Đừng lãng quên nhạc truyền thống cách mạng

 


Thời gian gần đây, một vài người trong giới âm nhạc, thậm chí là giảng viên  của những trường nghệ thuật danh tiếng có những phát biểu thiếu chuẩn mực trong những cuộc trà dư tửu hậu hoặc trên mạng xã hội về nền âm nhạc của Việt Nam, dùng từ ngữ thiếu tôn trọng đối với những thành quả âm nhạc cách mạng Việt Nam, cho rằng “cần loại bỏ nhạc của một số tác giả …. và các thể loại nhạc “cúng cụ” thì nền âm nhạc Việt Nam mới phát triển”. Góp ý để phát triển là tốt, nhưng mọi sự vật, hiện tượng trong xã hội đều có sự kế thừa, dựa trên những thành quả đạt được chứ không thể phủ nhận sạch trơn. Vậy với vai trò là những người đang hoạt động âm nhạc tại Việt Nam, thậm chí đang là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ tương lai mà có những phát biểu như thế liệu có chuẩn mực?.

Trong giới nghệ thuật ai cũng hiểu cụm từ “cúng cụ”, nghĩa tiêu cực của nó là ám chỉ những nội dung, chương trình mang tính truyền thống, cách mạng, phục vụ cho các chương trình chính trị hay những mục đích tuyên truyền của Nhà nước. Một số người có thiên kiến cho rằng nó “không mang lại giá trị gì mà chỉ lãng phí và phục vụ cho sự yêu thích của lãnh đạo”. Âm nhạc “cúng cụ” hiểu theo cách của những người có cái nhìn méo mó cũng theo cách đó.


Nghệ thuật là một lĩnh vực luôn đòi hỏi sự phát triển vận động không ngừng và luôn biến đổi để đáp ứng, phù hợp nhu cầu, tình cảm, thị hiếu tiếp nhận của công chúng, đồng thời nghệ thuật cũng mang tính định hướng để con người hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ, đến những giá trị nhân sinh ... Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Thực dân và Đế quốc của dân tộc, chúng ta đã nhận thấy vai trò to lớn của âm nhạc cách mạng đã góp phần thúc giục tinh thần toàn dân, toàn quân tiến lên đấu tranh, chiến đấu quên mình vì độc lập tự do, mang đến hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Âm nhạc cách mạng là một phần của lịch sử, là một nhân tố góp phần đi đến thành công, thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.  Đó là những bài hát mang đậm tinh thần yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam như “Tiếng gọi thanh niên”, “Xếp bút nghiên” và “Lên đàng” của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước; là tinh thần khát vọng hòa bình của nhân dân và chiến sĩ trong những năm tháng hào hùng của dân tộc: Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao; Diệt phát xít, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi; 19 tháng 8 của Xuân Oanh; “Đoàn Vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu; “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao; “Du kích sông Thao”, “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận; “Lên ngàn”, “Lá xanh” của Hoàng Việt; “Qua miền Tây Bắc” của Nguyễn Thành; “Làng tôi” của Hồ Bắc; “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân; “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây”, “Bước chân trên dải Trường Sơn”, “Người Mẹ Bàn Cờ”, “Dậy mà đi”, “Tự nguyện”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”…

Hiện nay, một số tác phẩm đó vẫn được sử dụng trong các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của thành phố, đất nước và một số chương trình phục vụ cộng đồng. Dù các bài hát đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn lịch sử nhưng nó vẫn có giá trị nhắc nhớ lịch sử, ôn lại truyền thống anh hùng của dân tộc ta, nên được sử dụng kết hợp những thủ pháp âm nhạc mới mẻ, hiện đại hơn cho phù hợp ngày hôm nay, đó là điều cần thiết để tuyên truyền cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu và biết về lịch sử dân tộc thông qua nghệ thuật, qua lời ca tiếng hát. Đó cũng là cách làm của nhiều nước, không một nước nào phủ nhận sạch trơn lịch sử, ngay cả nước Nga, trong những ngày Lễ lớn những gia điệu âm nhạc Xô Viết vẫn được vang lên một cách đầy tự hào. Âm nhạc tại Thành phố chúng ta ngoài việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại để làm mới âm nhạc truyền thống, thành phố còn có cả những tác phẩm phát động sáng tác nhầm cổ vũ động viên tinh thần sáng tạo, tích cực, thể hiện sự phát triển, vươn lên của thành phố hay đất nước, thể hiện tinh thần yêu nước, khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cổ vũ con người vươn tới tương lai, hướng đến điều tốt đẹp… cùng với dòng nhạc truyền thống cách mạng, thành phố vẫn tạo điều kiện cho các dòng nhạc khác phát triển, hàng năm vẫn có các cuộc liên hoan nhạc nhẹ, liên hoan nhạc giao hưởng, các dòng nhạc hiện đại jazz, pop, rock …. vẫn được phát triển và hoạt động song song cùng những dòng nhạc khác nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng.    

Có một thời kỳ thậm chí cho đến tận hôm nay những ca khúc như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Đất nước trọn niềm vui”… cũng được người dân hát vang trong những cuộc vui liên hoan hay những đám tiệc  với tinh thần phấn chấn dù họ chẳng phải là cựu chiến binh hay người từng tham gia kháng chiến, như vậy không thể nói âm nhạc truyền thống cách mạng là lạc hậu, lỗi thời và không có giá trị hôm nay. Âm nhạc truyền thống đã đi vào tâm thức và trở thành một phần món ăn tinh thần trong đời sống của người dân. 

Trên thực tế cho thấy cũng có một vài chương trình chủ đề truyền thống cách mạng hay những tác phẩm mang tính chính trị, tuyên truyền đi vào lối mòn, gây sự nhàm chán, không thu hút người xem, nhưng đó không phải là tất cả, cũng không phải do bản chất của chương trình, tác phẩm đó mà do tổng thể những yếu tố tạo nên chương trình, tác phẩm đó chưa có sự sáng tạo trong từng thủ pháp nghệ thuật để tạo sự mới mẻ, phù hợp với thị hiếu hôm nay.

Những người thích phủ nhận những thành quả của cách mạng Việt Nam kể cả trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật thường luôn có xu hướng sính ngoại mà cụ thể là sính các nước phương Tây, sính Mỹ, luôn đề cao “hàng ngoại”, hạ thấp những giá trị của dân tộc mà họ quên rằng chính bản thân họ là người được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này, được thừa hưởng những thành quả từ giá trị độc lập, hòa bình mang lại. Những cá nhân đó thiết nghĩ không xứng đáng đứng trong hàng ngũ văn nghệ sĩ của thành phố, càng không xứng đáng là người Thầy đứng trên bục giảng để đào tạo ra những văn nghệ sĩ tương lai của đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.  

Mọi loại hình đều có giá trị riêng của nó, không thể phủ nhận lịch sử, phủ nhận âm nhạc truyền thống cách mạng. Để phát triển âm nhạc thì chính những người đang hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc phải có sự đóng góp bằng chính khả năng sáng tạo, tiếp thu cái mới và biến đổi nó phù hợp với đặc điểm dân tộc, thị hiếu của người Việt Nam chứ không phải đòi hỏi xóa bỏ cái cũ.   

MAI ANH

văn hóa học

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn