm 2013
S TT |
Mặt hàng nhập
khẩu |
Năm 2013 (tỷ USD) |
Năm 2014 dự kiến (tỷ
USD) |
1 |
Máy
tính, sp điện tử và linh kiện |
17,69 |
23,90 |
2 |
Điện
thoại các loại và linh kiện |
7,60 |
11,80 |
3 |
Kim
loại và các sản phẩm từ kim loại |
13,00 |
14,40 |
4 |
Dệt may và da giày |
14,85 |
17,50 |
|
Tổng
cộng |
53,14 |
67,60 |
Nguồn: Báo cáo của Bộ Công thương trình thủ tướng
Chính phủ về dự thảo nghị định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, 2013.
Mặc dù đã thu được một số kết quả
nhất định trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ như góp phần tăng dần
tỷ lệ nội địa hóa của một ngành công nghiệp lắp ráp, giảm bớt tỷ lệ linh kiện,
phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài,... Tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao,
chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của đất nước.
4. MỘT SỐ THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN ĐỐI
VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TỢ TẠI VIỆT NAM
4.1.Thuận lợi
Trong nhiều năm trở lại đây, Chính
phủ cũng như Bộ, Ngành các cấp đã ban hành nhiều sách thu hút đầu tư tạo điều
kiện, khuyến khích và có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư
vào Việt Nam. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp công nghiệp tăng dần trong những
năm gần đây. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành công
nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Bên cạnh tiềm năng về số lượng
doanh nghiệp, Việt Nam hiện là một
nước có cơ cấu dân số “vàng” với
tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động chiếm 59,25% (Tổng cục thống kê, điều tra
lao động – việc làm hàng quý, 2014,) và là quốc gia có lợi thế về nền
kinh tế chính trị xã hội ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, nguồn lao
động của Việt Nam dồi dào với chi phí
nhân công rẻ là
điểm thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là Nhật Bản, Hàn
Quốc và Đài
Loan… trong
việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực: ô tô, điện tử, dệt may,da giày, công nghệ cơ
khí chế tạo,…
Ngoài
ra, Việt Nam có tiềm năng lớn đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là
nhóm các ngành xuất khẩu như: hoá dầu, chế biến nông sản xuất khẩu, công nghệ
thông tin…được
Chính phủ đã và đang
có nhiều chính sách ưu đãi
để đầu tư phát triển.
Với sự
quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ cho công nghiệp hỗ trợ như
chính sách, vốn, cơ sở hạ tầng, công
nghệ sản xuất đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi
đất…đã góp phần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mở rộng
thị trường ở Việt Nam đồng
thời làm gia tăng số lượng doanh nghiệp hỗ trợ nội địa, doanh nghiệp tư nhân
tham gia vào công nghiệp hỗ trợ.
4.2. Khó khăn
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết
định về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, song sau nhiều năm thực
hiện, đến nay công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới chỉ ở
giai đoạn phát triển sơ khai và còn rất nhiều yếu kém. Việt Nam hiện có nhiều
ngành sản xuất hàng xuất khẩu như may mặc, giày da…, nhưng hầu hết các ngành
công nghiệp ở Việt Nam đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để
sản xuất. Vì vậy, tuy hàng năm xuất khẩu mang về nhiều tỷ đô la Mỹ nhưng phần
lớn số ngoại tệ đó lại được sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện phục vụ
cho sản xuất vì vậy giá trị gia tăng mới không cao.
Công
nghiệp hỗ trợ còn manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các
ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp dệt may, giày da…
Số lượng các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn quá thấp so với sự phát triển
của các doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp.
Vì vậy tỷ lệ phần trăm cung ứng các linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất ở
trong nước thấp.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gặp
khó khăn về vốn và kỹ thuật cũng như đầu ra trong điều kiện quy mô thị trường
quá nhỏ. Thực tế, luôn tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa yêu cầu về chất lượng
sản phẩm, giá bán cũng như thời hạn giao hàng của các doanh nghiệp nước ngoài
so với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc điểm của ngành công
nghiệp hỗ trợ, yêu cầu vốn đầu tư lớn, sản lượng nhiều để có thể giảm giá thành
và đảm bảo chất lượng. Đây là khó khăn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp vừa và
nhỏ hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Khó khăn này càng tăng lên nếu
không có những hỗ trợ cần thiết về kỹ thuật, công nghệ cho các công ty linh kiện
phụ tùng Việt Nam từ phía các cơ quan chức năng.
Sức
cạnh tranh của doanh nghiệp hỗ trợ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu
cầu về chất lượng, thời hạn giao hàng và giá thành cao đã gây cản trở việc phát
triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tính liên kết giữa các ngành kinh tế, giữa
các doanh nghiệp FDI và doanh
nghiệp nội địa,
giữa các
nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ còn rời rạc, yếu kém vì thế nên chưa tạo dựng được mối quan hệ hợp tác
chiến lược với đối tác, bạn hàng.
Các
chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ban hành năm
2011 nhưng đã
gặp phải một số khó
khăn khi các giải pháp chi tiết cụ thể chưa
có, khiến các doanh nghiệp, các
địa phương lúng túng trong việc triển khai áp dụng ưu đãi cho doanh nghiệp.
Trước thềm cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2015 đang đến gần, Việt Nam cần chuẩn bị cho mình hành trang bước vào cuộc cạnh
tranh hội nhập trước sức ép của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Như
vậy, hiệu quả về chiến lược phát triển
công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được kỳ vọng vào chính sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự quan tâm của Chính
phủ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp
Việt Nam nói chung khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong khu vực và
trên thế giới.
5. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT
TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TẠI VIỆT NAM
Để ngành công nghiệp hỗ trợ tại
Việt Nam phát triển cần thực hiện một số giải pháp:
- Cần có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp: Để sử dụng một cách tối đa các nguồn
nhân lực và tài chính, chính phủ Việt Nam cần phải xác định một cách rõ ràng số
lượng những trụ cột cần ưu tiên trong phát triển các ngành công
nghiệp hỗ trợ. Không nên
dùng biện pháp hành chính hoặc thuế quan ép buộc công ty đa quốc gia tăng tỷ lệ
nội địa hóa mà điều tiên quyết là phải có chính sách hỗ trợ cải thiện khả năng cung cấp sản phẩm
tại chỗ.
Nếu các ngành hỗ trợ trong nước phát
triển, cung cấp đầy đủ và kịp thời các linh kiện và bộ phận với giá thành rẻ và
chất lượng cao thì thông qua cơ chế thị trường, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng.
Chính phủ cần có những chính sách nhằm cải thiện về mặt hành chính, hỗ trợ về
vốn và thông tin,… để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực này
phát triển. Cần có những biện pháp để các công ty nhà nước trong lĩnh vực SI
tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích chuyển giao
công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tìm kiếm, điều tiết thị trường,
tạo mặt bằng, nhà xưởng cho thuê để sản xuất kinh doanh đối với các công ty,
tập đoàn nước ngoài, cũng như các doanh nghiệp nội địa để phát triển công
nghiệp hỗ trợ.
- Quy hoạch các khu/cụm công nghiệp theo hướng quy hoạch các ngành sản
xuất liên quan để hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên chuỗi giá trị của sản phẩm, bao
gồm các nhà cung cấp vật liệu, cho thuê máy móc thiết bị, dịch vụ hỗ trợ
kinh doanh, cơ sở hạ tầng,… Việc phát
triển công nghiệp hỗ trợ theo khu/cụm công nghiệp nhằm tối ưu hóa qui trình sản
xuất, tạo điều kiện cho việc phân công lao động và chuyên môn hóa trong ngành
cao hơn đồng thời tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất SI với các doanh
nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng. Nên thí điểm xây dựng các khu/cụm
công nghiệp chuyên biệt ở một số địa phương có ngành công nghiệp đang phát
triển năng động, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, các doanh
nghiệp đầu tư nước ngoài, các
nhà thầu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu…
- Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực làm
việc trong các doanh nghiệp SI: Nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của công
nghiệp hỗ trợ chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng
cao. Việt Nam hiện nay được xếp loại là dân số trẻ, với lực
lượng lao động khoảng hơn 53 triệu người (Tổng cục thống kê, điều tra lao động
– việc làm hàng quý, 2014), có thể cung cấp một lượng lao động lớn mà không gặp
bất kỳ một trở ngại nào. Tuy nhiên, Việt Nam lại thiếu đội ngũ quản lý, kỹ sư,
công nhân có trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực cần
phải có một chiến lược rõ ràng, bao gồm đội ngũ các nhà quản lý, các kỹ sư và
lao động lành nghề cho ngành SI. Để đạt
được điều đó, cần đầu tư nâng cấp và mở rộng các cơ sở đào tạo, từ trường đại học,
trường cao đẳng kỹ thuật cho đến các trung tâm đào tạo nghề để từng bước nâng
cao chất lượng của những người lao động trong tương lai.
Cụ thể, cần liên kết với
một số trường đại học, cao đẳng có uy tín ở những nước có ngành công nghiệp hỗ
trợ phát, cử một số kỹ sư, công nhân có tay nghề sang học hỏi hoặc mở trường lớp
đạo tạo chuyên sâu ngay tại Việt Nam mời các chuyên gia sang đào tạo. Bên cạnh
đó, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, từ đó, tạo nền tảng vững chắc về nguồn
nhân lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Sở Công Thương và các Sở
ngành liên quan cần phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu về các sản phẩm hỗ
trợ cũng như các doanh nghiệp có khả năng sản xuất những sản phẩm này để liên kết,
hợp tác phát triển. Đây là cách thức rất hiệu quả mà các doanh nghiệp trong tỉnh
thông qua đó có thể tạo thêm bạn hàng mới, mở rộng thị trường, tiếp cận công
nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm hỗ trợ của mình, bớt sự
phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài.
- Xây dựng quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ: Doanh
nghiệp SI tại Việt Nam
thường yếu về vốn, không đủ sức để đầu tư vào công nghệ và thiết bị mới
nên không đủ năng lực sản xuất ra các loại linh kiện, phụ tùng chất lượng cao.
Việc lập quỹ đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có
qui mô vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các hoạt động
như ủy thác cho vay thông qua ngân hàng thương mại, bảo lãnh cho các doanh
nghiệp vay,.... giúp các doanh nghiệp này đầu tư hiện đại hóa máy móc, thiết bị hay sản xuất các
sản phẩm thay thế nhập khẩu cung cấp cho các doanh nghiệp khác để tiếp cận nhanh chóng đổi mới công
nghệ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các hãng lắp ráp lớn. Tăng
cường hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp hỗ trợ (đa số
đều có quy mô vừa và nhỏ) như: cho vay giai đoạn đầu, vay để mở rộng sản xuất,
mua công nghệ. Nếu tài sản thế chấp không đủ thì
có thể xem xét cho vay tín chấp tương tự như quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh
nghiệp vừa và nhỏ.
- Thu hút đầu tư
nước ngoài đầu tư phát triển SI tại Việt Nam: Cần có
chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án FDI, các tập đoàn đa quốc gia
vào sản xuất SI. Thông qua luật sửa đổi về thuế liên quan
đến công nghiệp hỗ trợ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế cá nhân
cho các chuyên gia nước ngoài tới giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ
trợ.
- Thành lập một số trung tâm hỗ trợ cho doanh
nghiệp hoạt động phi lợi nhuận như: trung tâm thí nghiệm, trung tâm tạo
khuôn mẫu … để giúp doanh nghiệp có nhu cầu kiểm tra chất lượng, tạo mẫu mới,
có thể đến các trung tâm này để được giúp đỡ miễn phí.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Báo
cáo của Bộ Công thương trình thủ tướng Chính phủ về dự thảo nghị định phát
triển ngành công nghiệp hỗ trợ, 2013.
2.
Christophe M., Mena C., Khan
O., Yurt O., 2011, “External
Technology Sourcing: Evidence from Design-driven innovation”, Managemnet
Decision, Vol. 49 Iss: 6, pp.962 – 983
3.
Hà Nguyễn, 16/9/2014, Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không sản xuất nổi
cái ốc vít, http://baodautu.vn/cong-nghiep-ho-tro-viet-khong-san-xuat-noi-cai-oc-vit.html
4.
Li
L., Vinten
G., 1997, “An Overview of the Experiences of Chinese
Industrialization Strategies and Development”, Managerial Auditing Journal,
Vol. 12 Iss: 4/5, pp.183 – 191.
5.
Mori,
J.,
tr.7, 2005, Development of Supporting
Industries for Vietnam’s Industrialization: Increasing Positive Vertical
Externalities Through Collaborative Training, Master of Arts in Law and
Diplomacy Thesis, The Fletcher School
6.
Nguyễn
Đình Luận, 2014, Thực trạng ngành công
nghiệp hỗ trợ ở việt nam, Tạp chí Tài chính, số 11.
7.
Ohno
K., 2006, Hoạch định chính sách công nghiệp
ở Thái Lan, Malaysia và Nhật: Bài học kinh nghiệm cho các nhà hoạch định chính
sách Việt Nam, NXB Lao động xã hội, Hà Nội.
8.
Phạm Tất Thắng, 16/10/2013, Phát
triển công nghiệp hỗ trợ: một số vấn đề đặt ra, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=24104&print=true
9.
Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê
duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn
đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương)
10. Quyết
định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát
triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ
11. Tổng
cục thống kê, điều tra lao động – việc làm hàng quý, 2014
12. Theo
Người lao động, 6/12/2014, Samsung đầu tư
vào Việt Nam, Việt Nam được gì,http://nguyentandung.org/samsung-dau-tu-vao-viet-nam-viet-nam-duoc-gi.html.
13. www.gso.gov.vn
ĐÔ THỊ HÓA VÀ HỆ THỐNG
ĐƯỜNG THỦY NỘI THÀNH: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(Trường hợp điển hình: kênh Tàu Hủ-Bến Nghé và Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Thành
phố Hồ Chí Minh)
ThS. Võ Dao Chi và Trần
Quang
Đạo
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Trường Đại học
Giao thông vận tải TPHCM
Hệ thống kênh rạch
Sài Gòn - TPHCM chịu tác động rất nhiều qua thời gian do mục đích sử dụng của
con người cũng như các chính sách ở từng giai đoạn lịch sử. Một số dòng kênh đã
biến mất,bị ô nhiễmhoặc hạn chế chức năng vốn có của mình. Bài viết tập trung
tìm hiểu quá trình chuyển biến của hai dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Nhiêu Lộc
– Thị Nghè qua các thời kỳ dưới tác động của quá trình đô thị hóa. Thông qua
phương pháp quan sát, phân tích hình ảnh và bản đồ,hai chức năng chính của hai
dòng kênhhiện nay là thoát nước và tạo cảnh quan đô thị, trong đó Tàu Hủ - Bến
Nghé đặc biệt nổi bật với chức năng giao thông vận tải là tiềm năng cho hoạt động
du lịch trên sông với việc khai thác các giá trị lịch sử và văn hóa. Bên cạnh
đó, bài viết thảo luận về tác động của quá trình đô thị hóa lên hệ thống đường
thủy nội địa thông qua việc phân tích xoay quanh ba yếu tố cơ bản của phát triển
bền vững bao gồm kinh tế, môi trường và văn hóa xã hội. Ngoài ra, một cuộc khảo
sát bằng công cụ Google Form được tiến hành nhằm phần nào tìm hiểu nhận thức của
người dân từ độ tuổi 20 đến 30 về mức độ quan trọng của hệ thống kênh rạch và
đánh giá sự mong đợi của họ trong tương lai.
Căn cứ vào Luật
Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, đường thủy nội địa được định nghĩa là
“luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch
[…] được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải”.Vai trò quan trọng giao
thông vận tải đường thủy nội địa “đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
an ninh, quốc phòng và góp phần giao thương với một số quốc gia lân cận”được khẳng
định bởi Cục
Đường thủy nội địa Việt Nam (2014). Bên cạnh đó,
chúng còn có chức năng phòng chống lũ lụt, cải tạo đất, thoát nước, tưới tiêu(International
Navigation Association, Environmental Commission, & Working Group 6, 2003).
Hệ thống kênh rạch
trong và ngoài thành phố bao gồm năm tuyến: Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm,
Tàu Hủ-Bến Nghé, Tham Lương-Bến Cát(Vũ
Nhật Tân, 2013). Tàu Hủ-Bến Nghé (TH-BN) được đánh
giá là kênh quan trọng nhất, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của
thành phố.Theo Vương
Hồng Sển (2013) và Vu
Thi Hong Hanh (2006), kênh này trước đây có tên là An
Thông Hạ dưới thời vua Gia Long và sau này là Arroyo Chinois dưới thời Pháp.
Cùng với Rạch Chợ Lớn, Kênh Tàu Hủ thời bấy giờ là hai đường thủy quan trọng nhất
giúp tối ưu việc chuyên chở thổ sản và mễ cốc với miền Tây trong khoảng thời
gian từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Kênh Tàu Hủ giúp nhà máy xay Chợ Lớn mở rộng
hoạt động giao thương và xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, Kênh Tàu Hủ thời bấy giờ
chứng kiến những biến cố lịch sử của dân tộc khi Pháp sử dụng như một đường chiến
lược đến Đồn Cây Mai và chợ Mỹ Tho.
Kênh NL-TN từ thế
kỷ 19 về trước có tên Bà Nghè, sau là Thị Nghè. Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa
được người Sài Gòn gọi là kênh Trương Minh Giảng. Kênh này khởi điểm từ quận
Bình Thạnh đoạn giao với sông Sài Gònđi qua quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình
và Gò Vấp(Vũ
Nhật Tân, 2013).Kênh NL-TN không chỉ có vai trò
thoát nước ra sông Sài Gòn mà còn mang sứ mạng lịch sử là một phòng tuyến quân
sự dưới thời nhà Nguyễn và ranh giới của Sài Gòn.
Sự yếu kém trong
quy hoạch và chế tài trong xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, hai dòng kênh
bị đẩy vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do là nơi tiếp nhận chất thải từ hoạt
động dân sinh, phần nhiều từ các khu nhà ổ chuột, và các hoạt động thương mại dịch
vụ, sản xuất. Chúng đã từng được mệnh danh là những “dòng kênh chết”. Những năm
gần đây, dưới sự quan tâm của chính quyền thành phố cũng như các tổ chức thế giới,
các dự án cải tạo lòng kênh được thực hiện góp phần vào việc cải thiện môi trường
nước, vệ sinh, cảnh quan, cũng như góp phần vào việc thoát nước đô thị, nhất là
khi TPHCM đối mặt rất lớn với thử thách ngập lụt do nước biển dâng(World
Wide Fund For Nature, 2009)
Với mục tiêu tìm
hiểu về mối quan hệ giữa đô thị hóa và hệ thống đường thủy nội địa, bài viết tập
trung vào ba nội dung chính: (1) vai trò của hệ thống kênh rạch thay đổi như thế
nào qua các thời kỳ phát triển thông qua so sánh, phân tích hình ảnh và bản đồ;
(2) phân tích không gian công cộng dọc ven sông nhằm gia tăng tính hấp dẫn của
hệ thống đường thủy nội địa dựa trên kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh và quan
sát thực địa và (3) thảo luận những cơ hội và thách thức đối với hệ thống đường
thủy nội địa của thành phố dưới các áp lực do đô thị hóa gây ra. Bên cạnh đó,
bài viết cũng đưa ra một số kết quả từ quá trình khảo sát nhận thức về hình ảnh
kênh rạch, nhu cầu tham gia hoạt động ngoài trời và sự kỳ vọng của giới trẻ đối với hệ thống kênh rạch thành phố trong
tương lai.
2. PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG
ĐƯỜNG THỦY QUA CÁC THỜI KỲ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Không thể phủ nhận
rằng yếu tố nước đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc
biệt trong bối cảnh phát triển bền vững. Hệ thống đường thủy nội thành (inland
waterwaysystem) không những là một hệ thống hỗ trợ sinh học cho hệ sinh thái đô
thị (cung cấp các dịch vụ sinh thái, tài nguyên, giảm các tác động vật lý do cấu
trúc đô thị gây ra, v.v) mà còn được xem xét như một yếu tố tạo nên tính hấp dẫn
của đô thị, được nhìn nhận như dấu ấn mang tính vật lý (physical marker), góp
phần xây dựng hình ảnh thành phố (city image). Sự gắn kết giữa phát triển đô thị
và hệ thống đường thủy được nhìn thấy khá rõ ràng trong lịch sử phát triển của
TPHCM, bắt đầu từ khi chỉ là một đơn vị hành chính theo hướng “thành thị hóa”
vào nhưng năm 1600 đến một siêu đô thị như ngày nay. Với sự tác động của đô thị
hóa, hệ thống đường thủy nội địa đã có sự chuyển đổi về chức năng và mục đích sử
dụng qua các thời kỳ phát triển phản ánh những mục tiêu phát triển ở mỗi giai
đoạn khác nhau.
Vào cuối thập kỷ
18 và đầu 19, nếu như thành phố Bangkok (Kingdom of Siam) nổi tiếng với tên gọi
“Venice của phương Đông” mang đặc điểm thành phố được bao bọc bởi nước (water-borne
city) thì Sài Gòn lại được mệnh danh với tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” với hình ảnh
một đô thị gắn liền với bờ phải sông Sài Gòn và phát triển dọc theo Rạch Bến
Nghé- Tàu Hủ. Trong giai đoạn này, hạt giống đô thị được hình thành như là một
đơn vị hành chính-huyện Tân Bình, ban đầu chỉ với mục đích quân sự nhưng sau đó
lại phát triển nhanh chóng theo hướng thành thị hóa, và chuyển dần thành một
khu vực trọng yếu cho hoạt động ngoại thương của cả khu vực phía Nam. Rạch Bến
Nghé được mô tả như một hệ thống rạch tự nhiên- chiều sâu hơn 20 mét và chiều rộng
hơn 300 mét - là lợi thế cho các hoạt động dựa vào sông nước từ đó hình thành
và phát triển (Hình 1).
Bên cạnh đó, giao thông phụ thuộc chủ yếu vào đường thủy đã tạo nên một hình ảnh
đô thị “trên bến dưới thuyền” phát triển dọc theo Rạch Bến Nghé, được mô tả như
“chỗ đô hội thương thuyền của các nước”. Theo Pham
Thi Thanh Thao & Pham Quang Dieu (2011), cấu trúc và hoạt
động của đô thị gắn liền với 3 đối tượng: Cảng-Thuyền-Chợ phát triển dọc theo
tuyến kênh rạch, tạo một thành phố có cấu trúc dựa vào nước
(water-basestructured city ). Cùng với hoạt động giao thương phát triển, một số
cụm dân cư phát triển dọc theo tuyến đường thủy này, lúc này khá thưa thớt với
các đặc điểm nhà ở đơn sơ -“vách gỗ, mái tranh, hoặc lợp lá dừa nước”, hoặc bán
kiên cố-“mái ngói đỏ”. Hình thái nhà ở ven sông kết hợp với hoạt động giao
thương đã xuất hiện trong giai đoạn này với “sát sau mỗi căn nhà ở bên mép nước
đều có một cửa hàng xây trên nhà sàn lấn ra con rạch”(Trần
Hữu Quang, 2012). Hướng về phía Bắc, đô thị mới này bị
giới hạn bởi Rạch Thị Nghè, hay còn gọi là sông Bình Trị- tạo ra địa thế bảo vệ
tự nhiên vững chắc bao bọc thành Quy, thành Phụng bên dưới. Nhìn chung trong
giai đoạn này, hai hệ thống đường thủy nội địa - TH-BN và NL-TN không những
cung cấp các dịch vụ sinh thái, tạo cảnh quan đẹp, mà còn được sử dụng như một
vi trí chiến lược cho quân sự và hoạt động giao thương. Hơn thế nữa, cùng với vẻ
đẹp thiên nhiên và hoạt động sinh sống kết hợp với giao thương trên sông đã góp
phần tạo nên một bản sắc riêng cho thành phố như Jean Bouchot đã hình dung Sài
Gòn trong buổi sơ khai là "một thành phố nhỏ nổi trên sông" với các
dãy tàu thuyền chen chút nhiều màu sắc, hình dáng khác nhau hoặc theo J.Sory là một thủ phủ “huy hoàng rực
rỡ […] từng giao thương với những người Bồ Đào Nha, người Ả Rập, người Mã Lai” (Trần
Hữu Quang, 2012, tr. 16).
Vào năm 1859, người
Pháp xâm lược và chiếm quyền kiểm soát thành Gia Định, chính thức biến Sài Gòn
thành khu vực thuộc địa. Tuy nhiên, sau ba năm, Sài Gòn mới được quy hoạch cho
một thành phố trong tương lai - quy hoạch
của Coffyn- với việc mở rộng khu vực lên tới 25 km2 có sức chứa
500.000-600.000 cư dân sinh sống. Bản quy hoạch này vẫn dựa trên lợi thế về địa
lý tự nhiên trước đó với vành đai bao bọc bởi ba hệ thống đường thủy: arroyo
Chinonis (Rạch Bến Nghé), arroyo de l'Avalanche (Rạch Thị Nghè) và sông Sài
Gòn. Mặc dù bản quy hoạch này bị bác bỏ, nhưng sự phát triển đô thị trong những
năm sau này gần như bao hàm các nội dung của Coffyn đề xuất trước đó. Nhận định
được tầm quan trọng bởi địa thế do hệ thống đường thủy tự nhiên ở Sài Gòn cả về
mặt quân sự lẫn phát triển hệ thống tiêu thoát nước trong đô thị, theo chính
quyền Pháp cũng bắt đầu tiến hành cho đào một số con kênh nhân tạo trong những
năm đầu cầm quyền, điển hình là Kênh Canal de Ceinture (được gọi là kênh Vọng
Thanh) cho mục đích quân sự. Con kênh này kết nối với Rạch Chợ Lớn và Rạch Thị
Nghè, bao phủ 20 km2 khu vực đô thị.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1865, thành phố Sài Gòn chuyển
dần từ một đô thị gắn liền với hệ thống đường thủy sang đô thị phát triển dựa
vào hệ thống đường bộ. Trong khoảng 20 năm đầu, sự chuyển biến này chưa rõ rệt
bởi các loại xe thô sơ như xe bò, xe ngựa, xe kéo gây ra tiếng động lớn và khả
năng tải không cao. Tuy nhiên đến 1894, sự xuất hiện của các loại xe cơ giới
(xe đạp, xe máy, hệ thống đường sắt, xe điện, xe đò, v.v) đã tạo động lực đáng
kể cho sự chuyển đổi này. Nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển hệ thống giao
thông đường bộ, các con kênh bắt đầu bị lấp và thay thế bằng các con đường (Các
con kênh Gallimard, Grand, Cá sấu, Olivier được thay thế bằng các con đường được
biết đến với tên gọi Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi và Pasteur như hiện nay).
Trong giai đoạn này, dưới áp lực của đô thị hóa cùng với làn sóng di cư ồ ạt từ
các tỉnh lân cận, chức năng tiêu thoát nước và cân bằng sinh thái của hệ thống
đường thủy bị tác động một cách tiêu cực dẫn đến các mục đích sử dụng cũng thay
đổi. Hai hệ thống đường thủy nội địa chính bắt đầu gánh chịu những tác động bởi
sự gia tăng dân số ồ ạt và sự phát triển nhà ở tạm bợ, phi chính thức dọc kênh,
đặc biệt ở những khu vực hoang sơ. Hầu hết dân nhập cư đều từ các tỉnh phía Bắc,
không có tài chính; họ thường có xu hướng cư trú dọc theo các con kênh hoặc rạch
nhỏ bởi đây là vùng trũng, thấp, nên ít người sinh sống và thường xuyên bị ngập
khi thủy triều lên(Trần
Hữu Quang, 2012). Kênh NL-TN là một ví dụ điển hình với
một số khu vực nhà nổi trên sông (canal house) hay còn gọi là “nhà ổ chuột”. Cuối
giai đoạn Pháp thuộc, chính quyền Pháp đối mặt với các vấn đề vệ sinh và tiêu
thoát nước đô thị ngày càng nghiêm trọng bởi sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng.
Không những ở những khu vực nhà ở phi chính thức mà ngay tại khu vực trung tâm
thành phố đã được quy hoạch, hệ thống đường thủy không đáp ứng được chức năng
cung cấp nước cũng như tiêu thoát nước do bị ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động
giao thương, sản xuất (chợ, trung tâm thương mại, tàu thuyền, khu chăn nuôi và
giết mổ). Sự xung đột về tài nguyên nước xuất hiện với áp lực mở rộng đô thị và
phát triển kinh tế dẫn đến không gian dành cho hệ thống nước mặt bị thu hẹp, một
số điểm thoát nước bị lấp do nhà ở và kinh doanh dẫn đến một số nơi bị nước tù
đọng, gây ra những tiềm ẩn về dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và cư dân
sinh sống.
Giai đoạn
1945-1975 khi cuộc chiến tranh Đông Dương bùng nổ đã có những ảnh hưởng sâu sắc
đến sự phát triển đô thị, đặc biệt về không gian đô thị. Trong 20 năm đầu, hiện
tượng đô thị lan tỏa “urban sprawl” xuất hiện và phát triển khá mạnh mẽ ở các
khu vực ngoài rìa thành phố (sub-urban) theo hướng Đông Bắc, mở rộng ra khỏi
kênh NL-TN (Xem Hình
2
và Hình
3).
Ở phía Nam, luồng dân nhập cư đã lấp đầy những khoảng trống dọc theo tuyến kênh
TH-BN và mở rộng dần về phía Bắc (theo hướng kênh Vòng Đai) và phía Nam dọc
kênh Đôi, kênh Tẻ. Như vậy, có thểthấy rằng trong giai đoạn này, mặc dù đã có sự
chuyển biến phát triển đô thị dựa trên hệ thống đường bộ nhưng hệ thống đường
thủy vẫn là một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến sự mở rộng đô thị theo hướng phát triển
dọc theo hệ thống giao thông đường thủy chính trước kia là Kênh Bến Nghé, Kênh
Nhiêu Lộc và hệ thống các kênh rạch nối kết hai tuyến kênh trên. Nếu như năm
1954, Sài Gòn đón nhận một lượng dân nhập cư mới nhưng có sự kiểm soát của
Chính phủ lâm thời thì vào năm 1975, một lượng người tị nạn đổ vào thành phố,
chủ yếu dựng nhà và sinh sống không hợp pháp dọc theo các tuyến kênh mà điển
hình nhất là kênh NL-TN. Theo Trần Văn Giàu, “họ sống chen chúc,có nơi mật độ sống
lên đến 28000 người/km2. Điều kiện sống ở đây thật tệ hại” (Lê
Văn Năm và Vũ Ngọc Thành, 2014, tr. 216). Không những các
hoạt động sinh hoạt đều dựa vào nguồn nước này như sử dụng nước cho ăn uống,
nuôi cá bè, khai thác thủy hải sản mà nơi đây cũng là nơi tiếp nhận chất thải từ
các hoạt động trên. Chức năng tái tạo và cung cấp dịch vụ sinh thái bị phá hủy
nghiêm trọng, nguồn nước bị ô nhiễm năng nề dẫn đến việc sử dụng con kênh này
cho mục đích tiêu thoát nước không còn đáp ứng được. Le
Tran Ngoc (2008) đã mô tả rằng một số đoạn kênh có mùi
hôi thối và nước kênh chuyển sang màu đen, thậm chí trở thành môt hình ảnh gắn
liền với một tên gọi khác của con kênh này trong trí nhớ của người dân – “Kinh
nước đen” trong môt khoảng thời gian dài.
Sau chiến tranh,
TPHCM bước vào giai đoạn phục hồi hậu quả sau chiến tranh với chính sách chú trọng
phát triển công nghiệp nặng và kiềm hãm sự di cư giữa nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng bị phá hủy và xuống cấp từ thời kỳ trước cùng với
ngân sách quốc gia hạn hẹp nên hệ thống đường thủy không được chú trọng quan
tâm. Các khu nhà ổ chuột vẫn tồn tại và phát triển từ thập kỷ trước, hiện tượng
xâm lấn đất cho xây dựng và nhà ở ngày càng tăng dẫn đến một số đoạn kênh phụ
đã bị thu hẹp ở hai hệ thống kênh TH-BN và NL-TN, thậm chí một số đoạn bị lấp
đi thay thế cho hàng loạt nhà ở làm bằng vật liệu tạm bợ. Hậu quả là nước kênh
bị ô nhiễm với các loại chất thải rắn khác nhau tạo một màu đen quánh đặc trưng
làm cho khả năng tái tạo của hệ sinh thái nước gần như bằng không, cũng như
không còn thích hợp cho hoạt động di chuyển bằng đường thủy bởi nguy cơ ăn mòn
và khó khăn trong di chuyển do rác.
Sau năm 1986 - năm
đánh dấu cho bước chuyển mình của TPHCM sau khi chính sách Đổi mới được áp dụng,
quá trình công nghiệp hóa –hiện đại hóa đất nước đã thúc đẩy cho mọi loại hình
kinh tế phát triển dẫn đến mức độ đô thị hóa ở thành phố ngày càng cao cả về
chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhu cầu về vốn cho việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ
tầng đáp ứng với sự phát triển thành phố theo hướng một siêu đô thị năng động ở
toàn miền Nam là một trong những điều kiện tiên quyết trong chính sách phát triển
và quy hoạch của thành phố. Theo đó, hệ thống đường thủy nội địa là một trong
những nội dung được quan tâm. Tuy nhiên, khác với thời kỳ đầu hình thành Sài
Gòn, hệ thống đường thủy nội địa được phát triển dựa trên nhu cầu giao thương
và đi lại thì hệ thống đường thủy hiện nay tập trung vào cải tạo cảnh quan đô
thị, tạo nên một diện mạo mới cho thành phốnhư một yếu tố hình thành bản sắc.
Bên cạnh đó, thành phốcũng từ quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu như đảo
nhiệt đô thị, tình trạng ngập lụt thường xuyên diễn ra vào mùa mưa hay vào các
đợt thủy triều, sự gia tăng mức độ bê tông hóa trên bề mặt gây ra những hạn chế
trong vấn đề tiêu thoát nước, ô nhiễm nguồn nước ở cả hệ thống nước mặt lẫn nước
ngầm do khai thác, sản xuất và sinh hoạt trong thành phố. Chính vì vậy, nhiệm vụ
cải tạo hệ thống đường thủy nội địa là cần thiết nhằm trả lại chức năng chính
là cân bằng hệ thống nướctrong đô thị, cung cấp dịch vụ sinh thái, tạo cảnh
quan đẹp. Bắt đầu từ năm 1985, các nỗ lực di dời các hộ dân sống tạm bợ ven
sông đã được quan tâm, nhưng đến 1993, theo Camp Dresser và Kee International
Inc.(CDM), một dự án với kinh phí là 120 triệu đôla từ nguồn vốn chính phủ nhằm
làm sạch và cải tạo cảnh quan kênh NL-TN mới được thực hiện (Le
Tran Ngoc, 2008, tr. 81). Tiếp theo đó,
vào năm 2003, Ngân Hàng Thế Giới (WB) đã hỗ trợ kinh phí 300 triệu đôla cho cải
thiện vệ sinh ở kênh NL-TN vớinhóm công việc bao gồm nạo vét bùn, lắp đặt hệ thống
cống mới và bơm nước thải cho nhà máy xử lý
(Hữu
Công, 2012).
Hình 1. Bản đồ Gia Định-Sài Gòn-Bến Nghé năm 1815 |
Hình 2. Bản đồ Sài Gòn năm 1920 |
Hình 3. Bản đồ Sài Gòn năm 1962 |
Nguồn:
Tham khảo Trần Hữu Quang, 2012 |
Nguồn: Trang web hình ảnh Việt Nam xưa và nay, cập nhật vào
ngày 11/08/2015 |
Nguồn: Trang web hình ảnh Việt Nam xưa và nay, cập nhật vào
ngày 11/08/2015 |
3. HỆ THỐNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ KHÔNG GIAN
CÔNG CỘNG
3.1. Không gian công cộng
(public space) và hệ thống đường thủy nội địa (inland waterway system)
Với xu hướng phát
triển đô thị một cách bền vững, không gian công cộng là yếu tố quan trọng và
không thể thiếu đối với một siêu đô thị như TPHCM, không những là nơi cung cấp
các dịch vụ vui chơi giải trí của cộng đồng mà còn là nơi nối kết giữa cá nhân
và xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị hiện nay kéo theo sự thu hẹp về diện
tích dành cho không gian công cộng bởi sự kém hấp dẫn và sự thiếu quan tâm
trong việc cải thiện cảnh quan, dịch vụ đi kèm nhằm gia tăng giá trị kinh tế
gián tiếp khi phát triển đô thị. Diện tích dọc hệ thống đường thủy nội địa
(waterfront) được xem là khu vực tiềm năng cho việc phát triển không gian công
cộng. Theo Phạm
Thị Thanh Thảo và Pham Quang Dieu (2015), cải tạo cảnh
quan bờ sông là một cách để tái tạo lại hình ảnh thành phố, khuyến khích đầu tư
kinh tế, thu hút người dân gia nhập vào không gian công cộng. Gia tăng tính hấp
dẫn của không gian công cộng ven sông có thể được quyết định bởi cảnh quan dọc
bờ sông, giá trị của các công trình và giá trị văn hóa đi kèm. Chính vì vậy,
trong phần này, dựa trên kết quả từ hai cuộc khảo sát thực địa tại vào tháng 04
năm 2015, bài viết đưa ra một số phân tích về hình thái và cấu trúc đô thị dọc
hai kênh TH-BN và NL-TN nhằm tìm kiếm những cơ hội tiềm năng cho phát triển cảnh
quan và hệ sinh thái kênh rạch trong quá trình phát triển đô thị.
Trong khi kênh
TH-BN đặc trưng với các công trình có giá trị lịch sử xen lẫn với các công
trình mang tính hiện đại, thì kênh NL-TN được biết đến với sự chuyển đổi về cảnh
quan từ khu vực “Kênh nước đen” với các dãy nhà tạm bợ thành một công viên với
hệ thống cây xanh và không gian sinh hoạt cộng đồng.
Kênh TH-BN đã có
những thay đổi diện mạo từ sau khi một số dự án cải tạo ven sông và đại lộ Đông
Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt) hoàn thành nhằm cải thiện tình trạng kẹt xe, đảm
bảo mạch giao thông từ Đông sang Tây của thành phố được thông suốt và thúc đẩy
phát triển đô thị ở bờ Đông khu vực sông Sài Gòn. Theo Hình
4,
kênh TH-BN có những chuyển đổi đặc trưng về cấu trúc và các công trình giữa các
khu vực khác nhau, phản ánh các dấu ấn lịch sử phát triển đô thị, những nét văn
hóa đặc trưng và các hoạt động kinh doanh sản xuất. Một số công trình kiến trúc
cổ mang giá trị bảo tồn vẫn tồn tại dọc hai bên bờ kênh: các công trình kiến
trúc kiểu Pháp tập trung ở phía Đông trong khi các công trình kiến trúc người
Hoa tập trung ở phía Tây, hướng về khu vực Chợ Lớn. Sự hòa trộn giữa quá khứ và
hiện tại khá rõ nét tại đoạn kênh ở khu vực Quận 1 và 4 với những công trình cổ
như Cầu Mống, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, Sở Giao Dịch chứng khoán TPHCM hòa lẫn
với các công trình cao ốc. Sự phát triển của khu vực tài chính tại khu vực phía
Đông thành phố đã tác động đến sự hình thành và tập trung các tòa cao ốc dọc bờ
sông, phục vụ cho hoạt động thương mại và dịch vụ. Theo đó, sự hình thành và
phát triển các mảng xanh, công viên và không gian công cộng tại khu vực này đã
thu hút được sự tham gia của người dân, đặc biệt là giới trẻ với các hoạt động
như dạo mát, tập thể dục, tham quan chụp hình, v.v. Bên cạnh sự phát triển của
các nhóm lĩnh vực kinh doanh quy mô lớn, nhóm hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ vẫn tồn
tại và phát triển. Các hoạt động này phân bố theo cụm, trong đó, nhóm kinh
doanh mặt hàng ăn uống phân bố về phía Đông thành phố (Quận 1), nhóm vật liệu
xây dựng phân bố ở bờ phải (Quận 5 và 6) và nông sản ở bờ trái khi đi xuống
phía Tây (Bến Bình Đông). Sự kết hợp giữa kinh doanh và nhà ở được thấy khá phổ
biến tại cả hai khu vực Đông và Tây dọc bờ kênh: không gian sinh sống được bố
trí ở tầng trên và hoạt động kinh doanh ở tầng trệt - lưu giữ một nét đặc trưng
về nhà ở từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay. Sự hạn chế về không gian công cộng và mảng
xanh giảm dần về phía Tây con kênh, nhường chỗ cho các công trình phục vụ cho
hoạt động giao thương gạo và loại nông sản với sự có mặt của chợ truyền thống,
các cửa hàng bán lẻ, và đặc biệt là sự tập trung các nhà máy, kho chứa hàng đã
cũ kỹ từ các thời kỳ trước. Để phục vụ cho hoạt động trên, vận chuyển và giao dịch
bằng ghe, tàu nhỏ vẫn diễn ra ở đoạn kênh này. Chính vì vậy, so với đoạn kênh
hướng về khu vực Quận 1 và 4 với môi trường và cảnh quan ven sông đã được cải
thiện, thì ô nhiễm môi trường nước mặt ở đây khá nghiêm trọng, và dễ dàng quan
sát được bởi các đoạn kênh nước đen quánh và có mùi hôi đặc trưng.
Hình 4. Cảnh quan bờ sông dọc Kênh Tàu Hủ-Bến Nghé năm
2015
Khác với kênh
TH-BN đặc trưng bởi các công trình kiến trúc xưa và các loại hình kinh doanh
khác nhau thì kênh NL-TN có sự đồng nhất hơn về loại hình kinh doanh và nhà ở.
Sau khi cảnh quan hai bên bờ sông được phục hồi và cải tạo, chức năng sinh học
vốn đã bị vô hiệu hóa bởi vì chất thải sinh hoạt và nước thải từ hệ thống xử lý
nước thải từ một thời gian dài của các thời kỳ trước đã được khôi phục, tạo nên
một hình ảnh hoàn toàn mới so với năm 1920. Dãy nhà tạm bợ ven sông đã được
thay thế bằng hệ thống cây xanh ven kênh cùng với công viên đã tạo nên một
không gian công cộng cho người dân xuyên suốt chiều dài của kênh. Sự thiết kế
khá hợp lý với khu vực dành cho người tập thể dục bằng các dụng cụ công cộng,
ghế đá, đèn đường đã thu hút nhiều sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là cư
dân sinh sống tại đó. Khác với kênh TH-BN, NL-TN đặc trưng bởi các kiểu nhà ống
hiện đại và các tòa nhà chung cư cao tầng phục vụ là chủ yếu. Các công trình
mang tính lịch sử và văn hóa tập trung ở đây khá ít, nổi bật nhất là công trình
chùa Chantarangsay với kiến trúc Khmer độc đáo được xây dựng từ năm 1946. Hoạt
động kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ ở đây khá phổ biến, chủ yếu là quán cà phê và
quán nhậu. Chính vì vậy, ở một số khu vực, tính an toàn không cao do tình trạng
gây lộn, đánh nhau, tiếng ồn gây tâm lý lo ngại cho người dân khi tham gia các
hoạt động ngoài trời tại khu vực này vào buổi tối. Để duy trì và cải thiện hệ
sinh thái nước mặt, kênh này chỉ phục vụ cho hoạt động nạo vét kênh và giữ gìn
vệ sinh, đảm bảo cho chức năng tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, trong thời gian gần
đây, người dân được khuyến cáo không câu cá ở kênh rạch nhằm đảm bảo khả năng
phục hồi của hệ động vật thủy sinh.
Hình 5.Cấu trúc đô thị dọc Kênh Nhiêu
Lộc-Thị Nghè năm 2015
Nhìn chung, môi
trường được xem là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành và phát triển
không gian công cộng bờ kênh. Bên cạnh đó, tính hấp dẫn của bờ kênh còn được
quyết định bởi sự tập trung các công trình kiến trúc cổ, mang tính lịch sử và
văn hóa. Tuy nhiên, để cho tính hấp dẫn trên phát huy tác dụng cần phải quan
tâm đến việc nối kết không gian riêng của các công trình và không gian công, đồng
thời quan tâm đến tính an toàn của khu vực tạo tâm lý thoải mái và yên tâm khi
tham gia các hoạt động ngoài trời.
3.2. Nhận thức và sự tham gia của giới trẻ vào
các hoạt động không gian công cộng ven sông
Theo như quan sát,
sự có mặt và tham gia của giới trẻ ở các khu vực công cộng ven kênh khá cao, đặc
biệt đối với kênh TH-BN. Chính vì vậy, với mục tiêu tìm hiểu hình ảnh trong nhận
thức của giới trẻ về hệ thống kênh rạch thành phố và nhu cầu tham gia các hoạt
động tại đây, bài viết cũng đưa ra một số kết quả khảo sát 79 người trong độ tuổi
20-30 được thực hiện vào tháng 4 năm 2015.
Mặc dù đã có những
cố gắng trong việc cải tạo hệ thống giao thông đường thủy nội địa, tuy nhiên,
hình ảnh về kênh rạch tại TPHCM vẫn gắn liền với hình ảnh nước kênh “dơ”, “bẩn”,
“ô nhiễm” trong nhận thức của nhóm được khảo sát khi được yêu cầu mô tả một câu
hoặc cụm từ về kênh rạch tại TPHCM với 76,3% số người được khảo sát, trong khi
đó chỉ có 22,4% cho rằng kênh rạch đã được cải thiện nhiều. Tuy vậy, phần lớn
nhóm trẻ này đều đánh giá tầm quan trọng của hệ thống đường thủy nội địa với
hơn 86,1% ở mức quan trọng trở lên và hiểu rõ chức năng chính hiện nay của
kênh/rạch là thoát nước và tạo cảnh quan (35,7 và 29,2%). Điều này một phần phản
ánh sự mong đợi hướng tới nhóm chức năng chính của hệ thống kênh/rạch mà giới
trẻ quan tâm. Bên cạnh đó, mục đích tham gia các hoạt động liên quan đến kênh rạch
khá đa dạng, nhưng với tần suất thường xuyên không cao. Theo kết quả khảo sát,
35,4% số người khảo sát không bao giờ tham gia vào các hoạt động ngoài trời
liên quan đến kênh/rạch, trong khi đó, 38% số người khảo sát tham gia vào các
hoạt động trên ở mức độ 1-3 lần/tháng (Hình
7),
chủ yếu vào hoạt động dạo mát ngắm cảnh chiếm 32,5% tổng số sự lựa chọn, tuy
nhiên, chỉ đi ngang qua chiếm tới 35,8%, tiếp theo là hoạt động uống cà phê ven
kênh cũng chiếm tỷ lệ tương đối 13,3%. Hoạt động tập thể dục tại đây ít thu hút
giới trẻ, chỉ chiếm 7,5%. Bên cạnh đó, nam giới có xu hướng chọn một số hoạt động
mang tính giải trí như câu cá và chơi mô hình ca nô (Hình
6).
Khi đánh giá về mức độ mong đợi của giới trẻ trong việc cải thiện hệ thống kênh
rạch hiện nay, môi trường, cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên là nhóm nội dung
được giới trẻ quan tâm nhiều nhất với 31,1%, 22,6% và 21,3% (Hình
8).
Sự an toàn khi tham gia vào các hoạt động ngoài trời tại đây cũng là nội dung
khá quan tâm với 15,3%. Như vậy, tính hấp dẫn hiện nay của hệ thống đường thủy
nội địa được phản ánh qua sự mong đợi của giới trẻ về hình ảnh của hệ thống
trong tương lai với 40,9% mong mỏikênh rạch có được nguồn nước sạch, trong, tiếp
theo là hệ thống cây xanh tự nhiên với 34,6% và 23,9% cho hoạt động văn hóa.
Hình 6. Các hoạt động ngoài trời liên quan đến hệ thống
kênh/rạch tại TPHCM theo giới tính |
Hình 7. Tần suất tham gia các hoạt động ngoài trời liên quan đến hệ thống
kênh/rạch tại TPHCM |
Hình 8. Sự mong đợi của giới trẻ trong việc cải thiện hệ thống kênh rạch
tại TPHCM hiện nay |
4. CƠ HỘI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA TRONG
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
4.1.
Kinh tế
Sự thay đổi bộ mặt
cảnh quan kênh rạch tại TPHCM đã mang lại nhiều giá trị kinh tế. Điều này có thể
thấy ở trường hợp điển hình kênh NL-TN. Dọc theo tuyến đường Hoàng Sa và Trường
Sa, các loại dịch vụ ăn uống phát triển phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải
trí, ăn uống, tạo cơ hội kinh doanh và tạo nguồn thu tăng thêm cho các hộ sống
xung quanh khu vực. Dịch vụ nhỏ, lẻ, theo hộ gia đình với mức giá chấp nhận được
đã tạo nên một không gian sống động cho một nền kinh tế vỉa hè khá đặc trưng mà
theo Annette Kim nhận định rằng “Vỉa hè Sài Gòn là không gian công cộng sống động,
nhân bản và hợp tác” (Nguyễn
Đỗ Dũng và Đỗ Như Quỳnh, 2014).
Bên cạnh đó, tình
hình giao thông với hệ thống đường sá được nâng cấp đã được cải thiện tạo sự
thuận lợi trong quá trình vận chuyển của người tham gia giao thông đồng thời
tăng cơ hội phát triển cho hoạt động mua bán yêu cầu ít thời gian và thuận tiện.
Mặc dù chưa khai thác được chức năng giao thông thủy nhưng tuyến đường Hoàng Sa
và Trường Sa chạy dọc toàn tuyến kênh NL-TN giúp giao thông liên tục từ các quận
10, 3, 1, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, sau khi quá trình cải tạo hoàn thành,
các lô-cốt đã gỡ bỏ vào năm 2012.
Một điều dễ dàng
nhận thấy là tiềm năng phát triển dịch vụ đường thủy hiện nay khá lớn, đặc biệt
là hoạt động du lịch. Theo kết quả quan sát từ cuộc khảo sát thực địa tại Kênh
TH-BN, việc khai thác du lịch hướng tới tham quan các di tích và công trình
mang tính lịch sử của người Hoa đã bắt đầu phát triển. Hiện kênh TH-BN đã cho
xây dựng mới một số trạm dừng cho tàu của các tuyến du lịch trước chùa Long Hoa
khu vực bến Bình Đông (Hình
6).
Khôi phục lại hình ảnh “trên bến dưới thuyền” Sài Gòn xưa là ý tưởng khá mới mẻ
trong quy hoạch khu vực này trong tương lai mà theo Bản quy hoạch điều chỉnh quận
8 đến năm 2020, cảnh quan sông nước truyền thông với các hoạt động gắn liền với
sinh hoạt và sản xuất của người dân (Hình
5)
sẽ được thực hiện tại các trục đường Bến Ba Đình, Bến Bình Đông, Bến Mễ Cốc (Xuân
Thủy, 2011).
Hình 9. Hoạt động bốc dỡ hàng trên một đoạn kênh TH-BN,
Bến Bình Đông, Q.8 |
Hình 10. Trạm dừng cho tàu khách tại chùa Long Hòa, Q.8 |
Nguồn: nhóm
tác giả, ảnh chụp vào ngày 04/04/2015 |
Nguồn: nhóm
tác giả, ảnh chụp vào ngày 04/04/2015 |
Khó khăn lớn nhất ở
các dự án cải tạo kênh mương tại TPHCM là di dời các khu nhà tạm bợ còn sót lại.
Việc tính toán phương án giải tỏa, định mức đền bù là vấn đề nhạy cảm và gặp
nhiều khó khăn do liên quan đến từng hộ gia đình, mỗi hộ mỗi hoàn cảnh khác
nhau dẫn đến việc khó mà đáp ứng được một cách hoàn hảo tâm tư của người dân.
Sinh kế là vấn đề cốt lõi, khi mà nhiều hộ dân không chấp nhận việc thay đổi do
đã quen nơi ăn chốn ở hoặc công việc. Đa phần họ đều có thu nhập thấp, chủ yếu
sống dựa vào những công việc buôn bán lặt vặt xung quanh hoặc ngay tại nơi
mình, trong khi đó, phương án di dời hiện nay vẫn chưa tính đến nguồn sinh kế của
họ sau này. Tâm lý lo sợ cùng với nguồn tài chính không đảm bảo của người dân
là rào cản chính làm chậm tiến độ công tác di dời, đền bù hiện nay.
Ngoài ra việc thi
công trễ nãi do những nhà thầu thiếu năng lực còn làm đội vốn ODA, gia tăng
gánh năng trả nợ. Những công trình treo ngổn ngang làm ảnh hưởng trực tiếp đến
các hộ gia đình, đặc biệt là những hộ có việc buôn bán tại nhà, khi các lô cốt
hạn chế vấn đề di chuyển và tiếp cận của cả người mua và người bán.
4.2. Xã hội và văn hóa
Sự cải thiện chất
lượng nước và hệ sinh thái ven sông đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi đời
sống xã hội của cư dân sống xung quanh. Tạo không gian thoáng đãng cho các hoạt
động ngoài trời tạo động lực cho sự phát triển các hoạt động thể dục thể thao dọc
bờ kênh, tăng tính giao tiếp xã hội giữa các cá thể và cộng đồng. Bên cạnh đó,
hệ thống cây xanh xen kẽ thảm thực vật cùng với cách bố trí hợp lý hài hòa giữa
các không gian như khu vực nghỉ ngơi, khu vực vận động đã khuyến khích người
dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, điển
hình các hoạt động buôn bán và sinh hoạt ở khu vực người Hoa như Bến Bình Đông
gợi nhớ một hình ảnh Sài Gòn xưa với quang cảnh buôn bán tấp nập trên sông là
nét văn hóa khá nổi bật tại đây trong những dịp tết. Chợ Hoa là một ví dụ, như
một yếu tố không thể thiếu đối với người dân Quận 6 trong những ngày này.
Tuy nhiên, thử thách
không nhỏ chính là ý thức và văn hóa của người dân khi vẫn còn những hành động
vô tư xả rác xuống lòng kênh hay hoạt động câu cá dọc theo bờ kênh bất chấp biển
cấm. Bên cạnh đó, ý thức kém trong việc giữ gìn trật tự đô thị, gây tiếng ồn với
tần suất cao tại một số hàng quán dọc bờ kênh ảnh hưởng đến tâm lý tham gia vào
các hoạt động ngoài trời của người dân vào buổi tối.
4.3. Môi trường
Trong bối cảnh biến
đổi khí hậu và phát triển bền vữngngày càng chú trọng, thách thức lớn nhất của
TPHCM là ngập lụt do nước biển dâng. Chính vì vậy việc tập trung vào khai thác
chức năng thoát lũ của hệ thống kênh rạch nội địa không những là nhiệm vụ cấp
bách cho TPHCM trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn là cơ hội cho hệ
thống đường thủy nội địa phát huy vai trò của mình.
Kế thừa thành công
từcác dự án cải tạo kênh TH-BN và NL-TN hồi sinh từ dòng kênh chết là cơ sở cho
các dự án tiếp theo được thực hiện suôn sẻ hơn, tạo một lý lịch tốt trong việc
sử dụng nguồn vốn của các tổ chức thế giới trong việc giải quyết các vấn đề môi
trường.
Bên cạnh đó, các
mô hình quản lý dựa vào cộng đồng hiện nay đang được chú trọng, vì vậy tăng cường
khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc quản lý đoạn kênh mà họ sinh sống
là cần thiết. Việc này cho phép sử dụng nội lực của thành phố - chính là người
dân - giảm bớt áp lực lên cơ quan chức năng trong việc quản lý và giúp người
dân hiểu được trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường
liên quan đến kênh rạch.
Thử thách rất lớn
đặt ra hiện nay đó là việc tái ô nhiễm ở những khu vực kênh rạch đã được cải tạo
do chúng có liên kết với nhau. Bên cạnh đó hành vi xả thải từ các cơ sở sản xuất
và các hộ gia đình sống dọc kênh rạch chưa được xử phạt và giải quyết triệt để.
Lực lượng chức năng không thể nào kiểm tra, theo dõi từng ngày một đối với các
đối tượng gây ô nhiễm. Trong khi chờ đợi các dự án nhà máy xử lý nước thải được
đi vào hoạt động, thiết nghĩ các biện pháp chế tài cần được thực hiện sát sao
và nghiêm khắc hơn nữa đối với các cá nhân và tổ chức có hành vi gây ô nhiễm
môi trường, cụ thể ở đây là gây ô nhiễm nguồn nước.
Một công việc cấp
bách nữa cần làm ngay đó là tổ chức di dời, tái định cư các hộ dân sinh sống lấn
chiếm dọc ven kênh rạch, đồng thời bố trí công ăn việc làm cho họ. Có vậy, việc
di dời mới có thể sớm thực hiện và từ đó giảm tình trạng xả rác thải, nước thải
sinh hoạt từ các hộ này xuống kênh rạch.
Dưới tác động của
quá trình đô thị hóa, hệ thống kênh rạch đã phải gánh chịu những tác động tiêu
cực từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất ở dọc hai bờ kênh, ảnh hưởng không
nhỏ đến khả năng thoát nước và thoát lũ của thành phố. Vai trò giao thông vận tải
thấy rõ nét trên kênh TH-BN với hoạt động của các tàu khách du lịch và ghe hàng
vận chuyển, riêng trên kênh NL-TN chủ yếu là hoạt động dọn dẹp vệ sinh.
Theo định hướng
phát triển bền vững, hệ thống kênh này được đặc biệt quan tâm không những bởi
nhà nước mà còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Chính vì vậy, đây
là một cơ hội tốt cho TPHCM trong quy hoạch đô thị bền vững, phát triển kinh tế
nhưng không làm xung đột giá trị văn hóa xã hội đồng thời khuyến khích sự tham
gia của mọi tầng lớp xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Đường thủy
nội địa Việt Nam. 2014. Giáo trình Kinh tế
vận tải.
2. Hữu Công.
27/08/2012. Gần 20 năm “hồi sinh” dòng
kênh bẩn nhất Sài Gòn. Truy cập vào ngày 25 tháng 4 năm 2015 từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/gan-20-nam-hoi-sinh-dong-kenh-ban-nhat-sai-gon-2240113.html
3. International
Navigation Association, Environmental Commission, & Working Group 6. 2003. Guidelines for sustainable inland waterways
and navigation. Brussels, Belgium: International Navigation Association.
4. Le Tran Ngoc. 2008. Rethinking Urban Streams: Opportunities for the Nhieu Loc-Thi Nghe
River. Massachusetts Institute of Technology, Dept. of Urban Studies and
Planning.
5. Lê Văn Năm và Vũ Ngọc Thành. 2014. Phát triển của đô thị Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh
về không gian qua các giai đoạn lịch sử. Hội thảo khoa học: 20 năm đô thị
hóa Nam Bộ-lý luận và thực tiễn, tr. 62-67.
6. Nguyễn Đỗ Dũng và Đỗ Như Quỳnh.
01/05/2014. Giáo sư Annette Kim: “Vỉa hè
Sài Gòn là không gian công cộng sống động, nhân bản và hợp tác.”Truy cập từ<http://dothivietnam.org/2014/01/05/via-he-sai-gon/>
7. Pham Thi Thanh Thao và Pham Quang Dieu.
2011. Remaking image and identity of the
water city–redevelopment of Ho Chi Minh City’s waterfront to regain its
cultural image and identity. Global Visions: Risks and Opportunities for
the Urban Planet. Tải từ<http://www.ifou.org/globalvisions2011/Index/Group%207/FOUA00148-00238P2.pdf>
8. Trang web hình ảnh Việt Nam xưa và nay.
(n.d.). Bản đồ Sài Gòn xưa. Tải từ
http://hinhanhvietnam.com/ban-do-sai-gon-xua/
9. Trần Hữu Quang. 2012. Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu.TPHCM:
Nxb Tổng hợp TPHCM. Tải từ
<http://nxbhcm.com.vn/Chi-tiet-sach/672/ha%CC%A3-ta%CC%80ng-do-thi%CC%A3-sa%CC%80i-go%CC%80n-buo%CC%89i-da%CC%80u.aspx>
10. Vũ Nhật Tân. 2013. Lịch sử kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Tạp Chí Khoa Họ Xã Hội Số
3(175)-2013.
11. Vương Hồng Sển. 2013. Sài Gòn năm xưa.TPHCM: Nxb Tổng hợp
TPHCM.
12. Vu Thi Hong Hanh. 2006. Canal-side highway in Ho Chi Minh City
(HCMC), Vietnam. Issues of urban cultural conservation and tourism
development. GeoJournal, 66(3), 165–186.
http://doi.org/10.1007/s10708-006-9024-1
13. World Wide Fund For Nature. (2009). Mega-Stress for Mega-Cities: A climate
vulnerability ranking of Major Coastal Citites in Asia. World Wide Fund For
Nature (WWF). Retrieved from
http://www.wwf.org.uk/wwf_articles.cfm?unewsid=3454
14. Xuân Thủy. 27/02/2011. Khôi phục cảnh “trên bến dưới thuyền” Sài
Gòn xưa. Truy cập vào ngày 10/08/2015 từ
<http://ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/4264-khoi-phuc-canh-tren-ben-duoi-thuyen-sai-gon-xua.html>
LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG BỀN
VỮNG TẠI VIỆT NAM
ThS. Đỗ Lý Hoài Tân
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Nội dung bài
viết tập trung vào việc trình bày những quan điểm lý luận và thực
tiễn về phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững. Thông qua kinh
nghiệm về phát triển kinh tế vùng tại một số nước trên thế giới,
bài viết đưa ra những giải pháp cơ bản trong việc hoàn thiện hơn nữa
những chính sách phát triển vùng hiện nay, trong đó đề cao sự kết
hợp chặt chẽ của ba yếu tố trụ cột của sự phát triển là kinh tế,
xã hội và môi trường, phục vụ tích cực vào công cuộc hiện đại hóa
– công nghiệp hóa đất nước.
1. GIỚI THIỆU
Việt Nam đang trên đường hội nhập quốc tế với sự phát
triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ
đem đến nhiều lợi ích tích cực mà còn mở ra nhiều hướng đi mới cho phát triển
nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những
quy định nghiêm ngặt củaluật pháp quốc tế đồng thờinhững cạnh tranh khốc liệt với
các nền kinh tế trên thế giới tạo ra nhiều thách thức lớn cho sự tồn tại của nền
kinh tế Việt Nam, từ đó dẫn đến vai trò quan trọng của việc nhìn lại và hoàn
thiện hơn nữa những khái niệm phát triển kinh tế hiện nay tại Việt Nam. Về cơ bản,
phát triển kinh tế dựa phần lớn vào việc khai thác các lợi thế mọi bộ phận nằm
trong nền kinh tế nhằm phát huy tối đa nguồn lực kinh tế. Với xu hướng vềphát
triển phải đi đôi với định hướng bền vững, các khái niệm về phát triển kinh tế
dần hoàn thiện trong đó chú trọng hơn tính bền vững và thừa nhận vai trò quan
trọng của các trụ cột khác như xã hội, môi trường bên cạnh kinh tế, trong định
hướng phát triển của một quốc gia và một vùng lãnh thổ (Klemmer, 1994,
pp.14-18). Nói cách khác, phát triển kinh tế chỉ được xem là hiệu quả trong trường
hợp các định hướng phát triển kinh tế hợp tác chặt chẽ với các cơ chế thị trường
nhằm mục đích tạo môi trường xã hội công bằng cũng như đảm bảo không gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên xung quanh, từ đó tạo nên sự cân bằng
trong hệ thống trong tương quan phát huy tối đa các nguồn lực kinh tế - xã hội
– môi trường sinh thái làm cơ sở cho sự phát triển nền kinh tế toàn diện và bền
vững.
Bên cạnh phát triển kinh tế bền vững cả nước thì vấn đề
phát triển kinh tế bền vững theo quy mô từng vùng cũng được Đảng và Nhà nước
chú trọng và xác định thành một chủ trương nhất quán trong đường lối phát triển,
trong đó đề cao vấn đề xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh
tranh của mỗi vùng thông qua việc phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển một
cách toàn diện trong đó các vấn đề liên quan đến xã hội và môi trường vẩn được
đảm bảo, phục vụ tích cực cho công cuộc hiện đại hóa – công nghiệp hóa đất nước
2. KHÁI NIỆM VỀ VÙNG LÃNH THỔ, VÙNG KINH TẾ
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc tìm
ra khái niệm chung về vùng lãnh thổ và vùng kinh tế, nhưng nhìn chung các khái
niệm liên quan đến vùng, vùng kinh tế đều thừa nhận mỗi quốc gia là sự tập hợp
của nhiều vùng lãnh thổ địa phương khác nhau và nhiều vùng kinh tế khác nhau sẽ
tạo thành một nền kinh tế của quốc gia đó. Hiểu rộng hơn, trong khi vùng lãnh
thổ được định nghĩa là một hình thức tồn tại vật chất là giới hạn của một vùng
địa giới không gian xác định thì vùng kinh tế được đánh giá là một không gian vận
động và phát triển của nhiều ngành lĩnh vực, là “một tổ hợp kinh tế tương đối
hoàn chỉnh có chuyên môn hóa kết hợp chặt chẽ với phát triển tổng hợp” (Thôi
Công Hào, Ngụy Thanh Tuyền, Trần Tôn Hưng, 2002; Nguyễn Tiến Dũng, 2009).
Dù có những khác biệt cơ bản về phương thức xác định,
đặc trưng của từng vùng kinh tế thường gắn liền với một vùng lãnh thổ, một
không gian địa giới nhất định, trong đó tùy từng vùng lãnh thổ mà có những hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội đặc trưng. Thực tế cho thấy mỗi vùng kinh tế -
xã hội nhất định phải nằm trong quy mô của một lãnh thổ và chịu trách nhiệm hoạch
định các chiến lược, kế hoạch phát triển cũng như quản lý các quá trình phát
triển kinh tế xã hội của vùng đó. Thật vậy, do sự khác nhau trong đó phổ biến
là yếu tố tài nguyên thiên nhiên tham gia vào hoạt động kinh tế địa phương như
khoáng sản, đất đai, rừng, nước, sinh vật… hay tỷ lệ khác nhau giữa ngành mà mỗi
vùng lãnh thổ hoàn toàn không đồng nhất với các vùng khác với những cơ sở phát
triển đặc thù riêng, từ đó dẫn đến sự hình thành của các vùng kinh tế riêng biệt
cho từng vùng lãnh thổ đặc trưng. Tuy nhiên, do những nét tương đồng nhất định
giữa cơ cấu kinh tế và phương thức bố trí phân công và chuyên môn hóa chung
trong nền kinh tế của từng vùng đã tạo tiền đề cho những mối quan hệ, mối liên
kết ràng buộc lẫn nhau giữa các vùng. Chính sự tương đồng nhưng không đồng nhất
này là yếu tố cơ bản để xác định vùng là một thành phần tham gia vào quá trình
hình thành nên một nền kinh tế.
Trên thế giới, không ít học giả quan niệm phát triển
kinh tế nói chung và phát triển kinh tế vùng nói riêng chỉ tập trung vào cấu
trúc kinh tế, nghĩa là chú trọng vào nghiên cứu các phương pháp, cách thức bố
trí các lĩnh vực, các ngành kinh tế trong một không gian lãnh thổ nhất định
(Leontief, 1953; Marchal, 1954, pp.917-26; Flamant, 1954, pp.927-59). Điều này
dẫn đến nhận định cho rằng phát triển chiến lược cơ cấu vùng chỉ đi đôi với chiến
lược cơ cấu kinh tế và các khía cạnh khác ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng
như đặc trưng về xã hội, tiêu biểu là cấu trúc thiết chế xã hội, đều bị lược bỏ
hoặc không xem trọng. Bên cạnh đó, theo quan điểm của nhóm các nhà kinh tế học
theo trường phái này, sự khác nhau cơ bản của từng vùng kinh tế dựa trên sự dư
thừa nguồn lợi nhuận có được thông qua các hoạt động kinh tế của các thành phần
chính trị xã hội khác nhau trong vùng. Nhìn chung, quan điểm này bị xem là phiến
diện khi đã không xem xét kỹ lưỡng vai trò nhất định của yếu tố môi trường
thiên nhiên, các yếu tố xã hội đến mức độ lợi nhuận kinh doanh (Belotti, 1960).
Thực tế cho thấy cấu trúc đặc trưng của từng vùng được hình thành dựa trên sự kết
hợp của sự khác nhau về vị trí địa lý, tiềm năng tài nguyên thiên thiên, thành
phần giai cấp xã hội, ngành và lĩnh vực hoạt động kinh doanh…chứ không chỉ có dựa
trên duy nhất vai trò kinh tế đơn thuần.
Từ các phân tích xoay quanh khái niệm cơ bản về kinh tế
vùng ở trên, có thể xác định việc phát triển từng vùng đặc trưng không thể chỉ
tập trung vào hoạch định chiến lược phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển
kinh tế vùng chỉ được xem là bền vững và hiệu quả nếu các yếu tố đặc trưng khác
của từng vùng như yếu tố xã hội và yếu tố môi trường thiên nhiên được quan tâm
chú trọng. Từ các chính sách, hình thành chiến lược phát triển vùng bên cạnh việc
thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sự liên kết các mối quan hệ xã hội,
các đơn vị hành chính, các doanh nghiệp…mà vẫn giữ được sự hài hòa trong việc đảm
bảo yếu tố thiên nhiên đặc trưng được khai thác hợp lý, phát triển kinh tế vùng
nhằm giảm bớt những khác biệt giữa các vùng, không phải bằng cách cào bằng, kiềm
hãm nhau mà vẫn bảo tồn phát huy những đặc tính riêng về môi trường tư nhiên,
tiềm năng phát triển của các vùng, tránh lãng phí tài nguyên và giảm thiểu ảnh
hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh.
3. PHÁT TRIỂN KINH TẾVÙNG Ở NƯỚC NGOÀI
3.1. Kinh nghiệm từ chính sách phát triển kinh tế vùng
ở Châu Á: Miền Tây Trung Quốc
Sau khi thực hiện đổi mới thông qua việc chính thức mở
cửa kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc đã đạt được không ít thành công trong lĩnh
vực hoạch định chiến sách phát triển vùng thông qua các bước đi hợp lý và đáng
để nhiều quốc gia khác phải học hỏi. Về mặt khái quát, chiến lược phát triển
kinh tế vùng của Trung Quốc tập trung vào phát triển nhanh và bền vững trước những
vùng có điều kiện thuận lợi như vùng duyên hải phía Đông, sau đó sẽ đi sâu vào
đất liền bên cạnh việc cải thiện và ban hành nhiều chính sách mới phù hợp với
thực trạng của từng vùng miền (Nguyễn Trọng Xuân, 2013, pp.53).
Lấy ví dụ điển hình từ chính sách phát triển vùng miền
Tây, sau khi xác định những điều kiện địa phương đặc trưng của vùng miền Tây
cũng như xem xét so sánh với bối cảnh phát triển các vùng trong nước và thế giới,
Chính phủ Trung Quốc định hướngkế hoạch phát triển dài hạn cho vùng trong nhiều
giai đoạn (cho đến năm 2050) và xác định rõ những yếu tố quyết định đến sự
thành công của kế hoạch phát triển này. Cụ thể, chiến lược phát triển vùng miền
Tây chỉ đạt hiệu quả nếu công tác quy hoạch đảm bảo rằng việc phát triển kinh tế
sẽ hài hòa với dân số, tài nguyên; các dự án, chương trình kích thích tăng trưởng
không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà cả tác động tích cực đến môi trường sinh
thái; giảm thiểu tối đa việc áp dụng các các chính sách kế hoạch chưa được khoa
học kiểm chứng cụ thể có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển
chung của cả vùng và liên kết các vùng.
Cụ thể, Chính phủ cho xây dựng phương án đánh giá mới
trong đó lấy mức độ bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá sự hiệu quả của việc
khai thác phát triển vùng. Thực tế, do vị trí địa lý đặc biệt là khởi nguồn của
hai con sông lớn chạy dọc Trung Quốc là Trường Giang và Hoàng Hà nhưng lại chịu
đặc điểm khí hậu sinh thái kém với đa phần là sa mạc và khô hạn thì nên việc
tìm cách bảo vệ nguồn nước và đất ở đây giữ một ý nghĩa hết sức cấp thiết không
chỉ cho sự phát triển của vùng miền Tây mà còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của
toàn dân tộc. Điều này phần nào thể hiện rõ quyết tâm của Trung Quốc trong việc
đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường làm trung tâm
của chiến lược phát triển, là yếu tố quyết định đến sự phát triển nhanh và bền
vững của vùng cũng như cả nước.
Ngoài ra, do miền Tây được đánh giá là một khu vực ít
người và giao thông không thuận tiện nên việc khai thác cần phải sử dụng hiệu
quả các nguồn lực sẵn có nhằm tránh lãng phí, Chính phủ đã chỉ đạo phát triển
các đô thị theo ba cấp độ khác nhau, cấp một gồm những đô thị có khả năng làm
trung tâm cho sự đột phá trong phát triển (Lan Châu, Tây An, Thành Đô, Trùng
Khánh, QuýDương và Côn Minh), cấp hai gồm các thành phố tỉnh lẻ khác và cấp ba
tập trung phát triển các đô thị nhỏ hơn.
Bên cạnh việc củng cố kinh tế tuyến biên giới cũng được
chú trọng nhằm khai thác triệt để tiềm năng tài nguyên, khoáng sản, nước và
sinh vật phong phú… thông qua việc mở cửa biên giới, giao lưu buôn bán hàng hóa
với các quốc gia láng giềng xung quanh, Chính phủ Trung Quốc còn đẩy mạnh chiến
lược phát triển các ngành nghề đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh cao trên thị
trường cả trong và ngoài nước để làm cơ sở cho việc phát triển. Nhiều ngành nghề
như nông nghiệp, du lịch, sản xuất nguyên liệu thủ công và thảo dược được đặc
biệt quan tâm phát triển. Việc phát triển các ngành nghề này được sự hỗ trợ cả
gián tiếp và trực tiếp từ chính ngân sách trung ương thông qua việc nâng cấp cơ
sở hạ tầng, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển giáo dục và đào tạo dạy
nghề chuyên sâu. Hệ thống giao thông vận tải, đóng vai trò quan trọng trong sự
vận hành trơn tru của một vùng kinh tế, cũng được xem xét, cải thiện và hiện đại
hóa ở cả ba hệ thống đường sắt, đường bộ và đường hàng không, hình thành một mạng
lưới xuyên suốt cho ba miền Đông, Trung, Tây Trung Quốc. Không dừng ở đó, các
chính sách cơ chế mới liên tục được ban hành nhằm tạo môi trường thân thiện thu
hút các nhà đầu tư, công ty nước ngoài tham gia vào xây dựng phát triển nguồn lực
ở miền Tây ở các lĩnh vực thế mạnh. Cụ thể, các doanh nghiệp nước ngoài tham
gia đầu tư vào miền Tây sẽ có thuế thu nhập ưu đãi chỉ còn 15%, được miễn trong
vòng 2 năm và giảm 50% trong 3 năm cho nhiều ngành đầu tư trọng điểm ở miền Tây
(Nguyễn Trọng Xuân, 2013, pp.58).
Thực tế cho thấy chính nhờ việc triển khai một cách
khoa học và hiệu quả các chính sách cải thiện phát triển đã giúp nền kinh tế miền
Tây Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc trong khi vấn đề xã hội và môi trường sinh
thái vẫn được đảm bảo.
3.2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế vùng ở Châu
Âu:Schleswig-Holstein, CHLB Đức
Với việc sở hữutiềm năng đặc trưng nhằm phát triển các
ngành công nghiệp dịch vụ và sản xuất, vùng Schleswig-Holstein giữ một vai trò
rất quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế nước Đức trong thời kỳ
mới. Mặc dù vậy, trong một báo cáo chi tiết nhằm phân tích quá trình quy hoạch
phát triển của vùng Scheleswig-Holstein, Schrader et al. (2007) đã chỉ rõ những
điểm mạnh và điểm yếu cần khắc phục, trong đó cho rằng ngành dịch vụ phụ trội
và nguồn nhân lực cần phải cải thiện nếu muốn đạt được mức tăng trưởng như đã kỳ
vọng.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, nhiều chương trình
hoạt động cũng như các chính sách quy hoạch đặc thù cho vùng đã được soạn
thảo và đưa vào thực hiện bởi Chính phủ Đức cùng với chính quyền bang
Schleswig-Holstein. Trong đó:
Thứ nhất,
xây dựng phương án cải thiện phát triển điều kiện tài chính cho những công ty vừa
và nhỏ đang hoạt động trong vùng. Nhiều chương trình nổi bật như “Quỹ Khởi Nghiệp
và Gieo Mầm Schleswig-Holstein” hay “Chương Trình Cho Vay Dành Cho Những Công
Ty Vừa Và Nhỏ” (IB.KMUdirekt) ra đời đã giúp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ
có cơ hội tiếp cận những khoản vốn đầu tư và phát triển được quản lý bởi những
tổ chức nhà nước như Tập đoàn chuyển dịch công nghệ và phát triển
kinh doanh của Schleswig-Holstein (WTSH) hay Quỹ đầu tư doanh nghiệp cỡ
vừa (WTSH).
Thứ hai,
“Quỹ Schleswig-Holstein” được xây dựng với nguồn vốn khoảng 80 triệu euro mỗi
năm nhằm mục đích chọn lọc kỹ càng và hỗ trợ cho một số đề án nhỏ có tiềm năng
nghiên cứu giải quyết các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, việc làm, nghiên cứu
khoa học và giáo dục.Cụ thể, quỹ đã hỗ trợ nâng cấp phát triển công
nghệ nano tại Schleswig-Holstein thông qua việc xây dựng và trang bị hệ
thống phòng nghiên cứu hiện đại tại Đại học Kiel. Đồng thời, quỹ
cũng cung cấp 1.7 triệu euro để hỗ trợ những giải pháp khoa học công
nghệ có tính thực tiễn cao cũng như thành lập Viện nghiên cứu
Fraunhofer tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cuộc sống.
Thứ ba,
chính quyền Schleswig-Holstein xây dựng phương pháp chiến lược cụm (cluster
strategy) nhằm mục đích nâng cao sự cạnh tranh của những ngành công nghiệp thế
mạnh qua đó cải thiện thu nhập và những giải quyết vấn đề nhân lực trong vùng.
Từ đây, 10 cụm lĩnh vực (cụm công nghiệp hóa chất, cụm công nghiệp
thực phẩm, cụm truyền thông và ICT, cụm khoa học cuộc sống, cụm
chuỗi cung ứng quản lý kho bãi, cụm hàng không, cụm công nghệ nano và
vi mô, cụm công nghệ và kinh tế biển, cụm du lịch, cụm năng lượng tái
sinh và gió) đã được chọn lựa để trở thành ngành chủ lực đại diện
cho sự phát triển vùng, qua đó nhận được sự hỗ trợ tích cực cả về
nguồn vốn đầu tư và lãi suất cho nhiều công ty cũng như chính sách
phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu và thành lập các trung tâm đánh
giá đặc thù cho từng lĩnh vực (Minestry of Science, Economic Affairs and
Transport Schleswig-Holstein, 2007).
Cuối cùng,
do tình hình tài chính không cho phép nên chính quyền Schleswig-Holstein
đã gộp chung những nguồn tài trợ từ EU và Chính phủ để xây dựng
một chính sách quỹ chung lấy tên là “Z.I.E.L”, viết tắt của “Zukunft
im eigenen Land” (tạm dịch: “Tương Lai Tại Vùng Đất Của Chúng Ta”), bao
gồm 3 chương trình chính thức: chính sách “Tương lai khu vực nông thôn”
dành cho hiện đại hóa khu vực canh tác nông nghiệp gắn liền với bảo
vệ môi trường thiên nhiên, chính sách “Nhân sự cho Schleswig-Holstein”
phục vụ cho việc cải thiện chất lượng nguồn lực lao động cũng như
giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, “Chương trình vùng 2000”
(trước 2005) và “Chương trình kinh tế tương lai”(sau 2005) được kỳ vọng
thay đổi tích cực ở bộ máy kinh tế lạc hậu và đẩy mạnh phát triển
vùng. Nhiều báo cáo cho thấy nhiều hoạt động mạnh mẽ của quỹ khi
hỗ trợ thành công nguồn vốn lên đến 235 triệu euro cho tổng cộng 655
dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ năm 2000 đến 2004 (Hassink và
Schieber, 2008, pp.83).
Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết như sự phân bố
không đồng đều về lượng vốn đầu tư cho từng khu vực trong vùng như
được phân tích trong một nghiên cứu của Schrader et al. (2007), nhưng
không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của các phương án hoạt động
kể trên trong việc cải thiện bước đầu cơ sở hạ tầng, nổi bật là
phát triển hiện đại hóa ngành du lịch, cải thiện cơ sở giáo dục
đại học trong vùng. Ngoài ra, với trung bình hơn 2000 việc làm mới
được tạo ra kể từ năm 2000 phần nào cho thấy sự hiệu quả nhất định
của chính sách, điển hình là 3 chương trình của Z.I.E.L, trong việc
nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và phát triển tính sáng tạo
từ những nguồn lực sẵn có trong vùng thông qua việc đầu tư tích cực
vào những dự án liên quan đến kinh tế – xã hội (Ramboll Management,
2005).
4. PHÁT TRIỂN KINH TẾVÙNG Ở NƯỚC TA
Trước năm 1975, những yêu cầu trong công cuộc khôi
phục - phát triển kinh tế đất nước cũng đã được xác định là nhiệm
vụ vô cùng quan trọng và nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các
điểm mạnh kinh tế đặc trưng ở từng địa phương, vùng lãnh thổ. Cụ
thể, nhiều văn kiện từ các Nghị quyết Đại hội toàn quốc khẳng định
cần “phải phân bố hợp lý sức sản xuất đồng bằng, trung du và miền
núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các
vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng với
nhau” (Đại hội đại biểu toàn quốc lần 3, 1960).
Sau năm 1975, nhận thấy tầm quan trọng của công
tác kế hoạch hóa và quản lý nền kinh tế sau khi thống nhất đất nước
đã có nhiều phương hướng hoạt động và mục tiêu kinh tế xã hội dài
hạn trong việc phân bổ và phát triển vùng đặc biệt được chú trọng
đòi hỏi “tiến hành phân vùng, quy hoạch sản xuất để phát triển tất
cả các vùng đồng bằng, trung du, miền núi và miền biển, sớm hình
thành những khu vực lớn, sản xuất tập trung chuyên môn hóa” (Lê Duẩn,
1977). Vấn đề xây dựng chiến lược phát triển các vùng kinh tế sau đó
tiếp tục trở thành vấn đề được thảo luận trong các kỳ Đại hội
Đảng toàn quốc tiếp theo. Tuy nhiên do những trở ngại ban đầu trong
việc xác định quy trình phát triển và công tác quản lý vĩ mô lẫn vi
mô nên các dự án trong chiến lược tổ chức và phát triển kinh tế
vùng lại được tiến hành theo quy mô cả nước trong thời gian này.
Chỉ đến sau thời kỳ Đổi mới thì chiến lược tổ
chức và phát triển kinh tế vùn mới chính thức có những hướng chỉ
đạo mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Trong đó, tùy theo từng vùng lãnh thổ mà
có quy trình tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển riêng biệt dựa
trên những căn cứ khoa học và thực tiễn phát triển đầu tư đặc trưng.
Cụ thể, trong khi sự hình thành của các khu công nghiệp tập trung như
gang-thép Thái Nguyên, dệt Nam Định…là hình mẫu điển hình của công tác quy
hoạch, quản lý, phân bổ phát triển kinh tế vùng thời kỳ trước Đổi mới thì kể từ
sau thập niên 90, vấn đề phát triển nền kinh tế Việt Nam đặc biệt chú trọng hơn
đến các giá trị đặc thù về kinh tế-xã hội theo quy mô vùng với sự hình thành
của những cụm, những vùng kinh tế phát triển trọng điểm, vùng kinh
tế ven biển…, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước trong giai đoạn
mới.
Tuy nhiên, xem xét tổng quan về các chính sách
phát triển mà Chính phủ đã và đang thực hiện và theo đuổi thì có
thể nhận xét rằng chiến lược phát triển của nước ta vẫn còn nhiều
hạn chế, đặc biệt là chưa phát huy được hết thế mạnh vốn có của
từng vùng lãnh thổ bên cạnh những đóng góp thật sự của các chính
sách này đến sự phát triển kinh tế từng vùng miền cũng còn nhiều
tranh luận. Lấy ví dụ về chính sách phát triển vùng kinh tế trọng
điểm, chính sách được triển khai mạnh mẽ nhất và được kỳ vọng sẽ tác
động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế của những tỉnh, thành phố
trong vùng để họ trở thành những đầu tàu trong thúc đẩy nền kinh tế
cả nước, do được đầu tư mạnh mẽ cả về vốn và phát triển cơ sở hạ
tầng nên những tỉnh thành này đều có những bước tiến nhanh trong
hoạt động kinh tế và thu hút được nhiều đầu tư từ nước ngoài. Mặc dù
vậy, nhìn chung quy trình qui hoạch và thực thi chính sách phát triển
vùng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, thực tế cho thấy chưa có mô hình
phát triển nào tại Việt Nam được xem là điển hình và tạo được
thành công cụ thể. Nhiều vấn đề phát sinh từ những ngày đầu thực
hiện qui hoạch chính sách phát triển vùng như mâu thuẫn giữa tăng trưởng
và xu hướng di cư, đô thị hóa hay sự chênh lệch về trình độ, nhận thức trong
các tầng lớp lao động, tăng trưởng và bảo vệ môi trường trong từng vùng
cho đến nay vẫn chưa tìm được hướng thống nhất để giải quyết triệt
để. Sự cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút đầu tư giữa những
tỉnh, thành phố trong và ngoài vùng cũng là vấn đề nan giải, dẫn
đến tình trạng lãng phí nguồn lực tài nguyên vào việc xây dựng và
tập trung vào những hạng mục không cần thiết, không tận dụng triệt
để được những lợi thế cạnh tranh kinh tế đặc thù mà mình đang sở
hữu.
5. GIẢI PHÁPCẢI THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH
TẾ VÙNG
5.1. Cụ thể hóa chính sách phát triển thông qua
kết hợp sử dụng nguồn lực đầu tư và cơ cấu kinh tế đặc trưng của
từng vùng
Mặc dù không thể phủ nhận những đóng góp mang
tính bản lề trong việc phát triển, các chính sách phát triển kinh
tế vùng, tuy nhiên vẫn còn những bất cập như chồng chéo trong việc phân
định giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh tế theo từng vùng kinh
tế lãnh thổ. Thực tế cho đến nay ở mỗi vùng vẫn chưa có một tổ
chức, một cơ quan quản lý nào có nhiệm vụ chuyên môn về việc soạn
thảo quy trình và hoạch định chính sách phát triển phù hợp với
thực tế và tiềm năng kinh tế có thể khai thác được ở các vùng này.
Thật vậy, các kế hoạch phát triển kinh tế theo vùng lãnh thổ hiện
nay, tuy đã được cải thiện nhiều so với trước năm 1975 nhưng vẫn chủ
yếu dựa trên sự kết hợp giữa các nguyên tắc, định hướng kế hoạch
hóa phát triển kinh tế và sự phát triển chung các ngành kinh tế
trong quy mô lãnh thổ cả nước. Cụ thể, việc xác định chỉ tiêu phát
triển từng vùng dựa trên cơ sở của một số chỉ tiêu chính như GDP hay
GNP bộc lộ những điểm yếu trong việc thực hiện qui hoạch phát triển
cho các vùng do sự khác nhau cơ bản của quá trình vận động riêng của
kinh tế cũng như tình hình dân cư trong từng vùng.Thật vậy, mỗi vùng
sẽ sở hữu những lợi thế phát triển riêng, do đó hoạt động phát
triển của từng vùng cũng tương đối có nhiều khác biệt và những vấn
đề phát sinh liên quan đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội và môi
trường ở mỗi vùng cũng không hoàn toàn giống nhau đòi hỏi hướng
giải quyết phải ở tầm vi mô nhằm tránh sự chồng chéo trùng lập
giữa các vùng cũng như điều hòa hợp lý chi phí đầu tư nhờ tận dụng
triệt để lợi thế hoạt động từng vùng.
Cụ thể hơn ở cấp vi mô trongtừng vùng, thực tế cũng
cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa từng tỉnh, thành phố
trong thu hút nguồn đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang kêu gọi mục
tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao thì không ít tỉnh thành phố tìm cách can thiệp
vào quá trình vận động kinh tế trong tỉnh mình như hiện trạng ngăn cản vận chuyển
nguyên vật liệu và ngăn cấm tiêu thụ thành phẩm ở tỉnh khác. Bên cạnh đó, một
trường hợp liên quan đến vấn đề mâu thuẫn lợi ích chung của vùng cũng được thể
hiện khá rõ trong trường hợp các dự án thủy điện tại Quảng Nam đã gây ảnh hưởng
không nhỏ đến việc sử dụng nước ở tỉnh hạ lưu, cụ thể ở đây là Đà Nẵng (Huỳnh Vạn
Thắng, 2009; Hoàng Dũng, 2014). Đáng buồn hơn, trường hợp thủy điện này cũng chỉ
là một trong số nhiều trường hợp khác phát sinh do sự không thống nhất trong việc
phối hợp triển khai kế hoạch phát triển giữa các tỉnh trong quy mô một vùng.
Do đó, giải pháp thích hợp nhất cho vấn đề phát triển
vùng hiện nay tại Việt Nam là phải kết hợp chặt chẽ việc sử dụng các nguồn đầu
tư và cơ chế kinh tế đặc trưng ở từng vùng trong sự đồng thuận nhất quán của
các tỉnh trong vùng đó. Thật vậy, chính sách phát triển vùng chỉ đạt được hiệu
quả nhất khi nó được giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện một cách cụ thể và
chi tiết, và điều này thì chỉ có cá thể từng vùng có thể hoàn thành tốt được.
Việc soạn thảo kế hoạch, quy trình hoạt động phát triển cần có sự
tham gia và thảo luận công khai của các tỉnh thành phố trong vùng
nhằm tìm được sự thống nhất, hướng đến lợi ích chung. Ngoài ra, tinh
thần hợp tác giữa các tỉnh trong vùng để các bên đều có lợi cần
được khuyến khích, “cuộc đua xuống đáy” từ việc xé rào trong thu hút
vốn đầu tư giữa các tỉnh thành trong vùng cần phải bị loại bỏ hoàn
toàn bằng các hình thức chế tài và xử phạt nghiêm (Vũ Thành Tự
Anh, 2006). Cuối cùng, việc hình thành một “Tư lệnh vùng”, với
thành viên là các lãnh đạo địa phương trong vùng, có trách nhiệm
quản lý, kiểm soát việc đầu tư và điều hành, quản lý việc phát
triển tổng thể toàn vùng nói chung là hết sức cần thiết để đảm
bảo tính thống nhất trong quá trình phát triển vùng.
5.2. Phát triển kinh tế và giải pháp cho quá
trình di cư, đô thị hóa trong xã hội
Sự phân hóa về mức sống, phân chia đói nghèo
trong các tầng lớp xã hội luôn là vấn đề khó tránh khỏi trong quá
trình phát triển kinh tê cả nước nói chung và từng vùng nói riêng.
Sự phân hóa này vô hình chung dẫn đến sự hình thành của quá trình
di cư và tự điều chỉnh lao động giữa các địa phương trong vùng. Nguyên
nhân sâu xa của sự điều chỉnh này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố
khác nhau như yếu tố kinh tế cũng như yếu tố phi kinh tế: hệ thống
giáo dục, y tế…Tuy nhiên, hiện tượng này lại gây ra nhiều hậu quả khó
lường phần lớn do sự mâu thuẫn giữa chính sách phát triển công
nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước và nhu cầu tìm kiếm nguồn thu nhập
ổn định để sinh tồn của người dân lao động.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã tạo
tiền đề cho sự hình thành nhiều đô thị, thành phố có điều kiện
thuận lợi trong phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực dồi dào
và lợi nhuận từ hoạt động kinh tế cũng nhiều hơn so với các địa
phương khác. Các lợi ích phúc lợi xã hội trong vùng nhờ vào sự
phát triển kinh tế mà cũng trở nên đa dạng và được xem trọng. Ngoài
ra, nhu cầu về lao động ở lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cao ở các
khu vực đô thị cũng là một trong những “lực hút” vô cùng hấp dẫn cho
lực lượng lao động tại khu vực nông thôn ra đi để tìm kiếm cơ hội gia
tăng thu nhập.
Nhìn chung, nguồn lao động di cư từ nông thôn đã
đáp ứng phần nào nhu cầu này và tạo tiền đề cho sự hình thành
phong phú của nhiều loại hình công nghiệp dịch vụ mới.Tuy nhiên, quá
trình di cư này cũng dẫn đến hiện trạng các thành phần tham gia lực
lượng lao động tại khu vực đô thị có trình độ chuyên môn rất khác
nhau, bao gồm trình độ kỹ thuật cao lẫn lao động đơn giản và cả lao
động chưa qua đào tạo, trong đó lao động di cư thường thuộc lao động
đơn giản và chưa qua đào tạo. Sự thiếu sót về mặt chuyên môn cùng
với nhiều yếu tố khác như mối quan hệ xã hội…đã dẫn đến việc không
phải tất cả người lao động di cư đều có cơ hội được hưởng các điều
kiện làm việc xứng đáng và thuận tiện. Do đó phần lớn lao động di
cư chỉ có thể đăng ký tạm trú, gặp nhiều khó khăn về nhà ở, môi
trường sống an ninh trận tự không đảm bảo và làm việc chủ yếu trong
thị trường lao động phi chính thức với thu nhập ít ỏi và không ổn
định (Marx và Fleischer, 2010, pp.28-31). Xét mức tác động cả trực
tiếp và gián tiếp thì quá trình di cư đã ảnh hưởng không nhỏ đến
sự chênh lệch ngày càng lớn về nguồn lực lao động lẫn năng lực tăng
trưởng kinh tế ở từng vùng bên cạnh tình trạng phân hóa giàu nghèo
ngày càng cao giữa các tầng lớp xã hội trong các vùng có nền kinh
tế phát triển hơn.
Từ đó đòi hỏi vào sự điều chỉnh hợp lý các
chính sách phát triển vùng ở Việt Nam nhằm giảm dần khoảng cách
trên, đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các vùng. Đối với những
vùng có tốc độ phát triển chậm, Chính phủ cần xem xét kỹ về việc
tăng sức hấp dẫn cho vùng hơn thông qua đầu tư vào một số trung tâm đô
thị trọng điểm ở các tỉnh thành phố lớn của vùng. Chính sách cơ cấu
kinh tế vùngcũng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với tiêu chí
khía cạnh xã hội đặc trưng, góp phần vào việc giải quyết công ăn –
việc làm, xóa đói – giảm nghèo cho các đối tượng thất nghiệp tiềm
năng nhằm giảm thiểu tình trạng di cư tự phát. Bên cạnh đó, chính
quyền địa phương cũng cần phải xây dựng các chương trình cộng đồng
cho người thân người lao động di cư nhằm làm giảm bớt gánh nặng chăm
sóc cho họ,hỗ trợ tích cực cho người dân di cư trở về địa phương
thông qua việc thành lập các chương trình hỗ trợ vốn để tận dụng
tối đa kỹ năng kiến thức mà họ thu được và chuyển giao kỹ năng này
cho người khác trong địa phương. Đối với những vùng phát triển hơn,
mục tiêu quan trọng nhất của các chính sách tại đây là phải đảm bảo
sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế và các khía cạnh xã hội trong
vùng. Do đó, việc nâng cao năng lực của chính quyền địa phương nhằm
xây dựng và hỗ trợ hợp lý các chương trình xóa đói giảm nghèo,
thực hiện đào tạo nghề bài bản cho các đối tượng nghèo thật sự
trong vùng là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng di
cư trong nước là động lực cho sự phát triển kinh tế nên việc thực
hiện các quy trình hỗ trợ người di cư hòa nhập vào cộng đồng thông
qua ghi nhận đóng góp của người di cư vào quá trình phát triển, xây
dựng các điểm cung cấp thông tin để họ có cơ hội tìm hiểu cơ hội
việc làm và nơi ở phù hợp và an toàn.
5.3. Phát triển kinh tế và giải pháp bảo vệ
môi trường
Do sự khác nhau cơ bản về không gian địa lý nên
mỗi vùng lãnh thổ có những đặc điểm phát triển kinh tế đặc thù và
thừa hưởng những điều kiện môi trường sinh thái khác biệt. Ngoài ra,
bên cạnh việc không thể phủ nhận vai trò vô cùng quan trọng của các
yếu tố môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển
thịnh vượng của một quốc gia nói chung và từng vùng nói riêng thì
việc ứng dụng của các thành tựu khoa học công nghệ kỹ thuật tiên
tiến vào quá trình phát triển đã khiến cho môi trường sống ngày
càng trở nên phức tạp.
Thực tế cho thấy rằng nhiều tác động của con
người đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái như việc đẩy
mạnh khai hoang mở rộng diện tích canh tác ở các vùng đồi núi vô
tình phá hủy hệ sinh thái rừng đặc trưng, tài nguyên thiên nhiên bị
giảm sút và gây ra những hậu quả khó lường trong tương lai. Vì thế,
quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế của các vùng không chỉ là
kết quả thực tế của một yếu tố thuần túy về kinh tế, xã hội và
môi trường thiên nhiên mà phải là kết quả của sự kết hợp hài hòa
của cả ba yếu tố trên. Nói cách khác, nhiệm vụ bảo vệ môi trường
thiên nhiên đặc trưng của vùng phải được thực hiện nghiêm túc và đóng
vai trò là nhân tố quyết định trong việc đánh giá tính hiệu quả của
các chính sách phát triển nhằm đẩy mạnh mức độ tăng trưởng kinh tế
nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững của vùng. Do đó, Nhà nước cần
phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện giáo dục
về tầm quan trọng của môi trường trong các hoạt động kinh tế xã hội
nhằm trang bị những kiến thức cần thiết để giữ gìn, bảo tồn và sử
dụng môi trường theo cách bền vững không chỉ cho thế hệ hiện tại mà
còn cho thế hệ tương lai. Rộng hơn, giáo dục môi trường cũng đảm bảo
nâng cao ý thức và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào
việc giải quyết triệt để những thảm họa môi trường hiện tại và
phòng ngừa những vấn đề mới có thể phát sinh. Bên cạnh đó, xây dựng
hợp lý các kế hoạch và quy định về môi trường, có tầm nhìn dài
hạn dựa trên tình hình môi trường sinh thái đặc thù, đặc biệtcho các
cụm, các khu công nghiệp trọng điểm của mỗi vùng lãnh thổ cũng cần
được xem xét kỹ càng. Trong đó, chính quyền địa phương phải giữ vai
trò giám sát và kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất sản phẩm nhằm
đảm bảo việc sử dụng đúng đắn và hiệu quả tài nguyên môi trường
vào các hoạt động kinh doanh trong vùng. Bên cạnh xử phạt nghiêm mọi
hành động sai trái, xử phạt bồi thường theo mức hư hại mà việc ô
nhiễm môi trường gây ra thì việc tạo điều kiện thuận lợi, như giảm
thuế ưu đãi lẫn thủ tục hành chính, cho các doanh nghiệp kết hợp
hài hòa tăng trưởng kinh doanh và bảo vệ môi trường cũng cần được
đẩy mạnh nhằm nâng cao tinh thần tự giác về bào vệ môi trường trong
mỗi doanh nghiệp mà giúp chính quyền địa phương dễ dàng trong kiểm
soát mức độ hợp tác doanh nghiệp trong vùng.
6. KẾT LUẬN
Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, phát
triển vùng ở nước ta giữ một vai trò then chốt trong quá trình xây
dựng và bảo vệ đất nước và vai trò này càng trở nên quan trọng hơn
trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách mạnh
mẽ thời kỳ sau Đổi mới. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển vùng được
nhanh mà vẫn đảm bảo bền vững đòi hỏi một quá trình dài hơi, trong
đó mục tiêu chiến lược phát triển cơ cấu nền kinh tế lãnh thổ
cầnđược xác định rõ ràng dựa trên sự kết hợp tương quan giữa các
nguồn lực và nhu cầu phát triển của từng vùng. Nói cách khác, quá
trìnhphát triển vùng chỉ được đánh giá là hiệu quả nếu những đặc
điểm về nguồn lực kinh tế xã hội và môi trường sinh thái được thể
hiện cụ thể và xuyên suốt trong quá trình xây dựng và thực thi chính
sách. Kết quả cuối cùng của việc xác định này sẽ nâng cao khả năng
xây dựng thành công những khuôn mẫu, mô hình phát triển kinh tế điển
hình dựa trên các luận chứng khoa học thực tiễn cho từng vùng đặc
trưng qua đó đóng góp đáng kể vào chiến lược phát triển kinh tế toàn
diện của đất nước.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Belotti, L.M. (1960). Economic Structure and Ecnomic Development. American Journal of
Economics and Sociology (20).
2. Đại hội Đảng toàn quốc lần 3 (1960). Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ III của Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai
đoạn mới. Truy cập online tại: http://dangcongsan.vn/.
3. Flamant, M. (1954). Structure Economique et Periodes Longues. Revue Economique (6),
927-53.
4. Hassink, R., Schieber, L. (2008). Case Studies of Regional Economic
Development Models: Schleswig-Holstein, Germany. OECD Local Economic And
Employment Development (LEED) Programme. Truy cập online tại: http://www.oecd.org/.
5. Hoàng Dũng (2014). Đà Nẵng quyết kiện Bộ Tài nguyên – Môi trường. Truy cập
online tại: http://nld.com.vn/.
6. Huỳnh Vạn Thắng (2009). Ảnh hưởng nguồn nước từ việc khai thác thủy điện thượng
nguồn sông Vu Gia. Trong Hội nghị “Bảo vệ tài nguyên nước tại TP
Đà Nẵng”.
7. Klemmer, P. (1994). Nachhaltige Entwicklung-aus ökonomischer Sicht (Phát triển bền vững
– từ góc độ kinh tế). Zeitschrift fur angewandte Umweltforschung (Tạp
chí nghiên cứu môi trường Ứng dụng) (7), 14-18.
8. Lê Duẩn (1977). Đề cương kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ
ba Ban Chấp hành Trung ương Khoá IV. Truy cập online tại: http://dangcongsan.vn/.
9. Leontief, W.W. (1953). Studies in the Structure of the American Economy. Oxford University
Press, New York.
10. Marchal, A. (1954). Prise de Conscience, Structure et Concept de Periode. Revue
Economique (6), 917-26.
11. Marx, V., Fleischer, K. (2010). Di cư trong nước: Cơ hội và thách thức
đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Tổ chức liên
hiệp quốc tại Việt Nam. Truy cập online tại: http://www.un.org.vn/.
12. Ministry of Science, Economic Affairs and
Transport Schleswig-Holstein (2007). Operational
Programme ERDF Schleswig-Holstein 2007-2013. Kiel.
13. Nguyễn Tiến Dũng (2009). Kinh tế và chính sách phát triển vùng. Nxb Đại học Kinh
tế quốc dân, Hà Nội.
14. Nguyễn Trọng Xuân (2013). Phát triển kinh tế vùng của Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội.
15. Ramböll Management (2005). Actualisation Of The Mid-Term Evaluation Of The Regional Programme 2000
Schleswig-Holstein. Hamburg.
16. Schrader, K., Laaser, C., Soltwedel, R. (2007). Potenziale und Chancen zum Aufbau einer
gemeinsamen Wirtschaftsregion Schleswig-Holstein und Hamburg (Tiềm năng và cơ
hội để xây dựng khu vực kinh tế chung Schleswig-Holstein và Hamburg).
Kiel: Institut für Weltwirtschaft (Kiel Institute for the World Economy).
17. Thôi Công Hào, Ngụy Thanh Tuyền, Trần Tôn Hưng
(2002). Phân tích và qui hoạch vùng.
Nxb Giáo dục đại học Trung Quốc, Hàn Ngọc Lương dịch.
18. Vũ Thành Tự Anh (2006). Cạnh tranh xé rào hay cuộc chạy đua xuống đáy. Thời báo
Kinh tế Sài Gòn (797).
HOẠT
ĐỘNG THÔNG TIN THƯ MỤC TẠI THƯ VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRỰC THUỘC VIỆN KHOA HỌC XÃ
HỘI VÙNG NAM BỘ:
40 NĂM
NHÌN LẠI (1976-2015)
Trần Minh Nhớ
Thư viện Khoa học
xã hội,
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Giới thiệu lịch sử, vai trò của hoạt động
thông tin thư mục tại Thư viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ. Phân tích quy trình biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thư mục; Các
hình thức phổ biến và phục vụ tra cứu các ấn phẩm thư mục tại Thư viện từ năm
1976 đến nay ở góc độ chuyên môn. Đồng thời đưa ra những đánh giá, nhận xét về
thành tựu và hạn chế của hoạt động thông tin thư mục tại Thư viện trong 40 năm
qua. Từ đó, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động thông tin
thư mục tại Thư viện phát triển hơn trong thời gian tới.
1. MỞ ĐẦU
Được
thành lập tháng 9 năm 1975 trên cơ sở tiếp quản kho tài liệu của Thư viện Khảo
cổ, Thư viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ là một
trong những thư viện chuyên ngành Khoa học xã hội lớn ở phía Nam và cả nước,
đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài liệu, thông tin về tài liệu
nghiên cứu cho cán bộ của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Với ưu thế, có vốn
tài liệu phong phú trên 134.000 đầu sách (sách Việt, ngoại văn và Hán Nôm), 131
tên báo, 1.560 tên tạp chí (tạp chí Việt và ngoại văn), 208 luận văn tiến sĩ,
29 luận văn thạc sĩ, 389 tên vi phim, trong đó có nhiều tài liệu quý hiếm, có
giá trị khoa học cao được lưu trữ trong 2 kho: Kho sách và tạp chí hạn chế
(trước năm 1975); Kho tài liệu Hán Nôm (cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX). Cùng
với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, Thư viện Khoa học xã
hội (TVKHXH) đã không ngừng phát triển, hoàn thiện các hoạt động chuyên môn
nghiệp vụ nhằm tạo ra nhiều sản phẩm thúc đẩy các dịch vụ thư viện phát triển.
Trong đó phải kể đến hoạt động thông tin thư mục (HĐTTTM) – một trong những
hoạt động tạo ra các ấn phẩm thư mục đáp ứng nhu cầu thông tin về tài liệu cho
người dùng tin[91]. Nó lại càng mang ý nghĩa chiến lược
trong công tác nghiên cứu phát triển sự nghiệp thư viện nói chung và công tác
phát triển bền vững vùng Nam Bộ của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (VKHXHVNB)
nói riêng.
Trên thế
giới hoạt động thông tin thư mục xuất hiện từ thời Cổ đại Hy Lạp, ngay trong
giai đoạn đầu tiên của lịch sử phát triển hệ thống giao tiếp tài liệu, trong
mối quan hệ “tài liệu – người sử dụng tài liệu” (mà ban đầu là mối quan hệ giữa
“sách – người đọc”). Ngày nay, thông tin thư mục đã hiện diện trong mọi hoạt
động xã hội, giúp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, cho việc nâng cao tay
nghề, cho việc tự học và cho nhiều mục đích khác. Đúng như viện sĩ Nga S.G. Strumilin
và D.S. Likhatrev đã viết “Không có thư mục thì không thể phát triển chỉ văn
hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, mà cả bất kỳ khoa học nào khác. Thư mục là nền tảng
mà trên đó văn hóa hiện đại phát triển”[92]. Nhận thức được tầm quan trọng đó,
từ năm 1976 đến nay, TVKHXH đã quan tâm, chú trọng phát triển HĐTTTM nhằm tạo
ra các ấn phẩm thông tin chất lượng và khoa học, kịp thời thông tin về tài liệu
cho người dùng tin. HĐTTTM tại TVKHXH là tổ hợp của hai quá trình:
- Biên
soạn và xuất bản các ấn phẩm thư mục;
- Phổ
biến và phục vụ tra cứu các ấn phẩm thư mục.
Chúng có
mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện một mục tiêu chung là tạo nên các
ấn phẩm thư mục và đưa các ấn phẩm đó đến với người dùng tin.
2. BIÊN
SOẠN VÀ XUẤT BẢN CÁC ẤN PHẨM THƯ MỤC
Công tác
biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thư mục tại TVKHXH được cán bộ thư viện
(CBTV) tiến hành thực hiện theo 7 bước. Đây được coi là một quy trình thống
nhất được CBTV áp dụng từ năm 1976 đến nay.
- Bước 1:
Nghiên cứu và chọn đề tài;
- Bước 2:
Lập đề cương biên soạn thư mục;
- Bước 3:
Sưu tầm, lựa chọn tài liệu;
- Bước 4:
Xử lý tài liệu (xử lý nội dung, xử lý hình thức, hình thành biểu ghi thư mục);
- Bước 5:
Hệ thống hóa tài liệu (sắp xếp biểu ghi thư mục);
- Bước 6:
Xây dựng phần bổ trợ cho ấn phẩm thư mục;
- Bước 7: Biên tập
hoàn chỉnh và xuất bản thư mục.
Mỗi bước
có một ý nghĩa riêng, được thực hiện bằng các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên,
chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau và sản phẩm của cả quá trình này là một
ấn phẩm thư mục hoàn chỉnh, chất lượng, có tính khoa học, tính thực tiễn. Ấn phẩm thư mục (Bibliographic
publication) - Là ấn phẩm thông tin có phần chính là
tập hợp các biểu ghi thư mục được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Biểu ghi
thư mục (Bibliographic record) là những thông tin về tài liệu được ghi lại
trong tài liệu thư mục, trong mục lục, trong các hộp phích, trong cơ sở dữ liệu
thư mục đọc bằng máy hoặc trong hình thức thông tin miệng giữa cán bộ thư viện
với bạn đọc, giữa bạn đọc với nhau,… đủ để định hướng và xác định vị trí của
tài liệu.
Việc biên
soạn các ấn phẩm thư mục được thực hiện dựa trên chức năng, nhiệm vụ của thư
viện, đặc điểm nguồn tài liệu của Thư viện, nguồn nhân lực và trình độ của CBTV
làm công tác biên soạn thư mục. Cho đến nay, TVKHXH đã biên soạn các loại hình
thư mục sau: Thư mục tổng hợp; Thư mục chuyên đề; Thư mục vùng chí; Thư mục địa
chí; Thư mục nhân vật.
Bước 1: Nghiên cứu và chọn đề tài
Để có một
thư mục chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người dùng tin thì công tác nghiên
cứu và chọn đề tài được CBTV thực hiện hết sức nghiêm túc và kỹ càng. CBTV thận
trọng xem xét ở các khía cạnh như: Tính mới, tính khả thi của đề tài; Đề tài
phải có ý nghĩa thực tiễn, góp phần giải quyết những nhiệm vụ của xã hội nói
chung và của VKHXHVNB nói riêng; Phù hợp với khả năng của thư viện về kinh tế
và nguồn nhân lực. Ngoài ra, CBTV cũng tham khảo những tài liệu thư mục về đề
tài đã được biên soạn, để xác định mức độ trùng lắp của đề tài, xác định giá
trị của các thư mục về hình thức và nội dung. Từ đó có những định hướng đúng
đắn để chọn đề tài chính xác, có tính khả thi nhất.
Các đề
tài TVKHXH chọn hầu hết thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội liên quan đến các khía
cạnh như: Văn hóa, văn học nghệ thuật, chính trị, xã hội, lịch sử, địa lý, con
người, phong tục tập quán,...
Bước 2: Lập đề cương biên soạn thư
mục
Đây là
công việc cần thiết và quan trọng nhằm giúp định hình rõ ràng các ấn phẩm thư
mục và thực hiện việc biên soạn dễ dàng trong tương lai. CBTV xây dựng bản kế
hoạch vạch ra phương hướng, các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện
trong suốt quá trình biên soạn ấn phẩm thư mục. Một đề cương ấn phẩm thư mục
bao gồm các yếu tố: Tên gọi chính thức của ấn phẩm thư mục, tính cấp thiết của
đề tài, mục đích biên soạn thư mục, đối tượng sử dụng ấn phẩm thư mục, loại thư
mục, giới hạn tài liệu đưa vào thư mục (về loại hình, thời gian và ngôn ngữ),
dự kiến cấu trúc của ấn phẩm thư mục, dự kiến số lượng tài liệu đưa vào thư
mục, dự kiến thời gian hoàn thành và dự trù kinh phí cho việc biên soạn thư
mục.
Đề cương
sau khi lập xong phải được lãnh đạo TVKHXH duyệt, sau đó thông qua Hội đồng
khoa học của VKHXHVNB thì mới được trở thành tài liệu chính thức để hướng dẫn
biên soạn ấn phẩm thư mục.
Bước 3: Sưu tầm, lựa chọn tài liệu
Đây là
giai đoạn xác định địa chỉ (nguồn) tài liệu theo mục đích và yêu cầu của thư
mục đề ra và nó quyết định sự phong phú, đa dạng và chất lượng của một ấn phẩm
thư mục. Công tác sưu tầm, lựa chọn tài liệu luôn được CBTV định hướng rõ ràng,
căn cứ trên cơ sở đề cương biên soạn đã được thông qua. CBTV chịu trách nhiệm
sưu tầm, lựa chọn tài liệu phải trực tiếp xem xét, tìm hiểu nội dung tài liệu;
Phải đánh giá được nội dung tư tưởng, cũng như giá trị khoa học và ý nghĩa thực
tế của tài liệu. Việc sưu tầm tài liệu được CBTV tiến hành theo hai hình thức:
- Trực tiếp: Sưu tầm ngay trên nguồn tài
liệu của Thư viện hoặc đến các Thư viện, trung tâm thông tin, trung tâm nghiên
cứu, các cá nhân,…Đây là hình thức chủ yếu được áp dụng nhiều trong giai đoạn
1976-2003, khi TVKHXH còn là thư viện truyền thống.
- Gián tiếp: Bằng việc truy cập vào các cơ
sở dữ liệu điện tử thông qua OPAC[93] của các thư viện, trung tâm thông
tin, trung tâm nghiên cứu,…Trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay hình thức này
được sử dụng kết hợp với hình thức trực tiếp.
Bên cạnh
công tác sưu tầm, công tác lựa chọn tài liệu đưa vào ấn phẩm thư mục cũng được
CBTV chú trọng, thực hiện theo phương pháp Chọn lọc giới hạn: Giới hạn về loại
hình tài liệu (thường là sách và tạp chí); Giới hạn về thời gian xuất bản; Giới
hạn về ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp). Tùy theo yêu cầu
của từng loại ấn phẩm thư mục mà mức độ giới sẽ khác nhau.
Bước 4: Xử lý tài liệu (xử lý nội
dung, xử lý hình thức, hình thành biểu ghi thư mục)
Đây là
hoạt động chuyển từ giai đoạn phân tích sang giai đoạn tổng hợp của quá trình
biên soạn thư mục. Ở giai đoạn phân tích được chia làm 2 hình thức: Phân tích
hình thức (mô tả thư mục) và phân tích nội dung.
Mô tả thư
mục là nêu lên các thông tin đặc trưng của tài liệu như: tác giả, nhan đề, các
yếu tố xuất bản, yếu tố vật lý,…Từ những năm 1976 đến 2003 việc mô tả thư mục
được CBTV thực hiện hoàn toàn thủ công bằng cách chép tay các thông tin về tài
liệu lên phích mô tả[94], sau đó dán các phích lên bản thảo
thư mục. Thông tin về tài liệu trên từng phích mô tả sẽ được đánh trực tiếp lên
giấy than (carbon paper) khổ A4 theo chuẩn quốc tế ISBD[95] bằng máy đánh chữ OPTIMA (Italia) và
REMINGTON (Mỹ) được sản xuất vào những năm 1970-1971 ngay sau khi bản thảo thư
mục hoàn tất.
- Mô hình mô tả tài liệu riêng biệt, hoàn chỉnh theo
ISBD:
Nhan đề chính
= Nhan đề song song : Thông tin liên quan đến nhan đề / Thông tin về trách
nhiệm. – Thông tin về xuất bản. – Đặc trưng vật lý. – (Nhan đề tùng thư).
Ví dụ:
Chống xâm lăng : Lịch
sử Việt Nam từ 1858 đến 1898. Q.1 : Nam kỳ kháng Pháp / Trần Văn Giàu – H. :
Xây dựng, 1957. – 209tr. : bản đồ ; 19cm.
Nguồn: TVKHXHHCM –
LSS0803636 (Vb 32605)
Từ khóa: Lịch sử
Việt Nam, Lịch sử cận đại, Thực dân Pháp, Việt Nam.
Nhan đề bài trích :
Thông tin liên quan đến nhan đề / Thông tin về trách nhiệm // Nhan đề sách
có bài trích. – Thông tin về xuất bản. –Tập. – Tr.
Ví dụ:
“Bình Ngô đại cáo”
– Bản tuyên ngôn của nước Việt Nam độc lập / Trần Văn Giàu // Nguyễn Trãi – Khí
phách và tinh hoa của dân tộc. – H. : [K.nxb.], 1980. – Tr. 173-197.
Nguồn: TVKHXHHCM –
Vv 3400
Từ khóa: Văn học
Việt Nam, Tác phẩm văn học, Tuyên ngôn, Việt Nam
Nhan đề bài
trích : Thông tin liên quan đến nhan đề / Thông tin về trách nhiệm // Nhan
đề tạp chí có bài trích. – Năm. – Số. – Tập. – Tr.
Ví dụ:
“Mỹ thua đã rõ
rang” trong giai đoạn đầu của “Chiến tranh cục bộ” / Trần Văn Giàu // Nghiên cứu
lịch sử. – 1968. – Số 116. – Tr. 2-23.
Nguồn: TVKHXHHCM –
CVv08
Từ khóa: Lịch sử
Việt Nam, Chiến tranh Cục bộ, Đế quốc Mỹ, Việt Nam.
Từ năm 2004 cho đến nay bằng việc ứng dụng phần mềm Quản
trị cơ sở dữ liệu CDS/ISIS 1.4 (2003-2007) và phần mềm Quản trị thư viện tích hợp
Libol 5.5 (2008 đến nay), việc mô tả thư mục được CBTV thực hiện hoàn toàn trên
máy tính. Các biểu ghi được lưu trữ trên phần mềm sẽ được trích xuất và in theo
định dạng (format) Thông báo sách mới (quy định của Viện Thông tin Khoa học xã
hội Hà Nội). Mô tả thư mục trên các phần mềm (CDS/ISIS 1.4 và Libol 5.5) cũng
phải tuân thủ theo chuẩn quốc tế ISBD và Khổ mẫu MARC 21[96].
Về phân tích nội dung tài liệu: CBTV áp dụng các
phương pháp phân tích như:
- Phân loại tài liệu:
Sử dụng bảng phân loại BBK của Nga (1975-2007); Khung phân loại DDC 14 (2008-2012), sau đó là DDC 23 (2013
đến nay).
- Định từ khóa, chủ đề: Sử dụng Bộ từ khóa Khoa học xã hội và Nhân văn của Viện
Thông tin Khoa học xã hội, kết hợp với Bảng bổ trợ chỉ mục quan
hệ từ khung phân loại DDC 14, 23.
- Tóm tắt
(chỉ áp dụng cho sách): Có hai hình thức tóm tắt là theo mục lục và theo nội
dung tài liệu.
Cấu trúc của biểu ghi thư mục có thể thay đổi tùy theo
từng loại ấn phẩm thư mục. Tuy nhiên phần bắt buộc phải có là mô tả thư mục,
còn các phần khác như: Tiêu đề mô tả ký, hiệu phân loại, từ khóa, tóm tắt, dẫn
giải… có thể có hoặc có thể không.
Bước 5: Hệ thống hóa tài liệu (sắp
xếp biểu ghi thư mục)
Hệ thống hóa tài liệu trong ấn phẩm
thư mục là quá trình hệ thống lại những tài liệu đã lựa chọn đưa vào thư mục
theo một trình tự khoa học để giữa các biểu ghi thư mục và giữa các phần trong ấn
phẩm thư mục có một mối liên quan chặt chẽ giúp người đọc nhanh chóng, dễ dàng
khi tra cứu thư mục. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng của người dùng tin,
CBTV tiến hành sắp xếp các biểu ghi trong ấn phẩm thư mục theo môn loại tri thức
dựa vào bảng phân loại BBK và khung phân loại DDC. Số lượng môn loại tri thức
được lựa chọn làm chủ để trong ấn phẩm thư mục nhiều hay ít là phụ thuộc vào số
lượng và nội dung tài liệu đưa vào từng ấn phẩm thư mục.
- Các môn loại tri thức trong Bảng
phân loại BBK[97]
thường được CBTV sử dụng trong các ấn phẩm thư mục (áp dụng chủ yếu cho các ấn
phẩm thư mục được biên soạn từ năm 1976 – 2003):
A. Chủ nghĩa Mác – Lênin
Đ. Các
khoa học về trái đất
M. Nông Lâm
nghiệp. Các khoa học nông lâm nghiệp
N. Y tế. Các khoa
học y học
Ô. Các khoa học xã
hội nói chung
P. Lịch sử. Các
khoa học lịch sử
Q. Kinh tế. Các
khoa học kinh tế
R. Chính trị. Các
khoa học chính trị
S. Nhà nước và
pháp quyền. Các khoa học về pháp luật
T. Khoa học quân
sự. Sự nghiệp quân sự
U. Văn hóa. Giáo
dục. Khoa học
V. Các khoa học
ngôn ngữ
W. Nghệ thuật. Lý
luận nghệ thuật
X. Tôn giáo. Chủ
nghĩa vô thần
Y. Các khoa học
triết học. Tâm lý học
Z. Tài liệu có nội
dung tổng hợp
- Các môn loại tri thức trong Khung
phân loại DDC[98]
được CBTV sử dụng cho các ấn phẩm thư mục được biên soạn từ năm 2004 đến nay:
000. Tổng
hợp
100. Triết
học và các khoa học có liên quan
200. Tôn
giáo
300. Các
khoa học xã hội
400. Ngôn
ngữ học
500. Các
khoa học chính xác
600. Các
khoa học ứng dụng
700. Nghệ
Thuật
800. Văn
học
900. Địa
lý, lịch sử và các khoa học phụ trợ
Tùy theo yêu cầu và mục đích sử dụng
của từng loại ấn phẩm thư mục các biểu ghi sẽ được CBTV sắp xếp theo những
nguyên tắc sau:
+ Đối với các thư mục tổng hợp: Trong từng môn loại tri thức các biểu ghi sẽ được
sắp xếp theo trật tự chữ cái (A-Z) theo tiêu đề mô tả (Tên tác giả thứ nhất, đối
với sách 1-3 tác giả; Chữ cái đầu tiên tên tác giả tập thể và chữ cái tên nhan
đề tài liệu đối sách có nhiều tác giả).
+ Đối với các thư mục chuyên đề, thư mục vùng chí, thư mục địa chí và thư mục nhân vật:
Trong từng môn loại tri thức các biểu ghi sẽ được sắp xếp theo trật tự chữ cái
(A-Z) theo tên nhan đề tài liệu.
+ Riêng đối với các thư mục các bài viết, công trình nghiên cứu
khoa học của cán bộ Viện Khoa học xã hội kỷ niệm thành lập Viện: Các biểu
ghi sẽ được sắp xếp theo trật tự chữ cái (A-Z) tên tác giả. Trong từng tên tác
giả, các biểu ghi lại được sắp xếp theo năm xuất bản, trong từng năm xuất bản
thì lại được sắp xếp theo thứ tự chữ cái (A-Z) tên nhan đề tài liệu.
Từ năm 1976 đến 2003, việc sắp xếp
các biểu ghi trong ấn phẩm thư mục được thực hiện thủ công. Các phích mô tả sẽ
được dán trực tiếp trên bản thảo thư mục theo yêu cầu sắp xếp đã được xác định
từ trước. Trong quá trình sắp xếp nếu phát hiện sai sót, CBTV sẽ điều chỉnh bằng
cách tháo rời và di chuyển các phích đến vị trí thích hợp. Đây là công đoạn mất
nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi CBTV phải thật tỉ mỉ. Từ năm 2004 đến nay,
nhờ vào việc ứng dụng tin học hóa vào trong hoạt động thư viện thì việc sắp xếp
các biểu ghi trong ấn phẩm thư mục được thực hiện hoàn toàn tự động trên máy
tính điện tử bằng công cụ SORT trong Microsoft Word. Nó cho phép CBTV tùy ý sắp
xếp các biểu ghi thư mục theo dạng TEXT, NUMBER hay DATE.
Bước 6: Xây dựng phần bổ trợ cho ấn
phẩm thư mục
Để người
dùng tin có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng và hiểu rõ hơn về ấn phẩm thư mục,
ngoài phần chính văn là phần thông tin thư mục CBTV còn xây dựng thêm phần bổ
trợ cho ấn phẩm thư mục, bao gồm:
- Lời giới thiệu (hay mở đầu) được đặt ở sau trang tên thư mục và mục lục của
thư mục. Nó giúp người
dùng tin có cái nhìn khái quát về ấn phẩm thư mục, bao gồm các yếu tố sau: Ý nghĩa,
tính cấp thiết của thư mục; Mục đích biên soạn và đối tượng sử dụng ấn phẩm thư
mục; Giới hạn của đề tài; Giới hạn của tài liệu phản ánh trong thư mục;
Mức độ phân tích tài liệu trong thư mục; Bố cục của thư mục.
- Bảng các từ viết tắt
và các ký hiệu là bảng kê theo vần
chữ cái các từ viết tắt và các ký hiệu được sử dụng trong ấn phẩm thư mục, có
giải nghĩa (giải mã) đầy đủ về chúng. Nó giúp người dùng tin thuận tiện trong
quá trình tra cứu ấn phẩm thư mục.
- Mục lục là bảng kê tên các phần, mục và phần bổ trợ của ấn phẩm thư
mục, được sắp xếp theo trình tự như sắp xếp chúng trong ấn phẩm thư mục, có kèm
theo số trang tương ứng. Phần này được CBTV đặt ở đầu thư mục sau trang tên thư
mục và trước lời giới thiệu.
- Bản tra cứu được coi là hình thức bổ trợ cho
phương pháp sắp xếp tài liệu. Nó được coi là chìa khóa chỉ cho người dùng tin
biết vị trí của tài liệu trong ấn phẩm thư mục. Tùy vào cách sắp xếp của mỗi
tài liệu thư mục mà Thư viện xây dựng các loại bảng tra sau: Bảng tra chữ cái
họ và tên tác giả, bảng tra chữ cái tên tài liệu, bảng tra tài liệu theo chủ đề
và Bảng tra tài liệu theo môn loại tri thức. Trước đây việc xây dựng các bảng
tra rất kho khăn do làm thủ công, từ năm 2004 đến nay với sự hỗ trợ của máy
tính, việc xây dựng các bảng tra cứu trở nên dễ dàng, nhanh chóng, nhờ phương
pháp hoán vị hay còn gọi là phương pháp thay đổi trật tự (permutation) của biểu ghi thư mục.
- Phụ lục là phần không liên quan trực tiếp
đến phần chính văn, để phục vụ cho việc tra cứu chuyên sâu của người dùng tin,
đặc biệt là các nhà nghiên cứu. Nó thường được sử dụng cho các ấn phẩm thư mục
lớn. Loại phụ lục mà TVKHXH thường dùng đó là Danh mục nguồn ấn phẩm định kỳ
được sử dụng trong ấn phẩm thư mục.
Bước 7: Biên tập hoàn
chỉnh và xuất bản thư mục
Ấn phẩm
thư mục trước khi thông qua Hội đồng Khoa học của VKHXHVNB và xuất bản sẽ được
biên tập hoàn chỉnh, bao gồm biên tập khoa học, biên tập văn học và biên tập kỹ
thuật.
- Biên
tập khoa học được thực hiện trong suốt quá trình biên soạn thư mục, từ việc xây
dựng đề cương, đến lựa chọn tài liệu, sắp xếp tài liệu, đến tóm tắt, xây dựng
bản tra.
- Biên
tập văn học được thực hiện khi đã biên soạn xong bản thảo thư mục. CBTV phải
đọc toàn bộ bản thảo thư mục tìm ra, sửa chữa những nhầm lẫn, sai sót, bỏ đi
những yếu tố thừa, yếu tố trùng lấp, đồng thời bổ sung những yếu tố cần thiết
để hoàn chỉnh về mặt văn phong của bản thảo thư mục.
- Biên
tập kỹ thuật được thực hiện ở công đoạn cuối cùng của việc biên soạn thư mục,
CBTV phải xem toàn bộ bản thảo thư mục, kiểm tra các phần về mặt trình bày,
trang trí, các yếu tố cần thiết của một ấn phẩm thư mục như: tên cơ quan chịu
trách nhiệm xuất bản thư mục, tên thư mục, phụ đề, tên cơ quan biên soạn thư
mục,...Ngoài trang tên thư mục, các ấn phẩm thư mục còn phải có bìa và bìa phải
được trình bày đẹp, lôi cuốn sự chú ý của người dùng tin.
Sau khi
bản thảo thư mục được biên tập hoàn tất đảm bảo các yêu cầu đề ra. Thư viện
tiến hành in 05 bản để bảo vệ trước Hội đồng khoa học của VKHXHVNB và sau đó
mới xuất bản để phục vụ người dùng tin.
Tính từ
năm 1976 đến nay, TVKHXH đã biên soạn và xuất bản được 23 ấn phẩm thư mục với
tổng số 4564 trang A4. Mỗi trang có trung bình 8-10 biểu ghi thư mục.
Bảng
thống kê các ấn phẩm thư mục tại Thư viện KHXH
STT |
Tên ấn phẩm thư mục |
Loại hình thư mục |
Số trang |
1 |
Thông
báo sách mới nhập năm 2002 – 2003 |
Thư
mục tổng hợp |
73 |
2 |
Thông
báo sách mới nhập năm 2003 – 2004 |
Thư
mục tổng hợp |
70 |
3 |
Thông
báo sách mới nhập năm 2005 |
Thư
mục tổng hợp |
288 |
4 |
Thông
báo sách mới nhập năm 2006 |
Thư
mục tổng hợp |
66 |
5 |
Thông
báo sách mới nhập năm 2007 |
Thư
mục tổng hợp |
121 |
6 |
Thông
báo sách mới nhập năm 2008 |
Thư
mục tổng hợp |
110 |
7 |
Thông
báo sách mới nhập năm 2009 |
Thư
mục tổng hợp |
183 |
8 |
Thư
mục các vấn đề Khoa học xã hội về Tây Nguyên |
Thư
mục chuyên đề |
120 |
9 |
Thư
mục các vấn đề nghiên cứu xã hội và dân tộc học vùng đồng bằng phía Nam |
Thư
mục chuyên đề |
25 |
10 |
Thư
mục đồng bằng sông Cửu Long |
Thư
mục vùng chí |
554 |
11 |
Thư
mục đồng bằng sông Cửu Long 1982-2004 |
Thư
mục vùng chí |
196 |
12 |
Thư
mục đồng bằng sông Cửu Long 2005 - 2010 |
Thư
mục vùng chí |
260 |
13 |
Thư
mục Đông Nam Bộ 2005 – 2011 |
Thư
mục vùng chí |
304 |
14 |
Thư
mục 10 năm xây dựng và hoạt động của Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ
Chí Minh |
Thư
mục tổng hợp |
208 |
15 |
Thư
mục 20 năm xây dựng và hoạt động của Viện Khoa học xã hội tại TPHCM |
Thư
mục tổng hợp |
91 |
16 |
Thư
mục 25 năm xây dựng và hoạt động của Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ
Chí Minh 1975-1999 |
Thư
mục tổng hợp |
172 |
17 |
Thư
mục Thành phố Đà Lạt 100 năm hình thành và phát triển (1893-1993) |
Thư
mục địa chí |
30 |
18 |
Thư
mục Thành phố Hồ Chí Minh |
Thư
mục địa chí |
1010 |
19 |
Thư
mục Trần Văn Giàu |
Thư
mục nhân vật |
26 |
20 |
Thư
mục Văn hóa truyền thống Việt Nam |
Thư
mục chuyên đề |
163 |
21 |
Thư
mục về Chủ nghĩa Thực dân mới ở miền Nam Việt Nam (1954-1975) |
Thư
mục chuyên đề |
351 |
22 |
Thư
mục về Nguyễn Thông |
Thư
mục nhân vật |
44 |
23 |
Thư
mục về người Hoa ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á |
Thư
mục nhân vật |
99 |
3. PHỔ BIẾN VÀ PHỤC VỤ TRA CỨU ẤN PHẨM THƯ MỤC
Các ấn phẩm thư mục sau khi được xuất bản sẽ được Thư
viện tiến hành phổ biến đến người dùng tin, đây là một hoạt động chủ động của
thư viện, là hoạt động thường xuyên không cần có yêu cầu hoặc theo những yêu cầu
lâu dài. Mục đích của nó - giới thiệu, thông báo cho người dùng về ấn phẩm thư
mục vừa mới xuất hiện cần cho hoạt động khoa học, học tập và sản xuất của họ. Để
hoạt động phổ biến các ấn phẩm thư mục đạt hiểu quả cao, từ năm 1976 đến nay,
TVKHXH đã không ngừng thay đổi về phương thức hoạt động từ truyền thống chuyển
sang hiện đại thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và mạng máy tính. Hiện
nay, TVKHXH kết hợp cả 2 hình thức phổ biến các ấn phẩm thư mục:
Hình thức truyền thống: TVKHXH tiến hành phổ biến các ấn
phẩm thư mục đến người dùng tin ngay tại Thư viện bằng việc in các ấn phẩm thư
mục ở dạng giấy và trưng bày trên kệ tại phòng đọc chính. Người dùng tin có nhu
cầu có thể đến Thư viện đăng ký làm thẻ và sử dụng ấn phẩm thư mục để tra cứu.
Hình thức hiện đại: Bằng việc ứng dụng công nghệ thông
tin vào trong hoạt động thư viện. Từ năm 2008 đến nay, Thư viện KHXH đã xây
dựng được các Cơ sở dữ liệu (CSDL) điện tử trực tuyến, trong đó có CSDL THƯ MỤC
và CSDL SÁCH - nơi dùng để lưu trữ và phổ biến các ấn phẩm thư mục đến người
dùng tin. Các ấn phẩm thư mục sau khi được xuất bản sẽ được công bố và giới
thiệu trên Website của Thư viện thông qua địa chỉ: http://libsiss.org.vn/vi/tai-nguyen/CSDL-THU-MUC/ hoặc người dùng tin cùng có thể tìm
thông tin các ấn phẩm thư mục tại địa chỉ: http://opac.libsiss.org.vn:8081/.
Sự thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi để người dùng tin nhanh chóng cập nhật
tin tức về tài liệu ở mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh
việc chủ động thông tin cho người dùng tin về sự xuất hiện của ấn phẩm thư mục,
TVKHXH còn tiến hành phục vụ tra cứu thư mục hay còn gọi là dịch vụ thông tin
theo chế độ hỏi – đáp (question-answer service). Tuy mang tính chất bị động
nhưng đây là hoạt động thiết thực giải quyết trực tiếp những vướn mắc của người
dùng tin trong quá trình tiếp xúc với tài liệu, đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi
yêu cầu của người dùng tin về tài liệu. Vì là một thư viện chuyên ngành Khoa
học xã hội nên đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ nghiên cứu của viện, các nhà
nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, đạo diễn phim, giảng viên và
sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng. Những câu hỏi của họ là rất phong phú
và đa dạng, đòi hỏi tính chuyên sâu có mức độ khó dễ khác nhau nảy sinh trong
quá trình nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy,…Do đó, tùy vào từng loại câu
hỏi của người dùng tin mà cán bộ thủ thư có những biện pháp tra cứu trả lời
khác nhau, có thể tra cứu trả lời bằng miệng (đối với những yêu cầu tin đơn
giản) hoặc tra cứu trả lời bằng văn bản (đối với những yêu cầu tin phức tạp,
mang tính tổng hợp).
4. KẾT
LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
40 năm
qua, HĐTTTM tại TVKHXH đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ: 23 ấn phẩm
thư mục được biên soạn và xuất bản với 4564 trang A4 có giá trị khoa học cao,
đáp ứng kịp thời nhu cầu tin cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của
người dùng tin. Nó còn đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu
phát triển bền vững vùng Nam Bộ của VKHXHVNB, nhiều đề tài cấp Viện, cấp Bộ và
cấp Nhà nước đã bảo vệ thành công, những kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng
vào thực tiễn. HĐTTTM tại TVKHXH đạt hiệu quả cao không chỉ thỏa mãn nhu cầu
tin của người dùng tin nói chung, của đội ngũ cán bộ nghiên cứu VKHXHVNB nói
riêng, mà còn thúc đẩy sự phát triển nhu cầu tin trong cộng đồng.
Bên cạnh
những thành tựu đạt được, HĐTTTM tại TVKXH còn có những hạn chế nhất định. Giai
đoạn từ 1976 – 2003 do thiếu máy móc, công nghệ nên chất lượng các ấn phẩm thư
mục được xuất bản còn thấp. Các ấn phẩm thư mục trong giai đoạn này hoàn toàn
được biên soạn và xuất bản thủ công (chép tay hoặc sử dụng máy đánh chữ) trên
chất liệu giấy không tốt (giấy than) nên việc lưu giữ và sử dụng dễ khó khăn,
dễ hư hỏng. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn về nguồn nhân lực và hạn chế về trình độ
chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là những CBTV làm công tác thư mục cũng là một
trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các ấn phẩm
thư mục.
Hiện nay,
trong bối cảnh và xu thế phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, xã hội hóa
thông tin và hội nhập quốc tế thì nhu cầu tin của con người cũng ngày càng cao
hơn, phong phú và đa dạng hơn cả về nội dung và hình thức. Do đó, muốn đảm bảo
nhu cầu tin cho người dùng tin thì tất yếu TVKHXH phải tăng cường phát triển,
hoàn thiện hơn nữa các hoạt động chuyên môn, trong đó có hoạt động thông tin
thư mục như: Bổ sung thêm nguồn nhân lực cho Thư viện; Đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ nghiệp vụ cho CBTV, đặc biệt là cán bộ làm công tác thư mục; Hoàn
thiện về công tác tổ chức nhân sự và phân công lao động khoa học; Bổ sung nguồn
kinh phí cho hoạt động nghiên cứu nghiệp vụ thư viện; Đổi mới về phương thức
hoạt động, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm và dịch vụ, phát triển nội dung
nguồn tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường liên kết, học
hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các thư viện đầu ngành như: Thư viện Quốc gia
Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM, Thư viện trung tâm Đại học Quốc
gia TPHCM, Thư viện của Viện Thông tin,…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thư. Giáo trình thư mục học : Dành cho
sinh viên các trường Cao đẳng và Đại học chuyên ngành thư viện – thông tin. –
H. : Văn hóa Thông tin, 2002.
2. Korsunov O.P.. Thư mục học đại cương : Giáo trình.
– M. : Viện sách, 1990.
3. Lê Văn Viết. Cẩm nang nghề thư viện. – H. : Văn hóa
Thông tin, 2000. – 630tr.
4. Bùi Văn Vinh. Hoạt động thông tin thư mục của Viện
Thông tin Khoa học xã hội –Thực trạng và những giải pháp đến năm 2000 : Luận
văn thạc sĩ. – H.,1994. – 92tr.
5. Nguyễn Thị Thư. Hoạt động thông tin thư mục trong
giai đoạn phát triển của kỹ thuật thông tin // Thông tin khoa học. – 2000. – Số
1. – Tr. 8-12.
6.http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/dac-diem-va-cau-truc-trinh-bay-cac-an-pham-thong-tin.html
TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC
CỦA NGUYỄN AN NINH
TS. Phạm Đào Thịnh
Đại học Sài Gòn
Nguyễn An Ninh sinh ngày 15-9-1900, tại quê ngoại xã
Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Ông sống và học tập ở quê nội, xã
Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định và Sài Gòn. Ông xuất thân trong gia
đình trí thức yêu nước và nhiều đời tham gia hoạt động cách mạng và văn hoá.
Ông thuộc dòng tộc họ Đoàn, nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm là bà cô bốn đời, do loạn lạc
nên mới đổi thành họ Nguyễn để mưu sinh và lập nghiệp. Cha Nguyễn An Ninh là
Nguyễn An Khương, cô là Nguyễn Thị Xuyên một trong những nhà yêu nước hoạt động
trong tổ chức của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Thuở thiếu thời, ông rất thông minh, thông thạo Hán học,
giỏi tiếng Pháp, mười lăm tuổi, ông đã tập viết báo bằng tiếng Pháp. Năm mười
sáu tuổi, ông vào học trường Cao đẳng y dược Hà Nội, sáu tháng sau, ông bỏ học,
chuyển sang học Cao đẳng luật và cai trị. Sau khi học hai năm tại trường này,
ông băn khoăn cho sự biến đổi của dân tộc nên không học nữa, ông sang Pháp
(1917) thi vào trường Đại học Soócbon - Pari và đỗ thứ hạng cao nhất, từ đó ông
được nhiều người mến phục. Tại trường này, ông chỉ học trong vòng một năm đã nhận
được bằng Cử nhân luật Đại học Soócbon thay vì phải học trong vòng ba năm. Do vậy,
tài học của ông càng được nhiều người biết đến, rất nhiều trí thức ở Pháp và
trong nước quý mến ông.
Ở Pháp (1917 - 1922), ông đã cùng các trí thức yêu nước
tiến bộ, nổi tiếng ở Pari như cụ Phan Châu Trinh - Cử nhân Hán học, nhà giáo;
nhà báo Nguyễn Ái Quốc; Phan Văn Trường - Tiến sỹ luật; ông Nguyễn Thế Truyền -
Kỹ sư hóa học, cử nhân triết học tạo thành “nhóm ngũ long” - tên gọi này do bà
con Việt kiều yêu nước tiến bộ đặt cho nhóm, đã gây nên làn sóng cách mạng
trong kiều bào yêu nước, các tổ chức cộng sản, tổ chức yêu nước tiến bộ.
Ở trong nước, trong thời gian ông về nước hoạt động, mặc
dù không phải là đảng viên Đảng cộng sản nhưng ông và gia đình có quan hệ rất mật
thiết với các lãnh tụ của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai
và những trí thức đảng viên của Đảng như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn
Văn Trân, Trần Văn Giàu... Trên diễn đàn công khai, hợp pháp, đặc biệt là trên
tờ báo La Cloche fêlée (Tiếng chuông rè) ông đã thể hiện một tinh thần cách mạng
triệt để và phương pháp hoạt động mềm dẻo, linh hoạt, có tác dụng hướng dẫn quần
chúng, hướng dẫn các tổ chức tiến bộ và giới trí thức tham gia vào hoạt động
cách mạng của Đảng.
Tư tưởng của Nguyễn An Ninh được hình thành từ tổng hợp
của nhiều nguồn tư tưởng, đó là: những giá trị văn hoá dân tộc, tư tưởng canh
tân, tư tưởng dân chủ phương Tây,.... Khi ở Pháp, ông đọc tác phẩm “Khế ước xã
hội” (Le contrat social) của Rútxô, có cảm tình và thấm nhuần tư tưởng dân chủ,
tự do, bình đẳng, bác ái của các nhà khai sáng. Ông tiếp xúc với các trí thức
tiến bộ, đặc biệt ông sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác, ông là người đầu tiên dịch bản
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của C. Mác và Ph.Ăngghen và tuyên truyền trên báo ở
nước ta thời kỳ trước năm 1930 (Đăng trên báo La Cloche fêlée từ số 53
(29-3-1926) đến số 60 (26-4-1926). Sau Nguyễn Ái Quốc thì Nguyễn An Ninh là người
đã nhận thấy vai trò của chủ nghĩa Mác đối với cách mạng Việt Nam. Ông đã đón
nhận chủ nghĩa Mác với tinh thần của một người yêu nước, vì nền độc lập của dân
tộc. Với trí tuệ thông minh, sắc sảo và sự nhạy bén với thời cuộc, trên cơ sở
truyền thống gia đình và những tiền đề lý luận tiếp thu được, ông đã hình thành
tư tưởng tiến bộ, góp phần tạo nên bước chuyển của tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX.
Trong những tác phẩm của Nguyễn An Ninh thì tư tưởng
triết học được trình bày khá hệ thống mà tiêu biểu nhất là những tác phẩm như Tôn giáo, Phê bình Phật giáo, Triết học của
Nietzsche. Nguyễn An Ninh viết Tôn
giáo, Phê bình Phật giáo với phương diện triết học tôn giáo, lý giải những
vấn đề rất căn bản của tôn giáo. Mặt khác, để giải thích những vấn đề tôn giáo,
Nguyễn An Ninh trình bày hệ thống những quan điểm của Phật giáo về trời, vũ trụ,
hữu ngã, vô ngã, luật nhân quả, niết bàn và hệ thống tư tưởng biện chứng đã
hình thành trong lịch sử, từ đó ông đưa ra những đánh giá nhận xét. Còn tác phẩm
Triết học của Nietzsche - một tác phẩm
ngắn gọn, súc tích của Nguyễn An Ninh có sự phân tích tính đối lập giữa triết học
Mác với triết học của Nietzsche. Trong tác phẩm này, Nguyễn An Ninh đã trình
bày sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp, trước tác của Nietzsche và đặc biệt là
trình bày khá hệ thống, súc tích sự đối lập tư tưởng của triết học Mác– đại diện
giai cấp vô sản với triết học Nietzsche – đại diện giai cấp tư sản. Nguyễn An
Ninh đã đánh giá rất cao triết học của Mác, đó là triết học của Mác đã chỉ ra
nguồn gốc bóc lột của xã hội tư bản là “sự tư lợi” không còn chỗ đứng cho tình
cảm, đạo đức; sự tồn tại của các xã hội đều có hai giai cấp cơ bản đối lập nhau
bên cạnh những giai cấp khác; Mác đã khảo sát xã hội tư bản với tất cả những
quy luật vận động và phát triển của nó; sự phát triển nói chung cũng như của xã
hội là quá trình tiến hóa không ngừng theo vòng xoắn ốc. Đồng thời, Nguyễn An
Ninh đã nêu ra và phê phán quan điểm đối lập với Mác của Nietzsche, đó là
Nietzsche đã đánh đổ đạo đức, cho rằng các dân tộc cần có những siêu nhân phi đạo
đức, có khi làm trái với luân lý; xã hội có hai luân lý là luân lý của đám làm
chủ và luân lý của đám chủ nô; mặc dù Nietzsche đánh đổ cả siêu hình, tôn giáo
nhưng với học thuyết tuần hoàn vĩnh cửu đã dẫn tới quan điểm sự phát triển là
theo vòng tròn khép kín. Điều đặc biệt là trong tác phẩm này, Nguyễn An Ninh đã
đưa ra nhận định rất khách quan về triết học Mác, ông viết: “Các tác phẩm của
Mác là những công trình đồ sộ, như những cánh tay vĩ đại muốn ôm lấy toàn bộ cuộc
sống và nâng nó lên cao mãi theo ước vọng của loài người”[99].
Với những quan điểm nêu trên, chứng tỏ Nguyễn An ninh am hiểu triết học Mác và
có thể nói ông cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng triết học duy vật biện chứng của
C. Mác.
Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn An Ninh chưa trình
bày vấn đề cơ bản của triết học, nhưng thông qua những tác phẩm của ông, nhất
là Tôn giáo, Phê bình Phật giáo thấy
rằng về thế giới quan triết học, Nguyễn
An Ninh là người đi theo chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trong quyển sách Tôn giáo Nguyễn An Ninh thừa nhận rằng:
“Duy vật lịch sử quan chủ nghĩa tràn lan cả hoàn cầu, truyền dạy: Kinh tế là gốc.
Luân lý, phong tục, tôn giáo, mỹ thuật, chính trị, toàn cả xã hội chẳng qua như
là cái bóng của kinh tế của xã hội thôi, kinh tế của xã hội đổi thì tất cả đều
đổi theo”[100].
Khi ông đặt vấn đề nghiên cứu tôn giáo, ông cũng cho rằng: “Mà rồi, có lẽ tôn
giáo có lẽ cũng vướng vấp với kinh tế”[101].
Còn trong Phê bình Phật giáo, Nguyễn
An Ninh viết năm 1937, ông nhấn mạnh rằng: “Tôi khuyên các bạn thanh niên trí
thức, trước khi nghiên cứu các tôn giáo, nên vay mượn duy vật biện chứng pháp của
đời nay để hiểu rõ vũ trụ, xã hội, triết lý, luân lý… trước đã. Làm như vậy có
thể lánh khỏi một thời gian mê mẩn, không phải những sự dị đoan, mê tín (tôi
không sợ các anh sa vào đó), mà là trong các câu rất cảm động của các vĩ nhơn
sáng lập tôn giáo ngày xưa”[102].
Phần cuối tác phẩm Phê bình Tôn giáo, Nguyễn
An Ninh đã mượn lời của C. Mác trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học Pháp quyền của Hê ghen – Lời nói đầu[103]
để nói về bản chất tôn giáo: “Tôn giáo là giọng than thở của con người bị sự khốn
khổ đè ép. Nó là linh hồn của một thế giới không biết thảm thương. Nó cũng là
tinh thần của một thời kỳ ngu muội. Nó là thuốc phiện của dân”[104].
Trong tác phẩm Nguồn gốc của tư tưởng, Nguyễn
An Ninh đã dựa trên thế giới quan duy vật để giải thích sự ra đời của tư tưởng,
cũng như sự thay đổi của tư tưởng là do hoàn cảnh xã hội tạo ra hay do lợi ích
chi phối. Nguyễn An Ninh viết rằng: “Con người tư tưởng là một sự tự nhiên, như
sự thở, sự thấy, sự nghe, như các sự cần dùng của xác thịt, vì vậy cho nên tư
tưởng luôn luôn do nơi hoàn cảnh mà sanh ra”[105].
Nguyễn An Ninh cũng dựa vào quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin để giải thích vấn
đề cách mạng giải phóng dân tộc theo quốc gia chủ nghĩa, ông viết: “Chủ nghĩa
Mác không giới hạn hành động cách mạng nơi hoạt động phát động và tổ chức giai
cấp vô sản. Nó nhằm dẫn tới nền kinh tế sẽ xóa bỏ khủng hoảng, chiến tranh,
tăng trưởng của cải tới mức có thể dễ dàng bảo đảm cuộc sống thoải mái cho mọi
người. Nó nhằm cứu vớt khoa học, văn hóa, nhân phẩm, giải phóng mọi giai cấp kể
cả những giai cấp phi vô sản khỏi hệ tư tưởng xã hội và chính trị hiện hành vốn
là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Quần chúng ở Đông Dương cần được biết đến
về điều đó”[106].
Có thể nói, mặc dù Nguyễn An Ninh sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học và
là trí thức mới nhưng thế giới quan của Nguyễn An Ninh là thế giới quan duy vật
biện chứng. Trên cơ sở nền tảng thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp
biện chứng duy vật, Nguyễn An Ninh đã lý giải những vấn đề chính trị, tôn giáo,
văn hóa.
Về quan niệm vũ trụ,
Nguyễn
An Ninh đã trình bày những khái niệm như Trời,
vạn vật biến thiên, vũ trụ với ta, v.v.. để trình bày những quan niệm của
mình về thế giới. Khi bàn về Trời, Nguyễn An Ninh đã phê phán vũ trụ quan của
triết học duy tâm và tôn giáo, ông viết: “Trong các tục thờ sóng gió, thờ mặt
trời, mặt trăng, thờ sao, thờ cây to, đá lớn, con người lại nghe như mình được
trực tiếp, được điều hòa với các tạo vật trong vũ trụ, hiệp làm một với cả vũ
trụ. Cái tục thờ cúng đó, nó trúng với cái sự hiểu vũ trụ của thiên hạ, vừa với
một cái trình độ kia, lộ ra cho mình ngó thấy trong cái tục dở đó tuy vậy chớ
có một điều hay là: nhơn loại có ráng mà hiểu cả tạo vật”[107].
Quan niệm về Trời mà Nguyễn An Ninh khảo cứu ở trong các tôn giáo, vấn đề mà
ông quan tâm không phải là tìm hiểu các tôn giáo quan niệm Trời sinh ra từ đâu
mà vấn đề là tại sao con người, các tôn giáo tư duy, hình thành phạm trù trời
và có mấy cách hiểu về trời. Qua nghiên cứu, Nguyễn An Ninh cho rằng, trong
quan niệm của loài người thường có hai cách hiểu: một là, trời có ngoài vũ trụ;
hai là, trời có ở trong vũ trụ. Theo Nguyễn An Ninh, quan niệm Trời ở trong vũ
trụ là hợp với khoa học và là quan niệm tiến bộ, thúc đẩy nhận thức con người.
Nguyễn An Ninh viết: “Cái giọng của tôi nói: “Ông Trời này giúp ích cho nhơn loại
hơn ông Trời kia”, có thể làm cho nhiều
người suy nghĩ rằng tôi nói là không có Trời, cho nên tôi cứ đứng về phương
diện lợi ích cho nhơn loại mà nhìn nhận ông Trời này, bỏ xó ông Trời kia”[108].
Theo quan điểm Nguyễn An Ninh, vấn đề
quan trọng không phải truy tìm trời sinh ra từ đâu, mà vấn đề ở chỗ quan niệm về
trời trong các tôn giáo, trong triết học duy tâm thì quan niệm nào có lợi cho
khoa học, cho sự tiến bộ của nhân loại. Hay nói cách khác là các tôn giáo sử dụng
phạm trù trời với mục đích gì? Nguyễn An Ninh đã chỉ ra bản chất của nó, ông viết:
“Trời chỉ là một quan niệm trừu tượng gồm cả các quan niệm trừu tượng. Những lý
luận về trời xưa nay đều tư tưởng sai. Song kẻ xảo trá lợi dụng sự tưởng tượng
sai lầm ấy để làm lầm lạc phường dân đen hoặc để đổ cả mọi sự khốn khổ ở xã hội
này do bởi Trời sanh, hoặc để hăm dọa, để buộc đám dân ngu trong vòng pháp luật
và luân lý. Tin có Trời, tất nhiên phải tin Trời là tuyệt hảo, nghĩa là trái đất
này tốt đẹp và tổ chức khôn khéo tuyệt đối. Tin có Trời, tất nhiên không sai ý
Trời, không nên lo sửa đổi cái Trời đã làm ra”[109].
Theo quan điểm này, các chế độ chính trị thường lợi dụng quan niệm về trời
trong các tôn giáo để thực hiện ý đồ chính trị, làm cho dân chúng cam chịu thân
phận nghèo hèn, nô lệ, tôi tớ. Còn về bản thể luận, Nguyễn An Ninh thừa nhận
quan điểm duy vật biện chứng, ông cho rằng: “Cả vũ trụ là vật chất, vật chất biến
động mãi mãi. Không có sự chuyển động nào là không có vật chất, mà cũng không
có vật chất nào là không chuyển động”[110].
Như vậy, có thể nói về vũ trụ quan, Nguyễn An Ninh thừa nhận quan điểm của chủ
nghĩa duy vật biện chứng về tính thứ nhất của vật chất, cho rằng bản chất của
vũ trụ là vật chất, giữ vai trò quyết định hình thành tư tưởng, tôn giáo, v,v..
Trên cơ sở đó, Nguyễn An Ninh phê phán những quan điểm sai lầm của tôn giáo,
triết học duy tâm về Trời, đặc biệt là ông phê phán những quan điểm, thái độ sử
dụng những cách hiểu tiêu cực về trời để mê hoặc dân chúng, phục vụ cho mục
đích bảo vệ lợi ích cho giai cấp cầm quyền trong xã hội đương thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Doãn
Chính – Phạm Đào Thịnh (2007), Quá trình
chuyển biến tư tưởng chính trị Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX qua các
nhân vật tiêu biểu, Nxb. Chính trị Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2.
Hà Huy Giáp (1989), Sự tiến hóa liên tục của
Nguyễn An Ninh: một lãnh tụ cách mạng hùng biện, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
3.
Trần Văn Giàu (1993),
Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ
thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, tập 2, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
4.
Trần
Văn Giàu (1995), Những tiếng chuông đầu
tiên thức tỉnh chúng tôi, Tập san Khoa học A – Đại học Tổng hợp Tp. Hồ
Chí Minh số 3.
5.
Mai
Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn An
Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội.
6.
Nguyễn
Thị Minh (2005), Nguyễn An Ninh “Tôi chỉ
làm cơn gió thổi”, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
7.
Lê Minh Quốc (1996), Nguyễn An Ninh những dấu ấn để lại, Nxb.
Văn học.
8.
Nguyễn
An Tịnh (1996), Nguyễn An Ninh, Nxb.
Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
9.
Tủ
sách giáo dục truyền thống (2001), Nguyễn
An Ninh nhà trí thức yêu nước, Bán nguyệt san xưa và nay, Nxb. Tp. Hồ Chí
Minh.
10.
Trung
tâm nghiên cứu quốc học (2009), Nguyễn An Ninh qua hồi ức của những người
thân, Nxb. Văn học, Hà
Nội.
SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU
LONG QUA BA ĐỊA BÀN KHẢO SÁT (CẦN THƠ-SÓC TRĂNG-AN GIANG)
TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Bài viết là một phần
kết quả nghiên cứu từ đề tài khoa học cấp Bộ: “Thực hiện dân chủ trực tiếp
trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Đồng bằng sông Cửu Long”, được tiến
hành khảo sát tại 3 tỉnh Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng năm 2013. Trong bài viết
này, chỉ đề cập đến một số các hoạt động thể hiện sự tham gia của người dân tại
địa phương trong thực hiện việc phát huy quyền làm chủ cuả mình: Thứ nhất; Việc
người dân tiếp cận các văn bản, chính sách của
địa phương,
Thứ hai; Tiếp cận các kế hoạch phát triển kinh tế xã
hội của địa phương,
Thứ ba; Lập kế hoạch từ dưới lên, Thú tư; Tham
gia các cuộc họp
tại địa bàn cư trú, Thứ năm; Tham gia bầu cử,
Thứ sáu; Tham gia tiếp xúc cử tri.
1. DẪN NHẬP
Vùng Đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây
Nam Bộ hoặc theo cách gọi ngắn gọn của người dân miền Nam là miền Tây
có vị trí địa lý như một bán đảo với 3 mặt đông, nam và tây nam giáp biển với
chiều dài đường bờ biển trên 750km (chiếm 23% chiều dài bờ biển quốc gia) và hải
phận trên 360.000km²[111]; phía tây có đường biên giới giáp với Campuchia và phía
bắc giáp với vùng kinh tế Đông Nam Bộ - vùng kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện
nay. Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng với mạng lưới
sông ngòi, kênh rạch phân bố rất dày, thuận lợi cho giao thông thủy vào bậc nhất
ở Việt Nam.
Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 12,1% diện tích cả nước
(39.747 km²), đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn của 13 đơn vị hành chính: An
Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang,
Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. trong đó Cần Thơ là
thành phố duy nhất trực thuộc Trung Ương.
Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/2011, dân số
vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 17.325.167 người, chiếm 19,8% dân số Việt Nam.
Trong đó, tỷ lệ nữ giới chiếm khoảng 50,2%. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực
dân cư đông đúc thứ hai của Việt Nam, sau Đồng bằng sông Hồng với mật độ cư trú
là 435 người/km², gấp 1.7 lần so với mật độ bình quân chung của cả nước. Dân cư
sinh sống tập trung vùng ven sông Tiền, sông Hậu và thưa hơn ở các vùng sâu xa
trong nội đồng như vùng U Minh, vùng Đồng Tháp Mười. Nếu tính theo quy mô dân số
từng địa phương, tỉnh An Giang dẫn đầu khu vực với 2.231.000 người, thấp nhất
là tỉnh Hậu Giang với 798.800 người. Về mật độ, thành phố Cần Thơ có mức độ tập
trung dân cư đông nhất với 824 người/km²; kế đến là các tỉnh Vĩnh Long, Tiền
Giang, An Giang, Bến Tre; thấp nhất là tỉnh Cà Mau, chỉ với 233 người/km². Mặc
dù tỷ lệ dân cư sống ở khu vực thành thị của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang
có xu hướng tăng dần: năm 2007dân cư sống tại các đô thị chiềm21,2% dân số toàn
vùng (3.717.000 người), đến năm 2010, con số này là 23,2%, nhưng có thể nói Đồng
bằng sông Cửu Long đang tiến dần từng bước trong tiến trình đô thị hóa.
Về thành phần dân tộc, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng
đất hội cư của nhiều dân tộc, trong đó chủ yếu là người Việt (Kinh) chiếm 90%.
Trong các dân tộc ít người, người Khmer là dân tộc có tỷ lệ cao nhất (6%), sau
đó là người Hoa (2%) và người Chăm (2%). Người Việt (Kinh) sống ở hầu hết các
nơi trong vùng. Người Hoa tập trung nhiều ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.
Người Chăm sống chủ yếu ở An Giang. Người Khmer có mặt đông đúc ở các tỉnh Trà
Vinh, Sóc Trăng, An Giang[112].
Chủ nhân của vùng Đồng bằng sông
Cửu Long từ lâu đời đã là một cộng đồng dân cư đa cấu trúc, chịu tác động bởi
nhiều biến động chính trị trong tiến trình lịch sử - văn hóa,… nên có những sắc
thái riêng so với các vùng nông thôn khác. Một trong những sắc thái nổi bật ở
đây là dấu ấn của các vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Về đặc điểm dân tộc, trong quá
trình hình thành và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào những thời điểm
khác nhau, nơi đây đã tiếp nhận nhiều nhóm, nhiều lớp dân đến định cư với quy
mô dân số khác nhau, thuộc nhiều thành phần dân tộc, nhiều giai tầng xã hội, từ
nhiều địa phương trong và ngoài nước, mang theo những hành trang văn hóa đặc sắc
và đa dạng…
Về đặc điểm tôn giáo,
nhiều loại hình tôn giáo đã hiện diện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm.
Một số tôn giáo du
nhập từ nước ngoài, một số được
hình thành tại Việt Nam (nội sinh) như đạo Cao
đài, Hoà Hảo…
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vấn
đề dân tộc không chỉ đan xen, hòa quyện với vấn đề tôn giáo trong nước, mà còn
gắn kết với các địa bàn khác, quốc gia khác trong khu vực và quốc tế (như các
trường hợp người Khmer - tín đồ Phật giáo tiểu thừa, người Chăm - tín đồ Hồi
giáo, người Hoa - tín đồ Phật giáo. Ở đây, tín đồ của một tôn giáo bao gồm nhiều
thành phần dân tộc; và dân cư của một thành phần dân tộc bao gồm tín đồ của nhiều
tôn giáo.
Những thuận lợi
- Do quá trình thực dân hoá của Pháp và xâm lược của Mỹ
làm ảnh hưởng lối sống và văn hoá Âu Mỹ trên một bộ phận dân chúng ở vùng Đồng
bằng sông Cửu Long. Theo một góc độ nào đó thì đây cũng là thuận lợi cho việc
thực hiện dân chủ.
- Do phải tự sinh tồn ở vùng đất mới nên nét đặc thù nổi
bật trong tư duy và phương thức xử lý các vấn đề trong cuộc sống của con người
vùng Đồng bằng sông Cửu Long là tính năng động sáng tạo, không bị gò bó trong
khuôn khổ cổng làng như văn hoá làng xã ở Bắc Bộ, tính hiếu khách trọng tình.
Đây là đặc điểm nổi bật trong việc phát huy tính tích cực chính trị của người
dân.
Những thách thức
- Do đặc điểm địa lý của vùng sông nước, sông, ngòi,
kênh, rạch chằng chịt nên sự cấu kết trong cộng đồng dân cư bị hạn chế, do đó sự
tập trung dân cư trong việc tuyên tuyền các chủ trương chính sách của Đảng và
Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
- Đồng
bằng sông Cửu Long mặc dù là vùng đất năng động, có sự đóng góp lớn vào trong
nền kinh tế của đất nước, nhưng trình độ học vấn của cư dân vùng Đồng bằng sông
Cửu Long gần như thấp nhất trong cả nước, đây là thách thức lớn cho việc thực
thi dân chủ. Để thực hiện dân chủ người dân cần tích cực trong việc nắm bắt
thông tin (dân biết), tham gia thảo luận (dân bàn), triển khai (dân làm), kiểm
tra, giám sát (dân kiểm tra) các chủ trương, biện pháp quy hoạch phát triển kinh
tế - xã hội ở địa phương. Nghị định (năm 1998) và sau đó Pháp lệnh về thực hiện
dân chủ ở cơ sở xã, thị trấn, phường (năm 2007) - sau đây viết tắt là Pháp lệnh
- đã phân biệt những mức độ tham gia khác nhau của người dân địa phương vào
hoạt động của chính quyền và các quyết định quản lý. Cụ thể:
- “Dân
biết”: là những loại thông tin bắt buộc phải phổ biến cho người dân, nhất là về
đất đai và ngân sách nhà nước.
