Tham luận Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Cội nguồn và động lực phát triển”.
Vấn
đề bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa các dân tộc tỉnh Ninh Thuận trên
nguyên tắc “dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa” của Đề cương Văn hóa Việt
Nam
PGS.TS Phan Quốc Anh
Nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận
Tóm tắt: Đề cương Văn hóa năm 1943 xác định rõ những nguyên tắc lớn của cuộc
vận động văn hóa mới Việt Nam có tính dân tộc, tính khoa học và tính
đại chúng. Ninh Thuận là một trong 63 tỉnh thành, có những đặc trưng riêng
về văn hóa, trong đó có văn hóa các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Hoa…Trong suốt
quá trình lịch sử, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, vẫn còn những hạn chế
nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa các dân
tộc, nhất là trong giai đoạn Ninh Thuận đang phát triển nhanh về kinh tế - xã
hội. Cần những giải pháp cơ bản nào để văn hóa góp phần vào phát triển bền vững
của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới?
Từ khóa: Đề cương văn hóa, Văn hóa phát triển, văn
hóa Chăm, Văn hóa Raglai)
Lời mở
Nguyên tắc “Dân tộc hóa” (xây dựng nền văn hóa đậm đà bản
sắc dân tộc” nhưng phải “Khoa học hóa” ( văn hóa tiên tiến, tinh hoa văn hóa
thế giới) và kết hợp nhuần nhuyễn với nguyên tắc “Đại chúng hóa” (văn hóa là
của quần chúng nhân dân) của Đề cương Văn hóa năm 1943 đều chứa đựng nội hàm
bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. 80 năm qua, các ngành, các cấp
địa phương đã thực hiện theo các nguyên tắc của Đề cương Văn hóa năm 1943,
trong đó có tỉnh Ninh Thuận. Tham luận này xin được nêu lên vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa các dân tộc tỉnh
Ninh Thuận trên các nguyên tắc của Đề cương Văn hóa năm 1943.
1. Khái quát về văn hóa các dân tộc
tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, có diện tích tự nhiên 3.358 km2,
dân số 181.788 hộ/722.689 khẩu; có 06 huyện và 01 thành phố. Giai đoạn
2021-2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh có 28 xã; trong đó
có 15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I. Toàn tỉnh có 32 dân tộc
thiểu số, với 38.431 hộ/170.566 khẩu, chiếm 23%; dân tộc Raglai 17.762/76.295
khẩu, chiếm 10,6%; dân tộc Chăm 19.239 hộ/85.343 khẩu, chiếm 11%; dân tộc Hoa
974 hộ/3.759 khẩu, chiếm 0,53% dân số toàn tỉnh; các dân tộc thiểu số khác 728
hộ/3.828 khẩu, chiếm 0,53% dân số toàn tỉnh[1].
Tuy
là một tỉnh nhỏ, còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Ninh Thuận lại là vùng văn
hóa đặc thù. Những nét đặc thù đó thể hiện trong sắc thái văn hóa các dân tộc
Kinh, Chăm, Raglai.
