Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành khổ sở quá vậy?".
“Mổ xẻ” chuyện thời sự về sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại đang “gây bão” dư luận những ngày qua, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tỏ ra bất ngờ về phương pháp dạy tiếng Việt đã được thực nghiệm giảng dạy suốt… 40 năm qua.
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 12/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, mỗi trường, mỗi địa phương có quyền lựa chọn bộ sách giáo khoa (SGK) riêng trong giảng dạy, học tập nghĩa là bố mẹ, gia đình có muốn chủ động chọn mua sách cho con cũng không được?
“Thời kỳ tôi và các anh chị ở đây đi học, 10 năm học phổ thông sách vẫn thế, vẫn học được, anh học xong sách có thể chuyển cho em, sách mang từ Hà Nội lên vùng cao hoặc ngược lại đều học được. Sao giờ lại thay đổi vậy? Chuyện này sẽ là sự tốn kém rất lớn cho xã hội mà học sách còn không chính thống nữa. Cần phải tính tác động của chính sách, các gia đình rồi cả xã hội phải bỏ ra là bao nhiêu chứ không chỉ là phần ngân sách để lo làm sách” – ông Hiển nói.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần hết sức cân nhắc quy định “một chương trình nhiều bộ SGK”, đặc biệt là đối với cấp tiểu học. Cử tri rất bức xúc với tình trạng SGK chỉ sử dụng được một lần. Cử tri nói rằng SGK dùng một lần là rất lãng phí.
Bà Hải dẫn các con số, doanh thu của NXB Giáo dục năm 2017 là 1.200 tỷ đồng, chiếm hơn 50% toàn ngành xuất bản. NXB đưa ra 100 triệu bản SGK, phụ huynh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm để mua SGK mà chỉ để dùng một năm, năm sau bán đồng nát. Học sinh sử dụng sách chỉ một lần vì SGK có kèm bài tập trong đó còn sách thì năm sau tái bản, nội dung kiến thức vẫn như vậy, chỉ in lại phần bài tập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm, không thể có kiểu làm SGK tự chọn như vậy được. Giờ Quảng Nam đã có sách riêng thì không lẽ có hệ thống giáo dục riêng cho Quảng Nam? Như vậy không được.
“Thực nghiệm thì mấy chục năm rồi, chắc từ hồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam học phổ thông, Công nghệ giáo dục này đã được thực nghiệm rồi. Thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy” – Chủ tịch Quốc hội bình luận.
Bà cũng bày tỏ: “Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành khổ sở quá vậy. Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên. Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết. Tôi có người bạn là giáo viên, xem sách của cháu nội tôi học mà bảo rất khó, khác hẳn thời xưa mình học. Sao không để cho học sinh được học hành một cách dễ dàng. Chúng ta làm khổ con em quá”.
Hoàng Minh (TH)