- “Dân
bàn” mà không cần có sự tham gia của các cấp chính quyền cao hơn: về mức đóng
góp tài chính ở địa phương và việc xây dựng, thực hiện hương ước.
- “Dân
làm” nhưng chính quyền địa phương quyết định: về các chính sách của Chính phủ,
để các cấp chính quyền cao hơn sẽ đưa ra quyết định. Những lĩnh vực này bao gồm
việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thực hiện các
chương trình mục tiêu quốc gia, đền bù quyền sử dụng đất,...
- “Dân
kiểm tra” là giám sát các công việc của HĐND, gửi đơn, thư khiếu nại, giám sát
chi tiêu ngân sách và xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương. Muốn vậy, một trong
những yếu tố góp phần quan trọng trong thực hiện là vấn đề nhận thức của người
dân và điều này phụ thuộc nhiều bởi trình độ học vấn.
Tóm lại: đặc điểm địa chính trị, dân tộc, tôn giáo của
vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện và
phát huy dân chủ của người dân. Thực trạng của vấn đề này được phân tích cụ thể
ở nội dung tiếp theo.
2. SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI ĐỊA
PHƯƠNG NHẰM THỰC HIỆN QUYỀN DÂN CHỦ
Đánh giá sự tham gia của
người dân dựa
vào việc có biết/tham gia thực
hiện các hoạt động như tại địa phương như: Tiếp cận các văn bản, chính sách; Tham gia bầu
cử; Tham gia các buổi tiếp xúc cử tri; Tham gia đóng góp vào hiến
pháp; Tham gia đóng góp ý kiến vào các kế hoạch phát triển kinh tế,
xã hội của địa phương; Tham gia các hoạt động khác của địa phương....nhằm
đo lường thực trạng người dân thực hiện quyền làm chủ của mình như thế nào. Để
từ đó đánh giá hiệu quả của chính quyền trong việc phổ biến chủ trương, chính
sách đến người dân.
2.1. Người
dân tiếp cận các văn bản, chính sách của địa phương
Nhóm
nghiên cứu đã đo lường việc tiếp cận các văn bản, chính sách của
địa phương thông qua việc đánh giá mức độ biết và hiểu các văn bản,
chính sách đang triển khai trên địa bàn.
Biểu 1. Biết đến những chính sách, hoạt động ở địa phương
Nguồn: Số liệu khảo
sát của đề tài tại 3 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, thực hiện tháng 10/2013.
Có 83,3% số người tham gia khảo sát biết đến các
hoạt động xóa đói giảm nghèo, 43,0% biết đến các chủ trương phát
triển kinh tế, xã hội của địa phương, 37,0% biết đến các hoạt động
khuyến học và 34,3% là các chính sách về dân tộc tôn giáo.
Thực tế, các chính sách, hoạt động trên gắn bó
một cách mật thiết tới đời sống của người dân trên địa bàn khảo
sát, nhưng chưa đến một nửa số người tham gia khảo sát biết đến các
chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và chỉ có
khoảng 1/3 số người biết đến các chính sách dân tộc tôn giáo đã
phần nào phản ánh thực trạng tiếp cận các văn bản, chính sách của
người dân trên địa bàn còn rất hạn chế.
Mặc dầu, trong các
buổi chia sẻ, thảo luận về vấn đề chia sẻ và cập nhật thông tin của
người dân trên địa bàn, những người tham gia thảo luận đều chỉ ra
rằng: “Đối với các chủ trương, chính
sách của nhà nước đều được thông báo rõ ràng đầy đủ tại trụ sở phường và các
nhà thông tin của khu vực. Ngoài ra, mình còn có tờ tin của phường nữa được
phát hành hàng tháng. Phần đông các nhà thông tin là xã hội hóa, cho nên trong
tờ thông tin hàng tháng của phường, mấy anh trong ban biên tập cũng đưa danh
sách đóng góp của các mạnh thường quân của phường. Khi bản tin tới tay người
dân thì họ biết là số tiền do người dân đóng góp được ghi nhận và sử dụng như
thế nào” (PVS cán bộ Hội Phụ nữ phường An Hòa). Như vậy, việc đưa
thông tin tới người dân bằng cách thông báo bằng tờ tin hay tại các
nơi công cộng chưa thực sự hiệu quả mà cần phải có những biện pháp
hữu hiệu hơn.
Các thảo luận
cũng cho thấy:“Cách đây 5-6 năm trở về
trước, dân chưa hiểu. Nhưng đến khi quy chế dân chủ cơ sở được mở rộng thì dân
hiểu đường lối chính sách. Thực tế tại phường An Hòa không có vụ khiếu kiện gì
tại vì người ta hiểu được chính sách” nhưng kết quả định lượng lại
không khả quan, số người biết đến quy chế dân chủ cơ sở, pháp lệnh
dân chủ ở xã, phường, thị trấn lần lượt là 11,0% và 9,3%. Như vậy,
người dân chưa tiếp cận tốt đối với các văn bản, chính sách tại địa
phương vì họ cho rằng đó là những vấn đề nằm ngoài “cơm, áo, gạo,
tiền” và những vấn đề đó không ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống
của họ và gia đình. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại về phương thức truyền thông bởi
vì khi và chỉ khi người dân nhận thức được vai trò và ý nghĩa của
các hoạt động nhằm phát huy quyền làm chủ của mìn tại địa phương trong quá trình phát triển của xã
hội và của chính gia đình họ thì họ mới quan tâm.
2.2. Tiếp
cận các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương
Điều
5, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã quy định
về các nội dung công khai để dân biết bao gồm 11 nội dung:
1. Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự
toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã. 2. Dự án, công
trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ
giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn
cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy
hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã. 3. Nhiệm vụ,
quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của
nhân dân. 4. Việc quản
lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án
đối với cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp. 5. Chủ trương,
kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo;
phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất,
trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế. 6. Đề án thành
lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên
quan trực tiếp tới cấp xã. 7. Kết quả
thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ,
công chức cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp xã. 8. Nội dung và
kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền
quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo
quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh này. 9. Đối tượng,
mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã
trực tiếp thu. 10. Các quy
định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan
đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện. 11. Những nội
dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết. |
Các địa phương
thuộc địa bàn khảo sát đều đã thực hiện việc công khai với nhân dân
các nội dung liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Mặc
định rằng, việc triển khai còn phụ thuộc vào các hoạt động của địa
phương và đặc thù của mỗi địa phương, tuy nhiên, những nội dung mà
người dân được biết còn hạn chế. Chủ yếu là các hoạt động gây quỹ,
xóa đói giảm nghèo, việc làm...
Hộp 1. Tiếp cận các kế hoạch phát triển kinh tế, xã
hội địa phương
“Thí dụ như về lúa mình định hướng kế hoạch là xuống giống
bao nhiêu đó phải cho ông nông dân biết để thực hiện chớ. Về công tác thu thuế,
chỉ tiêu là thu bao nhiêu mình thông báo để người ta góp phần với mình. Hay
là thu quỹ an ninh quốc phòng, mình cũng thông báo để người ta có thể phỏng ước
được mức đóng góp của mỗi hộ và cùng thực hiện với mình. Người dân tự chia,
người ta tính nhẩm ra hết hà. Em thấy có một số chỉ tiêu mà đa số người dân
quan tâm nhiều là thu thuế, quỹ an ninh quốc phòng, về xóa đói giảm nghèo.
Còn những mặt khác người ta ít quan tâm hơn vì họ nghĩ không liên quan trực
tiếp đến họ. Thí dụ như thương binh xã hội chỉ có một số mặt nào đó thôi vì đối
tượng hạn chế. Trong khi đó vấn đề xóa đói giảm nghèo thì họ được vay vốn bao
nhiêu, xóa hộ nghèo bao nhiêu để cải thiện cuộc sống của người ta lên, vấn đề
giải quyết việc làm… là những vấn đề có liên quan trực tiếp tới họ... H: Còn các dịch vụ
công ở đây hoạt động như thế nào, có sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu của người
dân không? Người dân có đánh giá tốt không? TL: Em không nắm được
những vấn đề này. (Không hiểu dịch vụ công là gì!)” (PVS cán bộ Hội phụ nữ phường 4) |
Về
hình thức công khai, các địa phương đều đã thực hiện tốt như công khai
tại trụ sở UBND xã, tại địa bàn dân cư...
2.3. Lập
kế hoạch từ dưới lên
Các địa phương
trong phạm vi khảo sát đều đã và đang thực hiện hoạt động lập kế
hoạch từ dưới lên, điều này cho thấy việc thực hiện dân chủ
ở
cơ sở đã thực sự đi vào đời sống của địa phương.
Thực
tế thực hành dân chủ ở cơ sở tại Việt Nam cũng tương đồng với nhiều nước trên
thế giới. Nhìn chung, cách làm của nhiều nước là khuyến khích sự tham gia của
người dân, trước tiên ở cấp hành chính thấp nhất, nơi mà người dân gần gũi nhất
với các thể chế có tác động đến cuộc sống của họ. Tại Việt Nam, sự tham gia của
người dân vào công tác quản lý ở địa phương diễn ra từ mức độ tham vấn hạn chế
(dân bàn) cho tới sự tham gia và kiểm soát tích cực (làm và kiểm tra). Dân chủ trực tiếp thường được khởi nguồn
từ dưới lên, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của người dân. Các cách tiếp cận từ
trên xuống cũng được Đảng và Nhà nước coi trọng với tính cách là một phương tiện
để tăng cường mức độ đáp ứng của Chính phủ, và mở ra những không gian mới cho sự
tham gia của người dân, đặc biệt trong việc Chính phủ cung cấp các dịch vụ công
và sự tham gia của người dân trên các phương tiện truyền thông.
Kết quả khảo sát cho thấy trong hoạt động lập kế
hoạch từ dưới lên có những vấn đề nổi bật sau:
Thứ nhất là những chính sách, chương trình mà các địa
phương đang thực hiện việc tham vấn với người dân chủ yếu là các
chương trình liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của
địa phương như việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, các hoạt
động xóa đói giảm nghèo hoặc việc đóng góp ý kiến vào hoạt động
của các đoàn thể nhân dân...
Hộp 2. Nội dung các hoạt động lấy ý kiến của người dân
“Mình nghĩ nếu mà
xây dựng công trình công cộng, các chương trình như cất nhà tình thương, hay
xóa đói giảm nghèo nếu áp dụng phương thức này thì thường đạt kết quả tốt. Nếu
mình làm theo cái dân biết, dân bàn, dân làm thì khi làm họ sẽ ủng hộ mình”. (PVS cán bộ Hội phụ nữ phường An Hòa) “Phần tổng kết của
Mặt trận và khu vực chúng tôi lầy từ kiến nghị của đại diện hộ dân. Thường
thường tui tổ chức tổng kết cuối năm sẽ báo cáo tình hình hoạt động trong
năm, sau đó lấy ý kiến đóng góp của các hộ đại diện cho dân xem họ có kiến
nghị gì. Tụi tui nằm tình hinh trong dân cũng có kiến nghị về Ủy ban. Ông Ủy
ban mới tổng hợp lại đồng thời trên cơ sở đó ổng đưa ra phương hướng, kế hoạch
cho năm tới”. (PVS cán bộ MTTQ xã An Thới) |
Thứ hai là quan điểm của các cán bộ lãnh đạo quản lý
về vấn đề lập kế hoạch từ dưới lên, phần lớn những người được hỏi
đều cho rằng, họ thấy cần thiết phải có sự “bàn bạc” với người dân trong việc xây dựng các kế hoạch
phát triển. Tuy
nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần có sự “chắt lọc” trong quá trình trao đổi vì “chín người, mười ý”, đặc biệt cũng có người cho rằng:“việc lấy ý kiến là cần thiết nhưng
phải có sự định hướng trước”. Như vậy, cần có sự thống nhất
ngay trong nội bộ lãnh đạo của địa phương về hoạt động này mà trước
hết cần phải làm rõ khái niệm “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mà ngay trong pháp lênh dân
chủ cơ sở đã quy định rõ về nội dung, mức độ và việc thực hiện.
Thứ ba, mặc dầu việc lấy ý kiến người dân trong xây dựng
các kế hoạch phát triển địa phương nhưng việc phản hồi lại các ý
kiến đóng góp lại là vấn đề được nêu ra trong các buổi thảo luận.
Một cán bộ MTTQ đã cho rằng đây chính là rào cản lớn cho việc tổ chức
thực hiện hoạt động lập kế hoạch từ dưới lên của địa phương vì
việc vắng bóng các phản hồi từ cấp trên đã khiến cho người dân không
muốn tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến.
Hộp 3. Vấn đề phản hồi – tác nhân lớn nhất tác động
đến việc thu thập ý kiến của người dân
“Hiệu quả thì có mà
khó khăn cũng có luôn. Chẳng hạn, kiến nghị của bà con
đa số là về cơ sở hạ tầng, các quy hoạch. Đến cấp phường thì ổng cũng đề xuất
về trên, đặc biệt là những công trình cần vốn, cần ngân sách (thường liên
quan đến cơ sở hạ tầng). Tuy nhiên, đề xuất ý kiến của người dân nhưng sau đó
có phản hồi hay không, hay phản hồi không được như ý của người dân thì có khi
ông phường cũng buông trôi luôn. Tình hình này cứ lặp đi lặp lại làm cho người
dân bị “cụt hứng” (PVS cán bộ MTTQ xã An Thới) |
Tham gia các hoạt động tại địa phương
Biểu 2. Từng tham gia vào các hoạt động của địa phương
Nguồn:
Số liệu khảo sát của đề tài tại 3 tỉnh An
Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, thực hiện tháng 10/2013
Có
tới 97,7% số người tham gia trả lời cho rằng, các thành viên trong
gia đình họ có tham gia vào các hoạt động của địa phương, chứng tỏ
người dân rất quan tâm tới các hoạt động của địa phương và có ý
thức xã hội tốt. Mặc dầu vậy, trong khi có 69,0% đóng góp vào quỹ
xóa đói giảm nghèo, 50,3% tham gia vào hoạt động bình bầu hộ nghèo,
45,7% đóng góp quỹ khuyến học thì các hoạt động khác lại chiếm tỷ
lệ rất khiêm tốn như chỉ có 14,7% tham gia thảo luận việc xây dựng
các công trình công cộng, 8,3% giám sát xây dựng các công trình công
cộng, giám sát việc thu chi các khoản quỹ do dân đóng góp là 3,0% và
đặc biệt tham gia giám sát hoạt động giải phóng mặt bằng là 2,7%.
Trong các thảo luận định tính, cán bộ và người dân địa phương cũng
thường xuyên nhắc đến các hoạt động liên quan đến vấn đề xóa đói
giảm nghèo, các hoạt động khác hầu như không được kể đến hoặc chỉ
điểm qua đôi chút như vấn đề liên quan đến đến bù giải phóng mặt
bằng. Thực tế, các hoạt động liên quan đến vấn đề xóa đói giảm
nghèo là hoạt động được tổ chức thường xuyên tại khu vực nông thôn
Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ là
những khu vực mà tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây là một trong những lý do
khiến hoạt động này trở nên “thân thuộc” với người dân và cán bộ
trên những địa bàn này. Các hoạt động giám sát việc xây dựng các
công trình công cộng hay giám sát việc giải phóng mặt bằng thường
được thực hiện bởi một nhóm đại diện như cán bộ Hội Phụ nữ, Hội
Cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc... là một trong những lý do giải
thích về tỷ lệ ít ỏi số người tham gia hoạt động giám sát này.
Thảo luận với một đại diện của người dân, nhóm nghiên cứu cũng được
biết, một số hoạt động thường được triển khai thông qua các đại diện
của người dân rồi những đại diện này sẽ tập hợp nhân dân và trao
đổi lại các nội dung mà họ đã được trao đổi.
Hộp 4. Triển khai
các hoạt động dân chủ cơ sở dựa vào người có uy tín
“Theo tui nhận xét thì việc này
được thực hiện rất là tốt. Những cái gì có liên quan đến tôn giáo và dân tộc
thì chính quyền cũng cho hay, rồi bàn bạc lại, lấy ý kiến của dân đó mà. Tui
đứng về giáo cả cũng tiếp xúc với anh em. Khi người ta cho mình hay cái gì
đó, rồi thì ngày thứ sáu đó, ngày thứ sáu thì người dân tộc hồi giáo tập
trung vào ngày thứ sáu để cầu nguyện, mình nói về luật đạo đồng thời lồng
ghép khoảng 10-15 phút mình nói những chuyện của nhà nước. Cũng như mình đi
họp cái gì đó, mình về triển khai lại cho bà con. Nếu mình cần họp thì mình
kêu bà con ở lại để mình hỏi ý kiến”. (PVS đại diện người dân) |
Tuy nhiên, theo điều 10, Pháp lệnh thực hiện dân
chủ ở xã, phường, thị trấn về Nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp thì: “Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây
dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã,
thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các
công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp
luật”. Như vậy, có thể khẳng định rằng,
người dân trên địa bàn khảo sát đã tham gia vào các hoạt động dân
chủ nhưng còn phiến diện và chưa thật sự đầy đủ theo đúng tinh thần
dân chủ.
2.4. Tham
gia các cuộc họp tại địa bàn cư trú
Tổ chức họp cho người dân trên địa bàn là một
hoạt động khó khăn của các địa phương. Thông thường, chính quyền phải
thông qua các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, chùa, để tập hợp quần
chúng nhân dân sau các buổi cầu nguyện của họ. Ngoài ra, các buổi
họp được tổ chức theo phương thức khác là một thách thức đối với
cán bộ địa phương.
Hộp 5.
Tổ chức họp
“Theo mấy chị chi hội nói, rồi mình cũng trực tiếp hỏi thăm thì mấy chị
nói như vầy: “Đóng góp thì
chúng tôi đóng góp, chứ còn đi thì bây giờ lười quá. Chị thấy hiện nay nói
chung, mấy cái như phim ảnh Hàn quốc, Đài Loan quá nhiều”. Mặc dầu khi cần họp
hội, chúng tôi chọn ban đêm để các chị không phải vướng bận chuyện cơm nước
này nọ. Nhưng tới giờ đó thì phim hay thành ra mấy chị ít chịu đi họp để ở
nhà xem phim”. (PVS cán bộ Hội Phụ nữ xã An Hòa) |
Việc tổ chức họp dựa vào các hoạt động cộng
đồng là một yếu tố khẳng định rằng chính quyền địa phương đã “khai
thác” rất tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng
cũng như các hoạt động của cộng đồng. Nhưng nhìn từ một góc độ
khác có thể nhận thấy ý thức xã hội của người dân trên địa bàn
còn chưa cao, họ chưa thực sự quan tâm đến đời sống kinh tế, chính
trị, xã hội của địa phương, người dân trên địa bàn chưa đánh giá
đúng tầm quan trọng của việc tham gia các hoạt động dân chủ, trong đó
có tham gia các cuộc họp, không đánh giá đúng những tác động của việc
thực hiện dân chủ tới cuộc sống của họ và gia đình.
Mặc dầu vậy, cũng cần nhìn nhận lại một số vấn
đề nổi bật được cho là lý do khiến việc tổ chức họp dân không thành
công là: Nội dung các cuộc họp không hấp dẫn để thu hút người dân
tham gia; Thời gian tổ chức họp không chính xác như thư mời khiến
người dân chán nản và dẫn đến không muốn họp.
Như vậy, việc tổ chức họp dân dựa vào những
người có uy tín là một hướng giải quyết rất đúng đắn của chính
quyền, tuy nhiên cũng cần truyền thông, vận động người dân, chỉ rõ
những tác động, ảnh hưởng của các hoạt động dân chủ tới đời sống
của người dân, bên cạnh việc thay đổi các nội dung họp sao cho hấp dẫn
và phù hợp, cán bộ cần nêu gương trong việc thực hiện nghiêm chỉnh
thời gian họp để từ đó thu hút nhiều hơn người dân tham gia vào các
cuộc họp, dần từng bước tăng cường ý thức xã hội cho người dân. Hơn nữa, sự hạn chế còn được thể
hiện do tính hình thức còn tồn tại lớn
trong các cuộc họp có nghĩa là một việc chỉ được thực hiện bên ngoài hay
trên bề mặt, nhưng không có sự thay đổi thực chất. Chẳng hạn, việc tổ chức các
cuộc họp tại các thôn, tổ dân phố khi Nghị định về dân chủ cơ sở mới được ban
hành năm 1998, nhưng họp xong thì được xem như là xong. Hình thức còn thể hiện
ở chỗ cán bộ “nói suông” về sự tham gia và cho phép người dân phát biểu nhưng
không có hành động nối tiếp trên cơ sở những gì mà người dân đã kiến nghị. Cũng
có ít động cơ khuyến khích sự tham gia của người dân. Tính hình thức còn thể
hiện ở chỗ, số lượng cuộc họp được tổ chức trở thành chỉ số thể hiện thành
công, mà không có chỉ báo, đánh giá về chất lượng của thảo luận hay về thông
tin được trao đổi trong các cuộc họp.
Thực trạng này cũng phù hợp với đánh giá của PAPI[113] (chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính
công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2013, đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người
dân, các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam) cho thấy chỉ số điểm các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường nằm
trong nhóm thấp so với các tỉnh thành khác trong cả nước như chỉ số về cơ hội tham gia của người dân ở cơ sở điểm
tối thiểu 0,25, điểm tối đa 2,5 thì nhóm có chỉ số điểm PAPI thấp nhất là Cà
Mau 1,34 điểm, trong khi Sơn La đạt cao nhất 2,05. Tham
gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, xã hội của đất nước là quyền
hiến định của người dân Việt Nam, và đã được thể chế hóa trong Pháp lệnh thực
hiện dân chủ cấp xã, phường, thị trấn năm 2007 (Pháp lệnh THDCCS). Để đánh giá
mức độ tham gia và vai trò của người dân trong quản trị nhà nước, nghiên cứu
PAPI tìm hiểu mức độ tham gia của người dân ở cấp cơ sở, qua đó tìm hiểu mức độ
hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương trong việc huy động sự tham gia của
người dân với tiêu đề ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’ đo lường mức độ hiểu
biết về quyền và nghĩa vụ tham gia dân chủ cấp cơ sở và việc thực hiện các quyền
đó của người dân. Trục nội dung này được cấu thành từ bốn chỉ số nội dung thành
phần. Chỉ số nội dung thành phần thứ nhất, ‘tri thức công dân’, đo lường mức độ
hiểu biết của người dân về quyền bầu cử và một số nguyên tắc đảm bảo quyền tham
gia của người dân ở cấp cơ sở theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ
sở. Chỉ số, ‘cơ hội tham gia’, đánh giá việc chính quyền cấp cơ sở tạo điều kiện
cho người dân được tham gia bầu cử các vị trí dân cử, gồm Đại biểu Quốc hội, Đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp và trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố/trưởng ấp/trưởng
bản (sau đây gọi chung là trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố). Chỉ số đo lường chất
lượng của công tác tổ chức bầu cử các vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố của
chính quyền cấp cơ sở. Chỉ số đo về mức độ hiệu quả trong việc tạo điều kiện để
người dân tham gia đóng góp tự nguyện cho các công trình hạ tầng tại địa bàn
xã/phường hoặc khu dân cư thông qua các tiêu chí như tham gia vào việc lập kế
hoạch, thiết kế công trình và giám sát chất lượng công trình. Điểm trung bình
toàn quốc năm 2013 là 5,14 điểm, tương đương với mức điểm 5,16 của năm 2012 và
5,3 của năm 2011. Màu vàng nhạt thể hiện mức độ tham gia của người dân ở cơ sở
là thấp nhất trong Hình bản đồ Việt Nam được phủ nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng
sông Cửu Long. Điều này cho thấy, mặc dù sự tham gia của người dân ở cơ sở được
các cấp chính quyền Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long đảnh giá tốt, tuy
nhiên thực chất khảo sát của đề tài và tham khảo chỉ số đánh giá của PAPI cho
thấy sự khác biệt.
Bản đồ công khai,
minh bạch ở cấp tỉnh phân theo bốn cấp độ hiệu quả
Nguồn:
UNDP về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2013: kết quả
và so sánh qua các năm (PAPI)các tỉnh thành của Việt Nam.
2.5. Tham
gia bầu cử
Ý thức của người dân về vấn đề bầu cử là rất
tốt, tuy nhiên, chất lượng như thế nào lại là một vấn đề hoàn toàn
khác, việc tham gia bầu cử được coi như một trong những biểu hiện rõ
nét và nổi bật nhất trong thực hiện các hoạt động dân chủ trực tiếp.
Đánh giá về việc tham gia bầu cử, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo
sát về vấn đề tham gia bầu cử cán bộ các cấp từ trưởng thôn/ấp,
HĐND và đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, để nắm được thực chất việc
tham gia bầu cử, nhóm nghiên cứu đã tập trung khảo sát về tâm trạng
của người dân khi tham gia bầu cử cũng như lý do không tham gia nhằm
đánh giá mức độ quan tâm của người dân tới hoạt động bầu cử.
Biểu 6: Tham gia
bầu cử trưởng thôn/xóm/ấp
Nguồn:
Số liệu khảo sát của đề tài tại 3 tỉnh An
Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, thực hiện tháng 10/2013.
Có 82,3% số người được hỏi đã tham gia bầu trưởng
thôn/ấp và 64,7% trong số đó cho rằng họ đã tìm hiểu thông tin và có
trao đổi với những người xung quanh khi bỏ phiếu,
0,7% đã tìm hiểu thông tin trước
khi lựa chọn, số còn lại là chỉ đi bỏ phiếu cho xong (12%) và lựa
chọn theo cảm tính (5,7%).
Có thể thấy, tỷ lệ tham gia bầu cử tương đối cao,
tuy nhiên, chỉ có 2/3 trong số họ thực sự quan tâm đến chất lượng lá
phiếu của mình và cũng có thể mặc định rằng chỉ có ngần đấy
người thực hiện một cách có chất lượng quyền dân chủ của mình trong
bầu cử. Và có đến gần 20% số người được hỏi không tham gia bầu cử
và lý do không tham gia là: 22,6% không quan tâm; 35,8% không có thông tin
và 41,5% bận việc riêng.
Biểu 7. Mức độ tham gia bầu cử HĐND và ĐBQH gần đây nhất
Nguồn:
Số liệu khảo sát của đề tài tại 3 tỉnh An
Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, thực hiện tháng 10/2013.
Mức độ tham gia bầu cử HĐND và ĐBQH gần đây
nhất cũng không khả quan với tỷ lệ 84,3% tự đi bỏ phiếu, trong đó có
53,7% tìm hiểu thông tin và có trao đổi và 9,0% có tìm hiểu thông tin.
Trong hoạt động bầu cử này có gần 10% nhờ người khác đi bỏ phiếu
hộ. Và lý do không tham gia trong
hoạt động bầu cử trưởng thôn/xóm/ấp là không quan tâm là 12% thì
trong hoạt động bầu cử HĐND và ĐBQH có tới 70,2%, ngoài ra có 4,3%
trong số này không tin tưởng vào hoạt động bầu cử.
Kết quả đánh giá về mức độ tham gia của người
dân trong các hoạt động bầu cử đã phản ánh phần nào chất lượng của
hoạt động dân chủ trực tiếp tại địa bàn nghiên cứu. Đại bộ phận người
dân trên địa bàn đã có ý thức trong việc tham gia bầu cử. Bên cạnh
đó cũng có những người không nhận thức được ý nghĩa của bầu cử
cũng như quyền của người dân và trách nhiệm của người dân trong hoạt
động dân chủ thông qua lá phiếu. Điều này đặt ra cho chính quyền các
cấp một nhiệm vụ nữa về việc cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa
nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động bầu cử.
Đánh giá về chất
lượng bầu cử trong cả nước, theo Báo cáo của PAPI năm 2013, Chỉ số thành phần
‘tri thức công dân’ giúp làm rõ mức độ hiểu biết của người dân về quyền bầu cử
và quyền công dân, qua đó đánh giá hiệu quả của các cấp chính quyền trong việc
phổ biến tri thức tới người dân. Để đo tri thức công dân về quyền bầu cử, PAPI
nêu câu hỏi kiểm tra kiến thức về việc ở địa bàn xã/phường/thị trấn, trong 5
năm vừa qua, dân có đi bầu trực tiếp ba vị trí: (i) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
(UBND) xã/phường/thị trấn; (ii) đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND); và (iii) đại
biểu Quốc hội. Trong ba vị trí đó, vị trí thứ nhất là để thử nghiệm hiểu biết của
người dân về các vị trí dân bầu, bởi theo quy định, vị trí Chủ tịch UBND là
thông qua bổ nhiệm và HĐND biểu quyết, còn hai vị trí sau là do dân bầu. Bên cạnh
đó, PAPI theo dõi mức độ người dân được biết thông tin về Pháp lệnh Thực hiện
dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh THDCCS), và về câu khẩu hiệu “dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” - nguyên lý căn bản của Pháp lệnh THDCCS song
được viết theo cách gần gũi với người dân. Một chỉ tiêu quan trọng để kiểm tra
tri thức công dân là nhiệm kỳ của một trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố/trưởngấp/trưởng
bản do dân bầu chọn theo quy định chung của Pháp lệnh THDCCS Điểm trung bình
toàn quốc của chỉ số nội dung thành phần này là 1,04 điểm trên thang điểm từ
0,25-2,5 điểm. Quảng Bình là địa phương đạt điểm cao nhất với 1,59 điểm, gần gấp
đôi số điểm của địa phương đạt điểm thấp nhất (0,78 điểm của tỉnh Ninh Thuận).
Tỉ lệ người dân biết đến Pháp lệnh THDCCS, khuôn khổ pháp lý quan trọng quy định
về quy chế tham gia dân chủ ở cấp cơ sở của người dân, giảm dần theo thời gian,
với 27,4% số người được hỏi trên toàn quốc trong năm 2013—giảm khoảng 20% so với
năm 2011. Tỉnh Quảng Bình, địa phương đứng đầu ở chỉ số thành phần này, có tới
74% số người được hỏi cho biết họ biết đến Pháp lệnh THDCCS, trong khi đó tỉ lệ
này ở Lai Châu chỉ là 4,23%. Ngược lại, khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra” được nhiều người biết đến hơn. Kết quả năm 2013 cho thấy có tới
65,5% số người được hỏi cho biết họ biết câu khẩu hiệu này, khá tương đồng với
kết quả của năm 2011 và 2012. Hầu hết mọi người dân Thái Bình biết đến câu khẩu
hiệu, tương tự kết quả của tỉnh năm 2012. Ở Ninh Thuận, chỉ có khoảng 30% người
dân biết đến câu khẩu hiệu này. Chỉ tiêu cuối cùng đo mức độ hiểu biết của người
dân về nhiệm kỳ của một trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố—vị trí dân bầu ở cấp
cơ sở với nhiệm kỳ theo quy định của Pháp lệnh THDCCS là 2,5 năm. Trên toàn quốc
có khoảng 9,6% số người được hỏi đưa ra câu trả lời đúng trong năm 2013, cao
hơn không đáng kể so với tỉ lệ quan sát được trong năm 2011 và 2012, song vẫn
dưới mức trông đợi. Hậu Giang, địa phương có tỉ lệ người biết tới nhiệm kỳ của
trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố cao nhất trên toàn quốc, cũng chỉ có khoảng
30% số người được hỏi cho biết một nhiệm kỳ dài 2,5 năm. Ngược lại, rất ít người
dân Vĩnh Long biết thông tin này. An Giang là tỉnh có chỉ số điểm thấp nhất
1,16 điểm, trong khi điểm tối thiểu 0,25, điểm tối đa 2,5, điểm trung bình toàn
quốc 1,49, tỉnh có chỉ số điểm chất lượng bầu cử cao nhất là Thái Nguyên 1,86.
Tỷ lệ người nêu đúng thời hạn nhiệm kỳ của vị trí trưởng thôn 2,5 năm thì Vĩnh
Long là tỉnh có tỷ lệ người dân biết thấp nhất trong cả nước 0,30%, trong khi tỷ
lệ trung bình của cả nước 2013 là 9,6%. Tỷ lệ người dân trả lời đã tham gia bầu
cử đại biểu Hội đồng nhân dân lần gần đây nhất (%) thì Cà Mau là tỉnh thấp nhất
29,23%, tỷ lệ trung bình của cả nước là 57, 49%. Tỷ lệ người trả lời đã tham
gia buổi bầu cử trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố lần gần đây nhất (%), Đồng
Tháp là tỉnh có tỷ lệ thấp nhất trong cả nước 68,62%, trong khi Tuyên Quang là
tỉnh cao nhất 99,96%. Tỷ lệ người trả lời trực tiếp bầu trưởng thôn/tổ trưởng
dân phố (%) thấp nhất là Cà Mau 52,68%, tỷ lệ trung bình cả nước 71,33%.
Đây là những chỉ
báo khuyến nghị cho lãnh đạo các cấp tại các địa phương cần phải thay đổi
phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ cho người dân,
tránh tình trạng dân chủ hình thức. Theo PAPI, Trong năm 2013, tỉ lệ người dân
nhớ đã tham gia bầu cử đại biểu HĐND cấp xã/phường và đại biểu Quốc hội năm
2011 tương ứng là 57,5% và 48.4%, giảm nhiều so với tỉ lệ tương ứng 70,6% và
65,9% năm 2011. Về tham gia bầu cử đại biểu HĐND cấp xã/phường, 76,5% số người
được hỏi ở Cao Bằng cho biết đã đi bầu, và tỉ lệ này ở Cà Mau là 29.2%. Tỉ lệ
người dân cho biết đã đi bầu đại biểu Quốc hội cũng không cao, với 73% số người
được hỏi ở Cao Bằng nhớ đã tham gia đi bầu đại biểu Quốc hội năm 2011, và chỉ
có 17% người dân Cà Mau cho biết họ đã tham gia cuộc bầu cử đó. Điều đáng lưu ý
là tỉ lệ người dân cho biết đã trực tiếp đi bầu từ năm 2011 đến 2013 đều thấp
hơn nhiều so với số liệu báo cáo chính thức, có thể là do hiện tượng một cử tri
đi bầu thay cho các cử tri trong cùng hộ gia đình. Theo quy định, bầu cử trưởng
thôn/tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện thường xuyên hơn, bởi thời hạn nhiệm kỳ
cho một vị trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố chỉ là 2,5 năm. Do vậy, kết quả
mong đợi là tỉ lệ người dân cho biết họ tham gia bầu cử vị trí này sẽ cao hơn với
hai vị trí trên. Trên phạm vi toàn quốc, khoảng 88,5% số người được hỏi trong
năm 2013 cho biết địa phương đã tổ chức bầu cử trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố,
và tỉ lệ này tương đương với phát hiện của nghiên cứu PAPI năm 2011 và 2012. Phần
lớn số người được hỏi ở Tuyên Quang cho biết địa phương họ đã tổ chức bầu trưởng
thôn/tổ trưởng tổ dân phố, song tỉ lệ này ở Đồng Tháp là 69%. Đồng Tháp lặp lại
vị thứ cuối bảng ở chỉ tiêu này của năm 2012. Khi được hỏi về việc có trực tiếp
tham gia bầu trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố hay không, có khoảng 71% số người
được hỏi cho biết họ đã trực tiếp đi bầu, tương đương với phát hiện của khảo
sát năm 2011 và 2012. Tỉ lệ người dân trực tiếp đi bầu ở Cà Mau thấp nhất toàn
quốc (53%), và tỉ lệ này ở Vĩnh Long là cao nhất (92%).
2.6. Tham
gia tiếp xúc cử tri
Các
địa phương đều rất cố gắng trong việc tổ chức các buổi tiếp xúc cử
tri trên tinh thần dân chủ và đã thu được một số kết quả nhất định.
Nhưng hoạt động tiếp xúc cử tri có thể coi là một hoạt động không
thực sự thành công và cần có sự cải thiện để có thể đem lại kết
quả tốt hơn.
Biểu 3: Biết đến các lần tiếp xúc cử tri ở xã/phường
Nguồn:
Số liệu khảo sát của đề tài tại 3 tỉnh An
Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, thực hiện tháng 10/2013.
Tỷ lệ người dân biết đến các lần tiếp xúc cử
tri các cấp không cao, ở cấp xã, phường là 51,3%; cấp quận, huyện là
40,7%; 2 cấp còn lại rất thấp với tỷ lệ lần lượt là với đại biểu HĐND
thành phố 37,0% và đại biểu Quốc hội 28,0%. Việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri cũng chưa
thực sự theo đúng nguyên tắc:
Hộp 6: Tiếp xúc cử tri
“Thì cũng như vậy. Số người tham gia tiếp xúc cử tri bị
hạn chế, mình không thể mời hết người dân tham gia. Theo em thì việc tiếp xúc
cử tri giống như việc làm mang tính điển hình thôi, làm mẫu thôi. Thí dụ ngày
đó tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri tại địa bàn khóm 1. Một cuộc thôi, chị thấy
một cuộc có đủ không? Không bao giờ đủ. Khóm 1 có 10 tổ dân phố, em cho mời mỗi
một tổ là 5 người đại diện cho 5 hộ, 10 tổ được 50 người (50 hộ) rồi. Nhưng
khâu mình làm lỏng lẻo lắm, mình chỉ mời đại diện cho có thôi. Thành ra người
ta đi rất ít. Số hộ được mời cứ mời hoài thôi, còn các hộ khác thì không được
mời”. (PVS cán bộ Hội phụ nữ phường 4) |
Những lý do của việc tổ chức như vậy là: “Không có địa điểm phù hợp” và “thời gian hạn chế”. Mặc dầu các địa phương đều cố gắng thu thập ý
kiến của người dân và tập trung các ý kiến tại các “đại diện cử tri” và trong các
cuộc gặp gỡ cử tri đều có đầy đủ các thành phần nhưng việc tổ
chức theo phương thức “Số hộ được mời cứ
mời hoài thôi, còn các hộ khác thì không được mời” đã khiến cho ý kiến
của người dân không được các đại biểu cập nhật một cách đầy đủ, gây
khó khăn cho công tác phản hồi.
Đóng góp vào Hiến pháp
Biểu 9. Tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp
Nguồn:
Số liệu khảo sát của đề tài tại 3 tỉnh An
Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, thực hiện tháng 10/2013.
Có 66,3% số người tham gia khảo sát trả lời không tham gia đóng góp vào Hiến pháp, 21,0%
tham gia nhưng không có ý kiến và chỉ có 4,7% tham gia và có nghiên
cứu kỹ dự thảo. Lý do của việc không tham
gia là: 38,3% không có thông tin; 14,3% không có hoạt động này tại địa
phương; 12,7% bận việc riêng; và 1,0% không tin tưởng. Kết quả khảo sát định tính lại cho rằng
hoạt động này đã được thực hiện tốt và cho kết quả khả quan “Em trực tiếp quản lý khóm 3, người
ta đi họp đông, em tổng hợp khoảng hai mươi mấy ý kiến” (PVS cán bộ phường 4).
Mặc dầu vậy, theo quan sát của nhóm nghiên cứu thì người dân cho
rằng Hiến pháp là một văn bản khá xa lạ với người dân, họ không đủ năng lực nhận thức để đóng góp ý
kiến, thêm nữa người dân cũng cho rằng, họ đang cần cơm ăn, áo mặc
chứ không thực sự cần những thứ quá xa vời và vì thế, họ loại bỏ
những thông tin hay những hoạt động liên quan tới Hiến pháp ra khỏi
mối quan tâm của mình.
Như vậy, một lần nữa vấn đề truyền thông cần phải được đặt ra
để làm sao người dân nhận thức được việc tham gia các hoạt động dân
chủ là thật sự cần thiết trong đời sống của họ, là quyền và trách
nhiệm của họ đối với chính gia đình họ cũng như đối với cộng đồng,
xã hội.
3. KẾT LUẬN
Tóm lại, các hoạt
động dân chủ ở cơ sở đều đã được triển khai tại các địa phương
thuộc địa bàn khảo sát nhưng chưa thực sự đầy đủ và các kết quả
đạt được còn rất hạn chế. Các hoạt động được quan tâm, chú ý và
thực hiện có hiệu quả nhất là các hoạt động liên quan tới xóa đói
giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động, đền bù giải phóng mặt bằng.
Các hoạt động khác như tiếp cận các văn bản liên quan tới dân chủ cơ
sở, hay các văn bản chính sách pháp luật khác chưa thực sự thu hút
được sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, chất lượng của hoạt
động bầu cử, tiếp xúc cử tri chưa cao. Nguyên nhân của vấn đề trên
chủ yếu xuất phát từ nhận thức của người dân, ý thức chính trị xã
hội của người dân trên địa bàn còn nhiều hạn chế – điều này đặt ra
nhiệm vụ cho vấn đề truyền thông, giáo dục ý thức chính trị cho
người dân để người dân có thể hiểu một cách sâu sắc và thấu đáo ý
nghĩa của dân chủ cơ sở và việc tham gia các hoạt động dân chủ cơ sở
đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương cũng như
quyền và nghĩa vụ chính trị của mỗi công dân.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
1.
Diễn
đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long. “Tổng quan vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Bài trên trang http://mdec.vn/com_content/articles/Tong-quan-vung-DBSCL/803.htm, cập nhật
lần cuối ngày 13/8/2014.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 20 năm đổi mới
(1986-2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2005, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX,)
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011, Văn kiện Đại hội Đảng XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Nguyễn
Văn Động, 1997, Hoàn thiện mối quan hệ
pháp lý cơ bản giữa nhà nước và công dân trong điều kiện đổi mới ở Việt Nam hiện
nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Bùi Xuân Đức,
2004, Đổi mới hoàn thiện bộ máy nhà nước
trong giai đoạn hiện nay, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
7. Số liệu khảo sát đề tài: Thực hiện dân chủ trược tiếp trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở
Đồng bằng Sông Cửu Long. Chủ nhiệm TS. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Viện KHXH
vùng Nam Bộ chủ trì. Thời gian thực hiện 2013-2014.
VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRONG VIỆC THỰC HIỆN
DÂN CHỦ CƠ SỞ TẠI VÙNG NÔNG THÔN NAM BỘ
PGS. TS. Đinh Ngọc Thạch và TS. Đỗ Hương Giang
Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Mở
rộng môi trường dân chủ đang trở thành một đòi hỏi cấp bách trong
tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong quá
trình đó sức mạnh của các tổ chức quần chúng tại vùng nông thôn
chính là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc dân chủ hóa
đời sống xã hội. Mở rộng môi trường dân chủ cho nhân dân tại cơ sở,
ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hiện công việc
tự quản trong sinh hoạt cộng đồng, trong việc hình thành các quy tắc
ứng xử, các mối quan hệ trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại
địa phương, thì điều cần thiết hàng đầu là làm sao cho mỗi người dân
tham gia tích cực vào những điểm nóng của sinh hoạt chính trị qua
các thời kỳ, mà hiện nay là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng[114].
Các tổ chức chính trị - xã hội của
nhân dân là một trong những thành tố cơ bản của hệ thống chính trị.
Các tổ chức ấy vừa là nơi thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân
dân vào các hoạt động chính trị, thể hiện quyền làm chủ của họ,
vừa là nơi để người dân giãi bày tâm tư, nguyện vọng, kể cả thể hiện
vai trò phản biện đối với quá trình thực hiện các chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước. Sức mạnh của hệ thống chính trị không
chỉ nằm ở tính hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quyền lực,
mà còn ở mức độ tham gia của nhân dân vào các biến cố chính trị xã
hội. Nói cách khác, nhân dân là người tham gia chính vào sự nghiệp
cách mạng, cũng là người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ những thành
bại ấy.
Chúng ta thường xuyên khẳng định quan
điểm “dân là gốc”, song theo chúng tôi, điều quan trọng hơn cả là thực
hiện biện chứng giữa “dân là gốc” và “dân là chủ”, biện chứng giữa
“dân là chủ” như vấn đề của nhận thức và “dân làm chủ” như vấn đề
của thực tiễn.
Nói thì dễ, nhưng thực tế cho thấy,
quyền làm chủ của nhân dân, nhất là ở cơ sở xã phường, thị trấn,
vùng sâu vùng xa đang gặp không ít trở ngại ở những mức độ khác
nhau. Tại khu vực nông thôn Nam Bộ, nơi trình độ dân trí không đồng
đều, sự phân bố dân cư khá đa dạng, thành phần dân cư phức tạp và
biến động dưới áp lực của kinh tế thị trường và đô thị hóa, một
bộ phận dân cư chưa có điều kiện tiếp xúc với các định chế chính
trị, việc nhận thức và thực hiện dân chủ vẫn chưa đạt được những
kết quả như ý muốn.
Việc mở rộng môi trường dân chủ trở
thành một đòi hỏi cấp bách không chỉ trong tiến trình xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà cả trong cuộc đấu tranh nóng
bỏng hiện nay – đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong quá trình đó
sức mạnh của các tổ chức quần chúng chính là nhân tố quyết định
sự thành công của công cuộc dân chủ hóa đời sống xã hội, đưa các
nội dung của Quy chế dân chủ cơ sở vào cuộc sống.
1. CÁC TỔ CHỨC
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG DÂN CHỦ TẠI CƠ SỞ Ở
NÔNG THÔN NAM BỘ HIỆN NAY
Sức mạnh của
hệ thống chính trị bắt đầu từ cơ sở; nền tảng cho sự phát huy sức
mạnh ấy là quần chúng nhân dân; băng chuyền của cỗ máy chính trị,
làm cho cỗ máy ấy hoạt động năng động và thông suốt là cán bộ.
Nếu xét theo
cấp tổ chức, quản lý thì hệ thống chính trị cơ sở là cấp thấp nhất trong
hệ thống chính trị nước ta hiện nay, có bộ máy đơn giản nhất và cán bộ biên chế
được hưởng sinh hoạt phí thấp nhất. Tuy nhiên, cách so sánh này chỉ tạm
chấp nhận ở điểm thứ hai và thứ ba, còn đối với điểm thứ nhất cần
có cách luận giải hợp lý. Trước hết, như đã nói trên, diễn đạt
“cấp thấp nhất” hoàn toàn không có ý xem nhẹ vai trò, tầm quan trọng
hệ thống chính trị ở cơ sở, mà chỉ là một sự so sánh theo cấu trúc hệ
thống. Hơn nữa, với sự so sánh ấy, hệ thống chính trị cơ sở chính
là “gốc”, là nền tảng của sự phát triển và ổn định toàn bộ hệ
thống chính trị. Một số nguồn tài liệu cho rằng, trong cấu trúc của
hệ thống chính trị thì hệ thống chính trị cơ sở có đội ng̣ũ cán bộ
biến động nhất, ít chuyên nghiệp nhất, trình độ học vấn và văn hóa, trình độ
lý luận và chuyên môn thấp nhất. Chúng tôi cho rằng, nhận định này gắn
liền với đánh giá thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dành
cho cơ sở, hơn là việc ghi nhận đặc điểm của nó, bởi lẽ nhận định như
thế không thể hiện xu thế chung hiện nay là trí thức hóa, chuyên
nghiệp hóa đội ngũ cán bộ từ chính cơ sở.
Hệ thống chính
trị ở cơ sở là cấp trực tiếp nhất trong việc tổ chức, quản lý, điều tiết
các hoạt động của các tầng lớp nhân dân, và do đó chịu sự chi phối của
nhân dân, hàng ngày ghi nhận những yêu cầu bức xúc của
dân, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong sinh hoạt cộng đồng. Dù
bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị – xã hội
được hình thành bằng phương thức nào, thì mục đích của nó vẫn là
đảm bảo sự ổn định và phát triển, đồng thời thực hành dân chủ,
nâng cao ở mức độ hợp lý nhất năng lực “tự điều tiết” trong quan hệ
cộng đồng, tính tự quản của nhân dân.
Sự nghiệp đổi mới đã khai thông con
đường cho việc phát huy sáng kiến cá nhân, tạo điều kiện cho các tổ
chức quần chúng nhân dân tham gia vào công việc quản lý xã hội, phát
huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ
môi trường xã hội lành mạnh. Các chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước đã được phổ biến sâu rộng đến cơ sở, từ đó nhận được sự
phản hồi tích cực từ người dân. Có thể nói, sự nghiệp đổi mới làm
cho nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý
của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm gần đây, sự tham gia
của nhân dân vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội thông qua các
tổ chức đại diện của mình đã đạt được những thành quả đáng khích
lệ. Mặc dù kinh tế đất nước đang trong thời kỳ khó khăn do chịu ảnh
hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đời sống vật chất của một bộ
phận lớn nhân dân, nhất là những người làm công ăn lương, cán bộ, công
chức, viên chức ngày càng khó khăn, công việc kinh doanh bị ngưng trệ,
phúc lợi xã hội bị cắt giảm ở một số mặt, một số khâu, song lòng
tin của nhân dân vào chế độ nhìn chung vẫn không suy giảm, sức mạnh
của hệ thống chính trị được củng cố.
Hiện nay, chương trình xây dựng Nông thôn
mới đang được triển khai trên cả nước, ngoài đầu tư của Nhà nước, việc xây dựng Nông thôn mới được thực hiện theo phương châm dựa vào nội
lực của cộng đồng, lấy sức dân là chính. Do vậy, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý
thức vươn lên của người dân là điều hết sức cần thiết trong quá trình xây dựng
nông thôn mới. Là người trực tiếp thực hiện, trực tiếp hưởng lợi, khi được
thông tin đầy đủ, được bàn bạc công khai, dân chủ, người dân sẽ nâng cao ý thức
trách nhiệm, tham gia đóng góp, xây dựng công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng, đầu
tư phát triển sản xuất, tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, y
tế. Tuy nhiên,
nói như vậy không có nghĩa bức tranh xã hội chỉ toàn màu hồng.
Chúng tôi cho rằng, nếu thực hiện một cuộc điều tra xã hội học toàn
diện ở các đơn vị cơ sở, trong đó có cả các đơn vị hành chính, sự
nghiệp ở các địa phương vùng Nam Bộ, trong đó có nông thôn, thì chắc hẳn kết quả
mang lại sẽ gây nên những bức xúc thực sự đối với tính bền vững
của hệ thống chính trị. Khi đề cập nguyên nhân dẫn đến
những thách thức đối với sự tồn vong của chế độ, Đảng ta đã chỉ ra
một trong số đó là vấn đề quyền làm chủ của nhân dân. “Vai trò giám
sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị –
xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao”[115].
Ở Nam Bộ, nhất là tại vùng nông thôn, sức ỳ của cơ chế vẫn còn
nặng nề. Để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên mọi mặt
của đời sống chính trị – xã hội, điều kiện trước tiên là nâng cao
nhận thức của nhân dân về thực hiện dân chủ, làm cho nhân dân nhìn
thấy lợi ích thiết thân của mình trong quá trình dân chủ hóa đời
sống xã hội. Nếu tạm phân loại nông thôn Nam Bộ, ta có thể thấy khá
rõ tính phức tạp của nó. Có sự khác biệt về cơ cấu tổ chức dân
cư, về thành phần dân tộc, về mức độ tiếp cận văn hóa về dân chủ
giữa khu vực này với khu vực khác, chẳng hạn khu vực tiếp cận vùng
đô thị, khu vực đang đi vào quá trình đô thị hóa, khu vực vùng sâu vùng
xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số … Để làm cho việc thực hiện dân
chủ diễn ra một cách hiệu quả, thì việc nâng cao chất lượng hoạt
động của các tổ chức chính trị của quần chúng nhân dân trở thành nhu
cầu cấp thiết.
Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của
Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ra
đời cách đây đã gần 20 năm. Những năm đầu thế kỷ XXI hàng loạt chỉ
thị, pháp lệnh cụ thể về thực hiện dân chủ ở phường, xã, thị trấn
lần lượt được công bố cho thấy, việc thực hiện dân chủ cơ sở được
quan tâm sâu sắc, nhất là ở vùng nông thôn. Chỉ thị 30 được xem là
định hướng cơ bản để phát huy sức dân, phát huy vai trò của các tổ chức
chính trị - xã hội trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa. Một cách cô đọng,
Chỉ thị ấy nhấn mạnh quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin
về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề
liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hàng ngày của nhân dân tại cơ sở; sự
cần thiết hình thành quy
chế và các hình thức để nhân dân ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến
vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ...
của chính quyền; nhân dân được bàn bạc và quyết định đối với những việc
liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn; hoàn thiện cơ
chế để nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận, các đoàn thể, ban thanh
tra kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền; kết quả thanh tra, kiểm tra,
giám sát của nhân dân phải được tiếp thu nghiêm túc. Chỉ thị đặc biệt chú
trọng mở rộng các hình thức tổ chức tự quản của nhân dân trong sự
phối hợp với bộ máy công quyền giải quyết khiếu nại của dân, nghiêm
cấm mọi hành vi trù dập và rất nhiều những định hướng khác.
Tuy nhiên, từ chỉ
đạo định hướng đến hiện thực hóa là một quá trình không đơn giản,
nếu không nói là còn quá nhiều bất cập. Một trong những biểu hiện
đáng lo ngại nhất hiện nay trong một bộ phận nhỏ nhân dân vùng nông
thôn Nam Bộ là sự vô cảm chính trị, đối lập với tính tích
cực chính trị. Tình trạng này chưa đến mức báo
động, song đang diễn ra, và rất có thể trở thành một thứ hội chứng,
nếu không có những giải pháp hiệu quả từ hệ thống chính trị. Vô
cảm chính trị đang len lỏi vào các ngóc ngách của xã hội, thâm nhập
vào công sở, trường học, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn
phường, xã, thị trấn. Vô cảm chính trị biểu hiện nhiều vẻ, song rõ
ràng nhất là sự thờ ơ trước các biến cố chính trị, kể cả những
vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, chỉ lo kiếm tiền, làm giàu.
Ở nông thôn, một bộ phận giới trẻ rơi vào vòng xoáy của lối sống
thực dụng, chạy theo thị hiếu tầm thường, xa rời nguồn cội, phai
nhạt lý tưởng. Vô cảm chính trị dễ dẫn đến tình trạng tha hóa,
trước hết là “tha hóa bản sắc”, nghĩa là đánh mất cái Tôi dân tộc
trong nhận thức và hành động.
Nếu trong một bộ phận dân chúng có
hiện tượng vô cảm chính trị, thì trong cán bộ, công chức, nhất là
cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, phum sóc sự vô cảm biểu hiện ở hướng
khác, tức vô cảm trước những bức xúc của nhân dân, trước sự vi phạm
quyền làm chủ của nhân dân. Trong thời gian qua, một số vụ tiêu cực
không được giải quyết đến nơi đến chốn, hiện tượng bao che cho cái
sai, cái xấu ở nơi này hay nơi khác vẫn còn, hiện tượng lộng quyền,
ức hiếp dân, tham nhũng đang gây nên sự bất mãn của dân. Đặc biệt, hiện
tượng khiếu kiện tập thể đang diễn ra và không có chiều hướng giảm
bớt.
Biểu hiện tiếp theo là tính hình
thức, tính một chiều trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một số xã, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, chưa
làm tốt việc công khai, dân chủ về quy hoạch tổng thể, về các vấn đề cấp
bách mà dân quan tâm. Không ít cơ quan thiếu công khai, dân chủ về quản lý
thu, chi tài chính công, nâng lương, quy hoạch đào tạo, đề bạt cán bộ. Tình trạng
quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời, ảnh hưởng
không nhỏ đến lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Mặt trận,
các đoàn thể nhân dân một số nơi còn chậm đổi mới phương thức hoạt động, còn có
xu hướng hành chính hóa; chưa thực sự đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng của
nhân dân; chưa tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia
xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở[116]. Nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra” tại một vài nơi dường như chỉ nằm trên giấy tờ, hoặc bị “co
lại” trong những quy trình đã chuẩn bị sẵn, đã được “dàn dựng”.
Chúng tôi cho rằng,
cội rễ của vấn đề nằm ở sự thiếu tính pháp quyền trong cơ chế vận
hành, sự chồng chéo, kể cả sự bao sân hay lấn sân trong hoạt động
của các bộ phận trong hệ thống chính trị, tính nghiêm minh của pháp
luật chưa được thực thi một cách đồng bộ. Nếu như chúng ta tôn trọng
nhân dân, khẳng định bản chất của nhà nước của chúng ta là nhà nước
của dân, do dân, vì dân không những trong biểu ngữ, mà trong việc mở
rộng môi trường dân chủ thực sự cho nhân dân, thì có lẽ những hiện
tượng tiêu cực sẽ bị đưa ra ánh sáng nhiều hơn, bị trừng phạt nghiêm
minh hơn, những sâu mọt của hệ thống sẽ bị đào thải kịp thời, không
dẫn đến cái mà dư luận gọi là sự suy giảm sức đề kháng xã hội như
hiện nay. Một khi dân không dám tố cáo tiêu cực ở hàng ngũ cán bộ
lãnh đạo, quản lý, một khi người tố cáo tiêu cực bị “hành xác”, bị
trù dập, bị thuyên chuyển, một khi kỷ cương phép nước bị đem ra để
mặc cả, thì chưa thể có dân chủ thực sự.
2. TRIỂN KHAI MỘT
CÁCH ĐỒNG BỘ VÀ SÂU RỘNG QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ NHẰM PHÁT HUY VAI TRÒ
CỦA CÁC TỔ CHỨC QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN Ở NÔNG THÔN NAM BỘ
Sinh thời, Hồ Chủ
tịch luôn đề cao vai trò của các đoàn thể nhân dân. Người viết hoa từ
“Đoàn thể” và đánh giá rất cao vai trò của đoàn thể chính trị như
bộ phận tham mưu của chính quyền trong việc phát huy sức dân.
Trong Chỉ thị 30
về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở[117], Đảng ta nêu ra quan điểm chỉ đạo rất rõ ràng,
đó là: đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế tổng
thể của hệ thống chính trị "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm
chủ”.
Trong số 5 nội dung
cần thể hiện[118], như một đột phá về quyền dân chủ của nhân dân ở
cơ sở, chúng tôi nhận thấy có mối quan hệ giữa nhận thức về quyền
dân chủ của nhân dân và thực hành dân chủ, trong đó có vai trò và
trách nhiệm của tổ chức chính quyền, vai trò của các tổ chức quần
chúng, của Mặt trận và các hiệp hội của nhóm xã hội. Sau Chỉ thị
30, năm 2003 Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã[119], tiếp đó năm 2007 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban
hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn[120], nhấn mạnh việc đảm bảo quyền của nhân dân được
biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực
hiện dân chủ, công khai minh bạch trong quá trình thực hiện dân chủ,
cụ thể hóa những nội dung công khai để dân biết, những nội dung nhân
dân bàn và quyết định, hoặc tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm
quyền quyết định; nội dung, hình thức nhân dân bàn, biểu quyết để
cấp có thẩm quyền quyết định; trách nhiệm tổ chức thực hiện những
nội dung nhân dân bàn và quyết định, những nội dung nhân dân giám sát.
Với những nội dung rõ ràng như vậy, vấn đề còn lại chính là hiện
thực hóa các văn bản đó đến tận các cơ sở, từ thành thị đến nông
thôn, các vùng sâu vùng xa. Điều băn khoăn lớn nhất hiện nay là làm
sao giữa nói và làm, giữa văn bản về phát huy dân chủ với quyền làm
chủ thực tế của nhân dân không còn khoảng cách như hiện nay. Tính ưu
việt của một chế độ xã hội không nằm ở những câu chữ có cánh, mà
ở tiến trình thực tế, ở khả năng “vật chất hóa” lý luận, như C.
Mác đã từng chỉ ra cách đây gần 170 năm[121]. Muốn như vậy, giải pháp mang tính định hướng
trước tiên là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị,
phát huy cao vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng, chống quan liêu, tham
nhũng, lãng phí, các tệ nạn, tiêu cực ở cơ sở; chủ động đấu tranh làm thất bại
mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, chống đối, chia rẽ
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định trật tự xã hội; tiếp
tục chỉ đạo cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở
cơ sở; phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên
truyền và giám sát việc thực hiện; vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành
pháp luật ở cơ sở.
Khắc phục sự vô
cảm chính trị và tính hình thức trong việc thực hiện quyền làm chủ
của nhân dân tại cơ sở không thể đạt được thành công, nếu bệnh hình
thức chủ nghĩa và sự sáo mòn trong công tác dân vận tiếp tục diễn ra.
Sự xơ cứng trong phương thức đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ ở cơ
sở theo kiểu cũ, theo lối tư duy tiểu nông, thiếu tính chuyên nghiệp
và hạn chế về trình độ học vấn chính là nguyên nhân của sự chậm
chạp trong việc kích thích tính tích cực chính trị trong các tầng
lớp nhân dân. Để mở rộng môi trường dân chủ cho nhân dân, theo chúng
tôi, có hai yêu cầu cơ bản được đặt ra, đó là: sự định hướng từ bên
trên và sự đột phá từ cơ sở. Nói khác đi, nếu chúng ta xem sự bền
vững của hệ thống chính trị cơ sở là nền tảng của sự bền vững
toàn bộ hệ thống chính trị của nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, thì hãy dành cho cơ sở quyền phát huy tính năng động, nhạy
bén của mình. Mà để có được điều đó, lại cần đến một đội ngũ
cán bộ cơ sở nhiệt tâm và giàu chất trí tuệ để làm cho dân tin,
đồng thời biết khơi dậy sáng kiến của dân, nghe dân, lấy “ý chí
chung”, tức ý chí toàn thể nhân dân làm mục tiêu của mình. “Ý chí
chung” là một diễn đạt rất ấn tượng của J.J.Rousseau, khi ông nói đến
“khế ước” như liên minh giữa các cá nhân trong việc xác lập quyền lực
chính trị của mình, một quyền lực thống nhất, bền vững, vừa mang
tính tự nguyện, vừa mang tính cưỡng chế, để các quyền của dân không
bị lạm dụng. Trong điều kiện nông thôn Nam bộ, sức mạnh của các tổ chức
chính trị - xã hội chính là khả năng tổ chức tự quản của dân, sự nâng
cao vai trò của các tổ chức tự quản do dân bầu ra để giải quyết các
vấn đề phát sinh trong đời sống chính trị – xã hội.
Vấn nạn trên thoáng, dưới không thông còn tồn tại
ở một số địa phương, cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn Nam Bộ. Sở dĩ có
tình trạng đó là do cán bộ nắm giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý nhưng trình độ
còn thấp, không đủ khả năng xử lý các tình huống phát sinh; nói cách khác, cán
bộ được bố trí vào những vị trí quá tầm, không “chính danh”. Đã xảy ra các trường hợp không tương
thích giữa định hướng chung, các chủ trương, chính sách từ Trung ương và việc
hiện thực hóa, triển khai các chủ trương, chính sách đó ở cơ sở. Khá nhiều chủ
trương lớn bị “tắt” hoặc bị làm lệch tại các địa phương. Tại sao trên thông
dưới không thoáng? Nguyên nhân sâu xa là thói quen của thời bao cấp, sự thụ động
tiếp thu và chờ đợi của cán bộ cấp dưới, nhất là cán bộ cơ sở. Song nguyên nhân
chính là ở sự hạn chế trong việc nhận thức, nắm vững và quán triệt các chủ
trương, chính sách từ bên trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ
là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy
thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là
những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành
trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thực hiện
được”[122]
Chúng ta chưa có thuốc
thử hiệu quả để đánh giá độ nhạy bén của cán bộ cơ sở, nhất là cơ sở ở nông
thôn, trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập. Chính vì thế, không ít cán bộ còn
mang theo lối tư duy cũ, lối tư duy của thời bao cấp và chủ nghĩa xã hội cửa
quyền vào công tác lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ mới. Trong tư duy chính trị
hiện nay ở Việt Nam có một số khái niệm, quan điểm đã bị hiểu một cách đơn giản,
siêu hình; chúng tác động không nhỏ đến nhận thức của cán bộ, đảng viên, đến việc
xác định lập trường, lý tưởng sống của mỗi cá nhân, và đương nhiên, đến việc nhận
diện lập trường tư tưởng của cán bộ, công chức để so sánh, đối chiếu với các
tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều động. Đôi khi chủ nghĩa giáo điều và sự cố chấp, máy
móc lại khoác trên mình chiếc áo của sự kiên định, của sự trung thành với các
nguyên tắc, còn sáng kiến cá nhân, những đột phá, những tìm tòi mới đầy tâm huyết,
nhưng chưa mang tính phổ biến, bị quy chụp thành “chệch hướng”, xa rời lập trường,
bị xử lý. Đó là ranh giới mong manh giữa kiên định và bảo thủ, giữa đổi mới và
chệch hướng, giữa đột phá, sáng tạo và “xa rời nguyên tắc”. Việc hiểu chưa đúng
mức ranh giới ấy dẫn đến những bất cập trong việc đánh giá cán bộ, tạo nên những
hiệu ứng tiêu cực trong đời sống chính trị.
Việc xây dựng chính
sách sử dụng cán bộ một cách hợp lý không chỉ gắn với những giải pháp “xây” và
chống” mang nặng tính chất hành chính, nhất thời, cho dù đó là những giải pháp
quyết liệt và toàn diện, được triển khai trên nhiều mặt, mà cần bắt đầu từ
chính gốc rễ, từ nền tảng của cả hệ thống chính trị, từ sự xoay chuyển đồng bộ
các yếu tố cấu thành của nó, cũng như từ việc tạo lập một không gian chính trị
- xã hội thuận lợi nhất, để huy động toàn xã hội vào cuộc đấu tranh sống còn với
sức ỳ của ý thức chính trị đang cản trở sự nghiệp cách mạng của nhân dân trong
tiến trình phát triển. Cho nên đổi mới hệ
thống chính trị tại cơ sở chính là điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới công
tác đào tạo và sử dụng cán bộ. Muốn như vậy, phải gột sạch tàn dư
của quá khứ ngay trong nhận thức của một số cán bộ, những người
còn mang nặng tâm lý của văn minh miệt vườn, không biết cân bằng giữa
mặt tích cực của nó với mặt trái của nó. C.Mác từng nói về sức nặng của
“quả núi truyền thống” mà để vượt qua nó, cất bỏ nó rất cần sự dũng cảm và khôn
khéo, bản lĩnh và trí tuệ của “những người đang sống”[123].
Điều lo ngại lớn hiện
nay trong đời sống chính trị của đất nước là sự suy giảm sức đề kháng xã hội đối
với vấn nạn tiêu cực, khiến cho vấn nạn ấy thách thức ngày càng nghiêm trọng sự
phát triển của đất nước. Chúng ta đào tạo cán bộ các cấp và bổ nhiệm vào các vị
trí tương ứng với năng lực và kinh nghiệm của họ. Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn
đề. Một khi cán bộ được trao quyền ấy, thì hệ thống giám sát và sàng lọc đội
ngũ liệu có phát huy tốt không? Liệu nhân dân có được trao thẩm quyền giám sát
thực sự không, hay chỉ giám sát hình thức, vì ngại va chạm, ngại bị trù dập nếu
dám thẳng thắn góp ý những sai trái, khuyết điểm của cán bộ? Một khi dân không thực hiện một cách trọn vẹn
nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì thật khó nói đến
tính hiệu quả của hệ thống giám sát và phản biện xã hội đối với công tác cán bộ.
Cách đây gần 270 năm,
Montesquieu[124] đã lưu ý rằng, khi đạo đức của nền dân chủ bị mất, lòng tham nổi lên,
thì tự do biến thành “tự do làm trái luật pháp”. “Một khi đạo đức của nền dân
chủ đã mất, tính tham lam lọt vào các trái tim, cái hư hỏng lồng vào tất cả mọi
ngóc ngách của xã hội… Cái trước đây được coi là luật thì nay họ (nhà cầm quyền
và công chức nhà nước) coi là phiền nhiễu… Cách sống thanh đạm bị coi là thói hà tiện”[125]. Đó là lời cảnh báo cần thiết đối với chúng ta trong điều
kiện hiện nay, khi mà sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ
đang làm cho “cái hư hỏng lồng vào tất cả mọi ngóc ngách của xã hội”. Ngăn chặn
đà trượt này của tư tưởng, đạo đức, lối sống cán bộ đòi hỏi xác lập chính sách
sử dụng cán bộ hợp lý trên cơ sở vận động của xã hội, chứ không phải là những đồ
thức luận của tư duy đã có từ mấy thập kỷ trước, chỉ thay đổi các tiểu tiết.
Phải nói thẳng là, khá nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính
trị của Việt Nam hiện nay vẫn còn mắc các bệnh của thời bao cấp. Song điều đó
không nguy hiểm bằng việc một bộ phận không nhỏ cán bộ mang nặng lối suy nghĩ
tiểu nông “một người làm quan cả họ được nhờ”, hay “giàu nhờ làm quan”. Lối suy
nghĩ đó không phải là cá biệt trong cán bộ tại vùng Nam Bộ hiện nay, nhất là ở vùng nông thôn; đó là căn
nguyên trực tiếp của nạn chạy chức, chạy quyền, tranh chức, tranh quyền, tham
nhũng ngày một trầm trọng, thực sự trở thành vấn nạn chính trị, làm suy yếu hệ
thống chính trị từ bên trong. Lối suy nghĩ rất đáng trách đó đang trở nên phổ
biến, bắt đầu từ cơ sở. Chúng ta chưa thể nói, và hoàn toàn không có cơ sở để
nói đến tha hóa chính trị, nhưng đã có thể suy nghĩ về những biểu hiện tha hóa
trong đời sống chính trị bởi nạn tham nhũng, cửa quyền, bởi cơ chế xin – cho, bởi
sự thiếu nhất quán giữa suy nghĩ và hành động, và bởi tư duy định kiến và cố chấp
trong không ít cán bộ. Xét đến cùng, sự hư hỏng nhân cách của con người bắt đầu
từ vấn đề lợi ích, từ sức mạnh của chủ nghĩa vị kỷ. Nhưng nếu có một bộ hãm hiệu
quả từ hệ thống chính trị, thì đà trượt nhân cách của những cán bộ suy thoái sẽ
bị chặn lại.
Nói như vậy, rất
dễ rơi vào lãng quên, nếu thiếu một cú hích thực sự từ sự đổi mới
hệ thống chính trị, để tính pháp quyền phát huy tốt nhất “thượng
phương bảo kiếm” của mình trong việc ngăn chặn cái sai, cái đi ngược
lại lợi ích của hàng triệu người dân. Điều mà người dân ở cơ sở
trông đợi ở tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội chính là sự
dũng cảm vượt bỏ một thói quen, hình thành tư duy chính trị mới,
với tất cả bản lĩnh, sự nhạy bén nắm bắt cái mới và biết thực
hành dân chủ theo đúng ý nghĩa thiết thực của từ đó, xuất phát từ
hệ thống chính trị cơ sở.
Mở rộng môi trường
dân chủ cho nhân dân tại cơ sở – đó không phải là một mỹ từ, hay một
diễn đạt mang tính ước lệ. Theo chúng tôi, diễn đạt ấy chứa đựng
một thỉnh cầu của nhân dân về sự cần thiết trao cho dân nhiều quyền
thực tế hơn nữa trong việc thực hành dân chủ tại cơ sở. Ngoài việc
tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hiện công việc tự quản trong
sinh hoạt cộng đồng, trong việc hình thành các quy tắc ứng xử, các
mối quan hệ trong các hoạt động kinh tế, xã hội tại địa phương, thì
điều cần thiết hàng đầu là làm sao cho mỗi người dân tham gia tích
cực vào những điểm nóng của sinh hoạt chính trị qua các thời kỳ,
mà hiện nay là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
3. KẾT LUẬN
Thay cho lời kết,
chúng tôi xin trích một ý nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đề
cập đến sức mạnh của phong trào toàn dân đấu tranh bảo vệ chế độ:
“Làm thế nào để trừ cho hết những thứ ấy và không để một khe hở
nào cho của cải dành dụm của chúng ta lọt ra ngoài? Bắt giam hết
bọn ăn cắp ấy ư? Trừng phạt chúng thật nặng ư? Việc đó không phải
chúng ta không làm. Nhưng điều quan trọng nhất… vẫn phải là “gây
chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về
mặt đạo đức”. Phải không còn một ai vỗ vai gượng nhẹ với chúng
nữa!”[126].
Đúng như vậy, nếu tất cả mọi người dân đồng sức
đồng lòng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền dân chủ, chống lại mọi
biểu hiện của diễn biến hòa bình lẫn “tự diễn biến”, như tình
trạng tham nhũng, thoái hóa, biến chất hiện nay, thì không một thế
lực nào có thể ngăn nổi. Trong cuộc đấu tranh đó, các tổ chức chính trị
- xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998
về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
2.
C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập; t.8; Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 145
3.
C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, T.
1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 580.
4.
Charles-Louis de Secondat, baron de
Montesquieu (1689 – 1755), một trong những người sáng lập phong trào Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII, tác giả cuốn “Tinh thần pháp luật”, kiệt tác có giá trị mẫu
mực của thế kỷ XVIII về nhà nước pháp quyền và nền dân chủ.
5.
Hồ Chí Minh. Toàn tập. T.5. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 54.
6.
Hồ Chí Minh. Toàn tập. T. 10. Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 58.
7.
Montesquieu: Tinh thần pháp luật (bản dịch
của Hoàng Thanh Đạm); Nxb Giáo dục và Khoa Luật, Trường ĐH KHXH & NV, Hà Nội,
1996, tr.55
8.
Nghị định số 79/2003/NĐ-CP của
Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ ở xã, ngày 07 tháng 07 năm 2003.
9.
Nghị
quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay; mục I,
điểm 3.
10.
Pháp
lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20
tháng 4 năm 2007.
QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU KINH TẾ
ĐỒNG NAI THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
PGS.TS. Võ Văn Sen
Đại học
Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM
Trước khi đi sâu vào phân tích và góp ý một
số vấn đề để cho quá trình tái cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai chúng
ta phát triển theo hướng tăng trưởng xanh - phát triển bền vững, tham
luận khoa học của chúng tôi xin nói rõ hơn nội hàm của 02 vấn đề
chính: “Cơ cấu kinh tế” và “Phát triển bền vững về kinh tế”.
1. Về “Cơ cấu kinh tế”
và “Phát triển bền vững về kinh tế”
1.1. Cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế ngành ở Việt Nam từ lâu được
hiểu là tỷ trọng của giá trị tăng thêm các ngành chiếm trong GDP, và cơ cấu của
nhóm ngành nông nghiệp cứ phải giảm dần trong khi nhóm ngành công nghiệp và dịch
vụ cứ phải tăng thì mới là tốt. Các địa phương ở Việt Nam thi nhau làm theo
“khẩu hiệu” này và các khu chế xuất, khu công nghiệp, sân gôn... mọc lên rất
nhiều và rất nhanh mà không cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế của nó. Cứ miễn
sao trong báo cáo cuối năm cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng nông nghiệp giảm
dần, khu vực 2 và khu vực 3 tăng dần là được. Với định hướng như vậy, việc mất
đất nông nghiệp là đương nhiên và tỷ trọng các nhóm ngành nông nghiệp trong GDP
giảm cũng là việc hiển nhiên. Thậm chí ở Việt Nam chúng ta hiện nay một số
ý kiến khi bàn về tái cơ cấu kinh tế vẫn chú trọng vào tỷ trọng ngành trong
GDP. Điều này đôi khi dẫn đến những định hướng sai lầm. Ngay nội hàm của chỉ
tiêu GDP cũng cần phải xem lại. Chúng ta không thể đánh đồng việc tăng trưởng
kinh tế với tăng trưởng GDP. Vì trong GDP còn bao gồm cả các khoản đầu tư
lãng phí, những công trình mà nhiều khi người ta không biết dùng vào việc gì, ô
nhiễm môi trường và huỷ hoại tài nguyên...
Khi bàn về cơ cấu kinh tế, nhà kinh
tế học người Mỹ Albert Hirschman đã đưa ra mô hình “Tăng trưởng không cân
đối - unbalanced growth”[127]
và ý niệm về chỉ số lan toả và độ nhạy của các ngành. Cơ cấu
kinh tế ở đây phải được hiểu là sự lan toả số nhân của các ngành trong nền
kinh tế; sau đó hàm ý nguồn tiền đầu tư nên tập trung vào những ngành “trọng điểm”.
Những ngành này sẽ có mức độ lan toả cao hơn các ngành khác đến nền kinh tế (backward
linkage) hoặc những ngành có độ nhạy cao đối với nền kinh tế (forward linkage).
Ông cho rằng sự phát triển tốt nhất được tạo ra từ sự mất cân đối.
1.2. Phát triển bền vững về kinh tế
Phát triển bền vững nói chung đã
được nhiều công trình khoa học và nhiều người nói đến, nhưng phát
triển bền vững về kinh tế còn chưa được làm rõ lắm về nội hàm.
Phát triển bền vững về kinh tế là một
trong ba nội dung quan trọng của phát triển bền vững (bao gồm bền vững về
kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường). Tuy nhiên. nó có vai
trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của
các quốc gia và các địa phương. Phát triển bền vững về kinh tế là điều kiện cần để đảm bảo cho sự phát
triển bền vững về xã hội và môi trường. Trước đây, nhiều quan niệm cho rằng
phát triển bền vững là một thứ hàng hoá xa xỉ, chỉ dành cho các quốc gia
phát triển với tiềm lực kinh tế tài chánh hùng mạnh. Quan điểm này tuy không
chính xác nhưng cũng không hoàn toàn là không có căn cứ. Bởi lẽ các quốc gia đảm
bảo được sự phát triển bền vững về kinh tế sẽ có những điều kiện thuận lợi
để đầu tư phát triển những công nghệ hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường, sản xuất nguyên vật liệu thay thế, nâng cao
phúc lợi xã hội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Như vậy sẽ tạo điều kiện để
thực hiện phát triển bền vững về môi trường cũng như xã hội.
Nội hàm phát triển bền vững về kinh tế là
gì? Theo chúng tôi, nội hàm phát triển bền vững về kinh tế là sự biến đổi
về quy mô, cơ cấu và chất lượng của nền kinh tế. Như vậy, nội dung cơ bản của
phát triển bền vững về kinh tế phải bao gồm các nội dung: đạt được tăng
trưởng tương đối cao và ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý, sử dụng nguồn lực tiết
kiệm và hiệu quả:
- Nội dung thứ nhất:
Tăng trưởng cao hợp lý và ổn định: tăng trưởng kinh tế thường
được đo bằng chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay tổng sản phẩm quốc dân
(GNP). Để đảm bảo tính bền vững, tăng trưởng phải đáp ứng tối thiểu ba yêu cầu
cơ bản:
+ Tốc độ tăng trưởng tương đối cao: Tốc độ
tăng trưởng tương đối cao không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng do dân
số, quy mô tiêu dùng tăng, nhu cầu sản xuất tăng... mà còn giúp các quốc gia
đang phát triển bắt kịp các quốc gia khác.
+ Tăng trưởng phải đảm bảo ổn định, lâu bền:
Tăng trưởng ổn định, lâu dài vừa thể hiện năng lực sản xuất ổn định, khả năng đảm
bảo nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và khả năng chống chịu với những biến động
bên trong và bên ngoài nền kinh tế.
+ Tăng trưởng phải đảm bảo
chất lượng cao: tăng trưởng cần dựa vào yếu tố chất lượng, chiều sâu là chính;
tăng trưởng gắn với việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Điều này
thể hiện qua cấu trúc tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể: Nếu đứng trên góc độ
cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào thì yếu tố khoa học công nghệ, năng suất lao
động... phải là động lực chính của tăng trưởng thay vì hai yếu tố truyền thống
là vốn và lao động. Nếu đứng trên góc độ cấu trúc tăng trưởng theo ngành, chất
lượng tăng trưởng phải thể hiện ở tỷ trọng sự đóng góp ngày càng cao của hai
nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ trong kết quả tăng trưởng kinh tế.
- Nội dung thứ hai: Cơ
cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Cơ cấu kinh tế đó
phải đảm bảo huy động và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực trong và ngoài
nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với nền kinh tế thế giới.
- Nội dung thứ ba: phát
triển kinh tế gắn với sử dụng nguồn lực hiệu quả hay phải
đảm bảo hiệu quả tăng trưởng. Điều này thể hiện thông qua việc sử dụng có hiệu
quả vốn đầu tư, nâng cao năng suất lao động... Đồng thời, tăng trưởng và phát
triển kinh tế không chỉ dựa chủ yếu vào việc khai thác tài nguyên, xuất khẩu
nguyên, nhiên vật liệu và sản phẩm sơ chế, mà cần gắn với quá trình giảm tiêu
hao nguyên, nhiên vật liệu, giảm chi phí trung gian, tăng tỷ trọng các yếu tố
phi vật chất trong giá thành sản phẩm, tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm...
Ngoài ra phát triển kinh tế cần gắn với bảo vệ, duy trì và cải thiện môi trường
sinh thái.
2. Thực
tế phát triển kinh tế Đồng Nai hiện nay và quy hoạch phát triển tổng
thể theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Trước hết chúng ta nhìn vào thực tế phát
triển kinh tế tỉnh Đồng Nai đến thời điểm hiện nay.
Tính đến tháng 5 năm 2015 chỉ số sản xuất
công nghiệp (IIP) của tỉnh Đồng Nai tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, đến tháng 5 năm 2015 tổng diện tích gieo
trồng vụ Hè Thu thực hiện là 30.637ha - đạt 40,7% kế hoạch năm, bằng
89,60% so cùng kỳ năm 2014. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt
41% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu đạt 36% kế hoạch đề
ra, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu đạt 40% kế
hoạch, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng mức bán lẻ hàng hóa
tăng 12,3% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu dùng tháng 5/2015 tăng 0,16% so với
tháng 4/2015 và 0,42% so với cuối năm 2014.
Về vận tải, sản lượng vận tải hàng hóa tăng
5,51% về vận chuyển và 5,6% về luân chuyển so với cùng kỳ năm 2014.
Vận tải hành khách tăng 6,09% về vận chuyển và 6,11% về luân chuyển
so với cùng kỳ năm 2014.
Từ tháng 1/2015 đến tháng 5/2015, tổng vốn
đăng ký cấp mới và dự án tăng ốn FDI khoảng 998,4 triệu USD - đạt kế
hoạch năm đề ra và tăng đến 70% so với cùng kỳ năm 2014.
Thu hút đầu tư trong nước, cũng tính từ đầu
năm đến tháng 5/2015 vốn đầu tư trong nước là 5.009 tỷ đồng (trong đó
có 15 dự án cấp mới) - đạt 62,6% so kế hoạch, tăng 3,4% so với cùng
kỳ năm 2014.
Từ tháng 1/2015 đến tháng 5/2015, tổng vốn
đăng ký doanh nghiệp là 4.925 tỷ đồng (gồm vốn đăng ký mới và vốn
đăng ký tăng thêm) - đạt 52% kế hoạch năm. Trong đó có 928 doanh nghiệp
thành lập mới với tổng vốn đăng ký kinh doanh là 3.090 tỷ đồng và
193 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn với tổng vốn bổ sung là
1.835 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chúng ta biết rằng ngày 27/5/2015
vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-TTg về điều chỉnh
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2025. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP
bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Đồng Nai phấn đấu là 8 - 9%/năm, giai
đoạn 2020-2025 là 8,5-9,5%/năm. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của tỉnh
Đồng Nai đạt 5.300 USD - 5.800 USD; cơ cấu GRDP ngành công nghiệp - xây dựng
chiếm 55 - 56%, dịch vụ chiếm 39,5 - 40,5%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm
4,5 - 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 từ 8% -
10%/năm.
Cũng theo Quyết định,
điều chỉnh các khâu đột phá phát triển, trong đó tăng cường đầu tư nâng cấp,
xây dựng mới các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư các dự
án giao thông kết nối các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không và các dự
án đảm bảo an sinh xã hội nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người
dân. Bên cạnh đó, phát triển mạnh, đi thẳng vào hiện đại hóa các dịch vụ
logistics, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, đặc biệt là khai thác các
dịch vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư và hoạt động của sân bay quốc tế
Long Thành (sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) như dịch vụ y
tế, đào tạo, dịch vụ vận chuyển, kho bãi, công nghệ thông tin, viễn thông.
Tiếp tục ưu tiên huy
động các nguồn lực xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hội nhập quốc
tế. Đổi mới khâu tuyển dụng, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ công
chức gắn với công tác cải cách hành chính và xây dựng, hoàn thiện mô hình chính
quyền điện tử đến năm 2020.Thực hiện đổi mới đầu tư khu công nghiệp theo mô
hình phát triển xanh và đồng bộ: công nghiệp - đô thị - dịch vụ, trong đó thu
hút các dự án đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp
hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường. Các dự án sử dụng nhiều lao động được mời
gọi vào các khu công nghiệp ở vùng nông thôn có khả năng sử dụng lao động tại
chỗ nhằm giảm áp lực tăng dân số cơ học vào các vùng thành phố.
Quyết định cũng điều
chỉnh định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, trong đó, về phát triển công
nghiệp, xây dựng, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công
nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất. Ưu tiên thu hút dự án
công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ
khí chế tạo, điện- điện tử, chế biến thực phẩm sạch; dự án thân thiện môi
trường; dự án công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, góp phần gia tăng
chuỗi giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển nhiều doanh nghiệp trong nước.
Phát triển các khu công
nghiệp theo mô hình phát triển xanh có hạ tầng đồng bộ và dịch vụ thuận tiện
phục vụ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và điều kiện sinh hoạt của người lao
động, tạo tiền đề phát triển đô thị hóa. Với các khu công nghiệp mới thành lập,
tập trung kêu gọi đầu tư theo hướng chuyên ngành để tạo ra chuỗi các dự án có
khả năng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với các khu công nghiệp
đang hoạt động, xúc tiến kêu gọi đầu tư chiều sâu để nâng giá trị gia tăng các
sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường.
Quyết định đưa ra các
mục tiêu về phát triển nông lâm thủy sản, các ngành dịch vụ, khoc học - công
nghệ, giáo dục - đào tạo, thông tin truyền thông, các lĩnh vực văn hóa - xã
hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Về vốn đầu tư, huy động đầu tư toàn xã
hội trong giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 296 - 330 nghìn tỷ đồng. Phát huy lợi
thế, duy trì nhịp độ phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Đồng Nai trở thành
tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vào năm
2020.[128]
3. Một số góp ý cho
quá trình tái cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai
Từ thực tế
phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của tỉnh Đồng Nai, dựa vào
hướng phát triển theo Quyết định số 734/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, đối chiếu theo nội hàm của cơ cấu
kinh tế và phát triển bền vững về kinh tế (đã nêu ở phần trên),
chúng tôi xin trình bày ra đây một số góp ý cho quá trình tái cơ cấu
kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh - phát triển bền vững của tỉnh
Đồng Nai như sau.
3.1. Quan điểm
và định hướng phát triển bền vững về kinh tế đến:
3.1.1. Quan điểm phát triển bền vững về kinh tế
Thứ nhất, phát
triển bền vững về kinh tế phải bám sát các mục tiêu trong Chiến lược phát
triển bền vững, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 734/QĐ-TTg);
tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược do Trung ương Đảng đề ra (bao gồm
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn
nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ).
Thứ hai, Với lợi
thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng...
cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giai đoạn tới tập trung phát triển các
ngành công nghiệp công nghệ cao, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực nhằm tạo
giá trị gia tăng cao cho các ngành điện tử, viễn thông, cơ điện tử...(là những
ngành hiện đang là thế mạnh của tỉnh). Nâng cao tỷ trọng phát triển các ngành
kinh tế dịch vụ, du lịch. Đồng thời xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng
cao.
Thứ ba, Phát triển bền
vững về kinh tế của tỉnh đặt trong mối quan hệ tổng
thể của vùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các hành lang
kinh tế, đặc biệt là TP.HCM để phát huy tối đa lợi thế địa kinh tế. Mục đích
nhằm phát huy cao nhất tiềm năng lợi thế của tỉnh về vị trí cửa ngõ, nguồn nhân
lực, cơ sở hạ tầng... khắc phục các “bất lợi thế” do xu thế biến đổi lợi thế so
sánh giữa các địa phương diễn ra những năm gần đây.
Thứ tư, Kết hợp chặt chẽ
giữa phát triển bền vững về kinh tế với phát triển
xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhằm tạo sự ổn định vững chắc cho mục
tiêu tăng trưởng. Trong đó coi trọng nhân tố đào tạo nguồn
nhân lực và đội ngũ cán bộ, cho hoạt động khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng
kỹ thuật và xã hội. Phát triển bền vững về kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ
tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; tăng
cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
3.1.2. Định hướng phát
triển bền vững về kinh tế
Dựa trên quan điểm phát triển và các căn
cứ đã trình bày ở trên, quá trình tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng
xanh, phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai cần thực hiện theo các định hướng phát triển các
ngành kinh tế, các khu vực kinh tế như sau:
a/
Đối với các ngành kinh tế
Nhóm ngành công nghiệp
Phát
triển các ngành công nghiệp:
-
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp
công nghệ cao, công nghệ bổ trợ, cơ khí chế tạo, đồng thời phát triển mạnh nhóm
ngành cơ lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương, có khả năng thu hồi vốn
nhanh, có cơ hội chọn đối tác đầu tư từ bên ngoài.
-
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp
sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhất là nguyên liệu từ nông lâm nghiệp, các
ngành nghề truyền thống như gốm mỹ nghệ, chế biến lương thực thực phẩm, công
nghiệp vật liệu xây dựng công nghiệp dệt, may mặc và da giày..., khuyến khích
công nghệ tiết kiệm năng lượng
-
Ưu tiên đổi mới trang thiết bị và công nghệ
để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm,
đồ uống.
Đầu tư phát triển các khu công nghiệp tập
trung
Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp phải
nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý, trình độ
công nhân, trình độ công nghệ và sản phẩm công nghiệp, nhất là các Khu công
nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thi
công, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp tập trung theo hướng:
hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, thuận lợi
đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp lớn, các dự án công nghệ
cao tiên tiến, hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều lao động,...
Đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ
trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử... là
những lĩnh vực mà Đồng Nai đang có thế mạnh. Thực hiện phối hợp
trong việc tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm, hàng hoá.
Nhóm
ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Định hướng phát triển lĩnh vực nông, lâm
nghiệp thuỷ sản tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
-
Củng cố và hoàn thiện hệ thống dịch vụ kỹ
thuật hiện có đối với các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản.
Thiết lập một hệ thống hướng dẫn sản xuất và tiêu thụ nông sản.
-
Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát
triển các công trình thủy lợi, giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho người
dân.
-
Hỗ trợ phát triển ngành nghề, doanh nghiệp
phi nông nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đề phát triển kinh tế, đồng thời
không gây ra ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới các tổ chức làm
công tác tư vấn đào tạo hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ
công nghiệp ở nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống
- Đầu tư nghiên cứu và ứng
dụng công nghệ sinh học trong phát triển những giống cây trồng và vật nuôi có
năng suất, chất lượng cao, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và bảo vệ môi
trường nông nghiệp - nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản,
chế biến nông sản. Phấn đấu phát triển nông nghiệp sạch phục vụ khu vực thị trường
trong tỉnh và các địa phương có yêu cầu cao như TP.HCM...
Nhóm
ngành dịch vụ.
Đẩy nhanh tốc độ các khu vực dịch vụ, xây
dựng chương trình hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch gắn với TP.HCM và các tỉnh
trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhanh chóng hình thành các tour du lịch
văn hóa, du lịch cuối tuần, các khu vui chơi giải trí.
-
Thương mại nội địa
Tập trung xây dựng các Trung tâm thương mại,
các siêu thị, hệ thống chợ, văn phòng cho thuê, cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở
thành phố Biên Hòa. Quy hoạch các tuyến phố thương mại chuyên doanh từng mặt
hàng như may mặc, đồ gỗ, vật liệu xây dựng... vừa là nơi nghiên cứu, thăm dò thị
trường, vừa là nơi phát luồng hàng. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động
thương mại của tỉnh.
-
Xuất nhập khẩu
Thực hiện khuyến khích phát triển đối với
các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng mà địa phương có tiềm năng và lợi thế,
phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới.
Nhập khẩu: Chú trọng việc nhập các thiết bị,
dây truyền công nghệ tiên tiến và vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp,
sản xuất hành xuất khẩu.
-
Du lịch:
Tập trung phát triển du lịch chủ yếu là
du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa. Lập dự án quy hoạch các khu du
lịch văn hóa và nghỉ dưỡng cuối tuần. Khai thác hợp lý các tài nguyên du lịch để
phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo được môi trường sinh thái, an ninh trật tự,
giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc và phải phủ hợp với sự phát triển
du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
-
Các dịch vụ khác
+ Tập
trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, phát triển mạnh các dịch vụ vận tải
nhất là du lịch và trung chuyển để đầu tư xây dựng các cảng và hệ thống bến
bãi.
+
Đầu tư phát triển bưu chính viễn thông: Đổi
mới công nghệ và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ
chăm sóc khách hàng, phát huy tối đa nội lực tiếp tục đưa các dịch vụ bưu chính
viễn thông về nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
+
Tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch
vụ như: Dịch vụ dịch thuật, dịch vụ pháp lý, dịch vụ thông tin, dịch vụ chuyển
giao công nghệ, dịch vụ văn hóa vui chơi giải trí cuối tuần... Phối hợp với
TP.HCM phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm khoa học công nghệ...
Đảm
bảo sự gắn kết chặt chẽ trong quá trình phát triển
Phát triển các ngành kinh tế gắn với sự
phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu
Long, các hành lang kinh tế, đảm bảo khai thác được lợi thế của tỉnh và gắn kết
chặt chẽ với các mối liên kết vùng, liên kết tuyến để thúc đẩy phát triển các
ngành kinh tế trong tỉnh.
b/
Đối với các khu vực kinh tế
Đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy
khu vực kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ song song với khu vực nước ngoài.
Cụ thể như sau: Đối với cùng một dự án, ưu tiên quyền phát triển và thực hiện dự
án cho các nhà đầu tư trong nước. Ưu tiên trước các tập đoàn, tổng công ty đóng
trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khi đầu tư
các dự án tại tỉnh, sau đó đến các nhà đầu tư khác ngoài tỉnh đối với cùng một
dự án. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp
FDI, có các chính sách hỗ trợ theo đơn đặt hàng cung cấp nguyên liệu, sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cho khu vực FDI, nhất là tập đoàn đa quốc gia (giống
như chính sách hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ).
3.2.
Một số giải pháp tạo sự phát triển bền vững về kinh tế tỉnh Đồng Nai
3.2.1. Rà soát, hoàn thiện
công tác quy hoạch
Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi
tỉnh Đồng Nai cần phải tạo được bước đột phá về công tác quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là cơ sở để
tiến hành công tác lập kế hoạch phát triển trong phạm vi từng huyện, ngành,
lĩnh vực và trong từng sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện các mục
tiêu đã xác định trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Chính vì vậy,
tỉnh cần tiến hành rà soát, hoàn thiện công tác quy hoạch, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến
năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Mặc dù Đồng Nai là địa phương sớm quan
tâm tới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhưng nhìn chung quy hoạch
vẫn còn điểm hạn chế. Chẳng hạn như trong quy hoạch tổng thể chưa lồng ghép cụ
thể các mục tiêu và giải pháp thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển
bền vững của tỉnh, chưa cụ thể về định hướng tổ chức không gian kinh tế - xã
hội và đô thị với cấu trúc vùng và với TP.HCM... Chính vì vậy, để quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thực sự là căn cứ đúng đắn cho phát
triển cần phải tập trung chú ý một số vấn đề sau đây:
Thời gian qua, khu vực nước ngoài đóng góp
mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh (thể hiện ở sự đóng góp lớn của khu vực
có vốn nước ngoài vào giá trị tổng sản phẩm cũng như hoạt động ngoại thương).
Xét về trước mắt thì điều này giúp tỉnh nhanh chóng phát triển theo đường lối
công nghiệp hoá. Song về lâu dài, xu hướng này không bền vững. Chính vì vậy,
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn tới phải hướng
tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở phát huy nội lực, củng
cố, gia tăng năng lực nội sinh, bên cạnh việc tiếp tục khai thác có hiệu quả
các nguồn lực bên ngoài. Do đó các giải pháp thực hiện quy hoạch phải chú trọng
khai thác được tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, nguồn lực trong tỉnh. Muốn
vậy phải chú trọng đến xác định đầy đủ các yếu tố về phát triển dịch vụ và hệ thống tài chánh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng,
chiến lược phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, các yếu tố về quản lý các
doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh để thúc đẩy khu vực kinh tế
trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Cần xác định về lâu dài khu vực
kinh tế tư nhân trong nước phải trở thành phổ biến và là động lực để thực hiện
mục tiêu tăng trưởng nhanh và hiệu quả.
Thứ hai, đối
với các Quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm; Quy hoạch xây dựng và quy
hoạch đô thị; Quy hoạch sử dụng đất...
Tỉnh cần nhanh chóng tiến hành rà xét, điều
chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ
như: quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, y tế, điện
lực... Rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch gắn với việc phân bổ, thu hút nguồn
lực lớn như: quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống khu kinh tế, khu
công nghiệp... theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ hợp lý và đảm bảo
nguồn lực thực hiện quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển một số
ngành, sản phẩm theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng,
tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, kể cả các nhà đầu tư
nước ngoài tham gia thực hiện quy hoạch.
Cụ thể như sau:
- Sớm hoàn thành Quy hoạch chung các khu
đô thị của tỉnh đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị trong
tỉnh; tổ chức lập các quy hoạch phân khu; Chương trình phát triển đô thị tỉnh
Đồng Nai đến năm 2030 thực hiện nâng cấp các đô thị trên địa bàn tỉnh theo lộ
trình phù hợp; gắn phát triển công nghiệp với đô thị; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng
bộ gắn xây dựng nông thôn mới với định hướng phát triển đô
thị. Nâng cao năng lực quản lý đô thị trong tình hình mới.
- Nhanh chóng xây dựng
triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Đồng Nai đến năm
2020, tầm nhìn 2025. Quy hoạch này nhằm thúc đẩy phát triển các loại thị trường,
đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình thị trường hàng hóa, dịch vụ, củng cố
các thị trường đã phát triển như thị trường tài chính, ngân hàng, bảo hiểm;
thúc đẩy các thị trường mới hình thành; tạo điều kiện để hàng hóa của các loại
thị trường ra đời, phát triển ngày càng phong phú, đa dạng; nâng cao chất lượng
thị trường dịch vụ trên cơ sở đẩy mạnh thương mại nội địa, hoạt động du lịch,
xuất khẩu hàng hóa, thực hiện xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển
các loại hình thị trường và tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường.
-
Hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch
các khu công nghiệp tập trung theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quy mô
vốn, hàm lượng công nghệ, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước, thu hút lao động
chất lượng cao; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển khu vực làng nghề, doanh
nghiệp vừa và nhỏ.
Tăng cường công tác quản lý sau khi quy hoạch
được phê duyệt, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án theo
quy hoạch; lấy quy hoạch làm căn cứ xem xét thẩm định các dự án. Những trường hợp
lấn chiếm đất đai, để đất bỏ hoang, ảnh
hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án theo quy hoạch cần được xử lý triệt
để.
3.2.3. Điều chỉnh cơ cấu ngành.
Ngành
kinh tế động lực:
Trong những năm qua, ngành công nghiệp -
xây dựng và dịch vụ là 2 ngành có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng và chuyển
dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó ngành công nghiệp - xây dựng đóng góp tới
trên 70% (chủ yếu là ngành công nghiệp) vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy
căn cứ theo khả năng, lợi thế so sánh và sự đóng góp của chúng cho tăng trưởng
kinh tế, hiện tại và lâu dài thì ngành
công nghiệp và ngành dịch vụ được đánh giá là ngành động lực của tỉnh, trong đó
ngành công nghiệp đóng vai trò là ngành động lực số một.
- Ngành công nghiệp:
Để thực hiện phát triển công nghiệp bền vững với tốc độ cao
làm động lực phát triển kinh tế của tỉnh, cần tập trung phát triển các ngành
công nghiệp mũi nhọn theo hướng công nghệ sạch, công nghệ cao. Hạn chế các
ngành công nghiệp gia công, lắp ráp, các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bởi vậy, tỉnh cần tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án công
nghiệp lớn với hàm lượng kỹ thuật cao và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, cần có các chính sách phát triển và khuyến khích phù hợp để thu hút
được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh
và phát triển làng nghề. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục
vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho các sản
phẩm công nghiệp.
- Ngành dịch vụ:
Trong những năm qua, đóng góp của ngành này vào tăng trưởng của tỉnh quá khiêm
tốn. Tuy nhiên trong 2 năm gần đây hiệu quả đã có sự chuyển biến nhưng chưa nhiều.
Để nâng cao hiệu quả cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao bao
gồm lĩnh vực thương mại, giáo dục, y tế, du lịch, bưu chính viễn thông, tài
chánh ngân hàng.
Ngành
sản phẩm mũi nhọn của tỉnh
Ngành sản phẩm múi nhọn của tỉnh được lựa
chọn là những ngành sản phẩm có các lợi thế so sánh và các lợi thế này có khả
năng chuyển thành lợi thế cạnh tranh. Đó là ngành có lợi thế về nguồn lực, có
thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, có khả năng tạo đà cho việc áp dụng khoa
học công nghệ hiện tại và tương lai, là ngành động lực dẫn dắt các ngành khác
phát triển. Mặt khác, ngành sản phẩm mũi nhọn phải phù hợp với định hướng phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngành
công nghiệp:
-
Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp
điện tử: Công nghiệp điện tử là một trong những ngành có tiềm năng phát triển.
Lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử có sự gia tăng nhanh chóng và chiếm vai trò
chủ đạo trong nền công nghiệp của Đồng Nai. Theo quy hoạch phát triển các
ngành công nghiệp của tỉnh, Đồng Nai sẽ liên kết với TP.HM trở thành trung
tâm công nghiệp điện tử lớn của cả nước. Để hướng tới các mục tiêu này, tỉnh cần
ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử phục vụ nhu cầu của thị
trường trong nước và xuất khẩu, hướng tới các sản phẩm chủ lực như: điện thoại
di động, máy tính bảng, máy chủ (server), các sản phẩm điện tử gia dụng cao cấp...
-
Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ từ đó tạo
điều kiện cho công nghiệp chủ lực phát triển. Chú trọng vào lĩnh vực công nghiệp
hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho mạng
lưới sản xuất hiện có của các tập đoàn đa quốc gia đã có mặt
tại Đồng Nai.
-
Chú trọng đầu tư phát triển các ngành công
nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhất là nguyên liệu từ nông lâm nghiệp
nhằm hỗ trợ cho công - nông nghiệp cùng phát triển.
Phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện
có theo chiều sâu và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động theo hướng lấp đầy
diện tích đất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu bên trong thông qua thu hút, lựa
chọn các doanh nghiệp có công nghệ cao, thân thiện môi trường, công nghiệp hỗ
trợ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Phát
triển các khu, cụm công nghiệp phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường trong và
ngoài KCN, chăm lo điều kiện làm việc, đời sống và nhà ở cho người lao động;
giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp
khu công nghiệp.
Đối
với ngành dịch vụ
Để phát triển ngành dịch vụ, gia tăng phần
đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng GDP của tỉnh, cần tập trung đầu tư
phát triển dịch vụ theo hướng chất lượng cao vào một số ngành có có nhiều lợi
thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao::
- Phát triển ngành thương mại nội địa theo
văn minh, hiện đại với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, với sự đa dạng của
các hình thức phân phối và phương thức kinh doanh cụ thể: phát triển hệ thống
thương mại bán buôn, bán lẻ, chợ đầu mối, thương mại điện tử, đồng thời từng bước
áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng
hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng hiện đại văn minh.
-
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ đi
đôi với việc ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ tài chánh ngân hàng, bưu chính
viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ khoa học
công nghệ...
-
Lĩnh vực xuất khẩu: Tăng cường sản xuất và
nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu, nhất là những mặt hàng xuất khẩu có
lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nâng dần tỷ trọng các sản phẩm
xuất khẩu qua chế biến, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, gắn với các loại
hình dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như dịch vụ logistic, dịch vụ tài chính, ngân
hàng. Hình thành các chuỗi mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, viễn
thông... để khai thác và tận dụng các quan hệ liên kết trên địa bàn tỉnh với thị
trường các nước.
- Ngành
du lịch: Tỉnh có lợi thế phát triển du lịch, là nơi chứa đựng nhiều nét văn
hoá đặc sắc, đây là những giá trị nền tảng cho du lịch Đồng Nai phát triển.
Tuy nhiên, trong những năm qua quy mô phát triển du lịch còn rất thấp. Để khai
thác được những lợi thế đó, cần tăng cường phát triển du lịch, coi nó là ngành
chủ lực góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, đưa Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hoá lớn của cả
vùng. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch, tăng
cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch chất lượng cao, thực hiện
liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch.
Ngành nông, lâm nghiệp thủy sản
Nông nghiệp là ngành kinh tế giữ vị trí
quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của nhân dân, cung cấp nguyên liệu
cho các ngành công nghiệp chế biến của tỉnh; tạo điều kiện để cung cấp lao động và thị trường cho công nghiệp và dịch vụ. Với lợi
thế về các nguồn tiềm năng phát triển nông nghiệp, trong thời gian tới tỉnh cần
điều chỉnh tăng thêm quy mô đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Để thực hiện điều
đó, tỉnh cần thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
(xoá bỏ tình trạng đầu tư trong nông nghiệp chủ yếu chỉ từ nguồn vốn ngân sách
nhà nước. Cụ thể cần tập trung đầu tư vào những nội dung sau:
- Phát
triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với nhu cầu của thị trường TP.HCM và các tỉnh
trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; chăm sóc, nuôi trồng để tạo ra các thực
phẩm sạch cung cấp cho cư dân thành phố và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, dần dần
thay thế các sản phẩm nhập khẩu đang được tiêu thụ trên thị trường thành phố.
Tăng cường nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tạo
ra các sản phẩm chiến lược, quyết định đến sự phát triển nông nghiệp của tỉnh
như vùng lúa chất lượng cao, vùng thâm canh rau sạch, trang trại thực phẩm sạch
cung cấp cho đô thị và khu công nghiệp... Đặc biệt chú ý lựa chọn và sản xuất bộ
giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương và cho năng suất cao.
-
Xây dựng nền nông nghiệp theo quan điểm
sinh thái và phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường nông nghiệp xanh: tạo
môi trường xanh, công viên, vùng cây của gia đình, trong các khu đô thị mới,
trong các khu công nghiệp, hành lang kinh tế dọc các tuyến giao thông lớn, tạo
cảnh đẹp gắn với các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch văn hoá trên địa
bàn tỉnh nhằm thu hút khách du lịch và
trong vùng.
- Chuyển
dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với hệ sinh thái
trên những vùng địa hình khác nhau, phòng tránh thiên tai, tạo ra nhiều sản phẩm
hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tăng tỷ trọng giá
trị sản phẩm chăn nuôi và dịch vụ trong nông nghiệp - nông thôn.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng
cho khu vực nông thôn, đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống thuỷ lợi và cung cấp
nước sạch, giao thông nông thôn, điện. Tạo thêm việc làm ở khu vực phi nông
nghiệp, bổ sung các ngành nghề phi nông nghiệp vào nông thôn để đẩy nhanh quá
trình đô thị hóa tại khu vực nông thôn và hiện đại hóa cư dân nông thôn, hình
thành hệ thống đô thị vệ tinh, thị trấn trên địa bàn tỉnh
3.2.4.
Phát triển các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến phát triển bền vững về kinh
tế
-
Giáo dục đào tạo
Giáo dục và đào tạo là nội dung quan trọng
để tăng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,nhằm đáp ứng nhu cầu phát
triển bền vững về kinh tế trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo duy trì năng lực cạnh
tranh của tỉnh mình, Đồng Nai tập trung phát triển hoạt động giáo dục và
đào tạo. Trước hết là thông qua xã hội hoá đầu tư cho giáo dục và đào tạo để
tăng quy mô vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, cần xây dựng định hướng và
cơ cấu phân bổ vốn đầu tư hợp lý cho giáo dục và đào tạo, chú trọng đến chất lượng
và hiệu quả của đầu tư, cụ thể:
-
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách
và công cụ khuyến khích thúc đẩy đầu tư cho giáo dục đào tạo. Thực hiện chế độ
ưu đãi về sử dụng đất đai, giảm tiền thuê đất; vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng
các cơ sở phát triển nhân lực... Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động mọi
nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất
cho giáo dục thông qua việc đầu tư kiên cố hoá trường học, xây dựng trường điểm,
trường chuẩn quốc gia các cầp. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
nhà trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đầu tư nâng cao trình độ
chuyên môn cho đội ngũ giáo viên để đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.
-
Đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo trong
các trường dạy nghề công lập, đưa các chương trình dạy nghề gắn sát nhu cầu thực
tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đặc biệt các doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Gắn việc phát triển các trường cao đẳng, đại học,
cơ sở đào tạo với phát triển nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp, khu chế
xuất trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng tại chỗ để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến
trong sản xuất, đồng thời phù hợp với đường lối, chính sách, luật pháp về phát
triển xã hội và phát triển doanh nghiệp. Cần có sự liên kết, hợp tác đào tạo
nghề giữa nhà đầu tư với các trường, trung tâm dạy nghề, hỗ trợ các nhà đầu tư
tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đội ngũ lao động trực tiếp
và lao động gián tiếp cả về kiến thức ngoại ngữ, chuyên môn và đạo đức nghề
nghiệp. Phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn, hệ thống khuyến nông,
chuyển giao kỹ thuật, kiến thức kinh tế và kiến thức về thị trường cho người
lao động tại chỗ. Tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý các doanh nghiệp
nông nghiệp, sắp xếp lại và nâng cao trình độ cán bộ quản lý Nhà nước.
-
Khoa học công nghệ
Để khoa học công nghệ trở thành động lực của
phát triển bền vững về kinh tế thì trong thời gian tới Đồng Nai cần phải
tiến hành đồng bộ các biện pháp sau:
-
Xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên
ngành, các trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, nâng cao khả năng tiếp
thu và ứng dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít hao tốn
nguyên, nhiên vật liệu. Nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, trung tâm vật liệu mới,
giống cây trồng, vật nuôi, các trại sản xuất... gắn nghiên cứu với từng bước
xây dựng các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
-
Xây dựng thí điểm các khu công nghiệp,
nông nghiệp công nghệ cao dựa vào công nghệ sinh học và công nghệ thông tin.
Sau đó, nếu thành công sẽ nhân rộng để tạo bước chuyển biến đột phá trong sản
xuất theo hướng kinh tế tri thức.
-
Có các biện pháp gắn phát triển khoa học
và công nghệ với sản xuất; ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học - kỹ thuật
và tin học vào sản xuất. Tăng cường quan hệ trực tiếp giữa các cơ quan nghiên cứu
khoa học- công nghệ với các doanh nghiệp trong tỉnh thông qua hợp đồng nghiên cứu
- triển khai. Các cơ quan nghiên cứu cần đầu tư cho công tác tiếp thị, quảng bá
sản phẩm của mình, còn doanh nghiệp thì công khai đơn đặt hàng đối với các cơ
quan nghiên cứu.
- Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan nghiên
cứu, các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, đặc
biệt ở TP.HCM để tranh thủ, tiếp thu các thành tựu mới về khoa học công nghệ. Đồng
thời chủ động đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, các biện pháp kỹ
thuật mới; tăng cường công tác khảo nghiệm để xác định và bổ sung các giống cây
trồng, vật nuôi vào cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng
hàng hóa, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời
chủ động tiếp cận và ứng dụng các giống biến đổi gen vào sản xuất khi được các
cơ quan quản lý cho phép.
- Có chính sách ưu đãi và khuyến khích cho
các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch vào sản xuất để nâng cao
giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường.
3.2.5. Tăng cường liên kết,
hợp tác với các địa phương lân cận và cả nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển
bền vững
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền
vững về kinh tế nói riêng và phát triển bền vững nói chung, cần phải có sự
phối kết hợp giữa tất cả các địa phương trong cả nước. Mỗi địa phương phải trở
thành một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển bền vững quốc gia.
Đặc biệt, là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao
thông thuận lợi kết nối với TP.HCM, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
(trong thời gian tới sẽ là địa phương có sân bay quốc tế Long Thành),
các cảng biển quan trọng của vùng, nằm trên các trục hành lang kinh tế quan
trọng, Đồng Nai có một lợi thế vô cùng to lớn trong hợp tác phát triển kinh tế
với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam và cả nước, góp phần đẩy mạnh hoạt
động công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh phát triển trong những năm tới.
Do vậy, tỉnh cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận, nhất
là TP.HCM trên các lĩnh vực kinh tế cơ bản như:
- Đối với công nghiệp - xây dựng: Thực hiện
phối hợp trong việc tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm, hàng hoá, đặc
biệt là đối với công nghiệp phụ trợ trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất
linh kiện, thiết bị điện tử... là những lĩnh vực mà Đồng Nai đang có thế mạnh.
Phối hợp cung ứng nguyên, vật liệu cho quá trình sản xuất công nghiệp, khai
thác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện liên kết xây dựng các
trung tâm giới thiệu sản phẩm thủ - công nghiệp của Đồng Nai và một số địa
phương lân cận tại TP.HCM nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm công nghiệp tại địa
phương.
- Đối với nông lâm ngư
nghiệp: trong các địa phương lân cận thì TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn các
sản phẩm nông lâm ngư nghiệp của Đồng Nai. Đây là thị trường có quy mô lớn,
ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm sạch,
thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏa. Đồng Nai có thể cùng với
TP.HCM xây dựng các trung tâm thương mại lớn nhằm tiêu thụ các mặt hàng nông sản
tại TP.HCM. Đồng thời liên kết với các trung tâm nghiên cứu tại TP.HCM trong
các hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới,
hỗ trợ đào tạo nhân lực và trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh tế. Hỗ trợ nông
dân tiếp cận thị trường, tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng dựa trên các sản
phẩm nông lâm thuỷ sản thông qua các hình thức hợp tác và liên kết giữa sản xuất
với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của
nông dân.
-
Đối với lĩnh vực thương mại: Đồng Nai nằm
ở vị trí kết nối với mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng tạo điều kiện cho Đồng Nai
giao lưu thuận lợi trong vùng và kết nối với các vùng khác. Đây là điều kiện để
Đồng Nai trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa, một đầu mối giao thông quan
trọng của vùng. Theo Quy hoạch xây dựng vùng thì Đồng Nai nên phối hợp với Bà
Rịa - Vũng Tàu để trở thành trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ
trung chuyển logistic của vùng. Để thúc đẩy hoạt động lưu thông, trao đổi hàng
hoá, Đồng Nai cần cùng các địa phương khác phối hợp chia sẻ thông tin về thị
trường, sản phẩm mới, hỗ trợ mở văn phòng đại diện, tổ chức triển lãm và xây dựng
các trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm cho nhau.
-
Trong lĩnh vực du lịch: Đồng Nai được xếp
vào phạm vi ảnh hưởng của Trung tâm du lịch TP.HCM và được coi là một điểm du lịch
vệ tinh của TP.HCM. Đồng Nai có một vị trí khá quan trọng trong vùng du lịch
vùng và cả nước. Do đó, trong lĩnh vực du lịch có thể phối hợp tổ chức các
tour du lịch liên tỉnh giữa Đồng Nai và TP.HCM cũng như các địa phương khác.
- Trong lĩnh vực đào tạo: Với lợi thế gần
TP.HCM - trung tâm kinh tế- văn hoá- giáo dục của cả nước, Đồng Nai cần tăng
cường hợp tác với TP.HCM trong công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo
nghề, đào tạo nhân lực có chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ
khoa học công nghệ. Thông qua các hợp đồng đào tạo hay đào tạo theo đơn đặt
hàng, TP.HCM có thể hỗ trợ Đồng Nai cũng như các địa phương khác trong công
tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế trong
xu hướng mới./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định
số 734/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Hà Nội ngày 27/5/2015.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Chiến lược
phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020.
3.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai
Khóa IX
4.
Albert O. Hirshman (1986), Rival views of market
society and other recent essays, New York:
Viking.
5.
Bộ
Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021 (2006), Phát triển bền vững ở
Việt Nam (Sổ tay tuyên truyền), Hà Nội.
6.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam, thực trạng và khuyến
nghị, Hà Nội.
7.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Đại cương về phát triển bền vững, Hà Nội
8.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Phát triển bền vững - Kỷ yếu hội nghị toàn quốc lần thứ nhất,
Hà Nội.
9.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Phân tích những tác động của chính sách đô thị hoá đối với
phát triển bền vững ở Việt Nam, Hà Nội
10.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Ảnh hưởng của chính sách nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ
sản tới phát triển bền vững ở Việt Nam, Hà Nội.
11.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Đánh giá chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài
trên quan điểm phát triển bền vững ở Việt Nam, Hà Nội.
12.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Chính sách công nghiệp theo định hướng phát triển bền vững ở
Việt Nam, Hà Nội.
13.
Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự án VIE/01/021
(2006), Nghiên cứu tổng kết một số mô hình phát triển bền vững ở Việt
Nam, Hà Nội.
14.
Bùi Tất Thắng (2006), Chuyển dịch cơ
cấu ngành kinh tế Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.
15.
Holger Rogal (2011), Kinh tế học
bền vững - lý thuyết kinh tế và thực tế của phát triển bền vững,
NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ.
16.
Hà Huy Thành, Nguyễn Ngọc Khánh (2009), Phát
triển bền vững từ quan niệm đến hành động, NXB Khoa học xã hội
Hà Nội.
17.
Hoàng Đức Thân và Đinh Quang Ty (2010), Tăng
trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta, Sách chuyên khảo, Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà nội
18.
Jean- Yves Martin (2007), Phát triển
bền vững - Học thuyết và thực tiễn đánh giá, NXB Thế giới.
19.
Ngân hàng Thế giới (2003), Phát triển bền
vững trong một thế giới năng động: thay đổi thể chế, tăng trưởng
và chất lượng cuộc sống, NXB Chính trị quốc gia.
CÁC NHÂN TỐ
ẢNH HƯỞNG ĐẾN LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN VÙNG TÂY NAM BỘ HIỆN NAY TỪ QUAN
ĐIỂM CỦA CÁC CHỦ THỂ LIÊN KẾT
PGS.TS.
Lê Thanh Sang và ThS. Nguyễn Ngọc Toại
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Bài
viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến liên kết phát triển vùng Tây Nam Bộ
và các đặc điểm của chủ thể liên kết trong mối tương quan với các nhân tố trên.
Mô hình phân tích nhân tố đối với quan điểm của các chủ thể liên kết rút ra 5
nhân tố chính của liên kết phát triển vùng là (1) phương thức liên kết, (2) cơ
chế - chính sách, (3) lòng tin lẫn nhau, (4) tính tương đồng trong cơ cấu kinh
tế, và (5) óc bảo thủ - cục bộ. Phân tích phương sai và phân tích phân loại cho
thấy có những khác biệt quan điểm đáng kể giữa các nhóm chủ thể, nhưng các nhân
tố (1), (3), (5) nhận được đồng thuận nhiều hơn. Những người là cán bộ các cơ
quan, tổ chức và những người học vấn cao có quan điểm phê phán các rào cản về
cơ chế - chính sách liên kết vùng hiện nay.
Bài
viết là một phần kết quả nghiên cứu của Dự án ‘Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ’
được khảo sát tại 5 tỉnh/thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, và
Trà Vinh năm 2013. Các chủ thể liên kết được phỏng vấn bao gồm các nhóm (1)
lãnh đạo doanh nghiệp, (2) lãnh đạo sở, ban, ngành, cơ quan khoa học, hiệp hội,
(3) hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp,và (4) hộ sản xuất nông nghiệp. Dựa
trên kết quả trả lời đối với các câu hỏi - mệnh
đề về liên kết phát triển vùng của 533 chủ thể liên kết hoạt động trên nhiều
lĩnh vực khác nhau, bài viết cung cấp một phân tích thực nghiệm về các nhân tố ảnh
hưởng đến liên kết phát triển vùng Tây Nam Bộ (TNB) hiện nay và đặc điểm của chủ
thể liên kết trong mối tương quan với các nhân tố trên, sử dụng các phân tích nhân tố (factor analysis), phân tích phương sai
(ANOVA) và phân tích phân loại (cluster analysis)[129].
1. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LIÊN KẾT
PHÁT TRIỂN TỪ MÔ HÌNH PHÂN TÍCH NHÂN TỐ[130]
Phân tích nhân tố là phương pháp cho phép rút gọn các
tương quan giữa một số lớn các biến được quan sát hay đo lường thành một số nhỏ
hơn các biến không tương quan với nhau (các nhân tố), mà các nhân tố này phản ảnh
các mối quan hệ cơ bản ẩn bên dưới các biến được quan sát hay đo lường trên. Khả
năng “thu nhỏ và tóm tắt dữ liệu” của phương pháp này, do vậy, có thể cung cấp
một cách giải thích khá toàn diện tổng số biến thiên được đóng góp bởi một số
nhân tố cơ bản nhất.
Để tìm hiểu quan điểm của các chủ thể liên kết, chúng tôi nêu ra 17 câu
hỏi - mệnh đề về nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến liên kết phát triển
vùng TNB với 3 lựa chọn: (1) Không đồng ý, (2) Không ý kiến, (3) Đồng ý. Kết
quả ở Bảng 1 cho thấy những đánh giá khác nhau của người trả lời đối với các
câu hỏi - mệnh đề này.
Bảng 1. Đánh giá của các chủ thể
liên kết về các vấn đề liên kết phát triển vùng
TT |
Nội dung
câu hỏi - mệnh đề |
Không đồng
ý |
Không ý
kiến |
Đồng ý |
c1 |
Tâm lý người dân thích làm ăn cá thể hơn là cùng hợp tác |
22,1% |
19,7% |
58,2% |
c2 |
Trong làm ăn hiện nay, người ta ít giữ chữ tín với nhau |
32,6% |
30,2% |
37,1% |
c3 |
Người ta ít hợp tác với nhau là vì thiếu tin tưởng lẫn
nhau |
16,9% |
26,1% |
57,0% |
c4 |
Hợp tác làm ăn với người trong họ hàng được ưu tiên hơn so
với người ngoài |
21,6% |
25,1% |
53,3% |
c5 |
Hợp tác làm ăn với người cùng quê thường được ưu tiên hơn
so với người ngoài |
21,6% |
30,2% |
48,2% |
c6 |
Để thúc đẩy liên kết cần từng bước xoá bỏ qui mô sản xuất
nhỏ, phân tán trong nông nghiệp hiện nay |
61,9% |
29,1% |
9,0% |
c7 |
Liên kết theo chiều dọc (nông dân - thương lái - doanh
nghiệp) quan trọng hơn là theo chiều ngang (nông dân - nông dân) |
63,8% |
27,0% |
9,2% |
c8 |
Đầu tư mạng lưới giao thông vận tải cấp cơ sở (xã/huyện)
sẽ thúc đẩy liên kết nhiều hơn là cấp cao hơn (tỉnh/vùng) |
60,6% |
27,8% |
11,6% |
c9 |
Giá cả nông sản thường bị tư thương ép giá nhưng không có
tư thương thì nông dân không biết bán sản phẩm cho ai |
16,3% |
13,7% |
70,0% |
c10 |
Để thúc đẩy liên kết cần phải xây dựng tầng lớp doanh nhân
trong sản xuất nông nghiệp |
63,0% |
32,5% |
4,5% |
c11 |
Khó liên kết vùng vì cơ cấu kinh tế của các địa phương
không có sự chuyên môn hoá |
9,4% |
39,0% |
51,6% |
c12 |
Thiếu liên kết vì không có nhạc trưởng chi huy cấp vùng |
7,1% |
38,1% |
54,8% |
c13 |
Chính sách trợ cấp mua lúa tạm trữ hiện nay giúp doanh
nghiệp hưởng lợi nhiều hơn là nông dân |
8,3% |
40,5% |
51,2% |
c14 |
Khó liên kết vùng vì cơ cấu kinh tế của các địa phương khá
giống nhau, không có sự chuyên môn hoá |
11,3% |
43,9% |
44,8% |
c15 |
Chính sách xuất khẩu gạo hiện nay không khuyến khích các
doanh nghiệp liên kết với nông dân |
9,0% |
53,3% |
37,7% |
c16 |
Chính sách đầu tư của các địa phương còn dàn trải, chưa sử
dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng của liên kết vùng |
5,8% |
33,8% |
60,4% |
c17 |
Chiến lược phát triển của các tỉnh hiện nay chưa dựa trên
cách tiếp cận vùng, mà dựa trên các nguồn lực và nhu cầu tự thân của tỉnh nên
chưa đáp ứng yêu cầu liên kết vùng |
4,9% |
42,6% |
52,5% |
Nguồn: Lê Thanh Sang, 2015, Đề tài “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát
triển bền vững vùng TNB”
Mặc dù có một số ý kiến ngược chiều,
có thể thấy nhiều quan điểm thể hiện rõ hơn xu hướng “rào cản” đối với liên kết
phát triển vùng như: “Tâm lý người dân thích làm ăn cá thể hơn là cùng hợp tác”
(58,2% đồng ý). “Người ta ít hợp tác với nhau vì thiếu tin tưởng lẫn nhau”
(57% đồng ý). Thậm chí, dù biết “bị tư thương ép giá nhưng nếu không có tư thương
thì nông dân không biết bán sản phẩm cho ai”
(70% đồng ý). Nhiều chính sách cũng chưa có tác dụng tích cực đối với việc thúc
đẩy liên kết vùng, chẳng hạn “Chính sách đầu tư của các địa phương còn dàn trải,
chưa sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng của liên kết vùng”
(60,4% đồng ý); “Thiếu liên kết vì không có nhạc trưởng chỉ huy cấp vùng”
(54,8% đồng ý); “Chiến lược phát triển của các tỉnh hiện nay chưa dựa trên cách tiếp cận
vùng, mà dựa trên các nguồn lực và nhu cầu tự thân của tỉnh nên chưa đáp ứng
yêu cầu liên kết vùng” (52,5% đồng ý). Một số nhận định
còn phản ảnh rõ hơn các quan điểm “bảo thủ”, các thực hành “dựa trên quán
tính”, khó tạo ra đột phá trong liên kết phát triển. Chẳng hạn, có đến 61,9% số
người được hỏi không đồng ý với mệnh đề “Để thúc đẩy liên kết cần từng
bước xoá bỏ qui mô sản xuất nhỏ, phân tán trong nông nghiệp hiện nay”
trong khi chỉ 9% đồng ý. Tương tự, có đến 63% số người được hỏi không đồng ý
với mệnh đề “Để thúc đẩy liên kết cần phải xây dựng tầng lớp doanh nhân trong sản
xuất nông nghiệp” trong khi chỉ 4,5% đồng ý.
Nguồn lực của các chủ thể đóng vai
trò quan trọng trong việc tạo ra nhu cầu và khả năng liên kết. Trong khi đó, dù
là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá trọng điểm và có nhiều ưu thế hơn hẳn so
với các vùng còn lại trong cả nước, sản xuất nông nghiệp ở TNB về cơ bản vẫn
dựa trên hàng triệu nông hộ nhỏ và gần như vắng mặt các doanh nghiệp. Không có
quá trình tích hợp các nông hộ nhỏ đến một qui mô hợp lý và sự thâm nhập của
các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp thì không thể tạo ra một sự thay đổi
về chất, có tính đột phá đối với các liên kết phát triển bền vững vùng trong
lĩnh vực nông nghiệp. Rào cản đầu tiên cần phải vượt qua chính là rào cản về
quan điểm phát triển của các chủ thể liên kết.
Để tìm hiểu sâu hơn mối quan hệ ẩn
bên dưới các vấn đề nêu trên, chúng tôi sử dụng mô hình phân tích nhân tố. Kết
quả ở Bảng 2 cho thấy, có thể rút gọn 17 biến thành phần còn 5 nhân tố chính và
5 nhân tố này giải thích được 52,7% tổng phương sai của các biến thành phần nêu
trên; sau khi hiệu chỉnh, các nhân tố này có năng lực giải thích khá tương
đương, từ 9,04% đến 12,35% trong tổng phương sai.
Bảng 2. Tổng phương sai được giải thích từ các nhân tố trước và sau hiệu chỉnh
Nhân tố |
Sau khi trích xuất (extraction) |
Sau khi hiệu chỉnh (rotation) |
||||
Tổng số |
% của phương sai |
% tích lũy phương sai |
Tổng số |
% của phương sai |
% tích lũy phương sai |
|
1 |
4,14 |
22,99 |
22,99 |
2,22 |
12,35 |
12,35 |
2 |
1,61 |
8,94 |
31,92 |
2,10 |
11,69 |
24,03 |
3 |
1,36 |
7,56 |
39,49 |
1,77 |
9,84 |
33,88 |
4 |
1,25 |
6,94 |
46,42 |
1,76 |
9,80 |
43,68 |
5 |
1,13 |
6,29 |
52,72 |
1,63 |
9,04 |
52,72 |
Tiếp
đến, chúng tôi phân tích mối tương quan giữa các nhân tố và các biến thành phần.
Ma trận các hệ số tải nhân tố được hiệu chỉnh (rotated factor loadings) ở Bảng 3 biểu hiện cường độ tương quan giữa 5
nhân tố với 17 biến thành phần[131] được chọn, trong đó những hệ số có
giá trị tương đối lớn, phản ảnh các tương quan mạnh tương ứng được in đậm.
Nhân
tố thứ nhất có hệ số tương quan khá mạnh và âm với các mệnh đề c10, c7, c8 và
c6 nhưng dương với mệnh đề c9. Các mệnh đề này phản ảnh những quan tâm về môi
trường vật chất của liên kết, qui mô sản xuất, chủ thể liên kết, và hình thức
liên kết. Có thể mô tả tóm tắt tính chất của nhân tố này là phương thức liên kết.
Nhân
tố thứ hai có hệ số tương quan khá mạnh và dương với các mệnh đề c13, c15, c17
và c12. Căn cứ vào nội dung của của những mệnh đề này, có thể xem đây là nhân tố
liên quan đến cơ chế - chính sách
trong liên kết phát triển vùng.
Nhân
tố thứ ba có hệ số tương quan khá mạnh và dương với các mệnh đề c2, c3 và c1
theo hướng tập trung vào các yếu tố tâm lý - sự tin cậy lẫn nhau giữa các chủ
thể. Do vậy, chúng tôi gọi nhân tố này là sự
tin cậy hay lòng tin trong liên kết.
Nhân
tố thứ tư có hệ số tương quan mạnh và dương với hai mệnh đề c11 và c14 theo hướng
giải thích lý do khó liên kết vùng vì cơ cấu kinh
tế của các địa phương khá giống nhau, thiếu sự chuyên môn hoá. Có thể đặt tên
cho nhân tố này là tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng.
Cuối
cùng, nhân tố thứ năm có hệ số tương quan rất mạnh và dương với các mệnh đề c4
và c5. Nhân tố này phản ảnh cách nghĩ thông thường của người nông dân trong nền
sản xuất tiểu nông truyền thống. Có thể gọi đây là óc bảo thủ - cục bộ trong liên kết.
Bảng 3. Ma trận các hệ số tải nhân tố đã hiệu
chỉnh của các biến thành phần
c10 |
c7 |
c8 |
c9 |
c6 |
c13 |
c15 |
c17 |
c12 |
c2 |
c3 |
c1 |
c11 |
c14 |
c4 |
c5 |
c16 |
|
NT1 |
-0.6 |
-0.6 |
-0.5 |
0.5 |
-0.5 |
0.1 |
0.03 |
0.41 |
0.22 |
-0.1 |
0.08 |
0.21 |
0.16 |
0.09 |
0.12 |
0.1 |
0.44 |
NT2 |
-0.2 |
0.17 |
0.09 |
0.2 |
-0.3 |
0.8 |
0.7 |
0.5 |
0.5 |
0.08 |
0.24 |
-0.3 |
0.1 |
0.3 |
0.02 |
0.16 |
0.37 |
NT3 |
-0.1 |
0.05 |
-0.1 |
0.11 |
0.17 |
0.02 |
0.09 |
0.06 |
0.14 |
0.8 |
0.8 |
0.5 |
0.02 |
0.08 |
0.11 |
0.11 |
0.21 |
NT4 |
0.09 |
-0.3 |
-0.2 |
0.05 |
-0.1 |
0.04 |
0.16 |
0.21 |
0.41 |
0.02 |
0.06 |
0.18 |
0.9 |
0.7 |
0.05 |
0.09 |
0.2 |
NT5 |
-0.1 |
-0.1 |
-0.1 |
-0.0 |
-0.2 |
0.09 |
0.15 |
0.04 |
-0.2 |
0.05 |
0.03 |
0.15 |
0.05 |
0.16 |
0.9 |
0.8 |
-0.0 |
Nguồn:
Lê Thanh Sang. 2015. Dự án “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát triển bền
vững vùng TNB”
Như vậy, thông qua mô hình phân tích nhân tố dựa trên
các biến thành phần, có thể rút ra 5 nhân tố chính ẩn bên dưới các vấn đề của
liên kết phát triển vùng TNB như sau: Các nhân tố về (1) phương thức liên kết, (2) cơ
chế - chính sách, (3) lòng tin lẫn
nhau, (4) tính tương đồng trong cơ cấu
kinh tế, và (5) óc bảo thủ - cục bộ trong
liên kết. Tuy nhiên, các kết quả phân tích nhân tố chưa chỉ ra những chủ thể
liên kết với các đặc điểm khác nhau phản ảnh những quan điểm khác nhau như thế
nào đối với các nhân tố liên kết vùng nêu trên. Hay nói cách khác, các chủ thể
nông dân, doanh nghiệp, hay cán bộ có chức năng quản lý, hỗ trợ có thể hiện mức
độ quan tâm và xu hướng khác nhau đối với các nhân tố trên của liên kết phát
triển vùng không? Sự quan tâm và xu hướng này có thể gắn với các hành vi cản trở
hay thúc đẩy liên kết và do vậy trở thành các chủ điểm của tác động chính sách.
Phần phân tích phương sai và phân tích phân loại tiếp theo sẽ cố gắng làm rõ
hơn các vấn đề nêu trên.
Chúng tôi bắt đầu phân tích tương quan giữa các đặc điểm
của chủ thể liên kết với các nhân tố liên kết bằng kiểm định phương sai[132].
Các biến độc lập phản ảnh đặc điểm của chủ thể liên kết gồm: loại chủ thể
(doanh nghiệp, cơ quan - tổ chức, hộ phi nông nghiệp và hộ nông nghiệp), trình
độ học vấn, và lĩnh vực hoạt động (đối với các doanh nghiệp).
Kết quả kiểm định phương sai cho thấy, các loại chủ thể
liên kết khác nhau có các quan điểm khác nhau (p<0,05) ở 4 trong 5 nhân tố,
từ nhân tố thứ nhất tới nhân tố thứ tư; những người có trình độ học vấn khác
nhau có quan điểm khác nhau ở nhân tố thứ hai và nhân tố thứ tư; những doanh
nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có quan điểm khác nhau ở nhân tố
thứ nhất và thứ tư (phần bôi đậm ở Bảng 4).
Bảng
4. Kết quả kiểm định phương sai về tương quan của các nhóm chủ thể liên kết đối
với các nhân tố của liên kết phát triển vùng
|
Nhân tố 1 |
Nhân tố 2 |
Nhân tố 3 |
Nhân tố 4 |
Nhân tố 5 |
1. Loại chủ thể liên kết |
0,00 |
0,00 |
0,01 |
0,00 |
0,14 |
2. Trình độ học vấn |
0,60 |
0,00 |
0,08 |
0,05 |
0,06 |
3. Lĩnh vực hoạt động (đối với DN) |
0,03 |
0,24 |
0,90 |
0,03 |
0,31 |
Nguồn: Lê Thanh Sang. 2015. Dự án “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát
triển bền vững vùng TNB”
Sau khi xác định được các nhân tố có sự khác biệt theo
từng đặc điểm của các chủ thể liên kết, phương pháp hậu kiểm định so sánh nhiều
trung bình (Post Hoc Multiple Comparisons) được áp dụng đối với các đối tượng
này nhằm xác định xem sự khác biệt cụ thể xảy ra ở đâu.
Bảng
5. Kiểm định khác biệt các trị trung bình giữa các nhóm chủ thể liên kết chia
theo các nhân tố
Biến độc lập |
Nhân tố |
Chủ thể A |
Chủ thể B |
Trung bình khác biệt (A-B) |
Mức ý nghĩa |
|
1.
Loại chủ thể liên kết |
Nhân tố 1 |
DN |
Cơ quan |
-0,46 |
0,000 |
|
Hộ nông nghiệp |
-0,44 |
0,000 |
||||
Nhân tố 2 |
Cơ quan |
DN |
0,62 |
0,000 |
||
Hộ phi nông nghiệp |
0,88 |
0,000 |
||||
Hộ nông nghiệp |
0,37 |
0,040 |
||||
Nhân tố 3 |
DN |
Hộ nông nghiệp |
-0,37 |
0,010 |
||
Nhân tố 4 |
Cơ quan |
DN |
-0,40 |
0,010 |
||
Hộ nông nghiệp |
-0,55 |
0,000 |
||||
2. Học vấn |
Nhân tố 2 |
PTTH |
Trên ĐH |
-0,62 |
0,001 |
|
Trung cấp |
-0,83 |
0,000 |
||||
ĐH/CĐ |
-0,51 |
0,006 |
||||
Nhân tố 3 |
ĐH/CĐ |
PTTH |
-0,21 |
0,097 |
||
Nhân tố 4 |
Trên ĐH |
-0,43 |
0,043 |
|||
Nhân tố 5 |
Trung cấp |
-0,42 |
0,033 |
|||
3. Lĩnh vực hoạt động (DN) |
Nhân tố 1 |
Thương mại dịch vụ |
CN chế biến lương thực - thực phẩm |
-0,45 |
0,011 |
|
Nhân tố 4 |
Thương mại dịch vụ |
-0,30 |
0,043 |
|||
Nông lâm thủy sản |
-0,61 |
0,036 |
Nguồn: Lê Thanh Sang. 2015. Dự án “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát
triển bền vững vùng TNB”
Kết quả kiểm định từng cặp đối tượng tương ứng với từng
nhân tố ở Bảng 5 cho thấy: Nhân tố thứ hai cơ
chế - chính sách cho thấy có nhiều khác biệt nhất giữa các nhóm chủ thể
liên kết. Nói cách khác, cơ chế - chính
sách đối với liên kết là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất cũng như
nhiều quan điểm bất đồng nhất giữa các nhóm, thể hiện qua trị tuyệt đối trung
bình khác biệt (A-B) giữa các nhóm đối tượng lớn và p<0,05 ở hầu hết các cặp
đối tượng được đưa vào kiểm định. Cụ thể, trung bình khác biệt giữa nhóm Cơ
quan, tổ chức với nhóm Doanh nghiệp, Hộ phi nông nghiệp và Hộ nông nghiệp lần
lượt là 0,62, 0,88 và -0,37; giữa nhóm Trên
ĐH với các nhóm học vấn thấp hơn như PTTH, Trung cấp, ĐH/CĐ lần lượt là -0,62,
-0,83 và -0,51.
Nhân tố thứ tư tính
tương đồng trong cơ cấu kinh tế của các địa phương là yếu tố tiếp theo cho
thấy có khá nhiều khác biệt trong quan điểm của các nhóm đối tượng. Trung bình
khác biệt (A-B) giữa nhóm đối tượng Cơ quan, tổ chức với nhóm Doanh nghiệp và Hộ
nông nghiệp lần lượt là -0,40
và -0,55; giữa nhóm PTTH và Trên ĐH là -0,43; giữa nhóm Công nghiệp chế biến
lương thực-thực phẩm với nhóm Thương mại-dịch vụ và nhóm Nông lâm thủy sản lần
lượt là -0,30 và -0,61.
Các nhân tố còn lại (nhân tố thứ nhất phương thức liên kết, nhân tố thứ ba sự tin cậy lẫn nhau và nhân tố thứ năm óc bảo thủ - cục bộ) nhận được nhiều sự
đồng thuận của của các chủ thể hơn (đặc biệt là nhân tố thứ năm) thể hiện qua
giá trị tuyệt đối trung bình khác biệt giữa các nhóm đối tượng ở các nhân tố
này là không lớn và có ít cặp đối tượng cho kết quả kiểm định p<0,05.
Như vậy, các kết quả kiểm định trung bình trên cho
phép chúng ta nhận biết được những khác biệt có ý nghĩa thống kê trong quan điểm
giữa các chủ thể liên kết đối với những nhân tố liên kết phát triển vùng. Phân
tích giá trị hệ số trung bình của các nhóm đối tượng ở từng nhân tố lớn hay nhỏ,
âm hay dương ở Bảng 6 giúp đánh giá mức độ tương quan giữa từng nhóm đối tượng
với các nhân tố của liên kết phát triển vùng là mạnh hay yếu và xu hướng “ủng hộ”
hay “không ủng hộ”.
Bảng
6. Hệ số trung bình của các nhóm chủ thể liên kết chia theo các nhân tố
Biến độc lập |
Nhóm chủ thể liên kết |
n |
Trung bình |
|||||
Nhân tố 1 |
Nhân tố 2 |
Nhân tố 3 |
Nhân tố 4 |
Nhân tố 5 |
||||
1. Loại chủ thể liên kết |
DN |
279 |
-0,19 |
-0,16 |
-0,08 |
0,07 |
|
|
Cơ quan |
113 |
0,26 |
0,46 |
0,00 |
-0,33 |
|
||
Hộ phi nông nghiệp |
41 |
-0,01 |
-0,42 |
-0,18 |
-0,11 |
|
||
Hộ nông nghiệp |
100 |
0,25 |
0,09 |
0,29 |
0,22 |
|
||
Tổng |
533 |
|
||||||
2. Trình độ học vấn |
PTTH |
183 |
|
-0,06 |
0,12 |
0,12 |
0,11 |
|
Trung cấp |
43 |
|
-0,28 |
-0,22 |
-0,18 |
-0,31 |
||
ĐH/CĐ |
220 |
|
0,04 |
-0,09 |
0,01 |
0,01 |
||
Trên ĐH |
42 |
|
0,56 |
0,05 |
-0,30 |
-0,12 |
||
Tổng |
488 |
|
||||||
3. Lĩnh vực hoạt động (đối với DN) |
CN chế biến thực phẩm |
86 |
0,06 |
|
|
0,25 |
|
|
CN chế biến - chế tác |
27 |
-0,20 |
|
|
0,13 |
|
||
Xây dựng cơ bản |
36 |
-0,30 |
|
|
0,13 |
|
||
Thương mại - dịch vụ |
116 |
-0,39 |
|
|
-0,04 |
|
||
Nông lâm thủy sản |
14 |
0,14 |
|
|
-0,36 |
|
||
Tổng |
279 |
|
Nguồn: Lê Thanh Sang. 2015. Dự án “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát
triển bền vững vùng TNB”
Kết quả trên cho thấy, đối với nhân tố thứ hai cơ chế - chính sách, giá trị trung bình
của nhóm Cơ quan, tổ chức là dương và khá lớn (0,46) theo hướng “không ủng hộ” đối với các cơ chế - chính sách liên
kết phát triển vùng hiện hành,
trong khi giá trị này của nhóm Doanh nghiệp và Hộ phi nông nghiệp là âm (-0,16
và -0,42) theo hướng “ủng hộ” và Hộ nông nghiệp là dương nhưng rất nhỏ (0,09)
biểu hiện cho thái độ “trung tính” đối với nhân tố này.
Quan điểm có tính phê phán về các chính sách liên kết phát triển vùng hiện nay
được thể hiện rất rõ trong các cuộc toạ đàm của nhóm nghiên cứu với lãnh đạo
các sở, ban, ngành tại địa bàn khảo sát. “Chiến lược phát triển
của các tỉnh hiện nay chưa dựa trên cách tiếp cận vùng”, “Thiếu nhạc trưởng chi huy cấp vùng”,… là
những trở ngại chính sách được phản ảnh nhiều nhất. Nhóm Cơ quan, tổ chức chính
là người thực thi chính sách và trong chừng mực nhất định đã góp phần vào việc
hoạch định chính sách trước đây nên hiểu rõ những điều chưa hợp lý có thể gây
trở ngại cho quá trình liên kết phát triển vùng hiện nay. Trong khi đó, nhóm
Doanh nghiệp và Hộ phi nông nghiệp hầu như đứng ngoài hay ít chịu tác động bất
lợi trực tiếp của các chính sách liên kết phát triển vùng hiện nay, ngược lại
được “hưởng lợi” khá nhiều từ một số chính sách trợ cấp mua lúa tạm trữ, chính
sách xuất khẩu gạo, chính sách ưu tiên đầu tư nông nghiệp, nông thôn,… nên có
xu hướng “phù hợp” với các cơ chế - chính sách hiện hành. Giá trị trung bình
của nhóm Hộ nông nghiệp tuy dương nhưng rất nhỏ cho thấy nhóm này có quan điểm
“trung tính” đối với nhân tố cơ
chế - chính sách trong liên kết.
Xu hướng “không ủng hộ” cơ chế - chính sách
liên kết phát triển vùng còn được thể hiện trong quan điểm của nhóm chủ thể
liên kết có trình độ học vấn cao. Kết quả cho thấy xu hướng càng
lên các cấp học cao hơn thì sự “không ủng hộ” các cơ chế - chính sách liên kết phát triển vùng hiện hành càng lớn (thể
hiện qua giá trị trung bình của các nhóm tăng dần từ các giá trị âm lên các giá
trị dương. Trị trung bình của các nhóm học vấn từ PTTH lên Trung cấp, ĐH/CĐ và Trên ĐH
lần lượt là -0,06, -0,28, 0,04 và 0,56). Có thể những người học vấn cao hơn thì
sự tiếp xúc và am hiểu các vấn đề liên quan tới cơ
chế - chính sách cũng nâng lên, do vậy họ nhận thức được
những điều bất hợp lý và đánh giá mang tính phê phán hơn.
Đối với nhân tố thứ tư tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của các địa phương, các đánh
giá về ảnh hưởng của nhân tố này đối với liên kết phát triển vùng cũng có khác
nhau giữa các nhóm chủ thể. Nhóm Cơ quan, tổ chức và nhóm có trình độ học vấn
Trên ĐH không ủng hộ quan điểm tính tương
đồng trong cơ cấu kinh tế của các địa phương đang gây khó khăn cho quá
trình liên kết (giá trị trung bình của nhóm Cơ quan, tổ chức và Trên ĐH lần lượt
là -0,33 và -0,30).
Trong khi đó, nhóm Hộ nông nghiệp và nhóm học vấn PTTH lại cho rằng cơ cấu kinh tế của các địa phương
khá giống nhau, thiếu chuyên môn hoá nên gây khó khăn đối với liên kết vùng (giá
trị trung bình của Hộ nông nghiệp và nhóm học vấn PTTH lần lượt là 0,22 và 0,12). Có thể những
người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sát thực tế có một cái nhìn thực tế hơn
khi các sản phẩm lúa gạo, trái cây, cá, tôm,… của họ phải thường xuyên đối mặt
với tình trạng “được mùa, mất giá”, trong khi những người làm ở các cơ quan và
có trình độ học vấn cao hơn nhìn các vấn đề của liên kết vùng ở khía cạnh khác.
Giá trị trung bình dương và rất nhỏ
(0,07) của nhóm Doanh nghiệp cho thấy sự thừa nhận tác động của yếu tố tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của
các địa phương đối với quá trình liên kết vùng là không đáng kể. Xu hướng chưa
thật rõ ràng này xuất phát từ sự bất đồng trong quan điểm đánh giá của doanh
nghiệp giữa các ngành khác nhau. Trong khi nhóm Thương mại - dịch vụ và Nông lâm thủy sản cho rằng tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của
các địa phương hiện nay không phải là yếu tố ảnh hưởng tới quá trình liên kết (giá trị trung bình của
nhóm Thương mại - dịch vụ và Nông lâm
thủy sản
lần lượt là -0,04 và
-0,36) thì ngược lại,
nhóm Công nghiệp chế biến lương thực -
thực phẩm cho rằng đó là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình liên
kết.
Các nhân tố còn lại (nhân tố thứ nhất phương thức liên kết, nhân tố thứ ba sự tin cậy lẫn nhau và đặc biệt là nhân
tố thứ năm tính bảo thủ - cục bộ) nhận
được sự đồng thuận nhiều hơn của các chủ thể liên kết.
Đối với nhân tố thứ nhất phương thức liên kết, tuy có sự phân hóa nhưng nhìn chung quan điểm
của các nhóm về yếu tố này chưa thật rõ ràng (thể hiện qua giá trị trung bình
tuyệt đối nhỏ). Những
người làm việc trong nhóm Cơ quan, tổ chức và Hộ nông nghiệp cho
rằng tính thiếu hiệu quả trong liên kết hiện nay phần nào bắt nguồn từ phương thức liên kết hiện nay còn một số
bất cập (thể hiện ở giá trị trung bình dương: 0,26 và 0,25). Ngược lại, nhóm Doanh nghiệp
lại cho rằng phương
thức liên kết hiện nay không phải là một trong các yếu
tố ảnh hưởng tới quá trình liên kết (giá trị trung bình là -0,19). Quan điểm về vấn đề này giữa
các nhóm Doanh nghiệp cũng có sự khác nhau tương đối. Những người làm việc
trong lĩnh vực CN chế biến lương thực - thực phẩm có xu thế hơi nghiêng về
hướng “phê phán” phương
thức liên kết hiện nay (trị trung bình 0,06), trong khi những người làm
việc trong lĩnh vực Thương mại-dịch vụ lại có không cho rằng như vậy (trị
trung bình -0,39).
Quan điểm về
sự tin cậy lẫn nhau cũng
có sự khác biệt không nhiều giữa nhóm Doanh nghiệp, Hộ phi nông nghiệp và Hộ
nông nghiệp. Những hộ nông nghiệp có xu hướng ủng hộ quan điểm cho rằng tình trạng
ít hợp tác làm ăn hiện nay phần nào là do thiếu sự tin cậy lẫn nhau (thể hiện ở giá trị trung bình dương: 0,29). Ngược lại, nhóm Doanh nghiệp
và Hộ phi nông nghiệp không ủng hộ cho quan điểm này dù rất nhỏ (trị trung bình
âm: -0,08 và -0,18). Sự khác nhau này có thể xuất phát từ bối cảnh khác nhau
của các nhóm. Trong khi hoạt động của doanh nghiệp thường có quy mô lớn, có tổ
chức cao, tất cả các mối quan hệ hợp tác được thực hiện trên cơ sở hợp đồng và
có tính pháp lý cao để đảm bảo quyền lợi giữa các bên. Ngược lại, những hoạt
động sản xuất của hộ nông nghiệp thường là cá thể, có quy mô nhỏ, hợp tác với
nhau thường dựa trên “thoả thuận miệng” và sự tin cậy lẫn nhau, ít mang tính
pháp lý. Vì lẽ đó, nếu cơ sở sự
tin cậy lẫn nhau không được đảm bảo thì rất khó để thúc đẩy
hoạt động liên kết trong nhóm này. Quan điểm về sự tin cậy lẫn nhau trong hợp tác làm ăn cũng có một chút khác biệt
giữa nhóm có trình độ học vấn ĐH/CĐ
và PTTH (trị trung bình của hai nhóm lần lượt là -0,09 và 0,12).
Mặc dù cũng
có một ít khác biệt quan điểm đối với nhân tố thứ năm óc bảo thủ - cục bộ,
có thể nói, nhân
tố này nhận được sự đồng thuận nhiều nhất của các chủ thể.
Sử dụng kỹ thuật phân tích phân loại[133],
phần tiếp theo mô tả và phân loại các nhóm chủ thể liên kết gắn với quan điểm tổng
hợp của họ về 5 nhân tố của liên kết phát triển vùng, dựa trên các hệ số tải
nhân tố được tạo ra từ mô hình phân tích nhân tố. Trong số 5 nhân tố này, các
nhân tố (1) phương thức liên kết, (2)
cơ chế - chính sách, và (4) tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế có
thể được xem như những nhân tố khách quan, tồn tại tương đối độc lập, trong khi
các nhân tố (3) lòng tin lẫn nhau và
(5) óc bảo thủ - cục bộ lại thuộc về
ý chí chủ quan của chủ thể liên kết. Do vậy, xét trên quan điểm của chủ thể liên kết, có thể tạm chia 5 nhân
tố này thành 2 nhóm chính: nhóm các nhân tố bên ngoài (các nhân tố 1, 2, 4) và
nhóm các nhân tố bên trong (các nhân tố 3 và 5) của liên kết phát triển vùng
(cũng có thể xem là “khách quan” hay “chủ quan” đối với chủ thể liên kết). Tuy nhiên, việc phân chia này cũng chỉ mang tính
chất tương đối. Chẳng hạn, nhân tố cơ chế
chính sách, nếu xét về khía cạnh nào đó thì cũng do con người tạo ra và có
thể xếp vào nhóm các nhân tố “bên trong”, nhưng nếu chủ thể liên kết là đối tượng của hành động liên kết thì nó thuộc về
nhân tố “bên ngoài”.
Biểu
đồ 1: Các nhóm chủ thể liên kết chia theo trục nhân tố 2 (cơ chế - chính sách)
và trục nhân tố 4 (tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của các địa phương)
Nguồn: Lê Thanh Sang. 2015. Dự án “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát
triển bền vững vùng TNB”
Kết quả phân tích phân loại cho thấy có thể hình thành
4 nhóm chủ thể liên kết dựa trên trị số điểm trung tâm của các nhóm chia theo
các nhân tố, với những đặc trưng như sau:
Nhóm 1: Nhóm chủ thể giải thích bởi các nhân tố bên
trong nhiều hơn so với nhân tố bên ngoài (chiếm 14,8%, tương ứng 79/533 trường
hợp của mẫu nghiên cứu).
Nhóm 2: Nhóm chủ thể giải thích bởi các nhân tố bên
ngoài nhiều hơn so với các nhân tố bên trong (chiếm 23,8%, tương ứng 127/533
trường hợp của mẫu nghiên cứu).
Nhóm 3: Nhóm chủ thể giải thích chủ yếu bởi các nhân tố
bên trong (chiếm 32,1%, tương ứng 171/533 trường hợp của mẫu nghiên cứu).
Nhóm 4: Nhóm nhân tố giải thích chủ yếu bởi các nhân tố
bên ngoài (chiếm 29,3%, tương ứng 156 /533 trường hợp của mẫu nghiên cứu).
Trong biểu đồ trên, các trường hợp (người trả lời) biểu
hiện bằng các chấm. Các màu khác nhau biểu hiện cho các nhóm khác nhau (có 4
màu: xanh da trời, xanh lá cây, đỏ và hồng tương ứng với 4 nhóm: 1, 2, 3 và 4).
Các đường tròn bao quanh các trường hợp của các nhóm cho thấy mức độ phân tán
cũng như xu hướng của các cá nhân trong nhóm. Các vòng tròn càng lớn thì mức độ
phân tán của các cá nhân trong nhóm càng lớn (tuy vẫn mang những đặc điểm chung
của nhóm nhưng chưa có sự đồng nhất cao). Trục tung (y) biểu hiện cho nhân tố
thứ hai cơ chế - chính sách và trục
hoành (x) biểu hiện cho nhân tố thứ tư tính
tương đồng trong cơ cấu kinh tế của các địa phương. Trị số điểm trên 2 trục
này đi từ giá trị âm (-) tới 0 và tăng dần lên giá trị dương (+). Những trường
hợp có trị số điểm (giá trị dương) càng cao xét trên trục tung (y) thì càng nhấn
mạnh tới yếu tố cơ chế - chính sách
như là một (trong những) nguyên nhân quan trọng gây cản trở quá trình liên kết
vùng hiện nay. Ngược lại, những người có trị số điểm càng thấp (giá trị âm) xét
trên trục này thì càng có xu hướng phủ định yếu tố này. Đối với trục nhân tố
còn lại cũng tương tự như vậy. Hai trục nhân tố cắt nhau tại gốc tọa độ (trị số
bằng 0) và chia biểu đồ thành 4 phần với những đặc trưng khác nhau (chúng tôi tạm
gọi 4 phần này là phần 1, phần 2, phần 3 và phần 4). Phần 1 bao gồm các cá nhân
có trị số điểm dương (+) ở nhân tố thứ hai cơ
chế - chính sách nhưng lại có trị số điểm âm (-) ở nhân tố thứ tư tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của
các địa phương. Phần 2 bao gồm các cá nhân có trị số điểm dương (+) ở cả hai
nhân tố. Phần 3 bao gồm các cá nhân có trị số điểm dương (+) ở nhân tố thứ tư tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của
các địa phương nhưng lại có trị số điểm âm (-) ở nhân tố thứ hai cơ chế - chính sách. Cuối cùng là phần 4
có giá trị âm (-) ở cả hai nhân tố.
Vì cả hai trục phân tích trong biểu đồ này đều là các
nhân tố “bên ngoài” (đối với chủ thể liên kết) nên những người (biểu hiện bằng
các chấm) thuộc phần 2 sẽ có xu hướng giải thích tính thiếu liên kết hiện nay
chủ yếu bởi các yếu tố “bên ngoài” (những người này có trị số điểm dương xét
trên cả 2 trục nhân tố). Ngược lại, những người thuộc phần 4 sẽ có xu hướng giải
thích tính thiếu liên kết hiện nay chủ yếu bởi các nhân tố “bên trong” (những
người này sẽ có trị số điểm âm xét trên cả 2 trục nhân tố). Trong khi đó, những
người thuộc hai phần còn lại (phần 1 và phần 3) sẽ có xu hướng “trung tính”
hơn, việc giải thích tính thiếu liên kết của họ thiên về nhân tố “bên ngoài”
hay “bên trong” còn tùy thuộc vào mức độ phân tán và trị số điểm của họ nghiêng
về trục nhân tố nào. Nếu tập trung về phía trục mang giá trị dương (+) nhiều
hơn thì họ có xu hướng giải thích bởi các nhân tố “bên ngoài” nhiều hơn, và ngược
lại. Việc phân chia biểu đồ thành 4 phần như vậy sẽ giúp chúng ta hình dung một
cách trực quan hơn về đặc trưng của các nhóm. Tuy nhiên, như đã trình bày,
trong biểu đồ này chúng tôi chọn hai trục phân tích đều là các nhân tố “bên
ngoài” nên các phần trong biểu đồ có ý nghĩa như trên. Đối với các biểu đồ khác
(do khuôn khổ bài viết có hạn nên bạn đọc có thể tham khảo thêm trong Phụ lục
báo cáo đề tài từ biểu đồ 7.2 tới biểu đồ 7.8), tùy vào việc chọn trục phân
tách là nhóm các nhân tố “bên ngoài” hay “bên trong” mà chúng ta sẽ có những
cách giải thích ý nghĩa biểu đồ phù hợp.
Một cách tổng quát, phần lớn các chấm tập trung tại gốc
tọa độ và phần giao nhau của các vòng tròn (biểu hiện cho các nhóm). Điều này
cho thấy phần lớn người trả lời trong mẫu nghiên cứu có xu hướng giải thích
tính thiếu liên kết hiện nay dựa trên sự kết hợp của nhiều nhân tố hơn là thiên
về một nhân tố nào đó.
Bên cạnh xu hướng chung này, các nhóm khác nhau cũng
cho thấy những đặc điểm riêng biệt của nhóm mình. Trong khi hầu hết các trường
hợp của nhóm 4 (các chấm màu hồng) nằm rất gần hai trục nhân tố và phân bố
trong phần 1, phần 3 và đặc biệt là phần 2 của biểu đồ thì ngược lại, các trường
hợp của nhóm 3 (các chấm màu đỏ) lại nằm phần lớn ở phần 4 và một số phân tán
trong phần 1 và phần 3 (nằm cách xa các trục nhân tố). Bên cạnh đó, các trường
hợp của nhóm 1 (các chấm màu xanh da trời) nằm rải rác trong phần 1 và cách khá
xa hai trục nhân tố. Các trường hợp của nhóm 2 (các chấm màu xanh lá cây) lại tập
trung phần lớn ở phần 3 của biểu đồ và khoảng cách gần với hai trục nhân tố. Vị
trí và sự phân bố của các nhóm trong các phần của biểu đồ phản ảnh tính khác biệt
và phức hợp trong các quan điểm của các nhóm đối với các nhân tố liên kết phát
triển vùng.
3. KẾT LUẬN
Thông qua mô hình phân tích nhân tố đối với quan điểm
của các chủ thể liên kết về liên kết phát triển vùng TNB, có thể rút ra 5 nhân
tố chính ảnh hưởng tới quá trình liên kết là (1) phương thức liên kết, (2) cơ
chế - chính sách, (3) lòng tin lẫn
nhau, (4) tính tương đồng trong cơ cấu
kinh tế, và (5) óc bảo thủ - cục bộ. Đối
với chủ thể liên kết, có thể chia 5
nhân tố này thành 2 nhóm tương đối độc lập với nhau. Nhóm nhân tố thứ nhất liên
quan nhiều tới “các thuộc tính bên trong” của chủ thể liên kết bao gồm lòng tin lẫn nhau và óc bảo thủ - cục bộ, hàm chứa các thuộc
tính chủ quan của chủ thể liên kết và gắn nhiều với đặc điểm tâm lý - văn hóa
trong hoạt động liên kết. Nhóm nhân tố thứ hai thiên về “các thuộc tính bên
ngoài”, tương đối khách quan đối với chủ
thể liên kết gồm phương thức liên kết,
cơ chế - chính sách, và tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của
các địa phương.
Với cách phân chia các nhân tố như vậy, có thể xác định
được 4 nhóm chủ thể liên kết tương ứng: Nhóm 1 gồm những người giải thích tính
thiếu liên kết bởi các nhân tố bên trong nhiều hơn so với nhân tố bên ngoài.
Nhóm 2 gồm những người giải thích tính thiếu liên kết bởi các nhân tố bên ngoài
nhiều hơn so với nhân tố bên trong. Nhóm 3 gồm những người giải thích tính thiếu
liên kết chủ yếu bởi các nhân tố bên trong. Nhóm 4 gồm những người giải thích
tính thiếu liên kết chủ yếu bởi các nhân tố bên ngoài.
Tuy các quan điểm về vấn đề liên kết vùng của các nhóm
vẫn tương đối khác nhau, phần lớn người trả lời của cả 4 nhóm có xu hướng lý giải
tình trạng thiếu liên kết hiện nay dựa trên sự kết hợp của cả các nhân tố “bên
ngoài” và “bên trong” hơn. Điều này cho thấy, liên kết vùng là một vấn đề rất
phức tạp và cần phải được xem xét, lý giải dựa trên sự tổng hợp từ nhiều khía cạnh
khác nhau. Sự khác biệt trong quan điểm của những người trả lời (chia theo lĩnh
vực hoạt động, trình độ học vấn,…) chỉ thể hiện tương đối rõ đối với từng nhân
tố cụ thể. Trong 5
nhân tố gây trở ngại cho quá trình liên kết hiện nay thì óc bảo thủ - cục bộ
là nhân tố nhận được sự đồng thuận của nhiều người nhất. Thiếu sự tin cậy lẫn nhau và tính bất hợp lý
trong phương thức liên kết là những
nhân tố tiếp theo nhận được khá nhiều sự đồng thuận của các nhóm chủ thể. Tính
bất cập trong cơ chế - chính sách và tính tương đồng trong cơ cấu kinh tế của
các địa phương cũng là những nhân tố được nhiều người nêu lên để giải thích cho
các trở ngại trong quá trình liên kết vùng hiện nay.
Tuy nhiên, quan điểm của các nhóm chủ thể khác nhau về
các nhân tố này cũng cho thấy có nhiều điểm khác biệt. Trong khi những người
làm việc trong các Cơ quan, tổ chức nhấn
mạnh tới sự bất cập của cơ chế - chính
sách như là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình liên
kết hiện nay (đặc biệt, cấp học cao hơn thì sự phê phán các cơ chế - chính sách càng lớn), thì nhóm Doanh nghiệp và Hộ phi nông nghiệp) lại
không ủng hộ quan điểm này. Trong các nhóm chủ thể chia theo lĩnh vực hoạt động
trong mẫu nghiên cứu thì những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là cho thấy sự tương đồng
quan điểm nhất. Tình trạng thiếu hiệu quả trong liên kết hiện nay được phần lớn
nhóm này lý giải bởi những nhân tố thuộc về tâm lý chủ quan của chủ thể liên kết
(thiếu sự tin cậy lẫn nhau và óc bảo
thủ - cục bộ) hơn là (thậm chí không phải) do sự tác động của những nhân tố
khách quan như sự bất cập của cơ chế -
chính sách hay phương thức liên kết.