1.1. Khái quát văn hóa các dân tộc
ở Ninh Thuận
1.1.1. Khái quát về văn hóa người
Việt ở Ninh Thuận
Vào cuối thế
kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, lớp cư dân người Việt mới vào vùng Phan Rang để sinh
cơ lập nghiệp. Theo các tư liệu sử, những cư dân Việt đầu tiên vào đến vùng đất
Panduranga này vào thời kỳ sau khi chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 -1678) mở đất đến
sông Phan Rang. Vùng An Phước (Ninh Phước ngày nay) là vùng có cư dân Việt đến
sớm nhất. Lớp người Việt vào Ninh Thuận - Bình Thuận trước nhất là những người
nông dân nghèo khổ chạy nạn từ vùng bắc Trung bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh
và Quảng Bình phiêu bạt vào, lớp người Việt vào sau (cuối thế kỷ XVII - đầu thế
kỷ XVIII) đa phần là cư dân Nam, Ngãi, Bình, Phú, do hai thế lực phong kiến
Trịnh - Nguyễn phân tranh chạy loạn theo đường bộ tịnh tiến vào khai khẩn đất
hoang, tìm chốn an cư, lập nên những làng, xã đầu tiên ở Ninh Thuận. Sang thế
kỷ XVIII, với chính sách chiêu dân để khai khẩn đất hoang, mở rộng bờ cõi của
nhà Nguyễn, hàng loạt đợt di dân rầm rộ với quy mô lớn đã đưa người Việt vào
Nam Trung bộ nói chung và vào Ninh Thuận nói riêng để lập nên làng xã, trong đó
có cả cư dân ngư nghiệp. Đặc biệt, vào nửa cuối thế kỷ XIX, cộng đồng người
Việt vào với Ninh Thuận với số lượng lớn. Người Việt trong
quá trình khai hoang mở đất, hành trang mang theo không thể thiếu là phong tục
tập quán, tín ngưỡng nơi quê cha đất tổ.
Bên cạnh cộng
đồng dân cư theo các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, người Việt ở Ninh Thuận đa số duy trì tín ngưỡng thờ
cúng tổ tiên, thờ cá Ông, và tín ngưỡng thờ các vị thần trong nhà như Táo Quân,
ông Địa, ông Thần Tài, thờ cúng cô hồn, cúng đất. Nhìn chung đời sống tâm linh của người Việt Ninh Thuận
phong phú, gồm nhiều loại hình, bao gồm cả tôn giáo thế giới lẫn tôn giáo bản
địa và các loại hình tín ngưỡng dân gian sơ khai.
Một
trong những lễ hội tiêu biểu của người Việt ở Ninh Thuận là lễ hội cầu ngư. Lễ
cầu ngư được tổ chức hàng năm ở các làng biển: Mỹ Tân, Khánh Hội, Hải Chử, Sơn
Hải, Cà Ná nhằm tế thần Nam Hải và cầu làm biển được mùa. Lễ hội này gắn với
tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân, được tổ chức rất trang trọng gồm nhiều nghi
thức như rước Ông dưới biển, cúng tế giao cảm với “Thần” bằng văn tế, vật tế,
hương quả, hát múa bả trạo hầu Thần cá Ông thiêng liêng. Ngoài ra, ở Ninh Thuận
còn có các lễ hội tưởng nhớ các vị “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”; các
vị tổ cư ngành nghề, bậc thánh nhân ...Những lễ hội này được tổ chức ở Đình
làng, mỗi thôn, xóm.
Người Việt di cư đến
vùng đất Ninh Thuận mang theo kho tàng văn học dân gian phong phú từ truyện cổ,
ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ của kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói
chung và miền Trung nói riêng. Người Việt ở Ninh Thuận còn lưu truyền nhiều
loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội, hát múa bả trạo. Hát bả trạo là loại hình diễn xướng dân gian diễn ra
trong lễ cầu ngư của ngư dân vùng biển Ninh Thuận. Các vùng ngư dân ven biển ở
Ninh Thuận vẫn duy trì được các hoạt động trò chơi dân gian, các hình thức đua
ghe, đua thuyền thúng trong các dịp lễ hội. Ninh Thuận cùng 21 tỉnh thành phía
Nam vinh dự được đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại về đờn
ca tài tử.
Người Việt Ninh Thuận còn duy trì được các nghề thủ
công truyền thống như: nhóm nghề chế biến (làm bánh tráng, làm nước mắm, làm
mắm, làm muối, hấp cá, làm bánh hỏi, làm chả lụa), nghề thủ công và mỹ nghệ
(nghề làm chiếu, nghề làm võng, nghề đan vá lưới, nghề mộc, đan lát, thợ may,
chằm nón, làm đũa, làm chổi, làm gạch, dệt chiếu lá, làm dây thừng, đan thúng
rổ, làm lò đất), nghề khai thác và chế tác (thợ hồ, thợ rèn, điêu khắc, đi
biển).
