Phan Quốc Anh
Katê là lễ hội lớn
nhất của dân tộc Chăm với hàng chục ngàn người tham gia, là lễ hội có nhiều yếu
tố tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa dân gian rất phong phú. Chính vì vậy, lễ hội
này luôn hấp dẫn các nhà hoạt động văn hóa, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội,
các nhà báo, nhà nhiếp ảnh và khách du lịch trong và ngoài nước. Năm nay, lễ
hội Katê nhằm vào ngày 15, 16, 17 tháng 10 năm 2001.
Do điều kiện
công tác, tôi may mắn nhiều lần được đi “băng Katê” (ăn tết Katê – tiếng Chăm băng có nghĩa là ăn). Vừa đi chúc tết các bạn bè, đồng nghiệp người Chăm, vừa để tìm
hiểu, nghiên cứu thêm về lễ hội độc đáo này. Những con đường mòn đầy bụi đỏ
chạy dọc theo những hàng cây xương rồng dẫn đến các palei (làng) Chăm trần trụi
nắng gió. Những điệu trống Ghi năng rộn rã, tiếng kèn saranai réo rắt, những
làn điệu dân ca Chăm trữ tình man mác, những vũ nữ Chăm uyển chuyển trong trang
phục lễ hội ngày càng trở nên thân thuộc gắn bó, như có ma lực cuốn hút lạ kỳ.
Ngày mồng
Một tháng Bảy (theo lịch Chăm) là ngày lễ hội chính. Từ sáng sớm, tôi theo đoàn người đi rước trang phục của
nhân thần Pôklongirai từ đền Pôklongirai lên tháp Chàm Pôklongirai. Khi đi qua
mỗi palei Chăm, đoàn người lại được bổ sung thêm, cho đến khi gần lên đến Tháp,
đoàn người đã dài hàng cây số với hàng
ngàn người. Đi đầu là đoàn chức sắc
Bàlamôn với cờ quạt võng lọng sặc sỡ rước kiệu trang phục các nhân thần. Tiếp
đến là đoàn trai tráng người Raglai đóng khố, cởi trần, vừa đi vừa đánh mã la,
thổi khèn bầu, theo sau là tốp vũ nữ Chăm vừa đi vừa múa quạt. Các phụ nữ Chăm
trong trang phục truyền thống, đầu đội các mâm lễ vật lên tháp để cúng tế, tạo
nên một quang cảnh lễ hội rất hoành tráng. Trước khi thực hiện các nghi lễ cúng
tế của các thầy chủ lễ là màn biểu diễn múa lễ của người Raglai và người Chăm
trên chiếc sân gạch trước cửa tháp. Các nghi lễ như lễ mở cửa tháp, lễ tắm
tượng, lễ mặc y phục cho thần Pôklongirai được các vị chức sắc Bàlamôn như
OânKadhar, MukPajaau và Pôdhia (ông cả sư chủ thì tháp) thực hiện một cách trang
nghiêm và thần bí. Các bài hát lễ được các vị chủ lễ hát trong tiếng đàn Kanhi
và tiếng trống Paranưng thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Kết thúc
cuộc lễ là điệu múa thiêng của bà bóng. Trong khi bà bóng múa, bà con đi dự lễ
cũng chúc tụng nhau và vui múa say sưa trong những điệu dân ca, dân vũ, trong
nhịp trống ghi năng rộn rã, tiếng kèn saranai réo rắt. Bà con lần lượt bày mâm
lễ vật của mình ra và dâng cúng, mọi người đi dự lễ cúng cầu sức khỏe, cầu phúc
lành, cầu gặp nhiều may mắn trong thời gian tới. Tiếp theo là lễ tạ ơn, lễ ban
ơn, sau cùng là lễ đóng cửa tháp, mọi người ai về làng nấy để chuẩn bị tổ chức
lễ Katê ở làng mình.
Buổi sáng
ngày hôm sau, mọi người làm lễ cúng ở làng, mỗi palei (làng) lại có một vị thần
riêng của mình. Sau đó, ở các dòng họ, ở các gia đình tổ chức cúng riêng. Chủ
lễ là chủ gia đình hoặc chủ họ (theo mẫu hệ). Vào ngày lễ, các thành viên trong
gia đình từ khắp nơi tụ mặt đầy đủ, cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho thời
tiết thuận lợi, làm ăn phát đạt, gặp nhiều điều tốt lành. Trong dịp này, mọi
người kéo nhau đi chúc tụng, thăm viếng nhộn nhịp. Các palei Chăm trong những
ngày này rực rỡ, tràn ngập niềm vui với những cuộc thi đấu thể thao, thi dệt
thổ cẩm, thi các trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ. Cứ như thế, Katê kéo
dài cả tháng. Trong những ngày lễ hội chính, lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính
quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn đến các tháp dự lễ và đến các palei
Chăm chúc tết các vị chức sắc tôn giáo, chúc tết các gia đình Chăm, coi đây như
là ngày tết cổ truyền của đồng bào Chăm , khuyến khích bà con phát huy truyền
thống cách mạng, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, tăng cường mối đoàn kết
giữa các dân tộc, các tôn giáo để tạo nên sức mạnh trong công cuộc xây dựng đất
nước, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Tôi có anh
bạn thân Đàng Năng Thọ, một họa sỹ người
Chăm nổi tiếng. Anh ở làng nghề gốm Chăm Bầu Trúc. Năm nào anh cũng hẹn tôi đến
“băng Katê” tại nhà anh. Căn nhà tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng quanh nhà chật cứng
những bức tượng đất nung và lúc nào cũng rất đông khách. Đến “băng Katê” ở nhà
anh, thú vị nhất là được “nhum lắc” (uống rượu) Katê với các họa sỹ, nhạc sỹ,
các nghệ nhân Chăm, các nhà báo, nhà khoa học đến từ mọi miền đất nước.
Trong những
ngày Katê, trẻ em được mặc quần áo mới, mọi người đi chúc tụng nhau. Không khí
hội hè với các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra khắp nơi. Các palei Chăm
tràn ngập không khí tết. Ngày nay, Katê không chỉ là lễ hội của riêng cộng đồng
người Chăm theo Đạo Bà la môn nữa mà đã cuốn hút cả các dân tộc khác như người
Chăm theo đạo Bàni, người Kinh và các dân tộc sống cộng cư khác ở Ninh Bình
Thuận tham gia. Người Chăm Bàlamôn hôm nay không chỉ ăn “tết” Katê, ngày lễ hội
truyền thống của dân tộc mình, họ cũng tham gia vào lễ hội Ramưvan của người Chăm
Bani và cả “tết” nguyên đán của người Việt. Katê, Ramư van, tết nguyên đán, tất
cả đã trở thành ngày hội đoàn kết các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân
tộc Việt Nam.
Ka tê 2002
Phan Quốc Anh
Đã đăng trên báo Văn Hóa.