Tình trạng thiếu đồng nhất và chưa thật rõ ràng về
quan điểm trong nội bộ các nhóm chủ thể liên kết phần nào xuất phát từ chính sự
đa dạng trong mẫu nghiên cứu, đặc biệt là nhóm Doanh nghiệp và Hộ phi nông
nghiệp. Cùng là những nhà doanh nghiệp,
nhưng những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực – thực
phẩm có thể có quan điểm tương đối khác so với những người làm trong lĩnh vực
xây dựng cơ bản hoặc trong thương mại dịch vụ. Tương tự như vậy, cùng là Hộ phi nông nghiệp, nhưng những người
buôn bán nhỏ có thể sẽ có quan điểm khác so với những người làm việc trong các
đại lý, cơ sở kinh doanh lớn hơn. Hạn chế của nghiên cứu này là chưa có được một
cấu trúc mẫu được chọn lọc tốt hơn. Tuy nhiên, các phát hiện dựa trên bằng chứng
thuyết phục trên cho phép giải thích các nhân tố chính đang hạn chế quá trình
liên kết phát triển vùng TNB và các chủ thể gắn với các nhân tố này. Các chính
sách thúc đẩy liên kết phát triển bền vững vùng cần tác động tập trung vào các
chủ điểm và các đối tượng này, mà trước hết là làm thay đổi các quan điểm phát
triển của các chủ thể liên quan.
XUẤT KHẨU LÚA GẠO TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á TRONG 25 NĂM
QUA
ThS. Lê Văn Năm
Lúa
gạo là một trong những loại cây lương thực chủ yếu trên thế giới.
Gạo là thực phẩm chính của nhiều dân tộc, đặc biệt là các dân tộc
ở vùng châu Á gió mùa. Tất cả các nước Đông Nam Á đều là những
nước dùng gạo làm thực phẩm chính. Canh tác lúa gạo là hoạt động
kinh tế truyền thống của các dân tộc sinh sống trên vùng này. Trong số
các nước Đông Nam Á, có nước dư thừa lúa gạo để xuất khẩu và những nước
khác thường xuyên phải nhập khẩu gạo. Từ lâu việc buôn bán lúa gạo là hoạt
động kinh tế quan trọng của nhiều nước, đặc biệt là các nước ở vùng Đông Nam Á.
Lúa gạo không chỉ được buôn bán trong vùng mà còn giữa nhiều nước ở tất cả các
châu lục. Trong khoảng ba bốn thập niên qua, tình hình sản xuất lúa
gạo ở các nước thuộc Đông Nam Á đã có những bước thay đổi quan trọng.
Lượng sản xuất có tiến bộ nhưng nhu cầu cũng gia tăng. Điều đó khiến cho hoạt động
xuất nhập khẩu thêm quan trọng.
Bài viết tìm hiểu những biến động trong hoạt động xuất
khẩu lúa gạo trong khoảng 25 năm qua, tập trung vào một số quốc gia vùng Đông Nam
Á, trong đó có Việt Nam và những vấn đề đặt ra.
1. ĐIỀU KIỆN TỰ
NHIÊN CỦA VIỆC CANH TÁC LÚA GẠO Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
Khu vực Đông Nam Á bao gồm các bán đảo nằm
giữa bán lục địa Ấn Độ và Trung Quốc trải dài từ Myanmar đến Việt
Nam (Đông Nam Á lục địa) và khu vực quần đảo (Đông Nam Á hải
đảo).
Đông Nam Á lục địa có những sông lớn bắt nguồn
từ vùng cao nguyên giữa châu Á và chảy theo hướng chính là Bắc Nam.
Ngoài ra còn có một hệ thống dầy đặc các sông nhỏ đổ ra biển từ
các cao nguyên thấp không xa bờ biển. Các sông này bồi đắp nên những đồng bằng
phù sa, nơi canh tác chính của lúa gạo. Trong vùng Đông Nam Á, việc canh
tác lúa gạo đã phát triển từ rất lâu đời và ngày nay lúa vẫn là
cây lương thực chủ yếu.
Ở Myanmar, vùng sản xuất lúa gạo quan trọng
nhất là châu thổ sông Irrawaddy và châu thổ sông Sittang rộng đến 30.000
km2. Địa bàn canh tác lúa gạo chính của Thái Lan là đồng
bằng do phù sa sông Chao Phya bồi đắp và vùng Chantaburi.
Tại Việt Nam, vùng trồng lúa quan trọng nhất
là đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc (rộng khoảng 15.000km2)
và đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam bao phủ phần lớn diện tích Nam Bộ.
Trên đồng bằng, có những vùng trũng ngập sâu trong mùa mưa, diện tích
đất bị nhiễm phèn, mặn khá lớn: 1,6 triệu ha đất bị ngập mặn và
1,5 triệu ha bị nhiễm phèn. Ngoài ra, lúa gạo cũng được trồng trên những
đồng bằng châu thổ nhỏ hẹp hơn thuộc miền Trung.
Ở Campuchia, lúa gạo được canh tác chủ yếu trên phần
đồng bằng sông của sông Cửu Long nằm trong lãnh thổ nước này.
Tại các nước thuộc vùng Đông Nam Á hải đảo và
ở Mã Lai, sông ngòi đều ngắn, ít phù sa nên chỉ bồi đắp nên những
đồng bằng nhỏ hẹp nằm dọc duyên hải. Đây là địa bàn canh tác lúa
chính của nhân dân địa phương. Indonesia là quốc gia có canh tác lúa
gạo quan trọng nhất với vùng trồng trọt chính là các đồng bằng trên
đảo Java và đảo Sumatra. Ở Philippines, đồng bằng ở trung tâm đảo Luzon
là khu vực sản xuất lúa quan trọng nhất. Trong khi đó tại Mã Lai,
đáng kể nhất là đồng bằng Keddah.
Ngoài điều kiện đất đai, khí hậu là yếu tố
tự nhiên có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nông nghiệp, đặc biệt
là canh tác lúa gạo. Ở khu vực Nam và Đông Nam châu Á, mùa mưa chủ
yếu nằm trong thời kỳ gió mùa tây nam. Vụ lúa mùa mưa là vụ lúa
quan trọng nhất, diện tích trồng lớn nhất. Một số nơi, người nông dân
nhờ sử dụng các giống lúa ngắn ngày, đã canh tác thêm trên một số
diện tích có điều kiện thuận lợi. Một số nơi, gió mùa đông bắc
cũng mang đến mưa (như vùng đông đảo Mindanao và vùng bờ biển phía đông
trung tâm Philippines, một số nơi ở Thái Lan...) và người nông dân đã
làm một vụ lúa. Kiểm soát lượng nước trong ruộng có vai trò quan trọng
trong việc canh tác nên nông dân ở nhiều nước đã làm những công trình thủy
lợi để dẩn nước từ sông rạch vào ruộng hay đưa lượng nước dư thừa
thoát đi.
Nông dân Đông Nam Á có những tập quán sử dụng
đất đai, những kỹ thuật canh tác lúa khác nhau từ lúa nước đến lúa cạn
(lúa rẩy) và có trình độ canh tác từ thâm canh với trình độ cao đến quảng
canh một cách thô sơ.
2. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ
TIÊU THỤ LÚA GẠO
2.1.
Tình hình sản xuất lúa gạo trên thế giới
Lúa gạo là một trong những loại cây lương thực
chủ yếu trên thế giới. Gạo là thực phẩm chính của nhiều dân tộc,
đặc biệt là các dân tộc ở vùng châu Á gió mùa. Châu Á cũng là khu
vực sản xuất lúa gạo quan trọng nhất. Lúa gạo cũng được trồng tại
nhiều nước ở châu Mỹ, châu Phi và cả châu Đại Dương dù ở đấy gạo
không phải là lương thực chính.
Sản lượng lúa thế giới là 316,4 triệu tấn
(1970), đã tăng lên 518,22 triệu tấn (1990) và 608,5 triệu tấn (2004),
trong đó, châu Á là nơi sản xuất chính. Năm 1990, sản lượng lúa của châu
Á chiếm 92,2% tổng sản lượng toàn thế giới, vào năm 2002, tỉ phần
này là 90,75%. Khu vực trồng lúa trải rộng từ Đông Bắc Á xuống đến
Đông Nam Á và Nam Á. Sản lượng lúa gạo gia tăng đặc biệt nhanh chóng
tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á nhờ việc thực hiện cuộc cách
mạng xanh khiến năng suất lúa tăng đáng kể. Sản lượng lúa của
nhiều quốc gia như Indonesia, Hàn quốc, Philippines, Việt Nam đã tăng
gấp đôi trong giai đoạn 1970 -1990. Nông nghiệp phát triển bền vững đã tạo
điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nhiều quốc gia ở
châu Á.
Trung Quốc là quốc gia trồng lúa đứng đầu vùng
Đông Bắc Á. Năm 1990, Trung Quốc sản xuất được 189,33 triệu tấn lúa, đến
năm 2000, lượng sản xuất tăng lên187,9 triệu tấn và năm 2014 là 206,4 triệu tấn.
Ở Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc sản lượng lúa gạo có chiều
hướng giảm sút trong thập niên qua. Năm 1990, tổng sản lượng gạo của các
nước này là 16,96 triệu tấn vào năm 1990 giảm còn 15,35 triệu tấn (2000),
13,68 triệu tấn (2010) và 13,78 triệu tấn vào năm 2014. Ở vùng Nam Á, Ấn
Độ là quốc gia đông dân và sản xuất nhiều lúa gạo nhất của khu vực,
sản lượng đã gia tăng khá nhiều trong hơn hai thập niên qua. Ấn Độ sản xuất
53,6 triệu tấn gạo vào năm 1980, 85 triệu tấn vào năm 2000 và 102,5 triệu
tấn vào năm 2014. Pakistan với đồng bằng sông Ấn là quốc gia sản xuất và xuất
khẩu lúa gạo quan trọng. Vào năm 2010, Pakistan đã xuất khẩu được 3,4 triệu tấn
gạo; năm 2014, 3,9 triệu tấn. Bangladesh với phần châu thổ sông Hằng cũng sản
xuất lúa gạo. Tuy nhiên sản lượng chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước trong
một số năm. Bangladesh thường phải nhập khẩu gạo với số lượng rất thay đổi tùy
năm như 401 ngàn tấn vào năm 2000, 1,4 triệu tấn vào năm 2010 và 600 ngàn tấn
vào năm 2014 (IRRI, 2015, số liệu của USDA).
Các quốc gia vùng Đông Nam Á (nằm trong khối
ASEAN) cũng là những quốc gia có diện tích canh tác lúa gạo và sản lượng
lúa gạo quan trọng.
Ngoài châu Á ra, các châu lục khác cũng đã sản
xuất lúa gạo, tuy số lượng ít hơn nhiều. Trong khoảng 2 thập niên qua, lượng
gạo do Hoa Kỳ sản xuất biến thiên trong khoảng 1,1 đến 1,5 triệu tấn, Ý khoảng
trên dưới 200 ngàn tấn, Tây Ban Nha khoảng 100 ngàn tấn, Úc khoảng 70- 180 ngàn
tấn…. (IRRI, 2015, số liệu của USDA).
2.2. Tình hình sản xuất lúa
gạo ở các nước Đông Nam Á
Tất cả các nước Đông Nam Á đều là những nước
dùng gạo làm thực phẩm chính. Canh tác lúa gạo là hoạt động kinh
tế truyền thống của các dân tộc sinh sống trên vùng này. Trong khoảng
ba bốn thập niên qua, tình hình sản xuất lúa gạo ở các nước thuộc
Đông Nam Á đã có những bước thay đổi quan trọng. Do dân số gia tăng
nhanh chóng, các nước đều phải gia tăng sản xuất lúa gạo. Ở một số
nước, cố gắng này nhằm tránh lệ thuộc nuớc ngoài về lương thực và
ở một số nước khác, nhằm gia tăng lượng xuất khẩu để tăng nguồn thu
ngoại tệ cần thiết cho các kế hoạch phát triển toàn diện của đất
nước. Sản lượng gạo của các nước Đông Nam Á đã gia tăng trong các thập
niên gần đây như biểu đồ sau:
Biểu đồ 1. Sản
xuất và tiêu thụ gạo ở Đông Nam Á (1980 -2014)
Nguồn: IRRI, 2015, World Rice Statistics Query
Facility, số liệu của USDA.
Qua tình hình xuất nhập khẩu lúa gạo của các
nước Đông Nam Á, có thể phân biệt thành hai nhóm: các nước phải nhập
khẩu gạo, trong số đó, đứng đầu là Indonesia, Philippines và Mã Lai;
các quốc gia xuất khẩu lúa gạo gồm Thái Lan, Việt Nam và Myanmar,
Campuchia. Lào có lượng sản xuất và tiêu thụ gần bằng nhau; Brunei và Singapore
phải dựa hoàn toàn vào lượng gạo nhập khẩu nhưng số lượng rất nhỏ.
Indonesia
Indonesia là quốc gia thuờng xuyên phải nhập
cảng một số lượng gạo lớn hàng năm. Tình trạng thiếu hụt này càng
gia tăng khi mùa màng trong nước không được thuận lợi. Năm 1997,
Indonesia bị hạn hán, sản lượng lúa gạo sụt giảm 2,6 triệu tấn so
với năm trước; vụ mùa năm sau cũng không khá hơn. Tình hình đó khiến
Indonesia phải nhập khẩu 2,9 triệu tấn gạo trong năm 1998 và 3,7 triệu
tấn trong năm 1999. Chánh phủ Indonesia khuyến khích việc sản xuất lúa
gạo trong nước bằng những biện pháp trợ giá phân bón, tăng giá mua
gạo của nông dân; ngoài ra, từ năm 2000, chính phủ nước này đánh thuế
lên gạo nhập khẩu nhằm giảm dần lượng nhập.
Malaysia
Ở Malaysia, khi còn là thuộc địa, thực dân Anh
chỉ chú trọng vào các cây công nghiệp xuất khẩu nên lúa gạo không
phải là cây trồng quan trọng nhất. Sau ngày độc lập, do xu hướng phát
triển mạnh công nghiệp, dịch vụ trong nền kinh tế Malaysia trong những
năm gần đây nên lao động trong nông nghiệp bị giảm sút. Malaysia đã phải
cố gắng gia tăng việc sản xuất lúa gạo. Năm 1980, Malaysia sản xuất được
1,3 triệu tấn gạo, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn (năm 2000), 1,6 triệu (2010) và
1,8 triệu tấn gạo vào năm 2014. Tuy nhiên lượng sản xuất luôn thấp hơn nhu cầu
tiêu thụ: 1,5 triệu tấn (1980), 1,94 tr, (2000), 2,69 triệu (2010) và 2,8 triệu
tấn gạo vào năm 2014 và nước này vẫn phải dựa vào lúa gạo nhập khẩu
từ các quốc gia lân cận.
Philippines
Lúa gạo cũng không phải là loại cây trồng quan
trọng nhất của quốc gia này. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, Philippines
đã có nhiều cố gắng áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thay
đổi giống lúa, mở mang diện tích... Nhờ thế sản xuất lúa gạo đã
phát triển. Năm 1980. Philippines sản xuất được trên 5 triệu tấn gạo. Con số
này gia tăng trong giai đoạn sau đó: 6,42 triệu tấn (năm 1990), 8,13 triệu tấn
(năm 2000), 10,54 triệu tấn (năm 2010) và 12,2 triệu tấn vào năm 2014. Tuy
nhiên, sản lượng trong nước thường không đủ cho nhu cầu, chẳng hạn như
năm 2000, lượng tiêu thụ trong nước là 8,75 triệu tấn gạo, năm 2010 tăng lên
12,9 triệu tấn và năm 2014 là 13,2 triệu tấn.
Do những cố gắng
trong sản xuất, Philippines đã có thể tự túc lương thực trong một số năm
mùa màng thuận lợi như giai đoạn từ 1978 đến 1983 và các năm 1986, 1987,
1991, 1992, 1994, thậm chí có dư gạo để xuất khẩu như trong các năm 1979, 1980
và 1987, tuy số lượng không nhiều.
Myanmar
Myanmar là một quốc gia xuất khẩu
lúa gạo hàng đầu thế giới trước Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, trong Thế chiến,
diện tích trồng lúa bị sụt giảm và chỉ được hồi phục sau chiến tranh, giúp cho
sản luợng gạo sản xuất đạt gần 4,3 triệu tấn vào năm 1960 và năm này, Myanmar
đã xuất khẩu 1,6 triệu tấn gạo (IRRI,
2015, theo USDA).
Bảng 1.
Lượng gạo sản xuất của Myanmar (triệu
tấn)
Năm |
1970 |
1980 |
1990 |
2000 |
2010 |
2014 |
Sản lượng |
5,1 |
6,67 |
7,94 |
10,77 |
11,06 |
12,6 |
Nguồn: IRRI, 2015, World Rice Statistics Query
Facility (Số liệu của USDA).
Thái Lan
Diện tích canh tác lúa ở Thái Lan đã được mở
rộng nhanh chóng sau Thế chiến thứ hai. Trong những năm chiến tranh,
diện tích canh tác lúa trung bình chỉ vào khoảng 3,4 triệu ha. Đến
năm 1960, con số này đã lên đến trên 5,6 triệu ha và tiếp tục gia tăng
đến 8,8 triệu ha (1990), 9,9 triệu ha (2000), 10,67 triệu ha (2010) và 10,27
triệu ha vào năm 2014 (IRRI, 2015, World Rice Statistics Query Facility).
Bảng 2. Sản
lượng gạo của Thái Lan (triệu tấn)
Năm |
1960 |
1970 |
1980 |
1990 |
2000 |
2010 |
2014 |
Sản lượng |
6,27 |
8,95 |
11,46 |
11,35 |
17,06 |
20,26 |
18,75 |
Nguồn: IRRI, 2015, World Rice Statistics Query
Facility (Số liệu của USDA).
Việt Nam
Việt Nam là quốc gia sản xuất lúa gạo quan
trọng trong khu vực Đông Nam Á. Trong suốt giai đoạn là thuộc địa của
Pháp từ giữa thế kỷ XIX, Việt Nam đã có một lượng lúa gạo dư thừa
hàng năm để xuất cảng. Sau đó, do tình trạng chiến tranh, diện tích
bị giảm sút. Năm 1966, 1967 diện tích canh tác lúa chỉ còn khoảng 2,3
triệu ha. Tuy nhiên trong giai đoạn này, nhờ những kỹ thuật canh tác
mới được áp dụng với sự du nhập của các giống lúa có năng suất
cao, phân bón, máy móc nên sản lượng vẫn cao hơn con số của năm 1955.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, chiến tranh
kết thúc, lực lượng lao động có thể tập trung cho sản xuất. Nhờ thế
những vùng hoang hóa được khai thác trở lại bổ sung vào quỹ đất
trồng cây luơng thực. Nhiều công trình thủy nông mới được thực hiện
đã gíúp diện tích sản xuất lúa tăng thêm đáng kể. Diện tích gieo
trồng lúa của Việt Nam từ năm 1975 như sau:
Bảng 3. Diện tích gieo
trồng và sản lượng lúa của Việt Nam (1975 – 2004)
Năm |
Diện tích gieo
trồng lúa (ha) |
Sản lượng lúa
(tấn) |
1975 |
4.940.300 |
10.538.900 |
1980 |
5.544.300 |
11.678.700 |
1990 |
6.042.800 |
19.225.100 |
2000 |
7.666.300 |
32.529.500 |
2010 |
7.489.400 |
40.005.600 |
2013 |
7.902.500 |
44.039.100 |
Nguồn: Tổng Cục thống kê, 1985, Số liệu thống kê
1930-1984, Nxb TK, 1985, triệu85, 87 và Số liệu của Tổng cục Thống Kê (http://www.gso.gov.vn)
Niên giám thống kê VN 2014 (tóm tắt).
3. TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU LÚA GẠO
3.1. Tình hình chung thị trường
lúa gạo trên thế giới
Sau thế chiến thứ hai, do nhiều tiến bộ khoa
học được áp dụng trong việc canh tác nên lượng lúa gạo sản xuất đã
gia tăng đáng kể. Các quốc gia tiêu thụ lúa gạo đã cố gắng gia tăng
lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu lương thực đang gia tăng. Một số
nước đã có thể cải thiện phần nào khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu
thụ của mình và giảm khá nhiều số lượng nhập khẩu trong những năm
sản xuất thuận lợi. Chẳng hạn như Indonesia hàng năm đã phải nhập khẩu
trên 1 triệu tấn gạo trong giai đoạn 1962-1964, đã giảm số lượng nhập
khẩu xuống còn 625.000 tấn vào năm 1968.
Biểu đồ 2: Lượng
gạo xuất khẩu của một số quốc gia chính (ngàn tấn)
Nguồn: Số liệu của USDA, theo IRRI, 2015, World
Rice Statistics Query Facility.
Biểu đồ 3. Lượng
gạo nhập khẩu của một số quốc gia chính (ngàn tấn)
Hai đồ biểu trên cho thấy thị trường gạo thế giới
có những biến động lớn. Lượng gạo xuất hay nhập khẩu của mỗi quốc gia thay đổi
từ năm này sang năm khác (ở đây chỉ lấy hai năm 1990 và 2014 để cho thấy sự biến
động)
Nhìn chung, lượng gạo buôn bán trên thế giới trong
những năm qua có sự tăng trưởng nhanh chóng.
Bảng 4.
Lượng gạo xuất khẩu trên thế giới (triệu tấn)
1970 |
1980 |
1990 |
2000 |
2001 |
2013 |
8,4 |
12,94 |
12,47 |
23,43 |
24,45 |
38,66 |
Nguồn: IRRI, World Rice Statistics và Ye Min Aung, 2014),
Lượng lúa gạo lưu thông tăng nhiều là do sự gia
tăng nhập khẩu của các nước nhập gạo quan trọng như Trung Quốc,
Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh,
Philippines, các nước vùng Trung Đông và sự thiếu hụt lương thực tại châu
Phi. Năm 1990, các nước châu Phi nhập khẩu 3 triệu tấn gạo, vào năm
1998, số nhập cảng tăng lên đến 4,72 triệu tấn. Ngoài ra, một số nước
còn có thể tăng số gạo nhập khẩu nhằm dự trử để bảo đảm sự ổn
định giá cả lương thực trong nước.
Hầu hết các nước sản xuất gạo cũng là nước
tiêu thụ. Châu Á là khu vực sản xuất, tiêu thụ và buôn bán lúa gạo
quan trọng nhất (chiếm khoảng 71% lượng gạo xuất khẩu và 50% lượng
gạo nhập khẩu của thế giới). Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn
Độ có ảnh hưởng rất lớn thị trường gạo quốc tế. Mỹ là nước xuất
khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới chiếm trên 36% tổng kim ngạch ngũ
cốc, đứng đầu về xuất khẩu lúa mì và ngô, thứ ba về xuất khẩu lúa
gạo (2001).
3.2. Xuất khẩu lúa gạo tại Đông Nam Á
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, có nước luôn
sản xuất dư thừa lúa gạo và xuất cảng thường xuyên với số lượng nhiều
hay ít. Có nước chỉ có thể xuất khẩu lúa gạo được vào những năm
mùa màng thuận lợi, phải nhập khẩu vào những năm mùa màng gặp khó
khăn và cũng có những nước luôn phải nhập gạo để dùng.
Bảng 5. Xuất
nhập khẩu lúa gạo ở Đông Nam Á 1990 & 2000
|
XUẤT KHẨU (Ngàn
tấn GẠO) (Số liệu của USDA) |
NHẬP KHẨU (Ngàn tấn GẠO) (Số liệu của USDA) |
||||||||
|
1980 |
1990 |
2000 |
2010 |
2014 |
1980 |
1990 |
2000 |
2010 |
2014 |
Brunei |
|
|
|
|
|
21 |
22 |
27 |
40 |
40 |
Cambodia |
|
|
6,37* |
860 |
1.1 |
132 |
55 |
39 |
5 |
|
Indonesia |
10* |
1,91*
|
1,12* |
0,34*
|
|
543** |
192 |
1.500 |
3.098** |
1.250 |
Lào |
|
|
|
|
|
1 |
|
5 |
24 |
10 |
Malaysia |
|
|
|
|
|
317 |
367 |
633 |
1.076 |
1.000 |
Myanmar |
674 |
176 |
670 |
1.075 |
1.85 |
|
|
|
|
|
Philippines |
83 |
|
0,22* |
0,17* |
|
|
91 |
1.175 |
1.200 |
1.700 |
Singapore |
|
|
|
|
|
178 |
207 |
444 |
275 |
300 |
Thái Lan |
3.049 |
3.988 |
7.521 |
10.647 |
11.000 |
|
|
|
|
300 |
Việt Nam*** |
-193 |
1.624 |
3.476,7 |
6.893 |
8.017 (2012) |
|
|
|
|
|
Nguồn: [IRRI, World Rice Statistics Online Query Facility, http://ricestat.irri.org:8080/wrs2/entrypoint.htm).
Số liệu của USDA
* Số liệu của FAO
** Theo số liệu của FAO: năm 1980
là 2.011, 7 ngàn tấn và năm 2010 là 685,77 ngàn tấn.
*** Số liệu của Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm
Bảng trên cho thấy Thái Lan là nước đứng đầu về xuất
khẩu gạo trong nhiều năm, kế đến là Việt Nam. Trong khoảng hơn một thập niên
qua, Myanmar và Campuchia đã trở lại là nước xuất khẩu lúa gạo với số lượng
ngày một tăng. Trong số các nước nhập khẩu lúa gạo, quan trọng nhất là ba nước
Indonesia, Malaysia và Philippines. Lượng gạo mua hay bán từng năm của mỗi nước
thay đổi nhiều, nhất là lượng nhập khẩu.
Theo thống kê của Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan
(Thai Rice Exprorter Association, 2010), Việt Nam và Campuchia nắm 60% thị phần
gạo xuất khẩu sang các nước ASEAN, Thái Lan chỉ chiếm 30% (trước đây là 60%).
Các nước Singapore, Malaysia, Philippines trước đây nhập cảng gạo chủ yếu từ
Thái Lan, nay đã chuyển sang nhập khẩu gạo từ VN (Năm 2010, VN xuất khẩu 2,8
triệu tấn gạo sang các nước ASEAN trong khi Thái Lan chỉ xuất khẩu 640.000 tấn
trong tổng số 8,5 triệu tấn Tái Lan xuất khẩu trong năm này) (Hồ Cao Việt,
2011).
Myanmar trước đây là nước đứng đầu thế giới về xuất
khẩu lúa gạo. Đến năm 1963, nước này vẫn còn xuất khẩu 1,7 triệu
tấn gạo. Tuy nhiên, từ năm 1967, do sự gia tăng dân số nhanh chóng và
sự trì trệ trong sản xuất và hoạt động buôn bán, lượng xuất khẩu
sút giảm hẳn đi. Năm 1971, Myanmar chỉ xuất khẩu được 810.000 tấn gạo.
Con số này còn sụt giảm đến 176.000 tấn vào năm 1990 Việc xuất cảng
lúa gạo có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Myanmar. Vì thế sự
sụt giảm xuất khẩu lúa gạo đã gây ảnh hưởng xấu về kinh tế. Từ năm
1990, Myanmar đã cố thúc đẩy sản xuất lúa và xuất khẩu gạo bằng
cách bỏ những hạn chế trong xuất nhập khẩu, nhập khẩu phân bón, mềm
dẻo hơn trong việc ấn định tỉ giá tiền tệ...
Trong những
năm gần đây, lượng xuất khẩu đã phục hồi phần nào: 670 ngàn tấn
(2000) và 1,075 triệu tấn (2010) và 1,85 triệu tấn vào năm 2014 (
IRRI, World Rice Statistics Online Query
Facility).
Thái Lan là nước xuất khẩu lúa gạo đứng đầu thế
giới. Trong những năm Thế chiến thứ hai, lượng gạo xuất khẩu của Thái
Lan cũng bị sụt giảm nhưng đã dần được phục hồi sau chiến tranh. Đến
năm 1950, 1951, Thái Lan đã có thể phục hồi lại mức xuất khẩu cao
nhất đã đạt được trong những năm trước chiến tranh. Năm 1980, lượng
gạo xuất khẩu đạt 3,05 triệu tấn, sau đó tiếp tục tăng lên gần 4 triệu tấn
(1990), 7,5 triệu tấn (2000), 10,6 triệu tấn (2010) và 11 triệu tấn vào năm
2014 nhờ những cố gắng mở rộng thị trường rất đa dạng: Thái Lan đẩy
mạnh sản xuất và xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao như loại Hom
Mali (gạo thơm Jasmine) vì nhu cầu loại gạo này cao và các nước đối
thủ cạnh tranh của Thái Lan không sản xuất được; Thái Lan mở rộng thị
trường châu Phi. Ngoài ra, để mở rộng thị trường gạo phẩm chất thấp,
chính phủ Thái Lan đã cho phép các doanh nghiệp giảm giá gạo, cấp tín
dụng cho nước nhập khẩu (với Sri Lanca) cũng như áp dụng việc trao đổi
hai chiều để xuất cảng gạo (với Philippines) và đa dạng hóa sản phẩm
xuất khẩu bằng cách chế biến gạo thành các dạng thực phẩm khác hay
các món ăn tráng miệng để xuất khẩu…
Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo lớn ở Đông Nam Á,
có lượng gạo xuất khẩu lên đến 1,7 triệu tấn vào những năm 1935, 1936. Tuy
nhiên, trong những năm chiến tranh trước 1975, Việt Nam không những không xuất
khẩu gạo mà còn phải nhập một lượng lớn lương thực để tiêu dùng. Sau năm 1975,
Việt Nam đã thống nhất đất nước nhưng việc sản xuất lúa gạo chưa
hồi phục và gặp những khó khăn mới. Vì thế Việt Nam tiếp tục là
nước phải nhập khẩu lương thực (gồm cả gạo và lúa mì, bột mì).
Sau nhiều năm phải nhập khẩu lúa gạo, Việt Nam
đã xuất khẩu trở lại từ năm 1989 với số lượng là 1,42 triệu tấn.
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm sau đó: 1,6
triệu tấn (1990), 3,4 triệu tấn (2000), gần 6,9 triệu tấn (2010) và trên 8 triệu
tấn vào năm 2012.
Việt Nam xuất khẩu gạo đến nhiều nước trên thế giới.
Tính chung trong gần hai thập kỷ qua, Việt Nam xuất gạo đến các nước thuộc châu
Á (47,53%), châu Phi (25,57%), Trung Đông (11,35%), châu Mỹ (9,68%) và châu Úc
(0,55%). (Phạm Thị Thương Hiền, 2014). Gạo Việt Nam phải cạnh tranh gạo những nước khác,
đặc biệt là những nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc,
Myanmar. Trước sự canh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, Việt Nam
đã có những cải tổ về mặt tổ chức bộ máy hoạt động xuất khẩu
gạo như bãi bỏ cơ chế giao hạn ngạch xuất khẩu, qui định doanh nghiệp
đầu mối xuất nhập khẩu hai mặt hàng gạo và phân bón (năm 2000), áp
dụng nhiều biện pháp hỗ trợ hoạt động kinh doanh lúa gạo như thuế
suất xuất khẩu gạo là 0% khi việc xuất khẩu gặp khó khăn, chấp nhận
phương thức thanh toán chậm trong việc xuất khẩu gạo (2000). Ngoài ra,
nhà nước mua gạo để tạm trữ nhằm bảo đảm nhanh chóng có kịp hàng
hóa khi cần xuất khẩu và cũng để giữ giá lúa trong nước không hạ
quá thấp gây thiệt hại cho người nông dân, hỗ trợ cho các doanh nghiệp
lãi suất vay tiền mua gạo tạm trữ, thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu
khi tình hình khó khăn (tháng 7/2001)...
4. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ VIỆC
XUẤT KHẨU GẠO CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
4.1. Tính đặc thù của mặt
hàng lúa gạo
Lượng gạo buôn bán trên thị trường thế giới hàng
năm khá lớn nhưng chỉ chiếm 4-6% lượng sản xuất (chỉ số này của lúa
mì là 20%, đậu tương là 25%, ngũ cốc chăn nuôi là 12%). Chính vì thế
nên khi việc sản xuất tăng giảm vài phần trăm cũng tạo biến động lớn trong
lượng gạo lưu thông trên thị trường. Chẳng hạn như năm 1999, sản lượng
của Indonesia và Philippines tăng 3%, Bangladesh tăng 1% so với năm trước
khiến các nước này giảm nhập khẩu và kết quả là nhu cầu gạo trên thị trường
thế giới đã giảm 11%.
Lương thực là hàng hóa thiết yếu đối với đời
sống và sản xuất của một nước nên đa số chính phủ các nước trên thế
giới đều can thiệp vào việc sản xuất, xuất nhập khẩu lương thực và
chú trọng xây dựng chính sách dự trữ quốc gia, bảo hộ nông nghiệp.
Điều này có tác động rất lớn đến hoạt động của thị trường lúa
gạo.
Ngoài ra, tùy tình hình giá cả và sự cung cấp lương thực,
một số quốc gia có thể thay đổi phần nào số lượng một loại ngũ cốc sử dụng, có
thể giảm lượng nhập khẩu lúa gạo để thay bằng loại ngũ cốc khác. Chính vì thế
trong việc buôn bán lúa gạo trên thị trường thế giới, sự cạnh tranh không những
diễn ra giữa các nước xuất khẩu lúa gạo mà còn giữa lúa gạo và các loại ngũ cốc.
4.2. Tác động của các định
chế kinh tế với hoạt động buôn bán lúa gạo của các nước ASEAN
Các nước Đông Nam Á có vị trí quan trọng trong
việc xuất gạo như Thái Lan, Việt Nam và Myanmar đều là thành viên của
một vài định chế kinh tế quốc tế như tất cả đều là thành viên của
khối ASEAN. Việc buôn bán lúa gạo của các nước này bị chi phối bởi
những cam kết của khối.
Các Tổ chức thương mại tài chính khác cũng
tác động đến thị trường gạo thế giới và cả các nước ASEAN. Những
cam kết mở cửa thị trường quốc nội của các nước tham gia WTO đã
khiến nhiều nước trước đây đặt hàng rào thuế quan để bảo vệ nền
nông nghiệp trong nước phải mở dần thị trường của mình. Việc này sẽ
khiến thị trường lúa gạo rộng mở hơn và đồng thời sự cạnh tranh cũng quyết liệt
hơn. Gia nhập WTO, Việt Nam cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu
đối với nông sản ngay từ thời điểm gia nhập. Nông dân Việt Nam còn
phải tăng cường việc tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm,
chất lượng sản phẩm và phải sản xuất với giá thành thấp cũng như
quan tâm đến vấn đề thương hiệu để có thể cạnh tranh trên thị trường
quốc tế.
5. KẾT LUẬN
Buôn bán lúa gạo là hoạt động thương mại quan
trọng của các nước ASEAN. Đối với Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, lúa
gạo là một mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Còn đối với những
nước khác, việc nhập khẩu lúa gạo để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng,
bảo đảm an toàn lương thực cũng là vấn đề quan trọng. Do đó việc
buôn bán, tồn trữ và giá cả lúa gạo luôn được các chính phủ quan tâm
đặc biệt và có thể có những can thiệp cần thiết.
Thị trường lúa gạo từ lâu đã mang tính quốc
tế. Tình hình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay càng khiến cho những
biến động trong sản xuất lưu thông ở một nước, một khu vực nhanh
chóng ảnh hưởng đến quốc gia khác, khu vực khác. Đồng thời việc mở
rộng thị trường, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện cho sự lưu thông
hàng hóa càng làm tăng tính quyết liệt trong cạnh tranh trên thị
trường lúa gạo cũng như thị trường lương thực nói chung. Các quốc gia
xuất khẩu gạo vừa phải cạnh tranh vừa phải liên kết nhau để bảo đảm
quyền lợi của người tiêu thụ cũng như của người nông dân sản xuất.
Ngoài ra, việc bảo hộ thị trường trong nước, trợ cấp nông nghiệp,
nhất là của các nước giàu đang là những trở ngại cho việc buôn bán
luá gạo cũng như các nông sản khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Cao Việt,
Ngành hàng lúa gạo VN: Tầm nhìn chiến lược trước cơ hội và thách thức – Tham luận
lúa gạo – Cần Thơ Tháng 11- 2011
2. Phạm Thị Thương
Hiền, Đánh giá tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa –gạo của Việt Nam từ thập
niên 1990 trở lại đây, download ngày 1-8-2014 từ http://atin-vietnam.com/Library/sach/DDL/CTL.pdf.
3. Phan Huy Xu,
Mai Phú Thanh (1966), Địa lý Đông Nam Á -Những vấn đề kinh tế- xã
hội, Nxb. Giáo dục.
4. Tổng cục
Thống kê (1985), Số liệu thống kê
1930-1984, Nxb TK, Hà Nội.
5. Tổng cục
Thống Kê (2014), Niên giám thống kê VN
2014 (tóm tắt), http://www.gso.gov.vn.
6. IRRI, 2015, World Rice Statistics Query Facility, http://ricestat.irri.org:8080/wrs2/entrypoint.htm
7. IRRI, World Rice Statistics
(http://www.irri.org/science/ricestat/index.asp)
8. Ye Min Aung (2014), Myanmar: From Asia’s Forgotten Rice Bowl to Feeding
the Future, https://www.firstgrain.com/FrontPage/GRMT_DAY1_UYeMinAung.pdf
LIÊN KẾT VÙNG HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
QUỐC TẾ: TRƯỜNG HỢP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
ThS. Phạm Trần Hải
Viện Nghiên cứu
phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Tại Việt Nam, vùng
lãnh thổ được hình thành theo hai hướng: (i) từ trên xuống (top-down) với các
quyết định của cấp trung ương (dựa trên các quan điểm về địa lý, về phát triển
kinh tế - xã hội, về tổ chức không gian lãnh thổ) và (ii) từ dưới lên
(bottom-up) với sự tự nguyện tham gia của các địa phương. Trong đó, các vùng
kinh kinh tế trọng điểm (luôn phát triển xung quanh một hoặc một vài đô thị lớn
nên còn gọi là vùng đô thị) đóng vai trò động lực quan trọng trong quá trình
phát triển đất nước. Ngày nay, khi cạnh tranh quốc tế diễn gay gắt nhất không
phải giữa các quốc gia hoặc giữa các đô thị mà giữa các vùng thuộc quốc gia (nhất
là các vùng đô thị), nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng này là điều rất
cấp thiết. Trong bài viết này, khung đánh giá Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp
vùng của Úc được áp dụng vào thực tiễn Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam để củng
cố nhận định: đẩy mạnh liên kết vùng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của
các vùng kinh tế trọng điểm. Để đẩy mạnh liên kết vùng, mô hình quản trị vùngđược
đề xuất áp dụng trên cơ sở phân tích xu thế liên kết vùng trên thế giới và các
điều kiện thực tiễn tại Việt Nam;đồng thời, đưa ra các giải pháp sơ bộ để triển
khai áp dụng mô hình này (thiết lập bộ máy điều phối vùng, hình thành các quỹ
phát triển vùng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng, xác định phạm vi và xây
dựng chiến lược phát triển cho khu vực động lực của vùng).
1. KHÁI NIỆM LIÊN KẾT VÙNG TẠI VIỆT NAM
Trên thế giới, vùng lãnh thổ được được xác định
dựa trên sự chia sẻ các điểm chung về địa lý, không gian, mối quan hệ kinh tế –
văn hóa – xã hội và tính chất hành chính – chính trị (Mansfield, 1999). Tại Việt
Nam, các vùng liên tỉnh được hình thành theo hai hướng:
- Từ trên
xuống (top-down) với các quyết định của cấp trung ương (dựa trên các quan điểm
về địa lý, về phát triển kinh tế - xã hội, về tổ chức không gian lãnh thổ);
- Từ dưới lên
(bottom-up) vớisự tự nguyện tham gia của các địa phương.
1.1. Vùng được hình thành theo hướng từ trên
xuống (top – down)
1.1.1. Các vùng được hình thành theo hướng top – down dựa
trên quan điểm về địa lý
Về mặt hành chính, lãnh thổ Việt Nam được
chia thành 63 tỉnhthành. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước phân bổ cho từng
các tỉnh thành, điều này tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, linh hoạt
trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, nó cũng tạo ra sự chia cắt,
manh mún trong nền kinh tế đất nước. Nhận thức được hạn chế này, việc tăng cường
liên kết giữa các tỉnh thành có cùng điều kiện địa lý đã dẫn đến sự hình
thành khái niệm vùng liên tỉnh tại Việt Nam. Hiện nay, 63 tỉnh thành được phân
chia thành 6 vùng liên tỉnh, bao gồm:
- Vùng trung du và
miền núi phía Bắc (14 tỉnh);
- Vùng đồng bằng
sông Hồng (11 tỉnh thành);
- Vùng Bắc Trung Bộ
và duyên hải Miền Trung (14 tỉnh thành);
- Vùng Tây Nguyên (05
tỉnh);
- Vùng Đông Nam Bộ
(06 tỉnh thành);
- Vùng đồng bằng
sông Cửu Long (13 tỉnh thành).
1.1.2. Các vùng được hình thành theo hướng top – down dựa
trên quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội
Để tạo các động lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cuối thập niên 1990, Thủ tướng Chính
phủ đã lần lượt ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội của các vùng lãnh thổ liên tỉnh, đánh dấu sự hình thành các
vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, bao gồm Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (theo
Quyết định số 747/1997/QĐ-TTg ngày 11tháng 9 năm 1997), Vùng kinh tế trọng điểm
Trung Bộ (theo Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 1997), và
Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam (theo Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg ngày 23
tháng 02 năm 1998). Qua nhiều lần điều chỉnh quy mô và bổ sung, đến nay, nước
ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô như sau:
- Vùng
kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gồm 7 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng
Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc;được phát triển xung quanh thành phố Hà Nội
và thành phố Hải Phòng;
- Vùng
kinh tế trọng điểm Trung Bộ, gồm 5 tỉnh thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng
Nam, Quảng Ngãi, Bình Định;được phát triển xung quanh thành phố Đà Nẵng;
- Vùng
kinh tế trọng điểm Phía Nam, gồm 8 tỉnh thành: TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình
Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang;được phát triển xung
quanh thành phố Hồ Chí Minh;
- Vùng
kinh tế trọng điểm Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 4 tỉnh thành: Cần Thơ, An
Giang, Kiên Giang, Cà Mau; được phát triển xung quanh thành phố Cần Thơ.
Các vùng kinh tế trọng điểm cũng là các vùng
đô thị do luôn được phát triển xung quanh một hoặc một vài đô thị lớn, chúng
đóng vai trò động lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
1.1.3. Các vùng được hình thành theo hướng top – down dựa
trên quan điểm về tổ chức không gian lãnh thổ
Theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, có nhiều loại vùng được
xác định dựa trên quan điểm về tổ chức không gian lãnh thổ. Luật Xây dựng năm
2014 quy định cụ thểvề các loại vùng lãnh thổ như sau: Vùng liên tỉnh, vùng tỉnh,
vùng liên huyện, vùng huyện, vùng chức năng đặc thù; vùng dọc tuyến đường cao tốc,
hành lang kinh tế liên tỉnh.Trong đó, vùng liên tỉnh được hình thành từ một số
tỉnh thành có cùng đặc điểm về mặt tổ chức không gian lãnh thổ và các khu vực
chức năng của các tỉnh thành này phụ thuộc chặt chẽ, tương tác lẫn nhau trong
quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của toàn vùng.
1.2. Các vùng được hình thành theo hướng từ
dưới lên (bottom – up)
Hiện nay, xu hướng hình thành các vùng liên tỉnh
từ sự tự nguyện của các địa phương được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới:
Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, … Tại Việt Nam, từ nhu cầu thực tiễn, các tỉnh thành
của Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng
Ngãi, Bình Định) đã kêu gọi thêm sự tham gia của hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa để
cùng tự nguyện hình thành Vùng duyên hải Miền Trung(dựa vào chuỗi các đô thị
quan trọng ở Miền Trung: Huế - Đà Nẵng – Quảng Ngãi – Quy Nhơn – Tuy Hòa – Nha
Trang) nhằm liên kết, phối hợp trong việc chủ động khai thác lợi thế về
điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương
để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Các
tỉnh thành này đã nhận thức rõ: “Quá trình phát triển của mỗi địa phương cho thấy
không chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh”, tức là về thế mạnh về điều kiện tự nhiên, vị
trí địa lý để thực hiện chính sách kêu gọi ưu đãi đầu tư, nếu không tạo ra “lợi
thế động” nhằm tối ưu hoá nguồn lực hữu hạn, thì rất khó để nâng cao sức cạnh
tranh của toàn vùng. Nhận thức được vấn đề, nhưng làm thế nào trong điều
kiện mà lợi ích phát triển của mỗi địa phương không chỉ có điểm tương
đồng, mà còn chứa đựng cả những mâu thuẫn lợi ích… Từ nhu cầu phát triển
và vực dậy nền kinh tế địa phương của các tỉnh trong vùng, liên kết phát
triển là cần thiết, là tất yếu khách quan…” (Trần Du Lịch, 2012).Trên cơ sở
đó, trong những năm gần đây, các tỉnh thành trong Vùng duyên hải Miền Trung đã
nỗ lực tổ chức một số hoạt động nhằm liên kết đa phương trên nhiều lĩnh vực (du
lịch, y tế, công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực).
2. LIÊN KẾT VÙNG HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU NÂNG CAO
NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC TẾ: TRƯỜNG HỢP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
2.1. Khái niệm về năng lực cạnh tranh của
vùng
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp liên
quan đến bản chất và kỹ năng để cạnh tranh, để giành và duy trì vị trí trên thị
trường, tăng thị phần và lợi nhuận, và mục tiêu cuối cùng là thành công trong
các hoạt động thương mại (Filó, 2007). Năng lực cạnh tranh của một vùng lãnh thổ
được định nghĩa là khả năng tạo dựng một môi trường hấp dẫn và bền vững cho các
doanh nghiệp hoạt động cũng như cho người dân sống và làm việc trong vùng
(Dijkstra và các cộng sự, 2011).Khác với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp,
thông thường, năng lực cạnh tranh của vùng lãnh thổ không chỉ đề cập yếu tố
năng suất mà còn quan tâm đến lợi ích của người dân sống trong vùng lãnh thổ
này. Ngày nay, cạnh tranh quốc tế diễn gay gắt nhất không phải ở giữa các quốc
gia hoặc giữa các đô thị mà giữa các vùng thuộc quốc gia, nhất là các vùng đô
thị (là vùng lãnh thổ được hình thành xung quanhmột hoặc một vài đô thị lớn
đóng vai trò động lực phát triển cho toàn vùng).
2.2. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp vùng
Năng lực cạnh tranh của vùng lãnh thổ được
xác định thông qua Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp vùng (Regional
Competitiveness Index – RCI). Chỉ số này được cấu trúc khác nhau vàđược tính
toán khác nhau, phụ thuộc vào đặc thù của từng quốc gia và khu vực cũng như
quan điểm của các tổ chức chịu trách nhiệm xác định và công bố.
2.2.1. Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hiện nay, khung đánh giá RCI đối
với vùng liên tỉnh chưa được xây dựng. Tuy nhiên, đối với vùng tỉnh, từ năm
2005 đến nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ của
Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAids), đã thực hiện điều tra và
xác định Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh(Provincial Competitiveness Index –
PCI) định kỳ hàng năm cho 63 tỉnh thành trong cả nước.
Qua tham khảo khung đánh giá PCI của Việt
Nam, năng lực cạnh tranh của một tỉnh thành được đo lường thông qua 10 chỉ
tiêu:
- Chi phí
gia nhập thị trường;
- Tiếp cận
đất đai;
- Tính
minh bạch của môi trường kinh doanh và tính công khai trong thông tin kinh
doanh;
- Chi phí
không chính thức;
- Thời
gian thực hiện các quy định, thủ tục hành chính;
- Tính
bình đẳng của môi trường cạnh tranh;
- Tính
năng động, sáng tạo trong quản lý hành chính;
- Dịch vụ
hỗ trợ doanh nghiệp;
- Chính
sách đào tạo lao động; và
- Thủ tục
giải quyết tranh chấp.
PCI của Việt Nam chỉ tập trung phân tích năng
lực cạnh tranh của tỉnh thành trong lĩnh vực kinh tế (chủ yếu đánh giá sự hỗ trợ
của chính quyền địa phương đối với hoạt động của các doanh nghiệp) mà chưa đề cập
khả năng xây dựng và bảo vệ quyền lợi (về mặt xã hội và môi trường) cho người
dân sống trên địa bàn mỗi tỉnh thành.
2.2.2. Tại Liên Minh Châu Âu
Theo Dijkstra và các cộng sự (2011), Chỉ số
RCI của Liên minh Châu Âu (European Union – EU) là chỉ số tổng hợp cung cấp bức
tranh toàn cảnh về năng lực cạnh tranh của các vùng ở cấp NUTS 2[134]thuộc
lãnh thổ của 27 quốc gia thành viên EU. Chỉ số này được xây dựng trên cơ sở điều
chỉnh Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Index – GCI)
của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF). RCI của EU bao gồm
ba nhómvới tổng cộng 11 vấn đề (pillar).
- Nhóm
cơ bản (basic pillars) gồm các vấn đề:
+ Thể chế;
+ Sự ổn định của kinh tế vĩ mô;
+ Kết cấu hạ tầng;
+ Sức khỏe;
+ Chất lượng của giáo dục tiểu học và trung học.
- Nhóm
hiệu quả (efficiency pillars) gồm các vấn đề:
+ Giáo dục và đào tạođại học, đào tạotại chức;
+ Hiệu quả của thị trường lao động;
+ Quy mô thị trường.
- Nhóm
đột phá (innovation pillars) gồm các vấn đề:
+ Sự sẵn sàng về mặt công nghệ;
+ Sự hoàn thiện của các doanh nghiệp;
+ Sự đổi mới.
Mỗi vấn đề nêu trên gồm nhiều chỉ tiêu
(indicator); RCI của EU có tổng cộng 66 chỉ tiêu.
Ngoài các nội dung liên quan đến hiệu quả
kinh tế của các doanh nghiệp, RCI của EU đã quan tâm đến khía cạnh xã hội nhằm
bảo đảm lợi ích của người dân trong vùng, tuy nhiên, các khía cạnhtài nguyên
thiên nhiên và môi trường trong vùng (chất lượng không khí, nước mặt, vi khí hậu
…) vẫn chưa được đề cập tới.
2.2.3. Tại Úc
Viện Nghiên cứu vùng Úc đã xây dựng khung
đánh giá RCI để xem xét một cách phù hợp, toàn diện và khả thi về thực trạng và
triển vọng phát triển trong tương lai của các vùng ở Úc (Regional Australia
Institute, 2012).
Khung đánh giá RCI của Úc (có tên gọi là [In]Sight)dựa trên cơ sở GCI của WEF và
RCI của EU, được điều chỉnh một cách phù hợp để phản ảnh các vấn đề vùng quan
trọng và các thông tin sẵn có ở Úc.
Khung đánh giá RCI của Úc bao gồm 10 nhóm chủ
đề (theme), cụ thể như sau:
- Thể
chế;
- Kết
cấu hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu;
- Nền
tảng kinh tế;
- Nguồn
nhân lực;
- Hiệu
quả của thị trường lao động;
- Sự
sẵn sàng về kỹ thuật;
- Sự
hoàn thiện của các doanh nghiệp;
- Sự
đột phá;
- Quy
mô thị trường;
- Tài
nguyên thiên nhiên.
Mỗi nhóm chủ đề nêu trên bao gồm nhiều chỉ
tiêu (indicator), RCI của Úc có tổng cộng 58 chỉ tiêu.
Khung đánh giá RCI của Úc có tính toàn diện,
tích hợp các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường để đo lường năng lực cạnh tranh
của vùng; đồng thời tương đối phù hợp để áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
Trong phần tiếp theo của bài báo, khung đánh
giá RCI của Úc sẽ được áp dụng đối với Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam để củng
cố nhận định: đẩy mạnh liên kết vùng sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh
của các vùng kinh tế trọng điểm tại Việt Nam.
3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA LIÊN KẾT VÙNG ĐẾN
NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC TẾ: TRƯỜNG HỢP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
3.1. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Hình 1. Bản đồ định
hướng phát triển không gian Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2050
Ngày 23 tháng 02 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam giai đoạn đến năm 2010
(tại thời điểm này, Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam bao gồm 4 tỉnh thành:
TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai). Sau đó, tại Hội nghị các tỉnh
thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam vào các ngày 20 và 21 tháng 6 năm 2003,
Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về việc
bổ sung ba tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An vào Vùng kinh tế trọng điểm Phía
Nam (Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 02 tháng 7 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ);
theo đó Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam bao gồm 7 tỉnh thành (TPHCM, Bình
Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, và Long An). Năm
2005, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung tỉnh Tiền Giang vào Vùng Kinh tế
trọng điểm Phía Nam(Công văn số 4973/CV-VPCP của Văn phòng Chính phủ vào tháng
9 năm 2005); theo đó, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh thành
(TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An,
và Tiền Giang với tổng diện tích vùng lãnh thổ là 30.591 km2 và dân
số (tính đến năm 2002) là 18,023 triệu người (năm 2011).
Như vậy, Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam là
vùng liên tỉnh được hình thành trên quan điểm phát triển kinh tế - xã hội. Vùng
kinh tế trọng điểm Phía Nam có ranh giới địa lý trùng với Vùng TPHCM (được hình
thành trên quan điểm tổ chức không gian lãnh thổ). Vùng kinh tế trọng điểm Phía
Nam có nhiều đặc điểm tự nhiên và đặc điểm lịch sử - văn hóa - xã hội thuận lợi,
là vùng năng động nhất và luôn đi đầu trong quá trình đô thị hóa và phát triển
kinh tế - xã hội của cả nước; trong đó, TPHCM là hạt nhân đô thị hóa và là động
lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
3.2. Tác động của việc đẩy mạnh liên kết vùng đến RCI của vùng
kinh tế trọng điểm phía nam (sử dụng khung đánh giá RCI của Úc)
Liên kết vùng đã phát huy các ngoại ứng tích
cực (positive externalities) và góp phần giảm thiểu các ngoại ứng tiêu cực
(negative externalities) trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường (Phạm Trần
Hải, 2015); qua đó phát huy tối đa nguồn lực xã hội cho năng suất sản xuất của
doanh nghiệp và lợi ích của người dân sống trong vùng. Các nhà khoa học và các
chuyên gia cũng nhiều lần khẳng định: Đẩy mạnh liên kết vùng sẽ góp phần nâng
cao năng lực cạnh tranh của các vùng kinh tế trọng điểm. Khung đánh giá RCI của
Úc được sử dụng để phân tích nhằm củng cố quan điểm trên.
Bảng 1. Đánh giá tác
động của việc đẩy mạnh liên kết vùng đến RCI của Vùng kinh tế trọng điểm Phía
Nam (sử dụng khung đánh giá RCI của Úc)
Nhóm chủ đề (theme) |
Chỉ tiêu (indicator) |
Cách xác định chỉ tiêu |
Tác động của đẩy mạnh liên kết
vùng đến chỉ tiêu |
Tác động của chỉ tiêu đếnRCI |
Tác động của đẩy mạnh liên kết
vùng đến RCI |
Thể chế |
Dịch vụ công |
% của lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ
công |
+ |
+ |
+ |
Chi tiêu của chính quyền địa phương |
Chi tiêu của chính quyền địa phương trên đầu người |
+ |
+ |
+ |
|
Cấp phép đối với dự án xây dựng |
Thời gian xử lý trung bình (ngày) |
KLQ |
- |
KLQ |
|
Ảnh hưởng của chính quyền vùng đến cấp trung ương |
Đánh giá của doanh nghiệp |
KLQ |
+ |
KLQ |
|
Sự minh bạch trong chính sách của chính quyền địa phương |
Đánh giá của doanh nghiệp |
KLQ |
+ |
KLQ |
|
Vai trò và trách nhiệm rõ ràng trong quản trị vùng |
Đánh giá của doanh nghiệp |
+ |
+ |
+ |
|
Gánh nặng tài chính của chính quyền địa phương |
Đánh giá của doanh nghiệp |
- |
- |
+ |
|
Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với các doanh
nghiệp |
Đánh giá của doanh nghiệp |
KLQ |
+ |
KLQ |
|
Kết cấu hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu |
Hạ tầng cảng hàng không |
Khoảng cách từ trung tâm vùng đến cảng hàng không gần nhất |
- |
- |
+ |
Hạ tầng cảng đường thủy |
Khoảng cách từ trung tâm vùng đến cảng đường thủy gần nhất |
- |
- |
+ |
|
Tiếp cận đến dịch vụ giáo dục đại học |
% dân số trong độ tuổi làm việc học đại học hoặc các cơ sở
đào tạo tương đương khác |
+ |
+ |
+ |
|
Tiếp cận đến thông tin công nghệ và các thông tin khác |
% dân số trong độ tuổi lao động theo học tại các cơ sở đào
tạo công nghệ hoặc các cơ sở đào tạo tương đương khác |
+ |
+ |
+ |
|
Tiếp cận đến dịch vụ bệnh viện |
Số lượng người làm việc ở các bệnh viện trong vùng cho mỗi
người dân |
+ |
+ |
+ |
|
Tiếp cận đến các dịch vụ y tế tương cận |
% lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ y
tếtương cận |
+ |
+ |
+ |
|
Tiếp cận đến dịch vụ bác sĩ gia đình |
Số lượng bác sĩ gia đình cho mỗi 100,000 dân |
+ |
+ |
+ |
|
Ngành cảnh sát |
Số lượng người làm việc trong ngành cảnh sát trong vùng
cho mỗi người dân |
KLQ |
+ |
KLQ |
|
Hạ tầng đường bộ |
Khoảng cách từ trung tâm vùng đến tuyến đường cao tốc
chính gần nhất |
- |
- |
+ |
|
Tiếp cận đến dịch vụ giáo dục tiểu học và trung học |
Khoảng cách đến trường học gần nhất |
KLQ |
- |
KLQ |
|
Hạ tầng đường sắt |
Khoảng cách đến ga xe lửa gần nhất |
- |
- |
+ |
|
Nền tảng kinh tế |
Dự án xây dựng được cấp phép |
Giá trị dự án xây dựng được cấp phép cho mỗi người dân |
+ |
+ |
+ |
Lương / chi phí lao động |
Thu nhập từ lương và thù lao trung bình |
+ |
+ |
+ |
|
Sự tin tưởng của các doanh nghiệp |
Đánh giá của doanh nghiệp |
+ |
+ |
+ |
|
Nguồn nhân lực |
Bằng đại học |
% dân số trong độ tuổi lao động có bằng đại học |
+ |
+ |
+ |
Bồi dưỡng, đào tạo tại chức |
% của dân số trong độ tuổi lao động tham gia các chương
trình giáo dục và đào tạo |
+ |
+ |
+ |
|
Số lượng trẻ em bỏ học sớm |
% của dân số trong độ tuổi trưởng thành chưa học xong lớp
12 |
- |
- |
+ |
|
Sức khỏe |
Số lượng người trong độ tuổi trưởng thành có nguy cơ bị
bệnh do hút thuốc lá, sử dụng alcohol, lười vận động, béo phì |
KLQ |
- |
KLQ |
|
Sự thành thạo tiếng Anh |
% của dân số sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất hoặc
thông thạo tiếng Anh nếu là ngôn ngữ thứ hai |
+ |
+ |
+ |
|
Sự thể hiện của trẻ em trong giai đoạn đầu đời |
% của số trẻ em tổn thương trong quá trình phát triển về
một hoặc nhiều khía cạnh |
KLQ |
- |
KLQ |
|
Kết quả học tập - Tiểu học |
% của số học sinh trong hai nhóm dẫn đầu về đọc, viết,
chính tả, ngữ pháp, câu cú và toán học |
+ |
+ |
+ |
|
Kết quả học tập - Trung học |
% của số học sinh trong hai nhóm dẫn đầu về đọc, viết,
chính tả, ngữ pháp, câu cú và toán học |
+ |
+ |
+ |
|
Phẩm chất kỹ thuật |
% của dân số trong độ tuổi lao động có bằng cấp và chứng
chỉ |
+ |
+ |
+ |
|
Hiệu quả của thị trường lao động |
Tỉ lệ thất nghiệp |
% của dân số trong độ tuổi lao động chưa có việc làm |
- |
- |
+ |
Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ |
% của dân số trong độ tuổi từ 15-24 tuổi chưa có việc làm |
- |
- |
+ |
|
Tỉ lệ tham gia lao động |
% của dân số trong độ tuổi lao động đang có việc làm |
+ |
+ |
+ |
|
Lao động có tay nghề |
% của lực lượng lao động làm công tác quản lý và chuyên
môn |
+ |
+ |
+ |
|
Sự phụ thuộc vào trợ cấp xã hội |
% của dân số sống chủ yếu nhờ vào trợ cấp xã hội |
- |
- |
+ |
|
Sự sẵn sàng về kỹ thuật |
Kết nối internet |
% của số hộ dân có kết nối internet |
+ |
+ |
+ |
Kết nối băng thông rộng |
% của số hộ dân và doanh nghiệp có kết nối internet
băngthông rộng |
+ |
+ |
+ |
|
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ |
% của lực lượng lao động làm việc trong trong lĩnh vực
công nghệ |
+ |
+ |
+ |
|
Lượng lực lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và
điện tử |
% của lực lượng lao động là chuyên gia trong trong lĩnh
vực công nghệ thông tin và điện tử |
+ |
+ |
+ |
|
Sự hoàn thiện của
các doanh nghiệp |
Sự đa dạng trong các hoạt động kinh tế |
Chỉ số |
- |
- |
+ |
Sự thống lĩnh của các doanh nghiệp lớn |
% của lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp
có quy mô từ 20-199 lao động và hơn 200 lao động |
KLQ |
- |
KLQ |
|
Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và bán sĩ |
% của lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp
hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và bán sỉ |
+ |
+ |
+ |
|
Nguồn thu nhập – sở hữu doanh nghiệp |
Thu nhập trung bình của các hoạt động kinh doanh không
chính thức |
KLQ |
+ |
KLQ |
|
Sự tiếp cận nguồn tài chính địa phương |
Số lượng ngân hàng /tổ chức cho vay trong phạm vi 50 km |
+ |
+ |
+ |
|
Xuất khẩu |
Giá trị xuất khẩu trung bình của mỗi doanh nghiệp |
+ |
+ |
+ |
|
Sự đột phá |
Nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ |
% của dân số trưởng thành có bằng cao đẳng/đại học trong
lĩnh vực khoa học và công nghệ |
+ |
+ |
+ |
Các nhà quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển |
% của lực lượng lao động là các nhà quản lý trong lĩnh vực
nghiên cứu và phát triển |
+ |
+ |
+ |
|
Các tổ chức nghiên cứu |
Số lượng các tổ chức nghiên cứu trong phạm vi 90 phút lái
xe |
+ |
+ |
+ |
|
Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển |
Chi tiêu nghiên cứu và phát triển trung bình cho mỗi doanh
nghiệp |
+ |
+ |
+ |
|
Quy mô thị trường |
Quy mô của nền kinh tế |
Giá trị doanh thu của doanh nghiệp |
+ |
+ |
+ |
Dân số |
Số lượng dân số trong độ tuổi lao động |
+ |
+ |
+ |
|
Tài nguyên thiên nhiên |
Tài nguyên khoáng sản |
% của lực lượng lao động địa phương làm việc trong lĩnh
vực khai thác mỏ |
+ |
+ |
+ |
Tài nguyên gỗ |
% của lực lượng lao động địa phương làm việc trong lĩnh
vực khai thác gỗ |
+ |
+ |
+ |
|
Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản |
% của lực lượng lao động địa phương làm việc trong lĩnh
vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản |
+ |
+ |
+ |
|
Tiếp cận đến bờ biển |
Khoảng cách từ trung tâm vùng đến bờ biển gần nhất |
- |
- |
+ |
|
Công viên quốc gia |
Khoảng cách từ trung tâm vùng đến công viên quốc gia gần
nhất |
- |
- |
+ |
|
Sản lượng sơ cấp thuần |
Sản lượng sơ cấp thuần (NPP) là lượng chất hữu cơ được
sinh vật sản xuất ra (GPP) trong một thời gian nhất định sau khi đã chi dùng
cho hô hấp (R); nghĩa là NPP=GP-R. |
+ |
+ |
+ |
+:
tác động theo chiều thuận; -: tác động theo chiều nghịch; KLQ: không liên quan
Qua bảng trên, có thể thấy việc đẩy mạnh liên
kết vùng đã tác động tích cực để nâng cao 48 các chỉ tiêu (chiếm 82,7% của tổng
số 58 chỉ tiêu), qua đó, góp phần cải thiện RCI của Vùng kinh tế trọng điểm
Phía Nam. Hay nói một cách khác, đẩy mạnhliên kết giữa các địa phương trong
Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam sẽ hướng tới mục tiêu cải thiện năng lực cạnh
tranh quốc tế của toàn vùng.
4.1. Xu hướng trên thế giới về liên kết vùng
Một cách tổng quát, trên thế giới có ba loại
mô hình liên kết vùng: (i) quản lý vùng
(regional government) trên cơ sở lý thuyết vùng (regionalism); (ii) cạnh tranh tự do hướng tới sự lựa chọn của
cộng đồng (public choice); và (iii) quản
trị vùng (regional governance) trên cơ sở lý thuyết vùng mới (new
regionalism).
Thứ nhất, mô hình quản lý vùng (regional
government) được áp dụng trong giai đoạn 1890 – 1960. Theo mô hình này, các
chính quyền địa phương, trong ranh giới địa lý của vùng, được hợp nhất và được
đặt dưới sự quản lý của một cấp hành chính thống nhất, hai hình thức quản lý
hành chính vùng thường thấy, đó là chính quyền vùng và hội đồng vùng (Ye,
2009). Vào nửa đầu thế kỷ 20, các học giả theo lý thuyết vùng (regionalism) ủng
hộ mạnh mẽ mô hình này; họ cho rằng, mô hình chính quyền hợp nhất (monocentric)
sẽ tăng cường tính hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công, thực thi chính
sách thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề phát sinh của vùng (Ye,
2009; Douay, 2010). Một số kết quả thành công ban đầu của mô hình này là: hiệu
quả của quy mô kinh tế, cấu trúc hành chính mang trách nhiệm cao và việc loại
trừ các tổ chức cung cấp dịch vụ công trùng lặp (Ye, 2009; Leland và Thurmaier,
2000).
Thứ hai, mô hình cạnh tranh tự do hướng tới sự
lựa chọn của cộng đồng (public choice) được áp dụng trong giai đoạn 1950 –
1990. Mô hình cạnh tranh tự do hướng tới sự lựa chọn của cộng đồng dựa trên các
chiến lược giữa các chính quyền địa phương trong vùng hướng tới việc thu hút
người dân đến sống và doanh nghiệp đến kinh doanh (Tiebout, 1956; Bish, 1971).
Các học giả ủng hộ mô hình này cho rằng các chính quyền địa phương riêng lẻ hoạt
động linh động, hiệu quả hơn bộ máy chính quyền hợp nhất khổng lồ, cứng nhắc,
tiêu tốn nhiều chi phí từ thuế của doanh nghiệp và người dân (Ye, 2009; Douay,
2010). Doanh nghiệp và người dân có thể chọn lựa giữa các địa phương để sinh sống
trên cơ sở cân nhắc mức thuế và chất lượng của dịch vụ đô thị; do đó, các chính
quyền địa phương sẽ nỗ lực cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, mô hình quản trị vùng (regional
governance) được áp dụng từ thập niên 1990 đến nay. Mô hình này dựa trên lý
thuyết vùng mới, được xem là sự kết hợp giữa mô hình quản lý vùng và mô hình cạnh
tranh tự do. Theo Savitch và Vogel (2000, 161), “quản lý vùng đòi hỏi các thể
chế, việc bầu cử chính thức và quy trình ra quyết định, các cấu trúc hành
chính; trong khi đó, quản trị vùng hướng đến việc cung cấp các dịch vụ công
trên cơ sở tự nguyện thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức ngang hàng”. Quản
trị vùng dựa trên sự tự nguyện hợp tác và tự điều chỉnh nhằm đạt được các mục
tiêu phát triển vùng (Ye, 2009). Theo mô hình quản trị vùng, các chính quyền địa
phương có thể không cần trực tiếp thực hiện dịch vụ công mà có thể hợp tác với
các chính quyền địa phương lân cận, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội để bảo
đảm người dân được phục vụ một cách có chất lượng và hiệu quả.
4.2. Lựa chọn mô hình liên kết vùng phù hợp
với xu hướng trên thế giới và điều kiện thực trạng của các vùng kinh tế trọng
điểm tại Việt Nam
Phát triển và hoàn thiện mô hình quản trị
vùng hiện là xu hướng của liên kết vùng trên thế giới; là cơ sở để hình thành
các vùng chức năng (functional regions) chứ không phải các vùng hành chính
(administrative regions).
Cân nhắc với điều kiện thực tế của Việt Nam,
rõ ràng là, nhằm thực hiện các hoạt động liên kết trong các vùng kinh tế trọng
điểm, mô hình quản lý vùng (hình thành đơn vị hành chính cấp vùng) không phù hợp
với Hiến pháp năm 2013 [135];
mô hình cạnh tranh tự do (là mô hình liên kết giữa các tỉnh thành trong vùng hiện
nay) cho thấy nhiều bất cập khi không giải quyết được các vấn đề mang tính ngoại
ứng tiêu cực và tạo nên tình trạng mất cân bằng về số doanh nghiệp và dân cư
trong vùng. Mô hình quản trị vùng được đánh giá là phù hợp nhất đối với thực tế
của các vùng kinh tế trọng điểm tại Việt Nam, vì các lý do sau:
- Phù
hợp với thể chế chính trị và thể chế kinh tế của đất nước;
- Có
tính linh hoạt cao, thích ứng với trong bối cảnh nhiều thay đổi hiện nay;
- Phát
huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
5. CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ CHO VÙNG KINH TẾ TRỌNG
ĐIỂM PHÍA NAM
Để thực thi liên kết giữa các tỉnh thành
trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam theo mô hình quản trị vùng, cần khắc phục
các điểm yếu cơ bản sau:
- Thiếu
một “nhạc trưởng” (là tổ chức có vị thế chính trị, có tầm nhìn xa và bao quát)
để điều phốihoạt động của các tỉnh thành trong vùng theo các định hướng, mục
tiêu nhất định;
- Thiếu
một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ và chính xác làm nền tảng vững chắc
cho việc ra quyết định quan trọng đối với sự phát triển của toàn vùng;
- Thiếu
nguồn lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng cũng như cho việc đầu tư các dự án kết
cấu hạ tầng trọng điểm nhằm tạo hiệu quả kích thích, lan tỏa trong toàn vùng.
Qua tham khảo kinh nghiệm trong nước và ngoài
nước, các giải pháp cấp thiếtđể khắc phục các điểm yếu nêu trên gồm: thiết lập
bộ máy điều phối hoạt động của các tỉnh thành trong vùng; hình thành các quỹ
phát triển vùng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng; và xác định phạm vi và
xây dựng chiến lược phát triển cho khu vực động lực của vùng.
5.1. Thiết lập bộ máy điều phối hoạt động của
các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo mô hình quản trị
vùng
Bộ máy điều phốihoạt
động của các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam theo mô hình quản
trị vùng được đề xuất bao gồm: Ban chỉ đạo vùng, Hội đồng tư vấn vùng và Ban
thư ký vùng.
Ban chỉ đạo vùng gồm lãnh đạo cấp cao nhất
(Chủ tịch Ủy ban nhân dân) của chính quyền các tỉnh thành trong vùng và lãnh đạo
các Bộ ngành liên quan. Ban chỉ đạo vùng làm việc theo chế độ tập thể, vị trí
Trưởng Ban chỉ đạo được các Chủ tịch Ủy ban nhân dân của các tỉnh thành luân
phiên nắm giữ. Trong nhiệm kỳ đầu, vị trí Trưởng Ban có thể do một Phó Thủ tướng
đảm nhiệm để chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các cơ chế hoạt động phối hợp. Ban
chỉ đạo họp giao ban định kỳ 6 tháng để đánh giá, xem xét định hướng phát triển
của toàn vùng. Để Ban chỉ đạo vùng hoạt động hiệu quả, một trong những điều kiện
tiên quyết, đó là các tỉnh thành cần được phân quyền, phân cấp nhiều hơn để
phát huy sự chủ động, sáng tạo và phải chịu trách nhiệm cao hơn về tình hình
phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ở mỗi tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm
Phía Nam, để hỗ trợ cho Ban chỉ đạo vùng, các Ban chỉ đạo vùng cấp tỉnh thành
được thành lập, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thành viên là
lãnh đạo các Sở ngành trong từng tỉnh thành.
5.3. Hội đồng tư vấn vùng
Hội đồng tư vấn vùng là cơ quan tư vấn cho
Ban chỉ đạo vùng, gồm các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, các trường đại học,
các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, … Các thành viên của
Hội đồng tư vấn vùng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ
theo đặt hàng của Ban chỉ đạo vùng, tham gia các cuộc họp giao ban của Ban chỉ
đạo vùng theo định kỳ 6 tháng.Hội đồng tư vấn vùng được tổ chức thành các Tổ tư
vấn chuyên ngành chịu trách nhiệm tư vấn trong các lĩnh vực chuyên ngành: Xây dựng
đô thị và nông thôn, giao thông vận tải, quản lý tổng hợp nguồn nước, …
5.4. Ban thư ký vùng
Ban thư ký vùng là cơ quan chuyên trách giúp
việc cho Ban chỉ đạo vùng và Hội đồng tư vấn vùng, gồm các nhân sự chuyên nghiệp
làm việc toàn thời gian, được Ban chỉ đạo vùng chỉ đạo trực tiếp và toàn diện.
Trong thời gian ban đầu khi mới hình thành, Ban thư ký vùng có thể được trực
thuộc một cơ quan nghiên cứu và tham mưu tổng hợp trong Vùng (trong trường hợp
Vùng duyên hải Miền Trung, Trung tâm Tư vấn nghiên cứu phát triển Miền Trung được
thành lập vàtrực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng).
Ban thư ký vùng có nhiều tiểu ban thư ký
chuyên ngành chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động trong các lĩnh vực chuyên
ngành quan trọng đối với quá trình phát triển của toàn vùng: xây dựng đô thị và
nông thôn, giao thông vận tải, quản lý tổng hợp nguồn nước…
5.5. Hình thành các quỹ phát triển vùng
Việc hình thành và duy trì các quỹ nhằm triển khai các
hoạt động liên kết giữa các tỉnh thành là một nhiệm vụ quan trọng. Có hai loại
quỹ cần được xây dựng: Quỹ nghiên cứu phát triển vùng (hỗ trợ cho các hoạt động
nghiên cứu) và Quỹ đầu tư phát triển vùng (sử dụng cho các dự án đầu tư trọng
điểm, mang tính kích thích phát triển và có hiệu quả lan tỏa trong vùng). Các
loại quỹ trên được hình thành từ nguồn ngân sách của các địa phương trong vùng,
sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước.Các quỹ được điều hành bởi Hội đồng quản lý quỹ (bao gồm Chủ
tịch vàcác Phó Chủ tịch) do Ban chỉ đạo vùng quyết định bổ nhiệm.
5.6. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng
Việc thiết lập và cập nhật liên tục hệ thống
cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội - môi trường của các địa phương trong vùng phục
vụ cho các hoạt động liên kết giữa các tỉnh thành trong vùng là nhiệm vụ quan
trọng hàng đầu của Ban thư ký vùng. Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng cần được thu thập
một cách đầy đủ, lưu trữ và xử lý một cách khoa học để có thể chia sẻ rộng rãi
cho các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Hệ thống cơ sở dữ liệu
vùng cần được xây dựng dựa cơ bản vào các chỉ tiêu trong khung đánh giá của RCI
của Úc như đã phân tích trên.
5.7. Xác định phạm vi và xây dựng chiến lược phát triển cho khu
vực động lực vùng
Như đã nêu trên, Vùng kinh tế trọng điểm Phía
Nam được phân chia thành 4 tiểu vùng. Khu vực phát triển năng động và mạnh mẽ
nhất được xác định là cụm đô thị thuộc Tiểu vùng I (TPHCM – tiểu vùng sản xuất
công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ) và Tiểu vùng II (Đồng Nai, Bình
Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu – tiểu vùng sản xuất công nghiệp, cung cấp nguyên liệu
thô, dịch vụ du lịch). Xây dựng chiến lược phát triển cho khu vực động lực này
là nhiệm vụ quan trọng đối với năng lực cạnh tranh quốc tế của Vùng kinh tế trọng
điểm Phía Nam. Mũi nhọn trong phát triển của khu vực động lực này phải là các
ngành kinh tế tri thức được xây dựng trên cơ sở hạ tầng tích lũy từ những thành
tựu của các ngành công nghiệp và dịch vụ.
1. Regional
Australia Institute (2012). [In]sight –
Australia’s Regional Competitivenes Index.
2. Bish
R. L. (1971). The Public Economy of
Metropolitan Area, Chicago: Markham.
3. Dijkstra L., Annoni P. và Kozovska K. (2011). A
New European Regional Competitiveness Index: Theory, Methods and Findings,
paper presented at Directorate-General
Enterprise and Industry Brown-bag Seminar organized by European Commission
on 17th October 2011.
4. Doay
N. (2010). Collaborative Planning and the Challenge of Urbanization: Issues,
Actors and Strategies in Marseilles and Montreal Metropolitan Areas, Canadian Journal of Urban Research,
19(1), 50-69.
5. Filó
C. (2007) Territorial Competitiveness and the Human Factors, paper presented at
International Conference of Territorial
Intelligence, Huelva 2007 (CAENTI). Available online at: http://www.territorial–
intelligence.eu.
6. Leland
S. M. và Thurmaier K. (2000). Metropolitan Consolidation Success: Returning to
the Roots of Local Government Reform, Public
Administration Quarterly, 24(2), 202-213.
7. Mansfield
E. D. và Milner H. V. (1999). The New Wave of Regionalism, International
Organization, 53(3), 589-627.
8. Phạm
Trần Hải (2015). Liên kết vùng đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại
Việt Nam: trường hợp Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, tham luận tại Hội thảo Chiến lược đô thị hóa gắn với phát
triển bền vững ở Việt Nam đến 2025 tầm nhìn 2050: Quan điểm và giải pháp,
do Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Mở TPHCM đồng tổ chức vào ngày 06 tháng
6 năm 2015 tại TPHCM.
9. Savitch
H. V., và Vogel R. K. (2000). Paths to New Regionalism, State and Local Government Review, 32(30), 158-168.
10. Schwab,
K. (2009). The Global Competitiveness
Report 2008-2009, Geneva, Switzerland: World Economic Forum.
11. Tiebout
C. M. (1956). A Pure Theory of Local Expenditures, Journal of Political Economy, 64(5), 416-424.
12. Trần Du Lịch (2012). Báo cáo
hoạt động Nhóm tư vấn liên kết phát triển các tỉnh duyên hải Miền Trung, bài
phát biểu tạiHội nghị sơ kết một năm triển
khai hoạt động liên kết phát triển các tỉnh duyên hải Miền Trung, do Quỹ
Nghiên cứu phát triển Miền Trung và Tổ điều phối Vùng các tỉnh duyên hải Miền
Trungphối hợp tổ chức vào ngày 30 tháng 4 năm 2012 tại Đà Nẵng.
13. Ye
L. (2009). Regional Government and Governance in China and the United States, Public Administration Review, 69(1),
116-120.
14. United
Nations (2002). World Urbanization
Prospects: The 2001 Revision, available online at http://www.un.org/esa/population/publications/wup2001/wup2001dh.pdf.
TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT VỚI HIỆU QUẢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ ĐỜI SỐNG KINH TẾ XÃ HỘI
NÔNG THÔN TÂY NAM BỘ
ThS. Hoàng Thị Thu Huyền
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Bài viết dựa trên nghiên cứu của tác giả về vấn đề tích tụ
ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là những tác động của tích tụ ruộng đất đối
với hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế xã hội nông thôn. Nghiên
cứu chỉ ra những tác động tích cực cũng như những tác động trái chiều của tích
tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để đề
xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy tích tụ ruộng đất song song với việc giải quyết
các vấn đề xã hội nảy sinh.
1. GIỚI THIỆU
Nói đến nông nghiệp Việt Nam không thể không kể đến
Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), một vùng đất được coi là vựa lúa, trái
cây và thủy hải sản của cả nước. Dù được thiên nhiên ưu đãi nhưng kinh tế nông
nghiệp và đời sống người nông dân Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của
vùng là 9,2% (dù đã giảm từ 39,6% năm 1998)[136],
nhưng đây vẫn là tỷ lệ khá cao và
cao hơn rất nhiều so với vùng Đồng bằng sông Hồng nơi cũng có điều kiện tự
nhiên phù hợp với phát triển nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp Tây Nam Bộ vẫn
đa phần là nhỏ lẻ, manh mún, do đó giá trị nông sản không cao và liên tục rơi
vào tình trạng “được mùa mất giá”. Để nâng cao đời sống người dân và giá trị
nông sản thì việc sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn và chuyên nghiệp phải
được đặt ra mà trong đó tích tụ ruộng đất là một trong những điều kiện quan
trọng.
Tuy nhiên,
tích tụ ruộng đất đã và vẫn đang là vấn đề còn nhiều tranh luận bởi những tác
động của nó trong thực tế. Chính vì thế phân tích những tác động của tích tụ
ruộng trên cả hai khía cạnh kinh tế và xã hội sẽ cho một cái nhìn đầy đủ, toàn
diện hơn trong việc ủng hộ tích tụ ruộng đất và các giải pháp thúc đẩy quá
trình này ở Tây Nam Bộ.
2. TÁC ĐỘNG
CỦA TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT ĐẾN HIỆU QUẢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TÂY NAM BỘ
Tác động của
tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp được phân tích bằng cả hai
phương pháp định tính và định lượng. Đối với phương pháp định lượng, tác giả chủ yếu sử dụng mô hình hồi quy với
cơ sở dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam của Tổng cục thống kê.
Phương pháp định tính sử dụng kết quả điều tra thực địa tại tỉnh Long An[137] và các tài liệu thứ cấp khác.
2.1. Kết quả phân tích tác động của tích tụ ruộng đất
đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp Tây Nam Bộ bằng mô hình kinh tế lượng
2.1.1. Xây dựng mô hình kinh tế lượng
Trong kinh tế, để
đánh giá hiệu quả sản xuất người ta thường sử dụng hàm
sản xuất Cobb-Douglas, là một hàm số biểu thị sự phụ thuộc của sản lượng
vào các yếu tố đầu: Y = ALαKβ
Trong đó: -
Y : Sản lượng ; L : Quy mô lao động; K : Quy mô vốn
- A : Năng suất các yếu tố tổng hợp (công nghệ, thể chế
kinh tế và các yếu tố khác ngoài sự đề cập của mô hình)
- a và b : Độ co giãn của sản lượng theo lao
động và theo vốn, điều kiện
Để trở thành dạng
hàm tuyến tính người ta sẽ lấy logarit (Ln) 2 vế.
Mô hình tổng quát
như sau :
Ln(Yi)
=f(Xk)
= β0 + β1LnX1 +
β2LnX2 + βkLnXk
Trong
đó:
Ln(Yi): Biến phụ thuộc, là sản lượng của đơn vị thứ i
X1,
X2,…Xk: Tập hợp các biến số giải thích (quy mô lao
động, quy mô vốn, chi phí sản xuất, công nghệ, và các yếu tố khác ảnh hưởng đến
sản lượng)
β1,
β2,... βk: Các hệ số hồi quy của mô hình, thể hiện tác động
của biến giải thích lên biến phụ thuộc. Thường được giải thích rằng giả định các
yếu tố khác cố định, khi yếu tố Xk tăng lên 1%, thì sản lượng tăng
lên một lượng bằng βk lần (100*βk%) so với sản
lượng ban đầu.
Có nhiều tiêu chí để
xác định hiệu quả sản xuất nông nghiệp như năng suất, doanh thu, lợi nhuận, hay
tỷ lệ giữa chi phí và lợi nhuận…hoặc là một chỉ tiêu tổng hợp của các tiêu chí
đó. Tuy nhiên, trong nông nghiệp, việc đo lường doanh thu, lợi nhuận, chi
phí…khó khăn hơn nhiều so với năng suất. Thông thường, câu hỏi “được mùa” hay
“mất mùa” (mang ý nghĩa về năng suất) vẫn phổ biến đối với các sản phẩm nông
nghiệp, nhất là lúa. Mặt khác, với sự hạn chế của số liệu thứ cấp (Khảo sát mức
sống hộ gia đình Việt Nam) thì việc sử dụng năng suất làm biến phụ thuộc để đo
lường hiệu quả sản xuất lúa là chấp nhận được.
Năng suất nông nghiệp
phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: Thời tiết, khí hậu, độ
màu mỡ của ruộng đất, nước, giống, phân bón, kỹ thuật gieo cấy, thu hoạch, sự
chăm sóc của con người…do đó thật khó để xây dựng một mô hình với đầy đủ các biến
độc lập bao gồm các yếu tố kể trên nhất là trong điều kiện hạn chế của cơ sở dữ
liệu thứ cấp. Mặt khác, mối quan tâm chính của nghiên cứu là tác động của tích
tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất lúa. Vì vậy, bên cạnh yếu tố diện
tích đất - biến kỳ vọng, trên cơ sở dữ liệu thứ cấp sẵn có, một số các biến số
khác được đưa vào để giải thích cho sự thay đổi về năng suất.
Các biến đưa vào mô
hình bao gồm: Những biến thuộc về yếu tố đầu vào của sản xuất là diện tích đất (dien tich),
chi phí sản xuất (chiphi), tài sản cố định dùng cho sản
xuất (tscdsx), thời gian lao động (laodong) là những biến số tất yếu ảnh hưởng
đến năng suất lúa (chỉ lưu ý rằng để đảm bảo tính chính xác thì các biến này phải
dùng chỉ tiêu bình quân (bq); những biến thuộc về đặc điểm hộ gia đình là giới
tính (gioi), tuổi tác (tuoi), thành phần dân tộc (kinhhoa hoặc dân tộc khác),
trình độ học vấn của chủ hộ (hocvan) cũng có thể tác động đến hiệu quả sản xuất
trong nông nghiệp. Ngoài ra, một số biến thuộc về điều kiện cơ sở hạ tầng và tự
nhiên trên địa bàn hộ gia đình cũng được xem xét đưa vào, cụ thể ba yếu tố được
lựa chọn là tỷ lệ đất trồng cây hàng năm được tưới tiêu xã (tuoitieuxa), hệ thống
đường ô tô đến thôn ấp (gt1: trường hợp đường thủy không quan trọng và gt2 trường
hợp đường thủy quan trọng) và thiên tai xảy ra trên địa bàn xã (thientai).
Như vậy, dựa trên cơ
sở và mô hình lý thuyết, giới hạn phạm vi ngành sản xuất và hộ gia đình sản xuất
lúa, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, đặc điểm sản xuất lúa tại vùng Tây Nam
Bộ, đặc điểm hộ gia đình vùng Tây Nam Bộ và khả năng đáp ứng của dữ liệu thư cấp
mô hình được đề xuất như sau:
Ln(nangsuat) = β0 + β1 Lntuoi
+ β2Lnhocvan+β3gioitinh
+ β4kinhhoa
+ β5Lndientich
+ β6Lnbqtscdsx
+ β7Lnbqlaodong
+ β8Lnbqchiphi
+ β9thientai
+ β10gt1
+ β11gt2 + β12Lntuoitieuxa
2.1.2.
Cơ sở dữ liệu
Một trong những điểm
đáng khen ngợi của dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình 2004, 2006, 2008 là sự
lặp lại của mẫu khảo sát, nó mang lại ý nghĩa cho việc so sánh và phân tích.
Chính vì thế mô hình này sử dụng dữ liệu bảng đối với các hộ trồng lúa được khảo
sát lặp lại qua 3 kỳ điều tra trên.
Tuy nhiên, khảo sát Mức
sống Hộ Gia đình Việt Nam 2010 (và sau đó là 2012) được dựa trên một mẫu chuẩn
mới, bao gồm một tập hợp các xã và địa bàn điều tra mới. Và cuộc khảo sát năm
2012 cũng lặp lại 50% mẫu của cuộc điều tra năm 2010, đây là cơ sở tốt để đề
tài tiếp tục sử dụng dữ liệu bảng trong việc chạy mô hình hồi quy. Tuy nhiên, bảng
câu hỏi điều tra 2010, 2012 so với năm 2004-2008 được điều chỉnh lại trên một số
lĩnh vực và được rút ngắn về độ dài, do đó bị khuyết thông tin một số biến xã
2.1.3. Kết quả mô
hình hồi quy tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Tây Nam Bộ
Bảng 1. Mô hình với dữ liệu 2004-2008 (MH1A1)
Số quan sát 137 R-squared hiệu chỉnh
0,2093 Prob > F
0,0000 |
|
|
|
|
Lnangsuat (log năng xuất) |
Coef. |
Std. Err. |
t |
P>t |
Ltuoi (log tuổi) |
0,0057175 |
0,0636014 |
0,09 |
0,929 |
Lhocvan (log học vấn) |
-0,0198933 |
0,026726 |
-0,74 |
0,458 |
gioitinh (giới tính) |
0,048718 |
0,0543089 |
0,9 |
0,371 |
kinhhoa (dân tộc kinh/hoa) |
0,2735094 |
0,0632853 |
4,32 |
0,000 |
Ldientich (log diện tích) |
0,0991442 |
0,0377343 |
2,63 |
0,010 |
Lbqtscdsx (log TSCĐ sản xuất bình quân) |
0,0309556 |
0,0152736 |
2,03 |
0,045 |
Lbqlaodong (log thời gian lao động bình quân) |
0,0528163 |
0,0378883 |
1,39 |
0,166 |
Lbqchiphi (log chi phí bình quân) |
0,0038901 |
0,0317386 |
0,12 |
0,903 |
thientai (thiên tai xã) |
-0,0002256 |
0,0422704 |
-0,01 |
0,996 |
gt1 (giao thông 1) |
-0,0851667 |
0,0733909 |
-1,16 |
0,248 |
gt2 (giao thông 2) |
-0,1311024 |
0,076694 |
-1,71 |
0,090 |
Ltuoitieuxa(log tưới tiêu xã) |
0,1033885 |
0,0669946 |
1,54 |
0,125 |
_cons |
7,256231 |
0,4894861 |
14,82 |
0,000 |
Mô hình này có R2 hiệu chỉnh = 0,2093,
tương ứng các yếu tố trong mô hình giải thích được 20,93% đến sự thay đổi năng
suất lúa. Prob > F
= 0,00 nghĩa giá trị thống kê F phù hợp với mức ý nghĩa 5%, mô hình
có thể sử dụng để giải thích sự tác động của các yếu tố đến năng suất lúa.
Dựa vào bảng kết quả, có 2 biến có p-value < 0,05
và 1 biến có p-value < 0.01 nghĩa là phù hợp với mức ý nghĩa thống kê 5% và
1%. Đó là các biến: Dân tộc kinh/hoa, diện tích và tài sản cố định sản xuất
bình quân. Trong đó yếu
tố diện tích (đại diện cho việc tích tụ ruộng đất) đạt mức
ý nghĩa thống kê 5% và tác
động đồng biến đến năng xuất lúa. Cụ thể, trong điều kiện các yếu tố khác không
đổi, khi diện tích tích đất tăng 1% thì năng suất lúa tăng 9,91%.
Với các biến
có ý nghĩa thống kê còn lại có tác động đến năng suất lúa là thành phần dân tộc
của chủ hộ và tài sản cố định dùng cho sản xuất bình quân trên 1ha. Những yếu
tố này có yếu tố tác động đồng biến đến năng suất lúa, nhưng nghiên cứu không
đề cập sâu những tác động này vì đó không phải là biến quan tâm của mô hình
định lượng.
Bảng 2. Mô hình với
dữ liệu 2010-2012 (MH1A2)
Số quan sát 456 R-squared hiệu chỉnh
0,2886 Prob > F
0,0000 |
|
|
|
|
Lnangsuat (log năng xuất) |
Coef. |
Std. Err. |
T |
P>t |
Ltuoi (log tuổi) |
-0,11781 |
0,048705 |
-2,42 |
0,016 |
Lhocvan (log học vấn) |
-0,01548 |
0,018437 |
-0,84 |
0,401 |
gioitinh (giới tính) |
0,03106 |
0,035057 |
0,89 |
0,376 |
kinhhoa (dân tộc kinh/hoa) |
0,07003 |
0,038541 |
1,82 |
0,070 |
Ldientich (log diện tích) |
0,10046 |
0,02331 |
4,31 |
0,000 |
Lbqtscdsx (log TSCĐ sản xuất bình quân) |
0,04114 |
0,00999 |
4,12 |
0,000 |
Lbqlaodong (log t/gian lao động bình quân) |
-0,01389 |
0,020815 |
-0,67 |
0,505 |
Lbqchiphi (log chi phí bình quân) |
0,04037 |
0,004192 |
9,63 |
0,000 |
_cons |
8,46806 |
0,230313 |
36,77 |
0,000 |
Với số quan sát 456, và mặc dù khuyết các biến xã, mô
hình này có R2 hiệu chỉnh = 0,2886 (cao hơn MH1A = 0,2630) nghĩa là
các yếu tố trong mô hình giải thích được 28,86% đến sự thay đổi năng suất lúa. Prob > F = 0,000 phù
hợp với mức ý nghĩa 5%, mô hình có thể sử dụng để giải thích sự tác động của
các yếu tố đến năng suất lúa.
Kết quả cho thấy, có 4 biến có p-value < 0,05 phù hợp
với mức ý nghĩa thống kê 5%. Đó là các biến: tuổi chủ hộ, diện tích đất, tài sản
cố định sản xuất bình quân và chi phí sản xuất bình quân. Trong đó yếu tố diện tích (đại diện cho việc
tích tụ ruộng đất) tác động tích cực theo chiều đồng biến đến năng suất lúa. Cụ
thể, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi diện tích đất tăng 1% thì
năng suất lúa tăng 10,04%.
Với các biến
có ý nghĩa thống kê còn lại có tác động đến năng suất lúa là tuổi của chủ hộ,
tài sản cố định dùng cho sản xuất bình quân trên 1ha và chi phí sản xuất bình
quân trên 1ha. Tuổi chủ hộ tác động nghịch biến đến năng suất, hai biến còn lại
tác động đồng biến. Cũng tương tự như mô hình MH1A, đây cũng không phải biến quan tâm của mô hình, do đó không được phân tích sâu ở
đây.
Kết luận về kết qủa hồi quy
Như vậy, với cơ sở dữ
liệu không tương đồng ở một số điểm của hai giai đoạn khác nhau của Cuộc khảo
sát mức sống hộ gia đình 2004-2008 và 2010-2012 và mặc dù số quan sát, số hộ khảo
sát không giống nhau và số thời đoạn không giống nhau. Giai đoạn 2004-2008 chỉ
có 50 hộ khảo sát lăp lại, với 3 thời đoạn, giai đoạn 2010-2012 có 228 hộ khảo
sát lặp lại (mẫu tổng thể hoàn toàn mới) với 2 thời đoạn, nhưng kết quả cả hai
mô mô hình cho thấy diện tích đất sản xuất tác động tích cực đến năng suất, với
mức tác động gần bằng nhau: 9,91% và 10,04%.
Từ đây có thể kết luận:
Tích tụ ruộng đất là một yếu tố tác động tích cực đến hiệu quả sản suất trong
nông nghiệp.
2.2. Kết quả khảo sát thực địa và tài liệu thứ cấp về
tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp Tây Nam Bộ
2.2.1. Mối
quan hệ giữa tích tụ ruộng đất và quy mô ruộng đất
Mô
hình định lượng đã chứng minh được khi quy mô ruộng đất lớn hơn thì năng suất
cao hơn. Nhưng hiệu quả sản suất còn thể hiện ở nhiều chỉ tiêu khác, đó là chất
lượng sản phẩm tốt hơn, giá bán cao hơn, chi phí thấp-lợi nhuận cao, thời gian
lao động bình quân ít hơn…
Một
số hộ gia đình sở hữu nhiều ruộng đất, từ khoảng 10 ha đều là những hộ có năng
suất lúa rất cao. Bên cạnh đó, đa số những hộ gia đình được phỏng vấn đều cho
biết nhiều ruộng đất thì
có thu nhập cao hơn người ít ruộng nhờ vào diện tích lớn và chi phí bình quân
trên một ha sẽ thấp hơn, trong khi giá bán cao hơn. Ngoài ra còn có nhiều điều kiện thuận lợi và lợi ích
khác, nói chung là “dễ làm” và “có lợi” hơn như cách nói của người nông dân.
Ông NCT, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng nói: “Điều kiện gia đình hiện nay 40 ha vẫn làm được do có
máy móc làm ruộng, diệt cỏ bằng hoá học, ruộng do có máy móc can đều nên sạ lúa
lên đều, đỡ tốn công dặm lúa. Đất càng nhiều làm càng dễ, càng có lợi thế vì
người 10 mẫu sản lượng 70-80 tấn kêu thương lái lại mua có mắc hơn 50-100đ người
thương lái cũng vẫn mua do cùng một loại lúa và do canh tác trên ruộng lớn việc
sử dụng phân bón đồng loại nên tỷ lệ chênh lệch của hạt lúa không nhiều”. Khi
được hỏi thêm về tình hình làm ăn của bà con chòm xóm, ông cũng cho biết thêm:
“Một số hộ gia đình trẻ, ở chung với bố mẹ chưa được cho ruộng nhưng sau này nếu
được chia cũng được vài công. Những người nhiều đất thì có thể chia cho con cái
nhưng ít thì không thể chia vì chia thì làm lúa sẽ không hiệu qua trên ruộng nhỏ.
Việc cho ruộng vài công đôi khi để phục vụ cho việc tách hộ khẩu. Muốn tách khẩu
phải có 2 công ruộng trở lên mới được chính quyền làm”.
Ông VVK, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường chia sẻ về cái lợi của nhiều ruộng đất ông nói: “Cả gia đình canh tác trên 13 mẫu ruộng
không liền canh, tập trung ở bốn nơi. Làm lúa hai vụ, năm vừa qua vụ đông xuân
năng suất đạt 7 tấn/ha, gia đình bán lúa trừ chi phí lời khoảng 150 triệu. Vụ
hè thu năng xuất đạt 5,3 tấn/ha bán lúa lời khoảng 70 triệu. Với điều kiện sản
xuất hiện nay của gia đình thì làm 30 mẫu là vừa. Ai có nhiều ruộng thì có lời
nhiều nhờ sản lượng đầu tấn lúa bán ra. Vì nếu bán nhiều, tập trung thì có thể
cao hơn 10-50 đồng so với những người bán ít, nhỏ lẻ. Gia đình ông mua vật tư ở
một mối từ trước tới nay sát giá và rẻ hơn người khác, đôi khi người phân phối
có thể tặng quà cho hộ mua các vật dụng gia đình như tivi, tủ lạnh.. hoặc cuối
vụ có thể được tài trợ đi du lịch”.
Nhóm chủ hộ 5 người tại
xã Bình Tân – thị xã Kiến Tường đều thống nhất khẳng định: “Canh tác trên diện tích lớn rất nhàn, tất cả đều có thể thuê máy
móc làm, hiện nay có rất nhiều loại máy móc (máy cày, máy bơm, máy phu thuốc,
máy gặp đập…). Giá cả thuê máy móc nhân lực, hay mua vật tư phân bón đều rẻ hơn
do số lượng nhiều, trong khi bán lúa dễ dàng hơn và giá cũng cao hơn”.
Phỏng vấn cán bộ các
cấp tại địa phương, đều có chung nhận định các hộ gia đình tích tụ được nhiều
ruộng đất làm ăn rất hiệu quả.
Cán bộ khuyến nông xã
Bình Tân, thị xã Kiến Tường phân tích: “Diện tích nhiều bán lúa dễ hơn vì thường
giống lúa các hộ gia đình có thể khác nhau, thương lái thay vì phải mua của 3 đến
4 hộ mới đủ số lượng thì chỉ cần mua của một hộ có 3 đến 4 mẫu ruộng. Hơn nữa
các hộ có nhiều ruộng thường đầu tư mua máy móc nông nghiệp, chi phí về máy móc
ít hơn phải đi thuê máy móc, ngoài ra còn dùng máy móc đó cho thuê kiếm thêm một
khoản thu nhập khá cao”.
Tuy nhiên, diện tích
lớn năng suất cao không đồng nghĩa với diện tích nhỏ năng suất thấp. Và năng suất
còn phụ thuộc rất nhiều vào sự cần cù, cẩn thận, tinh ý, nhanh nhẹn của người sản
xuất trực tiếp…tóm lại trong hai chữ từ “làm kỹ” mà người dân Tây Nam Bộ thường
dùng. Như ông TVĐ xã Bình Tân, Kiến Tường cho hay: “Người ít ruộng nhưng nếu
làm kỹ vẫn có thu. Mình có nhiều ruộng nếu không quản hết thì năng suất không bằng
người ít ruộng”.
Vậy diện tích lớn ở mức
nào thì sản xuất có lãi? Theo Lâm Quang Huyên (2007), muốn sản xuất hàng hóa có
lời phải có từ 3ha/hộ, còn từ 2-3 ha có lời chút ít, 1 ha thì hòa vốn, dưới 1
ha thì lỗ vốn. Nhất là hiện nay, với giá lúa không ổn định và nhiều thời điểm
không đủ bù đắp chi phí thì diện tích canh tác lớn thì còn có khả
năng bám trụ với nghề trồng lúa, còn những hộ có diện tích manh mún, nhỏ lẻ hơn
thì cầm chắc một vụ mùa thua lỗ. “Anh Ðỗ Văn Nhánh ở ấp Hà Bao 1, xã Ða Phước,
huyện An Phú chỉ có năm công ruộng, qua mấy vụ thất thu đành phải bán ruộng, vợ
chồng lên thành phố làm thuê kiếm sống, nuôi con ăn học. Hộ gia đình anh Ðỗ Văn
Dũng cùng ở ấp Hà Bao 1 cũng đã bán lại tám công ruộng do thu không đủ chi, nợ
nần do trồng lúa thua lỗ. Tới nhà anh nhưng không gặp vì vợ chồng đều lên thành
phố làm thuê, mẹ anh sụt sùi: "Vợ chồng nó cũng không muốn bán ruộng đâu
nhưng cực quá mà làm cứ thua hoài, nợ ngân hàng rồi nợ cả bà con hàng xóm không
trả được cho nên bán ruộng trả nợ trước rồi ra thành phố kiếm sống. Tội lắm,
muốn giữ đất mưu sinh mà đâu có được"[138].
Lý thuyết lợi thế
theo quy mô trong nông nghiệp được cho là với quy mô diện tích đất đai lớn
hơn, hộ nông dân dễ dàng áp dụng cơ giới hoá, thủy lợi hoá cũng như việc tổ chức
sản xuất hàng hoá có lợi thế hơn rất nhiều với các hộ nông dân có diện tích đất
đai nhỏ lẻ, manh mún. Mô hình hồi quy và những kết luận có được từ cuộc khảo
sát định tính của đề tài đã khẳng định quan điểm này. Ở vùng Tây Nam Bộ tích tụ
ruộng đất có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất. Cụ thể tích tụ ruộng đất
làm tăng sản lượng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và những lợi ích vật chất khác
cho người sản xuất. Tích tụ ruộng đất cũng là một trong những yếu tố làm tăng
thu nhập hộ gia đình, hộ gia đình sống được và có thể làm giàu được khi có nhiều
ruộng đất.
2.2.2. Mối quan hệ giữa
tích tụ ruộng đất và ruộng đất liền canh
Quy mô lớn đi cùng với
liền canh mới thật sự phát huy nguyên tắc lợi thế theo quy mô. Trong sản xuất
nông nghiệp, ruộng đất liền canh giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận vì
nó thuận lợi trong việc làm đất, sử dụng giống, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm…
Ông TVS, xã Vĩnh Trị-Vĩnh Hưng, quê ở Vĩnh Thuận, hiện có 6 mẫu ruộng, ông cũng
bắt đầu tích tụ đất từ việc khai hoang, sau đó mua thêm dần và có lần mua là để
đổi đất cho liền canh (cả người bán cũng với lý do này): “Năm 1993 mua hơn 2 mẫu
giá 1 cây vàng, mua chịu 2/3 rồi trả dần bằng vàng, sau 2 năm mới trả hết (lý
do bán đất là người bán muốn mua ruộng chỗ khác). Năm 1997 mua hơn 2 mẫu (mua đổi đất)”. Ông PVH, xã Bình Tân, Kiến Tường, hiện có 13 mẫu ruộng (3 mẫu ở Bình Tân, số còn lại ở Thạnh Hưng) khẳng định:
“ Có vay mượn cũng phải mua đất cho liền thửa”. Ông TVĐ, xã Bình Tân, Kiến Tường, trong số 12 mẫu đất có 6 mẫu ở
Vĩnh Hưng và ông nói lý do mua đất là: “Mua cho liền ruộng”. Còn ông NTC, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng thì cho biết: “Từ trước tới nay gia đình không bán ruộng,
chỉ có mua đổi ruộng để được gần nhà và liền canh. Hiện chủ nhà có một thửa ruộng
liền canh khoảng 10 mẫu”
Tuy nhiên, do ruộng đất
là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được của nông nghiệp và do đặc
điểm sản xuất mang tính sinh học nên lợi thế kinh tế theo quy mô trong nông
nghiệp bị hạn chế hơn trong công nghiệp. Hiện nay, năng suất lúa ở vùng Tây Nam
Bộ đã là khá cao, có thể chỉ còn tăng lên một mức nhất định nào đó. Vấn đề là
năng suất cao nhưng giá trị hạt gạo xuất khẩu thì chưa cao. Do đó, việc sử dụng
công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đại trà để cho hạt lúa với chất lượng đồng đều
là điều hết sức cần thiết bên cạnh việc tăng năng suất. Và để có được cả hai mục
tiêu năng suất và chất lượng thì chỉ có con đường sản xuất lớn trên những diện
tích lớn mà tích tụ ruộng đất là một sự lựa chọn.
3. TÁC ĐỘNG CỦA TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT ĐẾN ĐỜI SỐNG KINH TẾ
XÃ HỘI NÔNG THÔN TÂY NAM BỘ
Cuộc Khảo sát mức sống
dân cư từ năm 2004 đến năm 2012 của Tổng cục thống kê với nhiều câu hỏi liên
quan đến ruộng đất, sản xuất, thu nhập… đã cho một số kết quả phản ánh phần nào
tác động của tích tụ ruộng đất với đời sống xã hội Tây Nam Bộ. Kết hợp với cuộc
khảo sát định tính của đề tài được tiến hành vào tháng 9/2013 tại Long An và
các tài liệu thứ cấp khác, đã cho thấy nhiều tác động của tích tụ ruộng đất đến
đời sống xã hội nông thôn Tây Nam Bộ.
3.1. Tích tụ ruộng đất góp phần nâng cao đời sống của
hộ gia đình
Tích tụ ruộng đất ở
Tây Nam Bộ đã diễn ra từ khá lâu, như lẽ tự nhiên vẫn vậy. Không chỉ được chứng
minh bởi mô hình về tác động của tích tụ ruộng đất đến thu nhập hộ gia đình
(tích tụ ruộng đất làm gia tăng thu nhập hộ với mức tác động khá cao 100,71% và
35,26% khi tăng một đơn vị diện tích), mà khảo sát thực địa cũng cho thấy người
dân luôn có tư tưởng tích tụ, mua thêm ruộng đất khi có thể. Và thực tế là những
hộ giàu có đa phần là những hộ nhiều đất và theo vòng quay đó những hộ có điều
kiện lại càng tích tụ thêm ruộng đất.
Hộp 1
Hộ
gia đình ông VVK, xã Tuyên Thạnh, Kiến Tường canh tác trên 13 mẫu ruộng
không liền canh, tập trung ở 4 nơi. Làm lúa 2 vụ, năm vừa qua vụ đông xuân
năng suất đạt 7 tấn/ha, gia đình bán lúa trừ chi phí lời khoảng 150 triệu.
Vụ hè thu năng xuất đạt 5,3 tấn/ha bán lúa lời khoảng 70 triệu. Gia đình cũng có nhiều máy móc công cụ sản xuất nông
nghiệp như máy cày, máy cắt. máy gặt đập liên hợp công suất nhỏ… Máy móc
nông nghiệp ngoài việc làm cho gia đình ông và người con trai cũng làm dịch
vụ ngoài. Mỗi vụ làm dịch vụ ngoài khoảng 50 mẫu trong xã. Sau khi trừ chi
phí dầu, nhớt, nhân công… mỗi vụ cũng dư khoảng 15 triệu. Kinh tế gia đình
cũng khá lên từ khi mua máy gặt.
Hộp 2
Hộ gia đình
NCT, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng làm lúa trực tiếp trên 20 mẫu một năm 2 vụ.
Năm 2002- 2013 trồng 3 loại lúa, năng suất vụ đông xuân lúa thơm đạt 7,8 tấn
/ha lúa tươi. Vụ Hè thu năng suất lúa thơm đạt 5 tấn/ha, lúa ngang thì đạt
7 tấn/ha. Vụ Đông xuân sau thu hoạch trừ mọi chi phí thì dư hơn 300 triệu,
hè thu còn khoảng dưới 200 triệu..Hiện gia đình có máy gặt đập liên hợp
DC60, máy cày dọn đất, máy gặt đập mua hết 515 triệu, làm dịch vụ thêm đã lấy
lại vốn. Làm lúa ăn trắc mặc bền, không lời nhiều thì cũng lời ít. Giá lúa
xuống thì chi tiêu ít cũng không đến nỗi. Giá lúa thấp, giá vật tư cao thì
chi tiêu phải gói gém lại. Những hộ gia đình khác chỉ có 1 mẫu ruộng thì
chi tiêu thiếu nhưng chủ hộ nhiều ruộng nên làm lúa có kém cũng không ảnh
hưởng nhiều. Xây nhà năm 2004, kho xây năm 2000 do tích luỹ nhiều năm, trị
giá hiện nay của căn nhà khoảng 500 triệu. Trong thời gian tới, gia đình có
thể đầu tư làm lò sấy lúa, vừa phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ.
3.2. Tích tụ ruộng đất gây ra bất bình đẳng về đất đai
Ngược lại lịch sử ruộng đất vùng Tây Nam Bộ, khi tập
đoàn giải thể vào cuối những năm 1980, đa phần mỗi nhân khẩu được chia 1,2 mẫu
ruộng. Nhưng theo thời gian, dân số phát triển, chia tách hộ, thừa kế… mua bán
tích tụ thì ruộng đất Tây Nam Bộ đã có sự chênh lệch khá nhiều giữa các hộ gia
đình.
Bảng 3. Sở hữu đất
trồng cây hàng năm trung bình theo 5 nhóm hộ gia đình vùng Tây Nam Bộ
|
Diện tích trung
bình (m2) |
||||
2004 |
2006 |
2008 |
2010 |
2012 |
|
Cả nước |
|||||
20% hộ ít đất nhất
|
964,44 |
870,38 |
861,58 |
746,39 |
876,48 |
20% hộ ít đất |
1933,32 |
1870,33 |
1791,89 |
1629,56 |
2651,54 |
20% hộ trung
bình |
2964,53 |
2932,76 |
2806,66 |
2623,02 |
4549,58 |
20% hộ nhiều đất
|
4925,22 |
5034,25 |
4864,21 |
4618,69 |
7535,10 |
20% hộ nhiều đất
nhất |
16451,04 |
17111,5 |
18175,95 |
15482,95 |
24763,7 |
Chênh lệch |
17,06 lần |
19,66 lần |
21,1 lần |
20,74 lần |
28,25 lần |
Tây Nam Bộ |
|||||
20% hộ ít đất nhất
|
1748,45 |
1677,74 |
1591,49 |
1316,64 |
1730,57 |
20% hộ ít đất |
4010,20 |
3708,24 |
3704,85 |
3206,28 |
6769,45 |
20% hộ trung
bình |
6609,44 |
5910,08 |
6715,93 |
5619,12 |
13034,24 |
20% hộ nhiều đất
|
10857,5 |
10095,98 |
11172,18 |
10041,13 |
24888,45 |
20% hộ nhiều đất
nhất |
24762,91 |
28245,73 |
33295,51 |
26134,37 |
65481,37 |
Chênh lệch |
14,16 lần |
16,83 lần |
20,92 lần |
19,85 lần |
37,83 lần |
Nguồn: Khảo sát mức sống dân cư năm
2004,2006,2008,2010,2012 của Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả
Số liệu diện tích đất trung bình của từng nhóm hộ gia
đình cho thấy một sự bất bình đẳng về đất rất lớn. Năm 2004 ở Tây Nam Bộ, nếu
như trong nhóm hộ ít đất nhất chỉ sở hữu trung bình 1.748,45 m2 đất
thì nhóm hộ nhiều đất nhất sở hữu trung bình tới 24.762,91 m2 gấp tới
14,16 lần. Sự chênh lệch này năm 2006 là 16,83 lần, năm 2008 là 20,92 lần, năm
2010 là 19,85 lần và năm 2012 đã vọt lên 37,83 lần. So với cả nước, những năm
2004-2010 chênh lệch của vùng Tây Nam Bộ thấp hơn một chút, nhưng đến năm 2012
thì cao hơn cả nước khá nhiều (37,83 lần so với 28,25 lần). Cùng với con số sở
hữu trung bình của hộ nhiều đất nhất cả nước là 24.763,7 m2, trong
khi Tây Nam Bộ 65.481,37 m2 phản ánh một xu hướng tích tụ ruộng đất
mạnh hơn ở Nam Bộ đi kèm với sự bất bình đẳng về đất đai lớn hơn.
Không chỉ chênh lệch về diện tích đất trung bình sở hữu
mà tổng diện tích sử hữu của 20% hộ nhiều đất nhất và 20% hộ sở hữu ít đất nhất
cũng là con số rất lớn.
Bảng 4. Tỷ lệ sở hữu
đất trồng cây hàng năm theo 5 nhóm hộ gia đình ở Tây Nam Bộ
|
% sở hữu |
||||
2004 |
2006 |
2008 |
2010 |
2012 |
|
Cả nước |
|||||
20% hộ ít đất nhất |
0,83% |
0,73% |
0,71% |
0,61% |
0,62% |
20% hộ ít đất |
1,66% |
1,64% |
1,49% |
1,38% |
1,89% |
20% hộ trung bình |
2,56% |
2,50% |
2,34% |
2,05% |
3,24% |
20% hộ nhiều đất |
4,19% |
4,48% |
4,02% |
3,70% |
5,36% |
20% hộ nhiều đất nhất |
90,75% |
90,66% |
91,44% |
92,25% |
88,88% |
Vùng Tây Nam Bộ |
|||||
20% hộ ít đất nhất |
3,60% |
3,20% |
0,32% |
3,09% |
2,52% |
20% hộ ít đất |
8,02% |
5,97% |
0,68% |
3,54% |
4,11% |
20% hộ trung bình |
13,76% |
13,02% |
1,58% |
28,08% |
24,80% |
20% hộ nhiều đất |
21,60% |
22,02% |
5,45% |
29,01% |
28,14% |
20% hộ nhiều đất nhất |
53,01% |
55,79% |
91,97% |
36,29% |
40,43% |
Nguồn: Khảo sát mức sống dân cư năm
2004,2006,2008,2010,2012 của Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả
Trên phạm vi cả nước sự chệnh lệch giữa hai nhóm sở hữu
nhiều nhất và ít nhất cao hơn Tây Nam Bộ (vì số liệu ở bảng 2 không phải là số liệu trung bình nên nhóm
ít đất sẽ ít rơi vào vùng Tây Nam Bộ, ngược lại nhóm nhiều đất nhất sẽ chủ yếu ở
vùng này). Cụ thể, trong tất cả các năm từ 2004-2012, 20% số hộ sở hữu ít đất
nhất cả nước chỉ nắm giữ chưa đầy 1% tổng đất trồng cây hàng năm, trong khi 20%
số hộ nhiều đất nhất nắm giữ tới khoảng trên dưới 90%. Ở Tây Nam Bộ thì 20% số
hộ sở hữu ít đất nhất nắm giữ trung bình khoảng 2,5% tổng đất trồng cây hàng
năm, 20% số hộ nhiều đất nhất nắm giữ
trung bình khoảng 55,5%.
3.3. Tích tụ ruộng đất làm mất sinh kế của một bộ phận
người dân
Ruộng đất là kế sinh nhai chính của người dân Tây Nam
Bộ. Quá trình tích tụ ruộng đất là quá trình mà đất đai tập trung vào tay người
này thì ra khỏi tay người khác. Dù với bất kỳ lý do nào của việc mua bán đất (tự
nguyện hay bị ép buộc, hợp lý hay bất hợp lý, chính đáng hay không chính đáng)
thì tích tụ ruộng đất vẫn là nguyên nhân gây mất đất của một bộ phận người dân
đồng nghĩa với việc mất đi sinh kế.
Bảng
5. Tỷ lệ sở hữu các loại đất của hộ gia đình nông thôn chia theo vùng
|
Tỷ lệ hộ sở hữu Đất nông nghiệp |
Tỷ lệ hộ sỡ hữu Đất trồng cây hàng năm |
Tỷ lệ hộ nông thôn không có đất |
|||
2010 |
2012 |
2010 |
2012 |
2010[139] |
2012[140] |
|
Cả nước |
94,31 |
60,56 |
82,36 |
53,26 |
3,83 |
17,17 |
ĐB sông Hồng |
96,18 |
63,45 |
95,11 |
12,92 |
2,55 |
2,87 |
Đông Bắc |
96,47 |
82,02 |
93,60 |
80,71 |
1,43 |
5,50 |
Tây Bắc |
93,51 |
86,49 |
90,65 |
85,59 |
2,86 |
3,60 |
Bắc Trung Bộ |
92,94 |
73,52 |
89,88 |
71,17 |
5,19 |
10,74 |
Duyên hải NTB |
97,94 |
56,47 |
93,64 |
51,70 |
1,50 |
16,07 |
Tây Nguyên |
89,77 |
74,50 |
55,21 |
55,15 |
6,18 |
8,60 |
Đông Nam Bộ |
91,45 |
24,15 |
52,41 |
10,16 |
5,48 |
28,70 |
Tây Nam Bộ |
92,72 |
50,13 |
67,87 |
36,59 |
6,34 |
31,65 |
Nguồn: Khảo sát mức sống dân cư năm 2010, 2012 -Tổng
cục Thống kê và tính toán của tác giả
Theo số liệu trên, năm 2010, trung bình cả nước có
3,83% số hộ gia đình không có loại đất nào ngoài đất thổ cư thì Tây Nam Bộ có
6,34%, gần gấp đôi trung bình cả nước và cũng là vùng có tỷ lệ này cao nhất. Đặc
biệt nếu so với vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có 2,55% số hộ không có đất. Đến
năm 2012, khi trung bình cả nước có 17,17% số hộ không có đất nông nghiệp thì
Tây Nam Bộ có tới 31,65%, một tỷ lệ khá cao và cũng cao nhất trong các vùng cả
nước. Vì tiêu chí thống kê không thống nhất (hộ không đất 2010 là hộ không có
quyền sử dụng loại đất nào khác ngoài đất thổ cư , hộ không đất 2012 là hộ
không có quyền sử dụng loại đất nông nghiệp nào) nên khó có thể so sánh. Tuy
nhiên, tỷ lệ sở hữu đất nông nghiệp và đất trồng cây hàng năm thì giống nhau,
nhìn vào hai số liệu này sẽ thấy năm 2012 so với năm 2010 có một sự sụt giảm lớn
về tỷ lệ hộ sở hữu đất nông nghiệp và đất trồng cây hàng năm của Tây Nam Bộ (đất
nông nghiệp từ 92,72% xuống 50,13%, đất hàng năm từ 67,87% xuống 36,59%). Có thể
có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự sụt giảm mạnh tỷ lệ sở hữu đất nông
nghiệp của vùng Tây Nam Bộ, trong khi tỷ lệ hộ không đất lại tăng cao nhất cả
nước như đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ sân gôn, du lịch…Nhưng
không thể phủ nhận ở Tây Nam Bộ, tốc độ đô thị hóa cũng như phát triển công
nghiệp không bằng một số vùng khác, do đó có nguyên nhân từ tích tụ ruộng đất
làm giảm về số lượng hộ sở hữu ruộng đất.
Với đặc điểm của Tây Nam Bộ hộ gia đình khu vực nông
thôn chiếm đa số, năm 2012 số hộ nông thôn chiếm 76,06% trong tổng số mẫu điều
tra mức sống dân cư thì số 31,65% số hộ không sở hữu đất nông cũng đồng nghĩa với
việc rất nhiều hộ gia đình nông thôn không có sinh kế ổn định và gặp khó khăn
trong cuộc sống. Cuộc khảo sát thực địa cũng phản ánh thực trạng này:
Hộp 3
Hộ bà TTBC, xã
Vĩnh Trị, Vĩnh Hưng. Gia đình hiện nay chỉ có hai vợ chồng. Chủ hộ lập gia
đình năm 18 tuổi, được cha mẹ cho 6 công đất, 3-4 năm sau mua thêm được 4
công của mẹ nên được 1 mẫu. Năm 1990 bán hết đất cho họ hàng, được 3 chỉ
vàng, dùng để trả nợ và chữa bệnh. Bán hết đất, vợ chồng phải đi làm thuê
và cắm câu. Hiện nay, gia đình mỗi tháng phải tốn khoảng 360 ngàn tiền mua
gạo, vợ chồng sống chủ yếu dựa vào tiền công hằng ngày của chồng, khoảng
100.000đ/ngày. Thỉnh thoảng vợ cũng đi làm mướn (nhổ cỏ, dặm lúa). Gia đình
thuộc dạng hộ nghèo và đang nợ tiền Nhà nước 19 triệu (tiền mua đất nền
trong khu dân cư).
Hộp 4
Bà TTD, xã Tuyên Thạnh, Thị xã Kiến Tường,
cha mẹ có 3 mẫu, nhưng vì là con gái lấy chồng nên không được chia . Gia
đình bà không có đất sản xuất và cả đất thổ cư, làm nhà ở trên kênh. Bà cho
biết những người ở nhà trên sông xung quanh cũng là dân ở đây. Có người
ngày xưa cũng được chia đất nhưng do đất phèn, không làm lúa được, lại
nghèo không có vốn nên bán đất. Họ đa phần là đi làm thuê như dặm lúa, vác
lúa mướn. Con gái bà đi làm công nhân trên thành phố, bà thì đi cấy dặm lúa
thuê, lúc có việc lúc không, kinh tế bấp bênh.
Ở một khía cạnh khác của vấn đế, theo nghiên cứu của
Martin Ravallion & Dominique van de Walle (2008)[141]
thì “Tình trạng không có đất nông nghiệp có xu hướng gia tăng trong các hộ
nghèo ở Việt Nam giai đoạn sau cải cách. Tuy nhiên, đây lại là một nhân tố tích
cực thúc đẩy quá trình giảm nghèo ở Việt Nam nói chung do nhiều hộ gia đình
nông nghiệp nắm bắt được nhều cơ hội mới, đặc biệt là làm thuê để được trả
công”.
Kết luận trên cũng đúng
trong một số trường hợp được phỏng vấn sâu. Đó là ở hộ gia đình ít ruộng đất hoặc
không có ruộng đất, hoặc có ruộng đất nhưng con cái không thích làm ruộng đã có
cơ hội đi làm công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. “Hàng ngày xe của công ty rước
đi làm từ sáng sớm, tối muộn đưa trở về nhà, lương tháng ổn định lại không phải
ăn ở lại thành phố” (bà NTD, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường). Đây là cơ hội
tốt để cải thiện kinh tế cho gia đình. Chính vì thế ông TVT xã Bình Tân, thị xã
Kiến tường khi được hỏi về tình trạng không ruộng đất đã nói “Không có ruộng,
nhưng nếu đi làm công nhân được thì thu nhập cao hơn, sống thoải mái hơn người
làm ruộng vì họ không cần suy nghĩ, lo lắng vì sợ mất mùa”.
3.4. Tích tụ ruộng
đất là một trong các yếu tố dẫn đến phân hóa giàu nghèo ở nông thôn
Nhìn nhận một cách
khách quan khi mà đời sống của người nông dân vẫn phụ thuộc vào mảnh ruộng là
chủ yếu thì việc nhiều đất, ít đất hay không có đất sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến
kinh tế hộ gia đình. Vì thế không khó để lý giải tích tụ ruộng đất là một trong
những yếu tố dẫn đến phân hóa giàu nghèo..
Bảng 6. Cơ cấu diện tích đất nông nghiệp phân theo 5 nhóm thu
nhập hộ ở TNB
|
< 0,5 ha |
0,5 - 1 ha |
1 - 3 ha |
> 3 ha |
Năm 2004 |
||||
Nghèo nhất |
70,13% |
20,78% |
9,09% |
0,00% |
Nghèo |
57,89% |
29,32% |
12,78% |
0,00% |
Trung bình |
40,00% |
34,19% |
25,81% |
0,00% |
Giàu |
25,46% |
37,96% |
34,72% |
1,85% |
Giàu nhất |
23,18% |
19,87% |
45,36% |
11,59% |
Năm 2006 |
||||
Nghèo nhất |
74,44% |
20,00% |
5,56% |
0,00% |
Nghèo |
47,24% |
40,16% |
11,81% |
0,79% |
Trung bình |
34,57% |
45,06% |
19,14% |
1,23% |
Giàu |
33,01% |
30,62% |
34,45% |
1,91% |
Giàu nhất |
20,22% |
27,80% |
35,38% |
16,61% |
Năm 2008 |
||||
Nghèo nhất |
60,40% |
26,73% |
11,88% |
0,99% |
Nghèo |
47,79% |
36,28% |
15,04% |
0,88% |
Trung bình |
46,09% |
32,03% |
19,53% |
2,34% |
Giàu |
39,49% |
26,15% |
32,82% |
1,54% |
Giàu nhất |
22,70% |
18,42% |
40,13% |
18,75% |
Năm 2010 |
||||
Nghèo nhất |
75,00% |
22,37% |
2,63% |
0,00% |
Nghèo |
60,87% |
23,19% |
15,94% |
0,00% |
Trung bình |
45,80% |
35,11% |
18,32% |
0,76% |
Giàu |
42,22% |
26,67% |
26,67% |
4,44% |
Giàu nhất |
24,72% |
23,60% |
38,95% |
12,73% |
Năm 2012 |
||||
Nghèo nhất |
31,75% |
39,68% |
28,57% |
0,00% |
Nghèo |
18,07% |
27,71% |
46,99% |
7,23% |
Trung bình |
14,41% |
26,13% |
48,65% |
10,81% |
Giàu |
8,66% |
15,75% |
46,46% |
29,13% |
Giàu nhất |
6,63% |
9,69% |
25,00% |
58,67% |
Nguồn: Khảo sát mức sống dân cư năm 2004, 2006,
2008, 2010, 2012-Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả
Số liệu bảng 4 cho thấy,
từ năm 2004 đến 2012, ở nhóm
nghèo nhất thì số hộ sở hữu đất từ 3 ha trở lên gần như là 0% (duy nhất năm
2008 là gần 1%), còn ở quy mô nhỏ nhất dưới 0,5 ha thì luôn có từ trên 60% đến
gần 80% số hộ nghèo nhất sở hữu (2004-2010, riêng 2012 giảm còn 31,75%). Ngược
lại, ở nhóm giàu nhất, chỉ có từ 6,63% đến 24,72% số hộ sở hữu ở quy mô dưới
0,5 ha, trong khi ở quy mô trên 3 ha 11,59% đến 58,67% số hộ sở hữu. Lưu ý con
số 58,67% số hộ trong nhóm giàu nhất sở hữu đất từ 3 ha trở lên là của năm
2012, cho thấy một xu thế những hộ giàu nhất là những hộ có nhiều đất nhất và
xu thế ngày càng gia tăng.
Sự phân hóa này càng thấy rõ hơn khi nhìn vào số diện
tích đất hàng năm trung bình theo 5 nhóm thu nhập hộ gia đình dưới đây.
Bảng 7. Diện tích đất hàng năm trung bình theo 5
nhóm thu nhập hộ gia đình vùng Tây Nam Bộ
|
Diện tích trung
bình (m2) |
||||
2004 |
2006 |
2008 |
2010 |
2012 |
|
Cả nước |
|||||
20% Nghèo nhất |
3560,88 |
3405,64 |
3276,27 |
3595,73 |
3504,19 |
20% Nghèo |
4285,29 |
4982,77 |
4788,74 |
4593,58 |
4960,36 |
20% Trung bình |
4929,17 |
5084,35 |
5273,31 |
4712,04 |
5842,54 |
20% Giàu |
5964,46 |
5697,94 |
5585,31 |
5162,35 |
7197,13 |
20% Giàu nhất |
8478,53 |
8169,84 |
9471,14 |
6860,11 |
14285,91 |
Chênh lệch Giàu
nhất/Nghèo nhất (lần) |
2,38 |
2,41 |
2,89 |
1,91 |
4,08 |
Vùng Tây Nam Bộ |
|||||
20% Nghèo nhất |
4274,61 |
4130,68 |
5172,94 |
3352,29 |
7432,05 |
20% Nghèo |
5040,97 |
6023,36 |
6079,29 |
5485,22 |
12841,88 |
20% Trung bình |
7156,36 |
7032,07 |
7006,02 |
6312,47 |
15662,19 |
20% Giàu |
9133,79 |
8879,41 |
8567,11 |
8426,86 |
21207,04 |
20% Giàu nhất |
14945,7 |
16703,31 |
18838,38 |
14340,06 |
45350,53 |
Chênh lệch Giàu
nhất/Nghèo nhất (lần) |
3,50 l |
4,04 |
3,64 |
4,28 |
6,10 |
Nguồn: Khảo sát mức sống dân cư năm 2004, 2006,
2008, 2010, 2012-Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả
Theo số liệu trên, nếu như năm 2004, ở Tây Nam Bộ nhóm
nghèo nhất sở hữu trung bình 4.274,61m2 đất thì nhóm giàu nhất sở hữu
trung bình đến 14.945,7 m2 gấp 3,5 lần. Sự chênh lệch này theo xu hướng
tăng lên qua các năm, lần lượt 2006 là 4,04 lần, 2008 là 3,64 lần, năm 2010
4,28 lần và năm 2012 đã lên tới 6,1 lần (năm 2012 nhóm nghèo nhất sở hữu
7.432,88 m2, nhóm giàu nhất sở hữu 45.350,53 m2 ). Con số
chênh lệch của năm 2010 và 2012 cũng cho thấy sự quan ngại về xu hướng khoảng
cách chênh lệch ngày càng tăng và tăng với tốc độ nhanh hơn. Hơn nữa nếu so với
cả nước thì sẽ thấy chênh lệch Tây Nam Bộ cao hơn ở tất cả các năm, gần đây nhất
là 2012 trong khi cả nước chênh lệch là 4,08 lần thì Tây Nam Bộ là 6,1 lần. Cho
thấy dường như đi đôi với tích tụ đất mạnh hơn thì khoảng cách giàu nghèo giữa
người ít đất và người nhiều đất ở Tây Nam Bộ cũng lớn hơn.
Qua khảo sát của đề tài cũng cho thấy người không có
ruộng đất hoặc ít ruộng đất đa số rất khó khăn, mặc dù họ cũng kiếm kế sinh
nhai khác, nhưng thường vẫn bấp bênh. Đó là hộ bà TTBC, xã Vĩnh Trị, Vĩnh Hưng
(hộp 3.3), hộ bà TTD, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường (hộp 3.4)
Những hộ nghèo đa phần đều rơi vào những hộ không có đất.
Hộ vừa thuộc hộ nghèo vừa không đất là đối tượng đặc biệt của địa phương, và địa
phương sẽ bị đánh giá về công tác xóa đói giảm nghèo yếu, bị ảnh hưởng trong việc
xét thi đua nếu để tình trạng hộ nghèo không đất. Do đó, đã có địa phương cấm
dân không được bán hết sạch đất, còn lại 1 công đất cũng là còn đất, để không bị
xếp vào hộ nghèo không đất (đây là một thực tế được chia sẻ không chính thức bởi
một cán bộ địa phương ở xã Bình Tân, Kiến Tường)
Trong khi đó, người nhiều ruộng đất ngày càng giàu có
và kinh tế gia đình ngày càng có điều kiện phát triển:
Hộp 5
Hộ
gia đình NCT, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng làm lúa trực tiếp trên 20 mẫu một năm
2 vụ. Vụ Đông xuân, sau thu hoạch trừ mọi chi phí thì dư hơn 300 triệu, hè
thu còn khoảng dưới 200 triệu. Hiện gia đình có máy gặt đập liên hợp DC60,
máy cày dọn đất. Máy gặt đập mua hết 515 triệu, làm dịch vụ thêm đã lấy lại
vốn. Những hộ gia đình khác chỉ có 1 mẫu ruộng thì chi tiêu thiếu nhưng chủ
hộ nhiều ruộng nên làm lúa có kém cũng không ảnh hưởng nhiều. Xây nhà năm
2004, kho xây năm 2000 do tích lũy nhiều năm, trị giá hiện nay của căn nhà
khoảng 500 triệu. Trong thời gian tới, gia đình ông có thể đầu tư làm lò sấy
lúa, vừa phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ.
Nhận định tương tự về vấn đề này, Lê Thanh Sang và Bùi
Thế Cường (2010) cho rằng: Mặc dù quá trình tập trung ruộng đất nhiều hơn vào một
số nông hộ để phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động là
phù hợp về mặt kinh tế, song một vấn đề đặt ra là: Ở mức độ nào thì quá trình
này có thể làm tăng thêm các bất bình đẳng xã hội? Kết quả phân tích mối tương
quan giữa mức sống và thay đổi mức sống với sự tăng giảm đất nông nghiệp của hộ
gia đình ở Tây Nam Bộ sau 5 năm theo khảo sát năm 2008 cho thấy, trong số 152 hộ
có thay đổi đất nông nghiệp, gần 1/2 số hộ tăng thêm đất và tỷ lệ hộ tăng lên tập
trung nhiều hơn ở những hộ có mức sống cao hơn. Ngược lại, khoảng 1/2 số hộ giảm
đất và những hộ có mức sống thấp hơn thì có tỷ lệ giảm đất nông nghiệp cao hơn.
Cùng với đó, những nhóm hộ có sự cải thiện mức sống nhiều hơn so với 5 năm trước
thì có tỷ lệ tăng thêm đất cao hơn, trong khi những nhóm hộ có mức sống kém hơn
trước thì có tỷ lệ giảm đất nông nghiệp cao hơn những nhóm hộ còn lại.[142]
Martin Ravallion & Dominique van de Walle (2008)[143]
cũng phát hiện ra “Có những dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của tình trạng phân
biệt giai tầng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ờ miền Nam Việt Nam, mặc dù ở
đây tỷ lệ nghèo đói vẫn giảm đi trong số các hộ gia đình không có đất”.
Như vậy, dường như chênh lệch về đất đai đã tạo ra
chênh lệch về thu nhập, phân hóa giàu nghèo. Mặc dù cũng có ý kiến cho rằng có
thể hiểu chiều ngược lại: Chênh lệch về thu nhập gây ra chênh lệch về đất đai.
Tuy nhiên, xét điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội vùng Tây Nam Bộ và sinh kế,
thói quen, lối sống của người dân nông thôn thì sẽ hợp lý hơn khi nhìn nhận
chênh lệch thu nhập dẫn tới chênh lệch đất đai là vế sau, là hệ quả của chênh lệch
đất đai.
3.5. Tích tụ ruộng đất làm nảy sinh tâm lý trái chiều
trong người dân
Bao đời nay người nông dân gắn với ruộng đất, dù có việc
làm khác thì với họ đất đai vẫn là số một. Không có ruộng đất, người nông dân cảm
thấy buồn, thiệt thòi và mặc cảm. Bà TTD, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường nói
“Những người có ruộng dù ít vẫn hơn mình. Vì người ta làm ruộng thì có gạo ăn,
thời gian rảnh thì đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Không có ruộng thấy buồn và
thiệt thòi”. Thậm chí có hộ gia đình rơi vào tình cảnh bi đát, tâm lý bất mãn,
không muốn tiếp xúc với mọi người và đã rất khó khăn để thuyết phục phỏng vấn
(hộ bà KD xã Bình Tân, Kiến Tường. Hộ này chỉ có 1 công đất, theo một cán bộ xã
giấu tên đã nói ở phần trên, thì hộ này không được bán hết để không bị liệt vào
danh sách nghèo không đất, lấy thành tích cho xã. Chủ hộ này khá tiêu cực về cuộc
sống).
Tuy nhiên, đa phần người nông dân vẫn ủng hộ tích tụ
ruộng đất. Dù không có ruộng đất canh tác, thấy buồn và thiệt thòi, nhưng điều
quan tâm lớn nhất của họ là làm sao có việc làm, có thu nhập. Tức là khi sinh kế
không dựa vào đất đai thì có sinh kế khác, ổn định và đảm bảo cuộc sống. “Người
không có đất thực sự khó khăn vì họ phải đi làm thuê làm mướn qua ngày. Người
có đất mặc dù canh tác cực khổ nhưng vẫn đỡ hơn. Nhưng không có ruộng mà đi làm
công nhân được thì thu nhập cao hơn, sống thoải mái hơn người làm ruộng vì họ
không cần suy nghĩ, lo lắng vì sợ mất mùa”(ý kiến của ông TVT xã Bình Tân, Kiến
Tường).
Ở khía cạnh tâm lý khác, khi hỏi những hộ gia đình
không có đất hay ít đất suy nghĩ như thế nào với việc những hộ tích tụ được nhiều
đất, giàu có, thì những người được hỏi đều cho rằng “đó là việc bình thường, họ
có khả năng thì họ mua ruộng đất”. Hỏi thêm cô/chú/anh/chị có nghĩ là họ giống
như những người địa chủ thời nay không, thì đều nhận được câu trả lời: không
nghĩ họ là địa chủ vì họ mua đất bằng tiền của họ, không ép buộc ai, thuê người
làm trả công đàng hoàng.
Đặc biệt đối với các hộ đã tích tụ được ruộng đất thì
họ hoàn toàn ủng hộ và muốn được tạo điều kiện tích tụ hơn nữa. Về mặt tâm lý,
khi hỏi rằng có cảm thấy mình quá khác biệt với những người không đất, mình giống
như là địa chủ hay không thì họ nói rằng:“... mình luôn sống chan hòa với bà con lối xóm, giúp đỡ những người khó khăn hơn,
thuê mướn lao động trả công xứng đáng và không nghĩ mình giống như địa chủ ngày
xưa” (Ông NCT, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng).
4. KẾT LUẬN
Ruộng đất và tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ hiện
là vấn đề nóng và được quan tâm bởi đây là vùng đất nông nghiệp trù phú rộng lớn
nhất cũng như có hoạt động tích tụ ruộng đất sôi động nhất cả nước. Nghiên cứu
chỉ ra tích tụ ruộng đất đã tác động đến đời sống kinh tế xã hội của vùng trên
nhiều mặt. Tích tụ ruộng đất đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình,
thậm chí là làm giàu có đối với những hộ tích tụ được ruộng đất. Nhưng tích tụ
ruộng đất đã gây ra sự bất bình đẳng về đất đai, từ đó gây ra bất bình đẳng về
thu nhập, góp phần tạo ra khoảng cách giàu nghèo. Không những thế, tích tụ ruộng
đất còn làm mất đi sinh kế của người dân nông thôn, gây tâm lý mặc cảm, thất vọng,
bất mãn ở một số trường hợp. Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất không phải là nguyên
nhân gây ra nghèo đói nói chung và nghiên cứu cũng cho thấy đa số người dân vẫn
ủng hộ tích tụ ruộng đất. Trong đó, đối với người mất đất thì ủng hộ tích tụ với
điều kiện có việc làm phi nông nghiệp ổn định, người tích tụ được ruộng đất thì
mong muốn được tạo điều kiện để phát triển sản xuất và tích tụ nhiều hơn nữa.
Như vậy, vấn đề là ở chỗ thúc đẩy tích tụ ruộng đất phải
đi đôi với giải quyết những ảnh hưởng về mặt xã hội mà nó tạo ra. Có như vậy mới
có thể phát triển kinh tế nông nghiệp Tây Nam Bộ một cách hiệu quả và bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. David
Beg, 2005. Kinh tế học. Nhà xuất bản
Thống kê, 2007 (bản dịch).
2. Đặng
Kim Sơn, 2009. “Báo cáo đất” thuộc Đề
tài “Một số vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam”. Viện Chính sách
và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
3. Đinh
Phi Hổ, 2003. Kinh tế nông nghiệp: Lý
thuyết và thực tiễn. Nhà XB thống kê.
4. Khoa
Toán Thống kê-Trường
đại học Kinh tế TPHCM,
2007. Giáo trình Kinh tế lượng.
5. Lê
Thanh Sang & Bùi Thế Cường, 2010. “Phân
bố và chuyển dịch đất nông nghiệp của hộ gia đình ở Tây Nam Bộ”. Tạp chí
Khoa học xã hội, số 4-2010.
6. Martin Ravallion & Dominique van de Walle, 2008. Đất đai trong thời kỳ chuyển đổi: Cải cách
và nghèo đói ở nông thôn Việt Nam. World Bank. Nhà XB Văn
hóa thông tin.
7. Ngân
hàng thế giới, 2008. Tăng cường nông nghiệp
cho phát triển, Báo cáo phát triển thế giới 2008, Nhà xuất bản văn
hóa-thông tin, Hà nội.
8.
Báo Nhân dân, 2013, “Ðể nông
dân đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo” - Bài 1: Nghèo ngay trên vựa lúa,
http://www.nhandan.com.vn/ ngày 13/08/2013
9. Tổng
cục thống kê. Báo cáo kết quả tổng điều
tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006 và 2011.
10. Tổng
cục thống kê. Cơ sở dữ
liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình (VHLSS) năm 2004, 2006, 2008, 2010, 2012.
11. Tổng
cục thống kê. Niên giám thống kê 2013
12. Trần
Hữu Quang, 2013. Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ
trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, Đề tài cấp Bộ năm 2011-2012, cơ quan chủ trì Viện KHXH vùng
Nam Bộ.
HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT VÀ VẤN ĐỀ LIÊN KẾT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI NUÔI TÔM TỈNH
BẾN TRE
ThS. Nguyễn Thị Vân
Viện Khoa học Xã hội
vùng Nam Bộ
Bài viết là một phần
trong kết quả đề tài nghiên cứu cấp cơ sở năm 2014 về “Vấn đề tuân thủ hợp đồng
của người nuôi tôm tỉnh Bến Tre”. Với phương pháp phân tích kết hợp giữa nguồn
số liệu thứ cấp và một số phỏng vấn sâu điển hình, bài viết trình bày hiện trạng
sản xuất tôm tại tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây thông qua các tiêu chí về
diễn biến diện tích, năng suất và sản lượng đạt được. Bên cạnh đó, bài viết
phân tích hiện trạng liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm tỉnh Bến Tre
thông qua mô hình nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh. Qua đó đưa ra những kết quả
đạt được và những khó khăn chủ yếu khi thực hiện mô hình. Với hiện trạng sản xuất
và liên kiết giữa doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre, bài viết
phân tích một số nguyên nhân dẫn đến sự liên kết thiếu, yếu đã và đang diễn ra
tại tỉnh, từ đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy sự liên kết giữa
doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm.
1. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NUÔI TÔM TẠI TỈNH BẾN
TRE
1.1. Hiện trạng chung
Năm 2012 trở về trước,
việc phát triển nuôi tôm nước lợ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại 3 huyện
Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Đến năm 2012 do tình hình biến đổi khí hậu phức
tạp, tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội địa, tỉnh đã có chủ trương phát triển
thêm diện tích nuôi tôm nước lợ (chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng) ở 2 huyện
Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam. Như vậy hiện nay trên toàn tỉnh có 5 huyện phát triển
nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm chân trắng) là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng
Trôm và Mỏ Cày Nam. Tuy nhiên, chú trọng phát triển nuôi tôm vẫn ở 3 huyện Ba
Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Theo báo cáo của Sở Nông
nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre năm 2013, toàn tỉnh Bến Tre có 13
doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chế biến thủy sản, trong đó xuất khẩu được 524 tấn
tôm, đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 4,7 triệu USD. Sản lượng nuôi tôm nước lợ ở
Bến Tre khá lớn (đạt 43.996 tấn năm 2013)
trong đó phần lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến ở khu vực phía Nam thông
qua các cơ sở thu mua, thương lái,… và một phần cung cấp cho các nhà máy chế biến
tôm đông lạnh trong tỉnh.
Thị
trường chủ yếu của tỉnh là: Nhật, Mỹ, EU. Ba thị trường này tỉ trọng khá lớn với
khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu thị trường như sau: Nhật chiếm
25-30%, Mỹ chiếm 30-35%, EU khoảng 20%. Các
thị trường khác như Ukraina, Trung Đông, New Zealand, ASEAN, Trung Quốc,
Canada,… chiếm tỉ lệ từ 15-20%. Đây có thể coi là thị trường tiềm năng của tỉnh.
Trong thời gian tới cần quan tâm và khai thác hết tiềm năng của các thị trường
này.(Báo cáo của Sở NN & PTNT, 2013).
Thị
trường tiêu thụ nội địa cũng diễn ra khá sôi động với đầy đủ các mặt hàng như
tôm oxy (tôm sống được bán buôn tại các chợ), tôm khô và một lượng lớn các sản
phẩm chế biến trong các nhà máy trước khi bán ra thị trường. Các sản phẩm này được
bán tại các chợ trong và ngoài tỉnh.
1.2. Diễn biến diện
tích nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre
Thủy sản là
một trong 3 sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ, được
xem là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước với diện tích chiếm 70%, sản
lượng 58%, riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy
sản của cả nước (Trần Hữu Hiệp, 2013). Tuy nhiên vấn đề liên kết giữa doanh
nghiệp chế biến và người nuôi cũng như các bên liên quan chưa thực sự hiệu quả.
Bến Tre là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm
năng rất lớn để phát triển nuôi tôm nước lợ (chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân
trắng). Từ năm 2008 trở về trước, diện tích nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre chủ yếu
là tôm sú, năm 2008 với 29.469 ha chiếm 78,26% diện tích nuôi trồng thủy sản, số
liệu thể hiện ở biểu đồ 1. Trong từng thời điểm, diện tích nuôi
tôm có sự biến động lớn theo sự biến động của giá cả thị trường và tình hình dịch
bệnh trên tôm nuôi, diện tích nuôi đạt đỉnh điểm vào năm 2005 với 34.275 ha.
Hình thức
nuôi tôm sú công nghiệp đã thật sự phát triển như vũ bão vào những năm 2001 –
2005. Từ một mô hình thành công của Trung tâm Khuyến ngư, diện tích nuôi tôm sú
thâm canh và bán thâm canh từ 200 ha năm 2001 lên 6.500 ha vào năm 2005, đưa năng
suất nuôi tôm quảng canh cải tiến từ 400 kg/ha lên nuôi thâm canh 6 tấn/ha; sản
lượng nuôi tôm từ 5.000 tấn tôm/năm lên trên 20.000 tấn/năm. Sự chuyển dịch cơ
cấu sản xuất này đã tác động rất lớn vào tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh trong
khu vực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ven biển. (Sở NN &
PTNT tỉnh Bến Tre).
Biểu đồ 1. So sánh
diện tích nuôi tôm với tổng diện tích nuôi thủy sản
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre 2012, Sở NN
& PTNT tỉnh Bến Tre 2013
Tuy nhiên,
với đà phát triển nuôi tôm sú công nghiệp nhanh, nóng, không thể kìm hãm trong
giai đoạn này cũng đã làm cho mất cân đối cung cầu về vốn, nguồn lao động,
trình độ khoa học kỹ thuật và tác động xấu đến môi trường; một số doanh nghiệp,
tổ hợp tác, hộ dân bị thua lỗ, phá sản vào những năm 2004 - 2005. Từ những
thiệt hại trên, ngành thuỷ sản đã tập trung điều chỉnh về các biện pháp quản lý
và kỹ thuật nuôi tôm thâm canh theo hướng ổn định, bền vững và bảo vệ môi
trường. Công tác quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản được thực hiện, điều chỉnh giảm
bớt diện tích những vùng nuôi tôm thâm canh không phù hợp; hạn chế tối đa việc
sử dụng thuốc, hoá chất thay thế bằng sử dụng chế phẩm sinh học; tổ chức các
Ban quản lý vùng nuôi để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất với cộng đồng.
Sự điều chỉnh kịp thời này đã mang lại hiệu quả tức thì, dịch bệnh giảm và có
khả năng khống chế, phong trào nuôi tôm thâm canh được phục hồi và phát triển
trở lại. (Sở NN & PTNT tỉnh Bến Tre).
Ngoài tôm
sú, mô hình nuôi tôm chân trắng cũng đã bắt đầu thử nghiệm thành công năm 2008.
Với chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn tôm sú, thời gian thu hoạch ngắn (3 tháng,
trong khi tôm sú 4 -5 tháng), thị trường tiêu thụ rộng, hiệu quả kinh tế cao,
vì vậy các hộ nuôi tôm trong tỉnh hiện nay đang dần chuyển diện tích nuôi tôm
sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tỉnh cũng đã và đang quy hoạch và mở rộng vùng
nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2008 là 176 ha
chiếm 0,5% diện tích nuôi tôm, đến năm 2013 đã lên tới 4.250 ha, chiếm 13,24%
diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Trong ba năm trở lại đây, hoạt động nuôi tôm chân trắng có nhiều thuận lợi về điều kiện môi trường nước, giá cả
tăng cao,
thời gian nuôi ngắn mang lại lợi
nhuận đáng kể cho hầu hết các hộ nuôi và hiện là đối tượng nuôi chủ lực bậc nhất
của tỉnh Bến Tre, số liệu chi tiết biểu đồ 2.
Biểu đồ 2. Tỷ trọng
diện tích nuôi tôm nước lợ
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre 2012, Sở NN
& PTNT tỉnh Bến Tre 2013
1.3. Diễn biến sản lượng và năng suất nuôi
Kể từ khi xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn
của tỉnh, chính quyền các cấp đã trú trọng đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngành thủy
sản Bến Tre. Chính vì vậy, từ năm 2007 đến này sản lượng thủy sản đã tăng mạnh
mẽ. Số liệu biểu đồ 3 cho thấy, nếu như năm 2003, sản lượng thủy sản toàn tỉnh
chỉ đạt 66.099 tấn, thì đến năm 2007 đã đạt 99.531 tấn, và năm 2013 đã tăng lên
237.153 tấn.
Biểu
đồ 3. Diễn biến sản lượng tôm qua các năm
Nguồn: Niên giám
thống kê tỉnh Bến Tre 2012, Sở NN & PTNT tỉnh Bến Tre 2013
Sản lượng tôm nuôi tăng giảm phụ thuộc nhiều vào diện
tích nuôi và dịch bệnh trên tôm. Sản lượng tôm có xu hướng tăng từ 13.698 tấn
năm 2003 lên 25.362 tấn năm 2007 nhưng năm 2009 lại giảm còn 20.338 tấn, nguyên
nhân do năm 2009 dịch bệnh xảy ra ở hầu hết diện tích nuôi tôm trong tỉnh nên ảnh
hưởng nhiều đến sản lượng và năng suất nuôi. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tốt các biện
pháp khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là mô hình nuôi thâm canh – bán thâm canh đạt
hiệu quả, sản lượng tôm luôn được duy trì và có hướng phát triển tốt, đến năm
2013 sản lượng tôm toàn tỉnh đạt 47.397 tấn, số liệu thể hiện ở biểu đồ 3.
Năng suất nuôi tôm
tăng nhanh từ 0,46 tấn/ha năm 2003 lên 1,48 tấn/ha năm 2013. Hiện nay, nuôi tôm sú thâm canh năng suất trung bình đạt
4 – 6 tấn/ha, nuôi quảng canh, nuôi tôm – lúa (hầu hết là một vụ lúa, một vụ
tôm quảng canh), nuôi xen rừng năng suất trung bình đạt 0,2 – 0,25 tấn/ha, năng
suất nuôi tôm chân trắng trung bình 9 – 10 tấn/ha. (Sở NN &
PTNT tỉnh Bến Tre).
2. LIÊN
KẾT SẢN XUẤT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI NUÔI TÔM TẠI TỈNH BẾN TRE
2.1. Hiện trạng liên kết sản xuất tôm theo hợp đồng tại
tỉnh Bến Tre
Mặc dù mối liên kết 4 nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp
– nhà nông – nhà khoa học đã được nhắc đến từ lâu nhưng thực tế trong việc sản
xuất tôm tại Bến Tre, việc liên kết chưa được chú trọng phát triển. Các hộ nuôi
tôm chủ yếu tìm kiếm các yếu tố đầu vào qua các đại lý tại địa phương, học hỏi
kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất hầu như qua bà con hàng xóm hoặc qua các buổi hội
thảo do các đại lý cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thủy sản…tổ chức. Đến vụ
thu hoạch, hầu hết các nông hộ đều tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình qua
cò, thương lái. Có một số hình thức liên kết trong việc sản xuất tôm tại tỉnh Bến
Tre nhưng mức độ liên kết còn lỏng lẻo, thiếu bền vững.
Giai đoạn 2002 đến 2006, mô hình Tổ hợp tác nuôi tôm
công nghiệp trên địa bàn 3 huyện ven biển là Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại phát
triển mạnh. Hình thức hoạt động của Tổ hợp tác là sự góp vốn của các tổ viên
tham gia, có sự liên kết với ngân hàng thúc đẩy phong trào nuôi tôm phát triển.
Tuy nhiên giai đoạn từ năm 2006 đến nay mô hình này không được duy trì, do yếu
tố dịch bệnh phát sinh cùng với giá tôm thương phẩm trong thời gian này giảm xuống
rất thấp, giá thành sản xuất cao hơn giá nguyên liệu, do vậy các tổ hợp tác bị
thua lỗ liên tục, dẫn đến sự tan rã của mô hình. Hiện nay, việc nuôi tôm trong
tỉnh ngay từ khâu đầu vào cho đến đầu ra đều chưa có mối liên kết nào chặt chẽ.
Hầu hết người dân tự tìm kiếm đầu vào và đến khi thu hoạch cũng tự tìm đầu ra
cho sản phẩm của mình.
Biểu đồ 4: Tỷ lệ % số hộ và diện
tích nuôi tôm thực hiện phương thức hợp đồng tại tỉnh Bến Tre
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Sở NN
& PTNT tỉnh Bến Tre, 2013.
Số liệu tổng thể về liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp
và người nuôi tôm qua biểu đồ 4 cho thấy: tỷ lệ số hộ và diện tích nuôi tôm
tham gia hợp đồng liên kết rất nhỏ, chiếm tỉ lệ không đáng kể, chưa tương xứng
với tiềm năng của tỉnh. Số hộ đã thôi hợp đồng chiếm tỷ lệ rất thấp 0,16% với
0,13% diện tích, số hộ đang thực hiện hợp đồng với 2,7% số hộ chiếm 3,5% diện
tích. Số hộ chưa từng hợp đồng với doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao với 97,14%,
diện tích là 96,37%. Điều đó cho thấy, tuy thấy được vai trò và tầm quan trọng
của việc liên kết sản xuất tôm theo hợp đồng nhưng vấn đề này vẫn chưa được sự
quan tâm thỏa đáng từ chính quyền các cấp cũng như các bên liên quan, gây thiệt
hại không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và của ngành sản
xuất tôm nói riêng, đặc biệt đối với doanh nghiệp và người nuôi tôm.
Năm
2014, nhận thấy việc liên kết trong sản xuất là một yếu tố cần thiết trong việc
sản xuất ra hàng hóa lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đáp ứng yêu cầu thị
trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Bến Tre phát động xây dựng mô hình vùng
nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh và được sự đồng tình của các bên tham gia: Ủy
ban nhân dân huyện Ba Tri, xã An Đức, công ty cổ phần CP, công ty Tuấn Khanh và
149 hộ dân trong mô hình.
Theo báo cáo của Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Bến
Tre về kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh vụ 1 năm 2014:
Trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình, các bên tham gia đều được thụ hưởng hài hòa các lợi ích.
Là vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên nhưng được đánh giá đạt hiệu quả, năng suất, sản
lượng, chất lượng dịch vụ tương đối tốt, về sự liên kết được đánh giá thuận lợi.
Doanh nghiệp đã tiêu thụ được lượng giống và thức ăn lớn cho các hộ nuôi tôm.
Năng suất đạt được bình quân gần 8 tấn/ha (nuôi thâm canh bình thường chỉ đạt 6
-7 tấn/ha); Sản lượng: 593 tấn; Tổng giá trị thu được từ mô hình: 53,4 tỷ đồng;
Chi phí sản xuất: 45,39 tỷ đồng; Lãi : 8,01 tỷ đồng. Đặc biệt tỉ lệ tôm nuôi
trong mô hình ít bị dịch bệnh hơn, chỉ 10% đến 15% dịch bệnh, trong khi nuôi
tôm bình thường tỉ lệ dịch bệnh khoảng 80%. Như vậy mô hình nuôi tôm biển an
toàn dịch bệnh đã giảm tỉ lệ tôm dịch bệnh hơn 60%. Điều đó tạo điều kiện nâng
cao được năng suất và chất lượng sản phẩm của tôm nguyên liệu, phù hợp với yêu
cầu chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản,
Mỹ, EU…
Đối với những hộ tham gia mô hình, hầu hết đều hài
lòng với những kết quả thu được từ vụ đâu tiên khi thực hiện liên kết, bên cạnh
đó họ cũng có nguyện vọng muốn được liên kết trong việc tiêu thụ đầu ra của sản
phẩm: “Tham gia mô hình, vừa được hướng dẫn
kỹ thuật, vừa được cung cấp giống, thức ăn chất lượng tốt, giá cả lại không cao
hơn bên ngoài, nếu thiếu vốn có thể ghi nợ…mà kết quả thu hoạch cũng rất cao,
những năm trước 1 vuông nhà tôi khoảng 4000m2 thu hoạch cao nhất chỉ đạt 3000 tấn/một
vụ, nhưng khi tham gia mô hình này vụ đầu tiên đã thu hoạch được 4000 tấn, nếu
công ty hợp đồng thu mua luôn tôm nguyên liệu thì tôi cũng đồng ý” (PVS: Huỳnh
Khôi E, Ba Tri, Bến Tre).
Tuy đạt được những hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội
cao nhưng khi thực hiện mô hình cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ý kiến của một số
cán bộ quản lý mô hình, cán bộ địa phương cho biết: Vì là mô hình mới, bước đầu
thực hiện nên nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết được lợi ích của mô hình, một số
việc thực hiện điều hành, quản lý cũng chưa được trôi chảy. Bên cạnh đó nguồn vốn
đầu tư cho mô hình này chưa có, chưa có đồng vốn nào để thực hiện mô hình này,
cũng chưa có chính sách rõ ràng để hướng dẫn hay thực hiện mô hình này. Một số
hộ dân muốn tham gia mô hình này nhưng chưa tham gia được vì họ còn thiếu nợ
các đại lý do vụ trước thua lỗ nên vụ này cũng phải lấy giống và thức ăn ở các
đại lý đó để khi nào thu hoạch trả nợ lại người ta.
Đối với doanh nghiệp họ
cũng gặp khó khăn về vốn khi tham gia mô hình bởi chưa có chính sách ưu đãi nào
dành cho họ: “Một số người dân không có
vốn thì công ty cho thiếu nợ, vì vậy ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn của công ty,
cần có chính sách ưu đãi hơn cho các công ty khi tham gia mô hình liên kết với
nông dân, hiện nay công ty cũng vay vốn ngân hàng với mức lãi suất như nhiều
công ty khác” (PVS, Lãnh đạo công ty TNHH TK).
Mặc dù xây dựng mô hình “vùng nuôi tôm biển an toàn dịch
bệnh” tại xã An Đức huyện Ba Tri là mô hình mới thực hiện trong nuôi tôm biển
thâm canh nhưng mô hình thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Mô hình được áp dụng đồng bộ từ công tác cải tạo ao, thả giống nên hạn chế được
dịch bệnh xảy ra so với vụ 1 năm 2013. Cụ thể theo báo cáo của Chi cục thủy sản,
thiệt hại vụ 1 năm 2014 của mô hình chiếm 18,6% so với tổng diện tích nuôi, giảm
61,4% so với vụ 1 năm 2013 (năm 2013 diện tích thiệt hại chiếm 80% so với tổng
diện tích nuôi).
Tham
gia mô hình, các hộ nuôi tôm được hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo công nghệ sinh học.
Đây là công nghệ sử dụng thuốc vi sinh thay thế một số loại hóa chất và thuốc
kháng sinh. Đặc biệt, tôm nuôi trong mô hình ít bị bệnh, tăng trưởng nhanh giúp
người nuôi giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Đồng thời việc áp dụng công nghệ
sinh học trong quá trình nuôi đã góp phần bảo vệ môi trường, đây là nền tảng
quan trọng để từng bước xây dựng vùng nuôi an toàn, bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre dự
kiến nhân rộng mô hình sang các vùng nuôi tôm biển tập trung tại huyện có nuôi
tôm biển trên địa bàn tỉnh như Bình Đại và Thạnh Phú. Tuy nhiên mô hình này chỉ
giúp người dân ổn định đầu vào, yên tâm về mặt kỹ thuật nhưng sản phẩm đầu ra
là khâu quan trọng nhất của người dân thì mô hình này chưa làm được, đó là hạn
chế lớn nhất của mô hình. Song đây là một hình thức liên kết mới cần được triển
khai, mở rộng và điều chỉnh những hình thức liên kết hợp lý để phát triển mô
hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm tại tỉnh bến Tre.
2.2. Nguyên nhân chủ yếu trong việc liên kết giữa
doanh nghiệp và người nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre còn thiếu và yếu
2.2.1. Vấn đề chính sách: khung pháp lý
chưa hoàn thiện, còn lỏng lẻo, xử lý tranh chấp chưa có chế tài đủ mạnh
Sau khi Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng (Quyết
định 80), có nhiều chính sách bổ trợ thúc đẩy việc thực hiện như: Chỉ thị
25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng;
Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT năm 2013 về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ
nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và
65/2011/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch
đối với nông, thủy sản hoặc các cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng để kết nối
chuỗi, Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục
vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình, các
hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp....Các chính sách đã thể hiện tầm nhìn
chiến lược, góp phần làm tăng sản lượng và xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt hạn chế
của chính sách là nặng thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường;
thiếu đánh giá, phản hồi dẫn đến tình trạng chồng chéo và chậm cải tiến; thiếu
lồng ghép về chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và thiếu liên kết các
công cụ chính sách.
Ý kiến của Lãnh đạo một xã tại huyện Bình
Đại, tỉnh Bến Tre cũng cho biết: “khung pháp lí liên quan đến việc thành lập
liên kết còn nhiều bất cập. Vấn đề lớn nhất là hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về
xây dựng hợp đồng liên kết cũng như chưa có các hỗ trợ pháp lí chính thức từ
phía chính quyền cấp trên, chính quyền địa phương cho vấn đề này. Bên cạnh đó,
bản thân các văn bản pháp quy có liên quan đến liên kết cũng chưa thực sự hoàn
thiện, gây cản trở cho quá trình hình thành và phát triển liên kết”.
Khảo sát tình hình thực tế
tại địa phương cũng cho thấy: Cả doanh nghiệp và nông dân không ai nghĩ đến việc
thưa kiện nhau ra tòa; chỉ quen với hành vi khiếu nại hành chính, chưa có tập
quán, thói quen hành động theo các chế tài pháp luật; các chế tài ràng buộc xử
lý vi phạm thường không được quy định cụ thể trong hợp đồng do người có vai trò
chủ động trong việc soạn thảo hợp đồng là doanh nghiệp không muốn tự ràng buộc
mình, còn nông dân thì khó có quyền bình đẳng thật sự trong quan hệ với doanh
nghiệp có tiềm lực kinh tế hơn hẳn mình.