1.2. Khái quát về văn hóa của người
Chăm
Người Chăm thuộc
nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinesien cùng với các dân tộc Raglai, Churu, Gia Rai
và Ê đê ở Việt Nam. Người Chăm hiện nay có dân số xếp thứ 14 trong cộng đồng
các dân tộc Việt Nam. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người
Chăm ở Việt Nam có 161.729 người. Trong đó, ở Bình Định: 5.336 người; Phú Yên:
19.945 người; Ninh Thuận: 67.274 người;
Bình Thuận: 34.690 người; Tây Ninh: 3.250 người; Đồng Nai: 3.887 người; An
Giang: 14.209 người; Thành phố Hồ Chí Minh: 7.819 người; Bình Dương: 837 người;
Bình Phước: 568 người[2]. Ngoài
người Chăm H’roi ở Bình Định và Phú Yên, một số tài liệu nghiên cứu trước đây
gọi vùng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận là
“Đông Chăm”, gọi người Chăm ở An Giang là “Tây Chăm”.
Như vậy, người
Chăm ở Ninh Thuận có dân số chiếm xấp xỉ 50% trên tổng số người Chăm ở Việt
Nam. Cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận
đang là chủ nhân lưu giữ những kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi
vật thể truyền thống lâu đời, phong phú, đa dạng nhất trong cộng đồng người
Chăm ở Việt Nam. Người Chăm ở Ninh Thuận theo hai tôn giáo chính là Bà la môn
giáo và Hồi giáo Bà ni. Hiện nay có 42.500 theo Bà la môn giáo (người Chăm
thuộc Ahier), 29.800 người theo Hồi giáo Bà ni (người Chăm thuộc Awal). Cộng
đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam có 2.800 người, theo tin lành khoảng 400
người, theo Công giáo khoảng 500 người. Khác với đa số các dân tộc thiểu số
khác, người Chăm Ninh Thuận cư trú ở đồng bằng, sống bằng nghề nông, trồng lúa nước, hoa màu,
cây ăn trái, chăn nuôi bò, dê, cừu. Dệt thổ cẩm và làm gốm thủ công là hai làng
nghề lâu đời, nổi tiếng của người Chăm ở Ninh Thuận.
Văn hóa vật thể của người Chăm thể hiện ở kho tàng di sản
đền tháp. Ba quần thể tháp Chăm Po Klongirai, Po Rame, Hòa Lai đều đã được công
nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trong đó 2 di tích đã được xếp hạng di
tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2021.
Văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận chồng xếp
trên mình nhiều lớp văn hóa: lớp bản địa nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á,
tiếp biến các lớp văn hóa tôn giáo khác nhau có nguồn gốc Ấn Độ cổ đại, giao
lưu tiếp biến văn hóa Trung Hoa, văn hóa người Việt, Kh’me và các dân tộc thiểu
số ở miền Trung – Tây Nguyên. Nhờ đó, văn hóa, văn nghệ dân gian của người Chăm
Ninh Thuận rất đặc sắc, phong phú, đa dạng, thể hiện trong nghệ thuật văn
chương, âm nhạc, múa. Nghệ thuật kiến trúc đền tháp, phù điêu Chăm pa là một
trong ba nền kiến trúc điêu khắc phát triển rực rỡ ở Đông Nam Á là Kh’me, Java
và Chăm pa (Phan Quốc Anh (2019) Giáo trình văn hóa Chăm)
Người Chăm có kho tàng lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo,
nghi lễ vòng đời đồ sộ với trên 100 lễ nghi, lễ hội quanh năm. Lễ hội Kate của
người Chăm Bà la môn đang lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia. Lễ hội Ramưval của người Chăm Bani, hệ thống lễ hội Rija như Rija Nưgar,
lễ hội Rija Pruang, Rija Haray, Rija Yawd và hàng trăm nghi lễ khác đang là môi
trường tốt để bảo tồn văn hóa truyền thống Chăm.
1.3. Khái quát về văn hóa dân tộc Raglai
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Cục Thống
kê Ninh Thuận năm 2019, người Raglai ở Việt Nam hiện có 122.245 người, cư trú
ở các tỉnh Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng), trong
đó, Ninh Thuận có số dân là 58.911 người. Người Raglai mang đầy đủ trên mình
những yếu tố văn hóa truyền thống của các dân tộc trong nhóm ngữ hệ Malayo –
Polinesien ở Việt Nam. Địa bàn rừng núi, nơi người Raglai sinh sống chính là
vùng kháng chiến (khu VI) của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ở địa
bàn cực nam Trung bộ.
Dân tộc Raglai cư trú ở vùng đệm tiếp giáp với tộc người
Êđê ở phía Bắc; tộc người Churu ở phía Tây; tộc người K’ho ở phía Tây Nam; và
tộc người Chăm ở phía Đông. Do đó, nền văn hóa của tộc người Raglai chịu sự tác
động bởi quá trình đan xen văn hóa với các tộc người Êđê, Churu, K’ho, Chăm và
người Việt. Mặc dù vậy, tộc người Raglai vẫn lưu giữ được những sắc thái văn
hóa truyền thống riêng có của tộc người mình.
Văn hóa Raglai
gần gũi với văn hóa các dân tộc nằm trong nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinesien và
gần với các dân tộc Tây Nguyên. Do không tiếp nhận tôn giáo nào nên tín ngưỡng
của người Raglai mang đậm nét bản địa với tín ngưỡng đa thần. Kho tàng văn hóa
quý giá nhất của người Raglai là các pho sử thi đồ sộ[3],
có ngôn ngữ riêng và hệ thống lễ hội nông nghiệp[4],
nghi lễ vòng đời phong phú[5],
chứa đựng quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của một dân tộc có một bề dày lịch sử
văn hóa bản địa.
2. Thực trạng công tác bảo tồn và
phát huy văn hóa các dân tộc trong phát triển bền vững tỉnh Ninh Thuận
2.1. Một số thành tựu trong công
tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc ở tỉnh Ninh Thuận
Trong suốt quá trình lịch
sử thực hiện các Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, dưới
ánh sáng của Đề cương Văn hóa 1943 về “tính dân tộc” của văn hóa, Ninh Thuận đã
triển khai thực hiện các công việc về thống kê, lập hồ sơ di sản văn hóa. Đến
cuối năm 2022, tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích được đưa vào
danh mục kiểm kê; Có 65 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp
hạng ở các cấp”[6].
Liên tục
trong 2 năm 2021 và 2022, Ninh Thuận liên tục đón tin vui. Ngày 15/9/2021,
UNESCO chính thức công nhận Vườn Quốc gia Núi Chúa là khu dự trữ sinh quyển thế
giới. Ngày 29/11/2022, Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người
Chăm, vừa chính thức được Ủy ban Liên
chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của
UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, Ninh Thuận có 02 di tích Quốc gia đặc biệt (Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai), 18 di sản cấp Quốc gia (trong đó 12 di tích
cấp quốc gia, 01 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và 05 di sản văn hóa phi vật
thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia); có 46 di tích,
di sản văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh. Ninh Thuận là nơi các đền tháp Chăm vẫn gần như
còn nguyên vẹn gồm: Quần thể tháp Hòa Lai (cuối thế kỷ thứ VIII), tháp Pô Klong
Garai (thế kỷ XIII - XIV) và tháp Po Rome (thế kỷ XVI-XVII). Đây là những đền
tháp Chăm có nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo thuộc vào loại đẹp nhất
của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Gắn với các di tích, hàng năm, trên
địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội được tổ chức như: Lễ hội cầu ngư của ngư dân người
Việt vùng biển, lễ bỏ mả của người Raglai, lễ hội Kate của người Chăm theo đạo
Bàlamôn. Có thể nhận thấy, di sản văn hóa Ninh Thuận là tiềm năng, thế mạnh của
Ninh Thuận trong việc xây dựng điểm đến du lịch.