2.2.2. Chi phí quản lý và
quy mô sản xuất
Lý do lớn nhất chưa thực
hiện được nhiều liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre
là chi phí quản lý cao. Tại tỉnh Bến Tre chưa có nhiều vùng nuôi tập trung, các
hộ dân tham gia liên kết đều có diện tích nhỏ, phân tán, diện tích nuôi nằm rải
rác trong huyện, vì vậy chi phí giám sát, quản lý, hướng dẫn kỹ thuật, chi phí
thu hoạch …mà doanh nghiệp bỏ ra cao. Do chưa có sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước,
chính quyền địa phương về mặt kinh tế, quản lý…, hầu như các doanh nghiệp phải
tự bỏ tiền ra để đầu tư nếu muốn thực hiện liên kết, đó là khó khăn lớn nhất mà
việc liên kết khó thực hiện. Ý kiến của một Lãnh đạo công ty thủy sản trong tỉnh
cũng cho thấy: “Chi cho việc quản lý,
giám sát, hướng dẫn kỹ thuật mà doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều vì các hộ nuôi tôm
không tập trung, nằm rải rác khắp huyện. Mặc dù tạo được vùng nguyên liệu ổn định,
nhưng nếu như có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hay các nhà quản lý về mặt
giám sát, quản lý thì công ty cũng đỡ tốn kém. Vì không có chính sách nào nên
công ty tự bơi trong hồ nước rộng, không có sự hỗ trợ nào nên doanh nghiệp nếu
muốn thực hiện liên kết với các hộ nuôi tôm cũng khó đem lại hiệu quả
cao”.(PVS, PGĐ Công ty TNHH HT)
2.2.3. Quy cách, chất lượng
sản phẩm
Một nguyên nhân dẫn đến
các doanh nghiệp e ngại khi liên kết với hộ nuôi tôm là vấn đề chất lượng sản
phẩm, mâu thuẫn trong việc xác định phẩm cách tôm giữa bên mua và bán. Đa số
các hộ dân đã quen với cách sản xuất truyền thống nên khi áp dụng kỹ thuật mới,
khác với những kỹ thuật mà các hộ thường sử dụng thì họ gặp khó khăn, đôi khi họ
không tuân thủ hoặc thực hiện không đúng, dẫn đến kết quả thu được không như
mong muốn, một số hộ đến thời điểm thu hoạch tôm không đạt quy cách, tiêu chuẩn
chất lượng mà doanh nghiệp hợp đồng với nông dân, dẫn đến mâu thuẫn xảy ra. Nếu
hai bên không thống nhất trong việc ấn định lại giá cả sẽ có nguy cơ phá vỡ hợp
đồng.
Việc liên kết về khoa học
kỹ thuật chỉ mới chú trọng nâng cao năng suất nhằm tạo ra nhiều sản lượng hơn
cho nhu cầu của doanh nghiệp mà chưa chú trọng việc nâng cao chất lượng nông sản.
Tiêu chuẩn chất lượng luôn có sự áp đặt một chiều của doanh nghiệp cho hộ nông
dân: “Công ty tự đưa ra yêu cầu chất lượng
sản phẩm lúc thu hoạch phải đạt được như nào, nếu không đạt đúng yêu cầu thì
công ty có quyền không mua hoặc mua với giá thấp hơn, đó là lý do ít hộ dân dám
tham gia vào mô hình vì họ sợ rủi ro cao” (PVS. Hồ Minh Thích U, Định Trung - Bình Đại - Bến Tre).
2.2.4. Giá cả tại thời điểm
thu hoạch
Hầu hết các hộ nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre và doanh nghiệp
chưa muốn liên kết với nhau đều liên quan đến giá cả tại thời điểm thu hoạch.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nước ta luôn biến động, cả doanh nghiệp
và nông dân không thể tiên đoán trước được về giá cả, cho nên việc ký kết hợp đồng
sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hai bên rất khó thực thi khi biến động về
giá cả. Giá lên thì nông dân “không cần” doanh nghiệp còn giá xuống thì doanh
nghiệp “quay lưng” với nông dân. Nông dân và doanh nghiệp ở nước ta đều có qui
mô sản xuất và kinh doanh nhỏ, khả năng về tài chính kém, nếu họ tuân thủ theo
đúng giá cả trong hợp đồng thì khả năng thua lỗ và phá sản sẽ rất cao, điều này
giúp lý giải tại sao giữa nông dân và doanh nghiệp hay phá vỡ hợp đồng đã ký kết
khi có sự biến động giá cả trên thị trường.
2.3. Một số giải pháp tăng cường việc liên kết giữa
doanh nghiệp và người nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre
2.3.1. Giải pháp về cơ chế,
chính sách, pháp luật
Để có thể tăng cường liên
kết trong nuôi và chế biến tôm tại Bến Tre, các giải pháp cần đảm bảo tập trung
duy trì được sự hài hòa về lợi ích của các bên trên cơ sở có sự giám sát của luật
pháp. Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ phát triển liên kết liên quan tới quy hoạch,
cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức … cũng cần được quan tâm. Chính quyền các cấp
tại tỉnh Bến Tre xác định rõ vai trò, vị trí và sự cần thiết của việc liên kết
giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm; những điều kiện cho sự hình thành mô hình,
nội dung, hình thức của liên kết. Các địa phương cần tổ chức thành lập nên các
tổ hợp tác, hợp tác xã có cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
giao thương dễ dàng hơn trong quá trình tham gia liên kết.
Rà soát và điều chỉnh quy
hoạch vùng nguyên liệu nhằm hình thành và phát triển vùng liên kết theo chiều
ngang (hợp tác xã, tổ hợp tác…) là giải pháp nhằm hỗ trợ cho những người nuôi
tôm nhỏ, lẻ có thể liên kết tạo thành những vùng nuôi tôm tập trung với sản lượng
lớn, chất lượng đồng nhất và thống nhất trong cùng một lịch thời vụ, làm cơ sở
để tổ chức liên kết với các doanh nghiệp chế biến. Cử ra người đứng đầu trong tổ
hợp tác, hợp tác xã chịu trách nhiệm làm việc, đàm phán với các doanh nghiệp,
không làm việc đơn lẻ với các hộ dân để tiết kiệm được các khoản chi phí. Hiện
nay, do nhân dân vẫn còn trăn trở nhiều với hợp tác xã kiểu cũ nên chính quyền
các cấp cần tuyên truyền, vận động cho người dân biết được kiểu hợp tác trong
kinh tế ngày nay, để người dân không e dè, sợ sệt khi tham gia vào các hợp tác
xã hay tổ hợp tác.
Nâng cao vai trò của
chính quyền địa phương là giải pháp nhằm đảm bảo tính hiệu lực của các liên kết
được tạo ra và được luật pháp bảo hộ đồng thời đảm bảo các điều kiện cần thiết
cho sự hình thành các liên kết. Các hỗ trợ pháp lí sẽ là đặc biệt cần thiết đối
với người nuôi tôm do họ bị hạn chế về thông tin và hiểu biết về pháp luật. Việc
giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo tính minh bạch của hợp đồng liên kết
cũng sẽ hỗ trợ nhiều trong việc tạo dựng niềm tin đối với liên kết, tạo điều kiện
hình thành và phát triển liên kết trong dài hạn. Bên cạnh đó, vai trò của chính
quyền và các cơ quan chức năng cũng cần được thể hiện nhiều hơn với các chính
sách hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng hay nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
2.3.2. Các điều khoản
trong hợp đồng phải thể hiện được lợi ích và nghĩa vụ của các bên tham gia
Các hộ nông dân thường
không thích những việc làm liên quan đến ký kết hay thủ tục rườm rà, nhiều câu
chữ…nên để việc liên kết thực sự hiệu quả, làm cho người dân hào hứng khi tham
gia thì nội dung trong những bản hợp đồng nên dễ hiểu, dễ thực hiện. Qua quá
trình thực hiện đề tài, tham khảo một số hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm
tôm nguyên liệu tỉnh Bến Tre cần có một số điều chỉnh trong các điều khoản như
sau:
Về chất lượng sản phẩm: cần
quy định rõ về mẫu mã, số lượng sản phẩm: ví dụ đến thời điểm thu hoạch, tiêu
chuẩn tôm thẻ chân trắng phải đạt được số lượng 55 đến 60 con/kg, nếu không đạt
được tiêu chuẩn trên mức giá sẽ điều chỉnh giảm, ví dụ 62 con/kg sẽ bị giảm
1000đ/ kg, 62 đến 65 con/kg sẽ bị giảm 2000đ/kg, thay vì doanh nghiệp có quyền
không thu mua hoặc các hộ dân phải nuôi thêm 1 đến 2 ngày nữa cho đạt tiêu chuẩn
như trước đây.
Đối với các sản phẩm vượt
khoán, doanh nghiệp cũng cần có biện pháp động viên các hộ nuôi tôm, ví dụ giá
sẽ tăng thêm 500đ/mỗi kg vượt khoán để các hộ có thêm động lực sản xuất, niềm
tin đối với doanh nghiệp. Vì tôm là loại nông sản có thị trường cạnh tranh mạnh
và năng suất không ổn định nên điều khoản về sản lượng tối thiểu ghi trong hợp
đồng sẽ tốt cho cả hai bên tham gia.
Về giá cả ghi trong hợp đồng:
Vì giá tôm trên thị trường thường diễn biến phức tạp, cả doanh nghiệp và nông
dân thường không tiên đoán trước được giá cả, cho nên việc ký hợp đồng giữa hai
bên rất khó thực thi khi có sự biến động về giá cả. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường
có nhiều thông tin, nhiều sự hiểu biết, và họ có quan hệ sâu rộng hơn nông dân
nên họ thường đưa ra mức giá có lợi cho doanh nghiệp. Nếu họ đưa ra mức giá cố
định ban đầu rất dễ gây sự thiệt hại cho người dân, và đưa ra mức giá cố định
lúc ký hợp đồng thường là nguyên nhân dẫn đến sự phá vỡ hợp đồng giữa hai bên
nhiều nhất. Chính vì vậy, mức giá thu hoạch nên được ký theo mức giá thị trường
tại thời điểm thu hoạch, điều đó sẽ có lợi cho cả hai bên.
Ngoài ra, trong quá trình
thực hiện hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp cũng có thể thay đổi hay điều
chỉnh giá cả trong hợp đồng cho phù hợp với thị trường và hài hòa lợi ích giữa
các bên sẽ hạn chế được việc phá hợp đồng xảy ra. Doanh nghiệp cũng cần nâng
cao khả năng dự báo, đánh giá tiềm năng thị trường, cũng như tăng cường mở rộng
các kênh thị trường trên cơ sở đó cung cấp và chia sẻ thông tin để tạo niềm tin
cho người dân gắn kết với doanh nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ cho người dân và
doanh nghiệp về thông tin giá cả thị trường để họ có đầy đủ thông tin khi quyết
định về giá cả ký kết trong hợp đồng.
Trong trường hợp xảy ra
thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, cần có sự chia sẻ của doanh nghiệp để hỗ trợ cho
nông dân theo một tỉ lệ thiệt hại nhất định dưới các hình thức như: giảm nợ đầu
tư, giãn thời hạn thu hồi nợ đầu tư hoặc tăng giá mua cho nông dân để động viên
nông dân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và cũng là để tăng thêm khả năng thực
hiện hợp đồng.
Thời gian thu hoạch: Các
doanh nghiệp cần thu hoạch đúng thời gian ghi trong hợp đồng, nếu trễ hạn sẽ bị
các hộ dân xử phạt theo yêu cầu đã ghi trong hợp đồng: ví dụ xử phạt 5000đ/m2/1
ngày trễ hạn. Bởi nếu không thu hoạch đúng thời hạn quy định, sẽ ảnh hưởng đến
chi phí thức ăn bỏ ra của các hộ dân, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lúc này
nếu tìm các thương lái tiêu thụ sản phẩm trong thời gian gấp gáp dễ bị các
thương lái ép giá. Vì vậy trong hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, các hộ dân cần
chú ý đến vấn đề này, nếu không phần chịu thiệt sẽ thuộc về người dân. Vì vậy để
liên kết được bền vững, các doanh nghiệp cần thu mua sản phẩm theo đúng thời
gian quy định, nhất là đối với sản phẩm tôm nói riêng và thủy sản nói chung.
Thanh toán đúng thời hạn:
Đối với các hộ dân, việc thanh toán đúng thời hạn thể hiện sự uy tín của doanh
nghiệp đối với nông dân. Họ đã dành tất cả chi phí để đầu tư cho việc sản xuất
của mình, tất cả đều mong đến ngày thu hoạch để nhận lại số tiền mình bỏ ra.
Nông dân thường luôn gặp khó khăn về vốn, vì vậy doanh nghiệp tuân thủ các điều
khoản thanh toán đúng như ghi trong hợp đồng. Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng
giữa các bên tham gia.
2.2.3. Giải pháp về vốn
Vốn ngân sách tỉnh, Trung ương hỗ trợ xây dựng các
cơ sở hạ tầng phục vụ nghề thủy sản
nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng như hệ thống thủy lợi, đường sá,... theo các dự án
đầu tư cần được triển khai kịp thời. Công tác nghiên cứu khoa học, khuyến ngư, nâng cao
năng lực của cán bộ trong ngành, các công trình chung như trạm quan trắc, trung
tâm kiểm tra chất lượng các mặt hàng thủy sản,… được cấp từ vốn ngân sách của tỉnh
hoặc trung ương cần được
nghiên cứu và triển khai.
Đối với các hộ sản xuất những loại giống mới, có
giá trị kinh tế sẽ được ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn vay tín chấp. Nâng cao mức vốn vay tín chấp đối với các hộ tham
gia nuôi trồng thủy sản; các khu vực sản xuất
nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch được ưu tiên vay vốn tín chấp. Đặc biệt, đối với những hộ
liên kết sản xuất với doanh nghiệp thông qua hợp đồng cần được quan tâm thỏa
đáng, có chế tài cụ thể để khuyến khích các hộ tham gia. Có thể ưu tiên cho những
hộ tham gia mô hình liên kết được vay tín chấp trước, sau đó mới giải quyết cho
những hộ còn lại. Tạo động lực thúc đẩy để các hộ hào hứng tham gia liên kết.
Liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức nước ngoài để sản xuất nhằm
thu hút nguồn vốn đầu tư.
Thu hút vốn
thông qua các dự án đầu tư chuyển giao công nghệ, đào tạo của nước ngoài. Bên cạnh đó, các ngân hàng tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia liên kết với các hộ nuôi tôm được vay với
giá ưu đãi, thời hạn lâu hơn, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất với
các hộ nuôi tôm trong tỉnh.
2.2.4. Giải pháp về chất lượng giống thủy sản
Giống là yếu tố đầu vào đầu tiên của một chu trình
nuôi, con giống đủ khỏe thì mới sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống
chịu cao đối với những tác động xấu của tự nhiên và môi trường, giảm chi phí
nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mục tiêu nhiệm vụ: Tăng cường
công tác kiểm tra kiểm soát của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và nguồn
giống nhập vào tỉnh. Nâng cao nhận thức và cách phân biệt chất lượng giống nuôi
của người sản xuất thông qua các hoạt động khuyến ngư. Lựa chọn các đối tượng có giá và công nghệ sản xuất đã được
các cơ quan nghiên cứu thử nghiệm thành công và có nhu cầu cao trên thị trường. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống tại
tỉnh với qui trình sản xuất giống đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm cung cấp con
giống có chất lượng cao cho nghề nuôi của tỉnh.
Phải có quy hoạch các vùng sản xuất giống tập trung, địa điểm cụ thể phải
được lựa chọn của các cán bộ hoặc cơ quan chuyên môn, dựa trên các yêu cầu về kỹ
thuật của đối tượng dự kiến sản xuất. Các cơ sở sản xuất giống phải đăng ký hoạt
động sản xuất với các cơ quan chức năng của tỉnh để thuận tiện cho việc theo
dõi, kiểm tra, kiểm soát.
Vận dụng Chương trình giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
các chủ trương phát triển của tỉnh để có nguồn vốn hỗ trợ cho người dân đầu tư
sản xuất. Đối tượng và công nghệ sản xuất đáp ứng được nhu cầu thị trường, kết
quả nghiên cứu của các cơ quan khoa học và thực tiễn sản xuất. Lựa chọn các đối
tượng và công nghệ sản xuất đã được các cơ quan nghiên cứu thử nghiệm thành
công và có nhu cầu cao.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất giống theo qui
định của Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh và các tiêu chuẩn ngành của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn. Người lao động thường xuyên tham gia các lớp tập
huấn của các cơ quan chức năng để nắm bắt được kỹ thuật sản xuất, thông tin về
thị trường, môi trường,...
3. KẾT LUẬN
Hiện nay, diện tích nuôi
tôm tỉnh Bến Tre đã và đang có sự chuyển đổi rõ rệt từ mô hình nuôi tôm sú sang
mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Với thời gian nuôi ngắn và sản lượng đạt được
cao hơn tôm sú nên trong những năm gần đây, sản lượng tôm tỉnh Bến Tre đã tăng
lên mạnh mẽ. Mặc dù Chính phủ đã khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng
từ năm 2002 nhưng vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm tỉnh Bến
Tre nhìn chung còn yếu và chưa được chú trọng phát triển. Tại thời điểm nghiên
cứu, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm tỉnh Bến Tre chỉ có một
mô hình đang thí điểm thực hiện, đó là “mô hình nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh”.
Mô hình này bước đầu được đánh giá thành công cả về hiệu quả kinh tế và hiệu quả
xã hội. Song, để mô hình được duy trì, mở rộng phát triển, cần có sự vào cuộc của
nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm tôm
nguyên liệu là việc làm cần thiết, thực hiện mô hình liên kết sản xuất và bao
tiêu sản phẩm, hướng tới nền sản xuất tôm chất lượng, an toàn và phát triển bền
vững trong tỉnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm
2020, kế hoạch sử dụng đất năm 2011-2015 (2012). Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh
Bến Tre.
2.
Báo cáo tổng kết ngành Nông nghiệp huyện
Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày nam, 2008 – 2013 (Phòng Nông nghiệp các huyện).
3. Báo cáo tổng kết ngành thủy sản tỉnh Bến
Tre các năm 2008-2013 (Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Bến Tre).
4. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn tỉnh Bến Tre, 2013.
5. Báo
cáo sơ kết “ Mô hình vùng nuôi tôm biển
an toàn dịch bệnh xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tháng 9 năm 2014”
6. Bộ
NN & PTNT. 2008. Báo cáo số 578
BC/BNNKTHT về tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của thủ tướng
Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng.
Bộ NN & PTNT. Hà Nội.
7. Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre.
2013. Báo cáo tổng hợp nuôi thẻ chân trắng
ngoài vùng quy hoạch.
8.
Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre các năm từ
2004 – 2012 (Cục Thống kê tỉnh Bến Tre).
9.
Sở
NN&PTNT tỉnh Bến Tre. 2011. Chương
trình phát triển giống, cây trồng vật nuôi giai đoạn 2011-2015 và định hướng
2020
10.
Trần
Hữu Hiệp. 2013. Một số vấn đề về phát
triển vùng và liên kết vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong kỷ yếu hội thảo
“Giải pháp khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu
Long theo hướng liên kết vùng” tại Cần Thơ.
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC KCN TỈNH BÌNH
DƯƠNG TRONG THỜI KÌ HỘI NHẬP
ThS. Phan Tuấn Anh
Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Bình Dương là một trong những tỉnh của vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam. Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển
công nghiệp hóa- hiện đại hóa của tỉnh
mà hàng loạt các KCN với quy mô lớn đã được thành lập khiến cho nhu cầu lao động
của tỉnh này ngày càng tăng. Đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh
mẽ như hiện nay, đã đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh Bình Dương nói chung
và các KCN của tỉnh nói riêng trong việc phát triển một lực lượng lao động với
số lượng và chất lượng ngày càng cao. Trong bài viết này, dựa trên việc phác họa một bức tranh khái quát về thực
trạng nguồn nhân lực trong các KCN tỉnh Bình Dương, tác giả đã phân tích, đánh
giá về ưu thế và hạn chế hiện nay của nguồn nhân lực này. Từ đó, đưa ra một số
phương hướng và giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cho các KCN, nhằm nâng
cao vị thế của nền công nghiệp tỉnh Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh ngày
càng gay gắt của nền kinh tế hội nhập(1).
1. THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÁC KCN TỈNH BÌNH DƯƠNG
1.1. Số lượng và cơ cấu
Trong những năm qua, bên cạnh
TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương nổi lên như một địa phương có tốc độ phát triển
kinh tế khá nhanh và ổn định, thu hút được rất nhiều đầu tư trong và ngoài nước.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa,
hàng loạt các KCN ở tỉnh Bình Dương đã được thành lập. Tính đến nay, cả tỉnh
Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp(2) được thành lập với diện tích 9.425 ha, trong đó có 27 KCN
đã chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích là 8.870 ha. Theo Báo cáo của
BQL các KCN tỉnh Bình Dương, tính đến tháng
6/2015, có khoảng 1.120 DN đang hoạt động. Trong đó có 723 DN có vốn đầu
tư nước ngoài, chiếm tỷ lệ 65% . Trong tổng số
lao động toàn tỉnh Bình Dương thì tỷ lệ lao động tập trung làm việc ở các KCN
là rất cao. Hiện nay tổng số lao động trong các KCN là 238.105 người, đa số tuổi
từ 25-30, chiếm tỷ lệ là 80%. Trong đó có 215.755 người (chiếm 90,6%) là lao động
ngoại tỉnh.
Bảng 1. Cơ cấu lao động của
các KCN tỉnh Bình Dương từ năm 2007-2014
Năm |
Tổng số LĐ (người) |
Tỷ lệ gia tăng so với năm trước (%) |
Tỷ lệ lao động nữ
(%) |
Tỷ lệ LĐ ngoại tỉnh với tổng số LĐ (%) |
Tỷ lệ LĐ làm việc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài |
2010 |
209.010 |
9,2% |
57,4% |
92,3% |
76,8% |
2011 |
214.519 |
2,7% |
56,8% |
91,8% |
78,5% |
2012 |
226.923 |
5,8% |
57,2% |
90,6% |
77,6% |
2013 |
230.647 |
1,6% |
57,2% |
90,2% |
76,7% |
2014 |
236.184 |
2,4% |
55,5% |
90,6% |
76,1% |
Tỷ
lệ bình quân |
4,34% |
|
|
|
Nguồn:
Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động các khu công
nghiệp năm 2006 – 2010 và Báo cáo ước kết quả thực hiện các năm
2011,2012,2013,2014 của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương
Theo
số liệu của bảng 1.1, ta thấy tỷ lệ lao động ở các KCN tăng trung bình hằng năm
từ năm 2010 đến 2014
là khoảng 4,34%/năm . Trong đó, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 55,5%-61,7% và tỷ lệ lao động nhập cư
là trên 90%. Tuy tỷ lệ lao động nhập cư có giảm từ 92,3% (2010) xuống còn 90,6%
(2014), nhưng hiện nay số lao động này vẫn chiếm phần lớn trong tổng số lao động
tại các KCN của Bình Dương. Điều này cho thấy, hàng năm số lao động nhập cư đến
làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương là rất lớn. Do đó, để đáp ứng
được nguồn nhân lực cho các KCN hàng năm, ngoài nguồn nhân lực sẵn có, thì việc
thu hút nguồn nhân lực bên ngoài là một yêu cầu rất quan trọng để phát triển
nguồn nhân lực của tỉnh Bình Dương nói chung và các KCN nói riêng.
Ngoài ra, do số lượng
và quy mô của các DN FDI trong KCN khá lớn nên tỷ lệ lao động làm trong khu vực
có vốn đầu tư nước là khá cao, chiếm khoảng 76,1% (2014) tổng số lao động trong
KCN. Tuy tỷ lệ này có biến động giảm từ
78,5% năm 2011 xuống còn 76,1% năm 2014 nhưng so với các khu vực kinh tế khác
thì số lượng lao động làm việc trong khu vực FDI vẫn chiếm đa số. Và theo thống
kê của BQL các KCN tỉnh Bình Dương thì 6 tháng đầu năm 2015 tỷ lệ lao động
trong khu vực này là 76,3% tăng 0,2% so
với năm 2014. Các chỉ số này cho thấy, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào
các KCN của tỉnh Bình Dương đã việc giải quyết một số lượng lớn việc làm không
chỉ cho lao động Bình Dương mà còn cho các tỉnh thành khác, góp phần đáng kể
trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp,
thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương nói riêng
và cả nước nói chung.
1.2. Trình độ và chất lượng của lao
động
1.2.1. Trình độ của lao động
Theo số liệu Báo cáo ước thực hiện
năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của BQL các KCN tỉnh Bình Dương
cho thấy: tỷ lệ lao động phổ thông ở các KCN rất cao chiếm 83,7%. Trình độ trung cấp và cao đẳng chiếm tỷ lệ là 8,3% và
đại học là 7,8%. Số liệu này cho thấy, phần lớn lao động ở các KCN là lao động
phổ thông, chưa được qua đào tạo. Trong số lao động phổ thông này, bên cạnh một
số lao động có trình độ văn hóa là tốt nghiệp PTTH và THCS thì vẫn có một số lượng
không nhỏ các lao động còn chưa tốt nghiệp tiểu học. Theo ông Hoàng Thanh thuộc
BQL các KCN Bình Dương nhận xét thì “Anh
không nói đối tượng làm văn phòng, vì đó chỉ là số ít thôi. Còn công nhân bây
giờ thì thậm chí có đứa chỉ biết kí nhận tiền. Dưới miền Tây lên, người Khơ-me,
người miền Tây Nam Bộ người Việt luôn, nhiều cô chỉ biết kí nhận tiền. Anh nghĩ
chắc chỉ mới học lớp 2, lớp 3, lớp 5 là cùng thôi, trình độ rất thấp. Lao động ở
phía Bắc và miền Trung vào thì trình độ nó cao, mặc dù là công nhân nhưng trình
độ nó cao, khoảng lớp 10-12, còn miền Tây Nam Bộ lên thì lại rất thấp...Trình độ
lao động của địa phương không cao hơn nhiều. So với miền Tây thì hơn, so với miền
Trung và Bắc thì thấp hơn. Chắc chắn là như vậy.” Tuy có trình độ văn hóa
và chuyên môn thấp như vậy nhưng số lao động này vẫn kiếm được việc làm ở các
KCN vì phần lớn các DN ở đây khi tuyển dụng lao động trực tiếp, họ không có bất
cứ yêu cầu nào về trình độ. Người lao động chỉ cần biết đọc, biết viết, trong độ
tuổi từ 18-25, có đầy đủ sức khỏe là được tuyển dụng. Bởi theo các DN, quy
trình và công việc trực tiếp sản xuất của họ khá đơn giản. Lao động không cần
có trình độ, sau khi tuyển dụng, DN sẽ trực tiếp đào tạo trong 1 tháng, chính
là thời gian thử việc. Và đa phần các lao động này sau khi qua thời gian thử việc
đều nắm bắt được công việc và quy trình sản xuất. Cũng theo DN, cho dù người
lao động đã qua đào tạo hoặc đã có kinh nghiệm thì sau khi tuyển dụng, DN cũng
phải đào tạo lại. Tuy nhiên, thời gian nắm bắt công việc của những người này sẽ
ngắn hơn những lao động chưa qua đào tạo. Cho nên đối với đa phần các DN thâm dụng
lao động, thì yếu tố trình độ và kinh nghiệm chỉ là yêu cầu thứ yếu khi họ tuyển
chọn lao động trực tiếp, còn yếu tố quyết định chính là sức khỏe và độ tuổi lao
động.
Theo thống kê của
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương từ năm 2011 đến 2014 (Bảng 2),
trình độ học vấn và tay nghề của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp
đã có nhiều biến động. Chỉ trong 4 năm, số lao động phổ thông và lao động có
trình độ đại học đã tăng lần lượt là 5,9% và 2,2%. Ngược lại, số lao động có
trình độ trung cấp lại giảm 4,1%. Đây là những con số rất đáng chú ý. Vì theo số
liệu thì mặc dù số lượng lao động qua đào tạo đại học có tăng lên nhưng con số
này không đáng kể .Trong khi đó, tỷ lệ lao động phổ thông lại gia tăng và tỷ lệ
lao động có trình độ trung cấp lại giảm đáng kể, đã cho thấy trong thời gian
qua, số lượng lao động phổ thông, đơn giản tăng cao hơn nhiều hơn nhiều so với
số lao động được đào tạo. Từ đó, cho thấy trình độ sản xuất của các DN trong
KCN trong thời gian qua không có nhiều tiến bộ, vẫn chủ yếu là thâm dụng sức
lao động.
Bảng
2. Tỷ trọng trình độ chuyên môn của lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Bình
Dương từ năm 2011-2014
Trình
độ |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
Phổ
thông |
77,8% |
81,5% |
82,2% |
83,7% |
Trung cấp |
12,4% |
10,7% |
9,5% |
8,3% |
Đại học |
5,6% |
7,1% |
7,8% |
7,8% |
Trình độ khác |
4,2% |
0,7% |
0,5% |
0,2% |
Nguồn: Báo cáo tình hình sử dụng lao động các năm
2011,2012,2013,2014 của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương
Bên cạnh trình độ
chuyên môn và văn hóa, thì trình độ ngoại ngữ và tin học của người lao động
trong các KCN cũng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là vì đa số DN trong các KCN
là DN sản xuất, với tỷ lệ lao động trực tiếp chiếm 80-90% và công việc của họ
đơn giản chỉ là những thao tác lao động chân tay, theo khuôn mẫu và dây chuyền
nên bằng cấp ngoại ngữ và tin học đối với DN chỉ là thứ yếu. Vì “yêu cầu của
nhà tuyển dụng đối với lao động trực tiếp thì họ không cần những cái đó. Họ chỉ
yêu cầu có sức khỏe để làm. Em cũng biết đó, những DN làm công nghệ cao cũng ít, nói đúng hơn thì
không phải là ít. Nhưng nước ngoài vào Việt Nam nó tận dụng sức lao động của Việt
Nam rẻ là chính. Chứ nếu cần đến công nghệ cao thì đã không cần đến Việt Nam.” (Ông Hoàng Thanh, thuộc BQL các KCN
Bình Dương). Do đó, có thể nói số lượng người biết ngoại ngữ và tin học ở các
DN trong các KCN chỉ chiếm tỷ lệ chỉ từ 10-20%, chủ yếu là các quản lý, chuyên
viên kỹ thuật, và nhân viên văn phòng.
1.2.2. Chất lượng
lao động
Theo số liệu điều tra
của một cuộc khảo sát ở ngành công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương cho thấy, “có
khoảng 50,4% người lao động cho rằng năng lực của họ đáp ứng được với yêu cầu của
công việc; 46,8% cho là “bình thường” và chỉ có 2,8% tự đánh giá rằng năng lực của họ chưa đáp ứng được các yêu cầu
của công việc” ( Lê Ngọc Hùng, 2013, tr.85-86 ). Tuy số liệu này chỉ dựa trên khảo sát
mẫu 3 ngành chế biến của tỉnh Bình Dương, nhưng nó cũng phản ánh được phần nào
mức độ phù hợp giữa năng lực của người lao động với yêu cầu của công việc hiện
tại. Mặc dù, con số cho thấy mức độ đáp ứng nhu cầu công việc của người lao động
khá cao nhưng nó không thể hiện trình độ chuyên môn của họ ở mức cao. Mà nguyên
nhân chính là do yêu cầu công việc không quá phức tạp và khả năng học hỏi, nắm
bắt công việc của người lao động là khá nhanh. Theo đánh giá của các quản lý
nhân sự của một số DN trong các KCN Sóng Thần về khả năng nắm bắt và đáp ứng
nhu cầu công việc của các lao động hiện nay là khá nhanh. Thông thường, họ chỉ
mất 1-2 tuần, lâu nhất là 1 tháng để có thể tham gia được quy trình sản xuất của
DN. Và khi công ty có đơn hàng khó, thì nhân viên kỹ thuật ( thường là người nước
ngoài) sẽ hướng dẫn cho lao động người Việt thực hiện đơn hàng. Và theo đánh
giá của những chuyên viên kỹ thuật này thì mặc dù trình độ văn hóa và chuyên
môn của lao động Việt Nam không cao nhưng khả năng nắm bắt của là khá nhanh và
hoàn toàn có thể đáp ứng đươc yêu cầu của các kỹ thuật mới. Như vậy, mặc dù tuyển dụng lao động đầu vào của doanh
nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nhưng các DN đã thông qua “cầm tay chỉ việc” đã tự đào tạo lại lao động của mình trở nên
có tay nghề để đáp ứng nhu cầu công việc.
Hỏi:
Ông ( bà ) đánh giá kỹ năng và năng suất lao động của người lao động có đáp ứng
được với yêu cầu của công ty hay không?
Nhất là khi có những đơn hàng khó?
Quản
lý nhân sự,
Công ty Hansol Vina (100% vốn Hàn Quốc), KCN Sóng Thần 1: Thực chất hiện nay hầu hết người Việt mình đã có khả năng phụ trách những
mảng đó rồi. Tuy nhiên chỉ cần một số chi tiết khó thôi thì bên kia mới tư vấn
hỗ trợ mình thêm. Cái khả năng của người Việt mình hoàn toàn có thể đảm nhận được
hết đến thời điểm này. Có những trường hợp người Việt mình càng ngày càng có thể
đưa ra những sáng kiến, có thể xử lý được luôn nữa. Tuy nhiên, trên nguyên tắc
quản lý của nước ngoài là phải có người Hàn ở đó. Chứ còn khả năng của người Việt
mình hoàn toàn có khả năng đảm nhận được, ngay cả những chi tiết khó.
Hiện tại, năng sất lao động của công nhân hoàn toàn có thể
đáp ứng được yêu cầu của công ty. Tuy
nhiên, về góc độ quản lý dù cho mình có đáp ứng đươc nhưng người ta hay so
sánh. Ví dụ : người ta hay nói mình ở đây không bằng Trung Quốc hay Indo. Ví dụ
vậy. Nhưng thật chất là do người nói chứ mình cũng chưa chắc, biết là mình thua
nữa? Nhưng mà để rõ nhất là ví dụ thay vì họ đầu tư ở đây, xong sau này thấy sang Miama,
Campuchia hay Lào thì thật sự những chuyên gia người ta cũng nói là lao động của
mình ở đây tốt hơn nhiều.
Mặc dù hiện nay, tỷ lệ người lao động có thể đáp ứng yêu cầu của công việc
với mức “hoàn toàn đáp ứng”; “đáp ứng được” là khá cao nhưng mức đáp ứng “bình
thường” cũng cao không kém. Mà theo tác giả của cuộc khảo sát này thì mức đáp ứng “bình thường” chỉ là mức đáp ứng
trung bình và những lao động này sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi
với yêu cầu công việc khi có sự thay đổi môi trường làm việc mới (Lê Ngọc Hùng,
2013, tr.86). Do đó, mặc dù hiện nay các DN đánh giá khá cao về khả năng đáp ứng
yêu cầu công việc của người lao động nhưng nhìn về thổng thể lâu dài, khi kinh tế
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế quốc tế, cụ thể như việc
sẽ kí kết hiệp định TPP hay việc tham gia thành lập khối cộng đồng ASEAN, thì
việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như yêu cầu chất lượng lao động
ngày càng cao để
tăng tính cạnh tranh trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Do đó, với tỷ
lệ lao động phổ thông không qua đào tạo còn quá cao như hiện nay sẽ khiến cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như trình độ sản
xuất của DN gặp nhiều trở ngại, làm giảm sức cạnh tranh của chính bản thân DN
trong nền kinh tế hội nhập. Vì vậy, DN
cũng như các nhà quản lý cần phải tạo điều kiện cũng như khuyến khích người lao
động tự ý thức nâng cao trình độ của bản thân thông qua trường lớp đào tạo bài
bản nhằm xây dựng cho mình một nền tảng cơ bản để có thể thích nghi nhanh chóng
và hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của công việc.
2. ĐÁNH GIÁ NGUỒN NHÂN LỰC TRONG
CÁC KCN TỈNH BÌNH DƯƠNG TRONG THỜI KÌ HỘI NHẬP
2.1. Ưu điểm
-
Đa số lao động ở
các KCN tỉnh Bình Dương là lao động trẻ, tuổi từ 18-30. Đây là một lực lượng
lao động trẻ khá lớn, có khả năng thích nghi và đáp ứng yêu cầu làm việc với cường
độ cao trong môi trường công nghiệp. Bên
cạnh đó, trong tương lai, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng
với nền kinh tế thế giới, cùng với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh
Bình Dương là giảm thiểu các ngành thâm dụng lao động, phát triển các ngành
công nghiệp phụ trợ và kỹ thuật cao, thì lực lượng lao động trẻ này với sự năng
động của mình sẽ dễ dàng học tập, tiếp thu và thích nghi với các kỹ thuật,
trình độ sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN cũng như của
thị trường lao động.
-
Không như trước
đây, phần lớn các DN trong KCN hiện nay đều rất xem trọng kỷ luật và nội quy
lao động . Do đó, tác phong lao động và tính chấp hành kỷ luật của người lao động
ngày càng được cải thiện. Đây cũng là một lợi thế trong việc thu hút các DN đầu
tư vào các KCN ở Bình Dương. Vì đối với các DN, nhất là các DN FDI, họ rất xem
trọng tính chấp hành kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp của nguồn nhân lực,
nơi mà họ có ý định đầu tư. Nguyên nhân là do điều này ảnh hưởng trực tiếp đến
môi trường cũng như quy trình sản xuất và cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng
sản phẩm, nhất là khi sản phẩm này được xuất khẩu đi các thị trường khó tính
như Nhật Bản, Mỹ, EU….
-
Vì trên 90% lao
động trong các KCN là lao động ngoại tỉnh và đa số là xuất thân từ nông thôn
nên đa số họ rất cần cù, chịu khó. Họ không nề hà công việc nặng nhọc và luôn
chăm chỉ cố gắng làm việc, do đó có khả năng đáp ứng nhu cầu tăng ca của DN bất
cứ lúc nào.
-
Hiện nay, trong các KCN của tỉnh
Bình Dương, vấn đề nguồn cung lao động không còn khan hiếm như trước đây. Bởi
vì, tỉnh Bình Dương đã chủ động tiến hành liên kết lao động với các tỉnh thành
khác tạo nguồn cung lao động cho DN. Bình
Dương cho biết “hàng năm lực lượng lao động tại tỉnh chỉ có khoảng 15 ngàn lao
động trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương lên đến 50-60 ngàn
lao động. Trước nhu cầu đó, tỉnh phải chủ động tiến hành liên kết để cung ứng
lao động, hướng về các tỉnh có nguồn lao động dồi dào... Lãnh đạo UBND tỉnh đã
chủ động đi đến làm việc với từng tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan đi
theo đặt vấn đề và ký kết. Toàn tỉnh năm
2008 có 10 nghìn lao động được tuyển dụng qua đường liên kết này”
(VNCI,2009,tr.21). Tuy chưa giải quyết được bài toán về nguồn cung lao động một
cách triệt để, nhưng việc làm này của tỉnh Bình Dương, cũng đã góp phần giải
quyết phần nào nhu cầu về lao động của các DN. Thêm vào đó, một số KCN lớn và
có danh tiếng như Sóng Thần, VSIP và Mỹ Phước với mức lương và thu nhập cạnh
tranh đã thu hút hằng năm một lượng không nhỏ lao động từ các tỉnh thành về các
KCN của tỉnh Bình Dương tìm việc. Do đó, hiện nay, theo một số DN được khảo
sát, thì vấn đề tuyển dụng lao động phổ
thông nhất là sau các dịp lễ, tết đã dễ dàng hơn, không còn gây ảnh hưởng đến
tình hình sản xuất của DN như ngày xưa.
-
Tại Bình Dương, mô hình KCN tự
đào tạo nghề, gắn kết với các trường nghề với nhu cầu của DN đang là định hướng
có nhiều ưu thế. Hiện đã có một số KCN xây dựng các cơ sở dạy nghề như Trường
Cao đẳng nghề (trước đây là Trung tâm dạy nghề) Việt Nam – Singapore (gắn với
KCN Việt Nam – Singapore), Trường cao đẳng nghề Đồng An (chủ đầu tư là tập đoàn
Hưng Thịnh, đầu tư KCN Đồng An), Trường trung cấp nghề KCN Bình Dương ( của BQL
các KCN tỉnh Bình Dương)...Do nắm rõ nhu cầu lao động của các doanh nghiệp
trong KCN, nên các trường đào tạo này có thể tập trung vào nhóm ngành mà thị
trường lao động đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, do gắn liền và có sự liên kết với
các DN nên công tác đào tạo và hoạt động thực tiễn cũng thuận lợi hơn như học
viên có thể thực tập tại các DN, tiếp cận được môi trường làm việc và máy móc,
thiết bị thực tế trong DN, sau khi tốt nghiệp được các DN này tuyển dụng... Với
lợi thế đó, hiện nay, nguồn nhân lực do các trường nghề cung ứng hoàn toàn có
thể đáp ứng được yêu cầu của các DN trong KCN về trình độ và chất lượng lao động.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng ngày càng khan hiếm như hiện
nay, thì nguồn cung lao động từ các cơ sở đào tạo này đã và đang là một lợi thế
của các KCN tỉnh Bình Dương so với các tỉnh thành khác.
-
Hiện nay, cùng với phát triển
của internet, hay các buổi tuyên truyền về pháp luật do DN, đoàn thể hoặc chính
quyền tổ chức thì hiểu biết về pháp luật, nhất là Luật lao động của người lao động
đã cao hơn trước rất nhiều. Theo đánh giá của các DN, người lao động nắm rõ các quy định về lương,
quyền lợi và nghĩa vụ của mình cũng là một ưu điểm. Bởi vì người lao động có thể
dùng kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp họ
sẽ có thể cư xử văn minh hơn, chấp nhận đàm phán và thảo luận với chủ DN về những
quyền lợi chính đáng của mình, giảm thiểu tình trạng bị lôi kéo vào các cuộc
đình công, bãi công vô lý, phá hoại tài sản công ty gây thiệt hại không đáng có
cho DN cũng như bản thân người lao động. Điều này, thể hiện tính văn minh, cư xử
văn hóa của người lao động trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
2.2. Hạn chế
-
Mặc dù lao động
tại các KCN tỉnh Bình Dương đa số là lao động trẻ, nhưng đa số xuất thân từ các
vùng nông thôn nên trình độ văn hóa cũng như chuyên môn rất thấp. Nguyên
nhân có lẽ là do chính sách đãi ngộ và sử dụng lao động có trình độ của các DN
chưa thỏa đáng nên không thể giữ chân các lao động này. Ngoài ra, bởi vì đa số các ngành nghề và lĩnh vực tập trung nhiều
lao động phổ thông trong KCN là các ngành như may mặc, giày gia, bao bì, điện tử…có
thao tác lao động giản đơn, không phức tạp. Do đó, các DN này không đòi hỏi người
lao động có trình độ văn hóa và học vấn, dẫn đến đa phần lao động ở các DN này
nói riêng và của các KCN nói chung, là những người chỉ mới tốt nghiệp phổ
thông, thậm chí có những lao động chỉ biết đọc biết viết, chưa tốt nghiệp tiểu
học. Bên cạnh đó, các DN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nên sử dụng lao
động chưa qua đào tạo sẽ giúp giảm tải chi phí sản xuất. Vì khi muốn gia tăng sản
lượng, thì họ lại tuyển dụng thêm lao động phổ thông, như vậy thì chi phí đầu
tư sẽ ít hơn thay vì đầu tư vào máy móc và công nghệ.
-
Vì nhiều
lý do như: nguồn cung lao động hạn chế, trình độ của người lao động thấp, cũng
như vì mục tiêu lợi nhuận…mà yêu cầu đối với lao động trực tiếp của đa số các
DN trong KCN không cao. Do đó, sau khi tuyển dụng lao động hầu như các DN phải
tự đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình. Và phương thức đào tạo mà các DN sử dụng là “cầm tay chỉ việc”, chỉ
nhằm hướng dẫn người lao động nắm bắt được từng công việc cụ thể theo yêu cầu của
DN. Nếu có sự chuyển đổi công việc khác, người lao động phải được đào tạo lại từ
đầu bởi DN tuyển dụng mới. Bên cạnh đó, trên thực tế, không chỉ có lao động phổ thông khi mới tuyển dụng
không đáp ứng được yêu cầu của DN mà kể cả các lao động trình độ, qua trường lớp
đào tạo bài bản cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc.Nguyên nhân là do
chương trình đào tạo ở các trường cao đẳng, đại học chỉ dựa trên lý thuyết sách
vở, sinh viên không có nhiều cơ hội tiếp xúc với công nghệ, dây chuyền sản xuất
thực tế. Do đó, sau khi được tuyển dụng, các DN cũng phải đào tạo lại họ giống
như lao động phổ thông. Điều này cho thấy mặt hạn chế về trình độ của nguồn
nhân lực trong các KCN hiện nay.
-
Từ khi thành lập cho đến nay, mặc dù các KCN ở Bình
Dương đã giải quyết được việc làm cho một số lượng lớn người lao động nhưng đa
số các DN vẫn duy trì liên tục mô thức tuyển lao động phổ thông, có xuất phát
điểm về trình độ văn hóa cũng như chuyên môn thấp. Do đó, dẫn đến ít có triển vọng
có thể thay đổi công nghệ kỹ thuật và nâng cao chất lượng lao động trong tương
lai gần.
-
Vì đa số lao động ở các KCN là lao động trẻ nên thường
có tâm lý “ đứng núi này
trông núi nọ” và dễ bị lôi kéo do đó họ thường hay “ nhảy việc”. Dẫn đến sự biến động “
ra – vào” giữa các DN và các KCN là rất lớn, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất-kinh
doanh của các DN nhất là sau các dịp lễ, tết. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều DN
cũng muốn mở rộng thị trường, nâng cao trình độ sản xuất của mình nhưng hạn chế
này của các lao động trẻ đã phần nào khiến các DN lo ngại khi muốn mở rộng quy
mô sản xuất, thay đổi kỹ thuật hay tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho các
lao động trẻ.
-
Trong
những năm qua mặc dù đã mở rộng nhiều hình thức và có các chính sách cụ thể để
thu hút nguồn lao động đến làm việc tại các KCN ở tỉnh Bình Dương nhưng thực trạng
thiếu hụt lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các ngành nghề, các DN, nhất là các DN
vừa và nhỏ. Thực trạng của nguồn nhân lực hiện nay trong các KCN của tỉnh Bình
Dương đó là không chỉ khan hiếm những lao động có tay nghề, kỹ thuật mà còn thiếu
hụt những lao động phổ thông. Tuy tình trạng này không gay gắt như trước đây,
nhưng nhìn chung, cung lao động cho các KCN của tỉnh Bình Dương hiện nay vẫn
chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của các DN về số lượng lẫn chất lượng.
-
Đối với công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động của tỉnh Bình Dương
tuy có chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa cao. Mặc dù, tỉnh đã có chính
sách hỗ trợ mỗi ngày 10.000đ/lao động trong suốt quá trình theo học các lớp dạy
nghề (VNCI, 2009), nhưng khóa học đòi hỏi thời gian dài ( ít nhất là 3 tháng)
mà người lao động phải làm việc mưu sinh nên việc học thường bị gián đoạn dẫn đến
không thể hoàn thành khóa học. Mặt khác, chương trình đào tạo nghề có yêu cầu học
văn hóa nên một số học viên học không nổi và bỏ học giữa chừng.Thêm vào đó, số
lượng lao động đang có công việc ổn định mà có ý định đi học nâng cao tay nghề
không nhiều. Trừ khi, họ có mong muốn thay đổi chỗ làm và công việc mới đòi hỏi
phải qua đào tạo thì họ mới tìm đến các trường dạy nghề. Điều này, đã khiến cho
việc đào tạo, nâng cao tay nghề và trình độ cho lao động trong các KCN gặp phải
nhiều khó khăn và hạn chế.
3. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT
TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC KCN TỈNH BÌNH DƯƠNG
3.1. Phương hướng phát triển nguồn
nhân lực cho các KCN tỉnh Bình Dương
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực trong các công nghiệp tỉnh Bình Dương là “chìa khóa” quan
trọng để đi đến thành công trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Do đó, hiện nay trong công tác phát triển nguồn
nhân lực cho tỉnh Bình Dương nói chung và cho các KCN nói riêng cần phải có sự
gắn kết giữa các chiến lược phát triển kinh tế và chiến lược phát triển nguồn
nhân lực. Mối quan hệ gắn kết này thể hiện ở chỗ, các chiến lược phát triển
kinh tế, cụ thể là các đề án, chiến lược phát triển ngành công nghiệp, phải đưa
ra các chỉ tiêu cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực như: số lượng, trình độ, tay
nghề… đối với từng ngành nghề cụ thể. Trên cơ sở đó, các cơ quan lập chiến lược
phát triển nhân lực sẽ coi đây là những
thông tin đầu vào cơ bản để xây dựng các chiến lược phát triển nguồn nhân lực
cho phù hợp (Phùng Lê Dung, Đỗ Hoàng Điệp, 2009).
Hình 1. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược
phát triển KT-XH
Chiến lược nguồn nhân lực: -
Mục
tiêu -
Chính
sách thực thi -
Kế
hoạch thực hiện Các yêu cầu về nguồn nhân lực
cần thiết cho các chiến lược: -
Số
lượng -
Phân
loại kỹ năng -
Trình
độ … Chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, địa phương
Vì vậy, theo tác giả, phương hướng phát triển nguồn nhân lực cho các KCN
tỉnh Bình Dương trong bối cảnh hội nhập hiện nay cần phải dựa vào các mục tiêu,
chỉ tiêu kinh tế cụ thể trong Quyết định số 893/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Bình Dương đến
năm 2020, bổ sung quy hoạch đến 2025”; đề án “Định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn
trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2008 – 2020 và một số chính sách khuyến
khích phát triển”, hay đề án “Điều chỉnh
Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2025”, để tiến hành quy hoạch, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về số lượng lẫn
chất lượng trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, lập chiến
lược và đề ra các giải pháp thực hiện để đáp ứng các chỉ tiêu trên. Dựa vào các
quy hoạch, đề án và các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp như trên, tác
giả cho rằng phương hướng phát triển nguồn nhân lực cho các KCN tỉnh Bình Dương
trong bối cảnh hội nhập như sau:
-
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đi trước đón đầu Hiệp
định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng chung ASEAN, định hướng
chuyển dịch cơ cấu kinh tế Bình Dương từ đây đến năm 2025 sẽ là phát triển các
ngành các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng
cao như điện tử - tin học - viễn thông, cơ khí chế tạo, vật liệu mới, hóa - dược,
công nghệ sinh học, đồng thời giảm dần số lượng lẫn quy mô hoạt động của các
ngành thâm dụng lao động một cách hợp lý. Do đó, tỉnh cần tập trung phát triển
số lượng và chất lượng lao động cho các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may,
da giày, cơ khí chế tạo…; các ngành công nghiệp dược phẩm, điện tử, viễn thông,
tin học và công nghiệp cơ khí.
-
Do ảnh hưởng từ các chính sách thu hút đầu tư nước
ngoài của tỉnh đối với ngành các lĩnh vực thâm dụng vốn, công nghệ cao và các
ngành dịch vụ phục vụ cho công nghiệp xuất khẩu như logistic, vận tải, dịch vụ
công nghệ cao…dẫn đến số lượng các DN FDI sẽ ngày càng tăng. Do đó, bên cạnh
nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn của nguồn nhân lực, thì việc đào tạo thêm
ngoại ngữ cho người lao động cũng là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực cho các KCN tỉnh Bình Dương..
-
Các trường và cơ sở đào tạo cần phải dựa trên phương
hướng và mục tiêu phát triển của các ngành công nghiệp ưu tiên, các ngành công
nghiệp mũi nhọn, và các ngành dịch vụ phục vụ cho các ngành công nghiệp đó để mở
thêm các ngành đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng lao động có
trình độ trong tương lai của các ngành này
-
Ngoài ra, khi có
sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp sẽ có một số lượng không nhỏ các lao động
không có trình độ sẽ bị đào thải. Do đó, tỉnh Bình Dương cũng cần phải có chính
sách đào tạo cho các lao động này để họ có thể kiếm tìm công việc mới, tránh
lãng phí nguồn nhân lực .
-
Khai
thác tốt, có hiệu quả thời kỳ "dân số vàng" của tỉnh để tập trung
phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở huy động cao nhất nguồn cung lao động cho
phát triển kinh tế-xã hội và các KCN của tỉnh Bình Dương. Kết hợp chặt chẽ có
kế hoạch giữa phát triển nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực có chất
lượng cao đến làm việc lâu dài. Phương hướng phát triển nguồn nhân lực là phát
triển toàn diện cả về trí lực, thể lực, tâm lực, vì mục tiêu phát triển con
người và phù hợp với bước đi và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
-
Trong tương lai,
các KCN tỉnh Bình Dương vẫn phải dựa vào nguồn nhân lực ngoại tỉnh để đáp ứng
nhu cầu phát triển công nghiệp và kinh tế của mình. Theo dự báo nhu
cầu của thị trường lao động, mỗi năm tỉnh Bình Dương cần khoảng 35 - 40 ngàn
lao động mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy,
tỷ lệ lao động ngoại tỉnh sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới và phân bố đều khắp
toàn các KCN (Nguyễn Văn Nam, 2010, tr.72). Do đó, trong phương hướng phát triển
nguồn nhân lực của mình, tỉnh Bình Dương cũng phải chú trọng đến công tác đào tạo,
các chính sách an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh nhằm thu hút và ổn
định nguồn lao động này trong các KCN.
3.2. Giải pháp phát triển nguồn nhân
lực cho các KCN tỉnh Bình Dương
3.2.1. Giải
pháp phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho công nhân, lao động tỉnh Bình Dương
Phát triển giáo dục,
đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chuyên môn kỹ thuật cho người lao động,
là giải pháp cơ bản và lâu dài, để phát triển chất và lượng nguồn lao động nhằm
thực hiện mục tiêu 70% lao động trên địa bàn tỉnh có tay nghề và qua đào tạo(3),
đồng thời đáp ứng cung - cầu lao động trong các KCN tỉnh Bình Dương. Để việc
giáo dục và đào tạo có hiệu quả, tỉnh Bình Dương cần phải tập trung vào các giải
pháp sau:
-
Cần
có các chính sách khuyến khích người lao động tự nguyện tham gia các khóa đào tạo,
nâng cao tay nghề như: giảm học phí; hỗ trợ các chi phí tài liệu, thực hành; giải
quyết việc làm sau khi tốt nghiệp…. Các chính sách này không chỉ dành riêng cho
người lao động Bình Dương mà nên mở rộng dành cho cả đối tượng lao động ngoại tỉnh.
Bởi vì, lao động nhập cư không chỉ chiếm đa số trong nguồn nhân lực ở các KCN
mà còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp và nền
kinh tế toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cũng cần phải có chủ trương yêu cầu và thúc đẩy
các DN cần có sự đãi ngộ, khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động học tập
và nâng cao trình độ chuyên môn. Việc đào tạo không nhất thiết phải được thực
hiện ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hay dạy nghề, mà có thể được tổ
chức định kì ngay tại DN và do các chuyên gia của DN trực tiếp hướng dẫn và giảng
dạy.
-
Quy
hoạch và tiêu chuẩn hóa hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm
dạy nghề trong tỉnh.Tạo điều kiện phát triển hệ thống các trường này thông qua
việc đa dạng hóa các loại hình trường công lập và tư thục, khuyến khích mở các
cơ sở đào tạo của tư nhân và nước ngoài để nâng cao tính cạnh tranh trong chất
lượng đào tạo.
-
Tại
các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh, nên tập
trung phát triển đào tạo một số ngành thuộc chiến lược phát triển của tỉnh. Bên
cạnh đó, các ngành nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu của thị trường, yêu cầu của
các DN. Tốt nhất là nên tăng cường tính liên kết giữa các trường với các DN, có
như vậy thì việc đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động mới có hiệu quả.
-
Đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo đổi mới, hiện đại
hóa chương trình, nội dung giảng dạy theo hướng chủ động gắn đào tạo với yêu cầu
của sản xuất, nâng cao kỹ năng thực hành, xây dựng cho học viên có năng lực
thích ứng với những biến đổi của công nghệ và thực tế sản xuất. Đổi mới phương
pháp dạy nghề, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào giảng dạy; phát huy
tính chủ động của học viên, tăng thời gian thực hành, thực tập và tự rèn luyện
của học viên; kết hợp dạy nghề với thực hành tại doanh nghiệp.
-
Từng bước xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghề đảm bảo học viên có
thể tiếp tục liên thông giữa trình độ đào tạo nghề với các trình độ đào tạo
khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nội dung, chương trình đào tạo nghề
trình độ cao được xây dựng theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu
vực và trên thế giới.
-
Cần
phải có kế hoạch đầu tư đào tạo và thu hút đội ngũ giảng viên đại học, cao
đẳng chất lượng cao, để tạo nền tảng căn bản cho sự phát triển giáo dục đào tạo
của tỉnh trong tương lai. Đồng thời, thiết lập và tăng cường liên kết với các
trường ĐH, CĐ, cơ sở đào tạo có uy tín của TP.HCM để nâng cao nâng cao trình độ
và chất lượng giảng dạy cũng như tìm kiếm nguồn cung lao động có trình độ từ
các trường này.
3.2.2. Giải pháp thu hút lao động
Trên thực tế, trong những năm vừa qua tỉnh
Bình Dương đã có nhiều chính sách quan trọng về lao động việc làm. Trong đó có
việc tỉnh Bình Dương đã ký liên kết với nhiều
tỉnh thành trên cả nước về việc cung ứng lao động(4) nhằm đáp ứng
nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển các KCN của tỉnh. Việc ký kết này, tuy đã
mang lại nhiều kết quả thiết thực nhưng vẫn chưa đáp ứng được cầu lao động của
DN trong các KCN. Do đó, theo tác giả, bên cạnh việc liên kết với các tỉnh để đảm
bảo nguồn cung lao động, thì Bình Dương cũng nên thực hiện các giải pháp sau nhằm
thu hút lao động như:
-
Do
đa phần người lao động đang làm việc tại các KCN hiện nay là người nhập cư nên
các vấn đề nhà ở luôn là vấn đề mà họ quan tâm. Vì vậy, tỉnh Bình Dương cần phải
linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục nhập cư tại địa phương hoặc
các thủ tục mua đất cất nhà của người lao động ngoại tỉnh. Nâng cao số lượng và
chất lượng nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, hoặc có các chính
sách khuyến khích DN xây dựng nhà ở hay tăng phụ cấp nhà ở cho công nhân. Như vậy,
sẽ khiến người lao động có thể “ an cư lạc nghiệp”, đồng thời có thể tăng sức
hút đối với lao động từ các tỉnh thành khác.
-
Tỉnh
cần phải đứng ra liên kết các DN, các trung tâm tư vấn và sàn giao dịch việc
làm trong và ngoài tỉnh, tiến hành tổ chức các dịch vụ cung cấp thông tin về cơ
hội đào tạo và thị trường nghề nghiệp cho lao động ngoại tỉnh, lao động nông
thôn nhằm khai thác triệt để các nguồn lao động từ các tỉnh thành khác.
-
Tổ chức các phiên giao dịch việc làm
định kỳ hàng tháng giúp cho người lao động và các nhà tuyển dụng có thể gặp gỡ
trực tiếp. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN nâng cao trách nhiệm, nghĩa
vụ của mình trong việc tham dự các phiên giao dịch việc làm. Thực hiện các
biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin về sàn giao dịch việc
làm để người lao động có thể tiếp cận tìm kiếm công việc phủ hợp. Ngoài ra, cần
phải nâng cao trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác
làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao
động, có đủ khả năng và bản lĩnh để thu hút nguồn lao động.
-
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phải có sự
giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các trung tâm môi giới, sàn giao dịch
việc làm, nhằm đảm bảo tính trung thực và tuân thủ pháp luật của các hoạt động
giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Tránh tình trạng các trung tâm này
thu phí nhưng lại không đáp ứng thỏa đáng về yêu cầu nhân lực cho DN và việc
làm cho người lao động, gây mất niềm tin cho DN cũng như người lao động.
-
Tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ trực
tiếp từ các website, báo điện tử, các đài phát thanh và truyền hình địa phương
về các chính sách lao động, giới thiệu việc làm … rộng rãi trong nhân dân lao
động. Đặc biệt là các sinh viên, học viên tại các trường nghề và các tầng lớp
thanh niên trong độ tuổi lao động.
-
Tăng cường liên kết giữa các trường
ĐH, CĐ và dạy nghề trong và ngoài tỉnh với các trung tâm môi giới, sàn giao
dịch việc làm các tỉnh và các DN. Nhằm tìm kiếm nguồn cung lao động có kỹ
thuật, lao động qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của các DN.
-
Bên cạnh các chính sách và biệp pháp
tăng cường nguồn cung lao động của tỉnh thì bản thân các DN cũng nên có các
chiến lược thu hút lao động cho riêng mình thông qua các chế độ lương, thưởng,
phụ cấp, đãi ngộ…phù hợp và thỏa đáng nhằm tăng tính cạnh tranh của DN trên thị
trường lao động.
3.2.3 Giải pháp ổn định lao động
-
Vì
đa số lao động trong các KCN là lao động ngoại tỉnh cho nên Bình Dương cần tạo
mọi điều kiện ổn định số lượng lao động này nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN. Để
thực hiện việc ổn định số lượng lao động ngoại tỉnh này chính quyền, BQL các
KCN có thể kết hợp với DN để nắm bắt và theo dõi tình hình lao động của từng
lao động nhập cư. Từ đó thực hiện chính sách, trong một khoảng thời gian nhất định,
nếu người lao động nhập cư làm việc ổn định tại một DN, không có những vi phạm
pháp luật, thì tỉnh sẽ ưu đãi, tạo điều kiện cho họ định cư lâu dài, đặc biệt
là hỗ trợ về nhà ở. Để chính sách này có thể được thực hiện hiệu quả, tỉnh cần
xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, có đủ khả năng nắm bắt cụ thể tình hình lao động
nhập cư và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những quyết định hỗ trợ kịp thời, nhằm
khuyến khích người lao động có chất lượng lao động tốt, định cư lâu dài tại
Bình Dương.
-
Bên
cạnh, vấn đề nhà ở thì vấn đề xây nhà trẻ, trường học, siêu thị, ngân hàng, nhà
văn hóa… cũng là các vấn đề thiết yếu giúp công nhân yên tâm, ổn định chỗ ở,
công việc. Trong các KCN, phải có tổ chức không gian
cân đối, thích hợp giữa xây dựng nhà máy, công xưởng với xây dựng bệnh viện,
trường học, chợ, khu vui chơi giải trí, công viên hài hoà với môi trường sống của
con người. Cần coi mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống
văn hóa tinh thần cho người lao động là những mục tiêu đồng bộ không thể tách rời.
Do đó, đối với các KCN cũ thì tỉnh cần phải rà soát, cơ cấu lại và bổ
sung các hạng mục trên. Còn đối với các KCN mới thì cần phải tính toán một cách khoa học trong việc tổ chức quy hoạch
không gian chức năng tổng thể với các khu công trình phục vụ công cộng và khu
nhà ở của công nhân lao động. Có như vậy, đời sống vật chất và tinh thần
công nhân mới được nâng cao, người lao động mới an tâm sống và làm việc trong
KCN, còn DN thì tránh được việc thiếu hụt nhân công sau mỗi dịp lễ tết vì họ
không trở lại, hoặc làm việc tại công ty khác có các dịch vụ đời sống khá hơn.
-
Ngoài
ra, tỉnh cũng cần phải có các chính sách hỗ trợ các DN trong việc tạo công ăn
việc làm ổn định cho người lao động. Chế độ lương thưởng, tăng ca, phụ cấp, đãi
ngộ…phải được các DN thực hiện minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật và đảm
bảo đời sống cho người lao động. Cân bằng, hài hòa giữa lợi ích của DN với thu
nhập và quyền lợi của người lao động, nhằm xây dựng mối quan hệ ổn định giữa DN
và người lao động. Cần phải có các buổi tuyên truyền, trao đổi cho người sử dụng
lao động và người lao động nhận thức được: quan hệ giữa DN
và người lao động không phải là quan hệ đối kháng, mà là mối quan hệ gắn kết vì
lợi ích chung của cả hai bên: DN phát triển thì mức sống của người lao động
tăng lên và ngược lại. Bên cạnh, đó
khuyến khích, tôn vinh các DN đã thực hiện chăm lo đời sống tinh thần cho người
lao động như: văn hóa, thể thao, nghỉ mát…. để làm hình mẫu cho các DN khác noi
theo. Có như vậy, người lao động mới có thể toàn tâm toàn ý dốc sức cho công việc,
không có tâm lý “ nhảy việc”, “ đứng núi này trông núi nọ”, tạo sự ổn định cho
quá trình sản xuất kinh doanh của DN.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ
của các KCN và các DN, số lượng người lao động làm việc trong các KCN tỉnh Bình Dương đã tăng lên nhanh chóng và đã có
nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy
nhiên, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, thì nguồn nhân lực của của các KCN
tỉnh Bình Dương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, tỉnh Bình Dương cần phải
quán triệt sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực
trong các KCN từ nhận thức đến có các hành động cụ thể, đồng bộ và thiết thực.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khai thác có hiệu quả nguồn vốn nhân
lực này. Đó chính là nguồn lực quan trọng giúp tỉnh Bình Dương ngày càng phát
triển và bền vững.
CHÚ
THÍCH
1.
Chỉ bao gồm các KCN do BQL các KCN Bình
Dương quản lý.
2.
BQL
các KCN tỉnh Bình Dương quản lý 25 KCN ( không bao gồm các KCN VSIP) với tổng
diện tích là 7539,59ha , trong đó có 24 KCN đã đi vào hoạt động.
3.
Quyết định số 893/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Bình Dương đến
năm 2020, bổ sung quy hoạch đến 2025”
4.
Ngày 17/11/2010 Ủy ban Nhân dân
tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 3586/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch
liên kết lao động với các tỉnh giai đoạn 2011-2015
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1.
Báo cáo tình
hình sử dụng lao động các năm 2011,2012,2013,2014 của Ban Quản lý các khu công nghiệp
tỉnh Bình Dương
2.
Lê Ngọc Hùng, Vấn đề thiếu hụt lao động tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, Sở
KH-CN tỉnh Bình Dương, 12/2013
3.
Thực
hiện chính sách về lao động và phát triển nguồn nhân lực của chính quyền cấp tỉnh:
Kinh nghiệm tại Đà Nẵng, Bình Dương và Vĩnh Phúc,
Báo cáo nghiên cứu chính sách-VNCI, số 15, 12/2009
4.
Nguyễn Văn Nam, Xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân tỉnh Bình Dương: Thực trạng và
giải pháp, Sở KH-CN tỉnh Bình Dương, 2010
5.
Quyết định số 893/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội Bình Dương đến
năm 2020, bổ sung quy hoạch đến 2025”
6.
Nguyễn Chí Hải,
Hà Thị Thiều Dao, Phát triển nguồn nhân lực
tỉnh Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tạp chí Phát
triển nhân lực, số 25, 2011
7.
Trần Đăng Thịnh,
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp
tỉnh Bình Dương: Những vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Công nghiệp, số 1,
12/2012
8.
Lê Thanh Sang, Khảo sát phát triển doanh nghiệp ở vùng Nam
Bộ theo hướng bền vững, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, 3/2013
9.
Đinh Thị Kim Chi, Phát triển thị trường sức lao động trên địa
bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Liên hiệp Khoa học Kinh tế - Kỹ thuật - Môi trường Miền
Nam,
10. Trần Thị Út, Các
giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của người
lao động trong các khu công nghiệp tập trung ở Bình Dương,
Trường Đại học Bình Dương, 5/2012
11. Phùng
Lê Dung, Đỗ Hoàng Điệp, Phát triển nguồn
nhân lực dựa trên các chiến lược kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và
Trung Đông, số 2/2009
TỔNG QUAN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP
Nguyễn Quốc Định
Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
Bên cạnh cung cấp cái nhìn tổng quan
về bối cảnh hình thành và quá trình phát triển cũng như một số định nghĩa
và tranh luận xung quanh khái niệm Trách
nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN), bài viết đã điểm lại một số công trình
nghiên cứu tiêu biểu trong và ngoài nước và quan điểm của một số nhà nghiên cứu
về chủ đề này.
1. GIỚI
THIỆU VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH
1.1. Khái niệm Trách nhiệm xã hội của
doanh nghiệp
Thuật
ngữ Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – TNXHDN (Corporate Social
Responsibility) lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách Trách nhiệm xã hội của
doanh nhân của Rothmann Bowen xuất bản năm 1953. Ông là một mục sư muốn xây
dựng một học thuyết xã hội cho Giáo hội Tin lành có cùng tầm cỡ với học thuyết
xã hội của Giáo hội Công giáo; do đó, quan niệm của ông đã có ảnh hưởng sâu sắc
đến quan niệm về TNXHDN ở Mỹ. Tuy nhiên, có hai khuynh hướng hiểu khác nhau về
khái niệm này. Giới nghiên cứu Anh-Mỹ thiên về cách hiểu TNXHDN như là một sự
cam kết mang tính tự nguyện, trong khi giới châu Âu (đặc biệt là các nước Bắc
Âu) giải thích TNXHDN như là một nghĩa vụ mang tính bắt buộc. Điều này đã dẫn
tới sự ra đời của rất nhiều định nghĩa khác nhau về TNXHDN.
Theo Ủy ban châu Âu điều hành các vấn đề về xã hội và nghề
nghiệp (2001): TNXHDN là một khái niệm mà
doanh nghiệp kết hợp các yếu tố môi trường và xã hội trong quá trình hoạt động
của doanh nghiệp và trong mối tương tác với các bên hữu quan trên cơ sở tự
nguyện. Nghĩa là các doanh nghiệp phải chủ động tích hợp các vấn đề môi trường
và xã hội trong các hoạt động thương mại của mình và trong mối quan hệ của mình
với các thành phần có liên quan.
1.2. Các thành tố hợp thành TNXHDN
Có khá nhiều ý kiến khác nhau về các thành tố hợp thành
TNXHDN. Stone (2005) phân tích khái niệm này gồm trách nhiệm có tính chất bắt
buộc, trách nhiệm được thừa nhận và trách nhiệm tùy ý đối với cộng đồng của
doanh nghiệp. Quazi và O’Brien (2000) trong bài viết Kiểm tra thực địa về mô
hình xuyên quốc gia của Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (An empirical test of a
cross-national model of corporate social responsibility) lại xem TNXHDN gồm hai
bộ phận cấu thành: trách nhiệm của doanh nghiệp và kết quả của những cam kết xã
hội.
Tuy nhiên, Archie Carroll vẫn là tác giả được biết đến nhiều
nhất khi bàn về chủ đề TNXHDN. Trong tác phẩm Mô hình TNXHDN: Hướng tới một nền
quản trị đạo đức của các cổ đông (1991), ông đã đề xuất mô hình kim tự tháp bao
gồm các cấp độ trách nhiệm của TNXHDN: kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện.
Cấp
1. Trách nhiệm kinh tế: phải sinh lợi Cấp
2. Trách nhiệm pháp lý: phải hợp pháp Cấp
3. Trách nhiệm đạo đức: phải công bằng Cấp
4. Trách nhiệm bác ái: làm điều thiện
Mô hình Tháp trách nhiệm của Carroll
Cấp
1: Trách nhiệm kinh tế là mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp. Các trách nhiệm còn
lại đều phải dựa trên ý thức trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp.
Cấp 2: Trách nhiệm tuân
thủ pháp luật chính là một phần của hợp đồng giữa doanh nghiệp và nhà nước sở
tại.
Cấp 3: Trách nhiệm đạo
đức là những quy tắc, giá trị được xã hội chấp nhận nhưng chưa được đưa vào văn
bản luật.
Cấp 4: Trách nhiệm từ
thiện là những hành vi của doanh nghiệp vượt ra ngoài sự trông đợi của xã hội,
như quyên góp ủng hộ, tài trợ học bổng, đóng góp cho các dự án cộng đồng… Sự tự
nguyện là điểm khác biệt giữa trách nhiệm từ thiện và đạo đức. Nếu không thực
hiện TNXHDN đến mức độ này, họ vẫn được coi là đáp ứng đủ các chuẩn mực mà xã
hội trông đợi.
1.3. Lịch sử hình thành và phát triển
của Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Trách
nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã xuất hiện từ rất lâu dưới nhiều hình thái và
cách thức thực hiện khác nhau, kể từ khi con người biết đặt mối bận tâm của
mình vào việc khắc phục những thiệt hại của sự phát triển. Hình thái hiện đại
đầu tiên là Mô hình quản lý gia trưởng trong cuộc cách mạng công nghiệp; đề cao
trách nhiệm của giới chủ khi đứng ra chịu trách nhiệm về cuộc sống của người
làm công ăn lương và gia đình họ. “Vì đáp ứng được những yêu cầu về kinh tế,
trật tự xã hội cũng như những đòi hỏi về mặt đạo đức, mô hình gia trưởng mặc
nhiên trở thành một dạng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho đến giữa thế
kỷ 20” (Bry F. De, 2006). Tới những năm 1950, cũng dựa trên mối bận tâm về mặt
đạo đức và tôn giáo, giới nghiên cứu Mỹ đã cho ra đời tên gọi Trách nhiệm xã
hội của doanh nghiệp (TNXHDN). Tuy nhiên, sự lan rộng của mô hình Taylor-Ford[144]
trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và mô hình nhà nước phúc lợi[145]
khiến cho mô hình quản lý gia trưởng dần dần bị xóa bỏ. Lối quản lý này đã làm
lu mờ vai trò cá nhân của doanh nghiệp đối với xã hội, những thiệt hại của quá
trình hoạt động kinh tế sẽ được nhà nước phúc lợi đứng ra giải quyết (bao gồm
luôn các tác động tiêu cực tới môi trường).
Tuy
nhiên, sau nhiều năm phát triển, mô hình Taylor-Ford lụi tàn trong những năm
1980, và nhà nước phúc lợi đã không còn là một mô hình phát triển triển vọng.
Trong bối cảnh này, con người lại càng ý thức hơn về sự đe dọa của những mối
nguy hiểm có thể gây ra những hiểm họa không thể sữa chữa được (như hủy hoại
sinh quyển, gây hại sức khỏe con người từ những hoạt động kinh tế của doanh nghiệp).
Một lần nữa, khái niệm Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lại nhận được sự
quan tâm lớn lao.
“Ý
thức được xu hướng phát triển mới, các doanh nghiệp bắt đầu gây dựng lại hình
ảnh của mình. Sự tồn tại lâu dài không chỉ phụ thuộc vào khả năng làm chủ môi
trường kinh tế mà còn phụ thuộc vào môi trường chính trị-xã hội” (Martinet,
1983), “các ông chủ nhận ra sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào
mối quan hệ với các bên liên quan (stakeholders), tức những người và những thực
thể mà doanh nghiệp có những mối quan hệ hợp đồng hoặc có thể có một ảnh hưởng
nào đó đối với doanh nghiệp” (Michel Capron và Francoise, 2007). Hoạt động mạnh
mẽ của xã hội dân sự buộc doanh nghiệp cố gắng chứng minh sự tồn tại và phát
triển của mình phù hợp với các giá trị xã hội hiện hành. Trào lưu Trách nhiệm
xã hội doanh nghiệp có thể giúp công ty hay doanh nghiệp trở nên có thể chấp
nhận được dưới sức ép của xã hội dân sự (Michel Capron và Francoise, 2007).
Nhưng mối quan tâm đối với trách nhiệm xã hội chủ yếu diễn ra ở các doanh
nghiệp đa quốc gia; các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn đều nằm ngoài trào lưu
vì những hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự buộc họ phải tập trung vào
việc phát triển kinh tế ngắn hạn. Nếu có một sự tham gia về trách nhiệm xã hội
từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông thường là do những cam kết bắt buộc với các
đối tác chiến lược và số ít là do những nỗ lực thúc đẩy của người chủ doanh
nghiệp. Tuy nhiên, mức độ trách nhiệm của họ cũng chỉ giới hạn ở mức độ cộng
đồng địa phương hoặc với chính người lao động của mình. Xét trên cấp độ quốc
tế, trách nhiệm xã hội xuất hiện nhiều nhất tại các quốc gia giàu có, quê hương
của những tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh và là cái nôi của những tổ chức xã hội
dân sự. Còn các quốc gia kém phát triển hơn ở Đông Âu, hoặc các quốc gia mới
nổi như BRICS (Brazil, Russian, India, China, South Africa) hoặc NICs (New
Industrial Countries) thì cố tình không biết hoặc tìm cách lảng tránh vấn đề
này, vì với họ động cơ kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu, doanh nghiệp chỉ có thể
làm việc xã hội khi đã có kết quả tài chính tốt mà thôi.
Kể
từ khi xuất hiện khái niệm TNXHDN lần đầu tiên vào năm 1953, chủ đề này đã gây
ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai trường phái quản trị đại diện và quản trị
đa bên về vai trò của doanh nghiệp và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các chủ
thể khác.
Milton
Friedman, đại diện nổi bật của trường phái quản trị đại diện, đã thể hiện quan
điểm của mình: “Doanh nghiệp chỉ có một trách nhiệm duy nhất là tối đa hóa lợi
nhuận, gia tăng giá trị cổ đông, trong khuôn khổ luật chơi của thị trường là cạnh
tranh trung thực và công bằng”. Ông kêu gọi trách nhiệm của doanh nghiệp đối với
việc tuân thủ pháp luật nhưng không quên khẳng định tìm kiếm lợi nhuận vẫn là bản
chất của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thực hiện
trách nhiệm đối với xã hội vì tiền đóng thuế từ doanh nghiệp đã được nhà nước đầu
tư vào các dịch vụ công phục vụ lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh
tế của doanh nghiệp cũng tạo ra lợi ích cho xã hội vì cung cấp việc làm và thu
nhập cho người lao động. Nếu doanh nghiệp và nhà nước cùng thực hiện trách nhiệm
xã hội, sự trùng lặp sẽ xảy ra và người quản lý doanh nghiệp sẽ trở thành viên
chức nhà nước hơn là người đại diện cho lợi ích của cổ đông.
Những
người ủng hộ TNXHDN không bác bỏ toàn bộ những lập luận trên, nhưng họ cho rằng
doanh nghiệp là một chủ thể xã hội, sử dụng nguồn lực của xã hội và môi trường
nên phải có ý thức trách nhiệm về những tác động tiêu cực tới môi trường và xã
hội do hoạt động sản xuất kinh doanh của mình gây ra. Vì thế, những người theo
chủ nghĩa quản trị đa bên phản đối sự tách rời hoàn toàn giữa tính chất kinh tế
và xã hội khi nhìn nhận bản chất và hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng
với trào lưu ủng hộ TNXHDN, sự phát triển của các tổ chức dân sự, nhận thức đi
lên của người tiêu dùng cũng buộc doanh nghiệp thay đổi cách nhìn về bảo vệ môi
trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, bảo đảm quyền lợi người lao động.
2.1. Tổng quan các công trình nghiên
cứu về TNXHDN
· Nghiên
cứu quốc tế
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tầm
quan trọng của việc thực hiện TNXHDN để nâng cao khả năng kinh doanh của doanh
nghiệp bằng việc định vị hình ảnh của doanh nghiệp trong lòng người tiêu dùng
và cộng đồng. TNXHDN là được xem là cách thể hiện của chủ nghĩa tư bản đạo đức,
nhưng cũng có thể bị lợi dụng như một công cụ để thu lợi bất chính cho doanh
nghiệp.
Philip Kotler là một giáo sư hàng đầu
về lĩnh vực quản trị kinh chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp để nâng cao thương
hiệu của mình. Ông luôn khuyến cáo khách hàng của mình đẩy mạnh quá trình thực
hiện trách nhiệm xã hội để thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng theo hướng
tích cực. Cuốn sách Corporate Social Responsibility: Doing the most good for
your company and your case là ví dụ điển hình để giúp doanh nghiệp hoặc những
người muốn làm kinh doanh hình thành nên những ý tưởng thực hiện những hoạt động
thể hiện TNXHDN. Những hành động này trải rộng trên nhiều phương diện hoạt động
của công ty: từ nhận diện vấn đề cần quan tâm trong xã hội đến thao tác hóa
khái niệm, biến ý tưởng thành hành động cụ thể như đặt mối quan tâm vào quảng
bá sản phẩm, làm việc thiện, giúp đỡ cộng đồng. Dựa vào sự hiểu biết sâu sắc của
bản thân về marketing, sự đóng góp ý kiến từ một số doanh nghiệp, tác giả đã cố
gắng đưa ra lời giải thích cho câu hỏi: Tại sao những dự án nhân đạo mang lại
hình ảnh và lợi ích cho doanh nghiệp. Để minh họa cho những ý kiến của mình,
tác giả đã dẫn chứng 25 doanh nghiệp hưởng lợi từ việc thưc hiện TNXHDN, như
Microsoft, Starbuck, IBM, American Express. Việc dẫn chứng những trường hợp điển
hình như một lời nhắn nhủ của tác giả tới các doanh nghiệp: nên lựa chọn đầu tư
quảng bá hình ảnh để nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu sản phẩm của công
ty thông qua việc làm có trách nhiệm với người lao động, người tiêu dùng và môi
trường.
Một khía cạnh khác của quá trình thực
hiện TNXH là việc các doanh nghiệp cần phải biết thực hiện trách nhiệm này đối
với ai để thu được kết quả tốt nhất. William B. Werther và Jr. David Chandler
đã phân tích vai trò quan trọng của Thành phần có liên quan để giải đáp cho câu
hỏi này trong cuốn sách Strategic Corporate Social Responsibility: Stakeholders
in Global Invironment. Cuốn sách được tái bản lần 2 năm 2011, trong bối cảnh
kinh tế thế giới đang gồng mình hứng chịu thiệt hại nặng nề do suy thoái kinh tế
từ 2008 gây ra, được đánh giá là nặng nề chỉ sau Đại suy thoái năm 1930. Bên cạnh
cung cấp sự hiểu biết nền tảng và cái nhìn chuyên sâu về các khía cạnh của khái
niệm và các giai đoạn phát triển của TNXHDN và điểm lại lý thuyết các thành phần
có liên quan (stakeholder theory), được cho là khung quy chiếu chủ đạo cho các
lý thuyết về TNXHDN, tác giả đã giải thích tại sao TNXHDN ngày càng quan trọng
đối với các doanh nghiệp, dựa trên 3 nền tảng là đạo đức, lý trí và kinh tế.
Kinh doanh là những hoạt động kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và kỳ vọng của
những người sỡ hữu; phương thức hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu là phải xác
định giá trị và nhu cầu đa dạng của những người có liên quan trong quá trình
tìm kiếm lợi nhuận. Đặc biệt, tác giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những người
có liên quan (người lao động, người tiêu dùng) nhưng không phải là cổ đông
trong quá trình phát triển chiến lược. Quan trọng nhất là tác giả đã chỉ ra
TNXHDN trong một môi trường toàn cầu dễ chịu sự tác động mạnh mẽ của các nguồn
thông tin và truyền thông mà doanh nghiệp đang hoạt động. Tác giả nhìn nhận phương tiện lý tưởng nhất để tích hợp
TNXHDN vào chiến lược phát triển dài hạn của công ty là những thành phần có
liên quan, cho phép doanh nghiệp phản ứng trước những xu hướng thời thượng
trong xã hội ngày nay, đó là toàn cầu hóa và dòng chảy thông tin tự do. Quan điểm
các thành phần có liên quan cho phép giải thích tại sao những chiến lược phát triển
công ty dựa trên nguồn lực và công nghệ đã không còn phù hợp trong môi trường
kinh doanh toàn cầu hóa như hiện nay. Sự ưu việt của mô hình Thành phần có liên
quan cho phép doanh nghiệp xác định và ưu tiên những người có liên quan chủ chốt
để đạt được giá trị lớn nhất về hình ảnh và kinh tế. Ông cho rằng, trong dòng
chảy thông tin toàn cầu, hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với công nhân, có
trách nhiệm với cộng đồng sẽ là một kênh quảng bá tốt nhất để đưa sản phẩm, dịch
vụ công ty tới doanh nghiệp.
In good company: an anatomy of
corporate social responsibility (Dinah Rajak, Stanford University Press, 2011).
Cuốn sách là sự bổ sung chất lượng vào kho tài liệu phong phú về trách nhiệm xã
hội doanh nghiệp và các hình thức khác của cái gọi là chủ nghĩa tư bản có đạo đức.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng TNXHDN là hoạt động trung tâm của doanh nghiệp
trong một thể chế kinh tế tự do kiểu mới, là liều thuốc giải hay một sự bổ sung
cần thiết để làm giảm sự vô tâm của chủ nghĩa tư bản, nhưng trường hợp nghiên cứu
của Dinah Rajak là một câu chuyện hoàn toàn khác. Với sự hiểu biết sâu rộng về
dân tộc học nhiều sắc thái, Rajak đã lật tẩy cách thức sử dụng TNXHDN như một
công cụ để thu lợi của công ty đa quốc gia Anglo American. Công ty đã sử dụng
TNXHDN để tạo danh tiếng đạo đức, và ở một mức độ nào đó mở rộng quyền lực và sự
thống trị đối với người lao động, xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Tác giả
đề cập địa điểm khai thác bạch kim của công ty ở Nam Phi, trong bối cảnh biến
chuyển xã hội thời kỳ hậu A-pa-thai (phân biệt chủng tộc). Nhấn mạnh mối quan hệ
căng thẳng giữa các giá trị TNXHDN được chấp nhận rộng rãi và hoạt động kinh tế
phi pháp, Rajak chỉ ra chiến lược sử dụng TNXHDN của Anglo American để tạo được
vị thế trên toàn quốc và thuyết phục người dân rằng công ty sẽ mang đến niềm tự
hào cho Nam Phi (bằng việc khai thác và buôn bán vàng trắng) và mục tiêu trở
thành công ty chiến lược trong dự án “tư bản yêu nước” ở Nam Phi thời kỳ hậu
phân biệt chủng tộc. Chiến lược TNXHDN của công ty tập trung vào việc kiểm soát
nạn HIV/AIDS, giáo dục và hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp. HIV/AIDS là một
vấn đề đáng lo ngại ở Nam Phi vì tỷ lệ lây nhiễm rất cao nhưng lại có quá ít
các chương trình điều trị, chống lây nhiễm. Chương trình HIV của công ty đã tạo
được tiếng vang lớn ở đất nước này và giúp doanh nghiệp đạt được nhiều giải thưởng
về TNXHDN trên toàn thế giới. Khuyến khích người lao động làm việc tốt và mạnh
dạn đi xét nghiệm HIV, sau đó cung cấp thuốc điều trị cho những người có kết quả
dương tính. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa sự điều trị của nhà nước và
tư nhân là người lao động sẽ không còn nhận được sự điều trị hoặc hỗ trợ gì khi
họ không còn đủ sức để làm việc cho công ty, bị gửi về gia đình và chờ chết.
Nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận của các cổ đông không cho phép họ thực hiện các hành
động TNXHDN một cách quá tốn kém vì chi phí điều trị cho những người bệnh sẽ rất
cao. Đây cũng là lúc mà ý nghĩa của TNXHDN rớt xuống thấp nhất, nghĩa là TNXHDN
chỉ là một công cụ để tạo dựng hình ảnh của công ty. Và Anglo American đã rất
khôn ngoan khi biết tận dụng bối cảnh xã hội ở Nam Phi để xây dựng vị thế của
mình.
Một chiến lược phát triển TNXHDN khác
của công ty là các dự án giáo dục, tài trợ những khoản kinh phí để phát triển
toán, khoa học và cung cấp học bổng đại học và học nghề. Một lần nữa, căng thẳng
giữa đạo đức và lợi nhuận của cổ đông lại rõ ràng. Thay vì hỗ trợ cho nhiều học
sinh toàn trường, Anglo American lại cung cấp học bổng cho vài sinh viên tài
năng những khóa học nghề chuyên sâu và một số ít là học bổng đại học. Sinh viên
nhận được hỗ trợ được kỳ vọng sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo da màu tiếp theo của
công ty. Vì thế, tác giả cho rằng thay vì đóng góp vào sự phát triển ở mọi lĩnh
vực của cộng đồng, hoạt động TNXHDN của công ty chỉ tạo ra được nguồn nhân lực
chất lượng đáp ứng mục tiêu bổ nhiệm nhân lực da màu của chính phủ để tạo được
sự tín nhiệm với chính phủ.
Corporate social responsibility and
Competiveness for SMEs in Developing Countries: South Africa and Vietnam
(Soeren Jeppesen, Bas Kothuis, Angie Ngoc Tran, 2012): Nghiên cứu của nhóm tác
giả đã cung cấp một cái nhìn khá toàn diện về việc thực hiện TNXHDN ở Nam Phi
và Việt Nam ở 3 lĩnh vực: may mặc, du lịch-khách sạn và chế biến nông sản. Mặc
dù được tiến hành ở hai quốc gia, nhưng đây không phải một nghiên cứu so sánh
vì môi trường kinh doanh ở hai nước không có sự tương đồng. Một điều thú vị
trong nghiên cứu này là nhóm tác giả đã sử dụng khái niệm trách nhiệm xã hội-môi
trường của doanh nghiệp (CSER – corporate social environment responsibility),
nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Nghiên cứu tập trung
vào doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vì loại hình DN này chiếm số lượng lớn
trong khu vực tư nhân, là thành phần kinh tế quan trọng cung cấp việc làm, đặc
biệt là lao động phổ thông, không qua đào tạo. Trong quá trình phát triển, do
giới hạn về nguồn lực, kinh phí để tập trung phát triển kinh tế ngắn hạn, DNVVN
phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội như thu
nhập của người lao động, điều kiện và môi trường làm việc. Tuy nhiên, chưa có
nhiều nghiên cứu tập trung vào loại hình doanh nghiệp này. Cuốn sách đã giới
thiệu hai mục tiêu nghiên cứu chính: (a) tìm hiểu về nhận thức của doanh nghiệp
vừa và nhỏ với trách xã hội và môi trường; (b) nghiên cứu về mối liên hệ giữa
việc thực hiện CSER và khả năng cạnh tranh của DN vừa và nhỏ.
Mặc dù môi trường kinh doanh ở hai nước
khác nhau, nhưng nghiên cứu đã cho thấy những kết quả tương đối giống nhau.
Nhìn từ bức tranh tổng thể, ở cả ba lĩnh vực chế biến nông sản, may mặc, dịch vụ
nhà hàng-khách sạn, doanh nghiệp quy mô trung bình sử dụng ít nguồn nước và ít
năng lượng hơn và thải ra ít nước thải hơn doanh nghiệp nhỏ. Mặc dù cần nhiều
nghiên cứu hơn để khẳng định điều này, nhưng kết quả nghiên cứu ban đầu đã cho
thấy được những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thường biết cách sử dụng nguồn lực
sản xuất (điện, nước, nhân công) hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp hoạt động
cùng ngành nghề những có quy mô nhỏ hơn. Nhóm tác giả cũng chỉ ra tầm ảnh hưởng
của quy mô doanh nghiệp đối với việc thực hiện CSER. Doanh nghiệp ở quy mô
trung bình có mức độ thể hiện CSER cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ xét trên
mọi phương diện được nghiên cứu. Điều này bắt nguồn từ nhận thức rõ ràng hơn về
tầm quan trọng của CSER của chủ doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều yếu tố tác động tới
việc thực hiện CSER, như mối quan hệ với thị trường, người tiêu dùng, tuy nhiên
vấn đề tuổi tác là một nhân tố quan trọng có sức ảnh hưởng lớn tới mức độ thực
hiện CSER, điều này thể hiện rõ hơn ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc
và chế biến nông sản. Hơn thế nữa, DN vừa và nhỏ thực thi các quy định của nhà
nước nghiêm túc hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Mặc dù trong nhiều năm qua, nhận
thức của doanh nghiệp nhỏ về khái niệm và tầm quan trọng của CSER đã được nâng
lên, nhưng vẫn còn nhiều quản lý chưa nắm vững được khái niệm hay thực hiện
CSER.
Dựa vào kết quả phân tích, nhóm tác
giả cũng có thể xác định được mối liên hệ đa dạng giữa các nhân tố ở môi trường
trong và ngoài doanh nghiệp với việc thực hiện CSER và khả năng kinh doanh của
doanh nghiệp (được thể hiện bằng doanh số). Tuy nhiên, mặc dù có một vài doanh
nghiệp khẳng định mối quan hệ giữa CSER, tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh,
nhưng như thế là không đủ để khẳng định về các mối quan hệ này. Tuy nhiên, các
dữ liệu thu được cung cấp những cái nhìn mới hữu ích cho việc nghiên cứu sâu rộng
hơn về khung phân tích.
· Nghiên
cứu trong nước
“Xây dựng quan hệ lao động, thúc đẩy
trách nhiệm xã hội doanh nghiệp – Vai trò Công đoàn Việt Nam”. Cuốn sách là tiếng
nói của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người
lao động. Trong điều
kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây
dựng quan hệ lao động, thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp luôn được Nhà
nước Việt Nam coi trọng. Đây cũng là nội dung mà nhiều quốc gia, tổ
chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách quan tâm, nhất là trong bối cảnh
toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Các
doanh nghiệp muốn phát triển bền vững không chỉ chú trọng đến lợi nhuận, mà còn
phải quan tâm đến người lao động, chấp hành pháp luật, tuân thủ những chuẩn mực
về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, đào tạo và phát triển
nhân viên, hỗ trợ cộng đồng… nhằm thực hiện trách nhiệm của mình thông qua việc
áp dụng các bộ quy tắc ứng xử tại doanh nghiệp và các tiêu chuẩn xã hội quốc
tế.
Công
đoàn Việt Nam coi việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao
động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức, góp phần thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội
doanh nghiệp. Ở phần thứ nhất, cuốn sách đã đề cập đến một số vấn đề về quan hệ
lao động, tiêu chuẩn xã hội trong lĩnh vực lao động và trách nhiệm xã hội doanh
nghiệp, đối thoại xã hội.
Nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn là xây dựng mối quan hệ lao
động bền chặt, thúc đẩy thực
hiện trách nhiệm xã hội doanh
nghiệp trong thời gian tới.
Để làm được mục tiêu này, đối thoại được xem như là một giải pháp có tính hiệu
quả cao để giải quyết các vấn đề từ hai phía người lao động và sử dụng lao
động. Đối thoại là một hình thức giải quyết xung đột, đồng thời cũng là hình thức
tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác nhằm cải thiện quan hệ giữa người lao động và
người sử dụng lao động nhằm tạo ra sự phân phối bình đẳng và hợp lý, yếu tố
quan trọng góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.
Nghiên cứu “Mức độ quan tâm của người
tiêu dùng đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” do Nielsen, một công ty đa
quốc gia chuyên đo lường và đánh giá thông tin về hành vi người tiêu dùng,
market..., phỏng vấn 30,000 người tiêu dùng tại 60 quốc gia để tìm hiểu mức độ
quan tâm của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm đối với cam kết của doanh
nghiệp; nhóm khách hàng nào quan tâm đến môi trường và xã hội; và những vấn đề
xã hội nào đang được quan tâm nhất. Khảo sát cho thấy gần 73% người trả lời tại
Việt Nam sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty có
cam kết phát triển cộng đồng và môi trường. Tỉ lệ này tại Philippines là 79%,
cao nhất thế giới, còn Thái Lan là 71%, Indonesia là 65%, Malaysia là 57% và
Singapore là 48%, so với 55% trung bình toàn cầu. Kết quả nghiên cứu đã thể
hiện xu hướng lựa chọn các thương hiệu có cam kết hoạt động xã hội hoặc bảo vệ
môi trường khá phổ biến tại nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển ở
khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Phillippins và Thái Lan, vì người tiêu dùng
nơi đây thường xuyên phải vật lộn với thiên tai và chứng kiến sự nghèo khổ.
Doanh nghiệp nên lưu ý vì các hoạt động xã hội hoặc ủng hộ bảo vệ môi trường
đóng vai trò quan trọng trong nhiều nền văn hóa, và có ảnh hưởng nhất định đến
quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát dựa trên
bảng trả lời của người tiêu dùng tại 60 quốc gia theo hình thức trực tuyến.
Hình thức này cho phép nghiên cứu tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn các phương
pháp truyền thống nhưng chỉ thể hiện thói quen của những người có sử dụng
internet chứ không phải toàn bộ dân số. Ngoài ra, các lựa chọn có thể dựa trên
phỏng đoán của người tham gia thực hiện hơn là hành động thực sự.
2.2. Tổng quan nghiên cứu TNXHDN
trong ngành may mặc
Theo báo cáo của Hiệp hội may mặc Việt
Nam năm 2014, ngành may mặc thời gian qua đã đóng góp 10% giá trị sản xuất công
nghiệp; sử dụng hơn 2.500.000 lao động, chiếm 5% lực lượng lao động toàn quốc với
trên 3000 doanh nghiệp, trong đó có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay,
ngành dệt may đứng thứ nhất trên tổng số các ngành nghề về xuất khẩu, chiếm 16%
tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời Top 10 trong số 153 nước xuất
khẩu dệt may trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Tuy nhiên, chưa có
nhiều nghiên cứu cho thấy bức tranh tổng thể thực hiện TNXHDN ở lĩnh vực may
này. Thay vào đó, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để thể hiện trách nhiệm của
doanh nghiệp ở từng cơ sở riêng lẻ.
Luận án tiến sĩ “Áp dụng chiến lược
trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt
Nam: Nghiên cứu tình huống ngành may” của tác giả Hoàng Thị Thanh Hương. Luận
án phát triển các thang đo TNXHDN của DNNVV trong bối cảnh ngành may Việt Nam.
Căn cứ trên việc đánh giá TNXHDN theo quan điểm chiến lược của Burke và
Logsdon, tác giả đã phát triển các thang đo chiến lược TNXHDN của DNNVV. Thang
đo này bao gồm 5 tiêu chí: trung tâm, cụ thể, chủ động, tự nguyện và công bố. Kết
quả phân tích cho thấy DNNVV ngành may đang áp dụng TNXHDN ở mức độ ứng phó thụ
động, thay vì áp dụng chiến lược TNXHDN. Việc chuyển dịch giai đoạn thực hiện
TNXHDN phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và quyết tâm của doanh nghiệp. mặc dù
lãnh đạo các doanh nghiệp có nhận thức cao về tầm quan trọng của TNXHDN, khi
cho rằng TNXHDN là tấm hộ chiếu để doanh nghiệp tiếp cận với thị trường toàn cầu
nhưng hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực khiến cho doanh nghiệp gặp khó
khăn để triển khai TNXHDN. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài cũng ảnh hưởng tới
quá trình thực hiện TNXHDN của DNNVV, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Trong khi các doanh nghiệp đã thực hiện Luật lao động tương đối nghiêm túc thì
môi trường cạnh tranh cũng có ảnh hưởng đến TNXHDN của DN. Sức ép này có mức độ
lớn và có ý nghĩa về mặt thống kê. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng
ngành may vì chuỗi cung ứng của ngành bị dẫn dắt bởi khách hàng. Sức ép từ môi
trường nội bộ cũng đóng vai trò quan trọng. Là doanh nghiệp thâm dụng lao động,
các doanh nghiệp phải liên tục cải thiện điều kiện lao động, lương và phúc lợi
để thu hút lao động có tay nghề.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
trong ngành dệt may ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp ở công ty cổ phần may Đáp
Cầu. Nghiên cứu tập trung vào việc phân tích, đánh giá mức độ thực hiện TNXHDN ở
một công ty may mặc cổ phần theo 21 vấn đề TNXHDN được phân thành bốn nhóm: các
chính sách tại nơi làm việc; các chính sách về thị trường; các chính sách về
môi trường và các chính sách đối với cộng đồng. Đối tượng mẫu của nghiên cứu là
hai nhóm đối tượng là nhà quản trị và người lao động trong doanh nghiệp. Kết quả
thu được sau quá trình xử lý số liệu đã cho thấy: Nhà quản trị và người lao động
tại doanh nghiệp có đánh giá khác nhau về mức độ thực hiện TNXHDN của công ty.
Các nhà quản trị phản hồi rằng hầu hết 21 vấn đề TNXHDN đã được công ty lên kế
hoạch và thực hiện một phần. Tuy nhiên, người lao động lại cho rằng rất nhiều vấn
đề TNXHDN công ty đã ý thức được nhưng chưa thực hiện. Để kết quả thực hiện
TNXHDN được cải thiện, tác giả đã đưa ra một số đề xuất, như là: thành lập đội
chuyên trách về TNXHDN; lập kế hoạch chiến lược về TNXHDN và tạo điều kiện để
người lao động tham gia nhiều hơn vào các hoạt động TNXHDN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Ali M. Quanzi. Dennis O’Brien. An Empirical Test of a Cross-national Model
of Corporate Social Responsibility. 2000. Journal of Business Ethics, trang
33-51.
2.
Công đoàn Việt Nam. Xây dựng quan hệ lao động, thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp –
Vai trò Công đoàn Việt Nam. Hà Nội. Nxb Lao động.
3.
Dinah Rajak. In good company: an anatomy of corporate social responsibility. 2011. Stanford: Stanford University Press.
4.
European Union. CSR awareness raising questionnaire. http://ec.europa.eu/enterprise/policies/sustainablebusiness/files/csr/campaign/document
ation/download/questionaire_en.pdf (2010). Truy cập ngày 20/5/2015.
5. Hoàng
Thị Thanh Hương. Luận án tiến sĩ: Áp dụng
chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa
(DNNVV) Việt Nam: Nghiên cứu tình huống ngành may. Bảo vệ ngày 29/05/2015.
Đại học Kinh tế Quốc dân.
6. Michel
Capron. Francoise Quairel-Lanoizelee. Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp.
2009. Hà Nội: Nxb Tri Thức.
7. Ngân
hàng Thế giới. Public Policy for
Corporate Social Responsibility. 2003.
8. Nghiên cứu “Mức
độ quan tâm của người tiêu dùng đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” do
Nielsen. http://www.nielsen.com/vn/vi/insights/2014/trach-nhiem-xa-hoi-2014.html.
Truy cập ngày 17/6/2015
9. Nguyễn
Đình Cung, Lưu Minh Đức. TNXHCDN: một số
vấn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Tạp chí Quản
lý kinh tế, Số 4, 2008.
10. Nguyễn
Phương Mai. Trách nhiệm xã hội của doanh
nghiệp trong ngành dệt may ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp ở công ty cổ phần
may Đáp Cầu. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 1
(2013). Trang 32-40
11. McKinsey.
2007. Assessing the impact of societal
issues: A McKinsey Global Survey, www.mckinseyquarterly.com
12. Nguyen
Dinh Tai, Le Thanh Tu. Corporate
Responsibility Toward Employees: The Most Important Component of Corporate
Social Responsibility. Ouverture Internationale, CFVG, No. 12, Hanoi, 2008
13. Nguyen
Dinh Tai, Le Thanh Tu: Country Study : Responsible Business Conduct in Vietnam
, OECD Regional Conference on Corporate Resonsibility “Why Responsible Business
Conduct Matters”, Bangkok Thailand, 2-3 November 2009.
14. Phạm
Văn Đức. TNXHDN ở Việt Nam: Một số vấn đề
lý luận và thực tiễn cấp bách. Tạp chí Triết học. 2/2010.
15. Soeren
Jeppesen, Bas Kothuis, Angie Ngoc Tran. Corporate
social responsibility and Competiveness for SMEs in Developing Countries: South
Africa and Vietnam. 2012. Paris. AFD.
16. William B. Werther, Jr.,
David Chandler. Strategic
Corporate Social Responsibility: Stakeholders in Global Invironment.
2012. California: SEGA Publication.
17. Philip
Kotler. Corporate Social Responsibility: Doing the most good for your company
and your case. 2008. Boston: Wiley India Pvt. Limited.
TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ
ĐẶT RA
Tạ Doãn Cường
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Bài viết này là một
phần của đề tài nghiên cứu đã được thực hiện trong năm 2013 “Kinh tế trang trại
tại Đồng bằng sông Cửu long: Thực trạng và giải pháp”. Khái niệm và thực trạng
tích tụ ruộng đất tại Đồng bằng sông Cửu long
được giới thiệu như là một phần không thể thiếu đối với hình thái kinh tế
trang trại trong nông nghiệp của khu vực này.Sự khác biệt giữa tích tụ ruộng đất
và các hành vi đầu tư, mua bán, đầu cơ và hình thức tập trung ruộng đất đã được
làm rõ. Khai hoang, chuyển đổi mục đích, mua thêm, thừa kế và đi thuê là các
hình thức để các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện tích tụ ruộng đất.
Dấu hiệu tích tụ
ruộng đất của hộ gia đình được nhận diện thông qua diện tích đất sở hữu của hộ
đó và mứcsở hữu bình quân ruộng đất trong khu vực hoặc hạn điền của Nhà nước. Ở
cấp cộng đồng, quỹ đất là giới hạn, tích tụ ruộng đất biểu hiện bằng sự chênh lệch
về sở hữu ruộng đất giữa các nhóm trong cộng đồng và diện tích ruộng đất có
thêm của người này sẽ tương ứng với diện tích giảm đi của người khác do nhiều
nguyên nhân.
Tập trung ruộng đất
và tích tụ ruộng đất là hai khái niệm tách biệt, từ đây đã hình thành hai hướng
phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn tại đồng bằng sông Cửu long đó
là “cánh đồng mẫu lớn” và kinh tế trang trại. Hình thức “cánh đồng mẫu lớn” được
Nhà nước tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và diễn ra nhanh tại nhiều địa phương.
Trong khi kinh tế trang trại suy giảm, nhiều nơi gần như trắng và thiếu nguồn lực
phục hồi sau việc nâng các tiêu chuẩn về trang trại trong năm 2011.
1. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT
Một trong những cơ sở tất yếu và quan trọng để hình
thành kinh tế trang trại là tích tụ và quá trình tích tụ ruộng đất. Trong các yếu
tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp như vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật…
thì đất đai là yếu tố đặc thù và là cơ sở không thể thiếu đối với sản xuất nông
nghiệp. Cho dù cách mạng khoa học kỹ thuật tạo ra năng suất vượt bậc, làm giảm
nhanh vai trò của tài nguyên đất và ảnh hưởng của quy mô đất đai đối với kết quả
sản xuất nông nghiệp nhưng đất đai vẫn là yếu tố không thể thay thế trong toàn
ngành nông nghiệp. Người ta chỉ có thể hướng tới mục tiêu và khuyến khích canh
tác nông nghiệp gắn với tiết kiệm tài nguyên nói chung và tài nguyên đất nói
riêng nhưng không thể loại trừ yếu tố đất đai trong sản xuất nông nghiệp.
Tích tụ ruộng đất bao gồm các hành vi khai hoang, thừa
kế, mua trực tiếp hoặc đi thuê để tạo ra quy mô ruộng đất lớn hơn phục vụ cho mục
đích sản xuất nông nghiệp. Trong các vi hành đầu cơ, mua bán ruộng đất, lúc này
ruộng đất là một loại hàng hoá và việc sinh lời thường có nguồn gốc từ giá đất
và chênh lệch giá đất.
Đầu tư sản xuất nông nghiệp trong đó có thể có việc
mua ruộng đất làm tư liệu sản xuất khác với việc đầu cơ do mục đích sản xuất,
kinh doanh bao gồm cả việc đầu tư sau đó cho thuê lại để sản xuất nông nghiệp.
Đầu tư mua ruộng đất nhiều lần là biểu hiện của quá trình tích tụ.
Quy mô tích tụ ruộng đất biểu hiện thông qua diện tích
đất đai mà cá nhân hoặc các tổ chức sở hữu. Dấu hiệu tích tụ ruộng đất xuất hiện
khi số diện tích sở hữu của ai đó vượt hơn mức sở hữu bình quân trong khu vực
hoặc hạn điền của Nhà nước. Khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thừa kế,
mua thêm hoặc đi thuê là hành vi gia tăng tuyệt đối quy mô tích tụ ruộng đất.
Liên kết, hợp tác giữa các đơn vị sở hữu để hình thành nên diện tích canh tác lớn
hơn không làm thay đổi tình trạng sở hữu đất được xem là tập trung ruộng đất.
Trên phương diện cộng đồng, quá trình tích tụ ruộng đất
biểu hiện thông qua hiện tượng các nhóm sở hữu ít ruộng đất có tỷ lệ suy giảm đồng
thời các nhóm sở hữu nhiều sẽ gia tăng. Nhu cầu mở rộng quy mô đất đai sản xuất
dường như là vô hạn trong khi quỹ đất của cộng đồng hoặc khu vực nào đó thì có
hạn, do đó diện tích ruộng đất có thêm của người này sẽ tương ứng với diện tích
giảm đi do nhiều nguyên nhân của người khác và kết quả của tích tụ ruộng đất là
một số người sẽ sở hữu nhiều ruộng đất, một số khác thì ít đất thậm chí không
còn đất sản xuất.
Ruộng đất là phương tiện sản xuất và do đặc tính sinh
học của sản xuất nông nghiệp, người lao động luôn phải quan tâm, theo dõi thường
xuyên từng mảnh ruộng, từng vật nuôi… nên ruộng đất liền canh vẫn có lợi thế
hơn ruộng đất phân tán trong canh tác nông nghiệp. Khác với các ngành sản xuất
khác, đất đai là đối tượng trực tiếp của quá trình sản xuất nông nghiệp nên nhu
cầu về đất đai trong nông nghiệp có thể xem là vô hạn. Mặc dù có áp dụng khoa học,
công nghệ nhưng sản lượng trên một đơn vị diện tích đất canh tác luôn là con số
có giới hạn vì vậy để tăng tổng sản lượng thì việc mở rộng quy mô sản xuất
thông qua tích tụ ruộng đất là điều thường thấy ở các nhà sản xuất nông nghiệp.
Tích tụ ruộng đất phải trải qua nhiều năm, nhiều thế hệ
và cũng là thành quả lao động cần cù, bền bỉ của các hộ sản xuất nông nghiệp là
mục tiêu hướng tới cho nhiều thế hệ nông dân và chủ trang trại. Quá trình tích
tụ ruộng đất diễn ra lành mạnh sẽ tạo ra cơ sở phát triển bền vững trực tiếp
cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tuy có vài hệ luỵ nhưng tích tụ ruộng đất
vẫn là cơ sở khách quan không thể thiếu đối với quá trình hình thành và phát
triển kinh tế trang trại.
Tích tụ ruộng đất vừa là nhu cầu vừa là mục tiêu của hộ
sản xuất nông nghiệp. Tích tụ ruộng đất ngày nay thường thông qua quan hệ mua
bán, trao đổi hoặc thừa kế, nó phản ánh quan hệ xã hội và liên quan nhiều tới
quyền sở hữu đất đai cá nhân hộ gia đình. Hiện nay, Nhà nước quản lý, điều tiết
hành vi tích tụ ruộng đất thông qua việc quy hoạch, cấp phép sử dụng đất, định
giá đất, chính sách thuế, các quy định về hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng
và thời hạn sử dụng đất.
2.
THỰC TRẠNG TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Đồng bằng sông Cửu long có hơn 3,4 triệu ha đất sản xuất
nông nghiệp, trong đó 99,75% diện tích đất thuộc về các hộ sản xuất nông nghiệp,
khối doanh nghiệp có hơn 1.300ha chiếm
0,04%; hợp tác xã là 0,21% với hơn 7.000ha.[146]
Các doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu long hưởng lợi
nhiều thông qua việc cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua và chế biến nông sản
và thuỷ sản, lợi ích của doanh nghiệp không liên quan nhiều tới việc sử dụng và
sử dụng đất ở quy mô lớn. Có 84,62% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp
không sử dụng đất, nhóm sử dụng với quy mô đất trên 10ha chỉ chiếm 9,83%.
Loại hình Hợp tác xã với nguồn thu chủ yếu từ các dịch
vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao với 69,53% số hợp tác xã không
sử dụng đất, nhóm sử dụng đất trên 10ha chiếm 21,12%.
Biểu đồ 1. Quy mô
sử dụng đất theo loại hình sản xuất
Nguồn: Tổng hợp từ điều tra nông thôn nông nghiệp
thuỷ sản 2011 của Tổng cục Thống kê
Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phát động từ năm 2011 với mục tiêu nâng cao hiệu quả và
giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lúa. Riêng tại
đồng bằng sông Cửu Long đến vụ đông xuân 2012 - 2013 tổng diện tích triển khai
của mô hình này đạt 132.000ha[147].
Mô hình này là sự liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ sản xuất lúa trong đó
doanh nghiệp sẽ cung cấp vật tư nông nghiệp và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm.
Mô hình này cũng dựa trên sự tập trung, liên kết về đất
đai giữa các hộ trồng lúa liền canh không xoá bờ bao để tạo ra các thửa ruộng
có quy mô lớn, phân chia chi phí và kết quả sản xuất giữa các hộ dựa trên tỷ lệ
diện tích tham gia. Hiệu quả kinh tế của mô hình này đang được nhiều cơ quan ca
ngợi và trở thành nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các chính quyền địa phương.
Đây là hình thức tập trung ruộng đất được khuyến khích và bảo trợ của Nhà nước,
hình thức này cần có thêm sự đánh giá khi mà chỉ có một vài doanh nghiệp được
tham gia ký kết các hợp đồng liên kết với hộ nông dân.
Tích tụ ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu long được phản
ánh rõ nét nhất thông qua quá trình tích tụ ruộng đất của các hộ sản xuất nông
nghiệp. Kết quả của tích tụ ruộng đất trong các năm trước được thể hiện ở quy
mô sử dụng ruộng đất hiện tại.
Tại thời điểm năm 2011, sở hữu và sử dụng đất đai của
các hộ sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu long vẫn phổ biến với diện
tích dưới 2ha/hộ chiếm 71,94%; ở quy mô 5ha – 10ha là 1,42% và quy mô lớn hơn
10ha chỉ chiếm 0,21%.
Từ 2006 tới 2011 tỷ lệ hộ sử dụng dưới 0,2ha giảm từ
49,91% xuống còn 18,97%, nhóm sử dụng 0,2 – 0,5 ha giảm từ 32,77% xuống 29,1%
trong khi các nhóm sử dụng từ 0,5 – 2 ha tăng từ 16,16% lên 41,84% và nhóm 2ha
trở lên tăng từ 0,73% lên 10,09%.
Biểu đồ 2. So sánh
cơ cấu quy mô sử dụng đất theo hộ 2006 - 2011
Nguồn: Tổng hợp từ điều tra nông thôn nông nghiệp
thuỷ sản 2011 của Tổng cục thống kê
Tại Đồng bằng sông Cửu long, quá trình tích tụ ruộng đất
giai đoạn gần đây nhất được ghi nhận từ những năm 1980. Bắt đầu là chủ trương
khai hoang lấp trống Đồng Tháp Mười, khai phá vùng Tứ Giác Long Xuyên cùng với
chính sách di dân, khuyến khích các hộ dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bên cạnh
đó là chính sách hợp tác hoá trong nông nghiệp được thực hiện từ sau 1975 dẫn đến
đất đai tập trung hầu hết tại các nông, lâm trường, các tập đoàn sản xuất nông
nghiệp với các hộ dân là thành viên.
Sau đổi mới 1986, giải thể nhiều nông lâm trường, hợp
tác xã sản xuất và quá trình giao đất cho hộ nông nghiệp được tiến hành dựa
trên quỹ đất sản xuất của địa phương và số nhân khẩu hộ. Việc giao đất sau này
được quy định cụ thể tại Nghị định 64/CP[148]
ngày 27/9/1993 của Chính phủ trong đó hạn mức giao nhận đất trồng cây hàng năm
tại Đồng bằng sông Cửu long là không quá 3ha/hộ, đất trồng cây lâu năm không
quá 10ha/hộ. Đây có thể được xem là điểm mốc (0;0) của quá trình tích tụ ruộng
đất tại đồng bằng sông Cửu long khi mà sở hữu ruộng đất của các hộ nông nghiệp
mang tính hạn mức bình quân. Việc sở hữu ruộng đất vượt mức hạn điền đã tồn tại
ít nhiều và được Nhà nước ghi nhận nhưng tích tụ ruộng đất vẫn chưa được xem là
hiện tượng. Thời điểm này, điều kiện cơ giới hoá, năng suất giống cây trồng còn
rất thấp…, khả năng tài chính không có nên việc mua bán ruộng đất để mở rộng sản
xuất của các hộ dân rất khó thực hiện. Hộ dân không có điều kiện tích tụ ruộng
đất và tích tụ ruộng đất chưa trở thành mục tiêu và động lực của hộ sản xuất
nông nghiệp.
Khai hoang Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên hình
thành nên quỹ đất to lớn cho sản xuất nông nghiệp. Việc mua bán ruộng đất tại
các vùng khai hoang, vùng kinh tế mới cũng đã diễn ra giữa các hộ dân do nhiều
hộ từ bỏ nông nghiệp vì không thích nghi được điều kiện sản xuất. Sau này đất
đai quy mô lớn hàng trăm ha trở lên của các chủ trang trại tại đồng bằng sông Cửu
long phần lớn có xuất xứ từ quỹ đất khai hoang.
Tới nay ruộng đất mọi nơi đều có chủ và đất khai hoang
tại đồng bằng sông Cửu long cũng không còn và giá đất không thấp như 10 – 15
năm trước,hơn nữangười dân cũng hiếm khi rời bỏ ruộng đất ngay cả khi họ có các
công việc phi nông nghiệp ổn định.
3. MỘT VÀI VẤN ĐỀ ĐẶT RA LIÊN QUAN TỚI TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT
Trao đổi mua bán ruộng đất là điều kiện không thể thiếu
đối với quá trình tích tụ ruộng đất. Hiện nay, việc trao đổi mua bán ruộng đất
cũng không gặp nhiều trở ngại và Luật đất đai 2013 đã có sự nới rộng về hạn mức
nhận chuyển nhượng[149]
đối với ruộng đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do quỹ đất luôn có giới hạn
nên tích tụ ruộng đất gặp phải trở ngại khan hiếm về nguồn đất. Phải có người
bán đất thì quan hệ mua bán mới được khởi động. Có nhiều lý do để hộ sản xuất
nông nghiệp bán đất như làm ăn thua lỗ, lo chữa bệnh, lo việc học cho con cháu,
di cư.v.v. nhưng chẳng lý do nào nên khuyến khích ngoại trừ ai đó đã có ngành
nghề phi nông nghiệp ổn định.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là hướng thay đổi
căn bản, sẽ tạo ra quỹ đất cho việc mua bán và tích tụ ruộng đất nhưng chuyển dịch
cơ cấu kinh tế hộ tại đồng bằng sông Cửu long từ 2001 tới 2011 diễn ra còn chậm
thể hiện ở chiều hướng giảm tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp từ 80,93% năm 2001 xuống
71,06% trong năm 2006 và tới 2011 là 65,58%. Các hộ sản xuất công nghiệp và xây
dựng tăng tương ứng các năm là 5,76% lên 10,1% và 12,48% năm 2011; hộ dịch vụ
tăng từ 10,57% lên 14,92% và 19,89%[150].
Phát triển kinh tế trang trại là một mục tiêu của quá
trình tích tụ ruộng đất. Hộ sản xuất nông nghiệp đầu tư, tích tụ ruộng đất để sản
xuất và sản xuất với quy mô lớn.Hướng liên kết các hộ sản xuất nông nghiệp để
hình thành các hình thức liên kết hợp tác sản xuất với quy mô lớn như “hợp tác
xã kiểu mới” hoặc “cánh đồng mẫu lớn”[151]
hiện nayđược Nhà nước khuyến khích thực hiện ở hầu khắp các địa phương. Hướng vận
động này là một hình thức tập trung ruộng đất, không phải là tích tụ ruộng đất.
Sở hữu ruộng đất không thay đổi và người nông dân không phải ly hương nhưng
hình thức này cũng dễ xảy ra hiện tượng độc quyền trong sản xuất nông nghiệp của
các tập đoàn được Nhà nước lựa chọn đứng ra ký kết với các hộ dân. Nông dân có
nhiều lợi ích trong các mô hình này những cũng dễ bị lệ thuộc ngay tại mảnh ruộng
của gia đình mình. Hướng vận động cung này có vẻ mâu thuẫn với mục tiêu chuyển
dịch cơ cấu công – nông nghiệp tại nông thôn khi mà người dân ở nông thôn được
khuyến khích chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp.
Hai hướng sản xuất lớn trong nông nghiệp là kinh tế
trang trại và “cánh đồng mẫu lớn” tại các địa phương đối diện với việc phải
cùng chia sẻ các nguồn lực phát triển nông nghiệp trong đó có quỹ đất đai giới
hạn.Tính chất nhỏ lẻ và phân tán về sở hữu đất nông nghiệp của hộ sản xuất nông
nghiệp tại các địa phương tạo ra ưu thế cho kiểu liên kết “cánh đồng mẫu lớn”
bên cạnh sự hỗ trợ, khuyến khích nhiều phía từ phía Nhà nước[152].
Tính chất sở hữu nhỏ lẻ[153]
thuận tiện cho việc tuyên truyền, vận động hình thành kiểu hợp tác, liên kết
“cánh đồng mẫu lớn”, trong khitính chất phân tán lạilà bất tiện cho việc sản xuất
kinh doanh của các hộ gia đình sản xuất quy mô trang trại.
Năm 2011áp dụng tiêu chuẩn mới cho kinh tế trang trại[154],
tại thời điểm 01/7/2011 số lượng trang trại tại đồng bằng sông Cửu long giảm
đáng kể, nhiều khu vực gần như không còn trang trại như Hậu Giang (4) Trà Vinh (19) Cà Mau (22)[155]. Chênh lệch số lượng trang trại giữa 2 năm 2011 và
2010 lên tới hơn 90% ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu long và số lượng hộ
sản xuất nông nghiệp ở quy mô Bán trang
trại[156] ước tính lên tới hơn 65.000 hộ trong toàn vùng.Do nguồn
lực có hạn nhưng một phần trong các hộ sản xuất ở quy mô Bán trang trại nên được đánh giá, lựa chọn và tiếp tục hỗ trợ để họ
có thể phục hồi hoặc phát triển đạt các chuẩn mới về trang trại. Họ có thể xem
như bị bỏ rơi khi không tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ trước đây và các
chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại theo các chuẩn mới.
Chưa có đánh giá so sánh về
hai hướng phát triển giữa kinh tế trang trại và kiểu “cánh đồng mẫu lớn” hay
nói cách khác là giữa tích tụ và tập trung ruộng đất cho phát triển sản xuất
nông nghiệp. Nhưng dường như, tích tụ ruộng đất để hình thành và phát triển sản
xuất nông nghiệp với quy mô lớn thông qua các trang trại tư nhânsẽ là việc tự
thân của các hộ dân trong nhiều năm tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Các báo cáo kết quả điều tra nông thôn
nông nghiệp thuỷ sản năm 2006 và năm 2011 của Tổng cục Thống kê.
2.
Số liệu điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và
Thuỷ sản 2006; Tổng cục Thống kê.
3.
Số liệu điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và
Thuỷ sản 2011; Tổng cục Thống kê.
4.
Vũ Trọng Khải, PGS.TS; Tích tụ ruộng đất –
Trang trại và nông dân; www.cmard2.edu.vn;
tháng 7 năm 2008
5.
Đỗ Kim Trung, GS.TS; Một số giải pháp phát
triển cánh đồng mẫu lớn trong nông nghiệp
Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 413 tháng 10/2012.
6.
Bình Đại và Đinh
Tuyên; Khai phá Tứ giác Long Xuyên;http://www.sggp.org.vn;19/04/2011.
7.
Hoàng Kim; Nông dân nghĩ gì về cánh đồng mẫu
lớn; http://www.thesaigontimes.vn/85509/Nong-dan-nghi-gi-ve-canh-dong-mau-lon.html;
ngày 22/10/2012
8.
Hiệu quả thiết
thực từ cánh đồng mẫu lớn; http://wcag.mard.gov.vn;ngày 11/11/ 2013.
9.
Vũ Trọng Khải,
PGS.TS; Cánh đồng mẫu lớn và tổ chức sản xuất theo hợp đồng trong sản xuất nông
nghiệp;http://www.cmard2.edu.vn/; ngày 05/9/2015.
10.
Kinh tế trang trại đồng bằng sông Cửu
long: Thực trạng và giải pháp; Đề tài khoa học cấp cơ sở; Viện KHXH vùng Nam Bộ,
2013.
TẦNG LỚP TRUNG LƯU Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: CƠ CẤU VÀ ĐẶC ĐIỂM
NHÂN KHẨU
GS.TS. Bùi Thế Cường, Phạm
Thị Dung và Tô Đức Tú
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Học viện Khoa học
xã hội
Bài viết trình bày
cơ cấu tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số đặc điểm nhân khẩu
của tầng lớp này, dựa trên số liệu khảo sát năm 2010. Trước hết, bài viết giới
thiệu một khung phân loại nhóm nghề nghiệp làm cơ sở xác định tầng lớp trung
lưu trong cơ cấu xã hội theo nghề nghiệp và một khung cơ cấu trong bản thân tầng
lớp trung lưu. Tiếp theo, bài viết trình bày cơ cấu tầng lớp trung lưu ở Thành
phố Hồ Chí Minh theo nhóm và bậc, theo khu vực, giới và tuổi. Bài viết gợi ý rằng
Thành phố cần rà soát lại chính sách giai tầng xã hội, chú trọng đến việc phát
triển hơn nữa vị thế và tiềm lực của trung lưu để tầng lớp này có thể phát huy
tốt hơn vai trò của mình trong phát triển xã hội[157].
1. MỞ ĐẦU
Cơ cấu giai tầng xã hội có tầm quan trọng đối với sự
phát triển và phúc lợi của một xã hội. Vì thế, chủ đề này luôn thu hút quan tâm
đặc biệt của giới lãnh đạo và nghiên cứu xã hội. Các nghiên cứu về cơ cấu giai
tầng đôi khi tập trung vào cấu trúc tổng thể, nhưng cũng có những công trình tập
trung vào từng tầng lớp, như giới thượng lưu, trung lưu, giai cấp lao động, hoặc
nhóm nghèo, nhóm đáy (Townsend, 2014). Trong đó, chủ đề các giai cấp trung lưu
chiếm một vị trí quan trọng (Scott, 2005, trang 408-409). Vấn đề trung lưu đã
xuất hiện trong những phân tích giai cấp ở thế kỷ XIX. Từ thập niên 1960 đến
nay, ta chứng kiến làn sóng quan tâm trở lại mạnh mẽ đối với chủ đề này trên thế
giới và Đông Nam Á (Becker et al., 1999; King, 2008). Nghiên cứu đương đại về tầng
lớp trung lưu dẫn đến nhiều phát hiện lý thú nhưng cũng đầy tranh cãi về đặc
trưng và vai trò của tầng lớp ấy trong phát triển xã hội.
Mặc dù nhiều tác giả đồng ý rằng nghiên cứu trực tiếp
về chủ đề tầng lớp trung lưu ở Việt Nam còn nghèo nàn, song từ thập niên 2000 đến
nay ngày càng nhiều tác giả quốc tế và trong nước chú ý đến đề tài này. Ngoài
nước, có thể kể đến Victor T. King (2008), Nguyen-Marshall và cộng sự (2012).
Nói chung, những nghiên cứu về cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội, theo cách này
cách khác, đều đề cập đến tầng lớp trung lưu. Theo nghĩa ấy có thể nói rằng
trong nước có nhiều công trình liên quan đến tầng lớp trung lưu (Bùi Thế Cường,
2014b). Trực tiếp đề cập đến chủ đề trung lưu, có thể kể đến Đỗ Thái Đồng
(2004), Nguyễn Đình Tấn (2013), Trần Thị Minh Ngọc (2013), Lê Kim Sa (2012,
2015).
Bài viết trình bày cơ cấu tầng lớp trung lưu trong dân
cư Thành phố Hồ Chí Minh và một số đặc điểm nhân khẩu của nó, dựa trên số liệu khảo
sát năm 2010. Việc phân tích lại số liệu cấp hai ở đây là một sản phẩm của Đề
tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý
phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”
(KX.02.20/11-15).
2. NGUỒN DỮ LIỆU
Bài viết dựa trên nguồn dữ liệu cuộc khảo sát của Đề
tài nghiên cứu Cơ cấu xã hội, lối
sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực
hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tài
trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường; Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học
xã hội vùng Nam Bộ).
Chọn mẫu khảo sát của Đề tài thiết kế theo hướng đại
diện cho dân cư Thành phố. Lập danh sách mẫu cơ bản gồm tất cả quận huyện và xã
phường thị trấn vào năm 2009. Danh sách xếp theo quá trình lan tỏa đô thị hóa,
lần lượt thành 4 nhóm. Nhóm 1: các quận trung tâm hình thành lâu đời. Nhóm 2:
các quận ven bao quanh trung tâm. Nhóm 3: các quận mới tách từ năm 1997. Nhóm
4: các huyện ngoại thành. Tiếp theo, toàn bộ 322 phường thị trấn xã xếp theo trật
tự của bốn nhóm nói trên. Dựa trên danh sách tổng thể đó, chọn ngẫu nhiên 30
phường thị trấn xã. Tại mỗi phường thị trấn xã đã chọn, dựa vào ý kiến của
chính quyền địa phương, chọn ba cụm dân cư ở ba mức sống khác nhau (nghèo,
trung bình, khá). Tại mỗi cụm dân cư, dựa trên danh sách hộ gia đình của địa
phương, chọn ngẫu nhiên 12 hộ gia đình. Kết quả, 36 hộ gia đình tại mỗi phường
thị trấn xã được chọn. Tổng số có 1.080 hộ gia đình trong 30 phường thị trấn xã
của toàn Thành phố vào mẫu khảo sát. Mỗi
hộ trong danh sách nghiên cứu phỏng vấn một người được hộ xem là người đại diện
chính của hộ (thường là chủ hộ, nhưng không nhất thiết). Điều tra viên chọn ngẫu
nhiên về giới (người đại diện hoặc vợ/chồng người đại diện) để đảm bảo tỷ lệ
cân bằng giới trong số người trả lời. Tuy nhiên, ở Thành phố khi người phỏng vấn đến hộ gia đình, nữ giới thường ở nhà,
còn nam giới thường đi vắng. Vì vậy, trong mẫu khảo sát, tỷ lệ nam so với nữ của
người trả lời là 45,5% so với 54,5%. Thu thập dữ liệu ở địa bàn nghiên cứu
tiến hành trong tháng 3-4/2010 (Mô
tả chi tiết thủ tục chọn mẫu xem: Bùi Thế Cường, 2012).
3. KHUNG PHÂN LOẠI NHÓM NGHỀ NGHIỆP VÀ TẦNG LỚP TRUNG
LƯU
Một phương pháp nghiên cứu
phân tầng xã hội thông dụng là phân chia dân cư thành các nhóm vị thế xã hội,
và thường dựa trên nghề nghiệp (Harol Kerbo, 2011; Lê Thanh Sang, 2010). Dựa
trên bảng mã nghề do Tổng cục Thống kê ban hành chính thức, Đề tài
KX.02.20/11-15 xây dựng một khung phân loại cơ cấu nghề nghiệp gồm 13 nhóm (Bùi
Thế Cường, 2014a; Xem Bảng 1).
Dựa trên khung phân loại
trên, để phục vụ cho chủ đề bài viết này, chúng tôi xác định 9 nhóm nghề tạo
thu nhập. Đó là: (1) Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, cơ quan
hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể; (2) Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư
nhân; (3) Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp;
(4) Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại; (5) Nông dân lớp trên;
(6) Công nhân, thợ thủ công; (7) Nông dân lớp giữa; (8) Nông dân lớp dưới; (9)
Lao động giản đơn phi nông nghiệp.
Trong 9 nhóm nghề nghiệp ấy,
chúng tôi xếp 5 nhóm trên vào khối “tầng lớp trung lưu”. Do hạn chế cỡ mẫu của
khảo sát ở Thành phố Hồ Chí Minh 2010, nên nhóm “Nông dân lớp trên” không xuất hiện về mặt thống kê (Xem
Bảng 2). Vì thế, khối tầng lớp trung lưu trong phân tích này sẽ chỉ bao gồm 4
nhóm nghề nghiệp. Đó là: (1) Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội,
cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước,
đoàn thể (dưới đây sẽ gọi tắt là “Quản lý Nhà nước”); (2) Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư
nhân (gọi tắt: “Quản lý công ty tư nhân”); (3) Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình
phi nông nghiệp (gọi tắt: “Chủ kinh doanh hộ gia đình”); (4) Chuyên
môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại (gọi tắt: “Chuyên môn”).
Số người đại diện hộ gia
đình khi phỏng vấn mà đang có việc làm là 661 người trong tổng số 1.080 hộ gia
đình được khảo sát (chiếm 61,2%). Trong 661 người đang có việc làm tại thời điểm
phỏng vấn, có 383 người thuộc tầng lớp trung lưu (chiếm 57,9%). Đây là nhóm dữ
liệu được đưa vào phân tích trong bài viết.
Trong toàn bộ tầng lớp trung lưu cũng như trong mỗi
nhóm thuộc tầng lớp này, chúng tôi phân biệt 2 bậc “Trung lưu trên” và “Trung
lưu dưới”. Như vậy, tầng lớp trung lưu ở đây có 4 nhóm và 8 tiểu nhóm. Trung
lưu trên của nhóm “Quản lý Nhà nước” gồm 2 bậc trên trong Bảng 1 (cao cấp và
trung cấp trên), còn trung lưu dưới của nhóm này gồm 2 bậc dưới (trung cấp dưới
và sơ cấp). Trung lưu trên của nhóm “Quản lý công ty tư nhân” gồm chủ sở hữu
hay quản lý công ty lớn, còn trung lưu dưới của nhóm này gồm chủ sở hữu hay quản
lý công ty nhỏ. Trung lưu trên của nhóm “Chuyên môn” gồm 2 bậc trên trong Bảng
1 (cao cấp và trung cấp trên), còn trung lưu dưới của nhóm này gồm 2 bậc dưới
(trung cấp dưới và sơ cấp). Việc xác định trung lưu trên và dưới của nhóm “Chủ
kinh doanh hộ gia đình” theo cách lấy trung bình thu nhập bình quân đầu người hộ
gia đình của toàn bộ nhóm này làm ngưỡng phân loại. Hộ có thu nhập bình quân đầu
người trên ngưỡng được xếp vào trung lưu trên. Và ngược lại thì xếp vào trung
lưu dưới. Từ số lượng trung lưu trên và dưới của mỗi nhóm nói trên, chúng tôi cộng
lại để có số lượng và tỷ lệ của trung lưu trên và dưới của toàn bộ tầng lớp
trung lưu.
Trình bày về chọn mẫu khảo sát và khung phân tích
nêu trên chỉ ra một số hạn chế cần lưu ý khi xem xét và sử dụng kết quả phân
tích. Trước hết, đây là một khảo sát cỡ mẫu tương đối nhỏ, nhất là nếu so sánh
với quần thể nghiên cứu lớn và đa dạng như dân cư Thành phố Hồ Chí Minh. Chọn
ngẫu nhiên địa bàn khảo sát chỉ dựa trên danh sách đơn vị, không gia trọng theo
quy mô dân cư. Đại diện hộ gia đình trả lời phỏng vấn có tỷ lệ nữ cao hơn nam.
Tổng số người trả lời mà đang có việc làm là 661 người, trong đó nhóm được phân
tích (xếp vào tầng lớp trung lưu) là 383 người. Trong khi đó, khung phân loại tầng
lớp trung lưu sử dụng cho phân tích lại bao gồm tới 4 nhóm và 8 tiểu nhóm. Do vậy,
cần thận trọng với số liệu phân tổ theo nhóm và tiểu nhóm. Nhiều chỉ số theo nhóm
và tiểu nhóm không có ý nghĩa thống kê, chỉ mang tính tham khảo sơ bộ cho một
khung phân loại tầng lớp trung lưu mang tính lý thuyết.
4. CƠ CẤU NHÓM NGHỀ NGHIỆP VÀ TẦNG LỚP TRUNG LƯU
Bảng 2 mô tả tỷ lệ phần trăm
của 9 nhóm trong cơ cấu nghề nghiệp của người trả lời đại diện hộ gia đình
trong mẫu khảo sát. Theo đó, phân bố chung của 9 nhóm nghề nghiệp ở Thành
phố như sau:
1. Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội,
cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể: 3,6%;
2. Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân:
2,1%;
3. Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp: 17,4%;
4. Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại:
34,8%;
5. Nông dân lớp trên: 0,0%;
6. Công nhân, thợ thủ công: 23,1%;
7. Nông dân lớp giữa: 0,5%;
8. Nông dân lớp dưới: 3,6%;
9.
Lao động giản
đơn phi nông nghiệp: 14,8%.
Cơ cấu trên có thể kết hợp
theo vài cách để nhìn nhận tính chất giai tầng xã hội của Thành
phố. Nhìn bức tranh theo những kết hợp
khác nhau, ta thấy cơ cấu ấy có một số đặc điểm đáng chú ý. Trước hết, ta thấy
đây là thành phố của tinh thần kinh doanh
tư nhân, khi cứ 5 người thì có 1 người là quản lý công ty hoặc chủ kinh
doanh hộ gia đình. Đây cũng là thành phố của các giai cấp công nhân
lao động, gồm công nhân cổ trắng và
công nhân cổ xanh (công nhân, thợ thủ công có hoặc không có tay nghề). Họ chiếm
57,9% tổng số người trả lời. Nếu tính cả nông dân và lao động giản đơn, thì tỷ
lệ lên tới 76,8% dân cư đang làm việc. Đây cũng là thành phố của tầng lớp trung lưu: 4 nhóm hợp thành tầng
lớp trung lưu theo khung phân loại nêu trên chiếm 57,9%. Những kết hợp trên cho
thấy, về cơ bản và so với phần còn lại trong vùng Nam Bộ cũng như cả nước (Lê
Thanh Sang, 2010 và 2011; Đỗ Thiên Kính, 2012), cơ cấu xã hội của Thành
phố Hồ Chí Minh mang tính trung lưu rõ
hơn.
Bảng 3 mô tả cơ cấu bên
trong của tầng lớp trung lưu Thành phố. Tỷ lệ trung lưu trên so với trung lưu
dưới chênh lệch khá lớn: 13,1% so với 88,7%. Nhóm “Quản lý công ty tư nhân” có
tỷ lệ trung lưu trên cao hơn nhiều: 35,7%. Trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm “Quản
lý Nhà nước” chỉ là 8,3%, ở nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” là 14,8% và ở
nhóm “Chuyên môn” là 11,3%.
Mục C Bảng 3 cho thấy tỷ trọng
trong tầng lớp trung lưu rất chênh lệch giữa các nhóm. Nhóm “Quản lý Nhà nước”
chiếm 6,3% trong giới trung lưu. Con số này cao hơn hẳn tỷ trọng của nhóm “Quản
lý công ty tư nhân” (3,7%). Còn nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” chiếm 30,0%
và nhóm “Chuyên môn” chiếm tới 60,1%. Nói cách khác, hình ảnh chủ đạo của tầng
lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh là người làm chuyên môn (hay công nhân cổ
trắng) và người kinh doanh hộ gia đình. Đây cũng là hình ảnh chủ đạo của giới
trung lưu dưới. Còn giới trung lưu trên thì hình ảnh khác đôi chút, do tỷ trọng
người trung lưu trên ở nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân” tổng
cộng chiếm 14,0%.
5. PHÂN BỐ KHU VỰC VÀ ĐẶC ĐIỂM NHÂN KHẨU TẦNG LỚP TRUNG LƯU
Xét theo khu vực, Bảng 2 cho
thấy tầng lớp trung lưu cư trú nhiều hơn ở đô thị. Trong đô thị, tầng lớp này
chiếm tới 65,7% so với 34,4% là người thuộc các nhóm nghề không phải tầng lớp
trung lưu. Còn ở nông thôn, tầng lớp trung lưu chiếm 33,8% so với 66,2% không
thuộc tầng lớp trung lưu.
Khuôn mẫu như thế đều tương
tự ở cả 4 nhóm của tầng lớp trung lưu. Nhưng ngoại trừ nhóm “Quản lý Nhà nước”,
ở 3 nhóm còn lại chênh lệch khá cao. Tỷ trọng của nhóm “Quản lý công ty” sống ở
đô thị gấp 4,3 lần tỷ trọng của nhóm này sống ở nông thôn. Tỷ trọng của nhóm
“Chủ kinh doanh hộ gia đình” sống ở đô thị gấp 2,3 lần tỷ trọng của nhóm này sống
ở nông thôn. Tỷ trọng của nhóm “Chuyên môn” sống ở đô thị gấp 1,8 lần tỷ trọng
của nhóm này sống ở nông thôn. Lưu ý đây là phân bố cư trú. Trong ngày làm việc,
một phần đáng kể tầng lớp trung lưu sống ở nông thôn sẽ tới làm việc ở khu vực
đô thị.
Về khía cạnh giới, Bảng 4
cho thấy trong tầng lớp trung lưu được phỏng vấn, có 45,2% là nam và 54,8% là nữ.
Nhưng hình ảnh giới rất tương phản giữa trung lưu trên và trung lưu dưới. Ở bậc
trung lưu trên, nam giới chiếm 64,0% còn nữ giới chiếm 36,0%. Ngược lại, tỷ lệ
này ở trung lưu dưới là 42,3% và 57,7%. Nói cách khác, người trung lưu trên
mang khuôn mặt thiên về đàn ông, còn người trung lưu dưới mang khuôn mặt thiên
về phụ nữ.
Xét theo nhóm, khuôn mẫu giới
chia thành 2 khối rõ rệt. Khối 1 gồm nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công
ty tư nhân” với tỷ lệ nam áp đảo. Tỷ lệ nam so với nữ ở nhóm “Quản lý Nhà nước”
là 58,3% so với 41,7%. Tỷ lệ này ở nhóm “Quản lý công ty tư nhân” còn cao hơn:
78,6% so với 21,4%. Tương quan giới như thế đúng cả cho bậc trung lưu trên lẫn
trung lưu dưới.
Khối 2 gồm nhóm “Chủ kinh
doanh hộ gia đình” và nhóm “Chuyên môn”, và tương quan giới ngược với khối 1. Ở
nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình”, tỷ lệ nữ áp đảo: 63,5% so với 36,5%. Tỷ lệ nữ
so với nam ở nhóm “Chuyên môn” là 53,9% so với 46,1%. Nhưng khác với 2 nhóm thuộc
khối 1, tương quan giới giữa bậc trung lưu trên và trung lưu dưới ở 2 nhóm thuộc
khối 2 là khác nhau. Trong bậc trung lưu trên của nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia
đình”, có 52,9% là nam giới và 47,1% là nữ giới, chênh lệch 6 điểm phần trăm. Ở
bậc trung lưu trên của nhóm “Chuyên môn” chênh lệch rõ rệt hơn: 61,5% nam so với
38,5% nữ, cách biệt tới 23 điểm phần trăm. Tỷ lệ giới bị đảo ngược hoàn toàn ở
bậc trung lưu dưới. Trong nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình”, ở bậc trung lưu dưới
có 33,7% nam và 66,3% nữ. Trong nhóm “Chuyên môn” ở bậc trung lưu dưới có 44,1%
nam và 55,9% nữ.
Nói khái quát, người trung
lưu “quản lý Nhà nước” và “quản lý công ty tư nhân” (cả trung lưu trên và trung
lưu dưới) mang gương mặt thiên về đàn ông. Người trung lưu trên “chủ kinh doanh
hộ gia đình” và “chuyên môn” cũng vậy. Nhưng người trung lưu dưới kinh doanh hộ
gia đình và làm chuyên môn thiên về gương mặt phụ nữ. Phân bố giới như thế phản
ánh phần nào bất bình đẳng giới theo nhóm và theo bậc trong tầng lớp trung lưu.
Bảng 5 mô tả phân bố tuổi
trong tầng lớp trung lưu Thành phố. Tuổi trung bình của toàn mẫu khảo sát (661
người trả lời đang làm việc) là 45,4. Tuổi trung bình của tầng lớp trung lưu
cao hơn đôi chút (45,8). Độ tuổi trung bình của nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Chủ
kinh doanh hộ gia đình” cao hơn độ tuổi trung bình chung, lần lượt là 54,0 và
49,2 tuổi. Còn độ tuổi trung bình của nhóm “Quản lý công ty tư nhân” và “Chuyên
môn” thì thấp hơn, lần lượt là 40,6 và 43,5 tuổi. Nhóm “Quản lý công ty tư
nhân” có độ tuổi bình quân trẻ nhất trong tầng lớp trung lưu, đặc biệt tuổi
trung bình của trung lưu dưới ở nhóm này chỉ là 34,6.
Xem xét phân bố tuổi theo bậc
trung lưu trên và dưới, ta thấy một số đặc điểm đáng chú ý. Trung lưu trên có độ
tuổi trung bình trẻ hơn trung lưu dưới (43,8 so với 46,1), cách biệt 2,3 năm.
52,0% thành viên của trung lưu trên ở độ tuổi dưới 45.
Nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia
đình” và “Chuyên môn” cũng theo xu hướng ấy nhưng mức cách biệt cao hơn. Độ tuổi
trung bình của trung lưu trên nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” là 44,1 còn của
trung lưu dưới là 50,1 (cách biệt tới 6 năm). 58,8% thành viên trung lưu trên của
nhóm này ở độ tuổi dưới 45. Độ tuổi trung bình của trung lưu trên nhóm “Chuyên
môn” là 41,0 còn của trung lưu dưới là 43,8 (cách biệt 2,8 năm). 57,7% thành viên
trung lưu trên của nhóm này ở độ tuổi dưới 45.
Ngược lại, đối với nhóm “Quản
lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân”, độ tuổi trung bình của trung lưu
trên cao hơn của trung lưu dưới. Độ tuổi trung bình của trung lưu trên nhóm “Quản
lý Nhà nước” lên tới 59,0 còn của trung lưu dưới là 53,6 (cách biệt 5,4 năm). Độ
tuổi trung bình của trung lưu trên nhóm “Quản lý công ty tư nhân” là 51,4 còn của
trung lưu dưới là 34,6 (cách biệt tới 16,8 năm).
6. KẾT LUẬN
Phân bố cơ cấu xã hội theo nghề nghiệp ở Thành phố Hồ
Chí Minh mang tính
trung lưu rõ rệt, với đặc trưng nổi bật là kinh doanh tư nhân (công ty hoặc hộ
gia đình, trong đó kinh doanh hộ gia đình là phổ biến) và công nhân cổ trắng
(làm chuyên môn về kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại). Nhưng tỷ lệ trung
lưu trên trong tầng lớp này (theo khung phân loại của chúng tôi) khá thấp:
13,1%. Điều này một phần do nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” có sự phân hóa
thu nhập khá lớn, đại đa số hộ thuộc nhóm này có mức thu nhập dưới ngưỡng trung
bình của toàn nhóm. Nó cũng gợi ý rằng có ít người đạt bậc cao cấp và trung cấp
trên (theo phân loại ở Bảng 1) trong nhóm “Chuyên môn” (công nhân cổ trắng).
Về cư trú, tầng lớp trung lưu chiếm 65,7% dân cư đô thị,
và 33,8% dân cư nông thôn. Về khía cạnh giới, nhiều nam hơn ở bậc trung lưu
trên, nhiều nữ hơn ở bậc trung lưu dưới. Nam nhiều hơn ở nhóm “Quản lý Nhà nước”
và “Quản lý công ty tư nhân”. Nữ nhiều hơn ở nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình”
và “Chuyên môn”. Về tuổi, điều tương đối ngạc nhiên là trung lưu trên có độ tuổi
trung bình thấp hơn trung lưu dưới. Gần 60% thành viên trung lưu trên của nhóm
“Chủ kinh doanh hộ gia đình” và của nhóm “Chuyên môn” thuộc độ tuổi dưới 45.
Nhưng ở nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân” thì trung lưu trên
có độ tuổi trung bình cao hơn trung lưu dưới, và mức chênh lệch là đáng kể.
Tính trung lưu trong cơ cấu xã hội Thành phố Hồ Chí
Minh là một đặc trưng quan trọng làm nên bản sắc kinh tế, xã hội và văn hóa của
Thành phố. Là một nguồn lực văn hóa-xã hội quan trọng, giai tầng trung lưu của
Thành phố cần được đào sâu nghiên cứu. Hiểu biết về nguồn vốn (kinh tế, tài
chính) có tầm quan trọng trong kinh tế học và chính sách kinh tế. Tương tự, hiểu
biết về tính chất và nguồn lực của tầng lớp trung lưu cũng có ý nghĩa lớn đối với
nhận thức nghiên cứu xã hội, chính trị và chính sách xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Becker, Bert,
Juergen Rueland, Nikolaus Werz. 1999. Mythos
Mittelschichten: Zur Wiederkehr eines Paradigmas der Demokratieforschung.
Bonn: Bouvier Verlag.
2.
Bùi Thế Cường.
2010. Bộ
số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ
cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh
hiện nay. Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
3.
Bùi Thế Cường. 2012. Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi
của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Báo cáo tổng hợp đề tài.
Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ.
4.
Bùi Thế Cường.
2014a. Cơ cấu xã hội và chuyển dịch cơ
cấu xã hội: Cơ sở lý luận chung.
Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu
xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”, Mã số: KX.02.20/11-15.
5.
Bùi Thế Cường.
2014b. Cơ cấu xã hội và chuyển dịch cơ
cấu xã hội: Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước. Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản
lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”, Mã số: KX.02.20/11-15.
6.
Bùi Thế Cường
và Lê Thanh Sang. 2010. Một
số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo
sát định lượng năm 2008. Tạp chí Khoa
học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh) Số 3(139). Trang 35-47.
7.
Đỗ Thái Đồng. 2004. Vấn đề trung lưu hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và
dự báo xu thế biến đổi. Phúc trình tổng hợp Đề tài. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
8.
Đỗ Thiên Kính.
2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt
Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam
2002-2004-2006-2008). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
9.
Earl, Catherine. 2008. Cosmopolitan or Cultural Dissonance? Vietnamese Middle Class Encounters
with the other. Paper presented to the 17th Biennial Conference
of the Asian Studies Association of Australia in Melbourne 1-3 July 2008.
10.
Hoàng Bá Thịnh. 2010. Phân tầng xã hội và sự hình thành tầng lớp trung lưu. Tạp
chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh). Số
4(140). Trang 33-42.
11.
Kerbo, Harold. 2011. Social Stratification and Inequality. Class Conflict in Historical,
Comparative, and Global Perspective. 8th Edition. McGrow-Hill
Higher Education.
12.
Lê Kim Sa. 2012. Nhận diện tầng lớp trung lưu ở Việt Nam qua cách tiếp cận đa chiều.
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trung tâm Phân tích và dự báo.
13.
Lê Kim Sa. 2015. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam:Quan điểm tiếp cận, thực tiễn phát triển
và các kiến nghị chính sách. Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trung
tâm Phân tích và dự báo: Báo cáo Đề tài cấp Bộ.
14.
Lê Thanh Sang. 2010. Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến đo lường thực nghiệm.
Tạp chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh). Số
2(138). Trang 31-40.
15.
Lê Thanh Sang. 2011. Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội vùng Tây Nam Bộ.
Báo cáo khoa học Đề tài cấp Bộ.
Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
16.
Nguyễn
Đình Tấn.
2013. Sự hình thành tầng lớp trung lưu và vai
trò của nó trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Báo cáo kết quả đề tài khoa học cấp Bộ, Mã số B12-12.33.
Viện Xã hội học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
17. Nguyễn
Thanh Tuấn. 2007. Về nhóm xã hội trung
lưu ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Cộng
sản. Số 2+3(122+123). Hà Nội.
18. Nguyen-Marshall,
Van, Lisa B. Welch Drummond, Daniéle Bélanger (Eds.). 2012. The Reinvention of Distinction: Modernity
and the Middle Class in Urban Vietnam. Springer.
19.
Scott, John and
Gordon Marshall. 2005. Oxford Dictionary
of Sociology, New York: Oxford University Press.
20. Sprangers, Roel. 2011. Variations Among the Middle Classes in Asia:
The Case of Entrepreneurs in Vietnam. Master Thesis for Contemporary Asian
Studies. University of Amsterdam. May 11th, 2011.
21. Townsend, Peter. 2014. Giai cấp đáy và giai cấp đỉnh: Hố ngăn cách
giữa các giai cấp xã hội ở Anh thập niên 1980. Tạp
chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh). Số
11(195). Trang 76-92.
22. Tống
Văn Chung. 2011. Góp phần nhận diện vai
trò của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới hiện nay – Từ góc
nhìn xã hội học. (Trong: Đại học quốc gia Hà Nội Trường Đại học khoa học xã
hội và nhân văn Khoa Xã hội học. 2011. Những
vấn đề xã hội học trong sự biến đổi xã hội. Hà Nội: Nxb Đại học quốc gia Hà
Nội). Trang 59-86.
23.
Trần
Thị Minh Ngọc. 2013. Tầng lớp trung lưu
và một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu giai tầng này ở Việt Nam. Tạp
chí Xã hội học. Số 3(123). Trang 24-33.
24.
King, T. Victor,
Phuong An Nguyen and Nguyen Huu Minh. 2008. Professional
Middle Class Youth in Post-Reform Vietnam: Identity, Continuity and Change.
Modern Asian Studies. 42, 4, 2008. pp. 783-813.
25.
King, T. Victor.
2008. The Middle Class in Southeast Asia:
Diversities, Identities and Comparisons and the Vietnamese Case.
International Journal of Asia Pacific Studies. Vol. 4, No. 2, (November) 2008.
pp. 73-109.
26. Vu Thanh Huong et al. The Emerging Middle Class in Vietnam Transitional Economy:
Identification, Measurement and Consumption Behaviour Respect to Economy Growth.
Research Group: Nguyen Van Thinh, Tran Thuy Duong, Le Hai
Yen, Bui Thi Thao, Ly Dai Hung, Không
rõ năm và nơi xuất bản.
PHỤ LỤC
Bảng 1. Khung phân
loại nhóm và bậc nghề nghiệp
TT |
Nhóm nghề |
Bậc
trong nghề (định nghĩa, ví dụ minh họa) |
1 |
Lãnh đạo, quản
lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự
nghiệp trong
khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể |
1. Cao cấp: Thứ
trưởng, (Phó) Chủ tịch tỉnh, (Phó) Giám đốc Tổng Công ty trở lên. 2. Trung cấp
trên: (Phó) Giám đốc Sở, (Phó) Vụ trưởng, (Phó) Giám đốc công ty. 3. Trung cấp dưới:
Trưởng Phó Phòng, (Phó) Chủ tịch xã phường. 4. Sơ cấp: Bí
thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp. |
2 |
Chuyên môn kỹ
thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại |
1. Cao cấp:
Chuyên viên cao cấp, Giáo sư, Bác sĩ chuyên khoa 2. 2. Trung cấp
trên: Phó Giáo sư, Chuyên viên chính, Bác sĩ chuyên khoa 1. 3. Trung cấp dưới:
Chuyên viên, Đại học, Bác sĩ. 4. Sơ cấp: Nhân
viên có đào tạo về nghiệp vụ hành chính, bán hàng, dịch vụ, dược tá, y tá, bảo
vệ có đào tạo. |
3 |
Chủ sở hữu cơ sở
sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp |
1. Lớn: Có 50
lao động trở lên. 2. Trung bình
trên: Có 10-49 lao động. 3. Trung bình dưới:
Có 5-9 lao động. 4. Nhỏ: Có 1-4
lao động. |
4 |
Công nhân, thợ
tiểu thủ công nghiệp |
1. Có tay nghề:
Có đào tạo (kể cả không trường lớp), làm được thao tác, công đoạn phức tạp. 2. Không có tay
nghề: Không có đào tạo (hoặc đang học nghề, phụ việc qua thực tế), chỉ làm những
thao tác, công đoạn đơn giản. |
5 |
Nông dân |
1. Lớp trên: Sở
hữu hoặc thuê 5.000m2/khẩu đất/ mặt nước trở lên, mướn lao động,
hoặc có cơ sở sản xuất mướn lao động. 2. Lớp giữa: Sở
hữu hoặc thuê từ 1.000m2/khẩu đến dưới 5.000m2/khẩu đất/
mặt nước, có thể có mướn lao động. 3. Lớp dưới: Sở
hữu hoặc thuê dưới 1.000m2/khẩu đất/ mặt nước trở xuống, tự làm,
hoặc đi làm mướn. |
6 |
Lao động phi
nông nghiệp giản đơn |
Bán dạo, phụ bán
cửa hàng nhỏ, xe ôm, phụ hồ, trông giữ xe, bảo vệ cửa hàng/ cơ quan không có
đào tạo, khuân vác, ve chai, trông trẻ nhỏ, người giúp việc gia đình, bán vé
số. |
7 |
Lực lượng vũ
trang |
1. Cao cấp: Thượng
tá trở lên. 2. Trung cấp
trên: Đại úy đến Trung tá. 3. Trung cấp dưới:
Thiếu úy đến Thượng úy. 4. Sơ cấp: Hạ sĩ
quan, Công nhân viên quốc phòng. 5. Chiến sĩ:
Binh nhì, Binh nhất. |
8 |
Đi học |
1. Còn nhỏ. 2. Phổ thông. 3. Trung cấp 4. Cao đẳng/ đại
học. 5. Trên đại học. |
9 |
Hưu trí, nghỉ
già |
|
10 |
Nội trợ |
|
11 |
Thất nghiệp |
Có ý định kiếm
việc làm nhưng chưa tìm được việc. |
12 |
Không làm việc |
Không có ý định
kiếm việc làm. |
13 |
Khác |
|
Nguồn: Bùi Thế Cường.
2014a.
Bảng 2. Phân bố
nhóm nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %
TT |
Nhóm nghề nghiệp |
Đô thị |
Nông thôn |
Chung |
1 |
Lãnh đạo, quản
lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể |
3,8 |
3,1 |
3,6 |
2 |
Lãnh đạo, quản
lý công ty trong khu vực tư nhân |
2,6 |
0,6 |
2,1 |
3 |
Chủ cơ sở kinh
doanh hộ gia đình phi nông nghiệp |
20,2 |
8,8 |
17,4 |
4 |
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại |
39,1 |
21,3 |
34,8 |
5 |
Nông dân lớp
trên |
0,0 |
0,0 |
0,0 |
6 |
Công nhân, thợ
thủ công |
20,6 |
31,3 |
23,1 |
7 |
Nông dân lớp giữa |
0,2 |
1,3 |
0,5 |
8 |
Nông dân lớp dưới |
0,8 |
12,5 |
3,6 |
9 |
Lao động giản
đơn |
12,8 |
21,3 |
14,8 |
|
Tổng |
100,0 |
100,0 |
100,0 |
|
N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề) |
501 |
160 |
661 |
Nguồn: Bộ
số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ
cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh
hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành
phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa
học xã hội vùng Nam Bộ.
Bảng 3. Cơ cấu tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí
Minh theo nhóm và bậc, 2010
TT |
Các nhóm trong tầng lớp trung lưu |
Bậc (tiểu nhóm) |
Tổng |
|
Trung lưu trên |
Trung lưu dưới |
|||
A |
Số đại diện hộ gia đình trong các nhóm và tiểu nhóm |
|
|
|
1 |
Lãnh đạo, quản
lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể |
2 |
22 |
24 |
2 |
Lãnh đạo, quản
lý công ty trong khu vực tư nhân |
5 |
9 |
14 |
3 |
Chủ cơ sở kinh
doanh hộ gia đình phi nông nghiệp |
17 |
98 |
115 |
4 |
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại |
26 |
204 |
230 |
5 |
Tầng lớp trung lưu |
50 |
333 |
383 |
B |
% tiểu nhóm so với nhóm |
|
|
|
1 |
Lãnh đạo, quản
lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể |
8,3 |
91,7 |
100,0 |
2 |
Lãnh đạo, quản
lý công ty trong khu vực tư nhân |
35,7 |
64,3 |
100,0 |
3 |
Chủ cơ sở kinh
doanh hộ gia đình phi nông nghiệp |
14,8 |
85,2 |
100,0 |
4 |
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại |
11,3 |
88,7 |
100,0 |
5 |
Tầng lớp trung lưu |
13,1 |
88,7 |
100,0 |
C |
% tiểu nhóm và nhóm so với tiểu
nhóm chung và toàn bộ tầng lớp trung lưu |
|
|
|
1 |
Lãnh đạo, quản
lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể |
4,0 |
6,6 |
6,3 |
2 |
Lãnh đạo, quản
lý công ty trong khu vực tư nhân |
10,0 |
2,7 |
3,7 |
3 |
Chủ cơ sở kinh
doanh hộ gia đình phi nông nghiệp |
34,0 |
29,4 |
30,0 |
4 |
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại |
52,0 |
61,3 |
60,1 |
5 |
Tầng lớp trung lưu |
100,0 |
100,0 |
100,0 |
|
N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề) |
|
|
661 |
Nguồn: Bộ
số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ
cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh
hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành
phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa
học xã hội vùng Nam Bộ.
Bảng
4. Phân bố giới ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %
TT |
Các tiểu nhóm trong tầng lớp
trung lưu |
Nam |
Nữ |
Tổng |
1 |
Lãnh đạo, quản
lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể |
|
|
|
|
Chung |
58,3 |
41,7 |
100,0 |
|
Trung lưu trên |
100,0 |
0,0 |
100,0 |
|
Trung lưu dưới |
54,5 |
45,5 |
100,0 |
|
n |
14 |
10 |
24 |
2 |
Lãnh đạo, quản
lý công ty trong khu vực tư nhân |
|
|
|
|
Chung |
78,6 |
21,4 |
100,0 |
|
Trung lưu trên |
100,0 |
0,0 |
100,0 |
|
Trung lưu dưới |
66,7 |
33,3 |
100,0 |
|
n |
11 |
3 |
14 |
3 |
Chủ cơ sở kinh
doanh hộ gia đình phi nông nghiệp |
|
|
|
|
Chung |
36,5 |
63,5 |
100,0 |
|
Trung lưu trên |
52,9 |
47,1 |
100,0 |
|
Trung lưu dưới |
33,7 |
66,3 |
100,0 |
|
n |
42 |
73 |
115 |
4 |
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại |
|
|
|
|
Chung |
46,1 |
53,9 |
100,0 |
|
Trung lưu trên |
61,5 |
38,5 |
100,0 |
|
Trung lưu dưới |
44,1 |
55,9 |
100,0 |
|
n |
106 |
124 |
230 |
5 |
Tầng lớp trung lưu |
|
|
|
|
Chung |
45,2 |
54,8 |
100,0 |
|
Trung lưu trên |
64,0 |
36,0 |
100,0 |
|
Trung lưu dưới |
42,3 |
57,7 |
100,0 |
|
n |
173 |
210 |
383 |
6 |
Toàn bộ mẫu khảo sát |
|
|
|
|
Chung |
45,5 |
54,5 |
100,0 |
|
N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề) |
301 |
360 |
661 |
Nguồn: Bộ
số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ
cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh
hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành
phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa
học xã hội vùng Nam Bộ.