2.2. Một số hạn chế trong công tác
bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc trong phát triển bền vững tỉnh Ninh
Thuận.
Bên cạnh những
thành tựu là cơ bản, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy
văn hóa các dân tộc trong phát triển bền vững tỉnh Ninh Thuận.
(i) Một số giá
trị, đặc trưng tiêu biểu của văn hóa các dân tộc Ninh Thuận chưa được phát huy
đúng với tiềm năng, nhiều loại hình văn hóa truyền thống đang đối diện với nguy
cơ mai một. Nhiều lễ hội truyền thống đang được “đơn giản” hóa. Niềm tin “tín
ngưỡng” của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ đang diễn ra qua trình biến
đổi mạnh mẽ.
(ii) Với nhiều
nguyên nhân, trong đó có nguồn lực tài chính, việc đầu tư cho phát triển văn
hóa còn hạn chế cả về nguồn lực kinh phí và cơ sở hạ tầng các thiết chế. Hệ
thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở chưa đáp ứng
được nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân. Hoạt động của các đơn
vị sự nghiệp văn hóa từ tỉnh đến cơ sở còn cầm chừng, xuất hiện hiện tượng hành
chính hóa, thực hiện theo sự vụ, chưa có chiến lược, tầm nhìn, định hướng phát
triển lâu dài và từng giai đoạn.
(iii) Hoạt động
văn hóa cơ sở vẫn còn mang tính phong trào, hình thức, chạy theo thành tích,
thiếu sáng tạo, chưa chú trọng việc nghiên cứu tổ chức các hoạt động văn hóa đến
tính phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, dân tộc. Chưa theo
kịp sự biến đổi nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn hóa của người dân, nhất là
lớp trẻ.
(iv) Việc huy
động các nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng, phát triển văn hóa còn hạn
chế. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng gặp nhiều khó khăn. Văn hóa phát
triển chưa tương xứng với những giá trị nội tại của nó, đồng thời cũng chưa tương
xứng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Nguyên nhân của
những hạn chế phần nào do nguồn lực đầu tư tài chính cho văn hóa còn nhiều khó
khăn. Ninh Thuận tuy là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng 5 năm trở lại đây đang
là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đặc biệt là năng lượng tái
tạo, chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại
dịch vụ. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh ít nhiều có ảnh hưởng đến yếu tố “bền
vững” của văn hóa trong phát triển.
3. Một số giải pháp, đề xuất, kiến
nghị
Trong các văn kiện của Tỉnh ủy Ninh
Thuận đều đã đề ra các giải pháp thực hiện theo định hướng các Nghị quyết của
Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy Ninh Thuận về xây dựng và phát triển
văn hóa trong việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của
Chính phủ[7].
Trong tham luận này, chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào một số giải pháp để khắc phục
những hạn chế có tính chất riêng đối với Ninh Thuận.
3.1. Giải pháp nâng cao nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững
(i) Nâng
cao nhận thức của cán bộ đảng viên: Trong thực
tế, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên – trong đó có cán bộ chủ chốt vẫn
coi trọng các chỉ tiêu kinh tế hơn, vì đây là những thành tích có tính chất
định lượng đánh giá mức tăng trưởng GDP của tỉnh. Vì vậy, trước hết trong đội
ngũ cán bộ chủ chốt các cấp cần quán triệt sâu kỹ tinh thần chỉ đạo của Trung
ương về xây dựng, phát triển văn hóa, trong đó cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn
vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững; nhận thức đầy đủ về mối quan hệ
giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được đặt ngang với kinh tế, chính trị, xã
hội; đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững.
(ii) Tuyên truyền, nâng cao
nhận thức của quần chúng nhân dân. Từ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các
ngành chức năng về tuyên truyền cần thông qua các phương thức tuyên truyền cho
người dân hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách về văn hóa, hướng dẫn
quần chúng nhân dân tham gia tích cực xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát
huy giá trị di sản văn hóa của địa phương mình, dân tộc mình.
(iii)
Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện có hiệu
quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh
thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu
cầu phát triển bền vững đất nước” bằng việc lồng ghép, xây dựng các chương
trình, tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện
chính trị, văn hóa trọng đại của đất nước gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.
3.2.
Giải pháp về cơ chế, chính sách
Đầu tư ngân sách cho phát triển văn hóa.
Bên cạnh việc thực hiện đầu tư phát triển văn hóa theo cơ chế chung của cả
nước, riêng đối với Ninh Thuận do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, còn
thiếu nhiều thiết chế văn hóa cơ bản, cần chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện
hệ thống thiết chế văn hóa hiện nay còn khá thiếu như Nhà hát, Trung tâm văn
hóa tỉnh, một số huyện và đặc biệt là thiết chế văn hóa cấp xã theo các tiêu
chí xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường kinh phí nghiên cứu khoa học văn
hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm và
Bảo tàng tỉnh. Nghiên cứu ứng dụng công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số trong
các hoạt động văn hóa.
Hoạt động xã hội hóa văn hóa ngày càng
gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là cơ chế thu chi tài
chính và tư tưởng “sợ sai, sợ vi phạm” của cán bộ quản lý các cấp. Vì vậy, cần
có cơ sở pháp lý trong cơ chế tài chính rõ ràng, thuận lợi trong công tác xã
hội hóa, tăng cường hoạt động có thu đối với các đơn vị sự nghiệp văn hóa công
lập.
3.3. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
(i)
Thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ
lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp có chuyên
môn, chuyên ngành quản lý văn hóa. Tránh tình trạng cán bộ quản lý không đúng
chuyên ngành.
(i) Có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích thế hệ trẻ theo học các lớp loại hình nghệ thuật truyền thống để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
(ii) Chính sách thu
hút nhân tài, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ. Do điều kiện vị
trí địa lý và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh, việc huy động, đào tạo, sử
dụng và giữ chân đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ của Ninh Thuận gặp nhiều khó
khăn hơn các địa phương khác. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng là
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh cần có các chính sách đãi ngộ, thu hút
nhân tài là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Có chế độ ưu đãi đào tạo, đào tạo lại đối với cán bộ, diễn viên Đoàn
Ca múa
nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận và con em đồng bào dân tộc ít người trong tỉnh có
năng khiếu trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn
nghệ thuật.
(iii) Chính sách,
chế độ thích đáng đối với nghệ nhân dân gian, những cá nhân và gia đình có công
sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác
truyền dạy nghệ thuật dân gian, dân tộc cho thế hệ trẻ.
3.4. Giải pháp gắn phát triển du lịch gắn với
bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá
Triển khai thực
hiện đạt kết quả Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 03/10/2021 của Ủy ban nhân dân
tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm
nhìn đến năm 2030;
Gắn các đề án, dự
án phát triển du lịch với các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản
văn hóa thế giới làng nghề gốm Bàu Trúc, khu dự trữ sinh quyển thế giới vườn
Quốc gia núi chúa, các di tích Quốc gia đặc biệt như các cụm Tháp Chăm Po
Klongirai, Tháp Hòa Lai. Kêu gọi các thành phần kinh tế xây dựng các làng nghề,
các lễ hội dân gian, các di sản văn hóa dân tộc Chăm, Raglai thành các điểm đến
du lịch và sản phẩm du lịch. Tiếp tục lập hồ sơ lập hồ sơ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đệ trình Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt và đưa vào danh
mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, quốc tế.
3.5.
Một số đề xuất, kiến nghị
Đề
nghị Trung ương có cơ chế chính sách đầu tư kinh phí mạnh hơn, nhiều hơn cho sự
nghiệp văn hóa. Cần thống nhất toàn quốc về mô hình mẫu xây dựng các thiết chế
văn hóa cơ bản đồng bộ trong cả nước như Nhà hát, Trung tâm văn hóa, Thư viện,
Bảo tàng ở cấp tỉnh và các thiết chế văn hóa cấp huyện, xã.