Bảng 5. Phân bố tuổi
ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %
TT |
Các tiểu nhóm trong tầng lớp trung lưu |
<35 |
35-44 |
45-59 |
60+ |
Tổng |
Tuổi trung bình |
1 |
Lãnh đạo, quản
lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể |
|
|
|
|
|
|
|
Chung |
0,0 |
16,7 |
58,3 |
25,0 |
100,0 |
54,0 |
|
Trung lưu trên |
0,0 |
0,0 |
50,0 |
50,0 |
100,0 |
59,0 |
|
Trung lưu dưới |
0,0 |
18,2 |
59,1 |
22,7 |
100,0 |
53,6 |
|
n |
0 |
4 |
14 |
6 |
24 |
|
2 |
Lãnh đạo, quản
lý công ty trong khu vực tư nhân |
|
|
|
|
|
|
|
Chung |
28,6 |
42,9 |
21,4 |
7,1 |
100,0 |
40,6 |
|
Trung lưu trên |
0,0 |
20,0 |
40,0 |
20,0 |
100,0 |
51,4 |
|
Trung lưu dưới |
44,4 |
55,6 |
0,0 |
0,0 |
100,0 |
34,6 |
|
n |
4 |
6 |
3 |
1 |
14 |
|
3 |
Chủ cơ sở kinh
doanh hộ gia đình phi nông nghiệp |
|
|
|
|
|
|
|
Chung |
11,3 |
23,5 |
49,6 |
15,7 |
100,0 |
49,2 |
|
Trung lưu trên |
29,4 |
29,4 |
29,4 |
11,8 |
100,0 |
44,1 |
|
Trung lưu dưới |
8,2 |
22,4 |
53,1 |
16,3 |
100,0 |
50,1 |
|
N |
14 |
26 |
56 |
19 |
115 |
|
4 |
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại |
|
|
|
|
|
|
|
Chung |
23,9 |
27,4 |
43,5 |
5,2 |
100,0 |
43,5 |
|
Trung lưu trên |
34,6 |
23,1 |
38,5 |
3,8 |
100,0 |
41,0 |
|
Trung lưu dưới |
22,5 |
27,9 |
44,1 |
5,4 |
100,0 |
43,8 |
|
N |
55 |
63 |
100 |
12 |
230 |
|
5 |
Tầng lớp trung lưu |
|
|
|
|
|
|
|
Chung |
18,8 |
26,1 |
45,4 |
9,7 |
100,0 |
45,8 |
|
Trung lưu trên |
28,0 |
24,0 |
38,0 |
10,0 |
100,0 |
43,8 |
|
Trung lưu dưới |
17,4 |
26,4 |
46,5 |
9,6 |
100,0 |
46,1 |
|
n |
72 |
100 |
174 |
37 |
383 |
|
6 |
Toàn bộ mẫu khảo sát |
|
|
|
|
|
|
|
Chung |
16,6 |
30,9 |
43,6 |
8,9 |
100,0 |
45,4 |
|
N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề) |
110 |
204 |
288 |
59 |
661 |
|
Nguồn: Bộ
số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ
cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh
hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành
phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa
học xã hội vùng Nam Bộ.
NẾP SỐNG ĐÔ THỊ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI
TRONG CUỘC
PGS. TS. Trần Thị Kim Xuyến và ThS. Phạm Thị Thùy Trang
Đại học Bình Dương
Đại học Khoa học
xã hội và Nhân văn TPHCM
Bài viết dựa trên kết quả của công trình
nghiên cứu đề tài khoa học cấp Sở “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị (XDNSVMĐT)
tại TP. Hồ Chí Minh từ cách tiếp cận
nghiên cứu hành động đồng tham gia: thực trạng và các giải pháp”[158]với
mong muốn nêu lên một số vấn đề thực tế trong những khía cạnh không thành công
của các cuộc vận động về nếp sống văn minh đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh và đề
xuất một vài cách nhìn khác trong quản lý đô thị. Bằng phương pháp nghiên cứu
tham gia, bài viết đưa ra một số kết quả về việc phân tích thể chế trong việc
thực hiện chủ trương XDNSVMĐT của thành phố và những vấn đề thực tế trong các
lĩnh vực cụ thể của nếp sống đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh (an toàn giao
thông, vệ sinh-môi trường và giao tiếp, ứng xử nơi công cộng), cuối cùng đề xuất
một vài khuyến nghị về mặt quản lý đô thị.
Nhằm
thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ngày càng văn minh
hiện đại, xứng tầm khu vực mà vẫn giữ được bản sắc riêng, ngay từ 1979 đến nay, chính quyền thành phố đã liên tục đưa ra các đợt vận động nhằm
xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong thời gian gần
đây, trước áp lực của sự gia tăng cơ học về dân số, cũng như sự xuống cấp về cơ
sở hạ tầng, nhiều vấn đề có liên quan tới nếp sống văn minh đô thị đang trở
thành tâm điểm của dư luận xã hội và là mối quan tâm của các nhà quản lý. Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cả trên cấp
độ vĩ mô lẫn vi mô làm chính quyền, các nhà khoa học và cả những người dân cảm
thấy chưa hài lòng. Những
công trình có liên quan tới chủ đề nghiên cứu này khá rộng vì các nhà nghiên cứu
thường nhìn nhận vấn đề nếp sống đô thị dưới nhiều góc độ khác nhau. Bài viết dựa
trên kết quả của công trình nghiên cứu khoa học cấp Sở “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị (XDNSVMĐT) tại TP.HCM từ cách tiếp cận
nghiên cứu hành động đồng tham gia: thực trạng và các giải pháp”[159], thực hiện trên hướng tiếp cận nghiên cứu
có sự tham gia của người dân và phân tích chính sách với phương pháp kiểm toán
xã hội.
Với
mong muốn nêu lên một số vấn đề thực tế trong những khía cạnh không thành công
của các cuộc vận động về nếp sống văn minh đô thị ở TP.HCM và đề xuất một vài
cách nhìn khác trong quản lý đô thị, bài viết tập trung trình bày một số kết quả
về việc phân tích thể chế trong việc thực hiện chủ trương XDNSVMĐT của thành phố
và những vấn đề thực tế trong các lĩnh vực cụ thể của nếp sống đô thị ở TP.HCM
(an toàn giao thông, vệ sinh-môi trường
và giao tiếp, ứng xử nơi công cộng). Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một vài
khuyến nghị mang tính đề xuất về mặt quản lý đô thị.
2.1. Mục tiêu, nội dung và phương pháp nghiên
cứu
Cuộc nghiên cứu được thực hiện nhằm nắm bắt thực trạng
những biểu hiện về nếp sống đô thị tại TP.HCM trong điều kiện hiện nay, chỉ ra
những nguyên nhân cản trở việc thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn minh
đô thị của chính quyền và người dân Thành phố và đưa ra những gợi ý cho giải
pháp quản lý và tuyên truyền đối với từng lĩnh vực khác nhau, cho người dân tại
các cộng đồng đô thị.
Những nội dung đã nghiên cứu liên quan tới những mục
tiêu cụ thể như: Phân tích các chủ trương chính sách quốc gia và thành phố về
việc đảm bảo nếp sống văn minh đô thị và hiệu quả của chúng; đánh giá kiến thức,
thái độ hành vi của các nhóm cư dân đô thị về nếp sống đô thị tại TP.HCM trong
điều kiện hiện nay bằng phương pháp tham gia; xác định những nguyên nhân cản trở
việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị về các lĩnh vực: Chấp hành luật lệ giao
thông, vệ sinh môi trường, ứng xử nơi công cộng; nâng cao nhận thức về nếp sống
văn minh đô thị cho các nhóm dân cư tại địa bàn nghiên cứu thông qua quá trình
nghiên cứu có sự tham gia của người dân.
Cuộc nghiên cứu được thực
hiện dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp luận phân tích chính sách và Phương pháp nghiên cứu
hành động có sự tham gia của người dân (PAR) thông qua các
công cụ như: phỏng vấn sâu; công cụ thảo luận nhóm tập trung; công cụ kiểm toán
xã hội; thẻ chấm điểm cộng đồng; các công cụ nghiên cứu hành động có sự tham
gia (Cây vấn đề, Xếp hạng thứ tự ưu tiên, Biểu đồ Venn…).
Việc sử dụng nghiên cứu tham gia kết hợp với tiếp cận
KAP và tiếp cận cộng đồng sẽ giúp nhà nghiên cứu thu nhận được những thông tin
về những nội dung liên quan tới kiến thức, thái độ và hành vi của người dân tại
cộng đồng dân cư phường 2, quận 5 và phường 8, quận 8 về các lĩnh vực khác nhau
của cuộc vận động NSVMĐT của TP.HCM (an toàn giao thông, vệ sinh-môi trường và
giao tiếp ứng xử). Nghiên cứu, phân tích chính sách là hướng tiếp cận khách
quan, nhưng việc đánh giá các chính sách đã được áp dụng trong thực tiễn bởi những
người dân với tư cách là những người trong cuộc, được thụ hưởng và bị ảnh hưởng
bởi các chính sách đó cũng cần được thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình làm
việc với cộng đồng, các nghiên cứu viên cũng đồng thời phổ biến những kiến thức
cần thiết cho người dân và cùng trao đổi với các cán bộ quản lý địa phương cũng
như các nhóm dân cư tham gia thảo luận để đề xuất các giải pháp phù hợp nhất từ
cộng đồng.
2.2. Địa bàn và mẫu nghiên cứu
Quận 5 (Q5) và quận 8 (Q8) của TP HCM đã được chọn làm
địa bàn nghiên cứu vì cả hai quận đều thuộc về nội thành hiện hữu, và đều được
chọn là quận thí điểm để thực hiện cuộc vận động NSVMĐT (Q5 về cảnh quan đô thị,
Q8 về vệ sinh môi trường). Q5 và Q8 đều là hai quận thuộc trung tâm của TP.HCM.
Cả hai quận đều là vùng đất có lịch sử phát triển lâu dài cùng với lịch sử hơn
300 năm của thành phố. Theo tiến trình lịch sử, từ khi thành lập, cả hai quận đều
có sự thay đổi nhiều lần. Về dân cư, Q5 có đặc trưng là nhiều người Hoa, nhiều
người có nguồn gốc lâu năm ở TP.HCM, còn Q8 là quận có nhiều người nhập cư.
Những người cung cấp thông tin bao gồm các nhóm dân cư
khác nhau sinh sống tại phường 2, Q5 và phường 8, Q8, được chọn theo đặc điểm
nhân khẩu - xã hội của họ: nhóm cán bộ[160],
nhóm dân cư[161],
nhóm những người cao tuổi (từ 60-78 tuổi); nhóm hành nghề xe ôm (từ 30-62 tuổi);
nhóm những người nhập cư (25-60 tuổi); nhóm cán bộ - công nhân viên (24-60 tuổi);
nhóm học sinh - sinh viên là những người đang học tại các trường cao đẳng và
các trường phổ thông tọa lạc ở Q5 và Q8.
Mỗi một nhóm kể trên đều đã tham gia vào các cuộc thảo
luận nhóm và thực hiện các công cụ PRA, đóng góp cho việc cung cấp thông tin từ
góc nhìn của người trong cuộc.
Từ khi triển khai cuộc vận động nếp sống văn minh đô
thị năm 2003, hàng loạt các phong trào, các hoạt động trên quy mô lớn hưởng ứng
cuộc vận động NSVMĐT diễn ra trên phạm vi toàn thành phố đã được dư luận đánh
giá cao và tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đa số người dân. Đặc biệt, với
mục tiêu xây dựng “thành phố xanh sạch đẹp” (2010), đã làm cho thành phố có được
những diện mạo mới. Nhiều nơi trong thành phố đã khang trang hơn, sạch đẹp hơn,
tạo sự phấn khởi và niềm tự hào cho người dân. Mặc dù đã có nhiều chuyền biến,
hiện tại vẫn còn nhiều bất cập còn tồn tại và còn nhiều việc phải làm để thành
phố tốt hơn.
Nội hàm của “nếp sống văn minh đô thị” về
cơ bản giống nhau đều bao hàm các lĩnh vực cơ bản của cách ứng xử của người dân
trong các lĩnh vực khác nhau trong đời sống hàng ngày ở đô thị: chấp hành luật
giao thông, vệ sinh giữ gìn môi trường, giao tiếp ứng xử nơi công cộng và giữ
mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, tùy từng năm, chính quyền thành phố sẽ tập trung vào
những chương trình trọng điểm nào[162].
Từ những kết quả của cuộc
nghiên cứu, một số vấn đề trong quá trình thực hiện cuộc vận động NSVMĐT từ
2003 đến 2012 bao gồm: Những bất cập trong công tác tổ chức - chỉ
đạo cuộc vận động nếp sống văn minh đô thị; những hạn chế về công tác truyền
thông; những vấn đề về kiến thức, thái độ và hành vi của người dân trong các
lĩnh vực cụ thể của NSVMĐT (an toàn-giao thông, vệ sinh-môi trường và giao tiếp
- ứng xử nơi công cộng)
3.1. Những vấn đề về thể chế
Với chủ trương kiên trì xây dựng NSVMĐT ở TP HCM,
Chính quyền thành phố đã liên tục đưa ra các nghị quyết nhằm huy động toàn bộ hệ
thống chính trị và người dân vào các cuộc vận động này. Kết quả kiểm toán xã hội
đối với các văn bản của nghị quyết về các cuộc vận động NSVMĐT và cách thức tổ
chức thực hiện, cho thấy một số điểm nổi bật sau:
Thứ
nhất, theo thời gian, cách thức thể hiện văn bản nghị quyết của các đợt vận động
(từ 2003 đến 2010) càng về sau càng chi tiết hơn, nhưng vẫn còn nhiều nội dung chồng chéo giữa các lĩnh
vực với nhau. Những đợt
vận động về sau đã ghi rõ về sự trao quyền cho cấp quận và cấp phường khi xây
dựng kế hoạch. Mặc dù vậy, tính rập khuôn của các kế hoạch vẫn thể hiện rất rõ,
do các kế hoạch chủ yếu vẫn được xây dựng bởi Ban chỉ đạo NSVMĐT cấp thành phố
(bao gồm người đứng đầu các sở của thành phố), sau đó được lặp lại ở cấp quận
và phường. Các chủ trương chính sách vẫn chủ yếu được ban hành từ trên xuống.
Sự sáng tạo và chủ động của cấp dưới chỉ dừng lại ở khâu lập kế hoạch thực hiện
chủ trương, mà không để cho địa phương tự xác định lấy những vấn đề nổi cộm của
mình và lập kế hoạch thực hiện dựa trên nguồn lực của họ.
Thứ hai, có sự
bất cập trong việc “Trung ương hóa” và “tập trung hóa” các phong trào, các cuộc
vận động xã hội trên quy mô toàn quốc của các chủ trương và các hoạt động được
đòi hỏi một cách thống nhất từ Trung ương xuống các địa phương. TP.HCM với đặc
điểm riêng biệt của mình đã đề xuất một cuộc vận động nhằm xây dựng NSVMĐT
nhưng lại vẫn phải thực hiện thêm phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa”, làm cho các cán bộ cấp phường vốn đã phải thực hiện quá nhiều
nhiệm vụ lại càng trở nên quá tải hơn.
Thứ ba, có
sự trùng lắp giữa việc phổ biến pháp luật và vận động thực hiện các tiêu chí
của cuộc vận động NSVMĐT. Trong giai đoạn trước 2000, khi chưa
có luật quy định về các hành vi liên quan tới các lĩnh vực cụ thể của NSVMĐ, những
quy định trong văn bản nghị quyết về cuộc vận động có vai trò giúp cho lãnh đạo
chính quyền các cấp có cơ sở thực hiện những quy định mang tính chuẩn mực của
nhà nước và cấp chính quyền thành phố.
Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2001, luật Giao thông Đường bộ
đã ban hành và được điều chỉnh năm 2008, đồng thời luật bảo vệ môi trường được ban hành năm
2005, sửa đổi năm 2013[163]. Những quy định trong
các điều luật và những nghị định đã hướng dẫn rất kỹ lưỡng. Vì vậy, những quy định
về các tiêu chí của các đợt vận động cũng không có gì mới hơn các quy định của
pháp luật. Việc cùng một lúc tồn tại hai hệ thống văn bản để cùng hướng dẫn các
nội dung của cùng một mục tiêu là đảm bảo kỷ cương và nếp sống đô thị có lẽ
không hoàn toàn cần thiết.
3.2. Những vấn đề trong nếp sống đô thị của người dân TPHCM với
các lĩnh vực cụ thể
Những biểu hiện cụ thể về nếp sống
đô thị của người dân TP HCM được khảo sát trên ba cấp độ: Kiến thức, thái độ và
hành vi. Còn các lĩnh vực được đề cập tới bao gồm: an toàn giao thông, vệ sinh
- môi trường và giao tiếp - ứng xử nơi công cộng.
Những vấn đề trong
lĩnh vực an toàn giao thông
Về kiến thức luật giao thông đường bộ, đa phần các
nhóm dân cư thuộc các nhóm tuổi và ngành nghề khác nhau, không nắm rõ về luật
giao thông. Tuy nhiên, cũng như các nghiên cứu khác, sự hiểu biết về luật giao
thông cao hơn ở nhóm người có trình độ học vấn và những người thuộc nhóm cán
bộ, viên chức.
Những điều hạn chế
trong kiến thức của người dân về luật giao thông đường bộ là không nắm rõ những
quy định về những hành vi bị cấm (lấn tuyến, quy định về quy định về quyền ưu
tiên cho các loại xe, ....). Ngoài tín hiệu giao thông bằng đèn, họ hầu như
không hiểu rõ ý nghĩa của các biển báo. Đặc biệt, nhiều người có quan niệm
không đúng khi cho rằng, việc vận hành giao thông đòi hỏi kinh nghiệm thực tế
chứ không nhất phải là sự hiểu biết về luật giao thông. Bên cạnh đó, họ cũng
không hiểu rõ về trách nhiệm của người tham gia giao thông là không chỉ đảm bảo
an toàn cho mình mà cả người cùng tham gia giao thông khác, hay mỗi người tham
gia giao thông đều phải có trách nhiệm cứu giúp người bị nạn. Để người dân hiểu
được quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, các biện pháp tuyên truyền thường
được tính tới.
Mặc dù chính quyền thành phố đã yêu cầu các cơ quan
truyền thông và hệ thống chính trị các cấp thực hiện các hoạt động tuyên truyền
cho cuộc vận động NSVMĐT, nhưng những kết quả khảo sát về hiệu quả của các nguồn
cung cấp thông tin cho các nhóm dân cư cho thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề
sau:
Trước hết, về tính hiệu quả của truyền thông đại chúng. Thực tế, đã có nhiều chương trình
trên các phương tiện TTĐC (tivi,
đài, báo, internet…) đề cập tới kiến thức về an toàn giao thông và gần đây các
chương trình đó cũng đã có sự cải tiến về chất lượng và số lượng. Kết quả đánh
giá về tính hiệu quả của các nguồn thông tin cho thấy, đài truyền hình và đài
phát thanh giúp họ hiểu rõ về luật giao thông đường bộ tốt hơn các nguồn thông
tin khác. Tuy nhiên, hiệu quả tới các nhóm công chúng không đều vì nhiều nhóm
không theo dõi các phương tiện này thường xuyên. Đồng thời, sự tiếp nhận thông
tin cũng không giống nhau khi trình độ học vấn giữa các nhóm không tương đồng.
Các ấn phẩm của Ủy ban An toàn Giao thông, của các cơ quan Trung ương, tỉnh
/thành dưới hình thức các tờ bướm, tờ rơi gọn nhẹ được tiếp nhận tốt hơn các
hình thức khác. Bên cạnh đó, các cuộc tuyên truyền vận động trực tiếp tại các cộng
đồng dân cư với các hình thức khác nhau, trong đó có việc gửi những tờ quy định
về NSVMĐT và hình thức ký cam kết không
vi phạm luật giao thông đường bộ (GTĐB) cũng phát
huy được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, những hình thức này chủ yếu được thực
hiện ở một số Phường điểm, chưa phổ biến rộng ở các khu dân cư còn lại, đồng thời,
những người nhập cư ít tham gia vào các giao kèo này.
Kiến thức và kỹ năng về quy phạm pháp luật khi tham
gia giao thông được người dân học và kiểm tra khi thi lấy bằng lái xe, nhưng chủ
yếu họ học cách để lấy được chứng nhận nhiều hơn là học lấy kiến thức. Nhiều
người còn nhờ người khác thi hộ nên không thực sự nắm được luật. Còn trong các trường phổ thông các cấp, việc phổ
biến luật giao thông đường bộ thực hiện khá nghiêm túc, đặc biệt gần đây đã có
những hình thức giảng dạy kết hợp với thực hành cho học sinh cấp Trung học Cơ sở.
Tuy nhiên, sau khi học xong họ không thực hành nên không nhớ được nhiều về các
điều luật.
Cuối cùng, điều đáng lưu
ý nhất trong công tác tuyên truyền là thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa ba yếu tố
của môi trường xã hội hóa: gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác tuyên
truyền giáo dục cho người dân. Cho dù các em học sinh được học và thực hành về
luật giao thông đường bộ, nhưng hàng ngày, khi tham gia giao thông, hành vi
không phù hợp của những người xung quanh, đặc biệt là những người thân- “những
người khác có ý nghĩa” tác động rất lớn tới hành vi của các em.
Về mặt hành vi, việc vi phạm luật giao thông đường bộ là phổ biến ở hầu
hết các nhóm dân cư. Tuy nhiên, những hành vi này có hạn chế hơn, khi người dân
thấy có cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ, hoặc dự đoán về sự có mặt của
cảnh sát giao thông. Kết quả khảo sát phản ánh rằng, mặc dù có e ngại bị phát
hiện về sự vi phạm luật GTĐB, nhưng người dân cũng thích nghi được với các tình
huống xử lý khi bị phạt bằng cách thỏa thuận với người cảnh sát giao thông để nộp
tiền (“mãi lộ”). Bên cạnh đó, mức phạt vì vi phạm không cao, nên không làm cho
người dân cảm thấy e ngại.
Một trong những hành vi gây ra hệ quả nghiêm trọng khi
tham gia giao thông là hiện tượng uống rượu bia khi lái xe, đặc biệt là nam giới,
đã được các nhóm dân cư tại địa bàn nghiên cứu xác nhận về chính bản thân họ.
Khi mà uống rượu bia được coi là nếp sinh hoạt thường nhật và việc kinh doanh
rượu bia không bị kiểm soát, trong khi đó, các biện pháp chế tài chưa nghiêm
thì các tai nạn giao thông sẽ rất khó khắc phục.
Về mặt thái độ, một trong những hiện tượng thường thấy
nhất, khi tham gia giao thông là sự thờ ơ trước hiện tượng tai nạn giao thông. Các nhóm thảo luận nhóm xác nhận
rằng, chứng kiến nhiều người bỏ qua việc giúp đỡ người bị tai nạn giao thông,
trong đó có cả bản thân họ. Đồng thời, họ cũng không phê phán những người không
giúp đỡ. Một trong những lý do thường được nêu ra là họ không muốn rắc rối với
công an, không loại trừ nhiều trường hợp họ cũng không có giấy phép lái xe. Điều
này có thể bắt nguồn từ kiến thức (không biết khái niệm về giờ vàng khi người gặp
tai nạn, hay không biết rằng mọi người đều có nghĩa vụ giúp người bị nạn). Đồng
thời, do không có thái độ tương thân tương ái, vì cộng đồng mà nhiều người bỏ
qua việc giúp người bị nạn trên đường.
Khi được hỏi về thái độ của họ khi gặp hiện tượng vi
phạm quy định khi xử lý sai phạm của những người tham gia giao thông, đa phần
xác nhận, tuy họ có phiền lòng khi chứng kiến nhiều hiện tượng tiêu cực của
CSGT nhưng không những không phê phán mà trong nhiều trường hợp còn tận dụng những
“kinh nghiệm” đó.
Những
vấn đề trong lĩnh vực vệ sinh-môi trường
Vệ sinh-môi trường là một trong những lĩnh
vực mà chính quyền thành phố và hệ thống chính trị-xã hội cũng như người dân đã
bỏ nhiều công sức nhằm cải thiện tình hình hơn cả. Thực tế cho thấy có nhiều mô
hình đã được thực hiện rất tốt tại các địa bàn dân cư. Qua các đợt vận động, TP.HCM nói chung,
khu vực phường 2, quận 5 và phường 8, quận 8 nói riêng, đã có những thay đổi về
cơ sở - kỹ thuật. Nhà vệ sinh và thùng rác công cộng đã được trang bị nhiều
hơn. Tuy nhiên, nhiều thùng rác được lắp đặt chưa phù hợp về kích cỡ, về vị trí
nên chưa phát huy được tác dụng. Một số nơi, thùng rác được đặt trước cửa nhà
dân, nhiều nơi có thùng rác nhưng lại không thường xuyên thu gom, gây mất vệ
sinh hoặc thùng rác có kích cỡ quá nhỏ, không phù hợp với một số loại rác lớn
và số lượng rác thải ra… Tất cả những hạn chế này gây sự bất bình cho người
dân.
Sự
cải thiện về vệ sinh-môi trường không đều tại các địa bàn của thành phố. Ở các
khu vực trung tâm, thường sạch sẽ hơn vì đó là những nơi có sơ sở vật chất thiết
bị khang trang, có các lực lượng trật tự giám sát và có người thực hiện vệ sinh
thường xuyên. Còn những nơi có nhiều khách vãng lai (người
buôn bán tự do, người từ nơi khác đến sử dụng các dịch vụ công của thành phố),
ít có sự kiểm soát từ phía chính quyền và các cơ sở dịch vụ thì nơi đó tình
trạng vệ sinh- môi trường kém hơn những khu vực còn lại.
Hiện
tượng phát tờ bướm, tờ rơi dù đã được hạn chế ở những nơi trung tâm nhưng vẫn
còn tồn tại ở các khu vực còn lại của thành phố cũng là nguyên nhân gây mất vệ
sinh và mất mỹ quan nơi công cộng. Đồng thời, hiện tượng
mất vệ sinh về rác thải diễn ra nhiều hơn ở các hộ-gia đình thuộc các dãy nhà
phố (nơi có không gian mở hơn với nhiều người qua lại) so với những hộ dân sống
trong khu chung cư (nơi có Ban quản lý thực hiện việc phổ biến quy định, giám
sát, nhắc nhở).
Về
kiến thức vệ sinh-môi trường, kết quả các cuộc thảo luận nhóm tập trung và các
công cụ tham gia cho thấy, các nhóm dân cư đã nêu ra được những hiện trạng của
vấn đề vệ sinh môi trường và nhận ra những nguyên nhân chính yếu, trong đó có
nhấn mạnh tới ý thức của người dân và việc thực hiện các biện pháp chế tài chưa
nghiêm. Họ nhấn mạnh, điều bất cập là trong khi nhà trường và chính quyền đang
cố gắng làm cho người dân nói chung, học sinh nói riêng hiểu là cần giữ gìn vệ
sinh, bảo vệ môi trường thì chính người lớn lại là những người vi phạm nhiều và
khi vi phạm thì cũng không bị phạt.
Việc
thu gom rác thải tại khu dân cư là một trong những vấn đề nổi cộm khiến người
dân không hài lòng nhất. Họ cho rằng, tại các địa bàn dân cư ở địa bàn khảo
sát, hiện đang tồn tại cùng một lúc hai hệ thống thu gom rác, một hệ thống của
tư nhân và một hệ thống khác thuộc sự quản lý của phường, dẫn tới hiện tượng
không đồng nhất về mức thu phí, gây mâu thuẫn giữa các nhóm thu gom cũng như giữa
những người thu gom rác và những hộ dân. Sở Tài nguyên Môi trường là đơn vị
tham mưu, đưa ra quy chế để quản lý lực lượng rác dân lập này, nhưng cho tới thời
điểm khảo sát, theo các cán bộ địa phương, vẫn chưa có quy chế để thực hiện.
Người
dân cũng phàn nàn đối với các biện pháp khắc phục các hiện tượng mất vệ sinh, ô
nhiễm môi trường. Theo họ, thay vì tập trung nguồn lực vào việc triển khai các
biện pháp kỹ thuật, cơ sở vật chất hay các hoạt động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu
các hành vi xả xác, chính quyền địa phương lại chỉ tập trung vào việc huy động
người dân dọn dẹp, đặc biệt là những khi có kiểm tra, giám sát. Điều này cho thấy
các hoạt động còn nặng tính hình thức và thiên về thành tích.
Về mặt thái độ, người dân
tại các địa bàn khảo sát đã bày tỏ sự không hài lòng của mình đối với những
hành vi không phù hợp trong việc ứng xử với môi trường xung quanh, tuy nhiên, hầu
hết những người tham gia thảo luận nhóm đều không có thái độ phản đối. Việc nhắc
nhở người khác hành xử đúng không được coi là cần thiết trong quan niệm của họ.
Về chế tài, cũng giống
như các lĩnh vực khác, chế tài trong việc điều chỉnh hành vi giữ vệ sinh, bảo
vệ môi trường sống được thực hiện chưa nghiêm. Các kết quả từ các phỏng vấn sâu
cán bộ địa phương cho thấy, họ dễ dàng phạt những người người tiểu thương khi trước quầy hàng của
họ mất vệ sinh, hơn là phạt những người xả rác nơi cộng cộng. Trong các nhóm
tham gia thảo luận, chính những người buôn bán có cửa hàng, thường giữ vệ sinh
trước khu vực của mình để tránh bị phạt. Phải chăng, do không bị phạt nên người
dân không thay đổi hành vi xả rác của mình?
Những yếu tố
tác động tới các nhóm dân cư nhằm củng cố hành vi giữ vệ sinh, bảo vệ môi
trường cũng là một trong những vấn đề được đề cập tới trong nghiên cứu này.
Những kết quả của công cụ biểu đồ Venn phản ánh sự khác biệt giữa các nhóm dân
cư: (1) những yếu tố được coi là quan trọng với nhóm sinh viên thường là những
yếu tố mang tính thiết chế hơn (nhà trường, Đoàn Hội,
chính quyền địa phương và hệ thống pháp luật về môi trường); (2) Đối với nhóm học
sinh, quan trọng hơn lại là những nhóm phi chính thức như, gia đình, bạn bè,
hàng xóm; (3) Đối với những người dân thường trú, những yếu tố quan trọng có ảnh
hưởng tới họ được xác định là tổ trật tự-môi trường, tổ trưởng khu phố và nhân
viên vệ sinh/rác dân lập; (4) Đối với nhóm người nhập cư do ít tham gia các cuộc
họp và các buổi sinh hoạt cộng đồng nên tổ trưởng tổ dân phố và cộng đồng không
ảnh hưởng nhiều tới họ nhưng tổ trật tự-môi trường và những người làm công tác
vệ sinh môi trường lại quan trọng với họ. Một trong những lí do được nhóm này
nêu ra là việc bị phạt mỗi khi vi phạm quy định về vệ sinh- môi trường đã giúp
họ cân nhắc hơn cho những lần định vi phạm. Điều này cho thấy nếu chế tài được
thực hiện thường xuyên sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với hành vi của người vi phạm
hay định vi phạm quy định; (5) Tương tự như vậy, nhóm tiểu thương đánh giá cao
vai trò của tổ trật tự-môi trường vì luôn nhắc nhở và giám sát họ. Điều đặc biệt
là việc bị phạt là yếu tố tích cực trong việc điều chỉnh hành vi của họ hơn. Họ
không chỉ sợ các khoản phạt mà còn sợ mất đi cơ hội được kinh doanh. Còn đối với
nhóm buôn bán nhỏ trên đường, khó điều chỉnh hành vi của họ hơn vì mức phạt đối
với họ không cao và với cách xử phạt hướng tới việc xua đuổi nhiều hơn trừng phạt.
Điều này đôi khi dẫn tới thái độ “nhờn” với pháp luật.
Những vấn đề trong lĩnh vực giao tiếp-ứng xử nơi công cộng
Trong
ba lĩnh vực được nghiên cứu, giao tiếp-ứng xử nơi công cộng là nội dung ít được
quan tâm hơn cả. Tương tự, việc nghiên cứu về lĩnh vực này cũng ít được nghiên
cứu trong nguồn tư liệu sẵn có.
Về vấn đề thể
chế, hiện nay chưa có văn bản pháp quy về lĩnh vực vệ
sinh-môi trường. Vì vậy, khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền và tổ chức
quản lý, các cán bộ địa phương chủ yếu dựa vào các quy định về nếp sống văn
minh đô thị. Tuy nhiên, những quy định về nếp sống văn minh đô thị hiện nay vẫn
chưa bao quát hết các mặt của nếp sống văn minh nơi công cộng. Các quy định mới
chỉ đề cập đến những hành vi vi phạm trật tự, cảnh quan môi trường như: tiểu
tiện bừa bãi, phơi phóng không đúng chỗ, chửi tục… Một số điều quy định còn
mang tính hình thức chung chung nên rất khó thực thi.
Bên cạnh đó, việc tuyên
truyền về lĩnh vực này còn ít về thời lượng và không phong phú về nội dung trên
các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc giáo dục trong nhà trường còn bị
bó hẹp trong phạm vi những bài học học luân lý. Lên cấp Trung học Phổ thông,
các em đã không được học nữa. Bên cạnh đó, việc quá tải trong việc học kiến thức
để thi cử đã làm cho các bậc phụ huynh, nhà trường và các em không còn quan tâm
tới việc điều chỉnh những hành vi trong giao tiếp ứng xử nữa. Trong gia đình,
các bậc phụ huynh ít dành thời gian giao tiếp trò chuyện với các con để có dịp
chỉ bảo và uốn nắn những hành vi không phù hợp của các em. Sự hạn chế này một
phần nảy sinh từ chính bối cảnh kinh tế - xã hội hiện đại. Tuy nhiên, điều quan
trọng nhất là sự buông lỏng kỷ cương xã hội và thiếu sự quan tâm của các tầng lớp
lãnh đạo về việc củng cố ý thức cộng đồng.
Về mặt quan niệm, các nhóm dân cư cho rằng người biết
giao tiếp - ứng xử là người lịch sự, nhã nhặn trong giao tiếp, biết tôn trọng
người khác, tuân thủ những quy định nơi công cộng và ứng xử có văn hóa… Tuy
nhiên, những quan niệm của họ thể hiện tính lý tưởng hơn là trong thực tế.
Kết quả thảo luận và công cụ phân loại thứ tự ưu tiên
phản ánh rằng trong thực tế, các hiện tượng trái với quan niệm của họ vẫn luôn
diễn ra, cụ thể: nhóm hiện tượng xảy ra thường xuyên nhất trong cộng đồng là việc
vứt rác bừa bãi; hút thuốc không đúng nơi quy định; phóng uế, khạc nhổ bừa bãi;
chạy xe không đúng quy định; gây mất trật tự nơi công cộng. Nhóm thứ hai là các
hiện tượng: chen lấn, không xếp hàng; gây ồn ào trong khu dân cư; nói chuyện
thô tục, ồn ào; ăn mặc hở hang. Ít gặp hơn nhưng vẫn thường diễn ra là các hiện
tượng: không nhường chỗ cho đối tượng được ưu tiên, những người yếu thế; ít
quan tâm giúp đỡ người gặp tai nạn; nghe điện thoại lúc hội họp, xem phim; một
số người, nhất là thanh niên, thường thể hiện tình cảm thái quá nơi công cộng.
Trong giao tiếp hàng ngày, lời nói cảm ơn ngày càng
trở nên rất hiếm hoi hơn và hiện tượng nói tục, chửi thể được thể hiện nhiều
hơn. Trong các nhóm khảo sát, chỉ có nhóm tiểu thương mới khẳng định rằng mình
là người thường xuyên nói cảm ơn. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng, lời cảm ơn chỉ
một phần do họ hàm ơn, phần lớn hơn là mong đợi khách hàng cảm thấy dễ chịu hơn
mà quay lại.
Về
mặt thái độ, trong quan niệm, hầu như người thành phố hiểu về những điều gì nên
làm và không nên làm và khi chứng kiến những hành vi phản cảm, họ cũng bày tỏ
thái độ khó chịu, không đồng tình. Tuy nhiên, các thành viên trong cộng đồng
dân cư sẽ không góp ý cho các cá nhân đó thay đổi hành vi, nếu như không phải
là người quen biết.
Như vậy, mặc dù chính quyền và
các tổ chức chính trị xã hội đã rất nỗ lực trong việc thực hiện cuộc vận động
NSVMĐT, nếp sống đô thị của người dân ở địa bàn khảo sát trong thực tế vẫn chưa
thể hiện là nếp sống văn minh, còn nhiều bất cập.
Nhìn chung, về cách thực thực hiện, việc hành chánh
hóa cuộc vận động, trong đó có việc yêu cầu các địa phương thực hiện các quy định
theo từng đợt, chọn từng trọng điểm… có khả năng dẫn tới hệ quả là mỗi khi có đợt
kiểm tra, các địa phương sẽ làm quyết liệt để được đánh giá tốt. Điều này, vừa
là nguyên nhân, vừa là hệ quả của căn “bệnh thành tích” vốn có của các cán bộ ở
bộ máy chính quyền và các tổ chức xã hội.
Mặt khác, mỗi khi thực hiện các phong trào trong từng
đợt vận động, chính quyền địa phương sẽ chỉ tập trung vào những địa bàn điểm để
làm tốt. Các địa bàn còn lại và những người dân không tham gia vào các hoạt động
của chính quyền hay đoàn thể, dường như vẫn còn đứng ngoài cuộc.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thực hiện các công việc
khá mỏng cho các nhiệm vụ mà họ được giao. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là các
cán bộ dường như chủ yếu thực hiện các phong trào hơn là thực hiện các nhiệm vụ
chuyên môn một cách chuyên nghiệp. Để giải quyết việc này, đòi hỏi phải có quy
định chính thức về luật pháp chứ không phải là việc thực hiện phong trào.
Từ những phát hiện đã nêu, một
số đề xuất giải pháp từ cuộc nghiên cứu được đề xuất như sau:
Những giải pháp
liên quan tới công tác tổ chức chỉ đạo và tổ chức cuộc vận động nếp sống văn
minh đô thị
1. Không
phát động các cuộc vận động lớn và lâu dài trên quy mô toàn quốc, mà để cho các
tỉnh/ thành dựa trên những vấn đề thực tế của địa phương mình mà đề xuất các đợt
vận động. Cuộc vận động “Nếp sống văn minh đô thị” được phát động trên quy mô
thành phố chỉ nên đưa ra mục tiêu chung và các nội dung chung, còn các mục tiêu
cụ thể, phương cách thực hiện nên để hệ thống chính trị cấp Quận-Huyện/Phường-Xã
xác định và lập kế hoạch thực hiện dựa trên tình hình thực tế của địa phương. Cấp
phường có thể đề xuất các cuộc khảo sát theo phương pháp của phát triển cộng đồng
có sự tham gia của người dân để xác định các vấn đề của mình để xây dựng kế hoạch.
2. Cải
cách bộ máy hánh chánh và cơ chế truyền thông theo hướng giảm bớt các tầng lớp
trung gian, tăng cường sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với chính quyền.
3. Tách
bạch trách nhiệm của nhóm cán bộ trong hệ thống hành chánh (thực thi nhiệm vụ theo quy pháp luật một
cách chuyên nghiệp) và hệ thống các tổ chức chính trị-xã hội (Thực hiện nhiệm vụ vận động toàn dân thực hiện
theo đúng pháp luật). Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các công chức
trong từng vị trí của hệ thống quản lý và giám sát xã hội. Các tổ chức đoàn thể
chịu trách nhiệm thực hiện các đợt vận động, còn cán bộ chỉ thực thi pháp luật.
Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, họ phải chịu hình phạt tương ứng chứ không chỉ
là “người không hoàn thành nhiệm vụ”. Ở đây, một lần nữa lại liên quan tới giải
pháp tăng cường năng lực cho người thừa hành công vụ, tức là, phải thực hiện
nghiêm luật công chức.
4. Định
hướng lại các mục tiêu và hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội: không nên
nặng về nhiệm vụ chính trị, vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương của
Đảng mà quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo về đời sống, sở thích, văn hóa
–tình thần và tạo dựng ý thức cộng đồng, cũng như tạo điều kiện để nhân dân có
tiếng nói xã hội về nguyện vọng chính đáng của họ.
5. Trước
và sau khi tổ chức các đợt vận động về một lĩnh vực nào đó nên tổ chức các cuộc
khảo sát đánh giá trước và sau một các khoa học, khách quan để chỉ ra những bài
học kinh nghiệm và tìm ra giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Các cuộc khảo
sát không nhất thiết phải thực hiện trên quy mô lớn, mà chỉ cần trong các khu vực
hay từng cộng đồng đô thị nhỏ với các phương pháp của phát triển cộng đồng để ứng
dụng các kết quả cho chính cộng đồng đó.
Những đề xuất trong các lĩnh vực cụ thể của
NSVMĐT
-
Lĩnh vực an toàn-giao thông
1.
Ngoài
việc, thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh các phương án phân luồng, phân làn
lưu thông; lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông; khắc phục
các khiếm khuyết của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng công cộng,
đặt biển báo đúng vị trí và đặt trên cao để dễ nhìn thấy, cần giải tỏa triệt để
các trường hợp lấn chiếm lòng - lề đường để kinh doanh, buôn bán gây cản trở
giao thông.
2.
Có
thể lắp đặt các bảng thông báo về mức phạt tại các cột đèn giao thông, hoặc những
nơi có thể xảy ra nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông, giúp cho người tham
gia lưu thông hiểu được việc sai phạm của mình cũng như nắm được mức phạt. Điều
này cũng tạo ra sự minh bạch khi CSGT xử phạt.
3.
Nghiên
cứu cách thức tạo hình ảnh cảnh sát giao thông trên đường để nhắc nhở và củng cố
hành vi (dựng hình ảnh người CSGT trên đường phố một cách thích hợp)
4.
Về
công tác tuyên truyền-giáo dục: truyền đạt kiến thức về luật lệ giao thông cho
các em học sinh nhưng với những hình thức khác nhau, phù hợp với lứa tuổi của họ.
Trong gia đình: có trách nhiệm giáo dục con cái chấp hành tốt luật giao thông bằng
không chỉ bằng lời nói mà bằng chính hành vi tuân thủ luật của mình. Trong cộng
đồng: phải thường xuyên có những cuộc thảo luận về những giải pháp nâng cao văn
hóa giao thông cho người dân, tự giác chấp hành luật giao thông đường bộ, cư xử
hòa nhã, nhường nhịn khi xảy ra sự cố giao thông trên đường; với các hình thức
khác nhau. Khi tổ chức giáo dục tuyên truyền, nên mời báo cáo viên là cảnh sát
giao thông đến sinh hoạt về kỹ thuật giao thông đường bộ và các mức xử phạt
hành chính đối với người vi phạm luật giao thông đường bộ cho các nhóm khác
nhau.
5.
Về
chế tài: Tăng cường xử phạt vi phạm qua hình ảnh ghi được từ camera…; Tăng năng
lực cưỡng chế, xử phạt của CSGT bằng cách thực hiện thật nghiêm chỉnh, gia tăng
các mức phạt đến mức cao nhất với các vi phạm luật giao thông và lấn chiếm lòng
lề đường nhằm tái lập kỷ cương, trật tự giao thông, ngoài việc nộp tiền, cần phạt
bằng cách thực hiện lao động công ích. Biện pháp này sẽ góp phần mang tính răn
đe nhiều hơn. Kiên quyết kỷ luật những cán bộ không hoàn thành nhiệm và có biện
pháp xử lý nghiêm khắc những cán bộ, chiến sĩ có hành vi tiêu cực trong kiểm
tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
- Lĩnh vực vệ sinh-môi
trường
1. Về cơ sở vật chất, cần đặt thêm thùng rác
và nhà vệ sinh công cộng ở khắp nơi trong thành phố một cách hợp lý (về vị trí,
kích cỡ, tiện lợi, thường xuyên thu gom….), nhất là nhà vệ sinh di động trong
những ngày lễ Tết và ở những khu vực tập trung nhiều người để những khách vãng
lai tiện sử dụng. Lắp đặt camera ghi lại những hành vi vi phạm, hỗ trợ cho việc
cảnh báo và thực hiện các biện pháp chế tài hiệu quả hơn.
2. Về mặt truyền thông, cần phối hợp với các
tổ chức quần chúng, những người làm công tác thực tế ở cộng đồng và chính những
người dân tham gia soạn thảo và thực hiện các giải pháp tuyên truyền tương ứng
với từng đối tượng. Đưa nội dung “vệ sinh công cộng” vào các nhà trường phổ
thông và đại học, thậm chí ngay từ trường mẫu giáo. Phương tiện truyền thông đại
chúng cần đưa tin tức, hình ảnh về tác hại của ô nhiễm rác thải, về xử phạt vi
phạm tương ứng với thực trạng ô nhiễm ở thành phố. Công tác tuyên truyền giáo dục
làm cho người dân nhận ra lợi ích cộng đồng và lợi ích lâu dài.
3. Về việc thu gom và xử lý rác, cần có biện
pháp thống nhất hai hệ thống thu gom rác dân lập và công lập. Tạo điều kiện cho
những nhân viên vệ sinh vừa thực hiện nhiệm vụ thu gom rác, vừa làm công tác
tuyên truyền và nhắc nhở người dân. Họ cũng có chức năng báo cáo những hiện tượng
bất ổn về vệ sinh ở từng cộng đồng.
4. Giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức
đóng trên địa bàn thành phố phải đảm bảo vệ sinh trong và ngoài khu vực của họ,
phạt thật nặng mỗi khi vi phạm.
- Lĩnh vực giao tiếp- ứng xử nơi công cộng
1.
Về văn bản pháp
quy trong lĩnh vực giao tiếp-ứng xử nơi cộng cộng, những quy định trong văn bản
của cuộc vận động cũng mới chỉ đề cập tới nội dung ứng xử nơi công cộng, còn
thiếu nội dung liên quan tới việc giao tiếp lịch sự giữa người với người.
2.
Việc đưa ra những quy định chung được sạn
thảo bởi Ban vận động NSVMĐT là chưa hợp lý. Thành phố nên yêu cầu các thiết chế
(các cơ quan, trường học, cơ sở dịch vụ cộng đồng dân cư...) thảo luận và đưa
ra những quy định cụ thể, phù hợp với từng bối cảnh của các thiết chế đó.
3.
Việc tuyên truyền cũng cần được tính tới
các nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm tuổi và đặc điểm nghề nghiệp của
họ. Đưa những nội dung về giao tiếp ứng xử nơi công cộng vào nội dung giáo dục
kỹ năng sống cho học sinh tương ứng với tất cả các cấp, từ nhà trẻ tới trường
PTTH và các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học. Không chỉ những cách ứng xử nơi
công cộng, việc giáo dục về người có lòng tự trọng, người lịch sự cũng cần được
chuyển tải tới các nhóm xã hội khác nhau.
4.
Đối với các cán bộ và nhân viên làm các
công việc tiếp xúc với người dân cần được học quy chế ứng xử và chịu sự kiểm
soát và các chế tài một cách nghiêm khắc. Họ không những giữ đúng quy định cho
mình mà còn có nghĩa vụ làm gương và giúp điều chỉnh hành vi của những người
khác.
5.
Tại những nơi công cộng cần có những biển
thông báo nội quy và cảnh báo những hành vi không được làm (mô hình ở rạp chiếu
phim). Những nơi đòi hỏi người dân xếp hàng nên tạo ra các hàng rào hay các dải
ngăn cách hữu hình hoặc vô hình, buộc người dân phải tuân thủ (mô hình ở sân
bay).
Nghiên cứu này là một thử nghiệm mang tính thăm dò, chủ
yếu dựa trên tiếp cận chủ quan, từ góc nhìn của những người trong cuộc. Nó
không phản ánh toàn bộ thực trạng về NSVMĐT ở thành phố, mà chỉ ra những biểu
hiện về kiến thức, thái độ và hành vi của người dân thể hiện trong các lĩnh vực
khác nhau của NSVMĐT ở hai địa bàn tiêu biểu cho các nhóm dân cư của Tp. Hồ Chí
Minh trong bối cảnh hiện tại. Kết quả nghiên cứu và những phát hiện về những đặc
điểm của cư dân TP. Hồ Chí Minh cũng phản ánh những điểm mạnh và những hạn chế
trong công tác quản lý đô thị nói chung và việc tổ chức các phong trào các cuộc
vận động nhằm làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ và hành vi trong sinh hoạt và
lối sống của cư dân đô thị ở thành phố này.
Phương pháp nghiên cứu hành động có sự tham gia của
người dân cần được tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có sự kết hợp với các
phương pháp khách quan khác nhằm tạo ra một kết quả mang tính hệ thống. Đồng thời,
những cuộc khảo sát với mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh đô thị cần là những
nghiên cứu chuyên sâu với các nhóm đối tượng đặc thù của từng khu vực đô thị và
nông thôn khác nhau gắn với nhu cầu cụ thể cùng từng địa phương. Tiếp cận KAP
là tiếp cận phù hợp với loại hình nghiên cứu này và cần được tiếp tục hoàn thiện
và phối hợp với một số hướng tiếp cận khác.
Việc xây dựng NSVMĐT là việc làm khó khăn và lâu dài,
liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ khác nhau (cấp độ thành phố, vùng,
khu vực, cộng đồng dân cư), nhiều khía cạnh khác nhau (khách quan, chủ quan),
đòi hỏi không những các nhà quản lý chính quyền với hệ thống chính trị mà cả
các nhà khoa học và toàn thể nhân dân cùng tham gia. Tuy nhiên, điều quan trọng
nhất là cần phải thực hiện một cách có hệ thống, từng bước nhưng phải hết sức
cương quyết, không dừng lại ở lời kêu gọi chung chung hoặc từng đợt phát động
phong trào. Hơn bao giờ hết và hơn ở đâu hết “sống và làm việc theo pháp luật”
phải được theo tác và thực hiện trong thực tiễn của một đô thị văn minh-hiện đại
như thành phố Hồ Chí Minh.
1.
Dư
Phước Tân, 2009. Các hành vi ứng xử của
cư dân đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng và giải pháp để xây dựng lối
sống văn minh hiện đại (Nghiên cứu về hành vi ứng xử trong phạm vi an toàn
giao thông đường bộ)”, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
2.
Hồ
Thị Minh Trâm, 2012. Nghiên cứu ý thức
pháp luật của thanh niên thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Viện Nghiên cứu
phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
3.
Lê Thanh Sang,
2007. Đô thị hóa trên thế giới và vấn đề đô thị hóa ở Việt Nam,
Báo cáo hội thảo, viên khoa học xã hội vùng Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh.
4.
Lê
Thị Dung, 2003. Một số vấn đề về văn hóa
giao thông đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Khoa học Xã hội và
Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
5.
Nguyễn
Thị Hậu, 2010. Xây dựng môi trường văn
hóa đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
6.
Nguyễn
Thị Oanh, 2009. “Nếp sống văn minh đô thị
phải bắt đầu từ giáo dục nhân cách” Tuổi Trẻ. Com.vn 10/02/2009.
7.
Trần Thị Kim Xuyến và cộng sự, 2008. Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu Đề tài
“Tìm hiểu ý thức công dân của người dân TP. Hồ Chí Minh ”. TP. Hồ Chí Minh.
8.
Trần Thị Kim Xuyến và cộng sự, Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài
“nhận thức, thái độ hành vi của những người tham gia giao thông: trường hợp TP.
Hồ Chí Minh”, TP. Hồ Chí Minh, 2009.
9.
Trần Thị Kim Xuyến, 2015, Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài “những vấn đề về xây
dựng Nếp sống văn minh đô thị ở TP HCM-từ tiếp cận cận nghiên cứu hành động có
sự tham gia của người dân”
10. Trịnh
Duy Luân, 2005. Xã hội học đô thị,
NXBKHXH, Hà Nội.
MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CƠ CẤU XÃ HỘI CÔNG NHÂN TRONG QUÁ
TRÌNH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI
TS. Lê Thị Mai
Đại học Tôn Đức Thắng
Từ năm 1986, Việt
Nam chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, công nghiệp hóa, mở
cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Logic của quá trình này là sự thu hút vốn đầu
tư nước ngoài, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nghề nghiệp dẫn đến chuyển đổi
cơ cấu xã hội của hầu hết các giai tầng xã hội. Công nhân là một trong những
giai tầng xã hội được kỳ vọng có sự chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ xuất phát từ
chính những sự chuyển đổi trong cấu trúc kinh tế, trong những vấn đề xã hội và
cấu trúc xã hội trong quá trình phát triển xã hội.
Bài viết gồm hai phần: Phần đầu tóm tắt
một số yếu tố liên quan đến sự biến đổi của công nhân qua một số kết quả nghiên
cứu trên thế giới. Phần thứ hai mô tả một số yếu tố tác động đến cơ cấu xã hội
công nhân Việt Nam và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời kỳ đổi mới.
Dữ liệu sử dụng trong bài viết được tổng
hợp từ các cuộc khảo sát Điều tra Mức sống dân cư/hộ gia đình Việt Nam (1992 –
2012) do Tổng Cục Thống kê thực hiện, kế thừa một số kết quả nghiên cứu đã có sẵn
và dữ liệu khảo sát trong đề tài Chuyển
dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020. Mã số: KX.02.20/11-15 do
GS.TS. Bùi Thế Cường làm chủ nhiệm[164].
Theo nhận định từ một số công trình
nghiên cứu trên thế giới, không một thế
kỷ nào trong lịch sử đã
trải qua nhiều biến đổi xã hội và những biến đổi theo hướng
cấp tiến như thế kỷ XX…. Ở các quốc gia phát triển – chiếm gần một phần năm dân số thế giới nhưng lại là một mô hình cho những vấn đề việc làm/
lao động và lực
lượng lao động, xã
hội và
chính thể trong
thập niên cuối
cùng của thế
kỷ XX.
Sự khác nhau về số lượng, và
chất lượng lực lượng lao động, việc làm không chỉ xuất phát từ những
vấn đề của ngày hôm nay, mà còn xuất phát từ những gì đã tồn tại trong lịch sử: trong những cấu hình của xã hội, trong quá trình xã hội, trong các vấn đề xã hội, và trong cấu trúc xã hội,....
Cơ
cấu xã hội đã chuyển dịch (Peter F. Drucker: 1994).
Trước Chiến tranh thế
giới thứ nhất, nông dân là nhóm lớn nhất trong tất cả các nước. Nay họ không
còn là nhóm xã hội đa số ở khắp mọi nơi. Nhưng người nông dân vẫn chiếm một phần
lớn trong gần hết các quốc gia phát triển (ngoại trừ Anh và Bỉ - Đức, Pháp, Nhật
Bản, Hoa Kỳ) và trong tất cả các nước
kém phát triển. Ở thời điểm cuối thế kỷ XX, nông dân ở tất cả các nước phát triển,
trong đó có Nhật Bản, chiếm 5% lực lượng dân số và lực lượng lao động. Trên thực
tế, nông dân tham gia sản xuất chiếm chưa đến 50% tổng dân số nông nghiệp, hoặc
chưa đến 2% tổng lực lượng lao động. Và các nhà sản xuất nông nghiệp này không
phải là "nông dân" theo đúng nghĩa của từ đó; họ là người "kinh
doanh nông nghiệp", họ nắm giữ các nguồn vốn lớn, các công nghệ cao, và
công nghệ thông tin chuyên sâu. Người nông dân truyền thống thậm chí gần như
không có ở Nhật Bản. Và những người nông dân còn lại đã trở thành một nhóm được
bảo vệ và sống bằng khoản trợ cấp khổng lồ.
Nhóm lớn thứ hai
trong tổng dân số và lực lượng lao động của mỗi quốc gia phát triển vào khoảng
năm 1900 là những người làm việc trong khu vực dịch vụ (domestic service). Về bản
chất, họ vẫn được coi là nông dân. 80 năm sau đó, những người làm công trong
gia đình hầu như không có ở các nước phát triển.
Người công
nhân cổ xanh, theo nhận định của Peter, không có tầng lớp nào trong lịch sử đã từng tăng nhanh hơn hoặc giảm nhanh
hơn so với những người lao động chân tay (Peter F. Drucker: 1994).
Một trong những lý do
khiến số lượng công nhân cổ xanh tăng nhanh là vì người nông dân và người làm
công tự nguyện đi vào khu vực việc làm công nghiệp, trở thành người công nhân
nhà máy. Những việc làm trong ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt không cần những
kỹ năng mà người nông dân và người làm công không có, và những người công nhân
mới xuất hiện này không phải bổ sung kiến thức. Trong thực tế, nhiều người
nông dân đã có những khả năng tốt hơn những kỹ năng cần thiết của một người vận
hành máy trong một nhà máy sản xuất hàng loạt - và nhiều người làm công cũng có
những khả năng như vậy. Những công nhân nhà máy này thực sự là người vô sản như
đã được viết trong tác phẩm của Marx – họ không có vị trí xã hội, không có quyền
lực chính trị, không có quyền lực kinh tế hoặc sức mua.
Năm 1900 công nhân cổ
xanh trong ngành công nghiệp sản xuất mà Marx gọi là "vô sản" - đã trở
thành yếu tố quyết định về mặt xã hội. Công nhân công nghiệp, được định hình rõ
ràng. Họ sống thành từng cụm dân cư đông đúc và tập trung ở các thành phố -
thành phố Thánh Denis, ngoại ô Paris; Khu Wedding của Berlin và Ottakring của Vienna; tại các thị trấn dệt ở Lancashire; tại các thị
trấn thép trong thung lũng Monongahela của Mỹ; và ở Kobe của Nhật Bản…. Và chẳng
bao lâu sau, họ đã chứng minh tính tổ chức một cách xuất sắc, với các cuộc đình
công đầu tiên xảy ra gần như ngay sau khi có người công nhân nhà máy. Đến năm
1914 họ chiếm tối đa khoảng một phần tám hay một phần sáu tổng dân số. Thời kỳ
đầu thế kỷ XX, lực lượng công nhân cổ xanh này đã thu hút được sự chú ý của xã
hội, trở thành "vấn đề xã hội" vì họ là tầng lớp thấp đầu tiên trong
lịch sử có thể được tổ chức và có thể tồn tại trong tổ chức. Đây là lý do khiến
những người lao động/công nhân này được gọi là một "tầng lớp".
Công nhân công nghiệp
tại Hoa Kỳ cho tới năm 1913 - và ở một số nước, trong đó có Nhật Bản, cho đến
Chiến tranh thế giới thứ hai - làm việc nhiều giờ. Nhưng thời gian làm việc của
họ vẫn ngắn hơn so với thời gian làm việc của nông dân và người làm công trong
gia đình hoặc trang trại. Hơn thế nữa, công nhân công nghiệp chỉ làm việc trong
một thời gian nhất định ở nhà máy, phần thời gian còn lại trong ngày là của
riêng họ, đó là sự thật mà những người nông dân trang trại và những người làm
công trong gia đình không có được như vậy.
1. CÔNG NGHIỆP HÓA
Trong lịch sử, các
thành phố chưa bao giờ tái sản xuất ra bản thân công nhân công nghiệp. Họ phụ
thuộc vĩnh viễn vào những tân binh liên tục đến từ các vùng nông thôn. Điều này
diễn ra từ giữa thế kỷ XIX. Với sự tăng trưởng số lượng việc làm trong các nhà
máy, thành phố trở thành trung tâm của sự tăng trưởng dân số…Công nghiệp hoá
lan nhanh - sự xuất hiện của các nhà máy đã cải thiện điều kiện sống cho công
nhân. Nhà ở và dinh dưỡng ngày càng tốt hơn, và những công việc khó khăn và tai
nạn lao động giảm. Việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh - và cùng với nó là sự
bùng nổ về dân số - tương quan với sự phát triển của công nghiệp hóa.
Việc làm công nghiệp
là cơ hội đầu tiên mà lịch sử xã hội đã đem lại cho nông dân và người giúp việc
gia đình tự vươn lên mà không cần phải di cư. Ở các quốc gia phát triển trong
100 - 150 năm qua, mỗi thế hệ đã có thể mong đợi một cuộc sống tốt hơn đáng kể
so với thế hệ trước đó. Lý do chính là do nông dân và người giúp việc nhà có thể
và đã trở thành công nhân công nghiệp. Bởi vì công nhân công nghiệp tập trung
thành các nhóm, có thể làm việc theo từng dây chuyền sản xuất. Bắt đầu từ năm
1881, nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng trong sản xuất, khiến năng suất
lao động của mỗi công nhân tăng gấp 50 lần trong hơn 100 năm qua,…. Người công
nhân công nghiệp đã được hưởng lợi, trong đó một phần là dưới hình thức giảm mạnh
giờ làm việc (giảm từ 40 % thời gian làm việc ở Nhật Bản đến 50 % tại Đức), và
một nửa là sự gia tăng 25 lần lương thực tế của công nhân công nghiệp sản xuất
(Peter F. Drucker: 1994).
Đa số công nhân trong
ngành công nghiệp sau đó đã được đào tạo trở thành công nhân lành nghề. Đến năm
1900 "công nhân công nghiệp" đồng nghĩa với "người điều hành
máy" và điều đó cũng hàm ý rằng, trong một nhà máy chỉ có hàng trăm chứ
không phải hàng ngàn người làm việc. Năm mươi năm sau, vào năm 1950, công nhân
công nghiệp đã trở thành nhóm lớn nhất trong tất cả các nước phát triển, và
nghiệp đoàn công nhân công nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt
(sau đó đã phát triển mạnh ở khắp mọi nơi) đã đạt mức thu nhập trên mức thu nhập
của tầng lớp trung lưu. Họ đã có bảo hiểm việc làm, tiền lương hưu, được trả tiền
cho kỳ nghỉ dài hàng năm, bảo hiểm thất nghiệp toàn diện hoặc chế độ "việc
làm suốt đời". Trên tất cả, họ đã đạt được quyền lực chính trị. Tại Anh,
liên đoàn lao động được coi là "chính phủ thực sự", với sức mạnh lớn
hơn Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội, và ở các nơi khác cũng tương tự như vậy. Tại
Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Ý - các công đoàn lao động đã nổi lên như là lực lượng
chính trị mạnh nhất và được tổ chức tốt nhất đất nước. Ở Nhật Bản, những cuộc
đình công cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950 ở Toyota và Nissan đã làm đảo
lộn hệ thống bằng sức mạnh của bản thân tầng lớp công nhân (Peter F. Drucker:
1994). Sự nổi lên của công nhân công nghiệp là kết quả của sự phát triển xã hội
thế kỷ XX.
Ba mươi lăm năm sau,
vào năm 1990, công nhân công nghiệp và công đoàn của họ đã tụt giảm. Họ đã trở
thành nhóm tối thiểu về mặt số lượng. Trong khi, công nhân công nghiệp chiếm hai phần năm lực
lượng lao động Mỹ trong những năm 1950s, giảm xuống chỉ còn lại hơn một phần
năm lực lượng lao động Mỹ vào đầu những năm 1990s – có nghĩa không hơn số lượng
công nhân công nghiệp năm 1900, thời điểm tiếng tăm của họ bắt đầu nổi lên.
Trong các quốc gia phát triển khác, sự suy giảm lúc đầu diễn ra chậm hơn, nhưng
sau năm 1980 nó đã bắt đầu giảm mạnh ở khắp mọi nơi. Đến năm 2000 hoặc 2010, ở
mỗi quốc gia phát triển thị trường tự do, công nhân công nghiệp chiếm không nhiều
hơn một phần tám của lực lượng lao động. Quyền lực của Liên đoàn lao động cũng
giảm nhanh như vậy.
Với sự phát triển của
công nghệ, khoa học kỹ thuật, công nhân công nghiệp truyền thống trở thành nhân
viên phụ trợ. Vị trí của họ đã được thay thế bởi các "kỹ thuật viên"
- người làm việc với cả bàn tay và kiến thức lý thuyết. (Ví dụ như kỹ thuật
viên máy tính, kỹ thuật viên x-ray, vật lý trị liệu, kỹ thuật viên y tế trong
phòng thí nghiệm…., những người tạo thành nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong lực
lượng lao động Mỹ từ năm 1980). Và thay vì là một tầng lớp – một nhóm có sự cố
kết, được nhận biết, được xác định, và có ý thức giai cấp - công nhân công nghiệp
truyền thống nhanh chóng trở thành một "nhóm xúc tác - pressure group".
2. SỰ XUẤT HIỆN CÔNG NHÂN TRI THỨC
Nhóm
mới nổi trội lên là "công nhân tri thức". Đầu những năm 1950 người ta
chưa biết đến thuật ngữ này. Đến cuối thế kỷ XX công nhân tri thức chiếm hơn một
phần ba lực lượng làm việc tại Hoa Kỳ. Phần lớn họ được trả lương ít nhất cũng
bằng hoặc tốt hơn, mức lương công nhân sản xuất đã từng được trả. Và các công
việc mới đem lại cho họ những cơ hội lớn hơn nhiều.
Điều đáng quan tâm ở
đây là, đại đa số các công việc mới đòi hỏi những kiến thức mà người lao động
công nhân công nghiệp không có và được trang bị rất ít. Họ cần phải được giáo dục
chính quy, có khả năng tiếp thu, áp dụng kiến thức lý thuyết và khả năng phân
tích. Mỗi người phải có một cách tiếp cận công việc khác nhau và một năng lực
tư duy khác nhau để làm việc. Trên tất cả, họ phải có một thói quen học tập
liên tục. Công nhân công nghiệp không thể chỉ đơn giản là di chuyển vào công việc
tri thức giống như cách thức người nông dân và người làm công di chuyển vào
làm việc ở khu vực công nghiệp. Ít nhất, về cơ bản, họ phải thay đổi thái độ,
giá trị và niềm tin của họ.
Sự sụt giảm của các công nhân công nghiệp tại các quốc gia phát triển cũng sẽ có tác động lớn đến bên ngoài của thế
giới phát triển. Các nước
đang phát triển không
thể mong đợi phát
triển dựa trên lợi thế so
sánh về lao
động công nghiệp giá rẻ của họ. Nhiều người, đặc biệt là những thủ lĩnh
công đoàn tin tưởng rằng, sự
sụt giảm của công
nhân công
nghiệp cổ
xanh ở các nước phát triển chủ yếu, nếu như không phải là
hoàn toàn, là do sự di
chuyển sản
xuất "ra
bên ngoài" sang
các nước có nguồn
cung dồi dào lao
động không
có tay nghề và
mức lương thấp. Nhưng
điều này không
đúng sự thật.
Từ những năm 1960s, Nhật
Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đã thực sự giành được lợi thế trong thế giới thị trường
bằng cách kết hợp kinh nghiệm của Mỹ - đào tạo công nhân để đạt được năng suất
tối đa, với những chi phí lương ở mức của một đất nước tiền công nghiệp. Lợi thế
so sánh bây giờ là khả năng áp dụng kiến thức. Điều này có nghĩa, các nước
đang phát triển cũng phải học cách phát triển dựa trên việc áp dụng kiến thức
– ngay tại thời điểm khi hầu hết các nước (Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước Mỹ
Latinh,…) phải tìm công ăn việc làm cho hàng triệu thanh niên thất học và không
có tay nghề, chỉ đủ khả năng có một ít việc làm ngoại trừ việc làm của công
nhân công nghiệp cổ xanh của ngày hôm qua.
Nhưng đối với các nước phát triển cũng vậy, việc chuyển sang công việc dựa trên tri thức đặt ra những thách thức xã hội rất lớn. Mặc dù có các nhà máy, xã hội công nghiệp về cơ bản vẫn còn là một xã hội truyền thống với
các mối quan hệ sản xuất xã
hội cơ bản của mình. Nhưng xã hội mới nổi, không phải là xã hội hoàn toàn dựa trên tri thức và công
nhân tri thức. Đó là xã hội đầu tiên trong đó những người bình thường - có nghĩa là hầu hết mọi người - không kiếm được bánh mì hàng ngày bằng cách đổ mồ hôi trán. Đó là xã hội đầu tiên trong đó "làm việc tốt - honest work " không có nghĩa là một bàn tay chai sạn. Nó cũng là xã hội đầu tiên trong đó mọi người không làm những
công việc tương
tự nhau, như
thời kỳ khi đa
số đều là
nông dân hoặc
những năm 1960 khi tất
cả đều là người vận hành máy. Đó là một xã hội với những sự
thay đổi trong điều kiện sống của con
người.
Công
nhân TRI THỨC sẽ không chiếm đa số trong xã hội tri thức nhưng họ sẽ là nhóm
dân số duy nhất và là nhóm lao động lớn nhất trong hầu hết các xã hội phát triển.
Và ngay cả khi bị các nhóm xã hội khác áp đảo về số lượng, công nhân tri thức
là lực lượng tạo nên đặc trưng, sự lãnh đạo, chân dung xã hội cho xã hội tri thức
đang nổi. Họ có thể không phải là giai cấp lãnh đạo của xã hội tri thức, nhưng
họ là tầng lớp hàng đầu của xã hội đó. Và những đặc điểm, vị trí xã hội, giá trị
và những kỳ vọng của công nhân tri thức khác một cách cơ bản so với bất kỳ nhóm
xã hội nào trong lịch sử đã từng chiếm vị trí hàng đầu trong xã hội.
Trước hết, công nhân
tri thức tiếp cận công việc và vị trí xã hội thông qua giáo dục chính quy. Một
số lượng lớn các công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng phát triển cao
và liên quan đáng kể đến kỹ năng của hai bàn tay con người. Một ví dụ điển hình
là công việc phẫu thuật thần kinh. Khả năng làm việc của một người giải phẫu thần
kinh dựa trên kiến thức lý thuyết được đào tạo giáo dục chính quy trong nhà
trường và những kỹ năng cần thiết. Nếu thiếu kỹ năng cần thiết cho công việc
thì không có ai được phép thực hiện một cuộc giải phẫu thần kinh. Những tri thức
và kỹ năng này chỉ có thể có được qua học tập và đào tạo chính quy.
Công việc tri thức rất đa dạng về số lượng và các loại kiến thức chính cần thiết. Trong xã hội tri thức, việc được trang bị kiến thức và
áp dụng kiến thức sẽ trở thành yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất đối với một
cá nhân, một tổ chức, một ngành, một quốc gia. Tri thức trong xã hội tri thức,
được nhấn mạnh vào khía cạnh ứng dụng tri thức. Các lực lượng lao động trung
tâm trong xã hội tri thức chỉ bao gồm những người có chuyên môn cao. Công nhân
tri thức phải là người có chuyên môn (được đào tạo chuyên sâu).
TRI THỨC trong xã hội
tri thức phải được chuyên môn hóa cao để có năng suất, hàm ý hai yêu cầu mới:
công nhân tri thức phải làm việc theo đội nhóm, và ít nhất họ phải gắn kết với
một tổ chức. Trên thực tế, mọi người đã luôn làm việc theo nhóm; rất ít người
có thể làm việc một mình có hiệu quả. Trong hộ gia đình nông dân, thợ thủ công,
mỗi người làm một loại công việc để tạo thành một sản phẩm. Tất cả, đều làm việc
với nhau như một đội, nhóm. Với quan niệm công việc tri thức càng hiệu quả khi
nó càng được chuyên môn hóa, các đội trở thành đơn vị làm việc hơn là cá nhân
người công nhân/người lao động. Quan trọng không kém là hàm ý thứ hai, người
lao động tri thức là các chuyên gia cần thiết phải làm việc với tư cách là
thành viên của một tổ chức. Chỉ có tổ chức mới có thể cung cấp sự liên tục cơ bản
giúp họ có thể làm việc hiệu quả. Chỉ có các tổ chức mới có thể chuyển các kiến
thức chuyên môn của người lao động tri thức vào những hoạt động cụ thể. Bởi
bản thân kiến thức chuyên môn không thể tạo nên một hoạt động. Các bác sĩ phẫu
thuật không thể thực hiện được một cuộc phẫu thuật trừ khi đã có một sự chẩn
đoán - trong đó phần lớn, không phải là nhiệm vụ của các bác sĩ phẫu thuật và
thậm chí không nằm trong thẩm quyền của bác sĩ phẫu thuật.... Điều này đòi hỏi
các chuyên gia phải nằm trong cùng một tổ chức.
Đa số người lao động tri thức sẽ dành hầu hết thời gian
làm việc của họ trong suốt cuộc đời trong vai trò là một "nhân viên".
Nhưng ý nghĩa của thuật ngữ này sẽ khác với những gì đã được hiểu theo truyền
thống. Trong xã hội tri thức, có lẽ điều quan trọng là cần phải hiểu nội hàm
của khái niệm nhân viên – employee. Đó là những người công nhân
tri thức sở hữu các công cụ sản xuất. Cái nhìn sâu sắc tuyệt vời của Marx là,
công nhân nhà máy không và không thể sở hữu các công cụ sản xuất, và do đó họ
bị "tha hóa". Marx đã chỉ ra, đối với người lao động không có cách
nào để có thể sở hữu động cơ hơi nước và có thể mang nó đi khi anh ta di chuyển
từ một công việc này sang công việc khác, từ nhà máy này sang nhà máy khác.
Việc đầu tư trong xã hội tri thức thực sự không phải là máy móc và công cụ, mà
là đầu tư vào sự hiểu biết của người lao động tri thức. Nếu không có kiến thức,
máy móc dù hiện đại và tinh vi như thế nào chăng nữa cũng không hiệu quả. Sự đầu tư kiến thức là để quyết định xem liệu các nhân
viên làm việc có năng suất hay không, có hiệu quả nhiều hơn so với các công cụ,
máy móc, và vốn được cung cấp bởi một tổ chức hay không. "Vốn đầu
tư" của người nghiên cứu thị trường là kiến thức về thị trường, kiến thức
thống kê, và các ứng dụng của nghiên cứu thị trường vào chiến lược kinh doanh,
tích lũy trong trí tuệ của nhà nghiên cứu và là tài sản độc quyền và bất khả
xâm phạm của họ. Vốn đầu tư thực sự của bác sĩ phẫu thuật là 12 - 15 năm đào
tạo và kiến thức của bác sĩ phẫu thuật có thể đem theo từ bệnh viện này sang
bệnh viện khác. Nếu không có kiến thức, phòng mổ đắt tiền của bệnh viện chỉ là
những đống phế liệu. Trong xã hội tri
thức các tổ chức cần công nhân tri thức hơn là công nhân tri thức cần tổ chức. Các kiến thức của xã hội tri thức, chính là kiến thức
áp dụng trong hành động, xuất phát từ nhu cầu thực, từ một tình huống cụ thể.
Trong bối cảnh này, xã hội tri thức là một xã hội di động. Bản chất của xã hội
tri thức là tính di động theo khía cạnh di động nơi sinh sống, di động về việc
làm, di động về những mối quan hệ xã hội của con người. Xã hội tri thức là một
xã hội trong đó có nhiều người thành công hơn các xã hội trước. Đồng thời cũng
là một xã hội trong đó nhiều người thất bại hơn, hoặc ít nhất cũng đứng thứ
hai, so với các xã hội trước đó.
4. MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CƠ CẤU XÃ HỘI CÔNG NHÂN[165]
TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VIỆT NAM
4.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam được khởi xướng năm 1986, tiếp theo là mở cửa thị trường để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và tạo ra một cơ sở kinh tế công nghiệp phát triển thông qua tăng
trưởng dựa
vào xuất khẩu (Athukorala & Tiền 2012). Chiến lược hội nhập kinh tế toàn
cầu của
nền kinh tế Việt Nam đã làm thay
đổi cấu trúc kinh tế, mô
hình tổ chức sản xuất, đến
lượt nó lại tác động đến thị trường lao động (Jenkins 2006). Một câu hỏi có liên quan là: Liệu sự biến đổi cấu trúc kinh tế có tạo ra cơ hội việc làm mới và trong hoàn cảnh nào thì sự biến đổi cấu trúc kinh tế này sẽ tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu xã hội công nhân trong quá trình
phát triển xã hội?
Theo lý thuyết, quá trình toàn
cầu hóa sẽ thúc đẩy các quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế, giúp Việt
Nam chuyển từ một hệ thống kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang một hệ
thống kinh tế dựa trên dịch vụ và công nghiệp. Kết quả của quá trình này sẽ dẫn
đến sự di chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, chuyển từ lao động
phổ thông sang các công việc có tay nghề, đồng thời cũng dẫn đến sự gia tăng tỷ
lệ người lao động làm công ăn lương. Thị trường lao động của Việt Nam chuyển
động. Tuy nhiên, theo dữ liệu khảo sát giai đoạn 2004-2008, phần lớn công việc
vẫn giữ nguyên và sự di động không theo một xu hướng rõ ràng (Ian Brand-Weine et al: 2015).
Trong Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội mười năm 2001-2010, xu hướng chuyển dịch cơ cấu
ngành chậm dần và nhìn chung chỉ diễn ra ở 5 năm đầu (2001-2005). Tính chung mười
năm 2001-2010, cơ cấu kinh tế ngành không duy trì được xu hướng chuyển dịch của
những năm 1991-2000.
Bảng 1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế 2001 - 2010
|
Cơ cấu kinh tế |
||
|
Nông, lâm nghiệp và thủy sản |
Công nghiệp và xây dựng |
Dịch vụ |
Mục tiêu trong Chiến lược 10 năm (2001-2010) |
16 – 17% |
|
42 – 43% |
Kết quả thực hiện được |
|
|
|
2001 |
23,3% |
38,1% |
38,6% |
2010 |
20,6% |
41,1% |
38,3% |
Nhìn vào kết
quả Bảng 1, có thể nói, cơ cấu kinh tế ngành Việt Nam chưa ra khỏi
cơ cấu truyền thống với đặc trưng khu vực sản xuất vật chất nói chung và khu vực
nông, lâm nghiệp và thuỷ sản nói riêng chiếm tỷ trọng cao.
Trong số các biện
pháp quan trọng đóng vai trò đáng kể vào quá trình chuyển đổi
cơ cấu kinh tế, cần
phải nói đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và
thành lập các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) chủ yếu phân bố ở 49 tỉnh,
thành phố trên cả nước, đặc biệt tập trung ở ba vùng kinh tế trọng điểm miền
Nam, miền Trung và miền Bắc. Với sự ra đời của Khu Chế xuất Tân Thuận được
thành lập năm 1991 theo Quyết định số 394/CT ngày 25/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ,
vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi có khu chế xuất (KCX) đầu tiên trong cả
nước.
Quá
trình dịch chuyển cơ cấu kinh
tế đã có tác động làm xã hội chuyển động. Tổng hợp số liệu từ tám cuộc Điều tra Mức
sống dân cư/hộ gia đình Việt Nam (1992 – 2012) do Tổng Cục Thống kê thực hiện,
có thể thấy sự biến đổi của các tầng lớp xã hội trong đó có công nhân qua tỉ lệ
giảm dần của tầng lớp nông dân: 70,0% (1992/1993) à66,3% (1997/1998) à58,0% (2002) à53,4% (2004) à51,6% (2006) à50,4% (2008) à47,3% (2010) à47,0% (2012). Tầng lớp
nông dân giảm đi bao nhiêu % thì các tầng lớp khác (trong đó có giai tầng công
nhân) cũng tăng lên bấy nhiêu. Trung bình trong 20 năm, tầng lớp nông dân giảm
đi khoảng 1%/năm (Đỗ Thiên Kính: 2015). Tổng hợp mối tương quan giữa tỉ lệ lao
động nông nghiệp và các giai đoạn của công nghiệp hóa từ các nhà nghiên cứu
trên thế giới cho thấy: Giai đoạn khởi đầu công nghiệp hóa có tỉ lệ lao
động nông nghiệp khoảng 45 - 60% àPhát
triển công nghiệp hóa (lao động nông nghiệp khoảng 30 -
45%) àHoàn thiện công nghiệp hóa (lao
động nông nghiệp khoảng 10 - 30%) àHậu
công nghiệp (lao động nông nghiệp khoảng <10%) (Đỗ
Thiên Kính: 2015). Đối chiếu sự phân chia các giai đoạn công nghiệp hóa trên thế
giới vào xã hội Việt Nam năm 2012, cấu trúc các tầng lớp xã hội của cả nước
đang trong giai đoạn cuối của Khởi đầu công nghiệp hóa (lao động nông
nghiệp khoảng 47,0% ) và đang bước sang giai đoạn Phát triển công nghiệp
hóa. Vùng Đồng bằng sông Hồng bắt đầu bước vào giai đoạn Phát triển công
nghiệp hóa (lao động nông nghiệp khoảng 33,5%) và 8 tỉnh Nam Bộ tương đương
với giai đoạn Phát triển công nghiệp hóa (với tỷ lệ 25,6% là lao động
nông nghiệp) (Đỗ Thiên Kính: 2015).
Từ
góc độ cơ cấu xã hội câu hỏi đặt ra ở đây: Nông dân đi đâu? Dựa vào những số liệu
thống kê có thể đưa ra nhận định đa số nông dân đã tự động di chuyển vào khu vực
việc làm có tính chất công nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trong quá
trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam.
4.2. Công
nghiệp hóa
Năm 1991 với
sự ra đời của Khu Chế xuất Tân Thuận, Tp. Hồ Chí Minh - Khu Chế xuất đầu tiên
của cả nước đã được thành lập. Từ đó đến nay, các KCN, KCX, KKT
đã phát triển ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó, các vùng kinh tế
trọng điểm có 157 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 57.000 ha,
chiếm 60% số lượng và 80% diện tích các KCN của cả nước và 8/15 khu kinh tế ven
biển với tổng diện tích 382.281 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích các khu kinh tế
ven biển cả nước (Lê Mai Hương). Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập
trung chủ yếu các nhà máy, công ty, xí nghiệp và số lượng các khu công nghiệp
trong cả nước. Đồng thời, vùng này cũng là nơi thu hút nhiều dự án đầu tư nước
ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Sự phát triển kinh tế công nghiệp ở 8 tỉnh Nam Bộ được
thể hiện qua cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành (Bảng 2).
Trong đó, nếu cơ cấu cả nước vào năm 2012 là 100%, thì vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam (có TPHCM) chiếm tới 49%. Tương ứng với cơ cấu giá trị sản xuất công
nghiệp này, ta thấy cơ cấu tầng lớp Thợ công nhân ở 8 tỉnh Nam Bộ chiếm
44% so với cả nước (Đỗ Thiên Kính: 2015).
Bảng 2. So sánh một
số chỉ tiêu giữa 8 tỉnh Nam Bộ với cả nước (2012)
Chỉ tiêu |
Cả nước |
Trong đó |
|
Vùng ĐBSH |
Vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam (8 tỉnh Nam Bộ)[166] |
||
Giá
trị sản xuất công nghiệp (%) |
100 |
27,8 |
49,0 |
Tầng
lớp công nhân (%) |
100 |
26,6 |
44,0 |
Tầng
lớp nông dân (%) |
100 |
16,2 |
10,5 |
Thu
nhập trung bình khẩu/tháng (1.000đ) |
1.999,8 |
2.350,6 |
3.172,8
(6 tỉnh Đông Nam Bộ) |
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2014b: Biểu số 225;
2014a: Biểu số 5.1 và kết quả xử lý số liệu từ cuộc Điều tra Mức sống hộ gia
đình 2012.
Từ đầu những năm 1980 đến nay, một số kết quả nghiên cứu
đưa ra nhận định, công nhân Việt Nam có những nét đổi mới như sau: 1)Về cơ bản,
giai cấp công nhân đã được trí thức hóa. Một bộ phận lớn giai cấp công nhân đã
là trí thức; 2) Trong tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, người công nhân
không còn thuần túy là người làm thuê (chỉ có quyền được bán sức lao động để sống),
mà đã có phần nào làm chủ, chí ít là làm chủ đất nước, góp phần làm chủ Nhà nước
(định ra Hiến pháp, pháp luật.), nhằm làm chủ trong cả sản xuất lẫn phân phối sản
phẩm lao động; 3) Đại bộ phận công nhân không còn hoàn toàn là vô sản như hồi đầu
thế kỷ XX, mà đã là hữu sản, trong đó một số công nhân tri thức đã có sở hữu
trí tuệ - một thứ sở hữu có thể tạo ra của cải làm giàu cho xã hội và cho bản
thân mình; một số công nhân đã có cổ phần xí nghiệp, được hưởng lợi nhuận từ cổ
phần góp vào theo đúng pháp luật nhà nước của chính giai cấp mình quy định; 4)
Giai cấp công nhân vẫn đóng vai trò tiền phong, đang trên đà đưa “khoa học, kỹ
thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”, đang đi đầu trong sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, nắm những vị trí then chốt về khoa học, công nghệ, tạo
ra năng suất lao động cao và một lượng sản phẩm xã hội cao nhất trong nền kinh
tế quốc dân; 5) Giai cấp công nhân Việt Nam đã có một vị thế quốc tế của một nước
có nền kinh tế sánh vai được với 5 châu, một trong những nước thăng tiến nhanh
về xuất khẩu, tăng trưởng nhanh về khoa học, công nghệ, kể cả về tin học; 6) Đảng
của giai cấp công nhân Việt Nam đang lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới của
dân tộc (Văn Tạo: 2006).
Cơ cấu kinh tế Việt Nam đã diễn ra những thay đổi trước
tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới. Quá trình công
nhiệp hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vừa mở ra cơ hội và thách
thức về chất lượng công nhân trong quá trình phát triển xã hội (Bùi Thị Kim Hậu:
2004) và cấu trúc việc làm. (Bảng
3)
Bảng 3. Cấu trúc công nghiệp Việt Nam và cấu trúc việc làm
Năm |
Cấu trúc công nghiệp (%) |
Cấu trúc việc làm (%) |
||||
Công
nghiệp thứ nhất |
Công
nghiệp thứ hai |
Công
nghiệp thứ ba |
Công
nghiệp thứ
nhất |
Công
nghiệp thứ hai |
Công
nghiệp thứ ba |
|
2000 |
24.53 |
36.73 |
38.74 |
64.4 |
10.1 |
25.5 |
2005 |
19.3 |
38.13 |
42.57 |
57 |
15.9 |
27.1 |
2010 |
18.89 |
38.23 |
42.88 |
48.8 |
21.8 |
29.4 |
2011 |
20.08 |
37.90 |
42.02 |
48.4 |
21.6 |
30.4 |
2012 |
19.67 |
38.63 |
41.70 |
47.4 |
20.9 |
31.7 |
2013 |
18.38 |
38.31 |
43.31 |
46.8 |
21.3 |
31.9 |
Nguồn: Viet Nam
Statistical Yearbook 2015
Nhìn vào bảng 3, giai
đoạn 2000 – 2013, cơ cấu việc làm của ba khu
vực trong ngành công nghiệp tại
Việt Nam đã trải qua một sự thay đổi. Tỷ lệ việc làm khu vực công nghiệp thứ nhất (công nghiệp),
giảm từ 64,4% (2000) xuống 46,8% (2013). Tỷ lệ việc làm khu vực công nghiệp thứ
hai (xây dựng) tăng từ 10,1% (2000) lên 21,3% (2013). Từ năm 2000 đến năm 2013,
tỷ lệ việc làm khu vực công nghiệp thứ ba (dịch vụ) tăng từ 25,5% lên 31,9%. (Bảng
3) (Do Hai Hung, Juntao Zhang, Sultan Sikandar Mirza: 2015).
Hiện nay, cơ cấu lao
động trong công nghiệp Việt Nam có xu hướng chuyển giữa khu vực công nghiệp thứ
nhất vào khu vực công nghiệp thứ hai và sang khu vực công nghiệp thứ ba. Do đó,
lao động trong khu vực công nghiệp thứ hai và thứ ba đang gia tăng. Dựa trên những
phân tích trên, có thể thấy rằng xu hướng thay đổi cơ cấu công nghiệp của Việt
Nam và cơ cấu việc làm về cơ bản phù hợp với các quy tắc chung của sự phát triển
cơ cấu công nghiệp, nhưng mức độ thay đổi cơ cấu việc làm chậm hơn những thay đổi
của cơ cấu công nghiệp và tất yếu liên quan đến sự tốc độ chuyển dịch cơ cấu
công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đặc biệt là các Vùng kinh tế
trọng điểm trên cả nước.
Theo quy chuẩn quốc tế
(Petty và Clark, 1975), những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp tất yếu dẫn đến
những thay đổi trong cơ cấu việc làm, và tỷ lệ thay đổi cơ cấu công nghiệp và
cơ cấu việc làm phải xấp xỉ bằng nhau. Đây là một điều kiện tiên quyết cần thiết
cho sự ổn định kinh tế và phát triển hài hòa của một quốc gia (Do Hai Hung,
Juntao Zhang, Sultan Sikandar Mirza: 2015).
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách
công nghiệp, ở các hãng đa quốc gia trên thế giới, cứ 100 doanh nghiệp trong
một chuỗi tham gia chế tạo sản phẩm cuối cùng thì có khoảng 95 doanh nghiệp
thực hiện các hoạt động thuộc khu vực hỗ trợ, chỉ có 5 doanh nghiệp lắp ráp -
sản xuất sản phẩm cuối cùng. Đối chiếu tiêu chuẩn quốc tế vào Việt Nam trong thời gian qua, ngành công nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo bề rộng, theo hướng gia công, lắp ráp
là chủ yếu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (GO) luôn cao hơn tốc độ
tăng giá trị tăng thêm (VA). Tỷ trọng doanh nghiệp ở Việt Nam tham
gia vào khu vực hỗ trợ rất ít, chủ yếu sản xuất - lắp ráp. Do đó, so với tổng
giá trị thì phần (VA) của công
nghiệp Việt Nam là thấp. Ví dụ ở Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp may
nhưng mới chỉ có chừng 250 doanh nghiệp hỗ trợ. Ngành cơ khí chế tạo, ngành
điện tử gia dụng cũng chủ yếu dừng lại ở lắp ráp[167].
FDI đã góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh
tế, như khai thác, lọc hóa dầu, ô tô, xe máy, điện tử, xi măng, sắt thép, thực
phẩm, thức ăn gia súc; cũng như góp phần hình thành một số khu đô thị hiện đại
như Phú Mỹ Hưng, Nam Thăng Long, nhiều khách sạn 4- 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao
cấp, văn phòng cho thuê... Lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bán
buôn, bán lẻ đã du nhập phương thức kinh doanh hiện đại, công nghệ tiên tiến,
thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp dân cư.
Bảng 4. Một số chỉ tiêu cơ bản của doanh nghiệp FDI giai
đoạn 2000 - 2013[168]
|
Số doanh nghiệp đang hoạt động
thời điểm 31/12 |
Số lao động thời điểm 31/12 (người) |
Tổng thu nhập của người lao động (tỷ đồng) |
Tổng số |
|
|
|
Tốc
độ phát triển bình quân 2000-2013 |
107.8
108.4 |
107.8
108.4 |
121.0 |
Năm
2000 |
1,
525 |
407,
565 |
7,914 |
Năm
2005 |
3,
697 |
1,
220, 616 |
25,
624 |
Năm
2010 |
7,
248 |
2,
156, 063 |
103,
535 |
Năm
2012 |
8,
976 |
2,
719, 966 |
190,
791 |
Sơ
bộ năm 2013 |
9,
093 |
3,
222, 538 |
253,
452 |
Chia
theo ngành SXKD |
|
|
|
1. Nông, lâm, thủy
sản |
|
|
|
Tốc
độ phát triển bình quân 2000-2013 |
104.0
|
102.0
|
113.8 |
Năm
2000 |
42
|
3
902 |
62 |
Năm
2005 |
77
|
7,
700 |
148 |
Năm
2010 |
105
|
11,
152 |
377 |
Năm
2012 |
113
|
9,141
|
579 |
Sơ
bộ năm 2013 |
123
|
9,
813 |
697 |
2. Công nghiệp
và xây dựng |
|
|
|
Tốc
độ phát triển bình quân 2000-2013 |
107.6
|
108.2
|
120.6 |
Năm
2000 |
1,
101 |
366,
370 |
6,
217 |
Năm
2005 |
2,
739 |
1,141,091 |
21,339 |
Năm
2010 |
4,923 |
1,993,230 |
82,668 |
Năm
2012 |
5,774 |
2,498,707 |
154,658 |
Sơ
bộ năm 2013 |
6,629 |
2,932,232 |
202,157 |
Trong
đó: công nghiệp |
|
|
|
Tốc
độ phát triển bình quân 2000-2013 |
107.0
|
108.2 |
120.6 |
Năm
2000 |
1,
058 |
363,
539 |
6,
143 |
Năm
2005 |
2,
679 |
1,134,976 |
21,039 |
Năm
2010 |
4,
620 |
1,980,121 |
81,420 |
Năm
2012 |
5,
281 |
2,478,406 |
152,154 |
Sơ
bộ năm 2013 |
6,
038 |
2,908,311 |
198,812 |
3.
Dịch vụ |
|
|
|
Tốc
độ phát triển bình quân 2000-2013 |
108.5
|
112.0 |
123.2 |
Năm
2000 |
382
|
37,
293 |
1,
635 |
Năm
2005 |
881 |
71,
825 |
4,
137 |
Năm
2010 |
2,
220 |
151,681 |
20,490 |
Năm
2012 |
3,
089 |
212,118 |
35,554 |
Sơ
bộ năm 2013 |
2,
341 |
280,494 |
50,598 |
Nguồn: Tổng cục thống kê.
Tính đến cuối năm 2011, khu vực FDI tạo ra hơn 2,3
triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp, trong đó có hàng vạn
kỹ sư, nhà quản lý trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề, với thu nhập ngày
càng tăng, du nhập phương thức lao động, kinh doanh và quản lý tiên tiến[169].
Tuy
nhiên, theo báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010” của Cơ quan
Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam
(VNCI) trên cơ sở khảo sát 1.155 doanh nghiệp của 47 quốc gia, đại diện cho 21%
số doanh nghiệp FDI đang hoạt động thì “doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có quy mô
tương đối nhỏ, lợi nhuận thấp, chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty đa quốc
gia, do đó thường nằm trong khâu thấp nhất của giá trị sản phẩm”; Khoảng 5%
doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành công nghệ hiện đại, 5% vào dịch vụ khoa
học-công nghệ, 3,5% vào dịch vụ tài chính, quản lý đòi hỏi kỹ năng cao.
5. KẾT LUẬN
Những kết quả trên cho thấy, sự hiện diện của FDI trong khu vực kinh tế thứ hai không có nghĩa là vốn đầu tư tự động được dịch chuyển thành những cơ hội cho sự dịch chuyển lao động, việc làm
và lợi ích cho các hộ gia đình Việt Nam
với hệ quả tác động tích cực là sự di động xã hội và một tình trạng kinh tế-xã hội tốt hơn. Mặc dù có sự
đóng góp cao vào GDP, thực sự chỉ có 22,4% người lao động trong các lĩnh vực sản
xuất được sử dụng trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2008.
Hơn nữa, các chủ doanh nghiệp nước ngoài chỉ sở hữu 17,4% của tổng số tài sản cố
định sản xuất (Athukorala & Tiên năm 2012). Tỷ lệ lao động trong khu vực
FDI thấp do năng suất lao động cao và giá trị gia tăng thấp của các loại hình đầu
tư này và công nghệ máy móc phần lớn lạc hậu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự
thay đổi cơ cấu kinh tế nhanh hơn sự thay đổi trong cơ cấu việc làm và hầu hết
công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở những Vùng kinh tế trọng
điểm vốn dĩ là những người nông dân chuyển dịch sang trong quá trình công
nghiệp hóa, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn. Nội dung này sẽ được trình bày
trong bài tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Kim Hậu: 2004), Trí thức hoá công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước (qua thực tế của một số doanh nghiệp nhà nước).
2.
Do Hai Hung, Juntao Zhang, Sultan Sikandar Mirza: Economic Structure and
employment Stucture in Vietnam. Journal of Economics and Sustainable
Development. ISSN 2222-1700 (Paper) ISSN 2222-2855 (Online). Vol.6, No.12,
2015. www.iiste.org.
3. Đỗ
Thiên Kính: Xu hướng biến đổi cấu trúc
các tầng lớp xã hội ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí KHXH Số 4 (200) 2015
4. Ian Brand-Weiner, Francesca Francavilla, Mattia Olivari: Toàn
cầu hóa và ở Việt Nam: Một cơ hội cho sự di động xã hội. 28 January
2015. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/app5.73/full#app573-bib-0022.
5. Lê Mai Hương:
Để các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở
thành động lực tăng trưởng kinh tế. Website Bộ Công thương. http://www.arid.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=250&news_id=3692
6.
Peter F. Drucker: The Age of Social Transformation. The Atlantic Monthly. November 1994;
Volume 274, No. 5; page(s) 53-80.
7. Sở
Kế hoạch & đầu tư Hà Nội: 25 năm Luật Đầu tư
nước ngoài tại Việt Nam. website 04/09/2012. http://www.hapi.gov.vn/25-nam-luat-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam_a395t122.aspx
8. Văn Tạo, Quan điểm
về giai cấp công nhân Việt Nam của Văn kiện Đại hội X của Đảng. Tạp chí Cộng sản tháng 5/2006.
9. Viện Nghiên cứu Phát triển: Cơ hội tái cơ cấu
công nghiệp. www.hids.hochiminhcity.gov.vn/.../nang-luong-cong-nghiep-khai-khoang
SẢN XUẤT LÚA VỤ BA
Ở TỈNH AN GIANG – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NHÂN VĂN
TS. Ngô Quang Láng
và Đặng Thị Kim Tuyến
Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An
Giang
Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM
An
Giang là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, là một trong 13 tỉnh, thành phốthuộc
vùng đồng bằng sông Cửu Long, có đầy đủ các điều kiện thuận lợi phát triển kinh
tế nông nghiệp toàn diện và nông nghiệp được xem là nền tảng và là mặt trận
hàng đầu của tỉnh.Tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2010 là 297.489, 71 ha chiếm 84,12% tổng diện tích tự nhiên, trong
đó đất trồng lúa chiếm 250.975,75 ha (chiếm 84,36%) đất nông nghiệp[170].
Là tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông,với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu có lưu lượng dòng chảy bình thường 1.700m3/giây,
trong mùa nước nổi thì gia tốc đến 60.000m3/giây đem theo 97 triệu tấn
cát bùn, đã cung cấp nguồn nước ngọt vô cùng phong phú cùng với hàm lượng phù
sa to lớn bồi đắp hàng năm.Thời gian ngập lũ từ 3–4 tháng đem
lại
nhiều lợi ích cho nông nghiệp, nông dân: tăng độ phì nhiêu cho đất đai,vệ sinh đồng
ruộng, phát triển nguồn
thủy sản nước ngọt: tôm, cua, cá…
An Giang cũng là tỉnh có địa hình đồi núi xen lẫn đồng bằng thuận lợi
cho việc phát triển lâm nghiệp và đặc biệt là chăn nuôi gia súc như trâu, bò,
dê, ngựa… Năm 2010, số lượng bò của tỉnh An Giang là 75.317 con.
Dân số An Giang ngày càng tăng qua các năm:1995,dân số
của tỉnh là 1.968.976 người, 2000 là 2.061.664, đến năm 2005
tăng lên2.118.120 người, vào năm 2010 dân số của tỉnh đã lên đến
2.148.866 người[171]
và là tỉnh dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về dân số với hơn 75% lao động là nông dân.
Dân số tăng, diện tích
đất sản xuất lại có hạn, tính
đến năm 2010 đất đã được sử dụng chiếm
99,51% [172].Nhận
thấy, để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực quốc gia và thực hiện theo tinh
thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IX là “tiếp
tục phát huy vai trò của vùng lúa và nông sản” vùng đồng bằng sông Cửu Long, An
Giang không thể phát triển nông nghiệp theo chiều rộng như trước đây mà cần phải
đẩy mạnh nông nghiệp theo chiều sâu thì mới có thể giữ được vị trí là một tỉnh
đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do năng lực ứng dụng khoa học-kỷ
thuật trong nông nghiệp yếu kém nên sản
lượng lương thực không tăng như mong muốn nên tỉnh chọn giải pháp tăng vụ, từ 2
lên 3 vụ lúa/năm. Từ năm 2000, An Giang bắt đầu sản xuất lúa vụ 3 cùng lúc với
việc phát triển hệ thống đê bao chống lũ triệt để dưa vào sức dân đóng góp là
chính.
Về mặt kinh tế, sản sản xuất lúa vụ 3 đã góp phần phát triển kinh tế
- xã hội, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh,
của quốc gia. Tuy nhiên, về lâu dài cần xem lại sản xuất lúa vụ 3 từ góc độ
nhân văn, đã tác động như thế nào đối với đất, với nông dân - những con người hầu
như phải, làm việc cật lực trong một thời gian dài, luôn bám đồng ruộng theo
dõi sát sao các chu kỳ sinh trưởng của cây lúa.
Nông dân ta cần cù lao động, chịu thương chịu khó nhưng nhiều người
thiếu kiến thức cần thiết, đặc biệt là cách thức tiếp nhận thông tin đa chiều.
Nhân dân hầu như đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của chính quyền các cấp. Vì vậy,
chính quyền chủ trương sản xuất lúa vụ 3 thì bà con sẽ thực hiện, mặc dù họ vẫn
biết vụ 3 là vụ mùa tiềm ẩn nhiều rủi ro cao khi mà mỗi năm lũ lên bất thường,
đe dọa ruộng lúa của bà con, nghe trong lòng cứ thấp thỏm lo âu, ăn ngủ không
yên. Trong thời điểm sản xuất lúa vụ 3 năm 2011nhiều điểm đê
trên các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên… bị vỡ đồng loạt
gây thiệt hại nặng nề cho nông dân: đê bao tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) bị
vỡ nhấn chìm 620 ha lúa, đê xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành) bị vỡ nhấn chìm 320
ha lúa, đê bao tại Kinh 8, xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú) bị vỡ nhấn chìm 270
ha lúa. Nghiêm trọng nhất là vụ vỡ đê tại Kinh 7, xã Ô Long Vĩ (huyện Châu
Phú), nhấn chìm 500 ha lúa và đe dọa trực tiếp đến 1.000 ha lúa còn lại của tiểu
vùng Kinh 7 - Kinh 10 thuộc xã này. Tính đến sáng 29/9 An Giang đã bị vỡ đê ở 7 nơi, khiến 8 ngàn héc-ta
lúa thu đông ở An Giang đã ngập chìm trong lũ. Trong khi hơn 400 km đê bao khác
đang bị đe dọa cùng với 10.000 ha lúa chưa gặt, tức gần 1/10 diện tích lúa thu
đông ở An Giang[173]… Cũng trong mùa lũ này, do hệ thống đê
bao dày đặc khiến quy luật “bình thông nhau” không còn tác dụng nên kết cấu hạ
tầng nhiều vùng trong tỉnh (kể cả thành phố Long Xuyên, Châu Đốc) bị tàn phá nặng
nề, thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng!
Một
đặc điểm quen thuộc nữa trong nông nghiệp, đó là nông dân thường phải chịu áp lực
về thiên tai, dịch bệnh, giá cả, chi phí sản xuất lúa vụ 3 cao, lợi nhuận thì
không bằng vụ Đông Xuân và Hè Thu, chi phí đầu tư xây dựng
và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của
những diện tích không cứu kịp,…và sản phẩm đầu ra nếu chẳng may gặp cảnh
“mất giá” thì phải bán tống, bán tháo cho tư thương để lấy tiền chuẩn bị cho
mùa tới.
Tất
cả những điều đó nông dân đều hứng lấy, bao nhiêu hậu quả nông dân đều gánh chịu
nhưng họ chẳng trách ai, chỉ trách “tại trời”, chỉ coi như “lấy công làm lời” nếu
không có lời thì cũng không sao vì dường như họ đã quen với cảnh như vậy.Thật
không khỏi chạnh lòng khi nhiều hộ nông dân trồng lúa mà vẫn phải chạy lomua gạo
trong khi lúa gần thu hoạch.
Trong
thực tế, chúng ta cũng thừa nhận rằng bộ mặt nông thôn cũng có bước chuyển biến,
thay đổi tốt hơn, khởi sắc hơn. Ừ thì tốt hơn, khởi sắc hơn nhưng trong đó có
bao nhiêu phần trăm nông dân đóng góp ? Và chất lượng các công trình như thế
nào ? Chúng ta đều biết rằng, để nông dân giàu lên phải đầu tư cho nông dân chứ
không phải để nông dân đóng góp. Thật là trớ trêu khi dân ở thành thị vốn đã
khá giả thì không phải đầu tư về cơ sở vật chất, còn dân nông thôn thì quá
nghèo lại phải đóng góp tiền của xây dựng đê bao,đường sá, cầu cống, điện, nước…
Chưa
hết, sản xuất lúa vụ 3 sẽ ảnh hưởng đến một nhóm người dễ bị tổn thương trong
xã hội, đó là những người nghèo, không có đất sản xuất nhưng lại không khai
thác nguồn lợi thủy sản vì do quá nhiều hệ thống đê bao nên không có nước lũ
tràn đồng, tôm cá ngày càng vắng bóng.
Vào
ngày 14/10/2002, Ban Cán sự Đảng tỉnh An Giang cho ra đời ra Đề án 31 “Phát triển
sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nông
dân trong mùa nông nhàn”, nêu lên mục tiêu, yêu cầu và phương châm “sống và sinh hoạt bình thường; phát triển
ngành nghề sản xuất để có thu nhập và thu nhập cao, phát huy các loại hình sinh
hoạt văn hóa trong mùa nước, làm nổi bật nét văn hóa và làm phong phú thêm nếp
sống văn minh ở một miền sông nước” [174]. Đây được coi là bước đột phá trong tư
duy của Đảng có ý nghĩa kinh tế rất lớn, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa
cho người dân. Một mặt tạo ra việc làm cho bà con nông dân trong mùa nước nổi:
khai thác nguồn lợi thủy sản do lũ đem lại, giúp người lao động nghèo không có
đất vẫn tham gia vào khai thác kinh tế mùa lũ: giăng câu, đánh cá, đan lục
bình, bắt ốc bưu vàng để bán làm thức ăn cho vịt,… và rất nhiều mô hình vào mùa
lũ rất đơn giản nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao: mô hình trồng rau nhút trên đồng
ruộng, đan lục bình, làm khô, chế biến lưỡi câu,… Những mô hình sản xuất này có vốn đầu tư thấp,
phù hợp với hộ nghèo, cần ít đất sản xuất và nhanh thu hồi vốn. Mấy năm gần
đây, thêm hàng loạt nghề mới ra đời: nuôi cá ao hầm, nuôi cá đăng quầng, nuôi
cá chân ruộng,… Vì vậy, An Giang đã giải quyết việc làm theo thời vụ
cho hơn một triệu lao động thuộc hộ nghèo, góp phần giúp tỉnh giảm tỷ lệ hộ
nghèo mà còn phát huy được nội lực của người dân ở địa bàn nông thôn, theo thống kê riêng mùa nước nổi năm 2006 đạt
giá trị sản xuất (theo giá trị hiện hành) 2.265 tỷ đồng, năm 2007 3.169 tỷ đồng,
chiếm gần 17% so giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp[175]
Mặt
khác, mùa nước nổi còn góp phần quảng bá văn hóa miền sông nước đến với mọi người,
thu hút khách thập phương về An Giang tham quan như du lịch mùa nước nổi ở vùng
Láng Linh, Búng Bình Thiên, rừng Tràm Trà Sư… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh
tế theo hướng tăng giá trị khu vực III đó là dịch vụ và du lịch, chuyển dịch cơ
cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp đó là giảm giá trị trồng trọt và tăng giá trị
ngành chăn nuôi (bao gồm nuôi trồng thủy hải sản)…
Gần 30 năm đổi mới, thử hỏi cuộc sống của nông dân đã thực sự giàu
lên? Khi nào vai trò của người nông dân được đặt ở vị trí trung tâm? Làm sao để
lợi ích của nhà nông được đi trước một bước? Làm sao để tất cả các con đường
nông thôn đều được láng nhựa hoặc bê tông hóa mà không phải sửa đi sửa lại? Làm
sao giáo dục ở thành thị và nông thôn không còn khoảng cách? Làm sao để nông
dân thôi gặp mãi điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, cây trồng rồi
lại chặt, chặt rồi lại trồng? Khi nào thi nông dân mới thật sự được nghỉ ngơi
đi du lịch mở mang kiến thức, vui chơi giải trí nâng cao đời sống văn hóa, tinh
thần?... Rất nhiều câu hỏi mà không biết
ai sẽ giúp nông dân giải đáp, ai sẽ đứng về phía họ và đồng hành cùng họ?
Còn tính nhân văn đối với đất thì sao? Do yêu cầu phát triển và
tăng trưởng, An Giang đã không ngừng mở rộng diện tích lúa vụ 3.
Bảng
1. Diện tích lúa chia theo vụ qua các năm[176]
(Đơn
vị: ha)
Năm Diện tích |
2003 |
2004 |
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
Tăng (+), Giảm
(-), |
|
2008-2003 |
2008-2007 |
|||||||
Lúa cả năm |
503.856 |
523.037 |
529.698 |
503.464 |
520.322 |
564.425 |
+60.569 |
+44.103 |
Lúa đông xuân |
220.489 |
220.256 |
223.316 |
231.097 |
230.615 |
231.654 |
+11.165 |
+1.039 |
Lúa Hè Thu |
212.097 |
213.707 |
214.671 |
221.901 |
223.596 |
230.230 |
+18.133 |
+6.634 |
Lúa mùa |
8.272 |
8.734 |
8.326 |
7.314 |
7.252 |
8.120 |
-152 |
+868 |
Lúa vụ 3 |
62.998 |
80.340 |
83.385 |
43.152 |
58.859 |
94.421 |
+31.423 |
+35.362 |
Bảng
2. Diện tích lúa vụ ba năm 2008 phân theo huyện, thị [177]
(Đơn
vị: ha)
Năm Diện tích |
2007 |
2008 |
Tăng (+), giảm (-) 2008-2007 |
1. Tp. Long
Xuyên |
100 |
135 |
+35 |
2. Tx. Châu Đốc |
3.530 |
3.497 |
-33 |
3. An Phú |
143 |
920 |
+759 |
4. Tân Châu |
6.355 |
9.637 |
+3.282 |
5. Phú Tân |
11.963 |
18.658 |
+6.695 |
6. Châu Phú |
6.366 |
9.739 |
+3.373 |
7. Tịnh Biên |
1.417 |
2.021 |
+604 |
8. Tri Tôn |
- |
130 |
+130 |
9. Châu Thành |
646 |
2.395 |
+1749 |
10. Chợ mới |
13.224 |
16.742 |
+3.518 |
11. Thoại Sơn |
15.115 |
30.656 |
+15.541 |
Tính đến năm 2003, tất cả các huyện, thị, thành trong tỉnh đều có
đê bao triệt để và vụ 3 được coi là vụ sản xuất chính trong năm. Nhìn vào bảng
1 cho thấy diện tích sản xuất lúa vụ 3 tăng nhiều hơn diện tích lúa vụ mùa
khác: năm 2008 so với năm 2003 và năm 2008 so với năm 2007 đều trên 31 ngàn ha.
Còn diện tích tăng vụ đối với từng huyện thị ngoài trừ thị xã Châu Đốc (bảng
2), tất cả các huyện, thị còn lại đều tăng trong đó phải kể đến huyện Thoại Sơn
là 15.541 ha, kế đến huyện Châu Phú 6.695 ha, xếp thứ ba là huyện Chợ Mới,...
Diện tích tăng vụ đã bắt buộc đưa hệ số sử dụng đất toàn tỉnh An Giang từ 1.82
lần (năm 1995), lên 1.93 lần (1999),đến năm 2006 đã đạt 2.02 lần và năm 2007 là
2,10 lần.
Đừng nhìn vào những cánh đồng lúasum sê hạt nhờ phân bón hóa học mà
bị đánh lừa với chất lượng của đất. Không được phù sa bồi đắp hàng năm,trái lại
đồng đất bị “bóc lột” quá sức nên có nguy cơ bạc màu, cạnkiệt dinh dưỡng làm
cho năng suất thấp.là tất yếu. Ngoài ra việc không có “mùa nước nổi” tràn đồng
đã tác động mạnh đến đa dạng sinh học, làm thay đổi sinh cảnh, một số loài thủy
sản đặc trưng của vùng đất đầu nguồn Mêkong rồi đây chỉ còn trong chuyện cổ
tích!
Vấn đề đặt ra đối với kinh tế nông nghiệp hiện nay là phải phát triển
và phải phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi năng suất và chất lượng trong sản
phẩm không ngừng được nâng cao. Việc sản xuất 3 vụ đã làm giảm năng suất lúa,
không chỉ đối với vụ 3 mà còn ảnh hượng đến vụ Đông Xuân và Hè Thu. Trước đây
An Giang luôn là tỉnh dẫn đầu cả nước về năng suất lúa nhưng hiện nay, tỉnh
Kiên Giang đã nắm giữ vị trí đó về năng suất lúa.
Bảng
3. Năng suất lúa Đông Xuân các huyện (thị) vùng Tứ Giác Long Xuyên giai đoạn
2005 – 2010[178]
ĐVT:
Tấn/ha
STT |
Huyện (thị) |
2005 |
2010 |
An Giang |
5,93 |
6,21 |
|
TGLX – AG |
5,88 |
6,16 |
|
1 |
TP. Long Xuyên |
6,28 |
6,58 |
2 |
TX. Châu Đốc |
5,96 |
6,05 |
3 |
Châu Phú |
6,54 |
6,37 |
4 |
Tịnh Biên |
5,23 |
5,80 |
5 |
Tri Tôn |
5,01 |
5,65 |
6 |
Châu Thành |
6,51 |
6,47 |
7 |
Thoại Sơn |
5,63 |
6,23 |
|
Kiên Giang |
5,99 |
6,66 |
TGLX – KG |
6,30 |
6,92 |
|
1 |
TP. Rạch Giá |
6,93 |
7,23 |
2 |
TX. Hà Tiên |
|
|
3 |
Kiên Lương |
5,33 |
6,50 |
4 |
Hòn Đất |
6,16 |
7,01 |
5 |
Giang Thành |
|
6,55 |
6 và 7 |
Châu Thành và
Tân Hiệp |
6,79 |
7,34 |
Bảng số liệu trên cho thấy, năm 2005 năng suất lúa tỉnh
Kiên Giang (5,99 tấn/ha) chỉ hơn tỉnh An Giang (5,93 tấn/ha) là 60kg/ha. Chỉ 5
năm sau, năm 2010, chênh lệch đó tăng lên rất nhiều: Kiên Giang (6,66 tấn/ha)
hơn An Giang (6,21 tấn/ha) là 450kg/ha.
Năng suất lúa Đông Xuân của các huyện thuộc vùng Tứ
giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang đã vượt qua các huyện tỉnh An Giang. Trong
khi đó, vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang chiếm hơn 52% diện tích
vùng TGLX và gần 70% diện tích tự nhiên tỉnh An Giang, còn vùng Tứ giác Long
Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang chiếm hơn
46% TGLX và chỉ chiếm 30,4% diện tích của
toàn tỉnh. Năng suất lúa thể hiện ở bảng trên là vấn đề đặt ra đối với khoa học
– công nghệ tỉnh An Giang, làm thế nào để tăng năng suất lúa chứ không phải
tăng hệ số sử dụng đất đơn thuần.
Để
khắc phục hạn chế trong sản xuất lúa vụ 3, tỉnh đã chủ trương cải thiện bằng
cách tiến hành xả lũ xoay vòng, hay sản xuất “8 vụ ba năm”. Tuy nhiên, đó chỉ
là những biện pháp nữa vời, không triệt để trong khi những kết quả của Đề án 31
không được phát huy, các chương trình “sống chung với lũ” đang chìm dần vào
quên lãng…
Thiết
nghĩ, để giải quyết tình trạng cuộc sống khó khăn và làm giàu cho nông dân thì
bên cạnh nỗ lực của nông dân, chính quyền, các cấp lãnh đạo phải gánh vác và
chia sẻ trách nhiệm với họ. Chính quyền phải “đến tận nhà, ra tận đất, bàn tận
cách” cùng nông dân. Điều đó, đòi hỏi lãnh đạo không chỉ có lý thuyết sách vở
mà cần phải am hiểu thực tế, cần phải tiến hành hoạch định chính sách xuất phát
từ dưới lên, xem phản ứng của dân, hỏi ý kiến của dân, lắng nghe nguyện vọng của
nhân dân tuyệt đối không được chạy theo hình thúc, bởi thước đo sai đúng những
chủ trương, chính sách của nhà lãnh đạo là hiệu quả cuộc sống, là lòng dân thuận
hay không thuận, theo hay không theo.
Mỗi
giai đoạn lịch sử khác nhau, sẽ có mục tiêu, yêu cầu riêng đối với phát triển
kinh tế nông nghiệp. Nếu trước đây,cuộc sống thiếu, đói, yêu cầu đặt ra là phải
làm cho dân ăn no mặc đủ. Khi kinh tế khá giả, phải đáp ứng yêu cầu ăn ngon mặc
đẹp, khi đã ngon và đẹp thì phải tính đến chuyện “để dành” cho con cháu tương
lai. Vì vậy, trong khi phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng đều
phải gắn với tính bền vững, cần có chính sách, quy hoạch cụ thể phù hợp đối với
từng vùng để vừa có thể đem lại lợi ích trước mắt và đảm bảo lợi ích lâu dài
cho thế hệ sau, vừa phải phù hợp với quy luật của tự nhiên, quy luật khách quan
chứ không phải dựa vào ý muốn chủ quan của con người.
Dù
mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có đặt ra mục tiêu, yêu cầu riêng, nhưng cái chung
muốn nông nghiệp phát triển phải giải quyết vấn đề về quyền và lợi ích của nông
dân – chủ thể của kinh tế nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói
riêng. Thế nên, để dân ta giàu, tăng thu nhập cho nông dân cần giảm nhẹ gánh nặng
cho nông dân và tạo điều kiện để họ tăng thu nhập, nghĩa là phải cấp nhiều hơn
cho nông dân và đòi hỏi sự đóng góp ở họ ít đi. Nhà nước đầu tư công nghệ, khoa
học kỹ thuật sao cho năng suất cao và thu nhập 2 vụ lúa cũng như 3 vụ mà không tăng vật tư nông nghiệp, cán bộ
KHKT cần cung cấp cho nông dân kiến thức khoa học để họ kết hợp với thực tế,
cùng gắn bó với nông dân trong quá trình sản xuất…
Với
yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại cần phải tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi
và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa trong cơ cấu nội bộ
ngành nông nghiệp vì An Giang là tỉnh có điều kiện phát triển nông nghiệp toàn
diện, điều này cũng sẽ bớt lệ thuộc vào tình trạng biến đổi khí hậu, nhiễm
phèn, ngập mặn…
An Giang là trọng điểm sản xuất cây lúa và con cá với
sản lượng đứng đầu cả nước nhưng bình quân thu nhập đầu người, nhất là nông dân
thì cũng chẳng hơn các tỉnh miền núi là bao. Đó là do hàm lượng khoa học - công
nghệ trong sản xuất nông nghiệp thấp nên sản lượng lúa thì nhiều (chủ yếu nhờ
tăng vụ chứ không phải nhờ áp dụng khoa học-công nghệ) mà chất lượng thì vẫn
luôn yếu kém nên giá trị hàng hóa không cao. Cũng chí vì vậy mà tỉnh không dám
mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại như phát triển
các loại cây lấy hạt, lấy quả; chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm… có giá trị
kinh tế cao lại ít chịu tác động của sự biến đổi khí hậu như cây lúa Thần Nông
và con cá tra truyền thống.
Khoa học và công nghệ còn góp phần tăng giá trị cho
hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp thông qua bảo quản, chế biến; làm đa dạng hóa sản
phẩm nông nghiệp; làm giảm sức lao động chân tay của người sản xuất,…Đó là điều
rất cần thiết đối với việc làm thay đổi cuộc sống người nông dân để họ có điều
kiện nâng cao đời sống tinh thần lên tương ứng với đời sống vật chất.
Về tổng thể, nếu thật sự thương yêu, lo lắng cho nông
dân - những người đang gánh vác trọng trách đảm bảo an ninh lương thực quốc
gia, thì chính quyền phải giảm bớt những đóng góp của người dân trong sản xuất,
phải quan tâm đầu tư khoa học, công nghệ cho sản xuất nông nghiệp tạo ra những
đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao
hơn là tiếp tục bóc lột cạn kiệt tài nguyên đất, trói buộc sức lao động của
nông dân trên mảnh ruộng lúa 3 vụ/năm đang ngày càng giảm năng suất, chất lượng.
Tài liỆu tham khẢo
1. GS.TS. Võ Tòng Xuân, Để nông dân giàu lên, Nxb Thanh Niên, 2011.
2. Huỳnh Trường Giang, Luận văn Thạc sĩ ngành Địa lý học – Sản xuất vụ 3 với sự phát triển nông ngiệp bền
vững tỉnh An Giang, 2008.
3. Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hai mươi năm khai thác, phát triển kinh tế
xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên, Tháng 11/2012.
4. Tập thể tác giả, Nông dân dựa vào đâu ?, Nxb Chính trị Quốc gia – Hà Nội, 2009.
5. Tỉnh Ủy An Giang, Báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh An Giang qua những
năm và xu hướng những năm tới, ngày 07/01/2009
6. TS. Nguyễn Từ, Nông nghiệp Việt Nam trong phát triển bền vững, Nxb Chính trị Quốc
gia – Hà Nội, 2004.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Địa chí An Giang, 2013.
8. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Phát triển sản xuất, giải quyết việc làm,
nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nông dân trong mùa nông nhàn,
ngày 14/10/2002, Đề án 31/ĐA-BCS.
ĐO LƯỜNG NGHÈO ĐA CHIỀU Ở TRẺ EM VIỆT NAM
ThS. Nguyễn Thị Minh Châu
Viện Khoa học Xã hội
vùng Nam Bộ
Tuyên ngôn thế
giới về Quyền con người của Liên hiệp quốc nhấn mạnh “tất cả trẻ em có
quyền được sống còn, phát triển, bảo vệ và tham gia”. Luật bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam cũng khẳng định trách nhiệm bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em là của toàn xã hội, không loại trừ bất kỳ
một một cá nhân nào. Nhưng cho đến nay, một bộ phận trẻ em ở Việt Nam
tiếp tục sống trong điều kiện chưa được hưởng quyền và chưa hòa nhập
với xã hội, mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách
thúc đẩy quyền trẻ em. Bởi, từ trước đến nay, khi nói đến trẻ em nghèo người ta
thường nghĩ ngay đến trẻ em sống trong gia đình nghèo, nghèo về tiền tệ; bởi
nghèo được đo lường theo chuẩn nghèo về tiền tệ của quốc gia qua nhiều thập kỷ[179]. Với phương pháp đo lường truyền thống
này, một số nhu cầu cơ bản của trẻ em không phản ánh được nhiều khía cạnh mà trẻ
em chưa được hưởng quyền lợi. Nhóm trẻ này sẽ là trẻ nghèo nếu đo lường nghèo
theo phương pháp tiếp cận đa chiều.
1. PHƯƠNG
PHÁP ĐO LƯỜNG NGHÈO ĐA CHIỀU Ở VIỆT NAM
Chuẩn
nghèo Việt Nam được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu tối thiểu và
được quy bằng tiền; hoặc được đo bằng thu nhập. Người nghèo hoặc hộ nghèo là đối
tượng có mức thu nhập hoặc chi tiêu thấp hơn chuẩn nghèo do Bộ Lao động Thương
binh và xã hội công bố[180].
Chuẩn
nghèo này được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua và đến giai đoạn xã hội phát triển
như hiện nay đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp. Một số nhu cầu cơ bản của
con người không thể quy ra tiền như tham gia xã hội, vị thế xã hội,… hoặc không
thể mua bằng tiền như tiếp cận các dịch vụ xã hội công; thậm chí nhiều trường hợp
hộ gia đình có tiền nhưng không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của con người.
(Bộ LDTBXH, 2015). Theo kết quả khảo sát theo dõi nghèo đô thị 2009 ở Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nghèo thu nhập[181]
chỉ là 2% ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2009; tuy nhiên, có tới 54% người dân
thành phố này không được hưởng bất kỳ dịch vụ bảo trợ xã hội nào và 36% chưa tiếp
cận được đối với các dịch vụ nhà ở phù hợp (như điện sinh hoạt, nước sạch
v.v..). Do đó, đo lường nghèo theo chuẩn nghèo tiền tệ chưa đánh giá, đo lường
đầy đủ mức độ tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân[182].
Để
phản ánh bức tranh về tình trạng nghèo một cách toàn diện hơn và căn
cứ vào đó xây dựng và thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo một
cách toàn diện hơn; Đảng và Nhà nước ta đã bước đầu hướng đến chuẩn nghèo mới
theo phương pháp tiếp cận đa chiều[183].
Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, năm 2015, Bộ LDTBXH đã phối
hợp với với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), các Bộ, ngành
liên quan, Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành nghiên cứu, xây
dựng phương pháp luận, đề án chuyển đổi tiếp cận nghèo từ đơn chiều dựa vào
thu nhập sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Theo đề án này, phương
pháp luận đo lường nghèo đa chiều của Việt Nam được đề xuất áp dụng phương pháp
Alkire&Foster do Tổ chức Sáng kiến phát triển con người và chống nghèo đói
Oxford (OPHI) xây dựng[184].
Để đo lường nghèo đa chiều cần xác định khái niệm nghèo đa chiều của Việt Nam,
xác định đơn vị đo lường là hộ hay người, xác định các chiều thiếu hụt, xác
định các chỉ số đo lường và ngưỡng thiếu hụt trong từng chiều, xác định cách
tính mức độ thiếu hụt và quy định chuẩn nghèo đa chiều.
Căn cứ vào phương pháp trên và khung pháp lý
về nhu cầu cơ bản của con người, khái niệm nghèo đa chiều của Việt Nam được
hiểu là tình trạng con người không được đáp ứng một số nhu cầu cơ bản
trong cuộc sống: y tế, giáo dục, điều kiện sống (nhà ở, nước sạch, hố xí), việc
làm và tiếp cận thông tin. Một hộ gia đình được
coi là hộ nghèo đa chiều nếu hộ gia đình đó[185]
thiếu từ 2/5 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên[186].
Một hộ gia đình được coi là hộ cận nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/5
đến 2/5 tổng số nhu cầu cơ bản. Một hộ gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều
nghiêm trọng nếu hộ gia đình thiếu từ 3/5 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên.
Dựa
trên phương pháp này, một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, tỷ lệ nghèo đa
chiều cao hơn tỷ lệ nghèo đơn chiều với mức dao động từ 4 đến 16
điểm phần trăm. (Oxfam&AAV). TPHCM đang triển khai thí điểm phương pháp
đánh giá nghèo đa chiều và giảm nghèo bền vững dựa trên 5 lĩnh vực: y tế, giáo dục, việc làm, nhà vệ
sinh, và nước sạch. Kết quả cho thấy, có 10.79% hộ nghèo đa chiều nhưng không
nghèo thu nhập; ngược lại chỉ có 1.57% số hộ nghèo thu nhập nhưng không nghèo
đa chiều (UBND TPHCM, 2015, tr.18).
2. ĐO LƯỜNG NGHÈO ĐA CHIỀU Ở TRẺ EM VIỆT NAM
Nghèo
ở trẻ em Việt Nam cũng bước đầu đã được xây dựng theo phương pháp tiếp cận
nghèo đa chiều ngay từ đầu năm 2006, do nhóm công tác kỹ thuật của Chính
phủ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) chủ trì với
sự phối hợp của Viện Khoa học lao động và Xã hội (ILSSA), Tổng cục
Thống kê (TCTK) và các Bộ ngành có liên quan đã tiến hành xây dựng một
cách tiếp cận đa chiều trong tìm hiểu và đo lường nghèo trẻ em ở Việt
Nam, và từ năm 2008 được UNICEF hỗ trợ kỹ thuật và tài chính và trường
Đại học Maastricht (Hà Lan) hỗ trợ kỹ thuật, tiến tới xây dựng các chỉ số
đánh giá phù hợp.
Với sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ và sự ưu tiên
phân bổ nguồn lực và huy động sự tham gia của xã hội, Việt Nam đã hoàn thành
trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo[188],
chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo là phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới
phổ cập giáo dục tiểu học đúng tuổi. Bên cạnh đó, một số chương trình chưa đạt
mục tiêu đặt ra đến hết năm 2010 như chương trình việc làm; chương trình nước sạch
và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình phòng, chống một số bệnh xã hội,
bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.
(Chính phủ, 2011).
Các nhu cầu xã hội cơ bản này được Chính phủ tiếp tục
đưa vào thành các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2012 – 2015 và
giai đoạn 2016 - 2020 về việc làm và dạy nghề, mục tiêu giảm nghèo bền vững, nước
sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo,… Các chương
trình này đã trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy và bảo vệ phúc lợi cho trẻ em Việt
Nam. Ngoài ra, trong các chiến lược, kế hoạch 5 năm, nghị định của chính phủ và
quyết định của Thủ tướng đề ra nhiều mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, trong
đó có nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em như:
·
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm
nghèo có mục tiêu quan trọng là hỗ trợ con em các hộ gia đình nghèo có thể
tiếp tục đi học thông
qua
việc miễn hoặc giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường cho
học sinh.
·
Chương trình
Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Kinh tế - Xã hội của các Xã đặc biệt
khó khăn tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương
trình 135 - II)
nhằm
tăng tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi đến trường.
·
Chương trình
62 huyện nghèo nhất hỗ trợ đường xá, nhà sinh hoạt cộng
đồng, v.v. tăng sản suất, hỗ trợ nhà ở, y tế và nước sinh hoạt, cải
thiện tiếp cận với giáo dục và dạy nghề; và nâng cao năng lực về giảm
nghèo, gián tiếp tác động đến việc thúc đẩy và bảo vệ phúc lợi của trẻ em.
·
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em
giai đoạn 2001 – 2010 đặt ra những mục tiêu cụ thể, có giới hạn thời
gian thực hiện về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và khả năng tiếp cận
của trẻ em với nước sạch và các điều kiện vệ sinh môi trường, tham
gia các hoạt động văn hóa và giải trí.
·
Chương trình hành động quốc gia bảo vệ, chăm
sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 hướng đến tạo dựng môi trường sống
mà tất cả trẻ em đều được bảo vệ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đáp ứng nhu cầu
cơ bản về bảo trợ xã hội: phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ nhằm giảm tỷ
lệ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực,…. Đồng
thời, trợ giúp, phục hồi trẻ em
có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng
đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển.
·
Chương
trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn
2016 – 2020 tập trung vào mục tiêu tổng quát là tạo môi trường thuận lợi và
nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề
liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc
về quyền trẻ em.
Như vậy, các nhu cầu xã hội cơ bản của trẻ
em lần lượt được đưa vào các chương trình hành động của quốc gia dành riêng cho
trẻ em qua các giai đoạn 5 năm. Các chương trình này đã góp phần nâng cao chất
lượng cuộc sống của trẻ, tỷ lệ trẻ em tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản
ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu đi sâu vào từng nhu cầu cơ bản
(từng chiều của phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở trẻ em) thì vẫn gặp nhiều
rào cản trong việc tiếp cận với các dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ
em.
Kết quả khảo sát mức sống 2006 cho thấy, có khoảng 7
triệu trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 30%) là nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo
đa chiều: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh, lao động trẻ em,
giải trí, hoà nhập xã hội và bảo vệ (Bộ LDTBXH & Unicef, 2010); trong đó
các lĩnh vực đáng quan tâm nhất là dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường,
vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn
28.9% trong cuộc khảo sát mức sống 2008; trong đó hai lĩnh vực thiếu thốn cao
nhất là y tế; nước sạch và vệ sinh, các nhu cầu không được đáp ứng tiếp theo thứ
tự là nhà ở, giáo dục, trẻ lao động sớm và thừa nhận xã hội và bảo trợ xã hội
(Tổng cục thống kê & Unicef, 2011).
Hình 1. Tỷ lệ trẻ em
nghèo năm 2006 và 2008 chia theo các lĩnh lực
Nguồn: Tổng cục Thống kê & Unicef, 2011, tr.7.
Biểu
đồ trên cho thấy, so với 2006, tỷ lệ nghèo về y tế năm 2008 cao hơn; trong khi
tỷ lệ nghèo về nhà ở, giáo dục, nước và điều kiện vệ sinh giảm xuống. Tuy nhiên, trẻ em thiếu hụt chiều y tế
và nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường vẫn còn khá cao.
Năm 2008, tỷ lệ trẻ em nghèo theo lĩnh vực
y tế cao nhất, cứ 10 trẻ em từ 0 – 4 tuổi thì có 5 trẻ không đến cơ
sở y tế trong 12 tháng qua (Tổng cục Thống kê & Unicef, 2011). Mặc dù Luật
bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 quy định trẻ em
dưới 6 tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, miễn phí tại các cơ sở y
tế công lập, nhưng tỷ lệ trẻ không đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế vẫn còn
khá cao. Một số công trình trước đây cho rằng, các chi phí trực tiếp (tiền
thuốc, viện phí, v.v.) là một rào cản, đặc biệt là ở vùng nông thôn khu vực
Trung Bộ và các hộ gia đình dân tộc thiểu số; các chi phí gián tiếp cũng
ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng nhiều hơn các yếu tố trực tiếp, đó là sống xa
các cơ sở y tế, hoặc muốn tiếp cận cơ sở y tế công lập thì trẻ phải nghỉ
học (Young Lives, 2011). Thủ tục hành
chính phức tạp, thời gian chờ đợi lâu và thái độ của nhân viên y tế
cũng là các rào cản đối với tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của
người nghèo; sự sẵn có và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất
lượng dịch vụ của các cơ sở y tế các tuyến là những yếu tố quan
trọng ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ y tế giữa các nhóm đối
tượng dễ bị tổn thương. Chất lượng chăm sóc phụ thuộc chủ yếu
vào khả năng chuyên môn và thái độ chăm sóc cũng như sự sẵn có
của thuốc và trang thiết bị nhưng khó khăn lớn nhất đang phải đốI
mặt của các cơ sở y tế cơ sở là sự thiếu hụt nhân viên y tế,
trang thiết bị và thuốc điều trị và thông tin chuyên môn hỗ trợ
hoạt động điều trị. Những vấn đề này có ảnh hưởng lớn đến hoạt
động chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. (Vương Lan Mai và cộng sự,
2013).
Tỷ lệ trẻ
em nghèo về nước sạch và vệ sinh năm 2008 giảm so với năm 2006 nhưng vẫn còn
chiếm tỷ lệ cao 42,87%. Con số này cho thấy, số lượng trẻ em chưa sử dụng nước
sạch và không đảm bảo vệ sinh môi trường không phải là ít và ảnh hưởng nghiêm
trọng đến tình hình sức khoẻ của trẻ. Trên thế giới, gần 90% trẻ em tử vong vì
bệnh tiêu chảy có liên quan trực tiếp đến nước ô nhiễm và điều kiện vệ sinh yếu
kém (Unicef, 2013). Do đó “nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường có ý
nghĩa rất quan trọng đối với trẻ em và cộng đồng” [189], đó chính
là tiếng nói của chính trẻ em Việt Nam.
Giữa các
chiều nghèo có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Nghèo về chiều này có thể tác động
đến nghèo của một số chiều khác. Trong đó, nhà ở, nước sạch và vệ sinh có mối
quan hệ tương quan cao nhất, thứ hai là mối tương quan giáo dục và lao động sớm,
trẻ
em phải tham gia lao động kiếm tiền sẽ có ít cơ hội đựợc học hành hơn
(Tổng cục Thống kế & Unicef, 2011).
Ngoài
ra, có khá nhiều yếu tố dẫn đến nghèo đa chiều ở
trẻ em và được chia làm 2 nhóm: nhóm các yếu tố ngoài hộ gia đình (bao gồm khu
vực thành thị/nông thôn, vùng và dân tộc); nhóm đặc điểm hộ gia
đình của trẻ em (bao gồm cấu trúc hộ gia đình, đặc điểm của chủ hộ (trình độ học
vấn, tình trạng hôn nhân, việc làm)
Trẻ
em ở khu vực nông thôn đối mặt với nguy cơ nghèo cao hơn nhiều so với trẻ em
thành thị, nhóm dân tộc thiểu số nghèo hơn các dân tộc khác và trẻ sống ở khu vực
miền núi chịu nhiều thiệt thòi hơn so với đồng bằng. Theo kết quả khảo sát mức
sống cho thấy, chênh lệch tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều giữa nông thôn và
thành thị rất lớn, khu vực nông thôn cao gấp 3 lần trẻ sống ở khu vực
thành thị và vẫn giữ nguyên khoảng cách này giữa năm 2006 và 2008. Tỷ lệ
nghèo đa chiều của trẻ sống ở, của nhóm dân tộc thiểu số cao gấp 2
lần nhóm Kinh/Hoa. Trẻ em sống ở vùng núi phía Bắc thường phải chịu thiệt
thòi hơn trẻ em sống ở khu vực đồng bằng. Tỷ lệ trẻ em nghèo đa
chiều của vùng Tây Bắc cao nhất và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông
Hồng. (Tổng cục Thống kế & Unicef, 2011).
Nhiều
công trình nghiên cứu cho thấy, đặc điểm của hộ và chủ hộ gia đình có tác động
rất lớn đến tình trạng nghèo đa chiều ở trẻ em. Quy mô và cấu trúc gia đình có
khả năng ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục của trẻ em thông qua ảnh hưởng của
tình trạng đông người, do phải cắt giảm chi phí học tập và huy động trẻ em tham
gia làm việc nhằm phát sinh thêm thu nhập; những gia đình có nhiều con trong độ
tuổi đến trường, thường sẽ có một số em phải hy sinh quyền lợi đến trường của
mình cho những đứa trẻ khác (Nhóm hành động chống đói nghèo, 2002).
Trình
độ văn hoá /học vấn của chủ hộ có quan hệ tỷ lệ nghịch với nguy cơ trẻ em
nghèo. Trình độ học vấn của chủ hộ càng cao thì xác suất trẻ em rơi
vào nghèo đa chiều càng giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Những người có trình độ học vấn cao hơn có xu hướng tiếp cận dịch
vụ nhiều hơn những người không được đến trường, đặc biệt đối với
dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em. Những bà mẹ có trình độ lựa chọn
cơ sở điều trị cho con nhanh hơn các bà mẹ có trình độ thấp hoặc không
được đến trường (Dẫn lại Vương Mai Lan và cộng sự, 2013).
Trẻ
em sống trong gia đình mà chủ hộ là phụ nữ có nguy cơ nghèo thấp hơn một chút
so với nam làm chủ hộ (Molisa, Unicef, 2008); tuy nhiên, trong báo cáo năm 2011
của Tổng cục Thống kê và Unicef thì giới tính của chủ hộ không phải là nhân tố quyết định tình
trạng nghèo của trẻ; trong khi tình trạng hôn nhân lại ảnh hưởng lớn đến trẻ.
Trẻ em sống trong những hộ có chủ hộ goá (vợ/chồng) hoặc đã ly hôn có tỷ lệ
nghèo đa chiều cao hơn (Bộ LDTBXH, 2011).
Tình
trạng việc làm của chủ hộ cũng có tác động đáng kể đến xác suất trẻ
em rời vào nghèo. Trẻ em sống trong những gia đình mà chủ hộ có việc làm có
nguy cơ nghèo thấp hơn. Nếu chủ hộ là
lao động giản đơn thì xác suất sẽ tăng hơn. Trong lĩnh vực giáo dục, nếu
trẻ em ở trong gia đình có bố làm nghề lao động giản đơn thì xác suất đi học thấp
hơn 0,2 đơn vị so với nhóm trẻ em có bố không phải làm nghề lao động giản đơn.
(Trần Quý Long, 2014)
Như
vậy, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình chính sách nhằm đáp ứng
nhu cầu cơ bản của trẻ em, nhưng tỷ lệ trẻ em còn thiếu hụt trong các lĩnh vực còn khá cao, đặc biệt là trong lĩnh
vực y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường. Mặc dù, tỷ lệ trẻ em nghèo về tiền tệ
giảm nhưng tỷ lệ nghèo vẫn còn khá cao nếu tiếp cận theo phương pháp đa chiều.
Trong khi đó, cho đến nay, ngoài một số kết quả báo cáo thống kê từ các cuộc điều
tra khảo sát mức sống của Bộ Lao động Thương bình xã hội, Tổng cục thống kê và
Unicef, rất ít công trình nghiên cứu khoa học đo lường nghèo đa chiều ở trẻ em
đầy đủ theo 7 nhu cầu xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ
sinh, lao động sớm, điều kiện vui chơi giải trí; tham gia xã hội và được bảo vệ.
Do đó, cần nhiều công trình nghiên cứu khoa học tập trung phân tích sâu mức độ
nghèo ở từng chiều cũng như phân tích sâu các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo ở mỗi
chiều nhằm cung cấp những luận chứng khoa học thực tiễn phục vụ cho các nhà hoạch
định chính sách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ LDTBXH
và UNICEF Việt Nam (2008) Trẻ em nghèo ở Việt Nam. sống ở đâu? Xây dựng
và áp dụng cách tiếp cận đa chiều đối với nghèo ở trẻ em.
2.
Bộ LDTBXH, 2015, Đề án tổng thể Chuyển đổi phương
pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều áp dụng
trong giai đoạn 2016 – 2020), Bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 4/2015
3.
Bộ Y tế và Unicef Việt Nam (2009) Công bằng y tế ở Việt Nam: Phân tích
thực trạng tập trung vào tử vong bà mẹ và trẻ em
4.
ChildFund, 2013, Kết quả khảo sát toàn cầu Tiếng nói nhỏ, Ước mơ lớndo Liên minh ChildFund tổ chức,
http://www.childfund.org.vn
5.
Chính phủ, 2011. Báo cáo kết quả thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010, triển khai kế hoạch
năm 2011 và đề xuất Danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 –
2015, số 211/BC-CP, ngày 17/10/2011
6. Lê
Thanh Sang và cộng sự, 2009. Đánh giá nhu cầu và khả năng tiếp cận giáo dục của
trẻ em lao động sớm ở 3 phường tại Quận Gò Vấp, TPHCM. Báo cáo tổng hợp của đề
tài do Action Aids o Việt Nam tài trợ
7. Locke, Catherine et al., 2008. The Institutional
Context Influencing Rural-Urban Migration Choices and Strategies for Young
Married Women and Men in Viet Nam.
8. Nhóm
hành động chống đói nghèo (2002), "Cung cấp giáo dục cơ bản có chất lượng
cho mọi người", Báo cáo
chung của các nhà tài trợ, Hà Nội.
9. Oxfam,
Actionaid, 2009. Theo dõi nghèo đô thị theo phương pháp cùng tham gia (Báo cáo
tổng hợp vòng 2 năm 2009).
10. Oxfam,
Actionaid, 2010. Theo dõi nghèo đô thị theo phương pháp cùng tham gia (Báo cáo
tổng hợp vòng 3 năm 2010).
11. Tổng
cục Thống kê & Unicef, 2011. Báo cáo tình trạng trẻ em nghèo Việt Nam.
12. Trần
Quý Long, 2014, Tiếp cận giáo dục của Trẻ em Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng,
Tạp chí Nghiên cứu Con người số 4 (73), 2014.
13. Unicef,
2013. Unicef cho biết trẻ em vẫn tử vong mỗi ngày do thiếu nước sạch và vệ sinh
kém. www:http//unicef.org, ngày 22/3/2013.
14. Uỷ
ban nhân dân TPHCM, 2015, Nghiên cứu phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều
tại TPHCM và đề xuất lộ trình thực hiện.
15. Vương
Lan Mai và cộng sự, 2013, Thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của một số nhóm dân
cư và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế, Tạp chí Y học thực hành (876), số
7/2013.
16. Young
lives, 2011, Báo cáo điều tra vòng 3, Trẻ lớn lên như thế nào trong thiên niên
kỷ mới? Những kết quả ban đầu của Việt Nam.
SỰ BIẾN ĐỔI CƠ CẤU NGHỀ NGHIỆP CỦA CỘNG
ĐỒNG DÂN CƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG
QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA (nghiên cứu phường Cát Lái, Quận 2, TPHCM)
ThS. Lê Thị Mỹ
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
1. GIỚI THIỆU
Kết
quả khảo
sát năm 2014 cho thấy nghề nghiệp của 887 nhân khẩu trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi) của 300 hộ được khảo sát tập trung chủ yếu vào các nhóm nghề: dịch vụ, buôn bán,..; lao động giản đơn, làm thuê; thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị
(công nhân trong các công ty, xí nghiệp,..). Nhóm người trong độ tuổi lao động không có thu nhập chiếm
tỷ lệ khá
cao (29, 3%, bao gồm mất khả năng lao động, chưa có việc làm, hưu, già, nội trợ; trong số đó nhóm học sinh, sinh viên chiếm 12,4%).
Trình độ học vấn bình
quân của người lao động (từ 15-60 tuổi) đạt ở trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Mặc dù đây chưa phải là mức độ học vấn giúp người lao động
dễ dàng tiếp cận việc làm và đào tạo nghề ở khu vực đô thị như Tp.HCM, nhưng điều
này phần nào cho thấy vốn con người của nguồn lao động vùng đô thị hóa mới đã được cải thiện, và họ có
cơ hội tìm được những công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật và
tay nghề cao (như làm công ăn lương trong các công ty, xí nghiệp; nhân viên bán
hàng, các dịch vụ cá nhân,...). Các
nghiên cứu trước đây (ThS. Trần Đan Tâm và NCV.Nguyễn Vi Nhuận, 2001; ThS.Đào
Quang Bình, 2007; TS. Văn Thị Ngọc Lan, 2008́) đã ghi nhận trình độ học vấn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến
sự chuyển đổi việc làm của
cư dân ở các cộng đồng ven đô của Tp.HCM, và trình đô học vấn của lực lượng lao
động là công nhân, buôn bán, dịch vụ, thợ,... ở các cộng đồng
này còn thấp, chưa đạt trình độ tốt
nghiệp cấp 2.
Yếu tố học vấn có mối tương quan thuận với thu nhập của người lao động. Người lao động có
trình độ học vấn cao thì thu nhập cao, ngược lại, những người có học vấn thấp thì thu nhập thấp hơn so với những người có trình độ học vấn cao.
Xem xét các cá nhân trong độ tuổi lao động có việc làm
và có thu nhập, cơ cấu nghề nghiệp được phân bố theo các nhóm thu nhập của hộ
gia đình như sau: Nhóm thu nhập thấp nhất, dưới trung bình, trung bình và khá tập
trung phần lớn lao động phổ thông, làm thuê, buôn bán nhỏ; nhân viên thuộc các
dịch vụ cá nhân, bán hàng; công nhân trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp,….
Trong khi đó, nhóm hộ thu nhập giàu phổ biến ở các nghề có trình độ chuyên môn
cao như nhân viên kỹ thuật bậc cao trong các lĩnh vực và dịch vụ cá nhân, buôn
bán, kinh doanh. Người lao động không có việc làm (chưa có việc và đang tìm việc,
chưa có việc và không tìm việc) xảy ra ở các nhóm có thu nhập thấp. Bởi lẽ, các
cá nhân không có việc làm ổn định, thu nhập thấp hay thất nghiệp đã ấn định vị
trí mức sống của hộ gia đình ở mức sống thấp. Nhận định này cũng tương ứng với
kết quả khảo sát của năm 2004 tại khu phố 1 của phường Cát Lái (ThS. Trần Đan
tâm và đồng nghiệp, 2004).
Tình trạng việc làm của nam giới và nữ giới tại địa
bàn khảo sát có sự khác biệt. Lao động nam thường có được những công việc ổn định
và thu nhập cao (thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác; quản lý,
lãnh đạo ở các cấp); lao động nữ là nhân viên dịch vụ cá nhân, buôn bán.
Bảng 1. Bình quân học vấn và bình quân thu nhập
chia theo nhóm việc làm chính
|
Bình quân học vấn (lớp học) |
Bình quân thu nhập (đồng) |
Lãnh đạo trong các ngành, các cấp, các
đơn vị |
15,7 |
16.378.790 |
Chuyên môn kỹ thuật bậc cao trong các
lĩnh vực |
15,5 |
7.995.219 |
Chuyên môn kỹ thuật bậc trung trong các
lĩnh vực |
14,0 |
6.475.000 |
Nhân viên (chuyên môn sơ cấp, văn
phòng,…) |
13,6 |
5.170.455 |
Thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy
móc, thiết bị (công nhân,…) |
8,9 |
4.197.375 |
Nhân viên dịch vụ cá nhân, bán hàng, bảo
vệ và an ninh xã hội |
7,6 |
3.883.635 |
Thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ
thuật khác |
9,1 |
4.914.012 |
Lao động giản đơn |
6,5 |
3.070.745 |
Lực lượng quân đội |
12,6 |
9.589.744 |
Khi xem xét các nhóm nghề khác nhau, chúng ta nhận thấy có sự khác nhau
về thu nhập. Nhóm nghề có bình quân thu nhập cao là các nhóm lao động ở khu vực
kinh tế chính thức. Nhóm nghề có bình quân thu nhập thấp là nhóm lao động khu vực
kinh tế phi chính thức (lao động giản đơn: thợ hồ, làm thuê, buôn bán hàng ăn,
buôn bán nhỏ) và nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ an ninh xã hội, bán hàng,...
2.2. Sự biến
đổi cơ cấu nghề nghiệp của cộng đồng dân cư
Phường Cát Lái và các yếu tố tác động
Cơ cấu nghề nghiệp của các chủ hộ vào hai thời điểm khảo
sát năm 2004 và 2014 có sự chuyển biến rõ nét. Năm 2004, có đến 14,2% chủ hộ
làm nông nghiệp nhưng tỷ lệ này giảm dần qua các năm, năm 2009 còn 6,3% và đến
năm 2014 chỉ còn 4,1%. Tại thời điểm năm 2004, ngoài nhóm nghề nông nghiệp, các
nhóm nghề nghiệp khác cũng thu hút đông đảo lao động chủ hộ: lao động giản đơn
(14,2%); dịch vụ, bán hàng (14,2%); thợ thủ công có kỹ thuật (10,8%) và thợ có
kỹ thuật vận hành lắp ráp máy móc, thiết bị (công nhân trong các nhà máy, xí
nghiệp) (10,8%). Các khu vực nghề nghiệp có chiều hướng tăng lên trong năm 2014
là các nghề thuộc nhóm có chuyên môn kỹ thuật bậc cao trong các lĩnh vực; dịch
vụ cá nhân, bán hàng.
Bảng
2. Cơ cấu nghề nghiệp của cư dân
trong tuổi lao động- so sánh năm 2004 với năm 2014 (tính trên số người hiện nay
25 -60 tuổi)
Nhóm nghề |
Năm 2004 (%) |
Năm 2014 (%) |
Thất nghiệp |
5,4 |
3,8 |
Đang đi học |
12,9 |
0,5 |
Nội trợ |
7,8 |
9,1 |
Các nhà lãnh đạo trong các ngành, công
ty |
0,1 |
1,5 |
Chuyên môn kỹ thuật bậc cao trong các
lĩnh vực |
3,7 |
7,8 |
Chuyên môn kỹ thuật bậc trung trong các
lĩnh vực |
2,0 |
2,6 |
Nhân viên (chuyên môn sơ cấp, văn
phòng) |
2,5 |
4,0 |
Nhân viên dịch vụ, bảo vệ ANXH, bán
hàng |
11,1 |
18,6 |
Lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp |
9,4 |
2,0 |
Thợ thủ công có kỹ thuật |
9,8 |
10,3 |
Thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy
móc |
9,6 |
12,3 |
Lao động giản đơn |
15,3 |
15,8 |
Lực lượng quân đội |
2,8 |
1,7 |
Xem xét nghề nghiệp của người lao động vào năm 2004 và 2014 (tính trên số
người hiện nay 25-60 tuổi), chúng tôi nhận thấy sau 10 năm, cơ cấu việc làm của
cộng đồng dân cư phường Cát Lái có sự biến động nhất định. Một bộ phận lao động giản đơn và nông nghiệp có bước thăng tiến trong vị
trí nghề nghiệp xã hội khi dịch chuyển sang các nhóm nghề thuộc giai tầng trung
lưu (dịch vụ, công nhân, thợ có tay nghề kỹ thuật). Nhóm nghề nghiệp có sự
chuyển đổi nhiều nhất là nhóm học sinh, sinh viên, nhóm dịch vụ, bán hàng và
nhóm nông nghiệp. Các nhóm nghề nghiệp gia tăng vào thời điểm năm 2014 đều thuộc
khu vực kinh tế chính thức và một vài ngành nghề đòi hỏi trình độ học vấn và
tay nghề cao. Có thể kể đến nhóm nghề lãnh đạo trong các ngành, công ty; chuyên
môn kỹ thuật bậc cao trong các lĩnh vực; nhân viên dịch vụ, bán hàng và thợ vận
hành máy móc thiết bị trong các nhà máy, công ty, xí nghiệp (công nhân,…). (Xem bảng 2). Đô thị hóa mang lại người
lao động nhiều cơ hội di động nghề nghiệp trong xã hội. Các giai tầng xã hội mới
cũng xuất hiện.
Nếu xét riêng nhóm
đang đi học (học sinh, sinh viên) của năm 2004, phần lớn cá nhân nhóm này đã
chuyển sang làm việc ở khu vực kinh tế chính thức, tập trung vào các nhóm nghề
cần chuyên môn kỹ thuật bậc cao (21,4%), công nhân trong các nhà máy xí nghiệp
dịch vụ và bán hàng (19,4%), 17,3% làm
việc trong nhóm nghề chuyên môn bậc trung hoặc nhân viên văn phòng. Trong đó, số người chuyển sang nhóm
lao động giản đơn rất thấp (4,1%). Điều này đã phản ánh phần nào tín hiệu khả
quan chất lượng nguồn nhân lực của cộng đồng. Nghiên cứu của tác giả Văn Thị Ngọc
Lan năm 2007 đã cho thấy còn đến 15%
nhóm học sinh sinh viên ở các cộng đồng đô thị hóa của Tp.HCM (Bình Lợi, Tân Tạo A, Bà Điểm) sau
khi đã nghỉ học vào làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (làm mướn).
Đối với nhóm lao động làm
nông nghiệp của năm
2004 (74 trường hợp), đến thời điểm khảo sát năm 2014, nhìn chung có sự chuyển
dịch khá đa dạng, chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ và buôn bán (21,9%),
lao động giản đơn (18,1%), và một bộ phận chuyển sang quá tuổi lao động và nội
trợ.
Các nghiên cứu trước đây của các tác giả (ThS. Trần Đan
Tâm, Nguyễn Vi Nhuận, 2001; ThS. Đào Quang Bình, 2007; TS. Văn Thị Ngọc Lan,
2007) ở các khu vực ven đô, đô thị hóa mới của Tp.HCM đã cho
thấy mối quan hệ giữa biến động đất đai và chuyển đổi nghề nghiệp của người lao
động. Cơ cấu kinh tế xã hội thay đổi cùng với đó là sự thay đổi của những mối
quan hệ xã hội mới và cơ cấu giai tầng xã hội (nông dân giảm về số lượng, công
nhân tăng). Dưới tác động của chính sách phát triển kinh tế xã hội
của quận 2 và sự biến động đất đai, diện tích đất nông nghiệp của quận nói
chung và của phường Cát Lái nói riêng thu hẹp dần, theo đó, lao động trong nông
nghiệp giảm đáng kể và có sự dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề khác
nhau. Hiện nay, diện tích nông nghiệp của quận chỉ chiếm
14,96% (750,82 ha) trong tổng cơ cấu diện tích đất toàn quận. Phường Cát Lái là một trong bốn phường của quận 2 có diện
tích đất nông nghiệp giảm nhanh.
Năm 2005, diện tích đất nông nghiệp của phường là 95,0
ha, đến năm 2012 chỉ còn lại 6,20 ha.
Với
nhóm thất nghiệp và nội trợ năm 2004, vào thời điểm năm 2014 họ đã có bước chuyển
biến tích cực trong vấn đề việc làm, 25,0% trong số này làm công nhân hay thợ
có tay nghề; 20% làm nghề lao động giản đơn, và 17,5% là buôn bán nhỏ, dịch vụ
cá nhân hay trật tự xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn 17,5% cá nhân trong tình trạng
không có việc làm (thất nghiệp và nội trợ).
Kết quả phân tích ghi nhận
yếu
tố học vấn có tác động đến thay đổi việc làm của người lao động. Sự thay đổi việc
làm xảy ra phần lớn ở người lao động có trình độ học vấn tương đối cao, với lần
lượt tỷ lệ các cấp học vấn là cấp 3: 25,9%, cấp 2: 24,7% và cao đẳng-đại học:
21,3%. Bởi, để dễ dàng hòa nhập vào thị trường lao động hiện nay thì đòi hỏi
người lao động có được nguồn vốn con người tương đối về trình độ học vấn, kỹ
năng, chuyên môn và kinh nghiệm công việc.
Những người có học vấn cao và tuổi trung bình tương đối
thấp (25-39 tuổi) thường có cơ hội làm các công việc có chuyên môn, tay nghề kỹ
thuật và làm công nhân. Ngược lại, những người có trình độ học vấn thấp và tuổi
cao (40-60 tuổi) thì làm dịch vụ, buôn bán, lao động giản đơn và làm nông nghiệp.
Xem xét 696 người lao động (25-60 tuổi), kết quả cho
thấy có đến 34,5% cá nhân có đổi việc làm trong 5 năm qua. Ở đây, chúng ta nhận
thấy yếu tố tuổi có ảnh hưởng đến tính ổn định hay sự chuyển đổi nghề nghiệp của
người lao động. Tỷ lệ người lao động ở nhóm tuổi thấp (25-34 tuổi) có thay đổi
việc làm cao hơn người lao động ở nhóm tuổi cao, chiếm tỷ lệ 40,9%. Tuổi càng
cao thì người lao động có xu hướng ít thay đổi việc làm. Bởi, người lao động tuổi
càng cao thì độ ổn định công việc cũng đã tương đối, và chịu sự chi phối tính
chọn lọc của thị trường lao động.
3. KẾT LUẬN
Cộng đồng khảo sát mang những nét đặc trưng của một
vùng đô thị mới trong quá trình đô thị hóa nhanh. Các cơ sở kinh tế phi nông
nghiệp, các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp phát triển thu hút lực lượng lớn
lao động là dân cư tại chỗ và từ nơi khác đến. Đây còn là cơ hội giúp cho lao động
nông nghiệp và lao động trẻ tìm được việc làm thích hợp. Tuy nhiên, nguồn gốc
cư trú của người lao động là một trong những yếu tố tạo nên tính đa dạng và
phong phú trong cơ cấu nghề nghiệp của cộng đồng. Nhóm lao động từ nơi khác đến làm việc ở các nghề có tay nghề và chuyên
môn nghiệp vụ và dịch vụ cá nhân, bán hàng; nhóm cư dân sinh sống lâu đời tại
Cát Lái tập trung ở khu vực lao động giản đơn, công nhân trong các công ty, xí
nghiệp và nhân viên dịch vụ cá nhân.
Nhìn
chung, sự chuyển đổi nghề nghiệp của cộng
đồng dân cư vẫn chưa thể hiện xu hướng “đi lên” rõ rệt, sự di động nghề nghiệp
vẫn là di động chủ yếu theo chiều ngang giữa các nhóm ngành nghề không đòi hỏi
trình độ chuyên môn và học vấn cao. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ người lao động có bước thăng tiến trong bậc thang giai tầng
xã hội xét theo tiêu chí nghề nghiệp. Đó là từ nông dân, lao động giản đơn – tầng
lớp thấp nhất- chuyển sang lao động trong dịch vụ, buôn bán, thợ có kỹ thuật,
công nhân – tầng lớp trung lưu.
Trình
độ học vấn trung bình của người lao động ở cộng đồng không thấp và giá trị học
vấn được phần lớn hộ gia đình đề cao sẽ trở thành nhân tố quan trọng góp phần cải
thiện nguồn nhân lực địa phương và giúp người lao động hội nhập tốt vào thị trường
lao động trong tương lai[191].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi
Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Trịnh Huy Hóa (dịch). 2010. Từ điển Xã hội học
oxford. Hà Nội: Nxb.Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Cục
Thống kê Tp.HCM. 2007. Niên giám Thống kê Tp.HCM 2006.
3. Cục
Thống kê Tp.HCM. 2013. Niên giám Thống kê Tp.HCM 2012.
4. G.Endruweit
và G.Trommsdorff (Ngụy Hữu Tâm, Nguyễn Hoài Bão dịch từ nguyên bản tiếng Đức).
2001. Từ điển xã hội học. Nxb. Thế giới: Hà Nội.
5.
Lê
Văn Năm. 2007. Nông dân ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình đô
thị hóa. Tp.HCM: Nxb. Tổng hợp Tp.HCM.
6. GS.TS. Lê Hữu Nghĩa. 2012. Cơ cấu xã hội,
phân tầng xã hội trong điều kiện đổi mới ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc
gia.
7. TS. Lê Văn Toàn. 2012. Phân tầng xã hội ở
Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc
tế. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
8. Nguyễn
Thị Vân Anh và Vân Anh. 1998. Sự thay đổi cơ cấu ngành nghề và việc chăm sóc,
giáo dục trẻ em: khảo sát tại một xã ven đô. Tạp chí Xã hội học, số 4/1998, tr.56-64.
9. GS.TS. Tạ Ngọc Tấn. 2010. Một số vấn đề biến
đổi cơ cấu xã hội Việt Nam hiện nay. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
10. ThS. Trần Đan Tâm và Nguyễn Vi Nhuận.
2000. Những biến đổi xã hội ở vùng ven đô Tp.HCM dưới áp lực đô thị hóa. Tạp chí Xã hội học, số 1/2000, tr.71-79.
11. Trịnh
Duy Luân- Bùi Thế Cường. 2001. Về công bằng xã hội và phân tầng xã hội ở nước
ta hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số
2/2001, tr.3-11.
12. Trịnh
Duy Luân. 2003. Nghiên cứu những vấn đề biến đổi xã hội ở nước ta trong giai đoạn
hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số
2/2003, tr.3-12.
13. Văn
Thị Ngọc Lan. 2006. Tình trạng cư trú và cơ sở hạ tầng ở các vùng đô thị mới tại
Tp.HCM. Tạp chí Xã hội học, số
4/2006, tr.31-38.
14. Văn
Thị Ngọc Lan. 2007. Luận án tiến sĩ “Cộng đồng dân cư ngoại thành Tp.HCM trong
quá trình đô thị hóa’’. Hà Nội.
15. UBND Quận 2. 2014. Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm
2013 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014.
16. UBND Tp.HCM. 1997. Quyết định của UBND Thành phố “Cụ thể
hóa Nghị định 03/CP về việc thành lập Quận 2 thuộc Tp.HCM”.
NHU CẦU CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC
XÃ HỘI DÀNH CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI TPHCM HIỆN NAY
ThS. Nguyễn Thị Bảo
Hà
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Dựa trên kết quả nghiên cứu năm 2014 tại TPHCM về thực trạng
hoạt động của các tổ chức xã hội trong
việc hỗ trợ nhóm người khuyết tật tại TPHCM, bài viết nêu ra những nhu cầu của
người khuyết tật và những hiệu quả cũng như hạn chế của các chương trình hỗ trợ
người khuyết tật của các tổ chức xã hội, tập trung vào các vấn đề: giáo dục, việc
làm, tinh thần, luật pháp, xã hội…
Người khuyết tật được chia theo từng dạng khuyết tật, như
vận động, nghe nói, nhìn, thần kinh/tâm thần, trí tuệ và theo mức độ khuyết tật,
như đặc biệt nặng, nặng, nhẹ và không xác định được.
Trong số người khuyết tật của Thành phố thì khuyết tật về
vận động (9.832 người) và thần kinh/tâm thần (10.240 người) chiếm tỷ lệ cao hơn
so với các dạng khuyết tật khác và số người khuyết tật có từ hai dạng khuyết tật
trở lên cũng cũng khá cao (5.992 người). Xét về mức độ khuyết tật thì khuyết tật
nặng (20.338 người) có tỷ lệ cao hơn những mức độ khuyết tật khác (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
TPHCM, 2014).
Những số liệu thống kê trên cho thấy số lượng người khuyết
tật tại Thành phố khá lớn, đặt ra thách thức làm cách nào giúp những người khuyết
tật này hòa nhập vào cộng đồng, vào xã hội.
Nhiều báo cáo cho thấy, các tổ chức hoạt động xã hội
chính là những trợ thủ đắc lực, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho nhóm người dễ bị
tổn thương, giúp họ hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền nhằm xóa bỏ những định
kiến và sự phân biệt đối xử với nhóm người này.
Tuy nhiên các tổ chức xã hội của Việt Nam đang ở trong
giai đoạn đầu của sự phát triển, và có những hạn chế nhất định. Do đó, quá
trình hoạt động của các tổ chức còn gặp khá nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu
của nhóm đối tượng thụ hưởng.
1. Nhu cẦu trỢ giúp cỦa ngưỜi khuyẾt tẬt
Giáo dục: Trong 10
trường hợp phỏng vấn người khuyết tật/người thân của người khuyết tật thì có 5 trường hợp là phụ huynh của
các trẻ khuyết tật, 100% ý kiến của phụ huynh trẻ khuyết tật đều cho
rằng giáo dục luôn là vấn đề cấp bách và quan trọng
nhất đối với người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng. Hiện nay Thành
phố chỉ có trường
cấp 1 chuyên biệt dành cho các em khuyết tật, chưa có trường cấp 2 và cấp 3.
Vấn đề thiếu cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật vẫn chưa được giải quyết. Phần lớn trẻ em khuyết tật
phải học chung với các em bình thường. Mặc dù nhà trường, các thầy cô giáo và bạn bè cũng đã có những biện pháp giúp
đỡ cho các em khuyết tật trong quá trình học tập, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Phụ huynh của trẻ khuyết tật lo lắng khi
càng học lên lớp cao thì càng khó tìm trường học thích hợp cho con em
họ. Họ luôn băn
khoăn không biết trẻ có hòa nhập được với trường lớp mới, với các bạn học bình
thường khác hay không: “… ví dụ hiện nay một số cháu bên trường Bình Thạnh cũng hết
cấp 2 rồi chuyển qua bên này, có những cháu không thể hội nhập được bởi vì cháu nói
không ra tiếng, rồi nghe kém, có những cháu nhìn nghe kém, nói không ra…” (V.Đ.Q, nam, phụ
huynh trẻ khiếm thính, quận 3).
Như vậy, một số em khi
đến cấp 2 đi học chung với các bạn bình thường không hòa nhập được với môi
trường mới. Các em có xu hướng chỉ thích chơi với các bạn cùng cảnh như mình. Một
người làm công tác xã hội cũng cùng quan điểm
đó: “Học chung với người bình thường
thì người ta hay chọc phá hay đè đầu đè cổ các em, các em học kém hơn các bạn
chê các bạn ăn hiếp dè bỉu. Thầy cô cũng
la các em nhiều nên các em nó mặc cảm, cuối cùng nó nghỉ học. Nó rất sợ, cha mẹ có đưa đi cũng trốn không chịu đi, mà khi nó hòa nhập chung với các bạn đó nó cũng không có
tiến bộ được” (P.C.P.T, nữ, cố vấn,
quận 3).
Trong 10 người khuyết tật/người thân được phỏng vấn có 5
trường hợp là người khuyết tật; trong
10 người
được phỏng vấn là
quản lý/nhân viên của các tổ chức xã hội (hỗ
trợ người khuyết tật) thì
có 4 trường hợp bản thân
họ cũng là người khuyết tật. Tất cả
9 đối tượng ở
hai nhóm trên đều nói rằng
họ đang/đã từng gặp khó khăn trong việc học tập. 4/9 người không học đến cấp 3.
Một số gia đình
cho rằng đầu tư việc học cho người khuyết tật là không hiệu quả, hoặc đôi khi
gia đình muốn cho người khuyết tật đến trường nhưng không
có phương tiện giao thông, nhà trường không giúp đỡ được. Người
khuyết tật được đi học thường gặp khó khăn, vì trường học thiếu dụng cụ hỗ trợ cho
người khuyết tật, thầy cô không có kiến thức và kỹ năng làm
việc với người khuyết tật. Vì thế họ thường không hỗ trợ hoặc không tạo cơ hội
để người khuyết tật tham gia các hoạt động như những người khác. Ngay từ lúc ban
đầu người khuyết tật đã mất đi những cơ hội mà người bình thường khác xem như
là hiển nhiên với họ. Với những giới hạn của mình, đặc biệt là ở người
khuyết tật về trí tuệ hoặc cơ quan thu nhận cảm giác (khiếm thính, khiếm thị), khả năng tiếp
thu tri thức là khá khó khăn, người khuyết tật cần một hình thức giáo dục đặc
biệt phù hợp với đặc điểm khiếm khuyết của
mình. Điều này đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở vật chất nhiều hơn so
với giáo dục thông thường, do đó nếu không có sự hỗ trợ từ phía chính quyền, ngành giáo
dục và bản thân gia đình thì việc duy trì học tập tiếp lên cao của người khuyết tật
hầu như là bất khả thi.
Bên cạnh việc học văn hóa thì vấn đề đào tạo nghề cũng là mong muốn của người
khuyết tật trưởng thành. Mức độ tiếp nhận thông tin, kiến thức của người khuyết
tật còn hạn chế. Họ phải mất thời gian học lâu hơn so với những người bình thường
tùy theo mức độ khuyết tật của bản thân. Giám
đốc một cơ sở đào tạo nhận xét: “Thuận lợi cũng có mà khó khăn không phải là
ít, họ làm việc rất là khó khăn, do tình trạng khuyết tật, do hạn chế, do trình
độ văn hóa, họ mà biết đọc biết viết là may, lớp 4 lớp 5 nhưng vẫn xóa mù chữ
là chuyện bình thường. Các bạn câm điếc nói lớp 4 lớp 5 giao tiếp nhưng mà cũng
không chịu nổi. Nó hạn chế rất nhiều mặt, trong nhận thức hay sinh hoạt cũng
vậy, ở gia đình cũng chưa có giáo dục, giao tiếp rất hạn chế cho nên không có
được tự tin trong giao tiếp. Trình độ thấp ảnh hưởng đến kĩ năng tiếp nhận.
Người bình thường có thể học hai tháng nhưng người khuyết tật hai tháng mà tiếp
nhận được vấn đề rất là khó, có những em cả năm trời chưa đi tới đâu hết…”
(V.K.H, nữ, giám đốc, quận Bình Thạnh).
Ý
kiến của một bạn nữ bị khuyết tật tay: “…lúc đầu vô trường em học vi tính, nhưng mà khi ra đi xin việc người
ta nói một tay làm mấy cái đó nó khó, không được, em chuyển sang học may, một hai tháng, em vô chỉ ngồi
chơi thôi à, tại mấy bạn vô trong lớp, cô chỉ kêu ngồi đó, cô chỉ vài đường là
hết…” (N.T.T, nữ, khuyết tật tay, quận Bình Thạnh).
Việc
làm: Người khuyết tật đều
muốn có việc làm: “Em muốn tương lai có
công việc và cuộc sống ổn định để có lương tháng. Công việc thoải mái và sung
sướng, hạnh phúc. Em cũng muốn làm giáo viên hoặc lãnh đạo cũng được” (N.T.T.T,
nữ, điếc câm, quận 4). Nhưng hầu hết những người khuyết tật đều khó khăn khi
tìm công việc thích hợp, đó là điều mà người khuyết tật luôn lo lắng. Mặc dù hiện
nay các doanh nghiệp cũng đã mở rộng cửa để đón nhận những người khuyết tật vào
làm việc, tuy nhiên không phải người khuyết tật nào cũng có thể làm việc một
cách hiệu quả và theo kịp tiến độ công việc như người bình thường khác. Có rất
nhiều trường hợp người khuyết tật vào làm việc chỉ vài tháng thì nghỉ việc do
không theo kịp công việc, hoặc khó hòa nhập khi làm chung với những người bình
thường. Một bạn nữ liệt hai chân kể: “Lúc
trước em có học nghề ở Hóc Môn làm hoa đất sét, đó cũng là cái trung tâm dạy
nghề cho người khuyết tật. Học thì cũng được miễn phí hết và được cấp bằng. Học
ở đó xong thì bạn em có kêu đi làm chỗ kia một thời gian, làm chung với người
bình thường luôn. Đó là một công ty riêng. Em thấy cũng không thoải mái. Sau đó
em nghỉ và qua đây làm.” (L.T.M.T, nữ, bị khuyết tật hai chân, quận Bình Thạnh).
Theo cô T – cố vấn cho một tổ chức xã hội cho biết hiện nay có khoảng 95% người
điếc câm không có việc làm, 5% người điếc
câm làm việc chỉ được 2 tháng trong năm.
Tinh
thần: Bên cạnh những nhu cầu về học tập, việc
làm thì nhu cầu về tinh thần của người khuyết tật cũng cần được quan tâm. Do mặc
cảm nên người khuyết tật không thường xuyên tham gia các sinh hoạt cộng đồng.
Trong khi đó hiện nay các chương trình giải trí dành cho người khuyết tật rất
ít. Chỉ thỉnh thoảng có buổi sinh hoạt tổ chức vào các dịp lễ, Tết… tại địa
phương, hay tổ dân phố nơi người khuyết tật sinh sống… Đối với các trẻ khuyết tật
thì điều này là một sự thiệt thòi lớn.
Chăm
sóc sức khỏe:
là việc rất quan trọng đối với người bị khuyết tật. Họ cần được quan tâm chữa bệnh,
được hướng dẫn về các phương pháp vật lý trị liệu, khám sức khỏe định kỳ. Các
bé gái khuyết tật, phụ nữ khuyết tật cần được phổ biến các kiến thức về an toàn
sức khỏe sinh sản, bạo lực gia đình,… Một bạn gái câm điếc bộc lộ: “muốn tìm hiểu về các bệnh tình dục, bệnh lạ
nghĩa là vô sinh…muốn biết để tránh thôi” (N.T.T.T, nữ, bị câm điếc, quận
4).
Tìm
hiểu về luật pháp: Đa
số người khuyết tật không biết nhiều về luật pháp nói chung và luật về người
khuyết tật nói riêng hoặc chỉ biết chút ít. Họ cũng không biết tìm kiếm những
thông tin pháp luật ấy ở đâu, khi cần tư vấn về luật thì cũng không biết tìm đến
cơ quan, địa chỉ nào. Nhu cầu được hiểu về pháp luật là cần thiết: “em muốn học pháp luật và các kỹ năng để tìm
cách giải quyết rồi sống tốt suốt đời … Em muốn biết thêm về luật đám cưới, luật
kết hôn, luật nhà nước… nếu không học pháp luật thì sẽ bị thiệt thòi và thiếu
kinh nghiệm” (N.T.T.T, nữ, bị câm điếc, quận 4).
Nhiều
người không nắm rõ về các chế độ cho người khuyết tật. Như một bạn trai khuyết
tật chân nói: “ở quê… tiền trợ cấp hàng
tháng của nhà nước mới đầu là được 60.000 đồng/tháng, từ khi mà thị xã Tuy Hòa
lên thành phố được 120.000 đồng/tháng, rồi nó cắt luôn, nó không nói cho mình
biết lý do tại sao, tự động nó cắt, ở làng thì cũng có nhiều người khuyết tật đều
được lãnh hết, nhưng mà tại sao mình lại bị cắt. “Sau đó vô Sở Lao động-Thương binh
và Xã hội, thì danh sách trình lên không có tên thì sao có tiền, người ta nói
không có đệ trình danh sách lên thì làm sao mà biết, mà đâu có xa lạ gì, xã với
nhà sát một bên có mấy trăm mét, mấy ông làm chính quyền xã cũng ở trong làng
không à, mấy ông nói vậy đó.” (P.N.Y, nam, khuyết tật hai chân,
quận 10)
Sử
dụng các công trình công cộng, tham gia giao thông: Hiện
nay nhiều công trình công cộng xây cao tầng, rất khó khăn cho việc di chuyển của
người khuyết tật, đó cũng là một cản trở người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.
Một bạn kể về những khó khăn trong việc lên xuống khi đi học: “Khi đi học ở trường cũng gặp khó khăn chứ
chị. Thường là học lên lầu cao và cái đoạn đường đi lúc trước là xa, bạn thì chở
em đi nhưng lúc nó rảnh thì chở… có lần em nghỉ học hoặc là đến trễ, em phải chủ
động mọi thứ, thời gian phải sắp xếp.” (P.T.R, nữ, khuyết tật hai chân, quận
10)
Tham
gia giao thông cũng là một khó khăn với người khuyết tật. Họ không được cấp bằng
lái xe, không được lái xe tham gia giao thông trong khi phương tiện công cộng
chưa thích hợp với người khuyết tật, đó là một cản trở cho họ trong việc di
chuyển. Chị T nhận xét: “Khi nói tới người
khuyết tật thì ai cũng nghĩ họ phải chạy xe ba bánh, nhưng điều này tùy thuộc
vào mức độ khuyết tật của từng người. Phần lớn người khuyết tật không có giấy
phép lái xe, ngay cả học luật cũng chưa có nữa” (L.T.A.L, nữ, quản lý, quận
10).
“… không có bằng lái nhưng vẫn phải
chạy thôi, người khuyết tật muốn đi thi bằng lái… cũng muốn có bằng lái chạy xe
trên đường, cái đó là ước muốn của họ, không biết Nhà nước có quan tâm hay
không. Ngày trước có tham gia lớp học về giao thông, chỉ lên học nhưng mà không
có thi, học xong cấp cho chứng chỉ, chứ không phải bằng, chứng nhận mình đã học
khóa giao thông để ra đường, nó ngắn hạn quá…”
(P.N.Y, nam, khuyết tật hai chân, quận 10)
2. HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI
Qua
kết quả của cuộc khảo sát “Xây dựng năng
lực các tổ chức nhân dân nhằm hỗ trợ việc tiếp cận tư pháp cho nhóm cộng đồng
dân cư dễ bị tổn thương tại TPHCM” năm 2012[192] thì có đến 45% các tổ chức xã hội dân
sự tham gia hỗ trợ cho người khuyết tật, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các nhóm đối
tượng còn lại như người nghèo thành thị (38%); người sống chung với HIV/AIDS
(35%); người nghèo nông thôn (30%); lao động nhập cư (15%); người hành nghề mại
dâm (10%); khác (7%); người dân tộc thiểu số (3%) và nạn nhân của hoạt động
buôn người (2%). Điều này cho thấy sự quan tâm của các tổ chức xã hội đối với
người khuyết tật là rất lớn.
Tỷ
lệ các TCXH hỗ trợ người khuyết tật hoạt động từ 16 năm trở lên chiếm đến 56%;
từ 11 – 15 năm là 22%; từ 6 – 10 năm là 15% và từ 1 – 5 năm là 7%. Từ số liệu
trên có thể thấy các TCXH này đã hoạt động lâu năm, có nhiều năm kinh nghiệm
trong việc hỗ trợ cho nhóm người khuyết tật và chứng minh rằng vấn đề người
khuyết tật cũng đã được các TCXH quan tâm ưu tiên từ rất lâu (LIN, 2012).
Hiện
nay nhiều tổ chức xã hội đã có chương trình hoạt động tích cực, giúp người khuyết
tật hòa nhập vào cộng đồng. Các tổ chức xã hội đã bỏ ra nhiều công sức cho các
hoạt động này, như tìm hướng hoạt động, hướng hỗ trợ, tìm kiếm các nhà bảo trợ
và nguồn dự án nhằm giúp đỡ người khuyết tật một cách tốt nhất. Nhờ sự hỗ trợ của
các tổ chức xã hội này mà người khuyết tật có được những cơ hội trong việc thực
hiện quyền, khắc phục những hạn chế trong sinh hoạt, tham gia vào đời sống xã hội.
Một
số trung tâm xã hội đã tổ chức được những buổi sinh hoạt thường niên, hoặc những
chương trình hoạt động văn nghệ cho người khuyết tật. Ví dụ: có những lớp học dạy
trang điểm, câu lạc bộ khiêu vũ trên xe lăn, các buổi giao lưu văn nghệ tại các
khu dân cư, nhà máy xí nghiệp,… thông qua những chương trình này nhằm khuyến
khích và tạo cho người khuyết tật thêm tự tin hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
“… còn về bên học tập thì mình cũng
có những tập huấn về kỹ năng như kỹ năng tham vấn hay kỹ năng làm việc nhóm,
rồi kỹ năng nói chuyện thuyết phục. Tất cả những cái kỹ năng đó đều giúp ích
cho người khuyết tật. Có dạy thêm về các lớp ngoại ngữ, mấy thầy cô thì toàn
tình nguyện viên, rồi một lớp khiêu vũ. Thực ra mấy lớp đó là không thường xuyên.
Ví dụ lâu lâu có mấy anh chị dạy trang điểm họ tới mà các chị em phụ nữ có nhu
cầu thì mình sắp xếp một cái lớp khoảng một hai ngày gì đó thì điều này tùy vào
thầy cô tới đây dạy. Các bạn rất là thích vì xuất phát từ nhu cầu…” (L.T.A.L,
nữ, quản lý, quận 10).
Tổ
chức xã hội trợ giúp người khuyết tật bằng cách đánh giá nhu cầu của đối tượng,
đồng thời quản lý các trường hợp, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận những dịch vụ
phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, các tổ chức xã hội cũng hỗ trợ tâm lý cho
người khuyết tật và gia đình của họ. Như vậy, bằng những kiến thức, kỹ năng và
phương pháp, nhân viên công tác xã hội đã trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng
người khuyết tật, phục hồi các chức năng xã hội mà họ bị suy giảm.
“Cái dự án học tập có ba mảng, thứ
nhất là tham vấn hoàn cảnh, những người khuyết tật đi trước họ có kinh nghiệm
sẽ tham vấn lại cho các bạn. Thứ hai là hỗ trợ cá nhân cho người khuyết tật
nặng, họ không thể tự đi làm được thì mình chỉ trợ giúp một người thay thế cái
chân, cái tay của họ để họ tiếp tục công việc của mình để họ làm tốt hơn. Thứ
ba là sống độc lập thì người khuyết tật vẫn là người tự ra quyết định và tự
chịu trách nhiệm. Cái vấn đề ở đây là mình phân tích cho họ hiểu. Một vấn đề
nữa là nhóm hoạt động cũng tập huấn cho các học viên để người ta biết được các
kỹ năng để trợ giúp người khuyết tật cho đúng không làm tổn thương tới họ. Khi
dự án sống độc lập ra đời thì gần đây có dự án xe ba bánh. Cái khó khăn của
người khuyết tật là vấn đề đi lại. Bởi xe buýt của mình lại không tiếp cận, vì
thế nên dự án này ra đời. Đây là dự án dành cho người khuyết tật hoàn toàn miễn
phí…” (L.T.A.L, nữ, quản lý, Q.10).
Dưới đây là một số lĩnh vực hoạt động
chủ yếu của các tổ chức xã hội:
Y tế: Do người khuyết tật có nhu cầu chăm
sóc sức khỏe nhưng nhu cầu này thường ít được đáp ứng vì những trung tâm y tế
thường ở quá xa hoặc không tiếp cận được. Đặc biệt là các thông tin về y tế và
vật lý trị liệu. Vì vậy, một số tổ chức xã hội đã mở những dịch vụ giúp đỡ về y
tế cho người khuyết tật, tiến hành phục hồi chức năng tập trung ở một số cơ sở
hay tại tư gia.
Giáo dục: Bằng hoạt động giáo dục, cung cấp kiến
thức, kỹ năng giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng cho người khuyết tật, các tổ chức
xã hội cũng cung cấp cơ hội cho người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng,
giúp họ phát triển nhân cách, tăng cường giao lưu và học hỏi xã hội.
Một số trẻ
khuyết tật từ nhỏ đã được các tổ chức xã hội can thiệp sớm để các em dễ hòa
nhập với môi trường trường lớp mới. Hầu như tất cả các phụ huynh/người thân
của các trẻ khuyết tật đều có chung nhận định rằng các chương trình can thiệp
sớm của trường/tổ chức rất có hiệu quả đối với con em họ và được phụ huynh tin
tưởng.
“Cháu nhà thì hội nhập từ nhỏ… Ở trường
ở quê lúc đầu hoàn toàn không có múa dấu, lúc đó là đeo tai nghe và nói cho
cháu có thói quen nói, sau này cũng phát huy cái đó đến khi mà
qua cô H, cô hướng dẫn thêm thành ra cháu có thể tiếp thu được nhiều hơn. Bình
thường đối với các cháu thì rất khó hội nhập. Các khuyết tật khác sẽ hội nhập
nhiều khi còn tốt hơn còn đối với các cháu này thì khó…” (V.Đ.Q, nam, phụ huynh trẻ bị khiếm thính, quận 3).
Việc làm: Bị hạn chế trong giáo dục và đào tạo
nghề làm cho người khuyết tật thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, nên thiếu tự tin.
Điều này cản trở họ tìm được công việc tử tế hoặc có vị trí tốt trong xã hội.
Có được việc làm và thu nhập là cơ hội duy nhất giúp người khuyết tật thoát
khỏi cuộc sống bị cô lập hoặc thiếu tiếp xúc xã hội. Nhưng vì khó có cơ hội
việc làm nên nhiều người khuyết tật phải kiếm sống bằng cách ăn xin, bán dạo,
bán vé số, đánh giày trên đường phố:…“các
em còn thanh niên nó rất đẹp trai mới 20, 21, 22 vậy
mà đi lau nhà cho người ta thậm chí đi giặt đồ, không có việc làm thì phải vậy
thôi, chứ cơm đâu mà ăn để sống, đi bán vé số thì bị người ta lừa người ta
giựt…” (P.C.P.T, nữ, cố vấn, quận 3.) Các tổ
chức xã hội đã kết nối với các xí nghiệp, nhà máy, công ty để tìm kiếm việc làm
cho người khuyết tật. Thực tế hiện nay là một số công ty đã mở
rộng chào đón các thành viên khuyết tật vào làm việc.
“Một khoảng thời gian thăm dò nhu cầu
của người khuyết tật thì mình thấy khi các bạn tới dự hội thảo thì các bạn cũng
lo lắng về vấn đề việc làm. Bởi nếu như không có việc làm thì họ cũng không có
tự tin để tới dự hội thảo của mình tổ chức. Qua tìm hiểu mới thấy thì mình đã
kết nối với các trung tâm giới thiệu việc làm và người khuyết tật để đưa người
khuyết tật đến các doanh nghiệp mà họ đang có nhu cầu tuyển dụng” (L.T.A.L, nữ, Quản lý, quận 10).
Trong suốt quá
trình làm việc của người khuyết tật, các tổ chức xã hội vẫn luôn sát cánh với
và hỗ trợ cho họ khi cần thiết: “một
người khuyết tật vào làm thì ban đầu tâm trạng của họ rất lo lắng không biết
mình làm có được việc hay không, công việc mình làm rất là mới, nhiều thứ phân
vân lắm thì bên chị quyết định cử một người đồng hành qua 3 tháng
đầu, nếu các bạn có gặp khó khăn gì thì chia sẻ với người đồng hành đó. Và
người đồng hành này chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động… giúp
cho bạn an tâm hơn làm việc trong doanh nghiệp đó…” (L.T.A.L, nữ, quản lý, quận 10).
Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật đáp ứng lâu dài các
công việc tại các doanh nghiệp công nghiệp là không nhiều do hạn chế về mặt sức
khỏe, kỹ
năng và trình độ chuyên môn.
Các tổ chức xã hội hiện nay cũng khuyến khích và hỗ trợ
người khuyết tật nếu có khả năng thì tự mình đứng ra kinh doanh hoặc buôn bán: “… riêng những bạn khuyết tật mà họ muốn kinh doanh mà không
biết cách quảng cáo sản phẩm thì mình huấn luyện cho họ cách makerting, bây giờ
thời đại công nghệ thông tin nên làm việc qua mạng khá nhiều vì thế nên tập huấn
cho họ làm thế nào để mà kết nối online, rồi quảng cáo sản phẩm của họ làm sao
để giữ thương hiệu, tất cả các lớp nhằm hỗ trợ cho bên việc làm…” (L.T.A.L, nữ,
Quản lý, Quận 10). Tổ chức tạo mọi điều kiện để người khuyết tật có thể phát
huy hết khả năng của mình, bằng sức lực của mình,
không quá phụ thuộc vào người khác.
Luật, quyền: Người
khuyết tật dễ trở thành nạn nhân của bạo
hành và
ít được bảo vệ pháp lý hoặc chăm sóc phòng ngừa. Phụ nữ và các trẻ em gái
khuyết tật đặc biệt dễ bị tổn thương, hoặc bị lạm dụng. Gia đình và bản thân
người khuyết tật cũng ít nắm bắt thông tin pháp luật dành cho người khuyết tật.
Số liệu của cuộc khảo sát năm 2012 cho thấy trong nhóm người khuyết tật
thì đối tượng phụ nữ khuyết tật bị tổn thương nhiều hơn nam khuyết tật (15% so với 7%).
Do đó, một số tổ chức xã hội đã tổ chức các buổi tư vấn, truyền thông về bạo
hành gia đình, sức khỏe sinh sản dành cho các em gái và phụ nữ khuyết tật nhằm
nâng cao kiến thức để họ có thể tự bảo vệ mình.
Những thông tin về pháp luật đến người khuyết tật còn rất
hạn chế. Một phần do không biết tìm thông tin từ đâu, một phần do những bất tiện
trong việc tiếp xúc, di chuyển khi đến các cơ quan công quyền làm những thủ tục
liên quan đến giấy tờ, pháp lý nếu không có người giúp đỡ, từ đó dẫn đến việc
người khuyết tật cảm thấy ngần ngại.
Ngay việc đọc hiểu những văn bản pháp luật đối với người
khuyết tật cũng là một vấn đề khó khăn: “chính
sách pháp luật của nước mình đó ngay cả người có trình độ cũng đôi lúc cảm thấy
khó hiểu, mà người khuyết tật thì đa số có trình độ thấp cho nên đọc một cái
văn bản pháp luật thì cảm thấy rất khó, cái thông tin đến với họ cũng không dễ
dàng lắm” (L.T.A.L, nữ, quận 10). Do đó các tổ chức xã hội phải tự mình tìm
ra những biện pháp để việc truyền đạt thông tin pháp luật đến nhóm người họ hỗ
trợ được dễ dàng, dễ hiểu hơn: “chính vì
vậy trước đây A cũng dựa trên pháp lệnh dành cho người khuyết tật mà nhờ một chị
làm bên luật viết lại bằng ngôn ngữ sao cho dễ hiểu và trình bày bằng cả hình ảnh
để thông tin đó khi tới người khuyết tật thì sẽ dễ hiểu hơn còn nếu đưa cho họ
cả văn bản thì rất khó hiểu. Bên A cũng đang tìm hiểu để đưa ra những hướng tiếp
cận sao cho người khuyết tật dễ hiểu” (L.T.A.L, nữ, quận 10).
Thông qua các tổ chức xã hội, người khuyết tật thuận lợi
hơn trong việc thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Các tổ chức
xã hội hiện nay hầu như đều
tự mình tìm kiếm những thông tin về pháp luật dành cho
nhóm người yếu thế mà họ hỗ trợ hoặc tiếp nhận từ những mạng lưới, cá nhân quen
biết. Một số khác thì tìm kiếm cập nhật những thông tin pháp luật trên
internet, website. Một số tổ chức xã hội đã tổ chức được những buổi tư vấn về
pháp luật, về quyền hoặc có những ban cố vấn về pháp luật cho người khuyết tật.
“Mục đích thứ ba là hỗ trợ toàn
diện vấn đề liên quan tới cuộc sống người bị câm, ví dụ như mở văn phòng tư vấn
pháp luật cho mẹ, rồi tham vấn đồng cảm cho nó. Đa số người câm đi làm bị người
ta bóc lột sức lao động, bị chủ người ta đánh, bạn đồng nghiệp người ta lấy ghế
đánh chảy máu lỗ đầu ra, rồi đánh lộn hoài, mấy năm trước một ngày là mấy chục
cuộc điện thoại của chủ sử dụng người lao động bị câm, của các bạn bị câm đánh
nhau rồi cha mẹ các bạn, nhưng năm vừa qua các em nó nhận được dự án của trung
tâm B, thành ra nó học đươc pháp luật quyền của con người, với dự án mà đẩy lùi
nạn bạo hành của người điếc câm á, thì các em sau một năm nó học rồi thì năm vừa
qua không có vụ nào, năm nay chỉ có một vụ của thằng T.A thôi mà chưa xảy ra là
đã bị chặn rồi… (P.C.P.T, nữ, cố vấn, quận 3).
“… Bên Trung tâm A khi trao đổi với người khuyết tật về những chính sách
mới thì có nói với họ khi đến làm việc với địa phương thì họ cầm luôn cái bộ
thông tin về luật cho người khuyết tật, khi có thắc mắc gì từ địa phương thì
mình đưa ra luật để nói với họ là người khuyết tật có luật này, bởi vì nhiều
khi họ cũng rất muốn được hỗ trợ nhưng mà họ chưa có nhận được thông tin kịp
thời nên mình mang thông tin đến chia sẻ với họ luôn. Những trang web luật của
chính phủ hoặc qua các hội thảo mà liên quan tới người khuyết tật để họ cung
cấp phổ biến những thông tin. Bên chị có một nhóm cố vấn về luật cho bên A và
có một trang web luật để mà hỗ trợ, để mà khi các bạn khuyết tật có những câu
hỏi, thắc mắc gì đó thì họ có thể gửi lên trang web….” (L.T.A.L, nữ, quản lý, quận 10).
3.
KẾT LUẬN
Những người khuyết tật đánh giá rất cao về sự hỗ trợ của
các tổ chức xã hội. Ít nhiều các tổ chức xã hội này đã đưa người khuyết tật đến
gần hơn với cộng đồng, hòa nhập với cộng đồng và cảm thấy bản thân mình cũng là
người còn có ích.
Hỗ trợ về tinh thần cho người khuyết tật đó chính là điểm
mạnh của các tổ chức xã hội và đó cũng là một trong những tiêu chí của các tổ
chức xã hội. Khi vào sinh hoạt tại các tổ chức xã hội này người khuyết tật như
đã tìm được nơi để giải tỏa về tinh thần cho bản thân mình. Họ trở nên tự tin
hơn, vui vẻ hơn và đặc biệt là thay đổi suy nghĩ thụ động, một số bạn còn tình
nguyện tham gia vào các chương trình hỗ trợ cho người đồng cảnh ngộ.
Các tổ chức xã
hội chủ trương xây dựng kế hoạch hoạt
động cũng như các chương trình tập huấn đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu của
nhóm hưởng lợi và hoàn toàn không mang tính áp đặt. Nhờ vậy đã thu hút được sự
tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của những đối tượng nhận hỗ trợ. Trong việc xây
dựng định hướng, mục tiêu hoạt động các tổ chức luôn lắng nghe sự đóng góp ý
kiến, tâm tư nguyện vọng của người khuyết tật để có hướng hỗ trợ thiết thực nhất cho các nhu cầu của người
khuyết tật.
Thực sự các tổ
chức xã hội đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ về
các mặt thiết yếu cho nhóm người yếu thế nói chung và người
khuyết tật nói riêng. Đó
là những đóng góp rất
có ý nghĩa trong điều kiện xã hội còn chưa quan tâm được
đầy đủ đến nhóm xã hội này.
Tuy nhiên các tổ chức xã hội của Việt Nam vẫn đang ở
trong giai đoạn đầu phát triển, có những hạn chế về nguồn kinh phí, nhân lực, định
hướng… Do đó các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội cần có sự quan
tâm
tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội
làm tốt hơn hoạt động
hỗ trợ rất cần thiết của họ.
TÀI LIỆU
TRÍCH DẪN
1.
LIN. 2012. Báo cáo khảo sát Xây dựng năng
lực các tổ chức nhân dân nhằm hỗ trợ việc tiếp cận tư pháp cho nhóm cộng đồng
dân cư dễ bị tổn thương tại TPHCM”, chủ trì: do quỹ JIFF tài trợ tổ chức
LIN và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
2.
Nguyễn Thị Bảo Hà. 2014. Đề tài Thực trạng hoạt động của các tổ chức xã hội
trong việc hỗ trợ nhóm người khuyết tật tại TPHCM, chủ trì đề tài: Viện
Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
3.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM. 2014. Biểu tổng hợp đối tượng được cấp giấy xác nhận khuyết tật 6 tháng đầu
năm 2014.
VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN DÂN TỘC NGƯỜI KHMER Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA ĐỊNH LƯỢNG
Vũ Ngọc Thành
Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển
1. Vài nét vỀ cỘng
đỒng ngưỜi Khmer Ở TPHCM
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam
năm 2009, cả nước có 54 dân tộc thì tại TP. Hồ Chí Minh hiện có tới 52 dân tộc
cùng sinh sống, dân tộc Kinh chiếm đa số với 6.699.124 người, chiếm tỷ lệ
93,5%. Các dân tộc còn lại đều là dân tộc thiểu số. Trong đó có 3 dân tộc thiểu
số chiếm khá đông đó là dân tộc Hoa 414.045 người, chiếm 5,78%, dân tộc Khmer
24.268 người, chiếm 0,33% và dân tộc Chăm 7.819 người, chiếm 0,10% (Ban chỉ đạo
Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2010). Đồng bào Khmer tại TP. Hồ Chí
Minh sống đan xen cùng dân tộc Kinh và các dân tộc khác là một bộ phận dân cư
không thể tách rời ở thành phố.
- Về nguồn gốc
cộng đồng tộc người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh, đa số các nhà nghiên cứu đều cho
rằng người Khmer đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long, chỉ một số ít có nguồn gốc từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đặc
biệt cũng có trường hợp những người sinh ra và lớn lên tại đây nhưng không xác
định rõ được nguyên quán của mình (Thái Văn Chải, Trần Thanh Pôn và cs, 1998,
tr.11). Phần lớn các thanh niên người Khmer hiện nay (2015) đang sinh sống tại
TP. Hồ Chí Minh là dân nhập cư. Trong tổng số 225 thanh niên người Khmer được hỏi,
có tới 117 người là dân nhập cư đến từ các tỉnh (mà ở đây chủ yếu là các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long), chiếm tỷ lệ 52%, số còn lại là dân tại chỗ, chiếm
48%.
- Địa bàn phân bố:
mặc
dù có số lượng dân số ít hơn rất nhiều so với các cộng đồng dân tộc khác tại
TP. Hồ Chí Minh và chỉ đứng hàng thứ 3 sau dân tộc Kinh, dân tộc Hoa nhưng người
Khmer lại sống rải rác và phân tán khắp thành phố. Điều này hoàn toàn khác so với
các cộng đồng dân tộc khác ở thành phố với đặc điểm cư trú tập trung, đặc biệt
là người Hoa thường sống tập trung ở các quận 5, quận 6, quận 11 xung quanh khu
vực Chợ Lớn, người Chăm thường sống tập trung ở quận 8 và quận Bình Thạnh. Bảng
thống kê thực tế sau đây về địa bàn phân bố dân cư của người Khmer tại TP. Hồ
Chí Minh cho thấy rõ tính chất phân tán này:
Bảng
1. Thống kê người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh năm 2009
STT |
Địa
bàn |
Số
người |
STT |
Địa
bàn |
Số
người |
1 |
Quận 1 |
348 |
13 |
Quận Gò Vấp |
564 |
2 |
Quận 2 |
381 |
14 |
Quận Tân Bình |
767 |
3 |
Quận 3 |
363 |
15 |
Quận Bình Tân |
5.358 |
4 |
Quận 4 |
153 |
16 |
Quận Tân Phú |
1.253 |
5 |
Quận 5 |
1.116 |
17 |
Quận Bình Thạnh |
539 |
6 |
Quận 6 |
677 |
18 |
Quận Thủ Đức |
1.487 |
7 |
Quận 7 |
902 |
19 |
Quận Phú Nhuận |
208 |
8 |
Quận 8 |
1.370 |
20 |
Huyện Củ Chi |
1.095 |
9 |
Quận 9 |
969 |
21 |
Huyện Hóc Môn |
359 |
10 |
Quận 10 |
387 |
22 |
Huyện Bình Chánh |
4.116 |
11 |
Quận 11 |
536 |
23 |
Huyện Nhà Bè |
233 |
12 |
Quận 12 |
902 |
24 |
Huyện Cần Giờ |
185 |
Tổng
cộng |
24.268 |
Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 TP.
Hồ Chí Minh, kết quả điều tra toàn bộ (2010). (Dẫn lại theo Nguyễn Thị Hoài
Hương, 2013, tr.50).
Bảng thống kê trên cho thấy tổng số người Khmer sinh sống
tại TP. Hồ Chí Minh chỉ có 24.268 người nhưng lại phân bố trải khắp 24 quận/huyện.
Họ sinh sống ở cả những khu vực trung tâm đô thị, vùng ven đô và khu vực ngoại
thành, trong đó tập trung dân cư đông nhất là ở các quận Bình Tân (5.358 người),
huyện Bình Chánh (4.116 người), quận Thủ Đức (1.487 người), quận 8 (1.370 người),
quận Tân Phú (1.253 người), quận 5 (1.116 người)… Điều này hoàn toàn có thể giải
thích bởi đây là những quận, huyện có vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ phía Tây của
Thành phố, là nơi mà phần lớn lực lượng lao động từ khu vực đồng bằng sông Cửu
Long phải đi qua nếu muốn vào Thành phố để kiếm sống. Và trên lộ trình di chuyển
ấy, họ đã chọn những quận huyện này để tìm cuộc mưu sinh, một phần cũng vì sự gần
gũi trong văn hóa sông nước với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những nơi người
Khmer ít sinh sống là ở quận 4 (153 người), huyện Cần Giờ (185 người), huyện
Nhà Bè (233 người).
- Đặc điểm cư
trú: đặc điểm chung về tình trạng cư trú của người Khmer tại TP. Hồ Chí
Minh là sự phân tán dân cư. Mức độ quan hệ giữa các cư dân với nhau cũng yếu ớt
hơn, ngoại trừ hai nơi với sự có mặt của hai ngôi chùa Chăntarăngsây (ở quận 3)
và chùa Pôthiwong (ở quận Tân Bình), người Khmer cư trú tương đối tập trung. Điều
này cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh so với
những người Khmer ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vốn có tính cộng đồng rất
cao. Họ thường sống tập trung, quần cư trong những “phum” và “sróc”, cùng tham
gia các hoạt động văn hóa, xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, gắn bó với nhau từ khi
sinh ra đến khi chết. Họ luôn có sự giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất,
chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay hầu như đã
thay đổi tập quán cư trú truyền thống với việc cư trú rải rác khắp các quận huyện
xen kẽ với các cộng đồng dân tộc khác như người Kinh, Hoa, Chăm… Sự thay đổi tập
quán cư trú này có thể do nguồn gốc cư dân, đa số những người Khmer nhập cư vào
TP. Hồ Chí Minh đều là những cư dân nông thôn có nguồn gốc từ đồng bằng sông Cửu
Long. Họ vốn là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp
nên thiếu sự lựa chọn trong công việc cũng như nghề nghiệp và thường phải làm
mướn, làm thuê để kiếm tiền. Vì thế, nơi nào có nhu cầu tuyển dụng lao động là
họ đến đó làm việc và không có sự lựa chọn cố định nào cho nơi ở của mình.
Chính sự cư trú này cũng tạo nên sự khác biệt trong sinh hoạt văn hóa, bảo lưu
truyền thống văn hóa Khmer.
- Về tôn giáo: hầu
hết người Khmer tại TP. Hồ Chí Minh đều theo Phật giáo Nam tông (Theravada) hay
còn được gọi là Phật giáo Tiểu thừa. Kết quả điều tra cho thấy, số người theo
Phật giáo Tiểu thừa, chiếm tỷ lệ 70,7%. Chỉ một số ít người Khmer là theo đạo
Tin lành, Thiên chúa giáo và Phật giáo Đại thừa, chiếm tỉ lệ 3,9%, số còn lại
không theo bất kỳ tôn giáo nào.
Có thể nói, Phật giáo Nam tông gần như là tôn giáo duy
nhất chi phối toàn bộ đời sống văn hóa của cộng đồng người Khmer, là chất keo gắn
kết mọi thành viên cộng đồng lại với nhau. Khác với những tôn giáo khác, Phật
giáo Nam tông của người Khmer không chỉ đảm nhận chức năng tôn giáo mà còn đảm
nhận các chức năng văn hóa – xã hội khác với từng cá nhân và cả cộng đồng. Ngôi
chùa Khmer, do đó được xây dựng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tạo sự
gắn bó và ổn định niềm tin của đồng bào người Khmer đối với đạo Phật mà còn đáp
ứng nhu cầu thiết yếu của giáo dục và các sinh hoạt văn hóa – xã hội của cộng đồng
người Khmer (Nguyễn Khắc Cảnh, 2011, tr.87). Họ đến chùa không phải chỉ để lễ
theo tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đến chùa để học đạo đức, học tiếng dân tộc, học
nghề truyền thống… Theo đại đức Danh Lung – trụ trì chùa Chăntarăngsây cho biết,
“hiện nay việc dạy chữ Khmer cho thanh
niên hoặc những người muốn theo học tiếng Khmer để giao tiếp với cộng đồng hay
đi làm ăn ở Campuchia đều được chùa tổ chức dạy và học miễn phí 100%. Nhiều người
sau đó có công ăn việc làm ổn định hay thành đạt cũng quay trở về chùa để cám
ơn các vị giảng sư đã cho mình cái chữ thông qua việc dâng trà nước hay ủng hộ
bằng nhiều thứ khác” (Vương
Quốc Trung, 2015).
Hiện nay, các hoạt động lễ hội truyền thống của đồng
bào Khmer vẫn được duy trì, phát huy một cách hài hòa trong tổng thể nét văn
hóa đa dạng của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên vai trò của Phật giáo Nam tông ngày
càng mờ nhạt trong đời sống thanh niên lao động xa quê đang sinh sống tại TP. Hồ
Chí Minh. Họ chỉ đến với Phật giáo mỗi năm 2-3 lần vào các dịp lễ hội truyền thống
của dân tộc như Tết năm mới (Chol Chnam Thmây), lễ Đôn ta, lễ Ok om bok… Còn
trong suốt thời gian còn lại, họ sống và làm việc như những người không tôn
giáo (Minh Thạnh và Thạch Sóc Kha, 2015). Điều này có thể giải thích được một
phần bởi ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có 2 ngôi chùa Khmer, trong bối cảnh người Khmer
nhập cư làm việc phân tán trên khắp địa bàn các quận huyện của thành phố. Nếu
chùa Phật giáo Nam tông Khmer có tổ chức được nhiều hoạt động thu hút và thông
tin đầy đủ đến đông đảo thanh niên Phật tử đi nữa, thì cũng chỉ thuận lợi cho số
thanh niên cư trú ở các quận trung tâm còn đối với những thanh niên đang làm việc
tại các quận vùng ven và các huyện ngoại thành thì việc đến chùa sinh hoạt thường
xuyên cũng là một khó khăn do nơi ở và làm việc quá xa chùa.
- Hoạt động kinh
tế: đời sống kinh tế của người Khmer ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều
khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao. Theo báo cáo của Sở Lao
động Thương binh và Xã hội, số hộ nghèo và cận nghèo của người Khmer tính đến
31/10/2012 là 66 hộ với 297 nhân khẩu, chiếm 1,2% tổng số nhân khẩu người
Khmer. Do điều kiện sống rải rác khắp
các quận huyện, đan xen với người Hoa, người Việt trong môi trường đô thị nên
đa số trong họ không còn đeo bám các nghề truyền thống vốn có như làm nông. Việc
làm của thanh niên Khmer ngày càng trở nên đa dạng hơn, từ lao động phổ thông,
giúp việc nhà, phụ buôn bán đến các ngành vốn thu hút đông đảo lao động, như
xây dựng, dệt may, thủy sản… Tuy nhiên, do trình độ dân trí chưa cao nên họ
chưa có cơ hội thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, trong
quá trình hội nhập với các cộng đồng dân cư ở TP. Hồ Chí Minh, người lao động
Khmer phải bươn chải trong cuộc sống, họ có thể làm bất cứ nghề nghiệp hạ đẳng
nào trong xã hội (Thái Văn Chải, Trần Thanh Pôn và cs, 1998, tr.113).
2. ViỆc làm cỦa
thanh niên dân tỘc ngưỜi Khmer tẠi TPHCM
2.1. Cơ cấu việc
làm
2.1.1. Đặc điểm
nhân khẩu
-
Giới tính
Kết quả cuộc khảo
sát về tỷ lệ nam nữ thanh niên người Khmer đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh
cho thấy, trong tổng số 225 người được hỏi, có tới 126 nam và 99 nữ, tương
đương 56% và 44%. Như thế, tỷ lệ nam và nữ có phần chênh lệch khá cao với 12%
nhiều hơn thuộc về nam. Trong khi tỷ lệ về giới của dân tộc Khmer cả nước có mức
chênh không đáng kể, dân số nam chiếm 49%, nữ chiếm 51% dân số Khmer cả nước
(Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2010).
-
Tuổi
Bảng 2. Thanh niên
người Khmer phân theo nhóm tuổi
Nhóm tuổi |
Người |
% |
Dưới 18 tuổi |
12 |
5.3 |
Từ 18 đến 23 tuổi |
78 |
34.7 |
Từ 24 đến 30 tuổi |
135 |
60.0 |
Tổng số |
225 |
100.0 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài
Độ tuổi của người lao động cũng ảnh hưởng rất lớn đến
chất lượng lao động cũng như hình thức lao động và vấn đề việc làm. Đặc biệt
lao động ở TP. Hồ Chí Minh thì cần nguồn lao động trẻ, có khả năng tiếp thu tri
thức công nghệ cao. Qua số liệu điều tra cho thấy, nhóm tuổi dưới 18 chiếm tỷ lệ
rất nhỏ trong cuộc nghiên cứu này chỉ với 5,3%, đây là nhóm tuổi thường ít được
các nhà tuyển dụng lao động lựa chọn để làm việc. Nhóm tuổi từ 18 đến 23 chiếm
34,7%, trong khi nhóm tuổi từ 24 đến 30 chiếm tỉ lệ cao nhất với 60%. Đây đều
là các nhóm tuổi được các công ty, doanh nghiệp lựa chọn để tuyển dụng vào làm
việc. Các thanh niên được khảo sát có độ tuổi từ 16 đến 30, nhưng độ tuổi phổ
biến nhất của họ là tuổi 30, và nếu tính độ tuổi trung bình của toàn bộ thanh
niên được khảo sát là 24,67 tuổi. Điều này cho thấy độ tuổi lao động của thanh
niên người Khmer tham gia vào cuộc nghiên cứu này là tương đối cao, với độ tuổi
trung bình này có thể một phần các thanh niên đã được đào tạo bài bản qua các bậc
học như trung học chuyên nghiệp, cao đẳng hay đại học để làm việc.
- Trình độ học vấn
Bảng 3. Trình độ học vấn của thanh niên người
Khmer
Trình độ học vấn |
Giới Tính |
Tổng |
||||
|
Nam |
Nữ |
||||
|
Người |
% |
Người |
% |
Người |
% |
Tiểu học |
9 |
7.1% |
9 |
9.1% |
18 |
8.0% |
Trung học Cơ sở |
27 |
21.4% |
51 |
51.5% |
78 |
34.7% |
Trung học Phổ thông |
33 |
26.2% |
27 |
27.3% |
60 |
26.7% |
Trung học Chuyên nghiệp |
9 |
7.1% |
3 |
3.0% |
12 |
5.3% |
Cao đẳng |
12 |
9.5% |
3 |
3.0% |
15 |
6.7% |
Đại học |
36 |
28.6% |
6 |
6.1% |
42 |
18.7% |
Tổng cộng |
126 |
100% |
99 |
100% |
225 |
100% |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài
Trình
độ học vấn là một khía cạnh rất quan trọng để đánh giá chất lượng của nguồn
nhân lực. Một nguồn nhân lực được xem là có chất lượng cao khi trình độ chuyên
môn nghiệp vụ cao, kỹ năng lao động thành thạo. Trong đó, trình độ học vấn của
người lao động là yếu tố rất đáng quan tâm, nó giúp cho người lao động nắm bắt
được những kiến thức mới, nó còn là một công cụ giúp người lao động tiếp cận được
những tri thức mới, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo của người lao động. Qua số
liệu điều tra cho thấy, trình độ học vấn của thanh niên người Khmer ở TP. Hồ
Chí Minh được khảo sát vẫn còn tương đối thấp, trình độ chung của họ đa số là
trung học cơ sở, chiếm 34,7%, tiếp theo là trình độ trung học phổ thông, chiếm
26,7%. Mặc dù vậy chúng ta vẫn thấy những điểm sáng tích cực về trình độ học vấn
của thanh niên người Khmer. Nếu như vào năm 2009, số người Khmer không biết chữ
chia theo thành phần dân tộc ở Thành phố chiếm tỷ lệ 15,93% (UBND TP. Hồ Chí
Minh, 2009, tr.29), thì nay (2015) tình trạng mù chữ ở thanh niên Khmer nói
riêng đã không còn. Trình độ học vấn ở cấp thấp là tiểu học chỉ chiếm 8%, trong
khi trình độ ở các bậc học cao hơn ngày càng tăng như trung học chuyên nghiệp
chiếm 5,3%, cao đẳng chiếm 6,7% và đến trình độ đại học thì con số này đã tăng
lên gấp 3, chiếm 18,7%.
Nếu
như so sánh trình độ học vấn giữa nam và nữ trong cuộc khảo sát này, ta thấy ở
cấp tiểu học và trung học phổ thông, trình độ học vấn ở hai giới này có tỷ lệ gần
bằng nhau. Tuy nhiên, càng ở các cấp học cao hơn thì sự khác biệt giữa hai giới
ngày càng lớn, tỷ lệ nam thường cao hơn nữ khá nhiều. Cụ thể, ở cấp học trung học
chuyên nghiệp tỷ lệ nam (7,1%) và nữ (3%), ở cấp học cao đẳng tỷ lệ nam (9,5%)
và nữ (3%) và ở cấp học đại học thì tỷ lệ này chênh lệch khá cao, nam (28,6%)
và nữ (6,1%). Điều này cho thấy những hạn chế về giới trong vấn đề học tập khi
con gái thường không được tạo điều kiện học tập ở những cấp độ học cao hơn so với
nam, họ thường chỉ học đến hết cấp ba rồi nghỉ. Đây cũng là điều thường thấy
trong các gia đình truyền thống của người Khmer ở vùng nông thôn trước đây.
2.1.2. Việc làm
- Các loại
việc làm
Như đã đề cập ở trên, đa số các thanh niên người
Khmer hiện đang sinh sống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều có nguồn gốc từ các
tỉnh miền Tây Nam Bộ di cư tới. Trong quá trình tạo dựng đời sống tại đô thị,
nơi có sự năng động nhưng cũng vô cùng phức tạp đòi hỏi người thanh niên phải hết
sức nhạy bén trong việc nắm bắt kiến thức cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp với
sức lao động và trình độ học vấn của mình để mưu sinh. Do điều kiện sống rải
rác khắp các quận huyện, đan xen với người Hoa, người Việt trong môi trường đô
thị nên đa số trong họ không còn đeo bám các nghề truyền thống vốn có như làm
ruộng rẫy, chăn nuôi gia súc hay đánh bắt cá. Việc làm của thanh niên Khmer
ngày càng trở nên đa dạng hơn, từ lao động phổ thông, giúp việc nhà, phụ buôn
bán đến các ngành vốn thu hút đông đảo lao động, như xây dựng, dệt may, thủy sản…,
một số còn trở thành những viên chức nhà nước.
Biểu đồ cơ cấu việc làm của thanh niên người Khmer cho
thấy rõ nét bức tranh toàn cảnh về việc làm, sự đa dạng về nghề nghiệp của
thanh niên trong tất cả các lĩnh vực. Ngoài số thanh niên còn đang học nghề,
thì việc làm cụ thể của họ như sau: Thanh niên làm dịch vụ chiếm 28%, thanh
niên là nhân viên – 24%, lao động tự do – 14,7%, công nhân – 14,7%, buôn bán –
8%, viên chức – 4%, nội trợ 2,7%, và thanh niên thất nghiệp chiếm 1,7%. Trong
cơ cấu việc làm chung của thanh niên người Khmer, ta thấy việc làm dịch vụ chiếm
tỷ lệ cao nhất, chiếm 28%. Đây là nhóm nghề nghiệp mới, phát triển rất nhanh
trong quá trình đô thị hóa ở TP. Hồ Chí Minh. Đặc thù của nhóm nghề này không
đòi hỏi đầu tư quá nhiều vốn, chỉ cần người lao động có trình độ phổ thông,
linh hoạt và nhạy bén trong công việc là có thể tham gia được. Thực tế ở TP. Hồ
Chí Minh hiện nay cho thấy, thanh niên Khmer làm trong lĩnh vực này thường là
những công việc tạp dịch trong các cơ quan, xí nghiệp, hoặc những công việc
mang tính chất phục vụ như giúp việc
nhà, chăm sóc người cao tuổi, xe ôm… Đặc biệt ở khu vực quận 5, dọc các
đường Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa và An Dương Vương có một lượng lớn thanh
niên Khmer đang làm phục vụ cho các quán ăn, cửa tiệm, nhà hàng.
Đứng sau việc làm dịch vụ là việc làm nhân viên, việc
làm này cũng chiếm tỷ lệ khá cao với 24%. Việc làm nhân viên mà cuộc khảo sát
hướng tới có thể hiểu chung là các thanh niên đang làm nhân viên văn phòng cho
một công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Việc làm này đòi hỏi thanh niên phải
là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, ít nhất cũng được đào tạo qua trường
lớp ở các cấp học từ cao đẳng trở lên. Điều này cũng phần nào phản ánh sự thích
ứng của thanh niên Khmer với những ngành nghề có tri thức trong một đô thị hiện
đại như TP. Hồ Chí Minh. Nếu xem xét trình độ học vấn của thanh niên Khmer ở cả
2 cấp độ từ cao đẳng đến đại học, ta thấy tỷ lệ này là 25,4% và nó hoàn toàn
phù hợp với công việc làm nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, để trở thành một viên
chức nhà nước cũng thật khó khăn, việc làm này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (4%)
trong cơ cấu việc làm của thanh niên người Khmer.
Bảng 4. Việc làm
chính của thanh niên người Khmer
Việc làm chính |
Người |
% |
Nhân viên |
54 |
24.0 |
Công nhân |
33 |
14.7 |
Viên chức |
9 |
4.0 |
Lao động tự do |
33 |
14.7 |
Dịch vụ |
63 |
28.0 |
Thất nghiệp |
3 |
1.3 |
Buôn bán |
18 |
8.0 |
Nội trợ |
6 |
2.7 |
Đang đi học nghề |
6 |
2.7 |
Tổng cộng |
225 |
100 |
Nguồn: Kết quả xử
lý của đề tài.
Kế tiếp việc làm nhân viên là hai việc làm lao động tự
do và công nhân có tỷ lệ tương tự nhau (14,7%). Đây đều là những nhóm nghề rất
phù hợp với những người lao động Khmer có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh gia
đình khó khăn buộc những thanh niên lao động xa quê, hoặc kể cả những thanh
niên tại chỗ phải lựa chọn nghề nghiệp này để kiếm sống. Cả hai công việc này
xuất hiện phổ biến ở thanh niên người Khmer. Khi được hỏi về việc làm chính của
thanh niên Khmer đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, đại đức Danh Lung
(Ekasuvanna), trụ trì chùa Chăntarănsây cho rằng “đa số việc làm của thanh niên Khmer đều là những công việc phổ thông,
lao động tự do, mang tính chất thời vụ chứ không có công ăn việc làm rõ ràng” (Vương Quốc Trung, 2015). Cũng với câu hỏi nêu trên, bà Huỳnh Lai - người đang làm công tác
mặt trận, dân vận tại khu phố 4, phường 7, quận 3 cho biết “họ toàn đi làm thuê, làm mướn, bởi vì trình
độ học vấn không có. Cũng có nhiều thanh niên lựa chọn làm công nhân nhưng chỉ
được một thời gian ngắn là bỏ việc” (Nguyễn Hưng Vương, 2015). Thực tế cho
thấy, những công việc mà họ làm như phụ hồ, khuôn vác, đẩy xe… đều là những
công việc không ổn định và mang tính chất thời vụ, chính vì vậy mà đời sống
kinh tế của họ gặp rất nhiều khó khăn, cần sự quan tâm giúp đỡ của xã hội.
Nghề buôn bán cũng
chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu việc làm của thanh niên Khmer, và đứng ở vị
trí thứ 5, chiếm 8%. Đây cũng là một thay đổi trong đời sống kinh tế của người
Khmer vì trước đây hầu như không có người Khmer làm nghề buôn bán. Hiện nay, tại
các khu vực cư trú của người Khmer có một số gia đình mở cửa tiệm bán tạp hóa,
bán nước giải khát, bán vé số, bán cơm, bán phở… Chúng ta có thể dễ dàng nhận
thấy đặc sản bún nước lèo của người Khmer do chính họ làm chủ, có mặt ở hầu khắp
các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh như quán bún nước lèo Cô Nga (380 Phan Văn
Trị, quận 5), bún nước lèo Chân Đất (14 Phạm Viết Chánh, quận 1), bún nước lèo 83
(286/20 Tô Hiến Thành, quận 10), bún nước lèo Sóc Trăng (78 Trung Sơn, Bình
Chánh)… Nhìn chung, đa số người Khmer đều buôn bán nhỏ lẻ, những người buôn bán
lớn rất ít vì đòi hỏi phải có vốn lớn. Họ khó có thể cạnh tranh được so với người
Hoa và người Việt vốn có thế mạnh về buôn bán, vì vậy đời sống kinh tế của họ
cũng chỉ ở mức vừa phải và có cuộc sống tạm ổn định.
Về tình trạng thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của thanh
niên Khmer
là 1,3%, và nó chỉ diễn ra ở những thanh niên trong
độ tuổi từ 24 đến 30 tuổi, có trình độ trung học chuyên nghiệp. Có thể thấy tỷ
lệ thất nghiệp ở thanh niên Khmer là rất thấp so với tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động
của TP. Hồ Chí Minh vào năm 2012 là 4,9% (Trần Xuân Tình, 2015). Điều này thể hiện sự thích ứng nhanh của lực
lượng lao động thanh niên người Khmer trong môi trường đô thị đầy biến động và
rủi ro, vượt qua những khó khăn của bản thân và những rào cản xã hội, họ đang cố
gắng tìm cho mình một việc làm phù hợp để tiếp tục cuộc mưu sinh và tạo lập cuộc
sống mới tại đây.
-
Việc làm theo giới tính
Kết quả khảo sát tình trạng việc làm của thanh niên giữa
hai giới cho thấy có sự khác biệt lớn về việc làm, nhất là những việc làm như
nhân viên, dịch vụ hay buôn bán. Theo đó, tỷ lệ việc làm nhân viên ở nam giới
(33,3%) thường cao hơn hẳn so với nữ giới (12,1%). Trong khi những công việc
như dịch vụ và buôn bán thì nữ giới lại chiếm tỷ lệ cao hơn nam rất nhiều
(45,5% so với 14,3%; 12,1% so với 4,8%). Sự chênh lệch trong việc làm dịch vụ
và buôn bán ở hai giới có thể do tính đặc thù của công việc. Đây đều là những
công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn, linh hoạt nhưng cũng cần đến sự khéo léo để
chăm sóc khách hàng, điều này hoàn toàn phù hợp với tính cách của nữ giới. Đặc biệt
là những công việc như giúp việc nhà, chăm sóc sức khỏe người già, hay phục vụ
nhà hàng, quán ăn, buôn bán nhỏ đa phần chỉ có nữ giới tham gia. Trong khi đó,
việc làm nhân viên văn phòng đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn
nhất định. Như đã phân tích ở trên về trình độ học vấn ở nam giới thường cao
hơn nữ rất nhiều, chính vì thế ta không quá ngạc nhiên khi nam giới có tỷ lệ
cao hơn nữ ở lĩnh vực nghề nghiệp này. Và tỷ lệ nam giới là viên chức nhà nước
cũng chiếm tới 7,1% trong khi nữ giới lại không có một ai là viên chức.
Bảng
5. Việc làm chính của thanh niên Khmer phân theo giới tính
Việc làm chính |
Giới Tính |
|||
Nam |
Nữ |
|||
Người |
% |
Người |
% |
|
Nhân viên |
42 |
33.3 |
12 |
12.1 |
Công nhân |
21 |
16.7 |
12 |
12.1 |
Viên chức |
9 |
7.1 |
|
|
Lao động tự do |
21 |
16.7 |
12 |
12.1 |
Dịch vụ |
18 |
14.3 |
45 |
45.5 |
Thất nghiệp |
3 |
2.4 |
|
|
Buôn bán |
6 |
4.8 |
12 |
12.1 |
Nội trợ |
|
|
6 |
6.1 |
Đang đi học nghề |
6 |
4.8 |
|
|
Tổng cộng |
126 |
100 |
99 |
100 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài.
Ở cả hai việc làm
như lao động tự do và công nhân, tỷ lệ nam giới tham gia nhiều hơn so với nữ giới
(16,7% so với 12,1%). Đối với việc làm lao động tự do, là việc làm của những
người không có vốn, đòi hỏi nhiều thể lực và sức khỏe để khuôn vác, làm phụ hồ,
đẩy xe… và vì thế nam giới thường tham gia vào những công việc này nhiều hơn so
với nữ bởi họ có ưu thế về sức khỏe, thể lực tốt hơn.
Tình trạng thất
nghiệp và đang đi học nghề chỉ diễn ra ở nam thanh niên, còn ở nữ thanh niên
thì không có. Riêng đối với công việc nội trợ thì chỉ có ở nữ.
-
Việc làm theo nhóm tuổi
Phân
tích việc làm của thanh niên theo nhóm tuổi, ta thấy có sự khác biệt lớn giữa
các nhóm tuổi tham gia vào các việc làm nêu trên. Ở nhóm tuổi dưới 18, các
thanh niên chỉ tham gia vào 2 việc làm chính là dịch vụ và buôn bán, còn đối với
2 nhóm tuổi từ 18 - 23 và từ 24 - 30 họ đều tham gia ở tất cả các công việc. Điều
này phản ánh thực tế đa số các nhà tuyển dụng đều ưu tiên lựa chọn những thanh
niên phải đủ 18 tuổi trở lên mới được làm việc. Đối với nhóm thanh niên từ 18 -
23 tuổi và từ 24 - 30 tuổi, tỷ lệ tham gia vào các việc làm nhân viên, viên chức
và nội trợ là gần như nhau. Ngược lại, đối với những việc làm như công nhân,
lao động tự do, dịch vụ, buôn bán thì tỷ lệ tham gia của các nhóm tuổi này là rất
khác nhau. Cụ thể, đối với việc làm dịch vụ, nhóm dưới 18 tuổi chiếm 75%; nhóm
từ 18 - 23 tuổi chiếm 19,2% và nhóm từ 24 - 30 tuổi chiếm 28,9%. Tương tự, đối
với việc làm buôn bán cho các nhóm tuổi như trên tỷ lệ lần lượt là 25%; 11,5%:
4,4%. Việc làm công nhân và lao động tự do chỉ diễn ra ở 2 nhóm tuổi từ 18 - 23
và từ 24 - 30 lần lượt có tỷ lệ là 19,2% so với 13,3% và 11,5% so với 17,8%.
Bảng
6. Việc làm chính của thanh niên Khmer phân theo nhóm tuổi
Việc làm chính |
Nhóm tuổi |
|||||
|
Dưới 18 tuổi |
Từ 18 đến 23 tuổi |
Từ 24 đến 30 tuổi |
|||
|
Người |
% |
Người |
% |
Người |
% |
Nhân viên |
|
|
18 |
23.1 |
36 |
26.7 |
Công nhân |
|
|
15 |
19.2 |
18 |
13.3 |
Viên chức |
|
|
3 |
3.8 |
6 |
4.4 |
Lao động tự do |
|
|
9 |
11.5 |
24 |
17.8 |
Dịch vụ |
9 |
75.0 |
15 |
19.2 |
39 |
28.9 |
Thất nghiệp |
|
|
|
|
3 |
2.2 |
Buôn bán |
3 |
25.0 |
9 |
11.5 |
6 |
4.4 |
Nội trợ |
|
|
3 |
3.8 |
3 |
2.2 |
Đang đi học nghề |
|
|
6 |
7.7 |
|
|
Nguồn:
Kết quả xử lý của đề tài.
- Việc làm theo học vấn
Kết
quả khảo sát các việc làm chính của thanh niên người Khmer phân theo trình độ học
vấn cho thấy, đa số thanh niên có trình độ học vấn thấp thường làm những công
việc phổ thông, có tính chất giản đơn trong khi những thanh niên có trình độ học
vấn cao hơn thường làm những công việc văn phòng, có tính chất chuyên môn cao.
Bảng 7. Việc làm chính của thanh niên
Khmer phân theo trình độ học vấn
Việc làm chính |
Học Vấn |
|||||
|
TH |
THCS |
THPT |
THCN |
CĐ |
ĐH |
|
% |
% |
% |
% |
% |
% |
Nhân viên |
|
11.5 |
20.0 |
25.0 |
20.0 |
64.3 |
Công nhân |
|
19.2 |
15.0 |
25.0 |
20.0 |
7.1 |
Viên chức |
|
|
5.0 |
|
|
14.3 |
Lao động tự do |
66.7 |
7.7 |
20.0 |
|
20.0 |
|
Dịch vụ |
|
46.2 |
35.0 |
25.0 |
|
7.1 |
Thất nghiệp |
|
|
|
25.0 |
|
|
Buôn bán |
|
15.4 |
5.0 |
|
|
7.1 |
Nội trợ |
33.3 |
|
|
|
|
|
Đang đi học nghề |
|
|
|
|
40.0 |
|
Nguồn:
Kết quả xử lý của đề tài.
Thực
tế cho thấy, hầu hết những lao động tự do là những người có trình độ học vấn thấp,
chủ yếu là trình độ Tiểu học (66,7%), ở công việc nội trợ cũng chỉ có duy nhất
nhóm học vấn ở cấp tiểu học tham gia vào lĩnh vực này (33%). Phần lớn các việc
làm lao động tự do không ổn định, chất lượng nghiệp vụ thấp, tuyệt đại đa số
người lao động này đều chưa qua đào tạo công việc đang đảm nhận. Chỉ một phần
nhỏ lao động tiếp cận được với chính sách dạy nghề. Chính vì thế, tỷ lệ lao động
qua đào tạo nghề trong đội ngũ này rất thấp, hầu hết không có bất kỳ chứng chỉ
tay nghề nào (Tôn Nữ Quỳnh Trân và cs, 2013, tr.113).
Cũng
giống như lao động tự do và nội trợ, nhóm việc làm dịch vụ và buôn bán thu hút
lực lượng lao động có trình độ học vấn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ
thông là chính. Ở công việc dịch vụ, tỷ lệ người lao động có trình độ trung học
cơ sở chiếm tỷ lệ cao nhất với 46,2%, trình độ trung học phổ thông chiếm 35%. Ở
công việc buôn bán, tỷ lệ này lần lượt là 15,4% và 5%. Tuy nhiên, không phải những
người làm công việc này đều là những người có trình độ học vấn thấp, bởi một số
ít thanh niên làm việc ở cả hai lĩnh vực nói trên cũng có trình độ đại học, chiếm
tỷ lệ 7,1%.
Công
việc là nhân viên và công nhân thu hút lực lượng lao động ở nhiều trình độ khác
nhau từ cấp trung học cơ sở đến trình độ đại học. Riêng nhân viên thì tỷ lệ này
tập trung nhiều vào những người có trình độ đại học, chiếm 64,3%. Điều này cho
thấy yêu cầu về trình độ chuyên môn cao là một đòi hỏi khắt khe đối với loại
hình công việc này. Trong khi loại hình công nhân thì tập trung vào những người
có trình độ trung học chuyên nghiệp là nhiều nhất với 25%. Điều này cũng cho thấy
sự chuyển biến về chất của lực lượng lao động thanh niên người Khmer khi họ
ngày càng được đào tạo và có tay nghề hơn, họ không chỉ được đào tạo ở trình độ
trung học chuyên nghiệp mà một số còn có cả trình độ cao đẳng (20%) và đại học
(7,1%). Còn đối với viên chức thì đa phần đều là những người có trình độ đại học,
chiếm tỷ lệ 14,3%. So với mặt bằng dân trí cộng đồng người Khmer ở đồng bằng
sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh, có thể xem nhóm công nhân và nhân viên người
Khmer thuộc tầng lớp trí thức cùng với nhóm viên chức nhà nước.
Tình
trạng thất nghiệp và đang học nghề chỉ diễn ra ở những thanh niên có trình độ
trung học chuyên nghiệp (25%) và cao đẳng (40%).
-
Thu nhập và mức độ đóng góp vào chi tiêu của gia đình
Kết
quả khảo sát cho thấy, đa số thanh niên Khmer có mức thu nhập từ 2,5 đến dưới 5
triệu đồng/tháng, nhóm thu nhập này chiếm tới 50,7%, tiếp theo là nhóm thu nhập
từ 5 triệu đến dưới 10 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ 30,7%. Nhóm thu nhập dưới
2,5 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ 14,7%, ở nhóm thu nhập từ 10 triệu đến dưới 15
triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 4%. Nếu tính thu nhập trung bình của
mỗi thanh niên Khmer làm ra trong một tháng thì con số này là 4.070.666 đồng/tháng.
Trong đó mức thu nhập phổ biến nhất của họ là 3.000.000 đồng. Nhìn chung, mức
thu nhập của thanh niên người Khmer cho thấy đời sống vật chất của họ ngày càng
được nâng cao, sự phân tầng về mặt xã hội ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, số người
giàu thì vẫn còn quá ít (mức thu nhập từ 10-15 triệu/tháng chỉ chiếm 4%).
Bảng
8. Tỷ lệ thu nhập của thanh niên Khmer phân theo nhóm
Nhóm thu nhập |
Người |
% |
Dưới 2,5 triệu |
33 |
14.7 |
Từ 2,5 đến dưới 5 triệu |
114 |
50.7 |
Từ 5 triệu đến dưới 10 triệu |
69 |
30.7 |
Từ 10 triệu đến dưới 15 triệu |
9 |
4.0 |
Tổng cộng |
225 |
100.0 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài.
Bảng
9. Tỷ lệ đóng góp của thanh niên Khmer
trong tổng thu nhập của gia đình tính
bình quân theo tháng
Nhóm phần trăm thu
nhập so với tổng thu nhập của gia đình |
Người |
% |
Từ 0 đến 25 % |
63 |
28.0 |
Từ 26 đến 50 % |
144 |
64.0 |
Từ 51 đến 75 % |
12 |
5.3 |
Từ 76 đến 100 % |
6 |
2.7 |
Tổng cộng |
225 |
100.0 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài.
Về tỷ lệ đóng góp của
thanh niên Khmer trong tổng
thu nhập của gia đình, ở đây cuộc khảo sát chỉ tiến hành đối với những người đã
đi làm và có thu nhập, không tính đến những thanh niên còn đang đi học và chưa
có việc làm. Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ đóng góp thu nhập của thanh niên
vào tổng thu nhập của gia đình là chưa cao. Cụ thể, tỷ lệ đóng góp từ 0
đến 25% thu nhập của thanh niên vào tổng
thu nhập gia đình chiếm 28%, mức độ đóng góp từ 26 đến 50% thu nhập chiếm
tới 64%. Có thể đây là những
thanh niên đang chung sống trong các hộ gia đình, cùng chung kinh tế với gia
đình mà ba mẹ thường là trụ cột chính. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình trạng
hôn nhân, khi số thanh niên độc thân chiếm tới 72% trong cuộc khảo sát. Trong
khi tỷ lệ đóng góp từ 51 đến 75% chỉ chiếm 5,3% và tỷ lệ đóng góp từ 76
đến 100% vào tổng thu nhập chung của gia đình chỉ chiếm của 2,7%. Ở mức đóng
góp này có thể là những
thanh niên đã tạo lập cuộc sống gia đình riêng mà mình thường là trụ cột của
gia đình.
2.2. Mức độ hài
lòng về việc làm
Kết quả của việc
đo lường mức độ hài lòng của thanh niên đối với việc làm hiện tại cho thấy, có đến 50,7% tỏ ra bình thường đối với công việc của mình,
34,7% cảm thấy hài lòng, số không hài lòng chiếm 13,3% và chỉ có 1,3% là rất
hài lòng với công việc của mình.
Bảng 10. Mức độ hài lòng về việc làm của thanh niên Khmer
Mức độ hài lòng của
anh chị đối với việc làm hiện tại |
Người |
% |
Rất hài lòng |
3 |
1.3 |
Hài lòng |
78 |
34.7 |
Bình thường |
114 |
50.7 |
Không hài lòng |
30 |
13.3 |
Tổng cộng |
225 |
100.0 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài
Nếu đánh giá mức độ
hài lòng theo trình độ học vấn, ta thấy những thanh niên có trình độ học vấn thấp
thường không hài lòng với công việc của mình. Ngược lại, càng ở trình độ học vấn
cao hơn thanh niên càng cảm thấy hài lòng với công việc. Cụ thể, ở những thanh
niên có trình độ tiểu học, chỉ có 16,7% là hài lòng trong khi số không hài lòng
lên tới 50%. Trong khi tỷ lệ hài lòng ở những thanh niên có trình độ cao đẳng
và đại học lần lượt là 60% và 42,9%, tỷ lệ không hài lòng chỉ là 20% và 14,3%.
Điều này không chỉ là tình trạng riêng của thanh niên người Khmer mà là đặc điểm
chung của hầu hết những thanh niên, khi họ có trình độ học vấn càng cao đồng
nghĩa với việc họ sẽ có được sự lựa chọn nghề nghiệp và có nhiều cơ hội việc
làm hơn, họ được trả lương cao hơn. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh
giá sự hài lòng của bản thân đối với công việc.
Bảng 11. Mức độ hài lòng về việc làm của thanh niên Khmer xét theo trình độ
học vấn
Mức
độ hài lòng của anh chị đối với việc làm hiện tại |
Học vấn (%) |
|||||
TH |
THCS |
THPT |
THCN |
CĐ |
ĐH |
|
Rất hài lòng |
- |
3.8 |
- |
- |
- |
- |
Hài lòng |
16.7 |
38.5 |
30.0 |
- |
60.0 |
42.9 |
Bình thường |
33.3 |
53.8 |
65.0 |
50.0 |
20.0 |
42.9 |
Không hài lòng |
50.0 |
3.8 |
5.0 |
50.0 |
20.0 |
14.3 |
Nguồn:
Kết quả xử lý của đề tài.
Ở
một khía cạnh khác, nếu đánh giá mức độ hài lòng dựa trên những việc làm chính,
ta nhận thấy mức độ hài lòng của các thanh niên buôn bán (66,7%), nhân viên
(54,4%) và thanh niên công nhân (44,4%) cao hơn hẳn so với những thanh niên làm
công việc khác. Đây chưa hẳn là những việc làm có thu nhập cao hay mức an sinh
xã hội tốt nhưng đối với các thanh niên Khmer, với trình độ học vấn chung chỉ ở
mức trung học cơ sở thì đây cũng là những công việc khá tốt. Đối với họ, chỉ cần
có thu nhập ổn định là họ cảm thấy sống được và bằng lòng với tình trạng hiện tại,
có việc làm để nuôi sống bản thân. Một điều hết sức ngạc nhiên là đa số thanh
niên viên chức đang cảm thấy không hài lòng (66,7%) với công việc hiện tại của
mình, mặc dù đây là một công việc đáng mơ ước với nhiều người. Tất nhiên đối với
những người đang thất nghiệp và nội trợ thì 100% họ không hài lòng với tình trạng
công việc hiện tại của mình bởi họ không hề tạo ra thu nhập cho bản thân cũng
như đóng góp vào thu nhập chung của gia đình.
Biểu
đồ 1. Mức độ hài lòng về việc làm của
thanh niên xét theo các việc làm chính (%)
Nguồn:
Kết quả xử lý của đề tài.
2.3. Thanh niên ứng
xử với việc làm
Trước những diễn
biến nhanh của quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc có được một
việc làm để đảm bảo sự tồn tại của cuộc sống với mỗi thanh niên Khmer là vô
cùng quan trọng. Chính vì thế họ luôn luôn mong muốn có được một công việc ổn định
để tự nuôi sống bản thân và gia đình. Sự gắn bó của họ đối với mỗi việc làm thể
hiện qua việc bám trụ công việc mà họ đang làm. Kết quả của cuộc khảo sát cho
thấy, có đến 138 thanh niên Khmer chưa thay đổi việc làm (chiếm 61,3%), trong
khi 87 thanh niên đã thay đổi việc làm (chiếm 38,7%).
Có nhiều lý do để
thanh niên thay đổi việc làm, chủ yếu tập trung vào những lý do như công việc
không phù hợp hay không đúng với sở thích của bản thân (chiếm 24,1%), công việc
không ổn định (20,7%), công việc nhiều áp lực (17,2%), thu nhập thấp (13,8%) và
một số lý do khác đến từ chính sách của công ty đang làm việc (6,9%) hay những
lý do khi thanh niên lập gia đình, sinh con (6,9%), hoặc chỗ làm việc xa nơi ở
(6,9%) và cuối cùng là thiếu trình độ, tay nghề (3,4%). Tuy nhiên, nếu như
thanh niên có thể vượt qua được những khó khăn nêu trên thì chứng tỏ họ đang gắn
bó với công việc và nó thật sự là một công việc phù hợp với sở trường và cả sở
thích bản thân.
Bảng 12. Lý do thay đổi việc làm chính của thanh niên Khmer
Lý
do thay đổi việc làm chính |
Người |
% |
Không phù hợp, không thích |
21 |
24.1 |
Công việc không ổn định |
18 |
20.7 |
Công việc nhiều, áp lực |
15 |
17.2 |
Thu nhập thấp |
12 |
13.8 |
Lý do từ phía công ty |
6 |
6.9 |
Lập gia đình, sinh con |
6 |
6.9 |
Xa nhà |
6 |
6.9 |
Thiếu trình độ, tay nghề |
3 |
3.4 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài.
Xét ở khía cạnh
công việc, mỗi thanh niên thay đổi việc làm chính là một việc hết sức bình thường,
họ ra đi để tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp khác phù hợp hơn, tiềm năng hơn. Hoặc
khi họ đạt đến một cấp bậc cao hơn, họ sẽ mong muốn tìm một nơi khác nhiều thử
thách, nhiều cơ hội phát triển hơn… Tóm lại, việc thay đổi việc làm là để thỏa
mãn nhu cầu nghề nghiệp của mỗi thanh niên. Việc thay đổi này diễn ra không chỉ
một lần mà có khi còn diễn ra đến 6 lần. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số những
thanh niên chưa thay đổi việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất 58,7%. Số thanh niên
thay đổi 1 lần chiếm 13,3%, 2 lần (13,3%), 3 lần (8,4%), 4 lần (4%), 5 lần
(1,3%), 6 lần (1,3%). Nếu tính trung bình số lần thay đổi việc làm ở những
thanh niên đã thay đổi việc làm thì con số này là 2 lần. Nhìn chung đa số thanh
niên Khmer ít nhảy việc, họ đã nhận thức được giá trị của việc làm và gắn bó
đáng kể với công việc hiện tại. Tuy nhiên mức độ gắn bó của họ với công việc vẫn
chưa thực sự cao, mức chênh lệch giữa vấn đề chưa thay đổi và thay đổi việc làm
mới chỉ là 17,4%.
Bảng 13. Số lần thay đổi việc làm chính của thanh niên Khmer
Số
lần thay đổi việc làm chính |
Người |
% |
Chưa
thay đổi |
132 |
58.7 |
1 |
30 |
13.3 |
2 |
30 |
13.3 |
3 |
18 |
8.0 |
4 |
9 |
4.0 |
5 |
3 |
1.3 |
6 |
3 |
1.3 |
Tổng |
225 |
100.0 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài.
Đối với mỗi thanh
niên, công việc có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với bản thân mà còn đối với
gia đình và xã hội. Chính vì vậy họ cố
gắng nỗ lực, phấn đấu để mong phát triển
nghề nghiệp, việc làm ngày một tốt hơn. Mỗi thanh niên đều có những
định hướng nghề nghiệp riêng, sự phấn
đấu để đạt được sự thăng tiến trong việc làm của thanh niên là khá mãnh liệt.
Khi được hỏi về việc bản thân có ý định phấn
đấu để trở thành người thành đạt không, đa số thanh niên đều muốn phấn đấu để
trở thành người thành đạt. Số thanh niên có ý định nhưng còn thiếu điều
kiện, cần phấn đấu tiếp chiếm tới 53,3%, số có ý định và sẽ thực hiện được chiếm
13,3%, số thanh niên chưa có ý định chiếm 33,3%. Điều này cho thấy, thanh niên
đang ngày càng có ý thức về bản thân cũng như ý thức đối với công việc để phát
triển bản thân. Mặc dù còn thiếu nhiều điều kiện nhưng trong họ luôn luôn ý thức
được rằng mình phải chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu chính là cơ sở để họ phát triển
và thành công.
Và để công việc được
tốt hơn trong khoảng thời gian 5 năm tới, mỗi thanh niên được khảo sát đều có
những mục tiêu riêng trong việc ứng xử với việc làm. Việc học tập và nâng cao
trình độ chuyên môn là mục tiêu mà rất nhiều thanh niên hướng đến để công việc
của họ được tốt hơn chiếm tỷ lệ nhiều nhất 41,3%, tiếp theo là đổi việc làm
khác có thu nhập cao hơn (37,3%), làm thêm những việc phụ (32%), tiếp tục làm
việc bình thường (28%), chăm chỉ làm việc (24%) và chỉ có một số rất ít là chưa
có mục tiêu rõ ràng ràng (9,3%).
Bảng 14. Mục tiêu để công việc được tốt hơn
Trong
5 năm tới anh/chị có mục
tiêu gì để công việc của anh chị được tốt hơn |
Người |
% |
93 |
41.3 |
|
Đổi việc làm khác có thu nhập cao hơn |
84 |
37.3 |
Làm thêm những việc phụ |
72 |
32 |
Tiếp tục làm việc bình thường |
63 |
28 |
Chăm chỉ làm việc hơn |
54 |
24 |
Chưa có mục tiêu |
21 |
9.3 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài
2.4. Thuận lợi và
khó khăn của việc làm đối với thanh niên Khmer
Quá trình đô thị
hóa nhanh ở TP. Hồ Chí Minh đem đến nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên người
Khmer ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những yếu tố khách quan như dân cư đông đúc tạo
điều kiện thuận lợi cho các việc làm buôn bán, dịch vụ của họ phát triển, khách
hàng cũng ngày càng nhiều là cơ hội cho họ mở rộng mạng lưới dịch vụ, các hoạt
động buôn bán cũng được gia tăng. Sự
phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy và việc xây dựng hạ
tầng cơ sở cũng đang gia tăng ở
các quận vùng ven làm tăng thêm nhiều việc làm trong ngành công nghiệp, xây dựng.
Nhiều người trong số họ trở thành những công nhân, lao động tự do trong quá
trình mưu sinh. Một số có trình độ học vấn cũng đã tìm kiếm cho mình được một
công việc ổn định như nhân viên, viên chức nhà nước.
Ngoài những yếu tố
khách quan nêu trên thì ý thức lao động cao của thanh niên Khmer cũng là một điểm
thuận lợi đáng ghi nhận ở họ đối với công việc. Hầu hết thanh niên đều hướng đến
việc làm, tìm cho mình một lối đi dù bối cảnh có nhiều ngổn ngang, phức tạp, dù
vẫn còn thiếu những hỗ trợ hữu hiệu bên ngoài. Thêm vào đó là ý chí cầu tiến, sống
có hoài bão, khát vọng lập nghiệp, làm chủ bản thân là những yếu tố thuận lợi
cho tình hình việc làm của thanh niên. Những thuận lợi ấy là điểm tựa đã giúp
cho thanh niên xâm nhập được vào thị trường lao động, thị trường sản xuất, trở
thành những người có vị thế trong gia đình, trong cộng đồng (Tôn Nữ Quỳnh Trân
và cs, 2013, tr.140).
Bảng 15. Những thuận lợi của thanh niên Khmer với việc
làm hiện nay
Việc
làm hiện nay có những thuận lợi gì |
Người |
% |
Việc
làm ổn định |
117 |
52.7 |
Việc
làm đúng với sở thích |
60 |
27.0 |
Hợp
với tay nghề |
36 |
16.2 |
Gần
nơi cư trú |
36 |
16.2 |
Không
có thuận lợi gì |
27 |
12.2 |
Hợp
với nguyện vọng |
18 |
8.1 |
Làm
việc với nhiều người cùng cộng động |
18 |
8.1 |
Thu
nhập cao |
15 |
6.8 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài.
Phân tích những
thuận lợi của thanh niên Khmer với việc làm hiện nay ta thấy, số ý kiến cho rằng
họ có thuận lợi là việc làm ổn định chiếm tỷ lệ cao nhất 52,7%, tiếp theo là việc
làm hiện tại của họ đúng với sở thích (27%), thuận lợi về nơi cư trú gần chỗ
làm và việc làm hợp với tay nghề đều chiếm tỷ lệ 16,2%, số ý kiến cho rằng việc
làm hiện tại không có thuận lợi gì chiếm 12,2%, những thuận lợi về việc làm hợp
với nguyện vọng và được làm việc với nhiều người cùng cộng đồng đều chiếm 8,1%,
số ý kiến cho rằng việc làm có thu nhập cao chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ với
6,8%. Nhìn chung, khi đề cập đến những thuận lợi của công việc đang làm, đa số
thanh niên đều cho rằng mình đang có được việc làm ổn định, điều này giúp họ
yên tâm phát triển bản thân và phát triển nghề nghiệp, việc này hoàn toàn rất
có lợi cho họ và cho công ty hay cơ quan, doanh nghiệp họ đang làm.
Mặc dù có nhiều
thuận lợi trong công việc hiện tại như đã phân tích trên, cuộc khảo sát cũng
ghi nhận những khó khăn mà thanh niên Khmer đang gặp phải. Đó là tình trạng thu
nhập thấp ở thanh niên Khmer, số ý kiến cho rằng mình đang nhận được mức lương
thấp chiếm tỷ lệ cao nhất với 51,4%, tiếp theo là tình trạng việc làm không ổn
định (35,1%), việc làm không đúng với sở thích (21,6%), không làm việc chung với
cộng đồng (17,6%), không hợp với nguyện vọng (14,9%), không gặp khó khăn gì (13,5%),
chỗ làm việc xa nơi cư trú (10,8%), việc làm không phù hợp với tay nghề và
không phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc cùng chiếm tỷ lệ 5,4%. Những
khó khăn này có thể đến từ những tác động bên ngoài do biến động của thị trường
lao động, hay như đặc tính dân tộc với nhiều lễ hội trong năm khiến cho thanh
niên Khmer gặp nhiều khó khăn trong công việc mỗi khi họ nghỉ lễ… Tuy thế, bản
thân đội ngũ lao động thanh niên Khmer cũng có nhiều mặt yếu, đáng chú ý là
trình độ học vấn thấp, mạng lưới xã hội hẹp, độ dấn thân vào cuộc sống hiện đại
còn chậm, phần lớn chưa qua đào tạo vì thế tay nghề không theo kịp với mặt bằng
của sản xuất, tâm lý xem trọng bằng cấp, học thuật mà xem nhẹ việc học nghề, kỹ
năng (Tôn Nữ Quỳnh Trân và cs, 2013, tr.140). Chính vì vậy, khi tiếp cận với những
công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, họ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc.
Chất lượng nguồn lao động như đã nói trên khiến cho việc họ phải nhận mức lương
thấp cũng là điều tất yếu, cuộc sống đối với họ trở nên khó khăn hơn với mức
lương tối thiểu nhận được. Đây không chỉ là khó khăn riêng đối với các thanh
niên người Khmer mà cũng là khó khăn chung của hầu hết các dân tộc thiểu số
trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải.
Bảng 16. Những khó khăn của thanh niên Khmer với việc
làm hiện nay
Việc
làm hiện nay có những khó khăn gì |
Người |
% |
Thu
nhập thấp |
114 |
51.4 |
Việc
làm không ổn định |
78 |
35.1 |
Việc
làm không đúng với sở thích |
48 |
21.6 |
Không
làm chung với cộng động |
39 |
17.6 |
Không
hợp với nguyện vọng |
33 |
14.9 |
Không
có khó khăn |
30 |
13.5 |
Xa
nơi cư trú |
24 |
10.8 |
Không
hợp với tay nghề |
12 |
5.4 |
Không
hợp với phong tục |
12 |
5.4 |
Nguồn: Kết quả xử lý của đề tài.
3. THAY LỜI KẾT
Từ những phân tích số liệu thống kê trên đây, cho thấy
tình trạng lao động việc làm và cơ cấu nghề nghiệp chính của thanh niên Khmer ở
TP. Hồ Chí Minh nổi lên một số đặc điểm sau:
Tỷ lệ lao động nam có việc làm nhiều hơn nữ, nam thanh
niên thường có điều kiện học tập cao hơn so với nữ, càng ở cấp độ học cao hơn
thì nam thanh niên càng tỏ ra chiếm ưu thế trong khi đa số nữ thanh niên chỉ học
đến hết cấp 3. Đây cũng là điều thường thấy trong các gia đình truyền thống của
người Khmer ở vùng nông thôn trước đây. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp và
đang đi học nghề lại chỉ diễn ra ở nam thanh niên, còn ở nữ thanh niên thì
không có. Riêng đối với công việc nội trợ thì chỉ có ở nữ. Điều này chứng tỏ
lao động nữ dễ tìm việc làm trong mùa vụ và ngành nghề hơn như mua bán, tạp dịch,
ở mướn.
Trình độ học vấn của thanh niên người Khmer ở TP. Hồ
Chí Minh được khảo sát vẫn còn tương đối thấp, trình độ chung của họ đa số là
trung học cơ sở, chiếm 34,7% điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của nguồn
nhân lực, chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm của xã hội ngày càng cao, đòi hỏi
người lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng lao động thành thạo.
So với những dân tộc khác như Việt, Hoa và Chăm, trình độ học vấn của thanh
niên Khmer vẫn ở mức thấp nhất, nguyên nhân là do hoàn cảnh kinh tế gia đình họ
quá nghèo, đông con nên không có điều kiện nâng cao mặt bằng dân trí.
Do điều kiện sống rải rác khắp các quận huyện, đan
xen với người Hoa, người Việt trong môi trường đô thị nên đa số trong họ không
còn đeo bám các nghề truyền thống vốn có như làm nông. Việc làm của thanh niên
Khmer ngày càng trở nên đa dạng hơn, từ lao động phổ thông, giúp việc nhà, phụ
buôn bán đến các ngành vốn thu hút đông đảo lao động, như xây dựng, dệt may, thủy
sản… Có thể phân chia thành các nhóm việc làm chính bao gồm nhân viên, công
nhân, viên chức, lao động tự do, dịch vụ, buôn bán, nội trợ và một số nghề
khác. Trong đó đáng chú ý nhất là việc làm dịch vụ chiếm tỷ lệ
cao nhất (28%) trong cơ cấu việc làm chung của thanh niên Khmer. Đây là nhóm
nghề nghiệp mới, phát triển rất nhanh trong quá trình đô thị hóa ở TP. Hồ Chí
Minh. Đặc thù của nhóm nghề này không đòi hỏi đầu tư quá nhiều vốn, chỉ cần người
lao động có trình độ phổ thông, linh hoạt và nhạy bén trong công việc là có thể
tham gia được. Cuộc khảo sát cũng cho thấy trong cơ cấu việc làm chung của
thanh niên Khmer không có sự xuất hiện của nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp, đây
là điều hết sức đáng tiếc trong điều kiện hiện nay khi nhà nước đang rất quan
tâm đến việc bảo tồn các ngành nghề thủ công truyền thống.
Với sự tham gia vào nhiều việc làm trên, thanh niên
Khmer đang ngày càng khẳng định vai trò của mình đối với gia đình, cũng như tạo
dựng cho mình được một chỗ đứng trong cộng đồng và xã hội. Với mức thu nhập
trung bình của mỗi thanh niên là 4.070.666 đồng/tháng, họ đã đóng góp không nhỏ
vào thu nhập chung của gia đình, nhiều người trong số đó đã trở thành trụ cột
chính của gia đình và có vị trí quan trọng trong xã hội. Thanh niên Khmer đang
ngày càng có ý thức về bản thân cũng như ý thức đối với công việc để phát triển
bản thân, mức độ gắn bó của họ đối với công việc cũng ngày một cao. Mặc dù còn
thiếu nhiều điều kiện nhưng trong họ luôn luôn ý thức được rằng mình phải chăm
chỉ, nỗ lực phấn đấu chính là cơ sở để họ phát triển và thành công.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Ban
chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. 2010. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: kết quả toàn bộ. Hà
Nội: Nxb. Thống kê.
2.
Minh
Thạnh, Thạch Sóc Kha. 2014. Gìn giữ đạo
Phật ở thanh niên Khmer lao động xa quê, truy cập ngày 30/06/2014 từ http://phatgiao.org.vn/van-de-quan-tam/201406/Gin-giu-dao-Phat-o-thanh-nien-Khmer-lao-dong-xa-que-14920/.
3.
Nguyễn
Hưng Vương. 2015. Biên bản phỏng vấn sâu Huỳnh Lai, ngày 17/3/2015.
4.
Nguyễn
Khắc Cảnh. 2011. Văn hóa truyền thống của
người Khmer Nam Bộ nhìn từ khía cạnh ngôi chùa, trong Tạp chí Phát triển
Khoa học và Công nghệ. tập 14. số X3.
5.
Nguyễn
Thị Hoài Hương. 2013. Người Khmer ở TP. Hồ
Chí Minh. Tạp chí Nghiên cứu phát triển, số 3.
6.
Thái
Văn Chải, Trần Thanh Pôn và cs. 1998. Người
Khmer tại TP. Hồ Chí Minh và mối quan hệ với bên ngoài, đề tài Sở Khoa học
Công nghệ và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.
7.
Tôn
Nữ Quỳnh Trân và cs. 2013. Thanh niên
vùng đô thị hóa và vấn đề việc làm – trường hợp TP. Hồ Chí Minh, đề tài Sở
Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
8.
Trần
Xuân Tình. 2013. Thất nghiệp tại Thành phố
Hồ Chí Minh ở mức cao, truy cập ngày 22/01/2013 từ http://www.vietnamplus.vn/that-nghiep-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-o-muc-cao/183854.vnp.
9.
Trương
Hoàng Trương và cs. 2015. Việc làm của
thanh niên dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và tầm nhìn đến
năm 2020 (trường hợp người Hoa, người Chăm và người Khmer, đề tài Sở Khoa học
Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.
10. UBND TP.Hồ Chí Minh. 2010. Báo cáo kết quả tổng hợp về Tổng điều tra
dân số và nhà ở TP. Hồ Chí Minh năm 2009.
11. Vương Quốc
Trung. 2015. Biên bản phỏng vấn
sâu Đại đức Danh
Lung (Ekasuvanna), trụ trì chùa Chăntarăngsây, quận 3, ngày
7/2/2015.
TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ VAI
TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG PHÁT TRIỂN
ThS. Nguyễn Ngọc Diễm
Truyền thông đóng
vai trò không thể thiếu trong hầu hết các hoạt động xã hội hiện nay. Trong các
chương trình, dự án phát triển, nhằm tác động chính sách cũng như duy trì tính
bền vững, truyền thông được xem là công cụ không thể thiếu. Tuy nhiên, truyền
thông truyền thống mang tính một chiều từ trên xuống “top-down” đang dần bộc lộ
những hạn chế. Trong xu thế đa chiều, đa dạng giữa các bên tham gia, cũng như
tính phân quyền và dân chủ xã hội ngày càng được phát huy, vai trò tham gia của
cộng đồng – đối tượng truyền thông - ngày càng được chú trọng. Truyền thông mới
đòi hỏi không chỉ thể hiện tính đa chiều, mà chú trọng hơn chiều từ dưới lên
(down-top), trong đó quyền quyết định nội dung, phương thức phù hợp, và thảo luận
giữa các cá nhân trong cộng đồng, cũng như tính phản biện trở lại đối với bên
cung cấp thông tin cần được khuyến khích phát huy hơn nữa.
Sử dụng phương
pháp tổng quan và phân tích các nguồn số liệu thứ cấp, bài viết giới thiệu các
luận điểm về lý thuyết truyền thông phát triển có sự tham gia, đồng thời đánh
giá về thực trạng biến đổi khí hậu cũng như truyền thông biến đổi khí hậu ở Đồng
bằng sông Cửu Long, cũng như làm rõ về vai trò của mô hình truyền thông mới
này. Trên cơ sở đó, bài viết cũng đưa ra một số kết luận và đề xuất trong việc
áp dụng truyền thông phát triển có sự tham gia trong hoạt động thích ứng biến đổi
khí hậu của vùng.
Đồng bằng sông Cửu Longcó diện
tích gần 41.000km2 (gần 12,3% diện tích của cả nước), có 13 tỉnh
thành[193], đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lương thực xuất khẩu,
trong đó sản lượng gạo xuất khẩu chiếm hơn 90% trên tổng sản lượng gạo xuất khẩu
của cả nước. Đây cũng là vùng cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy
sản và 60% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản của cả nước. Trong năm 2013, kinh
tế Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức tăng trưởng gần 9,1%, thu nhập bình quân đầu
người 34,61 triệu đồng/người/năm (K.V., 2014).
Trong số 13 tỉnh thành Đồng bằng
sông Cửu Long, thì có 8 tỉnh giáp với biển[194], với tổng chiều dài bờ biển khoảng 600km (chưa bao gồm
các hải đảo) (Ngô Lực Tải, 26/05/2011) cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt,
phủ khắp vùng.Như vậy, không chỉ có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Đồng bằng
sông Cửu Long còn có lợi thế về nuôi trồng thủy sản.
Tuy có những lợi thế đặc thù và có
nhiều đóng góp cho sự phát triển của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối
diện với nguy cơ của biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của Chương trình Phát
triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt
Nam nằm trong nhóm 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi
khí hậu, trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có khả năng chịu ảnh hưởng nặng
nề nhất. IPCC cảnh báo rằng khi mực nước biển tăng 1m, toàn vùng Đồng bằng sông
Cửu Long sẽ bị ngập khoảng 37,8%, tương đương 15.116km2 (Bộ Tài
nguyên và Môi trường, 6/2009), trong đó hầu hết các khu vực ven biển Đồng bằng
sông Cửu Long đều bị nhấn chìm (Regional and Sustainable Development
Department, 2008). Còn Diễn đàn bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ
ra rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long với các biểu hiện
như: thay đổi lượng mưa (tăng giảm thất thường), số lượng và cường độ các cơn
bão tăng lên và có khuynh hướng dịch chuyển về phía Nam, các hệ sinh thái tự
nhiên chịu tác động do biến đổi khí hậu, đặc biệt giảm sút tính đa dạng sinh học
(chủ yếu tại các khu vực như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, và
Kiên Giang)… Diễn đàn cũng dự báo, biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long
có thể làm thay đổi tập quán khai thác của người dân. Điều này có thể đe dọa đến
sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người, trong đó, chịu ảnh hưởng nặng
nề nhất là những người nghèo và cận nghèo trong vùng bởi sinh kế của họ chủ yếu
phụ thuộc vào thiên nhiên (nông nghiệp và thủy-hải sản) (Diễn đàn Bảo tồn Đồng
bằng sông Cửu Long, 23/6/2010).
Để ứng
xử với biến đổi khí hậu, hầu hết các chương trình, dự án, nghiên cứu, các diễn
đàn, báo chí hiện nay có quan điểm chung là thích ứng với biến đổi khí hậu. Các
giải pháp được đề xuất chủ yếu hiện nay là tăng cường nhận thức, thay đổi hành
vi của con người. Các cách thức được áp dụng cho các giải pháp đề xuất chủ yếu
xoay quanh hoạt động thông tin và tuyên truyền. Thậm chí, với các chương trình,
dự án quy hoạch, cải thiện hiện trạng, cung cấp trang thiết bị, hay hoạch định
chính sách hỗ trợ,… thì các công tác truyền thông vẫn được chú trọng.
Tuy
nhiên, đối với các thông tin về biến đổi khí hậu, cũng như các nguy cơ, hiểm họa
mà biến đổi khí hậu có thể mang đến, không phải chủ thể xã hội nào cũng nắm được.
Trong khi đó, các loại thông tin này
rất cần thiết để giúp cho các chủ thể xã hội – từ cấp chính quyền, quản lý nhà
nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là các
nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, các hộ gia đình nghèo,
gia đình neo đơn, v.v.. Để các thông tin về biến đổi khí hậu cũng như các cách
thức thích ứng được truyền tải đi và có sự tương tác, cần thiết phải có các chiến
lược truyền thông tốt.
Quan điểm về truyền thông phát triển có sự tham gia bắt đầu xuất hiện từ
cuối những năm 1970 cùng với sự ra đời của quan điểm về phát triển bền vững và
mang ý nghĩa là “sự tích hợp các thông tin chiến lược trong dự án phát triển” (World Bank, 2004). Nhiệm vụ mới của truyền
thông lúc này không chỉ dừng lại ở vai trò phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức
và thay đổi hành vi của người nhận, mà còn cố gắng lôi kéo sự tham gia của đối
tượng truyền thông mà mô hình truyền thống
trước đó không tính đến. Lý lẽ chính cho quan điểm truyền thông phát triển có sự
tham gia chủ yếu xoay quanh các vấn đề: mục tiêu của truyền thông là gì, làm thế
nào để phát triển bền vững, ai là đối tượng được hưởng lợi,… Từ đó, vai trò của
đối tượng truyền thông càng được đề cao, và yếu tố bền vững nằm ở chính họ khi
nội dung truyền thông đáp ứng được nhu cầu và phục vụ hiệu quả cho hoạt động thực
tiễn của họ. Sự tham gia của cộng đồng và phân quyền là hai chiến lược cơ bản của
truyền thông phát triển (Genilo, 2006).
Tuy nhiên, đến những năm 1980, quan điểm truyền thông phát triển có sự tham gia
cũng chưa thể phát huy do yếu tố phân quyền chưa được làm rõ, nhiều quan điểm
lý thuyết mơ hồ đưa đến sự khó hiểu trong quá trình thực hiện. Truyền thông cơ
bản vẫn theo hướng truyền thống – mang tính một chiều, và thông tin chủ yếu vẫn
được quyết định bởi những người nắm quyền lực.
Đến những năm 1990, mô hình truyền thông phát triển dựa trên đối thoại,
tiếp cận theo chiều ngang, được chia sẻ bình đẳng giữa các bên tham gia, trong
đó quyền sở hữu thuộc về địa phương tham gia giữa các bên bình đẳng, quyền sở hữu
thuộc về địa phương, cộng đồng được trao quyền góp phần thay đổi xã hội thay vì
các cá nhân thụ động trong tiếp cận thông tin (Theo Figueroa và cộng sự, 2002). Với sự thay đổi
này, một số chương trình truyền thông cộng đồng đã đạt được thành công nhất định. Hai yếu tố chính cần cho quan điểm truyền
thông phát triển là (1) cần phải được dựa trên một mô hình truyền thông mô tả
quá trình đối thoại, chia sẻ thông tin, hiểu biết lẫn nhau, thỏa thuận, và hành
động tập thể; và (2) sự thay đổi xã hội phải dựa trên đối thoại cộng đồng và
các hoạt động tập thể để xác định rõ kết quả xã hội cũng như kết quả cá nhân (Figueroa và cộng sự,
2002).
Hiện nay, mô hình truyền thông phát triển có sự tham gia nói chung và mô
hình truyền thông dựa vào cộng đồng nói riêng còn khá nhiều tranh cãi và có những
cách tiếp cận khác nhau. Singhal (2001) cho rằng, truyền thông có sự tham gia
là “thúc đẩy cộng đồng” (community-driven) và đưa ra một số thuộc tính của các
mô hình truyền thông có sự tham gia gồm: (1) bắt đầu với một niềm tin vào tiềm
năng của người tham gia và mọi người đều có quyền và nghĩa vụ ảnh hưởng đến việc
ra quyết định và hiểu rõ kết quả; (2) công nhận, hiểu rõ, và đánh giá cao sự đa
dạng về thành phần và số lượng người dân; (3) nhấn mạnh cộng đồng địa phương chứ
không phải là các nhà cầm quyền, đối thoại hơn là độc thoại, và giải thoát chứ
không phải là xa lánh; (4) nhấn mạnh việc tăng cường quy trình dân chủ và các tổ
chức ở cấp cộng đồng, và có sự phân bổ quyền lực; (5) xem sự tham gia đích thực
không phải là mối quan tâm của mỗi người, đặc biệt là những lợi ích trong bảo vệ
vị trí đặc quyền của họ; và (6) công nhận rằng các chương trình có sự tham gia
không dễ dàng thực hiện hoặc nhân rộng, cũng có thể khó dự đoán được, hoặc dễ
dàng kiểm soát (Singhal, 2001).
Có cùng với quan điểm của Singhal (2001), Morris (2005) cho rằng truyền
thông phát triển bị chi phối bởi 2 mô hình phân tán và có sự tham gia. Trong
đó, mô hình phân tán thực hiện chuyển tải thông tin để thay đổi hành vi qua
phương tiện truyền thông đại chúng; còn mô hình có sự tham gia tập trung vào sự
tham gia của cộng đồng và đối thoại thúc đẩy cho việc trao quyền cho cá nhân và
cộng đồng. Về hình thức, mô hình phân tán có vẻ đối lập với mô hình tham gia,
nhưng quá trình thực hiện, hai mô hình này vẫn có thể bổ sung cho nhau, trong
đó truyền thông đại chúng đóng vai trò cung cấp thông tin, còn truyền thông có
sự tham gia thực hiện vai trò thảo luận, đánh giá, và phản biện.
Hỗ trợ cho truyền thông phát triển có sự tham gia, mô hình truyền thông hội tụ (convergence
model of communication) được phát triển bởi Rogers và Kincaid (1981) cũng có thể
được xem có ý nghĩa nhất định trong công tác truyền thông tại cộng đồng. Đôi
khi các nhóm và cộng đồng không có chung tiếng nói và các mối quan hệ quyền lực
có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình truyền thông. Chính vì vậy, đàm phán là
phương tiện thứ ba để giúp khắc phục sự phản đối và xung đột. Ít nhất trong
giai đoạn đầu, truyền thông trong cộng đồng cần xác định khu vực/lĩnh vực, sự
thỏa thuận và bất đồng của người tham gia. Trên cơ sở đó quá trình truyền thông
sẽ tiếp tục tiến hành nhằm giảm mức độ đa dạng để đạt được sự đồng thuận nhất định
cho các hành động tập thể.
Baofo (2006) cho rằng truyền thông phát triển
có sự tham gia giả định rằng các cá nhân cần chủ động tham gia vào các quy
trình và chương trình phát triển thông qua các ý tưởng, phát kiến, bằng việc
xác định các nhu cầu và chỉ ra các vấn đề, đồng thời khẳng định quyền tự quản của
họ. Việc chủ động tham gia từ giai đoạn lập kế hoạch đến quá trình sử dụng các
nguồn, kênh, phương pháp tiếp cận và các chiến lược áp dụng trong các chương
trình được thiết kế nhằm mục tiêu phát triển nói chung và phát triển cộng đồng
nói riêng. Có phần hướng đến kết quả đạt được từ phía cộng đồng hơn là quá
trình tham gia của cộng đồng, Cohen (1996) chỉ ra rằng sự tham gia của cộng đồng
có một quá trình và đồng thời là sự đo lường những gì mà cộng đồng đang phát
triển đã làm được cho chính họ, dựa trên quan điểm tự quản bởi chính cuộc sống
và môi trường của họ dựa vào nỗ lực của bản thân (1996:223). Với ý nghĩa như Baofo
và Cohen đã phân tích, sự tham gia của cộng đồng được xem như ‘một hợp phần sống’
(a vital criterion) của truyền thông phát triển (Tri, 1986:10;
Rahim, 1994:127).
Với quan điểm cho rằng biến đổi khí hậu là thử thách quan trọng và truyền
thông là yếu tố cần thiết trong việc đáp lại thử thách này, đó là cách thức
quan trọng nhằm xác định vấn đề, khuyến khích sự tham gia, kêu gọi đế xuất các
giải pháp, tăng cường tính thích nghi và giúp giảm nhẹ các hệ quả do biến đổi
khí hậu gây ra, các chương trình nghiên cứu, các dự án, và các hội nghị liên
quan đến chủ đề truyền thông thích ứng biến đổi khí hậu cũng đã được triển khai
thực hiện. Hội thảo truyền thông biến đổi khí hậu (6/2000 tại Canada) đã nhấn mạnh
đến vai trò của truyền thông với biến đổi khí hậu với nhiều mô hình, cách thức
khác nhau, và với sự tham gia đa dạng của nhiều nhóm/tổ chức xã hội như nhà nước,
các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức truyền thông đại chúng,… Nhiều bài nghiên cứu
tại hội thảo cũng chỉ ra rằng các chiến lược truyền thông là những yếu tố quan
trọng trong hoạt động thích ứng BĐKH. Tuy nhiên, truyền thông BĐKH vừa có những
cơ hội, nhưng đồng thời có các thử thách cần được khắc phục. Theo đó, 16 điều
hướng dẫn được các tác giả đề xuất như: (1) thận trọng lựa chọn các mục tiêu
truyền thông, và ở từng thời điểm, từng bước xây dựng tri thức về vấn đề, (2) lựa
chọn ngôn ngữ phù hợp với khán giả, (3) thành thật với những điều chưa chắc chắn,
nhưng chú trọng bằng chứng chủ yếu, (4) tận dụng cơ hội tình huống, (5) ủng hộ
các nguyên tắc phòng ngừa, (6) không tránh né các vấn đề đạo đức/công lý, (7) tạo
áp lực lên chính phủ nhằm tạo ra môi trường chính sách khuyến khích hành động tự
nguyện và bền vững, (8) tập trung vào những mục tiêu có khả năng thực hiện được
cho các nhóm khác nhau, (9) tận dụng cơ hội để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào
cùng các vấn đề môi trường và xã hội khác, (10) đừng trông chờ truyền thông có
thể một mình giải quyết các vấn đề hay xung đột, (11) cẩn thận xác định các mục
tiêu truyền thông, (12) xác định và mô tả các nhóm khán giả dự kiến, (13) có những
người “đứng mũi” được cam kết và thông tin đầy đủ, (14) phát triển quan hệ đối
tác truyền thông, xác định trung gian thông tin có khả năng và làm việc với họ,
(15) bảo đảm rằng truyền thông không chỉ mang tính một chiều, và (16) học tập từ
các lĩnh vực khác và từ các nghiên cứu đánh giá/hồi cứu về các nỗ lực truyền
thông nguy cơ (Climate Change Action Fund, 6/2000). Có thể thấy, 16 điều hướng
dẫn nhấn mạnh đến yếu tố trực tiếp vào vấn đề và sự tham gia của đối tượng truyền
thông.
Còn nghiên cứu của Rose và cộng
sự tại UK (2005) cho thấy rằng các nhóm xã hội khác nhau có nhu cầu và mối quan
tâm khác nhau, thậm chí có những nhóm có nhu cầu, mối quan tâm giống nhau nhưng
có thể có các cách giải quyết khác nhau do những điều kiện nhất định. Do đó,
các mô hình truyền thông cần được thận trọng thực hiện tùy thái độ, động cơ, và
hành vi của các cá nhân và các nhóm xã hội khác nhau (Rose và cộng sự, 2005).
Theo đó, tham gia của cộng đồng nhằm bảo đảm các nội dung và phương thức truyền
thông phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Nhấn mạnh đến nguyên tắc truyền thông, CRED đưa ra các nguyên tắc truyền
thông cho hoạt động bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu gồm: (1) nguyên tắc hiểu rõ khán giả, (2) nguyên tắc
thu hút sự chú ý của tác giả, (3) nguyên tắc chuyển tải các dữ liệu khoa học
thành các trải nghiệm cụ thể, (4) nguyên tắc cảnh giác với tình trạng lạm dụng
cảm xúc, (5) nguyên tắc chỉ ra sự thiếu chắc chắn của khí hậu và khoa học, (6)
nguyên tắc chạm vào các bản sắc xã hội và các mối liên hệ, (7) nguyên tắc khuyến
khích sự tham gia nhóm, và (8) nguyên tắc thay đổi hành vi dễ dàng hơn (CRED,
2009). Trong 8 nguyên tắc đó, mỗi nguyên tắc đóng vai trò chính riêng, trong đó
nguyên tắc (1), (2), và (6) nhằm tạo môi trường tham gia dễ dàng, thân thiện
cho cộng đồng; nguyên tắc (3) và (7) nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia;
nguyên tắc (4) và (5) bảo đảm thông tin truyền thông được chính xác và thiết thực;
và nguyên tắc (8) nhằm thực hiện mục tiêu thay đổi hành vi.
Hình 1. Diện tích đất bị ngập theo kịch bản nước biển dâng 1m tại ĐBSCL
Bảng 1. Dự báo thiệt hại sản lượng lúa
theo kịch bản nước biển dâng 1m tại ĐBSCL
Ghi chú: (*) Giá lúa được
tính là 3.800 đ/kg tại thời điểm tháng 12/2009
Nguồn: Tính toán dựa theo nguồn số liệu của
Jeremy Carew-Ried-Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM), 2007
và Bộ TN&MT, 2009; dẫn theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo thích ứng
với biến đổi khí hậu
Bảng 2.Tổng hợp thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu với một số cây
trồng chính
Với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại vào năm 2020, các hoạt động sản xuất, bao gồm cả nông nghiệp và thủy hải
sản, sẽ tăng mức tiêu thụ năng lượng đáng kể (Xem thêm Thủ tướng chính phủ,
2011). Theo xu hướng đó, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nhiều thách thức của
biến đổi khí hậu. Nhận thức về vấn đề, hiểu về những nguy cơ và rủi ro, chuẩn bị
tốt cho thích ứng biến đổi khí hậu là những nội dung cần thiết. Để thực hiện,
áp dụng mô hình truyền thông hiệu quả và phù hợp có vai trò thực tiễn cao.
3. ĐIỀU
KIỆN ÁP DỤNG TRUYỀN THÔNG PHÁT TRIỂN CÓ SỰ THAM GIA TRONG THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI
KHÍ HẬU Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Kết quả nghiên cứu do Nguyễn Ngọc Diễm, Phạm
Ngọc Đỉnh và nhóm nghiên cứu thực hiện năm 2014 cho thấy rằng người dân ở các
khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu có nhu cầu về thông tin biến đổi khí
hậu cũng như cách thích ứng. Nghiên cứu cũng cho thấy, với đặc trưng cấu kết cộng
đồng, sự chia sẻ của các thành viên cộng đồng về mối quan tâm chung là những yếu
tố tiềm năng quan trọng trong xây dựng mô hình truyền thông phát triển có sự
tham gia trong thích ứng biến đổi khí hậu.
Cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy truyền thông phát
triển có sự tham gia là mô hình cần được đào sâu nghiên cứu và ứng dụng trong
các chương trình thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây
không phải là một mô hình có thể thực hiện dễ dàng, đặc biệt ở những cộng đồng
có tính tổ chức yếu, ít hoặc thậm chí không được trao quyền, và các điều kiện
kinh tế-xã hội hạn chế khả năng tham gia.
Dựa trên tổng quan các nghiên cứu
về mô hình truyền thông, phương pháp tiếp cận và lý thuyết nghiên cứu mô hình
truyền thông thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như đặc thù chính trị, kinh tế,
xã hội, văn hóa của các vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá tác động
của biến đổi khí hậu đến Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, cũng như
phản ánh hoạt động truyền thông biến đổi khí hậu hiện nay cho thấy truyền thông
dựa vào cộng đồng thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long cần theo
hướng tiếp cận truyền thông đa chiều, trong đó chú trọng truyền thông phát triển
có sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, các nhóm cộng đồng dễ tổn thươngcần được
xem là nhóm cộng đồng mục tiêu.
Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng
kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đề cao hoạt động tuyên truyền,
nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tuy nhiên, Theo Lê Anh Tuấn và cộng sự
(2007:13), cơ cấu phản hồi với các sự kiện khí hậu vẫn phụ thuộc nhiều vào các
ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tại các cấp. Nói cách khác, vai trò tham gia
của cộng đồng trong truyền thông còn rất hạn chế.
Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Diễm, Phạm Ngọc Đỉnh và
nhóm nghiên cứu năm 2014 cũng chỉ ra rằng sự tham gia của cộng đồng trong mạng
lưới truyền thông còn yếu, các mối liên hệ truyền thông giữa các nhóm tổ chức
xã hội (gồm tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị mang chức năng xã hội,
và các tổ chức xã hội – NGO) với chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ.
Nói cách khác, các tổ chức xã hội kể trên vẫn đóng vai trò “truyền tin” hơn là
tạo môi trường tương tác giữa các bên tham gia, cũng như thúc đẩy sự tham gia từ
phía cộng đồng.
Dựa trên đặc trưng cấu kết cộng đồng, trong đó những
người có quan hệ gia tộc thường sống cùng nhau trong một cộng đồng, thường chia
sẻ với nhau những sự kiện gia đình (đám tiệc) và xã hội (lễ hội, họp mặt,…), hoạt
động truyền thông liên cá nhân giữa các cá nhân trong cùng nhóm công chúng cũng
như truyền thông nhóm/truyền thông liên cá nhân giữa các nhóm công chúng cần được
khuyến khích. Đây là hoạt động truyền thông mang tính phi chính thức, nhưng
mang lại hiệu quả cao do các thành viên tham gia chia sẻ thường có mối quan tâm
giống nhau hay có chung những đặc trưng kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định (như
cùng độ tuổi, có công việc giống nhau, có cùng mối quan tâm, v.v.).
Do tính truyền thống trong truyền thông cũng như quy định
bởi thể chế, truyền thông có sự tham gia gặp nhiều khó khăn trong triển khai tại
vùng. Quá trình khuyến khích cộng đồng tham gia đòi hỏi cần phải giải quyết tốt
các tác nhân rào cản (thói quen truyền thông một chiều, các quy định về cung cấp
thông tin, các cách thức tổ chức cung cấp thông tin hiện có,…) và tạo điều kiện
cho các tác nhân hỗ trợ (văn hóa bản địa, cấu kết cộng đồng, nhu cầu thực tiễn,…).
Ở mỗi cộng đồng, tùy điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau, sẽ
có những tác nhân đặc thù. Các yếu tố chính trị tại cộng đồng thường liên quan
đến mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với cộng đồng, không gian hoạt động
của các tổ chức xã hội, mức độ tham gia giám sát và phản biện của người dân, yếu
tố dân chủ cơ sở, và sự tín nhiệm của cộng đồng đối với hệ thống chính trị quản
lý trực tiếp. Vì vậy, để môi trường chính trị thực sự hỗ trợ cho công tác truyền
thông dựa vào cộng đồng, phía chính quyền và các cơ quan nhà nước địa phương phải
tuân thủ các nguyên tắc dân chủ cơ sở, thực hiện minh bạch trong các chính sách
và hoạt động và bám sát vào các điều kiện của địa phương, cũng như nhu cầu thực
tiễn của cộng đồng, khuyến khích và hỗ trợ để các tổ chức chính trị-xã hội và tổ
chức cộng đồng địa phương phát triển, để các tổ chức này thực sự là cầu nối, là
các kênh truyền thông hiệu quả giữa chính quyền địa phương và cộng đồng, trao
quyền cho các tổ chức xã hội và cộng đồng để chủ động dần các hoạt động truyền
thông tự quản. Vai trò của Hội đồng nhân dân cấp xã cần phát huy, bảo đảm phản
ánh đầy đủ các nguyện vọng của nhân dân, và bảo đảm quyền lợi hợp pháp, đáng có
của nhân dân.
4. KẾT
LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Biến đổi khí hậu hiện là mối đe dọa
với Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó những người sống ven sông, biển, người
gia, trẻ em và thu nhập thấp là những nhóm dễ tổn thương, ít có khả năng phục hồi
hơn cả. Trong khi đó, truyền thông về biến đổi khí hậu hiện vẫn mang tính truyền
thống, một chiều, chưa có sự tham gia chủ động từ phía các cộng đồng chịu tác động.
Truyền
thông phát triển có sự tham gia là hướng tiếp cận mới trong truyền thông, mang
tính đa chiều và lấy cộng đồng làm trung tâm, tập trung vào nguyên tắc trao quyền
và vì mục tiêu phát triển cộng đồng. Theo đó, để mục tiêu thích ứng biến đổi
khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long phát huy hiệu quả, vai trò của truyền thông
là không thể thiếu, và cần thiết phải
thiết kế hệ thống và áp dụng một quá trình truyền thông có sự tham gia, các chiến
lược và phương tiện truyền thông để chia sẻ kiến thức và thông tin giữa tất cả
các bên liên quan trong một bối cảnh sinh thái nông nghiệp cụ thể tại địa
phương. Mục tiêu của công tác truyền thông nhằm mang lại cho người dân các cơ hội
chọn lựa và nâng cao khả năng phục hồi và thích ứng với những lựa chọn sinh kế
đa dạng từ thông tin truyền thông mang lại.
Tuy hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, truyền thông
phát triển có sự tham gia ngày càng được chú trọng áp dụng trong các chương
trình, dự án phát triển nói chung, nhất là khi đề cập đến tính bền vững của dự
án. Với tính đa chiều về đối tượng tham gia, phát huy quyền của cộng đồng và nhắm
tới mục tiêu cộng đồng, truyền thông phát triển có sự tham gia cần được nghiên
cứu sâu hơn nhằm phục vụ cho các chương trình, dự án phát triển hiệu quả hơn
trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Baofo, S.T.K. 2006. Participatory development communication: an
African perspective. http://www.idrc.ca/en/ev-104968-201-1-DO_TOPIC.html.
Ngày truy cập: 10/08/2015.
2.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 2008. Khung chương trình
hành động thích ứng với biến
đổi khí hậu
của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020.Ban
hành kèm theo Quyết định số 2730/QĐ-BNN-KHCN ngày 05 tháng 9 năm 2008 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
3.
Bộ Tài nguyên và
Môi trường. 2009. Kịch bản biến đổi khí hậu,
nước biển dâng cho Việt Nam. Hà Nội.
4.
Climate Change
Action Fund. 6/2000. Climate change
communication. Proceedings of an International Conference. Kitchener –
Waterloo, Ontario CANADA.
5.
Cohen, S.I. 1996. Mobilising communities for participation and
empowerment. Trong Servaes, J., Jacobson, T.L. & White, S.A. đồng chủ
biên. Participatory communication for
social change. New Delhi: Sage. tr. 223-248.
7.
Diễn đàn Bảo tồn
Đồng bằng sông Cửu Long. 23/06/2010. Các
khuyến nghị của Diễn đàn Bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II. Kiên
Giang.
8.
Figueroa, M. E. và cộng sự.
2002. Communication for social change: An
integrated model for measuring the process and its outcomes. The
Communication for Social Change Working Paper Series: No.1. The Rockefeller
Foundation, Johns Hopkins University’s Center for Communication Programs for
the Rockefeller Foundation.
9. Genilo, J. W.. 2006. Community-based
communication: A new approach to development communication. Sixth Annual
ASIA Fellows Conference. Asian Scholarship Foundation. Bangkok, Thailand.
10. K.V.. 2014. Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp của Đồng
bằng sông Cửu Long. Tạp chí Đảng Cộng sản, 19/11/2014. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10004&cn_id=686018. Truy cập ngày 30/11/2014.
11.
Lê Anh Tuấn, Trần Thị Triệu, Nguyễn Hiếu
Trung. 2007. Adaptation to flood in the
Mekong Delta. http://www.marecentre.nl/people_and_the_sea_5/documents/TranThiTrieu.pdf
12. Morris, N.. 2005. The
diffusion and participatory models: a comparative analysis, in Media andglocal change rethinking
communication for development. Tufte, Oscar Hemer & Thomas, Editor
Buenos Aires. Argentina: CLACSO. tr. 123.
13. Ngô Lực Tải. 26/5/2011. Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.
http://kinhtebien.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=377:ng-bng-song-cu-long-ng-pho-vi-bin-i-khi-hu-ngo-lc-ti-pho-ch-tch-hi-khkt-a-kt-bin-tph-chi-minh&catid=76:him-ha-nc-dang&Itemid=50.
Truy cập ngày 4/6/2012.
14. Nguyễn Ngọc Diễm. 2011. Một số vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trườngnhằm PTBV vùng Nam Bộ. Đề
tài cấp Bộ CT2009.22.04 thuộc Chương trình CT2009.22. Viện PTBV vùng Nam Bộ.
15.
Nguyễn Ngọc Diễm, Phạm Ngọc Đỉnh và nhóm
nghiên cứu. 2014. Kết quả khảo sát Giai
đoạn 1/2013 và Giai đoạn 2/2014, trong Đề tài Nghiên cứu mô hình truyền thông dựa vào các nhóm công chúng thích ứng
biến đổi khí hậu ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nghiên cứu trường hợp Xã
Hiệp Thạnh, Huyện Duyên Hải, Tỉnh Trà Vinh và Xã Đất Mũi, Tỉnh Cà Mau). Đề
tài cấp bộ 2013-2014 do Viện KHXH vùng Nam Bộ chủ trì.
16. Nguyễn Thành Vinh và Nguyễn Hữu Tới. 2010. Tác động của biến đổi khí hậu đến quy hoạch
các vùng dân cư và các công trình ở vùng biển Việt Nam. Tạp chí Người Xây dựng,
số 12/2010.
17.
Phạm Ngọc Đỉnh và nhóm nghiên cứu. 2005. Sự chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sang sản
xuất thủy sản và vấn đề xã hội đặt ra: đề xuất giải pháp phát triển bền vững. Đề
tài cấp tỉnh Tỉnh Cà Mau.
18. Rahim, S.A. 1994. Participatory
development communication as a dialogical process. Trong White, A.S., Nair,
K.S. & Ascroft, J. Participatory
communication: working for change and development. New Delhi: Sage. tr.
117-137.
19. Regional and Sustainable Development Department.
June 2008. ADB’s adaptation program:
poverty implications and emerging responses. ADB.
http://www.povertyenvironment.net/files/PEP13-ClimateChange-Roop.pdf
20. Rogers, E. M. và D. L. Kincaid. 1981. Communication networks: toward a new paradigm for research. New
York: Free Press.
21. Rose, C. và cộng sự. 2005. Climate change communications – Dipping a toe into public motivation.
http://www.campaignstrategy.org/valuesvoters/climatechangecommunications.pdf.
Truy cập 27/3/2012.
22. Singhal, A.. 2001. Facilitating
community participation through communication. New York: Programme
Division, UNICEF.
23. Thủ tướng chính phủ. 05/12/2011. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Ban hành kèm
theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg.
24. Tri,
H.C.1986a. General introduction.
Trong Jn, H.C. chủ biên. Participate in
development. India: Thomson Press, tr. 9-32.
25. UEPP. 2005-2010. Chương
trình quy hoạch môi trường đô thị Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long: các
đánh giá dự án tài trợ nhỏ tại 10 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ
Xây dựng và Ủy ban Châu Âu.
26. Văn
phòng thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đối với các
lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp. http://biendoikhihau.cantho.gov.vn/download/?type=document&id=116. Truy cập ngày 30/11/2014.
27.
World Bank. 2004. What is development communication?. http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/TOPICS/EXTDEVCOMMENG/0,,contentMDK:20240303~menuPK:34000167~pagePK:34000187~piPK:34000160~theSitePK:423815,00.html. Truy cập ngày 6/4/2013.
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG TẠI CÁC CỘNG ĐỒNG VEN BIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG
CỬU LONG
(Nghiên cứu tại xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Đất
Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)
ThS. Nguyễn Thị Thịnh
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Bài viết nhằm đánh giá hiệu quả của hoạt động truyền
thông thích ứng biến đổi khí hậu về vấn đề an toàn tính mạng và sinh kế tại cộng
đồng nghiên cứu ở hai tỉnh Trà Vinh và Cà Mau. Dữ liệu sử dụng trong bài viết
được lấy từ đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu mô hình truyền thông dựa vào các nhóm
công chúng thích ứng với biến đổi khí hậu ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long”.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng: (1) Các cư dân vùng ven biển đã nhận biết được
các biểu hiện và các tác động cụ thể của biến đổi khí hậu; (2) Đa số cư dân đều
có thái độ chờ đợi và tới đâu tính tới đó trước tác động của biến đổi khí hậu;
(3) Cư dân đã có những hành vi thích ứng với biến đổi khí hậu mặc dù các hành
vi này chưa đem lại hiệu quả cao.
Theo đánh giá của Chương trình
Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt
Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi
khí hậu, trong đó, ĐBSCL là vùng có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong
đó, các khu vực ven biển là khu vực chịu nguy cơ cao. Theo ADB, khi mực nước biển
tăng 1m, thì hầu hết các khu vực ven biển ĐSCL đều bị nhấn chìm. Trước thách thức
này, Chương
trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi Khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt trong quyết định 158 QĐ/TTg ngày 02/12/2008, trong đó nhiệm vụ &
giải pháp về “Nâng cao được nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và
phát triển nguồn nhân lực” rất được quan tâm. Trên tinh thần của Chương trình mục
tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển
khai xây dựng chiến lược Truyền thông về BĐKH (kết quả số 2) thuộc dự án Xây dựng
năng lực cho dự án biến đổi khí hậu từ 2010 - 2012, đây là công cụ để hỗ trợ
các bên liên quan tiếp cận các thông tin và kết quả hoạt động thích ứng và giảm
nhẹ được thực hiện trong khuôn khổ dự án.
Tuy nhiên, đối với các thông
tin về biến đổi khí hậu, cũng như các nguy cơ, hiểm họa mà biến đổi khí hậu có
thể mang đến, không phải chủ thể xã hội nào cũng nắm được. Trong khi đó, các loại
thông tin này rất cần thiết để giúp cho các chủ thể xã hội – từ cấp chính quyền,
quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đến cộng đồng dân cư, đặc
biệt là các nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, các hộ gia
đình nghèo, gia đình neo đơn, v.v.. Để các thông tin về BĐKH cũng như các cách
thức thích ứng được truyền tải đi và có sự tương tác, cần thiết phải có các chiến
lược truyền thông tốt (Nguyễn Ngọc Diễm và Phạm Ngọc Đỉnh, 2013)[195]. Do vậy, thực hiện đánh giá hiệu quả truyền thông về biến đổi khí hậu và
thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cần thiết.
2. MỤC TIÊU
Đo lường kiến thức, nhận thức, thái độ và hành vi của
cư dân ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề thích ứng với biến đổi
khí hậu.
3.1. Phương pháp kế thừa (thu thập, phân tích tư liệu, tài liệu)
Sử dụng phương
pháp này nhằm thu thập các dẫn liệu điều tra, nghiên cứu có liên quan đến đánh
giá mô hình truyền thông biến đổi khí hậu trong và ngoài nước, tình hình nâng
cao nhận thức về biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó làm
cơ sở so sánh với kết quả trong nghiên cứu này.
3.2. Phương pháp điều tra xã hội học
Nhóm nghiên cứu thực hiện 2 đợt
khảo sát:
- Đợt 1 vào tháng 10/2013 với
việc khảo sát bảng hỏi 206 hộ gia đình (101 hộ ở xã Hiệp Thạnh và 105 hộ ở xã Đất
Mũi) với các nội dung sau: (1) Các thông tin về hoạt động truyền thông của gia
đình và cộng đồng: nguồn nghe coi tin tức, chương trình quan tâm, mức độ nghe
coi tin tức, mức độ trao đổi với người thân và bạn bè, tần suất tham gia các cuộc
họp cộng đồng, loa phát thanh, nhà cộng đồng… (2) Nhận thức và hoạt động môi
trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương: kiến thức về biến đổi khí
hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu, mức độ quan tâm tới vấn đề môi trường tại
địa phương, các tác động của biến đổi khí hậu tới hộ dân, các kinh nghiệm ứng
phó của cộng đồng và chính quyền, thái độ với vấn đề môi trường trong tương
lai, nhu cầu về thông tin cần thiết…
- Đợt 2 thực hiện vào tháng
6-7/2014 với việc khảo sát bảng hỏi bổ sung với 206 hộ gia đình tham gia khảo
sát trong lần 1, chủ yếu tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến sự thay đổi về thời
tiết, khí hậu và hoạt động truyền thông tại địa bàn nghiên cứu so với đợt khảo
sát lần 1. Đồng thời, trong lần khảo sát 2 này, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành
4 cuộc thảo luận nhóm đại diện các tổ chức gồm nhà nước, tổ chức xã hội và cộng
đồng dân cư. Bên cạnh đó, 45 cuộc phỏng vấn sâu đối với các đại diện từ các cơ
quan quản lý nhà nước, các tổ chức truyền thông và đại diện doanh nghiệp…
Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện những quan sát thực tế về sự phân bố dân cư, tình hình kinh tế, các quan hệ
xã hội trong cộng đồng, thực trạng xói lở đất và hoạt động phát thanh…
Nghiên cứu sử dụng mô hình
KAP (Knowledge – Attitude – Practices) làm cơ sở khoa học cho việc tìm hiểu và
đánh giá kiến thức, thái độ và hành vi của cư dân về nội dung liên quan tới
thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, đo lường kiến thức
người dân biết về BĐKH và nguồn cung cấp.
- Thứ hai, đo lường thái độ của
người dân đối về các hoạt động bảo vệ môi trường, mối quan tâm tới vấn đề môi
trường tại địa phương.
- Thứ ba, đo lường các hành
vi thích ứng với biến đổi khí hậu hiện đã có tại địa phương.
- Thứ tư, phân tích và lý giải
mối quan hệ giữa các biến số kiến thức, thái độ và hành vi nêu trên.
4.1. Kiến thức
Khi được hỏi về cụm từ
“biến đổi khí hậu”, có đến 58,7% chưa từng nghe nói đến, 13,6% cho biết có thường
xuyên nghe, 18,9% cho biết có thỉnh thoảng nghe, 4,9% có nghe nói đến vài lần,
3,9% trả lời có nghe nhưng không nhớ. Mặc dù gần 40% có nghe đến, nhưng khi được
hỏi về ý nghĩa, 35,3% người từng nghe đến BĐKH thừa nhận họ không biết ý nghĩa
của khái niệm này (25% ở Cà Mau và 42,9% ở Trà Vinh). Còn lại những người từng
nghe và thừa nhận có hiểu BĐKH thì cho biết các ý kiến khác nhau, trong đó BĐKH
được hiểu là: các mùa thay đổi (25,9%), nhiệt độ nóng lên bất thường (20%),
thiên tai, lũ lụt nhiều hơn và thời tiết thất thường (11,8%). Ngoài ra, một số
người hiểu BĐKH là: hiệu quả, năng suất mùa màng, đánh bắt giảm, dự báo thời tiết
đúng, giữ môi trường sạch, môi trường bị ô nhiễm, phá rừng không có cây xanh,
xuất hiện nhiều bệnh dịch, v.v.. Đa số nghe từ truyền hình (Đất Mũi 28,6%, Hiệp
Thạnh 40,6%), ngoài ra còn có một số nguồn rất nhỏ từ cuộc họp dân (3% ở Hiệp
Thạnh), bạn bè hàng xóm (3% ở Hiệp Thạnh), từ vở của con (1% ở Đất Mũi).
Với cụm từ “thích ứng
biến đổi khí hậu” thì đa số cư dân chưa từng nghe (90,5% và 85% tương ứng ở Đất
Mũi và Hiệp Thạnh), số nghe thường xuyên chiếm tỉ lệ rất nhỏ 1% và 2% tại Đất
Mũi và Hiệp Thạnh. Tỉ lệ này cũng tương tứng với tỉ lệ có nghe nhưng không nhớ,
Đất Mũi 1% và có nghe vài lần là 3,8% ở Đất Mũi và 1% ở Hiệp Thạnh. Trong khi
đó, số dân cư trả lời thỉnh thoảng có nghe chiếm tỉ lệ khá hơn là 3,8% ở Đất
Mũi và 11,9% ở Hiệp Thạnh. Nguồn chính nghe thông tin này là truyền hình. Với
những người đã nghe thông tin này, chúng tôi hỏi thêm cách hiểu của họ về cụm từ
này, kết quả thu được như sau: Trong 22 người đã nghe thì 11 người có nghe
nhưng không hiểu (chiếm 50%), còn lại thì hiểu như sau: Con người có cách để ứng
xử cho phù hợp nhằm chống lại ô nhiễm môi trường, môi trường trong sạch hơn,
không gây bão lụt; con người làm thế nào để phù hợp với khí hậu biến đổi; con
người thích ứng dần cho quen với khí hậu; đối phó với bão, chuẩn bị hậu cần,
thuốc men, lực lượng; là thích ứng với sự khó khăn của khí hậu; sử dụng thích
nghi, sống chung với điều kiện khó khăn; trồng cây chống xói lở. Như vậy, cách
hiểu của những người này về thích ứng với biến đổi khí hậu là khá chung chung
và trong phạm vi hẹp.
So sánh kết quả trên với kết quả từ nghiên cứu của TS.
Lê Văn Khoa về nghiên cứu đề xuất các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về
biến đổi khí hậu tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 thì thấy rằng tuy nguồn
cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu chủ yếu là truyền thanh, truyền hình
nhưng kết quả lại có sự khác biệt lớn. Các kết quả thu được trong nghiên cứu của
TS. Lê Văn Khoa như sau: Hầu hết các nhóm đối tượng đã được nghe thông tin về
BĐKH, tổng số mẫu dân số khảo sát có nghe thông tin về BĐKH là 87%, trong đó tiếp
cận thông tin nhiều nhất là sinh viên chiếm tỷ lệ 96%, thấp nhất là học sinh cấp 1 chiếm tỷ lệ
69%. Nhóm cán bộ CNV nhà nước lại là nhóm dân số có tỉ lệ nghe thông tin
về BĐKH khá thấp so với các nhóm khác, chiếm tỉ lệ 71%. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh
rằng Báo Đài hiện vẫn là phương tiện truyền thông về BĐKH chủ yếu được nhiều
người biết đến: Đài phát thanh, đài truyền hình có nội dung truyền thông về
BĐKH là kênh thông tin được các đối tượng biết đến nhiều nhất chiếm tỷ lệ 40%.
Kế đến là báo chí chiếm 28%. Chỉ có 9% các đối tượng biết đến BĐKH qua tổ chức
sự kiện, băng rôn, tờ rơi,…
4.2. Nhận thức
Kết quả khảo
sát cho thấy sự đánh giá của các hộ được hỏi về đối tượng dễ bị tổn thương trước
biến đổi khí hậu như sau: tại xã Đất Mũi, đa số hộ cho rằng biến đổi khí hậu ảnh
hưởng tới người đi biển (57,1%), tiếp đó tới người già (0,1%), trẻ em (0,1%). Tại
xã Hiệp Thạnh, đa số hộ đánh giá rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới nông dân
(45,5%), tiếp đó tới người già (21,9), trẻ em (21,9). Như vậy, người dân đều nhận
thấy tác động của biến đổi khí hậu tới sinh kế của họ như nghề biển ở Đất Mũi
và nghề nông ở Hiệp Thạnh. Họ cũng nhận đình rằng bên cạnh đó thì người già và
trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương hơn các đối tượng khác nhưng cư dân tại xã
Hiệp Thạnh đánh giá về điều này mạnh mẽ hơn so với xã Đất Mũi.
Theo kết quả khảo sát, trong vòng 10 năm qua, tại 2 địa
bàn nghiên cứu, năm nào cũng xảy ra các trận giông gió lớn với các thiệt hại về
nhà cửa, mùa màng và tài sản khác như vật nuôi, các công trình của hộ gia
đình... Đặc biệt, trận bão năm 1997 được người dân nhắc đến nhiều nhất mặc dù
nó đã xảy ra cách thời điểm nghiên cứu 17 năm. Lý do vì trận bão đã gây ra thiệt
hại về người và của lớn chưa từng thấy tại địa phương. Theo lãnh đão địa phương
thì trận bão này cũng là bài học kinh nghiệm khiến các hộ dân có sự cảnh giác
và chuẩn bị trước khi giông bão tới, có tác động tới thay đổi hành vi của cư
dân hơn là các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở trước đó.
Các biểu hiện thời tiết nổi bật mà người dân xác nhận
trong những năm qua tại xã Hiệp Thạnh gồm: nhiệt độ cao (29,7%), khô hạn
(42,6%), lượng mưa tăng (26,7%), triều cường (19,8%), xói lở (29,7%). Ngoài ra
còn có các biểu hiện khác như: Nghịch mùa, áp thấp giông gió nhiều, bão lụt nhiều
hơn, gió mạnh hơn trước, nước biển dâng cao, mưa gió thất thường nên không canh
tác để làm ăn được, mùa trước kia mưa nhiều thì giờ mưa ít và ngược lại, mưa thất
thường không theo mùa, có hiện tượng nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Tại xã Đất Mũi, các biểu hiện thời tiết nổi bật mà người
dân xác nhận trong những năm qua như sau: Nhiệt độ cao (16,2%), khô hạn
(11,4%), lượng mưa tăng (24,8%), bãp (14,3%), lốc xoáy (9,5%) và xói lở bở
(24,8%). Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như: bão mưa thất thường, bão nhiều
hơn, gió xoáy, biển động, mưa nhiều, thay đổi mùa, nhiễm phèn mặn. Ba biểu hiện
thời tiết nghiêm trọng nhất được cộng đồng xã Hiệp Thạnh lựa chọn là nhiệt độ
cao, khô hạn, xói lở bờ. Trong khi đó, ở xã Đất Mũi là triều cường, xói lở bờ
và lượng mưa tăng.
Một điểm nổi bật là cộng đồng 2 địa bàn nghiên cứu đều
nói rằng trước kia khi nhìn trời, mây, cây cối và biểu hiện của con vật (kiến,
chó), họ có thể dự đoán chính xác thời điểm, loại và cường độ giông gió. Tuy
nhiên, hiện nay họ không thể dự đoán được thời tiết nữa.
4.3 Thái độ
Kết quả khảo
sát về mức độ quan tâm tới môi trường của cư dân địa phương được đánh giá là
khá khả quan, mức rất quan tâm và khá quan tâm chiếm 61,9% tại xã Đất Mũi và
60,4% tại xã Hiệp Thạnh. Bên cạnh đó, tỉ lệ người không quan tâm hoặc ít quan
tâm cũng chiếm tương đối cao 15,2% ở xã Đất Mũi và 20,8% ở xã Hiệp Thạnh.
Khi
đánh giá về ý thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương, kết quả là 37,1%
người được hỏi tại xã Đất Mũi và 47,5% người được hỏi tại xã Hiệp Thạnh đánh
giá là rất tốt và khá tốt. Tỉ lệ này thấp hơn so với tỉ lệ người đánh giá là
bình thường, còn yếu kém và rất yếu kém 59,1% ở xã Đất Mũi và 46,6% ở xã Hiệp
Thạnh.
Qua kết quả khảo sát ý kiến đánh giá
về tình trạng môi trường trong 5 năm tới cho thấy cư dân tại xã Hiệp Thạnh lạc
quan hơn cư dân tại xã Đất Mũi. Điều này có thể lý giải do xã Đất Mũi có những
điểm phơi ba khía, gây ra mùi rất khó chịu cho cư dân, mặc dù dân đã kiến nghị
nhiều lần nhưng địa phương vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Chỉ có 2,9% người
được hỏi ở xã Đất Mũi đánh giá là sẽ tốt hơn rất nhiều, trong khi đó ở Hiệp Thạnh
cao hơn gần 4 lần (8,9%). Số người bi quan về tình hình môi trường ở Đất Mũi
cũng cao hơn ở Hiệp Thạnh như sau 10,5% ở Đất Mũi và 9,9% ở Hiệp Thạnh. Tỉ lệ
đánh giá môi trường sẽ tốt lên phần nào tương đương ở hai địa bàn và chiếm vị
trí cao thứ 2 trong các lựa chọn: 23,8% ở Đất Mũi và 20,8% ở Hiệp Thạnh. Tuy
nhiên, tỉ lệ hộ trả lời không biết chiếm cao nhất 47,6% ở xã Đất Mũi và 39,6% ở
xã Hiệp Thạnh.
4.4. Hành vi
Theo kết quả khảo
sát trên 887 nhân khẩu tại hai địa bàn nghiên cứu, trong đó: 454 nhân khẩu tại
địa bàn thuộc xã Đất Mũi và 433 nhân khẩu tại địa bàn thuộc xã Hiệp Thạnh, số
nhân khẩu biết bơi tại xã Đất Mũi chiếm ưu thế và nhiều hơn đáng kể so với số
nhân khẩu biết bơi tại xã Hiệp Thạnh (tương ứng 63,9% và 45,5%).
Xét số nhân khẩu
biết bơi trong độ tuổi từ 5 – 17 tuổi, nghĩa là sau cơn bão số 5 (theo người
dân đánh giá là cơn bão lớn nhất trong lịch sử tại hai địa bàn nghiên cứu vào
năm 1997), thì số nhân khẩu biết bơi chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ (5,2%). Như vậy,
việc dạy bơi vẫn chưa được chú trọng với cư dân nơi đây và có thể cũng chưa được
đề cập trong các hoạt động tuyên truyền về an toàn sông nước nói chung và về
thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng.
Tại xã Hiệp Thạnh, khi được hỏi các hộ dân thường làm
gì trước khi có giông bão hoặc thời tiết bất thường, đa số trả lời rằng họ chấp
nhận và chờ đợi thiên tai qua (57%). Trong khi đó 14% thì trả lời rằng họ gia cố
lại nhà cửa và tích trữ lương thực.
Trong khi đó, tại xã Đất Mũi, đa số người tham gia phỏng
vấn nói họ gia cố nhà cửa (42%), trong đó số người chấp nhận và chờ đợi thiên
tai qua cũng khá đông (39%). 22% trả lời tích trữ lương thực và 15% trả lời di
tản nơi khác.
Về câu trả lời của đa số các hộ dân tại hai địa bàn
nghiên cứu là chấp nhận và chờ thiên tai qua, tác giả có những nhận định sau:
Câu trả lời đó không nói lên rằng các hộ dân không làm gì và ỷ lại chính quyền.
Theo quan sát, tác giả thấy thực tế các hộ dân đã làm hết các biện pháp có thể,
trong khả năng của họ, như nâng cao nền nhà, chằng néo nhà… để ứng phó với
thiên tai và họ không biết làm gì thêm nữa.
Tuy nhiên, ở cả hai địa bàn thì sự chuẩn bị trên đều
được đúc rút từ kinh nghiệm bản thân là chính. Bên cạnh đó, một số ít cũng biết
được qua các hướng dẫn của chính quyền địa phương và từ việc xem đài báo.
Mặc dù đã có những chuẩn bị như vậy, người dân khẳng định
thời tiết thay đổi trong thời gian gần đây cũng đã gây cho họ không ít những
phiền hà và thiệt hại về mùa màng, như năng suất giảm (60,3% tại Hiệp Thạnh và
14,3% tại Đất Mũi), mất mùa (34,7% tại Hiệp Thạnh) và hư hại nhà cửa (10% tại
Hiệp Thạnh và 17,1% tại Đất Mũi). Đặc biệt, 52,4% người trả lời nói thời tiết
làm gián đoạn công việc của họ do đa số cư dân nơi đây sinh sống bằng nghề biển.
Ngoài ra, còn có các thiệt hại khác như thiếu nước
sinh hoạt, thiếu nước tưới tiêu, thiếu điện, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người,
hư hại đường sá, đê điều, mất rừng, đất không canh tác được, việc làm bị gián
đoạn, phải di chuyển đi nơi khác, ảnh hưởng tới việc di chuyển, giá thực phẩm
tăng và lỗ vốn tại cộng đồng xã Hiệp Thạnh. Tại cộng đồng xã Đất Mũi, các thiệt
hại khác gồm thiếu điện, gia súc bệnh, người bệnh, trẻ em bệnh tật hư hại đê điều,
cá tôm không sinh sản được, đi biển lâu không được, khó làm ăn, mất mùa, khó sống,
giảm lượng cá, nước dâng ngập nhà, phải tạm ngừng nhiều việc, đi lại khó khăn,
lạch bồi nên tàu cá kẹt.
Một số các nguyên nhân có thể lý giải cho việc vì sao
người dân đã chuẩn bị trước khi giông bão nhưng vẫn chịu thiệt hại về nhà cửa,
sinh kế như sau:
Nguyên nhân trước
hết là do vị trí địa lý của địa bàn nghiên cứu. Cả hai địa bàn đều nằm ven biển
và đều được lãnh đạo địa phương đánh giá đây là hai địa bàn chịu ảnh hưởng lớn
nhất của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân tiếp theo là do nhà ở của cư dân nơi đây
chủ yếu là thuộc nhóm nhà đơn sơ (51,5% ở xã Hiệp Thạnh và 68,6% ở xã Đất Mũi),
tiếp đến là nhà cấp 4 (30,7% ở Hiệp Thạnh và 18% ở Đất Mũi), nhà kiên cố
chiếm tỉ lệ 14,9% ở Hiệp Thạnh và chỉ 6,7% ở Đất Mũi. Như vậy, kiểu nhà chủ yếu của cư dân tại 2 địa
bàn nghiên cứu là nhà tạm, kết cấu đơn sơ, mái lá, vách lá hoặc vách tôn.
Một nguyên nhân
khác là do sinh kế của cư dân chủ yếu là nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng
thủy hải sản, loại hình nghề nghiệp được đánh giá là chịu ảnh hưởng lớn của biến
đổi khí hậu. Sinh kế của người dân xã Hiệp Thạnh chủ yếu là nuôi trồng thủy hải
sản (38,6%) và sản xuất nông nghiệp (29,7%). Trong khi đó, sinh kế của cư dân
xã Đất Mũi chủ yếu là nghề đi biển, đi rừng đặt lú, bắt ốc, cua, tôm… (43,9%).
Như vậy, sinh kế nơi đây phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và nguồn tài nguyên
thiên nhiên.
Như vậy, kết quả
khảo sát chỉ ra rằng mặc dù đa số dân cư trong địa bàn khảo sát đều không biết
và không hiểu về biến đổi khí hậu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng
thời họ cũng thể hiện thái độ khá thờ ơ với các dự tính thích ứng với biến đổi
khí hậu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người dân nhận biết rõ
các biểu hiệu của biến đổi khí hậu trong đời sống thực tế cũng như các tác động
của sự thay đổi thời tiết tới cuộc sống của họ và họ đã có những hành vi thích ứng
với biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, các hoạt động thích ứng của cư dân trong vùng
nghiên cứu đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
1.
June A. Flora and et.al. 2014. Evaluation of a national high school
entertainment education program: The Alliance for Climate Education.
Springerlink.com
2.
Lê Văn Khoa và cộng sự. 2012. Nghiên cứu đề xuất các hoạt động nâng cao nhận
thức cộng đồng về biến đổi khí hậu tại thành phố Hồ Chí Minh. Sở Tài nguyên
Môi trường thành phố Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Ngọc Diễm, Phạm Ngọc Đỉnh và nhóm nghiên cứu. 2013. Kết quả khảo sát hộ gia đình trong Đề tài
Nghiên cứu mô hình truyền thông dựa vào các nhóm công chúng thích ứng biến đổi
khí hậu ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nghiên cứu trường hợp xã Hiệp Thạnh,
huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Đề tài cấp Bộ 2013-2014 do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ chủ trì.
BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI
VÀ GIỚI VỀ CƠ HỘI GIÁO DỤC Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
PGS. TS. Nguyễn Văn Tiệp
Đại học Khoa học
xã hội và Nhân văn TPHCM
Bất bình đẳng xã hội
và giới trong giáo dục là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay ở Việt Nam.
Báo cáo tập trung trình bày sự bất bình đẳng xã hội và giới về giáo dục từ
trong nguồn lực của gia đình ở ĐBSCL như là yếu tố quan trọng nhất về cơ hội
giáo dục của con em tiếp cận từ quan điểm giới. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả
rút ra một số nhận xét và khuyến nghị cho việc lập chính sách và thực thi chính
sách giáo dục ở Việt Nam nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bất bình đẳng xã hội đang ngày càng
trở thành mối quan tâm xã hội hàng đầu của mọi người Việt Nam. Tình trạng bất
bình đẳng xã hội ngày một gia tăng trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.
Những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục – nền tảng chính của sự phát triển
con người, ngày một đắt đỏ kéo theo là sự doãng rộng khoảng cách tiếp cận và hưởng
thụ dịch vụ giữa các nhóm xã hội. Những dịch vụ xã hội này có vai trò quan trọng
trong việc kiềm chế xu hướng gia tăng bất bình đẳng. Vì vậy, nghiên cứu bất
bình đẳng về cơ hội giáo dục trở thành vấn đề cấp thiết. Khái niệm bất bình đẳng
về cơ hội được đề cập như là kết quả về lợi ích là một “lợi thế” và gồm có hai
nhóm: “các nỗ lực” là những thứ phụ thuộc vào sự lựa chọn cá nhân, và “hoàn cảnh”
là những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của cá nhân. Bình đẳng về cơ hội sẽ chiếm
ưu thế trong trường hợp mà phân phối của mọi thành quả lợi ích không phụ thuộc
vào hoàn cảnh. Bình đẳng về cơ hội sẽ là sân chơi chung, và về nguyên tắc, mọi
người có thể đạt được những thành quả mà họ lựa chọn (World Bank, 2009).
Thành quả của mỗi cá nhân phụ thuộc
vào ba yếu tố: Hoàn cảnh, nỗ lực và các chính sách. Báo cáo của chúng tôi tập
trung phân tích yếu tố hoàn cảnh được xem như là yếu tố bên ngoài cá nhân. Đó
là hoàn cảnh gia đình, cộng đồng tác động đến thành quả học tập, cơ may và sự
tiến bộ của con em được đi học trong hệ thống giáo dục quốc dân nhìn trên quan
điểm giới. Hoàn cảnh cụ thể là trình độ học vấn của cha mẹ, gia cảnh (giàu hay
nghèo), số lượng thành viên trong gia đình, nghề nghiệp, vị thế xã hội của cha
mẹ… Điều đó có nghĩa là bất bình đẳng cơ
hội do sự khác biệt nguồn lực gia đình tạo ra. Tiếp cận nghiên cứu sự bất
bình đẳng xã hội và giới về cơ hội giáo dục từ nguồn lực gia đình sẽ góp phần
lý giải thực trạng của giáo dục ĐBSCL hiện nay.
2. NHẬN THỨC CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI VIỆC HỌC TẬP CỦA CON
CÁI
Gia đình là nơi sinh ra con người và cũng là nơi tiến
hành xã hội hóa giáo dục và văn hóa cho con cái trong gia đình. Trong lĩnh vực
giáo dục thì vai trò của cha mẹ hết sức quan trọng đối với việc học hành của
con cái. Bất bình đẳng về cơ hội giáo dục thể hiện trước hết trong gia đình.
Nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục trong gia
đình thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau là không đồng nhất. Bởi nó bị chi phối
bởi điều kiện sống, trình độ học vấn, nghề nghiệp, giàu nghèo. Việc xác định vị
trí của giáo dục trong thang giá trị của người dân ĐBSCL thông qua những quan
niệm về cấp độ nhận thức. Từ kết quả nghiên cứu định lượng về việc xác định
thang giá trị của cư dân theo cơ cấu giới tính và thu nhập cho thấy vị trí các
giá trị được sắp xếp như sau:
1.Trình độ học vấn:
54,0%, 2. Nhiều tiền: 45,5%, 3. Công ăn việc làm: 26,3%, 4. Có vị trí xã hội:
24,2%, 5. Gia đình ổn định: 20,28% … (Nguyễn Ngọc Giao a, 1996, tr.23).
Như vậy, trình độ học vấn được đặt lên vị trí đầu
tiên, nó được coi là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống quan niệm về giá trị
của cư dân ĐBSCL, khác hẳn với các quan niệm lâu nay cho rằng, người dân ĐBSCL
ít quan tâm đến sự học. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường sự đề cao
trình độ học vấn thậm chí cao hơn cả giá trị đồng tiền cho thấy nhận thức về
giáo dục của cư dân đã có sự nhìn nhận đúng đắn. Khi được hỏi vì sao có sự lựa
chọn đó, đa số người dân đều trả lời rằng, có trình độ học vấn thì sẽ có những
thứ khác.
Khi được hỏi vì sao việc học hành của con cái lại là
quan trọng, thì được vị phụ huynh chia sẻ: “Vì
tui thấy chỉ có học mới đổi đời được thôi, nếu không cả đời nó cũng lam lũ như
tui” (Nguyễn Văn N…38 tuổi xã Vĩnh Thạnh). Hay như: “Tui đâu muốn cuộc đời con tui khốn khổ như ba mẹ nó. Tui biết chỉ có ăn
học mới mong đổi đời, làm ông này bà nọ với người ta” (Trần Minh H, 44 tuổi).
Khảo sát quan niệm về sự thành đạt của người dân (theo
cơ cấu giới tính và cơ cấu thu nhập) cho thấy ở các nhóm xã hội, vị trí của
giáo dục luôn đứng hàng đầu. Tuy nhiên, tỉ lệ giữa các nhóm lại rất khác nhau:
cư dân nông thôn có tỉ lệ coi vị trí số 1 của giá trị về trình độ học vấn cao
hơn cư dân đô thị (57,4% và 50,2%), còn giá trị thứ hai “có nhiều tiền” lại được
cư dân đô thị đánh giá cao hơn cư dân nông thôn (49,1% và 42,2%). Nếu như vị
trí quan trọng thứ 3 của người dân nông thôn là giá trị “gia đình ổn định” thì
cư dân đô thị lại đặt vào đây giá trị “có vị trí xã hội”.
Thang giá trị của cư dân vùng này cũng có sự khác biệt
giới tính: Nam giới có nhiều người đặt vị trí học vấn vào vị trí số 1, còn nữ
giới đặt vị trí “có nhiều tiền” vào vị trí thứ 2 hơn đàn ông. Đối với những người
có mức thu nhập cao và ổn định, thang giá trị cũng được sắp xếp khác các nhóm
còn lại. Có tới 60,6% những người có thu nhập ổn định xếp vị trí số 1 cho
“trình độ học vấn” thì ở nhóm thu nhập thấp chỉ có 46,2%. Ở vị trí thứ 2 cả hai
nhóm đều xếp “có nhiều tiền” nhưng nhóm có thu nhập ổn định đông hơn (46,6% và
44,6 %).
Như vậy, tuy mức độ có khác nhau, nhưng tất cả các
nhóm theo cơ cấu xã hội đều xếp giá trị giáo dục lên vị trí đầu tiên và sau một
chút ở vị trí thứ 2 là “có nhiều tiền”. Sau 2 giá trị trên, nam giới đề cao việc
“có vị trí xã hội” hơn và phụ nữ đề cao “công ăn việc làm hơn” (Nguyễn Ngọc
Giao b, 1996, tr.24)
Để xác định rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục, chúng
tôi đưa ra một tình huống giả định để người được hỏi lựa chọn theo ý định của
mình: “Nếu ông/bà có một vài đứa con trong độ tuổi ăn học, và đã dành được một
khoản tiền tương đối, ông/bà sẽ làm gì đối với số tiền đó?”
Kết quả nghiên cứu trắc nghiệm cho thấy, khi có một cơ
may như vậy đa số người dân nghĩ ngay tới việc “mở rộng kinh doanh và phát triển
sản xuất”(51,7 %) so với toàn bộ đại diện cư dân vùng này. Điều này phù hợp với
tính năng động của người dân Nam Bộ trong nền kinh tế thị trường. Người dân
không để tiền nhàn rỗi mà phải đầu tư cho lĩnh vực gì có lợi nhất. Nhóm thứ hai
ít hơn nhưng tỉ lệ khá cao là đã quyết định dùng số tiền đầu tư cho giáo dục
đào tạo cho con cái chiếm 34,8%. Các dự định đầu tư khác chiếm tỉ lệ không đáng
kể.
Trong mối tương quan với phân tầng xã hội, những dự định
này có những tỉ lệ và vị trí khác nhau trong các nhóm xã hội. Đối với cơ cấu
nghề nghiệp, trong dự định đầu tư cho con cái ăn học thì nhóm công nhân viên chức
đứng ở vị trí đầu tiên (54,2%) sau đó là nhóm nông dân (38,1%), còn nhóm buôn
bán dịch vụ (32,5%) cuối cùng là nhóm tiểu thủ công nghiệp (18,2%). Một xu hướng
có tính quy luật là tuổi càng trẻ thì càng có định hướng đến việc học tập của
con cái càng cao. Trong 3 nhóm lứa tuổi, nhóm thanh niên có tỉ lệ người đầu tư
cho học tập cao hơn những lứa tuổi khác (36,4%). Hai nhóm lớn tuổi hơn thì tỉ lệ
người đầu tư cho kinh doanh cao hơn. Trong tương quan với trình độ học vấn, sự
khác biệt của nhóm trình độ học vấn rất rõ, hai nhóm trình độ học vấn cấp 3 và
đại học có tỉ lệ đầu tư cho học tập của con cái cao hơn số dự định nhóm kinh
doanh rất nhiều (cấp 3: 47,6% so với 38,1%; đại học: 83,3% so với 16,7%). Ba
nhóm có trình độ học vấn thấp thì tập trung cho đầu tư kinh tế cao hơn. Ở nhóm
cơ cấu thu nhập cho thấy, những người có kinh tế ổn định càng có nhiều người dự
định đầu tư cho con cái học tập nhiều hơn (Nguyễn Ngọc Giao b, 1996, tr. 24).
Từ kết quả phân tích nêu trên, có thể rút ra nhận xét:
người dân ĐBSCL trong bối cảnh kinh tế thị trường đã có sự thay đổi nhận thức
khi đặt tầm quan trọng của giáo dục và đặt nó ở thang giá trị khá cao khác với
quan niệm truyền thống trước đây. Trình độ nhận thức về giáo dục tỉ lệ thuận với
học vấn, tỉ lệ nghịch với lứa tuổi, tỉ lệ thuận với đời sống và thu nhập của
người dân. Nhận thức về giáo dục trong mối tương quan với phân tầng xã hội về học
vấn, nghề nghiệp và thu nhập khá phức tạp chứ không thuần nhất.
Nghiên cứu trên đây cho thấy, người dân ĐBSCL đã có sự
thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của sự học đối với con em mình. Việc đề
cao trình độ học vấn đối với sự thành đạt của con em trong hiện tại và tương
lai được đa số ghi nhận. Và để tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ học vấn
của con em thì người dân có sự ưu tiên đầu tư trước hết về tiền bạc và những thứ
khác cho việc nâng cao trình độ học vấn của con em. Động cơ này là một yếu tố
quan trọng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục hiện tại và tương lai ở ĐBSCL.
3. VAI TRÒ CỦA CHA MẸ TRONG VIỆC ĐỊNH HƯỚNG HỌC TẬP
CHO CON CÁI
Tiếp cận giáo dục qua lăng kính giới, về sự bất bình đẳng
giới trong cơ hội được đi học ở các bậc học khác nhau (tương quan giữa nữ và
nam) cho thấy cơ hội tiến bộ thông qua giáo dục không có sự đồng nhất giữa các
nhóm xã hội khác nhau về trình độ học vấn, nghề nghiệp, độ tuổi, giàu nghèo…
Trong xã hội truyền thống và hiện nay sự bất bình đẳng
về giới nói chung ở ĐBSCL không có sự khác biệt đáng kể như các vùng khác.
Trong một nghiên cứu, khi được hỏi: “Ông/bà mong muốn cho con cái mình học tới
đâu?”. Điều thú vị là kết quả điều tra ở ba tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và An
Giang cho thấy không có sự khác biệt đáng kể trong kỳ vọng học vấn của phụ
huynh đối với con trai và con gái, khác với các quan niệm chúng ta thường nghe
thấy khi đề cập đến thành kiến trọng nam, khinh nữ.
1.
Học tới đâu hay tới đó: nam: 33,2%; nữ:
35,0%
2.
Học càng cao càng tốt: nam: 40,2%; nữ:
38,0%
3.
Học cho hết đại học: nam: 18,1%; nữ: 17,7%
( Trần Hữu Quang, 2008, tr.57-58)
Những nghiên cứu lâu nay chỉ ra rằng, tình trạng bất
bình đẳng giới về giáo dục ở nước ta đang giảm nhanh nhưng vẫn còn ở mức độ khá
cao so với các nước trên thế giới. Sự bất bình đẳng về giới của cư dân đồng bằng
sông Hồng năm 2004 còn cao. Trong đó tỉ lệ bố mẹ mong muốn đầu tư cho trai học
cao đẳng, đại học là 61,2%, còn con gái 53,3% ( Lê Thúy Hằng, 2006). Tuy nhiên
kết quả khảo sát trên ở ĐBSCL cho thấy sự khác biệt không đáng kể giữa nam và nữ
ở các cấp học trong việc mong muốn học vấn giữa con trai và con gái. Xử lý số
liệu cho thấy, người dân mong muốn cho con trai học đến cao đẳng, đại học trở
lên chiếm 78,8% và con gái chiếm 77,6% và mong muốn con trai học hết cấp 3 chiếm
19,3% và 18,8% đối với con gái. Thường là những người sống ở đô thị đầu tư cho
con cái học cao hơn nông thôn. Nhưng ở ĐBSCL không hẳn là như vậy. Kết quả khảo
sát cho thấy có sự chênh lệch mong muốn học tập giữa nông thôn và thành thị
không cao. Những người sống ở đô thị muốn con trai học hết cao đẳng đại học chiếm
86,1% và con gái 84,4 % , còn ở khu vực nông thôn, muốn con trai học hết cao đẳng
và đại học chiếm 76,9%, con gái chiếm 75,8% ( Hà Thúc Dũng, Nguyễn Ngọc Anh,
2012, tr. 46).
Ảnh hưởng đến mong muốn học tập cho con cái được biểu
hiện khác nhau qua các nhóm thuộc cơ cấu xã hội khác nhau. Học vấn của cha mẹ
là một yếu tố ảnh hưởng mạnh trong việc mong muốn đầu tư học tập cho con cái.