Cần
thống nhất những văn bản pháp quy thống nhất về cán bộ hoạt động trong lĩnh vực
quản lý văn hóa toàn quốc. Tránh tình trạng cán bộ quản lý không đúng chuyên
môn, nghiệp vụ về các lĩnh văn hóa.
Ninh
Thuận là tỉnh đầu tiên tổ chức Liên hoàn Làng biển Việt Nam lần thứ nhất năm
2011 với sự tham gia của các địa phương có biển nhằm bảo tồn và phát huy văn
hóa dân gian biển, đảo rất thành công. Tuy nhiên đến nay chưa tỉnh nào đăng cai
tổ chức lần thứ II. Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan
làng biển Việt Nam định kỳ 3 hoặc 5 năm một lần luân phiên 28 tỉnh thành có
biển ở Việt Nam.
Lời kết
Nguyên tắc “dân tộc hóa” của Đề cương văn hóa năm 1943 chứa
đựng nội hàm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ninh
Thuận là tỉnh nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội nhưng trong những
năm qua đã đạt những thành tựu nhất định trong việc nhiệm vụ bảo tồn và phát
huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành
tựu, còn không ít những hạn chế. Kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam là
dịp để các cấp, các ngành, các địa phương - trong đó có Ninh Thuận - nhìn nhận, đánh giá lại việc tổ chức xây dựng
sự nghiệp văn hóa và đề ra những phương hướng, giải pháp để tiếp tục sự nghiệp
văn hóa trong phát triển bền vững ở tỉnh Ninh Thuận.
Tài
liệu tham khảo
1. Phan Quốc Anh (2019), Giáo trình văn hóa Chăm, Nxb Đại
học Quốc gia Tp HCM.
2. Phan Quốc Anh (2006) Văn hóa Raglai, Nxb Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
3. Nhiều tác giả (2015), Văn hóa Phi vật thể của người Việt
ở Ninh Thuận, Nxb VHDT
4. Nhiều tác giả (2016), Văn hóa Phi vật thể của người Chăm
ở Ninh Thuận, Nxb Nông nghiệp.
5. Chính phủ (2021), Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Chính phủ Phê
duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
6. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943
7. Ban
Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Báo cáo Kết quả thực hiện công tác dân tộc,
chính sách dân tộc năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ
năm 2023.
8. Nhà xuất bản Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở
Việt Nam năm 2019.
9. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Ninh
Thuận (22/06/2022), Báo cáo Tổng kết
thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX.
Ninh Thuận ngày 18/2/2023
Tác giả: Phan Quốc Anh
[1] Ban Dân tộc
tỉnh Ninh Thuận, Báo cáo Kết quả
thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc năm 2022 và
phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
[2]
Nhà xuất bản Thống kê, Tổng
điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019.
[3]
Từ năm 2005 đến năm 2008, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện KHXHVN đã cùng với Sở
VHTT Ninh Thuận sưu tầm được 15 sử thi trong vùng đồng bào Raglai Ninh Thuận và
Khánh Hòa. Hội đồng đã thẩm định được 7 pho sử thi, trong đó đã biên dịch, xuất
bản 1 sử thi.
[4]
Trong các lễ hội nông nghiệp của người Raglai, đáng chú ý là hệ thống lễ hội Ăn
đầu lúa và Mừng lúa mới. Đây là lễ hội chuyển mùa, trùng thời điểm với các lễ
hội chuyển mùa các dân tộc Đông Nam Á như lễ Rija Nưgar của người Chăm, lễ hội
Bunpimay của Lào, lễ Chon chơ nam th mây của người Kh’me, lễ Sông kran của Thái
Lan.
[5]
Trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Raglai, đáng chú ý là lễ bỏ mả, có
nhiều nét tương đồng và dị biệt với lễ bỏ mả các dân tộc Tây Nguyên.
[6] Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Ninh Thuận (22/06/2022), Báo cáo Tổng kết
thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị
[7]
Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Chính phủ Phê duyệt Chiến lược
phát triển văn hóa đến năm 2030.