Khi phân tích về mong muốn đầu tư học tập cho con cái nhiều nhà nghiên cứu cho
rằng, những gia đình nào cha mẹ có trình độ học vấn cao đều mong muốn đầu tư
cho con cái mình học càng cao. Số liệu khảo sát cũng cho thấy một kết quả tương
tự: những gia đình cha mẹ có học vấn cao thì tỉ lệ mong muốn con cái mình có
trình độ cao đẳng, đại học càng cao. Những người có học vấn từ cấp 2 trở xuống
muốn con cái mình học hết cấp 3 chiếm khoảng ¼ ( 24,3% con trai, 23,5 % con
gái) và mong muốn con học hết cao đẳng, đại học tương đối thấp (72,6 % con trai
và con gái 70,6%). Ngược lại, những người có học vấn cao đẳng, đại học trở lên
muốn con mình học hết cấp 3 chiếm tỉ lệ thấp hơn (10,6% đối với con trai và chỉ
có 6,5% đối với con gái), nhưng mong muốn cho con học hết cao đẳng và đại học
cao hơn (con trai 89,4 % và con gái 93,6%) ( Hà Thúc Dũng, Nguyễn Ngọc Anh,
2012, tr. 48).
Những người có học vấn thấp mong muốn con cái học đến
cấp 3 đủ điều kiện để làm việc ở công ty, xí nghiệp hoặc học nghề. Như vậy sẽ
giảm bớt gánh nặng kinh phí đầu tư cho học tập, đồng thời con cái sớm được đi
làm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Còn những người có học vấn cao từ cấp 3 trở
lên thì nhận thức của họ cao hơn, nếu con cái học hết cao đẳng, đại học thì có
tay nghề cao hơn, dễ tìm việc hơn và thu nhập cũng cao hơn. Đầu tư cho giáo dục
là có lợi hơn cả về mặt kinh tế và cả về mặt văn hóa, xã hội.
Cơ cấu phân tầng xã hội cũng tác động đến việc định hướng
học vấn cho con cái mà nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến. Gia đình nào có điều kiện
kinh tế khá giả thường đầu tư cho con cái học hành cao hơn, ngược lại, những
gia đình nào gặp khó khăn thì việc đầu tư học hành cho con cái ít hơn và thường
con cái nghỉ học sớm hơn. Một phụ huynh chia sẻ: “ Hồi đó nhà tui nghèo quá, nuôi sao nổi mà nuôi, ở trong này đa số học hết
cấp 2 là dữ lắm rồi, vì qua cấp 3 phải ra huyện học, đâu phải nhà nào cũng có
điều kiện” ( PV nam 44 tuổi). Một mối quan tâm khác là nhà nghèo liệu đầu
tư cho con cái học rồi có mang lại hiệu quả hay không: “Nói thiệt với cô, nhà tui nghèo lại không quen biết ai, tui nghĩ là
mình cực khổ nuôi con ăn học biết nó ra trường có xin được việc làm hay không? (PV
nam 48 tuổi).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm có thu nhập thấp nhất
mong muốn con trai học hết cao đẳng, đại học chiếm 66,7% và con gái 66,1%. Ngược
lại, nhóm có mức sống trên trung bình hoặc khá giả thì họ mong muốn cho con
trai học hết cao đẳng, đại học chiếm 85,6 %, con gái 83,9%.
Số liệu nghiên cứu nói trên cho thấy, cư dân ĐBSCL đều
mong muốn con trai và con gái của mình đạt được trình độ học vấn như nhau không
có sự phân biệt đáng kể trong việc mong muốn trình độ học vấn của con trai và
con gái. Việc định hướng học hành của con cái chịu tác động khá lớn bởi hai
nhân tố chính: trình độ học vấn của cha mẹ
và điều kiện kinh tế của gia đình. Chính sự bất bình đẳng về giới trong
giáo dục phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố trên chứ không phải là nhận thức và định
kiến về giới trong giáo dục.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, dự kiến cho con cái
có trình độ học vấn cao là sự mong đợi của các bậc cha mẹ, còn trình độ học vấn
đạt được theo thống kê thì còn xa người dân mới đạt được sự mong muốn. Có một
mâu thuẫn rất lớn trong dự định của nhiều người là mong con cái học đến hết
PTTH và đại học, nhưng khả năng và điều kiện đảm bảo cho mong đợi này là rất thấp.
Có phải chăng gia đình càng nghèo thì ít quan tâm đến việc học hành của con cái
và không mong muốn được học lên cao? Phân tích những kết quả điều tra nêu trên
cho thấy: Kỳ vọng của cha mẹ vào tương lai học vấn của con cái là một kỳ vọng
thực tế, tức là dựa vào cơ sở hiện thực và khả năng kinh tế của gia đình chứ
không phải kỳ vọng mang tính mơ ước. Tỉ lệ cha mẹ mong muốn con cái mình học càng
cao càng tốt chiếm tỉ lệ cao, nhưng để học hết đại học lại chiếm tỉ lệ thấp. Bởi
vì chi phí cho con học đại học là gánh nặng mà hầu hết các hộ gia đình có thu
nhập từ trung bình đến nghèo khó lòng kham nổi. Vì thế tình hình học vấn thấp
nói chung ở ĐBSCL, chúng tôi cho rằng, không phải vì tâm lý hay nhận thức của
người dân không quan tâm hay không coi trọng việc học hành của con cái, mà trước
hết cần lý giải hiện tượng này bằng lý do kinh tế thì mới thực sự xác đáng. Do ảnh
hưởng của khuôn mẫu giới, bất bình đẳng về giới được thể hiện ở các nhóm cơ cấu
xã hội là khác nhau khi phân tích mong muốn của cha mẹ cho con cái đạt được
trình độ học vấn nhất định, nhưng nhìn chung, dù ở nhóm xã hội nào thì sự thiên
vị cho con trai cao hơn con gái là không đáng kể so với các vùng khác trong cả
nước. Đây cũng là một sự khác biệt giới ở ĐBSCL.
Tóm lại, từ những kết quả phân tích cơ may của học
sinh vùng ĐBSCL trong mối tương quan với các nhóm xã hội có thể rút ra kết luận
rằng: những yếu tố như nhóm nghề nghiệp,
lứa tuổi, trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến trình độ nhận thức
về tầm quan trọng của giáo dục chứ không tác động nhiều lắm đến khả năng cho
con ăn học. Các quyết định trong khả năng đảm bảo trình độ học vấn của con cái
là yếu tố gia đình, nhất là yếu tố kinh tế. Chính sự phân hóa giàu nghèo trong
xã hội đã ảnh hưởng đến cơ hội được giáo dục của trẻ em. Đây là vấn đề mà
các nhà lập chính sách giáo dục ở ĐBSCL phải quan tâm.
4. SỰ QUAN TÂM CỦA CHA MẸ VỚI VIỆC HỌC TẬP CỦA CON CÁI
Nội dung trọng tâm của mục này là các tương quan về giới,
bên cạnh đó cũng chỉ ra những tác động của một số nhân tố như quy mô gia đình,
mức sống, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ học vấn đến tình trạng học tập của con
cái. Các câu hỏi muốn giải đáp ở đây là, giữa cha và mẹ, ai là người giúp con học
tập ở nhà, liên hệ với nhà trường để biết tình hình học tập của con cái? Việc
quan tâm đến học tập của con cái như học thêm, bỏ học giữa chừng? Mức độ quan
tâm đó thể hiện như thế nào ở các nhóm xã hội khác nhau về nghề nghiệp, trình độ
học vấn, giàu nghèo?
Sự quan tâm của cha mẹ nhìn từ góc độ giới cho thấy, với
câu hỏi: Ai là người có ảnh hưởng lớn đến việc học của con cái (cả con trai và
con gái)? Đối với con gái, ảnh hưởng của mẹ là 32,5%, cha là 22,2%; trong khi
đó đối với con trai, ảnh hưởng của mẹ là 33,8%, của cha là 22,8% (Kết quả điều
tra của nhóm đề tài). Điều này cho thấy, trong gia đình vai trò và ảnh hưởng của
mẹ đối với việc học tập của con cái quan trọng hơn so với cha. Và ở đây cũng
không có sự phân biệt đối xử về việc học hành của con trai và con gái từ phía
cha hoặc mẹ.
Sự quan tâm của cha mẹ dành riêng góc học tập có bàn
ghế cho con em mình ở 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và An Giang thì tỉ lệ có ở Trà
Vinh là 64,0%, Vĩnh Long là 66,4% và An Giang là 43,3%. Nếu phân theo 5 nhóm chỉ
tiêu (theo sự phân tầng giàu nghèo) thì những gia đình từ trung bình đến khá giả
có điều kiện dành chỗ học tập cho con cái nhiều hơn hẳn so với gia đình nghèo:
70 – 90% so với trên dưới 50% nơi có gia đình nghèo (Trần Hữu Quang, 2008, tr.
55).
Mối quan tâm của phụ huynh đến việc học của con cái
cũng thông qua việc gặp gỡ thầy/cô giáo về việc học hành của con mình. Đây là
hình thức phổ biến nhất của mối liện hệ giữa nhà trường và gia đình. Tỉ lệ phụ
huynh thường xuyên gặp thầy cô giáo để hỏi về chuyện học hành của con cái mình
là 30,1 %, chỉ gặp khi họp phụ huynh là 52,6 %, rất ít khi gặp là 7,8% và hầu
như không bao giờ gặp là 6,2% ở 3 tỉnh ĐBSCL (Trần Hữu Quang, 2008, 56). So với
các vùng khác, thì tỉ lệ cha mẹ họp phụ huynh cho con là thấp hơn, các vùng
khác tỉ lệ cha mẹ họp phụ huynh cao xấp xỉ 100% (Trần Thị Vân Anh-Nguyễn Hữu
Minh, 2008, tr. 176). Việc đi họp phụ huynh cho con cũng mang yếu tố giới.
Thông thường mẹ đi họp cho con nhiều hơn bố, lý do bố bận công việc đồng áng
nhiều hơn: “Hồi họp phụ huynh mấy lần mà
mắc mần không đâu có đi, có bã (vợ) đi nhiều, họp phụ huynh ở trường thì bã đi
nhiều hơn tui” ( PV Nguyễn Văn L.. làm ruộng).
Việc cha mẹ nhắc nhở con cái học hành hàng ngày trong
gia đình cũng được cha mẹ quan tâm. Mức độ nhắc nhở con cái thường xuyên là
56,7%, thỉnh thoảng 25,9% và hiếm khi chiếm 16,9% (Trần Thị Tường Vy, 2011, tr.
93). Cha mẹ luôn dành thời gian cho con cái học hành, không yêu cầu con cái
tham gia công việc đồng áng mặc dù nhà nông vẫn cần sức lao động của trẻ em “ Tui cũng nói với mấy đứa con tui hoài. Tụi
nó ráng học đi, có cực mấy tui cũng không than, miễn nó chịu học hành đàng
hoàng để sau này có nghề nghiệp ổn định mà ngóc đầu lên với thiên hạ ( PV
nam 42 tuổi); hay “Tui cũng đâu có yêu cầu
nó làm việc nhà, việc gì phụ giúp thì phụ, không thì tui cũng làm hết. Nhưng cô
biết đó, con nít ở ruộng chứ đâu phải con nhà giàu ở chợ mà chỉ biết ăn học
thôi. Tụi nó ở đây đứa nào cũng cực lắm” (PV nam 38 tuổi).
5. VẤN ĐỀ HỌC THÊM
Đi học thêm là câu chuyện gây bức xúc trong công luận
nhiều năm nay mà chưa có lời giải đáp từ phía quản lý của ngành giáo dục. Với
quan niệm cha mẹ cho con học thêm là nhằm nâng cao kiến thức để có cơ hội học
tiếp lên các bậc học cao hơn, chúng tôi tiến hành khảo sát về tỉ lệ có đi học
thêm và chi phí cho việc đi học thêm.
So sánh giữa các địa phương, nhận thấy các tỉnh ĐBSCL
(An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh) tỉ lệ đi học thêm khoảng từ 22-35% ( An Giang
(22%), Vĩnh Long và Trà Vinh (35%). Như vậy tỉ lệ học thêm của các tỉnh ĐBSCL
là thấp so với Đắc Lắc (66%) và thành phố Hồ Chí Minh là (75%). Tỉ lệ này là thấp
so với cả nước: ở thành thị là 82,7%, nông thôn là 69,4 % ( Trần Thị Vân
Anh-Nguyễn Hữu Minh, 2008, tr. 189). Từ góc độ giới cho thấy, hầu như việc cho
con trai hoặc chỉ cho con gái đi học thêm gần như tương đương nhau. Việc cho
con trai, con gái đi học thêm thực tế phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng bậc
học và từng em, chứ không nhất thiết vì là con trai hay con gái.
Tình hình đi học thêm diễn ra tăng theo cấp học: tiểu
học 35%, trung học cơ sở 51% và có tỉ lệ cao nhất là trung học phổ thông 65% ở
các địa phương khảo sát (Trần Hữu Quang, 2008, tr 28).
Xét theo học vấn, cha mẹ của gia đình có trình độ học
vấn thấp ít cho con đi học thêm so với cha mẹ gia đình có trình độ học vấn cao
hơn, tỉ lệ cho con học thêm tăng dần theo trình độ học vấn. Đáng chú ý là nhóm
mù chữ có tới 61,2% không cho con học thêm, trong khi đó nhóm có trình độ học vấn
từ cao đẳng trở lên chỉ có 13,6% không cho con đi học thêm ( Trần Vân Anh,
2008, tr.190). Về mức sống, tỉ lệ cho con đi học thêm giảm dần từ các gia đình
có mức sống khá đến nghèo. Điều này khẳng định chi phí cho con đi học thêm là một
vấn đề đáng kể và do đó các gia đình khá giả đầu tư cho con học thêm nhiều hơn
so với người nghèo. Hay nói cách khác, dù ở đâu, gia đình nghèo thì trẻ em luôn
chịu thiệt thòi trong việc tiếp cận các cơ hội liên quan đến học hành.Ở nông
thôn, gia đình khá giả cho cả con trai con gái học thêm 30,7%, trong khi đó gia
đình nghèo chỉ có 21,3%. Trái lại, những gia đình khá giả không cho con học
thêm 23,1%, trong khi đó gia đình nghèo là 49,2% ( Trần Vân Anh, 2008, tr.192).
Như vậy, kết quả phân tích số liệu cho thấy, tỉ lệ gia
đình mà trình độ học vấn của cha mẹ và mức sống cao thì cho con học thêm là khá
cao, có sự khác biệt vùng miền, nông thôn và đô thị.Tuy nhiên, nhìn chung số liệu
cũng cho thấy những biểu hiện của sự phân tầng khá đậm nét theo mức sống giữa
nông thôn và đô thị trong đó chi phí cho việc học thêm cho con là vấn đề đáng
được quan tâm.
Chi phí học thêm tính bình quân trên mỗi người đi học ở
Trà Vinh là 70.475đ/tháng, Vĩnh Long 150.845đ/tháng, An Giang 123.395đ/tháng
trong khi đó thành phố Hồ Chí Minh là 470.955đ/tháng. Chi phí học thêm ở các tỉnh
ĐBSCL nói chung là thấp, điều đó phản ánh mức đầu tư giáo dục cho con cái là thấp
hơn các địa phương khác dẫn đến hệ quả chất lượng giáo dục không cao. Tuy
nhiên, với mức đóng chi phí học thêm này đối với nhà đông con đi học và nghèo
thì quả là một khoản tiền không nhỏ so với thu nhập của họ. Bởi vì, ngoài tiền
học thêm cha mẹ còn phải đóng các khoản chi phí khác như học phí, đóng góp xây
dựng trường, bán trú, sách giáo khoa, dụng cụ học tập và các khoản khác thì thật
là không nhỏ. Nếu tính riêng ba tỉnh ĐBSCL (Trà Vinh, Vĩnh Long và An Giang)
thì tại các tỉnh này phụ huynh phải chi bình quân cho mỗi học sinh phổ thông là
hơn 584.000đ mỗi năm. Riêng cấp tiểu học là 406.000đ, THCS 504.000đ và cấp THPT
cao hơn hẳn gần 1,02 triệu đồng ( Trần Hữu Quang, 2008, tr. 35).
6. TÌNH TRẠNG BỎ HỌC GIỮA CHỪNG
Việt Nam trong những thập kỷ qua đã đạt được những
thành tựu to lớn trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối
mặt với thách thức lớn về tình trạng trẻ em bỏ học gia tăng, nhiều trẻ em ở lứa
tuổi vị thành niên không học trung học. Tỉ lệ đi học của thanh thiếu niên ở độ
tuổi 15-19 tương ứng là 54,9% trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho
thấy gần một nửa thanh thiếu niên ở độ tuổi này không tiếp tục học ở bậc cao
hơn sau khi hoàn thành bậc THCS và THPT. Điều tra quốc gia vị thành niên và
thanh niên Việt Nam lần thứ 2 năm 2008 cho thấy khoảng một nửa trong nhóm dân số
trong độ tuổi 14-25 đã thôi học, 24% trong số đó đã thôi học khi chưa đến 15 tuổi
(Trần Quý Long, 2013, tr. 30).
Bỏ học ở đây được hiểu là những trường hợp trẻ em thôi
học trước khi hoàn thành bậc học PTTH. Tỉ lệ gia đình có con thôi học trước lớp
12 là khá cao.Trong tổng mẫu điều tra 4176 hộ gia đình có tới 665 tường hợp có
con trai bỏ học trước lớp 12 chiếm 15,9% và có 595 trường hợp con gái bỏ học
trước lớp 12 chiếm 14,2%. Sự phân bố trẻ bỏ học chủ yếu rơi vào các gia đình ở
khu vực nông thôn. Các nghiên cứu về giáo dục Việt Nam cho thấy, vào đầu những
năm 90, tình trạng bỏ học hoặc không hoàn thành bậc học là khá phổ biến, đặc biệt
là vùng nông thôn. Nhưng những năm sau này tỉ lệ bỏ học giảm dần qua các năm.
Do vậy tỉ lệ này có thể bao gồm cả những hiện tượng xẩy ra trong những năm trước
đây.
Lý do bỏ học cả trẻ
em trai và gái đều có một điểm trùng nhau là tình trạng khó khăn về kinh tế,
đây là nguyên nhân quan trọng nhất. Có 50,7% người trả lời ở
thành thị và 45,7% ở nông thôn cho biết con gái họ thôi học do khó khăn về kinh
tế. Tỉ lệ này tương ứng với con trai ở thành thị là 38% và ở nông thôn là 45%.
Tuy nhiên lý do “cháu không muốn học” có sự khác biệt giữa con gái và con trai ở
khu vực thành thị; cụ thể là chiếm 23,2% đối với con gái và 34% đối với con
trai. Trong khi đó, tỉ lệ ở nông thôn những người đưa ra lý do này là tương
đương nhau. Các lý do học kém chiếm tỉ lệ đáng kể từ 15-20%. Các lý do này có
thể chứa đựng các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của gia đình (Trần Thị Vân
Anh, 2008, tr.193-194).
Về nguyên nhân bỏ học ở ĐBSCL: neo người thiếu lao động
chiếm 19,0%, cao hơn nhiều so với đồng bằng sông Hồng là 8,8%, Bắc Trung bộ 8,3
%, so với cả nước là 21,7%. Chi phí học tốn kém chiếm 19,0% so với cả nước là
24,4%. Riêng nguyên nhân học kém ở ĐBSCL chiếm tỉ lệ cao nhất cả nước 37,2% so
với cả nước là 27,6%. Còn lại là những nguyên nhân khác. Như vậy, nguyên nhân học
kém là lý do quan trọng nhất dẫn đến trẻ em bỏ học ( Nguyễn Thị Thanh Hương,
2011, tr.25).
Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là một vấn nạn ở
các tỉnh ĐBSCL so với các địa phương khác. Tỉ lệ dân số từ 5-18 tuổi bỏ học
theo giới tính, thành thị, nông thôn và các vùng kinh tế qua 3 cuộc tổng điều
tra năm 1989, 1999, 2009 cho thấy xu hướng tỉ lệ bỏ học ở khu vực phía Nam cao
hơn khu vực phía Bắc. Các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên
25%; Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ đều trên 20% đứng
đầu so với các vùng khác (Giáo dục Việt Nam, 2011, tr. 15).
Theo số liệu Bộ Giáo dục-Đào tạo, số lượng học sinh phổ
thông bỏ học trên cả nước năm học 2003-2004 là 6,29%, năm 2006-2007 là 2,07 %
trong khi đó tỉnh Trà Vinh cho biết tỉ lệ học sinh giảm vào cuối năm học (so với
tổng số học sinh) gia tăng đều đặn trong 3 năm: từ 3,4% năm học 2004-2005 lên
5,2 % năm 2005-2006 và 5,5 % năm 2006-2007. Tình hình này đáng báo động nhất là
hiện tượng trong những năm trước đây thông thường cấp THPT có tỉ lệ bỏ học cao
nhất, thì những năm gần đây xuất hiện xu hướng chính học sinh THCS có tỉ lệ bỏ
học đông hơn, cả về số lượng tuyệt đối lẫn số lượng tương đối.
Báo cáo công tác khuyến học năm 2014 của Hội khuyến học
xã Vĩnh Trinh, TP. Cần Thơ cho thấy năm 2014 tỉ lệ học sinh bỏ học sau THCS
22,4%. Nguyên nhân bỏ học là do phần lớn các thanh niên trong độ tuổi 15-21 do
điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên phải bỏ học đi lao động kiếm sống hoặc
đi làm ăn xa ở các nhà máy, công ty, xí nghiệp để phụ giúp gia đình. Các em
trong độ tuổi này phải đi học ở trường ngoài địa bàn xã, đi lại khó khăn, việc
phối hợp quản lý con em giữa nhà trường, gia đình và học sinh chưa chặt chẽ và
có kế hoạch nên tình trạng bỏ học chưa khắc phục được (Báo cáo công tác khuyến
học năm 2014).
Lý giải nguyên nhân bỏ học của số học sinh trong độ tuổi
từ 6-17 tuổi, lý do được kể ra nhiều nhất là “khó khăn về kinh tế” chiếm 52%; kế
sau đó là “học không nổi” chiếm 21% hoặc “thi rớt” chiếm 7%, còn lại là các
nguyên nhân khác (Trần Hữu Quang, 2008, tr.24).
Khảo sát của chúng tôi với câu hỏi: Lý do con trai bỏ
học giữa chừng, thì khó khăn về kinh tế chiếm 36,2%; bạn bè rủ rê, bỏ học ham
chơi 29,4 % và gia đình, cha mẹ không quan tâm 24,8% còn lại là những lý do
khác. Cũng câu hỏi trên đối với con gái thì sự khác biệt cũng không đáng kể.
Như vậy yếu tố kinh tế và sự quan tâm của cha mẹ đối với việc học hành của con
cái có ảnh hưởng quyết định đến việc bỏ học giữa chừng của con em mình.
Tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở cấp PTTH ở xã Vĩnh
Trinh là khá cao. Lý giải vấn đề này, ngoài những nguyên nhân khác, lý do học
sinh bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn, chi phí học cao, gia đình không kham
nổi: “Theo mình độ, chắc gia đình về tài
chính cũng mòn lắm, đóng tiền học kỳ cho con nặng lắm. Nói chung gia đình người
ta lo đến lúc đó thì cũng đuối lắm rồi thì thôi cho con nó ngưng học, tính công
ăn chuyện làm. Theo tôi nghĩ chắc vậy đó, chứ nếu mà có khả năng thì đâu có cho
dừng, đâu có cho dừng bước cái khoảng đó… Hơn nữa trong huyện có khu công nghiệp
Thốt Nốt, người ta cho con nghỉ học đi làm công ty làm chuyện nặng, chuyện nhẹ
gì có tiền cũng được” (PV ông Bùi văn B.. làm ruộng, 43 tuổi).
Về nguyên nhân bỏ học có nhiều cách lý giải khác nhau.
Những nguyên nhân học sinh bỏ học từ phía ngành giáo dục như: do thực hiện “cuộc
vận động nói không với bệnh thành tích”, sự quản lý chỉ đạo của Bộ Giáo dục-Đào
tạo như độc quyền sách giáo khoa, thay đổi xoành xoạch nội dung và chương trình
sách giáo khoa, chương trình đổi mới không đạt chuẩn, quá nặng đối với học sinh
và giáo viên, bệnh thành tích trong học tập, chi phí dành cho học tập cao.
Trong khi đó những nghiên cứu khảo sát tại các tỉnh ĐBSCL thì nguyên nhân chính
là khó khăn về kinh tế (gia đình nghèo), chất lượng giáo dục thấp (học sinh học
không nổi, thi rớt phải bỏ học).
Khác với các vùng khác (Bắc Bộ và Trung Bộ), cha mẹ
quan tâm nhiều hơn và tạo nhiều áp lực đối với việc học của con cái, nên tỉ lệ
học sinh bỏ học thấp; trái lại, ở ĐBSCL, cha mẹ thường tôn trọng ý kiến cá nhân
của con, bình đẳng trong đối xử với con cái, chấp nhận ý kiến và nguyện vọng của
con, nên khi con cái bỏ học với nhiều lý do thì cha mẹ cũng chấp thuận: “ Bây giờ con thấy con học được thì con ráng
mà học, cha cũng lo, còn thấy con học không được thì tùy chứ cha không ép. Mà
xúi đun đúc (thúc dục) cho học thì chú cũng không đun đúc, thì nói chú hay con
thấy học được thì cứ học, còn nếu con thấy không học được thì thôi. Nung (cưng
chiều) thì cũng không nung mà cũng không cản (cười). Thì nó nói thôi cha ơi,
con nghỉ không học nữa, nó nghỉ thì nghỉ” ( Bùi văn B… 43 tuổi làm ruộng).
Giải thích về tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng
theo quan niệm của người dân, ông chủ tịch hội khuyến học xã cho rằng: “Có những gia đình khó khăn vẫn cho con đi học,
là họ muốn con có ngành nghề vững vàng sẽ thay đổi số phận. Số đó đáng được biểu
dương. Số thứ hai, người ta không tha thiết, mặc dù kinh tế đủ ăn đủ mặc, thậm
chí khá giả. Thì cách nhìn mỗi người có khác nhau, nhưng riêng chú đánh giá thấy
dễ sống quá đó, thành ra người ta cũng hổng lo. Với việc học trước mắt phải hao
tốn nhiều mặt, ra trường xin việc làm hổng được. Ngay báo đài vẫn đưa tin, nên
thành ra họ xem báo, truyền hình thành ra người ta có suy nghĩ như vậy. Số thứ
ba là quá khổ, không ruộng đất, thu nhập thấp, phaỉ làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Thì số bỏ học sau PTCS là số đó không, vì đi học xa phải tốn xe đi lại, chi phí
quần áo, ăn ở, nộp tiền trường, bảo hiểm y tế. Cái đó nhà trường quy định rồi,
sao thoát khỏi. Tiền trường nhọc nhằn lắm đó” ( PV ông Lê văn A..64 tuổi
cán bộ nghỉ hưu).
Khảo sát nhu cầu và nguyện vọng của người dân về mong
muốn đạt được trình độ học vấn của con cái là rất cao, tỉ lệ mong muốn cho con
học cao đẳng, đại học là rất lớn. Nhưng nhu cầu và mong muốn là một chuyện, còn
điều kiện để đạt được mục đích lại là câu chuyện khác. Phân tích ở chiều kích
khác, đó là sự tính toán của cha mẹ học sinh trong việc đầu tư tiền bạc và vật
chất cho con cái đi học với lợi ích đầu ra mà con cái họ đạt được trong hoàn cảnh
kinh tế - xã hội cụ thể của gia đình. Người nông dân ĐBSCL khi chuyển sang nền
kinh tế thị trường, người dân đã có sự lựa chọn duy lý, làm sao cho việc học
mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, nhằm nâng cao mọi mặt của cuộc sống
gia đình và bản thân con em họ. Phần đông họ là nông dân, trình độ học vấn có hạn,
điều kiện kinh tế vật chất số gia đình khá giả không nhiều, phần đông là thuộc
loại trung bình và trên trung bình, số gia đình nghèo còn khá nhiều. Việc đầu
tư cho con cái học hành trong gia đình đông con (3, 4 con trở lên) học hết phổ
thông trung học là bài toán không đơn giản. Có lúc họ phải cho các con lớn nghỉ
học, các anh chị lớn hơn phải phụ giúp gia đình làm khi điều kiện kinh tế khó
khăn, ưu tiên dành cho các em còn nhỏ tuổi học khi chưa đủ tuổi lao động. Kỳ vọng
cho con học hết PTTH và học lên đại học vượt khỏi khả năng kinh tế của họ vì
chi phí cho học hành quá nhiều tốn kém. Gia đình phải cho con lớn tuổi ngừng học
đi làm công nhân trong các khu công nghiệp để tăng thêm nguồn thu nhập của gia
đình. Đầu tư ngắn hạn được bù đắp thay vì cho đầu tư dài hạn không có khả năng.
Với tính toán duy lợi, người dân phải cho con bỏ học giữa chừng ở các lớp PTTH
để tham gia lao động trực tiếp tăng thêm thu nhập gia đình. Đây là một lựa chọn
tình thế nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, trực tiếp. Hoàn cảnh kinh tế khó
khăn buộc cha mẹ học sinh phải tính toán sao cho hữu ích thay vì đầu tư dài hạn
nhưng vẫn mang lại rủi ro và kém hiệu quả. Đây là một đặc điểm của tính cách Nam
Bộ khác với các vùng miền khác. Chính rào cản tác động đến tình trạng bỏ học giữa
chừng của học sinh không chỉ thuần túy là yếu tố kinh tế mà còn nằm sâu ở chiều
kích tâm lý của người dân, chứ không chỉ giải thích một cách giản đơn.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc học
tập của con cái là trình độ học vấn của bố mẹ. Khi bố mẹ có trình độ học vấn
cao hơn, trẻ em và thanh thiếu niên ít bỏ học hơn. Nếu những người lớn trong
gia đình được hưởng sự giáo dục tốt, họ có khả năng và am hiểu tốt hơn và cách
thức tận dụng các dịch vụ giáo dục. Về bản chất, vốn nhân lực được truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác. Trong gia đình học vấn của cha mẹ có vai trò đặc biệt
quan trọng khi những người mẹ có trình độ học vấn cao, con cái của họ có xác suất
đến trường cao hơn, những bà mẹ có học vấn cao làm tăng nguồn vốn con người
thông qua ảnh hưởng của họ đối với học vấn của con cái (Trần Quý Long, 2013,
tr. 31).
Những cuộc điều tra mức sống dân cư cho thấy, trẻ em
trong những gia đình có mức sống cao hơn có tỉ lệ nhập học nhiều hơn. Trong nền
kinh tế thị trường, giáo dục dường như trở nên một khoản đầu tư có giá trị nhiều
hơn trong nền kinh tế kế hoạch tập trung. Hoàn toàn có khả năng xẩy ra là việc
các gia đình nghèo tận dụng sức lao động của con em mình, do vậy có thể bắt
thôi học hay cắt giảm kinh phí học hành của con cái. Trong những hoàn cảnh và mức
sống khác nhau lại làm cho những bất bình đẳng về mặt xã hội tăng lên gấp bội.
Việc tiếp tục theo học những bậc cao hơn ngày càng không phụ thuộc vào chính kết
quả học tập mà phụ thuộc vào điều kiện tài chính của cha mẹ. Các cấp sau tiểu học
là những cấp mang tính chất phân biệt về mặt xã hội nhiều nhất (Nolwen Henaff
và Jean Yves Martin, 2001).
7. KẾT LUẬN
Mỗi gia đình là một tiểu văn hóa khác nhau và là đơn vị
cơ bản của sản xuất và tiêu dùng, nhận thức của cha mẹ, các quyết định hoặc
hành vi về giáo dục đều được thực hiện trong gia đình. Sự tham gia của các bậc
bố mẹ vào việc duy trì học vấn của thanh thiếu niên được thể hiện qua những mối
quan tâm, nâng cao nhu cầu đi học và tinh thần trách nhiệm đối với việc tích
lũy học vấn cho con cái. Bất bình đẳng xã hội và giới về cơ hội giáo dục nằm trong
nguồn lực gia đình.
Do ảnh hưởng của khuôn mẫu giới, bất bình đẳng về giới
được thể hiện ở các nhóm cơ cấu xã hội là khác nhau khi phân tích mong muốn của
cha mẹ cho con cái đạt được trình độ học vấn nhất định, cũng như sự quan tâm của
cha mẹ đối với việc học hành của con cái thì dù ở nhóm xã hội nào sự thiên vị
cho con trai cao hơn con gái không có sự chênh lệch đáng kể so với các vùng
khác trong cả nước, nhất là vùng người Việt ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Đây là một sự
khác biệt giới ở ĐBSCL, nơi mà truyền thống bình đẳng xã hội nói chung và bình
đẳng giới nói riêng thể hiện rõ trong nhận thức, ứng xử và tâm lý của người
dân. Như vậy, bất bình đẳng giới về cơ hội giáo dục không có sự tương thích với
trình độ học vấn chung của cư dân, khác với các quan niệm thông thường là, bất
bình đẳng giới càng thu hẹp khi trình độ học vấn của cư dân ngày càng cao.
Từ những kết quả phân tích cơ hội về giáo dục của học
sinh vùng ĐBSCL trong mối tương quan với các nhóm cơ cấu xã hội có thể rút ra kết
luận rằng: những yếu tố mang tính cơ cấu
xã hội như nhóm nghề nghiệp, lứa tuổi, trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng
rất lớn đến trình độ nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục chứ không tác động
nhiều lắm đến khả năng cho con ăn học. Có mối quan hệ tuyến tính giữa lứa tuổi
cha mẹ càng trẻ, học vấn cao, những nghề nghiệp mang lại thu nhập cao và đời sống
kinh tế gia đình khá giả thì cha mẹ càng quan tâm đến việc học tập của con cái,
chất lượng giáo dục và trình độ học vấn của con cái cũng cao hơn và ngược lại.
Tuy nhiên, các quyết định trong khả năng đảm bảo chất lượng và trình độ học vấn
của con cái trong gia đình, trước hết và quan trọng hơn cả là yếu tố kinh tế.
Kinh tế gia đình càng khá giả thì điều kiện học hành và trình độ học vấn đạt được
qua giáo dục của con cái càng cao và ngược lại. Chính sự phân hóa giàu nghèo
trong xã hội đã tác động rất lớn đến cơ hội được giáo dục của thế hệ trẻ.
Con em được học hành đến nơi đến chốn hay không trong bối cảnh kinh tế thị trường
khi mà phân tầng xã hội kéo theo sự phân tầng trong giáo dục thì nguồn lực kinh
tế gia đình là yếu tố có ảnh hưởng mang tính quyết định khi chi phí cho giáo dục
ngày càng gia tăng. Vì vậy, căn cứ vào nguồn lực kinh tế gia đình, người dân đã
có sự tính toán duy lý khi quyết định cho con học đến đâu, nghỉ học giữa chừng
hay học tiếp. Đây là sự tính toán rất thiết thực khác với sự mong đợi có được.
Việc đầu tư ngắn hạn hay dài hạn cho việc học hành của con em phụ thuộc vào điều
kiện kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, chứ không phụ thuộc vào kỳ vọng đạt
được của cha mẹ học sinh. Giải quyết sự bất bình đẳng xã hội nói chung và bất
bình đẳng trong cơ hội giáo dục nói riêng nhà nước và các tổ chức xã hội phải
hướng tới sự ưu tiên cho người nghèo và trẻ em nghèo về các nguồn lực để họ có
cơ may đạt được sự mong đợi, được thăng tiến trong cuộc sống. Đây cũng là vấn đề
đáng được quan tâm đối với các nhà lập chính sách giáo dục ở ĐBSCL và cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.The World Bank (2009). Measuring
Inequality of Opportunities in Latin America and the Caribbean. Coferences
Edition. Latin American Development Forum.
2. Chủ nhiệm GS
Nguyễn Ngọc Giao a (1996). Báo cáo tổng hợp đề tài: Khảo sát toàn diện đặc điểm
và dự báo nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của ĐBSCL đến đầu thế kỷ XXI trong
góc độ liên quan đến giáo dục.
3. Chủ nhiệm GS
Nguyễn Ngọc Giao b (1996). Báo cáo tổng hợp điều tra xã hội học. Mối quan hệ giữa
hiện tượng phân tầng xã hội và sự nghiệp giáo dục đào tạo ở vùng ĐBSCL.
4. Trần Hữu Quang
(2008).Từ gia đình đến nhà giáo: Những vấn đề kinh tế-xã hội trong nền giáo dục
phổ thông (Phúc trình kết quả cuộc khảo sát tháng 11-12/2007).
5.Trần Thị Vân Anh
– Nguyễn Hữu Minh (chủ biên) (2008). Bình đẳng giới ở Việt Nam (phân tích số liệu
điều tra), Nxb. KHXH.
6.Lê Thúy Hằng ( 2004). Khác biệt giới trong việc đầu
tư cho con cái học hành. Tạp chí xã hội học số 2.
7. Hà Thúc Dũng, Nguyễn Ngọc Anh (2012). Định hướng học
tập và nghề nghiệp cho con cái của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí KHXH
số 7(167)
8. Trần Quý Long (2013). Các yếu tố gia đình ảnh hưởng
đến tuổi thôi học của thanh thiếu niên Việt Nam. Nghiên cứu gia đình và giới số
2-2013, tr. 30
9.Giáo dục Việt Nam (2011): Phân tích các chỉ số chủ yếu.
10. Báo cáo công tác khuyến học năm (2014). Hội khuyến
học xã Vĩnh Trinh.
11. Nolwen Henaff và Jean Yves Martin (2001). Lao động,
việc làm và nguồn nhân lực ở Việt nam 15 năm Đổi mới. Nxb. Thế giới.
12. Trần Thị Tường Vy, ( 2011). Vai trò của cha mẹ
trong việc định hướng nghề nghiệp con cái. LV Thạc sĩ Xã hội học.
13. Nguyễn Thị Thanh Hương, (2011). Vấn đề bất bình đẳng
trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Tạp chí KHXH, số 9/157.
PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG GIA ĐÌNH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – TỪ
GÓC NHÌN GIỚI
TS. Trần Hạnh Minh Phương
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Phân công lao động
theo giới không phải là vấn đề mới đối với những nhà nghiên cứu xã hội. Tuy
nhiên, phần lớn những đề tài xã hội học có khuynh hướng xem xét sự phân công
lao động theo giới dựa trên hai loại
công việc: tạo ra thu nhập và không tạo ra thu nhập để kết luận xã hội Việt Nam
vẫn còn có sự bất bình đẳng về giới. Bài viết này của chúng tôi sử dụng kết quả
của đề tài nghiên cứu “Phân công lao động theo giới dưới góc nhìn của nhân học
văn hóa” đã cho thấy: Sự
phân công lao động theo giới trong gia đình ở ĐBSCL không mang tính chất bất
bình đẳng giới mà là sự phân công theo năng lực của giới. Người đàn ông là những
người có sức khỏe, là người nắm các kỹ thuật sản xuất đảm trách công việc tạo
nên nguồn thu nhập cho gia đình từ nghề nông, nghề nuôi tôm, nuôi bò, làm thuê
nông nghiệp, làm nghề mộc, làm các công việc nặng nhọc: Chở đất, gánh cá và
giao cá thuê. Người phụ nữ chia sẻ gánh nặng kinh tế với người chồng bằng những
công việc nhẹ nhàng hơn, phù hợp với giới nữ: nghề may, nuôi lươn, nuôi heo,
buôn bán nhỏ tại nhà để đảm trách công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Sự
phân công lao động hợp lý ấy nhằm đảm bảo sự phát triển của gia đình.
Xã hội loài người, từ xa xưa, do những đặc điểm sinh học
khác nhau giữa cơ thể đàn ông và phụ nữ đã có sự phân công lao động theo giới,
đàn ông săn bắn, phụ nữ hái lượm và chăm sóc con cái nhưng sự phân công lao động
theo giới trong xã hội hiện đại không chỉ xuất phát từ nguồn gốc sinh học mà
còn chịu sự chi phối của những yếu tố khác: văn hóa, trình độ học vấn, địa bàn
cư trú, bối cảnh xã hội. Sự phân công lao động theo giới trong gia đình phần
nào phản ánh phương thức sinh kế và sự san sẻ trách nhiệm giữa các thành viên
trong gia đình. Nghiên cứu sự phân công lao động theo giới cho biết vai trò giới
trong gia đình và xã hội.
Bài viết này sử dụng kết quả khảo sát bản câu hỏi 320
hộ gia đình[196],
thông tin định tính của 60 cuộc phỏng vấn sâu và 10 cuộc thảo luận nhóm ở bốn
xã: xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), xã Kiến An (huyện Chợ Mới, tỉnh
An Giang), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ) và xã Tân Hưng Đông
(huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), nhằm trả lời hai câu hỏi nghiên cứu: Sự phân
công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) hiện nay diễn ra như thế nào và sự phân công đó có thể hiện sự bất bình
đẳng giới không?
1. ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ ĐẶC ĐIỂM MẪU KHẢO SÁT
1.1. Địa bàn nghiên cứu
Bốn địa bàn nghiên cứu thuộc
bốn tỉnh (Long An, An Giang, Cần Thơ và Cà Mau) của đồng bằng sông Cửu Long đại
diện cho bốn hình thức sản xuất: lúa hai vụ ở vùng ngập mặn Đồng Tháp Mười (xã Khánh Hưng), lúa và hoa màu vùng đất
phù sa ngọt (xã Kiến An), lúa cao sản ba
vụ vùng đất
phù sa ngọt vùng nằm giữa sông Tiền và sông Hậu (xã Vĩnh Trinh) và nuôi trồng thủy sản bán đảo Cà Mau (xã Tân Hưng Đông). Việc chúng tôi chủ đích chọn bốn mô hình này là
nhằm tìm ra lời giải đáp cho giả thuyết nghiên cứu sự phân công lao động trong gia đình ở ĐBSCL ngày nay không chỉ đơn
thuần dựa trên hai loại lao động: tạo ra thu nhập và tái sản xuất sức lao động
mà còn tùy vào phương thức sinh kế của từng hộ gia đình và cộng đồng trong quá
trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
1.2. Đặc điểm mẫu khảo sát
Dung lượng mẫu khảo sát là 320 hộ gia đình có đủ vợ chồng
và con cái, trong 320 người trả lời có 119 nam và 201 nữ, người lớn tuổi nhất
sinh năm 1945 và người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1992. Phân theo nhóm tuổi có tỷ lệ
như sau: Dưới 30 tuổi chiếm 10,6%, từ 31-49 tuổi chiếm 65,3% và trên 50 tuổi có
24,1%. Trình độ học vấn tương đối thấp: Mù chữ 11,6%, cấp I: 41,6%, cấp II:
36,6%, cấp III: 7,2% và trung cấp, cao đẳng, đại học: 3,1 %. Phần lớn các hộ
dân theo Phật giáo Hòa Hảo (43,8%) và không theo tôn giáo (34,1%), Phật giáo
(15,6%), số hộ theo Công giáo (2,2%) và Cao đài (4,4,%) không đáng kể. Nghề
nghiệp chính là trồng trọt (29,4%), làm thuê nông nghiệp (15,9%), buôn bán và dịch
vụ (15%), trong khi viên chức chỉ chiếm 4,4%, chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp
chỉ chiếm 1,9%. Trung bình tổng số
người trong hộ gia đình là 4 người, gồm 2 thế hệ, số người trong độ tuổi lao động
nam là 1 và số người lao động nữ cũng là 1. Những hộ được hỏi đa số đánh giá về
mức sống của gia đình mình là trung bình (51,6%), số hộ có mức sống nghèo chiếm
27,5%, khá giả chiếm 18,8%, rất nghèo là 9%, chỉ có 1,3% hộ giàu. Nguyên nhân
nghèo là gia đình không có đất sản xuất (33,3%), gia đình có người ốm đau, bệnh
tật (28,9%), vợ không có thu nhập ổn định (22,2%), chồng không có thu nhập ổn định
(12,2).
Nhìn chung, 320 hộ
chúng tôi khảo sát chủ yếu sống bằng nghề nông, làm thuê nông nghiệp, dịch vụ
và buôn bán.
2. PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG THEO GIỚI TRONG GIA ĐÌNH
2.1. Lao động tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình
Hầu hết các công trình nghiên cứu về phân công lao động theo giới trong gia đình
tập trung phân tích sự phân công giữa vợ và chồng theo hai vai trò: người chồng
– người tạo ra thu nhập để duy trì cơ sở xã hội và sự toàn vẹn về vật chất của
gia đình bằng cách cung cấp lương thực, nơi ở và là cầu nối gia đình với thế giới
bên ngoài. Người vợ - người mẹ thực hiện vai trò tình cảm, nuôi dưỡng có chất
lượng để duy trì đời sống gia đình và đảm bảo cho gia đình vận hành một cách
trôi chảy …( Mai Huy Bích, 2011)[197].
Các nhà nghiên cứu thường chia lao động gia đình làm hai loại: Một loại gồm những
hoạt động kinh tế tạo ra sản phẩm hàng hóa hay thu nhập. Một loại lao động gồm
những công việc không trực tiếp tạo ra hàng hóa[198].
Theo chúng tôi, việc
khảo sát phân công lao động theo giới chỉ dựa theo cách phân loại hai công việc
như trên là chưa đủ mà phải xem xét cả phương thức sinh kế của gia đình đó[199].
Gia đình thuần nông sẽ có sự phân công lao động giữa vợ và chồng khác với gia
đình chuyên sống bằng nghề buôn bán, và cũng khác với những hộ chuyên chăn nuôi
hay làm thuê nông nghiệp (có máy móc và không có máy móc), làm các dịch vụ
chuyên chở hay tiểu thủ công nghiệp. Điều này giúp chúng ta tránh được lối mòn
của lập luận chồng thường là người tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình,
không làm việc nội trợ. Vợ là người ở nhà làm việc nội trợ và phụ thuộc chồng.
Từ đó kết luận cho rằng mối quan hệ giữa nam và nữ hay giữa vợ và chồng trong
gia đình là quan hệ bất bình đẳng giới.
Theo kết quả khảo
sát, sinh kế của nông hộ ĐBSCL có năm nhóm nghề: (1) Canh tác nông nghiệp (trồng
lúa và rau màu); (2) chăn nuôi (heo, lươn, bò, vịt, dê, tôm); (3) làm thuê nông
nghiệp (có máy móc và không máy móc); (4) làm thuê phi nông nghiệp (bốc vác
lúa, gánh cá, làm công nhân); (4) các dịch vụ (chạy xe ôm, chở đất bán làm bồn
nuôi lươn), buôn bán (bán thực phẩm, tạp hóa, vật tư nông nghiệp, rau màu, mua
bán gạo), chuyên chở (xà lan chở lúa, vật tư xây dựng), tiểu thủ công (nghề mộc,
nghề may, làm nhang). Tùy theo sinh kế của từng gia đình, người chồng và người
vợ sẽ có sự phân công lao động hợp lý để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của
gia đình, và chăm sóc, nuôi dạy con cái, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của
gia đình.
2.1.1. Những gia
đình canh tác nông nghiệp: trồng lúa và rau màu
Hình ảnh “chồng
cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” của cánh đồng nông nghiệp truyền thống đã vắng
bóng ở ĐBSCL. Hai khâu đòi hỏi nhiều nhân công lao động nhất trong canh tác lúa
nước là làm đất và thu hoạch đã có máy xới, máy cày và máy gặt đập liên hợp
thay thế sức lao động của con người, nên sự phân công lao động trong gia đình
đã thay đổi theo. Người vợ không phải cùng chồng ra đồng như trước đây mà phần
lớn công việc trồng lúa do người chồng đảm nhiệm. Kết quả nghiên cứu thực địa của
chúng tôi tương đồng với một số nhận định trước đó.
Theo Trần Hữu
Quang, tại 3 xã Nam Bộ (An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu) nam giới tham gia
phần lớn các khâu sản xuất nông nghiệp (60-90% hộ gia đình sản xuất nông nghiệp)
và nữ ít tham gia sản xuất nông nghiệp (37-46% hộ gia đình)[200],
và kết quả khảo sát của chúng tôi khá tương đồng với kết luận của Trần Hữu
Quang.
Đối với những gia
đình canh tác cây lúa, phần lớn các khâu: Làm đất, chăm sóc cây trồng, rải
phân, phun thuốc, thu hoạch, đi vay vốn, mua giống và vật tư đều do người chồng
thực hiện. Người vợ thường chỉ làm các việc nhổ cỏ, mua bán sản phẩm, hoặc thậm
chí không làm mà thuê mướn nhân công nếu gia đình đó canh tác diện tích lớn.
Bảng 1. Phân công lao động theo giới
trong sản xuất hộ nông nghiệp
Đơn vị tính %
Công việc |
|
|
Lao
động nam trong gia đình |
Lao
động nữ trong gia đình |
|
Làm đất |
55% |
17,5% |
Gieo cấy |
75,4 |
40,2% |
Chăm sóc cây trồng |
92% |
40% |
Rải phân, phun
thuốc |
83,2 |
11,9% |
Thu hoạch |
40,8 |
22% |
Đi vay vốn |
56,2% |
15,4% |
Bán sản phẩm |
77,2 |
51,5% |
Mua giống, vật
tư nông nghiệp |
86,2% |
20% |
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài năm 2014.
Công nghiệp
hóa nông nghiệp với việc sử dụng máy móc và những tiến bộ trong kỹ thuật canh
tác nông nghiệp đã giúp người nông dân nhàn rỗi hơn trên thửa ruộng của mình. Số
giờ công lao động trực tiếp trên đồng ruộng giảm đi rất nhiều, không cần toàn bộ
nhân công trong gia đình tham gia. Thông thường, người chồng chịu trách nhiệm
chính trong sản xuất nông nghiệp, người vợ chăm sóc con cái hay chuyển sang làm
các nghề phụ khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Trường hợp gia đình bà L.T.C.H (sinh năm 1973, ở ấp
Phú Thượng 1) có bốn người: hai vợ chồng và hai con trai. Con trai lớn đang học
Cao đẳng cơ khí. Gia đình có 17 ha ruộng, 4 máy xới và 2 máy gặt đập liên hợp.
Gia đình bà H có sự phân công lao động như sau: Con trai lớn đi học xa nhà, nên
chỉ còn 3 người đảm trách những công việc của gia đình. Bà H. chịu trách nhiệm
nấu cơm cho chồng con, những người làm công và coi sóc nhà cửa. Chồng bà đảm
nhiệm việc sản xuất 17 ha diện tích lúa (nhưng thật ra chỉ là quản lý, không trực
tiếp lao động, tất cả đều thuê mướn nhân công và sử dụng máy móc thay thế con
người). Con trai bà trực tiếp lái một máy gặt đập liên hợp và quản lý các máy
còn lại.
Gia đình ông Đ.V. C (sinh năm 1959, ấp Vĩnh Long) hay
ông B.V.B (sinh năm 1959, ấp Vĩnh Phụng), trước đây khi chưa có máy móc và gia
đình còn khó khăn, hai vợ chồng đều cùng làm nông “lấy công làm lời” để đảm bảo
nguồn kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay đã có máy móc, giá thuê mướn
máy rẻ hơn lao động thủ công, các con đã đi làm, kinh tế gia đình khá giả hơn,
chỉ mình ông chịu trách nhiệm quản lý việc làm ruộng, còn vợ ông không tham gia
vào việc sản xuất nông nghiệp.
Đối với xã Khánh Hưng, một xã kinh tế mới, mô hình chồng
đi lên vùng kinh tế mới khai khẩn đất hoang trồng lúa, tạo thu nhập cho gia
đình, vợ ở lại quê nhà Khánh Hậu để giữ gìn hương khói tổ tiên, nuôi dưỡng con
cái khá phổ biến. Ông L.V.B kể về trường hợp gia đình ông: Ông đã lên vùng kinh
tế mới Khánh Hưng từ năm 1988 khi ông còn độc thân, sau khi lập gia đình, lúc
chưa có con, vợ ông cùng ở với ông tại đây. Nhưng khi có con từ năm 2000, ông
quyết định cất nhà ở Khánh Hậu, để vợ và các con ông sống ở đây thuận lợi cho
việc học của các con ông vì ông cho rằng học ở thị tứ tốt hơn ở vùng xa vùng
sâu Khánh Hưng này. Công việc canh tác hơn 2 ha đất đều mình ông đảm trách, thỉnh
thoàng vợ ông mới lên phụ ông cấy dặm. Ông muốn vợ ông ở Khánh Hậu để lo cho
con học hành có như thế ông mới yên tâm, toàn tâm toàn ý lo việc sản xuất. Đó
cũng là một cách phân công lao động hợp lý, vừa đảm bào cho sự phát triển kinh
tế của gia đình trong hiện tại, vừa đảm bảo sự đầu tư cho giáo dục phát triển
cho tương lai của con cái.
N.C.T (sinh năm 1983, xã Khánh Hưng) mô tả sự phân
công lao động giữa nam và nữ trong một mùa vụ lúa: “Đàn ông làm đất, xong sạ
lúa xuống, từ lúc này đến 20 ngày là giai đoạn người đàn ông chịu trách nhiệm.
Từ 20 đến 26 ngày, phụ nữ cấy dặm. Sau ngày thứ 26 là công việc đi thăm đồng,
theo dõi sâu bệnh của lúa là trở lại công việc của người đàn ông và cho đến khi thu hoạch
lúa cũng chỉ cần đàn ông ra đồng. Như vậy một người đàn ông có thể làm 3 ha ruộng.
Không có nhiều việc cho phụ nữ”.
Ông H.V.C (ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng) nói “ở những xã
thôn quê vùng sâu vùng xa này không có việc khác ngoài nghề nông. Mà làm ruộng
thì do đàn ông làm cả, không có việc cho đàn bà. Đàn bà chỉ ở nhà làm nội trợ
thôi”
Tôi đã theo K.- một người
vác lúa thuê ra đồng (ấp Vĩnh Long) và thấy rằng đúng như lời của những thông
tín viên cung cấp, trên cánh đồng lúa lúc thu hoạch chỉ có đàn ông. Đàn ông lái
máy gặt đập liên hợp và những người theo máy hứng lúa, vác lúa đưa lên bờ mẫu,
lên ghe cũng đều là đàn ông. Người phụ nữ chỉ có mặt khi thương lái cân lúa. Một
người nông dân đã nói “ngày xưa khi thu hoạch lúa còn thấy có người phụ nữ trên
đồng ruộng vì họ đảm nhận khâu cắt lúa nhưng hiện nay máy gặt đập liên hợp làm
hết, người phụ nữ không còn phải cắt lúa, thì họ ra đồng để làm gì nữa”.
Như vậy, kết quả khảo sát bản câu hỏi định lượng và
thông tin định tính từ những cuộc phỏng vấn sâu đều cho thấy trong những gia
đình làm ruộng (trên đất của gia đình sở hữu hay đất thuê) người chồng là lao động
chính. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nam giới giỏi kỹ thuật nông nghiệp
hơn nữ giới nên phải gánh trách nhiệm đó. Đối với những gia đình góa chồng, người
phụ nữ vẫn có thể làm ruộng đạt năng suất cao như nam giới.
Kết quả nghiên cứu về sự phân công lao động giữa chồng
và vợ trong việc sản xuất nông nghiệp ở Bắc Bộ ngược với kết luận trên của
chúng tôi. Theo Vũ Mạnh Lợi, tại xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và xã
Quảng Bi và xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nữ giới tham gia các khâu công
việc của nghề nông nhiều hơn hẳn so với nam giới[201].
Sự
phân lao động sản xuất nông nghiệp theo giới trong gia đình Nam Bộ hoàn toàn
khác với sự phân công này trong gia đình Bắc Bộ. Ở Nam Bộ sản xuất nông nghiệp
đã công nghiệp hóa, sử dụng các loại máy
cày, xới đất, máy bơm nước, máy gặt, máy xay xát…. Do điều kiện thuận lợi về khí
hậu và đất đai nên canh tác nông nghiệp đơn giản hơn, các công việc như cấy
lúa, làm cỏ, cắt lúa ít phải làm. Những công việc này thích hợp với phụ nữ thì
lại không cần nhiều lao động. Trong khi ở Nam Bộ, phần lớn các khâu công việc trong sản xuất
lúa vì sử dụng máy móc nông nghiệp nên do người chồng gánh vác thì ở Bắc Bộ
những công việc này chủ yếu do người vợ thực hiện. Chúng ta không thể chỉ dựa
trên tỷ lệ làm nhiều hay làm ít của chồng và vợ đối với việc sản xuất lúa như
một chỉ báo của sự bình đẳng hay bất bình đẳng, mà cần phải xem xét những chỉ
báo khác.
Khác với canh tác lúa nước, canh tác rau màu cần nhiều
nhân công để gieo trồng, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch nên người vợ,
người chồng, kể cả con trai hay con gái (nếu không đi học hoặc đi làm) đều tham
gia, tùy theo giới nam hay nữ sẽ làm việc nhẹ hay việc nặng. Khi chuẩn bị xuống
giống, chồng làm đất, vít đất, lên liếp, vợ làm sạch cỏ, gieo hạt. Trong thời
gian cây sinh trường cả vợ và chồng đều tham gia tưới tiêu, chồng xịt thuốc diệt
cỏ, phòng ngừa sâu bệnh, bón phân, vợ nhổ cỏ. Nếu như canh tác lúa, khâu thu hoạch
có máy gặt đập liên hợp thay thế cho con người nhưng đối với hoa màu hiện vẫn
được thu hoạch bằng tay, phụ nữ cùng chia sẻ công việc này với nam giới vì họ
khéo léo và cần mẫn hơn. Và người vợ cũng là người tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm.
Vòng xoay mỗi vụ trồng bắp, hành, bắp cải, rau thơm, khổ qua… hơn 60 ngày, có
những loại như ớt, cà, mướp, bí, bầu… thời gian thu hoạch kéo dài, người phụ nữ
trong gia đình sẽ chịu trách nhiệm công việc thu hoạch. Lúc đó, người chồng sẽ
tiếp tục cày xới chuẩn bị xuống giống ở khu đất khác hoặc đi làm công việc khác
để tăng thu nhập cho gia đình.
Gia đình ông N.H.S (ấp Phú Thượng 1) chủ yếu sống bằng
nguồn thu nhập từ hơn ba công đất trồng rau màu nên gia đình không thuê mướn
nhân công hay máy móc mà “lấy công làm lời” vì thế ông và vợ ông rất bận rộn
(con trai đang đi học). Ông chịu trách nhiệm khâu cuốc đất lên luống, vít đất tạo
rãnh nước tưới cây, bón phân, xịt thuốc, và phụ vợ thu hoạch (nhổ cải, nhổ
hành, cắt rau… ). Vợ ông thu hoạch, đi tìm người mua sản phẩm. Thỉnh thoảng, vợ
ông cũng mang sản phảm ra chợ bán. Ông cho rằng trồng rau màu vất vả hơn trồng
lúa, không có thời gian rảnh rỗi như trồng lúa nhưng với 3 công đất nếu trồng
lúa gia đình không đủ sống nên ông quyết định trồng rau màu. Ông nói vợ ông cực
hơn vợ của những người bạn trồng lúa của ông (N.H.S, ngày 26-08-2014, ấp Phú
Thượng 1)
2.1.2. Những gia đình chăn nuôi
Tùy theo vật nuôi mà gia đình sẽ có sự phân lao động
khác nhau. Đối với gia đình nuôi lươn, nuôi heo thường do phụ nữ chịu trách nhiệm
chính, nhưng gia đình nuôi tôm, nuôi bò, nuôi dê thì chồng đảm nhiệm chính. Tuy
nhiên, sự phân công này cũng rất linh động. Trong trường hợp vợ ốm hay đi xa
thăm họ hàng, dự tiệc hiếu, hỷ thì chồng có thể làm thay và ngược lại.
Trong những hộ nuôi tôm quảng canh ở ấp Đông Hưng, xã
Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), người chồng là lao động chính vì
nghề nuôi tôm là lao động cực nhọc (đào ao), đòi hỏi kỹ thuật cao (kỹ thuật
chăm sóc tôm), ao nuôi thường ở xa nhà nên phải ngủ qua đêm để canh giữ nên phụ
nữ không thể đảm nhiệm. Theo Ngô Thị Phương Lan “Đối với nghề nuôi tôm, nam giới trở thành lao động chính
vì công việc này đòi hỏi nhiều thời gian lao động dưới nước, các kỹ thuật và kiến
thức phức tạp, công việc lao động nặng nhọc như sên vét ao vuông, chạy máy bơm,
canh và chăm sóc tôm vào ban đêm. Ở các vùng nuôi tôm, đàn ông thường phải ngủ
đêm ở các chòi canh tôm để canh tôm, chăm sóc hay cho tôm ăn cho đến lúc thu hoạch”[202]
Ông N.V.B (ấp Đông
Hưng) trước đây chịu trách nhiệm chính trong việc canh tác lúa, từ năm 2005
chuyển sang nuôi tôm cũng mình ông làm “thỉnh thoảng vợ cũng phụ cho tôm ăn”.
Ông B đã tham gia học lớp kỹ thuật nuôi tôm, trực tiếp theo dõi con tôm. Theo
ông công việc này khá vất vả nên đàn ông phải gánh vác.
Gia đình ông V. (sinh
năm 1984) có ba thành viên, hiện có hai vuông (diện tích 2000 m2)
nuôi tôm sú cũng có sự phân công lao động giống gia đình ông B.. Ông đảm nhiệm
việc nuôi tôm, khi rảnh rỗi còn đi phụ hồ để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia
đình để “vợ ở nhà làm nội trợ: Giặt giũ, quét dọn nhà cửa, quản lý tiền bạc, nấu
cơm nước cho gia đình)”.
Vấn đề kiêng kỵ trong các hộ nuôi trồng thủy hải sản, nhất là
hộ nuôi tôm, sò huyết, cua theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, họ phải
đầu tư một khoản chi phí khá lớn, lên tới tiền tỉ cho việc nuôi trồng nên việc
kiêng kỵ vẫn thường diễn ra trong gia đình góp phần tạo ra sự phân công lao động
về giới. Phổ biến nhất những kiêng kỵ này là không cho phụ nữ ra nơi chăn nuôi
tôm, sò. Người ta tin rằng, phụ nữ trong những ngày có kinh nguyệt khi ra thăm
vuông tôm hoặc vuông sò huyết thì tôm và sò sẽ chết. Và để chắc ăn, người ta cấm
phụ nữ ra thăm vuông tôm, sò và tham gia các việc nuôi trồng liên quan. Ngay cả
việc nuôi cá da trơn ( cá tra, ba sa) theo quan sát của chúng tôi thấy rất ít
phụ nữ tham gia.
Tính chất của công việc
nuôi lươn khác với việc nuôi tôm, vì lươn thường nuôi ở cạnh nhà, công việc
nuôi lươn cũng không phức tạp, phụ nữ thường đảm nhiệm việc cho lươn ăn. Đàn
ông thường làm công việc bắt ốc để làm thức ăn cho lươn (nếu đàn ông không làm
công việc này thì gia đình sẽ phải mua ốc). Tại địa bàn chúng tôi khảo sát những
hộ nuôi lươn tập trung dọc theo rạch Ngã Chùa (ngăn cách hai ấp Vĩnh Long và
Vĩnh Phụng ở hai bên bờ) vì các hộ này tận dụng nguồn nước ra vô của con rạch để
thay nước bồn lươn.
Trường hợp hộ bà
P.T.L (sinh năm 1953) ở ấp Vĩnh Long đã nuôi lươn từ năm 2010. Công việc nuôi
lươn trong gia đình bà P.T.L được phân công như sau: chồng bà chịu trách nhiệm
đi bắt ốc bươu vàng để về làm mồi cho lươn (giảm chi phí thức ăn công nghiệp),
bà ở nhà luộc ốc, lấy phần thịt ốc ra khỏi vỏ, cho vào cối xay (loại cối giống cối xay thịt loại lớn),
trộn ốc đã được xay với thức ăn mua sẵn theo tỷ lệ 50 - 50, thuốc bổ, men tiêu
hóa loại dành cho cá. Ngoài việc làm thức ăn cho lươn bà P.T.L còn thay nước bồn
và cho lươn ăn. Theo bà công việc nuôi lươn nhẹ nhàng, phù hợp cho người lớn tuổi
khi không còn sức ra đồng có thể kiếm thêm thu nhập bằng nghề này.
Gia
đình ông D.V.T nuôi 20 con heo thịt. Công việc nuôi heo này chủ yếu do vợ ông
T. gánh vác vì vợ ông không đi làm, trong khi ông là công chức nhà nước (công
an viên của xã). Tuy nhiên, sau giờ làm ông cũng tắm heo và cho heo ăn. Gần đây
ông đã xin chuyển công tác về ấp, không phải đến cơ quan nên ông tham gia nhiều
hơn vào công việc nuôi heo. Tuy nhiên, ông nói với chúng tôi việc ông tắm heo
hay cho heo ăn là ông làm giúp cho vợ chứ đó không phải là công việc của ông.
Ông giúp vợ ông trong việc nuôi heo theo nghĩa là ông thương vợ chứ không phải
đó cũng là công việc cùa ông và người vợ cũng hiểu như vậy.
Bà
T.T.B (sinh năm 1961, ấp Vĩnh Long) nuôi 20 con bò, nhà có trồng 7000 m2 cỏ gạo
nhưng không đủ cho bò ăn. Hàng ngày, từ 7 giờ sáng hai vợ chồng đi cắt cỏ mọc
hoang ở xung quanh để có đủ cỏ cho bò ăn. Bà B. nói thường cùng chồng cắt cỏ đến hơn 10 giờ rồi vào nhà
nấu cơm, chồng bà tiếp tục cắt đến gần 12 giờ. Ăn cơm trưa xong, buổi chiều chỉ mình chồng bà đi cắt cỏ, bà ở nhà tắm bò
và cho bò ăn.
Hộ
ông N.V.K (sinh năm 1953, ấp Hòa Hạ) nuôi 6 con bò. Việc chăm sóc 6 con bò đều
do con trai ông K. chịu trách nhiệm. Công việc
này trước đây do ông làm nhưng hiện nay ông đã già yếu nên con trai ông
làm thay. Tuy nhiên, việc đi mua bò thì ông vẫn đảm trách vì phải có kinh nghiệm
mới chọn được những con bò giống tốt (bò có xương to, vóc cao), nuôi mau lớn,
khỏe mạnh. Và theo ông, trong gia đình chỉ đàn ông làm việc này, phụ nữ ít quan
tâm và cũng khó tiếp thu những kinh nghiệm này.
Ông
L.T. P (ấp Phú Thượng 1) nuôi 20 con dê. Ngoài thời gian đi làm thuê nông nghiệp, ông là người chịu trách nhiệm chính đi tìm
nguồn thức ăn cho dê. Theo ông, dê rất dễ ăn và ăn rất nhiều, ông thường cắt lá
mít, lá xoài, lá mận… với lượng lớn. Theo ông đây là việc nặng nhọc nên ông là
người chịu trách nhiệm chính. Khi ông có việc phải đi làm, vợ và con có thể
thay ông cho dê ăn chứ không thể đi cắt lá cây vì không vác về nhà nổi.
Đối
với kinh tế nông nghiệp hộ gia đình, phân công lạo động theo giới dựa vào tính
chất của công việc: nặng hay nhẹ, đòi hỏi
kỹ thuật hay không cần kỹ thuật, công việc ở tại nhà hay ở xa nhà, công việc cần
nhiều nhân công lao động thủ công hay máy móc thay thế lao động của con người.
Người chồng chịu trách nhiệm trong việc làm ruộng nhưng cả hai vợ chồng sẽ cùng
lao động trên mảnh đất trồng rau màu. Phụ nữ đảm trách việc nuôi lươn và nuôi
heo. Đàn ông chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi tôm, nuôi bò, nuôi dê. Tuy
nhiên, giữa hai vợ chồng cũng có sự chia sẻ công việc với nhau.
2.1.3. Lao động làm
thuê
2.1.3.1. Những gia
đình làm thuê nông nghiệp
Khác với những gia
đình có đất canh tác quy mô lớn, những hộ không có đất canh tác hoặc ít đất
canh tác, người ta chuyển nhượng đất hoặc cho các hộ khác thuê đất sống bằng
nghề làm thuê nông nghiệp. Theo tính toán của họ thì cho mướn đất được chủ trả
tiền mỗi ha 4 triệu đ/năm mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Vì đất ít kinh doanh không có lãi thậm chí là lỗ vốn. Những
gia đình này cả chồng và vợ đều làm thuê trên đồng ruộng cho các chủ đất khác.
Người chồng làm thuê các công việc: Trang đất cho mặt ruộng bằng phẳng, sạ lúa,
bón phân, xịt thuốc, vác lúa từ máy cắt ra bờ đê để đưa đi cân, lái máy cắt, hứng
lúa ở máy cắt, vít đất, lên luống trồng rau màu. Người vợ sẽ làm công việc dậm
lúa, nhỏ cỏ, cấy lúa hay khử lẫn (nhổ những cây lúa lai) cho những hộ trồng lúa
giống, công việc không có thường xuyên, trừ những người tham gia vào đội cấy.
Tuy nhiên, với những địa bàn chúng tôi khảo sát, chồng đi làm thuê nông nghiệp nhiều hơn vợ do
đàn ông có nhiều việc để làm hơn.
Gia đình ông L.V.P
(sinh năm 1975, ấp Vĩnh Phụng) không có đất, sống bằng nghề làm thuê nông nghiệp.
Ông là tổ trưởng tổ làm thuê nông nghiệp (số thành viên của tổ dao động từ 13 –
22 người) chỉ gồm đàn ông. Vì công việc của tổ, tức công việc của những người
đàn ông trong gia đình đi làm thuê là trang đất cho bằng, sạ lúa, sạ phân, xịt
thuốc, vác lúa khá vất vả và đòi hỏi sức dẻo dai. Vợ ông đi cắt lúa (trường hợp
lúa bị sập không thể cắt bằng máy), nhổ cỏ cho những hộ trồng rau màu, cấy lúa
hay khử lẫn cho những người trồng lúa giống.
2.1.3.2. Những gia
đình làm thuê phi nông nghiệp
Ở địa bàn chúng tôi khảo sát, công việc làm thuê phi nông
nghiệp thường là những công việc nặng nhọc đòi hỏi sức mạnh cơ bắp nên những
gia đình sống bằng những công việc này thường do nam giới gánh vác.
Giống ông L.V.T, ông V.V.V cũng nuôi sống gia đình bằng
nghề gánh cá thuê đã 11 năm. Theo ông V, nghề này rất nhọc nhằn, chỉ đàn ông mới
đủ sức làm. Người làm công việc này phải làm các khâu: bủa lưới, kéo – lùa cá –
giật lưới -> xúc cá vô chum -> gánh lên cân - > gánh xuống ghe. Mỗi ngày gánh cá, ông V kiếm được 200.000 đ,
đủ trang trải trong gia đình. Vợ ông V đi nhổ cải, hành; bó cải, bó hành thuê
(vùng này chuyên trồng rau màu), nhiều nhất mỗi ngày chỉ kiếm được trên 50.000
đ.
2.1.4. Đối với những
gia đình làm dịch vụ, buôn bán, chuyên chở và nghề thủ công
Đi đôi với nghề nuôi
lươn, ở ấp Vĩnh Phụng có khoảng 5 hộ chuyên nghề chở đất làm bồn nuôi lươn[203]. Công việc này nặng nhọc nên thường là do nam giới làm.
Ông B.C.D (sinh năm
1976, ấp Vĩnh Phụng) mua một chiếc ghe để chở đất cung cấp cho những hộ làm bồn
nuôi lươn hơn 4 năm. Công việc này rất vất vả và đòi hỏi sức mạnh cơ bắp nên vợ
ông không thể làm cùng ông. Ông hợp tác với bạn bè trong ấp tạo thành một tổ 10
người. Ông mô tả công việc chở đất bán: mua đất của những chủ ruộng với giá 6
triệu/ 1 công đất, quy ước đảo sâu xuống 35cm, mỗi công đất lấy được 70 ghe đất
cung cấp cho 70 bồn nuôi lươn với giá 1 triệu/ 1 ghe. Như vậy mỗi công đất trừ
tiền trả cho chủ đất, tiền mua ghe (do ông D xuất ra), tiền dầu chạy máy mỗi
người thu nhập được 150.000 đ/ 1 ngày. Đây là nguồn thu nhập tương đối ổn định.
Ông nói làm nghề này cũng phải có bí quyết nếu không sẽ không ai mua đất của
mình coi như thất nghiệp. Bí quyết đó là phải biết lựa đất tốt tức là đất thịt
mịn nếu đất màu vàng có chứa cát, làm lươn mất nhớt, chết. Phải đắp đất đẹp và
chở đúng hẹn. Với bí quyết này ghe của ông trong suốt bốn năm nay ngày nào cũng
có chở đất.
Gia đình nào có máy gặt
đập liên hợp thì người chồng sẽ là người quản lý, bảo trì máy, đưa máy đi thu
hoạch lúa thuê cho nông dân[204]. Để một chiếc máy vận hành tốt tạo ra nguồn thu nhập cao
cho gia đình, người chồng hay con trai phải là người am hiểu kỹ thuật để bảo
trì máy, sửa chữa khi máy bị hư. Người chồng cũng trực tiếp lái một máy và thuê
mướn nhân công làm công việc hứng lúa, lái remote đưa lúa lên bờ mẫu cho chủ ruộng.
Trong số những trường
hợp chúng tôi khảo sát có hai hộ đầu tư máy xới và máy gặt đập liên hợp. Hộ bà
L.T.C.H (ấp Phú Thượng 1) có 4 máy xới, 2 máy gặt đập liên hợp do chồng và con
trai làm, thuê mướn thêm nhân công. Chồng bà nhận điện thoại từ “cò” ở địa
phương để hợp đồng cắt lúa cho chủ ruộng, ông còn quản lý nhân công để điều máy
đi cắt, xới cho nông dân không chỉ trong tỉnh mà cả ở ngoài tỉnh. Con trai bà trực
tiếp lái một máy xới và sửa chữa khi máy bị hỏng. Phần bà chịu trách nhiệm quản
lý thu chi của công việc này: Ghi chép tiền công cắt, xới của những chủ ruộng
chưa thanh toán, trả tiền lương cho nhân công. Trường hợp gia đình bà N.T.H.L
và (ấp Phú Thượng 1) cũng tương tự như hộ bà H. có hai máy gặt đập liên hợp
cũng do một người con trực tiếp lái, bảo trì và sửa chữa máy. Chồng bà cũng làm
công việc giống như chồng H. Gia đình V.T.H có hai máy xới đất do hai con trai
trực tiếp làm.
Nếu gia đình sống bằng
nghề mua bán thì người vợ sẽ là người làm chính. Phụ nữ thường làm công việc:
bán thức ăn sáng, bán vé số, bán nước giải khát, bán tạp hóa, mua bán rau màu,
mua bán gạo. Chỉ bán xăng và vật tư nông nghiệp thường do người chồng đảm nhiệm.
Bà P.T.T.A (sinh năm
1967, ấp Hòa Hạ 1) và bà N.T.H (sinh năm 1969, Phú Thượng 1) làm nghề bán rau củ.
Do chồng làm nghề nông nên công việc buôn bán của hai bà không có sự giúp sức của
chồng. Theo họ đó cũng là điều bình thường, trong gia đình mỗi người một việc
miễn sao đem lại nguồn lợi cho gia đình. Khi cần thêm người phụ, họ có thể thuê
mướn nhân công: Những khâu chuyên chở hàng giao cho khách, thu hoạch rau củ ở
vườn của nông dân, đưa hàng về nhà. Giao dịch buôn bán là công việc nhẹ nhàng
nhưng phải nhạy với thị trường, ghi chép tỉ mỉ nợ của các bạn hàng...; chỉ phù
hợp với phụ nữ nên đàn ông thường không tham gia vào những công việc này của vợ.
Gia đình bà L.K.T
(sinh năm 1975) sống bằng làm nghề mua bán gạo. Bà có hai con gái đang đi học,
con lớn đang học lớp 11 và con nhỏ đang học lớp 2. Ông bà thường xuyên vắng
nhà, con gái lớn của bà lo cho con gái nhỏ (gần nhà có ông bà ngoại). Chồng bà
chịu trách nhiệm lái ghe, bảo dưỡng và sửa chữa ghe. Bà phụ trách việc liên hệ
với người bán lúa – nông dân, người mua gạo – công ty lương thực để cuộc trao đổi
diễn ra tốt đẹp đem lại lợi nhuận cao. Để biết được ai bán lúa, nhà máy nào
đang cần gạo gì, cần số lượng bao nhiêu, giá cả thế nào bà có hệ thống “chân rết”
(cò) tại địa bàn. Công việc này theo bà phải khéo léo, nhanh nhẹn nắm bắt được
tình hình lên xuống của giá gạo, loại gạo nào đang hút hàng nên chỉ thích hợp với
phụ nữ, chồng bà ít quan tâm đến việc này. Mỗi người đảm nhiệm một việc trong
cuộc mua bán gạo, nếu thiếu một trong hai người thì ghe không thể ra đi để mua
lúa – bán gạo. Nếu chồng hoặc vợ ốm ghe phải ở nhà.
Tuy nhiên, đối với những
hộ kinh doanh xăng dầu và vật tư nông nghiệp đàn ông sẽ đảm trách công việc này
là chính. Hộ T.V.T (sinh năm 1980, ấp Hòa Hạ 1) là vợ chồng trẻ mới ra riêng, bố
mẹ đầu tư cho một đại lý vật tư nông nghiệp tương đối đồ sộ ở mặt đường của ấp
Hòa Hạ 1. T. đã có kinh nghiệm về công việc này từ ngày còn sống chung với bố mẹ,
và để công việc thuận lợi hơn T đã tham gia các lớp kỹ thuật nông nghiệp do các
công ty tổ chức. Khi đã có kiến thức cơ bản về nghề nông, T có thể tư vấn cho
nông dân nên mua loại giống nào, phân bón nào, nên bón các loại phân theo tỷ lệ
như thế nào cho phù hợp với cây trồng, nên xịt thuốc nào, xịt liều lượng ra sao
và khi nào…Khi đã tạo được niềm tin cho nông dân, cửa hàng kinh doanh của T lúc
nào cũng tấp nập nông dân đến mua hạt giống, phân, thuốc trừ sâu. Và theo T,
công việc này phù với đàn ông hơn với phụ nữ nên T là người chịu trách nhiệm
chính trong việc bán hàng. T đã nói thao thao với chúng tôi về rất nhiều tên các
loại thuốc trừ sâu đang thịnh hành ở địa phương và những ưu điểm của nó. Đôi
khi T còn xuống đồng thăm lúa như nông dân để hiểu hơn về công hiệu của thuốc
trừ sâu.
Ở An Giang và Cần Thơ
có một số nghề thủ công phổ biến: Nghề làm nhang, nghề mộc, nghề làm quạt sấy
lúa, nghề chế máy tưới nước cho rau màu, nghề may. Trong đó phụ nữ thường làm
nghề may và se nhang, đàn ông thì làm mộc, làm nghề tiện, nghề hàn. Việc phân
chia ngành nghề này dựa ưu thế của giới. Phụ nữ thích hợp với những công việc tỉ
mỉ, nhẹ nhàng. Đàn ông có sức mạnh, có óc kỹ thuật làm những việc đỏi hỏi có kỹ
thuật.
Trên đây là kết quả của những
trường hợp chúng tôi phỏng vấn sâu. Kết quả khảo sát 320 phiếu điều tra bảng
câu hỏi hộ gia đình cũng cho kết quả tương tự, góp phần củng cố những nhận định
trên của chúng tôi. Kết quả thống kê cho thấy rằng giữa nam và nữ có sự khác
biệt về nghề nghiệp (sig=0,000<0,05, df=6). Cụ thể nam giới chủ yếu làm việc
trong lĩnh vực trồng trọt/chăn nuôi (47,1%) và làm mướn (18,5%) trong khi đó công việc chính yếu của nữ làm có xu hướng trải rộng hơn : Chăn nuôi (21,9%), nội trợ (27,4%) và buôn bán
(19,4%).
Thống kê của cả nước khác với
kết quả nghiên cứu của chúng tôi ở ĐBSCL: người vợ đảm trách việc trồng trọt và
chăn nuôi nhiều hơn nam giới (trừ công việc nuôi cá), chồng đi làm thuê nhiều
hơn vợ.
Theo Trần Thị Vân
Anh, sự phân công lao động giữa nam và nữ đối với những công việc tạo ra thu nhập
cho gia đình: Đối với nghề nông, tỷ lệ phụ nữ phụ trách là 46,1%, nam giới
39,6%. Công
việc buôn bán, tỷ lệ phụ nữ cao gần gấp 3 lần nam giới: 20,1% so với 6,3%.
Trong khi đó, một số nghề khác, nam giới thường chiếm ưu thế hơn: công nhân/thợ
thủ công 21,8% so với 10,6%; dịch vụ cá nhân 12,0% so với 9,1%; công việc
chuyên môn kỹ thuật 6,1% so với 3,1%; lãnh đạo chính quyền/đoàn thể 4,0% so với
1,8%.
Như vậy, theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, trong
gia đình ở ĐBSCL đàn ông là người được phân công làm những công việc tạo ra nguồn
thu nhập chính cho gia đình, người phụ nữ cũng làm những công việc tạo ra thu
nhập nhưng chỉ đóng vai trò phụ trợ. Kết luận này tương đồng với kết quả điều
tra cơ bản về bình đẳng giới năm 2005[205]:
tỷ lệ người chồng có đóng góp cho thu nhập gia đình là 98,1% và vợ là 92,5%.
Trong ba khu vùng Bắc, Trung, Nam của Việt Nam thì tý lệ phụ nữ không có đóng
góp cho thu nhập gia đình ở Nam Bộ (17,5%) cao hơn ở Bắc Bộ (3,5%) và Trung Bộ
(2,4%).
2.2. Đối với công việc nhà không tạo ra thu nhập
Công
việc nhà không tạo ra thu nhập bao gồm: nấu ăn, quét dọn nhà cửa, đưa đón con
đi học, chăm sóc và dạy dỗ con cái, chăm sóc người già, người bệnh, tiếp chuyện
khi có khách, đi họp đoàn thể, chính quyền, họp phụ huynh, tham dự đám tiệc.
Theo kết quả khảo sát 320 hộ ở Long An, An Giang, Cần Thơ và Cà Mau thì người vợ
làm công việc nhà nhiều hơn người chồng, nhất là đối với những gia đình làm ruộng
(vì chồng gần như đảm nhiệm toàn bộ công việc sản xuất).
Bảng 5. Phân công
lao động công việc gia đình giữa nam và nữ
Công việc |
Mức độ thực hiện,
% hộ gia đình |
|
Nam |
Nữ |
|
Nội trợ: Nấu ăn,
giặt quần áo, rửa chén, quét nhà |
22,7% |
92% |
Đi chợ |
19.3% |
80.1% |
Tiếp chuyện khi
gia đình có khách |
68.9% |
55.7% |
Họp phụ huynh
cho con |
26.1% |
41.8% |
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài năm 2014.
Kết quả
kiểm định cho thấy rằng giữa nam và nữ có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về
việc nội trợ trong gia đình (sig=0,00<0,05, df=4), cụ thể có đến 92% phụ nữ
làm nhiều hoạt động này trong khi đó nam giới ít khi làm chiếm đa số 48,7%.
Tính
xác thực của kết quả khảo sát của chúng tôi (năm 2014) phần nào được củng cố
thêm khi tham khảo kết quả điều tra năm 2012 ở Nam Bộ: Số người tham gia lao động
nam là 84,0% và nữ là 69,6% (còn lại là số người còn đi học, thất nghiệp, nội
trợ, già yếu, bệnh tật). Tỷ lệ nội trợ chiếm 12,5% nơi nữ giới, còn nam giới là
0,4%[206].
Như vậy, tỷ lệ nam lao động tạo ra thu nhập cao hơn nữ và nữ là người làm việc
nội trợ cao hơn nam
Kết quả khảo sát của chúng tôi tương đồng với kết quả
điều tra trên cả nước. Theo Trương Thu Trang, tỷ lệ người vợ chủ yếu làm các
công việc giữ tiền chi tiêu cho gia đình, mua thức ăn, nấu cơm, rửa chén, dọn
nhà, giặt giũ luôn vượt quá 50% thậm chí có công việc lên đến 89%. Trong khi
đó, tỷ lệ người chồng làm các công việc nội trợ là rất nhỏ, luôn dưới 11% và
tác giả kết luận rằng đó là sự bất bình đẳng trong phân công thực hiện công việc
nội trợ[207].
Các nghiên cứu khác cũng cho rằng dù bối cảnh kinh tế, xã Việt Nam hiện nay đã
thay đổi rất nhiều nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục là người chịu trách nhiệm
chính trong công việc nội trợ của gia đình. Người chồng có chia sẻ công việc
nhà với vợ nhưng không đang kể (Nguyễn Thanh Bình 2012[208],
Houtrat and Lemercinier 1984, Le 1995, Long et al.2000, Pham 1999, Vu 1991[209]).
Từ kết quả nghiên cứu người phụ nữ luôn là người đảm nhiệm chính những công việc nhà, những
công trình trên đưa ra nhận định xã hội Việt Nam còn tồn tại sự bất bình đẳng
giới trong phân công lao động ở gia đình. Theo chúng tôi, những nhận định này
chưa thỏa đáng, ít nhất là đối với trường hợp ở ĐBSCL. Người chồng đã gánh vác
trách nhiệm làm việc trên đồng ruộng, ngoài xã hội để mang về cho gia đình nguồn
tài chính, thì không thể đòi hỏi họ phải đảm đương việc nhà ngang bằng với phụ
nữ.
Thông tin từ các cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với
người chồng hay người vợ trong gia đình sẽ góp phần lý giải nhận định của chúng
tôi là không có sự bất bình đẳng giới trong phân công lao động ở gia đình dù
người vợ làm công việc nhà nhiều hơn người chồng:
Bà L.T.C.H (sinh năm 1973) là người không tham gia lao
động sản xuất, bà H đảm nhiệm công việc nội trợ trong gia đình và cũng là người
quản lý việc chi tiêu trong gia đình, là “tay hòm chìa khóa” của gia đình. Tuy
nhiên, khi bà ốm đau hay có việc phải đi khỏi nhà chồng bà cũng vào bếp nấu ăn
giúp bà. Chồng bà là người tạo nên nguồn thu nhập cho gia đình, được bà xem là
trụ cột của gia đình và là người thay mặt gia đình trong các mối quan hệ với xã
hội. Chồng bà luôn là người tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp,
giao dịch làm ăn với bên ngoài. Và theo bà H đó cũng là lẽ tự nhiên, bà thấy
hài lòng về sự phân công này và không cho đó là sự bất bình đẳng.
Bà N.T.H.L (sinh năm 1964) là người ở nhà thường xuyên
nên đồng nghĩa với việc coi sóc nhà cửa và chăm sóc gia đình. Và theo bà L. đó
là sự phân công hợp lý vì người đàn ông
là trụ cột gia đình, phải thường xuyên ra ngoài, tạo ra nguồn thu chính
cho gia đình nên họ không thể đảm nhận công việc nhà.
Ông B.V.B ( sinh năm 1960, ấp Vĩnh Phụng) cho rằng
“người chồng là trụ cột gia đình làm ra của cải, người vợ giữ tiền, quán xuyến
việc nhà nhưng khi vợ đau yếu hay có việc đi xa chồng cũng có thể nấu cơm. Người
đàn ông làm chủ gia đinh, làm chủ tài sản nhưng phải tham khảo ý kiến vợ và phải
là người lo làm ra của cải cho gia đình.”
Tuy nhiên, trong số những người chúng tôi phỏng vấn sâu, cá biệt gia
đình bà L.T.P (ấp Vĩnh Long, không có đất canh tác, chồng làm thuê nông nghiệp,
con trai làm công nhân ở nhà máy chế biến thủy hài sản và con gái lấy chồng Hàn
Quốc thường xuyên gửi tiền về nhà, bà P thỉnh thoảng gói bánh tét, làm bánh
bông lan cho những gia đình có đám tiệc ở trong xã), chồng bà đảm nhiệm việc
giặt giũ quần áo cho cả nhà, và kiếm củi cho gia đình dùng. Bà P chỉ nấu cơm
khi ông đi làm ngoài đồng. Nếu có ông ở nhà thì ông cũng có thể nấu cơm thay
bà. Đối với gia đình bà P, đàn ông cũng là người tạo ra thu nhập chính cho gia
đình và cũng có thể là người làm công việc nhà nếu như ngày đó họ không đi làm.
Không có quan niệm giặt quần áo là chuyện của phụ nữ, chồng bà P, “mỗi sáng đều
mang thau quần áo xuống sông giặt”.
Đa số nơi những hộ chúng tôi khảo sát, người chồng lao
động chính tạo ra thu nhập cho gia đình, vợ làm công việc nhà và chăm sóc con
cái nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tùy hoàn cảnh gia đình, và bối cảnh kinh
tế xã hội mà đôi khi sự phân công này được hoán chuyển cho nhau: Chồng tạm thời
làm việc nhà nếu vợ đang có việc làm ra thu nhập ở bên ngoài. Chẳng hạn, trường
hợp ông L.T.P (ấp Phú Thượng 1) thời điểm vợ và con gái đi làm nhiều mà ông
không có việc làm nên ở nhà thì ông sẽ nấu cơm, làm việc nhà. Theo ông có như thế mới đúng lẽ ở đời “đồng vợ đồng chồng,
tát bể đông cũng cạn”. Từ 5 năm nay, ở huyện Vĩnh Thạnh có nhiều khu công nghiệp,
nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu hải sản được hình thành cần lượng nhân công rất
lớn, nam nữ thanh niên đều dễ xin việc làm, nên sự phân công lao động đã có sự
thay đổi: Nếu cả hai vợ chồng đều đi làm công nhân thì người chồng phải chia sẻ
việc nhà với vợ khi vợ đi làm (làm theo ca) mà chồng ở nhà. Như một nhà lãnh đạo
UNICEF đã nói “Do thay đổi cơ cấu kinh tế và sự phân công nghề nghiệp mà ở một
số lĩnh vực, người phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn nam giới và vai trò của họ
trong gia đình cũng thay đổi, người đàn ông đảm trách việc chăm sóc gia đình, dạy
dỗ con cái. Đáng mừng là sự thay đổi này không còn là chuyện hiếm gặp ở Việt
Nam và trên thế giới” (Morten Giersing, 2001)[210]
và chúng tôi tán đồng ý kiến với Trần Thị Vân Nương “nếu chúng ta vẫn sử dụng
phương pháp thống kê ai làm công việc nội trợ và ai làm việc nhiều thời gian
hơn ai để kết luận rằng bất lợi thuộc về người thường xuyên phải làm các công
việc nội trợ và làm nhiều thời gian hơn thì không còn thích hợp trong bối cảnh
biến đổi gia đình hiện nay”[211]
Mặt khác, Khổng
giáo vào Việt Nam, đặc biệt là ở Nam Bộ đã không còn nguyên vẹn (Do 1999, Keyes
1995, Werner and Balanger 2002)[212]
tư tưởng nam tôn nữ ti, quan niệm công việc nội trợ là bổn phận của người vợ đã
không còn phổ biến trong các gia đình mặc dù phần lớn công việc gia đình vẫn do
người vợ đảm trách là vì người vợ ít tham gia vào công việc tạo nên thu nhập
cho gia đình. Phụ nữ có nhiều thời gian rảnh rỗi, họ thường ở nhà và khi ở nhà
họ phải làm công việc nhà thuần túy là sự phân công lao động “ai có thời gian rảnh
rỗi thì làm” chứ không phải là sự phân công mang tính định kiến giới “việc nhà
là công việc nhỏ mọn phải do phụ nữ làm”. Vì vậy, sự phân công lao động giữa
nam và nữ cần được giải thích bằng lợi thế so sánh tính toán trong việc tối đa
hóa phúc lợi của hộ (Lê Ngọc Vân, 1999, 169)[213].
Nghĩa là mỗi thành viên của hộ chuyên tránh một số công việc nào đó có hiệu quả
hơn nếu thành viên khác làm. Người đàn ông chuyên ra đồng, đi làm thuê để tạo
ra thu nhập có thể cao hơn phụ nữ nhưng không thể làm công việc nhà và chăm sóc
con cái, quản lý chi tiêu gia đình tốt bằng phụ nữ và ngược lại.
Mặt khác, hệ thống giáo dục xã hội (nhà trẻ, mẫu giáo,
trường học) ở Việt Nam hiện nay chưa có đủ các dịch vụ để thay gia đình trong
việc giáo dục và rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ em. Vì thế, việc người vợ
dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái không nên bị coi là phụ thuộc và
chịu sự bất bình đẳng giới. Việc chồng đi làm kiếm tiền, vợ ở nhà chăm sóc con
cái và làm công việc nội trợ là “cách bố trí lao động của gia đình theo mục
tiêu đảm bảo sự ổn định và bền vững của gia đình trước những khó khăn của cuộc
sống”[214].
3. KẾT LUẬN
Qua kết quả khảo sát cho thấy sự phân lao động giữa vợ
và chồng trong gia đình đối với những công việc tạo ra thu nhập dựa trên tính
chất công việc sao cho phù hợp với những đặc điểm sinh học của giới, yếu tố định
kiến giới khá mờ nhạt. Ngược lại, đối với những công việc nội trợ phần lớn do
người vợ đảm nhiệm nhưng điều đó không phải là sự bất bình đằng vì những trường
hợp vợ chịu trách nhiệm làm công việc nhà nên không đi làm tạo ra thu nhập, tuy
nhiên cũng có một số trường hợp người chồng chia sẻ công việc này với vợ.
Sự phân công lao động theo giới trong gia đình ở ĐBSCL
không mang tính chất bất bình đẳng giới mà là sự phân công theo năng lực của giới.
Người đàn ông là những người có sức khỏe, là nắm các kỹ thuật sản xuất đảm
trách công việc tạo nên nguồn thu nhập cho gia đình từ nghề nông, nghề nuôi
tôm, nuôi bò, làm thuê nông nghiệp, làm nghề mộc, làm các công việc nặng nhọc:
Chở đất, gánh cá và giao cá thuê. Người phụ nữ chia sẻ gánh nặng kinh tế với
người chồng bằng những công việc nhẹ nhàng hơn, phù hợp với giới nữ: nghề may,
nuôi lươn, nuôi heo, buôn bán nhỏ. Bên cạnh đó vì lao động tại nhà nên họ kiêm
luôn việc nội trợ và chăm sóc con cái, và đối với phụ nữ đó là điều hợp lý, họ
không cảm thấy có sự bất bình đẳng trong sự phân công này. Họ được trao quyền
quản lý tài chính và quyết định mọi chi tiêu trong gia đình. Sự phân công lao động
giữa nam và nữ cần được giải thích bằng lợi thế so sánh trong việc tối đa hóa
phúc lợi của hộ. Là cư dân đã từ lâu tiếp xúc với nền kinh tế thị trường, người
dân đã có sự lựa chọn duy lý làm sao cho sự đóng góp lao động của nam và nữ có
hiệu quả kinh tế hơn, thiết thực hơn nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình. Vì vậy, để tối đa hóa lợi
nhuận, phân công lao động trong gia đình một mặt vẫn giữ lại khuôn mẫu phân
công lao động giới mang tính truyền thống, nhưng mặt khác đã có sự thay đổi
theo chiến lược sinh kế của kinh tế hộ gia đình dưới tác động của quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn trong bối cảnh kinh tế thị trường. Ở đây, nếu chỉ căn cứ vào sự tham gia
lao động nhiều hay ít, thu nhập cao hay thấp để nhìn nhận vấn đề bất bình đẳng
giới sẽ là hết sức khiên cưỡng. Ở ĐBSCL, bất bình đẳng giới và định kiến giới
không nặng nề như Bắc Bộ, nơi Nho giáo ăn sâu bám rễ thành những định kiến nặng
nề, mặc dù hiện nay đã có sự thay đổi. Nam Bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng, ảnh
hưởng của Nho giáo nhạt nhòa, trong khi đó các tư tưởng tôn giáo địa phương như
Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài, Công giáo đề cao tính bình đẳng nam nữ. Thêm nữa,
Nam Bộ sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây và kinh tế thị trường phát triển sớm
trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi hơn nhờ tự nhiên ưu
đãi nên đỡ vất vả và tốn kém ít công sức hơn. Ở đây, định kiến giới nhạt nhòa,
trong khi đó khuôn mẫu trong sự phân công lao động giới và bản sắc giới thể hiện
rõ hơn. Quan điểm về sự bất bình đẳng giới cần phân tích trong bối cảnh kinh tế-xã
hội và văn hóa mang tính đặc thù địa phương mới thấy hết tính đa dạng của nó. Nếu
chỉ nhìn trên quan điểm ai có đóng góp kinh tế gia đình nhiều hơn người trong
việc sản xuất ra của cải vật chất so với lao động tái sản xuất sức lao động (
không trực tiếp làm ra của cải vật chất) để nhận diện sự bất bình đẳng giới thì
thiếu thỏa đáng.
Chúng ta nên hiểu khái niệm bất bình đẳng được du nhập
từ văn hóa và xã hội công nghiệp phương Tây, và việc thao tác hóa khái niệm này
là chỉ báo của phương Tây rằng việc phụ nữ không tham gia tạo ra thu nhập,
không có cơ hội ra ngoài làm việc như chồng và phải ở nhà gánh vác công việc nội
trợ, chăm sóc con cái là một sự bất bình đẳng. Xã hội Việt Nam, nhất là trong
các hộ sản xuất nông nghiệp việc phân công lao động: chồng gánh vác trách nhiệm
lao động sản xuất ra của cái vật chất cho gia đình, vợ lao động tái sản xuất sức
lao động. Đó là sự phân công lao động cùng xây dựng mái ấm gia đình chung “mỗi
người một việc” và có vai trò quan trọng như nhau. Người phụ nữ và cả nam giới
Việt Nam không cho rằng việc ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái là sự bất bình
đẳng giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Trần
Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh (chủ biên) (2008), Bình đẳng giới ở Việt Nam, Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội.
2.
Nguyễn Thanh Bình (2012) “The Division of
Household Labor in Vietnamese Families at Present Time”, International Journal of
Academic Research in Business and Social Science, Volume 2, No 5.
3.
Vũ
Thị Cúc (2007), “ Vấn đề thu nhập và quyền ra quyết định trong gia đình nông
thôn hiện nay – Nghiên cứu trường hợp tại xã Phú Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội”, Nghiên cứu Gia đình và giới, số 6,
tr.41-52.
4.
Trần
Thị Minh Đức, Trần Hương Giang , “Quan niệm về nội trợ gia đình của phụ nữ và vấn
đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa phương tiện nội trợ”.
5.
Vũ
Tuấn Huy, DeboRah S.Carr (2000), “Phân công lao động nội trợ trong gia đình”, Tạp chí Xã hội học, số 4 (72), tr.43-53.
6.
Lê
Thị Kim Lan (2006), Phân công lao động
theo giới trong cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều: Nghiên cứu trường hợp ở hai xã
Hướng Hiệp và Tà Long huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Luận án Tiến sĩ, Đại học
Khoa học xã hội & nhân văn Hà Nội.
7. Ngô Thị Phương Lan (2013), “Sinh kế, biến đổi sinh thái
và sự thích nghi của con người ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trong quá trình
chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm thương mại”, Khoa Nhân học trường Đại học
Khoa học xã hội & Nhân văn, http://www.anthdep.edu.vn,
Truy cập ngày 04-06-2015.
8.
Võ Thị Hồng Loan, “Bình đẳng giới trong gia
đình đồng bằng sông Hồng”, Tạp chí Dân tộc
học số, số 7 (100), http://www.gopfp.gov.vn/, Truy cập ngày 5/1/2015. Theo số liệu khảo sát xã hội học từ đề tài “Vai trò của
hệ thống chính trị cơ sở trong việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng Đồng bằng
sông Hồng hiện nay” do Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thực
hiện năm 2008.
9.
Vũ Mạnh
Lợi (1990), “Khác biệt nam nữ trong gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ”, Tạp
chí Xã hội học, số 3 (31), tr.38-44.
10. Trần Thị Vân Nương
(2013), “Phân công lao động theo giới trong gia đình”, Tạp chí Nghiên cứu giới và gia đình, số 3, tr.33-44.
11. Trần Hữu Quang
(2013), Báo cáo tồng hợp của đề tài “Một
số đặc trưng về định chế xã hội con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển
bền vững giai đoạn 2011 - 2020”, Đề tài cấp Bộ, bản đánh máy.
12. Teerawichitchainan,
Bussarawan, John E. Knodel, Vu Manh Loi, and Vu Tuan Huy. 2008. "Gender Division of Household Labor in
Vietnam: Cohort Trends and Regional Variations." (Phân công giới trong lao
động gia đình Việt Nam qua những biến động xã hội) PSC Research Report No.
08-658. October 2008.
13. Cao Tự Thanh
(1996), Nho giáo Gia Định, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
14. Trương Thu Trang
(tổng thuật) (2008), “Những yếu tố ảnh hưởng đến bình đẳng giới trong phân công
thực công việc nội trợ giữa vợ và chồng”, Thông
tin Khoa học xã hội, số 4, tr 34-40, 43.
15. Ủy ban Nhân dân xã Khánh Hưng (2011). “Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2011-2013”, bản đánh máy.
16. Lê Ngọc Vân (2012), “Một số khía cạnh
về mối quan hệ vợ chồng qua các cuộc điều tra xã hội học gần đây ở Việt Nam”, Tạp
chí Gia đình và giới, số 2, tr.43-58.
17. Hồ Anh Vũ (2010), Báo
cáo hiện trạng bất bình đẳng giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, Oisee Caritas.
QUYỀN LỰC VỢ CHỒNG
TRONG GIA ĐÌNH Ở AN GIANG
ThS. Phan Thuận
Học viện Chính trị
Khu vực IV, TP. Cần Thơ
Mục đích của bài viết là tập trung phân tích về mối quan hệ giới trong gia đình ở An
Giang. Bài viết đã cho thấy, mô hình quyền quyết định trong gia đình ở An Giang thường
thiên về những người có thu thập chính trong gia đình. Có nghĩa là, mô hình quyền
quyết định trong gia đình ở An Giang chịu tác động rất nhiều từ yếu tố thu nhập,
bởi vì sự tự do về kinh tế là yếu tố hạn chế bất bình đẳng trong gia đình, nó
đã phá vỡ mô hình “phu xướng, phụ tùng” truyền thống, góp phần mang lại sự bình
đẳng giới trong gia đình. Mặc dù vậy, mô hình quyền lực trong gia đình vẫn còn
duy trì khuôn mẫu truyền thống, đó là sự ảnh hưởng của nam giới đối với các quyết
định từ hoạt động sản xuất cho đến sinh hoạt hàng ngày trong gia đình.
1.
DẪN LUẬN
An Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long,
đây là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế- xã hội khá
nhanh. Chính điều này đã kéo theo làm thay đổi những giá trị, chuẩn mực xã hội,
trong đó có gia đình. Trong những năm qua, tỉnh An Giang đã có nhiều chủ
trương, chương trình hành động để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng gia đình ấm
no, hạnh phúc và tiến bộ theo tinh thần của Chỉ thị 49-CT/TW. Nhờ đó, công tác
xây dựng ở An Giang đã có những thành tựu đáng trân trọng như tỷ lệ nghèo của
các hộ gia đình giảm xuống, duy trì các chuẩn mực gia đình trong bối cảnh hội
nhập. Song, gia đình ở An Giang vẫn còn đối diện với thách thức do mặt trái của
kinh tế trường tác động, trong đó có bạo lực gia đình. Theo báo cáo của Hội Phụ
nữ các cấp của tỉnh An Giang, từ năm 2005 đến nay các cấp có liên quan đã tiếp
nhận tới 500 vụ hôn nhân gia đình, trong đó có tới 60% số vụ có liên quan đến bạo
lực gia đình. Theo báo cáo của ngành tòa án từ năm 2005 đến tháng 6/2008 họ đã
trực tiếp thụ lý 3.950 vụ hôn nhân và gia đình, trong đó nguyên nhân do bạo lực
gia đình chiếm một tỷ lệ khá lớn (Đặng Ánh Tuyết, 2010). Theo kết quả khảo sát
(2010) cho thấy, hàng năm có khoảng từ 6-10 vụ bạo lực gia đình mà chính quyền
địa phương đứng ra hòa giải (Đặng Ánh Tuyết, 2010).
Có khá nhiều nguyên dẫn đến tình trạng bạo lực gia
đình hiện nay ở An Giang, trong số đó, nguyên nhân về bất bình đẳng trong gia
đình là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. Cơ sở của bất
bình đẳng trong gia đình là sự phân công lao động trong gia đình chưa hợp, nó dẫn
đến tình trạng thấp kém của phụ nữ và bất bình đẳng về mối quan hệ quyền lực
trong gia đình (Lê Ngọc Văn, 2006). Như vậy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng
bạo lực gia đình là thiếu sự hợp lý về phân công lao động theo giới trong gia
đình và sự bất cân bằng về quyền lực giữa nam giới và phụ nữ trong gia đình.
Để có giải pháp hạn chế tình trạng bất bình đẳng trong
gia đình ở An Giang hiện nay, việc nhận diện đúng thực trạng mô hình quyền lực
giới trong gia đình là rất cần thiết. Do đó, bài viết tập trung phân tích và nhận
diện mô hình quyền lực trong gia đình ở An Giang, dựa trên kết quả khảo sát 280
đối tượng là vợ/chồng của các gia đình ở thành thị và nông thôn được lựa chọn
theo hình thức chọn mẫu ngẫu nhiên. Trong đó, có 73,0% là người chồng làm chủ hộ
và 14.0% người vợ làm chủ hộ. Nội dung phân tích về mô hình quyền lực vợ chồng
được thể hiện ở hai khía cạnh (1) tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực và (2)
quyền ra quyết định. Nghiên cứu này đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ
nữ để từ đó ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình ở An Giang trong bối
cảnh hiện nay.
2.
QUYỀN LỰC VỢ CHỒNG TRONG GIA ĐÌNH Ở AN
GIANG
2.1 Tiếp cận và quyền
kiểm soát trong gia
Trong nghiên cứu về giới hiện nay, người ta đặc biệt
quan tâm đến cơ hội tiếp cận và kiểm soát nguồn lực và lợi ích của phụ nữ và
nam giới, bởi vì các nghiên cứu trước đây cho rằng, địa vị thấp kém của người
phụ nữ có thể giới hạn bởi sự tham gia và điều khiển của họ đối với nguồn lực
và lợi ích. Như vậy, giữa địa vị xã hội của phụ nữ và nam giới và cơ hội tiếp cận
và kiểm soát các nguồn lực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc tiếp cận và
kiểm soát các nguồn lực hay lợi ích thể hiện ảnh hưởng uy quyền của con người
rõ rệt. Vì vậy, trong việc đánh giá mô hình quyền lực vợ chồng trong gia đình,
xem xét địa vị xã hội của nam giới và phụ nữ cần phải quan tâm một cách thỏa
đáng về cơ hội tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực và lợi ích.
Trên cơ sở này, nghiên cứu tập trung phân tích cơ hội
tiếp cận và kiểm soát nguồn lực trong sản xuất và trong đời sống hàng ngày. Kết
quả khảo sát ở bảng số liệu 1 cho thấy, cả hai vợ chồng đều có cơ hội tiếp cận,
sử dụng và kiểm soát các nguồn lực. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh giới, ở tất cả
các nguồn lực, hầu hết nam giới chiếm tỷ lệ áp đảo so với phụ nữ. Điều này cho
thấy rằng, mặc dù cơ hội luôn trải đều cho cả hai giới nam và nữ; song, nam giới
có cơ hội để tiếp cận các nguồn lực trên nhiều hơn so với phụ nữ. Chẳng hạn như
đối với nguồn lực là đất sản xuất, nam giới có cơ hội tiếp cận và kiểm soát là
24,8% so với 4,8% của nữ giới. Hiện tượng này được lý giải theo truyền thống,
người đứng tên chủ sở hữu nhà cửa đất đai được đăng ký theo tên chủ hộ. Ở Việt
Nam, khoảng gần 80% chủ hộ là nam giới so với
20% chủ hộ là nữ giới, do đó trên thực tế phần lớn nam giới là người đứng tên
trên giấy tờ nhà và đất.
Bảng 1. Sử dụng và kiểm soát các nguồn lực trong sản xuất
Sử dụng và kiểm
soát các nguồn lực trong sản xuất |
Vợ |
Chồng |
Cả hai |
Tổng |
|
Đất sản xuất |
SL |
11 |
57 |
162 |
230 |
% |
4,8 |
24,8 |
70,4 |
100 |
|
Nhà ở |
SL |
10 |
34 |
205 |
249 |
% |
4,0 |
13,7 |
82,3 |
100 |
|
Vốn |
SL |
16 |
49 |
172 |
237 |
% |
6,8 |
20,7 |
72,5 |
100 |
|
Tín dụng |
SL |
16 |
30 |
172 |
218 |
% |
7,3 |
13,8 |
78,9 |
100 |
|
Kỹ thuật thông tin |
SL |
5 |
41 |
169 |
215 |
% |
2,3 |
19,1 |
78,6 |
100 |
Có thể nói, kết quả khảo sát của
nghiên cứu này được thực hiện ở bối cảnh gia đình An Giang đã cho những nhận định
tương tự với các nghiên cứu trước đó rằng, người vợ và người chồng đều có xu hướng
tiếp cận phần lớn các nguồn lực, nhưng người chồng có vai trò quyết định trong
kiểm soát các nguồn lực quan trọng của gia đình, còn người vợ có ít quyền hơn đối
với các tài sản lớn của gia đình như đất đai, nhà ở, phương tiện sản xuất,
v.v... Cụ thể, số liệu Điều tra cơ bản về gia đình Việt Nam (1998-2000), 79,7%
hộ gia đình ở đồng bằng và 82,1% hộ gia đình ở trung du - miền núi có nam giới
là người đứng tên sở hữu nhà ở và đất ở, còn ở thành phố, tỷ lệ này chiếm
49,8%. Cũng tương tự như vậy, 78,9% người đứng tên giấy chứng nhận quyền sở hữu
đất canh tác của các hộ gia đình nông thôn là người chồng và không có sự khác
biệt đáng kể giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số (Lê Ngọc Văn, 2011:
Trang 430).
Ngoài ra, nghiên cứu không chỉ phân tích cơ hội tiếp cận,
sử dụng và kiểm soát nguồn lực trong sản xuất mà còn xem xét cơ hội và kiểm
soát lợi ích trong đời sống hàng ngày của gia đình. Mục đích của việc xem xét
này là để trả lời cho câu hỏi “liệu có sự khác biệt trong cơ hội tiếp cận, sử dụng
và kiểm soát lợi ích của vợ và chồng trong gia đình”. Dường như cơ hội tiếp cận,
kiểm soát lợi ích vẫn hiện hữu theo khuôn mẫu giới.
Bảng 2.
Cơ hội tiếp cận và kiểm soát các lợi ích trong gia đình
Cơ hội tiếp cận
và kiểm soát các lợi ích trong gia đình |
Vợ |
Chồng |
Cả hai |
Tổng |
|
Tiền mặt |
SL |
92 |
63 |
120 |
275 |
% |
33,5 |
22,9 |
43,6 |
100 |
|
Lương thực, thực phẩm |
SL |
84 |
62 |
129 |
275 |
% |
30,6 |
22,5 |
46,9 |
100 |
|
Trang sức, quần áo |
SL |
159 |
24 |
91 |
274 |
% |
58,0 |
8,8 |
33,2 |
100 |
|
Đồ dùng gia đình có giá trị |
SL |
27 |
72 |
175 |
274 |
% |
9,9 |
26,3 |
63,8 |
100 |
|
Giáo dục |
SL |
31 |
52 |
191 |
274 |
% |
11,3 |
19,0 |
69,7 |
100 |
Nhìn vào kết quả của
bảng 2 cho thấy, tỷ lệ nam giới và phụ nữ có cơ hội sử dụng và kiểm soát các lợi
ích cơ bản các lĩnh vực như nhau. Điều này thể hiện rằng, trong gia đình ở An
Giang đã có sự bình đẳng trong việc kiểm soát các lợi ích. Nhưng xét cụ thể hơn
thì phụ nữ thường kiểm soát tiền mặt, trang sức, quần áo nhiều hơn. Bởi lẽ,
theo khuôn mẫu truyền thống, phụ nữ thường là người "tay hòm chìa khoá "- là người giữ tiền trong gia đình. Có thể nói, cơ
hội này vẫn duy trì theo khuôn mẫu giới truyền thống.
Tuy nhiên, một điểm
đáng lưu ý nữa là đối với những đồ dùng gia đình có giá trị (xe máy, ti vi...)
thì tỷ lệ người đàn ông tiếp cận và kiểm soát cũng cao hơn so với phụ nữ (26,3%
và 9,9%). Đồng thời, nam giới cũng có kiểm soát về lợi ích giáo dục nhiều hơn
so phụ nữ. Trong khi đó, phụ nữ lại có cơ hội sử dụng và kiểm soát các lợi ích
cơ bản trong các lĩnh vực như mua sắm quần áo, đồ trang sức. Điều này cho thấy,
vẫn còn sự khác biệt tương đối giữa nam và nữ về cơ hội sử dụng và kiểm soát
các lợi ích cơ bản trong các lĩnh vực trên. Nguyên nhân sâu xa của nó bắt nguồn
từ sự phân công lao động trong gia đình. Nam giới luôn có cơ hội sử dụng và kiểm
soát các lợi ích cơ bản những lĩnh vực mang tính chất quyết định, còn phụ nữ chỉ
tham gia mang tính chất hỗ trợ hoặc chủ yếu đảm nhận ở các khâu giản đơn hay
công việc chăm sóc con cái, gia đình….Như vậy, bằng chứng nghiên cứu này đã góp
phần khẳng định tính đúng đắn quan niệm của Robert Blood và Donald Wolfe rằng,
nam giới có cơ hội tiếp cận nguồn lực học vấn nhiều hơn phụ nữ, cho nên cán cân
quyền lực trong gia đình thường nghiêng về nam giới.
Có thể nói rằng,
nam giới kiểm soát các lợi ích mà những lợi ích có thể giúp họ phát triển các mối
quan hệ cũng như vốn con người. Trong khi đó, phụ nữ chỉ có thể kiểm soát các lợi
ích theo khuôn mẫu giới truyền thống. Có lẽ, những giá trị, chuẩn mực xã hội đã
được “mặc định” và “lập trình” cho mỗi giới trong gia đình. Chính vì thế, nó đã
ảnh hưởng đến tiếng nói của mỗi giới trong gia đình. Nam giới thường có uy quyền
hơn phụ nữ trong gia đình.
Tóm lại, mặc dù giữa
nam và nữ đều có cơ hội trong vấn đề tiếp cận các nguồn lực và lợi ích, thế
nhưng nam giới trong gia đình vẫn là người nắm giữ và chi phối phần lớn các yếu
tố về nguồn lực và lợi ích. Sự tham gia của phụ nữ trong kiểm soát và phân phối
nguồn lực và lợi ích rất hạn chế và chỉ tập trung vào một số yếu tố gắn liền với
địa vị do khuôn mẫu giới truyền thống ấn định. Điều này cho thấy nam giới là
người có lợi thế trong việc phát huy hơn nữa quyền lực và sức mạnh của mình từ
vị thế chủ hộ và địa vị của đàn ông trong hệ tư tưởng gia trưởng. Phụ nữ một lần
nữa lại chịu thiệt thòi do có những đóng góp trong gia đình và xã hội nhưng
không có quyền tương xứng với nam giới trong kiểm soát các nguồn lực và lợi
ích. Phải chăng điều này khiến cho quyền quyết định trong gia đình thường thiên
về nam giới?
2.2. QUYỀN RA QUYẾT ĐỊNH TRONG GIA ĐÌNH
Trong phân tích giới
việc xem xét quyền quyết định của phụ nữ và nam giới là vô cùng cần thiết vì
qua đó có thể đo lường mức độ bình đẳng trong quan hệ giới, giữa đóng góp và hưởng
lợi, giữa việc thực hiện vai trò và quyền lực của người thực hiện vai trò. Vì vậy,
sự bình đẳng nam - nữ phải được biểu hiện cả ở nhận thức về giá trị con người
và ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng và xã hội.
Theo nghiên cứu tổng
quan của tác giả Văn Thị Cúc (2007) cho thấy, các nghiên cứu về quyền quyết định
trong gia đình đã thống nhất rằng, trong gia đình đã có sự bàn bạc giữa hai vợ
chồng nhưng việc ra quyết định chính đối với các công việc quan trọng vẫn là của
người chồng và định kiến giới là yếu tốt ảnh hưởng tới quyền quyết định trong
gia đình (Trang 42). Các nghiên cứu (Đặng Thị Hoa, 2001; Mai Huy Bích và Lê Thị
Kim Lan, 1999) khẳng định tương tự rằng, mô hình ra quyết định trong gia đình
hiện nay, đó là người chồng vẫn có quyền quyết định nhiều hơn vợ. Mặc dù, trong
gia đình vợ là người phải đảm nhận hầu hết công việc, thậm chí họ còn là người
mang lại thu nhập chính cho gia đình nhưng phần lớn quyền quyết định thuộc về
người chồng và người vợ chỉ là người thực thi các quyết định đó. Sở dĩ là vì,
do ảnh hưởng của định kiến giới vẫn còn tồn tại trong gia đình, đặc biệt là gia
đình nông thôn; do tư tưởng coi thường phụ nữ, đề cao vai trò và địa vị của nam
giới. Đặc biệt, hệ giá trị phong kiến, bảo thủ về vị trí và vai trò của phụ nữ
trong công việc gia đình còn nặng nề, phổ biến nhất là ở nông thôn (xem Văn Thị
Cúc, 2007: Trang 43). Có thể nói, các nghiên cứu trước đây đều thống nhất là
nam giới có quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình. Liệu trong
gia đình ở An Giang có thống nhất với kết luận của các nghiên cứu trước đó?
Bảng 3. Quyền ra quyết định của vợ và
chồng liên quan đến các vấn đề trong sản xuất
Quyền
ra quyết định trong sản xuất |
Vợ |
Chồng |
Cả
hai |
Tổng |
|
Đầu tư vốn |
SL |
17 |
92 |
136 |
245 |
% |
6,9 |
37,6 |
55,5 |
100 |
|
Vay vốn và sử dụng vốn |
SL |
9 |
94 |
146 |
249 |
% |
3,6 |
37,8 |
58,6 |
100 |
|
Áp dụng kỹ thuật |
SL |
9 |
91 |
146 |
246 |
% |
3,7 |
37,0 |
59,3 |
100 |
|
Chuyển nhượng đất đai |
SL |
8 |
92 |
142 |
242 |
% |
3,3 |
38,0 |
58,7 |
100 |
|
Buôn bán sản phẩm |
SL |
29 |
40 |
177 |
246 |
% |
11,8 |
16,3 |
72,0 |
100 |
Để đánh giá quyền
ra quyết định của vợ hoặc chồng về các vấn đề của đời sống gia đình, nghiên cứu
đã phân tích quyền ra quyết định trong sản xuất và trong đời sống hàng ngày. Ở
bảng số liệu 3 về quyền ra quyết định trong sản xuất cho thấy, vợ chồng đã có sự
bàn bạc với nhau để thống nhất trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến sản
xuất. Tuy nhiên, hầu hết các quyết định trong sản xuất nam giới đều chiếm tỷ lệ
áp đảo. Điều này cho thấy, tiếng nói của nam giới trong gia đình rất có uy lực
và phụ nữ dường như chỉ mang tính thừa hành.
Câu hỏi đặt ra rằng, người có thu nhập chính trong gia
đình có phải là người có quyền ra quyết định hay không? Nghiên cứu đã phân tích
mối tương quan giữa người có thu nhập chính với quyền ra quyết định trong lĩnh
vực sản xuất. Kết quả khảo sát ở bảng số liệu 4 cho thấy có hai xu hướng: xu hướng
thứ nhất, nếu người vợ có thu nhập chính thường có quyền ra quyết định nhiều
hơn nhưng có sự bàn bạc với chồng và mới đi đến quyết định cuối cùng. Xu hướng
thứ hai, người chồng là người có thu nhập chính thì cũng là người có tính quyết
định cao trong gia đình; song, họ ít có sự thỏa thuận, bàn bạc và trao đổi ý kiến
với người bạn đời. Như vậy, thu nhập chính là một trong những yếu tố nâng cao vị
thế và vai trò của mỗi giới trong gia đình. Điều này rất phù hợp với kiến giải
của các nhà nữ quyền rằng, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ trong gia đình sẽ
là yếu tố xóa bỏ bất bình đẳng trong gia đình và xã hội bởi vì sự phụ thuộc
kinh tế của phụ nữ sẽ khiến cho họ bị kiểm soát và ít có những quyết định trong
cuộc đời của họ. Mặc dù vậy, nam giới vẫn có ảnh hưởng đến quá trình ra các quyết
định liên quan đến sản xuất trong gia đình, dù họ không phải là người có thu nhập
chính.
Bảng 4. Tương quan giữa quyền quyết định trong sản xuất với người có thu nhập
chính (%)
Quyết định trong sản xuất |
Người có thu nhập
chính |
|
Vợ |
Chồng |
|
Đầu tư vốn |
P=0,000 |
|
Vợ |
20,8 |
0,0 |
Chồng |
8,4 |
60,6 |
Cả hai |
70,8 |
39,4 |
Vay vốn
và sử dụng vốn |
P=0,00 |
|
Vợ |
16,7 |
0,0 |
Chồng |
4,2 |
45,9 |
Cả hai |
79,1 |
54,1 |
Áp dụng kỹ
thuật |
P=0,000 |
|
Vợ |
17,4 |
3,1 |
Chồng |
8,7 |
54,5 |
Cả hai |
73,9 |
42,4 |
Chuyển nhượng
đất đai |
P=0,000 |
|
Vợ |
17,4 |
3,0 |
Chồng |
8,7 |
45,5 |
Cả hai |
73,9 |
51,5 |
Buôn bán
sản phẩm |
P=0,045 |
|
Vợ |
20,8 |
5,7 |
Chồng |
8,4 |
34,3 |
Cả hai |
70,8 |
60,0 |
Đối với quyền quyết định trong đời sống gia đình, kết
quả khảo sát cho thấy các cặp vợ chồng trong gia đình ở An Giang đều có sự thỏa
thuận, bàn bạc với nhau để đưa ra các quyết định trong đời sống hàng ngày của
gia đình. Trong đó, người vợ có ưu thế trong các quyết định các vấn đề được thể
hiện ở bảng số liệu 5. Điều này cho thấy, người vợ trong các gia đình ở An Giang
dường như có quyền ra quyết định hơn nam giới đối với các hoạt động hàng ngày ở
gia đình. Tuy nhiên, những quyết định liên quan đến việc mua sắm đồ dùng đắt tiền,
sửa chữa nhà cửa thì nam giới là người quyết định. Như vậy, các bằng chứng
nghiên cứu về gia đình ở An Giang cũng khá thống nhất với các nghiên cứu trước
đó rằng, các quyết định liên quan đến các vấn đề sinh hoạt trong gia đình thì
có sự bàn bạc, trao đổi với nhau, thậm chí người vợ có quyền quyết định nhiều vấn
đề thể hiện ở bảng số liệu 5 nhưng các quyết định quan trọng thì nam giới là
người quyết định. Câu hỏi đặt ra, liệu có sự khác biệt giữa người có thu nhập
chính với quyền ra quyết định trong đời sống sinh hoạt hàng ngày?
Bảng 5. Quyền ra quyết định trong đời
sống sinh hoạt hàng ngày
Quyền
ra quyết định trong đời sống |
Vợ |
Chồng |
Cả
hai |
Tổng |
|
Chi tiêu hàng ngày |
SL |
183 |
24 |
62 |
269 |
% |
68,0 |
8,0 |
23,0 |
100 |
|
Mua sắm đồ dùng đắt tiền |
SL |
63 |
87 |
117 |
267 |
% |
23,6 |
32,6 |
43,8 |
100 |
|
Sửa chữa nhà cửa |
SL |
31 |
98 |
138 |
267 |
% |
11,6 |
36,7 |
51,7 |
100 |
|
Quyết định chi phí khám chữa bệnh |
SL |
89 |
51 |
127 |
267 |
% |
33,3 |
19,1 |
47,6 |
100 |
|
Quyết định biện pháp tránh trai |
SL |
108 |
17 |
142 |
267 |
% |
40,4 |
6,4 |
53,2 |
100 |
|
Quyết định khoảng cách sinh |
SL |
96 |
16 |
153 |
265 |
% |
36,2 |
6,1 |
57,7 |
100 |
|
Quyết định số con |
SL |
87 |
20 |
160 |
267 |
% |
32,6 |
7,5 |
59,9 |
100 |
|
Quyết định hôn nhân của con cái |
SL |
40 |
16 |
202 |
258 |
% |
15,5 |
6,2 |
78,3 |
100 |
Nghiên cứu cũng quan
tâm về mối quan hệ giữa người có thu nhập chính với quyền ra quyết định trong
sinh hoạt gia đình hàng ngày của vợ chồng, bởi vì đây là yếu tố xác định sự ảnh
hưởng của địa vị kinh tế đến quyền lực trong gia đình. Kết quả khảo sát ở bảng
số liệu 6 cho thấy kết luận khá thống nhất với quyền ra quyết định trong hoạt động
sản xuất rằng, người nào có thu nhập chính thì có tiếng nói của họ quan trọng đối
với việc ra các quyết định liên quan đến sinh hoạt gia đình hàng ngày. Đặc biệt trong một số hoạt động như
quyết định khoảng cách sinh, khám chữa bệnh, số con có sự phân biệt rõ ràng đối
với quyền ra quyết định giữa vợ và chồng nếu một trong hai người là người có
thu nhập chính. Mặc dù vậy, người chồng trong gia đình vẫn là người có ảnh hưởng
đến quyền ra quyết định các hoạt động này, cho dù họ không phải là người có thu
nhập chính.
Bảng 6. Tương quan giữa quyền ra quyết
định các hoạt động trong đời sống gia đình với người có thu nhập chính (%)
Quyết định trong đời sống |
Người có thu nhập
chính |
|
Vợ |
Chồng |
|
Chi tiêu
hàng ngày |
P=0,000 |
|
Vợ |
76,9 |
51,4 |
Chồng |
3,8 |
24,3 |
Cả hai |
19,2 |
24,3 |
Mua sắm đồ
dùng đắt tiền |
P=0,001 |
|
Vợ |
34,6 |
8,3 |
Chồng |
23,1 |
47,2 |
Cả hai |
42,3 |
44,4 |
Sửa chữa
nhà cửa |
P=0,001 |
|
Vợ |
34,6 |
2,8 |
Chồng |
19,2 |
50,0 |
Cả hai |
46,2 |
47,2 |
Quyết định
chi phí khám chữa bệnh |
P=0,000 |
|
Vợ |
57,7 |
27,8 |
Chồng |
0,0 |
36,1 |
Cả hai |
42,3 |
36,1 |
Quyết định khoảng cách sinh |
P=0,003 |
|
Vợ |
48,0 |
20,0 |
Chồng |
0,0 |
20,0 |
Cả hai |
52,0 |
60,0 |
Quyết định
số con |
P=0,037 |
|
Vợ |
42,3 |
16,7 |
Chồng |
3,8 |
13,9 |
Cả hai |
53,8 |
69,4 |
Quyết định việc học hành của con cái |
P=0,002 |
|
Vợ |
30,8 |
13,9 |
Chồng |
7,7 |
25,0 |
Cả hai |
61,5 |
61,1 |
Như vậy, các bằng chứng nghiên cứu định lượng trên đã
kết luận rằng, trong hoạt động sản xuất cũng như trong hoạt động đời sống gia
đình hàng ngày, vợ chồng đều có sự trao đổi bàn bạc và thảo luận với nhau trước
khi ra quyết. Trong đó, ai là người có thu nhập chính là người có quyền quyết định
các hoạt động từ sản xuất cho đến sinh hoạt trong gia đình. Điều này có nghĩa
là phụ nữ có cũng có vai trò quan trọng trong việc ra quyết định các hoạt động
sản xuất nếu họ là người có thu nhập chính. Song, những quyết định của họ đều
có sự tham gia của nam giới. Có thể nói, nam giới luôn có ảnh hưởng rất lớn
trong việc ra các quyết định. Điều này cho thấy, quyền lực trong gia đình vẫn
có xu hướng thiên về nam giới, cho dù họ là người có thu nhập chính hay không.
3.
THAY LỜI KẾT
Nói tóm lại, nghiên cứu về quan hệ giới trong gia đình
ở An Giang cũng có những điểm khá giống với các nghiên cứu trước rằng, trong
gia đình đã có sự trao đổi, bàn bạc giữa vợ chồng trước khi đưa ra các quyết định
nhưng nam giới với tư cách là người chồng vẫn là người có quyết định những việc
quan trọng. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây (Lê Ngọc Văn, 2011; Đặng Thị Hoa, 2001; Mai Huy Bích
và Lê Thị Kim Lan, 1999) cho rằng, người vợ là người có thu nhập chính nhưng
người chồng vẫn là người có quyết định, nhưng nghiên cứu được thực hiện ở An
Giang đã cho thấy điểm mới là, ai là người có thu nhập chính trong gia đình thì
người đó có quyền quyết định nhiều hơn, phát hiện mới này khá thống nhất với
nghiên cứu của tác giả Văn Thị Cúc (2007); song, nam giới cũng có ảnh hưởng đến
quyền quyết định của phụ nữ, cho dù họ không phải là người có thu nhập chính.
Các bằng chứng định
lượng trên cho thấy, mô hình quyền quyết định trong gia đình ở An Giang thường
thiên về những người có thu thập chính trong gia đình. Có nghĩa là, mô hình quyền
quyết định trong gia đình ở An Giang chịu tác động rất nhiều từ yếu tố thu nhập,
bởi vì sự tự do về kinh tế là yếu tố hạn chế bất bình đẳng trong gia đình. Điều
này đã phản ánh, yếu tố kinh tế đã len lỏi vào đời sống hôn nhân và gia đình ở
An Giang và phản ánh quy luật kinh tế rằng, ai có nhiều tiềm lực kinh tế thì
người đó có quyền quyết định. Có lẽ, cuộc sống đương đại đã tác động đến quan hệ
giới trong gia đình ở đây, nó đã phá vỡ mô hình “phu xướng, phụ tùng” truyền thống,
góp phần mang lại sự bình đẳng giới trong gia đình.
Có thể nói, trong
gia đình ở An Giang hiện nay, mô hình quyền lực trong gia đình đã có những thay
đổi để phù hợp thời cuộc; mặc dù vậy, mô hình quyền lực trong gia đình vẫn còn
duy trì khuôn mẫu truyền thống, đó là sự ảnh hưởng của nam giới đối với các quyết
định từ hoạt động sản xuất cho đến sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Như vậy,
mô hình quyền lực này đã hạn chế tình trạng lạm quyền trong gia đình ở An Giang
hiện nay. Điều này đã hướng đến làm cân bằng vị trí, vai trò của phụ nữ và nam
giới trong gia đình ở An Giang hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng
Thị Hoa (2001). “Vị thế của người phụ nữ H’Mông trong gia đình và xã hội”. Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 1.
2.
Đặng
Ánh Tuyết (2010). ”Bạo lực gia đình
trên địa bàn tỉnh An Giang những vấn đề đặt ra từ cuộc khảo sát”. Tạp chí Dân số và Phát triển.
3. Đặng Ngọc Mai (2012). Phân công lao động theo giới
trong gia đình người H’Mông. Luận văn
4.
Lê Ngọc Hùng (2008). “Động thái quyền lực
giới. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tạp
chí Nghiên cứu gia đình và giới, số 5.
5. Lê
Ngọc Văn (2006). Nghiên cứu gia đình và lý thuyết nữ quyền. Nxb KHXH. Hà Nội.
6. Lê
Ngọc Văn (2011). Biến đổi gia đình Việt
Nam. Nxb KHXH. Hà Nội.
7. Lê
Thị Kim Lan (2006). Phân công lao động
theo giời trong cộng đồng dân tộc Bru- Vân Kiều (nghiên cứu trường hợp hai xã ở
Hướng Hiệp và Tà Long, huyện Đắc rông, tỉnh Quảng Trị). Mai Huy Bích và Lê
Thị Kim Lan (1999). “Địa vị phụ nữ ngư dân ven biển miền Trung”. Tạp chí Xã hội học, số 3 và 4.
8. Nguyễn
Hữu Minh và Trần Thị Vân Anh (2008). Bình
đẳng giới ở Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội.
9. Nguyễn
Hữu Minh (2008). “Khía cạnh giới trong phân công lao động gia đình”. Tạp chí Xã hội học, số 4. Trang 44-56.
THỰC TRẠNG BÌNH ĐẰNG GIỚI TRONG GIA
ĐÌNH NGƯỜI VIỆT – NGHIÊN CỨU TẠI MỘT XÃ NÔNG THÔN VÙNG TÂY NAM BỘ
ThS. Nguyễn Tấn Dân
Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
Ra các quyết định trong gia đình là một chỉ báo thường được
sử dụng để đo lường địa vị của người phụ nữ trong gia đình. Do ảnh hưởng của
văn hóa Nho giáo, trong gia đình Việt Nam nói chung và gia đình nông thôn nói
riêng, nam giới luôn được đề cao vai trò là trụ cột và có tiếng nói quyết định
trong các công việc gia đình. Bài viết này tìm hiểu thực trạng bình đẳng giới
trong gia đình người Việt – nghiên cứu trường hợp tại một xã nông thôn vùng Tây
Nam Bộ, qua đó thấy được sự bất bình đẳng giới trong phân công lao động gia
đình vùng nông thôn Tây Nam Bộ.
Vấn đề bình đẳng giới
đang được hầu hết các quốc gia quan tâm và được xác định là 1 trong 8 mục tiêu
Thiên niên kỷ[215]. Bình đẳng giới cũng được đề cập đến trong các chương
trình, dự án phát triển hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên
trên thế giới ký tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối
xử với phụ nữ (CEDAW) được phê chuẩn vào 27/11/1981[216].
Đảng và Nhà nước ta quan tâm và đặt vấn đề
bình đẳng giới là một trong những mục tiêu và là động lực phát triển quốc gia.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể
hóa trong Hiến pháp (2013), Luật Bình đẳng giới (2006)[217], Luật
Phòng chống bạo lực gia đình (2007)[218].
Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020[219] của
nước ta, có mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng
thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực
chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền
vững của đất nước”.
Trong những năm qua,
sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định
trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất cập,
nhất là trong gia đình ở khu vực nông thôn.
Theo thuyết Nữ quyền
phương Tây, phụ nữ là trung tâm trong việc phân tích đời sống gia đình, xã hội.
Sự bình đẳng giới trong đời sống gia đình được thể hiện chủ yếu trên các khía cạnh:
(1) sự phân công lao động; (2) quan hệ quyền lực; (3) các hoạt động chăm sóc
thành viên gia đình. Dựa trên thuyết Nữ quyền, bài viết tiếp cận vấn đề bất
bình đẳng giới trong gia đình nông thôn vùng Tây Nam Bộ ở những khía cạnh nêu
trên. Tài liệu để hoàn thành bài viết này dựa trên các 20 cuộc phỏng vấn sâu với
người dân, 2 cuộc thảo luận nhóm và những quan sát tại địa bàn một xã nông thôn
thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp năm 2014.
2. BÌNH ĐẲNG GIỚI
TRONG VIỆC ĐƯA RA CÁC QUYẾT ĐỊNH TRONG GIA
ĐÌNH
Luật Bình đẳng giới
(2006) quy định về bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, y tế,
giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-thông tin và gia đình, thể hiện một
bước tiến mới trong mục tiêu bình đẳng giới. Văn hóa Nho giáo vốn đã bén rễ bền
chặt trong quan niệm, thái độ, ứng xử của người Việt từ nhiều thế kỷ qua - ở
đó, người phụ nữ được xem là “nữ nhi ngoại tộc”, hay “tại gia tòng phụ, xuất
giá tòng phu, phu tử tòng tử”, nên để thay đổi những giá trị mang tính “trọng
nam, khinh nữ” cần phải có thời gian nâng cao nhận thức và cải thiện lối ứng xử
của các thế hệ người Việt nói chung và ở vùng Tây Nam Bộ nói riêng.
Ra các quyết định là
một chỉ báo thường được sử dụng để đo lường địa vị của người phụ nữ trong gia
đình. Tuy vậy, quyền ra các quyết định trong gia đình không chỉ chịu sự chi phối
bởi yếu tố giới tính mà còn có các yếu tố khác, như: (1) lĩnh vực ra quyết định
(nuôi dạy con cái, mua sắm đồ dùng hay xây nhà cửa,…); (2) tầng lớp xã hội của
gia đình (nông thôn hay thành thị, mức sống,…); (3) tuổi tác và các giai đoạn
trong đường đời của người phụ nữ. Xem xét giới tính trong mối quan hệ với các yếu
tố trên, chúng tôi lựa chọn một số hướng tiếp cận sau:
2.1. Quyết định trong cuộc sống hôn
nhân
Trong việc kết hôn
Hôn nhân được xem là một
thiết chế tồn tại song hành với các thiết chế khác (kinh tế, giáo dục, chính trị,
tôn giáo), bao gồm một hệ thống các chuẩn mực khiến hành vi của con người được
sắp đặt trong những mẫu hình có tính bền vững. Theo quan điểm của người Việt,
hôn nhân là một trong ba chuyện hệ trọng đối với cuộc đời của một con người: “Tậu
trâu, lấy vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy ắt là khó thay”. Hôn nhân còn chịu sự
chi phối bởi bối cảnh văn hóa và điều kiện lịch sử của từng thời kỳ. Dữ liệu điều
tra cho thấy một số đặc điểm hôn nhân của người dân nông thôn Tây Nam Bộ như
sau:
Hôn nhân ở Tây Nam Bộ
trước Đổi mới (1986), thậm chí là cho đến nay vẫn mang nhiều tàn dư của tư tưởng
Nho giáo. Trước năm 1975, hôn nhân của người dân Tây Nam Bộ hầu như là do mai mối,
“cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Thông thường, người mai mối sẽ giới thiệu bên
nhà trai về cô gái nào đó mà họ “chấm”, sau đó nhà trai sẽ qua nhà gái để hỏi
cưới, nếu nhà gái đồng ý thì đám cưới được tiến hành mà không nhất thiết phải
thông qua ý kiến của đương sự, đặc biệt là nữ giới. Cha mẹ có toàn quyền trong
việc quyết định hôn sự của con cái và đó còn là thể hiện trách nhiệm của cha mẹ
đối với con cái. Cha mẹ thường mong muốn chọn cho con gái một người chồng hiền
lành, chí thú làm ăn, không quá chênh lệch so với hoàn cảnh của gia đình và xem
việc quyết định hôn sự cho con gái là “quyền của cha mẹ”. Quan niệm này còn thấy
rất rõ trong lớp tuổi trung niên trở lên, sống ở nông thôn, học vấn thấp, ít có
cơ hội tiếp xúc với bên ngoài.
“Người ta mần mai đó, chứ không có quen trước. Hồi đó
cũng kể như hồi xưa đi chớ đâu phải tân thời như bây giờ. Hồi xưa đâu có quen
có phên gì đâu, đâu có bạn bè, đâu có se sua. Năm em 17-18 tuổi người ta không
có tới, với lại ba em cũng khó nữa, 17-18 tuổi ổng đâu có chịu gả. Quê em ở dưới
Mỹ Hội nè, lấy chồng về Mỹ Tho. Người ta mai mối hai đám, ba em ưng ông này ổng
gả, chớ em không biết vì sao ổng ưng ông này [chồng người trả lời] nữa. Em
không cãi ba em được. Ba em gả chị hai em cũng vậy nữa, ổng quyết định gả là ổng
gả hà. Ổng theo xưa mà, ổng hỏi em thì mình cũng lớn rồi, em nói tùy ba, ba coi
được thì ba gả chớ mình đâu có biết coi gì đâu. Ba em gả là mẹ em đồng ý gả
luôn, chứ không có ý kiến khác đâu. Ba em luôn là người chủ gia đình, mẹ em phải
nghe theo” (N.T.T – nữ - 53 tuổi).
Hôn nhân của đôi trẻ
không chỉ là nhiệm vụ chính của cha mẹ mà còn là trách nhiệm của cả họ hàng. Do
vậy, khi họ hàng đã ưng thuận chàng trai nào đó, nhưng lúc này cô gái chưa bằng
lòng, thì họ ra sức bồi đắp cho chàng trai, thuyết phục cô gái,… để đến một lúc
nào đó cô gái cũng sẽ phải bằng lòng. Loại hình hôn nhân mai mối này chịu sự
chi phối của áp lực cộng đồng khiến người trong cuộc đôi khi lại miễn cưỡng quyết
định hạnh phúc của chính mình.
“Thích thì không thích, thương cũng không thương […] Hồi đó
tui đâu có chịu ổng đâu. Bà má tui bả không chịu gả […]. Cũng nhờ mấy anh năn nỉ
bà má, mấy ông anh rể năn nỉ dữ dằn lắm. Rồi ổng [ông chồng] nhờ người [mấy ông
anh rể] nói hoài riết rồi ba má cho cưới. Mấy anh ở nhà thương ổng [ông chồng]
lắm, hồi đó ổng [ông chồng] được lắm ai cũng thương hết, rồi mới đốc gả [giục
cưới]” (N.T.N – nữ - 58 tuổi).
Hiện nay, với những
thay đổi về điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội, hôn nhân mai mối chỉ còn tồn tại ở
một số ít gia đình, hoặc đã có sự chuyển biến. Nếu như trước đây cha mẹ hoàn
toàn tự quyết định hôn sự cho con cái, thì nay cha mẹ đã hỏi ý kiến của con cái
trước khi quyết định. Hôn lễ chỉ diễn ra khi đương sự đồng ý với cha mẹ.
Ngày nay cơ hội để
nam - nữ trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu rộng mở hơn nhiều so với thế hệ cha mẹ họ,
nhất là khi việc xuất cư đến các vùng đô thị đang tăng cao. Thanh niên được
trao cho cơ hội lựa chọn bạn đời, nhưng phần
lớn trường hợp vẫn phải được cha mẹ đồng ý.
“Hai đứa nó đồng ý rồi thì tui cưới cũng như nó thương
nhau rồi là mình cưới. Đời bây giờ mà thì thôi kệ nó lựa cho nó đi. Mình không
ép nó nhưng mà nó nói mình cũng không được. Mình không ép nó cưới, nếu hai đứa
con đồng ý thì tới phiên người lớn tới” (P.T.L – nữ - 59 tuổi).
Người Tây Nam Bộ tuy
không có xu hướng khuyến khích nội hôn trong làng xã, song cũng có tâm lý phân
biệt và hạn chế hôn nhân với các vùng khác nhằm đảm bảo sự hòa hợp trong đời sống
gia đình, hạn chế sự khác biệt văn hóa có thể cản
trở hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình.
“Con rể tui người ở đây không hà… tui chỉ cưới gả với gia
đình trong Nam thôi, còn miền ngoài [miền Trung và miền Bắc] thì không à. Mấy
người đó khó lắm, con gái tui làm dâu không nổi đâu. Tui không gả cũng không cưới
tại vì cách sống của hai bên không hợp nhau. […]. Không phải người ta muốn khó
nhưng mà người ta sống theo đúng cái luật của người ta. Dân miền Nam sống cái
gì cũng đơn giản, còn người miền Bắc thì lễ nghĩa lắm. Tui biết chứ” (N.V.B – Nam - 68 tuổi).
Trong việc lựa chọn nơi sinh sống
Sau lễ cưới, một gia
đình mới chính thức được thiết lập trước sự đồng tình và chứng kiến của họ hàng
hai bên. Theo cuộc điều tra gia đình Việt Nam năm 2006, có 64,8% các cặp vợ chồng
độ tuổi 18-60 và 57,8% các cặp độ tuổi từ 61 trở lên đã “ở chung với gia đình
chồng và ăn chung” ngay sau khi cưới (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục
Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, 2008, tr. 65). Như
vậy, hình thức cư trú bên chồng vẫn phổ biến ở hôn nhân của người Việt. Cư trú
bên chồng sau kết hôn, tức là cô dâu sẽ rời nhà cha mẹ đẻ để đến sống tại nhà
chồng, trong dân gian vẫn thường gọi là “làm dâu”. Tùy thuộc điều kiện của mỗi
gia đình mà thời gian đôi vợ chồng sống chung với cha mẹ dài hay ngắn. Theo phỏng
vấn, có 18/20 trường hợp cư trú bên chồng sau khi kết hôn cho biết họ phải được
sự đồng ý của cha mẹ chồng thì mới được ra ở riêng.
“Làm dâu 11 năm mới được ra ở riêng, bả [mẹ chồng] cho ra
riêng [bố chồng đã mất nên mẹ chồng có quyền quyết định chính]. Bả nói tụi bây
muốn cất nhà thì cất đi, được rồi đó” (H.T.B – nữ - 60 tuổi).
Ở nông thôn Tây Nam Bộ,
con trai út, khi lập gia đình, phần lớn sẽ sống chung với cha mẹ - gia đình gốc
– cho đến khi cha mẹ mất, chứ không tách hộ như những anh trai của mình. Con út
sẽ là người phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng ông bà tổ tiên, ngược lại với ở miền
Bắc, người con trai trưởng lại được mong đợi thực hiện tốt vai trò này. Cũng vì
lý do phụng dưỡng cha mẹ già và hương khói khi cha mẹ khuất nên người con trai
út thường được cha mẹ chia cho tài sản nhiều hơn so với những anh trai khác.
Con trai út sẽ được hưởng thêm 2 phần tài sản, thường được tính bằng đất, đó
là: (1) đất để hương hỏa và (2) đất được quy ra cho các đám giỗ mà người con đứng
ra lo cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. Chỉ “khi
nào mà út nó không chịu thì mới đưa con trai đầu” (Nhóm nữ - tuổi từ
25-60). Như lời kể của người vợ có chồng là con trai út: “Gia đình em con trai thì cho 5 công
ruộng, còn con gái 3 công 4 công gì đó. Cũng có chênh lệch giữa trai và gái
nhưng không quá nhiều. Vợ chồng em cũng được 5 công ruộng, bà già còn để lại 5
công ruộng nữa để thờ cúng cha mẹ đó. Vợ chồng em ở với bà nên lãnh luôn 5 công
đó, mình lãnh giỗ mà” (L.T.L - nữ
- 43 tuổi).
Mặc dù con gái cũng
được thừa hưởng tài sản của cha mẹ đẻ, kể cả ruộng đất, nhưng vẫn có một tâm lý
chung là cha mẹ khi về già vẫn muốn sống chung với con trai và con dâu. Một bà
mẹ chồng lý giải: “Mình phải ở với con
trai, con gái còn có con rể làm sao mình ở được. Nhiều khi khó lắm, con dâu nói
vậy chớ nó dễ, còn con rể nhiều khi nó nhậu vô nó nói nuôi bà già vợ thì sao.
Khó lắm, chẳng thà mình ở với con mình” (P.T.L – nữ - 59 tuổi).
Như vậy, việc cha mẹ ở
với con trai - con dâu hay con gái - con rể cũng xuất phát từ tâm thức truyền
thống “dâu là con, rể là khách”. Do đó, tâm lý khát khao con trai cũng xuất
phát từ đây, chúng tôi sẽ bàn luận vấn đề này ở phần sau.
Trong phân công việc nhà
Cuộc sống của người
phụ nữ vừa kết hôn ít nhiều bị tác động bởi giai đoạn sống cùng nhà chồng (đặc
biệt là con dâu út). Việc đầu tiên mà người con dâu mới phải làm là tuân thủ sự
phân công công việc từ mẹ chồng. Công việc chính mà người con dâu nông thôn Tây
Nam Bộ là phải đảm đương các công việc nội trợ cho cả gia đình, hay chăn nuôi,
lao động đồng áng, nhận hàng về gia công tại nhà... Người con dâu hiển nhiên
xem đấy là trách nhiệm, bổn phận của mình. Còn các bà mẹ chồng sẽ bớt đi gánh nặng
công việc gia đình, họ cũng tự cho mình có quyền được rảnh rỗi khi có con dâu mới:
“Em ôm trong ngoài luôn, từ hồi đó tới giờ
là vậy đó. Em đảm nhận hết trơn, má em chỉ làm vậy thôi, mình là dâu là con
mình phải làm, không lẻ để mẹ mình làm cho mình ăn, mình phải làm hết…”
(L.T.L – nữ - 43 tuổi).
Nhưng từ điều này lại
hình thành một vấn đề có tính bất bình đẳng giữ các con dâu với chị em gái chồng
còn chưa lập gia đình đang sống chung với cha mẹ: “Việc nhà thì có cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Việc nhà xúm vô
làm nhưng vì em là dâu nên em phải làm chính những chuyện liên quan đến cơm nước,
dọn dẹp nhà cửa. […] Người ta đi làm về mệt mỏi thì nghỉ, còn mình phận làm dâu
mà thì dù có mệt cũng phải làm. Làm dâu hồi đó mà chứ đâu phải như bây giờ. Làm
dâu thì phải nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặt đồ. Mấy cô em chồng chỉ làm khi
nào em bận việc gì đó” (N.T.M.T – nữ - 50 tuổi).
Do công việc đồng áng
hiện nay đã có máy móc, dịch vụ nên người phụ nữ làm dâu ngày nay nhìn chung đỡ
vất vả hơn so với thế hệ mẹ của họ. Họ được giảm bớt công việc ruộng đồng chỉ
còn lo việc nội trợ, chăm sóc con cái, chăn nuôi hay làm thêm một số công việc
khác. Những phụ nữ có công ăn việc làm ổn định tại một cơ quan nào đó thì có vẻ
như ít áp lực hơn khi làm dâu, vì phần lớn thời gian họ không ở nhà, công việc
nhà do các thành viên khác đảm trách, thậm chí có trường hợp là cha mẹ chồng đảm
nhận.
Trong việc quản lý tài chính và phân chia tài sản
Đối với các con trai
khác (không phải là con trai út), sau khi kết hôn xong sẽ cư trú tại gia đình
mình cùng với vợ một thời gian nhất định, cùng tham gia lao động sản xuất với
gia đình. Tùy vào từng gia đình mà đôi vợ chồng trẻ được tích lũy tiền riêng
hay phải bỏ vào quỹ chung của gia đình do mẹ chồng làm “chìa khóa tay hòm”.
Khi đôi vợ chồng ra ở
riêng, gia đình bên chồng sẽ chia cho đôi vợ chồng một số tài sản, thường gọi
là “vốn”, để đôi vợ chồng làm kế sinh nhai, như: đất đai, nhà cửa, tiền bạc,
con giống, cây trồng,… Gia đình bên vợ cũng có thể cho đôi vợ chồng trẻ một số
tài sản (nếu có). Tài sản mà đôi vợ chồng trẻ được nhận nhiều hay ít là dựa vào
cách phân chia và số lượng tài sản mà gia đình hai bên sở hữu. Nhưng gia đình
bên chồng thường có trách nhiệm giúp đỡ nhiều hơn gia đình bên vợ. Đó có lẽ
cũng là lý do tại sao khi phân chia tài sản cho con cái thì con trai luôn được
hưởng phần nhiều hơn so với con gái, vì “con gái đã có bên chồng lo rồi”.
2.2. Quyết định mua sắm hoặc bán tài
sản có giá trị
Trong gia đình gốc[220] (gồm nhiều thế hệ), vấn đề mua bán các tài sản có giá trị
có vai trò lớn của cha mẹ, quyền của đôi vợ chồng trẻ bị hạn chế, đặc biệt là
con dâu vốn bị xem là “người ngoài”. Chẳng hạn câu chuyện của một người con dâu
khi mẹ chống bán mảnh đất đã cho vợ chồng chị: “Bà giao cho chồng em bán đất nhưng bả vẫn còn quyền, có nghĩa là bả
quyết định bán là bán. Em không được hỏi ý kiến, hai người quyết định bán, bà
già chồng với ông chồng. Từ đó ổng và em chỉ còn làm mướn để sống. Em là con
dâu mà nên không có quyền gì hết” (N.T.M.T – nữ - 50 tuổi).
Không chỉ vậy, trong
giai đoạn sống chung với gia đình chồng, mẹ chồng là người giữ tiền, quản lý
toàn bộ hoạt động chi tiêu của gia đình. Vợ chồng con trai và con dâu có thu nhập
thì phần lớn họ cũng đưa lại toàn bộ số tiền cho mẹ chồng để bà lo liệu mọi việc
trong nhà, lúc có việc cần thì họ sẽ xin lại. Ở khía cạnh này có thể thấy quyền
lực của mẹ chồng so với con dâu, và nó trở thành chuẩn mực ứng xử giữa mẹ chồng
và con dâu: “Mình làm cha mẹ thì mình quản
lý, chừng nào mình già thì nó quản lý. Nhiều khi con nó giữ người ta cũng đánh
giá mẹ nó còn mà sao nó giữ tiền, mình tội nghiệp cho con” (H.T.B – nữ - 60
tuổi).
Chỉ khi mẹ chồng già
yếu và người con dâu đã tạo được niềm tin thì bà sẽ chủ động giao lại tiền bạc
cho con dâu quản lý. Một người con dâu chia sẻ: “Khoảng 5-6 năm nay bà [mẹ chồng] giao cho em giữ tiền. Bà nói má lớn
tuổi rồi với lại bả đau [bệnh nặng] trận trước nữa, thấy vậy bả mới giao tiền
cho mình giữ tiền rồi lo luôn. [Trước đây] bà giữ tiền, làm ăn mà tiền không có
nữa, lớp con cái nữa” (L.T.L – nữ - 43 tuổi).
Ở một số gia đình
khác, mẹ chồng vẫn là người nắm giữ tiền và quản lý chi tiêu trong gia đình,
nhưng đôi vợ chồng được quyền để dành tiền riêng, nếu họ có thu nhập và đóng
góp hợp lý vào chi tiêu chung của gia đình nhà chồng.
“Bả [mẹ chồng] phải giữ để chi tiêu chớ, con dâu nó giữ
tiền của chồng nó đưa để chi xài cho gia đình con cái nó, mua sữa, tiền học cho
con nó, quần áo hay cái gì vợ chồng nó cần. Mình nuôi gạo thôi, còn nó có tiền
đó muốn ăn gì thì mua. Vợ tui giữ tiền để chi các món lớn hay bả muốn xài gì
thì bả có tiền xài không phải xin tiền con. Nó [con dâu] lo việc nhà, lo hai bữa
cơm cho cha mẹ chồng, chồng con nó” (N.V.B – nam - 68 tuổi).
Còn trong gia đình hạt
nhân (chỉ có hai vợ chồng và con cái), việc mua bán tài sản có giá trị là sự
quyết định của đôi vợ chồng. Nhưng ở mỗi gia đình, mức độ quyết định của vợ và
chồng là khác nhau, thông thường chồng sẽ đóng vai trò là người quyết định
chính.
“Con em nó chuẩn bị sắm laptop, nhưng mà ông xã em không
cho thì em không thể nào quyết định được, lúc nào cái lớn lao cũng là ổng hết” (L.T.H – nữ - nhóm 25-60 tuổi).
Tuy nhiên, đôi khi
người vợ cũng có quyền quyết định.
“Tui không muốn mua rồi dù ổng có muốn tui cũng không
mua.… mình phải tính cái đó nó có lợi hay không, nếu có lợi thì mình mua, còn
không có lợi thì mình quyết định không mua chứ sao. Mình mua thiếu tiền chi
tiêu thì ai chịu” (H.T.B – nữ -
60 tuổi).
Sửa chữa hoặc xây dựng
nhà cửa là việc lớn của một gia đình, nhất là xây nhà – một trong ba việc quan
trọng của một đời người. Đây là lúc vai trò, vị thế giữa vợ - chồng được thể hiện
rõ rệt nhất. Hầu như, đối với vấn đề này, người chồng luôn là người quyết định
chính, còn người vợ chỉ đóng vai trò góp ý thêm.
“Chừng nào mua mấy món đắt tiền như xe cộ thì hai vợ chồng
phải bàn bạc, nếu đồng ý thì mua sắm. Còn đầu tư cho sản xuất thì tui quyết định,
sửa chữa, xây dựng nhà cửa cũng do tui quyết định. Dù bàn bạc với nhau, nhưng
người ra quyết định cuối cùng chắc chắn là tui rồi” (T.V.D – nam - 39 tuổi).
Nhìn vào vai trò của
từng người trong gia đình khi quyết định mua sắm vật dụng có giá trị, có thể thấy
người đàn ông vẫn còn giữ vị trí trụ cột, là gia trưởng trong gia đình ở nông
thôn Tây Nam Bộ.
2.3. Quyết định số con trong gia đình và sinh con trai hay con gái
Giá trị trẻ em là khái niệm đầu tiên được tiếp cận và làm
rõ bởi L. W. Hoffmann & M. L. Hoffmann (1973, tr 20). Hai tác giả này cho rằng, “giá trị con cái” là xu hướng
mang tính quốc tế và đa văn hóa. Họ đã nhìn thấy những khía cạnh
tâm lý đóng vai trò quyết định quan trọng cho sự ra đời của đứa trẻ và coi “giá trị của trẻ em là biến số trung gian hòa giải trung tâm ở cấp độ cá nhân”. Tuy nhiên, biến số này có thể thay đổi vì những thay đổi trong xã hội và trong bối cảnh văn hóa xã hội.
Annette Kohlmann (2000) quan niệm giá trị của con cái
trong chức năng sản xuất xã hội, bao gồm 4 giá trị theo hai loại hình (xem Bảng
1).
Bảng 1. Giá trị của trẻ em trong
các chức năng sản xuất xã hội
|
Hạnh phúc thể lý (lợi ích kinh tế) |
Công nhận xã hội |
Ngắn hạn |
Lợi ích lao động |
Lợi ích trạng thái đạt được |
Dài hạn |
Lợi ích bảo hiểm |
Lợi ích cảm xúc |
Theo Bảng 1, trẻ em có 2 giá trị lớn trong chức năng sản
xuất xã hội là: Hạnh phúc thể lý và Công nhận xã hội với 2 mức độ khác nhau
(ngắn hạn và dài hạn).
Hạnh phúc thể lý được hiểu là những lợi ích thiết thực về tính kinh tế mà
việc sinh con cái có thể mang lại cho các cặp vợ chồng. Trước hết, lợi ích ngắn
hạn chính là lao động. Trẻ em có thể phụ giúp cha mẹ trong rất nhiều công việc
theo kiểu “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Trong xã hội nông thôn, trẻ em phụ giúp cha
mẹ rất nhiều công việc. Trẻ em trai phụ giúp nhổ cỏ, cắt lúa…; trẻ em gái thì
trông giữ em, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn… trong khi cha mẹ đi làm đồng. Nhưng đây
chỉ là lợi ích ngắn hạn, lợi ích dài hạn là vấn đề bảo hiểm. Bảo hiểm ở đây được
hiểu là việc sinh con cái đảm bảo cho cuộc sống khi về già. Điều này như một sự
kỳ vọng có qua có lại. Cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng con cái và kỳ vọng con cái
cũng sẽ cư xử như thế với cha mẹ. Nó phản ánh một quan niệm truyền thống trong
văn hóa Việt Nam: có con để cậy nhờ khi về già. Hơn nữa, nếu có con trai thì cuộc
sống về già của cha mẹ sẽ càng đảm bảo hơn vì có người phụng dưỡng lúc tuổi già
và thờ cúng khi qua đời.
Về giá trị công nhận
xã hội, trẻ em có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm tối ưu hóa các giá trị
xã hội của cha mẹ chúng. Nhờ sự xuất hiện của trẻ mà các mối quan hệ của cha mẹ
với nhau, với người thân và những người khác trong xã hội được thắt chặt hoặc mở
rộng, nhất là đối với người mẹ. Với tư cách làm cha làm mẹ, mối quan hệ vợ chồng
đã thay đổi về chất lượng, trở nên bền chặt hơn, gắn bó và có trách nhiệm hơn.
Mỗi lần sinh con sẽ làm tăng thêm các mối quan hệ xã hội, nâng cao giá trị xã hội
của các bậc làm cha mẹ. Nhưng đó chỉ là lợi ích ngắn hạn. Lợi ích cảm xúc mới
là lợi ích dài hạn, những đứa con sẽ tạo nên mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa
cha mẹ - con cái trong tình yêu thương, cam kết và trách nhiệm.
Với 4 giá trị về con
cái đã phân tích ở trên, chứng tỏ rằng, vợ chồng không có con cái quả là một bất
hạnh. Người Việt Nam vẫn quan niệm là “nhà đông con là nhà có phúc”. Càng đông
con thì cha mẹ càng được nhờ cậy con cái nhiều, nhất là khi cha mẹ già yếu.
Chính vì vậy mà phải có con, con trai thì càng tốt, nhưng bao nhiêu con thì đủ?
Trước đây, xã hội nông nghiệp vẫn xem trọng việc phải có
nhiều lao động, tức là nhiều con cái, nhất là con trai. Bởi vì, chỉ có con trai
mới đủ sức để làm các công việc đồng áng nặng nhọc. Do đó, nhu cầu có con trai
như là một đòi hỏi bắt buộc đối với gia đình nhà nông. Hơn nữa, do người Việt chịu
ảnh hưởng của Nho giáo, còn đề cao nam giới so với nữ: “nhất nam viết hữu, thập
nữ viết vô”. Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong các gia đình Việt, đặc biệt
là ở nông thôn. Điều này khiến số con sinh ở các gia đình khá cao, đặc biệt là ở
các gia đình có nhiều con gái và cố sinh con trai, nên số con từ 5-6 con, thậm
chí 10 con là điều rất bình thường. Một phụ nữ giải thích: “Thì con trai để cho nó mần sốc vác công việc nặng nhẹ, còn con gái nó
đâu có quảng bình, đâu có sạ lúa, xịt thuốc được, thành ra mình ham có đứa con
trai mần chuyện này chuyện kia, cũng như là thờ cúng ông bà, chớ rể cúng cũng
khó khăn lắm, có con trai nó cúng dễ hơn” (N.T.K – nữ - 60 tuổi).
“Ổng nói thôi mình cũng còn khổ
thì thôi sanh ba đứa tại vì hai đứa kia là con gái, nhưng mà ổng ham con trai. Ổng
mới quyết định thôi mình kiếm đứa con trai nữa đi rồi cái hãy nghỉ, được thằng
con trai rồi nghỉ [sinh] luôn đó” (L.K.A – nữ - 47 tuổi).
Theo Tổng điều tra
dân số và nhà ở năm 2009, Tây Nam Bộ đứng thứ hai trong cả nước về tỷ số giới
tính khi sinh (109,9 bé trai: 100 bé gái) trong khi đó tỷ số giới tính khi sinh bình thường là
104-106
bé trai/100 bé gái (Ban
chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở Trung ương. 2010, Tr. 62, 63). Thực trạng này báo động về mất cân bằng giới tính khi
sinh ở Tây Nam Bộ cao hơn ở toàn quốc nói chung. Hay nói cách khác, đã bắt đầu
có sự can thiệp của y học vào lựa chọn giới tính khi sinh ở các gia đình để thỏa
mãn nhu cầu có con trai.
Tuy nhiên, tâm lý ưa
thích con trai trong các gia đình Việt ít nhiều đã bị lung lay bởi sự tác động
của yếu tố kinh tế. Nếu sinh con cái nhiều thì khó có thể đảm bảo cuộc sống no ấm
cho con. Bên cạnh đó các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đã góp phần giảm đi số
con, quy mô gia đình giảm dần, thường là chỉ 2-3 con, dù sinh được con gái hay
con trai. Số con được sinh ra dựa trên sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng khi
xem xét nhiều yếu tố khác nhau.
“Như nhỏ con gái tui nè, vợ chồng nó ham con trai dữ lắm
nhưng mà nó sinh ra hai đứa con gái rồi nó cũng nghỉ sinh luôn…, nó nói tại vì
tui cho nó có hai công ruộng à, nếu mà sinh ra đứa nữa biết ra là con trai
hông, hay ra con gái nữa con lo hông nổi, cũng nghĩ nghen, chứ nói ham thì ham
chứ mình nhắm khả năng mình hổng lo nổi cho con…” (N.T.K – nữ - 60 tuổi).
Nhưng thông thường,
đàn ông là người quyết định chính về số con nhằm đảm bảo cuộc sống, tâm lý muốn
có con trai đã phần nào giảm đi: “Em thì
chịu đông con, ổng không chịu, theo em cỡ 3-4 đứa con thì vừa, hai đứa hẩm hiu
lắm. Sau khi sinh thằng
con trai rồi ổng biểu em nghỉ. Nếu có vướng thì ổng cũng kiếm thuốc uống hà…
Mình đẻ một đứa con mất 2-3 năm trời không làm ăn gì được, em là lao động chính
mà. Đẻ con trai xong là ổng kêu em nghỉ đẻ luôn đó…, với lại đàn bà mình sinh
nhiều cũng cực nữa. Ổng hô đông con quá khổ lắm” (N.T.M.T
– nữ - 50 tuổi).
2.4. Quyết định việc học hành, việc
làm và định hướng nghề nghiệp của thành viên gia đình
Hầu hết cha mẹ đều mong muốn con cái học hành đến nơi
đến chốn. Tuy nhiên, con cái những người thuộc phạm vi khảo sát phần lớn có
trình độ học vấn không cao. Các em thường nghỉ học sớm để theo cha mẹ phụ giúp
công việc đồng áng, một phần nữa là cách đây khoảng 5 đến 10 năm đường sá đi lại
còn khó khăn, kèm theo đó là tâm lý chán học của trẻ. Hiện nay cha mẹ không có
tâm lý hạn chế con gái đi học hay chỉ lo cho con trai đi học. Nói cách khác, giới
tính của con cái không ảnh hưởng đến quyết cho con đi học, hay đi học đến đâu.
Dữ liệu điều tra không cho thấy rõ vai trò quyết định
đối với việc học hành của con cái thuộc về cha hay mẹ. Ở một số gia đình thì
cha là người quyết định, một số gia đình khác lại là mẹ. Nhưng có thể thấy rõ
là điều kiện kinh tế đã tác động lớn đến việc học hành của con cái.
“Con trai hay con
gái gì tui cũng cho đi học hết trơn đó... Hồi đó mình nghèo mà lo cho con đi học
tốn tiền dữ lắm. Bây giờ mình hỏi tiền hỏi bạc cho con đi học, cho tới lúc nó
đi làm được thì tui đã tốn biết bao nhiêu tiền rồi... Nhưng dù nó có đi làm nếu
cha nó già thì nó cũng phải về nhà vì nhà mình có đất ruộng,... còn ổng thì cho
nó đi ôn. Đưa lên Cao Lãnh rồi đặng ôn thi đại học mà, tui thì kêu về, ổng kêu
đi. Hai vợ chồng tui cự lộn, rốt cuộc tui thắng. Tui nói nhất quyết cho nó nghỉ
học, hồi đó hai đứa em nó còn đi học” (P.T.L – nữ - 59 tuổi).
Định hướng nghề nghiệp cho con cái là sự thảo luận của
cả cha và mẹ. Người mẹ thường đóng vai trò gần gũi, khuyên răn con cái trong lựa
chọn việc làm, định hướng nghề nghiệp. Nhưng khi con cái đủ trưởng thành thì
thường họ tự quyết định về tương lai của bản thân.
“Cái nghề nghiệp của
con cái thì nói chung mình là mẹ rồi thành ra ổng cũng nhường lại cho mình hết
trơn, thì nó muốn học nghề hay làm cái gì thì ổng nói ai biết đâu tùy mẹ con
mày, thì cái gì con coi làm cái gì tiện thì con bàn với mẹ con tính toán, rồi
mình cũng có bàn với ổng vậy đó…” (L.K.A – nữ - 47 tuổi).
3. BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG GIA ĐÌNH
3.1. Việc chăm sóc con cái và người già/người bệnh
Trong xã hội nông thôn, nam giới không thường xuyên
chăm sóc con cái, người già, người ốm, họ chỉ đảm nhận khi gia đình neo người
hoặc chỉ làm tạm thời. Bởi họ theo quan niệm nam giới phải lo kiếm tiền cho cả
gia đình, còn phụ nữ làm nội trợ, sinh con, chăm sóc cha mẹ già. Việc chăm sóc
trẻ em ở những gia đình gốc (nhiều
thế hệ) thuận tiện hơn cho đôi vợ chồng, bởi vì con cái của họ được bố mẹ chồng
chăm sóc, trông nom, giúp họ an tâm mưu sinh. Nhưng đối với những gia đình đã
tách hộ, việc chăm sóc con cái đè nặng lên đôi vai người vợ. Nếu gia đình kinh
tế khá giả, người phụ nữ chỉ có việc nội trợ, chăm sóc con cái và có thể nhận
thêm việc làm tại nhà (lột sen, đan lục bình…). Nhưng nếu gia đình khó khăn về
kinh tế, người vợ còn phải phụ giúp chồng công việc đồng áng. Ở các thế hệ lớn
tuổi, phụ nữ thường chịu nhiều vất vả, áp lực, vừa làm việc đồng áng vừa một
tay chăm sóc con cái. Còn nam giới chỉ làm mỗi việc lao động sản xuất, ít phụ
giúp vợ chăm sóc con cái, người già.
“Có con rồi như
con Trinh nó lớn được 2-3 tuổi thì nó ở nhà với bà nội. Bà nội giữ cháu, còn em
đi đặt lợp đặt lờ với ổng, lúc đó chỉ còn hai vợ chồng đi làm” (L.T.L
– nữ - 43 tuổi). “Ở trong nhà thì sanh ba
đứa, chăm sóc con cái thì mình nhiều hơn là ổng. Ổng cũng có giữ con, khi mình
làm hông kịp, thì ổng có giữ, nhưng mà ít thôi” (L.K. A – nữ - 47 tuổi).
Như vậy, chăm sóc con cái là công việc chủ đạo của người
phụ nữ trong gia đình. Còn người đàn ông chỉ hỗ trợ khi mà người vợ không làm
xuể.
Văn hóa Việt Nam vốn đề cao công ơn
sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng khi cha mẹ đau ốm, con trai ít trực tiếp
chăm sóc cha mẹ, chủ yếu là hỏi han, thăm nom. Nữ giới bất kể là con gái ruột
hay con dâu đều phải chăm sóc cha mẹ già bởi vì người ta cho rằng phụ nữ thì
khéo léo, chịu khó, cẩn thận nên rất thích hợp với công việc vốn đòi hỏi sự chỉn
chu, tỉ mỉ này: “… trước khi chết bả đau
cũng mấy tháng, mình phải lên xuống bệnh viện nuôi bả, thay phiên với thím út
và đứa con của thím út nó. Vì phụ nữ mình chịu khó, chăm sóc chu đáo hơn. Ổng
chỉ lên bệnh viện thăm bả rồi về hà chớ không ở lại nuôi” (H.T.B – nữ - 60 tuổi).
Thực ra con trai hay con gái đều có bổn phận với cha mẹ già, nhưng tâm lý nêu
trên là cơ sở tạo nên bất bình đẳng giới trong gia đình.
3.2. Công việc nội trợ
Rất nhiều hình thức truyền thông trong xã hội đang vô
tình củng cố quan niệm về “người giúp việc nhà” của phụ nữ. Hình ảnh người phụ
nữ với công việc nội trợ trên các chương trình quảng cáo, cũng như trên các bộ
phim truyền hình đã trở nên quen thuộc đến độ người ta xem đấy là công việc chỉ
dành riêng cho phụ nữ. Nhưng không có cơ sở sinh học nào xác nhận rằng nam giới
nói chung không có khả năng nấu ăn và làm việc nhà (dẫn lại theo Mai Huy Bích,
2009). Ở nông thôn Tây Nam Bộ nam giới làm việc nhà được đánh giá trong con mắt
của cộng đồng như câu chuyện sau:
“Thấy ở đây có người
đàn ông mà cầm thau xuống giặt thau đồ cái người khác người ta nói liền. Người
ta nói, trời
ơi đàn ông mà xuống đó ngồi giặt đồ…, rồi
cái mấy ông đàn ông, ông này nói qua ông kia vậy đó, nói trời ơi đàn ông mà đi
làm cái chuyện đàn bà. Bởi vậy nên mình gánh [giặt đồ] chứ ổng đâu có làm…,
thành ra người ta nói vậy đó rồi, mấy ổng đâu có làm đâu, một người làm cái mấy
ông hai ba ông ngồi lại nói này kia” (L.K.A – nữ - 47 tuổi).
Áp lực cộng đồng đối
với hành vi làm việc nhà của nam giới khiến đôi khi nam giới muốn phụ giúp cho
vợ cũng e ngại, sợ có người xung quanh bắt gặp và bàn tán. Tuy vậy, dựa vào đặc
thù của từng gia đình, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh những ông chồng cặm cụi
làm việc nhà, nấu nướng, chăm sóc con cái. Nhưng chỉ khi vợ bận công việc khác
thì người chồng mới giúp vợ trong công việc nhà: “Ổng giăng lưới, em đem cá ra chợ ông Bầu bán. 5 giờ sáng ổng đi giăng
lưới tới 5 giờ chiều về, cá ổng mang về 2-3 giờ khuya em đi chợ bán. Bán tới
5-6 giờ sáng là em về rồi. Ông Minh đi, em ở nhà giữ con, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Khi nào ổng về tới thì mình rộng cá để đó ngày hôm sau bán. Hai vợ chồng chỉ gặp
nhau bắt đầu từ 5-6 giờ chiều cho tới lúc đi ngủ. Ổng đi giăng lưới em ở nhà lo
hết việc nhà: con cái, cơm nước,… ở nhà làm gì thì tự mình ên mà làm. 2 giờ
khuya em đi bán rồi, ổng ở nhà nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo là ổng
làm hết. Em về ổng mới đi giăng lưới. Em về giữ nhà với trông con cái thôi. 6
chiều giờ ổng về tới nhà thì em đã lo cơm nước xong rồi, vợ chồng ăn cơm xong
là nghỉ ngơi. Làm như vậy cũng mấy năm. Ổng giỏi lắm, ổng mần việc ngoài đồng vậy
đó, về nhà em làm không kịp ổng nhảy vô ổng tiếp hết trơn hà” (Đ.T.P – nữ -
58 tuổi).
Nhằm
giảm bớt gánh nặng công việc nhà, người mẹ thường chủ động giao việc cho các
con nếu chúng đã làm được. Công việc mà con trai được giao thường là công việc
cần tới sức khỏe như: nhổ cỏ, cắt lúa, trồng cây…; ngược lại, con gái lại được
mẹ hướng dẫn làm các công việc nhà như: nấu cơm, đi chợ, trông em,… Những công
việc ấy là một hình thức giáo dục về giới được duy trì ngay trong gia đình, tiếp
nối thế hệ này qua thế hệ khác, càng củng cố chặt chẽ hơn về vai trò giới giữa
nam và nữ. Chính bản thân người phụ nữ đã vô tình hợp thức hóa cho định kiến giới
tiếp tục phát triển: “Con trai nhà tui nó
ít có làm chuyện trong nhà lắm, làm chuyện ngoài đồng với chuyện ngoài xã hội
không, tại vì đi học rồi đi làm về rảnh thì mần ở ngoài vườn ngoài đồng vậy
thôi chứ trong nhà ít lắm… Tại vì phong tục ông bà vậy đó, nữ thì phải làm
trong nhà, nam thì làm chuyện ngoài vậy chớ tui cũng hông biết sao nữa… Chứ con
trai tui mình cũng thông cảm, con trai đi mần việc xã hội, rồi về hả mần việc đại
khái như chặt cái cây hay gì thì đàn bà chặt hông được thì để nam chặt rồi hông
lẽ bắt nó vô nhà mần nữa tội nghiệp nó” (N.T.K – nữ - 60 tuổi).
Không
chỉ vậy, phụ nữ cảm thấy không tin tưởng khi giao công việc nhà cho nam giới. Một
số phụ nữ cho rằng các ông chồng làm việc nhà không được như mong muốn của họ,
nên họ muốn tự tay làm thì mới hài lòng. Nhờ con trai phụ giúp việc nhà cũng vậy,
nhiều phụ nữ cho rằng để họ làm thì mọi việc hoàn thành nhanh chóng hơn, vì sai
bảo rất nhiều lần mà con trai vẫn chưa chịu làm.
“Nấu cơm cũng vậy […] Ổng nói ổng đi nghĩa vụ thì hồi đó
là ổng làm bên đầu bếp đó, ổng làm thì cũng được đó nhưng mà làm thì nó hông có
ngon, thành ra thì hổng cho ổng làm riết rồi cũng quen nữa” (L.K.A – nữ - 47 tuổi).
Trong gia đình gốc,
công việc nội trợ được giao cho con dâu. Mẹ chồng tự cho mình quyền được nghỉ
ngơi sau nhiều năm vất vả với công việc này.
“Ổng ra ruộng thì mình đi theo làm cỏ, phụ này kia. Đi ruộng
về thì mình nấu cơm nấu nước, rồi quần áo, con cái mình lo. Cái đó thì ổng
không có lo, hồi đó là vậy không, […]. Khi có con dâu, việc nhà như cơm nước,
giặt giũ thì con dâu làm là chính, còn như nó bận đi đâu thì tui nấu […]. Coi
như đương nhiên con dâu phải làm, nhà có hai mẹ con không lẽ tui lớn tuổi mà nó
để tui làm, tui chỉ phụ với nó thôi. Nó mắc công chuyện gì thì mình tiếp nó
quét nhà hay làm cái gì đó. Không có con dâu thì mình phải làm” (N.T.L – nữ - 59 tuổi).
4. BÌNH ĐẲNG GIỚI
TRONG PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG LAO ĐỘNG SẢN XUẤT
4.1. Trong sản xuất
nông nghiệp
Trong sản xuất nông
nghiệp sự phân công lao động giữa nam giới và nữ giới bộc lộ rõ rệt đối với từng
công việc cụ thể. Nam giới thường đảm trách những công việc nặng nhọc hơn, như:
làm đất, sạ lúa, đắp bờ, phun thuốc,… Ngược lại, phụ nữ làm các công việc nhẹ
nhàng, cần có sự cẩn thận, tỉ mỉ, chẳng hạn: ngâm giống, nhổ cỏ lúa, giặm lúa,
cắt lúa. Một người phụ nữ kể: “Ổng dọn đất,
sạ lúa, với thuốc sâu này kia, không có mướn ai làm hết một mình ổng làm hết,
còn em chồng với em làm cỏ, giặm lúa, còn cắt lúa thì xúm vô cắt. Cả nhà xúm vô
cắt cho kịp” (N.T.M.T – nữ - 50 tuổi).
Một người nam kể: “Trước mà làm bằng công sức lao động của
mình không,… giờ làm đất hay thu hoạch lúa gì cũng là máy móc làm hết rồi. Tui
chỉ bón phân, xịt thuốc, giặm lúa với lại đi thăm đồng thôi. [Việc đầu tư cho sản
xuất, chọn thời vụ, chọn giống, mua phân bón thuốc trừ sâu] em làm không hà, em
không bàn với vợ đâu vì nó có biết gì đâu. Thí dụ mùa vụ phải mua phân gì, bón
phân gì, nó đâu có biết. Tui làm mới biết. Tui làm ruộng lâu lắm rồi, cũng như
ruộng của cha mẹ để lại. Hồi đó nghỉ học về làm ruộng luôn cho tới bây giờ” (T.V.D
– nam - 39 tuổi).
Tuy
nhiên ở một số ít gia đình có người chồng đi làm ở cơ quan, không có nhiều thời
gian dành cho việc đồng áng thì một tay người vợ sẽ phải xoay xở từ chuyện làm
đất, ngâm giống, sạ lúa, chăm sóc lúa, thu hoạch cho đến chuyện chăn nuôi, bếp
núc và con cái. Ở những gia đình này, người phụ nữ phải bươn chải vất vả để mưu
sinh, quán xuyến cả việc trong nhà và việc ngoài đồng; trong khi người chồng lại
nhàn nhã hơn, chỉ làm việc ở cơ quan, chưa kể sau giờ làm việc anh ta có thể
còn đàn đúm, nhậu nhẹt với bạn bè.
“Tui quyết định luôn, thí dụ mấy ngày sạ phân, sạ mấy
bao, rồi mấy ngày xịt thuốc đi thăm lúa coi lúa bệnh gì, chạy đi mua thuốc... Tại
vì ổng đi dạy rồi ổng say xỉn hoài, rồi ổng mần tui không có vừa ý tại vì tui
nói ờ giờ mười bữa cho phân gì được bao nhiêu vậy là sạ, vậy thì nhiều khi ổng
rảnh thì ổng kéo ra ổng sạ không rảnh mướn người ta. Thí dụ mình đi thăm thấy
sâu lá, thì lội đi mua thuốc rồi về thì ổng rảnh ổng đi tưới không rảnh thì kêu
người ta tưới” (N.T.K – nữ -
60 tuổi).
4.2. Trong công việc
khác
Trong thời gian nông
nhàn hoặc khi rảnh rỗi, các hộ gia đình còn làm thêm các công việc khác để kiếm
thêm thu nhập như làm mướn, hoặc đi giăng lưới bắt cá. Nhưng những công việc
này chỉ mang tính chất thời vụ trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.
“Những ngày rảnh vào mùa nước ổng đi giăng lưới kiếm cá
bán thêm. […] em ở nhà cơm nước, ổng đi giăng lưới về em đi bán cá, ổng nghỉ
[…]. Trong khi ổng đi giăng lưới thì em dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho con cái,
đi giặt đồ giặt đạc. Bán cá khoảng vài tiếng đồng hồ hà, […] 3-4 giờ chiều về tới
nhà tiếp tục lo cơm nước, tắm rửa con cái. Ăn cơm chiều xong, em chơi với hai
con một chút là cho hai đứa nó đi ngủ rồi, còn ông chồng thì đi chơi với bạn bè
quanh xóm nè” (N.T.M.T – nữ - 50
tuổi).
Phụ nữ tại địa phương
thường nhận thêm những công việc đều đặn, thường xuyên, không quá vất vả, linh
động để có thời gian chăm sóc con cái, làm công việc nhà.
“Mình lột sen theo ký lô sen lụa, trước đây một ký có
12.000 đồng, còn bây giờ được 15.000 đồng. Hột sen nhận về gọt tách bỏ vỏ, sau
đó chà vỏ lụa, ngâm rồi mới thụt nhụy sau cùng là cân ký. Một ngày lột trung
bình được 3 ký, khoảng 45.000
đồng. Một tháng làm chừng hai mươi ngày tại vì mình trừ hao những ngày mình đi
đám tiệc, nghỉ ngơi. Cũng đủ chi cho tiền cà phê, đường, bột ngọt này kia” (P.T.L – nữ - 59 tuổi).
5. KẾT LUẬN
Tư tưởng trọng nam hơn nữ,
đề cao tính gia trưởng của nam giới trong gia đình còn tồn tại dai dẳng
ở nông thôn. Người đàn ông gia trưởng quan niệm người phụ nữ phải đảm nhận
công việc trong gia đình, phải phục tùng chồng. Quan niệm này cản trở phụ
nữ thuyết phục và lôi cuốn chồng cùng tham gia vào công việc gia đình (nội trợ,
chăm sóc con cái).
Nguyên nhân quan trọng
nhất cản trở sự phân chia bình đẳng công việc trong gia đình ở nông thôn hiện
nay là do quan niệm xã hội cho “công việc nội trợ là thiên chức của phụ nữ”.
Không những thế, xã hội còn đánh giá thấp ý nghĩa của các công việc gia đình
làm cho nam giới thiếu động lực trong việc chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ.
Vấn đề giải phóng phụ nữ trong gia đình chưa được đặt một cách tương xứng với
yêu cầu đổi mới kinh tế, xã hội, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trình độ học vấn,
chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ nông thôn còn thấp so với nam giới nên ít có
điều kiện và cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao để có thể độc lập, tự chủ
về kinh tế, từ đó mới có quyền quyết định trong gia đình.
Các chính sách của Đảng,
Nhà nước và hệ thống luật pháp đã đảm bảo cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam
giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực
hiện vẫn còn một khoảng cách khá lớn, nhất là trong gia đình, vì vẫn còn những
cơ sở hình thành bất bình đẳng giới trong gia đình cũng như còn thiếu các biện
pháp chế tài hoặc giám sát chặt chẽ đối với vấn đề bất bình đẳng giới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Tổng cục Thống kê Ban Chỉ đạo Điều
tra dân số và nhà ở Trung ương. 2010. Tổng
điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu. 2010.
Hà Nội: Nxb. Thống kê.
2. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch,
Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
2008. Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006, Hà Nội.
3. Hoffman, L. W. & Hoffman, M. L. 1973. The Value of Children to Parents. In
Fawcett, J. T. (ed.) Psychological Perspectives on Population (pp.
19–76). New York: Basic Books.
4. Kohlmann, A. 2000. Value of Children Revisited –
Ökonomische, soziale und psychologische Einflußfaktoren auf
Fertilitätsentscheidungen in der BRD, Japan und der Türkei. Chemnitz: Diss.
TU Chemnitz.
5. Quốc
hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam. 2006. Luật Bình đẳng giới. Số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
NHẬN DIỆN NHÓM
NAM ĐỒNG TÍNH Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: MỘT TIẾP CẬN NHÂN HỌC
Phù Khải Hùng
Viện
Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ
Chủ đề nghiên cứu
về người đồng tính, trong khoảng thời gian gần đây, nổi lên như một hiện tượng
xã hội rất được quan tâm trên nhiều phương diện. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa
học xã hội, sự đa dạng hóa các góc độ tiếp cận từ nhiều ngành khoa học khác
nhau đã mang lại một diện mạo mới trong việc mang đến tri thức đối với một vấn
đề mang tính thời sự. Bài viết thực hiện việc nhận dạng nhóm nam đồng tính ở
khu vực TPHCM – một trong những đô thị năng động về kinh tế, đa dạng về văn hóa
và phong phú về những cách sống, do đó mà lượng người đồng tính nam tập trung ở
đây cũng được xem là khá đông đảo. Sự phác họa của chúng tôi, không dựa trên
nhưng con số như một thống kê dân số mà qua sự tiếp cận thực địa (điền dã),
trên góc nhìn nhân học, chúng tôi chỉ ra đa dạng về phân nhóm cũng như cách thức
kết nối của những người vốn dĩ được xã hội nhận định là “khác biệt”. Đặc biệt,
chúng tôi muốn nhìn sự phân loại này là hành vi tự bản thân người đồng tính
phân chia thông qua việc định danh cho bản thân và cho những người khác; song
song đó là sự gán nhãn những đặc điểm cho từng nhóm. Phần thứ hai, bên cạnh việc
trình bày những địa điểm mà những nam đồng tính kết nối với nhau, điều mà chúng
tôi lưu ý là những lý do trong việc lựa chọn đó[221].
Cho đến nay, chưa có một thống kê chính xác nào về số
lượng người đồng tính nói chung ở Việt Nam, cũng như số lượng người đồng tính
nam ở TPHCM cụ thể là bao nhiêu. Bởi đây là một nhóm nhạy cảm nên việc tự nhìn
nhận (bộc lộ) xu hướng tính dục của mình chỉ diễn ra ở một bộ phận, đa phần là
chọn lựa cách che giấu. Theo ước tính vào năm 2005, số lượng nam có quan hệ
tình dục với nam (MSM)[222] có
thể là vài trăm ngàn người, chiếm từ 3% đến 8% tổng số nam giới cả nước (Vũ Ngọc
Bảo, P.Girault, 2005). Năm 2007, với mức dân số là 55,38 triệu người thì người
đồng tính và song tính trong độ tuổi từ 15 đến 59 chiếm khoảng 3% tức khoảng
1,65 triệu người (Phạm Quỳnh Phương, 2013, tr. 36).
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một trong những đô
thị phát triển mạnh về kinh tế cũng như tốc độ công nghiệp hóa. Sự du nhập của
các làn sóng văn hoá Đông Tây từ lịch sử cùng với tính cách thoáng của cư dân Nam
Bộ đã hình thành nên nét đặc trưng của lối sống đô thị thời mở cửa. Phải chăng
do tính chất năng động trong việc thích ứng với cái mới mà TPHCM cũng là địa
bàn tập trung số lượng người đồng tính khá đông đảo?[223]
Theo thống kê năm 2004 từ dự án “Đo lường sức khỏe
tình dục và lây nhiễm HIV và các bệnh lây lan qua đường tình dục” do Viện dịch
tễ Trung ương thống kê thì TPHCM là nơi mà tỷ lệ người đồng tính tập trung đông
nhất trong những địa bàn nghiên cứu của dự án (so với Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng,
Hải Phòng, Huế, Quảng Ninh, Hà Nội) với tổng số là 95.486 người. Đến năm 2009,
số người ước tính đã tăng lên đến 140.000 đến 170.000 người, xét về sự phân bố
thì TPHCM chiếm tỷ lệ cư trú cao nhất 60,66% (so với Hà Nội 12,17% và còn lại
là ở các tỉnh thành khác)[224]. Số
liệu này khớp so với cuộc điều tra trực tuyến về “Đặc điểm kinh tế, xã hội của
nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế,
xã hội và môi trường (ISEE) tiến hành từ 29/10/2008 đến 31/1/2009 cho thấy tỷ lệ
những người tham gia có 60,66% cư trú tại TPHCM trên tổng số 3.231 người tham gia
trả lời. Theo ước tính của bà Nguyễn Thị Huệ - trưởng phòng Can thiệp giảm tác
hại thuộc Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM thì tính cho đến cuối 2013, số người đồng
tính nam ở TPHCM là khoảng 2.353.000 người trong độ tuổi 15 đến 49 tuổi[225].
Với những thống kê trên, chúng ta có thể thấy rằng
TPHCM là nơi mà những người đồng tính nam tập trung khá cao. Người đồng tính có
mặt trong tất cả mọi ngành nghề với đủ cấp bậc của trình độ học vấn. Bên cạnh
những nguời là cư dân đô thị gốc (sinh ra và lớn lên tại TPHCM) thì một bộ phận
không nhỏ những người đồng tính nhập cư từ các khu vực thành thị và nông thôn
khác đến đây để học tập, làm việc. Tất cả tạo nên một bức tranh đa dạng nhưng
cũng phức tạp của bộ phận những người đồng tính nam tại TPHCM. Có lẽ, vì nguyên
nhân này mà rất nhiều những dự án chăm sóc cũng như can thiệp sức khỏe dành cho
nhóm nam đồng tính luôn chọn TPHCM là một trong các địa bàn nghiên cứu để triển
khai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhận dạng một người nam có xu hướng tính dục
đồng tính là một việc không hề dễ dàng; bởi vấn đề quan trọng nhất mà các báo
cáo nghiên cứu đã chỉ ra là sự kỳ thị xã hội là nguyên nhân chính khiến một người
đồng tính cho phép mình được biểu hiện xu hướng tính dục của mình ra với mọi
người. Đa phần, những người đồng tính bằng mọi cách để kiểm soát hành vi bản
thân để không bộc lộ ra xu hướng tính dục thật sự của mình. Nói một cách khác,
sự biểu hiện giới mà những người đồng tính “chọn lựa” để thể hiện mình là một sự
trình diễn về giới – biểu hiện giới mà xã hội đã quy chuẩn: sự nam tính theo
đúng giới tính sinh học mà bản thân họ đã có từ lúc sinh ra (Khuất Thu Hồng [và
nhiều người khác], 2009; Phạm Quỳnh Phương, 2013).
1. SỰ
PHÂN LOẠI TRONG NỘI BỘ NHÓM
Sự phân loại dựa theo khuynh hướng tính dục trong cộng
đồng những người đồng tính không phải theo những khái niệm khoa học mà chủ yếu
dựa trên sự quan sát cá nhân để tạo nên những danh xưng – là cách để người đồng
tính tự gọi mình và gọi những người khác trong cộng đồng nhóm. Việc phân loại
này, dựa trên một số tiêu chí khác nhau.
1.1.
Phân loại dựa trên xu hướng tính dục
Những người đồng tính tự gọi những người không có xu
hướng tính dục đồng tính (những người xu hướng tính dục dị tính) là trai thẳng
và tự nhận mình là (trai) cong (và đôi khi gọi mình bóng trong những trò chuyện
riêng trong nhóm). Và trong nội bộ những người có cùng xu hướng với nhau, cũng
được phân thành hai nhóm là nhóm những người chỉ thích người đồng tính, và xưng
là gay; nhóm thứ hai là những người thích nữ giới, tự nhận mình là bi (viết tắt
của chữ bisexual). Những người được những người đồng tính gọi là bi chủ yếu là
họ dựa trên tình trạng hôn nhân của người đó (hiện đang có vợ con). Và khi tiếp
cận với các bi này, chúng tôi nhận thấy, việc có bạn gái hay kết hôn là những
quyết định tự thân và hoàn toàn có khoái cảm trong với nữ giới trong đời sống
tình dục như nam giới có xu hướng tính dục dị tính và điều này là điểm khác biệt
với các gay – là những người tự nhận mình hoàn toàn “không thích”, “không hứng
với phụ nữ”; tuy nhiên, trong các phỏng vấn sâu chỉ ra rằng, khi so sánh về
khoái cảm tình dục với nam giới thì thấy có sự khác nhau về mức độ khoái cảm
trong nhận thức mỗi người. Nếu như với một người, cảm giác đó là cân bằng.
SỰ NHƯ NHAU TRONG
QUAN HỆ VỚI CẢ HAI GIỚI
“Chuyện quan hệ với bà xã hả? Anh vẫn ngon lành, tuần
đều đều… Với trai thì cũng vậy thôi, anh thấy nó không có sự khác biệt gì lớn.
Anh là top nên đâm vô đâu anh thấy cũng vậy à, quan trọng là tại mình thích nên
chơi vậy thôi chứ không biết phải nói như thế nào cho rõ nữa. Chứ nếu em hỏi
anh cái nào sướng thì anh nói sướng đều”.[226]
Như vậy,cảm giác “như nhau” đó là do sự không khác biệt
về tư thế top của anh, như việc anh quan hệ với vợ hay những người phụ nữ khác,
Tuấn cho rằng “minh đưa vô thì dù cái của đàn bà hay cái của đàn ông” cũng có
“những cái sướng riêng của nó”. Nhưng Thạch, một trường hợp khác, lại không đồng
ý với Tuấn về chức năng của hai bộ phận ấy vốn dĩ là “không giống nhau” nên “cảm
giác đâu như nhau được”. Và trường hợp của Hải cũng tiêu biểu cho một nhóm những
ý kiến khác hơn nữa.
“Từ khi biết được chuyện này. Anh
thấy làm tình với vợ không còn giống như hồi trước. Nó giống như cái nghĩa vụ
mà mình phải làm cho yên nhà yên cửa vậy. Vợ chồng mà, cái chuyện đó nó cần lắm
chứ không phải là đàn bà người ta không cần… Anh thì giờ thấy chơi với boy nó hứng
thú hơn hẳn. Cái chỗ đó của bot thì chắc chắn là khít và nhỏ hơn, đâm vô nó sướng
hơn”.
Như vậy, Tuấn, Thạch và Hải là ba đại diện của việc cảm
nhận khác nhau về khoái cảm tình dục với nữ giới trong cùng phân nhóm người nam
có xu hướng tính dục lưỡng tính. Việc phân chia theo xu hướng tình dục chỉ nhằm
định danh – một người nói về một ai đó (hoặc tự định danh – một ai đó tự nói về
mình) về khuynh hướng của một cá nhân trong nhóm nam đồng tính. Tuy nhiên, trên
thực tế, sự định danh này có ảnh hưởng đến nhận thức cũng như hành vi ứng xử cá
nhân/tiểu nhóm đối với cộng đồng xã hội và cộng đồng những người đồng tính bởi
những người có cùng sự định danh này có khuynh hướng kết hợp lại với nhau thành
những nhóm/tiểu nhóm. Bên cạnh sự phân chia theoi khuynh hướng tính dục, còn có
sự phân chia theo các tiêu chí khác.
1.2.
Phân loại dựa trên biểu hiện về giới
Cộng đồng người đồng tính không phải là một tập hợp
các cá thể đồng nhất mà rất khác nhau về biểu hiện giới. Mỗi cá nhân đều có những
cách thức biểu hiện khác nhau về mức độ (biểu hiện ra ít nhiều), tần suất (bộc
lộ với ai? Khi nào?) phụ thuộc vào những điều kiện và lựa chọn cá nhân. Nhìn
chung, ở khía cạnh này, nhóm nam đồng tính thường được phân thành hai nhóm kín
và lộ[227].
-
Nhóm lộ (come out)[228]
Cụm từ come-out thường được chuyển sang tiếng Việt là
“lộ diện”. Đó là cụm từ dùng để chỉ một quá trình gồm ba phân đoạn: một là người
đồng tính tự ý thức về sự hấp dẫn về mặt tính dục với người cùng giới tính (quá
trình này gọi là come-out với bản thân); hai là nói với một hoặc một số người
khác về xu hướng tính dục của bản thân mình một cách công khai (come-out với
người khác); sau đó là việc gắn mình với các cộng đồng người đồng tính. Trong
quá trình tiếp cận của mình, chúng tôi được chỉ về sự khác biệt giữa kín và lộ
thông qua sự quan sát về biểu hiện giới bên ngoài.
Trong nhóm, từ “lộ” dùng để chỉ những người mà trong
cách biểu hiện bên ngoài như ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ, lời nói… tuy vẫn cố gắng
biểu hiện như nam giới bình thường mọi người xung quanh có thể nhận ra xu hướng
tính dục thật sự của anh ta (một người đồng tính). Trên thực tế, ngay cả trong
nội bộ những người đồng tính, đối với một người đồng tính thuộc nhóm lộ - có biểu
hiện dễ để người khác nhận ra xu hướng tính dục của họ - dễ bị nhầm lẫn với những
người chuyển giới bởi họ thường có xu hướng kết thành nhóm để chơi chung với
nhau và xưng hô với nhau theo kiểu nữ giới với nhau qua những kiểu xưng hô như
bà - tui, cô - tui, chị - em, mấy mẹ v.v… Và chính những kiểu xưng hô này dễ
khiến họ bị đánh đồng với nhau và bị chính những người thuộc nhóm đồng tính kín
kỳ thị, xa lánh. Nhưng xét theo xu hướng tính dục thì có sự khác biệt.
Nếu như những người chuyển giới ăn mặc hoàn toàn như
phụ nữ và mong muốn tìm một nam giới dị tính (có đôi khi là những người có xu
hướng tính dục lưỡng tính) để làm bạn tình với quan niệm là đó là một người
khác giới với mình thì những người đồng tính nam thuộc nhóm lộ vẫn cố giữ vẻ
ngoài như nam giới, tự nhận mình là nam, là đàn ông. Khi chúng tôi đặt vấn đề về
nguyện vọng phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành phụ nữ với một số bạn lộ thì hầu
như được chia sẻ là không muốn, không có ý định đó vì nhìn nó ghê ghê, mình
chưa đến nỗi bệnh như vậy, như chia sẻ của một bạn chơi chung với một nhóm có
vài người chuyển giới:
“Vụ phẫu thuật thì
em chắc không làm đâu. Cũng có mấy chị trong nhóm em có người muốn làm nhưng tại
chưa tiền thôi chứ có tiền dám mấy bà nội đó đi quất liền à (cười duyên). Mấy bả
muốn làm xong dễ kiếm chồng mà. Còn em hả? Em thôi, để vậy được rồi, dù gì em
cũng còn là đàn ông mà anh, chưa đến nỗi lậm như mấy bả đâu. Bóng thì cũng còn
có chút đàn ông mà, em không thích làm đàn bà. Vì quen trai thẳng cũng chắc gì
đã sướng hơn gay, phải không anh? Gay cũng vậy, trai cũng vậy, tìm được người
yêu mình là tốt lắm. Mình sinh sao để vậy chứ làm tùm lum, hàng xóm nhìn cũng mắc
cỡ. Nhiều khi đi chơi, mấy chỉ cũng hay kêu độn ngực vô, mấy bả trang điểm cho
dễ cua trai, nhưng em không thích. Ai làm thì cứ làm, ai không thích thì kệ. Chị
em chơi chung với nhau, vui thôi, không ai động tới ai là được”.
Với Tâm, tuy nằm chơi chung nhóm với vài người chuyển
giới nhưng cậu vẫn không nghĩ đến việc sẽ “làm như mấy chị” để trở thành một
người phụ nữ cho “dễ cua trai” nhưng cậu vẫn không muốn trở thành phụ nữ do cậu
nghĩ mình cũng còn “chút đàn ông”. Và trong suy nghĩ thì Tâm cũng không chú ý đến
những người nam có xu hướng tính dục dị tính vì cậu nghĩ “trai thẳng cũng như
gay”. Nhưng với Phong, dù với vẻ ngoài mảnh mai, chăm chút, cử chỉ khá điệu đà,
nữ tính và rất dễ cho mọi người nhận ra cậu là một người đồng tính (và trên thực
tế, cậu đã công khai xu hướng tính dục của mình với một số bạn bè thân) nhưng
khi nhắc đến vấn đề chuyển giới, Phong có phản ứng khá gay gắt:
“Anh nghĩ em bệnh
dữ vậy hả? Đã làm gay, là đủ lắm rồi, còn làm như cái đám quỷ đó thì ai dám lại
gần. Em còn tỉnh lắm anh, chưa đến nỗi điên giống vậy. Em mà vậy, chắc bạn em
không đứa nào dám lại gần. Ba má em chắc tổng cổ luôn quá! Kiểu vậy là hết thuốc
chữa rồi”.
Trường hợp của Tâm và Phong là minh chứng rất rõ về sự
khác biệt giữa người chuyển giới và người đồng tính. Có thể thấy, tuy sự biểu
hiện giới của những người thuộc nhóm lộ thiên về những tính cách nữ giới ở những
mức độ khác nhau, có thể dễ dàng bị nhận diện xu hướng tính dục của mình nhưng
trong suy nghĩ, họ vẫn không có sự mong muốn thay đổi hình dáng của mình thành
phụ nữ.
Theo quan sát của chúng tôi, nhìn chung, những người
thuộc nhóm này xu hướng tính dục hoàn toàn là hướng về người cùng giới tính, và
thường có thấy thu hút bởi những người đồng tính có vẻ ngoài kín đáo mà theo họ
là nhiều nam tính. Tuy nhiên, cũng có một số ít bày tỏ thái độ bài xích những
người có xu hướng tính dục lưỡng tính (song tính). Chúng tôi hỏi Phương là một
người cũng có suy nghĩ trên và được anh cho biết.
Em không ưa mấy
cha nội bi[229] đâu. Thà bên này hoặc
bên kia cho rõ ràng, nữa nạc nữa mỡ, cái nào cũng hốt thấy mắc mệt. Như thú ăn
tạp vậy, cái gì cũng ăn. Rồi mấy ông có vợ con nữa. Chơi chung với mấy ổng, trước
sau rồi có ngày cũng xảy ra chuyện đánh ghen à. Giựt chồng thiên hạ thì người
ta dễ gì để cho yên [Vậy là ở đây có người có vợ đến nữa hả
em?] Có chứ sao không anh? Đầy ra đó. Mà
có cái chiều chiều mới vô vì mấy ổng còn đi làm, chiều tan sở mà anh vô đây nhiều
lắm. Nhiều đứa bu lắm nhưng em thì em không thích.
- Dạng
kín (closet)
Nhóm này gồm những người rất khó để nhận diện được xu
hướng tính dục của họ bởi họ có sự nhận thức về việc tránh kỳ thị rất cao; từ
đó, về mặt hành vi, họ có sự kiểm soát chặt chẽ. Từ lời nói, hành vi, cử chỉ….
họ cố gắng hành động như những người nam có xu hướng tính dục dị tính nhằm đảm
bảo được sự tiếp nhận của cộng đồng xã hội một cách tự nhiên, bình thường. Về
xu hướng tính dục, những người thuộc nhóm kín là những nam giới có xu hướng
tính dục đồng tính và lưỡng tính.
Để có thể tiếp cận được với những nguời đồng tính thuộc
nhóm kín này, chúng tôi phải sử dụng hệ thống mạng lưới và sự hoà nhập để có thể
bình thường hoá mối quan hệ giữa chúng tôi với họ. Một con đường tiếp cận thứ
hai nữa là qua các mạng xã hội như các diễn đàn, các trang kết bạn… nhìn chung
là những kênh dẫn mang tính nặc danh cao.
Đa phần những nam đồng tính thuộc nhóm này tránh tiếp
xúc với nhóm lộ vì mối lo ngại bản thân mình bị ảnh hưởng và sẽ bị những người
khác phát hiện xu hướng tính dục của mình.
KHÔNG TIẾP CẬN VÌ SỢ BỊ KỲ THỊ
Anh nói là anh không có kỳ thị
nhưng mình không dám tiếp xúc với mấy người lộ. Đi chung cũng thấy mắc cỡ chứ đừng
nói chi làm gì khác. Như anh cũng nói với mấy người bạn đi sauna chung. Vô đó,
nhiều khi nó giỡn giỡn, kêu chị chị em em. Người ta nghe người ta cũng phát sợ,
rồi có ai mà dám tới làm quen. Cái nổi quạu với mình. Anh nghe anh còn ớn huống
chi người đàng hoàng. Bởi vậy mới nói, cái chính là bản thân mình tự làm cho
mình thấy ghê thì đừng trách gì xã hội người ta đánh giá mình.
Sự phân chia thành hai nhóm như trên là dựa trên sự biểu
hiện ở bên ngoài – là những yếu tố mà mọi người có thể quan sát, nhận biết dễ
dàng như cử chị, điệu bộ, cách ăn mặc,… Cách phân chia này, không chỉ xuất hiện
trong các chương trình nghiên cứu, các điều tra xã hội học trước đây mà còn tồn
tại ngay trong nội bộ nhóm đồng tính. Do sự không thống nhất về mặt thuật ngữ
cũng như những khái niệm đúng về tính dục - giới nên xuất hiện sự nhầm lẫn về mặt
nhận thức cũng như nhận diện đối tượng (người đồng tính với người chuyển giới)
-
Phân loại theo vị trí trong quan hệ tình dục
Sự phân chia thành top và bottom (gọi
tắt là top và bot) chủ yếu dựa trên vị trí của tư thế trong thực hiện hành vi
tình dục giữa hai người nam với nhau. Hành vi tình dục là tất cả những hành vi
nhằm mang đến khoái cảm cho chủ thể. Hành vi tình dục của nhóm nam đồng tính gồm
các kiểu hành vi như thủ dâm cho nhau, quan hệ qua đường miệng (oral sex) và
giao tiếp qua hậu môn (anal sex). Trong đó, kiểu quan hệ qua đường miệng và đường
hậu môn được xem là trái với tự nhiên và tiềm ẩn nhiều nguy cơ HIV/AIDS do những
người đồng tính nam thường xuyên thay đổi bạn tình (Vũ Ngọc Bảo [và cộng sự],
2004; Vũ Mạnh Lợi [và cộng sự], 2009; Khuất Thu Hồng [và cộng sự] 2004, 2009).
Khi tiến hành kiểu quan hệ qua hậu môn, người đồng tính chia làm hai dạng theo
hai khuynh hướng tiếp nhận:
-
Top (nằm trên): là người có khoái cảm
trong hành vi dùng dương vật thâm nhập vào hậu môn của bạn tình.
-
Bottom (bot): là người có khoái cảm trong
việc tiếp nhận dương vật của những người có khuynh hướng top.
Ngoài ra, trong quá trình tiếp cận, chúng tôi còn được
biết có một nhóm thứ ba là những người tự nhận mình là “cen” (viết tắt từ chứ
center – trung tâm, ở giữa); Những người có khuynh hướng cen là người có khoái
cảm với cả việc làm tình với nam giới khác ở vị trí top hay bot; bên cạnh đó,
còn có một tên gọi khác của những người có khuynh hướng này là versatile (linh
hoạt) nhưng thuật ngữ này không được biết rộng rãi như từ center[230].
Việc tự nhận thấy bản thân mình có khoái cảm ở vị trí
top, bot hay cen là cả một quá trình trãi nghiệm tình dục, và quá trình này thường
đến sau việc nhận thức xu hướng tính dục của mỗi người. Khoảng thời gian này,
có thể lâu hay mau tuỳ vào từng cá nhân cụ thể và không nhất thiết đến cùng với
quá trình nhận thức bản thân. Nó mang tính trãi nghiệm cá nhân và sự chọn lựa của
bản thân mỗi người.
Bình năm nay 38 tuổi, hiện đang làm
văn thư ở một đơn vị hành chính sự nghiệp. Chúng tôi tiếp cận anh qua một nhóm
bạn. Nhận thức xu hướng tính dục của mình từ năm 24 - 25 tuổi, nhưng biết mình
là bottom chỉ trong khoảng hai năm trở lại. Như anh kể “Thật ra, anh cũng mới
biết cái vụ này gần đây thôi. Hồi trước đó, anh chỉ toàn là bú qua bú lại rồi
thôi. Rồi sau gặp một anh bạn, cái lúc quan hệ, người đó mới đòi thử. Nên anh mới
biết luôn. [vậy thời điểm đó là lúc nào? Và anh bạn đó anh quen ở đâu]- À, cũng
gần đây thôi, chắc cũng hai năm mấy à. Còn người đó thì anh quen trong sauna [tức
là anh với người đó thử trong sauna luôn?]- Không, ở trong đó sao mà làm được.
Phải sau hai ba lần gì đó, gặp café rồi đi khách sạn. Rồi mới biết luôn.
Trong trường hợp của Bình, mặc dù tuổi đời ở bậc trung
niên và anh cũng nhận thức khá sớm xu hướng tính dục đồng tính của mình, nhưng
để nhận ra được mình là một bottom không phải là một quá trình tự nhiên mà do bạn
tình của mình làm chất xúc tác, hướng dẫn. Tuy nhiên, kết quả có được từ sự nhận
thức này, chúng tôi nhận thấy cũng không chỉ một lần, hai lần đơn giản mà là cả
một quãng thời gian “thử nghiệm” với những bạn tình khác nhau, ở cả hai vị trí
“cho” và “tiếp nhận”. Chính vì thế, chúng tôi đặt ra vấn đề rằng phải chăng
ngay từ ban đầu, mỗi một người đồng tính có thể nhận biết bản thân mình là top
hay là bottom ngay trong lần quan hệ đầu tiên. Chúng tôi đặt vấn đề với Bình:
phải chăng ngay từ lần quan hệ đầu tiên, anh đã nhận ra mình là bottom?
VỊ TRÍ TÌNH DỤC LÀ MỘT TRẢI NGHIỆM
Ban đầu, cũng chưa biết gì gì đâu.
Thì mới đầu vô cũng làm như cũ thôi. Cái bữa nó nói thôi anh cho em đâm đi.
Mình cũng lừng xừng. Vì trước giờ có thử giờ đâu biết. Cái nó lấy đâu trong
balo mà nó đeo đi học. Lúc đó quen anh, nó là sinh viên mà. Nó lấy cái chai bôi
trơn với cái bao cao su…. Công nhận mấy đứa con nít giờ cái gì nó cũng rành,
cũng biết, chứ đâu như mình già đầu chứ không rành mấy cái đó lắm (cười).
[Nhưng cảm giác của anh lúc tiếp nhận cái đó ra sao?]- Đau, phải nói là rất
đau, giống như rách làm đôi vậy. [Nhưng anh không phản đối? hay dừng lại?]- À… ừm…
thì đang làm tình mà em, ai mà dừng lại sảng vậy [em hỏi vậy vì nghĩ nếu đau vậy
thì em sẽ dừng lại]- Thật sự thì lúc đầu có đau nhưng một chút, nhưng dần quen
thì sẽ không thấy đau nữa, mà cũng có cảm giác lắm [Cảm giác là sao anh?]-
Nghĩa là thấy sướng sướng [Nghĩa là từ lúc đó trở đi, anh làm bot luôn trong
quan hệ?] - Ừm – [Anh có thử ở vị trí top lần nào chưa?] – Cũng có một, hai lần
gì đó. – [Vậy sao anh không làm top?] – Anh thấy không thích bằng.
Qua đó, có thể nhận thấy, việc Bình quyết định chọn vị
trí bottom trong quan hệ tình dục với bạn tình là do cảm nhận lựa chọn
(“thích”) và việc thích này được xem như là ổn định vì Bình đã có trãi nghiệm
tình dục ở cả hai vị trí. Trường hợp của Bình cũng giống với Nhân:“Cũng có thử làm bot nhưng đau không chịu được.
Cuối cùng thôi, không chịu làm bot cho ai nữa” nhưng sau trãi nghiệm thì
Nhân lại chọn vị trí là top. Tuy nhiên, đối với một vài người, cũng sau khi
trãi nghiệm qua cảm giác ở hai vị trí, họ tự thấy mình là một center.
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi cũng ghi nhận một
số trường hợp tự khẳng định bản thân mình là top hay bot mà không cần có trãi
nghiệm tình dục. Những người này, rơi vào hai nhóm đối tượng; một là những người
đã có gia đình và nhóm những bạn trẻ có sự tiếp cận với internet.
Là sinh viên của một trường đại học ở TPHCM, chúng tôi
tiếp cận với Khoa qua một trang web của người đồng tính mà Khoa là thành viên
được hai năm hơn. Khi được hỏi về vị trí trong sinh hoạt tình dục, Khoa cho biết:
“Em là top anh ơi, anh nhìn thấy em cứng
như vậy, sao em làm bot được (cười). Em man mà, anh không thấy em cứng sao?
Bott là mấy đứa yếu yếu kìa. Còn tướng em vậy, sao cho đâm được?.. Em biết em
là top và em chắc sẽ không làm bot đâu. Em coi phim rồi tìm hiểu ở trên mạng
thì biết bot, top là gì thôi. Em tìm hiểu và biết và thấy chắc mình không làm
bot được, ai không thích thì thôi”. Như vậy, theo như Kha, nguyên nhân mà cậu
tự nhận mình phải làm top, không thể làm bottom
là dựa trên ngoại hình của mình thể hiện sự nam tính, là “nam giới”. Suy
nghĩ này, chúng tôi bắt gặp trong nhiều phỏng vấn với những nam lưỡng tính
trong tiếp cận của mình.
SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA VỊ TRÍ TRONG TÌNH DỤC VỚI NAM TÍNH
“Anh có vợ rồi mà em, dĩ nhiên anh
phải làm top chứ? [Sao anh lại nghĩ người có vợ thì phải làm top?] – Thì đúng rồi
còn gì đâu mà thắc mắc. Mấy người có gia đình thì đương nhiên cái đàn ông nó
nhiều hơn mấy em gay chứ. Tụi anh quen làm chồng, giờ không lẽ em bắt nằm dưới
như đàn bà sao. Anh không có thích vậy. Nhìn nó dị dị. [Nhưng anh đã có thử làm
bot qua chưa?]. Chưa bao giờ, mà chắc cũng không bao giờ đâu.[Sao anh lại nghĩ
chắc vậy?]- Vì anh nghĩ chắc không quen cho ai đâm đít mình, sợ chịu không nổi.
Mà anh nghĩ chắc cũng đau. Mà từ lúc chơi cái này tới giờ, anh toàn đâm người
ta không, giờ tự nhiên bắt anh cho đâm lại, chắc mốt thành bóng thiệt luôn chắc
chết (cười) ”.
Đạt và Khoa là sự đại diện cho những cá nhân căn cứ
vào sự cảm nhận về yếu tố nam tính của bản thân để chọn lựa vị trí tình dục.
Khoa thì cho rằng: do vẻ ngoài mình cứng, là đàn ông thì mình phải làm top, vị
trí ở trên những người khác; còn Đạt thì cho rằng anh ta là người đã kết hôn,
đã quen ở vị trí chủ động – “nằm trên” như trong thực hành hành vi tình dục (với
vợ mình) thì trong quan hệ với một người đồng tính, anh ta là người có nhiều chất
đàn ông hơn, phải giữ vị trí bên trên. Và việc phải “nằm dưới” một nam giới
khác (ở vị trí bottom) là “dị dị”, sẽ làm ảnh hưởng tới cái chất đàn ông bên
trong mình.
Như vậy, có thể thấy, quan hệ tình dục qua đường hậu
môn là một lựa chọn trong việc thực hiện hành vi tình dục của nhóm nam đồng
tính. Sự lựa chọn này là một sự nhận thức về mặt khoái cảm trong việc lựa chọn
vị trí – làm một người nằm trên (top) hay nằm dưới (bottom); người cho hay người
nhận. Thêm vào đó, để một người nào đó nhận ra mình thích vị trí nào là một quá
trình trãi nghiệm, và quá trình này, hoặc là đến cùng với quá trình nhận thức
xu hướng tính dục bản thân hoặc sau đó. Cõ lẽ, theo ước đoán của chúng tôi, khoảng
sau 25 tuổi là mỗi cá nhân đã tương đối ổn định về mặt nhận thức bản dạng giới
và xu hướng tính dục của mình thì có lẽ, sự nhận thức về vị trí trong quan hệ của
mình cũng cơ bản định hình[231].
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi nhận thấy có vài điểm khác biệt.
Những người đồng tính mà chúng tôi tiếp cận có quá
trình nhận thức về xu hướng tính dục bản thân không đồng nhất với nhau; nếu như
một bộ phận nhận ra xu hướng tính dục bản thân mình từ khá sớm, có thể trước
hay khi bắt đầu tuổi dậy thì một bộ phận khác, quá trình đó là diễn ra khá trễ;
bên cạnh đó, nếu như đối với cá nhân này thì sự nhận thức là một quá trình tự
thân nhận biết thì cũng có nhiều cá nhân khác, việc nhận thức xu hướng tính dục
do một tác nhân khác tác động, và những cá nhân thuộc nhóm này rơi vào trường hợp
những người lưỡng tính; Như vậy, quá trình tự nhận dạng bản thân ở người đồng
tính không chỉ khác nhau về thời gian xảy ra, mà còn khác nhau về nhân tố tác động
(chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn các trường hợp ở chương sau). Theo sau quá trình
đó là sự cảm nhận về khoái cảm trong việc lựa chọn vị trí tình dục cũng khác
nhau. Ẩn bên dưới những nguyên nhân như “đau”, “không chịu được” thì chúng tôi nhận
thấy có sự xuất hiện của suy nghĩ về sự nam tính trong việc lựa chọn vị trí
quan hệ của mỗi người.
2. SỰ
KẾT NỐI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG TÍNH
Tính dục đồng giới từng bị liệt kê như một dạng bênh
tâm thần, chứng rối loạn tâm lý hay là một vấn đề cảm xúc cho đến tận những năm
1973. Chỉ đến 17/5/1990, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức loại đồng
tính ra khỏi danh sách bệnh và thừa nhận nó là một trạng thái đa dạng trong xu
hướng tính dục dục con người. Tuy nhiên, trên thực tế, tình dục đồng giới vẫn bị
đánh giá là nhóm thiểu số và người có xu hướng tính dục đồng tính vẫn bị xem là
nhóm dị biệt và nhìn chung thái độ xã hội đối với những người có xu hướng tính
dục này là “quái gở”, “không chấp nhận được”, thậm chí là trong một bài viết của
tác giả M.Đ (2007) trên trang Công an Nhân dân online gọi những người đồng tính
tham gia múa hát trong một đám tang là quái gở, là tục tĩu (Nguyễn Phương Dung,
2010; Vũ Hồng Phong, 2013). Có thể nhận thấy, bên cạnh sự thiếu kiến thức, sử dụng
nhầm lẫn các khái niệm về giới (quy gộp người chuyển giới với người đồng tính
thành một nhóm) là một thái độ kỳ thị nặng nề, và tình trạng này là một sự phổ
biến trong việc nhận thức của xã hội, từ đó dẫn đến việc khắc họa người đồng
tính trên các phương tiện truyền thông đại chúng một cách sai lệch. Từ đó, xã hội
vốn đã hiểu biết chưa nhiều về nhóm người đồng tính thì nay, với những thông
tin mà báo đài đưa đến, hình ảnh của nhóm này càng trở nên méo mó, quái dị, những
thiên kiến lại được củng cố. Những người có khuynh hướng tình dục dị tính chiếm
đa số, trở thành một lực lượng bình thường, giữ vai trò thống trị để phán xét
trên nhóm tình dục đồng tính lại bị xem là hành vi của nhóm thiểu số, là bất
thường và cần loại bỏ trong xã hội qua diễn ngôn. Trên thực tế, không chỉ trên
thế giới mà ngay cả ở Việt Nam, đồng tính luyến ái vẫn là một vấn đề xã hội nhạy
cảm, chưa bao giờ được chấp nhận hoàn toàn (Trương Tấn Minh và cộng sự, 2009;
Khuất Thu Hồng, 2009; Phạm Quỳnh Phương, 2013; Mai Xuân Thu, 2013; Vũ Hồng
Phong; 2013). Để tránh sự kỳ thị của xã hội, một người đồng tính chưa bao giờ
có thể bộc lộ xu hướng tính dục thật của bản thân mình trước những người khác
và những nhu cầu tính dục lại càng là vấn đề nhạy cảm mà mỗi người tự nhận thức
phải “cố gắng giấu kín hơn”. Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể gặp gỡ và tiếp
cận được những người có cùng xu hướng tính dục với mình, những người đồng tính
vẫn có một số kênh dẫn – địa điểm tiếp xúc với nhau mà chỉ những người cùng
nhóm mới biết.
Có thể nói, hiện nay, cộng đồng người đồng tính có thể
gặp gỡ được nhau dựa vào rất nhiều kênh nhưng chúng tôi phân thành hai loại:
qua cộng đồng ảo (qua mạng hệ thống mạng
internet) như các diễn đàn, các trang trò chuyện (chat), mạng xã hội như
facebook, twitter, v.v.… và thứ hai là qua một số địa điểm kín như các khu chợ
tình, các dịch vụ phục vụ giải trí như rạp chiếu bóng, quán nét có phòng riêng
(tiếng lóng nội bộ gọi là chat vip), quán café, xông hơi masage…
2.1. Những địa điểm bí mật[232]
Nếu lấy việc ra đời và phổ biến của hệ thống mạng
Internet trong đời sống của người Việt Nam nói chung và cộng đồng người đồng
tính nói riêng như một cột mốc, chúng tôi hình dung việc nối kết của những người
đồng tính có một sự khác biệt rõ rệt. Do đó, cho đến trước những năm 90 của thế
kỷ XX, sự kết nối với nhau giữa những người đồng tính là rất khó khăn. Như chia sẻ của Tuấn, 40 tuổi:
“Hồi xưa thì làm
gì có Internet dễ dàng như bây giờ, muốn gì vô ngồi gõ lách cách lách cách mấy
cái là có bạn liền. Dễ ẹc. Hồi xưa, muốn gặp nhau, tụi anh hay đi đến mấy chỗ rạp
chiếu phim giống vậy này nè hay chui vô mấy khu chợ thì may ra mới có hàng”.
Chúng tôi gặp được Tuấn tại một rạp chiếu phim nơi mà
những người đồng tính nam ở TPHCM rất hay tụ tập đến đây để gặp gỡ. Tuấn là một
người kinh doanh tự do và rất rành rẽ về những nơi mà có nhiều người đồng tính
tụ tập. Từ “hàng” mà Tuấn dùng là để chỉ những người cùng xu hướng tính dục với
mình và anh ta có thể gặp gỡ họ ở rạp chiếu bóng X. Tuấn cho biết, rất nhiều những
người đồng tính ở độ tuổi như anh biết đến rạp chiếu bóng này và rất thường
xuyên đến đây để tìm bạn tình.
Rạp chiếu bóng này tọa lạc tại quận X, là một địa điểm
mà được nhiều người đồng tính nam biết đến. Từ năm 2013 trở về trước, thời gian
hoạt động bắt đầu từ khoảng 9 giờ sáng đến chín giờ tối nhưng hiện nay, rạp chỉ
hoạt động đến 4 giờ 30 chiều do rạp phải bàn giao lại cho một sân khấu kịch hoạt
động. Có lẽ vì thế mà lượng khách cũng giảm do thời gian 4 giờ 30 trở về tối là
thời gian tan sở làm, rất nhiều người đến đây để tìm những người “giống mình”.
Quan sát tại đây, chúng tôi nhận thấy sự biến thiên rõ
rệt của lượng khách đến trong ngày và sự khác biệt trong tuần. Những ngày thường
(từ thứ hai đến thứ năm), mật độ khách khá thưa, và đông dần lên vào khoảng thời
gian trưa (từ 11 giờ đến khoảng 1 giờ trưa). Từ khoảng trưa đến chiều tối thứ
sáu thì lượng khách đông hơn. Đặc biệt đông rõ rệt vào những ngày thứ bảy và chủ
nhật. Thành phần khách đến đây cũng rất đa dạng, căn cứ qua trang phục, chúng
tôi nhận thấy có những người ăn mặc từ lịch sự với áo sơ-mi quần Âu đến những người
ăn mặc luộm thuộm, độ tuổi cũng rất đa dạng, từ những thanh niên rất trẻ đến những
người lớn tuổi. Và điều đáng chú ý là, rạp chiếu bóng này còn thu hút cả một số
người ở tận khu vực ngoại thành như Bình Dương hay Biên Hòa. Như Minh là một
người mà chúng tôi đã tiếp cận:
“Anh ở Bình
Dương lận. Lâu lâu, mỗi khi có dịp lên Sài Gòn để lấy hàng bán thì anh lại ghé
vô đây chơi một chút… À, anh biết chỗ này cũng do một người bạn chỉ chứ cũng
đâu có biết”
Cũng như Minh, Hoài ở tận Biên Hòa, những khi “buồn”,
anh lại chạy xe vô đến tận đây để tìm bạn “Nhiều
khi cũng không biết vô đây làm cái gì, nhưng cái cảm giác thiếu thiếu nhớ nhớ
lâu lâu khi mình không vô vậy đó. Mình cũng có gia đình rồi nên cũng mắc cỡ khi
vô mấy chỗ này. [Chậc (tiếng tặc lưỡi)]. Nhiều khi gửi xe không cũng thấy mắc cỡ
nên sau này anh gửi xe tận đằng trường cao đẵng X rồi mới thả bộ tới đây, mua
cái vé rồi ù vô, không dám nhìn ai”. Và chúng tôi quan sát thấy khi bước ra
về, Hoài lại đội một cái nón kết kéo sụp xuống để che khuôn mặt, lại thêm một
cái khẩu trang trùm kín mặt vì sợ bị người khác nhận diện ra mình. Những trường
hợp như Minh, như Hoài không ít và không khó để chúng tôi gặp được ở những nơi
mà những người đồng tính hay tập trung để tìm bạn tình như rạp chiếu phim này[233]
cũng như ở những quán café, những điểm xông hơi hay những khu chợ tình. Nhìn
chung, chúng tôi nhận thấy đặc điểm chung của những rạp chiếu bóng mà người đồng
tính hay tụ tập thường là những rạp chiếu của nhà nước với sự xuống cấp của cơ
sở vật chất, chiếu những cuốn phim không cần người xem nhưng giá vé thì không hề
rẻ. Theo ghi chép của chúng tôi, giá vé năm 2012 là 35.000/vé, năm 2013 đã tăng
vọt thành 55.000/vé (tương đương với một vé xem tại các hệ thống các rạp chiếu
bóng được đầu tư hoành tráng như Galaxy, BHD, v.v… Nhưng các suất được chiếu
liên tục trong ngày, khách có thể mua một vé vào xem thoải mái không giới hạn
thời gian. Có lẽ, chính vì để có thể có một nguồn thu nhập để đảm bảo doanh thu
nuôi sống cán bộ nhân viên phục vụ rạp nên các nhân viên ở đây cũng mặc kệ
khách muốn làm gì thì làm… Do đó, dù rạp không có tiềm lực cạnh tranh nhưng vẫn
rất đông khách một phần là vì cách quản lý đó, và một phần cũng vì phần lớn
khách vào đây không có nhu cầu xem phim như lời của Thái – một người đã giới
thiệu chúng tôi tới điểm này: “Vô mấy chỗ này ai mà coi phim gì anh. Chỉ có
đóng phim là chính thôi”. “Đóng phim” mà Thái nói là tiếng lóng để chỉ mục đích
những người đồng tính vào đây chỉ để tìm bạn tình, vì nhu cầu tình dục là chính
yếu. Bên cạnh rạp chiếu bóng, những người đồng tính nam còn tập trung tại một số
quán café.
Hiện tại, ở khu vực TPHCM chỉ còn duy nhất một quán
café[234] mà
người đồng tính nam tập trung khá đông vào những ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy
và chủ nhật). Tuy nhiên, khác với ở rạp chiếu bóng, vào những ngày thường (từ
thứ hai đến thứ năm), quán chỉ đông khách vào khoảng hai khung giờ: tầm khoảng
từ sau 11 giờ 30 trưa đến cao điểm là 1 giờ 30 và từ khoảng 4 giờ chiều đến 6
giờ tối, còn những khung giờ khác thì quán rất vắng vẻ. Riêng ngày thứ sáu thì
khách đến nhiều vào buổi chiều kéo dài đến 9 giờ tối. Đặc biệt, vào hai ngày thứ
bảy và chủ nhật thì lượng khách đều đặn từ sau 9 giờ sáng đến tối, và đông nhất
tầm sau 5g chiều. Khoảng thời gian này cũng tương đồng với khung giờ mà những
người đồng tính tập trung tại các điểm xông hơi massage[235] – một địa điểm khác mà
chúng tôi tiếp cận qua thông tín viên.
Từ quá trình thực tế, chúng tôi nhận thấy, so với rạp
chiếu bóng và quán café thì loại hình xông hơi massage là địa điểm mà những người
đồng tính thích chọn lựa hơn các cách thức nối kết kể trên.
Lý giải cho chọn lựa của mình, Hải (28 tuổi) cho rằng:
“Dù gì thì bước vô chỗ này nó cũng đỡ ngại hơn là vô quán café hay rạp chiếu
phim X. Vì ở ngoài người ta kinh doanh mà, mình vô mua vé, ai nhìn vô cũng đâu
nghĩ mình vô đây này nọ. Bất quá người ta chỉ nghĩ mình vô đấm bóp thôi. Còn
như bước vô quán café thì dễ gì mấy người xung quanh không biết mình vô ổ bóng
vì hoạt động vậy, ai mà không biết. Còn như vô rạp X hả? Báo chí đã lên banh
chành hết rồi, chướng cái mặt vô, chưa gì đã tự điểm mặt bởi xung quanh ai nhìn
không biết nữa. Nhục chết. Đó là chưa nói, lỡ có ai quen đi ngang hay ở gần đó,
thế nào cũng bể hết. Lúc đó có phải tự quảng cáo mình là bóng không?”
Hải hiện đang là một nhân viên văn phòng, anh cho biết
dù mình không là một người nổi tiếng gì nhưng để “lộ bản thân” tức để cho người
khác nhận ra giới tính thực sự của mình là “điều mà nghĩ cũng không dám nghĩ tới”.
Có thể thấy, sự khác biệt về mức độ thu hút khách giữa rạp chiếu bóng, quán café
hay các điểm xông hơi massage là ở sự kín đáo thông việc ngụy trang bên ngoài của
loại hình dịch vụ. Ở phòng xông hơi, khách hàng không cần mặc quần áo, mỗi người
chỉ quấn một chiếc khăn tắm ngang hông. Do đó mà việc nhìn ngắm, chiêm ngưỡng
cơ thể của nhau là một việc rất “tự nhiên” và ngay cả việc quan hệ tình dục
cũng ít có những lo ngại hơn so với diễn ra ở quán café hay rạp chiếu bóng.
“Ở đây (tức quán café) muốn xử nhau (làm tình) thì chỉ
có làm sơ sơ thôi chứ không đi quá được vì nhiều người dòm ngó. Muốn thì kéo
nhau đi khách sạn thôi”. Việc bị dòm ngó khi có những cử chỉ thân mật với nhau
là điều mà phần đông những người đồng tính kín rất e ngại. Có lẽ vì thế mà các
điểm xông hơi phục vụ cho những nhu cầu của người đồng tính ngày càng phát triển
và ngày càng trở nên thu hút người đồng tính trên địa bàn TPHCM.
Có thể thấy, những cách tìm nhau để kết nối giữa những
người đồng tính dựa trên các địa điểm mà chúng tôi tạm gọi là địa điểm mật như
rạp chiếu bóng, quán café, các khu chợ tình hoặc các điểm xông hơi là những
cách thức nguyên thủy nhất. Sở dĩ, chúng tôi gọi là nguyên thủy là vì những địa
điểm/cách thức này tồn tại từ khá lâu trong cộng đồng những người đồng tính ở
TPHCM. Có những địa điểm, cho đến thời điểm này hoặc đã thay đổi, hoặc đã không
còn tồn tại[236].
Những người sinh năm 1990 về sau (trong nhóm gọi là 9x) hoặc không biết đến, hoặc
không ưa chuộng một trong những cách này bởi tồn tại nhiều rủi ro[237],
và ngại tốn thời gian, công sức nên họ chọn một cách kết nối có thể coi là hiện
đại hơn: kết nối qua mạng Internet.
2.2.
Kết nối qua hệ thống mạng Internet
Hiện nay, đã xuất hiện nhiều những nghiên cứu tiến
hành dựa trên khảo sát trực tuyến, trong đó có vài liên quan tới người đồng
tính do các tổ chức Isee hay CCHIP tiến hành, ví dụ như cuộc nghiên cứu về đặc
điểm kinh tế xã hội của nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam” do
Isee tiến hành vào tháng 2/2009. Điều đó cho thấy việc sử dụng Internet cũng phổ
biến ở cộng đồng người đồng tính. Đặc biệt là những người trẻ tuổi và có kiến thức
về Internet.
Theo thống kê, hiện nay có rất nhiều diễn đàn dành cho
người đồng tính với con số thành viên lên đến hơn một trăm nghìn người (Phạm Quỳnh
Phương, 2003, tr.79). Mọi người tham gia diễn đàn với nhiều mục đích khác nhau.
Có người muốn tìm một “sân chơi” để trao đổi thông tin, thư giãn nhưng phần
đông là để tìm đối tác tình dục như Quân, một người bạn mà chúng tôi tiếp cận
qua chuyên mục kết bạn trên diễn đàn X (22 tuổi) cho biết:
“Hầu như trên này
người ta quen nhau, rồi kết bạn chỉ để xx (tiếng lóng chỉ chuyện quan hệ tình dục)
thôi anh chứ không ai yêu đương gì đâu, mạng ảo mà”.
Cõ lẽ do đặc tính “ảo”, “không ai biết ai” cho đến khi
gặp gỡ bên ngoài nên số lượng thành viên khá đông. Bên cạnh các diễn đàn, các
trang web với chức năng trò chuyện như V.F cũng có hẳn một phòng trò chuyện
(chat room) dành riêng cho người đồng tính. Thật là một thiếu sót nếu không nhắc
đến vai trò của các mạng xã hội, đặc biệt là facebook.
Tuy chỉ mới xuất hiện phổ biến trong vài năm gần đây
nhưng facebook thật sự là một chương trình được nhiều người đồng tính lựa chọn
như một công cụ để tìm bạn. Đặc biệt, sự ra đời của những loại điện thoại thông
minh khiến cho khoảng cách giữa những người đồng tính càng “gần” hơn. Họ có thể
cài đặt những ứng dụng “tìm bạn” và đăng ký một tài khoản (acccount) là có thể
dễ dàng tìm thấy nhau. Thêm vào đó, những chiếc điện thoại này luôn có bộ định
vị nên khi đi đến đâu, họ cũng đều “nhận” ra nhau nếu như người kia cũng sử dụng
phần mềm tương ứng.
Việc phân chia sự các kênh kết nối của nhóm đồng tính ở
TPHCM chỉ mang tính tương đối và tạo cho người đọc một cái nhìn về sự thay đổi
được bổ sung vào trong cách thức nối kết giữa những người đồng tính. Trên thực
tế, những cách thức được xem là “nguyên thủy” chưa hẳn là bị lãng quên cũng như
những tiện ích được xem là cấp tiến, mới mẻ như mạng internet, hay các ứng dụng
tìm bạn trên điện thoại thông minh cũng còn khá hạn chế đối với những người đồng
tính có học vấn thấp hoặc đời sống kinh tế chưa phong phú.
Những kênh dẫn này, dù khác nhau về tính chất, loại
hình nhưng có đặc điểm chung là mang tính bảo mật, riêng tư chỉ có những người
trong cùng một nhóm mới biết, mới nhận ra được các địa điểm đó; thêm vào đó,
mang tính nặc danh cao – đảm bảo được an toàn về mặt biểu hiện giới cá nhân thông
qua lớp phủ ngụy trang bên ngoài. Những địa điểm mật này mang tính tự phát (đôi
khi là bất hợp pháp), sự hình thành đôi khi là ngẫu nhiên và thời gian tồn tại
không đảm bảo.
3. TẠM
KẾT
Mặc dù chưa thể có một thống kê chính xác về số lượng
nhưng sự tồn tại của nhóm nam có xu hướng tính dục đồng tính ở TPHCM là một thực
tế. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh về sự đa dạng về độ tuổi, ngành
nghề, học vấn,… đã chứng minh một điều sự hiện hữu của những người đồng tính
nam song song cùng người có xu hướng tính dục dị tính. Chỉ do e ngại bị kỳ thị,
bị xa lánh nên phần đông người đồng tính không bộc lộ bản thân, biểu hiện xu hướng
tính dục thực sự của mình ra ngoài. Thông thường, chúng ta chỉ có thể nhận thấy
xu hướng tính dục của một ai đó (biết người ấy là người đồng tính hay không) dựa
trên biểu hiện về giới – là mong muốn thể hiện giới tính của bản thân mình ra
trước những người khác. Sự biểu hiện này là một lựa chọn mang tính cá nhân và
tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đây cũng là một tiêu chí để phân loại người đồng
tính theo nhóm lộ hoặc kín. Ngoài ra, còn có cách phân loại theo khuynh hướng vị
trí trong quan hệ tình dục. Nhìn chung, do thái độ xã hội đối với xu hướng tính
dục đồng giới cũng như với người đồng tính ở Việt Nam chưa thật sự cởi mở nên
những người đồng tính tự tạo cho mình một hệ thống những kênh dẫn trong sự nối
kết với nhau qua những địa điểm mà chỉ trong nội bộ nhóm mới biết và thông qua
mạng Internet.Trên phạm vi quy mô nhóm, người đồng tính chia thành nhiều những
nhánh nhỏ hơn dựa trên những tiêu chí phân loại khác nhau như dựa trên biểu hiện
giới (nhóm lộ và nhóm kín) và trong đời sống tình dục thì thành top hoặc bottom
hay versatile. Nhìn chung, phần lớn những
người đồng tính vẫn còn chọn phương án che giấu xu hướng tính dục của bản thân.
Trong cuộc sống thường ngày, những người đồng tính dùng nhiều cách thức để che
dấu bản thân mình. Những người đồng tính thuộc nhóm kín không bao giờ có sự tiếp
xúc với những người có biểu hiện không kín đáo vì e sợ sự tương tác sẽ khiến bản
thân bị bại lộ. Do đó, người đồng tính tạo cho mình những kênh giao tiếp để họ
có thể tiếp cận với nhau. Đặc điểm của những kênh giao tiếp này mang tính ẩn, nặc
danh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chandiramani,
Radhika. 2009. Vì sao phải khẳng định tình dục, trong tạp chí ARROWS (bản dịch)
số 12 – 2007.
2. D.
Zgourides, George; S. Zgourides, Christie; Nguyễn Hồng Trang (dịch). Các khuôn
mẫu, vai trò và nhân dạng về giới.
3. Đào
Xuân Dũng. 2006. Tình dục học đại cương. Hà Nội: NXB Y học
4. Hoàng
Bá Thịnh. 2005. Giáo trình xã hội học về giới. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia.
5. Phạm
Quỳnh Phương (biên soạn) 2013. Người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt
Nam (tổng luận các nghiên cứu). Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
6. Richard
T.Schaefer, Huỳnh Văn Thanh (dịch). Xã hội học. Hà Nội: NXB Thống kê.
7. Lê
Thị Ngân Giang, Hoàng Tú Anh, Vũ Song Hà, Lương Thị Thủy, 2007, Một số thuật ngữ
về giới và bình đẳng giới. Hà Nội: công tư tư vấn đầu tư y tế.
8. Khuất
Thu Hồng. 1998. Nghiên cứu tình dục ở Việt Nam: Những điều đã biết và chưa biết
(có chỉnh sửa và bổ sung). Hà Nội: NXB Thế giới.
9. Khuất
Thu Hồng, Lê Bạch Dương, Nguyễn Ngọc Hường. 2009. Tình dục trong xã hội Việt
Nam đương đại, chuyện dễ đùa khó nói. Hà Nội: NXB Tri Thức.
10. Murray
S. David. 1991. Ngôn ngữ của tính dục. Hà Nội: NXB Đại học Y Hà Nội.
11. Runeborg,
Anna; Phạm Đức Cường, Đinh Thái Sơn, Khất Thị Hải Oanh (dịch). 2001. Tính dục –
một sức mạnh siêu nhiên: Giới trẻ, Tình dục và quyền trong thời đại HIV/AIDS.
Hà Nội: Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Phát triển xã hội.
12. Vũ
Mạnh Lợi và Nhóm nghiên cứu. 2009. Tình dục đồng giới nam tại Việt Nam – sự kỳ
thị và hệ quả xã hội (báo cáo nghiên cứu). Hà Nội: Quỷ tài trợ nghiên cứu Ford
(Ford Foundation).
13. Trương
Tấn Minh, Tôn Thất Toàn, Collby, Donn. 2009. Hành vi tình dục đồng giới và nguy
cơ lây nhiễm HIV (tại khu vực nông thôn tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam). NXB Thế giới.
14. Collby,
Donn. 2004. Kiến thức về HIV và những nguy cơ trong nhóm nam có quan hệ tình dục
với Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
15. Mach,
W. Dominick, 2005. The real world without women (A study of male Homosexuality
in Ho Chi Minh City). STI Independent study project.
16. Khuất
Thu Hồng và các đồng nghiệp. 2005. Nam có quan hệ tình dục với Nam: khung cảnh
xã hội và các vấn đề tình dục.
17. Vũ
Thành Long, Nguyễn Ngọc Hường, Khuất Thu Hồng, Chengchi Shiu. 2006. Phác thảo
diện mạo tình dục của nam giới Việt Nam: Nghiên cứu tại Hà Nội, Hà Tây, Cần Thơ
và Thành phố Hồ Chí Minh.
18. Lê
Thị Phương Mai. 2005. Giới, bạo lực giới: Nhân viên y tế có thể giúp gì cho nạn
nhân của bạo lực giới. Hà Nội: Nxb Thế giới.
19. Phan
Thị Thu Hiền. 2005. Cưỡng bức tình dục trong hôn nhân (tại một vùng nông thôn
Quảng Trị). Hà Nội: Nxb Thế giới.
20. Vũ
Hồng Phong. 2005. Những lo ngại tình dục của nam giới ở một thị trấn nông thôn
Việt Nam: Một cách giải thích nhân học. Hà Nội: Nxb Thế giới.
21. Phù
Khải Hùng. 2011. Tình dục đồng giới trong lịch sử: Một góc nhìn nhân học văn
hóa (ứng dụng các lý thuyết nhân học văn hóa để giải thích hành vi). Báo cáo kết
thúc học phần “các lý thuyết nhân học văn hóa” do GS Lương Văn Hy phụ trách,
khoa Nhân học, trường ĐH KHXH – NV TPHCM.
22. Phù
Khải Hùng. 2012. Hành vi tình dục đồng giới: Một vài vấn đề lịch sử. Báo cáo
tham luận tại Hội thảo khoa học giữa kỳ tháng 6/2012. TPHCM: Viện Phát triển bền
vững vùng Nam Bộ.
23. Phù
Khải Hùng (2013), Tiếp cận “Trình diễn giới” – Một vài ý niệm ban đầu, Tham luận
Hội nghị khoa học thường niên, tháng 9/2013. TP.HCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam
Bộ.
24. ISEE
(Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường). 2013. Báo cáo từ hội thảo: Người
đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT): Những quy định pháp luật và quan điểm
của cộng đồng. Tổ chức lần II tại TP.HCM.
KIẾN TẠO GIÁ TRỊ CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM “GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC
NHÀ”: TỪ DIỄN NGÔN CHÍNH TRỊ ĐẾN THÔNG ĐIỆP CỦA TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG
Thiều Thị Trà Mi
Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ
Bài viết được triển
khai từ ý tưởng xem giá trị của phụ nữ Việt Nam hiện đại - “Giỏi việc nước, đảm
việc nhà” như một diễn ngôn chính trị đã trở nên phổ biến nhờ truyền thông đại
chúng. Tác giả phân tích theo hướng phê phán diễn ngôn và chủ yếu dựa trên bộ khái
niệm mà Arturo Escobar dùng trong phê phán khái niệm Phát triển. Từ đó chỉ ra sự
thống nhất, chặt chẽ trong việc truyền bá giá trị cho phụ nữ từ một phong trào
thi đua thành chuẩn mực của xã hội, và những vấn đề không được chú trọng bàn đến
trong diễn ngôn này.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ MANG TÍNH LÝ THUYẾT
Trong bài viết phê phán khái niệm phát triển
(development) xét như một diễn ngôn (discourse) thấm đẫm tư tưởng phương Tây,
nhà nhân học Arturo Escobar đã xây dựng một bộ khái niệm then chốt (a set of
key terms) để đưa vào phân tích (Escobar, 2005). Ông phân tích cách mà diễn
ngôn về phát triển đã và đang thống trị trên toàn cầu. Phương Tây đã khởi xướng,
định hình và truyền bá diễn ngôn này
thông qua các khuôn mẫu về tư tưởng (paradigm) để định nghĩa và phân loại
những đất nước nào đã phát triển (developed countries), đất nước nào chưa phát
triển (underdeveloped countries) và dùng các công cụ (apparatus) từ nhà nước,
các tổ chức viện trợ để áp đặt hay khiến cho mọi quốc gia trên thế giới nội tâm
hóa (internalization) những định nghĩa đó. Tất cả những yếu tố này vận hành để
tạo nên trật tự thế giới mà ở đó những bộ phận yếu thế sẽ phải phụ thuộc vào
thành phần có quyền lực. Trong cuộc chơi này, sự bá quyền của kẻ nắm giữ diễn
ngôn sẽ quyết định giá trị gán lên bộ phận phụ thuộc, và có được tiếp tục cuộc
chơi hay không là tùy vào khả năng theo đuổi những giá trị này (xem thêm
Escobar, 2005).
Tương tự như vậy, trong bài viết này tác giả cũng xem
xét một diễn ngôn mang tính chính trị của nhà nước Việt Nam – “Giỏi việc nước,
đảm việc nhà”[238]
– trong việc xây dựng hình ảnh, vai trò và vị thế của người phụ nữ trong “tình
hình mới”[239].
Thông qua nội dung của phong trào thi đua do Tổng Liên Đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam phát động,
một mặt, tác giả muốn tái hiện sự phối hợp nhịp nhàng và thống nhất giữa chính
sách của nhà nước với truyền thông trong việc truyền bá và duy trì kiểm soát
hình ảnh người phụ nữ chuẩn mực. Phần này sẽ trả lời cho câu hỏi Bằng cách nào
phụ nữ xem “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là giá trị của mình? Mặt khác, tác giả
cũng chỉ ra những mâu thuẫn, nghịch lý trong chính diễn ngôn bá quyền này để đặt
tiếp những câu hỏi về xung đột giá trị (values resistance), sự chuyển biến xã hội
(social transformation), tự định nghĩa về bản thân (self-denifition) liên quan
đến mối quan hệ về giới trong phần kết luận.
2. PHONG TRÀO THI ĐUA PHỤ NỮ “GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC
NHÀ” VÀ SỰ VẬN HÀNH CỦA DIỄN NGÔN VỀ GIỚI
2.1. Nội dung phong trào thi đua phụ nữ “Giỏi việc nước,
đảm việc nhà”
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
trong nữ CNVC-LĐ được TLĐLĐ Việt Nam phát động từ năm 1989, ba năm sau Đổi Mới-1986
và tính tới nay đã 26 năm. Đây là phong trào mang tính đặc thù về giới nhằm
phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVC-LĐ trong công cuộc đổi mới
đất nước, xây dựng gia đình no ấm – bình đẳng – tiến bộ - hạnh phúc, góp phần
phát triển kinh tế, xã hội và mục tiêu bình đẳng giới[240].
Theo sơ đồ trên, phụ nữ Việt Nam thời kỳ Đổi Mới bắt đầu
được[241]
đóng góp vào sự nghiệp kinh tế của đất nước như một bộ phận lao động đầy tiềm
năng. Họ vừa phải xây dựng gia đình
đáp ứng chức năng chính trị, kinh tế và tinh thần hay tình cảm cho các thành
viên vừa phải tự hoàn thiện bản thân
để trở thành người vừa có thể chất tốt, có học thức và đầu óc làm việc, vừa có
phẩm chất đạo đức và trách nhiệm với xã hội. Có thể gộp ba mục tiêu đầu từ trái
qua phải của sơ đồ này thành bộ chuẩn tắc vai trò và trách nhiệm của phụ nữ Việt
Nam. Còn mục tiêu bình đẳng giới có thể xem như quyền lợi của phụ nữ, cùng tồn
tại với ba mục tiêu đầu. Và tổng hòa những điều này được khởi xướng lên thể hiện
sự “quan tâm, chăm lo tạo điều kiện cho
sự tiến bộ của nữ CNVCLĐ và thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự
phát triển của phụ nữ” của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn[242].
Sơ đồ1. Mục tiêu
và những tiêu chí “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”[243]
Trong “Tài liệu tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam
thời kỳ CNH- HĐH đất nước”
năm 2011 được công bố chính thức trên trang thông tin của Hội Liên hiệp Phụ nữ
(HLHPN) Việt Nam có xác định rõ “những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ
nữ Việt Nam”. Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được HLHPN quan niệm rằng đã
“hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc” và là “truyền thống của người
phụ nữ Việt Nam”. Nó bao gồm “Đảm đang trong gia
đình và xã hội, yêu nước chống giặc ngoại xâm; xây dựng, giữ gìn và phát triển
văn hóa; thủy chung nhân hậu; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động”. Cũng trong
tài liệu này, ban biên soạn thuộc HLHPN cũng đưa ra những phẩm chất đạo đức tốt
đẹp mà phụ nữ Việt Nam “cần giữ gìn và phát triển trong thời kỳ CNH-HĐH đất
nước”. Phụ nữ trong tình hình mới là người “Yêu nước; ý thức trách nhiệm đối
với gia đình, xã hội; ý thức tiếp thu tri thức, làm chủ khoa học, công nghệ và
kĩ năng nghề nghiệp; tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong cuộc
sống; ý thức xây dựng lối sống văn hóa; ý thức pháp luật; phẩm chất nhân hậu,
vị tha; ý thức rèn luyện sức khỏe.”.
Thử nhìn lại để đối chiếu hình ảnh phụ nữ Việt Nam chuẩn mực trong
truyền thống, hình ảnh phụ nữ trong thời kỳ CNH-HĐH với mục tiêu của phong trào
“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ta sẽ thấy chúng thống nhất chặt chẽ với nhau,
ngày càng nhiều tiêu chí mới được đặt ra, chi tiết hơn cũng có nghĩa là càng
ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với phụ nữ. Có một sự liên tục trong các
diễn ngôn này theo từng thời kỳ nhằm duy trì vai trò chính yếu của phụ nữ trong
đảm bảo gia đình sung túc và hạnh phúc, duy trì bản sắc người phụ nữ Việt Nam
với các đức tính thủy chung, nhân hậu, vị tha nhưng cũng phải năng động, sáng
tạo, hiểu biết, có trách nhiệm với việc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn và có trách
nhiệm rèn luyện sức khỏe cho bản thân mình. Có thể nói đây là những tiêu chí
chuẩn mực mà nếu thực hiện được chúng bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng trở
thành hoàn hảo hay toàn diện.
Phong trào
phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được phát động rộng khắp các ban ngành
đoàn thể trên cả nước và ở mỗi nơi lại có những hình thức thi đua khác nhau dựa
trên nội dung chính thức mà TLĐLĐ đưa ra[244] với chu kỳ sơ kết sau ba năm và tổng
kết sau năm năm một lần. Diễn ngôn này gồm có hai phần. Nữ CNVC-LĐ sẽ tự nguyện
đăng ký tham gia phong trào[245]. “Giỏi việc nước” được công nhận
nến như đạt được danh hiệu Lao động tiên tiến. Để đạt được danh hiệu Lao động
tiên tiến, CNVC-LĐ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác; chấp hành nội qui,
chính sách pháp luật; tham gia tích cực các phong trào khác của đoàn thể; tích
cực học tập và nâng cao chuyên môn; và có lối sống lành mạnh. “Đảm việc nhà”
được đánh giá dựa trên ba tiêu chí: thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch
hóa gia đình; không có thành viên nào trong gia đình liên quan đến tệ nạn xã
hội và xây dựng được một gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan học giỏi. Vượt
ra khỏi phạm vị cơ sở lao động, “Đảm việc nhà” còn có thể do chính quyền địa phương
công nhận tương đương với danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Hay nói cách khác, phụ
nữ là gia đình, và gia đình có văn
hóa hay không là tùy thuộc vào khả năng quán xuyến của phụ nữ[246]. Nữ CNVC-LĐ tham gia phong trào này
nếu đạt được các tiêu chí trên thì sẽ được Công Đoàn cơ sở ra quyết định và cấp
giấy chứng nhận để tuyên dương họ.
2.2. Phụ nữ
trong diễn ngôn về giới và gia đình
Trong nghiên
cứu vùng Bethnal Green ở phía Đông Luân Đôn, Anh quốc năm 1975 hai nhà xã hội
học M.Young và P.Wilmott nhìn nhận về một hình thức gia đình mới xuất hiện và
dần trở nên phổ biến trong tầng lớp lao động trong bối cảnh CNH-HĐH ở Anh – gia
đình cấu trúc cân đối. Đây là mẫu hình gia đình mà “vai trò của người vợ và
người chồng tương đương nhau, cùng góp phần vào việc sắp xếp gia đình và kinh
tế”. Yếu tố mới trong ở kiểu gia đình này là “người đàn ông dành thời gian ở
nhà và góp phần vào công việc nội trợ, cả hai đều làm việc nhà và cùng chăm sóc
con cái” (Nguyễn Kiên Trường dịch, 2005, tr. 208). Trong khi đó nhà xã hội học
Ann Oakley trong nghiên cứu của mình năm 1974 tại Anh quốc cho rằng không hề có
sự cân đối thậm chí là vai trò và trách nhiệm của phụ nữ thời bấy giờ còn nặng
nền hơn ở chỗ họ vừa đối mặt với bất bình đẳng trong cơ hội làm việc so với đàn
ông, vừa vẫn “giới hạn tập trung vào không gian nhà cửa”. Hay nói cách khác,
diễn ngôn về gia đình cấu trúc cân đối chỉ làm cho trách nhiệm của phụ nữ “phức
tạp và tinh tế hơn trước” (Nguyễn Kiên Trường dịch, 2005, tr. 302). Oakley
“nhấn mạnh sự phân cách xã hội liên tục giữa đàn bà và đàn ông” ở “tính cách
nội trợ và cuộc sống gia đình” vẫn là công việc đặc thù của phụ nữ và “sự mâu
thuẫn, mập mờ về giá trị văn hóa đối với vai trò phụ nữ”. Viễn cảnh hay sự lý
tưởng của mẫu gia đình cấu trúc cân đối trên thực tế đã không mang lại công
bằng cho phụ nữ và diễn ngôn này thì mập mờ và chứa nhiều mâu thuẫn.
Trở lại với
khuôn mẫu tư tưởng hay diễn ngôn chính trị mà thông qua các nghị quyết, chỉ thị
hay công văn do các cơ quan nhà nước ban hành thông qua phong trào thi đua, kêu
gọi một cách chính thức đã rõ ràng cho thấy rằng vai trò trung tâm và liên tục
của phụ nữ Việt Nam vẫn là gia đình. Các công việc bên ngoài gia đình, cho đến
hiện nay, đàn ông vẫn chiếm ưu thế hơn so với phụ nữ[247]. Trong khi đó, các chuẩn mực hay
ràng buộc về vai trò, trách nhiệm hay hình ảnh người phụ nữ thì được đưa ra một
cách chính thức, chi tiết và ngày càng khắt khe. Và điều quan trọng là, trong
diễn ngôn này, một lĩnh vực mà phụ nữ Việt Nam mới được tham gia vào là làm kinh tế ngoài xã hội thì đàn ông vẫn là
trung tâm hay thước đo để đánh giá mức độ thành công của phụ nữ. Tức là xem
thành công của đàn ông là thang đo để đi đến công nhận xem phụ nữ có làm được
như đàn ông hay không và thành công đến mức nào. Còn trong lĩnh vực gia đình,
gần như là vắng mặt người đàn ông
trong diễn ngôn này. Và một khi diễn ngôn chính trị, thông qua truyền thông đại
chúng, ngày càng đề cao hay phóng đại tầm quan trọng của gia đình như “tế bào
của xã hội”[248] sẽ quyết định “một xã hội khỏe
mạnh” hay không thì đồng nghĩa với việc vai trò và trách nhiệm của phụ nữ phải
“đảm việc nhà” ngày càng bị dư luận xét nét.
3. TẠM KẾT
Ngoài các
phong trào thi đua được triển khai ở cấp Công Đoàn cơ sở để đưa diễn ngôn “Giỏi
việc nước, đảm việc nhà” thành chuẩn giá trị của nữ CNVC-LĐ thì trong suốt hơn
20 năm qua, phải kể đến vai trò mạnh mẽ của truyền thông đại chúng trong việc
khiến diễn ngôn này trở thành giá trị nội tại không những của người phụ nữ mà
còn là chuẩn mực mà dư luận xã hội dựa vào đó để đánh giá phụ nữ (Jan Blommaert
& Chris Bulcaen, 2000, tr. 458). Diễn ngôn quyền lực và cấu trúc về vai trò
trong xã hội luôn có sự liên kết chặt chẽ và thống nhất với nhau để đảm bảo
trật tự xã hội với sự bôi trơn của truyền thông (Catherine Earl, 2013, tr.85).
Các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng hay thậm chí các mẫu
quảng cáo cũng vin vào diễn ngôn để đồ đậm nó như một đặc trưng văn hóa của
người phụ nữ Việt Nam. Bài viết “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” kèm audio mà
trang thông tin của VOV dẫn lại từ chuyên mục “Câu chuyện hôm nay” của Đài phát
thanh và truyền hình Đồng Nai nhân kỷ niệm 105 năm ngày quốc tế Phụ nữ khẳng
định rằng phụ nữ thời CNH-HĐH đã được “tạo điều kiện thuận lợi để phát triển”
bên cạnh việc đảm bảo “vai trò và thiên chức” của mình trong gia đình và “nam giới, cộng đồng và
xã hội chúng ta vẫn luôn đồng hành,
san sẻ cùng giới nữ”[249]. Các mẫu hình ảnh, quảng
cáo về thực phẩm chức năng, nhu yếu phẩm thường nhấn mạnh đến giải pháp giúp phụ
nữ vượt qua áp lực để đạt được “hai giỏi” trong xã hội ngày nay[250]. Thế mới thấy rằng ranh
giới giữa nhà nước và truyền thống ở Việt Nam ngày nay khó mà phân biệt rạch
ròi (Heng, 2001: 226).
Xem xét lại diễn ngôn này, ta thấy rằng
đối với “việc nước”, phụ nữ được tham gia dưới sự “tạo điều kiện” của nhà nước
để họ đuổi kịp nam giới trong việc đóng góp vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và
nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phụ nữ chưa “phát triển” được như mục tiêu đề
ra là do “Một bộ phận nữ CNVCLĐ vẫn còn tự ti, an phận chưa nỗ lực phấn đấu
vươn lên”[251]
và “Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền
thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển
trong một bộ phận phụ nữ”[252].
Nhưng với “việc nhà” thì phụ nữ hoàn toàn chịu trách nhiệm “biết tổ chức, quản
lý tốt gia đình, thực hiện vai trò người vợ, người mẹ, người bà nội, bà ngoại,
xây dựng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá””[253].
Từ đây, vài câu hỏi đặt ra là “Gia đình của ai?” và “Tại sao chỉ có phụ nữ thi
đua?” để trở lại với tình trạng vắng mặt
nam giới trong diễn ngôn này. Nhưng dường như dư luận không hướng về các câu
hỏi này mà mải đi tìm nguyên do khiến phụ nữ Việt Nam chưa “Giỏi việc nước, đảm
việc nhà” và bàn luận nhiều về tình trạng và giải pháp cho tình trạng áp lực về
vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong tình hình mới.
Trong một xã hội mà nam và nữ tham gia
vào xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào tuổi tác, trình độ học
vấn, thu nhập, thế mạnh,…thì những điều tác giả bàn luận trên đây có thể nói
chỉ là thử nêu ý tưởng đặt vấn đề để tiến hành lý giải. Và còn nhiều khía cạnh
khác như trong phần đầu bài tác giả có nói qua về xung đột về giá trị, sự tự
định nghĩa về bản thân và sự biến đổi xã hội nếu ta tiếp tục nghiên cứu diễn
ngôn về giới trong chính trị và truyền thông dưới cách tiếp cận xem phụ nữ là
tác nhân hành động mang tính chủ thể (agency) thì có thể khai triển vấn đề một
cách đa chiều, sinh động hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Blommaert, Jan & Bulcaen Chris.
2000. Critical discourse analysis. The Annual Reviews Anthropology. 29:447-66.
2. Earl, Catherine. 2013. Saigon style:
Middle-class culture and transformations of urban lifetyling in post-reform
Vietnamese media. Media International Australia. No.147. 85-97.
3. Heng, R. H.-K. 2001. Media
negotiating the State: In the Name of the Law in Anticipation. Sojourn: Journal
of Social Issues in Southeast Asia, vol. 16, no.2, pp.213-37.
4. Nguyễn Kiên Trường dịch. 2005. Những
bài giảng về xã hội học. Nxb Thống Kê.
5. Escobar, Arturo. 2005. Imagining a
post-development era. In Marc Edelman and Angelique Haugerud (ed). The
Anthropology of development and globalization From classical political economy
to contemporary neoliberalism. Blackwell Publishing Ltd. 342-51.
6. Nghị quyết của Bộ Chính trị 11-NQ/TW về Công tác phụ nữ thời kỳ
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban chấp hành trung ương.
27/4/2007. Cập nhật 8/8/2015.
7. Chỉ thị 03/CT-TLĐ về Việc tiếp tục
đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 18/8/2010. Cập nhật 8/8/2015.
8. Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua “giỏi
việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cnvclđ (giai đoạn 2006 - 2010)
1456/2005/hd-tlđlđvn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 1/8/2005. Cập nhật
8/8/2015.
9. Trang thông tin trực tuyến của Tạp
chí Cộng sản http://www.tapchicongsan.org.vn. Cập nhật 8/8/2015.
10. Trang thông tin trực tuyến của Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam. http://www.congdoanvn.org.vn/. Cập nhật 8/8/2015.
11. Trang thông tin trực tuyến của Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam http://hoilhpn.org.vn.
Cập nhật 8/8/2015.
([4])
Viện KHXH tại TP HCM. Một số vấn đề khoa học xã hội về ĐBSCL (Đã dẫn),
có:
·
PGS Lê Xuân Diệm. Phác họa con đường phát triển
Kinh tế - Văn hóa trong bước đầu lịch sử ĐBSCL.
·
PGS Huỳnh Lứa. Công cuộc khai phá vùng Đồng Nai
– Gia Định thế kỷ 17 – 18.
·
PGS. TS. Mạc Đường. Dân cư và Dân tộc ở ĐBSCL.
·
TS Trần Du Lịch – Nguyễn Hữu Thân. Mối liên hệ
Kinh tế giữa công nghiệp TP HCM với nông nghiệp ĐBSCL.
([5])
UBKHKT Nhà nước. Báo cáo Tổng hợp Chương trình 60.02 (1986).
Chương trình
60B. Nội san số 3 (5 – 1990). Các đề tài khoa học xã hội.
([6])
Lê Minh Ngọc. Về tầng lớp trung nông ở ĐBSCL. Một số vấn đề KHXH… Đã dẫn
Đỗ Thái Đồng.
Quan hệ sản xuất và động thái giai cấp ở ĐBSCL. Đề tài 60B – 05 – 02. Chương
trình 60B.
([7])
Government of VN, State planning Committee World Plan, Mekong Secretariat,
UNDP. Mekong Delta Master Plan (VIE87/031). 13/05/1991.
([8])
Tổ KT – XH. VIE87/031. Phúc trình Phân tích cuộc Điều tra Kinh tế - Xã hội –
Nông nghiệp ĐBSCL. 07/1991.
([9])
Trong số Phụ nữ đã lập gia đình mà VIE87/031 điều tra XHH, có 65% muốn đẻ 4 – 5
con trở lên, chỉ có 15% muốn đẻ 2 con.
([11])
PGS. TS. Mạc Đường. KHXH trong tầm nhìn phát triển nghiên cứu các vấn đề đói
nghèo. Xem Viện KHXH. Những thành tựu nghiên cứu KHXH. NXB KHXH. HN 2000.
[13]
Cần Thơ lịch sử và phát triển. Tỉnh Cần Thơ và Viện KHXH vùng Nam Bộ xuất bản
8-2000.
[14]
Ban chỉ đạo Miền Tây, Tỉnh Cần Thơ, Viện KHXH vùng Nam Bộ ấn hành 4 Tập Thông
báo Khoa học, năm 2004.
[15]
Địa chí Long An. Chủ biên Thạch Phương, đồng Chủ biên Lưu Quang Tuyến, Long An,
1989.
[16]
Thạch Phương (Nguyễn Liệu): Nghiên cứu viên cao cấp ngành Văn học của Trung tâm
nghiên cứu Văn học, Viện KHXH TP.HCM.
[17]
Từ điển Hồ Chí Minh sơ giản, Chủ biên PGS . TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, đồng chủ biên
Lê Văn Nam, 20 cộng tác viên khoa học NXB Trẻ, TP.HCM.1990.
[18]
Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh. Chủ biên Thạch Phương, đồng Chủ biên
Lê Trung Hoa. 20 cộng tác viên NXB Trẻ TP.HCM. 2001.
[19]
Kỹ yếu Hội thảo khoa học. Viện KHXH và Ban Tôn Giáo TP.HCM ấn hành, 1988.
[20]
Tiến sĩ Võ Công Nguyện, tác giả một đề tài cấp Nhà nước được nghiệm thu đạt xuất
sắc: “Tộc người và quan hệ tộc người ở Nam Bộ”.
[21]
Đoàn gồm GS. Ca Văn Thỉnh (Trưởng đoàn),
GS. Phạm Thiều (Bí thư chi bộ), đoàn viên có đồng chí Phan Gia Bền, Hồ
Lê, Mạc Đường, Nguyễn Văn Ái.
[22]
Bài viết là sản phẩm của Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã
hội và quản lý phát triển xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm
2020” (Mã số KX.02.20/11-15).
[23]
Tên của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thời kỳ ấy.
[24]
Đóng góp của các cá nhân và tổ chức nghiên cứu khác xin xem thêm nhận xét bên
dưới.
[25]
Chính vì lẽ không làm tổng quan, nên bài viết có thể còn sơ ý không kịp nhắc tới
một số công trình xã hội học đô thị quan trọng mà người trong Viện đã gây dựng
nên.Tôi xin có lời cáo lỗi trước và mong được lượng thứ. Bên cạnh xã hội học đô
thị, Viện chúng ta còn có nhiều công trình đi rất sâu vào sự chuyển đổi cơ cấu
xã hội và phát triển nông thôn Nam Bộ do các nhà xã hội học Đỗ Thái Đồng, Lê
Minh Ngọc, Nguyễn Quới, Nguyễn Thu Sa, Bùi Thế Cường, Trần Hữu Quang, Lê Thanh
Sang, Trần Đan Tâm… thực hiện, mà chúng tôi mong có dịp giới thiệu kỹ trong một
dịp khác.
[26]
Đóng góp trực tiếp vào những bước tổ chức ban đầu của chuyên ngành xã hội học
trong Viện lúc đó có thể kể đến các giáo sư Vũ Khiêu, Bùi Đình Thanh, các nhà
nghiên cứu Đỗ Thái Đồng , Tôn Thất Tịnh, Lê Minh Ngọc, Nguyễn Quang Vinh…
[27]
Đề tài Các khía cạnh xã hội của tái định cư trong dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè
(1996) có sự tham gia của Nguyễn Quang Vinh, Ngô Thị Kim Dung, Nguyễn Vi Nhuận.
Đề tài Tái định cư tại dự án đường Khánh Hội, quận 4(1996) có sự tham gia của Lê Thanh Sang, Nguyễn Vi Nhuận, Ngô Thị Kim
Dung, Nguyễn Quang Vinh. Hai đề tài vừa nói nằm trong Chương trình nghiên cứu
xã hội học về “Các hệ quả xã hội của quá trình cải tạo-chỉnh trang nội thành
thành phố Hồ Chí Minh”. Do Nguyễn Quang Vinh làm chủ nhiệm.
Đề tài về dự án
tái định cư nhỏ Bình Trưng Đông (2000) do Văn Thị Ngọc Lan (chủ nhiệm đề tài),
Nguyễn Quang Vinh, Trần Đan Tâm, Trần Thái Ngọc Thành thực hiện.
[28]
Trích những trang phác thảo từ thực địa phường 4, quận 4 của Lê Thanh Sang
(1996).
[29]
Phát biểu của Trần Đan Tâm tại Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về vai trò các dự
án tái định cư nhỏ, tổ chức tại Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh ngày 7 tháng 8 năm 2003.
[30]
Do khuôn khổ có hạn của bài viết,
chúng tôi không trình bày các kết quả khảo sát thực địa rất phong phú của dự
án. Để
có thêm thông tin chi tiết,
xin đọc thêm Lê Thanh Sang. 2015. Báo cáo
tổng hợp Dự án cấp Bộ “Điều tra cơ bản tổng thể về liên kết phát triển
bền vững vùng TNB” (2012-2014). Viện
Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[31]
TNB có lợi thế tuyệt đối so với các
vùng khác trong cả nước về năng suất và chất lượng của nhiều sản phẩm nông nghiệp trên nhưng không nhất
thiết có lợi thế tuyệt đối so với một số nơi khác trên thế giới, đặc biệt là về
chất lượng, vốn phụ thuộc rất nhiều vào lợi thế cạnh tranh thay vì lợi thế so
sánh.
[32]
Hiện nay hầu hết doanh nghiệp tham gia liên kết là các doanh nghiệp bán phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc kết hợp với bao tiêu sản phẩm, nhưng chưa thu
hút nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Một trong những lý do quan trọng là
doanh nghiệp không tìm thấy nhiều lợi nhuận khi đầu tư vào nông nghiệp trong điều
kiện qui mô sản xuất quá nhỏ, hoặc tập trung đạt qui mô tối thiểu, hoặc cơ sở hạ
tầng (giao thông, điện 3 pha, thuỷ lợi, mặt ruộng,…) không đáp ứng yêu cầu sản
xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng với giá cả hợp lý.
[33] Theo Husserl, thái độ tự nhiên (natural attitude) là thái độ bình thường của
con người trong đời sống thường nhật, trước khi có bất cứ câu hỏi hoài nghi nào. Thái độ này coi thế giới như đã “có sẵn đó”, và hồn nhiên chấp nhận thế giới ấy như cái gì đương nhiên phải như vậy. Thái độ tự nhiên tương phản với thái độ hoài nghi, đặt lại vấn đề về sự hiện hữu của thế giới – một thái độ mà Husserl gọi là thái độ triết học. Thái
độ tự nhiên có trước thái độ khoa học. Tuy nhiên, theo Husserl,
mọi công cuộc khảo cứu khoa học, kể cả toán học và luận lý học, vẫn diễn ra trong khuôn khổ của thái độ tự
nhiên, bởi lẽ các ngành khoa học ấy đều mặc nhiên thừa nhận sự hiện hữu của thế giới và của những đối tượng của ngành khoa học của mình (thí dụ : các con số). Husserl cho rằng chúng ta chỉ có thể vượt qua thái độ tự nhiên bằng phương pháp êpôkhê hiện tượng
học để đạt tới “thái độ
siêu nghiệm” (transcendental attitude)
(xem Moran,
Cohen, 2012: 216-218).
[34]
“Tiền
phán đoán”, tiếng Anh là prepredicative,
tiếng
Đức là
vorprädikativ. Đây là một tính từ mà
Husserl sử dụng để nói về giai đoạn kinh nghiệm
mà người ta
trải qua trước khi kinh nghiệm này
được biểu hiện bằng sự phán đoán
và được diễn đạt dưới hình thức ngôn ngữ, nghĩa là trước khi nó được ý thức một cách minh
nhiên (xem Moran, Cohen, 2012: 258-259).
[35]
Maurice
Merleau-Ponty, Phénoménologie de la perception, Paris, Gallimard, 1945,
dẫn lại theo A. Akoun, mục
“Phénoménologie”, trong Akoun, Ansart, 1999: 397.
[36] Theo Trần Đức Thảo, tính từ “thuần túy” (pur)
ở đây chỉ đơn giản có nghĩa
là “phi trần thế” (non mondain), tức là được dùng để nói về cái gì đã được qui giản bởi
phương pháp hiện tượng học (xem Trần Đức Thảo, 1951: 54).
[37]
“Thế giới đời sống” (tiếng Anh life-world, tiếng Đức Lebenswelt), theo E. Husserl, là thế giới cụ thể của kinh nghiệm thường nhật, tức là thế giới của đời
sống thường nhật (Alltagswelt), thế giới mà con người chúng ta trải nghiệm trong “thái độ tự nhiên”. Thế giới đời sống là thế giới mà chúng ta coi là “đã có sẵn đó”, “quen thuộc”, và đương nhiên phải như vậy (taken for granted).
Theo Husserl, đây là thế giới bao gồm toàn bộ “thế giới xung quanh” (Umwelt), kể cả thế giới tự nhiên lẫn thế giới văn hóa, bao gồm con người và các xã hội của họ, đồ vật, muông thú và toàn bộ môi trường (xem Moran, Cohen, 2012:
189-191).
[38]
Der sinnhafte Aufbau der sozialen Welt, bản dịch
tiếng Anh của công trình này là The Phenomenology of the Social
World, do George Walsh và Frederick
Lehnert dịch, với lời giới thiệu
của
George Walsh (Evanston, Illinois, Northwestern University Press, 1967).
[39] Xin đón đọc bản dịch cuốn
Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học nhận thức (The
Social Construction of Reality. A Treatise in the Sociology of Knowledge) của Peter L. Berger và Thomas Luckmann,
do chúng tôi chủ biên dịch thuật, Nxb Tri thức
sắp ấn hành.
[40]Không
bàn thành phần giàu trí thức vì số lượng ít, hay một số là điền chủ lớn hoặc
thuộc trung nông, hay đã phân tán không còn.
[41]Tín
ngưỡng Việt Nam, Toàn ánh, Sài Gòn 1969 tr. 404.
[42] Tự điển Việt Nam tr. 77, 837.
[43]
Mục sư Võ Cao Phúc, một tín đồ Tin Lành Hội Thánh Tin Lành 69/3 KP VI HBC, Quận
Thủ Đức.
[44]
Báo dân tộc và Miền Núi TTXVN. Báo tiếng Khmer Trà Vinh và Sóc Trăng.
[45]
Báo của 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng và Điền dã.
[46]
Theo quan niệm dân tộc Khmer CTSCL.
[47]
Phú Văn Hẳn, Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn TP.HCM 2002. TS. Võ Công Nguyện, một số đặc
điểm trong đời sống người Chăm kỷ yếu.
[48]
Phan Thế Châu, Hồi giáo lược khảo, Trang 11-14, Sài Gòn 1973.
[49]
PTS. Trần Khánh, vai trò người Hoa trong nền kinh tế các nước ĐNA, 1992, trang
253.
[50]
Mục III, từ trang 18 – trang 26, dự thảo Báo cáo chính trị BCH TƯ Đảng khóa XI
tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Mục 2.5- Phát triển các
vùng và khu kinh tế từ trang 141 đến trang 142, dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả
thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ
phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, Đảng Cộng sản Việt Nam, Tài liệu sử dụng tại
Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương, tháng 4-2015.
[51] TS. Nguyễn Văn Huân (2012), Viện Kinh tế Việt Nam, Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn, Kỷ
yếu Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu, Vũng Tàu, 28-29/9/2012.
[52] TS. Vũ Thành Tự Anh và cộng sự Nhóm
nghiên cứu Fulbrigh (2011), ĐBSCL liên kết để tăng cường năng lực cạnh tranh
và phát triển bền vững, báo cáo tại Hội thảo khoa học “Xây dựng cơ chế liên
kết vùng ĐBSCL”, MDEC – Cà Mau 2011 do BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì/TS. Vũ Thành Tự
Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh (2008),
Nghiên cứu chính sách vùng của Việt Nam.
[53] TS. Đinh Sơn Hùng và cộng sự (2011), Cơ chế liên kết kinh
tế giữa vùng ĐBSCL và TP HCM – thực trạng và giải pháp, báo cáo tại Hội
thảo khoa học “Xây dựng cơ chế liên kết vùng ĐBSCL”, MDEC – Cà Mau 2011 do BCĐ
Tây Nam Bộ chủ trì.
[54] Mấy vấn đề về thể chế kinh tế vùng, phân tích và tổng thuật, tham luận hội thảo “Lý luận
và thực tiễn về thể chế kinh tế vùng và cơ chế liên kết vùng”, Hà Nội, ngày
18-9-2014.
[55] Thể chế kinh
tế vùng và cơ chế liên kết kinh tế vùng ở Việt Nam: Vấn đề lý luận và thực
tiễn, tham luận hội thảo “Lý luận và thực
tiễn về thể chế kinh tế vùng và cơ chế liên kết vùng”, Hà Nội, ngày 18-9-2014.
[56] PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh (2012), Viện
trưởng Viện NC-PT ĐBSCL, Cơ chế, chính sách liên kết vùng ĐBSCL phát triển
sản phẩm chủ lực (lúa gạo, cây ăn quả, thuỷ sản), tham luận Hội thảo Rà
soát cơ chế, chính sách nông nghiệp, nông thôn, MDEC – Tiền Giang năm 2012.
[57] GS. Verman, TS. Martijin và nhóm chuyên gia
Hà Lan (2013), Kế hoạch đồng bằng sông Cửu
Long (MDP) – Tầm nhìn dài hạn cho một khu vực đồng bằng an toàn, trù phú và
bền vững.
[58]
Tổ chức hội nghị công thương hàng năm, hợp tác thực hiện bình ổn giá thị trường.
[59]
Chương trình liên kết vùng phát triển du lịch/Chương trình “Một điểm đến – Bốn
địa phương +”
[60]
Chương trình “Mekong 1.000”, “Liên kết vùng phát triển nguồn nhân lực”.
[61] 1. Trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh); 2. Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh/thành phố); 3. Bắc Trung Bộ và duyên hai miền Trung (14 tỉnh/thành phố); 4. Tây Nguyên (5 tỉnh);
5. Đông Nam Bộ (06 tỉnh);
6. Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố).
[62] L. Cadière, Le Mur de Đồng Hới : Étude sur l’établissement des Nguyễn en
Cochinchine [Bức tường Đồng Hới : Nghiên cứu việc họ Nguyễn dựng nghiệp
ở Đàng Trong]. B. F. E. O, Hanoi, VI (1906), các số 1-2, trg. 87-254.
[63] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine [Lịch sử Truyền giáo tại Đàng
Trong], Documents Historiques I (1658-1728) Paris, 2000, trg. 614.
[64] Gia Định Thông Chí, trg. 8-10, q. III.
[65] Keith Taylor, “Nguyễn Hoàng”, trg. 29,
trích dẫn theo Li Tana, sđd., trg.
227)
[66] Sông Mêkong
thuộc loại sông lớn của thế giới, có chiều dài tới 4.220 km, bắt nguồn ở Tây
Tạng ở độ cao 5.000m, chảy qua Vân Nam, Lào, Campuchia và vào Việt Nam. Sông
Mêkong có những khúc có thác, ghềnh, nhưng khi vào Việt Nam lại là một con sông
hiền hòa với 220km của phần hạ lưu của con sông này. Khi vào lãnh thổ VN,
Mêkong chia thành hai nhánh, sông Tiền và sông Hậu, chảy qua tám trong mười hai
tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, tức các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ,
Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trang, Trà Vinh, Bến Tre và đổ vào biển Đông qua
chín cửa nên có tên là Cửu Long.
[67] Luro, Cours
d’aministration annamite, Saigon, Collège des Stagiaires, 1877, trg. 97;
trích dẫn theo NĐĐ, sđd., trg.
118-119.
[68] Để hiểu được tốc độ gia tăng của phong trào dân cư này, chúng ta chỉ cần
lưu ý là dân số Tây Nam Bộ từ 200.000 người năm 1608 lên thành 2.000.000 năm
1861.
[69] PBTL, q. VI : Sản vật chí, trg. 441, trích dẫn
theo NĐĐ, trg. 58.
[70] PBTL, sđd., trg. 441, trích dẫn theo NĐĐ, trg. 58-59).
[71] P. Poivre, Oeuvres complètes, Paris, 1797, trg. 137-142. Trích dẫn trong Nguyễn
Thanh Nhã, Tableau économique du Viet Nam
aux XVIIe et XVIII siècles (Bức tranh kinh tế của Việt Nam vào thế kỷ XVII
và XVIII), Ed. Cujas, 1970, trg. 124.
[72] Lê Minh, sđd., trg. 13
[73] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, trg. 345.
[74] Lê Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Tp. Hồ Chi Minh, 1984, trg. 11.
[75] Lancaster, Emancipation of
French Indochina, trg. 420
[77]
Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,
tr.5.
[78]
Sơn Nam (1997), Cá tính miền Nam,
Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.11.
[79]
Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc
Đường (1990), Văn hóa cư dân đồng bằng
sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.218.
[80] Trần Hữu Hợp (2012), Cộng đồng người Việt công giáo đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Tôn
giáo, tr.21-22.
[81] Nguyễn Thị Ánh – Nguyễn Thị Nghĩa (2014),
Xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ, Tạp chí Lý luận chính trị, Số 7/2014, tr.68-69.
[82] Trần Văn Bính (2004), Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - Thực trạng
và những vấn đề đặt ra, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.188.
[83]
Báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về thực hiện quyết định
99/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu khái quát về đồng bằng sông Cửu Long.
[84]
http://baotintuc.vn/kinh-te/ung-pho-bien-doi-khi-hau-o-dong-bang-song-cuu-long-20150414231407772.htm
[85]http://vtv.vn/trong-nuoc/hau-giang-xam-nhap-man-bat-thuong-lan-dau-xay-ra-trong-20-nam-20150719062301832.htm
[86]
Bộ tài nguyên và môi trường, Kịch bản Biến
đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội, 2012.
[87]
Chương trình cao cấp lí luận chính trị - hành chính, Các chuyên đề đặc thù và bổ
trợ, Học viện Chính trị khu vực IV, năm 2014
[88]
Lê Anh Tuấn, Tác động của biến đổi khí hậu
lên hệ sinh thái và phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Diễn
đàn dự trữ sinh quyển và phát triển nông thôn bền vững ở ĐBSCL, Cần Thơ, 2009.
[89]
http://tnmt.yenbai.gov.vn/index.php/vi/news/Khi-tuong-Thuy-van/Cuc-Khi-tuong-thuy-van-va-Bien-doi-khi-hau-Day-manh-tuyen-truyen-ve-bien-doi-khi-hau-7864/
[90]
Diễn đàn Á-ÂU (ASEM), Diễn đàn Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á.
[91]
Người dùng tin là một khái niệm
chuyên ngành chỉ đối tượng sử dụng thư viện, các trung tâm thông tin . Người
dùng tin tại TVKHXH bao gồm: Cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội vùng Nam
Bộ, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, đạo diễn phim, giảng viên và sinh
viên ở các trường đại học, cao đẳng.
[92]
Trích: Giáo trình thư mục học : Dành cho sinh viên các trường Cao đẳng và Đại học
chuyên ngành thư viện – thông tin / Nguyễn Thị Thư. – Tr. 6.
[93]
OPAC (Online Public Access Catalog) là mục lục tra cứu trực tuyến, được sử dụng
trên các phần mềm quản trị tích hợp thư viện.
[94]
Phích mô tả là tờ bìa cứng có khổ 12.5cm x 7.5cm. Trên tờ phích có 3 vạch: 1 vạch
ngang ở phía trên cách mép 1.5cm và 2 vạch dọc: Vạch dọc thứ nhất cách mép 2cm,
vạch dọc thứ 2 cách mép 1cm. Phích được dùng để mô tả các thông tin về tài liệu.
[95]
ISBD (International Standard Bibliographic Description) là tiêu chuẩn quốc tế về
mô tả thư mục, được Liên đoàn các Hội và cơ quan thư viện quốc tế (IFLA) bắt đầu
soạn thảo từ năm 1969, ban hành vào đầu năm 1974.
[96]
MARC 21 (Machine Readable Cataloging 21st
Century) là biên mục đồng bằng máy, được phát triển bởi Thư viện Quốc hội
Hoa kỳ vào năm 1966 giúp các thư viện có thể chia sẻ những dữ liệu thư mục máy
đọc được.
[97]
Bảng phân loại BBK (Bibliotechno-bibliograficheskaja
klassifikaxija) là bảng phân loại tài liệu được sử dụng trong các đơn vị thông tin – thư viện. Ra đời những năm 60 do Thư viện quốc gia Nga
biên soạn, sau đó được Thư viện Quốc
gia dịch lại.
[98]
DDC (Dewey Decimal Classification System) là khung phân loại được
sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thông tin - thư viện trên toàn thế giới. Do ông Melvil
Dewey sáng lập năm 1873 và được xuất bản lần đầu vào năm 1876.
[99]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.1005.
[100]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.881.
[101]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.881.
[102]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.947.
[103]
C.Mác – Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập
1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.570.
[104]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.947.
[105]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.1252.
[106]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.795.
[107]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr887.
[108]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.893.
[109]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.935.
[110]
Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn (2009), Nguyễn
An Ninh tác phẩm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.933.
[111]
Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long. “Tổng quan vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Bài trên trang http://mdec.vn/com_content/articles/Tong-quan-vung-DBSCL/803.htm, cập nhật lầ cuối ngày 13/8/2014.
[112]
Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long. “Tổng quan vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Bài trên trang http://mdec.vn/com_content/articles/Tong-quan-vung-DBSCL/803.htm, cập nhật lần cuối ngày 13/8/2014
[113]
PAPI là chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công
cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các
Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc
(UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 cho tới nay, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác
trong suốt quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu, gồm Trung tâm Công tác lý
luận và Tạp chí Mặt trận thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2009-2012),
Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (trong năm 2012), và Trung tâm Bồi
dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2013).
Các Ủy ban MTTQ thuộc các tỉnh/thành phố, huyện/quận, xã/phường đã giúp đỡ tạo
điều kiện để nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát tại thực địa. khảo sát xã hội học
lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi
chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người
dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Cho đến nay, chỉ số PAPI đã thu thập
và phản ánh trải nghiệm của gần 50.000 người dân, 63 Tỉnh /Thành phố của Việt
Nam.
[114]
Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ: Một số vấn đề về dân chủ cơ sở ở nông thôn Nam Bộ trong sự phát triển bền
vững 2011-2020. Chủ nhiệm đề tài: Đỗ Hương Giang. Nằm trong chương trình cấp
Bộ “Nghiên cứu Nam Bộ, 2011-2012”, do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ là cơ
quan chủ trì.
[115] Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay; mục I, điểm 3.
[116]
Xem KẾT LUẬN số 65-
KL/TW, ngày 4/3/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của
Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.
[117]
Xem Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 về xây dựng và thực hiện Quy
chế dân chủ ở cơ sở.
[118]
Báo điện từ Đảng Cộng sản Việt Nam: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30597&cn_id=257171.
[119]
Xem Nghị định số 79/2003/NĐ-CP của Chính phủ
ban hành Quy chế dân chủ ở xã, ngày 07 tháng 07 năm 2003.
[120]
Xem Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
ngày 20 tháng 4 năm 2007.
[121]
C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, T. 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, 2005, tr. 580.
[122]
Hồ Chí Minh. Toàn tập; t.5; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.
54.
[123] Xem:C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập; t.8;
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 145.
[124] Charles-Louis de Secondat, baron de
Montesquieu (1689 – 1755), một trong những người sáng lập phong trào Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII, tác giả cuốn “Tinh thần pháp luật”, kiệt tác có giá trị mẫu
mực của thế kỷ XVIII về nhà nước pháp quyền và nền dân chủ.
[125] Montesquieu: Tinh thần pháp luật (bản dịch
của Hoàng Thanh Đạm); Nxb Giáo dục và Khoa Luật, Trường ĐH KHXH & NV, Hà Nội,
1996, tr.55.
[126] Hồ Chí Minh. Toàn tập. T. 10. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000,
tr. 58.
[127]
Albert O. Hirshman (1986), Rival
views of market society and other recent essays, New York: Viking.
[128]
Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định
số 734/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Hà Nội ngày 27/5/2015.
[129]
Xem thêm Chiến lược chọn mẫu trong Phụ lục.
[130]
Xem thêm Các bước tiến hành phân tích nhân tố trong Phụ lục.
[131]
Hệ số này càng tiến gần đến 1 hoặc -1 (dấu âm hoặc dương biểu hiện cho mối quan
hệ thuận hay nghịch giữa các biến số với nhân tố tương ứng) thì mối quan hệ giữa
các nhân tố và biến số tương ứng càng lớn. Thông thường chọn những hệ số có giá
trị từ ± 0,5 đến ± 1.
[132]
Xem thêm Kiểm định ANOVA trong Phụ lục.
[133]
Xem thêm Các bước tiến hành phân tích phân loại trong Phụ lục.
[134]
NUTS (Nomenclature of
Territorial Units for Statistics), tạm dịch Danh mục các đơn vị lãnh thổ phục
vụ mục tiêu thống kê, do EU ban hành và áp dụng. Lãnh thổ mỗi quốc gia thuộc EU
được chia thành nhiều vùng theo 3 cấp độ (từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ) là:
NUTS 1, NUTS 2, NUTS 3. Theo NUTS phiên bản 2013 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng
01 năm 2015), lãnh thổ EU được chia thành 98 vùng theo cấp NUTS 1, 276 vùng
theo cấp NUTS 2 và 1,342 vùng theo cấp NUTS 3.
[135]
Khoản 1, Điều 110, Chương IX (Chính quyền địa phương), Hiến pháp của Nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 11 năm
2013.
[136]
Tính toán theo số liệu Niên giám thống kê 2013
[137] Khảo sát thực địa được tiến hành vào
tháng 9/2013 tại ba huyện Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường và huyện Đức Hòa tỉnh
Long An. Mỗi huyện chọn ra hai xã, mỗi xã chọn một ấp theo tiêu chí thuận tiện
để khảo sát. Trong mỗi ấp, chọn có chủ đích hai hộ gia đình tích tụ được nhiều
ruộng đất nhất và hai hộ có diện tích ruộng đất ít nhất hoặc không có đất sản
xuất để tiến hành phỏng vấn sâu. Như vậy tổng số hộ phỏng vấn sâu là 24 hộ.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng lựa chọn 2 nhóm (mỗi nhóm 5 người) gồm các chủ hộ
tích tụ được nhiều ruộng đất cùng sinh sống trong một ấp để thực hiện phỏng vấn
nhóm. Đối với cán bộ địa phương, nghiên cứu thực hiện 16 cuộc phỏng vấn với các
đối tượng cán bộ phụ trách nông nghiệp nông thôn, khuyến nông từ cấp tỉnh đến cấp
xã
[138] “Ðể nông dân đồng bằng sông Cửu
Long thoát nghèo” - Bài 1: Nghèo ngay trên vựa lúa. http://www.nhandan.com.vn/13/08/2013
[139] Hộ được xác định là không có đất khi hộ
đó không có quyền sử dụng loại đất nào khác ngoài đất thổ cư.
[140]
Hộ được xác định là không có đất khi hộ đó không có quyền sử dụng loại đất nông
nghiệp nào.
[141] Martin Ravallion & Dominique van de Walle, 2008. Đất đai trong thời kỳ chuyển đổi: Cải cách và nghèo đói ở nông thôn Việt
Nam. World Bank. Nhà XB Văn hóa thông tin, 2008, trang 172
[142] Lê Thanh Sang & Bùi Thế Cường, 2010. “Phân bố và chuyển dịch đất nông nghiệp của hộ gia đình ở Tây Nam Bộ”.
Tạp
chí Khoa học xã hội Số 4-2010, trang 30
[143] Martin Ravallion & Dominique van de
Walle (2008) đã dẫn
[144]
Taylor đưa ra lý thuyết quản lý khoa học và áp dụng lý thuyết vào thực tế đầu
thế kỷ XX, thời kỳ phát triển của công nghiệp Mỹ. Với mong muốn xóa bỏ môi trường
lao động thủ công, nâng cao năng suất lao động, Taylor đã khám ra những nguyên
lý cơ bản của sản xuất công nghiệp bằng phương thức Phân công lao động và đưa
ra sự kích thích bằng tiền.
Henry Ford đã áp dụng
triệt để hơn lý thuyết của Taylor trong lĩnh vực sản xuất ô tô của mình. Ông bổ
sung cho lý thuyết của Taylor bằng hai nguyên tắc: phân chia quá trình lao động
và kết hợp chúng trên một dây chuyền sản xuất, và tổ chức công việc xung quanh dây chuyền sản xuất đó.
[145] Mô hình nhà nước
phúc lợi: nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm và
cung cấp một nền an sinh xã hội cao cho người dân của mình.
[146]Tổng
hợp từ điều tra nông thôn nông nghiệp thuỷ sản 2011 của Tổng cục Thống kê.
[147]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=24221&print=true;
ngày 22/10/2013
[148]
Nghị định này là cơ sở quan trọng cho việc hình thành Luật Đất Đai 2003, các nội
dung về hạn mức sử dụng đất, thời hạn giao đất trong Nghị định vẫn được duy trì
trong Luật Đất Đai năm 2003.
[149]Tham khảo thêm các
Điều 67, 70 Luật đất đai 2003, các Điều 126, 129, 130 Luật đất đai 2013 và Nghị
quyết của Uỷ ban thường vu quốc hội; ngày 21 tháng 6 năm 2007 về Quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất
nông nghiệp của hộ gia đình,cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
[150]Tổng hợp từ điều
tra nông thôn nông nghiệp thuỷ sản 2006 và 2011 của Tổng cục Thống kê
[151]Mô
hình “ cánh đồng mẫu lớn “ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động
nhân rộng từ năm 2011 với mục tiêu nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trong
sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lúa. Theo Đỗ Kim Trung, GS.TS., Tạp
chí nghiên cứu kinh tế số 413 tháng 10/2012 mô hình “ cánh đồng mẫu lớn” xuất
hiện lần đầu tiên năm 2007 tại An Giang.
[152]Mô
hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhiều ưu đãi trong đó có ưu đãi về thuế đất,ưu
tiên tham gia các hợp đồng xuất khẩu, mua tạm trữ nông sản và nhiều hỗ trợ về
chi phí trong quá trình sản xuất ..vv. Tham khảo thêm Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013
của Thủ tướng Chính phủ.
[153]Sở
hữu nhỏ lẻ về ruộng đất có thể là thuộc tính của ruộng đất tại Việt nam trong
nhiều năm tới do bị chi phối bởi các quy địnhpháp luật về thừa kế. Diện tích được
thừa kế = Diện tích đất thừa kế x
[154]Tham
khảo thêmThông tư số 27 /2011/TT-BNNPTNT năm 2011 của
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Thông tư liên tịch số:
69/2000/TTLT-BNN-TCTK năm 2000 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và
Tổng cục Thống kê.
[155]Tổng
hợp từ điều tra nông thôn nông nghiệp thuỷ sản 2006 và 2011 của Tổng cục Thống
kê
[156]
Quy mô “Bán trang trại”là quy mô sản xuất của các hộ gần đạt các tiêu chuẩn hoặc
đạt không đầy đủ các tiêu chuẩn trang trại hiện hành.
[157]
Bài viết là một sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội
trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15).
[158]
Đề tài được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển do PGS. TS.
Trần Thị Kim Xuyến làm chủ nhiệm đề tài.
[159]
Đề tài được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển do PGS. TS.
Trần Thị Kim Xuyến làm chủ nhiệm đề tài.
[160]
Những cán bộ cấp quận [Phó Chủ tịch Quận phụ trách về Trật tự Đô thị và Trưởng phòng
Môi trường thuộc Q5 và Q8 (tham gia PVS)]; Cán bộ cấp phường [Chủ tịch Phường
và Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa-xã hội Q8, Phó Chủ tịch phụ trách Trật tự đô
thị Q5, Phó Trưởng phòng phụ trách Môi trường, Q5 (PVS); Các cán bộ cấp phường
của cả hai phường thuộc hai quận ( P2,Q5 và P8,Q8)].
[161]
Tiểu thương và những người buôn gánh bán bưng hay đẩy xe bán trên đường phố…. ở
quận Q8, Q5 (từ 35-60 tuổi)
[162]
Xem thêm chương 2, phần đặc trưng các cuộc vận động NSVMĐT của báo cáo đề tài khoa học cấp sở “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại TP. Hồ
Chí Minh từ cách tiếp cận nghiên cứu
hành động đồng tham gia: thực trạng và các giải pháp”
[163] Ở thời điểm hoàn thiện báo
cáo thẩm định, luật Môi trường sửa đổi năm 2014 đã ban hành.
[164]
Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài Chuyển dịch cơ cấu xã hội
trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam đến năm 2020. (2014-2015), Mã số: KX.02.20/11-15. Chủ nhiệm:
GS.TS. Bùi Thế Cường.
[165] Bài viết này bàn đến công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Họ không chỉ là những người lao động chân tay
một cách đơn thuần, mà còn được xác định qua những đặc trưng lao động của họ
trong những điều kiện nhất định và trong những mối quan hệ xã hội nhất định
(Antonio Gramsci). Công nhân là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất
có tính chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hóa cao (Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -
Lênin, NXB CTQG, 2006. Tr. 32).
[166]
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh và thành phố: Bình Phước, Tây
Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Long An và Tiền Giang.
[167] Viện Nghiên cứu Phát triển: Cơ
hội tái cơ cấu công nghiệp. www.hids.hochiminhcity.gov.vn/.../nang-luong-cong-nghiep-khai-khoang
[168]
Tổng cục Thống kê.
[169] 25 năm Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sở
Kế hoạch & đầu tư Hà Nội. website 04/09/2012. http://www.hapi.gov.vn/25-nam-luat-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam_a395t122.aspx
[170]
Địa chí An Giang, 2013, tr. 189.
[171]
Địa chí An Giang, 2013, tr.242.
[172]
Địa chí An Giang, 2013.
[173]
An Giang, Đồng Tháp vỡ đê nước tràn như thác, Báo Tiền Phong Online, Nguồn:
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/an-giang-dong-thap-vo-de-nuoc-tran-nhu-thac-553265.tpo.
[174]
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Đề án Nông
nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020, số 02/ĐA – UBND
ngày 11/4/2008, tr.4.
[175]
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Đề án Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh An
Giang đến năm 2020, số 02/ĐA – UBND ngày 11/4/2008, tr.5.
[176]
Niên giám thống kê tỉnh An Giang, 2008.
[177]
Niên giám thống kê tỉnh An Giang, 2008.
[178]
Hội thảo khoa học – 20 năm khai thác,
phát triển kinh tế xã hội vùng tứ giác Long Xuyên, tr. 72.
[179]
Ở Việt Nam, phương pháp đo lường
nghèo theo chuẩn nghèo về tiền tệ được áp dụng từ năm 1993 cho đến nay.
[180] Theo Quyết định số
09/2011/QĐ-TTg của Bộ LĐTBXH ngày 30/01/2011 quy định chuẩn nghèo giai đoạn
2011 – 2015, hộ nghèo có mức thu nhập 400.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu
vực nông thôn và từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống.
ở khu vực thành thị; hộ cận nghèo là hộ có có mức thu nhập từ 401.000 -
520.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng
ở khu vực thành thị.
[181]
Tỷ lệ nghèo 2USD/ngày/người
[182]
Các nhu cầu xã hội cơ bản trong cuộc sống được quy định trong Hiến pháp 2013, Nghị quyết
15-NQ/TW, và Nghị quyết 76/2014/QH13 bao gồm nhu cầu y tế, giáo dục, điều kiện
sống (nhà ở, nước sạch, hố xí), việc làm và tiếp cận thông tin.
[183]
Theo Nghị
quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm
2020.
[184] Từ năm 2007,
Alkire và Foster đã đưa ra một cách thức đo lường mới về nghèo đói và đã được
UNDP sử dụng để tính toán chỉ số Nghèo đa chiều (MPI) lần đầu tiên được giới
thiệu trong Báo cáo Phát triển con người năm 2010 và được đề xuất áp dụng thống
nhất trên thế giới sau năm 2015 để theo dõi, đánh giá đói nghèo. Chỉ số này được tính toán dựa trên 3 chiều
nghèo y tế, giáo dục và điều kiện sống với 10 chỉ số về phúc lợi. Chuẩn nghèo
được xác định bằng 1/3 tổng số thiếu hụt.
[185]
Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên
thiếu hụt 1 chiều nào đó thì được xét nghèo đa chiều.
[186]
Trong mỗi chiều sẽ có một số chỉ
tiêu để đo lường, nếu thiếu ít nhất 1 chỉ tiêu trong chiều nào đó thì được tính
là nghèo về chiều đó.
[187]
Các chỉ tiêu cụ thể trong 7 nhu cầu
cơ bản được xác định như sau:
· Chiều giáo dục được
đo bằng 2 chỉ báo: 1/Tỷ lệ trẻ em từ 5-15 tuổi không đi học đúng độ
tuổI; 2/ Tỷ lệ trẻ em không hoàn thành cấp tiểu học trong độ tuổi
11-15
· Chiều y tế được đo
bằng chỉ tiêu: Tỷ lệ trẻ em từ 0-4 tuổi không đến cơ sở y tế trong 12
tháng qua
· Chiều nhà ở: 1/Tỷ
lệ trẻ em từ 0-15 tuổi sống trong các hộ gia đình không có điện sinh
hoạt; 2/ Tỷ lệ trẻ em từ 0-15 tuổi sống trong hộ gia đình có nhà ở
không đạt tiêu chuẩn
· Nước dạch và vệ
sinh: 1/ Tỷ lệ trẻ em sống trong ngôi nhà không có hố xí hợp vệ sinh; 2/
Tỷ lệ trẻ em sống trong hộ gia đình không có nguồn nước uống sạch
· Lao động sớm: Tỷ
lệ trẻ em từ 6-15 tuổi phải làm việc
· Thừa nhận xã hội
và bảo trợ xã hội: 1/ Tỷ lệ trẻ em sống trong hộ gia đình mà người
chủ hộ không có khả năng lao động
[188] Theo Mục tiêu
phát triển Thiên niên kỷ là giảm 50% tỷ lệ người dân có mức thu nhập dưới mức
US$1 (PPP)/ngày trong giai đoạn 1990 – 2015; nhưng thực tế tỷ lệ hộ nghèo năm
2010 là 9.45% so với mức 58.1% năm 1993 (Theo báo cáo kết
quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010, triển
khai kế hoạch năm 2011 và đề xuất Danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai
đoạn 2012 – 2015, số 211/BC-CP, ngày 17/10/2011).
[189]
Theo Kết quả khảo sát toàn cầu Tiếng
nói nhỏ, Ước mơ lớn do Liên minh ChildFund tổ chức.
[190]
Bài viết sử dụng nguồn số liệu của đề tài cấp viện 2014: “Biến đổi cơ cấu nghề
nghiệp của cộng đồng dân cư Tp.HCM trong quá trình đô thị hóa (Nghiên cứu trường
hợp phường Cát Lái, quận 2)”.
[191]
Phần lớn các hộ gia đình xem việc đầu tư học hành cho
các thành viên là chiến lược ưu tiên trong 5 năm sắp tới.
[192]
Cuộc khảo sát tiến hành phỏng vấn 60 TCXH, tập trung vào các TCXH hỗ trợ dịch vụ
cho một hoặc nhiều trong số 7 nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Các nhóm này gồm:
Người khuyết tật (bao gồm cả khuyết tật về thể chất và tâm thần); người lao động
nhập cư, đến từ những vùng nông thôn của Việt Nam (và các thành viên trong gia
đình đi cùng); người nghèo thành thị; người sống với HIV/AIDS; người dân tộc
thiểu số; người hành nghề mại dâm; và nạn nhân buôn bán người (Những nhóm này
được xác định dựa trên nghiên cứu định tính và định lượng do LIN, DOLISA, Ủy
ban AIDS TPHCM và VASS/WorldBank/Oxfam thực hiện).
[193] Gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre,
Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc
Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau.
[194]
Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, và Kiên
Giang.
[195]
Xem thêm Nguyễn Ngọc Diễm và Phạm Ngọc Đỉnh. 2013. Nghiên cứu mô hình
truyền thông dựa vào các nhóm công chúng thích ứng với biến đổi khí hậu ở ven
biển đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài Bộ. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Bài viết trong khuôn khổ đề tài
Nafoted tài trợ, mã số IV.3-2012.23: “Bất
bình đẳng giới về
giáo dục, việc làm, thu nhập và nghèo
đói ở Đồng bằng sông Cửu Long
hiện nay: Tiếp cận
Nhân học và Xã
hội học” do PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp, trường Đại học Khoa học xã hội & nhân
văn làm chủ nhiệm.
1 Chọn mẫu theo phương pháp đại diện. Tiêu chí
chọn mẫu là những gia đình có đủ vợ chồng và người vợ trong độ tuổi sinh đẻ, là
gia đình có hai vợ chồng và những người con chưa lập gia đình.
[197] Xem Trần Thị Vân Nương (2013), “Phân công lao động theo giới trong gia
đình: Một cách nhìn mới cho một chủ đề cũ”, Tạp
chí nghiên cứu Gia đình và giới, số 3, tr.33-34.
[198] Trần Thị Vân Nương (2013), Bài đã dẫn,
tr.37.
[199] Thông tin này sẽ được thu thập bằng việc
phỏng vấn sâu.
[200] Trần Hữu Quang (2013), Báo cáo tồng hợp của đề tài “Một số đặc trưng về định chế xã hội con người
ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020”, Đề
tài cấp Bộ. Bản đánh máy, tr.100.
[201] Vũ Mạnh Lợi (1990), “Khác biệt nam nữ
trong gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ”, Tạp chí Xã hội học, số 3 (31), tr.38-39.
[202] Ngô Thị Phương Lan (2013), “Sinh kế, biến
đổi sinh thái và sự thích nghi của con người ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long
trong quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm thương mại”, Khoa Nhân học
trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, http://www.anthdep.edu.vn, Truy cập ngày 04-06-2015.
[203] Đát được đấp trong bồn để lươn trú ngụ được
một thời gian, đất nhão ra người ta phải thay đất.
[204] Đối với những gia đình có trên hai máy gặt
đập liên hợp người chồng sẽ trực tiếp lái, quản lý một máy, còn những máy khác
thuê mướn nhân công nam.
[205] Cuộc điều tra do Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện năm 2005 tại 13 tỉnh
và thành phố của Việt Nam với 4.176 đơn vị mẫu điều tra định lượng, 156 cuộc phỏng
vấn định tính, trong đó có 104 cuộc phỏng vấn sâu và 52 cuộc thảo luận nhóm. Dẫn
theo: Lê Ngọc Vân (2012), “Một số khía cạnh
về mối quan hệ vợ chồng qua các cuộc điều tra xã hội học gần đây ở Việt Nam”, Tạp
chí Gia đình và giới, số 2, tr.43-58.
[206] Trần Hữu Quang (2013), Báo cáo
tồng hợp của đề tài “Một số đặc trưng
về định chế xã hội con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai
đoạn 2011 - 2020”, Đề tài cấp bộ. Bản đánh máy, tr.177.
[207] Trương Thu Trang (tổng thuật) (2008), “Những yếu tố ảnh hưởng đến bình đẳng
giới trong phân công thực công việc nội trợ giữa vợ và chồng”, Thông tin Khoa học xã hội, số 4, tr 36.
[208]
Nguyen Thanh Binh (2012) “The Division of Household Labor in Vietnamese
Families at Present Time”, International Journal of Academic Research in
Business and Social Science, Volume 2, No 5.
[209] Dẫn theo
Teerawichitchainan, Bussarawan, John E. Knodel, Vu Manh Loi, and Vu Tuan Huy.
2008. "Gender Division of Household Labor in Vietnam: Cohort Trends and
Regional Variations." (Phân công giới trong lao động gia đình Việt Nam qua
những biến động xã hội) PSC Research Report No. 08-658. October 2008.
[210] Dẫn theo Trần Thị
Vân Nương (2013), “Phân công lao động theo giới trong gia đình”, Tạp chí Nghiên cứu giới và gia đình, số
3, tr.39.
[211]
Trần Thị Vân Nương (2013), Bài đã dẫn, tr.34.
[212] Dẫn theo
Teerawichitchainan, Bussarawan, John E. Knodel, Vu Manh Loi, and Vu Tuan Huy.
2008. "Gender Division of Household Labor in Vietnam: Cohort Trends and
Regional Variations." (Phân công giới trong lao động gia đình Việt Nam qua
những biến động xã hội) PSC Research Report No. 08-658. October 2008.
[213]
Trần Thị Vân Nương (2013), Bài
đã dẫn, tr.10.
[214]
Trần Thị Vân Nương (2013), Bài đã dẫn, tr.41.
[215]
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hay Mục tiêu Thiên niên
kỷ được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên
niên kỷ của Liên Hợp Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ, năm 2000 ở New York, Mỹ.
[216]
Lời giới thiệu của Công ước Quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức
phân biệt đối xử với phụ nữ, bản dịch và giới thiệu của Ủy ban Quốc gia vì
sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, tái bản lần thứ 5 có bổ sung, chỉnh lý, Hà Nội,
tháng 9/2005.
[217]
) Được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 1/7/2007.
[218]
Được Quốc
hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua
ngày 21/11/2007.
[219]
Theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg, ngày 24/12/2010, của Thủ tướng Chính phủ,
phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
[220]
Khái niệm này hiểu theo nghĩa thông
thường là từ một gia đình bố mẹ hình thành các gia đình khác như con cái. Nếu
phân loại gia đình thì mới chia ra gia đình hạt nhân, gia đình ghép chung, gia
đình mở rộng.
[221]Bài
viết là một phần kết quả của đề tài cơ sở năm 2014 do tác giả làm chủ nhiệm.
[222]
MSM là cụm từ viết tắt “Men who have
Sex with Men (dịch là nam có quan tình dục với nam) là một thuật ngữ được
dùng rất phổ biến trong các công trình nghiên cứu về nhóm đồng tính nam trước
đây ở Việt Nam. Tuy nhiên, thuật ngữ này chỉ hành vi chứ không phản ánh được đặc
tính của người đồng tính nam. Nghĩa là nó không phản ánh đúng nội hàm ý nghĩa của
một người đồng tính về xu hướng tính dục bền vững về mặt tình cảm/tình dục với
một người cùng giới/phái tính với mình và động cơ của hành vi tình dục hoàn
toàn là trên tinh thần tự nguyện. Trên thực tế, không phải người có hành vi
tình dục cùng giới là người đồng tính mà trong đó còn có nam giới lưỡng tính
(bisexual) và cả những người tự nhận mình là dị tính (heterosexual) nhưng có
quan hệ tình dục với nam giới khác vì nhiều động cơ (ví dụ một số nam bán dâm đồng
tính…). Nói cách khác, MSM là thuật ngữ chỉ chung cho tất cả nam có quan hệ
tình dục với nam, không quan tâm đến hoàn cảnh, lý do cũng như xu hướng tính dục
của họ. (Jenkin, R.A., 2005; Vũ Ngọc Bảo và P.Girault, 2005; Viện nghiên cứu
phát triển Xã hội, 2010; Mai Xuân Thu và Lê Cự Linh, 2013; Phạm Quỳnh Phương,
2013).
[223]
Câu hỏi này, ngay cả trong những lần thực địa, chúng tôi cũng được nghe các
thông tín viên nhận định về điều này
Như anh T (40 tuổi) nói: “Lúc này thấy nhiều… nhiều khi nghĩ chắc tại ở Sài Gòn
dễ thở nên người ta tụ về nhiều đây nhiều, chứ nếu ở dưới quê mà vậy cũng khó sống”.
Nhận định này, phần nào cho thấy tính “mở” trong sự tiếp nhận của khu vực
TPHCM.Tuy nhiên, để đảm bảo được tính thuyết phục, cần có những thông kê so
sánh về mặt số lượng; nhưng điều này có lẽ là một việc khó mà thực hiện được với
nhóm này.
[224]
Đánh giá của dự án “Thực trạng đồng tính trong sự phát triển xã hội Việt Nam”
do Tổ chức Life (Trung tâm nâng cao cuộc sống) kết hợp với COHED (Trung tâm
Phát triển Sức khỏe Cộng đồng) thực hiện năm 2009.
[225]
Báo cáo dịch HIV và các can thiệp trên nhóm MSM tại TPHCM (2014).
[226]
Tất cả những phỏng vấn được trích dẫn đều sử dụng biên bản gỡ băng của đề tài cấp
cơ sở năm 2014 “Khảo sát biểu hiện giới của nhóm nam đồng tính ở khu vực TPHCM”
do Phù Khải Hùng làm chủ nhiệm.
Tên (được gọi) của các nhân vật đều là giả nhằm đảm bảo tính bảo mật cho thông
tín viên.
[227]
Trước đây, trong nhiều đề tài nghiên cứu về nhóm này, mọi người thường hay gọi
là bóng kín và bóng lộ. Nhưng gần đây, từ “bóng” bị phản đối trong các chương
trình Hành động vì Quyền Bình đẵng giới. Thêm vào đó, khi tiếp cận với nhóm thì
đa phần những người thuộc nhóm kín bày tỏ thái độ không thích với từ “bóng” vì
họ cho là nó phản cảm và mang tính miệt thị. Thêm vào đó, một số người cho rằng
từ “bóng” là dành cho nhóm lộ, họ còn là đàn ông thì không phải bóng (trao đổi
riêng của chúng tôi). Do đó, để thể hiện sự tôn trong và tinh thần khách quan,
chung tôi không dùng từ “bóng” trong bài viết của mình.
[228]
Khi căn cứ trên biểu hiện giới, các nghiên cứu thường gộp chung những người
chuyển giới (transganeder) và nhóm đồng tính lộ thành một. Đó là những người ăn
mặc, trang điểm, cử chỉ điệu bộ hoàn toàn giống phụ nữ (độn ngực giả, phục sức
như nữ giới) ngay trong cuộc sống thường nhật; một số người chuyển giới thực hiện
phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa lại bản thân theo giới tính mong muốn (phẫu thuật
chuyển đổi giới tính như tạo hình ngực, sửa đổi cơ quan sinh dục). Họ làm nhiều
nghề nhưng mọi người thường thấy nhất là ca sĩ hát ở các đám tang (xã hội thường
gọi các pê đê). Thật ra, cách hiểu và phân chia đó là chưa chính xác. Người
chuyển giới không phải là người đồng tính. Người đồng tính là người nhận thức
được xu hướng tính dục của mình là hướng vào người cùng giới tính (tôi là nam
(nữ) và tôi bị thu hút bởi một nam giới (nữ giới) khác); còn người chuyển giới
là người tự nhận mình có xu hướng tính dục không phụ thuộc vào đặc tính sinh học
mà anh ta (cô ta) đang có. Họ cho rằng đó là một sai lầm của tạo hoá (chính vì
thế mà người chuyển giới thường có ý muốn nhờ phẫu thuật can thiệp để trở lại
đúng “giới tính” của mình); cho nên việc một người chuyển giới (với giới tính
sinh học là nam) thích một nam giới khác đối với họ là yêu một người khác giới vì bản thân họ nghĩ mình là nữ giới và
yêu một nam giới khác là hợp lý. Còn người đồng tính nam, tự nhận mình là nam
giới và thích một nam giới khác; do đó, người đồng tính nam không có nhu cầu thực
hiện việc chuyển đối giới tính sinh học của mình. (Phần diễn dịch này có tham
khảo từ tác giả Phạm Quỳnh Phương (2012; 2013) và phần Xu hướng tính dục ở
trang Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Assocition, APA).
[229]
Cách gọi tắt của từ biexual – người lưỡng tính trong nhóm người trong nhóm đồng
tính TPHCM.
[230]
Center là một thuật ngữ không chỉ mang tính nội bộ mà còn là một từ “nội địa” –
chỉ có những người đồng tính ở Việt Nam mới hiểu khi giới thiệu vị trí tình dục
với nhau ở các trang mạng xã hội. Theo thông tin từ thông tín viên, khác với
top hay bot, khi tiếp cận với người đồng tính ở nước ngoài qua các diễn đàn hay
mạng xã hội dành cho nhóm đồng tính, người đồng tính giới thiệu mình là center
thì họ không hiểu, phải nói là versatile. Trong quá trình tiếp cận, chúng tôi
nhận thấy thuật ngữ này không được nhiều người biết đến.
[231]
Trong nghiên cứu dựa trên 2483 người đồng tính, ISEE chỉ ra rằng hầu hết những
người đồng tính khám phá ra xu hướng tính dục bản thân và bản dạng giới từ rất
từ lứa tuổi vị thành niên và có một quá trình trãi qua các cung bậc cảm xúc của
những mối quan hệ lứa đôi và cho đến độ tuổi trên 25 thì bắt đầu nhìn nhận và
phân biệt rõ những xúc cảm ban đầu và những mong muốn lâu dài (Phạm Quỳnh Phương,
2013, tr.71).
[232]
Chúng tôi sử dụng tính từ “bí mật” trong một ý nghĩa nhất định. Sự bí mật này
chỉ mang tính khó nhận biết đối với cộng đồng xã hội những người dị tính. Phần
đông những người đồng tính nam đều biết những địa điểm này nhưng cũng có một số
người cũng không biết đến.
[233]Tại
thời điểm mà nghiên cứu này được trình bày, rạp chiếu phim này đã không còn thu
hút nhiều người đồng tính đến đây do bị “bể” - tiếng lóng mà những người đồng
tính chỉ những địa điểm vui chơi đã bị lộ và rạp này đã bị nhiều báo chí phản
ánh. Vì thế, những người đồng tính được cho là “kín đáo, đàng hoàng” thì không
thích những điểm đã bị phanh phui.
Theo tìm hiểu của
chúng tôi, ở TPHCM trước đây có bốn rạp chiếu bóng có tập trung người đồng tính
nam nhưng cho đến hiện tại, chỉ còn duy nhất rạp này còn hoạt động cho đến khoảng
giữa năm 2014 thì chính thức chuyển sang loại hình sân khấu kịch, diễn vào các
tối cuối tuần. Hiện nay, tuy ban ngày, rạp vẫn còn chiếu phim phục vụ nhưng bảo
vệ đã có sự kiểm soát chặt chẽ hơn – thường xuyên đi rọi đền để kiểm tra các
hàng ghế trong suất chiếu, cảnh cáo những hành vi âu yếm của khán giả và thậm
chí là đuổi ra ngoài nếu có hành vi quan hệ tình dục ở ghế ngồi hoặc ở khu nhà
vệ sinh – điều mà trước đây được cho là “thả nổi”.
[234]
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, ở TPHCM chỉ tồn tại một quán café mà
người đồng tính tụ tập rất đông tên là C.H ở khu vực sân bay. Năm 2010, quán
C.H đã đóng cửa do chủ nhà lấy lại mặt bằng để kinh doanh. Quán C.H được cho là
rất nổi tiếng đối với nhiều người đồng tính vì đây được cho là quán café đầu
tiên có thể xem là “dành cho giới gay” và cho đến khi ngưng hoạt động, quán
chưa từng bị bại lộ. Vì thế, chúng tôi luôn được nghe nhiều người đồng tính nhắc
đến quán này.
[235]
Với các điểm xông hơi massgae có hai loại dịch vụ khác nhau tùy theo nhu cầu lựa
chọn để lui tới. Một là các điểm xông hơi masage do nhân viên khiếm thị phục vụ.
Ở những điểm này, có hai loại dịch vụ cho khách hàng lựa chọn: khách có thể mua
vé massage do nhân viên khiếm thị phục vụ (giá vé dao động từ 60.000/suất/60
phút), hoặc là khách có thể mua vé xông hơi (khoảng 40000 – 80000/vé không giới
hạn thời gian sử dụng dịch vụ), hoặc khách có thể mua một vé bao gồm hai gói dịch
vụ gồm massage và xông hơi (90000 đến 120000); sự dao động về giá vé tùy thuộc
vào sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của chủ cơ sở. Theo quan sát của chúng tôi, đa
phần khách có nhu cầu tìm bạn tình có xu hướng tính dục đồng tính thường chọn
loại hình xông hơi, còn những người chọn gói dịch vụ massage là những người
không có nhu cầu. đây cũng chính là điểm để phân biệt về nhu cầu khách hàng. Ở
các điểm này, không có việc xảy ra quan hệ tình dục giữa nhân viên massage với
khách vì nhân viên là người khiếm thị; khu xông hơi chính là khu vực mà những
người đồng tính tìm đến nhau. Còn một loại hình dịch vụ massage mà những người
đồng tính hay gọi là “massage sáng mắt” (để phân biệt với các điểm massage “người
mù”) thì có phục vụ nhu cầu tình dục cho khách hàng. Thật chất, đây là những điểm
mại dâm nam vì tay nghề của nhân viên cũng không chuyên về kỹ thuật xoa bóp.
Các nhân viên nam phục vụ tại những điểm này thường có tuổi đời khá trẻ, và
quan trọng nhất là có ngoại hình bắt mắt và gương mặt ưa nhìn để có thể thu hút
khách. Khách hàng đến những điểm này toàn nam giới có nhu cầu quan hệ tình dục
với nhân viên với một khoản chi phí dịch vụ. Đặc biệt, ở những cơ sở này, mặc
dù có hệ thống phòng xông hơi nhưng khách đến đây ít khi sử dụng và không có việc
quan hệ tình dục giữa khách với nhau như những điểm xông hơi người mù vì khách
đến đây là có nhu cầu với nhân viên. Trên mặt bằng chung, lượng khách đến những
điểm massage “sáng mắt” không đông bằng những cơ sở massage “người mù”. Ban đầu,
chúng tôi đưa ra giả thuyết về sự thu hút khách giữa hai loại hình này là sự
chênh lệch giá cả dịch vụ là nguyên nhân nhưng trên thực tế, nhiều người chia sẻ
về cảm nhận của họ thì giá cả không phải là một lý do. Như Tuấn 26 tuổi, nhân
viên ngân hàng, người mà chúng tôi gặp tại một cơ sở massage khiếm thị điểm
chia sẻ với chúng tôi cảm nghĩ về sự lụa chọn của mình là điểm xông hơi “người
mù”: “Đã ra chơi thì vài chục hay vài trăm cũng không là nhiêu bởi muốn vui mà.
Nhưng cái chính mà mình không thích đến các điểm massage “sáng mắt” là vì ở đó
có mùi tiền quá. Nhân viên phục vụ mình chẳng qua cũng vì tiền mà thôi. Cái gì
cũng có vẻ giả tạo hết. Mà tình dục mà, nếu nghĩ vì tiền mà phải làm tình với
nhau, chẳng còn sung sướng gì hết. Còn như vô đây, thoải mái hơn, cứ lạng qua lạng
lại, thấy thích ai thì làm quen, thích nữa thì kéo nhau vô nhà tắm… Như vậy, nó
có cảm giác tình cảm hơn”.
[236]
Trong thời gian thực hiện đề tài của mình, chúng tôi ghi nhận sự giảm bớt một số
địa điểm gặp gỡ của người đồng tính ở TPHCM do một số nguyên nhân khách quan và
chủ quan. Ví dụ, một số quán café đã không còn hoạt động do chủ chuyển sang
kinh doanh loại hình khác, hoặc do bị chính quyền triệt phá. Cho nên, đối với một
số người đồng tính trẻ, họ không hề biết hay nghe nhắc đến những địa điểm này.
Vì lý do này mà còn một địa điểm mà trước đây từng rất phổ biến trong nhóm mà
chúng tôi không nhắc đến: các khu chợ tình. Hiện nay, chỉ còn lại một khu chợ
tình là còn hoạt động – nghiã là vẫn còn có người đồng tính lui tới để tìm bạn
nhưng số lượng rất ít (so với những ghi chép của chúng tôi cách đây một năm trước).
Một phần vì ngày nay, làm quen và kết bạn qua Internet hay các mạng xã hội
nhanh chóng hơn; một phần khác là những khu này thương hay có lực lượng dân
phong tuần tra.
[237]
Sự rủi ro là một đặc tính mà chúng tôi được nghe nhiều người nhắc đến khi tiếp
cận với những địa điểm này. Vì theo thông tín viên, ngoại trừ trong các điểm
sauna, anh cho biết ở những điểm này thường có bọn tội phạm trà trộn vào để dàn
cảnh lừa đảo hoặc trộm cướp. Vì các địa điểm này là kín đáo, ít ai biết đến;
nhưng quan trọng hơn là bản thân người đồng tính khi bị nạn lại không dám mạnh
dạn trình báo chính quyền do sợ bại lộ thân phận, “lạy ông tôi ở bụi này” nên
phương án họ chọn là không đến những nơi này nữa.
[238]
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cho nữ công nhân viên chức
(CNVC) nhà nước và công nhân lao động (CNLĐ) ngoài nhà nước do Tổng Liên đoàn
lao động Việt Nam (TLĐLĐ) Việt Nam phát động từ năm 1989. Xem thêm thông tin tại
trang thông tin của TLĐLĐ http://www.congdoanvn.org.vn/.
[239]
Cách nói khác về thời đại công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước của
Việt Nam. Trong trường hợp này, tác giả dùng theo các văn bản của TLĐLĐ, Nghị quyết 4C/TLĐ
ngày 5/1/1996 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khoá VII).
[240]
Xem thêm trang thông tin của TLDDLDDVN về Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ; Chỉ thị 03/CT-TLĐ nguồn: http://www.congdoanvn.org.vn/. Nghị
quyết của Bộ Chính trị 11-NQ/TW.
Tài liệu tuyên truyền, giáo dục
phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước,
2011, nguồn: http://hoilhpn.org.vn.
Cập nhật 8/8/2015.
[241]
Mọi từ in nghiêng trong bài viết này là do tác giả nhấn mạnh.
[242]
Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ.
[243]
Sơ đồ được tích hợp từ nội dung phát động phong trào phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm
việc nhà” của quận đoàn quận 11, Tp.HCM, nguồn http://ldldq11.org.vn/. Và của
Công Đoàn Cty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long. Vĩnh Long, nguồn http://pharimexco.com.vn/. Cập nhật 8/8/2015.
[244] Hướng dẫn triển khai phong trào
thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cnvclđ (giai đoạn 2006 -
2010)
1456/2005/hd-tlđlđvn
[245]
Trên thực tế thì nữ CNVC-LĐ được khuyến khích, đốc thúc tham gia và cũng là một
phần quan trọng quyết định công Đoàn cơ sở nào được khen thưởng.
[246]
Đối với trường hợp nữ CNCV-LĐ “chưa lập gia đình” thì tiêu chí “Đảm việc nhà”
được thay thế bằng việc xem xét người đó có thể hiện mình là người con hiếu thảo,
người phụ nữ có phẩm hạnh trong gia đình hay không.
[247] Trong nghị quyết 06b/nq-tlđ về Công tác vận động nữ công
nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước của TLĐLĐ VN đã đề ra mục tiêu “các đơn vị có 30% lao động nữ trở lên,
nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, cơ quan lãnh đạo các cấp
công đoàn phải có tỉ lệ nữ”. Nghị quyết 11 năm 2007
của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, có nêu chỉ tiêu: “Việt Nam phấn đấu đạt 35% nữ đại biểu Quốc hội
và Hội đồng nhân dân”. Gần đây, Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về chỉ đạo đại hội
đảng bộ các cấp, đã nêu: “phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần
có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy”.
[248]
http://www.tapchicongsan.org.vn/.
Cập nhật 10/8/2015.
[249]
Xem thêm “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, VOV giao thông, nguồn: http://vovgiaothong.vn/. 8/3/2015. Cập nhật
10/8/2015
[250] Xem thêm bài viết trên chuyên mục Sức khỏe của báo
Thanh Niên online “Bí quyết của người phụ nữ hiện đại -“Giỏi việc nước – Đảm
việc nhà”, 6/8/2012, nguồn http://www.thanhnien.com.vn/. Cập nhật 10/8/2015. Xem thêm một TVC dựa trên diễn
ngôn này https://www.youtube.com/watch?v=TXNYBzAlLRc.
[251]
Chỉ thị 03/CT-TLĐ
[252]
Nghị quyết của Bộ Chính trị 11-NQ/TW
[253] Hướng dẫn triển khai phong trào
thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cnvclđ (giai đoạn 2006 -
2010)
1456/2005/hd-tlđlđvn